"
Đò Dọc - Bình Nguyên Lộc full mobi pdf epub azw3 [Tâm Lý Xã Hội]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đò Dọc - Bình Nguyên Lộc full mobi pdf epub azw3 [Tâm Lý Xã Hội]
Ebooks
Nhóm Zalo
Mục lục
Chương 1:
Chương 2:
Chương 3:
Chương 4:
Chương 5:
Chương 6:
Chương 7:
Chương 8:
Chương 9:
Chương 10:
Chương 11:
Chương 12:
Chương 13:
Chương 14:
Chương 15:
Chương 16:
Chương 17:
Chương 18:
ĐÒ DỌC
Bình Nguyên Lộc
dtv-ebook.com
Chương 1:
Cả nhà bỗng giựt mình thức dậy giữa loạt súng đầu. Ông Nam Thành nói: "Rồi, rồi!" rồi nhào đại xuống đất và hét thêm: "Xuống bà, mau mau! Bây ơi, xuống đất mau mau!"
Bà Nam Thành mập tù lu, ột ệt ngồi dậy, bới đầu, bộ chậm rãi như không việc gì, khiến ông sốt ruột nạt:
- Biểu xuống, còn ngồi đó, chết bây giờ!
- Làm gì mà chết!
Ầm...!
Cả dãy phố như rùng mình lên một cái, đất cát đâu trên ngói rớt xuống trần kêu lộp độp, trần xi măng lại đổ xuống gạch kêu lạch cạch như ma ném đá.
Bà Nam Thành ngã lăn trên nệm rồi la bải hãi:
- Chết rồi ông ơi!
- Ừ, nói không chết mà! Thây kệ cứ ở trển mà la, rồi đạn nó ăn, đừng than.
Bà Nam Thành cứ vừa la, vừa kéo mền trùm lại kín mít, làm như trùm mền là chắc ăn lắm.
Nơi buồng trong nghe chào rào chộn rộn nghe lụi đụi dữ lắm, rồi có tiếng cười, lại có tiếng khóc, cười và khóc đều do con gái cả.
Ông Nam Thành lại kêu:
- Con ơi, xuống đất nghen con!
- Dạ!
- Dạ!
- Dạ!
Có đến bốn tiếng dạ, mà toàn là giọng con gái.
Nhà có ba buồng. Buồng ngoài là một cái thảo bạt, cất thêm mái hiên và cửa, vách, dùng tiếp khách. Ông bà Nam Thành ngủ ở buồng chánh, bầy giờ biến thành buồng giữa, bốn cô con gái ngủ ở phòng trong cùng.
Bóng chong ba nến ở thảo bạt đục và nhỏ như y cái trứng gà, đang soi mờ cái cảnh dị kỳ đó, một ông cụ nằm co dưới đất, một bà cụ nằm trùm mền trên giường và bên trong bốn cô con gái ôm nhau cười và khóc.
Liên thinh vẫn nổ không dứt, từng chập điểm những tiếng nổ ầm của tạc đạn, của bách kích đạn, giống như pháo tràn ngày Tết điểm pháo đại giữa dòng.
Quả đạn bách kích nổ to hồi nảy, gần nhà, là một quả đạn lẻ loi, còn thì nổ tương đối hơi xa cả.
Ông Nam Thành bò lẹ vào buồng trong, nhìn một đống người lù bù tay chân và đầu rồi hỏi:
- Có đứa nào làm sao không?
- Dạ không!
- Dạ có, ba à, con Quá nó khóc ba à!
Có tiếng cười rúc rích của hai ba cô gì đó, rồi nghe một cái đụi.
- Ui cha! Con dịch! Ba ơi, nó đạp con té cái bịch đây nè.
- Đừng có giỡn mà các con! Tao rầu chín ruột mà tụi bây còn giỡn được!
Cái cô gái nói tiếng NÈ với chử r ngoài sau, hỏi to:
- Má sao mà la dữ vậy, ba?
- Thì cái tật của má mầy, không biết hay sao mà còn hỏi. Nó nằm đó mà la, chứ không làm gì hết, có thèm hạ thổ như mình đâu! Thôi, rán chịu, đừng có lên giường nghe các con!
Rồi ông bò trở ra. Bây giờ tiếng súng hơi lơi, bà Nam Thành hé mền, thấy không có gì ghê sợ cả, nên đánh bạo tung hết mền rồi lết xuống gạch.
Ông Nam Thành bò tới nơi, hỏi đùa:
- Sao không nằm luôn ở trển?
- Mấy đứa nhỏ có sao không ông? Bà không đáp mà hỏi lại như vậy. - Chúng nó đánh lộn trong đó, chứ không sao cả!
- Chồng ngồng cái đầu mà sao như là con nít é! Ông à, gì đó vậy ông? - Họ đánh giặc chớ gì!
- Ai đánh với ai? À, mà hồi nãy, ông nói gì mà "Rồi, rồi!"?
- Bà quên rằng hổm nay nó căn thẳng như dây đờn hay sao. Người ta nín hơi lo cho dây đứt. Nay nó đứt là "rồi" chớ gì.
Bỗng liên thinh lại nổ hồi dữ dội, đạn bách kích pháo lại nổ ầm ầm, hai ba quả nổ rất gần và trần lại đổ.
- Đâu như là bên bót Hoàng Hùng! Bà Nam Thành nói.
- Không, độ ra thì là đằng trường Đức Trí.
- Ai đánh với ai vậy ông? Liệu ta đánh Tây hay không?
- Ai biết! Mà bà hỏi điều đó làm chi?
- Vì đó là việc chết sống của mình. Ông giỏi quá mà sao không thấy? - Tôi thật không thấy, bà nói nghe thử.
- Nầy nhé! Nếu ta đánh Tây thì cái thành Ô-Ma trước nhà mình sẽ hóa ra bãi chiến trường, và xóm này sẽ nát cả.
- Ờ, Trời ơi!
Ông nam Thành kêu lên thế, rồi tái mặt đi. Vùa lúc ấy có tiếng đông người chạy rần rần ngoài đường cái, tiếng la khóc om trời.
- Trời ơi! Ta xung kích thàng Ô-Ma! Ông Nam Thành kêu lên và điếng cả người.
- Xí, vậy mà làm bộ giỏi, làm bộ gan! Lính gì mà xung kích người ta, lại khóc. Cho bằng đó là họ đi coi hát về khuya, bị trận đánh bắt chợt giữa đường. Không nghe giọng đàn bà la đó à?
Ầm...!
- Khổ quá! Bà Nam Thành than. Thật là chạy ô mồ mắc ô mả. Ngỡ lên đây bình yên được, nào dè...
- Chớ mười năm nay lại không bình yên à? Phải ta còn ở dưới thì liệu còn đầy đủ cả nhà như vầy hay không?
- Lâu ngày không nghe tiếng súng, quên nó mất, nay nghe lại thì sợ y hồi 45, má hớ, cô Hương nói.
- Em nhớ lại cái đêm họ đánh nhau ngoài vàm, em ghê quá, cô Quá nói và bị một cái tấm tức muộn ngắt đôi câu nói của cô.
- Nói dóc, cô Hoa mắng em. Hồi đó mày có mười một tuổi, biết gì? - Chớ chị lại lớn hơn ai. Chị mười ba tuổi, chớ bao nhiêu. - Mà tao có dóc, có nói nhớ cái gì đâu.
- Tôi đố ông ai ăn ai chua?
- Chưa có ăn, thua gì đâu. Lực lượng của đôi bên, lẽ nào chỉ đánh vài giờ mà tiêu hết một bên được. Họ ngưng đó chớ.
- Vậy còn đánh nữa? Ghê quá!
- Ghê cũng phải chịu, chớ biết sao. mà mình dại quá, sợ hãi vô ích. Vách tường mấy mươi lớp chung quanh, đạn làm sao tới mình cho được.
- Sợ mọt-chê ấy chớ.
- Có trần thì đỡ lo.
- Trái phá thứ lớn, nổ bể nhà hay không ba?
- Sao lại không. Nhưng nhà mình là nhà dân, chớ có phải là pháo đài đâu mà họ dùng trái phá thứ lớn để bắn sập nhà mình.
Cả nhà mòn mỏi rồi ngủ quên luôn cho đến trưa trờ trưa trật mới dậy. o O o
Nhà ông Nam Thành ở trong ngõ hẻm ba mươi căn đường Vỏ Tánh, ngang hông thành Ô-Ma. Ông ở căn bìa hết và chuyên bán rương và va li da cho quân nhân Pháp.
Trước kia ông là thầy giáo Hải, giáo làng, ở một xó hẻo lánh trong tỉnh Bặc Liêu. Hai vợ chồng trôi giạt lên Sàigòn với bốn đứa con gái, một gói áo quần cũ và hai bàn tay không.
Gia đình ở đậu nhà người bà con, tại căn nhà bây giờ. Nhờ cần cù và may mắn, nhất là may mắn, hai vợ chồng dành dụm được chút ít, trong khi người bà con nướng sạch cả của cải trong Kim Chung.
Thành ra không bao lâu, người bà con ấy nhường đứt luôn căn nhà lại cho ông giáo Hải.
Người trong xóm phần đông là me Tây, thứ me hơi sang sang, nên mới được các đức phu quân mướn phố gạch cho mà ở.
Ông giáo Hải quan sát nhận ra điều này, là những cô me Tây ấy thường đổi chủ tùy theo sự thuyên chuyển của các đức phu quân.
Họ được giao tận tay cho người thừa kế, bên đi và bên lại, rua nhau rất thân mật, gởi gắm cô nàng rất ân cần.
Vì vậy ông giáo nẩy ra sáng kiến bán rương da. Ông đến rương của xưởng thợ người miền Bác, rồi bán lẻ tại đây mà ăn lời.
Môi giới là những cô me Tây ấy; họ ăn chia với nhau và đồng lòng cùng nhau mà đập các quân nhân dễ tính trong công việc mua sắm kia.
Những ngày khói lửa sau cái hôm hãi hùng ấy trải qua như một cơn ác mộng. Rồi câu tục ngữ Pháp "Sau mưa thì nắng" sao mà nghe đúng như bon.
Quả thế, sau mấy tháng sau đó, vợ chồng ông Nam Thành phát tài lạ. Tây nó mua rương nhiều gấp ba mọi khi, mà không cần trả giá cho lắm.
Ông Nam Thành nhận thấy điều này nữa là bà me Tây nào tiển chồng là trở về với chăn đơn gối chiếc chớ không có người hứng hoa rơi như trước nữa.
Ông không quen nghĩ xa, nên cứ làm ăn được ngày nào là mừng ngày nấy thôi.
Vào tháng thứ ba, ông bán thôi không hở tay. Ông không ngạc nhiên, vì có tin chánh thức là quân đội Pháp sẽ rút toàn diện.
Tuy chỉ tham gia khán chiến có một năm thôi, ông Nam Thành vẫn ao ước độc lập và mong đợi sự triệt thối ấy từ hơn mười năm nay.
Bây giờ mộng ông đã thành sự thật thì còn gì thích bằng. Thích hơn nữa là Tây ra mà tiền lại vô. Vô rất nhiều. Vui lắm! Những trò sảy ra chung quanh ông cũng rất khôu hài để tăng thơ thới nơi lòng ông. Các cô me Tây làm mối ăn tiền đầu, mà mỗi lần đưa tay lấy tiền là khóc bù lu bù loa. Nào là "Thằng chả đi luôn thì tụi em đây khổ bỏ mẹ". Nào là "Tiền này là tiền vớt, tiền vát, nuốt thì nó nghẹn thì thương ai, mà không nuốt thì sẽ không có mà nuốt nữa".
Một cô nói: "Mình đi chung một xuồng, ông Nam Thành hớ. Hễ tụi em mà chìm, thì ông cũng chìm tuốt theo".
Nghe câu này ông Nam Thành giựt mình. Nhưng cái nguy xa lắn sao được cái đắc thắng gần. Và qua cái tháng làm ăn rận rộ đó, ông mới thấy lời ấy là đúng.
Hai vợ chồng ông Nam Thành ở lại ăn lần tiền lời kiếm được một cách vội vàng kia.
Một năm qua...
o O o
- Vỡ nợ rồi!
- Ai vỡ nợ?
- Ông Đỗ Mạnh Tánh chớ ai.
- Tánh nào?
- Bán thực phẩm cho nhà binh Pháp, đường Yersin đó mà.
- À, nhớ rồi, có bà vợ còn trẻ ấy à?
- Ừ.
- Trời, sao mà mới có một năm...
- Thì ăn xài to, lại đổi nghề trong khi chưa sành trong ngành hoạt động mới.
- Chỉ có mình là khôn. Ở không, nghĩ lẵm rẵm mà hay.
- Hay gì. Thì cũng chết như nhau. Người ta loi nhoi thì phải lăng đùng ra mà chết. Còn mình nằm yên không cục cựa thì sẽ chết lần, chết mòn, đằng nào cũng chết cả.
- Lạ quá, ngày xưa, không có quân đội Pháp, sao không ai chết. Bây giờ có, mà hễ nó đi là áp nhau mà la làng.
- Có gì lạ đâu. Là tại mình ăn bám nó. Đứa nào không ăn bám nó, vẫn sống nhăn. Hội Đồng Thời bên Rạch Giá, bây giờ chạy xe đò Sàigòn Bình Đương đó, có chết đâu, tuy cũng mệt chút ít thôi.
- Không chết mà cũng mệt. Tại sao lạ vậy?
- Là tại đời bây giờ cái gì cũng dính liền với nhau không thể tách riêng được. Nầy nhé: Tây nó đi, thì các quán rượu đóng cửa. Nhân viên các quán rượu ấy không có tiền ăn phở nữa. Anh hàng phở, vì thế hết xu để đi xe. Các me Tây không may áo, không bỏ giặt ủi nữa thì hiệu may, hiệu giặt ngưng hoạt đông, thợ may, thợ giặt không đi coi cải lương, cải lương sụt rờ sết, bào kép bớt mua báo, báo ế vân... vân...
Thảm lắm! Mấy năm trước hễ mình đón tắc xi là y như bên cạnh mình cũng có người đang đón. Xe ngừng khi mình đứng dang nắng muốn rụt giò là mình và họ tranh nhau mà lên xe, cãi lộn om trời. Ngày nay thì khác xa: bà đưa tay ngoắt một cái là ba bốn chiếc tắc xi về lại, bác tài nào cũng quả quyết là mình kêu họ trước. Thật là:
Thân này nếu sẻ làm tư được
- Sao hồi đó ông cứ vái cho nó đi. Phải nó không đi có phải là...
- Bà đừng nói bậy. Nó phải đi thì dân ta mới ngóc đầu lên nổi. Còn tụi ăn bám như mình, muốn khỏi chết thì đổi nghề, chớ có gì đâu. Khi một số đông không ăn bám vào chổ nao được nữa, thì cố nhiên có rối loạn. Trật tự cũ bị xáo trộn cả. Những phần tử bị hất ra đó, vì bản năng tự tồn sẽ cố tìm nẻo mà chui rồi lần lần trở về lối sống cũ trước ngày ăn bám, và tình trạng sẽ ổn định lại như xưa. Có điều là phải bỡ ngỡ khổ sở, khó khăn lúc mới bị xô ra, nhưng phải cắn răng, mà chịu chớ kêu ca với ai, ai biểu mình ỷ lại làm chi.
- Ông nói nghe dễ ợt. Sao không giỏi đổi nghề thử coi!
- Thì đổi. Bà tưởng trong một năm nay, tôi yên phận nằm ỳ ở đây sao. Tôi tính nát trí mà chưa ra đó chớ.
- Một măm mà vẫn không ra, thì ba năm nữa, chắc cũng chẳng ra!
- Bà đừng có vội. Người ta no;i bôn ba không ra thời vận. Bà thấy không, tụi tư Minh, sáu Chẩn, chạy theo Tây ra Cấp bây giờ cũng thiệt thối về Sàigòn, mà còn méo mặt nữa chớ.
À, nói Cấp, tôi mới nhớ ra. Anh phán Tân ảnh rủ mình đi Cấp, đi hết nội nhà, đi xe của ảnh.
- Ở ngoải mấy bửa?
- Thì đi chiều thứ bảy, chiều chúa nhật trở về. Anh phải đi làm sáng thứ hai.
- Thôi đi ông. Cái đó là đi dang nắng chớ phải đi nghỉ mát đâu. Tối thứ bảy đi ra tới ngoải rồi chịu cái nhức đầu đi nắng xuốt đêm đó. Sáng ra vừa hết phải chịu cơn nhức đầu bận về nữa. Mẹ con tôi ở nhà còn xướng hơn.
- Nhưng tôi đã hứa lỡ rồi.
- Thì ông đi một mình.
Ba ngày sau, ông Nam Thành cọp xe đi Vũng Tàu, đến mười giờ đêm sau mới về tới nhà. Sáng ông ngủ dậy rất trưa rồi loay hoay một hơi là tới bữa ăn.
Chiếc bàn tròn xếp, kiểu cắc chú, được mở ra và đặt ngay giữa nhà bếp, cạnh cái lò. Khói nấu cơm, vì thiếu lối thoát, còn un nghẹt nơi đó.
Cả nhà đều ngồi quanh bàn, trừ cô Hương, con gái lớn của ông bà, còn bận chiên cá bông lăn bột, món ấy cô làm sau hết cho được nóng hổi lúc ăn.
Mặt đỏ ựng nước mắt sống chảy ròng ròng vì cay khói, cô Hương vừa vén tóc trán bằng cái tay, vừa cười nói với mấy cô em:
- Bữa nay tao mới hiểu tại sao bánh xèo mà người Huế gọi là bánh khói. - Vậy hà, cô Quá ngạc nhiên hỏi, họ kêu là bánh khói à?
- Chớ sao.
- Tại sao vậy chị? Cô Hoa hỏi.
- Tại bánh xèo phải ăn ngay lúc mới lấy ra khỏi chảo mới ngon. Mà muốn ăn ngay, phải ngồi gần chảo, tức là phải ngồi gần khói. Ăn bánh khói, tức là ăn bánh trong đám khói.
Ông Nam Thành cười ha hả:
- Con Hương nó bói ra ma. Tao thì nghĩ khác. Tao tưởng khói là tiếng khoái, nói ngọng theo lối miền Trung. Bánh khói là bánh khoái, ăn khoái miệng lắm.
- Thôi, con rồi thì đem lại ăn luôn con!
Bà Nam Thành sốt ruột con gái lớn của bà bao giờ cũng thiệt thòi, nên thúc giục như vậy.
Cô Hương xúc cá bằng vá dẩy rồi vội vàng đe, lại đặt trên nệm xà lách xon trong dĩa.
