Nước Đức sau Thế chiến II. Siggi Jepsen nhắm mắt, sông Elbe ngoài cửa sổ chảy không ngừng, bồng bềnh băng. Những tàu kéo chầm chậm xô dạt sóng nước, đẩy băng xanh chồm qua bờ cát tới bãi lau sậy, để chúng được lãng quên ở đó. Còn trong phòng biệt giam của cù lao cải tạo trẻ vị thành niên, Siggi đối mặt trang vở trắng đang chờ bài luận Đức Văn ” Niềm vui nghĩa vụ” mà cậu đã không viết nổi chữ nào trong 2 giờ trên lớp. Dòng sông ký ức ngổn ngang của cậu lúc này buộc phải rã băng, ngược về nguồn, để tái hiện câu chuyện khởi sự năm 1943…
Xuất bản năm 1968, Giờ Đức văn của Siegfried Lenz, biểu hiện mối xung đột giữa nhiệm vụ với lương tâm, đạo đức dưới hình thức kỳ quái và rối rắm trong câu chuyện đầy sức thuyết phục, được Library Journal đánh giá là một trong những tiểu thuyết sâu sắc nhất, di dỏm, cay đắng, say sưa nhất, khiến người đọc phải suy tư nhiều nhất của văn chương Đức đương đại. Sau một thời gian ngắn, cuốn sách được đưa vào nhà trường phổ thông, trở thành một trong những tác phẩm văn học kinh điển được đọc, mổ xẻ, phân tích rộng và sâu nhất ở CHLB Đức. Từ thập niên 1970, số ấn bản Giờ Đức văn, riêng tại Đức, đã vượt trên 1 triệu bản.
***
byZét Nguyễn
Tháng 4 năm 2019, bà Angela Merkel cho gỡ bỏ hai bức tranh của Emil Nolde, một họa sĩ nổi tiếng người Đức thuộc trường phái biểu hiện khỏi phòng làm việc của mình trong phủ thủ tướng Đức. Cơn cớ cho sự việc mà báo chí đã tốn bút mực mổ xẻ nguyên do nằm ở chỗ: Emil Nolde là một nghệ sĩ huyền thoại dưới thời phát xít Đức, có các tác phẩm từng bị quy là nghệ thuật suy đồi, từng bị nhận lệnh cấm vẽ; song ông cũng chính là một nhân vật tích cực bài Do thái và ủng hộ Hitler.
51 năm trước, vào năm 1968, một tác phẩm mà đến thời điểm này đã đồng loạt độc giả, nhà phê bình lẫn nghiên cứu, coi là kinh điển của văn chương hậu chiến Đức, ra đời: “Giờ Đức văn” của Siegfried Lenz. Kể về một họa sĩ thuộc trường phái biểu hiện bị cấm vẽ, cuốn tiểu thuyết này nhanh chóng trở thành một trong hiện tượng văn chương thành công vang dội nhất ở Đức, được đưa vào đọc và dạy trong nhà trường, đã bán được hàng triệu bản, được dịch ra hàng chục thứ tiếng. Và không lấy gì làm ngạc nhiên, rất nhiều độc giả đã ngộ nhận rằng hình mẫu cho nhân vật người họa sĩ trong “Giờ Đức văn” chính là Nolde.
Nhưng đọc “Giờ Đức văn”, với một sự gán ghép thô thiển đến như vậy, là một cách đọc hạn chế vội vàng gạt bỏ hết những chiều sâu tâm lý và hành vi mà người kể chuyện bậc thầy Siegfried Lenz đã đạt được để thực thi nghĩa vụ của mình trong văn chương, cái nghĩa vụ mà như một nhà phê bình đã nhận xét, là giúp người Đức “trả những món nợ khổng lồ mà người Đức cùng với Führer của họ đã đặt lên vai mình.” Hơn tất cả, “Giờ Đức văn” là một chiêm nghiệm nhức nhối đầy nhân văn về đạo đức và triết học, về gia đình và ký ức, về những tổn thương tâm lý để lại những sự méo mó rất khó lý giải.
“Giờ Đức văn” do Siggi Jepsen, người kể chuyện ngôi thứ nhất, một chàng trai 21 tuổi ngồi trong phòng biệt giam trên cù lao cải tạo trẻ vị thành niên, thuật lại một quãng đời ngắn ngủi vào năm cậu 10 tuổi. Năm 1943, ở một vùng quê xa xăm, người bố cảnh sát Jens Ole Jepsen của cậu đã được trên giao cho một nhiệm vụ: thực thi lệnh cấm vẽ lên người hàng xóm là ông họa sĩ nổi tiếng thế giới Max Nansen. Vốn là bạn thân với nhau, ông Nansen còn từng cứu mạng ông Jepsen, nhưng giờ đây mệnh lệnh đã ban thì ông Jepsen phải chấp hành. Ông Jepsen, bất chấp gian khổ, mưa sa, gió quất, dèm pha từ hàng xóm, bất chấp cả tình bằng hữu, thực thi và thực thi bằng được cái lệnh cấm vẽ ấy, bởi đơn giản đó là nghĩa vụ. Ông Jepsen tận tụy và mẫn cán, huy động cả con trai là Siggi để làm gián điệp, để giúp tịch thu, thiêu hủy cả tranh đang lẫn đã vẽ của ông Nansen.
