Ngoài pháp ngữ Phật giáo ra, tôi thật không còn gì khác để truyền lại cho bốn chúng đệ tử – những người đang phải sống trong vòng sinh, già, bệnh, chết. Tôi trộm nghĩ rằng: Cho dù bao lâu, chỉ cần còn có sự truyền thừa “di sản” thì khi đó đóa hoa trí tuệ vẫn còn nở rộ nơi vườn giải thoát. Đồng thời, “sứ giả của Như Lai” vẫn sẽ thắp lên ngọn đèn chính pháp khiến cho sự an lạc giải thoát hiện diện khắp muôn nơi.
Để việc truyền thừa di sản được phương tiện, xin quý vị hãy suy ngẫm về những lời pháp ngữ này như là một loại hình “di sản Phật pháp”. Đây cũng là di sản chung của những đạo hữu đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sứ mệnh nối dài tuệ mạng của Đức Phật nhằm đem lại lợi ích rộng khắp cho quần sinh, chứ không phải tài sản của riêng một ai.
Tương lai sau này, khi nào còn có người cầm đọc cuốn sách này thì khi đó “sứ giả của Như Lai” vẫn còn chưa “nhập Niết Bàn” (khuất bóng), vẫn còn chung sống cùng chúng sinh. Khi ấy, đầu tiên tôi xin cảm ơn và gửi lời nguyện chúc đến tất cả, vì bấy giờ quý vị đã chính thức bắt đầu học Phật rồi.
Tôi luôn một lòng dùng Phật pháp và lòng từ bi chúc phúc cho quý vị.
Tôn giả Ajahn Buddhadāsa