"
Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca Quyển 2: Từ Lý đến Nguyễn Tây-sơn - Lê Ngô Cát & Phạm Đình Toái full mobi pdf epub azw3 [Thơ Ca]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca Quyển 2: Từ Lý đến Nguyễn Tây-sơn - Lê Ngô Cát & Phạm Đình Toái full mobi pdf epub azw3 [Thơ Ca]
Ebooks
Nhóm Zalo
Tên sách : ĐẠI-NAM QUỐC-SỬ DIỄN-CA
Quyển II : Từ Lý đến Nguyễn Tây-sơn
Tác giả : LÊ NGÔ-CÁT, PHẠM ĐÌNH-TOÁI
Nhà xuất bản : SÔNG NHỊ
------------------------
Nguồn sách : scmn-vietnam.blogspot.com
Đánh máy : dinh ai, kimtrongnew, Nhok_kira, PV Ngọc Trâm, honganh_257, ThuyTrang97, huyennhung, hangdtv, Hiền Dzô
Kiểm tra chính tả : Vũ Minh Anh, Trần Thị Kim Duyên, Trần Lê Nam, Hoàng Thị Xoan, Trần Trung Hiếu
Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 04/10/2019
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn các tác giả LÊ NGÔ-CÁT và PHẠM ĐÌNH-TOÁI và nhà xuất bản SÔNG NHỊ đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
MỤC LỤC
PHẦN THỨ TƯ : THỜI-KỲ PHÁT-TRIỂN (Từ thế-kỷ 11 đến đầu thế-kỷ 19)
ĐOẠN THỨ MƯỜI : NHÀ LÝ (1010-1225)
1) Lý-Thái-Tổ
2) Lý-Thái-Tông bình Nùng phục Chiêm
3) Lý-Thánh-Tông, một ông vua nhân-dũng
4) Bà Ỷ-Lan nhiếp-chính
5) Lý-Thường-Kiệt bại Chiêm phá Tống
6) Lý-Thần-Tông khuyến khích việc nông
7) Đỗ-Anh-Vũ lộng-quyền
8) Tài kinh-quốc của Tô-Hiến-Thành
9) Lý-Cao-Tông thất-chính
10) Quách-Bốc chiếm kinh-thành
11) Họ Trần giúp vua Lý
12) Lý-Huệ-Tông phát điên
13) Lý-Chiêu-Hoàng nhường ngôi cho chồng
ĐOẠN MƯỜI MỘT : NHÀ TRẦN THỜI-KỲ THỊNH (1226- 1340)
1) Những việc cải-cách đầu tiên
2) Văn-học và võ-công
3) Phong-tục đời Trần
4) Đức-độ và chính-trị của Trần-thánh-Tông
5) Trần-Hưng-Đạo phá Mông-Cổ
6) Anh-Tông và Minh-Tông
7) Việc đánh dẹp về đời Hiến-Tông
Ờ À Ờ Ỳ
ĐOẠN MƯỜI HAI : NHÀ TRẦN THỜI-KỲ SUY (1341- 1400)
1) Nhà Trần bắt đầu suy
2) Dương-Nhật-Lễ tiếm-vị
3) Chiêm-thành xâm-nhiễu
4) Lê-Quý-Ly phế-lập
ĐOẠN MƯỜI BA : NHÀ HỒ VÀ GIẶC MINH (1400- 1418)
1) Nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần
2) Quân Minh diệt nhà Hồ
3) Trần-Giản-Định chống Minh
4) Trần-Trùng-Quang chống Minh
5) Quân Minh chiếm toàn cõi Đại-Việt
6) Chính-sách nhà Minh
ĐOẠN MƯỜI BỐN : NHÀ HẬU-LÊ THỜI-KỲ THỐNG NHẤT (1418-1526)
1) Lê-Thái-Tổ phá giặc Minh
2) Nhà Lê kiến-quốc
3) Lê-Nghi-Dân cướp ngôi
4) Thời-kỳ toàn-thịnh : Lê-Thánh-Tông
5) Nhà Lê bắt đầu suy
6) Loạn Trần-Cảo và Trịnh Duy-Sản
7) Chính-quyền tan-rã
8) Mạc-Đăng-Dung chuyên quyền
ĐOẠN MƯỜI LĂM : NHÀ MẠC (1527-1592) 1) Ngoại-giao và nội-chính của Mạc-Đăng-Dung 2) Nguyễn-Kim khởi-nghĩa phù Lê
3) Trịnh-Kiểm tiến quân ra Bắc
4) Nguyễn-Hoàng vào Hóa-châu
5) Trịnh-Mạc phân-tranh
6) Trịnh-Tùng chấp chính
7) Trịnh-Tùng diệt Mạc
ĐOẠN MƯỜI SÁU : LÊ TRUNG-HƯNG-VUA LÊ CHÚA TRỊNH (I) (1593-1729)
1) Giao-thiệp buổi đầu với Trung-hoa
2) Trịnh-Tùng xưng chúa
3) Trịnh-Tráng tăng quyền phủ chúa
4) Trịnh-Tạc đánh Nguyễn và Mạc
5) Trịnh-Căn và nhà Thanh
6) Triều-thần nhà Lê
7) Những việc cải-cách về thời Trịnh-Cương
ĐOẠN MƯỜI BẨY : NHÀ LÊ SUY-VUA LÊ CHÚA TRỊNH (II) (1729-1782)
1) Chính-sách đồi-bại của Trịnh-Giang
2) Sự loạn-lạc ở Bắc-hà
3) Trịnh-Doanh và Lê-Hiển-Tông
4) Trịnh-Doanh và Trịnh-Sâm dẹp loạn
5) Trịnh-Sâm đánh chúa Nguyễn
6) Trịnh-Sâm hỏng mưu thoán-đoạt
7) Đặng-Thị-Huệ lộng-quyền
ĐOẠN MƯỜI TÁM : CUỐI ĐỜI NHÀ LÊ – VUA LÊ CHÚA TRỊNH (III) (1783-1786)
1) Loạn kiêu-binh ở kinh-thành
2) Nguyễn-Huệ ra Bắc lần thứ nhất
3) Chúa Trịnh-Khải bị bắt
4) Nguyễn-Huệ trả quyền Lê-Hiển-Tông
) g y q y g
5) Quân Tây-sơn rút về Nam
6) Triều-đình vua Lê-Chiêu-Thống
7) Nguyễn-Hữu-Chỉnh chuyên-quyền
ĐOẠN MƯỜI CHÍN : NHÀ NGUYỄN TÂY-SƠN (1787- 1802)
1) Quân Tây-sơn ra Bắc lần thứ hai
2) Lê-Chiêu-Thống chạy
3) Nguyễn-Huệ đặt chức Giám-quốc ở Bắc-hà 4) Quân nhà Thanh sang nước ta
5) Triều-đình thời Lê-mạt
6) Quang-Trung đại-phá quân Thanh
7) Cuộc lưu-vong của Lê-Chiêu-Thống
8) Tổng-kết
PHỤ BẢN
LÊ NGÔ-CÁT và PHẠM ĐÌNH-TOÁI ĐẠI-NAM QUỐC-SỬ DIỄN-CA Quyển II : Từ Lý đến Nguyễn Tây-sơn
TỰA và DẪN
HOÀNG XUÂN-HÃN
LOẠI VĂN CỔ
SÔNG NHỊ
HÀ-NỘI
Nền bìa :
Là bia lăng Lê-Lợi do Nguyễn Trãi soạn năm 1433 Nhà xuất-bản Sông-Nhị giữ bản-quyền 1949
LOẠI VĂN CỔ : Quốc-văn của ta ngày xưa có phần thất-lạc, có phần còn lưu-truyền được đến ngày nay. Phần còn lưu-truyền hay bị người sau làm sai suyễn ; tác-giả và gốc-tích có khi không tường ; những chỗ khó hay nghi ngờ lại không được giải-thích. Mục-đích tùng-san này là tìm cách bổ-cứu những khuyết-điểm ấy.
NHÀ XUẤT-BẢN SÔNG-NHỊ
Bản Đại-Nam Quốc-sử diễn-ca này do ông Hoàng Xuân Hãn phiên âm theo đúng nguyên-văn chữ nôm bản khắc năm 1879. Vì thế có nhiều chữ khác với các bản quốc ngữ đã in ra từ trước tới nay.
Trong nguyên-bản, bài ca không chia ra từng đoạn từng mục, và có lời giải bằng Hán-văn.
Nhưng lời-giải ấy có chỗ thì quá vụn vặt, có chỗ thì quá sơ-lược, có chỗ thì sai hẳn chính-sử.
Nhà xuất bản soạn riêng lời-giải để ước-lược, bổ-khuyết và đính-chính ; lại chia bài ca ra từng phần, từng đoạn, từng mục để tiện việc tra-cứu.
Ông Vũ-Đẳng-Châu đã giúp nhà xuất-bản trong việc phân đoạn, chú-thích và soạn lời-giải.
NHÀ XUẤT-BẢN
PHẦN THỨ TƯ : THỜI-KỲ PHÁT-TRIỂN (Từ thế-kỷ 11 đến đầu thế-kỷ 19)
ĐOẠN THỨ MƯỜI : NHÀ LÝ (1010-1225)
1) Lý-Thái-Tổ
Bắc-giang trời mở thánh-minh, 1
Lý-Công tên Uẩn nhân-tình đới-suy. 2
Lê-triều làm chức chỉ huy,
Lũ Đào-Cam-Mộc ứng-kỳ phù lên. 3
Đầu năm cải-hiệu Thuận-thiên, 4
Thăng-long mới đổi đặt tên kinh-thành.
Định ra thuế lệ phân-minh,
820. Túc-xa quản-giáp quân-danh cũng tường. 5 Hỗn-đồng một mối phong-cương, 6
Hai mươi bốn lộ các đường mới chia. 7
Cử-long sấm dậy binh-uy, 8
Diễn-châu gió động tinh-kỳ thân-chinh. 9
Biện-loan gặp lúc hối-minh, 10
Hương-nguyền cảm cách, sóng kình cũng êm. 11 Bốn phương trong trị, ngoài nghiêm,
Chiêm-thành, Chân-lạp xa đem cung-cầu. 12 Ngựa man sang tiến Bắc-triều,
830. Tống-hoàng ban-thưởng quan bào thêm vinh. 13 Ví hay đạo học tinh-minh, 14
Đế-vương sự-nghiệp nước mình ai hơn
Cớ sao tín-hoặc dị-đoan, 15
Say vui đạo Phật, lưu-liên cảnh chùa ?
Để cho dân tục tranh đua,
Ni-cô nối gót, tăng-đồ chen vai. 16
Bởi vì sinh cửa Như-lai, 17
Tiêu-sơn từ thuở anh-hài mới ra. 18
Sóng tình chìm nổi ái-hà, 19
840. Chín ngôi hoàng-hậu, phép nhà cũng sai. Tự mình đã dựng lệ-giai, 20
Khiến nên con cái, thêm bài tương-tranh. 21
Lời-giải. – Lý-Công-Uẩn người làng Cổ-Pháp, nay là làng Đình-Bảng, phủ Từ-Sơn, tỉnh Bắc-Ninh. Giữ chức Điện tiền-chỉ-huy-sứ dưới triều Lê. Khi Lê-Ngọa-Triều mất, bọn Đào-Cam-Mộc tôn lên làm vua. Đó là Lý-Thái-Tổ.
Thái-tổ đổi niên hiệu là Thuận-thiên, dời kinh-đô từ Hoa Lư về Đại-la, đổi tên thành ra là Thăng-long (nay là tỉnh Hà nội) (1010). Thái-Tổ lại đặt lệ-luật về thuế-khóa, chia nước ra làm 24 lộ để cai-trị và tổ-chức quân-đội.
Thái-Tổ dẹp giặc ở đất Cử-long (thuộc tỉnh Thanh-hóa) và ở Diễn-châu (thuộc Nghệ-an).
Tục-truyền khi về cửa Biện-loan (nay thuộc phủ Tĩnh-gia Thanh-hóa) thì giời đất u-ám, nổi sóng gió. Thái-Tổ thắp hương cầu-khẩn thì sóng gió lại im. Những chuyện hoang đường như thế, về thời Lý, rất nhiều.
Sau Thái-Tổ lại đánh dẹp giặc Hạc-xác từ Vân-nam kéo tới vùng Kim-hoa-bộ (nay thuộc huyện Kim-anh, tỉnh Phúc yên).
Ngài sai đem ngựa mán sang cống nhà Tống (bên Tầu), Vua Tống nhận. Chiêm-thành và Chân-lạp đều sang triều-
cống nước ta.
Lý-Thái-Tổ lúc nhỏ được nhà sư ở chùa Tiêu-Sơn (Bắc Ninh) là Lý-Khánh-Văn nuôi dạy, nên khi lên ngôi hết sức khuyến-khích đạo Phật và tin-dùng các người đi tu. Trong nội-cung, Thái-Tổ đặt chín ngôi Hoàng-hậu, vì vậy gây ra sự anh em tranh giành nhau về sau.
Thái-Tổ làm vua từ 1010 đến 1028.
2) Lý-Thái-Tông bình Nùng phục Chiêm Thái-tông nối nghiệp thủ-thành, 22
Anh em lại rắp đua giành ngôi cao.
Cùng nhau binh-mã sấn vào,
Cấm-thành bỗng chốc xôn-xao chiến-trường. 23 Trận-tiền giết Vũ-đức-vương,
Đông-chinh, Dực-thánh tin đường chạy xa.
Khoan-hình lại xuống chiếu tha, 24
850. Thân-phiên đã định, nước nhà mới yên. 25 Ban hình-luật, canh tịch-điền, 26
Mở đồ nhất-thống cầm quyền tứ-chinh. 27
Mừng xem « Phiên phục Nùng bình », 28
Huy-xưng có chữ rành rành biểu-tiên. 29
Vắn-dài là số tự-nhiên,
Tụng kinh cầu thọ khéo nên chuyện cười. 30
Lời-giải. – Lý-Thái-Tổ vừa mất, các hoàng-tử Võ-đức vương, Đông-chinh-vương và Dực-thánh-vương đem quân vây thành để tranh ngôi với Thái-tử Phật-Mã (tức là Lý-
Thái-Tông). Tướng-quân là Lê-Phụng-Hiểu cầm quân giết Võ-đức-vương và đánh đuổi Đông-chinh-vương và Dực thánh-vương. Sau, hai người này xin hàng. Thái-Tông tha tội và cắt đất phong cho.
Thái-Tông định lại hình-luật (1042), đặt lệ nghinh-xuân cầy ruộng tịch-điền.
Năm 1039, Thái-Tông đánh tan giặc Nùng ở vùng Quảng-nguyên (Cao-bằng), bắt giết chúa Nùng là Nùng-Tồn Phúc. Năm 1044, vua lại thân-chinh đi đánh Chiêm-thành hồi ấy hay vào quấy-nhiễu ở vùng bể. Thái-Tông tiến binh đến thủ-đô Chiêm là Phật-thệ (ở mười cây số phía bắc thành Bình-định ngày nay). Vua Chiêm là Sạ-Đẩu bị bộ-hạ giết rồi đem đầu ra xin hàng.
