🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bi kịch nhỏ
Ebooks
Nhóm Zalo
BI KỊCH NHỎ
Tác giả: LÊ MINH KHUÊ Thể loại: Tập truyện ngắn và vừa Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn, 1993
T
BI KỊCH NHỎ
heo yêu cầu của tòa soạn tờ báo lớn nhất tỉnh, tôi về huyện V để điều tra vụ một gã thanh niên giết cha. Hắn giết cha trong một trạng thái cực kì tỉnh táo, theo
lời hắn khai. Sau khi giết, hắn lôi người cha ra sau vườn và mổ bụng lấy gan... Tôi không dám hỏi hắn một lời, chỉ nhìn hắn qua song sắt phòng tạm giam ở huyện, dự định làm một điều tra nhỏ về tình trạng tội ác gia tăng ở vùng này từ sau chiến tranh... Tới đó tôi nhận được thư bác Tuyên. Ông báo tin: cuối tháng này, chị Cay, con gái lớn của bác sẽ từ thành phố Hồ Chí Minh ra thăm nhà cùng với vị hôn phu. Theo luật đầu tư, anh Quang về làm thí điểm chương trình nuôi tôm tại tỉnh K, một chương trình hợp doanh giữa tỉnh và công ty S của Pháp. Anh gặp chị Cay không phải ở chỗ anh làm việc, mà tại một buổi gặp gỡ giữa một số anh chị em Việt kiều về làm việc theo luật đầu tư, với khoảng 20 trí thức tiêu biểu của thành phố... Sau phần hội thảo có hát hò ngâm thơ. Anh Quang là một nhạc sĩ kiêm ca sĩ tay trái. Anh hát hay tới mức chị Cay không thể quay đi được. Trong khung cảnh chung, khi mọi thứ hàng rào đã được dỡ bỏ, hai người làm quen, yêu nhau, và quyết định đi tới hôn nhân. Các anh chị con bác Cả tôi và đám em ruột chị Cay đều bay vào thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả đều còn trẻ tuổi, thành đạt trên đường đời. Trong đám anh chị em họ đó của tôi, có mấy người lấy chồng Tây vợ Tàu nên tình yêu giữa chị Cay và anh Quang, một người mang quốc tịch Pháp đối với họ đâu còn lạ lẫm gì? Hai bác tôi yên tâm vì có đông con cháu chứng kiến sự ra mắt của anh Quang với anh em bà con tại thành phố Hồ Chí Minh. Bây giờ cho sẽ ra mắt bố mẹ vợ tương lai
của anh Quang, ở miền Bắc. Sau đó anh Quang sang Pháp kết hợp công việc của công ty và đón mẹ qua để lo việc cưới xin.
Tôi rất tiếc cái phóng sự đang làm dở ở huyện V. Tôi cứ băn khoăn mãi vì thằng cha giết bố: hắn có vẻ ngoài cực kì bình thường, thậm chí tẻ nhạt. Duy có nước da hắn tái ngắt. Hai lần trên đường phố tôi chứng kiến hai vụ giết nhau. Kẻ giết người không hề to béo, dữ tợn, mà đều tái ngắt, lạnh lẽo, mảnh khảnh và quyết liệt. Những kẻ như thế giết người không ghê tay, không ân hận, thương xót... Thằng cha ở huyện V cũng thế. Hắn có vẻ thoả mãn, dửng dưng và cực kì lạnh lẽo... Cô vợ đã ôm đứa con nhỏ trốn mất tăm vì hắn giết bố đẻ thì hắn thương hại gì vợ con? Người ta đang bắt đầu thử xem hắn có điên không. Còn hắn vẫn thế, dửng dưng ngồi sau song sắt...
Dù sao tôi cũng phải về. Công việc để sau vậy. Tôi đi nhờ xe của nhóm phóng viên Trung ương, họ cũng phải về tỉnh có việc. Tiết kiệm thêm được ít tiền đi đường. Tôi có thể mua cái gì hay hay một chút tặng chị Cay nhân dịp chị sắp đính hôn. Trong số con cái của bác Tuyên, tôi quý chị Cay tới nỗi vượt lên trên cả tình chị em họ. Chị luôn gợi cho tôi ý nghĩ là người ta có thể tốt, có thể đẹp đến như chị. Chị sinh năm 1957, từ khi ra đời, chị sống trong gia đình hưởng phiếu cung cấp gần bậc chót vót. Chị vào đại học, sang châu Âu năm mười bảy tuổi, học một nghề oái oăm: nghề thiêu xác chết. Tính chị ương ngạnh như vậy, không ai cản được. Chị ở nước ngoài sáu năm. Trong các chuyến chuyên cơ của “các chú" qua châu Âu công tác, bác Tuyên tôi săn sóc tiểu thư của mình tới mức các ông Tây con cũng phải nể. Mùa hè, trong căn phòng sinh viên ở một đất nước cách nhà nửa vòng trái
đất, chị cắm cả hoa sen từ nhà gửi qua, còn tươi nguyên vì để trong khoang ướp lạnh trên máy bay. Chị được ăn sò huyết tươi từ chuyến chuyên cơ gần nhất. Ăn rau muống xanh nõn, nước dầm sấu, thậm chí gội đầu bằng lá sả, lá hương nhu... Chị hưởng những cái đó như thở không khí bình thường vào cái thời tôi cũng đi ở kí túc xá sinh viên. Tôi nằm tầng giường dưới và bị dị ứng mũi vì hứng trọn số bụi giát giường trên, vì cô bạn gái ở giường trên không bao giờ rũ giường trước khi đi ngủ. Thời đó, bọn con trai đi ăn cơm ở bếp tập thể không cần bát. Cơm đổ vào chậu. Thức ăn đổ vào cùng và các chàng, một người một thìa cắm đầu vào múc. Những cầu thang ở kí túc xá sinh viên ngập ngụa rác và nước tiểu. Những tri thức tương lai suốt ngày ngồi uống chịu nước trà ở cổng, tóc tai bù xù, mặt mũi xanh xao vì thiếu ăn. Có những bữa cơm không có, mỗi người được một “quả đấm” – một nắm bột mì luộc cứng như đá, cắn một miếng kéo ra được cả một cong rau muống dài hàng sải, dùng làm nhân... Tôi kể cho chị Cay nghe những chuyện về đời sinh viên của tôi. Chi nghe thản nhiên, thỉnh thoảng mỉm cười. Tôi hỏi chị có biết những chuyện ấy không? Sao không? Chị trả lời và lại cười lặng lẽ. Tôi không hiểu chị cười về cái gì, nhưng tôi biết chị không hề độc ác. Có lẽ chị nghĩ: việc gì cũng thế cả. Cái khổ rơi vào ai thì cứ chịu. Số phận, đâu có phải do ý muốn của ai?
Chị vào Đảng ở châu Âu. Rồi làm cán bộ Đoàn nhiều năm. Mọi thứ đến với chị tự nhiên như khí trời. Chị yêu một thanh niên Ba Lan nhưng không chịu theo anh ta về nước của anh. Hai người yêu nhau lắm. Nhưng chị thích về nơi chị sinh ra hơn. Ở đất nước nghèo mà được hưởng các thứ tiện nghi thì sướng hơn ở nước ngoài rất nhiều, vì người được hưởng theo ấy không mất một chút sức lực, mà các thứ cứ thừa thãi,
cần gì cũng có. Đó là về vật chất. Còn về tinh thần, chị là một cô gái có cá tính mạnh. Chị không muốn mình phải hoà nhập vào một đời sống xa lạ. Tội gì! Chị bảo tôi thế. Nếu anh ta yêu chị thì hãy sang đây!
Về nước, chị chọn lựa giữa sáu cơ quan tốt nhất, có uy tín nhất và cuối cùng chị về một viện nghiên cứu. Những kiến thức học về thiêu xác xem như cho qua. Điện ở đâu mà dùng thiêu xác chết? Chị mỉm cười! Sau đó chị đi làm, thơm tho, sạch sẽ, chân không dính bụi. Chị ở với bố mẹ trong biệt thự dành cho cán bộ cao cấp của thành phố trực thuộc trung ương này. Thành phố lớn thứ nhì trên đất Bắc.
Khu nhà của các cán bộ cỡ bác Tuyên tôi bao giờ cũng là những câu đố với bất kì ai. Một lần về thủ đô, tôi tới thăm một người bạn gái. Cô là con gái người nấu bếp cho một vị rất cao. Cô ở với bố trong căn phòng tại khu biệt thự. Từ đầu phố trong một trạm gác gỗ sơn xanh, người lính áo xanh biếc đi ra. Một khuôn mặt sắt đá, một cái nhìn cảnh giác: chị cần gì? Giấy tờ được soi kĩ. Người lính để tôi đứng đó, xách súng đi tới cổng sắt bấm chuông. Một người lính áo vàng đi ra, vẫn cái nhìn sắt đá. Hai người lính trao đổi gì đó. Anh lính áo vàng vào nhà. Một phút sau có một người mặc thường phục đi tới. Anh ta nhìn mặt tôi kiểu như một thí nghiệm viên đang soi con vi trùng... Đến khi cô con gái người nấu bếp xuất hiện, tôi đã toát mồ hôi. Sau, tôi không chơi với cô ta nữa. Con gái người nấu bếp thì ở trong đó làm cái gì?
Tất cả những phiền toái ấy khiến đám thanh niên sống ở trong đó trở nên xa cách với dòng đời chung đến nỗi tội ác cảm với đám con cháu nhà bác Tuyên vô cùng. Ở tỉnh lẻ, mọi thứ lặp lại như ở thủ đô, còn có phần phiền hà nặng nề hơn
làm tôi càng ớn. Chị Cay rất ít bạn bè và chị hay tức tối khi ở trong biệt thự cùng bố mẹ. Chị hay bỏ nhà ra ở với tôi tại khu tập thể, cùng ngủ với tôi trên cái giường một và đêm mưa, cùng ngồi co ro vì dột. Cũng chả phải chị ưa chuộng đời sống thanh đạm kiểu của tôi, mà vì chị quá đầy đủ nên chị hay chán chường. Chị bảo: Thì ra hưởng theo nhu cầu cũng không có gì thú vị lắm! Có lẽ phải long đong một chút mới hay! Tôi trở thành bạn của chị từ những ngày ấy.
Suốt thời bác Tuyên tại chức, tôi không bao giờ bước chân vào biệt thự có lính gác của ông. Kín cổng cao tường như vậy mà vẫn có một thằng cha đại láu cá lọt vào tận nơi. Dạo đó ảnh màu còn hiếm. Thằng cha này vốn là kĩ sư ở gần phân viện nghiên cứu với chị Cay. Hắn xin phép chị Cay tới nhà chụp tặng gia đình vài kiểu ảnh màu. Bác Tuyên gái vốn xuất thân là dân chợ búa, thời con gái bán hàng tạp hoá ở đầu ô nên rất mê ba cái trò phim ảnh. Bác bảo chị Cay mời tay kĩ sư kia tới nhà. Phu nhân và các công tử, tiểu thư rối rít vì có ảnh màu. Bác Tuyên tôi cũng chụp. Bác mặc complê trịnh trọng đứng cạnh xe Vonga. Trên mui xe, con chó Nhật ngồi chồm hỗm, thành thử trong ảnh bác giống một ông chủ ở xứ nào. Duy có chị Cay thì thản nhiên. Nhưng không hiểu do duyên số tại đâu, khi tay kĩ sư kia trở thành khách quen của gia đình, được ăn cơm với bác Tuyên mấy lần, chị Cay lại đồng ý lấy hắn. Hắn rất đẹp trai, mặt mũi sáng sủa, hớn hở, dáng cao mà không thô, tay chân đều đẹp. Chị Cay cũng rất biết hai bàn tay của đàn ông quá mềm mại, quá đẹp thì sẽ vô dụng, thậm chí gây bất hạnh cho người đàn bà, nhưng chị vẫn đồng ý mặc áo cô dâu. Hai người sống với nhau gần một năm. Có nhiều đêm chị thình lình đến chỗ tôi, ngồi thừ ra. Chị không hay nói xấu chồng. Nhưng chị có vẻ chán chường lắm. Khi ấy tôi cứ nghĩ rằng đó chẳng qua chỉ là thói đỏng
đảnh của các cô các bà được số phận nuông chiều. Có một hôm chị thầm thì, như là bí mật lắm:
- Em có muốn chị nói với em một chuyện không? - Chị nói đi.
- Chị chưa bao giờ gặp may.
- Biết thế nào được là may hay không may!
- Thật đấy. Chị chưa bao giờ được hạnh phúc.
- Hạnh phúc là thứ rất hiếm, chị ơi!
- Có lẽ như thế thật. Chị cứ loay hoay mãi mà chả đâu vào đâu... Chị mà phải loay hoay, em thấy lạ không...
Trở thành con rể của một cán bộ cao cấp ở thành phố, chồng chị có quyền chọn nơi mình đi nghiên cứu về một đề tài xa vời, vô thưởng vô phạt. Hắn bay qua châu Âu yên bình, vô cùng đau khổ khi chị Cay xin li hôn trước khi đi. Nhưng ý chị đã vậy, ai cản nổi? Tôi có trách móc chị nhiều lần. Sau cùng chị thản nhiên bảo:
- Em xem, trong cuộc này ai được? Anh ta được phải không? Mà là được lớn. Qua châu Âu là một chuyện xa vời nếu như anh ta không lấy chị. Như vậy là được quá nhiều.
Tôi chưa thấy ai ghê tởm một người đàn ông như chị Cay đối với người chồng cũ. Bao giờ nói tới anh ta, chị cũng thở dốc lên, có vẻ rất hoảng sợ.
Rồi chị tách khỏi gia đình, một mình đi vào miền Nam. Chị tới thăm tôi ở khu tập thể của toà soạn báo, ăn với tôi một bữa bún riêu cua rồi đi. Chị đang ở cái tuổi đẹp nhất của người đàn bà. Chị cao lớn, đường hoàng. Tôi rất hãnh diện vì chị không có cái đẹp chung chung như các bà các cô tôi hay thấy ngoài đường. Những khuôn mặt sửa sang theo một mẫu, giống nhau như đúc một khuôn, trong khi chị là người gây ấn tượng từ cái nhìn đầu tiên. Mắt, lông mày, môi của chị đều sẫm màu, rõ nét, nổi bật trên nước da nâu. Một sắc đẹp hiếm hoi trên đất Bắc. Người dân Bắc ưa sự mịn màng, trắng trẻo, nhỏ nhắn. Ít người để ý tới chị. Chị đi ngoài đường, sắc đẹp lộng lẫy, hoàn toàn dửng dưng với chung quanh. Chị thích ăn ngon, mặc đẹp, thích sung sướng được giờ nào hay giờ ấy. Ngoài ra chị chẳng cần gì nhiều. Tôi thường đùa chị là bá tước tiểu thư. Chị cười:
- Số phận thôi, đều có trả giá cả. Chắc chị đang trả giá cho một cái gì đó mà chị chưa biết.
***
Tôi vẫn đang ngồi xe trên đường về thị xã. Tỉnh này rộng như một quốc gia nhỏ, từ huyện V xa mút về tỉnh lị phải đi hàng ngày. Đám phóng viên Trung ương đang điều tra một chuyện ở tỉnh. Chuyện gì mà họ có vẻ khá bí mật. Họ về huyện V gặp mấy tay phòng kiểm sát rồi gấp rút về thị xã. Nhóm họ có ba người thanh niên. Công việc chung tạo cho họ vẻ nghiêm túc nhưng họ vẫn vui nhộn suốt dọc đường. Họ kể những chuyện tiếu lâm trong làng báo, cười với nhau trong khi tôi nghĩ tới chị Cay và bức thư của bác Tuyên về đám ăn hỏi sắp tới của chị.
