" Giờ Đức văn - Siegfried Lenz & Hoàng Đăng Lãnh (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Kinh Điển] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Giờ Đức văn - Siegfried Lenz & Hoàng Đăng Lãnh (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Kinh Điển] Ebooks Nhóm Zalo Giờ Đức Văn ———★——— Nguyên tác Deutschstunde Tác giả Siegfried Lenz Người dịch Hoàng Đăng Lãnh Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - Nhã Nam ebook©vctvegroup 21-08-2022 Tác Giả (17/3/1926 - 7/10/2014) Siegfried Lenz sinh tại Lyck, thành phố nhỏ thuộc Đông Phổ. Ông tốt nghiệp đại học Triết học, Anh văn và Lịch sử văn học Đức tại Hamburg sau Thế chiến II, là biên tập viên báo Thế giới một thời gian ngắn (1950-1951) rồi trở thành nhà văn tự do sống tại Hamburg. Khởi đầu nghiệp văn chương, Siegfried Lenz đã được sánh tầm với các nhà văn lớn của Đức như Heinrich Böll, Günter Grass hay Martin Walser. Lenz đã được trao các giải thưởng: Peace Prize of the German Book Trade (1988), The Goethe Prize of Frankfurt am Main (2000), Italian International Nonino Prize (2010). Trước khi qua đời, ông đã kịp khởi xướng Siegfried Lenz Prize - một trong các giải thưởng văn chương danh giá nhất của Đức cho “các nhà văn quốc tế được ghi nhận trong hoạt động văn chương sáng tạo theo tinh thần Siegfried Lenz”. Siegfried Lenz để lại 14 tiểu thuyết, 120 truyện ngắn, nhiều truyện vừa và kịch bản sân khấu. Số lượng ấn bản sách của ông bằng tiếng Đức và 35 thứ tiếng khác đến nay đã ngót nghét 30 triệu bản và vẫn đang tăng lên. Chương 1: BÀI LUẬN Họ phạt tôi, bắt viết bằng xong bài luận. Lão Joswig đích thân dẫn tôi về phòng giam kiên cố, gõ gõ tay lên lớp lưới chăng trước cửa sổ, xoa xoa tấm đệm rơm; sau đó, viên giám thị chúng tôi vẫn có cảm tình nhất ấy ngó nghiêng xem xét kỹ cả chiếc tủ sắt lẫn hốc tường bí mật của tôi lâu nay vẫn nằm khuất sau chiếc gương soi. Chẳng nói, chẳng rằng, hậm hà hậm hực, lão ta xem xét hết cái bàn đến chiếc ghế đẩu chằng chịt vết khía, vết rạch, tò mò soi mói chỗ thoát nước trong chậu rửa, thậm chí, còn gõ gõ ngón tay như dò hỏi bậu cửa sổ, săm soi lò sưởi xem có gì khác thường không, rồi, xong xuôi đâu đấy, lão ta mới đến bên tôi, thong thả sờ nắn người tôi từ vai đến đùi để cầm chắc tôi không mang vật gì có hại trong túi áo túi quần. Sau rốt, với vẻ đầy trách móc, lão đặt quyển vở lên bàn tôi, vở tập làm văn - trên bìa vở có dán miếng nhãn màu xám ghi rõ: vỏ tập làm văn của Siggi Jepsen - rồi không nói không rằng đi ra cửa, với vẻ mặt đầy thất vọng, của một kẻ nhân từ bị xúc phạm; bởi vì lão Joswig - viên giám thị chúng tôi vẫn có cảm tình nhất đó - chịu đựng các hình phạt thỉnh thoảng chúng tôi phải chịu như thế này còn khổ sở hơn, lâu hơn và cũng thấm thía hơn cả chính chúng tôi nữa kia. Lão ta để lộ cho tôi biết nỗi buồn phiền của lão không bằng lời, mà bằng cái cách lão khóa cửa. Lão loay hoay nhét chìa khóa vào ổ, hờ hững, bối rối và lưỡng lự trước khi quay vòng đầu tiên, rồi vặn ngược trở lại, khiến ổ khóa kêu cạch cạch, rồi, như thể đã vượt qua phút do dự, lão ta hằm hằm quay luôn hai vòng liên tiếp. Vâng, không phải ai khác, mà chính lão Karl Joswig, người đàn ông có vẻ ẻo lả và nhút nhát ấy, đã khóa tôi trong phòng giam để viết cho xong bài luận. Ngồi thế này đã gần hết ngày mà tôi vẫn không sao bắt đầu viết cho được: nhìn qua cửa sổ ra ngoài, thấy sông Elbe đang chảy, dòng sông chảy xuyên qua bóng gương mặt tôi mờ mờ phản chiếu trên kính cửa sổ; tôi cố nhắm mắt lại, nước sông vẫn không ngừng chảy, mặt sông phủ đầy các tảng băng phơn phớt màu xanh da trời đang bồng bềnh trôi. Tôi cứ phải dõi theo mãi những chiếc tàu kéo; chúng từ từ chạy, mũi tàu xắn lên mặt băng những đường ngoằn ngoèo xám ngoét, cứ phải nhìn dòng nước mang theo các tảng băng trôi lổn nhổn, dồn những khối băng chồm lên bãi cát của chúng tôi, ken két xô đẩy chúng lên đến bãi lau sậy khô rồi để quên chúng ở đấy. Tôi miễn cưỡng dõi theo đám quạ đen; bọn chúng như thể hẹn hò nhau ở đây trước khi tạt về Stade không bằng. Chúng bay lẻ tẻ từ Wedel sang, từ Finkenwerder hay Hahnöfer-Sand tới, nhóm thành bầy đông nghịt trên đảo chúng tôi, rủ nhau cất cánh vút lên cao rồi lượn đi lượn lại, chờ ngọn gió thuận chiều sẽ hất chúng về phía Stade. Rặng liễu khẳng khiu, phủ lớp băng mỏng và đầy sương muối làm tôi để ý; hàng rào dây thép sơn trắng, khu xưởng, các biển cảnh báo cắm ở bãi cát, những luống đất đông cứng trong vườn rau mà ra năm chúng tôi sẽ phải tự gieo trồng và chăm bón theo hướng dẫn của giám thị: tất tật những thứ ấy, thậm chí cả mặt trời, ánh nắng như đang chiếu qua một lớp kính mờ, hắt bóng dài nghiêng nghiêng, đều làm tôi sao nhãng. Thỉnh thoảng tôi cứ vừa định bắt tay vào chuyện viết lách thì ánh mắt tôi như thể lại vô tình bắt vào bệ cầu tàu nổi méo mó, xây xước, neo bằng dây xích, cùng chiếc xuồng gắn máy rộng bè bè và sáng loáng đồng thau từ Hamburg vừa đến neo vào đó - chiếc xuồng mỗi tuần, thì cứ nói ang áng thế, thả chừng một ngàn hai trăm nhà tâm lý học xuống đảo, đám chuyên viên tâm lý học quan tâm đến mức bệnh hoạn tới đám vị thành niên khó dạy bảo như chúng tôi. Tôi không rời mắt nhìn theo họ lần bước trên lối đi gồ ghề qua bãi cát, trước khi họ được đưa vào ngôi nhà màu xanh của Ban Giám đốc, cử hành lễ nghi chào hỏi như thường lệ; ở đó chắc thể nào họ cũng được nhắc nhở phải thận trọng và kín đáo khi tiến hành nghiên cứu, trước khi họ hối hả chen nhau ra ngoài, tràn ra khắp đảo chúng tôi, rồi làm bộ rất vô tình, theo nhau sán vào bắt chuyện với bọn bạn bè tôi: thằng Pelle Kastner, thằng Eddi Sillus hay thằng Kurtchen Nickel nóng tính chẳng hạn. Có lẽ, họ quan tâm đến bọn chúng tôi như thế là vì, theo số liệu Ban Giám đốc đã thống kê, gần tám chục phần trăm những ai từng qua cải huấn trên đảo đây đều không tái phạm nữa. Nếu lão Joswig không khóa trái tôi vào phòng giam đây để viết cho bằng xong bài luận, thì bây giờ hẳn họ cũng đang bám theo tôi, dùng kính lúp khoa học của họ soi xét cuộc đời tôi và sẽ bóp đầu, xoa trán, cố vẽ cho bằng được một bức tranh về tôi. Nhưng tôi phải viết bù hai giờ Đức văn, phải nộp bài luận mà cả lão Tiến sĩ Korbjuhn gầy gò và rụt rè lẫn ông giám đốc Himpel của chúng tôi đang trông ngóng. Trên cù lao Hahnöfer-Sand cạnh đây - cũng nằm trên sông Elbe, hơi chếch về phía Twielenfleth Wischhafen, và cũng là nơi giam giữ và cải tạo tụi vị thành niên khó dạy giống như trên cù lao chúng tôi - chắc chuyện sẽ không thể như thế này. Mặc dù hai cù lao này rất giống nhau, mặc dù cả hai đều bị bao quanh bởi thứ nước loang váng dầu như nhau, mặc dù cả hai cù lao cùng chứng kiến những con tàu như nhau chạy qua, được cùng một đám hải âu ghé đậu, song trên cù lao Hahnöfer-Sand không có lão Tiến sĩ Korbjuhn, không có giờ Đức văn, không có những đề luận ghê gớm đến mức, tôi thề không nói ngoa chút nào, làm đa số bọn chúng tôi phải đau đớn về thể xác như thế này. Bởi vậy, nhiều đứa trong bọn chúng tôi mong được cải tạo trên cù lao Hahnöfer-Sand hơn, nơi tàu viễn dương trên đường ra biển chạy qua trước và cũng là nơi ngọn lửa phần phật ồn ào trên ống khói nhà máy lọc dầu luôn luôn vẫy chào từng người một ấy. Trên hòn cù lao kế cận kia, tôi dám chắc thế, lẽ ra tôi chẳng phải làm bài luận như thế này, bởi ở đó không thể xảy ra chuyện như ở chỗ chúng tôi. Ở đây, chỉ cần một kẻ gầy gò, sực nức mùi dầu xoa đúng kiểu lão Korbjuhn bước vào lớp, dò xét nhìn chúng tôi với vẻ vừa như chế nhạo vừa như e dè, chờ chúng tôi đồng thanh chào “chúng-em- chào- thầy-ạ” xong, thì không một lời báo trước, không một tiếng đánh động, lão chia vở tập làm văn cho từng đứa chúng tôi. Lão không hé răng nói lấy một lời. Thay vào đấy, tôi nói thật đấy, lão bước đến bên bảng với một vẻ đầy khoái trá, nhón một viên phấn, rồi giơ cánh tay xấu xí lên cao, viết đề văn lên bảng. Và, trong lúc tay áo lão tụt xuống tới tận khuỷu, làm lộ cánh tay khô héo, vàng vọt, già nua đến cả trăm tuổi chứ không ít, thì dưới tay lão dần dần hiện lên hàng chữ nem nép, xiên xẹo của thói đạo đức giả. Đề bài viết “Niềm vui nghĩa vụ”. Tôi hoảng hốt nhìn quanh, nhưng chỉ thấy đứa nào đứa nấy gò lưng, mặt mũi hoang mang, tiếng xì xào lan từ bàn này sang bàn khác, tiếng chân đưa lệt sệt trên sàn nhà, các mặt bàn nóng ran hơi thở gấp. Ole Plötz, thằng bạn cùng bàn với tôi, mấp máy đôi môi dày lẩm nhẩm đọc đề bài và chuẩn bị lên cơn co giật. Charlie Friedländer là thằng có tài làm bộ ốm đau, tái nhợt, xanh xao bất kỳ lúc nào nó muốn, ai trông cũng tưởng nó nguy kịch đến nơi, khiến các thầy bao giờ cũng vội vàng cho nó nghỉ học ngay, không phải làm bài nữa, cho yên chuyện - Vâng, thằng Charlie bây giờ đang bắt đầu trổ tài nín nín thở thở của nó, mặt mũi tuy chưa đến lúc tái đi, song, nhờ sự hỗ trợ khéo léo của các động mạch ở vùng cổ, mồ hôi đã nảy thành giọt li ti trên trán và vành môi nó. Tôi lôi chiếc gương con khỏi túi quần, hướng nó về phía cửa sổ, bắt ánh nắng hắt lên bảng, khiến lão Tiến sĩ Korbjuhn giật mình quay người lại, bước đôi bước ra sau bục giảng, thủ thế cho chắc ăn, rồi từ trên cao, lão lệnh cho chúng tôi bắt tay làm bài. Lần nữa, cánh tay khô khốc của lão lại vung lên cao, ngón tay trỏ nghiêm khắc chỉ vào đề luận: “Niềm vui nghĩa vụ”, rồi để tránh mọi câu hỏi có thể nảy ra, lão nói thêm: Ai viết thế nào cũng được, tùy ý; chỉ cần bài luận xoay quanh đề tài niềm vui nghĩa vụ là được. Tôi cho tôi bị phạt, phải viết bài luận, lại còn bị nhốt cách ly và tạm thời không được ai thăm viếng như thế này, là thật oan uổng; bởi tôi bị phạt không phải do tôi kém khả năng hồi tưởng hay nghèo trí tưởng tượng; tôi bị đẩy vào nơi biệt giam này, đúng ra, là vì trong lúc ngoan ngoãn tìm các niềm vui nghĩa vụ, đột nhiên tôi thấy có nhiều chuyện để kể quá, nhiều đến mức, dù có cố đến mấy, tôi vẫn không biết mở đầu thế nào. Bởi lão Korbjuhn đòi chúng tôi phải phát hiện, phải mô tả, phải trải nghiệm, phải chứng minh rõ ràng, không phải bất cứ thứ gì tùy ý, mà nhất thiết phải là niềm vui nghĩa vụ, cho nên tôi không thể nhớ đến ai khác ngoài bố tôi, ông Jens Ole Jepsen, cùng sắc phục cảnh sát, chiếc xe đạp công vụ, cái ống nhòm, chiếc áo mưa trùm đầu của ông lẫn hình bóng ông trên mặt đê, lồng lộng gió hướng Tây không bao giờ ngừng thổi. Bắt gặp ánh mắt hối thúc của lão Korbjuhn, tôi chợt nhớ đến một ngày xuân thì phải, không, phải sang thu rồi, à, cũng không phải nốt, chỉ mới mùa hạ, trời tối om, gió mát, bố tôi, như mọi khi, đẩy chiếc xe đạp lên con đường hẹp lát gạch, rồi dừng lại, như mọi lần, dưới tấm biển “Chốt cảnh sát Rugbüll”, nhấc bánh sau lên, gạt pê đan vào vị trí cần thiết, đặt một chân lên đó, rồi y như mọi khi, dùng chân kia đẩy đẩy xuống đất hai lần, lấy đà vắt người lên yên và đạp xe - mới đầu ngoằn ngoèo, nhấp nhổm, áo phồng to lên vì gió Tây thổi - một quãng về phía quốc lộ Husum, là đường quốc lộ dẫn tiếp về Heide và Hamburg, vòng qua cái ao than bùn, rồi bị gió thổi xiên hông, chạy dọc theo mấy con mương xám xịt như lông chuột chũi về phía đê và, cũng như mọi ngày, lăn bánh qua cỗ cối xay gió bị trụi cánh quạt, sau chiếc cầu gỗ lại xuống xe, đẩy nó xiên lên mặt đê, và trên đó, giữa nền chân trời trống trải ấy, bóng hình bất ngờ trở nên lồng lộng, ông lại nhảy trên yên xe và như một chiếc thuyền tjalk* đơn độc, với chiếc áo mưa phình ra, phồng lên như cánh buồm sắp nổ bục, ông lướt dọc theo đê về Bleekenwarf, như xưa nay vẫn vậy, về Bleekenwarf. Ông không bao giờ sao nhãng việc của ông. Nếu gió Tây có thổi đến mức bay cả tàu chiến qua bầu trời Schleswig-Holstein đi nữa, bố tôi vẫn lên đường. Dẫu buổi đầu năm đất đai còn loang lổ tuyết, dẫu mưa, dẫu Chủ nhật xấu trời, sáng sớm hay tối khuya, thời chiến hay thời bình, ông đều lên xe, đạp đến ngõ cụt của các chuyến công vụ ông vẫn thi hành, chuyến nào cũng như chuyến nào, mãi mãi và vĩnh viễn, chỉ đưa ông đến Bleekenwarf mà thôi. Amen! Lạy Chúa tôi! Như tôi đã kể, tôi nhớ ngay đến cảnh tượng đó, cảnh tượng viên cảnh sát chốt Rugbüll nằm ở cực Bắc nước Đức, ngày ngày khó nhọc lên đường và, để hầu lão Korbjuhn, tôi còn cố tưởng tượng cảnh tôi quàng khăn quanh cổ, nhảy lên poóc ba ga chiếc xe đạp công vụ và cứ thế bám theo đến Bleekenwarf, như bao lần vẫn thế, mấy ngón tay lạnh cóng, như bao lần vẫn vậy, bám chặt vào thắt lưng bố tôi, trong khi cái poóc ba ga cứ thế hằn vào đùi tôi những vệt đo đỏ. Tôi vừa đi theo, vừa như người ngoài cuộc, dõi theo bóng hai bố con nổi giữa nền trời đầy mây buổi xế chiều, chạy xe dọc đê, vừa cảm thấy từng ngọn gió từ bãi biển ngập bùn cát mênh mông thổi vào, vừa từ đằng xa, nhìn thấy hai bố con chúng tôi chệnh choạng cũng bởi đúng những ngọn gió ấy. Tôi nghe tiếng bố tôi rên trong lúc gắng sức, nhưng khồng phải rên vì tuyệt vọng hay bực dọc với ngọn gió tai ác, mà rên cho phải nhẽ và tôi có cảm giác, ông còn rên rỉ một cách khoái trá nữa là đằng khác. Dọc theo bãi bùn cát phẳng lì ven biển, dọc theo bờ biển mùa đông đen ngòm, chúng tôi đạp xe về Bleekenwarf, một trang ấp quen thuộc với tôi không kém gì cái cối xay gió hỏng và ngôi nhà chúng tôi ở. Trước mắt tôi, khu trang ấp nằm đấy trên gò đất bẩn thỉu, bao quanh là rặng bạch dương rủ ngọn sang hướng Đông; tôi thấy tôi đứng trước cánh cửa gỗ đung đưa, rồi tôi đẩy cửa, đưa mắt dò xét nhìn vào ngôi nhà ở, chuồng gia súc, nhà kho, rồi xưởng vẽ, và vẫn như mọi khi, bác Max Ludwig Nansen từ trong xưởng đang đưa tay vẫy tôi, vừa ranh mãnh, vừa ra vẻ dọa dẫm một cách trìu mến. Dạo đó người ta cấm bác ấy vẽ, và bố tôi, viên cảnh sát chốt Rugbüll, phải canh chừng, để lệnh cấm được tuân thủ ngày này qua ngày khác, mùa này qua mùa khác; bố tôi, thì tôi cũng cần nói cho rõ nhẽ, phải ngăn không cho bất cứ bức tranh nào được phác thảo hay vẽ ra, phải ngăn không cho nảy sinh bất cứ ước vọng bất chính nào dính dáng đến màu mè, hay ánh sáng, hoặc nói tóm lại, với tư cách cảnh sát, bố tôi phải giám sát, làm sao cho ông họa sĩ nọ ở Bleekenwarf không có vẽ vời gì nữa hết. Bố tôi với bác Max Ludwig Nansen quen nhau từ lâu, đúng ra là từ hồi còn trẻ con và, vì cả hai đều dân Glüserup, cho nên cả hai ông, ông này biết tỏng ruột gan, lòng dạ ông kia và, có lẽ, cả hai đều biết rõ những gì đang ở trước mắt họ, cũng như, về lâu dài, đều biết thừa ông này sẽ có thể gây ra cho ông kia những chuyện gì. Ít có kỷ niệm nào được lưu giữ cẩn thận đến thế trong trí nhớ tôi như kỷ niệm về các cuộc gặp gỡ giữa bố tôi với bác Max Ludwig Nansen; bởi vậy, tôi mở quyển tập làm văn ra với vẻ đầy tự tin, đặt chiếc gương con bên cạnh, rồi thử viết về chuyến đi của bố tôi đến Bleekenwarf, không, không chỉ về các chuyến đi, mà về tất tật những mưu mẹo hay cạm bẫy ông nghĩ ra chỉ cốt để gài bẫy bác Nansen, về tất tật những toan tính, những đường đi nước bước, nảy ra từ cái đầu đầy nghi kỵ của ông, những mánh lới, những ngón bịp bợm. Và, vì lão Tiến sĩ Korbjuhn muốn vậy, tôi cũng định viết về các niềm vui khoan khoái trong lòng ông khi thực thi nhiệm vụ ấy. Nhưng, tôi viết không được. Không sao vào được đề. Tôi cứ loay hoay vào đề với cảnh bố tôi từ trên đê đi xuống, lúc thì cho ông khoác áo choàng, lát sau lại để ông không choàng áo nữa, lúc tôi cho gió thổi mạnh, lúc tôi lại để gió lặng, lúc này tôi vào đề bằng ngày thứ Tư, lát sau lại thay bằng thứ Bảy. Vào đề thế nào cũng không ổn. Chộn rộn quá, náo động và đông đúc quá; trước lúc bố tôi đến được Bleekenwarf thì tôi đã để ông biến mất khỏi tầm mắt tôi rồi, bởi đám hải âu nổi loạn, thoăn thoắt nhào lên lộn xuống, bởi chiếc thuyền buồm chở than bùn cũ kỹ bị lật hay bởi hình ảnh chiếc dù lơ lửng trên bãi bùn cát ven biển. Song, gây nhiễu nhiều nhất vẫn là ngọn lửa nhỏ, ngọn lửa liều lĩnh và táo tợn, làm hư hại, tan chảy hay bốc cháy mọi hình ảnh lẫn sự kiện hiện lên trong trí nhớ và, nếu có không bị ngọn lửa kia liếm vào, thì những hình ảnh đó cũng bị cong queo hay hóa than hoặc, đôi khi còn bị vùi dưới đống than hồng lung linh run rẩy. Vậy nên tôi thử từ phía bên kia vậy. Tôi tưởng tượng tôi ở Bleekenwarf để mở đầu câu chuyện ở đây và, bác Max Ludwig Nansen với đôi mắt xám và tinh nghịch khắc giúp tôi sàng lọc các luồng ký ức. Bác ấy khiến tôi phải đưa mắt nhìn về phía bác; để chiều tôi, bác bước ra khỏi xưởng vẽ, lững thững lê chân qua vườn hoa đến mấy khóm cúc ngũ sắc đã bao lần bác đưa vào tranh, chậm rãi trèo lên mặt đê, trên đó, vắt ngang nền trời là một áng màu vàng nặng trĩu và gay gắt, chỗ này chỗ kia chen đôi vệt màu xanh sẫm. Bác đưa ống nhòm lên, nhìn một lát về phía Rugbüll. Chỉ cần có thế thôi là bác đã đột nhiên quay người, xăm xăm quay trở lại nhà và biến hẳn vào trong. Chỉ một tẹo nữa thôi là tôi đã tìm được cách mở đầu câu chuyện, nhưng cánh cửa sổ bỗng dưng mở toang ra và bác gái Ditte, vợ bác Max Ludwig Nansen, như mọi lần vẫn vậy, chìa cho tôi miếng bánh nướng. Đơn giản là nhiều chuyện quá; tôi nghe văng vẳng đâu đó tiếng hát của tụi học trò ở Bleekenwarf, tôi lại thấy ngọn lửa, tôi lại nghe các tiếng động khe khẽ bố tôi gây ra mỗi lần đi tuần đêm. Jutta lẫn thằng Jobst, những đứa trẻ lạ mặt, bất ngờ gặp tôi trong đám lau sậy. Ai