"
Dear Raulph Lauren PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Dear Raulph Lauren PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
Dear Ralph Lauren
Tác giả: Son Bo-Mi
Người dịch: Nguyễn Thị Thu Hà Phát hành: Thái Hà
Nhà xuất bản Hà Nội 2022 —★—
ebook©vctvegroup
Lời giới thiệu
Jong-su, một chàng trai Hàn Quốc, bất ngờ bị đuổi khỏi phòng nghiên cứu của tiến sĩ Giku tại New York, Mỹ. Trong khi thu dọn đồ dùng cá nhân để rời đi, cậu phát hiện ra một bức thư - mà suốt mấy năm qua cậu không còn lưu lại trong ký ức - của cô bạn gái thời trung học. Lời thư và ký ức về cô bạn đã dẫn Jong-su bước vào một cuộc phiêu lưu đặc biệt - tìm hiểu về cuộc đời của Ralph Lauren - nhà thiết kế thời trang nổi tiếng của Mỹ.
Với tính chất của một tiểu thuyết hư cấu, lấy cảm hứng nguyên mẫu là Ralph Lauren - một con người có thật, tác giả Son Bo-mi đã xây dựng nên một thế giới tiểu thuyết rất riêng mang màu sắc cá nhân của cô, do chính cô sáng tạo. Đó là “câu chuyện của những nhân vật sống trong thế giới có “Ralph Lauren gặp gỡ Joseph Frankl vào năm 1954”. Chính vì thế mặc dù nhân vật Ralph Lauren trong tiểu thuyết có điểm tương đồng nào đó so với nguyên mẫu ngoài đời hoặc có những nhân vật, sự việc, tình tiết nào đó trong tiểu thuyết có hiện hữu trong thế giới chúng ta đang sống nhưng như lời tác giả, đó hoàn toàn là sự “trùng hợp ngẫu nhiên” và hoàn toàn là sản phẩm của sự hư cấu.
Một điểm đặc biệt của tiểu thuyết chính là ở cách tác giả đã khéo léo sắp đặt, dẫn dắt ngay “Lời tựa” (Lời của nhân vật “tôi” trong tiểu thuyết) khiến cho tác phẩm như thể một câu chuyện có thật, như một cuốn hồi ký được ghi lại từ những “nhân chứng sống”, chỉ đến những trang cuối độc giả mới vỡ lẽ đây cũng chỉ là một câu chuyện hư cấu.
Lấy cảm hứng từ Ralph Lauren nhưng cuộc đời ông không phải là nội dung chính của tác phẩm, mà đó gần như là nguyên cớ để tác giả xây dựng chân dung những con người khác và xây dựng chân dung chính mình. Và thứ đọng lại nhiều nhất, có lẽ không phải là chân dung của bất kỳ ai, mà đó là ấn tượng về cuộc đời của những
con người trong xã hội hiện đại - những người trải qua đổ vỡ, thất bại, hẫng hụt, sống trong những lo lắng, bất an vẫn đang loay hoay trên hành trình đi tìm giá trị, hạnh phúc cho chính mình.
Về tác giả
Sinh năm 1980 ở Seoul, Son Bo-mi chính thức bắt đầu con đường sáng tác văn chương khi đoạt giải Nhà văn mới Văn học thế kỷ 21 năm 2009 và được biết đến rộng rãi khi truyện ngắn Chiếc chăn được giải Văn nghệ Tân xuân Nhật báo DongA năm 2011. Ngoài ra, cô còn có tuyển tập truyện ngắn Lindy Hop For Them (Lindy Hop với họ) gây được tiếng vang lớn. Là nhà văn trẻ, nhưng Son Bo-mi khiến nhiều người ngưỡng mộ với nhiều giải thưởng giá trị như Giải Nhà văn trẻ 2012, Giải Nhà văn trẻ 2013, Giải Nhà văn trẻ 2014, Giải Nhà văn trẻ 2015, Giải Văn học Nhật báo Hankuk lần thứ 46, Giải Văn học Kim Jun Seong lần thứ 21.
“Nhiều lúc tôi nghĩ liệu tiểu thuyết gia có giống với người ngoài hành tinh có kính viễn vọng vô cùng tốt không. Liệu có phải họ nhìn thấy ánh sáng của đốm lửa nhỏ từ một hành tinh xa tít tắp rồi cuối cùng phát hiện ra khuôn mặt - nét mặt của người đó trong ánh lửa ấy không? Thế rồi anh ta vừa đau lòng, vừa an tâm, vừa thở dài, đôi khi lại nổi giận vì người đó.
Tôi chỉ mong mỏi với tấm lòng chất phác: một lần tôi được ngắm nhìn trọn vẹn thế giới tồn tại “rất” “xa” tôi, và khuôn mặt của những người đang sống ở thế giới đó”. (Trích Lời tác giả)
Lời tựa
Có thể với nhiều người, năm 1954 được nhớ đến là năm Marilyn Monroe ghé thăm Seoul. Tháng Một năm đó, cô kết hôn với cầu thủ bóng chày huyền thoại Joe DiMaggio và bay tới Tokyo để hưởng tuần trăng mật một tháng sau đó. Chuyến đi Tokyo của họ được thực hiện dưới lời mời của đội bóng chày Yomiuri Giants. Có vẻ cô không kỳ vọng nhiều vào chuyến du lịch trăng mật này. Marilyn Monroe từng viết trong cuốn tự truyện Câu chuyện của tôi như sau: “Trở thành ngôi sao giống như sống trên vòng xoay ngựa gỗ”. Và cô viết thêm rằng: “Cả khi đi du lịch, tôi cũng mang theo vòng xoay ngựa gỗ. (...) Chủ yếu những thứ tôi nhìn thấy đều là những bài báo giống y chang nhau, những loại người giống y nhau đến phỏng vấn và những bức ảnh ở cùng một bố cục mà tôi đã chụp”. Lý do này hẳn cũng tác động tới việc cô ấy đã không ngần ngại mà chấp nhận lời đề nghị ngẫu hứng của tướng Christenberry[1] mà cô tình cờ gặp trên chuyến bay đến Tokyo. Cô đã chuyển từ vòng xoay ngựa gỗ này sang vòng xoay ngựa gỗ kia. Tướng Christenberry đã hỏi cô rằng: “Cô thấy thế nào khi nhân tiện tới Nhật Bản thì ghé qua Hàn Quốc để công diễn động viên quân nhân?”. Rất lâu sau này (một thời gian dài sau khi Marilyn Monroe chết), DiMaggio hồi tưởng lại chuyện này và nói rằng ông cảm thấy vô cùng khó chịu. Bởi vì ông đọc thấy trong câu nói của vị tướng đó ý đồ muốn chỉ trích và cười cợt một cách sỗ sàng cuộc hôn nhân hạnh phúc của họ (tất nhiên cuộc hôn nhân hạnh phúc đó chẳng kéo dài). Ông cảm thấy vị tướng đó như muốn nói với họ rằng: “Các người có thể hôn nhau vì có những người chiến đấu thay cho các người”. Tất nhiên, có thể đó chỉ là đoán mò. Có thể Monroe chẳng hề nghĩ theo cách đó. Hẳn cô chỉ coi như mình đang di chuyển tới một vòng xoay ngựa gỗ khác thú vị hơn đôi chút. Tức là, từ vòng xoay ngựa gỗ ngồi cùng chồng, cô chuyển sang vòng xoay ngựa gỗ chỉ mình cô chiếm lĩnh. Không biết
chừng cô còn cảm thấy cái vòng xoay ngựa gỗ mà hai người cùng ngồi đang kêu kẽo kẹt sắp hỏng. Cô đã giải thích tình huống lúc đó trong Câu chuyện của tôi như sau: “DiMaggio trả lời ‘(Tôi) có thể làm mọi thứ tôi muốn’ rồi ‘vừa cười khẩy’ vừa nói ‘(với tôi) Đi thôi!’”. Nhưng thực tế, mọi chuyện không diễn ra suôn sẻ. Dù không cần thiết, nhưng ngay khi vừa tới Tokyo, Monroe đã đổi máy bay bay sang Hàn Quốc, còn DiMaggio một mình ở lại Tokyo thực hiện lịch trình đã lên kế hoạch. Và họ đã đặt dấu chấm hết cho cuộc sống hôn nhân sau khoảng chín tháng.
Không biết chừng cuộc hôn nhân của họ đã chấm dứt từ khi DiMaggio không theo cô ấy đến Hàn Quốc, hoặc khi Monroe không ở lại Tokyo cùng DiMaggio. Phần còn lại của cuộc sống hôn nhân mà họ đã sống cùng nhau hẳn giống như vòng xoay ngựa gỗ bị bỏ lại chỏng chơ trong công viên vắng hoe không một bóng người. Có rất ảnh của Monroe thời điểm đến thăm Hàn Quốc. Một trong số đó là bức ảnh cô mặc bộ đầm tím ôm sát cơ thể để lộ hoàn toàn bờ vai bất chấp buổi công diễn được thực hiện ngoài trời mùa đông. Cô đứng lên bục sân khấu, giang rộng hai cánh tay hướng lên bầu trời trông như đang chuếnh choáng với chính mình. Trông cô vô cùng (không cần cân nhắc từ khác) hạnh phúc. Dưới bục sân khấu, rất nhiều quân nhân hướng về cô hoan hô. Còn có một bức ảnh khác. Có vẻ lúc đó cô hoàn toàn không biết mình đang bị máy ảnh chụp. Mặc áo sơ mi denim màu xanh leo lên xe tải quân dụng, hai mắt cô đang dõi nhìn chăm chú đâu đó phía bên kia máy ảnh mà không có tiêu điểm, tựa như chẳng quan tâm đến bất cứ điều gì. Đôi khi tôi tò mò. Liệu cô ấy đang nhìn gì nhỉ?
Với những người khác, nhắc đến năm 1954 là nhắc đến năm nhà máy điện nguyên tử đầu tiên được xây dựng xong. Con người coi năng lượng nguyên tử là một loại kỳ tích. Nó giống như cây cầu giúp con người bước sang một thời kỳ khác, lộng lẫy và tuyệt đối không sụp đổ. Niềm tin đó vẫn không bị sụp đổ rất lâu sau này. Dù nhiều người đã chết thì niềm tin ấy vẫn vậy. Nước Mỹ thúc ngựa nghiên cứu vũ khí hạt nhân thông qua dự án Manhattan từ cuối thập niên 1930. Đa số các nhà khoa học ở đó đều tin tưởng rằng việc giành được kết quả nghiên cứu xuất sắc là cách tốt nhất để góp phần gìn
giữ hòa bình thế giới. Giám đốc dự án Manhattan Robert Oppenheimer cũng thế. Ngay cả khi việc thử nghiệm hạt nhân được đánh giá là mở ra “đoạn mở đầu của thời đại năng lượng nguyên tử chính thức” sau này (thử nghiệm bom nguyên tử đầu tiên được thực hiện gần Alamogordo New Mexico - Mỹ ngày 16 tháng Bảy năm 1945), thì điều này vẫn tiếp tục. Nhưng có một vài nhà khoa học phát hiện ra quan niệm của họ về năng lượng nguyên tử hoàn toàn sai lệch ngay sau khi cuộc thử nghiệm hạt nhân diễn ra. Thậm chí có cả ảnh về cuộc thử nghiệm nguyên tử. Nếu muốn thấy bức ảnh này, các bạn chỉ cần gõ “thử nghiệm hạt nhân” vào trang tìm kiếm Internet. Bối cảnh trong bức ảnh được giải thích là “0.016 giây sau khi phát nổ” hoàn toàn đen ngòm, chính giữa là lớp chất nhầy màu xám tro to đùng hình bán nguyệt trông như đang phồng lên. Mặt khác, nó cũng tương tự như ảnh chụp khoảnh khắc hình ảnh một giọt sữa rơi khỏi ống tiêm, nhưng ở đây chẳng có bất kỳ cảm giác gì là thoải mái hay sức sống đặc trưng của những bức ảnh tương tự như thế, tức là nó cho chúng ta cảm giác giống như nhìn thấy khuôn mặt và đồng tử của người nào đó đang đeo chiếc mặt nạ mịn màng có chất liệu tương tự da người - chẳng thể tìm thấy một lỗi nhỏ trên bề mặt. Phần lớn các nhà khoa học chứng kiến cảnh bom nguyên tử nổ trên thực tế chẳng thể xóa bỏ khuôn mặt - đồng tử của “cái chết” đó trong một thời gian dài. Oppenheimer không ngừng nhấn mạnh không được đưa vũ khí mà họ tạo ra vào bất kỳ cuộc chiến nào. Nhưng cuối cùng bom nguyên tử với cái tên (đáng yêu) “Little girl” được ném xuống Hiroshima ngày 6 tháng Tám năm 1945. Oppenheimer phát biểu sau vụ ném bom như sau: “Bàn tay tôi đã nhuộm máu”. Ông đã hoàn toàn thay đổi phương hướng của mình sau đó. Ông hoạt động ở Ủy ban Năng lượng Nguyên tử và bắt đầu tỏ rõ ý kiến phản đối nghiên cứu vũ khí hạt nhân. Vì thế, đầu thập niên 1950, Oppenheimer bị gắn mác là người theo chủ nghĩa cộng sản và cuối cùng bị chuyển sang Ủy ban Trưng cầu Ý kiến Bảo an Quốc gia năm 1954 (Oppenheimer trở thành đối tượng bị giám sát và điều tra liên tục cho tới tận khi ông chết). Khi Oppenheimer chịu nhục nhã phải ngồi vào ghế thẩm tra và bị đào xới mọi ngóc ngách của đời tư vì cái giá của việc phản đối vũ khí hạt nhân, Liên Xô đã mở ra thời đại năng lượng nguyên tử chính thức và xây dựng thành
công nhà máy điện nguyên tử đầu tiên trên thê giới ở Obninsk gần Moscow. Đó là chuyện của ba mươi năm trước khi xảy ra vụ tai nạn nhà máy điện Chernobyl và là chuyện của năm mươi bảy năm trước khi xảy ra vụ tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Công suất của nhà máy điện nguyên tử Obninsk là 5MW, công suất của nhà máy điện nguyên tử Calder Hall của Anh được xây dựng hai năm sau đó là 60MW, gấp mười hai lần Obninsk. Chỉ mấy năm sau, Liên Xô đã có thể xây dựng nhiều nhà máy điện có tính năng vượt trội hơn nhà máy điện Calder Hall, nhưng nhà máy điện Obninsk chỉ đứng đó phun năng lượng như con voi khổng lồ phun nước suốt những năm mươi năm kể từ khi xây dựng nhà máy điện Obninsk.
Với nhiều người khác, năm 1954 được nhớ đến là năm Hemingway nhận giải Nobel. Hemingway nghĩ mình là hiện thân của nam tính mà không một ai có thể theo kịp, nhưng mặt khác, ông củng sống khổ sở với cảm giác bất an vì bản thân ông không bao giờ được như thế. Ông vô cùng bận tâm tác phẩm của mình in bóng lên người khác theo cách nào, nhưng lại lo sợ người khác phát hiện ra việc ông suy nghĩ đến điều đó. Ông cố tránh xa những người liên tục thể hiện tình cảm với tác phẩm của mình và đôi khi còn gây khó khăn cho họ. Ông làm thế để mong dư luận nhìn mình như “người đàn ông chân chính” siêu việt. Người vừa là bạn vừa là nhà phê bình của mình là Edmund Wilson cũng nói về Hemingway thế này: “Hemingway đã tạo nên nhân vật mang tên Hemingway không chỉ không thể tin nổi mà còn đáng ghét. Rõ ràng ông là nhân vật tồi tệ nhất do chính ông tạo nên”. Năm 1950, khi Băng sông tới rừng (Across the River and into the Strees) được ông công bố với đầy hoài vọng sau đúng mười năm xuất bản Chuông nguyện hồn ai phải hứng chịu thất bại thảm khốc về mặt phê bình lẫn đại chúng, Hemingway lo lắng không biết việc thông báo đến mọi người thất bại đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mình. Ông thường xuyên xuất hiện công khai hơn bất cứ khi nào, cười khoái chí trong quán rượu và gieo rắc tin đồn với phụ nữ. Nhưng mặt khác, ông thể sẽ không quên tên “những người giống như để mắt xuống bàn chân” nói lời ác ý với tác phẩm của ông và thực tế ông không quên. Ông giấu kín chuyện đang tập trung viết tiểu thuyết và cho xuất bản Ông già và
biển cả năm 1952. Phản ứng với Ông già và biển cả thật bùng nổ. Ông xem phản ứng như thế là điều đương nhiên và ông nhận được ưu ái đáng được nhận. Một năm sau, năm 1953, ông nhận giải Pulitzer và sau đó được trao giải Nobel Văn học năm 1954. Đầu năm đó, vì trực tiếp lái máy bay và gặp tai nạn, ông đã không thể tham gia lễ trao giải nên đã viết bài diễn từ gửi tới Thụy Điển (Ông đã nghĩ việc mình không thể có mặt ở lễ trao giải vì tai nạn máy bay là một hình ảnh ấn tượng). Ông đã viết như sau: “Viết, ở đỉnh cao của nó, là sống một cuộc đời đơn độc. Nhà văn hoàn thành tác phẩm trong sự cô độc. Nếu là nhà văn thực sự xuất sắc thì mỗi ngày, anh ta đều phải đối mặt với sự cô đơn mãi mãi, hay trở thành một phần của nó, mỗi ngày”.
Với tôi, năm 1954 được nhớ đến là năm Ralph Lauren và Joseph Frankl gặp nhau. Là người Do Thái gốc Đức, Joseph Frankl đã dành mùa hè năm đó cho quyền anh. A không, không phải mùa hè năm đó mà gần như dành nửa đời mình cho quyền anh. Ông đã yêu quyền anh tới độ thích giới thiệu về mình như một “võ sĩ quyền anh”. Thậm chí, ông lựa chọn chơi quyền anh suốt mấy ngày thay vì đi nghỉ hè. Mùa hè năm 1954, vẫn đều đặn như “đi làm” ở phòng luyện tập quyền anh, Joseph Frankl đã gặp Ralph Lauren lần đầu trên đường phố. Cậu thiếu niên mười một tuổi đánh giày trên đường giới thiệu mình dưới cái tên Timothy Sanderson (Cái tên này quả nhiên cũng không phải là tên “thật” của ông). Thuở đó, có rất nhiều cậu bé đánh giày trong các con ngõ New York. Giữa chúng ngầm có quy định khu vực bản thân có thể làm việc, phía trước phòng tập quyền anh, nơi Ralph Lauren phụ trách là chỗ rất “bất lợi” cho việc đánh giày. Vì những người đến sân tập quyền anh gần như đều mặc quần áo và đi giày thể thao. Nhưng Ralph Lauren, tức Timothy có sự nhạy bén và táo bạo không đúng với tuổi. Joseph Frankl suốt đời chỉ mang giày thể thao vì ghét ăn vận lịch sự như thành bệnh và cậu thiếu niên đánh giày chuyên nghiệp này đã chia nhau cái kem trong suốt mùa hè rồi xây đắp tình bạn để đến khi mùa thu năm đó sắp hết, Joseph Frankl đã đưa Ralph Lauren về nhà mình.
Trong năm cuối cùng ở Mỹ, tôi đã miệt mài đuổi theo câu chuyện của Ralph Lauren và Joseph Frankl. Ngày nào cũng như ngày nào,
tôi đều tìm kiếm những người có liên quan, liên lạc, ám ảnh, bị đuổi, rồi lại quay về tìm kiếm những người khác liên quan đến ông. Tôi đã gặp hơn hai mươi người liên quan đến họ (chủ yếu là Joseph Frankl) và tìm hiểu tất cả các bài báo và sách. Chỉ những người đoán tôi là nhà văn hoặc phóng viên mới chịu gặp gỡ tôi, cuối cùng tôi nhận ra việc nhận mình là nhà văn sẽ tiện nhất cho “công việc đó”. Nhưng, “công việc” ư? Rốt cuộc tôi đã tiếp tục “công việc” đó với suy nghĩ gì? Sau này, khi tôi quay về Hàn Quốc, dì tôi (người duy nhất nghe kể nguyên xi mọi chuyện) đã tổng hợp tình huống đó một cách mạch lạc: “Cháu đã leo lên lưng cọp rồi”. Dì nói như thể chính mình cũng leo lên lưng cọp: “Không thể dừng lại đâu”. Dì nằm trên chiếc giường lạnh lẽo của bệnh viện - tất nhiên thực tế là nơi ấm áp và độ ẩm phù hợp hơn bất cứ nơi nào - vừa mỉm cười vừa nói thế này với tôi: “Cháu đã leo lên lưng cọp”, và dì nói thêm: “Ai cũng vậy thôi”. Tôi gật đầu, nhưng tiếc nuối vì chẳng thể tìm ra câu tục ngữ tuyệt hảo hơn. “Công việc” đó cũng tương tự như việc phân loại đống rác to lớn mà tôi đã tạo ra, xem cái gì không phải là rác và cái gì có thể tái sử dụng. Tất nhiên, dù có lựa chọn như thế thì nó cũng chỉ có thể trở thành vật phẩm tái sử dụng, chứ không thể trở thành báu vật. Để xem nào, có những người khẳng định rằng có thể tìm thấy thứ có giá trị trong đống rác, và thực tế cũng có thể có người làm được điều đó, nhưng bất hạnh thay, tôi không thuộc loại đó.
Có nhiều người đóng vai trò quan trọng trong việc giúp tôi viết nên cuốn sách này. Trước mắt, tất cả những người xuất hiện trong cuốn sách này đều quan trọng. Tuy nhiên, có một người mà tôi đặc biệt muốn nhắc đến là tiểu thuyết gia S. mà tôi quen. Ông không ngừng khẳng định tôi phải viết câu chuyện này, ông còn trực tiếp viết truyện ngắn với tiêu đề “Gửi Ralph Lauren” dành cho tôi. Trong lúc đọc truyện ngắn đó, có cái gì đó bên trong con người tôi liên tục thúc giục tôi. Tôi cảm nhận sự ngắt quãng giữa câu với câu và đọc được sự ngập ngừng mơ hồ giữa lời thoại với lời thoại. Truyện cũng có quá nhiều thứ rút gọn. Đôi khi, nó còn lạnh lùng rút gọn những thứ nhất định cần thiết. Nếu truyện ngắn của ông hoàn toàn thành công (Rõ ràng S. sẽ hiểu về điều tôi nói), thì tôi đã không bắt đầu chắp bút.
Nhưng, như đã nói ở trên, tôi không phải là kiểu người có thể tìm ra thứ gì đó có “giá trị” trong đống rác. Dù nó có tốt thế nào cũng không thể vượt qua được số phận của một vật phẩm tái sử dụng. A không, nếu có thể làm đồ tái sử dụng thì đã quá tốt rồi. Cuốn sách này vẫn có nhiều ngắt quãng, ngập ngừng và rút gọn. Nhưng tôi quyết định hài lòng ở đây. Có một điều tiếc nuối là Shannon Hayes sẽ không thể hiểu cuốn sách này. Khi tôi nói tôi sẽ quay về Seoul, Shannon đã hỏi tôi có tiếp tục viết sách không, và nói nếu tôi viết thì nàng tò mò liệu nó sẽ được viết bằng tiếng Anh hay tiếng Hàn. Tất nhiên lúc đó tôi còn chưa viết bất cứ cái gì, và cũng không có ý định sẽ viết gì sau này. Lúc đó, chỉ là tôi đang nói dối nàng mà thôi. Và đó cũng là vấn đề liên tục giày vò tôi trong mấy năm qua. Thời gian dài đã trôi qua, nhưng dù sao thì tôi cũng được an ủi ở mức nào đó khi đã hoàn thành cuốn sách này. Dù có là như vậy, cuốn sách này mãi mãi sẽ chẳng thể đến được với Shannon Hayes.
Cuối cùng, cầu mong bà Rachel yên nghỉ nơi chín suối.
“ĐANG TRƯỢT BĂNG NGHỆ THUẬT Ở SÂN TRƯỢT BĂNG”
Hằng năm, cứ đến ngày 11 tháng Mười hai, ngay sau ngày trao giải Nobel là cửa phòng nghiên cứu của tiến sĩ Mitsuo Giku, giảng viên[2] khoa Vật lý trường Đại học New York lại trưng tờ thông báo “Đang trượt băng nghệ thuật ở sân trượt băng”. Tiến sĩ Giku, một người đàn ông độc thân người Mỹ gốc Nhật, gần 60 tuổi và được toàn thế giới công nhân năng lực ở lĩnh vực vật lý lý thuyết. Thầy cũng là giáo sư hướng dẫn thạc sĩ và tiến sĩ của tôi, nhưng giả có ai đó hỏi tôi về thầy thì có lẽ tôi sẽ trả lời như thế này: “Thầy là một người vô cùng sôi nổi và lịch thiệp”. Trừ những ngày mưa giông hay tuyết rơi, thầy thường vận bộ đồ tây ve xếch đính hai khuy áo cùng đôi giày Âu được cột dây một cách lịch lãm. Tóc dài chấm vai, cắt lớp và duy chỉ mỗi phần đuôi được uốn cong. Dù tóc đã nhuốm màu hoa râm vì không nhuộm nhưng nó vẫn đủ để trông thầy thật phong cách. Nếu bạn quan tâm đến thuyết vũ trụ song hành hay thuyết tương đối, hoặc thuyết siêu dây hay thuyết trường lượng tử, hoặc giả giống như tôi, chỉ quan tâm một chút xíu đến du hành thời gian thôi thì chắc hẳn bạn đã từng tìm xem những bộ phim tài liệu liên quan, và cũng có khi đã từng gặp thầy. Tôi được biết thầy đã xuất hiện trong hơn hai mươi bộ phim tài liệu khoa học và chương trình talkshow. Thầy vốn chẳng ngại xuất hiện trong các chương trình tiếp xúc với công chúng, mà trái lại, thầy còn thích thú với việc viết sách khoa học đại chúng lẫn các cuộc gặp gỡ độc giả trực tiếp. Dù đôi lúc (à không, thường xuyên) phải nghe những lời chế giễu từ các nhà khoa học trẻ rằng mình là nhà khoa học “háo danh”, “thành tích khoa học rỗng tuếch”, “thùng rỗng kêu to”, “con cáo già”, nhưng thầy vẫn rất bình thản.
Khi nhận được đề nghị xuất hiện trên truyền hình hay phim tài liệu, dù chỉ một cảnh rất ngắn, thầy cũng luôn đồng ý vô điều kiện, rồi liên chọn cho mình bộ đồ tây đẹp nhất để ghi hình. Nếu phía nhà sản xuất đề nghị thầy thay bằng bộ quần áo do họ chuẩn bị, thì dẫu họ có chuẩn bị chu đáo nhường nào, thầy vẫn chưa từng chấp nhận. Thầy cũng chẳng hề tỏ ý từ chối việc các chuyên gia trang điểm hóa trang cho mình trước khi ghi hình. Thầy thường nói với họ thầy, sẵn sàng làm bất cứ thứ gì, miễn có ích cho bộ phim. Nhưng riêng kiểu tóc, thầy tuyệt không chấp nhận sự can thiệp của một ai khác. Nhưng, vì không muốn làm hỏng tâm trạng của chuyên gia làm tóc nên thầy chỉ ngắm mình qua gương mà quan sát anh ấy (hoặc cô ấy) thực hiện thao tác này thao tác kia trên đầu mình, rồi khi tất thảy những công đoạn đó kết thúc, thầy thường bỏ vào nhà vệ sinh đổ hết mọi công sức của chuyên gia làm tóc xuống sông xuống biển bằng lược và nước. Thầy hành động kín đáo, nhưng ngẫm ra thì đó chỉ là hành động mang tính hình thức. Bởi lẽ (cũng là điều hiển nhiên), bất kỳ ai cũng sẽ lập tức phát hiện ra thầy trau chuốt gì đó lên mái tóc của mình. Công sức của mình bị phủi phui trong chớp mắt nhưng không chuyên gia làm tóc nào tỏ ra bất mãn, thậm chí một vài người quen việc còn không chạm tay vào kiểu tóc của thầy ngay từ đầu. Chẳng phải họ không có lòng tự tôn với nghề nghiệp của mình, mà bởi lẽ họ đều đã nếm đủ mùi đời (dù có khi họ còn trẻ hơn tiến sĩ Giku tới hai chục tuổi).
