" Đêm Ai Cập - Alexander Pushkin full prc pdf epub azw3 [Tiểu thuyết] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đêm Ai Cập - Alexander Pushkin full prc pdf epub azw3 [Tiểu thuyết] Ebooks Nhóm Zalo Mụclục Chương1: Chương2: Chương3: PhụLục- ĐÊM AI CẬP Alexander Pushkin www.dtv-ebook.com Chương 1: - Quel est cet homme? - Ha c’est un bien grand talent,il fait de sa voix tout ce qu’il veut. - Il devrait bien, madame, s’en faire une culotte*. Isarxki là một trong những người dân gốc gác ở Pêterburg. Tuổi chàng chưa đến ba muơi; chàng chưa có vợ; chàng không phải chịu cảnh tù túng của những người viên chức. Ông bác của chàng thời oanh liệt đã từng làm phó tổng trấn, khi chết đi đã để lại cho chàng một gia tài kha khá. Chàng có đủ điều kiện để sống một cuộc đời rất dễ chịu. Nhưng chẳng may chàng lại có cái tật làm thơ và cho in các bài thơ ấy ra. Trong khi báo chí người ta gọi chàng là thi sĩ, còn trong giới bồi bếp thì họ gọi chàng là ông sáng tác. Mặc dù các nhà thơ có những ưu thế rất lớn (cũng nên thừa nhận rằng ngoài cái quyền dùng đối cách ở chỗ đáng lẽ phải dùng sinh cách và một số những cái gọi là quyền tự do khác của thi ca, thì chúng tôi không biết các nhà thơ Nga có còn được những ưu thế nào không) – dù sao thì các nhà thơ, tuy có đủ các ưu thế như vậy, nhưng cũng phải chịu đủ các thứ thiệt thòi và tai ương rất lớn. Cái tai vạ chua sót nhất, khó chịu đựng nhất đối với nhà thơ chính là danh hiệu và biệt hiệu của anh ta, những cái đó cứ như một dấu ấn khắc lên mặt tội đồ, không sao gột rửa đi được. Công chúng xem anh ta như vật sở hữu của mình; theo ý họ, thì nhà thơ sinh ra là để phụng sự lợi ích và lạc thú của họ. Giá dụ anh ta có đi chơi đâu ở vùng quê trở về, thì người đầu tiên gặp anh đã hỏi ngay: anh đi chuyến này về có mang lại cho chúng tôi được cái gì mới không? Hoặc giả nếu anh ta có nghĩ ngợi đến những tình trạng rối ren trong công việc của anh hay về bệnh tình của một người thân, thì lập tức sẽ được nghe một câu nói nhàm tai kèm theo một nụ cười nhàm mắt: chắc anh đang sáng tác cái gì hẳn! Hoặc giả nhà thơ có phải lòng ai, thì người đẹp của anh ta lập tức sẽ vào cửa hàng Ăng-lê mua một quyển an-bom, rồi ngồi đợi các bài ai thi của anh. Nếu nhà thơ có đến nhà một người nào đó, đôi khi hầu như không quen biết, để thương lượng một việc gì quan trọng thì người này đã vội gọi đứa con trai nhỏ ra bắt nó đọc thơ cho mà nghe; và thằng bé liền cho thi sĩ nghe một tràng thơ của chính thi sĩ làm ra, nhưng sai lạc, què quặt đi, không còn ra cái gì nữa. Thế mà những cái đó còn là những bông hoa của nghề nghiệp đấy! Bông hoa của nghề nghiệp mà còn như thế, thì những hẩm hiu của nghề nghiệp không biết còn đến thế nào nữa? Tsarxki thú nhận rằng những lời chào mừng, hỏi han, những quyển an-bom và những thằng bé con đã làm cho anh ta chán ngấy đến nỗi anh ta luôn luôn phải cố kìm giữ mình để khỏi văng tục. Tsarxki đã cố gắng dùng đủ mọi biện pháp để tẩy gột cho sạch cái danh hiệu khổ sở ấy đi. Chàng tránh giao thiệp với các bạn đồng nghiệp, thích giao du với những người thượng lưu hơn, dù cho họ có là những con người rỗng tuếch nhất cũng được. Câu chuyện của chàng nói nghe rất tầm thường và không bao giờ đả động đến văn chương. Trong cách ăn mặc chàng bao giờ cũng chú ý theo cho đúng thời trang mới nhất, với cái vẻ rụt rè và mê tín của một chàng thanh niên Mátxcơva mới đến Pêterburg lần đầu tiên trong đời. Phòng làm việc của chàng bày biện như phòng ngủ của một thiếu phụ quý tộc, tuyệt nhiên không có gì cho biếg rằng đây là phòng của một nhà văn; sách vở không thấy vứt bừa bãi trên các bàn và dưới các gầm bàn; chiếc đi văng không thấy có những vết mực loang lổ, không hề thấy có cái cảnh