"
Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca Quyển 1: Từ Hồng-Bàng đến Tiền-Lê - Lê Ngô Cát & Phạm Đình Toái full mobi pdf epub azw3 [Thơ Ca]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca Quyển 1: Từ Hồng-Bàng đến Tiền-Lê - Lê Ngô Cát & Phạm Đình Toái full mobi pdf epub azw3 [Thơ Ca]
Ebooks
Nhóm Zalo
Tên sách : ĐẠI-NAM QUỐC-SỬ DIỄN-CA
Quyển I : Từ Hồng-Bàng đến Tiền-Lê
Tác giả : LÊ NGÔ CÁT và PHẠM ĐÌNH TOÁI Nhà xuất bản : SÔNG NHỊ
Năm xuất bản : 1949
------------------------
Nguồn sách : scmn-vietnam.blogspot.com
Đánh máy : huyennhung, ThuyTrang97, lolyoshi, dinh ai, Hiền Dzô, PV Ngọc Trâm, nowyouseeme, hangdtv, honganh_257
Kiểm tra chính tả : Lê Quang Hoành,
Lê Nguyễn Thuỳ Lynh, Nguyễn Văn Huy
Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 29/12/2018
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả LÊ NGÔ CÁT, PHẠM ĐÌNH TOÁI và nhà xuất bản SÔNG NHỊ đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
MỤC LỤC
TỰA
DẪN
I. GỐC VÀ ĐỔI
1. Đại Nam Quốc sử diễn ca
2. Việt sử Quốc ngữ
3. Sử ký quốc ngữ ca
4. Tóm tắt
II. XUẤT BẢN
III. ĐẠI NAM QUỐC SỬ DIỄN CA
1. Phần sửa chữa
2. Cớ sao sửa chữa ?
3. Điều bất-lợi của sự sửa chữa
IV. PHẠM ĐÌNH TOÁI
1. Thân-thế
2. Văn-chương thể lục-bát
3. Quan-niệm công-lợi
4. Tác-phẩm công-lợi
5. Văn-chương dịch
6. Sáng-tác
ĐẠI NAM QUỐC SỬ DIỄN CA : LỜI THUẬT (LẦN ĐẦU)
PHẦN THỨ NHẤT : THỜI-KỲ MỞ NƯỚC (Từ thế kỷ 29 đến thế-kỷ 2 trước Giê-su)
ĐOẠN THỨ NHẤT : NHÀ HỒNG-BÀNG (2879-258 trước Giê-su)
1. Mở đầu
2. Kinh-Dương-Vương
Â
3. Lạc-long-quân và Âu-cơ
4. Hùng-vương và Nước Văn Lang
5. Giao-thiệp với Trung-hoa
6. Chuyện Phù-Đổng Thiên-Vương
7. Chuyện Sơn-Tinh và Thuỷ-Tinh
8. Chuyện Chử-Đồng-Tử và Tiên-Dung
9. Hết đời HỒNG-BÀNG
ĐOẠN THỨ HAI : NHÀ THỤC (258-207 tr. G.s.) 1. Thần Kim-quy giúp vua Thục
2. Trung-hoa đánh Âu-lạc
3. Trọng-Thuỷ và Mị-Châu
4. Triệu-Đà diệt Thục
ĐOẠN THỨ BA : NHÀ TRIỆU (207-111 trước G.S.) 1. Triệu-Vũ-Vương thần phục nhà Hán
2. Triệu-Văn-Vương và Triệu-Minh-Vương
3. Cù-thị xin nhập Hán
4. Lữ-Gia phá mưu Cù-Thị
5. Hán đánh Nam-việt
6. Nhà Triệu mất
PHẦN THỨ HAI : THỜI-KỲ CHỐNG BẮC-THUỘC (Từ thế-kỷ 2 tr. G.s. đến thế-kỷ 10 s. G.s.)
ĐOẠN THỨ TƯ : NHÀ HÁN VÀ HAI BÀ TRƯNG (111 tr. G.s. – 43 s. G.s.)
1. Chính-sách nhà Tây-Hóa
2. Hai bà Trưng dựng nền độc lập
ĐOẠN THỨ NĂM : GIAO-CHÂU TRONG THỜI BẮC-THUỘC (43-544 s. G.s.)
1. Chính-sách nhà Đông-Hán
g
2. Lý-Tiến, Lý-Cầm làm quan nhà Hán
3. Họ Sĩ tự-chủ
4. Bà Triệu-Ẩu đánh Ngô
5. Ngô-Tấn tranh nhau Giao-châu
6. Chính-sách nhà Tấn
7. Họ Đỗ ba đời làm thứ-sử
8. Giao-châu loạn
ĐOẠN THỨ SÁU : NHÀ TIỀN-LÝ (544-603)
1. Lý-Nam-đế dựng nền Độc-lập
2. Triệu-quan-Phục phá Lương
3. Lý-Phật-Tử đánh Triệu-Quang-Phục
4. Lý-Phật-Tử hàng Tùy
ĐOẠN THỨ BẨY : NỀN ĐÔ-HỘ CỦA NHÀ ĐƯỜNG (603-905) 1. An-nam đô-hộ-phủ
2. Mai-Thúc-Loan khởi-nghĩa
3. Giặc Đồ-bà
4. Phùng-Hưng khởi nghĩa
5. Chuyện Lý-Ông-Trọng
6. Quan-lại nhà Đường
7. Giặc Nam-Chiếu
8. Cao-Biền dẹp Nam-Chiếu
PHẦN THỨ BA : THỜI-KỲ XÂY DỰNG ĐỘC-LẬP VÀ THỐNG-NHẤT (Thế-kỷ thứ mười)
ĐOẠN THỨ TÁM : NHÀ NGÔ (906-967)
1. Họ Khúc dấy nghiệp
2. Ngô-Quyền phá quân Nam-Hán
3. Dương Tam-Kha tiếm ngôi
4. Nhà Ngô phục-hưng
ĐOẠN THỨ CHÍN : NHÀ ĐINH VÀ NHÀ TIỀN-LÊ (967-1009) 1. Thập-nhị sứ-quân
2. Đinh-Bộ-Lĩnh hợp nhất quốc-gia
3. Chính sách nhà Đinh
4. Nhà Đinh mất ngôi
5. Lê-Hoàn phá quân Tống
6. Nhà Lê thất-chính
LÊ NGÔ CÁT và PHẠM ĐÌNH TOÁI
ĐẠI-NAM QUỐC-SỬ DIỄN-CA
Quyển I : Từ Hồng-Bàng đến Tiền-Lê
TỰA và DẪN của
HOÀNG-XUÂN-HÃN
LOẠI VĂN CỔ
SÔNG NHỊ
HÀ-NỘI
Nền bìa là bia lăng Lê-Lợi, Nguyễn-Trãi soạn năm 1433
LOẠI VĂN CỔ
Quốc-văn của ta ngày xưa có phần thất-lạc, có phần còn lưu-truyền được đến nay. Phần còn lưu-truyền hay bị người sau làm sai suyễn, tác-giả và gốc-tích có khi không tường, những chỗ khó hay ngi-ngờ lại không được giải-thích. Mục
đích tùng-san này là tìm cách bổ-cứu những khuyết-điểm ấy.
NHÀ XUẤT BẢN SÔNG-NHỊ
Giữ bản quyển 1949
Bản Đại-Nam Quốc-sử diễn-ca này do ông Hoàng Xuân Hãn phiên-âm theo đúng nguyên-văn chữ nôm bản khắc năm 1870. Vì thế có nhiều chữ khác với các bản quốc-ngữ đã in ra từ trước tới nay.
Trong nguyên-bản, bài ca không chia ra từng đoạn, từng mục, và có lời giải bằng Hán-văn.
Nhưng lời giải ấy có chỗ thì quá vụn vặt, có chỗ thì quá sơ-lược, có chỗ thì sai hẳn chính-sử.
Nhà xuất-bản soạn riêng lời giải để ước-lược, bổ-khuyết và đính-chính ; lại chia bài ca ra từng phần, từng đoạn, từng mục để tiện việc tra-cứu.
NHÀ XUẤT-BẢN
TỰA
Bản Đại Nam Quốc sử diễn ca này là bản đã từng được in bằng chữ La-tinh từ lâu và được tái-bản nhiều lần. Mà cũng là phiên âm bản nôm đã được khắc in và lưu hành, nay còn thấy nhiều trong nước.
Sách ấy tóm tắt các việc lớn xẩy ra trong nước ta, từ đời HỒNG-BÀNG đến cuối đời Nguyễn Tây Sơn, rút trong các sử chính thức ở sử quán : Đại Việt sử ký toàn thư, Lê sử lục biên, v.v…
Đặc điểm là dùng văn nôm và riêng thể lục bát. Bản ý những người đề xướng là làm bài vè về Quốc sử để cho mọi từng lớp dân được đọc mà lấy làm thích và dễ nhớ. Vậy mục đích là phổ thông chứ không phải khảo cứu.
Nhưng đã dùng vận văn mà tóm tắt, thì tất nhiên sự thường chép thiếu và nghĩa thường tối. Nguyên bản nôm đã dùng Hán văn giải thích bên cạnh để cho kẻ đọc hiểu rõ văn nôm.
Riêng về văn, thì sách này kể ra đã là thanh nhã và khá rõ ràng. Nhưng do những tay túc-nho soạn ra, nó không khỏi chứa nhiều điển tích đối với văn sĩ xưa là thường mà nay trở nên rất tối nghĩa.
Từ trước, ngoài những bản in chữ la-tinh lúc ban đầu thường chỉ có chính-văn, đã có vài bản chú trọng về thích nghĩa như bản của các ông Nguyễn Trọng Doanh và Đoàn Như Khuê (Tứ dân văn uyển 1937) và bản của ông Nguyễn Đỗ Mục (Tân-Dân 1939). Hồi năm 1944 ban Văn học hội
Khai trí Tiến đức cũ có giao cho ông Bùi Kỷ và Nguyễn Quang Oánh chú thích lại. Hai ông đã giải thích các điển-cố một cách rất công phu kỹ càng, nó sẽ rất có ích cho các thầy giáo hay những người tra cứu về chữ nho dùng trong văn ta.
Nhà xuất bản cho ra bản này chỉ có nguyện vọng phổ thông chuyện sử, nghĩa là những chuyện cổ tích có tính cách sử học. Cho nên chỉ chú thích ý các chữ khó mà thôi, chứ không tìm đến cỗi nó, khiến cho kẻ đọc không mất công tìm hiểu cổ điển. Sự tìm hiểu chú-thích nhiều khi làm cho độc giả quên để ý đến nội dung chính của câu văn, và có thể ví với sự người tò mò tìm vết ở vỏ mà quên xem ruột trái cây. Sách Đại Nam Quốc sử diễn ca là một trái cây ngon nhưng vỏ nó khá rắn rỏi.
Trái với ý nhiều người, sách ấy không thể hoàn toàn là một sách giáo khoa cho lớp nhỏ. Từ lớp nhỏ đến lớp lớn, đều có thể trích ra dăm ba đoạn hoặc làm bài thuộc lòng, hoặc để khảo cứu về văn.
Đứng riêng phương diện văn học, sách ấy có giá trị một thiên kể cổ tích mà ta có thể gọi là « sử tụng » mục đích để kể chuyện sử một cách văn hoá và để châm biếm hay tán tụng.
Đứng về phương diện sử học, sách này có giá trị cao thấp tùy theo giá trị của sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư mà sách này đã theo lược dịch.
Bản sử kia có đoạn xác đáng, có đoạn sơ sài có đoạn hoang đường và có đoạn thiên vị chủ quan.
Trong khuôn-khổ một bài tựa ngắn, không thể phân tích rõ. Nhưng ta cũng có thể nói qua rằng : đoạn từ Kinh Dương Vương đến hết Thục là theo tục truyền phần lớn hoang đường ; đoạn từ Triệu đến hết đời Bắc thuộc có tài liệu ở sử Trung-hoa nên phần lớn xác đáng, trừ những việc về Triệu Việt Vương ; đoạn từ Ngô đến hết Lý, xác đáng nhưng sơ sài ; đoạn cuối đầy đủ và xác đáng nhưng hay thiên vị.
Cho đến khoảng có tài liệu, mà có khi không biết dùng cũng thành sai. Ví dụ về đời Chu, sách Tư trị thông giám viết : « Việt thường dĩ tam tượng trùng dịch nhi hiến bạch trĩ » nghĩa là : « xứ Việt thường nhờ ba giống man miền nam dịch chuyền tiếng để hiến chim trĩ trắng ». Thế mà Đại Nam Quốc sử diễn ca lầm chữ dịch này với chữ dịch là trạm, cho nên đã viết :
Lại đem bạch trĩ dâng vào Chu-vương.
Ba trùng dịch lộ chưa tường.
Thế là sai hẳn và hai chữ « ba trùng » thành vô nghĩa. Phải đổi ra « Ba từng dịch tiếng mới tường » thì mới đúng.
Còn như nghị luận cho đời này chính thống, đời kia tiếm ngụy thì thật là chủ quan.
Trong thời quân chủ dựa vào Nho giáo, họ nào cầm quyền cũng nhận là theo mệnh trời. Sử thần, viết sử đương triều, lại càng cho triều mình là chính thống.
Nếu bàn họ vua nào đáng hay không đáng, còn có thể bình phẩm ít nhiều. Họ đáng nhất là đã đánh lui ngoại xâm mà lên ngôi (Trưng-Vương, Bố-Cái Phùng-Hưng, Ngô-
Quyền, Lê-Hoàn, Lê-Lợi, Nguyễn-Huệ) ; họ đáng thứ nhì là đã nhất thống đất nước rồi lên ngôi (Đinh-Bộ-Lĩnh, Nguyễn Ánh). Còn Lý, Trần, Hồ, Mạc thì hoặc lợi dụng cơ hội, hoặc tự tạo cơ hội mà lên ngôi đều là không đáng. Nhưng Lý Trần còn trở nên đáng vì trong triều đại đã có lúc cứu được quốc dân ra khỏi nạn ngoại xâm. Lê-Hoàn và Nguyễn-Huệ cũng gần ở trường hợp này nhưng đáng hơn. Đến như Hồ để mất nước, Mạc cắt đất nhường cho Minh để cầu được giúp trong cuộc nội chiến, thì đều có tội. Xét như vậy, kết quả cũng gần như theo thuyết Nho giáo chính ngụy, mà phải lý hơn.
Nhưng xét cả họ vua là bất công, mà xét cả chế độ quân chủ cũng vô ích vì đó thuộc về lịch sử. Ta nên xét từng cá nhân kẻ cầm quyền. Ai đã làm ích quốc lợi dân là kẻ đáng kính thờ và kẻ làm hại nước hại dân là kẻ đáng ghét.
Hoặc để phổ thông chuyện sử, hoặc để tượng trưng sử tụng, sách Đại Nam Quốc sử diễn ca đáng được tái bản, trong khi binh hỏa đang tiêu hủy biết bao nhiêu vết cũ về sử và văn. Còn như chỉ trích hay tán dương các câu văn, thì các độc giả đọc rồi sẽ tự đoán.
Nhà xuất bản còn yêu cầu tôi khảo cứu về nguồn gốc sách ấy. Trước đây ông Trần Văn Giáp, một nhà sử học đứng đắn, đã đăng bài « Ai làm ra sách Đại Nam Quốc sử diễn ca » ở tập san hội Trí Tri Hà-nội (năm 1934, số 3) khảo cứu tường tận và xác đáng.
Tuy vậy có một vài tiểu tiết chưa ổn. Sau đây tôi sẽ dùng phần lớn những tài liệu mà ông Trần đã dùng và thêm một vài tài liệu riêng khác nữa.
Sau này, chúng ta sẽ thấy rằng sách Đại Nam Quốc sử diễn ca là do những bản cũ sửa chữa lại. Tôi cũng khuyên nhà xuất bản cho in các bản cũ ấy để tiện sự so sánh và bổ ích cho lịch sử văn chương ở nước ta.
