"Độc Giác - Hamvas Béla full mobi pdf epub azw3 [Triết Học] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Độc Giác - Hamvas Béla full mobi pdf epub azw3 [Triết Học] Ebooks Nhóm Zalo TỦ SÁCH TINH HOA TRI THỨC THẾ GIỚI HAMVAS BÉLA ĐỘC GIÁC Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary NHÀ XUẤT BẢN TRI THỨC ebook©tudonald78 | 22-01-2021 Ebook này được thực hiện theo dự án “SỐ HÓA SÁCH CŨ” của diễn đàn TVE-4U.ORG Lời nhà xuất bản Xin bạn đọc lưu ý, Nhà xuất bản Tri thức trân trọng giới thiệu cuốn sách Độc giác (Unicornis, Nxb Medio, Budapest, 2006) của Hamvas Béla, do dịch giả Nguyễn Hồng Nhung dịch một cách đầy đủ và mạch lạc. Chúng tôi tôn trọng, nhưng không nhất thiết đồng tình với quan điểm, cách tiếp cận và lí giải riêng của tác giả về các vấn đề được đề cập đến trong cuốn sách. Chúng tôi mong độc giả đọc cuốn sách này như một tài liệu tham khảo với tinh thần phê phán và khai phóng. Xin chân thành cảm ơn! HAMVAS BÉLA (1897-1968) – Nhà triết học, nhà văn hiện đại lớn nhất của Hungary Hamvas Béla sinh ngày 23.03.1897 tại Eperjes (nay thuộc Slovakia) trong một gia đình có người cha là mục sư truyền giáo. Năm 1898 vì nghề nghiệp của cha, gia đình ông chuyển đến Bratislava. Năm 1915, sau khi tốt nghiệp trung học, Hamvas Béla tình nguyện gia nhập quân đội, sau một năm, bị thương, ông trở về nhà và bắt đầu đọc Kant, Rimbaud, Dostojevski, Schopenhauert, nhưng trước hết ông đọc Nietzsche. Thời kì này ông viết trong tập tiểu luận Patmosz như sau: “…Tác phẩm Phê phán thời gian của Kierkegaard rơi vào tay tôi. Không xã hội, không nhà nước, không thi ca, không tư tưởng, không tôn giáo, những gì hư hỏng và đầy rẫy dối trá. Đúng vậy, tôi nghĩ. Nhưng điều này cần phải bắt đầu từ một khi nào đấy. Tôi bắt đầu đi tìm chấm đen này. Hạt nguyên tử, hay sự dối trá đầu tiên… Tôi quay trở lại từ giữa thế kỉ trước đến Cách mạng Pháp, đến thời kì Ánh sáng, đến chủ nghĩa duy lí, từ thời Trung cổ đến những người Hi Lạp, đến những người Heber, Ai Cập, đến người mông muội. Sự khủng hoảng đâu đâu tôi cũng bắt gặp, nhưng sự khủng hoảng còn nói lên một cái gì đó sâu sắc hơn. Chấm đen này còn ở phía trước, phía trước nữa. Tôi đã vấp phải lỗi lầm đặc thù của người châu Âu, đi tìm chấm đen bên ngoài con người mình, thực ra nó nằm trong bản thân tôi… Năm 1919, cha ông vì từ chối không tuyên thệ trung thành với nước Slovakia nên cả gia đình bị đuổi khỏi Bratislava và chuyển đến Budapest. Từ 1919-1923 ông học khoa Hung-Đức tại Đại học Pázmány Péter, và có 3 năm làm nhà báo tại báo Tin tức Budapest và Szózat. Từ 1927-1948, ông làm thủ thư tại thư viện thành phố. Thời gian này ông viết các bài nghiên cứu, tiểu luận, phê bình cho 25 thể loại tạp chí, trong đó có những tạp chí nổi tiếng như Athenaeum, Nyugat. Hamvas Béla cùng Kerényi Károly thành lập nhóm Đảo, một liên minh tinh thần lấy từ truyền thống Hi Lạp cổ. Nhóm này đã tụ hợp rất đông đảo các nhà văn, nhà triết học có tên tuổi của Hung như: Szerb Antal, Németh László, Kövendi Dénes, Dobrovits Aladár, Molnár Antal và nhiều người khác. Năm 1935-1936, nhóm Đảo cho ra đời 3 ấn phẩm gồm các bài viết của các tác giả, rồi tan rã. Hamvas Béla đã ghi lại những kinh nghiệm cay đắng trong cuốn Hyperion Hungary: “Tôi ở đây giữa mọi người, trên trái đất này, mọi ý định của tôi đều không có kết quả, mọi từ ngữ của tôi vô ích, moi kế hoach của tôi tan vỡ, tôi đã thất bại, không ai nhận ra tôi, tôi trở nên thừa thãi, và không được chấp nhận”. Trong những năm 1930-1940 ông viết gần ba trăm tiểu luận. Đối với ông viết là thực hành yoga. Ông lấy người vợ thứ hai, một bạn đời tinh thần rất quan trọng, bà Kemény Katalin (1909- 2004), người sau khi Hamvas Béla mất, đã cùng Dúl Antal, một đại diện của hậu thế rất ngưỡng mộ ông, cùng chăm lo việc xuất bản các tác phẩm của ông. Trong thời kì Thế chiến II, Hamvas Béla ba lần bị gọi vào quân ngũ, nhưng không ngăn cản đươc công việc dịch thuật của ông, như tác phẩm của các tác giả: Lão Tử, Böhme, Hêraclit, Khong Tử, Henoch. Năm 1943-1944 ông viết tập I tác phẩm Scientia Sacra (Minh triết thiêng liêng), cuốn sách đánh dấu giai đoạn sáng tác thứ hai của nhà văn. Với cuốn sách này, ông gia nhập trường phái truyền thống với những nhân vật ưu tú nhất của thời đại: Julius Evola, René Guénon và Leopold Ziegler. Hamvas Béla cắt nghĩa: Truyền thống là sự trường tồn phi thời gian của tinh thần. Các tác phẩm của Hamvas - đầu tiên và độc nhất - lập ra một vũ trụ truyền thống, bằng sự tạo dựng nền tảng linh hồn nhận thức ra tinh thần. Trong thời kì chiến tranh, tập tiểu luận triết học đầu tiên ra đời: Câu chuyên vô hình (1943). Ngay thời đó ông đã bắt đầu một công trình lớn có nhan đề: Đại sảnh các vị tiền bối cổ, kéo dài đến tận những năm 60 của thế kỉ trước. Tác phẩm của ông là một công trình dịch thuật những cuốn sách cổ thiêng liêng quan trọng nhất, có chú thích cẩn thận. Năm 1944, từ mặt trận nước Đức, ông trốn về Budapest. Căn nhà trên sườn núi Buda của ông bị trúng bom tan thành tro bụi. Hamvas Béla trong một tiểu luận của tập Slentium đã viết như sau: “Trong những năm đen tối tôi đã bị mất tất cả của cải vật chất trên thế gian của mình… Một kẻ nào đấy đã tước toàn bộ quyền sở hữu của tôi. Da tôi cũng tuột theo, nhưng thế là tốt… Một sự tồn tại kiểu này chỉ có thể thực hiện sau khi thanh toán toàn bộ quyền sờ hữu. Hiện thực bắt đầu từ đây”. Từ đó trở đi Hamvas Béla không bao giờ có nhà riêng và ông không bao giờ tích góp sách vở nữa. Sau chiến tranh Hamvas Béla viết cuốn Những nghiên cứu nhỏ của nhà in Đại học gồm ba mươi bài, ông bắt tay vào viết 100 cuốn sách và bắt đầu thu thập tài liệu để soạn dịch tuyển tập Năm nghìn năm minh triết. Ông tham gia hoạt động trong Hội Triết học và Mĩ học. Từ 1945-1948 Hamvas Béla cùng Szabó Lajos và Tábor Béla thành lập một nhóm trí thức cấp tiến, được gọi là “Những buổi trao đổi thứ năm hàng tuần”, với mục đích phanh phui, phân tích và đánh giá toàn bộ các tình huống về tinh thần cùa thời đại, với sự tham gia của nhiều nhà văn có tên tuổi khác như Várkonyi Nándor, Weöres Sándor. Nhưng đến năm 1948, trong những văn bản tranh luận, một nhà triết học Hungary khác, lúc bấy giờ nghiêng về triết học maxit - Lukács György (đồng thời là Bộ trưởng Bộ Văn hóa của Hungary dưới chế độ cộng sản) đã góp phần đình chỉ việc ấn hành cuốn sách Cách mạng trong nghệ thuật của Hamvas Béla viết chung với vợ - Kemény Katalin. Bắt đầu từ đây Hamvas Béla bị tước tất cả các quyền biên tập, viết và xuất bản tác phẩm. Cũng năm 1948 ông bị buộc phải thôi việc, và tên ông bị liệt vào danh sách B - những người bị chính quyền theo dõi gắt gao. Hamvas Béla buộc phải xin một giấy chứng nhận làm nghề nông, với nơi làm việc là vườn cây của anh rể. Từ 1948-1951 ông làm vườn, trồng hoa quả, và cuốn tiểu thuyết được coi là kiệt tác vĩ đại có một không hai của văn học Hungary cũng như văn học thế giới Karneval ra đời trong thời kì này. Ngoài ra ông còn viết những tác phẩm nổi tiếng khác như Unicornis, Silencium, cuốn Biên bản bí mật, cuốn Magia sutra. Từ năm 1951-1964 ông làm thủ kho tại khu công nghiệp xây dựng-nhà máy nhiệt điện ở Inot, Tiszapalkony, Bokon. Bên cạnh công việc thủ kho này, ông học tiếng Heber, Sanskrit, dịch kinh Veda, Sankhya Karik, Sepher Jezirsh, Kathaka upanisad, Buddha… Trong thời gian này Hamvas Béla hoàn thành các tác phẩm: Patmosz, Đại sảnh các vị tiền bối cổ, tác phẩm Szarepta và Đêm giao thừa. Năm 1964 ông về hưu. Trong ba năm cuối đời Hamvas Béla hoàn thành nốt các tác phẩm khác trong đó có Scientia Sacra tập II nổi tiếng. Ông viết chủ yếu là tiểu luận, một thể loại tự do, như một thí nghiệm thể loại. Mọi sáng tác của ông đều viết dưới dạng tiểu luận. Kể cả tiểu thuyết Karneval ông cũng viết như một tiểu luận vĩ đại. Ngày 7.10.1968 ông mất sau một cơn chảy máu não. Cho đến tận những năm 70 của thế kỉ XX. tác phẩm của Hamvas Béla chủ yếu chỉ lưu truyền dưới dạng bản thảo đánh máy. Bắt đầu từ những năm 80 trở đi, dần dần tác phẩm của Hamvas Béla được ra mắt công chúng, nhưng vẫn bị kiểm duyệt, ví dụ tiểu thuyết Karneval (1985) bị cắt xén trước khi được in. Năm 1990 Hamvas Béla được truy tặng giải thưởng Kossuth. Năm 1996: Giải thưởng Di sản Hungary. Năm 2001: Giải thưởng Vì Nghệ thuật Hungary. Ngày nay Hamvas Béla được đánh giá là một trong những nhà văn, nhà triết học vĩ đại nhất của châu Âu thế kỉ XX, và của nền văn hóa Hungary. LỜI NGƯỜI DỊCH Bạn đọc đang cầm trên tay cuốn tiểu luận triết học đặc sắc của Hamvas Béla, gồm ba tác phẩm riêng biệt được tập hợp lại như một tuyển chọn. Hai tiểu luận đầu: Niềm Cảm Hứng và Một Trăm Cuốn Sách được viết riêng thành hai tập sách mỏng, và tiểu luận thứ ba: Độc Giác vốn nằm trong một tác phẩm khác của Hamvas Béla, nhưng có hình thức và nội dung khá độc đáo, cũng có thể được coi như một tập sách độc lập. Ba tác phẩm này có chung đặc điểm: nội dung cực kì súc tích và rất có ích cho những ai muốn tìm hiểu về những vấn đề tâm linh một cách tổng quát. Chúng nằm trong số những tiểu luận hay nhất và khó đọc nhất của Hamvas Béla. Trong tiểu luận thứ nhất Một Trăm Cuốn Sách theo ý kiến riêng của tác giả, đây là những cuốn sách: “… mà từ đó, nếu tất cả những cuốn sách khác chẳng hạn bị mất, người ta vẫn có thể xây dựng lại những trào lưu, những khuynh hướng chính của văn học nhân loại”, và: “Giữa một trăm tác phẩm này có những cuốn ít nhất cần luôn luôn xuất hiện trong hộc bàn dưới ánh đèn đêm, để con người, nếu không thể hơn, nhưng trước khi ngủ cần đọc ít nhất một từ thôi, và mang theo mình vào bóng tối của đêm ít nhất một cái gì đó từ nội dung đích thực của sự sống người”. Từ tiêu chí này, đúng như tư tưởng nhất quán trong toàn bộ các tác phẩm của ông, Hamvas Béla đặc biệt nhắc đến tất cả những cuốn sách cổ chính của văn hóa nhân loại, dù được viết theo các ngôn ngữ khác nhau ở các quốc gia khác nhau như: Rigvéda, Upanisad, Mahabharata, Tử Thư Ai Cập (Pert em heru), Kinh Thánh…). Hamvas Béla phân tích cực là súc tích nội dung của các tác phẩm ấy, ông giúp người đọc lựa chọn sách dựa trên những tiêu chuẩn văn hóa tri thức cơ bản nhất. Với các tác phẩm ma người sáng tác là một cá nhân, Hamvas Béla chỉ ra nhưng đặc trưng bút pháp nổi bật của mỗi tác giả. Tất nhiên đây chỉ là một trăm cuốn sách được lựa chọn đến khoảng giữa thế kỉ XX nên văn học thời hiện đại gần như vắng bóng. Tuy nhiên sự bất tử của văn hóa nhân loại phần lớn lại nằm trong các văn bản cổ, và về điều này, không ai có thể phân tích rõ và hay như Hamvas Béla. Tiểu luận thứ hai: Niềm Cảm Hứng vẫn được coi là một tiểu luận hay nhất và khó đọc nhất của Hamvas Béla, nhất là đối với người đọc châu Âu. Bởi vắng thiếu tri thức về các tôn giáo phương Đông nên họ thường không hiểu bài tiểu luận này nói về điều gì, tuy Hamvas Béla viết hết sức giản dị, dùng nhiều ví dụ cụ thể. Tác giả muốn phân tích một nguyên lí cơ bản về mối quan hệ giữa con người và vũ trụ trong khái niệm tất cả là MỘT, đấy là: “Trong mọi trường hợp đó là một trạng thái đòi hỏi sự toàn tâm toàn ý của con người khi hòa vào sự Đồng Điệu một cách có ý thức với các vòng siêu nhiên”. Và điều kiện cơ bản để làm được điều này là con người phải hiểu về (cái gọi là) Nền Tảng Cơ Bản: “Đấy là sự nhạy cảm, để ngỏ về hướng siêu nhiên. Đấy là nền tảng cơ bản. Nhưng đừng để nhầm lẫn, cần nói ngay, đây cũng là trạng thái cuối cùng của con người trong MỘT, và hai điều này có quan hệ với nhau như cái đầu tiên và cái cuối cùng, là bản năng khởi hành và mục đích, là thiên đường và Jeruzsálem Mới, là vườn và thành phố, là thời hoàng kim và chân phúc. Trở thành trẻ sơ sinh và trở thành nhà thông thái là như nhau - theo Lão tử nói. Nhưng cũng cần nói thêm sự đồng điệu không chỉ đạt được trong buổi ban đầu và cuối cùng của mọi thời gian. Nền tảng cơ bản (état primordial) có trong tất cả mọi người, trong tất cả mọi giây phút, tại nơi đây. Nền tảng cơ bản có thể hiện thực hóa trong bất kì khoảnh khắc nào”. Từ đây cho đến hết bài tiểu luận, chúng ta có thể từ từ hiểu được ý đồ của tác giả muốn nói đến điều gì: đó là cách thức HÀNH ĐỘNG của con người sau khi đã nhận biết một cách TỈNH THỨC về ý nghĩa nội dung một kiếp sống người. Bởi vì khẩu hiệu quan trọng nhất của tư tưởng của Hamvas Béla là cần HIỆN THỰC HÓA những điều con người đã tự thức tỉnh trong bản thân mình. Cách thức hành động này chính là nội dung của các khuynh hướng tâm linh dẫn dắt con người vào các thực hành tôn giáo, tự chuyển hóa và rèn luyện tâm tính, học hỏi và trau dồi kiến thức để ngày càng nâng cao hơn tri thức SỐNG của mình. Và: Hiện thực hóa sự tỉnh táo là một quá trình kĩ thuật. Một quá trình kĩ thuật-niềm cảm hứng. Tác giả cho chúng ta biết tại sao cần thực hành sự tỉnh táo - chính là thực hành niềm cảm hứng? Bởi nội dung đời sống người cần luôn luôn được nâng cao lên trong các sáng tạo tinh thần như văn hóa-nghệ thuật: Hướng của niềm cảm hứng (ekstazis) không đi theo vòng quay tròn tự nhiên mà vuông góc với đời sống. Trong vòng quay cao hơn của đời sống thực ra luôn luôn mang tính chất cảm hứng, thăng hoa, là chất liệu để sáng tạo nghệ thuật, là tư tưởng, là việc trải qua niềm vui tạo dựng tác phẩm, là việc đọc, là sự học tập, là tình yêu, sự chiêm ngưỡng, là âm nhạc, vũ điệu, là sự hành hương, là lời cầu nguyện. Nói tóm lại: đời sống người chân chính và xứng đáng phải là một đời sống tinh thần thiêng liêng đồng điệu làm một với vũ trụ hài hòa. Chỉ lúc đó con người mới có sự tươi, tỉnh, có niềm HẠNH PHÚC trần thế mà nó phải vượt lên chính bản thân mới gây dựng được cho mình và giữ gìn, truyền tải lại cho CỘNG ĐỒNG người chung sống với nó. Một lần nữa, trong tiểu luận Niềm Cảm Hứng Hamvas Béla lần lượt nhắc lại nội dung của các cuốn sách cổ, thông qua các tín ngưỡng khác nhau của các nền văn hóa địa phương khác nhau nhưng chung một gốc gác truyền thống của văn hóa nhân loại. Sự khác nhau này thể hiện ở các tên gọi khái niệm trong các văn bản cổ của các dân tộc khác nhau (Ấn Độ, Do Thái, Hồi Giáo), nhưng nội dung không hề bài trừ nhau, và mục đích của sự thực hành niềm cảm hứng giống hệt nhau, vì: “… điều kiện của tinh thần trong sạch đã hiện thực hóa và việc từ bỏ mọi sự méo mó biến dạng chính là một quá trình cảm hứng cao nhất, là trạng thái phẳng lặng như gương, là trạng thái của con người khi tham gia vào sự truyền thông của thế giới Thấp nhất và Cao nhất. Đây là sama¯dhi - thiên thượng, cái Patandzsal gọi là nirvikalpa-jn˜a¯na”. Sau cùng, người đọc trải qua các phân tích và chứng minh của tác giả để hiểu ra một nhiệm vụ duy nhất: “Tính chất của niềm cảm hứng có quy tắc và bầu khí quyển thường xuyên của nó là sự thiền định”. Và cuối cùng hiểu ra nội dung cơ bản của vấn đề bài tiểu luận nêu lên: “Sự thật hóa ra chỉ có nghĩa chừng này: bằng quyết định có ý thức bước ra khỏi sự mờ mịt nhiễu nhương, sự bất an phân tán khêu gợi thèm khát sống, và tồn tại trong sự trong sạch không che đậy cội rễ của bản chất. Tất cả các dạng của kĩ thuật cảm hứng, ý nghĩa của yoga cũng như của Sufi, Orfika, Zen hay Mahajana, Kabbala đều có một không hai, bởi nó không truyền bá tri thức sự vật mà nó là sự dạy dỗ từ các tri thức xác thực thông qua kinh nghiệm thu thập từ đời sống của các cá nhân”. Đây là một bài tiểu luận rất khó đọc và khó có thể hiểu vẹn tròn, nhưng nó kích thích trực giác tâm linh có sẵn trong mỗi cá nhân nhằm thôi thúc họ tự suy nghĩ, thức tình và chuyển hóa bản thân theo những mức độ nhất định mà họ đạt được. Tiểu luận thứ ba: Độc giác (Unicornis) có một hình thức thể hiện hết sức độc đáo, như những lời đối thoại, trong đó mỗi câu, mỗi trích đoạn đều thể hiện tư tưởng đặc trưng của Hamvas Béla. Ông nêu quan niệm cá nhân về tất cả những gì liên quan đến thế giới tinh thần của con người: quyền tự do, sự sáng tạo, các mối liên quan của con người với nhau và với các sức mạnh siêu nhiên. Hamvas Béla quan tâm đến bản thân con người như một chủ thể sáng tạo: “Chừng nào kẻ sáng tạo còn có cảm hứng, sự vật còn đó, nếu kẻ sáng tạo hết quan tâm, sự vật hỏng rữa. Cái ta gọi là lực tương tác lẫn nhau (gravitáció) chính là trọng lực cá nhân trong sự vật”. Chủ thể sáng tạo này làm nên chiều kích đời sống của một con người thực sự, đó là một cuộc sống người bình thường (chứ không phải tầm thường) trong một đời sống tinh thần cao cả: “Bí mật của một Con Người Lớn không phải sự rồ dại, mà ngược lại, là sự khỏe mạnh. Đấy không phải một kẻ ngoại lệ mà là một con người phổ quát và bình thường. Ngoại lệ là những kẻ khác. Rồ dại là kẻ không giống người ấy. Đời sống Lớn là đời sống của một người bình thường, còn đời sống của đám đông là nhà thương điên và rạp xiếc. Bí mật của một Con Người Lớn: đấy là người duy nhất không có bí mật. Đấy là người mang tính phổ quát, tự nhiên, giản dị và mang tính người thực chất. - Ở những kẻ khác chỉ toàn là những điều bí mật, giấu giếm, rối loạn, ngoại lệ, che đậy, bê bối, đặc quyền, đặc tính, méo mó, điên rồ, như trò hề rạp xiếc. Chỉ từ một Con Người Lớn tôi biết ai là người thực chất”. Tập tiểu luận này viết ra trong một hoàn cảnh khá đặc biệt: Hamvas Béla bị bắt buộc phải từ bỏ vai trò một người trí thức trong xã hội, không được phép sáng tác và xuất bản, nhưng ông vẫn tự duy trì hoạt động viết như một cách thiền định, tập yoga, để giữ cho đời sống tinh thần của mình thức tỉnh và minh bạch. Đọc Độc giác người đọc làm quen với các quan niệm hết sức sâu sắc và đầy tính chất triết học của ông về tất cả những gì liên quan đến nhạn thức, hoạt động, hành vi của con người đối với đời sống cá nhân và cộng đồng. Đặc biệt đọc tiểu luận này người đọc hiểu rất rõ ràng quan niệm của Hamvas Béla về HÀNH VI của con người khi rơi vào những tình huống, môi trường xã hội khác nhau. Triết lí về đạo đức sống của ông không tách rời với hành vi hiện thực hóa đời sống của chính ông từ kho tàng tri thức của ông. Một tập tiểu luận triết học pha đẫm chất văn chương, hay đúng hơn những áng văn tuyệt đẹp mang những ý nghĩa triết học sâu sắc? không thể trả lời nổi vì cả hai tính chất này quyện lấy nhau trong từng câu văn không hề giống ai của tác phẩm. Đọc, bỏ xuống để trầm ngâm suy nghĩ, cầm lên đọc tiếp vì không thể bỏ dở, và luôn luôn có cảm giác mình chưa thể hiểu thấu suốt những gì tác giả viết, Độc giác là một tiểu luận không hề dễ đọc chút nào, nhưng sẽ để lại dấu ấn mãi với người đọc, dù chỉ bằng đoạn văn cuối cùng tác giả dùng giải thích tại sao mình chọn hình tượng con vật thiêng một sừng để diễn đạt ý tưởng: “Unicornis là con vật có một sừng. Con vật hai sừng có hai mắt, hai chân, hai giới tính, hai đặc tính. Con vật một sừng có con mắt giữa trán, một giới tính, androgen, lingam, joni, trái tim. Con vật một sừng là loài vật siêu việt trong khu rừng thiêng. Ở Trung Quốc người ta gọi nó là Kì Lân. Mẹ của Khổng Tử trước khi trở dạ sinh ra ông đã mơ thấy con kì lân. Con vật một sừng đầu tiên nhảy vọt ra từ trung tâm của trái đất. Người ta hiếm khi thấy nó. Người ta kể rằng Tyanai Apollonius một lần đã gặp nó. Mózes viết: Thượng Đế đưa họ ra khỏi Ai Cập, sức mạnh của ngài như của con vật một sừng. Một là cái không bao giờ nhắc lại. Chỉ có một lần. Duy nhất một lần. Lần đầu tiền và lần cuối cùng. Không thể nắm bắt và không thể xác định. Sự huyền bí. Người lính canh của sự im lặng là con vật một sừng lặng câm sống trong khu rừng thiêng câm lặng, trên ngưỡng của những sự bí ẩn, là sinh linh cuối cùng, là dạng hình cuối cùng của sự sống tận cùng là MỘT. Nhưng vô ích là một và duy nhất. Nếu bạn ở bên nó, bạn biết, đây là một và toàn bộ và đây là duy nhất, là tất cả. Vô ích lần đầu tiên và lần cuối cùng. Nó luôn luôn từng có và sẽ có. Vô ích không nắm bắt được. Nó là thứ duy nhất có thể nắm bắt, nó là hiện thực, là hiện tại, là kinh nghiệm và là cái cụ thể, và ngoài nó ra chỉ còn ảo ảnh. Vô ích là sự thần bí, bởi sự thần bí này có trong tôi và trong bạn, nó quấn lấy chúng ta và nó là cái chúng ta tiếp cận, cái chúng ta ăn, cái chúng ta thấy và hít vào bằng mũi của chúng ta, và vô ích bí mật, nó là cái ai cũng biết, và vô ích bị cấm, nó là cái từ đó có chúng ta. Đấy là Unicornis - con vật một sừng. Có thể gặp con vật một sừng trên đường phố của các thành phố, lúc đó nó khoác bộ mặt thần hộ mệnh các số phận. Những lúc đó nó ngồi trên cổ con người, trong tay là chiếc roi da và xua đuổi con người. Con người luôn vội vã trên các đường phố vì bị nó lùa, xua. Có thể gặp con vật một sừng trên khuôn mặt lũ con trẻ, bọn thiếu nữ, các thánh, lúc đó nó là thiên thần. Những lúc đó nó nắm tay con người và dắt đi một cách hiền từ. Khi con người từ bỏ trái đất, nó sẽ là thủ lĩnh linh hồn, đi trước và chỉ đường. Chiếc sừng độc nhất chiếu sáng như một ngôi sao. Có những linh hồn ngồi trên nó, và con vật một sừng đưa họ đi trên lưng, đưa qua các vương quốc của thế giới bên kia, qua các cánh rừng, các ngọn núi, các dòng sông, ánh sáng từ cái sừng độc nhất ngày càng tỏa sáng rạng ngời, dấn vào không gian và chỉ đường”. (Budapest. 2018.március.21) 100 CUỐN SÁCH ẤN ĐỘ 1/ Những trường ca Rigvéda Những bài trường ca Rigvéda không phải những bài ca bình thường, mà là những lời ca sùng bái sự hài hòa của vũ trụ. Trong thời cổ, mọi dân tộc đều biết đến sự hài hòa bí ẩn của âm nhạc - những mức độ thi ca là những tác động phép thuật: tạo dựng nên sự đồng điệu trong linh hồn người, trong cộng đồng, trong quốc gia, trong vũ trụ. Những bản trường ca trả lại vị trí cho một trật tự bị phá vỡ. Ở Ai Cập hay ở Mexico những bản trường ca cất lên lúc bình minh hay hoàng hôn là lúc con người mong muốn áp dụng thứ trật tự hợp luật-có quy củ-hài hòa của mặt trời vào đời sống trần gian. Người ta nói, cá ngóc đầu lên khỏi mặt nước khi nghe những bài ca của Orpheus: bởi lời hát cũng tạo ra sự đồng cảm giữa thế giới người và thế giới động vật. Giữa con người với nhau, lời ca thực hiện tình huynh đệ siêu nhiên, giữa các vật chất thực hiện một trật tự, và trong linh hồn người thực hiện một đời sống trong sạch và đẹp đẽ. Giữa các bản trường ca thời cổ, những bài ca của Rigvéda là những bài đẹp nhất. 2/ Upanisad Nếu không phải một trăm mà chỉ cần cứu ba cuốn sách thôi, thì chắc chắn phải có Upanisad trong đó. Upanisad (có nghĩa là Những Lời Dạy Dỗ Bí Mật) cho rằng, thiên nhiên vật chất có thể kinh nghiệm chỉ là hiện thực thứ hai. Hiện thực đầu tiên, một hiện thực đích thực vô hình mang tính chất tinh thần. Thiên nhiên vật chất chỉ là ảo ảnh (maja) của linh hồn (átman) bất diệt và tồn tại vĩnh hằng, và thiên nhiên vật chất không có sự sống độc lập của nó. Tri thức lớn mang tính chất quyết định này tự con người không thể nhận ra, không bao giờ có thể thấu suốt, rằng cái giả hợp bao bọc và xác định đời sống của nó lại không phải là hiện thực. Vị thần tinh thần lớn nhất, Brahman, đã diễn đạt Upanisad trong buổi bình minh của mọi thời gian cho các nhà thông thái cổ lớn. Và Upanisad là hợp tuyển của những lời tuyên ngôn này. Bất cứ một tác phẩm nào của cá nhân con người viết ra cũng không thể so sánh nổi với Upanisad về vẻ đẹp và về sự vĩ đại của nó. Bản dịch Upanisad ra tiếng Hungary đầu tiên đang sắp sửa ra mắt bạn đọc (khoảng những năm 1940 - ND). Bản dịch ra tiếng Anh của Max Müller có nhiều nhầm lẫn; những bản dịch từ tiếng Do Thái ra tốt hơn. Bản dịch tiếng Đức của Deussen nhạt nhẽo.1 3/ Sankja (Sankhya) Một cuốn sách tuyệt vời. Là lời chú giải siêu hình học hoàn hảo hình thành từ sự kết hợp đồng điệu giữa nhận thức sắc như dao cạo và trí tưởng tượng dũng mãnh cùng trực giác nhạy bén. Sankja có quan hệ họ hàng triết học thần bí dựa trên kinh Kabbala của Judea, lí thuyết số học của Pithagoras và các quẻ trong Kinh Dịch của Trung Hoa. Có thể đọc tác phẩm này từ các bản dịch tiếng Anh khá tốt. 4/ Patandzsali - Yoga - Sutra Yoga là phường pháp hợp nhất với tinh thần của thế giới cổ. Có nhiều loại yoga: yoga sức khỏe (hatha), yoga hoạt động (karma), yoga tự dâng hiến (bhakti). Mỗi loại yoga đều là một trong những khả năng để hợp nhất với Vũ trụ. Yoga (được gọi là) radzsa-yoga là nền tảng và vinh quang của các loại yoga. Patandzsali, nhà thông thái cổ vĩ đại đã viết như vậy. Tác phẩm mà Patandzsali để lại cho chúng ta, kẻ chưa nhập định không thể hiểu và cũng không biết sử dụng. Phần lớn các câu kinh (sutra) là những câu ngắn như một kí hiệu, hoặc chỉ là các từ. Tác phẩm của Patandzsali chỉ có thể sử dụng bằng những lời giải thích phù hợp. Số lượng các lời giải thích khá thất thường. Nếu ta hỏi lời giải thích nào đúng nhất, câu trả lời là: con người hiện đại nên sử dụng hai lời giải thích-bình luận, một của Ấn Độ cổ, hai là của châu Âu hiện đại. Chỉ như vậy mới khắc phục một cách có hiệu quả những khó khăn gặp phải khi đọc tác phẩm này. Các bản dịch tốt nhất là Anh ngữ và của J. Haver, tiếng Đức. 5/ Mahabharata Thi phẩm anh hùng ca của Ấn Độ nói về thế hệ của các Bharata. Trong tác phẩm này những câu chuyện cổ tích mê đắm, những đoạn thi ca đầy sức quyến rũ, những tư tưởng, các giấc mộng, những đam mê, sự diệu kì, các thần linh, các loài ma quỷ, những con người mang tính chất siêu hình học lớn cứ lẫn vào nhau, như thế giới tinh thần của Tạo Hóa trong khoảnh khắc tạo dựng. Từ tác phẩm Mahabharata - một sắc màu, âm thanh, hình thức duy nhất của thế gian cũng không hề vắng thiếu. Nếu thế gian không là gì khác ngoài sự phản chiếu của linh hồn (atman) vĩnh cửu, thì Mahabharata không là gì khác ngoài sự tổng hợp hóa thế gian đã phản chiếu ấy. Ở đây ai cũng bắt gặp phần của mình: con trẻ trong các câu chuyện, người đang yêu trong các bài ca say đắm, nhà thông thái trong Bhagavad gita - trong thi phẩm triết học đẹp nhất trần gian này. Chúng ta có nhiều bản dịch Mahabharata tốt, bởi dịch tồi một thi phẩm như thế là điều phi lí. Ít nhất có năm trăm bản dịch Bhagavad-gita, và hàng nghìn lời bình luận về nó. 6/ Sách luật của Manu Ai không hiểu nhiều về sự vật, sẽ chống lại việc đưa cuốn sách luật của Manu vào danh mục một trăm cuốn sách. Nhưng người nào biết rằng có rất ít những tác phẩm mà từ đó có thể hít thẳng vào phổi mình làn không khí trong sạch và trực tiếp của thời cổ, người đó sẽ đồng tình với việc lựa chọn cuốn sách này. Manu không viết một bộ sách luật giống như các hợp tuyển Quy định Pháp Luật và các luật lệ nhân tạo một cách ngớ ngẩn, Manu chống đối đời sống ở Cục Lưu Trữ văn bản Xử án ngày nay. Đúng ra, những cuốn sách luật phải là những tác phẩm tuyệt tác; Stendhal trước khi viết, sáng sáng đã đọc Code Napoleon - và theo ông: “đây là tuyệt tác của các khái niệm chính xác”. Manu cũng là một kiệt tác, nhưng theo kiểu khác. Cuốn sách tràn ngập kiến thức tâm lí học, xã hội học, sư phạm học, đầy ắp sự thông thái, sự trào phúng, sự hoang tưởng, sự huyền bí, siêu hình học, vói một trình độ mà nếu ai hiểu được nội dung của nó sẽ đọc một lèo như đọc Dostojevski. Nhưng điều quan trọng nhất: ai đọc Manu sẽ quay trở lại với trạng thái cổ cội nguồn của con người. Và bỗng thấy những linh hồn của thế giới bên kia, các thần linh, những ngôi sao, những loài cá, thực vật, khoáng sản một lần nữa trở thành người anh em họ hàng thân thiết của mình. Cuốn sách này có nhiều bản dịch tiếng Anh, Đức, Pháp tốt nhưng cũng chưa đủ chuẩn. 7/ Những lời Đức Phật dạy Người ta cho rằng Đức Phật là con người vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại. Tên thật của Ngài là Sákjamuni - kẻ kế vị ngôi vua, nhưng đã từ bỏ ngai vàng, xuống tóc và dạy dỗ về sự từ bỏ. Bởi vậy Ngài có tên là Buddha, có nghĩa là giác ngộ. Phật giáo xuất phát từ cái là siêu hình học cổ: thế gian hiện hữu là ảo ảnh, hiện thực duy nhất là linh hồn vô hình. Nguyên nhân của mọi đam mê, mọi phiền não, mọi nhầm lẫn chính là sự dính mắc vào những ảo ảnh phi hiện hữu. Những lời Đức Phật dạy có sức mê hoặc đến nỗi dù ai mới chỉ đọc một lần hoặc thoáng qua cũng đều không thể quên nổi, và luôn luôn muốn đọc lại. Tuyển tập Lời Phật dạy là một ví dụ cho thấy những nội dung lớn thường xuất hiện trong hình thức của cái đẹp quý phái nhất. Bản dịch đẹp nhất không thể so sánh là bản dịch tiếng Đức của Karl Eugen Neuman, có nhiều chỗ thống nhất với bản gốc. 8/ Sankara - Bình luận kinh Védanta Đây là một cuốn sách của sự an bình và quán tưởng sâu lắng. Sankara viết bình luận cho Upanisad. Nếu ai mơ ước giá ở lâu trong một cộng đồng người truyền đạt sự hiểu biết một cách thoải mái như ở nhà mình, kẻ đó hãy “vớ” lấy cuốn sách này mà nghiền ngẫm trong vòng vài ba tháng. Trong toàn bộ nền văn học thế giới không ai có thể viết một cách đầy cảm hứng như Sankara. Các nhà văn, nhất là phần lớn các nhà văn châu Âu khi viết hoặc bắt buộc phải viết, thường khổ sở với hiện thực. Giống như ông già Tolstoj. Hoặc không khổ sở thì cũng chỉ vì bắt buộc đành hiến mình cho một trạng thái ma quỷ còn (được gọi là) viết. Con người luôn luôn có cảm giác muốn được giải thoát và được nhận cái tốt hơn cả cho mình. Có thể nhận ra kinh nghiệm này từ Shakespeare, từ Joyce, y chang như từ Baudelaire hoặc từ Sophoklés. Con người nói chung không thích viết, càng nhà văn lại càng không. Bởi vậy những nhân vật thật sự lớn như Khổng Tử, hoặc Đức Phật hoặc Hermes Trismegistos hay Pithagoras, Sokrates không viết, hoặc viết rất ít như Herakleitos hoặc Lão Tử. Văn bản của Sankara mang lại niềm cảm hứng thần tiên và con người tất nhiên biết thưởng thức tâm trạng này. AI CẬP 9/ Tử Thư Ai Cập (Pert em heru) Pert em heru, có nghĩa là bước ra khỏi ban ngày. Đây là cuốn sách về người chết của Ai Cập. Thực chất đây là hợp tuyển của các lời kinh, các câu nói, các bài ca phát ra trên các bến đỗ quan trọng của linh hồn luân chuyển. Nếu ai muốn làm quen với bầu khí quyển thế giới âm hoàn hảo, đúng là cần phải đọc Tử Thư Ai Cập. Sẽ nhận ra hiện thực thật sự là hiện thực-linh hồn, và ở đây tất cả phụ thuộc vào ánh sáng riêng, sự thức tỉnh riêng của mỗi linh hồn. Chúng ta biết đến ba bản dịch Tử Thư Ai Cập: của Lepsius, của Naville và của Budge. Bản tiếng Hungary sắp sửa có. 10/ Hermes Trismegistos Một vài văn bản cổ Hi Lạp đều mang tên Hermes Trismegistos. Truyền thống Hermes Trismegistos thực ra nhiều hơn thế. Rực rỡ nhất là sự bí ẩn chứa trong mười câu nói của văn bản Tabula smaragdina; và văn bản Poimandrész hoàn toàn thần bí; nhưng hệ thống kí hiệu số còn thần bí hơn nữa, nhiều người đã thử tìm cách giải mã chúng, gần đây nhất có Encausse và Abbé Constant. Truyền thống văn hóa nhân loại cho rằng Hermes Trismegistos nhận một tri thức lớn nhất thế gian từ các sức mạnh thiêng của vũ trụ. Tri thức này thể hiện như một dạng phép thuật và được đẳng cấp tinh thần của Ai Cập gìn giữ. Pithagoras mang tri thức này vào châu Âu. Chúng ta vẫn chưa biết về bản chất của tri thức Hermes. Bản dịch được sử dụng thông thường nhất là của dịch giả G. R. S. Meadé. TRUNG QUỐC 11/ Sử kí Các câu chuyện kể, các cổ tích, truyện thần thoại, triết học, đạo đức học - trong thời cổ - thường gói gọn vào một tác phẩm duy nhất. Khoa học rất tức giận với một tác phẩm như vậy bởi không giải mã nổi những điều mà những cái đầu điên rồ nghĩ đó là sự thật trong đó. Ơn Chúa lòng lành! Trong Sử kí nhiều sự thật mà ít cảm xúc khi viết về sự kiện. Cuốn Sử kí này chúng ta được biết do Đức Khổng Tử tìm lại, thu thập. Có thể nhận ra điều này: Một cuốn sách giản dị, nghiêm túc, tràn ngập ân sủng. Nó chứa sự thật xác thực đến nỗi có thể cho rằng không có tí chất liệu văn học nào trong đó. 12/ Lão Tử Nếu tất cả các cuốn sách đều viết như Đạo Đức Kinh của Lão Tử thì không cần đến một trăm tập sách, mà chỉ cần trên dưới một trăm cuốn vở mà thôi. Toàn bộ tác phẩm Đạo Đức Kinh chỉ có tám mươi mốt khổ thơ: đây là tri thức nguyên mẫu về lịch sử, về linh hồn, về cộng đồng, về số phận, về đời sống, về sự thật, được viết theo cách thức đến đứa trẻ cũng hiểu nổi, nhưng đối với một nhà thơ lớn lại chỉ có thể viết nổi trong giây phút xuất thần. Đạo Đức Kinh là sự bắt đầu và kết thúc của mọi tri thức đích thực về đời sống. 13/ Khổng Tử Bản thân Khổng Tử không viết, chỉ đi thu thập các cuốn sách lớn của thời cổ lại để giải thích. Luận Ngữ là cuốn sách các học trò viết lại các lời dạy, các đối thoại của ngài. Thực ra cần luôn luôn như vậy mới đúng. Con người hãy đừng viết gì hết, chỉ nên ghi chép lại những lời của các bậc Thầy của mình: Platon ghi lại lời của Sokrates, của Jen Hui Kung. Như vậy sẽ đúng với một trật tự là con người không rơi vào sự kiêu căng mà biết dùng cả đời mình để phụng sự Thầy. Những câu trong Luận Ngữ là sự thể hiện, là lời tuyên bố của linh hồn đích thực. Trong đó chứa đựng mức độ của sự quan trọng, của sự thật và sự sâu sắc. Cái gọi là sự thông thái chỉ là thứ yếu. Ở Đức Khổng Tử chúng ta không ngạc nhiên về tri thức mà chúng ta ngạc nhiên vì một trái tim chân thật. 14/ Trang Tử Trang Tử là một kiểu người khác biệt, giống như Sokrates, như thánh Phao lô và Nietzsche - người ta nói, là những con người của nghịch lí. Điều nghịch lí trong họ là họ không đòi hỏi những giá trị giả của con người, mà đòi hỏi những giá trị thật sự của thế giới tinh thần vĩnh cửu, và vạch trần những mâu thuẫn tự thân của con người. Dạng người này có một trí tuệ sáng láng cực kì và là bậc thầy của thứ ngôn ngữ tuyệt tác. Chưa hề có ai và chưa bao giờ có ai biết nói như Sokrates và viết như thánh Phao lô, Nietzsche và Trang Tử. Dịch Trang Tử khó, bởi chính ông đã siêu việt. 15/ Lý Bạch Đây là thứ thi ca mang hương vị của trà. Là thi ca của những cây hoa đào đang nở. Là thứ thi ca của những nàng con gái trẻ đang tắm trong biển xanh trinh khiết. Là thi ca của những con chim họa mi tháng Năm. Đây là tác phẩm thi ca hữu hạn nhất - thứ thi ca của sự bất tử. TÂY TẠNG 16/ Naropa Những vị thánh lớn của Tây Tạng là Tilopa, Naropa, Marpa và Milarépa. Giữa các vị thánh này Naropa là một đạo sĩ lớn, một sinh linh khao khát tận cùng những bí ẩn vĩ đại nhất và nguy hiểm nhất, một kẻ nếu quả thực độc ác, dư sức hủy diệt toàn bộ nhân loại, như Azazel. Tiểu sử của ông cho biết ông đã chinh phục các sức mạnh thần bí như thế nào, và: càng học nhiều điều mầu nhiệm con người càng nhìn sâu sắc hơn bản chất ảo ảnh-bị phù phép của thế gian, thế gian này chính là giấc mộng của linh hồn. 17/ Milarépa Milarépa là một thi sĩ, một vị thánh, một nhà huyền học, một nhà khắc kỉ, một ông thầy, sống bốn mươi năm trên đỉnh Himalaja bằng rau tầm gai, nhưng có một tri thức mà nếu ông nói ra, đến các vị thần sống trên trời cũng phải lặng yên để lắng nghe, và đi theo ông. Từ tiểu sử của ông chúng ta biết ông đã học để biết dựa vào bão tố, mưa dông để hủy diệt môi trường, giết người từ xa, đi lại trên không… phép màu thần thông thực ra có thể học dễ dàng. Cái khó hơn là sống một đời sống hoàn toàn trong sạch và thiêng liêng. Và mục đích không phải phép thuật mà là một đời sống trong sạch. Bởi vậy đây là một Milarepa hiện đại: một cuốn sách của một con người thời hiện đại lầm lạc đã thức tỉnh. 18/ Bardo Tödol - Tử Thư Đây là cuốn sách của Người đã Chết ở Tây Tạng. Ai không biết cuốn Tử Thư này người đó không biết đến khoa học của một cái chết đúng đắn. Đây là cuốn sách độc nhất giữa tất cả các cuốn sách mà con người biết về vật lí học, về hệ thần kinh, các cơ bắp và hệ xương, nó giải thích cái gì là cái chết, cái gì là linh hồn khi sự biến đổi bí ẩn của con người sau cái chết hòa thành tinh thần. Từ Tử Thư Tây Tạng tất cả mọi người đều rõ: linh hồn hoàn toàn tự do, phi giới hạn, vô tận, nó làm cái nó muốn, và quyết định cái cần phải xảy ra. Những gì nhìn thấy như một sự bắt buộc của môi trường bên ngoài không là gì khác ngoài chính là một gánh nặng mà linh hồn tự chất lên bản thân nó, và có thể vứt bỏ khi linh hồn muốn. Đức Lạt Ma Kazi Dawa Samdup là người dịch Tử Thư Tây Tạng ra tiếng Anh. 19/ Phép thuật Tây Tạng Đây là cuôn sách giáo dục tâm lí phép thuật, là cuốn sổ tay không thể thiếu của tất cả các nghệ sĩ, thi sĩ, triết gia, chính trị gia, người tu hành nghiêm túc, là cuốn sách mỗi buổi sáng trước khi bắt tay vào công việc, cần phải đọc nó. Một tác phẩm tỉnh táo và lạnh lùng. Không biết đến sự mặc cả hay đòi hỏi, không có những ảo tưởng, đam mê duy nhất của nó là thoát khỏi những ảo ảnh của thế gian. Là văn bản của các thực hành, của yoga Tây Tạng nhằm thanh tẩy linh hồn. Và cái có sức mạnh lớn nhất: csöd. Theo nhà khổ hạnh Tây Tạng con người không xây đắp gì hết - nó chỉ có nhiệm vụ duy nhất là phá vỡ và làm sụp đổ. Những thực hành yoga này sẽ làm sụp đổ một cách có hệ thống tất cả, không cần đến thù hận, sự nóng vội, sự giận dữ hay chiếm mất nhiều thời gian chỉ để linh hồn lấy lại tự do nền tảng của nó. Cuốn sách này cũng do Đức Lạt Ma Kazi Dawa Samdup dịch ra tiếng Anh. JÚDEA 20/ Hénoch Trưởng lão Hénoch, hậu duệ đời thứ năm của Adam kề chuyện về thiên thần chống đối Azazel cùng đồng bọn. Có những phần trong cuốn sách độc nhất vô nhị này nói về bản chất thánh thượng: đặc biệt lúc Thượng Đế thông qua Hénoch nhắn nhủ tới các thiên thần phạm tội. Nếu con người đọc một cuốn sách như vậy sẽ cho rằng cứu một trăm cuốn sách là nhiều, mười cuốn là đủ, những cuốn nói về bản chất của lịch sử con người. Hénoch chỉ ra toàn bộ những gì được gọi là sự độc ác nhất trong lịch sử nhân loại, nhưng cũng chỉ ra những điều tốt nhất. Đây là cuốn sách về sự bí ẩn của những mâu thuẫn tuyệt đối. 21/ Cựu Ước Không phải vì ân sủng cần cầm lên cuốn Cựu Ước, cũng không phải vì nó là tiền đề và điều kiện của Kitô giáo. Trong Cựu Ước nền tảng của mọi hiện hữu thế gian của chúng ta xuất hiện cùng một lúc. Ngày nay người ta sẵn lòng đặt giả thiết rằng số phận nhân loại dựa trên các loại chủ nghĩa (izmus). Không! Số phận nhân loại nằm trên những cái tên thiêng. Veda là cuốn sách về hiện thực, Cựu ước là cuốn sách của những cái Tên lớn. Nếu ai đó muốn biết đấy là cái gì, cái có trong Cựu ước, cần phải đọc một lần như thể chưa bao giờ nghe đến, biết đến nó, thiếu vắng hẳn những sự dối trá ghê tởm của trường học và giới giáo sĩ. Thật tai hại khi chúng ta không có lấy một bản dịch Cựu ước đáng tin cậy! Những cuốn sách ngày nay đầy rẫy những sự hiểu lầm hoặc những gian dối cố tình. 22/ Zóhár Nếu ai đã đọc mười trang Zóhár, sẽ nói: không thể tin được đây là cuốn sách mà con người viết. Rất có thể xưa kia từng có các nhà thông thái lớn, những người biết những bí mật này nọ, từng có những linh hồn tuyệt vời trong sạch, những kẻ được các thiên thần rỉ tai cho biết một cái gì đó từ tri thức lớn nhất của Trời, đã từng có nhiều nhà thông thái và một người nào đó đã tổng hợp lại tri thức của nhiều linh hồn trong sạch này. Sách Zóhár xuất hiện như thế. Và cũng có thể không phải một người mà là cả một nhóm bác học. Ở đây không phải là tri thức của một trăm năm hay một nghìn năm, bởi dạng tri thức này không thể đo bằng thời gian. IRAN 23/ Ardai Viraf Nhà thơ Iran Ardai Viraf trên những đổ nát tuyệt vọng của nhân dân mình buồn rầu hướng về thần Ánh sáng Ahura Mazda để cầu nguyện. Thần Mazda bèn gửi thiên thần xuống để nhà thơ bằng chính mắt mình có thể nhìn thấy toàn bộ vương quốc của thế giới bên kia. Thi phẩm của Ardai Viraf nhiều chỗ giống thần khúc của Dante, và cũng giống Aenei và Odüsses và Érje - cuộc du hành sang thế giới bên kia của Platon. Những tác phẩm của Ardai Viraf đẹp nhất giữa các tác phẩm này. Đã có nhiều bản dịch sang tiếng Anh bằng thơ và băng văn xuôi. Bản dịch sang tiếng Hungary đang sắp sửa ấn hành. Ả RẬP 24/ Một Nghìn Một Đêm Lẻ Sẽ xảy ra điều gì nếu một ngày một ai đấy viết về triết học của tác phẩm Một Nghìn Một Đêm Lẻ? Một khi nào đấy, một ai đấy sẽ làm, nhưng điều này cho đến nay vẫn chưa xảy ra bởi vì trong chúng ta còn quá nhiều độc dược, sự ghen tị, sự trả thù, sự ích kỉ, tóm lại sự tăm tối. Một Nghìn Một Đêm Lẻ trái ngược lại với tất cả những điều trên: đấy là sự hiền hậu, sự hài hước, sự thân ái, trái tim trong sạch, sự thanh thản, tóm lại niềm vui. Cần một lần nghiêm chỉnh biết đến niềm vui. Ví dụ, trên trường đại học trong giờ xã hội học đọc những mẩu chuyện của Harun al Rasid. MEXICO 25/ Sahagun Hoàng tử Ấn Độ xuất thân từ gia đình vua Azték, người trở thành một tín đồ Tây Ban Nha và viết cuốn sách Sahagun nói về các vị thần Ấn Độ. PERU 26/ Các thần tượng Peru Không có một cuốn sách nào xa lạ hơn cuốn sách này, và nếu ai hiểu, sẽ thấy có rất ít cuốn sách khiến người ta nhận ra bản thân mình như vậy. Cái dân tộc ít lời khủng khiếp này cuối cùng vẫn thổ lộ ra một vài từ thật khó hiểu. Bạn có thể trầm tư suy nghĩ xem nghĩa là gì. AFRIKA 27/ Cổ tích da đen Thời kì bùng nổ của điêu khắc và hội họa da đen đã lùi xa: châu Âu đã hiểu ra cần phải hấp thụ những điều này. Nhưng thời gian để bùng nổ văn học da đen chưa đến, sẽ đến, có thể sẽ không phổ biến như nhạc jazz của âm nhạc da đen. Để giới thiệu, có thể nói đến tập cổ tích da đen CÁC PHÙ THỦY, trong đó có tất cả những đặc tính nhân vật của E.T.A Hoffmann, Dostojevszkij, Dante, Rabelais, Joyce, Homeros, Swedenborg, Swift và Rousseau. Tập cổ tích châu Phi này do Leo Frobenius sưu tầm biên soạn. PHÍA BẮC 28/ Kalevala Nếu ai đó hỏi: thiên nhiên là gì? - có thể bình tĩnh trả lời, đó là cái mà Kalevala nói đến. Thiên nhiên không phải hiện thực, không phải nhu cầu, không phải quân thù, chẳng phải một thế giới độc lập với con người, một cái gì bên ngoài. Thiên nhiên là cái mà Kalevala nói đến. Không phải là các con vật, các loài cây cỏ, đất, đá, thời tiết, cùng với bốn mùa. Thiên nhiên là cái mà Kalevala nói đến. Thiên nhiên không lãng mạn, không khắc nghiệt, không êm đềm, không xấu, không ngẫu nhiên, không khắc nghiệt, không quyến rũ. Thiên nhiên là cái mà Kalevala nói đến. HI LẠP 29/ Homeros Người ta cho rằng đây là người cha của thi ca châu Âu đến tận hai nghìn năm trăm năm, và chính bởi vậy người ta đã hiểu sai tác phẩm. Giờ đây khi sắp sửa trôi qua hai thế kỉ rưỡi chúng ta bắt đầu hiểu những ý chính của tác phẩm. Tại sao lại khó hiểu đến thế - một tác phẩm nhẹ nhàng như vậy? Homeros làm như thể không có những ý đồ gì đằng sau tác phẩm. Tất nhiên Nietzsche là kẻ bổ sung, kẻ không là ai khác ngoài một Homeros của những ý tưởng đằng sau, và Homeros là một Nietzsche thiếu những ý đồ hậu trường. Cả hai kẻ là những ảo tưởng lớn của con người vĩ đại, con người cội nguồn, con người còn măng tơ vừa rời khỏi tay Tạo Hóa. Là Akhileusz, Odusszeusz và Ubermensch (siêu nhân). 30/ Szappho Giữa một trăm cuốn sách, chín mươi chín người đàn ông, duy nhất một phụ nữ. Chỉ vài đứt đoạn: một hai khổ thơ nguyên, còn lại chỉ vài dòng, hoặc năm mười câu - nhưng câu ra câu! Người ta viết đã hai nghìn năm mà vẫn nóng bỏng. Tất nhiên một giữa một trăm nhưng không động vào bất kì ai. Có thể giữ thể nghiệm lớn lao về thi phẩm với Szappho. Con người học thơ không cần sách. Nhưng nếu họ đọc tác phẩm này, sẽ biết thêm cái mới. Và luôn luôn - dù rất biết - họ vẫn muốn đọc lại, đọc lại nữa. 31/ Anakreon Nếu ông chỉ viết mỗi bài ca Dế thôi, thì bài thơ này cũng đã có thể cho vào một mục lớn. Nhưng ông còn viết nhiều bài khác nữa, những bài thơ dễ say, mang mùi vị rượu. Anakreon là một nhà thơ có thể sinh ra ở Mexico, Ấn Độ, Trung Quốc hay nước Pháp hiện đại, và không ở quốc gia nào ông cần phải viết khác đi như đã viết. 32/ Pindarosz Có một cái gì đó tất nhiên, điều mà Pithagoras nói rằng trong đời sống con người nghĩa vụ đầu tiên là phải ca ngợi các thần linh, những người anh hùng, các sức mạnh và tinh thần của những kẻ đã chết. Pindarosz đã làm điều này: giọng của ông là giọng ngợi ca. Sự ngợi ca này là bản anh hùng ca. Ngược với con người hiện đại - kẻ ngợi ca bản thân và viết tiểu sử của mình. Tội nghiệp cho con người hiện đại. Pindarosz và Hi Lạp, kẻ cất giọng anh hùng ca đã trở thành một phần của sự cao cả mang tính Thượng Đế và thế giới bên kia, trong lúc đó con người hiện đại lại trở nên bé nhỏ đến thảm hại. 33/ Herakleitos Một trăm ba mươi câu (hoặc nửa câu) của ông còn để lại cho chúng ta, và về một trăm ba mươi mẩu nhỏ này ít nhất người ta đã viết một nghìn ba trăm cuốn sách, mà kẻ viết không phải toàn những người ngu ngốc. Để hiểu? Để giải nghĩa? Để giải thích? Không. Để đến gần ông hơn. Người ta suy nghĩ từ những câu ông nói và chìm đắm vào sự vô tận của ngôn từ. 34/ Platon Sẽ hiểu sách của ông hơn nếu kẻ đọc suy ngẫm những điều sau: cái gì có thể xảy ra từ châu Âu, và châu Âu sẽ ra sao nếu không có Platon. Ngày nay chắc chắn sẽ không có các nhà nước, có những con người ăn mặc nghiêm chỉnh sạch sẽ, nói năng rành mạch, có đạo đức, có học, không thể có những con đường, không thể có luật pháp, kỉ luật, sự tự chủ - không thể có châu Âu. Thậm chí: không thể có nỗ lực vươn tới một trật tự ngày càng trong sạch và cao quý hơn, một nhu cầu cao thượng. Một người Pháp cho rằng: nếu Napoleon đúng là một con người vĩ đại, ông ta đã viết sách. Cần dịch ngược lại thế này: Platon cũng có thể trở thành kẻ đi chinh phục thế giới, nhưng điều này quá khổ đối với ông. Ông viết sách, vì điều này nhiều hơn. Đấy là sách. Đấy là Platon. 35/ Aiszkhulos Một trong những nền tảng sâu sắc nhất của đời sống chúng ta từ thời cổ tới tận bây giờ là hình ảnh thừa hưởng về sự siêu việt. Thượng Đế, Trời, Biển, Sự Sống, Linh Hồn. Aiszkhulosz là nhà thơ của sự siêu việt: một sự cao cả thuần túy, một sự bình thản thuần túy, là bầu trời, là biển, là sự sống, là linh hồn - là Thượng Đế thuần túy. 36/ Szophoklesz Trong toàn bộ nền văn học thế giới, Szophoklesz biết nhiều nhất về số phận con người. “Cái tốt nhất chưa hề sinh ra đời, một cái tốt tiếp đã theo sau: chết”. Szophoklesz cho ta biết cái từ bấy đến nay chúng ta gọi là bi kịch. Ông nhìn thấy và viết như sau: nếu chúng ta muốn mặt đối mặt với bi kịch của sự sống con người cần phải đọc Oidipusz, Antigonesz và Elektra. 37/ Euripidesz Euripidesz là Fyodor Dostoevsky của thành Athén: hướng về cái đa nghĩa, cái có vấn đề, cái vô phương giải quyết và cái cần phải sống - bằng tri thức tâm lí học và giác quan vô hình, bởi ông là con người. Tại Athén nếu người ta không xua đuổi thì cũng chẳng ưa gì ông. Người ta coi ông là kẻ lật đổ (destruktiv). Và ông đúng là như vậy. Từ ngữ của một con người như vậy dư sức để nghiền nát các nhà nước, cần phải đứng bằng chân, kẻ ông không xua đuổi. Văn học của ông dành cho những kẻ muốn sự thật trước hết. 38/ Aristophanes Ông mang lại ánh sáng cho Athén tăm tối, và thứ ánh sáng này được gìn giữ từ đó tới giờ. Sự thật, cái đẹp, tiếng cười, danh dự, sự chân thật, sự tươi tỉnh - hai nghìn năm trăm năm chiếu sáng. Bản dịch Aristophanes ra tiếng Hungary là một trong những bản dịch hay nhất ở châu Âu. 39/ Thukudidesz Nếu ta chưa từng biết đến Thukudidesz, chúng ta vẫn hiểu Olimposz, Eleuszisz, triết học, các bức tượng, Akropolisz, nhưng từ người Hi Lạp không bao giờ chúng ta có thể hiểu về sự thuộc địa hóa, đô thị hóa, sự khéo léo độc nhất trong kĩ thuật chiến tranh và hàng hải, sự thông minh trong buôn bán của họ. Thukudidesz cùng với Tacitus có một thuận lợi lớn: đã làm cho việc đọc sách sử hiện đại trở nên thừa. Ở sách của ông mọi bản chất lịch sử của con người còn nguyên, chỉ cá nhân và thời gian thay đổi 40/ Plutarch Chân dung khuôn mặt lịch sử này chính là bản chất của tri thức nói về con người. Lịch sử, tâm lí học, khoa học xã hội, khoa học giáo dục, luật pháp, triết học, tôn giáo, địa lí, tính cách học. Chân dung Plutarch là khuôn mặt lịch sử nói về bản chất tri thức của con người. Đấy là lịch sử, tâm lý học, khoa học giáo dục, các môn khoa học xã hội, tính cách học. Con người đòi hỏi Plutarch hãy dạy dỗ những người trẻ tuổi vì: ông biết, đời sống lớn là cái gì và cái gì là cái lớn trong đời sống. Ông biết trong mỗi con người đều có một Caesar, Ansztidesz, Miltiadesz và Scipio, và ông biết không xứng đáng sống một đời sống tầm thường. LA MÃ 41/ Horatius Cái gì là sự mầu nhiệm không thể đạt tới của thi phẩm Horatius? Một số người bảo, trong nhân sinh quan thanh giáo (sztoikus), số khác bảo trong bản chất mang tính La Mã, số khác cho rằng hình thức là nghệ thuật lớn của ông. Không. Horatius tin vào thời hoàng kim. Tin rằng con người có thể thực hiện được sự sống thiên đường, nếu họ nghiêm túc, đúng, tươi tỉnh, bình thản, không bạo lực, không bần tiện, không ghen tị, không để cho những dục vọng tầm thường bám lấy họ. Nhưng Horatius cũng tin rằng điều này không chỉ một con người duy nhất mà toàn bộ dân chúng, thậm chí toàn bộ nhân loại đều có thể thực hiện nổi, thậm chí ông vạch đường cho họ. Ai đọc ông sẽ thẳng bước đi cùng ông về phía hạnh phúc. 42/ Vergilius Cũng đúng như Horatius, Vergilius cũng tin vào thời hoàng kim, tin rằng dưới sự cai trị của Augustus một cái gì đó có thể thực hiện từ thời hoàng kim. Đó là gì vậy, điều có thể thực hiện? Hòa bình. Thật tốt lành nhìn lại khoảng thời gian chinh chiến và nghỉ ngơi. Duy trì ngày Chủ nhật, ngày lễ, thở phào và ca ngợi các thần linh. Tác phẩm Aeneis nói về quá khứ chinh chiến nhưng bằng âm điệu của ngày Chủ nhật, hòa bình thiêng. Vì vậy thật bình thản, trong như pha lê, trân trọng, cao thượng, rõ ràng, mát rượi, chín chắn và ngọt ngào. 43/ Tacitus Nhân loại còn nợ với chính mình khá nhiều. Một trong những món nợ lớn nhất phải là một nghiên cứu cần thận nói về bút pháp của Tacitus. Tác phẩm này cần viết rõ rằng Tacitus không nói về cái gì khác ngoài nói về anake, về nhu cầu. Đấy là những câu nói cứng cỏi, đấy là cách dùng từ cô đọng, đấy là những đoạn văn ngắn đầy bực bội, đấy là câu giải thích cho sự nghiêm khắc lạnh lùng. Đấy là âm thanh răng rắc và lầu bầu trong văn bản. Tacitus viết trong một khối đá cứng. Đấy là lịch sử con người, thậm chí đấy là sự giải thích nỗi đau khổ của tất cả mọi người trong quá trình lịch sử. 44/ Seneca Giữa các thể loại văn xuôi thì văn xuôi của Seneca đạt gần tới mức lí tưởng nhất. Các nhà văn viết văn xuôi vĩ đại nhất thường tự cho phép mình dùng những từ hoa mĩ, một cái gì đó thi ca, một cái gì đó không phải là văn xuôi. Hãy thử đọc một trong những lá thư đạo đức Seneca viết cho Lucilius, bạn sẽ nhận ra cần phải viết văn xuôi hoàn mĩ như thế nào. Nietzsche nói về Seneca như sau: primum scribere deinde philosophari - trước tiên viết, rồi sau mới nghĩ. Đúng là như vậy! Seneca không phải là một triết gia mà là một nhà văn xuôi. Một thứ ngôn từ tự nó đơn giản là cất tiếng. TRUYỀN THỐNG THIÊN CHÚA GIÁO 45/ Cựu Ước Thực ra đặt Cựu Ước vào giữa một trăm cuốn sách là thừa, bởi điều cuốn sách này nói là kí hiệu thiêng được giữ trong tim mỗi người. Nếu trong tim một kẻ nào đó không có kí hiệu này, chín mươi chín cuốn sách còn lại cũng không giúp gì được nó. 46/ Thánh Ágoston Người ta nói đấy là người châu Âu đầu tiên. Người châu Âu có nghĩa là gì? Nghĩa là: nhân loại là kẻ thừa kế tinh thần Trung Hoa, Ai Cập, Ấn Độ, Do Thái, Assyria, Iran, nhưng cần biết bước lên thêm một bậc thang nữa: trở thành người Công giáo. Kitô giáo không phải là thứ triết học đời sống nhẹ nhàng và vui tươi, không phải cái gọi là thế giới quan và một giải pháp. Kitô giáo là một nhiệm vụ không thể thực hiện, một nghĩa vụ chết người, một cái gì cắt đôi đời sống ở giữa thắt lưng. Một cái gì xay nghiền như cối xay đá với lúa mì. Kitô giáo là sự chiến thắng trọn vẹn sự sống trần thế, là sự giải phóng trọn vẹn của linh hồn. Không con người nào có thể gánh chịu nổi. Nhưng từ khi có Kitô giáo, ngoài Kitô giáo ra không ai có thể sống một đời sống người thiếu nó, và cũng không thể thiếu nổi. Thánh Ágoston rên xiết, bị hành hạ, đau đớn, kêu gào nhưng ngài biết cần phải gánh chịu. Toàn bộ châu Âu sống như vậy, như một kẻ đầu tiên, để sau đó triệu triệu con người cần sống theo. 47/ Thầy Eckhart Nếu ai còn nghi ngờ điều này, rằng toàn bộ nhân loại có siêu hình học trước nhất tự thân sinh ra cùng tinh thần và linh hồn của nó, hãy đọc các tác phẩm của Thầy Meister, và cùng lúc đọc cả các tác phẩm Ấn Độ, Trung Hoa và Ai Cập. Sự giống nhau thật không thể tưởng tượng nổi, đúng vậy, vì không thể không nói đến tác động của nó. Nhưng Eckhart không phải vì thế rơi vào giữa một trăm người thầy khác. Bản thân ngài là một nhà huyền học thời Trung cổ. Ngài đứng ở đỉnh cao của lịch sử năm trăm năm và một nghìn tác phẩm của các tác giả. 48/ Thomas à Kempis Kẻ nào không biết đến Đạo Đức Kinh kẻ đó không biết suy nghĩ; kẻ nào không biết đến kinh Veda kẻ đó không biết hiện thực là gì; kẻ nào không biết đến Cựu ước kẻ đó không biết đến Thượng Đế; kẻ nào không biết đến Tân ước kẻ đó không biết sống; kẻ nào không biết đến Thomas à Kempis và không đi theo ngài kẻ đó không phải người Công giáo. 49/ Pascal Đọc Pascal có ba mức độ. Ở mức độ thứ nhất con người mờ mắt vì phong cách tuyệt vời của ông. Ở mức độ thứ hai người ta run rẩy vì đam mê của một trái tim lớn. Ở mức độ thứ ba người ta nghĩ: cuối cùng cũng có một con người! Cuối cùng cũng có một con người, là ta, kẻ có một nửa lòng tin nhưng muốn trở thành tín đồ. Kẻ bất hạnh, kẻ thực hành, kẻ mờ mịt, kẻ vật vờ, kẻ muốn trở nên hạnh phúc, mạnh mẽ, sáng suốt - kẻ thật tội nghiệp, tội nghiệp, kẻ muốn trở thành con của Thượng Đế! Thượng Đế tạo dựng! Nếu có một kẻ như vậy giữa những kẻ khổng lồ nhất, vậy chúng ta như thế nào? 50/ Jakob Böhme Tác phẩm của ông khó đọc nhất trong văn học thế giới. Đặc biệt là những tác phẩm lớn và chín muồi: De elections Gratiae, Signatura rerum và Mysterium Magnum. Có những cuốn sách, mức độ của nó là allegro con brio (nhộn nhịp) như Tội Ác Và Trừng Phạt. Có những cuốn sách andante moderato (chậm rãi) như Đảo Pingvin. Có cuốn sách molto adagio (rất chậm rãi) và đấy chính là tác giả. Nhưng ngần ấy lửa, ngần ấy độ sâu, ngần ấy đam mê, ngần ấy đau khổ, thương yêu, nghiêm túc, niềm tin, niềm vui sướng, sự sùng kính có trong Böhme, ngay ở những tác phẩm lớn nhất cũng không hề có. Tri thức của tác giả nhận từ các thiên thần, nhưng không phải thiên thần bình thường mà từ các thượng đẳng thiên thần, như từ Thượng Đẳng thiên thần Michel - kẻ giữ ngôi đền bí tích của thế gian. Thật đặc biệt, trong lịch sử triết học châu Âu Böhme thường chỉ được ghi nhớ trong những tập sách nhỏ; cho dù cạnh tác phẩm lớn của Bôhme chỉ cần nhớ đến triết học châu Âu như một ghi chép nhỏ là đủ. 51/ Emanuel Swederborg Swederborg là một phép thử tuyệt vời. Hãy đưa ai đó đọc mười dòng trong bất cứ một tác phẩm nào của ông, nếu kẻ đó bảo thật điên rồ - kẻ đó nông cạn và vô cảm. Nếu bảo: tôi không hiểu - kẻ óc bã đậu. Nếu bảo: buồn té - kẻ đó đừng bao giờ cầm sách lên tay nữa. Và, Emerson được coi là một trong những tác phẩm đẹp nhất của ông - của Swederborg, kẻ có những giác quan nhìn xuyên vật chất đặc sệt để nhận ra những thực thể tinh thần. Swederborg là con người hiện đại duy nhất có những khả năng như các bậc thầy lớn thời cổ Tây Tạng, Ai Cập, Ấn Độ. 52/ Claude Saint-Martin Một tác giả lớn không được biết đến của truyền thống Thiên Chúa giáo châu Âu là Saint- Martin, học trò của Böhme và thầy của Baader, một con người nóng bỏng từ lửa của linh hồn thánh, kẻ biết những bí ẩn lớn nhất mọi thời gian. Tất cả mọi từ ngữ của ngài giống như nước của bể tắm thần bí, tách cái tốt ra từ cái xấu, cái thật ra từ cái giả, Thượng Đế ra từ con người. 53/ Franz von Baader Không ai có cơ hội để ghi lại lịch sử bên trong thật sự của Thiên Chúa giáo ngoài Baader. Nhưng ông bảo thời gian chưa đến. Vẫn chưa chắc con người sẽ còn lại như một kẻ Công giáo. Ông nhìn thấy từ giữa thế kỉ vừa qua cho đến giữa thế kỉ này (19-20) những thử thách gì đã xảy ra, và chỉ sau đó mới có những ghi chép lịch sử. Nhưng Baader đã chuẩn bị trước lịch sử và nhận định rằng những khó khăn cơ bản thực ra không có. Giờ đây cần đọc lại Baader một trăm hai mươi năm sau cái chết của ông, giống như đọc lại Hörderlint hoặc Keats. Hiểu Baader là một quyết định số phận trong đời sống của con người ngày nay. Hãy đọc trước hết tác phẩm Hiến Dâng của ông. NƯỚC Ý 54/ Dante Thi phẩm của Dante là cuốn sách nhập định chân chính duy nhất của Thiên Chúa giáo châu Âu. Là cuốn sách duy nhất chứa đựng ý nghĩa của toàn bộ những gì trong đời sống con người đối với dân chúng châu Âu. Cùng với điều này cần hiểu lại ý nghĩa thật sự của từ “toàn bộ”. Ai đọc Dante người đó không bao giờ được phép nghi ngờ ý nghĩa của đời sống, mục đích của hoạt động, trật tự của cộng đồng, đạo đức, tinh thần trong những câu hỏi lớn. Tại sao? Bởi Dante là một con người cổ đại lớn thật sự cuối cùng, người không áp đặt những ý nghĩ cá nhân lên cả nhân loại, mà chỉ nói những lí tưởng vĩnh cửu: truyền thống vĩnh cửu. Các bình luận về Dante hay nhất và duy nhất là của Rene Guenon, cần đặt các bình luận này vào với tác phẩm Thần Khúc (Divina Commedia) rồi xếp vào giữa một trăm cuốn sách. 55/ Boccaccio Giờ đây không cần chỉ linh cảm về nỗi tươi tỉnh thật sự nữa, về mọi tiếng cười, của Sterne, của Joyce, của Dickens, của Moliere hơi (hay rất nhiều) cay đắng, nước mắt, sự giày vò, hoặc sự phân vân hề đồng. Kết thúc của điệu cười đầy dằn vặt này là sự hài hước của ông già Karamazov và Fomics Foma. Thời đại nhàn tản và tươi tỉnh trong sạch đã trôi qua cùng thời Trung cổ. Từ Boccaccio chúng ta biết người xưa đã từng biết cười như thế nào. 56/ Leopardi Thật không may cho chúng ta Leopardi đã do một Schopenhauer buồn rầu và càu quạu phổ biến. Nếu ai tự đọc độc lập, sẽ ngạc nhiên vì sự giàu có bất tử của tinh thần cô đơn này. Nên bắt đầu đọc bằng các tác phẩm châm biếm của ông: những phê phán hoàn hảo và cay độc đến mức Nietzsche vẫn còn là nhẹ. Ở đáy sâu nhất của sự khủng hoảng lớn trong thời là đen tối - một tác giả đen tối nhất. TÂY BAN NHA 57/ Cervantes Nếu Cervantes không sinh ra, những người châu Âu sẽ không hiểu hết được chính họ, như cách thức cần phải hiểu. Lí tưởng là cái tất cả mọi dân tộc đều đã từng biết, đang biết và sẽ biết. Nhưng, một dân tộc bị hủy diệt trong một lí tưởng, điều này chỉ châu Âu biết - biết từ Platon và từ Don Quijonte. NƯỚC PHÁP 58/ Rabelais Con người không hiểu làm thế nào để Gargantua và Pantagruel biến thành tiếng cười và sự vui nhộn thiếu vắng hẳn sự tàn bạo, sự ghen tị, sự tham lam, bần tiện, giả dối và cay đắng. Sao có thể có điều này tại châu Âu, nơi chẳng còn gì khác ngoài sách, sự ghen tị, sự tham lam, sự bần tiện, sự dối trá, sự cay đắng? Tu viện Theleme là lời giải thích. Tu viện Theleme là một kỉ vật của thời hoàng kim, và sở dĩ Rabelais cười chứ không cần khóc bởi ông sống trong thời hoàng kim với trái tim của mình. Kẻ nào đã từng sống trong thời (gọi là) hoàng kim tất thảy đều như vậy. Cái họ thấy, thật tươi tỉnh. Quả thật có một hiện thực duy nhất: niềm vui? Một đời sống chân thực duy nhất: trở nên hạnh phúc? Một sự chắc chắn duy nhất: thời hoàng kim? Có vẻ đúng như vậy. Nhiệm vụ duy nhất của chúng ta là xây một tu viện Theleme và sống trong đó. 59/ Villon Cái mà nhà thơ không thánh hóa, cái đó không thể đi vào đất nước của Thượng Đế. Villon đã thánh hóa ngoại ô, đường phố, những lời chửi rủa, sự giả dối, sự mất dạy vô học. Nhà thơ hoàn thiện đất nước của Thượng Đế bằng quán rượu và giá treo cổ. 60/ Montaigne Người ta nói có ba loại người: người rừng, kẻ dã man đã văn minh hóa và người châu Âu. Người châu Âu chỉ có duy nhất một thể loại Âu hóa par excellence (đầu tiên): tiểu luận. Montaigne đã tạo ra nó từ các chất liệu sáng tạo của các thể loại luận văn, thư từ, ngạn ngữ, đối thoại, bình luận, thi phẩm và thiền định. Nhưng không phải vì thế người ta đọc Montaigne bốn trăm năm nay, và cũng không phải vì thế người ta sẽ đọc ông nhiều hơn bốn trăm năm nữa. Montaigne đã tìm ra một loại hình thức, một thứ trang phục mặc vào không bị cảm giác chật chội trong đó, và khi ông tìm ra, toàn bộ bản chất của thứ trang phục này cũng đồng thời bộc lộ. 61/ Moliere Tất cả các nhà văn Pháp lớn thực ra đều được gọi là các nhà đạo đức. Nhà đạo đức là người chế nhạo kẻ ngu đần và thấp kém, ngợi ca vẻ đẹp trong sạch của đời sống. Tất cả những điều này đuợc sử dụng bằng ngôn từ và cách thức không thể hiểu sai lệch. Phương pháp của họ là tri thức tâm lí có tác động đến tận xương tủy. Bí quyết của các nhà đạo đức học là tình yêu thương con người. Họ chỉ quen một người, là kẻ yếu một người nào đấy. Moliere bởi vậy rất biết về con người, và cùng với France, La Bruyere và các nhà đạo đức lớn khác: chế giễu, mổ xẻ, cười cợt, nhưng trước hết, yêu con người. 62/ La Bruyere Tất cả những gì cần cho một sinh linh sống trong cộng đồng người, La Bruyere đều có thể giới thiệu cho mọi người biết từ cuốn sách của ông, tác phẩm viết về các đặc tính con người. Không thể có tri thức nào lớn hơn thế. Đây là sự nhận biết con người hoàn hảo, một khoa học về xã hội, sách về nhà nước, về tình dục, về phép lịch sự, về sự nghiêm túc. Châu Âu là một miền đất hứa? Nguy hiểm quá! Nó cần trở thành miền đất thông thái, cần như vậy, bởi nó sẽ bị diệt vong như vậy. 63/ Chenier Nếu con người từ các bài thơ của Andre Cherier chỉ cần đọc một dòng thôi, cũng đủ thấy ánh sáng hiện ra xung quanh mình, trước mắt nó là biển xanh, gió lạnh dịu dàng thổi và thoảng đâu đây mùi hương của nguyệt quế. Đây là nhà thơ của thế giới Địa Trung Hải: thi phẩm hài hòa vô tư của bầu trời xanh trong sáng, những hòn đảo nguyệt quế, những cánh đồng nho. Ở đây luôn luôn là mùa hè, hòa bình, yên ả, vô tư, con người dạo chơi trên bờ biển cùng các thần linh. 64/ Baudelaire Nước Pháp gọi ông là đức cha cuối cùng. Thánh John (Giăng) có tài hùng biện vàng ngọc đáp trả thời đại thấp kém của mình với những bài diễn thuyết lớn ở Bizánc; còn Baudelaire trả lời bằng những bài thơ tuyệt vời được đẽo gọt từ kim cương ở Paris của mình. Tất cả mọi kẻ hiện đại đều cần phải quay trở về với ông, không chỉ vì lòng kính trọng, mà bởi vì ông là kẻ làm chứng cho thời đại bằng sự xác định hành vi ứng xử của một tinh thần hiện đại. 65/ Rousseau Chúng ta cảm ơn Jean Jacques Rousseau vì một sự thật lớn và một sự lầm lẫn lớn. Sự thật lớn là: nền văn minh đã làm hỏng con người; còn một lầm lẫn lớn là: mọi nền văn minh đều cần làm hỏng con người và vì thế cần quay lại với thiên nhiên. Không. Nhân loại - như Henoch nói - bị hư hỏng bởi nền văn minh của các thiên thần nổi loạn, và thuốc chữa chạy không phải cần quay về thiên nhiên mà trước hết cần quay về với cội nguồn cổ của sự sống người. Trực giác của Rousseau tuyệt vời, nhưng ông là một nhà tư tưởng đi đánh lừa. Một tổng thể không bao giờ nhắc lại như vậy và bất tử. 66/ Francé Con người không ngớt kinh ngạc vì ông: người ta truyền nhau rằng đây cũng là một linh hồn Voltaire nữa, phủ nhận Thượng Đế, theo chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa hưởng thụ và vô thần. Trong thực tế hiếm có một nhà văn nào trong nền văn học thế giới lại mang tính chất hiền hậu (pieta) đến ngần ấy như Anatole France. Con mắt đa dạng và lối nói thô bạo của ông bị hiểu lầm rằng chỉ thích cười đùa. Nhưng hãy thử nghĩ mà xem trong thời Trung cổ, trong thời đại của niềm tin đích thực, người ta trình diễn các màn hề trong các nhà thờ; người ta đọc to các cái tên chế nhạo giữa lúc các giáo chủ diễu hành, và trêu chọc họ trên hè phố. Được phép. Tại sao? Bởi pieta là một trong những mức độ tinh thần cao nhất. Cái gì thân ái trong tim, con ngươi nâng niu, từ sự âu yếm nâng niu này là nỗi vụng dại, như đàn ông với người tình, như người bố với đứa con nhỏ. Con người chỉ chơi với ai nó yêu mến. Con người chỉ mắng bạn thân nhất của mình. Con người chỉ thích nhất cái gì nó hay chơi, cái gì nó hay mắng và nhạo. Bởi con người chỉ chú ý đến cái đó một cách thật lòng. Tác giả cuốn Tên hề của Đức Mẹ không vô thần. France cuồng tín, một ai đã từng nói. Đúng! France là một tín đồ Thiên Chúa cuồng tín thời Trung cổ. Nhưng các giáo sĩ phi tín ngưỡng không bao giờ hiểu niềm tin sâu sắc và âu yếm của ông, không bao giờ hiểu tính chất pieta thiên thần của ông, họ cho ông là vô thần. Cái France chế nhạo, cái đó ông yêu: nước Pháp (tác phẩm Đảo Pinvin), trật tự Thượng Đế (tác phẩm Thiên thần nổi loạn), nhà Chung (tác phẩm Lịch sử thời hiện tại), thế kỉ lớn (tác phẩm Thần linh khát). Ở nhiều chỗ, sách của France y như một cuốn kinh cầu nguyện. 67/ Mallarme Giữa các thi phẩm, thi ca của Mallarme giống tiếng mẹ đẻ của nhân loại nhất, thứ ngôn ngữ con người đầu tiên trên Thiên Đàng nói trước mặt Thượng Đế cùng các thiên thần. Trong âm điệu mọi thi phẩm của ông luôn luôn có một cái gì đó bất hòa nhẹ. Trong ngôn từ của Mallarme âm thanh là một với hình ảnh, hình ảnh với khái niệm, khái niệm với kí hiệu bí ẩn cổ, và vang lên trong sáng, như pha lê, giản dị, chân thật đến mức không hiểu nổi. Đặc biệt văn xuôi của Mallarme không khác gì thơ. Mọi từ ngữ đều như thể từ thơ mà ra. 68/ Rolland Giữa những thiên thần lớn của thế kỉ 20: Tolsztoj, Merezskovszkij, Rilke, ông là thiên thần thượng đẳng của sự thật, tính nhân văn, trái tim trong sạch, danh dự và ân sủng. Ông hoạt động suốt cuộc đời, không bao giờ viết về bản thân, luôn luôn chỉ viết về Người Thầy, về Beethoven, về Tolsztoij, về Ramakristina. Tác phẩm của ông: Jean Christophe và Linh hồn bị mê hoặc, thậm chí Clerambault và Colas Breugnon không là gì khác một sự tôn kính tưởng tượng (thật hơn cả hiện thực) trước các tinh thần lớn. Một nhân loại không có lương tâm gọi ông là lương tâm của châu Âu; Một thời đại không biết làm gì hơn là giương vũ khí lên gọi ông là sứ giả của hòa bình, cần phải nghe ông, và chấp nhận ngôn từ của ông. Nếu không ông đã không đến đây. SCANDINAVIA-BẮC ÂU 69/ Ibsen Ông giáo già đáng kính này đáng lẽ phải viết hài kịch. Vì chú trọng đến sự nghiêm túc đáng lẽ ông phải tạo dựng ra một dạng hài kịch nhanh trên sân khâu. Cái ông nói về con người hiện đại đã đủ khiến người ta ngượng đỏ mặt; đủ để biến mất. Hãy thử tưởng tượng tác phẩm Con vịt giời trong hình thức hài kịch hoặc nhân vật kiến trúc sư Solness như một anh hề, kẻ “ở tuổi già không bao giơ xây thêm nhà thờ nữa mà chỉ xây biệt thự”, và không dám trèo lên cái thang vì sợ chóng mặt. Đáng lẽ vở kịch Những Bóng Ma phải hài hước như vậy! Cái cười sẽ tắc lại nơi cuống họng mọi người. 70/ Strindberg Đầu tiên ông là một tín đồ Tin Lành dân tộc chủ nghĩa, sau đến là một kẻ bác bỏ Thượng Đế xã hội chủ nghĩa. Sau đó là một nhà bác học huyền học và giả kim, một tín đồ Thiên Chúa giáo, kẻ đi quyến rũ đàn bà, kẻ căm ghét phụ nữ, bạn của Nietzsche, và sau cùng ông trở lại với chính mình. Strindberg là bậc thang-Jakob của con người hiện đại. Có thể trèo lên người ông để lên trời. Ông là một Thánh Phao lô hiện đại không phải với một mà là với mười điều quay ngoắt. Ông là kẻ được sinh ra một trăm lần. 71/ Andersen Ngày nay bản nhạc đời sống tự nhiên nhất trên trái đất là tiếng đại bác hoặc tiếng máy móc rền vang. Nhưng cũng tự nhiên như vậy nếu đôi khi thế gian vang lên những âm thanh lạ lẫm khác của thơ của Mallarmé hay của Rilke. Nhưng nếu đấy là âm thanh của Andersen, nó sẽ lập tức nổi bật lên ngay. Và nổi lên một câu hỏi: cái nào bực bội hơn, tiếng máy móc ồn ào hay giọng ru của cổ tích Andersen? Chúng ta hãy đừng trở nên lãng mạn vì sẽ giả dối hóa hiện thực bằng những câu chuyện này. Hãy nói ra một cách bình thản, với đôi tay nắm chặt lại, nói một cách nghiêm nghị rằng bản nhạc đời sống của chúng ta không phải là tiếng ồn ào của máy móc. Andersen không coi một linh hồn bắt buộc trốn vào sự vô cảm là sự bù đắp của đời sống, mà coi đấy là sự sống người thật sự. Bạn sẽ luôn chạy trốn trước tiếng động và bài hát ru luôn mở rộng vòng tay đợi bạn. NƯỚC NGA 72/ Gogol Nếu ai còn phân vân không biết có phải thể loại văn châm biếm chỉ con người có tín ngưỡng sâu sắc mới viết nổi, hãy đọc Gogol. Sự căng thẳng lớn nhất vẫn có thể chịu đựng, dành cho con người chính là tính chất tôn giáo sâu sắc hướng nội và sự hài hước hướng ngoại. Điều này có thể thấy ở Sterne, France và Ansztophanes. Sự căng thẳng quấy rầy không để mọi người yên - nhưng Gogol khiến người ta mất trí. Nhà tiên tri này đi trên ranh giới của sự mất trí trong Những Linh Hồn Chết, một trộn lẫn của sự khiển trách lên án và sự hài hước khôi hài đến mất trí. 73/ Dosztojevszkij Cho đến tận ngày hôm nay câu hỏi đặt ra vẫn là, lũ ma quỷ mà Dosztojevszkij miêu tả, ông chỉ lật tẩy chúng hay bản thân ông gọi chúng đến. Nếu gọi chúng đến, ông là kẻ độc ác nhất thế gian; nếu chỉ lật tẩy chúng, ông là phù thủy lớn nhất thế gian. Nhưng ông cũng là người cho biết bằng cái gì có thể hãm phanh lũ ma quỷ. Bằng tình yêu thương, bằng sự từ bỏ, bằng sự kiên nhẫn, bằng sự khiêm nhường, bằng sự tự phủ nhận. Dosztojevszkij là một trong những nhà giả kim lớn nhất đã từng sống ở đâu đó: ông giới thiệu cho con người bản chất quỷ của đời sống người và nói cho con người biết cần phải chiến thắng quỷ như thế nào. Không thể mong muốn từ con người nhiều hơn thế. Mọi tác phẩm của ông đều quan trọng nhưng nếu cần để lại có thể bỏ Siheder (dù không đành lòng cho lắm). Những tác phẩm quan trọng: Tội ác và trừng phạt, Anh em Karamazop, Thằng ngốc, Những người nghèo, Những con quỷ, Sztjepnncsikovo và các cư dân, Ngài Goljadkin, Từ bóng tối của đô thị. 74/Tolsztoj Vấn đề của Tolsztoj như sau: trong giai đoạn cuối đời Tolsztoj Leon đã đề nghị một giải pháp rành mạch rõ ràng cho nhân loại đang khủng hoảng, một giải pháp hoàn toàn dễ dàng. Nhưng trái với điều này nhân loại đã chọn một sự nỗ lực khủng khiếp hơn và đưa đời sống vào một khủng hoảng lớn hơn nữa. Cái gì có thể xảy ra nếu chỉ cần bằng một nửa nỗ lực đó thôi (bằng nạn đói, đổ máu, hủy diệt, dịch bệnh) đã có thể thực hiện điều mà Tolsztoj nói? Rất có thể lúc đó chúng ta đã đạt tới hòa bình - đất nước của Thượng Đế. Cái gì tiếp theo từ điều này? Rằng: thay vì hòa bình có thể đạt được hết sức dễ dàng con người đã chọn sự hủy diệt, nạn đói, đổ máu, dịch bệnh, những thứ rất khó khăn mới đạt tới. Có thể nào chỉ một con người duy nhất đúng, còn toàn bộ nhân loại đã nhầm lẫn? Hãy đọc Tolsztoj, bạn sẽ biết. 75/ Merezskovszkij Thật đặc biệt cuốn tiểu thuyết hiện đại này! Từ mọi khơi gợi hết sức lão luyện của sự căng thẳng thần kinh thô bạo nhất chứa đựng tất cả: tình dục rẻ tiền, sự dạy dỗ vô đạo, đạo đức, sự tuyên truyền, chủ nghĩa đam mê. Rolland, France, Joyce và Merezskovszkij viết tiểu thuyết. Còn Merezskovszkij là ông thánh, nhà tiên tri, thiên thần, người học trò, người học trò vĩnh cửu, kẻ chưa bao giờ rời xa những tư tưởng của người Thầy. Đây là Thiên Chúa giáo Nga hoang dã, nồng cháy, vô chính phủ, ám ảnh, khép lại cùng tác giả và đạt tới đỉnh cao. Một thế kỉ kì lạ! Từ Gogol đến Merezskovszkij! Giá mà thế gian lắng nghe họ. NƯỚC ĐỨC 76/ Edda Edda có nghĩa là Bà cố. Có thể giải thích theo hai hướng những thơ cổ Đức. Một nghĩa của nó là mọi bài thơ cần thiết và sau cùng đều nói về bà mẹ Đất, bà mẹ của Đời sống, về Người Đàn Bà vĩ đại - mà Goethe trong phần hai của vở Faust nhìn thấy trong ảo ảnh Mutter vĩ đại - người mà Willendorfi Venus mô tả - về thần Demeter - ở Hungary gọi là Đức Mẹ. Nghĩa thứ hai: bản thân Bà cố là thi ca, Thơ là bà mẹ đích thực của tất cả chúng ta, là Mẹ- Logos, là giống cái mà ở Judea người ta gọi là El Ruah. Đây là Sophia của Philon và Böhme. Giữa hai ý nghĩa này ai nấy tùy thích lựa chọn và sẽ thấy cả hai đều hợp nhất làm một. 77/ Till Ulenspiegel Một nhà thơ Vlaanderen thử từ hình tượng Till Ulenspiegel đẽo gọt thành nhà đạo đức và một vị anh hùng dân tộc, nhưng chính vì vậy đã tước hết đặc tính của nhân vật dân gian này. Till Ulenspiegel thực ra là một gã vô công rồi nghề và lừa đảo, chính số phận vô nghĩa và điên rồ này biến gã thành nhân vật lớn: là vua của đội quân lang bạt kì hồ. Thật tai hại khi cố gắng đạo đức hóa và tìm nhân chứng cho nhân vật này. Bản thân nhân vật này tự làm chứng cho mình bằng những trò nhố nhăng và khôn lỏi. Nhân vật này không muốn thay đổi các quốc gia mà chỉ muốn ăn thịt ngan béo, uống rượu ngon và ngủ dưới bóng cây râm mát. 78/ Goethe Giờ đây chúng ta không thể yêu nổi Johann Wolfgang Von Goeth - ông già đa thần giáo - được nữa. Chúng ta biết ông đã rút mình ra khỏi những đau khổ của chúng ta, lạnh lùng nhìn những nhà thờ của chúng ta bốc cháy, những mảnh đổ nát còn lại của thành phố của chúng ta, chẳng hề nhỏ một giọt nước mắt cho cái chết của những người anh em của chúng ta, không hề sợ run rẩy nếu nhìn thấy những vũ khí giết người mới và ngày càng mới hơn nữa. Thế mà đôi khi thật vui sướng nếu đọc lại Faust, quá khứ thế kỉ của chúng ta, đọc lại Eckermann, hiện tại riêng của ông, và các thi phẩm của ông, như thưởng thức những khoảnh khắc trong sạch như nước cất. Rabelais như muốn khóc cùng chúng ta; Platon, Lão Tử và Milarepa cũng thế; Goethe lại không. Đây sẽ là vị trí của ông? Một trái tim kim cương mà đến cả thời khải huyền cũng không cào xước nổi? 79/ Hoffmann Ernst Theodor Amadeus Hoffmann là một diệu kì tự nhiên nhất của thế gian. Khi đọc ông sự quen thuộc như ở nhà mình khiến người ta rơi từ sừng sốt này sang sửng sốt kia, người ta chuyển động giữa những bí ẩn lớn nhất khi nhận ra những bí ẩn sâu nhất. Khi đọc xong, độc giả nói như sau: những điều này dễ hiểu một cách tự thân. Baudelais gọi ông là thần thánh. Trường học của ông? Từ một trăm năm nay mọi nhà văn đều nợ ông, Dosztojevszkij hay Powys hay Mallarmé đều thế, Nietzsche hay Rilke cũng vậy. 80/ Höderlin Những người trẻ nên đọc Hüperion, người đã trưởng thành nên đọc Empedoklesz, và người già nên đọc thơ của Höderlin. Ai đã đọc Hüpenon người đó không bao giờ đau đớn nữa, chỉ tiến thẳng lên phía trước. Ai đã đọc Empedoklesz, người đó sẽ không còn hối tiếc điều chi, và sẽ từ bỏ sự hạ đẳng một cách bình thản. Ai đã đọc thơ của ông người đó rơi vào trạng thái riêng tư của mình. Bằng trái tim trong sạch và niềm vui, Höderlin đón nhận vẻ đẹp của từng giây phút sống, nhưng trong bất cứ khoảnh khắc nào ông cũng sẵn sàng ra đi, bởi ông biết không có gì mất mát, cái chết không thể làm ngắn con người lại. 81/ Nietzsche Về cuộc Thế chiến I, người ta bảo đấy là cuộc chiến tranh-Nietzsche. Rồi người ta bảo Nietzsche là cha của khoảng thời gian sau Thế chiến I. Đến cuộc Thế chiến II. người ta cũng bảo đấy là cuộc chiến tranh Nietzsche. Đúng. Nhưng không chỉ điều này đúng. Tất cả những gì xảy ra từ đầu thế kỉ tới giờ, Nietzsche đều là cha của nó, bởi thế gian này là thế gian của Nietzsche. Có thế gian-Dante, có thế gian-Dickens, thế gian-Joyce, thế gian Böhme - có điều này bởi những kẻ vĩ đại nhất giữa chúng ta đã là các thần linh. Họ nghĩ ra các tư tưởng của chúng ta, họ đau đớn tất cả những đau đớn của chúng ta, tất cả những gì xảy ra họ đều nhìn thấy trước. Và cái gì là cái họ dạy dỗ? Cực kì giản dị, mọi sự dạy dỗ vĩ đại đều cực kì giản dị: mi hãy nhiều hơn một con người. Điều này chúng ta cần hiện thực hóa. Mi hãy nhiều hơn sự ghen tị, đê tiện, thấp hèn và tầm thường, tham lam, độc ác, tàn bạo, trộm cắp và ngu dốt. Tác phẩm nào của Nietzsche quan trọng nhất? Tất cả. Nhưng đặc biệt là Wille zur Macht (Từ di cảo) do Würzbach xuất bản. Có thể sau một trăm năm nữa nhân loại sẽ hiểu trong cuốn sách đó có cái gì. 82/ George Thi phẩm của những ngôn từ khắc vào đá. Stefan George thực ra là một nhà vua từ giống nòi của Menesz Ai Cập vĩ đại và Hoàng đế Trung Quốc. Con người hiện đại không rửa nổi sự xấu hổ của họ khi không nhận ra ông, không rước ông len ngai vang và cúi mọp dưới chân ông. George bởi thế tuyên bố một cuốn sách luật. Và kẻ nào không duy trì những luật lệ này, kẻ đó tự trừng phạt mình: sống một cuộc đời phi niềm tin và vô nghĩa. 83/ Rilke Từ vựng dùng để nói về đặc điểm thi phẩm của Rainer Maria Rilke không đủ. Cần vài ba thế hệ nữa để từ vựng của chúng ta đạt đến độ có khả năng nói về ông. Một điều đúng như vậy: cần quay lại khoảng thời gian cách đầy mười nghìn năm, để một lần nữa tìm lại được những lời xứng đáng với ông. Giờ đây, chỉ có thể nói thế này: đời sống của một kẻ lớn lao là toàn bộ sức lực bỏ ra, cống hiến cho đời một trăm dòng viết, đẹp đẽ như tiếng kèn của các thiên thần Thượng Đẳng cất lên ca ngợi Chúa. Rilke cũng là một thiên thần - người ta bảo - bởi ông minh bạch trong suốt trong các tác phẩm của mình. Có thể lắm. Nhưng các thiên thần sống giữa chúng ta không bao giờ đạt tới bản chất riêng của họ. Còn Rilke đạt tới bản chất riêng của mình. Thi phẩm Duino Elegia là tác phẩm thi ca lớn nhất thế kỉ XX. MĨ 84/ Cooper Tiểu thuyết Đôi Tất Da trong sự giản dị, nghiêm túc, trong sự hoàn hảo tự nhiên và đúng sự thật chỉ có thể so sánh với những cuốn sách Trung Hoa lớn, và đặc biệt có thể so sánh với Homeros. Nếu Cooper theo đạo đức Thanh giáo, thế gian có thể tạo dựng một Sparta hiện đại lớn lao. Đôi Tất Da là một cuốn sách luật, trường ca và đạo đức, một bài ca tiên phong dành cho các thế hệ Mĩ. Là thứ ngày hôm nay vẫn còn đúng trong cái thế gian của những tòa nhà cao chọc trời, đấy là di sản của Cooper. 85/ Mark Twain Một nhân vật choai choai của văn học thế giới. Cậu bé này có họ hàng với: Villon, Till Ulenspiegel và Hámun. Cậu ta không quấy rầy ai, và điều luôn luôn trên môi cậu là điều luôn luôn có trong trái tim. Bởi vậy tác giả đã viết cho cậu những cuốn sách tuổi thiếu niên đẹp nhất: Ăn mày và Hoàng tử, Tom Sawyer và Huckleberry Finn. 86/ Thoreau Ông đã giải nghĩa Rousseau và trái tim của mình đúng đắn: không cần quay lại với thiên nhiên mà quay về với sự giản dị và cội nguồn cổ. Ông trốn khỏi đám đông, dựng một xóm nhỏ trong rừng, tự cất nhà, cày, gieo trồng, khâu lấy giày, vắt sữa bò và chặt củi. Cuốn sách này như thể giữa các thành phố lớn của thế gian một người dựng lên một túp lều, đốt nến làm bằng mỡ lợn và mặc trang phục bằng da thú - sáng sáng cầu nguyện. Đây là đạo: một đời sống thánh hóa thanh bình trong buổi ban đầu của mọi bình minh. 87/ Emerson Trong toàn bộ tác phẩm của Emerson không có lấy một âm thanh giả dối duy nhất, một sự cường điệu duy nhất, một phi hiện thực duy nhất. Thuần túy vàng ròng. Thuần túy hiện thực: một cuốn sách của ý nghĩa đích thực và trái tim đích thực. 88/ Whitman Kì diệu là cái không biết trước, nhưng trong mọi hệ quả của nó cũng không thể tính toán trước. Sự kì diệu như vậy nằm ở cuối thế kỉ XIX, khi văn học hoàn toàn trở thành cái phi kì diệu, - khi thi ca thuần- túy chỉ là một câu chuyện trần trụi, là sự tiếp diễn của một cái gì đó, và lúc đó Walt Witman thật đúng là một điều kì diệu. Và Witman vẫn tiếp tục còn lại như một điều kì diệu. Đúng hơn cả, ông giống những người Trung Hoa sống trước ông ba nghìn năm, những người ông chưa bao giờ biết về họ. Witman nói như thể, ngôn ngữ là thứ ông tìm ra. ANH 89/ Mabinogion Mabinogion thực ra không phải là một tuyển tập thơ của các dân tộc xưa kia sống trên hòn đảo nước Anh, mà là một kỉ vật lịch sử của truyền thống tinh thần vĩ đại. Truyền thống này được thể hiện trong Các câu chuyện Canterbury đúng như cách thức ở Shakespeare, Sterne, Keats. Trong sâu thẳm linh hồn thực tế vĩ đại của dân tộc Anh là một hiện thực đích thực: thế giới của các truyện cổ tích, thần tiên, các giấc mộng, các phép thuật, các bóng ma. Còn nữa. Trong từng mẩu Mabinogion đều có một trò chơi hơi giả dối và điên rồ nào đấy. Đấy là cội nguồn cổ của hài hước kiểu Anh, là thế giới thần tiên và của thể loại hài kịch nhẹ nhàng, bông lơn. Đây là một bí ẩn lớn nhất của linh hồn con người: sự hài hước. 90/ Shakespeare Trong những năm đầu của thời hiện đại Byron nói lịch sử nhân loại đã đến lúc phải lựa chọn giữa Shakespeare và xà phòng. Nhân loại đã lựa chọn xà phòng. Tác động của sự lựa chọn này từ bấy đến nay càng bộc lộ rõ bằng ảnh hưởng ngày càng lớn và các hậu quả của nó. Shakespeare là sự xuất hiện hoàn toàn, duy nhất của tổng thể người châu Âu, và bằng điều này không phải người ta không chọn ông mà người ta phủ nhận những người châu Âu chân chính. Một sự phản bội hiện đại. Ông là hình ảnh tượng trưng: “những đam mê nôn thốc tháo trên biển thiếu một tay lái” - như Joyce nói về ông. Ông là một người da trắng. 91/ Defoe Phần nhiều chất thơ nhất của Robinson Crusoe là những ghi chép về các đồ vật vớt được từ con tàu bị đắm. Bản thảo này lớn hơn cả một đội quân của Hias, hoặc Aeneis hoặc danh sách những người anh hùng của Mahabharata, nơi các anh hùng chiến tranh đi qua. Đây là đội quân vũ trụ hòa bình của những người bạn đường của chúng ta: muối, búa, giày, bật lửa, cốc, thìa dĩa, bánh mì, gạo. Ai đọc Robinson một cách đúng đắn, sẽ cảm thấy toàn bộ thi phẩm này đáng sánh vai với Homeros. 92/ Swift Cuốn sách cay đắng nhất của văn học thế giới, nỗi đau khổ vô bờ bến của một linh hồn chân chính bị xúc phạm đến tận xương bởi loài giống người thấp kém, vô đạo, ngu xuẩn khôn lỏi, và sự tầm thường định mệnh của nhân loại này làm đau đớn đến mức không thể tha thứ mà chỉ còn nguyền rủa. Platon muốn xây dựng một cộng đồng lí tưởng, Merezskovszkij và Tolsztoj tin vào viễn cảnh của đất nước Thượng Đế. Còn Wift làm thức tỉnh. Như thế nào? - ông hỏi. Bằng cộng đồng lí tưởng? Bằng đất nước của Thượng Đế? Bằng nhân loại này? 93/ Sterne Cuốn sách lớn của Laurence Steme - Tristram Shandy - người ta gọi là tiểu thuyết, nhưng tất nhiên không phải tiểu thuyết, cũng như không phải hồi kí, truyện lịch sử, biếm họa, thi ca hay kịch. Chắc một lần cần nghiêm túc xem xét kĩ vậy đấy là cái gì, không theo thể loại mà theo bản chất, cái mà Steme đã viết và là cái có ở Rabelais, Cervantes, France và Joyce. Biết đâu một thiên thần lớn bị bỏ quên có tên Thiên Thần Cười sẽ lên tiếng, một kẻ vô danh đến nỗi những cuốn sách cổ xưa cũng quên mất hắn. Và rất có thể trong tác phẩm Tristram Shandy của Sterner hắn là kẻ biết cười một cách trong sáng nhất? 94/ Wordsworth Từ William Wordsworth bắt đầu có con người hiện đại, kẻ phức tạp, bất lực với sự đa dạng riêng của mình, kẻ bị hành hạ bởi những mâu thuẫn trái ngược khủng khiếp, kẻ đánh mất mình trong những mâu thuẫn tự thân, kẻ tranh đấu vì từng mẩu vụn niềm vui. Về sự giàu có đa dạng, các mâu thuẫn, sự bất lực, cùng khát vọng niềm vui bất khả chiến bại cùng lúc không ai có thể viết hay hơn ông. Wordsworth là cha đẻ của thi ca hiện đại, nhưng cũng là cha của con người hiện đại nữa, kẻ mà lịch sử thế giới chứng minh hộ cho chúng ta, kẻ tạo dựng vị trí của chúng ta trên thế gian. Thi phẩm của ông giống như tiếng hát của Siren mà kẻ nào nghe thấy còn ham muốn hơn cả đời sống của nó. 95/ Keats Trong ông không có chút gì thuộc con người, vật chất, không có chút vết nhơ, sự giả dối. Ông là nhà thơ. Trước và sau ông không ai xứng hơn bên cạnh một cái tên như thế. Sức quyến rũ của thi phẩm ông bí mật. Không thể biết trong đó cái gì là cái quyến rũ, bất khả chiến bại, vô tận và vô hạn. Từ khi đọc Keats chúng ta không còn ca thán nhiều đến thế nữa về sự thất lạc các vần thơ của Orpheus. 