" Chiếc Lồng Đèn 40 Năm - Vũ Hạnh & Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh full prc pdf epub azw3 [Tuổi Hoa] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chiếc Lồng Đèn 40 Năm - Vũ Hạnh & Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh full prc pdf epub azw3 [Tuổi Hoa] Ebooks Nhóm Zalo CHIẾC LỒNG ĐÈN 40 NĂM ---❊ ❖ ❊--- Tác giả: Vũ Hạnh - Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh Truyện ngắn Nguồn text: Tusachtuoihoa Đóng gói: @nguyenthanh-cuibap HẮC CẨU ĐẠI TẶC Ngày xưa, ở đất Cổ Kiên, có một chàng trai tên là Thế Lân vốn dòng họ Chu, gia cảnh vào hàng phú túc – mấy đời cha ông sống nghề thương lái, có cả một đội thuyền buôn chuyên chở hàng từ nội địa đem bán qua những xứ sở bên kia bờ biển, phía mặt trời lặn. Từ khi ra đời Thế Lân đã được sống trong nhung lụa, lên mười thì mồ côi cha: ông Chu Thế Long, trong chuyến buôn xa, đã cùng đội thuyền không thấy trở về. Có người nói rằng thuyền bị sóng bão nhận chìm dưới đáy đại dương, có người đoán chắc ông bị đồng bọn sát hại, cướp lấy tài sản rồi tẩu tán đi nơi khác. Riêng vợ Thế Long, là bà Đào Thị, biết chồng có bệnh mê gái khó chạy chữa nổi thì nghi ngờ ông đã bị phụ nữ xứ người mê hoặc nên bán tài sản, xây dựng phòng nhì ở một hòn đảo hoang vắng nào đó mà trong mê muội ông đã tưởng lầm là chốn Bồng Lai. Bà lo nuôi con, mong đợi mơ hồ ngày về của chồng, và trải qua nhiều năm tháng niềm hy vọng ấy cũng nhạt nhòa đi như lớp sương chiều tan dần vào bóng hoàng hôn. Khiếp sợ trước cái hình ảnh bọt bèo của những con người vờn trên sóng nước ngàn khơi, Đào Thị nhất quyết không cho con mình nối nghiệp người cha. Hơn nữa, Thế Lân lại là con một, thừa hưởng một gia tài lớn, nên không thấy cần băn khoăn về nẻo tương lai. Quá được cưng chiều, Thế Lân sinh ra lười biếng, thường xuyên bỏ học đi chơi. Bấy giờ các sách thuộc loại ngoại thư được sản xuất nhiều, bày bán khắp nơi chợ búa và các vỉa hè. Một số tác giả là những thầy đồ lỡ vận, hờn dỗi cuộc sống nên viết các sách khiêu dâm câu dần lớp trẻ để có đồng tiền chi trả cho các quán rượu mọc lên như nấm, vừa phản kích lại đạo đức đương thời để tự biện minh cho sự suy đồi. Đủ loại truyện tình ướt át, lâm ly được họ thêu dệt một cách hoang đường, xen kẽ là những trang sách mô tả chi tiết những cảnh nam nữ giao hoan trong chốn khuê phòng. Tuổi vừa mới lớn, ý tình bồng bột, Thế Lân đọc loại dâm thư tưởng như lạc vào thế giới ảo huyền kỳ thú, suốt ngày vùi trong miệt mài với sách gần như quên ngủ, quên ăn. Đào Thị, không hiểu rõ được sự tình, đinh ninh con mình là kẻ hiếu học lấy làm mừng lắm, không ngờ nó đang tự đầu độc nó từng ngày bằng những phế phẩm văn chương chuyên khai thác phần hạ bộ con người. Thiếu hẳn thực tế ngoài đời, lại không có được khả năng phán xét đúng, sai, Thế Lân càng chìm sâu trong hoang tưởng, đầu óc luôn mơ màng đến những chuyện ái ân, tự mình đồng hóa với các nhân vật phóng đãng trong sách coi như trên đời không gì cao cả hơn sự yêu đương. Càng ngày hoang tưởng càng ăn sâu vào não bộ, trở thành một nỗi ám ảnh thường trực khiến cho tâm thần bấn loạn, đến độ muốn chiếm đoạt hết phụ nữ ở trong thiên hạ đem về làm vợ, mới thỏa tấm lòng. Cuối cùng anh ta nhận thấy chỉ có làm vua mới thỏa mãn được cái nhu cầu ấy như lòng sở nguyện. Tuy vậy, việc vua làm được chẳng khó khăn gì, nhưng được làm vua là điều không dễ. Sau những tháng ngày trằn trọc, Thế Lân cho rằng chỉ còn mỗi cách vào làm thái giám mới có cơ hội gần gũi được số phi tần đông đảo ở chốn lục viện tam cung. Nhưng thái giám là hạng người bất lực, còn nước non gì! Vốn là dòng dõi con buôn, ít nhiều đã có truyền thống buôn lậu từ đời ông cố, Thế Lân nảy ra một ý: chẳng là bấy giờ triều đình tuyển chọn thái giám chỉ có hai cách – một là trưng dụng những kẻ sinh ra đời đã là bán nữ, bán nam, hai là chiêu mộ một số trai trẻ khỏe mạnh tình nguyện để cho ngự y châm cứu vào huyệt cốc-nhi hầu trở thành hạng bất lực. Trong đám thầy thuốc ở chốn triều đình chuyên trách vụ này, hẳn không thiếu những con người sẵn sàng đem cái lương tâm chức nghiệp ra làm hàng hóa trao đổi ở trên thương trường. Chỉ cần tìm ra mối lái, và có tiền nhiều, là giải quyết xong. Sau ba tháng trời dò la tìm hiểu, Thế Lân gặp được ngự y họ Lưu là người như ý. Nguyên vị ngự y này thích vợ đẹp, nhưng đã ba lần chọn xong đều bị tuyển mất vào cung, nên ngấm ngầm nuôi oán hận đối với nhà vua. Nay thấy có dịp chuyển mối hận thù thành món tiền lời to sụ, nên bảo Thế Lân: - Ta sẽ giúp ngươi đạt được nguyện vọng của mình, với hai điều kiện: một là phải trao cho ta một ngàn nén vàng, hai là trong vòng sáu tháng kể từ khi bước vào cung – không được có hành động gì như mọi sinh vật bình thường. Số vàng quá lớn, song Chu Thế Lân thấy mình không thể bỏ qua cơ hội ngàn năm. Còn chuyện cần phải “án binh bất động” trong vòng sáu tháng, thì gã nghĩ mình cứ việc hứa liều. Sau đó, gã về bán hết nhà cửa, ruộng vườn, gom góp tư trang, vàng bạc để cho đủ số họ Lưu đòi hỏi, chỉ chừa được một chút vốn lận lưng và dành lại một ít tiền để gởi mẹ già vào sống trong chùa. Thái giám được chọn dưới tuổi 25 và phải thuộc hạng thanh niên cường tráng. Thế Lân tuổi đời 24, lại là một người to béo, phương phi, được kể là tốt tướng nhất trong đám thí sinh. Đến ngày định mệnh, ngự y họ Lưu cầm kim chích trệch ra khỏi chính huyệt độ chừng vài ly, coi như một sự lầm lẫn về phần kỹ thuật, thế là xong việc. Và ba ngày sau thí sinh phải qua hội đồng khảo sát hiệu năng của cuộc châm cứu vừa rồi mới kể như là kết thúc. Họ Lưu bèn cho Thế Lân uống thêm mấy hoàn bổ âm, liệt dương để vượt qua cửa ải này, nhưng vốn hiểu biết dục vọng không đáy của giống loại người nên ông tăng liều để gã họ Lưu bị tê liệt hẳn sinh lý trong vòng sáu tháng, thời gian thừa thãi cho ông rời xa triều đình. Đến ngày khảo chứng kết quả của cuộc châm cứu, thí sinh được gọi từng người vào một phòng riêng, do một hội đồng gồm có năm vị thái giám thâm niên chủ trì. Cả năm vị này được tuyển trong những thái giám nổi tiếng khắc nghiệt nhất ở cung đình. Công cuộc thẩm tra sẽ được diễn tiến hết sức cụ thể nhưng cũng vô cùng dung tục. Họ khám nghiệm lại thí sinh rồi bắt cởi bỏ hết các vải vóc trên người, đẩy vào một căn phòng kín. Thực ra quanh phòng có những lỗ nhỏ được ngụy trang khéo để các vị trong hội đồng có thể chễm chệ ngồi ở bên ngoài chõ mắt vào trong theo dõi nội tình mà người trong cuộc không sao hay biết. Bấy giờ chưa có các loại phim ảnh “con heo” để gợi tính dục, người ta thực hiện theo lối hoàn toàn thủ công. Ở đấy có sẵn một số nữ tỳ xinh đẹp và khêu gợi nhất, hoàn toàn khỏa thân, làm công việc này. Dĩ nhiên bọn họ đã được các lão thái giám cho dự một khóa huấn luyện ngắn hạn về