mất trật tự thường chứng tỏ sự có mặt của nàng Thơ và sự vắng mặt của cái chổi. Không có gì làm cho Tsarxki khổ tâm hơn là bị một người bạn trong giới thượng lưu bắt gặp khi đang cầm bút trên tay. Thật khó lòng mà tin được rằng một người có tài và có tâm hồn như chàng lại có thể đi đến chỗ tủn mủn nhỏ nhặt như vậy. Khi thì chàng giả vờ làm ra vẻ một người chơi ngựa say mê, khi thì lại giả vờ là một tay cờ bạc bê tha, khi thì lại làm ra vẻ một tay sành ăn vào bậc nhất; thế nhưng chàng thì vốn dĩ có bao giờ phân biệt nổi giống ngựa miền Bắc Cápcadơ với giống ngựa A Rập, có bao gìơ nhớ nổi một con chủ bài, và trong thâm tâm vẫn thích ăn khoai tây bỏ lò hơn bất cứ thứ cao lương mỹ vị nào của Pháp. Chàng sống một cuộc đời hết sức lông bông; chàng láng cháng khắp các vũ hội, dự tất cả những bữa tiệc ngoại giao và trong các buổi tiếp tân chàng đã trở thành một món thường xuyên như món kem sữa Rêdanốp(2) vậy. Tuy thế chàng là một nhà thơ, và lòng yêu thi ca của chàng là một tình cảm say mê không sao cưỡng lại được: cứ mỗi lần bị cái cơn phải gió ấy đến quấy rầy (chàng thượng gọi cảm hứng là "cơn phải gió" như vậy), Tsarxki khoá cửa phòng lại và ngồi viết từ sáng sớm cho đến tận đêm khuya. Chàng thừa nhận với các bạn bè chân thành của mình rằng chỉ có những lúc ấy chàng mới thấy mình thật sự có hạnh phúc. Thì giờ còn lại thì chàng đi chơi, đến nơi nào cũng phải làm bộ và vờ vịt, và cứ phút phút lại nghe hỏi: dạo này ông có viết thêm được bài nào mới không? Một buổi sáng kia Tsarxki đang khoan khoái hưởng lấy cái tâm trạng rất dễ chịu, khi những ước mơ của ta hiện rõ nét ra trước mặt và giúp ta tìm thấy những từ sinh động, đột ngột, để thể hiện những hình ảnh chờn vờn trước mắt ta, khi vần thơ dễ dàng tuôn chảy dưới ngòi bút và những âm vận nhịp nhàng sẵn sàng đến đón lấy những ý thơ thanh nhã. Tâm hồn Tsarxki đang lâng lâng trong cõi quên lãng ngọt ngào... xã hội, dư luận của xã hội, và cả những ý nghĩ gàn dở của chính chàng nữa, bây giờ đều như tiêu tan đi đâu hết. Tsarxki đang làm thơ. Bỗng cửa phòng kẹt mở, và một cái đầu lạ hoắc thò vào. Tsarxki giật mình và cau mặt. - Ai đấy? – chàng bực dọc hỏi, trong bụng thầm nguyền rủa bọn gia nhân không bao giờ chịu túc trực ở phòng ngoài. Người lạ bước vào. Đó là một người cao lớn và hơi gầy, trạc chừng ba mươi tuổi. Gương mặt rám nắng của anh ta có những nét rất sinh động: cái trán cao và tái xanh viền những mớ tóc đen nhánh, đôi mắt sáng quắc, cái mũi diều hâu và chòm râu đen rậm rạp bao quanh đôi má hóp vàng sạm, tất cả những nét đó đều chứng tỏ rằng khách là một người ngoại quốc. Người lạ mặc một cái áo lễ phục màu đen, đường chỉ đã bạc trắng cả ra, một cái quần mặc mùa hạ (mặc dù bấy giờ đã là vào tiết cuối thu); phía dưới chiếc cra-vát đen sờn cũ, trên cái ngực áo sơ-mi màu vàng nhờ nhờ, long lanh một hột kim cương giả; chiếc mũ dạ hình dáng gồ ghề hình như đã được nếm đủ mùi nắng mưa sương gió. Đi trong rừng mà gặp một người như thế, các bạn sẽ đoán rằng đó là một tên cướp; giữa chốn đô hội, bạn sẽ đoán rằng đó là một người có chân trong một âm mưu chính trị; gặp ở phòng ngoài, bạn sẽ cho rằng đó là một anh bán thuốc hôi nách và thuốc thạch tín. - Ngài cần gì? – Tsarxki hỏi khách bằng tiếng Pháp. Khách cúi chào rất thấp, rồi đáp: - Signor, lei voglia perdonarmi se...