Bác Tuyên đã nghỉ công tác ba năm nay. Biệt thự của ông không còn lính gác, không còn những thủ tục phiền hà. Ông ăn cơm với vợ con, tưới hoa trong vườn, nằm trên võng mắc giữa hai cây cao có bóng mát. Ông đứng đầu con dân trong nhiều năm, hưởng lương và các đặc quyền đặc lợi cao chót vót ở tỉnh. Trong nhà, từ cái chặn giấy trên bàn đến bức tranh treo ngoài phòng khách, từ cái giá sách đến cái thảm chùi chân... nhất nhất được Nhà nước trang bị và khi về hưu, nó trở thành của riêng. Ông hưởng như hưởng khí trời, đến khi nghỉ việc, ông lại là người cảm nhận sâu sắc được sự bất lực của ông trước đời sống hàng ngày. Đời sống của người dân thường giống như một thằng cha râu ria bẩn thỉu, đang len lén thăm dò lối vào nhà ông. Ông không làm nổi cái cái gì. Đối với phố phường chợ búa, ông hoàn toàn vụng dại. Ông đã bắt đầu nổi khùng vì tiền mất giá, vì sự hỗn láo của nhân viên mậu dịch, vì mọi thứ “chả ra cái chó gì”... Ông cũng như nhiều người cùng thời, cùng địa vị, không thích truy xem mọi thứ bê bối do đầu đẻ ra. Không thích nhận mình cũng là người sản sinh ra những cái “chả ra cái chó gì!”. Ông chỉ tức tối vì dạo này mua một cân giò nó cũng ghi sổ, nửa cân bơ ăn sáng được vài hôm nó cũng riết róng ghi vào sổ mua hàng. Cái cửa hàng cung cấp cho cán bộ cao cấp thành phố, sự bí mật lớn, nỗi thèm muốn của những chàng sinh viên hưởng phiếu mỗi tháng được một lạng đường, đang dần dần tước đi của ông và vợ con ông niềm vui muốn gì được nấy.
Đám phóng viên trên xe không biết tôi là cháu bác Tuyên. Có lẽ họ nghĩ cháu ông Tuyên không phải là hạng đầu gio mặt muội như tôi. Đi làm báo mà có mỗi cái xe đạp tàng, đi nhờ ô tô thì vất xe đạp lên nóc, lấy tin thì cắm cúi ghi vào sổ chứ không có được cái máy ghi âm, máy ảnh cũng không nốt... Anh chàng răng khểnh ngồi ghế trên quay lại hỏi tôi:
- Cô làm báo tỉnh, có bao giờ phỏng vấn ông Tuyên không? - Không!
- Hoài của nhỉ! Nhân vật tiếng tăm lừng lẫy thế mà không nói chuyện.
Anh chàng ngồi cạnh tôi cười hì hì:
- Cô thì ông ta không bao giờ tiếp đâu. Thời đó ông ta chỉ tiếp những tay phóng viên... nói thế nào được nhỉ, à, chụp ông ta từ ngực trở lên, áo cài kín cổ. Và dân chúng chỉ được thấy ông ta từ ngực trở lên, áo cài kín cổ. Thậm chí có lúc mình tự hỏi: ông ta có đi vệ sinh bao giờ không? Đi ngủ ông ta ăn mặc ra sao?
Mấy tay phóng viên cười. Tôi không cười được. Dù sao bác Tuyên cũng cùng máu mủ với tôi... Trời đã gần chiều. Xe đi qua con sông nước xâm xấp vì mùa này nước chưa lên.
Hai bên bãi là ngô, khoai, bí đỏ. Những đứa trẻ đuổi nhau trên bãi cười chí choẻ. Cây cầu sắt mới bắc lại sau chiến tranh sơn màu xanh kì cục, quá tương phản với màu trời, màu nước. Ngày xưa, cây cầu này đẹp nổi tiếng, bị bom phá sập thời chiến tranh.
Anh chàng có cái răng khểnh quay lại phía bọn tôi: - Cầu này hồi mới chiến tranh ác liệt lắm đấy.
- Vậy hả?
- Dạo đó tớ là lính pháo ở bên kia sông, tớ biết. Bọn F105 suốt ngày giã bom, không còn khí trời để thở nữa. Thế mà một
hôm tụi này thấy người ùn ùn kéo ra, cả ngàn người, đen đặc. Hỏi đại đội trưởng, tay này hi sinh rồi, thấy anh ấy càu nhàu: lệnh của bí thư tỉnh uỷ đấy, thanh niên phải đi lấp hố bom. Giữa ban ngày thế này à? Chứ sao! Anh ấy cáu. Lệnh gì kì cục. Hôm nay lại nắng thế này tha hồ nướng thịt con em. Quả nhiên, mới 8 giờ sáng bọn AD6 đã vù vù bay lượn xa xa, chỉ điểm. Bọn F105 thi nhau bổ nhào. Cánh pháo cao xạ chúng tớ hôm đó bắn mỏi tay. Rơi một chiếc AD6...
- Còn người?
- Cánh thanh niên xung kích hả? Chưa bao giờ tớ thấy nhiều người chết như vậy. Họ không có súng, họ hoàn toàn bé nhỏ, tay không, chạy như bầy kiến trên bờ sông trần trụi, lúc đó bom phạt hết cả cây cối. Bàn tay tớ đã moi một cái hõm đất lôi ra ba cô gái. Ôm nhau chặt cứng, không thể nào gỡ ra được. Tớ khóc rống lên. Sau có bố già cấp dưỡng làm cách nào đó gỡ họ ra được. Toàn thanh niên thành phố... Chưa bao giờ tớ thấy chết nhiều thế. Phải gần sáng mới dọn xong xác chết. Đang dọn, bọn Mỹ lại dập bom hai lần nữa, giữa đêm... mà toàn bom bi.
- Còn ông Tuyên?
- Sao?
- Có bị gì sau vụ huy động thanh niên đi lấp hố bom giữa ban ngày?
- Chả sao cả. Chỉ thấy báo đưa tin: Cầu G bắn rơi một máy bay AD6. Quân dân cầu G anh dũng tuyệt vời...
Cả xe lặng người đi. Người lái xe cũng cho xe đi chầm chậm. Gần hai mươi năm đã trôi qua, sau cái vụ đó. Tôi nhìn ngoái lại sau, cảm thấy những ánh mắt người chết còn oán trách, tức tưởi. Người thanh niên có cái răng khểnh, sau một lúc im lặng, nói như nghẹn ngào:
- Có quá nhiều những cái chết như vậy. Mà có thể tránh được chứ. Đi làm ban đêm, có sao đâu. Việc gì phải cho hàng ngàn con người tay không phơi ra giữa bãi trống?
- Nhưng cậu quên là năm bảy sáu, ở đây cũng có một vụ động trời hả?
- Tớ biết rồi!
Người lái xe nghiêng đầu về phía chúng tôi. Dạo đó anh ở trong Nam, anh không biết. Anh chàng có cái răng khểnh làm bộ đủng đỉnh:
- Vẫn là ông Tuyên. Thành lập đại công trường thủ công. Lại vẫn huy động hàng ngàn thanh niên làm thuỷ lợi. Vùng Q địa chất đâu có ổn định. Gần núi đá vôi. Những túi nước phục sẵn trong đất. Cánh địa chất nó đã can mà ông ta đâu có nghe. Tất cả trống dong cờ mở, hừng hực khí thế. Cờ, khẩu hiệu đỏ choé. Không hề có máy móc trợ giúp. Đến khi đất sụt, cũng không có máy moi bớt đất mà lôi người ra.
- Chết bao nhiêu?
- Không công bố số người chết. Cô có nắm được không? - Không, tôi không biết.
Thực ra tôi biết vụ đó, ngang một vụ động đất nhỏ. Một trăm tám mươi sáu người thiệt mạng. Toàn thanh niên... Anh chàng có cái răng khểnh thở dài:
- Sau đó, sụt đất, chết người, khí thế giảm hẳn. Rồi công trường tan rã. Thiệt hại bao nhiêu triệu đồng ai mà biết được. Toàn những con số động trời, lại toàn được giữ bí mật.
- Ở, nước mình vui thật, gì cũng bí mật hết. Để giữ uy tín cho một người, thế là tất cả trở thành mông lung mờ ảo, không biết đâu mà lần.
- Trước khi về nghỉ, ông ta còn làm một số nữa. Vài vố chứ không phải một.
- Kể thử xem.
- Vụ mà gần đây báo chí đang nói cạnh khoé đấy. Đang mùa lũ bão, lại ra chỉ thị cho cả huyện, cả ba huyện, đào ao thả cá. Thanh niên phải gác tất cả mọi việc đi đào ao. Mưa nó trút xuống. Nước dâng cao. Ao chuôm ngập hết. Cá cũng hết mà sức người cạn kiệt sau vụ ao chuôm đó. Nghe nói có nơi đói chết người.
- Đói chết là cái chắc!
- Cô có biết chuyện này không? Cô ở đây mà.
- Không, tôi không biết...
- Chà, làm báo như cô quá lành. Người ta bảo gì thì viết nấy hả?
- Vâng!
Tôi vâng cho qua chuyện. Những chuyện như thế này về bác Tuyên có rất nhiều. Cánh làm báo trong tỉnh biết không sót chuyện gì, nhưng không ai nói ra. Chúng tôi luôn nhận được lời khuyên là phải bảo vệ uy tín các đồng chí lãnh đạo trong tỉnh. Đôi khi tôi đau lòng vì đó là bác Tuyên tôi, người đã giết, một cách gián tiếp, biết bao nhiêu sinh mạng, và làm lao đao bao nhiêu số phận khác. Ông rời vị trí, tay chân hoàn toàn sạch sẽ, lương tâm yên ổn vì ông đã hoàn thành nhiệm vụ. Từ khi nghỉ công tác, ông hay gọi điện thoại cho tôi, bảo tôi tới chơi. Nghĩ giận ông, một năm đầu tôi không đến. Nhưng chị Cay, từ trong thành phố Hồ Chí Minh viết thư bảo tôi tới chơi với ông. Chị bảo ông là người không có bè bạn. Giữa vợ con, ông còn đơn độc hơn vì cả đời ông đối với họ như bạo chúa. Ông chăm lo đến việc làm, đến miếng ăn và số phận sau này của các con, nhưng ông quá xa về tình cảm. Ở trong nhà ông cũng tạo cho mọi người cảm giác như khi nhìn ảnh ông treo ở phòng khách: lãnh đạm, nghiêm khắc và dửng dưng. Bây giờ ông rất yếu đuổi – thư chị Cay viết cho tôi như vậy.
Tôi không nghĩ là ông yếu đuối. Do nghề nghiệp tôi hay đi nghe ông rao giảng chính trị ở các cơ quan đầu não tỉnh. Ông thường đi triển khai một nghị quyết mới. Vài tháng sau ông lại lên đúng chỗ đó xoá cái cũ và rao cái mới. Cứ như thế trong nhiều năm. Lúc nào tôi cũng thấy ông thong thả, lãnh đạm trước đám quần chúng. Đôi khi tôi cảm thấy ông khinh miệt người nghe nhưng ông cố giấu đi. Ông không bao giờ rút mùi xoa lau nước mắt khi nói đến nhân dân trên diễn đàn. Ông điềm đạm, khó khóc lóc và đó là điều tôi ưa ở ông.
Đám phóng viên Trung ương vẫn tiếp tục bàn tán về bác Tuyên tôi. Họ không có chút gì e dè nữa, thành ra nói là họ ác
khẩu cũng đúng. Ngay cả người lái xe cũng góp chuyện. Anh nói một điều mà tôi vẫn thường nghĩ:
- Thế thôi, lúc nào cũng có hàng triệu mạng người trong tay một con người. Muốn xoay chuyển thế nào cũng không xong...
Anh chàng ngồi cạnh tôi lại cười hì hì:
- Thế giới cũng vậy. Ở trong tay vài người, thậm chí một người. Lúc nào nó thích cho nổ, thế là a lê hấp... đi đời hết.
Cả đám cười ầm ĩ, vui vẻ. Anh chàng có cái răng khểnh lại quay xuống:
- Các cậu có nghĩ là ông Tuyên thích làm những chuyện như thế không?
- Có lẽ thích. Ông ta có thừa thông minh để biết là cái gì nên, cái gì không nên.
- Tôi cũng nghĩ như vậy! – Người lái xe nghiêng đầu. Và cả đám im lặng, dường như trong họ đang xảy ra cái gì đó sau khi đề cập đến một vấn đề không có tính đùa bỡn.
Nghe lời chị Cay, tôi đến thăm bác Tuyên và hoá ra nói chuyện với ông cũng được, nên tôi đã đến thường xuyên hơn, trở thành một người bạn tâm sự của ông. Ông khen tôi làm báo khá. Còn tôi, tôi thích xem cái gì ẩn sau vẻ mặt ít cởi mở của người bác ruột. Tôi nghĩ bây giờ ông chẳng còn gì để mất, chẳng còn gì phải che giấu, có thể hỏi ông vài điều chăng? Và cứ một hôm đến thăm ông, tôi lại hỏi ông về những việc ông đã làm mà dân chúng ngày nay vẫn đàm tiếu khá gay gắt. Nhưng tôi không được một lời giải đáp nào.
Phần lớn ông nghe khá kĩ và mỉm cười một cách ôn hoà. Ông thường hỏi tôi:
- Vậy hả? Họ nói như vậy hả? Ý cháu sao?
- Tại sao bác làm như thế?
- Có phải một mình bác làm đâu?
- Vâng. Nhưng bác có thể không để người khác làm...
- Bác không thể làm được gì hết. Rồi có lúc cháu sẽ hiểu. Thôi, cho qua chuyện này nhá.
Hai bác cháu thường ngồi ở bậc thềm xây đá cẩm thạch, lối đi xuống vườn. Những cuộc trò chuyện của hai bác cháu hôm nào cũng thế, ông muốn kết thúc cho ôn hoà, tôi không chịu. Thường thì ông xoa dịu cái đầu bốc lửa của tôi bằng nụ cười lạnh lẽo ẩn sau hàng ria mép hoa râm.
- Thôi, các cháu xới lên làm gì cho phức tạp?
- Nhưng có lúc người ta phải được biết tất cả các chuyện đó.
- Bác hiểu. Nhưng đợi đến lúc đó bác không đủ sức. Người ta không thể lôi bác ở dưới mồ lên được.
Tôi thở dài. Chuyện ấy quá đúng. Ông đã làm tròn sứ mệnh của mình. Dù ở khía cạnh nào, ông cũng đã làm xong...
Gần tối bọn tôi về đến tỉnh lị. Cả bọn vào quán ăn, ăn cơm đầu ghế. Họ nhất định kéo tôi vào liên hoan tí chút. Anh chàng răng khểnh nhìn tôi:
- Nhà báo “cỡ thượng” mà đi lại bằng xe đạp rách, ở phòng sáu mét vuông, bạn trai không có, mặt mũi lúc nào cũng nghiêm túc, làm như thế giới này toàn những chuyện quan trọng. Cô có biết như vậy cô chính hiệu là sản phẩm quá đát không?
Cá bọn cười ầm lên làm cho tôi cũng không nhịn được, phải cười xoà. Vẫn anh chàng răng khểnh chọc phá:
- Chính bọn mình mới thua thiệt. Bọn mình chính là lũ ngu, cứ đi khía vào những chuyện không đâu. Phải như ông Tuyên ấy, hả? Hưởng hết các thứ lộc trời và đám con cháu ông ta cũng được hưởng cái xái đó dài dài... Xái thôi nhá, nhưng là bậc vương giả đối với bọn ta... .
Người lái xe điềm đạm khuyên:
- Thôi đi cậu, những chuyện đó đâu có đáng đùa.