đó ném màu vẽ xuống ao, làm nước ao bỗng sáng rực màu da cam. Ông bộ trưởng nào đấy đang đọc diễn văn ở Bleekenwarf. Bố tôi đứng nghiêm giơ tay chào. Xe hơi mang biển số lạ dừng chân ở Bleekenwarf. Bố tôi đứng nghiêm giơ tay chào. Tôi nằm mơ trong cối xay gió bỏ hoang, nơi cất giấu các bức tranh, còn bố tôi nắm dây cương giữ ngọn lửa, cởi dây cương rồi ra lệnh cho ngọn lửa: “Sục!” Mọisự mỗi lúc một đan cài, chồng chéo, quấn quýt vào nhau, cho đến lúc ánh mắt thúc giục của lão Korbjuhn bỗng nhắm thẳng vào tôi; thế là tôi, nói một cách bóng bẩy, liền thu dọn, vuốt phẳng các lớp ký ức, lau sạch, rũ bỏ các kỷ niệm râu ria, phơi hết mọi chuyện ra trước mắt mình - nhất là hình ảnh bố tôi và niềm vui nghĩa vụ - cho dễ mô tả, dễ diễn giải. Tôi cũng gần làm được việc đó rồi đấy, đã sắp xếp các nhân vật quan trọng nhất thành hàng dưới chân đê, cũng đã định để họ diễu qua trước mắt tôi rồi đấy, thì thằng Ole Plötz ngồi cạnh tôi kêu thét lên một tiếng và lên cơn co giật nằm vật ra ghế dài. Tiếng kêu thế là cắt hết mọi dòng hồi tưởng của tôi, tôi không sao mở đầu bài văn được nữa; tôi đành chịu thua và, đến lúc lão Korbjuhn thu vở, tôi đành phải đưa nộp quyển vở trang nào trang nấy còn trắng nguyên của tôi cho lão. Lão Julius Korbjuhn không chịu thông cảm với các khó khăn của tôi, lão không tin nỗi giày vò của tôi khi tìm cách mở đầu bài luận, vâng, nói tóm lại, lão không thể hình dung ra dù cho dây xích đã căng, chiếc mỏ neo của ký ức vẫn không móc vào đâu được cả mà chỉ kéo lê, lách cách, loảng xoảng, cùng lắm làm khuấy đục bùn dưới đáy sâu, khiến mọi sự không tĩnh lại được, sự yên lặng, tĩnh tại cần có, để tung lưới tóm được và giữ lại những gì đã trôi đi vào quá khứ ấy. Cho nên, sau khi ngạc nhiên lật lật hết quyển vở của tôi, lão thầy môn Đức văn ấy bảo tôi đứng lên, nhìn tôi có vẻ vừa ghê ghê, vừa thật lòng băn khoăn, bắt tôi nói rõ sự tình, song lại tỏ ra không thể bằng lòng với lời tôi phân bua. Lão ta nghi ngờ ý định tốt đẹp của tôi - ý định toan vận dụng cả ký ức lẫn trí tưởng tượng ấy - lão phủ nhận nỗi khó nhọc của tôi khi tìm cách mở đầu bài luận. Lão chẳng nói gì hơn, ngoài câu: Này, Siggi Jepsen, trông cậu không có vẻ như thế tí nào, và khăng khăng, những trang giấy tôi để trống kia là nhằm chống lại lão. Thay vì tin vào sự chân thành trong lời tôi, lão lại đánh hơi thấy một thái độ chống đối, một ý đồ kháng lệnh… vân vân của tôi, và, vì người phụ trách những việc như vậy là ông giám đốc, cho nên sau giờ Đức văn, giờ học chẳng mang lại gì cho tôi hơn ngoài nỗi đau cùng các ký ức quay cuồng, lung lay, run rẩy và không sao nắm bắt được ấy, lão Korbjuhn dẫn tôi sang khu nhà quét vôi xanh của Ban Giám đốc trại, lên văn phòng giám đốc ở tầng một, nằm ngay cạnh cầu thang. Ông giám đốc Himpel, trong bộ áo gió và quần lửng chẽn gối như mọi khi, lúc ấy đang được vây quanh bởi khoảng chừng ba mươi hai nhà tâm lý học - những vị điên cuồng quan tâm đến các vấn đề của đám tội phạm vị thành niên ấy. Trên bàn giấy của ông có chiếc bình đựng cà phê màu xanh và những trang giấy dính bẩn, dùng để ghi nốt nhạc, đôi trang đã thấy phủ đầy các sáng tác vội vã, đượm vẻ đồng quê của ông, những ca khúc ngắn, trong đó có nhắc đến sông Elbe, đến gió biển âm ẩm, đến những thân yến mạch bạt gió mọc gần bờ cát, đến những bầy hải âu bay lượn, song cũng đả động đến tiếng reo phần phật của khăn trùm đầu cũng như tiếng gọi giục giã của còi tàu trong sương: chính ban đồng ca của cù lao chúng tôi đã được ông chọn làm nơi cho những ca khúc như vậy khaisinh. Hai thầy trò chúng tôi vừa bước vào phòng, đám chuyên gia tâm lý học liền nín bặt, cùng lắng nghe xem lão Korbjuhn thuật lại những gì cho ông giám đốc. Lời tường thuật rất khẽ, song tôi vẫn nghe được, rằng mọi sự xoay quanh thái độ chống đối và ý đồ kháng lệnh, và, như để chứng minh cho những lời mình nói, lão Korbjuhn trao quyển vở làm văn còn trắng trơn của tôi cho ông giám đốc; ông này ném nhanh một cái nhìn đầy vẻ lo âu về phía các chuyên gia tâm lý học, đoạn ông bước về phía tôi, cuộn tròn quyển vở của tôi lại, dùng nó đập đập đôi lần lên ống tay, rồi lên ống quần chẽn gối, sau đó yêu cầu tôi cho ông một lời giải thích. Trước mắt tôi là những gương mặt căng thẳng, sau lưng tôi lão Korbjuhn bẻ ngón tay kêu răng rắc do hồi hộp đợi chờ. Qua cánh cửa sổ trong góc, chỗ có đặt chiếc đàn dương cầm, tôi nhìn ra sông Elbe, nhận ra hai con quạ, trong lúc bay, đang giằng nhau cái gì bùng nhùng, lủng lẳng, trông như một khúc lòng thì phải, hết con này đớp, con kia giật, cho đến lúc miếng mồi tuột ra, rơi xuống tảng băng trôi, và bị ngay một chú hải cẩu đang chực sẵn ở đó đớp mất. Vừa lúc đó, ông Hiệu trưởng đặt tay lên vai tôi, gật đầu thân mật về phía tôi và lần nữa ông bảo, hãy nói ông nghe, trước mặt các chuyên gia tâm lý học đây, vì sao lại thế. Tôi liền kể ông ấy nghe nỗi khổ tâm của tôi: rằng mới đầu, tôi đã tìm ra cái quan trọng nhất quanh đề văn ấy, nhưng sau đó mọi sự lại lung lay như thế nào; rằng tôi đã không tìm được chỗ dựa cần thiết giúp tôi lần lại trong ký ức ra sao. Đứng trước bấy nhiêu khuôn mặt chăm chú, tôi kể ông ấy nghe về sự chen chúc, xô đẩy qua lại củạ các sự kiện trong ký ức tôi, làm mọi cố gắng mở đầu của tôi đều tan vỡ, lộn xộn, và tôi cũng không quên nói với ông ấy rằng niềm vui thực thi bổn phận của bố tôi vẫn còn bền vững lắm, cho nên, chính vì thế, mà cũng là để trung thành với các ký ức đó nữa, tôi không thể viết vắn tắt, càng không thể kể mọi chuyện theo lối tùy tiện được. Ông giám đốc lắng nghe tôi nói với vẻ ngạc nhiên, thậm chí cảm thông là đằng khác, trong khi đám chuyên gia tâm lý học mới tốt nghiệp xì xào, bước xích lại gần hơn, chen chúc, xô đẩy, rỉ tai nhau, nào “rối loạn nhận thức theo Wartenburgischer”, đến “ảo giác khúc xạ” hay thậm chí, triệu chứng của căn bệnh “ức chế nhận thức”, là căn bệnh tôi nghe thấy ghê người nhất; song, đến đây thì tôi thấy ngán tận cổ rồi, cho nên, sau đó, trước mặt những con người nhất định tìm cách nhìn thấu ruột thấu gan tôi cho bằng được này, tôi không muốn giãi bày gì thêm nữa cả. Thời gian bị giam cầm trên cù lao này, ít gì, cũng đã đủ để dạy được tôi điều đó. Ông giám đốc trầm ngâm bỏ tay khỏi vai tôi, ngắm nghía bàn tay mình thật cẩn thận, như thể xem nó còn lành lặn như cũ không, rồi dưới những ánh mắt chăm chú không khoan nhượng của khách khứa, ông quay ra phía cửa sổ, đứng yên nhìn ra bầu trời giữa tiết mùa đông đang trùm lên Hamburg một lúc lâu, như thể muốn tìm trên đó vài lời khuyên hay đôi điều gợi ý nào vậy, đoạn, ông quay mặt lại về phía tôi và, với ánh mắt nhìn xuống, ông cất lời phán quyết. Phải đưa tôi về phòng giam, ông nói, để “cách ly đàng hoàng”, và, cũng như ông nói, không phải để trừng phạt, mà là để tôi không bị phá rầy trong khi suy nghĩ, để tôi nhận ra một điều rằng, hễ đề tài đã được đưa ra, thì các bài luận môn Đức văn đều phải viết cho bằng xong. Có nghĩa là ông còn cho tôi một cơ hội. Ông nói, tất cả những chuyện có thể làm tôi sao nhãng - như các buổi viếng thăm của chị Hilke tôi chẳng hạn - đều phải gạt bỏ đi, rằng các công việc ở xưởng làm chổi hay tại thư viện, tôi cũng không phải làm nữa, ông hứa không để bất cứ chuyện gì làm phiền tôi và ông mong tôi, với khẩu phần ăn không đổi như xưa nay, vẫn sẽ viết trọn bài luận. Ông bảo, việc này có thể kéo dài, dài bao lâu cũng được. Ông bảo tôi cần kiên nhẫn tìm ra các niềm vui khi thực thi bổn phận vậy. Ông cũng bảo, tôi cần thận trọng ươm mầm, để mặc cho nó lớn dần lên, đại loại như kiểu nhũ thạch dài dần ra theo thời gian vậy, bởi vì ký ức cũng có thể trở thành cạm bẫy, thành một mối nguy, nhất là khi thời gian không bao giờ làm nguôi, vâng, thời gian không bao giờ làm nguôi bất cứ một nỗi đau nào hết. Đám chuyên gia tâm lý học đứng ngây người ra nghe, còn ông thì bắt tay tôi, thân mật là đằng khác; gì chứ bắt tay, thì ông dày dạn kinh nghiệm, rồi ông cho gọi lão Joswig, viên giám thị đáng mến của chúng tôi vào, báo cho lão này biết lời phán quyết của ông, rồi nói đại khái rằng, ông nhé, cậu Siggi không cần gì hết, ngoài thời gian và sự cô đơn; ông gắng lo làm sao để cậu ta có thật nhiều hai thứ đó. Rồi ông trao quyển vở trắng trơn của tôi cho lão Joswig và hai chúng tôi được phép ra về, lững thững đi qua khu sân bị đóng băng lạnh cóng - lão Joswig vẻ đầy lo âu và trách móc, như thể tôi làm lão thất vọng vì bị phạt vậy. Người đàn ông này - một người chẳng còn hứng thú với bất cứ thứ gì khác ngoàisưu tập tiền cũ và nghe các bài hát của ban đồng ca trên đảo - lúc đưa tôi về phòng giam, đã thu mình lại, lầm lì như bị chạm tự ái không bằng. Bởi thế, tôi nắm lấy khuỷu tay lão ta và ngỏ lời xin, nếu có thể, lão đừng trách tôi nhiều quá. Thế nhưng, lão ta không đáp thẳng, mà chỉ nói: Cậu cứ nhớ đến thằng Philipp Neff ấy, có nghĩa là lão đe tôi đừng có mà làm như thằng Philipp Neff, cái thằng chột một mắt, cũng là đứa từng bị phạt, phải viết bù bài luận môn Đức văn như tôi. Nghe bảo thằng ấy suốt hai ngày hai đêm chỉ loay hoay khó nhọc - lý do có vẻ cũng giản đơn thôi - để tìm cách mở đầu bài luận, một bài luận mà như tôi biết, mang chủ đề theo kiểu rất Korbjuhn là “Hãy bàn về một con người anh từng để ý” song, sang ngày thứ ba, thằng ấy đánh gục giám thị, bỏ trốn, trên đường trốn chạy còn bóp cổ chết con chó của ông giám đốc - một hành động chúng tôi không bao giờ quên - chạy ra được đến bãi cát rồi, nhưng bị chết đuối khi định bơi vượt sông Elbe giữa trời tháng Chín. Một từ duy nhất thằng Philipp Neff - nhân chứng bi thảm cho các hoạt động gieo rắc tai họa của lão Korbjuhn ấy - đã viết và để lại cùng quyển vở là “mụn cóc”, một từ âu cũng cho phép thiên hạ suy đoán rằng con người nó để ý là một người mang mụn cóc ở đâu đó. Vâng, nói gì thì nói, thằng Philipp Neff cũng từng là đứa ở đây trước tôi, trong căn phòng họ cấp cho tôi lúc vừa đặt chân lên cù lao giam giữ tụi vị thành niên khó dạy này ít lâu, cho nên, khi lão Joswig đe tôi đừng có mà theo chân thằng Philipp, lão ta làm tôi nhớ ngay đến số phận đen đủi của nó, khiến cho nỗi sợ hãi chưa từng có bỗng xâm chiếm lòng tôi, một nỗi sốt ruột thôi thúc tôi, khiến tôi vừa chỉ muốn ngồi ngay vào bàn vừa sợ hãi, muốn đẩy nó ra, vừa muốn tìm lại đầu mối cũ, vừa lo không khéo tuột mất nó, tôi nửa do dự, nửa quả quyết, phần ngần ngại, phần hăm hở, vừa muốn lại vừa không - kết cục là tôi cứ đứng đực ra đó, thờ ơ nhìn theo lão Joswig lục lọi phòng tôi, không, nào có phải chỉ lục lọi mà thôi đâu, lão ta đang bàn giao căn phòng cho tôi, để tôi làm bài luận đấy. Tôi ngồi thế này đã gần hết ngày, và có lẽ, tôi cũng bắt đầu được rồi cơ, nếu không bị sao nhãng bởi những con tàu trên mặt sông mùa đông đang chạy tới, mới đầu chưa thấy đâu, chỉ nghe tiếng động cơ rì rì báo hiệu tàu đang đến, tiếp theo là tiếng lộc cộc, răng rắc vang lên từ các tảng băng nổi bị gạt ra, vỡ vụn dọc theo hai bên sườn tàu bằng sắt thép, rồi sau đó, khi nhịp thình thịch vang lên mỗi lúc một mạnh, mỗi lúc một dứt khoát hơn, thì chúng chui ra từ chân trời xám xịt, mờ nhạt, ẩm ướt, run rẩy, một hình bóng dường như đang bơi trong không trung hơn là trên mặt nước, còn tôi phải đưa mắt đón chào và dõi theo chúng chậm rãi lướt qua trước khi biến mất. Mũi tàu, lan can lẫn ống khói đều phủ băng, chúng trôi lừng lững qua mặt tôi, cùng những khoang tàu cao rắc đầy sương muối nghiến vào mặt băng khô cứng. Cái chúng để lại là một lát cắt rộng, nham nhở trên mặt băng trôi, như một con kênh chạy ngoằn ngoèo mỗi lúc một thu hẹp lại về phía chân trời. Và, ánh sáng lẫn màu sắc - không thể tin cậy ánh sáng lẫn màu sắc trên mặt sông Elbe vào mùa đông lúc này chút nào - đang xám xịt đó lại thành xám trắng ngay, tím không tím mãi, đỏ lại có màu xanh lá đằng sau, còn nền trời nhìn về hướng Hamburg trông có vẻ như loang lổ bởi như thâm tím bầm giập. Trên bờ phía bên kia, từ nơi tiếng búa nén đùng đục vọng đến tận chỗ tôi đây, lơ lửng một dải sương mù mảnh mai, bẩn thỉu, trông giống như lá cờ may bằng vải gạc trải rộng. Gần về phía tôi hơn, ngay giữa sông, lơ lửng làn khói đen nhả ra từ chiếc tàu phá băng nhỏ mang tên “Emmy Guspel”, chiếc tàu khoảng một giờ trước vừa dùng mũi tàu thô kệch cày qua lớp băng trôi ngả màu xanh lơ ấy: làn khói đen dài chẳng chịu chìm xuống, cũng không tản ra, bởi cái lạnh đang cưỡng lại, khiến nhiều thứ còn nằm phơi dở dang ra đó, đến hơi thở hắt ra cũng không tan đi ngay. Tàu “Emmy Guspel” đã hai lần phụt khói qua đây, bởi nó phải giữ cho các tảng băng luôn luôn di động, không cho chúng co cụm lại thành đống băng chặn giữa dòng, gây ra một thứ nghẽn mạch nguy hiểm khôn lường. Các biển cảnh báo cắm dưới bãi cát bỏ hoang đều vênh vẹo; bị băng trôi va đập làm lung lay, bị nước dâng cao xô đẩy, bị gió mạnh thổi xiêu đi, chúng khiến cánh vận động viên đua thuyền và bơi lội, những người quan tâm đến các biển cảnh báo ấy nhất, phải nghiêng nghiêng đầu mới đọc được, rằng mọi việc, từ áp thuyền, đến thả neo hay cắm trại trên cù lao chúng tôi, đều bị cấm. Sang hè, chắc chắn như thế, họ sẽ dựng lại các biển cấm đó, bởi chính đám dân đua thuyền ấy là đám dễ ngăn cản công cuộc cải tạo bọn vị thành niên chúng tôi đang bị giam ở đây hơn cả; đấy là ý kiến của ông giám đốc và, như thiên hạ từng chứng kiến, cũng là quan điểm của con chó do ông nuôi dạy. Chỉ riêng trong các xưởng của chúng tôi thì vòng quay công việc không hề đứt đoạn, mà cũng chẳng bao giờ suy giảm đi: bởi vì ở đây họ muốn chúng tôi làm quen với sự ưu việt của lao động, thậm chí họ còn phát hiện cả giá trị giáo dục của lao động nữa, cho nên họ rất để ý, sao cho công việc không bao giờ ngưng bặt. Tiếng rù rù của máy phát trong xưởng điện, tiếng búa nện ting- tong lên xuống trong xưởng rèn, tiếng bào cưa rột roạt trong xưởng mộc lẫn tiếng gõ tiếng cào từ xưởng làm chổi của chúng tôi, chẳng bao giờ ngừng vang lên, giúp chúng tôi quên khuấy mùa đông và nhắc nhở tôi còn có việc phải làm. Tôi phải bắt tay vào việc! Chiếc bàn tôi ngồi sạch sẽ, chằng chịt vết khía, vết khắc, nào tên họ viết tắt, nào năm tháng, nào ký hiệu, ghi dấu, nhắc nhở những khoảnh khắc của sự đắng cay, của niềm hy vọng, nhưng cũng là của sự bướng bỉnh, ngoan cường nữa. Quyển vở nằm mở sẵn trước mặt tôi, sẵn sàng chờ bài luận tôi viết để chịu phạt. Tôi không thể sao nhãng nữa, tôi phải bắt đầu thôi, phải quay chiếc chìa khóa để rốt cuộc cũng mở kho ký ức chứa đựng mọi chuyện của tôi ra, lôi hết những thứ có thể làm thỏa mãn yêu cầu của lão Korbjuhn: tôi phải tỏ cho lão thấy được niềm vui nghĩa vụ, phải dõi theo tác động của niềm vui ấy lên chính cả tôi, và tôi phải làm việc đó một mình, trong phòng biệt giam này cho đến cùng. Tôi đã sẵn sàng. Và, bởi vì tôi phải đi lên trước, nên tôi muốn quay trở lại đã, để lựa chọn, để tìm một địa điểm nào đấy làm nơi xuất phát. Có lẽ cứ nhắm chốt cảnh sát Rugbüll? Hay tốt hơn, nên chọn ngay toàn bộ đồng bằng Schleswig-Holstein trải từ Glüserup đến quốc lộ Husumer và dọc theo bờ đê, một miền đất mà đối với tôi, chỉ có một con đường duy nhất vắt ngang, chạy từ Rugbüll đến Bleekenwarf mà thôi ấy? Dù tôi có phải đánh thức quá khứ đang ngủ yên dậy thì tôi cũng đành vậy: tôi phải bắt đầu thôi. Nào, hãy bắt tay vào việc. Chương 2 LỆNH CẤM VẼ Năm bốn ba, thôi thì cứ mở đầu như thế vậy, vào một ngày tháng Tư, sáng hay trưa gì đó, bố tôi là ông Jens Ole Jepsen - viên cảnh sát chốt Rugbüll, chốt ngoại biên, nằm ở cực Bắc bang Schleswig-Holstein - sửa soạn lên đường đến Bleekenwarf thi hành cái việc trao tận tay bác họa sĩ Max Ludwig Nansen, người mà xưa nay dân chỗ chúng tôi vẫn chỉ gọi là ông họa sĩ - và cũng chẳng bao giờ thôi không gọi bác ấy như thế - một cái lệnh gửi từ Berlin lên là lệnh cấm không cho bác ấy vẽ tranh nữa. Không vội vàng, bố tôi như thể cố lần lữa, hết tìm áo mưa đến ống nhòm, lại xem lại thắt lưng lính với đèn pin, cố tình loay hoay một lúc lâu bên bàn giấy, khuy bấm trên áo khoác cảnh sát ông cài vào cởi ra đến lần thứ hai rồi, và trong khi tôi đã trùm khăn kín mít, đứng nguyên một chỗ chờ ông, thì ông chốc chốc lại liếc ra ngoài nhìn cảnh ngày xuân ảm đạm và lắng nghe tiếng gió thổi. Mà nào có phải thứ gió thường đâu: gió Tây-Bắc ấy ào ào đổ tới, phong tỏa, các nông trại lẫn các bờ đất với hàng cây, rầm rầm tung hết đợt xoáy này lại ném cơn giật khác, cốt thử xem nhà cửa cây cối ở đây vững chãi đến mức nào, là thứ gió đã tạo ra khung cảnh này; một khung cảnh đen ngòm, lồng lộng gió, ngổn ngang, hỗn độn, bờm xờm và mênh mông vô bờ bến. Gió quê tôi, tôi nghĩ bụng, là thứ gió khiến các mái nhà trở nên thính tai, làm cây cối biết tiên tri, bắt cái cối xay gió cũ phải gồng mình, phình bụng; gió thổi sàn sạt qua các mương rãnh, buộc chúng phát cuồng lên, hoặc bổ nhào xuống những chiếc thuyền chở than bùn, thổi văng món hàng nhão nhoẹt chẳng ra hình thù gì đó đi tứ tung. Gió quê tôi mà thổi như thế, thì người ta phải nhét thêm vật nặng gì đó vào túi áo, túi quần, như gói đựng đinh, một đoạn ống thiếc hay chiếc bàn là nặng chẳng hạn, may ra mới cự được với nó. Thứ gió ấy là gió quê tôi. Và, chúng tôi không thể