môn kích động, theo đúng bài bản. Thế Lân nhờ mấy hoàn thuốc của Lưu ngự y nên vượt qua mọi thử thách một cách êm xuôi, được xếp vào loại ưu hạng trong các thí sinh trúng tuyển. Với điểm cao ấy gã có thể được sung vào đội ngũ chánh quản tam cung, nhưng vì tân tuyển, chưa có kinh nghiệm, cần phải tập tành công vụ trong một thời gian ở hàng phó quản. Như thế, nhờ có tham nhũng, một gã dâm ô như Chu Thế Lân đã nhập lậu được một thứ vũ khí vô cùng lợi hại – là cái cơ thể nguyên lành của gã – vào chốn hậu cung. Gã được chính thức nhận chức vào đúng đầu xuân Giáp Tuất, và mới ngày đầu rảo qua A phòng mênh mông với đủ phòng ốc che phủ lụa là ngũ sắc, được chia phân thành từng ô sắp xếp theo dấu 10 can ở trong kinh Dịch, gã đã rối loạn tam tinh trước đám giai nhân lổn ngổn như một cảnh chợ phù hoa chỉ thấy nơi miền thượng giới. Gã đã dụi mắt, khịt mũi có đến trăm lần, bàng hoàng nhìn ngắm không sao tin được đây là cảnh thực. Ba ngàn cung nữ, được lựa lọc trong khắp cõi dân gian, mỗi người một vẻ, suốt ngày chỉ sống nhởn nhơ, chải chuốt điểm trang để chờ phục vụ cho mỗi một người ngồi trên ngai vàng. Và con người ấy, gã đã nhìn thấy tận mắt khi được vào cung quỳ lạy trong ngày nhận chức, là một ông cụ gầy yếu, hom hem, tuy cái tuổi trời chưa đến ba mươi. Đôi khi Thế Lân cảm thấy lo âu trước sự bất động của cơ thể mình. Chẳng lẽ là Lưu ngự y đã lừa gạt gã? Nhưng nhớ lại mấy hoàn thuốc và lời dặn dò cấm kỵ trong vòng sáu tháng, gã lại yên lòng chờ đợi. Tranh thủ trong thời gian này, gã phải nghiên cứu chương trình hành động sao cho có thể khai thác tối đa vị trí mà gã đã mua bằng giá ngàn vàng. Nắm vững đường ra lối vào của từng khu vực, chạm mặt nhớ tên của mỗi phi tần, mua chuộc những bạn thái giám trong triều bằng những tiệc rượu thâu canh, dần dần gã đã tạo được uy thế là người tận tụy, trung chính, hết lòng vì vua, được các bề trên tín nhiệm và các cấp dưới nể phục. Thuở ấy, xê dịch trong chốn tam cung lục viện, vua không dùng ngựa, vì ngựa ồn ào và cỡi nó phải tốn sức, mà chỉ dùng dê để kéo xe đi. Có lẽ dê là biểu tượng đúng nhất cho hoạt động này. Trên chiếc xe nhỏ bốn bánh bọc nhung, vua nằm ngả người lên nệm lông chim, phó mặc hai con dê đực to béo thong thả kéo xe đi rong khắp chốn nội cung. Triều đình qui định nghiêm ngặt để những cung phi lâm bệnh, hay là đang kỳ kinh nguyệt, cũng như ở thời thai nghén phải gài chặt cửa, không được lộ diện ra ngoài mỗi khi xe đến. Vua cũng trao quyền định đoạt cho dê, và nó dừng lại trước một phòng nào thi người cung nữ ở đấy phải lo chuẩn bị để khi đêm xuống sẽ vào hầu hạ nhà vua. Sử sách vẫn ghi câu chuyện các nàng cung phi rắc đầy lá dâu và tưới nước muối từ nơi đầu cổng vào sân để nhử dê vào. Bấy giờ, thái giám theo hầu ghi ngay vào sổ danh tính phi tần cùng với số hạng phòng ốc, khuôn viên – như là địa chỉ – và ngay đêm ấy, vào đầu giờ Tuất thì cầm lồng đèn kết hoa đi với bốn kẻ dưới quyền khiêng kiệu có phủ rèm điều đến chờ tại cửa. Bấy giờ cung phi đã ở tư thế sẵn sàng, sau khi tắm nước trầm kỳ, ướp xạ, xông hương, trang điểm lộng lẫy nằm chờ trong thế khỏa thân. Khi thấy lồng đèn xuất hiện, cửa phòng được mở, thái giám cầm lấy tấm chăn nhung đỏ mang theo choàng phủ lên người đàn bà để đám tùy tùng bồng đặt lên kiệu. Thế là lồng đèn dẫn đường, đưa kiệu tiến về nội điện. Đến nơi, thái giám ra hiệu dừng lại, bước lên thông báo cho đám thị vệ canh chầu mở cửa. Kiệu được đưa vào và dừng trước cửa thứ hai. Cứ thế đến cửa thứ năm, cung nữ được khiêng khỏi kiệu, đưa vào bên trong. Khi tùy tùng lủi ra ngoài, thái giám gỡ lấy tấm chăn để người cung nữ tiến vào nội phòng nhà vua. Thái giám lại quay ra ngoài, xếp chăn, ngồi đợi, cho đến tàn canh để khi được lệnh lại đem chăn vào khoác lên cung nữ và kiệu trả về chốn cũ. Đồng thời ông phải ghi ngay vào sổ ngày, giờ, năm, tháng cuộc hầu hạ này, để biết cho được chính xác nếu người cung nữ thọ thai. Trước khi vào cung, Thế Lân quan niệm đời sống vua chúa và các hoàng hậu, cung phi, theo sự vẽ vời của các sách vở và các tuồng hát nên tưởng tượng nó vô cùng diễm lệ và đầy thơ mộng. Bây giờ, đối diện sự thật, gã rất bàng hoàng. Dần dần, gã lờ mờ nhận thức rằng tam cung lục viện chỉ là một trại tập trung tàn bạo phũ đầy nhung lụa để giam giữ cho trọn kiếp những kẻ nữ tù xấu số, và đúng hơn nữa là một cái chuồng nguy nga nhốt giữ những súc - vật - người để cung phụng cho dục vọng của kẻ có quyền sinh - sát. Vua chúa, ngoại trừ nhiều vị dầy công khởi nghiệp, đánh bắc dẹp đông là có công tích với dân với nước, còn đa số người kế vị chỉ là một lớp thụ hưởng, biếng lười, thích sự xa hoa, quen điều tàn ác. Nhận thức ấy lại khiến gã quyết tâm nhiều hơn trong những ý đồ hành lạc. Theo như Thế Lân tính toán, cung nữ thường xuyên là ba ngàn người, có thể chia làm ba loại: một loại cực tốt và một loại cực xấu, chiếm tỷ lệ nhỏ, xen giữa hai cực là hạng đông đảo bình thường. Loại rất tốt này có thể ước khoảng chừng 500 người, đó là những kẻ có nền giáo dục vững vàng, ý thức về phẩm giá mình sâu sắc, không thể lung lạc hoặc bị dao động vì tình huống nào. Còn hạng rất xấu ắt cũng xấp xỉ số lượng như thế độ 500 người, là loại lẳng lơ, dâm đãng, sẵn sàng làm theo ý muốn nhất thời, mà không đếm xỉa gì đến danh dự, tương lại. Giữa hai loại người kể trên, số người bình thường gồm độ hai ngàn, đó là những kẻ thường xuyên chòng chành giữa tốt và xấu, dễ bị tác động của các ảnh hưởng bên ngoài. Nói theo ngôn ngữ chính trị ngày nay, đó là đa số thầm lặng. Như vậy, Thế Lân sẽ để yên lành cho số 500 cực tốt mà không phí sức hoài công gạ gẫm, chỉ hướng hoạt động vào số 500 cực xấu rồi sẽ dùng lực lượng này tác động vào cái số đông thầm lặng hai ngàn, nâng dần con số có thể thao túng là hai ngàn rưỡi. Với cái sức lực sung mãn của gã, nếu như mỗi đêm giao tiếp năm người, thì phải mất gần năm rưỡi mới quay vòng được. Nhưng làm thế nào giao tiếp cho được an toàn, giữa đám thái giám đầy lòng nghi hoặc và lớp cung tần đa sự, chua ngoa? Thế Lân vắt óc để tìm phương kế. Bây giờ sáu tháng đã qua, tác dụng của thuốc không còn, sinh lực đã được phục hồi mau chóng, gã muốn số vàng bỏ ra cho lão họ Lưu phải được thu về lợi tức tối đa. Bỗng gã chợt nhớ nội cung có một chuồng lớn nhốt đầy loại chó sung mãn, để người nuôi dạy, cho vua sử dụng trong dịp săn bắn đầu xuân, thỉnh thoảng vẫn được thả cho chạy rong để giãn gân cốt và gần như chẳng mấy ai buồn lưu ý đến. Nếu gã có thể cải trang làm chó, dọ dẫm đi giữa đêm khuya, chẳng là thượng sách hay sao? Thế Lân hì hục chọn mua một loại vải đen, tìm ít da thuộc làm cốt, lúi húi khâu kết tạo tác ra một lốt chó – một con chó mực, cho phù hợp với đêm đen – rồi một đêm khuya gã khoác vào người, khi chắc