" Đề Thám - Con Hùm Yên Thế - Nguyễn Duy Hinh full mobi pdf epub azw3 [Danh Nhân] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đề Thám - Con Hùm Yên Thế - Nguyễn Duy Hinh full mobi pdf epub azw3 [Danh Nhân] Ebooks Nhóm Zalo Tên sách : ĐỀ-THÁM – CON HÙM YÊN-THẾ Tác giả : NGUYỄN-DUY-HINH Nhà xuất bản : Nhà sách KHAI-TRÍ Năm xuất bản : 1961 ------------------------ Nguồn sách : tusachtiengviet.com Đánh máy : Đỗ Trung Thực Kiểm tra chính tả : Nguyễn Văn Huy, Trần Trung Hiếu, Ngô Thanh Tùng Biên tập ebook : Thư Võ Ngày hoàn thành : 03/09/2019 Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG Cảm ơn tác giả NGUYỄN-DUY-HINH và nhà sách KHAI TRÍ đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá. MỤC LỤC CHƯƠNG I : TỪ CHIẾN-TRANH XÂM-LƯỢC ĐẾN CÁCH-MẠNG DÂN-TỘC CHƯƠNG II : MỘT NÔNG-DÂN ÁO VẢI CÓ CHÍ ANH-HÙNG VÀ CHIẾN KHU YÊN-THẾ CHƯƠNG III : TỪ LŨNG-LẠT ĐẾN YÊN-THẾ CHƯƠNG lV : LẦN THỨ NHỨT ĐỀ-THÁM TẠM THỜI CẦU-HÒA VỚI PHÁP CHƯƠNG V : MÂU-THUẪN TRONG NỘI-BỘ CHÍNH-QUYỀN PHÁP VÀ THÁI-ĐỘ BẤT-KHUẤT CỦA ĐỀ-THÁM CHƯƠNG VI : ĐỀ-THÁM ! ĐỐI-THỦ LẦM-LÌ ĐÁNG SỢ CỦA ĐẠI-TÁ GALLIÉNI CHƯƠNG VII : BÀI HỌC YÊN-THẾ CHƯƠNG VIII : VỤ ĐẦU-ĐỘC LÍNH PHÁP VỚI NHỮNG ÁN LỊNH KHẮC-NGHIỆT CỦA HỘI-ĐỒNG ÐỀ-HÌNH PHÁP CHƯƠNG IX : CON ĐƯỜNG TÀN LỤN CỦA THỦ-LÃNH NGHĨA-QUÂN YÊN-THẾ NGUYỄN-DUY-HINH ĐỀ-THÁM CON HÙM YÊN-THẾ Nhà sách KHAI-TRÍ 62, đại-lộ Lê-Lợi, Sàigòn 1961 CHƯƠNG I : TỪ CHIẾN-TRANH XÂM-LƯỢC ĐẾN CÁCH-MẠNG DÂN-TỘC Từ phong-trào Cần-Vương của nhóm sỹ tử đến chiến-tranh du-kích của Hoàng-hoa-Thám. * NĂM 1859, vào niên-hiệu Tự-Đức thứ 11, Việt-Nam bắt đầu bị Pháp xâm-chiếm. Mượn cớ bảo-vệ kiều-dân của các nước thuộc Âu-Châu hiện ngụ tại lãnh-thổ Việt-Nam, trong công cuộc khủng-bố giáo-sĩ Gia-tô và ngăn cấm bọn thương-buôn da trắng của triều-đình Huế, Pháp quân đem hạm đội viễn-chinh mở cuộc xâm-lăng nước Việt vào tháng bảy năm Mậu-Ngọ tức là năm nói trên. Ngày 31 tháng 8 dương-lịch, đại-đội chiến thuyền và binh-mã Pháp bắn phá vào cửa Đà-Nẵng dữ-dội. Ông Nguyễn-tri-Phương phải lập đồn Liên-Tri chống giữ. Đến tháng giêng năm sau, Pháp phân binh vào đánh thành Gia-Định và từ đây Việt-Nam đã nếm mùi thất-bại đầu tiên trước hỏa-lực của Pháp. Ông Nguyễn-tri-Phương phải vội-vã đem quân vào Gia-Định thành lập đồn Kỳ-Hòa (tức khu-vực Chí-Hòa ngày nay) để chống cự lại. Hai bên đánh nhau ác-liệt, trong mấy trận đã tổn-hại khá nhiều. Đứng trước tình-thế này, triều-đình Huế đã bất lực. Trên cao, Vua chỉ ham thú văn-chương, thi phú. Dưới thì, quần- thần tả hữu đều hủ-bại, chia rẽ nhau, mạnh ai nấy tranh giành thế-lực. Dân-chúng khắp nơi đói rét sanh tâm cướp bóc thành loạn-lạc. Giữa vua quan và tôi dân đã mất hết tình-cảm chân-thành và thiêng-liêng nên không thể chung lưng đấu cật mà tạo thành một sức mạnh chống-cự dẻo-dai. Vì vậy, Pháp quân đã đánh thắng quân ta luôn mấy trận vừa dễ-dàng vừa mau lẹ. Chiến-thuật « trường-xà » cổ-lỗ của Nguyễn-tri-Phương chỉ là trò đùa của Pháp quân và là mục-tiêu rất tốt của súng đại-bác của đoàn quân viễn-chinh xâm-lăng này. Sau khi chiếm được thắng thế, Pháp tăng-cường thêm 70 tàu chiến và 3.500 quân nhất-định đánh phá đồn Kỳ Hòa. Ông Nguyễn-tri-Phương hết lòng chống cự ráo-riết trong hai ngày, sát hại được hơn 300 quân địch rồi mới chịu lui về Biên-Hòa vào năm Tân-Dậu (1861). Thừa cơ, Pháp tiến đánh luôn cả tỉnh Định-Tường và tỉnh Biên-Hòa rồi buộc triều-đình Huế phải ký hòa-ước, nhường đứt hai tỉnh đó với cả tỉnh Gia-Định nữa. Năm 1862, liên-quân Pháp và Y-pha-Nho lại tấn-công cửa bể Đà-Nẵng. Bắt đầu từ đây, những cuộc cách-mạng nổi dậy và người dân Việt mới bắt đầu tích-cực kháng-chiến với Pháp ở khắp nơi, rất là mạnh-mẽ. Trong năm nầy, ông Phó-quân-Cơ Trương-Công-Định từ chối chức Lãnh-Binh An-Giang do triều-đình Huế thăng thưởng sau khi đã dầy công chống giữ đồn Kỳ-Hòa. Ông ở lại Gia-Định thành, tự-động mộ binh lính làm nghĩa-quân chống Pháp ở khắp ba vùng, tỉnh Chợ-Lớn, Tân An và Gò-Công. Ông đã làm cho Pháp quân nhiều phen thất-điên bát-đảo ; đến ngày 19 và 20 tháng tám năm 1864 ông đánh một trận ác-liệt ở Kiến-Phước và bị bắn gãy xương sống. Noi gương ông, một nhóm sĩ-phu, quan-lại tại tỉnh Vĩnh Long khởi binh đánh lấy lại tỉnh thành này. Trong khi ấy, vào năm 1865, Hai ông Tri-huyện Toại và Thiên-hộ-Dương cũng đã dấy binh ở Đồng-tháp-Mười, dẫn nghĩa-quân dùng chiến thuật du-kích đánh phá các đồn Pháp lẻ-tẻ khiến cho các đoàn vận-tải và đường giao-thông của quân đội Pháp gặp nhiều khó-khăn. Đến năm 1867, vào ngày 25 tháng 6, Pháp lại chiếm luôn ba tỉnh Vĩnh-Long, An-Giang, Hà-Tiên, sau khi tỉnh Vĩnh-Long thất-thủ từ năm 1861, sau Pháp trả lại và đến năm 1867 mới lấy đứt. Ông Phan-thanh-Giản không giữ thành nổi, để giữ tròn tiết-nghĩa, ông uống thuốc độc tự-tử, có để di-chúc lại cho con cháu, dặn không được làm việc gì với Pháp. Các con của ông là Phan-Liêm, Phan-Tâm, Phan Ngữ, vâng lời cha, cầm đầu một nhóm nghĩa-quân kháng chiến tại bốn tỉnh Vĩnh-Long, Sa-Đéc, Trà-Vinh, Bến-Tre. Sau khi bại trận, ba ông liền theo ông Nguyễn-tri Phương ra Bắc để chống cự với Pháp tại Hà-Nội vào năm 1873. Qua năm 1868, ông Nguyễn-hữu-Huân đỗ Thủ-khoa lãnh-đạo nhóm Văn-Thân kháng-chiến tại vùng Định-Tường và Tân-An. Pháp quân nhiều lần khuyến-dụ ông ra đầu hàng nhưng ông không bằng lòng và luôn luôn cự-tuyệt. Về sau, ông thất trận, bị bắt và bị Pháp quân xử chém tại cù-lao Rồng. Trong lúc nầy, ông Nguyễn-trung-Trực cũng nổi lên ở vùng Nhựt-Tảo Tân-An, cũng trong năm này, ông bị Pháp bắt, xử chém ở Rạch-Giá. Khoảng năm 1869-1870, ông Phan-Tòng khởi binh ở Ba Tri và tử trận ở Giồng-Gạch. Năm 1871 và 1872, dân-chúng ở ba vùng Bà-Điểm, Hốc-Môn, Gò-Vấp cũng tự-động nổi lên kháng-cự. Họ đã đánh nhiều trận rất ác-liệt với Pháp quân. Trận oanh-liệt nhứt là trận tại 18 thôn vườn trầu. Trận nầy, nghĩa-binh đã tử-trận gần hết sau khi đã chống cự mãnh-liệt trong mấy ngày liền. Còn sót lại hơn 70 người, họ liền thề nguyền với nhau nhứt quyết chống cự với địch quân đến chết, không một người nào chịu đầu hàng. Trong khi đó, khắp các tỉnh Vĩnh-Long, Cần-Thơ, Long Xuyên, quân Cần-Vương cũng nổi lên đánh phá tứ phía. Năm 1873, tướng Francis Garnier đem binh ra Bắc can thiệp vụ tên lái buôn Jean Dupuis chở hàng Pháp rồi đánh thành Hà-Nội. Ông Nguyễn-tri-Phương kéo binh chống cự, bị thương, người Pháp băng bó thương-tích cho, ông không bằng lòng và xé băng ra mà chết, ít lâu sau tướng Francis Garnier bị quân Cờ Đen giết mất ở Cầu-Giấy. Sang năm sau, hai ông Đoàn-công-Bửu, Nguyễn-xuân Phụng lại khởi-nghĩa ở Trà-Vinh. Ở Trung-phần, thấy triều-đình luôn luôn nhượng-bộ Pháp, các nhân-sĩ đều phẫn-uất. Tại Hà-Tĩnh và Nghệ-An, hai ông Trần-Tân và Đặng-như-Mai nổi lên, truyền hịch « Bình-Tây sát tả ». Qua năm 1875, ở Trà-Vinh, miền Ba-Động có Trần-Bình, Lê-tấn-Kế nổi lên. Bắt đầu từ năm 1876, các tổ-chức của phong-trào Cần Vương cứu-quốc ở Nam-phần (Thuở đó gọi là Nam-kỳ, Trung-kỳ và Bắc-kỳ) lần hồi bị tiêu-diệt. Năm 1880, triều-đình Huế muốn có thêm nhân-tài để khôi-phục đất nước nên sai Lễ-bộ-Thị-Lang Phạm-Bình đem một số nhi đồng sang học trường Anh tại Hương-Cảng. Đồng thời, sai sứ đi giao-thiệp bí-mật với Xiêm và Tàu. Qua năm 1882, sau khi Tổng-đốc Hoàng-Diệu thắt cổ tự-tử vì không giữ nổi thành Hà-Nội, để mất lần thứ hai, được mấy hôm, một số kháng-chiến quân của Hoàng-kế Viêm hợp với quân Cờ đen giết đại-tá Henri Rivière tại Cầu Giấy. Sang năm 1883, Pháp quân tiến đánh cửa Thuận-An. Sau ba ngày đêm chống-cự, quân ta đành chịu mất thành Trấn-Hải. Các quan trấn thành là Lê-Sĩ, Lê-Chuẩn tử trận còn Lâm-Hoằng và Trần-thúc-Nhẫn cũng nhảy xuống sông tự-tử theo. Theo đà thắng thế, Pháp càng lúc càng uy-hiếp triều đình Huế bắt-buộc phải ký hiệp-ước Patenôtre vào tháng 8, Giáp-thân (1884), nhìn-nhận nước Pháp bảo-hộ cả Trung và Bắc-kỳ. Trước tình-thế nầy, Tôn-thất-Thuyết và Trần-xuân-Soạn hết sức căm thù, cố ra công lập trường võ-bị tại kinh-đô để tổ-chức thành quân-đội hẳn-hoi. Một mặt hai ông cho người ra ngoại-quốc mua súng đạn, khí giới để chuẩn-bị giao tranh cùng Pháp quân, một mặt hai ông ra mật lệnh cho quan-quân và dân-chúng ở khắp các tỉnh không được hợp tác với Pháp. Năm 1885, vào tháng 5, Thống-tướng Pháp là De Courcy lại đem 1.700 quân vào Huế, định dùng võ-lực uy hiếp triều-đình Việt nữa, bắt buộc triều-đình phải nhận cuộc bảo-hộ của Pháp. Tôn-thất-Thuyết khảng-khái đứng vào hàng chủ chiến, không chịu qua tòa Khâm-sứ hội-kiến với tướng Pháp. Rồi đến đêm 22 rạng ngày 23 tháng nói trên, Tôn-thất Thuyết cùng với em là Tôn-thất-Liệt và Trần-xuân-Soạn chia nhau ba mặt đánh úp những Pháp quân đóng giữ. Sáng ra, quân ta hết đạn nên tan vỡ thành ra kinh-thành phải thất thủ. Tôn-thất-Thuyết phải vội-vã rước Vua Hàm-Nghi chạy vào Quảng-Trị rồi chạy qua Hà-Tĩnh. Từ đây miền Trung và miền Bắc lại lọt vào tay Pháp. Vua Hàm-Nghi liền lập căn-cứ kháng-chiến tại Hà-Tĩnh vào năm 1886, hạ chiếu kêu gọi Cần-Vương cứu-quốc. Tôn thất-Thuyết để hai con là Tôn-thất-Thiệp và Tôn-thất-Đạm ở lại hộ-giá và cầm binh, còn chính mình sang Tàu xin viện binh của nhà Thanh. Nhưng hồi ấy, thời cuộc của Tàu dưới thời Mãn Thanh cũng đổ nát be-bét hết. Dân-chúng nổi lên vận-động lật đổ triều-đình. Vì vậy, Tôn-thất-Thuyết sang Tàu đã hoài-công, vô-ích. Vì vậy mà ông bất đắc chí đành cam chịu chết già ở nơi đất lạ quê người giá lạnh. Trong lúc đó, các nhân-sĩ ở Trung và Bắc nổi lên Cần Vương rất đông, kháng Pháp rất dữ-dội. Không có lúc nào tình-hình cách-mạng sôi nổi bằng lúc này. Nhiều vị quan to bỏ chức lui về quê nhà, chiêu-binh khởi-nghĩa, như Tể-Tướng Nguyễn-thiện-Thuật, Đề-Đốc Tạ Hiên, v.v… Từ trong Nam ra tới ngoài Bắc, vùng nào cũng có một hoặc hai-ba người nổi lên kháng-chiến, cầm đầu hai-ba nhóm nghĩa-quân cách-mạng. Đáng kể nhứt là các vùng sau đây : - Vùng Phú-Yên, Bình-Định có Mai-xuân-Thưởng, Nguyễn-đức-Nhuận, Bùi-Diễn. - Vùng Quảng-Nam, Quảng-Nghĩa có Nguyễn-Hàm, Nguyễn-Hiệu, Trần-văn-Dự. - Vùng Quảng-Bình có Lê-Trực, Nguyễn-phạm-Tuân. - Vùng Nghệ-An có Lê-doãn-Nhạ, Nguyễn-xuân-Ổn. - Vùng Hà-Tĩnh có Phan-đình-Phùng, Lê-Ninh, Cao-Đạt, Cao-Thắng, Đinh-văn-Chát, Thái-vinh-Chính. - Vùng Thanh-Hóa có Hà-văn-Mao, Đinh-công-Tráng, Cầm-bá-Thước, Phạm-Bành, Tống-duy-Tân. - Vùng Hải-Dương có Tán-Thuật cùng hai người em là Lãng-Giang, Hai-Kế, Đốc-Tích, Đốc-Khoát, Ba-Giang, Tống Kính, Tuần-Văn, Đốc-Vinh, Đề-đốc Tạ-Hiển và Thủ-khoa Nguyễn-Cao. - Vùng Hưng-Yên, Bắc-Ninh có Đốc-Mỹ, Đốc-Quế, Đốc Sùng, Lãnh-Điểm, Đội Văn, Hai Tước. - Vùng Đông-Triều, Lục-Nam có Đốc Thầy, Lãnh-Thừa, Lưu-Kỳ. - Vùng sông Thái-Bình có Đề-Hồng, Tiền-Đức, Lãnh-Ý. - Vùng Bắc-Giang, Thái-Nguyên có Ba-Phúc, Đề-Nam, Đề-Thám tức Hoàng-hoa-Thám. - Vùng Sơn-Tây, Hưng-Hóa có Đề-Thanh, Đề-Kiều, Đốc Ngữ, Cai-Văn, Hoàng-công-Vinh, Nguyễn-quang-Bình, v.v… Trong số những người trên đây, có bốn tay anh-dũng nhứt khiến cho Pháp quân phải hết sức nhọc-nhằn trong những trận mà họ kháng-cự từ năm 1885 đến năm 1892, là Đội Văn (vùng Hưng-Yên, Bắc-Ninh), Đốc Tích (vùng Hải Dương), Đề-Kiều Đốc Ngữ (vùng Sơn-Tây, Hưng-Hóa). Ông Đinh-công-Tráng cũng đánh được những trận nổi tiếng như trận Ba-Đình. Ông Tán-Thuật oai-dũng ở trận Bãi Sậy, Ông Phan-đình-Phùng