- Chế nước sốt vô, Hồng! Cô bảo em gái kế như vậy rồi đi rửa tay dính mỡ để ngồi vào bàn ăn.
Người miền Nam ta có nhiều lối đặt tên con rất ngộ nhgĩnh. Có lối đặt liền với tên cha, hễ cha tên Sang thì con phải tên Trọng, cha tên Phú thì con phải tên Quí, cha tên Sâm thì con phải tên Nhung.
Có lối đặt liền với nhau. Thí dụ bốn đứa thì đặt: Nết, Na, Đằm, Thắm, năm đức thì đặt: Cửu, Hạn, Phùng, Cam, Võ.
Ông Nam Thành đặt tên con một cách đặt biệt hơn ai cả, ông dựa theo năm chữ nhạc đầu trong điệu Bình bán vắn mà quyết định giọng của chữ tên của con ông.
Hương, Hồng, Hoa, Quá, Thơm.
Ý ông muốn nói: cái hương của hoa Hồng thơm quá! Mà nói bằng điệu câu Bình bán vắn câu đầu.
Cứ theo ý chí đó thì ông mà có đặt như vầy cũng vẫn ổn.
Con, Cò, Ma, Ốm, Thay!
Hoặc:
Tao, Mày, Đi, Tắm, Chơi!
Vì bất kể như vậy, hay nói cho đúng ra, vì chỉ kể có giọng bằng, trắc thôi, nên đứa nào xui nấy chịu. Đứa đó là cô con gái thứ năm, cô Quá.
Con gái mà tên Quá, trong khi con nhà khác tên là Lê Chi, Bích Vân thì có tức hay không? Cái cô Quá nầy khóc mãi vì cái tên kỳ cục của cô.
Được cái là em cô, con Thơm, chết ngay hồi ba tuổi, cô Quá thành con gái út, được cưng dữ lắm nên cô tự an ủi phần nào.
Là con gái lớn, quán xuyến cả việc nhà, nên Hương ngồi gần bếp để bới cơm và rội thức ăn.
Con cả trong gia đình nào cũng thế, không đẹp lắm, lại hơi thật thà, nếu không đần, tương đối với mấy đứa sau.
Cô Hương năm nay hăm tám, trông hiền hậu quá sức, lù đù như gái quê, và an phận như bất kỳ cô gái luống tuổi nào.
Gương mặt cô chỉ dể thương thôi. Còn thân hình cô thì hơi đẫy đà. Người ta nói con gái lỡ thời hay phát phì thình lình hoặc đột ngột gầy khô đét khi qua khỏi mức tuổi nào đó. Họ cắt nghĩa sự dư, thiếu th.t ấy như vầy: trong cơ thể, sự mất thăng bằng do nội hạch (nhứt là hạch sanh dục) bạo động hoạc quá lười. Có lẽ đúng chăng?
Kế Hương là cô Hồng, hăm sáu tuổi. Hồng đẹp nhứt nhà, nhứt xóm, và có lẽ cô hạng giữa gái Sàigòn.
Người con gái hăm bốn là cô Hoa đã bước gần tới lằn mứt cuối cùng của sự trổ mã. Cô này cũng đẹp, nhưng không quyến rũ bằng cô Hồng kia. Cô Hồng đã nở toàn diện trong sự bừng dậy của nhan sắc một thiếu phụ. Phải, đàn bà còn trẻ khi nào cũng đẹp hơn con gái đương thì. Có ai mê con gái mà tan nhà nát cửa kkhông? Không, chỉ có đàn bà mới làm hại đàn ông được.
Hồng, Hoa rồi đến Quá. Nơi cô Quá, sắc đẹp còn ngập ngừng, những đường cong còn dò dẫm chưa quyết dừng lại nơi đâu cả.
Có thể là cô sẽ đẹp, mà cũng có thể không đẹp bao nhiêu. Sự trổ mã của cô chưa nói lên cái tiếng cuối cùng của nó. Tuy đã hăm hai, cô còn trẻ con cả tính tình lẫn thể chất.
Ba chị em kia đều là gái tân, còn cô Hồng đã viễn du một chuyến trong cuộc phiêu lưu mạo hiễm trên đường tình.
Một sự so le nỗi bật lên giữa vợ chồng ông Nam Thành. Bà thì cao trộm, và phục phịch như bao gạo chỉ xanh. Ông lại len lén thấp, và ốm như
người nghiền á phiện. Phải chăng sự lấn lướt của bà vợ là nguyên nhơn của việc đẻ toàn con gái?
- Sớm mai, con đi trên đường Tự Do, thấy buồn quá, cô Quá bắn phát súng đầu tiên như thường lệ. Nội nhà chỉ có cô là nói nhiều hơn cả.
- Đường đó là đường Tây buôn bán. Tây nó cuốn gói hết thì tự nhiên là đường phải buồn. Tiếng vang đầu tiên phát ra từ miệng cô Hoa, một cái miệng ba hoa thứ nhì trong gia đình.
Mà ba ná à, con thấy anh Viết đứng chụp hình dạo trên đó, trước nhà hát Tây (1).
- Thiệt vậy hả? Bà Nam Thành ngạc nhiên hỏi. Trời ơi, sao xuống lẹ dữ vậy? Mà ai lại đường đường một anh thầu khoán mà...
- Bà lầm, cuốc đời giống hệt như đi xe ô tô buýt. Đi ô tô buýt mà đeo được bàn đạp để đến nơi là chúa lắm rồi. Còn biết bao nhiêu người đeo không được phải ở lại vỉa hè, dưới trận mưa! Kiếm được một nghề, dầu nhỏ mọn, để mà sống, là giỏi lắm đó, đừng có chê.
Cô Hoa cười dòn mà rằng:
- Nhà mình mấy năm trước đi xe ô tô buýt đời, ngồi ghế có nệm. Bây giờ đứng bàn đạp, mà chỉ đứng một chơn thôi.
- Ba so sánh hay lắm, cô Quá khen. Cuộc sống giống hệt đi ô tô buýt về mọi mặt. Lên tại bến thì lấn nhau không còn biết xấu hổ gì cả, miễn tìm được ghế! Phần đông đi tới đích, mà có ngường cũng xuống dọc đường, đó là những kẻ suy sụp hay bị tử thần rước sớm.
Trên xe cũng có những may mắn, hên xui. Có lần con đứng gần một bà cụ. Chỉ đứng bậy vậy thôi, không mong mỏi gì. Thế mà qua hai trạm thì bà cụ xuống xe, con được ghế, thích quá, thích như ông ba Công nhờ có người trước chết mà được bầu thũ quĩ hội ái hữu Bặc Liêu, mặc sức lấy tiền quĩ mà chơi hụi.
Cô Hồng nảy giờ làm thinh, xen vào một nhận xét:
- Nhưng có khác là xe ô tô buýt, có đờn ông nịnh đầm, còn trên cuộc tranh sống thì không.
- Nịnh gì? Bây giờ có ai thèm nịnh đầm nữa đâu. Họ nói mình đòi nữ quyền tức là tự xét bằng họ rồi, nên họ không thèm nịnh mình nữa.
Cả bốn cô gái đều cười xòa.
Trận cười chấm dứt chuyện đời, nên ông Nam Thành khởi đầu câu chuyện khác.
- Hôm nay tôi đi trên đường Biênh Hòa tôi thấy chuyện này đáng chú ý lắm là ở làng Xuân Trường, dựa hai bên đường, nhà mới, cất lên rất nhiều, trông vui hết sức.
- Yên giặc rồi dân trở về sứ cũ à?
- Không, chổ đó ngày xưa, hồi tiền chiến, không có nhà. Hỏi ra thì mới hay dân mới là những kẻ suy sụp như mình, lùi về vườn để thủ.
- Sao họ không về làng họ, lại chọn chỗ đó?
- Chắc làng họ đang bị nạn cướp bóc như làng mình. Còn tại sao họ chọn làng đó mà không chọn làng khác thì tôi thật bí.Có lẽ ở các làng khác cũng có, mà mình ít đi đâu nên không thấy. Nhưng luôn luôn, họ chọn gần
đường cho được an ninh. Trông ngộ quá. Một nếp nhà con con, xinh xắn, vén khéo, giữa một miếng vườn mới lập, cây còn non như cuộc đời chớm nở. Nó trẻ và mạnh làm sao!
- Nhưng chủ nhà lại vào buổi xế chiều. Cô Hoa nói.
- Ừ đúng! Luôn luôn như vậy. Chỉ có mấy ông già bà cả mới trồng cây; thanh niên, thiếu nữ nóng tánh lắm, hưởng thì thích mà trồng thì không đủ chí bền.
- Chưa chắc thích hưởng đâu ba. Quá cãi. Con tưởng tượng về vườn chắc buồn lắm.
- Nên thơ lắm chớ buồn gì, cô Hồng đa cảm và hay mơ mộng cãi như vậy.
- Nên chơ đối với bọn về chơi vài bữa. Còn về ở luôn để cuốc đất thì nên... thở là đúng hơn. Cô Hoa thông minh một cách thực tế, thấy rất đúng, và ranh mãnh nói câu đó.
- Chết chưa, ông Nam Thành than, tao định lui về vườn mà tụi bây nghĩ như vậy cả thì làm sao.
Bây giờ cô gái lớn mới xen vô:
- Đâu có nghĩ như vậy cả, ba! Con với con Hồng thì tán thành. Cọng thêm vào ba, má là mình được đa số rồi. Cho con Hoa và con Quá hỏng giò!
- Ờ, tán thành! nữa rồi chị đào mương nghen! Tụi em chỉ làm thơ thôi.
- Thôi không cà rỡn nữa. Bác Phán Tâm, lúc đi xe qua vùng đó, có mách ba một cuộc đất hai mẫu, cách Thủ Đức bốn cây số ngàn...
Bà Nam Thành chận hỏi:
- Tính đi từ Sàigòn lên thì khỏi Thủ Đức hay chưa tới Thủ Đức? - Khỏi.
- Cũng được. Nếu chưa tới thì khổ, vì đất phía dưới ngập nước, mà lại nước mặn nữa chớ, y như dưới xứ của mình.
- Nghe đâu họ bán có bảy chục ngàn.
- Đất không mà mắc dữ vậy sao?
- Đất bây giờ có giá. Vả lại đó là đất tốt.
ẳ
- Tôi không hiểu sao ông chẳng tính chuyện về xứ.
- Dưới mình còn cướp bóc nhiều lắm.
- Còn ở đó cũng là chổ khỉ ho cò gáy chớ hơn gì.
- Không, miền đông khác dưới ta nhiều. Ở miền Đông, không có xó kẹt nào mà xe đò không vô tới. Việc tiếp tế dễ dàng hơn, dân ít quê hơn, và nhứt là tương đối an ninh hơn.
- Vả lại ta sẽ ở dựa con đường thiên lý, con đường quan trọng nhứt Việt Nam thì bà biết ta sẽ được yên ổn đến bực nào.
Cô Quá gõ đũa vào chén, đánh nhịp mà hát:
Ai đi lên trên con đường thiên lý sương sa mờ (2)
- Im cái mồm! Bà Nam Thành mắng con bằng giọng và lối nói miền Bắc. Gần đi lấy chồng rồi mà còn trẻ con!
- Gần đâu mà gần, má. Chị Hai hăm tám rồi mà còn chưa lấy chồng, con mới có hăm hai hè!
Gia đình ông Nam Thành rất cởi mở về việc chồng con của con cái. Bà mẹ ưa nói đùa về vụ đó nên mấy cô con gái quen tai không mắc cỡ nữa và lấy đó làm đầu đề câu chuyện nhiều khi.
Hương bị cô em gái nói mỉa mà không mích lòng, vì cô thấy nó không ác ý. Cô cũng rập nhau mà cười với mấy em cô.
Cô điểm mặt Quá mà nói:
- Về trển, bắt mày nhịn xi nê cho mày ngáp chơi.
Cô Quá chụp cô Hoa mà trả thù:
- Chị Hoa mới là ngáp chớ, em có ghiền ngồi tiệm kem như chị đâu.
Ông Nam Thành làm thinh mà ăn, để cho con pha trò giây lâu mới hỏi vợ:
- Bà nghĩ làm sao?
- Thì quyền ở ông.
- Nhưng bà thích theo tôi hay không chớ?
- Ở đâu quen đó. Thích thì tôi không thích mà theo thì tôi theo. Xóm đó đông hay không?
- Nhà lân cận ở cách đất ấy cỡ hú một tiếng dài mới nghe. - Uý trời! Vậy thì sợ chết!
- Có tôi mà còn sợ cái gì. Tôi chỉ lo bà nhớ tay xệp ở đây mà buồn mà thôi.
- Ông nói như tôi là tay cờ bạc. Buồn, đánh chơi chút ít, chớ hồi ở dưới Bặc Liêu tôi lại không chăn vịt, không làm lụng sao?
- Tôi tính như vầy. Mình sang căn nhà nầy, ít lắm cũng được bốn mươi ngàn. Lại hốt mấy đầu hụi chót. Mua đất xong, còn tiền đủ ăn trong năm đầu.
Năm đó ta trồng cây. Nhưng lại trồng xen hàng bông và nuôi gà để kiếm tiền xấp thời đặng ăn năm sau.
- Không cất nhà sao?
- Cất chớ! Tôi quên nói rõ: Mua đất và cất nhà, cất nhà chỉ tốn độ hai mươi ngàn là nhà rộng chán.
- Sao rẻ dữ vậy?
- Ở nhà quê vật liệu và nhơn công nới hơn ở đây. Vả lại mình biết thu xếp.
- Té ra ba nói thật à? cô Hoa nói.
- Chớ nãy giờ con ngỡ ba, má nói cà rỡn hay sao? Sách có chữ: Tọa thực sơn băng...
Cô Quá cười khúc khích, liếc các chị cô mà phê nho nhỏ: - Ổng xổ nho rồi đó!
Cô Hương nối lờ cha bằng một vế chữ nôm:
-... ngồi ăn núi cũng lở.
Rồi cả nhà cùng cười. Được trớn, cô tiếp:
- Vì vậy ba mới đem mình về gần núi Châu Thới cho nó mau lở thêm chơi.
- Gần núi thật hả ba?
- Cũng còn xa. Mà đi bộ tới đó chưa mõi chơn lắm.
- Sướng a, tụi mình sẽ đi suối Lồ Ồ mỗi ngày.
- Cô nào cũng có phậv sự cả. Ông Nam Thành chận phấn khởi của con lại. Chúa nhựt mới đi chơi.
- Về nhà quê rồi mà còn theo thời dụng biểu phiền phức như ở đây sao ba?
- Tại sao lại bỏ, nếu thời dụng biểu là cần?
Chú thích.
(1) Lúc xảy ra câu chuyện, chưa có Quốc hội.
(2) Điệu hát thạnh hành hồi tiền chiến.
ĐÒ DỌC
Bình Nguyên Lộc
dtv-ebook.com
Chương 2:
Hốt chót ba đầu hụi lớn xong là ông Nam Thành đi vắng nhà luôn. Ban đầu thỉnh thoảng bỏ cơm sau rồi hai ba hôm ông mới về: ông lo cất nhà để đưa gia quyến lên.
Trong khi đó thì bà Nam Thành tìm người sang nhà, dứt khoát những dính líu tiền bạc nho nhỏ và bán bớt những vật dụng mà ở nhà quê không dùng.
Cả nhà gom y phục trắng và màu để nhuộm đen. Bà Nam Thành nói:
- Làm lụng thì phải ăn mặc đồ đen cho nó đở tốn sà bông. Với lại mình phải làm cho giống người chung quanh. Nếu không, khó mà giao thiệp, mà trộm cướp nó thấy mình sang trọng thì nguy.
- Mình mà sang trọng với ai?
- Ậy, ở đây mình chỉ xoàng thôi. Nhưng về quê thì các cô sẽ thấy. Các cô nỗi rõ lên như công chúa ấy.
Phe phụ nữ không ai háo hức lui về vườn cả, nhưng ai cũng chuẩn bị ráo riết, nhẫn nại chịu số phận và cố làm cho tròn phận sự. Cảm động thay người đàn bà!
Thỉnh thoảng ông Nam Thành về qua nhà, thấy vợ con buồn buồn, ông an ủi:
- Người ta nói: "Tấn về nội, thối về ngoại". Đồng quê là quê ngoại đó. Đó là nơi ẩn náu tuyệt diệu khi ta thất vận. Có làm là có ăn, không sợ đói bao giờ.
- Chớ ở đây mình làm cũng được vậy ba, cô Quá cãi.
- Mình làm cái gì? Không lẽ ba đi làm phu cho các xưởng xây cất, hay làm lon ton. Về trển thì ba cuốc đất đó, mà coi nó còn được hơn: sĩ, nông, công, thương, nông đứng đến hàng thứ nhì.
Còn các con, đi bán thuốc điếu không được, bán chè đậu cũng không. Thì về nuôi heo là phải. Trong nhà, làm cực nhọc lem luốc gì cũng chẳng ai biết.
Tình thế bốn chị em quả khó xoay xở. Cả bốn đều có học nửa chừng trung học và đã sống theo lối khá giả từ thuở giờ. Bây giờ dễ gì mà dám đẩy một chiếc xe nước mía! Đi làm vẫn được đó, nhưng ông Nam Thành nhắm sức học của con mình, cỡ đi làm thì lương chỉ đủ tiền son phấn và áo dài thôi, nên nhứt quyết không cho bốn cô tìm việc.
Ông ít băn khoăn về gánh nặng bốn cái thùng giạ nầy vì ông tưởng rồi chồng nó sẽ rước con ông đi. Nhưng mãi không thấy ai gắm ghé gì cả, cho đến bây giờ thì vợ chồng con cái phải lo cho bổn thân về sau vậy.
Quá cứ chui đầu vào các rạp chiếu bóng. Xem cho ngấy ra để nhịn thèm về sau. Còn Hoa thì lẽ cố nhiên, ăn kem hết hiệu nầy đến hiệu khác. Cô Hồng chỉ ngồi đó mà buồn, hay đi thơ thẩn ở các ngả đường vắng. Người chị cả tự nhiên như không tình cảm, lo thu xếp không ngớt tay.
Nhưng cả bốn chị em đều thích Bằng đến chơi. Bằng là người anh họ của bốn chị em nhà nầy. Hắn nhỏ hơn Hương một tuổi, nhưng trông già dặn, đáng mặt người anh lắm.
Gia đình nào chỉ có toàn con gái không mà thôi, thì rất cần một đứa cháu trai như vậy. Nó sẽ đưa em nó đi chỗ nầy chỗ nọ, những nơi tuổi trẻ giải trí mà người lớn không hạp, không muốn bước chơn tới, cha mẹ, vì thế không đưa con mình đi được.