thiên hạ đã an giấc điệp. Gã mở nhẹ cửa bò ra khỏi phòng, rồi cứ bốn chân men xuống bực cấp, theo các lối đi, nép mình vào dãy tường hoa, thỉnh thoảng dừng lại hít ngửi ở dưới gốc cây y hệt loài khuyển chính hiệu. Gã rẽ phải, quẹo trái, đi vào khuôn vi gần nhất và đến căn phòng Thúy Liễu, là người cung nữ lẳng lơ mà gã đã chọn làm điểm đột phá đêm nay. Vẫn cúi khom người, gã đưa một tay cào lên cánh cửa. Chỉ nghe im lìm. Gã cào mạnh hơn. Và cửa sực mở, hắt ra ánh sáng của ngọn đèn hồng. Gã chồm vào trong, Thúy Liễu vừa buột miệng kêu: - Con… Thì gã bật dậy kịp thời, ngăn chận tiếng “chó” khỏi ra đầu miệng, hổn hển nói ngay: - Ta là Chu Thái giám đây… - Ồ! Dưới ánh hồng lạp chập chờn, long lanh đôi mắt đa tình của người cung nữ: - Ta đến tìm nàng, nên phải tự biến thành loài súc vật luồn lõi trong đêm. Ngoài đôi ta đây, không ai biết được cuộc hội ngộ này. Thúy Liễu có thừa thông minh để hiểu việc gì đang đợi chờ mình – và mình chờ đợi – nên vội đưa tay tắt ngọn đèn hồng. Trái hẳn với điều Thế Lân suy tính, đêm ấy gã không còn đủ thời gian tìm đến với người thứ hai, nói gì đến bốn, năm người. Đã nhiều năm rồi chờ đợi mỏi mòn mà không gặp được nhà vua – khát vọng duy nhất của đời Thúy Liễu cũng như của những phi tần – dồn nén ấy đã lâu ngày thành mối ám ảnh gây nên cuồng loạn. Vì thế, mỗi một đêm xuân làm sao bù đắp cho nhiều năm dài đã là những ngày đông lạnh triền miên, và Chu Thế Lân dẫu đem tất cả háo hức chất chồng qua bao thời gian mơ tưởng vẫn không thực sự làm nàng toại nguyện. Chưa tàn canh ba, gã phải vội vã cáo từ, nhưng còn bị kéo lui lại mấy lần mới khoác được cái lốt chó, lết về phòng mình. Sau thử nghiệm ấy, họ Chu thêm phần bạo dạn, từ đấy không đêm nào gã lại không bốn cẳng ra đi sục sạo khắp chốn tam cung. Nhưng sau hai tháng, gã thấy mình gần kiệt lực trong khi đối tượng tìm gặp thảy đều ở buổi ban đầu phơi phới tình nồng. Đến tháng thứ ba, gã đã đuối sức, cố gắng đến tháng thứ tư thì bước không nổi, đầu ù, mắt hoa, chân tay run rẩy. Con số những kẻ dâm đãng mà gã thống kê thì gã chỉ mới tiếp xúc trên một phần năm, và số còn lại chỉ cần nghĩ đến đã khiến gã thấy hoảng sợ. Hẳn khát thèm nào đã được thỏa mãn cho đến thừa mứa, no nê, cũng dễ khiến thành nhàm chán đến độ khủng khiếp. Đồng thời, như có một luồng thông tin ngấm ngầm trong giới, Thế Lân được sự đón mời khẩn thiết của nhiều cung phòng. Gã phải vét hết số tiền dành dụm gởi mua đủ loại sâm nhung cùng các liều thuốc bổ dương có mặt trên thị trường, để nhờ tiếp sức. Nhưng các loại thuốc kích dục có làm cho gã chồm lên như một con ngựa đuối sức nếm phải đòn roi quất mạnh, để rồi sau đó lại rơi xuống sự đuối liệt thảm thương, bởi mọi trợ lực giả tạo mang đến từ ngoài càng làm cạn kiệt nhiều hơn chút ít nội lực đang còn thoi thóp. Cuối tháng thứ năm, Thế Lân hoàn toàn là kẻ suy bại, giống hệt như các thái giám thực sự. Và sự thái quá, cuối cùng đã gặp được sự bất cập. Tuy vậy, Thế Lân không thể làm ngơ trước sự đón mời nồng nhiệt của kẻ chào hàng, và nhiều cung nữ đã từng với gã qua đêm thân mật nay thành liều lĩnh một cách quái đản, thường dám réo gọi mỗi khi bóng gã thoáng qua. Để xoa dịu các cung nữ quá đỗi nhiệt tình hòng tránh những điều tai họa, gã lại lê cái thân xác suy nhược bọc trong lốt chó tìm đến bọn họ vào lúc đêm khuya, một hai lấy lời an ủi, vỗ về, mượn cớ bệnh hoạn để mà chối từ… nhiệm vụ. Thoạt đầu, gã không dám tự thú nhận về sự bất lực của mình. Đàn ông nào trên đời này thảy đều có lòng tự ái đặc biệt ở trong khả năng giới tính của mình, và họ thường vẫn phao tin thất thiệt để tự chứng tỏ vượt trội trên người đồng loại. Rốt cuộc, Thế Lân thấy chỉ có lòng thành khẩn khai ra sự thực mới cứu được mình. Nhưng dẫu gã đã dẹp bỏ tự ái truyền thống của người đàn ông bằng những chứng minh cụ thể về sự bất lực, các nàng cung phi vẫn cứ bừng bừng nổi giận, nhất định không tin đó là sự thực. Người ta đã nhiếc mắng gã bằng những ngôn từ cay độc và phũ phàng nhất, và nhiều người đã đánh gã, cắn gã, thậm chí rút các trâm cài lược giắt rạch da thịt gã cho đến chảy máu. Gã đã làm họ hụt hẫng, thất vọng và họ trả thù. Bây giờ họ không còn sợ gã nữa, vì gã đã cùng phạm tội và phạm nhiều hơn. Thà cứ để họ chết héo dần đi trong sự mỏi mòn, hơn là châm lửa đốt khu rừng cấm cho cháy bùng lên mà không tìm phương dập tắt. Hóa ra những sự gắn bó giữa người, thuần bằng ngã dưới, lại dẫn đến những kết quả bi thảm vậy sao? Trong khi ê ẩm khắp mình, đau từng khớp xương, nhức từng bắp thịt, gã đã khom mình lê lết đi trên bốn chân về lại chỗ ở, thấm thía hiểu rằng phải đi bằng chính đôi chân giữ sự ngay thẳng cho một mái đầu ngẩng cao mới tiếp nhận được nguồn vui thực sự của lòng tự hào. Một hôm ngắm mình trong gương, Thế Lân hoảng hốt đối diện với một con người xa lạ, má hóp, mắt sâu, dáng vẻ lờ đờ, cọm rọm như một ông già suy yếu ngoài tuổi 70. Sự biến đổi thật mau chóng, vượt xa qui luật tang thương của trò tạo hóa. Thì ra, mọi vật, mọi việc trên cõi đời này đều phải trả bằng cái giá tương xứng, và mọi khả năng, kể cả khả năng ước vọng, đều có lằn ranh khó nỗi vượt qua. Ý thức được các điều đó thì đã muộn rồi. Có lẽ, những câu kết luận tìm thấy chậm nhất là điều tệ hại nhất của nhân loại. Và khu rừng cấm đã bị đốt cháy cứ cháy phừng lên, mỗi ngày quạt cái sức nóng vào vùng lân cận. Các cung nữ đã đạp ngã các thứ tường thành cấm kỵ để tiếp đón Chu Thế Lân, bây giờ như leo lên trên mình cọp, không còn kiêng sợ gì nữa. Các ả đem sự bí mật của mình tiết lộ cho kẻ đồng hội, đồng thuyền, thêu dệt, vẽ vời cho thêm kỳ thú để tự thỏa mãn qua sự khiêu khích nơi người nghe chuyện, và lầm nghĩ rằng ngoài gã Thế Lân hẳn còn nhiều vị thái giám cương cường có thể gạ gẫm vào vòng thân mật. Hậu cung rõ ràng đã có khá nhiều triệu chứng bất thường, và những con người xét nét, đa nghi rất mực, là các thái giám, bắt đầu sục sạo đi tìm sự thực. Chức vị phó quản của gã Thế Lân còn là nguyên cớ cho sự sục tìm, bởi các thái giám chính hiệu đã bị tước đoạt khả năng ham muốn bản năng, chuyển đổi dục vọng thành nỗi khát thèm quyền lực. Và một thái giám họ Cù, sau khi nắm chắc nguồn tin, đã làm tường trình tâu lên vua. Thoạt nghe, vua tái cả mặt, không muốn tin chuyện động trời như thế là điều có thật. Lập tức, lệnh truyền gọi Chu Thế Lân đến trước bệ rồng. Vua quát: - Tên súc sinh kia! Mày đã giở trò cuồng loạn ở nơi cung cấm, ngàn lần đáng tội bêu đầu! Họ Chu đập đầu xuống bệ, một mực kêu oan, khóc than thảm thiết. Vua nhìn thấy gã gầy ốm, xanh xao, má hóp lưng còng, không tin gã dám cả gan xúc phạm hậu cung, bèn cho tạm giam vào ngục để chờ tra hỏi phi tần. Một đoàn giám sát được gấp thành lập, thẩm vấn từng người cung nữ. Dĩ nhiên ả nào cũng