🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Di Sản Trí Tuệ
Ebooks
Nhóm Zalo
DI SẢN TRÍ TUỆ
Ajahn Buddhadāsa
Hán dịch: Chương Cơ - Vương Tĩnh Dung
Dịch giả: Thích Nữ Thiền Đức - Thích Nữ Diệu Liên
NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO
53 Tràng Thi - Hoàn Kiếm - Hà Nội
ĐT: (024)37822845
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm xuất bản
Giám đốc: ThS. Nguyễn Hữu Có
Chịu trách nhiệm nội dung
Q. Tổng Biên tập: Lê Hồng Sơn
Biên tập viên NXB: Nguyễn Thị Thanh Thủy Biên tập viên VNTT: Thích Nữ Bảo Linh - Thuận Minh Bìa, Trình bày: Tản Viên
Sửa bản in: Vĩnh Nghiêm Tùng Thư
Đơn vị liên kết:
Đại đức Thích Quảng Lâm
chùa Long Hưng, thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.
Mã ISBN: 978-604-61-8887-2
Số lượng in: 2.000 bản, Khổ: 10 x 15 cm
In tại: Công ty TNHH Văn hóa phẩm Phật giáo Tản Viên.
Địa chỉ: Thôn Tây Ninh, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội.
Số ĐKXB: 3571-2022/CXBIPH/07-138/TG
Số QĐXB: 606/QĐ-NXBTG, ngày 20 tháng 10 năm 2022. In xong và nộp lưu chiểu quý IV năm 2022.
Lời nói đầu
N
goài pháp ngữ Phật giáo ra, tôi thật không còn gì khác để truyền lại cho bốn chúng đệ tử - những người đang phải sống trong vòng sinh, già, bệnh, chết. Tôi trộm nghĩ
rằng: Cho dù bao lâu, chỉ cần còn có sự truyền thừa “di sản” thì khi đó đóa hoa trí tuệ vẫn còn nở rộ nơi vườn giải thoát. Đồng thời, “sứ giả của Như Lai” vẫn sẽ thắp lên ngọn đèn chính pháp khiến cho sự an lạc giải thoát hiện diện khắp muôn nơi.
Để việc truyền thừa di sản được phương tiện, xin quý vị hãy suy ngẫm về những lời pháp ngữ này như là một loại hình “di sản Phật pháp”. Đây cũng là di sản chung của những đạo hữu đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sứ mệnh nối dài tuệ mạng của Đức Phật nhằm đem lại lợi ích rộng khắp cho quần sinh, chứ không phải tài sản của riêng một ai.
Tương lai sau này, khi nào còn có người cầm đọc cuốn sách này thì khi đó “sứ giả của Như Lai” vẫn còn chưa “nhập Niết Bàn” (khuất bóng), vẫn còn chung sống cùng chúng sinh. Khi ấy, đầu tiên tôi xin cảm ơn và gửi lời nguyện chúc đến tất cả, vì bấy giờ quý vị đã chính thức bắt đầu học Phật rồi.
Tôi luôn một lòng dùng Phật pháp và lòng từ bi chúc phúc cho quý vị.
Tôn giả Ajahn Buddhadāsa
Lời giới thiệu
P
háp ngữ trong cuốn sách này được chia làm hai phần:
Phần một: Từ câu 1 đến câu 41: Chủ yếu nói về di sản thuộc vật chất và nghi lễ Phật giáo.
2. Từ câu 42 đến hết: Chủ yếu nói về di sản thuộc tâm hồn.
Tất cả những pháp ngữ này đều do tự tôi tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi, và đạt được thành quả rất mĩ mãn trong tu tập. Vì thế tôi đã góp nhặt những lời dạy tinh hoa trong nhà Phật và trước tác thành từng câu ngắn gọn với hàm nghĩa súc tích, ngõ hầu làm “di sản” để lưu truyền lại cho đời sau.
Hi vọng khi mọi người cầm cuốn sách này trên tay sẽ trân trọng và đọc nó một cách chậm rãi, để có thể thẩm thấu được từng câu, từng lời trong mỗi đoạn pháp ngữ, rồi từ đó hoàn thiện bản thân. Sau đây, mong quý vị buông bỏ mọi tạp duyên, thảnh thơi dạo bước nơi vườn hoa trí tuệ và cùng chiêm nghiệm tinh hoa Phật pháp.
Di sản trí tuệ
1
Những ai làm mọi việc với tâm thanh tịnh hay nói cách khác là làm tất cả Phật sự chỉ để hoằng dương Phật pháp thì đều là sứ giả của Như Lai. Như thế, khi hoằng pháp chúng ta hãy lấy bản
thân làm tấm gương và quan trọng nhất là lan tỏa niềm vui trong giáo pháp để mọi người cùng tu tập theo.
2
Những vị phát tâm làm sứ giả của Như Lai cần có đủ ba đại nguyện và đây cũng là nguyên tắc quan trọng trong bổn phận làm lợi ích cho nhân sinh:
- Một là: Cố gắng để bản thân thấm nhuần được những điều cốt lõi của Phật pháp.
- Hai là: Cố gắng thoát khỏi tư duy lấy vật chất làm thước đo trong khi tương trợ lẫn nhau.
- Ba là: Cố gắng làm cho các tôn giáo khác nhau ngày càng hiểu nhau hơn.
3
Tâm nguyện thứ nhất của sứ giả Như Lai:
Tận tâm tận lực giúp mọi người hiểu được tinh hoa của đạo Phật, để quá trình tu tập của họ đúng với các pháp thiện và đạt được trạng thái giải thoát. Đây chẳng những là pháp tu trực tiếp mà còn đúng theo di nguyện của Đức Phật.
4
Tâm nguyện thứ hai của sứ giả Như Lai:
Khiến cho mọi người không còn điên cuồng chạy theo vật chất hay mê đắm dục lạc. Đây là việc mà mỗi cá nhân, mỗi tôn giáo trên thế giới đều phải làm, nó giống như sự nghiệp chung của
một đoàn thể vậy. Nếu làm được như thế, thế giới này sẽ trở nên “thanh tịnh, quang minh, tịch tĩnh”.
5
Tâm nguyện thứ ba của sứ giả Như Lai:
Giúp các tôn giáo thấu hiểu lẫn nhau. Trên thế giới có rất nhiều tôn giáo, cho nên một yêu cầu cấp thiết được đặt ra, đó là các tín đồ phải chung sống hòa bình với nhau như các dân tộc khác nhau cùng sống chung trong một quốc gia, chúng ta không thể không thực hiện tâm nguyện này. Đồng thời, mỗi tôn giáo đều
phải hướng các tín đồ của mình đến lòng “vị tha” (vì người khác). Dù rằng mỗi tôn giáo có một cách giáo hóa khác nhau, nhưng cuối cùng vẫn sẽ quy về cội nguồn thiện lương.
6
Vườn giải thoát tự tại1
Chính là nơi thân tâm chúng ta có thể hòa mình với thiên nhiên, làm bạn với thiên nhiên. Dù ở bất cứ nơi đâu, chúng ta cũng nên thiết lập những Vườn giải thoát tự tại như vậy, ngõ hầu làm phương tiện giúp mọi người trực tiếp học tập những trạng thái tự nhiên và thẩm thấu được quy luật của nó. Hơn nữa, thiết lập Vườn giải thoát tự tại còn giúp mọi người tận hưởng hương vị của thiên nhiên bằng tâm thái nhẹ nhàng và thanh thoát. Tất cả những điều này sẽ giúp chúng ta dễ dàng có được niềm an lạc từ trong “vạn sự vạn vật” nơi cuộc đời này.
7
Vườn giải thoát tự tại là nơi đem đến sự an lạc giải thoát, là môi trường cần thiết để mọi người cùng trở về tu tập, giúp mọi người xoa dịu và nuôi dưỡng tâm hồn. Đời sống con người cần có bốn loại nhu yếu về vật chất là thức ăn, y phục, phòng ốc, thuốc thang và một nhu yếu thuộc về tinh thần. Hi vọng mọi người chung tay góp sức để hai cơ sở trên được hoàn thiện, ngõ hầu phục vụ tốt nhất cho đời sống tu tập của đại chúng, được như vậy mới mang lại lợi ích thật sự cho nhân loại.
8
Chốn Tùng lâm quốc tế của Vườn giải thoát tự tại được thiết kế riêng cho các bạn tu người nước ngoài hoặc những bạn tu nói tiếng nước ngoài nhằm cung cấp cho họ một nơi để soi sáng tâm linh. Từ việc tận mắt chứng kiến những bạn tu đó ngày ngày nỗ lực tìm cầu giác ngộ để nhận ra bản lai diện mục2 của mình tôi mới khởi lên ý tưởng thành lập chốn Tùng lâm quốc tế trong Vườn giải thoát tự tại. Hi vọng mọi người cùng nhau quản lí và giữ gìn nơi này, để nó trường tồn mãi với thời gian.
9
Vườn giải thoát tự tại là nơi chúng ta ứng dụng Phật pháp để tìm sự an lạc cho bản thân. Đây chính là nhu cầu thiết yếu của con người và nó có thể thay thế cho những dục lạc tầm thường.
Nhục dục khiến con người ta trở thành “ma quỷ”, thế nên không thể không có một môi trường tốt dành cho việc chuyên tâm tu tập. Đây được xem là nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tu hành của mỗi người con Phật. Vì lẽ đó, hành giả chúng ta cần phải tìm cho mình một nơi an bình trang nghiêm hơn nữa.
10
Năm cây cột chống trên tầng mái thứ nhất ở tòa nhà chính trong Vườn giải thoát tự tại tượng trưng cho năm món: tham dục, sân hận, thụy miên3, trạo hối4, nghi pháp5; năm căn: mắt,
tai, mũi, lưỡi, thân; năm lực: tín, tấn, niệm, định, tuệ; và năm phần Pháp thân: giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến; năm đạo quả Niết Bàn: Tu đà hoàn đạo và quả, Tư đà hàm đạo và quả, A na hàm đạo và quả, A la hán đạo và quả, cộng thêm Niết Bàn; cho đến năm ngón tay trên một bàn tay, tất cả đều là phương tiện để cảnh tỉnh và nhắc nhở chúng ta phải diệt trừ hết thảy gốc rễ phiền não khổ đau.
11
Sinh hoạt thường ngày ở Vườn giải thoát tự tại luôn rất giản dị nhằm tiết chế những ham muốn ngũ dục của bản thân. Đây là nguyên tắc vàng cho sự tu tập trong thời đại vật chất lên ngôi như hiện nay, cũng là điều kiện giúp chúng ta thăng hoa tâm linh. Vì vậy, chúng ta cần phải áp dụng những quy luật của thiên nhiên để nâng cao đời sống tinh thần, sống một cuộc đời đạm bạc, giản dị với những việc làm cao quý.
12
Mục đích của việc tu tập nơi Vườn giải thoát tự tại là “giải thoát trước khi chết”, nghĩa là trước khi thân tứ đại này trở về với cát bụi thì cái “tôi” và cái “của tôi” trong tâm thức đã chết rồi, cuộc sống của chúng ta chỉ thuần thanh tịnh, chính niệm, chính tri mà thôi. Chúng ta phải đạt được cảnh giới giải thoát ấy, ngay nơi đây và tại phút giây này. Thế nên,“giải thoát” sớm chừng nào thì cuộc sống càng có giá trị chừng ấy.
13
Khi sử dụng ngôn ngữ nhà Phật và ngôn ngữ đời thường, chúng ta phải dùng thật chính xác để giải thích những khái niệm về vật chất và tinh thần. Từ đó tiến dần đến việc đạt được lợi ích chân thật và nhận chân được bản chất của vạn vật. Chính vì thế, không nên đảo lộn giữa ngôn ngữ nhà Phật và ngôn ngữ đời thường, bởi sự xáo trộn đó khiến tâm trí chúng ta càng rối loạn hơn.
14
Việc chúng ta sử dụng một cách có hệ thống ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ nhà Phật trong học tập cũng như trong giảng dạy Phật học là rất cần thiết. Vì tất cả pháp đều là pháp
Phật, ngôn ngữ nhà Phật đối với người bình thường thì dùng hiện tượng vật chất để trình bày, còn ngôn ngữ nhà Phật của bậc đã giác ngộ thì dùng cảnh giới tinh thần để diễn đạt Phật pháp. Bởi vậy, trong lúc chúng ta tu học, giảng dạy và nghiên cứu Phật pháp cần chuyên chú quán sát, bằng không sẽ biến đầu óc thành một mớ hỗn tạp.
15
Ở Vườn giải thoát tự tại, lễ sinh nhật Tôn giả Ajahn Buddhadāsa và những món quà Phật tử gửi tặng6 Ngài sẽ giúp chúng ta thăng hoa về tâm linh, không buông lung phóng túng,
đó gọi là nhận biết được chính mình. Hi vọng các vị sẽ cùng nhau truyền thừa và tiếp tục duy trì mãi việc này, để tâm hồn mỗi người đều được giải thoát nhẹ nhàng.
16
Một người đệ tử Phật chân chính thì không có việc gì có thể khiến họ phải muộn phiền, huống chi là mắc các bệnh về tinh thần và tâm lí. Vì tâm họ đã nương tựa vào Phật pháp, mà tinh
thần cốt lõi của Phật pháp là: Xưa nay vốn như vậy, bản chất nó như thế. Nói cách khác, tất cả mọi việc đều tùy thuận nhân duyên mà thay đổi, cho nên chúng ta phải tùy theo hoàn cảnh để có cách ứng xử sao cho phù hợp, điều này không có gì đặc biệt cả. Cũng vì thế, tôi mới đem chân lí “mọi sự vốn như vậy” làm thành di sản trí tuệ để lại cho mọi người.
17
Ba từ “S” trong tiếng Thái là “Saat - thanh tịnh”,“Sewang - quang minh”,“Segab - tịch tĩnh” chính là những phẩm hạnh của bậc Thánh, cũng là cốt lõi của Tam Bảo. Hãy dùng ba ý nghĩa “thanh tịnh, quang minh, tịch tĩnh” làm nơi quay về của tâm hồn! Vậy nên, tôi đặc biệt trao tặng tinh hoa trí tuệ này cho mọi người.