Thái-Tông làm vua từ 1028 đến 1054.
3) Lý-Thánh-Tông, một ông vua nhân-dũng Thánh-tông văn-học hơn đời,
Bình Chiêm đánh Tống đủ tài kinh-luân.
Khuyến nông chăm việc cần-dân, 31
860. Chiếu chăn thương kẻ tù-nhân lạnh-lùng. Thánh-hiền tô tượng học-cung, 32
Đặt khoa bác-sĩ, ưu-dung đại-thần. 33
Ân riêng mưa móc đượm-nhuần,
Đã tiền lại lúa ân-cần dưỡng-liêm. 34
Hồ Tây vui thú Dâm-đàm, 35
Nỡ đem của nước xây làm cung tiên.
Chuông Sùng-khánh tháp Báo-thiên, 36
Phật vàng đúc tượng, say thiền lạ sao ! 37
Lời-giải. – Lý-Thánh-Tông đổi tên nước là Đại-Việt, Thánh-Tông là một ông vua vừa nhân vừa dũng.
Ở ngoài thì mở mang bờ cõi, đánh Chiêm-thành và bắt vua Chiêm là Chế-Củ. Chế-Củ xin dâng ba châu để chuộc tội đã vào quấy-nhiễu biên-thùy phía nam nước ta (1069). Đó là những châu Địa-lý, Ma-linh và Bố-chính nay thuộc tỉnh Quảng-bình và Quảng-trị. Về phía Bắc, bấy giờ, nước ta chưa có chiến tranh lớn với nhà Tống bên Tầu, nhưng đã có nhiều sự xích-mích ở biên-thùy. Nên vua Lý-Thánh-Tông sai binh-sĩ tới trại Cổ-vạn và Trại Như-hồng ở Tầu đánh phá rồi lại rút về.
Ở trong nước, Thánh-Tông khuyến khích việc canh nông, săn sóc đến đời sống của dân : thương kẻ tù-tội, về mùa rét sai phát chăn chiếu cho họ ; mở khoa thi, lập nhà văn-miếu, đúc tượng thờ Khổng-tử để khuyến-khích việc học ; đối với các quan thì trọng-đãi khuyến-khích đức liêm chính.
Thánh-Tông lại khởi các cuộc công-tác to như xây cung Dâm-đàm, đúc chuông Sùng-khánh, dựng tháp Báo-thiên.
Thánh-Tông làm vua 17 năm thì mất (1054-1072).
4) Bà Ỷ-Lan nhiếp-chính
Nhân-tông tuổi chửa là bao,
870. Ngoài ra triều-yết, trong vào giảng-minh, 38 Thụ-di có Lý-Đạo-Thành, 39
Ỷ-Lan hoàng-hậu buông mành giúp nên. 40
Mở khoa bác-học cầu hiền, 41
Ba thăng một mẫu, thuế điền nhẹ thay !
Có khi xem gặt xem cầy,
Lòng chăm điền-dã một ngày mấy tao. 42
Mưa ân ngấm khắp dồi dào,
Chuộc người bần-nữ gả vào quan phu. 43
Lời-giải. – Lý-Nhân-Tông lên ngôi mới bẩy tuổi. Mẹ là Nguyên-phi Ỷ-Lan nhiếp-chính, có Thái-sư là Lý-Đạo-Thành phò-tá. Năm 1075, mở khoa thi tam-trường chọn người học giỏi ra làm quan. Bà Ỷ-Lan săn sóc đến công việc của dân quê, định lại thuế ruộng, để ý đến việc cầy cấy. Hồi ấy, người nghèo còn theo tục bán mình cho nhà giầu, Ỷ-Lan bỏ tiền kho ra chuộc những con gái nhà nghèo để gả cho đàn ông góa vợ, khiến cho họ cũng lập được gia đình. (X. Chuyện Ỷ-Lan, Sông-Nhị xuất-bản)
5) Lý-Thường-Kiệt bại Chiêm phá Tống Thân-chinh xe ngựa trì-khu, 44
880. Phá Sa-động bắt man-tù Ngụy-Phang. 45 Chiêm-thành nộp đất xin hàng,
Ba châu qui-phụ một đường thanh-di. 46
Tống-binh xâm-nhiễu biên-thùy, 47
Tướng-quân Thường-Kiệt dựng kỳ (cờ) Bắc-chinh. 48 Bên sông Như-Nguyệt trú-dinh, 49
Giang-sơn dường có thần-linh hộ-trì. 50
Miếu-tiền phảng-phất ngâm thi, 51
Như phân địa-thế, như trì thiên-binh. 52
Bấy giờ Tống mới hư-kinh, 53
890. Giảng-hòa lại trả mấy thành cố-cương. 54 Lại còn hối hận một chương, 55
Tham voi Giao-chỉ, mất vàng Quảng-nguyên.
Năm mươi năm lẻ lâu bền,
Vũ-công, văn-đức rạng truyền sử xanh.
Thượng-dương sao nỡ bạc tình,
Để bà Dương-hậu một mình ngậm oan.
Kìa Lê-Văn-Thịnh mưu-gian,
Thương chi quái-hổ mà khoan lưới hình ! 56
Phật-từ như quả chứng-minh, 57
900. Chuông chùa Diên-hựu đã thành phúc-cai. 58 Cớ sao chi thứ nối đời, 59
Trừ-quân lại thác vào người hóa-duyên ? 60
Lời-giải. – Lý-Nhân-Tông có Lý-Thường-Kiệt giúp. Bấy giờ nhà Tống (bên Tầu) có Vương-An-Thạch làm tể-tướng, sửa soạn xâm-chiếm nước ta.
Năm 1075, Lý-Thường-Kiệt tấn-công sang Tầu trước : vây Khâm-châu và Liêm-châu (thuộc tỉnh Quảng-đông) và chiếm Ung-châu (thuộc tỉnh Quảng-tây), phá các căn-cứ của địch, rồi rút lui về nước.
Xong, Thường-Kiệt lại đem quân đánh Chiêm-thành, vẽ bản-đồ ba châu mà vua Chiêm đã nhượng cho Lý-Thánh Tông trước (1069) rồi cho người sang ở.
Cuối 1076, quân Tống tiến sang nước ta đánh trả thù. Lý-Thường-Kiệt đánh chẹn ở sông Như-nguyệt. Hai bên giữ nhau mãi. Sau quân Tống không tiến được phải rút lui, chỉ còn chiếm giữ châu Quảng-nguyên và mấy châu nữa thuộc tỉnh Cao-bằng và Lạng-sơn.
Năm 1079, Lý-Nhân-Tông lại dùng ngoại-giao mà lấy về nốt những châu ấy.
Tác-giả bài ca chê vua Lý-Nhân-Tông đã để mẹ là bà Ỷ Lan, vì ghen mà ép bà Thượng-dương thái-hậu họ Dương và 72 người cung-nữ phải chết theo vua Lý-Thánh Tông ; đã tha cho thủ-khoa Lê-Văn-Thịnh tội phản-nghịch và đã quá mê đạo Phật.
Lý-Nhân-Tông làm vua được 56 năm ; lúc chết (1127) không có con, nên con hoàng-đệ Sùng-hiền-hầu lên nối ngôi.
(Muốn biết rõ võ-công oanh liệt của Lý-Thường-Kiệt và sử ngoại-giao triều Lý, xin xem quyển Lý-Thường-Kiệt của Hoàng-Xuân-Hãn, do nhà Sông-Nhị xuất bản 1949).
6) Lý-Thần-Tông khuyến khích việc nông
Thần-tông sinh cửa Sùng-hiền,
Dấu hang thi-giải còn truyền Sài-sơn. 61
Thức nồng nhuộm vẻ chi-lan, 62
Thông-minh học vấn kiêm-toàn cả hai.
Năm đầu vừa mới lên ngôi,
Giảng cầu trước đã mở bài kinh-diên. 63
Qui nông cho lính canh phiên, 64
910. Rộng ân lại trả quan-điền cho dân. 65
Lời-giải. – Theo dị-đoan thời bấy giờ thì Lý-Thần-Tông vốn là sư Từ-Đạo-Hạnh hóa xác mà sinh ra.
Thần-Tông vừa trọng việc học-hành vừa khuyến-khích việc canh-nông ; cho phép quân lính đổi phiên về làm ruộng, và trả lại dân những ruộng đất trước đã bị tịch ký.
Thần-Tông làm vua được 10 năm (1128-1138).
7) Đỗ-Anh-Vũ lộng-quyền
Anh-Tông còn thủa xung-nhân, 66
Đỗ-Anh-Vũ lấy ngoại-thân lộng-hành. 67
Ra vào trong trướng, ngoài mành,
Cùng Lê-thái-hậu có tình riêng chung.
Tống-giam đã bắt vào trong,
Mà Lê-hậu lại còn lòng đeo-đai.
Rượu cơm vẫn cứ đưa mời,
Vàng cho ngục-tốt liệu bài thoát ra. 68
Nghị đồ rồi lại được tha, 69
920. Để đoàn Vũ-Đái đều là thác oan.
Lời-giải. – Lý-Anh-Tông lên làm vua, mới có ba tuổi. Lê-thái-hậu nhiếp-chính, tư-thông với Đỗ-Anh-Vũ nên Anh Vũ lộng quyền.
Bọn Vũ-Đái, Nguyễn-Dương, Nguyễn-Quốc và Dương Tự-Minh định trừ Anh-Vũ nhưng không xong, đều bị đày hay bị giết.
8) Tài kinh-quốc của Tô-Hiến-Thành
Rồi ra vắng mặt quyền-gian, 70
Hiến-Thành hết sức cán-toàn mới nên. 71
Khi triều Tống, khi sính Nguyên, 72
Một niềm cung-thuận đôi bên được lòng. 73
An-nam Tống mới cải-phong, 74
Quốc-danh từ ấy rạng dòng viêm-phương. 75
Thành Nam mở chốn võ-tràng, 76
Tập-tành cung ngựa phô-trương tinh-kỳ. 77
Uy-thanh giậy đến biên-thùy,
930. Chiêm-thành Ngưu-hống man-di cũng bình. Tuần-du đã tỏ dân-tình, 78
Sơn-xuyên trải khắp địa-hình gần xa. 79
Trừ-quân vì một nết tà, 80
Đổi sang Long-Cán còn là ấu-niên. 81
Thác-cô nhờ có tôi hiền, 82
Dẫu người hối-chúc mà quyền chẳng sai. 83
Cao-tông ba tuổi nối đời,
Hiến-Thành cư-nhiếp trong ngoài đều yên. 84
Di-lưu còn muốn tiến hiền, 85
940. Đem Trần-Trung-Tá thay quyền tán-tương. 86
Lời-giải. – Sau khi Anh-Vũ mất, mọi việc đều do Tô Hiến-Thành đảm-đương.
Đối ngoại thì Tô-Hiến-Thành khéo giao-thiệp cả với Tống và Nguyên là hai họ bấy giờ đương tranh nhau nước Tầu.
Vua Tống đổi phong cho Anh-Tông là An-nam-quốc-vương (1164). Trước đấy thì Tầu vẫn phong cho vua ta là Giao-chỉ hay An-nam quận-vương, tuy rằng Lý-Thánh-Tông đã đổi tên nước là Đại-Việt.
Trong nước thì Tô-Hiến-Thành khuyến-khích việc tập luyện quân-sự và mở-mang sự học-hành. Ông dẹp giặc Thân-lợi (vùng Thái-nguyên), giặc Ngưu-hống (vùng Phú thọ), giặc Hữu-lượng (vùng Quảng-nguyên), và đánh nước Ai-lao. Uy-thanh lừng-lẫy.
Vua Anh-Tông đi xem xét các nơi và sai vẽ địa-đồ nước ta (1171-1172). Khi Anh-Tông mất (1176) giao cho Hiến Thành phò-tá Cao-tông bấy giờ mới có ba tuổi.
Bà Chiêu-linh-thái-hậu sai người đút lót để xin lập lại Thái-tử Long-Sưởng trước đã bị Anh-Tông truất vì có tội. Hiến-Thành không nghe. Khi Hiến-Thành sắp mất (1179) lại đề cử Trần-Trung-Tá là người giỏi và trung để giúp Lý-Cao Tông. Nhưng sau khi ông mất, thái-hậu và triều-thần lại dùng người khác.
Tô-Hiến-Thành là người thao-lược mà lại trung-chính, nên đời sau ví ông với Gia-Cát-Lượng đời Tam-quốc bên Tầu.
9) Lý-Cao-Tông thất-chính
Tiếc không dùng kẻ trung-lương, 87
Cao-tông hoang-túng mọi đường ai can ? 88
Dấu xe quanh khắp giang-san,
Chính-hình lỗi tiết, du-quan quá thường. 89
Lại thêm thổ-mộc cung-tường, 90
Mua quan bán ngục nhiều đường riêng tây.
Nhạc Chiêm rầu-rĩ khéo bầy, 91
Những là tai-biến từ này hiện ra.
Trâu đâu lên ngọn am-la, 92
Thước đâu làm tổ góc nhà Kính-thiên. 93
Bốn phương trộm cướp nổi lên,
Quân Chiêm, người Tống xâm biên mấy kỳ. 94 Vui chơi nào có biết gì,
Thờ-ơ phó chuyện an-nguy mặc trời.
Lời-giải. – Cao-Tông, khi lớn lên cầm quyền không có người tài giỏi trung-trực can ngăn, nên làm nhiều điều không hay : đi rong chơi khắp trong nước, pháp-luật không giữ đúng mực cho người tuân theo, vơ-vét của dân, làm nhiều việc nhũng-lạm, tiêu nhiều thứ xa-xỉ, đem âm-nhạc vong-quốc của Chiêm về nước. Bấy giờ người thổ mán ở phía nam Trung-quốc và người Chiêm vào quấy-nhiễu nước ta luôn, mà vua quan cũng không để ý.
10) Quách-Bốc chiếm kinh-thành
Quyền-cương ngày một đổi dời, 95
Phạm-Du đã phản lại vời về kinh.
Bỉnh-Di là kẻ trung-thành,
Nghe dèm mà nỡ gia-hình cớ sao ? 96
Bởi ai gây việc oan-cừu,
960. Để cho Quách-Bốc sấn vào kim-giai. 97
Xe loan lánh chạy ra ngoài,
Hoàng-thân đế-thích mỗi người một phương. 98
Lời-giải. – Trong nước giặc cướp như ong. Năm 1208, ở Nghệ-an, Phạm-Du làm phản. Cao-Tông sai Phạm-Bỉnh-Di đi đánh dẹp. Phạm-Du sai người về kinh thành lấy vàng bạc đút lót, nên Du được tha mà Bỉnh-Di lại bị bắt giam. Tướng của Bỉnh-Di là Quách-Bốc đem quân phá thành vào cứu Bỉnh-Di. Cao-Tông vội giết Bỉnh-Di rồi cùng thái-tử Sảm chạy trốn. Bốc mai-táng cho chủ tướng rồi tôn hoàng-tử Thẩm lên làm vua.
11) Họ Trần giúp vua Lý
Trừ-quân đi đến Thiên-trường, 99
Tình cờ lại gặp một nường tiểu-thư.