đều xác quyết về sự trong trắng, trung thành đối với nhà vua, lên án những phường dâm đãng, lăng loàn. Vua chợt hiểu rằng trong vấn đề này nếu không bắt được quả tang tại trận thì ai cũng đều tự cho là mình đạo hạnh thập toàn. Viên thái giám đã tố cáo nội vụ, thấy việc chưa được làm rõ, sợ mình sẽ bị kết tội vu cáo, bèn xin vua cho khám xét chỗ ở của Chu Thế Lân, và được chấp thuận. Một đoàn mười viên thái giám được phái đến nơi, rà soát, lục lọi, xâm tìm từ ngoài vào trong, từ trên mái nhà xuống đến nền đất, vẫn không thấy một dấu vết khả nghi. Họ toan quay về bỗng thấy ở trên bàn thờ tiên tổ họ Chu có một tráp lớn bằng bạc, chạm trổ khá đẹp đặt sau lư hương, bèn lấy xuống xem. Tráp được khóa kỹ, phải dùng mũi gươm thật bén cạy nắp, và họ tìm thấy một đống vải màu đen và có viền nẹp da. Lôi ra, mọi người bàng hoàng và cũng mừng rỡ nhận rõ đấy là tấm áo mượn hình loài chó với chiếc đầu chó độn bằng bông vải. Vua thấy tang vật, ngồi chết lặng đi, căm giận cùng cực. Một sự xúc phạm thể giá vương triều đến mức như thế thật đã ra ngoài trí tưởng mọi người. Khi điệu gã lên, vua ném tang vật xuống đầu của gã, hét to: “Cẩu đại tặc”, rồi lại nín lặng. Trong bầu không khí trang nghiêm và yên tĩnh như trước cơn giông bão, chỉ nghe có tiếng nghiến răng của đấng quân vương. Không có một hình phạt nào tương xứng với tội trạng ấy. Dẫu đem băm vằm xác gã ra trăm ngàn mảnh thì cũng vô ích, vì sau khi chết thân xác của gã có đem xào lăn hay là nướng chả cũng không làm gã động lòng. Cuối cùng nhà vua nảy ra một ý: cho đem treo gã lên một cành đào ở giữa hậu cung và buộc cung nữ mỗi người đánh gã đúng ba chục hèo. Như thế, vừa có tác dụng răn đe thị chúng, vừa ngầm theo dõi những ai đã có tình ý với gã đặng đem trừng phạt, vì vua cho rằng kẻ nào đánh nhẹ hoặc là đánh không đủ số qui định, ắt có liên hệ với tên cẩu - tặc. Nhưng tất cả đám cung nữ đã đánh đập gã một cách nhiệt tình. Không phải vì họ sợ bị theo dõi, nhưng vì ai cũng căm thù: các nàng đã tiếp xúc gã trong đêm thì quá bất bình vì gã đã khơi bùng dậy ham muốn ở nơi lòng họ rồi lại bỏ cuộc đột ngột, chia sẻ niềm vui với đám người khác, các nàng chưa gặp được gã thì bất mãn hơn, phải đánh để cho hả giận vì gã đã không tìm cách gặp mình. Còn những cung nữ đạo hạnh thì phải trừng phạt gã thật quyết liệt để bênh vực cho thể giá hậu cung. Vì vậy, mới nếm gậy của khoảng ba chục người gã đã tắt thở. Những kẻ còn lại cứ tiếp tục đánh vào cái xác chết cho đến tan tác, rã rời. Nhà vua truyền đem ném xác giữa đồng cho loài côn trùng dưới đất và loài diều quạ trên không tiêu thụ tử thi của phường cẩu tặc. Rồi cho bắt Lưu ngự y là tội phạm gốc của tai họa này. Nhưng đã từ lâu ông xin cáo quan về nuôi mẹ già, rồi bán sạch hết nhà cửa ruộng vườn, mua chiếc ghe lớn để đưa toàn gia ra ngoài bể khơi tìm đến một xứ sở khác, không rõ là nơi chốn nào. Vua chưa nguôi giận và cũng khốn khổ vì không biết rõ trong đám cung nữ những ai đã có giao tình với loài cẩu tặc. Tốt nhất là cho sa thải toàn bộ ba ngàn cung phi để họ trở về đời sống dân dã và tuyển mộ một lớp mới. Vì họ kể như là hạng bị ô nhiễm rồi nên được cho phép lấy chồng để phân biệt với phi tần đúng hiệu, khi trả về dân không quyền được lập gia đình, và những ai vi phạm vào qui định đều bị kết tội. Cung nữ sau những năm dài cay đắng ở nơi hậu cung đã tưởng đời mình tàn lụi thảm thương trong chốn tù ngục lụa là nay được thả về, rất là vui sướng. Đi qua cánh đồng còn phơi xương của Thế Lân, họ bèn lấy đất lấp lại, vun thành mộ lớn. Về sau, nhiều cô có chồng, có con, được sống vui vầy, mỗi khi qua đó vẫn nhớ ơn gã bèn trồng nơi mộ một loài hoa thơm hoặc một giống cây ăn trái. Cây hoa nở rộ, lớn lên, gọi chim chóc đến khiến chẳng bao lâu mộ đã thành rừng, và đất tự nhiên nổi lên như một gò lớn – hình như thái giám họ Chu xúc động được sự chăm sóc của các cung nữ nên không chịu nằm bất động – do đó, có người gọi đây là hòn Cẩu Sơn, tức là núi Chó. Một số nho sĩ trong vùng nghĩ về núi Chó và chuyện Thế Lân, cho rằng tai họa làm cho đồi phong bại tục là sự dâm ô và làm rối nát xã hội là tệ tham những. Có Chu Thế Lân, là sự tồi bại, nhưng nếu không có được Lưu ngự y tiếp tay, thì cái thể giá vương triều đâu bị tổn thương như thế? Các vị bèn dựng ở tại Cẩu Sơn một tấm bia lớn, ghi hai câu thơ để nhắc nhở đời. Xin dịch sát ý, nhưng kém văn vẻ, như sau: Dâm ô đảo lộn, người ra thú Tham nhũng lộng hành, quỷ nhục vua. Về sau có một nịnh thần cho rằng tấm bia đã bêu xấu vua, hơn nữa lấy thú mà đối với vua là chuyện khi quân, nên cho đập nát tấm bia. Riêng số phận của các vị thái giám thì bi đát hơn. Nhà vua không còn tin tưởng ở phép châm cứu, nên kể từ đấy, thái giám được tuyển vào cung phải bị thiến gọn, do các quan lớn đầu triều kiểm tra. Danh từ hoạn quan xuất hiện từ đấy. Nhưng theo sử sách, do còn tham nhũng nên vẫn có sự thiến sót và các loại yêm - hoạn dỏm đã có một thời náo động hậu cung, gây nên lắm chuyện cực kỳ quái đản mà chúng ta sẽ nói đến, trong một dịp khác. VŨ HẠNH CHIẾC LỒNG ĐÈN 40 NĂM * Lời nói đầu: Tác giả Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh cảm tác từ lời của phi hành gia Buzz Aldrin nói vào ngày 20 tháng 7 năm 2009, kỷ niệm 40 năm ngày Apollo 11 lên mặt trăng: "…For me, the most difficult part of the mission wasn't what happened during the flight but what happened after we came home. Without a new mission to train for, I felt lost and without a purpose. My personal life was marked by deep depression and bouts of drinking. Nothing I did seemed to have meaning or motivation for me.I left the Air Force, the space program, and was adrift. But then, as I began to recover my bearings, something wonderful happened. I met a woman, Lois Driggs Cannon, who helped me to climb out of my depression and see a role for me in space -- but this time while on Earth…" --------------------------------------- 1 Ngày 20 tháng 7 năm 1969 Bé Xíu loay hoay với một xấp giấy hoa. Cô bé đang chọn xem loại nào thích hợp để làm một chiếc lồng đèn. Đây là lần đầu tiên Bé Xíu muốn tự tay làm lồng đèn. Nhưng không phải để chơi, mà là để dự cuộc thi làm lồng đèn do trường tổ chức. Chỉ là một cuộc thi nhỏ, nhưng cô giáo lớp ba muốn các học trò có được tính sáng tạo trong những sinh hoạt thường ngày. Thật ra thì Trung Thu không phải là điều “thường” đối với Bé Xíu cũng như với các bạn, bởi mỗi năm mới có một lần. Còn khoảng hai tháng nữa mới đến Trung Thu, nhưng Bé Xíu và các bạn cảm thấy náo nức lắm. Thôi thì… nào là giấy bóng, giấy hoa, nào là dây kẽm, nan tre, chỉ nhợ, keo hồ… Bọn con trai thì bàn tán làm lồng đèn xe tăng, tàu thủy, máy bay…. Bọn con gái thì bàn tán làm lồng đèn quả trám, đèn cái trống, đèn trái bí, đèn con bướm, con cá… Ngày nào trong giờ ra chơi cả lớp cũng nhộn nhịp tưng bừng, cô giáo cũng vui lây. Đương nhiên cô phải là người đầu tiên hướng dẫn cho các học trò cách làm từng loại lồng đèn. Nhưng phần lớn công việc ấy được làm ở nhà, nên cha mẹ hoặc anh chị của các em lại giữ phần quan trọng. Bé Xíu không có anh chị. Cô bé là con lớn trong nhà và có một đứa em bốn tuổi. Em bốn tuổi thì chẳng giúp ích gì được cho mình rồi. Bé Xíu tự an ủi “Mình là chị Hai mà!”