"
Dám Hành Động - Ben S. Bernanke PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Dám Hành Động - Ben S. Bernanke PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
Ben S. Bernanke
DÁM HÀNH ĐỘNG
Bản quyền tiếng Việt © Công ty Cổ phần Sách Alpha, 2019
Không phần nào trong xuất bản phẩm này được phép sao chép hay phát hành dưới bất kỳ hình thức hoặc phương tiện nào mà không có sự cho phép trước bằng văn bản của Công ty Cổ phần Sách Alpha.
Lời tựa của tác giả
Khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng, có người chọn phương án hành động, còn số khác lại sợ hãi trốn tránh. Cục Dự trữ Liên bang (FED), được thành lập từ cuộc khủng hoảng ít người biết đến vào năm 1907, đã thất bại trong cuộc khảo hạch quan trọng đầu tiên hồi thập niên 1930. Lãnh đạo của Cục và các ngân hàng trung ương khác trên thế giới vẫn giữ thái độ thụ động trong bối cảnh giảm phát sâu và sụp đổ tài chính tới mức phá sản. Kết quả dẫn đến cuộc Đại suy thoái toàn cầu, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ lên tới 25% và sự trỗi dậy mạnh mẽ của cơ chế độc tài phát xít. 75 năm sau, FED – nơi tôi cống hiến phần lớn cuộc đời để nghiên cứu và phụng sự – lại phải đương đầu với những thách thức tương tự trong cuộc khủng khoảng giai đoạn 2007-2009 cũng như hệ quả của nó. Lần này, chúng tôi đã chọn hành động.
Tựa đề của cuốn sách được các đồng nghiệp của tôi tại FED, từ các nhà hoạch định chính sách cho đến các nhân viên, truyền cảm hứng. Khi tình hình nền kinh tế Mỹ đòi hỏi một kế hoạch ứng phó kịp thời và sáng tạo, họ đã thu hết can đảm để làm mọi điều cần thiết, mặc cho phải đối diện với những sự lên án, chỉ trích gay gắt. Đồng hành cùng chúng tôi trong cuộc chiến này là Chính phủ – nhất là các lãnh đạo và nhân viên thuộc Bộ Tài chính dưới hai đời tổng thống – cũng như nhiều đồng nghiệp tại các ngân hàng trung ương và bộ tài chính trên toàn thế giới. Tôi biết ơn tất cả những con người ấy và tự hào vì đã được trở thành một phần trong nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nguy nan nhất trong thời kỳ này.
Tuy nhiên, người mà tôi biết ơn nhất là vợ tôi, Anna, tình yêu của đời tôi, vì cô ấy đã gợi ý cho tôi tựa đề cuốn sách – và vì nhiều điều đặc biệt nữa, mà theo từng trang sách, quý vị sẽ thấy rõ.
Mở đầu
Tôi vẫn có thể ngăn việc này lại…
Đồng hồ điểm 8 giờ tối, thứ Ba ngày 16 tháng 9 năm 2008. Dù mệt mỏi rã rời, cả tâm trí lẫn tinh thần đều kiệt quệ, nhưng tôi không thể ngồi yên. Qua ô cửa sổ văn phòng thuộc Tòa nhà Eccles của FED, tôi có thể thấy ánh đèn giao thông nhấp nháy trên đại lộ Constitution và thấp thoáng những hàng cây du nằm dọc hai bên công viên National Mall. Các đồng nghiệp của tôi vẫn đang cặm cụi làm việc, nhưng hành lang trước văn phòng tôi thì vắng lặng như tờ. Michelle Smith, Chủ nhiệm Văn phòng Truyền thông của FED kiêm Chánh Văn phòng của tôi, người còn lại trong phòng, lẳng lặng ngồi, chờ tôi lên tiếng.
BỐN TIẾNG TRƯỚC, Bộ trưởng Tài chính – Hank Paulson và tôi, đã ngồi cạnh nhau trên những chiếc ghế bành bọc da thuộc trong căn phòng Roosevelt không cửa sổ ở Nhà Trắng, cách Phòng Bầu dục chỉ vài bước chân. Treo phía trên lò sưởi là tấm chân dung của Teddy Roosevelt trông như một kỵ binh cưỡi trên lưng chú ngựa đang chồm lên. Ngồi đối diện Paulson và tôi ở đầu kia chiếc bàn gỗ bóng loáng là vị chủ nhân đương nhiệm của Nhà Trắng, ngài George W. Bush ủ dột, cạnh ông là Phó Tổng thống Dick Cheney. Các cố vấn Tổng thống, phụ tá cấp cao của Paulson cùng khoảng hơn chục đại diện đến từ các cơ quan điều tiết tài chính ngồi trên những chiếc ghế còn lại.
Mọi khi, ngài Tổng thống thích giữ bầu không khí nhẹ nhàng tại các cuộc họp bằng việc khơi mào vài câu bông đùa dí dỏm hay những lời trêu chọc vô thưởng vô phạt một cố vấn thân cận. Nhưng chiều hôm đó thì không. Ông hỏi thẳng: “Tại sao mọi thứ lại ra nông nỗi này?”
Chúng tôi đã đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ
vượt ngoài tầm kiểm soát suốt hơn một năm. Hồi tháng 3, FED đã chi 30 tỷ đô-la cho JPMorgan Chase để cứu ngân hàng đầu tư Bear Stearns của Phố Wall thoát khỏi bờ vực phá sản. Đầu tháng 9, chính quyền Bush đã tiếp quản Fannie Mae và Freddie Mac1 nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của hai công ty chịu trách nhiệm xử lý gần một nửa số hợp đồng cho vay thế chấp bất động sản tại Mỹ. Mới hôm trước, vào lúc 1 giờ 45 phút sáng, Lehman Brothers – ngân hàng đầu tư lớn thứ tư của Mỹ – đã nộp đơn xin phá sản, sau công cuộc tìm kiếm điên cuồng nhưng vô vọng đối tác sáp nhập, do Paulson và Giám đốc FED New York, Tim Geithner, chỉ đạo.
Lúc này, tôi đang giải thích cho Tổng thống vì sao FED dự định cho Tập đoàn Quốc tế Mỹ (American International Group – AIG) – công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới – vay 85 tỷ đô-la. Công ty này đã đầu tư mạo hiểm tràn lan, sử dụng các công cụ tài chính kỳ quặc để đảm bảo cho các chứng khoán được đảm bảo bằng các khoản thế chấp dưới chuẩn. Giờ đây, khi giá trị của các khoản thế chấp này lao dốc với tốc độ kỷ lục, các công ty tài chính đã mua bảo hiểm, cùng các đối tác khác của AIG, bắt đầu đòi hoàn tiền. Nếu không có tiền mặt, AIG sẽ phá sản với thời gian tính theo ngày, thậm chí theo giờ. Tôi nói với Tổng thống rằng, chúng tôi thấy không cần thiết phải giúp AIG, nhân viên hay cổ đông của họ. Đúng hơn, tôi nghĩ hệ thống tài chính – thậm chí là cả nền kinh tế – không thể ngăn nó phá sản.
Trước thất bại của Lehman, thị trường đã lún sâu vào vòng xoáy khủng hoảng bộc phát nặng nề nhất kể từ sau Đại Khủng hoảng. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones lao dốc xuống còn 504 điểm vào thứ Hai – mức sụt giảm sâu nhất trong một ngày kể từ ngày 17 tháng 9 năm 2001, ngày giao dịch đầu tiên sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 – và sự bùng nổ của làn sóng bán ra trên khắp các thị trường toàn cầu. Khi niềm tin vào các thiết chế tài chính không còn, tỷ lệ lãi suất cho vay giữa các ngân hàng sẽ tăng vọt. Giống như điềm báo, chúng tôi liên tiếp nhận được các báo cáo về việc các nhà đầu tư đang tìm cách thu hồi vốn từ các quỹ tương hỗ trên thị trường tiền tệ sau khi một quỹ lớn vấp phải thua lỗ do Lehman sụp đổ.
Tất cả mọi người trong phòng đều hiểu cứu trợ AIG sẽ là nước cờ chính trị tồi tệ trong năm bầu cử Tổng thống. Chỉ mới hai tuần trước, Đảng Cộng hòa của Tổng thống đã dõng dạc tuyên bố trong cương lĩnh chính trị năm 2008 của mình rằng: “Chúng tôi không ủng hộ việc Chính phủ cứu trợ cho các tổ chức tư nhân.” Theo đó, chính sách can thiệp theo đề xuất của FED sẽ vi phạm nguyên tắc cơ bản: Các công ty phải tuân thủ quy tắc của thị trường và Chính phủ không bảo hộ cho các công ty này trước những hậu quả do chính sai lầm của họ gây ra. Nhưng trong bối cảnh tài chính hỗn loạn như lúc này, mọi chuyện sẽ còn trở nên tồi tệ hơn nếu AIG vỡ nợ – đi kèm với đó là những hậu quả khôn lường và chắc chắn sẽ vô cùng thê thảm đối với nước Mỹ cũng như nền kinh tế toàn cầu.
Với hơn 1.000 tỷ đô-la tài sản, tầm vóc tài chính của AIG lớn hơn Lehman khoảng 50%. AIG hoạt động tại hơn 130 quốc gia và có hơn 74 triệu khách hàng cá nhân cùng doanh nghiệp trên khắp thế giới. Tổ chức này cung cấp bảo hiểm thương mại cho 180.000 doanh nghiệp nhỏ và pháp nhân với 106 triệu nhân công – chiếm 2/3 số lượng lao động tại Mỹ. Bảo hiểm của AIG bảo vệ các thành phố, quỹ hưu trí và người tham gia quỹ hưu trí 401(k)2. Sự sụp đổ của nó sẽ châm ngòi cho hàng loạt thất bại của nhiều ông lớn tài chính khác, cả ở Mỹ và nước ngoài.
Ngài Tổng thống, với vẻ mặt đăm chiêu, lắng nghe rất tỉ mỉ. Trước đó, Paulson đã cảnh báo về việc cần phải có động thái với AIG, nhưng ngài biết chúng tôi cũng không có nhiều lựa chọn. Không có nhà đầu tư cá nhân nào quan tâm tới việc mua lại hay cho AIG vay. Chính phủ không có tiền cũng chẳng có quyền cứu nó. Nhưng FED có thể nếu các công ty con của AIG vẫn đủ giá trị để làm tài sản thế chấp.
Tổng thống Bush có phản ứng nhất quán trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính khi nhắc rằng ông tin tưởng phán đoán của tôi và Paulson. Chúng tôi hãy làm những gì cần làm, còn ông sẽ cố gắng trong khả năng để tạo vỏ bọc chính trị. Tôi lấy làm cảm kích trước sự tự tin và quyết tâm sẵn sàng làm điều đúng đắn, bất chấp những hậu quả chính trị có thể xảy đến với chính ông và Đảng Cộng hòa. Có được sự hậu thuẫn của Tổng thống là sự ủng hộ cốt yếu. Đồng
thời, Tổng thống đang muốn gửi thông điệp tới Paulson và tôi rằng số phận của nền kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu hiện nằm trong tay chúng tôi.
CUỘC HỌP TIẾP THEO diễn ra vào lúc 6 giờ 30 phút tối tại Capitol chưa bao giờ căng thẳng đến thế. Paulson và tôi nhóm họp với các lãnh đạo Quốc hội trong một phòng họp tù túng. Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, không thể tham dự cuộc triệu tập đột xuất, nhưng lãnh đạo phe đa số Thượng viện, Harry Reid, và lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện, John Boehner, đều có mặt, cùng Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, Chris Dodd, và Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, Barney Frank cùng vài người khác.
Paulson và tôi giải thích lại tình cảnh của AIG và phản hồi đề xuất của mình. Chúng tôi ngay lập tức bị bủa vây trong những câu hỏi. Các nhà làm luật hỏi về thẩm quyền của FED trong việc cho một công ty bảo hiểm vay tiền. Thông thường, FED chỉ được quyền cho các ngân hàng và các cơ quan tín dụng vay. Tôi đã dẫn một điều khoản trong Đạo luật của FED thời kỳ Đại Khủng hoảng – Mục 13(3) – ghi rằng trong “những trường hợp bất thường và cấp bách”, chúng tôi có quyền cho bất kỳ cá nhân, đối tác hay công ty nào vay tiền. Sau đó, họ tiếp tục chất vấn về hậu quả của việc để AIG phá sản và nếu cho vay, khoản vay sẽ được trả như thế nào. Chúng tôi trả lời tường tận hết mức có thể. Theo chúng tôi, đây là bước đi cần thiết. Nhưng chúng tôi vẫn không thể đưa ra bất cứ nhận định chắc chắn nào.
Khi các câu hỏi bắt đầu lắng xuống, tôi ngước lên và thấy Thượng nghị sĩ Reid uể oải đưa hai tay lên xoa mặt. Cuối cùng, ông lên tiếng. “Kính thưa ngài Chủ tịch, kính thưa ngài Bộ trưởng, cảm ơn các vị đã đến đây để cập nhật tình hình sự việc này và trả lời các câu hỏi của chúng tôi. Các vị đã được nghe những nhận xét và cả những phản hồi. Nhưng chớ hiểu lầm rằng phát biểu của bất kỳ quý vị nào ở đây đồng nghĩa với việc Quốc hội sẽ phê chuẩn cho hành động đó. Tôi làm rõ thế này: Đây là quyết định của các vị và các vị sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về nó.”
TÔI TRỞ LẠI văn phòng của mình. Tim Geithner, người phụ trách thương thảo thỏa thuận cứu trợ tài chính, gọi điện báo tin rằng hội đồng quản trị AIG đã đồng ý với các điều khoản khắt khe mà chúng tôi đề xuất. Các điều khoản này khắt khe vì lý do an toàn và bởi chúng tôi không muốn tưởng thưởng cho kẻ tự tìm thất bại hay tạo động lực để các công ty khác nhân đó lao vào những kiểu rủi ro đã đẩy AIG đến bờ vực. Khoản vay được tính lãi suất cao và FED nắm giữ khoảng 80% cổ phần tại công ty, để những người nộp thuế có thể được hưởng lợi nếu thương vụ giải cứu này thành công. Hội đồng Thống đốc của FED đã phê chuẩn thỏa thuận này vào đầu ngày hôm đó. Tất cả những gì chúng tôi cần làm lúc này là đưa ra thông cáo báo chí.
Nhưng tôi cần chút thời gian để cân nhắc sao cho thật thấu đáo. Tôi tin chúng tôi đang làm đúng. Chúng tôi không còn lựa chọn hợp lẽ nào khác. Nhưng tôi cũng biết rằng đôi khi quá trình ra quyết định cũng có quy luật riêng của nó. Quan trọng là quyết định phải đúng đắn.
Rủi ro mà chúng tôi sẽ đương đầu hiển nhiên quá lớn. 85 tỷ đô-la đúng là một số tiền lớn, nhưng còn nhiều thứ khác phải chịu rủi ro lớn hơn cả tiền bạc. Dù được cho vay, nhưng nếu AIG vẫn thất bại, khi ấy, tình hình tài chính sẽ càng gia tăng còn lòng tin của thị trường vào khả năng kiểm soát khủng hoảng của FED sẽ tan vỡ. Chưa kể đến, tương lai của chính FED cũng bị đe dọa nếu kịch bản đó xảy ra. Thượng Nghị sĩ Reid nhấn mạnh rằng Quốc hội sẽ không chịu trách nhiệm. Tổng thống dù rất ủng hộ và bảo vệ chúng tôi, nhưng vài tháng tới, ông cũng sẽ hết nhiệm kỳ. Nếu chúng tôi thất bại, một Quốc hội giận dữ chắc chắn sẽ “moi gan moi ruột” FED. Tôi không muốn được người đời nhớ đến là kẻ đã đưa ra quyết định sai lầm dẫn tới việc FED bị xóa sổ.
Khi nhìn ra đại lộ Constitution, tôi nghĩ mình vẫn có thể ngăn chuyện này. Khoản vay đòi hỏi sự phê chuẩn của Hội đồng Thống đốc, cho nên tất cả những gì tôi sẽ làm là thay đổi lá phiếu của chính tôi. Tôi nói với Michelle như vậy, và không quên dặn thêm: “Chúng ta đừng thông báo gì vội.”
Nếu chúng tôi ra tay hành động, chẳng có ai cảm kích. Nhưng
g y g g g nếu chúng tôi không hành động, ai sẽ làm điều đó? Đưa ra quyết định khiến nhiều người không ủng hộ về mặt chính trị nhưng vì lợi ích lâu dài của đất nước là lý do để FED tồn tại với tư cách là một ngân hàng trung ương độc lập. Nó được xây dựng vì mục đích này: Làm những gì phải làm – những gì các cơ quan khác không thể hoặc sẽ không làm.
Michelle cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. “Đã đến lúc phải công bố hành động gì đó,” cô khẽ nói.
“Được rồi,” tôi nói. “Phải làm chứ. Giờ chúng ta hãy xem lại thông cáo báo chí một lần nữa.”
Thông cáo mở đầu bằng câu: “Vào hồi 9 giờ tối thứ Ba theo giờ Mỹ, với sự ủng hộ tuyệt đối của Bộ Tài chính, Hội đồng Thống đốc FED đã phê duyệt cho Ngân hàng FED New York cấp khoản vay trị giá 85 tỷ đô-la cho Tập đoàn Quốc tế Mỹ AIG…”
Phần I. Khai màn
Chương 1. Phố Main
Buổi sáng ngày 1 tháng 9 năm 2006, trời mưa lất phất, tiết trời mát mẻ bất thường, trái với mọi năm. Đoàn xe ba chiếc của chúng tôi xuất phát rời làn đường hình móng ngựa của trang viên Abingdon tại Latta, Nam Carolina. Trang viên này là nơi tọa lạc một dinh thự 104 năm tuổi được xây dựng theo lối kiến trúc Phục hưng Hy Lạp, cách thị trấn Dillon, Nam Carolina – quê tôi 10 phút lái xe. Được trang bị nội thất cổ cùng những tấm vải lanh thượng hạng và rèm vải hoa sặc sỡ, dinh thự là biểu tượng cho gu thẩm mỹ của tầng lớp thượng lưu từ thế hệ trước ở Carolina. Sau bài phát biểu tại Greenville, khu vực phía tây của bang – nơi vị mục sư đã cầu Chúa che chở cho tôi trong sứ mạng hoạch định chính sách tiền tệ quốc gia – tôi đã dành cả buổi tối hôm trước tại dinh thự, ăn tối, đi thăm gia đình và bạn bè.
Chúng tôi tiến vào xa lộ 301, hướng về Dillon. Một chiếc xe cảnh sát địa phương chịu trách nhiệm dẫn đường. Như thường lệ, tôi ngồi ở ghế sau của chiếc xe thứ hai. Phía trước tôi, bên ghế phụ lái là Bob Agnew, một đặc vụ kỳ cựu phụ trách an ninh. Dave Skidmore, chuyên viên quan hệ truyền thông của FED, ngồi phía bên trái tôi. Hai đặc vụ an ninh khác thì ở trên chiếc xe đi đằng sau.
Theo yêu cầu lịch sự nhưng kiên quyết của tổ an ninh, đã bảy tháng nay tôi chưa tự lái xe lần nào. Bob và các đặc vụ lúc nào cũng thân thiện và nhã nhặn nhưng luôn kiên quyết thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn. Họ đã đồng hành cùng tôi kể từ ngày 1 tháng 2 năm 2006, ngày tôi tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Hội đồng Thống đốc của FED. Người tiền nhiệm của tôi, Alan Greenspan, từng mô tả vô cùng chuẩn xác cuộc sống trong vòng vây an ninh. Ông nói rằng việc đó giống như bị quản thúc tại gia với những người cai ngục tử tế nhất mà bạn có thể hình dung. Ngày hôm ấy ở Dillon, các đặc vụ – và đoàn quay phim truyền hình – đi theo tôi như hình với bóng.
Khác với khi còn nhỏ, tôi lang thang một mình khắp nơi trong thị trấn, đạp xe từ nhà tới thư viện hay tới hiệu thuốc của gia đình mình tại số 200, đường West Main.
Chúng tôi tới số 200 đường West Main vào sáng hôm đó. Chỗ này nay là Kintyre House – một nhà hàng bình dân với tường ốp gạch trần và sàn gỗ sáng bóng. Thay vì phải xếp báo lên giá hay hướng dẫn khách hàng như 40 năm trước, hôm nay tôi ăn sáng với khoảng 20 nhân vật tai to mặt lớn ở Dillon – chủ yếu là các quan chức chính quyền và chủ doanh nghiệp. Chúng tôi lấy đồ ăn từ quầy tự chọn với các món trái cây, yến mạch thô, trứng chần Benedict với sườn cốt lết, bánh mỳ nướng challah kiểu Pháp. Tôi không dám chắc liệu món challah có ý ám chỉ về gốc gác Do Thái của mình hay không, nhưng quan trọng hơn, tôi vui khi thấy những người cùng ăn sáng với mình có cả người da trắng và người Mỹ gốc Phi. Ở khu Dillon thời thơ ấu của tôi, nạn phân biệt chủng tộc lan tràn khắp mọi nơi, thậm chí cả nhà vệ sinh và vòi nước công cộng cũng phân khu riêng. Các công dân da đen trong thị trấn hồi đó không được phép vào ăn ở nhà hàng này, huống hồ lại còn được góp mặt trong nhóm các nhà lãnh đạo địa phương. Todd Davis, Thị trưởng Dillon và Johnny Braddy, Ủy viên Hội đồng thành phố, người từng chơi kèn trumpet đối với kèn alto saxophone của tôi trong ban nhạc ở trường, cũng cùng ăn sáng với chúng tôi.
Đó là sự kiện đầu tiên của “Ngày hội tôn vinh Ben Bernanke” tại Dillon, cao trào là buổi lễ kỷ niệm diễn ra trên thảm cỏ trước trụ sở Tòa án hạt Dillon 95 tuổi đời được xây bằng gạch đỏ, cách nhà hàng một dãy phố. Tôi được Thị trưởng Davis trao chứng nhận Chìa khóa mở cửa thành phố3 và được Thống đốc Mark Sanford trao Huân chương Palmetto, phần thưởng cao quý nhất cho cư dân của bang Nam Carolina. (Người nhận được vinh dự này trước tôi là Darius Rucker, ca sĩ kiêm tay chơi ghi-ta đệm cho ban nhạc Rock Hootie & The Blowfish). Tôi nghĩ việc trao thưởng diễn ra hơi sớm vì tôi chưa nắm quyền đủ lâu để có thành tích thực sự. Dẫu vậy, tôi vẫn xúc động khi thấy nhiều bạn học, hàng xóm, thầy cô giáo cũ ngồi trên những chiếc ghế gấp đặt ở thảm cỏ trước trụ sở tòa án.
Cả chục năm rồi tôi chưa trở lại Dillon – chưa một lần, từ khi cha
mẹ tôi, ông Philip và bà Edna, nghỉ hưu và chuyển tới Charlotte, Bắc Carolina, nơi mẹ tôi lớn lên và cũng là nơi em trai tôi, Seth, đang sống với gia đình. Thời thiếu niên, tôi luôn nôn nóng muốn rời khỏi Dillon. Nhưng càng lớn lên, nhất là sau khi gia nhập chính trường Washington, tâm trí tôi thường hướng về quê hương xứ sở. Đó là nơi tôi học được sự chăm chỉ, tinh thần trách nhiệm và sự tôn trọng dành cho mọi người. Thời gian dài làm việc trong tòa nhà Chính phủ lộng lẫy, mải miết với những con số thống kê vô hình và đau đầu với những kế hoạch to tát, bạn rất dễ quên mất gốc gác của mình. Ngày hôm nay là một lời nhắc nhở. Sau buổi lễ chóng vánh, tôi bắt tay lần lượt những người tham gia, cố gắng nhớ tên từng người.
DILLON, VỚI DÂN SỐ khoảng 6.500 người, nằm ở phía tây sông Litte Pee Dee uốn lượn bao quanh các trang trại, rừng thông và đầm lầy ở đông bắc Nam Carolina. Được thành lập năm 1888, Dillon là thủ phủ của hạt cùng tên, hạt Dillon. Florence, thị trấn gần nhất với dân số gần 40.000 người, nằm cách đó khoảng 40km. Suốt thời thơ ấu, chúng tôi thường phải đạp xe tới tận Florence để xem phim hoặc khám bệnh bởi trong vùng chỉ có duy nhất một bác sĩ đa khoa.
Cả thị trấn và hạt Dillon đều được đặt theo tên James W. Dillon, một thương nhân, ông chủ nhà băng và nhà thương lái bông nổi tiếng trong vùng, người dẫn đầu phong trào dân chủ nhằm đưa tuyến đường sắt tới khu vực này. Được hoàn thiện vào cùng năm thị trấn Dillon thành lập, tuyến đường sắt này đã đưa khu vực lâu nay bị cô lập mở cửa với thế giới rộng lớn. Chuyến tàu Palmetto chở khách của Tổng Công ty Đường sắt Amtrak, nối thành phố New York và thành phố Savannah, bang Georgia, cho tới giờ vẫn dừng chân tại Dillon hai lần một ngày. Nhưng ngày nay, du khách thường tới đây qua Xa lộ Liên bang 95. Niềm tự hào của Dillon bây giờ là khu South of the Border, điểm tham quan du lịch rộng lớn được xây dựng theo phong cách Mexico, nằm ở ranh giới phía nam của tiểu bang. Các nhà nguyện và cửa hàng pháo bông nằm dọc xa lộ, vị trí chiến lược nhằm giãn mật độ tập trung theo quy định của chính quyền Nam Carolina.
Ga xe lửa Dillo, điểm trung chuyển bông và thuốc lá, sau này là
các mặt hàng dệt may, có thời kỳ từng là biểu trưng của sự giàu có. Nhưng vào thời điểm tôi trở lại, năm 2006, Dillon đang lâm vào giai đoạn khó khăn. Thuốc lá, mặt hàng sinh lời quan trọng nhất trong vùng, đã gần như bị xóa sổ sau khi Quốc hội dỡ bỏ hết các chương trình trợ giá. Ngành dệt may – vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các mặt hàng nhập khẩu – cũng đang dần mai một. Các dịch vụ công cho thấy cơ sở tính thuế đang bị co lại. Mấy năm sau chuyến thăm đó, vào năm 2009, Ty’Sheoma Bethea, một học sinh lớp 8, đã khiến cả đất nước phải chú ý tới Dillon khi em viết thư gửi tới Quốc hội để xin giúp đỡ tu sửa ngôi trường đổ nát của em – ngôi trường mà 40 năm về trước tôi đã theo học.4
THỜI KỲ KHÓ KHĂN cũng từng là lý do đã đưa gia đình tôi tới Dillon chứ không phải quay lưng lại với nó. Ông tôi, Jonas Bernanke, đã mở một chuỗi hiệu thuốc tại New York trong thời Đại Khủng hoảng, tuy nhiên tình hình kinh doanh không mấy thuận lợi. Năm 1941, ở tuổi 50, ông tình cờ nhìn thấy quảng cáo rao bán một cửa hàng dược phẩm tại Dillon và quyết định bắt đầu lại từ đầu. Ông bà cùng ba cậu con trai (bố tôi là con thứ) đã nhanh chóng chuyển tới miền Nam.
Ông tôi hay hút xì gà, có bờ vai rộng, giọng trầm và tác phong nghiêm nghị, ông luôn toát lên vẻ nam tính và tự tin kiểu Hemingway. Ông đặt tên cửa hàng là Công ty Dược phẩm Jay Bee, một lối chơi chữ dựa theo phiên âm hai chữ cái đầu của họ tên ông, J và B. Ông bà nội ngoại của tôi đều là dân nhập cư. Ông nội sinh ra tại Boryslaw, ngày nay là Tây Ukraine, nhưng thời bấy giờ là một phần của Đế chế Áo-Hung. Ông bị bắt đi quân dịch theo lệnh của Hoàng đế Franz Josef I trong Thế chiến I và trở thành hạ sĩ, nhưng ông kể lại các câu chuyện cứ như thể ông là sĩ quan. Khi được điều động tới Mặt trận phía Đông, ông bị quân Nga bắt giữ. Kết thúc chiến tranh, bằng cách nào đó, ông đã tìm đường thoát khỏi trại giam tại Siberia, gần Vladivostok, tới tận Thượng Hải, rồi sau đó trở lại châu Âu trên một chiếc tàu hơi nước để đến Marseilles. Năm 1921, ông quyết định thử vận may tại Mỹ. Ông và bà nội, Pauline hay vẫn gọi là Lina, đã đi từ Hamburg, Đức, ra Đảo Ellis cùng 957
hành khách khác trên con tàu mang tên Mount Clinton. Họ cập bến vào ngày 30 tháng 6. Khi ấy, ông tôi 30 tuổi, còn bà 25 tuổi và đang mang thai con trai đầu lòng, bác Fred. Bản kê khai có ghi họ là những hành khách ghế hạng chót và mỗi người mang theo 25 đô-la tới nước Mỹ.
Bà nội tôi là một phụ nữ phi thường. Sinh ra tại Zamość, Ba Lan, gần biên giới Ukraine, bà tôi tốt nghiệp chuyên ngành y khoa năm 1920 tại Đại học Vienna danh tiếng. Sau khi đến New York, bà mở một phòng khám nhỏ trong khu vực cộng đồng người nhập cư Do Thái ở khu Bờ Đông, trong khi ông tôi theo học ngành dược lý tại Đại học Fordham. Quyết định di dân tới miền Nam của ông đã chấm dứt sự nghiệp y khoa của bà, vì bang Nam Carolina không công nhận bằng cấp của châu Âu. Tôi nhớ bà là người phụ nữ giỏi giang với gu thẩm mỹ tinh tế. Bà không mấy vui vẻ khi ở Dillon, hẳn là do bà thấy lạc lõng với nền văn hóa của khu vực nông thôn miền Nam thuộc Vành đai Kinh Thánh5trong thập niên 1940-1950. Với tính khí thất thường của ông, ông bà thường hay xảy ra tranh cãi (theo trí nhớ của tôi từ khi còn bé xíu). Bà tôi nuôi dạy con cái, rồi sau này, nhất là sau khi ông qua đời năm 1970 vì đột quỵ, bà sống với niềm say mê đọc sách, vẽ tranh. Giống như nhiều người Do Thái châu Âu khác bị đồng hóa, cả hai ông bà thường không tuân thủ nghiêm ngặt các tập tục tôn giáo truyền thống, dù cả hai thỉnh thoảng vẫn đi lễ tại giáo đường Do Thái của Dillon.
Sự xuề xòa trong việc thực hành tôn giáo của ông bà nội đối lập hẳn với ông bà ngoại, ông Herschel và bà Masia Friedman (theo tiếng Mỹ là Harold và Marcia). Hai ông bà là người Do Thái chính thống, duy trì chế độ ăn uống theo quy định của Luật Do Thái và thực hiện nghiêm ngặt Lễ Sabbath6. Họ di cư đến Mỹ từ Lithuania vào khoảng thời gian khi Thế chiến I bùng nổ và sống tại Portland (tiểu bang Maine), sau đó là Norwich (bang Connecticut), nơi mẹ tôi chào đời vào năm 1931, rồi chuyển đến Charlotte (Bắc Carolina), cách Dillon hơn hai tiếng đi bằng ô tô. Ngày nay, Charlotte là trung tâm của các trụ sở ngân hàng lớn, bao quanh là các khu vực ngoại ô giàu có, nhưng vào thời ông bà tôi, Charlotte chỉ là một thành phố im lìm và thậm chí có phần tiêu điều. Lần đầu về thăm ông bà dài
ngày là khi tôi mới lên ba, lúc ấy, bố mẹ đưa Nan, em gái tôi tới bệnh viện Johns Hopkins tại Baltimore để chữa dị tật tim bẩm sinh. Việc chữa trị bất thành, và Nan qua đời khi mới ba tháng tuổi. Mỗi mùa hè, tôi đều dành một tuần bên ông bà ngoại cho đến khi bà ngoại mất năm 1967, khi tôi 13 tuổi. Sau đó, Herschel, ông ngoại tôi, cũng chuyển tới Dillon sống cùng gia đình chúng tôi. Ông qua đời vào tuổi 94 hay 95 gì đó, vì ngay cả ông cũng không chắc về tuổi của mình; hai cụ đã giả mạo hồ sơ để ông tôi trốn nghĩa vụ quân sự.
Ông ngoại Herschel làm nghề bán thịt kosher, kiêm làm giáo viên dạy tiếng Hebrew và baal korreh (người đọc kinh Torah chuyên nghiệp) tại đền Israel, một giáo đoàn của Charlotte, gắn liền với phong trào Bảo thủ, chủ trương dung hòa giữa việc hấp thu giá trị hiện đại với bảo tồn văn hóa truyền thống. Là một học giả Talmud, ngoài thứ tiếng Anh nặng trịch, ông Herschel còn biết nói nhiều ngôn ngữ khác và thông thạo tiếng Hebrew, Yiddish và Aramaic. Trong những đợt nghỉ hè, ông dạy tôi chơi cờ, học đọc và dịch tiếng Hebrew cổ. Ông còn hướng dẫn tôi đọc và cắt nghĩa một số phần trong Kinh Talmud, nhưng tôi không đủ kiên nhẫn để nghiền ngẫm mớ rối rắm phức tạp đó. Để ôn lại các bài học ông dạy, bà Masia thường bảo tôi “dạy” bà tiếng Hebrew dù bà quá rành nó rồi.
Ngược hẳn với bà Lina, bà Masia niềm nở, hướng ngoại – những điều mà một cậu bé mong chờ ở người bà. Trong những đêm hè mát mẻ tại Charlotte, tôi thường ngồi hàn huyên bên bà hàng giờ trước hiên nhà. Tôi đồ rằng niềm hứng thú trọn đời của tôi đối với Đại Khủng hoảng bắt nguồn từ chính những câu chuyện của bà về cuộc sống tại Norwich đầu thập niên 1930. Ông bà luôn cảm thấy hãnh diện khi năm nào cũng có thể mua một đôi giày mới cho các con, nhờ công việc của ông Herschel tại một cửa hàng nội thất, trong khi chúng bạn phải đến trường trong những đôi giày mòn vẹt hoặc đi chân trần. Tôi bèn hỏi bà tại sao cha mẹ họ lại không thể mua giày mới, bà trả lời vì cha họ bị mất việc khi các nhà máy giày đóng cửa. “Sao các nhà máy lại đóng cửa hả bà?” Tôi hỏi. Bà trả lời: “Vì không ai có tiền mua giày.” Ngay cả một thằng nhóc như tôi cũng nhìn ra nghịch cảnh này, và sau đó đã dành gần trọn sự nghiệp của mình để tìm hiểu vì sao các cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng như thế lại xảy
ra.
Bà Masia nấu ăn theo thực đơn truyền thống của Do Thái Đông Âu. Bà làm súp viên matzo từ một mớ tùm lum, ví dụ như thịt ức gà và tzimmes (cà rốt hầm nhừ và củ từ). Ngày 23 tháng 5 năm 1958, tờ Charlotte Observer đăng công thức làm bánh pancake blintz của bà. Bài viết thậm chí còn trích đăng câu hỏi của tôi: “Bà ơi, sao bà không dạy mẹ cháu làm blintz?” Lúc ấy, tôi mới tầm bốn tuổi, và đó là phát ngôn đầu tiên của tôi trên truyền thông. Nhưng đó không phải lần cuối cùng tôi hối hận khi đưa ra những bình luận thiếu thận trọng trước cánh nhà báo.
Năm cha tôi 14 tuổi, gia đình ông chuyển từ New York đến Dillon. Ông hẳn đã thấy chông chênh, nhưng không bao giờ nói về điều này với chúng tôi. Xét về nhiều mặt, ông đối lập hoàn toàn với hình tượng người cha độc đoán, sở hữu thân hình vạm vỡ: Ông có dáng người dong dỏng cao (chưa bao giờ nặng quá 55-56kg), tính tình hòa nhã và hay bẽn lẽn. Sau khi tốt nghiệp trung học tại Dillon, ông tham gia hải quân vào năm cuối của Thế chiến II. Trừ quãng thời gian ngắn làm việc trên tàu khu trục, ông quanh quẩn ở Reno, Nevada, nơi ông được giao quản lý một cửa hàng tạp hóa quân đội. Cha tôi rất thích thú với cảnh tượng ngược đời khi dành phần lớn thời gian phục vụ hải quân tại vùng sa mạc Nevada.
Sau chiến tranh, cha tôi, Philip, gặp mẹ tôi, Edna, khi ấy đang theo học thạc sĩ kịch tại Đại học Bắc Carolina nằm trên đồi Chapel. Thời sinh viên, bà học Phân viện Nữ giới thuộc Đại học Bắc Carolina, nay là Đại học Bắc Carolina tại Greensboro. Ông phải lòng bà, nhưng tôi cho là ông cũng phải lòng sự nồng hậu từ gia đình mộ đạo của bà. Ông từ trước đến nay luôn khao khát một cộng đồng và cảm giác hòa nhập đã từ lâu vắng bóng trong bầu không khí khắt khe của gia đình. Cha mẹ tôi cưới nhau tại Charlotte vào ngày 15 tháng 6 năm 1952.
Trong nhà chúng tôi, mẹ là người vẫn lưu giữ nếp sống từ thời ông bà ngoại, yêu cầu chúng tôi phải tuân thủ các ngày lễ Do Thái và giữ lửa cho căn bếp kosher tại Dillon. Thịt được cấp đông rồi chuyển từ Charlotte đến. Cha tôi thì buông tuồng hơn. Chẳng hạn, ông vẫn làm việc tại cửa hàng dược vào thứ Bảy, ngày Sabbath của người Do
Thái, nhưng vẫn giữ gìn văn hóa Do Thái. Tối tối, ông ngồi trên ghế, đội mũ Do Thái yarmulke7 che đi cái đầu hói, đọc sách triết học và lịch sử Do Thái. Và vào thứ Bảy, tranh thủ giờ nghỉ trưa, ông thích xướng các câu kinh truyền thống để cả nhà hòa theo sau bữa trưa. Khi cha tôi say sưa với những câu kinh dài lê thê ấy thì anh chị em chúng tôi thi xem ai cầu nhanh nhất.
Cha tôi, giống như bà nội, là người sùng bái nghệ thuật, triết học, thì mẹ tôi, dù thông minh, lại chẳng chuyên sâu vào lĩnh vực cụ thể nào. Bà ương ngạnh, giáo điều, khắt khe về diện mạo – và lắm ưu tư. Hồi còn học mẫu giáo, bà lo không biết tôi ở trường thế nào và hay bảo cha tôi đến kiểm tra. Khi tôi rời nhà đến Harvard, bà lo tôi không đủ quần áo và kỹ năng sống để hòa nhập. Chắc hẳn lúc ấy mẹ tôi đang nghĩ về Harvard của thập niên 1950 chứ không phải Harvard của những chiếc quần jeans rách te tua và những cuộc biểu tình mà tôi tham dự vào đầu thập niên 1970. Năm 2014, khi tôi chuẩn bị rời FED, bà lo rằng ở cái tuổi 60, khả năng lái xe của tôi sẽ không đủ vững sau 8 năm trời không cầm vô lăng. (Bà lo nhiều lắm, không sao kể xiết).
Sau đám cưới, bố mẹ tôi chuyển đến Bắc Augusta, Nam Carolina, nơi cha tôi làm quản lý kiêm đạo diễn sân khấu của một nhà hát cộng đồng tại khu vực. Đây cũng là nơi tôi được sinh ra, vào ngày 13 tháng 12 năm 1953, bên bờ sông Savannah tại Augusta, Georgia. Họ đặt tên tôi là Ben Shalom – nghĩa là “chàng trai của hòa bình” theo tiếng Hebrew. Sau khi có con, cha tôi thấy ông phải làm việc khác để kiếm thêm thu nhập. Ông quyết định quay về Dillon làm việc cho ông nội tôi tại cửa hàng dược. Chú tôi, Mortimer, kém cha tôi hai tuổi, cũng đang làm ở đó.
Cha tôi học dược lý từ chính công việc thực tế, và sau này thi đỗ chứng chỉ hành nghề của bang. Nhưng quãng thời gian làm việc dưới ánh đèn sân khấu đã trở thành nguồn cơn cho nỗi hoài niệm trong ông, đến nỗi mỗi lần chúng tôi đi xem phim, ông thường nhận xét về các phương diện chuyên môn liên quan đến đạo diễn cũng như diễn xuất. Tuy nhiên, không giống bà nội tôi, người luôn than thở rằng những tham vọng nghệ thuật đã chấm hết, cha tôi lại chẳng có gì bất mãn. Ông tin mình đang làm những gì cần làm, và làm việc
chăm chỉ để trở thành một dược sĩ xuất sắc, học thêm những phương pháp điều trị, phương thuốc và các loại vitamin mới. Ở một thị trấn khan hiếm bác sĩ, ông thường được gọi là “bác sĩ Phil” – còn chú tôi là “bác sĩ Mort”. Cha tôi luôn cho rằng trách nhiệm của mình là nhân viên chăm sóc sức khỏe chứ không phải chủ tiệm dược phẩm. Do đó, 50 năm trước khi chuỗi dược phẩm CVS ngừng bán thuốc lá sợi, Jay Bee Drugs đã ngừng bán thuốc lá. Ông làm việc sáu ngày một tuần, có khi bảy ngày nếu có các đơn cấp cứu cần phải kê vào Chủ nhật. Trong thời gian dài, tôi thường xuyên không gặp ông vào bữa tối.
Mẹ tôi, sau một năm không mấy vui vẻ làm giáo viên tiểu học tại Dillon, đã nghỉ ở nhà làm nội trợ và làm kế toán bán thời gian cho cửa hàng dược. Hồi còn bé, tôi thường được bà Lennie Mae Bethea chăm nom, một phụ nữ da màu mà cha mẹ tôi thuê dọn dẹp và nấu ăn. (Bà hẳn là một trong số rất ít phụ nữ da màu ở Nam Carolina thuộc làu các quy tắc chăm lo căn bếp kosher). Dù cha mẹ tôi luôn tôn trọng bà Lennie Mae, nhưng chính tôi cũng nhận ra những khác biệt về địa vị xã hội giữa chúng tôi, có lẽ một phần do chính bà Lennie Mae vô tình thể hiện những khác biệt đó. Hồi nhỏ, có lần tôi ngây thơ gọi bà là người hầu gái. “Bà không phải là người hầu của ai nhé,” bà nói với tôi. “Bà là quản gia.” Bà Lennie Mae làm ở nhà tôi tới tận khi tôi lên đại học. Kể cả khi bà không thể tiếp tục lao động, cha mẹ tôi vẫn gửi trợ cấp cho bà (mãi sau này tôi mới biết).
Sau cái chết của Nan, cha mẹ tôi sinh thêm hai đứa em nữa: Seth, kém tôi năm tuổi, và Sharon, kém Seth hai tuổi. Do chênh lệch tuổi tác, tôi không thân thiết với các em, trừ khi buộc phải trông chúng. Hiện tại, Seth là luật sư mảng đền bù thiệt hại cho người lao động, còn Sharon làm quản lý tại một nhạc viện ở Boston. Chúng tôi hiện vẫn thường xuyên qua lại và thi thoảng đi nghỉ cùng nhau.
DILLON trong ký ức thơ ấu chúng tôi cũng giống như muôn vàn thị trấn miền tây khác. Và ngày nay vẫn vậy. Một quận thương mại với các tòa nhà thấp tầng, mặt trước ốp gạch, kéo dài 6-7 khu phố dọc theo đường Main. Hồi thập niên 1960, thỉnh thoảng người ta vẫn bắt gặp những chiếc xe lừa kéo lẫn trong dòng xe hơi, xe tải. Càng về
phía đông, đường Main càng thu hẹp lại, cây cối rậm rạp và đông đúc nhà dân, trong đó có những ngôi nhà cổ tuyệt đẹp. Một trong số đó là thư viện Dunbar, thiên đường của bọn trẻ chúng tôi suốt thời thơ ấu. Từng là một ngôi nhà hai tầng cổ kính, thư viện sở hữu những cuốn sách cũ kỹ, chủ yếu từ nguồn quyên tặng. Vào các ngày thứ Bảy, tôi thường đạp xe đến đây rồi trở về với dăm ba cuốn sách chất trong giỏ xe.
Nhà của chúng tôi nằm tại số 703 đường East Jefferson, một nông trại xây tường gạch có ba phòng ngủ, trong khu trung lưu, cách mấy ngôi nhà cổ đẹp đẽ khoảng năm dãy về hướng bắc của đường Main. Cha tôi mua lại căn nhà từ ông nội lúc tôi chuẩn bị vào lớp 1, và chuyển tới đây từ một ngôi nhà nhỏ cách đó tầm 1km. Hàng xóm của chúng tôi chủ yếu là người da trắng, phần đông những người da màu của Dillon sinh sống ở ngoại ô thành phố, dọc theo quốc lộ bang 57. Nhà cửa của họ rất tuềnh toàng – có khi chỉ là mấy ngôi nhà di dộng – còn đường sá thì không rải nhựa. Tôi chưa đến đó lần nào cho đến khi chở bà Lennie Mae về nhà hồi niên thiếu.
Tôi học ở trường tiểu học East Elementary đến năm lớp 6. Trường khá gần nhà nên thỉnh thoảng tôi có thể đi bộ về nhà ăn trưa. Từ năm lớp 7 đến lớp 11, tôi bắt xe buýt tới Dillon High, cách trung tâm thành phố và Jay Bee Drugs mấy con phố. Suốt thời gian này, tôi thường đi bộ tới cửa hàng sau giờ học để chạy việc vặt, còn nếu không thì chơi loăng quăng tại cửa hàng. Tôi chạy nhảy, ăn kẹo thanh, sau đó đi nhờ xe của chú Mose, một người da đen cụt tay mà cha tôi thuê đi giao thuốc, về nhà. Trong suốt mùa hè, cha trả tôi 25 xu mỗi giờ cho nửa ngày làm việc. Tôi bắt đầu với công việc quét dọn, sắp xếp thuốc, tạp chí lên giá. Cuối cùng, tôi được tín nhiệm giao cho chân thu ngân.
Sự nghiệp học hành của tôi khởi đầu khá thuận lợi. Sau hai tuần học lớp 1, tôi đã biết đọc và làm toán cộng trừ, nên tôi được đặc cách lên lớp 2. Tôi nhớ mình từng đọc một cuốn sách trên giá sách của bố mẹ có tên Your Gifted Child (tạm dịch: Đứa con tài năng). Lúc đó, tôi 6 tuổi. Tôi biết rất rõ cuốn sách nói về điều gì.
Năm lên 7, tôi đoạt giải nhất trong cuộc thi đánh vần toàn bang và giành suất tham gia cuộc thi Đánh vần Toàn quốc tại khách sạn
Mayflower ở Thủ đô Washington. Tôi rất muốn giành chiến thắng bởi người thắng cuộc sẽ được xuất hiện trong chương trình tạp kỹ Ed Sullivan Show (tạm dịch: Chương trình của Ed Sullivan). Kết quả chung cuộc thật thảm hại, tôi đứng thứ 26 trên 70 thí sinh khi nhầm chữ “e” ở vị trí âm tiết đầu tiên thành chữ “i”trong từ “edelweiss” (cây nhung tuyết), tên của một loài hoa trên dãy Alps. Vì tôi chưa từng xem bộ phim The Sound of Music (tạm dịch: Tiếng tơ đồng) với bài nhạc nền hấp dẫn về cây nhung tuyết. Hồi ấy, rạp chiếu phim duy nhất tại Dillon, nơi tôi phải trả 25 xu để xem suất chiếu hai phim liền nhau khi còn nhỏ, đã đóng cửa.
Hồi lớp 4, lớp 5, tôi thích đọc tiểu thuyết dành cho tuổi thiếu niên, thường viết về chủ đề thể thao, và đến tuổi thiếu niên, tôi say mê tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Càng lớn, tôi càng đọc đa dạng chủ đề. Các thầy cô thường đưa sách hoặc các bài viết để tôi tự đọc và nghiền ngẫm. Ví dụ, trường trung học của tôi không dạy giải tích, do vậy tôi đã tự học để chuẩn bị cho môn toán ở đại học thông qua cuốn nhập môn giải tích trong loạt sách Schaum’s Outline (tạm dịch: Phác thảo của Schaum). Tôi chưa bao giờ đọc các trang tin tức kinh doanh trên báo và không thể rút ra điều gì từ những câu chuyện đó.
Tôi biết ơn rất nhiều thầy cô giáo. Hồi lớp 4, tôi bắt đầu học saxophone từ cô Helen Culp, một cô giáo vô cùng tận tụy. Cô dẫn dắt một ban nhạc diễu hành hay hòa tấu trong các buổi biểu diễn. Chính ban nhạc này đã giúp tôi đỡ áp lực khi tham gia vào môi trường học đường. Nhờ ban nhạc, tôi có thể diễu hành vào giờ giải lao giữa các trận đấu bóng tại trung học hoặc vào tối thứ Sáu thay vì phải dự lễ tại giáo đường.
Bill Ellis, thầy giáo vật lý có giọng nói nhỏ nhẹ đã thắp lên niềm đam mê khoa học trong tôi. Hồi lớp 9, khi được đề nghị kể tên người thầy mà tôi kính trọng nhất sau khi giành điểm cao nhất toàn bang trong kỳ thi SAT, tôi đã nhắc tới thầy Ellis. Phần thưởng dành cho tôi hồi đó là một chuyến ngao du 17 ngày bằng ô tô tới 11 nước châu Âu – chuyến xuất ngoại đầu tiên của tôi.
John Fowler, giáo viên môn Anh ngữ tại trường trung học, người đã luôn khích lệ tôi viết văn. Hồi tôi học lớp 11, ông đã gửi 7 bài thơ của tôi tới cuộc thi sáng tác thơ ca do Đại học South Carolina tổ
chức. Khi chúng được xuất bản trong tập thơ The Roving Pen (tạm dịch: Ngòi bút lang thang), tôi bắt đầu mơ mộng về tương lai văn chương của mình. Hồi bé, cha thường thưởng cho tôi 10 xu mỗi lần tôi sáng tác truyện. Có tí “động lực kinh tế” nên tôi viết truyện rất hăng. Sau đó, tôi đã gửi bản thảo cuốn tiểu thuyết kể về tình bạn giữa những đứa trẻ khác màu da trong một đội bóng rổ trung học đến nhà xuất bản, nhưng sau đó nhận được một lá thư từ chối với vài lời động viên khích lệ.
Đề tài của cuốn tiểu thuyết dang dở đó phản ánh những trải nghiệm của chính tôi trong cuộc sống. Đến tận năm lớp 11, những ngôi trường mà tôi theo học đều chỉ dành cho trẻ em da trắng, với rất ít ngoại lệ. Nhưng năm 1970, Dillon đã thành lập một ngôi trường trung học mới cho mọi trẻ em và đó cũng là nơi tôi dành những năm tháng cuối cấp. Lần đầu tiên trong đời, tôi có bạn bè đồng trang lứa là người da màu. Tôi rời ban nhạc của cô Culp để có thêm thời gian biên tập, chụp ảnh cho cuốn kỷ yếu của lớp, trở thành đại diện học sinh đọc diễn văn bế giảng niên học 1971, lớp đầu tiên của ngôi trường mới, đồng thời được bình chọn là người có tương lai thành đạt nhất. Tôi chưa bao giờ cảm thấy gắn bó mật thiết với trường lớp như năm học đó. Ngôi trường mới và quá trình hòa nhập đã xáo tung mọi mối quan hệ xã hội và phá vỡ những bè đảng.
Với tôi, những thành tích nho nhỏ trong các mối quan hệ ở năm cuối phổ thông thực sự rất mới mẻ. Dù hòa đồng với đa số bạn cùng lớp nhưng tôi vẫn là một con mọt sách hay e dè và khép mình. Một trong những người bạn thân của tôi thời thiếu niên là Nathan Goldman, cũng là người Do Thái. Chúng tôi có chung sở thích về bóng chày và môn Toán. Những tối hè, chúng tôi mải mê chơi trò bóng chày Strat-O-Matic, một trò chơi cờ bàn, sử dụng 3 viên xúc xắc và các quân bài đại diện cho từng người chơi. Tôi cũng từng tham gia một mùa giải bóng chày Little League, chủ yếu với vị trí cầu thủ dự bị, và thường thức khuya nghe các trận đấu của Los Angeles Dodgers được tường thuật trên chiếc đài radio sóng ngắn của cha. Tôi ủng hộ Dodgers vì ngôi sao giao bóng của họ, Sandy Koufax, cũng là người Do Thái. Tôi tìm hiểu mọi thống kê thành tích của từng cầu thủ Dodger và ủng hộ họ hết mình, nhất là khi họ phải
chiến đấu với đội San Francisco Giants chết tiệt. Có những lúc sốt ruột muốn biết kết quả cuối cùng, tôi sẽ gọi cho một người bạn làm việc tại trạm phát thanh khu vực để hỏi xem các chiến binh Dodger chơi trong trận hôm ấy thế nào.
Strat-O-Matic, được xây dựng để mô phỏng theo từng hiệp đấu như một trận bóng chày thực sự, và thông qua một vòng “mùa” giải, nó sẽ đưa ra bảng thành tích không khác gì bảng thành tích thật. Đó là một trong những trải nghiệm tư duy đầu tiên của tôi về xác suất và thống kê. Cuối cùng, Nathan và tôi muốn một thứ gì đó tinh vi hơn trò chơi thương mại. Vì thế, chúng tôi đã tái tạo, cố gắng nhất có thể, trò xúc xắc bóng chày như mô tả trong một tiểu thuyết tôi đã đọc năm 14 tuổi – The Universal Baseball Association, Inc., J. Henry Waugh, Prop., (tạm dịch: Công ty Universal Baseball Association, Inc. của J. Henry Waugh, Prop.) của Robert Coover. Cuốn sách này nặng về diễn tả triết lý (chủ yếu là mối quan hệ giữa Chúa trời và đạo lý), nhưng lúc đó, tôi chỉ quan tâm đến trò chơi bóng chày mà nó mô tả. Chi tiết nhân vật chính trong truyện, người phát minh ra trò chơi đó, bị sự ám ảnh với trò chơi dồn đến phát điên, không hiểu sao lại vô cùng thu hút tôi.