đã cầm-cự với Pháp quân đúng 10 năm, gây được ảnh-hưởng lớn-lao, cũng đã oanh-liệt ở trận Ngàn-Trươi và Đề-Thám ở Yên-Thế… * Năm 1887, hai tướng Dodds và Metzinger kéo quân tấn công chiến-khu Ba-Đình và Ma-Cao của Đinh-công-Tráng (lập từ tháng 4 năm 1885) thất-bại nên đầu năm nói trên, Pháp lại sai đại-tá Brissaud kéo rốc đoàn binh gồm có 76 viên sĩ-quan chỉ-huy với 3.530 quân tinh-nhuệ tấn-công một lần nữa. Trận chiến nầy kéo dài mấy ngày liền, rất ác-liệt, hai bên đều tổn-thất nặng nề. Khó nhọc lắm Pháp quân mới phá vỡ được cả chiến-khu. Đinh-công-Tráng chạy về Nghệ-An và bị bắn chết tại làng Tang-Yên, ven bờ sông Cả vào đêm 5 tháng 10 năm 1887. Cũng trong năm này, Trần-xuân-Soạn, tướng của Tôn thất-Thuyết định đánh tỉnh-thành Thanh-Hóa nhưng thất bại. Qua tháng 9 năm 1888, vua Hàm-Nghi bị bắt tại làng Tả-Báo, ở miền núi Hà-Tĩnh và Quảng-Bình vì tên Trương quang-Ngọc phản-bội làm tay sai cho Pháp. Nhà vua liền bị đày an-trí ở Algérie. Trong lúc Vua bị Pháp bắt, Tôn-thất-Đạm chạy thoát được và thắt cổ tự-tử ở trong rừng sâu, còn Tôn-thất-Thiệp thì bị quân Pháp bắn chết tại trận. 1 Trong năm 1889, ông Tán-Thuật đã lập xong chiến-khu ở Bãi-Sậy, chống Pháp quân hai năm liền rất là can-đảm, nhưng cũng tan vỡ nên ông chạy lên Thái-Nguyên và rồi vượt biên-giới Hoa-Việt sang Tàu để nhập bọn với tướng Cờ đen là Lưu-vĩnh-Phúc. Cũng trong năm nầy, Pháp quân đã cử đại binh đánh quân của Đề-Thám ở Yên-Thế mấy lần nhưng lần nào Pháp quân cũng thất-bại trước địa-thế vô cùng hiểm-trở và pháo lũy kiên-cố của Thám. Qua năm 1891, Đề-Thám cùng một lượt với Đề-Kiều, Đốc-Ngữ phá hoại cuộc giao-thông tiếp-tế không ngừng của Pháp quân tại ba tỉnh Thái-Nguyên, Bắc-Giang và Hưng Hóa. Trong khi đó, sau khi chiến-lũy Ba-Đình (rộng 400 thước, dài 1.200 thước bao bọc trọn ba làng Mỹ-Khê, Mậu Thịnh, Thượng-Thọ) tan vỡ vào ngày 20 tháng giêng năm 1887, hai ông Cao-Đạt và Tống-duy-Tân chạy ra Bắc. Năm 1889 hai ông trở về Thanh-Hóa để lãnh-đạo công cuộc kháng-chiến một lần nữa ở vùng Nông-Cống. Được hơn một năm, hai ông lại thất-bại, bị bắt và bị chém vào ngày 5 tháng 9 năm 1892 tại tỉnh Thanh. Từ năm 1892, tinh-thần chiến-đấu của người Việt-Nam thêm mãnh-liệt hơn. Chẳng những mãnh-liệt về tinh-thần bất-khuất mà còn tiến-bộ bất-ngờ về kỹ-thuật chế-tạo võ khí và chiến-tranh. Ông Cao-Thắng, một bộ tướng của ông Phan-đình Phùng đã làm cho Pháp quân hết sức kinh-ngạc vì ông đã tự chế ra được một kiểu súng năm 1874, không thua gì mấy súng của Pháp chế-tạo. Sự-kiện nầy khiến cho các kỹ-sư bác-học ở trời Âu hết sức lạ lùng về tài trí phi-thường của nhà nho và kháng-chiến quân Việt-Nam. Nhờ vậy, thanh-thế của Phan-đình-Phùng càng ngày càng lan rộng thêm lên. Nhưng không may, sau đó, ông Cao-Thắng đem nghĩa quân từ Sơn-Trại xuống định đánh lấy thành Nghệ-An, nửa đường đã tử-trận. Năm ấy ông mới có 29 tuổi. Năm 1894-1895, tình-hình cách-mạng có phần suy vì ông Phan-đình-Phùng mang bịnh chết ở trên núi, phong trào Văn-Thân ở Nghệ-An, Hà-Tĩnh tan rã dần vì không ai có thể lãnh-đạo được. Sang năm 1896, Đề-Thám lại hoạt-động mạnh-mẽ ở Yên-Thế, trong tay Thám có độ 60 khẩu súng. Cũng trong năm nầy, một sự kiện bất ngờ khiến cho Pháp quân tức-tối và tinh-thần cách-mạng sôi nổi trở lại… Vốn có một người tên gọi là Kỳ-Đồng Nguyễn-văn-Cẩm, còn nhỏ tuổi mà tài học phi thường. Người nầy được Thống Sứ Bihourd cấp-dưỡng cho qua Alger ăn học. Thống-Sứ cứ đinh-ninh rằng thế nào Kỳ-Đồng cũng theo Pháp và sẽ không chống đối lại ông. Không ngờ, Kỳ-Đồng vẫn hành-động trái lại và luôn luôn tích-cực chống Pháp. Tinh-thần cách-mạng kháng-thực không thể nào gột rửa được trong đầu óc của người thanh niên trẻ tuổi nầy. Sang ăn học ở Alger từ năm 1887, lúc mới mười tuổi, đến năm 1896, Kỳ-Đồng đỗ được bằng Tú-tài khoa-học lúc lên 19 tuổi. Khi về nước, Kỳ-Đồng liền mượn cớ lập đồn-điền lập ấp tại Yên-Thế nhưng thật-sự là cố ý chiêu-tập đồng-chí mà giúp đỡ cho Đề-Thám. Sau đó, Kỳ-Đồng lại ra mặt hẳn chống Pháp. Khắp miền Nam-Định, Thái-Bình và Hải-Dương vào khoảng cuối năm 1897 (hai năm sau khi thi đỗ Tú-tài khoa-học ở Alger và sau một năm về nước có phong-trào gọi là « giặc Kỳ-Đồng ». Tòa-sứ và trại giám-binh Hải-Dương luôn luôn bị kháng chiến quân tấn-công dữ-dội. Biết là do Kỳ-Đồng chủ mưu, Pháp quân liền tìm cách bắt Kỳ-Đồng cho kỳ được và đày sang đảo Tahiti. Bước sang năm 1898, phong-trào kháng Pháp càng lúc càng mãnh-liệt ở khắp các nơi. Vào tháng chạp năm nầy, bộ-đội cách-mạng Cần-Vương nổi lên đột-kích thành Hà-Nội vào lúc 1 giờ khuya đêm 5 rạng ngày 6 tây. Trận đột-kích nầy rất dữ-dội, nội-công có một nhóm quân đầy đủ khí-giới và số người rất đông-đảo. Ngoại-kích do nhóm quân của Đề-Thám xung-phong. Pháp quân gồm hai thành-phần cảnh-sát và lính tập chống đỡ kịch-liệt trong hơn hai tiếng đồng hồ, nghĩa-quân cách-mạng mới rút lui, để lại 4 xác chết, 8 người bị thương và 71 người bị bắt. Cũng trong năm này, Đề-Thám trá hàng người Pháp để củng-cố lực-lượng. Điều-kiện quan-trọng của ông là Pháp phải để cho vùng Yên-Thế có quyền tự-chủ, Pháp không được xâm-phạm vào. Trong lúc đó, ông Phan-sào-Nam cùng với các ông Đại Đẩu, Thần-Sơn và Đặng-thái-Thần bàn định tiếp-tục theo chân ông Phan-đình-Phùng khởi binh kháng-chiến trở lại ở vùng Hà-Tĩnh, nhưng suy đi tính lại, vì không có đủ khí-giới trang bị nên đành chịu bỏ dở ý định. Bước qua thế-kỷ XX, một tinh-thần cách-mạng mới đột khởi. Các nhà nho bắt đầu nghĩ tới phương-sách duy-tân tự cường và bắt đầu bỏ lối học từ-chương khoa-cử chậm tiến ở trong nước, phong-trào xuất-dương du-học khởi xướng từ đây. Sau khi nhóm Mai-xuân-Thưởng thất bại ở Bình-Đình, ông Tăng-bạt-Hổ, một chiến-tướng tài ba của họ Mai thua buồn bỏ nước, xuất-ngoại chu-du qua các nước bạn như Xiêm, Tàu và Nhật. Khoảng năm 1902-1903, ông trở về nước cổ-động thêm cho các nhân-sĩ theo ông xuất-dương để tìm cách cứu-quốc hữu-hiệu hơn. Ông đã gặp cụ Phan-sào-Nam rồi hai người dẫn đi khắp Nam-Bắc mà tuyên-truyền chương-trình cách-mạng mới. Trong năm này, cụ Phan có gặp Đề-Thám ở đồn Phồn Xương để thảo-luận thêm. Năm 1904 và 1905, cụ Phan-sào-Nam tập hợp một nhóm đồng-chí ở Sơn-trang Nam-Thịnh để thành-lập « Việt Nam Quang-phục-Hội ». Sơn-trang nầy của ông Nguyễn Hàm ở tỉnh Quảng-Nam. Cụ Phan cùng các đồng-chí tôn ông Kỳ-ngoại-Hầu Cường-Để lên làm trưởng Hội. Sau đó, cụ cùng ông Tăng-bạt-Hổ sang Nhựt-bổn giao thiệp với các yếu-nhân, chính-khách tại đây để sửa-soạn rước Kỳ-ngoại-Hầu sang Đông-Kinh. Thêm nữa, một số đông-đảo nhân-sĩ trong nước như cụ Phan-châu-Trinh, các ông Tiến-sĩ Trần-quý-Cáp, Huỳnh thúc-Kháng, Ngô-đức-Kế, Nguyễn-thượng-Hiền, Lương ngọc-Can… tất cả gồm có mấy trăm vị đã cùng cụ Phan sào-Nam thề nguyền đồng-tâm hiệp-lực lo cho quốc-gia. Trong khi ấy, ông Phan-tây-Hồ vừa đỗ Phó Bảng, đang làm chức Viên-ngoại Bộ-Công lại từ-chức, đứng vào hàng ngũ cách-mạng. Đến năm 1906, các ông gồm có Đức Kỳ-Ngoại-Hầu Cường-Để, Phan-châu-Trinh, Phan-sào-Nam và Đặng-tử Kính đã sang tới Nhựt, liền gây ra phong-trào Đông-Du Cầu học cứu-quốc. Đáp lời kêu gọi của phong-trào, thanh-niên Việt-Nam đầu tiên đã bỏ nhà sang Nhật du-học là ông Lương-ngọc Quyến, biệt-hiệu Lập-Nham. Ông đã vào học ở trường võ-bị Chấn-Võ. Vài tháng sau, theo chân ông, một số rất đông-đảo thanh-niên khác lục-tục từ nước nhà trốn sang. Đức Kỳ-ngoại-Hầu cùng cụ Phan-sào-Nam phải lo xếp đặt nơi ăn chốn ở và công việc học hành của họ. Kể từ đây, số nhân-sĩ nước nhà ra ngoại-quốc để vừa ăn học, vừa hoạt-động cách-mạng, cứu nước rất nhiều. Trong lúc đó, cũng vào năm 1906, cụ Phan-tây-Hồ ở Nhựt về, vào ngày 15 tháng 8 có gởi công-khai cho chánh phủ Pháp một bức thơ yêu-cầu chánh-phủ Pháp phải thành thật và tận-lực cải-cách Việt-Nam, diệt-trừ những tệ-đoan tham-nhũng và mở mang tân-học. Năm 1907, các nhà nho duy-tân đất Bắc như Dương-bá Trạc, Lương-ngọc-Can, Đào-nguyên-Phổ, Phan-tuấn-Long, Lê-Đại, Nguyễn-Quyền, Đặng-kính-Luân, Phan-huy-Thinh, v.v… đã hợp nhau lại mở trường tư tên là Đông-Kinh Nghĩa Thục, bề ngoài là trường học, nhưng kỳ thật bên trong là một tổ-chức cách-mạng, lo việc tuyên-truyền trong giới học-sinh, tiếp tế các đồng-chí ở ngoại-quốc và phản-đối những việc làm sai quấy của chánh-phủ Pháp. Bởi vậy đến tháng chạp năm 1907, tức là ba tháng sau khi nhà trường khai giảng, nhà cầm-quyền ra lệnh đóng cửa. Trong lúc đó, phong-trào cách-mạng ở trong Nam cũng bùng sôi dậy. Cầm đầu là hai nhà ái-quốc Gilbert Chiếu tức Phủ Trần-chánh Chiếu và ông Xã Định. Qua tháng sáu năm 1908, một vụ đầu độc xẩy ra tại trại lính Pháp ở Hà-Nội. Vụ nầy do nhóm Đội Bình, Cai Ngà, Chánh Song, Đội Hổ, có liên-lạc với Đề-Thám, tổ-chức. Họ định bỏ thuốc độc hại lính Pháp và để cho nhóm nghĩa-quân Đề-Thám ở bên ngoài tấn-công vào thình-lình để cho lính Pháp trở tay không kịp. Nhưng không may, nội vụ bị đổ bể vì có kẻ tiết-lộ… Chánh-phủ Pháp điều-tra ra thấy có một số yếu-nhân trong nhóm trường Đông-Kinh Nghĩa-Thục nhúng tay vào nên tức giận, lên án rất gắt và đày ra hải-ngoại một số rất đông. Ở Trung-kỳ, đám nhà nho duy-tân nổi lên khởi-xướng cho dân chúng tổ-chức những cuộc biểu-tình… Quan-trọng nhứt là các tỉnh Quảng-Nam, Quảng-Nghĩa, Bình-Định và Thừa-Thiên. Riêng ở tỉnh Quảng-Nam, hàng ngàn dân chúng kéo đến tỉnh lỵ, yêu-cầu bãi bỏ sưu-thuế. Ở Bình-Định, dân chúng đều mặc áo cộc, đầu đội nón lá, lưng mang nồi niêu và lương-thực kéo nhau đi khắp đường. Thấy ai mặc áo dài đen là họ áp nhau lại, xé áo, cắt tóc ngắn rồi bắt nhập bọn với họ đi biểu-tình. Vì vậy, nhóm người nầy bị gọi là « loạn đầu bào » hoặc là « vụ cúp tóc »… Trong những vụ này, hàng ngàn nhân-sĩ Trung và Bắc phải bị bắt đi đày là ông Tiến-sĩ Trần-quý-Cáp bị xử chém ở Khánh-Hòa. Cũng trong lúc nầy, Đề-Thám vẫn dùng lối du-kích chiến làm cho Pháp quân điên đầu ở những trận tại Yên-Thế. Đầu năm 1909, vào ngày 28 tháng giêng, tức ngày mùng 7 tháng giêng âm-lịch niên-hiệu Duy-Tân thứ 3, Pháp mở cuộc tổng tấn-công Yên-Thế. Thống-sứ Bắc-kỳ cho dán yết-thị tại khắp các tỉnh Bắc Ninh, Bắc-Giang, Thái-Nguyên và Phúc-Yên, tuyên cáo kể tội Đề-Thám đã trá hàng với dân-chúng. Đề-Thám phải bỏ đồn Phồn-Xương, rút quân vào chiến khu trong rừng rậm, dùng lối du-kích-chiến lưu-động để kháng-cự lại Pháp quân. Nhờ có những danh tướng như Cả Huỳnh, Cả Dinh, Cả Trọng hết lòng giúp sức nên Đề-Thám đã làm cho Pháp quân khổ-sở vô cùng. Trong khoảng năm 1910 nầy, những nhà cách-mạng ở hải-ngoại thêm một phen lận-dận. Bởi Nhật đã ký thương ước với Pháp nên đuổi cụ Phan-sào-Nam và du học-sinh ra khỏi đất Nhật. Vì vậy, các nhà cách-mạng hải-ngoại phải dời trụ-sở từ Nhật sang Tàu. May-mắn thay, lúc ấy có cụ Nguyễn-thượng Hiền đang ở Bắc-Kinh và quen rất nhiều chính-khách Trung Hoa nên cụ hết lòng giúp anh em sinh-viên cách-mạng bằng cách xin giấy thông-hành dùm và cấp lộ-phí. Đến năm 1911, vào khoảng tháng 6, một cuộc âm-mưu bị phát giác ở tỉnh-thành Gò-Công, tại Nam-kỳ. Cuộc âm mưu nầy mục-đích chiếm lấy tỉnh-lỵ và tàn-sát tất cả người Âu-Tây ở trong tỉnh… Trong lúc này, chánh-quyền Pháp đã ân-xá cho ông Phan-châu-Trinh ở Côn-Lôn, đưa ông về Nam-kỳ được mấy tháng lại đưa ông sang ở bên Paris. Không bỏ mất một cơ hội