… và tẩn mẩn ngồi làm một mình. Ba bận đi làm, má có giúp một chút nhưng má cũng bận rộn công việc nhà nên Bé Xíu không dám quấy rầy ba má nhiều. Bé Xíu nhớ lại cách thức mà cô giáo dạy chung cho cả lớp. Bé Xíu không làm lồng đèn với nan tre mà chỉ dùng giấy hoa và dây kẽm. Bé Xíu muốn làm lồng đèn quả trám. Không hiểu sao, cô bé thích hình ảnh một cái mặt trăng hơn là những hình thể khác. Vì Trung Thu là mùa của trăng tròn mà! Cô bé tưởng tượng đến khi chiếc lồng đèn hoàn thành, treo lên cành cây trước nhà, chà!… chắc là đẹp lắm, sẽ không thua gì mặt trăng đêm rằm Trung Thu. Nhưng Bé Xíu đã phải ngừng tay một chút vì ba má gọi Bé Xíu đến xem ti-vi. Ba bảo:- Xem này, Bé Xíu! Mấy phi hành gia Hoa Kỳ đã lên đến mặt trăng rồi!Bé Xíu ngồi dán mắt vào màn hình của chiếc ti-vi nhỏ. Khi bức ảnh của ba phi hành gia được chiếu lên, Bé Xíu kéo chiếc ghế nhựa nhỏ lại gần hơn nữa. Rồi thì cảnh chiếu chiếc nguyệt xa đậu trên mặt đất cung trăng và những bước chân lướt như múa của vị phi hành gia làm cho cô bé chú ý nhiều hơn. Ba giải thích:- Bé Xíu thấy hai người đang ở trên mặt trăng không? Họ đi trông nhẹ nhàng như vậy là vì ở trên mặt trăng mọi vật chỉ nặng bằng một phần sáu sức nặng bình thường mà thôi. Còn một người nữa thì đang bay trên phi thuyền. Cái máy tròn tròn có những cái chân cao như chân nhện đó gọi là chiếc nguyệt xa.Ba quay sang nói với má:- Con người thật là giỏi, phải không?Má gật đầu:- Con người nhỏ bé nhưng thật giỏi. Bây giờ người ta đã biết nhiều về mặt trăng rồi!Ba thở dài:- Nhưng những câu chuyện thần thoại về mặt trăng sẽ không còn ý nghĩa khi kể cho trẻ con nghe nữa.- Phải đấy!Rồi má cũng nhè nhẹ thở dài. Hình như ba má có một vẻ gì như là tiếc rẻ. Mà Bé Xíu cũng thấy có một cảm giác là lạ. Cũng là tiếc rẻ sao? Ồ, Bé Xíu mới tám tuổi. Bé Xíu bắt đầu để ý đến những chuyện kể về cung trăng không lâu. Lúc còn bà ngoại, bà hay kể chuyện cổ tích cho Bé Xíu nghe, trong đó có chuyện chú Cuội, chị Hằng, cây đa, thỏ ngọc… Bà ngoại mất đi, Bé Xíu có được một kho chuyện cổ tích, mai mốt lại kể cho em của mình nghe được rồi. Nhưng khi nghe ba giải thích lại, Bé Xíu hiểu rằng trên cung trăng không có gì ngoài những vùng như núi non và hố trũng. Không có cây xanh, không có biển cả hay sông ngòi. Ôi, một nơi lạnh lẽo và hoang vắng, làm sao có sinh vật? Thế thì chú Cuội cũng không mà chị Hằng cũng mất. Bé Xíu ngơ ngác một chút. Và khi chương trình truyền hình chấm dứt, Bé Xíu thơ thẩn ra ngoài sân, ngồi buồn một mình. Văng vẳng có tiếng hát bên nhà hàng xóm:- “Bầy trẻ thăm hỏi cung trăng, chú Cuội đâu vắng cô Hằng đâu xa, ố tang tình tang, ố tang tình tình… Động lòng thương trẻ bơ vơ, đàn chim nhỏ bé bay vô trả lời, ố tang tình tang, ố tang tình tình…… Từ ngày có vệ tinh bay, bay có ba ngày lên tới mặt trăng, ố tang tình tang, ố tang tình tình… Cuội đành đem chị Hằng Nga tìm xứ xây nhà không biết ở đâu…” (*)Bé Xíu nhìn lên trời. Đêm nay mới mồng bảy tháng sáu âm lịch, chưa thấy trăng tròn. Nhưng bầu trời bao la khiến Bé Xíu có một chút bâng khuâng. Cô bé nghĩ đến chững câu chuyện cổ tích bà ngoại kể, chợt bật cười khi tưởng tượng bà ngoại sẽ “bí” khi Bé Xíu hỏi bà về nơi ở của chị Hằng và chú Cuội. Ồ! Nhưng dù sao bà ngoại hay má cũng đã chưa từng bị ngỡ ngàng như Bé Xíu bây giờ. Ba đứng sau lưng Bé Xíu tự lúc nào. Bé Xíu hơi giật mình khi nghe giọng của ba cất lên:- Bé Xíu làm gì đó? Sao con không vào học bài?Bé Xíu quay lại, lắc đầu:- Không ba ơi! Tối nay con phải làm xong cái lồng đèn.- Để ba giúp con.- Thật hả ba?- Thật chứ, ai nỡ để con gái cưng của ba loay hoay một mình. Con muốn làm lồng đèn hình gì nào?- Con muốn làm hình quả trám.- Dễ thôi, cha con mình cùng làm nhé! Trước tiên, con hãy xếp tờ giấy làm đôi theo chiều dài, rồi xếp như xếp quạt vậy, xong rồi banh ra từ từ, tạo thành góc nhọn thế này.Bé Xíu vừa làm theo lời ba chỉ dẫn, vừa tỏ ý khâm phục:- Hay quá! Con làm được dễ dàng.- Ấy, banh nhè nhẹ kẻo nó toác ra. Như vậy được rồi! Để ba chỉ con cách cắt giấy bìa dán hai mặt nhé! Đưa kim chỉ đây, ba chỉ cho con may hai đầu lại, nhưng đừng may chặt quá, mở ra sẽ cong queo…Bé Xíu ngắt lời ba:- Ủa, mà sao ba giỏi vậy hở ba?Ba cười:- Giỏi gì đâu? Ba sinh ra là con nhà nghèo, đâu có đủ tiền mua đồ chơi. Cái gì ba cũng học cách để tự làm lấy.- Con cũng thích tự làm lấy.- Không tự làm lấy cũng không được, làm sao mà dự thi? Chẳng lẽ đi mua ở tiệm rồi mang dự thi sao cô nương?Bé Xíu cười bẽn lẽn:- Đúng rồi ba! Cô giáo bảo phải có sự sáng tạo mới được dự thi.- Ừ. Nè tiếp tục đi con! Tới phần đính hai cái quai bằng dây kẽm vào, phải khéo tay một chút không thôi rách. Cuối cùng là xoắn đoạn dây kẽm này lại như hình lò xo để gắn đèn cầy… Rồi, xong!Ba như không nhớ gì đến đoạn phim thời sự vừa qua. Bé Xíu cũng lăng xăng chìm vào công việc… *** Ngôi trường tiểu học mấy hôm nay vui như tết. Cuộc thi làm lồng đèn đã kết thúc. Vui nhất là những ngày các học sinh đem lồng đèn vào lớp, khoe nhau, tranh cãi, phê bình, và… giận nhau nữa. Bạn nào cũng muốn đèn của mình là chiếc đẹp nhất. Cô giáo phải giảng hòa rồi sau đó nộp đèn lên cho nhà trường. Một tuần trôi qua, đã đến ngày có kết quả. Và, Bé Xíu không thể ngờ, chiếc lồng đèn của cô bé chiếm hạng nhì, sau chiếc đèn hình máy bay của một bạn trai “đàn anh” học lớp nhất (**). Vài bạn khác lãnh giải ba và đồng hạng giải tư. Dĩ nhiên bên cạnh hình dáng đẹp, cắt dán khéo, lại còn phải nói lên ý nghĩa nào đó nữa. Cuộc thi có một phần lấy từ sáng kiến của thầy dạy lớp nhất, đó là mỗi học trò dự thi phải nộp một đoạn ngắn gồm vài câu giải thích về chiếc đèn do mình làm ra. Và bài của Bé Xíu là như sau:- “Kính thưa Ban Tổ chức cuộc thi làm lồng đèn Trung Thu! Em thích làm một chiếc lồng đèn hình quả trám vì nó nói lên hình ảnh của mặt trăng, và mặt trăng này luôn luôn dễ thương trong lòng của em. Em cũng muốn chiếc đèn này nói lên tình thương của em dành cho ba má em, cho em của em, cho cô giáo em và cho nhà trường, cùng các bạn của em”.Và bởi vì còn có một câu hỏi mà người dự thi phải trả lời: “Em muốn tặng chiếc lồng đèn của em cho ai?” nên Bé Xíu cũng viết câu sau đây:- “Nếu có thể được, em xin quý thầy cô gửi tặng dùm chiếc lồng đèn này cho các phi hành gia đã đặt