Tháng 5 D.L. năm 1949
Hoàng Xuân Hãn
DẪN
I. GỐC VÀ ĐỔI
Sách này không phải do một tác giả làm ra mà cũng không phải do nhiều tác giả cùng nhau làm trong một lúc.Chính là do một bản cũ mà nhiều người sửa chữa nhiều lần. Cho đến tên sách, mỗi lúc sách chữa thì tên cũng đổi. Ngày nay, ta còn tìm thấy bốn bản sử ca khác nhau, cũng với lối ghi chép của một vài sách khác, nó giúp ta tìm ra manh mối sự thay đổi.
1. Đại Nam Quốc sử diễn ca
Mối cuối cùng của sự sửa chữa là sách Đại Nam Quốc sử diễn ca thảo xong trong khoảng năm 1865-1870 ; và được khắc lần đầu tiên vào năm 1870. Tủ sách riêng còn có bản in đề « Tự-Đức năm thứ 23, Canh Tuất mùa hè », chính là bản ấy. Tuy nó không có tựa nhưng có một bản sao lại có một bài, tựa viết sau khi khắc độ vài tháng 1vì đề vào tháng 7 đầu thu năm ấy. Bài tựa này sau lại thấy đổi ít câu và khắc với bản khắc Đại Nam Quốc sử diễn ca năm 1873. Kẻ viết tựa là ông Phạm Đình Toái mà sau này tôi sẽ xét sự nghiệp kỹ càng. Trong tựa ; ông nói : « Sách Quốc sử diễn ca là ông Lê Ngô Cát, nguyên Án Sát Cao-bằng, vâng lệnh soạn ra. Ông Phạm Xuân Quế, hình bộ thị lang, có nhuận sắc. Cả thảy có 1887 câu. Sách ấy tự sự đủ và rõ : không những người quê, trẻ con, đàn bà đọc hiểu, mà tuy là văn thân học sĩ cũng thích xem… Nhưng lời văn phiền phức, người đọc phàn nàn vì khó nhớ. Tôi không tự lượng, trộm
lấy mà cắt bớt đi và thêm vào chỗ thiếu soạn thành 1027 câu ».
Lại trong một bài tựa sách « Nguyệt lãnh diễn âm » ông Phạm Đình Toái bàn về sự dịch văn Tầu ra quốc âm theo lối ca lục bát (Quốc âm Từ điệu tự, in năm Thành-Thái thứ 2 1890) ông cũng nói : « Sách diễn bằng thể lục bát đã xong, thì có một quyển Quốc sử ca. Đó là lấy bản cũ mà bớt và chữa, lấy một phần mà thêm vào ba phần » (Sau này sẽ rõ tỉ số ấy).
Hai chứng ấy làm ta biết chắc chắn rằng bản Đại Nam Quốc sử diễn ca là do ông Phạm Đình Toái, trong khoảng năm 1860-1870, lấy một bản cũ mà bớt và chữa, rút ngắn lại còn già nửa mà thôi.
2. Việt sử Quốc ngữ
Bản cũ ấy là sách gì ? Có phải như lời Phạm Đình Toái sách ấy là do Lê Ngô Cát soạn ra không ?
Sách Đại Nam Thực-lục chính biên (Tứ kỷ quyển thứ 16) chép : « Năm Tự-Đức thứ 10 (1857) tháng sáu Trần Dương Quang hàm thị giảng, coi viện Tập Hiền, lại tiến vua những sách tìm ở Bắc-kỳ. Trong đó có một bộ sử bằng quốc ngữ (nguyên văn : sử quốc ngữ nhất bộ) do một người học trò tỉnh Bắc-ninh nộp. Rồi tháng ba năm sau (quyển thứ 18) vua Tự-Đức sai các ông Phan Thanh Giản và Phạm Huy (coi sử quán) chọn kẻ giỏi quốc âm, coi việc chữa Sử ký quốc ngữ ca và nối thêm sử Lê Trịnh cho đến đời vua Xuất Đế (Chiêu-Thống). Các ông ấy bèn chọn các ông Lê Ngô Cát,
hàm biên tu, và Trương Phúc Hào, chức Tư vụ, để sung vào việc ấy ».
Những đoạn sách Thực-lục trên đây, so với hai lời tựa của Phạm Đình Toái đều phù hợp, và chứng rõ rằng : vua Tự-Đức truyền lệnh cho sử quán chữa và nối một bản sử làm bằng lối ca tiếng ta. Ông Lê Ngô Cát và ông Trương Phúc Hào sung vào việc ấy. Phần mỗi người bao nhiêu ? Nay không biết, nhưng những kẻ đương thời, như Phạm Đình Toái, và Trương Vĩnh Ký (trong tựa bản quốc ngữ in năm 1875 tại Sài-gòn) đều chỉ nói đến Lê Ngô Cát. Vậy chắc rằng rằng Lê Ngô Cát đã soạn phần lớn sách kia, mà tôi sẽ gọi tắt là bản Lê Ngô Cát.
Bản Lê Ngô Cát còn nữa không ? Nay ở các tư-gia còn thấy vài bản cũ Quốc sử viết bằng ca quốc âm. Một bản nhan đề Lịch Đại Nam sử quốc âm ca và một bản khác nhan đề Việt sử quốc ngữ. Hai bản ấy phần lớn giống nhau, nhưng sự khác nhau cũng rất nhiều, đủ chứng rằng bản trên (sẽ viết tắt là Lịch Đại Nam sử) là có người do quyển dưới (sẽ viết tắt là Việt sử) mà dụng công sửa chữa lại. Kể số câu thì bản Việt sử có 1916 câu (câu gồm hai vế lục và bát), và Lịch Đại Nam sử có 1884 câu. Nếu so sánh từng câu, ta thấy kẻ chữa đã bỏ hẳn từng câu từng vế, hay chữa cả vế hoặc chữa một vài chữ.
Theo Phạm Đình Toái, bản Lê Ngô Cát gồm 1887 câu, gần như bản Lịch Đại Nam sử. Đó là một cớ làm ta nghi rằng hai bản là một.
Vả nay ta lấy những câu tương đương, nhưng khác nhau, ở Lịch Đại Nam sử và ở Việt sử, rồi ta lại chọn trong các câu ấy những câu được giữ lại trong bản Đại Nam Quốc sử, để ta xét xem thoại Đại Nam Quốc sử giống thoại Lịch Đại Nam sử hay thoại Việt sử. Nhờ đó ta cũng đoán được bản nào là bản Phạm Đình Toái đã dùng. Kết quả của sự khảo sát là phần lớn theo văn của bản Lịch Đại Nam sử. Ví dụ về chuyện Phù Đổng Thiên vương, Việt sử viết : « Tướng thần hóa phép xung thiên, Áo nhung cổi lại treo miền Vệ linh ». Lịch Đại Nam sử đổi ra : « Áo nhung cổi lại Linh sơn, Lâng lâng thoát nợ trần hoàn lên tiên ». Đại Nam Quốc sử giữ nguyên như thế, chỉ có đổi hai chữ lâng lâng ra thoắt đà.
Hai chứng trên làm ta tưởng chắc rằng bản Lê Ngô Cát tức là bản Lịch Đại Nam sử. Nhưng có hai điều làm ta còn phải ngờ. Một là Phạm Đình Toái nói bản Lê Ngô Cát gồm 1887 câu, mà bản Lịch Đại Nam sử chỉ có 1884 câu. Tuy rằng ông có thể đếm lầm hoặc kẻ sao chép lầm chữ Tứ ra chữ Thất, nhưng hình như ông là người tính toán rất cẩn thận. Hai là trái với trên, nhiều chỗ văn Đại Nam Quốc sử theo văn Việt sử mà khác văn Lịch Đại Nam sử. Ví dụ như đoạn Hùng vương, Việt sử có câu : « Vũ là lạc tướng giữ quyền quân cơ ». Lịch Đại Nam sử chữa ra : « Vũ là lạc tướng chức chuyên nhung trù ». Đại Nam Quốc sử giữ nguyên thoại Việt sử.
Với những sự nhận xét trên ta thấy rằng : hoặc Phạm Đình Toái đã dùng một bản khác cả Việt sử, cả Lịch Đại Nam sử, gồm 1887 câu, do ai nhuận sắc bản Việt sử mà làm ra,
mà lại có người sau bỏ bớt ba câu để làm ra bản Lịch Đại Nam sử ; hoặc Phạm Đình Toái đã dùng cả hai quyển Lịch Đại Nam sử và Việt sử mà tham chước, nhưng ông chỉ nói trong tựa đến một quyển mà thôi.
Theo ý tôi, bản mà ông Phạm Đình Toái dùng là một bản ở trung gian hai bản Lịch Đại Nam sử và Việt sử, nó gần giống bản Lịch Đại Nam sử, nhưng dài hơn ba câu, và cũng có nhiều chữ giống Việt sử và khác Lịch Đại Nam sử.
Chính bản trung gian ấy, mà tôi đã gọi tắt là bản Lê Ngô Cát.
Nhưng thật ra, không phải hoàn toàn ông Lê Ngô Cát làm vì theo sử thì có Lê Ngô Cát và Trương Phúc Hào, và theo Phạm Đình Toái thì còn có Phạm Xuân Quế nhận sắc nữa.
Theo lý luận trên, ta có thể nhận ra rằng : bản Lê Ngô Cát (và Trương Phúc Hào) khởi thảo là bản Việt sử quốc ngữ. Bản trung gian nói trên (gọi tạm là bản Lê Ngô Cát) là đã có ông Phạm Xuân Quế hay người khác nữa nhận sắc. Sau đó lại có người bớt ba câu và sửa chữa thành ra bản Lịch Đại Nam sử quốc âm ca.
Còn tên Đại Nam Quốc sử diễn ca đặt cho bản của Phạm Đình Toái là tự ông này đặt ra. Các sách dịch khác của ông cũng mang tên tương tự, như Lễ nguyệt lãnh diễn ca, Thi thất nguyệt diễn ca, v.v…
3. Sử ký quốc ngữ ca
Ngược dòng lên nữa, đến quyển mà người học trò Bắc ninh nộp. Tên sách là gì ? Ai làm ? Vào đời nào ? Bản ấy nay còn nữa không ?
Tôi đã có ý tìm ở cả thư viện Thuận hóa trước năm 1946 ; nhưng không còn thấy đâu nữa. Tên sách lúc tiến nộp chắc là Sử ký quốc ngữ ca. Tuy trong bản kê năm Tự Đức thứ 10 (Thực-lục Tứ kỷ, quyển 16) viết : « Sử quốc ngữ nhất bộ » (một bộ sử bằng tiếng ta), nhưng sau Thực-lục chép rõ ràng hơn : tháng 3 năm Tự-Đức thứ 11, chép « chữa sử ký quốc ngữ ca » ; tháng 7 năm thứ 13 (quyển 2) có kê lại các sách đã tìm trước từ Quảng-bình trở ra, cũng chép tên ấy.
Ông Trần Văn Giáp (tập san Trí Tri 1934 số 3) nói rằng tác giả là người học trò Bắc-ninh kia. Sự ấy không đúng. Chưa kể về thời gian chênh lệch mà tôi sẽ biện sau, ta cũng hiểu rằng sách ấy là sách cũ mà người kia đem nộp. Thực
lục (tứ kỷ quyển 23) cũng nói rõ rằng : « Trước đó, vì làm Việt-sử, có phái viên chức đi tìm sách » và sau (quyển 16) chép rõ những tên người nào hiến sách nào. Các sách đều là sách cũ, như An nam chí nguyên chẳng hạn.
Thực-lục chép thêm (quyển 18) : « Vua sai chữa sách Sử Ký Quốc Ngữ ca và nối thêm sử đời Lê, Trịnh cho đến đời Xuất đế ». Vậy sách ấy chỉ chép đến cuối đời thuộc Minh mà thôi.
Nay còn một bản sử ta, bằng quốc âm thể lục bát, gồm có hai phần : phần chính từ đời HỒNG-BÀNG đến cuối đời thuộc Minh, và phần phụ rất ngắn, nói qua loa về Lê (không
có một chi tiết nào cả) cốt ý là để nói nhờ họ Trịnh mà Lê được trung hưng. Phần thứ hai chỉ có kết luận để đặt vài câu tán tụng Chúa-Trịnh. Vậy ta có thể coi sách ấy dừng ở cuối đời thuộc Minh như sách Sử ký quốc ngữ ca kia.
Ở đầu phần chính có đề mục Thiên nam ngữ lục ngoại kỷ truyện (nghĩa là sách sử Nam bằng tiếng nước Nam, phần ngoại kỷ). Hai chữ Thiên nam đời Lê hay dùng để chỉ nước ta như trong hiệu « Thiên nam động chủ » của Lê Thánh-Tông, trong tên) bộ sách « Thiên nam dư hạ tập « viết đời Hồng-Đức.
Tôi đoán tên sách ấy là Thiên nam ngữ lục. Trong đoạn kết luận tán tụng Chúa-Trịnh có nói riêng về Hoằng tổ, tức là tên hiệu của Trịnh-Tộ (mất năm Nhâm Tuất 1662) sau khi mất. Ta có thể đoán rằng sách là bởi con Trịnh-Tộ, là Trịnh
Căn, sai một sử thần viết 2 trong khoảng 1662-1709.
Tôi tin rằng sách Sử ký quốc ngữ ca tức là sách Thiên nam ngữ lục này. Nhưng người ta đã đề tên khác. Sự tin ấy còn vin vào một cớ khác nữa. Thư viện Đông phương Bác cổ ở Hà-nội còn một bản sao sách Thiên nam ngữ lục, sao vào khoảng đời Gia-Long 3. Sau quyển có chép bài tựa sách Đại Việt sử ký tiệp lục có thích nghĩa bằng quốc âm. Thế mà trong Thực-lục (Đệ tứ kỷ quyển 23) cũng có chép rằng tháng 9 năm Tự-Đức thứ 13 quan Nội các đem sách Việt sử tiệp lục giải âm (1 bản in cũ, 3 bản in mới) dâng vua xem. Xét ra hai sách tiệp lục này là một 4. Sách này hình như cũng tìm được ở Bắc đem về. Có lẽ sự ghép hai quyển Thiên nam ngữ lục và Tiệp lục trong một bản sao, và sự ghép hai
quyển Sử ký quốc ngữ ca và Tiệp lục trong Thực-lục, không phải tình cờ mà có ; cho nên rất có thể rằng sách Sử ký quốc ngữ ca dâng vua năm 1857 là sách Thiên nam ngữ lục. 5
Dẫu ta có tìm được bản Sử ký quốc ngữ ca hay không, ta cũng chắc rằng Lê Ngô Cát đã không theo đó mà sửa. Đầu sách ông viết : « Lan đài dừng bút thảnh thơi, Vâng đem quốc ngữ diễn lời sử xanh » Cuối sách ông lại nhắc lại : « Vâng truyền theo sách diễn lời » (theo Việt sử) hay là « Nghĩa đen theo sách diễn lời » (theo Lịch Đại Nam sử). Vậy ông đã lấy sử bảng Hán văn, rồi ông dịch hoàn toàn mới. Xét giọng văn ta cũng thấy từ đầu chí cuối đều một người viết ra.
4. Tóm tắt
Nói tóm tắt lại, sau khi biện chứng kỹ càng, ta có thể kết luận rằng :
Chúa-Trịnh (có lẽ Trịnh-Căn 1682-1709) giao cho một sử quan soạn sách Thiên Nam ngữ lục, chép sử nước ta từ HỒNG-BÀNG đến cuối đời thuộc Minh.
Năm Tự-Đức thứ 8 (1855), vua sai sử thần soạn sách Việt-sử, và sai tìm sách cũ để tra cứu. Một học trò tỉnh Bắc ninh dâng quyển Sử ký quốc ngữ ca, có lẽ tức là quyển Thiên nam ngữ lục (1857).
Năm Tự-Đức thứ 11 (1858), vua sai sử thần chữa sách ấy và thêm đoạn sử Lê Trịnh. Các ông Lê Ngô Cát và Trương Phúc Hào được sung vào việc ấy và soạn ra sách Việt sử quốc ngữ (1860).