Tôi chia tay với đám phóng viên Trung ương và dắt xe đạp đi bộ qua mấy phố nhỏ. Đột nhiên đi không còn thấy háo hức nữa. Tôi nghĩ đến chị Cay và thấy anh chàng răng khểnh nói đúng: “đám con cháu hưởng xái”. Cho đến bây giờ chị vẫn còn sung sướng. Chọn được anh chàng mang quốc tịch Pháp và bay từ Sài Gòn ra... Tôi không thể sống được như thế. Anh chàng nào cũng phát ớn khi bước vào căn phòng sáu mét vuông của tôi, giường cá nhân, giá sách... toàn là các thứ đã mọt muỗng. Và một khuôn mặt xanh xao vì luôn luôn cô độc, túng thiếu. Tôi không được sống theo ý mình. Còn chị Cay, chị đã hưởng mọi thứ trên đời mà đâu có đổ một chút mồ hôi.
Tôi vào phòng vất cái túi ra giường và chả buồn rửa mặt, ngồi thừ ra. Đôi khi, cứ bỗng dưng ta lại nghĩ đến thân phận mình và không khỏi tủi thân. Có lẽ rất nhiều người như thế. Toàn những thân phận mong manh không có gì che chở...
Anh chàng trực điện thoại ở cơ quan xuất hiện. Tôi nhìn anh ta: lại một thân phận không đáng đếm xỉa. Anh chàng cao lòng khòng, hay ho, lúc nào trong túi cũng có một đống giấy báo để chùi mũi. Anh viêm mũi kinh niên, và cũng không cô nào dám gật khi anh ta ngỏ lời:
- Chào anh! Có chuyện gì thế?
- Cô mới về?
- Vừa về tới nơi!
- Khi chiều có ai điện thoại cho cô. Mà ở khu trung tâm. Cô quen ai ở khu đó?
- Quen sơ sơ thôi.
- Họ nhắc cô tới. Có một bà nào tên là Cay.
Tôi móc túi đi đường lấy cho anh ta mấy điếu thuốc tôi đã nhón trong một hội nghị ở huyện. Anh chàng quá mừng. Có lẽ cú điện thoại không quan trọng, cái quan trọng là mấy điếu thuốc.
- Chà chà, cảm ơn, cảm ơn...
Tôi định đi tắm rửa qua loa. Ra đến vòi nước, không có chút nước nào. Một lúc sau điện tắt. Khu tập thể của toà soạn bỗng như tổ ong vỡ. Các bà các cô kéo ghế ra trước cửa ngồi
nói oang oác. Chó kêu, mèo gào, trẻ con la hét... Mà không ai nhìn thấy mặt ai. Chắc cánh địa ngục cũng đến thế là cùng. Tôi chán ngán, mắc màn đi ngủ. Chị Cay! Mặc kệ. Đó là một thế giới không phải của mình. Thế giới ấy đầy ánh sáng.
Sáng hôm sau, tôi chưa dậy đã nghe thấy tiếng gõ cửa, và ai đó kêu tên tôi, giọng là lạ. Tôi nhảy xuống giường, soi qua mái tóc. ánh nắng xuyên qua cửa sổ. Tôi nhìn mặt tôi trong gương và thấy mọi thứ phiền toái đã có vẻ dịu đi. Tôi mở cửa: chị Cay.
- Chào cô em gái!
Chị Cay. Tôi thấy tim mình rộn lên trước sắc đẹp kì diệu của chị. Chị đẹp hơn trước quá nhiều. Chị không còn vẻ thờ ơ, dừng dưng. Đôi mắt chị nồng nàn bao vây tôi bằng cái nhìn tràn ngập tình yêu thương máu mủ.
- Chị chờ em cả tối qua! Chị về sáng hôm qua mà! - Về tới nơi, em mệt quá!
- Lại rắc rối rồi. Có chuyện gì phải không? Chị biết thừa là em không mệt đến mức không tới chị ngay.
Tôi đành cười xoà. Chị Cay là người quá thông minh. Lúc nào chị cũng nói đúng tâm trạng tôi.
- Dọn dẹp đi, chúng mình có khách.
- Ai vậy?
- Anh Quang.
- Trời đất ơi, chị đưa anh Quang tới đây làm gì, chị hại em rồi.
- Không sao đâu. Anh Quang tới đâu được là chị biết.
Hai chị em gấp màn, sửa cái gối. Chị Cay lấy chổi phẩy qua cái nhà. Cả tuần tôi đi vắng, bụi đóng dày lên mọi thứ. Chị Cay giục:
- Đi rửa mặt đi!
Tôi mở va li lấy cái áo tươm nhất, chạy vù ra nhà tắm tập thể. May quá. Nước đã chảy. Điện đã sáng. Ánh nắng tràn ngập sân và lối đi sau nhà. Tôi tắm, rồi vào nhà một chị gần đó chải đầu. Trông trong gương đã được lắm. Khi tôi về tới phòng thì thấy anh Quang đã ở trong đó. Chiếc xe cúp loại rất sang dựng ở trước sân. Tôi giật thót tim khi thấy anh Quang đang ngồi trên cái ghế tồi tàn tôi vẫn ngồi để viết những bài báo có các chuyện gay cấn thời gian gần đây. Cái ghế vừa mọt vừa khập khiễng. Chị Cay ngồi ở chân giường tôi. Chị vẫy tôi vào nhà. Anh Quang đứng lên ngay:
- Chào em. Anh là Quang. Anh nghe chị Cay kể về em rất nhiều. Hoá ra em rất giống với hình dung của anh về em....
Tôi nhìn thẳng vào mắt anh. Tôi chưa gặp một người thanh niên nào hấp dẫn như anh. Tôi nhìn qua chị Cay đang cười tươi tắn. Hai người đẹp như nhau, dường như sinh ra là để cho nhau. Và tôi tin ngay lời của các nhà tướng số: vợ chồng bao giờ cũng có nét giống nhau. Anh Quang hơi hao hao giống chị Cay. Họ sẽ sống với nhau rất được đây. Tôi nghĩ vậy.
Anh nhìn các thứ trong căn phòng độc thân tồi tàn của tôi một cách rất giản dị. Dường như anh cũng quen ở trong những căn phòng như thế này mặc dù nhìn qua trang phục đơn giản của anh, tôi biết anh giàu có. Những người thực giàu và xem chuyện giàu có của mình là chuyện bình thường không bao giờ phô phang qua quần áo và cử chỉ. Vẻ sang trọng tự nhiên của anh không một thứ bằng cấp nào tạo ra được. Tôi rất yên tâm khi anh ngồi trên cái ghế cũ của tôi, ở trong căn phòng mà lúc này không còn khiến tôi phải xấu hổ nữa.
- Em sống ra sao, Thảo?
- Anh nhìn thì biết, em như vậy đó.
- Bên Pháp bọn anh đầy đủ hơn, nhưng về cái này thì kém em, vì rất ít thời gian...
Anh chỉ lên tường, nơi tôi treo một bức phong cảnh. Trên sự yên tĩnh đời đời. Buổi sáng nào tôi cũng nhìn sự yên tĩnh của bức tranh mà không cầm được nước mắt trước cái cao cả, thiêng liêng của nơi mà con người đi tới cuối cùng.
- Anh đoán chừng em hay ngắm nó vào buổi sáng. - Vâng.
- Rồi chảy nước mắt ra, phải vậy không?
Tôi gật đầu. Cả ba chúng tôi cùng cười, rất lạ là trong tim tôi xuất hiện một tình cảm ruột thịt dành cho anh Quang. Anh không phải là người ở xứ khác. Anh có cái gì đó gợi cho tôi nhớ tới người anh ruột đã chết. Tình cảm đó đến thật nhẹ nhàng, sâu sắc. Tôi muốn được anh xoa đầu, được ôm trong
tay như ôm cô em gái nhỏ. Đã rất lâu tôi thấy không ai thân thiết như anh.
Sau đó anh cất xe máy vào trong phòng tôi và cả bọn đi ăn sáng. Anh đi giữa. Tôi và chị Cay đi hai bên anh. Tôi chưa thấy một người đàn ông thực sự nào mặc dù hàng ngày có biết bao nhiêu lần tôi đã chuyện trò, gặp gỡ với người này người kia. Ở xứ này, nỗi lo cho miếng ăn, những vật lộn vặt vãnh, những niềm vui tầm thường nhỏ nhặt đã tước đi phong thái đường hoàng của những người đàn ông. Họ đồng hoá với đàn bà và đi đâu cũng gặp chỉ một giới với nhau, nhìn mãi đâm ra nhàm chán và không còn thói quen xem đây là đàn ông hay đàn bà nữa. Đã rất lâu tôi mới có cảm giác là đang đi cạnh một người đàn ông. Anh hỏi tôi:
- Sao em không lập gia đình đi, sống thế này buồn lắm.
Chị Cay liếc xéo mắt về phía tôi. Tôi trả lời anh rất thành thực:
- Không có ai yêu em.
- Tại em chưa gặp một người đàn ông nào, phải vậy không? Chị Cay cười nho nhỏ. Anh Quang trầm ngâm:
- Điều đó đôi khi chỉ là cảm giác. Em phải xoá những ác cảm đi, em đừng nuôi những ác cảm không cần thiết, rồi sẽ đâu vào đấy thôi, khi em đã có một người bạn đời.
- Anh nói nghe rất dễ. Anh có chị Cay, anh nói như vậy và bắt người khác phải nghe. Em đâu có được như anh?
Anh cười thoải mái và ôm vai chị Cay. Cả bọn đi xuống dốc để vào khu ăn uống. Anh nắm tay tôi kéo vào gần vỉa hè khi có chiếc xe đi ngược chiều. Tôi thấy rất vui. Trên chuyến xe từ huyện về chiều hôm qua tôi đã nghĩ tới anh Quang khác hẳn khi anh chàng răng khểnh nói tới đám con cháu “hưởng cái dài dài” của mấy ông kiểu bác Tuyên tôi. Tôi hình dung anh để ria con kiến, cầm cây ghi ta hờ hững, hát giọng khàn, mắt phải nhắm lại vì tự say sưa vẻ kênh kiệu của chính mình. Anh sẽ bật tay tanh tách gọi xích lô mà không nhìn người đạp xích lô, sẽ lơ đãng nhìn tất cả mọi người kiểu như làm duyên với các cô các bà... Không hiểu sao tôi lại tưởng tượng ra anh Quang theo chân dung của một nhạc sĩ kiêm ca sĩ thời thượng mà tôi hay thấy trên ti vi...
Chị Cay bảo tôi:
- Chúng mình đãi anh Quang món gì bây giờ?
- Anh thích gì nhất nào?
- Từ nhỏ anh sống trong Nam, qua Pháp nếu muốn ăn cơm nhà thì mẹ anh cũng toàn làm các món trong Nam thôi. Như là mắm tôm chua ăn với thịt luộc rau sống, cua lột nhậu lai rai với bánh tráng mè, mì khô xào giòn, chạo tôm...
- Trời, anh nói gì nghe mà thèm!
- Anh ít được ăn món ngoài Bắc. Đãi anh cái gì thật ngon đi. Tôi đề nghị:
- Bún thang bà Tư béo đi chị.
- Phải rồi. Lâu quá chị mới được ăn lại.
Bà Tư có cái quán trong ngõ sâu, cái ngõ có rất nhiều cây bàng già. Quán xuềnh xoàng nhưng bún thang thì ra trò. Bà Tư nhìn thấy chị Cay, chạy ra đón. Chào cô. Nghe nói cô vào Nam đã lâu. Vâng, cháu mới ra. Đây là anh Quang bạn cháu ở bên Pháp về. Anh ấy muốn ăn bún thang của bác. Quý hoá quá. Mời anh và hai cô vào đây. Ngồi bàn này cho mát. Kiển! Chuẩn bị ba cái bát Tàu cho bà...
Anh Quang có vẻ rất xúc động. Anh dựa lưng thoải mái vào gốc cây bàng. Chị Cay cười bằng đuôi mắt:
- Bà chủ đang rối lên kìa, anh Quang. Bà ấy được tiếp người nước ngoài mà.
Anh Quang cười buồn buồn:
- Ờ, ở Pháp mang quốc tịch Pháp vẫn bị xem là người nước ngoài. Về Việt Nam dù còn hộ chiếu Việt Nam cũng bị xem là người nước ngoài. Đâu có vui gì?
- Vậy tốt hơn là anh cứ về nơi mà mình sinh ra.
- Anh đâu có được biết nơi mình sinh ra. Anh cũng muốn về đó quá đi chớ. Anh đâu muốn tạm cư bên đất Pháp, tạm cư khi về Việt Nam, tạm cư trong cộng đồng, đôi khi tạm cư cả giữa gia đình mình.
Anh Quang và chị Cay nói với nhau vấn đề mà có vẻ hai người đã nói nhiều lần. Anh Quanh nói nhẹ nhàng, có cái gì như xót xa. Tôi không được rõ lắm nên lặng thinh nghe hai người thì thầm. Anh quay lại tôi:
- Quên nói cho Thảo rõ. Bố mẹ anh cũng người ngoài Bắc, nhưng mất cả rồi. Mẹ nuôi đưa anh vô Sài Gòn, mãi năm bảy
mươi mới qua Pháp.
- Em cũng có được đọc thư chị Cay gửi em hôm nọ.
Chị Cay đứng lên lại chỗ bà Tư đang trần bún. Anh Quang nhìn theo chị:
- Chuyện thật buồn, phải không em?
- Buồn thật, nhưng có cái may là anh đang sống bên Pháp.
- Cũng không may lắm. Có cái gì vẫn kêu gọi anh quay lại đất này. Anh nói thiệt, không làm tàng chút nào đâu...
- Em hiều.
- Cũng không dễ hiểu lắm. Anh không biết tại sao anh sống không yên bên Pháp. Anh có công việc làm, kiếm được tiền, vậy mà đầu có yên. Cũng chỉ là những cảm giác thôi, nhưng em biết đấy, đôi khi cảm giác không đâu cũng khiến mình mất ăn mất ngủ.
- Đôi khi như thế thật.
- Anh tính đợt này cưới xong, anh sẽ quay về sống với chị Cay ở Sài Gòn.
- Còn mẹ nuôi của anh?
- Anh đưa về luôn. Mẹ anh không chịu sống xa anh. Em thấy sao?
- Em nghĩ anh đừng về thì hơn. Đất này quá nhiều chuyện buồn, sống ở đây anh chịu sao nổi? Nếu anh có vợ thì ở đâu anh cũng sống yên được.
- Cũng có thể thật. Đây là ảnh mẹ ruột của anh mà mẹ nuôi anh giữ được.
Anh mở cái ví nhỏ, đưa cho tôi một tấm ảnh cỡ 6x9. Ảnh rất rõ nét mặc dù nhìn, biết ngay là ảnh chụp đã lâu. Tôi nhìn dán mắt vào người đàn bà trong ảnh. Một khuôn mặt quý phái, đẹp lạ lùng. Tự dưng tôi thấy nao nao. Có lẽ do tác động của khuôn mặt cao quý kia. Đằng sau bức ảnh là dòng chữ viết bằng mực xanh còn rõ nét “Cu Tị ơi, con giữ ảnh này để biết mẹ con, hãy thương mẹ Hàn như mẹ. Làng Sầm 1953"
- Sao anh lại có tên là Tị?
- Tên hồi nhỏ mà. Anh sinh năm Tị. Vô Sài Gòn, đến tuổi đi học, mẹ nuôi anh mới đổi tên cho anh, nhưng ở nhà cụ vẫn gọi anh bằng Tị.
Bà Tư bưng tới một cái khay trên có ba bát bún trắng ngần. Chị Cay đi sau bà cầm đĩa chanh ớt. Bà ngọt ngào:
- Đãi khách nước ngoài phải tự tay tôi pha chế. Đã lâu lắm tôi ít tự tay làm, chỉ đứng trong bếp chỉ huy.