Dùng ngôn từ tinh xảo để vẽ lại không chỉ các bức tranh mà còn cả một vùng thôn quê hẻo lánh, dùng ký ức để phục dựng lại chi tiết, đối thoại, cảnh huống, hành động, Siggi lần lại từng mẩu hồi ức, để bày ra trong những năm tưởng chừng không lấy gì làm biến động, ở cái vùng đất hẻo lánh ở cực Bắc bang Schleswig-Holstein giáp với Đan Mạch, nơi cái tên Hitler chưa bao giờ được nhắc đến, nơi Thế chiến thứ 2 cơ hồ vắng mặt, nơi người dân sinh hoạt trong cái nếp thường nhật an bình không gì có thể phá vỡ được. Ở nơi ấy, bi kịch đã rơi xuống đầu Siggi, ông họa sĩ, chị gái Siggi, anh trai Siggi, và còn nhiều hơn nữa.
Thuật lại một câu chuyện tưởng chừng giản dị, song “Giờ Đức văn” lại đặt ra hàng loạt những câu hỏi nhức nhối. Vậy rốt cục, ông bố cảnh sát của Siggi là người đáng ngợi khen vì đã thực hiện nghĩa vụ của mình một cách nghiêm túc và nghiêm ngặt? Hay ông đáng bị phê phán vì đã mù quáng tuân theo nghĩa vụ mà không một lần chất vấn ý nghĩa của nó? Liệu ông có nhân danh nghĩa vụ mà lao theo cám dỗ của bản thân? Càng đến cuối, “Giờ Đức văn” càng lộ rõ cho độc giả thấy sự yếu đuối không dám phản kháng của ông Jepsen: sự cứng đầu đến ám ảnh để biến những ham muốn cá nhân trở thành nghĩa vụ. Ông Jepsen đã trở thành nạn nhân của chính nghĩa vụ.
Trong một cuộc phỏng vấn, Lenz đã tâm sự rằng, với ông, không có hình thức nào phù hợp cho việc truyền tải trải nghiệm của con người bằng tự sự, và rằng, “Gần như mọi nhà văn, ở một nghĩa nào đó, viết để phô bày chính bản thân mình.” Vậy, Lenz phô bày gì của chính mình, nếu không phải là một cam kết mãnh liệt của văn chương vào tâm thức của con người. Không khoan nhượng, “Giờ Đức văn” mổ xẻ và phơi bày cả một ám ảnh lớn lao về vai trò và trách nhiệm của dân tộc Đức để cho chủ nghĩa phát xít trỗi dậy, thống trị và reo giắc bao tàn khốc. “Giờ Đức văn” có lẽ vì thế thuộc về một dòng văn chương hậu chiến đầy suy tưởng và soi xét, như một sự “xét lại,” như một sự thức tỉnh mà rạch ròi nhìn vào quá khứ tội lỗi của mình.
Đúng như nhận xét của Marcel Reich-Ranicki, nhà phê bình xuất sắc được gọi là giáo hoàng văn học Đức, “Giờ Đức Văn” có “cái mà Lenz miêu tả là mục đích của văn chương. Đó chính là nỗ lực để vạch trần thế giới để rồi không một ai còn cảm thấy vô tội hay thản nhiên được nữa. Cả một thế hệ đã nổi lên trong cái bài học vĩ đại về tinh thần Đức và sự ngớ ngẩn của người Đức.” Người bẻ ghi để những con tàu chở tù nhân đi về phía trại tập trung, người lính bảo vệ khóa chặt cửa để người Do thái không trốn thoát được khỏi phòng hơi ngạt, hay người cảnh sát tuân thủ nghiêm ngặt lệnh cấm vẽ áp lên một ông họa sĩ hàng xóm, là những những chủ đề cứ trở đi trở lại trong văn chương hậu chiến của Đức. Hơn ai hết, Lenz ý thức được vai trò của nghĩa vụ, nguyên tắc của việc phải thực thi nghĩa vụ, niềm vui trong việc hoàn thành nghĩa vụ, vả cả những hạn chế của nghĩa vụ. Đó chính là khi con người sa vào cái bẫy của sự phục tùng đầy phi nhân.