Ông Phạm Xuân Quế có nhuận sắc, bỏ bớt 29 câu và chữa nhiều câu, nhiều chữ, thành một quyển mà ta đặt lên là Việt sử quốc ngữ nhuận chính. 6
Có người lại sửa chữa quyển « nhuận chính « này, bớt 3 câu và đổi nhiều chữ, làm thành ra sách Lịch Đại Nam sử quốc âm ca.
Vào khoảng năm 1865, ông Phạm Đình Toái tự ý đem bản « nhuận chính » trên mà chữa rất kỹ càng, rút từ 1887 câu xuống 1027 câu (xem chi tiết sau) ông lại đưa cho một vài nho sĩ như ông Phan Đình Thực sửa chữa. Thành ra sách Đại Nam Quốc sử diễn ca (1870).
BẢNG TÓM TẮT
1. Thiên Nam ngữ lục (còn) (Thiên Nam minh giám) (Sử ký quốc ngữ ca) 1682-1709
2. Việt sử quốc ngữ (còn) 1858-1860
3. Việt sử quốc ngữ nhuận chính
4. Đại Nam Quốc sử diễn ca (còn) 1865-1870 5. Lịch Đại Nam sử quốc âm ca (còn)
II. XUẤT BẢN
Có lẽ bản Thiên nam ngữ lục có được khắc, vì đời Lê các Chúa-Trịnh cho khắc nhiều sách lắm. Nhất là sách này lại do chúa sai làm và Chúa-Trịnh-Căn lại thích văn quốc-âm. Các bản in đời Lê nay còn rất ít nhưng đủ mọi loại, cho nên tôi nghĩ như vậy.
Còn bản Việt sử quốc ngữ thì tuy rằng vua Tự-Đức sai làm, nhưng hình như sau đó ít để ý tới. Trong Thực-lục
thường chép đầy đủ về việc vua sai làm sách và việc dâng các sách đã soạn, song không hề chép đến việc dâng sách sử ca lúc soạn xong. Trái lại, có chép vào năm Tự-Đức thứ 13 (1860) : « Vua thưởng những người đã dâng sách… Còn như các sách Sử ký quốc ngữ không có gì dùng làm Việt sử được, thì thôi đi (không thưởng) ».
Bấy giờ, về chính trị, trong nước loạn lạc lung tung vả về việc làm sách, vua còn sai làm nhiều bộ to tát lắm, Việt sử (1855) Thánh-tổ thực-lục (từ đời Thiệu-Trị) Khâm định đại bảo giám (1860) Đại việt văn tuyển Hi triều văn tuyển (1860). Về việc khắc thì ở Kinh đô không sẵn thợ như ở Bắc, mà rất bận khắc các sách Thực-lục. Vì những cớ ấy sách Việt sử quốc ngữ hình như bị bỏ rơi. Còn chuyện truyền tụng rằng vua thưởng cho Lê Ngô Cát một tấm lụa và hai đồng tiền bạc có lẽ thật và để an ủi công khó nhọc của ông. Chắc ông không lấy làm hài lòng cho lắm, cho nên truyền rằng ông có câu ca đùa : « Vua khen thằng Cát có tài ! Thưởng cho chiếc khố (nói với người khác thì : tấm lụa) với hai đồng tiền ! »
Vì sách không khắc ra, nên càng nhiều kẻ nhuận chính. Trong các bản sửa chữa xong chỉ có bản Đại Nam Quốc sử diễn ca được khắc. Đó không những nhờ bản này ngắn và được nhiều người thích hơn các bản khác, nhưng cốt nhờ óc thực tế của hai nhà nho Phạm Đình Toái là người sửa chữa và Đặng Huy Trứ là quan bình chuẩn ở Hà-nội mà có một nhà xuất bản ở Hà-nội, hiệu Trí-Trung-Đường.
Hiệu Trí-Trung-Đường này đã xuất bản nhiều sách nhất là sách của Đặng Huy Trứ. Ông Đặng Huy Trứ trước tác rất
nhiều, nhờ hiệu Trí-Trung-Đường mà sách ông được khắc rất đẹp. Ông lại thích xem sách người khác. Hễ thấy quyển nào có giá trị, ông lại khuyên đem hiệu ông khắc bán.
Trong lời tựa sách Đại Nam Quốc sử diễn ca, Phạm Đình Toái nói rõ rằng sau khi sửa chữa xong và đưa cho vài nho sĩ sửa chữa, ông định dâng lên vua. Nhưng ông can việc, bị cách, nên đành mang sách cất đi. « Mùa xuân năm nay – Tự-Đức thứ 23, 1870 – tôi cáo bệnh về Hà-nội. Bèn đem sách cho quan bình chuẩn Đặng Huy Trứ xem. Đặng quân xem lấy làm thích bèn giao cho hiệu Trí-Trung-Đường theo đó khắc. Bản khắc cũng do hiệu của Đặng quân giữ, tôi không giám chuyên dùng một mình ».
Xem vậy bản khắc đầu tiên là do nhà Trí-Trung-Đường ở Hà-nội làm năm 1870. Nay thư viện tư gia còn bản in ấy. Trương đầu đề « Tự-Đức thứ 23, năm Canh Ngọ 1870 – mùa hè – Trí-Trung-Đường giữ bản khắc ».
Xét ra thì thấy Phạm Đình Toái vì miễn cưỡng mà để Đặng Huy Trứ giữ bản khắc. Nhất là trong bản khắc ấy Đặng Huy Trứ lại không có vài lời giới thiệu và tán dương những kẻ viết sách và nhất là Phạm Đình Toái. Mà Phạm Đình Toái lại là người thích những lời phê bình khen của các quan lớn (xem sau). Tất nhiên ông lấy làm mếch lòng nên đầu mùa thu năm ấy, ông viết bài tựa mà tôi sẽ dịch để đầu sách này. Mấy câu « Bản khắc cũng do hiệu của Đặng quân giữ, tôi không giám chuyên dùng một mình » tỏ ý bất bình của ông. 7
Ba năm sau, sự bất bình ấy càng thấy rõ. Phạm Đình Toái tự mình thuê khắc một bản thứ hai. Ông lấy bài tựa cũ, chữa lại để giảng vì sao ông làm như vậy. Ông nói : « Quan Bình chuẩn Đặng Huy Trứ thấy, lấy làm thích, đã cho khắc bán, nhưng giá bán cao, sự in và sự mua có nhiều điều chưa tiện. Cho nên tôi khắc lại để cho mọi người dùng chung ».
Xem đó là sự bất hòa không những vì danh mà cả vì quyền lợi nữa. Nhưng may mà có sự danh lợi ấy nên có hai bản khắc và sách được phổ thông.
Theo lời Phạm Đình Toái trong bài tựa « Quốc âm từ điệu » viết năm Đồng Khánh Bính tuất (1886) nói rõ thêm : « Tôi có khắc riêng một bản sửa ca, có quan Tiến sĩ Lê Đình Diên phê bình, so với bản của Đặng Quân thì tốt hơn. Nay bản gỗ lạc vào nhà buôn ở phố Nghệ-an ». Chính đó là bản khắc 1873. Ông Trần Văn Giáp có thấy bản in này ở Ninh bình. Nó có bài tựa thứ hai viết năm 1873 và có lời bình của ông Nghè Cúc Linh, tức là Lê Đình Diên.
Năm Tự-Đức thứ 34 (1881) Trí-Trung-Đường khắc lại, và sau này Quảng Thịnh Đường ở Hàng-gai, Hà-nội cũng khắc lại nữa.
Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên đem in sách Đại Nam Quốc sử diễn ca bằng chữ la-tinh. Bản in tại Sài-gòn năm 1875 còn có (Thư viện trường Đông ngữ ở Paris có một bản, xem bài ông Trần Văn Giáp). Chắc rằng Trương Vĩnh Ký dùng bản in ở Trí-Trung-Đường 1870) vì trong tựa ông chỉ nói đến Lê Ngô Cát là tác giả, chứ không biết đến Phạm Đình Toái.
Ố Ử Ễ
III. ĐẠI NAM QUỐC SỬ DIỄN CA
1. Phần sửa chữa
Đại Nam Quốc sử diễn ca gồm một phần nguyên văn của Lê Ngô Cát (không kể các người nhuận chính) và một phần văn của Phạm Đình Toái.
Trong tựa sách Phạm Đình Toái kể rõ ràng cách sửa chữa và thành phần sự sửa chữa. Trong các bản khắc, ông lại đánh dấu những câu còn giữ nguyên như cũ hay giữ một phần. Ông nói : « Nguyên có 1887 câu, tôi rút ngắn và bổ khuyết thành 1027 câu. Lấy nguyên tác chỉ hơn 300 câu (396 câu), trong đó hoặc lấy cả hai vế, hoặc đổi vài ba chữ, hoặc theo ý mà đổi lời, hoặc sửa dọn mà đổi vào, hoặc lấy vế lục ở câu nẩy, vế bát ở câu kia mà hợp làm một câu. Tóm tắt kê như sau :
- Bản của Lê Ngô Cát có 1887 câu
- Nay bớt đi thêm vào còn 1027 câu
- Trong đó : nguyên tác 396 câu
- Đổi mới 631 câu
Câu nào dùng nguyên tác đều có đánh dấu khuyên ở đầu đề ghi lấy ».
Đoạn sau, độc giả sẽ thấy vài thí dụ sự sửa chữa ấy.
2. Cớ sao sửa chữa ?
Trong tựa, Phạm Đình Toái nói văn Lê Ngô Cát dài dặc. Tuy ông không nói ra, nhưng ông cũng chê có đoạn quê hay lời thực thà quá. Vì những lẽ ấy, ông chữa. Mục đích ông là dọn sao cho gọn để dễ đọc thuộc lòng, và trau gọt để câu
văn thanh nhã. Cho nên sau khi chữa rồi ông tự nhận rằng : « so với các (chứng rằng ông dùng nhiều bản cũ chăng ?) bản cũ thì gọn hơn và lịch sự hơn ». Lời ấy đúng chứ không phải khoe khoang. Sự gọn thì đã rõ ràng, vì ông bỏ gần một nửa sách.
Muốn thấy rõ kết quả của sự sửa chữa, tôi dẫn một chứng làm thí dụ. Về đoạn hai bà Trưng, Lê Ngô Cát viết :
Bà Trưng quê ở châu Phong,
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên.
Rủ em Trưng Nhị cùng lên (quê),
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.
Ngàn Tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã xuống gần Long-biên.
Đuổi ngươi Tô-Định chạy liền (thực thà),
Một mình gánh vác mấy bên quan hà.
Lĩnh nam chín quận gần xa,
Đất ta lại giả về ta một đường (thực thà),
Tự tôn là hiệu Trưng-vương,
Đóng đô Mê-lãnh cũng phương đất nhà.
Trên đây những vế có dấu * là vế sẽ được giữ, xét ra đều là những vế hay nhất trong đoạn trên. Những vế bị chữa hoàn toàn hay bị bỏ, đều có lời thật thà, quê hay dài quá. Độc giả so sánh với văn Phạm Đình Toái (xem từ vế 331 đến vế 340). Thay đổi vế thứ ba bằng « Chị em nặng một lời nguyền » tuy tối nghĩa nhưng lịch sự hơn. Thay hai vế 7, 8 bằng « Hồng-quần nhẹ bước chinh yên ; Đuổi ngay Tô định dẹp tan biên thành » thành văn hoa hơn nhiều. Còn 4 vế cuối hơi dài và lời lẽ cũng thực thà, nên đã dọn lại làm
hai vế : « Đô kỳ đóng cõi Mê-linh ; Lĩnh nam riêng một triều đình nước ta ». Tuy bỏ mất câu tự xưng là Trưng-Vương, nhưng nói lập triều-đình riêng thì ý cũng vậy.
3. Điều bất-lợi của sự sửa chữa
Thu ngắn ắt là phải bỏ bớt ý. Huống chi Phạm Đình Toái đã bỏ gần nửa sách cũ. Tất nhiên ông đã bỏ nhiều đoạn sử. Đó cũng là một lối ước lược để giữ những việc lớn và bỏ chi tiết đi. Nhưng có khi lại muốn giữ chi tiết mà chỉ nói bóng thoáng quá, làm như kẻ đọc đã biết chuyện rồi và chỉ bởi một vài chữ nhắc đến là nhớ tới. Làm như vậy, văn gọn gàng, nhưng nghĩa tối.
Điều thứ hai là gọt dũa trau dồi câu văn, nhiều lúc làm mất cái khí tự nhiên của người thi-sĩ đã để vào trong. Lời thật thà có khi lại có thi-vị hơn là câu văn sáo.
Kể ra một thí dụ. Về chuyện Triệu-Ẩu, hai bản Việt sử và Lịch Đại Nam sử đều có câu : « Phất phơ giải yếm vắt lưng ».
Tục truyền rằng Lê Ngô Cát đã viết : « Vú dài ba thước vắt lưng » chắc là đúng, vì phần chú thích bằng Hán văn bên cạnh đều chép : « Nhụ trường tam xích thi ư bối hậu » (Vú dài ba thước vắt ra sau lưng). Sự đổi Vú ra giải yếm đây không phải là lỗi Phạm Đình Toái, nhưng nhân tiện, tôi vạch rõ một tính cách « nhuận chính » của các nho sĩ ta. Đây là do các quan khảo lại sợ nói đến « Vú dài ba thước » là không « đứng đắn » và sợ vua Tự-Đức quở ! cho nên đổi ra « Phất phơ giải yếm ». Còn bản Phạm Đình Toái dùng có
câu « Vú dài… » hay không, ta không biết nữa, nhưng ta coi như là có.
Bây giờ. tôi lại nói đến sự Phạm Đình Toái sửa chữa đoạn này. Nguyên văn là :
Cửu-chân sinh có một nàng,
Tên là Triệu-Ẩu cương cường lạ thay.
Gươm thần ngang dọc trên tay,
Tiền thân ấy kịp môn-sài nhị Trưng.
Vú dài ba thước vắt lưng,
Cưỡi voi gióng trống, bên rừng trẩy (hay bước) ra. Cũng toan cất gánh sơn-hà,
Cho Ngô biết mặt đàn bà nước Nam.
Trời còn chứng kể hung tham,
Sa cơ mụ lại thác làm thần-linh.
Phạm Đình Toái thu lại còn tám vế (xem từ vế 395 đến 402). Nếu so sánh hai lời văn thì độc-giả sẽ thấy rằng lời văn giản dị, tự nhiên, hùng tráng của một nhà thi sĩ, đã bị đổi ra bằng một giọng văn tề chỉnh, nghiêm trang, nhưng vô vị, của một nhà văn cử nghiệp.
IV. PHẠM ĐÌNH TOÁI
1. Thân-thế
Tác giả chung sách Đại Nam Quốc sử diễn ca là Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái. Riêng đây, tôi sẽ xét qua về Phạm Đình Toái.
Ông là người tỉnh Nghệ-an, huyện Quỳnh-lưu, thôn Quỳnh-đôi, ở phía đông ga Cầu-giát trên đường sắt Hà-nội –
Vinh. Làng Quỳnh-đôi là một làng văn học bực nhất trong nước ta từ đời Lê trung hưng trở về sau. Chỉ họ Hồ mà kể đến năm 1852, có 5 tiến sĩ, 82 tứ trường (Cử nhân), 180 tam trường (tú tài).
Họ Phạm cũng là họ có tiếng. Phạm-Đào đậu hương cống đời Lê là tổ-phụ ông Đình Toái. Thân sinh ông Đình Toái là Đình Trọng đậu hương cống năm Gia-Long Quí Dậu (1813). Khi làm đốc học, vì không chịu khuất ông hiệp-trấn Thân Văn Giai trong việc ông này tư túi trong cuộc khảo hạch, nên bị cách chức về nhà. Ông dạy con cái đều học giỏi. Tính ngạnh khái là đặc tính của họ Phạm này. Sau này Đình Toái cũng hay cãi cọ với người, làm quan cũng bị cách chức nhiều lần.