** Tsarxki không mời khách ngồi mà tự chàng đứng dậy. Câu chuyện giữa hai người tiếp tục bằng tiếng Ý. - Tôi là một nghệ sĩ người Nêapôn, - người lạ nói, - hoàn cảnh bắt buộc tôi phải lìa bỏ quê hương; tôi đến nước Nga, hy vọng dùng tài năng để sinh sống. Tsarxki nghĩ bụng chắc anh chàng người Ý này định biểu diễn mấy buổi hoà nhạc và đang đi từng nhà để bán vé. Chàng đã toan tống khứ số tiền hai muơi lăm rúp còn lại cho anh ta để anh ta đi cho khuất mắt, nhưng người lạ đã nói thêm: - Thưa Signor, tôi hy vọng rằng ngài sẽ vui lòng giúp đỡ một người bạn đồng nghiệp và giới thiệu tôi với những nơi mà bản thân ngài có quen biết và thường lui tới. Không có gì có thể xúc phạm đến lòng tự ái của Tsarxki hơn thế nữa. Chàng vênh mặt kiêu hãnh nhìn cái con người đã có gan dám gọi chàng là bạn đồng nghiệp của mình. - Xin hỏi ngài là ai và ngài cho tôi là người như thế nào? – Tsarxki hỏi, bấy giờ chàng phải cố gắng lắm mới kìm nổi lòng công phẫn. Người lạ để ý thấy vẻ bực bội của chàng. Hắn lúng túng đáp: - Signor, ho creduto... ho sentito... la vostra Eccelenza mi perdonera...*** - Ngài cần hỏi việc gì? – Tsarxki hỏi lại, giọng rất xẵng. - Tôi đã được nghe nói rất nhiều về tài năng trác việt của ngài, - khách đáp, - tôi tin chắc rằng các bậc quyền quý ở đây thế nào cũng hết sức che chở cho một nhà thơ lỗi lạc như ngài, vì vậy cho nên tôi đánh bạo đến xin ra mắt ngài... Tsarxki ngắt lời khách: - Thưa Signor, ngài lầm rồi. Ở nước chúng tôi không có cái danh hiệu thi sĩ. Các nhà thơ của chúng tôi không hề được các bậc quyền quý che chở; các nhà thơ của chúng tôi tự mình làm chủ lấy mình, và nếu như các Métxenát(3) của chúng tôi (quỷ bắt họ đi cho rảnh) không biết điều đó thì mặc kệ họ. Ở nước chúng tôi không có những cha cố rách rưới mà một nhạc sĩ có thể nhặt ở ngoài đường để soạn cho mình một cốt vở nhạc kịch. Ở nước chúng tôi các nhà thơ không đi lang thang từ nhà này sang nhà khác để tìm xin người ta giúp đỡ. Chắc người ta nói đùa với ngài rằng tôi là một nhà thơ đại tài chứ gì? Quả tình hồi trước tôi cũng có viết một vài bài thơ trào phúng rất dở, nhưng nhờ trời, tôi không có gì dính dáng đến các ngài thi sĩ và tôi không hề có ý muốn dính dáng tới họ một mảy may nào. Người Ý đáng thương đâm lúng túng. Anh ta đưa mắt nhìn quanh. Những bức tranh, những bức tượng bằng cẩm thạch, bằng đồng đen, những thứ đồ chơi đắt tiền bày trên những chiếu giá kiểu gô-tích khiến cho anh ta bối rối thêm. Người lạ hiểu rằng giữa chàng đanđy**** kiêu căng mặc áo choàng lụa Tầu thêu kim tuyến, thắt khăn san vóc Thổ Nhĩ Kỳ, đội mũ chụp gấm có tua đang đứng trước mặt anh ta, một nghệ sĩ nghèo đi tha phương cầu thực, cổ thắt cra-vát cũ sờn, mình mặc chiếc áo lễ bạc thếch, không hề có gì giống nhau cả. Khách bèn lắp bắp vài câu xin lỗi vô nghĩa, cúi chào và toan lui ra. Cái vẻ lủi thủi tội nghiệp của anh ta làm cho Tsarxki mủi lòng thương hại: mặc dù tính tình có phần nhỏ nhen, nhưng Tsarxki cũng không phải không có một tấm lòng cao thượng biết thương người. Chàng thấy hổ thẹn về cái tính tự ái quá dễ phát bẳn của mình. - Ông đi đâu thế? – Tsarxki hỏi khách. – Ông đợi một tí... Vừa rồi tôi chỉ muốn từ chối một danh hiệu mà tôi không đáng được nhận và thú nhận với ông rằng tôi không phải là một nhà thơ, chỉ có thế. Nào bây giờ ta nói chuyện về công việc của ông. Tôi rất sẵn sàng giúp đỡ ông, nếu là những việc tôi có thể làm được. Ông là nhạc sĩ, có phải không? - Eccelenza*****, không ạ, - người Ý đáp, - tôi chỉ là một người làm thơ ứng tác thôi ạ. - Làm thơ ứng tác? – Tsarxki thốt lên, bây giờ chàng đã thấy rõ tất cả cái tàn nhẫn của thái độ mình lúc nãy. - Tại sao ông không nói từ đầu, rằng ông là một nhà thơ ứng tác? – Và Tsarxki siết chặt tay khách, lòng thành thật hối hận. Thái độ vồn vã của chàng làm cho người Ý vững dạ. Anh ta liền thật thà trình gày cho Tsarxki nghe những dự định của mình. Tướng mạo của anh ta không có gì hấp dẫn; mà nay thì cần tiền; anh ta hy vọng rằng sang Nga may ra có thể kiếm được ít nhiều để gia đình đỡ túng bấn. Tsarxki chăm chú nghe anh nói. Chàng bảo người nghệ sĩ nghèo: - Tôi hy vọng rằng ông sẽ thành công: công chúng ở đây chưa bao giờ được nghe một nhà thơ ứng tác. Lòng hiếu kỳ sẽ được kích thích rất mạnh; sự thật thì ở đây ít người biết tiếng Ý, họ sẽ không hiểu được lời thơ của ông cho lắm; nhưng cũng chẳng sao cả; cái chính là làm sao để ông trở thành một người thời thượng. Nhà thơ ứng tác suy nghĩ một lát, rồi nói: - Nhưng nếu ở đây không ai hiểu tiếng Ý thì ai người ta đến nghe tôi làm gì? - Ông đừng sợ, thế mà họ cứ đến đấy; người thì đến vì tò mò, người thì đến để giết thì giờ, lại có người đến để tỏ ra rằng ta cũng biết tiếng Ý; tôi đã bảo là chỉ cần làm sao ông trở thành một người thời thượng thôi; mà ông thế nào cũng trở thành một người thời thượng, tôi xin cam đoan như vậy. Sau khi ghi lại địa chỉ của nhà thơ ứng tác, Tsarxki thân ái chia tay với anh ta, và ngay chiều hôm đó chàng bắt tay lo liệu cho anh ta. *- Ông ấy là như thế nào? - Ồ, đó là một người rất tài hoa, với giọng nói của mình, ông ấy muốn làm cái gì cũng được. – Thưa bà, nếu vậy thì ông ấy phải đem giọng nói làm quần mà mặc mới phải - tiếng Pháp.(1) **Thưa ngài, xin ngài thứ lỗi.... - tiếng Ý. ***Thưa ngài, tôi tưởng... tôi thấy... mong ngài thứ lỗi... - tiếng Ý. ****Người thích ăn diện, công tử bột - tiếng Anh. *****Thưa ngài - tiếng Ý. ĐÊM AI CẬP Alexander Pushkin www.dtv-ebook.com Chương 2: Đergiavin(4) Ngày hôm sau Tsarxki đi vào dãy hành lang tối tăm và bẩn thỉu của một quán trọ tìm phòng số 35. Chàng dừng lại trước cửa phòng và đưa tay gõ mấy tiếng. Người Ý hôm qua ra mở cửa. - Đại thắng lợi! – Tsarxki nói. – Công việc của ông ổn lắm rồi. Công tước phu nhân X. cho ông mượn phòng đấy; hôm qua trong một buổi dạ hội tôi đã rủ được nửa thành Pêterburg rồi đấy. Ông cho in vé và quảng cáo đi. Tôi xin cam đoan với ông là nếu không thành công chăng nữa, thì cũng thu được một số tiền kha khá... - Mà đó mới là cái chính! - người Ý kêu to, đồng thời biểu lộ nỗi vui mừng bằng những cử chỉ khoa chân múa tay thường thấy ở những người quê phương Nam. – Tôi biết rằng thế nào ông cũng giúp tôi mà. Corpo di Baccco!* Ông cũng như tôi, đều là nhà thơ cả; người ta nói thế nào thì nói, chứ đã là thi sĩ thì thế nào cũng là người tốt! Tôi biết lấy gì để cảm ơn ông đây? Xem nào... hay tôi ứng tác cho ông nghe một bài nhé? - Ứng tác à?... Chả nhẽ ông có thể ứng tác mà không cần có công chúng, không cần âm nhạc, không cần tiếng vỗ tay? - Cần gì, cần gì! Tìm đâu ra một công chúng tốt hơn nữa? Ông là nhà thơ, ông sẽ hiểu tôi hơn họ nhiều, và sự tán thưởng im lặng của ông đối với tôi còn quý gấp mấy những tràng vỗ tay ầm ĩ của họ... Ông ngồi tạm đâu đấy và ra đề cho tôi đi. Tsarxki ngồi lên một chiếc va-li (trong căn phòng chật hẹp có được hai cái ghế, thì một chiếc bị gãy, còn chiếc kia thì chất đầy giấy má và áo quần). Nhà thơ ứng tác với lấy cây đàn ghi –ta để trên bàn và đứng trước mặt Tsarxki đưa mấy ngón tay xương xẩu dạo qua vài nốt đợi chàng ra đề. Tsarxki nói: - Đây, ông thử làm đề này: nhà thơ tự chọn lấy đối tượng sáng tác; đám đông không có quyền chi phối cảm hứng của thi sỹ. Mắt người Ý sáng lên, anh ta dạo qua vài hợp âm, kiêu hãnh ngẩng đầu lên, và những thi tiết nồng nhiệt, thể hiện một cảm xúc tức thì, nhịp nhàng tuôn ra trên đôi môi của thi sĩ... Tsarxki nhớ thuộc lòng bài thơ đó. Một người bạn của chàng có ghi lại và chuyển cho tôi. Bài thơ như sau: ĐÊM AI CẬP Alexander Pushkin www.dtv-ebook.com Chương 3: Giá vé 10 rúp; mở màn lúc 7 giờ. Tờ quảng cáo Gian phòng của công tước phu nhân X. được dành cho cuộc biểu diễn của nhà thơ ứng tác. Người ta đã dựng lên một cái bục. Ghế ngồi được xếp thành mười hai hàng. Đến ngày đã định, đúng bảy giờ tối, gian phòng thắp đèn sáng trưng. Trước cửa