- Bác đừng kêu con là khách nước ngoài. Con người Việt trăm phần trăm mà bác.
- Nhưng cậu mang quốc tịch Pháp. Cậu đâu còn là người Việt. Người như cậu phải mang quốc tịch Pháp mới đúng. Người Việt Nam trông nhom nhem lắm. Vất vả mà cậu. Cậu và hai cô vắt chanh vào bát bún đi. Chà, người Pháp...
Tôi thấy anh Quang buồn khi nghe bà Tư đang xởi lởi nói ra ý nghĩ của mình. Chị Cay cũng thấy điều đó. Chị ngắt lời bà
Tư:
- Bác nói cho chúng cháu bí quyết làm món bún thang nổi tiếng của bác đi.
Bà Tư kéo ghế ngồi cạnh, nhìn bọn tôi ăn. Bà cười tươi tắn:
- Ngon không ạ? Vâng, tôi đã làm thì không ai chê được. Phải chọn loại gà ri thiến, ba cân trở lên. Luộc xong, khi vớt gà, phải lấy tăm châm vào bọng nước ở bầu cánh cho chúng khô, có thế khi chặt thịt mới không nát.
- Còn nước dùng thì sao, bác?
- Phải là nước luộc gà, cùng với tôm he, xương lợn, phải là loại xương gối, rồi xương gà, nấm hương, nước mắm, mì chính, hành củ phi khô với mỡ gà... Phải thật là nghệ thuật khi pha chế cậu và hai cô ạ. Còn những món bày trên bát thì phải chú ý cả màu, cả mùi. Vừa ngon lại vừa đẹp. Trứng thái mỏng, giò lụa thái rối, củ cải dầm, tôm he giã thành bông, thịt gà xé bày cạnh thịt gà thái mỏng. Rồi còn mắm ăn thì phải có hạt tiêu, có ớt... Các vị có cảm thấy hết các thứ mùi không ạ...
- Ngon quá, bác. Ở trong Sài Gòn không ai làm ngon như bác.
- Cung có người sành cách làm, nhưng phải là các thứ gia vị ở đất nào để hợp với bún thang kia, cậu và hai cô ạ. Phải là đất Bắc. Cà cuống, rau mùi ở đất này ngon đặc biệt, không ở đâu ngon như thế.
Bà Tư ngồi cùng bàn cho đến khi bọn tôi ăn xong. Bà cười hề hả khi anh Quang ăn đến thìa nước cuối cùng.
- Ăn như cậu mới là người biết thưởng thức. Phải không để phí một giọt nào. Để lại một thìa cũng là phụ công người sáng tạo ra nó, phải không ạ?
Bà tiễn chúng tôi ra tận ngoài đường, luôn mồm mời cả bọn tới ăn nữa. Bọn tôi ra bờ con sông lớn đi qua tỉnh. Đột nhiên chị Cay hỏi anh Quang:
- Sao anh không tìm về làng Sầm?
- Anh phải về lại Pháp hỏi mẹ thiệt kĩ. Mẹ không bao giờ nói cho anh biết làng đó ở đâu. Bà bảo không có ai ở làng nữa. Tất cả đã chết. Và cũng không ai biết mình là ai. Bà có vẻ ghê sợ mỗi khi anh nói tới chuyện đó.
Bọn tôi đứng trên bờ sông. Gió từ phía bên kia sông thổi tới. Đứng ở chỗ này có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố. Thành phố có cảng sông, có nhà máy và những khu buôn bán kéo dài, bắt đầu sầm uất từ một năm nay. Anh Quang nheo con mắt:
- Đất Bắc mình đẹp dữ! Anh chưa thấy nơi nào thiên nhiên đẹp như thế này.
- Anh lại thiên vị rồi.
- Không, anh nói thiệt. Các nơi nhiều sắt thép xi măng quá, nhiều ô tô, nhiều khói xăng dầu. Đất mình còn có cái gì nguyên sơ, trong trắng.
- Cái dạ dày cũng ở dạng nguyên sơ!
Anh Quang cốc nhẹ vào đầu tôi. Cả ba chúng tôi nắm tay nhau chạy xuống dốc, dưới bờ sông có cát. Ngoại trừ cái tâm
trạng bứt rứt của anh Quang về nơi sinh ra mình, về cái gì không rõ rệt cứ níu kéo anh quay lại đất Việt, ngoại trừ cái phiền toái trong tâm hồn tôi... còn lại là niềm vui thích tràn ngập. Chúng tôi còn trẻ, còn có quá nhiều việc để làm. Mọi thứ đang mở ra trước mắt có vẻ sáng sủa, dễ chịu, chứ không còn dữ dằn và tăm tối như trước kia... Tôi hỏi:
- Anh Quang đã nói chuyện với bác Tuyên chưa? - Chưa gặp đâu em!
- Sao vậy?
Chị Cay đứng bên cạnh ngả đầu vào vai anh:
- Bố chị về Hà Nội đón bác Cả. Sáng hôm qua anh chị tới nhà thì bố chị vừa đi. Có lẽ chiều nay sẽ gặp.
- Anh hồi hộp dữ đó nghe, Cay!
- Anh yên tâm. Bố em mê anh ngay cho mà xem.
- Anh không hình dung được khi nói chuyện với một chính khách cỡ lớn như bố thì sẽ ra sao.
- Không. Cụ là chính khách từ xưa rồi. Giờ đây cụ là một ông già về hưu, mọi thứ cho cuộc sống phải bắt đầu từ đầu.
Chúng tôi chia tay nhau, hẹn gặp lại buổi chiều. Tôi về căn phòng trống trơn ngồi thừ ra vì buồn và khát vọng. Nếu đã yêu thì phải gặp được tình yêu lớn, như chị Cay. Điều đó đâu có dễ gì?
***
Tôi đạp xe đến biệt thự lớn khi thành phố sắp lên đèn. Trong sân có cái xe con mà bác tôi, sau khi nghỉ công tác vẫn được dùng khi có việc gia đình phải đi xa. Người tôi gặp đầu tiên vẫn là chị Cay. Chị nói vào tai tôi:
- Ông già có vẻ trầm ngâm khi gặp con rể tương lai. - Vậy hả?
- Không hiểu cụ khoái hay còn băn khoăn cái gì?
- Em chắc là cụ khoái. Được ông con rể như Quang ai chả mong, còn cần gì nữa?
Cả nhà đã đông đủ. Tôi vào chào bác Cả. Bác đã tám mươi, râu bạc trắng. Thời trước cụ có ở ngạch quan lại gì đó và đến bây giờ, cụ vẫn còn giữ cái vẻ sang trọng của những người một thời thét ra lửa. Bác Tuyên vẫy tôi lại gần. Trông ông có vẻ bồn chồn sao đó, chứ không lãnh đạm như những lần tôi gặp ông. Ông hỏi tôi về công việc dưới huyện V. Tôi kể chuyện thằng cha giết bố. Ông chú ý nghe và mắt nhìn theo anh Quang rất chăm chú.
Phòng khách dưới nhà trang hoàng bằng các tấm thảm của các quốc gia trên thế giới mà bác Tuyên có dịp đi thăm. Một tấm thảm Ba Tư rất lớn có mô tả một truyện cổ treo chính giữa phòng khách, làm cho không khí có vẻ rộn ràng. Dãy bàn giữa nhà kê dài, trải khăn trắng. Bữa tiệc mà bác Tuyên gái đặt sẵn ở khách sạn trước nhà đã đưa sang. Có hai cô gái mặc đồng phục khách sạn tới phục vụ. Bác Tuyên gái mặc áo dài trắng thêu hoa xanh. Bà vẫn giữ cái thói đỏm dáng của một bà lớn tỉnh lẻ, rất không hợp với tuổi sáu mươi của bà. Thành thử trông bà có vẻ lạc điệu với đám con cháu trong
những bộ trang phục thoải mái, ít cầu kì. Bác lại chỗ tôi cười: Đã lâu không thấy cháu tới chơi. Cháu xem như vậy được không? Nhà rộng, bác đặt tiệc sẵn ăn ở nhà cho thân mật. Tôi bảo: Được quá đi chứ bác. Bà còn muốn nói cái gì đằng sau những câu đó nhưng tôi lảng đi. Tôi không mấy ưa các bà “ba đời trong sạch”, trở thành các bà quan cách mạng lại hợm hĩnh hơn tất cả mọi thứ thành phần trên đời. Bà vẫn có ý nể tôi vì tôi tỏ ra bất cần những thứ mà bà có. Tôi không bao giờ ăn cơm ở đây và không hề chịu luỵ một chút nào trong cái núi của cải mà cứ như từ trên trời rơi xuống, chất đống trong ngôi nhà của bà. Tôi chỉ thấy lạ tại sao chị Cay không có một chút máu nào của mẹ. Chị như sinh ra từ một dòng khác.
Mọi người lục đục vào phòng tiệc. Toàn là bà con trong thành phố. Ông già bà cả ngồi một nhóm với nhau. Đám thanh niên loăng quăng chạy ra chạy vào. Bác Cả ngồi chính giữa. Anh Quang đi từ dưới sân lên, chen tới trước mặt bác Cả, chắp tay xá một cái dài rồi quay sang bác Tuyên tôi, anh cũng xá một cái rất dài, theo lối xưa. Tất cả mọi người cười ồ. Bác Cả có vẻ thích cử chỉ đó của anh Quang:
- Sao lại cười? Người Việt là phải lễ nghĩa như vậy. Mấy chục năm dân mình mải làm cách mạng, quên cả các thứ lễ nghĩa. Bà con ở xa mới còn giữ được những cái đó. Quý lắm con ạ.
- Dạ, người Việt mình ở nước ngoài giữ tất cả những gì là của dân tộc mình. Nếu không thế thì dễ bị tiêu vong. Mình đầu được như người châu Âu ạ. Họ đến đâu cũng ở thế của kẻ đi chinh phục, họ được tự do xây dựng nền văn hoá gốc của họ ở đất mà họ đến ở nhờ...
Tôi ngồi gần đấy nên nghe rõ anh Quang nói chuyện với bác Cả. Bác Cả chăm chú lắng nghe. Tư thế ông như chồm về phía trước. Ông lúc nào cũng bất chấp tuổi tác. Ông muốn tham gia vào tất cả mọi chuyện trên đời. Bác Tuyên ngồi bên kia bàn, đối diện với con rể tương lai. Ông là người ít bộc lộ tình cảm. Nhưng hôm nay ông rất xúc động. Từ khi anh Quang vào phòng tiệc, hai bàn tay ông run run. Tôi thấy điều đó vì ông hút tẩu và cố gắng cầm cho cái tẩu khỏi run. Ông chăm chú nhìn anh Quang đang đàm đạo với bác Cả, mặt ông có cái vẻ gì đó, như phân vân lắm, băn khoăn lắm, và cả sự hốt hoảng khó che giấu. Tôi nghĩ là ông yêu chị Cay, và ông còn muốn tìm hiểu gì đó ở chàng rể mới có thể yên tâm được.
Bữa tiệc quá sang trọng. Tôi rất ít khi được ăn những món như thế này nên ngay cả tên gọi các món ăn tôi cũng mù tịt. Không khí tràn ngập sự xúc động chân thành, có lẽ ai cũng cảm nhận được hạnh phúc của chị Cay. Chị đẹp rạng rỡ, đôi mắt đen thẳm của chị như có nước lấp lánh. Chị quay phải, quay trái, nâng cốc với hết người này tới người kia. Anh Quang nheo mắt, chống tay lên cằm nhìn chị Cay. Cử chỉ này không có gì đặc biệt nhưng không hiểu sao bác Cả tôi nhìn anh như thôi miên. Ông nhìn, và bàn tay đang cầm đĩa có xiên một miếng chả của ông cũng run lên nhè nhẹ. Rồi ông ngồi ngả người ra sau ghế, trầm mặc suốt bữa tiệc. Anh Quang nói gì ông cũng ậm ờ cho qua. Ông không nhìn anh Quang nữa mà chăm chăm nhìn lên tấm thảm Ấn Độ có in tức dệt hình cô gái chăn bò thương yêu của thần Krishna. Tôi cảm thấy lo lắng.
Khi tiệc xong, bác Cả và bác Tuyên lên gác nghỉ. Những ông già bà cả lần lượt ra về. Anh Quang chắp tay xá tất cả những
người lớn tuổi làm cho ai cũng vừa cười vừa cảm động. Sau đó còn lại mấy người trẻ tuổi. Anh Quang cầm cây ghi ta ngồi giữa. Chị Cay, tôi và một lô bọn trẻ ngồi quây lấy anh. Anh đang say say tí chút và tôi thấy anh càng dễ chịu. Anh so dây đàn, quay lại bảo tôi:
- Khi ở bên kia anh tưởng dân Bắc mình nghèo, cắm cúi làm ăn ít khi để ý đến mọi chuyện. Vậy mà về đây anh thấy đã quá. Nói chuyện gì với em, với chị Cay, hay như mấy anh chị này... đều được cả. Mà sống đâu có lúi xùi gì, tươm tất quá, cỡ này bên Pháp cũng hiếm.
Tôi bật cười:
- Bác Tuyên là người cỡ lớn, rất đặc biệt, nên cuộc sống này là hiếm.
Anh Quang ôm vai chị Cay:
- Vậy mà ngày đầu gặp em, anh đâu có biết em là tiểu thư.
- Tiểu thư với anh thì ăn nhằm gì. Em cứ thường thường như ngày đầu gặp đó anh lại chịu được. Phải vậy không?
Sau đó anh Quang hát. Rồi anh kể cho bọn tôi nghe những ngày đầu trên đất khách quê người. Vất vả, cô độc và tủi nhục. Phải tìm mọi cách để có chỗ đứng giữa những người xa lạ. Mà phải đứng đàng hoàng, có tư cách, không ai xem thường được mình. Nhọc nhằn hơn sống ở quê nhà rất nhiều...
Tôi vừa nghe anh trò chuyện, vừa im lặng giở xem tập an bom nhỏ anh mang theo, cỡ an bom bỏ túi. Có hình vài ba cô gái đẹp tươi cười đứng bên anh trong vài bức ảnh. Còn lại là
ảnh người mẹ nuôi của anh. Một bà già tóc bạc, mặc áo dài, giữa khung cảnh sang trọng vẫn là một người đàn bà bình dân và phúc hậu. Trong các ảnh chụp với anh Quang, bà hay mặc áo dài đen thêu hoa vạt trước. Họ chụp ảnh cả sân căn nhà nhỏ của hai mẹ con. Có bàn uống trà kê trước cửa. Tấm màn gió tuyệt đẹp màu xanh. Cuộc sống có vẻ yên bình và giản dị, tuy giàu có. Căn nhà rất đẹp.
Bác Tuyên xuất hiện ngoài cửa sổ mở ra phía hành lang. Chỉ có mình tôi trông thấy ông, anh Quang đang hát và mọi người chìm trong tiếng hát hay của anh. Ông vẫy tôi. Tôi đi ra.
- Nghe bác gái nói anh Quang có ảnh của mẹ đẻ mang theo? - Có bác ạ.
- Cho bác xem!
Tôi quay lại phòng. Tấm ảnh người mẹ đẻ anh Quang đã kẹp vào trang đầu tập an bom. Tôi đưa cả tập an bom cho bác Tuyên. Bác bảo để bác mượn đem lên trên nhà xem cho rõ. Tôi không để ý lắm, tuy có hơi lo lắng về một cái gì đó.
Khoảng nửa giờ sau, bác Tuyên lại vẫy tôi ở cửa sổ: - Lên đây bác bảo!