Hồi mấy chị em mới lên Sàigòn, còn nhà quê đặc, đã nhờ anh Bằng nầy rửa sạch mùi ruộng bùn lầy cho. Cho mãi đến ngày nay họ cũng còn nhờ cậy Bằng đưa vào những nơi họ không dám đến. Nói họ là nói Hương với
Hồng ấy, chớ còn Hoa và Quá thì nơi đâu hai cô cũng dám lăn vào. Hai cô đã tổ chức đánh lộn với con trai tại vườn Tao đàn, hồi còn đi học, đã dám vác ve chai chọi lính Lê Dương thì có gì mà hai cô không dám. Còn điều nầy nữa, tuy cả nhà không ai nói ra, là họ hy vọng nơi một cuộc mai mối của người cháu, người anh họ ấy.
Bằng có rất nhiều bạn trai, thỉnh thoảng có rủ vài đứa đến chơi nhà. Thì một khi kia, lẽ nào lại không có một đứa si tình một trong bốn cô.
Bằng cũng thích đưa bốn cô em họ đi dạo. Bốn cô nầy cũng khá đông bạn gái. Bằng thích gặp bạn của các cô. Cả đôi bên đều có lợi.
Nay lui về quê, họ càng hy vọng nơi người anh ấy, rất sợ gãy mất cây cầu liên lạc, nên càng niềm nở với Bằng lúc anh nầy đến chơi, khẩn khoản nài nỉ anh ít ra mỗi tuần cũng lên trên ấy một chuyến.
Hôm Bằng hay tin họ sắp dọn nhà, chàng chưng hửng, rồi buồn buồn hỏi:
- Các cô đi đành à?
- Không đành cũng phải đành. Anh tính coi còn biết làm sao! Nè chúa nựt nào anh cũng lên nghen! Tụi em cho ăn trái cây thì phải biết.
- Nói dóc. Cây chưa trồng, lấy đâu àm ăn.
Cả bọn cười xòa.
o O o
Bạn hữu của Hương và Hồng phần đông đã có chồng. Một vài cô đã góa chồng. Đôi cô lại thay chồng hai bận rồi. Cô nào cũng tay bồng tay dắt cả. Thế nên hai cô chỉ đi từ giã những bạn còn độc thân thôi. Những người nầy, tuy không nói ra, vẫn ái ngại cho hai cô lắm.
Còn Hoa và Quá thì trao đổi ảnh không ngớt tay. Có bao nhiêu tiền đi chụp ảnh cả, rồi để tặng bạn, rồi xin ảnh bạn dán vào tập. Họ làm thơ nữa,
trong đó có lá
thư, lá vàng rụng rất nhiều, mưa rơi cũng lắm, còn nói gì nước mắt cũng đằm đìa.
Hôm ấy ông Nam Thành về lần chót rồi tuyên bố:
- Xong cả rồi, mốt ta đi!
- Vậy hả! Ba cô con gái sau, mặc dầu dư biết sẽ có ngày ấy, vẫn rụng rời khi nghe tin dọn nhà. Ba cô cứ mong ông cụ chuận bị chậm thật chậm, càng chậm càng hay. Họ lại mơ hão một chuyện bất ngờ xảy ra để ông cụ đổi ý.
Giây lâu Quá hỏi:
- Nhà đẹp không ba?
- Đẹp... nghĩa là đẹp theo sằn dã ấy. Hễ qua khỏi Thủ Đức, tụi bây thấy nếp nhà nào xinh xắn muốn vào đó mà ở thì đó là nhà của mình.
Ông cụ tuy vừ nói vừ cười, nhưng vẫn nghiêm trang chớ không cà rỡn. Cái cười đó là cười thích ý về cônng trình của mình.
- Thì xe ngừng ở đâu, là nhà ở đó, như vậy còn đoán trước sao được? Bà Nam Thành nói.
- Không, tôi sẽ cho xe chạy lố một đoạn đường, để mẹ con đoán chơi. Đoán được thì là tôi thành công, bằng không thì cũng mặc. Rồi tôi sẽ cho xe lui lại ngay nhà.
Ông Nam Thành đi mướn xe cam nhông. Bà thì cho người sang nhà hay tin để mốt họ lại nhận nhà.
Ngày hôm đó, và hôm sau, không ai đi đâu nữa cả. Họ muốn, trong hai ngày cuối cùng, khắn khít với căn nhà mà họ chiếm trong mười năm, căn nhà đã thấy bốn cô gái lớn lên, căn nhà mà trên vách còn những ngắn đo bề cao hằng năm của ba cô gái sau.
Chơn trời chung quanh thật không có gì quyến rủ, tuy nhiên nó quen mắt quá nên họ cũng nao nao buồn phải rời cảnh quen thuộc đó: trước mặt là một dãy phố tồi tàn. Ngõ hẻm ở giữa hai dãy nhà thì lổm chổm đá và loang lổ những ổ gà nước đọng, một hàng trụ, mấy nghĩa địa nhà thờ Cầu Kho. Đầu mgoài là phố Võ Tánh và bên kia phố là hàng rào song sắt của thành Ô Ma.
Cô Hương lớn lên ở nhà quê, và như cha mẹ, xem chổ ấy là nơi tạm trú. Lui về quê cô chỉ thấy thích.
Ba cô sau đã quen mất nông thôn, xem ngõ hẻm là quê hương của họ, nhứt là cô Quá là kẻ lên đây lúc còn thơ ấu lắm. Quá và cả Hoa nữa, tuy nói tia lia vẫ héo hon lòng.
Sàigòn là nơi cô để lại mối tình đầu, nên chi cô Hồng ngậm ngùi hơn ai cả. Mặc dầu mối tình đã tan vỡ mà người cô yêu vẫn còn ở đô thành, thì đô thành đối với cô là một chổ thiêng liêng.
o O o
Để cho đở tốn, hôm ấy nội nhà theo cam nhông chớ không mướn xe riêng.
Người Sàigòn dọn nhà đi giữa sự thờ ơ của hàng xóm. Ở với nhau không bao lâu, tới lui nhau rất ít, thì đi đâu nào ai thiết tha đến mình!
Nhờ thế họ lên xe mà khỏi bận bịu người. Cảnh thì cứ ngậm câm, không nghẹn lời giã bạn được, nên họ chia tay với cảnh dễ dàng.
Qua khỏi chợ Thủ Đức, ông Nam Thành nói:
- Coi chừng, mẹ con rán mà dòm để đoán nhà.
- Bên trái hay bên mặt, ông?
- Biết đâu, cứ xem cả hai bên.
- Hứ, làm bộ bí mật hoài. Nhà tranh chớ bộ lầu đài gì sao mà trịnh trọng dữ vậy.
Họ chia ra hai phe để nhìn hai bên lộ.
- Đây nè, Hoa reo lên.
Người ta xem lại thì đó chỉ là một ngôi nhà gạch củ, Quá véo chị một cái đau điếng.
Bà Nam Thành than:
- Mỏi cổ lắm ông ơi, ông báo hại mẹ con tôi làm chi vầy nè.
Anh tài xế và hai anh phu khiêng đều cười ngất mà thấy ông chủ nhà có ý dấu kỳ dị như vậy.
- Đây nè!
- Lần nầy, chính cô Hương ít nói kia la lên.
Họ day qua phía tả thì thấy một nếp nhà tranh có gác, kiến trúc rất kỳ lạ. Nhưng quả thật xinh lắm. Chung quanh nhà trồng được vài cây bông huỳnh, vài bụi cỏ huệ. Vì cuộc đất hơi to nên chỉ mới làm hàng rào ở mặt tiền thôi, mà đó là một hàng rào tượng trưng, dài độ bốn mươi thước, cố ý làm trước, để trổ cửa ngõ.
Rồi mấy mẹ con lại nhìn người gia trưởng thì thấy ông nầy cười chúm chím. Lúc bấy giờ xe đã chạy qua khỏi đó mấy trăm thước rồi.
Ông Nam Thành biểu xe ngừng và de lại.
Nếu vợ con ông mà biết được những dự bị của ông Nam Thành thì họ sẽ cảm động biết bao nhiêu!
Ông Nam Thành tản cư lên Sàigòn với hai bàn tay không như ta đã thấy. Nhưng ông lại ôm theo một chồng báo P.H. cũ. Báo ấy có dành riêng cho hội Ánh Sáng là hội bài trừ nhà hang chuột ở Hànội hồi tiền chiến, mỗi
tuần một trang. Trong trang đó, mỗi tuần kiến trúc sư V.Đ.D đều có vẽ một kiểu nhà tre lợp tranh, rất tiện và khá đẹp.
Ông Nam Thành yêu báo, hay yêu kiểu nhà? Có lẽ cả hai. Và có lẽ ông đã nưng niu cái mộng về quê cất nhà Ánh Sáng từ mười mấy năm nay.
Thấy rõ là ông đã làm công việc tạo tập nầy với cả tấm lòng ông.
Ông Nam Thành đã tự ý sửa đổi rất nhiều, và nếu nhà kiến trúc sư vẽ họa đồ trông thấy cái nhà lai căn nầy, chắc ông bất bình lắm. Nhưng phần chánh vẫn còn được kính nể và ông Nam Thành có nhiều lý do để xúc phạm kiểu mẩu như vậy.
Trước hết là cái nóc. Ông không lợp mỏng như người mình thường làm hay như họa đồ chỉ vẽ, mà lợp thật dày theo lối Nhật Bổn, dày đến bốn tấc. Bạc ngàn tiền tranh nằm trên đó. Như thế mười lăm năm sau, nóc ấy dễ cũng chưa hề hấm gì.
Ban đầu ông Nam Thành định làm vách đất tô xi măng rồi quét nước vôi để trông cho sáng sủa. Nhưng nghĩ lại vách đất hầm quá, phải tốn rất nhiều cửa sổ. Nên rốt cuộc ông làm vách trỉ long mốt, gần với kiểu mẫu hơn (họa đồ vẽ phên tre).
Nhà gỗ có gác, hai căn, một căn sâu tám thước, còn một căn chỉ sâu bốn thước thôi, thành ra nhà mang hình thước nách, cái phần hủng vô của cây thước nách ấy ngó về hướng đông. Vào buổi xế, chỗ ấy rợp bóng mát.
Theo hình thể đó thì nhà ngăn ra được sáu buồng, ba buồng dưới và ba buồng trên.
Ông bà Nam Thành chiếm buồng trên bên hướng tây, ông bà hy sinh, nhường hai buồng hướng đông cho bốn cô con gái; ba buồng dưới thì dùng một làm phòng tiếp khách, một làm phòng ăn, còn một để trống phòng lúc có bạn hữu ở lại nhiều ngày.
Nhà bếp và nhà bắc cầu đều cất cột tre, lớp tôn ngừa hỏa hoạn. Ông Nam Thành có làm một việc châu đáo nầy mà ở nhà quê ta, không mấy ai
để tâm đến là sau nhà bếp, ông thêm hai cái chòi con, một để tắm rửa, và một xa hơn, là cầu xí.
Phu khiêng bàn ghế vào nhà chỉ tốn có nửa giờ thôi. Nhưng gia đình phải mất trọn ngày để sắp đặt mọi thứ lặt vặt.
Không lần nào mà sáu người ấy đồng ý với nhau về vị trí một bức tranh hay một chiếc bàn con. Họ cãi nhau về mặt thẫm mỹ, mặt tiện lợi, mặt tình cảm, nhiều cuộc tranh luận sôi nổi quá, muốn chấm dứt phải mượn đến lối bỏ thăm đưa tay lên. Ngặt nhà có sáu người, số chẵn, khó lòng mà lấy được đa số khi ý kiến chia hai đều.
Ông Nam Thành khôn ưa xử dụng quyền gia trưởng trong các việc lặt vặt, thành ra nền dân chủ trong gia đình ông gây rối loạn liên miên.
Người ta cãi nhau, người ta giận hờn, nhưng vui lắm vì sự dao động vô tội ấy giúp đỡ chán cái mặt nước phẳng của nhà quê.
Trong buổi dọn nhà nầy gia đình mới hiểu công dụng của những tấm bố nhà binh Pháp loại ra mà ông Nam Thành đà mua dưới chợ Dân Sanh hôm nọ.
Vách trỉ long mốt luôn luôn bị gió lò. Vào thu và bấc, mấy tấm bố nầy buông xuống sát vách bên trong, sẽ giúp cho nhà thêm ấm.
Và giỏ cần xé chai không kia là khí giới tối tân mà ông chủ nhà kỳ dị nầy đã nghĩ ra.
- Ở đây không khỏi có cướp, ông Nam Thành nói. Nhứt là bọn họ đồn mình ở chợ về thì cướp nó càng thêm hơn nữa. Mình nghèo mình biết, nhưng chúng nó ngỡ dân Sàigòn nào cũng nứt đồ đổ vách. Chai nầy ta sẽ đổ đầy nước vào rồi đem lên gác. Cướp nó đến, mỗi người năm bảy chai, chọi cho bể đầu chúng nó ta mới thôi.
- Ghê quá, cô Hồng nói, nó giận nó bắn chết còn gì ba?
- Nếu chúng lẹ tay, chỉ bắn chết một mạng trong nhà ta thôi. Rồi chúng sẽ bể đầu mà rút lui.
- Thành ra mình phải hy sinh một mạng?
- Chớ sao! Ở chỗ dữ tợn phải như thế mới sống còn cho.
- Thôi, ai chọi cướp trước thì trọi, con đợi chúng nó rút lui mới chọi với theo. Quá cười và tỏ thái độ ấy. Nhưng chắc cô ta sẽ làm thật như vậy, khi có cướp đến.
Suốt ngày hôm đó họ ăn bánh mì thịt quay mua ở dưới Sàigòn vì họ đã tiên liệu sẽ bận, không làm bếp được. Mà quả như vậy.
Đến xế chiều, ông Nam Thành mới chịu dùng quyền chỉ huy để phân công cho mọi người:
- Công việc nhà, tôi sắp đặt một lần nầy thôi, rồi bà phải kiểm soát việc thi hành mỗi ngày, để tôi rảnh tay, rảnh trí mà lo vườn tược. Con Ba, con Tư, con Năm, ba đứa biết đi xe máy thì thay phiên nhau mà đi chợ. Đừng đi mỗi ngày mất công. Mình ăn khô, ăm mắm thì cứ hai ba bữa đi một lần.
Những thứ lặt vặt như tiêu, muối, hành, tỏi thì trử cho kha khá, để muốn dùng lúc nào sẵn có trong nhà lúc nấy. Thí dụ nửa đêm thèm cháo gà, trưa trưa họ có bán ếch mập thì ta đủ mọi thứ cần dùng.
- Ông thì lo món nhậu của ông trước.
- Ở nhà quê phải vậy. Có nhậu mới có tới lui với xóm giềng được. À, thay phiên nhau đi chợ, rồi về thay phiên nhau mà giặt gịa...
- Bàn ủi điện má bán rồi, còn đâu mà...
- Má mầy bán là phải, ở đây lấy đâu ra điện. Mà không cần mặc đồ ủi nữa. Có muốn làm dáng thì ủi điện lấy...
- Ủi điện?
ẳ
- Phải, ủi điện, mà là điện trời, nghĩa là vuốt cho thẳng, xếp tử tế rồi để dưới gối nằm đè lên đó, thì nó sẽ láng như là...
Cả nhà cười ngả nghiêng ngả ngửa.
Ông Nam Thành lại tiếp:
- Thay phiên nhau giặt gịa rồi áp nhau mà làm vườn...
- Đi chợ rồi nghỉ, giặt gịa rồi nghỉ, làm vườn rồi nghỉ, rửa chén rồi nghỉ, cho heo ăn rồi nghỉ, phải không ba? Cô Hoa ranh mãnh hỏi cha như vậy.
- Đúng!
_ Ứ hự!
- Còn chị hai, ba?
- Con hai làm bếp. Nên nói rõ chi tiết. Làm vườn gồm có những việc sau đây: nhổ cỏ, kéo nước tưới cây, bắt sâu, cho heo, cho gà ăn... v...v...
- ba trộn lộn chăn nuôi và trồng trọt. Đó là hai khoa khác nhau. Con học ở trường họ dạy như vậy.
- Hay là con ba biệt phái chăn nuôi. Hai đứa kia làm vườn, ông Nam Thành đề nghị sau lời cãi lý của Hoa.
- Không đâu, con muốn chăn nuôi hè!
- Con cũng vậy!
- Nữa nè, thôi thì bỏ thăm.
- Ừ, oẳn tù tì, đứa nào thắng là được chăn nuôi.
- Thôi đừng cà rỡn nữa. Phận sự của bốn đứa bây đã rõ rồi đó.
Còn bà, bà kiểm soát, nhắc nhở chúng nó, và xuất phát tiền bạc. - Còn ông?
- Tôi ấy à? Tôi thì tôi làm tất cả các công việc còn lại chưa ai nhận lãnh. - Đâu còn công việc gì ba, Hoa cãi.
- Ba ăn gian quá! Quá phàn nàn.
- Sao lại không còn? Tiếp khách nè, đi thăm xóm giềng nè...
- Nhậu nè, bà Nam Thànnh vừa xỉa thuốc sống, vừa tiếp lời chồng, và bốn cô con gái đều cười rộ lên.
- Nói chơi vậy chớ ba sẽ làm tất cả công việc nặng mà mẹ con bây làm không nổi. Nội hai việc sau đây, thử hỏi đứa nào dám đãm đương không? Đó là việc canh ăn trộm và coi chừng ma cho bây ngủ.
Cô Quá ý ạ một tiếng rồi nhảy vô ngồi giữa gia quyến mắt liếc ra vách. Qua trỉ long mốt, hoàng hôn xuống ngập đồng vắng. Đây là buổi chiều đầu tiên mà bốn cô con gái sống ở thôn quê. Lòng họ bỗng nghe buồn minh mông quá, khiến họ kinh ngạc cho số phận họ, mới hồi sáng còn ở chốn phồn hoa đô hội, rồi chớp mắt một cái thì bây giờ đã ngồi giữa cảnh đìu hiu, cô quạnh nầy, và không biết về sau sẽ ra sao.
Ông Nam Thành có sắm một cây đèn măng sông, mua săng, mua rượu đủ cả. Nhưng ông nói thắp đèn sáng quá sợ người ta để ý ngỡ gia đình giàu có dư dả lắm, rồi trộm cướp nó mò tới. Nên chi họ thắp đèm dầu hôi.