Tôi thừa hưởng gen ham đọc sách và hướng nội từ cha mẹ. Những người hướng ngoại trong nhà là chú Mort và em trai tôi, Seth. Nhà chúng tôi không thường đi du lịch, trừ kỳ nghỉ một tuần tại biển Myrtle, Nam Carolina mỗi hè – và vào những buổi tối tại đó, chúng tôi cứ ngồi lặng lẽ bên nhau trong phòng khách, người nào người nấy chúi đầu vào những quyển sách. Đời sống xã hội của cha mẹ tôi bao năm vẫn vậy, quẩn quanh trong một thánh đường nhỏ ở thị trấn có tên Ohav Shalom, nghĩa là yêu chuộng hòa bình.
Giáo đường ngụ tại trung tâm một thị trấn nhỏ miền Nam không quá kỳ dị như mọi người vẫn tưởng tượng. Người Do Thái đã sinh sống trong khu vực này từ trước Cách mạng, chủ yếu kiếm kế sinh nhai bằng nghề buôn bán. Ở Nam Carolina, người Do Thái đã khẳng định được vị thế của mình tại thành phố cảng Charleston vào đầu thập niên 1700; sau đó là vùng Pee Dee vào cuối thập niên 1800, và cùng với sự ra đời của đường sắt, họ mở các cửa hàng giao thương tại Dillon cũng như các thành phố lân cận.
Giáo đường Ohav Shalom, cũng như giáo đường mà ông bà Friedman tham gia ở Charlotte, gắn với Phong trào Bảo thủ, được xây dựng vào năm 1942. Nó hoạt động dựa trên khoản ngân sách eo hẹp do một vài gia đình đóng góp, trong đó có gia đình tôi và gia đình chú Mort.8 Chúng tôi tiến hành nghi lễ, thỉnh thoảng mời một giáo sĩ từ Florence gần đó về đọc kinh. Trong các dịp đại lễ mỗi kỳ thu về, chúng tôi mời một giáo sĩ thực tập từ Chủng viện Thần học Do Thái tại New York về chủ trì. Vì mẹ duy trì thói quen gìn giữ nề nếp cho cả nhà, nên thường thì gia đình tôi có nhiệm vụ đón tiếp ông (hồi xưa luôn là ông chứ không phải bà). Nhờ những bài học tiếng Hebrew của ông Friedman, tôi có thể tự làm chủ lễ năm 11 tuổi, và sẵn sàng cho lễ bar mitzvah9 năm 13 tuổi.
Xung quanh khoảng thời gian bar mitzvah1 của tôi, tôi bắt đầu có thái độ hoài nghi tôn giáo. Tôi tranh luận với cha về những xung đột giữa tôn giáo và khoa học, thậm chí có lúc làm cha tôi cáu điên. Chủ đề này thường bị hiểu nhầm là khủng hoảng tuổi mới lớn. Nhưng tôi thực sự không phải là cậu nhóc nổi loạn, trừ mái tóc dài tôi nuôi năm lớp 10 và lớp 12. Cha mẹ tìm đủ mọi cách để tôi tiếp xúc với cuộc sống Do Thái bên ngoài Dillon, còn tôi thì miễn cưỡng hợp tác. Thi thoảng, tôi cũng tham gia trại hè Do Thái dù ghét cay đắng chúng, không phải vì đó là trại hè Do Thái mà vì tôi không thích cái không khí kiểu nhất nhất tuân theo trong đời sống trại hè. Năm 13 tuổi, tôi dành sáu tuần tại trại Ramah ở New York, nơi về lý thuyết, những người tham gia chỉ có thể nói tiếng Hebrew (nhưng thực sự không có ai tuân thủ). Tôi dành phần lớn thời gian ngồi lỳ trong thư viện, nghiền ngẫm các bảng điểm bóng chày. Sau đó, tôi tham gia vào chuyến đi khắp nước Mỹ kéo dài 6 tuần do United Synagogue Youth (Tổ chức Thanh niên Do Thái Đoàn kết) tổ chức và cảm thấy mình trưởng thành cũng như rắn rỏi hơn. Tôi không chỉ lần đầu có cơ hội đến thăm một vài địa danh ở ngoài miền Nam nước Mỹ, mà còn được tham dự một trận bóng chày trong khuôn khổ vòng đấu Major League Baseball (Giải bóng chày nhà nghề của Mỹ) tại St. Louis.
Tại Dillon, người Do Thái là một cộng đồng thiểu số nhỏ, nhưng không thường xuyên là đối tượng bị phân biệt đối xử. Cộng đồng da
trắng chỉ dành riêng “đặc ân” đó cho người da đen. Nhưng tôi vẫn biết mình khác biệt so với bạn bè. Hồi tiểu học, những đứa trẻ khác thường vô tư hỏi tôi, tôi nghĩ thế, rằng tôi có sừng hay không. (Nhận định cho rằng người Do Thái có sừng rõ ràng bắt nguồn từ việc dịch sai một đoạn trong cuốn sách mang tên Exodus phiên bản tiếng Hebrew, cộng thêm tác phẩm điêu khắc của Michelangelo khắc họa Moses mọc sừng). Càng lớn, tôi càng ý thức được rằng nhiều bạn cùng lứa, các tín đồ Ki-tô phái Phúc âm – tin tưởng tuyệt đối học thuyết cho rằng tôi bị đọa đày bởi một lời nguyền trọn kiếp.
Gia đình tôi chật vật hòa nhập với xã hội Dillon, chông chênh đâu đó giữa những người da trắng và da đen theo đạo Ki-tô. Lúc còn bé, tôi không nghĩ nhiều về sự phân biệt giai cấp và phân biệt chủng tộc. Chúng chỉ là một phần trong môi trường sống của tôi, rất đỗi bình thường, chứ không quá to tát đến mức phải băn khoăn nghi vấn. Trưởng thành hơn, tôi bắt đầu cảm nhận được sự bất bình đẳng. Được tiếp xúc với thứ gọi là “tư duy tiến bộ” tại một vài cuộc gặp gỡ của nhóm thanh niên Do Thái ở Florence, tôi đã lắng nghe những bài phát biểu về chủng tộc, thành kiến và chủ nghĩa bài Do Thái. Thế là tôi chợt nhớ ra, khi những cậu bạn da đen tới công viên gần nhà để chơi bóng rổ, chính quyền thành phố đã gỡ hết các trụ bóng rổ để không ai có thể sử dụng khu vực đó làm sân bóng nữa. Tôi còn choáng váng hơn khi một cậu bạn trung học, người mà tôi thường nghĩ là “tử tế” tỏ ra khá hả hê trước việc Martin Luther King bị ám sát vào tháng 4 năm 1968.
Cha mẹ chưa bao giờ giảng giải cho tôi về tội ác của nạn phân biệt chủng tộc. Nhưng tôi hiểu thái độ của họ thông qua cách hành xử. Jay Bee Drugs chào đón tất thảy mọi người tại Dillon, dù da trắng hay da đen. (Thậm chí, kể cả ông nội Jonas độc đoán của tôi, người luôn tỏ ra khinh miệt tất thảy mọi người, vẫn bán soda cho cả người da đen lẫn da trắng – chuyện hiếm gặp hồi thập niên 1940-1950). Cha tôi và chú tôi tư vấn, cho vay và tuyển dụng bất kỳ ai, bất kể màu da. Họ cho rằng những người làm việc chăm chỉ để nuôi sống gia đình, dù công việc có khiêm nhường đến đâu, cũng đều đáng được trân trọng. Bác sĩ Phil và bác sĩ Mort có lúc cũng nói chuyện riêng với những khách hàng mắc nợ lớn, nhưng họ không thúc ép
những vị khách nhận thức rõ rằng họ không có khả năng trả nợ. Trong lần về lại Dillon trên cương vị Chủ tịch FED, tôi phát hiện ra rằng thái độ phân biệt chủng tộc đã có chuyển biến rất lớn. Các vị lãnh đạo thành phố mà tôi gặp có cả người da đen lẫn người da trắng. Tôi còn cảm nhận được tinh thần hợp tác và tin tưởng lẫn nhau giữa cả hai, vì họ có chung mục tiêu thống nhất là biến Dillon thành một nơi đáng sống hơn. Dĩ nhiên, con người (và xã hội) lúc này thay đổi chậm chạp, quan điểm ngày xưa cũng chưa hoàn toàn được gột rửa, nhưng tôi chắc rằng định hướng thay đổi là điều không thể nhầm lẫn.
TÌNH CẢNH THÂN THIẾT mà cha tôi gây dựng với những thế hệ gia đình da đen ở Dillon cũng vô tình dẫn tôi đến với thành công như ngày hôm nay. Ken Manning, cậu con trai giỏi giang của một gia đình da đen xuất chúng – mái ấm đã nuôi dưỡng một luật sư và một ngôi sao bóng rổ địa phương – rất thân thiết với tôi. Ken học trung học tại Connecticut hệ năng khiếu, và đã tới Harvard học đại học. Anh tốt nghiệp Harvard trùng thời gian tôi tốt nghiệp trung học. Cuối cùng, anh nhận được bằng tiến sĩ tại Harvard, sau đó tiến bước vào sự nghiệp trường kỳ đầy vẻ vang trong vai trò Giáo sư Lịch sử khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Nhận thức rõ những cơ hội do giáo dục mang lại, Ken thấy bản thân có trách nhiêm thuyết phục tôi – và cha mẹ – để tôi rời Dillon và theo học tại Harvard.
Ngày nay, chúng ta thường thấy các gia đình trung lưu sẵn sàng tìm mọi cách để con họ theo học tại các trường đại học ưu tú, nhưng theo bố mẹ tôi hồi đó, đến Harvard, hay thậm chí chỉ cần rời khỏi hai bang Carolina là việc bất khả thi. Họ mặc nhiên cho rằng tôi sẽ đi học ở một trường đại học gần nhà. Nhưng trong những lần tới Dillon chơi, Ken thường ghé qua nhà chúng tôi, khẩn khoản khuyên tôi và cha mẹ. Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy tối đa tài năng của tôi và việc vươn ra thế giới rộng lớn hơn. Cuối cùng, sự tự tin vô bờ bến và khiếu hài hước của anh đã chiến thắng. Tôi đăng ký vào Harvard và một số trường Ivy League để dự phòng, còn cha mẹ thì cuống quýt tính toán khoản tiền tiết kiệm khi xem xét
chi phí khoảng 4.600 đô-la cho năm nhất tại Harvard. Một hôm sau giờ học, điện thoại của tôi bỗng đổ chuông. Người ở đầu dây bên kia giới thiệu ông đến từ phòng giáo vụ Harvard và thông báo tôi đã được nhận vào trường. Một số bạn cùng lớp biết tôi đăng ký học tại Harvard nên tôi đồ rằng chắc mình đang bị bạn bè chơi khăm, và hỏi ai là người đứng sau trò chơi khăm này. Mất một lúc lâu, ông ấy mới thuyết phục được tôi tin đây là đề nghị chính thức.
Sau khi tốt nghiệp trung học Dillon, cha mẹ khuyên tôi nên kiếm việc làm thêm để trang trải học phí tại Harvard. Tôi đi bộ 6 dãy phố từ nhà tới bệnh viện St. Eugene (giờ là Trung tâm Y tế McLeod), nơi đang triển khai xây dựng một tòa nhà mới, và xin làm việc tại công trường. Họ thuê tôi với mức thù lao 1,75 đô-la/giờ, dù tôi cao 1,76m và nặng khoảng 64kg. Ngày đầu tiên về nhà, người ngợm tôi phủ đầy cát và bụi xi măng, và kiệt quệ đến mức không nuốt nổi cơm, chỉ có thể nhấp nước cầm hơi. Tôi ngủ gục luôn trên ghế. Tôi nhớ mình đã phải khuân đá phiến, và thời gian đầu, có lúc chật vật tưởng không hoàn thành chỉ tiêu được giao. Có lần, tôi không thể điều khiển được chiếc xe cút kít chở xi măng tươi và đã đổ nhầm hố. Nhưng qua một mùa hè, tôi đã rắn rỏi hơn và có thể hoàn thành phận sự của mình.
Là chàng thanh niên 17 tuổi, con trai trong một gia đình dược sĩ trung lưu, chuẩn bị tiến vào một trường Ivy League, tôi không có nhiều điểm chung với các công nhân tại công trường. Họ đều lớn tuổi hơn tôi, có cả người da đen lẫn người da trắng xuất thân nông thôn. Tôi hòa đồng khá tốt với họ, dù ban đầu gặp tình trạng “ma mới bắt nạt ma cũ”. Lúc ấy, tôi đang đứng gần rìa mái tòa nhà hai tầng thì một đồng nghiệp quá quắt đột ngột tóm lấy tôi từ phía sau, vừa đẩy vừa tóm khiến tôi suýt mất thăng bằng. Qua một thời gian, tôi được giao phó một số công việc đòi hỏi sự khéo léo hơn như trát xi măng cho mái hiên. Hai trong số các thợ chính làm nhiệm vụ này, một cặp anh em người Mỹ gốc Phi đã lên kế hoạch tự mở công ty xây dựng riêng. Họ cố gắng thuyết phục tôi làm thợ học việc cho họ. Họ nói công việc có thu nhập khá, và trong vài năm, tôi có thể tự điều hành đội thợ của mình nhưng tôi từ chối.
MÙA HÈ KẾT THÚC. Cha mẹ chở tôi đến Florence. Tôi lên chiếc
máy bay cánh quạt cỡ nhỏ đến Charlotte, rồi từ đây lên một chuyến bay khác đi Boston. Tôi đến trái tim của ngôi trường, Harvard Yard, khi đã gần nửa đêm, cùng 2 va-li hành lý. Tôi quan sát không bỏ sót chi tiết nào. Sân trường kín đặc sinh viên – nô đùa, gọi nhau í ới – và tiếng nhạc ầm ĩ. Tôi đặt va-li xuống, nhìn quanh các tòa nhà, tự thấy mình vẫn chưa sẵn sàng trước những thay đổi sắp phải đối mặt.
Một lúc sau, tôi tìm được đường tới dãy ký túc xá trên tầng 5 của Weld Hall, nơi John F. Kennedy từng ở trước kia. Tôi ném va-li lên tầng dưới của chiếc giường tầng, rồi ngồi bệt xuống sàn, kiệt quệ cả về sức lực lẫn tinh thần. Những gương mặt lạ hoắc ra vào dãy ký túc, gọi bạn bè của họ. Chiếc loa treo trên cửa sổ, phát om sòm nhạc của Jimi Hendrix10 vang vọng khắp sân, và một vài túi bóng chứa cần sa trên sàn nhà. “Cậu muốn đóng cửa không?” Tôi hỏi mấy anh bạn mới cùng phòng. “Đừng lo,” họ nói. Ít phút sau, một sĩ quan cảnh sát mặc thường phục đứng trước cánh cửa mở toang rồi nhìn chằm chằm vào tôi. Tôi nghĩ: “Mình vừa mới đến Harvard được 20 phút, giờ thì sắp bị tống cổ rồi, biết đâu còn bị tù mọt gông cũng nên.”
“Loa của cậu sao?” Viên cảnh sát hỏi. Tôi nhận ra anh ta là cảnh sát của Đại học Harvard, chứ không phải nhân viên Sở Cảnh sát Cambridge. “Vặn nhỏ thôi và dỡ loa khỏi cửa sổ đi,” anh ta nói. Tôi nói mình sẽ làm ngay đây. Và anh ta rời đi.
Một chặng đường dài từ Dillon giờ mới bắt đầu.
Chương 2. Những “cây đa cây đề”
Ở Cambridge, tôi cảm thấy thoải mái hơn so với hồi ở Dillon. Tại đây dường như không có gì quan trọng hơn ý tưởng. Tôi không dám tin loạt chuyên đề được liệt kê trong cuốn sổ tay sinh viên dày cộp của Harvard, từ tiếng Phạn cho đến hóa sinh rồi nghệ thuật Trung cổ. Học kỳ đầu tiên, tôi chọn toán, lý, chuyên đề sáng tác, lịch sử và văn hóa Nhật Bản, cùng một khóa sau đại học nghiên cứu về lịch sử Do Thái. Tôi tò mò về châu Á, miền đất mà tôi có hiểu biết ít ỏi, và hy vọng khóa học lịch sử Do Thái sẽ mang đến cho tôi lăng kính mới về cội nguồn của mình.
Các bạn cùng phòng trên tầng cao nhất của Weld Hall của tôi gồm một cầu thủ bóng đá, một cựu binh Việt Nam (chúng tôi gọi anh ấy là “Trung sĩ”) và một thiên tài toán học. Chúng tôi hồi hộp không biết việc trường lớp sẽ ra sao, có thích nghi được không. Mấy người bạn mới và tôi thường lật “facebook” kiểu sinh viên, hy vọng tìm được mấy cô nàng tân sinh viên xinh đẹp.11 Tôi dần làm quen với cuộc sống ở Cambridge, dành hàng giờ mò mẫm ở các cửa hàng sách, đến các tiệm cà phê có ca sĩ hát nhạc đồng quê cùng các rạp phim có chiếu phim của Bogart và Bacall, rồi thức tới khuya để chơi bài brit.
Vô cùng phấn khích khi lớp học khai giảng nên lúc đầu tôi đã không nhận ra mình thiếu hụt kiến thức – nhất là so với những bạn đến từ các trường dự bị ưu tú như Andover và Exeter hay các trường công lập hạng nhất như Bronx Science. Tôi không có được nền tảng kiến thức chuyên sâu như các bạn trong lớp, đặc biệt là về toán và lý, đồng thời cũng không biết bắt đầu từ đâu. Khi nhận được điểm kiểm tra giữa kỳ đầu tiên của môn vật lý, tôi mới giật mình thức tỉnh. Kỳ thi bắt đầu lúc 9 giờ sáng. Tôi tập trung hoàn toàn vào việc học và không tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Lúc ấy, tôi nghĩ thế cũng chẳng sao. Vào ngày thi, tôi dậy sớm, vào khoảng 7 giờ 30 sáng, học cật lực 45 phút trước giờ thi – nhiều hơn cả thời gian
tôi từng dành cho kỳ thi hồi trung học. Tất nhiên, tôi trượt. Điểm số các môn học khác thì khá hơn nhưng không có gì nổi trội. Lịch học quái gở của Harvard thực sự đã cứu rỗi tôi. Học phần mùa thu kết thúc trước Giáng sinh, nhưng đến tận giữa tháng 1 mới thi cuối kỳ. Từ Giáng sinh đến lúc thi có khoảng mấy tuần, còn gọi là thời kỳ ôn bài, trong thời gian này sinh viên sẽ phải hoàn tất mọi bài luận được yêu cầu và ôn thi cuối kỳ. Vì thế, khi đến kỳ nghỉ, tôi gói ghém sách vở, lên xe về Dillon, trong sự lo lắng và chán nản. Suốt kỳ nghỉ, tôi ngủ, ăn rồi học, sau đó trở lại Harvard, tôi lại tiếp tục vùi đầu vào sách vở. Kết quả, điểm học phần vật lý của tôi đạt điểm B, tương ứng với điểm D+, xét về đạo đức. Tôi cũng được điểm B cho môn lịch sử Nhật Bản nhưng điểm A cho các môn còn lại. Tôi quyết định thay đổi phương pháp học.
Ken Manning, động lực thúc đẩy tôi đến Cambridge, thỉnh thoảng vẫn hay tạt qua thăm tôi, gặp gỡ, hỏi han tình hình tôi ra sao. Anh thân thiết với một gia đình người Do Thái ở ngoại ô Brookline và thường gọi tôi tham gia các ngày lễ High Holiday12 cùng họ – nhưng lúc đó, anh ấy quan tâm tới các buổi lễ này hơn hẳn tôi. Tôi luôn hãnh diện về nguồn gốc của mình nhưng không bao giờ tuân theo truyền thống.
Trong suốt năm nhất, Harvard vẫn luôn là điểm nóng phản đối chiến tranh tại Việt Nam. Năm 1969, hai năm trước khi tôi nhập học, các thành viên của phong trào Sinh viên vì Xã hội Dân chủ liên tục phát động biểu tình tại University Hall, một trong những khu nhà cổ kính nhất trong trường. Cảnh sát phải sử dụng dùi cui và xịt hơi cay để giải tán đám đông này. Tới tận khi tôi nhập học vào năm 1971, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, trong đó có một cuộc biểu tình bằng việc đánh trống khua chiêng suốt nhiều ngày tại khu Harvard Yard. Ở tuổi 17, từ tỉnh lẻ ra thành phố, tôi ngây ngô và chẳng biết gì về chính trị. Trong mắt tôi, những cuộc biểu tình phản đối chiến tranh chỉ là một phần của quá trình học tập khả năng suy xét và phán đoán độc lập trong môn sinh học xã hội. Nhưng tôi thở phào nhẹ nhõm khi vào tháng 2 năm 1972, cuối năm nhất đại học, tôi không phải đi quân dịch. Mà thực tế thì, chuyện này không còn quan trọng vì đến năm 1973, chiến tranh kết thúc, kéo theo đó là sự hủy bỏ chế
độ quân dịch.
Đến kỳ nghỉ hè, tôi về Dillon và làm nhân viên phục vụ tại South of the Border. Alan Schafer, thành viên của một trong số ít các gia đình Do Thái tại Dillon, đã thành lập tiệm bán bia South of the Border vào năm 1949 nhằm kiếm lời từ việc bang Bắc Carolina giáp ranh cấm bán rượu. Qua vài thập kỷ, cửa hàng giờ đây mở rộng thành một quần thể vui chơi giải trí rộng tới cả dặm vuông, bao gồm nhà trọ và khu cắm trại, một nhà hàng hình chiếc mũ rộng vành của người Mexico, một công viên giải trí, khu vực tham quan bò sát và chuỗi cửa hàng bán pháo hoa, đồ tắm biển, hàng lưu niệm chủ đề Yiddish13.
Dù toàn bộ hoạt động kinh doanh này có vẻ “lạc quẻ” trong vùng nông thôn Nam Carolina, nhưng khu phức hợp South of the Border lại cung cấp hàng trăm công ăn việc làm cho người dân địa phương. Bồi bàn là công việc vất vả, nhưng còn xa mới nhọc bằng công nhân xây dựng. Ngoài tiền lương, tôi còn được nhận cả tiền típ, vì thế tôi có thu nhập nhiều hơn hẳn so với hồi bê vác thạch cao ở công trường. Công việc phục vụ đã kéo tôi ra khỏi chiếc vỏ ốc nhút nhát vì nếu muốn được boa, tôi phải trò chuyện với khách hàng. Tôi phát hiện người miền Nam trong khu vực thân thiện hơn nhưng người miền Bắc lại chịu chi hơn. Tôi làm ở đó hai mùa hè, cưỡi con Plymouth Valiant đời 1964 của ông ngoại Herschel đi đi về về, và đeo chiếc khăn choàng serape khi làm việc. Đồng nghiệp của tôi có cả các sinh viên, cùng vài giáo viên địa phương tranh thủ kiếm đồng ra đồng vào lúc nghỉ hè và các phụ nữ trung niên – những nhân viên làm toàn thời gian của South of the Border.
Quan hệ chủng tộc vẫn còn rất căng thẳng ở Dillon vào đầu thập niên 1970, nhưng tại các quán ăn thì không, và South of the Border từ lâu đã phục vụ mọi giai tầng. Nhưng tôi vô tình mắc sai lầm khi gần hết ca làm việc, bà chủ xếp một cặp vợ chồng người da đen vào khu tôi phụ trách. Bà chủ có lẽ không biết tôi sắp hết ca. Lẽ ra tôi phải phục vụ họ, nhưng trời đã khuya và tôi muốn về nhà. Vì thế, tôi đã lờ họ đi. Cặp đôi nọ ngồi đó khoảng 20 phút. Sau đó, người đàn ông ném thực đơn xuống mặt bàn, cả hai đứng lên và rời đi. Hẳn là họ từng bị từ chối phục vụ ở đâu đó vì bị phân biệt chủng tộc nên
lần này họ cũng mặc định như vậy. Chuyện này chẳng liên quan gì đến chủng tộc cả, nhưng họ không biết điều đó. Đến bây giờ, tôi vẫn không nguôi day dứt, giá mà tôi có thể xin lỗi họ.
Sau kỳ nghỉ hè, tôi trở lại trường và chuyển đến khu ký túc xá mới – Winthrop House – nơi tôi sẽ gắn bó suốt quãng thời gian còn lại ở Harvard. Khoản thu nhập mùa hè cũng giúp tôi khá nhiều, nhưng vấn đề tài chính của tôi vẫn chật vật lắm. Sau cùng, vì muốn kiếm thêm chút tiền, tôi quyết định mở một quầy ăn vặt ở tầng hầm của Winthrop với bạn cùng phòng. Chúng tôi phục vụ burger và sữa lắc. Quầy hàng có một chiếc tivi đen trắng, thường bật trận đấu của đội Bruins hoặc đội Celtics. Boston xưa nay vẫn là thành phố yêu thể thao. Các ngôi sao của thành phố như Bobby Orr chơi cho đội Bruins, Dave Cowens và John Havlicek chơi cho đội Celtics, Carl Yastrzemski chơi cho đội Red Sox, vì vậy truyền hình thường xuyên chiếu các trận đấu của họ. Lúc rảnh, chúng tôi cũng thường xem các trận đấu, và suốt nhiều năm, tôi là cổ động viên cuồng nhiệt của Sox.
Hồi mới chân ướt chân ráo vào đại học, tôi từng nghĩ mình sẽ theo chuyên ngành toán học, nhưng rồi tôi nhanh chóng ngộ ra mình chẳng có tài năng cũng như nền tảng vững chắc để có thể cạnh tranh với những sinh viên toán hàng đầu của Harvard. Trên thực tế, vấn đề đáng nói là tôi quan tâm tới mọi thứ. Tâm trí tôi quay mòng từ toán đến vật lý rồi lại lịch sử, mà không biết chọn chuyên ngành nào. Năm nhất, tôi thích thú với lớp sáng tác, năm hai thì nghiên cứu về Shakespeare, sau đó tôi cân nhắc chuyên ngành ngôn ngữ Anh.
Vào mùa thu năm thứ hai, ngay phút chót, tôi chọn Kinh tế học đại cương, giảng viên là nhà kinh tế học bảo thủ lỗi lạc, Martin Feldstein. Thầy Feldstein lên lớp giảng trước cả trăm sinh viên trên giảng đường lớn, nhưng việc dạy và học thực chất lại diễn ra giữa các nhóm nhỏ do các nghiên cứu sinh hoặc giảng viên tập sự hướng dẫn. Trưởng nhóm của tôi là Lee Jones, hiện là Giáo sư tại Đại học Boston. Jones chú trọng nghiên cứu các nền kinh tế đang phát triển, và chính anh là người đã giúp tôi nhìn nhận kinh tế học như một môn khoa học chuyên ngành thách thức trí tuệ có thể cải thiện cuộc sống của hàng triệu người. Kinh tế học thực chất là chuyên ngành giao thoa giữa toán học và lịch sử, hai chủ đề tôi yêu thích. Mùa
xuân năm đó, tôi quyết định chọn chuyên ngành kinh tế học. Sau hai năm gắn bó với Harvard, chuyên đề liên quan nhất mà tôi đăng ký là đại cương kinh tế học. Để đẩy nhanh tiến độ, tôi ghi danh bốn lớp chuyên ngành vào mùa thu năm thứ ba. Hai trong số đó là kinh tế lượng và xác suất thống kê do Giáo sư Dale Jorgenson, một giáo sư có thâm niên, giảng dạy. Sau này, ông cũng trở thành giảng viên hướng dẫn của tôi. Thầy là người thông minh, nền tính, có lối nói súc tích. Thầy rất yêu quý tôi, thậm chí thầy còn thuê tôi làm trợ lý nghiên cứu trong hai mùa hè sau đó và nhiệt tình chia sẻ những lời khuyên nghề nghiệp cho tôi. Nhờ thầy dạy dỗ, tôi học được cách lập trình máy tính bằng thẻ đục lỗ và xây dựng mô hình toán kinh tế.