Tôi theo ông. Tôi thấy ông thở dốc. Và thân hình ông nhỏ đi, lọt thỏm trong cái cầu thang dốc ngược, kiểu cầu thang nhỏ làm trong nhà. Tôi hỏi: sao thế bác? Ông khoát tay bảo tôi: đừng ồn. Và ông chỉ tay xuống nhà, phía căn phòng có đám thanh niên đang cười ầm ĩ vì một chuyện gì đó. Lên đến phòng ngủ, mồ hôi toát ra đầm đìa trên trán ông. Tôi vội lấy
khăn lau mấy dòng mồ hôi như suối. Trán ông lạnh toát. Ông ngồi ở chân giường, như một kẻ hèn mọn bị móc túi lấy mất đồng xu cuối cùng. Tôi suýt khóc vì tư thế đó của ông.
- Bác làm sao thế? Cháu sợ quá.
Ông nói, mắt không nhìn tôi mà nhìn thẳng lên bức tường trống không:
- Cháu là một đứa con gái ngoan. Xưa đến nay bác vẫn quý cháu. Thôi thì bác nói với cháu vậy. Cháu ngăn cho bác, ngăn ngay, đừng cho chúng nó đi thêm nữa, thế đủ rồi, đừng cho chúng nó ngủ chung giường.
Tôi hoảng hốt. Ông chỉ xuống dưới nhà. Tiếng cười vui vẻ ở đó dội lên. Tôi hiểu: chúng nó là anh Quang chị Cay.
- Nó là thằng Tị. Bác đã bỏ nó. Trời xui nó quay về hại bác. Nó ăn nằm với em nó cả tháng trời trong Sài Gòn. Bây giờ chúng nó sống như vậy. Chưa cưới xin đã ăn nằm với nhau. Trông chúng nó đầu mày cuối mắt, bác biết là nó đã ăn nằm với nhau rồi. Trời xui nó về hại tôi.
- Bác nhầm rồi, tội nghiệp bác! – Tôi oà khóc.
- Nhầm sao được nữa. Nó, thằng Tị đẻ ở làng Sầm. Cô Hàn bế nó đi. Tôi biết hết. Lúc đó tôi không thể làm gì được. Có phải tại tôi đâu. Nhìn mặt nó, ngay từ đầu tôi đã ngờ ngợ. Tim tôi đau nhói từ khi thấy nó, tôi cũng không hiểu vì sao...
Ông vật vã, nói như mê sảng. Tôi cảm thấy cái đau khủng khiếp đang lướt đi, chà xát cơ thể ông. Không thể đừng được, tôi qua gọi bác Cả. Hoá ra bác Cả cũng không ngủ. Ông xua tay: ông đã biết hết. Ông theo tôi sang phòng bác
Tuyên, bác Tuyên ghì cả cái gối vào người. Tôi cho ông uống nước, xoa dầu vào tay chân ông. Tôi định gọi bác gái, ông kéo tay tôi như hoảng hồn:
- Đừng nói hở ra. Đừng hở cho ai biết... Đừng!
– Tôi gật đầu. Bác Cả nói cách cam chịu:
- Số đã vậy kệ nó, làm gì được. Đuổi thằng Tị đi, thế là xong. Khi ăn cơm, nhìn thấy cái kiểu ngồi của nó, tôi đã giật bắn người. Nó giống anh cái thời anh còn học ở Hà Nội, giống như lột... Cái số nó thế. Cũng là còn may.
Tiếng cười dưới nhà lại vang lên. Tôi thấy rất kinh khủng. ***
Mọi chuyện thực ra cũng không có gì ghê gớm lắm, trên một đất nước chỉ toàn lưu lạc, chiến tranh, đau khổ. Tôi cứ nghĩ ngày xưa người ta bịa ra chuyện “hòn vọng phu”, hoặc là chế nhạo sự vô vọng của thân phận con người bé nhỏ trong bàn tay sắt của số mệnh, hoặc là than vãn cho những cảnh huống thương tâm của trần thế. Không ngờ chuyện ấy lại rơi vào gia đình bác Tuyên tôi, chỉ có điều con đường dẫn đến thảm kịch không thời nào giống thời nào.
Làng Sầm chính là quê ông nội tôi. Khi cụ từ quan ở triều đình Huế, đã đưa bà nội tôi, một cô gái Huế chính cống, ra ngoài này lập nghiệp. Tôi lớn lên, không thấy ai gọi là làng Sầm. Chỉ nghe gọi tên là hợp tác xã Quyết Tiến – làng Quyết Tiến. Cái tên làng Sầm hay ho xưa kia đã chìm nghỉm, mất hút trong những đợt sóng thần của cách mạng. Tên đó chỉ còn le lói trong kí ức những người già.
Bác Tuyên đậu tú tài ở tỉnh, ra làm ở ngành hoả xa. Bà nội tôi cưới cho bác một tiểu thư thuộc dòng dõi cao sang nhất tỉnh. Bác Tuyên gái đẹp đến mức về nông thôn ở với bố mẹ chồng, bà ít dám đi ra đường. Sắc đẹp của bà khiến đám tá điền ăn không ngon ngủ không yên. Ông nội tôi mất từ lâu. Cưới vợ cho bác Tuyên tôi được hai năm, bà nội tôi cũng qua đời. Gia tài của một ông quan thanh liêm không có gì nhiều nhặn, một ít ruộng đất cho cấy rẽ, một vườn chè rộng bát ngát phải thuê người hái và một khu nhà ngói so với vùng nông thôn nghèo thời ấy, là quá to, quá khang trang và cũng quá ngứa mắt. Bác Tuyên tôi thừa hưởng gia tài vì bác Cả đã theo con gái ra sinh sống ở Hà Nội. Bố mẹ tôi cũng ở lại làng. Bố tôi ngày ngày vẫn qua dạy học bên phố phủ. Mẹ tôi mở hàng nước nuôi anh tôi ăn học. Bác Tuyên gái, từ khi mẹ chồng mất, cũng bỏ áo dài, vòng xuyến, tóc búi cao lên và cắp giỏ đi hái chè. Đám đàn bà tức tối khi thấy bác đi qua. Làm sao nó lại đẹp thế, lại trắng trơn thế? Dễ chúng nó chưa bao giờ bị đỉa bám vào chân!
Những người đàn bà bàn tán như cào cấu vào tấm thân thanh tú của bác Tuyên gái. Bác nín lặng lúi húi trong vườn chè. Thời gian này không được thuê người làm nữa. Mà vườn chè rộng đến ngút tầm mắt. Bác lại đang có thai anh Tị.
Đầu năm 1953, bác Tuyên, khi ấy đã tham gia chính quyền ở tỉnh, từ xa ngửi thấy mùi tử khí bắt đầu toả ra trong không khí chính trị ở nông thôn, đã viết thư cho vợ là yên tâm chờ, ông sẽ về khi nào yên hàn. Bác Tuyên gái khóc lóc, bụng mang dạ chửa bắt đầu phải cáng đáng mọi việc. May khi ấy có bố mẹ tôi ở gần. Nhưng ai làm gì được nữa khi những người du kích đêm đêm đã xuất hiện xung quanh dinh cơ ông nội tôi, đã bắt đầu lên cò súng chĩa vào những người
trong nhà. Còn bác Tuyên thì lặn mất hút trong cái biển chính trị sôi sục lúc ấy.
Cuối năm, bác Tuyên gái sinh anh Quang, đặt tên là cu Tị. Anh Quang mới được ba tháng tuổi thì bà bị lao phổi nặng. Lúc này bà đã bị đuổi ra cái chòi để lúa cuối vườn. Những cơn ho đã rút kiệt sức lực của bà. Bố mẹ tôi bị cách li không thể nào đến cứu giúp người chị dâu khốn khổ. Một đêm mẹ tôi mò được vào vườn mang cho bác Tuyên nắm gạo. Mẹ tôi bị một bàn tay trong cỏ nắm chân, hất ngược lại, ngã xuống những gốc cây người ta vừa phá vườn, chặt để ngổn ngang. Nắm gạo tung toé biến mất trong cỏ, còn bà thì bị bắt giam trong hầm tối hai tuần vì tội liên lạc để tẩu tán tài sản của địa chủ. Trong cơn nguy cấp, đói, đứa con khát sữa gào khóc suốt đêm, bác Tuyên nhớ đến cô Hàn, một người bà con xa bên họ nhà bác ở phố phủ buôn bán một mình. Bác nhắn cô Hàn. Cô Hàn phải xin xỏ hết nước mắt để được vào thăm người chị họ. Bác Tuyên gái trao cu Tị cho cô Hàn: Cô đi đi. Tìm cách đi thật xa, cứu lấy cháu.
Bà giấu được cái vòng cổ bằng vàng ròng, của hồi môn bố mẹ bà cho khi về nhà ông nội tôi. Cô Hàn cầm cái vòng, khóc:
- Chị ơi, em đi làm sao được?
- Cô đi đi. Đợi đêm khuya, cô bế cháu đi tắt bờ sông, ra bến xe chợ phủ. Cô đưa cháu ra Hà Nội, ngoài ấy chắc ít sóng gió, rồi đi đâu được thì đi. Cô phải nuôi cháu cho tôi.
- Chị ơi, em yếu ớt lắm.
- Cô phải giúp chị. Nếu tôi không ốm là tôi trốn đi rồi. Đây là ảnh tôi chụp ngày sắp cưới. Cô giữ cho cháu để sau này cháu biết mẹ cháu là ai. Cô nói với cháu là bố cháu chết rồi. Đừng bao giờ cho cháu quay lại làng Sầm. Cô phải giữ đừng cho cháu quay lại. Nó quay lại đây thế nào tai nạn cũng giáng xuống đầu nó. Cô hứa với tôi đi...
- Vâng, em hứa!
- Cô mang nó đi xa chừng nào hay chừng ấy. Đừng nói cho nó lối về làng Sầm nhá. Tôi chết đi tôi sẽ phù hộ cho hai mẹ con cô. Từ phút này cô gọi cháu là con...
Cuộc chia tay giữa cái sống và cái chết ấy diễn ra trong đêm tối mưa lạnh thấu xương. Đứa trẻ không khóc được nữa vì đói. Cô Hàn lấy nắm gạo sống nhai nhỏ, mớm cho cu Tị. Bác Tuyên gái nằm trong đám lá chuối, giơ tay sờ vào mặt mũi tay chân đứa bé rồi xua cô Hàn: đi đi!
Cô Hàn để lại cho người chị họ nắm gạo mang theo, bế cu Tị biến vào bóng đêm. Trời mưa rét. Du kích đã bỏ gác vào cả nhà ông nội tội trú lạnh. Ánh đèn măng sống sang choang trong nhà khách, cùng những trận hò hét cười đùa trong đó đã tiễn cu Tị ra đi êm thấm. Cô Hàn bế cu Tị ra Hà Nội, xuống Hải Phòng. Cô tìm cách lên được một chuyến tàu nào đó đi Sài Gòn và biến mất trên đất Bắc.
Bác Tuyên gái nói với mẹ tôi khi chị em được gặp nhau: “Gửi cu Tị đi, tôi chết được rồi”. Bác thổ huyết mấy lần một ngày rồi chết, nằm co như con tôm trong đám lá chuối khô. Bố mẹ tôi được phép bỏ chiếu bác đem chôn ở Cồn mả. Bác Tuyên vẫn biệt tăm, mặc dù bác Cả có nói với ông chuyện cô Hàn bế đứa con trai ba tháng tuổi ra đi, chuyện vợ ông thù oán sự
hèn hạ của ông và đã chết tức tưởi giữa những người xa lạ. Bác Tuyên vẫn không về làng thăm mộ vợ, dù về một cách bí mật. Ông lặn rất kĩ, rất sâu, đến khi ngoi lên, ông đã ở bậc cao chót vót. Ông cưới một người đàn bà có lí lịch trong sạch, hoàn toàn đảm bảo, xuất thân từ bần cố nông và trở thành cô hàng xén từ sau cuộc cách mạng ruộng đất. Nhiều năm liền ông là cán bộ cao cấp, đứng đầu thành phố trực thuộc Trung ương này. Bàn chân ông đã đi khắp thế giới, tay ông đã kí các bản hiệp định khác nhau ở vùng này vùng kia trên khắp toàn cầu. Xen vào những sự việc vui vẻ, những công lao to lớn mà ông làm được là cả những cuộc trả thù, như vụ huy động hàng nghìn thanh niên diễu võ giương oai dưới bom đạn của bọn Mỹ. Không ai nhận ra sự thù hận của ông. Suốt những năm đó, ông không hề giơ tay cứu giúp một ai.
Mẹ tôi sinh tôi được năm tháng thì chết vì hậu sản, thuốc không có, cơm cũng không. Nhất cử nhất động đều bị du kích theo dõi và ngăn cấm. Anh Toán tối chín tuổi đầu phải rình mò ra đồng, bới khoai trộm, nhặt thóc rơi để nuôi tôi. Bố tôi ốm nặng nằm trong nhà, nghe con khóc vì đói mà không có cách nào xoay xở. Khi ấy làng tôi tràn ngập bộ đội miền Nam tập kết. Những người nông dân nghèo mặc áo lính căm thù con cháu địa chủ y như địa chủ, trông thấy ai họ xông vào đánh luôn. Con cái địa chủ khiếp sợ họ, không dám ra đường ban ngày. Họ tới nhà tôi vào buổi sáng, khi anh Toán tôi đi kiếm rau. Họ xông vào bố tôi đang ốm liệt giường: Đả đảo con địa chủ! Giọng khu Năm ghê sợ tới mức bố tôi đang ốm liệt giường mà nhảy được xuống đất, chạy ra sân. Hai người đàn ông đập gậy vào đầu ông. Ông nhảy xuống cái ao trước kia hay thả sen. Hai người đàn ông đang căm thù đến mất trí, nhảy xuống lấy gạch đập vào đầu ông cho đến chết
rồi bỏ đi. Bố tôi chết đầu chúi xuống nước, óc và máu loang ra trên mặt nước đầy bèo.
Anh Toán về nhà thấy bố chết, em khóc lịm đi vì đói. Anh mới chín tuổi đầu! Tiếng gào khóc của hai anh em kêu gọi những tâm hồn nhân hậu. Người tá điền già ngày xưa làm việc trong nhà ông nội tôi, đã giúp chôn bố tôi và đưa hai anh em tôi về nuôi. Mỗi ngày tôi được ông lão mớm cho một bữa cơm. Tôi sống quặt quẹo, lay lắt như con mèo hen, thế mà sống được. Thời gian sau, không khí thù hận dịu đi, dì tôi từ tỉnh về làng đón hai anh em đi nuôi. Anh Toán tôi đi học cấp hai khi tôi còn nhỏ lắm. Anh được học đến lớp bảy, học ba năm sư phạm và ra dạy học. Anh là một chàng trai cao lớn, suốt ngày buồn rười rượi. Bây giờ tôi mới nhớ ra mặt anh và mới hiểu vì sao hôm trông thấy anh Quang tôi lại nhớ tới anh Toán.
Trong một cuộc chỉnh huấn của giáo viên huyện gần thị xã, có một người đàn ông mang kính trắng, ngọt ngào lên diễn đàn kêu gọi: “Trong số chúng ta đây, chắc có nhiều người oan khuất trong cải cách ruộng đất. Các đồng chí cứ nói hết, nói tự nhiên” – Anh Toán lên diễn đàn sôi nổi thắc mắc:
- Ông bà nội tôi đã giúp thóc gạo nuôi bộ đội. Bố tôi tham gia cướp chính quyền năm 45, tham gia uỷ ban kháng chiến huyện. Nhà ông nội tôi đóng góp hai liệt sĩ. Tại sao bố tôi bị đánh chết mà không có một sự xét lại?”
Vị kính trắng nhẹ nhàng bắt tay anh, hứa sẽ thỉnh thị lên trên.
Anh Toán về dạy học được nửa tháng thì có lệnh gọi lên phòng hiệu trưởng. “Anh mắc tội quan hệ nam nữ bất chính.