Bộ phim tài liệu mà tiến sĩ Giku yêu thích nhất là phim Tương lai của khoa học. Nó không thuộc thể loại phim mà thầy được xuất hiện với bộ đồ tây đẹp nhất, để kiểu tóc ngố ngố sau khi đã qua tay chuyên gia làm tóc lẫn tay mình, ngồi trong studio hay phòng làm việc cá nhân để chỉ phát biểu vài ý kiến một cách điềm đạm. Trong bộ phim tài liệu này, thầy lên hình liên tục. Tóm lại, thầy là “nhân vật chính”. Thầy đi qua đi lại trong không gian khuếch đại của nguyên tử và di chuyển từ điện tử này tới điện tử kia (lẽ dĩ nhiên, đó chỉ là đồ họa máy tính). Thầy những tưởng bộ phim này sẽ trở thành tác phẩm bom tấn, qua mặt cả Thực thể thế gian của Leonard Susskind hay Vũ trụ thanh lịch của Brain Greene, nhưng thật tiếc nó đã không được như vậy. Bằng chứng để phát hiện ra lòng mến mộ
của thầy với bộ phim này chính là cảnh thầy trượt băng nghệ thuật. Thầy mặc một chiếc áo lụa trắng cùng chiếc quần múa dành cho nam giới màu đen, quay người một cách vụng về trên sân trượt băng Wollman Memorial trong công viên Central. Thầy đam mê trượt băng nghệ thuật đã từ lâu, và còn thích khoe khoang điều này khắp nơi chẳng hề giấu giếm. Thế mà thầy tuyệt nhiên không bao giờ trượt băng ở sân Wollman Memorial. Thầy thường lui tới sân trượt băng ngoài trời trong công viên Bryant. Vì thầy tâm niệm (hơi mê tín), đây chính là nơi chứa đầy “năng lượng”, có thể thúc đẩy khả năng nghệ thuật của thầy lên đến đỉnh cao. Còn nữa, thầy tin rằng ngoại trừ công viên Bryant ra, các sân trượt băng khác, đặc biệt là sân Wollman Memorial luôn tấp nập các cô cậu “lính mới tò te”, nên việc trượt ở đó sẽ hủy hoại tính nghệ thuật của thầy.
Nhưng, khi quay bộ phim Tương lai của quá khứ thì vì lý do nào đó, cực chẳng đã, thầy đành phải trượt băng ở Wollman Memorial. Điều này cũng có nghĩa là thầy vẫn sẵn sàng làm bất cứ điều gì, miễn là vì bộ phim.
Thời gian tiến sĩ Giku đi trượt băng nghệ thuật cũng được định ra theo cách đó. Khi Stormer[3] - một người bạn cùng nhận bằng tiến sĩ vật lý với thầy ở Caltech[4] được trao giải Nobel vào năm 1977, thì từ sau đó, cứ đến đầu tháng Mười là thầy lại cảm thầy bồn chồn, bứt rứt. Ngay cả khi trời không mưa hay không có tuyết, thầy vẫn xuất hiện với đôi giày thể thao chống nước, hoặc cài lệch khuy áo vét. Cứ đến khoảng thời gian đó là thầy lại nghĩ ngợi một cách nghiêm túc về những thành tựu mình đã tích lũy, và cố phán đoán một cách khách quan trên lập trường của người khác. Đồng thời, thầy còn nỗ lực để đánh giá một cách lạnh lùng về thành tích của những người cạnh tranh với mình. Bên trong thầy, luôn có hai giọng nói đồng thời vang lên, một là, “Mitsuo, ông rất giỏi. Ông có đủ tư cách để giành được giải Nobel năm nay”, và hai là, “Tiến sĩ Giku, vẫn chưa được sao?”. Kết quả không cần bàn cãi gì thêm nữa, giọng nói hướng tới Giku đã đúng, chứ không phải là Mitsuo. Nói vậy nhưng thầy vẫn thường quả quyết (một cách vô thức) rằng sẽ phải mất ít nhất một năm mới xóa được cảm giác thất vọng bằng cách tự an ủi mình, “Tiến sĩ Giku, chưa được rồi” thay vì nói câu, “Tiến sĩ Giku, không
được đâu”. Nhưng, đó chỉ là những gì xảy ra trong đầu, và hằng năm thầy vẫn phải nghe tin các đối thủ cạnh tranh với mình lần lượt được trao giải Nobel.
Mỗi lần nghe tin, thầy thường vùi mình vào những nỗi niềm hỗn độn. Đến hẹn lại lên, thầy lại nghe thấy những tiếng nói bủa vây xung quanh - những tiếng chê bai coi thường thành tích của nhà khoa học, một cách rõ ràng và rành rọt. Thế nhưng, thầy chẳng mảy may bận lòng. Không ai thấy thầy thoảng nét thất vọng. Thầy cứ làm công việc của mình. Thế rồi đến ngày 11 tháng Mười hai thì cửa phòng nghiên cứu của thầy treo bảng thông báo, “Đang trượt băng nghê thuật ở sân băng”. Và trong khoảng một tháng, ngày nào thầy cũng có mặt ở sân trượt băng tới ba bốn tiếng đồng hồ. Khi mà mỗi ngày thầy chỉ có bốn tiếng để ngủ, thì có thể thấy thời gian thầy dành cho trượt băng nhiều đến mức nào. Thầy vùi mình vào môn trượt băng như muốn chứng minh với mọi người, với thầy, học thuật nghiên cứu chẳng mấy quan trọng. Khi “cuộc ngoại tình một tháng với giày trượt băng” kết thúc, thầy lại trở về là tiến sĩ Mitsuo Giku say mê nghiên cứu, viết sách, diễn thuyết trước đại chúng, tham dự lễ ký tên cho người hâm mộ, động viên hoặc phê bình, và đôi lúc còn can thiệp vào việc của sinh viên.
Thực ra hồi còn học cao học, tôi chưa từng một lần thấy tiến sĩ Giku trượt băng nghệ thuật. Không chỉ tôi mà tất thảy những sinh viên trong phòng nghiên cứu đều chưa từng thấy. Đến cả thời gian để ngủ cũng thiếu, nên chúng tôi không nhàn rỗi đến độ cố tình tới tận công viên Bryant “chỉ” để xem thầy trượt băng. Thế nhưng, còn có một lý do quan trọng hơn. Đó là chúng tôi không biết liệu việc “trực tiếp” nhìn thấy thầy sẽ ảnh hưởng đến bản thân mình như thế nào. Chúng tôi không chuẩn bị tâm lý để mục sở thị cảnh thầy lướt khắp sân băng trong chiếc quần múa và chiếc áo thướt tha lả lướt. Mỗi lần đọc thông báo trước cửa phòng nghiên cứu của thầy, chúng tôi đều có ý nghĩ rằng từ “trượt băng nghệ thuật” xuất hiện ẩn dụ với một ý nghĩa nào đó, như là neutrino hay vật chất tối, hoặc với những từ liên quan (trực tiếp hoặc gián tiếp) đến nghiên cứu của chúng tôi. Có khi chúng tôi còn coi nó giống như thí nghiệm khe Young[5]. “Nếu chúng ta không có ý định quan sát thì tuyệt đối
không tồn tại trước chúng ta”. Chúng tôi chưa từng một lần trò chuyện về vấn đề này, còn tôi cũng chưa từng một lần tưởng tượng đến cảnh thầy trượt băng.
Tôi trực tiếp thấy cảnh tiến sĩ Giku trượt băng nghệ thuật cách đây khoảng một năm, khi chuẩn bị rời nước Mỹ. Đó là năm thứ Chín sau khi tôi đến Mỹ hồi mười tám tuổi. Vào thứ Sáu tuần thứ hai của tháng Mười hai, tôi đã nhận được lời nhắn của thầy. Đó là lần đầu tiên tôi nhận được lời nhắn của thầy với tư cách cá nhân. Thời điểm đó, tôi đang phải ôn thi lại sau khi trượt kỳ thi kiểm tra tư cách tiến sĩ được tổ chức vào tháng trước. Nếu đỗ thì hẳn nhiên là vui rồi, nhưng nếu trượt thì cũng chẳng phải quá bi kịch. Ngoài tôi ra, còn có vài người nữa cũng thi trượt trong kỳ thi lần đó. Tuy nhiên, thật khó khăn để tôi chấp nhận việc thi trượt đơn giản chỉ là một thất bại. Tôi cảm giác nó đúng như là dấu hiệu phơi bày toàn diện tình cảnh của tôi. Nói thế nào nhỉ, mọi thứ diễn ra như thể tôi bị rơi vào đống hỗn độn. Không biết tự khi nào, đôi lúc tôi cảm nhận rõ mình đang dần tụt hậu so với bạn bè. Và cũng bởi suy nghĩ đó không phải là sự mặc cảm tự ti mà là sự thật, nên tôi dần dần đánh mất nhuệ khí. Cho rằng kết quả đó chỉ là sự khủng hoảng nhất thời và tôi gồng mình cố bứt thoát khỏi mớ bòng bong.
Song, chỉ cần bước chân vào phòng nghiên cứu của tiến sĩ Giku, thì dường như mọi thứ chẳng có gì quan trọng với tôi nữa. Thậm chí, ngay cả tấm biển báo trước cửa phòng bị úp ngược cũng khiến tôi cảm thấy hài hước. Thế nhưng, khi mở cửa bước vào phòng nghiên cứu, tôi nhận ra ngay “có gì đó sai sai” ở đây. Ngay chính giữa phòng nghiên cứu của thầy có đặt một chiếc bàn gỗ lớn dành cho khách, bình thường trên bàn vẫn luôn ngồn ngộn đống sách vứt bừa bãi. Vậy mà hôm đó, chiếc bàn được sắp xếp sạch sẽ và bày sẵn hai cái cốc hồng trà túi lọc rất to ngay trước mặt. Sau khi nói tôi ngồi đợi một lát, thầy đưa tay lấy bình sữa tươi từ trong chiếc tủ lạnh nhỏ, đổ vào bình đun siêu tốc và bật công tắc. Vẫn quay lưng lại phía tôi cho tới khi đun xong, thầy chăm chăm nhìn bình đun nước như đang mải miết suy tư. Rồi khi sữa sôi, thầy rót sữa ấm vào cốc của tôi cũng bằng một cử chỉ đầy suy tư. Đến tận lúc đó, thầy vẫn không một lần nhìn vào mắt tôi.
“Chà, thế là đã có một cốc trà sữa ngon và giản tiện rồi.” Biết rõ là phải cách thủy sữa mới đúng nhưng tôi vẫn cứ gật đầu. Tôi nhìn thấy sữa trong cốc đang chuyển dần sang màu nâu. “Em có thích trà sữa không?”
Dù không thích lắm nhưng tôi vẫn trả lời là có. Sau khi chậm rãi nhấp một ngụm trà sữa do chính tay mình pha, nét mặt thầy thoảng như biết thoảng như không. Còn tôi thì chỉ xiết chặt chiếc cốc trong lòng bàn tay.
“Jong-su, thầy cho rằng em là người châu Á làm việc thực sự rất tốt trong phòng nghiên cứu này. Như em đã biết, thầy cũng là người châu Á.”
Khi thầy nói vậy, thật lòng mà nói, tôi đã không biết mình phải trả lời như thế nào. Bởi lẽ thầy tuy vẫn là người Mỹ gốc Nhật đấy, nhưng là thế hệ di dân thứ hai sinh ra và trưởng thành ở Mỹ. Vị thế của thầy hoàn toàn cách biệt với tôi, tôi sinh ra ở Mỹ do bố tôi là nhân viên chính phủ thường trú tại nước ngoài, nhưng hồi bốn tuổi, tôi lại quay về Hàn Quốc và sống ở đó đến khi mười chín tuổi mới trở lại Mỹ du học. Hơn nữa, trong phòng nghiên cứu này, dù tôi thực sự không thích khi phải nói ra điều này, nhưng còn có Jy A-ryu, một nghiên cứu sinh gốc Trung Quốc có thành tích nghiên cứu tốt hơn hẳn tôi. Dù kém tôi cả hai tuổi nhưng cậu ấy đã từng công bố luận văn với ý tưởng tàu vũ trụ di chuyển bằng năng lượng tối. Jy A-ryu là một nhà khoa học trẻ được quan tâm trên lĩnh vực học thuật, trong khi tôi chỉ là một nghiên cứu sinh kém cỏi. Thấy tôi không trả lời gì, thầy buông hai bàn tay đang đan chặt vào nhau như chừng cũng không biết mình nên làm gì.
“Jong-su, nói thật lòng em là một nghiên cứu sinh có thực lực. Em thông minh và lanh lợi. Cẩn thận và sắc sảo.”
Lúc này, tôi cũng trở nên vô cùng lúng túng. Tất nhiên tôi đã làm hết sức, nhưng tôi biết không thể nói là mình đã thực sự nghiên cứu tốt (giờ ngẫm lại, đó thực sự là cách diễn đạt khả thi vào những khi cố gắng nhìn nhận mọi thứ theo hướng tích cực). Thầy ngước mắt nhìn tôi với nét mặt đầy ái ngại, nén tiếng thở dài. Dường như thầy
đang dấu tranh với nhiều cảm xúc trào dâng trong lòng. Cuối cùng, thầy đã chiến thắng tất cả cảm xúc khó nói đó.
“Thế nhưng, em không thích hợp với chỗ này.”
Dứt câu, thầy cúi đầu với nét mặt buồn bã. Vì thầy quá đau khổ nên lỡ có ai đó vô tình nhìn thấy, hẳn họ sẽ nghĩ tôi đã làm gì đó khiến thầy bị tổn thương. Nhưng, vào khoảnh khắc đó, suy nghĩ đầu tiên lóe lên trong tôi là liệu mình có khi nào nghe nhầm không.
“Ý thầy là sao ạ?”
“Em đã làm rất tốt. Tuy nhiên, có lẽ em cần nghỉ phép một chút.” Nghỉ phép ư? Tôi không thể hiểu được ý của thầy.
“Có lẽ em cần thời gian để bảo lưu và từ từ cân nhắc về công việc tương lai. Em hãy suy nghĩ trong khoảng một học kỳ xem nhé! Giả sử sau đó, nếu em vẫn muốn tiếp tục học lĩnh vực này thì thầy có thể viết thư giới thiệu em tới phòng nghiên cứu khác. Ý thầy không phải là năng lực của em không tốt đâu. Em đã làm việc rất tốt. Tuy nhiên, chỉ là em không phù hợp với chỗ này mà thôi.”
Phải đến tận lúc đó, tôi mới vỡ lẽ ra là thầy định “kết liễu” con đường sự nghiệp của tôi.
“Xin lỗi em, Jong-su. Thế nhưng, nếu em nghĩ khác đi thì có khi đây cũng có thể trở thành cơ hội tốt cho em.”
“Cơ hội tốt ấy ạ?”
“Đúng thế.”
Thầy gật gật đầu, “Đơn giản chỉ là em không phù hợp với chỗ này mà thôi.”
“Có lẽ em đã hiểu rồi ạ.”
Tôi chẳng biết phải nói gì thêm nữa. Nhưng tôi biết rằng khi trả lời như thế, ít nhất thì tôi cũng bảo vệ được chút lòng tự tôn còn sót lại của mình. Tôi đứng dậy, để thầy ngồi cúi đầu yên lặng ôm mặt trong hai bàn tay. Lúc này, thầy mới nói với tôi.
“Jong-su à, cuộc đời còn dài. Thật đấy, dài lắm.”
Thật là nhảm nhí, tôi nghĩ.
Ngày hôm đó, trong lúc rời khỏi phòng nghiên cứu của thầy, tôi chỉ có một niềm mong mỏi duy nhất, đó là không phải chạm mặt các
đồng nghiệp. Tôi đã bỏ lại cả cặp sách lẫn hộp đựng cơm trưa ở trường mà đi thẳng về nhà. Thế rồi, tôi ngồi thẫn thờ hồi lâu. Hẳn nhiều người đã nghĩ tôi sẽ vật vã vì đau khổ, lo sợ và tự oán trách bản thân, nhưng thực tế thì không phải vậy. Có lẽ lúc này, tôi vẫn chưa tin vào sự thật. Theo trực giác, điều khiến tôi lo sợ không phải là việc sắp xảy ra với tôi - bị đuổi học và tương lai trở nên mù mịt - mà là ngay lập tức, tôi không biết phải giải thích việc đó cho mọi người theo cách nào. Chuyện là thời điểm đó, tôi thuê một căn hộ gần trường, ở cùng khu với ba đồng nghiệp (có cả Jy A-ryu). Nếu như giáp mặt họ, tôi không biết phải giải thích hoàn cảnh của mình ra sao. Tôi không tự tin coi như không có chuyện gì xảy ra mà nói chuyện theo kiểu: “Tiến sĩ Giku bảo tôi nghỉ việc ở trường. Ý thầy là tôi không phù hợp với việc nghiên cứu”. Tôi cũng không đủ tự tin để bông lơn mà nói rằng: “Vốn lẽ tôi cũng định vứt bỏ hết mọi chuyện học hành rồi mà!”, và tôi càng không muốn họ thấy vẻ đau khổ của mình. Tất nhiên, đây mới chỉ là nỗi lo của riêng tôi thôi bởi nhiều khả năng sẽ chẳng có ai hỏi tôi tại sao lại rời khỏi trường như vậy nữa. Nhưng tôi không thể không nói với họ lời nào. Dĩ nhiên, tôi cảm thấy mọi hành động hướng về tôi đều tấn công tôi theo một cách nào đó. Nhưng còn bố mẹ tôi thì sao? Họ chính là những người muốn nghe tôi giải thích hơn bất kỳ ai, và cũng là những người có đủ tư cách yêu cầu tôi làm việc đó. Chẳng hạn, nhờ tình yêu, sự quan tâm và chu cấp của họ mà tôi mới có thể sống ở nơi đất khách quê người suốt gần chục năm qua.
Khi mặt trời bắt đầu ngả bóng, tôi bật rồi lại tắt công tắc bóng đèn một cách vô thức. Bởi lẽ, tôi không muốn ai đó biết rằng mình đang ở nhà rồi vừa gõ cửa vừa hỏi: “Jong-su ơi, có chuyện gì không?”, và một phần vì tôi cũng không muốn đối diện với thực tế rằng sẽ không có bất kỳ ai thăm hỏi đến mình dù trông thấy đèn sáng. Tôi vùng vẫy trong mớ cảm xúc và suy đoán không đầu không cuối. Ngồi một mình trong phòng khách tối om trông ra phía cửa sổ, bỗng nhiên tôi nhớ đến George Hammond. George là nghiên cứu sinh khóa trên tôi đã bất thình lình bỏ học vào mùa hè cách đây vài năm. Anh bỏ đi quá đột ngột nên chúng tôi cứ nhìn chăm chăm vào cánh cửa sổ tối đèn của nhà anh (George cũng sống cùng chung cư
với tôi) rồi nảy ra thắc mắc: “Trời ơi, làm sao anh ấy có thể biến mất mà không chào tạm biệt cơ chứ?”. Nhưng đêm hôm đó, vào khoảnh khắc bỗng nhận ra trong chớp mắt tứ phía bị bóng tối bao trùm, tôi mới nghĩ rằng có lẽ ngày ấy George cũng ngồi một mình trong căn phòng tối giống như tôi bây giờ, và trông ra ngoài cửa sổ, ngóng xem ai trong số các đồng nghiệp đang trở về nhà. Nghĩ vậy, tôi kết luận rằng để thoát khỏi mê cung cảm xúc của mình thì chỉ còn cách đi uống rượu. Xin nói rõ rằng tôi không phải là người thích chè chén bởi tôi không bao giờ muốn mình trở nên bê tha hay bừa bãi, và tôi luôn cố gắng để không như thế. Đây không phải lời nói biện hộ của tôi. Ngay cả giờ đây - khi vài năm đã trôi qua, nếu có ai đề nghị tôi hãy kể về giai đoạn đó thì tôi vẫn có thể kể lại y nguyên. Tất nhiên, tôi bây giờ không còn trách cứ gì tiến sĩ Giku -người đã “tống khứ” tôi khỏi chương trình nghiên cứu sinh bất kể việc đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của tôi. Nhưng tôi chỉ muốn nói thế này: “Những việc đã xảy ra trước đây chỉ là những việc đã xảy ra mà thôi”.
Dù sao chăng nữa thì hôm đó, sau khi xác định được rằng có hai trong số ba đồng nghiệp ở phòng nghiên cứu sống cùng chung cư đã về nhà thì tôi mới mặc áo khoác Carhartt màu xanh và đi ra ngoài. Một trong số họ đã thân thiện mang hộp đựng cơm trưa và cặp sách mà tôi bỏ lại trên phòng nghiên cứu về đặt trước cửa nhà tôi. Tôi vu vơ nghĩ đó có lẽ là Jy A-ryu bởi cậu ta sống ở cuối hành lang cùng tầng với tôi. Vẫn để mặc chúng trước cửa, tôi bước thẳng xuống cầu thang sau khi trùm cái mũ áo gắn lông gấu mèo kín đầu. Rồi tôi cứ thế cắm mặt xuống đất mà đi thật nhanh, tới cửa hàng bán rượu, nhanh tay bỏ vào xe đẩy những bia, rượu vang trái cây, vodka,... ngay khi chạm tay vào bất cứ thứ gì. Cứ là rượu thì tôi đều lấy hết, rồi sau đó mới chợt nghĩ, tất cả chỗ này hết bao nhiêu tiền nhỉ. Rồi bỗng nhiên tôi nghĩ đến cuộc sống của mình sau này, rồi nó sẽ trôi về đâu. Nếu phải chuyển nhà thì phải kiếm tiền nhà từ đâu? Nhà trường rồi cũng sẽ cắt tiền hỗ trợ sinh hoạt phí. Tôi chợt nghĩ không biết tài khoản mình còn bao nhiêu tiền.
Sau khi nhập học nghiên cứu sinh, tôi đã trang trải cuộc sống bằng tiền nhà trường trợ cấp nhưng bố mẹ mỗi tháng đều gửi tiền
cho tôi vì sợ tôi không đủ chi tiêu. Số tiến đó phần lớn vẫn còn nguyên trong tài khoản. Nhưng giờ đây, tôi đang trong hoàn cảnh ăn không ngồi rồi, hoàn toàn không thể dự đoán liệu mình có thể trụ lại Mỹ được bao lâu mà lại đổ tiền để mua rượu thì có được không? Tất nhiên, so với số tiền có trong tài khoản thì khoản tiền mua rượu này chỉ bé như móng tay thôi. Nhưng suy nghĩ này đã hỗ trợ tôi “ngụy trang” cho việc tôi nán ở lại Mỹ ngay cả khi đã bị đuổi khỏi trường là một hành vi rất tự nhiên. Ôi trời, tôi còn không có dũng khí để trở về Hàn Quốc nữa. Thật ghét phải thừa nhận nhưng tôi thấy mình đang trở thành kẻ keo kiệt, “Một kẻ ki bo kẹt xỉn”. Đó chỉ là một câu nói chớp nhoáng xuất hiện trong đầu, nhưng có lẽ không còn câu nào chính xác hơn để miêu tả cách sống đeo bám tôi suốt một năm sau đó. Thực tế, nó không có nghĩa là tôi đã sống như một kẻ hà tiện mà đơn giản là tôi đã không thành thật với chính mình trong suốt một năm đó. Sau khi thanh toán hết số rượu vơ vội, tôi ôm túi đồ trong tay rồi lại bắt đầu cắm mặt nhìn đất bước đi. Lại một lần nữa, tôi chợt nhớ đến George. George đáng thương. Anh bị đuổi học vào mùa hè nên hẳn đã không thể lấy mũ trùm đầu để giấu mặt giống như tôi đang làm.
Tôi vẫn để mặc hộp đựng cơm và túi xách ở trước cửa phòng mà đi thẳng vào nhà rồi bắt đầu uống rượu. Chưa từng uống rượu nhiều nên tôi không biết chính xác tửu lượng của mình là bao nhiêu. Chẳng bao lâu, tôi nhận ra tửu lượng của tôi mạnh hơn tôi tưởng, và vì thế uống bia không phải là phương pháp hiệu quả lắm. Tôi rót rượu vodka vào cốc thủy tinh và uống cạn một hơi. Cảm giác cổ họng như bỏng rát, nhưng sau cảm giác đó, dường như bức tường ngăn thứ cảm xúc mà tôi đang phải đối diện bỗng sụp đổ, và tôi nhìn thấy ánh sáng lóe lên từ đó. Tôi uống thêm hai cốc vodka nữa, rồi tức tốc chạy xộc vào nhà vệ sinh và nôn thốc nôn tháo mọi thứ. Tôi vẫn chưa dừng uống. Từ nhà vệ sinh đi ra, tôi lại nốc vodka tiếp. Sau đó, tôi lại chạy vào nhà vệ sinh để nôn, rồi lại uống, rồi lại nôn, rồi lại uống, rồi lại nôn, cứ thế lặp lại liên hồi.
Sau mấy tiếng đồng hồ, tôi tỉnh lại trong bồn tắm với quần áo và giày dép nhầy nhụa những thức ăn đã nôn. Trước khi kịp cảm nhận cảm giác khinh bỉ chính mình thì tôi lại nôn thốc một lần nữa vì ngửi
thấy mùi thức ăn đã nôn ra trước đó. Sau khi cởi hết quần áo, tôi ngồi thu lu trong bồn tắm, xả nước cho bãi nôn chảy sạch qua lỗ thoát nước, rồi cọ qua loa chiếc bồn và bắt đầu vào tắm. Đầu đau như muốn vỡ nhưng đồng thời mọi thứ bên trong đầu lại như được sắp xếp ngay ngắn, gọn gàng. Nhưng đó chỉ là ảo giác của người say rượu. Tôi vẫn đang say. Say rất nặng. Sau khi tắm xong, tôi bước ra phòng khách và ngước mắt nhìn đồng hồ thì đã hơn hai giờ sáng. Từ tủ tường, tôi lôi ra chiếc vali vải Oxford mà mình đã dùng khi đến Mỹ. Sau đó, tôi bắt đầu chuyển quần áo từ ngăn kéo tủ vào vali. Tôi nhét hết cả khung ảnh và các xe ô tô mô hình đặt trên bàn uống cà phê và cố nhét cả chậu hoa rỗng vào. Tôi mở cửa tủ bếp nhỏ treo ngoài phòng khách, lôi sạch từ giấy gói, giấy bọc bột coca cola và cả hộp cà phê gói nhét vào vali. Tôi đóng gói hành lý nhưng thực sự không phải với ý định rời đi ngay đêm hôm đó. Thực tế, tôi cũng không có chỗ nào khác để lưu lại. Đơn giản, tôi chỉ hy vọng rằng hành động gói ghém hành lý này sẽ giúp tôi phục hồi chút lòng tự tôn vốn đã bị sụp đổ của mình. Chỉ là tôi muốn đánh lừa bản thân, rằng tôi có thể rời đi bất cứ khi nào, rằng đó không phải là việc đáng để tôi phải đau khổ hoặc cảm thấy khó khăn đến thế.