Phạm Đình Toái là con thứ hai. Ông có tự Thiếu-du. Học hay chữ. Sách Quỳnh-đôi hương biên khen ông có tài hoa chắc đậu to. Nhưng sau chỉ đậu cử nhân khoa Thiệu-Trị Nhâm Dần (1842). Được bổ làm quan, ông lần lượt làm tri huyện tri phủ, án sát Bình-định, bổ chánh Sơn-tây và coi việc kho.
Ông bị khiển trách vì lạm của kho. Bị cách chức, nhưng ông lại được phục chức đến Án sát Sơn-tây. Rồi lại bị cách chức. Ông lại tìm cách mộ quân xin đi đánh giặc, sau được phục chức tri phủ Lâm-thao (1896) 8. Năm Tự-Đức thứ 23 (1870) ông cáo bệnh về Hà-nội. Ông đã chữa nên sách Đại Nam Quốc sử diễn ca trước khi bị cách chức lần thứ hai (chừng khoảng năm 1865). Về sau được phục nguyên hàm. Xét qua sự nghiệp và văn-thơ, ta nhận thấy ông là một
người ưa hoạt động, có sáng kiến, khác các thường nho. Cho nên người đồng thời cho ông là hiếu sự ; nghĩa là hay gây chuyện. Chắc vì vậy, nên hay bất hòa với làng nước, với đồng-liêu.
Tính ông tự phụ, văn thơ làm ra thì muốn tìm những người danh vọng bình phẩm để hái lời tán tụng. Nhưng đó cũng là thường bệnh hay thường lệ của các nhà văn.
2. Văn-chương thể lục-bát
Văn chương ông trau dồi. Nhưng hình như không có gì đặc sắc về sáng tác. Ông chỉ ưa dịch văn Trung-hoa, và đặc điểm của ông là lúc về già ông chuyên trị lối ca lục bát, mà ông đã hiểu thấu chỗ hay và chỗ ích.
Năm 1886, ông đã viết bài tựa sách dịch thiên Nguyệt lãnh trong kinh Lễ. Nhân đó, ông bàn về « Quốc âm từ điệu », nghĩa là từ điệu tiếng ta, rất rõ ràng, và tán dương thể lục bát một cách rất hùng hồn.
Ông giảng rõ đặc điểm của thể lục bát : một vần ở luôn ba vế, một vế lục ở giữa hai vế bát ; vần ấy ở đuôi vế bát trên, ở vế lục, rồi ở « lưng » vế bát dưới ; chữ cuối vế bát dưới lại là vần mới cho câu sau. Rồi ông tiếp : « như thế thì một câu có hai vế mà ba chữ vần, hai câu có bốn vế mà sáu chữ vần… Đọc chữ vần đuôi vế lục thì biết chữ vần lưng vế bát, đọc vần đuôi ở câu trước thì biết chữ vần đuôi vế lục ở câu sau. Vế này liền vế kia, vần này đẻ vần khác. Tuy có trăm nghìn vế mà vận diện tiếp tục không cùng, đã tiện cho sự ngâm nga, mà lại dễ nhớ. Đó là thể văn tuyệt diệu ở nước ta ».
Ông chú ý đến tính cách thiên nhiên của điệu lục bát : « Tao nhàn hào khách mở miệng thành câu, khuê phụ điền phu buông lời đúng điệu. Cho đến các khúc ngạn-ngữ ca dao, các câu trẻ con đùa hát, mà cũng đều tự nhiên đúng thể. Lại có kẻ dùng toàn chữ nho làm bài ca theo thể ấy. Người Trung-hoa, tới chơi nước ta lấy đọc, thì không ai không khen phục. Như vậy thể ấy dễ dùng cho người ta chẳng phải ít ».
3. Quan-niệm công-lợi
Ông nhắc lại các bài văn ca xưa truyền lại, như Tứ thời khúc, Kim Vân Kiều, Phan-Trần và tán dương nhưng ông có một quan niệm khác đối với thể ca lục bát.
Với óc thực tế của ông, ông nghĩ đến cách lợi dụng thể văn dễ đặt, dễ nhớ kia, để giúp vào sự học các kinh, truyện, sử, v.v… Ông nói : « Nước ta ở xa về phía nam, âm-ngữ khác Trung-hoa. Kẻ học trò, nhà thức giả, tuy tập văn tự Trung-hoa mà nói năng ngâm ca thì không dời bỏ tiếng nước nhà. Há ta lại cho rằng chỉ chữ nho là tao nhã mà thôi, và chê quốc âm là thô bỉ ? » Nhưng những tác phẩm ấy đều là lời phong nguyệt không thể làm bài dạy được. Cho nên ông muốn dùng thể lục bát để diễn những thiên kinh sử khó nhớ, thành những bài ca dễ học thuộc lòng.
4. Tác-phẩm công-lợi
Quan niệm này ông có, lúc về già, ngồi dạy học trò và con cháu ở nơi tị loạn, tại làng Cát-xuyên, huyện Hoàng hóa, tỉnh Thanh-hóa, ông đã áp dụng nhiều. Ngoài sách sử ca làm lúc còn trẻ, ông đã gò vần nắn câu mà dịch những
thiên khúc-mất nhất trong các kinh như Nguyệt lãnh ở kinh Lễ, Thất nguyệt tiểu nhung ở kinh Thi, Trung dung dịch quải.
Ví dụ, bài Nhật hành Triền độ ở trong thiên Nguyệt lãnh nói rõ đường mặt trời đi qua nhị thập bát tú trong một năm :
Nhật hành ở các ngôi sao,
Cứ trong Nguyệt lãnh tháng nào mà suy.
Kể từ giêng THẤT, hai KHUÊ, 9
Ba sang VỊ tú, bốn về TẤT tinh,
TỈNH năm, LIỄU sáu lưu-hành,
Bẩy đương DỰC phận, tám kinh GIỐC triền,
Chín PHÒNG, mười VỊ tương liên,
ĐẨU sang mười một, NỮ truyền mười hai.
Tuy rằng phải dùng nhiều chữ nho mới đặt được gọn gàng và lưu loát, nhưng ta phải nhận rằng ông có một kỹ thuật làm văn lục bát rất cao. Đối với dân ta phải học những môn thiên văn bằng chữ nho, một bài ca như thế này, dẫu có một vài chữ phải giảng nghĩa, còn dễ học, dễ nhớ gấp bội một bài chữ Hán.
Dẫu sao dùng văn như thế chỉ là phương diện công-lợi đưa tới những tập « bị vong », chứ không phải là văn chương.
5. Văn-chương dịch
Lúc còn trẻ tuổi, ông là một tay tài hoa, cho nên quan niệm công-lợi về văn chưa chuyên choán hết nguồn văn của
ông. Ông đã từng dịch nhiều thơ tình cảm, nhất là thơ Đường, Tấn, Tống. Bấy giờ chưa chuyên trị thể lục bát, cho nên thơ Đường luật như bài Thiên thai và nhiều bài khác được dịch ra thể thất ngôn.
Ví dụ bài Tiên-nữ tống Lưu Nguyễn xuất động (Tiên nữ đưa Lưu Nguyễn ra ngoài động). Nguyên văn và nghĩa xuôi như sau :
Ân cần tương tống xuất Thiên-thai
(Ân cần đưa nhau ra khỏi Thiên-thai)
Tiên cảnh na năng khước tái lai
(Sao có thể trở lại cõi tiên)
Vân dịch ký qui tu cưỡng ẩm
(Lúc về rồi nên gắng uống rượu hơi mây này)
Ngọc-thư vô sự mạc tần khai
(Không có việc gì thì chớ vội mở bức thư ngọc này)
Hoa lưu động-khẩu ưng trường tại
(Hoa ở cửa cộng còn ở đó mãi)
Thủy đáo nhân gian định bất hồi
(Nước xuống nhân gian ắt không trở lại)
Trù trướng khuê đầu tùng thử biệt
(Ngận ngùi đầu ngọn khe, từ nay sẽ biệt nhau)
Bích sơn, minh nguyệt chiếu thương đài
(Núi biếc, trăng sáng chiếu rêu xanh)
Ông dịch :
Khẩn-khoản đưa chàng quá động Thiên,
Cõi tiên hầu dễ lại quen miền.
Rượu mây về đó xin càng nhắm,
Thơ ngọc rồi ra chớ mở nhìn.
Hoa động cầm mầu còn dõi nở,
Nước trần xuôi lối há quanh lên.
Ngận ngùi bên suối chia từ ấy,
Núi những rêu xanh bóng nguyệt in.
Những bài trường-thiên đều dịch ra thể lục bát, ví dụ các bài Qui khứ lai từ, Xuân giang thu nguyệt, Tương tiến tửu, v.v… những bài ấy đều được dịch bằng một giọng rất lưu loát.
Sau đây tôi sao bài dịch Xuân giang nguyệt dạ (đêm trăng trên sông mùa xuân) của Trương Nhược Hư :
Nước xuân sông biển dấy đều,
Trăng kia trên biển theo chiều nước sinh.
Sóng trườn ngàn dặm long lanh,
Sông xuân đâu chẳng trăng thanh ấy mà !
Dòng sông quanh bọc chòm hoa,
Trăng soi hoa rạng như là tuyết đông.
Giữa trời sương thoảng như không,
Trên ghềnh cát quáng xa trông bóng tà.
Nước trời một thức nào pha,
Giữa vời leo lẻo gương nga một mầu.
Bên sông ai thấy trăng đầu,
Trăng sông từ trước năm nào soi ai ?
Người sinh xiết kể đời đời,
Vừng trăng xem mấy năm trời khác nao.
Trăng kia soi những người nào,
Nước sông chỉ thấy ào ào đưa xuôi.
Mây bay thăm thẳm tuyệt vời,
Sông phong (cây phong) luống dễ khiến người sầu tuôn. Kìa ai đem chiếc thuyền con,
Nọ lầu trăng bạc người còn nhớ đâu.
Bóng trăng rạng đứng trên lầu,
Giãi niềm ly biệt soi vào đài gương.
Bóng mành thấp thoáng còn vương,
Nhịp tràm (chày) phảng phất như đường dạo khơi. Cùng trông nào máng làm hơi,
Nguyền theo vừng nguyệt lần soi cung chàng. Chim bay mờ mịt dặm trường,
Lập lờ cá nhảy nước càng sóng ran.
Đầm sương đêm mảnh hoa tàn,
Não người xuân muộn hương quan chửa về.
Nước mưa xuân sắc qua kỳ,
Duềnh sông trăng lại xế về non tây.
Dàm dàm trăng biển úp mây,
Tiêu-tương, Kiệt-thạch đường này còn khơi.
Theo trăng về, ấy mấy người ?
Long đong thỏ lặn, ngầm ngùi bến cây.
Không cần bài chữ nho, đọc thiên trên ta cũng cảm thấy tấm lòng ngậm ngùi của người khuê phụ mong chồng trong lúc đêm xuân, ngắm trăng trên mặt nước.
6. Sáng-tác
Không biết Phạm Đình Toái có ưa sáng tác không ? Hiện nay tôi chưa được thấy những văn ông tự làm, trừ một bài
ca làm cho con hát trong mấy bữa tiệc đãi những người lạc quyên ở phủ Lâm-thao năm Tự-Đức 21 (1868). Có những câu :
Ngoài hiên tơ trúc dập dình,
Tiếng ca cao thấp, chén quỳnh đầy vơi.
Lòng chiều đợi giọng khuyên mời,
Dọt ơn hòa với mùi đời cũng say.
Lạt nồng là thói xưa nay,
Cùng nhau gọi một chén này làm ghi.
Mới hay thiên tải nhất kỳ,
Rồi ra ắt cũng có khi trùng-phùng.
Lời văn chải chuốt dễ dàng như vậy buộc ta phải nghĩ rằng chắc ông còn sáng tác nhiều. Nhưng dẫu sao nữa, ta cũng nhận chắc chắn rằng ông có kỹ thuật làm ca lục bát, ông thích dựa vào ý người mà chải chuốt câu văn. Và lúc về già ông càng sinh kỹ thuật mà đem những thiên Hán văn khô khan ra đễ diễn thành ca.
Nói tóm lại ông giầu kỹ thuật hơn tài sáng tác. Những văn ông viết còn lại có :
1. Đường thi diễn âm.
2. Quốc âm diễn ca (gồm những bài Qui khi lai tử, Xuân giang hoa nguyệt dạ, Tương tiến tửu, Tiết phụ ngâm, Điền gia tạp hứng, Chính khí ca).
3. Quốc âm từ điệu là tự của 4 quyển sau :
4. Nguyệt lãnh diễn ca
5. Thất Nguyệt diễn ca
6. Tiểu nhung diễn ca
7. Nhật khắc trường đoản ca
8. Trung Dung diễn ca
9. Dịch quải diễn ca
10. Đại Nam Quốc sử diễn ca
11. Nhị Thánh cứu kiếp chân kính diễn ca
12. Quỳnh-lưu Tiết phụ truyện (Chữ nho)
Tháng năm D.L. 1949
Hoàng Xuân Hãn
ĐẠI NAM QUỐC SỬ DIỄN CA : LỜI THUẬT (LẦN ĐẦU)
Sách Quốc sử diễn ca là ông Lê Ngô Cát, nguyên làm án-sát Cao-bằng, vâng lệnh soạn ra (Ông người làng Hương-lang huyện Chương-đức, tỉnh Hà-nội). Ông Phạm Xuân Quế, hình bộ thị lang, có nhuận sắc. Cả thẩy có 1887 câu. Sách ấy tự-sự đủ và rõ. Không những người quê, trẻ con, đàn bà đọc hiểu, mà tuy là văn-thân, học sĩ, ai cũng thích xem. Ấy vì sách chép việc nước ta, xem qua một lượt là đủ hết. Nhưng lời văn phiền phức ; kẻ đọc phàn nàn vì khó nhớ. Tôi không tự lượng sức mình 10 trộm lấy sách ấy mà cắt bớt đi và thêm vào chỗ thiếu, soạn thành 1027 câu. Lấy nguyên tác chỉ hơn 300 câu (396 câu) 11, trong đó hoặc lấy cả hai vế, hoặc đổi vài ba chữ, hoặc theo ý mà đổi lời, hoặc sửa dọn mà đổi vần, hoặc lấy vế lục ở câu này, vế bát ở câu kia mà hợp làm một câu. Trải hai năm mới xong thành sách. Tôi đã được quan Án Sát Nam-định Phan Đình Thực và các quan khác 12 cùng nhuận chính thêm. So với các bản cũ thì gọn và lịch sự hơn :
« Tôi loan viết tinh tế lại để tiến trình, may chi được chấp nhận thì cũng không phụ bề trên xem đọc. Nhàn mắc việc quan bề bộn, tôi lại bị tội, lòng muốn không toại được. Bèn bỏ hòm cất đi. Mùa xuân năm nay, tôi cáo bệnh về Hà nội đem sách cho quan Bình chuẩn Đặng Huy Trứ xem 13. Đặng-quân xem lấy làm thích, bèn giao cho hiệu Tri-trung
đường theo đó khắc. Bản khắc cũng do hiệu của Đặng-quân giữ, tôi không giám chuyên dùng một mình ».14
Đời vua ta chuộng văn. Trước thuật không bỏ những việc nhỏ ở biên phương. Hoặc là có lúc đem tiến được. Vậy có thể đợi mong nhưng chưa giám chắc. 15
Bấy giờ là : Tự-Đức năm thứ 23 Canh ngọ (1870), đầu thu ngày tốt. 16
Cẩn thuật :
- Song quỳnh (nghĩa là huyện Quỳnh-lưu, làng Quỳnh đôi)
- Phạm Đình Toái tự Thiếu-du
- Bản của Lê quân 1887 câu
- Bản này bớt ra thêm vào thành 1027 câu
- Trong đó dùng nguyên tác 396 câu
- Đổi mới 631 câu
- Phàm vế nào dùng nguyên tác, thì đầu vế có đánh dấu khuyên để ghi.
