"
Hồi Tưởng Và Suy Nghẫm Tập 1: Đời Tôi - Mikhail Gorbachev full mobi pdf epub azw3 [Tự Truyện]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Hồi Tưởng Và Suy Nghẫm Tập 1: Đời Tôi - Mikhail Gorbachev full mobi pdf epub azw3 [Tự Truyện]
Ebooks
Nhóm Zalo
T
AH CCCP Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô
BCT Bộ Chính trị ủy ban Trung ương
BTTN Bí thư thứ nhất
BACXHИЛViện Hàn lâm khoa học Nông nghiệp toàn liên bang mang tên Lenin
GKChP Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp
Gosplan Ủy ban Kế hoạch nhà nước
Gossnab Ủy ban Vật tư nhà nước
HĐBT Hội đồng Bộ trưởng
KGB Ủy ban An ninh quốc gia
Komsomol Đoàn Thanh niên Cộng sản Liên Xô
КПCC Đảng Cộng sản Liên Xô
МГУ Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva
MTS Trạm Ô tô Máy kéo
NEP Chính sách kinh tế mới
PAH Viện Hàn lâm Khoa học Nga
PCФCP Cộng hòa XHCN Soviet Liên bang Nga
UBTƯ Ủy ban Trung ương XHCN Xã hội chủ nghĩa
L
T
Ngày 21/9/2000
Đ
ã một năm vắng Raisa. Hôm nay chúng tôi tụ họp - gia đình và bạn bè - để đặt bia mộ cho em. Tác giả là nhà điêu khắc Friedrich Sogoyan. Tấm đá cẩm thạch có vân như một cánh đồng hoa. Những hòn đá lớn. Dòng chữ khắc: “Raisa Maksimova Gorbacheva. 5/1/1932 - 20/9/1999.” Bức tượng một người phụ nữ trẻ rất giống Raisa đang cúi xuống đặt những bông hoa dại lên mặt đá cẩm thạch.
Một năm đã qua, có lẽ là năm khó khăn nhất trong cuộc đời tôi, một năm dường như trống rỗng. Suốt mấy tháng liền tôi không thể trở lại bình thường. Sự hiện diện của con gái Irina của chúng tôi, hai cô cháu gái Ksenya và Anastasia và những người bạn của tôi đã cứu rỗi tôi. Sau khi Raisa qua đời, những chuyến đi giảng bài của tôi phải tạm dừng vài tháng. Tôi dành toàn bộ thời gian ở dacha.⦾ Trước đây tôi chưa từng có cảm giác cô đơn khủng khiếp như vậy.
Gần 50 năm tôi và Raisa bên nhau, đầu gối tay ấp, và chúng tôi chưa từng cảm thấy buồn chán: ngược lại, chúng tôi luôn hạnh phúc bên nhau. Chúng tôi yêu nhau, cho dù không mấy khi nói về điều đó, kể cả khi chỉ có
hai người. Chúng tôi cảm thấy rằng điều cơ bản là phải nuôi dưỡng tình yêu đã nảy nở trong những năm tuổi trẻ của mình. Chúng tôi hiểu nhau và quý trọng mối quan hệ của mình. Tôi bị ám ảnh bởi cảm giác có lỗi trong cái chết của Raisa. Tôi cố gắng sắp xếp lại ký ức của mình: vì sao tôi không cứu được em? Tôi biết rằng những gì xảy ra với chúng tôi để lại ấn tượng nặng nề cho Raisa những năm cuối đời: vì sao những kẻ không được mong muốn, không có lương tâm và trách nhiệm lại có thể lên nắm quyền tại đất nước này? Em thường bắt đầu như thế khi nói về chuyện này và khi tôi trả lời rằng chúng ta không thể lúc nào cũng nói mãi về chuyện này, Raisa thường thu mình lại và im lặng. Tôi cảm thấy thương em. Tôi bị giày vò bởi sự đau đớn của em.
… Tôi thường xuyên nghĩ đến đêm cuối cùng bên Raisa, đêm 19 rạng sáng ngày 20/9. Em mất lúc 2 giờ 57 phút sáng 20/9/1999. Em ra đi không đau đớn vì đã hôn mê. Chúng tôi không có cơ hội nói lời vĩnh biệt. Raisa mất hai ngày trước khi em được dự định sẽ cấy tế bào gốc lấy từ tủy sống của em gái Lyudmila. Em mất 5 ngày trước kỷ niệm lần thứ 46 ngày chúng tôi đăng ký kết hôn tại Nhà đăng ký Sokolnichesky ở Moskva.
Cho tới giây phút cuối cùng tôi vẫn còn tin có thể cứu được em, và tôi không thể chấp nhận được những gì đã xảy ra. Irina và tôi đứng bất lực và hoang mang ở đầu giường em. “Zakharka⦾, đừng đi, em nghe anh nói không?” Tôi nắm lấy tay em, hy vọng ít nhất em cũng đáp ứng lời van xin của tôi bằng một cái siết tay. Raisa im lặng. Em đã ra đi mãi mãi.
… Trước khi bị ốm, Raisa và tôi thường nói chuyện về tương lai của chúng tôi. Một lần tôi nghe em nói: “Em không muốn bị bỏ lại mà không có anh. Em sẽ không sống được. Còn anh? Anh thì sao? Anh sẽ tái hôn và sống tiếp.” Tôi thấy choáng váng vì câu đó. “Em nói gì thế? Sao em nghĩ
thế? Ai lại nói chuyện chết chóc thế? Em còn trẻ. Em thử soi gương xem. Hãy nghe mọi người: em chỉ bị mệt mỏi thôi.”
“Em không muốn thành một bà già,” có thể em sẽ nói như thế. Khi những đứa cháu của chúng tôi được sinh ra, một câu hỏi đặt ra là chúng sẽ gọi chúng tôi là gì. Em đề nghị chúng gọi em là babulya (nghĩa đen là “bà
ngoại bé nhỏ”). Em giải thích rằng babushka (bà ngoại) gợi lên thứ gì đó già nua lụ khụ, trong khi đó babulya nghe sôi nổi trẻ trung hơn. Hoàn toàn đúng phong cách của em.
Raisa thích câu thành ngữ cổ về tuổi tác của phụ nữ: “Cô gái, cô gái trẻ, người đàn bà trẻ, người đàn bà trẻ, người đàn bà trẻ, người đàn bà trẻ - người đàn bà già, chết.”
Trong những năm cuối cùng chúng tôi sống bên nhau, em thường mơ thấy chúng tôi bị mất nhau. Tôi nhận thấy Raisa ngày càng thường xuyên rơi vào trạng thái lo lắng. Thỉnh thoảng em lại nói với tôi: “Hãy bớt đi lại đi anh.” Em cảm thấy đi cùng tôi trong những chuyến đi dài ngày càng trở nên khó khăn hơn. Nhưng em còn cảm thấy khó khăn hơn nữa - tôi nghĩ tôi có thể nhìn thấy sự đau khổ trong mắt em - là bị bỏ lại một mình.
… Đêm hôm đó Irina và tôi đứng bên giường em mà khóc. Chúng tôi chẳng thể làm gì hơn được nữa.
T
Ngày 5/1/2001
H
ôm nay là sinh nhật Raisa. Nếu còn sống em đã 69 tuổi. Trong những câu chuyện của chúng tôi em thường nói, “Tất cả những gì em muốn là được sống đến thế kỷ mới và thiên niên kỷ mới.” Em mất trước ngày đó
ba tháng. Chúng tôi đã có kế hoạch đón năm 2000 thật đáng nhớ. Irina và các cháu ngoại chưa bao giờ được đến Paris. Chúng tôi nảy ra ý tưởng đón Năm mới 2000 ở thành phố đẹp nhất thế giới tại Champs Elysees.
Chúng tôi sốt ruột chờ đợi ngày đó, nhưng tai họa khủng khiếp đã giáng xuống. Tuy nhiên, tôi cùng con gái và các cô cháu gái vẫn đến Paris: đó là món quà Raisa tặng chúng.
… Hôm nay chúng tôi đến Nghĩa trang Novodevichy. Chúng tôi mang đến rất nhiều hoa. Giáng sinh đang đến. Đêm hôm trước đã có tuyết rơi. Tôi mang tới những bông hồng đỏ, loài hoa yêu thích của Raisa. Một cảnh tượng không thể quên được vẫn hiển hiện trước mắt tôi: những bông hồng đỏ trên nền tuyết trắng xóa trên bia mộ.
Chúng tôi quay về ăn tối. Trên tường là một bức chân dung lớn của em. Hoa, nến thắp khắp mọi nơi, một cây thông Noel được trang trí đẹp, mùi thông tươi. Trên bàn bày những món ăn em thích để đãi khách. Tóm lại, một bữa tối kiểu Nga với một chút âm hưởng Sibir trong đó, món pelmeni⦾ . Và bánh ga tô Avangard. Loại bánh ga tô được làm trong lò bánh của điện Kremli mà em đặt tên. Chúng tôi nâng cốc và đứng lặng…
Sau bữa tối tôi lên phòng làm việc. Tôi không bật đèn và ra đứng bên cửa sổ. Bãi cỏ được chiếu ánh sáng ban đêm, một cánh rừng Nga rậm rạp và tuyết rơi nhẹ nhàng, như một cảnh trong vở ba lê Kẹp hạt dẻ ở Nhà hát Lớn. Truyền thống của gia đình tôi là đêm giao thừa nào cũng tới Nhà hát Lớn. Chúng tôi sẽ xem vở ba lê Kẹp hạt dẻ rồi đi về nhà. Sau đó chúng tôi tiễn năm cũ rồi trao cho nhau những món quà mà Ông già Tuyết làm cách nào đó vẫn tìm cách đem tới được, bất chấp “an ninh nghiêm ngặt” tại nhà Tổng thống. Vang lên tiếng nhạc và âm thanh hội hè…
Tất cả những điều đó giờ đã trở thành ký ức của cuộc sống trước đây, thời gian khi chúng tôi còn bên nhau. Raisa yêu mùa đông nước Nga và thích đi dạo trong bão tuyết. Em có thói quen đó từ khi chúng tôi sống ở vùng Stavropol: một lần chúng tôi suýt bị lạc trong bão tuyết. Và ở Moskva nữa. Raisa sinh ra ở Altai và đã trải qua tuổi thơ và thời trẻ ở Sibir. Gia đình em là những người xây dựng đường sắt và họ đã sống vài năm trong rừng taiga phía bắc Ural.
Em thường nhớ lại cảnh trượt trên xe trượt tuyết, ba chị em gái - Raisa, Zhenya và Lyudochka - cuộn mình trong những chiếc áo khoác lông cừu và được chuyển đến chỗ mới. Trong những đêm đông dài ở Sibir, họ làm pelmeni, sau đó cho vào giỏ và để ngoài trời, thời tiết lạnh sẽ giữ chúng đông cứng lại. Pelmeni là món ăn yêu thích của Raisa.
Tôi nghĩ đến những ngày cuối cùng của em. Em đã chiến đấu rất dũng cảm vì cuộc sống, kiên nhẫn chịu đựng mọi thứ các bác sĩ làm với em. Vào những lúc khó khăn và thử thách nhất, em hay nhìn vào mắt tôi và mắt con gái, tựa như cố gắng tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi không thành lời của
em: chuyện gì rồi sẽ xảy ra với em?
Khi bác sĩ đưa ra chẩn đoán vào ngày 19/7 và đưa Raisa nhập viện, tôi đi cùng. Nhìn vào mắt tôi, em hỏi:
“Bác sĩ nói gì vậy?”
Biết tình trạng của em, tôi nói:
“Họ nói đó là bệnh máu cấp tính.”
“Thế là hết à?” em hỏi.
“Không. Anh và bọn họ đã quyết định ngày mai sang Đức để xét
nghiệm thêm, để có bức tranh toàn cảnh. Sau đó họ sẽ quyết định phương pháp điều trị.”
… Chúng tôi bay tới Münster, hy vọng Raisa sẽ khỏe lại. Ngày 21/9, chúng tôi đưa thi thể Raisa quay về. Cuộc đời trần thế của em đã kết thúc.
… Tôi quyết định viết một cuốn sách về cuộc sống của chúng tôi. Tôi cũng đã từng nghĩ đến nó nhưng vì một lý do nào đó mà vẫn chưa thể bắt đầu. Với tôi đây là một cuốn sách khó viết. Tôi thường xuyên bị ám ảnh bởi tên sách, được viết bằng mực đỏ, mà Raisa đã định đặt cho cuốn sách của mình: “Điều làm trái tim ta đau đớn.”
Tôi gọi cuốn sách của mình là Hồi tưởng và suy ngẫm. Tôi tặng cuốn sách này cho bạn đọc của mình và để tưởng nhớ Raisa.
Ghi chú
Tôi nghĩ rằng nên sắp xếp lại một số lời giải thích về cuốn sách của tôi cho có trật tự. Nó rất khác với tất cả những cuốn sách trước đây của tôi. Đây không phải cuốn hồi ký: tôi đã viết hồi ký nhiều năm trước. Tất nhiên trong cuốn sách này vẫn có những đoạn hồi ký, nhưng chúng không có cấu trúc cứng nhắc. Đây không phải một cuốn tiểu thuyết và càng không phải câu chuyện lịch sử. Đây là câu chuyện của tôi về cuộc đời của chúng tôi.
Những người tôi nhờ đọc cuốn sách và cho ý kiến đều nói rằng họ thích nó. Nếu họ không nói gì thì tôi có thể coi đó như dấu hiệu cho thấy họ chỉ muốn làm tôi vui và hỗ trợ tôi. Nhưng cùng với những nhận xét tích cực về cuốn sách, họ còn gợi ý tôi một số suy nghĩ hữu ích mà tôi có đưa vào trong bản thảo cuối cùng, những chỗ mà tôi cảm thấy phù hợp. Tôi nghĩ lần này tôi đã thành công trong việc kể lại toàn bộ câu chuyện đời mình. Đây là câu trả lời của tôi cho câu hỏi về những hoàn cảnh đã có ảnh
hưởng hết sức quan trọng lên sự nghiệp chính trị của tôi.
01
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI
C 1
T
ôi sống 42 năm trong cuộc đời 80 năm cho tới giờ của tôi ở vùng⦾ Stavropol, phần còn lại ở Moskva. Vùng bắc Kavkaz từ xa xưa đã là nơi gặp gỡ của các nền văn minh, văn hóa và tôn giáo khác nhau. Lịch sử phong phú của vùng đất này luôn thu hút được trí tưởng tượng của tôi.
Khi nhà nước Nga dần hình thành, người dân Kavkaz tìm kiếm sự bảo vệ từ các nhà chinh phục khác nhau. Tháng 8/1555, Andrei Shchepetov, người được Ivan Hung bạo cử tới Bắc Kavkaz quay trở lại Moskva cùng với những đại sứ của các lãnh chúa Adygei. Sa hoàng tuyên bố rằng Vương quốc Pyatigorsk từ đó sẽ vĩnh viễn nằm dưới quyền cai trị của Nga. Nhà nước Nga bắt đầu xây các tuyến pháo đài phòng ngự. Nữ hoàng Catherina II bắt đầu xây dựng bảy pháo đài để đánh dấu phòng tuyến Azov-Mozdok. Một trong những pháo đài đó là pháo đài Stavropol. Lực lượng đầu tiên đóng quân ở đây là những người Kozak Khopyor, vùng Voronezh (một tỉnh thời nước Nga trước chính quyền Soviet) và những vệ binh Trung đoàn Vladimir (tỉnh Vladimir).
Theo thời gian, những ngôi làng Kozak bắt đầu lần lượt xuất hiện.
Những người nông nô Nga trốn xuống phía nam, tìm kiếm tự do. Sau đó họ bị ép buộc đưa đến đây như những người khai hoang. Tỉnh Stavropol là tiền thân của vùng ủy mà [sau này] tôi được quản lý, và đó là một thực thể hành chính tương đối mới trong Đế quốc Nga. Cho tới năm 1748 nó vẫn chưa được gọi là một tỉnh. Thủ phủ của nó, thành phố Stavropol, nằm trên điểm cao giữa một vùng thảo nguyên bằng phẳng (dài khoảng 450 km và rộng khoảng 200 km). Tỉnh bị tách khỏi vùng Kavkaz bởi những vùng đất của người Kozak, những người cư trú bên bờ sông Terek, và từ phía tây nam bởi những vùng đất của người Kozak Kuban, những người bị Catherina II chuyển tới Bắc Kavkaz từ Ukraina sau khi bà đánh bại lực lượng quân sự Kozak có tên gọi là Zaporozhskaya Sech. Về phía tây bắc là quân đội Kozak sông Don và về phía đông bắc thuộc quyền cai trị của Astrakhan.
Vùng Stavropol là một dải đất cằn cỗi nối liền châu Âu và châu Á. Về phía đông, nơi tiếp giáp với Chechnya, 14% diện tích là đất cát, 30% là thảo nguyên khô và phần còn lại là đất đen và đất nâu màu mỡ.
Mùa đông khắc nghiệt, nhiệt độ đôi khi xuống tới âm 20-30°C. Nhưng tai họa lớn nhất là những cơn gió khô và bão cát trong những năm khô hạn và giá lạnh phá hủy mùa màng trong mùa đông. Theo thống kê, những kiểu thảm họa thiên tai này xảy ra khá thường xuyên trong suốt một trăm năm qua. Lịch sử từng ghi lại trận bão tuyết vào tháng 4/1898 đã làm chết 200.000 đầu gia súc. Những trận bão cát năm 1948 đã thổi bay lớp đất mặt và còn có những trận bão tuyết và hạn hán nghiêm trọng trong những năm 1975-1976 (khi tôi là Bí thư thứ nhất - BTTN vùng ủy⦾ Stavropol).
Trong những năm đầu thế kỷ XX, vào đêm trước của Cuộc cách mạng Nga, tỉnh có 1 triệu dân. Phần lớn là người Nga, 1/3 là người Ukraina, sau
đó là tộc người Nogais, người Turkmen, người Kalmyk, người Armenia, người Gruzia, người Hy Lạp, người Estonia, người Do Thái và người Ba Lan. Có cả người Đức, họ sống cách biệt trong những trang trại khổng lồ và giàu có của mình trong thảo nguyên. Cũng có một vài cơ ngơi giàu có
của người Nga, một trong số đó thuộc về gia đình tổ tiên của Alexander Solzhenitsyn. Khoảng 40% diện tích vùng thuộc về những bộ tộc du mục, chủ yếu là tộc người Nogais, người Turkmen và người Kalmyk. Trên thực tế, những người dân vùng núi Bắc Kavkaz (người Karachai, Circassia và Abazin) chưa trở thành một phần lãnh thổ cho tới thời kỳ Soviet.
Vùng có hai thành phố (trước Cách mạng Stavropol có 40.000 dân) và 133 làng xã, mười trong số đó là những cộng đồng kiểu thành thị (mỗi làng xã không quá 15.000 người). Tỉnh còn có 8 vùng định cư, 177 trang trại tư nhân, 11 ga xe lửa, 9 bưu điện và 21 bưu cục. Có 22 bác sĩ của chính quyền thành phố, cộng thêm 22 bác sỹ đa khoa độc lập và một số bác sĩ làng, 18 bà đỡ và một số bệnh viện mỗi viện có 5 giường. Thành phố Stavropol có 5 trường trung học phổ thông, 313 trường một cấp và 3 hiệu sách.
Nển kinh tế của vùng mang tính nông nghiệp: các loại ngũ cốc, chăn nuôi cừu và gia súc. Sản phẩm nông nghiệp được “xuất” tới Peterburg, Moskva, Paris.
Ngành công nghiệp địa phương bao gồm bốn nhà máy xay bột, một xưởng nấu sáp (và làm nến), sản xuất dầu thực vật, ủ rượu vang, da và gạch: tóm lại khi ấy mọi thứ đều tiêu biểu cho một tỉnh nông nghiệp, nông thôn.
Cơ cấu xã hội cũng tiêu biểu cho các vùng thời gian đó: khá nhiều quý tộc nhỏ, bao gồm địa chủ lớn, giới tăng lữ, nhà buôn và thương nhân đủ
loại; meshchane (tầng lớp tiểu tư sản trung lưu), bao gồm công chức và quan chức nhà nước và chủ đất nhỏ); tầng lớp nông dân, chiếm khoảng 90% dân số (mỗi người có một khoảng đất diện tích từ hai đến năm desyatin - 1 desyatin tương đương với khoảng 1,1 hecta), người lao động (bao gồm nhiều nông dân) và đám người du thủ du thực.
Đó là vùng Stavropol khi nổ ra Thế chiến I và Cách mạng Tháng Mười năm 1917.