Cuối cùng, tôi bước vào phòng ngủ. Căn phòng chật cứng nào tủ sách, bàn học lại thêm cả chiếc giường nhỏ. Tôi với tay lấy những quyển sách treo trên giá nhét vào vali, toàn bộ những đổ lặt vặt ở trên bàn làm việc - sổ tay có mùi cà phê khô cong, quyển lịch rách toác, giấy note nguệch ngoạc dở dang, thước kẻ, thước đo độ - tôi đều vơ hết lại. Sau đó, tôi lần lượt mở các ngăn kéo bàn học từ trên xuống dưới rồi cứ thế mở đi mở lại. Ngăn kéo cuối cùng - ngăn kéo thứ tư - đang bị khóa chặt. Ô hay, từ khi nào và vì lý do gì mà tôi lại khóa nó để giờ chìa khóa nằm đâu thì tôi hoàn toàn chẳng nhớ. Bỗng nhiên cơn giận bốc lên đến tận đầu, tôi liền lôi hộp đồ nghề từ trong tủ tường ra. Sau đó tôi cầm lấy cây búa, ngồi bệt xuống sàn mà bắt đầu đập vào ngăn kéo bàn học như điên dại. Nhưng rồi tôi chợt nghĩ, liệu có hàng xóm nào sẽ tỉnh giấc vì tiếng búa mà sang nhắc nhở không. Ban đầu, khi còn trong trạng thái say mèm và đầy giận dữ, nỗi lo lắng bao đồng này đã chẳng tác động đến tôi mấy. Nhưng rồi, khi nghĩ đến việc không biết chừng các đồng nghiệp khác
đang sống cùng chung cư cũng sẽ tỉnh giấc và đi tìm nơi phát ra tiếng động rồi đến tận phòng tôi mà gõ cửa, tôi bèn quyết định dừng việc múa may với chiếc búa lại. Tôi cố gắng nén cơn giận đang bùng lên như lửa cháy và bắt đầu đập vào ngăn kéo một cách từ từ và cẩn thận trong khả năng có thể. Bị cuốn vào cơn phẫn nộ to lớn không biết hướng đến ai, nhưng không thể phủ nhận rằng, ở một mặt nào đó, tôi hy vọng nếu “ngăn kéo bí mật” này được mở ra, không chừng tôi có thể đối diện với một trang mới của cuộc đời mình. Cuối cùng, mặt trước ngăn kéo bàn học bị gãy toác, xuyên qua lỗ hở đó, tôi đặt tay vào giữa rồi giật mạnh ngăn kéo hướng về người mình. Thanh gỗ làm tay tôi bị trầy xước, máu ứa ra nhưng tôi chẳng mấy bận lòng. Trong ngăn kéo có một hộp gỗ to khoảng bằng tờ giấy A5. Tôi ngồi xuống ghế sau khi đã phủi sạch vụn gỗ xuống dưới chân. Và rồi tôi cẩn thận mở nắp của chiếc hộp.
Bên trong chiếc hộp là những bức thư mà một vài người bạn đã gửi cho tôi hồi tôi mới tới Mỹ. Hồi đó, chúng tôi vẫn quen dán tem và trực tiếp gửi thư tay cho nhau hơn là dùng email. Chúng ta nhiều lúc vẫn nhớ về những khoảnh khắc như vậy. Chẳng thế mới có cảnh phim theo kiểu mỉm cười hoặc rưng rưng nước mắt khi phát hiện ra bức thư tay hay ảnh do bạn bè cũ gửi tới sau một thời gian dài bẵng đi. Thế nhưng, cảm xúc mà tôi nhận được khi đọc lại những bức thư lúc ấy hoàn toàn khác biệt với trong phim. Quả thật là thế. Tôi cảm thấy bấn loạn trước những con chữ dạt dào cảm xúc. Tôi thật sự cảm thấy lạ kỳ sau khi đọc những câu như, “Jong-su, chúng ta giữ liên lạc nhé!” hiện ra đều tăm tắp trong các lá thư. Hồi đó, tôi đã không liên lạc tiếp với bất kỳ ai trong số bạn bè cấp ba. Bạn nghĩ sao về câu nói, “Giờ chúng ta không thể ăn trưa bằng cơm hộp cùng nhau nữa rồi...”? Từ lâu tôi đã quên khuấy những người bạn cùng ăn trưa với mình. “Tớ sẽ tới Mỹ chơi. Nhất định chúng ta gặp nhau nhé!”. Cố nhớ lại thì quả thực cũng có những người sang Mỹ chơi để gặp tôi. Nhưng chỉ có thế. Điều khiến tôi hoang mang hơn cả là tôi chẳng thể nào nhớ nổi khuôn mặt của người viết lá thư đó khi thấy cái tên được ghi dưới những dòng chữ đong đầy cảm xúc ấy. Tôi vẫn còn một vài bức ảnh nhưng hầu như không tài nào nhớ nổi phần lớn số tên trong đó. Tôi cảm thấy giận sôi người cho đến tận thời điểm
trước khi hộc ngăn kéo bàn làm việc đổ sập, nhưng nói một cách khách quan thì tình trạng của tôi bây giờ thậm chí còn tồi tệ hơn cái hộc bàn kia. Thật khó vứt bỏ cái suy nghĩ rằng đời chẳng khác gì một mớ hỗn độn - giống y như đống tạp nham mà tôi đã nhồi nhét vào cái vali. Thế nhưng, so với thứ được phát hiện sau đó thì “cú đấm” mà những bức thư kia đã giáng xuống tôi đúng thật chỉ như mắt muỗi. Tôi rút lên một bao thư nằm dưới đáy hộp. Trong bao thư là một tấm thiệp cưới. Rốt cuộc ai đã gửi thiệp cưới cho tôi - một người đang sống ở tận Mỹ cơ chứ? Điều ngạc nhiên hơn là bao thư đã bị bóc toác ra rồi. Rõ ràng là thiệp cưới đã được đọc, nhưng gần như là tôi lại hoàn toàn chẳng thể nhớ nổi. Xem dấu bưu điện thì thấy thông tin ghi ngày tháng của sáu năm trước. Tôi kiểm tra tên cô dâu chú rể. Đám cưới của Kim Jin-ho - Choi Su-yeong; gia đình nhà trai: Kim Jun-hyeop - Lee Yeong-suk; gia đình nhà gái: Choi Jung-han - Park Han-so. Bên trong bao thư còn kèm theo một mẩu giấy nhắn tin hình một con voi màu hồng, câu chữ ngắn gọn và mộc mạc.
“Dear Jong-su, tớ đang sống rất tốt. Tớ sắp làm lễ kết hôn. Tớ vô cùng hạnh phúc. Tớ hy vọng cậu cũng sống thật tốt nhé!” Su-yeong, hóa ra là Choi Su-yeong đã gửi cho tôi. Bỗng nhiên tôi bật nên lời lúc nào không hay: Trời đất ơi, làm sao tôi có thể sống mà quên bẵng đi nhỉ? Tôi như người mất hồn, bởi lẽ trí óc tôi lúc này tựa như thể căn phòng bị đóng im ỉm rất lâu bỗng dưng được mở ra và ánh sáng bắt đầu len lỏi vào. Tất nhiên, đó chỉ là một suy nghĩ điên rồ. Trí óc con người không vận hành theo kiểu đó. Dù sao tôi cũng thấy mình rơi vào ảo giác như thể có một dòng điện xoay mới khiến bóng đèn trong neurone của tôi lần lượt sáng lên cứ như có ai bật công tắc. Và tôi rơi vào nỗi tuyệt vọng đến thẫn thờ. Đặt tấm thiệp cưới của Su-yeong xuống trước mặt, tôi đi lòng vòng trong dòng xoáy của những cảm xúc phẫn nộ, nản chí, thất bại, buồn bã và cô đơn. Tôi không biết tại sao mình lại như thế. Nhưng lúc ấy, tôi cảm thấy như vừa làm mất một phần nào đó bên trong mình mãi mãi. Những tưởng “ngăn kéo bí mật” sẽ cứu vớt bản thân, nhưng tôi đã nhầm. Tôi như đứng bên bờ vực thẳm mà chỉ cần cúi đầu và nhìn xuống dưới là sẽ bị rớt ngay xuống cái hố sâu. Làm sao tôi có thể
quên bẵng mọi thứ nhỉ? Tôi tê tái, tức giận và vô cùng buồn bã. Tôi ngồi thật lâu trong căn phòng tắt đèn với đầy thứ vỡ nát. Vào lúc ánh sáng trắng mờ của buổi bình minh khẽ khàng lọt qua khe cửa sổ, tôi mới vơ tất cả những lá thư trong hộp vứt vào thùng rác.
Sau khi trải qua một đêm điên loạn với đủ loại cảm xúc hỗn độn, tôi lại giam mình trong nhà suốt một tuần lễ. Tôi giết thời gian chủ yếu bằng cách hoặc là ngủ hoặc là uống rượu, nếu đói bụng thì ăn vội vài mẩu bánh trong bếp, hoặc đôi khi tôi gọi món ăn Trung Quốc về nhà. Phòng khách bừa bộn nào là hành lý đang soạn thì dừng, nào là cái vali, nào là ngăn kéo bàn làm việc trong phòng ngủ chỏng chơ vỡ vụn. Nửa đêm, có khi đang ngổi thẫn thờ trong bóng tối thì tôi ngước mắt nhìn ra ngoài cửa sổ. Chẳng phải là tôi nghĩ gì đặc biệt. Tôi đã “nuốt chửng cho xong” từng ngày từng ngày như thể nốc rượu, hoặc ngồm ngoàm bánh hay đồ ăn Trung Quốc. Và rồi một tuần lễ cũng trôi qua, chính xác thì, khi tôi thức giấc vào chiều muộn trong căn phòng ngủ ngổn ngang những thứ gẫy vụn giống như mọi ngày, tôi chợt nghĩ mình phải đi ra ngoài dù chẳng có lý do gì. Tôi chỉ rửa mặt qua loa mà không cạo râu, sau đó mặc vội chiếc áo khoác Carhartt màu xanh lá cây bên ngoài bộ đồ thể thao, đội mũ len trùm đầu màu xám rồi ra khỏi nhà. Trước cửa, bộ hộp đựng cơm trưa và chiếc cặp sách vẫn còn nguyên xi, tôi quẳng chúng vội vào phòng khách. Tôi đội mũ của áo khoác trùm lên chiếc mũ len rồi cắm mặt xuống đất đi về phía ga tàu điện ngầm.
Tôi quyết định đi đến bến tàu South Ferry. Tôi từng nghe nói là từ bến tàu này, nếu bắt tàu cánh ngầm miễn phí đi ra đảo Staten thì có thể tham quan tượng Nữ thần tự do. Phải đến lúc đó tôi mới phát hiện ra rằng mình chưa từng chiêm ngưỡng bức tượng nổi tiếng này. Ở sảnh bến tàu cánh ngầm có cây thông Noel khổng lồ được trang trí bằng những đồ vật xấu xí. Noel đã đến, nên có vẻ như mọi chủng tộc màu da đều hội tụ hết về đây. Đằng kia dường như là một đại gia đình đến từ Nam Mỹ đang ồn ào huyên náo, và tôi nghe thấy bao nhiêu ngôn ngữ xung quanh mình, từ tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Trung, và có cả hai người đang nói chuyện với nhau bằng tiếng Hàn. Đó là hai cô gái trông mới hơn hai mươi tuổi, có vẻ như là khách du lịch. Nét mặt của họ ngập tràn hy vọng xen lẫn lo lắng vì
sợ không thể giành được chỗ ngồi tốt khi lên tàu bởi lẽ hôm đó tàu quá đông. Lẫn trong giọng nói của hai cô gái là tiếng kèn saxophone do một người da đen thổi vọng lại từ giữa sảnh. Hình như là bài New York, New York của Frank Sinatra. Tôi đã nán lại đó một lát để nghe. Tôi biết có một thứ tình cảm không tài nào lý giải được đang sục sạo tâm hồn mình; tôi đứng đó nghe tiếng kèn, biết chẳng thể biến tâm hồn mình trở lại như trước đây được nữa. Thọc tay vào túi áo, tôi quay người bắt đầu rảo bước. Ra khỏi bến tàu cánh ngầm, tôi lại hướng chân về phía ga tàu điện ngầm, định bụng sẽ đi đến công viên Bryant. Khi tôi vừa bước chân lên trên mặt đất thì bầu trời đêm phủ trùm xuống mọi nẻo đường. Trên con đường dẫn vào phía sau thư viện New York, người ta lập chợ tạm bán đồ lưu niệm Noel. Ánh đèn lấp lánh tỏa ra từ các gian hàng, xa xa có một cây thông Noel khổng lồ, lẫn trong mớ âm thanh hỗn tạp là một giọng nói ấm áp như đang gọi ai đó, tôi không tập trung nhìn vào đầu mà rút chiếc MP3 ra khỏi túi, đeo tai nghe để không phải nghe thấy bất kỳ tiếng động nào, rồi đi bộ tới sân trượt băng. Dòng người với mũ lông và găng tay chạy khắp sân băng. Tôi mua ly cà phê ở một quán gần đó, ngồi nhìn họ thật lâu trong cái lạnh run người rồi trở về nhà.
Đêm hôm đó, ngồi trên ghế sofa với hai chân gác lên bàn, tôi vừa nhâm nhi bia vừa chậm rãi nhìn quanh phòng khách. Vali và đống hành lý đang đóng gói dở thì dừng vẫn nằm trơ trọi. Tôi nhớ lại câu chuyện của một người bạn. Vào trước ngày anh ấy chuyển nhà thì cô bạn gái cũ sắp kết hôn bỗng nhiên tìm đến. Sau khi cô bạn gái cũ rời đi, còn lại một mình, anh đã miêu tả căn phòng của mình như thế này: “Nó đúng như sa mạc. Dường như thể chỉ còn lại một mình tôi trên sa mạc chỉ mỗi cát và cát. Tôi cảm giác các hộp đóng gói hành lý giống y như các mô cát trên sa mạc vậy”. Thế mà tôi thậm chí còn không cảm thấy phòng mình giống sa mạc. Vừa không có sao lơ lửng trên bầu trời đen thăm thẳm, lại cũng chẳng thấy đồi cát óng vàng. Khi tôi đang mải miết tưởng tượng rằng nơi ấy sẽ chẳng có nổi một ngọn gió nhẹ thì bỗng tôi nghe thấy tiếng động gì đó. Ban đầu, tôi nghĩ đó là tiếng gió.
“Cộc cộc cộc, cộc cộc, cộc cộc, cộc cộc cộc.”
Nhưng, đó không phải là tiếng gió thổi mà là ai đó đang gõ cửa phòng tôi. Tôi mong tiếng động đó dừng lại. Tôi mong người gõ cửa bỏ cuộc và rời đi. Thế nhưng, tiếng gõ cửa vẫn chẳng dễ dừng lại. Tôi tiến gần lại phía cửa, nhìn ra ngoài qua con mắt thần gắn trên đó. Là Jy A-ryu đang đứng bên ngoài. Cậu ta không bấm chuông mà nhẫn nại đứng gõ cửa. Hẳn cậu ta đoán chắc tôi đang ở trong phòng vì không còn thấy hộp đựng cơm trưa và cặp sách để trước cửa nữa. Tôi không để lộ bất kỳ dấu hiệu nào mà chỉ im lặng đứng ngay sát cánh cửa. Cuối cùng thì Jy A-ryu cũng ngừng lại. Từ sau lần đó, hầu như đêm nào Jy A-ryu cũng gõ cửa. Câu ta gõ cửa thật lâu như thể đã phát hiện được chuyện gì đó, rồi mới tần ngần đi về phòng của mình. Đây thực sự là chuyện bất thường. Chúng tôi vốn chẳng thân thiết, mà cậu ta cũng chẳng có chút lý do gì để phải tìm tôi tha thiết đến vậy. Dù sao thì vào cái đêm Jy A-ryu gõ cửa nhà tôi lần đầu tiên, sau khi nhìn qua con mắt thần và chắc chắn cậu ta đã trở về phòng thì tôi mới quay lại bên chiếc ghế sofa. Nhanh chóng nốc cạn chỗ bia còn lại, tôi nhìn quanh phòng khách. Mọi thứ vẫn nguyên xi. Chẳng có gì đổi khác. Thế nhưng, tôi lại cảm thấy có gì đó đã nhang nhác biến đổi. Nhưng đó là gì nhỉ?
Ngày hôm sau, tôi lại đến công viên Byant. Lần này, tôi cũng đeo tai nghe nhạc MP3. Tôi cứ làm thế trong suốt hai tuần lễ. Tôi vẫn đeo tai nghe, bất cứ lúc nào, kể cả sáng sớm tinh mơ hay đêm hôm khuya khoắt, hoặc có khi tôi đến công viên Bryant vào buổi chiều tấp nập người qua lại mà chẳng hề có kế hoạch trước. Và tôi vẫn nán lại đó cho tới khi có hứng. Nếu trời quá lạnh, tôi sẽ lánh tạm vào quán cà phê hay vào thư viện New York gần đó, nhưng đích đến cuối cùng lúc nào cũng là sân trượt băng trong công viên Bryant. Phải tận sau này tôi mới phát hiện ra lý do là vì tôi muốn nhìn thấy cảnh thầy Giku trượt băng nghệ thuật. Tôi muốn mục sở thị dáng vẻ nực cười đó để kiếm cớ mỉa mai thầy cho đã. Tôi những muốn thấy thầy bằng xương bằng thịt “xuất hiện” và trượt băng ngay trước mắt tôi, tôi còn muốn làm rõ trắng đen dòng thông báo treo trước cửa - “Đang trượt băng nghệ thuật ở sân trượt băng” - không chỉ đơn giản như thế. Tôi nghĩ mình sẽ tiến đến trước thầy, vẫy tay, vỗ tay và cười vang. (Thật là suy nghĩ vô lý nhưng) tôi đã hy vọng khi thấy tôi
làm thế, thầy sẽ ngộ ra rằng mọi quyết định mà thầy đưa ra - bao gồm cả việc đuổi cổ tôi - đều không đúng, và thầy cũng trẻ con và nực cười đến mức nào.
Buổi sáng một ngày đầu năm, khi sự hoan hỉ của năm mới đã qua và các cây thông Giáng sinh đều được thu gọn, cuối cùng tôi cũng nhìn thấy thầy Mitsuo Giku trên sân trượt băng ngoài trời trong công viên Bryant. Vẫn còn sớm nên sân trượt khá vắng vẻ, chỉ có mấy đứa bé đi cùng bố mẹ và một vài cặp đôi đang thong dong trượt băng. Thầy mặc áo cánh màu trắng nhún bèo và quần múa màu đen. Mái tóc thầy buộc gọn thành một túm phía sau. Tôi nghĩ, cuối cùng cũng đã đến lúc, và tôi đội sụp mũ áo choàng Carhartt xuống rồi đứng từ xa quan sát thầy, trong lúc tưởng tượng mình sẽ cười nhạo thầy theo cách nào sau khi thầy trượt xong.
Khoảng mười lăm phút đầu, thầy thả lỏng cơ thể bằng cách trượt qua trượt lại khắp sân, hoặc duỗi thẳng tay lên cao, hoặc nện nhịp chân xuống dưới. Tiếp đó, thầy đeo tai nghe iPhone gắn trong băng đeo tay vào tai. Có vẻ như thầy đang trượt theo tiếng nhạc. Sau này tôi mới được xem phim tài liệu Tương lai của quá khứ có sự tham gia của thầy. Trên sân băng Wollman, thầy đã mặc đúng chiếc áo cánh trắng và quần múa màu đen nhưng nhức này để trượt băng (thầy có bao nhiêu bộ quần áo kiểu đó nhỉ?). Thầy lướt vút lại gần phía máy quay phim, và nói thế này: “Không gian thời gian không phải hình thức được bao hàm trong vũ trụ. Có lẽ phải sau khi giảm thiểu những việc gây hiểu lầm thì tôi mới có thể nói như thế này. Chúng tôi phải quan sát mọi trạng thái này trong sự đối lập hoàn toàn. Vì thế, vũ trụ chỉ là một phần của không gian thời gian”.
Một lát thì buổi công diễn của thầy bắt đầu. Thầy nhắm mắt rồi lại mở mắt, tay giơ lên rồi buông xuống. Nhún bèo đính trên áo bay phấp phới trong gió và đổ dồn về một hướng. Hai má thầy ửng đỏ lên vì lạnh. Thầy giơ hai bàn tay nắm chặt về phía trước như thể sẽ đương đầu với gió và cái lạnh. Được một lát, tôi thấy thầy tự trượt ngã trên nền băng mà sau này tôi mới hiểu đó là tư thế chuẩn bị trước khi nhảy. Thầy gập đầu gối rồi tận dụng đà ngược đó để nâng người lên cao. Trước mắt người xem, thầy đã không thể xoay nổi nửa vòng, thậm chí còn ngã sõng soài ra sàn. Vậy mà thầy nhanh
chóng đứng bật dậy và tiếp tục trượt một cách tỉnh bơ như chẳng hề có chuyện gì xảy ra. Thầy đã trượt băng nghệ thuật trên nền nhạc gì nhỉ? Nét mặt của thầy đôi lúc trông thật hài hước, một chân duỗi ra sau, hai tay khẽ giơ cao và trượt trên băng. Cảnh một người đàn ông đầu bạc quá nửa mặc quần áo biểu diễn và say mê trượt băng khiến nhiều người có mặt ở đó ấn tượng. Thậm chí, vài người còn dừng lại để dõi theo thầy. Phần nách áo trắng đẫm ướt mồ hôi và dù liên tục bị vấp ngã nhưng thầy vẫn không dừng lại. Bất chợt trong đầu tôi hiện lên hình ảnh người đàn ông mỗi sáng soi mình trước gương chải tóc. Hẳn là thầy đã chải ngược tóc ra đằng sau, rồi lại chải buông sang hai bên, rồi buộc lại, rồi lại gỡ ra. Thầy không thể ngủ được khi không có con mèo nằm cạnh bên, và thầy dùng bữa một mình trong nhà hàng sang trọng. Khi tưởng tượng đến cảnh đó, thành thật mà nói thì tâm trạng tôi trở nên khá hơn đôi chút. Điều khiến tâm trạng tôi tốt hơn nữa là vẻ mặt như thể mình là tuyển thủ trượt băng bậc nhất thế giới của thầy, trong khi thầy lại không thể thực hiện ra hồn động tác nhảy cao lấy một lần. Tôi thấy hành động đó của thầy thực sự ngốc nghếch, và việc thầy hành động ngớ ngẩn như thế dã khiến tâm trạng tôi quả thực tốt lên. Tôi thấy thầy cởi tất ra và lại lướt mình trên băng để thực hiện động tác nhảy một lần nữa. Mắt nửa nhắm nửa mở, còn nét mặt trông hơi nực cười, như vừa cười vừa khóc, như vừa vui vừa buồn. Bỗng nhiên, tôi lờ mờ nhận ra lý do tại sao năm nào thầy cũng miệt mài ở sân trượt băng nghệ thuật suốt một tháng ròng rã. Không biết chừng trong lúc trượt băng theo cách riêng của mình, thầy đang ném xuống nền băng tên tuổi và thành tích khoa học vật lý, những tiếng vang vọng “Vẫn chưa được giải sao, tiến sĩ Giku?”, những bữa cơm vào ngày lễ Tạ ơn, hay những lời mỉa mai bủa vây quanh mình như câu “Con cáo già!”. Hẳn rằng trong lúc cố gắng thực hiện các động tác nhảy đó, thầy quả cảm thể hiện cho mọi người thấy khát vọng của mình, đồng thời xua tan nỗi tuyệt vọng và cảm xúc thất bại trào dâng trong lòng. Khoảnh khắc đó, thầy không phải tiến sĩ Giku, không phải Mitsuo, lại càng không phải là “con cáo già”. Thầy chỉ là một người đang trượt băng nghệ thuật. Tới lúc này tôi mới phát hiện ra rằng thầy trải qua quá trình này là để tìm lại động lực quay trở về phòng nghiên cứu.
Tiến sĩ Giku lại nhảy lên không trung lần nữa, và khi thầy xoay người chừng nửa vòng rồi tiếp đất thành công thì bỗng nhiên tôi nhớ đến dòng tin nhắn của Su-yeong bắt đầu bằng (lời chào hết sức sống sượng) “Dear Jong-su!”. Quả là bất thường. Tôi chẳng mảy may nhớ đến nó kể từ khi quẳng hộp giấy vào thùng rác trong cái đêm cuồng loạn đó. Dẫu một lần, chỉ một lần thôi. Nhưng hà tất gì lúc đó tôi lại nhớ lại lời nhắn nhủ đó nhỉ? Rốt cuộc thì nó có liên quan gì đến việc trượt băng của thầy Giku không?
“Dear Jong-su, tớ sống rất tốt. Tớ sắp làm lễ kết hôn. Tớ đang rất hạnh phúc. Hy vọng cậu cũng đang sống tốt.”
Đó là thư tín - là lá thư đầu tiên và cũng là cuối cùng mà Su yeong gửi cho tôi trong đời. Tôi đã nhận được cách đây mấy năm nhưng lại giấu nhẹm nó dưới đáy hộp, rồi khóa chặt trong ngăn kéo. Khuôn mặt của nàng hiện ra, nhảy bổ vào đầu cứ như đang tấn công tôi thực sự. Mặc kệ tôi nhớ hay không nhớ khuôn mặt nàng thì thầy Giku vẫn bắt đầu xoay tròn. Khả năng nhảy của thầy thì vụng nhưng khả năng quay người thì xuất sắc. Thành thật mà nói, nó không phải chỉ dừng lại ở mức xuất sắc, mà thực sự hoàn hảo đến vô lý. Thầy duỗi một chân ra sau, giơ hai tay lên không trung trong khi người hơi ngả về phía sau, giống y như con búp bê đã lên dây cót vậy. Vào khoảnh khắc nhìn thấy thầy xoay tròn một hai lần như con búp bê lên dây cót, tôi chợt nhớ ra ngày xưa mình đã cùng Su yeong viết thư cho Ralph Lauren lúc chưa được mười tám. A, đúng thế, hóa ra có chuyện đó, đúng là có chuyện đó rồi. Tôi cùng với nàng đã ăn dầm nằm dề trong một cửa hàng McDonald’s ở khu trung tâm để viết thư gửi đến Ralph Lauren suốt mùa hè năm đó. Ralph Lauren, đúng thế, Ralph Lauren, đó là Ralph Lauren - nhà sáng lập thương hiệu thời trang có logo người đàn ông chơi polo. Ôi trời ơi! Làm thế nào chúng tôi lại nảy ra ý tưởng vô đối là gửi thư cho Ralph Lauren được chứ? Ký ức cứ nối đuôi nhau ùa về. Và cái kết của ký ức như sau. Làm sao tôi đã có thể sống mà quên sạch sành sanh chuyện đó trong suốt thời gian dài đến thế? Su-yeong, liệu Su-yeong có còn nhớ hồi đó? Chỉ nghĩ thế thôi là tôi cảm thấy tim gan mình như vỡ vụn. Sau này, Shannon A Hayes đã gọi tên đó là cảm giác mất mát, “Như thể tâm hồn bị toác ra một lỗ, chẳng
phải vậy sao?”. Và nàng đã nói thêm thế này, “Như có ai lấy mất cái gì đó trong ngăn kéo tâm hồn vậy”.