bắt bẻ bác Max Ludwig Nansen chỗ nào, khi bác ấy đập ống thuốc vẽ, chọn thứ màu đỏ tía giận dữ và trắng lạnh lẽo để vẽ ngọn gió Tây-Bắc đó lên tranh, ngọn gió hết sức quen thuộc, ngọn gió gắn bó với chúng tôi, ngọn gió mà giờ đây bố tôi đang lắng nghe với vẻ mặt đầy nghi ngại ấy. Một làn khói bay lơ lửng trong bếp. Ở phòng khách, mơn man run rẩy một làn khói khác đượm mùi than bùn. Ngọn gió náu trong lò, nhè nhẹ phun khói ra khắp nhà, trong lúc bố tôi cứ đi đi lại lại mãi, như thể tìm cớ trì hoãn chứ chưa chịu lên đường ngay. Ông hết đặt cái này xuống chỗ này, lại nhấc cái khác ở chỗ khác lên, hết xách đôi ghệt vào phòng làm việc lại mở rộng quyển sổ trực ban ra trên bàn ăn, ngó ngó nghiêng nghiêng và có vẻ như hết tìm cớ này lại viện đến cớ khác, cốt làm sao lần lữa, chưa phải lên đường thi hành nhiệm vụ ngay, rồi rốt cuộc, ông vừa ngạc nhiên vừa bực dọc nhận ra ông hình như đã thành một kẻ nào đó khác lạ vậy, rằng ông đã bất đắc dĩ biến thành một viên cảnh sát kiểu mẫu miền đồng quê và, để thi hành công vụ, ông chẳng cần gì hơn ngoài chiếc xe đạp công đang dựng bên bàn máy cưa kê trong nhà kho kia thôi. Như thế, có lẽ chỉ là thói quen sẵn sàng thi hành công vụ, chứ không phải sự sốt sắng, hay niềm vui nghề nghiệp, càng không phải nhiệm vụ bỗng rơi vào tay ông buộc ông hôm ấy lên đường vậy. Như mọi lần, ông ra đi như thể chỉ vì ông đã trót đóng sắc phục, đã nhỡ nai nịt sẵn sàng rồi mà thôi. Trước khi ra đi, ông không đổi cách chào mọi khi ông vẫn chào, ông bước ra hành lang tối om, dỏng tai nghe ngóng, rồi ới gọi về phía mấy cánh cửa im ỉm đóng: Tôi đi, hả!; từ phía ấy chẳng nghe ai đáp lại, song, ông không vì thế mà ngạc nhiên hay thất vọng, ông vẫn làm như thể mọi người đã đáp lại cả rồi, ông gật gật đầu hài lòng, rồi hất hàm bảo tôi bước ra ngoài; bước đến ngưỡng cửa, ông ngoái lại, làm một cử chỉ vô định để tạm biệt, trước khi ngọn gió kịp kéo bật hai bố con chúng tôi khỏi khung cửa. Ra đến ngoài, bố tôi nghiêng vai đón gió thốc ngược chiều, ông cúi mặt xuống - gương mặt khô khan, lạnh lùng mà mọi đường nét, mọi nụ cười, mọi vẻ nghi ngờ hay tán đồng đều hiện ra rất chậm và, do đó, bao giờ gương mặt ông cũng hết sức nghiêm nghị, khiến người ta có cảm tưởng cái gì ông cũng hiểu đến nơi đến chốn, có điều quá muộn mà thôi - rồi gập người đi qua sân, nơi ngọn gió đang thổi bụi quay tròn, vò nhàu một mảnh báo, trên đó đăng mẩu tin về một chiến thắng tận đẩu tận đâu bên châu Phi cùng một chiến thắng nào đấy khác ở Đại Tây Dương, tức là vò nát, giằng xé một chiến thắng quyết định tại mặt trận tạo ra sắt thép phế liệu và ấn chặt lên mặt lưới hàng rào nhà chúng tôi. Bố tôi vào nhà kho cửa mở. Ông rên rỉ bế tôi ngồi lên poóc ba ga. Một tay nắm vào mép sau yên xe, tay kia giữ ghi đông, ông nhấc xe quay một vòng. Rồi ông đẩy nó xuống lối đi lát gạch, dừng lại dưới tấm biển ghi dòng chữ “Chốt cảnh sát Rugbüll” chỉ về phía ngôi nhà gạch đỏ của chúng tôi, gạt bàn đạp vào đúng tư thế thuận lợi, lên xe, đạp về hướng Bleekenwarf. Kẹp giữa hai chân bằng chiếc kẹp, áo che mưa ông choàng bị gió thổi căng phồng lên như quả bóng. Chạy xe như thế cũng lần đến được cối xay gió, thậm chí đến gần cả Holmsenwarf - là nơi có nhiều hàng giậu ngất ngưởng đung đưa theo gió - bởi suốt đoạn đường, nhờ chiếc áo mưa bố tôi choàng căng lên như buồm trước gió nên bố tôi cứ lựa chiều gió mà chạy. Nhưng đoạn sau, lúc ông quay về phía đê, gập người trèo lên đó, trông ông lập tức giống hình người đàn ông in trên tờ tranh quảng cáo “xuyên Schleswig-Holstein bằng xe đạp”, một kẻ lữ hành lì lợm mà cứ trông qua dáng vẻ căng thẳng và gắng sức cũng như mông đít nhấc khỏi yên xe, có thể đoán biết nỗi mệt nhọc mà ai cũng phải bỏ ra ở đây trên đường tìm thắng cảnh quê nhà. Tờ tranh quảng cáo đó không những phơi bày nỗi khó nhọc của người đạp xe, nó còn cho thấy rõ tài nghệ người này phải có, để đủ sức đạp xe trên mặt đê gồ ghề, giữa những cơn gió Tây-Bắc xiên hông, điên cuồng giật liên hồi. Không những, tờ tranh quảng cáo còn chỉ dẫn cho người xem nên giữ tư thế như thế nào khi đạp xe, nó cũng giúp người ta sớm có ấn tượng về chân trời phía Bắc nước Đức này, nó phác họa đường nét những ngọn gió tuyết trắng phau, và, cũng mượn bầy cừu ngớ ngẩn, bù xù lông, như bầy cừu đang nghếch mõm trông theo bố con tôi đây, để trang trí cho bờ đê. Để mô tả cảnh bố tôi đạp xe trên đê về Bleekenwarf, tôi bắt buộc phải mô tả tờ tranh quảng cáo, cho nên, muốn cho bức tranh thật sự hoàn thiện, tôi phải nói thêm là trong bức tranh ấy còn vẽ cả một bầy hải âu, gồm nào hải âu lớn, hải âu nhỏ lưng đen, hải âu đầu đen lẫn chim hải âu băng tuyết, vốn là giống chim rất hiếm ở đây, đang bay tản mát phía trên đầu người đàn ông đạp xe đạp đã kiệt sức nọ. Nhưng do in ấn cẩu thả nên bức tranh bị nhòe, khiến đàn chim trông giống như những miếng giẻ lau, chăng ra hong gió giữa trời cho chóng khô vậy. Cứ mải mốt đạp xe dọc theo bờ đê nhấp nhô như thế, bố tôi hướng cặp mắt xanh của ông xuống đất và, vừa cố chạy cho bánh xe lăn đúng vào lối đi hẹp hằn lên cỏ thành vệt màu nâu nâu, ông vừa tìm cách chống đỡ các cơn gió giật. Tờ lệnh ông đã gập lại, nhét vào túi áo ngực; ông thong thả, dáng vẻ hơi khó nhọc một chút, đạp nốt khúc quanh của bờ đê, khiến người ta có thể tưởng, hẳn ông đang định đến quán trọ “Wattblick” xây bằng gỗ ván sơn màu xám đằng trước kia để bắt tay ông chủ quán Hinnerk Timmsen và cùng uống ly rượu grog, hay thậm chí còn qua lại dăm ba câu chuyện với ông này cũng nên. Nhưng bố con tôi không đi xa đến thế. Chưa đến quán trọ, cái quán được nối với con đê bằng hai cái cầu gỗ và bao giờ cũng làm tôi mường tượng đến một con chó đang chồm hai chân trước lên bức tường nào đó để nhìn ra ngoài, hai bố con tôi rời khỏi mặt đê, thả dốc thoai thoải xuống lối đi chạy dọc chân đê, rồi từ đó, rẽ vào con đường dài dẫn vào Bleekenwarf, con đường với hai hàng cây bạch dương mọc hai bên và đâm thẳng tới cánh cổng ngăn có cửa treo làm bằng hai tấm gỗ sơn trắng. Tình thế mỗi lúc một thêm căng thẳng, mỗi lúc một thêm hồi hộp, một tình thế bao giờ cũng nảy sinh ở quê tôi, mỗi khi có ai bất chấp các cơn gió Tây-Bắc cục cằn của tháng Tư để lên đường lặn lội giữa khoảng trời mênh mông trải rộng trước mắt, và chỉ nhằm hướng tới một mục tiêu định rõ từ trước như thế. Cánh cổng gỗ kin kít, từ từ mở ra khi bố tôi đạp xe chầm chậm, dùng bánh xe trước ẩy nó ra. Một lát sau, xe bố tôi lăn ngang qua tàu ngựa hoen rỉ vì bị bỏ hoang đã từ lâu, tiếp đến là cái ao con và nhà kho. Bố tôi đạp xe chạy rất chậm, như thể ông muốn mọi người trong nhà sẽ nhìn thấy ông đang đến. Ông chạy sát sạt ngang các khung cửa sổ hẹp của gian nhà chính, rồi trước khi dừng lại, ông còn ném một cái nhìn về phía xưởng vẽ xây áp vào gian nhà chính. Ông bế xốc tôi, đặt xuống đất như đặt một kiện hàng, rồi đẩy xe tiến về phía lối vào nhà. Ở quê tôi, không ai lần đến cửa nhà người khác mà không bị người trong nhà phát hiện từ xa, cho nên tôi khỏi cần phải kể bố tôi đã không gõ cửa, cũng không ới gọi vào trong hành lang tranh tối tranh sáng nữa, tôi cũng không phải tả tiếng chân ai bước đến gần hay tiếng ai kêu lên với vẻ ngạc nhiên làm gì nữa. Tôi chỉ cần thuật lại cảnh bố tôi đẩy cửa, dùng tay gạt tấm rèm sang một bên và chẳng cần nhìn cũng biết thể nào cũng có ai đó đưa bàn tay ấm áp nắm bắt tay ông. Đoạn, ông chỉ còn có việc nói: Chào chị, chị Ditte - nữa thôi, bởi bác Ditte, vợ bác họa sĩ, chắc chắn đã ra đứng đợi sẵn ở cửa, ngay từ lúc hai bố con tôi thả xe xuống dốc rời mặt đê rồi cơ. Bác Ditte mặc trên người bộ váy liền áo may bằng vải thô khá dài, khiến bác trông giống như một bà thầy bói nghiêm trang ở xứ Holstein này vậy. Bác đi trước, hai bố con tôi theo sau. Hành lang tối om, nhưng bác vẫn nắm ngay được nắm đấm cánh cửa vào phòng khách, mở ra rồi mời bố tôi bước vào trong. Trước hết bố tôi phải loay hoay gỡ cho được cái kẹp kẹp áo choàng trùm đầu của ông ở giữa háng. Ông dang chân, khuỵu đầu gối xuống rồi dùng tay sờ soạng một lúc mới vớ được cái kẹp để nhả nó ra. Ông chui ra khỏi áo choàng từ phía dưới, đứng thẳng lên, vuốt vuốt lại chiếc áo vét cảnh sát trên người cho thẳng thớm rồi quay sang nới chiếc khăn quàng nãy giờ vẫn quấn kín cả cổ lẫn đầu tôi ra một chút, trước khi đẩy tôi đi trước ông bước vào phòng khách. Ở Bleekenwarf đây, phòng khách rộng mênh mông. Tuy không cao lắm nhưng nó rộng rãi, lại vô số cửa sổ, và nếu cần, có khi chứa được cả đến chín trăm khách ngồi ăn đám cưới cũng nên; hay nếu không phải khách đám cưới thì cũng phải chứa được bảy lớp học, cả thầy lẫn trò chứ không phải vừa; ấy là chưa kể số bàn ghế kềnh càng, ngang nhiên khệnh khạng chiếm mất không biết bao nhiêu là chỗ trong phòng. Nào tủ, nào hòm, nào bàn, nào ghế, cái nào cái nấy nặng trình trịch và đều có khắc số năm bằng chữ rune cổ xưa; riêng cái kiểu đứng lù lù, hung tợn và hống hách của các thứ đồ gỗ này cũng đủ thấy tuổi thọ chúng nó phải cao lắm rồi; Lại thêm mấy cái ghế tựa nặng phát kinh lên được và cũng có vẻ rất ta đây, tôi phải nói thẳng ra thế, cứ làm như thể ai đặt đít lên đó đều phải ngồi thật yên, đến mặt mũi cũng cấm được động đậy chứ không phải vừa. Bộ ấm chén trà sẫm màu và trông thật xấu xí - thấy bảo làm bằng sứ Wittdün - đặt trên một cái giá gắn vào tường và, đã từ lâu, chắc chỉ dùng làm đích ném cho vui, chứ chẳng ai đem ra pha nước nữa. Thế nhưng tính tình hai vợ chồng bác họa sĩ vốn dễ dãi, cho nên hai bác chẳng xê xích gì mấy trong nhà này, từ khi hai bác mua lại căn nhà Bleekenwarf từ tay con gái ông lão Fredericksen, cái ông lão đa nghi đến mức, trước khi treo dây lên mép một trong số mấy cái tủ đứng cao kinh khủng kê trong phòng để tự vẫn, ông ấy còn cắt trước cả mạch máu ở cổ tay cho chắc ăn nữa. Bàn ghế trong phòng hai bác để nguyên, chẳng kê lại, chỉ thay đổi chút ít trong bếp, nơi mà nồi niêu, xoong chảo, thùng chậu vốn bao giờ cũng ngăn nắp; mấy cái chạn bát đĩa cổ xưa dựng trong bếp, chất đầy những đĩa bằng sứ Wittdün vênh vang điệu bộ, những liễn cùng bát tô to đùng to đoàng ấy, hai bác đều cứ để trước nằm đâu, sau vẫn nằm nguyên đấy; ngay cả giường ngủ - thứ giường hẹp, cứng đơ, nằm qua đêm không mấy dễ chịu ấy - cũng kê y nguyên chỗ cũ. Thôi, nhưng bây giờ đã đến lúc bố tôi vào đến phòng khách, kéo cánh cửa phía sau lưng, khép nó lại, rồi cất tiếng chào ông Tiến sĩ Theodor Busbeck. Ông này, như mọi khi, vẫn ngồi một mình trên chiếc ghế sofa quái đản, đệm cứng đơ đơ và dài phải đến ba chục thước chứ không vừa; ông không đọc, không viết lách gì, đóng bộ tươm tất, từ nhiều năm nay rồi, chỉ ngồi ngây ra đấy, thành tâm ngóng trông một tin hay sự kiện nào đó, trong một tư thế cam chịu đầy bí hiểm, như thể sự kiện hay tin tức ông đang trông chờ có thể ập đến bất cứ lúc nào vậy. Gương mặt nhợt nhạt của ông hầu như không để lộ cảm xúc nào hết, hay nói đúng hơn, mọi nét mặt có thể làm lộ cảm xúc đều bị ông thận trọng gột xóa đi ngay. Song, dù sao thì dân tình quanh vùng đều biết được đôi điều, rằng ông là người đầu tiên cho triển lãm tranh của bác họa sĩ và, từ ngày có lệnh dẹp bỏ, rồi đóng cửa phòng tranh của ông thì ông dọn về ở tại Bleekenwarf đây. Ông mỉm cười hiền lành, nhổm dậy tiến tới bắt tay bố tôi, hỏi thăm đôi ba câu xem gió bên ngoài mạnh yếu thế nào, rồi lại quay về ngồi vào chỗ cũ, sau khi cũng đã mỉm cười, cúi đầu gật gật về phía tôi. Chú Jens, chú dùng trà hay làm ly rượu mạnh - bác Ditte cất tiếng hỏi bố tôi, rồi nói tiếp: Chứ tôi, thì tôi chỉ muốn làm ngay một ly. Bố tôi phẩy tay. Không, hôm nay tôi không uống gì đâu, bố tôi nói, rồi không ngồi xuống chiếc ghế kê cạnh cửa sổ như mọi khi, không uống gì cả như mọi lần, không phàn nàn như mọi bữa về chứng đau bả vai ông bị từ dạo ngã xe đạp và cũng bỏ qua, không thông báo gì về các tin tức hay sự cố xảy ra trong vùng mà ông, cảnh sát viên Rugbüll, phải tường tận, từ chuyện ai đó bị ngựa đá hậu mà chấn thương nặng đến chuyện nhà nào mổ lợn, hoặc mổ bò chui, hay chuyện kẻ này kẻ khác cố tình gây hỏa hoạn chỗ nọ chỗ kia. Đến một lời chào hỏi từ Rugbüll ông cũng chẳng mang theo, ông cũng quên cả hỏi thăm bọn trẻ bác họa sĩ đón về nuôi trong nhà đây. Không, chị ạ, hôm nay tôi không uống gì đâu, bố tôi nói. Độc có thế. Bố tôi không chịu ngồi. Ông xoa xoa đầu ngón tay lên túi áo ngực. Ông nhìn qua cửa sổ về phía xưởng vẽ. Ông lặng lẽ chờ đợi và cả bác Ditte lẫn Tiến sĩ Busbeck đều ngầm hiểu, bố tôi đang chờ bác họa sĩ với vẻ mặt buồn rầu, thậm chí hơi bồn chồn là khác - mặc dù thông thường, bố tôi có bao giờ để lộ cho ai biết ông đang bồn chồn hay nóng ruột đâu. Nói cách khác, công việc ông đang phải thi hành không để ông yên. Ánh mắt ông không dừng lại ở đâu cả, như mọi khi, mỗi khi ông bối rối, hoang mang và xúc động theo kiểu dân vùng Friesen; những lúc như thế, tuy ông chăm chú nhìn vào một ai đó, nhưng lại chẳng thấy người đó đâu, ánh mắt ông hướng vào đâu cũng trượt ngay sang chỗ khác, ngước nhìn lên, rồi lại lảng ra, khiến ông trở nên lạ lẫm, xa vời, và lẩn tránh mọi lời hỏi han của người khác. Cứ trông bộ dạng ông đứng giữa phòng khách rộng thênh thang, cứ trông cung cách miễn cưỡng, lúng ta lúng túng trong bộ sắc phục cảnh sát may thửa vụng về cũng như bắt gặp ánh mắt bối rối của ông, thì rõ ràng, cái tướng ông lúc này chả dọa nổi ai. Sau lưng ông, chợt bác Ditte cất tiếng hỏi: Có chuyện gì với ông Max nhà tôi à, chú Jens? Và, lúc bố tôi, không quay người lại, chỉ gật gật đầu, thì ông Tiến sĩ Busbeck nhổm dậy, tiến đến gần nắm lấy tay bác Ditte, rồi rụt rè hỏi: Lệnh từ Berlin lên phải không ông? Thoáng chút do dự, bố tôi quay người lại, ngạc nhiên nhìn người đàn ông bé nhỏ đang luống cuống như thể muốn xin lỗi vì đã cất tiếng hỏi câu hỏi đường đột và vô duyên. Có điều, dường như bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu, ông đều có vẻ như ăn năn, muốn xin tha lỗi như thế hết. Bố tôi không đáp, đúng ra là ông chả cần đáp nữa, vì qua cái cách hai người đứng im không nói gì như thế, cả bác Ditte lẫn ông bạn già của bác họa sĩ đều ngầm báo cho bố tôi biết, họ đã rõ mọi chuyện, họ cũng đoán được lệnh bố tôi mang đến là lệnh gì rồi. Nhẽ ra lúc này bác Ditte cũng có thể gạn hỏi thêm xem trong lệnh viết những gì và bố tôi chắc cũng sẽ sẵn lòng, thậm chí còn nhẹ nhõm là khác, nói rõ cho bác ấy biết nội dung lệnh là gì, nhưng bác ấy không hỏi gì thêm. Ba vị lặng yên đứng bên nhau một lát, rồi ông Busbeck nói, như thể tự nói với mình: Thế là cũng đến lượt ông Max rồi đây. Tôi chỉ lạ, sao không sớm hơn, như với mọi người khác thôi. Trong lúc ba người rốt cuộc cùng tiến về phía ghế sofa thì bác Ditte bảo: Ông Max nhà tôi đang vẽ ngoài kia, bên bờ mương sau vườn ấy. Bác vừa nói vậy, vừa quay đi và trong câu nói đã ngầm chứa luôn cả lời tạm biệt, cho nên bố tôi chẳng còn cách nào hơn là ra khỏi phòng khách, sau khi đã nhún vai như muốn phân trần, chính ông, phải, chính ông cũng lấy làm tiếc phải thi hành nhiệm vụ này và vụ việc nào có phải do ông tự bịa ra đâu. Ông giật chiếc áo choàng treo trên giá xuống, ẩy nhẹ tôi một cái vào lưng rồi hai bố con tôi theo nhau bước ra ngoài. Dáng điệu có vẻ nhiều lo âu hơn là tự tin, bố tôi chậm rãi men theo bờ tường trơ trọi ở mặt tiền ngôi nhà. Ông đẩy cánh cổng dẫn vào vườn, đứng khuất ra sau hàng rào, rồi mấp máy môi, lẩm nhẩm thử nói vài câu, như mọi lần, mỗi khi ông e ngại, trong cuộc gặp gỡ sắp tới với ai đó, ông sẽ phải nói nhiều hơn mọi ngày. Đoạn, ông đi len vào giữa mấy luống đất đã được xới rồi vun lên gọn ghẽ và vượt qua ngôi nhà vườn lợp rơm tiến ra bờ mương - con mương nước lặng, lau sậy mọc bên bờ và bao bọc lấy Bleekenwarf, khiến vẻ cô tịch của khu nhà càng đậm thêm vậy. Bác họa sĩ Max Ludwig Nansen đang ở đó. Bác đứng vẽ trên chiếc cầu gỗ không có hàng lan can, ở nơi khuất gió. Bởi biết bác ấy chăm chú thế nào lúc vẽ, nên tôi không muốn làm bác ấy bị bất ngờ. Tôi mách bố tôi phải đánh động, bằng cách gõ nhè nhẹ ngón tay lên vai bác ấy. Cứ hườm hượm cái đã, rồi tôi khắc kể về cuộc gặp gỡ này, bởi đây không phải là cuộc gặp tùy hứng, ngày nào cũng diễn ra. Trước hết, tôi muốn kể thêm chút chi tiết râu ria, rằng bác họa sĩ hơn bố tôi tám tuổi, người thấp hơn, nhưng nhanh nhẹn và nóng nảy hơn, có lẽ cũng ranh mãnh và cứng đầu cứng cổ hơn, mặc dù thời trai trẻ của cả hai ông đều trôi qua ở chốn Glüserup. Gớm, lạy Chúa! Cái chốn Glüserup ấy! Bác Max đội mũ, mũ dạ, kéo sụp xuống trán, khiến vành mũ che gần khuất đôi mắt màu xám của bác. Áo măng tô bác mặc đã cũ, lưng áo sờn; đó chính là chiếc áo màu xám pha xanh da trời với không biết bao nhiêu là túi, những cái túi rộng đến nỗi - như bác ấy đã có lần dọa tụi nhóc chúng tôi, nếu cứ phiền quấy, không để yên cho bác làm việc, thì bác sẽ nhét hết cả bọn vào túi cho nó nuốt chửng. Mùa nào, bác cũng đánh độc một chiếc áo khoác màu xanh xám ấy, bất kể trong nhà hay ngoài trời, mưa hay nắng, không khéo đi ngủ bác cũng vẫn mặc nó trên người cũng nên; nói cách khác, chiếc áo với bác thuộc về nhau như hình với bóng. Song, cũng có những lúc, vào đôi buổi chiều tà mùa hạ nào đó, những khi các đám