may mắn, ông Phan-châu-Trinh liền viết thơ gởi cho hội NHÂN-QUYỀN để tố-cáo những vụ án bất-công đã xử vào năm 1909, sau vụ Đông-Kinh Nghĩa-Thục ở đất Bắc và phong-trào « xin xâu, cúp tóc » ở các tỉnh Quảng-Nam, Quảng-Nghĩa, Bình-Định, Trung-kỳ… Năm 1913, vào tháng 3 dương-lịch, hai đảng-viên cách-mạng ở hải-ngoại là Phạm-văn-Tráng và Nguyễn-khắc-Cần về nước, ném bom ở Thái-Bình, giết chết Tuần-phủ Nguyễn-duy-Hàn. Mấy hôm sau, hai người nầy lại liệng bom vào trong Hà-Nội khách sạn (HÀ-NỘI HÔTEL) ở phố Hàng Trống, giết được hai võ quan Pháp là Chapuis và Mongrand. Ngoài ra, còn có một người bị thương nữa. Cũng trong năm này, còn có những vụ quan-trọng khác xẩy ra. Trước hết, chánh-phủ thực-dân đút lót một số của cải, tiền bạc quý-giá cho Ðô-đốc Long-tế-Quang ở Quảng Đông (Tàu) để nhờ bắt cụ Phan-sào-Nam giam lại và giải về Đông-Dương. Rất may cho cụ Phan là nhờ có đảng cách mạng Trung-Hoa sớm ra tay giải-thoát được. Vụ quan-trọng kế tiếp là chính-phủ thực-dân lập hội đồng đề-hình tại Hà-Nội để xử những đảng-viên cách-mạng đã bị bắt, tất cả 120 người. Họp vào tháng 9 dương-lịch, Hội-Đồng đã lên án xử-tử 14 người, trong số nầy có 7 người bị xử chém (có Nguyễn khắc-Cần và Phạm-văn-Tráng trong vụ ném bom ở Thái Bình và Hà-Nội). Còn 7 người kia thì vắng mặt vì chưa bị bắt, trong số nầy có bốn vị : Đức Kỳ-Ngoại-Hầu Cường-Để, cụ Phan-sào Nam, Lương-ngọc-Quyến và Hàn-Ninh tức Nguyễn-văn Thụy. Vụ sau là vụ Đề-Thám bị sát hại trong rừng sâu cách chợ Gò 2 cây số và đầu của ông bị bêu ở Nhã-Nam… Đề-Thám chết, để lại cho người đời sau bao nỗi căm thù uất-tức và bao nhiêu bài học kinh-nghiệm về xương máu, đấu-tranh… Sau 54 năm đặt gót xâm-lăng lên đất Việt (1859-1913), đoàn-quân viễn-chinh của thực-dân Pháp đã sát hại bao nhiêu bực tài-trí anh-hùng của Việt-Nam… Hoàng-hoa-Thám tức Đề-Thám là một lãnh-tụ cuối-cùng của phong-trào Cần-Vương. Người ta đã tin cậy vào Đề Thám và coi Đề-Thám như một tướng-lãnh kỳ-tài chuyên môn về lối du-kích-chiến, đã tiếp-tục con đường đấu-tranh gian-khổ của Phan-đình-Phùng. Đề-Thám chết, cái thời oanh-liệt của phong-trào sĩ-tử Cần-Vương cũng chấm dứt theo. Tuy nhiên, trước Đề-Thám có hàng vạn người đã ngã gục vì tranh-đấu cho sự mất còn của dân-tộc thì sau Đề Thám cũng còn có hàng vạn người khác nối gót theo, tiếp tục hi-sinh cuộc đời cho cách-mạng và vinh-quang của dân tộc, tuy rằng hình-thức đấu-tranh có khác hơn phần nào. CHƯƠNG II : MỘT NÔNG-DÂN ÁO VẢI CÓ CHÍ ANH-HÙNG VÀ CHIẾN KHU YÊN-THẾ HOÀNG-hoa-Thám tên thật là Trương-văn-Thám. Cha là Trương-văn-Vinh ở thôn Lang-Trung (Yên-Thế). Mẹ tên là gì không được rõ chỉ được biết rằng là người làng Ngọc-Cục gần thôn Lang-Trung. Năm 18 tuổi, Thám đã lấy vợ và sinh được một đứa con trai tên là Cả Trọng. Năm 20 tuổi, Thám tình-nguyện gia nhập vào đoàn nghĩa-binh cách-mạng do viên lãnh-binh tỉnh Bắc-Ninh Trần-quang-Soạn điều-khiển để chống Pháp. Lúc nầy, ông hăng-hái chiến-đấu bên cạnh những nhà cách-mạng nổi tiếng như ông Nguyễn-thiện-Thuật (làm Tán-tương Quận-vụ nên người ta cũng gọi là Tán-Thuật) và Đề-Kiều. Năm 23 tuổi, Thám theo cha nuôi là Ba-Phúc đi Vân Nam để vận-động nghĩa-binh rồi về giúp cho Cai Kinh ở Lạng-Sơn. Cai Kinh nhận thấy Thám còn trẻ tuổi mà có thiên-tài về quân-sự nên phong cho Thám làm Đốc-Binh, vì vậy mà mọi người đã gọi Thám là Đề-Thám. Vào ngày 6 tháng 7 năm 1888, Cai Kinh bị giết ở Lạng Sơn, Đề-Thám liền qui tụ một số nghĩa-quân để đánh phá các vùng Hiệp-Hòa, Quế-Dương, Võ-Giàng, Việt-Yên, v.v… Bấy giờ, Pháp quân mới hãi kinh lo chống đỡ trước sức tấn-công mãnh-liệt như vũ bão của quân Thám. Đồng-thời quân Pháp cũng cho họa hình Thám dán khắp nơi để truyền rao treo giải : hễ ai lấy được đầu của Thám thì sẽ được thưởng to… Tuy vốn là một nông-dân áo vải, nhưng Thám có chí hơn người. Sanh ra giữa lúc Pháp quân dẫm gót giày xâm-lăng lên trên đất nước Việt, và khi lớn khôn nhìn thấy cảnh máu rơi thịt đổ, non sông gấm vóc điêu-tàn, người trai Việt không đành lòng ngồi không mà ngó. Vì vậy, Thám không nề hà gian nan, nguy-hiểm, không màng hạnh-phúc vợ con đã sẵn an bày, và cũng không nản chí trước sự uy hiếp và đe-dọa của thực-dân. Thám nhứt quyết lao mình vào công-cuộc trường-kỳ kháng-chiến, cùng hòa nhịp hi-sinh với các đồng-chí đang tranh đấu kháng-thực rất gian-lao ở khắp tam-kỳ. Càng ngày, Thám càng bành-trướng thế-lực. Đến tháng tư năm 1889, Thám đã qui-tụ được hơn 500 tay súng can-đảm và một số quân bạch-binh đầy thiện-chí… Thám liền tập-trung hai nhóm nầy lại ở làng Đình-Thảo thuộc Nhã-Nam để làm lễ tế cờ, khao-binh và uống máu ăn thề. Xong, Thám chia quân ra lập đồn-ải ở khắp vùng Phú Lạng-Thương, Thái-Nguyên, Vĩnh-Phúc-Yên, Bắc-Giang và chọn Yên-Thế làm tổng hành-dinh để kháng-chiến lâu dài. Ngoài ra, Thám còn liên-lạc và qui-nạp thêm một số người giang-hồ tứ-xứ hoặc các anh hùng địa-phương để gây thành một thế-lực vừa mạnh-mẽ bao-quát vừa lâu dài. Trong số người nầy, quan-trọng hơn cả có Lương-tam Kỳ, Đèo-văn-Trí, Lục-a-Sung, Bộ-Giáp, Cai Mão, v.v… Riêng Lương-tam-Kỳ, cũng như Lục-a-Sung, vốn là một viên tướng sớm đầu tối đánh kiêm thổ-phỉ thuộc giặc Cờ Đen hồi Lưu-Vĩnh-Phúc. Hắn là người Tàu, sau khi thất-bại ở những trận đánh tại các vùng Hoa-Nam và bị binh triều-đình Mãn-Thanh rượt, hắn vượt biên-giới Việt-Hoa để qua miền Thượng-du Bắc Việt rồi hùng-cứ một mình một cõi ở quận Chợ-Chu (Bắc Kạn). Còn Đèo-văn-Trí là người Thái, đứng đầu một khối dân thiểu-số cũng ở miền Việt-Bắc. Hồi ấy, các dân-tộc thiểu-số nầy chiếm cứ mỗi nhóm một riêng biệt, ở các miền đồng núi. Họ được triều-đình Huế sắc phong đàng-hoàng. Nhưng, tới thời-kỳ thực-dân Pháp xâm-lăng lãnh-thổ Việt, muốn cho dễ cai-trị và trọn quyền sanh-sát, họ tìm cách chia rẽ những dân-tộc thiểu-số nầy với nhau và với cả triều-đình Huế. Chánh-phủ thực-dân cho các dân-tộc thiểu-số nầy được tự-trị, như một nước nho nhỏ. Nghe qua tưởng chánh-phủ thực-dân đối-xử tốt với các dân-tộc thiểu-số, chứ kỳ thật trong thâm-tâm, chánh-phủ thực-dân muốn giết hại họ lần lần bằng cách để họ tự cấu-xé, bắn giết lẫn nhau. Vì chánh-phủ thực-dân cho quyền những kẻ đứng đầu một dân-tộc thiểu-số hay một khối được quyền mua súng ống, võ-trang cho vùng đất mình chiếm ngụ, được quyền thâu các sắc thuế như thuế chợ-búa, thuế thân, thuế đất, v.v… được quyền buôn á-phiện, được quyền tổ-chức cờ-bạc và trọn quyền sanh-sát. Nghĩa là, họ có đủ quyền hành của một ông vua nho nhỏ, muốn làm gì thì làm, muốn gây hấn, tự-tung tự-tác với các dân-tộc khác cũng được. Vì vậy mà, các dân-tộc thiểu-số càng ngày càng chia rẽ nhau. Những mối thù-hằn lần lần nầy nở trong lòng họ. Đối với triều-đình Huế, họ cũng không còn chịu liên-lạc mật-thiết và thường tỏ ý phản-nghịch. Nhờ đó, chánh-phủ thực-dân mới dễ-dàng được trong sự cai-trị. Để cho những dân-tộc thiểu-số sát hại lẫn nhau trước thật tàn-tệ rồi, chánh-phủ thực-dân mới ra tay thanh-toán những phần-tử, những dân-tộc nào ương-ngạnh còn lại. Đoán biết được điều đó, Đèo-văn-Trí mới nghiêng hẳn về phía nghĩa-quân cách-mạng Việt-Nam đã chống Pháp… Còn những người như Bộ-Giáp, Cai Mão là những tay anh-hùng nổi lên ở từng địa-phương một… Ngoài ra, Thám còn một người nữa, rất tận-tình, tận-lực giúp Thám. Người nầy vừa là đồng-chí và vừa là người bạn trăm năm của Thám, tên là Đặng-thị-Nhu (người ở làng Vạn-Vân) mà người ta thường gọi là Cô Ba. Đặng-thị-Nhu là người vợ thứ ba của Thám và là em gái nuôi của Thân-văn Luận, tức là Thống-Luận (có sách cũng gọi là Tổng-Luận). Thêm nữa, Thám còn có nhiều bộ tướng vừa tài giỏi vừa mưu-trí thường sát cánh giúp-đỡ như : Thống-Luận, Tổng Trực, Ba-Phúc (cha nuôi), v.v… cùng hai người con của Thám là Cả Trọng, Cả Rinh… Những người sau nầy cùng đồng-tâm nhiệt-huyết với Thám, cùng chia sớt với Thám bao nỗi gian-nguy… Chỉ có bọn thổ-phỉ kiêm tướng giặc sớm đầu tối đánh Lương-tam-Kỳ là phản-loạn đã giết hại Thám sau nầy. Tuy hợp-tác với Thám, chúng còn bí-mật bắt tay với Pháp để bán những tài-liệu bí-mật quân-sự của Thám cho Pháp. Những điều nầy chúng tôi sẽ có dịp nói rõ ở đoạn sau. * Sang năm 1890, Thám nhờ có những tay mưu-trí dõng lược hết lòng trợ-giúp nên gây được uy-tín cá-nhân đáng kể. Bấy giờ, Thám một mặt chống Pháp một cách rất tích cực, một mặt chiêu-mộ thêm một số thanh-niên có chí đứng vào hàng-ngũ nghĩa-quân cách-mạng. Công việc quy-tụ chiến-sĩ chống Pháp nầy, Thám nhờ một phần lớn ở các tay anh-hùng địa-phương xúc-tiến công việc như Đèo-văn-Trí, Bộ-Giáp Cai Mão Ba-Phúc, Tổng Trực, v.v… Chính những người nầy cũng đem các tay bộ-hạ đắc-lực của mình cho Thám sử-dụng. Lương-tam-Kỳ thấy vậy cũng cho một số người của mình qua tăng-cường thêm cho Thám. Hơn nữa, Lương-tam-Kỳ đưa sang cho Thám hai người tâm-phúc giỏi võ của mình để đặc-biệt hộ-tống và bảo-vệ Thám ngày đêm. Thấy vậy, Thám tưởng Lương-tam-Kỳ ở với mình với tất cả tấm lòng chân-thành nên luôn luôn tin cậy mọi việc. Nhưng, Thám không ngờ rằng Lương-tam-Kỳ rất gian-xảo và hai tên tâm-phúc của Lương-tam-Kỳ gởi sang « gát-đờ co » Thám kia là hai tên hung-thần ngày đêm chực hại Thám bất cứ lúc nào. Cũng trong năm 1890 nầy, chánh-phủ thực-dân nghe được thế-lực của Thám nên hoảng sợ cử đại-binh tiến đánh Thám. Vì lúc đầu tổ-chức huấn-luyện chưa được qui-củ, binh đội còn ô-hợp, thêm nữa, sức tấn-công của quân viễn-chinh Pháp rất mạnh-mẽ, nhanh chóng và ồ-ạt nên Thám phải rút lui dần. Quân Pháp tiến tới được gần đại-bản doanh của Thám thì Thám đã cho nghĩa-quân cách-mạng phân tán vào rừng sâu nên Pháp không còn tấn-công gì được nữa. Chuyến thứ nhứt nầy, Pháp tổn-hại thật nặng. Vì không quen trận thế và đường đi nước bước trong rừng sâu đầy sình lầy nên binh Pháp chết rất nhiều. Đến năm 1892, quân-đội thực-dân lại tấn-công Thám một lần nữa, cũng tiến được tới đại-bản-doanh của Thám. Lần nầy, quân-đội thực-dân bao vây chặt-chẽ hơn vì đã rút được kinh-nghiệm của kỳ tấn-công hai năm về trước nên Thám phải khó nhọc lắm mới cho nghĩa binh rút lui được vào rừng. Lần nầy cả hai bên đều bị thiệt-hại nặng-nề. Nhưng Thám cũng rút thêm nhiều kinh-nghiệm về chiến-trận. Thám cho chiêu-mộ thêm anh-tài ở khắp các nơi, luyện tập binh-sĩ hẳn-hoi, chuyên-chú nhất về khoa du-kích-chiến lưu-động. Từ đây, Thám mới tổ-chức binh-đội hoàn-bị. Thám lại cho đào thêm hầm hố, lập thêm đồn-lũy, chiến-tuyến bao quanh vùng Yên-Thế. Thám cũng cho người đi mua các loại súng ống, đạn dược mới của người Pháp và dự-định trường-kỳ kháng-chiến với Pháp. Kể từ đây, lịch-sử đấu-tranh của dân-tộc Việt lại được điểm thêm những nét son vàng và thực-dân phải trải qua những chuỗi ngày lo sợ, không yên… Ngoài ra, Thám còn nghĩ những kế-hoạch đinh-điền để nuôi quân trong thời-kỳ kháng-thực và tổ-chức buôn lậu để mua khí-giới thêm ở bên Tàu đem về võ-trang cho nghĩa quân. Nhận thấy dùng võ-lực quân-sự để đánh dẹp nghĩa quân của Thám không được, Pháp liền dùng đến những đòn chánh-trị đặc-biệt và mặt trận chiến-tranh tâm-lý song song với những công-tác hành-quân đại-quy-mô của binh-đội. Pháp liền cử Tổng-đốc Lê-Hoan tìm cách chia rẽ nghĩa quân bằng những hành-động gian-trá. Lê-Hoan tổ-chức những vụ ám-sát trong hàng-ngũ nghĩa-quân rồi tuyên truyền khủng-bố