Lịch sử địa phương cũng đầy ắp sự kiện. Một số sự kiện vẫn được xem như huyền thoại. Dần dần tôi biết được rằng 25 sĩ quan tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Những người tháng Mười hai năm 1825 đã bị đày tới đây. Nhiều người trong số họ đã chết trong những vụ va chạm không hồi kết với dân cao nguyên trong những cuộc chiến Kavkaz. Trong số Những người tháng Mười hai bị đày ải có nhà thơ Alexander Odoyesky, người đã viết những vần thơ họa lại thông điệp của Puskin gửi Những người tháng Mười hai, trong đó có những vần thơ nổi tiếng: “Từ một đốm lửa sẽ bùng lên ngọn lửa.”
Nhật ký của Odoyesky nằm ở Pyatigork, trong Bảo tàng Mikhail Lermontov. Những trang giấy đã phai màu mang đầy tên tuổi của những người mà ở Nga chúng ta ai cũng biết từ những trang sách giáo khoa trên ghế nhà trường. Tại đây Odoyesky trở nên thân thiết với Lermontov, và đây là nơi ông gặp người bạn của Herzen, Ogarev. Khi tôi đọc câu “Những người tháng Mười hai giác ngộ Herzen” trong sách giáo khoa, tôi xem đó như một liên kết sống với những người tôi biết rõ và yêu thương, những người ở đây trên quê hương tôi. Tới thăm bảo tàng, lần nào tôi cũng cảm động đọc những dòng thơ dưới đây của Ogarev:
Nếu được sống thêm nhiều năm nữa.
Cho tới khi tóc trắng lưng cong
Anh vẫn nhớ với niềm sướng vui tuổi trẻ
Tới tháng ngày khi vạn sự
Thảo nguyên mênh mông và vời vợi núi
Hùng vĩ bao la những khoảng không
Cùng bằng hữu thanh xuân hy vọng và mơ ước
Và liên minh vững bền vì bí mật niềm tin
Tôi đặc biệt cảm động về số phận của những người lính bình thường trong trung đoàn Chernigov và những trung đoàn khác, những người đã tham gia vào một âm mưu của Hội thống nhất những người Slav năm 1826. Họ bị tòa án quân sự Belaya Tserkov ở Stavropol kết án tù. Sáu đại đội của Trung đoàn Chernigov bị buộc phải hành quân hơn 1.200 verst (khoảng 1.200 km) trong 75 ngày. Khi họ hành quân qua thảo nguyên Salskaya và Stavropol, họ đi qua làng Letnitskoye, mà trong nhà thờ của ngôi làng này ông nội Andrei đã làm lễ rửa tội cho tôi vào năm 1931, đổi tên tôi được đặt khi sinh là Viktor thành Mikhail. Những người lính Chernigov còn đi qua Medvezhye, giờ là một trung tâm huyện lị có tên gọi là Krasnogvardeyskoe. Làng Privolnoye quê tôi nằm giữa Letnitskoye và Medvezhye.
Nhìn chung tôi nghĩ rằng những người lính trung đoàn Chernigov là những người đồng hương của tôi. Ngay giữa trung tâm Stavropol còn lại những tàn tích của một pháo đài cổ. Tòa nhà một tầng tồi tàn cũ nát che chở quân đồn trú còn đứng bên cạnh đó cho tới gần đây. Pushkin và Lermontov đã đến thăm nơi này. Không may, khi thành phố được tái thiết, ngôi nhà và khu chợ cũ đã bị dỡ bỏ nhường chỗ cho quảng trường trung
tâm và một khu tổ hợp các tòa nhà.
Như một dòng sông sau trận lụt mùa xuân rút đi và để lại những cái hồ lớn nhỏ trên hai bờ sông (ở nơi tôi sống chúng được gọi là mochaki), những lần di cư và dịch chuyển của con người trên lãnh thổ đã để lại nhiều dấu tích trên những thảo nguyên và đồi thấp của Vùng Stavropol. Khi lái xe trên đường, ngoài việc nhìn thấy những địa danh Nga quen thuộc - Moskovskoye, Kurskaya, Vorontsovo-Aleksandrovskya - bạn cũng thường xuyên gặp những địa điểm có tên gọi Antusta, Dzhalga và Takhta, cho thấy nguồn gốc Mông Cổ hoặc Achikulak hay Arzgic, được cho là có nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Ít có nơi nào trên thế giới có sự hòa trộn của các nhóm thiểu số trong một diện tích nhỏ bé như vậy, có sự tập trung của các ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo. Thời gian tôi ở tỉnh Stavropol, ngoài người Nga chiếm 83% dân số, còn có người Karachai, người Circassia, người Abazin, người Nogais, người Ossetia, người Hy Lạp, người Armenia, người Turkmen - danh sách cứ kéo dãi mãi. Mỗi sắc tộc không chỉ có ngôn ngữ riêng của mình mà còn có phong tục, tập quán, trang phục riêng, thậm chí còn có kiến trúc nhà cửa cũng như cách bố trí cơ ngơi của riêng mình. Ngày nay, vẻ ngoài của các cộng đồng đã thay đổi đáng kể, và tôi có thể nói rằng nó đã được chuẩn hóa hơn. Nhưng cho tới đầu thế kỷ XX ta vẫn nhìn thấy sự pha trộn của các loại hình làng xã bên cạnh nhau: làng aul của người dân vùng núi Kavkaz với những túp lều saklya và những bức tường đá, làng stanitsa của người Kozak và selo của người Nga với những túp lều xây bằng đất sét, rơm rạ và phân bò lợp rạ hay sậy. Và bắt buộc phải có hàng rào liễu đan. Tôi từng đan hàng rào kiểu này rất giỏi, tôi biết cách làm mái lợp rơm và pha thứ dung dịch gì đó tưới lên để đuổi chim.
Người dân địa phương dễ hòa hợp, thiên về thỏa hiệp vì sự hài hòa giữa con người và các dân tộc trong vùng Bắc Kavkaz là điều kiện quan trọng nhất để sinh tồn. Cuộc sống trong môi trường đa sắc tộc và đa ngôn ngữ nuôi dưỡng sự khoan dung, và một thái độ quan tâm và kính trọng lẫn nhau. Chế nhạo một người dân miền núi đồng nghĩa với việc có thêm một kẻ tử thù. Thể hiện sự tôn trọng đối với tôn nghiêm và phong tục của người dân miền núi có nghĩa là có thêm một người bạn trung thành. Tôi có nhiều người bạn như thế, vì từ khi còn rất trẻ và chưa biết đến những lời thông thái thì tôi vẫn ngấm được dần ý niệm rằng chỉ có lòng khoan dung và sự hài hòa mới bảo đảm được hòa bình giữa loài người.
Chính Kavkaz là nơi tôi được nghe một câu chuyện ngụ ngôn mà sau này tôi chia sẻ với những người bạn vùng sơn cước: một người sơn cước không thể sống thiếu khách khứa. Với anh ta, có khách cũng giống như hít thở không khí. Tuy nhiên, nếu người khách ở chơi quá lâu thì người sơn cước sẽ ngạt thở. Những người được tôi kể cho nghe câu chuyện này không đồng ý: “Không phải thế,” họ nói.
Nhưng tôi vẫn cho rằng trong câu chuyện có phần nào sự thật vì một người cần phải cảm nhận được sự cân đối trong mọi thứ.
Chính ở nơi đây, tại nơi chôn rau cắt rốn của mình tôi đã học bài học đầu tiên về chủ nghĩa quốc tế. Đấy không phải là một lý thuyết: nó khởi nguồn từ những nguyên tắc cơ bản của cuộc sống ở Bắc Kavaz. Người dân nơi đây sống kề vai sát cánh, và có khi trong một ngôi làng người dân của những sắc tộc khác nhau sinh sống cùng nhau, stanitsa hoặc aul là những người bảo tồn văn hóa và truyền thống của mình. Đồng thời họ vẫn giúp đỡ nhau, viếng thăm nhau, tìm ra ngôn ngữ chung và làm việc cùng nhau.
Khi tôi trở thành Tổng thống Liên bang Soviet và phải đối mặt với các vấn đề sắc tộc, tôi không còn là lính mới trong lĩnh vực này. Thiên hướng tìm kiếm sự nhượng bộ trong những tình huống xung đột của tôi xuất phát từ văn hóa tâm linh của vùng Bắc Kavkaz. Đó không phải dấu hiệu của sự yếu đuối như vài người từng nghĩ. Vùng Bắc Kavkaz chưa bao giờ thiếu
kẻ nổi loạn. Không phải ngẫu nhiên mà thủ lĩnh của nhiều phong trào thực sự sâu rộng - Kondraty Bulavin, Ignat Nekrasov, Stefan Razin và Yemelyan Pugachev - đã chiêu binh mãi mã và bắt đầu những cuộc phiêu lưu của mình từ đây. Huyền thoại kể rằng Yermak, người chinh phục Sibir xuất thân từ chính vùng đất này.
Vô số cuộc xâm lăng trong thời cổ đại và những cuộc chiến Kavkaz gần đây kéo dài nhiều năm đã cướp đi nhiều sinh mạng. Cuộc Nội chiến Nga trong thế kỷ trước đã để lại sự tàn phá đẫm máu ở những chốn này.
Chính quyền Soviet tới vùng Stavropol từ phía Rostov. Chúng tôi là điểm dừng đầu tiên dọc theo tuyến đường này, và những đơn vị Hồng quân đầu tiên đã được hình thành trong vùng của tôi. Được biết Vladimir Lenin đã gửi lời chào mừng tới Mặt trận Medvezhinsky.
Chính quyền Soviet được thành lập ở vùng Stavropol ngày 1/1/1918. Một nước Cộng hòa Soviet và một Hội đồng Dân ủy được lập ra. Chính quyền mới trao đất đai cho hơn nửa triệu nông dân. Chính quyền đưa ra ngày làm việc tám giờ, công nhân làm chủ xí nghiệp và trường học miễn phí. Nhưng chỉ tới tháng 3, chiến trận đã bùng lên ở quận Medvezhinsky
chống lại các đơn vị của tướng Kornilov bao gồm các sĩ quan và đến tháng 4 là chống lại Đội chí nguyện quân của tướng Alekseyev. Trong tháng 7/1918, nước cộng hòa Stavropol cùng với các nước cộng hòa Kuban - biển Đen và Cherskaya cùng nhau thành lập nước Cộng hòa Soviet Bắc
Kavkaz tồn tại đến tháng 1/1919, khi nó bị hai tướng Bạch vệ Denikin và Shkuro chiếm.
Chiến trận vùng Bắc Kavkaz vô cùng ác liệt. Một số người Kozak và những người khác từ ngoài vùng đã tham gia Hồng quân.
Trong nửa cuối năm 1918 có 14 tiểu đoàn Kozak đỏ trên Mặt trận phương Nam: sau đó trở thành các lữ đoàn và đội kỵ binh. Những người già ở nơi chúng tôi khẳng định rằng người Stavropol chiếm tới 40% trong đội kỵ binh đầu tiên nổi tiếng do Budiony và Voroshilov chỉ huy. Nhưng một phần lớn người Kozak lại tham gia lực lượng Bạch vệ. Khi cuộc nổi dậy bùng nổ trên sông Don và tướng Krasnov, được sự trợ giúp của binh lính Đức thiết lập chế độ độc tài quân sự thì khoảng 45.000 người Kozak có cảm tình với những người Soviet đã bị xử bắn hoặc treo cổ. Tuy nhiên, Hồng quân cũng đã sẵn sàng và cứng rắn, không dừng lại ở các biện pháp tàn bạo, thậm chí đối với cả người già, phụ nữ và trẻ em. Một sự kiện được tướng Kniga nhắc đến hiện ra trong ký ức của tôi.
Vào ngày kỷ niệm 50 năm chính quyền Soviet được tổ chức năm 1967, nhiều cựu chiến binh Nội chiến đã chia sẻ ký ức của mình về những ngày tháng này. Họ đi tới các thành phố và làng mạc và có nhiều cuộc gặp gỡ với người dân địa phương, đặc biệt là sinh viên và thanh niên. Tướng Vasily Kniga, anh hùng Nội chiến, được đề nghị về quê nơi ông sinh ra ở miền bắc của tỉnh, nơi ông đã chiến đấu cho những người Soviet. Vị tướng không từ chối, nhưng đã làm nhiều người ngạc nhiên khi yêu cầu có vệ sĩ đi cùng. “Tại sao ông lại cần vệ sĩ vậy Vasily?” họ hỏi.
“Tôi cần họ. Trong thời Nội chiến chúng tôi đã giết chết cả làng.” “Ông nói sao cơ?”
“Phải, chúng tôi đã giết chết họ.”
“Tất cả bọn họ?”
“Ờ, cũng có thể không phải tất cả. Vậy nên tôi tự hỏi, nếu còn người nào đó sống sót nhớ được câu chuyện chăng?”
Tướng Kniga là một quân nhân chuyên nghiệp - những người lính thường có quan điểm khác nhau về cái chết, nhưng rõ ràng là cho tới những ngày cuối đời, mỗi khi nhớ lại những tháng ngày đó ông không có được sự bình an, lương tâm của ông dằn vặt ông.
Có một bài hát với tên gọi “Podyesaul” để tưởng nhớ cuộc Nội chiến ở vùng Bắc Kavkaz, có đoạn như sau:
Chúng ta chiến đấu
Vì quyền lực nhân dân
Chống lại người dân của chúng ta.
Rất nhiều lần tôi được nghe nói rằng sự quá độ sang một xã hội mới không chỉ bào chữa được cho bạo lực mà còn khiến nó trở nên cần thiết. Đúng là nhiều khi không thể tránh khỏi đổ máu trong một cuộc cách mạng. Nhưng coi bạo lực như công cụ toàn năng để giải quyết vấn đề, sử dụng bạo lực để đạt được những mục tiêu “cao quý” của ai đó, ví dụ như “đẩy vào chỗ chết” người dân của mình, là điều vô nhân đạo.
Gia đình Gorbachev chuyển đến vùng Stavropol vào nửa cuối thế kỷ XIX, sau khi chế độ nông nô được bãi bỏ. Cụ tôi, Moisei Gorbachev, và ba người con trai - Alexei, Grigory và Andrei - định cư bên ngoài ngôi làng cổ xưa Privolnoye. Các làng Privolnoye, Letnitskoye và Medvezhye bắt đầu có nông dân sinh sống từ năm 1825 theo sắc lệnh ngày 22/3/1824, và trong
nửa sau của thế kỷ XIX là những người cựu nông nô từ các tỉnh Orel, Tula, Voronezh, Chernigov và các vùng khác. Đầu tiên, nhà Gorbachev sống cùng nhau trong một gia đình lớn, 18 người. Láng giềng cũng lại là dòng họ Gorbachev, những họ hàng gần và không gần lắm. Sau đó, những căn nhà lá được xây dựng lên cho những người con trai và gia đình họ. Ông tôi, Andrei, tới lúc đó đã lấy bà tôi Stepanida, cũng đã có gia đình riêng. Năm 1909, con trai Sergei của họ, cha tôi, đã ra đời.
Cùng sống ở cuối làng Privolnoye với gia đình Gorbachev và những người họ hàng thân thích của họ còn có Pantelei Yefimovich và Vasilisa Lukyanova Gopalo. Ông quê ở vùng Chernigov còn bà vùng Kharkov. Rõ ràng họ cũng đến cùng lúc với gia đình Gorbachev và dựng nhà ở rìa làng. Họ có một người con gái, Maria, chính là mẹ tôi sau này.
Cha tôi 20 còn mẹ 18 khi họ kết hôn năm 1929. Theo truyền thuyết gia đình, mẹ không muốn lấy cha, nhưng hai người ông đã sắp xếp mọi thứ. Cha tôi rất yêu mẹ. Ông đã yêu bà cả cuộc đời mình và chăm sóc cho bà. Ông là người rất độ lượng. Dù đi bất cứ đâu, ông luôn có quà cho bà. Quà cho Maria.
Từ “người Nga” có ý nghĩa rất khác biệt đối với tổ tiên của chúng tôi, đối với cha ông tôi. Là người Nga có nghĩa là thuộc về đất nước của chúng tôi, đạo Chính thống và văn hóa Nga. Không quan trọng lắm việc bạn là người Nga hay người Ukraina. Không phải trùng hợp khi người dân vùng Stavropol hay Kuban biết các bài hát Nga và Ukraina và có thể dễ dàng chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác từ thuở còn thơ.
Sau đám cưới, mẹ tôi chuyển sang căn nhà bên kia đường sống trong nhà của ông nội Andrei cùng năm đứa trẻ. Tôi đến với thế giới này ngày
2/3/1931. Tôi được rửa tội, như tôi được nghe kể lại, tại nhà thờ làng Letnitskoye. Sau khi rửa tội, tôi được gói trong một tấm áo choàng da dê ấm áp và đưa về Privolnoye. Hóa ra làm như thế không phải để giữ ấm cho tôi mà bởi vì điều đó được xem là một điềm tốt và tôi sẽ giàu có.
Nhà của ông nội Andrei là một ngôi nhà dài, trải theo hướng đông tây và có ba phần: phần đầu là gornitsa (svetlitsa) (nghĩa đen là “phòng sáng”), nơi ông bà ngủ. Trong góc phía đông của căn phòng là một khung tranh thánh lớn và rất đẹp. Nền nhà được phủ thảm đan bằng tay. Phần thứ hai của ngôi nhà là khu sinh hoạt chung với một bếp lò kiểu Nga (lò sưởi gạch xây) có gắn một “tiểu hỏa lò.” Trước những khung cửa sổ dọc theo tường là một bàn ăn lớn bằng gỗ và một chiếc ghế dài. Bánh mì được nướng trong bếp lò lớn còn tất cả các loại thức ăn khác được nấu nướng trên hỏa lò nhỏ. Lũ trẻ ngủ trên nóc bếp lò xây bằng gạch.
Khi cha mẹ lấy nhau, họ được chia một phần của căn phòng này. Sau đó là seni (hay là phòng bùn, nơi để quần áo và giày dép dính bùn đất). Cuối cùng, phần thứ ba của ngôi nhà là nhà kho, nơi cất giữ bột mì, hạt giống và cỏ khô cho gia súc. Những túi mẩu bánh mì khô treo lủng lẳng trên nóc nhà. Khi lớn lên một chút, tôi thích ở trên gác xép trong phần đó của ngôi nhà, nơi tôi tìm được một góc êm ấm để ngủ. Một lần tôi tìm được hai cái túi đựng những giấy tờ gì đó sặc sỡ. Hóa ra đó là kerenky loại giấy bạc được Chính phủ lâm thời Kerensky phát hành năm 1917. Chúng đã được cất ở đó khá lâu - rõ ràng ông nghĩ rằng chúng có thể có ích lợi gì đó. Đó chính là tâm lý của người nông dân.
Sau đó là phần thứ tư của ngôi nhà, nơi nhốt gia súc. Ở đó có cỏ khô và một ít nhiên liệu. Như vậy đấy, đó là ngôi nhà của chúng tôi.
Nhiều năm sau, mẹ tôi kể cho Irina, cô cháu gái đầu của bà, chuyện tôi đã sinh ra như thế nào. Khi chuyển dạ, bà được đưa vào nhà kho. Người ta trải rơm lên sàn và phủ khăn trải giường lên trên. Vậy là tôi được sinh ra giữa khu sinh hoạt và nhà kho. Khi Irina lớn lên, con bé nhớ lại câu chuyện này và nói:
“Bố nghe này, bố được sinh ra y như chúa Jesus đấy.”
“Đúng. Nhưng để trong đầu thôi nhé. Đừng nói với ai.”
Tôi muốn kể bạn nghe về hai người ông của tôi. Số phận của họ phản ánh số phận của những người nông dân dưới chính quyền Soviet. Ông ngoại Pantelei của tôi trở về từ mặt trận Thổ Nhĩ Kỳ sau Thế chiến I. Ông nội Andrei trở về từ mặt trận Áo. Cả hai đều xuất thân từ những gia đình nông dân nghèo. Ông Pantelei mồ côi cha năm 13 tuổi với bốn người em trai và một người em gái. Ông là người điềm tĩnh nhưng chính ông là người đem tới tinh thần thay đổi, người đầu tiên thành lập công xã nông dân đầu tiên và sau đó là Nhóm làm đất (hồi đó được gọi là TOZ).
“Chính quyền Soviet đã cứu chúng ta, chia đất cho chúng ta,” tôi nghe ông ngoại Pantelei nhiều lần nói. Điều đó đã quyết định thái độ của ông với chính quyền Soviet. Khi bắt đầu tập thể hóa ông đã tổ chức nông trang tập thể và trở thành chủ nhiệm.
Ông nội Andrei, ngược lại, từ chối gia nhập nông trang tập thể và vẫn là nông dân cá thể. Cha tôi đứng về phía ông ngoại Pantelei, gia nhập nông trang tập thể, sau đó trở thành một người lái máy kéo và gần như cắt đứt với cha đẻ của mình.