đặt một cái bàn con có một người đàn bà mũi dài ngồi bán vé, đầu đội mũ dạ màu xám có cắm những chiếc lông chim gáy xơ xác, tay đeo đầy nhẫn. Ngoài cổng có mấy viên cảnh binh đứng. Công chúng bắt đầu lục tục kéo đến. Tsarxki là một trong những người đến sớm nhất. Chàng rất thiết tha với buổi biểu diễn và muốn gặp nhà thơ ứng tác để hỏi xem chàng ta đã hài lòng về những việc tổ chức trang trí chưa. Tsarxki gặp nhà thơ người Ý đang sốt ruột ngồi nhìn đồng hồ trong gian phòng bên; người Ý ăn mặc như một diễn viên trên sân khấu. Chàng ta vận toàn màu đen từ đầu đến chân. Cái cổ sơ-mi thêu đăng ten để hở ra, và màu da trắng bệch trên cổ tương phản một cách kỳ dị với bộ râu đen rậm rạp. Mái tóc nhà thơ rủ xuống từng chùm viền lấy vầng trán và đôi lông mày. Những thứ đó không làm cho Tsarxki vừa lòng lắm: chàng thấy khó chịu khi thấy một nhà thơ mà lại ăn mặc như một thằng hề như vậy. Tsarxki hỏi thăm anh ta dăm ba câu và ra ngồi ở phòng ngoài. Bấy giờ công chúng đến mỗi lúc một đông. Chẳng bao lâu các dãy ghế bành đã chật những khách nữ giới ăn mặc cực kỳ sang trọng. Nam giới thì đứng vòng quanh thành một cái khung chật ở cạnh bục, dọc hai bên tường và sau hàng ghế cuối cùng. Các nhạc công đặt giá nhạc và ngồi ở hai bên bục. Ở giữa, trên một chiếc bàn có đặt một cái bình sứ. Công chúng đến rất đông. Mọi người đều nóng lòng chờ buổi biểu diễn bắt đầu. Cuối cùng đến bảy giờ rưỡi các nhạc công rục rịch soạn sửa, rồi bắt đầu chơi đoạn nhạc mở màn của vở Tăngkrét(7). Mọi người đều ngồi vào chỗ và im lặng. Những phách cuối cùng của đoạn nhạc mở màn đã cử xong... Nhà thơ ứng tác bước ra, tiếng vỗ tay từ bốn phía nổi lên vang dội. Người Ý vừa cúi chào, vừa đi ra đến tận ngoài lề cái bục. Tsarxki sốt ruột chờ xem cái phút đầu này gây một ấn tượng như thế nào, nhưng chàng để ý thấy rằng cách phục sức của người Ý mà chàng thấy khó chịu, lại không hề gây nên trong công chúng một ấn tượng như thế. Ngay bản thân chàng cũng không thấy anh ta có gì buồn cười khi trông thấy anh ta ở trên bục, khuôn mặt tái xanh, dưới ánh sáng rực rỡ của cây đèn treo và đèn nến. Tiếng vỗ tay đã ngớt, tiếng nói chuyện im hẳn... Người Ý dùng một thứ tiếng Pháp lơ lớ thỉnh cầu các quý khách ra cho một số đề, vị nào ra đề sẽ viết nó vào một mảnh giấy riêng. Trước lời thỉnh cầu đột ngột đó mọi người đều im lặng đưa mắt nhìn nhau, chẳng ai đáp lại lấy một lời. Người Ý đứng đợi một lát, rồi nhắc lại lời thỉnh cầu lúc nãy với một giọng rụt rè, nhỏ nhẻ. Tsarxki bấy giờ đứng ngay ở bên cạnh bục. Chàng bắt đầu thấy lo lắng bứt rứt; chàng thấy trước rằng không có chàng thì e việc này không xong, và thế nào rồi chàng cũng phải viết đầu đề của mình ra. Quả nhiên mấy cái đầu phụ nữ đã quay sang phía chàng và bắt đầu cất tiếng gọi chàng, lúc đầu họ còn gọi khe khẽ, sau càng ngày càng to dần. Nghe tên Tsarxki, nhà thơ ứng tác liền đưa mắt tìm chàng ở phía dưới chân mình, rồi trao cho chàng một cây bút chì và mảnh giấy, miệng mỉm cười thân ái. Phải đóng một vai trò trong tấn hài kịch này, Tsarxki rất khó chịu, nhưng bây giờ không còn biết làm thế nào nữa; chàng cầm lấy cây bút chì và mảnh giấy trên tay người Ý viết mấy chữ vào đấy. Người Ý từ trên bục bước xuống, đến lấy cái bình để trên bàn đưa cho Tsarxki. Tsarxki bỏ mảnh giấy của mình vào bình. Guơng của chàng có tác dụng ngay; hai nhà báo, với tư cách là những người hoạt động văn học, tự thấy có nhiệm vụ mỗi người viết một đề. Viên thư ký đại sứ quá Nêapôn và một chàng thanh niên vừa mới đi du lịch về và trí óc đang còn mơ tưởng thành Phlôrenxi cũng ra đề bỏ vào bình. Cuối cùng một cô con gái xấu xí, theo lệnh của bà mẹ, nước mắt lưng tròng, cũng viết mấy dòng bằng tiếng Ý và đỏ mặt tía tai đưa