dân-chúng. Năm 1893, Tổng-đốc Lê-Hoan dụ-dỗ Ba-Phúc (cha nuôi của Thám) đầu hàng rồi tổ-chức cuộc ám-sát Thám. Nhưng tổ-chức nầy bị bại-lộ, tương-kế tựu kế, Thám mai-phục đánh úp lại (vào khoảng 15 tháng 5 năm 1894) khiến cho Pháp quân và lính khố xanh vừa chết vừa bị thương khá nhiều. Sang tháng 8, Thám lại cho xây đắp đồn lũy và đào chiến-hào khắp vùng Yên-Thế một lần nữa, nhứt quyết phòng-thủ lâu dài ở vùng nầy. Mặt khác, Thám lại sai Đốc-Kế, Thống-Luận, Đề-Huỳnh, Lĩnh-Túc, Đốc-Thu cùng với nhóm nghĩa-quân của Bàng Kình tấn-công các đồn lẻ-tẻ ở vùng Phú Lạng-Thương. Đồng-thời, Thám cũng ra lệnh cho tấn-công các đường giao-thông chánh mà quân-đội Pháp thường vận-tải tiếp-tế, cốt để làm suy yếu dần dần các chủ-lực-quân quan-trọng của Pháp gần Yên-Thế… Chánh-phủ Pháp liền ra lệnh cho đại-tá Grimaud kéo quân đi dẹp nhưng bị thất-bại nặng-nề ở Bố-Hạ nên đại-tá Grimaud phải rút quân về. * Năm Tự-Đức thứ 36, tức năm dương-lịch là 1882, Cai Kinh đã phái cha nuôi của Thám là Ba-Phúc đến Yên-Thế tổ- chức khu nầy thành một chiến-khu thứ 3, sau Lũng-Lạt (Cai Kinh) và Kẽ-Thượng (Ba-Ký). Ba-Phúc vào Yên-Thế, có Thám theo giúp-đỡ rất đắc-lực nên chẳng bao lâu đất Yên-Thế trở thành một hiểm-địa quan-trọng bực nhứt, đã chôn thây của hàng vạn quan binh trong đoàn quân viễn-chinh Thực-dân lúc bấy giờ. Thuộc vào miền Trung-châu Bắc-Việt, Yên-Thế cách Hà Nội chừng 50 cây số về phía Tây-Bắc. Khu-vực Yên-Thế nằm trọn vẹn giữa dãy núi đá Cai Kinh (Bắc-Giang và Lạng-Sơn) cùng với dãy núi trùng-trùng điệp điệp ở miền thượng-lưu sông Thương và sông Cầu. Yên-Thế có hai vùng : Vùng thượng và hạ, mà người ta thường gọi là Thượng-Yên và Hạ-Yên. Vùng Thượng-Yên là những rừng và rừng… Rừng ở đây rất rậm, cao từ 100 đến 150 thước. Vùng Hạ-Yên là vùng đồng-bằng có ruộng xanh, rộng bát-ngát. Làng-mạc ở đây cũng nhiều, thôn-xóm đông-đúc, cây cối một màu xanh tươi. Lác-đác trong vùng Hạ-Yên có một số đồi, cao chừng 50 thước trở lại mà thôi. Yên-Thế có cảnh-vật khác hẳn các khu-vực đồng-bằng thường và hơn nữa, cũng không giống cảnh đồi núi hùng-vĩ của miền rừng Thượng Du. Các khu rừng Yên-Thế có cây cối rậm-rạp vì dày mịt những lá cành, có nhiều lau lách và các loại nứa, tre chằng chịt khắp nơi. Những loại cây nầy giăng mắc, chằng chịt đến nỗi che cản được bóng nắng của mặt trời. Có thể nói là gần như không có một chỗ nào ánh sáng nắng được rọi tới mặt đất. Vì vậy mà, rừng Yên-Thế rất ẩm ướt, đầy rẫy những loại muỗi mòng, vắt, rắn rết và những loại côn-trùng nhỏ độc-địa… Trong một năm, rừng Yên-Thế chỉ hơi khô ráo được có 4 tháng trở lại mà thôi. Tất cả các nơi trong rừng đều ngột-ngạt, đầy chướng khí, độc-địa. Những ai rủi lỡ bước lạc vào đều có thể bị vướng những chứng bịnh khó chữa trị, có thể chết bất ngờ. Rừng Thượng-Yên quả thật là một địa-ngục trần-gian, là vùng đất chết của dòng họ Thực. Phía Tây Yên-Thế giáp với Bắc-Kạn và Thái-Nguyên còn phía Đông giáp Lạng-Sơn. Phía Nam giáp Bắc-Giang và Đáp Cầu – Bắc-Ninh. Còn phía Bắc thì dính vào Thất-Khê và Cao-Bằng. Nơi đây là một vùng núi non hiểm-trở cheo leo. Ghềnh thác quanh co và có những đường ăn qua miền đất thuộc nước Tàu dính vào nhau như màng nhện. Cả Kinh đã chọn nơi nầy làm chốn dụng võ khởi binh kháng Thực thật là người tinh-tế. Đã vậy, người nối chí, đi theo con đường của Cả Kinh là Đề-Thám lại càng tinh-tế, tài tình hơn. Vì Đề-Thám đã biết sử-dụng khéo-léo được tất cả các ưu-điểm về địa-hình, địa vật ở đây trong thời-gian 31 năm trời kháng-chiến (1882- 1919). Đề-Thám đã biến Yên-Thế thành một chiến-khu có hai đặc-điểm rất lợi hại về mặt quân-sự : « Hiểm-trở và thông suốt ». Nhờ đó, nghĩa-quân có thể giữ « thế-công » hay « thế thủ » cũng được dễ-dàng. Như vậy, Yên-Thế đã có được hai đặc-điểm lợi hại nhứt trong 6 địa-hình binh-pháp. Nhứt là, hai đặc điểm nầy rất thích hợp với lối đánh du-kích sở-trường của nhóm nghĩa quân cách-mạng. Tại nơi nầy, nghĩa-quân có thể tiến thoái bất cứ lúc nào và có thể làm cho địch-quân không thể nào xoay trở được. Nhờ những đặc-điểm kể trên mà bắt đầu từ năm 1886, nghĩa-binh càng lúc càng bành-trướng thêm lên. Thường, nghĩa-binh phát-xuất từ nơi đây để đi chận đánh những chuyến xe lửa Hà-Nội – Lạng-Sơn hoặc những chuyến ngược lại. Những chuyến xe lửa này là mạch máu giao-thông của quân-đội Pháp từ đồng bằng lên miền Thượng-du Bắc-Việt. Ngoài ra, nghĩa-quân còn uy-hiếp thường xuyên các đồn Pháp đóng lẻ-tẻ ở vùng đồng bằng, Trung-châu và nhứt là các vùng Bắc-Ninh và Bắc-Giang cùng Vĩnh-Phúc-Yên. Các đồn Pháp ở những nơi nầy luôn luôn phải đặt trong tình-trạng nguy ngập báo-động. Thêm nữa, những chiến-lũy của nghĩa-quân từ trong rừng sâu, cứ lần lần rộng mở tầm hoạt-động đến tận Đáp- Cầu (Bắc-Ninh) khiến cho các vị chỉ-huy quân-đội Pháp lúc nào cũng lo ngại. Bởi, những nơi nầy lại là những yếu điểm quan-trọng của Pháp, có nhiều đồn binh đóng gần nhau nhưng rất mong manh. Vì vậy, chiến-khu Yên-Thế đã làm thất-điên bát-đảo chánh-phủ và quân-đội Pháp trong một thời-gian 20 năm dài (bắt đầu từ năm 1890 đến 1910). CHƯƠNG III : TỪ LŨNG-LẠT ĐẾN YÊN-THẾ (Hay là : Chung quanh con đường sắt Hà-Nội – Lạng Sơn) NĂM 1888, Pháp đã chiếm đóng hoàn-toàn khắp vùng đồng bằng Trung-châu Bắc-Việt, sau 3 năm lấy được Trung kỳ và Bắc-kỳ. Lúc nầy, nghĩa-quân Cần-Vương vẫn hoạt-động mạnh mẽ ở khắp miền thượng Trung-châu và khắp miền Thượng du Bắc-Việt. Nghĩa-quân thường chận đánh phá các đường giao thông tiếp-tế chính của Pháp quân từ miền đồng bằng lên miền Thượng-du như con sông Thương từ Hải-Phòng lên Phủ-Lạng-Thương (Bắc-Giang) và con đường quốc-gia số 4 từ Phủ-Lạng-Thương lên Lạng-Sơn, Cao-Bằng, nhứt là dọc theo con đường quốc-gia số 4 từ Suối-Ghềnh, Làng-Nác, Mẫu-Sơn ở phía Đông và suốt phía Tây dãy núi Cai Kinh. Vì vậy, việc tiếp-tế của Pháp thường bị khó-khăn luôn. Sự thiệt-hại về vật-chất rất là trầm-trọng. Chính-phủ Pháp quyết-định khởi công đặt một con đường xe lửa nối liền Hà-Nội và Lạng-Sơn với mục-đích tăng-cường quân-đội trong công việc tiếp-viện quân-nhu, quân-trang cho các đạo binh chiếm đóng tại các miền Việt Bắc và tại biên-giới Hoa-Việt. Khởi công vào năm 1888, 7 năm sau, con đường sắt nầy mới hoàn-thành được (1895). Nhận-thức được rõ cái vai-trò quan-trọng của con đường sắt nầy, các nhóm nghĩa-quân đều tập-trung tất cả lực lượng về Lạng-Sơn và Phủ-Lạng-Thương để đánh phá khiến cho Pháp quân càng thêm tổn-hại nặng-nề về nhân-lực cũng như về quân-trang, võ-khí. Tức giận, Toàn-quyền Lanessan liền ra lịnh tiễu-trừ tận gốc tất cả các tổ-chức kháng-chiến (vào năm 1891) để cho công việc đặt đường xe lửa được dễ-dàng. Trong lúc đó, chánh-phủ Pháp lại phái đại-tá Galliéni qua Việt-Nam với nhiệm-vụ… bình-định các tổ-chức kháng-chiến và cách-mạng. Vị đại-tá nầy đã từng nổi danh trong công cuộc… bình định các tổ-chức kháng-chiến dũng-cảm của nghĩa-quân Soudan trong mấy năm trước. Vào tháng 12 năm 1893 đại-tá được cử chỉ-huy đạo binh thứ nhì trong bốn đạo binh Pháp thuộc miền Thượng-du Bắc-Việt ở Lạng-Sơn với đặc-trách bảo-vệ con đường xe lửa nói trên và bình-định khu-vực Cao-Bằng và khu-vực Lạng Sơn. Đạo binh thứ hai nầy nằm dọc theo biên-thùy Hoa-Việt (ở phía Quảng-Tây) với những pháo-lũy tại Cao-Bằng, Na Chầm, Lạng-Sơn, Đồng-Đăng và Thất-Khê… Vùng nầy một phần lớn thuộc về các dân-tộc thiểu số như Thái, Thổ, Mán, Nùng, v.v… chiếm ngụ. Ở đây thật là… loạn ! Vì các dân-tộc thiểu-số còn lạc-hậu và núi rừng, ghềnh thác hiểm yếu, một bọn cướp Tàu như Lục-a-Sung, Trương tam-Kỳ ở Trung-Hoa tràn sang hoặc bọn thổ-phỉ địa-phương nổi lên, mượn danh-nghĩa giúp quân Cần-Vương cách mạng, chúng cướp bóc khắp nơi, sanh-sát mạng người coi không ra gì, làm cho ô-danh, xấu tiếng các nhóm người xả thân vì nước và chính nghĩa không ít. Trong lúc đó, vì bận đánh phá dọc theo đường xe lửa từ Làng-Nác tới Suối-Ghềnh mà các nhóm nghĩa-quân đành để cho bọn thổ-phỉ làm loạn, rất là tai hại. Lại nữa, tại Lũng-Lạt (thuộc Lạng-Sơn), căn-cứ thứ nhứt của cai Kinh ngày trước (cai Kinh bị giết vào năm 1888, ngày 6 tháng 7 năm dương-lịch), viên chỉ-huy nghĩa-quân tại căn-cứ nầy là Hoàng-thái-Ngân dung-túng bọn thổ-phỉ và chứa-chấp chúng ở ngay tại bản-doanh nên khiến cho đồng-bào địa-phương ta-thán, oán-ghét. Thật là nguy-hiểm, tinh-thần cách-mạng và chính-nghĩa thật sự của nhóm nghĩa-quân đã bị đồng bào hiểu lầm. Tất cả những sự việc nầy đều không lọt qua khỏi tai mắt của viên đại-tá Pháp, vì đấy là những yếu điểm của nghĩa quân trước tâm-lý và dư-luận quần-chúng, nhứt là trước số quần-chúng chậm tiến, kém hiểu rộng nhìn xa. Ngay khi ấy, một vụ quan-trọng xảy ra trên con đường sắt Hà-Nội – Lạng-Sơn. Một số người Pháp bị giết chết làm đình-trệ công-việc đặt con đường sắt nầy một thời-gian. Thêm nữa ba người Pháp khác tên là Bouyer, Roty và Humbert Droz bị nghĩa-quân bắt cóc để đòi tiền chuộc mạng. Nghe tin, đại-tá Galliéni nhất quyết mở một cuộc hành quân vào khu Lũng-Lạt. Lúc ấy, Lũng-Lạt đã có một số nghĩa-quân hùng-hậu và 1.300 tay súng. Số nghĩa-quân nói trên một phần lớn đều sử-dụng song đao mã-tấu và cung, nỏ. Nếu đánh dẹp được Lũng-Lạt, quân Pháp sẽ bảo-vệ được đoạn cuối cùng của con đường sắt Hà-Nội – Lạng-Sơn và sẽ làm chủ tình-hình cả vùng núi Cai Kinh. Đại-tá Galliéni liền xua tất cả ba cánh quân hùng-hậu với hàng vạn binh-sĩ tinh-nhuệ vào chiến-cuộc. Thêm nữa, đại-tá còn huy-động thêm một toán lính cơ của Tri-huyện Lục-Nam xung vào càn-quét vùng Bảo-Đài. Ngày 6 tháng 12, Đại-tá thân-hành đến Phủ-Lạng Thương và hạ lệnh cho thiếu-tá Barre đi do-thám tình-hình của nghĩa-quân. Khi ấy, nghĩa-quân từ Len-Đài rút về Lũng-Lạt có mang theo cả ba tên người Pháp bị bắt cóc là Bouyer, Roty và Humbert Droz… Rút về Lũng-Lạt, nghĩa-quân liền chia binh ra chuẩn bị ngay việc phòng-thủ. Tất cả nghĩa-quân được chia ra với số hàng tay súng như sau : - Cả thảy gồm có một đơn-vị chỉ-huy, bốn đội binh tác chiến, hai chi-đội án-ngữ, một tiểu-đội canh-phòng và một số quân trinh-sát được biệt-phái đi canh gác ở các ngọn núi lân-cận. - Đơn-vị chỉ-huy gồm có 40 người ở tại Tổng-hành-dinh. - Bốn đội binh tác-chiến, mỗi đội có 200 tay súng đủ đạn-dược. - Hai chi-đội án-ngữ, mỗi chi có 100 tay súng, án-ngữ tại hai ngõ chính vào Lũng-Lạt, một ngõ phía Hung-Liên và một ngõ phía phố Bình-Gia. - Tiểu-đội canh-phòng thì đóng giữ ở gần Bắc-Sơn, nơi có dân-chúng thường qua lại nhiều. - Còn số quân trinh-sát sau rốt thì biệt-phái đi lên các ngọn núi cao kế-cận để nhìn ra khắp vùng mà quan-sát tình-hình tấn-công của Pháp quân. Tại trung-tâm Lũng-Lạt có 4 góc sát thành núi. Mỗi góc nầy do một đội tác-chiến nói trên đóng giữ. Mặt trận dài lối 4.200 thước và rộng lối 600 thước. Địa thế rất hiểm-trở, núi rừng chớn-chở, đường đi khó-khăn, các đoàn xe vận-tải của quân-đội Pháp tiến vào được cũng gian lao vất-vả lắm. Đối với các đoàn xe lửa từ miền Trung-châu lên miền Thượng-du Bắc-Việt, khi đi ngang qua, đây quả là vùng kinh-khủng nhứt. Đúng ngày 8 tháng 12 năm 1893, Đại-úy Delaunay dẫn một trung-đội lính Pháp tiến sâu vào đất Trấn-Yên liền bị nghĩa-quân phục-kích. Đại-úy Delaunay bị nghĩa-quân bắn chết tại trận tiền cùng với ba tên lính Pháp còn lại. Vị chỉ-huy đã