18
Những quy định nơi Vườn giải thoát tự tại này đều do tôi và một số đệ tử biên soạn dựa trên tinh thần giới luật của nhà Phật, với mục đích mang đến lợi ích thiết thực cho mọi người. Đồng thời, cuốn sách quý này còn là phương tiện giúp chúng ta trở thành người có trí tuệ, giác ngộ và an lạc. Nhờ trí tuệ dẫn đường mà chúng ta không rơi vào hố sâu vực thẳm của ngoại đạo cùng chủ nghĩa tự tư tự lợi. Đây chính là di sản trí tuệ bất diệt mà tôi muốn chia sẻ với mọi người.
19
Trong tác phẩm Pháp âm tập7 tôi xin dành tặng các bộ “Như vậy tôi nghe”,“Hoa sen”,“Chuyển bánh xe pháp” cho những người đang trên bước đường tịnh hóa tâm thức như một món quà kỉ niệm. Với mong muốn giúp hành giả chú tâm quán chiếu và được xông ướp, nuôi dưỡng, rồi dần dần thâm nhập vào pháp tạng của Đức Phật. Cũng có nghĩa là dòng nước pháp đang len lỏi vào sâu trong tâm khảm, thấm nhuần và tưới tẩm cho tất cả nhân loại, giúp tâm hồn mọi người luôn tươi mát và tràn đầy pháp lạc.
20
Thông thường, nơi Vườn giải thoát tự tại, các bản kinh tiếng Thái trong thời khóa tụng niệm vẫn được đối chiếu với tiếng Pali. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để sàng lọc và biên soạn giáo nghĩa cốt lõi của Phật pháp thành những giáo lí vô cùng căn bản, cô đọng. Hi vọng văn phong mượt mà của nó sẽ giúp lời
kinh dễ dàng tụng niệm, đồng thời làm phương tiện tu tập định, tuệ cho chúng đệ tử. Chính vì lẽ đó mà tôi muốn trao tặng pháp bảo này cho mọi người, để ai cũng có thể duyên theo hành trì.
21
Mục đích tổ chức pháp hội cúng dàng chư Tăng tại Vườn giải thoát tự tại là để hành giả cùng nhau học tập. Qua đây, chúng ta học được kinh nghiệm làm thế nào để cúng dàng cho một hội chúng lớn và cúng dàng như thế nào là thuận tiện hợp lí nhất. Ngoài ra, chúng ta còn học được các phương pháp để đối trị với những tập khí phiền não bên trong mình. Cho nên, tôi hi vọng mọi người cùng nhau duy trì hình thức cúng dàng này, ngõ hầu làm lợi lạc cho khắp nhân sinh.
Tôi mong rằng, các hàng đệ tử của Phật cùng lưu truyền phương thức truyền thống từ thời Đức Phật còn tại thế này, một phương thức vừa đơn giản lại vừa tiết kiệm để hộ trì Phật giáo.
22
Bài thơ Cây dừa giữa ao được sáng tác dựa trên khúc hát ru cho trẻ con trong dân gian. Bài thơ minh chứng cho chúng ta thấy người Thái xưa đã thấu hiểu giáo pháp mầu nhiệm của Đức Phật như thế nào. Thậm chí họ còn biết truyền tải chân lí ấy vào lời ru cho con trẻ. Cho nên, tôi hi vọng mọi người cùng nhau gìn giữ những di sản mà tổ tiên đã để lại. Như vậy chúng ta mới xứng đáng là con cháu hiếu thảo.
23
Miễn là không làm trái với chính pháp và giới luật, chúng ta có thể khéo léo vận dụng phương tiện hoằng pháp sao cho thích hợp với từng thời đại8. Có như vậy thì việc hoằng pháp mới thuận lợi và đem lại lợi ích thiết thực nhất cho chúng sinh. Không nên quá chấp chặt vào chữ nghĩa và hình thức cổ xưa, ngược lại phải tùy thuận theo văn hóa vùng miền và từng thời đại mà có những phương pháp hoằng pháp phù hợp.
24
Một trong những quy tắc nơi Vườn giải thoát tự tại là: “Nơi đây không chào đón người không biết tự rửa bát”. Sở dĩ lập ra quy định này là vì sau khi ăn cơm mọi người thường có thói quen thích nhờ người khác rửa bát9. Quy định này rất phù hợp với tinh thần của nhà Phật, giúp chúng ta sàng lọc những người thích hợp ở lại tu học, vì tâm họ đã cởi bỏ tự tư tự lợi và có ý thức không lợi dụng người khác. Hi vọng mọi người cùng nhau thực hành đúng quy định này và xem nó như một “di sản” truyền thừa.
25
Đức Phật khích lệ chúng đệ tử gối lên gối cứng mà ngủ nhằm rèn luyện bản thân, khiến bản thân không còn ham ngủ. Người không tham đắm ngủ nghỉ và thân tâm kiên định thì phiền não
không có cơ hội quấy nhiễu. Những võ sĩ thời xưa, đặc biệt là hàng Sát đế lợi10 và những hành giả tu Phạm hạnh trong thời Đức Phật đều ngủ như thế.
26
Tôi đặc biệt phản đối quan điểm sống hưởng thụ của một số người thời nay: “Làm việc để kiếm tiền, lấy tiền để mua vui”, suy nghĩ này không phù hợp với tinh thần của nhà Phật. Chúng ta nên dạy mọi người phải biết trách nhiệm quan trọng nhất của đời mình là “làm việc”. Nhưng làm việc chẳng phải để kiếm tiền, mà kiếm tiền cũng không vì mục tiêu hưởng thụ đời sống xa xỉ cho bản thân. Tất cả những thứ này chỉ là “dục vọng nhất thời” mà thôi. Cũng vì lí do đó mà tôi đặc biệt lưu lại tinh hoa trí tuệ này để quý vị đối trị với tham ái dục lạc.
27
Thiền là pháp môn tu tập đầu tiên trong Phật giáo. Bí quyết của tu thiền là “định, tuệ song hành”, nghĩa là từ trong định tập trung tâm ý quán chiếu để dứt trừ phiền não. Tuyệt đối không được vì bất kì một cố chấp sai lầm nào mà chia tách định và tuệ, sau đó tu tập từng pháp một. Bởi vì, nguyên lí ở đây là: Không có trí tuệ thì không thể đạt được thiền định và ngược lại.
28
Nguyên lí “lấy độc trị độc” có thể được áp dụng trong việc hành trì giáo pháp của Phật. Ví dụ như mượn sức mạnh của lòng tham để hành thiện, gieo trồng cội đức; mượn tính chất
của lòng sân để chán ghét phiền não và diệt trừ khổ đau; mượn sức mạnh của lòng si để say mê việc thiện dù là nhỏ nhất, để nó thay thế cho các việc ác. Ba tập khí tham, sân, si này có sức mạnh rất lớn, ăn sâu vào trong huyết mạch của mỗi người từ vô thỉ11 kiếp đến nay, cho nên chúng ta phải khéo léo chuyển hóa nó để thực hành các pháp lành.
29
Chúng ta phải luôn nhắc nhở bản thân sống trong chính niệm tỉnh giác, bởi đây không phải là một việc khó. Nói một cách dễ hiểu, chúng ta phải luôn ý thức về “trách nhiệm hoằng dương Phật pháp”. Trọng trách lớn lao này bắt đầu từ việc làm tròn bổn phận trong những công việc thường ngày. Vì tinh thần trách nhiệm sẽ giải quyết được hết thảy các vấn đề và đưa tới thành quả xứng đáng. Hơn nữa, chúng ta sẽ nhận được sự gia hộ của Tam Bảo, giúp chúng ta xa lìa những phiền não khổ đau. Vậy nên, ngày nào chúng ta dốc lòng làm tròn bổn phận thì nghĩa là ngày đó chúng ta được sống trong hào quang tỉnh thức. Thậm chí, lúc nghỉ ngơi cũng là lúc chúng ta đang thực hiện “trách nhiệm tất yếu” của một con người; vì lúc nghỉ ngơi chính là lúc tái tạo lại năng lượng để tiếp tục cho hành trình làm tròn “trách nhiệm”.
30
Bốn đại giáo pháp12 liên quan nhiều đến phần “luật nghi”, hi vọng mọi người chú ý hơn đến phần này. Đồng thời, chúng ta phải ứng dụng Phật pháp vào cuộc sống phồn hoa này một cách thiết thực nhất. Vì xã hội ngày càng phát triển, đạo đức và giới luật của người tại gia lẫn xuất gia càng phát sinh rất nhiều vấn đề. Chính vì thế, tôi mong mọi người học tập và thông suốt bốn đại giáo pháp, như vậy mới có thể dứt trừ được vô minh.
31
Trong bốn giáo pháp lớn của kinh Đại Niết Bàn, phần “pháp” này cần được kết hợp với các nguyên tắc xét đoán chính pháp và giới luật của kinh Đại Áo Đạo13 để xác định xem chúng ta đã hiểu đúng, hiểu đủ về chính pháp và giới luật hay chưa. Trong thời đại đầy rẫy các vấn đề nhiễu nhương như hiện nay, đồng thời các vấn đề cũng đang ngày càng nhiều thêm với hàng đệ tử Phật thì chúng ta càng cần vận dụng giáo lí theo cách này. Tôi từng ứng dụng cách này để nhận định chính pháp và giới luật, hiệu quả rất rõ rệt, cho nên mới chia sẻ nó với mọi người, mong mọi người coi nó như một di sản trí tuệ để tiếp tục vận dụng.
32
Kinh Lục Xứ Tương Ưng giải thích Mười hai nhân duyên dưới dạng “khúc ca”14. Hình thức này so với cách thông thường15 trước đây thì dễ đi vào lòng người và dễ tu hành hơn. Thế nên, trước tiên chúng ta cần hiểu về cách trình bày Mười hai nhân duyên qua “khúc ca”, rồi sau hãy tìm hiểu phương pháp giảng
giải thông thường. Tuy nhiên, dù được giảng theo cách nào thì pháp môn tu tập cũng đều giống nhau, nghĩa là trong lúc giao tiếp phải giữ gìn chính niệm.
33
Chúng ta thực hành pháp “cái này có nên cái kia có”,“Mười hai nhân duyên” và “tính Không” như một tiên đơn diệu dược giúp chúng ta thoát khỏi cái chết và vượt khỏi sinh tử luân hồi. Ngoài ra, các pháp ấy còn diệt trừ được “cái tôi và cái của tôi”. Cho nên,
trong đời sống tu tập thường ngày, hàng đệ tử Phật phải hành trì miên mật những pháp này và đây cũng là con đường tắt đưa đến những thành tựu viên mãn nhất. Trước đây, tôi từng dụng công tu tập bằng cách đó nên nay coi nó là di sản đặc biệt trao lại mọi người.
34
Chúng ta phải đặc biệt chú ý đến kinh Giải Thoát Xứ bản Pali. Kinh này cho chúng ta biết, có năm khoảng thời gian có thể khai ngộ và chứng quả, đó là:
- Khi lắng nghe Phật pháp.
- Khi hoằng dương chính pháp.
- Khi thâm nhập chính pháp.
- Khi tập trung tinh thần chuyên tâm quán chiếu chính pháp.
- Khi tư duy chính pháp.
Qua đây có thể thấy, chúng ta có rất nhiều cơ duyên để khai ngộ.
Tuy nhiên, đa phần mọi người vẫn buông lung tâm ý, vì thế vẫn chưa thể nắm bắt được bất cứ một cơ duyên nào.
35
Chúng ta phải vận dụng Mười nguyên tắc16 trong kinh Lời Phật Dạy Cho Người Kalama một cách chính xác và triệt để, vì mười nguyên tắc này có thể hộ trì Phật pháp; bên cạnh đó cũng là chỗ y cứ chân chính cho chúng ta trên bước đường tu học. Nếu ai khéo léo vận dụng mười phương pháp này, thì không những hiện tại phù hợp với tông chỉ của Đức Phật mà còn kéo dài thọ mạng Phật pháp ở tương lai. Tôi thường ứng dụng mười nguyên tắc này vào việc tu hành và gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp, nên đem nó làm thành di sản trí tuệ truyền lại cho đời sau.
36
Học tập Tứ niệm xứ từ trong kinh Hãy Nương Tựa Vào Chính mình17hiệu quả hơn so với học tập Tứ niệm xứ trong kinh Đại Niệm Trụ. Vì kinh Đại Niệm Trụ quá dài, mỗi lần đọc hết bản kinh phải mất rất nhiều thời gian, ý nghĩa lại mơ hồ khó hiểu, bố cục không rõ ràng. Còn nội dung của kinh Hãy Nương Tựa Vào Chính Mình từ lúc bắt đầu đến khi thành tựu đạo quả có mười sáu mục xuyên suốt rất rõ ràng.
Đức Phật đã chứng minh: Tứ niệm xứ là nền tảng căn bản để ta nương theo tu tập từ lúc khai ngộ đến khi thành tựu đạo quả. Cũng vì thế mà nay tôi đem giáo pháp nhiệm mầu này làm thành di sản trí tuệ gửi tặng mọi người, hi vọng người người đều thấm nhuần được ý nghĩa vi diệu trong đây.
37
Giáo lí Tính Không dành cho tất cả mọi người, kể cả phụ nữ và trẻ em. Sống với tính Không, nghĩa là giữ gìn chính niệm chính tri và không sinh khởi bất kỳ ý niệm chấp trước nào, cũng chẳng
vì cảm giác về cái tôi, cái của tôi mà sinh ra các chấp trước như tham lam, giận dữ, thù hận, sợ hãi, lo âu, thấp thỏm, luyến ái, ghen ghét, đố kỵ v.v. Tôi có thể đảm bảo rằng, pháp “quán Không” này mọi người đều có khả năng tu tập thành tựu. Chẳng những thế, đây còn là pháp mà mọi người không thể không tu tập. Vì pháp Không chính là tinh hoa trí tuệ của Phật giáo, nay tôi đặc biệt dành tặng nó cho mọi người.
38
Việc mà người tại gia và xuất gia cùng duy trì là tu tập theo gương hạnh của các vị A la hán. Nguyên tắc này cốt để diệt trừ mọi gốc rễ phiền não và làm giảm nhẹ các tập khí đã huân tập hằng ngày. Nghĩa là, khi đối diện với mọi hoàn cảnh, chúng ta phải có chính niệm chính tri, đừng nên tự mình buông lung tâm ý để tạo cơ hội cho tham, sân, si phát khởi. Nếu đã phát khởi rồi thì phải quay về với chính niệm để tịnh hóa những vọng tưởng ấy.
39
Nhìn thấy sắc đẹp trong tử thi
Thiện hạnh bố thí bất tư nghì
Tâm thành sẽ gặp thiên thần hiện
Chứng ngộ Niết Bàn trước khi đi.