Cô Hương đã có ở nhà quê, nên không thấy mình lạc hướng bao nhiêu trong cảnh quạnh quẽ nầy. Nhưng ba cô khác vì rời thôn xóm lúc còn bé quá, nên nghe bỡ ngỡ lạ kỳ.
Cây đèn vặn ngọn lên cao thì un khói, còn hạ thấp ngọn ánh sáng vàng vàng cũng phủ lên buồng khách một màu dơ dáy, ủ rũ và bệnh hoạn.
Những con sâu con trùng gì không biết, ở đâu ngoài cỏ nội bay ùa vào đâm đầu vô ống khói rồi chết thiêu rơi rơi xuống đầy mặt bàn. Có một mớ lại rơi ngay trong ống khói đèn và lớp xác sâu cứ càng lúc càng dày lên.
Ông Nam Thành lượm lên một xác sâu xanh rồi nói:
- Thứ nầy tên là con phù du...
- Vậy hả ba? Té ra con phù du có thật à?
- Sao lại không thật.
Rồi ông ngâm:
Đời người như kiếp phù du,
Sớm còn tối mất công phu lỡ làng.
- Chà, ba thi sĩ quá!
Thêm hứng, ông Nam Thành hạ ngọn đèn xuống đoạn lại ngâm: Canh khuya thắp chút dầu dư,
Tim loan cháy lụn, sầu tư một mình.
Cô Quá vỗ tay khen:
- Hay quá! Ba dạy con câu hát nhà quê đi ba.
- Tụi bây ở chợ, không nghe ai hát ru con nên dốt về câu hát lắm. Về đây rán mà banh lỗ tai ra để nghe mà học.
- Học làm gì, bà Nam Thành cà rỡn, mấy đứa nầy nữa chúng nó ru con bằng âm nhạc hò lờ, lúa vàng, và hò dô ta ấy mà!
Cô Hồng cứ ngó ngoáy ra sau lưng mà nói:
- Vách hở như vầy, ghê quá!
- Cho nên ở nhà quê, ngủ phải tắt đèn, nếu chong đèn ăn trộm nó thấy rõ bên trong hết.
- Nhưng không chong đèn thì tối hù, lại còn ghê hơn nữa, bà Nam Thành bàn rộng sau lo sợ của Hồng.
- Kín cổng cao vách như vầy mà còn sợ thì ở đây sao được, ông Nam Thành nói.
- Ăn trộm nó dòm vô, nó thấy cái gì ba?
- Thì nó thấy mình nằm đâu, ngủ hay thức, tủ áo để chỗ nào, tủ tiền kê xó nào ấy mà. Ngày xưa nghe bà nội bây nói lại, trộm còn giỏi hơn nữa. Nó gắn một cây đèn cầy cháy lên lưng một con cua, rồi nó thả con cua vào nhà, qua hạ cửa. Con cua bò qua lại trong nhà, soi sáng cả mọi vật. Lắm khi không cần đèn, chúng vẫn thấy rõ trong bóng tối như giữa ban ngày. Đi đứng thì chúng dùng một que tre thật nhỏ và thật dài mà quơ trước mắt. Que đụng phải cột, báo chúng biết để tránh mà không khua động gì hết, cho chủ nhà đừng giựt mình thức dậy.
Chúng lại hốt gạo cất sẵn trong túi mà ném tứ tung ra. Gạo chạm phải đồ đồng, đồ thau, kêu leng keng nho nhỏ, dẫn dắt chúng lại chỗ cất đồ quí đó. Ấy ngày xưa, trong nhà dân, chỉ có đồ đồng, đồ thau, là quí giá thôi.
Ánh đèn dầu phóng đại lên vách trỉ sáu bóng người. Quá đưa cánh tay lên hươi thử và lấy làm thích mà thấy bóng cánh tay nàng giống đầu một con vịt quây mỏ lại để rỉa lông.
- Đừng giỡn với bóng, khuya ngủ, nó dồi chết bây giờ. Ba Nam Thành mắn con gái út.
- Bà khéo dị đoan hoài. Bóng sao lại dồi người?
Cô Hồng đứng lên đi lại đi văng lấy chiếc gối dài, ôm gối vào mình như ẵm con, rồi ngắm thử bóng mình trên vách.
Như hội ý, cô Hoa hát:
" Ai đời còn nhớ chăng "
Xóm Nam Xương có một nàng.
Lòng son muôn đời muôn kiếp mang xuống tuyền đài.
Câm uất ôi buồn ôi đến bao nguôi.
Ông cụ cũng cảm xúc về chuyện cổ tích mà lũ con ông vừa gợi lên, nên ngâm bài thơ Lê thánh Tông:
" Nghi ngút đầu gành tỏa khói hương,
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương "
Câu chuyện đã đến lúc nặng nề khó thở. Mà không khí cũng khó thở thật. Bầu trời giống như một nồi xúp de bị nung nhiều giờ, áp lực mạnh vô cùng mà không ai xả xúc báp cho xì bớt hơi.
Lúc ấy vào cuối tháng tư, tại hóa chuyển mình một cách đau đớn để bước sang mùa khác, nhưng bước còn do dự ngập ngừng nên vạn vật dưới đây bị đè dẹp dí xuống.
Không bảo nhau, cả nhà đông đứng lên, đi ra ngoài.
Mặc dầu nực, trời không mây. Sân sáng sao, trông mờ mờ như hừng đông. Vài con đôm đóm nở trước mùa, xẹt qua lại trên không trung thành những lằn nhỏ dài như những mũi kim vàng. Đèn nhà ai le lói đằng xa và xa nữa rừng mờ đen trên chân trời trong hơn một tí.
Trên vòm trời, sao dầy đặc như dề cơm cháy. Đó là muôn ngàn đâu cây đinh bằng vàng đóng trên một tấm trần đen.
Thỉnh thoảng một cây đinh long ra, rơi đi đâu không biết.
- Sao băng! Bà Nam Thành nắm tay chồng, hồi hộp nói bằng giọng run run.
- Không có gì đâu mà sợ. Mỗi đêm hằng trăm ngôi sao xẹt đi như vậy là thường.
Trong khi đó thì bốn cô con gái đều ngó về hướng nam. Một vầng ánh sáng bừng lên ở chơn trời hướng đó, như mặt nhựt sắp lú lên vào buổi bình minh.
Đó là ánh sáng đô thành mà mới hôm qua đây họ còn sống lộn trong đó. Mới hôm qua nầy? Ừ! Nhưng sao mà nghe như lâu quá rồi, nghe như xa lắm rồi. Nỗi nhớ xứ, nhớ nhà minh mông như là họ đã lìa khỏi quê cha đất tổ.
Quặn quẹo là khúc đường từ nhà đổ xuống chợ Thủ Đức và quặn quẹo là lòng của bốn ả nhớ nhà. Lòng quặn quẹo và ruột quặn đau niềm ly biệt cái nơi mà họ xem như nơi chôn nhau của họ.
Cô Quá không sao xóa được nơi trí cô hình ảnh các rạp chiếu bóng hực hỡ đèn màu. Nóng bức lại nhắc nhở cô Hoa các tiệm kem mà nơi đó, giờ này, bạn hữu cô đang ngồi chấm chút thứ tuyết ngọt kia.
Riêng cô Hồng thì ngậm ngùi hơi ai cả. Cô không chỉ để lại Saigòn một căn nhà không cá tánh, một lũ bạn ít tình cảm hay một cuộc sống quay cuồng, mà là một mối tình đầu, hơn thế, một mối ttình đau thương không nguôi.
Như hiểu ý con, ông Nam Thành nói cho khuây dạ chúng nó:
- Các con biết! Ngày xưa không ai nhớ Sàigòn cả, vì lúc đó không có dân Sàigòn.
- Không có dân Sàigòn, thưa ba? Cô Hương ngạc nhiên hỏi.
- Nghĩa là có, nhưng không phải dân Sàigòn chánh hiệu. Sàigòn ngày xưa chỉ gồm có hai thư dân: thương gia và công chức. Công chức toàn là
người các tỉnh lên. Họ về tỉnh cưới vợ, khi muốn lập gia đình. Đẻ con ra, họ cho về tỉnh ỡ quê ngoại, quê nội. Cả Sàigòn đều đổ xô nhau mà nhớ tỉnh. Hễ Tết một cái là Sàigòn trống trơn. Về ông về bà hết kia mà!
Vả Sàigòn lúc đó cũng chưa có đặc tính gì để họ lưu luyến, cho đến đỗi ca dao về Sàigòn cũng rất hiếm hoi, đếm được trên đầu mười ngón tay.
Số phận của các thành phố mới là như thế. Không có dân chánh gốc để làm cốt trụ, không có nhân cách riêng để quyến rủ người ta.
- Ba chưa nói đến hạng thứ hai là thương gia.
- Ờ thường dân ấy à? Bọn nầy là ngoại nhân cả. Cũng có vài thương nhân Việt Nam, nhưng họ là hạng người ít tình cảm, đâu cũng là quê, là nhà được tuốt.
Phải qua nhiều thế hệ người, một thành phố mới trở thành được một quê cũ có người nhớ, có người thương. Có lẽ Sàigòn ngày nay đã đến tuổi già dặn của một chốn định cư lâu đời rồi.
Bây giờ đèn pha xe hơi từ Sàigòn lên và từ Biên Hòa xuống soi thủng bóng đêm trên đường. Tia đèn bắt tréo nhau như những lưỡi gươm dài mà mấy tay hiệp sĩ dạ khách khổng lồ nào đang so kiếm giữa đêm trường.
Xa xa tiếng chó sủa dài. Lần nầy ông Nam Thành giựt nẩy mình, dáo dác nghe ngóng, rồi tần ngần rất lâu ông nói:
- Nghe chó sủa sao mà nhớ nhà quá!
- Tôi cũng vậy. bà Nam Thành đồng tâm với chồng.
Nhưng hai ông bà lại nhớ một làng xa dưới Bắc Liêu chớ không phải nhớ Sàigòn.
Suốt đêm ấy cả nhà không ai ngủ được hết.
Con chó con mà bà Nma Thành xin dưới Ô Ma, kêu cẳng cẳng từ đầu hôm tới sáng. Nó nhớ ổ, nhớ mẹ nó. Thỉnh thoảng từ trên gác, bà Nam
Thành hét xuống:
- Chó nà! Nín đi hôn?
Nó im giây lát, rồi kêu cẳng cẳng trở lại như củ.
Ông Nam Thành bỗng phát minh ra một điều nầy, nói to lên rồi cả nhà áp nhau trò truyện từ giường của mỗi người.
Ông Nam Thành nói:
- Thấy rõ là nuôi chó ở nhà quê rất cần. Không có nó, lúc nào mình ngủ quên thì nguy. Và vì thế thấy rõ việc nuôi chó ở các thành phố là xa xí. Món xa xí ấy lại có hại. Nó cắn người đi đường, báo hại người ta phải đi tiêm thuốc mất ngày giờ không biết bao nhiêu. Đó là nói trường hợp bắt được chủ nó đền bồi tổn phí. Mà khó bắt biết bao! Ai làm chứng cho mình là chó ông A chó ông B cắn mình.
Tôi mà có quyền trong chánh phủ, tôi đánh thuế chó ở các thành phố cho thật nặng, nặng hơn cả hột xoàn và rượu huýt ky, tôi cho kiểm tra chó kỹ lưỡng, mỗi năm nội Sàigòn, thâu không dưới trăm triệu bạc.
Cô Hồng vốn đa cảm, bỗng nhớ lại bầy chó bẹc dê trong xóm mà các me Tây khi lui về vườn, bỏ rơi lại. Lũ chó nầy thành chó đói cả, và rất sung sướng được ăn cơm người ta bố thí cho.
- Hồi trước thịt bò mà nó chê, bây giờ bữa nào mà có chút nước cá kho, lũ nó thích quá xá.
- Có một con, sáng nào cũng đi tiệm cà phê cả. Ở đó nó ăn vỏ bánh bao no nê. Mà họ cũng kỳ, tiền đâu mà vứt xuống đất cho mấy con chó vô ích đó ăn cho uổng?
Cô Quá sợ trộm, lại sợ ma, chạy qua giường cô Hoa mà nằm. Bực bội quá, Hoa thét lên, rồi Quá gây lại, không ai chợp mắt được cả.
ĐÒ DỌC
Bình Nguyên Lộc
dtv-ebook.com
Chương 3:
Người đi đường và những nhà lân-cận rất ngạc nhiên mà thấy người “nhà lầu mới”, tên họ dùng để gọi nhà ông Nam Thành, mãi đến lúc mặt trời mọc hai sào rồi mà chưa thức dậy.
Thói quen ở chợ họ chưa bỏ được và đêm thức sáng trắng vừa qua đã dìm họ vào một cuộc mòn-thiếp đi, vào lúc hừng đông.
Ông Nam Thành là người dậy đầu tiên. Ông lấy củi gõ vào cột tre nhà bếp ba hồi ba dùi theo lối đánh trống ở nhà quê.
Bà Nam Thành và các cô con gái đang mơ màng, nghe tiếng mõ tre ngạc nhiên hết sức. Tỉnh dậy họ vẫn còn ngơ ngác mà thấy mình nằm giữa một cái buồng mà nắng chui vào tứ phía. Giây lát sau họ mới tỉnh hẳn và buồn cười lắm. Họ nghe ông gia trưởng đứng dưới sân kêu với lên:
- Đàn bà hư, con gái hư, thức dậy mà làm ăn chớ nằm hoài đó sao?
Bà Nam Thành vừa bới đầu vừa ra chiếc thang bắc tại góc hủng thước nách nhà, trong khi bốn cô con gái còn chần chờ ở lại: cô Hương lo xếp mền mùng cho cha mẹ và cho mình, cô Hồng cô Hoa thì tập thể thao còn cô Quá thì vật vựa và rên hì-hì những tiếng rên sung sướng.
Thang gác bắc đứng sững, các bực thang lại nhỏ xíu khiến bà Nam Thành sợ hãi, đứng đó mà ngó xuống không biết làm sao.
Ông Nam Thành vào tới nơi, dòm lên rồi la:
- Bà xuống thang kiểu đó thì té gãy cổ. Phải quay mặt vô trong, đưa lưng ra ngoài y như hồi leo lên, vén ống quần cao một chút kẻo nó vướng. Như vậy, nhưng bước lui chứ không phải bước tới đâu! Coi chừng!
Bà Nam Thành làm y theo như lời chồng dặn, bà mập quá khiến chiếc thang mỏng manh kêu lên răng rắc.
Mỗi lần thang kêu như vậy, bà kinh hãi dừng bước mà la. Xuống tới đất, bà nói:
- Thôi đi ông, tối nay tôi ngủ dưới này.
- Rồi nó quen đi chớ.
- Sao ông làm thang gì mà quá là thang của đài mô-tô bay vậy?
Ông Nam Thành cười ha hả, nhớ lại lần đưa vợ đi xem mô-tô bay năm ngoái. Bà Nam Thành leo lên đài được nửa thang thì không dám tiến nữa, cũng chẳng dám lùi. Kịp chuyến xe phát chạy. Cả đài rung chuyển như con tàu say sóng làm bà hoảng vía la mã-tà om trời.
Bốn cô con gái cũng lục tục leo xuống tới nơi.
Ông Nam Thành ra lịnh:
- Rửa mặt đi rồi một đứa đi chợ, một đứa cho heo cho gà ăn, một đứa kéo nước còn một đứa ra cửa ngõ treo tấm bảng này.
Tay ông Nam Thành cầm một cái qiai dây kẽm, treo một tấm tôn hình chữ nhựt.
Cô Quá chạy lại giựt băng trên tay cha, lật ngửa ra cho mọi người xem. Bảng nền đen, trên viết nét trắng ba chữ sau đây: THÁI-HUYỀN TRANG.
- Huyền Trang? Bộ ông là Huyền Trang đi thỉnh kinh ở Tây Trúc đó à? Bà Nam Thành hỏi.
- Huyên Trang chớ không phải Huyền Trang.
Mà sao ông lại họ Thái?
- Dốt ơi là dốt. Trang là cái trang trại trong đó có nếp nhà tranh. Trang ấy tên là trang Thái-Huyên, hiểu chưa?
- Chưa, cô Hoa đáp hớt mẹ. Thái-Huyên là gì ba?
- Thái là hái. Còn Huyên là một thứ thảo mộc tượng trưng cho sự thanh nhàn, không lo nghĩ. Thái Huyên trang là cái trại mà nơi đó ta hái được, hưởng được sự thanh nhàn.
- Ông già chữ nho quá sá ta! Cô Quá khen mỉa. Nhưng cây Huyên nói nôm na là cây gì ba?
- Là cây kim châm. Mẹ con bây xào lăn thịt gà mỗi bữa bằng bún tàu, nấm mèo, kim châm, quên rồi sao?
- Ba bây sắp thành đồ gàn rồi đó, bà Nam Thành pha trò. Thấy không ai cười, cô Hoa nhắc đến công việc nhà:
Tụi mình oẳn tù tì theo lời giao kết, đặng đi cho heo ăn chớ! Nhưng Quá chưa chịu thôi về vụ tấm bảng kia. Cô chế nhạo cha:
- Ba làm như nhà mình là biệt thự ở Sài Gòn, có để nào là biệt thự Tố Nga, biệt thự Quỳnh Hoa, villa Eldo-rado…Sao ba không treo bảng: attention chien méchant (1)?
- Chó mình còn nhỏ xíu ai sợ, vả lại ở nhà quê chẳng ai thèm sợ chó. Chó mà rượt họ là họ đá cho mà gãy mõm.
Cô Hương ít nói, lại đề nghị một câu khiến cả nhà cười lăn chiêng. - Họ không sợ chó thì mình đề: attention trích méchant
Quả thế, bà Nam Thành đã xin con chó con, lại còn mua thêm một con trích. Chó giữ ăn trộm còn trích thì hăm dọa trẻ con cùng heo gà hàng xóm. Chim trích dữ lắm, thấy chó, heo, gà và con nít lạ là nó mổ chạy tét.
- Hè! Oẳn tù tì hè! Cô Hoa lại nhắc.
- Nhỏ em dữ hôn!
Bà Nam Thành mắng yêu con và cười hiền lành.
- Ra cái gì, ra cái này!
Cô Quá thắng nên được chăn nuôi.
Chỉ mới đem về có một con heo hai tháng thôi mà từ sớm đến giờ nó đã hét nghe điếc cả tai. Ba con gà mái vừa mặc áo là còn nhốt trong giỏ được lôi ra buộc ở cột tre nhà bếp.