mây trĩu nặng, kéo nhau hàng đàn hàng lũ về tụ tập rồi bay lững lờ lơ lửng trên bãi cát bùn ven biển, người ta lại có cảm giác như chỉ có chiếc áo choàng, chứ không phải bác Max, đang lững thững trên mặt đê ngắm nghía chân trời vậy. Chiếc áo choàng trùm kín toàn thân, chỉ lộ ra ngoài một đoạn ống quần nhàu nát cùng đôi giày, kiểu cổ lỗ sĩ, nhưng rất đắt tiền, cổ cao đến mắt cá chân và viền nẹp bằng da thú rừng. Chúng tôi đã quen bắt gặp bác họa sĩ như thế này rồi, có điều lần này, tôi nghĩ bụng, hẳn bố tôi sẽ thấy thanh thản trong lòng hơn nếu ông không phải đứng ở đó, sau bờ giậu trông ra, hay ít ra không phải làm cái việc ông sắp phải làm, hoặc đứng đó, nhưng trong túi áo ngực ông không nhét mảnh giấy oái oăm, cũng như, đứng đó mà không phải nhớ lại chuyện hồi xưa. Bố tôi lặng lẽ đứng nhìn bác họa sĩ. Chỉ nhìn thôi, không ráo riết, không soi mói bằng con mắt một cảnh sát viên. Bác họa sĩ đang vẽ. Hình như, bác ấy đang cố vẽ cái cối xay gió đã đổ nát, đã trụi hết cánh quạt và đứng trơ trơ bất động giữa bầu trời tháng Tư. Hơi nhô lên khỏi bệ quay, cái cối xay gió trông giống như một bông hoa xấu xí, cắm trên cuống hoa cũn cỡn - vâng, giống như một thứ hoa bí hiểm nào đấy đang chờ lúc héo tàn. Bác Max Ludwig Nansen định vẽ nó, bê hẳn nó sang một thời khắc khác, đặt nó giữa một bối cảnh khác, chen nó vào khung cảnh hoàng hôn chạng vạng hiện lên trong bức tranh. Và cũng như mọi khi, trong lúc tay bác vẽ, bác vẫn nói luôn mồm, không phải độc thoại với chính mình, mà chuyện trò với một gã tên là Balthasar nào đó đứng cạnh bác, anh bạn Balthasar vô hình của bác, một người chỉ mỗi mình bác nhìn thấy, chỉ mỗi mình bác trò chuyện, tán gẫu hay cãi vã được mà thôi; thỉnh thoảng bác còn huých vào sườn gã một cái, mạnh đến mức đứng bên ngoài, chúng tôi - dù chẳng thấy ông Balthasar, nhà phê bình tranh vô hình ấy đâu - bỗng dưng vẫn nghe thấy tiếng ông ta rên lên vì đau đớn, hay nếu không phải tiếng rên rỉ, thì cũng là một tràng văng tục kéo dài. Càng đứng lâu sau lưng bác họa sĩ, chúng tôi càng tin ông Balthasar đó có mặt ở đâu đây thật. Chúng tôi buộc phải tin như thế, bởi chúng tôi có thể nghe thấy rõ mồn một hơi thở hay tiếng xuýt xoa tiếc rẻ của ông ta. Và, cũng bởi vì bác họa sĩ không bao giờ ngừng chuyện trò với ông ta, sẵn lòng tin cậy ông ta, nhưng cũng lại bực bội ngay đấy vì đã cả tin nghe lời ông ta. Ngay cả bây giờ, lúc bố tôi đứng nhòm nhòm ngó ngó bác, bác ấy vẫn không ngớt lời cãi cọ với ông Balthasar; ông này - trên các bức tranh ông bị giam hãm - khoác áo lông chồn bù xù màu tím, mắt xếch, để râu màu da cam nóng bỏng và, từ bộ râu kỳ dị ấy, những giọt màu nung đỏ đang nhỏ giọt xuống. Tuy nhiên, bác họa sĩ chả mấy khi ngoái lạisau canh chừng ông Balthasar, bác bị lôi cuốn vào công việc của bác, hai chân hơi dạng ra, từ hông trở lên, thân người bác uyển chuyển, ngả sang hai bên, ưỡn ra trước, thụt ra sau đều nhẹ nhàng, và trong khi đầu bác ở tư thế nghiêng nghiêng một bên, lắc lư, vươn ra thụt vào, trông cứ như đầu búa hơi nâng lên giáng xuống, thì cánh tay phải của bác trông lại cứ như bị trúng phong, cứng đơ một cách quái lạ, vâng, mọi cử động đều khó nhọc, như đang phải chống lại một lực cản tinh vi bất thường nào đó vậy. Nhưng, dù cánh tay quan trọng bác dùng để vẽ này có vẻ như bị cứng đơ một cách kỳ lạ thế, thì toàn thân bác họa sĩ lại vẫn uyển chuyển cùng từng nét vẽ như thường. Điệu bộ lạ lùng của bác như thể khẳng định và xác minh những gì bác vừa sáng tác. Và, vào một ngày lặng gió, nếu bác ấy có định tạo gió trong tranh, cho nó nổi lên giữa màu xanh da trời và màu xanh lá cây thì lập tức, người ta sẽ có thể nghe thấy tiếng lao xao của những hạm thuyền huyền ảo trong không trung, nghe tiếng cánh buồm phần phật và thậm chí mép áo choàng bác đang mặc cũng bay bay theo gió và, nếu lúc đó bác đang ngậm tẩu, thì khói thuốc bay lên sẽ bị tạt ngay sang một bên. Vâng, nói gì thì nói, cứ nhớ lại những giây phút như thế, bao giờ tôi cũng có ngay cảm giác đó. Đúng thế, bố tôi lặng lẽ đứng nhìn bác họa sĩ vẽ tranh; ông cứ đứng như thế một lúc lâu, đầy vẻ do dự và chán nản, mãi đến khi, hình như ông cảm thấy những ánh mắt nhìn ra từ phòng khách trong nhà, nơi hai bố con chúng tôi vừa ra khỏi, như đang xoáy vào chúng tôi, thì hai bố con tôi mới chầm chậm bước dọc theo hàng giậu, và - trong lúc vẫn bị những ánh mắt từ trong nhà nhìn ra bám riết - chúng tôi chọn một khe hổng hẹp chui ra ngoài, đúng ngay một đầu chiếc cầu gỗ không có hàng lan can. Bố tôi ngó xuống mương và nhận ra bóng mình giữa lác đác những dải lá sậy cùng lốm đốm bèo cám nổi lềnh bềnh. Và bác họa sĩ, lúc bước sang một bên để nhìn xuống mặt nước gạn lăn tăn, cũng nhận ra bố tôi. Hai người nhìn thấy nhau và nhận ra nhau qua bóng chiếu xuống mặt mương tối om om và, chẳng biết đâu được, việc họ nhận ra nhau như thế, nhanh như chớp, đã làm sống lại một kỷ niệm từng gắn bó hai người và chắc chắn sẽ mãi mãi gắn bó họ với nhau - một kỷ niệm đưa họ quay về bến cảng con con và tiều tụy ở Glüserup, nơi hai người từng nấp câu cá sau con đê chắn sóng - dựng bằng đá hộc, hoặc nhào lộn trên mặt cống ngăn nước thủy triều hay nằm ườn phơi nắng trên boong con thuyền câu tôm đã bạc thếch do phơi nắng dầm sương. Song, chưa chắc đó đã là những hình ảnh khiến hai người, khi nhận ra nhau qua hình bóng mình phản chiếu trên mặt nước mương, bất chợt nhớ đến; kỷ niệm mà hai người nhớ đến lúc này, có phần chắc, là làn nước ngầu đục ở bến cảng vào một ngày thứ Bảy, khi bố tôi - lúc bấy giờ mới chín mười tuổi gì đó chứ mấy - trượt chân, ngã từ trên cửa cống điều chỉnh thủy triều xuống nước, và bác họa sĩ lao xuống theo, lặn đi lặn lại mãi mới túm được vạt áo, và buộc lòng phải bẻ gãy một ngón tay bố tôi, trong lúc cùng đường tuyệt vọng, bấu cứng lấy bác để thoát thân, và nhờ thế, mới cứu được bố tôi thoát khỏi chết đuối. Vâng, hai người tiến gần lại nhau, cả trên mặt cầu lẫn trên mặt nước con mương chảy dưới cầu, bắt tay nhau cả dưới mặt nước lẫn trên cầu, bên giá vẽ, cất tiếng chào hỏi nhau như mọi lần, tức là hai ông gọi tên nhau, với giọng hơi cao lên như người này muốn hỏi người kia vậy: Ông Jens? Ông Max? Rồi, trong khi bác Max Ludwig Nasen đã quay lại với công việc đang dở tay, bố tôi thọc tay vào túi áo ngực, lồi mảnh giấy trong đó ra, kẹp nó giữa hai ngón tay, vuốt vuốt cho phẳng và do dự đứng sau lưng bác họa sĩ, đắn đo nghĩ ngợi xem nên mở đầu thế nào. Có lẽ ông đang nghĩ, thôi thì cứ lẳng lặng trao tờ lệnh đã đóng dấu và có chữ ký cho ông ấy, cùng lắm chỉ cần nói thêm: Có cái này, họ gửi từ Berlin cho ông. Rõ ràng, ông thầm mong, nếu cứ để yên cho bác họa sĩ tự mình đọc tờ lệnh cái đã, thì chắc ông sẽ không bị hỏi han, căn vặn gì thêm. Mẹ kiếp, giá ông có thể giao hết việc này cho ông già đưa thư Okko Brodersen cụt tay thì có phải hay biết mấy không; nhưng cái lệnh cấm của khỉ này thuộc loại công văn buộc cảnh sát phải đích thân tống đạt tận tay người nhận, cho nên rốt cuộc việc lại rơi vào tay bố tôi, là viên cảnh sát đảm nhiệm chốt Rugbüll, mới khổ. Đã thế, bố tôi còn phải thông báo cho bác họa sĩ biết, rằng chính ông lại được chỉ định làm người giám sát việc thi hành lệnh cấm nữa kia. Thành ra, tay cầm tờ lệnh đã mở sẵn trên tay, bố tôi đứng tần ngần như thế mất một lúc. Ông đưa mắt nhìn cối xay gió, rồi lại nhìn vào bức tranh, đoạn, quay lên cối xay gió, sau đó lại nhìn bức tranh. Ông ngẫu nhiên sán lại gần hơn, bây giờ thì nhìn từ bức tranh, ngước lên cối xay gió, trở lại bức tranh rồi lại nhìn lên cối xay gió cụt cánh, nhưng có vẻ không tìm thấy cái ông muốn tìm trong đó: Thế này là thế nào, hả ông Max? Bác họa sĩ bước sang một bên, vừa nói vừa chỉ tay vào Anh Bạn Lớn của cối xay gió: Anh Bạn Lớn của cối xay gió đấy, rồi cho thêm ít màu tối lên gò đất xanh màu cỏ. Bây giờ chắc bố tôi cũng đã nhận ra Anh Bạn Lớn của cối xay gió, lẳng lặng và sạm nâu, đang nhô lên ở chân trời - ông lão hiền lành, râu dài như một vị tiên ông, một sinh vật đầy vẻ khinh suất thiện lành, kỳ diệu sao, cứ vậy mà lớn phổng lên thành gã khổng lồ. Các ngón tay màu nâu, nhuốm đỏ của ông lão cong lại, trông như thể lão sắp búng nhẹ một cái lên một trong những cánh quạt mà hình như lão vừa tự tay mắc lên cối xay gió. Lão hẳn sẽ quay các cánh quạt, hiện đang nằm chìm sâu trong màu xám chết chóc phía dưới lão, khiến chúng quay trở lại, thật nhanh, mỗi lúc một nhanh, cho đến khi chúng sẽ cắt lớp dần bóng tối, vâng, cho đến khi chúng khắc vẽ nên một ngày sáng sủa, với nhiều ánh sáng hơn trước mắt tôi. Các cánh quạt sẽ dẹp được bóng tối, chắc chắn thế, bởi nét mặt ông lão đã chuyển sang vẻ hả hê, cho thấy rõ ông lão ngái ngủ này đã bắt tay vào việc gì hẳn sẽ làm xong việc đó. Mặc dầu cái ao cạnh cối xay gió ngả sang màu tím tỏ vẻ hoài nghi, nhưng mối hoài nghi này chắc chắn vô căn cứ và Anh Bạn Lớn của cối xay gió sẽ xua tan mối hoài nghi đó thôi. Hết thời rồi, bố tôi nói, nó chẳng quay được nữa đâu. Nhưng bác họa sĩ khăng khăng: Ngày mai nó khắc quay, ông Jens ạ, ông cứ đợi đấy; mai ta xay hạt anh túc, xay cho nó bốc khói lên ấy chứ. Bác dừng tay, châm tẩu rồi nghiêng đầu sang bên này, nghiêng đầu sang bên kia ngắm nghía bức tranh. Không nhìn sang bố tôi, bác chìa cái bọc đựng thuốc cho ông. Rồi, cũng không nhìn xem bố tôi có nhồi tẩu hay không, bác lại nhét bọc thuốc vào túi áo choàng thùng thình không đáy. Bác lại nói: Ở đây còn thiếu chút giận dữ, ông nhỉ? Còn thiếu màu lục sẫm, thiếu màu giận dữ, thêm nó vào, cối khắc lạch cạch xay cho mà xem. Bố tôi cầm bức thư trên tay, áp vào người, che nó đi theo bản năng và hẳn ông đang đắn đo, chờ gặp đúng dịp sẽ chìa nó ra, chứ tự ông, ông không dám đường đột. Ông chỉ nói: Ông ơi, chẳng còn gió nào quay nổi cái của nợ ấy nữa đâu, có giận dữ, thịnh nộ đến mấy cũng thế thôi. Bác họa sĩ bình thản đáp: Nó khắc xay, rồi ông xem, sáng mai, cánh quạt khắc sẽ quay. Giá bác họa sĩ không quả quyết như thế, thì có lẽ bố tôi sẽ lần chần còn chán. Nhưng nghe nói vậy, ông chợt duỗi tay ra, rồi vừa chìa bức thư cho bác họa sĩ, vừa nói: Đây, ông Max, có cái này từ Berlin đây. Ông đọc ngay đi. Bác họa sĩ hờ hững đón bức thư từ tay bố tôi rồi nhét biến nó ngay vào túi áo choàng, đoạn bác quay về phía bố tôi, chạm vào vai rồi ẩy một cái và nói, mắt nheo nheo: Đi, ông Jens, ta chuồn thôi, lúc tay Balthasar vẫn luẩn quẩn trong cối xay kia. Tôi mới có chai gin, uống vào không khéo xoắn cả lưỡi. Rượu gin, lạy Chúa, không phải gin Hà Lan, mà gin Thụy Sĩ ông ạ, có tay bảo tàng bên Thụy Sĩ đem biếu tôi. Đi, ông vào xưởng vẽ với tôi. Nhưng bố tôi không đi. Hai ngón tay vẫn kẹp vào nhau, ông chỉ vào túi áo khoác bác họa sĩ: Bức thư này - ông ngập ngừng trong giây lát, rồi tiếp - Ông Max, ông phải đọc ngay đi. Thư Berlin đấy. Rồi, hình như thấy chỉ nói miệng không đủ, ông bước một bước về phía bác họa sĩ, chắn ngang cầu và lối về nhà. Bác họa sĩ nhún vai, lôi lá thư từ trong túi áo ra, đưa mắt đọc hàng chữ ghi tên người gửi ngoài phong bì - như thể cốt chỉ chiều lòng bố tôi thôi - rồi bình thản gật đầu nói khinh khỉnh: Cái bọn đến ngu. Đoạn, bác liếc nhanh sang nhìn bố tôi và vẻ mặt bố tôi có vẻ làm bác phải ngạc nhiên, vẫn đứng nguyên trên cầu, bác lôi lá thư ra đọc. Và, bác đọc rất lâu - vâng, ý tôi nói là đọc rất chậm, mỗi lúc một chậm thêm - đọc xong, bác lại nhét nó vào trong túi áo choàng, và so người lại, quay mặt ngoảnh ra chỗ khác, ra dải đất bằng phẳng phơi mình trước gió, sang cối xay gió, như thể bác đang muốn tìm một lời khuyên từ đâu đó, từ trận đồ bát quái của chằng chịt những con mương với kênh đào, từ các bờ đất nhấp nhô lởm chởm, từ con đê hay từ những khóm nhà kiêu hãnh. À, mà nói là nói vậy thôi, chứ không khéo bác ấy ngoảnh nhìn ra chỗ khác, chỉ cốt khỏi phải nhìn bố tôi mà thôi. Lệnh này, không phải tôi ban ra, bố tôi nói, và bác họa sĩ đáp: Phải! Tôi biết. - Có muốn, tôi cũng chẳng làm được gì, bố tôi lại nói. Phải! Tôi biết, bác họa sĩ đập đập tẩu thuốc vào gót giày cho văng tàn thuốc ra: Trong ấy viết những gì tôi hiểu cả, riêng có chữ ký của ai thì nhận không ra. - Ở đấy, họ bận ký đủ thứ giấy tờ, đâm ra vậy, bố tôi đáp; bác họa sĩ liền nổi cáu: Cái lũ đần độn, chính chúng nó cũng chẳng hiểu chúng nó làm trò gì: Cấm họa! Cấm hành nghề! Rồi cấm cả ăn, cấm cả uống nữa chắc! Lệnh liếc thế này, thảo nào không đứa nào dám ký rõ tên rõ tuổi. Nói rồi, bác cúi đầu trầm ngâm ngắm nghía Người Bạn Lớn của cối xay gió, như thể muốn xem lại cho chắc, xem ông lão còn ở đấy không, ông lão màu nâu tài ba - nếu không hôm nay chưa được thì ngày mai - sẽ đủ sức làm các cánh quạt lạch cạch quay. Bằng một giọng rất chi quan cách, bố tôi nói chen vào giây phút trầm ngâm ấy của bác: Nhận được lệnh này phải thi hành ngay; có đúng trong thư ghi như thế không, ông Max? Bác họa sĩ ngạc nhiên: Phải, trong thư ghi đúng như thế. Và, bố tôi tiếp lời, khẽ khàng nhưng đủ nghe: Thì tôi đã bảo phải thi hành ngay mà lại! Bác họa sĩ xếp dụng cụ đồ nghề của bác lại, xếp một mình, không nhờ viên cảnh sát chốt Rugbüll giúp một tay. Nhưng, trông bộ điệu bác, thì có vẻ như bố tôi có muốn giúp, chắc gì bác đã chịu. Hai ông theo nhau chui qua hàng giậu, rồi khó nhọc băng qua hết khu vườn. Họ đi về phía xưởng vẽ, cái xưởng vẽ do bác họa sĩ xây áp vào căn nhà chính đúng như ý bác muốn; xưởng chỉ cao đúng một tầng, cửa sổ trổ trên nóc nhà, với năm mươi nhăm ngóc ngách và xó xỉnh, giữa bao nhiêu là tủ đứng cũ kỹ cùng giá xếp sách đầy ứ ự, lại còn cơ man nào giường tầng, đệm cứng và tạm bợ, là nơi, đôi khi tôi đinh ninh thế, tất tật các nhân vật vui nhộn hay hung dữ do bác họa sĩ bịa ra tìm đến nghỉ đêm, đám thầy bói vàng khè, tụi buôn tiền đổi bạc, mười hai vị sứ đồ, hay lũ yêu tinh cùng bọn nhà buôn láu cá và xanh lè. Cả đám dân Slovene lẫn các vũ công bãi biển cũng ở đây, và đương nhiên, còn những người làm ruộng lom khom vì gió nữa, hình như họ đều trọ qua đêm ở đây cả. Thật tình mà nói, tôi chưa bao giờ đếm hết số giường nằm như thế trong xưởng vẽ. Thế nhưng, dựa vào vô số ghế băng dài với ghế vải dã ngoại mở ra gập vào được ấy cũng có thể đoán được, rằng cả đống những bóng người những con vật lấp lánh lân quang, kể cả những người đàn bà sa đọa, tóc vàng, mặt mày đờ đẫn, mà bác họa sĩ từng phóng thích từ óc tưởng tượng của bác ra kia, đều đã ngồi quây quần ở đây. Họ kê các thùng gỗ làm bàn, trên bàn đặt không biết bao nhiêu là lọ mứt cũ, chậu sành nặng nề dùng làm lọ hoa. Số chậu hoa nhiều đến nỗi, có lẽ phải cắt trụi cả khu vườn nào đó mới đủ hoa mà cắm; thế nhưng cứ bao giờ vào xưởng vẽ, tôi đều thấy lọ nào lọ nấy đầy hoa - mỗi bàn một bó, khoe màu lộng lẫy. Trong góc nhà, cạnh chậu nước và đối diện cửa ra vào, là chiếc bàn dài: đây là nơi nặn đồ gốm. Trên một cái kệ kê trên mặt bàn, hàng loạt hình người đầu nhọn nặn bằng đất đang nằm phơi. Hai ông bước vào xưởng vẽ, trút bỏ đồ nghề rồi bác họa sĩ đi lấy chai rượu gin trong thùng gỗ ra. Bố tôi vừa ngồi xuống, đã đứng ngay lên, vội cởi bỏ áo choàng rồi lại ngồi xuống. Ông nhìn sang mấy khung cửa sổ hẹp bên căn nhà chính. Các khung cửa này hơi vồng ra phía trước như muốn ôm chặt mọi thứ ở bên trong. Có tiếng vỏ bào lạo xạo trong cái thùng gỗ, rồi tiếng giấy bọc bị xé toạc và sau cùng là tiếng lệt sệt trên nền xưởng vẽ. Bác họa sĩ lôi chai rượu ra, đưa lên soi nhìn đối sáng, rồi hạ xuống chùi chùi cái chai lên áo choàng bác đang mặc, trước khi đưa chai lên soi trước ánh sáng lần nữa. Với vẻ rất hài lòng, bác đặt chai rượu xuống bàn, khéo léo nhón lấy hai ly thủy tinh từ trên giá xuống - hai ly thủy tinh dày dặn, màu xanh lá cây và chân rất dài. Bác rót rượu ra ly, trông có vẻ hơi lóng ngóng hơn mọi ngày, đẩy một ly về phía bố tôi rồi nâng ly mời uống. Tôi nói đúng chưa? bác họa sĩ cất tiếng hỏi khà khà, ngay sau lúc hai người vừa cạn ly. Bố tôi gật gù: Phải, ông Max, ông nói phải! Khiếp thật! Bác họa sĩ lại rót đầy hai ly rồi vươn người cất cái chai lên một ngăn giá thật cao, để lần sau, nếu có muốn, cũng phải khó nhọc mới lấy xuống được. Rồi, hai người lặng lẽ ngồi mặt đối mặt nhau, rất chăm chú, nhưng không ra vẻ rình rập nhau gì cả. Họ nghe tiếng gió ầm ầm thổi phía trên nóc nhà rồi chui vào lò sưởi, xuống dò la đến tận dưới nền. Ngoài sân, cơn gió thổi tung một bầy chim sẻ lên trời, bắt chúng phải trà trộn vào đàn chim sáo đang lúc bay qua. Hai ông ái ngại, không biết gió máy thế này, liệu nóc nhà, nóc trại có sao không. Trong không trung phảng phất một mùi khen khét khó tả, nhưng quen thuộc với hai ông, họ yên chí bảo nhau, mấy vị dân Hà Lan đang đốt than bùn. Bác họa sĩ không nói không rằng chỉ vào ly rượu của bố tôi. Hai ông nâng ly uống một hơi, rồi bố tôi đứng dậy; trong người bừng bừng hơi ấm rượu gin, ông đi tới đi lui từ chỗ cái bàn đến giá sách kê ở góc một lúc, rồi đứng lại, ngước nhìn lên bức tranh Pierrot thử mặt nạ một lát, đưa mắt lướt từ bức Buổi tối của bầy ngựa non sang bức Người đàn bà bán chanh một lượt, rồi quay lại bàn, trong bụng biết chắc mình định nói gì rồi. Không chỉ hẳn vào bức tranh nào, ông vung tay một vòng rộng chỉ về phía các bức tranh, rồi