Zét Nguyễn
(Bài đã đăng trên TTCT
***
(17/3/1926 – 7/10/2014)
Siegfried Lenz sinh tại Lyck, thành phố nhỏ thuộc Đông Phổ. Ông tốt nghiệp đại học Triết học, Anh văn và Lịch sử văn học Đức tại Hamburg sau Thế chiến II, là biên tập viên báo Thế giới một thời gian ngắn (1950-1951) rồi trở thành nhà văn tự do sống tại Hamburg. Khởi đầu nghiệp văn chương, Siegfried Lenz đã được sánh tầm với các nhà văn lớn của Đức như Heinrich Böll, Günter Grass hay Martin Walser. Lenz đã được trao các giải thưởng: Peace Prize of the German Book Trade (1988), The Goethe Prize of Frankfurt am Main (2000), Italian International Nonino Prize (2010). Trước khi qua đời, ông đã kịp khởi xướng Siegfried Lenz Prize – một trong các giải thưởng văn chương danh giá nhất của Đức cho “các nhà văn quốc tế được ghi nhận trong hoạt động văn chương sáng tạo theo tinh thần Siegfried Lenz”.
Siegfried Lenz để lại 14 tiểu thuyết, 120 truyện ngắn, nhiều truyện vừa và kịch bản sân khấu. Số lượng ấn bản sách của ông bằng tiếng Đức và 35 thứ tiếng khác đến nay đã ngót nghét 30 triệu bản và vẫn đang tăng lên.
***
Họ phạt tôi, bắt viết bằng xong bài luận. Lão Joswig đích thân dẫn tôi về phòng giam kiên cố, gõ gõ tay lên lớp lưới chăng trước cửa sổ, xoa xoa tấm đệm rơm; sau đó, viên giám thị chúng tôi vẫn có cảm tình nhất ấy ngó nghiêng xem xét kỹ cả chiếc tủ sắt lẫn hốc tường bí mật của tôi lâu nay vẫn nằm khuất sau chiếc gương soi. Chẳng nói, chẳng rằng, hậm hà hậm hực, lão ta xem xét hết cái bàn đến chiếc ghế đẩu chằng chịt vết khía, vết rạch, tò mò soi mói chỗ thoát nước trong chậu rửa, thậm chí, còn gõ gõ ngón tay như dò hỏi bậu cửa sổ, săm soi lò sưởi xem có gì khác thường không, rồi, xong xuôi đâu đấy, lão ta mới đến bên tôi, thong thả sờ nắn người tôi từ vai đến đùi để cầm chắc tôi không mang vật gì có hại trong túi áo túi quần. Sau rốt, với vẻ đầy trách móc, lão đặt quyển vở lên bàn tôi, vở tập làm văn – trên bìa vở có dán miếng nhãn màu xám ghi rõ: vỏ tập làm văn của Siggi Jepsen – rồi không nói không rằng đi ra cửa, với vẻ mặt đầy thất vọng, của một kẻ nhân từ bị xúc phạm; bởi vì lão Joswig – viên giám thị chúng tôi vẫn có cảm tình nhất đó – chịu đựng các hình phạt thỉnh thoảng chúng tôi phải chịu như thế này còn khổ sở hơn, lâu hơn và cũng thấm thía hơn cả chính chúng tôi nữa kia. Lão ta để lộ cho tôi biết nỗi buồn phiền của lão không bằng lời, mà bằng cái cách lão khóa cửa. Lão loay hoay nhét chìa khóa vào ổ, hờ hững, bối rối và lưỡng lự trước khi quay vòng đầu tiên, rồi vặn ngược trở lại, khiến ổ khóa kêu cạch cạch, rồi, như thể đã vượt qua phút do dự, lão ta hằm hằm quay luôn hai vòng liên tiếp. Vâng, không phải ai khác, mà chính lão Karl Joswig, người đàn ông có vẻ ẻo lả và nhút nhát ấy, đã khóa tôi trong phòng giam để viết cho xong bài luận.