Năm 1930 cha mẹ tôi chuyển sang một ngôi nhà nhỏ bỏ hoang bên kia đường. Mùa thu năm ấy họ định chia vụ ngô mà họ cùng nhau trồng được.
Đó là một năm được mùa. Ngô được đem đến sân sau nhà ông nội Andrei để phơi khô. Mẹ, khi đó đang mang thai, dành phần lớn thời gian ở nhà. Bà thường ra ngoài và ngồi trên zavalinka (đống đất đổ dọc theo tường nhà), nhất là vào ban đêm. Vào một đêm như vậy, bà thấy trong sân nhà bố chồng có gì đó xảy ra. Bà nhận ra ông bắt đầu chia và cất ngô mà không được cha tôi đồng ý. Bà rất lo lắng và kể với cha những gì mình nhìn thấy.
Và đúng thật, khi đến gặp ông nội, cha thấy đống ngô đã bị ngót đi đáng kể. Cha hỏi thẳng:
“Bố, ngô đâu hết rồi? Ở đây có nhiều lắm cơ mà.”
Ông nội thô lỗ trả lời rằng đó không phải việc của cha. Lờ ông đi, cha ra kho, trèo thang lên gác xép và thấy ngô đang được cất giấu ở đó. Ông nội Andrei lao đến phía sau cha và cố bóp cổ con trai mình. Bà nội Stepanida nhìn thấy cảnh đó và chạy đi gọi mẹ.
“Maria, lại đây nhanh! Bố đang giết Seryoga kìa!”
Tuy nhiên, cha tôi, một người đàn ông trưởng thành, đã áp đảo được ông, vặn tay ông ra sau lưng. Vở bi kịch đến đây kết thúc. Cha tôi không phải người nguy hiểm. Ông cố gắng giữ không cho chuyện vừa xảy ra lan truyền ra ngoài gia đình. Vụ ngô đã được chia “công bằng.”
Câu chuyện đó thêm một nguyên nhân để cha tôi đứng về phía nhạc phụ, ông ngoại Pantelei, người được bầu làm chủ nhiệm nông trang tập thể. Ông ngoại Pantelei rất được mọi người ngưỡng mộ, và theo lộ trình sẽ trở thành giám đốc Cục cho thuê đất, một chức vụ rất cao thời bấy giờ.
Ông nội Andrei cũng ổn. Ông được chính quyền giao chỉ tiêu trồng bao nhiêu và giao nộp bao nhiêu cho nhà nước, và ông luôn tuân thủ. Tóm lại,
mọi việc đều ổn cho cả hai gia đình.
Sau đó, đến năm 1933 và xảy ra nạn đói khủng khiếp. Gia đình ông Andrei phải chịu cảnh khổ cực. Không có thực phẩm để nuôi các con. Ba người chết đói trong mùa đông. Khi mùa xuân đến không có hạt giống để gieo trồng. Tuy nhiên, chính quyền lại cho rằng đây là âm mưu phá hoại nhằm phá vỡ các kế hoạch gieo sạ. Ông Andrei bị đày đi Sibir khai thác gỗ. Năm 1935, ông được quay về khi chưa mãn hạn tù với một vài lời khen ngợi. Chúng được đóng khung và treo bên cạnh những bức tranh thánh trên tường. Sau khi đi đày về, ông đã gia nhập hợp tác xã nông nghiệp, nơi ông làm việc cho tới khi qua đời.
Một thảm họa mới lại xảy ra vào năm 1937, khi ông ngoại tôi, Pantalei, bất ngờ bị bắt và bị buộc tội theo chủ nghĩa Trotsky. Họ thẩm vấn và tra tấn ông trong 14 tháng. Sau khi ra tù, có lần ông đã kể cho tôi nghe cách người ta đối xử với ông trong tù. Ông không bao giờ nói chuyện này thêm lần nữa. Ông tin rằng Stalin không biết tất cả những chuyện này, và đó là lỗi của NKVD (ủy ban Nội vụ), cơ quan an ninh quốc gia địa phương. Ông một mực khẳng định mình vô tội, mặc dù vậy ông vẫn bị kết án tử hình mà không cần xét xử. Vụ án được chuyển cho công tố viên vùng, việc của họ là phê duyệt thi hành án. Văn phòng công tố viên đã khép lại hồ sơ vì không tìm thấy bằng chứng phạm tội. Ông tôi được trả tự do.
Khi ông bị bắt, bà ngoại Vasilisa chuyển đến sống với chúng tôi, và mọi thứ thay đổi rất nhiều. Hàng xóm thôi không đến chơi với chúng tôi nữa, có chăng chỉ đến vào buổi tối. Nhà của chúng tôi bị cách ly như “nhà của kẻ thù nhân dân.” Điều đó khắc ghi mãi mãi vào tâm trí tôi.
Gia đình đã cố gắng quên đi thời gian khủng khiếp này, và tôi chưa bao
giờ được nghe bất cứ chi tiết nào. Việc đặt câu hỏi được coi là không thích hợp. Sau đó tôi nhận ra rằng họ cư xử như vậy không phải vì họ muốn quên đi mà bởi vì họ chỉ đơn giản là sợ phải nói chuyện. Những câu chuyện như vậy bị chính quyền Soviet cực lực phản đối.
Trong suốt gần 20 năm, tôi chưa rời Privolnoye lấy một lần. Chỉ một lần duy nhất tôi ngồi thùng một chiếc xe tải đi cùng với một nhóm thợ lái máy kéo đến Stavropol, ở đó chúng tôi được tặng phần thưởng nhà nước vì thành tích lao động. Trước đó tôi có một chuyến đi tới máy nâng ngũ cốc gần ga Peschanokopskoye cùng với dì Sanya (em gái cha tôi) để nộp ngũ cốc cho nhà nước.
Ôi chao, thật là thú vị biết bao: chuyến đi đầu tiên của tôi ra khỏi Privolnoye, qua đêm ở gần một cái giếng trong thảo nguyên nơi mọi người cắm trại. Chúng tôi ăn tối cùng nhau. Chúng tôi ngủ trên xe kéo đầy ngũ cốc. Tại nhà ga, lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy một đầu máy hơi nước.
Tôi chỉ có những ký ức rời rạc, đứt đoạn về nạn đói năm 1933, như những tia lửa nhỏ. Tôi thấy ông Andrei luộc ếch trong một cái nồi lớn để nuôi gia đình, nhưng tôi không nhớ mình có ăn ếch không. Năm 1976, trên một du thuyền cùng với Raisa ở trung tâm Paris chúng tôi đã nếm món chân ếch khi nghe nhạc về Paris. Chúng thật ngon.
Nhưng trong năm xảy ra nạn đói ở Privolnoye gần 40% dân làng đã chết, người dân địa phương nói với tôi như vậy.
Chúng tôi lớn lên, chơi nhiều trò chơi khác nhau, nhưng trong những năm trước chiến tranh chúng tôi đã chơi trò chiến tranh với sự thích thú đặc biệt. Chúng tôi trốn trong vườn, trong đống rơm khô và trong những
túp lều xiêu vẹo trống trải sau nạn đói.
Lên bốn tuổi tôi bị ốm nặng. Mạng sống của tôi ngàn cân treo sợi tóc. Sau đó mẹ nói với tôi là nến được thắp trên đầu giường tôi; họ khóc và hoang mang không biết phải làm gì. Nhiều năm sau tôi có hỏi mẹ căn bệnh mà tôi mắc phải là gì. Mẹ tôi nói “Zolotukha”⦾ bằng giọng sợ hãi. Trong quá khứ đấy thường là một căn bệnh hiểm nghèo.
Mẹ nói với tôi rằng khi đó một người đàn bà đã khuyên mẹ lấy mật ong lỏng cho tôi uống. Tôi nhớ rằng một ấm nhỏ mật ong được đặt trên bệ cửa sổ cạnh giường mình. Tôi lấy ấm và uống hết những gì bên trong. Tôi nhớ tiếng động của nắp ấm rơi và tất cả chỉ có thế.
Ba ngày sau hơi thở của tôi đã tốt hơn, hết phù nề, và vài ngày tôi khỏi bệnh. Dấu vết duy nhất còn lại của trận ốm là một biến chứng ở tai và nó theo tôi suốt đời.
Tôi dành nhiều thời gian ở nhà ông Pantelei và bà Vasilisa. Họ đã chuyển sang làng bên cạnh nơi ông làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp. Tình hình rất tốt không chỉ cho tôi và bà (nhân tiện, bà lên chức bà ngoại khi mới 38 tuổi), nhưng còn tiện hơn nữa cho cha mẹ tôi. Thỉnh thoảng họ bắt tôi ở lại Privolnoye, nhưng tôi luôn sốt ruột mong được đến chỗ ông bà. Lúc nào bố mẹ tìm cách giữ không cho đi tôi luôn có cách của mình. Tôi sẽ chạy cả cây số hoặc hơn sau xe của ông cho tới khi ông cho tôi trèo lên.
Sau này bà thích nhớ lại “tình bạn” của chúng tôi, chuyện tôi đã nhốt bà trong nhà như thế nào vì bà không cho tôi nhiều đường như tôi muốn. Xảy ra đủ mọi thứ chuyện. Nhưng tôi luôn là người cháu yêu quý cả đời của bà.
C
Đến cuối những năm 1930, cuộc sống bắt đầu được cải thiện. Chúng tôi có truyền thống ra ngoài thảo nguyên hay một khoảng rừng đi picnic vào những ngày nghỉ. Người dân đi cùng gia đình trên xe ngựa hoặc xe bò, thậm chí đi bộ nếu không quá xa. Mọi người hưởng thụ hòa bình. Trẻ em chơi lapta (một trò chơi như bóng chày của Nga) hoặc chizhik hoặc chơi trò đá bóng bằng những quả bóng tự làm. Các bà mẹ nói chuyện và tán gẫu. Các ông bố trao đổi công việc “đàn ông” của mình. Họ uống và hát. Khi quá chén, đôi khi họ mất kiểm soát và đánh nhau. Chỉ phụ nữ mới can ngăn được đàn ông bằng cách cùng nhau ngã đè lên họ. Chủ nhật ngày 22/6/1941, trong một lần đi chơi như thế, một người đàn ông phi ngựa nước đại tới quát lớn, “Chiến tranh.” Anh ta truyền đạt mệnh lệnh: mọi người phải tập hợp ở quảng trường trung tâm tại Privolnoye lúc 12 giờ, Molotov sẽ phát biểu trên đài. Vì tại Privolnoye không có nên họ đã mang tới một bộ radio đặc biệt dành cho sự kiện này.
Các cậu bé trai phản ứng với tin tức khác người lớn, những người đứng như trời trồng. Chúng tôi không nghi ngờ gì: “Chúng ta sẽ đập bọn phát xít.” Tổng động viên bắt đầu, và từ mùa thu các gia đình bắt đầu nhận được giấy báo tử. Thông thường, giấy báo tử đến vào buổi tối. Chúng tôi đứng và nghe ngóng, thử đoán xem kỵ sĩ sẽ dừng trước cửa nhà ai.
Liệt sĩ là những người trẻ tuổi, cha, anh, hàng xóm của chúng tôi.
Bây giờ thì chúng tôi biết rằng, các chiến sĩ biên phòng là những người đầu tiên đối mặt với bọn phát xít. Họ là những chàng trai sinh ra trong những năm 1921-1922 hay lớn hơn một chút. Hầu hết bọn họ đều không trở về từ mặt trận. Chỉ có 5% đàn ông sinh ra trong khoảng thời gian này
sống sót. Nỗi buồn của những người mẹ, người vợ, những người con và người yêu là vô hạn.
Cha tôi, cùng vài công nhân lái máy kéo được lệnh ở lại, vì phải có người thu hoạch mùa màng. Ông được gọi nhập ngũ ngày 3/8/1941. Tôi ngồi trên đoàn xe chở lính mới. Một vài người ngồi trên xe, những người khác đi bên cạnh, nói chuyện lần cuối với những người đang đi về nơi vô định.
Khoảng cách giữa Privolnoye tới trung tâm huyện là 20 km. Chúng tôi tới trạm tuyển mộ lúc giữa trưa. Cha tôi mua kem cho tôi, món ngon nhất tôi từng ăn trong cuộc đời. Hôm đó là một ngày nóng bức. Kem tan nhanh. Tôi ăn hết cả cốc. Cha còn mua cho tôi một cây đàn balalaika. Nó vẫn còn khi ông từ mặt trận trở về, và còn trong gia đình tôi nhiều năm sau.
Những năm trước chiến tranh đã kết thúc như thế. Sau tất cả những đau khổ của các cuộc nội chiến và thế chiến, tập thể hóa và đàn áp, người dân chỉ mới bắt đầu hồi phục. Cuộc sống dần được cải thiện, và người ta đã có thể mua được giày dép đơn giản, vải bông, muối, vài thứ đồ dùng gia đình, cá trích, cá khamsa, cá con muối (đôi khi có chút gỉ sắt), diêm, nến và xà phòng. Còn bây giờ, nước Nga phải đối mặt với thử thách nghiêm trọng: sống hay chết.
Tôi vẫn nhớ cảm giác giận dữ của mình: tại sao quân đội ta lại rút lui và lũ phát xít lại xâm nhập ngày càng sâu hơn vào tổ quốc tôi? Những cậu bé chúng tôi cũng lo lắng không khác gì người lớn. Với chúng tôi đấy thực sự là một thảm kịch: sao có thể thế được? Tới mùa đông năm 1941-1942, quân đội Đức đã tới ngoại ô Moskva, chỉ cách Kremli 27 km, và chúng đã tới gần Taganrog, cách Privolnoye khoảng 200 km.
Cha tôi đặt một tờ báo nhỏ của địa phương trong nhiều năm và tờ Sự thật, và chúng tôi tiếp tục nhận được báo. Thường vào buổi tối, nhất là mùa thu và mùa đông, những người phụ nữ thường tụ tập tại nhà chúng tôi và tôi đọc các bài phóng sự cho họ nghe. Họ bói bài trong lúc tôi nằm trên nóc lò sưởi Nga và nhìn họ. Tôi không hiểu họ tranh luận điều gì, và những quân bài phán những gì. Họ chỉ nói về những người chồng của mình.
Tuy nhiên, phần lớn thời gian được dành cho việc nhà và nghĩ tới cách sống sót. Họ phải tìm nước uống và thức ăn, họ phải giữ cho ngôi nhà ấm áp và chăm sóc gia súc.
Mùa đông 1941 thật khắc nghiệt. ở miền nam chúng tôi, tuyết đầu mùa rơi ngày 8/10: chuyện này chưa từng xảy ra. Tuyết và gió kéo dài vài ngày. Tất cả những ngôi nhà hướng đông đều bị chìm trong tuyết. Khi bão tuyết tan, người dân trèo ra khỏi nhà và giúp nhau dọn tuyết. Vài tuần liền không
có thư tín gì và chúng tôi bị cắt đứt với thế giới bên ngoài. Trong khi đó, trận chiến sống còn đang diễn ra trên những con đường tiến tới Moskva. Sau đó chúng tôi biết rằng quân Đức đã bị đánh bại gần Moskva. Moskva
vẫn đứng vững. Một tờ báo được phát với một cuốn sách nhỏ nói về chiến công anh hùng của Zoya Kosmodemyanskaya, một đoàn viên Komsomol trẻ tuổi. Cuốn sách có tên Tanya. Tôi đọc đi đọc lại nó cho các bà mẹ nghe. Mọi người chấn động bởi sự tàn bạo của quân Đức.
Trong khi đó, ngày càng nhiều gia đình nhận được giấy báo tử từ mặt trận. Chiến tranh đã nuốt chửng mọi thứ: cuộc sống con người, thành phố và nông thôn. Những khu vực rộng lớn của đất nước bị bọn phát xít chiếm đóng: Ukraina, Belarus⦾, các nước Baltic, Moldavia và phía tây nước Nga.
Tôi chưa từng thấy mùa đông nào như vậy trong đời. Đất bị phủ tuyết
tới tận mùa xuân, một “vương quốc tuyết” thực sự - nhưng cuộc sống trong vương quốc này thật khó khăn. Mặc dù vậy tình hình lương thực vẫn chấp nhận được: khi đó vẫn là năm 1941 và chúng tôi vẫn còn dự trữ lương thực. Nhưng chúng tôi không có củi, vì thế cây già trong rừng bị chặt hạ. Nuôi sống gia súc cũng là vấn đề. Cỏ khô cho gia súc trong nông trang tập thể rất hiếm: rơm rạ vẫn còn nằm lại ngoài đồng, đường đi thì bị tuyết phủ. Bằng cách nào đó, rơm rạ phải được thu hoạch giữa mùa đông kinh khủng này. Tất cả những công việc này do những người phụ nữ làm, trong đó có mẹ tôi.
Một ngày mùa đông, mẹ tôi và mấy người phụ nữ khác đi thu hoạch rơm và không thấy trở về. Một ngày trôi qua, rồi hai ngày, vẫn chưa thấy họ về. Tới ngày thứ ba, có tin đồn những người phụ nữ này đã bị bắt và bị giam trong nhà tù địa phương. Hóa ra họ bị lạc đường và lấy rơm rạ từ những đống rơm của đơn vị thu mua của chính quyền Zagotskot. Lính canh bắt họ. Vào thời gian đó họ có thể bị xử rất nặng. Điều cứu được họ là “những tên trộm” lại là những người vợ lính, đều có con và họ lấy không phải cho gia súc của mình mà cho nông trang tập thể, và dẫu sao thì họ cũng vô tình lấy nhầm.
Nói chung, khó mà mô tả được tất cả những khó khăn mà phụ nữ phải trải qua trong những năm tháng đó: công việc kiệt sức ở nông trang tập thể, quản gia, thiếu thốn mọi thứ, bọn trẻ đói ăn và thiếu mặc, và nỗi lo sợ cho những người chồng.
Tới nay, tôi chẳng thể đọc những vần thơ của Mikhail Isakovsky mà kìm nổi xúc động. Bài thơ có tên “Cho người đàn bà Nga.”
Lời không tả được
Những năm tháng của các em
Gánh nặng oằn
Trên vai những người đàn bà ấy
Buổi sáng các em nói lời từ biệt
Với chồng, anh em và con trai
Để các em còn lại một mình
Đối mặt cùng số mệnh
Cô đơn mắt lệ nhòa
Mùa màng trên đồng lúa
Các em đối mặt với chiến tranh…
Cô đơn mà vẫn phải
Trên đồng và gia đình
Có mặt cùng một lúc
Hát và khóc một mình
Em đi, giấu nỗi buồn
Con đường xa vất vả
Bánh mì tay em nướng
Nuôi cả mặt trận xa
Trải từ đồng ra biển
Cha viết thư thường xuyên và hỏi rất nhiều. Đôi khi mẹ đọc cho tôi viết thư trả lời, nhưng chủ yếu là tôi tự viết. Tôi nghĩ ông hiểu được “chân lý thần thánh” trong những bức thư của chúng tôi.
Khi cha ra trận, tôi phải làm nhiều việc nhà. Từ mùa đông năm 1942, chúng tôi phải chăm sóc vườn rau cung cấp thức ăn cho cả nhà. Sáng sớm, mẹ vội vàng làm một ít việc nhà trước khi ra đồng làm việc, và sau đó tôi chịu trách nhiệm về mọi thứ. Công việc quan trọng và khó khăn nhất của
tôi là chuẩn bị rơm cho bò ăn và kiếm củi.
Tất cả cuộc sống của chúng tôi bất ngờ thay đổi. Những đứa trẻ thời chiến nhảy cóc từ tuổi thơ thành người lớn. Chơi đùa và thú vui bị lãng quên, học hành xao nhãng. Một mình tôi phải làm việc nhà cả ngày. Nhưng đôi khi… có đôi khi… quên hết mọi thứ, bị mê hoặc bởi bão tuyết hay vòm lá xào xạc trong khu vườn mùa hè, tôi để suy nghĩ của mình lạc tới một thế giới xa xôi, không có thực nhưng đầy mơ ước. Tới miền đất của những giấc mơ…
Mùa hè năm 1942, những làn sóng người bắt đầu tràn đến từ Rostov, đi qua vùng chúng tôi. Làn sóng hàng nghìn người di tản đầu tiên đến từ Ukraina. Dòng người chậm chạp lê bước, một số người đeo ba lô hay túi, những người khác đẩy xe cút kít. Họ lùa theo những đàn gia súc, ngựa và dê…
Bà Vasilisa và ông Pantelei đóng gói đồ đạc và bỏ đi nơi nào không biết. Các thùng dầu của làng bị mở tung, tất cả nhiên liệu chảy xuống dòng sông cạn Yegorlyk; phần ngũ cốc còn lại bị đốt cháy; không thứ gì được để lại cho kẻ thù.