chết, lính Pháp như thể rắn mất đầu, kinh hoảng chạy chết toán-loạn. Nghĩa-quân rượt theo, bắn giết thêm được một số khá đông. Trong lúc đó, sau khi đánh chiếm được Len-Đài, Thiếu-tá Barre liền chia quân binh ra làm ba cánh, tiến vào ba ngõ Hung-Liên, Trấn-Yên và Bãn-Lộ. Khi ba cánh quân nầy chưa hội lại tại mục-tiêu sẵn định thì đã bị nghĩa-quân nhanh-nhẹn ra tay trước. Cánh quân đi vào ngõ Trấn-Yên do Đại-úy Brodiez chỉ-huy, đụng đầu phải nhóm nghĩa-binh dũng-cảm, đã từng chiến-thắng và bắn chết Đại-úy Delaunay trước đó mấy hôm. Đại-úy Brodiez cùng binh-sĩ dưới quyền mình bị nghĩa quân bao vây quá gắt, mất đường tiếp-tế, buộc lòng phải thoái lui, rút khỏi đất Trấn-Yên. Đến đêm 13 rạng ngày 14 tháng 12 dương-lịch thì cánh quân của Đại-úy hết lương-thực và gần hết cả đạn-dược. Đại-úy phải liều chết chạy thoát thân về Trí-Lệ, bỏ cả khí-giới cùng quân-trang, quân-cụ ngoài mặt trận. Được tin nầy, đại-tá Galliéni tức giận điện-tin triệu hồi thiếu-tá Barre về gấp và hỏa-tốc hạ lệnh cho trung-tá Chapelet lên Hung-Liên chỉ-huy quân binh thay thiếu-tá Barre. Bấy giờ, đại-tá Galliéni mới bắt đầu lo sợ và kiêng-nể nghĩa-dũng-quân kháng-chiến Việt-Nam. Điều mà đại-tá lo ngại nhứt là mặt tiếp-tế. Thật là một vấn-đề hết sức khó-khăn và gay-go. Vốn là một vấn-đề không những cần thiết, mà lại còn cấp bách nhưng gần như nan-giải. Bởi, khi mở một cuộc hành-quân sâu rộng vào chốn rừng núi cheo-leo, rậm-rạp, nguy-hiểm không phải là chuyện dễ-dàng khi tiếp-tế, tiếp-viện. Sức người chiến-binh dầu sao cũng có hạn, còn bắt dân phu địa-phương thay thế hoặc giúp đỡ người lính chiến xâm-lược thì nhứt định thế nào cũng gây thêm sự bộc-phát phản-đối, và sẽ gặp phải một sức chống trả mãnh-liệt của dân-chúng địa-phương. Thêm nữa, những kho quân-lương, quân-nhu của Pháp ở những nơi gần mặt trận lại làm sơ-sài, mái lợp bằng lá, vách và hàng rào lại làm bằng gỗ, quan quân canh gác khó lòng mà giữ gìn yên ổn, trọn vẹn được. Thật vậy, vào đêm 10 tháng 12 dương-lịch, nghĩa-quân đã xung-phong đột-kích kho quân-nhu, quân-trang Than Moi và đốt cháy tiêu được kho nầy. Trước hiện-tình gay-go, tiến thối lưỡng-nan nầy, đại-tá Galliéni phải tạm ngừng xúc-tiến kế-hoạch tấn-công Lũng Lạt lại một tháng. Lúc này, đại-tá Galliéni điên đầu với nghĩa-quân hơn bao giờ hết. Nhiều lúc gặp những khó khăn do các cơ-quan hành-chánh gây ra và gặp những vấn-đề mà thượng cấp làm lơ bởi không giải-quyết ổn vấn-đề, đại tá cau-có, đòi từ chức luôn, phó mặc chương-trình bình-định cho chánh-phủ Thực-dân. Qua đến tháng 1 năm 1894, đại-tá mới được yên lòng, xúc-tiến lại công việc. Trước hết, đại-lá bắt dân phu địa phương tiếp-tế và cất lại kho quân-nhu, quân-lương cho được chắc-chắn hơn. Đại-tá Galliéni lại chia cho ba cánh quân có ba đoàn tiếp-tế riêng biệt. 3 đoàn nầy cứ theo sát đuôi ba cánh quân nói trên. Đại-tá đích-thân chỉ-huy trực-tiếp một cánh, còn hai cánh kia thì giao cho Trung-tá Chapelet và Thiếu-tá Famin, mỗi người chỉ huy một cánh. Trước khi xuất quân, đại-tá nghiên-cứu trận-địa rất kỹ lưỡng để cải-cách kỹ-thuật hành-quân lại cho thật phù hợp và tăng-cường quân-lương cùng trang-bị ba cánh quân đồng đều như nhau. Xuất quân vào 8 giờ sáng ngày 9 tháng 1 năm 1894, Đại-tá Galliéni chia cho ba cánh quân ba ngõ để đi vào Lũng-Lạt và ra quân kỷ-luật thật nghiêm. Không một binh-sĩ nào được phép bỏ rơi đồ vật rơi rớt hay để dấu tích lại trên đường hành-quân. Đại-tá định đánh úp Lũng-Lạt bất ngờ nên ra lệnh cho các vị chỉ-huy tuyệt-đối giữ bí-mật quân-sự, nhứt là ngày giờ tiến binh và hướng xuất quân. Nhưng, nghĩa-quân vẫn biết trước được rõ một vài hành-động của tất cả ba cánh quân nói trên. Vì Đại-tá Galliéni có ngờ đâu rằng nghĩa-quân đã có một ban trinh sát tài tình và « đài quan-sát » của nghĩa-quân trên các ngọn núi cao gần trận-địa rất là đắc-lực. Khi ba cánh quân của Đại-tá còn ở đàng xa thì « đài quan-sát » đã thấy được và nghĩa quân được báo-động để chuẩn-bị giao-tranh ngay. Vả lại, đơn-vị kỵ-binh và pháo-binh của đại-tá đã bị nghĩa-quân khám-phá ngay khi mới vừa đặt bước chân đầu tiên vào ven rừng… Nhận thấy lực-lượng của ba cánh quân địch thật hùng hậu, các đơn-vị nghĩa-quân canh phòng ở các tiền-đồn đều rút lui nhanh chóng về trung-tâm Lũng-Lạt để tổ-chức lại thế thủ và tăng-cường thêm cho 4 đội tác-chiến. Những tiền-đồn ở Mõ-Nhài và Trấn-Yên đều bỏ trống, nghĩa-quân không chú-trọng ở các nơi nầy nữa. Khi Pháp quân vào tới thì không còn một bóng người thấp thoáng. Không một tiếng nổ giao-tranh. Trong lúc đó, Hoàng-thái-Ngân, chỉ-huy tất cả nghĩa quân ở khu Lũng-Lạt – Cai Kinh đã dự-tính, nếu gặp trường hợp nguy-kịch, sẽ ra lệnh cho nghĩa-quân rút lui, bỏ Lũng Lạt theo con đường phía Tây mà qua địa-phận của Lương tam-Kỳ… Với ý định nầy, Hoàng thái-Ngân ra lệnh cho tất cả nghĩa-quân cố đánh một trận cho thật quyết-liệt rồi hẵn rút lui. Trước ngày Pháp quân xuất binh tấn công, Hoàng-thái Ngân cũng đã ra lệnh phóng-thích ba tên Pháp bị bắt là Bouyer, Roty và Humbert Dioz. Trong lúc tất cả mọi người tin-tưởng vào con đường rút lui ở phía Tây và đinh-ninh rằng Pháp-quân thế nào cũng theo ngõ Trấn-Yên mà tiến vào như hai lần trước nên tất cả các lực-lượng đều hướng về Trấn-Yên và Bắc-Sơn ; không ngờ cánh quân của Thiếu-tá Famin lại đi bọc hậu rồi vòng qua ngõ phía Tây mà tiến vào tấn công, khiến bít mất con đường thoát thân duy-nhứt của nghĩa-quân. Cùng một lúc, hai cánh quân của Trung-tá Chapelet và Đại-tá Galliéni ào tới khép chặt vòng vây. Thế là nghĩa-quân như thể đàn gà bị vít vào một hóc chuồng. Súng bắt đầu nổ từng loạt. Nghĩa-quân núp sau các pháo-lũy che đậy bằng thân cây và đá, cố cầm-cự ở Hưng-Vũ và Tràng-Lang. Tuy đã bao vây được nghĩa-quân, đại-tá Galliéni cũng không hạ lệnh cho tất cả ba cánh quân đổ xô vào sát-phạt mà chỉ đánh cầm chừng. Nghĩa-quân cũng cố chống-cự lại để tìm cơ-hội mở một con đường máu. Chiến-cuộc kéo dài từ sáng đến tối, tình-trạng vẫn bắn cầm chừng vì Pháp quân cứ mãi dè-dặt, không dám tiến. Đến 11 giờ đêm, sương khuya rủ xuống khu rừng rậm rạp một màn hơi nước lờ mờ trong cảnh đen tối chập-chùng. Núi rừng vẫn đầy hơi khói, hãi-hùng. Trước tình-thế nầy, nghĩa-quân chụp lấy cơ hội, chia ra từng tốp năm bảy người, bỏ pháo-lũy rút lui, chạy tán loạn… Trong đêm tối, nghe tiếng động hỗn-độn, Pháp quân không thấy rõ gì cả nhưng cũng hoảng-kinh cất súng bắn bâng-quơ cầm chừng… Thế mà, nghĩa-quân trúng đạn tử-trận cũng rất nhiều. Đến lúc trời vừa tờ-mờ sáng, Đại-tá Galliéni mới hạ lệnh cho ba cánh quân tiến vào Lũng-Lạt thì thấy Lũng-Lạt chỉ là một vùng bỏ hoang, nhà cửa xơ-xác, vắng-ngắt không một bóng người. Pháo-lũy, chiến-tuyến, hầm-hố đều đổ nát. Trên các con đường ăn thông qua Vũ-Sơn, Vũ-Lệ, Vũ Bích và Chợ-Mới, xác của nghĩa-quân tử-trận bỏ rơi vô-số, chứng tỏ một cuộc rút lui hỗn-độn, rất thảm-não của đám tàn quân chiến-bại. Đại-tá Galliéni không chậm trễ một phút liền hạ lệnh đuổi theo truy-nã gấp rút. Thật không may cho đoàn nghĩa-quân. Vì trước kia Hoàng thái-Ngân và nghĩa-quân đã chứa-chấp bọn thổ-phỉ làm bậy, làm cho dân-chúng ở địa-phương lân-cận như Vũ Đích, Vũ-Sơn, Vũ-Lệ và Tam-Trì oán thù nên nhân-dịp nầy họ hợp nhau lại mai-phục ở khắp các ngả đường trọng-yếu và chận đường rút lui của nghĩa-quân. Vì vậy, Hoàng-thái-Ngân cùng với một số rất đông nghĩa-quân… bị sa vào ổ phục-kích và bị dân-chúng ở Vũ Đích bắn chết. Ở Yên-Thế, Đề-Thám hay tin nầy rất trễ, mấy ngày sau mới ra lệnh cho một đội nghĩa-quân từ Trí-Lễ hỏa-tốc lên tiếp-cứu. Chính lúc nầy, Đề-Thám cũng chưa hay Lũng-Lạt đã bị Pháp quân chiếm đóng và cũng không dè rằng việc các đoàn dân-chúng ở các vùng Vũ-Đích, Vũ-Sơn, Vũ-Lệ và Tam-Trì sở-dĩ có súng ống đạn dược đủ để võ-trang mà mai phục đám tàn binh nghĩa-quân là vì Pháp quân đã lợi-dụng ngay mối thù-hằn của họ mà cấp phát cho. Đồng thời, cũng chính đại-tá Galliéni xúi giục họ mai-phục nghĩa-quân. Khi đoàn nghĩa-quân của Thám lên tới Trấn-Yên liền bị cánh quân của Trung-tá Chapelet chận đánh bất ngờ. Trước hỏa-lực quá mạnh của Pháp quân, nghĩa-quân phải thối lui, chạy tán loạn, trong khi đội sơn pháo 80 ly của Pháp quân nã bắn theo dữ-đội như trời long đất lở. Qua ngày 22 tháng 1, Pháp quân hoàn-toàn « bình định » xong vùng Lũng-Lạt (Cai Kinh). Đại-tá Galliéni liền cho xây một loạt pháo-đài, đồn-trại tại các nơi trọng-yếu, nguy-hiểm ở trên các ngọn núi để chiếm đóng tại các ngả giao-thông và làng mạc đông đảo. Lũng-Lạt đã mất, Yên-Thế ở vào một tình-thế thật nguy hiểm, luôn luôn đặt trong một tình-trạng báo-động. Vì Lũng-Lạt và Yên-Thế là hai điểm quan-trọng rất có liên-hệ với nhau, như thể cánh tay trái và cánh tay mặt. Cánh tay mặt đã hỏng, bị bỏ đi thì cánh tay trái luyện tập, cố gắng nhiều lắm mới có thể vận-động bằng cánh tay mặt được. CHƯƠNG lV : LẦN THỨ NHỨT ĐỀ-THÁM TẠM THỜI CẦU-HÒA VỚI PHÁP SAU ngày Lũng-Lạt lọt vào tay Pháp quân, Yên-Thế càng lúc càng lâm vào tình-trạng nguy-ngập. 3 tháng sau, tức là vào tháng 4 năm 1894, nhận thấy thực-lực của nghĩa-quân chưa đủ sức chống chọi lại Pháp quân, dưới quyền chỉ-huy của đại-tá Galliéni, Đề-Thám tính chuyện tạm-thời cầu hòa với Pháp. Vả lại, đất Yên-Thế đã từng có xẩy ra những cuộc chạm trán nẩy lửa, như trận bốn năm về trước (1890), tuy tướng Godin không thắng nổi nghĩa-quân và trận 1892, Pháp quân tổn hại cũng nhiều, nhưng nghĩa-quân cũng phải vất-vả, gian lao lắm mới giữ vững được đất nầy. Ở địa-phận Bắc-Ninh có vị giám-mục tên là Valesco có rất nhiều uy-tín với nhà chức-trách Pháp. Lợi-dụng ngay vai-trò quan-trọng của vị giáo-sĩ nầy, Đề Thám khéo léo đưa thương-nghị cầu-hòa. Nhờ có lời nói vào của giáo-sĩ Valesco, chánh-quyền Pháp đặc-biệt lưu-ý và có phần ôn-hòa… Trong việc cầu hòa nầy, Đề-Thám đã gặp đúng lúc tình hình nội-bộ Pháp có sự thay đổi. Lúc đó, Toàn-quyền Lanessan vì một lỗi-lầm nhỏ-nhặt, là cho người phụ tá xem một tập tài-liệu mật, nên bị chánh phủ Pháp triệu-hồi về nước gấp rút. Đồng-thời chánh-phủ Pháp cũng bổ-nhiệm một vị toàn quyền mới tên là Rousseau. Cuộc thay đổi người nắm vận-mạng guồng-máy chánh trị của Pháp tại Việt-Nam nầy kéo dài trong một thời-gian khá lâu. Đề-Thám nhân cơ-hội nội-tình Pháp lủng-củng, đề-nghị cầu hòa mà còn « bắt bí » Pháp hai điểm quan-trọng : 1) Pháp phải trả cho nghĩa-quân cách-mạng Yên-Thế 15.000 đồng để chuộc hai công-dân Pháp tên là Logion và Chesnay đã bị bắt cóc trên một khoảng đường sắt độ trước. 