nói: Ở Berlin họ tính cấm mấy tấm tranh này đấy. Bác họa sĩ nhún vai: Cũng còn khối thành phố khác. Còn Kopenhagen, Zurich, còn London, còn New York. Còn cả Paris nữa chứ! - Cơ mà Berlin vẫn là Berlin, bố tôi nói. Lát sau, ông nói tiếp: Chứ ông, thì ông bảo sao, ông Max? Sao họ lại đòi bắt ông thôi không vẽ vời gì nữa? Bác họa sĩ ngập ngừng mất một lúc mới đáp: Có nhẽ vì tôi lắm lời quá. - Sao, lắm lời? Ông mà lắm lời?, bố tôi ngạc nhiên. Màu sắc, bác họa sĩ đủng đỉnh, màu sắc bao giờ cũng lắm chuyện. Đôi khi, chúng nó còn quả quyết sự thật này, sự thật khác nữa kia. Ai mà lường được màu với sắc ấy. Trong thư còn viết thêm gì nữa kia, bố tôi nói: Có viết cái gì đó về chất độc thì phải. - Tôi biết, bác họa sĩ mỉm cười chua chát. Ngừng một lát, bác nói tiếp: Bọn họ không ưa chất độc. Nhưng, pha một ít chất độc, lại cần. Nó làm mọi thứ minh bạch ra. Nói rồi, bác kéo một bông hoa xuống, bông tuy líp thì phải, búng tay nhẹ vào các nhánh hoa, giống như Người Bạn Lớn của cối xay gió búng vào các cánh quạt của cối xay vậy. Bác búng, hay dùng ngón tay trỏ gạt sạch các cánh hoa rồi lại buông cuống hoa đã trụi bông cho nó ngỏng lên. Bác liếc nhìn chai rượu, nhưng không với nó xuống nữa. Hẳn bố tôi cũng cảm thấy ông còn nợ bác họa sĩ một lời giải thích, nên cất tiếng phân trần: Ông Max, ông cứ tin giúp tôi, những trò này không phải do tôi đặt ra. Tôi chả dính dáng gì đến chuyện cấm đoán hành nghề thế này. Họ lệnh cho tôi mang thư trao tận tay ông thôi. Tôi biết, bác họa sĩ nói. Rồi tiếp: Cái bọn đến là điên, đến là khùng ấy! Chúng nó làm ra bộ không biết rằng không thể cấm người ta vẽ được hay sao? Phải, chúng nó có thể có quyền, có thế, để làm được nhiều trò, có thể ngăn cấm chuyện này chuyện nọ thật đấy. Thế nhưng làm sao ngăn cấm người ta vẽ được ?! Ngày xưa, còn xưa hơn tụi chúng nó nhiều, cũng đã có bọn toan cấm đoán như thế. Chúng nó chỉ cần giở sách ra mà đọc lại thì khắc biết: từ xưa đến giờ chưa có cách nào chống lại các bức tranh “khó ưa” cả! Có đày người ta đi biệt xứ, có chọc mù mắt người ta đi, cũng không cấm được con người ta vẽ tranh, đến chặt cả hai tay họ đi, người ta vẫn cắn bút vào răng mà vẽ tiếp kia mà. Cái bọn chúng nó sao mà ngu đến thế! Chúng nó làm ra vẻ không biết, ở đời còn có cả các bức tranh vô hình nữa hay sao? Bố tôi đi vòng vòng quanh cái bàn bác họa sĩ đang ngồi, đi vòng quanh nhưng không hỏi gì thêm, chỉ nhắc lại, cho chắc ăn: Gì thì gì, lệnh cũng ban rồi, ông Max ạ. Khỉ thế! - Phải, ban rồi, bác họa sĩ đáp: Nhưng ban là ban ở Berlin chứ. Nói rồi, bác chăm chăm nhìn bố tôi, nhìn không giấu giếm, nhìn thẳng, nhìn xoáy hỏi, nhìn không rời mắt khỏi bố tôi, như thể muốn buộc bố tôi phải tự nói ra cái điều mà bác đã thừa biết từ lâu. Và, hẳn bác cũng nhận ra một sự thật, rằng bố tôi, nói cho cùng, phải khó nhọc mới thốt lên được: Vâng, ông Max, họ giao tôi trông coi thi hành lệnh. Tôi nói trước thế, để ông biết. Ông hả? bác họa sĩ cao giọng hỏi. Bố tôi đáp: Vâng! Tôi! Vì tôi đóng gần đây nhất. Hai ông nhìn nhau, ông này ngồi, ông kia đứng, lặng lẽ lượng sức nhau trong giây lát; cũng có thể, họ đang lục lại trong đầu những gì lâu nay họ biết về nhau và thử hình dung, xem sắp tới đây, họ sẽ phải đối xử với nhau thế nào, hoặc ít ra cả hai đều đang tự hỏi, từ nay họ sẽ phải nói năng, trò chuyện với nhau ra sao, nếu chẳng may có chạm trán nhau đâu đó. Trông cái lối họ đứng đối diện và dò xét nhau như thế, tôi nghĩ thầm, hai ông đang dựng lại một bức tranh của bác họa sĩ, bức Hai người bên hàng rào, vẽ hai ông già đứng nhìn nhau, dò xét, giữa nền màu xanh ô liu. Hai người - do vườn người này cạnh vườn người kia - nên chắc phải quen biết nhau từ lâu, song, mãi đến thời điểm này, mới giật mình, giữ thế, trước sự hiện diện của người kia. Nhưng dù sao, khi bác họa sĩ rốt cuộc cất tiếng hỏi thì tôi cứ bụng bảo dạ, có lẽ bác ấy định hỏi chuyện gì khác cơ: Thế ông định làm thế nào, ông Jens? Ông định giám sát tôi thế nào? Đến lúc này, bố tôi đã cố tình tảng lờ cái giọng thân mật ẩn trong câu hỏi đó. Ông chỉ lạnh lùng đáp: cứ đợi đấy, rồi ông khắc biết thôi. Bác họa sĩ liền đứng dậy, nghiêng nghiêng đầu và chằm chằm mắt nhìn bố tôi, như thể nhìn như thế, bác sẽ lường trước được các ngón bố tôi nay mai sẽ tung ra thi thố vậy. Đến lúc bố tôi thấy đã tới giờ ông phải lấy áo choàng trùm lên người, dạng hai chân và cúi người tìm cách kẹp mép áo vào nhau thì bác họa sĩ mới cất tiếng: Bọn trai Glüserup chúng mình, hả? Lạnh lùng, không buồn ngẩng cả đầu lên, bố tôi đáp: Đến cả bọn trai Glüserup chúng mình, cũng chẳng làm gì khác được. - Thế hả! Thế thì ông cứ liệu mà để mắt canh tôi cho kỹ, bác họa sĩ nói. Còn bố tôi: Được thôi! Sẽ như thế! Nói rồi, ông chìa tay cho bác Max Ludwig Nansen. Bác lắc lắc tay bố tôi, nhưng không buông ra ngay, mà cứ thế, tay trong tay, đẩy bố tôi ra đến cửa. Đến trước cánh cửa dẫn ra vườn, họ mới buông tay nhau. Bố tôi đứng áp lưng vào cánh cửa, như bị bác họa sĩ dồn vào đó vậy. Ông không thấy nắm cửa đâu cả, phải quờ tay ra sau lưng mấy lần, khoảng gần ngang hông, mãi mới nắm được nó để ấn xuống, quay lưng thoát khỏi bác họa sĩ, bước ra ngoài. Cơn gió kéo bố tôi bật khỏi khung cửa. Ông bất giác giơ hai tay lên cao, rồi dang rộng hai tay ra. Song, trước khi cơn gió Tây-Bắc kịp nhấc bổng ông lên, ông đã đưa vai ra chống lại và nghiêng người bước về nơi dựng chiếc xe đạp. Phải dùng sức cưỡng lại cơn gió, bác họa sĩ mới đóng được cửa. Rồi bác bước đến khung cửa sổ trông ra sân. Bác định, hay đúng hơn là bác phải nhìn theo xem bố con tôi đi xa dần trong gió như thế nào. Có lẽ, đây là lần đầu tiên vậy, lần đầu tiên bác thấy cần phải nhìn theo cho chắc, xem bố tôi có thật rời khỏi Bleekenwarf hay không. Bởi vậy, bác mới chăm chú nhìn theo bố con tôi đang chật vật ra về như thế. Tôi đoán chừng, bác gái Ditte và ông Tiến sĩ Busbeck cũng nhìn theo bố con tôi, cho đến khi chúng tôi đến sát ngọn hải đăng sơn vạch trắng vạch đỏ thì bác Ditte sẽ hỏi: Có lệnh rồi à? Và, không quay người lại, bác họa sĩsẽ đáp: Có lệnh rồi! Tay Jenssẽ giám sát. Bác Ditte sẽ hỏi lại: Sao, chú Jens? Bác họa sĩ sẽ gật đầu: Phải. Jens Ole Jepsen, dân Glüserup. Chốt hắn ta đóng gần nhà ta hơn cả. Chương 3 CHIM HẢI ÂU Lỗ nhòm khoét ở cửa phòng giam bị bịt lại từ phía ngoài. Có cái gì nhoi nhói như kim châm dọc sống lưng làm tôi nghĩ ngay ở bên ngoài đang có người ghé sát mắt vào lỗ nhòm, nhìn soi mói, đúng hơn là dán ánh mắt lạnh lùng, vào lưng tôi, trong khi tôi vẫn cặm cụi viết không ngừng tay. Thật ra, tôi bắt đầu có cảm giác bị nhìn trộm sau lưng từ lúc tôi đang mô tả cảnh bố tôi cùng bác họa sĩ nâng cốc uống rượu rồi kia. Từ lúc đó, ánh mắt chăm chú, gây cảm giác buồn buồn như cát mịn chuồi trên lưng cứ bám đến là khó chịu vào gáy tôi, như không muốn rời ra nữa. Tôi còn nghe tiếng chân rón rén, tiếng suỵt, tiếng soạt lẫn cùng tiếng nô đùa cố nén bên ngoài phòng giam, khiến tôi phải nghĩ bụng, ngoài hành lang thông thống gió kia, có lẽ phải có đến hai trăm hai chục nhà tâm lý học chứ không ít, đang chen chúc nhau, nóng lòng muốn ngó xem tôi xoay xở thế nào với bài luận. Bộ dạng tôi họ nhìn thấy qua lỗ nhòm chắc phải làm họ hồi hộp lắm, đến mức người này, người kia bất giác thốt lên những lời chẩn đoán, kiểu như “triệu chứng Bulzer” hay “ngưỡng tương thích khách quan”. Và, ai mà biết được, không chừng hàng dài rồng rắn ấy còn lết qua lỗ nhòm phòng giam của tôi đến tận giờ vẫn chưa hết lượt, nếu tôi không thô bạo tìm cách chấm dứt cái trò ngó nghiêng vụng trộm đó đi: vẫn với cảm giác buồn buồn sau gáy và nhoi nhói sau lưng, tôi lôi cái gương con con bỏ túi ra, bắt ánh đèn chiếu từ bóng điện trong phòng vào đấy, rồi bất thình lình hắt thẳng ra lỗ nhòm ở cửa. Tia sáng hắt ra ấy làm thông lỗ nhòm ngay lập tức. Bên ngoài có tiếng ai khẽ kêu lên, như để báo động, nhưng bặt đi ngay, đoạn có tiếng sột soạt, lạch cạch và tiếng bước chân, mỗi lúc một lộn xộn, của hàng người nối nhau rời ra xa. Tôi lại thấy dễ chịu ở sau lưng, tuyệt không thấy đau thấy nhói gì nữa cả. Tôi hài lòng vuốt vuốt tay lên bìa quyển vở tập làm văn, đoạn, tôi rời khỏi bàn, làm ít động tác thể dục cho dãn gân dãn cốt. Đang lúc đó thì có tiếng chìa khóa nhét vào ổ, rồi cánh cửa bật ra và viên giám thị Joswig bước vào. Lão ta vẫn giữ vẻ bực dọc, không nói không rằng chìa tay ra đòi hỏi. Lão đòi tôi nộp bài luận; ông Himpel hay thầy Korbjuhn, chắc ông giám đốc Himpel thì đúng hơn, bảo lão ta đến thu bài của tôi. Tôi ra bộ ngạc nhiên, rồi làm bộ hốt hoảng và không thể không nhìn ông ta với vẻ trách móc, song viên giám thị đáng mến của chúng tôi chỉ hất đầu ra hiệu, bảo tôi nhìn ra cảnh hoàng hôn đang buông xuống sông Elbe, rồi nói: Cậu đưa của nợ ấy đây, để rồi còn ra khỏi đây chứ. Vừa nói ông ta vừa nhấc quyển vở của tôi lên, bẻ cong nó lại rồi dùng ngón tay lật lật các trang giấy để cầm chắc rằng tôi đã không ngồi chơi không. Xong đâu đấy, lão ta nói, với giọng của một ông bố hài lòng về cậu con trai: Cậu thấy chưa, Siggi, nếu đã bỏ công bỏ sức ra thì việc khó mấy cũng xong, đến cả bài luận viết cũng còn xong nữa là. Lão ta đặt tay lên vai tôi có vẻ nể nang, mỉm cười và gật gật đầu. Theo lời lão, thì tôi đã viết một mạch suốt cả đêm. Lão cũng bảo, thế nào ông giám đốc cũng sẽ khen ngợi tôi. Lão nhìn tôi với vẻ biết ơn, và nói, lão sẽ thay mặt tôi đem quyển vở này nộp cho ông giám đốc. Nói rồi, lão quay người, đã toan bước ra cửa. Nhưng tôi lên tiếng, xin lão trả lại quyển vở cho tôi. Viên giám thị bối rối nhìn tôi, không hiểu tôi muốn gì; nét mặt lão còn lộ rõ vẻ ngờ vực là đằng khác. Lão nắm chặt quyển vở đã cuộn tròn lại trong tay, đưa nó lên cao và nói: Cơ mà Siggi, bây giờ cậu hết bị phạt rồi còn gì. Tôi lắc đầu, nói: Không ạ, bây giờ mới bắt đầu, tôi nói. Bây giờ tôi mới chuẩn bị xong “niềm vui bổn phận”. Mọisự chỉ mới bắt đầu thôi ạ! Viên giám thị Karl Joswig lật lật mấy trang đầu, nhẩm đếm số trang rồi hỏi với giọng đầy ngờ vực: Cậu viết suốt cả đêm mà vẫn chưa xong? - Mới mở đầu thôi ạ, tôi đáp. Tôi mới vào đề, mới bắt đầu kể niềm vui đã hình thành ra sao thôi. - Cậu phải vào đề lâu như thế hay sao? - lão ta hỏi, giọng lại có vẻ bực dọc. Vâng, niềm vui bao giờ kéo cũng dài, tôi đáp rồi nói tiếp: Với lại, đã bị phạt thì phải chịu phạt cho nghiêm, đúng không ạ. Lão gật đầu. Chịu phạt tốt thì việc hối cải mới tốt được. Tôi tiếp lời: Vâng, thì tôi cũng nghĩ đúng như thế. Cậu biết tôi mong gì ở cậu rồi đấy, lão ta nói. Dạ, vâng, tôi đáp. Thế tức là cậu vẫn còn nợ tôi bài luận ra đầu ra đũa đấy, lão nói. Đã vậy, thì cậu cứ ở lại đây, bao giờ làm xong bài mới thôi vậy. Cậu ăn uống ở đây một mình. Cậu ngủ nghê ở đây một mình. Tự cậu, cậu phải biết, bao giờ cậu muốn ra khỏi đây nhập bọn với mọi người khác. Rồi lão nhắc tôi phải nhớ ông giám đốc Himpel đã nói những gì, rằng ông giám đốc không ấn định bao giờ tôi phải viết xong bài luận, vân vân và vân vân, và, sau rốt, trước khi rời phòng giam đi lấy bữa ăn sáng cho tôi, lão trả quyển vở cho tôi và hạ giọng hỏi rất chân tình: Những chuyện này ám ảnh cậu lắm hả? - Chỉ là niềm vui bổn phận thôi ạ, tôi đáp. Tiếc nhỉ, lão nói. Ngừng một lát, lão ta lại tiếp, rất khẽ, gần như thì thầm: Siggi, đáng tiếc thật đấy, đoạn lão miễn cưỡng thọc tay vào túi, lôi hai điếu thuốc lá cong queo cùng hộp diêm mỏng dính ra, ném cả lên giường tôi và nói buông thõng: Cấm hút thuốc trong phòng. - Vâng, tôi đáp. Rồi viên giám thị cũng rời khỏi phòng. Còn tôi, ăn sáng xong, tôi cứ đứng mãi bên khung cửa sổ - có lắp lưới mắt cáo - dán mắt ngắm buổi bình minh đang lên trên sông Elbe, trên dòng sông mặt nước bị băng đóng kín ấy và dõi theo những chiếc tàu kéo hùng dũng cùng tàu phá băng “Emny Guspel” đang lướt qua, để lại những vệt cắt mở ngoằn ngoèo chưa được mấy chốc trên mặt nước đã bị băng bịt kín lại ngay. Những chiếc phao thả trên mặt sông bị băng trôi xô nghiêng ngả. Chân trời phía Cuxhaven mở ra một vầng sáng màu đất son và trên đó, những đám mây tuyết đang tụ dần lại. Ngọn lửa nhỏ và rách bươm của ống khói xưởng lọc dầu run rẩy bò ra dưới những ngọn gió thổi mỗi lúc một mạnh, mỗi lúc một giận dữ và đưa cả tiếng búa gõ trong xưởng đóng tàu về đến tận chỗ tôi đang đứng. Trong các xưởng nghề của chúng tôi, cả trong thư viện trên đảo này nữa, là nơi thằng Ole Plötz - chuyên nghề móc túi - đang thế chân tôi, lũ bạn tôi hẳn đã bắt tay vào việc từ lâu. Song, chuyện đó không mảy may làm tôi động lòng, lúc này tôi không muốn gặp tụi bạn tôi chút nào, đến thằng Charlie Friedländer - cái thằng ai nó cũng bắt chước được, cái gì nó cũng nhại được cả, từ giọng nói đến điệu bộ, như giọng lão Korbjuhn hay điệu bộ lão Himpel chẳng hạn - tôi cũng chả thiết gặp lúc này. Tôi muốn ở lại đây, một mình thôi, một mình trong phòng giam mà tôi có cảm giác giống như cái cầu nhảy bật lên bật xuống, cái cầu họ bắt tôi phải ra nhún nhảy rồi cắm đầu lao xuống. Tôi phải lao xuống rồi lặn thật sâu, một lần, hai lần, lặn mãi, cho đến khi nhặt được hết các con bài domino ký ức để mang lên bờ và xếp cả lên bàn, lần lượt hết con này đến con khác mới thôi. Lại thêm một chiếc tàu chở dầu chạy xuôi dòng Elbe. Đây là chiếc thứ sáu kể từ lúc tôi ăn sáng. Chiếc tàu hình như mang tên “Kishu Maru”, hay “Kushi Maru”, thì cũng thế cả. Rồi nó cũng sẽ cập bến thôi, giống như tàu “Claire B. Napassis” hay “Betty Oetker” qua đây trước nó. Chúng nổi cao trên mặt nước, cánh quạt chân vịt quay cả lên trên không trung, khuấy thành một thứ bầy nhầy cả nước lẫn băng. Chúng nó sẽ chạy qua Glückstadt và Cuxhaven, để rồi, đến ngang cù lao chúng tôi, tôi nghĩ bụng, chúng sẽ theo tuyến đường đã định sẵn chạy về phía Tây. Song tôi chẳng muốn lên tàu, chẳng muốn bám tàu cập bến Dhara hay Caracas làm gì. Tôi không thể để mặc cho dòng nước hay tâm trạng của chính mình cuốn đi, bởi tôi cũng phải theo tuyến đường đã vạch sẵn cho tôi, tuyến đường dẫn về Rugbüll ấy, cập bến của ký ức, nơi mọi thứ đã bày biện, xếp sẵn cả ra đó, chỉ còn chờ chở mang đi nữa thôi. Vâng, các kiện hàng của tôi chất đống cả ở Rugbüll. Rugbüll chính là bến cảng tôi phải cập đến, hoặc chí ít cũng phải là Glüserup. Bởi thế, không thể buông bánh lái, mặc cho tàu trôi về đâu thì trôi được. Bây giờ, khi dây neo tháo ra rồi thì mọi thứ lại xồ tới, mời gọi; và, sắp xếp lại mọi thứ mới nhẹ nhàng làm sao. Tôi chỉ việc trải vùng đất phẳng lì của quê tôi ra trước mặt, phác lên đó vài con mương hay kênh đào sẫm màu với đôi đoạn âu thuyền kiểu Hà Lan, vẽ thêm năm cái cối xay gió dựng trên năm gò đất nhân tạo, những cối xay gió mà từ trong kho nhà nhìn ra, tôi vẫn thường trông thấy; trong số đó, tất nhiên cũng có cả cái cối xay trụi cánh tôi yêu quý nhất. Sau đó, tôi vẽ thêm con đê, trông như cánh tay khuỳnh ra che chở cho những cối xay gió và các trang trại quét vôi màu trắng và nâu xỉn; ở phía Tây, tôi dựng ngọn hải đăng chớp đỏ lên trước khi cho sóng Biển Bắc tràn tới, đập vào dãy cột phá sóng, vỡ vụn, sủi bọt ra rồi mới lùi lại, một cảnh tượng mà bác họa sĩ ngồi trong túp lều bằng gỗ vẫn quan sát hàng giờ liền. Và, bây giờ, tôi chỉ cần men theo con đường hẹp lát gạch là đến được Rugbüll của tôi, hay nói đúng hơn, lần đến tấm biển “Chốt cảnh sát Rugbüll” trước đã, tấm biển mà dưới đó, tôi vẫn thường đứng chờ bố tôi, hay đôi khi, chờ ông ngoại hoặc chị Hilke tôi. Mọi thứ như thể bày sẵn ra đó, nằm bất động chờ tôi. Miền đất trải rộng, ánh sáng gắt gao, con đường lát gạch, ao than bùn, tấm biển đóng bằng đinh lên cây cột bạc thếch vì mưa gió. Tất cả mới yên bình làm sao, các gương mặt, cùng cảnh tượng những thân cây cong queo, những thời khắc xế chiều khi gió lặng nổi lên từ đáy nước nhập nhòe. Vâng, mọi thứ theo nhau trỗi dậy trong ký ức; đây, tôi đang chân không đứng dưới tấm biển để quan sát bác họa sĩ, hay đúng hơn là quan sát chiếc áo choàng của bác ấy trên mặt đê, vạt áo gió thổi phất phơ nom kỳ cục về phía bán đảo. Trời đang lúc sang xuân, ở phía Bắc gió trời lạnh giá và đượm mặn vị muối, và lúc này, tôi đang nấp trong cái thùng xe cũ kỹ, bánh đã long hết cả và đòn kéo ngỏng lên trên, để rình chị Hilke tôi cùng với chồng chưa cưới của chị ấy sắp sang bên bán đảo nhặt trứng chim hải âu. Tôi mè nheo xin chị ấy cho tôi đi cùng sang bên đó mãi nhưng không được, chị Hilke không chịu, cứ một mực khăng khăng: Việc này mày không làm được. Bởi thế, tôi đành chui vào đây, ngồi thu mình trên mặt sàn nứt nẻ của chiếc xe thùng, định bụng chờ hai anh chị đi qua rồi sẽ lẳng lặng bám theo, càng kín đáo càng hay. Bố tôi ở nhà, ngồi trong gian văn phòng chật hẹp mà tôi bị cấm không được vào; đang viết các bản tường trình, các tờ báo cáo, bằng thứ chữ tròn trịa, ngoằn ngoèo của ông, còn mẹ tôi thì khóa trái cửa ngồi một mình trong phòng ngủ - cái lối bà vẫn làm vào mùa xuân không may năm ấy, dạo chị Hilke lần đầu đưa chồng chưa cưới, tức là anh “Addi” - chị vẫn gọi anh chàng Adalbert Skowronnek của chị như thế - về nhà. Tôi nghe hai người ra khỏi nhà, rồi nhìn thấy họ lách người qua khe hở cạnh nhà kho để bước ra đường. Là người cầm trịch, không chịu thua ai bao giờ, chị Hilke