Làn sóng thứ hai đến với chúng tôi vào nửa sau tháng 6/1942, sau khi quân đội của chúng ta rời Rostov. Đó là một cuộc rút lui hỗn loạn. Những người lính lầm lũi, mệt mỏi đi thành từng nhóm lớn nhỏ. Khuôn mặt cay đắng và hối lỗi. Tiếng bom và tiếng súng ngày càng gần hơn. Cùng với những người hàng xóm, chúng tôi đào hào trên con dốc xuống sông và từ đó lần đầu tiên tôi thấy giàn tên lửa Katyusha khai hỏa: những mũi tên bốc lửa bay qua bầu trời với tiếng rít khủng khiếp.
Sau đó là im lặng. Im lặng trong hai ngày. Không có quân đội, dù là
quân ta hay quân Đức. Ngày 3/8, trước buổi trưa, quân trinh sát của Đức đi xe máy xuất hiện. Chỉ trong ba ngày, quân Đức đến đầy Privolnoye. Để ngụy trang tránh bị ném bom, chúng chặt hạ những khu vườn phải mất hàng thập niên để mọc lên.
Quân Đức di chuyển từ Rostov tới Nalchik mà không gặp phải sự kháng cự nào. Quân đội Soviet mất tổ chức. Nhưng sau Nalchik, các đơn vị đánh chặn vào cuộc, theo Mệnh lệnh số 227 của Stalin, được biết như mệnh lệnh “Không lùi một bước.” Bộ đội rút lui nhanh chóng được tập hợp lại thành các đơn vị và gửi ra mặt trận. Bằng những nỗ lực to lớn, quân Đức đang tiến về phía các mỏ dầu Baku đã bị chặn đứng gần Ordzhonikidze (giờ là Vladikavkaz). Và chúng đã bị chặn đứng mãi mãi.
Sau khi quân Đức tiến sâu hơn về phía Đông, một đơn vị nhỏ còn lại ở Privolnoye, sau đó được thay thế bởi những đơn vị khác: tôi chỉ nhớ được quân hàm trên tay áo và tiếng Ukraina. Cuộc sống thời kỳ chiếm đóng bắt đầu.
Bà Vasilisa vài ngày sau trở về. Bà và ông đi bộ gần đến Stavropol, nơi quân đội Đức bắt kịp họ. Ông vượt qua mặt trận, đi bộ qua những cánh đồng ngô và các quả đồi, bà thì quay về với chúng tôi đem theo tất cả hành lý vì không biết đi đâu.
Những kẻ đảo ngũ cũng bắt đầu xuất hiện. Đa số bắt đầu phục vụ người Đức, thường là làm cảnh sát. Một lần họ tới nhà tôi và lục soát. Tôi không biết họ tìm gì. Họ trèo vào xe kéo và bảo bà Vasilisa theo họ tới đồn cảnh sát. Và thế là bà phải đi bộ xuyên qua làng. Họ cố tình làm điều đó vì bà là vợ chủ nhiệm nông trang tập thể. Tại đồn cảnh sát bà bị tra hỏi rất lâu. Tôi không biết họ muốn tìm điều gì và bà thì có gì để khai với họ.
Đằng nào thì mọi thứ cũng rõ ràng: chồng bà là cộng sản và chủ nhiệm nông trang tập thể, ông đã sơ tán, con trai và con rể ngoài mặt trận.
Về nhà sau một ngày lao động bắt buộc theo quy định của người Đức, mẹ thường nói với chúng tôi rằng một số dân làng nhiếc móc bà, nói rằng, “Chuyện này khác với thời chúng ta dưới quyền bọn Đỏ.” Tin đồn bắt đầu lan ra về những cuộc hành quyết tập thể ở các thành phố lân cận, về một loại xe trong đó người ta bị làm ngạt khí ga cho đến chết (điều này được xác nhận sau giải phóng). Hàng nghìn người dân, chủ yếu là người Do thái, bị bắn gần thành phố Mineralnye Vody. Tin đồn cũng chín muồi ở Privolnoye về một vụ thảm sát các gia đình cộng sản sắp xảy ra.
Gia đình tôi thấy mình có thể nằm ở đầu danh sách. Ông bà Andrei giấu chúng tôi trong một trang trại bên ngoài làng. Cuộc thảm sát dự kiến diễn ra ngày 26/1/1943: quân đội ta giải phóng Privolnoye ngày 21/1.
Tôi nhớ rất rõ những ngày tháng đó. Tôi nghĩ làng tôi đã được cứu thoát khỏi điều tệ hại nhất. Đa số công lao thuộc về già làng, Savvaty Zaitsev, còn được gọi là “già Savka.” Phải mất nhiều thời gian và công sức để thuyết phục ông làm già làng, nhưng dân làng cuối cùng đã thành công: xét cho cùng, ông cũng là một người trong bọn họ. Dân làng biết Zaitsev đã làm mọi việc có thể để tránh tai họa cho họ. Nhưng khi người Đức bị đánh lui, ông bị kết án tù mười năm vì tội “phản bội.”
Dân làng viết thư cho các cơ quan có thẩm quyền thanh minh cho già làng, nói rằng ông không tự nguyện làm già làng và nhiều dân làng mắc nợ ông sinh mạng của mình. Tất cả những điều đó không có tác dụng. Già Savka mất trong tù như một kẻ phản bội.
Tôi nhớ vào ban đêm, tôi và mẹ đã trốn ra khỏi nhà như thế nào để bà
giấu tôi trong một nông trại cách làng vài cây số, nơi ông Andrei làm việc. Tối hôm đó đường đi rất lầy lội. Đầu tiên chúng tôi nghĩ mình đi đúng hướng, nhưng cuối cùng chúng tôi lạc đường. Trời tối đen như mực, không ánh đèn, không đường sá - chỉ có bóng tối. Chúng tôi đi mãi đi mãi, hy vọng sẽ gặp được gì đó, nhưng trước mặt chúng tôi không có gì ngoài bóng tối. Bất ngờ, cho dù khi đó là mùa đông, bùng lên một tia chớp và tiếng sấm. Bóng tối tan biến trong khoảng khắc và chúng tôi nhìn thấy một nông trại cách đó không xa. Tôi ở đó vài ngày.
Quân Đức rút lui vội vã. Chỉ huy của chúng, sợ bị rơi vào một “ngõ cụt” khác sau thất bại trong trận Stalingrad, đã ra lệnh cho quân đội nhanh chóng rút lui khỏi vùng Bắc Kavkaz. Tôi không thể miêu tả được niềm vui khi chúng tôi chào đón các đơn vị Hồng quân. Chúng tôi không còn phải sợ hãi những chiếc máy bay Junker có thể đang bay truy tìm quân đội của chúng ta nữa.
Một lần nữa mặt trận lại đi qua quê hương tôi, lần này là về phía tây. Cuộc sống phải trở lại bình thường và nông trang tập thể phải được phục hồi. Nhưng bằng cách nào? Mọi thứ đều tan nát: không máy móc, không gia súc, không hạt giống. Mùa xuân đã đến. Các hộ gia đình dùng bò kéo cày.
Sau đó họ thu thập hạt giống và nộp cho nhà nước nhiều nhất có thể. Tất nhiên vụ mùa năm 1943 rất kém. Làm sao mà khác được? Nhưng những gì chúng tôi tìm cách trồng cấy được gần như phải nộp hết cho nhà nước phục vụ nhu cầu mặt trận. Nạn đói bắt đầu vào mùa đông năm 1943 và mùa xuân năm 1944. Mẹ tôi và những người dân làng khác đi về Kuban, nơi người ta có thể mua ngô, hay người ta nói với họ như vậy. Tất cả đồ đạc của cha tôi bị lấy ra khỏi rương: hai đôi ủng cao ngang ống chân và
một bộ vét mà ông chưa mặc bao giờ để đổi lấy ngô. Tôi ở lại trông nhà. Trước khi đi, mẹ để lại cho tôi một một ít ngô đủ cho vài ngày. Tôi xay ngô nấu cháo. Một tuần trôi qua, rồi một tuần nữa, mẹ vẫn chưa về. Vài ngày sau nữa mẹ mới về, đem theo một bao ngô.
Mẹ kể đã đổi đồ của cha lấy 3 pút (khoảng 50 kg), bằng một tải ngô. Nhưng trước khi đi, mọi người đã thỏa thuận không được mua quá 1 pút ngô cho một miệng ăn. Chúng tôi chỉ có hai người, mẹ và tôi, nên chúng tôi chỉ được mua 2 pút, tức là 32 kg. Mẹ phải kéo pút ngô “mua thêm” trên bùn. Dân làng thương hại bà nên đã cho bà để gánh nặng của mình lên xe ngựa. Số ngô bà mua về đã cứu sống chúng tôi. Sau đó bò nhà tôi đẻ, vậy là chúng tôi có ngô và sữa. Khi đó thế là nhiều rồi. Các gia đình khác suy dinh dưỡng và bị phù nề vì đói. Bạn bè tôi, những đứa trẻ hàng xóm, thường đến nhà tôi và lặng lẽ đứng ở bậc cửa. Sau vài câu gầm gừ rên rỉ, mẹ cho chúng thứ gì đó để ăn.
Đến mùa xuân, như một ơn phước, trời bắt đầu mưa khiến ai cũng mừng vui. Mọi thứ quanh chúng tôi, trên đồng và ngoài sân, bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Một lần nữa đất lại cứu chúng tôi.
Một vấn đề khác là không có hàng hóa gì được chở đến làng: không có quần áo, giày dép, muối, xà phòng, đèn nến, diêm - chẳng có gì.
Đầu tiên chúng tôi học cách sửa giày và quần áo. Khi những bộ quần áo vá chằng vá đụp không còn mặc được nữa, chúng tôi tìm được giải pháp bằng cách trồng cây gai dầu. Chúng tôi thu hoạch chúng bằng tay. Chúng tôi buộc chúng thành búi, ngâm xuống sông, sau đó phơi khô và đập để lấy sợi. Khung cửi “kiểu ông bà” được đem xuống từ tầng áp mái. Hầu như nhà nào cũng dệt, sau đó tẩy trắng vải để may áo. Khi mặc vào nó không
ôm lấy người, mà treo xuống thành hình quả chuông.
Chúng tôi giặt và trải lông dê, kéo thành sợi và dệt thành vải thưa cho quần áo ngoài. Da dê được ngâm nước, làm sạch lông, phơi khô, đập rồi ngâm dầu mazut và sau đó dùng đóng những đôi giày thô sơ. Muối được khai thác từ hồ nước mặn cách Privolnoye 55 km. Bằng cách nào đó, chúng tôi có được xút ăn da và học được cách làm xà phòng. Không có diêm nên chúng tôi đánh lửa bằng đá lửa; bông được ngâm trong tro và châm lửa; thuốc nổ TNT được lấy từ lựu đạn chống tăng để làm diêm. Để chiếu sáng, chúng tôi dùng đèn thờ và đèn dầu làm từ vỏ đạn pháo. Khi có sáp chúng tôi bắt đầu tự đúc nến. Dân ta thực sự tháo vát và nhẫn nại. Tháng 4/1943, bà nội Stepanida của tôi qua đời. Bà rất lo lắng cho con trai, nhưng không sống được đến lúc có thư từ mặt trận - được đưa đến chỉ vài ngày sau khi bà mất. Chúng tôi bắt đầu nhận thư cha thường xuyên hơn. Chúng tôi còn mong ước gì hơn nữa? Chúng tôi còn sống và cha còn sống. Mẹ tạ ơn Chúa.
Cuối mùa hè năm 1944, một bức thư kỳ lạ đến từ mặt trận. Chúng tôi mở phong bì và nhìn thấy giấy tờ và những bức ảnh gia đình cha đem theo khi ông ra mặt trận và một thông báo ngắn nói Thượng sĩ Sergei Gorbachev đã hy sinh anh dũng tại Karpat. Khi tôi trở thành Tổng thống Liên Xô, Bộ trưởng Quốc phòng Dmitry Yazov tặng tôi một món quà đặc biệt, lịch sử các đơn vị mà cha tôi từng phục vụ trong chiến tranh. Tôi hồi hộp đọc và tôi vẫn đọc đi đọc lại một trong những câu chuyện quân đội. Nó giúp tôi hiểu sâu và xót xa hơn về sự khắc nghiệt của con đường tới chiến thắng và cái giá mà người dân phải trả.
Tôi biết thêm nhiều về cha: những nơi ông chiến đấu và những tình huống ông gặp. Giờ tôi có một tài liệu trước mặt. Sau tổng động viên cha
tôi tới Krasnodar, nơi một trường quân sự bộ binh thành lập một lữ đoàn dưới sự chỉ huy của Trung tá Kolesnikov. Lữ đoàn đánh trận đầu trong tháng 11 - tháng 12/1941 gần Rostov như một phần trong Phương diện quân Kavkaz số 56. Thương vong của lữ đoàn rất cao: 440 người chết, 120 bị thương và 651 mất tích (thường có nghĩa là chết). Cha tôi sống sót. Tới tháng 3/1942 họ tổ chức tuyến phòng ngự dọc sông Mias. Một lần nữa số thương vong lại rất lớn. Lữ đoàn được gửi đến Michurinsk để tập hợp lực lượng vào Sư đoàn Bộ binh 161 và từ đó tới Mặt trận Voronezh hợp vào Binh đoàn 60 của tướng Vatutin.
Sư đoàn tham gia vào trận đánh Vòng cung Kursk, trong các chiến dịch Ostrogozhsk-Rossoshanskaya và Kharkov, vượt sông Dniepr gần Pereyaslavl Khmelnitsky và bảo vệ cây cầu nổi tiếng Bukrinsky.
Cha nói với tôi rằng họ vượt sông Dniepr bằng thuyền của ngư dân, trên những chiếc bè tự đóng, bằng phà và bằng bất cứ thứ gì lấy được dưới làn mưa bom và đạn pháo. Cha tôi chỉ huy một tiểu đội kỹ sư quân sự chịu trách nhiệm đưa súng cối sang bờ bên kia trên một chiếc phà như vậy. Họ lái phà giữa làn bom đạn về phía ánh sáng lập lòe ở bờ bên kia. Dù khi đó là ban đêm, ông có cảm giác nước sông Dniepr đỏ máu.
Cha tôi được tặng Huy chương Anh dũng vì đã nhiều lần vượt sông Dniepr. Ông rất tự hào vì nó, mặc dù sau đó ông được tặng thưởng những huân huy chương khác, bao gồm hai Huân chương Sao đỏ. Trong tháng 11 - tháng 12/1943 sư đoàn của họ tham gia chiến dịch Kiev, tháng 4/1944 chiến dịch Proskurovo-Chernovitsy. Trong tháng 7 và tháng 8, sư đoàn tham gia chiến dịch Lvov-Sandomirsk và giải phóng thành phố Stanislav. Sư đoàn mất 461 chiến sĩ ở Karpat và 1.500 người bị thương.
Gia đình khóc than suốt ba ngày. Và sau đó… một bức cha tôi gửi về nói rằng ông vẫn sống và khỏe mạnh.
Cả hai bức thư đều đề ngày 27/8/1944. Có thể ông viết nó trước khi ra trận và hy sinh? Nhưng bốn ngày sau chúng tôi nhận được một bức thư khác của cha, lần này đề ngày 31/8. Vậy là cha còn sống và vẫn tiếp tục chiến đấu với bọn phát xít. Tôi viết cho ông rằng tôi rất tức giận về hành vi của những người đã gửi bức thư báo tử thứ nhất. Trả lời tôi, cha đứng về phía những người ngoài mặt trận: “Con trai, con không được khắc nghiệt với những người lính: mọi chuyện đều có thể ngoài mặt trận.” Những lời nói của cha đè nặng lên tôi.
Sau khi chiến tranh kết thúc, cha kể lại cho tôi những gì thực sự xảy ra vào tháng 8/1944. Đêm trước một cuộc tấn công, họ được lệnh đặt sở chỉ huy trên núi Magura vào ban đêm. Núi có rừng che phủ, nhưng đỉnh núi lại trọc, nên có thể nhìn rõ triền phía tây. Sở chỉ huy được quyết định đặt ở đây. Trinh sát đi tiếp trong khi cha và lính của mình phải làm việc. Ông để túi giấy tờ và ảnh trên thành chiến hào.
Bất ngờ họ nghe thấy tiếng động và tiếng súng vang lên từ phía dưới. Những người lính tản ra. Bóng tối đã cứu họ. Không một ai bị giết. Đó là một phép màu. Cha tôi nói đùa rằng ông đã được “sinh ra một lần nữa.” Ông viết thư về nhà để chia sẻ niềm vui: Cha còn sống và mạnh khỏe, không có chi tiết.
Vào buổi sáng, khi cuộc tấn công bắt đầu, bộ binh tìm thấy túi của cha tôi trên đỉnh núi. Họ cho rằng ông bị giết khi tấn công đỉnh núi và gửi một số giấy tờ và ảnh về cho gia đình.
Mặc dù vậy, cuộc chiến đã để lại dấu ấn cả đời trong Thượng sĩ
Gorbachev… Một lần, sau một cuộc đột kích mạnh mẽ và đầy rủi ro phía sau phòng tuyến quân thù, dọn mìn và phá hủy đường dây liên lạc của kẻ thù, sau một vài đêm không ngủ, nhóm được nghỉ phép một tuần. Họ rút lui khỏi chiến tuyến vài kilomet và ngủ hết cả ngày và đêm đầu tiên. Trong rừng rất yên lặng, hoàn toàn bình yên. Những người lính nghỉ ngơi thư giãn. Sau đó, do một sự trớ trêu kỳ lạ nào đó, vài chiếc máy bay không chiến ngay trên đầu họ. Cha tôi và người của ông đứng xem. Hậu quả thật kinh khủng. Khi một chiếc máy bay Đức trốn chạy khỏi những chiếc máy bay chiến đấu, nó đã vứt bỏ toàn bộ bom mang theo.
Những quả bom rít lên trong không khí rồi nổ tung. Mọi người lăn xuống đất. Một quả bom lớn rơi gần cha và một mảnh bom lớn cắt phải chân ông. Chỉ một chút xíu nữa là mảnh bom đã cắt đứt chân ông. Nhưng may sao, xương vẫn còn nguyên.
Chuyện xảy ra gần thành phố Kosice ở Tiệp Khắc. Nó chấm dứt cuộc đời chiến trận của cha tôi. Ông được điều trị tại một bệnh viện ở Krakow và sau đó là Ngày Chiến thắng, 9/5/1945.
Chiến tranh là một bi kịch tồi tệ đối với cả đất nước. Nó đã phá hủy nhiều thứ mà khó khăn lắm mới xây dựng được. Những hy vọng về cuộc sống hạnh phúc của con người đã bị hủy hoại. Gia đình tan vỡ, con mất cha, vợ mất chồng và những cô gái trẻ mất đi người yêu.
Những người ra mặt trận chịu phần nặng nề nhất. Cả thế giới mắc nợ những người phụ nữ và đàn ông đó. Cha tôi bị ám ảnh bởi những ký ức này cho đến cuối đời. Ông đã kể nhiều câu chuyện về chiến tranh, trong đó có giai đoạn đầu tuyệt vọng của chiến tranh khi mà không có đủ vũ khí và những người lính thiếu kinh nghiệm chiến đấu.
Gần Taganrog, phần mặt trận của họ được tăng viện: vài ngàn lính thủy của Hạm đội Biển Đen. Những chàng trai trẻ vừa vỡ giọng, họ nói: “Lính đánh bộ các anh, chúng tôi sẽ cho các anh thấy phải chiến đấu ra sao.” Một ngày, phấn khích bởi rượu vodka, những người lính thủy vượt qua giới hạn, lắp lưỡi lê xung phong. Lính Đức đáp lại họ bằng súng máy và súng cối. Hầu hết bọn họ hy sinh trên chiến trường đó. Đất phủ đầy thi thể mặc áo va rơi đen và áo kẻ lính thủy.
Cha tôi tham gia một trận giáp lá cà gần Taganrog. Sau này ông kể về chuyện này. Chỉ có một ý nghĩ trong đầu ông: nó hay mình. Không có bất cứ ý nghĩ nào khác. Bạn đâm, đấm và bắn như một con thú. Không phải ai cũng đủ dũng cảm làm điều đó. Những người đủ dũng cảm phải mất vài giờ để trở lại bình thường. Tôi có thể nhìn thấy cha vẫn thấy khó khăn khi kể lại chuyện đó nhiều năm sau này.