2) Pháp phải nhìn nhận để cho Đề-Thám làm chủ một vùng đất gồm 22 làng với 2.600 xuất-đinh ; cùng số ruộng nương trù-phú ở Yên-Thế. Đề-Thám xin cầu hòa mà… « chơi nước trên » với Pháp. Trong lúc « lép vế », Pháp đã nhận những điều-kiện với hai điểm quan-trọng trên. Hay tin nầy, kiều-dân Pháp, tư-nhân cũng như người trong chánh-quyền, nhứt là hàng quan binh trong quân-đội viễn-chinh đều tỏ lòng công-phẫn. Riêng các tướng lãnh cao cấp, như đại-tá Galliéni, đã từng dày công cầm quân đánh dẹp nghĩa-quân, bất-mãn nhà cầm quyền cao cấp Pháp hơn bao giờ hết. Trong khi ấy, bên ngoài Đề-Thám vẫn tỏ ra trung-thành với Pháp nhưng bên trong cố gắng tăng-cường lực-lượng nghĩa-quân kháng-chiến một cách âm-thầm nhưng mãnh liệt và rất tích-cực… Về phía hàng-ngũ quân-đội Pháp, các cấp chỉ-huy cũng thừa hiểu mục-đích thỏa-hiệp của Thám. Chẳng qua đó là công việc tạm-thời của kẻ đã có chí quyết làm cho nên việc. Bởi vậy họ cũng đang chuẩn-bị… Tạm-thời rỗi-rảnh, khỏi bận tay đánh dẹp miền Trung-châu, họ tổ-chức ngay một chương-trình tấn-công, nhưng không đổ máu, thật sâu rộng ở miền Việt-Bắc dọc theo biên-giới Việt-Hoa. Bên này, Đề-Thám cũng không ngừng hoạt-động. Song song với công cuộc âm-thầm tăng-cường lực-lượng nghĩa quân ở Yên-Thế-Thượng, Thám lại tổ-chức ngấm-ngầm một lực-lượng nghĩa-quân nằm trong lòng địch, ngay trong hàng-ngũ binh-đội Pháp, để có dịp sử-dụng ngón đòn nội công ngoại-kích… * Năm 1895, con đường sắt Hà-Nội – Lạng-Sơn đã hoàn thành. Xe lửa bắt đầu chạy để tiếp-tế cho quân-đội Pháp thường xuyên ở miền Thượng-du. Thế-lực của quân-đội Pháp càng ngày càng mạnh-mẽ… Vào tháng 4 năm này, đại-tá Galliéni thân hành đi thanh-tra các vùng từ Lạng-Sơn tới Cao-Bằng, rồi qua Bắc Kạn, xong xuống Chợ Chu, Thái-Nguyên, tức đi thanh-tra vòng quanh vùng Yên-Thế để tìm hiểu tình-hình thật-sự của nghĩa-quân Đề-Thám. Sẵn thấy những đồn-ải của Pháp quân ở những vùng nầy và gần biên-thùy tuy xây cất cẩn-thận bằng đá cây nhưng lợp lá, chắc-chắn không thể nào an-toàn khi nghĩa- quân tấn-công bằng súng đạn và tên lửa nên đại-tá liền hạ lệnh sửa-sang lại cho chắc-chắn hơn… Địa-điểm của đồn bót lại quá cách xa, đại-tá cũng ra lệnh xây cất thêm để phân-binh đóng giữ chặt-chẽ hơn. Tất cả pháo-lũy đều được xây cất lại bằng xi-măng, đá và gạch cho chắc-chắn. Thêm nữa, đại-tá cũng cho cất thêm đồn-lũy để trấn những cửa ải tại biên-thùy Hoa-Việt như Nam-Quang, Tà-Lùng, Bản-Cả, Thủy-Khẩu, Trùng Khánh, Trà-Lĩnh, Nà-Giang, Sóc-Trạng, v.v… để ngăn ngừa bọn thổ-phỉ qua lại mà đánh cướp hoặc tiếp-tế cho nghĩa quân. Bởi đại-tá nhận thấy rằng giữa bọn Thổ-phỉ xuất-xứ từ bên Tàu và nghĩa-quân có liên-lạc với nhau. Đại-tá đinh-ninh rằng bọn nầy đã buôn lậu khí-giới, đạn-được hoặc buôn lậu tiếp-tế cho nghĩa-quân nên đại-tá lo chận, tiễu-trừ bọn nầy trước nhứt. Tiễu-trừ được bọn nầy tức là cạch được những vi-cánh quan-trọng của nghĩa-quân. Vì vậy, Đại-tá đã cho xuất công-quỹ rất nhiều để chi tiêu vào những công việc sửa-sang, xây cất thêm đồn lũy nầy… Về phương-diện chánh-trị, đại-tá mua lòng dân miền Thượng-du và những dân-tộc địa-phương như Thổ, Thái, Mán, Nùng, v.v… Bằng cách : 1) Đại-tá Galliéni đề-nghị thuyên-chuyển tất cả quan lại người Kinh tức là quan lại người Việt về miền đồng bằng và áp-dụng chính-sách « người nơi nào cai-trị nơi đó ». Vì vậy, đại-tá đề-nghị chọn người tài-giỏi hơn hết trong mỗi dân-tộc địa-phương để cất nhắc lên làm quan cai-trị cho địa-phương mình. Như vậy, Pháp sẽ có những kẻ tay chân mới ở miền Trung-châu và Thượng-du. 2) Với đồng-bào thiểu-số ở Thượng-du, đại-tá khuyến dụ và phát súng cho họ để mua lòng họ rồi xúi-giục họ chống trả lại nghĩa-quân. Như vậy, Pháp sẽ có những kẻ tay sai mới rất đắc lực trong công việc thay Pháp nhảy vào cái chết hay là để giết nghĩa-quân. Pháp chỉ đứng ngoài mà nhìn và nếu cần, vào phút chót Pháp quân mới nhảy vào vòng chiến… Trước kế-hoạch nầy của đại-tá Galliéni, Yên-Thế dù muốn dù không đã lọt vào vòng kiềm-tỏa của Pháp quân cùng các tay sai của họ… Vòng kiềm-tỏa nầy càng ngày càng siết chặt thêm hơn. Trong lúc đó Đề-Thám ở Yên-Thế đang làm gì ? * Hiểu rõ đại-tá Galliéni đang thực-hiện chương-trình tấn công Yên-Thế một cách lặng-lẽ, Đề-Thám cũng nghĩ ra một kế-hoạch chống đối : 1) Đánh tan dần cái thanh-thế và vòng kiềm-tỏa của Pháp bằng những chiến-lược : Tổ-chức những âm-mưu táo bạo để phá hại sức mạnh ngay trong lòng địch ; Đột-kích và xung-kích các đồn bót quan-trọng tại các đô-thị, dù nhỏ hay to… 2) Để thực-hiện cho hoàn-hảo những dự-tính quan trọng nầy, Thám đã tích-cực lo-lắng một lượt hai công việc như sau : - Củng-cố chiến-khu Yên-Thế : Trước nhứt Đề-Thám lo mua sắm thêm các võ-khí đạn-dược tối-tân của Đức ở bên Tàu. Kế tiếp là tích-trữ lương-thực và quân-nhu, đồng-thời chiêu-mộ thêm nghĩa-quân, định rõ tài riêng mà phân cấp bực, ai là quân, ai là tướng chỉ-huy cho phân-minh trật-tự. Sau hết là xây đắp thêm pháo-lũy bí-mật ở trong rừng cho thật kiên-cố và đào thêm những chiến-hào ngầm ở dưới đất. Mặt khác, cho người đi tuyên-truyền hô hào đồng-bào, dân-chúng địa-phương tích-cực và mau lẹ tham-gia công cuộc kháng Thực. - Phát-triển những tổ-chức kháng-chiến trong lòng địch : Đề-Thám đã dùng phương-pháp địch-vận trong công việc nầy. Một phần không ít lính khố đỏ và khố xanh trong binh-đội Pháp đều ngã ngũ theo nghĩa-quân. Đồng thời, Đề-Thám cũng khuyến-dụ những thành-phần bất-mãn ở các địa-phương để cùng hợp-tác quay về chống Pháp. Những thành-phần bất-mãn nầy, thí-dụ như Đèo-văn Trí, cầm đầu dân-tộc Thái, đã giúp cho Đề-Thám rất đắc lực. Mấy công việc địch-vận và củng-cố chiến-khu Yên-Thế nầy một phần lớn Đề-Thám nhờ ở tài giỏi-giắn, tháo-vát rất đắc-lực của người vợ thứ Ba tên là Đặng-thị-Nhu. Đề-Thám « dằn-co » với Pháp trong một thời-gian thật là chật-vật. Bên ngoài, mặt lúc nào Đề-Thám cũng tỏ vẻ thân-hòa và cố giấu những vẻ hiềm-khích với Pháp, dù trong một việc nhỏ-nhặt nào. Nhưng, bên trong lòng vẫn không xao-lãng công-cuộc điều-khiển nghĩa-quân đánh cầm chừng các đồn bót hay thỉnh-thoảng đánh úp quân Pháp một vố khá đau. Hễ gây được một cơ-sở nào trong lòng địch thì Thám « ra tay » ngay, không bao giờ bỏ dở cơ-hội. * Vào tháng 3 năm 1895, đêm 23, Đề-Thám sai Thống Luận chỉ-huy một đoàn nghĩa-quân chèo ghe (thuyền) đến tấn-công đồn Phả-Lại. Xung-quanh đồn nầy có một nhóm người Việt theo đầu Pháp, cất nhà ở khích đồn rất đông-đảo. Thống-Luận cùng các nghĩa-dũng quân đánh úp được đồn Phả-Lại, đồng-thời phóng hỏa đốt luôn những khóm nhà cửa của bọn Việt-gian nói trên để cảnh-cáo những người nhẹ dạ chạy theo lời khuyến-dụ của ngoại-nhân. Đêm hôm đó, đồn Phả-Lại lửa cháy rực trời, tiếng súng nổ vang dậy. Pháp quân chết nằm ngổn ngang như rạ. Đàn-bà, con nít bồng bế, dẫn dắt nhau, lớp kêu réo, lớp than khóc, chạy tán-loạn cả lên… Thật là hãi-hùng. Sau trận đánh úp đồn Phả-Lại nầy, nhóm người theo đầu lũ cướp nước mới giựt mình tỉnh ngộ và kinh hãi. Pháp quân cũng đặt lại trong tình-trạng báo động luôn. Đến đêm 30 tháng 4, cũng vào năm ấy, Đề-Thám lại sai Đốc-Thu cùng 12 nghĩa-dũng-quân tình-nguyện xâm-nhập vào Bắc-Ninh. Đốc-Thu và 12 nghĩa-dũng-quân trá-hình làm lính khố đỏ, tìm cách bắn chết được 3 viên chức của Pháp là : - Jean : Đội Hiến-binh. - Verdene : Lính Hiến-binh. - Moulhoud : Nhân-viên sở thương-chánh. Đến tháng 9 vào đêm 15, Đề-Thám lại sai Lĩnh-Túc kéo quân đến làng Phú-Liêm, ở gần Phủ Lạng-Thương để cảnh cáo dân làng nầy vì họ ngoan-cố không chịu tiếp-tế lúa cho nghĩa-quân… Nghĩa-quân đã đốt phá một số nhà cửa của những tên tay sai Pháp quân, đồng-thời cũng xử thắt cổ một số đông bọn người Việt-gian nầy… Bắt đầu từ đấy, uy-danh của nghĩa-binh Đề-Thám càng lúc càng lan ra sâu rộng. Trước tình-thế nầy, nhà cầm-quyền Pháp không một phút nào quên theo dõi các hành-động của Đề-Thám. Tuy Đề-Thám luôn luôn chối cải rằng không phải chính mình điều-khiển những cuộc đột-kích của nghĩa quân nói trên, nhà cầm-quyền Pháp vẫn biết rõ Đề-Thám chủ mưu. Lúc nầy, đại-lá Galliéni càng bất-mãn các vị chỉ-huy guồng máy hành-chánh dân-sự cao cấp hơn bao giờ hết. Bởi, đại-tá đã nhiều lần đề-nghị đặt khu Yên-Thế vào khu quân-sự, nằm thuộc vào quyền kiểm-soát của quân-đội do đại-tá chỉ-huy nhưng họ không khứng chịu nên bấy giờ mới xẩy ra những vụ đột-kích của nghĩa quân… Hiểu rõ rằng thế nào Đề-Thám cũng phản-nghịch mà chống lại Pháp quân, không sớm thì muộn. Nhưng có điều chắc-chắn là việc đó sẽ xảy ra bất-ngờ. Đại-tá Galliéni muốn ra tay « hạ-thủ » Đề-Thám trước nhưng còn phân-vân vì không hiểu rõ tình-hình nghĩa-quân tại Yên-Thẽ hùng-mạnh hay yếu kém về mặt nào. Bởi vậy, đại-tá nhận thấy rằng cất quân đánh Đề-Thám lúc bấy giờ có hại nhiều hơn là lợi. Xem xét lại, tuy đã mất Lũng-Lạt, Yên-Thế còn có Kẻ Thượng (Ba-Kỳ) là một căn-cứ quan-trọng thứ hai sau Lũng-Lạt. Nếu đánh Yên-Thế, tức phải bọc hậu thì gặp ngay Kẻ Thượng, ở về phía Tây-Bắc Yến-Thế. Muốn đánh thắng Yên-Thế thì phải tiêu trừ Kẻ-Thượng trước, như vậy Pháp quân sẽ tốn phí nhân-lực và quân-nhu rất nhiều. Nhưng, dù thế nào, đại-tá Galliéni nhận thấy cũng không còn có thể dung-túng Yên-Thế được nữa. Đại-tá nhứt định ra tay trước là hơn và giữa hai chiến khu Yên-Thế và Kẻ-Thượng, phải chọn mục tiêu là Kẻ- Thượng trước. Nếu tiêu-diệt được mục tiêu nầy thì về sau Pháp quân tiến vào Yên-Thế rất dễ-dàng. Miền Tây Bắc Thượng-Yên và phía Nam Bắc-Kạn đã dọn-dẹp sạch-sẽ thì Yên-Thế không còn là vùng đất bất-khả xâm-phạm và sẽ hạ Đề-Thám không khó. Tính vậy, đại-lá Galliéni liền thảo một kế-hoạch để tiến quân vào Kẻ-Thượng. Trước nhứt, đại-tá cũng tiến quân với ba cánh có hỏa-lực bén nhọn vào mấy ngõ dưới đây : 1) Cánh thứ nhứt từ Lạng-Sơn lên Đồng-Đăng, qua Phố Bình-Gia cùng Châu Nà-Rì rồi vào Kẻ-Thượng. 2) Từ Thái-Nguyên ngược lên Vũ-Nhai, Chợ-Mới rồi vào Kẻ-Thượng. * Một thực-trạng khác nữa mà đại-tá Galliéni đã được tin báo nên biết rõ : Viên chỉ-huy nghĩa-quân ở Kẻ-Thượng là Ba-Kỳ đã chứa chấp đám tàn quân ở Lũng-Lạt do Hoàng-thái-Ngân điều khiển độ trước. Ngoài ra, Ba-Kỳ hiện còn giam-giữ ba tên Pháp-kiều là Humbert Suz, Bonyer và Roty mà Hoàng-thái Ngân đã thả ra độ trước tại Lũng-Lạt, trước khi các đoàn của đại-tá Galliéni vào tấn công. Trước khi đi đánh dẹp Kẻ-Thượng, đại-tá Galliéni liền vận-động với nhà cầm quyền hành-chánh Pháp để đề-nghị đặt vùng nầy vào khu quân-sự, dưới quyền kiểm-soát đạo quân thứ hai của đại-tá. Lời đề-nghị nầy được chấp-thuận ngay. Được tin, đại-tá liền cất-nhắc cân-phân những điểm lợi hại một lần nữa rồi quyết-định tấn-công. Nhưng, lần tấn-công nầy không phải thuận-lợi, dễ-dàng như lần tấn-công Lũng-Lạt độ trước, vì đại-tá Galliéni vấp phải hai trở-ngại đáng kể : 1) Lúc đó đã gần tới mùa suối nước ngập lụt khắp các vùng lân-cận, công-cuộc hành-binh xuyên sơn không còn có thể thực-hiện được nữa. Muốn xúc-tiến chương-trình tấn công Kẻ-Thượng, đại-tá phải gấp rút ra lệnh khởi sự tiến quân trong vòng một tháng trở lại thôi. Quá thời-gian một tháng nầy, nước suối sẽ ngập lụt… 2) Kẻ-Thượng lại ở gần sát bên hai địa-phận của hai người đã qui-thuận nhà cầm-quyền Pháp : Đề-Thám và Lương-tam-Kỳ. Nếu Kẻ-Thượng bị lâm vào một tình-thế nguy-ngặt, trầm-trọng rất có thể, không những Đề-Thám mà luôn cả Lương-tam-Kỳ đứng dậy để tiếp-cứu. Và cũng có thể liên-kết với nhau mà chống trả lại Pháp quân thật kịch-liệt để rồi khiến trận chiến lan rộng ra khắp cả miền Tây-Bắc và Tây-Nam Thượng-du. Lại phải suy đi tính lại một lần nữa. Đại-tá Galliéni có ý muốn dời công-cuộc tấn-công Kẻ Thượng qua mùa thu năm sau nhưng lại sợ vấp phải những trở ngại khác nữa. Thứ nhứt, Đại-tá sợ nhà cầm-quyền Pháp bằng lòng bỏ tiền ra chuộc mạng ba tên Pháp-kiều bị bắt như đã từng khứng nhận với Đề-Thám để chuộc mạng hai kiều-dân Pháp tên Chesnay và Logion với giá 15.000 đồng thì đại-tá sẽ phải bị « bẽ mặt » không ít. Bởi, trước sự việc nầy, nếu còn tái-diễn ra nữa, đại-tá có thể nào tránh khỏi được dư-luận đàm-tiếu rằng làm