Con nhà Trần-Lý công ngư, 100
Lưới chài nhưng cũng phong-tư khác thường. 101 Trăng già đưa mối tơ vương,
Mới hay con tạo mở đường di-duyên. 102
Họ Trần từ ấy nổi lên,
970. Kết bè thích-lý, dựng nền tiếm-giai. 103
Trần-Tự-Khánh ở phương ngoài,
Đem quân Hải-ấp vào nơi đô-thành. 104
Lời-giải. – Thái-tử Sảm chạy về Hải-ấp làng Lưu-gia (nay là làng Lưu-xá, huyện Hưng-nhân, Thái-bình). Gặp con gái Trần-Lý có nhan-sắc liền lấy làm vợ. Trần-Lý, nguyên người ở làng Tức-mặc (huyện Mỹ-lộc, Nam-định), làm nghề đánh cá, vẫn có nhiều người theo phục. Anh em họ Trần mộ quân về kinh dẹp loạn, rồi lên Qui-hóa (thuộc Phú-thọ) đón
vua Cao-Tông. Cao-Tông cho đón Thái-tử Sảm về kinh còn Trần-thị thì ở lại Lưu-gia. Một năm sau (1210), Cao-Tông chết. Thái-tử Sảm lên làm vua, tức là Huệ-Tông. Huệ-Tông phong Trần-thị làm nguyên-phi, cho đón về cung và phong cho anh Trần-thị là Trần-Tự-Khánh làm Chương-thành-hầu.
12) Lý-Huệ-Tông phát điên
Huệ-Tông gặp bước gập-ghềnh,
Nhẹ ân mẫu-hậu, nặng tình phu-nhân. 105
Lạng-châu xe đã Bắc-tuần, 106
Nửa đêm riêng với nàng Trần lẻn đi.
Gặp quân Tự-Khánh rước về,
Đương cơn gió bụi bốn bề chưa êm. 107
Huệ-tông cuồng-tật lại thêm, 108
980. Khi ngày đứng múa khi đêm nằm dài.
Xuất-gia lại muốn tu-trai, 109
Ngôi-thiêng phó-thác cho người đào thơ. 110
« Đăng sơn bóng nhật » đã mờ, 111
Hai trăm mười sáu Lý-cơ còn gì ? 112
Lời-giải. – Năm 1213, Thái-hậu làm khổ-nhục Trần-thị ở trong cung. Trần-Tự-Khánh mang quân về xin rước vua đi. Huệ-Tông nghi Tự-Khánh làm phản liền cùng Thái-hậu trốn lên Lạng-châu (Lạng-sơn).
Thái-hậu lại càng ghét Trần-thị, xui Huệ-Tông bỏ. Huệ Tông không nghe ; lại sợ Trần-thị bị đầu-độc, nên đến bữa ăn thứ gì Huệ-Tông cũng ăn trước còn một nửa mới cho
Trần-thị ăn. Sau cùng, Thái-hậu làm quá. Huệ-Tông liền cùng Trần-thị lẩn trốn đi. Tự-Khánh đem quân rước về cung.
Huệ-Tông phong Trần-thị làm Hoàng-hậu, Tự-Khánh làm Phụ-chính và anh Tự-Khánh là Trần-Thừa làm nội thị phán-thủ. Huệ-Tông có bệnh điên, lại thường uống rượu say ngủ cả ngày, mọi việc đều do Tự-Khánh quyết-đoán.
Cuối 1224, Huệ-Tông vào tu ở chùa Chân-giáo, vì không có con trai nên truyền ngôi cho con gái út bấy giờ mới 7 tuổi, là Chiêu-thánh công chúa tên là Phật-Kim. Đó là Lý Chiêu-Hoàng.
13) Lý-Chiêu-Hoàng nhường ngôi cho chồng Chiêu-hoàng là phận nữ-nhi,
Phấn son gánh việc gian-nguy được nào !
Xây vần cơ-tạo khéo sao ? 113
Bỗng xui Trần-Cảnh hiện vào hầu trong.
Người yểu-điệu, kẻ tư-phong, 114
990. Bén hơi rơm lửa, động phòng mưa mây. 115 Vẩy nước chậu, vắt khăn tay,
Khi đêm đạp bóng, khi ngày ngồi chung. 116
Hoa đào đã dạn gió đông,
Vua tôi phận đẹp, vợ chồng duyên may.
Chiếu rồng ban xuống năm mây, 117
Mừng rằng nữ-chúa ngày nay có chồng.
Lời-giải. – Chiêu-Hoàng làm vua, nhưng quyền-bính đều trong tay Trần-Thủ-Độ là em họ Thái-Hậu. Thủ-Độ cho
cháu là Trần-Cảnh vào hầu trong cung. Chiêu-Hoàng chơi đùa với Trần-Cảnh. Thủ-Độ liền vin cớ ấy đóng cửa thành, rồi truyền lệnh rằng Chiêu-Hoàng đã lấy Trần-Cảnh. Sau lại bắt Chiêu-Hoàng nhường ngôi cho chồng (1225). Nhà Lý làm vua được 216 năm, truyền ngôi được 8 đời.
ĐOẠN MƯỜI MỘT : NHÀ TRẦN THỜI-KỲ THỊNH (1226-1340)
1) Những việc cải-cách đầu tiên
Đông-A tỏ mặt vừng hồng, 118
Thái-Tông cải hiệu Kiến-Trung rõ ràng.
Trần-Thừa là Thái-thượng-hoàng, 119
1000. Chuyên quyền thính-đoán, gồm đường kinh luân. 120 Soạn làm thông-chế lễ-văn, 121
Thuế điền đã định, số dân cũng tường.
Tướng-thần mới đặt binh-chương, 122
Huyện châu sai kẻ khoa-trường trị dân. 123
Bạ-đầu thi kẻ lại-nhân, 124
Hiệu-quân Tứ-thánh, Tứ-thần mới chia. 125
Hà-phòng rày mới có đê, 126
Trăm quan áo mạo, rủ xe thêm tường.
Việc ngoài đánh dẹp bốn phương,
1010. Phó cho Thủ-Độ chuyên đường trị quân.
Lời-giải. – Trần-Cảnh lên ngôi, tức là Trần-Thái-Tông, cải niên-hiệu là Kiến-trung (1225). Thái-Tông mới 8 tuổi, quyền-binh đều ở trong tay Thái-thượng-hoàng, là Trần Thừa.
Nhà Trần thi-hành nhiều việc cải-cách quan-trọng : định lại hình luật (1244) ; định thuế ruộng, thuế thân ; đặt phẩm-trật, áo mũ cho các quan ; lấy kẻ có học để coi việc
cai-trị ; thi chọn các thuộc-viên để giữ sổ sách ; tổ-chức lại binh-lính ; đắp đê để ngăn nước sông (1244).
Còn việc đánh dẹp thì bấy giờ giao cho Trần-Thủ-Độ. Thủ-Độ đánh giặc Mường ở Quốc-oai (Sơn-tây), Đoàn Thượng ở Đường-hào và Nguyễn-Nộn ở Bắc-giang. Năm 1228 thì dẹp yên cả.
2) Văn-học và võ-công
Thượng-hoàng phút đã từ trần,
Thái-tông tuổi mới đến tuần mười hai.
Cao minh đã có tư trời, 127
Lại thêm Thủ-Độ vẽ vời khôn ngoan.
Sùng văn tô tượng Khổng, Nhan, 128
Dựng nhà Quốc-học, đặt quan Giám-thần. 129
Bảy năm một hội thanh-vân, 130
Anh-tài náo nức dần dần mới ra.
Trạng-nguyên, bảng-nhỡn, thám-hoa,
1020. Kẻ kinh, người trại cũng là tài-danh. 131 Lại thi Thái-học chư-sinh, 132
Lại thi tam-giáo chia rành ba khoa. 133
Thân-chinh trỏ ngọn thiên-qua, 134
Chiêm nam, Nguyên bắc đều là dẹp tan.
Lời-giải. – Trần-Thừa mất, Trần-Thủ-Độ nhiếp-chính. Ở trong thì Thủ-Độ khuyến-khích việc học : tô-tượng Khổng Tử ; dựng quốc-học-viện để giảng tứ-thứ ngũ-kinh. Năm 1232 mở khoa thi Thái-học-sinh (tức là tiến-sĩ) lần đầu. Tuy
vậy, sự học không chuyên về đạo Nho mà thôi còn có thi tam-giáo, trong đó đạo Phật và đạo Lão cũng được đặt ngang hàng với đạo Nho. Tác-giả bài ca, theo Nho-học, đã quá chú-trọng đến việc mở mang văn-học mà chỉ nói lướt qua những võ-công oanh-liệt thời Trần-Thái-Tông.
Năm 1252, Thái-Tông thắng Chiêm-thành. Năm 1257, quân Nguyên (Mông-cổ) từ Vân-nam (Tầu) kéo xuống Thăng-long, chiếm đô thành và làm cỏ nhân-dân. Thái-Tông phải chạy về mạn Đông-An (thuộc Hưng-yên). Sau nhờ có tài thao-lược của Trần-Quốc-Tuấn và chí cương-quyết của Trần-Thủ-Độ nên mới đánh đuổi được Mông-Cổ lần ấy là lần đầu.
3) Phong-tục đời Trần
Vì ai đạt gánh giang-san,
Mà đem cố-chúa gia oan nỡ nào ! 135
Chiêu-hoàng duyên trước làm sao ?
Gả đi bán lại, coi vào khó nghe ! 136
Phép nhà chẳng sửa buồng the,
1030. Vợ anh sao nỡ đem về hậu cung. 137
Bởi ai đầu mở hôn-phong, 138
Khiến nên một đạo khuê-phòng thẹn riêng ! 139 Thuần-bôn dòng thói ngửa-nghiêng, 140
Họ dương lấy lẫn nào kiêng sợ gì
Thiên-Thành công-chúa vu-quy, 141
Sao Trần-Quốc-Tuấn cướp đi cho đành ?
Sính-nghi đem đến thiên-đình, 142
Thụy-bà lăng-líu, Trung-thành ngẩn ngơ : 143
Dị-đoan mê hoặc khôn chừa, 144
1040. Chùa tô phật-tượng, đình thờ Thích-ca. Tin lời phong-thủy khí-tà, 145
Đào sông đục núi cũng là nhọc thay !
Lễ đâu yến-ẩm quá say,
Đội mo rót rượu, dan tay vui cười. 146
Ba mươi năm chán cuộc đời,
Truyền cho con nối, ra ngoài bắc-cung.
Lời-giải. – Trong bài ca kể nhiều chuyện tỏ rằng nhà Trần trong họ lấy lẫn nhau ; đời sau cho thế là loạn-luân. Một phần cũng vì Trần-thủ-Độ là một người gian-hùng, không ngại việc gì mà không làm, miễn là xây vững được cơ-nghiệp nhà Trần. Nhưng ta cũng không nên quên rằng hồi ấy phong-tục có lẽ khác với phong-tục thế-kỷ 19 nhiều. Vua quan đời Trần còn tin theo đạo Phật nhiều, cũng như đời Lý. Đạo Nho chưa chiếm được địa-vị độc-tôn. Phong-tục cũng còn chất-phác, giản-dị. Trong triều vua quan thân mật, họp nhau uống rượu say rồi giang tay mà hát. Sự phân-biệt tôn-ti khe-khắt của Nho-học chưa thấy rõ ràng.
4) Đức-độ và chính-trị của Trần-thánh-Tông Thánh-tông hiếu-hữu một dòng, 147
Sớm hôm chầu chực, mát nồng thảnh thơi. 148 Anh em nệm cả gối dài, 149
1050. Sân trong yến-lạc cõi ngoài ấm-phong. 150 Một thiên truyền-thụ phép lòng, 151
Di-mưu cho kẻ nối dòng ngày sau. 152
Văn-nho khuya sớm giảng-cầu,
Kẻ tu sử-ký, người chầu kinh-diên. 153
Bề ngoài nghiêm việc phòng biên, 154
Kén quân đoàn-luyện, tập thuyền Cửu-sa. 155
Lời-giải. – Năm 1258, Trần-Thái-Tông truyền ngôi cho con và làm Thái-thượng-hoàng, theo tục-lệ nhà Trần. Trần Thánh-Tông, làm vua từ 1258 đến 1278, là một ông vua có đức và chăm lo việc nước. Thánh-Tông có hiếu với cha mẹ, thuận-hòa với anh em, săn sóc đến sự huấn-luyện con cháu. Ở trong thì khuyến-khích việc học, sai soạn bộ sử-ký đầu tiên của nước ta (Lê-Văn-Hưu làm xong quyển Đại-Việt
Sử năm 1272). Để phòng ngoại-xâm thì săn-sóc việc canh phòng biên-cương, tập-luyện bộ-binh và thủy-binh.
5) Trần-Hưng-Đạo phá Mông-Cổ
Trao-truyền theo lối phép nhà, 156
Nhân-tông hùng-lược lại là tài hơn. 157
Rợ Nguyên quen thói tham-tàn.
1060. Quân năm mươi vạn, những toan tranh hành. Sắc sai Hưng-đạo tổng-binh, 158
Với Trần-Quang-Khải các dinh tiến vào.
Chương-dương một trận phong-đào, 159
Kìa ai cướp giáo ra vào có công ?
Hàm-quan một trận ruổi giong,
Kìa ai bắt giặc uy-phong còn truyền ? 160
Giặc Nguyên còn muốn báo đền, 161
Mượn đường hộ-tống binh-thuyền lại sang. 162 Bạch-đằng một cõi chiến tràng,
1070. Xương bày trắng đất, máu màng đỏ sông. Trần-Hưng-Đạo đã anh hùng.
Mà Trần-Nhật-Duật kể công cũng nhiều.
Hoài-Văn tuổi trẻ chí cao, 163
Cờ đề sáu chữ quyết vào lập công.
Trần-Bình-Trọng cũng là trung,
Đành làm Nam-quỉ, không lòng Bắc-vương. 164 Khuyển-ưng còn nghĩa đá vàng, 165
Yết-Kiêu, Dã-Tượng hai chàng cũng ghê !
Mà trong ngọc-diệp kim-chi, 166
1090. Lũ Trần-Ích-Tắc sao đi đầu hàng ?
Nhân khi biến-cố vội vàng, 167
Kẻ trung, người nịnh đôi đàng tỏ ra.
Trùng-hưng đem lại sơn-hà, 168
Đã hay thiên-tướng cũng là tài sinh. 169
Nước nhà khi ấy thanh-bình, 170
Truyền ngôi thái-tử, lánh mình Ngọa-vân, 171
Lời-giải. – Năm 1257, quân Mông-Cổ đã có lần từ Vân nam kéo xuống định chiếm nước ta, nhưng không được, đã phải rút về Tầu. Đến đời Trần-Nhân-Tông (1279-1293) thì Mông-Cổ đã thôn-tính xong hẳn nước Tầu, vua Mông-Cổ đã diệt xong nhà Tống và lên làm vua nước Tầu ; tức là nhà Nguyên.