Giống như mọi người, tôi đã trải qua rất nhiều thứ trong những năm chiến tranh. Nhưng mỗi khi câu chuyện đề cập tới chiến tranh, tôi luôn nhớ lại cùng một cảnh tượng đáng sợ. Cuối tháng 2 - đầu tháng 3/1943, tôi, cùng với những đứa trẻ khác đi tim chiến lợi phẩm trong khoảng rừng nằm giữa Privolnoye và ngôi làng Belaya Glina của người Kuban. Chúng tôi phát hiện thấy thi hài của những người lính Hồng quân hy sinh tại đây vào mùa hè năm 1942. Không thể dùng lời lẽ mô tả những gì chúng tôi nhìn thấy: những thi thể đang thối rữa, xương sọ trong những chiếc mũ sắt rỉ sét, những khúc xương bạc phếch thò ra từ những bộ quần áo mục nát. Gần đó là một khẩu súng máy, lựu đạn và hòm đạn pháo. Họ nằm đó, phơi trần trong những chiến hào lầy lội, nhìn chúng tôi qua những hốc mắt đen ngòm.
Những người lính vô danh đó được chôn cất trong một nấm mồ chung.
Chúng tôi không bao giờ nghĩ tới họ như người lạ hay người ngoài. Có một cây cột tháp tưởng niệm khiêm tốn ở trung tâm Privolnoye, trên đó khắc tên những người không trở về từ chiến tranh. Trong số họ có vài người mang họ Gorbachev.
Tôi 14 tuổi khi chiến tranh kết thúc. Tôi vẫn nhìn thấy trước mắt mình bức tranh của ngôi làng bị tàn phá sau chiến tranh. Những túp lều đất sét thay cho nhà, mùi của nghèo khổ và tiêu điều có ở khắp nơi. Thế hệ tôi là thế hệ trẻ em thời chiến. Chiến tranh làm chúng tôi khô héo, để lại một dấu ấn trong tính cách và cách chúng tôi cảm nhận thế giới.
Những gì chúng tôi trải qua thời thơ ấu có lẽ giải thích được phần nào vì sao đó chính là chúng tôi, những đứa trẻ của chiến tranh, là những người quyết định thay đổi cách sống cũ. Chúng tôi, những cậu bé phải chịu trách nhiệm về sự sống còn của gia đình mình và tự nuôi mình, qua một đêm đã trở thành người lớn. Những trải nghiệm làm trái tim đau đớn, những ngã rẽ và bước ngoặt của cuộc đời và thế giới mà chúng tôi đã chứng kiến và có tham gia, ngay lập tức đưa chúng tôi từ trẻ thơ thành người lớn. Chúng tôi tiếp tục tận hưởng cuộc sống như những đứa trẻ, chúng tôi tiếp tục chơi những trò chơi tuổi dậy thì, nhưng sâu thẳm bên trong chúng tôi đã nhìn trò chơi của mình bằng con mắt người lớn.
Đ
Tôi quay lại trường học năm 1944 sau hai năm gián đoạn. Tôi không thực sự nỗ lực học tập. Sau tất cả những gì tôi đã trải qua, học tập có vẻ là chuyện không “nghiêm túc.” Ngoài ra, nói thực lòng, tôi cũng không có quần áo nào mặc được đến trường. Cha viết thư cho mẹ: bán hết mọi thứ, mua quần áo, giày dép, sách vở cho con, anh muốn Mikhail đến trường.
Ông ngoại Pantelei đế thêm: cháu phải học. Để không dài dòng, tôi đến trường vào ngày trước ngày nghỉ lễ 7/11, khi học kỳ một chuẩn bị kết thúc.
Tôi đến lớp, ngồi và nghe giảng, và chẳng hiểu gì. Tôi quên sạch những gì đã học. Không chờ đến hết giờ, tôi về nhà, vứt quyển sách duy nhất tôi có xuống đất và nói với mẹ rằng tôi sẽ không đến trường nữa.
Mẹ bắt đầu khóc, nhặt nhạnh mấy thứ gì đó rồi đi ra ngoài. Buổi tối bà về nhà, không đem theo những thứ bà đã nhặt nhạnh nhưng lại có một chồng sách. Lúc đó tôi vẫn nói mình không muốn đến trường. Nhưng tôi bắt đầu nhìn những quyển sách, sau đó đọc chúng rồi thấy thích: mẹ đã lên giường ngủ còn tôi thì cứ đọc mãi. Tôi nghĩ có gì đó đã xảy ra trong đầu mình tối hôm đó; dẫu sao thì đến sáng tôi thức dậy và đến trường. Tôi kết thúc năm học đó và những năm tiếp theo toàn điểm A.
Viết về những năm tháng đi học, về thầy giáo và học trò trong tôi tràn đầy cảm xúc. Ngôi trường được đặt trong một vài ngôi nhà trong làng mà mục tiêu ban đầu không phải để làm trường học. Trường có rất ít sách giáo khoa, vài tấm bản đồ địa lý và giáo cụ trực quan, những viên phấn được mua đâu đó một cách khó khăn. Và tất cả chỉ có vậy. Phần còn lại là tùy vào giáo viên và học sinh. Không có sách bài tập và tôi dùng những cuốn sách về máy nông cụ của bố tôi để viết. Chúng tôi tự làm ra mực. Trường phải tự cung cấp nhiên liệu nên phải nuôi ngựa và có xe kéo. Tôi nhớ tất cả chúng tôi đã tìm cách cứu lũ ngựa khỏi chết đói vào mùa đông. Lũ ngựa gầy còm đến mức gần như không thể đứng được. Chúng tôi đem rơm rạ từ bất cứ đâu có thể đến cho chúng. Rơm rạ cũng không phải là dễ kiếm vì cả làng đều phải đối mặt với cùng một vấn đề, cứu lũ gia súc của họ. Trong chuồng gia súc của nông trang tập thể còn tệ hại hơn: những bộ xương gia súc chết được mang ra ngoài mỗi ngày.
Các thầy cô của chúng tôi cũng có một cuộc sống khó khăn trong chiến tranh, họ bị lạnh, bị đói và cô đơn. Họ thấy khổ sở. Nhưng bạn phải kính phục họ: kể cả những lúc đó họ vẫn cố gắng hoàn thành trách nhiệm của mình và cố hết sức - chỉ có thể đoán được họ phải nỗ lực đến mức nào. Cứ tiếp tục như vậy, trong vài năm đất nước lại có được những chuyên gia mình đang cần từ nguồn cung cấp thiếu thốn như vậy.
Tôi nhớ một chi tiết. Sau khi lành vết thương và chiến tranh dã kết thúc (mùa hè năm 1945) cha tôi được Quân đội cử đến một nơi gần chỗ chúng tôi sống và ông xin phép được về thăm gia đình hai ngày. Ông được phép. Chúng tôi gặp nhau.
Nó giống thế này. Tôi ngồi trong sân đang làm công việc thủ công gì đó. Ai đó la lên: “Misha, bố về kìa.” Bất ngờ quá làm tôi ngây người. Tôi lao đến với ông.
Chúng tôi dừng lại cách nhau mấy bước và nhìn nhau. Cha đã thay đổi rất nhiều: ông mặc bộ quân phục với huân chương trên ngực, còn tôi thì đã lớn. Nhưng điều quan trọng nhất là cha đã thấy tôi gầy gò đến mức nào, ông thấy bộ quần áo tự cắt may và ông đã thốt lên những lời đầy cay đắng đến mức chúng khắc sâu vào ký ức tôi: “Chiến tranh đã gây ra thế này đây.”
Trường làng của chúng tôi dạy đến lớp tám. Vài năm trước người ta xây một ngôi trường trung học hiện đại ở Privolnoye. Nhưng khi đó tôi phải đến trường trung học ở trung tâm huyện để học hết lớp 9 và lớp 10. Tôi thuê một phần của một căn hộ tư nhân, như những đứa trẻ khác đến từ làng tôi. Tuần một lần tôi đi bộ về nhà lấy thực phẩm. Vậy là trong những năm trung học tôi đã khá độc lập. Không ai giám sát tôi học hành. Tôi được
coi như đủ lớn để tự thực hiện nhiệm vụ của mình không cần ai can thiệp. Chỉ có một lần trong những năm đó tôi thuyết phục được cha đi họp phụ huynh ở trường.
Tôi vui sướng học tập. Tôi đắm chìm trong sự tò mò và muốn khám phá mọi thứ thật sâu. Tôi thích toán lý. Tôi cũng khoái lịch sử và đặc biệt là văn học.
Nhà báo thường hỏi tôi ai là người có ảnh hưởng lớn nhất với tôi. Tôi có những câu trả lời khác nhau trong những tình huống khác nhau. Một lần tôi bất ngờ nói: văn học Nga. Suy nghĩ lại tôi tin rằng đúng là như vậy.
Hồi vẫn còn ở Privolnoye, tôi mượn bộ Belinsky toàn tập mới từ thư viện làng. Tôi bị chấn động tinh thần. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Khi tôi đi Moskva học, họ tặng tôi cuốn sách vì tôi là người đầu tiên trong làng được vào Đại học Moskva.
Cuốn sách đó giờ đang nằm trước mặt tôi: “Duyệt in ngày 28/12/1946. Số bản in 100.000 bản.” Tôi nhìn những ghi chú của mình khi còn học lớp 7 và lớp 8. Khi đó tôi tầm 16, 17 tuổi. Tôi thấy điều gì thú vị? Từ những ghi chú, tôi thấy mình đặc biệt bị thu hút bởi những đánh giá triết học của nhà phê bình. Lời kêu gọi dũng cảm đối diện với thực tế của Belinsky trong bài báo “Đau khổ vì trí tuệ” đã hằn sâu vào ký ức tôi.
Và tất nhiên như mọi người Nga, tôi đọc Pushkin, Lermontov, Gogol và sau đó là Tolstoy, Dostoyevsky và Turgenev. Thời thanh niên, tôi bị mê hoặc bởi chủ nghĩa lãng mạn cao thượng của Lermontov. Sau đó tôi đọc Mayakovsky và Yesenin. Tôi vẫn không ngừng ngạc nhiên sao những người thanh niên còn rất trẻ này lại có thể có được sự hiểu biết sâu sắc đến thế về con người trong những tác phẩm của mình.
Trong những năm tháng đó mọi người đều tham gia đóng kịch nghiệp dư hay chơi thể thao, cho dù hầu như không có cơ sở vật chất cho cả hai môn. Tôi không chỉ tham gia vào tất cả các buổi trình diễn và thi đấu mà còn tổ chức chúng với tư cách Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản (Komsomol). Phòng thể thao của trường, thậm chí hành lang cũng được dùng làm sân khấu. Vì sao chúng tôi lại bị thu hút bởi những hoạt động nghiệp dư này? Tôi nghĩ nó liên quan nhiều đến mong muốn được giao tiếp với bạn đồng lứa. Khi đó chúng tôi đã sang tuổi 18 hoặc 19. Có thể một phần vì đó là mong muốn được thỏa mãn bản thân bằng cách làm gì đó khác thường. Có lẽ sở thích này trở nên phổ biến như vậy ở trường vì phải xếp hàng để được gia nhập nhóm kịch. Chúng tôi đã đóng những vở kịch nào? Không giống các đội kịch chuyên nghiệp của nhà hát, chúng tôi chưa bao giờ phải băn khoăn liệu mình có xứng với những vở kịch đó hay không? Chúng tôi đóng những vở kịch của mọi thời đại, tất nhiên hầu hết là của Nga. Bạn có thể hình dung ra kết quả, nhưng chúng tôi không có gì phải lo sợ và chúng tôi không phải trải qua những cơn đau đớn “sáng tạo” nào. Một điều tôi có thể nói chắc chắn là chúng tôi đã chơi hết mình. Rõ ràng là chúng tôi đã làm được điều gì đó, vì cả người lớn cũng đến xem những vở diễn của chúng tôi. Một lần nhóm kịch của chúng tôi đi lưu diễn ở những làng khác trong vùng có bán vé. Tiền thu được chúng tôi mua giày dép và quần áo cho 35 bạn không có gì mặc đến trường.
Dần dần, nhóm kịch của chúng tôi trở nên nổi tiếng ở Stavropol, và một ngày đẹp trời những nghệ sĩ từ nhà hát kịch khu vực đã đến xem chúng tôi diễn mà không báo trước. Chúng tôi diễn vở Vũ hội hóa trang của Lermontov và thể hiện tài năng của mình. Các nghệ sĩ đã khen ngợi chúng tôi và có một số nhận xét. Tôi vẫn nhớ một trong những nhận xét ấy: họ
thích sự nhiệt tình mà chúng tôi thể hiện khi diễn đoạn đối thoại giữa các nhân vật chính trong vở kịch của Lermontov, Arbenin và Zvezdich, nhưng họ khuyên chúng tôi không nên tóm tay áo nhau vì trong xã hội thượng lưu, những đối đầu kiểu đó thường xảy ra dưới hình thức khác (Hừm).
B
Trong khi đó cuộc đời thực đã xâm nhập vào cuộc sống của từng người, tôi cũng vậy. Cha tôi được giải ngũ cuối năm 1945. Ông trở lại làm nghề lái máy gặt đập liên hợp tại Trạm Ô tô Máy kéo (MTS). Từ năm 1946 tôi dành cả mùa hè làm trợ lý cho ông. Ở Privolnoye, nơi trường học cách nhà chỉ 2 cây số, sau khi học xong tôi thường ghé qua chỗ ông ngoại Pantelei ở giữa làng, thay bộ áo liền quần và chạy đến MTS để giúp cha chữa máy gặt đập liên hợp.
Buổi tối chúng tôi cùng nhau về nhà. Khi viết về điều này tôi thấy xúc động. Và sau đó là vụ thu hoạch ngũ cốc. Từ cuối tháng 6 đến hết tháng 8 chúng tôi phải làm việc xa nhà. Kể cả lúc việc thu hoạch bị tạm ngừng vì mưa thì chúng tôi vẫn ở lại ngoài đồng, chữa máy và chờ thời tiết tốt. Tôi trò chuyện nhiều với cha trong những ngày “rỗi rãi” như thế. Chúng tôi nói chuyện cuộc sống và công việc - mọi thứ. Mối quan hệ của chúng tôi không chỉ là tình cha con, mà còn là mối quan hệ của những người đồng nghiệp. Cha tôn trọng tôi: chúng tôi là những người bạn thực sự.
Cha tôi được coi là một công nhân lành nghề và ông đã dạy tôi nhiều bí quyết nghề nghiệp. Trong vòng hai-ba năm tôi đã học được cách cân chỉnh tất cả các bộ phận của máy. Tôi đặc biệt tự hào vì giờ chỉ cần nghe tiếng động cơ có thể phát hiện máy gặt đập bị sự cố. Tôi cũng rất tự hào vì có thể trèo lên máy từ mọi phía trong khi nó đang di chuyển, thậm chí từ phía lưỡi
hái đang kêu rít và trục đang quay.
Nói vận hành một chiếc máy gặt đập là một công việc khó khăn thì chưa đủ. Đó là một công việc mệt nhọc: chúng tôi làm việc 14 tiếng, đôi khi 20 tiếng một ngày cho đến khi hoàn toàn kiệt sức. Và nếu thời tiết đủ khô ráo để đập lúa thì đó là một cuộc chạy đua với thời gian: chúng tôi làm việc không ngừng nghỉ, thay nhau cầm lái mà không dừng máy. Nóng bức? Đấy vẫn chưa là gì: đó thực sự là địa ngục, bụi bặm và những tiếng va đập liên hồi của các cấu kiện kim loại. Ai nhìn chúng tôi thì cũng chỉ thấy mắt và răng. Phần còn lại bị bụi trộn lẫn mồ hôi và nhiên liệu phủ kín. Đó là những chiếc máy gặt đập. Đôi khi sau 15 hay 20 tiếng làm việc tôi ngủ gật sau tay lái. Trong những năm tháng đó tôi thường bị chảy máu cam. Ở tuổi 15 - 16 các cậu bé thường tăng cân và khỏe mạnh lên. Trong lúc tôi khỏe lên thì tôi thường sụt đi ít nhất năm cân vào mỗi vụ thu hoạch.
Việc làm nông rất vất vả. Nhưng nó lại không giúp gia đình người nông dân giàu có. Mảnh đất phần trăm bé nhỏ của chúng tôi giúp chúng tôi sống sót. Ở đó chúng tôi trồng mọi thứ rau quả, nhưng không được giữ lại hết vì mỗi hộ gia đình phải đóng các loại thuế khác nhau và phải giao nộp một phần sản phẩm cho nhà nước.
Nhiều năm sau, khi tôi đọc các báo cáo về chính sách nông nghiệp, tôi thường phải cố gắng kiềm chế không bật ra những câu từ nặng nề, vì tôi đã biết cuộc sống và công việc của người nông dân là thế nào.
Gia đình chúng tôi còn khá hơn một chút so với những gia đình khác, vì thợ lái máy gặt đập liên hợp được trả công bằng tiền mặt và hiện vật. Thực ra thì tiền công thực sự là tệ hại: chúng tôi phải bán nông phẩm thu được từ ruộng phần trăm để mua quần áo hay vật dụng gia đình. Để làm việc đó
chúng tôi phải đến Rostov, Stalingrad hay Shakhty. Không có gì đáng ngạc nhiên là mọi thứ đều thiếu thốn. Thậm chí vào mùa gặt thức ăn được đem ra đổng cho chúng tôi ăn vẫn thiếu. Nhưng nếu bạn gặt được 30 hecta trong 24 tiếng bạn sẽ được một “túi hàng.” Trong túi hàng có vài thứ đặc biệt: bánh pho mát, một khúc thịt luộc, một hũ mật và hai chai vodka nửa lít. Tôi không quan tâm đến vodka, nhưng “túi hàng” thực sự là tuyệt vời. Và đôi khi, mẹ đem đến cho chúng tôi đủ loại đồ ăn nhà làm, và khi đó thực sự là đại tiệc.
Còn vodka, đôi khi người trong tổ lao động của chúng tôi còn đùa ác. Chuyện xảy ra năm 1946. Vụ thu hoạch đã kết thúc và những người lái máy quyết định ăn mừng kết quả của vụ thu hoạch đầu tiên sau chiến tranh: mùa màng không được tốt lắm, nhưng dẫu sao thì công việc cũng đã kết thúc. Họ mua vodka và một ít cồn nguyên chất. Họ ngồi trong cabin, ăn uống trò chuyện. Những người đàn ông trong tổ chúng tôi khỏe mạnh, và tuy còn trẻ nhưng họ cũng đã từng trải qua chiến tranh. Cha tôi 37 tuổi. Tôi là người trẻ nhất, khi đó mới 15. Tôi ngồi ăn và nghe chuyện.
Tới một lúc, anh trưởng nhóm quay sang tôi bảo: “Sao cậu chỉ ngồi mà không uống gì? Thu hoạch xong rồi. Nào, giờ là lúc cậu thành đàn ông thực thụ đấy.” Tôi liếc nhìn cha: ông không nói gì, chỉ cười. Họ đưa cốc cho tôi: tôi nghĩ đó là vodka nhưng hóa ra là cồn nguyên chất. Uống cồn cần phải có kỹ thuật: trước hết phải thở ra rồi uống hết, và trước khi lấy hơi phải uống nước lạnh để đưa nó xuống. Tôi không biết phải làm như thế. Mọi người cười rũ rượi, nhất là cha tôi. Bài học tôi không bao giờ quên: từ đó tới nay tôi chưa từng thích uống vodka. Đáp lại, chúng tôi chơi khăm anh tổ trưởng. Chúng tôi rót cồn vào một cốc và thay vì rót nước vào cốc kia chúng tôi cũng rót cồn. Anh tổ trưởng thở ra, uống cạn cốc đầu
tiên, rồi cốc thứ hai. Mọi người lại rộ lên cười. Nhưng anh không hề nhăn nhó. Anh là một người mạnh mẽ. Nhìn chung họ là những người bạn rất tốt. Họ giúp đỡ nhau vì cuộc sống thật khó khăn. Và họ có thể làm việc tốt.
Khi trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô (КПCC), mỗi khi về thăm nhà tôi luôn gặp những người tôi đã cùng làm việc, với những người lái máy kéo và máy gặt đập liên hợp, giờ đều đã già đi rất nhiều. Chúng tôi gặp nhau không cần nghi lễ gì, như những người bạn tốt, những người có thể nói thẳng thắn với nhau về bất kỳ điều gì. Tổ máy kéo đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn tôi. Tôi luôn quý trọng những con người này cho tới tận bây giờ. Nhưng không ai trong số họ còn sống.
Chi phí trồng lương thực trong những năm đó rất cao. Năm 1946 mất mùa. Vụ lúa mì của đất nước bị hạn hán tấn công. Theo thống kê chính thức, năm đó chỉ thu hoạch được 36,9 triệu tấn hạt, so với 95,7 triệu tấn năm 1940 trước chiến tranh. Bi kịch của tình hình là rõ ràng. Nhiều khu vực lại một lần nữa rơi vào nạn đói.
Vùng Stavropol cũng bị mất mùa. Vào mùa xuân năm 1947 chúng tôi đón nhận dòng người đến tư Stalingrad, bị cơn đói cuốn đi. Họ tìm cách trao đổi mọi thứ mình có đế lấy ngũ cốc. Nhưng chúng tôi không có gì nhiều để cho: chúng tôi cũng phải vất vả để qua ngày. Dẫu sao thì chúng tôi vẫn cho họ chút ngũ cốc.
Năm 1947 là một năm tốt hơn cho đất nước: đã thu hoạch được 65,9 triệu tấn ngũ cốc. Ngay sau chiến tranh, người dân được hứa hẹn là chế độ khẩu phần lương thực sẽ được bãi bỏ sau một năm. Do đợt hạn hán năm 1946, chế độ khẩu phần lại bị kéo dài thêm một năm nữa. Cho đến tháng 12/1947 chế độ này mới bị bãi bỏ. Đó là chuyện đáng để ăn mừng, nhưng
chúng tôi không có nhiều lý do để vui. Vùng Stavropol lại bị mất mùa thêm lần nữa. Bằng cách nào dó chúng tôi qua được mùa đông. Toàn bộ hy vọng của chúng tôi đặt vào vụ mùa năm 1948. Nhưng sau đó, vào tháng 4, bão cát, bạn đồng hành của hạn hán, lại tấn công khu vực. “Lại rắc rối nữa rồi,” cha nói. Năm thứ ba liên tiếp sau chiến tranh. Nhưng vài ngày sau, những cơn mưa ấm áp bắt đầu rơi. Một ngày, hai ngày, ba ngày vẫn tiếp tục mưa. Mùa màng tươi tốt.
Đó là vụ mùa thực sự đầu tiên. Nông trang tập thể của chúng tôi thu hoạch trung bình 10 tấn một hecta, một kết quả chưa từng có sau những năm mất mùa. Theo Nghị định 147 của Soviet Tối cao Liên Xô, nếu bạn sản xuất được 450 tấn lương thực bằng máy gặt đập liên hợp, bạn sẽ được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động XHCN, nếu bạn thu hoạch được 360 tấn, bạn được tặng thưởng Huân chương Lenin. Cha và tôi thu hoạch được 400 tấn. Cha được tặng thưởng Huân chương Lenin còn tôi được Huân chương Lao động Cờ đỏ. Khi đó tôi mới 17 tuổi và đó là phần thưởng quý báu nhất của tôi cho tới bây giờ. Thông báo về phần thưởng đến vào mùa thu. Một cuộc họp của trường được triệu tập để đánh dấu sự kiện này. Tôi chưa bao giờ trải qua chuyện gì tương tự: tôi rất ngượng, nhưng rất hạnh phúc. Tôi có bài phát biểu trước công chúng đầu tiên.
Năm 1948, cho dù không hoàn toàn hạnh phúc nhưng vẫn là năm may mắn cho gia đình tôi. Đó cũng là một năm may mắn cho đất nước. Năm đầu tiên sau chiến tranh không có tem phiếu. Dù giá lương thực và hàng tiêu dùng đã tăng vài lần sau khi chế độ tem phiếu bị bãi bỏ, nhưng có cảm giác là cuộc sống đang dần trở lại bình thường.
Ngày 7/9/1947, khi tôi 16 tuổi cậu em trai tôi được sinh ra. Tôi còn nhớ cha đã đánh thức tôi vào buổi bình minh và bảo tôi chuyển sang chỗ khác.
Tôi làm theo và lại ngủ tiếp. Khi tỉnh dậy cha nói rằng giờ tôi đã có em trai. Tôi đề nghị đặt tên em là Alexander. Và như vậy từ năm 1948 trở đi thực sự là tôi sống xa gia đình. Em trai tôi lớn lên, hưởng tất cả sự chăm sóc và tình yêu mà cha mẹ có thể dành cho em. Tuổi thơ và tuổi trẻ của em khác của tôi. Tất cả những điều đó đã ảnh hưởng đến tính cách và thái độ của cậu ấy với cuộc sống. Cuộc sống của Alexander khác với tôi: có vẻ như mọi thứ đơn giản và dễ dàng hơn với cậu ấy. Tôi không vui lắm với chuyện đó, và tôi cố gắng thể hiện thái độ của riêng mình với cậu ta. Tôi đạt được thành công nhất định. Alexander trở thành một quân nhân.
Trong chiến tranh người ta nhận ra rằng cần bảo vệ đất đai và tổ quốc của mình, và họ nghĩ rằng một khi chiến thắng trong chiến tranh chúng tôi sẽ sống hạnh phúc. Nhưng không có nhiều thay đổi sau khi chiến tranh kết thúc, nhất là trong những năm đầu tiên. Lại quay về với công việc vất vả, lại là ước mơ một ngày nào đó chúng tôi sẽ xây dựng và khôi phục lại mọi thứ và cuối cùng sẽ được sống cho ra con người. Hy vọng tạo cảm hứng cho những công việc khó khăn vất vả nhất, mang lại cho nó ý nghĩa và giúp mọi người chịu đựng được khó khăn.
Ai cũng biết rằng thứ tôi luyện sức mạnh tốt nhất cho một con người là đấu tranh chống lại gian khổ, khi thiếu thốn tất cả những thứ cần thiết nhất cho cuộc sống, khi mọi thứ chống lại bạn và bạn phải bắt đầu từ con số không. Tôi đã trải qua điều này. Tôi không có gì phải hối tiếc khi quá nhiều sức lực của những năm tháng tuổi trẻ đã phải dành cho việc vượt qua “những hoàn cảnh khó khăn.” Sự vất vả trong những năm mới lớn của tôi và cuộc tranh đấu hằng ngày đã tôi luyện tính cách tôi. Ý tôi nói đến những khó khăn thử thách tính cách của bạn. Bởi vì bản chất thực sự của một con người, giá trị thực sự của anh ta, được thể hiện không phải trong những
tháng ngày chiến thắng và thành công mà trong những tháng ngày thử thách. Trong thời gian đó có đủ mọi thứ: vất vả, niềm vui, nỗi buồn và hy vọng. Đó là sự mâu thuẫn nội tại của cuộc đời. Ngày nay những ai nghiên cứu lịch sử cần phải biết đặt mọi thời kỳ và mọi sự kiện vào bối cảnh rộng lớn hơn. Nếu không bạn không thể hiểu được những sự kiện hay con người của thời kỳ đó.
Nhìn lại, tôi ngày càng tin rằng cha tôi và ông ngoại Pantelei, tinh thần trách nhiệm của họ, cuộc sống, hành vi và thái độ của họ đối với công việc, gia đình và đất nước đã có ảnh hưởng rất lớn đến tôi và nêu một tấm gương đạo đức. Cha tôi, một nông dân bình thường, có đầu óc thông minh, ham học hỏi và nhân văn. Điều đó làm ông khác với những người khác trong làng. Mọi người kính trọng và thường nói về ông rằng “ông là người đáng tin cậy.” Trong những năm tuổi trẻ tôi không chỉ có tình cảm cha con đơn thuần với ông: tôi thấy mình gắn bó với ông. Càng lớn tôi càng ngưỡng mộ cha mình hơn. Điều làm tôi ngạc nhiên là mối quan tâm không mệt mỏi của ông với cuộc sống. Ông quan tâm đến những vấn đề của đất nước mình và các nước khác.
Những cuộc gặp gỡ của chúng tôi thường biến thành các cuộc hỏi đáp. Năm tháng qua dần, tôi ngày càng phải trả lời nhiều hơn. Chúng tôi đã đổi chỗ cho nhau. Điều nữa làm tôi khâm phục ông (như tôi đã từng viết) là thái độ của ông với mẹ. Nó không phô trương, cũng không tinh tế: trái lại, đó là thái độ trầm lặng, giản đơn và ấm áp. Nó không phải là biểu hiện của đam mê, mà là chân thành. Cha tôi ngay từ đầu đã thích Raisa và lúc nào cũng vui mừng khi gặp cô ấy. Và ông rất quan tâm đến những nghiên cứu triết học của Raisa. Tôi nghĩ bản thân từ “triết học” đã thôi miên ông rồi. Cả cha và mẹ đều vui mừng khi cháu nội Irina ra đời. Con bé đã có nhiều
mùa hè ở với họ. Irina thích cưỡi xe hai bánh chạy trên đồng, ngồi cạnh ông nội, để cắt cỏ và ngủ đêm ngoài thảo nguyên.
Tin cha tôi bệnh nặng đến với tôi ở Moskva khi tôi lên dự Đại hội 25 КПCC. Raisa và tôi ngay lập tức bay về Stavropol và từ đó đi xe về Privolnoye. Cha tôi nằm trong bệnh viện làng, ông đã bất tỉnh. Chúng tôi không kịp nói lời chia tay. Tay ông siết chặt tay tôi, nhưng đó là tất cả những gì ông có thể.
Cha tôi, Sergei Andreyevich Gorbachev mất vì xuất huyết não cấp. Ông được chôn cất ngày 23/2/1976, ngày Quân đội Soviet. Đất mẹ Privolnoye, nơi ông sinh ra, được ông cày cấy, trồng trọt và thu hoạch mùa màng, nơi ông đã không tiếc thân mình bảo vệ, đã ôm ông vào lòng…
Cả cuộc đời mình ông lo toan cho những người ông yêu quý, ông ra đi mà không làm phiền đến ai vì căn bệnh của mình. Đáng tiếc là cuộc đời ông quá ngắn ngủi. Năm 1995 chúng tôi chôn Maria Panteleyevna, mẹ tôi, bên cạnh cha. Tôi luôn tới thăm họ mỗi khi quay về Privolnoye.
Tôi nhớ lại một cuộc nói chuyện với mẹ rất lâu trước khi bà mất. Chúng tôi ngồi trên ghế dài trước nhà, nơi yêu thích của bà. Bất ngờ, chẳng có gì báo trước, như thể phản hồi lại những ý nghĩ nội tâm, bà nói với tôi:
“Khi mẹ chết, nhớ chôn mẹ cạnh cha nhé.”
Tôi nói: “Ý mẹ là gì, ‘chết’ là sao? Thế còn chúng con thì sao?”
“Đến lúc của mẹ rồi, Misha,” bà cười. “Mẹ tạm biệt cha con đã quá lâu rồi.”
Khi đó đã rất lâu. Nhưng vào những năm cuối đời bà rất yếu: chúng tôi
kết luận rằng bà cần được chăm sóc y tế thật tốt và vì thế chúng tôi phải thuyết phục bà chuyển đến ở với mình. Bà được đưa vào bệnh viện Kremli. Chúng tôi thay nhau đến thăm bà.
Lần cuối đến thăm mẹ, tôi đi một mình, và hai mẹ con đã nói chuyện rất lâu. Chúng tôi chia tay khi đêm đã muộn. Tôi về nhà, tâm trạng phấn khởi và nói mẹ đã thấy tốt hơn. Bà mất lúc 4 giờ sáng ngày hôm sau. Vào giờ phút cuối, các bác sĩ hỏi bà có muốn nhắn nhủ gì tôi không. Bà trả lời: “Nó biết cả rồi.”
C 2
N
M
ột phần lớn cuộc đời tôi gắn với Đại học Tổng hợp [Quốc gia] Moskva (МГУ)⦾. Cuộc đời tôi có thể sẽ khác đi nếu không có trường đại học. Tôi không nghi ngờ gì chuyện đó. Không có kiến thức thu nhận được ở đây, không có kinh nghiệm sống ở thủ đô với tài sản văn hóa và tinh thần khổng lồ của nó, quỹ đạo cuộc đời tôi có thể sẽ khác.
Tôi tốt nghiệp phổ thông năm 1950 với Huy chương Bạc. Tôi 19, tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự và tôi đã chuẩn bị sẵn tư tưởng. Tôi nhớ lại cuộc nói chuyện với cha sau khi tan trường.
“Con sẽ làm gì: lên đại học hay chúng ta lại tiếp tục làm việc cùng nhau?”
“Con sẽ thử.”
Trên thực tế tôi đã quyết tâm tiếp tục học tập. Đó là suy nghĩ chung của nhiều người bạn cùng lứa với tôi. Gấn như tất cả học sinh tốt nghiệp ở hai lớp trong trường trung học của chúng tôi đều vào đại học.
Và điều đó cũng dễ hiểu nếu tính đến việc đó là thời gian đất nước bắt
đầu hồi phục và xây dựng. Khắp nơi thiếu kỹ sư, nhà nông nghiệp, bác sĩ và giáo viên. Toàn bộ các lớp trong trường phổ thông đều lên đại học.
M МГУ
Như tôi đã nói, tôi thích toán, lý, lịch sử và văn học… Tôi nộp đơn đến Trường Bauman, Đại học Năng lượng và Đại học Thép. Mọi người có thể nghĩ rằng kinh nghiệm trước đó của tôi từng làm việc với máy móc có thể sẽ dẫn tôi lựa chọn nghiên cứu trong lĩnh vực đó. Nhưng sau khi suy nghĩ cẩn thận tôi quyết định chọn khoa Luật của МГУ. Tôi nộp đơn cho ban tuyển sinh và chờ đợi. Thời gian cứ trôi qua và không có phản hồi.
Trong khi đó tôi tiếp tục làm thợ lái máy gặt đập liên hợp. Khi bắt đầu lo lắng vì không có trả lời của trường, tôi xin phép cha ra bưu điện và gửi điện trả trước tới khoa Luật МГУ để hỏi tình hình. Câu trả lời đến rất nhanh: “Anh được nhận và có chỗ ở trong ký túc xá.”
Nói cách khác, tôi được nhận thẳng mà không phải phỏng vấn, chứ không đến chuyện thi cử. Rõ ràng điều quyết định mọi chuyện là “xuất thân công nông” của tôi, kinh nghiệm làm việc của tôi, chuyện tôi đã là cảm tình đảng và đương nhiên vì tôi được tặng thưởng huân chương nhà nước. Cũng có thể vì tôi là người tích cực trong cuộc sống cộng đồng: tôi là Bí thư Komsomol ở trường và ủy viên Huyện đoàn. Dẫu sao thì tôi là người phù hợp để “tối ưu hóa” cơ cấu xã hội của lực lượng sinh viên. Đã từng có thời như thế.
Tôi tràn đầy vui sướng. Nỗi vất vả thể chất khi làm thợ lái máy gặt đập liên hợp không còn làm tôi quan tâm. Câu nói cứ liên tục lặp lại trong đầu tôi là, “ta là sinh viên МГУ.” Cũng đáng nói một chút về chuyến đi
Moskva của tôi. Ở tuổi 20, đó là lần đầu tiên tôi đi tàu. Trước đó tôi chưa từng ra khỏi vùng Stavropol. Chuyến đi bắt đầu bằng một cuộc phiêu lưu. Cha và tôi vẫy xe đến ga Tikhoretskaya. Ông đưa tôi lên tàu và chỉ ra về cho tới khi thấy hài lòng là tôi đã có một chỗ ngồi trong toa hạng ba. Chúng tôi đã quá xúc động khi nói lời tạm biệt đến mức cha quên đưa tôi vé.
Tôi phát hiện ra mình đi tàu không có vé, và chẳng bao lâu nhân viên soát vé xuất hiện. Tôi không biết chuyện gì sẽ đến với tôi nếu tất cả hành khách đi cùng không đứng về phía tôi và cho nhân viên soát vé một bài giảng: “Bố câu ta đi tiễn, một cựu chiến binh ngực đầy huy chương: anh nghĩ anh đang làm trò gì thế hả?” Nhân viên soát vé phải rút lui, nhưng anh ta vẫn bắt tôi phải mua vé đến Moskva từ bến sau. Đó là khoản chi tiêu ngoài dự kiến. Nhưng không còn lựa chọn nào khác. Đó là cách hành trình từ Privolnoye đến Moskva và ngược lại của tôi bắt đầu.
Lần đầu tiên tôi tiếp chuyện với nhiều người như thế. Có rất nhiều ăn xin trên tàu, vài người trong số họ là người tàn tật. Người ta không động đến họ vì mỗi khi nhân viên soát vé tìm cách “thực thi trật tự” thì hành khách đứng lên bảo vệ họ. Khi đó chiến tranh mới chấm dứt được vài năm.
Trên đường đi Moskva và trở về tôi ghé thăm Rostov, Kharkov, Voronezh, Oriol và Kursk. Khắp nơi là những đống đổ nát, những vết sẹo của sự phá hoại khủng khiếp do chiến tranh để lại. Đôi lần tôi bắt tàu đi Moskva qua Stalingrad. Tôi cố tình làm thế vì tôi có thể đến đó vào buổi sáng và đi Moskva buổi chiều hoặc đêm. Tôi đi bộ trong thành phố, trèo lên đồi Mamayev và thăm những địa danh nơi xảy ra những trận đánh ác liệt. Mặc dù chiến tranh đã chấm dứt nhiều năm nhưng mặt đất vẫn đầy mảnh đạn. Tôi nhặt mấy mảnh và giữ chúng trong một thời gian dài sau đó. Một
điểm đến khác trong thành phố bị tàn phá nhưng không khuất phục này là một rạp chiếu phim lớn tên là Pobeda (Chiến thắng). Nếu còn thời gian, tôi đã đến rạp chiếu phim này.
Nhưng quay lại chuyến đi đầu tiên của tôi đến thủ đô. Trên đường, cứ khi nào tàu dừng thì dân địa phương lại lên bán cho chúng tôi súp chua, dưa chuột muối và khoai tây luộc còn bốc khói. Tôi không cần gì cả vì mẹ đã chuẩn bị đủ thức ăn cho tôi. Nhưng hành khách, những người muốn có hai ba chén trong bữa trưa, thường mua dưa chuột và bắp cải muối.
Tất cả những điều đó in vào ký ức tôi, và tôi lại cảm nhận được những cảm xúc xưa cũ khi kể lại câu chuyện. Rõ ràng nếu có điều gì đó lần đầu tiên xảy ra trong cuộc đời một người - nhất là nếu đó là điều gì đó đáng kể - điều đó sẽ đọng lại trong ký ức người đó mãi mãi.
Tôi gửi va li ở phòng gửi đồ của nhà ga tại ga Kazansky và đến trường trên phố Mokhovaya. Tôi bị choáng ngợp với Moskva. Những người qua đường chỉ đường cho tôi tới trường. Trải nghiệm đầu tiên của tôi về tàu điện ngầm vừa thú vị vừa buồn cười, vì lần đầu tiên thử bước lên thang cuốn tôi thấy thật là dễ ngã. Nhớ lại, chuyện buồn cười vì tôi đi thang cuốn mà không buồn nhìn nó. Và không chỉ ở Moskva, mà trong các chuyến đi khắp thế giới của tôi. Nhưng mà khi đó…
Tôi được mời đến văn phòng của chủ nhiệm khoa Luật trước khi bắt đầu học. Tôi nghĩ chắc họ chỉ muốn xem tôi là ai. Tôi được nhiệt liệt chào đón ở khoa Luật và họ nói tôi biết mọi thứ tôi cần biết. Tôi chép thời khóa biểu và đọc tất cả các thông báo cho sinh viên năm thứ nhất. Tôi ghi chép. Tôi phải đến ký túc xá trên phố Stromynka nơi có vài nhà báo xuất hiện và đề nghị tôi đi với họ mấy phút. Chúng tôi lên Quảng trường Manezh, ở đó
một nhóm sinh viên năm thứ nhất đang tụ tập. Họ chụp ảnh chúng tôi trên nền Quảng trường Manezh và Điện Kremli. Bức ảnh được đăng trên tờ Sự thật Thanh niên (Komsomolskaya Pravda) xuất bản ngày 1/9. Tôi giữ nó như một kỷ vật đánh dấu khởi đầu cuộc sống mới của tôi.
Điều mới mẻ nhất với tôi có lẽ chỉ là sống sao ở thủ đô: có quá nhiều thứ mới lạ. Tôi xuất thân từ một làng quê không có điện, không có radio hay điện thoại, nơi màn đêm phương Nam ập xuống bất ngờ, nơi những vì sao to như đèn đường và nơi mà không khí mùa xuân hay mùa hè tràn ngập mùi hoa, cây cối và vườn tược. Rồi bỗng nhiên, tiếng ồn ào của tàu điện, đêm sáng ánh đèn điện và những đám đông. Phải mất một thời gian mới quen được với những chen lấn hối hả của Moskva. Tôi viết những dòng này và suy nghĩ: phải, đúng thế, nhưng chẳng có gì so sánh được với phố thời nay, kẹt cứng xe cộ và những dòng người.