Quá vừa vãi gạo cho gà vừa nói:
- Trưa nay em chọi nó gãy giò, làm thịt để bớt công nuôi
Trong khi cô Hồng đem xe đạp ra để đi chợ bữa đầu thì cô Hoa gánh thùng đi lại giếng, Hương lót tót theo em vì chưa có công việc gì làm cả.
Bà Nam Thành đón bắp nấu trên đường mua đặng ăn sáng cho đỡ tốn tiền chớ không nấu nướng gì.
Cuộc đất này nguyên trước kia có người ở nên có đào giếng. Quanh miệng giếng, thành gạch đã đóng rêu xanh lơ. Ông Nam Thành lúc cất nhà có trồng trụ hai bên miệng giếng: một cây ví ngang bằng gỗ căm xe, lăn mình trên đầu trụ bằng hai cái bạc đạn xe hơi cũ, mani-quen cũng bằng sắt cũ, ông lượm đâu đó rồi mướn thợ rèn đập lại.
Bà Nam Thành mua bắp xong trở vào đó dòm xuống giếng rồi kinh hãi kêu lên:
- Trời ơi, nó sâu bắt ngán. Con coi chừng, rủi ro thì khốn!
Hai cô con gái cũng dòm theo. Cô Hoa tuy sợ nhưng ngỡ giếng là phải sâu như vậy, vì cô chưa thấy giếng lần nào. Cô Hồng có ở nhà quê Hậu Giang, quen thấy giếng cạn nên nay cũng hoảng lắm.
Hoa lấy cái thùng trên miệng giếng rồi quăng đại xuống. Sợi dây dừa tháo ra mau lẹ vì sức trì của cái thùng, mani-quen thì quay lia lịa.
Giây lâu thùng xuống đụng mặt nước, kêu lên một cái đùng. Bà Nam Thành nói:
- Mầy cầm dây mà thòng xuống lần lần, chớ làm như vậy, nội một ngày là thùng bể nát.
Vừa lúc ấy ông Nam Thành đến. Bà Nam Thành hát điệu ru con: Lấy chồng về miệt Tân-Ninh
Kéo dây giếng ba mươi sải, thất kinh ông bà
Hai cô gái nghe câu hát kỳ lạ cười ngất lên.
- Tân-Ninh là ở đâu, ông biết không ông? Bà hát xong hỏi chồng như vậy.
- Cách đây không xa lắm. Hôm cất nhà, người trong xóm có rủ tôi đi Tân-Ninh ăn thịt nhím một bữa. Đó là một làng rừng, ở tại biên giối mấy tỉnh Biên Hoà, Gia Định, Bình Dương. Đất ở đó cao và khô ráo, các giếng nước đều sâu thăm thẳm thiệt đó.
- Gả con Quá về đó cho nó khóc thất kinh ông bà chơi.
Câu nói đùa không đâu của Hương bỗng không hiểu sao, làm cho bà Nam Thành buồn vô hạn. Bà nhìn lại hai đứa con gái đang có mặt rồi lòng thương con của bà như lộ ra hết nơi hai mắt của bà bấy giờ như muốn ứa lệ.
o O o
Cô Hồng đạp xe máy về đến cửa ngõ, bóp chuông kêu om lên. Con chó mới nuôi mà đã biết chủ, chạy ra ngoắt đuôi một cách vụng dại, rồi nhảy bổ lên cào quần áo cô gái đi chợ về.
Cô Hồng cầm tờ nhựt báo TIN-SƯƠNG phất phất lên rồi nói lớn: - Xe hơi đụng trước nhà mình ở Ô-Ma!
Thấy báo, cả nhà mừng như gặp lại Sài Gòn. Hôm qua đến nay họ như bị cách biệt với thế giới bằng một bức tường khoảng không. Họ đói tin tức mọi nơi, nhứt là tin Sài Gòn nhưng lại quên mất báo. Sáng kiến của Hồng đem tươi sáng và hy vọng trở lại lòng họ.
Ông Nam Thành giựt lấy tờ báo trên tay con, rồi banh ra đọc ngay giữa sân, trong nắng sớm.
Kháng chiến An-giê-ri tăng gia hoạt động vô cùng mãnh liệt. Hội nghị Cô-lôm-bô ắp khai mạc.
- Thôi mà ông, xem có ai giựt hụi hay không mà!
Bà Nam Thành van nài vì chán tin thế giới.
Quá thì chạy ra trước mặt cha để đọc trang tư, đọc các quảng cáo của rạp chiếu bóng.
Cô Hồng nói:
- Hôm nay khởi đăng “DƯỚI BÓNG TRĂNG THU” tiểu thuyết tình cảm của Bích Sơn, mùi tuyệt diệu.
Nhưng ông Nam Thành nhứt định chiếm độc quyền số TINH SƯƠNG ấy, đọc mê tin thế giới ở trang đầu, vừa đọc thầm vừa gật đầu như hài lòng lắm.
Chán nản, bà Nam Thành với lấy giỏ đồ ăn rồi bốn mẹ con cùng ra sau nhà bếp, cô Hồng dắt xe đạp đi sau hết.
Ông Nam Thành khi đốn cây tạp để dọn đất đã soạn được một đống củi to để ngoài sân sau. Củi đã chẻ nhỏ rồi, mấy mẹ con dùng rất tiện và thầm cám ơn ông gia trưởng chu đáo hết sức.
Bà Nam Thành phê bình giỏ thực phẩm:
- Đồ ăn ở đây nới hơn ở Sài Gòn nhiều lắm. Mà con ba cũng khéo mua, chỉ phiền có một việc là chợ xa quá, qua mùa mưa sẽ khổ.
- Còn cái khác nữa chớ má: khúc đường gần chợ thì quanh co như ruột vịt. Mình đương đi bỗng đâu một chiếc xe cam-nhông lù lù hiện ra thấy hết hồn. À, có hồ tắm tụi bây ơi, mặc sức mà lội vì không có ma nào tắm hết.
- Xí! đừng có mong tắm. Ba mầy có cho đâu. Về nhà quê, con gái mà đưa đùi đưa ngực ra họ cười cho mà thúi cái đầu.
Cô Quá trề môi, ẹo cổ, nhõng nhẽo như lúc bé mẹ cấm ăn quà. - Vậy chớ họ xây hồ tắm làm gì?
- Làm gì mặc họ. Họ xây cho đờn ông con trai chúng nó tắm, chớ có xây cho bây đâu.
o O o
Cái gì lần đầu và lần chót người ta cũng làm cho trịnh trọng ra cả. Mà nghĩ cũng phải: công việc làm ra trong hai lần đó mang tính cách kỷ niệm và vĩnh biệt.
Bữa ăn hôm nay là bữa ăn đầu tiên tại Thái Huyên trang. Hôm nay họ chỉ ăn bánh mì thịt quay thôi.
Ông Nam Thành nói:
- Coi thì không có gì lạ nhưng mười năm sau, hai mươi năm sau trong một lúc buồn vui nào đó, các con bỗng nhớ lại bữa cơm đầu tiên nầy với tất cả mùi vị, màu sắc của các thức ăn, nhớ cả giọng nói của người thân yêu quanh bàn thì các con sẽ bùi ngùi không biết bao nhiêu. Lầu đài ký ức là một lầu đài kiên cố nhứt, không thời gian hay mưa nắng nào tàn phá nổi. Mà nó lại xinh đẹp làm sao, càng cũ càng đẹp ra, qua lớp bụi thời gian, cái gì cũng sẽ hiện lên với muôn màu rực rỡ.
Chỉ có Hương và Hồng là chú ý đến bài diễn văn văn hoa của ông gia trưởng.
Cô Hoa cằn nhằn:
- Má bán làm gì cái radio. Phải đem lên đây thì giờ nầy mình nghe ca có phải là thú không?
- Trên nầy làm gì có điện mà mầy trách tao bán máy.
- Không cần điện, sửa lại chạy pin cũng được. Ông Nam Thành cắt nghĩa.
- Vậy hà, ai mà biết đâu.
- Từ sớm đến giờ, bà có đếm thử cây tôi trồng chưa?
- Có nhưng mà trồng mỗi thứ vài cây thì thất sách lắm.
- Sao vậy?
- Bạn hàng họ lên, không lẽ họ chỉ mua có vài thúng sa-cô-chê rồi về. Bạn hàng sa-cô-chê nào có mua bưởi, mua xoài đâu. Bưởi cũng có vài cây, xoài cũng vậy mà bạn hàng của những thứ sau nầy lại không mua sa-cô chê.
- Nhưng trồng độc một thứ lại sợ tiêu thụ không kịp. Tôi chỉ tính bán tại chợ Thủ Đức thôi, không cần bạn hàng xa. Còn về phần hàng bông, rau cải để sống xắp-thời bây giờ thì giao cho bà đó.
- Ba à, sao dưới mỗi gốc cây ba đào lỗ làm chi sâu dữ vậy?
- Bây quét nhà, quét sân có rác cứ đổ xuống đó. Đã tốt cây lại chắc gốc, trồng như vậy trúng cách lắm đó.
Hương nói:
- Thích quá, có sẵn một cây mít thật sai, một cây me cũng sai và một cây chanh rất mỏng vỏ.
- Cây mít có lợi nhiều thứ, rồi ba sẽ nuôi dê bằng lá mít. Dê đẻ nhiều lại cho sữa tươi rất bổ.
- Ông tính rào miếng đất nầy lại hay không?
- Không rào sao được. Nhưng rào bằng gạch thì ta không đủ tiền. Rào bằng gỗ cũng mất đi hai vạn bạc. Để rồi tôi trồng xương rồng, rẻ nhứt mà lại chắc nhứt, không con gì vô lọt hết. Phía trước mặt tiền không sợ trâu bò tuôn phá, mình sẽ trồng bông bụp coi cho đẹp.
Phần con Hương thì phải vẽ họa đồ vườn hoa nhỏ. Nó có óc thẩm mỹ lắm, rồi ngoài việc làm bếp, nó trồng bông hoa chưng dọn nhà cửa.
o O o
Trưa quê đã buồn mà trưa ở đây lại buồn gấp mấy lần ở xóm làng. Nhà hàng xóm ở xa quá, tiếng gà gáy trưa, tiếng cối đá xay bột vẳng đưa lại, mơ mơ màng màng như là từ dĩ vãng xa xưa đưa tới.
Heo gà, chó nhà cũng chưa đông đúc cho dân số Thái Huyên trang được sầm uất hầu đỡ tẻ lạnh.
Cây cối còn lùn bân mặc sức cho nắng đổ xuống vườn, cái thứ nắng hè buồn một nỗi buồn tẻ và chết như nỗi buồn nơi sa mạc.
Cho đến cả xe cộ ngoài đường cũng a tùng để tăng thêm cái buồn trưa nắng. Bao nhi êu xe nh à, xe du lịch rộn rịp trên đường Thiên Lý khi sáng bây giờ đã rút lui đi đâu mất hết. Chỉ còn những chiếc cam-nhông tiền sử hổn hển kéo những rờ-mọt gỗ, khúc gỗ nào cũng như một thây người vừa bị lột da và những bành sao su sống phết vôi trắng chói lòa lên dưới nắng hè.
Con đường nhựa không đen nữa mà tím sẫm xuống như một băng lụa vắt ngang vòng hoa tang bằng cườm trong các đám phúng điếu.
Người trong trang Thái Huyên nghe là lạ trong người là mặc dầu trời nắng gay gắt và nóng hầm, họ vẫn không thấy buồn ngủ.
Giấc ngủ trưa của họ trong mười năm nay không sai chạy bữa nào, sau bữa ăn đúng ngọ nhưng hôm qua bận dọn nhà quên buồn ngủ thì không nói gì, còn hôm nay đã rảnh rang rồi sao mà…
Không ai buồn lên gác cả. Gia đình tụ họp nơi buồng tiếp khách, ngồi lặng thinh nhìn cam-nhông mui lá dài nhoằng, uể oải bò như con trâu già mệt nhọc kéo xe rơm khô, tuy chở nhẹ vẫn không muốn bước.
- Rồi phải bày ra công việc gì để làm vào giờ trưa mới được, ông Nam Thành nói: ngồi không như vầy mà nhơi những nỗi buồn xa ở đâu đâu ấy, hại lắm.
- Chừng cây lớn có trái, chắc làm không hở ay đâu ba.
- Hay là các con làm mứt? Bà Nam Thành thử đề nghị: me, chanh, không thiếu gì. Làm mứt để dành ăn tráng miệng mỗi bữa, với lại để đãi khách. Vườn nhà chưa có món gì ăn được, có khách xa đến lấy gì làm vui miệng người ta.
- Phải rồi, mình hứa đãi anh Bằng trái cây, không lẽ lại cho ảnh ăn me chua.
Tên Bằng bỗng làm cho cả nhà phấn khởi lên. Bằng sẽ đem hương vị Sài Gòn đến, mà mứt là sẽ đưa bạn hữu anh ta tới chơi. Bằng mà cả nhà đều đặt hết hy vọng vào, Bằng ấy phải được săn sóc.
Không rủ nhau, cả bốn đều chạy túa ra vườn để thọc me và hái chanh. o O o
Con chim manh manh
Nó đậu cành chanh
Tôi vác miểng sành
Tôi chọi chết giãy
Tôi làm bảy mâm
Tôi dưng ông ăn
Ông hỏi chim gì
Tôi nói manh manh
Nó đậu cành chanh
Tôi vác…
Ông Nam Thành bày ra tục ăn cơm tốt thật sớm để tránh cho các con ông cái khổ rửa chén dưới ánh đèn lu mà ngọn đèn cứ xao xuyến trước gió, chực tắt lúc nào không biết chừng.
Sàn nước rửa chén đặt giữa trời, qua mùa mưa những trận đầu hôm sẽ làm cho khổ dịch rửa chén càng khổ thêm.
Tục nầy có lợi trông thấy là chiều chiều như chiều nay chẳng hạn, cả nhà được rảnh rang ra ngồi hóng mát ngoài sân.
Cô Hương nhớ cảnh hái me, hái chanh rất vui hồi trưa nên hát lên bài hát nhà quê trên đây.
Hát dứt bài, cô đố các cô em gái:
- Tao đố tụi bây hát được hát được một bài hát khác mà có tánh cách như vậy?
- Là tánh cách làm sao?
- Là câu chót nối trở lại câu đầu, liên hồi bất tận hát được hoài không bao giờ dứt cả.
- À, đó là cái vòng lẩn quẩn.
- Em hát được, Quá nói mà mắt ranh mãnh nhìn chị.
- Thì hát đi.
- Nè:
Bậu lỡ thời như ớt chín cây
Ớt chín cây người ta còn hái
Bậu lỡ thời như nhái lột da
Nhái lột da người ta còn bắt
Bậu lỡ thời như giặc Hà Tiên
Giặc Hà Tiên người ta còn đánh
Bậu lỡ thời như bánh trôi sông
Bánh trôi sông người ta còn vớt
Bậu lỡ thời như ớt chín cây
Ớt chín cây nguời ta còn hái
Bậu lỡ thời như…
Lần thứ nhì, Quá mỉa cảnh muộn chồng của các chị cô, bằng bài hát ám chỉ ấy.
- Cái cô út nầy, bà Nam Thành nói, cô đừng có kiêu ngạo người ta, lo thân cô thì hơn.
Người miền Nam ta thường dùng sai tĩnh từ kiêu ngạo. Ý bà Nam Thành muốn nói: chế nhạo hoặc nhạo báng.
Đã bảo gia đình nầy rất cởi mở về việc chồng con. Bà Nam Thành vô ý thức nhưng hay lỡ lời, còn ông thì hiểu rõ sự cởi mở ấy rất có lợi, ông ví nó như một cái súc-báp giúp con ông thoát khỏi bịnh đè nén, bịnh dồn ép tình cảm rất nguy hại nên ông ngầm khuyến khích sự bộc lộ tâm tình.
Ba chị lớn là kẻ luống tuổi không bao giờ hờn giận cô em út cả. Họ cũng chẳng thèm đếm xỉa đến những lời đùa cợt của cô ta.
Nhưng chiều hôm nay, trong cảnh hoang vu của Thái Huyên trang đứng lẻ loi trơ trọi giữa cánh đồng, họ bỗng bị ý nghĩ mà Quá vừa gợi ra làm họ khó chịu. Bâng khuâng mà họ cố dẹp được lúc ở thành náo nhiệt, ồn ào bây giờ lại dâng tràn lên.
Trên con đường nhựa dài chạy ngang trước nhà, các loại xe hơi nối đuôi nhau mà bò, càng xa càng thấy chúng nó bò chậm như rùa. Để đổi vui không khí, ông Nam Thành chỉ đám xe xuống mà nói:
- Xe nầy ở Vũng Tàu về, xe nầy từ Nha Trang vô, chắc cũng có xe Huế chớ!
- Sao ông biết rõ như vậy? bà hỏi.
- Không cần thầy bói cũng đoán được. Hỏi vậy chớ còn xe ở đâu mà xuống đây nữa, nếu không ở các chỗ đó? Ta ở dựa đường Thiên Lý mà!
Rồi ông lại chỉ đám xe lên:
- Bọn này là bọn Sài Gòn, chiều đi chơi mát hoặc đi Biên Hòa ăn cháo cá cũng nên.
Bốn cô con gái đều làm thinh, cả cô út lắm lời cũng nín lặng.
Những cặp vợ chồng trẻ trên xe, xui họ nghĩ vẩn vơ về nhiều việc. Những tên nơi chốn mà người cha vừa thốt ra gợi trong trí họ những cảnh nước non xa lạ mà tiếng gọi như văng vẳng đâu đây. Tiếng gọi ấy nghe mang mang giống giống một thứ tiếng gọi khác réo rắc hơn trong giọng
than vãn của gió chiều, đó là tiếng gọi của tình yêu, không rõ rệt lắm, như bị gió loãng đi vì người gọi chưa biết là ai.
Con đường Thiên Lý nối lại nhiều nơi xa xôi, nối lại những tấm lòng từ chân trời Hải Vân đến góc bể Cà Mau, con đường đưa lên đưa xuống những chàng thanh niên mà lòng còn bơ vơ chưa cắm sào nơi đâu cả, con đường thờ ơ ấy chỉ là một chuyến đò dọc thôi. Khách qua đò không bao giờ ghé bến hết. Không, không làm sao mà một chàng trai nào bỗng dưng ghé lại xóm này, cả đến người yêu bạc nghĩa của Hồng cũng không dè người lý tưởng một lúc của anh ta nay lại lùi về đây để nhơi mãi sự tàn rụng không nguôi của một mối tình thơ mộng.
“ Tháng năm chưa nằm đã sáng” Lời tục ấy muốn nói ngày của vụ cuối mùa nắng dài lắm. Tuy thế, đêm cũng đã xuống rồi.