Buổi biểu diễn của thầy Giku kết thúc tự bao giờ. Thầy không di chuyển nữa và tư thế cuối cùng của thầy - ngồi xuống trong khi một bên đầu gối giơ lên thẳng đứng, tay dang rộng, đầu ngẩng cao - và giữ nguyên như thế một hồi. Ban đầu, tôi đã định xuất hiện đột ngột trước mặt thầy, hét to với thầy và vỗ tay bôm bốp để trêu ngươi, nhưng tôi đã không làm như vậy. Khi thầy thở hắt ra vui mừng và tháo tai nghe xuống thì sáu người ở đó liền vỗ tay. Dĩ nhiên nó không có nghĩa nhạo báng. Thầy tiến đến phía họ, giơ tay phải lên cao rồi thu lại chào một cách duyên dáng như vũ công, sau đó thầy còn vẫy tay chào nữa. Tôi vẫn không di chuyển mà đứng từ xa dõi theo dáng thầy tiến ra ngoài sân trượt băng, cởi giày trượt và đi vào đôi giày thể thao. Thầy ngồi tạm xuống chiếc ghế gấp để uống nước và ổn định hơi thở, sau đó mặc áo khoác vào. Tôi thấy thầy quay người lại phía sau rồi rảo bước (có lẽ thầy trở về phòng nghiên cứu), và tôi bật khóc.
GÕ CỬA
Cuối cùng, vào cái đêm sau khi trực tiếp mục sở thị thầy Giku trượt băng nghệ thuật, tôi về nhà lục tung thùng rác phòng mình. Và tôi đã tìm thấy bao thư chứa thiệp cưới của Su-yeong vẫn nằm trong chiếc hộp bị vứt đi cách đầy vài tuần. Tôi lôi mẩu giấy ngắn ngủi mà nàng kẹp bên trong phong bì ra và đọc đi đọc lại mấy lần. Biết đâu khi đọc nó, tôi có thể tìm lại được tâm trạng của mình cách đây bảy năm. Một lát sau, tôi nhét mẩu tin nhắn vào lại bao thư và cất vào trong ngăn kéo bàn làm việc đã hỏng (mặt trước gần như đã hỏng hết nên tôi không chắc nó có còn được gọi là ngăn kéo nữa không). Và rồi, tôi ngồi im lặng trong bóng tối. Lúc đó, suy nghĩ bắt đầu bủa vây đầu óc tôi.
Rốt cuộc, Ralph Lauren là ai? Ralph Lauren mà Su-yeong và tôi đã muốn gửi thư cho bằng được rốt cuộc là ai? Lúc đó, tại sao chúng tôi nhất định phải viết thư cho Ralph Lauren?
Tất nhiên (giống như quý vị đang đọc cuốn sách này), tôi biết Ralph Lauren. Tôi cũng sở hữu mấy bộ quần áo của Ralph Lauren thêu hình người đàn ông chơi polo từ hồi học phổ thông. Song đêm hôm đó, tôi tò mò về Ralph Lauren “bằng xương bằng thịt” sau khi đọc mẩu tin nhắn mà Su-yeong gửi. Tôi tò mò về Ralph Lauren “thật”. Tôi đã tìm kiếm tên ông trên Internet (cũng đã rất lâu rồi, đó là lần đầu tiên kể từ sau khi tôi cố gắng viết thư cho một “người” mang tên Ralph Lauren). Thật kỳ lạ là các thông tin liên quan đến công ty hay thương hiệu Ralph Lauren thì nhiều vô tận, còn thông tin về nhân vật có tên Ralph Lauren lại chẳng bao nhiêu. Thực tình thì tôi cũng không biết việc có quá ít thông tin về nhà thiết kế hay người điều hành công ty như thế này có phải là điều thường tình hay không nữa.
“Ông vừa là nhà thiết kế người Mỹ, vừa là nhà sáng lập tất cả thương hiệu thời trang Ralph Lauren. Ông đã mở ra thời đại của thời
trang thực dụng, thời trang may sẵn”. Báo Thế Giới Khác, năm 2001. Bỗng nhiên tôi liền bật cười khi biết chính xác năm mất của Ralph Lauren. Thời điểm Su-yeong và tôi dự định viết thư cho ông là năm 2002, có nghĩa là hồi đó chúng tôi đã viết thư cho người đã chết. Thế nhưng, đêm hôm đó, tôi hoàn toàn không biết được liệu mối liên hệ giữa Ralph Lauren với tôi và nàng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mình trong suốt một năm sau đó. Tôi chẳng có cảm giác
đặc biệt gì khác, mà chỉ tiếp tục tìm kiếm trên Internet. Thông tin về Ralph Lauren thì lác đác nhưng hình ảnh về ông thì lại rất nhiều. Trong số đó, đập ngay vào mắt tôi là bức ảnh Ralph Lauren mặc chiếc áo sơ mi Oxford màu xanh da trời cài khuy tới tận nút trên cùng đang cười rạng rỡ. Tất nhiên không chỉ cười trong mỗi bức ảnh đó, ông còn cười tươi rói trong nhiều bức ảnh khác. Thật khó để tìm thấy một tấm ảnh nào mà ông không cười. Khi nhìn những tấm ảnh đó, tôi nghĩ ngay là không cần nhiều lời để miêu tả về Ralph Lauren. Có lẽ chỉ một từ “cuốn hút” là quá đủ. Giả như bạn muốn nêm nếm thêm chút ít thì có thể là “thật sự cuốn hút”. Nhưng đồng thời, tôi lại nghĩ là có cái gì đó “rất công nghiệp” trong nụ cười của ông ấy. Chẳng biết nguyên nhân có phải vì nụ cười của ông ấy “quá đỗi hoàn hảo” hay không nữa.
Sáng hôm sau, tôi thức dậy sớm và nhìn ra ngoài cửa sổ như bao ngày vẫn thế, hòng chắc chắn rằng các đồng nghiệp đã ra khỏi nhà. Tôi không cần trốn mình sau rèm cửa nữa. Bởi không còn ai quá bộ lên nhà tôi nữa rồi. Thậm chí ngay cả Jy A-ryu vốn vẫn gõ cửa nhà tôi mỗi đêm cũng không đến nữa. Những người đó không một lần ngước nhìn nơi tôi ở. Phải sau khi chắc chắn tất cả bọn họ đều đã ra khỏi nhà thì tôi mới bắt đầu khoác chiếc áo bu dông Carhartt màu xanh dương và đội ngược mũ hoodie rồi đi bộ đến trường. Trong lúc làm thủ tục bảo lưu, tôi mới biết được rằng những thủ tục hành chính rắc rối đều đã được thầy Giku nhanh tay làm trước. Thầy đã giải quyết rất chu đáo nhằm “tống khứ” tôi. Tất nhiên, thật ra chẳng phải thầy quyết tâm làm thế đâu. Chỉ mỗi tiền ăn là thầy đã rộng rãi với tôi. Dù sao cũng nhờ thầy mà tôi không cần phải giải thích về tình hình của mình với các giáo viên văn phòng nữa, và họ cũng không cần đặt các câu hỏi chi tiết hay yêu cầu gì thêm ở tôi. Một lúc
sau, giáo viên văn phòng nói với tôi: “Giờ thì xong hết rồi.” Tôi giật nẩy mình. Ý anh ta là cái gì xong hết cơ chứ? Đương nhiên, “Xong rồi” ở đây có nghĩa là thủ tục bảo lưu của tôi đã hoàn thành.
Sau khi ra khỏi trường học (vẫn đội chiếc mũ hoodie), tôi đi tàu điện ngầm hướng đến Đại lộ Madison. Bỗng nhiên, tôi nảy ra ý tưởng muốn đi đến cửa hàng Ralph Lauren. Khi đến gần cửa hàng, tôi bị choáng ngợp đến độ cứ há hốc mồm bởi quy mô vô cùng to lớn của nó. Cửa hàng Ralph Lauren như một dinh thự khổng lồ đủ để cho cả hoàng tộc thời Victoria sống. Thay vì đi vào bên trong tòa nhà, tôi quay người bắt đầu bước đi vô định, chợt nhớ gần đó có thư viện New York. Tôi đi thẳng đến thư viện và không ngần ngại tiến tới chiếc máy tính trên quầy tìm kiếm, gõ chữ “Ralph Lauren” rồi nhấn nút Enter. Điều ngạc nhiên là, khác với đêm hôm trước, lần này có rất nhiều tài liệu - tất thảy các bài phỏng vấn, bài báo tạp chí thời trang, sách viết về ông - đều được tìm thấy. Một điều thú vị hơn nữa là chúng xuất hiện theo thứ tự ngày tháng, những bài viết liên quan đến Ralph Lauren nhiều nhất là vào đầu thập niên 1980, còn từ giữa thập niên 1990 trở đi thì hầu như không có rồi lại xuất hiện lại vào đầu thập niên 2000, rồi lại giảm. Sau này tôi mới biết đó gọi là những “trị số” tóm tắt, tái hiện lại cuộc đời của Ralph Lauren.
Bài viết đầu tiên về Ralph Lauren mà tôi đọc là bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Vogue năm 1973. Đây không phải là bài phỏng vấn về thương hiệu Ralph Lauren mà gần như là bài phỏng vấn đầu tiên về bản thân ông. Bài báo còn đăng tải bức ảnh của Ralph Lauren ở độ tuổi tam tuần, bận chiếc áo len cashmere cổ lọ màu xanh đậm buông thõng hai tay một cách tự nhiên trên tay vịn ghế sofa da màu xám tro. Dáng thanh mảnh, tóc gọn gàng không vương lấy một sợi. Ông đúng như một vị “hoàng đế” vừa cười kiêu ngạo vừa nói: “Quần áo của tôi sẽ phá vỡ ranh giới chủng tộc và quốc gia. Những người thanh lịch ai cũng sẽ muốn diện lên người những bộ quần áo của tôi. Họ sẽ bấn loạn vì muốn mặc chúng. Anh sẽ nhìn thấy những người thanh lịch phục sức bằng quần áo của tôi bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi đâu”. Sau đó, ông còn nói thêm: “Tôi quan tâm đến thời trang từ hồi tôi hơn mười lăm hay mười sáu tuổi. Khi nhìn những bộ quần áo mà những người giàu mặc trên người, tôi đã
nghĩ nếu tôi có tiền và thời gian dư dật như họ thì tôi sẽ không ăn mặc theo cách đó”. Đó là khởi đầu. Lẽ dĩ nhiên, tiền không phải là tất cả. Dù là người giàu có hay không giàu có thì chẳng phải tất cả đều có tư cách để thể hiện giá trị đặc trưng của mình ư? Dưới dòng chữ ghi lại câu nói này là bức ảnh ông đang chỉ tay về phía máy quay phim. Trông đầy tự tin. Thế nhưng, vì nó tự nhiên đến nỗi tôi chẳng thể thốt nên lời (đúng như điệu cười của ông ấy) nên ngược lại, tôi cảm thấy nó không thật. George Campell, phóng viên mới trạc hai mươi tuổi thực hiện buổi phỏng vấn đó hoàn toàn bị Ralph Lauren hút hồn. Sau này, George Campell còn thực hiện thêm một vài buổi phỏng vấn và viết bài về Ralph Lauren. Phóng viên này đã yêu mến Ralph Lauren hơn bất kỳ ai và ca tụng ông hết lời. Chúng ta hãy cùng xem trích đoạn khác của bài báo đăng trên tạp chí Vogue. “Ralph Lauren đã đại diện phát ngôn cho tinh thần của nước Mỹ. Tôi hy vọng sự nghiệp của ông sẽ không bao giờ tắt giống như nụ cười ngọt ngào rạng rỡ trên gương mặt ông”. Tôi đọc bài báo này và chợt nhớ lại tấm ảnh về ông mà tôi đã nhìn thấy trên Internet, bức ảnh ghi lại nụ cười hoàn hảo của ông. Thế nhưng những lời này chẳng phải quá lộ liễu ư? Dẫu có hấp dẫn đến thế nào, nhưng ôi trời ơi, anh ta đã miêu tả: “Tôi hy vọng sự nghiệp của ông sẽ không bao giờ tắt giống như nụ cười ngọt ngào rạng rỡ trên gương mặt ông”. Trong lúc viết câu này, hẳn là George Campell đã nghĩ mình đang viết “sự thật”. Thế nên đây chính là tình cảm “thật lòng” mà anh cảm nhận. Có lẽ có nhiều người cũng bị mê hoặc bởi nụ cười của Ralph Lauren. Để xem nào, không biết đó là mê hoặc, là quyến rũ, hay là cám dỗ, nhưng dù sao sau này tôi mới biết là có rất rất nhiều người phải lòng ông. Đôi lúc đó là “sự vô phương cứu chữa”.
Tôi cũng chẳng biết mình có giống thế không nữa. Vì sau ngày đọc được bài báo đăng trên tạp chí Vogue, tôi bắt đầu đến thư viện gần như mỗi ngày để đọc tài liệu về Ralph Lauren. Những hôm thư viện đóng cửa, tôi bó mình trong nhà cả ngày để đọc tài liệu đã photo sẵn. Trong tình thế của tôi, việc có rất nhiều tài liệu để đọc quả thật là may mắn, và tôi đọc hết chúng vì chẳng biết mình muốn gì. Thậm chí, tôi còn đọc cả cuốn tiểu thuyết (một tập) do Ralph Lauren viết. Wooden Meyer, Tổng Biên tập The New Yorker - tạp chí
đăng cuốn tiểu thuyết Bánh mì và áo khoác đó sau này từng phát biểu như sau: “Giá trị duy nhất của tiểu thuyết này chỉ là bởi Ralph Lauren đã viết nó. Đó là lý do duy nhất khiến tôi quyết định cho đăng trên tạp chí của mình”. Nói cách khác, nghĩa là ông thú nhận mình vẫn cho đăng dẫu biết nó là cuốn tiểu thuyết rối rắm, lộn xộn. Ngẫm ra, hình như tôi đang nghĩ việc đọc sách về Ralph Lauren (và Joseph Frankel), tìm các bài báo và những người liên quan đến họ cũng là một công việc nghiên cứu. Nếu như đối tượng nghiên cứu khi học cao học của tôi là phân tử, vật chất thì đối tượng nghiên cứu sau khi bị đuổi học lại là Ralph Lauren (và Joseph Frankel). Chúng đều giống nhau ở một điểm là, một mặt vừa kích thích, nhưng mặt khác (cuối cùng) cũng vừa mang đến cảm giác thất vọng.
Xuất hiện ở bất cứ nơi nào, Ralph Lauren cũng đều thích gửi nụ cười tươi rói đến tất cả mọi người, nhưng nơi mà ông thích nhất là “sân khấu”, chẳng phải đâu xa mà chính là sàn catwalk của mình. Thậm chí, ngay cả khi đứng dậy rời khỏi chiếc ghế của nhà thiết kế chính thì ông thường tiến thẳng lên sàn catwalk. Những phút cuối cùng, ông luôn luôn đan hai bàn tay vào nhau, nhắm mắt lại và cúi đầu vài giây. Nhưng ông khẳng định rằng mình không cầu nguyên khi nở nụ cười đầy mê hoặc và nói: “Không phải đâu, tôi là người theo chủ nghĩa vô thần mà”.
Ralph Lauren còn tham gia vào ngành công nghiệp điện ảnh khi làm giám đốc phục trang cho bộ phim Gatsby vĩ đại của đạo diễn Jack Clayton năm 1974. Về vấn đề này, Lewis Attis - nhà sản xuất phim ngày đó đã hồi tưởng lại trong cuốn sách Những bộ trang phục của mình như sau: “Thời điểm đó, Ralph Lauren đúng là nhà thiết kế trẻ gây chú ý nhưng vẫn không vượt quá vai trò của một tân binh.
Trong thâm tâm, tôi những muốn cộng tác cùng các nhà thiết kế như Don Draper hay Yves Saint Laurent. Tôi cho rằng tác phẩm của họ sẽ tạo nên ý nghĩa mới cho bộ phim này. Thế nhưng, đạo diễn Jack Clayton quả quyết rằng ông ấy không muốn cộng tác cùng nhà thiết kế nào khác ngoài Ralph Lauren. Nói thật là tôi tò mò không biết Ralph Lauren làm thế nào mà lại quyến rũ được Jack”. Tất nhiên, Ralph Lauren cuối cùng cũng “quyến rũ” được cả Lewis Attis. Lewis Attis sau này còn cộng tác cùng Ralph Lauren thêm vài bộ
phim nữa. Nhưng người bị Ralph Lauren “mê hoặc” không chỉ có thế. Các diễn viên hàng đầu của Hollywood như Robert Duvall, Peter Taylor, Harrison Ford đều hoan hỉ cộng tác cùng ông. Họ cùng ăn uống ở nhà hàng thanh đạm, cưỡi ngựa hoặc tham dự và chụp ảnh trong các buổi trình diễn của Ralph Lauren. Lẽ dĩ nhiên, ông chẳng thể nào tránh khỏi tin đồn tình cảm với các nữ diễn viên mà trong đó, ồn ào nhất là tin đồn hẹn hò với Faye Dunaway, minh tinh trong phim Phố Tàu[6] (Chinatown). Faye Dunaway, diễn viên quyến rũ với ánh mắt sắc lạnh như băng này đã được trao giải Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với phim Phố Tàu. Nhưng tin đồn hẹn hò của họ chỉ bị lộ ra sau khi phim Phố Tàu đã được khởi chiếu một vài năm. Thậm chí còn có tin đồn là Dunaway có được vai diễn trong phim Phố Tàu là nhờ Ralph Lauren đã thuyết phục đoàn phim, trong khi đó bản thân Ralph Lauren lại không phát biểu nửa lời về vấn đề này. Nhưng mà đối với Dunaway, ở một ý nghĩa nào đó thì việc xuất hiện trong bộ phim này là lựa chọn vô cùng xuất sắc, nhưng ở một ý nghĩa khác, nó cũng là một lựa chọn vô cùng kinh khủng. Dù đã giành được giải Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất nhưng kể từ đó, tất cả những bộ phim khác mà bà tham gia đều lần lượt thất bại. Dù bà có vào vai nào đi chăng nữa thì người ta cũng chẳng thể quên được số phận đầy bi kịch của người phụ nữ trong Phố Tàu, không quên được dáng vẻ quay lưng lay lắt, day dứt đó. Vào giữa thập niên 1980, bà kết hôn với một doanh nhân xuất thân từ nhân viên ngân hàng và rời khỏi làng điện ảnh mãi mãi[7]. “Tôi không hối hận”, bà đã nói như thế. Joanna Rush - một diễn viên khác cũng bị cuốn vào tin đồn hẹn hò với Ralph Lauren, lại thể hiện tình cảm của mình với ông ấy khi bông đùa rằng, chúng tôi chỉ là mối quan hệ bạn bè tốt nhưng tôi “phản đối việc Ralph Lauren trở thành chồng của một ai đó” (Ralph Lauren cả đời đã không trở thành chồng của bất kỳ ai).
Tựa như câu nói của George Campbell khi hy vọng rằng sự nghiệp của Ralph Lauren sẽ “không bao giờ tắt giống như nụ cười ngọt ngào rạng rỡ trên gương mặt ông”, thì sự nghiệp của Ralph Lauren chẳng những không hề “đứt đoạn” mà còn luôn thành công. Dẫu vậy, liệu Ralph Lauren có thể hình dung được cảnh tượng có rất
nhiều người ở thành phố mang tên Seoul (thậm chí có khi lúc đó ông còn không biết đến tên gọi ấy), nằm cách phòng thu Manhattan nơi ông ngồi phỏng vấn khoảng chừng 11.080 cây số đều đang “nôn nao” muốn mặc quần áo của ông sau hơn hai mươi năm kể từ buổi phỏng vấn đó? Liệu ông có thể tưởng tượng nổi, dù đi đâu trong trung tâm thành phố thì đều bắt gặp những người mặc áo ghi-lê len Ralph Lauren, quần vải một ly Ralph Lauren, áo jacket thẳng thớm Ralph Lauren, áo sơ mi Oxford Ralph Lauren không? Thậm chí, ông có dự đoán được những thương hiệu bắt chước theo Ralph Lauren đang mọc lên như nấm sau mưa không?
Trường phổ thông nơi tôi theo học nổi tiếng về tỷ lệ thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng, và đồng hành với danh tiếng đó là không khí cạnh tranh học tập cũng căng theo. Thời đó, tôi hầu như chưa từng bị tụt xuống dưới hạng ba toàn trường. Ở khía cạnh nào đó, cha mẹ tôi cũng nghĩ điều đó là đương nhiên. Bởi lẽ cả hai đều luôn trong tư thế sẵn sàng xắn tay xắn chân với những vấn đề học tập của tôi. Đôi lúc dì tôi (người theo chủ nghĩa độc thân suốt đời) cũng phải chỉ trích mẹ tôi vì điểm này, dù họ luôn là hai thực thể vô cùng khác biệt. Dì tôi, sau khi du học từ Pháp về thì làm việc liên tục trong lĩnh vực thời trang, trong khi mẹ tôi tốt nghiệp khoa dược rồi đi làm cho công ty dược phẩm vài năm thì lấy chồng và nghỉ việc luôn. Nói cách khác, mẹ là “bà nội trợ trời sinh”. Mẹ chế biến những món ăn ngon cho tôi ăn, giữ nhà cửa không một hạt bụi, có sở thích mua sắm những bộ bát đũa cốc chén đẹp mắt và thích sưu tầm đổ trang sức đắt tiền. Từ sau khi tôi vào lớp Một, mẹ tham gia sinh hoạt hội phụ huynh định kỳ rồi lập ra hội trao đổi thông tin về các trung tâm và gia sư. “Cháu vốn là đứa thông minh sẵn. Vợ chồng chúng tôi chẳng cần làm gì cả đâu”. Mỗi lần họ hàng khen ngợi hay tỏ ý ngưỡng mộ tôi là mẹ lại ngượng ngùng trả lời như vậy. Và bố mẹ còn không quên dặn dò tôi phải luôn luôn khiêm tốn: “Con phải luôn nghĩ đến những người không được bằng con nhé”.
Điều tôi đặc biệt nhớ là chuyện “chiếc xe đưa đón học sinh”. Chung cư nơi tôi sống chỉ cách trường học hai, ba bến xe buýt, vậy mà từ hồi học cấp hai, tôi hầu như chẳng phải ngồi xe buýt đi học. Mỗi sáng, cứ đến 7 giờ 10 phút, tôi bước chân xuống dưới cổng tầng
một của chung cư là chiếc xe đưa đón học sinh đã chờ sẵn. Khu chung cư tôi sống khá lớn nhưng xe đưa đón luôn đón lần lượt từng học sinh từ những lô nhà sâu nhất, rồi lại trả về lần lượt từ những ngôi nhà gần trường nhất. Đây là điều vi phạm quy chế của nhà trường.
Thế nhưng, các bậc phụ huynh lại hoan hỉ chấp nhận bởi nhờ vậy, họ có thể dễ dàng theo dõi lộ trình của chúng tôi và xe còn đưa chúng tôi đến các trung tâm học thêm sau khi tan học một cách nhanh chóng, tiện lợi. Cũng có thể nói rằng thời đó, vì chúng tôi phải học tập trong không khí đua tranh khốc liệt nên bố mẹ chúng tôi chỉ chấp nhận các nội quy nghiêm khắc của nhà trường ở một mức độ nào đó.
Tôi không biết vì sao mà những logic kiểu đó lại được lập ra, nhưng đa số giáo viên đều tin rằng nền tảng của sự nghiêm khắc nằm trong việc kiểm soát trang phục. Chẳng thế mà xuất hiện “mệnh đề” là nếu ngăn được bọn học sinh để ý đến vẻ bề ngoài thì tất thảy mọi mối quan tâm của chúng sẽ tự nhiên được dịch chuyển sang chuyện học hành. Nói thêm rằng, còn có “định lý” là càng mặc đồng phục chỉnh tề thì trạng thái tinh thần càng tốt. Và từ đây còn xuất hiện thêm hàng loạt “định lý” khác (“Hãy nhìn đứa học sinh gương mẫu kia kia, sao đồng phục của nó có thể thẳng thớm đến thế chứ?”, “Ăn mặc kiểu đó thì học hành gì chứ!”, “Lại nữa, chậc chậc chậc”,...). Những “định lý” này tạo ra cảm giác rất lạ kỳ. Chẳng là thời tôi học cao học thì gần như mọi học viên đều bận đồ thể thao. Chẳng có một ai ăn mặc tươm tất, gọn gàng. Dù là nam hay nữ thì trang phục thường ngày đều là quần áo thể thao đến đầu gối. Lẽ dĩ nhiên, Ralph Lauren sẽ thẳng thừng phản đối tất thảy những kiểu trang phục này, bao gồm cả kiểu mặc quần áo thời tôi học cao học. Có lẽ ông sẽ nói: “Nếu bạn mặc một bộ đồ đẹp, bạn sẽ nảy ra một ý tưởng tuyệt vời”. Đôi lúc, Ralph Lauren bất ngờ tẩn công phòng kế toán, vì ông cho rằng những người diện quần áo “một cách bi thảm” nhất trong công ty ông đều tập trung hết ở đó. Ông tin rằng trang phục như thế sẽ gây ảnh hưởng lớn đến công việc nên thường quát tháo om sòm, thậm chí sẽ giảm lương nhân viên nếu trang phục của họ không làm ông ưng ý. Nhưng, chúng tôi của
thời trung học phổ thông (tất nhiên bây giờ vẫn thế) đều không phải là nhân viên phòng kế toán của công ty Ralph Lauren. Chúng tôi càng không bận tâm chải chuốt vẻ ngoài thì thầy cô giáo lại càng an tâm. Chúng tôi phải cắt tóc ngắn và mặc đồng phục chỉnh tề. Thậm chí, chúng tôi còn bị can thiệp tới cả màu sắc của những chiếc tất đi trong giày. Vào mùa xuân hoặc mùa thu, các nữ sinh luôn bị “hỏi cung” xem có mang tất quần màu cà phê không, còn mùa đông thì nhất định chỉ được mặc tất quần màu đen dày dặn để không lộ da chân. Chúng tôi đã phải mặc đồ thể dục màu xám tro vào mùa đông và đồ thể dục ngắn tay màu trắng phối với màu xanh cửu long vào mùa hè. Áo khoác mùa đông cũng được nhà trường quy định.
Tuy nhiên, dẫu không khí trường học có nghiêm khắc đến mức nào đi chăng nữa thì mầm mống phản kháng lúc nào cũng có. Bọn học sinh “nhút nhát” thì phản bác nội quy này một cách thận trọng. Tụi con gái nhuộm tóc màu nâu đậm gần với màu đen rồi đến trường nói: “Vốn dĩ tóc của tớ màu này mà”, còn lũ con trai thì mặc áo sơ mi có màu gần giống với áo sơ mi đồng phục đến trường để vênh váo không đâu. Mặt khác, lại có một nhóm học sinh “tinh hoa”. Chúng bày tỏ bãt mãn rằng “việc nhà trường áp đặt về ngoại hình” thật là bất hợp lý. Đa số chúng đều có thành tích học tập rất xuất sắc nên ít ra cũng đã có một số giáo viên vờ như lắng nghe chúng nói. Dù khá hiếm hoi nhưng trong trường còn có cả “phái cực đoan” nữa. Chúng hoặc là phớt lờ hầu hết mọi quy định về trang phục, phì phèo thuốc lá trong nhà vệ sinh, hoặc là đi uống rượu hay chơi bida sau khi tan học. Nhưng, mấy đứa thuộc phe cực đoan hầu như chẳng mấy khi xuất hiện ở lớp nên chúng cũng chẳng can hệ gì lắm tới “làn sóng chống đối” nổi dậy trong trường. Còn tôi thuộc nhóm nào nhỉ? Nếu cố gắng phân loại cho bằng được thì có lẽ tôi thuộc “phái trung lập” rồi. Khi trường học tỏ ra nghiêm khắc về trang phục thì tôi răm rắp tuân theo mà không ca thán lấy nửa lời, nhưng sau này, khi bầu không khí biến chuyển đôi chút thì tôi lại ngả mình về phía phe chống đối.