cho nhà thơ ứng tác, trong khi các bà các cô khác nhìn cô ta, trên nét mặt thoáng vẻ giễu cợt. Trở về bục, nhà thơ ứng tác đặt chiếc bình lên bàn và bắt đầu lần lượt lấy mấy mảnh giấy ra đọc to từng mảnh một: Gia đình Tsentsi. (La famiglia dei Cenci.) L’ultimo giorno di Pompeia. Cleopatra e i suoi amanti. La primavera veduta da una prigione. Il trionfo di Tasso. (Gia đình Tsentsi. – Ngày cuối cùng của thành Pômpei. – Clêôpatra và các tình nhân của bà ta. – Mùa xuân nhìn qua cửa ngục. Cuộc khải hoàn của Tasso - tiếng Ý)(8) - Thưa quý vị, ý quý vị thế nào ạ! - người Ý rụt rè hỏi đám công chúng. – Bây giờ tôi tự chọn lấy một trong các đề tài đã ra hay cần phải bắt thăm để quyết định ạ? Trong đám đông có tiếng nói: - Bắt thăm! - Bắt thăm, bắt thăm! – công chúng lặp lại. Nhà thơ ứng tác lại từ trên bục bước xuống, tay cầm chiếc bình, hỏi công chúng: - Vị nào vui lòng muốn rút thăm xem cần phải chọn đề nào đây ạ? – Nhà thơ ứng tác đưa mắt van lơn nhìn qua mấy dãy ghế trước. Trong số các cô các bà ăn mặc sang trọng ngồi ở đấy không có ai nhúc nhích. Nhà thơ Ý chưa quen với cái vẻ lạnh nhạt của người phương Bắc nên hình như khổ tâm lắm... Chợt chàng ta trông thấy phía bên cạnh có một bàn tay nho nhỏ đi găng trắng giơ lên. Chàng háo hức quay sang phía đó và đến gần một thiếu nữ xinh đẹp ngồi một cách trang trọng ở cuối dãy ghế thứ hai. Cô thiếu nữ không chút ngượng nghịu thò bàn tay quý phái vào bình và, với cử chỉ hết sức tự nhiên đơn giản, rút ra một mảnh giấy. Nhà thơ ứng tác bảo thiếu nữ: - Xin cô làm ơn mở ra và đọc lên cho. Cô thiếu nữ mở mảnh giấy ra và đọc: - Cleopatra e i suoi amanti. Cô thiếu nữ đọc rất khẽ, nhưng trong phòng bấy giờ im phăng phắc nên ai nấy đều nghe rõ mồn một. Nhà thơ ứng tác cúi mình rất thấp chào cô thiếu nữ, vẻ biết ơn sâu sắc, và trở về chiếc bục của mình, quay về phía công chúng nói: - Thưa quý vị, như vậy là tôi phải ứng tác theo đề tài "Clêôpatơra và các tình nhân của bà". Tôi xin trân trọng yêu cầu vị nào đã ra đề này cho biết rõ ý: vị đó muốn nói đến những người tình nào, perché la grande regina n’aveva molto... (vì vị nữ hoàng vốn có nhiều tình nhân lắm... – tiếng Ý) Nghe nói đoạn nhiều vị khách nam giới cuời rất to tiếng. Nhà thơ ứng tác hơi luống cuống. Chàng nói tiếp: - Tôi muốn hỏi vị nào đã chọn đề tài này xem vị đó có ý ám chỉ cố sự lịch sử nào... Nếu vị đó có lòng giải thích rõ, tôi xin cảm ơn vạn bội. Không có ai chịu trả lời ngay cho. Một vài thiếu phụ nhìn sang phía người thiếu nữ xấu xí lúc nãy đã viết đề theo lệnh của bà mẹ. Người con gái đáng thượng nhận thấy sự chú ý thiếu thiện cảm này và cảm thấy bối rối, đến nỗi nước mắt chảy ướt cả hàng mi... Tsarxki trông thấy thế không sao đành lòng được. Chàng quay sang phía nhà thơ ứng tác và nói với anh ta bằng tiếng Ý: - Đề đó chính tôi ra. Tôi muốn nói đến một mẩu chuyện do Avrêlia Víchto(9) kể lại. Theo câu chuyện này thì nữ hoàng Clêôpatơra có lần đã định giá một đêm ân ái của mình là một mạng người, và đã có những người không thấy sợ hãi và ghê tởm trước điều kiện này... Nhưng tôi thấy hình như đề tài này hơi khó khăn một chút... có lẽ chọn một đề tài khác chăng?... Nhưng nhà thơ ứng tác đã bắt đầu cảm thấy hơi thở của thần thi ca... Chàng ra hiệu cho các nhạc công bắt đầu cử nhạc. Sắc mặt chàng tái xanh đi một cách kinh khủng, chàng run lên như đang cơn sốt; mắt chàng sáng lên một tia lửa thần diệu; chàng lấy tay hất mái tóc đen nhánh, dùng khăn mùi – soa lau vầng trán cao lấm tấm mồ hôi... rồi bỗng bước tới trước, khoanh tay trước ngực thành hình chữ thập... Âm nhạc ngừng... Cuộc ứng tác bắt đầu. Lâu đài rực sáng. Tiếng đồng ca, Tiếng đàn ngân theo tiếng sáo chung hoà. Nữ hoàng đấy, mắt đưa cùng tiếng