Có bàn tay bí mật nào đã thắp cháy từng vì sao trên trời. Đầu rừng xa, trăng lưỡi liềm leo lét buồn soi.
Đèn pha xe hơi như những sợi dây đõi to, cột dính chiếc xe trước với một dọc xe sau rồi cả đoàn như được độc một chiếc đầu kéo đi.
Ông Nam Thành vừa toan bảo vợ con vào nhà bỗng nghe Quá kêu lên một tiếng kinh dị, rồi tiếp theo đó những tiếng la oái oái của cô nàng và cô nàng nhảy lung tung như đạp phải ổ kiến lửa.
Chưa ai hiểu gì thì Hồng lại kêu la y như vậy và cũng nhảy lăng-ba như bị chuột chun ống quần.
Việc khủng khiếp bây giờ lại chụp lấy Hoa. Hoa nhào càn dưới đất như bỗng bị phong xù, thân thể co quắp rồi quằn quại, rồi lăn lộn.
Ông bà Nam Thành đứng chết sững không kịp tìm xem cái gì, bởi vì ông bà quýnh quíu vì ba cô con gái khi không bỗng nổi cơn lên một lượt.
Bây giờ đến phiên cô con gái lớn la nhưng cô ta chỉ la có một tiếng “ý” ngắn ngủn rồi cười ngất.
- Gì đó con, bà Nam Thành bớt sợ trước cái bình tĩnh ấy nên mới hỏi được câu nầy. Vả ba cô con gái kia đã thôi kêu la, thôi nhảy múa rồi.
- Con chàng hiu má à!
- Vậy hả? Hú hồn hú vía. Tao với ba mầy thật quýnh quáng không biết đâu mà rờ.
- Trời ơi! Hoa kêu, nó nhảy lên cổ con, thình lình nghe lành lạnh, mềm mềm uơn ướt ai mà không hoảng.
- Tao mới thất kinh chớ! Tao thấy nó từ cổ con Quá nhảy qua cổ mầy. Nó ốm nhách, trắng đờ, mà hai con mắt trõm lơ như ma, tao vừa muốn chạy thì nó nhảy qua ôm cổ tao rồi.
- Hèn chi mà họ nói chàng hiu hót cổ, bây giờ em mới hiểu. Chỉ có chị hai là gan, chị ấy thì chàng hiu hay chàng nào chỉ cũng không sợ hết. Chị sợ chàng rể không chị hai?
- Con mắc dịch nói bậy hoài!
- Ai mà khéo đặt tên cho con ấy, đã con mà lại là chàng.
- Người miền Bắc thì kêu nó là con chẫu chuộc, nghe ít ghê hơn tên của ta, tiếng chàng hiu gợi hình dáng một con người mà là người ma, ghê quá!
- Mà tiếng miền nào hay hơn?
- Cũng như nhau hết nhưng thường thì danh từ miền bắc hữu lý hơn. Thí dụ người con đầu thì kêu là con cả. Như tao, tụi bây phải kêu là chị cả mới hợp lý cho, chớ sao lại kêu là chị hai. Chị hai? vậy còn chị một ở đâu?
Ông Nam Thành xen vô:
- Ta kêu đứa con đầu là thứ hai không phải ta không có lý. Ở miền Nam, trong làng có những ông hương chức gọi là hương cả. Thử tưởng tượng một nông dân gọi con đầu của y trước mặt vị hương cả rằng: “ Thằng cả ơi, mầy đi ví gà coi” thì có phải là mích lòng ông hương cả không?
- Nhưng thưa ba, ở trường hợp khác miền Bắc lại vô lý. Thí dụ ngày đầu trong tuần, tại sao họ không kêu đó là ngày thứ cả lại kêu là ngày thứ hai?
Ông Nam Thành bí lối nên hối:
- Thôi vô nhà!
Cả Thái Huyên trang đều vâng lời vị thủ lãnh của họ.
o O o
Kề điếu thuốc vô đầu trên của chiếc ống khói đèn, ông Nam Thành bập, bập đoạn lấy thuốc ra rồi ngâm:
Canh khuya thắp dĩa dầu đầy
Dĩa dầu vơi hết, nước mắt nầy không vơi
- Cây đèn sao lại kêu bằng dĩa, ba? Quá hỏi.
Ông Nam Thành không đáp liền câu hỏi ấy mà nói:
- Ở nhà quê mà nhát như thỏ đế vậy không được đâu, các con phải tập tánh lại. Cái gì mà mới bị con chàng hiu đeo cổ một cái là la bài hãi như bị cướp bẻ họng.
Thuở ba với má con mới cưới nhau, còn ở nhà thờ dưới làng. Tối lại thắp một dĩa dầu mù u. Cọng bấc ngâm trong dầu để lòi một đầu ra làm tim. Đèn lù mù mà nhà chỉ có hai vợ chồng trẻ, hiu quạnh quá.
Hôm nào bên cạnh có đám ma là má bây nạnh ba vô nhà trước để lên nhang đèn. Rồi ba lại nạnh má, ai cũng giả làm biếng chớ không chịu thú nhận là mình không dám vào đó, vào cái nhà thấp chũm và tối om ấy, trong khi bên hàng xóm vừa có người chết.
- Thành ra ba cũng nhát…
Ừ
Ừ, ba nhát mà ba cố làm gan mới ở được nơi đó cho đến khi nhà thờ sập.
Chú thích.
(1) coi chừng chó dữ
ĐÒ DỌC
Bình Nguyên Lộc
dtv-ebook.com
Chương 4:
Những lúc rỗi việc, Hoa và Quá thích đi thám hiểm vùng quanh nhà. Lập vườn mới ngoài việc kéo nước tưới cây, chưa có công việc nhiều. Heo gà cũng chỉ mới lưa thưa vài mươi con thôi nên họ có rất nhiều giờ rảnh rang.
Xóm trên đông được bốn nhà tranh và hai nhà ngói, trừ bác lò rèn ra còn là nông dân cả. Xóm dưới toàn nhà ngói không thôi, nhà chỉ nho nhỏ thôi, bên trong chưng dọn rất đơn sơ trống trải. Xóm trong rất sầm uất, đâu trên hai mươi nhà, tranh ngói lẫn lộn.
Họ đọc tiểu thuyết thì thấy tả nhà quê rất nên thơ nhưng có lẽ đây là vùng khô khan hay sao không biết mà hai chị em tìm mãi không gặp hồn thơ đâu cả.
Nhà phần đông không thèm rào lại, ranh giới vườn không có nên khó phân biệt đâu là đâu.
Các chủ nhà không thích hoa kiểng nên sân nào cũng trống trơn phơi bày một bãi cát trắng, vào lúc nắng trưa trông mệt mắt như đứng trong sa mạc.
Họ có trồng chút ít cây mà toàn là thứ cây buồn: mít, mãng cầu và ổi. Các loại cây ấy không buồn được một cách thơ mộng như liễu rủ bên hồ mà buồn một nỗi buồn cằn cỗi, nghèo nàn. Ba loại cây ấy ưa đất khô, nên hình dáng nó cũng khô khan.
Gà, heo không có chuồng. Chúng đào ao khắp nơi, bươi tung lên tất cả các đống rác, những vựa phân bò.
Người ta, trai thì thân thể không nở nang như lực sỹ điền kinh, gái thì cũng rất khác xa hình ảnh các cô thôn nữ yêu kiều trong tiểu thuyết.
Thật ra, tất cả những cái ấy đều mang thơ nhưng đó là những bài thơ vận trắc, khổ độc, những bài thơ tả thực không cần thi vị hoá cái gì hết.
Những bài thơ ấy có vẻ đẹp riêng của nó, cả đến những dơ bẩn, những cảnh xơ-rơ, héo xào cũng đẹp được.
Nhưng lạc hướng biết bao, tưởng tượng một đàng mà thực tế lại một ngả!
Bữa nào có Hương đi theo thì cô ta giảng giải:
- Đồng quê ở đây khác xa đồng quê Tiền Giang và Hậu Giang, hai nơi đó cũng khác nhau khá bộn.
Ở đây đồng bằng nhưng lại là đồng khô cỏ cháy nên không đẹp hùng mạnh, huyền bí và man rợ như núi rừng, cũng chẳng đẹp vẻ đẹp tối lạc sinh của đất phì nhiêu dưới kia.
Nhưng nếu biết tìm tòi, có mắt thẩm mỹ chắc cũng sẽ gặp nét thơ riêng của nó, người ở đây định cư trước dưới ta hàng trăm năm, phong tục và lòng người dễ thường đã thuần hơn, giàu truyền thống hơn.
Chị có vào ở vài ngày trong một làng dựa sông Đồng Nai trên Biên Hoà. Cảnh đẹp hơn dưới mình, người rất văn vật và nhứt là lòng người, chí người rất Việt Nam chớ không phải là tao loạn tâm hồn Cao Miên, Ấn Độ, Trung Hoa như ở vài làng dưới ta là cái ngã ba văn hoá Hoa-Ấn.
Không hưởng thơ mộng được, mấy chị em đành thưởng thức đỡ những cảnh tuy vậy cũng hay hay đối với mắt chợ của họ. Thí dụ cảnh mất gà ở nhà thím tư Phạn.
Chiều nào thím tư cũng đứng chận ở cửa ngõ sau nhà để đón gà về.
Thím ta trong lúc ấy trông giống như một ông tướng điễm binh, còn đàn gà là một đạo binh hùng mạnh điều động đi qua.
Dẫn đầu là một tướng quân trống tơ, mặt còn khờ khạo nhưng ra vẻ ta đây lắm. Trống tơ nịnh đầm số dách, gà mái nào cũng đầy ứ bầu diều rồi mà anh ta vẫn cứ đi vài bước, mổ vài cái rồi kêu mời đám phi tần cung nữ theo sau anh ta.
Đám phi tần gồm toàn gái tơ son trẻ, xem rất ỷ lại vào ông chúa dẫn đầu kia.
Kế đến là những mẹ gà bận bịu đàn con dại, bước từng bước một e dè nghe ngóng. Thỉnh thoảng các từ mẫu ấy báo động lên bằng một tiếng còi: có ót-ót. Thế là đám trẻ thơ lẹ như chớp chui vào những nơi trú ẩn thiên nhiên gần đó: bụi tre, chòm cỏ, gốc xương rồng.
Sau đàn hàng không…gà hạm ấy, đến những chú gà tơ mới mặc áo lá, chưa thoả mãn một ngày nô đùa nên chần chờ lọt lại đằng sau, vừa về ổ vừa rượt nhau đánh nhau túi bụi.
Đi hậu tập là một lão tướng trống già oai phong lẫm liệt, dũng khí đằng đằng, đuôi dài chấm đất, mồng đỏ như hoa bản hạ.
Y giáp lão tướng là một cuộc múa rối màu sắc, vì lão ta vỗ cánh thì thú vật trong cả sân nhà đều khiếp vía.
Lão đi chầm chậm, mỗi lần dở chân lên là y như Quan Vân Trường đá giáp bằng hia, cái cựa dài và bén của lão trông ghê rợn như thanh long đao của Quan Vũ.
Thím tư đếm từng con gà một, thím thuộc lòng hình dáng, chi tiết trong thân thể và đặc tánh của mỗi con.
Chiều hôm ấy, thím lo lắng mà thấy con gà trống tơ màu bắp chuối không về. Thím bền chí đứng đợi một hồi rất lâu, đến chạng vạng mới chịu đóng cửa sau lại.
Thím tư uống nước xong, ra sân tằng hắng vài tiếng rồi người ta nghe như là ai mở rađiô, thao thao bất tuyệt:
“ Xóm trên, xóm dưới, xóm ngoài, xóm trong mở lỗ tai mà nghe đây nè: gà của tao còn ràng ràng hồi trưa mà quân nào đã ăn tươi nuốt sống rồi…
…Mẹ! giường thờ chiếu trải tiên nhơn cha bây, bây có thèm thịt thèm cá thì nuôi lấy mà ăn chứ làm chi như vầy, ông bà ông vải bây ngồi trên giường thờ sao cho yên nè!
…Mẹ! Cao tằng cố tổ tiên nhơn cha bây, cả kiếng họ mẹ bây, ránmà ngoáy lỗ tai để nghe tao chửi…
…Quân tham lam bây ăn thịt gà mắc xương nghẹt họng bây, bây ăn rồi bây ngã ra giãy tê tê rồi chết toi, chết dịch…
Vân…vân… và…vân…vân…
Mấy chị em ngạc nhiên hết sức mà nhận ra tự vựng chửi rủa của ta rất giàu và âm nhạc chửi rất phong phú nhịp điệu.
Quả thế, thím tư chửi bằng giọng khi bổng khi trầm, khi bổng thì như diều lên, khi trầm thì như tiếng xe lửa Biên Hòa mà họ nghe xa xa về đêm. Thím chửi có nhịp có nhàng, có tiếng ngân dài, có tiếng dừng tức.
Sự can thiệp của chú tư mới ngộ nghĩnh hơn nữa:
- Thôi mà, rầy tai quá mà! Biểu nín cho nó mọc lông nó chết cho rồi. - Nó nào mà mọc lông? Thím tư hỏi.
- Thì quân ăn cắp gà chớ ai. Hễ mình không chửi thì chúng nó ăn thịt gà xong là mọc lông lá cùng mình. Gặp trường hợp như vậy chúng nó sẽ tìm đến lạy xin mình chửi giùm cho một tiếng, chỉ có một tiếng nhỏ thôi cho lông nó rụng đi.
Cả mấy chị em đều cắm đầu chạy để giấu trận cười có thể mích lòng người ta, chó trong xóm sủa theo mấy chị em inh ỏi.
Bốn chị em đều vỏn vẹn chỉ có một người bạn. Đó là người bạn trai ở xóm trong tên là anh Xòn.
Xòn ở mướn cho một nhà trồng thuốc hút, anh ta tướng tá vạm vỡ, mình mẩy tay chơn đầy những u nần. Đó là những bắp thịt nở theo hướng của lao lực chớ không phải theo chiều của sự luyện tập có nghiên cứu.
Ban đầu, Hoa để ý đến Xòn trước nhứt. Hoa tinh nghịch nhứt nhà và luôn luôn tìm thấy ngay mọi khía cạnh hài hước của bất kỳ việc gì.
Bốn chị em vào xóm chơi, người lớn xem các cô như thường. Trẻ con thì chạy theo sau gót họ vì màu áo đẹp của họ và cũng vì kẹo mà thỉnh thoảng họ mang theo phát cho chúng.
Anh Xòn khác thường hơn cả, núp sau gốc me mà dòm.
Hoa làm bộ như không thấy, đi lần lại chỗ núp rồi hú một tiếng, cô chụp lấy đầu gian nhơn mà hô:
- Nó đây rồi! Nó đây rồi!
Thiên hạ nghe la, ngỡ anh Xòn đã ăn cắp gì đàng Thái Huyên trang, bu tới hỏi thăm.Xòn tái xanh mặt, chối leo lẻo:
- Tôi không có, tôi oan mà!
- Anh không có gì? Hoa hỏi.
- Tôi không làm gì hết.
- Không có, sao tôi lại chụp anh?
Lý luận kỳ cục của Hoa thế mà làm cho Xòn đưới lý. Cả người chung quanh cũng nghe là cô hỏi vặn hữu lý lắm.
Thấy mình không thể thoát, anh Xòn oà lên khóc như trẻ con. - Thôi đi mầy, Hương mắng em, mày ác làm chi tội nghiệp người ta.
Quá bước lại kéo tay anh thợ tưới thuốc mà rằng:
- Thôi tha anh lần nầy đó.
Xòn đột ngột cười khan, nước mắt nước mũi còn chàm ngoàm. Cả xóm không ai hiểu sao cả, đoán rằng Xòn quả có gian thật. Từ đó ngày nào họ cũng đi thăm anh Xòn, đi thường nhứt là cô Hoa.
Hoa theo Xòn ra mấy đám thuốc xem anh ta kéo cần vọt. Vùng đó, cánh đồng sau xóm ở xa trông mường tượng như một hải cảng chi chít cột buồm. Cần vọt giống cột buồm mà chiếc buồm xếp xong, máng nghiêng trên đầu cột.
Xòn kéo nước giếng nhưng kéo xuống chớ không kéo lên. Cần vọt là một hệ thống đòn bẩy mà điểm tựa là đầu cột, sức mạnh là sợi dây treo thùng và đối lực là phiến đá treo ở sau đuôi đòn.
Sức mạnh trong cần vọt có được là nhờ sự trì sợi dây xuống cho thùng múc nước. Công việc chỉ có thế, rồi người kéo cứ để cho phiến đá làm công việc còn lại.
Hoa rắn mặt đeo vào phiến đá. Cỡ Xòn rán sức một chút là trì dây xuống được ngay và Hoa sẽ bị dỡ hỏng lên trời. Chính nàng muốn được như thế để nghe như là đi máy bay.
Nhưng Xòn không bao giờ dám cố sức mà trì cả, Hoa biểu thế nào anh cũng chẳng nghe.
Hoa hỏi:
- Anh Xòn tại sao anh sợ tôi dữ vậy?
Xòn chỉ cười hì hì như bao giờ, anh ta không hề cắt nghĩa được cái gì cả, phương chi cái đó lại là câu hỏi khó của một người con gái mà anh thấy đẹp như tiên.
Hương thường mắng em:
- Mầy nhiễm Trống mái (1) rồi hả? Con gái dầu sao cũng phải nết na một chút chớ!
Thật ra thì không phải vậy. Cô Hiền trong nước Việt Nam có lẽ chỉ có một, hay không bao giờ có cả. Hoa thấy anh Xòn lù khù, theo phá chơi vậy thôi, chưa bao giờ cô nghĩ đến cái đẹp về thân thể của Xòn.
Cái nghề con gái không chồng thì nó trẻ rất lâu và cũng trẻ con rất lâu. o O o
Quá nhảy lên cỏ một cái thật lẹ, rồi day mặt ra đường sừng sộ hét: - Người ta đã nhảy lên lề rồi mà còn muốn cán người ta à?
Người tài xế như nghe lời phản đối ấy, cúi đầu chào bốn chị em một cái, vừa chào vừa mỉm cười như nói:
- Biết rồi, các cô là gái Sài Gòn mà! Bảnh lắm mà, lỡ một chút cũng làm dữ.
Thỉnh thoảng chiều chiều bốn chị em lại dắt nhau đi trên đường nhựa, khi thì xuôi về hướng Thủ Đức, lúc lại ngược lên hướng Biên Hoà.