bước chân đầu tiên lên mặt trăng vào ngày hai mươi tháng bảy năm nay”.Khi thầy hiệu trưởng đọc bài viết ngắn của Bé Xíu đến câu cuối, mọi người đều “ồ” lên và xôn xao bàn tán. Nhưng thầy hiệu trưởng ôn tồn nói:- Đây là một điều ước muốn rất chân thành. Thầy hứa sẽ giúp em.Khi Bé Xíu trở về lớp, nghe các bạn xì xầm về mình rất nhiều. Nhưng Bé Xíu thấy trong lòng vui lắm. Bé Xíu sẽ khoe ba má ngay khi về đến nhà. *** Ngày tháng dần qua, nhưng Bé Xíu cũng không quên điều ước muốn của mình. Sau cuộc thi, đôi lần Bé Xíu gặp thầy hiệu trưởng trước văn phòng, thầy có nhắc lại và bảo rằng đã chuyển chiếc lồng đèn của cô bé đến một hội “có liên lạc được với các phi hành gia”. Sau đó không bao giờ thầy nhắc đến nữa. Bé Xíu cũng đâu có nhiều dịp để gặp thầy hiệu trưởng. Còn cô giáo lớp ba của Bé Xíu thì không nhắc đến, có lẽ cô không muốn Bé Xíu thất vọng. Các bạn trong lớp – và cả các bạn khác lớp cũng hay xì xầm – nhưng ít thôi - mỗi khi gặp Bé Xíu. Chẳng biết họ xì xầm cái gì. Bé Xíu không thắc mắc lắm đâu! Cô bé chăm học, chăm làm, nhiều việc khác còn thú vị hơn. Chuyện “liên lạc với các phi hành gia” chắc còn khó hơn nói chuyện với chú Cuội chị Hằng. Mỗi lần trăng tròn, Bé Xíu lại nhớ đến chiếc lồng đèn đó một chút, rồi mau chóng cất vào trong ký ức. 2 Ngày 20 tháng 7 năm 2009 Ông A. (xin lỗi quý độc giả, chúng ta hãy tạm gọi ông là ông A. nhé!) đã trình bày xong bài nói chuyện trước các hệ thống truyền thông. Ông cũng đã trả lời xong câu hỏi của các phóng viên. Nét mặt của ông thật thoải mái, mặc dù năm nay ông đã gần tám mươi tuổi rồi. Nhưng mọi người đều tìm thấy những dấu vết của quãng đời khi ông còn là một thanh niên đầy nhiệt huyết, một phi hành gia, một trong ba người đã đi trên chiếc phi thuyền đến thám hiểm cung trăng lần đầu tiên – những con người đầu tiên từ mặt đất, đi đến thăm quê hương của chị Hằng. Một bước chân thật ngắn của họ là một bước tiến lớn của nhân loại. Mỗi năm đến ngày kỷ niệm chuyến đi lịch sử ấy, câu nói này lại được mọi người nhắc đến. Cuối buổi họp, ông A. bỗng đứng lại trước máy vi âm, và cất tiếng:- Xin phép quý vị cho tôi có thêm vài lời. Hôm nay, sau bốn mươi năm, tôi muốn được, qua phương tiện truyền thông, nhắn lời cám ơn một em bé gái. Vâng, một em bé gái người Việt Nam, bốn mươi năm trước em đã gửi tặng chúng tôi một chiếc lồng đèn bằng giấy do tự tay em làm. Tôi chỉ biết được như thế thôi, ngoài ra tôi không có cách nào để liên lạc với em cả, bởi chiếc lồng đèn này đến tay chúng tôi lẫn trong một núi quà và thiệp chúc mừng. Tôi chỉ biết em là một học sinh nhỏ tuổi Việt Nam, và là một bé gái, qua dòng chữ em ghi tên trên chiếc đèn. Tôi mong rằng, ngày hôm nay, em vẫn còn hiện diện trên trái đất này, và có thể nghe được lời cám ơn của tôi, thay mặt cho các bạn đồng hành của tôi trên chuyến bay đó.Cử tọa bỗng như lặng đi một lát. Giọng nói của ông A. nghe như một cung đàn chùng. Buổi họp tàn. Ông A. chuẩn bị ra về. Nhưng chợt xuất hiện trước mắt ông, một người phụ nữ. Người ấy mang dáng dấp của một cô bé dịu dàng pha một chút tinh nghịch, đang mở to đôi mắt đen như hạt dẻ và cất lời:- Thưa ông A., cháu rất vui được gặp ông ạ!- Cô là…?- Thưa ông, cháu là cô học trò nhỏ đã gửi tặng ông chiếc lồng đèn bốn mươi năm trước đấy ạ!- Chúa ơi! Là cô đấy sao? Tôi thật không tin là …- Cháu cũng không tin, thưa ông! Bốn mươi năm qua cháu luôn tự nói vui với chính mình rằng gặp được phi hành gia còn khó hơn nói chuyện với chú Cuội và chị Hằng. Ồ, mà ông có biết chú Cuội, chị Hằng là ai không?Ông A. lộ vẻ cảm động lắm. Ông gật đầu lia lịa, nói:- Có, tôi có biết chứ! Tôi đọc và tìm hiểu những truyền thuyết về mặt trăng ở khắp nơi. Tôi biết trẻ em Việt Nam rất yêu mến cung trăng, xem đó như nơi trú ngụ của một nàng tiên rất đẹp và một anh chàng hay nói dối nhưng cũng rất giàu lòng nhân ái. Người Việt Nam giàu tưởng tượng quá, và rất mơ mộng. Tôi có lần đã nhìn lên mặt trăng và thấy như có hình bóng của một cây đa to ở trên ấy. Dĩ nhiên là tôi đứng từ trái đất như lúc này đây.- Ô! Ông hay quá! Đúng đấy ông ạ.Ông A. băn khoăn:- Nhiều lúc tôi tự hỏi: không hiểu những hình ảnh gửi về trái đất cho mọi người thấy sự thật về mặt trăng có làm cho các trẻ em buồn vì không còn tin được vào những chuyện thần thoại hay không.Bé Xíu – vâng, chính là Bé Xíu – nói ngay:- Thưa ông, cháu có thể trả lời ông ngay, hy vọng điều cháu nghĩ là đúng. Sau bốn mươi năm, cháu có thể nói rằng, cho dù trẻ em không tin tuyệt đối vào những câu chuyện thần thoại, nhưng qua nhiều năm tháng, những mẩu chuyện đó vẫn được lưu truyền, và vẫn được nhắc đến hằng năm. Trẻ con Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới vẫn chơi lồng đèn, vẫn ăn bánh trung thu; và người lớn vẫn thích kể cho con em mình nghe chuyện chú Cuội chị Hằng.- Ô! Thế sao?- Vâng, và một hôm cháu nói chuyện với một em bé mười tuổi, người bản xứ tại đây, em cũng kể được chuyện sự tích trăng tròn trăng khuyết theo truyền thuyết của thổ dân ở Hoa Kỳ. Em bảo mẹ của em kể cho em nghe, và em rất thích câu chuyện ấy…- Câu chuyện bà lão ngồi trên cung trăng đan chiếc rổ ư?- Dạ vâng. Mỗi khi bà lão đan xong chiếc rổ thì đó là lúc trăng tròn, nhưng con mèo của bà nhân lúc bà bận khuấy nồi bắp hầm thì nó lại tháo cái rổ của bà ra, nên chúng ta có những đêm trăng khuyết. Nó tháo mãi cho đến khi cái rổ mất đi, và chúng ta có đêm không trăng. Và bà lão lại bắt đầu đan một cái rổ mới…Ông A. nói to:- Ôi! Thật là thú vị! Trẻ em vẫn còn thích nghe những chuyện đó ư? Sao… cô biết?- Dạ, ông ơi, cháu đang đi dạy học các lớp tiểu học, và… và cháu phụ trách một chương trình nói chuyện với các bé thiếu nhi trên radio. Các em vẫn thích nghe kể chuyện thưa ông, mặc dù các em dư biết đó là những chuyện tưởng tượng.- Tôi hiểu rồi! Tôi hiểu rồi!Bé Xíu hân hoan:- Và những chương trình giải trí dành cho trẻ em vẫn không mất đi tính thơ mộng. Người ta sẵn lòng nghe câu mở đầu rất dễ thương: “Ngày xửa ngày xưa….”, cũng như câu mở đầu quen thuộc “Once upon a time…” vậy, thưa ông.Đôi mắt của ông A. long lanh như có ngấn lệ. Ông nắm chặt bàn tay của người phụ nữ mà ông nghĩ qua nhiều năm tháng vẫn dễ thương như một bé gái tám tuổi. Ông nói:- Cuộc gặp gỡ với cô ngày hôm nay thật tuyệt. Bốn mươi năm qua, tôi thỉnh thoảng đem chiếc lồng đèn cô tặng ra ngắm nhìn và suy nghĩ nhiều. Tôi nghĩ trên trái đất của chúng ta thật vẫn còn nhiều điều chưa được khám phá, nói chi là khám phá mặt trăng. Cô biết không, có lúc tôi đã rơi vào sự trầm cảm, vì tôi nhận ra phần khó khăn nhất của sứ mạng mà mình phải thực hiện không phải là những gì xảy ra trên các chuyến bay đi vào vũ trụ, mà là những điều xảy ra khi chúng tôi trở về nhà. Cũng may, nhờ có những người thân, chúng ta sẽ thoát ra khỏi tâm trạng ấy và tìm thấy chỗ đứng của mình trong cuộc đời này, trên mặt đất này.Bé Xíu rưng rưng cảm động:- Ông … như là một văn sĩ…Ông A. cười khoan khoái:- Phải, văn sĩ từ cung trăng. Cám ơn cô bé, cám ơn chiếc lồng đèn bốn mươi năm.