Ngày xưa, ở đất Cổ Kiên, có một chàng trai tên là Thế Lân vốn dòng họ Chu, gia cảnh vào hàng phú túc – mấy đời cha ông sống nghề thương lái, có cả một đội thuyền buôn chuyên chở hàng từ nội địa đem bán qua những xứ sở bên kia bờ biển, phía mặt trời lặn. Từ khi ra đời Thế Lân đã được sống trong nhung lụa, lên mười thì mồ côi cha: ông Chu Thế Long, trong chuyến buôn xa, đã cùng đội thuyền không thấy trở về. Có người nói rằng thuyền bị sóng bão nhận chìm dưới đáy đại dương, có người đoán chắc ông bị đồng bọn sát hại, cướp lấy tài sản rồi tẩu tán đi nơi khác. Riêng vợ Thế Long, là bà Đào Thị, biết chồng có bệnh mê gái khó chạy chữa nổi thì nghi ngờ ông đã bị phụ nữ xứ người mê hoặc nên bán tài sản, xây dựng phòng nhì ở một hòn đảo hoang vắng nào đó mà trong mê muội ông đã tưởng lầm là chốn Bồng Lai. Bà lo nuôi con, mong đợi mơ hồ ngày về của chồng, và trải qua nhiều năm tháng niềm hy vọng ấy cũng nhạt nhòa đi như lớp sương chiều tan dần vào bóng hoàng hôn.
Khiếp sợ trước cái hình ảnh bọt bèo của những con người vờn trên sóng nước ngàn khơi, Đào Thị nhất quyết không cho con mình nối nghiệp người cha. Hơn nữa, Thế Lân lại là con một, thừa hưởng một gia tài lớn, nên không thấy cần băn khoăn về nẻo tương lai. Quá được cưng chiều, Thế Lân sinh ra lười biếng, thường xuyên bỏ học đi chơi. Bấy giờ các sách thuộc loại ngoại thư được sản xuất nhiều, bày bán khắp nơi chợ búa và các vỉa hè. Một số tác giả là những thầy đồ lỡ vận, hờn dỗi cuộc sống nên viết các sách khiêu dâm câu dần lớp trẻ để có đồng tiền chi trả cho các quán rượu mọc lên như nấm, vừa phản kích lại đạo đức đương thời để tự biện minh cho sự suy đồi. Đủ loại truyện tình ướt át, lâm ly được họ thêu dệt một cách hoang đường, xen kẽ là những trang sách mô tả chi tiết những cảnh nam nữ giao hoan trong chốn khuê phòng. Tuổi vừa mới lớn, ý tình bồng bột, Thế Lân đọc loại dâm thư tưởng như lạc vào thế giới ảo huyền kỳ thú, suốt ngày vùi trong miệt mài với sách gần như quên ngủ, quên ăn. Đào Thị, không hiểu rõ được sự tình, đinh ninh con mình là kẻ hiếu học lấy làm mừng lắm, không ngờ nó đang tự đầu độc nó từng ngày bằng những phế phẩm văn chương chuyên khai thác phần hạ bộ con người. Thiếu hẳn thực tế ngoài đời, lại không có được khả năng phán xét đúng, sai, Thế Lân càng chìm sâu trong hoang tưởng, đầu óc luôn mơ màng đến những chuyện ái ân, tự mình đồng hóa với các nhân vật phóng đãng trong sách coi như trên đời không gì cao cả hơn sự yêu đương.
Càng ngày hoang tưởng càng ăn sâu vào não bộ, trở thành một nỗi ám ảnh thường trực khiến cho tâm thần bấn loạn, đến độ muốn chiếm đoạt hết phụ nữ ở trong thiên hạ đem về làm vợ, mới thỏa tấm lòng. Cuối cùng anh ta nhận thấy chỉ có làm vua mới thỏa mãn được cái nhu cầu ấy như lòng sở nguyện. Tuy vậy, việc vua làm được chẳng khó khăn gì, nhưng được làm vua là điều không dễ.
Sau những tháng ngày trằn trọc, Thế Lân cho rằng chỉ còn mỗi cách vào làm thái giám mới có cơ hội gần gũi được số phi tần đông đảo ở chốn lục viện tam cung. Nhưng thái giám là hạng người bất lực, còn nước non gì! Vốn là dòng dõi con buôn, ít nhiều đã có truyền thống buôn lậu từ đời ông cố, Thế Lân nảy ra một ý: chẳng là bấy giờ triều đình tuyển chọn thái giám chỉ có hai cách – một là trưng dụng những kẻ sinh ra đời đã là bán nữ, bán nam, hai là chiêu mộ một số trai trẻ khỏe mạnh tình nguyện để cho ngự y châm cứu vào huyệt cốc-nhi hầu trở thành hạng bất lực. Trong đám thầy thuốc ở chốn triều đình chuyên trách vụ này, hẳn không thiếu những con người sẵn sàng đem cái lương tâm chức nghiệp ra làm hàng hóa trao đổi ở trên thương trường. Chỉ cần tìm ra mối lái, và có tiền nhiều, là giải quyết xong.