Có quan song-nguyên hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập (hiệu Nhu-phu), quan Tổng đốc Bình-phú, tiến-sĩ Hoàng Văn Tuyển, quan Hàn lâm thị độc, tiên sĩ Lê Đình Diên (hiệu Cúc linh) phê bình.
PHẦN THỨ NHẤT : THỜI-KỲ MỞ NƯỚC (Từ thế kỷ 29 đến thế-kỷ 2 trước Giê-su)
ĐOẠN THỨ NHẤT : NHÀ HỒNG-BÀNG (2879-258 trước Giê-su)
1. Mở đầu
1. Nghìn thu gặp hội thăng-bình, 17
Sao Khuê sáng vẻ văn-minh giữa trời. 18
Lan-đài dừng bút thảnh thơi, 19
Vâng đem quốc-ngữ diễn lời sử xanh.
Nam-giao là cõi ly-minh, 20
Thiên-thư định phận rành rành từ xưa. 21
Phế-hưng đổi mấy cuộc cờ, 22
Thị-phi chép để đến giờ làm gương. 23
LỜI GIẢI. – gặp lúc thái-bình, đem sử nước nhà diễn ra tiếng ta, ghi chép sự thịnh-suy và hay dở để làm gương.
2. Kinh-Dương-Vương
Kể từ trời mở viêm-bang, 24
10. Sơ đầu có họ Hồng-Bàng mới ra.
Cháu đời Viêm-đế thứ ba,
Nối dòng hỏa-đức gọi là Đế-minh. 25
Quan-phong khi giá Nam hành, 26
Hay đâu Mai-lĩnh duyên sinh Lam-kiều.27
Vụ-tiên vừa thuở đào yêu, 28
Xe loan nối gót tơ điều kết duyên.
Dòng thần sánh với người tiên,
Tinh-anh nhóm lại thánh-hiền nối ra.
Phong làm quân-trưởng nước ta, 29
20. Tên là Lộc-tục, hiệu là Kinh-dương.
Hóa-cơ dựng mối luân-thường, 30
Động-đình sớm kết với nàng Thần-long.
Bến hoa ứng vẻ lưu hồng,31
Sinh con là hiệu Lạc-long trị-vì.
LỜI GIẢI. – cháu ba đời vua Viêm-đế bên tầu (thế-kỷ 29 tr. G.s.), tên là Đế-minh đi tuần phương Nam lấy Vụ-tiên, sinh ra Lộc-Tục. lộc-Tục được phong làm vua nước ta lấy hiệu là Kinh-dương-vương. Kinh-dương-vương lấy Thần-long sinh ra Lạc-long-quân.
3. Lạc-long-quân và Âu-cơ
Lạc-long lại sánh Âu-ky,
Trăm trai điềm ứng hùng bi lạ dường. 32
Noãn-bào dù chuyện hoang đường, 33
Ví xem huyền-điểu sinh Thương khác gì ? 34
Đến điều tan-hợp cũng kỳ,
30. Há vì thủy hỏa sinh-ly như lời.
Chia con sự cũng lạ đời,
Qui sơn, qui hải khác người biệt-ly.
Lạc-long về chốn Nam-thùy,35
Âu-cơ sang nẻo Ba-vì Tản-viên. 36
Chủ-trương chọn một con hiền,
Sửa sang việc nước nối lên ngôi rồng.
LỜI GIẢI. – Tục truyền vua Lạc-long-quân lấy Âu-cơ đẻ ra một trăm trứng nở ra một trăm con trai. Một hôm Lạc long-quân bảo Âu-cơ « ta vốn dòng rồng, nàng vốn dòng tiên, nước lửa vốn không hợp ». Rồi chia năm mươi con theo mẹ về núi, năm mươi con theo cha xuống mạn bể, để con cả làm vua. Đó là vua Hùng-vương. Các con ở núi sinh ra dân thượng-du, các con ở đồng-bằng sinh ra dân miền xuôi.
4. Hùng-vương và Nước Văn Lang
Hùng-vương đô ở châu Phong, 37
Ấy nơi Bạch-hạc hợp dòng Thao-giang. 38
Đặt tên nước là Văn-lang,
40. Chia mười lăm bộ, bản-chương cũng liền. 39 Phong-châu Phú-lộc, Chu-diên,
Nhận trong địa-chí về miền Sơn-tây ;
Định-yên, Hà-nội đổi thay,
Ấy châu Giao-chỉ xưa nay còn truyền.
Tân-hưng là cõi Hưng, Tuyên,
Vũ-ninh tỉnh Bắc, Dương-tuyền tỉnh Đông ;
Thái, Cao hai tỉnh hỗn-đồng,
Ấy là Vũ-định tiếp cùng biên-manh ; 40
Hoài-hoan ; Nghệ ; Cửu-chân ; Thanh ;
50. Việt-thường là cõi Trị, Bình trung-châu.
Lạng là Lục-hải thượng-du,
Xa khơi Ninh-hải thuộc vào Quảng-yên.
Bình-văn, Cửu-đức còn tên, 41
Mà trong cương-giới sơn-xuyên chưa tường.
Trước sau đều gọi Hùng-vương,
Vua thường nối hiệu, quan thường nối tên.
Lạc-hầu là tướng điều-nguyên, 42
Vũ là Lạc-tướng giữ quyền quân-cơ ;
Đặt quan Bồ-chính hữu-tư,
60. Chức-danh một bực, đẳng-uy một loài. 43
LỜI GIẢI. – Hùng-vương đóng đô ở châu Phong, đặt tên nước là Văn-lang và chia nước ra làm mười lăm bộ, trong đó có bộ nay còn tên mà không biết đích là ở đâu. Vua quan điều theo lệ cha truyền con nối mà gọi cùng tên : vua là Hùng-vương, quan văn là Lạc-hầu, Tướng võ là Lạc-tướng, quan nhỏ là Bồ-chính, con vua là Quan-lang, con gái vua là Mị-nương.
5. Giao-thiệp với Trung-hoa
Vừa khi phong-khí sơ-khai,
Trinh-nguyên xẩy đã gặp đời Đế-Nghiêu. 44
Bình-dương nhật nguyệt rạng kiêu, 45
Tấm lòng quì, hoắc cùng đều hướng-dương. 46 Thần-quy đem tiến Đào-đường, 47
Bắc Nam từ ấy giao-bang lá dầu.
Man-dân ở chốn thượng-lưu, 48
Lấy nghề chài lưới làm điều trị-sinh. 49
Thánh-nhân soi xét vật-tinh,
70. Đem loài thủy-quái vẽ mình thổ-nhân. 50
Từ sau tục mới văn thân, 51
Lợi dân đã dấy, hại dân cũng trừ.
Dõi truyền một mối xa-thư, 52
Nước non đầm ấm, mây mưa thái-bình.
Vừa đời ngang với Chu-Thành, 53
Bốn phương biển lặng, trời thanh một mầu.
Thử thăm Trung-quốc thế nào,
Lại đem bạch-trĩ dâng vào Chu-vương.
Ba trùng dịch-lộ chưa tường, 54
80. Ban xe ti-ngọ chỉ đường Nam-qui. 55
LỜI GIẢI. – Đời vua Đế-Nghiêu bên Tầu, Hùng-vương đem tiến con rùa thần. Dân ta sống về nghề chài lưới hay bị giống giảo làm hại. Hùng-cương bảo dân vẽ vào người ; loài thuỷ-quái trông thấy tưởng cùng loài không làm hại nữa. Từ đấy có tục vẽ mình. Đời nhà Chu bên Tầu (năm 1109 tr. G.s.), Hùng-vương sai người đem dân chim bạch-trĩ ; lúc về nhà Chu cho xe có kim chỉ-nam để biết đường về nước.
6. Chuyện Phù-Đổng Thiên-Vương
Sáu đời Hùng vận vừa suy,
Vũ-ninh có giặc mới đi cầu tài.
Làng Phù-đổng có một người,
Sinh ra chẳng nói, chẳng cười trơ trơ.
Những ngờ oan trái bao giờ,
Nào hay thần-tướng đợi chờ phong-vân. 56
Nghe vua cầu tướng ra quân,
Thoắt ngồi, thoắt nói muôn phần khích-ngang. 57 Lời thưa mẹ, dạ cần-vương, 58
90. Lấy trung làm hiếu một đường phân-minh.
Sứ về tâu trước thiên-đình,
Gươm vàng, ngựa sắt đề binh tiến vào.
Trận mây theo ngọn cờ đào,
Ra uy sấm sét, nửa chiều giặc tan.
Áo nhung cởi lại Linh-san, 59
Thoắt đà thoát nợ trần-hoàn lên tiên.
Miếu-đình còn dấu cố-viên, 60
Chẳng hay chuyện cũ lưu-truyền có không ?
LỜI GIẢI. – Đời Hùng-vương thứ sáu, trong nước có giặc, vua cho sứ đi cầu người tài. Bấy giờ ở làng Phù-đổng, nay thuộc tỉnh Bắc-ninh, có nhà sinh một con trai đã ba tuổi mà không biết nói. Nghe sứ đi rao, người con trai ấy bỗng nói được, xin với mẹ cho đi đánh giặc, và bảo với sứ-giả về tâu với vua đúc cho một con ngựa sắt và một thanh gươm vàng. Rồi người ấy nhảy lên ngựa cầm gươm ra đánh một ngày giặc tan. Đến núi Linh-sơn (nay là Sóc-sơn) người ấy cởi áo bỏ lại rồi biến mất. Nay còn đền thờ ở làng Phù
Đổng.
7. Chuyện Sơn-Tinh và Thuỷ-Tinh
Lại nghe trong thủa Lạc-Hùng, 61
100. Mị-Châu có ả, tư-phong khác thường. 62
Gần xa nức tiếng cung-trang,63
Thừa-long ai kẻ đông-sàng sánh vai. 64
Bỗng đâu vừa thấy hai người,
Một Sơn-Tinh với một loài Thuỷ-Tinh.
Cầu hôn đều gửi tấc-thành, 65
Hùng-vương mới phán sự tình một hai.
Sính-nghi ước kịp ngày mai, 66
Ai mau chân trước, định lời hứa-anh. 67
Trống lầu vừa mới tan canh,
110. Kiệu-hoa đã thấy Sơn-Tinh chực ngoài.
Ước sao lại cứ như lời,
Xe loan trăm cỗ đưa người nghi-gia. 68
Cung đàn tiếng địch xa xa,
Vui về non Tản, oán ra bể Tần.
Thuỷ-Tinh lỡ bước chậm chân,
Đùng đùng nổi giận, đem ân làm thù.
Mưa tuôn gió thổi mịt mù,
Ào ào rừng nọ, ù ù núi kia.
Sơn-thần hoá phép cũng ghê,
120. Lưới giăng dòng Nhị, phên che ngàn Đoài. 69 Núi cao sông cũng còn dài,
Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen.
LỜI GIẢI. – Vua Hùng-vương thứ 18 có một người con gái đẹp là Mị-Châu. Sơn-Tinh và Thuỷ-Tinh cùng đến xin cưới làm vợ. Vua bảo ngày hôm sau ai đem đồ lễ đến trước thì vua gả cho. Sơn-Tinh đến trước lấy được Mị-Châu đưa về núi. Thuỷ-Tinh nổi giận làm ra mưa gió và dâng nước lên đánh. Sơn-Tinh cũng hoá phép làm ra sấm chớp đánh lại. Ngày nay mỗi năm về mùa hạ, nước ở triền sông Nhị-hà lại lên to. Dân quê cho đó là do Thuỷ-Tinh đánh ghen mà sinh ra.
8. Chuyện Chử-Đồng-Tử và Tiên-Dung
Bổ-di còn chuyện trích-tiên, 70
Có người họ Chử ở miền Khoái-châu.
Ra vào nương náu hà-châu, 71
Phong-trần đã trải mấy thâu cùng người. 72 Tiên-dung gặp buổi đi chơi,
Gió đưa Đằng-các buồm xuôi Nhị-hà. 73 Chử-đồng ẩn chốn bình-sa, 74
130. Biết đâu gặp gỡ lại là túc-duyên. 75 Thừa-lương nàng mới dừng thuyền, 76 Vây màn tắm mát kề liền bên sông.
Người thục-nữ, kẻ tiên-đồng,
Tình cờ ai biết vợ chồng duyên ưa.
Giận con ra thói mây mưa,
Hùng-vương truyền lịnh thuyền đưa bắt về. Non sông đã trót lời thề,
Hai người một phút hoá về Bồng-châu. 77 Đông-an Dạ-trạch đâu đâu,
140. Khói hương nghi-ngút truyền sau muôn đời.
9. Hết đời HỒNG-BÀNG
Bể dâu biến đổi cơ trời,
Mà so Hồng-Lạc lâu dài ai hơn ?
Kể vua mười tám đời truyền,
Hai ngàn năm lẻ vững bền khôn lay.
Một dòng phụ-đạo xưa nay,78
Trước ngang Đường-đế sau tầy Noãn-vương. 79
LỜI GIẢI. – Nhà Hồng-Bàng truyền được mười tám đời, cộng 2.622 năm, tức là bắt đầu từ đời vua Nghiêu bên Tầu đến đời vua Chu-Noãn-vương bên Tầu thì hết (từ 2879 đến 258 tr. G.s.)
ĐOẠN THỨ HAI : NHÀ THỤC (258-207 tr. G.s.) 1. Thần Kim-quy giúp vua Thục
Thục từ dứt nước Văn-lang,
Đổi tên Âu-lạc, mới sang Loa-thành.
Phong-khê là đất Vũ-ninh, 80
Xây thôi lại lở, công trình biết bao.
150. Thục-vương thành ý khẩn-cầu,
Bỗng đâu giang-sứ hiện vào kim-qui. 81
Hoá ra thưa nói cũng kỳ,
Lại tường cơn-cớ bởi vì yêu-tinh.
Lại hay phù phép cũng linh,
Vào rừng sát quỉ, đào thành trừ hung.
Thành xây nửa tháng mà xong,
Thục-vương cảm tạ tấm lòng hiệu-linh. 82
Lại bàn đến sự chiến-tranh,
160. Vuốt thiêng để lại tạ-tình quân-vương.
Dặn sau làm máy Linh-quang, 83
Chế ra thần nỏ, dự phòng việc quân.
LỜI GIẢI. – Nhà Thục lên thay nhà Hồng-Bàng đổi tên nước là Âu-lạc và đóng đô ở Loa-thành Vua Thục xây thành mãi không được. Có thần Kim-qui hiện lên giúp vua trừ yêu-
quái xây xong thành. Lúc từ giã vua, thần lại biếu một cái vuốt để làm cái nãy nỏ phòng khi có giặc đến thì bắn.
2. Trung-hoa đánh Âu-lạc
Bấy giờ gặp hội cường Tần,
Tằm ăn lá Bắc, toan lần cành Nam.
Châu-cơ muốn nặng túi tham, 84
Đồ-Thư, Sử-Lộc sai làm hai chi.
Lĩnh-nam mấy chốn biên-thuỳ,
Quế-lâm, Tượng-quận thu về bản-chương.
Đặt ra uý, lịnh rõ ràng, 85
170. Họ Nhâm, họ Triệu sai sang giữ gìn.
Hai người thống-thuộc đã quen,
Long-xuyên, Nam-hải đôi bên lấn dần. 86
Chia nhau thuỷ bộ hai quân,
Tiên-du ruổi ngựa, Đông-tân đỗ thuyền. 87
Thục-vương có nỏ thần truyền,
Muôn quân buông một lượt tên còn gì ?
Nhâm-Hiêu mắc bệnh trở về,
Triệu-Đà lại khiến sứ đi xin hoà.