Ngành giáo dục cần những người có tư cách đúng đắn!” Ông hiệu trưởng chia ra trước mặt anh lệnh đuổi khỏi ngành, có chữ kí của trường ty giáo dục. Dĩ nhiên cái lệnh này, bác Tuyên, người đứng đầu thành phố phải biết. Nhưng đã từ lâu anh em họ hàng không dám quan hệ với ông. Ông không nhận một ai... Anh Toán nhớ ra. Anh có yêu cô giáo Kim cùng trường. Cô giáo đã có chồng. Thời ấy tội như thế là tội nặng. Nhưng anh biết để bị đuổi khỏi trường, anh còn phạm một tội khủng khiếp hơn, hết đường cứu vãn. Anh tôi được lệnh phải về nguyên quán, về cái làng Quyết Tiến đầy những kỉ niệm kinh hoàng kia, và người nông dân ở đó vẫn còn hằm hè với đám con cháu địa chủ. Họ sợ mảnh đất họ được chia sẽ bị đòi lại, hoặc là có sự rầy rà gì đó. Anh đến nhà dì tôi thăm tôi. Anh bế tôi lên tay và khóc. Tôi đòi theo anh về làng. Anh bảo: Anh không về đâu hết. Em phải ở lại, phải đi học cho thành người. Tôi còn nhỏ, làm sao hiểu được tâm trạng anh? Anh tôi đi về phía nhà ga. Anh lao vào gầm chuyến xe lửa khởi hành đi Hà Nội. Dì tôi không cho tôi tới gần, nhưng tôi nghe người ta tả lại cái đầu, cái tay, cái chân của anh... mọi thứ nát bấy lẫn lộn trên đường ray xe lửa. Tôi sợ cứng cả người. Cảm giác sợ khủng khiếp hơn tình thương. Tôi còn nhỏ quá, chưa biết thế nào là bất hạnh. Trong những năm tháng ấy, bác Tuyên tôi ở trong biệt thự có lính gác. Chị Cay lớn lên sang châu Âu học. Rồi anh Vị ông cho học hoá, về nước ông xếp vào uỷ ban kế hoạch thành phố. Chị Hương con thứ ba học vật lí, làm ở phân viện hạt nhân của thành phố. Còn người con trai út, anh Hoàng học tự động học, ông “cấy" vào uỷ ban vật giá. Nghề nghiệp của đám con cái ông thích hợp với mọi hình thái xã hội, không bao giờ bị chính trị khuynh đảo hoặc thay đổi. Ông là người luôn luôn phòng xa mọi việc. Duy chỉ có việc nghiêm trọng nhất ông không ngờ
tới: hai người con ruột của ông, qua mọi thăng trầm của cuộc sống, gặp và yêu nhau, suýt nữa thành vợ chồng chính thức.
***
Sáng hôm sau bác Cả đòi về Hà Nội. Bác Tuyên bắt chị Cay lái xe đưa bác Cả về. Chị lái xe rất thạo. Anh Quang ở lại. Anh Quang và chị Cay ngạc nhiên nhìn vẻ mặt bơ phờ của ông. Ông vẫy chị Cay lại gần: “Bố thấy hơi mệt. Để Quang lại cho bố bàn việc riêng của các con. Con đưa bác Cả đi ngày mai lại về”.
Anh Quang và chị Cay ríu rít đưa nhau xuống nhà dưới. Tôi lén nhìn ra cửa sổ: hai người hôn nhau dưới cây muỗm lớn trong vườn. Những cái hôn không một chút dè dặt giữ gìn. Tôi nghĩ tới xấp hoá đơn thanh toán tiền thuê phòng của hai người mà chị Cay để ở trong túi xách. Họ thuê phòng riêng trong một khách sạn sang trọng nửa tháng trời. Lạy trời chị Cay đừng có con. Những trường hợp này, chắc đứa con của họ sẽ thiếu tay, thiếu chân, hoặc mắt mũi cũng không thể nào bình thường như những cặp vợ chồng khác dòng máu.
Bác Cả vừa thu xếp túi hành lí, vừa lắc đầu lẩm bẩm: “Khổ ơi là khổ, nhục ơi là nhục! Thôi, sau chuyện này chắc bác cũng chầu trời là vừa” – Ông nói với tôi – “Sống làm gì nữa?”
Chị Cay đi rồi, bác Tuyên bảo: Gọi Quang vào đây!
Anh Quang đang đứng với anh Hoàng cạnh ghế đá gần hàng rào, nghe tiếng tôi gọi, anh chạy lên. Trong ánh sang ban ngày, tôi giật mình kinh ngạc: anh giống bác Tuyên quá chừng. Nhất là đôi lông mày, cái cằm, đôi môi. Ngay cả cái
vành tai to, sang trọng, có những nét đặc biệt mà chỉ những người trong dòng họ này mới có. Anh xoa đầu tôi:
- Ông già gọi anh hả? – Tôi gật. Anh nhanh nhẹn đi lên gác.
Tôi không dám chứng kiến phút bố con họ nhận ra nhau. Tôi xuống bếp giúp bác Tuyên gái làm nem. Hôm nay chỉ có gia đình ăn. Bác Tuyên gái băn khoăn vì sự ra về đột ngột của bác Cả. Tôi bảo:
- Người già, họ cũng thất thường như con trẻ, bác để ý làm gì?
Bác Tuyên gái, người đàn bà khôn ngoan không hề biết chồng mình đã bỏ rơi một người vợ, một đứa con trong cái vạc dầu sôi sục cách đây hai mươi mấy năm. Bỏ một cách nhân tâm, độc ác để quay lại chăm lo cho bộ lông của mình như loài thú.
Bà cuốn nem, giơ tay gạt món tóc trên trán. Nồi canh sườn bên cạnh sôi, bà mở vung và để luôn cái vung úp xuống đất. Cái kiểu làm ăn hồn nhiên đó vẫn có ở bà, như một người đàn bà đồng quê, dù bây giờ bà đã là bà lớn. Bà học ở đâu được cái giọng nhẹ nhàng dịu ngọt. Cái giọng nhẹ như bấc, ngọt như một thứ nước đường ấy lúc nào cũng gây cho tôi một cảm giác lành lạnh ở sống lưng. Khi chồng đang tại chức, bà không thèm biết tôi là ai. Xuất thân từ nghèo khổ, khi làm bà lớn, bà ra sức khinh miệt những người thấp cổ bé họng. Bà đã từng theo bác Tuyên làm những chuyền công du đến những quốc gia sang trọng. Nhưng đi đến đâu, bà cũng tham lam thu vén tất cả mọi thứ, từ bao diêm đến bánh xà phòng trong khách sạn. Bà không thể bỏ qua được cái máu tham vặt vãnh, đặc tính của tầng lớp xuất thân của bà. Bà cay
nghiệt với từ người lái xe đến cô nhân viên bán trong cửa hàng cung cấp. Bà như con sen đứa ở, khi vào cửa nhà giàu không còn nhớ mình là đứa ở nữa... Lúc này nhìn bà, tôi bỗng thấy căm ghét và nghĩ về bà một cách khắc nghiệt. Bà sinh ra chị Cay. Nhưng sau những chuyện này, tôi cứ có cảm giác như chị Cay là con bác Tuyên gái tôi, mẹ đẻ anh Quang. Và hai anh em một mẹ sinh ra, chẳng may bị bàn tay số mệnh đùa cợt đã gặp nhau sau những li biệt đau khổ.
Một giờ sau tôi rón rén lên gác. Bác Tuyên năm thiềm thiếp. Tôi phóng ra vườn. Anh Quang đang ngồi trên cái ghế đá cạnh hàng rào. Anh hút thuốc. Tôi đi lại ngồi xuống cạnh anh. Anh lặng lẽ nắm tay tôi.
Chưa bao giờ tôi thấy một khuôn mặt đàn ông buồn đến thế. Lâu nay tôi chỉ thấy các thất bại trên những khuôn mặt bị thua số đề, của nỗi uất ức trần tục vì không tranh thêm được một mét nhà tập thể, của những dằn vặt vì lương lậu, vì miếng ăn, vì những chuyện đàm tiếu tủn mủn... Chưa bao giờ tôi thấy một khuôn mặt buồn với nỗi chán chường mênh mông không gì san sẻ được. Có lẽ sau mỗi niềm vui nỗi buồn đều có in dấu một nền văn hoá. Ra đi từ nền văn hoá nào, con người mang nỗi buồn hoặc niềm vui của nền văn hoá ấy.
Tôi nói mà muốn và lên khóc:
- Để cả nhà khỏi nghi, ngày mai anh hãy đi!
- Không, chiều nay anh đi. Em nói với mọi người, với chị Cay là anh phải đi gấp, lo cho mẹ anh qua, theo yêu cầu của ông cụ. Em cứ bịa ra một cái gì đó. Anh không về nữa đâu. Anh sẽ bỏ dở cả việc nuôi tôm ở trong Nam. Cay sẽ cho là đã gặp một thằng Sở Khanh. Như vậy lại hay...
Bữa cơm hôm đó có không khí của một đám ma: bác Tuyên buồn, anh Quang buồn... còn ai vui được nữa. Mấy người em chị Cay và những người yêu của họ lạ lùng nhìn nhau. Chỉ có bác Tuyên gái là không cảm nhận được chuyện gì hết. Những tâm hồn nông cạn như bà lúc này lại quá được việc Bà cho là nem hôm nay hơi mặn nên mọi người không được ngon miệng. Đến khi anh Quang nói là anh có việc gấp phải đi chuyến tàu Thống Nhất hai giờ chiều nay, mọi người ồ lên cả. Anh bảo: đúng một tuần nữa anh sẽ quay ra!
Từ đó đến cuối bữa cơm không ai nói một tiếng nào. Chỉ còn tiếng trò chuyện của bác Tuyên gái. Ở đây bà là người sung sướng nhất vì không bao giờ bà cho là người ta lại có chuyện gì rắc rối. Nếu không có tiếng trò chuyện của bà, tôi nghĩ mọi người sẽ khóc lên được.
Tôi có mặt trên phòng bác Tuyên khi cha con họ chia tay nhau. Anh Quang ôm lấy người cha xa lạ, anh khóc nấc lên:
- Ba ơi, ba hãy tha thứ cho con!
- Thôi, con đâu có lỗi gì. Con cứ đi. Khoảng thời gian ngắn nữa ba sẽ nói chuyện với em con... Hãy tha lỗi cho ba...
Cả hai cha con họ đều khóc.
Chuyến tàu Thống Nhất đi qua thành phố đã vào ga. Anh Quang lên toa nằm. Anh nhìn tôi và đám em chị Cay qua cửa sổ con tàu. Mặt anh tái nhợt. Tôi cảm thấy cuộc sống đã rời khỏi khuôn mặt ấy.
Chiều hôm sau chị Cay về tới nhà. Chị không nghe bất cứ một lời giải thích nào. Ngay cả với tôi chị cũng cau có:
- Em biết gì nào? Em yêu ai bao giờ đâu mà em hiểu. Không, đừng ngăn chị. Sao anh ấy lại đi? Hai đứa đã yêu nhau đến như thế...
Chị lên chuyến tàu Thống Nhất ngay buổi tối. Bác Tuyên ốm. Khu biệt thự mênh mông càng trống trải và rộng lớn thêm. Tôi ở với bác ít ngày rồi cuối cùng cũng phải đi làm. Toà soạn yêu cầu tôi phải hoàn thành cái phóng sự điều tra về tội ác ở huyện V. Bây giờ những bài viết kiểu này đang rất cần cho báo chí. Chỉ cần người rao báo nói to lên: “Con giết cha rồi lôi xác cha ra mổ bụng đây” – là báo sẽ chạy như tôm tươi, là chúng tôi sẽ được lĩnh lương, lĩnh thưởng, là đời sống sẽ tươi đẹp vô cùng theo nghĩa đen. Tôi chán ngán lắm nhưng mà phải làm.
Trước khi về huyện, tôi nhận được điện của chị Cay: “Tìm khắp không thấy anh Quang. Vào giúp chị!” Tôi đi làm sao được? Mà không tìm thấy anh Quang là rất may.
Người ta đã giải thằng giết cha lên trụ sở công an của tỉnh. Tôi không phải đi xa nữa. Hắn ngồi sau cái bàn bên kia song sắt. Tôi ngồi bên này với cuốn sổ công tác giở ra trước mặt. Điều tôi muốn biết là lý do vì sao hắn lại giết cha một cách dã man thế. Tôi hỏi hắn nhẹ nhàng, thân tình, không phải là một tư cách thẩm vấn, chỉ là để phục vụ cho công tác giáo dục thanh niên. Hắn gườm gườm nhìn tôi. Hắn đã có vẻ căm tức chứ không còn dửng dưng như trước. Dấu hiệu đáng mừng là hắn sẽ nói cái gì đó dù hắn vẫn xanh tái, mảnh khảnh, lạnh lẽo và không ghê tay trước bất cứ chuyện gì. Tôi kiên nhẫn chờ rất lâu, thậm chí còn mỉm cười với hắn.
Sau cùng như bị một cái gì thúc mạnh từ bên trong, hắn chồm lên như con thú, nghiến răng, hai bàn tay đập liên tục
vào ngực mình. Hắn gào lên:
- Biết cái gì? Biết làm gì? Khốn nạn lắm thì phải giết. Cả đời khốn nạn, ai chịu được? Muốn làm gì tao thì làm. Xẻo thịt tao ra vất cho chó ăn. Còn ông ta thì khốn nạn, táng tận lương tâm, tạo không thể sống chung được...
Hắn cứ thế gào lên rất kinh khủng, như không còn trí khôn nữa. Người ta phải ôm ghì lấy hắn lối về phòng giam. Tôi thở dài. Lại một chuyện gì ghê gớm? Nếu muốn biết phải tìm lại từ đầu, mà sau những chuyện ở nhà bác Tuyên, tôi không đủ sức nữa.
Tôi về căn phòng nhỏ của mình. Tôi rất muốn về căn phòng không tiện nghi nhưng là ốc đảo của tôi, ở đó không ai quấy rầy, không có những thảm kịch. Tôi sẽ được tự do ngủ một giấc và một mình ngẫm nghĩ, một mình ngắm bức tranh “Trên sự yên tĩnh đời đời”.
Tôi mở cửa vào nhà. Một bức điện luồn qua dưới khe cửa, nằm ngay ở lối vào. Tôi mở xem:
“Vũ Đức Quang tự tử tại khách sạn M. Tầng 5 phòng... Nạn nhân đề nghị nhân viên khách sạn báo cho cô. Mời cô vào giải quyết...”
Chuyện có lẽ phải kết thúc như thế. Nhưng tôi không thể chịu đựng được trước cái ấn tượng về khuôn mặt đẹp đẽ của anh tôi sẽ dần tan đi, rữa nát trong đất đen...
Tháng 5-1990
MONG MANH NHƯ LÀ TIA NẮNG
T
ôi vẫn không hiểu vì sao vào những lúc rỗi rãi, mẹ vẫn buồn. Gia đình như vậy là khá giả. Bố mẹ mở phòng khám tư – khách khá đông. Tôi cũng học
ngành y và vẫn về giúp hai ông bà trong việc khám, chữa bệnh.
Hai chị em tôi đều yêu quý bố mẹ. Em trai tôi đã từng đoạt giải cao trong mấy kì thi học sinh giỏi toán.
Nhưng tôi vẫn không hiểu vì sao mẹ vẫn buồn?