Trên đường xe qua lại ai cũng lấy làm kỳ, sao ở xó quê lại có gái xem ra người tỉnh thành. Họ mặc bà ba thì tức là người trong xóm chớ nào phải người Thủ Đức lên.
Họ đi dạo mát nhưng riêng Hoa, cô lại có mục đích thứ nhì nữa là gặp Quờn con của hương cả Quan.
Quờn là một công tử nhà quê, hạng người mẫu.
Vì ở gần thành phố quá, mặc dầu thành phố ấy chỉ là một quận lỵ, công tử Quờn lại mang thêm một cố tật dĩ nhiên là muốn thành người thành thị.
Thành không được, Quờn lai căn một cách dị hợm với những bộ pi-da ma màu hường, màu xanh lá cây mà cậu mặc mãi từ sáng đến tối, từ trong buồng ra đến quận lỵ.
Nếu anh Xòn nhìn các cô Thái Huyên trang như một con trùng si tình một ngôi sao trên trời thì công tử Quờn có thái độ của một con gà lôi trống tò vè mấy con công mái trong sân nhà.
Từ ngày xóm tiếp nhận nữ khách mới thì cậu xức nước hoa chế tạo ở chợ lớn và nhét mù xoa nhỏ có thêu chéo xanh xanh đỏ đỏ trên miệng túi pi-da-ma.
Cậu diện thêm một cây đàn băng cầm, cứ chiều chiều xách nó ra đường, không khảy vì chưa biết chơi nhưng cắt nghĩa lu bù về nhạc cụ ấy với đám trẻ con bu quanh cậu.
Lần đầu chạm mặt, cô Hoa rắn mặt của chúng ta nghĩ ngay đến việc biến công tử thành nạn nhơn của tánh nghịch ngợm của cô.
Anh Xòn là người cô mến nên cô đùa anh ta, cô cũng chỉ đùa hiền hiền chơi vậy thôi. Đến như gã pi-da-ma hường này thì cô quyết không tha.
Trong cái lần đầu ấy, thấy Quờn liếc lén mấy chị em, Hoa tấn công ngay:
- Chào cậu hai, đi dạo mát với mấy chị em tôi chơi, cậu.
Họ thấy nhau lâu rồi, nhưng mới trao lời đây là lần thứ nhứt.
Được nói chuyện với các cô có lẽ là cái mộng to thứ nhì trong đời cậu Quờn (Cái mộng to thứ nhứt là được yêu một trong bốn cô) nhưng mộng ấy không bao giờ Quờn dám biến nó thành sự thật. Nay cô Hoa nổ súng thình lình, cậu chưa kịp chuẩn bị gì cả thì biết có thái độ và lời lẽ nào. Vả lại cậu xửng vửng vì lời mời mọc này mà cậu nghe ngược ngạo quá.
Quờn đứng chết sững và ngậm câm, còn hai cô Hoa và Quá thì rũ ra cười, cô Quá cười no rồi nói:
- Hay là cậu mặc áo hường rồi chê áo đen của chị em tôi mà không muốn đi chăng?
Hương véo em rồi kéo cả bọn đi thẳng, qua khỏi đó một đỗi, người chị cả nói:
- Mình tới xứ lạ không nên mích lòng người địa phương. - Đáo xứ tùy dân, nếu có ba ở đây ba sẽ đọc câu chữ nho đó.
- Không nên mích lòng bất kỳ ai, huống chi người ta là QUAN QUỜN chớ phải dân dã chi đâu. Quá lại tiếp lời răn của người chị cả…nhưng lại chơi chữ ở đoạn sau.
Hồng nói:
- Làng Linh Chiểu này ngày xưa chắc có một vị hương chức hay một ông cai tổng gì đó tên là Quyền.
- Sao chị biết?
- Nếu không, ông cả quan ổng đâu có kiêng cữ chữ Quyền mà đặt tên cậu ấy trại ra là Quờn.
Bốn chị em đã đi gần tới nhà ông cả quan.
Mọi khi sau lần sượng trân lần đầu, Quờn bỏ chạy khi thoáng thấy mấy chị em đàng xa. Lần này cậu ta bận gỡ chiếc gai dính vào dép Nhựt Bổn mới mua nên không thấy bọn Thái Huyên trang đến.
Chừng nghe động, đay lại đã trễ quá rồi không cút kịp nữa.
Quờn mặc pi-da-ma bằng vải ú màu xanh lá cây, đầu chải brillantine chợ lớn sực nức mùi chanh, cổ đeo dây chuyền vàng khè, tay nặng trĩu nào lắc vàng, cà rá vàng và đồng hồ cũng bằng vàng.
Anh công tử vườn chào bốn cô theo lối kẻ dốt, nghĩa là hất hàm lên như muốn hỏi:
- Ê, đi đâu đó?
Cô Hoa nói:
- Lạ quá, cậu hai! Cũng thời một nước một non mà chúng tôi thì cúi đầu xuống để chào, còn cậu thì lại hất đầu lên. Không biết lối chào nào trúng cách đó cậu?
Quờn không thấy là bị hỏi vặn, tự nhiên đáp:
- Dân chào quan, nữ chào nam thì cúi đầu là phải, còn ngoài ra…
- Vậy chị em tôi phải cúi đầu đến hai lần vì cậu vừa là nam vừa là quan, hay con quan cũng thế.
- Tía tôi đã từ chức rồi.
- Từ thì từ, cái gốc quan vẫn còn chớ.
Cậu Quớn sung sướng quá khi nghe cô gái còn nhận mình là con … quan, mặc dầu cha cậu chỉ là quan trong xóm thôi.
- Độ rày cậu làm gì, cậu hai? Hoa lại hỏi.
- Cũng hổng cần làm gì. À, tôi có tự túc một bầy gà Huê Kỳ, coi bộ tương lai quá khứ.
Cả bốn chị em đều ngạc nhiên, không hiểu cậu ta nói cái gì mà lại tự túc gà và có tương lai quá khứ?
- Tự túc là gì cậu? Hương hỏi thật tình.
- Tự túc là nuôi chớ là gì.
- Vậy hả, còn tương lai quá khứ?
- Tương lai là tương lai còn quá khứ là quá sá, tiếng mới mà. Tôi nghe họ nói hay quá nên tôi bắt chước dùng theo. Đời bây giờ họ bầy ra nhiều
tiếng mới hay lắm. Thí dụ phạm tội họ nói phạm vi, thù vặt họ nói cá nhân, nghe hay quá khứ.
Hoa và Quá núp sau lưng hai chị mà cười đến chảy nước mắt. Cô Quá, mặt mày còn đỏ rần bước ra khỏi chỗ núp nói:
- Hôm nay cậu mặc đồ xanh, trông đẹp trai quá khứ nhưng cậu lại phạm vi về đôi dép. Dép phải quai đỏ nó mới ăn với màu xanh nầy. Tôi tình thiệt nói ngay, cậu đừng có cá nhân tôi nhé.
- Tôi người quân tử mà, ai lại cá nhân cô.
Cả bọn Thái Huyên trang thấy trò đùa đã kéo dài quá rồi nên chào cậu công tử để đi nữa.
- Hôm nào rảnh mời cậu lại nhà chơi, nếu cậu không cá nhân thì cậu sẽ lại.
Con gái xóm thuốc làng Linh Chiểu là những chị phụ nữ an phận. Họ không dám muốn được như những cô Thái Hyên trang nên không cô nào đua đòi bắt chước ăn mặc từ ngày các cô lên đây.
Họ cũng chẳng lân la để học ăn học nói, học những điệu bộ thị thành. Đó là những người bằng lòng số mạng và không mơ một cuộc đời khác hơn là cuộc đời họ thấy từ lúc lọt lòng.
Phụ nữ ở những làng khô cháy, nghèo khổ vẫn thế đấy. Họ cằn cỗi cả ngoài mặt lẫn trong lòng và sống co lại trong gia đình, ít dám giao thiệp.
Thành thử bốn cô Thái Huyên trang không thể có bạn gái được. Các cô tìm đến họ, họ vẫn vui vẻ đón tiếp các cô nhưng rồi thôi, cảm tình của họ đối với các cô không dài hơn cuộc gặp gỡ ngoài mương thuốc, trên bờ tre.
Cảnh đồng khô cỏ cháy nầy lại bị tiết cuối mùa nực cộng với lòng người hàng xóm thờ ơ làm cho nó trở nên buồn một cách tuyệt vọng.
Trò vui độc nhứt của các cô là xem lũ kên kên vào lúc chạng vạng.
Thỉnh thoảng trong làng có một con trâu chết và chủ nó len lén vứt xác nó ra đồng. Kên kên đáp xuống xơi thịt thúi ấy rồi say mồi, không buồn bay lên nữa.
Vài anh dân làng rắn mặt đợi quá chiều, lấy nùi giẻ cột vào chơn của mấy chú ăn thây ma nầy, rồi tẩm dầu hôi mấy nùi giẻ ấy. Xong đâu đấy họ đánh diêm lên mà đốt giẻ.
Kên kên bị lửa đốt kinh hoảng bay cuồng loạn, mang theo mỗi chú một cục lửa đỏ lòm trong bầu trời đen của đêm vừa xuống.
o O o
Dân làng Linh Chiểu cứ lặng lẽ làm nghề thuốc, xe hơi cứ lướt qua trên đường Thiên lý mà không bao giờ ghé lại và bốn cô gái Thái Huyên trang cứ lặng lẽ đợi chờ một việc gì nó không bao giờ xảy ra cả.
Hôm ấy là chúa nhựt thứ ba từ ngày dọn nhà lên đây.
Cũng như hai chúa nhựt trước, Hương, Hồng, Hoa, Quá nhìn mãi đám xe đạp, xe gắnmáy, xe xi-cut-tơ của những thanh niên thiếu nữ trốn thị thành đi tìm mát, lũ lượt nối đuôi nhau qua trước nhà. Họ như mang theo hương vị Sài Gòn mà các cô vẫn nhớ chưa nguôi. Tuổi trẻ lại gợi nhớ tình yêu mà các cô thấy mình đang thiếu thốn. Nhìn xe, các cô bồn chồn mong ngóng một người, một người có thể đưa đến vài tia nắng ấm trong cảnh lạnh lẽo này, người đó là Bằng.
Sao đã ba tuần rồi mà không thấy Bằng lên chơi? Thì ra, người ta quên kẻ đi vắng mau lẹ quá. Nếu kẻ ấy qua thế giới bên kia, không mong trở lại nữa thì người ta sẽ quên họ chóng đến bực nào?
Bốn cô tủi thân quá, nghe như mình bị cả thế gian bỏ quên. Thế gian cứ vui chơi, thương yêu không biết rằng nơi một xó quê kia có những người còn trẻ, còn ham vui đang vào tuổi thương yêu bỗng vì gia thế phải lùi về ở ẩn như một công chức mãn kỳ phục vụ và không biết bao giờ ra khỏi chốn nầy.
Bằng đi mô-bi-let nên hễ mỗi lần nghe tiếng động cơ nhỏ nào nổ là bốn cô ngóng cổ lên mà dòm ra đường.
Họ mừng hụt đến sáu lần và có một bận họ suýt chạy ra cửa ngõ vì người cưỡi mô-bi-let ấy sao mà giống Bằng quá.
- Hay là anh Bằng tìm nhà không được, rồi chạy luôn lên Biên Hoà hoặc lên Lồ Ồ, Châu Thới. Cô Quá đặt nghi vấn như vậy
- Ừ, Hoa họa theo, có thể lắm.
- Không đâu, cái anh đó thì xó nào ảnh tìm cũng ra hết, Hương cãi thế vì cô bình tĩnh được hơn ba em của cô. Chắc ảnh bận việc gì.
- Anh đó mà bận việc gì! Ảnh bận với các cô em của ảnh. Nhưng nếu thế ảnh lại phải đưa họ đi ra đồng ngày chúa nhựt, mà đi đâu cho hơn lên đây?
Bỗng Hoa kêu rú lên rồi nhảy xuống đất một cái đụi, bỏ chơn không mà chạy ra sân.
Họ mải bàn cãi mà quên để ý lắng nghe tiếng xe, quên dòm khách ra đồng quê ngày chúa nhựt nên Bằng lên tới cửa mà chỉ có một cô thấy thôi.
Ba cô kia cũng chạy theo cô Hoa, kêu la như em nhỏ.
- Anh Bằng lên ê, anh Bằng lên!
- Hoan hô anh Bằng!
- Đả đảo anh Bằng lên trễ!
Bằng đẩy xe vào sân và ứng khẩu hai câu thơ lục bát:
Nghìn trùng Thiên lý bên đường
Thái Huyên trang ấy dễ thương quá trời
- Hay!
- Để em chép.
- Đọc tiếp đi anh.
- Muốn có thơ ra thì phải có rượu vào. Có nước dừa không?
- Nhà không có trồng dừa nhưng chị Hồng có mua trữ sẵn buổi đi chợ hôm qua.
- Vậy có nước dừa vào, thơ mới ra tiếp được.
Quá giựt xe người anh rồi thót lên cho chạy vòng vòng trong sân, len lỏi qua mấy cây bưởi, mấy cây vú sữa mới đặt xuống đất vài tuần.
Con trích đang đi thơ thẩn thấy khách lạ, làm thinh chạy bay tới mổ vào ống quyển khách. Bằng không để ý dưới chơn, bị mổ đau la oái oái rồi nhảy tréo một bên. Ba chị em cười ngất. Bằng phản đối:
- Sao không để bảng “ Attention trich méchant” ngoài cửa.
Ba chị em lại cười lấy làm ngộ nghĩnh vì ý nghĩ của họ hôm trước, nay được Bằng lập lại y hệt.
Bằng vào nhà chào dì dượng rồi thoát ra ngoài ngay để xem cảnh nhà. Cả bốn chị em đều theo chàng như một đoàn hộ tống đắc lực.
Thấy cảnh khô cháy, không có lấy một bóng cây nhỏ cho con mắt nghỉ ngơi, người con trai đi tìm mát nầy hơi thất vọng than rằng:
- Còn lâu lắm ở đây mới được. Hiện giờ chỉ có đá banh hoặc rượt bắt nhau mới hợp. À, còn trái cây đâu các cô?
- Khách chỉ có một người thì trái cây mua ở chợ ăn cũng đủ no nê rồi, cần gì trái vườn.
Hoa biết Bằng hỏi mỉa mấy chị em, ám chỉ lời hứa đãi trái cây của các cô hôm tháng trước nên đáp thế. Lối đáp của cô lại sẽ giúp cô biết được vì sao Bằng chỉ đi chơi có một mình thôi, trái với thói quen của anh ta là hay tùng tam tụ ngũ.
Quả thế, Bằng cắt nghĩa:
- Cũng may là hai thằng ấy gãy giò hết, không thôi phải trơ mặt ra mà ngó bọn đó. Chúng tôi đi ba mạng, qua khỏi cầu Băng Ky xuống dốc, lại đường quanh mà thằng Kỳ với lại thằng Hưng nó cho chạy thả máy. Chúng nó văng vô một cái trại cưa ở giữa dốc, chắc phải hai tháng nhà thương mới lành xương được. Tôi gởi chúng nó theo xe quen về nhà thương Bà Chiểu rồi lên đây một mình. Bị vậy mà tới hơi trễ.
Hai cô gái nhỏ thất vọng ngay khi thấy Bằng đến một mình. Giờ nghe Bằng kể câu chuyện tai nạn xe, họ càng tủi thân thêm.
Lùi về xó quên này, họ chỉ mong có khách đến chơi, bất kỳ ai để không khí đỡ phẳng lỳ. Nhưng mỗi một lần khách đến, họ lại bị gãy cẳng dọc đường.
- Sài Gòn có gì lạ, anh? Quá hỏi.
- Thì cũng đại nhạc hội, đại siêu phẩm xanh xanh đỏ đỏ chớ có gì đâu. Còn ở đây có lạ hơn không?
- Có cậu hai Quờn mặc bi-da-ma hường, ôm đờn băng cầm suốt ngày và có anh Xòn lần nào thấy em là cố chui trốn bất kỳ ở kẽ rào nào.
- Thành ra không ở đâu có gì giựt gân cả. Thế này thì còn biết chạy đi đâu cho đỡ buồn nè?
- Anh buồn lắm hả? Anh bạn gái nhiều lắm mà.
- Bạn gái chán bỏ mẹ, mà bạn trai lại càng chán hơn.
Đó là luận điệu của kẻ giàu sang đâm chán tiền bạc. Riêng các cô, các cô thấy bạn gái rất dễ thương, mà bạn trai lại càng thích hơn.
Cô Hồng bỗng nhớ sực ra rằng mình chưa kéo nước tưới cây nên hốt hoảng nói: “ý chết!” rồi bỏ chạy mất.
Cô Hương cũng đứng lên nói là đi lo cơm nước.
Bằng và hai cô còn lại thấy hơi buồn nên đi lần ra giếng là nơi họ thấy Hồng xách thùng tới đó.
Bằng hỏi:
- Các cô làm lụng túi bụi như vầy sao còn kêu buồn?
- Ấy, nhờ có công việc suốt ngày nên chỉ buồn vừa thôi. Nếu bị ở không, chắc tụi em trốn mà trở về dưới hết.
- Sao hồi ở dưới, cũng ở không mà không buồn?
- Dưới ấy ồn quá còn buồn sao được. Cảnh vật chung quanh ta thật là ảnh hưởng mạnh đến tâm trí ta anh à. Ở đây dầu mỗi ngày mỗi có án mạng, mỗi đêm mỗi có xi-nê cũng vẫn buồn như thường.
- Lạ quá!
- Lạ gì mà lạ. Chính anh, anh cũng kêu buồn kia mà.
- Tôi thì khác, tôi buồn vì tôi sầu tình.
Quá cười dòn như nhạc ngựa.
- Còn em, em buồn vì không có tình để mà sầu.
Quá nói nửa đùa nửa thật nhưng nếu ai biết tâm sự của mấy chị em của cô thì đó là một thú nhận chua chát.
Bằng cũng cười rồi kết luận:
- Thành ra mối sầu của tôi là niềm vui…
- Không phải vậy. Nhưng thà là sầu như chị Hồng chứ còn trống không như chị Hương thì chết được chớ không phải chơi đâu.
- Nhưng sao tôi thấy cô Hương rất bình thản. Chỉ có hai cô là kêu buồn liền miệng.
- Bình thản à? Có lẽ buồn quá hóa chai chăng? Còn em kêu là kêu giùm chị ấy,không biết chị Hoa thì kêu dùm ai.
- Tao kêu dùm mầy đó, con bé nhiều chuyện.