Lúc bấy giờ, trọng tâm công trình nghiên cứu của Giáo sư Jorgenson là kinh tế học năng lượng – một chủ đề đặc biệt quan trọng trong thập niên 1970, khi giá dầu tăng đột ngột gây ra lạm phát và suy thoái cho nền kinh tế Mỹ. Công trình nghiên cứu này trở thành đề tài luận văn năm cuối của tôi, trong đó tôi tìm hiểu về tác động của các chính sách năng lượng của Chính phủ tới sự vận hành của toàn bộ nền kinh tế. Nghiên cứu tốt nghiệp này cũng dẫn tới công trình khoa học chuyên ngành đầu tiên được công bố của tôi, viết chung với Giáo sư Jorgenson. Thầy trò chúng tôi đã phân tích ảnh hưởng của các mức giá trần mà Chính phủ áp cho giá khí đốt tự nhiên, và đưa ra kết luận rằng những con số này đã kìm hãm sự phát triển của nguồn cung khí đốt mới, tạo ra sự phản tác dụng. Sau đó, Giáo sư Jorgenson được mời tường trình trước Quốc hội về đề tài này và ông đã dẫn tôi đi cùng.
Luận văn tốt nghiệp của tôi được vinh danh là luận văn kinh tế cấp cử nhân xuất sắc nhất Harvard năm 1975. Từ một cậu sinh viên chật vật tìm phương pháp học trong nửa học kỳ đầu tiên, tôi đã tốt nghiệp hạng ưu và trở thành thành viên của tổ chức Phi Beta Kappa14. Tôi cũng giành được học bổng của National Science Foundation (Quỹ Khoa học Quốc gia – NSF), nghĩa là NSF sẽ chi trả học phí và sinh hoạt phí trong ba năm đầu cao học, bất kể tôi học trường nào. Lúc ấy, tôi đang cân nhắc lựa chọn MIT, vì nơi này được công nhận là có chương trình tiến sĩ kinh tế tốt nhất thế giới. Tôi lo
rằng thầy Jorgenson sẽ buồn khi tôi chọn MIT thay vì Harvard, nhưng ông lại nói: “Em hãy tới nơi nào tốt nhất.”
MIT, DÙ CHỈ cách Harvard gần 2km tương ứng với một bến tàu điện ngầm, nhưng lại khác Harvard một trời một vực. Nếu Harvard đắm mình trong lịch sử và các truyền thống lâu đời, MIT lại có sự tách biệt tài tình khi khoa học và kỹ thuật lấn át hoàn toàn văn hóa trường học và chương trình học; sinh viên tại đây có rất ít thời gian để trau dồi kỹ năng mềm. (Sau này, khi trở thành trợ giảng sau đại học, lúc đang giảng dạy một khóa toán kinh tế cao cấp cho sinh viên năm cuối tại MIT, tôi đã hỏi sinh viên lý do vì sao họ chọn khóa học này, họ nói rằng vì nó thỏa mãn yêu cầu tốt nghiệp MIT). Người ta truyền tai nhau một câu chuyện hài hước thể hiện sự khác biệt giữa MIT và Harvard như thế này: Có một tiệm tạp hóa nằm ở giữa hai trường đại học. Một tấm biển quảng cáo trước cửa hàng ghi: “5 hộp xúp giá 1 đô-la”. Một sinh viên bước vào và hỏi: “Vậy 10 hộp thì giá bao nhiêu?” Nhân viên bán hàng trả lời: “Thế cậu là dân trường Harvard không biết tính toán hay dân MIT mà không biết đọc?”
Chương trình kinh tế của MIT trực thuộc Trường Quản lý Sloan, có trụ sở nằm ở phía đông khuôn viên trường, giữa quảng trường Kendall và sông Charles. Ngày nay, quảng trường Kendall đầy ắp những công ty kỹ thuật, khu căn hộ cao cấp, nhà hàng sang trọng, nhưng thời bấy giờ, khu vực này chỉ toàn những cửa hàng xập xệ và kiến trúc cảnh quan không mấy ấn tượng.
Thật bất ngờ khi một chương trình kinh tế ưu tú lại hiện diện trong một trường kỹ thuật. Thời khắc quyết định ấy xuất hiện vào năm 1940, khi chàng thanh niên Paul Samuelson đồng ý chuyển từ Harvard sang MIT để hoàn thành chương trình tiến sĩ. Samuelson, nhà khoa học sau này đã giành được giải Nobel và là tác giả cuốn giáo trình kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử, muốn thực hiện công trình nghiên cứu nền tảng về việc ứng dụng các phương pháp toán học vào kinh tế học trong khoảng thời gian ông là học viên cao học. Phương pháp toán học của Samuelson không được các cây đại thụ tại Harvard ủng hộ – cộng với một số người theo chủ nghĩa bài Do Thái – nên ông đã quyết định chuyển đến MIT. Năm
1949, nối bước ông là nhà lý thuyết tăng trưởng Robert Solow, người sau này cũng giành được giải Nobel. Tại thời điểm ấy, các phương pháp thống kê và toán học đang có xu hướng chiếm ưu thế trong kinh tế học, và MIT chính là mảnh đất hoàn hảo để các phương pháp định lượng bứt phá. Khi tôi tới đây vào năm 1975, các phương pháp toán học đã được nghiên cứu kỹ càng, nhưng kinh tế học thì lại đang xôn xao tranh cãi, giữa kinh tế học Keynes và kinh tế học Tân Cổ điển.
Chủ nghĩa Keynes mà Samuelson và Solow ủng hộ, được xây dựng dựa trên các học thuyết của nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh, John Maynard Keynes. Với mong muốn tìm kiếm giải pháp cho cuộc Đại Khủng hoảng, Keynes đã nỗ lực nghiên cứu và đưa ra kiến giải tổng quát về các chu kỳ phát triển và suy thoái của kinh tế. Những bài viết của ông thường tối nghĩa, do vậy các học giả về tư tưởng kinh tế không ngừng tranh cãi về “hàm ý Keynes muốn ám chỉ”. Nhưng, ít nhất, theo những người ủng hộ sâu sắc nhất diễn giải, phân tích của Keynes chủ yếu phụ thuộc vào lý thuyết cho rằng tiền lương và một số loại giá khá “cứng nhắc” – tức là chúng không điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo đầy đủ việc làm và tối ưu hóa tổng lượng vốn (tính cả khía cạnh vật chất như nhà máy và trang thiết bị). Theo học thuyết Keynes, sự sụt giảm bất ngờ về nhu cầu – ví dụ, giảm mức đầu tư của doanh nghiệp vào thiết bị mới hay giảm mức chi tiêu của chính phủ – có thể dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, khi các công ty phải đối mặt với sự sụt giảm doanh thu cũng thu hẹp sản xuất và sa thải công nhân.
Những người ủng hộ học thuyết Keynes đánh giá những đợt thất nghiệp cao bất thường, như trong cuộc Đại Khủng hoảng, là sự lãng phí nguồn lực mà nếu chính phủ hành động kịp thời thì tình hình có thể được cải thiện. Cụ thể, những người ủng hộ Keynes coi việc kích thích tài khóa (giảm thuế hoặc tăng cường chi tiêu) và kích thích tiền tệ (hạ lãi suất) là các phương pháp khôi phục mức cầu cân bằng đối với hàng hóa dịch vụ, từ đó đảm bảo đầy đủ việc làm cho người lao động và tối ưu hóa triệt để tổng lượng vốn. Họ nhận định rằng chính sách tài khóa và tiền tệ cần được sử dụng tích cực nhằm chống lại khủng hoảng và sự gia tăng tình trạng thất nghiệp.
Theo đà ủng hộ của Samuelson, Solow cùng các nhà kinh tế học lỗi lạc khác, học thuyết Keynes đã thu hút được nhiều người ủng hộ trong thập niên 1950 và 1960. Tổng thống Kennedy từng viện dẫn học thuyết Keynes làm cơ sở đề xuất mức giảm thuế lớn, sau đó được thông qua vào năm 1964 dưới thời Tổng thống Lyndon Johnson. Đề xuất này được cho là đã châm ngòi cho đợt bùng nổ kinh tế thập niên 1960. Năm 1971, Tổng thống Nixon thậm chí còn tuyên bố: “Trong kinh tế học hiện nay, tôi là người ủng hộ học thuyết Keynes.” Tuy nhiên, vào thời gian tôi học cao học, chủ nghĩa Keynes đã gặp điều tiếng, ít nhất là trong giới học thuật. Sự thất sủng của chủ nghĩa Keynes một phần xuất phát từ thực trạng yếu kém của nền kinh tế thập niên 1970, đặc biệt là việc gia tăng lạm phát mà người ta đổ lỗi là do sự chi tiêu quá đà của Chính phủ – cho cuộc chiến tại Việt Nam và các chương trình xã hội của Tổng thống Johson – và chính sách tiền tệ quá dễ dãi (lãi suất quá thấp trong thời gian quá dài). Nhiều nhà kinh tế cũng bắt đầu hoài nghi nền tảng lý thuyết của chủ nghĩa Keynes. Chẳng hạn, vì sao tiền lương và giá cả lại khó thay đổi, theo như mô hình của Keynes, thay vì điều chỉnh linh hoạt theo áp lực cung cầu. Các mô hình Keynes lúc bấy giờ không đưa ra được câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề này.
Để đáp trả, một nhóm các nhà kinh tế học dẫn dầu là Robert Lucas thuộc Đại học Chicago, Thomas Sargent và Edward Prescott thuộc Đại học Minnesota, những nhà khoa học đoạt giải Nobel, đã bắt đầu xây dựng kinh tế học vĩ mô Tân Cổ điển. Về cơ bản, Lucas và các đồng nghiệp đi theo quan điểm “bàn tay vô hình” của Adam Smith về các thị trường tự điều tiết theo hướng hiện đại và dưới các dạng thức toán học. Quan điểm này cho rằng các thị trường tự do sẽ luôn sản sinh kết quả đáng mong đợi về mặt xã hội cho dù người mua và người bán đều chỉ hành động đơn thuần vì lợi ích cá nhân. Họ bỏ qua quan điểm “cứng nhắc” của Keynes về lương và giá, mà thay vào đó, giả định thị trường luôn ở trong thế cân bằng cung-cầu, chỉ là trong thời gian rất ngắn. Nếu đúng như vậy, các đợt suy thoái không phản ánh sự lãng phí nguồn lực đáng kể như Keynes nhận định, mà là thời kỳ nền kinh tế tự điều chỉnh trước những thay đổi, ví dụ như tăng trưởng năng suất chững lại.
Đối lập với chủ nghĩa Keynes, kinh tế học Tân Cổ điển lại tỏ thái độ bi quan về cả mức độ cần thiết lẫn hiệu quả từ những động thái can thiệp của Chính phủ đến nền kinh tế. Cụ thể, nếu điều chỉnh lương và giá để cân bằng cung-cầu, thì khi ấy, chính sách tiền tệ cùng lắm chỉ có những tác động thoáng qua đến sản lượng hàng hóa và việc làm.
Kinh tế học Tân Cổ điển chiếm thế thượng phong khi tôi học lên nghiên cứu sinh, chủ yếu nhờ những cải tiến trong phương pháp luận của nó. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế, dù thừa nhận rằng chủ nghĩa Keynes có hạn chế, song cũng không hẳn nhất trí với những kết luận của kinh tế học Tân Cổ điển, nhất là kết luận cho rằng chính sách tiền tệ chỉ có những tác động thoáng qua đối với việc làm hay sản lượng hàng hóa. Nhận định này thậm chí còn trở nên không mấy hợp lý vào đầu thập niên 1980, khi FED nâng lãi suất lên các mức rất cao nhằm xoa dịu nền kinh tế và theo đó đẩy lùi lạm phát dưới thời của Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Paul Volcker. Dù các chính sách của Volcker phần nào chế ngự được lạm phát, nhưng bản thân chúng cũng tạo đà suy thoái sâu và kéo dài – mâu thuẫn với lý thuyết của kinh tế học Tân Cổ điển, vốn nhận định rằng điều đó không thể xảy ra.
Một số nhà nghiên cứu đã nỗ lực lồng ghép quan điểm và những tiến bộ kỹ thuật của trường phái Tân Cổ điển vào chủ nghĩa Keynes hiện đại. Stanley Fischer, Giáo sư trẻ gốc Bắc Rhodesia tại MIT, là một trong số đó. Công trình kết hợp các ý tưởng Tân Cổ điển và Keynes đã dẫn tới xu hướng tổng hợp Tân Cổ-Keynes, nền tảng cho tư tưởng của hầu hết các nhà kinh tế học chính thống ngày nay. Quan trọng hơn, trường phái Tân Cổ-Keynes với các mô hình và phương pháp tiếp cận mới, đã đưa ra quan điểm cho rằng lương và giá cứng nhắc có thể dẫn tới việc mất thế cân bằng cung-cầu trên thị trường trong thời gian dài. Theo đó, đúc kết ban đầu của Keynes cho rằng khủng hoảng là hoang phí, và khôi phục vai trò của những chính sách tài khóa cùng tiền tệ nhằm duy trì nền kinh tế ở mức nhân công toàn dụng.
Là nghiên cứu sinh đồng thời cũng là tay mơ trong những cuộc tranh luận này, tôi không ủng hộ hay thẳng thắn chống lại học
thuyết Keynes. Tôi muốn xem hành trình tri thức sẽ dẫn tôi đến đâu. Dần dà, tôi tin rằng học thuyết Tân Cổ-Keynes mang tới khung nền tốt nhất cho công tác hoạch định chính sách kinh tế trong thực tiễn.
Stan Fischer là người có ảnh hưởng lớn nhất tới định hướng nghiên cứu của tôi. Sau khi theo lớp chuyên đề kinh tế học vĩ mô và chính sách tiền tệ của ông hồi năm nhất, tôi đã tìm gặp ông để nói chuyện về lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu mà tôi dự định theo đuổi. Thầy Stan gợi ý cho tôi vài cuốn sách, trong đó có cuốn A Monetary History of the United States, 1867-1960 (tạm dịch: Lịch sử tiền tệ nước Mỹ giai đoạn 1867-1960) của Milton Friedman và Anna Schwartz, xuất bản năm 1963. Thầy nói nếu cuốn sách 860 trang này sẽ khiến tôi hoặc là không thể bỏ xuống hoặc là ngủ gật, thì khi ấy tôi sẽ rút ra được kết luận chính xác từ phản ứng của bản thân.
Cuốn sách thực sự rất hấp dẫn. Sau khi dành năm đầu cao học tập trung tìm hiểu các phương pháp toán học, tôi đặc biệt thích các phương thức liên quan đến lịch sử của Friedman và Schwartz. Họ đã quan sát lịch sử nước Mỹ suốt gần một thế kỷ để cố gắng thấu hiểu tầm ảnh hưởng của chính sách tiền tệ tới nền kinh tế. Đặc biệt, họ ghi lại ba đợt rút nguồn cung tiền của FED – một đợt trước cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán năm 1929, và hai đợt trong những năm đầu của Đại Suy thoái – nguyên nhân gây ra những thảm họa khủng khiếp. Sau khi nghiên cứu về Friedman và Schwartz, tôi biết mình muốn làm gì. Xuyên suốt sự nghiệp nghiên cứu học thuật của mình, tôi tập trung vào các vấn đề kinh tế vĩ mô và tiền tệ.
CUỘC ĐỜI TÔI ĐÃ BƯỚC SANG một trang mới. Tôi gặp Anna Friedmann vào tháng 10 năm 1977, đầu năm ba tại MIT, ngay trước khi tôi chuẩn bị bắt tay viết luận án. Cô ấy học năm cuối với chuyên ngành chính là hóa học và chuyên ngành phụ là tiếng Tây Ban Nha tại Đại học Wellesley, cách MIT gần 23km về phía tây. Chúng tôi được Mike Smith, người bạn cùng phòng tại Harvard và sau này là phù rể của tôi, mai mối. Mike và cô nàng mà cậu ta đang hẹn hò, Nicole Ahroee, cũng sống cùng tầng ký túc với Anna có ý gán ghép hai chúng tôi. Nhớ lại cuộc gặp hôm đó, Anna nói: “Nicole nghĩ em
và Ben giống nhau ở cái tính lập dị, vì thế cô ấy cho rằng hai người chúng ta nên gặp nhau.” Và thú vị ở chỗ Anna nồng nhiệt, hướng ngoại bao nhiêu thì tôi lại nhút nhát và hướng nội bấy nhiêu.
Anna và tôi có hoàn cảnh gia đình giống nhau – đều có xuất thân Do Thái Đông Âu – nhưng lại lớn lên trong môi trường vô cùng khác biệt. Cha mẹ cô ấy, Otto và Lenka Friedmann, đều là nạn nhân sống sót sau cuộc Đại thảm sát người Do Thái. Năm 1943, khi mới kết hôn, họ sống tại Split, Yugoslavia, bên bờ Adriatic của Croatia ngày nay. Sau khi Đức tiến quân chiếm đóng Yugoslavia, và nhà nước bù nhìn Croatia – tay sai của Đức Quốc xã ra đời, họ dự định rời đi, cùng cha mẹ của Otto, anh trai ông và mẹ của Lenka, thì bỗng có người đập cửa nhà họ uỳnh uỳnh lúc nửa đêm. Quân đội Đức và đồng minh Croatia đang càn quét người Do Thái. Họ chạy thoát qua lối cửa sau, chỉ kịp mang theo túi quần áo. Nhận được sự giúp đỡ của nghĩa quân Serbia, họ tiến về phía bắc, vượt qua dãy Alps và đến đất Italy. Cha mẹ và anh trai của Otto cùng mẹ của Lenka không thể chống chọi được nữa. Họ chết ở trại tập trung Jasenovac do chế độ Croatia phát xít quản lý.
Ban đầu, Otto và Lenka định cư tại Bari, thành phố duyên hải miền nam nước Italy. Anh trai của Anna, Victor, ra đời năm 1944 tại đây. Sau khi cuộc chiến kết thúc, gia đình họ chuyển tới Grottaferrata, một thị trấn nhỏ ở ngoại ô Rome, nơi Anna được sinh ra vào năm 1956. Sau cuộc đàn áp những người nhập cư bất hợp pháp của Chính phủ Italy, họ di dân tới Mỹ khi Anna vẫn còn rất nhỏ. Gia đình Friedmann định cư tại Denver, nơi những người bà con thân thích của họ đang sinh sống.
Cả bố và mẹ của Anna đều chưa tốt nghiệp phổ thông. Dù vậy, giáo dục vẫn có vai trò rất quan trọng trong nhà Friedmann. Nhờ vậy mà Victor tốt nghiệp Harvard, lấy bằng Thạc sĩ tại MIT và trở thành một kỹ sư xăng dầu. Anna thì nhận được học bổng toàn phần của Wellesley, nhưng chỉ sau khi Victor thuyết phục cha mẹ cô ấy rằng đó là một ngôi trường danh tiếng dù chỉ nhận nữ sinh, cô ấy mới được cha mẹ chấp thuận cho theo học. Anna chọn chuyên ngành hóa theo nguyện vọng của cha mẹ, dù đam mê thực sự của cô ấy là văn học Mỹ La-tinh. Cô ấy đã dẫn dắt tôi đến với những sáng tác
của Gabriel García Márquez và Jorge Luis Borges.
Hai tháng sau ngày đầu gặp mặt, tôi tỏ tình với Anna. Chúng tôi kết hôn vào ngày 29 tháng 5 năm 1978 tại Temple Israel, Boston, ba ngày sau khi Anna tốt nhiệp. Chúng tôi đi nghỉ tuần trăng mật ở Italy, thăm ngôi nhà của gia đình Friedmann tại Grottaferrata, và gặp bạn bè quen biết của gia đình hồi họ còn sống ở đó.
Tổ ấm đầu tiên của chúng tôi là một căn hộ nhỏ nằm trong khu nhà gạch nâu cao 6 tầng, cách quảng trường Harvard ba dãy phố. Học bổng National Science Foundation của tôi đã hết, nên chúng tôi sống dựa vào khoản thù lao trợ giảng của tôi cùng số tiền Anna kiếm được nhờ công việc lễ tân ở phòng khám riêng của một kỹ thuật viên đo mắt trên quảng trường Harvard. Để giải trí, chúng tôi dành ra 5 đô-la mỗi tuần chơi trò bi-lắc cùng nhau tại một quán trò chơi điện tử nhỏ đối diện căn hộ.
Trong thời gian hoàn thành luận án, tôi ứng tuyển vào một số vị trí giảng dạy và được phong hàm Phó Giáo sư tại Harvad, Stanford và Princeton, cùng một số cơ sở giáo dục khác nữa. Trong khi đó, Anna được nhận vào một số chương trình cao học chuyên ngành văn học Tây Ban Nha. Chúng tôi nhất trí chọn Stanford.
Vào mùa hè trước khi công việc của tôi và chương trình học của Anna bắt đầu, hai vợ chồng sống chung trong một căn nhà gần Stanford cùng một người bạn cao học tên là Jeremy Bulow. Để trang trải tiền nhà, chúng tôi rủ Mark Gertler, một người quen của Jeremy tới ở chung. Mark đã lấy bằng Tiến sĩ Stanford một năm trước, và định dành cả mùa hè để tập trung cho việc nghiên cứu. Cả Mark và tôi đều háo hức với sự nghiệp dạy học, và nhận thấy giữa chúng tôi có rất nhiều điểm chung. Chúng tôi có thể nói chuyện hàng giờ liền. Đó là khởi đầu của một tình bạn và mối quan hệ hợp tác lâu dài.
Thách thức đầu tiên của tôi tại Stanford là việc dạy học. Tôi phải làm việc tại Trường Cao học Kinh doanh thay vì khoa kinh tế học của đào tạo đại học. Ở tuổi 25, tôi trẻ hơn nhiều học viên, những người trở lại trường học sau vài năm đi làm. Họ hoài nghi vì tuổi đời lẫn kinh nghiệm giảng dạy của tôi, mà có lẽ là đúng thế thật. Đa số họ phải tự trang trải học phí, nên họ mong muốn nhận được những kết quả tương xứng với đồng tiền mình bỏ ra. Dù được đào tạo chủ
yếu về kinh tế học lý thuyết, nhưng tôi luôn cố gắng bắt nhịp các bài giảng của mình với những điều mà học viên muốn biết nhất. Chẳng hạn, tôi yêu cầu học viên phải phân tích chính sách kinh tế của các thị trường mới nổi, và cân nhắc những gợi ý đầu tư hay khởi nghiệp kinh doanh tại các quốc gia này. Kinh nghiệm giúp tôi tiếp cận kinh tế học theo hướng ứng dụng hơn. Và tôi thấy mình làm khá tốt việc diễn giải mọi việc.
SAU KHI TÌM HIỂU VỀ FRIEDMAN và Schwartz tại MIT, tôi gần như trở thành một người ái mộ Đại Khủng hoảng theo cách mà những người khác ái mộ Nội chiến. Tôi đọc không chỉ các cuốn sách phân tích kinh tế học của thời kỳ đó mà cả sách chính trị học, xã hội học và lịch sử. Tuy nhiên, tôi vẫn hoài nghi với câu hỏi cốt lõi – Chén Thánh của kinh tế học vĩ mô, theo cách tôi gọi – tại sao Đại Khủng hoảng lại xảy ra, tại sao nó lại nặng nề và kéo dài tới vậy? (Về căn bản, đó chính là câu hỏi mà hồi nhỏ khi còn ở Charlotte tôi đã hỏi bà tôi). Trước Friedman và Schwartz, người ta thường quan niệm – dựa trên cuốn The Great Crash, 1929 (tạm dịch: Đại Đổ vỡ trên thị trường chứng khoán năm 1929) của John Kenneth Galbraith, xuất bản năm 1954 – rằng Đại Khủng hoảng là kết quả của những hành vi đầu cơ quá mức hồi thập niên 1920, kéo theo sự sụp đổ của thị trường chứng khoán ngay sau đó. Friedman và Schwartz chứng minh chính sự sụp đổ của hoạt động cung tiền vào đầu thập niên 1930, chứ không phải Đại Đổ vỡ, là nguyên nhân mấu chốt dẫn đến Đại Khủng hoảng. Cung tiền lao dốc gây tổn hại nặng nề đến nền kinh tế chủ yếu từ việc giảm phát nghiêm trọng (giảm lương và giảm giá). Giá cả ở Mỹ giảm gần 10% mỗi năm trong giai đoạn 1931-1932. Sự giảm phát dữ dội này dần dần khiến các gia đình và công ty trì hoãn mua sắm cũng như đầu tư vốn để chờ giá tiếp tục hạ, kéo theo đó là sự suy giảm về nhu cầu và sản lượng. Ngoài ra, bản vị vàng quốc tế, nhân tố liên kết tiền tệ giữa các nước gắn liền với vàng, còn khiến tình trạng giảm phát và suy thoái tại Mỹ lan rộng ra các quốc gia khác.
Quan điểm của Friedman và Schwartz đã khiến tôi mở rộng tầm mắt nhưng rồi lại tự hỏi liệu sự sụp đổ của lượng cung tiền và tình
trạng giảm phát có thực sự nghiêm trọng như vốn có không; hay có thể tự lý giải cho mức độ sâu rộng của Đại Suy thoái không? Sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ từ 5% tăng vọt lên 25% vào năm 1933. Tỷ lệ này vẫn ở mức thấp nhất là 10% cho đến khi Mỹ tham gia vào Thế chiến II, dù hiện tượng giảm phát xảy ra chủ yếu là vào trước năm 1933. Theo tôi, sự thiếu thốn về tín dụng sau khi hệ thống ngân hàng sụp đổ hẳn cũng đóng vai trò không nhỏ vào cuộc khủng hoảng. Hơn 9.700 trong số 25.000 ngân hàng trên thị trường Mỹ đã phá sản trong giai đoạn 1929-1933.
Ngày nay, quan điểm cho rằng việc hơn 1/3 số ngân hàng tại Mỹ thua lỗ trong vòng 5 năm sẽ gây cản trở các luồng tín dụng và hủy hoại nền kinh tế nghe không có gì đặc sắc, nhưng bài báo đầu tiên của tôi về chủ đề này lại được chào đón bằng thái độ đầy hồ nghi tại các cuộc họp và hội thảo. Nhiều nhà kinh tế lúc bấy giờ coi hệ thống tài chính là “tấm mạng che mặt” – về căn bản chỉ là hệ thống kế toán ghi chép việc ai sở hữu cái gì, chứ không thể có những tác động độc lập đáng kể đến nền kinh tế. Theo họ, nếu ngân hàng của một công ty phá sản thì chắc chắn công ty đó sẽ tìm nguồn vốn ở nơi khác.