Nội quy hay sự đàn áp của nhà trường bắt đầu thực sự bị uy hiếp khiến mọi chuyện bắt đầu đổi khác không phải là nhờ phái trung lập, nhóm học sinh “tinh hoa” hay phái cực đoan. Góp công
lớn nhất cho sự thay đổi này là những “tín đồ thời trang Ralph Lauren” - chính là những đứa luôn nhảy dựng lên vì muốn mặc quần áo có hình logo nhỏ tí ti thêu hình một người đàn ông đang cưỡi ngựa - có lẽ đây mới là nhân vật chính của “cuộc cách mạng” này. Cuộc cách mạng khởi đầu từ các trung tâm học thêm. Không biết tự bao giờ mà đám học sinh mặc đồ Ralph Lauren đến trung tâm bắt đầu tăng dần. Tất nhiên, chúng tôi cũng có cách để có thể mặc đồ Ralph Lauren trong trường “một cách hợp pháp”. Lũ con gái thì đeo băng đô Ralph Lauren - có đính logo kim loại ở một góc, còn bọn con trai thì đeo ba lô Ralph Lauren. Con trai hay con gái cũng đều mặc áo phông cổ tròn màu trắng Ralph Lauren bên trong lớp áo sơ mi đồng phục theo mốt thời đó. Và rồi cuối cùng, Ralph Lauren đã chính thức lộ diện. Một học sinh đã mặc áo phông cổ tròn thêu logo Ralph Lauren thay cho quần áo thể dục đến trường vào giờ thể dục. Cậu chàng biện minh (theo kiểu kinh điển) rằng mình đã giặt đổ thể dục nhưng không kịp khô. Hình như thầy giáo thể dục cảm thấy không cần thiết phải nổi giận, bởi thông thường, cậu này không phải học sinh cá biệt, hơn nữa chiếc áo cậu mặc chỉ là áo phông màu trắng giản dị và gọn gàng. Nhưng, kể từ sau hôm đó, số lượng học sinh mặc áo phông cổ tròn Ralph Lauren thay cho áo thể dục dần càng nhiều hơn. Chúng tôi xem việc mặc đồ Ralph Lauren là vô cùng quan trọng, tới độ sẵn sàng mặc chiếc áo phông Ralph Lauren mà mình vô cùng yêu thích để lăn lộn trên nền sân vận động đầy bùn đất. Thầy giáo thể dục yêu cầu học sinh không được mặc bất cứ quần áo gì trừ đồng phục thể dục, thế nhưng niềm khát khao được khoác lên mình “bộ đồ thể dục Ralph Lauren” trong chúng tôi một khi đã bùng cháy thì càng hừng hực chứ không bao giờ lắng xuống. Cơn bão mang tên Ralph Lauren dần trở nên “dữ dội” hơn. Vào mùa đông năm chúng tôi chuyển từ lớp Mười lên lớp Mười một, nghĩa là có kỳ học bổ túc mùa đông thì “cơn bão Ralph Lauren” rốt cuộc cũng thổi bay tấm áo khoác đồng phục quê mùa đi thật xa. Và chiếc áo măng tô vải thô Ralph Lauren đã hạ cánh xuống bên chúng tôi.
Lẽ dĩ nhiên, tôi cũng mặc áo măng tô vải thô Ralph Lauren thay cho áo khoác đồng phục để đi học vào kỳ học bổ túc năm đó. Chiếc áo của tôi màu xanh đậm. Tất nhiên, tôi còn có một vài chiếc áo sơ
mi Oxford, quần vải một ly, áo ghi-lê len nổi tiếng của Ralph Lauren. Chẳng phải vì tôi quan tâm đặc biệt gì đến thời trang đâu, mà chỉ là vì lũ bạn đều có nên tôi cũng phải trang bị cho mình mà thôi. Trong lớp tôi có những đứa vì muốn được mua chiếc áo măng tô vải thô Ralph Lauren mà “dính như sam” lấy bố mẹ theo đúng nghĩa đen để nài nỉ. Thời đó, chắc cũng hơn mười năm trước, áo măng tô vải thô Ralph Lauren đã có giá hơn năm mươi nghìn won nên tương đối đắt đỏ. Thế mà theo tôi nhớ, tôi không hề phải vòi vĩnh gì nhiều. Có lẽ tôi cũng đã từng xin mẹ mua áo măng tô cho mình. Và lý do khiến tôi có thể có được chiếc áo măng tô vải thô Ralph Lauren khá dễ dàng là vì bố mẹ tôi luôn lo sợ tôi bận tâm đến việc gì khác ngoài việc học. Họ không muốn tôi lãng phí tâm trí và thời gian vào bất cứ việc gì khác mà không phải là chuyện học hành.
Ralph Lauren đã giải thích thế này về mẫu áo măng tô vải thô của mình: “Phần viền của chiếc mũ liền áo có đính một phụ kiện nhỏ xíu. Phụ kiện này không đơn giản là để trông đẹp mắt hơn, mà nó được làm với trọng lượng cân đối để giữ cho dáng chiếc mũ trùm đầu được ‘chuẩn xác’ nhất. Nó còn được đính thêm da ở hai bên đường khuyết áo nữa. Nó trông thật đơn giản hơn. Lý do chúng tôi sử dụng da nén rất đơn giản. Chính bởi vì nó là chất liệu đơn giản và thích hợp nhất khiến chiếc áo măng tô đúng như chiếc áo măng tô”. Khi Ralph Lauren nói chuyện về thời trang, từ vựng mà ông nói nhiều nhất có lẽ là từ “sự đơn giản”. Ông rất thích nói: “Đơn giản là trang sức số một”. Cùng với “sự đơn giản”, ông còn vô cùng xem trọng từ “chuẩn xác”. Một số người đã đặt câu hỏi rằng liệu từ “thực dụng” có phù hợp hơn không, nhưng ông vẫn không từ bỏ những từ trên. Nếu đọc bài phỏng vấn về Ralph Lauren, đôi lúc bạn sẽ cảm thấy thương cảm cho sự nỗ lực dùng từ một cách quá sức của ông. Chẳng hạn như về môn polo, lúc đầu ông đã phát biểu rằng mã cầu (polo) là môn thể thao sống động nhưng không mất đi nét duyên dáng, nhưng sau đó khoảng mười năm thì ông lại nói thêm rằng: “Môn mã cầu quả đúng là môn thể thao tìm kiếm đồng thời cả sự đơn giản lẫn chuẩn xác”. Thế nhưng, nếu nghĩ kỹ thì có lẽ ông muốn nói rằng cử tạ là môn thể thao mà người ta mưu cầu sự đơn giản và chính xác hơn nhiều.
“Ralph Lauren vừa mang lại vẻ hoa lệ chưa từng thấy trước đó, đồng thời vừa hiện thực hóa một cách hoàn hảo sự đơn giản và tinh tươm. Bộ sưu tập của ông đơn giản một cách phức tạp, thâm thúy một cách mộc mạc”. Đây là câu văn xuất hiện trong cuốn tự truyện về Ralph Lauren (với tiêu đề khá cuốn hút): Ralph Lauren - người sáng tạo thế giới mới, do Anne Rice viết. Cuốn sách được xuất bản vào đầu thập niên 1980 này được hoàn thành với hàng trăm bức ảnh và cuộc trao đổi với Anne Rice cùng lời bình luận của bà; Anne Rice đã nói rằng chỉ tính thời gian chuẩn bị cho cuốn sách đã mất hơn một năm. Thành tựu quan trọng nhất của cuốn sách này có lẽ là nó đã đóng vai trò tập hợp liền mạch các bức ảnh vốn quá tản mạn nên chẳng thể nắm bắt điểm chính của Ralph Lauren từ trước đến giờ. Trong sách, Anne Rice đã cụ thể hóa một cách hiệu quả hình ảnh của Ralph Lauren - phiêu lưu, không sợ hãi và vui tươi sảng khoái.
Từ xuất hiện nhiều nhất trong sách là “đơn giản” và “chuẩn xác”. Có thể thêm vào đây các từ “mới”, “suôn sẻ”, “cách mạng”... Thực tế, Ralph Lauren tích cực sử dụng những từ này trong buổi phỏng vấn từ thời điểm được cho là chuẩn bị cho cuốn sách (cả trong buổi phỏng vấn thực hiện hồi thập niên 1970, những từ này đôi khi cũng được sử dụng nhưng có vẻ không nhằm mục đích gì). Thế nhưng, với Anne Rice, cuốn sách này gần như là một thảm họa. Người ta phê phán rằng cô đã đánh mất sự nhạy cảm của nhà văn. Nhà phê bình Jake London đã viết như thế này về cuốn sách:
Anne Rice - nhà báo xuất chúng kiêm tác giả ưu tú đã tạo dựng những phân tích mang tính triết học lẫn học thuật về khái niệm “vùng cao” và “Phát minh thành phố” đã nêu bật dự đoán thông thái và phân tích mới về thành phố New York - đã công khai nói rằng muốn viết hồi ký. Bà nói rằng cuộc đời bất cứ lúc nào cũng có “bí mật” và cho biết bà muốn viết về những điều đó. Khi bà nói rằng sẽ viết về Ralph Lauren, việc có nhiều người tò mò về cuốn sách là điều hiển nhiên. Bởi lẽ việc Ralph Lauren xuất hiện như sao chổi vào cuối thập niên 1960 đã là một “bí mật”. Người ta tò mò muốn biết ông đã trở thành nhà thiết kế theo cách nào, đã trải qua thời thơ ấu ra sao và có từng tham chiến không. Cũng có người hồ nghi không biết
chừng ngay cả tuổi của ông cũng là tuổi giả. Thế nhưng, cuốn sách này chẳng hề giải đáp lấy một nghi vấn nào trong số đó. Nổi tiếng với lối hành văn đanh thép và súc tích do gạt bỏ hết cảm xúc bản thân, nhưng ở cuốn sách này, Anne Rice thể hiện mình như một con ngựa non được cởi dây cương tung tăng chạy nhảy trên cánh đồng mang tên “cảm xúc”. Phần không đánh mất cảm xúc nhất có lẽ là tiêu đề “Ralph Lauren - người sáng tạo thế giới mới”. Sau này, Kathleen O’Brien - tác giả của Những ghi chép ngắn: Thật và giả đã viết như thế này trên mục review của New York Times:
Trước tiên, tôi muốn nói rằng tôi bị sốc. Trong cuốn sách này, không thể tìm thấy nổi một nét đẹp nào của những dòng văn mà Anne Rice cho chúng ta thấy từ trước đến nay. Bà cũng tham gia lên kế hoạch và biên tập cuốn sách này nhưng cấu trúc sách gần như tiệm cận với sự thảm hại. Thế mới nói, tại sao ảnh lại được đăng nhiều đến thế? Tôi chẳng thể đếm chính xác (với chỉ khoảng năm lần đếm thử), nhưng ít nhất có lẽ cũng phải hơn ba trăm tấm (Rốt cuộc Ralph Lauren đã chụp những bức ảnh này khi nào nhỉ? Liệu ông có người chụp ảnh chuyên trách không?). Việc đăng ảnh cũng rất mất trật tự. Chẳng hạn, nội dung chính là về một diễn viên Hollywood mà Ralph Lauren quen thân, nhưng bức ảnh đãng tải ở trang bên cạnh lại là cảnh Ralph Lauren và Jacqueline Kennedy Onassis đứng đối diện nhìn nhau vô cảm. Bên cạnh nội dung về tình bạn giữa Ralph Lauren và Diana Bee lại đăng bức ảnh Ralph Lauren đang đợi đến lượt mình ở cửa hàng bánh cupcake (Rốt cuộc tại sao cảnh này lại được chụp nhỉ?). Tất nhiên bức ảnh nào cũng cho thấy hình ảnh chính trực và chân thật đồng thời chưa một lần được công khai trên báo chí của Ralph Lauren. Cảnh người đàn ông vốn chỉ mỉm cười hoàn hảo khi phỏng vấn trên tivi hay tạp chí, hoặc trên sàn diễn thời trang của chính mình, hay ngồi một mình dùng bữa trong nhà hàng riêng vô cùng rộng rãi ẩn chửa nhiều ý nghĩa chỉ với nét mặt của ông. Nhưng tôi không thể nào hiểu được bức ảnh chụp nửa người trên khi ông đang ngồi ở ghế Hoàng Gia của nhà hát kịch opera rốt cuộc tại sao lại được đăng tải. Những bức ảnh kiểu này khiến người đọc vô cùng hoang mang. Rõ ràng chắc hẳn mọi người
đều có điều kỳ vọng ở sự kết hợp giữa Ralph Lauren và Anne Rice. Nhưng cuốn sách này chẳng thể thỏa mãn lấy nổi một trong những thứ đó. Thêm vào đó, chắc hẳn sẽ không có ai vui vẻ lãng phí thời gian để đọc hết cuốn sách và xem hết những tấm ảnh rối rắm này (thú thật là tôi cũng chẳng thể).
Liệu Anne Rice đã phản ứng như thế nào với những bài viết kiểu này nhỉ? Bà đã không có bất kỳ phản ứng gì. Bà cũng chẳng nói bất cứ điều gì ủng hộ cho cuốn sách của mình. Thay vào đó, bà đã viết những tác phẩm kiệt xuất khác như Về việc đi xuống biển sâu, Vương quốc của nữ vương, Thế giới khác,... để ru ngủ những phê phán trút xuống mình, tìm lại danh tiếng của một phóng viên kiệt xuất và lựa chọn hướng đi được nhiều người tôn kính. Thế nhưng, điều tôi muốn nhấn mạnh ở phần này không phải là chuyện đúng sai về cuốn sách được đánh giá là tác phẩm tầm thường này. Điều tôi muốn nói là ở chỗ khác. Đó chính là xuất thân và thời thơ ấu của Ralph Lauren được “bao phủ bởi màn che” một cách triệt để giống như lời của Jake London. Cứ thử đọc những bài viết về Ralph Lauren thì một cách tự nhiên bạn sẽ cảm thấy tò mò. Thời thơ ấu của ông như thế nào? Ông đã học thời trang theo cách nào? Ông quan tâm đến thời trang từ bao giờ? Thời đó, mọi người cũng giống như vậy. Động lực khiến ông trở thành nhà thiết kế “vĩ đại” là gì? Mọi người tò mò kiểu như liệu ông có thích xem tạp chí thời trang và trực tiếp may quần áo cho em út (giả sử ông có các em) giống như Yves Saint Laurent, nếu không thì liệu ông có là con cái của một gia đình nghèo không có cơ hội học thời trang nhưng lại may quần áo cho chính mình mặc như Coco Chanel không, nếu không thì liệu có phải ông đang học quản trị kinh doanh thì cảm động với buổi biểu diễn thời trang mà mình vô tình được xem rồi nhảy sang thế giới thời trang không... Thế nhưng, cho tới tận lúc chết, Ralph Lauren vẫn chưa từng nói về những điều đó.
Đôi lúc tôi suy nghĩ về “sự im lặng” của Ralph Lauren. Đó thật sự là chuyện kỳ lạ. Ông công khai hình ảnh của mình trên các phương tiện truyền thông thường xuyên tới mức không một nhà thiết kế nào bì kịp. Có lẽ ông đã xuất hiện và phát biểu nhiều trên các phương tiện truyền thông hơn bất cứ nhà thiết kế nào. Nhưng cân nhắc lại
thì hình như là ông không nói “chuyện” nhiều hơn ai cả. Kathleen O’Brien đã nói như thế này trong Những ghi chép ngắn: Thật và giả. Ralph Lauren trả lời nhiều cuộc phỏng vấn và xuất hiện trong các cuộc họp mặt chính thức với các diễn viên Hollywood để cười rạng rỡ và cư xử thân thiện với công chúng, nhưng thực tế, ông thường yêu cầu người phỏng vấn cho trước danh sách câu hỏi và chuẩn bị tỉ mỉ câu trả lời. Đôi khi ông nhận được câu hỏi bộc phát, nhưng cuối cùng ông vẫn thành công trong việc xoay chuyển câu hỏi đó theo cách khác. Và từ sau đó, ông hoàn toàn trở thành kẻ thù với phóng viên đã đặt câu hỏi đó. Thái độ này của Ralph Lauren đã khiến cho các phóng viên bất mãn.
Mặt bí mật của Ralph Lauren có ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của ông không? Hoàn toàn ngược lại. Mọi người đã đón nhận hai hình ảnh tương phản, một bên là Ralph Lauren đã đẹp trai và hoạt ngôn lại còn thẳng thắn thể hiện tham vọng của chính mình, với một bên khác là Ralph Lauren đầy bí ẩn và không hiểu vì sao cứ như thể đang kìm nén. Còn có những người coi việc ông che giấu quá khứ là một kiểu chiến lược. Những người yêu mến ông nói rằng chiến lược đó chính là sức hấp dẫn và năng lực của ông, còn những người ghét ông thì nói rằng điều đó thể hiện một cách rõ ràng rằng ông đang ảo tưởng. Và họ cũng đưa ra một chứng cứ khác chứng tỏ Ralph Lauren đang “ảo tưởng” chính là kết quả kinh doanh của ông. Họ phê phán thời trang mà Ralph Lauren trình làng không phải là “nghệ thuật” mà là thứ thuộc về phạm trù “công nghiệp”, và rằng không có nổi một cái gì mới trong những thiết kế của ông. Tất nhiên cũng có một thứ ngoại lệ mà họ cũng không thể không thừa nhận là mới mẻ. Đó chính là cà vạt. Đương nhiên, Anne Rice đã có công lớn để giải thích về chiếc cà vạt này trong Ralph Lauren - người sáng tạo thế giới mới. Theo sách này, Ralph Lauren khi đang làm nhân viên bán cà vạt ở công ty Rivetz đã cảm thấy “chán ghét” chiếc cà vạt thịnh hành hồi đó và quyết tâm trực tiếp thiết kế cà vạt. Trước đó, ông vẫn là kẻ ngoại đạo chưa từng học về thời trang một cách chính thức. Anne Rice viết rằng Ralph Lauren có khả năng là nhà thiết kế “tự do” “không bị đóng khung” “vì chưa từng học thời trang”. Ông đã thoát khỏi chiếc cà vạt to bản, ngắn và chủ yếu có màu đơn sắc
thịnh hành hồi đó để phát minh ra chiếc cà vạt nhỏ và dài. Ngoài ra, ông là người đầu tiên cho thêm hoa văn vào chiếc cà vạt vốn phổ biến không có hoa văn. Đó là thử nghiệm vô cùng phá cách. Phác thảo thiết kế cà vạt này được đăng trong sách của Anne Rice và bà không quên kèm thêm đánh giá như thế này: “Có thể thấy nó sặc sỡ hơn seri cà vạt mà Ralph Lauren ra mắt sau này một chút, nhưng ông ấy đã sử dụng chất vải cao cấp để tạo ra những chiếc cà vạt thanh lịch và đầy phẩm cách”. Thế nhưng, nhiều người phê phán Ralph Lauren lại khăng khăng rằng cà vạt chỉ là ngoại lệ, còn những “sản phẩm” khác thì không có gì mới. Ý họ là ông chỉ lấy những thứ vốn thịnh hành rồi biến đổi một chút. Chẳng hạn như áo thun pique của ông là thứ mà Lacoste đã tạo nên mốt trước đó, ông chỉ loại bỏ những thứ không cần thiết trong áo thun pique của Lacoste để có thể mặc không chỉ khi chơi thể thao mà còn trong sinh hoạt thường ngày. Áo sơ mi Oxford (còn được gọi là tác phẩm tiêu biểu) của Ralph Lauren quả nhiên cũng giống như vậy. Ông chỉ làm mềm một chút cách may cứng nhắc của áo sơ mi Oxford vốn đã thịnh hành rồi đưa ra thị trường với nhiều màu sắc khác nhau. Từng làm việc cho công ty Ralph Lauren rồi sau này trở thành nhà thiết kế hàng đầu của Louis Vuitton, Marc Jacobs đã nói thế này: “Ralph Lauren dứt khoát không phải là người làm nghệ thuật. Ông đương nhiên khác với chúng ta. Ông là nhà kinh doanh”. Người thể hiện rõ ý kiến của mình bằng câu văn trang nhã nhất trong số những người thuộc nhóm phê phán này là đạo diễn Jean Jacques Millenno. Khi Rory Modiano - người vừa là diễn viên đóng thế vừa là vợ cũ của ông bị cuốn vào tin đồn tình cảm với Ralph Lauren thì ông bị đặt vào tình thế phải nói rõ ý kiến của bản thân. Ông đã trả lời thế này với câu hỏi của nhà báo (thảm hại và hoàn toàn không thể tìm thấy cái gì gọi là tinh tế) rằng: “Ông nghĩ như thế nào về Ralph Lauren?”. “Có thể sống cùng thời với Ralph Lauren là điều may mắn vô cùng. Bởi lẽ thông qua ông ấy, chúng ta đang cùng chia sẻ khoảnh khắc nghệ thuật trở thành ngành công nghiệp và ngành công nghiệp trở thành nghệ thuật. Chúng ta đang chứng kiến một thời đại mới. Thế nhưng khi ta đưa mắt vào bên trong thời đại mới đó thì chắc hẳn không một ai biết có gì trong đó”. Trong lúc đạo diễn Millenno gián tiếp nói về những bất mãn đối với thương hiệu Ralph Lauren một cách rất
học thức thì có một người tiên phong phê phán Ralph Lauren một cách tích cực. Đó chính là George Campbell. Đúng thế, chính George Campbell đã phỏng vấn Ralph Lauren và thể hiện như mình hâm mộ Ralph Lauren tới mức không biết làm thế nào, đã “hy vọng sự nghiệp của ông không bị tắt giống như nụ cười ngọt ngào trên gương mặt ông” ở phần trên. Không biết vì lý do gì mà ông đã quay lưng hoàn toàn với Ralph Lauren sau thập niên 1980 và hành động như người hạ quyết tâm muốn “cắt đứt nụ cười đẹp” trên khuôn mặt của Ralph Lauren. Sau này, trong cuốn Sự cao quý hợp lý của mình, ông đã tóm cả Ralph Lauren và Anne Rice để phê phán:
Anne Rice thông qua cuốn sách với tiêu đề lộ liễu Ralph Lauren - người sáng tạo thế giới mới, đã xây dựng một cách hoàn hảo hình ảnh Ralph Lauren. Nhưng cuốn sách này chỉ tuyền những lời tán dương Ralph Lauren, không hơn không kém. Trong cuốn sách này, Ralph Lauren đã nhiều lần nói rằng mình không bán quần áo mà là bán ước mơ. Rốt cuộc ý ông ấy là gì? Dường như Anne Rice cũng chẳng thể đưa thêm ý kiến hay suy nghĩ nào với câu nói này của ông. Rốt cuộc thứ gọi là giấc mơ mà Ralph Lauren nói là gì? Liệu Anne Rice có nghĩ rằng thật sự có cái gì gọi là mới mẻ trong những thiết kế của Ralph Lauren không? Với Ralph Lauren, sự sáng tạo gần với sự kết hợp. Cái gì ông cũng lấy về rồi biến đổi. Hẳn sẽ có ai đó nói rằng đó là năng lực tìm thấy thứ đặc biệt trong những thứ tầm thường, nhưng quả nhiên liệu có thể gọi nó là sự cách tân, hay nghệ thuật giống như cách diễn đạt của Anne Rice không? Đó chẳng phải là phát ngôn quá đỗi vô lương tâm sao?
Điều thú vị là nếu luân phiên đọc sách của cả hai người (dù sách của Campbell xuất bản sau hai năm) thì sẽ cảm thấy hai người này giống như những người không ngừng thử nghiệm hòng cân bằng những bình luận và phán xét về Ralph Lauren đang lang thang phiêu bạt trong vũ trụ. Anne Rice viết thế này: “Người ta định hạ thấp chiến lược của Ralph Lauren với những từ ‘mô phỏng và biến hình’. Nhưng điều đó giống y như quả trứng của Columbus. À không, liệu có phải gọi nó là sự hoán đổi mang tính Copernicus được không nhỉ?”. Bà nói thêm: “Ralph Lauren chỉ lược bỏ bớt những phần ‘không cần thiết’ của một thứ nào đó. Vấn đề là đại đa số mọi người
đều không biết được đâu là phần ‘không cần thiết’”. Và câu nói nổi tiếng của Ralph Lauren được trích dẫn lại một lần nữa (thực tế nhiều hơn rất nhiều): “Đơn giản trên mức đơn giản, chính xác trên mức chính xác”. Còn George Campbell đã nói về điều đó như sau: “Tôi chẳng nhận được chút cảm hứng nghệ thuật nào từ Ralph Lauren. Thứ mà Ralph Lauren bán chỉ là hình ảnh. Không có thực thể nào ở đó”. Tất nhiên, quan điểm này của George Campbell có phần thích đáng. Nhưng không liên quan đến sự thật, nếu phải giơ tay cho một trong hai người này thì tôi muốn giơ tay cho Anne Rice. Bởi lẽ bà đã viết về Ralph Lauren đúng như một người rơi vào lưới tình. Bà thực sự đang yêu. Vừa đọc văn của Anne Rice, tôi vừa có thể tưởng tượng hình ảnh bà ngắm nhìn Ralph Lauren với nét mặt như mất hồn, và nhờ hình ảnh như thế của bà mà tâm trạng tôi trở nên rất tốt. Không phải là châm biếm, mà thật sự là như vậy. Tâm trạng tôi thật sự tốt lên. Chẳng hạn như phần này.
Dạo này Ralph Lauren đang mở rộng thị trường. Ông còn có kế hoạch đầu tư vào thị trường giày dép, trang sức hay phụ kiện. Nhưng tôi trộm nghĩ lĩnh vực mà quan điểm triết học thời trang của ông có thể được thể hiện rõ nhất chính là đồng hồ. Tất nhiên có quá nhiều thương hiệu đồng hồ nổi tiếng từ xưa truyền lại. Nhưng tôi muốn thấy chiếc đồng hồ khắc logo của Ralph Lauren. Chắc nó sẽ thật sự đẹp. Chẳng lẽ ông không có suy nghĩ sẽ đầu tư vào thị trường đồng hồ? Khi tôi đặt câu hỏi về điều đó, ông ấy vừa cười - nụ cười kiểu sở hữu đặc biệt vừa trả lời sau khi nhíu mắt lấp lánh: “Tôi đã nhận được nhiều bức thư kiểu này, những lá thư đề nghị làm đồng hồ ấy. Mỗi ngày đều có hàng trăm lá thư bay đến từ rất nhiều đất nước khác nhau”.