Sau ba tháng trời dò la tìm hiểu, Thế Lân gặp được ngự y họ Lưu là người như ý. Nguyên vị ngự y này thích vợ đẹp, nhưng đã ba lần chọn xong đều bị tuyển mất vào cung, nên ngấm ngầm nuôi oán hận đối với nhà vua. Nay thấy có dịp chuyển mối hận thù thành món tiền lời to sụ, nên bảo Thế Lân:
– Ta sẽ giúp ngươi đạt được nguyện vọng của mình, với hai điều kiện: một là phải trao cho ta một ngàn nén vàng, hai là trong vòng sáu tháng kể từ khi bước vào cung – không được có hành động gì như mọi sinh vật bình thường.
Số vàng quá lớn, song Chu Thế Lân thấy mình không thể bỏ qua cơ hội ngàn năm. Còn chuyện cần phải “án binh bất động” trong vòng sáu tháng, thì gã nghĩ mình cứ việc hứa liều. Sau đó, gã về bán hết nhà cửa, ruộng vườn, gom góp tư trang, vàng bạc để cho đủ số họ Lưu đòi hỏi, chỉ chừa được một chút vốn lận lưng và dành lại một ít tiền để gởi mẹ già vào sống trong chùa.
Thái giám được chọn dưới tuổi 25 và phải thuộc hạng thanh niên cường tráng. Thế Lân tuổi đời 24, lại là một người to béo, phương phi, được kể là tốt tướng nhất trong đám thí sinh. Đến ngày định mệnh, ngự y họ Lưu cầm kim chích trệch ra khỏi chính huyệt độ chừng vài ly, coi như một sự lầm lẫn về phần kỹ thuật, thế là xong việc. Và ba ngày sau thí sinh phải qua hội đồng khảo sát hiệu năng của cuộc châm cứu vừa rồi mới kể như là kết thúc. Họ Lưu bèn cho Thế Lân uống thêm mấy hoàn bổ âm, liệt dương để vượt qua cửa ải này, nhưng vốn hiểu biết dục vọng không đáy của giống loại người nên ông tăng liều để gã họ Lưu bị tê liệt hẳn sinh lý trong vòng sáu tháng, thời gian thừa thãi cho ông rời xa triều đình.
Đến ngày khảo chứng kết quả của cuộc châm cứu, thí sinh được gọi từng người vào một phòng riêng, do một hội đồng gồm có năm vị thái giám thâm niên chủ trì. Cả năm vị này được tuyển trong những thái giám nổi tiếng khắc nghiệt nhất ở cung đình. Công cuộc thẩm tra sẽ được diễn tiến hết sức cụ thể nhưng cũng vô cùng dung tục. Họ khám nghiệm lại thí sinh rồi bắt cởi bỏ hết các vải vóc trên người, đẩy vào một căn phòng kín. Thực ra quanh phòng có những lỗ nhỏ được ngụy trang khéo để các vị trong hội đồng có thể chễm chệ ngồi ở bên ngoài chõ mắt vào trong theo dõi nội tình mà người trong cuộc không sao hay biết. Bấy giờ chưa có các loại phim ảnh “con heo” để gợi tính dục, người ta thực hiện theo lối hoàn toàn thủ công. Ở đấy có sẵn một số nữ tỳ xinh đẹp và khêu gợi nhất, hoàn toàn khỏa thân, làm công việc này. Dĩ nhiên bọn họ đã được các lão thái giám cho dự một khóa huấn luyện ngắn hạn về môn kích động, theo đúng bài bản.
Thế Lân nhờ mấy hoàn thuốc của Lưu ngự y nên vượt qua mọi thử thách một cách êm xuôi, được xếp vào loại ưu hạng trong các thí sinh trúng tuyển. Với điểm cao ấy gã có thể được sung vào đội ngũ chánh quản tam cung, nhưng vì tân tuyển, chưa có kinh nghiệm, cần phải tập tành công vụ trong một thời gian ở hàng phó quản.
Như thế, nhờ có tham nhũng, một gã dâm ô như Chu Thế Lân đã nhập lậu được một thứ vũ khí vô cùng lợi hại – là cái cơ thể nguyên lành của gã – vào chốn hậu cung.
Gã được chính thức nhận chức vào đúng đầu xuân Giáp Tuất, và mới ngày đầu rảo qua A phòng mênh mông với đủ phòng ốc che phủ lụa là ngũ sắc, được chia phân thành từng ô sắp xếp theo dấu 10 can ở trong kinh Dịch, gã đã rối loạn tam tinh trước đám giai nhân lổn ngổn như một cảnh chợ phù hoa chỉ thấy nơi miền thượng giới. Gã đã dụi mắt, khịt mũi có đến trăm lần, bàng hoàng nhìn ngắm không sao tin được đây là cảnh thực. Ba ngàn cung nữ, được lựa lọc trong khắp cõi dân gian, mỗi người một vẻ, suốt ngày chỉ sống nhởn nhơ, chải chuốt điểm trang để chờ phục vụ cho mỗi một người ngồi trên ngai vàng. Và con người ấy, gã đã nhìn thấy tận mắt khi được vào cung quỳ lạy trong ngày nhận chức, là một ông cụ gầy yếu, hom hem, tuy cái tuổi trời chưa đến ba mươi.