Nhưng, trên thực tế, tìm được nguồn vốn thay thế không hề dễ dàng. Sự sụp đổ của một ngân hàng, kéo theo sự sụp đổ của toàn bộ kinh nghiệm, thông tin, mạng lưới quan hệ mà ngân hàng này đã tích lũy trong suốt bao năm hoạt động, tác động nặng nề đến các cộng đồng và doanh nghiệp mà nó phục vụ. Nếu nhân mức tổn thất đó với hơn 9.700 ngân hàng phá sản, bạn sẽ hiểu ngay tức thì vì sao trục trặc tín dụng lại có thể lý giải nguyên nhân khiến cuộc Đại Suy thoái trầm trọng đến vậy. Tôi mất khá lâu mới có thể xuất bản được bài báo của mình, sau bao khó khăn, cuối cùng, vào tháng 6 năm 1983, nó đã xuất hiện trên tờ American Economic Review, tạp chí chuyên ngành uy tín nhất ở vị trí bài viết đinh.
Bài báo nghiên cứu tôi viết cùng nhà sử học thuộc Đại học Princeton, Harold James, đã tiếp tục củng cố những diễn giải của tôi về cuộc Đại Suy thoái trong bối cảnh quốc tế. Chúng tôi đã phân tích kinh nghiệm của 22 quốc gia trong thời gian diễn ra cuộc Đại Suy thoái và tìm ra, về căn bản, hai nhân tố chính mang tính quyết định
đối với sự suy thoái kinh tế tại mỗi quốc gia. Nhân tố đầu tiên là quãng thời gian quốc gia đó bế tắc với bản vị vàng. (Các nước từ bỏ chế độ bản vị vàng sớm hơn có thể giúp các lượng cung tiền tăng trưởng, vì thế tránh được hiện tượng giảm phát). Phát hiện này phù hợp với nhấn mạnh của Friedman và Schwartz về lượng cung tiền. Nhân tố thứ hai là tính nghiêm trọng của khủng hoảng ngân hàng, nhất quán với quan điểm của tôi về tầm quan trọng của tín dụng cũng như tiền tệ.
Xuyên suốt thập niên 1980-1990, Gertler và tôi (sau này có thêm sự tham gia của Simon Gilchrist, một trong những học trò của Gertler, hiện đang công tác tại Đại học Boston) tập trung nghiên cứu và phân tích mức độ tác động của các vấn đề trong hệ thống tài chính tới sự suy thoái kinh tế. Chúng tôi điểm mặt đặt tên một hiện tượng có tên là “gia tốc tài chính”. Ý tưởng này được phát biểu tóm tắt như sau: Các cuộc suy thoái có xu hướng chặn đứng dòng chảy tài chính, và đến lượt nó, dòng chảy này sẽ khiến cuộc suy thoái trở nên tồi tệ hơn. Khi suy thoái diễn ra, các ngân hàng cho vay trở nên thận trọng hơn vì thua lỗ chất chồng, đồng thời người đi vay cũng thiếu tin cậy do khả năng tài chính suy yếu. Ngân hàng thận trọng hơn và ít người đi vay đủ tin cậy, từ đó cản trở hoạt động mua sắm của các hộ gia đình và các dự án đầu tư của doanh nghiệp. Lượng cầu sụt giảm khiến cuộc suy thoái càng trở nên trầm trọng.
Tựu trung lại, công trình của chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của một hệ thống tài chính vững mạnh đối với nền kinh tế. Chẳng hạn, điều này hàm ý rằng các cuộc suy thoái sẽ càng trở nên tồi tệ hơn khi các hộ gia đình và doanh nghiệp vướng phải mức nợ cao, vì thu nhập và lợi nhuận giảm sút sẽ khiến họ – những người đi vay gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc vay thêm. Tương tự, nếu hệ thống ngân hàng của một quốc gia rơi vào tình trạng bê bối ngay khi suy thoái bắt đầu, cuộc suy thoái này sẽ càng có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn. Trong những trường hợp nguy cấp như Đại Khủng hoảng, việc một ngân hàng bị sụp đổ sẽ góp phần khiến đợt sụt giảm kinh tế kéo dài càng trở nên trầm trọng hơn.
Lý thuyết gia tốc tài chính cũng giải thích vì sao giảm phát lại nguy hại đến vậy, ngoài xu hướng thắt chặt chi tiêu của các gia đình
cũng như doanh nghiệp. Giả sử, nếu lương và giá cả giảm, hay dù có tăng nhưng ở tốc độ chậm chạp, thu nhập của bên vay có thể không tăng tương xứng với tốc độ cần thanh toán khoản vay. Theo lẽ tự nhiên, người đi vay chịu áp lực trả nợ sẽ phải chắt bóp hơn, cùng lúc đó tình hình tài chính yếu kém khiến họ khó có thể tìm kiếm những nguồn tín dụng bổ sung. Trên thực tế, giảm phát trong thập niên 1930 đã dẫn tới những vụ phá sản và vỡ nợ liên hoàn như đổ thêm dầu vào lửa, khiến tình trạng ngày càng tồi tệ hơn.
Nhờ đọc sách và nghiên cứu, tôi đã nắm được một số bài học đáng giá về Đại Khủng hoảng đối với các thống đốc ngân hàng trung ương và các nhà hoạch định chính sách. Đầu tiên, trong thời kỳ suy thoái, giảm phát và cả chính sách tiền tệ đều cần được triển khai mạnh mẽ nhằm khôi phục mức toàn dụng lao động và các chỉ tiêu lạm phát bình thường. Thứ hai, các nhà hoạch định chính sách phải có hành động quyết liệt để duy trì sự ổn định tài chính và các luồng tín dụng ổn định.
Một bài học tổng quát khác mà tôi rút ra từ Đại Khủng hoảng là khi đương đầu với những tình thế đặc biệt, các nhà hoạch định chính sách phải sẵn sàng để tư duy bứt phá, thách thức tư tưởng chính thống, nếu cần. Tổng thống Franklin Roosevelt (FDR), nhậm chức năm 1933, là một tấm gương đột phá lối mòn điển hình khi đối đầu không khoan nhượng trước một cuộc suy thoái lớn. Một số thử nghiệm của ông đã đổ bể, chẳng hạn như Đạo luật Khôi phục nền Công nghiệp Quốc gia (National Industrial Recovery Act) năm 1933 với mục tiêu ngăn chặn những đợt hạ giá thông qua việc thu hẹp cạnh tranh công nghiệp. Nhưng những thử nghiệm còn lại đã chứng minh được vai trò quan trọng đối với công cuộc phục hồi. Điển hình, FDR đã thách thức tư tưởng đương thời khi xóa bỏ bản vị vàng trong chuỗi động thái được thực hiện vào năm 1933. Nhờ Chính phủ điều tiết lượng vàng trên thị trường, lượng cung tiền thoát khỏi sự kiềm chế, giảm phát ngay lập tức bị khóa chặt. FDR cũng dập tắt cuộc khủng hoảng có xu hướng nóng lên khi tạm thời đóng cửa các ngân hàng tại Mỹ (kỳ nghỉ ngân hàng), chỉ cho phép những ngân hàng đủ điều kiện duy trì hoạt động, và hối thúc cơ quan lập pháp thiết lập bảo hiểm cho tiền ký gửi liên bang. Những biện pháp này
đã bị các nhà kinh tế học chính thống và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thủ cựu chỉ trích gay gắt. Dù chỉ là những hoạt động thử nghiệm nhưng tựu trung lại, chúng đã phát huy tác dụng.
KHI CHUẨN BỊ BƯỚC SANG NĂM THỨ 6 gắn bó với Stanford, tôi bắt đầu nghĩ đến những lựa chọn nghề nghiệp. Một là trở thành giảng viên chính thức, hai là chuyển nghề. Ban giám hiệu thấy rằng tôi rất có triển vọng. Nhưng khi đến thăm Stanford, Hugo Sonnenschein, một nhà kinh tế học danh tiếng khi ấy đang là Hiệu trưởng tại Princeton, đã hối thúc tôi cân nhắc gia nhập Princeton. Alan Blinder, nhà kinh tế học vĩ mô nổi tiếng của Princeton, cũng gọi điện cho tôi bày tỏ mong muốn. Tại Stanford, tôi đã được đề bạt từ trợ lý giáo sư lên phó giáo sư vào năm 1983. Lúc này, cả Stanford và Princeton đều dành cho tôi học hàm giáo sư ở tuổi 31.
Xét về mặt chuyên môn học thuật, tôi thích cả hai nơi này, nhưng Anna thì nghiêng về Princeton hơn. Sáu năm trước, cả hai chúng tôi đều háo hức mong chờ sự thay đổi cảnh quan ở Cambridge và Wellesley cũng như cơ hội được sống tại California. Joel, con trai chúng tôi, đã chào đời vào tháng 12 năm 1982, và theo Anna, môi trường nhiều cây xanh của Princeton sẽ có lợi hơn cho cả gia đình. Tôi thì thấy lựa chọn này cũng tuyệt vời.
Và thế là năm 1985, chúng tôi rong ruổi khắp chiều dài đất nước để tới Rocky Hill, New Jersey, một ngôi làng cổ kính với dân số khoảng vài trăm người, cách Princeton chừng hơn 6km. Chúng tôi mua một ngôi nhà hai tầng với kiến trúc kiểu thuộc địa có một khoảnh sân lớn. Từ hành lang treo rèm chắn sáng, chúng tôi có thể say sưa ngắm cây táo, cây sung và cây đỗ quyên sum suê trong khoảnh vườn. Dường như mọi gia đình ở khu này đều có trẻ nhỏ. Chúng nô đùa, chạy nhảy từ sân nhà nọ sang sân nhà kia. Vào tháng 6 năm 1986, Alyssa, con gái chúng tôi chào đời. Gia đình David và Christina Romer, giảng viên kinh tế tại Princeton, sống cách chúng tôi một dãy nhà, cũng chuẩn bị chào đón một thiên thần nhỏ.
Sau sáu năm ở Rocky Hill, chúng tôi chuyển tới một căn nhà rộng rãi hơn tại khu Montgomery, cách khuôn viên trường khoảng 10km. Không chỉ riêng chúng tôi, các gia đình có trẻ nhỏ cũng bắt đầu đổ
dồn về khu này, một cộng đồng nhỏ đang lột xác từ một khu nông nghiệp thành vùng ngoại ô của thành phố New York. Các trường học ở Montgomery, cũng phục vụ cả khu Rocky Hill, dần bị quá tải vì số lượng ghi danh ngày càng tăng. Anna và tôi đều là những nhà giáo (lúc đó, cô ấy đang dạy tiếng Tây Ban Nha tại trường ngoại trú tư thục Princeton), nên có niềm tin mãnh liệt rằng tất cả trẻ em đều xứng đáng được hưởng nền giáo dục công bằng. Các con của chúng tôi đều học trường công lập. Anna cũng đã thuyết phục tôi ứng cử vào ban giám hiệu nhà trường – hay như sau này cô ấy nói: “Tôi bắt anh ấy ứng cử đấy.”
Tôi được bầu hai lần và đảm trách nhiệm vụ nhọc nhằn này suốt sáu năm. Một trận chiến lâu dài đã nổ ra giữa người mới đến khu này, như chúng tôi, muốn có nhiều trường học với chất lượng tốt hơn, với những cư dân đã định cư ở đây nhiều năm và luôn lo lắng về vấn đề chi phí. Mâu thuẫn trực tiếp xảy ra liên quan tới hai điều mà mọi người quan tâm nhất: phúc lợi của bọn trẻ và việc giảm các khoản thuế. Năm 2000, năm cuối cùng tôi phục vụ trong ban giám hiệu nhà trường, tôi đã đưa ra phiếu bầu thứ năm, phá vỡ tình thế cân bằng, yêu cầu những người tham gia bỏ phiếu ủng hộ việc phát hành trái phiếu nâng thuế tài sản để chi trả cho việc xây trường mới. Năm năm sau, một trường cấp 3 mới được khánh thành. Khi ấy, Anna và tôi đã dời đến Washington, còn Joel và Alyssa đều đã lên đại học.
CÁC ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU MÀ TÔI QUAN TÂM vẫn được tiếp tục mở rộng nghiên cứu tại Princeton, do ảnh hưởng bởi các đồng nghiệp mới và những ý tưởng rải rác nảy sinh trong quá trình làm việc. Tôi bắt đầu tập trung hơn vào chính sách tiền tệ – cơ chế hoạt động, phương thức đánh giá, cách ước lượng mức độ ảnh hưởng của thay đổi chính sách đến nền kinh tế. Mối quan tâm đến chính sách tiền tệ là động lực để tôi tiếp nhận vai trò cố vấn tại ba ngân hàng dự trữ liên bang khu vực (ở Boston, Philadelphia và New York), đồng thời thực hiện nhiều chuyến đi và các bài thuyết trình trước Hội đồng Thống đốc – trụ sở của FED – tại Washington.
Tôi biết bản thân quy trình đưa ra chính sách tiền tệ thực tế khá
phức tạp. Tại hầu hết các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, các quyết định chính sách thường được đưa ra bởi các ủy ban sau quá trình phân tích một loạt thông tin kinh tế. Việc các ủy viên nhất trí về một chính sách là chưa đủ: Các quyết định chính sách và cơ sở của chúng phải được trao đổi rõ ràng, bao gồm việc trao đổi với cơ quan lập pháp (thường là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát ngân hàng trung ương), và với những người tham gia vào các thị trường tài chính (vì tác động của các quyết định chính sách tiền tệ phụ thuộc chủ yếu vào phản ứng của lãi suất và giá trị tài sản). Hoạch định chính sách sẽ nhất quán và đạt được hiệu quả truyền thông khi cả hai được xây dựng dựa trên khuôn khổ lý thuyết mạch lạc. Càng ngày tôi càng hứng thú hơn với khung chính sách mà các ngân hàng trung ương sử dụng, và phương án cải thiện chúng. Năm 1992, cùng với Frederic “Rick” của Mishkin thuộc Đại học Columbia, tôi đã hoàn thành chuỗi nghiên cứu tình huống về các khung chính sách mà sáu ngân hàng trung ương lớn sử dụng. Mishkin và tôi học chung cao học và đều có những mối quan tâm chung, trong đó phải kể đến các cuộc khủng hoảng tài chính và Đại Khủng hoảng. Rick nóng tính, có chính kiến mạnh mẽ, đối lập với một Mark Gertler điềm đạm, nhún nhường.
Khi Mishkin và tôi bắt đầu hợp tác thì các vấn đề khung thời gian trong thiết lập chính sách tiền tệ hay xác định mục tiêu chống lạm phát vẫn còn là điều gì đó khá xa xôi. Nói một cách đơn giản, một ngân hàng trung ương sẽ công khai mục tiêu chống lạm phát ở một mức cụ thể, ví dụ như 2%, trong một khung thời gian cụ thể, như từ 1-2 năm chẳng hạn.
Tất nhiên, một ngân hàng trung ương không thể đạt được mức lạm phát thấp và ổn định chỉ bằng lời nói suông. Họ phải chứng minh lời nói của mình bằng những hành động thiết thực như điều chỉnh chính sách tiền tệ – thường là nâng hoặc hạ lãi suất chuẩn – để đạt được mục tiêu chống lạm phát trong khung thời gian quy định. Nếu ngân hàng trung ương không thể thực hiện những gì đã cam kết, thì việc đưa ra mục tiêu chính thức cũng chẳng có tác dụng gì. Tuy nhiên, hành động thông báo về mục tiêu chống lạm phát cho thấy kỷ luật và trách nhiệm, bởi qua đó, các nhà hoạch định chính
sách hoặc phải đạt được mục tiêu hoặc phải đưa ra lời giải thích thỏa đáng nếu mục tiêu thất bại. Trên thực tế, việc công bố rộng rãi và thường xuyên – các mục tiêu cũng như kế hoạch hoàn thành chúng trong tương lai cùng những thành tích đạt được của ngân hàng trung ương – là chìa khóa then chốt trong các chiến lược chống lạm phát. Ngân hàng Trung ương New Zealand là đơn vị tiên phong về mục tiêu chống lạm phát, khởi động vào năm 1990. Tiếp đến là Canada vào năm 1991, rồi đến Anh, Thụy Điển, Australia, Chile, Israel và nhiều nước khác. Cuối cùng, vài chục quốc gia, cả các nền kinh tế phát triển lẫn thị trường mới nổi, đều áp dụng phương thức này.
Trong quá trình triển khai vào năm 1997, Mishkin và tôi đã tổng hợp trải nghiệm của những người đi trước, và hỏi liệu nước Mỹ có thể được lợi gì từ mục tiêu chống lạm phát. Câu hỏi này vẫn luôn gây nhiều tranh cãi, bởi FED từ lâu đã được tùy ý phản ứng linh hoạt trước những diễn tiến kinh tế mà không phải chịu sự ràng buộc của bất kỳ mục tiêu nào đã được công bố. Như những người chỉ trích mục tiêu chống lạm phát chỉ ra, dưới thời của hai Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Paul Volcker và Alan Greenspan, FED đã sử dụng quyền tự do này rất hiệu quả, đẩy lùi được lạm phát từ mức đỉnh điểm 13,5% vào năm 1980 xuống còn khoảng 2% vào cuối thập niên 1990.
Tuy nhiên, Mishkin và tôi cho rằng mục tiêu chống lạm phát hoàn toàn có thể cải thiện chính sách tiền tệ của Mỹ. Thứ nhất, việc thiết lập mục tiêu chống lạm phát cố định sẽ tạo ra cam kết mang tính tổ chức trong việc duy trì các chính sách hạ thấp và ổn định lạm phát của Volcker và Greenspan, đồng thời tạo ra hai đợt mở rộng kinh tế kéo dài trong thập niên 1980-1990. Từ góc nhìn của chúng tôi, gia tăng sự minh bạch đi liền với xác định mục tiêu chống lạm phát, thông qua việc định hình những kỳ vọng thị trường về đường đi của lãi suất tương lai, là nhân tố giúp FED đạt được các mục tiêu tốt hơn. Ngược lại, những chính sách kém minh bạch hơn sẽ buộc thị trường phải đoán già đoán non một cách không cần thiết.
Trong những bài báo khác, tôi lập luận rằng mục tiêu chống lạm phát không chỉ giúp các quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao mà còn hiệu
quả với cả những quốc gia giảm phát như Nhật Bản. Trong thập niên 1990, Nhật Bản đã trải qua một “thập kỷ mất mát” (mà cuối cùng trở thành hai thập kỷ) tăng trưởng dưới mức trung bình và thắt chặt kinh tế triệt để. Nước Mỹ tồn tại rất nhiều vấn đề, như tăng trưởng dân số chậm, lực lượng lao động già hóa, những yếu kém về nông nghiệp và ngành dịch vụ, cùng sự chật vật của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, tôi nhận thấy tình trạng giảm phát theo sau sự sụp đổ của các thị trường chứng khoán và bất động sản Nhật Bản vào đầu thập niên 1990 mới là nguyên nhân chính đẩy Nhật Bản từ chỗ một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới, trở thành nền kinh tế có mức tăng trưởng chậm nhất.
Trong một bài báo năm 1999, tôi cho rằng mục tiêu chống lạm phát không chỉ giúp Nhật Bản tránh khỏi tình trạng giảm phát (bằng việc hối thúc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản phản ứng nhanh hơn trước tình trạng lạm phát giảm), mà còn là một phần của phương án thoát khỏi giảm phát. Đến khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã hạ lãi suất ngắn hạn xuống mức 0% và quyết định duy trì mức lãi suất này “cho đến khi những lo lắng về giảm phát lắng xuống”. Khi giá cả tiếp tục giảm, Nhật Bản cần một chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, nhưng các nhà hoạch định chính sách vẫn liên tục khẳng định vì lãi suất không thể thấp hơn mức 0%, nên họ đã làm mọi điều có thể. Tôi không đồng tình với điều đó. Thứ nhất, theo tôi, thay vì tiếp tục bám lấy viễn cảnh mơ hồ khi những lo ngại về giảm phát sẽ lắng xuống, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cần nỗ lực lay chuyển những kỳ vọng về lạm phát của công chúng bằng cách đặt ra một mục tiêu dứt khoát về lạm phát.15 Thứ hai, như tôi lưu ý rằng ngay cả với lãi suất ngắn hạn ở mức 0%, Nhật Bản vẫn cần những công cụ khác để kích thích nền kinh tế, chẳng hạn như mua khối lượng lớn tài sản tài chính, theo Milton Friedman đề xuất.
Tôi cho rằng những chẩn đoán của mình về căn bệnh của Nhật Bản là chính xác. Trên thực tế, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sau đó 14 năm đã áp dụng những đề xuất của tôi. Tuy nhiên, có vẻ thái độ nhận xét của tôi đôi khi có phần khắc nghiệt. Tại một buổi hội thảo ở Boston vào tháng 1 năm 2000, tôi đã mở đầu bằng câu hỏi liệu có phải các quan chức Nhật Bản đang phải gánh chịu “sự tê liệt do
chính họ gây ra”, sau đó buộc tội họ “đã giấu nhẹm những khó khăn về thể chế hay kỹ thuật để không phải hành động”, chỉ trích họ vì những phản ứng “khó hiểu hoặc bất nhất” trước những gợi ý hữu ích từ những viện sĩ như tôi, và kết lại bằng lời trách cứ rằng họ luôn do dự khi muốn thử nghiệm những cái mới. “Có lẽ đã đến lúc cần một quyết tâm kiểu Roosevelt tại Nhật Bản,” tôi kết luận. Nhiều năm sau khi phải hứng chịu sự chỉ trích nặng nề cùng những lời công kích từ các chính trị gia, trang xã luận và cả các đồng nghiệp, tôi ước mình có thể rút lại những lời lẽ đao to búa lớn trước đó. Năm 2011, trước câu hỏi của một phóng viên người Nhật Bản, tôi thú nhận: “Tôi thực sự đồng cảm với các ngân hàng trung ương Nhật Bản 10 năm trước.”
NĂM 1996, tôi được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Kinh tế học thuộc Đại học Princeton với nhiệm kỳ sáu năm. Ở cương vị này, có nghĩa là tôi đã có uy tín và một chút thẩm quyền trong việc đưa ra chương trình của khoa, nhưng đó không hẳn là thực quyền. Các vấn đề quan trọng vẫn được quyết định thông qua sự nhất trí của toàn khoa, và quyết định chủ chốt thuộc về ban giám hiệu nhà trường. Sau này, tôi đùa rằng mình chịu trách nhiệm với các quyết định “sống còn”, chẳng hạn như liệu chúng tôi nên phục vụ bánh rán vừng hay bánh mỳ bagel vào giờ nghỉ. Việc tuyển dụng cán bộ và các quyết định biên chế là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất. Các giáo sư thường vận động những đồng nghiệp có cùng quan điểm hay những người có thể củng cố vị thế của họ trong khoa. Tôi nhanh chóng nhận ra việc cố gắng giải quyết bất đồng bằng cách áp đặt không mang lại hiệu quả với những người quyết đoán có cái tôi quá cao. Tôi phải tham vấn, lắng nghe và lắng nghe nhiều hơn nữa. Một khi mọi người có cơ hội bày tỏ quan ngại của mình, họ sẽ thỏa mãn, thậm chí là mãn nguyện.
Nhiệm kỳ dần kết thúc, tôi bắt đầu buông bỏ những trách nhiệm quản lý, đồng thời dành nhiều thời gian theo đuổi công tác chuyên môn và viết lách hơn. Tôi nhận hai nhiệm vụ nhằm giúp tôi mở rộng tiến trình nghiên cứu về kinh tế học tiền tệ của mình. Năm 2000, tôi được bổ nhiệm làm Giám đốc chương trình kinh tế học tiền tệ tại
National Bureau of Economic Research (một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Cambridge, Massachusetts), và một năm sau, tôi được chọn làm biên tập viên của tờ American Economic Review. Tôi bắt tay vào viết một cuốn sách dày 120 trang về Đại Khủng hoảng với tựa đề Age of Delusion: How Politicians and Central Bankers Created the Great Depression (tạm dịch: Kỷ nguyên ảo tưởng: Các chính trị gia và các nhân viên ngân hàng trung ương đã tạo nên cuộc Đại Khủng hoảng như thế nào?) và hy vọng nó sẽ thu hút độc giả.
Đầu năm 2002, tôi nhận được điện thoại từ Glenn Hubbard, một giáo sư thuộc Đại học Columbia, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh tế của Tổng thống Bush. “Ông có thể nghe điện thoại không?” – viên thư ký hỏi.
Chương 3. Thống đốc
Glenn hỏi một câu đơn giản: “Anh có muốn đến Washington nói chuyện với Tổng thống về việc công tác trong Hội đồng Thống đốc của FED không?”
Tôi không ngờ mình sẽ nhận được câu hỏi này. Suốt nhiều năm nghiên cứu về chính sách tiền tệ và hoạt động của FED từ góc độ bên ngoài, thú thực, tôi chưa bao giờ muốn trở thành thành viên của tổ chức này hay có tiếng nói trong các quyết sách về kinh tế.
Tôi suy nghĩ về lời đề nghị của Glenn và trao đổi với Anna. Đây là quyết định quan trọng đối với cả hai chúng tôi. Về phần tôi, điều này có nghĩa là tôi phải dừng công tác nghiên cứu và giảng dạy trong vài năm ngay khi sắp kết thúc nhiệm kỳ Chủ nhiệm khoa. Đồng thời, tôi cũng phải từ bỏ vị trí biên tập viên tờ American Economic Review chỉ sau một năm nhậm chức. Bên cạnh đó, chuyển tới Washington đồng nghĩa với việc phải hy sinh cuộc sống gia đình. Thật không công bằng nếu buộc Anna và Alyssa chuyển đi cùng tôi – vì Alyssa vẫn đang học trung học – vì vậy, tôi sẽ phải sống ở Washington rồi cuối tuần lái xe về New Jersey. Joel, 19 tuổi, thì đang theo học Đại học Simon’s Rock ở Great Barrington, Massachusetts.
Nhưng công việc tại Hội đồng Thống đốc của FED cũng cho phép tôi quan sát quá trình hoạch định chính sách từ vị thế người trong cuộc ở một trong những tổ chức công quyền lực nhất nước Mỹ. Tôi yêu thích tất cả các công việc của Hội đồng Thống đốc, bao gồm điều tiết và giám sát các ngân hàng. Tuy nhiên, điều hấp dẫn nhất với tôi chính là cơ hội được tham gia vào quá trình đưa ra những quyết sách tiền tệ của Mỹ. Tôi đã nghiên cứu kinh tế và lịch sử tiền tệ trong suốt sự nghiệp học thuật của mình. Tôi tự hỏi, cái lợi của kiến thức kinh tế là gì, nếu chúng không được sử dụng để cải thiện hoạt động hoạch định chính sách, nhờ đó khiến cuộc sống của người dân khá giả hơn? Nước Mỹ vẫn đang trên đà phục hồi sau cơn chấn động do các vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 gây ra – người hàng xóm kế bên nhà chúng tôi, một người bạn nhiệt tình và tốt tính, đã chết trong tòa
tháp Trung tâm Thương mại Thế giới – và còn nhiều người khác vẫn được gọi lên đường phục vụ đất nước. Việc được phụng sự ở FED khó có thể so sánh với sự hy sinh của những người lính và tình nguyện viên tuyến đầu nhưng ít nhất, tôi mong mỏi có thể đóng góp chút ít công sức cho đất nước. Nhận được lời đồng tình của Anna, tôi gọi lại cho Glenn và nói rằng tôi đồng ý.