Tôi có thể tưởng tượng ra hình ảnh Anne Rice gật đầu mấy lần trước câu nói của Ralph Lauren ở phần này. George Campbell sau này đã lấy đúng câu cuối của đoạn này để chế nhạo trong cuốn sách của mình rằng Anne Rice đã lấy sự ba hoa khoác lác của Ralph Lauren để tạo nên câu chuyện chẳng thể nào tin. Thời điểm đó Ralph Lauren nổi tiếng ở châu Âu, nhưng không “tới mức đó”. Dẫu nói rằng Anne Rice phải lòng Ralph Lauren là sự thật đi nữa, nhưng tôi vẫn biết rằng câu văn tường thuật đó của bà không khoác lác
hay quá lời hoàn toàn. Tất nhiên không phải tới hàng trăm lá thư một ngày như cách diễn đạt của Ralph Lauren (hay Anne Rice), nhưng việc tưởng tượng ra một đứa con gái hay một thằng con trai viết thư với nội dung “Hãy làm đồng hồ cho cháu!” tới Ralph Lauren từ đâu đó trên thế giới này cũng không phải là việc khó khăn lắm với tôi. Bởi vì cuối cùng tôi đã nhớ ra, Su-yeong và tôi chính là đứa con gái và thằng con trai như thế - chúng tôi đã viết thư năn nỉ Ralph Lauren hãy làm đồng hồ cho chúng tôi. Đã là như thế. Su yeong và tôi đã có suy nghĩ gửi thư yêu cầu Ralph Lauren làm đồng hồ.
Tôi gặp Su-yeong lần đầu tiên là khi tôi mười tám tuổi, chính là câu chuyện của mùa hè năm lớp Mười một. Sau này, khi nói chuyện này với bà Jackson (say ngủ), tôi mới phát giác ra rằng cách diễn đạt “lần đầu tiên gặp” là sai. Bởi lẽ chúng tôi đã học cùng lớp. Tôi đã nói thế này với bà Jackson (say ngủ): “Nhưng đó có lẽ cũng không phải là lời nói hoàn toàn sai vì phải tới hôm đó chúng cháu mới nói chuyện với nhau lần đầu”. Lúc đó là ngay sau kỳ thi cuối học kỳ I năm lớp Mười một kết thúc. Cho tới tận lúc đó, chúng tôi vẫn chỉ dựa vào nhõn hai chiếc quạt điện để sống qua mùa hè. Gặp hôm trời mưa thì chúng tôi phải “tắm” cùng hơi ẩm khủng khiếp, cộng thêm cái nóng oi bức. Một vài phụ huynh lo ngại điều này đã chung tiền lắp thêm quạt cho phòng học (tất nhiên trong đó bao gồm cả bố mẹ tôi), nhưng dù nhiều chiếc quạt quay vù vù thì uy lực của nó vẫn yếu hơn một cái điều hòa. Tất nhiên trong trường cũng có nơi đã lắp điều hòa. Đó chính là phòng tự học.
Hẳn bạn đã cảm nhận được từ cái tên, nhưng nếu vào đó thì có thể nhìn thấy các học sinh người nào ngồi chỗ của người đó rồi cắm đầu cắm cổ học. Đó là nơi được xây dựng để học sinh tự học sau giờ học chính nhưng mọi phương diện đều tốt hơn bất kỳ một phòng học nào. Những chiếc bàn học bằng gỗ tốt mà bàn học ở trong phòng học thường chẳng thể so sánh nổi được xếp thành năm hàng, mỗi hàng mười bàn, trên bàn học đều gắn giá sách cá nhân, ngăn kéo, đèn học và tủ đựng đồ cá nhân. Còn có cả những chiếc ghế đắt tiền bảo vệ lưng và giúp duy trì tư thế đúng. Có ba phòng tự học kiểu này trong trường và chỉ những học sinh xếp đến vị trí thứ 50
toàn trường của mỗi khối lớp mới được sử dụng. Cách sắp xếp chỗ ngồi được thực hiện theo thành tích học tập. Học sinh phải thu dọn đồ đạc và học sinh được bày biện đồ đạc ra bàn được quyết định theo kết quả điểm thi thử được tổ chức mỗi tháng một lần. Tôi chưa từng một lần phải thu dọn đồ đạc sau khi nhập học. Bởi vì thành tích học tập của tôi chưa từng đi xuống, đặc biệt là chỗ tôi ngồi không có cửa sổ và tận sâu trong xó xỉnh nên các học sinh khác không chuộng lắm. Nhưng tôi thì lại thích chỗ đó bởi chính những điều ấy. Đôi lúc, sau khi ăn cơm trưa xong, tôi chơi bóng rổ với các bạn rồi về đó ngồi một mình. Đặc biệt vào thời điểm kỳ thi cuối kỳ kết thúc và kỳ nghỉ sắp đến, có lẽ hầu như mỗi ngày tôi đều làm như thế.
Cứ tới giữa tháng Bảy thì sự kỳ vọng và sức sống thường không thể thấy trong phòng học lại quay trở về. Chắc sẽ không có gì đổi khác đặc biệt khi mùa hè đến, nhưng dường như tất cả đều đang chờ đợi một điều gì đó. Vì là buổi trưa, nên thỉnh thoảng tôi thấy không thoải mái với cảm giác đó. Tôi chẳng thể chịu đựng việc làm rối rắm chính mình. Việc ngồi một mình giữa những chiếc bàn học trống trơn để giải toán cũng là việc khiến tâm trạng tốt lên. Dẫu vậy, đôi lúc tôi tự hỏi liệu những khoảng thời gian đó có ý nghĩa gì với tôi. Không phải tôi hối hận hay chìm đắm vào sự sám hối. Từ lúc đó, tức là lúc tôi ngồi một mình trong phòng tự học để giải toán, đi du học, vào đại học, cho đến ngay trước khi thôi học nghiên cứu sinh, tôi chưa từng một lần hoài nghi chính mình, nhưng có lúc tôi tò mò liệu điều đó có nghĩa là gì.
Ngày hôm đó trời mưa suốt buổi sáng cho đến lúc tôi ăn cơm trưa thì tạnh. Tôi ăn trưa thật nhanh rồi cầm lấy cuốn sách toán. Bạn bè liếc nhìn tôi với nét mặt “lại nữa?” và ném cho tôi vài câu nói đùa liên quan tới việc đó. Tôi hơi cười vì câu nói đùa đó, rồi sau đó đi tới phòng tự học. Không khí lạnh và khô. Hình như buổi sáng có ai đó đã bật điều hòa. Tôi bắt đầu giải những bài vi phân và tích phân mà tôi thích nhất. Nghe thấy tiếng cửa phòng tự học mở nhưng tôi không quan tâm lắm. Ngoài tôi ra, thỉnh thoảng vẫn có những đứa tới học vào giờ trưa.
“Oa, khả năng tập trung của cậu thật là tốt!”
Đó chính là câu đầu tiên nàng bắt chuyện với tôi. Nàng đang chăm chú nhìn tôi với nét mặt thật ngạc nhiên. Tôi hơi hoảng hốt, bởi vì như tôi đã nói trước đó, đây là lần đầu tôi nói chuyện với nàng. Hồi đó trong lớp có gần bốn mươi lăm học sinh. Tôi đã nói như thế này với bà Jackson (say ngủ): “Su-yeong thuộc nhóm người luôn ngồi phía cuối lớp rồi nằm sấp mình ngủ trong giờ học”. Thật sự đã như thế. Nàng thuộc nhóm mà ban đầu giáo viên còn đánh thức dậy rồi xếp xuống bàn cuối, nhưng một hai tháng trôi qua thì hoàn toàn không quan tâm nữa. Không phải nhóm thông minh, càng không phải phe cực đoan, nhưng cũng chẳng thể nói nàng thuộc phe trung lập. Tôi không rõ nữa. Có thể gọi là gì nhỉ? Điều chắc chắn là nàng chưa từng thuộc nhóm với tôi. Thậm chí tôi còn không biết tên của nàng. “Lần đầu tớ vào đây đấy”, nàng vừa quay nhìn xung quanh vừa nói. Tôi cũng nói thế này với bà Jackson (say ngủ): “Cháu nhớ là mình cảm thấy giọng nói của Su-yeong rất kỳ lạ”. Nhưng thực tế, giọng của nàng không kỳ lạ. Vì tôi không trả lời gì nên nàng lại nói. Lần này hạ thấp giọng hơn.
“Tớ nói đây là lần đầu tớ vào đây.”
“Không sao.”
Tôi đã trả lời như thế. Sau này, nàng nói rằng nàng đã có thêm dũng khí vì câu nói đó - “Không sao”. Nhưng lúc đó tôi chẳng có ấn tượng rằng nàng lúng túng hay hoang mang. Nàng chìa tay với tôi một cách rất tự nhiên, còn tôi thì vô thức bắt lấy tay nàng. Nàng lắc lên lắc xuống bàn tay cứ như hứa hẹn. Tôi vẫn bấn loạn. Buông tay tôi ra, nàng nói với giọng nhỏ hơn ban nãy một chút nhưng quyết đoán.
“Tớ phải viết một lá thư bằng tiếng Anh, cậu có thể giúp tớ được không?”
Không đầu không cuối, nàng chỉ nói như thế. Tôi chưa kịp trả lời thì nàng liền thì thầm hỏi:
“Không thích sao?”
“Gì cơ?”
“Tớ hỏi cậu không thích sao?”
Tôi đã trả lời “Không phải” cho câu hỏi đó. À không, không phải là không thích.
Không phải là chúng tôi đã bắt tay vào làm ngay “việc đó”. Thậm chí cũng không có chuyện mối quan hệ của chúng tôi đổi khác đặc biệt ngay sau khi bắt tay nhau trong phòng tự học. Riêng ngày hôm đó, tôi về lớp học sau khi hết giờ cơm trưa, nàng vẫn tán dóc với bạn bè, và khi giờ học vừa bắt đầu là nàng liền gà gật rồi ngủ thiếp đi. Nàng vẫn không thức giấc cho tới tận khi buổi học kết thúc. Sau đó, vẫn không có chuyện chúng tôi chào hỏi hay nói chuyện với nhau. Nếu đôi lúc có chạm mắt nhau thì có lẽ chúng tôi đã chào nhau bằng mắt. Nhưng chỉ có thế. Trước kỳ nghỉ một tuần, Su yeong đã nghỉ học suốt bốn ngày. Và khi hết tiết một của buổi học ngay trước kỳ nghỉ, tôi nhìn thấy Su-yeong mặc đồng phục ở phía bên kia cánh cửa sau của phòng học. Nàng không vào lớp mà chỉ đứng đó gọi tên tôi giống như có chuyện gì đó rất gấp gáp. Vì đây là lần đầu tiên Su-yeong gọi tên tôi một cách công khai theo kiểu đó nên có lẽ tôi hơi bàng hoàng. Nàng liên tục hối thúc tôi nhanh ra ngoài, và khi tôi tiến đến thì nàng đưa cho tôi nhõn một tờ giấy rồi biến mất. Vẫn đứng trước cửa sau, tôi mở mẩu giấy nàng đưa. Trên đó ghi thế này: “Mười giờ tối nay, McDonald’s ga Kangnam. Choi Su yeong”. Suy nghĩ đầu tiên đến trong đầu tôi là tôi không biết tại sao nàng lại ghi tên nàng lên đó. Rốt cuộc là tại sao? Một người bạn tiến đến hỏi: “Cậu biết nó à?” như thể nghi hoặc. Tôi không trả lời mà gập rồi nhét mẩu giấy vào túi quần đồng phục sao cho người bạn kia không thể để mắt. Sau giờ học chính khóa hôm đó, tôi đã gọi điện cho mẹ để nói rằng hôm đó tôi sẽ học ở phòng tự học rồi về muộn. Mẹ lo lắng hỏi có cần mẹ đến đón về không, nhưng tôi trả lời rằng mẹ đừng lo vì tôi sẽ đi xe buýt cùng bạn về. Mẹ nói thế này rồi mới cúp máy: “Con trai mẹ đã lớn thật rồi!”.
Mười giờ đêm hôm đó, tôi ngồi trong nhà hàng McDonald’s ở ga Kangnam. McDonald’s nằm phía trong tầng Một của tòa nhà rạp chiếu phim. Tôi đã đi xem phim cùng các bạn vài lần, nhưng đêm hôm đó, vẫn mặc bộ đồng phục, tôi ngồi một mình không biết phải làm thế nào. Đây là lần đầu tiên tôi một mình, lại còn ngồi đó vào lúc muộn như thế. Viết những câu văn như thế này, bỗng nhiên, tôi
chợt nghĩ không biết chừng tôi thuộc nhóm (học sinh) lớn lên trong tình huống bị kiểm soát khủng khiếp. Nó liên tục được tiếp nối ở ý nghĩa nào đó tới tận khi tôi học cao học ở Mỹ. Dù sao chăng nữa, vào lúc Mười giờ đêm trước ngày tổ chức lễ tổng kết, tôi mặc đồng phục ngồi trong góc của nhà hàng McDonald’s ở ga Kangnam và mỗi lần cánh cửa nhà hàng mở ra thì tôi đều thiết tha hy vọng người bước vào là Su-yeong. Thế nhưng, Su-yeong xuất hiện ở nơi hoàn toàn khác với suy nghĩ của tôi. Không phải thông qua cánh cửa nhà hàng mà từ phía trong cửa hàng. Nàng không mặc đồng phục trường học, cũng không mặc đồng phục công ty. Nàng vận áo thun đỏ và quần xanh lam, trên ngực có đeo bảng tên. Người nàng tỏa ra mùi dầu ngầy ngậy. Nàng vừa đưa cho tôi khay đựng hamburger và coca cola vừa nói.
“Câu muốn ăn cái này không?” Rồi nhanh nhảu nói thêm: “Việc tôi làm ở đây, tuyệt đối bí mật nhé!”
Đó là diễn biến mà tôi hoàn toàn chẳng thể nghĩ tới. Trong số bạn bè của tôi, không có đứa nào đi làm thêm kiểu này. Tôi chưa từng tưởng tượng đến điều đó. Sau này, tôi đã nói với bà Jackson (say ngủ): “Nội quy trường học cũng có cấm nhưng hồi đó chúng tôi hoàn toàn không có khái niệm phải trực tiếp kiếm tiền.”
Su-yeong ngồi phía trước tôi. Nàng dường như nhớ ra chuyện gì đó nên trông có vẻ rất không thoải mái. Nàng tưởng tôi từ chối việc nàng nhờ nên tỏ ra ngạc nhiên khi thấy tôi chấp nhận.
“Cậu học giỏi tiếng Anh nhất lớp mình mà. Đây là việc thật sự thật sự thật sự quan trọng nên không được sai một lỗi nhỏ.” Tôi mới hỏi rốt cuộc nàng muốn viết thư cho ai thì nàng vừa chăm chú nhìn mặt tôi vừa trả lời rất nghiêm túc.
“Ralph Lauren.”
Nghe nàng nói xong, tôi đã hỏi lại thế này.
“Ralph Lauren? Đó là tên quần áo mà?”
Tới tận lúc đó tôi vẫn chưa từng nghĩ đó là tên của một người. Ralph Lauren ư, tên người nào mà lại kiểu đó? Nàng đã cho tôi biết Ralph Lauren là tên người, và tên thương hiệu mà ông sản xuất là Ralph Lauren.
“Có lẽ vậy mà. Vốn dĩ mục tiêu của các nhà thiết kế là tạo ra thương hiệu thời trang gắn tên mình.”
Tôi nảy sinh nhiều điều tò mò. Viết xong thư rồi thì sẽ gửi đi đâu?
“Tớ sẽ tìm địa chỉ bằng mọi giá. Cậu đừng lo chuyện đó.” Dẫu có gửi thư đi nữa nhưng liệu có chút khả năng nhỏ nhoi nào rằng ông ấy sẽ đọc không?
“Cái đó tớ không biết đâu.”
Tôi bỗng nhớ lại khuôn mặt khi nói câu đó của Su-yeong. Lúc đó tôi vừa nhìn khuôn mặt nàng vừa nghĩ gì nhỉ?
“Tớ cũng biết. Rằng cậu bận bịu học hành. Nếu tớ hoàn thành lá thư thì cậu chỉ cần dịch cho tớ là được. Cậu giỏi tiếng Anh mà. Có lẽ việc này với cậu dễ như ăn cháo thôi.”
Nàng vừa nhìn tôi chăm chú vừa nói vậy. Su-yeong lại nói thêm một lần nữa với giọng thiếu tự tin hơn ban nãy.
“Thực sự là dễ như ăn cháo với cậu.”
Rồi nàng nói thêm.
“Tớ thật sự muốn làm hết sức.”
“Cái gì?”
“Tớ muốn hoàn thành bộ sưu tập Ralph Lauren.”
Nét mặt của nàng rất quyết tâm.
Ga Kangnam lúc Mười giờ đêm, cửa hàng McDonald’s lúc Mười giờ đêm, tôi lúc Mười giờ đêm đang ngồi đối diện với cô gái mà cho tới lúc đó tôi vẫn chưa từng nói chuyện đàng hoàng lấy một lần. Vào khoảnh khắc đó, tôi có thể biết được nỗi lòng muốn gửi thư tới Ralph Lauren của nàng vô cùng tha thiết. Rồi tôi nghĩ rằng tôi nhất định phải giúp Su-yeong, mọi thứ đều được định sẵn theo cách như thế. Lúc đó, tôi cảm giác có gì đó đang cựa mình trong lòng tôi. Nếu là Shannon Hayes thì có lẽ hẳn nàng ấy sẽ nói thế này: “Như thế là tình yêu rồi. Chẳng phải sao?”.
Anne Rice đã mất vì bệnh ung thư ở tuổi 53 vào năm 1993. Được chẩn đoán bị ung thư vú và bà đã mất chỉ sau một năm rưỡi kể từ khi bắt đầu hóa trị. Bà không nghỉ ngơi mà vẫn tiếp tục viết sách
trong lúc chiến đấu với bệnh tật, tác phẩm cuối cùng Kỳ nghỉ tình yêu (dù chưa hoàn thành) của bà được đánh giá là kiệt tác. Trong đó, bà đã viết thế này: “Từ lúc nào đó, tôi bước chân vào thế giới tình cảm mới mẻ theo cách chẳng thể đoán trước, giống y bị sét đánh bất thình lình vậy. Đó là tình cảm liên quan đến việc bị rơi, là tình cảm liên quan đến ném liệng. Đó là rớt và đó là lẩm bẩm hèn hạ”. Đã từng chệch choạc chốc lát vì Ralph Lauren - người sáng tạo thế giới mới, nhưng bà được nhiều học giả và người làm trong ngành văn hóa nghệ thuật tôn vinh là tác giả xuất sắc nên tất cả đều thương xót vô cùng trước cái chết của bà. Ralph Lauren cũng vậy. Anne Rice giữ mối quan hệ thân thiết với Ralph Lauren cho tới tận khi chết và chưa từng một lần rút lại thiên ý về Ralph Lauren mà bà đã thể hiện trong cuốn sách có vấn đề đó. Trong lễ tang của bà, Ralph Lauren đã đọc điếu văn được bắt đầu bằng câu như sau: “Cái chết của một người diễn ra bất cứ lúc nào cũng là thất bại của người còn sống”. Một phóng viên nào đó còn nói rằng đây là lần đầu tiên Ralph Lauren xuất hiện một cách công khai ở tang lễ của một ai đó. Một phóng viên khác đã nói như thế này về hình ảnh Ralph Lauren thể hiện trong tang lễ của Anne Rice: “Trông ông ấy như rất ‘thất vọng’ về cái chết của bà”.
Hồi đó, Ralph Lauren không xuất hiện phỏng vấn chuyên mục hay mục lượm lặt của tạp chí phụ nữ nữa, nhưng ở khoảnh khắc cuối cùng của một “Run way”[8], ông vẫn cầm tay nhà thiết kế chính bước lên sân khấu rồi nhắm mắt một lát trong lúc hai tay chụm lại. Thương hiệu Ralph Lauren, vào thập niên 1980, không chỉ đã chạm đến quần áo mà còn cả giày dép, túi xách, nước hoa, mỹ phẩm, bờm hay kẹp tóc,... và lần lượt đều thành công ở mỗi dòng sản phẩm. Vốn tập trung hết sức mình vào việc kinh doanh một cách đầy đam mê, bốn năm sau khi Anne Rice mất, Ralph Lauren bất thình lình “mất tích” theo đúng nghĩa đen.
Ông hoàn toàn rời khỏi tất cả các “sân khấu”. Và vào tháng Năm năm 2001, công ty Ralph Lauren đột nhiên thông báo về cái chết của Ralph Lauren. Không phải ông chết đột ngột vì tai nạn. Edgar Williams - người phát ngôn công ty Ralph Lauren thông báo chính thức rằng: “Tang lễ được tổ chức chỉ với những người thân cận
nhất”, “Ralph Lauren đã trải qua những năm cuối đời hạnh phúc và khỏe mạnh trước khi ra đi”. Ông cũng nói thêm rằng việc tổ chức tang lễ như thế này hoàn toàn căn cứ theo di ngôn của Ralph Lauren và kể cả sau này họ cũng có kế hoạch thực hiện tốt di ngôn của Ralph Lauren. Nhưng ông đã không nói thêm gì ngoài những lời đó. Williams hoàn toàn im lặng về việc Ralph Lauren đã sống như thế nào, có gia đình hay không, tại sao lại đột ngột giấu mình như thế, hoặc có điều trị bệnh tật hay không,... thậm chí ông ta còn không cho biết ai đã đọc điếu văn trong tang lễ (sau này tôi được biết rằng lý do Edgar Williams câm như hến là vì ông cũng không biết gì cả). Những người một thời gần gũi với Ralph Lauren trong ngành thời trang đều bị sốc trước thông báo này. Một số muốn bày tỏ lòng tiếc thương trước cái chết của Ralph Lauren nhưng lại cảm thấy rất mông lung vì không biết phải gửi tới đâu.
Theo tôi, thứ đặt dấu chấm hết cho sự mông lung này chính là cuộc phỏng vấn của Dunaway với một tạp chí thời trang. Dunaway đã kể lại câu chuyện về Ralph Lauren và mình sau khoảng mười năm. Tôi rất thích cuộc phỏng vấn này nên đã đọc đi đọc lại nhiêu lần. Ở đây, bà nói rằng bà đã xuất hiện trong Phố Tàu nhờ lời khuyên của Ralph Lauren, và thực sự oán hận Ralph Lauren vì sau này, bà đã chẳng thể diễn xuất nổi trội hơn được nữa. Khi bộ phim Hai khuôn mặt của mẹ sau đó nhận phải những đánh giá kinh khủng từ diễn đàn phê bình và công chúng, Ralph Lauren đã tìm đến bà nhưng bà không gặp ông ấy. “Nhưng giờ nghĩ lại thì đó không phải là lỗi của ông ấy. Chỉ là tôi đã cần một người để trút giận. Vài năm trước khi ông ấy làm sô diễn cuối cùng, tất nhiên tôi đã không biết nó là sô diễn cuối cùng của ông ấy. Tất cả chúng ta đều vậy mà. Ông ấy đã biến mất quá đột ngột, giống như một bộ phim đang công chiếu thì bị ngừng giữa chừng. Cả lúc ông ấy bất ngờ liên lạc và muốn mời tôi tới sô của ông, tôi vẫn giận dữ với ông ấy. Tôi cũng không biết nữa. Tôi hài lòng với cuộc sống sau khi rời khỏi thế giới điện ảnh. Tôi không chắc mình có thể để lại sự nghiệp to lớn với tư cách diễn viên không, nhưng tôi đã không trở thành một người mẹ đơn thân giống như Deneuve[9], cũng không gặp phải chuyện đau lòng vì chồng và con nuôi giống như Farrow[10]. Cuộc sống của tôi
rất bình yên và an toàn. Nghĩ lại thì đó là nhờ Ralph Lauren. Nhưng tôi muốn thổ lộ rằng cuộc gọi của Ralph Lauren lúc đó đã lay chuyển tôi. Đêm hôm đó khi chồng và các con đang ngủ, tôi đã lén xem lại bộ phim cũ của mình. Bạn hỏi tôi xem phim Phố Tàu ư? Không, tôi đã xem Hai khuôn mặt của mẹ. Tôi chưa từng xem bộ phim đó sau khi từ giã nghiệp diễn. Thậm chí, người lưu giữ cuộn băng đó cũng là chồng tôi chứ không phải tôi. Tôi đã nhìn thấy khuôn mặt thời trẻ của mình xuất hiện trong bộ phim đó. Khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy như đang làm hòa với chính mình thuở đó. Nói thế này có kỳ lạ không nhỉ? Có từng cãi nhau đâu mà làm hòa chứ? Nhưng thật sự tôi đã nghĩ như vậy. Và tôi còn làm hòa với cả Ralph Lauren. Nhưng tôi đã chẳng thể liên lạc với ông ấy”. Cuối cùng, bà nói thế này: “Tôi đã đánh mất cái chết của ông ấy, điều đó khiến lòng tôi quá đỗi đau đớn”.
Sau khi đọc hết bài phỏng vấn của Dunaway, tôi thường ngửa cổ lên nhìn quanh nhà. Ở đó, tôi vẫn uống rượu, vẫn kéo vali khắp nhà và dấu vết phá hỏng ngăn kéo bàn học vẫn còn nguyên. Trong mấy năm vừa qua, đây là nơi “an toàn” với tôi hơn cả, nhưng giờ thì không như thế nữa, tôi cảm nhận điều này tới tận xương tủy.
Và rồi, cuối cùng tôi đã rời khỏi nơi đó đúng một tháng sau khi nhìn thấy tiến sĩ Giku ở công viên Bryant.
Có một điều tôi muốn đề cập đến. Đó là về Jy A-ryu. Kể từ khi gõ cửa nhà tôi lần đầu tiên đến khi tôi rời đi, gần như hằng ngày cậu ta đều lặp lại việc đó. Cậu ta đã từng kề cửa mà hét lên thế này: “Jong-su, có khi nào cậu chết rồi không?”. Tôi đã nghĩ câu hỏi đó hoàn toàn vô nghĩa, bởi lẽ nếu như tôi thật sự chết thì sẽ chẳng thể trả lời, thực tế thì tôi không chết, mà còn ở việc tôi tuyệt đối sẽ không trả lời cậu ấy. Dù đã một vài năm trôi qua, nhưng đến tận bây giờ, đôi lúc tôi vẫn tưởng tượng thế này. Khi Jy A-ryu vừa gõ cửa liên hồi vừa hỏi tôi: “Jong-su, có khi nào cậu chết rồi không?”, tôi hướng về phía câu ta trả lời thế này: “Không, vẫn chưa. A-ryu, tiến sĩ Giku nói rằng đời còn dài lắm”. Và đúng là giờ nghĩ lại thì không biết chừng tiếng gõ cửa của Jy A-ryu không phải là hướng đến tôi. Liệu đó là tiếng gõ cửa dành cho cái gì nhỉ? Có một điều chắc chắn là lúc đó (dù tôi không tỏ vẻ) tôi đã chờ đợi tiếng gõ cửa của cậu ta.
Đó là cảm xúc vô cùng mâu thuẫn. Tôi những muốn mình thật sự ngoảnh mặt với hiện thực mãi mãi, vì thế tôi mong muốn có thể trú mình mãi mãi trong đống tài liêu về Ralph Lauren, nhưng mặt khác tôi vẫn hy vọng ai đó lôi tôi ra khỏi thế giới của Ralph Lauren.
Vào đêm cuối cùng tôi trú lại trong ngôi nhà đó, sau khi đóng gói nốt hành lý, tôi đã tắt mọi đèn điện trong nhà và đợi cho đến khi Jy A-ryu gõ cửa. Không biết bao lâu đã trôi qua? Tôi nghe thấy tiếng bước chân của Jy A-ryu đi bộ đến trước nhà tôi. Cậu ta đứng trước cửa phòng một lát rồi bắt đầu gõ cửa. Cốc cốc cốc, cốc cốc cốc, cốc cốc cốc, cốc cốc cốc,... Nó giống như tiếng nhạc. Nhưng tôi đã không hát hoặc nhảy theo tiếng nhạc đó. Tôi không động đậy, mà chỉ ngồi im lặng trong bóng tối. Một lát sau, Jy A-ryu ngừng gõ cửa rồi đi bộ về phía nhà mình ở cuối hành lang. Tôi nhìn cậu ta qua con mắt thần gắn trên cửa. Jy A-ryu đứng ở trước cửa nhà mình rồi quay người về phía cửa nhà tôi. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ cậu ta vẫn đang chăm chăm nhìn tôi. Nhưng đó là ảo tưởng. Jy A-ryu mở cửa đi vào nhà. Cậu ta đóng cửa lại. Tôi trở lại ghế sofa ngồi lặng thinh. Một tiếng đồng hồ sau, tôi khoác hai chiếc ba lô lên hai vai rồi vừa kéo lê cái vali to đùng trong lúc dè dặt bước xuống cầu thang đi ra khỏi chung cư. Rồi sau đó, tôi leo lên tàu điện ngầm đêm của New York bẩn thỉu và tối thui. Thật đúng là tôi đã bỏ trốn trong đêm như thế. Sau này, tôi được biết sự thật rằng Ralph Lauren đã hai lần bỏ trốn trong đêm (lần đầu thật sự là bỏ trốn trong đêm, còn lần thứ hai mang ý nghĩa khác). Nhưng đêm hôm đó, tôi đã hoàn toàn không biết chuyện đó mà sắp xếp hành lý vào tầng Ba của một tòa nhà cũ kỹ như thể sắp sập đến nơi ở Brooklyn Crown Heights. Ở trước tòa nhà có một bức tường với những nét vẽ bậy to đùng mà không có lấy một cái cây xanh ra hồn, phía bên kia bức tường là biển hiệu neon của tòa nhà khổng lồ đang nhấp nháy chiếu sáng không ngừng vào trong phòng. Phải đến lúc đó tôi mới có thể hiểu tại sao giá của căn phòng này lại rẻ đến thế. Sau khi kiểm tra mình đã đóng kỹ cửa chưa, tôi đưa tay giũ qua loa bụi bẩn trên giường. Nhưng bụi liên tục bay lên, cuối cùng tôi phải lôi tấm ga trải giường từ va li của mình ra rồi cứ thế trải lên trên. Vẫn mặc nguyên chiếc áo jacket khi còn chưa tắm táp, tôi nằm xuống cuộn mình co ro rồi
nhắm mắt lại. Kéo rèm lại, tôi thấy khá hơn ban đầu một chút, nhưng trần nhà vẫn nhấp nháy ánh đèn neon. Tôi lục lọi vali lôi ra tấm che mắt. Chỉ cần nhúc nhích người chút thôi là tấm nệm lò xò đã phát ra tiếng. Tôi cởi tấm che mắt ra rồi lại đeo vào. Tôi nghe thấy tiếng la hét của ai đó và tiếng đám đông chạy rầm rầm từ xa tới. Rốt cuộc những người đó la hét như thế với ai, và rốt cuộc họ chạy đi đâu như thế nhỉ?
Vẫn đeo tấm che mắt, trong bóng tối hoàn toàn, tôi bỗng nhớ đến Su-yeong, sau đó tôi cố nhớ lại tôi và những người bạn của mình mặc áo choàng Duffel đi học. Nghĩ lại, lúc đó, hồi tôi còn là học sinh phổ thông, không phải tất cả đều mặc áo thun cổ tròn trong giờ thể dục. Không phải tất cả đều có thể đeo băng cài tóc hoặc đeo cặp sách Ralph Lauren. Hồi đó, một lớp học có khoảng bốn mươi lăm đến bốn mươi tám học sinh, trong đó những đứa có quần áo thể dục hay băng đô tóc, ba lô Ralph Lauren hẳn không được một nửa. Áo khoác Duffle Ralph Lauren hẳn còn hiếm hơn thế. Dẫu có đeo bám bố mẹ vòi vĩnh đi chăng nữa thì rõ ràng, vẫn có những đứa không thể có áo khoác đó. Những đứa đó vẫn mặc đồ thể thao và áo khoác trường học được quy định. Đôi lúc cũng có những đứa mặc quần áo của thương hiệu bắt chước Ralph Lauren. Nó giống Ralph Lauren tới mức chỉ cần che logo thì chẳng thể phân biệt được. Giá cả chỉ khoảng một nửa. Có nhiều đứa chịu thỏa hiệp ở mức đó. Và đó không phải là chuyện kỳ lạ. Vậy là có những đứa mặc bộ quần áo như thế đến trường. Chỉ là vậy. Không biết chừng đó là sự thỏa hiệp xuất sắc và hiệu quả. Hẳn nó sẽ không thành vấn đề gì. Thực tế cũng chẳng có gì nên chuyện. Nhưng ngẫm lại thêm một lần nữa thì suy nghĩ này của tôi chẳng có bất kỳ ý nghĩa gì. Bởi vì nó chẳng khác gì với việc tôi không biết bất cứ điều gì về cuộc sống mà tôi đang thỏa hiệp. Bởi tôi chưa từng mặc những bộ quần áo như thế. Bởi tôi chưa từng thỏa hiệp như thế và cũng không cần phải thỏa hiệp như thế.
Rồi bỗng nhiên, không biết tại sao lúc đó tôi lại có suy nghĩ đó, nhưng tôi nhớ đến Jy A-ryu. Sau này cậu ta cũng gõ cửa nhà tôi chứ? Dù cậu ta có tiếp tục gõ cánh cửa đó thì giờ đây tôi “không” ở đó nữa. Tôi nghĩ trên thế gian này, trên vũ trụ này, giờ đây người gõ
cửa nơi tôi trú ngụ sẽ chẳng còn bất kỳ ai nữa. Người gõ “cánh cửa” của tôi theo kiểu đó giờ đây sẽ không còn tồn tại nữa.
TUYỆT ĐỐI ĐỪNG XÉ. TUYỆT ĐỐI, TUYỆT ĐỐI.
“Bộ sưu tập Ralph Lauren”. Đúng thế, Su-yeong có thứ gọi là bộ sưu tập Ralph Lauren. Tôi đã thấy chúng đúng một lần. Trước khi chúng tôi bắt đầu “việc đó” thực sự, nàng đã từng cho tôi xem bộ sưu tập Ralph Lauren của mình. Đó là vào kỳ nghỉ hè, khi lớp học thêm còn chưa bắt đầu. Mỗi ngày tôi đều đến phòng tự học trước tám giờ sáng để học rồi buổi chiều tôi đi đến trung tâm học thêm hoặc về nhà học với gia sư. Hôm đó, Su-yeong đến trường để cho tôi xem bộ sưu tập Ralph Lauren. Sau này, tôi đã giải thích về lý do Su-yeong đến tận trường học với quý bà Jackson (say ngủ) thế này: “Nàng nói rằng muốn cho tôi xem Ralph Lauren với lòng kính cẩn ở nơi rất yên tĩnh không hỗn tạp. Nơi chúng tôi định đến thật không thích hợp”. Chúng tôi đã gặp nhau trong phòng học. Vì những đứa đến phòng tự học để học chỉ lác đác, trong khi phòng học thì trống không.
Chúng tôi đã hẹn gặp lúc mười một giờ nhưng Su-yeong đã tới muộn ba mươi phút. Tôi đứng trước cửa sổ nhìn ra phía sân thể thao trong lúc đợi Su-yeong. Từ xa, tôi trông thấy Su-yeong mặc quần áo đồng phục trường đi bộ tới trong khi đeo ba lô và hai tay ôm cặp vải to đùng. Bước chân nàng hơi buồn cười, tôi có thể biết ngay đó là hành động để “bảo vệ” những chiếc túi (nói chính xác hơn là “những đồ Ralph Lauren” bên trong). Tôi dán mình vào cửa sổ tiếp tục theo dõi nàng rồi đóng cửa sau của phòng học sau khi chắc chắn Su-yeong đã đi vào bên trong tòa nhà. Sau đó, tôi ngồi xuống trước bàn học, lật giở cuốn sách mang tới từ phòng tự học. Một lát sau, tôi nghe thấy tiếng cửa mở cót két. “Tôi vẫn không quay nhìn lại. Tôi đã giả vờ ngồi một mình đọc sách như thế trong phòng học trống người”. Tôi không một lần quay nhìn như thể bị cuốn vào cuốn sách. Su-yeong tiến lại gần rồi nói lại câu đã nói ở phòng tự học lần trước.
“Khả năng tập trung thật là đỉnh, cậu ấy.”
Và nàng nói xin lỗi vì tới muộn. “Nhưng nàng không hề vội vã.” Nàng thực sự đã không vội vã. Nàng đặt ngay ngắn chiếc ba lô lên trên bàn học với động tác thận trọng, rồi để cái túi vải ngay ngắn bên cạnh ba lô.
“Chà, tớ giới thiệu với cậu một phần của bộ sưu tập Ralph Lauren.”
Su-yeong vừa nói vừa ngửa bàn tay chỉ vào những chiếc túi một cách hơi ngượng ngùng. Sau đó, nàng ngồi xuống cạnh tôi. Tôi đứng lên bật chiếc quạt điện gần đó nhất. Tóc nàng dần dần bay lên theo gió quạt.
“Có lẽ trên đời này chắc không có ai thích Ralph Lauren bằng tớ đâu.”
Su-yeong nói rằng nàng đã sớm hơn một chút, nghĩa là (theo lời nàng), nàng đã sưu tầm “đồ Ralph Lauren” từng cái một từ trước khi Ralph Lauren thịnh hành ở trường học. Nàng đặc biệt nhấn mạnh phần này. “Tớ thích Ralph Lauren trước cậu”. Nàng có băng đô tóc (bốn cái khác màu nhau), dây buộc tóc (năm cái màu khác nhau có đính logo), khăn quàng cổ (ba cái khác họa tiết), đầm (hai cái chất denim, một cái chất vải bông, hai cái chất vải lông cừu), váy vải bông (năm cái khác màu), áo thun cổ tròn (bảy cái khác màu cả ngắn tay lẫn dài tay), áo sơ mi Oxford (ba cái khác màu), áo cardigan (màu gạch và màu tím mỗi màu một cái, màu gạch dáng rộng, còn màu tím dáng ôm), áo gile len (ba cái khác màu), quần sooc (vải denim và vải bông mỗi thứ một cái), quần dài (vẫn là quần vải bông và bằng denim, quần vải màu be và màu kaki mỗi màu một cái, quần denim màu xanh đậm và xanh nhạt mỗi màu một cái), quần ống bó vải bông (có dính logo nhỏ xíu ở cổ chân, năm cái), tất (mười đôi khác mùa và kiểu logo), mũ bóng chày (ba cái khác màu), mũ len tròn (cũng ba cái khác màu), mũ fedora (một cái màu đen), giày dép (xăng đan, giày Oxford, giày thể thao, giày cao gót, giày lười, giày búp bê, giày vải bạt, mỗi thứ một đôi), túi xách (ba lô và túi tote), nước hoa (không biết là mùi gì, hai chai), đồ trang sức (bông tai và vòng cổ được làm từ hình logo), đồ lót (theo lời nàng thì phần dây của áo ngực có hình logo Polo, còn phần mông của
quần lót có hình logo thêu to). Nàng đã phải làm thêm mỗi ngày sau giờ học để mua hết chúng. Khi nghe chuyện này, tôi không thể không nhớ đến hình ảnh nàng nằm gục trên bàn mà ngủ trong giờ học. Tôi có một câu hỏi, vì tôi chưa từng nhìn thấy Su-yeong mặc Ralph Lauren trong giờ thể dục.
Tóm lại, nàng thuộc “phái đồng phục thể dục”.
“Mặc Ralph Lauren quý báu rồi lăn lộn dưới nền đất ư, cái đó tớ tuyệt đối ghét”.
Su-yeong lôi giấy vệ sinh từ trong túi váy đồng phục ra lau kỹ càng mặt bàn, xong nàng tắt chiếc quạt mà tôi mới bật, cứ như thể gió thổi ra từ chiếc quạt sẽ ảnh hưởng xấu đến bộ sưu tập của nàng vậy. Rồi nàng thận trọng lôi từng món đồ một từ trong ba lô và túi vải ra. Đó là năm cái túi shopping màu xanh lá cây khắc logo Ralph Lauren. Thật ngạc nhiên là không một chiếc túi nào bị nhàu. Nàng đã bỏ riêng vào túi shopping và bảo quản nguyên vẹn mọi thứ như lúc mới mua. Nàng lôi ra từng chiếc hộp màu xanh rêu từ chiếc túi shopping, đặt thành một hàng trên bàn học, rồi nhìn chúng một hồi lâu. Trông nàng hạnh phúc, còn tôi thì chờ đợi. Một lúc sau, nàng hít thở sâu, rồi sau đó thoáng chút lưỡng lự, nàng ngước nhìn khuôn mặt tôi, rồi lần lượt mở nắp hộp. Đó là một ít túi tote vải bố, băng đô, giày Oxford, quần ống bó vải bông, và cuối cùng là đầm denim. Có lẽ tôi biết chúng được lựa chọn theo tiêu chuẩn nào để đặt trước mặt tôi. Đó là những thứ không dễ bị hư hỏng hoặc để lại dấu vết, tóm lại đó là những thứ được “đi ra ngoài”. Tôi chưa từng đề nghị nàng cho xem, nhưng Su-yeong đã mang những thứ “chắc chắn” nhất trong bộ sưu tập Ralph Lauren của mình tới đặt trước mặt tôi. Rốt cuộc tại sao? Tôi không biết mình phải nói gì nên chỉ thẫn người chăm chú nhìn Su-yeong một lúc. Mình phải khen chúng đẹp với nàng hay sao nhỉ?
“Thế nào?”
Su-yeong hỏi.
“Thích thật.”
Tôi đã lo lắng câu trả lời của mình quá thiếu thành ý, nhưng dường như Su-yeong không nghĩ như vậy. Nàng gật đầu trước câu
nói của tôi.
“Thích đúng không?”
Tôi gật đầu lia lịa. Su-yeong lưỡng lự rồi hỏi tôi:
“Cậu có muốn sờ chúng không?”
Tôi hoàn toàn chưa từng có suy nghĩ đó. Nhưng nếu nói thật thì kiểu gì cũng giống như tôi coi thường bộ sưu tập Ralph Lauren của Su-yeong. Nhưng nhìn giọng điệu hay nét mặt thì cũng khó khẳng định nàng thật sự muốn tôi sờ vào chúng. Sau khi đắn đo, tôi quyết định gật đầu. Quả nhiên nàng ngập ngừng rồi cuối cùng đưa cho tôi cái băng đô. Đó là chiếc băng đô màu xanh đậm chần thêm lớp vải sần sần. Phía bên trái có gắn logo mạ vàng. Tôi giả bộ ngập ngừng nâng chúng lên bằng ngón cái và ngón trỏ rồi nhìn chỗ này chỗ kia. Rồi tôi trả lại cho Su-yeong khi nghĩ rằng một khoảng thời gian hợp lý đã trôi đi.
“Thế nào?”
Su-yeong lại hỏi thêm một lần nữa. Tôi trả lời rằng đẹp. Su yeong lấy băng đô bỏ vào trong hộp với nét mặt thận trọng. Rồi sau khi nàng lần lượt đóng nắp hộp bộ sưu tập Ralph Lauren rồi bỏ vào trong túi shopping, nàng lại bỏ vào trong túi vải và ba lô. Chúng tôi lơ đãng nhìn nhau một lát. Tôi không biết phải nói gì. Tôi trông thấy mồ hôi lấm tấm trên trán Su-yeong. Tôi lại bật quạt.
“Nhưng có thứ tớ không thể có được.”
“Đó là gì?”
“Trước mắt là áo măng tô. Mẫu mới cứ liên tục ra mắt nên tớ hơi lo, nhưng lần này tớ phải mua nước hoa và xăng đan mới ra mắt thị trường trong tháng này, và đôi bông tai được làm bằng logo mới. Dù vậy, có lẽ chỉ cần dồn tiền tới mùa đông năm nay là tớ có thể mua được áo măng tô đấy.”
Tôi chẳng thể hiểu Su-yeong nói gì nên cứ ngồi im. Nhưng Su yeong trông rất phấn khích.
“Nhưng có thứ quan trọng hơn áo măng tô.”
“Thứ đó là gì chứ?”
Nghiêng người trên về phía tôi, Su-yeong thì thầm như thể sắp nói điều gì đó vô cùng bí mật. Tôi nghĩ Su-yeong vẫn còn mùi khoai tây chiên.
“Đồng hồ, tớ cần đồng hồ. Đồng hồ, tớ phải có nó. Đồng hồ đeo tay. Phải thế thì tớ mới có thể khoác đồ Ralph Lauren từ đầu đến chân. Ralph Lauren không làm đồng hồ. Đồng hồ đeo tay ý. Nghĩ đến điều đó thôi là tớ thấy ủ rũ. Giống như trái tim bị khoét thủng một lỗ.”
Nàng trông thực sự buồn. Sau này, tôi đã nói thế này với bà Jackson (say ngủ): “Su-yeong còn gọi điện tới trụ sở tại Hàn Quốc của Ralph Lauren. Nàng hỏi khi nào đồng hồ được sản xuất thì người phụ nữ phía bên kia ống nghe đã trả lời thế này với giọng rất tình cảm: ‘Xin lỗi, công ty chúng tôi không sản xuất đồng hồ’. Su yeong nói rằng giọng nói và phát âm của người phụ nữ rất tuyệt, giống y như phát thanh viên. Nhưng người phụ nữ đó không phải là phát thanh viên. Cô là nhân viên tư vấn qua điện thoại. Hơn nữa, Su-yeong bất mãn vì từ ngữ mà nhân viên tư vấn điện thoại dùng”.
Su-yeong nói nàng thực sự ghét từ “sản xuất”.
“Vậy cậu thích từ gì?”
Tôi hỏi. Su-yeong mải miết chìm vào suy nghĩ.
“Để xem nào... Ra đời? Sáng tạo? Những thứ đó gọi là gì nhỉ?” Sau khi nói như thế, dường như nàng lại chìm vào suy nghĩ. Tôi không nói gì mà chỉ im lặng chăm chú nhìn khuôn mặt nàng. Tôi phát hiện ra cái mùi ngòn ngọt từ nàng tuyệt đối không phải là mùi khoai tây chiên. Nó là mùi gì nhỉ? Rốt cuộc nàng chẳng thể nghĩ ra từ phù hợp để thay thế cho từ “sản xuất”. Tôi cũng giống vậy. Dù bây giờ có nghĩ lại thì tôi cũng không thể tìm được từ nào phù hợp hơn từ sản xuất .
“Dù sao thì, vì thế tớ nhất định phải viết thư cho Ralph Lauren. Tớ phải xin ông ấy sản xuất đồng hồ. Thử tưởng tượng xem, mặt đồng hồ có khắc logo Ralph Lauren. Hãy tưởng tượng trên đó có kim giờ và kim giây chạy tích tắc tích tắc. Thế nào? Chẳng phải quá đẹp sao?”
Tôi lúc đó đã nghĩ gì nhỉ? “Có lẽ tôi chẳng hề hiểu tấm lòng của Su-yeong. Vì thật khó để hiểu được ước muốn hoàn thành bộ sưu tập Ralph Lauren, nhưng có lẽ thứ khó hiểu hơn tất cả là sự tiếc nuối vì không thể có được thứ còn chưa từng tồn tại trên đời. Là thứ còn không tồn tại trên đời, mà không thể có được cái đó thì rốt cuộc là việc gì đây? Không biết chừng tôi đã cảm thấy Su-yeong thật ngu ngốc. Rằng nàng đang suy nghĩ sai lầm. Dẫu nàng có viết thư chăng nữa thì sẽ gửi nó đi đâu chứ? Dẫu nàng có gửi thư chăng nữa nhưng liệu Ralph Lauren có đọc nó không? Dẫu có đọc chăng nữa nhưng làm sao đảm bảo rằng ông ấy sẽ sản xuất đồng hồ chứ? Nhưng ngẫm lại thì không biết chừng vì kế hoạch đó quá ư hoang đường, kỳ quặc và phi thực tế nên tôi mới nhảy vào. Nói cách khác, vì tôi không tin lời của Su-yeong, vi tôi nghĩ nó không có tí khả năng thành hiện thực nào nên tôi đã chấp nhận lời nhờ vả của nàng.”
Ngày tôi đọc được bài phỏng vấn của Mage Grant - em của Ralph Lauren là khoảng sau khi tôi chuyển chỗ ở tới Brooklyn được một tháng rưỡi. Thật khó để tôi che giấu dục vọng muốn nói theo cách này. Giả như tôi không đọc được bài phỏng vấn của Mage Grant vào rạng sáng ngày hôm đó, thì không biết chừng tôi đã trở về Seoul. Tất nhiên, dù tôi không đọc bài phỏng vấn đó chăng nữa, tôi cũng không quay về Seoul ngay. Tôi sẽ trở về vào một lúc nào khác, chứ ngay lúc đó, tôi của lúc đó có thể phải tìm cái gì đó khác không phải là Ralph Lauren để cố tình vùi mình vào, chứ nhất định sẽ không trở về. Bởi vì khi ấy, nếu có một thứ tôi muốn né tránh nhất trên đời thì đó là khoảnh khắc tôi phải thông báo khắp nơi việc bản thân mình đã thất bại.
Nơi tôi ngồi đọc bài phỏng vấn của Mage Grant là quán hamburger có tên “Burger nhà Emerson” ở khu phố mà tôi mới chuyển tới. Tôi thường xuyên tới quán đó. Nhỏ và tồi tàn nhưng là quán có lịch sử lâu đời với hơn hai mươi năm buôn bán. Trời đất ơi, khu phố này của hai mươi năm trước thì không cần nhìn cũng biết thế nào rồi. Mười mươi đó là nơi vô pháp vô thiên không có trên có dưới. Giữa cái khu phố trải qua lịch sử khủng khiếp nào đó, thức ăn của quán này rẻ và ngon. Mỗi lần cửa quán mở ra là mùi phô mai, mùi khoai tây chiên béo ngậy và mùi thịt tẩm gia vị xào kích thích
mũi dậy lên. Emerson - chủ quán kiêm đầu bếp duy nhất (phải rồi, đúng thế) bao giờ cũng đeo tạp dề màu trắng và đội khăn che đầu màu đen. Là người da đen gần 60 tuổi, những sợi tóc bắt đầu ngả trắng phía sau lớp khăn đội đầu của ông đập vào mắt tôi. Còn một đặc trưng của ông thu hút mắt tôi nữa, đó là thân hình rất to lớn của ông. Có lẽ to tới mức có thể gọi là “to như voi” được. Khi bước đi, cơ thể ông xiêu vẹo sang trái sang phải. Còn có một đặc trưng khác nữa. Thật khó để nhận ra nó bằng mắt. Vì nó liên quan đến giọng nói. Giọng ông vô cùng nhỏ và mỏng. Có lẽ sẽ phải đặt lại biệt danh cho ông, phải là “Emerson to như voi có giọng nói con muỗi”. Trong quán của ông có duy nhất một nhân viên, và đó là người châu Á. Sau này tôi được biết anh ta mới bắt đầu công việc được khoảng một năm. Ở Mỹ đã lâu nên đại khái tôi có thể phân biệt được đâu là người Hàn, người Trung Quốc hay người Nhật; có lẽ anh ta là người Hàn. Nhưng chúng tôi chưa từng bắt chuyện với nhau. Trái lại, tôi còn lo sợ anh ta sẽ bắt chuyện bằng tiếng Hàn với mình.
“Xin chào. Anh là người Hàn phải không? Anh đang làm việc gì?” Nhưng anh ta tuyệt đối không nói như thế với tôi. Và tôi cũng tuyệt nhiên không bắt chuyện bằng tiếng Hàn với anh ta. Trong quán bày năm chiếc bàn, phía bên trong là một quầy bar khá dài. Chiều dài để năm người có thể ngồi san sát nhau. Và nếu mở cánh cửa sắt dẫn vào phía trong quầy bar sẽ thấy gian bếp chế biến đồ ăn. Cửa sắt thường bị khóa nên nếu ngồi ở ghế quầy bar thì có thể theo dõi quá trình Emerson làm thức ăn trong gian bếp nhỏ xíu xiu. Ở một phía quầy bar có đặt nhiều cuốn tạp chí khổ nhỏ cũ, tất cả đều là những cuốn tạp chí phụ nữ đăng tải những điều thú vị đơn thuần xuất bản năm 2002 và 2003. Rất coi trọng những cuốn tạp chí đó nên Emerson bọc nilon trang bìa tạp chí. Vì thế nếu nhìn thoáng qua thì chúng y như tạp chí mới vậy. Emerson dán mẩu giấy ghi bằng phông chữ to trên lớp nilon: “Tuyệt đối đừng xé. Tuyệt đối, tuyệt đối”. Tôi thật tâm tò mò. Rốt cuộc ai lại đi xé tờ tạp chí cũ chứ? Có lúc tôi đang ngẩn người nhìn câu đó thì nghe thấy Emerson nói như thể bực bội với giọng nhỏ lí nhí: “Thật ngán ngẩm khi phải viết những lời này”. Tôi phỏng đoán không biết chừng thời kỳ đó, những phụ nữ mà Emerson quan tâm (có sở thích đọc tạp chí)
thường xuyên lui tới quán ông? Hầu như ngày nào tôi cũng dùng bữa một mình chỗ đó, nhưng tôi chưa từng đọc những cuốn tạp chí đó. Tôi không muốn mình bệu rệch tới mức vừa nhai bánh hamburger một mình ở một cửa hàng thuộc khu phố tồi tàn vừa đọc những cuốn tạp chí phụ nữ lỗi thời. Nhưng lý do quan trọng hơn mà tôi không đọc những cuốn tạp chí đó là vì trên tay tôi luôn mang những tài liệu về Ralph Lauren. Tôi hồi đó đã hy vọng một cách lố bịch rằng những tài liệu liên quan đến Ralph Lauren bao giờ cũng phải nằm trong tầm với của tôi. Trong phần lớn thời gian, tôi bị rơi vào toàn bộ tài liệu về Ralph Lauren như thể đó là nghề nghiệp của tôi vậy. Nhưng càng bị chôn mình vào đống tài liệu thì Ralph Lauren càng trở thành một thực thể cứ liên tục tan biến vào bí mật. Và rồi, tôi càng không ngừng đọc những bài viết về ông ấy. Trong lúc đó, dường như tôi định hạ gục chính mình bằng những vấn đề mà tôi đang trải qua. Trong lúc hy vọng được nán lại mãi mãi trong ảo tưởng đó, rằng tôi có thể vừa không quá vô tâm, hoặc quá quan tâm đến những vấn đề xảy đến với bản thân mình, nói cách khác, rằng tôi có thể vừa giữ thăng bằng ở chính giữa sợi dây đang treo trên không trung.
Nhưng đáng tiếc, có những khoảnh khắc tôi không thể bỏ mặc bản thân trong sự ảo tưởng đó được. Đó là những đêm khó ngủ, và dẫu có chật vật ngủ được đi chăng nữa thì tôi cũng nhanh chóng tỉnh giấc. Mỗi lần như thế, nhận định (một cách chính xác) rằng tất cả những việc làm đó đều khiến mình lãng phí thời gian to lớn, tôi thường đờ đẫn nhìn ánh đèn neon chớp chớp xuyên qua lớp rèm cửa.