96/ Shelley Người cùng thời nói ông là kẻ bị điên và gần như độc ác. Họ sẵn lòng khóa ông vào nhà tù, nhưng để có thể đến đó và nghe ông nói - như cái cách con người từ phòng bên cạnh nghe chim oanh và chim họa mi bị nhốt trong lồng hót. Con người không cưỡng lại nổi những ngôn từ cháy rực, những nhịp điệu đam mê của ông. Con người mang những kỉ niệm về những lời thơ này vào giường và ngủ cùng nó. Họ mơ những giấc mơ đẹp. Người tiền nhiệm thật sự của ông là Thánh Ágoston, người kế nhiệm thật sự của ông là Romain Rolland. Ông là một nhà cách mạng tôn giáo, một nhà cách mạng chân chính duy nhất. 97/ Dickens Có một người một lần đặt đối lập Szophokles với Dickens, nhưng không nói tại sao lại làm như thế. Có thể họ làm thế vì Szophokles là người không bao giờ tha thứ một điều gì trong đời, còn Dickens tha thứ tất cả. Bởi vì có cái để tha thứ. Ông không sống khác chúng ta, ông cũng đau khổ trong bóng tối, cũng vật vờ trên các ngọn sóng. Tâm trạng của Dickens: hòa bình với cái khó nhất. Ông cúi đầu trước những gì không chịu đựng nổi và mỉm cười. Nụ cười có nghĩa rằng: tôi không từ bỏ cái gì. 98/ Swinburne Một thế gian nếu thiếu thi phẩm của Swinburne sẽ như một thế gian thiếu hoa và thiếu nhạc. Cái gì ông chìa tay đưa, cái đó thành hương thơm, nhịp điệu, sự mơ màng dịu ngọt, điệu nhảy, hòa bình và sự hài hòa. Có loại thi phẩm tầm thường (poetry) và loại siêu thi phẩm (superpoetry). Charles Algernon Swinburne là bậc thầy của loại thi phẩm siêu nhiên. Bất kể, cái gì con người đọc từ ông, bởi sự tiếp xúc ông là quan trọng, đều là sự tiếp xúc mầu nhiệm của hoa hồng, để từ phép mầu ngây ngất tất cả cùng lúc trở thành cái đẹp. 99/ Joyce Joyce đã cứu một người giữ thư viện khỏi một sự hỗn loạn lớn. Thay vì, cần năm mươi nhà văn của thế kỉ XX viết về bản chất thế kỉ cho đầy đủ, chỉ cần một mình Joyce là đủ. Đúng là trường ca Ulysses và Finnegan khác hẳn nhau như thể tác phẩm đầu do người ông viết, tác phẩm sau do người cháu viết. Nhưng ở Joyce, giống như ở nhiều nhà văn lớn, có thể gặp luôn cả ba thế hệ. Giờ đây ông viết như những người vĩ đại nhất viết sau một trăm năm nữa. Ulysses ngày nay là một tác phẩm dễ đọc. Để hiểu không có gì là khó. Còn Finnegan như một loại thuốc độc mạnh. Nếu ai uống nhiều có thể trở nên ngớ ngẩn, nhưng nếu chỉ uống mười giọt thôi lại có thể chữa khỏi bệnh u sầu chết người. Trong giây lát. Ngoài ra Joyce là một sự kì diệu của viết - ông là Demoszthenes của các nhà văn. Demoszthenes nói lắp và run rẩy, nhưng đã biết biến mình trở thành nhà hùng biện lớn nhất Athén. Joyce cũng nói lắp như thế. Ông không biết viết. Nhưng bằng kỉ luật tự thân ông trở thành kẻ có phong cách viết lớn nhất thế kỉ. Bởi thật phi lí, một kẻ bắt đầu khởi hành bằng một sự đơn giản như thế lại có thể trở thành một bậc thầy lão luyện trong viết như thế. 100/ Powys Phần lớn các nhà văn và nhà thơ độc diễn trên một loại nhạc cụ, kể cả các nghệ sĩ nhiều tài năng như Dante hoặc Shakespeare. Những tác phẩm chứa bốn năm âm điệu chúng ta hiếm khi gặp. Nhưng trong tác phẩm của John Cowper Powys là cả một dàn nhạc hòa tấu: bản giao hưởng đa âm sắc ngây ngất này lúc đầu làm con người đờ đẫn, sau đó hồi tỉnh và cuối cùng trở nên không thể thiếu được với họ. Cho dù người ta đọc tác phẩm Wolf Solent hoặc tác phẩm còn lớn hơn nữa Glastonbury Románc giữa các pho tiểu thuyết, hoặc đọc các công trình nghiên cưu của ông như Sénuality, Art of Happiness, Pleasures đều ăm ắp ngôn từ ngân vang và réo gọi. Powys học viết từ biển. Cả tổng thể của con người phát ra từ biển, mọi đặc tính người, tài năng, cơ thể, khả năng, lỗi lầm, tội lỗi, toàn bộ tinh thần, nỗi ám ảnh, cội nguồn, hậu duệ, thiên thần và ma quỷ của con người. NIỀM CẢM HỨNG 1. Con người nhận được những cuốn sách thiêng trên con đường thể hiện nó. Như mọi khái niệm cơ bản của truyền thống, khái niệm Lời Tuyên Bố cũng trở thành nạn nhân của các giáo phái hoặc của chủ nghĩa duy lí, vì thế cũng trở thành nạn nhân của trí tưởng tượng hoặc sự phủ nhận. Nếu truyền thống bị đứt, hai nghĩa của khái niệm Lời Tuyên Bố luôn luôn bị sự vô luật xâm nhập, đấy là tính chất cường điệu hóa hoặc nhỏ nhen hóa, đấy là chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể trong cộng đồng, là sự hời hợt bề ngoài và sự bỉ ổi trong đạo đức. Khi thiếu chuẩn mực: không có luật, không có trật tự cộng đồng, không có đạo đức và không có tri thức. Với một kẻ đứng ngoài truyền thống, để hiểu sự nhạy cảm đối với Lời Tuyên Bố như một trạng thái sống động của truyền thống vừa dễ lại vừa khó. Dễ, bởi trong việc: một ai đấy dự phần vào sự thể hiện, không có gì siêu phàm. “Ta đã hiểu - một nhà thông thái Trung Hoa nói - trên con đường lớn không có gì bí ẩn”. Nhưng khó, bởi trong tự nhiên đạt tới sự thể hiện cần một nỗ lực gắng sức phi thường. Nói chung sự thể hiện khó không phải nó bất thường mà vì cần phải tranh đấu. Lời Tuyên Bố dành cho kẻ tạo dựng mối quan hệ với các vòng siêu nhiên của sự sống. Mối quan hệ được tạo dựng phần lớn là kết quả của một thực hành dài lâu. Trong mọi trường hợp đó là một trạng thái đòi hỏi sự toàn tâm toàn ý của con người khi hòa vào sự Đồng Điệu một cách có ý thức với các vòng siêu nhiên. Nhưng nó không phải là trực giác, không là cảm hứng, cũng không phải một ánh chớp vụt qua, bởi vì dù có quan hệ họ hàng với tất cả những điều này, nhưng sự đồng điệu không vô luật, không nông nổi và không ngẫu hứng. Trong sự đồng điệu con người không đánh mất nhận thức mà trái lại. Cơ cấu tri thức của con người không bị lỏng lẻo, trình độ không bị hạ thấp mà con người thực ra trở nên cứng rắn hơn và được nâng lên cao hơn. Cần phải gọi là sự đồng điệu bởi vì trong âm thanh, quyền lực siêu nhiên tác động đến tạo dựng thiên nhiên. Bởi vậy âm nhạc có ý nghĩa lớn trong mọi truyền thống. Bởi vậy từ Trung Quốc, qua Judea (xứ Giu đê) đến tận Mexico kẻ dự phần vào Lời Tuyên Bố được coi như kẻ được truyền cho chứ không phải kẻ thấy. Và bởi vậy sức mạnh thật sự của truyền thống đã chấm dứt trong thời kì người ta bắt đầu biết viết lại những lời dạy dỗ, bởi vì bản chất của sự dạy dỗ là truyền qua âm thanh sống. Nhìn là bộ phận của không gian và chỉ lan truyền đến giới hạn của không gian. Nghe là của thời gian, và có thể nghe vượt thời gian. Cái con người thấy chỉ là các lớp phủ, như kinh Kabbala từng nói, là vỏ ngoài của sự vật: còn cái vang lên, vô hình. Nếu ai đó nói rằng sự đồng điệu của Lời Tuyên Bố là các mức độ của nhập định Brahman, nếu đúng vậy, con người không biết nhiều hơn. Về sự đồng điệu Gúenon cho rằng đấy là état primordial (nền tảng cơ bản), hay đấy là trạng thái của con người trong buổi bình minh của mọi cái đầu tiên. Đấy là sự nhạy cảm, để ngỏ về hướng siêu nhiên. Đấy là nền tảng cơ bản. Nhưng đừng để nhầm lẫn, cần nói ngay, đây cũng là trạng thái cuối cùng của con người trong MỘT, và hai điều này có quan hệ với nhau như cái đầu tiên và cái cuối cùng, là bản năng khởi hành và mục đích, là thiên đường và Jeruzsálem Mới, là vườn và thành phố, là thời hoàng kim và chân phúc. Trở thành trẻ sơ sinh và trở thành nhà thông thái là như nhau - theo Lão Tử. Nhưng cũng cần nói thêm sự đồng điệu không chỉ đạt được trong buổi ban đầu và cuối cùng của mọi thời gian. Nền tảng cơ bản có trong tất cả mọi người, trong tất cả mọi giây phút, tại nơi đây. Nền tảng cơ bản có thể hiện thực hóa trong bất kì khoảnh khắc nào. Trang Tử coi thường kẻ bám vào quá khứ, nhưng cũng coi thường kẻ chỉ hào hứng với tương lai. Việc hiện thực hóa nền tảng cơ bản không phụ thuộc vào thời đại. Đạo luôn luôn có ở thời hiện tại. Điều kiện của sự đồng điệu là tâm trạng phẳng như gương rất khó đạt tới, ở Trung Quốc cũng như ở Ấn Độ gọi là vidja (sự tỉnh táo), còn sự bất ổn của một đời sống hư hoại tản mạn gọi là avidya¯ (sự mê muội - vô minh). Trong trạng thái mê muội không thể hiện thực hóa nổi sự đồng điệu. Trong nhiễu nhương của vòng quay tròn bất ổn tản mạn - samsa¯ra luân hồi con người không thể đạt tới bất cứ một trạng thái tinh thần cao cả nào. Trọng tâm của con người trong vòng quay tròn đó cũng không phải là bản chất đích thực của sự sống mà chỉ là một hạt mầm nảy sinh từ một quá trình sinh học, tâm lí học và xã hội học hoặc từ các chất cặn hóa học, hạt này biến đổi không ngừng nhưng tan vỡ trong cái chết, bởi vì sau cùng nó không là gì khác ngoài một trạng thái thèm khát đời sống tập trung lại. Đạo Phật dạy rằng, cái Tôi con người hình thành từ các dục vọng từng trải và đậm đặc hóa từ các bản năng, các khát vọng và các thèm muốn, là cái bám chặt lấy thế gian một cách điên rồ, luôn luôn quay trở lại đầu thai bắt buộc vào thân xác trong nỗi khát muốn uống hết biển đời sống, khi con người ngày càng khát và càng trở nên khát hơn. Như thể đây là một điều ích kỉ bởi mọi khoái cảm và sự háo hức cuốn con người vào nó. Nhưng trong sự ích kỉ vẫn cứ có một cái gì đó chung thủy thảm hại, tia lửa của tình yêu thương mất trí với bản thân. Thèm khát sống không là gì khác ngoài một bản năng quá gắn liền với bản thân để hút vào bản thân đến giọt cuối cùng của đời sống một cách tham lam. Bản năng này được Orpheusz, muộn hơn linh mục Maximus Confessor đặt tên là pathe. Ở Ấn Độ gọi là kàma, Böhme gọi là Gier. Đây là thực thể thèm khát đời sống mà Vedanta gọi là j¯iva. Gần đây người ta thử giải thích sự bất ổn tản mạn này theo tâm lí học, đặt tên nó là extraversion (hướng ngoại), trái ngược với introversio (hướng nội), nhưng sau đó khi lí thuyết này tỏ ra quá ấu trĩ, người ta đưa nó vào trung điểm thành centroversio. Nền tảng của lí thuyết này sai lầm. Hướng ngoại không có nghĩa là sự bồn chồn, tản mạn ra thế giới bên ngoài, và hướng nội không có nghĩa là sự bình yên và tập trung. Thực thể người quay đều đặn vào trong và ra ngoài, hướng về trọng tâm, về ánh sáng, vào sự tối tăm và ra ngoài trọng tâm. Một dương, một âm, một nhân. Con người quay về hướng nào không quan trọng, mà quan trọng là sự thèm khát sống ngự trị nó hay nó ngự trị trên nỗi thèm khát sống. Như trong mọi trường hợp, lối tư duy duy lí không biết gì hơn ngoài tạo ra các loại tính cách khác biệt nhau, cùng lắm giữa các cực đoan tạo ra một khả năng cân bằng nào đấy. Trong truyền thống, j¯iva - loại người bất ổn tản mạn trong sự thèm khát sống không là thực thể nào khác ngoài chính là a¯tman, trạng thái tỉnh táo và bằng phẳng như gương. Hai mặt này không bài trừ lẫn nhau. Giữa J¯iva và Atman có sự khác biệt về mức độ. J¯iva là một con người trong sự hào nhoáng đa màu sắc của thế gian, không biết làm gì hơn ngoài việc chấp nhận tất cả những gì đưa lại cho số phận nó một cách mù quáng, đờ đẫn mê muội trong phù hoa của ảo ảnh cuộc đời, và nó mù quáng hưởng thụ, lãng phí tài sản tinh thần. Atman là con người biết hãm phanh sự thèm khát đời sống, dập tắt những quyến rũ trọng tâm (pathe, kàma) và biết rằng sức quyến rũ của thế gian ảo ảnh sẽ mất nếu biết sử dụng các mức độ cao hơn của sự sống. Siêu hình học Ấ Độ cho rằng con người trong trạng thái rơi tự do trên thế gian sẽ biến thành kẻ mộng du đờ đẫn lang thang (avidjd) nhưng rồi nó sẽ thức tỉnh (vidja). Trở nên đồng điệu với Lời Tuyên Bố chỉ có nghĩa như sau: thực hiện nền tảng cơ bản, như trở thành đứa trẻ sơ sinh thông thái, nghĩa là trở nên tỉnh táo, tắt nỗi thèm khát sống, bước ra khỏi vòng luân hồi, chấm dứt sự thèm khát. Đây là trạng thái để hiểu thì dễ, bởi trong nó không có gì là siêu nhiên: “Trên con đường lớn không có gì bí hiểm”. Nhưng đây cũng là trạng thái khó đạt bởi đạt tới nó đòi hỏi một nỗ lực tinh thần lớn nhất. 2. Vì Lời Tuyên Bố là bản án không điều kiện trên đầu con người, nên cần hiểu con người có thể đạt tới cái gì chính là điều quan trọng nhất. Cái xảy ra trong thế giới tự nhiên không là gì cả. Nhưng ngay cả điều này nếu muốn hiểu ta sẽ thấy đây là một dạng hình đã bị tha hóa ít nhiều so với dạng hình gốc, bởi hình ảnh cổ đúng, trong nó thể hiện cái vô hình: sự nhận thức. Con người chỉ có thể biết về toàn bộ hiện thực bằng con đường nhận ra (cái gọi là) “Lời Tuyên Bố - sự thể hiện”. Rằng: không có cái gì ngẫu nhiên, chẳng có sự bắt buộc, cũng không hề có đức tin xấu cố ý, như người ta thường nói bị giới giáo sĩ đánh lừa. Bằng chứng nằm ngay trong nhân tố, rằng con người luôn luôn thừa nhận giá trị của lời tuyên bố trên đầu họ và những kẻ chối bỏ nó trong cá nhân lẫn trong mọi thời đại đều là những kẻ vô giá trị. Rõ ràng có thể thấy ngay lập tức, con người nhận được Lời Tuyên Bố từ vòng siêu nhiên. Và rõ ràng cũng có thể thấy ngay lập tức, những ai sống trong sự bất ổn, đầy vọng mộng không có khả năng chấp nhận Lời Tuyên Bố từ những vòng siêu nhiên cấp cao hơn. Sự đói khát, thèm khát và sự đồng điệu luôn bài trừ lẫn nhau. Nhưng hãy cần vô cùng thận trọng. Mọi khái niệm của chúng ta đều là nghịch lí. Không gì dễ hơn việc nhầm lẫn trong đời sống. Và cách thức nhầm lẫn phổ biến nhất chính là sự rối loạn của ngôn từ. Böhme đặt tên cho Tinh Thần Thiêng là heilige Gier, nghĩa là sự thèm khát ma thuật. Đời sống không có nếu thiếu nỗi thèm khát, không có kinh tế, không có sự rạng ngời cùng niềm vui. Nhưng cũng không có sự thèm khát