TÔI ĐÃ TÌM HIỂU rất kỹ về lịch sử và chức năng của FED trong quá trình nghiên cứu của mình. Tổ chức này đại diện cho nỗ lực thành lập một ngân hàng trung ương lần thứ tư của nước Mỹ, tùy vào cách đếm của mỗi người. Trước khi Hiến pháp được thông qua, Ngân hàng Bắc Mỹ (1782-1791) là ngân hàng tư nhân được Quốc hội phê duyệt và thực tế hoạt động như một ngân hàng trung ương. Sau đó là sự ra đời của Ngân hàng Hoa Kỳ Thứ nhất (1791-1811) do Bộ trưởng Tài chính Alexander Hamilton khởi xướng, bất chấp sự phản đối gay gắt từ phía Bộ trưởng Ngoại giao Thomas Jefferson và James Madison. Đặc quyền 20 năm của ngân hàng này sau đó đã mất hiệu lực vì sự bất tín nhiệm với các nhà tài phiệt và các ngân hàng lớn ở khắp mọi nơi. Tiếp đến là Ngân hàng Hoa Kỳ Thứ hai (1816-1836), Quốc hội đã bỏ phiếu để mở rộng đặc quyền của Ngân hàng Thứ hai nhưng Tổng thống Andrew Jackson – mẫu người của chủ nghĩa đại chúng – phủ quyết việc mở rộng đặc quyền vào năm 1832, và Quốc hội sau đó cũng không đặt lại vấn đề này lần nào nữa.
Dù không có ngân hàng trung ương, nước Mỹ vẫn thiết lập hệ thống tiền tệ quốc gia – đồng bạc xanh – vào năm 1862. Sau đó, hệ thống này đã thay thế hệ thống mà trong đó các ngân hàng tư nhân được Nhà nước cấp phép ban hành loại tiền riêng. Năm 1873, nước Mỹ quay lại với bản vị vàng, dù từng bị hoãn sử dụng trong suốt Nội chiến. Tuy nhiên, vì không có ngân hàng trung ương, nước Mỹ sau năm 1836 đã vấp phải những vấn đề nghiêm trọng. Điển hình nhất là việc không có tổ chức công nào đứng ra giải quyết tình trạng rút tiền hàng loạt tái diễn, và những cuộc khủng hoảng tài chính đã vùi dập nền kinh tế, bao gồm các cuộc khủng hoảng lớn vào các năm 1837, 1857, 1873, 1893 và 1907 cùng nhiều đợt khủng hoảng nhỏ khác.
Thực ra, nỗ lực cuối cùng và thành công hướng tới thành lập Ngân hàng Trung ương của Tổng thống Woodrow Wilson năm 1913 bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1907. Bắt đầu vào tháng 10 năm 1907, các khách hàng ồ ạt rút tiền ở New York cùng sự sụp đổ của công ty tài chính Knickerbocker Trust đã khiến giá cổ phiếu sụt giảm mạnh và nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng. Không có ngân hàng trung ương, một tập đoàn tài chính tư nhân do nhà tài phiệt huyền thoại J. Pierpont Morgan lãnh đạo đã cố gắng chặn đứng cuộc khủng hoảng, mở rộng vay vốn cho các ngân hàng phải chịu tình trạng rút tiền hàng loạt, kiểm tra sổ sách và trấn an công chúng. Đáng buồn thay, Chính phủ lại đứng im chịu trói để một cá nhân đứng lên hành động. Nhằm đưa ra hành động đáp trả, năm 1908, Quốc hội đã thành lập Ủy ban Tiền tệ Quốc gia để nghiên cứu xem liệu có nên thành lập Ngân hàng Trung ương Mỹ không và bằng cách nào. Nhiều đề xuất pháp lý đã được đưa ra trước khi Tổng thống Wilson lên nhậm chức.
Vào thời điểm đó, các chuyên gia tài chính hiểu rõ vai trò của các ngân hàng trung ương trong việc chấm dứt khủng hoảng tài chính bằng cách cho các ngân hàng có nguy cơ xảy ra tình trạng rút tiền hàng loạt vay tiền mặt, đổi lại là những khoản thế chấp bằng khoản nợ và tài sản khác của các ngân hàng này. Giải pháp thông thường cho những ngân hàng trung ương đang phải đối mặt với khủng hoảng được Walter Bagehot, nhà báo, nhà kinh tế học và biên tập viên lâu năm của tờ Economist đưa ra trong cuốn sách của ông mang tên Lombard Street: A Description of the Money Market (tạm dịch: Phố Lombard: Bản mô tả về thị trường tiền tệ). Nhằm xoa dịu cơn khủng hoảng, Bagehot khuyên các ngân hàng trung ương cho vay tự do với lãi suất cao mà không cần khoản thế chấp an toàn, nguyên tắc hiện được đánh giá là châm ngôn của Bagehot.
Đối mặt với khủng hoảng, người gửi tiền và cho vay vốn ngắn hạn có xu hướng rút tiền mặt vì sợ ngân hàng sẽ phá sản, khiến họ trắng tay. Thậm chí, một ngân hàng có khả năng thanh toán trong điều kiện bình thường cũng khó bề trụ vững trước các đợt rút tiền hàng loạt kéo dài. Nguồn dự trữ tiền mặt của ngân hàng sẽ cạn kiệt nhanh chóng, và tài sản còn lại chỉ bao gồm các khoản cho vay
không thể bán đi nhanh chóng, trừ khi bán giảm giá. Vì vậy, nguy cơ sụp đổ của ngân hàng hoàn toàn có thể trở thành lời tiên tri tự ứng nghiệm khi khách hàng và nhà đầu tư rút tiền hàng loạt. Bằng cách cho vay tự do mà không cần thế chấp an toàn khi có khủng hoảng – hay đóng vai trò “người cứu cánh cuối cùng” – ngân hàng trung ương có thể bù đắp khoản vốn đã bị rút, tránh việc phải bán rẻ tài sản, và khiến các ngân hàng có khả năng thanh toán khác bị phá sản. Một khi đã thuyết phục được khách hàng và những người cho vay ngắn hạn rằng tiền gửi của họ được an toàn, khủng hoảng sẽ nhanh chóng chấm dứt, các ngân hàng đã vay sẽ trả lại cho ngân hàng trung ương khoản vay kèm tiền lãi phát sinh. Ngân hàng Anh quốc, ngân hàng trung ương ưu việt nhất thế giới vào thời điểm Bagehot viết cuốn sách, đã thành công với phương châm là ngân hàng cho vay cứu cánh cuối cùng gần như suốt thế kỷ XIX, giúp nước Anh tránh được các cuộc khủng hoảng ngân hàng thường xuyên, vốn gây rất nhiều khó khăn cho nước Mỹ.
Chính vì vậy, nước Mỹ cần một ngân hàng trung ương nhằm duy trì đầy đủ tiềm lực của một cường quốc tài chính và kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, để có được sự hỗ trợ về chính trị vẫn còn là một thử thách. Do vậy, với mục đích xoa dịu sự phản đối của các chủ trang trại vùng Trung Tây và những người khác do lo ngại rằng ngân hàng trung ương sẽ trả lãi suất tài chính cho khách hàng phía đông bằng tiền của họ, Tổng thống Wilson, Thượng Nghị sĩ Carter Glass của bang Virginia cùng những người khác đã đề xuất thành lập một ngân hàng trung ương nhưng lại là tổ chức quốc gia thực thụ – hoạt động vì lợi ích quốc gia chứ không chỉ vì riêng lợi nhuận của các nhà tài phiệt. Muốn đạt được mục tiêu đó, Wilson và Glass đã ủng hộ việc xây dựng một cơ cấu hoàn toàn khác. Thay vì là một cơ quan đơn lẻ đặt tại Washington hay New York, ngân hàng trung ương mới sẽ mở rộng thành một hệ thống liên bang (do đó, cái tên được đề xuất là Cục Dự trữ Liên bang) với 8-12 ngân hàng dự trữ bán tự trị nằm rải rác ở các thành phố trên khắp nước Mỹ. Mỗi ngân hàng dự trữ sẽ phụ trách một khu vực. Cuối cùng, 12 ngân hàng dự trữ liên bang đã được Chính phủ phê duyệt.16
Tương tự như những ngân hàng trung ương trước đó ở Mỹ và
nhiều ngân hàng trung ương ở nước khác, các ngân hàng dự trữ về cơ bản đều là ngân hàng tư nhân dù hoạt động với sứ mệnh vì người dân. Mỗi ngân hàng sẽ có một thống đốc cùng ban giám đốc là các công dân thành phố, cộng với giám đốc của các ngân hàng thương mại được chọn trong khu vực, nơi nó đặt trụ sở. Ngân hàng dự trữ sở hữu một số quyền ra quyết định tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương, bao gồm việc đặt ra tỷ lệ lãi suất cho vay đối với các ngân hàng thương mại khác trong khu vực. Như Wilson nhận định: “Chúng tôi có chủ đích riêng khi bố trí rải rác các ngân hàng dự trữ khu vực và thật đáng tiếc nếu họ không thể hoạt động độc lập trong phạm vi rộng lớn.” Trách nhiệm giám sát các ngân hàng dự trữ và toàn bộ hệ thống này được giao cho Hội đồng Thống đốc FED, gồm các chính khách được bổ nhiệm từ phía Washington. Hội đồng Thống đốc ban đầu sẽ có mặt hai quan chức Chính phủ: Bộ trưởng Tài chính và Tổng kiểm toán tiền tệ (Văn phòng Tổng Kiểm toán tiền tệ OCC là cơ quan điều tiết các ngân hàng đặc quyền trong cả nước). Quốc hội chấp thuận kế hoạch này, thông qua Đạo luật Dự trữ Liên bang năm 1913, theo đó Hệ thống Dự trữ Liên bang bắt đầu hoạt động sau một năm, tuy vậy không kịp để chấm dứt một cơn khủng hoảng lớn khác vào năm 1914.
Cơ cấu đổi mới của Hệ thống Dự trữ Liên bang đã xây dựng thành công một cơ quan đại diện cho quốc gia và giúp Chính phủ ổn định hơn về khía cạnh chính trị. Nhưng điều này cũng khiến hệ thống trở nên phức tạp nếu không có sự giám sát chặt chẽ từ Trung ương hoặc xác định thẩm quyền rõ ràng. Có thời kỳ, Benjamin Strong, người có cái tên rất phù hợp với tôn chỉ hoạt động của FED, nắm giữ vị trí Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ, ngân hàng vận hành rất hiệu quả. (Là một ngôi sao trẻ đang nổi trong giới tài chính, Strong là người được ngài J. P. Morgan che chở và hỗ trợ, đồng thời giúp đỡ Morgan chấm dứt cuộc khủng hoảng năm 1907). Nhưng sau khi Strong qua đời năm 1928, những người tiếp quản vị trí ông để lại không tài giỏi được như ông. FED tỏ ra quá thụ động trong cuộc Đại Suy thoái. Đánh mất vai trò ngân hàng cho vay cứu cánh cuối cùng, thất bại trong việc chấm dứt tình trạng rút tiền hàng loạt dẫn đến hàng nghìn ngân hàng phải đóng cửa, và kéo đổ nguồn
cung tiền, những sai lầm mà Friedman và Schwartz đã nhấn mạnh. Các cuộc cải cách dưới thời Tổng thống Franklin Roosevelt sau đó đã củng cố quyền lực của Hội đồng Thống đốc FED trong mối quan hệ với các ngân hàng dự trữ. Nhưng đồng thời chúng cũng gia tăng tính độc lập của FED với nhánh hành pháp khi chuyển Bộ trưởng Tài chính và Tổng Kiểm toán tiền tệ ra khỏi Hội đồng Thống đốc.
Ngày nay, Hội đồng Thống đốc gồm bảy thành viên, do Tổng thống bổ nhiệm và được Thượng viện phê duyệt theo nhiệm kỳ 14 năm xen kẽ. Nhiệm kỳ mới bắt đầu hai năm một lần, và các thành viên mới có thể được bổ nhiệm vào ghế trống bất kỳ lúc nào. Chẳng hạn, tôi đang được cân nhắc cho một ghế có nhiệm kỳ gần hai năm. Để nắm chức vụ lâu hơn (điều mà tôi chẳng hứng thú), tôi phải được Tổng thống bổ nhiệm và Thượng viện phê duyệt. Hội đồng Thống đốc cũng có một Chủ tịch và một Phó Chủ tịch, hai thành viên được bổ nhiệm và phê duyệt vào các vị trị lãnh đạo này có thể tái bổ nhiệm sau nhiệm kỳ bốn năm.17 Alan Greenspan, ngài Chủ tịch đương nhiệm khi tôi nhận được cuộc gọi từ Glenn Hubbard, đã đảm trách vị trí này từ năm 1987. Các nhiệm kỳ kéo dài và xen kẽ của các thành viên nhằm mục đích giúp Hội đồng Thống đốc độc lập hơn, giảm bớt áp lực chính trị, dù hiệu quả trong thực tế không duy trì lâu dài vì hầu như các thành viên thuộc Hội đồng Thống đốc không bao giờ phục vụ hết nhiệm kỳ.
Để cải thiện hoạt động của chính sách tiền tệ, chương trình cải cách của Tổng thống Roosevelt cũng đề xuất thành lập một cơ quan mới, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) nhằm thay thế các ủy ban nội bộ. FOMC sẽ giám sát việc mua bán chứng khoán chính phủ của FED, công cụ chủ yếu giúp FED xác định các mức lãi suất ngắn hạn và đưa ra các hành động có ảnh hưởng tới nguồn cung tiền. Từ đó trở đi, có 19 thành viên tham gia các cuộc họp của FOMC – 7 thành viên Hội đồng Thống đốc và 12 giám đốc ngân hàng dự trữ. Theo thông lệ, Chủ tịch Hội đồng Thống đốc FED cũng giữ vai trò là Chủ tịch FOMC. Dù 19 nhà hoạch định chính sách đều tham dự các cuộc họp của FOMC, nhưng chỉ có 12 thành viên mới có quyền bỏ phiếu ra quyết định, bao gồm 7 thành viên Hội đồng Thống đốc, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, 4 trong
số 11 Giám đốc Ngân hàng Dự trữ khác, với quyền bỏ phiếu luân phiên hằng năm. Mô hình xoắn này giúp các Giám đốc Ngân hàng Dự trữ được bổ nhiệm ở từng khu vực có tiếng nói hơn trong các quyết sách tiền tệ, đồng thời tạo điều kiện để các thành viên của Hội đồng Thống đốc do Chính phủ bổ nhiệm chiếm đa số.
Năm 1977, Quốc hội đã đặt ra các mục tiêu rõ ràng cho chính sách tiền tệ, theo đó chỉ đạo FED theo đuổi cả hai mục tiêu “tối đa hóa việc làm” và “bình ổn giá”. Hai mục tiêu này được gọi là nhiệm vụ kép của FED.18 Nhiệm vụ kép này vừa đảm bảo trách nhiệm dân chủ của những nhà kỹ trị chưa được bổ nhiệm của FED, vừa hình thành nền tảng độc lập của tổ chức này. Theo luật định, FED không thể đưa ra mục tiêu chính sách tiền tệ của riêng mình. Nhưng trong khuôn khổ giám sát của Quốc hội, FOMC lại được trao quyền quyết định phương pháp nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra. Là công cụ giám sát của Quốc hội, Đạo luật năm 1977 yêu cầu Hội đồng Thống đốc chứng thực mục tiêu của Ban này với nền kinh tế sáu tháng một lần. Đạo luật Humphrey-Hawkins năm 1978, đặt theo tên của hai nhà bảo trợ, Thượng Nghị sĩ Hubert Humphrey của bang Minnesota và Nghị viên Augustus Hawkins của bang California, đã mở rộng quyền giám sát nêu trên bằng việc yêu cầu Chủ tịch FED giải trình mỗi năm hai lần (thường là vào tháng 2 và tháng 7) trước Thượng viện và Hạ viện về báo cáo tình hình kinh tế và những nỗ lực của FOMC nhằm hoàn thành nhiệm vụ kép của tổ chức này. Từ đó, những phiên điều trần như trên được mệnh danh là phiên điều trần Humphrey-Hawkins.
Bên cạnh việc hoạch định chính sách tiền tệ, FED còn chịu trách nhiệm điều tiết các thành phần của hệ thống tài chính, bao gồm các ngân hàng. Vai trò này được FED cùng các cơ quan liên bang khác, bao gồm Văn phòng Tổng Kiểm toán tiền tệ và Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (Federal Deposit Insurance Corporation – FDIC) cũng như các cơ quan điều tiết của Nhà nước. Hội đồng Thống đốc ở Washington được trao quyền điều hành FED chứ không phải lãnh đạo FOMC hay các giám đốc ngân hàng dự trữ, trong đó có quyền đưa ra luật lệ nhằm thực thi luật pháp. Các ngân hàng dự trữ thì chịu trách nhiệm giám sát các ngân hàng trong khu vực mình phụ
trách, áp dụng các chính sách được đề ra ở Washington. Trái ngược với sự minh bạch về quyền hạn với chính sách tiền tệ và quy định tài chính, quyền lãnh đạo Hệ thống Dự trữ Liên bang vẫn còn khá phức tạp. Các ngân hàng dự trữ tiếp tục duy trì các ban cố vấn hỗ trợ về những vấn đề hoạt động và nêu quan điểm của họ về nền kinh tế với giám đốc ngân hàng. Tuy nhiên, trách nhiệm của ban cố vấn này không nghiêng về giám sát và điều tiết ngân hàng. Các ban cố vấn cũng giúp lựa chọn Giám đốc ngân hàng dự trữ khu vực – một ví dụ hiếm hoi về trường hợp một ban cố vấn, bao gồm những công dân địa phương giúp lựa chọn một công chức nắm quyền lãnh đạo. Cuối cùng, dù Hội đồng Thống đốc ở Washington có quyền hạn cao hơn các ngân hàng dự trữ nhưng họ vẫn phải chấp thuận sự bổ nhiệm các Giám đốc cũng như ngân sách của ngân hàng.
CUỘC HẸN CỦA TÔI VỚI Tổng thống Bush diễn ra ngay sau bữa trưa. Vì tôi không muốn gặp rủi ro lỡ chuyến nên đã bắt cuốc tàu đêm hôm trước. Theo chỉ dẫn, tôi tới cửa ngách của Nhà Trắng 30 phút trước cuộc hẹn để trình diện, tránh mặt giới báo chí. Tới giờ hẹn, tôi ngồi trong phòng Bầu dục, cảm thấy hơi choáng ngợp. Tôi chưa bao giờ tới Nhà trắng hay gặp Tổng thống nào.
Tổng thống đón tiếp tôi với thái độ thân mật và nói rằng ông đã nghe nhiều điều tốt đẹp về tôi. Tổng thống nghiêm túc hỏi tôi vài câu hỏi mà tôi chắc chắn là do một cố vấn kinh tế thiếu kinh nghiệm với cuốn sách vỡ lòng kinh điển của kinh tế học đề xuất. Tôi nhớ mình đã giải thích về hành động tôi sẽ lựa chọn trước một thay đổi mang tính giả định về tỷ lệ lạm phát. Sau đó, Tổng thống bắt đầu thoải mái hơn và hỏi tôi một số điều về bản thân, lý lịch và gia đình. Cuối cùng, ngài hỏi liệu tôi từng có kinh nghiệm chính trị hay không.
Tôi nói: “Ồ, thưa ngài, dù việc này không đáng là gì so với những người ở đây, tôi từng phục vụ hai nhiệm kỳ với tư cách là thành viên được bổ nhiệm trong Hội đồng Giáo dục của quận Montgomery, bang New Jersey.”
Tổng thống cười lớn. “Điều đó rất có ý nghĩa đấy,” ông nói.
“Công tác ở Hội đồng Giáo dục không có nhiều bổng lộc nhưng lại là công việc rất quan trọng.” Cuộc trao đổi diễn ra như thể thỏa thuận đã được hai bên chấp thuận. Sau đó, tôi gặp gỡ những người khác ở Nhà trắng, gồm Clay Johnson, người bạn kiêm cố vấn của Tổng thống Bush và Josh Bolten, Phó phòng Nhân sự Nhà trắng. Vài ngày sau, tôi được Glenn thông báo rằng ngài Tổng thống rất vui khi có buổi gặp gỡ này và dự định bổ nhiệm tôi sau khi hoàn tất các cuộc kiểm tra sơ bộ. Tôi đồng ý với sự bổ nhiệm, nếu được đề nghị.
Hóa ra, việc kiểm tra sơ bộ không hề đơn giản. Các cuộc kiểm tra lý lịch mất hàng tháng trời. Có vẻ như chúng tập hợp tất cả giấy tờ ghi chép về nơi tôi sống, những người mà tôi đã cộng tác, nơi tôi làm việc, nơi tôi đã đến, kể cả việc tôi đã quản lý tài chính như thế nào sau khi tốt nghiệp đại học. Tôi được Phòng Nhân sự phỏng vấn một lần, tiếp đến là hai lần của các đặc vụ FBI vì họ muốn biết liệu tôi đã bao giờ có âm mưu lật đổ chính quyền Mỹ chưa. Không biết đã có ai từng trả lời “Có” hay chưa?
Việc kiểm tra hoàn tất, ngày 8 tháng 5 năm 2002, Nhà trắng công bố Tổng thống Bush sẽ bổ nhiệm tôi. Quy trình bổ nhiệm được chuyển sang Ủy ban Ngân hàng, Nhà ở và Vấn đề Đô thị của Thượng viện – cơ quan có thẩm quyền xét duyệt các ứng cử viên được bổ nhiệm vào FED. Các chuyên viên của FED chuẩn bị một số nội dung cho tôi về phiên điều trần, sau đó tôi đã dành hàng giờ nghiền ngẫm những tập hồ sơ dày cộp, mô tả chi tiết các trách nhiệm và vị trí của Cục về các vấn đề khác nhau. Họ cảnh báo tôi không nên bình luận trước công chúng hoặc phát biểu trước báo giới về các vấn đề chính sách. Việc bổ nhiệm tôi không gây ra nhiều tranh cãi và mục tiêu là tiếp tục duy trì điều đó. Phiên điều trần của tôi trước Ủy ban Ngân hàng ngày 30 tháng 7 kéo dài chưa đến một giờ. Ủy ban sau đó chấp thuận bổ nhiệm tôi, và vào ngày 31 tháng 7, toàn bộ Thượng viện đã thông qua, không ai bỏ phiếu chống. Sau khi mọi việc hoàn tất, một nhóm vận động nhiệt tình từng hối thúc Thượng viện phê chuẩn hoạt động bổ nhiệm đã gửi cho tôi một chiếc áo phông với dòng chữ: “Tôi đã sống sót sau quá trình phê duyệt bổ nhiệm.” Và tôi quả thực phải thừa nhận, việc phê duyệt diễn ra khá suôn sẻ.
Cùng đợt với tôi, Thượng viện cũng phê duyệt Donald Kohn vào Hội đồng Thống đốc. Quảng giao, thận trọng và không bao giờ đề cao cái tôi, Don là chính khách kỳ cựu của Hệ thống Dự trữ Liên bang. Sau khi nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Michigan, ông bắt đầu sự nghiệp ở FED từ năm 1970 tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang thành phố Kansas, rồi 5 năm sau chuyển đến làm việc ở Washington. Qua nhiều năm nỗ lực phấn đấu, Don trở thành Giám đốc Vụ Vấn đề Tiền tệ của Hội đồng Thống đốc (một vị trí dành riêng cho ông) kiêm cố vấn thân cận của Chủ tịch Greenspan. Một số phóng viên còn đồn đoán rằng Don là người đại diện của Greenspan và sẽ có nhiều quan điểm bất đồng với tôi về một số vấn đề như chỉ tiêu lạm phát – vấn đề khiến Greenspan hoài nghi sâu sắc. Nhưng thực chất, Don và tôi làm việc với nhau rất thoải mái, và tôi luôn tin tưởng phán đoán của ông ấy.
Don và tôi đã tuyên thệ trước Chủ tịch Greenspan vào ngày 5 tháng 8 năm 2002. Tôi được tuyên thệ trước nhờ thắng trong trò tung đồng xu của Greenspan, và do đó có tiếng nói hơn Don về các mục tiêu chính thức, dù ông ấy đã có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc ở FED còn tôi thì không. Với sự có mặt của tôi và Don, Hội đồng Thống đốc đã có đầy đủ thành viên, bảy chiếc ghế đều đã đủ người.
Sau khi chính thức được bổ nhiệm, tôi bắt đầu làm quen với các thành viên khác trong Hội đồng Thống đốc. Phó Chủ tịch Roger Ferguson là người được Tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm, đồng thời là một trong ba người Mỹ gốc Phi và là người duy nhất phục vụ trong Hội đồng Thống đốc xuất thân từ tầng lớp lao động ở Washington. Trầm tính và khiêm tốn nhưng vô cùng dí dỏm, hài hước, Roger đã nhận bằng Tiến sĩ Luật của Đại học Harvard.
Công việc của Phó Chủ tịch có liên quan đến các hoạt động quản lý – chẳng hạn như giám sát các ngân hàng dự trữ. Roger đã làm rất tốt công việc đó. Ông cũng đóng vai người hàng xóm thân thiết, thi thoảng kiểm tra để chắc chắn rằng tôi đang dần quen với công việc. Thời khắc trọng đại nhất trong sự nghiệp của Roger tại FED xuất hiện vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Khi những chiếc máy bay khủng bố đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc, Roger là thành viên duy nhất của Hội đồng Thống đốc đang ở
Washington. Dưới sự chỉ đạo của ông, FED đã khẳng định chúng tôi “đang mở cửa và hoạt động”, đồng thời sẵn sàng hành động với tư cách là ngân hàng cho vay cứu cánh cuối cùng, nếu cần thiết. Ông cùng một nhóm nhân viên đã nhanh chóng thiết lập một ngân hàng làm việc qua điện thoại và làm việc không mệt mỏi để duy trì hoạt động của các thành phần chủ chốt trong hệ thống tài chính. Phản ứng mau lẹ của Hội đồng Thống đốc đã giúp bảo vệ nền kinh tế giảm thiểu đến mức tối đa sự sụp đổ của hệ thống thanh toán và chuyển nhượng chứng khoán – biện pháp thâm nhập ít được biết đến nhưng giữ vai trò then chốt trong hệ thống tài chính.
Hai thành viên khác của Hội đồng Thống đốc, Susan Bies và Mark Olson, đều từng là giám đốc ngân hàng. Giống như tôi, cả hai đều được Tổng thống Bush bổ nhiệm. Sue có bằng Tiến sĩ Kinh tế của Northwestern, từng phụ trách quản trị rủi ro ở First Tennessee, một ngân hàng khu vực. Mark thì đã kinh qua nhiều công việc, bao gồm vị trí CEO của một ngân hàng nhỏ ở Minnesota, thành viên Quốc hội kiêm hội viên của Công ty Kiểm toán Ernst & Young. Năm 1986, ông được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Giám đốc Ngân hàng Hoa Kỳ ở tuổi 43. Sue đón tiếp tôi nồng hậu và thân thiện, còn Mark lại theo phong cách giản dị của vùng Minnesota.