Bình-giang rạch nửa sơn-hà, 88
180. Bắc là Triệu-uý, Nam là Thục-vương.
LỜI GIẢI. – Bấy giờ bên Tầu, vua Tần Thuỷ-Hoàng thấy miền Nam nhiều châu ngọc liền sai Đồ-Thư và Sử-Lộc đem quân chiếm Lĩnh-nam, đặt quận huyện, rồi lại sai Nhâm Hiêu và Triệu-Đà cai-trị Nam-hải và Long-xuyên để tìm cách lấn dần Âu-lạc. Nhâm-Hiêu và Triệu-Đà chia hai đường thuỷ-bộ kéo sang ta đến Tiên-du (thuộc Bắc-ninh) và Đông-
tân (gần Hà-nội). Nhờ có nỏ thần Thục-vương đánh tan giặc. Sau Nhâm-Hiêu ốm chết. Triệu-Đà xin hoà và phân biên-giới.
3. Trọng-Thuỷ và Mị-Châu
Mặt ngoài hai nước phân cương, 89
Mà trong Triệu lại mượn đường thông-gia.
Nghĩ rằng : Nam Bắc một nhà,
Nào hay hôn-cấu lại ra khấu-thù. 90
Thục-cơ tên gọi Mị-Châu, 91
Gả cho Trọng-Thuỷ, con đầu Triệu-vương.
Trăm năm đã tạc đá vàng,
Ai ngờ thế-tử ra đàng phụ ân. 92
Tóc tơ tỏ hết xa gần,
190. Thừa cơ đem máy nỏ thần đổi đi.
Tỉnh-thân giả tiếng Bắc-qui, 93
Đinh ninh dặn hết mọi bề thuỷ-chung.
Rằng : « Khi đôi nước tranh-hùng,
« Kẻ Tần người Việt tương-phùng đâu đây ? 94 « Trùng-lai dù họ có ngày,95
« Nga-mao xin nhận dấu này thấy nhau ». 96
Cạn lời thẳng ruổi vó câu, 97
Quản bao liễu oán, hoa sầu nẻo xa.
LỜI GIẢI. – Triệu-Đà hỏi con gái Thục-Vương là Mị-Châu cho con giai cả là Trọng-Thuỷ. Thục-Vương gả Trọng-Thuỷ ở gửi rể, lập mưu bảo vợ cho xem cái nỏ thần rồi thừa cơ đánh đổi lấy cái vuốt Kim-qui. Trọng-Thuỷ lấy cơ thăm cha
trở về Tàu. Trước khi từ-biệt còn hẹn cùng vợ rằng mai sau nếu hai nước đánh nhau, Mị-Châu chạy đi đâu thì cứ rắc lông ngỗng cho chồng biết lối theo tìm.
4. Triệu-Đà diệt Thục
Giáp-binh sắp sẵn từ nhà,
200. Về cùng Triệu-uý, kéo ra ải Tần.
An-Dương cậy có nỏ thần,
Vi-kỳ còn hãy ham phần vui chơi. 98
Triệu-quân ruổi đến tận nơi,
Máy thiêng đã mất thế người cũng suy.
Vội vàng đến lúc lưu-li,
Còn đem ái-nữ đề-huề sau yên.
Nga-mao vẫn cứ lời nguyền,
Để cho quân Triệu theo liền bóng tinh. 99
Kim-qui đâu lại hiện linh,
210. Mới hay giặc ở bên mình không xa.
Bấy giờ Thục-chúa tỉnh ra,
Dứt tình phó lưỡi Thái-A cho nàng. 100
Bể Nam đến bước cùng đường,
Văn-tê theo ngọn suối vàng cho xuôi. 101
Tính ra nước Thục một đời,
Ở ngôi vừa được năm mươi năm tròn.
Nghe thần rồi lại tin con,
Cơ-mưu chẳng nhiệm thôi còn trách ai ? 102
LỜI GIẢI. – Triệu-Đà đã sửa soạn sẵn kéo quân sang đánh. Thục vương tin rằng vẫn còn có nỏ thần, không hề phòng, bị đánh thua. Vua đèo Mị-Châu lên sau ngựa mà
chạy. Mị-Châu rắc lông ngỗng, như trước đã hẹn với Trọng Thủy ; quân Triệu cứ theo đấy mà đuổi. Thần Kim-qui hiện lên bảo vua là giặc ngồi sau lưng, vua chém Mị-Châu rồi nhảy xuống bể tự-tử. Nhà Thục làm vua được một đời, năm mươi năm (257-207 tr. G.s.)
ĐOẠN THỨ BA : NHÀ TRIỆU (207-111 trước G.S.) 1. Triệu-Vũ-Vương thần phục nhà Hán
Triệu-vương thay nối ngôi trời,
220. Định đô cứ-hiểm đóng ngoài Phiên-ngu. 103 Loạn Tần gặp lúc Ngư-hồ, 104
Trời nam riêng mở dư-đồ một phương.
Rồng Lưu bay cõi Phiếm-dương,105
Mới sai Lục-Giả đem sang ấn-phù. 106
Cõi nam lại cứ phong cho,
Biên-thùy gìn giữ cơ-đồ vững an.
Gặp khi gà Lữ gáy càn, 107
Chia đôi Hán Việt lại toan sinh lòng.
Vì ai cấm chợ ngăn sông,
230. Để cho dứt nẻo quan-thông đôi nhà. 108
Thân-chinh hỏi tội Tràng-sa, 109
Mân, Âu muôn dặm mở ra một lần. 110
Hán Văn lấy đức mục-lân, 111
Sắc sai Lục-giả cựu-thần lại sang.
Tỉ-thư một bức chiếu vàng,112
Ngỏ điều ân-ý, kể đường thủy-chung.
Triệu-vương nghe cũng bằng lòng,
Mới dâng tạ-biểu một phong vào chầu. 113
Ngoài tuy giữ lễ chư-hầu,
240. Trong theo hiệu đế làm đầu nước ta. 114
Trăm hai mươi tuổi mới già,
Tính năm ngự-vị kể già bẩy mươi. 115
Lời giải : Triệu-Đà sáp-nhập nước Âu-lạc vào quận Nam-hải lập thành nước Nam-việt, đóng đô ở Phiên-ngu và nhân lúc bên Tầu có loạn tự xưng làm vua (năm 207 tr. G.s.). Đó là Triệu-Vũ-Vương.
Khi Lưu-Bang đã thống-nhất được nước Tầu và lập ra nhà Hán, liền sai Lục-giả sang phong cho Vũ-vương (196 tr. G.s.)
Lưu-Bang (tức là Hán-Cao-Tổ) chết ; Lữ-hậu chiếm quyền ở Tầu, rồi cấm không cho người Hán buôn bán đồ kim-khí với Nam-việt. Triệu-Vũ-vương nghi cho Trường-Sa vương xui Lữ-Hậu nên đem quân đánh quận Tràng-sa (tỉnh Hồ-nam nước Tầu).
Lữ-hậu mất, Hán-Văn-đế lên ngôi, lại sai Lục-giả sang sứ, lấy lời lẽ mà dụ Triệu-Vũ-vương, Vũ-vương lại qui-phục nhà Hán, nhưng ở trong nước vẫn xưng là Vũ-đế.
2. Triệu-Văn-Vương và Triệu-Minh-Vương Văn-vương vừa nối nghiệp đời,
Lửa binh đâu lại động ngoài biên-cương.
Phong thư tâu với Hán-hoàng,
Nghĩa-thanh sớm đã giục đường cất quân. 116
Vương-Khôi vâng lịnh tướng-thần,
Ải-lang quét sạch bụi trần một phương.
Hán-đình có chiếu ban sang,
250. Sai con Triệu lại theo đường cống-nghi. 117 Xe rồng phút bỗng mây che,
Minh-vương ở Hán lại về nối ngôi.
Bợm già bỗng rấm họa-thai, 118
Vợ là Cù-thị vốn người Hàm-đan.
Khuynh-thành quen thói hồng-nhan, 119
Đã chuyên sủng-ái lại toan tranh-hành. 120
Dâng thư xin với Hán-đình,
Lập con thế-tử, phong mình cung-phi. 121
Lời giải : Triệu-Văn-Vương lên ngôi được hai năm thì có giặc Mân-Việt vào quấy rối biên thùy. Văn-Vương cầu cứu nhà Hán. Hán sai Vương-Khôi đem quân dẹp xong, rồi gọi Văn-Vương sang chầu. Văn-Vương sai Thái-tử là Anh-Tề đi thay.
Anh-Tề ở mười năm ở bên Hán, đến khi Văn-Vương mất thì về nối ngôi, lấy hiệu là Minh-Vương (125 tr. G.s.)
Vợ là Cù-thị, người Hán, cũng theo về. được vua yêu chuộng. Cù-thị xin cho con mình làm thế-tử.
3. Cù-thị xin nhập Hán
Ai-vương thơ-ấu nối vi,
260. Mẹ là Cù-hậu, nhiều bề riêng tây.
Cầu phong đã rắp những ngày, 122
Ngoài thông Bắc-sứ trong gầy lệ-giai. 123
Khéo đâu dắc díu lạ đời,
Sứ là Thiếu-Quý vẫn người tình-nhân.
Hoa tàn lại bén hơi xuân,
Giao hoan đôi mặt, hòa thân một lòng.
Nghĩ rằng : về Hán là xong,
Tình riêng phải mượn phép công mới già.
Lâm thư gửi sứ đưa qua ;
270. Mẹ con đã sắm sửa ra sang chầu.
LỜI GIẢI. – Minh-Vương mất, Ai vương lên ngôi, còn ít tuổi. Nhà Hán sai An-quốc Thiếu-Quí sang sứ. Thiếu-Quí là nhân-tình cũ của Cù-thị, mẹ Ai-vương. Cù-thị và Thiếu-Quí tư-thông và bàn tính với nhau xui Ai-vương sang chầu nhà Hán và dâng Nam-việt cho nhà Hán (113 tr. G.s.)
4. Lữ-Gia phá mưu Cù-Thị
Lữ-Gia là tướng ở đầu,
Đem lời can gián bầy mưu xa gần.
Một hai ngăn đón hành trần, 124
Để cho Triệu-bích về Tần sao nên.125
Nàng Cù đã quyết một bên,
Lại toan mượn lấy sứ quyền ra tay. 126
Tiệc vui chén cúc giở say,
Mắt đưa cao thấp, giáo lay dùng dằng.
Đang khi hoan-yến nửa chừng, 127
280. Lữ-Gia biết ý ngập ngừng bước ra.
Chia quân cấm-lữ về nhà,128
Tiềm-mưa mới họp năm ba đại-thần. 129
Đôi bên hiềm-khích thêm phần,
Mụ Cù yếu sức, sứ-thần non gan.
LỜI GIẢI. – Lữ-Gia là tể-tướng Nam-việt, can ngăn. Cù thị ỷ thế sứ nhà Hán, mời Lữ-gia đến dự yến, định giết đi. Lữ-gia biết mưu trốn thoát rồi họp một ít tướng-sĩ đem quân vây thành.
5. Hán đánh Nam-việt
Vũ-thư đạt đến Nam-quan, 130
Hán sai binh-mã hai ngàn kéo sang.
Lữ-Gia truyền hịch bốn phương :
Nỗi Hưng thơ dại, nỗi nàng dâm-ô ; 131
Tình riêng chim Việt ngựa Hồ, 132
290. Chuyên vần báu ngọc các đồ sạch không. Rắp toan bán nước làm công,
Quên ơn thủa trước, không lòng mai sau. 133
Cũng tuồng Lữ-Trĩ khác đâu, 134
Chồi non chẳng bẻ, rễ sâu khó đào.
Quan-binh một trận đổ vào,
Lửa nào tiếc ngọc, nắng nào tiếc hoa.
LỜI GIẢI. – Tin đưa về Hán-triều, vua Hán liền sai hai ngàn quân sang đánh Nam-việt. Lữ-Gia truyền hịch kể tội âm-mưu của Cù-thị, đem quân vào thành giết Cù-thị, Ai vương và sứ nhà Hán, rồi tôn thái-tử Kiến-đức lên làm vua, hiệu là Vệ-Dương-vương (112 tr. G.s.)
6. Nhà Triệu mất
Vệ-Dương lên nối nghiệp nhà,
300. Trong là quốc-nạn, ngoài là địch-nhân.
Hai nghìn giết sạch Hán-quân,
Đem cờ sứ-tiết để gần ải-quan. 135
Tạ-từ giả tiếng nói van,
Mấy nơi yếu-hại sai quan đề phòng. 136
Bỗng đâu Hán lại tiếp sang,
Một kỳ tịnh tiến năm đường giáp-công. 137
Trong thành một ngọn lửa thông,
Chiêu hàng ngoài mạc hội-đồng các dinh. 138
Chạy ra lại gặp truy-binh, 139
Vệ-vương, Lữ-tướng buộc mình cửa hiên. 140
Kể từ Triệu-lịch kỷ-niên, 141
310. Năm ngoài chín chục, ngôi truyền năm vua. Trách ai gây việc tranh đua,
Vắn dài vận nước, được thua cơ trời.
LỜI GIẢI. – Lữ-gia đánh tan hai nghìn quân Hán đem cờ của sứ nhà Hán đến cửa quan xin giả và tạ lỗi. Trong khi ấy thì vẫn đề-phòng các nơi hiểm-yếu. Hán chia năm ngả kéo quân sang đánh, đốt thành và dụ quân-sĩ Nam-việt đầu hàng. Vệ-Dương-Vương và Lữ-Gia bị bắt rồi bị hại (111 tr. G.s.)
PHẦN THỨ HAI : THỜI-KỲ CHỐNG BẮC THUỘC (Từ thế-kỷ 2 tr. G.s. đến thế-kỷ 10 s. G.s.)
ĐOẠN THỨ TƯ : NHÀ HÁN VÀ HAI BÀ TRƯNG (111 tr. G.s. – 43 s. G.s.)
1. Chính-sách nhà Tây-Hóa
Giao-châu mới thuộc nước người,
Ấy về Tây-Hán là đời Nguyên-phong. 142
Bản-đồ vào sách hỗn-đồng, 143
Đất chia chín quận, quan phong thú-thần. 144 Đầu sai Thạch-Đái trị dân,
Cầm quyền tiết-việt giữ phần phong cương. 145 Tuần-tuyên mới có Tích-Quang, 146
320. Dạy dân lễ-nghĩa theo đường hoa-phong. 147 Nhâm-Diên khuyên việc canh-nông,
Đổi nghề ngư-liệp về trong khuê-điền. 148
Sính-nghi lại giúp bổng tiền, 149
Khiến người bần-khổ thỏa-nguyền thất-gia. 150 Văn-phong nhức dấy gần xa, 151
Tự hai hiền-thú ấy là khai tiên. 152
Luân-hồi trăm có dư niên, 153
Trải qua Đông-Hán thừa-tuyên mấy người.
LỜI GIẢI. – Nhà Hán chia Nam-việt ra làm chín quận, đặt quan cai-trị. Thứ-sử đầu tiên là Thạch Đai. Đến thế-kỷ
thứ nhất, có Tích-Quang, thái-thú quận Giao-chỉ, dạy dân Nam-việt theo lễ nghĩa của người Hán ; và Nhâm Diêm, thái-thú quận Cửu-chân, khuyến-khích việc canh-nông, dạy dân làm ruộng thay nghề chài lưới săn bắn, lại giúp tiền cho người nghèo để lập gia-thất.
2. Hai bà Trưng dựng nền độc lập
Đường-ca lâu đã vắng lời, 154
330. Đến như Tô-Định lại người chí hung.
Bà Trưng quê ở châu Phong, 155
Giận người tham-bạo thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương-tử thay quyền tướng-quân. 156 Ngàn Tây nổi áng phong-trần, 157
Ầm ầm binh-mã xuống gần Long-biên. 158
Hồng-quần nhẹ bức chinh-yên, 159
Đuổi ngay Tô-Định dẹp tan biên-thành. 160
Đô-kỳ đóng cõi Mê-Linh, 161
340. Lĩnh-nam riêng một triều-đình nước ta. 162 Ba thu gánh vác sơn-hà,
Một là báo-phục hai là bá-vương.
Uy-thanh động đến Bắc-phương,
Hán sai Mã-Viện lên đường tiến-công.