Năm 1284, Vua Nguyên tìm cớ trách Trần-Nhân-Tông không sang chầu, rồi cử hai đạo binh sang đánh nước ta. Một đạo tiến từ Lạng-sơn xuống Thăng-long, một đạo đi đường thủy đến Chiêm-thành, rồi đánh từ Nghệ-an lên phía Bắc. Lúc đầu thế giặc mạnh, vua Trần phải bỏ Thăng-long mà rút lui về Thanh-hóa. Tướng ta là Trần-Bình-Trọng bị bắt, nhưng thà chịu chết, chứ không hàng giặc. Sau nhờ có chí cương-quyết và tài cầm quân của Hưng-đạo-vương Trần-Quốc-Tuấn quân ta lại thắng.
Trần-Nhật-Duật phá quân Nguyên ở bến Hàm-tử (thuộc tỉnh Hưng-yên). Trần-Quang-Khải lại thắng ở bến Chương dương trên sông Nhị (trong huyện Thượng-phúc tỉnh Hà đông) và lấy lại được Thăng-long. Tướng Nguyên là Toa-Đô bị ta giết ở Tây-kết (thuộc Hưng-yên). Quân Nguyên tan vỡ phải rút lui (giữa năm 1285).
Mùa xuân 1287, quân Nguyên lấy cớ là đưa Trần-Ích Tắc về làm vua Annam, lại kéo sang để đánh báo-thù. Lúc đầu quân Nguyên cũng lại kéo tới sát Thăng-long. Nhưng sau lương-thực của giặc bị tướng ta là Trần Khánh-Dư cướp ở Vân-đồn (Vân-hải, tỉnh Quảng-yên). Đại-quân giặc lại bị ta phá tan ở sông Bạch-đằng thuộc tỉnh Quảng-yên. Tại trận Bạch-đằng, nhiều tướng Nguyên, trong đó có Ô-mã-nhi, bị ta bắt sống (tháng ba năm Mậu-tý, 1288). Quân Nguyên rút về, lại bị ta chẹn đánh ở mạn Lạng-sơn (ải Nội-bàng và núi Kỳ-cấp). Tháng mười năm Mậu Tý (1288), Mông-Cổ phải nhận hòa.
Trần-Nhân-Tông nhường ngôi cho con năm 1293, và làm Thái-thượng-Hoàng theo lệ nhà Trần, được 13 năm.
6) Anh-Tông và Minh-Tông
Anh-Tông nối giữ nghiệp Trần,
Trong tu văn-đức, ngoài cần vũ-công.
Có châm để dạy Đông-cung, 172
Thủy-vân có tập vui cùng bút-nghiên. 173
Ví không mến phật, say thiền, 174
Cũng nên một đứng vua hiền Đông-A. 175
Quyện-cần rồi lại xuất-gia, 176
Minh-Tông kế-thống cũng là hiền-vương. 177
Mười lăm năm giữ phép thường,
Rạng nền-nếp cũ, mở giường-mối sau.
Tiếc không biện-biệt ngư-châu, 178
Để cho tà-nịnh ở đầu giai-ban. 179
Khắc-Chung thêm dệt lời gian,
1100. Quốc-Chân mắc phải tiếng oan thiệt mình.
Lời-giải. – Hai vua Trần-Anh-Tông (1293-1314) và Trần-Minh-Tông (1314-1329) đều là những vua tốt chăm lo việc nước.
Về đời Minh-Tông, vua quá tin kẻ nịnh-thần là Trần Khắc-Chung mà giết oan một người đã có công với nước là Trần-Quốc-Chân bị nghi là làm phản. Đối ngoại, hồi ấy sự giao-thiệp với Tầu không có gì đáng chú-ý ; nhưng về phía nam, người Chiêm và người Ai-lao thỉnh-thoảng lại vào quấy nhiễu.
Năm 1306, nhà Trần gả công-chúa Huyền-Trân cho vua Chiêm là Chế-Mân. Chế-Mân dâng hai châu Ô và Lý (sau đổi
là Thuận-châu và Hóa-châu). Chưa được một năm, Chế-Mân mất, Anh-Tông lại cho đón Huyền-Trân về nước.
Năm 1311, Anh-Tông đánh Chiêm-thành : năm 1318, Minh-Tông lại đánh một lần nữa.
Dưới triều Anh-Tông, tướng Phạm-Ngũ-Lão còn đánh dẹp Ai-lao vào quấy rối ở vùng Thanh-hóa và Nghệ-an.
7) Việc đánh dẹp về đời Hiến-Tông
Hiến-Tông làm máy lung-linh, 180
Nghiệm xem tinh-độ vận-hành không sai. 181
Thạch-đê mới đắp đường dài. 182
Nước sông thuận lối về ngoài biển Đông.
Thừa bình lại hiếu vũ-công, 183
Đà-giang xa-mã, Nam-nhung tinh-kỳ, 184
Cổ-quăng mấy kẻ truy-tùy, 185
Nhữ-Hài, Chiêu-Nghĩa đều về thủy-cung. 186
Kiềm-châu có đá kỷ công, 187
1110. Oán dày vẻ triện, sầu đông ngấn rều. 188
Lời-giải. – Trần-Hiến-Tông (1329-1341) lên ngôi mới có 10 tuổi. Minh-Tông làm Thái-thượng-hoàng trông nom mọi việc.
Về đời Hiến-Tông, nhà vua chăm-chú đến việc thiên văn, đắp thêm đê để giữ cho khỏi lụt. Việc đánh dẹp hồi ấy nhiều. Năm 1329, Thái-thượng-hoàng phải thân-chinh giặc Ngưu-hống ở mạn Đà-giang.
Năm 1384, lại đi đánh Ai-lao bấy giờ sang quấy nhiễu ở vùng Thanh-hoá. Quân Ai-lao bỏ chạy ở Kiềm-châu (thuộc huyện Chương-dương, Nghệ-An). Thượng-hoàng sai Nguyễn-Trung-Ngạn làm bài bia khắc trên núi để ghi công. Bia ấy nay còn.
Năm sau Ai-lao lại vào cướp ở ấp Nam-nhung (thuộc Chương-dương, Nghệ-an), Thượng-hoàng lại phải đi đánh.
Trong các cuộc đánh dẹp, ta cũng bị thiệt hại : tướng ta là Hầu-Chiêu-Nghĩa bị giết ở Đà-giang, và Đoàn-Nhữ-Hài bị giết ở Nam-nhung.
ĐOẠN MƯỜI HAI : NHÀ TRẦN THỜI-KỲ SUY (1341-1400)
1) Nhà Trần bắt đầu suy
Dụ-Tông em lại thừa diêu, 189
Ngôi thay anh cả, quyền theo Thượng-hoàng.
Thượng-thư mới đặt tỉnh-đường, 190
Đề-hình, chuyển-vận chức thường có tên. 191
Khuyến-nông sai sứ đồn-điền, 192
Vân-đồn đặt trấn tra thuyền khách-nhân, 193
Khu-tào thống-lĩnh cấm-quân, 194
Phong-đoàn lại mới kén dần các đô. 195
Uy-thanh xa động biên-ngu, 196
1120. Chiêm-thành Chế-Mộ dâng đồ thổ-nghi. 197 Mong nhờ đưa lối về quê,
Hay đâu gặp gió trở về luống công. 198
Thượng-hoàng đã vắng mặt trong,
Nào ai kiêng sợ mà lòng chẳng di ? 199
Đền Song-quế, ao Thanh-trì,
Muông-chim hoa-cỏ thiếu gì trò chơi !
Trong cung cờ bạc chơi bời,
Tiệc vui chuốc chén, trận cười leo dây.
Đạo thường chẳng cẩn phòng-vi, 200
1130. Chị em chung chạ loạn bề đại-luân.
Lời-giải. – Hiếu-Tông chết mới có 23 tuổi không có con. Em lên nối ngôi, tức là Dụ-Tông (1341-1369).
Từ 1341 đến 1357, Dụ-Tông tuy làm vua nhưng quyển hành đều ở Thái-thượng-hoàng Minh-Tông. Có nhiều việc sửa sang về cai-trị và binh-đội ; đất hoang được khai-khẩn ; nhà vua lại đặt quan trấn-thủ ở Vân-đồn (nay là Vân-hải, thuộc Quảng yên) để xem xét thuyền bè các nước qua lại.
Về ngoại-giao, Chiêm-thành vẫn triều-cống nước ta.
Năm 1352, thái-tử Chiêm là Chế-Mộ bị anh rể tranh mất ngôi, chạy sang cầu-cứu nước ta. Năm sau (1353) nhà Trần cho quân đưa Chế-Mộ về nước. Nhưng quân ta đến Cổ-luỹ (thuộc Quảng-Ngãi) bị gió ngược, lại quay về. Chế-Mộ sau buồn-rầu mà chết. Có chỗ chép quân ta bị Chiêm-thành đánh thua ở Cổ-luỹ.
Từ 1358 trở đi, Thượng-hoàng Minh-Tông mất, Dụ-Tông chơi-bời dâm-đãng : sai xây đền Song quế, đào ao Thanh trì, nuôi giống thú lạ, giồng các thứ hoa cỏ hiếm, họp người cờ bạc, bầy trò leo dây múa rối trong cung ; lại tư-thông với cả em gái. Những người danh-nho, như Chu-Văn-An, can ngăn không được, đều bỏ quan về nhà.
Nhà Trần bắt đầu suy từ đấy.
2) Dương-Nhật-Lễ tiếm-vị
Truyền ngôi con đứa ưu nhân, 201
Để Dương-Nhật-Lễ tiếm Trần dựng lên.
Thói nhà bài-hước đã quen, 202
Tiếng hoà nhịp phách, hát chen cung đàn.
Hiến-từ đã phải hàm-oan, 203
Trần-công mưu hở thân-tàn cũng thương ! 204
Nghệ-tông dòng dõi thiên-hoàng, 205
Đà-giang lánh dấu liệu đường khuất-thân. 206
Tiềm-mưu với kẻ tôn-thần, 207
1140. Đem về xã-tắc nhà Trần thủa xưa.
Yêu-phân đành đã tảo-trừ, 208
Cũng là nối một mối thừa lại sau.
Lời-giải. – Dụ-Tông mất không có con (1369) Bà Hoàng-thái-hậu nhất-định lập Dương-Nhật-Lễ lên ngôi. Nhật-Lễ là con một người hát bội, được một hoàng-thân nhận làm con nên chỉ quen thói hát xướng chơi bời. Sau Nhật-Lễ giết Hoàng-thái-hậu và Trần-Nguyên-Trác là người muốn đánh Nhật-Lễ. Năm 1370, con thứ ba vua Minh-Tông, vẫn ẩn náu ở mạn Đà-giang, âm-mưu với các tôn-thất, đem quân giết được Nhật-Lễ và lấy lại được ngôi vua. Đó là Trần
Nghệ-Tông (1370-1372).
3) Chiêm-thành xâm-nhiễu
Tiếc sao một mực ưu-nhu, 209
Đông-A từ ấy cơ-đồ mới suy. 210
Giậu phên trống-trải biên-thuỳ,
Giặc Chiêm giong-ruổi đô-kỳ xôn-xao. 211
Quý-Ly cho dự khu-tào, 212
Báu thiêng lại để gian-hào khải-du. 213
Duệ-Tông hăm-hở phục-thù,
1150. Đánh Chiêm nào quản trì-khu dặm trường. 214 Khinh minh vào động Ky-mang,
Tinh-kỳ tan-tác gió sương mịt-mù. 215
Em là Phế-đế hôn-ngu, 216
Chôn tiền giấu của như trò trẻ chơi.
Lời-giải. – Vào nửa sau thế-kỷ 14, trong khi nhà Trần suy-nhược thì ở Chiêm-thành có Chế-Bồng-Nga là một ông vua anh-hùng lập chí luyện-tập quân-sĩ để đánh nước ta.
Về đời Dụ-Tông, quân ta đã hai lần tiến sang Chiêm mà đều phải rút lui (1353 đem Chế-Mộ về, và 1367). Từ 1368, Chiêm sai sứ sang đòi Hóa-châu, rồi năm 1870, kéo quân sang đánh Thăng-long, Nghệ-Tông phải chạy. Quân Chiêm vào thành cướp phá, rồi bắt đàn bà con gái, lấy của cải mà rút về.
Duệ-Tông lên ngôi (1374-1377) sửa-soạn đánh báo thù. Năm 1377, đem đại-binh tiến vào cửa Thi-nại (Qui-nhơn) đánh đồn Thạch-kiên và động Ky-mang rồi vây Đồ-bàn (gần thành Bình-định bây giờ) là kinh-đô của Chiêm. Nhưng Duệ
Tông bị phục-binh của Chế-Bồng-Nga giết, và quân ta bị thiệt hại gần hết.
Con Duệ-Tông là Nghiễn lên làm vua (1377) nhưng nước ta đã quá suy-nhược. Từ 1377 đến 1388, quân Chiêm vào cướp phá Thăng-Long ba lần và nhiều lần vào quấy nhiễu vùng Thanh-hoá, Nghệ-an. Vua Đế-Nghiễn (Trần Phế-đế) sợ giặc phải đem của đi chôn !
Năm 1389, Chế-Bồng-Nga lại đem quân đánh Thanh hoá và sang năm sau (1390) đem quân tiến đến sông Luộc (thuộc tỉnh Hưng-yên). Bồng-Nga bị trúng đạn chết ở đấy.
Quân Chiêm phải rút về. Từ đấy ta mới hết lo về mặt Nam thuỳ.
4) Lê-Quý-Ly phế-lập
Quý-Ly quyền lấn trong ngoài, 217
Buông lời sàm-gián quên bài tôn-thân. 218
Truyền vời Phế-đế vào sân,
Lụa đào một tấm bể trần kết-oan.
Thuận-Tông tuổi mọn tài hèn,
1160. Ngôi không mà để chính-quyền mặc ai. Phải chăng bởi tại mưu người,
Mà điềm trẫm-triệu cơ trời lạ sao ! 219
Thượng-hoàng một giấc chiêm-bao,
Bạch-kê, xích-chuỷ ứng vào câu thơ. 220
Loạn-trưng đã hiện từ giờ, 221
Mà đồ tứ-phụ ai ngờ vẽ ra ! 222
Chim con đem gửi ác già, 223
Chắc đâu phó-thác hẳn là đắc-nhân ! 224
Lời-giải. – Lê-Quý-Ly, vốn là họ Hồ, vì có ông tổ làm con nuôi họ Lê ở vùng Thanh-hoá, nên đổi ra họ Lê. Quý-Ly có hai người cô lấy Minh-Tông, một người đẻ ra Duệ-Tông, một người đẻ ra Nghệ-Tông. Nên Quý-Ly được Nghệ-Tông tin dùng suốt trong thời-kỳ Nghệ-Tông làm vua và làm Thái
thượng-hoàng, trải qua bốn đời vua (1370-1394). Quý-Ly gièm pha để gác bỏ hết người trung-thành với vua, đặt tay chân của mình vào các chỗ có quyền-hành, xui Nghệ-Tông truất Đế-Nghiễn là người muốn chống với Quý-Ly ; rồi ép
Đế-Nghiễn tự-tử. Tuy vậy trước khi chết, Nghệ-Tông vẫn còn giao cho Quý-Ly làm phụ-chính cho Trần-Thuận-Tông (1388-1398).