Edward (Ned) Gramlich, một thành viên khác của Hội đồng Thống đốc, có dáng người cao gầy với mái tóc bạch kim, cựu Giáo sư kiêm Chủ nhiệm Khoa Kinh tế của Đại học Michigan, cũng nồng nhiệt chào đón tôi, khiến tôi thấy ấm áp như ở nhà. Ned là chuyên gia kinh tế của Hội đồng Thống đốc trong một thời gian ngắn vào cuối những năm 1960, đồng thời đảm nhiệm quyền Giám đốc của Văn phòng Ngân sách Quốc hội. Ông được Tổng thống Clinton bổ nhiệm vào Hội đồng Thống đốc năm 1997. Công việc của một nhà kinh tế học như Ned cần xử lý gồm một loạt các vấn đề chủ yếu liên quan tới kinh tế vi mô, đồng thời ông cũng xử lý nhiều công việc khác nhau trong Hội đồng Thống đốc như đảm trách bán thời gian vị trí Chủ tịch Ban Ổn định Vận tải Hàng không do Quốc hội thành lập sau các vụ tấn công ngày 11 tháng 9. Ned cũng là người đi đầu trong các nỗ lực phát triển cộng đồng và bảo vệ khách hàng của FED.
Sau các nghi thức tiếp đón, Don và tôi tuyên thệ lần thứ hai – trong một buổi lễ chính thức tại hội trường hai tầng thuộc trụ sở Hội đồng Thống đốc (được đặt theo tên của Marriner Eccles, Chủ tịch FED nhiệm kỳ 1934-1948). Về mặt pháp lý, buổi lễ này không cần thiết, nhưng đó là một sự kiện thú vị đối với người thân của chúng tôi cũng như các nhân viên. Anna, Joel, Alyssa và cha mẹ tôi đều có mặt. Tôi thực sự vui mừng và xúc động khi thấy cha tôi, một dược sĩ ở một thị trấn nhỏ, nhíu mày nghiêm túc đàm luận với ngài Greenspan nổi tiếng.
Ở hầu hết các quốc gia, người đứng đầu ngân hàng trung ương thường được gọi là thống đốc. Còn với FED, người đứng đầu ngân hàng trung ương là chủ tịch, còn các thành viên của Hội đồng Thống đốc mới là thống đốc. (Sau các chương trình cải cách dưới thời Tổng thống Roosevelt, tên chính thức là Hội đồng Thống đốc của Hệ thống Dự trữ Liên bang). Vì vậy, từ giờ, tôi chính thức trở thành “Thống đốc Bernanke”. Thú vị là có lần, một nhân viên tại quầy làm thủ tục hàng không còn hỏi tôi là thống đốc của bang nào.
Các nghi thức chào đón kết thúc, tôi bắt đầu quen dần với công việc và cuộc sống của một người đi làm xa. Tôi thuê căn hộ một phòng ngủ ở Georgetown, và dành ngày nghỉ cuối tuần lái chiếc Chrysler Sebring đời 1998 với mui xếp bằng thép màu xanh về Princeton, cách căn hộ đang thuê khoảng 300km. Sau vài cuộc thảo luận ngắn với Greenspan và Cary Williams, chuyên viên phụ trách nội quy của Hội đồng Thống đốc, tôi sẽ vẫn giữ chức chủ biên (không lương) của tạp chí American Economic Review ít nhất là trong thời gian này.
Vào các ngày làm việc, tôi tham dự các cuộc họp và hội nghị chỉ đạo của Hội đồng Thống đốc, gặp gỡ các vị khách và đi công tác, tới các ngân hàng dự trữ. Trong chuyến đi đầu tiên, Sue Bies và tôi tới Brownsville, Texas để xem xét nỗ lực phát triển cộng đồng của Ngân hàng Dự trữ Dallas. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy mình làm việc quá ít. Tôi chia sẻ với Roger Ferguson về suy nghĩ đó. Roger động viên và giải thích rằng thường thì các thống đốc mới phải mất một thời gian để tìm ra công việc phù hợp, xác định vấn đề nào là quan trọng nhất đối với họ.
Để tìm được công việc phù hợp với mình, tôi đã phải đấu tranh với hệ thống ủy ban của Hội đồng Thống đốc. Phần nhiều công việc của Ban, ngoài việc bàn luận chính sách tiền tệ, thì đều do các ủy ban phụ trách từng vấn đề chuyên biệt bao gồm hai hoặc ba giám đốc, những người sẽ đưa ra kiến nghị với toàn bộ Hội đồng Thống đốc, triển khai. Thâm niên trong nghề rất quan trọng khi Phó Chủ tịch phân công công việc sau khi tham vấn ý kiến Chủ tịch. Tôi mong muốn được tham gia nhiều hơn vào hoạt động giám sát ngân hàng. Nhưng ban này đã có Roger chỉ đạo, và hai chuyên gia ngân hàng, Sue và Mark, phụ trách toàn bộ công việc. Tôi có thể tự đề cử bản thân tham gia vào công tác quản lý, nhưng vì từng làm công việc tương tự khi còn là Trưởng khoa ở Đại học Princeton, vậy nên tôi muốn được tham gia vào vấn đề chính sách. Cuối cùng, tôi chọn Ủy ban Thanh toán, Bù trừ và Kết toán (giải quyết việc thanh toán của hệ thống tài chính) cùng Ủy ban Người tiêu dùng và Cộng đồng (phụ trách việc bảo vệ người tiêu dùng và phát triển cộng đồng) do Ned Gramlich là Chủ tịch với Sue là thành viên còn lại. Tôi cũng giám sát công tác quản lý nghiên cứu kinh tế – một vị trí hiển nhiên rất phù hợp. Trong thời gian này, tôi hỗ trợ thành lập một tạp chí mới, có tên International Journal of Central Banking, chuyên xuất bản các nghiên cứu liên quan đến chính sách từ khắp nơi trên thế giới.
Tôi cũng hay tới Washington để tham dự các cuộc họp bàn về chính sách tiền tệ. Trên thực tế, tôi biết Chủ tịch Greenspan – “Chú khỉ đột bốn tạ” của FED, như Roger từng lén lút gọi ông, có ảnh hưởng tuyệt đối tới xu hướng lãi suất. Điều đó cũng dễ hiểu vì xét cho cùng, vào thời điểm tôi nhậm chức, Greenspan đã giữ chức Chủ tịch suốt 15 năm, và những quyết sách ấy thực sự đã đem lại cho ông biệt hiệu “Vị nhạc trưởng đại tài”. Tôi đồ rằng mình có thể có ảnh hưởng lớn hơn nếu là người tham dự nhiều buổi họp nhất trong hội đồng. Và thực tế, tôi không thích việc quyết định của từng cá nhân tác động tới hoạt động hoạch định chính sách. Có vẻ như đối với tôi, FED đã lỗi thời về phương diện này.
Thường thì, các quyết định về chính sách tiền tệ được che đậy dưới vỏ bọc của cái gọi là bí mật ngân hàng trung ương – lý do vì sao nhà báo William Greider đặt tên cuốn sách ra mắt năm 1989 của
ông về FED, dưới thời Volcker là Secrets of the Temple: How the Federal Reserve Runs the Country (tạm dịch: Những bí mật trong đền thiêng: Cục Dự trữ Liên bang điều hành đất nước như thế nào). Tương tự, Montagu Norman, Thống đốc nổi tiếng của Ngân hàng Trung ương Anh từ thập niên 1920 tới đầu thập niên 1940, đã công khai thể hiện triết lý làm việc của mình qua phương châm: “Không giải thích, không biện luận.” Nhiều lý lẽ đã được đưa ra nhằm ủng hộ cho việc duy trì tính bí mật trong công tác hoạch định chính sách tiền tệ, nhưng đối với tôi, một trong những nguyên nhân thực chất cũng tương tự như lý do vì sao các nhà máy sản xuất xúc xích không bao giờ cho ai tham quan nhà máy – vì chúng làm giảm đi sự hấp dẫn của sản phẩm nếu công chúng biết chúng được sản xuất như thế nào.
Việc duy trì tính bí mật gây ra hai kết quả trái chiều. Nó vừa khiến các chuyên gia ngành ngân hàng nhìn trông có vẻ tinh thông, sáng suốt hơn về mọi việc, vừa tăng khả năng linh hoạt trong ngắn hạn của họ, nhưng đồng thời cũng khiến công chúng cảm thấy mơ hồ, thị trường dễ gặp rủi ro và các thuyết âm mưu nổi lên. Trong một thế giới ngày càng đề cao sự minh bạch và tinh thần trách nhiệm giải trình ở tất cả các thành phần kinh tế, việc hoạch định chính sách một cách bí mật của FED dần lỗi thời. Tôi tin rằng trong xã hội hiện đại, bí mật làm giảm hiệu quả của chính sách tiền tệ. Như Rick Mishkin và tôi từng tranh luận trong công trình nghiên cứu viết về chỉ tiêu lạm phát, chính sách tiền tệ hoạt động tốt hơn khi ngân hàng trung ương minh bạch thông tin với thị trường và công chúng.
Cuộc họp đầu tiên mà tôi tham dự tại Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) là vào ngày 13 tháng 8 năm 2002, khoảng hơn một tuần sau khi tôi tuyên thệ. (Mỗi năm, FOMC định kỳ tổ chức 8 cuộc họp). Cuối tuần trước đó, tôi đã nghiên cứu nhiều tài liệu chuyên môn do các chuyên viên tổ chức chuẩn bị. Có cuốn được đặt tên là Greenbook (cuốn sách màu xanh lá) do bìa sách được làm bằng giấy xây dựng màu xanh lá, cung cấp dữ liệu phân tích về nền kinh tế trong và ngoài nước, cũng như dự báo xu hướng phát triển kinh tế sắp tới. Cuốn Bluebook (cuốn sách màu xanh dương) thì điểm lại sự
phát triển của thị trường tài chính, và so sánh hiệu quả tiềm năng của nhiều sự lựa chọn khác nhau thay thế cho chính sách tiền tệ. Ngoài chồng giấy tờ còn có nhiều bản ghi chép khác nhau của các chuyên viên cùng nhiều hồ sơ khác. Dự báo của các chuyên viên, cũng giống như dự báo của các chuyên gia kinh tế, rất giàu tính khoa học và nghệ thuật. Họ đưa ra một loạt các mô hình kinh tế đã được phát triển trong nhiều năm, sau đó bổ sung các đánh giá chuyên môn quan trọng vào hồ sơ tổng hợp, bao gồm những đánh giá về ảnh hưởng khó ước tính trong các dữ liệu tiêu chuẩn như khí hậu khắc nghiệt, thay đổi về chính sách chi tiêu hay mức thuế và sự phát triển địa chính trị.
Tính chính xác trong dự báo của các chuyên gia ngân hàng trung ương và tính độc lập đã được nghiên cứu chuyên sâu, và kết quả đạt được không mấy ấn tượng. Vì chỉ cần qua một vài quý, xu hướng phát triển kinh tế sẽ trở nên cực kỳ khó đoán. Tức là, việc cẩn trọng khi đưa ra những dự thảo nhằm hoạch định chính sách tiền tệ hợp lý cũng đóng vai trò quan trọng như kế hoạch kinh doanh hay chiến lược chiến tranh.
Greenspan nổi tiếng với các kỹ năng dự đoán kinh tế, ông từng điều hành Townsend-Greenspan & Co., một công ty tư vấn thành công, trước khi làm việc cho Chính phủ. Ông ít khi dựa vào các mẫu mô phỏng do máy tính xây dựng mà thay vào đó, thiết lập các dự đoán theo phong cách riêng. Ông đều đặn xem xét hàng trăm mẩu thông tin. Tôi thì lại có xu hướng chú trọng tới sự phát triển các chỉ số kinh tế vĩ mô – rừng hơn là cây – nhưng tôi vẫn đánh giá cao phương pháp của ngài Chủ tịch, vì thỉnh thoảng nó có thể đưa ra một vài tầm nhìn thú vị mà các phương pháp phân tích tiêu chuẩn bỏ qua.
Vào buổi sáng diễn ra cuộc họp, chúng tôi dùng bữa điểm tâm sáng trên tầng thượng của Tòa nhà Martin xây dựng từ thập niên 1970, phía sau tòa nhà Eccles xây dựng từ thời Đại Suy thoái (William McChesney Martin đã giữ chức Chủ tịch FED nhiệm kỳ 1951-1970). Tôi tham dự bữa điểm tâm để gặp gỡ và trò chuyện với các chủ tịch ngân hàng dự trữ khu vực. Tôi đã biết một vài người trong số họ từ những ngày còn là giáo sư đại học và thực hiện các
công trình nghiên cứu về FED. Các thành viên của FOMC rất hòa đồng, ít có xu hướng kéo bè kết phái dựa trên quan điểm chính trị. Những chú diều hâu (tên gọi tắt của các nhà hoạch định chính sách có khuynh hướng lo ngại hơn về lạm phát) ngồi chung bàn với những chú bồ câu (các nhà hoạch định chính sách có khuynh hướng lo ngại về tăng trưởng kinh tế và việc làm).
Khoảng 10-15 phút trước khi cuộc họp bắt đầu, những người tham dự chậm rãi tiến vào chỗ ngồi dọc theo chiếc bàn đá hoa cương màu đen trong phòng họp ban lãnh đạo tại Tòa nhà Eccles. Phòng họp có trần cao và nội thất trang nhã, dài hơn 20m, cửa sổ treo rèm cao nhìn thẳng ra đại lộ Constitution. Tấm bản đồ nước Mỹ khổ lớn với những đường ranh giới phân chia 12 khu vực ngân hàng dự trữ được treo trên tường.
Ngoài các nhà hoạch định chính sách, còn có 4-5 chuyên viên phụ trách phát ngôn cũng ngồi tại bàn này. Trưởng ban Giao dịch Thị trường Mở thuộc FED New York – nơi quản lý hoạt động mua bán chứng khoán của FED (các giao dịch trong “thị trường mở”), đồng thời duy trì mối liên hệ thường xuyên với những công ty tham gia thị trường – bắt đầu cuộc họp theo cách truyền thống – tổng kết tình hình phát triển tài chính ở một số lĩnh vực quan trọng. Khi tôi nhậm chức, Trưởng ban Giao dịch là Dino Kos. Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Thống kê (Dave Stockton), Giám đốc Bộ phận Tài chính Quốc tế (Karen Johnson) của Hội đồng Thống đốc, và các phó giám đốc cấp cao của họ sẽ lần lượt trình bày về các dự báo kinh tế trong và ngoài nước Mỹ của các chuyên viên. Cuối buổi họp, Giám đốc Bộ phận Tiền tệ (Vincent Reinhart, người kế vị của Don Kohn) sẽ đưa ra những lựa chọn về chính sách đã được giải thích trong cuốn Bluebook. Ba vị giám đốc này của Hội đồng Thống đốc có sức ảnh hưởng rất đáng kể. Đồng nghiệp cũ của tôi tại Đại học Princeton, Alan Blinder, từng làm Phó Chủ tịch của Hội đồng Thống đốc giữa thập niên 1990 đã đặt cho họ biệt hiệu “Những ông trùm”.
Vài phút trước khi cuộc họp bắt đầu, chiếc ghế của Greenspan vẫn còn trống, nó nằm ở vị trí chủ tọa của chiếc bàn hình bầu dục nặng 2 tấn, dài 8,5m, được đặt đối diện lối cửa ra vào. Ngồi bên phải chủ tọa là Giám đốc FED New York – đồng thời là Phó Chủ tịch của
FOMC – Bill McDonough. Vốn là chuyên gia ngân hàng đến từ Chicago, McDonough trở thành Giám đốc FED New York từ năm 1993. Ferguson, Phó Chủ tịch Hội đồng Thống đốc, ngồi bên trái Greenspan. Hai thành viên mới gia nhập là Kohn và tôi bị dồn tới góc bàn, ngoài tầm nhìn của chủ tọa. Khoảng 55 thành viên Hội đồng Thống đốc và các ngân hàng dự trữ khu vực dần lấp đầy các ghế ngồi quanh căn phòng.
Đúng 9 giờ sáng, cửa bên cạnh lò sưởi mở, Chủ tịch Greenspan từ phòng nghỉ chuyên biệt sải bước vào chỗ ngồi. Căn phòng lập tức trở nên yên lặng. Greenspan ngồi xuống và sắp xếp giấy tờ. Ông chào đón tôi và Don bằng một câu đơn giản, sau đó mời các thành viên trình bày.
Greenspan đã gặp tôi ở bữa sáng trước cuộc họp đầu tiên mà tôi tham dự để đảm bảo tôi hiểu rõ cơ cấu tổ chức các cuộc họp của FOMC. Phần đầu tiên trong chương trình nghị sự là báo cáo của các thành viên về thị trường tài chính và triển vọng phát triển kinh tế, tiếp theo đó, 19 thành viên của Hội đồng Thống đốc và các giám đốc ngân hàng dự trữ sẽ đặt câu hỏi. Tiếp đến là “vòng tranh luận kinh tế”. Mỗi người tham gia sẽ bày tỏ ý kiến về triển vọng kinh tế trong khoảng 4-5 phút. Các giám đốc ngân hàng dự trữ thường báo cáo về tình hình phát triển trong khu vực mình quản lý trước, sau đó dẫn dắt sang quan điểm của họ về tình hình kinh tế quốc gia. Các Thống đốc phát biểu tiếp theo sau, rồi đến Phó Chủ tịch (McDonough) và cuối cùng là Greenspan. Có thời kỳ, 19 bài phát biểu ít nhất có một phần nào đó không được chuẩn bị trước. Do vậy, chất lượng và tính tự phát của cuộc thảo luận không tạo nên các buổi họp hiệu quả (dù tốt cho sự minh bạch), sau đó FOMC đã đáp ứng yêu cầu của Nghị viên Henry Gonzalez, khi ấy đang là Chủ nhiệm Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện, về việc phát hành toàn bộ các bài phát biểu sau thời điểm kết thúc buổi họp năm. Từ đó trở đi, hầu hết những người tham dự dần có thói quen đọc bài phát biểu được chuẩn bị sẵn từ trước.
TÔI BẮT ĐẦU CÔNG VIỆC ở Ủy ban vào thời điểm nền kinh tế gặp rất nhiều bất ổn. Đất nước vừa bắt đầu giai đoạn khôi phục sau một
cuộc suy thoái (thời kỳ thắt chặt kinh tế) chỉ kéo dài 8 tháng, từ tháng 3 đến tháng 11 năm 2001. (Khi sản lượng kinh tế bắt đầu tăng trưởng trở lại, nền kinh tế được đánh giá là đang trong giai đoạn phục hồi và chấm dứt suy thoái, dù tỷ lệ việc làm và sản lượng kinh tế không ngang bằng số liệu cũ). Suy thoái xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân hoặc nhiều nguyên nhân kết hợp. Cuộc suy thoái năm 2001 bắt nguồn từ sự sụp đổ của bong bóng công nghệ và tình trạng lao dốc của toàn bộ thị trường chứng khoán; ngay giữa thời điểm đó, các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 đã giáng thêm một đòn vào nền kinh tế.
FOMC nhanh chóng phản ứng trước suy thoái kinh tế. Trong suốt năm 2001, Ủy ban đã cắt giảm công cụ chính sách – mục tiêu lãi suất liên bang – từ 6,5% xuống 1,75%, hành động phản ứng khá nhanh nhạy so với các tiêu chuẩn đạt được trong lịch sử. Lãi suất liên bang là lãi suất khu vực kinh tế tư nhân – cụ thể là lãi suất mà các ngân hàng tính cho khoản vay “qua đêm”. Dù lãi suất liên bang được coi là lãi suất tư nhân, nhưng FED có thể gián tiếp kiểm soát bằng cách tác động đến nguồn cung của các quỹ có sẵn dành cho các ngân hàng. Chính xác hơn, FED quản lý lãi suất liên bang thông qua việc tác động đến lượng dự trữ ngân hàng.
Dự trữ ngân hàng là quỹ của các ngân hàng thương mại tại FED, hình thức này giống như các tài khoản tiền gửi cá nhân ở ngân hàng. Ngân hàng có thể sử dụng tài khoản dự trữ tại FED để thanh toán hoặc nhận tiền thanh toán với các ngân hàng khác, và là nơi dự trữ tiền mặt vì luật pháp yêu cầu các ngân hàng phải giữ một mức dự trữ tối thiểu để duy trì hoạt động.
FED có thể tác động đến lượng dự trữ ngân hàng trong hệ thống, do đó ảnh hưởng đến lãi suất liên bang thông qua việc mua hay bán chứng khoán. Chẳng hạn, khi FED bán chứng khoán, họ sẽ được thanh toán bằng cách khấu trừ từ tài khoản dự trữ của ngân hàng bên mua. Do đó, việc bán chứng khoán của FED sẽ rút nguồn dự trữ từ hệ thống ngân hàng. Với lượng dự trữ ít hơn, nhu cầu vay mượn giữa các ngân hàng sẽ trở nên cấp thiết hơn, việc này lại đẩy lãi suất liên bang lên cao, đây cũng chính là mức lãi suất mà các ngân hàng trả cho những khoản vay đó. Tương tự, để hạ lãi suất liên bang, FED
sẽ mua chứng khoán, nhờ đó làm tăng thêm lượng dự trữ trong hệ thống ngân hàng và giảm nhu cầu vay mượn giữa các ngân hàng. Lúc đó, tăng hay giảm lãi suất liên bang là phương thức FOMC tác động đến nền kinh tế, và mức lãi suất liên bang là chỉ số đo lường chính về chính sách. Nếu FOMC cho rằng hoạt động kinh tế cần động lực thúc đẩy, Ủy ban này sẽ cắt giảm lãi suất. Mỗi đợt cắt giảm lãi suất đều nhằm mục đích hạ các tỷ lệ lãi suất khác – từ lãi suất cho vay mua xe, vay thế chấp nhà ở hay trái phiếu công ty – từ đây thúc đẩy hoạt động vay mượn và chi tiêu. Theo học thuyết kinh tế Keynes, chừng nào tiềm lực kinh tế còn chưa được sử dụng hết, hoạt động chi tiêu tăng sẽ giúp các công ty tăng sản xuất và thuê thêm nhân công. Tuy nhiên, nếu tiềm lực tồn ít hoặc đã sử dụng hết, nhu cầu tăng lên có thể đẩy giá và lương lên mức cao hơn – khi ấy, lạm phát sẽ gia tăng. Nếu Ủy ban nhận định rằng nền kinh tế đang rơi vào tình trạng “khó kiểm soát” với sản lượng cao hơn mức có thể duy trì, Ủy ban sẽ tăng lãi suất liên bang, dẫn tới tăng lãi suất giữa các ngân hàng, cũng như kìm hãm sự phát triển kinh tế và lạm phát. Tăng lãi suất không phải là lựa chọn then chốt vào tháng 8 năm 2002. Chiến dịch cắt giảm lãi suất nhanh chóng năm 2001 thực tế đã góp phần chấm dứt sớm đợt suy thoái. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế sau đó lại diễn ra rất chậm chạp, tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức trung bình và các thành viên bi quan lo ngại nền kinh tế có thể lao dốc mạnh. Thêm vào đó, dù sản xuất phát triển, nhưng nền kinh tế lại ở trong trạng thái “phục hồi tình trạng thất nghiệp” vì tỷ lệ thất nghiệp thực sự đã tăng cao từ cuối đợt suy thoái. Và nếu lạm phát rất thấp – thường là dấu hiệu suy yếu kinh tế, thì các công ty miễn cưỡng tăng giá khi nhu cầu giảm mạnh. Giá cổ phiếu thì trì trệ do hậu quả của các vụ bê bối trong ban lãnh đạo tại Công ty Viễn thông WorldCom, Tập đoàn kinh doanh năng lượng Enron và Công ty Kiểm toán Arthur Andersen.
Như thường lệ, Greenspan là người phát biểu cuối cùng trong vòng tranh luận kinh tế. Ông đề nghị chúng tôi nên ngừng cắt giảm thêm mục tiêu lãi suất liên bang, nhưng trong bài phát biểu được chuẩn bị kỹ lưỡng sau cuộc họp, ông lại tuyên bố: “Rủi ro chủ yếu tiềm ẩn ở những tình huống có thể gây suy yếu kinh tế.” Theo ngôn
ngữ của ngân hàng trung ương, dấu hiệu đó thông báo tới thị trường tài chính rằng chúng tôi đang lo ngại về tốc độ phục hồi chậm chạp và nguy cơ thay đổi lãi suất tiếp theo có khả năng sẽ giảm thay vì tăng lên. Nhận xét của Greenspan là phần chuyển tiếp để mỗi thành viên có cơ hội thứ hai được phát biểu trong “vòng tranh luận chính sách”. Dưới thời Greenspan, vòng thứ hai này thường diễn ra nhanh gọn và có thêm vài thành viên tham gia tuyên bố nhất trí (hoặc rất ít khi phản đối) với đề xuất của ông. Lần này, tôi đã tán thành.
Trên thực tế, nền kinh tế cho thấy rất ít dấu hiệu được củng cố vào thời điểm diễn ra cuộc họp của FOMC mà tôi tham dự. Một số thành viên đã nhận thấy mối lo ngại khi cuộc chiến với Iraq có vẻ khiến các doanh nghiệp và hộ gia đình trở nên thận trọng hơn. Chúng tôi cũng bàn bạc xem liệu lạm phát đang ở mức quá thấp hay không. Người dân có khuynh hướng nghĩ rằng lạm phát thấp là tốt, vì như vậy họ có khả năng mua sắm nhiều hơn. Nhưng nếu lạm phát quá thấp – duy trì liên tục – cũng đi kèm với việc chậm tăng lương và thu nhập giảm sút, thì dù giá cả xuống thấp cũng không có tác dụng. Trên thực tế, lạm phát quá thấp ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế không khác gì lạm phát quá cao, như những gì Nhật Bản từng trải qua. Sự trì trệ của nền kinh tế do lạm phát thấp hay giảm phát có thể nghiêm trọng đến mức dù Chính phủ có giảm lãi suất ngắn hạn xuống mức 0% thì cũng không thể kích thích nền kinh tế đạt mức toàn dụng. Khi đến lượt mình phát biểu, tôi công nhận lãi suất giảm có thể làm nóng thêm các lĩnh vực kinh tế đang lên cơn sốt như nhà đất, nhưng bày tỏ thái độ nghiêng về cắt giảm lãi suất – một biện pháp ưu tiên nhằm ngăn chặn nguy cơ rơi vào tình trạng lạm phát.