Một người có thể có ấn tượng rằng những ngày đó con người còn có giá trị nhất định nào đó, trong khi đó ngày nay họ bị quấy nhiễu bởi đủ mọi sự bất tiện. Nó khiến người ta muốn tìm lối thoát. Và mọi người trốn chạy khỏi thành phố, quay về với những vùng quê nơi họ được sinh ra. Nhân tiện, những thành phố lớn trên khắp thế giới cũng đã thấy điều đó xảy ra khi số dân của họ bắt đầu giảm. Nhưng không phải nơi nào cũng như nhau. Thành phố Mexico đang mở rộng: 1/3 dân số cả nước sống ở đó hoặc vùng ngoại ô. Và khi bạn đi tàu cao tốc từ Tokyo đến Kyoto, bạn có tưởng rằng Tokyo không bao giờ kết thúc: khắp nơi đều có người sinh sống.
Trước tiên tôi phải học cách đi từ ký túc xá đến Sokolniki, ga tàu điện ngầm gần ký túc xá МГУ trên phố Stromynka nhất, và từ Sokolniki tới ga Okhotny Ryad. Sau đó tôi bắt đầu khám phá Moskva với những người bạn cùng lớp. Không khí trong khóa chúng tôi, và nhất là trong các nhóm sinh
viên thật tuyệt vời, rất thân thiện. Mọi thứ với tôi đều mới: Quảng trường Đỏ, Điện Kremli, Nhà hát Lớn, nơi tôi xem vở opera và vở ba lê đầu tiên của mình, Bảo tàng tranh Tretyakov, Bảo tàng mỹ thuật Pushkin, chuyến đi tàu thủy đầu tiên của tôi dọc sông Moskva, một chuyến đi qua vùng Moskva, lần đầu tiên tham gia diễu hành nhân ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười. Lần nào tôi cũng cảm thấy niềm hạnh phúc của sự khám phá.
Mặc dù vậy ký ức của tôi vẫn quay lại nhiều nhất tới tòa nhà có vẻ bề ngoài không mấy hấp dẫn, là nơi đặt ký túc xá ở Sokolniki. Mỗi ngày chúng tôi đi 7 cây số bằng tàu điện ngầm, tàu điện và đi bộ tới trường và quay về. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn chưa biết được hết một nửa thành phố Moskva trong cả 5 năm học ở МГУ. Nhưng tôi sẽ nhớ mãi tất cả những con phố và con ngõ quanh trường, tất cả những hòn đảo trong quần đảo sinh viên quanh khu ký túc xá: rạp chiếu phim Molot trên phố Rusakovskya và Câu lạc bộ Rusakov, mùi hương đặc trưng của quảng trường Preobrazhenskya (không may chỉ còn sót lại rất ít), nhà tắm công cộng cũ trên phố Bukhvostovskaya và công viên Sokolniki. Và tất nhiên là công viên Gorky, nơi tụ tập yêu thích của người dân Moskva.
Tôi nhớ tôi đã biến mình thành trò cười như thế nào ngay sau khi tôi gặp Raisa… Có nhiều trò chơi trong công viên. Một số trò chơi cho bạn cơ hội thể hiện sức mạnh của mình. Tôi khỏe và rất muốn gây ấn tượng với bạn gái của mình. Mọi thứ đều ổn cho tới khi chúng tôi đến chỗ một thiết bị lạ thường mà bạn phải đứng cả hai chân lên đó và nắm lấy tay cầm (giống như một cái bơm đạp chân), nhưng thay vì đạp nó xuống bạn phải kéo nó lên, và cái thiết bị này sẽ đo sức kéo của bạn khỏe đến mức nào. Tôi nhớ là tôi có thể thể hiện cho Raisa thấy mình khỏe như thế nào. Nhưng lưng tôi tê dại và tôi không thể đứng thẳng lên được. Tôi rất ngượng, Raisa
cười rất nhiều còn tôi thì không có tâm trí nào để cùng cười với cô ấy. Cố gắng lắm chúng tôi mới đến được ga tàu điện ngầm.
Khi chúng tôi học năm thứ tư, tôi và những sinh viên khác được chuyển tới tòa nhà mới của МГУ trên đồi Lenin (đồi Vorobyov) và chúng tôi sống trong ký túc xá sinh viên, hai người một phòng. Có đến một hai tuần liền chúng tôi không ra khỏi “căn nhà nông thôn” của chúng tôi, cách gọi của khu học xá mới của trường đại học. Trong ký túc xá trên phố Stromynka, sinh viên năm thứ nhất sống 20 người một phòng, năm thứ hai 11 người và năm thứ ba là 6 người một phòng.
Trong tòa nhà mới có nhà ăn, một quán bar mà ở đó bạn có thể trả vài xu để mua một cốc trà. Bàn nào cũng có đĩa bánh mì và ta có thể mặc sức ăn thỏa thích - và bánh sẽ ngon hơn nếu bạn ăn nó với mù tạt và muối. Có cả hiệu cắt tóc và giặt là, mặc dù chúng tôi thường tự làm vì không đủ tiền. Trường đại học có bệnh viện đa khoa riêng. Với tôi đây là điều mới lạ vì ở làng tôi không có bệnh viện mà chỉ có một trạm y tế. Có thư viện và những phòng đọc rộng rãi, một câu lạc bộ nơi diễn ra tất cả các hoạt động nghiệp dư và thể thao. Đó là một thế giới đặc biệt, một bang hội sinh viên với những luật lệ và quy định bất thành văn của riêng nó.
Giống như mọi sinh viên khác, chúng tôi sống tằn tiện. Trợ cấp của khoa xã hội là 220 rúp, theo thời giá trước năm 1961. Đúng là có lúc tôi có học bổng cá nhân lên đến 580 rúp vì thành tích học tập và hoạt động xã hội. Đó là học bổng mang tên Kalinin. Đến cuối tháng chúng tôi phải rút lại thắt
lưng và sống bằng đậu mua ngoài cửa hàng. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn chi những đồng rúp cuối cùng mua vé xem phim chứ không phải mua thức ăn.
Ngay từ đầu tôi đã thấy thích thú với việc học tập ở trường đại học. Nó
chiếm hết thời gian của tôi và tôi rất hứng thú học tập. Những người bạn Moskva hay trêu chọc tôi vì mọi thứ mới mẻ với tôi đều là những thứ họ đã quá quen thuộc từ những năm học phổ thông. May là, tôi không ngại phải học và tìm hiểu nhiều thứ như vậy. Những người Moskva thường sợ bị coi là ngu ngốc trong chuyện gì đó. Tới năm thứ ba, tôi đã có thể đối đầu được với những người bạn học giỏi nhất trong các cuộc thảo luận của sinh viên.
Giảng viên của chúng tôi là những giáo sư nổi tiếng, phần lớn đều viết sách giáo khoa về ngành luật, mà không chỉ ngành luật. Giáo sư tạo ấn tượng mạnh nhất cho tôi là người dạy môn luật hình sự.
Ông là một giảng viên tuyệt vời. Chúng tôi thấy thích ông ngay từ năm đầu tiên. Đôi khi chúng tôi còn bỏ những giờ giảng khác để tham dự giờ của ông. Nhưng giáo sư của chúng tôi lại có vấn đề về cổ họng, họng ông bị khô khi giảng bài: một loại bệnh nghề nghiệp. Vì thế lúc nào ông cũng phải có một chai nước và một cái cốc trên bàn làm việc của mình, đó là thứ đồ dùng cố định trong tất cả các cuộc họp, tranh luận, bài giảng… Chai nước luôn chỉ còn một nửa vào cuối mỗi bài giảng kéo dài hai tiếng đồng hồ. Nhưng có một lần… Ngay sau khi bài giảng bắt đầu, cánh cửa rít lên và bà lao công bước vào giảng đường và đặt một chai nước với một cái cốc lên bàn giáo sư. Bà đến muộn hơn bình thường một chút. Chúng tôi đang học năm thứ tư và có cảm giác mình là những người giỏi nhất trong Khoa nên thái độ của chúng tôi có hơi thoải mái. Khi người phụ nữ mang theo chai nước xuất hiện, trong giảng đường có một chút nhộn nhạo. Giáo sư nhận thấy có chuyện gì đang xảy ra:
“Các đồng nghiệp, kể cả những bài giảng hay nhất cũng cần có thêm nước.”
Khoảng độ một năm rưỡi chúng tôi học tiếng Latinh dưới sự hướng dẫn của Phó Giáo sư Saketti. Ông là một người đứng tuổi, một thầy giáo thuộc trường phái cổ điển. Ông giảng bài với sự đam mê rất lớn. Trong từng giờ học ông luôn muốn giảng cho chúng tôi nhiều hơn thời gian cho phép. Ông thường vội vàng và thấy căng thẳng khi chúng tôi chưa hiểu điều gì đó hay đặt câu hỏi. Ông như rơi vào trạng thái xuất thần khi đọc những bài phát biểu nổi tiếng của Cicero.
Chúng tôi quý thầy Saketti như một con người và như một giáo viên, và chúng tôi quyết định tặng ông một món quà nhân ngày sinh nhật. Ai đó nói: “Các cậu đã thấy cái cặp mà Giáo sư dùng chưa?!” Đó là một cái cặp da to, cũ kỹ, xộc xệch và méo mó. Chúng tôi nhất trí và đã mua cho ông một chiếc cặp mới to và đẹp. Ông cảm động đến phát khóc.
Tôi tốt nghiệp loại ưu và nhận “bằng đỏ.” Nhưng tôi có hai điểm bốn, thấp hơn điểm cao nhất một điểm, và đó là môn tiếng Latinh. Tôi nhớ Phó Giáo sư Saketti đã phản ứng tuyệt vời như thế nào khi ông thấy tôi được điểm tuyệt đối ở tất cả các môn khác nhưng chỉ được điểm bốn môn tiếng Latinh thay vì điểm năm:
“Đồng chí Gorbachev, sao lại thế?”
“Em không biết. Có thể là do lỗi của thầy đấy.”
Cả hai chúng tôi cười ngất.
Vậy là bảng điểm đi kèm với bằng tốt nghiệp của tôi mang theo những kỷ niệm về Phó Giáo sư Saketti.
Khoa Luật của chúng tôi có gì đặc biệt? Nó có chương trình giảng dạy rộng và phong phú. Tôi cho rằng niềm tự hào của khoa có thể nằm ở các
ngành khoa học lịch sử: lịch sử và lý thuyết nhà nước và pháp luật; lịch sử các học thuyết chính trị, lịch sử ngoại giao; kinh tế chính trị ngang ngửa trình độ được dạy ở khoa kinh tế, lịch sử triết học, chủ nghĩa duy vật biện chứng và lịch sử; logic học; tiếng Latinh và tiếng Đức. Cuối cùng là đầy đủ các môn pháp luật: luật hình sự và dân sự, hình sự học, pháp y và tâm lý, tố tụng hình sự và dân sự, luật quản trị, tài chính, nông trang tập thể, luật hôn nhân gia đình và kế toán. Và đương nhiên là luật quốc tế công và tư, nhà nước và pháp luật ở các nước tư bản chủ nghĩa…
Giáo trình giả định rằng để học các môn pháp luật bạn phải có nền tảng vững chắc về các quá trình kinh tế-xã hội và chính trị hiện đại, do đó bạn cần biết cơ sở của các môn khoa học xã hội khác.
Với tôi, trường đại học là một ngôi đền khoa học, là nơi tập trung của sức mạnh trí tuệ mà dân tộc có thể tự hào, suối nguồn của năng lượng, động lực và sự ham hiểu biết của tuổi trẻ. Ở đây, bạn biết mình được tiếp xúc với nền văn hóa Nga có bề dày nhiều thế kỷ và truyền thống dân chủ của nền giáo dục đại học Nga vẫn tồn tại bất chấp mọi khó khăn trở ngại. Nhiều nhà khoa học nổi tiếng và Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học [Liên Xô, viết tắt là AH CCCP] xem việc được dạy ở МГУ là một vinh dự và giảng bài ở đây. Nhiều người trong số họ lãnh đạo các trường phái khoa học và là tác giả của hàng chục cuốn sách và sách giáo khoa. Những bài giảng của họ mở ra một thế giới mới, những lĩnh vực rộng lớn của kiến thức loài người mà trước đó tôi chưa từng biết, và khắc ghi vào trong chúng tôi tư duy logic khoa học. Thậm chí cả trong những năm khắc nghiệt nhất nhịp sống xã hội vẫn sôi động trong tòa nhà trên phố Mokhvaya. Tinh thần “kiếm tìm sự thực” và sự phê phán lành mạnh vẫn còn, dù đôi khi ẩn dấu dưới bề mặt.
Tất nhiên cũng không nên đánh bóng quá tình hình thực tế ở trường. Ba năm học đầu tiên của tôi là những năm của “chủ nghĩa Stalin hết thời,” một làn sóng mới của sự trả đũa, những chiến dịch không kiềm chế chống lại “chủ nghĩa thành thị mất gốc” và “sự bợ đỡ của phương Tây” và vụ “Các bác sĩ” nổi tiếng.
Bầu không khí mang nặng ý thức hệ. Như ở những nơi khác, xã hội bị thống trị bởi những hình thái chưa từng bị thách thức từ cuốn sách năm 1938 của Stalin về lịch sử Đảng Cộng sản, Lịch sử vắn tắt Đảng Cộng sản toàn liên bang (Bolsheviks) từng được coi là đỉnh cao của tư duy khoa học. Giới lãnh đạo trường đại học và Đảng đã điều chỉnh quá trình học tập nhằm ngăn cản thanh niên suy nghĩ ngay từ tuần đầu, gióng vào đầu họ hồi trống của những giáo điều không thể bác bỏ, bảo vệ họ khỏi ham muốn suy nghĩ độc lập, phân tích và so sánh. Sự khiếm khuyết về ý thức hệ hiển hiện ở những mức độ khác nhau trong các bài giảng, các buổi thảo luận và những cuộc tranh luận giữa các nhóm sinh viên.
Một lần tôi có một nhận xét mang tính phê bình trong một cuộc họp Đảng về cách tiếp cận của một giáo sư khi phân tích vấn đề. Bạn cùng phòng của tôi, một cựu chiến binh và sinh viên lớn tuổi học cùng năm chúng tôi (sau này là giáo sư và là tác giả của nhiều công trình, Valery Shapko) nói: “Cậu phải đừng nói ra những nhận xét của mình lại cho tới khi thi xong chứ.” Tôi coi thường cách tiếp cận quá thực dụng của anh ấy. Nhưng rồi cũng đến lúc đi thi. Tôi bắt đầu trả lời khá tự tin, nhưng giữa chừng tôi trích dẫn sai một cuốn sách. Giáo viên hỏi thi tỏ ra ngạc nhiên. Tôi sửa sai ngay tức khắc, nhưng đã quá muộn.
Nở nụ cười độc ác, ông ta ghi gì đó vào sổ tay của mình và sau đó ngừng nghe tôi trả lời. Khi tôi kết thúc, ông ta nói không cần giấu giếm sự
vui sướng:
“Được rồi, Gorbachev, bốn điểm cứng” và ngay lập tức điền vào sổ điểm của tôi.
Tôi quyết định không thi lại, cho dù tôi được điểm tối đa ở tất cả các môn khác. Tôi mất học bổng cá nhân vì chuyện này. Nó cũng là một cú đánh hữu hình vào lòng tự tôn của tôi, và đặc biệt là vào túi tiền của tôi.
Tôi nghĩ rằng trường đại học - các giáo sư và sinh viên - được giám sát đặc biệt cẩn thận. Mọi người đều biết về một hệ thống kiểm soát tổng thể tư tưởng hoạt động hiệu quả. Mọi sự chệch hướng dù nhỏ nhất khỏi chủ trương chính thống, mọi cố gắng không chấp nhận điều gì đó bằng niềm tin, đều có nguy cơ ít nhất là bị phê phán trong các cuộc họp Đảng hay Komsomol.
Tiếng vọng về một cuộc thanh trừng mới trong số các giáo sư đại học đã đến với chúng tôi. Những lời buộc tội được gán cho họ đôi khi ngớ ngẩn tới mức các cơ quan có thẩm quyền buộc phải rút lại. Ví dụ, Giáo sư Yushkov, một học giả lớn, người đã dành trọn cuộc đời nghiên cứu nước Nga Kiev cổ đã bị gán tội “Kẻ theo chủ nghĩa toàn cầu mất gốc.”
Trong cuộc họp Hội đồng Hàn lâm nơi Yushkov làm việc, ông đã trở thành một nhân vật đáng thương. Bước lên bục, thay vì đưa ra lý lẽ tự bào chữa cho mình, ông chỉ lẩm bẩm một câu duy nhất: “Nhìn tôi này” Đối diện với cử tọa là một người đàn ông mặc chiếc áo “sơ mi của Tolstoy”⦾ với một sợi dây dùng thay cho thắt lưng và cầm một chiếc mũ xoàng xĩnh, một trí thức Nga tuân thủ pháp luật tiêu biểu.
Tiếng cười rộ lên trong phòng. Thay vì đâm đầu vào những lời buộc tội giả khoa học, tư duy thông thường đem đến cho cử tọa đang bối rối một ý
nghĩ rất đơn giản: “Có bị điên thì chúng ta mới nghĩ ông ấy là một gã toàn cầu.” Vụ Yushkov được khép lại.
Chúng tôi thích những bài giảng của Giáo sư Yushkov. Chúng không hẳn là những bài giảng mà là những cuộc “trò chuyện phòng khách,” những câu chuyện thú vị về những thời kỳ xa xưa, về cuộc sống của tổ tiên chúng
tôi. Giáo sư Yushkov vô cùng hiểu biết về lĩnh vực của mình. Mặc dù vậy, đôi khi chúng tôi cũng cho phép mình có vài “trò đùa ý thức hệ,” như khi chúng tôi hỏi ông, “Thưa giáo sư, tại sao thầy lại tránh tham chiếu đến các tác phẩm marxist-leninist kinh điển trong bài giảng của thầy vậy?” Khi đó ông thường vội vàng mở chiếc cặp to đùng của mình, lấy ra một trong những cuốn sách mình viết, đeo kính vào và tìm những câu trích dẫn thích hợp.
Tôi sẽ không hoàn toàn thành thật nếu nói rằng việc tẩy não ý thức hệ hàng loạt lớn mà các sinh viên đại học phải trải qua không ảnh hưởng gì tới nhận thức của chúng tôi. Chúng tôi là những đứa trẻ của thời đại mình. Trong khi một vài giáo sư, khi tôi ngồi nghĩ lại, chỉ “lựa theo chiều gió” thì những sinh viên chúng tôi tiếp nhận hầu hết những gì mình học với giá trị danh nghĩa, với sự tin tưởng hoàn toàn.
Hệ thống giáo dục có vẻ như đang làm mọi thứ để ngăn chúng tôi học cách tư duy phê phán. Nhưng bất kể hệ thống đó, khi kiến thức của chúng tôi tăng lên, cho tới khoảng năm thứ ba chúng tôi bắt đầu có những ý nghĩ nghiêm túc về những gì mình vừa học và tiếp nhận.
Một bằng chứng cho thấy tư duy tự do đã tồn tại ở khoa Luật là một vở hài kịch bằng thơ nhại một phiên tòa xử Ostap Bender, nhân vật chính trong những cuốn sách trào phúng Mười hai chiếc ghế và Con bê vàng nổi tiếng.
Chúng tôi trình diễn vào năm 1949, khi những cuốn sách nổi tiếng này từng bị cấm trong thời gian dài được in lại lần đầu tiên. Vở kịch thơ của chúng tôi mô phỏng một phiên tòa thực. Có tòa án, công tố viên và luật sư bào chữa và Ostap Bender. Sự đối địch giữa các bên và những đánh giá “mọi hoàn cảnh cuộc đời và mọi hoạt động” của Ostap Bender buộc tòa phải tuyên ông vô tội, khẳng định, như lời của Ostap Bender rằng, ông “tôn trọng luật hình sự.” Kết quả của câu chuyện là những người tham gia “xử án” bị đuổi học.
Stalin và thuộc cấp dùng chiến dịch chống lại “chủ nghĩa toàn cầu” để gia tăng kiểm soát xã hội. Điều này đã gây nên một làn sóng phản ứng ý thức hệ mới. Nhưng quá trình thu thập kiến thức mới, đặc biệt là ở МГУ, luôn nổi tiếng về truyền thống dân chủ, đã gieo mầm mống vào đầu óc non trẻ của chúng tôi. Dù chúng tôi không biết, nhưng việc tiếp thu kiến thức mới về thế giới đã thay đổi chúng tôi. Thái độ với các môn dân sự, đặc biệt là nghiên cứu Lịch sử vắn tắt Đảng Cộng sản toàn liên bang (Bolsheviks) là mối quan tâm chính của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi nghiên cứu kỹ các tác phẩm của Lenin. Các tác phẩm này đã làm giàu thêm kiến thức của chúng tôi vì chúng tôi phải nắm được quan điểm của Vladimir Lenin. Nhưng cũng giới thiệu với chúng tôi tư tưởng của những người phản đối ông, những người mà theo yêu cầu của các nguyên tắc tranh luận học thuật, ông đã trích dẫn khá nhiều trong các công trình của mình.