đi trước như mọi khi, còn anh Addi, cũng như mọi khi, chân cẳng cứng đơ đơ, đi lùi lại sau một bước. Ý tôi muốn nói, hai người không tay nắm tay, không khoác eo - tức là người này không đặt chéo tay lên eo người kia - hai anh chị cũng có vẻ không nhấm nháy nhau chút nào và trong tiếng sột soạt của áo mưa họ mặc trên người, anh chị không ngoảnh lại, cứ thế rảo bước trên con đường lát gạch về phía bờ đê. Như thể biết có người đang chăm chú nhìn theo mình, hai người bước đi với dáng điệu đến là ngượng nghịu, chị vung tay vung chân thế nào, anh cũng vung tay vung chân y như thế, và cả hai dường như cố làm ra vẻ họ chỉ muốn đi nhặt trứng hải âu mà thôi. Lưng hai người thẳng đơ, bước chân nặng nề, cứ như mang giày đúc bằng chì không bằng và cố tình không chạm vào nhau - mọi sự như thế chỉ vì họ biết rèm cửa sổ phòng ngủ đang hơi động đậy, vén lên lại thả xuống, kéo ra rồi lại kéo vào. Tôi biết thừa mẹ tôi đang đứng ở đó. Tôi biết bà đang ngó xuống, ánh mắt đầy vẻ chê bai và trong lòng anh ách tức tối, theo kiểu của riêng bà - môi mím chặt, đầy kiêu ngạo, gương mặt bất động, nghiêm nghị và rựng đỏ. Đồ dân Digan, bà đã khẽ rít lên với bố tôi như thế, với vẻ đầy kinh dị, khi bà biết anh Addi Skowronnek là nhạc công kéo phong cầm, tại cùng khách sạn Pazifik ở Hamburg với chị Hilke, là nơi chị ấy làm hầu bàn. Đồ Digan, bà nói rồi vào phòng ngủ, khóa trái cửa lại. Vâng, đó chính là bà Gudrun Jepsen, một trong hai cột trụ chống đỡ đời tôi, tức thân mẫu tôi vậy. Tôi cứ nằm yên trong thùng xe, áp má xuống sàn, co một chân lại. Tôi chăm chú nhìn tấm rèm cửa sổ và lắng nghe tiếng người nói mỗi lúc một rời xa về phía bờ đê, vâng, về phía biển. Chờ đến lúc không thấy có gì động đậy ở khung cửa sổ phòng ngủ nữa và tiếng người nói cũng rời rất xa rồi, tôi mới nhổm dậy, nhảy ra khỏi thùng xe rồi lủi ngay xuống con hào đào dọc lối đi, lom khom lần theo hai anh chị tôi. Chị Hilke xách giỏ trên tay, dáng đi lúc này hơi chúi về phía trước, như thể đang định lấy đà nhảy một cú vọt ra khỏi khu vực nhà tôi vậy. Đôi giày vốn đã trắng, chị còn bôi bột phấn cho trắng thêm, bây giờ nổi bật trên mặt đường lát gạch đỏ. Mớ tóc dài ở trong nhà chị thường vẫn để xõa, nay chị nhét vào trong cổ áo khoác, nhưng nhét không đủ chặt và không đủ sâu, cho nên mớ tóc lại đùn lên, sổ một phần ra ngoài cổ áo, khiến từ đằng sau trông chị cứ như người rụt cổ và đầu chị trông giống như quả cầu dẹt vậy. Hai chân chị áp hơi sát vào nhau, hai bắp chân chắc nịch cứ như hơi lệch vào phía trong, thỉnh thoảng cọ vào nhau khiến chị chuệnh choạng như muốn vấp ngã đến nơi. Nhưng chị chẳng thấy làm sao! Mà chị có bao giờ thấy làm sao đâu! Vì, có lẽ, trong bước đi của chị cũng chứa đầy nhiệt huyết điên cuồng và không ngừng nghỉ như trong mọi việc chị làm, hay định làm. Giống như con kiến, vâng, đúng loài kiến lửa. Chị không nhìn quanh, dù chỉ một lần, xem xung quanh có gì lạ không, trong khi anh Addi, anh nhạc công chơi phong cầm, chốc chốc lại ngoái nhanh về phía sau, nhìn kỹ mọi thứ và trong bước đi của anh có vẻ gì như do dự, không dứt khoát khiến tôi đã thấy ngại, không khéo anh sẽ phát hiện ra tôi, hoặc sợ anh đổi ý, không đi nhặt trứng chim nữa. Hai tay đút túi, anh ấy phì phèo hút thuốc, vì bị lạnh, và làn gió thổi, thỉnh thoảng lại vốc một vốc khói ném qua lưng anh ra phía sau. Chốc chốc anh Addi lại nhảy nhảy lên rồi quay lưng về phía gió, đi vài bước, lom khom trong chiếc áo mưa làm tôi có thể nhìn thấy rõ mặt anh, gương mặt nhợt nhạt, sần sùi như trong con sốt, một gương mặt dường như chỉ thể hiện độc một vẻ hân hoan nhẫn nhục mà thôi, gương mặt anh phô ra lúc ra mắt bố mẹ tôi và vẫn giữ nguyên như thế, không gỡ xuống nữa, ngay cả khi mẹ tôi không buồn mời anh ấy ngồi; gương mặt đó anh cũng không dẹp đi, khi anh theo chân chị Hilke, gọi là đi chào hỏi hàng xóm láng giềng, nhưng chẳng ai nói với anh lấy một lời. Không ai có thể đoán xem anh đang buồn bã hay bực bội chuyện gì, cũng không ai có thể biết cớ sao anh vui vẻ hay vì sao anh sợ hãi, bởi lúc nào anh cũng chỉ phô độc một vẻ mặt hân hoan nhẫn nhục đó ra cho thiên hạ thấy mà thôi - vẻ mặt anh mang ngay từ ngày đầu tiên ra mắt và lưu lại mãi mãi trong trí nhớ mọi người trong nhà. Ấy, nhưng tôi không được để anh chị ấy biến mất sau đê, tôi phải giữ họ trong tầm mắt, cho nên bây giờ tôi cứ phải lần theo hai người, đúng như hồi đó tôi đã theo: lom khom dưới hào, rồi nghiêng người khuất sau âu tàu, sau đó ung dung đứng lên đi thẳng sau vành đai lau sậy và sau rốt, khuất sau sườn đê. Ở chỗ này, nếu anh chị có quay lại nhìn, thì tôi chỉ cần khom người xuống là biến khỏi tầm mắt họ. Hai người băng qua đê đúng ở chỗ mà bố tôi, trong vô số các chuyến ông đến Bleekenwarf, vẫn đẩy xe đạp lên. Lên đến mặt đê, hai người thậm chí không dừng lại để ngắm biển mênh mông bỗng trải ra trước mặt, mà nhào xuống ngay, hướng tới con đường mòn bên bờ biển chạy men theo đê thành vòng cung dẫn tới nhà trọ “Wattblick”, rồi vươn tiếp mãi ra ngoài bán đảo. Đến đây hai người dừng lại. Đứng ép sát vào nhau. Chị Hilke tựa vai vào ngực anh, vung tay rộng ra phía Biển Bắc. Tôi nhìn theo nhưng chẳng nhận ra cái gì đáng kể ngoài đó, song vòng tay chị vung rộng ra làm tôi đoán chị muốn tặng Biển Bắc cho anh, với tất tật những sò những hến, tất tật những ngọn sóng to, đợt sóng nhỏ, cùng bom mìn lẫn thủy lôi và vô số xác tàu chìm nằm ngổn ngang dưới đáy biển đục ngầu. Anh Addi đặt một tay lên vai chị tôi. Rồi anh hôn chị ấy. Sau đó anh đỡ cái giỏ trên tay chị, như muốn để chị rảnh tay ôm anh. Thế nhưng chị Hilke không ôm lấy anh, chỉ nói cái gì đó, anh ấy đáp lại, dáng người có vẻ cứng nhắc thế nào đó và chỉ tay về phía đuôi bán đảo, nơi màu cát chợt sáng lên dưới ánh nắng. Bây giờ, có lẽ đến lượt anh ấy cắt một mẩu Biển Bắc, khoảng nửa cây số vuông gì đó, tặng chị tôi. Biển đập vào các khối đá hộc xếp ở chân đê chắn sóng, nước bắn lên tận chỗ hai anh chị đang đứng và, sóng nước, như những cái lưỡi sủi bọt, thò ra từ các khe hở giữa những hộc đá đó, rồi lại lạch bạch, óc ách thụt trở vào. Ngoài khơi xa, mây đen tụ lại như những cánh buồm tầng đủ loại, buồm chóp, buồm vẹt, buồm chủ đang căng gió xồ tới. Trước khung cảnh đó, có vẻ anh Addi nói câu gì khiến chị vừa cười vừa đáp lại và ngửa người ra sau, buộc lòng anh nắm lấy tay chị, làm bộ bẻ ra sau như bẻ tay kẻ phạm tội rồi đẩy chị bước lên lối đi gồ ghề ven bờ biển. Ngay cạnh lối đi là một vệt dài, tạo thành từ những sợi rong biển, cọng cỏ khô lẫn đá cuội, còn sót lạisau mỗi đợt thủy triều lên. Chạy song song với vệt này là một vệt khác, cũ hơn. Mỗi con triều lên đều để lại một vệt riêng, đánh dấu, ghi nhớ và làm chứng cho sức mạnh hay cho các cơn giận dữ của biển cả vào mùa đông giá lạnh. Mỗi con triều cường để lại một thứ gì đó riêng. Con này ném cả một gốc cây kếch xù đã bạc thếch vì nước biển lên bờ, con khác để lại một lô nút bấc hay cái cũi nhốt thỏ đã vỡ tan tành; chỗ này mớ rong biển cùng vỏ sò, chỗ kia mảng lưới đánh cá rách nát cùng cây cỏ màu i ốt xếp dài với nhau, trông giống như đống quần áo rách nát kỳ dị. Thế mà chị gái tôi cùng anh nhạc công chơi phong cầm của chị chẳng hề để ý, cứ thế đi thẳng ra bán đảo. Hai người không đi lên chỗ nhà trọ “Wattblick”; bây giờ anh chị tay nắm tay đi dọc theo bờ biển, nước biển bắn lên hẳn làm nóng ran hai gương mặt. Ngoài xa, nơi bán đảo trải dài, đâm xoài ra Biển Bắc, những dải sóng nổi lên từ nơi xa xăm đen ngòm nào đó, sủi bọt trên ngọn giống như lông trên lưng cừu, nhấp nhô, xô nhau chạy vào rồi gục ngã trên bãi biển thoai thoải, kèm theo tiếng rì rào đùng đục không bao giờ dứt. Bán đảo nhô ra biển như mũi chiếc tàu thủy, nổi dần lên đến một cồn cát gấp khúc, không cây cối gì mọc, chỉ phủ một lớp cỏ hoang thường thấy ở vùng ven biển. Cứ sang xuân, bọn hải âu lại làm tổ, thứ tổ tồi tàn đáng thương của chúng ở đấy, trên dải đất nằm giữa lều của người canh chim và lều bác họa sĩ, chiếc lều có khung cửa trổ thấp tè, nhưng rất rộng, dựng trơ trọi ở chân cồn. Lúc này tôi đã đi trên đê, khuấtsau ngôi nhà trọ, cho nên cũng tuột cả chị Hilke lẫn anh nhạc công chơi phong cầm khỏi tầm mắt. Anh này, chắc chắn là để chiều chị tôi, đã cõng cả chiếc đàn phong cầm về nhà chúng tôi và, nếu mẹ tôi không nói không rằng, khinh khỉnh bỏ ra khỏi phòng, mỗi khi thấy anh ấy định nhấc chiếc đàn có gắn hai chữ cái A. S. bằng bạc hay mạ bạc gì đó lên tay, thì hẳn anh ấy cũng đã chơi đôi bài rồi đấy. Bố tôi hẳn cũng khoái được nghe anh ấy kéo ông nghe bài ông ưa thích, và cả tôi chắc cũng xin được anh ấy chơi cho nghe một bài nào đấy rồi. Nhưng mẹ tôi rõ ràng không chịu cho phép anh làm việc đó, cho nên chiếc đàn phong cầm nặng trĩu ấy cứ nằm bẹp trong phòng chị Hilke, về đêm, nằm trong thùng xe cũ nọ, tôi đã suy tính nhiều lần, không biết làm thế nào để kéo thử được nó một cái. Tôi dừng lại ở gian ngoài, sàn lát gỗ, của nhà trọ, và lén nhìn qua cửa sổ ra phía biển. Ở đây, độc mỗi một ông khách ngồi thành đống đen sì trong góc, bên chiếc bàn trống không. Ông ta thè lưỡi dọa tôi rồi làm ra vẻ định ném chiếc gạt tàn đựng mẩu xương cá gặm sạch tự lúc nào về phía tôi, nhưng tôi đã nhanh nhẹn trèo qua cửa sổ thoát ra ngoài. Ra đến bên ngoài, tôi đã ở ngay phía bờ đê đổ ra biển và nhìn thấy chị Hilke cùng anh Addi ngay. Hai người nối gót nhau đi trên các tảng đá xếp thành bờ chắn sóng cho đến đoạn mặt đường thoải dần xuống, nhập vào bãi biển phẳng lì và sáng màu của bán đảo. Và, khi hai người, tay lại nắm tay, đi chéo qua bãi biển, nổi lên giữa nền trời cao và biển cả, luồn lách giữa những khúc gỗ và rong tảo dạt lên bờ, vâng, khi hai anh chị vượt bãi biển trơ trọi tiến về bán đảo như thế, thoáng trông, có thể tưởng anh chị chính là Timm và Tine vậy - cặp tình nhân trong tiểu thuyết Đom đóm biển của Asmus Asmussen ấy mà. Nhưng không, có lẽ không phải thế, bởi Timm chắc đã không chỉ tay đầy lo ngại như anh Addi về phía màn mưa dày đặc trên Biển Bắc đang tiến lại gần; Timm cũng sẽ không bị lạnh run lên như anh Addi đang lạnh run lên kia, Timm chắc chắn cũng không lo sợ, co người rúm ró như Addi thế kia, khi một con hải âu lưng đen chắp cánh, nhào xuống, nhanh như một viên đạn pháo trắng phau, cùng tiếng rít nghe mỗi lúc một gần trong không trung, bổ thẳng vào đầu anh. Anh Addisợ cuống cuồng, chẳng những rúm người lại mà còn xoay lưng về phía con chim đang lao xuống. Bởi thế, anh không biết nó chỉ nhào xuống đến sát sạt đầu anh rồi thôi, vừa gần chạm đến đích, nó đã dang hai cánh hãm lại ngay và theo gió vút ngược lên đến một độ cao an toàn; từ độ cao an toàn đó, nó ngoạc mỏ kêu toáng lên, quang quác, giận dữ và hốt hoảng. Bao giờ cũng một cảnh ấy. Một con xông vào trước, không hải âu lớn lưng đen thì hải âu ngón cụt, không hải âu nhỏ lưng đen thì hải âu cá trích. Ở vùng biển quê tôi, không có giống hải âu nào chịu để mặc cho người ta nhặt trứng của nó cả. Chúng nó sẽ sấn sổ xông trận. Mắt đỏ ngầu, mỏ vàng khè. Chúng bổ nhào, nhưng chỉ tung mấy ngón đòn gió, dứ dứ dọa dẫm đến thế là hết vở. Anh chàng nhạc công chơi phong cầm chắc chắn chưa bao giờ chứng kiến một cảnh tượng như thế này, tôi nghĩ. Một bầy chim hải âu, đông phải đến hai triệu con chứ chẳng vừa, bỗng dưng đồng loạt cất cánh bay lên cao, hốt hoảng, ầm ĩ, tạo thành một đám mây màu xám bạc khổng lồ trên bán đảo, quang quác, quang quác, phành phạch, phành phạch, điên loạn, hết đâm xuống lại vổng lên; bay bay lượn lượn, tản ra, chụm vào. Từ đám mây ấy, lông chim hải âu sa xuống như mưa, hay nói đúng hơn, như màn tuyết trắng, phủ đầy vùng đất trũng giữa các cồn cát, êm ái và ấm áp, đến mức chị gái tôi và bạn trai chị ấy, nếu muốn, hẳn có thể lăn ra nằm ngủ yên lành ở đấy cũng nên. Tôi phải thú thật, tim tôi bỗng rộn lên cùng ý nghĩ đó. Vừa thấy bọn chim hải âu bay lên khỏi những cái tổ thảm hại của chúng nó và tạo nên đám mây ầm ĩ trên đầu, tôi liền chạy từ mặt đê xuống bãi biển, nấp ra sau chiếc thùng gỗ rúm ró và nằm nín thở giữa khoảng trời nháo nhác rối loạn như đang muốn ụp xuống đầu tôi đó. Tôi nắm lăm lăm một cây gậy trong tay. Dùng cây gậy này, nếu phải ra tay, tôi dám đánh bay đầu một con hải âu nhào xuống cho mà xem. Hay không, không đánh bay đầu nó, có lẽ chỉ đánh gãy một bên cánh thôi, rồi bắt mang về nhà, dạy cho nó biết nói cũng được. Bọn hải âu phát hiện thấy tôi từ lâu; chúng cũng bắt đầu bay lượn vòng trên đầu tôi thành một đám mây, tiếng cánh vỗ cũng vang lên giận dữ và hằn học trên đầu tôi. Trong lúc tụi hải âu Bắc Cực màu lục xám ục ịch như máy bay ném bom hạng nặng đang lấy độ cao, bọn hải âu ngón cụt nhỏ con chỉ bay là là mặt bãi biển, nhanh nhẹn và uyển chuyển, kéo theo tiếng gió rít vèo vèo, lao thẳng vào tôi, rồi dạt ngay ra phía biển, sắp xếp đội hình cho đợt công kích mới. Tôi chồm dậy, khua cây gậy thật nhanh trên đầu như ai đó - không biết ai nhỉ? - như ai đó từng múa kiếm trên đầu thật nhanh, nhanh đến mức, giữa trời mưa to mà không bị ướt. Tôi cứ vừa khua gậy, đánh bên này, đập bên kia như thế nhằm chống trả các cuộc tấn công bổ nhào nhanh như tên bắn của tụi hải âu, vừa băng qua bãi biển, lần theo hai lằn dấu chân, hai lằn dấu chân duy nhất nổi lên trên mặt cát ướt ấy mới chỉ chạy một đoạn ngắn giữa mấy cái rổ tuềnh toàng đựng trứng màu xanh lá đã lẫn xám của chúng, tôi lại thấy họ. Anh Addi nằm ngửa, chết thẳng cẳng. Một con hải âu lông màu lục xám, hay chục con lưng đen và chín chục con nhạn biển thì phải, đã đánh gục anh ấy. Chúng nó xuyên, chúng nó khoan thủng lỗ chỗ thân mình anh. Chị gái tôi quỳ bên anh, chẳng nói chẳng rằng, vuốt vuốt ve ve lên quần áo anh ấy; chị tôi - người chị lúc nàọ cũng bình thản, lúc nào cũng biết tính trước, lường sau và sẵn sàng tha thứ mọi thói tật ở đời, trừ thói do dự và đắn đo - đang cúi xuống áp sát vào mặt anh ấy, ôm lấy người, rồi nằm lên anh ấy. Và, quả nhiên, chị ấy làm anh Addi sống lại thật. Đôi chân anh ấy lại co co, giật giật, anh ấy đưa hai tay lên cao, đôi vai cử động lên xuống, toàn thân động đậy. Tôi như quên hết mọi sự. Vừa múa gậy xua bọn chim hải âu đang toang toác thay nhau bổ nhào, tôi chạy lao tới, quỳ xuống cạnh hai người. Tôi thấy gương mặt đã chuyển sang đo đỏ, xam xám của anh Addi đang giật giật, hai hàm răng cắn chặt vào nhau, răng nghiến nghe kèn kẹt. Ngón tay anh ấy co quắp, ngón tay cái gập hẳn vào lòng bàn tay. Mồ hôi ra đầm đìa trên mặt. Lúc anh Addi mở miệng ra, tôi nhìn thấy đầu lưỡi anh ấy toàn sẹo. Kệ anh ấy, chị tôi nói, đừng động vào người anh ấy làm gì. Chị có vẻ không kịp ngạc nhiên, vì sao tôi bỗng dưng từ đâu chui ra đây. Chị cài cúc áo cho anh Addi, rụt rè xoa tay lên mặt anh ấy, vâng, không phải là xúc động, cũng chẳng phải là lo lắng, mà đúng là rụt rè. Trước mắt tôi, tôi thấy rõ ràng anh Addi nhờ được chị ấy âu yếm như thế mà dần trấn tĩnh trở lại, thở hắt ra và nhổm dậy với nụ cười nghi ngại trên mặt và thấy tôi đang khua gậy, cố đuổi bọn chim hải âu ra xa, không cho chúng sán lại gần anh, anh liền vẫy vẫy tay gọi tôi. Cây gậy trong tay tôi quật bên này, đánh bên kia, làm bọn chim hải âu đang hung hăng nhào xuống hoảng hốt bay tản ra. Lúc này tôi làm bộ không thời gian đâu để chờ nghe chị tôi sắp quay ra mắng mỏ. Tôi đang bận bảo vệ anh Addi. Đúng thế, tôi khua gậy, tạo ra một khoảng trời an toàn phía trên đầu anh ấy. Tôi nhảy bên này, đá bên kia, không cho con chim nào đến gần, trong khi đó chị Hilke nhanh tay nhặt trứng chim cho vào giỏ, còn anh Addi thì cứ ngơ ngơ ngác ngác đứng trơ một chỗ, dùng tay xoa xoa lên gáy; gáy anh ấy làm tôi hơi ngạc nhiên, không rõ tại sao trông có vẻ già nua, nhăn nheo và đôi chỗ như hơi hóa sừng thì phải. Bọn chim hải âu đột nhiên đổi chiến thuật. Hẳn chúng nó nhận ra bổ nhào tung đòn gió không ăn thua gì. Chỉ còn rời rạc đôi con - cảm tử kiểu Kamikaze, chân vịt xếp lại rất khéo, mỏ há ra, để lộ cuống họng màu san hô đỏ, cánh sải như cánh máy bay ném bom Junker Ju-87 - là vẫn liều lĩnh bổ nhào xuống chỗ chúng tôi thôi. Nhưng đấy là mấy con đến chậm, chưa hiểu đầu cua tai nheo gì, chứ đám đông còn lại đều tụ tập nhau ngay trên đầu ba chúng tôi, vỗ cánh phành phạch và con nào con nấy thi nhau ngoạc mỏ quang quác thật to. Ra là bay bổ nhào không dọa được ai, nên chúng nó quay ra kêu to hòng xua chúng tôi đây. Náo động, ầm ĩ. Rin rít, quàng quạc, kéc kéc, eo éo xoáy vào đầu, đâm vào óc, nhói tận xương tận tủy, làm nổi hết cả da gà người ta lên. Anh Addi đứng cười, hai tay áp chặt hai bên tai. Chị Hilke cúi nhặt trứng chim cho vào giỏ, chốc chốc lại bị cứt chim rơi độp lên người. Tôi chỉ còn mỗi việc múa cây gậy lên trời, làm lông chim bay mù mịt. Đôi lúc, bọn chim nhào tới đông đến nỗi cây gậy như chìm hẳn vào giữa bầy chim. Tôi múa gậy đập trúng ngực một con hải âu lưng đen, nhưng nó không rơi bịch xuống chân tôi như tôi tưởng. Tôi không làm sao xua bọn chim hải âu hoảng loạn ấy ra xa; tôi chẳng dọa nổi chúng dạt ra, cũng không khiến chúng nó im mồm được. Chúng nó cứ thế làm ầm lên, đinh cả tai, nhức cả óc, nhưng anh em tôi cũng mặc kệ. Một con liều mạng đớp vào chân tôi. Tôi dùng gậy đánh nó, nhưng trượt