tướng chỉ-huy một đoàn quân viễn-chinh rất hùng-hậu của một đại-quốc mà bất lực đến thế ? Hơn nữa, vốn là người có nhiều thành-tích về việc bình định nghĩa-quân dũng-cảm ở Soudan, nay đại-tá lại có thể cam lòng mà nhìn nghĩa-quân Việt-Nam « tác quái giỡn mặt ». Như vậy, hẳn mất mặt con nhà tướng của đất Pháp hùng-cường lắm. Thứ hai là, nếu không tấn-công bây giờ, Đại-tá sẽ bỏ lỡ cái dịp may để chiếm đóng dọc theo sông Cầu mà thiết-lập một con đường ăn thông giữa Phủ-Thông và Thái-Nguyên. Con đường đó sẽ vừa ngắn vừa tiện lợi, rất đắc-dụng cho các cuộc hành-binh sau nầy… Sau nhiều lúc đắn-đo, Đại-tá Galliéni quyết định tiến quân đánh Kẻ-Thượng với 3 phương-cách : 1) Phải đánh chớp-nhoáng và dồn-dập. 2) Chỉ đánh 3 tổng thuộc vào địa-phận của Ba-Kỳ mà thôi, không nên đánh lan rộng hơn nữa. 3) Trước khi tác-chiến, tất cả mọi khía cạnh trong cuộc tấn-công nầy phải được chuẩn-bị kỹ-càng và đầy đủ hầu tránh trước những sự thiệt hại bất ngờ về bệnh tật và tên, đạn. Vì vậy, đại-tá ra lệnh tiến quân vào ngày 11 tháng 4 và cho các cánh quân tham-dự cuộc tấn-công nầy hay rằng vào ngày 24 tháng 4 phải tập-trung lực-lượng đầy đủ ở Kẻ Thượng. Được tin, nghĩa-quân khắp các nơi lân-cận đều vùng dậy trợ chiến với Kẻ-Thượng… Lúc bấy giờ tình-hình chiến-trận ở miền Thượng-du thật là rối-rắm… Trong khi ba tổng thuộc Ba-Kỳ vang dội tiếng súng vì Pháp quân tấn-công, nghĩa-quân gặp phải hỏa-lực chống trả mãnh-liệt của địch thì ở các vùng chung quanh nghĩa-quân các nhóm khác nổi lên đánh lại các đồn bót Pháp. Cả miền Thượng-du Bắc-Việt khói lửa mịt mù và ngày đêm không dứt tiếng súng. Lại nữa, từ ngoài biên-thùy, Tôn-thất-Thuyết kéo một đoàn nghĩa-binh, vốn là dư đảng Cần-Vương đánh rát xuống Cao-Bằng rất mãnh-liệt. Trong lúc đó, tại Yên-Thế, Đề-Thám mật sai một đoàn nghĩa quân hỏa-tốc lên Chợ-Chu để gặp Lương-tam-Kỳ, đồng-thời hợp với lực-lượng quân-đội của tướng giặc Tàu họ Lương nầy mà chận đánh Pháp quân tại các đường tiếp-vận của họ, tức là chận đánh ở phía sau lưng các cánh quân Pháp tấn-công vào Kẻ-Thượng. Các con đường đó như sau : - Phía Bắc Phố Bình-Gia, con đường qua Kẻ-Thượng. - Ở Lũng-Két, khoảng giữa Cao-Bằng, con đường qua Phủ-Thông. Đồng-thời nhóm nghĩa-binh nói trên cũng đánh bật Pháp quân ở Cốc-Tẻm và Lũng-Táo. Đại-Tá Galliéni nghe tin, điếng hồn liền ra lệnh cho Trung tá Vallière đang ở Cao-Bằng phải chận đánh tất cả các đoàn nghĩa-quân đã trợ-chiến với Kẻ-Thượng ở bên ngoài đó, để cho cuộc tấn-công của đại-tá vào Kẻ-Thượng được dễ-dàng và có thể đến mục-tiêu đúng ngày giờ như kế hoạch đã định. Được lệnh, Trung-tá Vallière thi hành ngay lập-tức… Các căn-cứ rải-rác ở khắp miền biên-giới của Pháp quân bắt đầu nổ súng… Cuộc đánh vòng đầu đã khởi diễn… Một ít nhóm nghĩa-quân bị đánh rát tới và bị Pháp quân đánh bật ra khỏi « vòng chiến nguy hiểm », đành phải rút lui mau lẹ. Nhận thấy tình-hình bắt đầu gay-go, Lương-tam-Kỳ bỗng đổi ý, không hợp-tác tích-cực với nghĩa-quân Đề-Thám nữa, liền cho quân của mình rút lui về Chợ-Chu để giữ thế « trung-lập ». Về phía Đề-Thám, sau khi thấy Lương-tam-Kỳ cho rút quân, viên thủ-lãnh nghĩa-quân ở Yên-Thế giựt mình. Nghĩ-ngợi xa đến « mục-đích và chí cả của mình ở các đô-thị lớn và ở miền Trung-châu », Đề-Thám liền hạ lệnh cho nghĩa-quân án-binh bất-động để đợi chờ… Chỉ trong tức-khắc, Kẻ-Thượng bị cô-lập ngay. Cũng gặp trường-hợp của Lũng-Lạt, Kẻ-Thượng bị Đại-tá Galliéni xua ba cánh quân từ ba mặt, trèo núi, xuyên rừng ào tới đánh ụp vào khu trọng tâm pháo-lũy của nghĩa-quân. Thêm nữa, Đại-tá cho đặt những cỗ trọng-pháo từ trên núi cao nã xuống khu pháo-lũy của nghĩa-binh dữ-dội như trời long đất lở để dọn đường cho các toán bộ binh xung phong ào tới. Các lô-cốt của nghĩa-quân kế-tiếp nhau nổ vỡ tung lên… xác người văng tung tóe lên trên mặt đất như xác pháo… Lửa đỏ bắt đầu rực cháy dữ-dội… Từ các dãy trại, hầm núp lợp lá đến cây rừng kế-tiếp làm mồi cho thần hỏa tung hoành. Nghĩa-quân bị tấn-công rát quá, hoảng chạy tán loạn cả lên như ong vỡ ổ… Lúc nầy vào khoảng 4 giờ sáng ngày 24 tháng 4 năm 1895. Pháp quân cẩn-thận tiến sâu vào « sào-huyệt » của nghĩa-quân rất chậm… Nhờ đó, nghĩa-quân có đủ thì-giờ rút lui từng tốp nhỏ. Gần sáng trắng, Đại-tá chỉ-huy-trưởng (tức Galliéni) của Pháp quân ra lệnh thổi kèn hiệu : « xung-phong » thì nghĩa quân đã thoát thân ra khỏi vòng vây của Pháp. Kiểm-soát lại trên chiến-trường, Pháp quân tóm được một lá cờ của đoàn Cần-Vương Nghĩa đảng và nhận thấy nghĩa-quân rút lui bỏ lại chiến-trường 50 người tử-thương. Trong số nầy có một bộ tướng đắc-lực của Ba-Kỳ là Lĩnh-Nguyên, tử trận ở Hòa-Mục. Bao nhiêu nghĩa-quân còn sống sót đều chạy chết, tản-mác khắp nơi… Đánh trận nầy, Đại-tá Galliéni tự nhận thấy sự chiến thắng của Đại-tá có những ưu-điểm không thua gì trận đánh Lũng-Lạt. Còn hơn nữa, Pháp quân đã giải-thoát được một đồng bào của mình tên là Saboi, đã bị nghĩa-quân bắt cóc từ trước… Đại-tá hãnh-diện rằng đã đem về một thắng lợi vẻ-vang cho quân-đoàn của Đại-tá là nhờ có cuộc tấn-công như sóng gió này mà nhà chức-trách hành-chánh dân-sự Pháp khỏi phải tốn tiền đưa cho nghĩa-quân để chuộc mạng như mấy lần trước… Như vậy, Đại-tá đã « trả lời » được những điều mà Đại tá đã đề-nghị nhưng nhà hữu-trách hành-chánh dân-sự Pháp chẳng những cố ý làm ngơ lại còn bác bỏ với một thái độ khó chịu. Hôm ấy, lại là ngày lễ sinh-nhựt của Đại-tá… Đại tá tổ chức một cuộc lễ ăn mừng thắng-trận vừa mừng ngày lễ sinh-nhật tốt đẹp của mình tại một địa-điểm đóng quân trong rừng sâu… Trong lúc đó, Đề-Thám đang bực tức ở Yên-Thế và đang bù đầu với một kế-hoạch mới. * Vài ngày sau, Đại-tá Galliéni nhận được một tờ giấy của Thống-tướng DUCHEMIN gởi tận vào rừng sâu và say sưa đọc : Quan Toàn-quyền đã hân-hoan vui thích về cuộc tấn công xảy ra ở Kẻ-Thượng. Ngài cùng chia chung nỗi xúc động của báo-chí và giới công-chức đã chống lại cuộc tấn công nầy. Những kết-quả gặt hái được, rất đúng y như chúng ta dự-đoán đã khiến cho Ngài vô cùng cảm-động và tin tưởng ở chúng ta hơn bao giờ hết… Hà-Nội, ngày 30 tháng 3 năm 1895 Ký tên : Thống-tướng DUCHEMIN CHƯƠNG V : MÂU-THUẪN TRONG NỘI-BỘ CHÍNH-QUYỀN PHÁP VÀ THÁI-ĐỘ BẤT KHUẤT CỦA ĐỀ-THÁM Từ những mâu-thuẫn trong nội-bộ chính-quyền Pháp giữa phe hành-chính dân-sự và phe quân-sự tới thái-độ bất khuất của Đề-Thám. * NGAY ở chương nầy, chúng tôi xin mở một dấu ngoặc để nói về tình-hình nội-bộ của nhà cầm quyền Pháp hồi đó. Từ khi Toàn-quyền Rousseau từ Pháp sang Việt-Nam để thay thế cho Toàn-quyền Lanessan bị chánh-phủ Pháp ở Paris triệu-hồi về, giữa các cấp chỉ-huy quân-sự và hành chính dân-sự ở Đông-Dương ngày càng tỏ ra mâu-thuẫn với nhau rất rõ-rệt. Bên « phe quân-sự » do đại-tá Galliéni chủ-xướng, có Thống-tướng Duchemin tán-thành, chủ-trương rằng nên đặt các vùng có nghĩa-quân nổi dậy vào khu quân-sự để đặt dưới quyền kiềm-soát (tức-nhiên có công-cuộc tiểu-trừ) của quân-đội… Đồng-thời, nên đánh mạnh toàn-lực để tiêu-diệt tất cả lực-lượng nghĩa-quân. Như vậy, phe quân-sự đã chủ-trương « dùng võ-lực để tàn-sát ». Trái lại, bên phe hành-chính dân-sự thì chủ trương ngược lại. Bên phe này có vị Toàn-quyền Đông-Dương là Rousseau tán-thành, chủ-trương nên dùng phương-sách chính-trị để thu-phục nhơn-tâm dân bản-xứ hơn là dùng võ lực quân-sự một cách tàn-bạo. Phe nầy muốn rằng các nhà cầm quyền nên cố dụ-dỗ và thuyết-phục các thủ-lãnh nghĩa-quân một cách mềm dẻo, khéo-léo để tước đoạt dần dần võ-khí các đơn-vị chủ-lực tác-chiến của kháng-chiến quân. Như vậy, phe nầy chủ-trương « tránh đổ máu, thắng lợi bằng lý-trí ». Cả hai phe đều chống-báng nhau mãnh-liệt ngay trong tình-hình nội-bộ. Nhưng, phe chỉ-huy hành-chính dân-sự, nhờ có Toàn-quyền Đông-Dương Rousseau đứng đầu nên thắng-thế nhiều hơn. Lẽ tức nhiên, phe quân-sự hầm-hừ tức giận luôn, nhưng phải cam chịu lép vế. Bởi vậy, khi Đề-Thám nhờ giáo-sĩ Valesco, giám-mục địa-phận Bắc-Ninh vận-động với Pháp để cầu-hòa thì nhằm lúc phe hành-chính dân-sự đã khởi-xướng chủ-trương nói trên. Nhờ đó mà Đề-Thám đã thắng-thế, được nhiều ưu-điểm trong công-cuộc cầu-hòa nầy khiến cho phe quân-sự tức tối. Phe hành-chính dân-sự lại chủ-trương : phương-sách dụ hàng là nguyên-tắc chính trong công-cuộc bình-định nghĩa quân. Nếu quân-đội có hành-quân vào Yên-Thế thì chỉ được xúc-tiến khi nào gặp những trường-hợp dưới đây : 1) Khi biện-pháp dụ-dỗ nghĩa-quân thất-bại. 2) Để đề-phòng những vụ bắt cóc kiều-dân Pháp do nghĩa-quân chủ-trương để làm lợi-khí cầu-hòa, nhứt là để đề-phòng những vụ bắt cóc trên các đoạn đường xe lửa Hà Nội – Lạng-Sơn, con đường duy-nhứt có nhiều thường dân người Âu đi lại. Vì vậy mà Đại-tá Galliéni đã nhiều phen căm gan… Hơn nữa, chánh-quyền Pháp ở bên Paris lại « cắt-cớ », đã phái Đại-tá, vốn là người chủ-chiến, lập được nhiều thành-tích diệt-trừ kháng-chiến-quân dũng-cảm ở Soudan, qua Việt-Nam với một công-tác đặc-biệt như ở Soudan (Đại tá qua từ năm 1891) mà lại còn phái qua một vị Toàn-quyền như Rousseau để « giựt dây dụi », thật là mâu-thuẫn. Theo Đại-tá, Toàn-quyền Rousseau dè-dặt và cẩn-thận quá đỗi nên đã đi đến chỗ… nhút-nhát. Phải chi còn vị Toàn-quyền cũ, Lanessan, thì Đại-tá dễ hành-động hơn, bởi hai người nầy rất tâm-đồng ý-hợp… Trước kia, năm 1891, Toàn-quyền Lanessan đã từng quyết-định càn-quét tất cả những tổ-chức kháng-chiến ở miền thượng-du Bắc Việt, nên mới phân chia ra bốn đạo quân coi bốn « quân-khu » : Đông-Triều, Mon-Cay, Lạng Sơn, Cao-Bằng và Lao-Kay. Mà trong bốn đạo quân nầy, Đại-tá Galliéni đã được chỉ định điều-khiển một. Đó là đạo quân thứ hai ở Lạng-Sơn. Nhưng, cái quyết-định « sắt máu » của Lanessan chưa thực-hiện tròn vẹn như ý thì nửa chừng bỏ dở vì Lanessan bị triệu-hồi về Pháp cấp-tốc. Còn lại bên nầy, không có Lanessan, Đại-tá Galliéni mới « chân ướt chân ráo » đã trở thành một con cua gãy càng. Bây giờ, dưới quyền của Toàn-quyền Rousseau, Đại-tá bực-dọc lắm. Nhưng, sau hai trận chiến-thắng nghĩa-quân thật là rực rỡ ở Lũng-Lạt và Kẻ-Thượng, Đại-tá đã gặt hái được nhiều uy-tín và đã được Toàn-quyền Rousseau tin cậy. Đại-tá liền nghĩ ra một kế-hoạch tấn-công Đề-Thám ở Yên-Thế, một người mà Đại-tá rất ghét cay ghét đắng, nếu không nói là thù độc-địa. Đại-tá bắt tay ngay vào công việc điều-động quân-mã, đồng-thời sửa-soạn ngay một chiến-trường thật ác-liệt. Vào tháng 9 năm 1895, Đại-tá lại đề-nghị sát nhập Yên-Thế miền Thượng-Yên vào khu quân-sự. Mặt khác, Đại-tá gởi ngay cho Đề-Thám ở Yên-Thế một bức thơ mà nội-dung nói rõ những điều quan-trọng như sau : 1) Chính-quyền Pháp đã quyết-định cho quân chủ-lực lên thay thế lính khố xanh đóng ở Bố-Hạ và Nhã-Nam. 2) Pháp-quân sẽ trực-tiếp chận đứng tất cả các hành động « cướp-bóc » mà chính-quyền Pháp nghĩ rằng do Yên Thế chủ-mưu và xuất-phát. Điều thứ hai và cũng là điều sau rốt nầy đã được Đại-tá Galliéni nói rõ và nhấn mạnh hơn hết trong bức thơ ấy. Nhận được thơ của vị chỉ-huy Pháp-quân, Đề-Thám biết ngay rằng giờ phút quyết-liệt sắp đến. Pháp-quân đã dự-tính sẽ tấn-công căn-cứ cuối-cùng của nghĩa-quân, sau Lũng-Lạt và Kẻ-Thượng. Như vậy, cái « hòa-khí giả-tạo ngoài mặt » giữa Đề Thám và Pháp bắt đầu rạn bể. Biết vậy, Đề-Thám chuẩn-bị ngay