ĐOẠN MƯỜI BA : NHÀ HỒ VÀ GIẶC MINH (1400-1418)
1) Nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần
Quý-Ly gắm-ghẻ vạc Trần, 225
1170. Quyết dời kẻ-chợ về gần An-tôn. 226
Đã xui truyền vị cho con,
Ngọc-thanh lại kết oan-hồn một giây
Gặp khi Thiếu-Đế thơ ngây,
Khát-Chân, Trần-Hãng đem ngày hợp-mưu.
Hội-minh vừa mới lên lầu, 227
Ba trăm đồ-đảng cùng nhau hiệp-tình.
Dùng-dằng chưa kịp cất binh,
Hở cơ một phút tan tành như tro.
Quý-Ly mới đổi họ Hồ,
1180. Quốc-danh là hiệu Đại-Ngu chương-hoàng. 228 Truyền ngôi con cả Hán-Thương,
Tự xưng là Thái-thượng-hoàng ở trong.
Sai người dâng biểu cầu-phong.
Dối Minh xin để nối dòng quốc-quân. 229
Lời-giải. – Sau khi Thái-thượng-hoàng Nghệ-Tông mất (1394), Quý-Ly mưu việc cướp ngôi nhà Trần. Bắt Thuận Tông dời đô vào thành Tây-đô (động An-tôn nay thuộc huyện Vĩnh-lộc, tỉnh Thanh-hoá), ép Thuận-Tông nhường ngôi cho con mới có 3 tuổi, rồi lại sai thắt cổ Thuận-Tông ở cung Ngọc-thanh là nơi Thuận-Tông đã ra ở ẩn để tu tiên (huyện Vĩnh-lộc). Quý-Ly làm phụ-chính cho Trần-Thiếu-Đế.
Triều-thần có người như Trần-Nguyên-Hãn, Trần-Khát-Chân định trừ Quý-Ly ; nhưng việc lộ, hơn 300 người bị giết.
Năm 1400, Quí-Ly bỏ Thiếu-Đế, tự xưng làm vua, đổi lại là họ Hồ và đặt tên nước là Đại-Ngu, vì họ Hồ là dòng-dõi nhà Ngu (bên Tầu). Chưa được một năm, Quý-Ly nhường ngôi cho con là Hồ-Hán-Thương và làm Thái-thượng-hoàng, sai sứ nói dối là con cháu nhà Trần không còn ai, để xin nhà Minh phong cho Hán-thương làm An-nam quốc-vương.
Nhà Hồ làm vua được có bẩy năm (1400-1407). Nhưng trong nước có sửa-sang nhiều việc : chuẩn-bị quân lính, định lại thuế khoá, thi-cử, v.v… Lại có công đánh Chiêm thành, mở thêm bờ cõi vào tới Chiêm-động (thuộc Quảng nam) và Cổ-luỹ (thuộc Quảng-ngãi) (1402-1403).
2) Quân Minh diệt nhà Hồ
Nguyễn-Khang giả tiếng họ Trần,
Sang Minh xin lấy viện-quân đưa về.
Chi-lăng nghe động cổ-bề, 230
Lý-Bàn, Mộc-Thạnh trỏ cờ tới nơi. 231
Quân Minh nhân thế đuổi dài, 232
1190. Nhị Hồ mới chạy ra ngoài phương xa.
Núi Cao-vọng, bến Kỳ-la,
Đường cùng phải bắt cũng là trời xui !
Tôn-vinh kể được mấy hơi,
Sáu năm tiếm-vị, muôn đời ô-danh. 233
Lời-giải. – Năm 1404, có Nguyễn-Khang, sau đổi tên là Trần-Thiêm-Bình tự xưng là con vua Nghệ-Tông, trốn sang
Tầu, kể rõ sự tiếm-nghịch của Quý-Ly và xin nhà Minh giúp. Nhà Minh bấy giờ thế đã mạnh và dò xét nước Nam đã kỹ, bèn mượn tiếng giúp nhà Trần diệt nhà Hồ, mà kéo quân sang. Năm 1406, Quý-Ly chặn đánh quân Minh ở Chi-Lăng, bắt được Trần-Thiêm-Bình mà giết đi. Quân Minh liền chia hai đường từ Vân-nam và từ Quảng-tây đánh xuống. Quân nhà Hồ thua. Quý-Ly chạy vào đến cửa Kỳ-la (thuộc huyện Kỳ-anh, Hà-tĩnh) thì bị quân Minh bắt, con cháu thì bị bắt ở núi Cao-vọng, cũng thuộc huyện Kỳ-anh (1407), rồi bị giải cả về Tầu.
3) Trần-Giản-Định chống Minh
Quý-Ly tội ác đã đành,
Rồi ra lại gặp người Minh hung-tàn.
Chia phủ, huyện, đặt quân-quan,
Cỏ cây đều phải lầm-than hội này.
Dòng Trần chưa dứt một dây,
Triệu-Cơ còn rắp ra tay đồ-hồi. 234
Lại phù Giản-Định lên ngôi,
Cảnh-Chân, Đặng-Tất vua tôi hiệp-tình.
Mở cờ đánh với quân Minh,
Phá đồn Cổ-lộng, đốt thành Bô-cô.
Ví hay nhân thế tráng-khu, 235
May ra khôi-phục cơ-đồ cũng nên.
Trùng-hưng cơ-tự chưa bền, 236
Bỗng không đem kẻ tướng hiền giết đi. 237
Cho nên hào-kiệt bạn-li, 238
1210. Cánh vây không có, còn gì mà mong ?
Lời-giải. – Nhà Minh diệt Hồ xong, liền chia nước ta ra thành phủ, huyện, và đặt quan cai-trị ; dụ con cháu nhà Trần ra mà giết đi, lấy lợi mà mua chuộc hay bắt những người tài-giỏi mà đưa về Tầu. Bấy giờ có Trần-Triệu-Cơ tôn con cháu nhà Trần là Giản-Định-Vương lên làm vua (1407- 1409) và cất quân đánh giặc Minh. Nhờ có những tướng-tài như Đặng-Tất, Nguyễn-Cảnh-Chân và được dân ủng-hộ, vua Giản-Định phá được quân Minh ở bến Bô-cô, thuộc huyện Phong-doanh, và đuổi đến thành Cổ-lộng thuộc huyện Ý yên, tỉnh Nam-định. Nhưng vua Giản-Định không biết thừa thế đánh ra tới Đông-đô (Thăng-long). Sau lại nghe lời gièm pha, giết Đặng-Tất và Cảnh-Chân, khiến cho lòng người chán-nản.
4) Trần-Trùng-Quang chống Minh
Tướng-môn lại có con dòng, 239
Đặng-Dung, Cảnh-Dị mới cùng hợp-mưu.
Một hai quyết-chí đồng-cừu, 240
Cùng đem binh-sĩ ruổi vào Chi-la.
Lại tìm dòng-dõi Trần-gia,
Tôn-phù Quí-Khoáng, ấy là Trùng-Quang. 241
Đem binh vào phủ Thiên-tràng,
Đón vua Giản-Định về đàng Nghệ-an.
Cùng nhau gánh việc gian-nan,
1120. Hạ-hồng tế ngựa Bình-than đỗ thuyền. 242 Quân Minh cố giữ thành bền,
Bỗng đâu Trương-Phụ băng miền lại sáng.
Lời-giải. – Con Đặng-Tất là Đặng-Dung và con Cảnh Chân là Cảnh-Dị liền quay binh về Chi-La (tức là huyện La sơn, Hà-Tĩnh), tôn cháu vua Nghệ-Tông là Quí-Khoáng lên làm vua, lấy hiệu là Trùng-Quang. Quí-Khoáng tôn vua Giản-Định, bấy giờ đương chống Minh ở phủ Thiên-trường (Nam-định), lên làm Thái-thượng-hoàng ; rồi chia nhau chống với quân Minh. Giản-Định đóng ở Hạ hồng (Ninh giang), còn Quí-Khoáng đóng ở bến Bình-than (thuộc huyện Gia-bình, Bắc-ninh). Nhà Minh sai Trương-Phụ đem quân sang tiếp-viện.
5) Quân Minh chiếm toàn cõi Đại-Việt Từ khi Giản-Định đầu hàng,
Nghệ-an đất cũ Trùng-Quang lại về.
Quân Minh chiếm giữ Bắc-kỳ, 243
Vua Trần lánh ở Nam-thùy một nơi. 244
Đặng-Dung, Cảnh-Dị mấy người,
Thế cùng dù có tướng tài cũng thua.
Trước sau mười bốn đời vua,
1230. Một trăm tám chục xuân-thu chưa chầy. 245 Loạn-cơ bởi tự ai gầy ? 246
Quý-Ly tiếm-thiết tội lây muôn đời. 247
Chẳng qua lịch đổi, số dời, 248
Xui ra cho đứa gian-hồi nhuốm tay. 249
Lời-giải. – Quân Trương-Phụ đánh đuổi và bắt Giản Định ở vùng Nho-quan. Quí-Khoáng giữ Bình-than không nổi, phải rút về Nghệ-an. Sau bị đánh và thiếu lương-thực,
lại phải bỏ Nghệ-an chạy vào Hóa-châu (1413). Quân Minh tiến đánh, bắt được, giải về Tầu. Quí-Khoáng và các tướng Đặng-Dung, Nguyễn-Cảnh-Dị và Nguyễn-Súy đều tự-tử ở giữa đường.
6) Chính-sách nhà Minh
Cốc-lăng trời khéo đổi thay, 250
Giận riêng bờ cõi từ rầy thuộc Minh.
Người trí-thức, kẻ tài-danh,
Nam-sơn đào-độn, Bắc-đình câu-lưu. 251
Thuế tơ, thuế thóc tham-cầu, 252
1240. Mỏ vàng mỏ bạc, trưng-thâu cũng nhiều ; 253 Săn bạch-tượng, hái hồ-tiêu, 254
Mò châu, cấm muối, lắm điều hại dân. 255
Lời-giải. – Nhà Trần mất rồi, nước ta bị nhà Minh cai-trị một cách tàn-ác. Người tài-giỏi bị dụ-dỗ ra làm quan rồi bị đưa về giữ ở Kim-lăng (Tầu) ; còn người nào muốn sống thì phải ẩn-trốn ở nơi rừng núi. Nhà Minh lại đặt ra nhiều thứ thuế nặng (thuế tơ, thuế thóc) ; bắt dân đi khai mỏ vàng, mỏ bạc, vào rừng lấy hồ-tiêu, săn voi trắng để lấy ngà, hoặc là lặn xuống biển để mò ngọc trai. Lại cấm dân nấu muối. Dân-gian bấy giờ khổ sở và oán-giận vô-cùng. Đó là cơ-hội thuận-tiện cho cuộc khởi-nghĩa của vua Lê-Thái-Tổ.
ĐOẠN MƯỜI BỐN : NHÀ HẬU-LÊ THỜI-KỲ THỐNG-NHẤT (1418-1526)
1) Lê-Thái-Tổ phá giặc Minh
Mới hay cơ-tạo xoay vần, 256
Có khi bĩ-cực đến tuần thái-lai. 257
Thiếu chi hào-kiệt trong đời,
Non xanh nước bạc có người kinh-luân. 258
Lương-giang trời mở chân-nhân, 259
Vua Lê-Thái-Tổ ứng tuần mới ra. 260
Lam-sơn khởi-nghĩa từ nhà,
1250. Phong-trần lắm lúc kể đà gian nguy. 261 Lạc-xuyên đầu giết Mã-kỳ,
Nghệ, Thanh một giải thu về bản-chương. 262 Chia quân kinh-lược mọi đường, 263
Hai kinh đã định, bốn phương cũng bình.
Vương-Thông bền giữ cô-thành, 264
Viện-binh hai đạo Bắc-đình tiếp sang. 265
Trời nam đã có chủ-trương, 266
Mà cơ chế-thắng miếu-đường cũng tinh. 267 Chi-lăng các đạo phục-binh,
1260. Liễu-Thăng, Mộc-Thạnh liều mình nẻo xa. Vương-Thông thế túng cầu-hòa,
Quyền phong Trần-Cảo gọi là Quốc-vương. 268 Ngôi thiêng sao xứng tài thường. 269
Trần-công trẫm-sát để nhường long-phi. 270
Lời-giải. – Lê-Lợi sau lên ngôi là Lê-Thái-Tổ, người làng Lam-sơn, huyện Thụy-nguyên, phủ Thiệu-hóa, tỉnh Thanh hóa. Không chịu ra làm quan với nhà Minh, ở trong núi để sửa soạn đánh quân Minh.
Năm 1418, Lê-Lợi xưng là Bình-định-vương và khởi nghĩa ở núi Lam-sơn, đánh được tướng nhà Minh là Mã-Kỳ ở Lạc-thủy (thuộc huyện Cẩm-thủy, phủ Quảng-hóa, Thanh hóa). Nhưng sau thế yếu lại bị thua.
Từ 1418 đến 1423, vương bị nhiều lúc gian-nan, nguy khốn, nhưng không nản lòng.
Năm 1424, vương đánh lấy Nghệ-an, rồi một mặt thì cho ra vây Tây đô (Thanh-hóa) và một mặt sai tướng đánh vào Thuận-hóa.
Năm 1426, vương tiến binh ra Bắc, phá tan quân Minh ở Tụy-động (thuộc huyện Chương-mỹ, tỉnh Hà đông gần Ngã ba Thá) rồi vây Đông đô (Hà-nội).
Năm 1427, nhà Minh sai bọn Liễu-Thăng, Mộc-Thạnh đem 10 vạn quân sang cứu Vương-Thông bị vây ở Đông-đô.
Bình-định-vương phục-binh ở ải Chi-lăng (Lạng-sơn giáp Lạng-giang) giết Liễu-Thăng và phá tan viện binh của giặc. Vương-Thông phải xin hòa. Lúc đầu, muốn có cuộc giảng hòa dễ dàng, mượn cớ là lập lại nhà Trần, vương để cho nhà Minh phong cho Trần-Cao (có nơi đọc là Cảo) làm vua. Nhưng Trần-Cao biết không ai theo mình bèn trốn vào châu Ngọc-ma (phủ Trấn-ninh) và sau bị bắt về và uống thuốc
độc tự-tử. Bình-định-vương lên ngôi, đặt tên nước là Đại Việt (1428).
2) Nhà Lê kiến-quốc
Thuận-thiên niên-hiệu cải-đề, 271
Non sông mới thuộc về Lê từ rầy.
Quan-danh, quân-hiệu mới thay, 272
Bản-đồ đổi lại huyện này, phủ kia.
Dựng nhà học, mở khoa thi,
1270. Triều-nghi, quốc-luật một kỳ giảng-tu. 273 Mười năm khai-sáng cơ-đồ, 274
Sáu năm bình-trị qui-mô cũng tường. 275
Thái-Tông rộng mở khoa-trường, 276
Lập bia tiến-sĩ trọng đường tư-văn. 277
Chín năm nối nghiệp cơ-cần, 278
Viễn-di mến đức, cường-thần sợ uy. 279
Tuổi xanh hoang-túng nhiều bề, 280
Vườn xuân lắm lúc say-mê vì tình.