Đôi khi Thế Lân cảm thấy lo âu trước sự bất động của cơ thể mình. Chẳng lẽ là Lưu ngự y đã lừa gạt gã? Nhưng nhớ lại mấy hoàn thuốc và lời dặn dò cấm kỵ trong vòng sáu tháng, gã lại yên lòng chờ đợi. Tranh thủ trong thời gian này, gã phải nghiên cứu chương trình hành động sao cho có thể khai thác tối đa vị trí mà gã đã mua bằng giá ngàn vàng. Nắm vững đường ra lối vào của từng khu vực, chạm mặt nhớ tên của mỗi phi tần, mua chuộc những bạn thái giám trong triều bằng những tiệc rượu thâu canh, dần dần gã đã tạo được uy thế là người tận tụy, trung chính, hết lòng vì vua, được các bề trên tín nhiệm và các cấp dưới nể phục.
Thuở ấy, xê dịch trong chốn tam cung lục viện, vua không dùng ngựa, vì ngựa ồn ào và cỡi nó phải tốn sức, mà chỉ dùng dê để kéo xe đi. Có lẽ dê là biểu tượng đúng nhất cho hoạt động này. Trên chiếc xe nhỏ bốn bánh bọc nhung, vua nằm ngả người lên nệm lông chim, phó mặc hai con dê đực to béo thong thả kéo xe đi rong khắp chốn nội cung. Triều đình qui định nghiêm ngặt để những cung phi lâm bệnh, hay là đang kỳ kinh nguyệt, cũng như ở thời thai nghén phải gài chặt cửa, không được lộ diện ra ngoài mỗi khi xe đến. Vua cũng trao quyền định đoạt cho dê, và nó dừng lại trước một phòng nào thi người cung nữ ở đấy phải lo chuẩn bị để khi đêm xuống sẽ vào hầu hạ nhà vua. Sử sách vẫn ghi câu chuyện các nàng cung phi rắc đầy lá dâu và tưới nước muối từ nơi đầu cổng vào sân để nhử dê vào. Bấy giờ, thái giám theo hầu ghi ngay vào sổ danh tính phi tần cùng với số hạng phòng ốc, khuôn viên – như là địa chỉ – và ngay đêm ấy, vào đầu giờ Tuất thì cầm lồng đèn kết hoa đi với bốn kẻ dưới quyền khiêng kiệu có phủ rèm điều đến chờ tại cửa. Bấy giờ cung phi đã ở tư thế sẵn sàng, sau khi tắm nước trầm kỳ, ướp xạ, xông hương, trang điểm lộng lẫy nằm chờ trong thế khỏa thân. Khi thấy lồng đèn xuất hiện, cửa phòng được mở, thái giám cầm lấy tấm chăn nhung đỏ mang theo choàng phủ lên người đàn bà để đám tùy tùng bồng đặt lên kiệu. Thế là lồng đèn dẫn đường, đưa kiệu tiến về nội điện. Đến nơi, thái giám ra hiệu dừng lại, bước lên thông báo cho đám thị vệ canh chầu mở cửa. Kiệu được đưa vào và dừng trước cửa thứ hai. Cứ thế đến cửa thứ năm, cung nữ được khiêng khỏi kiệu, đưa vào bên trong. Khi tùy tùng lủi ra ngoài, thái giám gỡ lấy tấm chăn để người cung nữ tiến vào nội phòng nhà vua. Thái giám lại quay ra ngoài, xếp chăn, ngồi đợi, cho đến tàn canh để khi được lệnh lại đem chăn vào khoác lên cung nữ và kiệu trả về chốn cũ. Đồng thời ông phải ghi ngay vào sổ ngày, giờ, năm, tháng cuộc hầu hạ này, để biết cho được chính xác nếu người cung nữ thọ thai.
Trước khi vào cung, Thế Lân quan niệm đời sống vua chúa và các hoàng hậu, cung phi, theo sự vẽ vời của các sách vở và các tuồng hát nên tưởng tượng nó vô cùng diễm lệ và đầy thơ mộng. Bây giờ, đối diện sự thật, gã rất bàng hoàng. Dần dần, gã lờ mờ nhận thức rằng tam cung lục viện chỉ là một trại tập trung tàn bạo phũ đầy nhung lụa để giam giữ cho trọn kiếp những kẻ nữ tù xấu số, và đúng hơn nữa là một cái chuồng nguy nga nhốt giữ những súc – vật – người để cung phụng cho dục vọng của kẻ có quyền sinh – sát. Vua chúa, ngoại trừ nhiều vị dầy công khởi nghiệp, đánh bắc dẹp đông là có công tích với dân với nước, còn đa số người kế vị chỉ là một lớp thụ hưởng, biếng lười, thích sự xa hoa, quen điều tàn ác. Nhận thức ấy lại khiến gã quyết tâm nhiều hơn trong những ý đồ hành lạc.
Mời các bạn đón đọc Chiếc Lồng Đèn 40 Năm của tác giả Vũ Hạnh & Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn