Chuyện kể, sau chiến tranh với người Pháp, một gia đình có bốn cô con gái chưa chồng lại dắt dìu nhau từ Sài Gòn về Thủ Đức dựng nhà. Khi ấy, nơi này chưa hề có phố xá. Hương vị thành phố thoang thoảng trong thí nhớ các cô gái và ánh đèn từ thị xã Biên Hoà hắt lên. Làm sao “hội nhập” với người dân quê? Có lẽ, Bình Nguyên Lộc tìm cách cắt nghĩa điều đó với bao người. Tuy nhiên, một vấn đề mới lại nảy sinh, thật nan giải: các cô gái xinh đẹp kia đang ở độ tuổi lấy chồng, đợi vài năm nữa sẽ quá thì, còn hiện tại…. thật là phiền toái! Cuối cùng, các cô cũng đã có được tấm chồng xứng đôi vừa lứa, là người thành phố. Nhưng làng quê, với họ, lúc ấy không phải là nơi ao tù nước đọng, quá đỗi xa lạ. Người nhà quê vào thành phố, nhiều người đã viết, ngơ ngác và tội nghiệp lắm!
***
Câu chuyện Ðò dọc xoay quanh một gia đình có bốn cô con gái, sống trong buổi giao thời của những năm 1950. Cuộc chiến đang diễn ra ác liệt, gia đình ông giáo Hải với các con gái là Hương, Hồng, Hoa, Quá phải rời khu về sống ở xóm me Tây gần thành Ô Ma – Sài Gòn. Ðến ngày Pháp chính thức rút khỏi Việt Nam, bốn cô con gái đã học được một ít chữ nghĩa thì cả nhà lại chuyển về một xóm quê khô cằn ở miền Ðông Nam bộ.
Cuộc sống đơn điệu với “từng ấy gương mặt” có nguy cơ biến các cô tiểu thư xinh đẹp thành các cô gái già héo úa. Mỗi cô có một tâm tình riêng, người cha và người mẹ không dễ thấu hiểu và chia sẻ với họ. Ðò dọc tôn vinh giá trị gia đình như một nền tảng để con người có thể tựa vào trước bao biến thiên của xã hội hậu chiến
***
Long về Sài Gòn chỉ ngắm đàn bà là đàn bà. Khi trước chàng ngắm họ để nghiên cứu cho khoa hội họa, ngắm để thỏa mãn sở thích ngắm vẽ đẹp bên nữ giới của một người con trai.
Nhưng bây giờ chàng ngắm để so sánh.
Có ai biết rằng Long khổ hay không? Chàng vẫn yêu Hồng như trước. Ý nghĩ không cưới Hồng sẽ làm cho chàng đau đớn mênh mông, ý nghĩ ấy vày vò Long mãi không thôi.
Cưới Hồng là khỏi ân hận gì cả về vụ đó. Nhưng lại sẽ phải ân hận về vụ khác.
Ân hận? Ừ, Long định viết bức thơ nữa, càng ngày càng lạt, càng thưa, rồi trốn luôn. Nhưng trốn người chớ nào có trốn được cái đau của người, nó sẽ đeo đuổi theo chàng, vày vò lương tâm chàng đến bạc đầu.
Còn anh chàng Bằng nữa? Ăn làm sao nói làm sao với anh ta đây?
Lụi đụi đã đến ngày cưới của Hoa và Quá. Ông bà Nam Thành thương lượng cho hai ngày cưới ấy cách xa nhau có năm hôm thôi. Mọi sắp đặt cho đám cưới trước sẽ dùng được cho đám cưới sau, đỡ tốn kém lại đỡ thì giờ.
Long và mẹ đều có tiếp được hồng thiệp. Bức thơ riêng kèm theo đó nói rõ là chàng sẽ ngồi họ ở bàn đờn ông, còn bà Phủ thì được yêu cầu tăng danh dự cho lễ cưới bằng cách ngồi họ bên đàn bà.
Hôm về Sài Gòn, họa sĩ cằn nhằn mẹ:
– Sao má lên trên ấy mấy lần mà không cho con hay?
– Mày hỏi lạ, tao là mẹ của mày mà đi phải xin phép mày nữa sao?
– Không phải xin phép. Nhưng việc má đi có dính líu đến việc của con, con cần thảo luận trước với má.
– Còn thảo luận, thảo liếc gì nữa, chừng nào con quyết định thì má cậy mai. Nhưng phải giữ liên lạc thân mật luôn từ giờ đến đó.
– Rủi con không bao giờ nhất định cả thì có phải là hại hay không?
– Hại chỗ nào?
– Má lên làm thân, báo người ta hy vọng. Nếu về sau, việc không thành, họ sẽ thất vọng biết bao nhiêu.
– Sao lại không thành được?
– Được lắm, vì con chưa thích cưới vợ.
– Mày nói giỡn sao chớ. Họ hy vọng không phải vì tao làm thân đâu, mà vì mày đã có tơ tình với con của người ta, như mày đã thú nhận. Bây giờ mày lại muốn thối thác thì người ta còn coi mình ra gì nữa.
Long đuối lý, nín luôn mãi đến hôm nhận được thiệp mời mới nói với bà phủ:
– Má đi, còn con xin kiếu. Con gởi quà cho má trao lại giùm hai cô ấy.
Bà Phủ điếng người đi. Thì ra Long nó nói thật. Ngày vui của gia đình người ta, mà nó không buồn dự vào là nó đã quyết tâm không nghĩ đến hôn nhân rồi. Giây lâu bà hỏi con:
– Nó có lỗi gì không?
– Thưa không?
– Nó không vừa mắt con à?
Long làm thinh, bà phủ đoán hiểu phần nào, nên nổi tam bành lên:
– Mày có phải là con trai mười chín đâu mà đi coi mắt vợ sơ hở được. Mày đã hối thúc tao lên để xem có đồng ý với mày hay không, thế nghĩa là mày đã thích nó rồi, sao lại còn tráo trở gì nữa?
Lần thứ nhì Long lại đuối lý. Chàng rầu chín cả ruột gan vì nỗi lòng của chàng, càng bàn cãi, càng xét kỹ, càng rõ rệt ra.
Nhưng ích kỷ ngăn cấm chàng chuộc lỗi bằng cách cưới Hồng. Cưới Hồng, chàng sẽ ân hận suốt đời. Vì vậy chàng cố lì làm thinh luôn. Bà phủ thở dài lo mua sắm tặng phẩm lễ vật để đi một mình.
Mời các bạn đón đọc Đò Dọc của tác giả Bình Nguyên Lộc.