Nhưng có vẻ tôi đã tìm ra cách chịu đựng những đêm như thế. Đó là việc xem đi xem lại bộ phim DVD của Dunaway. Tôi đã nghĩ rằng Dunaway là người phụ nữ thuộc kiểu yếu đuối vì không biết tận dụng vẻ đẹp và sức hấp dẫn của mình. Sức hấp dẫn của cô đôi lúc trông như uy hiếp. Trong Hai khuôn mặt của mẹ, Dunaway đóng vai một người mẹ đơn thân nuôi đứa con gái mười chín tuổi mà cô đã hạ sinh hồi mười tám tuổi. Vào vai một phụ nữ muốn hy sinh mọi thứ cho con gái, nhưng suốt khoảng thời gian xem phim, tôi cứ nơm nớp sợ cô vứt bỏ con gái của mình mà biến mất. Ngay cả khi cô từ
chối mọi lời cầu hôn của những người đàn ông rồi ôm con khóc, tôi cũng vẫn nghĩ không biết tại nơi sâu thẳm trong tâm hồn mình, cô ấy có ước con mình chết đi cho xong không. Khi đứa con gái hai mươi tuổi nhổ nước bọt vào mặt cô và nói sẽ rời bỏ cô, Dunaway trả lời thế này với ánh mắt trống rỗng: “Con à, mọi thứ đều trở lại. Không có gì biến mất hoàn toàn đâu. Con có hiểu không?”. Khi nói câu đó, gương mặt Dunaway trông y như khuôn mặt của kẻ sát nhân. Nói tóm lại, cô ấy đã diễn xuất thất bại. Sau khi con gái bỏ đi, trong đêm tối, cái dáng vẻ cô ấy bước chân vào giữa hồ nước trông thoáng buồn, nhưng chẳng hiểu sao trông cũng giống như một tên xã hội đen bị đẩy vào đường cùng khi giết người thất bại. Nhưng cô đã “ám sát” ai? Tôi cứ dõi theo bóng lưng đó rồi khi danh đề (ending credits) chạy lên, tôi gập laptop lại rồi ngủ.
Nhưng có những ngày, ngay cả phim của Dunaway cũng trở nên không còn tác dụng gì. Cứ vào những ngày như thế, tôi lại nhớ tiếng Jy A-ryu gõ cửa nhà mình. Tôi gõ cộc cộc vào phần đầu giường rẻ tiền được làm từ sắt. Tôi không thể cưỡng lại được sự cám dỗ, tôi muốn nghĩ rằng có ai đó trên thế gian này đang gõ cửa nhà tôi. Và mọi tình huống mà tôi gặp phải đó bất thình lình tiến đến gần tôi quá đỗi rõ rệt. Đó không đơn thuần là vấn đề của cảm xúc. Như một thực thể có thật, nó túm lấy vai, lưng và cánh tay tôi để gây đau đớn. Tôi cảm thấy đau đớn không thể nói được vì “bị bắt sống” như thế. Những thứ như Ralph Lauren, Su-yeong, bộ sưu tập Ralph Lauren, thư từ đều chẳng có ý nghĩa gì, và tôi không thể che giấu cảm giác tội lỗi rằng tôi đang “lãng phí thời gian” giữa “đống rác” to khổng lồ.
Rạng sáng hôm đó cũng vậy. Tôi cố gắng lôi mình ra khỏi đống rác rồi liều lĩnh chạy ra ngoài. Tôi khoác thêm chiếc áo jacket dã chiến bên ngoài bộ đồ thể thao bằng vải mỏng. Giờ đã sang mùa không cần áo jacket con ngỗng Carhatt nữa. Có lẽ sân trượt băng công viên Bryant cũng đóng cửa rồi. Và hẳn tiến sĩ Giku đang nghiên cứu một cách sung mãn và chắc đang làm khó sinh viên ở phòng nghiên cứu. Đi bộ hồi lâu, bỗng nhiên tôi thấy đường phố quá đỗi im ắng. Những thanh thiếu niên hư vẫn chạy và la hét trên đường mỗi sáng sớm đi đâu hết cả rồi nhỉ? Tôi đã muốn la hét nhưng không có
dũng khí đó nên tôi bắt đầu chạy. Rồi khi đi qua những cột đèn đường đã vỡ và những bức tường vẽ tranh, tôi bỗng nghĩ, có khi nào tôi sẽ bị ai đó tấn công đến chết rồi biến mất một cách âm thầm ở đây không. Suy nghĩ đó thật vô lý nhưng thực sự tôi đã nghĩ như thế.
“Jong-su, cậu chết rồi à?”
Tôi bỗng nhớ đến câu đó của Jy A-ryu. Trời ạ, thật sự là thế. À không, tôi không chết. Và khi tôi thở ra hổn hển rồi quay đầu lại, thì tôi thấy quán hamburger nhà Emerson ở đó. Hóa ra tôi đã chạy đến tận đây tự lúc nào. Đèn bảng hiệu neon lấp lánh đã tắt, bên trong quán tối om om, nhưng cửa cuốn đang kéo lên và điện bếp phía bên kia cánh cửa quán vẫn đang bật. Tôi chầm chậm bước đến đẩy cánh cửa kính. Vừa mới đẩy thì ngạc nhiên làm sao, cánh cửa được mở ra (hóa ra Emerson không khóa cửa). Thứ đón tôi đầu tiên là một con mèo. Đang ngồi trên ghế lim dim trong bóng tối, nó vểnh tai lên khi nghe thấy tiếng tôi đi vào và nhìn tôi chằm chằm. Và ngay sau đó, Emerson bước ra từ trong bếp, trong tay vẫn cầm con dao nấu. Emerson cuống cuồng trong bóng tối hỏi tôi là ai đấy, làm thế nào vào đây (với giọng ngạc nhiên chứ hoàn toàn không phải lí nhí). Tôi trả lời rằng cửa mở sẵn. Tôi ngạc nhiên với con dao mà Emerson dang cầm trên tay hơn Emerson nhiều, nhưng tôi lắp bắp hỏi:
“Tôi có thể dùng bữa không?”
Emerson bật lại công tắc đèn huỳnh quang của sảnh. Đột ngột căn phòng sáng lên. Nhưng cả Emerson và tôi đều không di chuyển mà chỉ nhìn nhau chằm chằm. Lúc đó, con mèo nhảy phóc từ trên ghế xuống sàn nhà rồi vừa kêu meo meo vừa cọ đầu vào chân tôi. Toàn thân nó màu đen. Phải đến lúc đó, Emerson mới hạ con dao bếp xuống quầy bar rồi khóa cửa quán lại. Nhưng ông ấy liền hoảng hốt, có lẽ vì sợ con mèo chạy vào bếp.
“Tôi tuyệt đối không cho nó vào trong bếp đâu.”
Emerson “to như voi” nói như thể biện minh với tôi bằng giọng “muỗi”. Tôi không bận tâm chuyện đó. Con mèo lại cọ cọ đầu nó vào chân tôi. Chưa từng nuôi mèo, xung quanh cũng không có ai nuôi mèo nên đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy con mèo “cụ thể” ở gần như vậy.
“Tên nó là gì ạ?”
“Tabby.”
Ông kể đã nuôi nó được mười năm. Emerson cung cấp miễn phí hamburger cho cơ quan phúc lợi mỗi tháng một lần được vài năm nay, cứ đến ngày là ông đưa Tabby xuống (ông sống ngay ở tầng trên của nhà hàng), rồi làm thức ăn thâu đêm suốt sáng. Sau này tôi mới biết “Tabby” là một loại danh từ phổ thông chỉ con mèo kẻ sọc (không phải mèo đen).
Emerson hỏi tôi có thật sự định ăn không, tôi vừa gật đầu vừa ngồi xuống ghế quầy bar. Emerson hâm nóng một trong những chiếc hamburger đã làm sẵn rồi để vào trong đĩa cùng với một ly bia. Rồi ông hỏi tôi ông tắt đèn tuýp ở sảnh được không. Rằng ông bị phân tâm vì bên ngoài nhìn thấy bên trong. Lần này tôi củng gật đầu. Vẫn có ánh sáng chiếu ra từ gian bếp nên không quá tối.
“Xin lỗi, giờ tôi phải làm thêm tận trăm cái hamburger nên tôi xin phép vào bếp. Tôi cứ mở cửa nên sẽ không tối lắm đâu. Ăn xong thì cậu cứ đi cũng được. Không cần trả tiền đâu.”
Sau khi nói như thế, ông biến mất vào gian bếp. Tabby nhảy phóc lên chiếc ghế cạnh tôi rồi chiếm chỗ luôn trên đó. Tôi thì thầm bằng tiếng Hàn với Tabby.
“Meo meo, tao là người vô phương cứu chữa rồi.”
Có lẽ Tabby chẳng thể hiểu được lời tôi. Bởi vì nó là con mèo Mỹ. Sau khi ăn sạch cái hamburger trong nháy mắt rồi uống một ngụm bia, tôi đã mở một trong những cuốn tạp chí mà tôi vẫn nghĩ tuyệt đối sẽ không bao giờ đụng vào. Đó là hành động bắt nguồn từ suy nghĩ muốn cho chính mình chứ không phải ai khác biết tôi hoàn toàn chỉ có một mình, và tôi là kẻ đần độn. Thật ngạc nhiên, bên trong cuốn tạp chí cũng tinh tươm như trang bìa. Gần như không có vết nhàu tới mức tôi đặt câu hỏi không lẽ Emerson đi là từng trang, từng trang tạp chí. Chỉ là, thỉnh thoảng lại có những bức ảnh bị xé và có chỗ còn để lại dấu vết nguyên cả trang bị xé đi. Có lẽ tôi biết tại sao Emerson lại viết và dán mẩu giấy: “Tuyệt đối đừng xé. Tuyệt đối, tuyệt đối.” lên trang bìa tạp chí. Tạp chí đăng những bài báo về son môi, mũ nón thịnh hành hồi đó, chuyên mục sex, và những câu
chuyện phiếm về người nổi tiếng. Tôi cứ đọc những bài viết đó mà không có bất cứ suy nghĩ gì. Thế rồi, tôi dừng lại ở một bài báo nọ. Bốn năm cuối cùng của R bị che bởi mành chắn. Ông cắt đứt mọi tiếp xúc với truyền thông và không xuất hiện trên sân khấu nữa. Ông để lại phần lớn tài sản cá nhân của mình cho em gái Mage Grant trước khi chết. Phải nuôi dạy hai đứa con ờ Colorado sau khi chồng mất, chắc chắn đây là may mắn vô cùng lớn với Mage và gia đình bà. Nhưng bà nói rằng đây là việc khiến bà vô cùng bối rối. “Gọi là anh trai nhưng chúng tôi mất liên lạc trong suốt bốn mươi năm nên chẳng khác gì người lạ. Thế nhưng thật kỳ diệu, vừa nhìn thấy mặt anh ấy là tôi liền nhớ đến khuôn mặt anh thuở nhỏ. Gia đình chẳng phải là thể hay sao?”. Ba năm trước khi R mất, Mage đã về New York cùng sống những năm cuối đời với ông. “Anh trai tôi gầy yếu kinh khủng nên tôi đã dưa các con về ở với anh ấy. Chỉ cần nhìn thoáng qua là đã thấy anh không khỏe rồi. Nhưng anh vẫn còn lại dáng vẻ của một người nghịch ngợm. Thỉnh thoảng vào những ngày sức khỏe tốt hơn một chút, anh thường ngồi ở ghế thư giãn đặt trong phòng ngủ, vung hai cánh tay như cầu thủ quyền anh. Và anh lẩm bẩm: ‘Thêm một cú nữa, thêm một cú nữa’. Là đại gia nhưng anh không xa xỉ. Các con tôi cũng được chăm sóc bằng tình yêu của anh. Tôi được biết, anh cũng làm từ thiện nhiều. Đặc biệt, anh quan tâm nhiều tởi những người sống sót sau chiến tranh. Anh [11] và cũng ủng
đã ủng hộ cho cả đoàn thể liên quan đến Holocaust hộ nhiều cho những người tham chiến tại chiến tranh Việt Nam”. Đó là bài viết về Ralph Lauren. Ôi trời ơi, tôi phát hiện ra nó ngay lập tức. Nhưng không xa xỉ và đối xử với trẻ con bằng tình yêu là điều quá đỗi khác với hình ảnh của Ralph Lauren mà đến giờ tôi vẫn tưởng tượng. Hơn nữa, còn làm từ thiện nhiêu nữa chứ. Ngạc nhiên quá. Nhưng thứ khiến tôi thật sự ngạc nhiên chính là câu này. Khi tôi hỏi về di ngôn của R, bà liền lắc lắc đầu: “Lời trăn trối cuối cùng là tuyệt đối đừng làm đồng hồ...
Mới vừa đọc xong câu này, tôi liến gập cuốn tạp chí lại. Ánh đèn huỳnh quang của gian bếp chiếu sáng ra chỗ tôi đang ngồi. Còn phía đặt chiếc bàn thì tối. Đèn trước của những chiếc xe ô tô đôi lúc chạy ngang qua loé vào trong nhà hàng rồi lại biến mất. Tôi cảm giác
mình bị tấn công bất thình lình. Trời đất ơi, không thể tin được. Tôi bỗng nhớ đến khuôn mặt Su-yeong. Trong nhà hàng McDonald’s nơi chúng tôi ngồi cùng nhau, Su-yeong trong trang phục làm thêm, nói: “Tớ muốn có chiếc đồng hồ của Ralph Lauren”. Hóa ra là thế, hóa ra Ralph Lauren vốn không có ý muốn sản xuất đồng hồ.
Tuyệt đối đừng làm đồng hồ.
Tuyệt - đối - đừng - làm - đồng hồ. Đột nhiên, thật khó để hiểu rõ ý nghĩa của từng từ từng từ, cảm giác như tất cả đều là những từ ngữ lần đầu tiên tôi được nghe thấy từ lúc cha sinh mẹ đẻ. Ngập ngừng một lát, tôi mở lại trang đó.
Di ngôn đừng làm đồng hồ mới được truyền đi từ miệng của luật sư thì loáng một cái đã bị rò rỉ bởi miệng của những người có mặt ở đó. Bởi lẽ thời điểm đó, thị trường đồng hồ thời trang đang dần dần tăng trưởng. Nó chẳng khác gì việc đá văng đi cái cần câu kiếm tiền.
Trong bài phỏng vấn này, Mage nói bà đã gặp Ralph Lauren vào năm 1998, tức một năm sau khi ông ẩn mình. “Một hôm, những người mặc âu phục đen tìm dến hỏi tôi có biết Timothy Spencer không? Timothy, đó chính là tên thật của anh trai tôi”. Timothy, Timothy Spencer. Ôi trời ơi, hóa ra đó là tên “thật” của Ralph Lauren (tất nhiên, những người mà tôi gặp sau này đều biết Ralph Lauren dưới cái tên Timothy Sanderson). Bức ảnh của ông mà tôi tìm thấy trên Internet bỗng hiện lên trong đầu tôi. Nụ cười đó, nụ cười hoàn hảo tới mức như nhân tạo đó. Tôi dọc hết bài phỏng vấn của bà, rồi gấp tạp chí lại. Có lẽ tôi phải làm thế. Nếu không làm thế thì có lê những chữ in trên giấy sẽ biến mất như ảo ảnh. Tôi vẫn trong trạng thái chẳng thể phân biệt những thứ tôi đọc là nội dung tồn tại thực tế, hay là ảo giác xuất hiện do khát vọng về Ralph Lauren quá lớn. Tôi hít thở sâu, rồi giở lại phần đó và bắt đầu đọc lại. Sau khi quyết định tạm thời không quan tâm đến câu chuyện về đồng hồ, lần này tôi lại có đôi điều tò mò khác. Rốt cuộc, nghệ danh Ralph Lauren được đặt theo cách nào nhỉ? Nếu cùng sống với Ralph Lauren giai đoạn cuối đời thì liệu Mage có biết về lý do ông đã sống ẩn mình như thế không nhỉ? Ralph Lauren đã giữ bí mật mọi thứ về mình tới mức không thông báo cả tang lễ, làm thế nào mà Mage lại kể những chuyện như thế này trên mặt tạp chí (dẫu có là tạp chí phụ nữ cấp
ba không hề có sức ảnh hưởng)? Lại còn viết tắt tên thành chữ R một cách nực cười. Nếu Ralph Lauren biết được hành động này của bà thì tâm trạng ông sẽ thế nào nhỉ (đương nhiên sẽ không có chuyện này, nhưng).
Và rồi, tôi không thể không quay lại câu hỏi này. Rốt cuộc tại sao ông ấy lại để lại di ngôn - Đừng làm đồng hồ - nhỉ? Tôi phớt lờ cảnh cáo của Emerson “Tuyệt đối đừng xé. Tuyệt đối, tuyệt đối.” mà quyết định xé bài phỏng vấn này. Như thể phát hiện ra suy nghĩ của tôi, Tabby kêu “meo meo” ngắn ra chiều chỉ trích. Lần này tôi nói với Tabby bằng tiếng Anh. “Xin lỗi, thật sự xin lỗi, bí mật nhé!”. Tabby nhìn tôi rồi kêu thêm khoảng hai lần nữa, sau đó nó bắt đầu kêu liên tục. Emerson đi ra từ trong bếp hỏi tôi có sao không.
Tôi trả lời tôi không sao.
Thời điểm tôi viết thư, chúng tôi ở trong tình trạng còn không biết Ralph Lauren đã buông tay không quản lý việc kinh doanh nữa rồi, đương nhiên là còn không biết ông đã mất, và trong mơ tôi cũng chẳng thể tưởng tượng nổi ông đã để lại di ngôn “rùng rợn” đến thế. Một ngày sau khi cho tôi xem bộ sưu tập Ralph Lauren, Su-yeong đến trung tâm học thêm tìm tôi.
“Tôi đã không biết Su-yeong đến tìm tôi. Tôi chỉ nghe nói rằng có ai đó đang chờ tôi ở dưới. Trời mưa rào một lúc vào buổi sáng, và nắng gay gắt suốt cả chiều. Không khí ẩm ướt và nóng nực. Tôi nhớ dự báo thời tiết hôm đó là chiều muộn lại có mưa to cục bộ”. Vào một ngày hè mưa rả rích, tôi đã kể chuyện ngày hôm đó cho bà Jackson (say ngủ): “Tôi nhớ cả chuyện một trong những người bạn của tôi hỏi mưa to cục bộ là gì, và một người bạn khác nói ‘Mưa rào còn gì, đồ dở hơi’”. Bước ra khỏi tòa nhà, tôi trông thấy Su-yeong đứng ở phía bãi đỗ xe. Tôi và Su-yeong đã hẹn gặp nhau sau ba ngày ở McDonald’s khi nàng cầm lá thư đã hoàn thành đến. Su yeong mặc đồng phục học sinh. Lớp học bổ túc còn chưa bắt đầu, mà dẫu có bắt đầu chăng nữa thì nàng cũng có xuất hiện đâu, nhưng tại sao nàng lại mặc đồng phục học sinh chứ? Dù vậy, tôi nghĩ mình thích vì Su-yeong mặc đồng phục học sinh. “Bởi lẽ tôi nghĩ sẽ chẳng một ai phát hiện ra sự thật rằng nàng là học sinh ban ngày thì ngủ gục trong phòng học, còn ban đêm thì lại đi làm thêm.”
Tôi mới gọi tên Su-yeong là nàng liền quay người về tôi. Tóc mái của nàng bết vào má do mồ hôi. Nàng không cả chào tôi mà nói thế này.
“Ơ, là Ralph Lauren này.”
Tôi cúi đầu nhìn lướt qua logo Polo khắc trên áo thun ngắn tay của tôi. Không biết tại sao nhưng tôi thấy hơi xấu hổ vì logo đó. Nàng lôi cái gì đó từ trong cặp ra chìa cho tôi.
“Gì đây?”
“Còn gì nữa, thư viết cho Ralph Lauren. Thứ mà cậu hứa dịch sang tiếng Anh ấy. Tớ đã thức trọn đêm qua đấy.”
“Vẫn còn vài ngày nữa cơ mà.”
Su-yeong trả lời với nét mặt ngượng ngùng:
“Bởi tớ muốn gửi sớm nhất có thể, lá thư ấy.”
Có lẽ tôi cũng đã tò mò. Liệu nàng có thật lòng tin rằng nếu dịch tiếng Anh lá thư này rồi gửi đi thì Ralph Lauren sẽ có thể nhận được ư? Và liệu nàng nghĩ ông ấy có thể làm đồng hồ thật sự không nhỉ? Nàng ấy?
“Tớ nhờ cậu nhé!”
Sau khi nói như thế, nàng không hề nói chuyện gì khác mà chào tôi ngay: “Chào, cậu ở lại nhé!” và bắt đầu sải bước. Tôi nhìn Su yeong chăm chú cho tới khi nàng biến mất khỏi tầm mắt. Sau đó, tôi về chỗ đọc kỹ lá thư. Chiếc phong bì màu vàng có chất liệu hơi dày và ram ráp, giấy viết thư có các đường xiên khắc chìm xen kẽ nhau và còn khắc hình viên kim cương. Đơn giản nhưng đẹp. Tôi nghĩ Su yeong đã tốn rất nhiều thời gian ở tiệm văn phòng phẩm để chọn phong bì và giấy viết thư. Nhưng rốt cuộc tại sao? Nó cũng chẳng phải là thứ sẽ gửi cho Ralph Lauren mà nàng lại để trong phong thư đẹp đến thế để làm gì chứ? Lá thư ngắn hơn tôi nghĩ.
Tôi đã đoán ít nhất thì cũng phải viết kín khoảng ba trang, vậy mà có đúng một trang. Đọc lá thư một người nào đó viết cho một người khác với tất cả sự chân thành, tâm trạng tôi trở nên kỳ lạ. Thảo nào tôi cảm thấy mặt mình đỏ lên. Tôi thử tưởng tượng hình ảnh Su-yeong ngồi viết thư. Rõ ràng, việc bức thư không có lấy một chỗ chỉnh sửa chứng tỏ nàng không viết thẳng một mạch. Có lẽ chắc
nàng đã sửa đi sửa lại nhiều lần ở giấy nháp rồi mới viết lại vào giấy viết thư sau khi đã hoàn thành nội dung. Hẳn nàng đã viết dưới ánh đèn bàn học tới tận khuya. Còn không biết phòng nàng như thế nào, bàn học của nàng màu gì, tôi vẫn tưởng tượng theo ý mình. Câu cuối cùng của lá thư là thế này: “Ước mơ của tôi là trở thành Ralph Lauren từ đầu đến chân”.
“Này, cậu nhận được thư tình đấy à?”
Một người bạn buông câu nói đùa, tôi liền gấp lá thư bỏ vào phong bì rồi cất vào cặp sách để không bị nhàu.
Dự báo thời tiết hôm đó đã sai. Dự báo rẳng sẽ có mưa lớn cục bộ, nhưng trời mưa xối xả suốt buổi tối khi tôi ngồi nghe giảng. Tôi tò mò không biết Su-yeong có mang theo ô không.
Trong suốt ba ngày sau đó, mỗi khi học ở trung tâm học thêm lẫn khi giải bộ đề toán, hoặc mỗi lúc trước khi ngủ lẫn khi bất chợt nhớ ra là tôi lại tranh thủ dịch thư sang tiếng Anh. Nhưng khác với suy đoán của Su-yeong rằng “dễ như ăn cháo”, dịch thư sang tiếng Anh quả là việc vất vả. Tôi đối mặt với nhiều vấn đề chẳng thể dự đoán. Chẳng hạn, thư được mở đầu như sau: “Ở đây đang là mùa hè. Đã hết mùa mưa và giờ cái nóng thực sự bắt đầu.” Tôi chẳng thể hiểu được tại sao lại phải mở đầu thư bằng câu chuyện như thế, nhưng hơn hết, tôi nghĩ là Su-yeong đã chẳng hề cân nhắc việc New York ở cùng vĩ độ cũng đang là mùa hè. Trong thư, Su-yeong nói rằng mình đang làm việc ở McDonald’s và chỉ cần ngửi mùi hamburger thôi cũng muốn buồn; quả thật, tôi cảm thấy nội dung này hoàn toàn không cần thiết. Một nhà thiết kế tầm cỡ thế giới hẳn là người vô cùng bận rộn, liệu ông có đọc từng câu từng chữ phần này không? Hơn nữa, tôi không biết phải giải thích những câu này như thế nào, tôi phát hiện ra những câu văn mà nàng viết hiện lên thành câu tiếng Anh trong đầu tôi và việc tôi viết chúng lại thành câu chữ trên giấy là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Nếu tôi đọc những câu văn mình viết bằng tiếng Anh, tôi bị ám ảnh bởi cảm giác nhiệt huyết và sự thiết tha vốn có trong câu chữ của Su-yeong đã biệt tăm biệt tích. Những câu văn của tôi trông rất “trống rỗng”. Nó giống y như bã cam còn lại sau khi bỏ vào máy ép ép kiệt. Có lẽ theo cách này sẽ không ổn. Tôi đã chuyển ngữ sang tiếng Anh khá
nhiều, nhưng cuối cùng, khi ba ngày đã hẹn trôi qua, tôi phải thừa nhận rằng tôi không có nổi một câu đáng để gửi cho nàng. Ba ngày sau, tôi đi thẳng tới McDonald’s ga Kangnam sau buổi học ở trung tâm học thêm. Tôi định trả lại bức thư và nói với nàng rằng tôi không phải là người thích hợp với việc này. Rõ ràng, sẽ phải mất rất nhiều thời gian để dịch bức thư một cách bài bản. Ngồi trong góc cửa hàng giống như đã ngồi đó vào lần trước, tôi vừa ăn hamburger vừa giải bộ đề toán. Đang giải toán mà bất chợt ngửa đầu lên thì thỉnh thoảng tôi có trông thấy Su-yeong. Sau này tôi mới biết, hôm đó có đến hai học sinh làm thêm nghỉ làm khiến Su-yeong phải làm cả phần việc của họ nên nàng gần như sắp chết. Đoán chắc tôi sẽ cầm thư đã dịch sang tiếng Anh tới, Su-yeong giữa lúc đó vẫn vừa nhìn tôi vừa cười tủm tỉm.
“Tức là, ý cậu là nội dung thư có vấn đề sao?”
Đó là câu nói nàng thốt ra ngay lập tức khi tôi vừa nói không dễ để dịch nội dung lá thư sang tiếng Anh.
“Không, không phải thế, chỉ là có lẽ đây không phải là việc đơn giản như tớ vẫn nghĩ.”
Vì vẫn đang làm thêm nên nàng không thể nói chuyện lâu với tôi. Không phải tôi không biết cảm giác thất vọng mà Su-yeong cảm nhận. Nhưng không thể là không thể. Su-yeong hỏi lại tôi. “Tại sao?”
“Gì cơ?”
“Tại sao không phải là việc đơn giản?”
“Tức là, tớ không biết nữa. Tớ cũng không biết giải thích thế nào.”
Chẳng thể tìm được lí do gì để nói, nhưng lúc đó tôi hơi nổi giận. “Xin lỗi, tớ cũng có thể giới thiệu đứa khác. Có Choi Jin-hong lớp số 3 ấy. Nó sống ở Mỹ tới tận khi học cấp 2 nên giỏi tiếng Anh hơn tớ. Tớ giới thiệu cho cậu nhé?”, tôi đã nghĩ sẽ nói như thế. Nhưng không biết vì sao, những lời thốt ra từ miệng tôi lại hoàn toàn trái ngược. Tôi không biết làm thế nào lại xảy ra việc như thế, nhưng sự thật là thế.
"""