một kế-hoạch để đối phó. Trước nhứt, Đề-Thám viết thơ phúc-đáp cho Đại-tá Galliéni biết rõ chủ-trương của mình. Đại-ý bức thơ phúc-đáp đó là : Đề-Thám vẫn hứa giữ đúng những lời cam-kết với chánh-quyền Pháp trước kia, nghĩa là Đề-Thám vẫn giữ lời hứa không tham-gia vào những công cuộc chống Pháp của nghĩa-quân. Tuy đã gởi bức thơ phúc-đáp đó đi rồi, Đề-Thám cũng vẫn lo xây đắp thêm pháo-lũy và đào thêm các chiến-hào bí-mật trong rừng sâu. Mặt khác, Đề-Thám lại biệt-phái những đoàn cảm-tử quân giả-dạng len-lỏi vào hàng-ngũ địch để tìm cách hoạt động, phá rối lực-lượng và hậu-tuyến địch… Đồng-thời, Đề-Thám cũng cho các nghĩa-quân tìm cách bắt cóc các thường dân và sĩ-quan Pháp để làm lợi-khí điều đình hoặc bắt chánh-quyền Pháp trao đổi tù binh hoặc bỏ tiền ra chuộc mạng họ. Trong lúc đó, những trận tấn-công đánh úp các chuyến xe lửa đi lại trên đoạn đường Phủ-lạng-Thương lên tới Bắc Lê cũng thường xảy ra liên-tiếp, nhiều hơn bao giờ hết. Các trận đánh úp, cướp phá xe lửa nầy đều do nghĩa quân tuân theo lệnh của Đề-Thám mà gây ra… Pháp-quân khởi sự điên đầu. Đề-Thám nhận thấy rằng nếu nghĩa-quân Yên-Thế không ra tay trước thì Pháp-quân do Đại-tá Galliéni cũng « chơi cửa trên ». Vào những ngày 10, 13 và 17 tháng 10 năm 1895, các đoàn cảm-tử-quân của Đề-Thám bắt đầu hoạt-động ráo riết. Họ đột-kích một đồn lính khố xanh và thân-binh ở Bắc Giang, đồng-thời đến đánh phá để cảnh-cáo một loạt gần mười làng đã qui-thuận theo Pháp và được Pháp cấp khí-giới cho để võ-trang. Tinh-thần kháng Pháp càng lúc càng lên cao trong hàng ngũ nghĩa-quân, do Đề-Thám đôn-đốc… Vì vậy, các nghĩa quân hăng-hái đua nhau xung-phong vào đánh cướp các đồn bót để cướp súng… Lúc đầu họ chỉ có 60 tay súng (khi Đề-Thám ở Tam-Đảo mới về), còn bao nhiêu thì sử-dụng mã-tấu, song-đao với cung nỏ. Ấy vậy chẳng bao lâu, sau khi đột-kích đồn bót Pháp-quân cùng các làng thân Pháp, làm tay sai cho Pháp mấy trận mà nghĩa-quân đã có thêm lên đến 300 tay súng rất cừ-khôi… Uy-danh nghĩa-quân Yên-Thế càng lúc càng tràn lan sâu rộng ra khắp một vùng ở phía Nam Thái-Nguyên, Bắc Bắc Ninh, Đáp-Cầu và phía Tây Bắc Phủ-lạng-Thương… Trái hẳn với những nhóm nghĩa-quân ở Lũng-Lạt trước kia (vì chứa-chấp, dung-túng bọn Thổ-phỉ đầu trộm đuôi cướp mà không được lòng dân chúng, lại bị dân-chúng hiểu lầm chính-nghĩa), nghĩa-quân Yên-Thế rất được lòng dân chúng. Bởi họ đã khéo-léo tuyên-truyền với dân-chúng ở các vùng lân-cận nên mọi người đều ý-thức được phong-trào cứu-quốc mà hết lòng bảo-vệ kháng-chiến-quân và chiến khu Yên-Thế. Trước tình-thế nầy, Đại-tá Galliéni lo ngại và đã ra lệnh mở một cuộc hành-quân cấp-tốc trong liên-tiếp ba ngày 28, 29 và 30 tháng 10 để xem xét tình-hình chung ở quanh các vùng Bố-Hạ và Nhã-Nam. Đồng-thời, Pháp-quân cũng bắt đầu lập trận-tuyến. Các đoàn bộ-binh rộn-rịp kéo nhau thay phiên đi lại suốt ngày lẫn đêm. Các đoàn trọng-pháo cũng bận-rộn không kém. Núi rừng Yên-Thế trở nên nặng mùi chiến-tranh và đầy vẻ ghê rợn của một trận-chiến thảm-khốc sắp xảy ra trong một ngày gần kề… Đại-tá Galléni lại ra cho Đề-Thám hai điều-kiện để quy thuận : 1) Nạp hết võ-khí. 2) Giải-tỏa tất cả các địa-điểm bố-phòng của khu phòng-thủ trong rừng Yên-Thế. Nhận thấy hai điều-kiện của Pháp-quân đưa ra đầy sỉ nhục, nếu nhận tức là đầu hàng vô-điều-kiện, nên Đề-Thám không khứng chịu. Tìm cách trì-hưởn để đủ thì-giờ chuẩn-bị giao-tranh, Đề Thám xin hẹn trong một thời-gian ngắn sẽ trả lời, sau khi suy-nghĩ kỹ. Đồng-thời Đề-Thám yêu-cầu Pháp-quân rút khỏi vùng Hạ-Yên, trước khi Đề-Thám trả lời. Thái-độ nầy của Đề-Thám khiến vị Đại-tá chỉ-huy trưởng Pháp-quân nóng tánh, sốt cả ruột gan. Lúc đó, Đại-tá « nằm » tại Tổng-hành-dinh mới đặt ở Nhã-Nam. Đại-tá muốn tấn-công nhưng lại không dám tiến quân, bởi chưa biết rõ sự trả lời của Đề-Thám sẽ ra sao. Lại nữa, Đại-tá cũng nhận thấy rằng « vụt-tốc bất-đạt », Pháp quân cũng cần chuẩn-bị thêm cho sẵn-sàng được hoàn-hảo, khi gặp những chướng-ngại hay bất-trắc gì cũng có thể vượt qua được dễ-dàng. Vả lại, khi đó nước Pháp cũng mới vừa phát-minh được một loại đạn trái phá có sức công-phá và tiêu-diệt mãnh liệt, mà Đại-tá vừa nhận được tin Pháp sẽ gởi sang cho Pháp-quân ở Dông-Dương một ít để dùng tại chiến trường Việt-Nam trong công-cuộc tiêu-diệt nghĩa-quân. Số đạn ấy cũng sắp đến nơi nên Đại-tá cũng có ý đợi chờ… Trong lúc nầy, Đại-tá Galliéni lại lo sợ hai điều sau đây có thể xảy ra vào lúc nào không hay. Trước nhứt, có thể Đề-Thám xuất-kỳ bất-ý tổng-phản công quân-đội Pháp trước với sự trợ-chiến của các đoàn nghĩa-quân Cần-Vương khác từ khắp miền Thượng-du và Trung-châu kéo đến. Hay là, cũng rất có thể quân Đề-Thám lặng-lẽ rút lui ra khỏi vòng vây mà Pháp-quân không hay. Vì mối lo sợ nầy, Đại-tá tăng-cường lực-lượng thám thính và cho đám quân thám-thính nầy cố gắng xâm-nhập vào vùng quân-sự của Đề-Thám để điều-tra về công-cuộc bố-trí cũng như tình-hình sinh-hoạt của nghĩa-quân. Nhưng, đám quân nầy không tài nào len-lỏi được vào trong chốn rừng núi trùng-trùng điệp-điệp và âm-u ghê-rợn đó. Đại-tá Galliéni lại trông vào sự giúp sức và báo-cáo của viên Công-sứ Bắc-Giang cùng viên Tổng-đốc Bắc-Ninh là Lê Hoan, nhưng hai người cũng không có gì hơn. Hai người vẫn mù-tịt, bởi không tìm-tòi ra được một tin tức mới-mẻ nào của nghĩa-quân Yên-Thế cũng như chiến-khu của Đề-Thám. Qua tháng 11, vào ngày 20 dương-lịch, Đại-tá lại nhận thêm được viện-binh từ tàu Pháp tên « Biên-Hoa » đổ bộ xuống. Đại-tá liền phân đám binh tiếp-viện nầy ra thành ba đoàn : - Đoàn thứ nhứt gồm có 4 đội, dưới quyền chỉ-huy của các Đại-úy Domee, Bichemin, Grandmaison và Mathieu, do Thiếu-tá Hoblingue thống-lãnh. - Đoàn thứ hai cũng gồm có 4 đội, dưới quyền điều khiển của các Đại-úy Abel, Tiffau, Savy và Adeline, do Thiếu-tá Rondony chỉ-huy. - Đoàn thứ ba gồm có 3 đội, dưới quyền điều-khiển của các Đại-úy Rémond, Berth và Buleux, do Thiếu-tá Roget chỉ huy. Mỗi đoàn nầy đều có tăng-cường thêm nhiều đơn-vị công-binh và pháo-binh để trợ qiúp. * Chiến-khu Yên-Thế vẫn oai-hùng muôn thuở. Rừng Yên-Thế là nghĩa-địa, là mồ chôn hàng vạn quan binh thực-dân trong đoàn quân viễn-chinh xâm-lăng Pháp… Đã bao nhiêu lần tấn-công vào chốn núi rừng nầy, Pháp quân luôn luôn bị nghĩa-quân đánh bật ra ngoài để rồi mang những thất-bại chua cay và tổn-phí nặng-nề… Rừng Yên-Thế Thượng thiêng-liêng. Nghĩa-dũng-quân vẫn oanh-liệt. Năm 1885, trung tá Dugenne đã một lần kéo quân, hùng-hổ định vào san phẳng chốn núi rừng Yên-Thế nhưng bị nghĩa-dõng-quân của Cai Kinh phản-công, đánh một trận tơi-bời. Tất cả quân lính Pháp dưới quyền của Trung-tá bị đánh bật ra khỏi vòng chiến, khắp mặt trận, phải đua nhau bỏ chạy dài. Đến năm 1889, Thiếu-tá Dumont và Piquet lại muốn nêu cao tên tuổi ở chốn núi cao rừng thẩm nầy nên bị Đội Văn đánh một trận một chín, một mười, rất ác-liệt trước khi giơ tay chịu đầu hàng. Kế tiếp, những năm 1890, 1891 và 1892, Tướng Godin và Đại-tá Frey lại mở ba cuộc tấn-công liên-tiếp và cả ba trận nầy, Pháp-quân đều bị tổn-hại nặng-nề. Tướng Godin và Đại-tá Frey đã phải hy-sinh đến 200 tên lính vừa chết vừa bị thương mới chiếm lấy được đồn Nhã Nam và Hữu-Thuệ… Trước những kinh-nghiệm trận-mạc nầy, giờ đây, Đại-tá Galliéni phải cẩn-thận, dè-đặt hơn bao giờ hết. Gặp Đề-Thám, con hùm thiêng của Yên-Thế, một lãnh tụ xuất-chúng và tài-trí của nghĩa-quân cách-mạng Việt Nam, Đại-tá hết dám khinh-địch. Đại-tá cũng không dám áp-dụng trở lại cái chính-sách « dùng võ-lực thẳng tay đàn-áp nghĩa-quân », sở-trường của Đại-tá từ trước tới giờ, đối với Đề-Thám nữa. Đại-tá đã cẩn-thận hơn và « ôn-hòa » hơn đối với một lãnh-tụ kháng-chiến vang danh của Việt-Nam nầy. Ngày 21 tháng 11 năm 1895, tức là sau ngày Pháp quân được tiếp-viện, vị Đại-tá chỉ-huy quân-đội Pháp đã gởi một bức thơ cho Đề-Thám như sau : * Tôi lấy làm tiếc mà nhận thấy rằng ông đã không trả lời dứt-khoát và rõ-ràng những điều mà tôi đã gởi cho ông. Ngay trong bức thơ đầu tiên, tôi đã cho ông rõ là tình thế ở Yên-Thế đã hoàn-toàn thay đổi. Đây không phải lúc nói đến quyền sở-hữu của ông ở bốn tổng nầy nữa. Tôi đã nhận được lịnh phải chiếm đóng khu-vực nầy. Tôi muốn đề-nghị với ông những phương-pháp để ông được Chính-phủ Bảo-hộ tha-thứ nhưng tôi muốn ông trả lời cho rõ-ràng những câu hỏi của tôi. Trái lại, tôi sẽ coi như ông không muốn, như bao lần ông đã làm, thực-tâm quy-thuận và phục-tùng mệnh-lệnh chính-phủ Pháp : 1) Ta đã nói rõ : ông phải giải-tỏa những pháo-lũy ở Yên-Thế để tôi cho quân tới chiếm đóng. Sau đó chúng ta sẽ xem xét tương-lai của ông và quân-lính thuộc-hạ. Ông có thể lập ấp trong một miền khác hoặc tham-chính với Chính quyền Bảo-hộ, tùy theo những điều-kiện mà chúng ta sẽ xét-định sau. Ông đã không trả lời. 2) Ông phải nộp khí-giới. Điểm nầy ông cũng không trả lời. 3) Tôi cũng nói với ông về chuyện Đốc-Thu và Lĩnh-Túc. Nếu ông tự tay trừng-phạt hai tên ấy ông sẽ tỏ được lòng trung với Chánh-quyền Bảo-hộ. Đốc-Thu và Lĩnh-Túc đã gây cho ông nhiều lầm-lẫn và phá-hoại mọi vấn-đề ở Yên-Thế. Nếu ông không đủ quyền-hạn cần-thiết để nghiêm-trị hai tên nói trên, Chính-phủ Pháp sẽ vui lòng tha-thứ cho bộ-hạ của chúng nhưng không thể nào dung-tha cho Đốc Thu và Lĩnh-Túc là những kẻ không bao giờ chịu nhận quy hàng. Việc nầy cũng không được ông trả lời. 4) Để ông có thể liên-lạc với bọn Thống-Luận và Thống Trự, tôi đã cấp giấy thông-hành cho bộ-hạ ông đến ngày 22 nầy là hết hạn. Tôi có chờ đón hôm đó. Nhưng người của ông không thể bị bắt ở dọc đường vì tôi đã báo đi khắp nơi và cũng đã điện cho các vị công-sứ Bắc Giang và Thái Nguyên ra lệnh cho khắp vùng được biết. Tôi yêu-cầu ông trả lời tất cả những ý-kiến của tôi. Trái lại, tôi sẽ cho rằng ông không bao giờ muốn quy-thuận và chấp-nhận những khoản của Chính-quyền Bảo-hộ vì lượng khoan-hồng, muốn quên những lỗi-lầm ông đã phạm phải và cũng muốn mọi vấn-đề phải được cấp-tốc giải-quyết dứt hẳn, lần nầy ở Yên-Thế. Ký tên : GALLIÉNI CHƯƠNG VI : ĐỀ-THÁM ! ĐỐI-THỦ LẦM-LÌ ĐÁNG SỢ CỦA ĐẠI-TÁ GALLIÉNI YÊN-THẾ vẫn oai-hùng muôn thuở ?… Sau khi Đại-tá Pháp Galliéni gởi bức thơ chiêu-hàng cho Đề-Thám ở Yên-Thế thì chuyện gì đã xảy ra cho đôi bên ? Đề-Thám đã trả lời làm sao ? Và, tâm-trạng của Đại-tá Galliéni như thế nào ? Một điều mà mọi người nhận thấy là, xuyên qua các bức thơ của Đại-tá gởi cho Đề-Thám, Đại-tá Pháp chẳng những kiêng-nể vị lãnh-tụ kháng-chiến-quân Việt-Nam này mà còn hồi-hộp lo-ngại. Như chúng ta đã biết, từ trước Đại-tá Galliéni thường tỏ ra bất-mãn nhà cầm quyền hành-chính dân-sự, mà người đứng đầu là Toàn-quyền Rousseau, đã quá « dễ-dãi » với nghĩa-quân trong chính-sách « khuyến-dụ đầu hàng » hơn là dùng võ-lực. Vì, Đại-tá là kẻ luôn luôn áp-dụng chính sách dùng sức mạnh và oai-lực để đàn-áp và trừng-trị… Nhưng phen này, Đại-tá không thể nào còn áp-dụng chính-sách nầy được nữa, một khi gặp phải Đề-Thám, một đối-thủ lầm-lầm lì-lì rất lợi-hại. Đại-tá buộc lòng phải dùng chính-sách của Toàn-quyền Rousseau và phe chỉ-huy hành chính dân-sự, một chính-sách mà Đại-tá vốn không ưa thích dùng. Nhưng không thể không được, Đề-Thám ở đất và núi rừng Yên-Thế này không phải như Hoàng-thái-Ngân ở Lũng- """