Tuy những câu kệ này đã có từ rất lâu, nhưng chúng ta vẫn phải giảng giải và lưu truyền cho người đời sau. Như vậy, chẳng những chúng ta giữ gìn được di sản của người xưa, mà còn kế thừa và phát huy những tinh hoa trí tuệ của các bậc tiền bối, xứng đáng là đệ tử đích thực của Như Lai. Chính vì thế, quý vị không nên để Niết Bàn hiện trú trong mình bị mai một, rồi chờ đợi đến đời sau, hoặc ngàn đời, vạn đời sau nữa mới đạt được Niết Bàn. Mong rằng, mọi người hãy cùng nhau gìn giữ và lan tỏa hoa trái trí tuệ này để nó sống mãi với thời gian.
40
Hi vọng mọi người luôn giữ vững chí nguyện vĩ đại: “Nguyện đời vị lai, thế giới này được thấm nhuần Phật pháp, mọi người đều làm tròn trách nhiệm của mình trong chính niệm tỉnh giác. Đồng thời, mọi người đều ý thức được rằng, làm tròn trách nhiệm chính là thực tiễn tu hành trong Phật pháp. Việc làm tròn trách nhiệm giúp chúng ta vượt qua tất cả mọi vấn đề”. Mong ước này sẽ trở thành sự thật. Bởi vì trong thế giới vốn vô thường này chúng ta đã cùng nhau gieo xuống những “nhân
duyên thù thắng”, nhờ thế một thế giới viên mãn, tốt đẹp sẽ sớm thành tựu.
41
Có lẽ mọi người trên trái đất này sẽ không tán đồng việc kiến lập một thế giới thấm nhuần Phật pháp, vì họ luôn cho rằng: “Việc này không thể thực hiện được”, vậy thì cũng đành vậy! Tuy nhiên, mỗi người hãy tự mình nỗ lực gắng sức thực hiện, nương theo Phật pháp để diệt trừ cội gốc “khổ đau” cho bản thân. Không nên vì một số đông nào đó không quan tâm, không xem trọng Phật pháp mà thoái chí, nản lòng.
42
Đức Phật đại diện cho trí tuệ, giác ngộ, an vui. Còn tín ngưỡng thần thánh luôn luôn mang đến sự tăm tối, nghi ngờ, hoảng sợ và bất an. Hai bên hoàn toàn trái ngược nên chúng ta cần sáng suốt khi lựa chọn.
43
Đối với những người tin theo tín ngưỡng thần thánh dân gian mà nói, thì tượng Phật được lễ lạy trên bàn thờ hoặc ấn chú đeo ở cổ là bùa thiêng giúp họ tránh quỷ, trừ tà, mang lại bình an và hạnh phúc. Nhưng với người đệ tử Phật, thì tượng Phật hay ấn
chú đều là một hình thức để họ nhớ tưởng đến công hạnh của
Đức Phật. Song, đó chẳng qua cũng chỉ là “vật kỉ niệm tượng trưng” mà thôi. Cho nên, tín đồ nhà Phật phải hết sức cẩn thận, để tránh làm tổn hại đến phẩm hạnh và danh tiếng của Phật giáo, biến Phật giáo trở thành tín ngưỡng thần thánh nhân gian.
44
Mọi người cần chú ý thêm một điều quan trọng, đó là “chúng ta có Đức Phật làm bạn đồng hành”. Chúng ta sống đúng với lời Ngài dạy thì dù đang sống giữa dòng đời sinh, già, bệnh, chết nhưng chắc chắn sẽ được bình an thoát khỏi biển khổ luân hồi. Vậy mà, hầu như mọi người đều nhìn nhận ngược lại, cho rằng sinh, già, bệnh, chết là lẽ thường tình, sao có thể thoát khỏi định luật này?
45
Đứng trên góc độ của người phàm tục mà nhìn nhận Đức Phật qua tranh vẽ, tôn tượng của Ngài, thì những cách nhìn ấy giống như có một dãy Himalaya sừng sững che lấp ánh sáng rực rỡ của
mặt trời Phật pháp, đây là do phàm phu chấp trước, dính mắc vào hình tướng của Đức Phật. Do đó, chúng ta nhất định phải có sự hiểu biết chính xác về Đức Phật.
46
Những lời dạy của Đức Phật được chia làm hai dạng, đó là: Ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ Phật pháp. Cho nên, chúng ta cần phải để tâm chú ý khi nghe giảng pháp. Tôi xin dẫn chứng một ví dụ thế này: Đức Phật dùng ngôn ngữ đời thường dạy hàng đệ tử “hãy nương tựa chính mình”, song Ngài lại dùng ngôn ngữ Phật pháp giảng nói “con người vốn vô ngã”. Vì thế, nếu không để tâm lắng nghe Phật pháp thì chẳng thể hiểu được ý nghĩa sâu xa trong hai cách nói của Ngài, cho rằng hai lời dạy này mâu thuẫn với nhau. Nếu chúng ta khéo dụng tâm nghe pháp sẽ thấy lời Phật dạy không hề mâu thuẫn.
47
Đức Phật dạy: “Này các Tì kheo! Xưa cũng như nay, ta chỉ dạy pháp khổ và phương pháp dứt trừ nỗi khổ niềm đau mà thôi”. Vì thế, ngày nay chúng ta không nên lãng phí thời gian để học tập, tham vấn hay thảo luận những điều không liên quan đến “khổ và phương pháp dứt trừ nỗi khổ niềm đau”.
48
Đức Phật sẽ không lãng phí thời gian để tranh luận với những học thuyết hay tôn giáo khác. Hơn nữa, Ngài cũng không bài xích hay phê phán giáo nghĩa và tín ngưỡng của họ. Ngược lại, Đức Phật đem giáo pháp chân thật, vi diệu, lợi ích mà tự thân Ngài đã chứng ngộ để dạy mọi người. Ngoài ra, Ngài còn khuyên hàng đệ tử phải dùng trí tuệ để lựa chọn pháp tu sao cho phù hợp với căn cơ của mình. Nhờ vậy mà Phật giáo không bao giờ
xảy ra bất kì sự việc đáng tiếc nghiêm trọng nào ví như việc xung đột ở một số tôn giáo khác chẳng hạn.
49
Trong trí tưởng tưởng và quan niệm của phàm phu, việc xây dựng ngôi Tam Bảo tại nhân gian chỉ mang tính hình thức bên ngoài, hoàn toàn không khế hợp với bản chất bên trong của Phật, Pháp, Tăng là thanh tịnh, quang minh, tịch tĩnh. Điều này là bởi tinh thần cốt lõi của Phật giáo là không tồn tại “cái tôi” và “cái của tôi”, cũng không có ý niệm gì về “cái tôi” và “cái của tôi”.
50
Thần giáo mang giáo nghĩa và học thuyết của vô minh; còn Phật giáo mang giáo nghĩa và học thuyết của trí tuệ. Cho nên, khi chúng ta đề cập đến hình tượng Phật hay những văn vật Phật giáo phải nên hết sức cẩn thận. Nếu vô minh, chấp chặt vào tượng Phật liền trở thành thần giáo; còn hiểu rõ ý nghĩa của các hình tượng thì đó là trí tuệ nhà Phật.
51
Nguyên tắc tu hành chân chính là: Không hẹn đến đời sau mới tu hành, hoặc hạ thủ công phu từ đời này sang đời khác. Tu, đơn giản là ngay lúc này bản thân chúng ta thể nghiệm được lời Phật dạy và có thể chứng quả ngay trong hiện tại. Hay nói cách khác,
ngay lúc dụng công tu tập cũng là lúc an lạc, hạnh phúc hiện tiền; ngay cả quả báo trong đời tương lai cũng là phúc báo về mặt vật chất trong cái nhìn của phàm phu mà thôi.
52
“Tự ngã” chẳng qua chỉ là một loại “cảm giác hư huyễn”, giống như “ý thức, cảm nhận”. Nó được sinh ra từ những hành động mang tính tự tư tự lợi, hoặc từ động cơ của vô minh ái dục mà ra. “Ý thức về bản ngã” sinh khởi một cách tự động và tự nhiên như vậy. Thật ra tự ngã hoàn toàn không phải “thực thể hay chủ thể”, mà chỉ là một loại cảm giác không thật. Tuy nhiên, cảm giác này lại vô cùng mạnh mẽ, mạnh đến mức con người chỉ biết có “cái tôi” là chân thật.
53
“Pháp” được định nghĩa theo bốn cách khác nhau, điều này giúp chúng ta dễ dàng tu học Phật pháp một cách toàn diện. Bốn định nghĩa ấy như sau:
- Pháp là những nhận thức về thế giới tự nhiên.
- Pháp là những nhận thức về các quy luật tự nhiên. - Pháp là trách nhiệm tuân thủ quy luật của thế giới tự nhiên. - Pháp là quả báo của việc hoàn thành trách nhiệm.
Chúng ta tu theo bốn định nghĩa trên đến khi nào hòa cùng một thể với “thiên nhiên” thì khi ấy sẽ xa lìa được hết tất cả các chướng duyên.
54
“Pháp” mang rất nhiều ý nghĩa, nhưng định nghĩa quan trọng nhất của “pháp” chính là trách nhiệm. Bởi sống có “trách nhiệm”, đúng tư cách của một người tu hành và phù hợp với quy luật tự nhiên sẽ đem lại hòa bình và hạnh phúc cho nhân sinh mọi lúc, mọi nơi.
55
Nội dung tu hành trong nhà Phật phân làm hai khía cạnh, đó là phương pháp tu tập và thành quả tu tập.
Giới - định - tuệ thuộc về phương pháp, còn đạo quả và Niết Bàn thuộc về thành quả.
Trong phần phương pháp lại được chia thành hai nhánh nhỏ: 1. Chính hạnh: Tứ Niệm xứ18, Bát Chính đạo19, v.v. 2. Trợ hạnh: Tứ Như ý túc20, Tứ Chính cần21, v.v.
Vì vậy, chúng ta cần phải dựa trên hoàn cảnh thực tế mà khéo léo áp dụng phương pháp tu tập cho thích hợp.
56
Chúng ta nhất định phải uyển chuyển tùy theo thực tế để chọn cho mình một phương pháp tu đúng đắn. Nếu làm việc bằng chính niệm tỉnh giác và nhận chân được “trách nhiệm chính là Phật pháp” thì mỗi việc ta làm đều là Phật pháp vậy. Vì thực hành trách nhiệm chính là đang làm theo lời Phật dạy. Như vậy, nhất cử nhất động, bất kể lúc nào hay ở đâu chúng ta cũng đều có Phật pháp bên mình, càng làm việc càng gặt hái được nhiều niềm vui. Vậy thì cần chi phải đến những nơi vui chơi giải trí hay trà đình tửu điếm hoặc thưởng thức cao lương mĩ vị để giải tỏa muộn phiền, tìm kiếm niềm vui hạn hẹp chốn nhân gian.
57
Chữ “pháp” trong tiếng Thái được xem là thiên chức và sứ mệnh trong cuộc đời mỗi người. Bất kì ai cũng cần phải làm tròn thiên chức của mình để xứng đáng có mặt trên cuộc đời và giải phóng nhân loại thoát khỏi khổ đau.
“Pháp” được dịch thành nhiều nghĩa như giáo pháp, học tập, tu hành, nhưng nghĩa quan trọng nhất vẫn là “trách nhiệm”. Nó nhắc nhở chúng ta sống có trách nhiệm hơn đối với bản thân và đoàn thể xã hội. Vậy nên, khi thực hành trách nhiệm cũng chính là lúc chúng ta đang “hành trì Phật pháp”.
58
Làm việc là một loại trách nhiệm chân chính để duy trì sự sinh tồn của mỗi chúng ta. Cũng vậy,“pháp” trong chốn Thiền môn hay “pháp” nơi thôn quê cũng đều là Phật pháp.
59
Cái gọi là vĩnh hằng, tuổi thọ vô cùng, trí tuệ vô biên bất diệt, đều là các thứ không do duyên hòa hợp mà sinh, v.v. Nó chỉ cho ba chân lí: Quy luật tự nhiên, tính Không và Niết Bàn. Ba chân lí này không phải do ai sáng tạo, ngay cả thượng đế hay thần linh
cũng chẳng thể có năng lực ấy, vì bản thân của chân lí vốn là thần linh, là thượng đế rồi.
60
Nghệ thuật đích thực trong Phật giáo không phải là dạng nghệ thuật mang tính hình thức theo cách phàm phu thường hiểu, mà đó là thực hành chính niệm để chuyển hóa khổ đau thành an vui. Như lời Phật dạy: “Tâm của chúng sinh ở ban đầu, khoảng giữa và lúc cuối vẫn luôn thuần thiện, làm cảm động lòng người”.
61
“Pháp” tức là toàn bộ hệ thống và phép tắc giúp con người làm tròn trách nhiệm của mình; nói cách khác, tất cả chỉ vì mục
đích phụng sự cuộc đời. Cho nên từ khi sinh ra cho đến ngày già chết chỉ có một mục tiêu duy nhất là “tự lợi - lợi tha” (tức lợi mình - lợi người). Điều này đã khẳng định “pháp” chính là tên gọi tắt của trách nhiệm, mà trách nhiệm đích thật là chiếc áo giáp bảo vệ chúng ta.
62
Sự có mặt của “pháp” giúp chúng ta trải qua những tháng ngày bình an trong cuộc đời. Hơn nữa, còn chiến thắng, vượt lên và thoát li tất cả những sự cám dỗ ảnh hưởng của thế gian, nhưng tuyệt nhiên không phải bằng cách né tránh hay chìm đắm trong thế gian. Vậy mà, chúng ta thường có quan niệm sai lầm: “Tu hành là phải buông bỏ và rời xa thế gian”. Nếu quả thật tu hành theo đường lối đó thì chẳng ai được lợi ích gì.
63
Đã là “pháp” thì không thể dùng lời nói hay chữ viết để giải thích. Bởi ngôn ngữ trần gian là hữu hạn, còn những điều mà từ trước đến nay nhân loại chưa từng biết thì không ngôn ngữ nào có thể diễn đạt. Vì thế, chúng ta phải nỗ lực giảng nói và siêng năng nghe giảng Phật pháp, đến khi nào hiểu sâu và thẩm thấu được hai loại “ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ Phật pháp” mới thôi.