mất, tôi liền vớ một quả trứng ném theo, trúng bốp vào lưng nó. Quả trứng vỡ, lòng đỏ bết ra thành một mảng màu vàng trên lưng, khiến từ giờ nó được bay với quốc hiệu Brazil bết trên lưng. Nhìn thấy thế, anh Addi gật gật đầu về phía tôi, tỏ ý thán phục; nhưng rồi anh ấy đến bên tôi, kéo tôi nấp vào dưới áo mưa anh đang mặc vì gió bỗng nổi lên mỗi lúc một mạnh. Những cơn gió vù vù ập từ ngoài biển vào, đè bẹp gí các búi cỏ mọc trên bãi biển và vốc cát ném từng đợt vào ống chân để trần của tôi. Anh Addi gọi chị Hilke lúc ấy vẫn đang mải mê nhặt trứng chim. Anh chỉ tay về phía màn mưa dựng lên ngoài khơi Biển Bắc. Đường chân trời cong cong dường như rút ngắn lại, mờ nhạt hơn vì màn mưa trắng nhờ nhờ đùng đục đang lừng lững tiến dần về phía chúng tôi. Phía trước, sóng nước lấp lánh long lanh; các cơn gió mạnh chốc chốc lại hất tung bọt từ ngọn sóng lên cao. Thôi, dừng thôi, anh Addi gọi to, nhưng chị tôi chưa chịu dừng, hoặc do không nghe thấy, hoặc có nghe thấy nhưng vẫn cố nhặt cho đầy giỏ. Hai anh em đành theo chị ấy, hay đúng hơn là tôi dọn đường giữa bầy chim hải âu đông đúc cho hai anh em lần về phía chị ấy. Nấp mình dưới áo mưa của anh Addi, tôi cảm thấy thật khoan khoái, mặc dù chỉ còn một khe hở nhỏ để tôi ngó ra ngoài và thò gậy đuổi tụi chim hải âu. Hơi ấm từ người anh Addi lan sang tôi, tôi nghe thấy tiếng anh thở gấp, và bàn tay anh đặt nhẹ lên vai tôi mới thân mật làm sao. Thôi, dừng thôi. Anh Addi lại gọi to, bởi vì gió tự dưng ngừng thổi và trời rào rào đổ mưa. Trông chị Hilke nhỏ hẳn lại và như thể bị đẩy lùi ra xa trong làn nước mưa dày đặc. Thế nhưng chị ấy vẫn tiếp tục gập người, lom khom đi giữa những tổ chim khốn khổ, mãi đến khi một tia chớp bỗng lóe lên, hay đúng hơn, xé trời đâm xuống biển, chị mới dừng lại. Đuôi tia chớp lóe sáng phía chân trời sầm tối và tiếng sấm ngoan ngoãn, hay đúng hơn, tiếng sấm ấm áp thân tình, lăn lăn, lan dần ra trên mặt Biển Bắc. Chị Hilke đứng thẳng người, nhìn ra ngoài khơi trước, rồi mới ngoái lại nhìn chúng tôi; chị ấy chỉ tay về phía một cái gì đó đằng xa và cắm đầu chạy đi ngay, loạng chà loạng choạng, vì đôi bắp chân đầy đặn chìa hơi nhiều về phía trong của chị thỉnh thoảng lại cọ vào nhau. Hai anh em tôi chẳng còn cách nào khác, đành vội vàng nối gót chạy theo chị. Bọn chim hải âu lại hốt hoảng cất cánh bay lên cao, con nào con nấy há mỏ, sẵn sàng chống trả. Tiếng kêu điên loạn của chúng ào ào trút xuống đầu chúng tôi như thác đổ, trong khi chúng tôi vội vàng chạy trốn cơn mưa giông đang ập đến, vượt qua bãi cát đến khoảng trũng giữa hai cồn cát và sau cùng, vượt qua cồn. Gió lại thổi mạnh, quất mưa vào chúng tôi - cơn mưa đầu năm ở Rugbüll, cơn mưa hễ đổ xuống là cho thấy ngay cả bấy nhiêu mương rạch lẫn kênh đào ở đây đều hẹp và nông choèn, không đủ thoát nước, cơn mưa làm ngập các cánh đồng cỏ và rửa sạch cả bùn đất lẫn cỏ khô đóng vảy trên lưng hay trên mông đít gầy gò của mấy con bò, con ngựa thả rông ngoài đồng ấy. Ở quê tôi mà mưa, thì đồng quê mất hết vẻ cởi mở, mất hết bề sâu cảnh vật thường ngày vẫn phơi ra lộ liễu ấy vì sương mù buông xuống, phủ lên đồng quê và che kín tất tật; mọi thứ đều trở nên thấp tè, cụt lủn, hoặc chuyển màu thành thứ màu tối xin xỉn và biến dạng, phồng ra như củ hành, và, nếu có định chui vào xó nào đấy hòng chờ mưa tạnh, thì thật vô ích, bởi mưa sẽ không bao giờ tạnh nữa; phải đánh một giấc thật dài, sáng ra mới mừng rỡ thấy trời quang mây tạnh được mà thôi. Vâng, giá chỉ mưa không thôi, thì anh em chúng tôi cũng lần được về đến nhà rồi đấy. Thế nhưng cơn giông, với những tia chớp xé toang bầu trời trên mặt biển cùng tiếng sấm rền và những cơn gió thốc mạnh đã xua chúng tôi chạy vượt qua cồn cát; sức mạnh của cơn giông khiến chúng tôi không sao cất bước đi bình thường được nữa, mà loạng choạng qua lớp cát ướt sũng và xin xỉn, lần theo chị Hilke lúc này đã tiến đến sát túp lều bác họa sĩ. Vừa đến nơi, chị ấy liền kéo rộng cánh cửa ra, nhưng không đóng nó lại ngay mà đứng phía trong khung cửa tối om, nổi bật giữa làn mưa rơi thành vệt chéo hẳn sang một bên, đưa tay vẫy vẫy thúc giục chúng tôi nhanh chân. Chờ hai anh em chúng tôi đến nơi và bước vào bên trong xong xuôi, chị mới đóng cửa lại và khoan khoái thở đánh phào. Cài chốt vào, bác họa sĩ nói to, cháu phải cài chốt vào mới được. Chị Hilke tôi đập lòng bàn tay một phát vào cái chốt cửa và - cả ba chúng tôi, ai nấy đều ướtsũng - đứng sững giây lát giữa túp lều bác họa sĩ. Nhưng rồi tôi cũng chui từ dưới tà áo mưa của anh Addi ra, đi vòng quanh chiếc bàn làm việc của bác họa sĩ đến bên khung cửa sổ rộng nhìn ra ngoài, hệt như đã có lần tôi đã đứng đây nhìn như thế. Và, thầm mong, cũng như lần ấy, sẽ nhìn thấy một xác người rập rình giữa sóng biển đổ vào bờ -xác một viên phi công - bị sóng ném lên bờ rồi lại kéo ra xa. Có lẽ bác họa sĩ đoán ra tôi định tìm gì ngoài đó, nên bác vừa mỉm cười, vừa nói: Hôm nay, trời chỉ nổi dông, chỉ có dông thôi. Tôi vẫn thường theo bác ra lán này, và vẫn hay ngồi trên mặt bàn cạnh bác ấy, mỗi khi bác lặng lẽ ngắm nhìn một ngọn sóng nổi lên hay đổ xuống, hoặc dõi theo các đám mây hay thứ tia sáng tham quyền thống trị nhảy múa trên mặt biển. Và dạo ấy, lúc hai bác cháu cùng phát hiện thấy xác viên phi công, bác giữ chặt tôi ngồi lại trên mặt bàn và đưa mắt dõi theo thi thể con người đang nhẹ nhàng trôi nổi, lật sấp, lật ngửa và dường như đã nhập vào nhịp lên xuống của các đợt sóng và trở thành một phần không tách rời của các ngọn sóng vậy, phải, bác ấy giữ chặt tôi, khiến tôi thấy lâu kinh khủng, trước khi hai bác cháu cùng chạy ra kéo xác viên phi công xấu số ấy lên bãi cát. Chỉ có giông bão ngoài ấy thôi, bác họa sĩ nói và mỉm cười trong bóng tối chạng vạng; đoạn bác lôi một chiếc khăn lau rất rộng ra, lau khô mặt cho tôi, trong khi tôi vẫn cố tìm cách ngoảnh mặt ra ngoài dò xét các đợt sóng sủi bọt; thấy tôi ngọ nguậy không chịu yên, bác họa sĩ cứ lặp đi lặp lại mấy lần: Đứng yên nào, Witt-Witt. Duy có bác là gọi tôi như thế. Mà gọi thế cũng được chứ sao. Witt-witt là tiếng chim dẽ kêu mỗi khi chúng nó vội vã hay lo lắng chuyện gì đó; thì chúng nó chỉ biết kêu có thế, chứ biết kêu thế nào hơn. Có lẽ bác họa sĩ cũng chỉ nhớ tôi có vậy, nên bác cứ thế mà gọi tôi. Gì thì gì, nhưng cứ nghe thấy bác gọi witt-witt, tôi liền quay mặt lại, đến gần hoặc đứng yên chờ. Bác Max Ludwig Hansen cũng lau cho tóc tôi thật khô, rồi mới lau đến cổ, sau cùng lau xuống đôi chân. Xong đâu đó, bác chìa chiếc khăn tắm rộng cho chị Hilke. Chị ấy cũng lau cho thật khô người, trước khi dùng ngón tay tẽ những dải tóc dài và nắm bàn tay lại, bóp bóp nhè nhẹ cho nước chảy ra. Gió thô bạo xô từng cơn từ ngoài khơi vào đất liền, gây náo loạn phía bên ngoài. Không còn mống chim hải âu nào, đến cả những con chuyên việc canh gác cũng không thấy lượn trên trời nữa. Mặt biển ngầu bọt, lấp la lấp lánh. Tôi cúi người, nghiêng hẳn đầu sang một bên để nhìn ra mặt biển ngầu bọt và lấp lánh đó. Tôi chợt nghĩ, nhìn thế này, hóa ra mặt biển hóa thành trời và bầu trời tối sẫm kia biến thành mặt biển. Đến lúc thẳng người và ngước mắt trông lên, thì tôi phát hiện ra Jutta. Jutta ngồi lặng thinh và bất động bên cạnh cái tủ; nó ngồi xếp bằng ngay trên nền nhà, tay đút trong vạt áo, hai cẳng chân gầy gò choãi rộng đến mức làm vạt váy căng hẳn ra. Tôi thấy nó mỉm cười, nhưng cũng là để đáp lại nụ cười đầy vẻ bối rối và lúng túng của anh Addi thôi. Tôi lấy làm lạ, hết nhìn người này lại nhìn người kia, từ gương mặt gầy gò, mang vẻ ranh mãnh giống như mặt chó săn greyhound* của Jutta sang anh Addi đang lóng ngóng, thừa chân, thừa tay, không biết làm gì ngoài đứng đực ra một chỗ như con manơcanh dùng để trưng quần áo và kinh ngạc trố mắt nhìn đứa con gái có cái cổ gầy khẳng khiu và đôi mắt tinh anh, nghịch ngợm ấy - vâng, đó chính là Jutta, đứa con gái chuyên nói một đường, làm một nẻo, đứa con gái đã bỏ bùa mê ở trại Bleekenwarf, ngay từ ngày đầu tiên, kể từ lúc bác họa sĩ nhận nó cùng thằng em đầu gấu đem về nuôi, sau khi bố mẹ đẻ chúng nó - cả hai cũng đều là họa sĩ - mấtsớm. Vâng, tôi cố đoán xem cái trò lặng lẽ nhận dạng nhau này của hai người có nghĩa gì, và đang định mở miệng nói, thì chị tôi đã cất tiếng: Khăn đây, anh lau người cho khô. Nước mưa lạnh đấy, anh phải lau thật khô vào. Nói rồi, chị dúi cái khăn vào tay anh ấy, và ra lệnh cho anh theo cách riêng của chị, là lấy cùi tay thúc thức vào người anh; anh Addi lặng lẽ nghe lời, lấy khăn lau người. Trong lúc anh Addi loay hoay cùng chiếc khăn to đùng, chị Hilke nói với bác họa sĩ: Đây là anh Addi, bác ạ, chồng chưa cưới của cháu. Anh ấy về thăm nhà. Bác họa sĩ mỉm cười, hất hàm chỉ vào góc nhà: Còn đây là Jutta. Jutta ở đây cùng cậu em trai. Chị Hilke chìa tay bắt tay Jutta, anh Addi chìa tay cho bác họa sĩ, và sau khi tôi bắt tay Jutta xong thì anh Addi cũng bắt tay nó. Tôi sực nhớ, tôi chưa bắt tay bác Max Ludwig Nansen, liền chìa tay cho bác ấy. Thấy vậy, sực nhớ mình quên chưa chào hỏi gì bác, chị Hilke cũng vội chìa tay cho bác ấy. Cứ luýnh quýnh như thế, làm tôi suýt nữa cũng chìa tay bắt luôn tay chị Hilke. Nhưng bác họa sĩ đứng dậy, chen vào giữa hai chị em để lấy cái tẩu bác ấy gác trên giá. Mong cho cơn giông chóng qua, bác nhỉ, chị Hilke nói. Giông thì ngớt, bác họa sĩ đáp, nhưng mưa thì không ngớt đâu. - Mày đã thấy dại chưa, chị Hilke nói hướng về phía tôi. Cứ bám theo chúng tao cho bằng được cơ. Tôi đáp: Đằng nào em cũng ướt rồi. Tôi liếc thấy cả bác họa sĩ lẫn anh Addi đều có vẻ hơi ngạc nhiên, và - không cúi xuống tôi - hai người nháy mắt nhìn nhau cười ra chiều thú vị thấy tôi đối đáp như thế với chị Hilke. Anh Addi lôi thuốc lá ra mời bác họa sĩ, song bác hơi đưa cái tẩu bác đang giữ trong tay lên, ra hiệu khước từ. Bác họa sĩ châm lửa tẩu thuốc rồi bước đến bên cửa sổ căn lều nhìn ra ngoài, ngắm cơn gió quay cuồng trong bóng đêm ngoài biển. Ngoài đó, chắc lại đang có cái gì đấy diễn ra mà chỉ mình bác mới nhận thấy, bằng cặp mắt xám rất đỗi kiên nhẫn của bác. Tôi đã quen nhìn thấy bác như vậy, mỗi khi bác trầm ngâm ngắm những cảnh tượng, những hình bóng vô hình nào đó chạy đi chạy lại; tôi cũng đã quen nhìn tư thế bác thường có vào những lúc bác trò chuyện hay cãi vã với gã Balthasar của bác. Tôi chỉ cần nhìn bác ấy, chứ không cần để ý xem ánh mắt bác để vào đâu, là đủ biết bác đang để tâm đến đám nhân vật do bác tưởng tượng ra, đám nhân vật mà bác cứ đưa mắt nhìn vào, là họ bật dậy ngay: nào chúa gây mưa lẫn vua tạo mây, nào gã lướt sóng cùng kẻ khiển gió, nào lão phun sương mù lẫn cánh bạn bè chiến hữu của cối xay gió, của bãi biển hay mương rạch. Đám này chỉ chờ có ánh mắt bác nhìn đến và giải thoát họ ra khỏi cuộc sống bí hiểm, lúc nào cũng ẩn ẩn náu náu đó của họ, để tức khắc đứng dậy, hiện hình ra trước mặt bác. Đứng trước khung cửa sổ, bác họa sĩ hút thuốc, mồm bập bập vào tẩu, và chăm chú nhìn ra biển động, mắt hơi nheo lại, cổ hơi rụt xuống như gắng sức làm gì đó, trong khi Jutta lặng lẽ chui từ xó nhà tranh tối tranh sáng ra, mỉm cười lộ cả răng cửa và khiến trên mặt anh Addi lại hiện thêm bao nhiêu câu hỏi tò mò. Đúng lúc đó tôi nghe tiếng chị Hilke cười to. Chị phất phất một tờ giấy khổ to chị vừa kín đáo rút từ cặp giấy vẽ nằm trên bàn ra mà bác họa sĩ không biết. Cái gì thế, tôi hỏi. Lại đây mà xem, nói, Siggi, lại đây mà xem này. Chị nhìn vào tờ giấy rồi lại cười to. Tôi tò mò: Chị làm sao thế, thế là chị Hilke trải tờ giấy ra mặt bàn, dùng tay vuốt vuốt cho phẳng rồi hỏi: Mày có nhận ra ai không? Chim hải âu, tôi đáp, toàn hải âu với hải âu, chứ là gì. Quả thật, thoạt tiên tôi không nhận ra cái gì khác, ngoài lũ chim hải âu, con bổ nhào, con nằm nguyên trong ổ, con đang lượn trên trời làm cảnh giới. Nhưng một lát sau thì tôi nhìn ra, đầu con chim nào cũng đội mũ cảnh sát, ngực con nào cũng ưỡn ra đeo phù hiệu đại bàng Đức. Mà không phải chỉ có thế: con nào con nấy trông đều giống bố tôi; con nào cũng mang bộ mặt dài ngoẵng và ngái ngủ của viên cảnh sát chốt Rugbüll, và chân ba ngón của chúng đều mang ghệt tí hon, giống hệt như đôi ghệt bố tôi vẫn mang vậy. Xếp nó vào cặp cho bác, bác họa sĩ nói, giọng hơi ngập ngừng. Nhưng chị Hilke đã không chịu xếp tờ giấy vào cặp, còn cất tiếng nài: Bác cho cháu, vâng, bác cho cháu xin nhá! Bác họa sĩ lại nói: Bác đã bảo cho nó vào cặp mà, và khi chị Hilke toan cuộn tròn tờ giấy lại thì bác nhẹ nhàng giật nó khỏi tay chị rồi nhét trở lại vào cặp: Không cho chúng mày được, bác còn cần đến nó. Đoạn, bác kéo cặp giấy vẽ về phía mình rồi đặt hộp giấy bồi đựng ống màu đã cũ lên trên. Chị Hilke chưa chịu thôi, lại hỏi: Thế tên bức tranh là gì hả bác. Nó chưa có tên gì chắc chắn cả, bác họa sĩ đáp, chưa biết được, có lẽ gọi là “hải âu đầu đen thi hành công vụ” cũng được. Bác không cho thì thôi vậy, chị Hilke chợt nói, nhưng sao bác không vẽ cháu? Đã có lần bác hứa như thế với cháu rồi mà! Hay bác vẽ cháu với anh Addi vậy. Anh Addi lại đây. Rồi chị nắm cánh tay anh Addi đẩy mạnh về phía bác họa sĩ - một cử chỉ dứt khoát, ngụ một ý duy nhất là: đây, bác vẽ đi, chân dung anh này dễ vẽ hơn chân dung bất kỳ anh đàn ông nào cùng hạng. Không vẽ được, bác họa sĩ đáp. Sao không được, chị tôi vặn vẹo, sao không được, hả bác? - Bác bị bỏng tay, bác họa sĩ đáp, còn chị Hilke: Nước nóng ạ? Bỏng? Bác họa sĩ gật đầu: Phải, nước nóng. Sẽ bỏng lâu đây! Cơn giông lúc này đã đổ vào bán đảo. Có lẽ bây giờ là lúc tôi có thể mô tả các tia chớp lóe sáng, các cơn gió giật lẫn đủ các kiểu sấm rền như sách vở vẫn thường tả. Tôi cũng có thể tả túp lều trơ trọi thế nào dưới chân cồn cát, hoặc tôi có thể tả tiếng rên rin rít của túp lều gỗ mỗi khi gió giật, tôi có thể cho ván lát sàn rung lên bần bật, hay để ma tít gắn cửa sổ kính phải bật ra. Gì thì gì, chứ ở quê tôi, giông bão sầm sập kéo từ biển vào thế này là chuyện rất thường vậy. Thế nhưng, ký ức tôi thấy không có gì đáng kể về cơn giông, đáng kể là chuyện chị tôi bỗng dưng phát hiện ra rằng túp lều từ lâu không được quét tước, dọn dẹp gì cả. Chỉ nhờ ánh chớp lóe lên thôi nhé, mà chị ấy đã phát hiện ra vậy, và - không phải ai cũng may mắn như chị ấy đâu - chị tìm ngay ra cái chổi cán ngắn, làm bằng lông thú rừng cứng ngắc nằm ở xó nhà. Thế rồi chẳng buồn hỏi xem có ai phản đối không, chị liền cởi bỏ áo khoác ra, đẩy mấy cái ghế đẩu sang một bên và ra tay quét dọn trong lều. Chị quét dồn hết cát vào một góc, xua chúng tôi lui về phía bàn làm việc của bác họa sĩ rồi bắt đầu quét từ cửa quét vào. Chị chồng ghế đẩu lên nhau, sắp xếp lại đồ đạc nằm ngả nghiêng trên giá. Chị phủi sạch bụi bám trên chiếc đèn dầu nằm chỏng chơ, từ lâu chẳng ai ngó ngàng đến. Chịsốtsắng quay đi quay lại, xoay tới xoay lui; túp lều rõ ràng quá chật cho công việc chị đang làm và chị chần chừ, không đặt ngay ghế đẩu về chỗ cũ, bởi làm thế thì cũng có nghĩa là hết việc cho chị vậy. Còn Jutta? Jutta ngồi chồm hỗm trên cái giường gỗ, cười để lộ răng cửa trắng trong. Nó chăm chú nhìn anh Addi lúc này đang lúng túng, hết bị đẩy sang chỗ này lại bị xô sang chỗ khác. Anh ấy toan nói gì đấy, thậm chí anh có vẻ muốn đạp chân lên cái chổi chị Hilke đang thoăn thoắt đưa qua đưa lại thì phải - ấy là tôi đoán chừng thế - nhưng, rốt cuộc, anh lại chẳng nói chẳng rằng gì, cứ ngoan ngoãn nghe chị Hilke bảo sao làm vậy. Tôi vẫn còn nhớ cái giây khắc anh ấy giật mình co rúm người lại - cái giây khắc từ phía ngoài bỗng có tiếng đập cửa. Ngay giữa cơn giông thế này mà từ bên ngoài lại có những tiếng đập cửa! Chúng tôi ai nấy đều sững người, ngơ ngác nhìn nhau không biết phải làm gì. Rốt cuộc - mặc dù anh Addi đang đứng ngay cửa - bác họa sĩ định thần, bước tới bên cánh cửa và tháo chốt cài ra. Bác vừa buông tay khỏi nắm cửa thì gió đã thổi bật cánh cửa đập mạnh vào tường. Bên ngoài, bố tôi đứng ở lối vào lù lù như Thần Dionis, vâng, vị Thần Hy Lạp phì nộn, nhanh khóc, mau cười - nổi bật giữa nền cồn cát xám xịt, áo choàng bay phần phật, gương mặt lúc sáng lên lúc tối lại cùng ánh chớp. Ông đứng ở ngoài, không tỏ ý muốn bước vào trong, làm chúng tôi ai nấy phân vân, không rõ ông muốn gì. Bố tôi cứ trịnh trọng đứng nguyên một chỗ, thậm chí có vẻ khoái chí thấy chúng tôi lúng túng là đằng khác. Chợt ông cất tiếng, hỏi với giọng khô không khốc: Thằng Siggi đâu? Đây ạ, tôi đáp rồi chạy vội đến bên ông. Ông mở vạt áo choàng, thò tay ra nắm chặt khuỷu tay tôi, lôi tôi từ trong lều ra ngoài rồi, không nói không rằng, ông quay đi, kéo tôi đội cơn mưa đang xối xả theo ông đi về phía bờ đê. Không một lời mắng mỏ. Không một tiếng dọa nạt. Trong lúc hai bố con sấp ngửa vượt qua cồn cát rồi leo lên mặt đê, nơi ông để chiếc xe đạp công vụ nằm chỏng gọng, tôi chỉ nghe độc hơi ông thở phì phò và cảm thấy sự tức giận của ông truyền qua bàn tay nắm chặt khuỷu tay tôi. Bố tôi không nói đã đành, nhưng tôi cũng chẳng dám ho he gì, vì quá sợ, và trong cơn sợ, tôi vẫn đoán trước chuyện gì sẽ đến với mình; mà đã vậy, thì cố nói gì cũng vô ích thôi. Thành ra tôi cứ ngồi cứng đơ trên thanh ngang khung xe đạp, tay nắm chặt ghi đông, trong khi bố