Hồ-tây đua sức vẫy vùng, 163
Nữ-nhi chống với anh-hùng được nao ?
Cấm-khê đến lúc hiểm-nghèo, 164
Chị em thất-thế cũng liều với sông.
Phục-Ba mới dựng cột đồng,
350. Ải-quan truyền dấu biên-công cõi ngoài.
Trưng-vương vắng mặt còn ai ?
Đi về thay đổi mặc người Hán-quan.
LỜI GIẢI. – Đầu thế kỷ thứ nhất, thái-thú quận Giao-chỉ là Tô-Định, là người tàn-ác, lòng dân oán giận. Tô-Định giết Thi-Sách là chồng bà Trưng-Trắc. Bà Trưng Trắc liền cùng em là Trưng-Nhị nổi lên đem quân đánh Tô-Định. Tô-Định chạy trốn, hai bà chiếm Long-biên và 64 thành nữa, rồi xưng làm vua, đóng đô ở Mê-linh (làng Hạ-lôi, tỉnh Phúc yên bây giờ). Được ba năm, Nhà Hán sai Mã-Viện là một người tướng giỏi và lão luyện đem quân sang đánh.
Hai bên đánh nhau ở Hồ Tây (Hà-nội) mấy lần, quân hai bà không địch nổi, phải rút về Cấm-khê (Vĩnh-yên, phủ Vĩnh-tường). Mã-viện lại tiến đánh Cấm-khê. Quân hai bà tan vỡ. Hai bà chạy đến xã Hát-môn (tỉnh Sơn-tây) thì gieo mình xuống sông Hát-giang mà tự-tử. Hát-giang là chỗ sông Đáy tiếp vào sông Hồng-hà. Bấy giờ là mồng 6 tháng 2 năm quí-mão (tức là 43 s. G.s.). Từ đấy nước-ta lại thuộc vào nhà Hán.
Trước khi rút quân về, Mã-Viện sai dựng một cột đồng ở biên-giới Giao-chỉ để ghi võ-công của mình. Bây giờ không biết cột đồng ở đâu. Các sách Tầu và ta đều nói ở vùng Lạng-sơn, chắc lầm. Có thuyết nói ở gần Đèo-ngang, phía nam Hà-tĩnh, trên đảo con ở Vũng chùa. Đó là giới-hạn nước Hán, vì nước Hán gồm cả Giao-chỉ.
ĐOẠN THỨ NĂM : GIAO-CHÂU TRONG THỜI BẮC THUỘC (43-544 s. G.s.)
1. Chính-sách nhà Đông-Hán
Trải Minh, Chương đến Hiếu, An, 165
Tuần-lương đã ít, tham-tàn thiếu đâu. 166
Mới từ Thuận-đế về sau, 167
Đặt quan thứ-sử thuộc vào chức phương.168
Kìa như Phàn-Diễn, Giả-Xương,
Chu-Ngu, Lưu-Tảo dung-thường kể chi. 169
Trương-Kiều thành-tín phủ-tuy, 170
360. Chúc-lương uy-đức man-di cũng gần. 171 Hạ-Phương ân-trạch ngấm nhuần, 172
Một châu tiết-việt hai lần thừa-tuyên. 173
LỜI GIẢI. – Sau khi bà Trưng mất, quan cai-trị nhà Hán tốt thì ít mà tham-tàn thì nhiều. Đến đời Thuận-đế nhà Hán trở đi mới đặt lại Thứ-sử. Khi Phàn-Diễn, Giả-xương, Chu Ngu và Lưu-Tảo cai-trị tàn ác thì dân nổi lên nhiều phen. Sau Tầu cử Trương-Kiều, Chúc-Lương sang thì phủ dụ được dân Tượng-lâm và Cửu-chân. Dân quận Nhật-nam nổi lên thì Hạ-Phương hai lần sang hiểu dụ được.
2. Lý-Tiến, Lý-Cầm làm quan nhà Hán
Tuần-lương lại có Mạnh-kiên, 174
Khúc ca Giả-phủ vang miền trung-châu. 175
Ba năm thăng-trạc về chầu, 176
Thổ-quan Lý-Tiến mới đầu Nam-nhân.
Sớ kêu : « Ai chẳng vương-thần, 177
« Sĩ-đồ chi để xa gần khác nhau ? » 178
Tình-từ động đến thần-lưu, 179
370. Chiếu cho cống-sĩ bổ châu huyện ngoài. 180 Lý-Cầm chầu chực điện-đài,
Nhân khi Nguyên-đán kêu lời xa xôi.
Rằng : « Sao phủ-tái hẹp hòi ? 181
« Gió mưa để một cõi ngoài viêm-phương ». 182 Tấm-thành cũng thấu quân-vương, 183
Trung-châu lại mới bổ sang hai người. 184
Nước Nam mấy kẻ nhân-tài,
Mới cùng người Hán chen vai từ rầy.
LỜI GIẢI. – Giả-Mạnh-Kiên làm thứ-sử, biết thương người và liêm-chính khiến dân cảm-phục. Khi về Tầu, lại đề cử Lý-Tiến là người Giao-chỉ lên thay. Lý-Tiến xin cho người Giao-chỉ cũng được bổ làm quan như người Trung-quốc. Vua Hán chỉ cho những người đỗ « hiếu-liêm » hay « mậu-tài » được bổ trong xứ mình mà thôi. Sau có người Giao-chỉ là Lý-Cầm làm lính hầu vua Hán, nhân ngày Tết khóc và kêu xin thảm-thiết vua Hán mới cho ban người Giao-chỉ (một người đỗ hiếu-liêm và một người đỗ mậu-tài) làm quan ở Trung-quốc.
3. Họ Sĩ tự-chủ
Lửa lò Viêm-Hán gần bay, 185
380. Thế chia chân vạc nào hay cơ trời. 186
Tranh nhau ba nước ba nơi,
Cầm quyền sinh-sát mặc người phong-cương.
Nho-lưu lại có Sĩ-vương, 187
Khơi nguồn Thù-Tứ mở đường lễ-văn. 188
Phong-tiêu rất mực thú-thần, 189
Sánh vai Đậu-Mục, chen chân Triệu-Đà. 190
Sĩ-Huy nối giữ tước nha,
Dứt đường thông-hiếu gây ra cừu-thù. 191
Cửa hiên phút bỗng hệ-tù, 192
390. Tiết-mao lại thuộc về Ngô tử rầy. 193
LỜI GIẢI. – Đầu thế-kỷ thứ ba, nhà Hán suy, nước Tầu chia ra làm ba nước (Tam-quốc) (220-265) ; vùng biên cương giặc dã Thái-thú quận Giao chỉ bấy giờ là Sĩ-Nhiếp cùng với anh em chia giữ các nơi mới được yên. Sĩ-Nhiếp cai-trị có phép tắc, khuếch-trương đạo Nho. Đối với Tầu, thì trước theo Hán, đến sau Hán suy thì triều-cống nhà Ngô. Sĩ nhiếp ở Giao-chỉ được 40 năm (187-226). Khi mất con là Sĩ Huy tự xưng làm Thái-thú và tuyệt-giao với nhà Ngô (bên Tầu). Nhà Ngô sai tướng đem quân sang dụ-hàng rồi giết đi. Từ đấy nhà Ngô cử người làm Thứ-sử coi cả Giao-châu và Quảng-châu.
4. Bà Triệu-Ẩu đánh Ngô
Binh qua trải bấy nhiêu ngày,
Mới sai Lục-Dận sang thay phiên-thần. 194
Anh-hùng chán mặt phong-trần,
Nữ-nhi lại cũng có lần cung-đao.195
Cửu-chân có ả Triệu-kiều, 196
Vú dài ba thước tài cao muôn người.
Gặp cơn thảo-muội cơ trời, 197
Đem thân bồ-liễu theo loài bồng-lang. 198
Đầu voi phất ngọn cờ vàng,
400. Sơn-thôn mấy cõi chiến-trường xông pha. 199 Chông gai một cuộc quan-hà, 200
Dẫu khi chiến-tử còn là hiển-linh. 201
LỜI GIẢI. – Năm 248, thứ-sử Giao-châu Lục-Dận là người tàn-ác. Bà Triệu-Ẩu, quê ở quận Cửu-chân (nay là phủ Nông-cống tỉnh Thanh-hóa) khởi binh đánh quan quân nhà Ngô. Nhưng vì binh ít, đánh nhau được năm sáu tháng thì bà thua. Chạy đến xã Bồ-điền (nay là Phú-điền huyện Mỹ-hóa) thì bà tự-tử. Năm ấy bà mới 23 tuổi. Tục-truyền bà có tài thao-lược và can-đảm, vú dài ba thước, khi ra trận bà cưỡi voi và mặc giáp vàng, xưng là « Nhụy-Kiều tướng
quân ».
5. Ngô-Tấn tranh nhau Giao-châu
Từ giờ Ngô lại tung-hoành,
Đặt làm Giao, Quảng hai thành mới phân.
Tôn-Tư rồi lại Đặng-Tuân,
Lữ-hưng, Dương-Tắc mấy lần đổi thay.
Đồng-Nguyên, Lưu-Tuấn đua tay,
Kẻ Ngô, người Tấn những ngày phân-tranh.
Đào-Hoàng nối dựng sứ-tinh, 202
410. Tân-xương, Cửu-đức, Vũ-bình lại chia. 203 Mười năm chuyên mặt phiên-ly, 204
Uy gia bốn cõi, ân thùy một châu. 205
Khi đi dân đã nguyện-lưu, 206
Khi già thương khóc khác nào từ-thân. 207
LỜI GIẢI. – Nhà Ngô lại phân chia Quảng-châu với Giao châu. Thứ-sử trước là Tôn-tư, sau là Đặng-Tuân đều là người tham-ác. Bộ-thuộc là Lữ-hưng nổi lên giết Đặng Luân. Giữa thế-kỷ thứ ba, bên Tầu, Ngô và Tấn tranh nhau ; cả hai bên cùng cử người sang đánh lấy Giao-châu. Sau nhà Ngô cử Đào-Hoàng làm thứ-sử là người có đức. Khi Ngô mất, Đào-Hoàng hàng Tấn nên vẫn giữ được nguyên chức.
6. Chính-sách nhà Tấn
Ngô-công nối dấu phương-trần, 208
Hai mươi năm lẻ nhân-tuần cũng yên. 209
Dân-tình cảm-kết đã bền,
Tước nhà Cố-Bật lại truyền Cố-Tham.
Dân-tình khi đã chẳng kham,
420. Dẫu là Cố-Thọ muốn làm ai nghe.
Quận-phù lại thuộc Đào-Uy, 210
Rồi ra Đào-Thục, Đào-Tuy kế-truyền.
Bốn đời tiết-việt cầm quyền, 211
Phiên-binh muôn dặm trung-hiền một môn. 212 Tham-tàn những lũ Vương-Ôn,
Binh-qua nối gót nước non nhuộm trần. 213
Tấn sai đô-đốc tướng-quân,
Sĩ-Hành là kẻ danh-thần chức cao.
Dẹp yên rồi lại về trào,
430. Uy-danh nào kém họ Đào thuở xưa.
Nguyễn-Phu tài-trí có thừa,
Phá năm mươi lũy tảo-trừ giặc Man. 214
LỜI GIẢI. – Nhà Tấn làm vua ở Tầu từ 265 đến 420, lần lượt cử Ngô-Ngạn và Cổ-Bí thay Đào-Hoàng làm thứ-sử Giao-châu. Sau em Cổ-Bí là Cố-Tham lại được cử thay anh. Cố-Tham mất, em là Cố-Thọ muốn kế chân, nhưng người trong châu không thuận nên sinh ra loạn. Sau con cháu Đào-Hoàng lại ra làm thứ-sử. Họ Đào thôi, gặp lũ tham-tàn như Vương-Ôn, lại có giặc Tấn phải sai tướng là Đào-Sĩ
Hành sang dẹp. Sau đó lại có giặc Lâm-ấp, thứ-sử Giao châu là Nguyễn-Phu đem quân đánh phá được 50 đồn lũy (353).
7. Họ Đỗ ba đời làm thứ-sử
Châu-diên lại có thổ-quan, 215
Đỗ-công tên Viện dẹp đoàn Cửu-chân.
Tướng-môn nối chức phiên-thần, 216
Con là Tuệ-Độ thêm phần uy-danh.
Bổng riêng tán-cấp cùng-manh, 217
Cơm rau áo vải như hình kẻ quê.
Dâm-từ cấm thói ngu-mê, 218
440. Dựng nhà học-hiệu giảng bề minh-luân. 219 Ân-uy ra khắp xa gần,
Cửa thành đêm mở gió xuân một trời.
Hoằng-Văn phủ-ngữ cũng tài, 220
Một nhà kế-tập ba đời tuần-lương. 221
LỜI GIẢI. – Năm 399, vua Lâm-ấp lại đem quân sang quấy nhiễu quận Cửa-chân và Nhật-nam. Đỗ-viện là thứ-sử Giao-châu đánh tan. Con Đỗ-Viện là Đỗ-Trí-Tuệ nối cha làm
thứ-sử, là người cần kiệm, nhân từ, trị dân có đức, mở mang sự học hành, cấm sự mê-tín. Con Trí-Tuệ là Đỗ Hoằng-Văn cũng là người có tài đức.
8. Giao-châu loạn
Đến triều Lưu-Tống hưng-vương, 222
Hòa-Chi, Nguyên-Cán sai sang hội-đồng.
Đuổi Dương-Mại, giết Phù-Long,
Khải-ca một khúc tấu-công về trào. 223
Gió thu cuốn bức chinh-bào, 224
450. Y-thường một gánh qui-thiều nhẹ không. 225 Từ khi vắng kẻ chiết-xung, 226
Tràng-Nhân, Lưu-Mục tranh-hùng mấy phen.
Pháp-Thừa cũng chức tuần-tuyên, 227
Những chăm việc sách để quyền lại-ty. 228
Dưới màn có Phục-Đăng-Chi,
Cướp quyền châu-mục lộng uy triều-đình.
Tề suy, Nguyên-Khải tung-hoành,
Hùng-phiên chiếm giữ cô-thành một phương. 229 Bắc-triều đã thuộc về Lương,
460. Lại sai Lý-Thốc chiêu hàng nẻo xa.
Giao-châu một giải sơn-hà,
Ái-châu lại mới đặt ra từ rầy.
LỜI GIẢI. – Từ 420 đến 588, nước Tầu chia ra làm Nam triều và Bắc-triều. Nam-triều lần lượt có nhà Tống, nhà Tề, nhà Lương và nhà Trần kế-tiếp nhau làm vua. Giao-châu thuộc về Nam-triều. Dưới thời nhà Tống, tướng Tống là
Hòa-Chi và Tôn-Xác hiệu là Nguyên Cán giết được tướng Lâm-ấp là Phù-Long và đuổi được vua Lâm-ấp là Phạm dương-Mại hồi ấy lại vào quấy rối Giao-châu (433). Khi rút quân về, không tơ hào gì của dân. Cũng dưới thời nhà Tống có người Giao-châu là Lý-Tràng-Nhân nổi lên chống lại Lưu Mục và Lưu-Bột là thứ-sử của nhà Tống, cử sang, nhưng sau Tràng-Nhân cũng hàng Tống. Đến đời Tề, thứ-sử là Phòng-Pháp-Thừa chỉ chăm đọc sách, bộ-thuộc lộng quyền Tề phải giao quyền cho Phục-Đăng-Chi. Tề suy, Lý-Nguyên Khải là thứ-sử của Tề chống cự lại nhà Lương, nhưng Khải bị trưởng-lại là Lý-Thốc giết. Lương phong cho Lý-Thốc làm thứ-sử Giao-châu.
ĐOẠN THỨ SÁU : NHÀ TIỀN-LÝ (544-603) 1. Lý-Nam-đế dựng nền Độc-lập
Kể từ Ngô-Tấn lại đây,
Hai trăm mười bốn năm chầy cát-phân. 230
Cỏ cây chan chứa bụi trần,
Thái-bình mới có Lý-Phần hưng-vương. 231
Vốn xưa nhập sĩ nước Lương, 232
Binh-qua gặp lúc phân-nhương lại về. 233
Cửu dân đã quyết lời thề,
470. Văn-thần, vũ-tướng ứng kỳ đều ra.
Tiêu-Tư nghe gió chạy xa, 234
Đông-tây muôn dặm quan-hà quét thanh. 235
Vạn-xuân mới đặt quốc-danh, 236
Cải-nguyên Thiện-đức, đô-thành Long-biên. 237
Lịch-đồ vừa mới kỷ-niên, 238
Hưng-vương khí-tượng cũng nên một đời.
Quân Lương đâu đã đến ngoài,
Bá-Tiên là tướng đeo bài chuyên-chinh. 239
Cùng nhau mấy trận giao binh,
480. Thất-cơ Tô-lịch, Gia-ninh đôi đường.
Thu quân vào ở Tân-xương,
Để cho Quang-Phục chống lương mặt ngoài.
Mới hay « nhật phụ mộc lai »,240
Sấm văn trước đã an-bài những khi.
LỜI GIẢI. – Lý-Phần (cũng còn đọc là Lý-Bôn hay Lý-Bí) quê ở huyện Thái-bình (nay thuộc tỉnh Sơn-tây) đã là quan với nhà Lương. Hồi ấy Giao-châu ngoài thì có giặc Lâm-ấp, trong thì có quan Tầu tham bạo. Lý-Phần khởi binh đánh đuổi Tiêu-Tư là thứ-sử nhà Lương, rồi tự xưng làm vua lấy hiệu là Nam-việt đế, đóng đô ở Long-biên (chú thích câu 336), đặt tên nước là Vạn-xuân và lấy niên-hiệu là Thiên
đức (544). Nhà Lương (Tầu) sai tướng là Trần-Bá-Tiên sang đánh. Lý-Bôn bị thua ở Tô-lịch (Hà-nội) và ở Gia-ninh (nay là phủ Yên-lãng, Phúc-yên), phải rút quân về Tân-Xương (nay thuộc Vĩnh-yên). Sau lại bị thua, liền rút về động Khuất-liêu (tỉnh Phú-thọ) và giao cho tướng là Triệu-quang
Phục giữ binh quyền để chống giặc ở mạn trung-châu (546).
2. Triệu-quan-Phục phá Lương
Bấy giờ Triệu mới thừa ky, 241
Cứ đầm Dạ-Trạch liệu bền tấn-công.
Lý-vương phút trở xe rồng, 242
Triệu-Quang-Phục mới chuyên lòng kinh-doanh. Hương nguyền trời cũng chứng minh, 243
490. Rồng vàng trao vuốt giắt vành đâu-mâu. Từ khi long-trảo đội đầu, 244
Hổ hùng thêm mạnh quân nào giám đương.
Bá-Tiên đã trở về Lương,
Dương-Sàn còn ở chiến-trường tranh đua.
Một cơn gió bẻ chồi khô, 245
Ải-lang dứt dấu ngựa Hồ vào ra. 246
Bốn phương phẳng lặng can-qua, 247
Theo nền nếp cũ lại ra Long-thành.
LỜI GIẢI. – Triệu-Quang-Phục quê ở Châu-diên (tỉnh Vĩnh-tường, tỉnh Vĩnh-yên) là tướng của Lý-Nam-đế. Thấy thế quân Tầu mạnh ông rút quân về Dạ-trạch (phủ Khoái châu, Hưng-yên) là nơi đồng lầy nhiều cỏ. Rồi ngày thì ẩn đêm lại đem quân ra đánh quân Lương. Tục truyền Chử Đồng-Tử có hiện lên và cho Triệu-Quang-Phục một cái vuốt thần để cắm vào mũ thì đánh đâu cũng được. Sau Trần-Bá Tiên có việc trở về Tầu, để tướng là Dương-Sàn ở lại. Triệu Quang-Phục liền thừa cơ quét sạch quân Lương và lấy lại thành Long-biên (câu 336). Năm 548, Lý-Nam-Đế mất, Triệu-Quang-Phục liền xưng là vua, lấy hiệu là Triệu-Việt Vương (548-571).
3. Lý-Phật-Tử đánh Triệu-Quang-Phục
Lý xưa còn có một cành,
500. Tên là Thiên-Bảo náu mình Ai-lao.
Chiêu binh lên ở Động-đào,
Họ là Phật-Tử cũng vào hội-minh. 248 Đào-lang lại đổi quốc-danh, 249
Cũng toan thu-phục cựu-kinh của nhà. 250 Cành dâu mây khóa bóng tà, 251
Bấy giờ Phật-Tử mới ra nối dòng.
Rừng xanh gió phất cờ hồng,
Đề binh kéo xuống bên sông tung-hoành. Triệu-vương giáp trận Thái-bình,
510. Lý thua rồi mới lui binh xin hòa. Triệu về Long-đỗ Nhị-hà,
Lý về Hạ-mỗ, ấy là Ô-diên. 252
Hai nhà lại kết nhân-duyên,
Nhã-lang sánh với gái hiền Cảo-nương. Có người Hống, Hát họ Trương,
Vũ-biền nhưng cũng biết đường cơ-mưu. Rằng : « Xưa Trọng-Thủy, Mỵ-Châu, « Hôn-nhân là giả, khấu-thù là chân. 253 « Mảnh gương vâng-sự còn gần, 254 520. « Lại toan đắc mối Châu-Trần sao nên ? » Trăng già sao nỡ xe duyên ?
Để cho Hậu-Lý gây nền nội-công. 255 Tình con rể, nghĩa vợ chồng,
Tin nhau ai biết ra lòng lừa nhau.
Lân la mới ngỏ tình đầu,
Nhã-lang trộm lấy đâu-mâu đổi liền. Trở về giả chước vấn-yên,
Giáp-binh đâu đã băng miền kéo sang.
Triệu-vương đến bước vội vàng,
530. Tình riêng còn chửa dứt đường cho qua.
Đem con chạy đến Đại-nha,
Than thân bách-chiến phải ra đường cùng ! 256
LỜI GIẢI. – Khi Lý-Nam-Đế rút quân về Khuất-liêu thì có người anh là Lý-Thiên-Bảo bị quân Lương đuổi chạy sang Lào. Một người họ là Lý-Phật-Tử cũng chạy theo sang Thiên Bảo đóng quân ở động Dạ-năng (Lào) và xưng làm vua, đặt tên nước là Đào-Lang. Năm 555, Thiên-Bảo mất Lý-Phật-Tử
lên thay rồi kéo quân về đánh Triệu-Quang-Phục, nhưng bị thua phải xin hòa. Triệu-Quang-Phục bằng lòng chia đất cho hòa, sau lại nhận lời gả con gái là Cảo-nương cho con trai Phật-Tử là Nhã-lang. Tướng của Triệu-Quang-Phục là Trương-Hống và Trương-Hát can cũng không được. Sau Nhã-lang lấy trộm vuốt thần rồi lấy cớ về thăm nhà bảo Lý Phật-Tử đem quân đánh. Triệu-Việt-Vương thua chạy đến cửa bể Đại-nha (nay thuộc tỉnh Nam-định) thì tự-tử. Trong đoạn này có chuyện hoang-đường phỏng theo chuyện Trọng-Thủy, Mị-Châu.
4. Lý-Phật-Tử hàng Tùy
Từ nay Phật-Tử xưng hùng,
Hiệu là Nam-đế nối dòng Lý-vương.
Phong-châu mới mở triều-đường, 257
Ô-diên, Long-đỗ giữ-giàng hai kinh.
Tùy sai đại-tướng tổng-binh,
Lưu-Phương là chức quản-hành Giao-châu. 258 Đô-long một trận giáp nhau,
540. Xin hàng Lý phải sang chầu Tấn-dương. 259 Từ giờ lại thuộc Bắc-phương,
Mấy năm Tùy loạn rồi Đường mới ra. 260
LỜI GIẢI. – Lý-Phật-Tử xưng đế (Hậu-Lý-Nam-đế), đóng ở Phong-châu (Bạch-hạc, Vĩnh-yên) và sai tướng giữ Long biên và Ô-diên. Năm 602, nhà Tùy đã thống-nhất xong nước Tầu liền sai Lưu-Phương đem quân 27 doanh sang đánh nước ta. Bị thua ở Đô-long (không rõ bây giờ ở đâu), Phật-Tử sợ không địch nổi, liền xin hàng và sang, chầu ở kinh-đô nhà Tùy (602)
ĐOẠN THỨ BẨY : NỀN ĐÔ-HỘ CỦA NHÀ ĐƯỜNG (603- 905)
1. An-nam đô-hộ-phủ
Quan Tùy lại có Khâu-Hoàn,
Đem dâng đồ-tịch nước ta về Đường. 261
An-nam lại mới canh-trương, 262
Đặt Đô-hộ-phủ theo đường Trung-hoa.
Mười hai châu lại chia ra :
Giao, Phong, Lục, Ái, Chi, Nga, Diễn, Tràng ;
Vũ-an, Phúc-Lộc, Hoan, Thang, 263
550. Cơ-my các bộ man-hoang ở ngoài. 264
LỜI GIẢI. – Nhà Đường đổi tên Giao-châu ra An-nam đô-hộ-phủ để trông nom việc cai-trị, và chia nước ta ra làm mười hai châu.
2. Mai-Thúc-Loan khởi-nghĩa
Quan Đường lắm kẻ tham-tài,
Bình dân hàm oán, trong ngoài hợp-mưu. 265
Mai-Thúc-Loan ở Hoan-châu,
Quân ba mươi vạn ruổi vào ải xa.
Hiệu cờ Hắc-đế mở ra, 266
Cũng toan quét dẹp sơn-hà một phương.
Đường sai Tư-Húc tiếp sang,
Hợp cùng Sở-Khách hai đàng giáp-công.
Vận đời còn chửa hanh-thông,267
560. Nước non để giận anh-hùng nghìn thu.
LỜI GIẢI. – Quan nhà Đường tham-tàn, dân-gian oán hận. Mai-Thúc-Loan, người huyện Thiên-lộc (nay là huyện Can-lộc tỉnh Hà-tĩnh, liền chiêu mộ những người nghĩa dũng đánh quân Đường, chiếm Hoan-châu (nay thược tỉnh Nghệ an), xưng là Mai-Hắc-đế (722). Nhà Đường sai Dương-Tư Húc hợp binh với Quang-Sở-Khánh đánh Mai-Hắc-đế. Mai Hắc-đế thua, đem quân về núi Độn-sơn (tỉnh Nghệ-an) thì mất.
3. Giặc Đồ-bà
Trấn Nam lại đổi tên châu,
Một đời canh-cải trước sau mấy kỳ. 268
Xa khơi ngoài chốn biên-thùy,
Đồ-bà giặc mọi đua bề phân tranh. 269
Bá-Nghi hợp với Chính-Bình,
Dẹp đoàn tiểu-khấu xây thành Đại-la. 270
LỜI GIẢI. – Nhà Đường đổi An-nam, đặt đô-hộ-phủ ra Trấn-nam đô-hộ-phủ. Năm 767, giặc Đồ-bà ở bể vào cướp phá. Quan nhà Đường là Trương-Bá-Nghi và Cao-Chính-Bình dẹp xong thì sai xây thành Đại-la để phòng giữ phủ-trị.
4. Phùng-Hưng khởi nghĩa
Xiết bao phú trọng, chính hà, 271
Sinh-đàn sầu khổ ai là xót chăng ?
Đường-lâm mới có Phùng-Hưng,
570. Đã tài kiêu-dũng lại lưng phú-hào.
Cõi Tây nổi việc cung-đao,
Đô-quân tôn hiệu, Tản-thao hiệp tình. 272
Đem quân thẳng đến vây thành,
Đại-la thế bức, Chinh-Bình hồn tiêu.
Nhân phủ-trị mở ngôi triều, 273
Phong-châu một giải nhiếp-điều mấy niên. 274 Đế-hương phút trở xe biền, 275
Đại-vương Bố-Cái tiếng truyền muôn thu.
Phùng-An con nối thơ ngu,
580. Nghe quan Nhu-viễn bày mưu hàng Đường. 276
LỜI GIẢI. – Năm 791, đô-hộ là Cao-Chính-Bình bắt dân chịu sưu thuế nặng, dân oán. Ở quận Đường-lâm (nay thuộc huyện Phúc-thọ tỉnh Sơn-tây), Phùng-Hưng khởi-nghĩa, đánh phá phủ đô-hộ, Cao-Chính-Bình lo sợ thành bệnh mà chết. Phùng-Hưng chiếm giữ các nơi, tự coi việc cai-trị, xưng là Đô-quân. Được mấy tháng, Phùng-Hưng mất,
Phùng-An lên nối-nghiệp. Nhà Đường sai Triệu-Xương san đô-hộ. Phùng-An sợ xin hàng Đường.
5. Chuyện Lý-Ông-Trọng
Kể từ đô-hộ Triệu-Xương,
Thành La xây lại vững vàng hơn xưa.
Thuyền chơi qua bên xông Tứ,277
Giấc nồng đâu bỗng tình-cờ lạ sao.
Thấy người hai-trượng dài cao,
Bàn kinh, giảng truyện khác nào văn-nhân.
Cùng nhau như gửi tâm-thần, 278
Tỉnh ra mới hỏi nguyên-căn tỏ tường.
Lý-Ông-Trọng ở Thụy-hương, 279
590. Người đời vua Thục mà sang thi Tần.
Hiếu-liêm nhẹ bước thanh-vân, 280
Làm quan hiệu-úy đem quân ngữ Hồ. 281
Uy-danh đã khiếp Hung-nô,
Người về Nam-quốc, hình-đồ Bắc-phương. 282 Hàm-dương đúc tượng người vàng,
Uy-thừa còn giúp Tần-hoàng phục xa. 283
Hương-thôn cổ-miếu tà tà,
Từ nay tu-lý mới là phong-quang. 284
LỜI GIẢI. – Triệu-Xương xây lại thành Đại-la. Xương nằm mộng thấy Lý-Ông-Trọng cùng nhau nói truyện sách vở. Sau hỏi rõ căn-nguyên liền sai sửa sang đền thờ Ông Trọng ở quê cũ (nay là làng Trèm ở phía Bắc tỉnh Hà-nội). Lý-Ông-Trọng người đời vua Thục, sang thi đỗ làm quan với
nhà Tần (bên Tầu), Tần-Thuỷ-Hoàng (cuối thế-kỷ thứ ba tr. G.s.) sai đi đánh Hung-nô ở bắc nước Tàu. Uy-thanh-ông rất to nên khi về Thục rồi, nhà Tần còn sai đúc tượng đặt ở cửa Hàm-dương (Tầu) để cho Hung nô sợ.
6. Quan-lại nhà Đường
Triệu-công tuổi tác về Đường,
600. Quý-Nguyên, Bùi-Thái tranh quyền với nhau. Triều-đình kén kẻ trị châu,
Triệu-công vâng mệnh xe thiều lại sang. 285
Bản-kiều vừa nhận dấu sương, 286
Bến hồng đã định khói lang cũng tàn. 287
Trương-Đan thay chức phiên-hàn, 288
Tập nghề thủy-chiến, tạo thuyền đồng-mông. 289 Đại-la mới đắp lũy vòng,
Ái, Hoan thành cũ đều thành tái-tu. 290
Quan tham ai chẳng oán-thù,
610. Kìa như Tượng-Cổ sư-đồ bạn-ly. 291
Quan hiền ai chẳng úy-ny, 292
Kìa như Mã-Tổng man-di đầu hàng.
Nguyên-Gia dời phủ Tô-giang,
Đến năm Bảo-lịch dời sang Tống-bình.
Giao-châu binh-mã tung-hoành,
Thăng-Triều đã dẹp, Dương-Thanh lại nồng.
Kia ai tôn-trở chiết-xung, 293
Mã-công tên Thực anh-hùng kém chi.
Tiết-thanh cảm vật mới kỳ, 294
"""