nếu thiếu khát vọng về những gì cao hơn, khát vọng khiến con người coi thường những thứ thấp hơn và khao khát thực hiện những điều cao cả hơn. Thứ trạng thái Gúenon gọi là état primordial chính là: nền tảng cơ bản. Đây là trạng thái gốc của nhân loại và chắc chắn có họ hàng với sự đồng điệu hòa hợp cùng Lời Tuyên Bố. Khi con người nghe thấy Lời Tuyên Bố, Gúenon viết, là lúc nó dự phần với sự kết nối giữa Trời và Đất, ở dưới nghe thấy ở trên nói gì. Đây là trạng thái bình thường của con người. Đây là sự tỉnh táo, sự tỉnh thức (vidja). Kẻ mộng du không là ai khác ngoài vẫn là con người đó, vì sống trong một sự tỉnh táo đã suy thoái nên nó không nghe thấy Lời Tuyên Bố. Trong trạng thái mộng du, nền tảng cơ bản không mất đi mà chỉ vì nhận thức của con người suy giảm nên con người không nhận ra nó. Tìm sự tỉnh táo, thức tỉnh không phải là vấn đề của học hành sách vở. Trong thế giới hiện đại ngày nay không có những bước đi phù hợp để tìm thấy sự tỉnh thức. Ngày nay người ta chỉ biết học, cùng lắm biết đến sự giáo dục. Nhập định không là gì khác ngoài việc bình thường hóa ý thức đã bị suy thoái của sự tỉnh táo, tỉnh thức. Là cách thức hiện thực hóa nền tảng cơ bản trong mọi con người, mọi thời đại. Là việc chấn chỉnh lại sự thoái hóa, hay dùng từ khác là cách hiện thực hóa lại trạng thái nguyên sơ. Đây là điều trong thời hiện đại người ta đã quên mất, chỉ vì không thực hiện nổi. Sự thay đổi cơ cấu ý thức không phụ thuộc vào kiến thức và học hành. Thu thập kiến thức và học hành chỉ cần đến tài năng, và bằng tài năng chỉ dẫn đến một cá nhân ngoại lệ. Kiến thức thực chất không dẫn đến bất kì đâu dù kiến thức lớn đến mấy, thậm chí kiến thức càng lớn sự hiểu biết càng ít. Bởi vậy có thể có những kẻ mang một số lượng kiến thức khổng lồ nhưng vẫn là một con người hạ đẳng, số lượng và chất lượng kiến thức lớn đến đâu cũng không có tác dụng chuyển đổi ý thức. Sự hiện thực hóa thực ra giống như đạo đức, bởi vì một kẻ muốn sống một đời sống có đạo đức không cần kiến thức mà cần sự quyết định. Kiến thức mang tính chất ngoại lệ và cá nhân, còn đạo đức mang tính chất tổng quát và bắt buộc cho tất cả mọi người. Những văn bản của truyền thống điều chỉnh từng bước ý thức bị hư hoại từ mọi sự truyền bá kiến thức đủ các thể loại và đánh thức con người khỏi tình trạng mộng du, để đưa họ đến một quá trình chuyển hóa như thế nào đấy. Đạo Đức Kinh và Trang Tử đưa con người đến quá trình chuyển hóa này, ở người Hi Lạp là Orfika, ở người Do Thái là Kabbala, ở người Arập là Sufi, nhưng trước hết và cao nhất là yoga Ấn Độ. Đây là sự thanh toán từ từ những rối loạn bất an một cách có phương pháp và là sự ngăn chặn những biến đổi tư tưởng (citta-vrtti-nirodha). Đây là sự trấn an các xúc cảm và các hành động. Để giữ linh hồn trong tĩnh tại. Như Đạo đã dạy, tâm trí cần như mặt hồ phẳng lặng, để có thể đọc một cách rõ ràng những chỉ dẫn của sự sống siêu nhiên từ trên cao. Đây là thứ mà con người không thể đạt tới bằng học tập, bằng kiến thức và bằng sự giáo dục. Đây là thứ không cần đến tài năng, là thứ ai cũng có thể đạt tới, bởi trong mỗi con người đều gìn giữ một nền tảng cơ bản và một ý chí để thực hiện nó, nhưng cũng là thứ dễ bị lu mờ và bị phá vỡ nhất, dễ lung lay và dễ rối loạn nhất. Patandzsali cho rằng bước đầu tiên chính là kỉ luật đạo đức. Không làm hại ai, không nói dối, không ăn cắp, không chống lại các nguyên lí, không tích lũy. Đây là sự trong sạch, sự thỏa mãn, sự hiến dâng, sự chuyên cần đọc sách thánh hiền, sự phục vụ thánh thần. Cùng với những điều này một tư thế ngồi đúng, sự điều chỉnh hơi thở đúng, sự dập tắt các xúc cảm bản năng, sự tập trung tư tưởng, trạng thái thiền định giúp con người đi về hướng thực hiện nền tảng cơ bản. Nếu không thực hành những điều trên, việc thực hiện nền tảng cơ bản là không thể. Mọi tia cảm hứng bất chợt lóe lên đều bấp bênh, không chắc chắn. Kẻ trở nên vững chãi - Yoga-sutra tuyên bố - là kẻ thực hành không ngừng nghỉ và có phương pháp. Chấn chỉnh lại cơ cấu ý thức thể hiện bằng ngôn từ không khó. Quá trình bình thường hóa này không là gì khác ngoài việc tôi là người cầm lái, điều chỉnh những nỗi thèm khát đời sống (pathé, kàma, Gier) đang bức bách ngự trị trên đầu tôi. Hoặc sự thèm khát đời sống (trsna¯) ra lệnh cho tôi hoặc tôi ra lệnh cho nó. Nếu để nỗi thèm khát đời sống ngự trị trên tôi, tôi cần phải làm những điều bản năng hoang dã đòi hỏi, tôi cần vội vã và bấu víu, bởi dù chỉ trong một khoảnh khắc nhưng nó đòi hỏi rất nhiều thứ, tôi cần bị bấn loạn, bởi lúc nào cũng chỉ là khao khát, vọng ước và đam mê, tôi cần luôn luôn vội vã để đừng bỏ qua bất cứ cái gì, cần tích góp, lo lắng, cần hù họa, sợ đói, sợ khát sau những tham vọng về mục tiêu, quyền hành, danh hư, đời sống sung túc và sự nhàn hạ, những thứ mà bản năng của tôi ngốn ngấu. Nhưng nếu tôi ra lệnh, vẫn sự thèm khát đó sẽ giúp tôi bằng sức mạnh của nó mở ra tất cả các ổ khóa, phô bày mọi bí ẩn giấu giếm và cho tôi khả năng và đạt tới khả năng hiểu chúng ở mức độ cao nhất. Bởi vậy theo Böhme, sự thèm khát là sự chỉ dẫn liên tục của Tinh Thần Thiêng. Chuyển đổi cơ cấu ý thức cũng là một vấn đề cấu trúc. Bởi vì một quyền lực có quy tắc sẽ trực tiếp ngự trị trên sự hỗn loạn. Truyền thống Orpheus Hi Lạp dựa trên nền tảng này. Đây là nguyên lí chính của nghệ thuật. Đây là ý nghĩa của cái Đẹp. Là thế gian mà cái tiếp theo của nó, như Solovjev tuyên bố là vấn đề tạo dựng tác phẩm. Trật tự, tỉ lệ và tư tưởng của mức độ chỉ đạo sự tạo dựng này. 3. Hiện thực hóa sự tỉnh táo là một quá trình kĩ thuật. Một quá trình: kĩ thuật-niềm cảm hứng. Cảm hứng (ekstazis) chỉ có nghĩa chừng này: ở ngoài. Con người ở ngoài sự rối loạn bất an, và bước ra khỏi cái TÔI vón lại thành tảng khó tháo những hợp chất hóa học cặn bã, thứ chồng chất sau nhiều lần luân hồi và chiếm mất vị trí của cái TÔI đích thực trong con người. Đây là sự tồn tại bên ngoài trạng thái vật vờ và vòng quay tròn vô nghĩa của thế giới bên ngoài. Hướng của niềm cảm hứng không đi theo vòng quay tròn tự nhiên mà vuông góc với đời sống. Trong vòng quay cao hơn của đời sống thực ra luôn luôn mang tính chất cảm hứng, thăng hoa, là chất liệu để sáng tạo nghệ thuật, là tư tưởng, là việc trải qua niềm vui tạo dựng tác phẩm, là việc đọc, là sự học tập, là tình yêu, sự chiêm ngưỡng, là âm nhạc, vũ điệu, là sự hành hương, là lời cầu nguyện. Trạng thái mê man-vô minh sở dĩ có vì đời sống người cho con người ít cảm giác thăng hoa hơn mong muốn của nó. Trạng thái vô minh là trạng thái đứng ngoài sự việc một cách nhân tạo trong khan hiếm tất nhiên của cảm giác thăng hoa. Có một hành vi uống mang tính chất ma thuật: uống rượu. Bởi vậy Dionü sos của Orfika là thần cảm hứng, là vị thần của rượu. Nhưng với rượu con người không muốn gì hết, chỉ muốn tận hưởng hết đời sống, bởi vậy chỉ còn lại ấn tượng. Và điều này không liên quan gì đến sự nhập định, bởi nó không phải niềm cảm hứng, sự thăng hoa mà chỉ là sự đờ đẫn. Kĩ thuật-cảm hứng cổ khiến đời sống trở nên có ý thức hóa trong mọi chặng đường của đời sống, thường xuyên hóa các mức độ tiếp cận cao hơn và trong bất kì khoảnh khắc nào cũng có thể đạt tới và hiện thực hóa được mức độ này. Trong cảm giác thăng hoa đơn thuần (ví dụ uống rượu) con người đúng là đã đánh mất cái TÔI của nó, nhưng khi cảm giác “bên ngoài” này qua đi, nó lại rơi xuống đúng vị trí nó đã từng đứng. Không hơn. Còn trong niềm cảm hứng của sự nhập định, cảm giác “bên ngoài bản thân” có nghĩa là con người bước ra khỏi cái Tôi đời sống (J¯iva) và hiện thực hóa cái Tôi cao hơn (Àtma) và cũng đúng y hệt ở mức độ ấy. Yoga Patandzsal là một kĩ thuật-cảm hứng cũng giống y như Đạo hoặc Sufi hoặc Kabbala. Trạng thái thăng hoa của đời sống không mong ước gì khác ngoài cảm giác bay bổng tự do thử làm mất đi cái Tôi đời sống. Còn niềm cảm hứng của yoga, Sufi và Orfika muốn tạo sự thống nhất đồng thời giữa việc đánh mất cái Tôi và hiện thực hóa một cái Tôi cao hơn. Từ “Yoga” thực chất mang ý nghĩa: sự hợp nhất, giống như từ henosis của Hi Lạp và jihud của Do Thái, ittihad của Arập. Orpheus dạy rằng thế giới của Eros (Tình Yêu) ra đời đầu tiên (eros protogonos). Trong buổi tạo dựng ban đầu Bros đứng đó, duy trì tất cả trong sự cân bằng và sự thống nhất và kết nối lại những gì bị rải rắc đi, đối địch nhau, và dẫn dắt mọi người quay trở lại với nhau. Eros là thần hộ mệnh của tất cả, là điểm trái ngược lớn nhất, là con trai của Trời và Đất. Eros, ngày nay như người ta nói, là nguyên lí cơ bản mang tính chất vũ trụ học, vật lí học, nhân chủng học và xã hội học. Cái người Hi Lạp gọi là chủ nghĩa enthusiasmos - niềm cảm hứng ngoài bản thân mình - chỉ có nghĩa như sau: cảm hứng tính dục nhất quán bùng nổ trong con người và làm con người gắn chặt nó vào đó. Sự thể hiện của niềm cảm hứng này là vũ điệu, thi phẩm và âm nhạc. Ở nơi nào có nghệ thuật, nơi đó có sự phổ quát Thượng Đế (epiphanià), giống như trong điêu khắc, trong kiến trúc, trong hội họa và trong những nơi chứa đựng một trật tự và một tỉ lệ, mức độ, luật, giống như trong một đạo đức thấm nhuần, trong một xã hội trật tự hóa, trong khoa học siêu việt và đặc biệt trong thần số học và hình học. Nhưng tất cả những điều này đều không do con người tạo dựng. Con người tạo dựng cái sau cùng, khi linh hồn ca hát trong niềm cảm hứng tính dục (thiimos aoidés) được tạo dựng, và nếu con người nhầm lẫn, dao động và làm hỏng bản thân, cái đẹp chính là sự thanh tẩy nó. Và thế giới trong sự vẹn toàn của chính nó, cái tư tưởng, nền triết học thấu suốt sự thật đến tận đỉnh cao nhất của linh hồn con người này, Orpheus gọi là sự thăng hoa và niềm cảm hứng (mania te kai bakheia), đây là thứ âm nhạc cao cấp nhất (megiste mousike). Đây là cấp độ cao nhất của eros (tính dục). Sự thông thái, sự khôn ngoan chỉ có nghĩa như sau: trở thành tình nhân trong thông thái. Sự thăng hoa: methé. Sự thèm khát đời sống: pathé. Ta không nhận biết thế gian bằng trí óc, mà bằng sự thăng hoa. Sự thăng hoa-methé này là một đối kháng chính xác với sự thèm khát đơi sống-pathé. Pathé là cái làm méo mó, làm tách rời, cái phân biệt và làm náo loạn, là cái lộn xộn, mờ mịt phi trật tự, là đam mê mù quáng và nổi loạn. Từ paithé không dẫn đến đâu thậm chí đánh mất luôn cái ta đang có. Pathé không phải là sự thăng hoa mà là sự lịm dần đi. Nghĩa là bị rối loạn trong đa tạp. Con người đánh mất trí khôn trong ảo ảnh. Và pathé cũng là một đam mê lạnh lẽo. Là cảm hứng lạnh lùng. Trong nó không có lấy giọt eros-tình yêu. Đây là một sự thèm khát điên rồ. Chỉ mang ngần này ý nghĩa: phục vụ cho một sự phân vân, do dự, một thứ tản mạn vụn vặt và dao động, trong nó không có sự thống nhất, sự thường xuyên và định hình, nó là thứ bốc hơi và phân tán. Trạng thái lịm dần đi cũng là một cảm hứng nhưng không lên cao mà là thứ cảm hứng phân tán vào vô hướng. Phần lớn các chất ma túy là chất xúc tác làm lịm dần. Con người tự thả lỏng mình, nhắm mắt đưa mình vào một sự vô nghĩa. Sự thăng hoa đưa toàn bộ khả năng nhận thức của con người lên một mức độ năng lượng cao hơn. Còn trạng thái lịm dần kìm nén con người lại, làm họ trở nên yếu đuối, câm lặng và bị bóp nghẹt. Sự thăng hoa làm con người hợp nhất với những người khác và với cả thế gian. Sự lịm dần phân tán con người vào các phi hiện hữu. Sự thăng hoa tăng mức độ tỉnh táo còn sự lịm dần làm giảm mức độ tỉnh táo. Hãy cần thận trọng hết sức. Vì mọi khái niệm của chúng ta đều đa lí lẽ. Không gì dễ hơn sự nhẫm lẫn và phương pháp nhầm lẫn dễ nhất là sự rối loạn ngôn từ. Sự đồng điệu đưa ta tiếp cận với tổng thể của thế gian, cái Orpheus gọi là methé aionios - sự thăng hoa của thế gian, và sự thăng hoa này trên nhiều phương diện xuất hiện của aio còn có nghĩa là sự thăng hoa-của sự sống vĩnh cửu. Nó chạm đến những trật tự vĩnh hằng. Ai đã bước ra khỏi sự hỗn loạn của đời sống, biết một cái gì đó từ hiện thực thế gian và cất lời, nói ra (anér periosza eidosz) người đó là phiên dịch viên của Thượng Đế (prophétér, mouszikos, poiétikos, telesztikosz). Con người này nhạy cảm với Lời Tuyên Bố. Orpheus cho rằng tất cả những gì xuất hiện từ methé aionios đều có thể coi là Lời Tuyên Bố. Bởi vậy theo phái Orfika, Lời Tuyên Bố có thể là vũ điệu, âm nhạc, thi phẩm hoặc điêu khắc, và loại hình nghệ thuật của sự truyền thông giữa con người và siêu nhiên đóng vai trò lớn hơn nhiều so với các loại triết học, khoa học hoặc tôn giáo. 4. Cái mà Sufi Arập gọi là ittihad có tên là sự hợp nhất, vang lên từ một từ nhưng thực ra là hai. Cái tôi yêu là cái tôi biết, cái tôi biết, cái đó tôi yêu. Sự hợp nhất là mối quan hệ kép của tình yêu thương và nhận thức với cái DUY NHẤT. Điều đặc biệt nằm trọn trong toàn bộ truyền thống là: sự thăng hoa của tình yêu thương và nhận thức, là sự thăng hoa của rượu và tình yêu. Không chỉ vì trong Thượng Đế có rượu và người đàn bà, mà vì trong rượu và người đàn bà cũng có Thượng Đế, và nếu tôi yêu, tôi yêu Thượng Đế, yêu rượu và yêu người đàn bà, yêu cái đẹp, yêu thi ca, yêu thế gian và yêu các thiên thần, các con lạc đà (con ếch cũng đẹp như thiên thần - nhà thần học người Đức Angelus Silesius nói), bởi vì nếu tôi yêu cái DUY NHẤT, thế gian sẽ chỉ có một, tôi chỉ cần yêu một cái thôi, để có thể yêu được tất cả, và trong tình yêu này bí ẩn của mọi điều mở ra, và tôi nhận biết tất cả, bởi vì tôi đã biến thành cái DUY NHẤT. Không cần phúc lạc. “Ta nhiều hơn cả phúc lạc của ta” - Ibn Karram viết. “Tôi, kẻ yêu người ấy, tôi là người ấy, và người ấy, kẻ yêu tôi, người ấy là tôi”. Halladzs tuyên bố: “Cái đẹp của người đàn bà là tia sáng của Thượng Đế, không phải của tình nhân”. """