Chúng tôi cũng tranh luận xem liệu “giới hạn cận 0%” – biện pháp cứu nguy khi tỷ lệ lãi suất không thể giảm xuống dưới 0% – khác gì thể hiện rằng chúng tôi đã “hết vũ khí”. Cắt giảm lãi suất liên bang không phải là biện pháp duy nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, theo kết quả khảo sát của các thành viên trong vài năm, và như tôi đã tranh luận ở Princeton. Nhưng Greenspan không mấy lo ngại về giới hạn cận 0%. Ông gợi ý rằng nếu lãi suất liên bang chạm
mốc 0%, Ủy ban có thể tìm được cách khác nhằm làm dịu bớt chính sách tiền tệ, dù lúc đó ông không nói chính xác biện pháp nào. Bất luận thế nào, Greenspan một lần nữa phản đối việc cắt giảm lãi suất ngay lập tức, dù ông cũng gợi ý về một đợt cắt giảm trước cuộc họp định kỳ tiếp theo. Tôi đồng ý với ông dù nhận định của tôi thiên về phương án cắt giảm lãi suất. Sau đó Ủy ban bắt đầu bàn bạc về hướng cắt giảm lãi suất dù tôi không nghĩ rằng việc lựa chọn thời điểm có tầm quan trọng như vậy. Có hai thành viên của Ủy ban bỏ phiếu phản đối Greenspan. Thật ngạc nhiên khi một người chính là Ned Gramlich. Thành viên của Hội đồng Thống đốc thường có ngưỡng bỏ phiếu phản đối Greenspan nhiều hơn các giám đốc ngân hàng dự trữ, có lẽ vì các Thống đốc tại trụ sở ở Washington có nhiều cơ hội tranh luận giữa các cuộc họp nhiều hơn. Người còn lại là Bob McTeer của Ngân hàng Dự trữ Dallas, người từng được đặt biệt danh là “Chú bồ câu đơn độc”.
VỚI KINH NGHIỆM tích lũy sau hai cuộc họp FOMC, tôi nhận thấy bản thân đã sẵn sàng phát biểu ý kiến trước công chúng. Ngày 15 tháng 10 năm 2002 tại New York, tôi đặt ra câu hỏi rằng chính sách tiền tệ sẽ xử lý bong bóng bất động sản như thế nào nếu có thể. Câu hỏi rất trúng trọng tâm. Thị trường chứng khoán bùng nổ và tan vỡ đã gây nên cuộc suy thoái năm 2001 cũng như sự tăng giá có vẻ bất thường.
Trái ngược với mọi người cho rằng họ hiểu bong bóng là gì, các nhà kinh tế thực tế lại không đưa ra một định nghĩa chính xác. Thuật ngữ này ám chỉ tình trạng mà trong đó các nhà đầu tư đấu thầu giá của một loại bất động sản cao hơn hẳn so với giá vốn có, nhằm hy vọng sau này có thể bán lại với giá cao hơn nữa. Tôi kịch liệt phản đối phương án các ngân hàng trung ương cố ý tăng lãi suất để “châm nổ” bong bóng.
Tôi đã đề cập đến hai mối lo ngại chủ yếu về chiến lược này. Thứ nhất, chỉ có thể xác định đó có phải là bong bóng hay không cho đến khi nó thực sự nổ tung. Chưa ai có thể đảm bảo mình biết chắc chắn giá trị thực chất của bất động sản vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có diễn biến tiềm năng của nền kinh tế trong tương lai xa.
Quả thực, nếu bong bóng dễ nhận định như vậy thì các nhà đầu tư đã không rơi vào cái bẫy đó ngay từ đầu.
Thứ hai, vấn đề FOMC phải đương đầu trong năm 2002: Phải làm gì khi một lĩnh vực kinh tế, chẳng hạn như nhà đất, đang trong cơn sốt, còn các lĩnh vực kinh tế còn lại thì không. Chính sách tiền tệ không thể chỉ hướng tới một loại tài sản và bỏ mặc các thị trường tài chính khác cũng như cả nền kinh tế rộng lớn. Tôi đã viện dẫn cuộc bùng nổ thị trường chứng khoán vào cuối thập niên 1920. Giám đốc FED New York, Benjamin Strong, nhà lãnh đạo không chính thức của FED lúc bấy giờ, cực lực phản đối việc tăng lãi suất để làm dịu thị trường chứng khoán, với lý do là hiệu quả của lãi suất cao không thể chỉ giới hạn trong phạm vi chứng khoán. Ông đưa ra so sánh như sau: Tăng lãi suất giống như đánh đòn tất cả bọn trẻ chỉ vì có một đứa trẻ hư, đứa trẻ hư trong trường hợp này là thị trường chứng khoán. Khi Strong qua đời năm 1928, những người kế nhiệm đã bãi bỏ biện pháp không can thiệp của ông và quyết định tăng lãi suất. Cuối cùng, phương án này không chỉ dẫn đến sự sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1929 (với sai lầm khi cho rằng FED sẽ thành công trong nỗ lực làm thị trường lắng xuống) mà còn góp phần gây nên Đại Suy thoái vì chính sách tiền tệ quá chặt chẽ.
Việc sử dụng chính sách tiền tệ để làm nổ bong bóng đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương nên phớt lờ bong bóng khi chúng đang hình thành không? Không, tôi phản bác. Trước hết, bong bóng có thể lại làm toàn bộ nền kinh tế nóng dần lên – chẳng hạn như giá cổ phiếu tăng sẽ khuyến khích các cổ đông tăng chi tiêu – nhưng rồi có thể dẫn đến tăng trưởng mất kiểm soát và lạm phát tăng vọt. Trong trường hợp đó, chính sách tiền tệ có thể dựa vào bong bóng và giúp ổn định nền kinh tế với quy mô rộng hơn. Mark Gertler và tôi từng có cuộc tranh luận tương tự trong một văn kiện mà chúng tôi đã trình bày tại Hội nghị Jackson Hole của FED năm 1999. Thứ hai, và cũng là vấn đề cốt yếu, đó là ngân hàng trung ương và các chi nhánh hoàn toàn có thể kiểm soát bong bóng bằng nhiều biện pháp khác nhau, chẳng hạn như điều tiết, giám sát ngân hàng và đào tạo tài chính. Hoặc, như tôi đã đề cập trong bài phát biểu: “Lựa chọn công cụ phù hợp với công việc”.
Vào tháng 11 – trong một bài diễn văn có tiêu đề “Deflation: Can ‘It’ Happen Here?” (tạm dịch: Giảm phát: “Điều đó” có thể xảy ra hay không?”) – tôi đã đề cập tới vấn đề mà FOMC từng tranh luận vào tháng 9: Liệu FED có hết vũ khí nếu lạm phát xuống rất thấp, và lãi suất giảm xuống còn 0% hay không? Tôi cho rằng các ngân hàng trung ương nên làm bất kỳ điều gì nhằm tránh giảm phát. Chẳng hạn, họ có thể đề ra mục tiêu cho lạm phát trên mức 0% để cung cấp lượng hàng dự trữ bình ổn, hay khu vực an toàn. Nói chung, các ngân hàng trung ương có cơ cấu tổ chức tiến bộ thường hướng tới mục tiêu lạm phát khoảng 2% thay vì 0%, dù với FED, mục tiêu thường không được tuyên bố rõ ràng. Tôi cũng nhận định rằng điều quan trọng là phải vượt qua giảm phát bằng cách ưu tiên cắt giảm lãi suất, nếu cần thiết.
Nhưng sẽ ra sao nếu giảm phát xảy ra? Tôi cho rằng thậm chí khi lãi suất ngắn hạn chạm mức 0%, các ngân hàng trung ương vẫn có thể có nhiều hành động hơn. Tôi đã gợi ý một vài biện pháp giảm lãi suất dài hạn, ví dụ như lãi suất vay thế chấp, nhờ đó kích thích nền kinh tế phát triển, ngay cả khi không thể cắt giảm lãi suất ngắn hạn xuống thấp hơn nữa.
Bài phát biểu về giảm phát đã gán cho tôi biệt danh “Ben trực thăng”. Trong một cuộc thảo luận giả định về các khả năng đối phó với giảm phát, tôi đã đề cập đến một chiến lược đặc biệt – giảm thuế quy mô lớn kết hợp với việc lưu thông tiền tệ do ngân hàng trung ương rót tiền nhằm hỗ trợ tài chính cho hoạt động giảm thuế. Milton Friedman đã đặt tên cho phương pháp này là “cú rơi trực thăng” của tiền tệ. Dave Skidmore, chuyên viên quan hệ truyền thông kiêm cựu phóng viên của Liên đoàn Báo chí, cũng là người soạn thảo bài diễn văn từ khi tôi còn là thành viên Hội đồng Thống đốc rồi sau đó là trở thành Chủ tịch, đã khuyên tôi không nên so sánh vấn đề chính sách với vụ rơi máy bay trực thăng. Nhưng tôi không thấy lời khuyên đó có sức thuyết phục. Sau cùng, tôi đã đề cập vấn đề này trong bài viết với tư cách là một giáo sư đại học. Anh ấy nói với tôi rằng: “Một chuyên gia làm việc tại ngân hàng trung ương không nên phát biểu theo kiểu vậy.” Tôi trả lời: “Tất cả mọi người đều biết Milton Friedman từng nói điều đó.” Và thực sự là nhiều nhà đầu cơ trái
phiếu Phố Wall hiển nhiên không nghiên cứu sâu bài viết của Milton. Họ không cho rằng bài tham luận của tôi là một giả thiết dựa trên thực tế của một giáo sư đại học; họ coi đó là biểu hiện của một nhà hoạch định chính sách sẵn sàng đẩy lạm phát lên cao, nguyên nhân có thể khiến trái phiếu của họ mất giá.
GIẢM PHÁT VÀ QUAN NIỆM của Friedman cũng là trọng tâm bài phát biểu thứ ba của tôi ở đầu nhiệm kỳ, tại Đại học Chicago, trong dịp lễ kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 90 của ông. Tôi quen biết Friedman khi còn dạy ở Đại học Stanford và ông thì làm việc tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford. Ông là một người đàn ông nhỏ bé luôn tươi cười rạng rỡ.
Ông thích nói chuyện về kinh tế học với bất kỳ ai, thậm chí là với một phó giáo sư trẻ như tôi. Chính nhờ tác phẩm ông viết cùng Anna Schwartz, tôi biết FED đã thất bại trong việc vực dậy nền kinh tế thoát khỏi giảm phát, nguyên nhân chính gây nên Đại Suy thoái. Luôn ghi nhớ điều đó, tôi nhắc các thính giả rằng hiện tôi đang làm việc ở FED và kết thúc với câu: “Tôi muốn gửi đến Friedman và Schwartz một lời khẳng định về cuộc Đại Suy thoái. Hai người đã đúng, chúng tôi đã tạo ra nó. Chúng tôi rất lấy làm tiếc. Nhưng nhờ có hai người, chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra một lần nữa.”
Chương 4. Phía trong dàn nhạc của “Nhạc trưởng” tài ba
Là thành viên còn non trẻ, tôi thấy FED trong những năm cuối dưới thời Greenspan vừa lặng lẽ vừa tất bật như tôi mong muốn. Nơi đây cũng có những lúc tách biệt đến lạ kỳ, ngay cả đối với những người quen thuộc với sự đơn độc vì nghiên cứu học thuật như tôi. Ngoài những lần công du để diễn thuyết, đến thăm ngân hàng dự trữ địa phương hoặc đại diện Hội đồng Thống đốc đi họp ở nước ngoài, tôi thường ngồi làm việc một mình trong văn phòng. Tôi hay đi làm sớm, đỗ xe ở tầng hầm Tòa Eccles. Thi thoảng, Don Kohn dựng xe đạp cạnh chỗ tôi đỗ xe.
Trong một ngày làm việc điển hình, khi kết thúc các cuộc họp, tôi đọc báo cáo, theo dõi những biến chuyển của tình hình kinh tế, tài chính và xử lý các bài diễn văn hoặc nghiên cứu học thuật vẫn còn dang dở. Nhóm chuyên viên luôn sẵn lòng hỗ trợ tôi về các bài phát biểu hoặc thậm chí giúp viết luôn, nhưng tôi thích tự viết, sau đó điều chỉnh lại theo góp ý của họ. Một số Thống đốc bật CNBC cả ngày, nhưng tôi thấy việc này khiến tôi dễ mất tập trung. Thay vào đó, tôi thường định kỳ kiểm tra Bloomberg ở văn phòng hoặc đọc tin tức cập nhập thị trường của nhóm trợ lý.
Toàn bộ Hội đồng Thống đốc cũng ít khi họp thường xuyên; phần lớn các việc trọng yếu đều được phân công tới các ủy ban chuyên môn thực hiện. Chúng tôi họp vắn mỗi sáng thứ Hai cách tuần về các diễn tiến kinh tế, tài chính và thị trường quốc tế. Các Thống đốc sẽ đặt câu hỏi sau khi các chuyên viên trình bày. Là giáo sư, tôi đã quá quen với việc đặt những câu hỏi suy đoán hoặc giả định tại các hội thảo, nhưng ở FED, tôi nhanh chóng tiếp thu thêm một số nguyên tắc. Có một lần, tôi đặt một câu hỏi vu vơ. Đến cuối ngày, chuyên viên được hỏi gửi cho tôi một bản báo cáo dài 10 trang trả lời câu hỏi của tôi theo bốn bộ giả định khác nhau kèm một thư mục tài liệu. Sau đó, tôi chỉ hỏi những câu thực sự cần thiết.
Hồi ở Prineton, tôi thường ghé vào văn phòng đồng nghiệp để chia sẻ ý tưởng mới hoặc trò chuyện. Còn tại FED, ngoài các cuộc họp đã lên lịch, tôi không gặp các thành viên Hội đồng Thống đốc nhiều lắm – trừ khi có lịch hẹn. Văn phòng của các thành viên trong Hội đồng Thống đốc được bố trí cách quãng dọc hành lang dài, trầm mặc như thư viện. Mỗi văn phòng có một phòng nhánh dành cho nhân viên hỗ trợ hành chính. Rita Proctor, một nhân viên FED kỳ cựu, tự tin, giỏi giang, được phân công hỗ trợ tôi. Cô hăng hái giúp tôi, chỉ tôi “cách làm việc nọ việc kia” ở Hội đồng Thống đốc. Tại Princeton, tôi và các thành viên khác trong khoa chỉ có một phụ tá chung. Tôi ít khi nhờ Rita hỗ trợ đến độ cô ấy thậm chí còn tình nguyện làm việc thêm cho cả Mark Olson.
Một khác biệt nữa giữa cuộc sống đắm chìm trong học thuật và cuộc đời của một nhà hoạch định chính sách là trang phục. Khi làm giáo sư, tôi thường mặc quần jeans đi làm. Tôi không quen khi phải mặc com-lê hằng ngày, nhất là trong thời tiết mùa hè oi bức của Washington. Dĩ nhiên, tôi biết trang phục trang trọng là một phương tiện thể hiện thái độ nghiêm túc với công việc. Nhưng tại một cuộc trao đổi trước Hiệp hội Kinh tế Mỹ, tôi nửa đùa nửa thật đề xuất rằng các Thống đốc FED cần được thể hiện sự tận tụy với sứ mệnh phụng sự cộng đồng bằng việc mặc sơ mi Hawaii và quần soóc Bermuda.
Cuộc sống bên ngoài văn phòng cũng im ắng như cuộc sống bên trong nó. Cuối tuần, nếu không về nhà, tôi thường phải đi công tác. Đôi lúc, bạn bè trong giới hàn lâm có ghé chơi. Nhưng hầu hết các buổi tối trong tuần, tôi sẽ trở về căn hộ trống trải, gọi cho Anna để hỏi han tình hình tại New Jersey. Căn hộ của tôi ở Georgetown gần một vài nhà hàng Việt Nam nên tôi thường lui tới đây. Nếu không ra ngoài, tôi sẽ quay nóng bánh mỳ kẹp Hot Pockets bằng lò vi sóng, vừa ăn vừa xem bộ phim Seinfeld trên tivi. Thỉnh thoảng, tôi tới Blues Alley, một câu lạc bộ nhạc jazz phía bên kia đường, hoặc ghé qua tiệm sách Barnes & Noble, cách đó vài dãy phố. Lúc rảnh, tôi đọc sách, đọc đủ các thể loại: lịch sử, sinh học, toán học và thi thoảng mới đọc sách kinh tế. Tôi không có nhiều thời gian cho môn thể thao ưa thích nhất của mình: bóng chày – vì đến tận năm 2005, đội bóng
nhà nghề Montreal Expos mới chuyển tới Washington và đổi tên thành Nationals.
Tôi cũng nhận được lời mời tham dự nhiều buổi khánh tiết tại các sự kiện lớn nhưng đa phần tôi đều từ chối. Tôi thích tham gia một số bữa tiệc tối tại nhà của gia đình Greenspan và phu nhân, Andrea Mitchell. Ngài Chủ tịch của FED có khiếu hài hước châm biếm, tự giễu rất thú vị nhưng hiếm khi bộc lộ trước công chúng. Ví dụ như chuyện ông đã cầu hôn Andrea, với kiểu ỡm ờ đến độ bà cũng không hiểu ông đề nghị điều gì. Andrea “thiết đãi” chúng tôi bằng những câu chuyện phiêu lưu trong vai trò phóng viên quốc tế cho NBC News. Hội cựu thành viên Hội đồng Thống đốc, bao gồm các cựu Thống đốc kiêm cán bộ lâu năm về hưu của FED, đã thành lập một câu lạc bộ thân mật gồm cả các thành viên bên ngoài Cục. Mike Kelley, nguyên là thành viên Hội đồng Thống đốc, sống cùng vợ, Janet, trong khu căn hộ Watergate gần đó, mỗi năm đều tổ chức tiệc Giáng sinh và mời tất cả những ai sống gần đó hiện có hoặc từng có quan hệ với FED đến tham dự.
Tại văn phòng, tôi hiếm khi có cơ hội trao đổi hoặc trò chuyện riêng với Chủ tịch Greenspan. Thỉnh thoảng, tôi xin gặp ông tại văn phòng riêng, và ông cũng thi thoảng mời tôi ăn trưa. Dù mối quan hệ của chúng tôi khá tốt đẹp, nhưng tôi nghĩ trong mắt ông, tôi là người quá lý thuyết, vì vậy sẽ khó có thể nắm bắt hết những rắm rối của hệ thống ngân hàng trung ương. Quan niệm đó không hẳn không đúng. Và tất nhiên, trong các cuộc họp và phát biểu tại FOMC, ông hẳn cũng chán ngấy với việc tôi nhai đi nhai lại về nhu cầu cần có sự minh bạch về chính sách.
Tôi kính nể uy thế và thành tích của Greespan nhưng cũng nhận ra những thiếu sót mà một viện sĩ được giáo dục so với một người chủ yếu tự học. Greespan đã tự tích lũy kiến thức kinh tế từ thực tiễn công việc trên cương vị một chuyên viên tư vấn. Sau khi lấy bằng Thạc sĩ tại Đại học New York, ông đăng ký học lên Tiến sĩ khoa học tại Đại học Columbia dưới sự dẫn dắt của cựu Chủ tịch FED, Arthur Burns, nhà tiên phong về phân tích thực nghiệm các cuộc suy thoái và phục hồi. Greenspan bỏ lớp cao học hồi đầu thập niên 1950 khi doanh nghiệp tư vấn của ông bắt đầu ăn nên làm ra. Mãi về sau,
vào năm 1977, ông mới được nhận bằng Tiến sĩ khoa học dựa trên những bài viết trước đó chứ không thông qua bảo vệ luận án như thông lệ. Ông sắc sảo, biết rất nhiều vấn đề bí mật, nhưng lại có tư duy cá tính và ít lý thuyết hơn tôi. Chủ nghĩa tự do đặc trưng của ông (ông từng là môn đồ của tiểu thuyết gia kiêm triết gia Ayn Rand) hiển hiện trong những bình luận không chút khách sáo, nhưng ông lại có thiên hướng giáo điều trong công tác hoạch định chính sách tiền tệ.
Bất chấp những khác biệt về thế giới quan, tôi vẫn rất yêu quý và kính trọng vị Chủ tịch. Ông lúc nào cũng thân thiện và sẵn sàng thảo luận bất kỳ vấn đề kinh tế nào. Có một lần, tôi đến chỗ ông khoảng 20 phút trước một cuộc họp của FOMC – giờ tôi không còn nhớ lý do vì sao tôi lại đến sớm như vậy. Khi bước vào phòng, tôi bắt gặp ông đang ngồi tại bàn ăn yến mạch, quấn khăn ăn quanh cổ. Chúng tôi bắt đầu thảo luận về quan điểm của tôi, và khi đang hăng hái phản biện thì ông chợt nhận ra chúng tôi đã muộn họp mất 5 phút, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc. Ông giật phăng chiếc khăn ăn, lao đến phòng họp từ cửa ngách thông với phòng họp, còn tôi đi vòng ra phía hành lang để vào từ cửa chính.
Thời điểm đó, nhiều người bên ngoài đều nghĩ FOMC hoàn toàn tuân theo sự chỉ đạo của Greenspan. Tôi nhanh chóng nhận ra sự thật không phải vậy. Nếu ngài Chủ tịch có những quan điểm mạnh mẽ, thì đề xuất của ông nhất định sẽ trở thành chính sách. Thanh thế cá nhân và truyền thống của FED về việc chiều theo ý muốn của Chủ tịch đã đủ để ông làm vậy. Mọi việc đã diễn ra như vậy vào cuối thập niên 1990, khi ông phản đối tăng lãi suất vì năng suất đang tăng nhanh, tạo nhiều không gian cho nền kinh tế tăng trưởng, do vậy việc nâng lãi suất là hành động hấp tấp. (Mệnh lệnh đó, theo một cuốn sách của Bob Woodward, là thứ mang lại cho Greenspan danh hiệu Nhạc trưởng). Nhưng ông luôn biết trọng tâm của Ủy ban ở đâu, và thường là người dàn xếp quan điểm của các ủy viên, cũng như thông qua những thỏa hiệp thông minh hay đưa ra những lời hứa hành động mơ hồ tại cuộc họp nào đó trong tương lai.
Về căn bản, Greenspan và tôi thường nhất trí trong nhiều vấn đề. Ông quyết liệt, và tôi cũng vậy, về việc duy trì sự độc lập của FED
trước những áp lực chính trị ngắn hạn. Ngài Chủ tịch ra các quyết định chính sách theo hướng phi chính trị, phi đảng phái. Cũng như tôi, ông tin rằng chính sách tiền tệ là một công cụ mạnh mẽ, và sẵn sàng hành động mạnh tay khi được đảm bảo. Chúng tôi đồng quan điểm về lợi ích của lạm phát thấp và ổn định, và thừa nhận rằng chính sách tiền tệ có thể duy trì sự hiệu quả ngay cả khi lãi suất ngắn hạn ở mức 0%. Greenspan và tôi cũng thống nhất về những quan điểm cho rằng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ không thể xác định chắc chắn các bong bóng bất động sản hay “châm nổ” chúng một cách an toàn chỉ thông qua hành động nâng lãi suất.
Suy nghĩ của chúng tôi đồng thời lại có sự khác biệt lớn ở một số mặt. Tôi ủng hộ, còn ông thì không coi những khung chính sách chính thức như một mục tiêu chống lạm phát, nhằm cải thiện sự minh bạch của FED. Ông thậm chí còn đùa cợt về mối quan hệ căng thẳng giữa mình với “sự minh bạch”. Trước ủy ban Thượng viện năm 1987, ông đã phát biểu: “Từ lúc trở thành Thống đốc Ngân hàng Trung ương, tôi đã học cách lầm rầm thiếu mạch lạc. Nếu tôi trình bày quá rành mạch trước các vị, hẳn các vị sẽ hiểu sai ý tôi.” Ông cũng không tin vào khả năng điều tiết và giám sát của các ngân hàng sẽ giúp họ tránh được những rắc rối. Theo ông, chừng nào ngân hàng còn đủ tiền để mạo hiểm, dưới dạng vốn, thì các lực tác động của thị trường sẽ ngăn họ thực hiện những khoản cho vay rủi ro không cần thiết. Trong khi tôi lại cho rằng việc điều tiết, giám sát là tuyến phòng thủ đầu tiên trước những bong bóng bất động sản, thì ông lại chủ trương không nhúng tay và sử dụng biện pháp cắt giảm lãi suất nhằm bọc lót cho những hậu quả kinh tế nếu bong bóng vỡ.
TRONG SUỐT THẬP NIÊN 1990, FED điều hành một nền kinh tế có tỷ lệ việc làm tăng mạnh và lạm phát giảm từ từ xuống mức thấp. Theo đó, FED đã đáp ứng cả hai phần trong sứ mệnh kép mà Quốc hội đưa ra: đảm bảo việc làm ở mức tối đa và bình ổn giá. Ngược lại, khi tôi gia nhập FED, chúng tôi nhìn thấy rủi ro ở cả hai nhiệm vụ này. Về mặt việc làm, chúng tôi có tỷ lệ phục hồi tình trạng thất nghiệp ở mức gây tranh cãi. Về mặt bình ổn giá, chúng tôi gặp phải
một vấn đề chưa từng có tiền lệ tại Mỹ kể từ sau Đại Suy thoái – nguy cơ xảy ra hiện tượng lạm phát xuống quá thấp hoặc chạm mức giảm phát, một sự suy giảm trên diện rộng cả về tiền lương và giá cả.
Trước đây, mỗi cuộc suy thoái qua đi luôn kéo theo thị trường việc làm khởi sắc. Nhưng hai năm sau khi cuộc suy thoái chấm dứt từ tháng 11 năm 2001, nền kinh tế Mỹ đã mất đi 700.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 5,5% lên 5,8%, ngay cả khi sản lượng có xu hướng tăng. Nhiều chuyên gia kinh tế và học giả băn khoăn liệu toàn cầu hóa và tự động hóa có phải là nguyên nhân hủy hoại khả năng tạo ra việc làm của nền kinh tế hay không. Đồng thời, lúc này, khi lạm phát ở mức thấp, với nền kinh tế “xì hơi”, các chuyên gia FED cảnh báo tỷ lệ lạm phát có thể sụt giảm xuống mức 0,5% hoặc thậm chí thấp hơn vào năm 2003. Giảm phát thực sự khó có thể ngăn chặn.
Lo lắng về nguy cơ giảm phát là một trải nghiệm rất mới đối với các đại biểu FOMC. Kể từ khi Đại Khủng hoảng chấm dứt, rủi ro chủ yếu với sự bình ổn giá vẫn luôn là vấn đề lạm phát quá đà. Lạm phát tăng theo hình xoắn ốc trong thập niên 1970. FED dưới thời Paul Volcker đã chấm dứt được lạm phát, nhưng cũng phải chi cả đống tiền để thực hiện. Chỉ trong vài tháng từ khi Volcker đảm nhận vai trò Chủ tịch vào năm 1979, FED đã thắt chặt chính sách tiền tệ và khiến lãi suất tăng vọt. Đến cuối năm 1981, tỷ lệ lãi suất liên bang chạm mốc 20%, lãi suất của các khoản thế chấp lãi suất cố định 30 năm đạt đỉnh điểm là 18%. Kết quả, nhà đất, ô tô và các ngành lệ thuộc vào tín dụng khác đột ngột chững lại. Theo sau đó là một đợt suy thoái ngắn, rồi đến đợt xuống dốc sâu giai đoạn 1981-1982. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt hơn 10%, mức cao chưa từng có kể từ cuối thập niên 1930.
Sau khi kế nhiệm Volcker năm 1987, Alan Greenspan tiếp tục đấu tranh chống lạm phát, dù ông có thể làm được nhiều hơn thế một cách từ từ, với ít vấn đề ảnh hưởng hơn. Đến cuối thập niên 1990, cuộc chiến chống lạm phát tăng cao có vẻ bắt đầu đi đến hồi kết. Lạm phát đã giảm xuống còn khoảng 2% mỗi năm, tương xứng với định nghĩa không chính thức của Greenspan về sự bình ổn giá: Tỷ giá lạm phát đủ thấp để các gia đình và doanh nghiệp không cần
"""