64
Phật pháp không thể dùng chữ viết để diễn đạt, cũng chẳng thể dùng lời nói để diễn giải, mà Phật pháp được thể hiện ngay trong việc làm tròn trách nhiệm của chúng ta. “Phật pháp” có
mặt ở mọi lúc mọi nơi, trong từng cử chỉ, việc làm của mỗi hành giả, giúp hành giả làm đúng trách nhiệm của mình, đối nhân xử thế được thuận lòng người. Đây mới là chính pháp trong Phật giáo. Bởi lẽ, chỉ pháp của Phật mới mang lại hòa bình và an lạc thật sự cho nhân sinh mà thôi.
65
Ở đâu có đạo đức, thì ở đó có bình yên. Nơi nào có chân lí, thì nơi ấy trở nên tươi đẹp rạng rỡ. Nếu không có đạo đức, thì thế giới sẽ bị hủy diệt; nếu không có chân lí, thì nhân gian sẽ chìm trong tăm tối. Vì vậy, chúng ta phải xem “đạo đức và chân lí” chính là linh hồn của thế gian, bên cạnh đó cần đồng lòng chung sức lan tỏa đạo đức và xiển dương chân lí đến muôn nơi.
66
Chúng ta chớ nên lưu luyến quá khứ, cũng đừng ưu tư về tương lai, chỉ cần an trú trong hiện tại và làm tròn bổn phận của mình, như vậy sẽ không bị phiền não quấy nhiễu và không rơi vào “thường kiến” để phải trôi nổi trong biển khổ sinh tử.
67
“Phiền não” mà Phật giáo nói đến xuất phát từ nơi sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Chúng ta cần hiểu rõ nguyên lí khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần sinh ra “ái nhiễm và chấp thủ” như thế nào và dẫn đến “khổ đau” ra sao. Nếu chặt đứt được một mắt xích “sinh” này thì ngay đó liền “khổ diệt”, Tam Bảo liền hiện tiền.
68
Vạn vật trên thế gian đều do sáu căn chi phối, cũng bởi sáu căn mà mà hình thành nên thế gian. Chỉ vì chúng ta không nhận ra bản chất của thế gian chính là chân tướng của “sáu căn” nên mới nảy ra các thắc mắc kì quái như vậy.
69
Mỗi khi trong lòng khởi lên tham ái sẽ sinh ra duyên đưa đến khổ đau. Nghĩa là, do sức mạnh của “vô minh” nên “xúc giác” và “cảm thụ” không sáng suốt, đưa đến tham ái và bị phiền não khống chế. Do đó, khi chúng ta tiếp xúc bất kì một cảnh duyên nào cũng phải giữ tâm chính niệm, chớ để vì một niệm vô minh mà phải chịu muôn vàn khổ đau.
70
Mỗi lần vô minh tiếp xúc với ngoại cảnh là một lần xuất hiện chu kì của Mười hai nhân duyên. Hay nói cách khác, mỗi lần vô minh tạo tác sinh khởi phiền não là một chu kì của Mười hai nhân duyên mà không cần trải qua ba đời.
Song cách dạy phổ biến hiện nay là mỗi một chu kì của Mười hai nhân duyên phải trải qua ba đời, vậy nên thường rơi vào lối tư duy “thường kiến”.
71
Người tu hành mà không thể hiện ra bên ngoài rằng đang tu hành, tức đang âm thầm dụng công bên trong. Họ đang vui với sự rơi rụng của “cái tôi” và “cái của tôi”. Hay nói cách khác, bản thân họ đã hòa nhập vào quy luật của tự nhiên và hoàn thành tốt mọi trách nhiệm. Họ làm việc vì trách nhiệm chứ không vì “cái tôi” và “cái của tôi” của lòng tự tư tự lợi.
72
Dù là ngôn ngữ Phật pháp tối cao đi chăng nữa cũng vẫn phải vay mượn ngôn ngữ đời thường để diễn đạt. Vì vậy, trước tiên chúng ta phải hiểu được hết những nghĩa thông thường thì sau mới dễ dàng hiểu được nghĩa lí thâm sâu của Phật pháp. Ví như “Niết Bàn” chính là diệt hẳn, mát mẻ, dứt bặt, gọi là đã lìa tất cả các thủ, ái tận, vô dục, tịch tĩnh; “Đạo” là con đường; “Quả” là sự chứng đắc; “Phiền não” là những thứ nhiễm ô; “Kết” là trói buộc; “Lậu” là tham sân si; “Phật Đà” là bậc giác ngộ từ trong vô minh;
“Pháp” là trách nhiệm; “Tăng” là một đoàn thể hòa hợp mà cả nhân loại cùng hướng về nương tựa.
73
Những người tâm rỗng rang22, vắng lặng sẽ không bị vô minh dẫn dắt khiến cho chấp thủ về “cái tôi” và “cái của tôi”, thậm chí trong tâm họ không còn gợn một chút khái niệm gì về “cái tôi” và “cái của tôi” nữa.
Mọi người hãy cùng nhau tu tập để tâm được rỗng rang, vắng lặng nhé! Được như vậy thì ai ai cũng trở nên thanh thoát, nhẹ nhàng, an nhiên, tự tại, đồng thời còn xa lìa được tất cả những kiến chấp và nhận định sai lầm. Lúc này, tâm thức tự nhiên sẽ thích hợp thực hiện mọi trách nhiệm của bản thân.
74
Tâm của chúng ta một khi đã thoát li được “chấp thủ”, nghĩa là nó không còn dính mắc vào “giá trị” của danh vọng và vật chất nữa. Vì “giá trị quan” này là nguyên nhân chính hình thành nên “ngã tướng”23, khiến con người mắc kẹt vào trong “mớ kiến thức tầm thường”. Cho nên, thoát khỏi “ngã tướng” đồng nghĩa là không còn tâm phân biệt tự phán đoán sai sự thật về thiện - ác, công - tội, phiền não - Bồ Đề. Phải biết rằng tất cả các hiện tượng trong thế gian đều là giả hợp, do chúng ta đặt tên gọi và kí hiệu mà thôi.
75
Khi sáu căn của chúng ta tiếp xúc với sáu trần liền hiện ra các cảnh giới như thiên đường, địa ngục hay Niết Bàn. Những cảnh giới này còn chân thật hơn cả thế giới siêu hình sau khi chết. Cho nên, Đức Phật dạy rằng: “Thiên đường, địa ngục hay Niết Bàn đều phụ thuộc vào sự cảm thụ của sáu căn”. Do đó, tôi hi vọng mọi người nhận thức rõ được chân lí siêu việt này. Có như thế, chúng ta mới xứng là người đệ tử Phật thực sự.
76
Đức Phật đản sinh ở trái đất này, Ngài tu hành, thành đạo, chuyển pháp luân, cư trú và nhập Niết Bàn cũng ở ngay trái đất này. Cả một đời Đức Phật đều sống trên chính trái đất này. Do đó, trái đất là nơi thích hợp nhất để chúng ta học tập và hành trì; so với trường đại học ngày nay, trái đất còn ưu việt hơn cả “Học viện hàng đầu thế giới”. Thế nên, chúng ta phải ở ngay trái đất này mà tu học Phật pháp, bởi nó sẽ đem lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với việc học pháp ở những nơi lầu cao hoa lệ.
77
Hữu lậu24, tập khí, phiền não, ngũ cái25 đều có nguyên lí rõ ràng mà chúng ta cần phải hiểu. Nghĩa là, một lần sinh khởi tâm tham, sân, si là một lần huân tập thêm những chủng tử ấy vào tâm. Và mỗi lần ba độc trên phát khởi sẽ tạo điều kiện cho phiền
não hiện hành. Mặt khác, chúng còn được chuyển thành những hạt giống hữu lậu ngủ ngầm trong A lại da thức26, khi gặp duyên sẽ chuyển thành phiền não hoặc ngũ cái, tùy theo từng hoàn cảnh mà sinh khởi.
78
Dục lạc là giọt mật mà tự nhiên dành tặng cho con người, là nguyên nhân dẫn đến sự tái sinh trong vòng luân hồi. Trên thực tế, dục lạc luôn đem lại cho con người cảm giác mệt mỏi, phiền não, nhàm chán và nhơ uế. “Lạc trong dục lạc” được xem như quà tặng mà tự nhiên dành tặng cho con người, nó chỉ là “ham muốn nhất thời” mà thôi. Vậy nên, dục lạc bao giờ cũng là thứ khiến chúng sinh khó dứt bỏ nhất.
79
Tính Không và Tâm Không đều dùng Tâm Không để làm việc, để quán chiếu và trải nghiệm đời sống rỗng rang, vắng lặng. Những điều này là bản chất cốt lõi của Phật giáo. Với người đệ tử Phật chân chính mà nói, thì đây chính là quá trình học tập, tu hành và thể nghiệm những thành quả mà bản thân đang hành trì. Song phần lớn người có niềm tin lại khó khẳng định được những điều này.
80
Chúng ta không nên dùng những hình thức mang đậm màu sắc thần giáo để lễ lạy Đức Phật. Bởi đây là việc mà ngay cả Đức Phật cũng không bao giờ chấp nhận và cảm thấy vô phương giải quyết. Hơn nữa, hình thức lễ bái này mang nặng “cái tôi” và “cái của tôi”; “cái tôi” trong đây nghiêm trọng đến mức luôn đề cao, khoe khoang bản thân, lúc nào cũng chỉ biết “khen mình chê người” mà thôi.
81
Cho dù một ngày nào đó toàn bộ Luận tạng đều bị rơi vào biển lớn thì chúng ta cũng không thiếu mất phương tiện tu hành diệt trừ nỗi khổ niềm đau. Luận tạng chỉ là tri thức dư thừa, hơn nữa còn khiến trí tuệ chúng ta thêm chậm lụt. Vậy nên, mọi người đừng nản lòng hay buồn rầu vì sợ không có cơ hội hoặc không đủ năng lực để học tập Luận tạng.
82
Chiều thứ tư của tất cả mọi cảnh giới tức là “thời gian và không gian” bị chiếm cứ ở thời điểm tiếp xúc. Nếu người nào nhận ra được chân tướng của việc này, thì người ấy sẽ không bao giờ bị tiền tài sắc đẹp, lời hay tiếng ngọt hay món ngon vật lạ cám dỗ, cũng không mê muội để mình bị rơi vào sân hận hay chán nản giữa cuộc đời tương đối này.
83
Tất cả những thú vui ngũ dục trên thế gian chỉ là “đam mê nhất thời” mà thôi. Thế nhưng, hàng trời, người lại luôn say sưa vì nó, thậm chí còn xem nó như vị thần tình yêu, là nhu cầu thiết yếu của đời sống. Con người còn vậy, huống gì là các loài động vật khác, chúng sẽ còn điên cuồng đến mức nào? Mong rằng mọi người hãy suy xét thật kĩ điều này.
84
Mỗi một cử chỉ của chúng ta đều được ví như thiên đường. Chỉ cần trong mỗi cử chỉ ấy chúng ta không xa rời sự tu hành, đồng thời hoan hỷ với nó. Thậm chí sau này nhớ lại còn thấy tự nể phục chính mình. Nếu làm được như vậy thì thời nào, nơi nào cũng đều là thiên đường đích thực. Thiên đường của các loài khác cũng dựa trên quy tắc này mà thành.
85
Đến cả cỏ cây cũng biết nói pháp, chúng thuyết bài pháp không lời mà chưa từng ngừng nghỉ, song nhân loại lại chẳng hề nghe thấy. Những bài pháp ấy liên quan đến trách nhiệm, ba pháp ấn, tịch tĩnh và nhắn gửi thông điệp: “Nhân loại ơi! Đừng nên cố chấp, ngạo mạn nữa!” Hay chăng, cây cối đang thuyết pháp, chỉ là lòng người không cảm nhận được mà thôi.
86
Nếu khéo quán chiếu mọi việc, chúng ta sẽ luôn nhận được lợi ích mà không có bất cứ điều tổn hại nào. Dù có xảy ra việc gì chăng nữa, hoặc kể cả khi phải đối diện với cái chết cũng không thể khiến chúng ta đau đớn, sợ hãi, thì nói chi đến những tổn thất hay mất mát nhỏ nhặt trong cuộc sống. Chỉ có điều, nhân loại đang chìm đắm trong tăm tối nên không nhận ra trí tuệ chân thật sinh ra từ trong tư duy thiền quán. Nghĩa là, những việc đang diễn ra, chúng dạy cho ta bài học gì? Trên thực tế, vạn sự vạn vật xảy ra trên cuộc đời đều đang âm thầm giáo hóa chúng ta.
87
“Nghiệp” đúng nghĩa trong Phật giáo chẳng phải là nghiệp thiện nghiệp ác, hay sự kết thúc của nghiệp thiện và nghiệp ác. Nó vượt ngoài định nghĩa thiện và ác, công và tội, khổ và vui, chỉ hướng đến một mục tiêu duy nhất chính là Niết Bàn mà thôi.
Nếu chúng ta hiểu “tu thiện là thiện, làm ác là ác”, thì đây chẳng phải giáo lí chân chính của Đức Phật. Bởi trước thời Đức Phật, các tôn giáo khác cũng có những học thuyết về nghiệp giống vậy rồi.
Tuy định nghĩa này có trong giáo lí nhà Phật, nhưng đó chỉ là một nửa định nghĩa chứ chưa phải hoàn toàn đầy đủ.
88
Chân lí tuyệt đối hay Đệ nhất nghĩa đế cần được tái thiết lập trong cuộc đời, bởi nó là nền tảng đạo đức của cả nhân loại. Đạo đức chỉ dạy cho chúng ta biết phải làm việc như thế nào, chứ không nói làm việc vì nhân duyên gì.
Về phần này, chân lí tuyệt đối sẽ nói rõ, hơn nữa còn dạy chúng ta rất nhiều đạo lí, giúp chúng ta không dính mắc vào những việc mình làm. Chính vì thế, mọi người phải đặc biệt coi trọng chân lí tuyệt đối, để tự hoàn thiện đạo đức phẩm hạnh cho bản thân.
89
Chúng ta hiện diện trên cuộc đời vô tình gắn kết được tình pháp lữ với mọi người trong ngôi nhà tâm linh, sở dĩ được như vậy là do trong quá khứ đã trải qua một quá trình dài tu tập Vô duyên đại từ27. Nghĩa là, ở trong cảnh sinh, già, bệnh, chết tự mình làm bạn không mời của tất cả chúng sinh.