nói Làm tưng bừng thêm tiệc lớn nguy nga; Những trári tim vươn sát tới ngai vàng, Bỗng nữ hoàng nghiêng mái đầu diễm lệ Trên chén vàng, dáng trầm lặng nghĩ suy... Và tiệc lớn huy hoàng như lặng thiếp ngay đi... Khách bặt tiếng và im ngừng giọng hát. Nhưng nữ hoàng lại bừng vui khoé mắt, Ngầng đầu lên dõng dạc tiếng truyền đưa: - Được ái ân cùng ta là diễm phúc các người ư? Diễm phúc ấy các ngươi mua được đấy! Hãy im lặng nghe lời ta phán dạy: Giữa chúng ta, ta muốn xoá rào ngăn, Ai sẽ cùng ta mua bán ái ân? Ái ân ấy phen này ta sẽ bán; Hãy nói đi ai là người sẽ dám Mua một đêm ân ái với riêng ta, Và trả bằng tính mệnh chẳng kêu ca! Nữ hoàng phán – và mọi người kinh hãi Và bao nhiêu trái tim rung vì lửa lòng rực cháy... Nàng lắng nghe: bối rối tiếng thì thầm, Gương mặt lạnh lùng, ngạo nghễ dửng dưng, Và khinh khỉnh mắt đưa nhìn mọi kẻ Đang ước mơ mình mà nỗi lòng không dám hé... Bỗng một người rẽ vội đám đông lên, Và tiếp buớc là hai chàng khác nữa. Thế hiên ngang, mắt ngời như ánh lửa; Nàng đứng lên nghênh tiếp ba người Lòng thuận lòng ba tối trắng mua vui Và chăn gối cõi âm đang dập dồn gọi họ. Và kìa trông các thầy phù thuỷ nọ Đã dốc bình định mệnh sẵn trong tay Trước mặt bao người đang lặng đứng nơi đây; Ba chiếc thăm định kẻ sau người trước. Và Phlavi là tên người thứ nhất, Đã lừng danh tay tráng sĩ can trường, Trong đoàn quân La Mã ruổi muôn phương; Từng dạn gót bàn chân nơi trận địa; Không chịu nổi nữ hoàng kia ngạo nghễ, Quá khinh người vênh váo kiu căng; Chàng nhận lời thách thức ái ân Như đã nhận, những ngày trên trận tuyến Lời thách thức bước vào huyết chiến. Tiếp theo chàng: vị hiền triết Critôn, Tuổi thiếu niên, nhưng tiếng đã vang đồn, Chàng sinh trưởng trong cánh rừng hút gió Của Êpiquya(10) và tôn thờ ngưỡng mộ Kipriđa(11), Kharít(12) và Amua(13). Trông dáng chàng mắt ngắm thảy đều ưa, Như một đoá hoa xuân vừa hé nở. Người sau rốt, tên chẳng truyền trong sử, Trên má chàng mơn mởn chớm lông tơ, Trên mắt chàng lóng lánh ánh lửa say mơ, Và sức mạnh ái ân dường sóng bể Sôi sục dậy trong tim chàng son trẻ, Và nữ hoàng kinh ngạc ngước trông chàng. - Ôi! Nữ thần của lạc thú truy hoan, Ta nguyện sẽ cúi bên người phụng sự Như một kẻ trên đời chưa từng có Ta tới nơi như một kẻ nữ tỳ Trên gối chăn của ân ái mê ly. Hãy nghe đây, hỡi nữ thần Kipriđa, Các ngươi nữa, hỡi các thần địa ngục, Hỡi các thần của Aít(14) hung tà! Ta nguyện thề đến tận sáng mai ra Cho đến phút bình minh bừng toả sáng, Ta nguyện quyết sẽ làm cho thoả mãn Những lòng người lửa dục đang bùng lên, Ta sẽ làm mê mẩn đến cuồng điên Những kẻ chiếm thân ta và sẽ làm sáng rõ Những bí quyết ái ân đã từng che giấu họ, Với khoái lạc thần tiên mãn nguyện tràn đầy. Nhưng hễ chúa bình minh vĩnh cửu đã vung tay Tung ánh sáng lên trời cao chói đỏ, Ta thề - dưới lưỡi dao thần đao phủ Đầu những người diễm phúc sẽ băng rơi. ĐÊM AI CẬP Alexander Pushkin www.dtv-ebook.com Phụ Lục - Đêm Ai Cập Thoạt đầu Puskin đặt tên cho truyện này là "Clêôpatơra". Ông viết vào mùa thu năm 1835 ở Mikhailốpxkôiê. Tác phẩm không đuợc hoàn thành trọn vẹn. Có lẽ Puskin sử dụng trích đoạn trường ca bỏ dở "Êderxki" (1833) và bài thơ về Clêôpatơra viết năm 1824 và đuợc viết lại năm 1828 của mình đua vào truyện làm lời ứng tác của nghệ sĩ Ý. Hình tượng nhà thơ ứng tác có thể có đuợc do ấn tượng sau các buổi trình diễn của người Đức tên là Mắc Langhesvartxơ đến nước Nga năm 1832. Người bạn gần gũi của Puskin, nhà thơ Ba Lan Ađam Mitxkiêvích cũng có tài ứng tác thơ. Ở hình tượng Tsarxki, Puskin đua vào một số nét tiểu sử của bản thân. Truyện "Đêm Ai Cập" lần đầu in sau khi nhà thơ đã qua đời, trong tạp chí "Người đuơng thời" (1837, t. VIII). 