Lenin là một nhà marxist nhiệt thành, lại là một nhà marxist có “hơi hướng Nga” trong đó. “Chủ nghĩa Lenin” đem một số thay đổi vào chủ nghĩa Marx nguyên gốc, và bỏ qua hầu hết Marx thời kỳ đầu và những nghiên cứu nhân chủng học ban đầu của ông…
Tôi còn nhớ Phó Giáo sư Maria Kazachok, người chủ trì các buổi hội
thảo về cuốn Lịch sử vắn tắt kia. Bà nhiệt tình thuyết phục chúng tôi rằng luận giải của Stalin về chủ nghĩa Marx-Lenin chính thống là luận giải duy nhất đúng và cấm tiệt mọi nghi ngờ về bất kỳ thời kỳ nào trong lịch sử của Đảng Bolshevik.
Là một người xuất thân từ nông thôn, tôi thấy nhiều mô tả trong sách về chính sách liên quan đến nông dân có vẻ hơi đánh đố. Trên thực tế, vị thế của người nông dân trong thời gian chiến tranh là nô lệ. Thậm chí họ còn không có giấy thông hành nội bộ và không được tự do đi lại trên chính đất nước của mình. Liên quan đến chính sách thuế thì đơn giản là hà khắc. Mọi hộ gia đình nông dân - bất kể có vật nuôi hay không - phải nộp cho nhà nước 20 kg thịt và 120 lít sữa. Và tới tận cùng của sự vô lý, Bộ trưởng Tài chính Zverev thông qua đạo luật đánh thuế từng cây ăn trái. Bộ trưởng không biết hoặc có thể không muốn biết là cây cối không phải năm nào cũng ra quả. Kết quả là nông dân bắt đầu chặt hạ những khu vườn của họ.
Không phải vô cớ mà chính những người dân xuất thân nông thôn chứ không phải những người sinh ra và lớn lên ở thành phố lại thường nghi ngờ về sự công bằng của trật tự hiện tại. Những khái niệm như “tập thể hóa” hoặc “chế độ nông trang tập thể” đối với tôi, không giống với những người bạn thành phố cùng lớp, không chỉ là lý thuyết mà còn là thực tiễn, và tôi trực tiếp biết trong việc tập thể hóa và chế độ nông trang tập thể có biết bao nhiêu sự bất công.
Tất cả những điều đó, đương nhiên khiến trí óc non trẻ của chúng tôi hỗn loạn, vì nhiều người cũng có những quan sát, trải nghiệm và xuất thân giống nhau.
Không có một chút gì thổi phồng trong chuyện này. Tôi có thể trích dẫn
câu chuyện của Leonid Nikolayevich Yefremov, BTTN vùng ủy Stavropol, người trước đó từng làm việc với Khrusov khi họ là ủy viên dự khuyết Trung ương КПCC. Ông là đại biểu tham dự Đại hội Đảng lần thứ 19 năm 1952 và tham dự cuộc họp Trung ương tổ chức ngay sau Đại hội để bầu ra lãnh đạo cao nhất của Đảng. Trong cuộc họp đó Stalin nói mình đã già và sẽ về hưu. Yefremov nhớ lại rằng tại thời điểm đó ông ta lướt qua mặt của mọi người dự họp để xem họ phản ứng như thế nào trước lời nói của ông ta. Phản ứng đã “đúng”: một vài người (trong đó có Malenkov) lao lên bục và bắt đầu thuyết phục Stalin tiếp tục lãnh đạo chính phủ, nói rằng “người dân sẽ không hiểu được” một kết quả nào khác. Nhà lãnh đạo sau đó sẽ ra dấu như thể muốn nói, được rồi, các cậu đã thuyết phục được mình.
Và sau đó (có lẽ theo một kịch bản đã được chuẩn bị sẵn) Stalin phê phán hết thành viên chính phủ này đến thành viên khác, nhưng đặc biệt là Vyacheslav Molotov và Anastas Mikoyan. Ông phê bình Anastas Mikoyan vì đã quá nương tay với nông dân, gọi ông ta là “Frumkin hiện đại.” Frumkin là một cựu đảng viên và một nhà khoa học, người phản đối chính sách áp đặt lên nông dân từ sau khi Lenin qua đời.Stalin đã tổng kết thái độ đôi với nông dân như sau: “Chúng ta đã trao đất cho đám muzhik (nông dân Nga) vĩnh viễn. Đám muzhik mắc nợ chúng ta mãi mãi.” Tương tự là chính sách nông nghiệp.
Như tôi đã nói ở trên, khi tôi học đại học, “Vụ các bác sĩ” nổi tiếng đã được các cơ quan an ninh ngụy tạo ra⦾.
Nó đã khởi đầu một làn sóng tuyên truyền mới chống phương Tây, các cuộc tấn công chống Do Thái và những lời buộc tội phản bội chống lại người Do Thái. Điều này là không công bằng và không sáng suốt, tạo ra một cảm giác thù địch.
Tóm lại, thực tế hằng ngày đã xâm lấn vào quá trình học tập, sửa đổi rất nhiều những ý tưởng học được trong sách của chúng tôi về “chế độ xã hội công bằng nhất,” “tình hữu nghị bất diệt giữa các dân tộc” và “Đảng Cộng sản yêu quý.” Một sự kiện trong mùa đông năm 1952- 1953 đã để lại một vết sẹo sâu đậm trong ký ức của tôi.
Một người bạn tôi, Volodya Liberman, một cựu chiến binh, một lần không đến nghe giảng buổi sáng. Vài giờ sau anh xuất hiện. Tôi chưa từng thấy anh thất vọng và quẫn trí như hôm đó. “Có chuyện gì thế?” tôi hỏi anh. Anh òa khóc. Thì ra hành khách trên tàu điện đã khiêu khích và đuổi anh ra khỏi tàu, chửi mắng anh thậm tệ. Tôi run rẩy cả người.
Khi trưởng thành về suy nghĩ và tìm cách hiểu được những gì diễn ra quanh mình, trong tôi dần hình thành sự chống đối lại với chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa học thuật trong quá trình giảng dạy, thứ mà đôi khi giống tẩy não ý thức hệ. Điều đó vừa đáng khinh bỉ vừa mang tính đe nẹt.
Tôi nhớ vào mùa thu năm 1952, sau khi xuất bản cuốn sách Những vấn đề kinh tế của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô của Stalin, một trong những giáo viên của chúng tôi nghĩ điều tốt nhất mà ông có thể làm là đọc to từng trang trong cuốn sách đó trong các bài giảng. Tôi nghĩ thế là quá đáng và đã viết cho ông một lời nhắn nói rằng chúng tôi đã đọc cuốn đó, và rằng chỉ đọc nó một cách máy móc trong các bài giảng là coi thường sinh viên của mình.
Phản ứng đến rất nhanh. Vị giáo sư nổi giận và nói rằng có kẻ kênh kiệu nào đó, người còn không dám ký vào lời nhắn nghĩ rằng họ đã nắm được “toàn bộ sự phong phú của nội dung và các kết luận trong các tác phẩm của đồng chí Stalin.”
Tôi từ chỗ ngồi đứng dậy và nói tôi là tác giả của mẩu giấy nhắn đó. Sau đó mọi thứ kinh khủng liền xảy ra… Thông tin về sự cố này được báo cáo lên các tổ chức Đảng và Komsomol và lên tới tận Thành ủy Moskva. Khi đó tôi là Phó bí thư phụ trách tư tưởng của Komsomol Khoa. (Bí thư là Boris Spirinoda, sau này trở thành Bí thư Đảng ủy của МГУ). Cuối cùng câu chuyện cũng được cho qua: tôi nghĩ, một lần nữa “xuất thân giai cấp nông dân lao động của tôi” lại có ích.
Nhiều năm sau, vào tháng 12/1991, những tháng ngày đầy thử thách của mình, tôi đã gặp nhà văn Belyayev, người cũng học tại МГУ cùng thời với tôi. Chúng tôi nhớ lại câu chuyện đó. Nhà văn nói rằng trong những năm đó, Gorbachev gần như được coi là một “kẻ bất đồng quan điểm,” nếu như dùng ngôn từ hiện đại. Tất nhiên tôi không phải kẻ bất đồng quan điểm, mặc dù tôi ngày càng trở nên hoài nghi hơn với những gì đang xảy ra.
Chung cuộc, tôi biết về cuộc sống thực và điều gì đó về những thứ diễn ra dưới chế độ Stalin. Tôi có cảm giác mình không cô đơn. Chúng tôi không phải là những kẻ bất đồng ý kiến theo đúng nghĩa của nó. Đúng hơn, chúng tôi là “các nhà cải cách,” vì chúng tôi muốn phục hồi chủ nghĩa xã hội “đích thực.”
Có một lần tôi đọc bức thư của Viện sĩ Andrei Sakharov viết vào tháng 3/1953. Đây là một vài từ trong bức thư: “Tôi bị ảnh hưởng bởi cái chết của Vĩ nhân. Tôi nghĩ tới lòng nhân ái của ông …” Người ta có thể hiểu được cảm giác của nhà văn khi đó. Nhưng còn những người đã trải qua tất cả và biết mọi thứ về kỷ nguyên Stalin và vẫn tiếp tục tìm kiếm lời giải cho những vấn đề của họ ở Stalin và mang theo chân dung của ông ta trong các cuộc tuần hành ngoài phố thì sao?
… Dẫu sao thì khi Stalin qua đời, một nhóm sinh viên luật chúng tôi quyết định tới Cung Công đoàn để viếng. Hàng người bò chậm như sên cả ngày và đứng hàng giờ không chuyển động. Chúng tôi đi phố bên cạnh và vòng qua Quảng trường Trubnaya. Ngày hôm đó có một vụ chen lấn khủng khiếp xảy ra trên quảng trường này trong đó nhiều người đi viếng đã chết. Chúng tôi đi qua từng khối nhà cả đêm và cuối cùng cũng tới được chỗ quan tài.
Trước đó, trong những lần diễu hành trong lễ hội, chúng tôi cũng đã nhìn thấy Stalin vài lần tư xa. Nhưng giờ trong Cung Công đoàn lần đầu tiên tôi được nhìn Stalin từ khoảng cách gần…
“Chuyện gì rồi sẽ đến với chúng ta?” bạn cùng lớp với tôi Zdenek Mlynar⦾ hỏi. “Mishka, chuyện gì sẽ đến với chúng ta?” Lời của cậu ta chính xác là như vậy. Và tôi nghĩ, chúng không chỉ thể hiện trạng thái cảm xúc của cậu ấy mà còn nhận thức của cậu về việc Stalin là hiện thân của toàn bộ hệ thống.
Những năm tháng đại học của tôi không chỉ vô cùng thú vị mà còn vô cùng căng thẳng. Thực sự mà nói, thiếu tự tôn chưa bao giờ là điểm yếu của tôi. Tôi học rất nhanh những điều mới mẻ, nhưng để có được kiến thức vững vàng tôi phải đọc thêm rất nhiều tài liệu bổ sung. Và tình cờ đó lại là sự khác biệt giữa học ở đại học tổng hợp và nhiều cơ sở giáo dục đại học khác. Tôi là người hòa đồng tốt và duy trì được mối quan hệ bạn bè với các bạn cùng lớp và biết nhiều sinh viên khác trong khoa do yêu cầu công tác Đoàn. Một nhóm nhỏ bạn thân dần hình thành. Trong đó có Yura Topilin, Valery Shapko, Vasily Zubkov, Volodya Liberman, Zdenek Mlynar, Rudolf Kolchanov, Lyonya Taraverdiyev, Viktor Vishnyakov, Volodya Likhachev, Natasha Borovkova, Nadya Mikhalyova, Liya Alexandrova,
Sasha Filipov, Lyusya Rosslova, Ella Kireyeva, Valya Rylova, Galya Danyushevskaya và Volodya Kuzmin. Tôi bước vào một thế giới mới, rộng lớn và lạ lẫm cùng với những người này và một số người khác mà tôi không nhắc tới ở đây.
V P
Từ năm thứ nhất tôi đã tham gia vào các hoạt động xã hội. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của tôi là làm phó giám đốc trung tâm bầu cử (agitpunk) phụ trách các vấn đề nội bộ tại quận Krasnoprenensky, thành phố Moskva. Trong quận có hai con phố cổ nhất Moskva: Bolshya Gruzinskaya và Malaya Gruzinskaya. Công việc này vô cùng thú vị và là cơ hội tiếp xúc với người Moskva và thành phố. Cả nước đang chuẩn bị bầu cử Soviet Tối cao Liên Xô. Tôi tham gia vào rất nhiều chiến dịch bầu cử kể từ lúc đó, đặc biệt trong những năm cải tổ khi tôi là người đứng đầu КПCC. Nhưng cuộc bầu cử đầu tiên này và công việc của tôi tại một trong những trung tâm vận động bầu cử của Moskva đã in sâu vào trí óc tôi mãi mãi.
Tôi nhớ các cuộc trò chuyện của mình với các cử tri khi tôi mời họ tới các điểm bầu cử hoặc tới trung tâm vận động, trả lời những câu hỏi bất tận. Đôi khi tôi phải viết ra những câu hỏi đó, sau đó sắp xếp và trả lời.
Phố Bolshaya Gruzinskaya và phố Malaya Gruzinskaya khi đó khác rất nhiều so với bây giờ. Bây giờ chúng là những con phố với những tòa nhà hiện đại và có mức độ tiện nghi tương đối. Ở đây có các cửa hàng, đồ văn hóa phẩm, quán cà phê và nhà hàng và nhiều thứ khác giúp cuộc sống thoải mái dễ dàng hơn. Còn lúc đó hai con phố này chỉ có những ngôi nhà với những bức tường không thể mô tả được chất lượng. Một bức tường có hai
mặt làm bằng ván gỗ: phía ngoài trông còn tạm được nhưng bên trong được làm bằng những tấm ván thô kệch và xộc xệch. Khoảng cách giữa chúng được chèn bằng xỉ. Theo năm tháng những bức tường sụp đổ. Nhưng chẳng ai quan tâm đến bề ngoài của những tòa nhà vì người ta còn phải lo lắng nhiều hơn về việc giữ ấm trong nhà. Những khe nứt được chèn bằng mát tít hoặc sợi bông. Trần nhà, rất nhiều trong số chúng cần được sửa chữa, là vấn đề lớn nhất.
Luôn luôn có vấn đề với nước máy và sưởi ấm. Dịch vụ tiện ích được cấp kinh phí nhỏ giọt.
Chúng tôi đã cố gắng giải quyết được một số vấn đề nhỏ của khu phố. Nhưng thành thực mà nói, vấn đề chính là những ngôi nhà tồi tàn, xiêu vẹo ấy. Tất cả các cuộc nói chuyện với dân cư đều kết thúc cùng một cách:
“Làm ơn báo cáo với cấp trên là các thiết bị không hoạt động, vấn đề không được giải quyết đã nhiều năm. Đây không phải là nhà nữa mà là lều. Nếu các yêu cầu này không được đáp ứng chúng tôi sẽ không bầu.”
Tôi đã thấy cách sống của người Moskva và điều kiện sống của họ. Cảnh tượng đó thực sự tệ hại. Tất nhiên trong những năm đại học tôi có đi thăm nhiều nơi ở Moskva và nhiều gia đình.
Gia đình người đoàn viên của tôi Viktor Blinov, cha cậu là quản đốc phân xưởng động cơ ZIL, sống ở phố Gorky. Nhà nước cấp cho gia đình cậu một căn hộ trong khu nhà mới ở trung tâm Moskva. Đó là một căn hộ tuyệt vời. Tôi đến đó vào dịp đám cưới của Viktor. Nữ nghệ sĩ nổi tiếng Vera Maretskaya sống ngay bên cạnh nhà cậu. Rõ ràng đó là một khu nhà cao cấp.
Vào những dịp khác nhau, tôi đến thăm gia đình Nadya Mikhaileva và
Liya Alexandrova. Đó là một thế giới khác, một thế giới hoàn toàn khác của những người Moskva sống trong những điều kiện hoàn toàn khác.
Mấy năm sau tôi đến Moskva tham dự Đại hội Komsomol. Ngay khi có thời gian rỗi tôi lập tức đến phố Stromynka, nơi từng là ký túc xá của chúng tôi. Tôi thăm lại những nơi “vẻ vang” của chúng tôi với chút bối rối. Sau đó tôi dạo qua những con phố mà mình từng “chịu trách nhiệm” trong chiến dịch vận động bầu cử, Bolshaya Gruzinskaya và Malaya Gruzinskaya và tôi chẳng thể nhận ra chúng. Phố xá đã có diện mạo mới.
Cựu sinh viên có truyền thống hội họp ở Moskva năm năm một lần sau khi tốt nghiệp. Hầu hết chúng tôi là người Moskva, nhưng nhiều người làm việc ở các tỉnh. Thời gian đã để lại dấu ấn. Chỉ có vài người trong số họ là trông còn trẻ trung sung sức. Những cuộc tụ họp này thường gợi lên cả niềm vui và nỗi buồn. Điều làm tôi cảm động nhất là câu chuyện của người sinh viên lớn tuổi của chúng tôi, người cựu binh Valery Shapko, anh kể cho chúng tôi về những gì xảy ra với từng thành viên trong nhóm trong 5 năm qua.
Cuộc hội họp truyền thống cuối cùng của chúng tôi tổ chức năm 2007, khi mà hầu hết bạn cùng lớp của tôi đã đến tuổi 75. Báo cáo của người sinh viên lớn tuổi thật không dễ chịu: ít nhất 40% không còn nữa để tham gia buổi gặp mặt này. Chúng tôi nhất trí phải gặp nhau thường xuyên hơn. Cuộc gặp mặt tiếp theo của chúng tôi được tổ chức năm 2010.
H K
Hoạt động tích cực của tôi trong thời gian chiến dịch vận động đáng nhớ đó vào những năm 1950-1951 đã được bạn bè chú ý tới và họ đã bầu
tôi làm Bí thư Komsomol vào năm thứ nhất khoa Luật. Khoa Luật không lớn như một số khoa khác. Tuy nhiên, tổ chức Komsomol lại tương đối đông, hơn 2.500 đoàn viên. Sau đó tôi được bầu làm phó bí thư phụ trách tư tưởng của Komsomol khoa. Tôi không nhớ nhiều về công việc này. Việc học tập chiếm nhiều thời gian của tôi hơn. Văn phòng chủ nhiệm khoa không hỗ trợ những người tham gia hoạt động đoàn, yêu cầu thành tích học tập tốt. Một trong những nhiệm vụ của tổ chức Đoàn thanh niên là theo dõi tình cảm chính trị trong sinh viên. Đó là thời kỳ Stalin, và МГУ và bộ phận năng động nhất của nó bị theo dõi đặc biệt sát sao.
Hoạt động Komsomol chủ yếu diễn ra trong các chi đoàn. Không chỉ thông qua học tập mà còn các hoạt động vào thời gian rảnh rỗi - thăm bảo tàng, xem phim, tới nhà hát, về quê - tất cả các hoạt động đó đều được chi đoàn quản lý. Trên khía cạnh đó, Komsomol đã tạo ra sự khác biệt lớn. Nó là một lực lượng xã hội thực sự trong những năm tháng đó. Komsomol trong trường đại học không hề là hổ giấy. Có rất nhiều chuyện đã xảy ra trong trường. Đôi khi tình huống trở nên khá tế nhị.
Tôi muốn kể lại một câu chuyện để minh họa điều tôi muốn nói. Khi các sinh viên các ngành khoa học tự nhiên và sinh viên năm cuối các ngành khoa học nhân văn chuyển đến ký túc xá của trường trên đồi Lenin, họ có điều kiện sống tốt hơn nhiều so với ký túc xá trên phố Stromynka. Nhưng trong quá trình đó, sinh viên bị xem thường, dẫn đến làm bùng phát một cuộc xung đột trong văn phòng hiệu trưởng. Rõ ràng là thầy hiệu trưởng và những người quanh ông ta rất lo lắng về đạo đức của chúng tôi. Sinh viên nữ được sắp xếp ở một khu vực (cái tên “khu vực” nghe như nhà tù) và sinh viên nam ở một khu khác. Thực sự đó là những khu vực như trong nhà tù, vì không cho phép khách tới thăm viếng. Đi từ khu vực này sang khu
"""