90
Nguyên nhân chính khiến con người bị khiếm khuyết về đạo đức và chân lí tuyệt đối là do tâm tự tư tự lợi. Vì tự tư mà con người luôn tự tin cho rằng, tất cả những việc tà ác và tội lỗi của mình gây tạo đều là lẽ thường tình tự nhiên, đúng lí đúng pháp. Vậy nên, bất kì tôn giáo nào cũng chỉ dạy mọi người phải cởi bỏ lòng ích kỉ, tự tư tự lợi. Nếu không làm được điều này thì chẳng phải là tôn giáo.
91
Nguyên tắc của Phật giáo là khi chúng ta làm một việc gì đó cũng phải làm với tâm hoan hỉ. Song, một số người lại không quan tâm đến niềm vui chân thật bình dị ấy, ngược lại họ luôn mơ tưởng viển vông và tìm kiếm những khoái lạc cho riêng mình. Họ nào biết, khoái lạc đó phải đánh đổi bằng cả mồ hôi nước mắt và xương máu của họ, để rồi họ tự làm nô lệ cho những thứ tầm thường ấy.
92
Trong mười hai nhân duyên, thì “sinh” trên phương diện tinh thần là hiện tượng mà hầu hết mọi người đều không nhận biết được. Mỗi khi “xúc” đến từ vô minh sẽ sinh ra “ái”, ngay đây đã
có “sinh” rồi. Người bình thường xem “sinh” là một vòng sinh và tử của thân tứ đại, vì thế họ chưa hiểu đúng nghĩa về “mười hai nhân duyên”.
93
Một người muốn có được nhận thức đầy đủ hoặc khai ngộ trong Phật pháp thì không nhất định phải học theo Luận tạng, trì trai giữ giới, khoác y ca sa, sống dưới lều tranh, tay chống gậy trúc, nói năng điềm đạm, chân bước chậm rãi, tay lần tràng hạt, v.v. Mà để có được khai ngộ và thấu triệt Phật pháp thì phải tu tập theo đúng nguyên tắc duyên khởi trong giới, định, tuệ.
94
Pháp của Bồ tát nói đầy đủ gồm có bốn, đó là thanh tịnh, trí tuệ, từ bi và nhẫn nhục. Chúng ta bắt gặp bốn pháp này trên nét mặt của Bồ tát Quán Thế Âm do các nghệ nhân chạm trổ. Và đây, chính là đỉnh cao của nghệ thuật sáng tạo.
95
Giữa đau khổ và hạnh phúc, thì đau khổ dạy chúng ta nhiều bài học hơn là hạnh phúc, lại vừa mang tính trực tiếp vừa mang tính mạnh mẽ. Còn hạnh phúc chỉ khiến chúng ta trong nhất thời cảm thấy đắc ý, buông lung phóng túng và chìm đắm trong đó. Hạnh phúc chưa từng dạy chúng ta điều gì cả. Cho nên, chúng ta phải biết cảm ơn “đau khổ”, vì đó chính là bài học vô giá để ta có được bình yên và hạnh phúc thật sự.
96
Trong cảnh khổ tìm được phương pháp diệt khổ. Cũng giống như có ở trong cơn hỏa hoạn mới biết cách dập lửa. Hi vọng tất cả mọi người đều hiểu được bí quyết này, nếu không, sẽ khó thấy được những gì nên thấy trong thế giới tự nhiên này.
97
Trong giai đoạn cuối khi chúng ta tu tập để đoạn sạch phiền não cũng giống như lăn theo bậc thang xuống (ý nói tùy thuận nhập diệt). Hay nói cách khác, một khi chúng ta đã hiểu rõ rằng không tài nào tránh khỏi được cái chết thì tự nhiên trong lòng sẽ không khởi lên bất kì một vọng niệm nào. Hơn nữa, phải hạ quyết tâm ở trong sinh tử luân hồi diệt sạch các lậu, tuyệt đối không còn mảy may ý niệm muốn sinh trở lại thế gian.
98
Tôi xin phép nhấn mạnh thêm một lần nữa, thiên đường và địa ngục đích thực của Phật giáo nằm ngay nơi sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, ngay lúc này và ở đây. Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà còn dính mắc đúng sai phải quấy, thì vẫn còn gieo nhân sinh tử luân hồi. Thuở xưa Đức Phật dạy, con người sau khi chết sẽ đi lên thiên đường ở cõi trời hoặc xuống địa ngục dưới lòng đất, tất cả đều quyết định ngay trong phút hiện tại này - đó là thiên đường và địa ngục đích thực.
99
Khi chúng ta giảng dạy bất kì một đạo lí gì cũng cần giảng giải một cách trọn vẹn nhất. Vừa dạy con người phải thực hành như thế nào (bản thân đạo đức), mặt khác giúp họ hiểu được nhân duyên vì sao phải thực hành như vậy (chân lí tuyệt đối). Nếu được, nên bổ sung thêm phần phương pháp gieo nhân tốt để gặt hái được quả báo tốt, được như vậy thì rất tuyệt vời. Tôi hi vọng
mọi người khi giảng dạy đừng để thiếu khuyết bất kì điều nào trong các quy chuẩn trên.
100
Gửi đến những hành giả đang tu học Phật pháp và những người đã chứng đắc Phật pháp. Cốt lõi của đạo Phật chính là tinh thần vô ngã, tất cả mọi việc không chấp thủ vào “cái ta” và cái “của ta”. Mong rằng, mọi người cùng nhau tu tập và thành tựu những quả vị tương xứng.
101
“Sinh” trong mười hai duyên khởi tức là “sinh” trong ý thức hay trong tâm thức. Mỗi khi trong tâm xuất hiện ý thức về “cái ta” và “cái của ta” thì “sinh” đã nảy mầm rồi. Hơn nữa, mỗi một lần “sinh” là mỗi lần tâm thức chịu sự thống khổ cùng cực.
Còn “sinh” trên thân tứ đại được tính là một vòng đời từ khi sinh ra đến lúc chết đi, như vậy cả cuộc đời chúng ta chỉ trải qua một lần “sinh” mà thôi. Đau khổ về mặt thể xác có thể chịu đựng được, nhưng đau khổ về mặt tinh thần thì giày vò vô cùng.
102
Dùng lời nói để hành thiện (pháp thí) công đức lớn hơn so với dùng vật chất để hành thiện (tài thí). Thế nhưng, nhiều người
vẫn không thể nào thực hành pháp thí này, bởi trong tâm họ đầy rẫy phiền não tối tăm, thậm chí còn u tối hơn cả người mù. Họ không biết rằng phải truyền pháp để diệt trừ khổ đau, mà chỉ biết bàn luận chuyện thế tục. Họ nói điều gì cũng không phải là pháp thí, vì pháp thí luôn mang lại niềm hỉ lạc cho người, dẫu rằng người ấy đang bị nỗi đau thân xác giày vò. Cho nên, tôi rất mong quý vị nâng cao hạnh bố thí, thăng hoa đến trình độ pháp thí.
103
Chúng ta dùng Phật pháp để tưới tẩm cuộc đời này, đến khi nào thấm nhuần giáo pháp mới thôi. Cái gọi là tưới tẩm đó chính là sự thăng hoa trong mỗi chúng ta, đưa chúng ta đến điểm cuối cùng là khai ngộ, chứng quả và Niết Bàn.
104
Từ khúc hát ru con trẻ, chúng ta có thể thấy tổ tiên của mình vốn đã có một trình độ Phật pháp nhất định, điển hình như bài:
Thân dừa trôi giữa biển mênh mông
Đó là nghiệp tội hay là công
Chỉ ai thoát được công và tội
Niết Bàn sinh tử sẽ tự thông.
105
Mỗi hành vi tạo tác của con người (cho đến ngay cả các loài động vật) đều có giới - định - tuệ của giới tự nhiên. Hay nói cách khác, trong bổn phận của chúng ta đã bao gồm đầy đủ cuộc sống chân chính, tâm lực dồi dào và trí tuệ tương xứng. Chúng ta phải có trách nhiệm khai sáng thân tâm chúng ta, khai sáng sinh mạng chúng ta.
106
Chúng ta nên biết trạng thái thiền định không bị gián đoạn mà xuất hiện một cách tự nhiên, loại định này làm thỏa mãn mọi nhu cầu của chúng ta. Hơn nữa, khiến chúng ta làm bất kể việc gì cũng đều an ổn, đều ở trong chính niệm tỉnh giác, hiểu rõ các pháp. Song đáng tiếc rằng, chẳng mấy ai quan tâm hay chú ý đến “định” này.
107
Nếu giữa con người không có mối quan hệ máu mủ ruột thịt thì cũng có thể dùng tâm để gắn kết tình thân với nhau, thậm chí còn gắn kết được với cả Đức Phật. Tuy Đức Phật đã nhập Niết Bàn cách đây hơn 2500 năm, nhưng đức hạnh của Ngài vẫn rạng ngời cùng năm tháng. Điều này chứng minh, chúng ta có thể kết thành một thể với Phật. Hay nói cách khác, nếu chúng ta
hoàn toàn y theo lời Phật dạy để tu đúng đường, như vậy là đã kết nối được tình thân với Ngài rồi.
108
Theo quan điểm của tôi, “học tập” chính là quá trình tự mình tìm hiểu về chính mình. Nghĩa là, ngay nơi bản thân mình mà nhận thức và nhìn rõ về chính mình. Hơn nữa, cái hiểu, cái nhìn này rất chính xác, rõ ràng và viên mãn, đem lại lợi lạc vô cùng to lớn cho sinh mạng chúng ta.
109
Tâm “đố kị” làm châm ngòi cho ngọn lửa sân hận, nó cứ thế âm thầm thiêu đốt rừng công đức của chúng ta. Người có tâm đố kị chẳng khác gì đang sống trong cảnh địa ngục. Thế nhưng, những người có tâm đố kị lại hoàn toàn không cảm nhận được điều ấy. Đã biết là như vậy, sao chúng ta còn mang tâm đố kị nữa, có đáng hay không?
110
Xã hội phát triển cao chừng nào thì sự nhiễu nhương lại càng nhiều chừng ấy. Vả lại, càng phát triển cao thì càng vượt quá nhu cầu của con người. Sở dĩ có hiện tượng này là do con người bị khiếm khuyết về mặt trí tuệ. Vì chỉ có trí tuệ mới giúp chúng ta biết đến con đường Trung đạo “đúng đắn và thích hợp”. Cho
nên, chúng ta cần phải đổi mới trong phát triển để thăng hoa về tâm linh, như vậy mới mong cởi bỏ nỗi khổ niềm đau cho chính mình.
111
Chúng ta nhất định phải giữ gìn thật tốt sáu căn, vì khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà khởi phiền não thì chính là địa ngục. Và ngược lại, khi tiếp xúc trong sự thanh tịnh thì đó chính là thiên
đường. Cho nên, lúc đối diện với ngoại cảnh, nhất định phải kiểm thúc thật kĩ sáu căn. Nếu làm được như vậy, thì bất luận là lúc nào hay ở đâu cũng đều là thiên đường. Vậy nên, pháp này rất phù hợp với những người sơ cơ học đạo.
112
Nếu trong tâm chúng ta không còn “sinh”, không còn thấy có “cái tôi” và “cái của tôi”, thì sự ra đời của thân tứ đại này chỉ có một lần sinh và một lần tử mà thôi, suốt quãng thời gian một đời người ấy không sản sinh ra bất kì khổ não nào nữa. Dù thân tứ đại có trải qua định luật già, bệnh, chết theo lẽ tự nhiên, thì tâm cũng không khởi lên vọng tưởng phiền não. Bởi khi ấy, chúng ta đã không còn xem già, bệnh, chết là “ta già”,“ta bệnh”, “ta chết” nữa rồi.
113
Khai ngộ, chứng quả hay Niết Bàn không phải là thứ để đem ra khoe trước người khác. Dù ta có muốn tìm hiểu về những trạng thái này chăng nữa, cũng không cần thiết phải quan tâm mình đã chứng ngộ đến quả vị nào. Ngược lại, chỉ cần chúng ta biết rõ
rằng, khổ đau trong ta đang dần dần biến mất, cho đến khi tất cả phiền não đều ngủ yên, vậy là đủ rồi.
Việc này cũng giống như sự mài mòn của đôi giày vậy. Chúng ta chỉ cần biết, đôi giày đang bị mòn đi theo ngày tháng, đến khi không còn sử dụng được nữa thì phải thay đôi giày mới, thế là đủ rồi. Không cần phải ngày ngày bận tâm tìm hiểu xem hôm nay giày đã mòn đi bao nhiêu phân.
114
Niềm vui chân thật thì hoàn toàn miễn phí, không cần tốn một đồng, một xu nào. Như lời Phật dạy: “Dứt sạch cảm giác tự ngã mà không phải mất bất kì một khoản chi phí đầu tư nào, tự nhiên chứng đắc Niết Bàn”. Ngược lại, những niềm vui không chân thật, hay mê hoặc lòng người thì dẫu có chi bao nhiêu tiền cũng không thể đủ; mãi đến khi chúng ta từ giã cuộc đời vẫn chưa tìm được niềm vui chân thật.
115
Các hành đều vô thường, sự vô thường này từng giờ từng phút đang cảnh báo, nhắc nhở chúng ta về bài học “vô thường chính là lẽ thường của nhân sinh”. Song, chúng ta lại không bao giờ
nghe được pháp âm này, hơn thế còn cho rằng vô thường là đạo lí rất thâm thúy sâu xa khó hiểu. Quan điểm này dường như đang biện hộ cho sự vô tri của chính chúng ta, để rồi những năm tháng về sau chúng ta cứ mãi lầm lạc theo cái tôi của mình.
116
Thế giới này cần phải có nhiều tôn giáo, để phù hợp với nhiều hạng người khác nhau. Cố gắng làm cho thế giới chỉ còn lại một tôn giáo duy nhất, quả là một chuyện điên rồ và không thực tế. Hơn nữa, việc này còn làm cho xã hội thêm xáo trộn, càng làm cho nhiều người không thích nghi được với thế giới này.
117
Một người đệ tử Phật chân chính thì không phân biệt “ăn mặn” hay “ăn chay”. Chỉ cần bản thân hiểu, thực phẩm đang ăn là thanh tịnh và thích hợp với cơ thể là được. Thức ăn, chẳng qua cũng chỉ là những nguyên tố tự nhiên, con người chỉ cần dùng một lượng vừa đủ là sống tốt rồi. Cũng như nhỏ thêm dầu vào trục bánh xe, để nó chạy trơn tru hơn.