tôi đẩy, rồi nhảy lên xe và bất chấp các cơn gió mạnh thốc xiên hông, ông vẫn chạy được xe, rồi thả nó từ trên mặt đê băng xuống dốc mà không phải xuống khỏi yên lần nào. Tôi biết, bố tôi phải mất nhiều sức và phải rất tập trung mới đạp xe chạy nổi đoạn đường này. Ngay trên đầu, tôi nghe tiếng ông thở phì phò, hổn hển, tiếng ông rên lên khi phải lên gân sức cưỡng lại cơn gió mạnh. Giá bố tôi cũng lên tiếng chửi rủa lấy một tiếng! Giá ông bạt tai tôi lúc lôi tôi khỏi túp lều ra ngoài một cái! Thì mọi sự hẳn sẽ nhẹ nhàng hơn và có lẽ cũng sẽ đỡ sợ hơn cho tôi rồi đấy. Nhưng, suốt quãng đường, bố tôi chỉ một mực lầm lì, không nói không rằng. Đó là cách ông trừng phạt tôi; đó là cách ông báo trước cho tôi về hình phạt ông sẽ dùng để phạt tội. Thường vẫn vậy: ông không ưa chuyện bất ngờ, bao giờ ông cũng báo trước hay đánh tiếng trước về việc ông định làm; chẳng hạn, nếu có việc gì buộc ông phải can thiệp về mặt nghiệp vụ cảnh sát, thì hiếm có khi nào ông ra tay mà không gióng trước: Coi chừng đây này, tôi ra tay bây giờ đây này. Vâng, thế là hai bố con lẳng lặng ngồi trên xe băng từ trên đê xuống đoạn đường lát gạch dẫn về nhà. Đến chân cầu thang, ông để yên cho tôi nhảy xuống, rồi dùng ngón tay trỏ, lệnh cho tôi đẩy xe cất vào nhà kho; tôi cất xe xong quay trở lại, thì ông lại nắm chặt lấy khuỷu tay tôi, lôi tuột vào nhà. Vừa đi, ông vừa tháo bỏ áo choàng và tránh không nhìn thẳng vào mắt tôi - như thể ông e cơn giận và nỗi thất vọng đang dồn chứa trong lòng ông sẽ bùng ra quá sớm vậy. Vâng, ông đẩy tôi đi trước, theo tôi lên cầu thang dẫn vào phòng tôi, lúc ấy đang sáng đèn. Từ ngày họ bắt anh Klaas mang đi vì tội tự gây thương tích cho mình, tôi được ở một mình trong căn phòng này. Cả bốn bức tường lẫn cái giường kê bên cửa sổ bây giờ đều thuộc về tôi; một mình tôi được dùng cái bàn kéo ra kéo vào được và vẫn phủ bằng tấm vải lanh màu xanh nước biển vẽ bản đồ các đại dương, trên đó nhiều trận thủy chiến táo bạo nhất từng diễn ra. Thậm chí tôi còn có cả chìa khóa và có thể tự khóa chặt cửa phòng nữa kia. Trong phòng tôi sáng ánh đèn. Tôi thấy ngọn đèn lung linh qua khe cửa và biết ngay ai đang ưỡn người đứng thẳng đơ trong phòng, bên cạnh cái tủ đứng, tóc búi cao và nghiêm nghị, môi mím chặt. Vâng, ngay cả khi cánh cửa vẫn còn đóng, tôi đã thấy mẹ tôi đứng phía trong ở tư thế cứng đơ, hách dịch đó rồi, cho nên lúc bố tôi mở toang cửa ra, tôi đứng dừng lại ngay ở bậc cửa mà không tỏ chút ngạc nhiên nào. Ông đẩy tôi vào trong. Với vẻ mặt chờ đợi, ông ngước nhìn mẹ tôi, bà Gudrun Jepsen. Mẹ tôi vẫn đứng yên một chỗ, không động đậy, nheo mắt nhìn tôi như thể tôi đang đứng đâu rất xa vậy. Bố tôi đợi một lúc khá lâu rồi mới cất tiếng nói: Đây, nó đây! Đoạn, rất sốt sắng, ông đi chéo ngang căn phòng, mắt không rời nhìn mẹ tôi với vẻ dò hỏi, rồi cúi người lôi cái roi nằm sẵn dưới giường tôi ra. Đứng thẳng người, ông lại ngẩng mặt nhìn mẹ tôi dò hỏi như lúc nãy đã, rồi mới quay về chỗ tôi và nói: Tụt quần ra! Mặc dù tôi đã trù liệu trước, thể nào ông cũng sẽ nói vậy, nhưng tôi không nhanh nhảu tụt quần ra vội. Chờ cho ông nói xong, tôi mới thong thả cởi quần, trao nó vào tay ông, đưa mắt nhìn theo ông cẩn thận vuốt phẳng phiu cái quần ướt mèm của tôi, trước khi đặt nó lên mặt bàn. Tôi không cúi người ngay, tôi chờ ông ra lệnh: Cúi xuống! đã, rồi mới cúi và đặt hai lòng bàn tay lên hai bắp đùi run rẩy. Song, đòn đầu tiên chưa kịp giáng xuống, tôi đã nhanh như chớp, vụt đứng thẳng dậy. Với vẻ như thất vọng, vâng, thậm chí như phật ý là đằng khác, bố tôi hạ roi xuống và ngước nhìn mẹ tôi, như thể ông muốn bà tha lỗi cho hành động nhát gan đó của tôi. Song, mẹ tôi vẫn đứng nguyên, trân trân, không động đậy. Cái roi lại giơ lên cao, tôi lại cúi xuống, lên gân căng cặp mông để trần và, hai hàm răng nghiến chặt, tôi liếc nhìn nghiêng sang phía mẹ tôi. Cả lần này cũng vậy, vừa cúi xuống tôi đã lại nhanh như chớp đứng thẳng ngay lên, trước khi roi kịp giáng xuống. Đoạn, tôi bước lên trước hai bước cho dãn gân dãn cốt, lấy tay xoa xoa hai bên mông, rồi lùi lại, cúi người đưa mông ra dưới cái roi vẫn đang ở trên cao kia. Lần này, tôi tự nhủ, dứt khoát sẽ chịu đòn; song trước khi cái roi kịp vun vút vụt xuống, thì tự dưng đinh đóng ván lát nền bỗng động đậy, cua biển bỗng bò ở đâu ra chực cắp chặt vào đầu gối tôi, lại thêm một con hải âu bay đến mổ liên hồi vào gáy tôi, khiến tôi không biết làm sao hơn là quỵ hai đầu gối xuống và mếu máo khóc. Mẹ tôi hình như hơi bị bất ngờ trước hành động đó của tôi, nên bà có vẻ như chợt bừng tỉnh. Bà buông thõng hai tay xuống, rồi, không còn màng gì tới việc đánh đòn tôi nữa, bà liếc nhìn vào mặt tôi với ánh mắt mệt mỏi, đầy vẻ coi thường, trước khi hờ hững, ngao ngán bước ra khỏi phòng. Bố tôi ngơ ngác nhìn theo bà, lẩm bẩm nói với theo cái gì đó như thể muốn níu bà lại. Song, mẹ tôi đã ra đến ngoài hành lang, rồi đến phòng ngủ, và sau rốt, đã nghe tiếng chìa khóa xoay loạch xoạch trong ổ. Bố tôi nhún vai, chằm chằm nhìn tôi, hơi lúng túng và có vẻ chẳng ham hố gì lắm nữa. Tôi nhận ra dịp may, liền vừa mếu máo, vừa gượng mỉm cười với ông; thậm chí tôi còn cố nháy mắt với ông, như nháy mắt với một kẻ tòng phạm sau cơn hiểm nguy vậy. Song, rõ ràng, nháy mắt đã không thành, lại còn làm mặt mũi tôi thành ra nhăn nhó; bố tôi liếc nhanh, nhìn xuống chiếc đồng hồ quả quýt rồi hờ hững nắm cổ áo tôi, lôi xềnh xệch đến bên chiếc bàn. Ông cẩn thận ấn nửa thân trên của tôi xuống mặt bàn. Tôi cưỡng lại, cố đứng thẳng dậy. Ông lại ấn tôi xuống. Tôi cưỡng lại lần nữa. Ông lấy lòng bàn tay bợp một cái vào gáy tôi, bắt tôi gập người xuống bàn, nhưng tôi vẫn cưỡng lại. Mặt tôi áp lên tấm bản đồ bằng vải lanh vẽ biển cả; đại dương xanh mênh mông trải ra ngay trước mắt tôi, những miền đại dương tôi từng mơ tung hoành làm chủ mỗi khi diễn lại các trận thủy chiến lừng danh; đây, tôi vừa đánh thắng xong trận Lepanto, đây là trận Trafalgar, còn đây là các trận Skagerrak, Scapa Flow, Orkney hay Falkland vừa huy hoàng tái diễn. Ấy vậy mà lúc này, thuyền tan, buồm nát, tôi đang phải bơ vơ, trôi dạt vô định vào chính những vùng biển vinh quang hiển hách tôi từng mơ ước ấy. Cứ tưởng cánh tay bố tôi đưa roi lên cao đã có vẻ thờ ơ và ít nhiều ủ rũ, nên quả thật tôi không ngờ miếng đòn đầu tiên giáng xuống đã lại nhói đau, nóng rẫy đến thế, và ngay miếng đòn đầu tiên đã hằn một lằn roi dài, nóng rát trên mông đít tôi. Tôi vùng bật dậy thì bố tôi dùng tay trái ấn xuống, dìm tôi chìm xuống biển sâu nóng bỏng nỗi đớn đau thất bại, còn cánh tay phải, ông giơ cao cây roi lên rồi giáng nó xuống, giáng khá mạnh, nhưng cũng lơ đễnh thế nào đó. Đến lúc tôi, cứ sau mỗi đòn ông giáng xuống lại kêu thét lên, bằng thứ tiếng kêu hơi the thé, hơi khè khè và cũng hơi phóng đại chút đỉnh, thì bố tôi chốc chốc lại ngừng để dỏng tai nghe ngóng ngoài hành lang, xem mẹ tôi có xuất đầu lộ diện không. Tiếng tôi kêu thét lên như thế, chắc ông nghĩ vậy, âu cũng là để đền bù cho nỗi thất vọng khi nãy của bà. Bởi tiếng ồn ào của trận đòn dành cho tôi ở đây thể nào cũng phải lọt đến tai bà - đang một thân một mình ngồi trong căn phòng ngủ lạnh lẽo - thì ắt bà không thể làm ngơ mãi được, hẳn ông đinh ninh như thế, nên thỉnh thoảng ông lại quay đầu về phía cửa, dỏng tai nghe ngóng và chờ đón. Vâng, đây chính là bố tôi. Con người vĩnh viễn an phận kẻ thừa hành. Viên chấp pháp tuyệt hảo. Mẹ tôi không ra khỏi phòng ngủ nữa. Ngay cả khi tôi kêu thét lên một tiếng, rồi lập tức tắc nghẹn - một tiếng kêu mà khi nghe thấy, bà phải rất lấy làm lạ mới đúng - bà cũng không ra. Điều đó làm bố tôi chán nản ra mặt: cho nên những nhát roi sau cùng ông quất xuống xem ra cố vẻ chiếu lệ, hời hợt hơn chút ít, và lúc tôi ngoái đầu nhìn ông thì ông ngoắc ngoắc cái roi, ra hiệu bảo tôisang bên giường mà nằm. Tôi buông người nằm sấp xuống giường. Nhưng bố tôi dùng một đầu roi hất cằm tôi lên. Ông bắt tôi phải ngước lên nhìn ông. Qua làn nước mắt ràn rụa, tôi có cảm giác dường như ông bị kiệt sức và bất hạnh lắm; thế nhưng, như để xua cảm giác ấy của tôi, ông lên giọng hỏi: Bây giờ mày nói thế nào nào? Để ông khỏi phải hỏi thêm lần nữa, tôi vội đáp thật nhanh: Bao giờ có giông bão thì con phải ở nhà. Bố tôi gật đầu hài lòng, rồi rút cây roi khỏi cằm tôi. Phải, cứ có giông có bão là mày phải ở nhà, ông nói: Đúng thế! Mẹ mày bắt mày ở nhà. Tao cũng bắt mày ở nhà. Cứ có giông có bão là mày phải ở nhà. Nói xong, ông giật mạnh tấm chăn dưới người tôi ra, đắp lên trên, rồi chẳng làm gì nữa, ngồi thù lù trên chiếc ghế gỗ trước tấm bản đồ vẽ các đại dương của tôi. Ông vẫn dỏng tai nghe ngóng, nên mặt ông trông méo xệch; ông bất lực, bởi không còn mệnh lệnh hay nhiệm vụ nào để ông thi hành nữa cả. Mà một khi đã không còn mệnh lệnh, không còn nhiệm vụ nào để ông thi hành, thì ông không còn là ông nữa. Dĩ nhiên, nói như vậy không có nghĩa là bố tôi không quen ngồi yên một chỗ, ruồi bâu không buồn đuổi đâu. Ông cũng biết tận hưởng những ngày tháng mùa đông rảnh rỗi lắm - những ngày tháng ông có thể ngồi yên hàng giờ liền nhìn ngắm bếp lò mà không biết chán ấy. Thế nhưng, hễ được giao một công việc rõ ràng, không rối rắm nào đó, thì chắc chắn ông mới thực sự là ông, ông khắc đem hết sức mình làm tròn, cho dù khi thi hành, cứ nói giả dụ thế, ông có phải tự mình nghĩ ra các loại câu hỏi mà ông sẽ phải đặt cho người khác cũng vậy . Tôi vẫn lè nhè thút thít đầy vẻ thuyết phục. Nằm úp mặt lên hai cánh tay, tôi nheo một bên mắt, nhìn bố tôi qua cùi tay. Các lằn roi rát bỏng sau mông, tấm chăn trở nên nặng trình trịch đè lên người tôi và tôi chẳng còn mong ước, chẳng còn đòi hỏi gì hơn là được nằm đây một mình. Nhưng bố tôi cứ ngồi lì ra đó mãi, không chịu đi cho tôi nhờ; ông có vẻ bất chấp tất tật, kể cả tiếng rên khóc lè nhè của tôi. Được một lúc lâu, đột nhiên ông đứng dậy bước đến giường rồi lấy ngón tay gõ gõ vào vai tôi và nói: Ta bảo sao, mày cứ thế mà làm, hiểu chưa? Tôi đáp: Vâng ạ, rồi để ông ra khỏi đây cho nhanh, tôi lại nhanh mồm vâng dạ thêm lần nữa: Vâng ạ! - Người hữu ích là người biết nghe lời, bố tôi nói, và tôi vội đáp: Thưa bố, vâng ạ! Bố tôi lại nói tiếp, giọng đều đều, đầy cân nhắc: Ta sẽ biến mày thành người hữu ích. Mày khắc thấy! Rồi đột nhiên, ông hỏi độp một cái: Thế lúc nãy, lão họa sĩ có làm gì không? Tôi chưa kịp hiểu ông nói gì, thì ông đã hỏi lại: Thì lúc nãy ở trong lều, lúc chúng mày ở đấy, lão họa sĩ có vẽ vời gì không? Tôi ngạc nhiên ngước lên nhìn ông và sực hiểu, câu trả lời của tôi sẽ quyết định nhiều chuyện, và những gì tôi biếtsẽ quan trọng lắm đây. Bởi thế, tôi làm ra vẻ cố vắt óc để nhớ lại mọisự mà không được, hay có lẽ đúng hơn là, cố làm sao để ông hiểu rằng chính mấy đòn đau điếng ông giáng vào mông tôi đã làm tôi quên hết nhiều chuyện quan trọng ông muốn biết. Mãi một lúc, tôi mới nói: À, chim hải âu ạ. Bác ấy cho chúng con xem tranh vẽ chim hải âu, mà con nào trông cũng giống bố. Bố tôi còn muốn biết nhiều hơn, nhưng tôi chẳng biết kể thêm gì nữa. Thế nhưng, những gì bố tôi nghe được cũng đã đủ, để biến ông thành người khác hẳn: vẻ do dự ở con người ông bỗng biến đâu mất, bỗng dưng ông như bừng tỉnh, nhanh nhẹn, lanh lợi, gương mặt trở nên tỉnh táo, vẻ ngạc nhiên pha thêm chút cay đắng. Ông liếc nhìn nhanh ra cửa sổ, với ánh mắt - ít ra thì tôi cũng tưởng tượng như thế - hăm dọa pha lẫn thất vọng. Sau đó - tôi sẽ chẳng bao giờ quên hình ảnh này - ông ngồi xuống giường, nhìn tôi soi mói, dò hỏi, vâng, thậm chí có vẻ khẩn khoản là khác, rồi cất tiếng chậm rãi nói: Này Siggi, từ giờ bố con mình sẽ phải hỗ trợ nhau. Bố cần mày giúp thì mày sẽ phải giúp. Không đứa nào, kể cả lão, thoát nổi tay bố con mình. Mày sẽ giúp bố và bố sẽ luyện mày thành đứa ra hồn. Cần phải thế. Bây giờ thì nghe đây! Thôi, đừng lè nhè nữa. Nghe tao nói đây! Chương 4 LỄ SINH NHẬT Mỗi lúc một cao hơn, nhanh hơn, dốc ngược hơn lên. Mỗi lần đẩy lại mạnh hơn. Mỗi lúc một tới gần tán cây rộng và rối bù của cây táo già ông Frederiksen trồng từ hồi ông ấy còn trẻ. Gió rít vù vù đến ghê, khi cái đu, dây treo căng rung bần bật, quăng trở lại từ trong tán cây xanh rậm rạp cùng tiếng kêu ken két phát ra từ vòng treo; bóng cành cây cũng loang loáng lướt nhanh trên tấm thân vươn ra phía trước của Jutta đang cô ngồi giữ thăng bằng trên tấm ván của cái đu dây. Cái đu đưa Jutta bay lên cao, thật cao, dừng lại trên không giây lát, rồi đổ xuống, văng về phía ngược lại. Và trong lúc cái đu văng ngược lại, thì tôi dùng tay, nhanh như chớp, hoặc chạm vào tấm ván, hoặc vào eo hoặc vào mông Jutta mà đẩy thật mạnh - lúc theo chiều xuôi, lúc theo chiều ngược lại - về phía tán cây táo bên trên. Như được phóng lên từ bệ phóng, Jutta bay vụt lên cao, hai chân dạng ra, váy áo phần phật và gió ôm lấy nó, hất tóc nó bay ra sau, làm gương mặt vốn đã gầy gò và nghịch ngợm của nó càng thêm gầy gò và nghịch ngợm hơn. Nó muốn lấy đà làm sao để cái đu quay hẳn được một vòng kia, tôi cũng ra sức đẩy tới, giúp nó tăng đà - nhưng không được. Vâng, hôm ấy - vào buổi lễ sinh nhật sáu mươi của ông Tiến sĩ Busbeck trong vườn nhà bác họa sĩ - ngay cả lúc Jutta nhổm dậy, đứng nhún hai chân trên tấm ván của cái đu dây, hai chúng tôi vẫn không làm cho cái đu quay trọn vòng, chả biết do cành cây cong quá hay do đà quay không đủ mạnh. Đến lúc Jutta nhận ra tôi không đủ sức đẩy thêm đà cho nó, nó lại ngồi xuống và vừa mỉm cười với vẻ bất cần, vừa nhẹ chao qua chao lại cùng cái đu. Trong lúc chao qua chao lại như thế, nó chằm chằm nhìn tôi một lúc lâu, theo một lối chẳng ai dạy, rồi đột nhiên quặp tôi vào giữa hai cẳng chân khẳng khiu và rám nắng của nó. Tôi không còn cảm giác nào khác ngoài cảm giác gần gụi của Jutta. Vâng, tôi cảm thấy sự gần gụi của nó và nó cũng biết tôi đang cảm nhận điều đó; tôi dám chắc như vậy, nên bụng bảo dạ, cứ để yên xem sao. Nhưng, rồi chẳng có gì thêm nữa cả: Jutta hôn tôi, một cái hôn hờ hững, đôi môi khô không khốc, rồi buông chân khỏi người tôi, tuột khỏi cái đu và chạy về phía ngôi nhà, nơi bác Ditte đang nhô hẳn người ra từ một trong số bốn trăm khung cửa sổ và ngửa tay chìa mấy miếng bánh bơ ra ngoài, như thể chìa cho chim ăn vậy. Tôi vớ cây gậy của tôi rồi chạy theo Jutta. Chọn đường tắt cho nhanh, tôi tìm cách nhảy qua các luống hoa và mấy lùm cây thấp. Nhưng xem chừng, hai đứa tôi có vội cũng vô ích thôi, bởi trước khi Jutta hay tôi kịp đến bên cửa sổ, đã thấy thằng Jobst nhanh như chớp từ căn nhà vườn mái rạ vọt ra, hay đúng ra là lăn ra; cái thằng quỷ sứ, ngón tay cũn cỡn, môi trề, thân hình béo mập nhưng không kém nhanh nhẹn ấy, sỗ sàng giẫm đạp lên đám hoa anh túc và hoa cúc nở muôn màu muôn sắc để chạy đến cửa sổ trước chúng tôi, giật mấy miếng bánh từ tay bác Ditte rồi nhét ngay hai miếng vào túi, miếng còn lại cho vào mồm, nhắm mắt nhai ngon lành. Cứ trông bộ dạng nó là đủ biết: nó sẽ không đời nào nhả mấy miếng bánh vừa giành được ra nữa đâu. Bao giờ cũng vậy, cái gì đã lọt vào tay nó thì chẳng bao giờ nó nhả ra. Bởi thế, bác Ditte không buồn đe nó làm gì cho tốn công, bác ngoắc ngoắc tay gọi chúng tôi vào trong nhà. Tôi cũng muốn đuổi kịp Jutta trong hành lang tối om om cơ đấy, nhưng nó đã chạy lên trước mất rồi, tôi gọi, nó cũng chẳng thèm thưa và cứ thế mở cửa, trong khi tôi vẫn còn mò mẫm giữa lối đi, hai bên xếp nào chổi, nào xô cùng chậu, chưa kể ngổn ngang rương với thùng. Nó để cửa mở. Quay người lại, dù chỉ một lần, nó cũng chẳng buồn quay. Sự yên ắng ở xung quanh khiến tôi đâm nghi ngại; tôi lặng lẽ tiến về phía ngưỡng cửa, và, bởi trong đầu cứ tưởng phòng khách đang trống trải, chẳng có ai ở đó nên tôi đâm hoang mang, trong bụng đã nghĩ thầm, mọi người không ăn sinh nhật chỗ này thì ăn ở đâu mới được chứ; thế nhưng, lúc rụt rè bước vào trọng và quay người nhìn ra xung quanh thì tôi giật mình, mà chắc rồi ai, cũng như tôi, tưởng trong phòng không có ai, hẳn cũng sẽ phải giật mình thôi, bởi vì ngồi bên chiếc bàn hẹp và dài dằng dặc bày tiệc sinh nhật là một lô sinh vật biển già nua đang lặng lẽ ngồi uống cà phê và trang nghiêm tọng vào miệng, rồi gắng gượng nuốt cho trôi vào bụng nào bánh ga- tô khô không khốc, nào bánh hạnh nhân đến bánh nướng màu vàng nhạt. Tôm hùm, cua bể, tôm he đủ cả, đều đang chồm hỗm trên những chiếc ghế kiêu căng, mang đầy nét chạm trổ của trang trại Bleekenwarf này, chốc chốc lại nghe tiếng vỏ giáp va chạm nhau khô khốc, tiếng lách cách vang lên mỗi khi đôi càng cua xương xẩu nào đấy đặt ly tách xuống đĩa đặt trên bàn, và đôi con cũng lướt nhìn tôi bằng những cặp mắt thô lố, lờ đờ, bất động và hờ hững, vâng - tôi phải nói trắng ra như thế - sự hờ hững bất hủ của các bậc thần linh. Có điều đám sinh vật biển im lặng đang tụ tập ở đây trông sao thật giống những người tôi quen: hai con trông giống ông bà Holmsen ở Holmsenwarf, một con khác tôi cầm chắc là mục sư Treplin và thầy giáo Plönnies, rồi tôi nhận ra bố tôi và thậm chí cả chị Hilke cùng anh Addi nữa, và người ngồi bên con cá hồi dịu dàng trông rất giống ông Tiến sĩ Busbeck lại chính là mẹ tôi - với gương mặt dửng dưng và """