1) Đề từ này lấy ở "Tùng thư trò chơi chữ" (1771) của hầu tước Biơvrơ. 2) Món kem sữa làm ở cửa hàng kẹo bánh của Rêdanốp ở Pêterburg. 3) Métxenát - người đỡ đầu khoa học và nghệ thuật; gọi theo tên một nhà quý tộc giàu có ở Rôm, nổi tiếng che chở các nhà thơ và hoạ sĩ. 4) Đề từ trích trong bài tụng ca "Thượng đế" (1784) của G. Đergiavin. 5) Đexđêmôna - nữ nhân vật trong bi kịch "Ôtenlô" (1604) của U. Sếchxpia. 6) La singnora Catalani - bà Catalani Angiêlica (1780-1849) - nữ ca sĩ nổi tiếng người Ý, những năm 20 thế kỷ XIX sang biểu diễn ở Pêterburg. 7) "Tăngkrét" (1813) - nhạc kịch của nhạc sĩ Ý Gioakinô Rôxinhi (1792- 1868) dựa trên cốt truyện bi kịch cùng tên của Vônte (1760). Đuợc công diễn ở Pêterburg vào mùa biểu diễn năm 1834-1835. 8) Gia đình Tsentsi - một gia đình quyền quý ở La Mã. Năm 1598 các thành viên của gia đình này bị truy tố vì tội giết người cha của gia đình là Phrantsexcô Tsentxi. Cảnh sát của Giáo hoàng Klimen VIII dò la đuợc rằng tham gia vào vụ giết người này có cô con gái của Phrantsexcô - cô Bêatơritsê xinh đẹp, em trai cô ta và dì ghẻ của họ, vợ Phrantsexcô là Lukrêtxia Pêtơrônhi. Mặc dù toà án đã rõ ràng việc giết người có nguyên nhân là sự lăng nhục quá đáng của gã Phrantsexcô truỵ lạc và chuyên quyền đối với các thành viên trong gia đình, nhưng các bị cáo vẫn bị kết án tử hình. Thái độ kiên quyết của Bêatơritsê thể hiện trong khi bị tra tấn và lúc lên đoạn đầu đài đã khiến cho mọi người thương cảm. Lịch sử gia đình Tsentsi là cơ sở cho một loạt tác phẩm văn học. Ngày cuối cùng của thành Pômpei. - Chủ đề để ứng tác thơ có lẽ đuợc gợi ra bởi bức tranh của Cáclơ Pêtơrôvích Briulốp (1799-1852) đuợc trưng bày ở Pêterburg năm 1834 và gây tiếng vang lớn trong dư luận. Clêôpatơra và các tình nhân của bà. – Clêôpatơra (69-30 trước công nguyên) - nữ hoàng cuối cùng của Ai Cập. Triều đại của bà ta trùng với giai đoạn Ai Cập bị La Mã chinh phục. Nhằm giữ được quyền binh trong tay mình, Clêôpatơra đã gắn bó số phận của mình khi thì với Xêda, lúc thì với Mắccơ Antôni (thống lĩnh quân đội La Mã đã chạy sang Ai Cập). Khi Mắccơ Antôni bị Ốctavian đánh bại, Clêôpatơra đã uống thuốc độc tự tử, và Ai Cập bị sáp nhập với La Mã. Clêôpatơra nổi tiếng vì trí thông minh, vì sắc đẹp hiếm có, vì tri thức và thói truỵ lạc. Hình tượng Clêôpatơra và số phận của bà ta là đề tài của nhiều tác phẩm văn học. Mùa xuân nhìn qua cửa ngục. – Đề tài có lẽ được gợi ra bởi chi tiết trong cuốn sách nổi tiếng lúc đó của nhà văn và nhà hoạt động chính trị Ý Xinviô Penlicô (189-1854) "Những nhà ngục của tôi" (1832) Cuộc khải hoàn của Tasso. - Tốcvatô Tasso (1544-1595) – nhà thơ Ý nổi tiếng thời Phục Hưng. Sống dưới triều quận công Phêrarơxki Anphôngxơ II. Do nhhững mưu toan thoán đoạt trong cung đình nên bị giam vào ngục, đến cuối đời vẫn bị truy nã và bị chết trong nhà tu ít lâu trước khi được vòng nguyệt quế ở Kapitôlia. Về đề tài này K.N. Bachiuskốp (1787-1855) đã viết bản sầu ca "Tasso hấp hối" (1817). 9) Ý nói tình tiết trong cuốn sách "Về những con người danh tiếng của thành La Mã" mà người ta cho là của nhà văn và nhà sử học La Mã cổ đại Xếchxtơ Avrêlia Víchto (thế kỷ IV sau công nguyên). 10) Êpiquya - triết gia duy vật cổ Hy Lạp thế kỷ IV-III trước công nguyên, cho rằng mục đích cuộc sống là hướng khoái lạc. 11) Kipriđa – tên gọi nữ thần tình yêu của người Hy Lạp cổ đại. 12) Kharít – trong thần thoại cổ Hy Lạp thì ba chị em nữ thần tượng trưng cho sự duyên dáng và lôi cuốn. 13) Amua – thần tình yêu của người La Mã cổ đại. Được thể hiện qua hình hài một chú bé trần truồng có đôi cánh sau lưng và bộ cung tên. 14) Aít – theo thần thoại cổ Hy Lạp, đó là thần của âm phủ và của vương quốc các người chết. Thủy Nguyên dịch """