Mẹ mới hơn bốn mươi tuổi một chút. Mẹ rất đẹp - đôi mắt của mẹ cứ thăm thẳm buồn. Hàng ngày mẹ cũng hoà đồng trong đám chúng sinh với cuộc sống hàng ngày. Cũng có lúc mẹ cáu gắt. Lúc khác mẹ bị ai đó lừa mấy chục ngàn, mẹ cũng khóc. Rồi cũng cãi nhau với hàng xóm. Mẹ không khác ai. Nhưng tôi vẫn không hiểu vì sao mẹ vẫn buồn. Tôi cố tìm hiểu. Và một hôm tôi vô tình biết được. Mới hiểu rằng đừng nên nhìn một con người bình thường với cái nhìn bình thường. Không bao giờ trái tim có thể ngủ yên.
***
Một buổi chiều, chiếc xe quân y rẽ vào lối mòn nghỉ lại chờ tối để vượt đèo. Ông bác sĩ và hai nam y tá mắc võng ngủ ngay, cùng với đơn vị nào đó trên đường vào Nam – còn chị, giống như nhiều cô lính có học, chị thích tha thẩn tí chút và thế là chị xuống suối... một quãng suối cạn, lội qua chỉ ướt mắt cá chân. Bên này có vài ba anh lính ta đang rửa ráy. Còn
bên kia suối, một cảnh tượng quá lạ lùng đập vào mắt chị, một cô lính chân ướt chân ráo, lần đầu tiên vào mặt trận. Quả là lạ lùng. Tim chị đập dồn lên. Trên bãi sỏi sạch, khoảng hơn mười người lính mặc quần áo rằn ri đang ngồi. Mỗi người có một cái hăng-gô của bộ đội. Họ đang ăn cơm. Anh lính đứng bên cạnh chị giải thích: đó là toán tù binh thứ hai trong ngày giải qua đây. Tù binh của mặt trận đường chín.
Chị ngồi xuống một tảng đá bên này suối, lấy chiếc khăn ra và nhẩn nha giặt. Lần đầu tiên nhìn thấy những người phía bên kia, thật lạ lùng, trong chị không có một tình cảm nào khác ngoài sự tò mò. Phần đông số tù binh cắm cúi ăn. Phần lớn những gương mặt không có gì đặc biệt. Chỉ có một người. Còn trẻ lắm, chỉ trên hai mươi tuổi. Thân thể cường tráng mà không phải loại cường tráng của đồng ruộng. Có vẻ như dân chơi thể thao. Mọi nét thật hài hoà, cân đối. Anh ta cầm hăng-gô trong tay, không ăn, mắt buồn bã nhìn vào khoảng không. Một khuôn mặt chị chưa hề nhìn thấy trên đời. Đó là khuôn mặt của một người con trai chị vẫn hình dung ra sau khi đọc một cuốn sách hay. Dạo ở nhà chị có thói quen nằm lì trong màn buổi sáng, nghe tiếng động bên ngoài và mơ màng nghĩ ngợi. Như thế rất lâu cho đến khi mẹ gọi. Trong những giấc mơ lúc thức đó, chị hay mường tượng thấy một khuôn mặt như thế kia. Không thể tách từng bộ phận trên khuôn mặt ấy để mô tả, và cũng không thể nói như thế nào về nó, nhưng chị đã mơ cho cuộc sống của mình một khuôn mặt đàn ông như thế.
Con tim đập lên trong ngực, tay chân đột nhiên lạnh giá, chị và chiếc khăn trong tay và mắt nhìn về bên kia con suối hẹp. Người lính nguy buồn bã rời cái khoảng không mà anh ta
vừa nhìn, cúi xuống chiếc hăng-gô rồi đột ngột phát hiện ra chị. Bốn mắt gặp nhau. Trong một giây ngắn ngủi, một tiếng sét khủng khiếp nổ ra trong tâm hồn hay “lang thang” của chị. Chữ “lang thang” này mẹ chị đã lo lắng dành cho chị. “Rồi đời con sẽ không may mắn gì đâu!”
Một lúc sau, hoảng hốt như phát hiện ra mình phạm tội lớn, chị đứng vụt dậy. Bên kia, người lính nguy cũng làm một động tác gì đó, như giật mình, như thảng thốt. Anh ta khiến người lính áp giải bỏ dở cuộc chuyện trò gì đó với những người lính áp giải khác. Người lính ngụy ngồi xuống khi mũi súng của người lính áp giải se se bên mang tai. Nhưng ánh mắt anh ta, ánh mắt ấy vẫn còn đốt cháy chị. Chị như mê đi, bước thập thững về xe, lấy võng đem lại gốc cây, mắc võng chui vào nằm. Con tim chị nổi loạn. Nỗi sợ đè bẹp chị. Lẽ nào mình lại được phép nghĩ những điều đó. Rõ ràng anh ta là kẻ thù!
Buổi chiều, chị vẫn nằm lì trong võng. Ông bác sĩ đã thức dậy và khua anh em: ăn uống tắm rửa gì thì làm đi, tối nhọ mặt người là đi đấy. Chị tôi đi trong nỗi buồn khó tả. Cứ như thế... cứ như thế. Tiếng nói chuyện xen vào nỗi buồn. Ông bác sĩ và một người nào đó mới đến: Đồng chí là bác sĩ à? Vâng, tôi đây. Xin các đồng chí giúp một chút, có một tay sĩ quan bị sốt do vết thương sưng lên. Mà tối nay lại phải hành quân ra phía ngoài rồi, các đồng chí giúp cho nó đi được. Tù binh hả? Vâng, mới bị bắt. Được, tôi sang ngay.
Chị bật dậy, ngồi trên võng nhìn ông bác sĩ trừng trừng. Ông ta trông thấy chị:
- À, đi với tôi. Mang hộ hộp y cụ...
Người bị sốt lại là anh ta, cái khuôn mặt lạ lùng ấy. Đôi mắt trong veo, vô tội, khuôn mặt đa cảm, không hề là khuôn mặt của chiến tranh. Nỗi sợ tăng lên trong khi chị dám nhìn vào mặt viên sĩ quan ngụy, nhìn và không thể quay đi được. Trong ánh nắng chiếu rọi qua tán cây, tiếng súng cũng im bặt, chiến tranh dường như khắc nghiệt thêm trong sắc mặt lạnh lùng của người sĩ quan áp tải, trong khuôn mặt tuyệt vọng, đẹp như thiên thần của người bị bắt. Chị chú ý theo dõi động tác thăm khám vết thương ở đùi của người tù binh. Ông bác sĩ vốn là một bậc thầy ở bệnh viện lớn, hơi nhăn mặt khi nhìn thấy vết loét. Chị rửa cho anh ta bằng bông, cồn sát trùng. Có thể nghe được tiếng hai hàm răng nghiến chặt, nhưng không có tiếng kêu. Khi ông bác sĩ quay đi để người sĩ quan áp giải châm hộ điếu thuốc, chị nói nhỏ với người tù:
- Anh hãy cố chịu đựng!
- Vâng, bác sĩ có biết người ta sẽ đưa chúng tôi đi đâu không?
- Không. Giá như tôi biết được...
- Tôi cũng là bác sĩ!
- Anh là bác sĩ à? Tại sao lại như thế?
- Tại sao? À, nhưng tôi biết làm gì được? Chiến tranh gõ cửa mọi nhà. Tôi đã cố tránh, nhưng không được...
- Tôi biết rồi!
- Bác sĩ có thể làm gì giúp tôi không?
- Không. Không ai làm gì được. Mong rằng khi hết đánh nhau...
Ông bác sĩ và người sĩ quan áp giải quay lại. Xong chưa? Ông bác sĩ hỏi. Xong ạ. Tôi đã tiêm cho anh ta. Chị nói và cố lảng tránh cái nhìn thiêu đốt của người tù. Đó không phải là cái nhìn sợ hãi. Tuyệt nhiên - không - cũng không đau đớn - không van xin – đó là cái nhìn trong trẻo, kinh ngạc khi một lần trong đời phát hiện ra một con người đáng lẽ là thuộc về mình, đáng lẽ hiểu mình, đáng lẽ có thể sống với mình. Và đáng lẽ không nên cách trở, không nên chia cắt như thế giữa những con người...
Ông bác sĩ ái ngại cho người tù.
- Anh có thể đi được không?
Giống như có một sức mạnh tiềm ẩn nào đó bỗng bật dậy thúc vào lưng, người tù đứng lên, mặt tái nhợt vì đau, nhưng cương quyết rắn rỏi:
- Thưa các ông, tôi sẽ cố!
Ngay lúc đó, chị biết là nhờ sự có mặt của chị. Chiến tranh không thể cướp đi sợi dây thân ái nối liền giữa trái tim con người. Rồi anh ta sẽ ra sao với cái chân đau đớn thế, với cái tính quyết liệt chịu đựng ấy?... Chị mang hộp y cụ đi theo ông bác sĩ già, lội qua suối. Toán tù binh đã lục tục lên đường. Tiếng những người áp giải đanh thép cất lên. Len lén, anh ta giơ bàn tay về phía chị. Buồn bã, tuyệt vọng, khẩn cầu và cả hi vọng cho cái gì đó còn ở phía trước...
Hai mươi năm đã trôi qua, mọi thứ hàng rào đã được dỡ bỏ để chị càng tuyệt vọng hơn vì không dò ra được địa chỉ. Giá gì nhỉ, trong cuộc đời chỉ cần một phút được gặp lại.
***
Mẹ vẫn cứ buồn vào những lúc không phải cắm cúi kiếm ăn. Mỗi người có một bí mật, một nỗi buồn, một kỉ niệm. Tôi biết mẹ sống đến hôm nay mà được như vậy chắc là nhờ những bí mật, nỗi buồn và niềm khao khát ấy.
ANH LÍNH TÔNY Đ
M
ột gã đàn ông mặt mũi tối tăm, loại người nhan nhản vẫn lượn lờ ở các chốn đô hội, ghé vào nhà lão Thiến.
Gã đàn ông đứng ở cửa, thân thể vạm vỡ của kẻ được nuôi sống bằng chất bột lấn át dữ dội ở khuôn mặt nhờ nhờ, không ra thiện ác, khuôn mặt trên cái đầu nhỏ tí. Lão Thiến hỏi mà không thèm đứng lên:
- Chuyện thằng Thán hả?
- Vâng, sao ông biết?
- Điều đó tính sau. Sao?
- Thằng Thán chết mất xác rồi.
Lão Thiến nghe câu đó, hơi động đậy cục hầu to tướng trông như cục gạch bám vào cổ. Thằng Thán con trai lão đi đào vàng ở miền Trung. Nó nhập vào đội ngũ những kẻ đào vàng tứ xứ đã gần năm nay. Đây là lần thứ ba có kẻ đến nhà báo tin thằng Thán chết: Một lần chết đuối, một lần chết chém. Lần này chết mất xác. Gã đàn ông báo tin đứng ở cửa liếm môi. Trông bộ gã đói ăn. Lão Thiến thừa biết tâm địa bọn này nên lão hỏi mà không thèm động đậy các cơ mặt.
- Vì gì mà mất xác?
- Sập hầm! Không moi được.
- Ba kiểu chết!
- Ông bảo gì?
- Ba thằng báo ba kiểu chết. Mẹ chúng mày!
Gã đàn ông đưa tin có vẻ hơi sững người. Gã quan sát căn phòng của cha con lão Thiến. Không có gì đáng cho gã cầm lên tay. Đồ giẻ rách! Gã lầm bầm rồi cố nài:
- Nhưng tôi đã đến đây. Tàu xe tốn kém. Xin ông vài bữa cơm bụi.
Lão Thiến khoát tay chỉ ra cái hõm tối tăm: Xem đấy! Gặm được cái chó gì thì gặm! Gã đàn ông rõ là loại cố cùng. Gã bước chân qua lưng lão Thiến, giơ tay túm cái quạt tai chuột, cánh quạt thủng lỗ chỗ như cóc gặm:
- Xin ông tạm!
Gã kẹp cái quạt vào nách đi ra. Lão Thiến nói to: - Giờ hồn. Thằng Thán nhà ông nó về xin tí tiết mày bù vào, xéo mẹ mày đi!
Lão Thiến thừa biết thằng con lão loắt choắt như loài chuột nhắt, chứ nó thuộc loại trời đánh không chết. Nó như loại cỏ dại đốt bảy lần lại bảy lần mọc lại, lần sau mạnh hơn lần trước. Chả thế có lần nó đi ăn trộm ngã từ sân thượng tầng ba xuống, phúc bảy mươi đời lại có cụ tổ đỡ cho rơi vào đống cát. Lão đố thằng nào vật chết được nó… Tuy vạy, sau khi tống được gã đàn ông ra cửa, lão Thiến cũng thấy nôn nao trong dạ. Lão chờ đêm đến, lão lôi cái rađiô nhỏ giấu kỹ trong đống bát rếch ở gậm giường ra. Và lão bắt đầu dò đài. Không bao giờ lão nghe trọn được một câu người ta nói trong đài. Cái thú của lão là cầm núm điều chỉnh mà xoay.
Chỗ nào sọt sẹt, lão lắng nghe rồi vặn tiếp. Hàng xóm láng giềng lườm nguýt, hậm hực. Lão cho qua tất. Việc lão lão làm. Động đến mả bố chúng mày đấy à? Lão sẽ trả lời như vậy vì lão không thể tưởng tượng được con người ta, tại làm sao chỉ vì những tiếng động mà lại mất ngủ? Có nổ bom tấn bên tai lão, lão vẫn an giấc như thường. Lão chén bữa tám bát cơm gạo mốc, cho nó rẻ, ăn kèm với thứ mắm muối từ đầu cá ruột gà nhặt nhạnh ở chợ chiều. Mỗi khi lão ăn mắm, cả xóm nín thở. Lão bảo chỉ có những thứ nặng mùi thế này mới hợp khẩu vị lão. Lão to kềnh to càng như cái máy kéo cổ lỗ hết dầu mỡ và bỏ xó từ đời tám hoánh nào. Đôi khi người ta bảo lão là cái hồn ma từ địa ngục trở về hoành hành nơi dương thế. Ăn ngủ như thế nên lão cường tráng nhất khu nhà này. Không ai muốn dây vào lão. Trước kia lão hù dọa láng giềng là nhà lão ba đời trong sạch, lại có công lao. Hơi một tí lão lôi công lao ra kể, ai muốn nghe thì nghe, thường là con trẻ muốn nghe, như vịt nghe sấm. Đến lúc các thứ hù dọa như thế có vẻ hết hiệu lực, lão lấy sức mạnh bù vào. Lão đi qua sân là cả khu nhà rung lên như động đất, nói theo nghĩa đen vì lão khỏe lắm, như một con bò mộng. Mà lão lại xuất thân từ tầng lớp không bao giờ đếm xỉa đến chữ “sỹ”, cái thứ xa xỉ của những con người hèn yếu vì có đôi chút lương tâm. Lão muốn gì lão làm cho bằng được. Lão xéo lên tất cả. Lão làm chân gác cổng, về hưu từ chục năm nay. Lão có nhà ở ngoại ô, có vườn, ao thả cá. Đột nhiên lão bán tất để chuyển vào thành phố. Lão dùng tiền mua vàng giắt túi, giả nghèo giả khổ, bắt cả nhà chui vào cái hốc chưa đầy chục mét vuông, không cửa sổ, một bên là khu vệ sinh công cộng, mà đã là của công thì không thiếu gì mùi. Một bên là cái sân thượng giờ đây người ta tràn ra che cót để ở. Mỗi cái hốc bốn bên cót ép là một gia đình. Thật là đủ màu sắc. Có những cặp vợ chồng phường chèo chửi nhau như chó với mèo, đêm vẫn
ôm nhau ngủ trên một cái giường, rúc rích cười đùa khi đêm về có trận mưa làm không khi bớt nồng nặc hôi thối. Có những nhà toàn đàn ông con trai lộc ngộc. Ban ngày tứ tán kiếm ăn, đêm cùng chui vào hốc. Điện mất. Quạt không có. Nước hiếm không dội được cái thân thể tràn trề sinh lực vì mồ hôi. Họ cởi trần nằm ngủ như cá xếp trong nồi. Khắp cái sân thượng ngày sửa ngày xưa đã từng là nơi hóng mát của các cậu ấm cô chiêu giờ đây khò khè khọt khẹt vang lên tiếng ngáy của đám chúng sinh yên ngủ dưới bầu trời đầy sao của thượng đế che chở họ. Ban đêm họ ngủ như những con người khốn khổ hèn mạt. Ban ngày họ là lũ quỷ dữ, một bầy súc vật sống với nhau như bầy đàn, con nào mạnh thì tranh được miếng ngon. Đó là bộ mặt của trăm ngàn cái nhà tập thể đổ ra từ khi người ta cứ quyết tâm nhốt, từ linh hồn đến thể xác con người vào cùng một rọ… Lão Thiến bán gia tài ở nhà quê, vàng giắt đầy người mà vờ đói khổ như đồ giẻ rách. Lão cũng chui vào một trong những cái hốc trên sân thượng này và trong bầy thú ở đây, lão là con thú có bộ răng dữ tợn nhất.