- Cháu cám ơn ông, ông phi hành gia! Trung Thu 2009 Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh ------------- Chú thích của tác giả: (*): Trích bài hát “Một đàn chim nhỏ” – Phạm Duy(**): lớp năm ĐIỀU MẸ KHÔNG QUÊN Tôi đến thăm Mẹ sau một chuyến đi xa. Mới có mấy tuần mà trông Mẹ có vẻ khác khác thế nào! Tôi giấu hai tay sau lưng, hỏi Mẹ: - Mẹ đoán thử xem… con đem cái gì tới cho Mẹ đây! Mẹ tỏ vẻ háo hức, nói: - Cái gì? Cái gì… có ăn được không? - Dạ dĩ nhiên là ăn được. Mẹ cười hớn hở. Thật sự thì lần nào đến với Mẹ, tôi cũng chỉ mua “cái gì ăn được”. Bởi về sau này Mẹ chỉ thích thức ăn. Tôi cứ hay tự nói với mình là đến một độ tuổi nào đó người ta sẽ không còn ham muốn gì nữa, chỉ nghĩ đến cái ăn. Mẹ lộ vẻ thích thú khi ăn món bánh cam. Tôi thì sợ cái loại bánh chiên béo quá béo này, nên chỉ ngồi nhìn Mẹ ăn. Tóc của Mẹ bạc nhiều rồi, gần hết cả mái đầu, lại cắt ngắn cho dễ tắm gội. Chị Vân, người săn sóc Mẹ giúp chúng tôi, cũng ngồi gần đó, nhìn Mẹ ăn. Người phụ nữ này đến theo chương trình chăm sóc người già tại nhà, tính tình hiền lành và chu đáo, nên rất được chúng tôi tin cậy. Mẹ cũng thích chị ấy. Mẹ nói chị ấy là con nuôi của Mẹ hồi chị ấy còn bé. Chúng tôi chỉ cười chứ không cãi. Mẹ ở với gia đình chị Hai tôi. Còn tôi, ở riêng, vài ba bữa lại ghé thăm Mẹ. Mẹ thưởng thức cái bánh cam một cách tận tình. Tôi nhắc Mẹ: - Còn một cái, Mẹ muốn để dành chiều ăn không? Mẹ lắc đầu: - Mẹ không ăn, Mẹ để dành cho… - Cho chị Hai hở Mẹ? Hay cho các cháu? Các cháu cũng đã có phần các cháu, Mẹ đừng lo. - Không phải. Chị Vân nói vui: - Vậy là bác cho con? Mẹ lắc đầu lia lịa, quay nhìn vào bên trong: - Không cho cô ăn đâu! Tôi để dành… cho bà bạn của tôi. Tôi ngạc nhiên: - Bà bạn nào? - Bà bạn thân của Mẹ, bà ở đây mấy ngày nay rồi. - Ở đâu hở Mẹ? Sao con không biết? Mẹ hất đầu: - Ở trong đó! Tôi nhìn chị Vân, không hiểu. Chị Vân “à” lên, rồi cũng nhìn vào trong giống như Mẹ. Chị nói: - Con biết rồi! - Ừ, dẫn tôi vào thăm bà bạn của tôi đi! - Dạ. Chị Vân đưa mắt hàm ý bảo tôi đi theo. Tôi vói lấy cái walker, cho Mẹ vịn hai tay vào, rồi chúng tôi dẫn Mẹ vào phòng. Mẹ dừng lại trước tấm gương lớn, nói giọng vui mừng: - Chào bà! Con gái của tôi này, nó mới đi về đấy! Tôi giật mình. Mẹ nói chuyện với người trong gương. Mẹ không có vẻ gì là nói đùa cả. Thiếu điều tay bắt mặt mừng! Tôi nhìn qua chị Vân. Chị khẽ gật đầu. Tôi biết đây không phải chuyện đùa. Chị nói với tôi: - Từ hôm qua tới giờ, bác cứ như vậy đó! Mỗi khi mình dẫn bác vào phòng, bác đều chào “bà bạn” ấy. - Chị Hai em có biết không? - Mình có kể, chị Hai cũng hơi lo, chị bảo sẽ đưa bác đi bác sĩ. Tôi cùng tiến đến trước chiếc gương lớn. Mẹ vui vẻ bảo: - Con chào bác đi, bà bạn thân của Mẹ đấy! Tôi buồn cười, nhưng cũng gật đầu chào: - Dạ, cháu chào bác ạ! Người trong gương cũng gật đầu với tôi. Mẹ kể về “bà bạn” cho tôi nghe: - Bà bạn này cùng dạy học một trường với Mẹ. - Bác ấy dạy môn gì hở Mẹ? Mẹ ngẫm nghĩ, rồi nói: - Ờ… để Mẹ nhớ xem. Hình như là… môn… Nhạc. Ồ, phải rồi, môn Nhạc. Tôi và chị Vân nháy nhau cùng “chơi” với trò chơi của Mẹ. Chị Vân hỏi: - Vậy bác cũng đi dạy hở bác? Vậy mà con không biết. Mẹ nhíu mày, gật gù: - Ừ, bác đi dạy chứ! Ở Việt Nam, xa lắm đó, cháu có biết không? - Dạ cháu biết. Cháu cũng là người Việt Nam mà bác! - Ừ. Ở Việt Nam… Việt Nam… xa lắm… Câu chuyện gián đoạn vì chị Hai tôi đã về. *** Theo lời bác sĩ Stevens thì Mẹ mắc chứng bệnh suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi. Mẹ có những sự nhầm lẫn cũng là bình thường thôi. Bác sĩ bảo hiện giờ thì Mẹ có chút xáo trộn trong nhận thức, chưa có gì nguy hiểm. Nhưng ông cũng cho biết: - Đến một ngày nào, bà sẽ không nhận ra con cháu của mình nữa, mọi người hãy chuẩn bị mà đón nhận điều đó và làm mọi cách để thích nghi. Và… điều đó đã đến. Mỗi ngày Mẹ một nhầm lẫn. Mẹ lộn tên các con và các cháu. Mẹ không nhớ chuyện mới xảy ra. Và Mẹ càng khắng khít hơn với “bà bạn trong gương”. Hôm nay Mẹ cũng vào phòng và chuyện trò với bà bạn. Tôi không còn ngạc nhiên nữa, nhưng vẫn theo sát bên Mẹ. Tôi cũng dặn chị Vân đừng rời Mẹ nửa bước khi không có chúng tôi. Có khi Mẹ không biết đến sự có mặt của chúng tôi bên cạnh. Và một lần, Mẹ sửa lại mái tóc, vuốt vạt áo cho thẳng, như một cô giáo sắp bước lên bục giảng. Chị Vân và tôi lặng yên theo dõi. Mẹ nói với “bà bạn trong gương”: - Bà nhớ nhé, xong giờ Sử của tôi là đến giờ Nhạc của bà đấy! Và Mẹ đằng hắng, nói: - Các em mở sách ra, trang 18. Bài học hôm nay là về Nguyễn Thái Học và cuộc khởi nghĩa Yên Bái…” Tôi nín thở. Chị Vân như cũng bất động. Mẹ đâu có để ý đến chúng tôi bên cạnh. Mẹ nói tiếp, giọng như giảng bài: - “Chết vì Tổ quốc, cái chết vinh quang; lòng ta sung sướng, trí ta nhẹ nhàng”. Các em ghi nhớ câu này nhé! Đó là câu mà ông Nguyễn Thái Học đã nói trước ngày bị lên máy chém cùng với mười hai đồng chí của ông. Giọng của Mẹ trở nên tha thiết lạ kỳ: - Các em ơi! Các em có biết không, mỗi khi đứng trên bục giảng, Cô cảm thấy xúc động lắm! Cô nghĩ mình không lầm khi chọn dạy môn Việt Sử. Cũng vì Cô có những học trò chăm ngoan như thế này. Khi Cô giảng bài, đặc biệt đến những đoạn anh hùng liệt nữ hy sinh chống giặc ngoại xâm, Cô như được sống trong khung cảnh đó, lòng tràn đầy sự ngưỡng mộ và hãnh diện. Các em nhớ đừng bao giờ xem nhẹ môn học này nhé! Nó không phải là môn học để “kiếm điểm”, mà là môn học để làm công dân, để làm người. Tôi sửng sốt. Trời ơi, sao Mẹ lại có thể nói năng lưu loát như vậy? Tôi bỗng nghẹn ngào. Mẹ, Mẹ ơi! Mẹ đang sống lại trong vùng ký ức dài hạn tuyệt vời. Con lâu nay hầu như quên mất một điều rất vinh dự cho chúng con: Mẹ đã từng là người thầy dạy Sử! *** Chị Vân trở thành người “giám thị” đắc lực cho “lớp học Sử” của Mẹ. Chị sắp xếp “lớp học”, đôn đốc các “học trò” vào ngồi cho ngay ngắn, không “nói chuyện trong lớp”, rồi chính chị cũng ngồi vào ghế, làm một “học trò” ngoan ngoãn của “cô giáo”. Những khi có chị Hai ở nhà hoặc có tôi đến, chúng tôi cũng ngồi vào chỗ, chăm chú ngước nhìn “cô giáo”, uống từng lời giảng của “cô”. “Thầy trò” dạy và học trong một lớp học “đồ hàng” như vậy, thế mà bỗng như thấm dần từng lời, từng câu… Có khi mắt của Mẹ như đứng lại, nhìn đăm đăm vào một khoảng trống rỗng. Lúc đó Mẹ không nhớ được một chữ. Nhưng có lúc mắt Mẹ bừng sáng, và ý tứ ở đâu tuôn tràn, Mẹ bắt đầu “giảng bài” say sưa. - Các em học thuộc cho Cô bài văn vần này trong Đại Nam quốc sử diễn ca, đoạn kể về cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng đã trở thành quen thuộc đối với người Việt. Bà Trưng quê ở Châu Phong Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên Chị em nặng một lời nguyền Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân Ngàn tây nổi áng phong trần Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên Hồng quần nhẹ bước chinh yên Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành Kinh kỳ đóng cõi Mê Linh Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta Ba thu gánh vác sơn hà Một là báo phục hai là Bá Vương Uy danh động tới Bắc Phương Hán sai Mã Viện lên đường tấn công Hồ Tây đua sức vẫy vùng Nữ nhi địch với quần hùng được sao! Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo Hai Bà thất thế cùng liều với sông! Trước là nghĩa, sau là trung Kể trong lịch sử anh hùng ai hơn. Chúng tôi vỗ tay hoan hô Mẹ. Mẹ nhớ tài tình những chi tiết trong bài Việt Sử. Tôi hết lời khen ngợi cho Mẹ vui, mà cũng hy vọng rằng nhờ cái vui đó mà Mẹ sẽ nhớ lại nhiều hơn. Nhưng tôi bỗng nhiên cảm thấy một nỗi buồn lạ lùng chớm lên trong lòng. Thời gian sau 1975, môn học Sử là môn thay đổi nhiều nhất. Lịch sử đã được nhìn qua một lăng kính khác. Mọi giá trị đảo lộn. Tôi nhớ các em mình đã phải học như vẹt những bài lịch sử “đánh cho Mỹ cút nguỵ nhào”, còn những cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm từ bao nhiêu đời đều được viết lại với cái vỏ bọc giai cấp. Thật đáng buồn. Học trò học Sử một cách qua loa, lấy lệ, miễn sao đạt đủ điểm khi đi thi. Các em tôi càng ngày càng chán học môn Sử. Một điều rất dễ hiểu là thầy dạy không hay thì trò dễ chán. Mà thầy không thể nào dạy cho hay được, khi mà những điều thầy phải nói lại đi ngược với lòng của thầy. Vì thế, dần dần môn Sử biến thành một món ăn khó nuốt. Người ta, cả thầy và trò đều muốn trốn khỏi nó. Nhưng vẫn cứ phải dạy và học. Còn ở xứ này, tôi có tìm hiểu học trò học môn lịch sử ra sao, một người bạn nói: - Môn Sử ư? Là công dân thì ai cũng học môn Sử. Chẳng có gì để băn khoăn cả. Bạn nói thêm: - Đất nước này có lịch sử chỉ hơn 200 năm, nhưng sách vở và sự đầu tư vào môn Lịch Sử không phải ít. Điều đáng nói là… khi viết Sử, phải công bằng, không thiên kiến, không hận thù. *** Hôm nay tôi đến, rủ Mẹ vào thăm “bà bạn trong gương”, nhưng Mẹ lắc đầu. Mẹ có vẻ giận hờn. Tôi bật cười. Có ai đó đã nói “Người già cũng như con nít”. Điều này ai có cha mẹ già đều thấy rất rõ. Tôi hỏi chị Vân. Chị ấy ra hiệu bằng mắt bảo tôi lờ đi. Tôi ngồi xuống cạnh bên Mẹ, hỏi: - Mẹ không khỏe hở Mẹ? - Khỏe, khỏe lắm chứ! - Vậy Mẹ hãy vào lớp, học trò đến đông đủ rồi! - Không vào. - Sao vậy Mẹ? Mẹ chỉ chị Vân: - Cô đó… cô đó nói tầm bậy. - Sao Mẹ? Mẹ ngập ngừng, tìm lời: - Cô đó… nói không đúng. - Mẹ từ từ, kể cho con nghe đi! - Cổ nói… học trò của Mẹ… xé bài, xé đề… thi… Chị Vân nói ngay: - Dạ con không có nói học trò của bác ạ. Mẹ tức tối: - Học trò là học trò của tôi. Học trò… học Sử là của… tôi. - Dạ, dạ, được rồi, học trò của bác. - Ừ, học trò của tôi không có xé sách, không có xé bài… Học trò của tôi ngoan lắm, đứng đắn lắm… Tôi chưa hiểu chuyện gì. Chị Vân đưa một tờ báo cho tôi xem, phân bua: - Đây nè cô, mình chỉ có đọc cho bác nghe bài báo này mà bác nổi giận lên. - Chị cho em xem! Tôi nhìn vào trang báo. Hình ảnh chụp một phần của một ngôi trường tại Sài Gòn, có ít nhất 3 tầng, với các học sinh đứng ở lan can, xé giấy thả trắng xóa xuống sân trường. Bài viết tường thuật rằng việc đó là do các em vui mừng xé những “đề cương” khi nghe tin không phải thi tốt nghiệp môn Sử: “Được biết, clip này được quay tại Trường Nguyễn Hiền (Quận11, Sài Gòn) vào ngày 30/3/2013, một ngày sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo 6 môn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Hóa học, Địa lý, Sinh học). Thông tin từ một số học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hiền cho biết, đây không phải là năm đầu tiên học sinh xé đề cương môn không phải thi tốt nghiệp mà là đã có “truyền thống” từ khóa trước.” Chị Vân thở dài: - Mình đâu có nói gì thêm với bác, nhưng cũng áy náy vì đã lỡ giải thích cho bác nghe, không ngờ bác giận. - Mẹ không giận chị, Mẹ chỉ giận cái sự việc. - Mà học trò ngày nay ở Việt Nam hư quá phải không cô? Thời của mình, học sinh kính nể thầy cô tuyệt đối, luôn sợ thầy cô buồn lòng. - Chị à, các em ấy cũng không hẳn là không nể thầy cô, cũng không hẳn là không thích học Sử. Nếu môn Sử được biên soạn kỹ lưỡng và công bằng, được dạy một cách nghiêm túc, thì sẽ không có một học sinh nào nói là mình chán môn Sử. Mẹ của em đã từng là người thầy dạy Sử. Mẹ diễn tả như thể Mẹ sống trong từng khung cảnh nơi sự kiện lịch sử ấy diễn ra. Mẹ hân hoan với niềm vui đất nước được thanh bình và Mẹ khóc khi những người yêu nước bị đày đọa. Như vậy, làm sao Mẹ không có những người học trò yêu quý môn Sử như Mẹ? Tôi nói hăng hái như tôi cũng đã từng ngồi ở lớp dạy Sử của Mẹ. Khi dừng lại, tôi thấy chị Vân mắt đỏ hoe. Vua Quang Trung diệt giặc Thanh - Tranh Vi Vi Mẹ mỗi ngày một yếu. Đi đâu chúng tôi cũng đẩy Mẹ trên xe lăn. Mẹ ít sử dụng cái walker. Nhiều khi Mẹ nhìn mặt con cháu mà không nhận ra là ai. Bác sĩ Stevens bảo điều đó xảy ra ở đa số người già, khi những phần trên não liên quan đến trí nhớ dần dần thoái hóa. Nhưng tôi biết có một phần không bị thoái hóa. Đó là phần liên quan đến trí nhớ Sử học của Mẹ. Tôi không biết các nhà khoa học đã định vị nó rõ ràng chưa. Nhưng tôi tin có nó. Tôi tin một cách huyền bí, không cần giải thích. Bởi vì mỗi khi tôi hay chị Vân hay những người con cháu đến ngồi nghiêm trang trước cái bục giảng vô hình và tấm bảng đen cũng vô hình, thì Mẹ bắt đầu giảng, mỗi lần một bài. Giọng Mẹ thiết tha, không hề ngắt quãng, như thể cái khí lực của một nhà giáo gắn bó đời mình với môn Sử học vẫn không hề suy suyển. Một đêm, tôi ở lại với Mẹ. Khi chợt thức giấc trong đêm khuya, tôi nghe Mẹ nói với “bà bạn trong gương”: - Bà ạ, tôi thích nhất là đoạn này này! “ Mồng Năm Tết, vua Quang Trung đem mười vạn quân ra Bắc, liên tiếp chiếm Hà Hồi, Ngọc Hồi, Đống Đa, rồi kéo vào Thăng Long. Tướng giặc Sầm Nghi Đống thắt cổ tự vẫn. Tôn Sĩ Nghị hoảng hốt không kịp thắng yên ngựa và mặc áo giáp, cùng hàng vạn binh sĩ tháo chạy về Tàu. Bọn chúng tranh nhau qua cầu sang sông làm cầu gãy, quân giặc xô nhau rơi xuống sông mà chết, làm nước sông bị tắc không chảy được. Vua Quang Trung khải hoàn vào thành Thăng Long với chiếc áo bào nhuộm màu khói súng trong sự nô nức đón chào của nhân dân. ” Mẹ không quên Sử Việt! Tháng 5, 2013 Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh Table of Contents HẮC CẨU ĐẠI TẶC CHIẾC LỒNG ĐÈN 40 NĂM ĐIỀU MẸ KHÔNG QUÊN """