118
“Thân tâm” mỗi người vốn là một bộ “Tam tạng kinh điển” thuần chính để chúng ta học tập. Bộ Tam tạng này không thể tăng thêm hoặc bỏ bớt dù chỉ một chữ. Vì vậy, tôi tha thiết
mong quý vị hãy cố gắng dụng tâm để duyệt đọc Khổ, Tập, Diệt và Đạo ngay nơi bộ kinh sống động này.
119
Chúng ta phải học cách chấm dứt nỗi khổ niềm đau ngay lúc này và ngay nơi thân tứ đại của chính mình, chứ không phải học từ trong kinh điển. Đạo lí này có y cứ rõ ràng. Đức Phật từng dạy: “Thế gian, duyên khởi thế gian, sự diệt tận thế gian và con đường đưa đến diệt tận thế gian vốn đầy đủ ngay nơi thân tứ đại của mỗi người”.
120
Chúng ta càng nghiên cứu, đọc tụng Tam tạng kinh điển càng bị xoáy vào vòng sinh tử luân hồi, hơn nữa không thể chứng ngộ được Phật pháp. Cho nên, mọi người nhất định phải học trực tiếp ngay trong năm uẩn, đến khi hiểu được sự sinh diệt của “cái tôi” và “cái của tôi” trong sự chấp trước của năm uẩn, sau đó tu trí tuệ để đoạn trừ “chấp thủ” trong đó.
121
Trong thời đại 4.0 này, chúng ta phải điều chỉnh lại hệ thống Tam tạng kinh điển để phù hợp với mọi tầng lớp trong xã hội. Đối với những sinh viên ưu tú, những phần tử tri thức thì nên lược bớt 30% kinh văn, với những nhà khoa học và khảo cổ học
xuất sắc lại phải cắt thêm 30% nữa. Như vậy, kinh văn chỉ còn lại 40% mà thôi, đây mới là pháp trực tiếp để “diệt khổ”. Tuy vậy, kho tàng kinh điển của chúng ta vẫn còn nhiều hơn gấp bội so với kinh điển của các tôn giáo khác.
Tất cả những điều tôi nói trên đây, không phải là tôi bất kính với Tam tạng giáo pháp của Phật, mà tôi đang cố gắng điều chỉnh lại để thích ứng với nhu cầu của thời đại.
122
Chúng ta thực hành lời Phật dạy sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc chỉ biết vùi đầu vào nghiên cứu kinh điển. Vì sao? Vì kinh điển chỉ trình bày về phương pháp tu học, dạy chúng ta những lí thuyết suông. Sau khi học giáo lí, chúng ta phải ứng dụng ngay nơi tự thân của chính mình. Cho nên, khi chúng ta còn đang hiện diện trên cuộc đời này và đặc biệt là luôn mong muốn “diệt trừ nỗi khổ niềm đau”, thì việc thực hành giáo pháp để được an lạc ngay trong hiện đời là vô cùng quan trọng.
Nghĩa là “ở trong khổ học cách diệt khổ”; cũng như “ngay trong khổ tìm thấy diệt tận khổ” vậy.
123
Phải là một người thanh tịnh, không có tâm sợ hãi và đủ can đảm vận dụng kinh Lời Phật Dạy Cho Người Kalama thì bạn mới đủ năng lực để sàng lọc ra những bản kinh vừa đáp ứng được nhu cầu của thời đại tân tiến, vừa hội tụ đầy đủ tinh túy của
Phật pháp, rồi truyền lại cho người đời sau nhằm mang lại lợi ích cho số đông.
124
Niết Bàn chân chính là trạng thái thanh lương mát mẻ ngay nơi tự thân của chúng ta. Dù bất kể là lúc nào hay ở đâu, chỉ cần chúng ta không khởi vọng tưởng phiền não, không dính mắc vào cái tôi, thì ngay lúc ấy là Niết Bàn thanh lương. Từ đó, chúng ta có thể nhẹ nhàng đón nhận tất cả những điều hay dở tốt xấu và vui lòng trả hết các quả báo thiện - ác. Vì vậy, Niết Bàn chân thật hoàn toàn chẳng liên quan gì đến cái chết.
125
Chúng ta càng chạy theo sự phát triển của vật chất chừng nào thì càng trở nên điên cuồng chừng ấy. Tuy nhiên, phần đông mọi người đều cho rằng, đó là biểu hiện của sự phồn hoa, thịnh vượng. Hay nói cách khác, do nhân loại không hiểu được ý nghĩa làm người nên mới gây ra những vấn đề phức tạp, để rồi tự mình bị cuốn vào dòng xoáy hỗn loạn ấy.
126
Sống hòa mình với thiên nhiên sẽ giúp chúng ta dễ dàng thể hội được chân lí của nó. Và nhờ vậy chúng ta mới có biện pháp
để khắc phục tất cả những vấn đề xảy ra trong thế giới tự nhiên. Bởi vì chúng ta thực sự có đủ khả năng để làm những việc này.
127
Tuy lúc nào chúng ta cũng nhìn thấy và nhận biết được mọi việc, nhưng rốt cuộc vẫn không hiểu được bản chất thật sự của nó là gì. Sở dĩ như vậy là do năm triền cái tham lam, sân hận, hôn trầm, trạo cử và nghi ngờ mà ra.
Năm triền cái này đã phá hủy sự tịch tĩnh, an vui trong nội tâm chúng ta, càng làm cho chúng ta không nhận chân được nguồn gốc của khổ đau là do tâm tham, sân, si gây nên. Hơn nữa, nó còn làm cho chúng ta không hề biết sợ hãi trước ba độc này. Thế mới nói, phàm phu là những người bị bụi trần che mờ đôi mắt.
128
Những người chán ghét đạo tràng và nuông chiều theo những thói hư tật xấu của bản thân thì đều đang sống trong sự ngược đãi của tâm bệnh, nguyên nhân là do họ quá xem trọng tiền tài, vật chất. Phật pháp có năng lực giúp người học tự phản tỉnh và cảnh tỉnh rằng: “Sinh ra làm người không phải để làm nô lệ cho phiền não, càng không phải làm nô lệ cho mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Một khi trở thành nô lệ rồi, sẽ lặn ngụp trong bùn lầy khổ não của thế gian mà không cách nào thoát ra được”.
129
Ýnghĩa rốt ráo của năm giới có thể quy thành “năm điều bất xâm hại” như sau:
1. Không làm tổn hại sinh mạng của chúng sinh. 2. Không chiếm đoạt tài sản của người khác.
3. Không xâm hại đến phẩm hạnh của người.
4. Không phá hoại chính nghĩa.
5. Không làm tổn hại lí trí của mình.
Cách nói này không có bất kì một khiếm khuyết nào. Vì vậy, không nên biện hộ cho những việc làm sai trái của bản thân, càng không được trốn tránh hay đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.
130
Một khi nương vào chân lí tuyệt đối thì sẽ biết rằng: “không có người sinh ra, không có người tồn tại và cũng không có người chết đi”, chỉ có tùy thuận theo nguyên lí tự nhiên, tùy thuận vào định luật “cái này có nên cái kia có”, chỉ có các hành và sự lưu chuyển của các hành mà thôi. Một khi không có người chết thì sao lại có người sinh! Cho nên, theo giáo lí nhà Phật thì không có thần thức này hay thần thức kia đi tái sinh. Khi con người chưa hiểu được thực tướng này thì chỉ biết dùng những ngôn ngữ ngày thường để bàn về nó rồi truyền lại cho người đời sau.
131
Cho phép tôi nhấn mạnh thêm một lần nữa, khái niệm “cái tôi” chỉ là một cảm giác mà thôi. Do sức mạnh của vô minh chi phối nên khởi lên tham muốn, rồi đưa đến “hành động”, ngay khi ấy “cái tôi” liền xuất hiện. Bởi “cái tôi” là một cảm giác sinh ra từ trong sự tham cầu, nên nó hư huyễn không thật. Nhưng chính trong “cái tôi” đó lại tồn tại một bản thể chân thật vĩnh hằng. Mặc dù như thế,“cái tôi” vẫn chứa quá nhiều sức mạnh và không ngừng gây ra phiền não và khổ đau.
132
Địa ngục thực sự chính là lúc bản thân cảm thấy tẻ nhạt, nhàm chán, nản lòng hay nhụt chí, thậm chí là mất hết niềm tin và tự hạ thấp giá trị bản thân mình. Ngược lại, thiên đường chính là ngay bây giờ và ở đây, khi ta luôn biết hài lòng với tất cả những thứ mình đang có, thậm chí là luôn tin tưởng và tôn trọng chính mình. Bên cạnh đó, bất luận có bao nhiêu thiên đường hay địa ngục khác chăng nữa cũng đều dựa vào hai loại “thiên đường và địa ngục” này mà quyết định.
133
Thấy “Như Lai” tức là thấy “pháp vốn như vậy” của tất cả sự tướng. Đây là trí tuệ Vô thượng của bậc Thánh, có năng lực giải thoát “tâm hiếu kì” trong tất cả mọi việc. Nó vượt lên hết thảy
các tâm tham ái, sân hận, phẫn nộ, sợ hãi, thấp thỏm, lo âu, luyến ái, tật đố, ganh ghét, nghi ngờ, tán loạn, v.v. Những tâm phiền não này đều là đặc tính của phàm phu.
134
Khổ đau hay hạnh phúc hoặc việc làm đúng hoặc việc làm sai trong tương lai được quyết định khi tâm tiếp xúc với ngoại cảnh bằng trí tuệ hay vô minh, nghĩa là có chính niệm tỉnh giác hay không. Nếu chính niệm hiện tiền thì sẽ giữ gìn được tâm thiện lành, không để nó sinh khởi “hành”, ngay đây liền chấm dứt trạng thái khổ đau và phiền não. Còn như thất niệm phóng tâm ắt sẽ sinh ra trạng thái ngược lại.
135
Nếu nhìn bằng nhãn quan của bậc Thánh thì sẽ thấy được tướng chân thật của vạn pháp; còn nhìn bằng con mắt của kẻ phàm phu thì chỉ thấy giả tướng mà thôi. Cho nên, giữa Thánh và phàm khác nhau một trời một vực. Họ đều dựa vào sự cảm nhận của chính mình mà có suy nghĩ, niềm tin theo cách riêng của mình. Hơn nữa, cũng từ trong cảnh giới của nội tâm mà hiện ra những quả rất khác nhau.
136
Những nguyên tắc dùng để đánh giá đúng sai, tốt xấu, thiện ác trong Phật giáo thường rất đơn giản và dễ hiểu, chứ không phức tạp và rắc rối như trong triết học hay logic học. Nguyên tắc đó chính là: “Nếu tất cả những việc chúng ta làm không gây tổn hại cho bất kì một người nào, ngược lại còn mang lại lợi ích thiết
thực cho họ, thì đó chính là đúng hoặc thiện; còn ngược lại là sai hoặc ác”. Thế nên, không cần phải mất công biện dẫn những đạo lí cao siêu nào khác làm gì.
137
Khi làm bất kì việc gì chúng ta cũng không nên có tâm chấp thủ hay mong cầu. Ngược lại, nên làm nó trong chính niệm tỉnh giác, hoàn toàn không dính mắc, nghĩa là không làm nó để “thỏa mãn tư lợi cho mình”. Như vậy chính là “vì pháp mà làm”, vì trách nhiệm mà làm, vì đất nước, vì nhân loại trên toàn cầu mà làm, tuyệt đối không xuất phát từ lòng ích kỉ cá nhân.
138
Giáo dục theo tự ngã (chủ nghĩa cá nhân) sẽ dẫn dắt nhân loại hướng theo lối sống tự tư tự lợi (chỉ biết vì bản thân), thế nên không thể nhổ sạch cội rễ khổ đau. Bởi ngay trong tự tư tự ngã ấy vốn đã dẫy đầy phiền não, hoặc bản thân của tự ngã chính là phiền não rồi. Chúng ta cần vì “pháp” mà khởi suy nghĩ rằng: “Phải thực hành đúng trách nhiệm diệt trừ nỗi khổ niềm đau”. Nhờ đốn được “ngã” nên bóng dáng phiền não khổ đau cũng vắng bặt.
139
Sở dĩ con người không nên chấp giữ thành “cái tôi, cái của tôi” là bởi vạn sự, vạn vật tồn tại có mặt trên cuộc đời này chỉ là tùy thuận nhân duyên biến hóa mà thôi. Thế nên, chúng ta không nên đề cập đến bất kì một học thuyết nào bàn về những điều hư
vô sau khi chết hoặc sự đoạn diệt sau khi chết. Tôi mong mọi người nỗ lực lí giải hết thảy hiện tượng một cách chính xác! Bằng cách này, chúng ta mới thẩm thấu được bản chất cốt tủy của Phật pháp, ấy chính là: “vạn pháp đều vô ngã”.
140
Hạnh phúc đích thực sẽ không phải mất tiền mua. Ngược lại, những hạnh phúc giả tạm mê hoặc chúng ta thì lại cần dùng đến rất nhiều tiền để mua, bao nhiêu tiền cũng không đủ. Hạnh phúc đích thực là sự bằng lòng với công việc mình đang làm, thậm chí ngay trong công việc đã tràn ngập niềm vui rồi. Vậy thì, đâu cần những thú vui khác. Dù thù lao làm việc được trả bằng tiền thì đó cũng chỉ là phương tiện thỏa mãn những nhu cầu vật chất bên ngoài mà thôi. Vậy nên, người chỉ biết dùng tiền để thỏa mãn lòng tham không đáy của mình thì lúc nào cũng sẽ cảm thấy cuộc sống luôn thiếu thốn và tẻ nhạt.
141
Tôi hi vọng mọi người sẽ bắt đầu học Phật pháp khi nhận thức được năm triền cái. Năm triền cái này thường hiện diện ngay trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Qua việc học cách quán chiếu nội tâm có mặt trạng thái của năm triền cái hay
không, điều ấy sẽ giúp chúng ta dễ dàng và sáng suốt hơn trong việc nhận diện phiền não. Hơn nữa, giúp chúng thuận lợi hơn trên bước đường tu tập, cho đến khi dứt hẳn phiền não, đạt được Niết Bàn viên mãn.
142
Bất luận là tôn giáo nào thì khi tiếp nhận một “sinh mạng mới” cũng đều là cơ hội để con người “thực hành đúng trách nhiệm của mình, đó là sống lợi mình - lợi người”. Từ khi sinh ra cho đến ngày già chết, trên mỗi chặng đường hoàn thiện bản thân, chúng ta đều đang thực hành tự lợi và lợi tha.