Đông-tuần về đến Bắc-ninh, 281
1280. Riêng tình Thị-Lộ quên mình bởi ai ?
Nhân-Tông tuổi mới lên hai,
Quyền trong mẫu-hậu chính ngoài thần-công. 282 Mười năm một hội đại-đồng, 283
Văn-mô rạng trước, vũ-công phục ngoài. 284
Đánh Chiêm-thành, bắt Bí-cai,
Đồ-bàn, Cổ-lũy các nơi hướng tiền. 285
Lời-giải. – Vua Lê-Thái-Tổ, đặt niên hiệu là Thuận thiên, làm vua được sáu năm (1428-1433) thọ 49 tuổi. Vua Thái-Tông kế-vị (1434-1442). Đi qua huyện Chi Linh thấy người hầu của ông Nguyễn-Trãi, là Thị-Lộ có nhan sắc, liền bắt đi theo hầu. Đến huyện Gia-định (bây giờ là Gia-bình, Bắc-ninh) thì chết. Triều-đình đổ tội cho Thị-Lộ giết vua rồi giết cả ba họ ông Nguyễn-Trãi. Lê-Nhân-Tông (1443-1459) lên ngôi mới có 2 tuổi, nên quyền-bính ở trong tay bà Hoàng-thái-hậu.
Trong ba đời vua kể trên đây, nhất là trong sáu năm vua Thái-Tổ trị-vì đã có nhiều cuộc cải-cách quan-trọng : đặt ra phép quân điền (bốn năm lại chia lại ruộng đất công cho dân) ; định tên và chức vị hàng văn võ ; đặt lệ luật mới, phỏng theo hình-luật nhà Đường (bên Tầu) ; chia nước để đặt nền cai-trị. Việc học hành được khuyến khích nhiều : năm 1442, Thái-Tông sai khắc tên những người đỗ Tiến-sĩ vào bia bầy ở nhà văn-miếu. Đối ngoại, thì về đời Nhân Tông, quân ta đánh Chiêm-thành bấy giờ hay vào quấy nhiễu ở Hóa-châu. Quân ta lấy được kinh-đô Chiêm là Đồ
bàn (gần thành Bình-định) bắt được vua Chiêm là Bí-cai (1446).
3) Lê-Nghi-Dân cướp ngôi
Diên-ninh vừa độ trung-niên 286
Nhân-Tông tuổi cả mới lên ngự trào. 287
Nghi-Dân cốt-nhục nỡ nào, 288
1290. Tiềm-mưu đêm bắc thang vào nội-cung. 289
Mẹ con đương thuở giấc nồng,
Hồn tiên liều với gian-hùng một tay.
Nghi-Dân chuyên tiếm từ đây, 290
Lương-tâm đã dứt : ác-cai lại nồng. 291
Đình thần nghị tội truất-phong, 292
Rước Gia-Vương ngự đền rồng cải-nguyên.
Lời-giải. – Năm 1459, Nhân-Tông bị Nghi-Dân là một người anh khác mẹ, nửa đêm vào thành, giết chết cùng với Hoàng-thái-hậu.
Năm tháng sau, các cận thần nhà Lê họp nhau giết Nghi-Dân, nghịch-đảng, và tôn con thứ tư Thái-Tông là Gia vương lên ngôi (1469). Đó là Lê-Thánh-Tông.
4) Thời-kỳ toàn-thịnh : Lê-Thánh-Tông Thánh-Tông cốt-cách thần-tiên, 293
Lại thêm kinh thánh truyện hiền gia-công. 294 Quốc-âm, Đường-luật tinh-thông, 295
1300. Thiên-văn, toán-pháp, binh-nhung cũng tường. 296 Tài cao-mại, đức thù-thường, 297
Kiến-văn đã rộng, thi-trương cũng già. 298
Ba năm lại mở một khoa,
Tân-hưng đại-tị theo nhà Thành-Châu, 299
Nhạc-âm, lễ-chế giảng-cầu, 300
Quan-danh, phục-sắc theo trào (triều) Đại-Minh. 301 Mở Quảng-nam, đặt Trấn-ninh,
Đề-phong muôn dặm uy-linh ai bì. 302
Kỷ công núi có đá bia, 303
1310. Thi-văn các tập Thần-khuê còn truyền. 304 Thừa-diêu lại có con hiền, 305
Hiến-Tông nhân-thứ rạng nền tiền-huy. 306
Lời-giải. – Lê Thánh-Tông (1460-1497) là một ông vua có tư-chất thông-minh mà lại chăm học-tập ; biết nhiều mà lại giỏi thực hành. Chín năm đầu lấy niên-hiệu là Quang thuận ; từ 1470 thì đổi niên-hiệu là Hồng-đức.
Dưới triều Lê-Thánh-Tông về mọi phương-diện, nước ta tiến đến một trình-độ cao từ trước chưa bao giờ tới.
Việc học-hành được khuyến-khích : các khoa-thi được mở ra để chọn nhân-tài ; nhà Bí-thư được đặt ra để chứa sách vở ; văn-chương bằng quốc-âm được trau dồi, mà chính vua Lê-Thánh-Tông cũng còn đề lại nhiều bài thơ ; vua sai Ngô-Sĩ-Liên làm bộ Đại-Việt-sử-ký (gồm 15 quyển).
Về phương-diện cai-trị, thì Thánh-Tông đặt ra quan-chế và lễ-nghi theo như nhà Minh (bên Tầu). Thuế-khóa được sửa đổi, việc canh-nông được săn-sóc. Luật-lệ được tu-soạn (nay còn lại bộ luật Hồng-đức vẫn quen gọi là luật nhà Lê).
Thánh-Tông lại chú-trọng đến việc võ-bị.
Năm 1470, đem quân vào phá kinh-thành Chiêm, và bắt vua Chiêm bấy giờ hay vào cướp phá ở Hóa-châu, Thánh Tông lấy đất Đồ-bàn, Đại-chiêm và Cổ-lũy của Chiêm thành, lập ra đạo Quảng-nam.
Năm 1479, đánh bại xứ Lão-qua (Thượng-Lào nay là Luang Prabang), tiến quân đến giáp-giới Diến-điện. Sau lại
đánh họ Cầm ở đất Bồn-man và đặt thêm ra phủ Trấn ninh. Thanh-thế nước ta bấy giờ lừng-lẫy.
Sau Thánh-Tông, Lê-Hiến-Tông (1497-1504) cũng là một ông vua tốt, săn-sóc đến dân-quê, chăm-chú đến việc canh-nông và lấy đức-độ, nhân-từ mà đối-đãi với mọi người.
5) Nhà Lê bắt đầu suy
Túc-Tông số lẻ vận suy, 307
Để cho Uy-Mục thứ chi nối đời. 308
Đêm ngày tửu-sắc vui chơi,
Tin bè ngoại-thích hại người từ-thân. 309
Văn-Lang xướng-suất phủ-quân, 310
Thần-phù nổi áng phong-trần một phương. 311 Giản-Tu cũng phái Ngân-hoàng, 312
1320. Vào Thanh hợp với Văn-Lang kết thề.
Đem binh vây bức đô-kỳ,
Quỷ-vương khuất mặt, quyền về Trư-vương. 313 Lại càng dâm-ngược kiêu-hoang,
Trăm gian, nghìn nóc, cung-tường xa-hoa.
Lại càng bác-tước họ nhà, 314
Cành vàng lá ngọc đều là điêu-linh.315
Lời-giải. – Túc-Tông kế-vị được sáu tháng thì chết (1594). Ngành khác được tôn lên làm vua, tức là Lê-Uy-Mục (1505-1509).
Uy-Mục say đắm tửu-sắc, nghe người họ ngoại mà giết bà Thái-hoàng-thái-hậu. Em bà Thái-hậu liền đem quân ba
phủ, phù-lập Giản-tu-công ở Thần-phù (là anh em con chú con bác với Uy-Mục) lên làm vua, rồi đem quân về giết Uy Mục. Giản-tu-công lên ngôi, tức là vua Lê-Tương-Dực (1510-1516). Tương-Dực chơi bời xa-xỉ, phung-phí tiền của dân để làm cung-điện, chém giết cả họ hàng. Lòng người ta oán, giặc-dã nổi lên khắp mọi nơi.
6) Loạn Trần-Cảo và Trịnh Duy-Sản
Phương ngoài Trần-Cảo lộng-binh, 316
Mà trong Duy-Sản mống tình bạn-quân. 317
Đem binh vào cửa Bắc-thần, 318
1330. Bích-câu một phút mông-trần bởi ai. 319 Giềng Lê khi đã đổi dời, 320
Mặc tay Duy-Sản đặt người chủ-trương. 321
Đã tôn con Mục-ý-vương,
Lại mưu phù-lập Chiêu-hoàng cờ sao ? 322
Thị-thành vừa lúc xôn-xao,
Lại đưa xa-giá ruổi vào cõi Tây. 323
Lòng trời khứ-tật mới hay, 324
Giết Duy-Sản lại mượn tay giặc Trần.
Tướng tài còn có Trần-Chân,
1340. Nguyệt-giang chống với giặc Trần mấy phen. 325 Ngụy Trần vào cứ Đồng-nguyên, 326
Truyền ngôi con cả, cải nguyên Tuyên-hòa.
Cạo đầu vào cửa Thích-già,
Y-qui nương bóng Di-đà độ-thân. 327
Lời-giải. – Dưới thời Lê-Tương-Dực (1510-1516), giặc dã như ong. Có giặc Trần-Cảo là lo nhất. Trần-Cảo khởi loạn ở Hải-dương rồi đem quân về uy-hiếp kinh-thành.
Bấy giờ trong triều, Tương-Dực vẫn hoang chơi, lại đánh Trịnh-Duy-Sản là một tướng có công đi đánh giặc.
Duy-Sản liền đem quân vào cung giết Tương-Dực, tôn con Mục-ý-vương làm vua (tức là Lê-Quang-Trị), rồi mấy hôm sau lại giết đi mà lập Lê-Chiêu-Tông. Bấy giờ kinh thành đã bị tàn-phá. Duy-Sản đem Chiêu-Tông chạy về Tây-kinh (Thanh-hóa).
Trần-Cảo vào kinh-thành, tự xung làm vua, sau quân nhà Lê ra thì lại rút về Lang-nguyên (tức Đông-nguyên) Duy-Sản đuổi theo bị Trần-Cảo giết.
Nhưng nhờ có Trần-Chân chống nhau với Trần-Cảo ở sông Nguyệt-đức. Sau Trần-Cảo bị đánh thua, liền nhường quyền cho con mà đi tu.
7) Chính-quyền tan-rã
Trời sinh ra hội phong-trần, 328
Mạc-Đăng-Dung lại cường-thần nổi lên. 329
Trần-Chân tay giữ binh-quyền,
Trên ngờ thế cả, dưới ghen tài lành. 330
Tiếc thay có tướng can-thành, 331
1350. Tin sàm mà nỡ dứt tình chẳng tha. 332
Vì ai gây nỗi oan-gia, 333
Để cho Nguyễn-Kính lại ra báo-thù.
Kinh-sư khói lửa mịt mù, 334
Xe loan ra cõi Bảo-Châu tỵ trần. 335
Nguyễn-Sư cũng đảng nghịch-thần, 336
Nửa năm phù-lập hai lần quốc-vương. 337
Ngàn Tây một cõi chiến-trường, 338
Phó cho Mạc-súy sửa sang một mình. 339
Lời-giải. – Lê-Chiêu-Tông (1516-1527), nghe lời gièm pha, nghi là Trần-Chân làm phản, vời vào thành mà giết đi.
Tướng của Trần-Chân, là bọn Nguyễn-Kính, nổi lên đánh phá kinh-thành. Vua phải chạy về Bảo châu (huyện Từ liêm). Lại có bọn Nguyễn-Sư thông với giặc làm phản.
Chiêu-Tông sai Nguyễn-Hoằng-Dụ và Mạc-Đăng Dung đánh dẹp. Hoằng-Dụ bị giặc giết ở Sơn-tây ; nên binh quyền vào tay Đăng-Dung cả. Sau Đăng-Dung dẹp được bọn Nguyễn-Sư và Nguyễn-Kính.
8) Mạc-Đăng-Dung chuyên quyền
Đăng-Dung cậy có công-danh,
1360. Thuyền rồng, tán phượng lộng-hành sợ chi. 340 Chiêu-Tông gặp lúc hiềm-nghi, 341
Nửa đêm lẻn bước chạy về Tây-phương. 342
Đăng-Dung lại lập Cung-hoàng,
Hành-cung tạm trú Hải-dương cõi ngoài. 343
Xe loan về đến kinh-đài, 344
Sẵn sàng thiền-chiếu ép bài sách phong. 345
Họa-tâm từ ấy càng nồng, 346
Lương-châu Tây-nội cam lòng cho đang. 347
Lời-giải. – Mạc-Đăng-Dung, cậy có công đánh dẹp, lộng-quyền và dùng nghi vệ của nhà vua. Chiêu-Tông nghi Đăng Dung muốn cướp ngôi, nửa đêm trốn về Sơn-tây để định đem binh đánh Mạc. Đăng-Dung liền lập em vua lên ngôi, là Cung-hoàng (1521), rồi đem Cung-hoàng về tạm trú ở vùng Gia-phúc (nay là Gia lộc) tỉnh Hải-dương. Năm 1524, Đăng-Dung đuổi theo Chiêu-Tông đến Thanh-hóa, bắt đem về kinh-đô giết đi. Năm 1527, Đăng-Dung sai viết sẵn tờ chiếu nhường ngôi cho họ Mạc và ép Cung-hoàng ký. Cung-hoàng và bà Hoàng-thái-hậu bị ép phải tự-tử ở Tây
nội.
ĐOẠN MƯỜI LĂM : NHÀ MẠC (1527-1592)
1) Ngoại-giao và nội-chính của Mạc-Đăng-Dung Mạc rầy rõ mặt tiếm-cường, 348
1370. Thăng-long truyền nước, Nghi-dương dựng nhà. 349 Dỗ người lấy vẻ vinh-hoa,
Nhưng lòng trung-nghĩa ai mà sá theo. 350
Cầu phong sai sứ bắc-triều,
Dâng vàng, nộp đất nhiều điều dối Minh.
Lê-thần có kẻ trung-trinh, 351
Trịnh-Ngung sang đến Bắc-đình tỏ kêu. 352
Minh tham lễ hậu của nhiều,
Phụ tình trung-nghĩa, quên điều thị-phi. 353
Đăng-Dung thỏa chước gian-khi, 354
1380. Tuổi cao rồi lại truyền về Đăng-Doanh.
Mã-giang đầu xướng nghĩa-thanh, 355
Gần xa đâu chẳng nức tình cần-vương. 356
Được thua mấy trận chiến-trường,
Nghìn thu tiết-nghĩa đá vàng lưu-danh. 357
Lời-giải. – Mạc-Đăng-Dung cướp ngôi nhà Lê đặt niên hiệu là Minh-đức (1527), sai dựng cung điện ở làng Cổ-trai huyện Nghi-dương (nay thuộc tỉnh Kiến-an).