Bằng lên chơi không mang theo gì mới lạ cả. Nhưng chiều lại anh ra về, cả nhà buồn hiu. Cả đến thức ăn trong trã tiên liệu cho ba bốn người khách ăn bữa cơm trưa, cũng buồn vì chỉ được có mỗi một ông khách rờ đến.
Sáu người tiễn Bằng một đỗi xa trên đường nhựa rồi bốn cô gái nhìn mãi theo chiếc mô-bi-let nó đem người anh họ của các cô về một nơi mà các cô nhớ đến nỗi héo hon gan ruột.
Chú thích.
(1) Tiểu thuyết của Khái Hưng
ĐÒ DỌC
Bình Nguyên Lộc
dtv-ebook.com
Chương 5:
Ánh trăng tráng ngà.
Có cây da to.
Có thằng Cuội già.
Ôm một mối mơ.
Gần hai mươi đứa trẻ vừa trai vừa gái, đứa nào cũng rất hôi mùi mồ hôi muối và khét nắng, rập nhau mà hát giữa sân bài hát do bốn cô Thái - huyên - trang dạy chúng từ một tuần lễ nay.
Vì bà thầy nhạc cũng không giỏi lắm, nên chúng hát sai bét. Tuy thế mẹ chúng và chị chúng, đang ngồi với các cô tại thềm nhà cũng thấy làm hay vô cùng.
Phụ nữ ở đây nghèo khổ quá, bận tay bận chơn suốt ngày nên không hề vui chơi việc gì cả. Ngồi lê đôi- mách là tật cổ truyền của đờn bà mà họ cũng từ bỏ được thì biết đời họ khô - khan đến bực nào.
Bốn chị em thương- lượng với các người nghèo nhứt xóm để họ cho con em đến học chữ với các cô một tuần năm buổi, trừ thứ bảy và chủ nhựt.
Thật ra làm việc đó, các cô chỉ vụ- lợi thôi, để cho công việc chiếm hết thì giờ cho khỏi buồn ấy mà! Chớ các cô không có lý tưởng gì ráo, không có một băn khoăn xã hội nào cả.
Nhưng dạy được mười hai đứa khá thông minh các cô lần lần thấy thú vị thật tình trong việc phá ngu mười hai bộ óc, chớ không phải vừa dạy,
vừa nghĩ vơ vẩn đâu đâu như những hôm đầu nữa.
Thứ nhứt là biến đổi những đứa con gái đầu bù và ăn nói thô -lỗ ra những em bé gái biết chải gỡ vén khéo và thuộc một nhúm lễ phép sơ - đẳng.
Thỉnh thoảng các cô nài nỉ một số đờn bà và con gái lớn đến nhà chơi vào những đêm trăng như đêm nay cùng chỉ cốt đỡ buồn. Cái trò hợp ca là để quyến -rủ họ đến cho thường và cho đông.
Ánh trăng sáng ngà thật. Trời trong và sâu thăm thẳm khiến cảnh ở đây lại càng trống - trải trơ - trọi thêm. Nếu trăng núp sau tàu dừa, hoặc rớt dưới sông rồi tan vỡ ra từng mảnh thì còn ngắm được, còn thưởng - thức được vẻ thơ - mộng của nó. Đằng nầy đến không có lấy một sợi mây mỏng vắt ngang qua cái mặt tròn vo kia thì trông bầu trời và cảnh đất trơ -trẽn đến bực nào.
Cuội ơi, ta nói cho cuội nghe.
Ở trên cung trăng mãi làm chi.
Có con dế mèn.
Suốt đêm canh thâu.
Hát xẩm không tiền.
Nên nghèo xác - xơ.
Thím hai Nếp ngẫm - nghĩ nói to:
- Ngày xưa hồi còn nhỏ dại, chúng tôi đêm trăng thi chơi nhảy chán chậu, chơi u bắt mọi, vui lắm. Không hiểu sao từ hơn hai mươi năm nay, trẻ con không chơi các trò chơi ấy nữa. Thành ra tối tối trong xóm buồn hết sức.
- Trò chơi nào lâu đời quá cũng dể chán, cho nên...
-... Cho nên trẻ con nó bỏ? Hoa nói hớt câu nói của người chị cả của cô. Nhưng nàng tiếp: bỏ cái nầy, phải tìm cái khác thay vào chớ.
- Thì mày giỏi tìm đi. Trẻ con nó đang buồn đó, không riêng gì trẻ con ở đây, mà cả khắp nước kìa.
- Thách hả? Được, em sẽ tìm, và sẽ tìm ra.
Cô Hoa quả quyết điều đó rồi bỗng thấy cái rỗng không của những ngày quê của cô hết đáng sợ nữa. Cô thoáng thấy sẽ có một cái gì để đeo đuổi theo.
Ba cô khác thì chưa gặp may mắn đó.
Sau ba bốn ngày nóng bức, gió nồm thổi dữ. Trái sao trái dầu có cánh ở đâu bay tới như mưa, quay tròn như con vụ trên không trung rồi rơi xuống đầy sân.
Không khí buồn tẻ ở Thái - huyên- trang nhờ thế, đỡ lạt phần nào.
Chiều chiều bốn cô con gái đợi gió. Hễ gió nỗi lên là họ vui như các thứ quả có cánh ấy là những bức tâm - thơ của người xứ xa gởi đến.
Trái sao, trái dầu bay đẹp mà rơi cũng đẹp. Nhưng trái trác bay trông lại buồn cười. Cánh của thứ trái ấy không chia ra hai nhánh, hoặc bốn nhánh mà lại bao quanh tròn cả trái. Trái trác, nếu gió to thì bay cuồng loạn lộn nhào, còn nếu gió nhẹ, thì bay như dĩa bay mà các cô thấy trong chiếu bóng.
Thú nhứt là rượt bông lồng mức. Bên kia đường, một cây lồng mức già trụi lá đứng đó bồi thêm vài vệt buồn vào cảnh khô hạn ở Xóm Thuốc nầy.
Trái lồng mức tròn mà dài như trái đậu bắp. Chiều chiều, vỏ cứng như vỏ sô của trái ấy nổ tách ra làm hai rồi thả ra muôn ngàn cái bông trắng, bay như tuyết đổ.
Bông gồm một hột vàng nhỏ như hột lúa, trên đầu hột lòng trắng, mọc tua tủa ra, lông mịn như tơ, mà cong như lông mi, dùng làm cánh dưa hột vàng về những nơi xa lạ.
Nhiều bông quá nặng, cánh chở không nổi, sa xuống trên sàn, nhưng vẫn bay là là ngang đầu người chớ không chịu rơi xuống đất.
Các cô rượt bắt mớ bông ấy, ai bắt được một chiếc thì sung sướng vô cùng. Chỉ vò mớ lông trắng mịn giữa hai ngón tay cũng đủ vui vẻ một buổi chiều trống rỗng.
Cái thú thứ nhì là xem trẻ trong xóm giành nhau mà lượm xoài non, trái nhỏ bằng ngón tay cái: Ở nhà quê ít bánh hàng nên thứ gì trẻ nhỏ cũng thích ăn: me non, dái mít, xoài non, và những trận lượm xoài thì hào hứng như cuộc tranh sống thật sự.
Người gia - trưởng Thái - huyên - trang thấy con vui thì mừng, nhưng không vui được với con.
Trong bữa cơm chiều nào ông cũng nói:
- Cảnh ở dây khác dưới mình nhiều quá. Mỗi mùa có màun sắc, có mùi vị riêng của nó. Nhưng màu sắc, mùi vị nầy không giống màu sắc mùi vị ở quê ta. Nhớ nhà quá đi thôi.
Ông Nam Thành dùng tiếng mình, (1) nhưng ông quên rằng chỉ có ông là nhớ nhà. Con ông lớn lên ở Saigon, nếu có nhớ thì nhớ đô - thành.
Nếu chúng không bận bịu với đô - thành vì ở đó thiếu cảnh đẹp thì chúng vui với cảnh ở đây là hợp lý, không thể kéo chúng vào phe nhớ quê hậu - giang được.
* * *
Cả nhà nghe như có một cái nắp đậy lên đầu họ trong những ngày đầu mùa. Nắp ấy ban đầu vô hình, sau rồi hiện ra thành một tốp mây đen.
Những trận mưa đầu mùa ồ ạt như bão tố, đã đánh vỡ được cái nắp kia, khiến họ nghe giải thoát.
Cô Hồng nghe nhẹ người hơn ai cả vì khổ dịch kéo nước tưới cây khỏi phải làm nữa.
Ông Nam Thành thì bận túi bụi sửa lại chuồng heo, chuồng gà dựng sơ sịa hôm còn nắng.
Hai cô con gái sau thì lo ngại nhiệm - vụ của hai cô từ đây biến thành khổ - dịch; nuôi heo, nuôi gà trong mùa mưa là một công việc cực nhọc: cho heo ăn phải bị ướt át, gà lăn ra chết toi vào lúc đầu mùa mưa nầy thì nội cái việc đào lỗ chôn xác để tránh sự truyền nhiểm cũng đủ hụt hơi rồi.
Trời mưa liên tiếp mỗi ngày cho đến suốt tuần lễ mà chưa thôi, làm như là nước đọng cả nửa năm nhiều quá, bây giờ đổ xuống được là nó cứ đổ tràn trề.
Thôi, từ giã rượt bông lồng, từ giã đi thăm anh Xòn, thăm cậu hai Quờn, và đi dạo mỗi chiều trên đường nhựa.
Bốn chị em ngồi đó mà nhìn mưa xa chạy về như ai kéo màn trắng đến. Mưa trắng xóa, xóa mờ cả chơn trời, cả cánh đồng trống trước nhà, cả những đoàn xe hơi cứ nối đuôi nhau mà chạy.
o O o
Mùa mưa buồn nhưng lại giúp bốn chị em tìm được thêm bạn mới.
Chiều hôm ấy cô Hồng mắc mưa ở xóm trên. Không muốn làm rộn ai, cô chạy vào lò rèn của thợ Hổ là nơi gần như là công cộng: người đi lỡ đường ghé lại đó nghỉ chơn, những ông già rỗi rãi trong xóm, đến đó để đánh cờ tướng, trẻ nhỏ bán quà vặt cũng hay lân la nơi đó để tìm khách hàng.
Cô Hồng chạy vào tới lò thì giọt tranh đã to bằng ngón tay út rồi. Để tránh tạt, cô vào đứng giữa lò, gần bếp lửa.
Ông thợ Hổ không thể dừng tay vì sắt đang đỏ, vừa tiếp tục đập vừa nói:
- Coi vậy mà không sao, cô ba cứ đứng yên đó.
Nhưng những đóm lửa bay tua tủa ra khiến Hồng sợ hãi nhảy lui ra ngoài, bị tạt ướt cả ống quần.
- Hay là cô lên ghế ống thụt mà ngồi, ông tư Hổ đề nghị.
Sau bếp lửa đứng lên hai ống bễ to tướng. Một thằng bé con ngồi trên một con ngựa cao đặt sau đó, thụt mãi không thôi.
Ông bễ thở khò khè như mệt hổn hển, mỗi lần nó thở ra một cái là than trong bếp lại đỏ tươi lên.
Mừng được nơi ngồi yên chỗ, Hồng chạy ra sau bếp rồi trèo lên ngựa mà ngồi chung với thằng bé. Mặt ngựa khá dài để hai người ngồi mà người nầy không ngăn trở công việc làm của người kia.
Bây giờ thoát khỏi lửa. Hồng sung sướng mà nhìn nó, nhận thấy nó đẹp lắm! Thằng bé mỏi tay lơi thụt, than lu mờ, tư Hổ nạt nó, nó vội thụt lia lịa, than hồng lên, xem trong trẻo lạ. Những thanh sắt đã nướng, đỏ lần lần như lửa đã rửa được cái đen đúa dơ dáy của nó. Đẹp nhứt cố nhiên là mưa lửa bắn ra mỗi lần búa nện xuống đe. Giò ông tư Hổ bộ bằng sắt sao ấy, mà lửa văng vào đó tới tấp, ông vẫn đứng yên mà đập sắt.
Ở đây có cái mùi ngồ ngộ như mùi hơi đất xông lên sau trận mưa đầu mùa. Đó là mùi sắt đỏ trui trong nước lạnh, nghe khen khét một cách thật dễ chịu.
Ấm lạ! Mặc dầu gió vào tứ phía, bụi mưa bay khắp nhà, Hồng cũng nghe thấy ấm, nhứt là ấm trong lòng cô, giữa sự xúm xít nầy, ông chủ lò rèn, hai ông lão đánh cờ, ba nông dân trai tráng, và hai đứa con gái bán bánh ít trần, bánh cam.
Bỗng trời chớp một cái rồi tiếp liền theo một tiếng sét nổ long trời.
Thằng bé thụt ống lửa, giựt mình ngừng tay lại. Ông tư Hổ không mắng nó như mấy lần trước, mà trái lại chính ông cũng thôi đập.
Ông gỡ kiếng ra, ngó ra cánh đồng trước nhà rồi nói:
- Có quỉ núp đâu gần đây...
Hai ông lão đánh cờ cũng vừa xong một ván, ngửng mặt lên và một ông bắt chuyện.
- Nói quỉ, tôi mới nhớ lại một lần đi ghe. Ghe chúng tôi mắc mưa từ lúc mới chun vào kinh tắt để băng qua sông Saigon. Khi tới Vàm Nông sắp đặt đổ ra sông lớn thì...
Rồi mỗi người có mặt ở đó, người nào cũng sẵn một câu chuyện yêu, tinh, ma, quỉ, một câu chuyện lưỡi tầm sét để mà kể lại.
Ông tư Hổ kể chuyện linh động hơn hết, có cả đối thoại của nhân vật trong truyện mà ông nhái giọng nghe rất là sống.
Ông lại nhớ cả chuyện xưa tích cũ trong làng, chuyện dắp con đường Thiên lý trước nhà và lịch sử phát triển của chợ Thủ Đức.
Trời bớt hột lần lần, khách lần lượt rút đi.
- Thôi, thụt mầy!
Tư Hổ vừa đeo kiếng trở vào, vừa ra lịnh cho thằng bé tiếp việc. Nhưng Hồng đã giành lấy hai cây thụt, ngồi xích vào giữa rồi ra tay thử.
Lạ quá, thằng bé còn nhỏ thế, mà nó thụt coi nhẹ hều, còn cô, sao cô ráng hết sức mà nhấn không nổi.
Ống bễ dưới tay cô giống như người nghẹt mũi, ống nầy kêu một cái khè khó khăn mệt nhọc, thì ống kia còn hịt hịt như bị bít hơi.
Cô gái Thái Huyên trang cười ngất rồi giao cây thụt lại cho thằng bé nó cũng đang bành miệng ra mà cười. Cô từ giả ông Tư, ra về dưới mưa thưa,
đinh ninh sẽ trở lại đó lúc nào trời chuyển mưa. Ông tư là cái kho tàng trử tích hay chuyện lạ, không tới lui với ông, lấy gì giải trí trong mùa nầy?
Từ đó, xế trưa nào, không chị thì em, các cô Thái Huyên trang đều có mặt ở lò rèn để hưởng một buổi đụt mưa ấm cúng.
Cuộc đời phẳng lặng của mấy chị em thêm được những buổi vui ngắn ngủi và phù du như đốm lửa ở mặt đe văng ra, bừng cháy trông rất xôm, mà chết đi cũng mau lẹ vô cùng.
Như vào mùa đông ở các xứ miền Bắc, ở xứ ta người trong gia đình xúm xít lại gần nhau trong mùa mưa.
Nhứt là vào những buổi đầu hôm, dưới ngọn đèn un khói, họ quây quần quanh người gia trưởng để bàn chuyện tương lai, để nhắc kỷ niệm cũ, để nghe kể chuyện đời xửa đời xưa.
Hồn muôn thế hệ qua như phảng phất hiện về đây đó, rồi truyền thống của gia đình, của dân tộc được hồn ma xưa bí mật thổi nó vào tâm hồn người đời nay đang có mặt bên đèn.
Ngoài kia, mưa rơi trên tàu chuối, mưa tạt vào phên tre, mưa rao điệu ai cho ãnh ương hòa tấu bản nhạc buồn...
Bà Nam Thành nhìn từng đứa con của bà rồi thoáng ái ngại nhận thấy rằng ở đây không phải chỗ của chúng nó. Chỗ của chúng phải vui tươi trẻ trung, sinh động hơn cái không khí ủ rủ nầy.
- Ông à, tôi có chuyện muốn bàn với ông.
- Ừ, thì cứ nói đi.
- Lên gác hãy nói.
- Như vậy gọi tôi bây giờ làm gì.
- Để ông lên gác.
- Bà buồn ngủ mà sợ ma không dám lên một mình thì cứ thú thật để tôi đưa lên, đừng có kiếm chuyện.
Bà Nam Thành cười hơi rung rinh cái nây. Bà cố cười cái cười thú tội, làm bộ như mặc nhận lời đoán của chồng là đúng, hầu lên gác tự nhiên cho khỏi băn khoăn về câu chuyện mà bà muốn giữ kín.
Bà nhả trầu, súc miệng, doạn pha trò với mỗi đứa con một câu rồi mới theo ông mà lên lầu.
- Chuyện gì mà bí mật dữ vậy, ông Nam Thành hỏi một khi lên đến nơi. - Bữa nay yên xong mọi việc tôi mới rảnh trí để nhớ lại chuyện nhà...
Bà nín một lát lâu, dường như không biết bắt đầu nơi đâu câu chuyện của bà. Rồi dột ngột, bà hỏi chồng:
- Ông có bao giờ nghĩ đến việc chồng con của con hay không?;
Ông Nam Thành ngạc nhiên quá, ông đã đoán nhiều chuyện mà bà Nam Thành sắp nói, trừ chuyện nầy. Giây lâu ông mới đáp:
- Không, à...ơ... nghĩa là có...mà ít khi lắm.Mấy năm trước bận buôn bán, rồi bận lo nghĩ về túng thiếu, bây giờ thì say thú làm vườn. Sao, có gì lạ?
- Không có gì lạ tôi mới lo. Ông thử tưởng tượng thử coi làm sao con mình lấy chồng được.
- Thì sớm muộn gì cũng có người đến hỏi chúng nó chớ. - Nếu mình còn ở Saigon thì như vậy. Nhưng lại đây là khác rồi. - Khác làm sao?
- Muốn gã lấy chồng, phải giao thiệp. Các mối giao thiệp ấy lại phải lâu ngay chầy tháng. Mình rời quê, mất cả quen lớn ở dưới. Lên Saigon, vì là thành phố lớn lại vì mình chưa vững. Vì vậy con Hương phải chịu lỡ
"""