143
Vô Dư Niết Bàn28 không quan hệ gì đến cái chết. Nghĩa là, đã đạt đến chỗ vắng bặt bóng dáng phiền não, cảnh giới thuần khiết thanh lương. Dù năm uẩn vẫn đang hoạt động, nhưng đang hưởng thọ pháp vị thanh lương mà thôi. Suốt cả cuộc đời cũng như vậy, mãi đến khi sinh mệnh kết thúc, nhân duyên danh sắc diệt tận. Cho nên chúng ta có thể khẳng định rằng, mỗi định nghĩa của Niết Bàn trong Phật pháp tuyệt nhiên không liên quan gì đến cái chết.
144
Chúng ta không cần phải lãng phí tiền của để có được Niết Bàn, chỉ cần buông bỏ chấp ngã thì tự nhiên Niết Bàn có mặt, ngay khi ấy thân tâm trở nên an định, mát mẻ, đây mới là hạnh phúc đích thực mà chúng ta cần hướng đến. Dẫu vậy, tuy thân là đệ tử Phật nhưng chính mình lại không để ý đến Niết Bàn hiện tại mà lại quan tâm Niết Bàn tương lai sau khi chết. Hơn nữa, lại còn cam tâm tình nguyện tiêu hao một khoản tiền lớn hầu trang bị đủ tư lương để đến được cõi Niết Bàn ấy!
145
Tôi có thể chứng minh rằng Niết Bàn không phải của riêng ai, càng không phải thuộc về chính nó. Đã như vậy, thì Niết Bàn làm sao có thể là tài sản riêng của một người nào? Vậy nên, mỗi người cần mở rộng lòng mình để đón nhận Niết Bàn thanh lương. Sự thanh lương ấy có được từ trong vô ngã, suốt cuộc đời đều như vậy là đủ rồi. Đây cũng chính là nói, không để bản thân lệ thuộc vào một người nào, thậm chí là phụ thuộc chính mình.
146
Chúng ta phải tu tập để chấm dứt khổ đau ngay trong cuộc đời đau khổ này, giống như đang ở trong nhà lửa phải tìm cách dập lửa vậy. Không nên đem “khổ” và “diệt khổ” đặt ở hai vị trí đối cực và hai thế giới khác nhau. Như vậy khổ đau ở đời này phải đợi đến đời sau, hoặc mấy trăm mấy nghìn đời sau nữa mới có thể diệt khổ. Vậy thì, chẳng những không diệt được khổ mà chuyện diệt khổ cũng chỉ là vọng tưởng không thực, mơ mộng
hão huyền mà thôi! Muốn diệt được khổ cần phải ở ngay trong cảnh khổ mà đối trị, hơn nữa cần kịp thời và dứt khoát. Trong “xúc” vừa sinh khởi, nếu ngay đó chính niệm tỉnh giác, thấy đúng sự thật các pháp thì “khổ” làm sao còn hiện hữu nơi thân hoặc khiến khổ được diệt tận. Thế nhưng, con người ngày nay thường đặt “khổ” và “diệt khổ” ở hai thế giới khác nhau.
147
Thiện hay ác đều không tốt, sự thúc đẩy của thiện và ác khiến chúng ta trôi lăn trong sinh tử luân hồi. Do đó, tốt nhất là chúng ta nên tìm cầu và an trú trong sự tịch tĩnh, không thiện cũng không ác, không nên lăng xăng tạo tác đủ các nghiệp. Chỉ cần làm tròn trách nhiệm và luôn an trú trong sự thanh lương, tịch tĩnh là đủ rồi.
148
Điều kiện đầu tiên trong việc tu hành là phải có trí tuệ, trí tuệ là chìa khóa vàng để mở ra cánh cửa giải thoát. Như trong Bát chính đạo, thì thứ quyết định đầu tiên đó chính là “Chính kiến”. Nếu không, ngay khi bắt đầu hành trì Tam quy, Ngũ giới đã sai đường lệch hướng, xa rời mục tiêu lí tưởng ban đầu rồi. Đây là hiện tượng phổ biến trong thời đại vật chất lên ngôi này.
149
Trong kinh Năm việc cần tư duy có viết: “Chúng ta tự nhiên sẽ sinh, già, bệnh, chết và cũng không thể nào thoát khỏi nó”. Nhưng câu kinh này chỉ nói lên một nửa chân tướng sự thật mà thôi. Vì Đức Phật từng dạy: “Nếu xem Đức Phật là bậc thiện tri thức thì chúng sinh liền thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết”. Ngài lại khẳng định: “Người nào tu tập theo Bát chính đạo thì Đức Phật liền trở thành bạn hữu của người đó”. Phải chăng, câu kinh mà chúng ta thường trì tụng đang lừa dối chúng ta, để chúng ta không sợ hãi trước cảnh sinh, già, bệnh, chết. Nguyên nhân là vì chúng ta chưa thấu hiểu được nghĩa lí trong kinh Phật nói, nên giảng sai ngụ ý của Ngài.
150
“Tâm không” chân chính, đúng như pháp sẽ không giống như tâm không của những kẻ thiếu trí tuệ. Bởi họ đâu thể hiểu định nghĩa “tâm không” thật sự là gì, cho nên khi họ nói “đạt tâm không rồi” thì chính là chỉ trạng thái không làm gì, không gánh trách nhiệm gì. Kì thật,“tâm Không” chân chính phải là sự thông minh, hoạt bát, chính trực, không tự tư tự lợi trong công việc. Các vị cần nỗ lực làm mới tư duy về “tâm không”.
151
Tôi nhấn mạnh lần thứ ba: “Niết Bàn có thể đạt được ngay trong sinh tử luân hồi. Vì vậy, chúng ta phải ở trong luân hồi để chấm dứt tử sinh. Giống như muốn dập lửa thì phải vào trong lửa mà dập vậy”. Cho nên, Niết Bàn chính là sự chấm dứt của
luân hồi và chúng ta phải tìm nó giữa dòng tử sinh. Đây là tinh túy của Luận tạng.
152
Nói đau khổ do chấp trước sẽ đúng và dễ hiểu hơn so với nói đau khổ do tham ái. Bởi khi chúng ta dính mắc vào một điều gì đó, ắt sẽ để tâm tình sâu nặng nơi ấy, rồi buồn thương lo lắng đủ điều. Đồng thời, y cứ vào mười hai nhân duyên thì: ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên khổ. Nghĩa là, có tạo tác của “ái” nên mới hình thành “thủ”; có “thủ” nên sinh ra buồn, thương, khổ, não. Như lời kinh có chép rằng: “Năm uẩn là gánh nặng, gánh vác gánh nặng như vậy là nỗi khổ của thế gian”.
153
“Cái tôi và cái của tôi” mang hai hàm nghĩa là ngôn ngữ Phật pháp và ngôn ngữ đời thường. Như trẻ nhỏ và người thiếu trí tuệ sẽ dùng ngôn ngữ đời thường và theo cảm nhận của số đông đều hiểu là “sự chấp trước nơi tự ngã”. Ngược lại, các bậc Thánh thì sử dụng ngôn ngữ Phật pháp, nên nói “trong tâm không có chấp trước”. Từ đó cho thấy, người bình thường rất khó có thể hiểu được ngôn ngữ Phật pháp.
154
Chỉ cần chúng ta sống với lòng “biết ơn”, thì thế giới này ắt sẽ tồn tại tốt đẹp. Nghĩa là, khi chúng ta biết được giữa người với người đều có ân huệ với nhau, thì sẽ không nỡ lòng nào làm tổn hại đến nhau nữa. Đồng thời, chúng ta còn biết được quả địa cầu này có ân huệ rất lớn với mình, nó giúp cho chúng ta có đủ điều kiện để sinh sống, vậy sao chúng ta lại phá hoại nó. Một khi nhân loại thật sự sống với lòng biết ơn, thì ngay đó thế gian sẽ tránh được vô số các thảm họa do chính con người gây ra.
155
Thiên đường sẽ hiện hữu trong tâm mỗi người khi người ấy biết vâng theo lời Phật dạy và thực hành đúng trách nhiệm của mình, chính mình có thể chắp tay kính lễ mình, đó là “thiên đường”. Bản thân cảm thấy hài lòng và mãn nguyện về mình, thì ngay lúc này và ở đây là “thiên đường chân thật”. Ngoài ra, thiên đường của các hình thức khác đều do đây mà quyết định.
156
Chúng ta phải đặc biệt lưu tâm đến hai nhóm từ bắt đầu bằng chữ K và chữ S trong tiếng Thái. Bởi vì chúng ta đang mê muội trong ba món bắt đầu bằng chữ K: Ăn (Kin), sắc (Kam) và danh
(Kret), nên thường bị chúng trói buộc và làm sinh khởi vô lượng phiền não. Nếu trừ bỏ được ba món họa này thì ba điều bắt đầu bằng chữ S sẽ hiện ra. Đó là thanh tịnh (Saat), quang minh (Sewang) và tịch tĩnh (Segab). Do chúng ta khó có thể nhận ra chân tướng thật sự của ba thứ này, nên tôi đặc biệt giải thích
chúng. Vì con người chỉ nhìn thấy giả tướng bên ngoài mà hoàn toàn không hiểu rõ về tướng chân thật của chúng, tất cả đều do vô tri ngu muội trong lúc tiếp xúc mà ra.
157
“Người bạn trung thực” trong cuộc đời chúng ta chính là Phật pháp mà chúng ta hành trì trong đời sống tu tập. Giáo pháp ấy giúp chúng ta sống đúng nghĩa của một con người, là chiếc thuyền đưa chúng ta xa rời biển khổ sinh tử. Người bạn thật sự hoàn toàn chẳng phải là người luôn cùng chúng ta trải qua những sinh hoạt ăn cơm, ngủ nghỉ, v.v. họ chỉ làm cho chúng ta thêm phiền não với đủ thứ trói buộc, ngày ngày ta phải tương tác qua lại với họ như bóng với hình. Bởi thế, mỗi người phải ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống thường ngày để chấm dứt mọi vấn đề. Tôi hi vọng mọi người nhận biết được người bạn thật sự của đời mình là ai, nếu được như vậy thì phiền não đâu còn cơ hội ngạo nghễ trước chúng ta nữa.
158
Thiên chức thiêng liêng và quyền lực đích thực mà giới nữ nên có chính là cứu giúp thế gian, chứ không phải việc đòi bình quyền với nam giới. Điều này thể hiện qua việc họ cam tâm tình nguyện làm tròn trách nhiệm của một người mẹ, nuôi dưỡng con cái, trang bị cho chúng đầy đủ nhân cách đạo đức trước khi bước vào đời. Hơn nữa, không tranh quyền với nam giới như phần đông những người phụ nữ khác. Nếu phụ nữ làm được
điều đó thì thế giới của chúng ta đâu thiếu những người mẹ vĩ đại lưu danh thiên cổ.
159
Tại sao chúng ta lại lãng phí thời gian quý giá vào việc đi xem bói? Bởi lẽ, dù thầy bói có đoán vận mệnh chúng ta tốt xấu ra sao, thì chúng ta cũng không thể vì thế mà phóng túng buông lung bản thân, ngược lại phải luôn dốc lòng làm thiện tích đức, vun bồi cội phúc. Người đệ tử Phật chân chính thì không nên mất thời giờ và tiền bạc vào những chuyện mê tín vô bổ này. Bởi chúng ta biết rằng, tu tập đúng theo tinh thần duyên khởi sẽ giúp chúng ta vượt thoát nghiệp lực và cải tạo vận mệnh.
160
Trên bước đường trưởng thành, nếu chúng ta không chịu trau dồi đạo đức, mà cứ mù quáng chạy theo trào lưu của thời đại, thì trước sau gì cũng hình thành bản tính tự tư tự lợi, hơn nữa còn
trở nên tự phụ, kiêu mạn, buông lung. Hạng người này không những không quan tâm đến đồng bào của mình, mà còn thờ ơ, vô cảm trước nỗi khổ niềm đau của người khác.
161
Thế giới ngày nay phồn vinh, đa sắc màu, nhưng sự tiến bộ này càng làm phát sinh ra nhiều vấn đề phức tạp, bất cập, làm
ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân và đời sống xã hội cả về đạo đức lẫn kinh tế, thậm chí đẩy nhân loại vào vực thẳm của bệnh tinh thần, thế giới cũng vì thế mà đầy rẫy những tội phạm và tội ác.
162
Vũ trường, lầu các càng lúc càng mọc lên như nấm, nơi này được ví như sào huyệt của giới ăn chơi. Chỉ vì lợi nhuận béo bở trước mắt mà biết bao kẻ gian xảo, bất lương đã không từ mọi thủ đoạn để bóc lột sức lao động của những người kém hiểu biết, rồi bắt họ làm trò tiêu khiển phục vụ cho những thú vui của mình. Việc này dường như đã khiến cả thế giới trở nên hỗn loạn và đầy bất an. Tất cả đều xuất phát từ lòng ích kỉ tự tư, chỉ biết vì mình mà không biết vì người, không dám xả thân phụng sự cống hiến chính pháp mà ra.
163
Thành quả nghiên cứu trong triết học chẳng qua chỉ là những quan niệm duy lí mà thôi, không giống với ý nghĩa triết học của Ấn Độ là “nhìn sâu hiểu thấu”. Tuy nhiên, người thời nay cứ mặc
nhiên tin vào triết học đến nỗi không còn cách nào cứu vãn được.
164
Tôi tha thiết mong rằng, các vị sẽ đứng về phía chính nghĩa và công lí. Vì sự tồn tại lâu dài của chính nghĩa và chân lí, thậm chí phải hi sinh cả thân mạng cũng không tiếc nuối. Bởi chính đạo là con đường duy nhất cứu vãn nhân loại, nhưng đáng tiếc là nền giáo dục ngày nay lại không đề xướng những giá trị trọng yếu này nữa.
165
Chấp trước vào việc ăn thịt chính là dạ xoa, còn dính mắc vào việc ăn chay thì đồng với khỉ vượn. Vì vậy, là đệ tử Phật thì chỉ ăn những thực phẩm thanh tịnh và không nên dính mắc vào việc ăn chay hay ăn mặn. Thực phẩm chẳng qua cũng chỉ là những yếu tố duy trì thể xác mà một hành giả đang trên lộ trình tu tập, tìm cầu giác ngộ giải thoát cần phải nhận dùng.