Mạc Đăng-Dung sai sứ sang nói dối nhà Minh (Tầu) rằng nhà Lê đã hết, để cầu phong. Bề tôi cũ nhà Lê là Trịnh Ngung và Trịnh-Ngang tố-giác việc thoán-đoạt của Đăng Dung. Nhưng bấy giờ Mạc đem tiền của đút lót nhà Minh ;
vua Mạc lại tự trói mình, quỳ ở cửa Nam-quan xin chịu tội, đem trình sổ đinh, sổ điền và cắt đất sáu động ở cạnh châu Khâm dâng nhà Minh. Nhà Minh làm ngơ đi, mà phong cho Đăng-Dung một tước quan nhà Minh.
Trong nước, Đăng-Dung lấy lợi mà dụ-dỗ mọi người. Nhưng không ai phục. Nhiều bề tôi cũ nhà Lê nổi lên chống Mạc, trong đó đáng chú-ý nhất là Lê-Ý khởi-nghĩa ở vùng sông Mã (Thanh-hóa), đánh nhà Mạc được mấy rận, nhưng rồi sau lại bị thua. Làm vua được ba năm, Đăng-Dung bắt chước lệ nhà Trần, truyền ngôi cho con là Mạc-Đăng-Doanh, còn mình thì làm Thái-thượng hoàng (1530).
2) Nguyễn-Kim khởi-nghĩa phù Lê
Cành Lê có độ tái-vinh, 358
Xui nên tá-mệnh trời sinh thánh-hiền. 359
Đức vua Triệu-tổ ta lên, 360
Cất quân phù-nghĩa giúp nền trung-hưng, 361
Sầm-châu ỷ thế nguồn rừng. 362
1390. Mười năm khai-thác mấy từng nước non. 363 Dù khi đỉnh-tộ suy mòn, 364
Cương-trù chưa nát vẫn còn tôn Lê. 365
Trang-Tông lưu-lạc tìm về,
Chia binh Thúy-đạn, mở cờ Ai-lao.
Lôi-dương một trận binh giao, 366
Phá tan nghịch-đảng tiến vào Nghệ-an. 367
Cỏ hoa mừng rước xe loan,
Thổ-hào ứng nghĩa, dân-gian nức lòng, 368
Tây-đô quét sạch bụi hồng, 369
1400. Dặm-tràng thẳng trỏ ngọn đòng tràng-khu. 370 Hẹn ngày vào tới Đông-đô, 371
Một hai thu-phục cơ-đồ thủa xưa. 372
Độc sao hàng-tướng tiến dưa, 373
Trước dinh Ngũ-trượng bỗng mờ tướng-tinh. 374
Lời-giải. – Con Nguyễn-Hoằng-Dụ là Nguyễn-Kim, trước làm quan nhà Lê, trốn sang Ai-lao ở đất Sầm-châu (cũng còn đọc là Cầm-châu, tìm con cháu nhà Lê để lo việc khôi-phục. Sau tìm được con út Lê-Chiêu-Tông là Lê-Duy
Ninh, tôn làm vua ; tức là Lê-Trang Tông (1532). Trang Tông và Nguyễn-Kim, nương-náu mười năm, ở Sầm-châu để chiêu-tập quân-sĩ.
Năm 1540, Nguyễn-Kim khởi-binh ở Ai-lao tiến đánh quân Mạc ở Lôi dương (thuộc Thanh-hóa), rồi chiếm lấy Thanh-hóa và Nghệ-an. Dân-gian và hào-kiệt các nơi đều theo Lê-Trung-Tông (1542). Năm 1543, Nguyễn-Kim định ra đánh Đông-Đô (Thăng long). Nhưng quân ra tới Yên-mô (Ninh-bình) thì một hàng tướng nhà Mạc, là Dương-Chấp Nhất tiến quả dưa có thuốc độc, ông ăn phải mà chết (1544). Binh-quyền đều giao lại cho con rể Nguyễn-Kim là Trịnh-Kiểm.
3) Trịnh-Kiểm tiến quân ra Bắc
Tiếc thay công-nghiệp thùy-thành, 375
Để cho Trịnh-Kiểm thay mình thống quân. 376 Sáu năm vừa hội hanh-truân, 377
Đỉnh-hồ đâu đã đến tuần mây che. 378
Trung-Tông nhờ cậy dư-uy, 379
1410. Mạc-thần mấy kẻ cũng về hiệu-trung. 380 Biện-dinh quân mạnh, tướng hùng, 381
Bốn phương hào-kiệt nức lòng y quang. 382
Đông-kinh trỏ ngọn việt vàng, 383
Phúc-Nguyên Mạc-chúa chạy sang Kim-thành. 384 Thần-phù thuyền giã lênh-đênh, 385
Lại còn Kính-Điển đeo tình quấy trêu.
Quan-binh theo ngọn thủy-triều, 386
Duyên-giang một trận, nước bèo chảy tan. 387 Anh-Tông nối-nghiệp gian-nan,
1420. Tây-đô một giải giang-san cõi nhà.
Mạc vào xâm-nhiễu Thanh-hoa,
Thái-sư Trịnh-Kiểm lại ra tiễu-bình. 388
Lời-giải. – Trịnh-Kiểm rút quân về giữ thế thủ ở Thanh hóa. Bấy giờ nước ta chia làm hai : từ Thanh hóa vào Nam có vua Lê cai-trị, từ Sơn-nam trở ra Bắc thì thuộc Mạc. Từ 1546 đến 1570, hai bên đánh nhau non hai mươi lần mà không phân được thua. Năm 1559, Trịnh-Kiểm tiến quân ra Bắc, đánh gần đến Đông-đô (Hà-nội), vua Mạc là Phúc Nguyên phải chạy ra Kim-thành (Hải-dương). Nhưng tướng nhà Mạc là Mạc-Kính-Điển đem quân vào cửa bể Thần-phù (thuộc Ninh-bình) đánh vào Thanh-hóa ; Trịnh-Kiểm lại phải
bỏ xứ Bắc mà về giữ Tây-đô. Dưới đời Lê-Anh-Tông (kế vị Lê-Trung-Tông từ 1556) Mạc-Kính-Điển vào Thanh-hóa, Trịnh Kiểm phải đem quân ra giữ, nhưng rồi cũng không bên nào được hay thua hẳn.
4) Nguyễn-Hoàng vào Hóa-châu
Hóa-châu có đất biên-thành, 389
Bốn bề sơn-hải trời dành kim-thang. 390
Trịnh-công tâu với Lê-hoàng, 391
Chọn người ra giữ một phương thành dài.
Bản-triều Thái-Tổ hùng-tài, 392
Gióng cờ ra trấn cõi ngoài từ đây.
Việt-mao khi đã đến tay, 393
1430. Hoành-sơn một giải mới gây cơ-đồ. 394
Lời-giải. – Khi Nguyễn-Kim mất có để lại hai người con trai là Nguyễn-Uông và Nguyễn-Hoàng. Nguyễn-Uông bị họ Trịnh kiếm cớ mà giết chết. Nguyễn-Hoàng sợ mới nói với chị là Ngọc-Bảo (vợ Trịnh-Kiểm) xin với Trịnh-Kiểm vào ở phía Nam. Năm 1558, Trịnh-Kiểm xin Lê-Anh-Tông cho Nguyễn-Hoàng vào trấn đất Thuận hóa. Nhờ có lòng người theo phục và địa-thế hiểm trở, Nguyễn-Hoàng khai-thác Hóa-châu và đặt nền móng cho cơ-nghiệp nhà Nguyễn từ đấy.
5) Trịnh-Mạc phân-tranh
Mặt trong đành đã khỏi lo,
Trịnh-công chuyên-ý trì-khu cõi ngoài. 395
Quận Gia, quận Định mấy người, 396
Hưng, Tuyên binh-hợp các nơi thêm dầy. 397
Mạc dần suy-yếu từ nay,
Vận Lê xem đã đến ngày trùng-hanh. 398
Đem quân về giữ Tây-kinh,
Bể thanh lại lặng tăm kình như không. 399
Nhân khi Mậu-hợp ấu-trùng, 400
1440. Mở đường Phố-cát, qua sông Bồ-đề. 401 Mạc vào, quân lại rút về,
Mạc lui, quân lại bốn bề kéo ra.
Tuyết-sương trăm trận xông-pha, 402
Trịnh-công vì nước cũng đà cần-lao. 403
Lời-giải. – Đã đẩy được Nguyễn-Hoàng vào Hóa-châu rồi, Trịnh-Kiểm mới chuyên chú đánh nhau với nhà Mạc. Một lần, những tướng nhà Mạc là quận Gia (tên là Vũ-Văn-Mật) ở Tuyên-quang, và quận Định (tên là Đặng-Định) ở Hưng
hóa theo hàng Lê, thanh-thế nhà Lê đã to. Lại một lần nữa, Trịnh-Kiểm đã đem quân từ Phố-cát (Thanh-hóa) đánh ra đến bến Bồ-đề.
Nhưng cả hai lần, sắp thành-công, thì Trịnh-Kiểm lại phải rút về giữ Tây-đô (Thanh-hóa) vì có quân Mạc-Kính Điển lẻn vào quấy rối Thanh-hóa. Quân Mạc rút về thì quân Trịnh lại kéo ra Bắc.
6) Trịnh-Tùng chấp chính
Tuổi già vừa giải tiết-mao, 404
Con là Trịnh-Cối lại vào đổng-nhung. 405
Kiêu-hoang quen thói con dòng,
Binh-quyền lại để Trịnh-Tùng thay anh.
Cối, Tùng một gốc đôi cành,
1450. Vinh-khô đã khác, ân-tình cũng khuê. 406 Anh em mâu-thuẫn hai bề, 407
Thừa cơ Mạc lại kéo về nội-xâm. 408
Mạc lui, Tùng mới manh-tâm, 409
Ngoài trương thanh-thế, trong cầm quyền-cương. Lại mưu tàn-hại trung-lương, 410
Vàng đưa ngoài cửa, búa trương dưới màn.
Tạ-tình phụ tấm niềm-đan, 411
Đem Lê-Cập-Đệ giết oan nỡ nào !
Bằng không nổi trận ba-đào, 412
1460. Để cho xa-giá chạy vào Nghệ-an. 413
Giá-điền vừa mới hồi-loan, 414
Lôi-dương đã nổi tiếng oan giữa vời. 415
Thế-Tông con thứ nối đời,
Trịnh-Tùng phù lập cùng loài giả-danh. 416
Lời-giải. – Năm 1570, Trịnh-Kiểm mất, trao quyền lại cho con cả là Trịnh-Cối. Cối là người chơi-bời không ai phục. Trịnh-Tùng là em, liền cướp quyền của anh.
Thừa cơ anh em họ Trịnh đánh nhau, Mạc-Kính-Điển đem quân đánh Thanh-hóa. Cối ra hàng.
Trịnh-Tùng cầm quân, cố giữ thế-thủ. Mạc đánh không được, phải rút lui.
Bấy giờ mọi việc trong triều nhà Lê đều do Tùng quyết đoán. Tùng hống-hách, Lê-Anh-Tông lo sợ, mưu cùng bọn Lê-Cập-Đệ để trừ họ Trịnh. Nhưng Tùng giết Cập-Đệ trước. Anh-Tông bỏ chạy vào Nghệ-an ; tướng của Tùng đuổi theo bắt được vua trốn trong ruộng mía, đưa về đến Lôi-dương (thuộc Thanh-hóa) thì giết đi. Tùng liền lập Hoàng-tử Duy Đàm lên ngôi. Đó là Lê-Thế-Tông (1573-1599).
7) Trịnh-Tùng diệt Mạc
Cõi ngoài giặc Mạc tung-hoành,
Bắc-hà cát-cứ mấy thành nhân-dân. 417
Giáng uy nhờ có lôi-thần, 418
Nhân khi Mậu-Hợp đến tuần thiên-tru. 419
Mạc-thần mấy kẻ vũ-phu,
1470. Sao mai lác-đác, lá thu rụng-rời. 420
Xuất binh vừa gặp cơ trời, 421
Đường ghềnh len-lỏi ra-ngoài Thiên-quan. 422 Tràng-khu một lối duyên-san, 423
Huyện-châu gió lướt, Tràng-an lửa nồng. 424
Bỏ thành Mạc chạy qua sông,
Đuổi sang Phượng-nhỡn đường cùng mới thôi. 425 Kể từ ngụy Mạc tiếm ngôi, 426
Năm đời truyền-kế, sáu mươi năm chầy. 427
Trần-ai quét sạch từ rầy, 428
1480. Về kinh ban yến, tiệc bầy thưởng công.
Lời-giải. – Từ 1573 đến 1583, Trịnh-Tùng giữ thế-thủ. Quân Mạc vào đánh nhiều lần không được.
Từ 1583, thế-lực đã mạnh, Trịnh-Tùng mới khởi thế công ; nhưng đánh ra Sơn-nam rồi lại rút lui về.
Năm 1591, Tùng chia quân làm ba đạo do đường Thiên quan (Ninh-bình) và đường núi đánh ra Đông-đô. Đi đến đâu các châu huyện đều hàng ; năm 1592 đến Đông-đô, Tùng vây thành và phóng hỏa. Mạc-Mậu-Hợp phải chạy sang Thổ-khối (Bắc-ninh), rồi sau chạy đến Phượng-nhỡn thì bị bắt và bị giết (1592).
Nhà Mạc làm vua được 5 đời và 65 năm.
ĐOẠN MƯỜI SÁU : LÊ TRUNG-HƯNG-VUA LÊ CHÚA TRỊNH (I) (1593-1729)
1) Giao-thiệp buổi đầu với Trung-hoa
Mới sai sứ-giả cầu phong,
Nghe gièm Minh hãy là còn lòng tín-nghi. 429
Sai quan hội-khám một kỳ, 430
Phong làm Đô-thống, cơ-mi gọi là ! 431
Phùng-Khoan sứ-tiết cũng già, 432
Biểu-từ biện-chiết thật đà thiết-minh. 433
Mấy lời ôn-dụ đinh-ninh, 434
Phong vương còn đợi biểu-tinh có ngày. 435
Lời-giải. – Sau khi đã lấy được Kinh-thành (1592), Trịnh-Tùng sai sứ sang Tầu cầu phong cho vua Lê. Nhà Minh sai quan đến cửa Nam-quan để xét việc ấy. Vua Lê tới hội-kiến. Lúc về, Trịnh-Tùng cử Phùng-Khắc-Khoan làm chánh-sứ đem lễ vật sang Yên-kinh cống nhà Minh để xin phong. Khắc-Khoan biện-luận rất giỏi. Nhưng vua Minh cũng thoái-thác, chỉ phong cho vua Lê làm Đô-thống-sứ, hứa rằng sau này sẽ phong vương (1596).
2) Trịnh-Tùng xưng chúa
Hổ lui, lang tới khéo thay !
1490. Mạc kia vừa dẹp, Trịnh này lại lên.
Tùng xem căn-cứ đã bền,
Công-danh càng thịnh, uy-quyền càng cao.
Rỡ-ràng ngọc-sách tinh-bao, 436
Gia-phong nguyên-súy, dự vào sủng-chương. 437 Bình-an lại tiến tước vương, 438
Gầy nền tiếm-thiết mở đường khải-du. 439 Kính-tông còn độ ấu-cô, 440
Đống-lương ai kẻ xanh-phù vạc Lê. 441 Triều-thần những lũ Bùi-Khuê,
1500. Lại tìm Mạc-nghiệt theo về Kính-Cung. 442 Nghi-dương tro tắt lại nồng, 443
Thị-thành nổi áng bụi hồng bởi ai ? 444 Nhân khi giá-ngự ra ngoài, 445
Thừa hư Mạc lại vào nơi đô-thành. 446 Quan-quân ra đánh lại bình,
Thặng-dư mới phát tự Thanh ngự về. 447 Chông gai tuy sạch mọi bề,
Mà trong quyền cả chuyên về một tay. Bốn Phương tai-biến đã đầy,
1510. Đầm khô, núi lở, cát bay mù trời. 448 Chẳng qua trăm sự tại người,
Gẫm cơ hưu-cữu biết đời thịnh-suy. 449 Súng đâu phục trước đường đi,
Để cho Trịnh-chúa lại nghi Lê-hoàng. Sinh con gặp đứa vô-lương, 450
Châu-liên sao nỡ quên đường quân-thân ? 451
Lời-giải. – Năm 1599, đời vua Lê-Thế-Tông, Trịnh-Tùng tự xưng làm « Đô-nguyên-súy Tổng-quốc-chính, Thượng phụ Bình-an-Vương », định lệ cấp bổng cho vua Lê thuế 1.000 xã và 5.000 lính để làm quân túc-vệ, còn quyền-binh đều ở tay họ Trịnh. Năm 1599, vua Thế-Tông mất Kính Tông lên kế-vị. Năm sau, bọn Bùi-Văn-Khuê phù-lập con cháu nhà Mạc nổi loạn. Trịnh-Tùng phải đưa Kính-Tông chạy về Thanh-hóa. Sau lấy lại được Thăng-long, giết được loạn đảng và đuổi được Mạc-Kính-Cung, Trịnh-Tùng mới rước vua về kinh. Con thứ Trịnh-Tùng là Trịnh-Xuân, vì ganh quyền với con trưởng là Trịnh-Tráng, nên âm-mưu định hại Trịnh Tùng. Việc không thành, liên-lụy đến Kính-Tông. Tùng bắt Kính-Tông phải thắt cổ chết (1619). Sau Trịnh Xuân cũng bị giết.
3) Trịnh-Tráng tăng quyền phủ chúa Thừa gia theo lối cường-thần, 452
Vua Lê, chúa Trịnh nhân-tuần đã quen. 453
Thần-tông vừa mới cải-nguyên,
1520. Sách-phong Trịnh-Tráng đã ban từ giờ.
Thành-đô quyền trọng hơn xưa,
Nhà Lê cũng một giải thừa mà thôi !
Nước nhà đang buổi yên vui,
Xin vua xuống chiếu truyền ngôi nhẽ gì ?
Chẳng qua là dạ gian-khi, 454
Làm cho rõ mặt phúc-uy tự nhà. 455
Nhân-Tông tuổi mới mười ba,
Hững-hờ quyền chúa, ngôi cha mặc lòng.
Quốc-vương Minh mới cải-phong, 456
1530. Bẩy năm lịch-số vừa chung một đời. 457 Xoay quanh mới tỏ đạo trời,
Báu thiêng đem lại cho người truyền gia. 458
Thần-Tông thay giữ nghiệp nhà,
Thượng-hoàng lại đổi mặt ra tân-hoàng. 459
Thờ-ơ cờ đạo nhà vàng, 460
Chính-quyền phó mặc Trịnh-vương, biết gì ?
Nhà Minh thủa ấy đã suy,
Mượn binh lại rắp nhờ uy cường-thần.
Sắc-phong chiếu-dụ ân-cần,
1540. Phó-vương Trịnh lại thêm phần tôn-vinh. 461 Cả giầu-sang, lớn quyền-hành,
Giang-sơn chung một, triều-đình chia đôi.
Lời-giải. – Lê Thần-Tông lên ngôi năm 1619 ; năm 1623 Trịnh-Tráng thay Trịnh Tùng giữ quyền chúa, xưng là Thanh-đô vương. Trịnh-Tráng đánh con cháu nhà Mạc ở Cao-bằng (1625) và bắt đầu đánh chúa Nguyễn từ 1627. Nhà Minh (bên Tầu), hồi ấy đã suy, muốn mượn binh nước ta để chống nhà Thanh, nên phong vua Lê làm An-nam quốc-vương, rồi phong cho Trịnh-Tráng làm Phó-vương. Uy
quyền của chúa Trịnh ngày một tăng. Năm 1643 Trịnh Tráng bảo Thần-Tông nhường ngôi cho con là Lê-Chân Tông ; sáu năm sau (1649) Chân tông mất, Trịnh-Tráng lại đặt Thần-Tông lên ngôi lần thứ hai (1649-1662).
4) Trịnh-Tạc đánh Nguyễn và Mạc
Tiếm phong Trịnh-Tạc nối ngôi, 462
Tước vương mình lại tài-bồi cho con. 463 Càn-cương ngày một suy-mòn, 464
Cuộc đời chìm nổi, ai còn hiệu-trung. 465 Bản-triều mở dấu Kỳ-phong, 466
Thánh-thần truyền dõi một lòng tôn Lê. Quyền-gian giận Trịnh nhiều bề, 467
1550. Sắc sai Chiêu, Thuận khắc-kỳ tiến-chinh. 468 Sáu năm rồi mới bãi-binh,
Lũy dài còn dấu uy-linh để truyền.
Vận Lê còn buổi truân-chuyên, 469
Huyền-Tông thơ-ấu để quyền Tây-vương. Đẳng-uy đã biến lễ-thường, 470
Vào chầu không lạy, miếu-đường có ai ? 471 Thiên-nhan lại muốn sánh vai, 472
Giường ngồi đem đặt bên nơi ngự-tiền. 473 Dọc ngang dưới phủ trên đền,
1560. Mống tình cải-bộ gầy nền tranh vương. 474 Vũ-công lại muốn phấn-dương, 475
Đem quân đánh Mạc tiến sang Cao-bình. Mạc vào cầu-viện Yên-kinh, 476
Phong làm Đô-thống tung-hoành cõi xa. Bốn châu riêng một sơn-hà, 477
Danh tuy phụ Hán, thực là thê Ngô. 478 Gia-tông vừa nối cơ-đồ,
Xe loan đã giục trì-khu ra ngoài. 479
Phòng-biên đã có tướng tài, 480
Quân ta một trận, lũy dài phá tan.
Mã-đầu đã trở quy-an, 481
Hà-trung Trịnh lại đặt quan lưu-đồn. 482
Lời-giải. – Năm 1655, chúa Nguyễn sai Thuận-nghĩa hầu là Nguyễn-Hữu-Tiến và Chiêu-vũ-hầu là Nguyễn-Hữu Dật đem quân qua sông Linh-giang (nay là sông Gianh thuộc tỉnh Quảng-bình) ra đánh Trịnh. Lần này hai bên đánh nhau tới sáu năm (1655-1661). Có khi quân Nguyễn đã lấy được 7 huyện ở phía nam Lam-giang (tức là sông Cả chảy qua Bến-thủy), sau lại phải rút lui về phía nam sông Gianh.
Việc chinh-chiến ấy trải qua đời chúa Trịnh-Tráng (1623-1657) đến chúa Trịnh-Tạc (1657-1682). Năm 1672, Trịnh-Tạc lại cất đại-quân vào đánh Nguyễn nhưng quân Nguyễn giữ vững lũy Trấn-ninh (thuộc Quảng-bình ở phía nam sông Gianh). Quân Trịnh phải rút lui chỉ để quân đóng lại ở xã Hà-trung (tục gọi là Cầu-doanh) ở phía nam Hà
tĩnh. Từ đấy cho tới đời Tây-sơn dấy nghiệp (1774). Trịnh và Nguyễn chỉ cầm giữ nhau ở sông Gianh mà không đánh nhau nữa.
Về phía Bắc, Trịnh-Tạc đánh Mạc ở Cao-bằng (1667). Mạc-Kính-Vũ chạy sang Tầu đút lót cho nhà Thanh để bắt Trịnh trả cho bốn châu ở Cao-bằng. Ở trong nước, Trịnh-Tạc đặt lệ chúa sang chầu không phải lạy vua Lê và ngồi ngang hàng với vua.
Hồi ấy sau vua Lê-Thần-Tông, có vua Huyền-Tông (1663-1671) vua Gia-Tông (1672-1675) và vua Hi-Tông (1676-1705).
5) Trịnh-Căn và nhà Thanh
Về nhà lại lập Trịnh-Côn (Căn),
Nam-vương theo lối quyền-môn một dòng. 483 Đêm ngày bí-các thong-dong, 484
Văn-thần thay đổi vào trong chực hầu.
Quốc-Trinh tham-tụng ở đầu, 485
Bởi sao nên nỗi gây thù ưu-binh ? 486
Hy-Tông hoàng-đệ thay anh,
1580. Ngôi không luống giữ, quyền hành mặc ai ! Bấy lâu chiếm-cứ cõi ngoài,
Hãy còn Mạc-nghiệt mấy đời đến nay. 487
Di-thư sang với Quảng-tây, 488
Một lần hội-tiễu từ này chạy xa. 489
Quân Thanh xâm chiếm đất ta,
Vị-xuyên, Bảo-lạc, Nà-oa, Lộc-bình. 490
Thổ-quan lại có tư-tình,
Tham vàng đem giới-kệ mình chuyển-di. 491
Lời-giải. – Trịnh-Căn (1582-1709) xưng là Nam-bình vương, bắt các quan văn nhà Lê sang chầu bên phủ chúa để bàn việc chính trị. Quan tham-tụng Nguyễn-Quốc-Trinh bàn giảm lương lính, bị quân ưu-binh nổi lên giết chết. Mạc Kính-Vũ thông mưu với Ngô-Tam-Quế là người Tầu chống với nhà Thanh. Trịnh-Căn sai người tố-giác việc ấy với vua
Thanh, rồi đem quân đánh Cao-bằng (1667). Họ Mạc chạy sang Tầu bị nhà Thanh bắt giao cho họ Trịnh giết đi. Nhà Mạc, từ khi bỏ Thăng-long, giữ Cao-bằng được ba đời. Về mặt bắc, nhà Thanh lấn mất của ta 15 động thuộc tỉnh Cao
bằng và Lạng-sơn.
6) Triều-thần nhà Lê
Bên ngoài xâm-tước nhiều bề, 492
1590. Ở trong chính-sự chỉnh-tề được bao ? 493 Lễ gì hơn lễ bang-giao, 494
Mà cho quan thị đứng vào đầu ban. 495
Thế mà những kẻ cư-quan, 496
Cũng đành ngoảnh mặt cho toàn tôn-vinh. 497 Tại triều mấy kẻ trâm-anh, 498
Nguyễn-Đang, Đồng-Trạch công-thanh một đường. 499 Thế-Vinh tài học ưu-trường, 500
Nguyễn-Hành, Hà-Mục văn-chương cũng già.
Bởi ai thiên-hạ âu-ca, 501
1600. Chẳng quan tham-tụng Vãn-hà là chi ? 502 Bởi ai thiên-hạ sầu-bi,
Chẳng quan tham-tụng Lê-Hy hãnh-thần ? 503 Tính đi nghĩ lại xa gần,
Nhiều phần vì Trịnh, ít phần vì Lê.
Mồi giầu sang đã say mê,
Lấy ai chỉ-trụ làm bia trong đời ! 504
Lời-giải. – Ở trong triều, quan thị tham-dự vào việc chính-trị. Các quan đều a-dua theo chúa Trịnh, để kiếm giầu-sang, không ai nâng đỡ nhà Lê. Trong hàng quan, có người công-bình thanh-liêm (như Nguyễn-Đang, Đồng
Trạch), có người tài-học xuất-chúng (như Lương-Thế-Vinh, Nguyễn-Hành, Hà-Mục). Có Nguyễn-Nho-Quan người làng Vũ-hà, làm tham-tụng tốt với dân ; lại có bọn như Lê-Hy làm cho thiên-hạ oán-giận.
7) Những việc cải-cách về thời Trịnh-Cương
Dụ-Tông nối giữ ngôi trời,
Trịnh-Cương chuyên chế theo loài cố-gia. 505
Lục-phiên lại đặt tư-nha, 506
1610. Bao nhiêu tài-phú đều là về tay. 507
Các quan trấn-thủ mới thay,
Hưng, Tuyên thống-hạt, từ rầy chia hai. 508
Vũ-thần mỗi trấn một người, 509
Để cho vững thế mặt ngoài phiên-ly. 510
Lấy năm điều khảo trấn-ti, 511
Cứ trong điến-tối mà suy hay hèn. 512
Thẩm hình đặt viện phủ-tiền, 513
Sai quan tra kiện thay quyền pháp-ti. 514
Vũ-khoa mới đặt phép thi,
1620. Hỏi đường thao-lược, thử nghề đao-cung. 515 Ba trường phúc-thí đã xong, 516
Đề danh tạo-sĩ bảng rồng cũng vinh. 517
Kén thêm tứ-trấn binh đinh, 518
Vệ quân mới đặt sáu dinh từ rầy.
Công-tư điền-thổ xưa nay, 519
Sai quân khám-đạc san tay dân cùng. 520
Tuần-hành có sứ khuyến-nông, 521
Giữ gìn đê-lộ, xét trong dân-tình. 522
Đem thư biện với nhà Thanh, 523
1630. Mỏ đồng, mỏ kẽm lại giành về ta.
Lập bia trên Đổ-chú-hà, 524
Giới-cương tự đó mới là phân-minh. 525
Qui-mô cũng muốn sức bình, 526
Mà lòng lăng-tiếm tự mình ra chi ? 527
Lập phủ-đường ở Cổ-bi, 528
Toan đem kinh-quốc dời về cố-hương. 529
Đông-cung đã lập Duy-Tường, 530
Bỗng không lại đổi Duy-Phường cớ sao ?
Lời-giải. – Trịnh-Cương làm chúa (1709-1729) tin dùng Nguyễn-Công-Hãng, sửa đổi nhiều việc trong nước. Đặt bên phủ chúa sáu phiên (tương-đương với sáu bộ bên triều Lê) để coi việc chính-trị : đặt ở mỗi trấn một quan văn và quan võ ; đặt ra năm khoản để làm chuẩn-thằng mà xét việc của các quan, đặt viện xét hình án ; mở khoa thi võ, thi văn, cải tổ quân-đội ; đạc-điền để chia công-điền công-thổ cho dân ; sai quan đi xem xét đê điều, đường sá và dân-tình.
Đối với Tầu, thì điều-đình lấy mỏ đồng (ở châu Tụ-long) và mỏ kẽm ; đặt mốc ở sông Đổ chú (nay mất vào đất Vân-
nam, để phân địa-giới). Phủ chúa lập ở Cổ-bi, thuộc huyện Gia-lâm, Bắc-ninh. Vua Lê hồi ấy là Dụ-Tông (1706-1729).
"""