Ngồi thế này đã gần hết ngày mà tôi vẫn không sao bắt đầu viết cho được: nhìn qua cửa sổ ra ngoài, thấy sông Elbe đang chảy, dòng sông chảy xuyên qua bóng gương mặt tôi mờ mờ phản chiếu trên kính cửa sổ; tôi cố nhắm mắt lại, nước sông vẫn không ngừng chảy, mặt sông phủ đầy các tảng băng phơn phớt màu xanh da trời đang bồng bềnh trôi. Tôi cứ phải dõi theo mãi những chiếc tàu kéo; chúng từ từ chạy, mũi tàu xắn lên mặt băng những đường ngoằn ngoèo xám ngoét, cứ phải nhìn dòng nước mang theo các tảng băng trôi lổn nhổn, dồn những khối băng chồm lên bãi cát của chúng tôi, ken két xô đẩy chúng lên đến bãi lau sậy khô rồi để quên chúng ở đấy. Tôi miễn cưỡng dõi theo đám quạ đen; bọn chúng như thể hẹn hò nhau ở đây trước khi tạt về Stade không bằng. Chúng bay lẻ tẻ từ Wedel sang, từ Finkenwerder hay Hahnöfer-Sand tới, nhóm thành bầy đông nghịt trên đảo chúng tôi, rủ nhau cất cánh vút lên cao rồi lượn đi lượn lại, chờ ngọn gió thuận chiều sẽ hất chúng về phía Stade. Rặng liễu khẳng khiu, phủ lớp băng mỏng và đầy sương muối làm tôi để ý; hàng rào dây thép sơn trắng, khu xưởng, các biển cảnh báo cắm ở bãi cát, những luống đất đông cứng trong vườn rau mà ra năm chúng tôi sẽ phải tự gieo trồng và chăm bón theo hướng dẫn của giám thị: tất tật những thứ ấy, thậm chí cả mặt trời, ánh nắng như đang chiếu qua một lớp kính mờ, hắt bóng dài nghiêng nghiêng, đều làm tôi sao nhãng. Thỉnh thoảng tôi cứ vừa định bắt tay vào chuyện viết lách thì ánh mắt tôi như thể lại vô tình bắt vào bệ cầu tàu nổi méo mó, xây xước, neo bằng dây xích, cùng chiếc xuồng gắn máy rộng bè bè và sáng loáng đồng thau từ Hamburg vừa đến neo vào đó – chiếc xuồng mỗi tuần, thì cứ nói ang áng thế, thả chừng một ngàn hai trăm nhà tâm lý học xuống đảo, đám chuyên viên tâm lý học quan tâm đến mức bệnh hoạn tới đám vị thành niên khó dạy bảo như chúng tôi. Tôi không rời mắt nhìn theo họ lần bước trên lối đi gồ ghề qua bãi cát, trước khi họ được đưa vào ngôi nhà màu xanh của Ban Giám đốc, cử hành lễ nghi chào hỏi như thường lệ; ở đó chắc thể nào họ cũng được nhắc nhở phải thận trọng và kín đáo khi tiến hành nghiên cứu, trước khi họ hối hả chen nhau ra ngoài, tràn ra khắp đảo chúng tôi, rồi làm bộ rất vô tình, theo nhau sán vào bắt chuyện với bọn bạn bè tôi: thằng Pelle Kastner, thằng Eddi Sillus hay thằng Kurtchen Nickel nóng tính chẳng hạn. Có lẽ, họ quan tâm đến bọn chúng tôi như thế là vì, theo số liệu Ban Giám đốc đã thống kê, gần tám chục phần trăm những ai từng qua cải huấn trên đảo đây đều không tái phạm nữa. Nếu lão Joswig không khóa trái tôi vào phòng giam đây để viết cho bằng xong bài luận, thì bây giờ hẳn họ cũng đang bám theo tôi, dùng kính lúp khoa học của họ soi xét cuộc đời tôi và sẽ bóp đầu, xoa trán, cố vẽ cho bằng được một bức tranh về tôi. Nhưng tôi phải viết bù hai giờ Đức văn, phải nộp bài luận mà cả lão Tiến sĩ Korbjuhn gầy gò và rụt rè lẫn ông giám đốc Himpel của chúng tôi đang trông ngóng. Trên cù lao Hahnöfer-Sand cạnh đây – cũng nằm trên sông Elbe, hơi chếch về phía Twielenfleth Wischhafen, và cũng là nơi giam giữ và cải tạo tụi vị thành niên khó dạy giống như trên cù lao chúng tôi – chắc chuyện sẽ không thể như thế này. Mặc dù hai cù lao này rất giống nhau, mặc dù cả hai đều bị bao quanh bởi thứ nước loang váng dầu như nhau, mặc dù cả hai cù lao cùng chứng kiến những con tàu như nhau chạy qua, được cùng một đám hải âu ghé đậu, song trên cù lao Hahnöfer-Sand không có lão Tiến sĩ Korbjuhn, không có giờ Đức văn, không có những đề luận ghê gớm đến mức, tôi thề không nói ngoa chút nào, làm đa số bọn chúng tôi phải đau đớn về thể xác như thế này. Bởi vậy, nhiều đứa trong bọn chúng tôi mong được cải tạo trên cù lao Hahnöfer-Sand hơn, nơi tàu viễn dương trên đường ra biển chạy qua trước và cũng là nơi ngọn lửa phần phật ồn ào trên ống khói nhà máy lọc dầu luôn luôn vẫy chào từng người một ấy.
Mời các bạn đón đọc Giờ Đức văn của tác giả Siegfried Lenz & Hoàng Đăng Lãnh (dịch).