166
Trong đời sống thường ngày, chúng ta nên quan tâm đến sinh hoạt Phật pháp của người tại gia nhiều hơn, như giúp họ luôn sống trong chính niệm tỉnh giác. Điều này không những giúp bản thân chúng ta luôn sống trong chính pháp, mà còn làm tròn trách nhiệm hoằng pháp lợi sinh của mình. Và nhờ đó, các chúng tại gia luôn được che chở bởi ánh sáng của chư Phật và thân tâm của họ luôn được sống trong niềm vui của chính pháp. Vì vậy, ngay khi chúng ta làm tròn sứ mệnh của một sứ giả Như Lai, thì pháp lạc cũng đong đầy trong đó. Nói chung, tất cả đều
nhờ vào giáo lí của Đức Phật mà mọi người không phải tốn tiền để tìm kiếm những thú vui tầm thường, giả dối khác.
167
Con vật không sợ ma, nên ma không tồn tại. Con người do sợ ma nên tự nhiên ma có mặt. Phải chăng, đây là việc đầy châm biếm? So ra chẳng phải mất mặt lắm hay sao? Những người thiếu trí tuệ đang hư cấu ra chuyện ma quỷ, sau đó chính mình lại sợ ma quỷ? Về việc này, chúng ta nhất định phải dùng trí tuệ sáng suốt để tư duy, như vậy mới mong giải quyết hết mọi việc liên quan đến quỷ ma.
168
Hiện nay, rất nhiều người mê tín chạy theo xu hướng gọi hồn kêu cốt và họ cho đó là văn hóa tâm linh. Thế nhưng, nó lại là một loại văn hóa mê tín đảo điên, không mang đến sự bình an cho nhân loại. Ngược lại, còn nuôi lớn thêm bao nhiêu phiền não. Mà phiền não chính là cội nguồn của khổ đau, gây ra mọi tai họa trên thế giới. Cho nên chúng ta phải hết sức cẩn thận với loại hình văn hóa ngoại cảm này, không chạy theo trào lưu của thế giới tâm linh. Nếu không, sẽ khiến người đời có cơ hội để chê bai chỉ trích.
169
Tôi xin nhấn mạnh thêm một lần nữa: “Phải dũng cảm bảo vệ chính nghĩa và công lí, có như vậy mới giải quyết được những vấn đề trong xã hội”. Nghĩa là, dũng cảm lìa ác, hành thiện, giúp đỡ người khác hành thiện, đồng thời ra sức tiêu diệt cái ác. Nói chung, vì sự trường tồn của chính pháp mà sẵn sàng hi sinh tất cả, thậm chí dâng hiến cả thân mạng của mình cũng không hối tiếc. Đây chính là “cảnh giới cao nhất của lòng dũng cảm”.
170
Hiện nay, thế giới phải gánh chịu không ít những thảm họa do chiến tranh gây ra. Vì vậy, con người ta một mặt thì chấm dứt chiến tranh, mặt khác hòa hợp tôn giáo, thắt chặt tình hữu nghị trên toàn cầu. Việc này rất cần cổ xuý. Song, tuyệt đối không nên sa đà vào việc phân biệt văn hóa tâm linh, như vậy chỉ làm cho lòng tham lam và tư lợi của chúng ta lớn thêm mà thôi.
171
Ngày nay, một số người dân Thái Lan có đời sống an lạc thảnh thơi, không bị phiền não chi phối. Thậm chí, họ không mù quáng chạy theo những dục lạc của thế gian. Cho nên, chúng ta phải ứng dụng lời Phật dạy để mở ra một thời kì hoàng kim rực rỡ cho nhân loại. Có như vậy, Phật giáo mới hưng thịnh và thời đại hoàng kim mới thật sự được thiết lập.
172
Thiết lập mối giao hảo để các tôn giáo ngày càng xích lại gần nhau hơn là nhiệm vụ không giới hạn ở bất kì quốc gia nào. Đây là trách nhiệm của các tổ chức quốc tế. Nếu họ biết vận dụng những điểm cốt lõi tương đồng của các tôn giáo để giải quyết những xung đột, tranh chấp trên thế giới, thì sẽ không cần tiêu tốn ngân sách, hơn nữa còn giải quyết triệt để mọi vấn đề của nhân loại. Kì thật, sử dụng ngân sách cho những việc làm này là lãng phí vô ích, nhưng đó lại là thực trạng chung trong bối cảnh xã hội hiện nay.
173
Phật giáo cũng có thượng đế, thần linh và ông trời. Tuy nhiên, theo giáo lí của nhà Phật thì các vị ấy chẳng phải do con người hóa thân thành, cũng không xen tạp ý thức hay tâm lí, tình cảm như con người. Theo quan điểm của Phật giáo, các vị ấy chính là định luật của tự nhiên “cái này có nên cái kia có” và luân chuyển theo vòng sinh diệt của “mười hai nhân duyên”. Với những người không hiểu thế nào là thượng đế thật sự, thì những định luật của tự nhiên đã sáng tạo nên thượng đế trong lòng họ. Vì vậy chúng ta không nên nhận định sai lầm rằng Phật giáo không có thượng đế, thần linh và trời.
174
Nói theo ngôn ngữ Phật pháp thì thượng đế, thần linh hay ông trời chính là các phép tắc, định luật và sức mạnh vô hình của vũ trụ, tạo nên thế giới muôn vật muôn loài. Tuy nhiên, khái niệm
thượng đế trong ngôn ngữ thường ngày lại được giả thuyết thành “đấng sáng tạo”,“vị thần che chở”,“kẻ hủy diệt”. Người có nhận thức về thượng đế như vậy, dù có làm bất kì việc gì chăng nữa, cũng không thể lĩnh hội được ý nghĩa thượng đế trong ngôn ngữ Phật pháp.
175
Phật giáo mang một hệ thống khoa học rất đặc thù, cho rằng chính quy luật tự nhiên hình thành nên thần linh và thượng đế, mà không phải do con người hóa thành. “Quy luật tự nhiên” này len lỏi vào từng phân tử vi tế nhất trong vũ trụ vạn vật, đồng thời còn làm chủ thể của vũ trụ, giúp vạn vật vận hành theo đúng nguyên lí của nó.
176
Nhìn từ góc độ chân lí và đạo đức, thì “thượng đế hay thần linh” chỉ cho trách nhiệm hoặc thiên chức của con người. Các vị ấy giúp con người tồn tại và thoát li mọi khổ não trong cuộc sống. Trên thực tế, đây chính là “chân lí” xả thân vì người mà ai ai cũng cần hoàn thành trong kiếp sống con người. Chúng ta phải lấy việc làm tròn trách nhiệm để tỏ lòng thành với các đấng thiêng liêng. Bằng việc làm này, mỗi người nhất định sẽ được các vị ấy âm thầm giúp đỡ và che chở.
177
Từ “God” trong tiếng Anh chỉ cho thượng đế hoặc thần linh, và từ “Kod” trong tiếng Thái mang nghĩa là định luật hoặc phép tắc. Hai từ này cách đọc rất giống nhau, cũng được xem là một sự trùng hợp về ngữ âm rất thú vị. Vậy thì, chúng ta dùng theo nghĩa khoa học cũng tốt, mà không dùng theo nghĩa ấy cũng chẳng sao, vì cả hai đều có khái niệm “God” tương tự nhau. Không những vậy, sự trùng hợp ngẫu nhiên này sẽ dễ dàng kết nối những tín đồ của các tôn giáo giao lưu và học hỏi lẫn nhau.
178
Trên thực tế, tôn giáo là cầu nối giữa con người với chính pháp Vô Thượng, là phương tiện giúp hành giả thâm nhập vào tạng pháp vi diệu. Trong Phật giáo, pháp Vô Thượng ấy chính là “Niết Bàn”, đây cũng là điểm đến cuối cùng, chân thật nhất của đời người, bởi Niết Bàn siêu việt hết thảy các pháp hữu vi giả có.
179
Khi lần giở những trang đầu tiên trong Thánh kinh của Cơ Đốc giáo, mọi người sẽ thấy được tinh thần cốt lõi của Phật giáo hiện ra. Đó là: Một khi con người nhận biết được thiện ác thì liền sinh “chấp thủ”, sau đó lại bắt đầu gây tạo tội nghiệp và sinh khởi
phiền não. Nguyên nhân là bởi chúng ta vô minh tăm tối, không phân biệt được thiện ác, tốt xấu một cách rõ ràng minh bạch. Điều này chứng minh rằng, tất cả quá trình tiến hóa của con người đều chịu sự chi phối rất lớn của nghiệp lực. Và cũng chỉ có
giáo lí vi diệu của Đức Phật, mới có thể giúp con người thoát khỏi nỗi khổ niềm đau do nghiệp lực mà thôi.
180
Biểu tượng của Thiên Chúa giáo là chữ thập trên thánh giá, cũng có thể xem là cốt lõi của Phật giáo với ý nghĩa “tiêu trừ tự ngã”, nghĩa là trừ bỏ cái tôi “I”. Nếu chúng ta có quan niệm này, ắt sẽ kết nối được với Cơ Đốc giáo để chung tay xây dựng nên một thế giới toàn thiện toàn mĩ, từ đó giúp nhân loại lìa được tâm “tự tư tự lợi”. Bởi lẽ tâm ấy chính là nguồn gốc gây ra khổ đau triền miên trên thế giới.
181
Một số đệ tử Phật thường thích nghe những lời giáo huấn của chúa Giê su. Ví như “lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn so với kẻ vô tri mà tiến vào vương quốc của thượng đế”,“con người sống không chỉ đơn thuần nhờ vào vật thực, mà còn nhờ vào tất cả
những lời thốt ra từ kim khẩu của thần linh”,“đầu tiên phải khêu sạch bụi bặm trong mắt của bạn”, v.v. Nói chung, còn rất nhiều lời dạy khác nữa.
182
Tôi thiết nghĩ, nền giáo dục ngày nay đang bị mất cân bằng, giáo dục quá xem trọng phương diện phát triển vật chất mà ít
quan tâm đến việc thăng hoa tâm linh. Chẳng hạn như, con người chỉ học những kiến thức có trong sách vở và những kĩ năng trong cuộc sống, chứ thật sự chưa biết đến việc học tập tôn giáo hay học tập Phật pháp, nhà trường chưa dạy học sinh làm thế nào để trở thành một bậc hiền tài, có tâm và đủ tầm trong xã hội. Thế nên, tôi tha thiết mong nhân loại sớm nhận ra lỗ hổng này và sớm giải quyết nó trước khi đạo đức con người bị xuống dốc.
183
Trẻ em là những mầm non của xã hội và là chủ nhân tương lai của thế giới. Vì vậy, từ giờ phút này chúng ta phải nỗ lực xây dựng thế giới bằng cách giáo dục trẻ em đúng đắn, đừng để trẻ tự do phát triển một cách lạc hướng. Như vậy, chúng ta mới thực sự là người có trách nhiệm tuyệt đối trong sứ mệnh làm cha mẹ và thầy giáo trong “thời kì văn minh trí tuệ”.
184
Sáu mĩ đức mà con người cần có, đó là:
1. Con ngoan của cha mẹ.
2. Trò giỏi của thầy cô.
3. Bạn tốt của mọi người.
4. Công dân gương mẫu của đất nước.
5. Tín đồ thuần thành của tôn giáo.
6. Người có đủ đức hạnh.
Sáu mĩ đức này, chính là mục tiêu căn bản trong sự nghiệp trồng người.
185
Thầy giáo là bậc dẫn đạo tinh thần và là người khai mở trí tuệ cho chúng ta. Nói cách khác, thông qua công tác giáo dục mà họ đã trở thành những người thợ xây dựng thế giới ngày mai tươi sáng, đây được xem là sứ mệnh cao cả của các bậc Thánh hiền. Vậy nên, chúng ta cần phải nhận ra những bậc thầy cô đầy đủ phạm hạnh, để rồi cùng họ chung tay thực hiện nghĩa vụ giáo dục thiêng liêng cao cả.
186
Vào ngày Nhà giáo Thái Lan, ở một số địa phương, nhiều thầy cô uống rượu say xỉn, thậm chí uống nhiều hơn so với ngày thường. Đến nỗi, không làm chủ được bản thân, vì những ngày bình thường giáo viên không tụ họp đông như vậy. Chúng ta cần thay đổi phong tục kì quái này, để ngày Nhà giáo trở về đúng nghĩa của nó. Thời nay, chính là lúc những người thầy, những bậc Thánh hiền mẫu mực bước ra để tiếp nhận sự lễ kính thanh tịnh từ mọi người.
187
Luật pháp của đất nước, cũng có thể xem là nguyên tắc cốt lõi của Phật pháp và các tôn giáo khác. Chỉ tiếc rằng, còn rất ít người xem trọng nó. Mục đích chính của nó là mang đến lợi ích thiết thực cho con người, ngay cả loài cỏ hoa cây cối cũng đều được nhờ ân. Vì nguyên tắc cơ bản của pháp luật chính là, tất cả chúng sinh đều là “bạn của sinh, già, bệnh, chết”.
Chú thích
1 Tức Thiền viện Suan Mokkh International Dhamma Hermitage, dịch nghĩa là Vườn giải thoát tự tại. Đây cũng chính là đạo tràng của ngài Ajahn Buddhadasa.
2 Bản lai diện mục (bộ mặt thật xưa nay) vốn không tên, nhưng được biểu thị bằng lời như “bản lai diện mục”, “ông chủ”, “Phật tính” và “chân Phật”.
3 Biếng nhác mê ngủ.
4 Xao động, buồn rầu nơi tâm tướng.
5 Nghi ngờ, nghi hoặc chính pháp.
6 Vào ngày sinh nhật của Tôn giả Ajahn Buddhadāsa, Phật tử các nơi sẽ gửi tới Ngài một món quà sinh nhật, tức là vào ngày hôm ấy Phật tử sẽ nhịn ăn và mở ba hội hoằng pháp: sáng, trưa, chiều, cũng như in kinh sách gieo duyên. Tôn giả Ajahn Buddhadāsa nhấn mạnh thêm, cùng với sự lớn lên của tuổi tác, trí tuệ cũng tăng thêm.
7 Là tuyển tập trước tác và bài giảng quan trọng nhất của tôn giả Ajahn Buddhadasa.
8 Vào thời đó các nhà sư Thái Lan đều ngồi để giảng pháp vì đứng khi giảng pháp bị coi là không đủ trang nghiêm.