Vài hôm sau thằng Thán lù lù xuất hiện. Hắn có cái ba lô căng phồng đằng sau lưng, bên trong không hiểu đựng thứ gì. Thán bước đi oai vệ vào khu tập thể. Mọi ánh mắt phóng ra từ các hang các hốc đều hội tụ vào cái ba lô thằng du côn đang đeo sau lưng. Có tiếng chớt nhả giọng Nghệ pha giọng Bắc vang lên trong hốc cầu thang: Thán! Gì? Thằng Thán quay nhìn mụ đàn bà béo ngấn cổ, son phấn loè loẹt như gái ở ngoài ga, miệng toe toét cười, một cọng hành còn dính ở răng cửa: - Chào chú? Vâng, chào bà chị! Mày mang cái gì trong ba lô mà hùng thế? Quần áo thôi! Mẹ mày, quần áo cái chó gì. Có là vàng mới nặng thế chứ! Lão Thiến chạy ra đón con, lão đỡ lời: Vàng gì, có là vàng thoi!
- Vàng thoi đấy! - Thằng Thán hiên ngang đi lên gác.
Cái cầu thang xây từ thời Pháp thuộc rên rỉ, cót ca cót két, lúc nào cũng gây cảm giác “a lê hấp, sập cho mà xem!” Nhưng hàng chục năm nay nó vẫn chưa sập. Người ta bào là vì nó được xây từ thời Pháp. Thời ấy thợ thuyền chưa biết ăn cắp xi măng, chưa hề đếm xỉa đến cái thói gian dối đã trở thành nạn dịch thời nay nên nhà cửa thời ấy chứa năm người bây giờ chứa cả hai trăm người mà không có sao hết.
Mấy thằng nhãi đang chơi bài ăn tiền ở sân túa ra, reo ầm lên khi trông thấy thằng Thán: Công tử đã về, “quan đại thần” khao chúng cháu đi.
Sở dĩ lão Thiến có cái tên “quan đại thần”, vì lão sống như súc vật, ai cũng nghĩ lão như súc vật, trừ có lão. Lão hoàn toàn hài lòng khi ở trong cái hốc tăm tối mà cha con lão gọi là nhà. Lão cũng làm lễ sinh nhật. Trời phật ơi, sinh nhật hẳn hoi! Đám nhãi con nín thở theo dõi lão làm sinh nhật. Ngày xưa lão đã làm thường trực ở một cơ quan to đáo để ngoài phố nên lão biết mùi vị của các thứ lễ lạt này lắm. Lão kéo hai gã đàn ông vô tích sự ở cùng phố tới nhà, ngồi nhắm bia với lạc rang và đọc thơ. Gì chứ thơ thì các lão làm như trẻ con đánh rắm. Mỗi giờ làm được vài chục bài… Rồi lão làm giỗ chạp, tết nhất. Đám anh em họ hàng lão đã tràn từ cái làng xa tít tắp kia ra hết thành phố. Lão là một tài năng ghê gớm ở xứ này. Đám anh em lão chẳng học hành gì sất mà có trong biên chế Nhà nước tất tật. Người thì bán rau mậu dịch. Kẻ thì làm bảo vệ. Lúc về hưu cũng lương bổng như ai. Lão mang cái bằng “có công với cách mạng” đi làm tấm bùa hù dọa các ông thủ trưởng yếu bóng vía. Lão đi lại năm bảy lần, hai mươi lần. Lão ngồi lỳ ở nhà các thủ trưởng, không quà
bánh gì sất, chỉ nói oang oang. Ấy vậy mà hai lão em trai, hai bà em gái và hàng chục họ hàng hang hốc được cấy hết vào các cơ quan Nhà nước, hộ khẩu tem phiếu đàng hoàng… Giỗ chạp, lão tập trung cả đám trong cái hốc nhà lão, lão thường đãi cả đám một con vịt cỏ - nhà lão giỗ vào mùa vịt - năm nào cũng thế. Con vịt được nấu trong nước loãng, thêm gia vị và cả đám hàng chục nhân mạng ngồi quanh sì sụp ăn uống. Chật chội nhưng thành thị vẫn hơn đất nhà quê… Lão ngồi giữa, đàng hoàng lên giọng phê phán, đi ra đi vào giữa đám em út cháu chắt ngồi quanh con vịt trong khi vàng lão giắt nặng trong người. Chưa có một ông quan, ông vua nào trên đời lại thỏa thuê sung sướng trong cảnh điền viên như lão. Và biệt hiệu “quan đại thần” đặt cho lão thật là xứng đáng. Chỉ có vua quan mới sống trong vương quốc của mình được như thế, bất kể trời nóng trên 40 độ C, bất kể mưa dột, mùi chuột chết, mùi nhà xí... Lão cứ làm việc lão, cứ ăn ngủ như thường…
Thằng Thán ném cái ba lô, ra chiều mệt nhọc. Nhưng nghĩ thế nào nó lại ôm vào lòng, nhìn quanh quất rồi giúi vào góc, chỗ vẫn thường nấu nướng bằng bếp dùng điện ăn trộm.
Hắn trông chừng lão Thiến. Lão kềnh càng thế thôi chứ khi ăn cắp, lão nhẹ nhàng hơn mèo. Suốt ngày lão chăm chắm xem ai có gì là lão thó. Lão thó tất, từ quần lót đàn bà đến cái đoạn dây điện nối từ ngoài vào nhà người ta. Lão lấy cả cái bô trẻ con để ngoài sân. Lão tống tất cả vào cái ba lô to, thỉnh thoảng lão làm một chuyến về quê. Ở đây lão còn có ông anh ruột ở lại quê vì không thể chuyển tải lũ con cả mười đứa ra thành phố. Lão Thiến thường đổi cái ba lô đựng đồ ăn cắp vặt cho anh lão rồi mang ra thành phố nắm khoai sọ, nắm đỗ… Cả khu nhà này biết lão ăn cắp mà không bắt được bao
giờ. Thằng Thán là môn đệ của bố nhưng hắn thường làm các quắn to, “không lèm nhèm ăn vặt như ông!” Hắn hay quát bố như thế.
Vợ lão Thiến đã chết. Đứa con gái gả chồng trên miền núi. Còn lão với thằng Thán.. Thằng Thán theo chúng bạn đi tứ phương kiếm ăn thỉnh thoảng cho lão tiền nhưng hai bố con không bao giờ ăn cùng mâm. Khi thổi cơm, lão hoặc thằng Thán ăn trước. Hai bố con làm cái dây móc trộm điện ở công ty bên cạnh, đun sùng sục ngày đêm. Lão thường đun nhừ mớ đầu cá hoặc xương lợn mua rẻ ngoài chợ để húp nước, khi không có gì đun lão cũng cắm điện vào bếp. Lão chặc lưỡi: - Ăn cắp thì cho bõ. Ăn cắp như tớ thì ăn thua chó gì. Báo đài nói đầy ra đấy. Có kẻ ăn cắp bạc tỷ mà chả sao sất. Tớ là gà què ăn quẩn cối xay!
Lúc này lão Thiến quanh ra quẩn vào, mắt liếc liếc cái ba lô. Ruột gan lão cồn cào. Chưa bao giờ lão Thiến thấy thằng Thán mang về được cái ba lô to như thế. Lão hào phóng chìa cho thằng con cái bánh mì. Nhìn thằng con im lìm ngồi ăn, lão không thể nhịn được nữa.
- Thán, quắn này mày vớ bẫm, hả?
- Cái chắc.
- Quả gì đậm thế?
- Quả c…! Thằng Thán văng tục, nhặt nhạnh mấy mẩu bánh rơi dưới chiếu, quệt tay chùi mồm, vào xó mở cái nắp bô. Một mùi khai thối khủng khiếp lan ra khắp nhà. Thằng Thán làm phận sự xong, chui vào cái xó nhà bố nó phân chia cho nó, ngáy như sấm. Một tay nó ngoắc vào cái dây ba lô.
Trong khi thằng con ngủ, lão Thiến như ngồi trên lửa. Lão cố đoán xem cái gì mà không tài nào đoán được. Gần tối lão dò dẫm lại chỗ thằng con:
- Thán, dậy tao bảo.
- Gì?
- Mày có của sụ, coi chừng thằng Hùng. Nó về hơn tuần nay. Trốn trại.
- Vậy hả? - Thằng Thán bật dậy, ôm ghì cái ba lô. Thằng Hùng con mụ Phàn người Nghệ mà buôn bán ranh ma hơn bất cứ một dân thổ cư nào. Thằng Hùng hai mươi nhăm tuổi, đã ba lần ở tù. Mỗi lần một năm lại ra. Mỗi lần ra lại anh hùng hơn. Loại thằng Thán còn phải kiềng. Kỳ này thằng Hùng lĩnh án 5 năm tù về tội hiếp dâm. Chưa được một năm, hắn đã trốn trại.
- Có bị nã không?
- Chắc có. Bây giờ hắn nằm tít trên gác xép. Cả nhà này không đứa nào dám hé răng. Hắn xin tiết liền… Mày cứ nói thật. Cái gì ở trong đó. Rồi hai bố con cùng lo, mình mày tao e không xong.
- Bố phải kín mồm nhá.
Lão Thiến nhổ nước bọt vào tay, huơ lên trước mặt hai lần như một cử chỉ hành lễ. Hai bố con thề thốt coi bộ rất nghiêm trang. Thằng Thán xích lại gần bố…
- Trong này là xương.
- Mày đùa.
- Đùa với bố đấy. Xương này quý hơn vàng. Xương Mỹ.
Lão Thiến khịt mũi. Lão nhướng cái cổ lên thật cao. Đó là kiểu lão xúc động. Lát sau lão thì thào:
- Thật không? Khéo nhầm bỏ bố.
- Tôi với thằng Đảo đào được. Có cả dây vàng đeo ở cổ. Chỗ dây vàng móc cái lọ nhựa, bên trong đựng thỏi nhựa in tên. Bị tróc mất cái đuôi tên. Còn rõ mỗi chữ Tony D. Phiên hiệu đơn vị cũng mờ mờ. Lọ đó thằng Đảo cầm đi chào hàng. Xương Mỹ trăm phần trăm. Thằng Đảo có kinh nghiệm. Nó còn đo kích thước nữa kia.
- Nếu bán được thì giá bao nhiêu?
- Thằng Đảo bảo còn phải chi cho cả dây, cũng nhiều ra phết. Còn bọn đào được khoảng năm triệu. Tôi với thằng Đảo chia đôi.
- Mẹ kiếp khối tiền.
- Thằng Đảo đi bắt mối ngoài cảng. Thằng Đảo chờ ở đó. Bán cho bọn thủy thủ. Bọn nó đưa qua Mỹ, khối tiền. Nếu vụ này xong tôi sẽ cho bố năm trăm ngàn. Được chưa?
- Tùy mày. Nhưng ăn thì cũng ăn mỏng thôi. Nó mới bền.
- Bố không phải dạy. Tôi cho bố năm trăm là bố lãi. Chả mất giọt mồ hôi chó nào mà vớ năm trăm…
- Được rồi mày ngủ lấy sức mai lại đi. Tao canh cho.
Lão Thiến ngồi cạnh cái cửa làm bằng cót ép. Lão có kiểu ngồi của chó trong ổ, khoanh tay chân cho vừa ổ. Lão bố sau cơn xúc động, bắt đầu đến trạng thái tinh thần kỳ lạ mà lão vẫn có khi nghe tin con có tiền. Thằng Thán không bao giờ giấu bố số tiền kiếm được. Đôi khi hắn còn khuếch thêm lên nhưng đố nhả cho xu nào. Tiền có khi hàng triệu nhưng quanh quẩn dăm hôm là nướng vào đề hết. Của thiên trả địa, làm sao giữ được nếu nó không đưa cho bố nó giữ hộ? Lão bố vừa ghen tức, vừa thèm khát. Hàng loạt những âm mưu xuất hiện trong đầu lão nhưng nghĩ đến cái máu hung dữ của thằng con, chưa bao giờ lão ra tay. Lão cứ loanh quanh trong cái mớ bùng nhùng ý nghĩ mờ ám và nỗi sợ hãi triền miên, bất kể lúc nào thằng con có tiền, mỗi lần như thế miệng lão nhạt như ngậm phải bèo, mắt lão đục lờ đờ, nhìn không rõ… Lúc này lão đang trải qua trạng thái nửa thèm nửa sợ ấy, tai lắng nghe tiếng động bên ngoài. Lão lơ mơ ngủ cho đến khi có bàn tay ai đập nhẹ vào vai. Lão ngẩng lên, rõ ràng như ban ngày, lão nhìn thấy mặt thằng Mỹ đen như hắc ín, răng trắng như vôi, hắn đưa bàn tay chỉ còn xương ra vuốt tóc lão. Lão cố cựa mình mà không cựa nổi. Người lão như được quết một lượt sơn, dính cứng vào nhau. Lão ú a ú ớ gọi thằng Thán. Thấy lão lúng túng, thằng da đen cười nghiêng ngả nhưng không ra tiếng. Hắn cứ đứng bên lão, chỉ cái đầu còn nguyên, toàn thân là xương trắng hếu, hắn cười mà coi bộ cực kỳ thê thảm.
Lão Thiến khiếp sợ, đạp mạnh chân vào cánh cửa bằng cót ép và tiếng động ấy làm lão tỉnh ngủ, thằng da đen biến mất. Thán bàng hoàng hỏi bố vì hắn cũng vừa tỉnh dậy.
- Thằng Hùng hả bố?
- Hùng nào. Thằng da đen…
- Thằng da đen gì?
- Có lẽ tao mơ. Tao thấy thằng da đen cười tao.
- Bố mơ thấy thằng da đen hả? Mẹ khỉ, tôi cũng vừa mơ thấy. Hãi quá, muốn gọi bố mà không được…
Thán bật đèn. Cả hai cha con đầu trộm đuôi cướp lần đầu tiên khám phá ra rằng có một cái gì bí ẩn vẫn khống chế những giấc mơ con người. Nó khống chế cả tham vọng tiền bạc, cả sự độc ác và ngu muội của con người.
- Thằng đó nói gì với mày không?
- Không, hắn chỉ cười thôi, mà toi ngửi thấy cả mùi tanh.
- Mày mang nó đi đi. Để ở nhà hãi bỏ mẹ… Đưa tao mấy que hương.
Lão Thiến thắp ba nén nhang, múc một tách nước để lên cái ba lô, lấy ống bơ gạo cắm nén nhang vào, cũng để lên cái ba lô. Cả đời lão không biết khấn ai, nhưng lúc này như có cái gì mạnh khủng khiếp nhập vào người, lão xì xụp trước cái ba lô.
- Ông có khôn có thiêng thì ông ngủ đi, ngày mai thằng con tôi tìm đường cho ông về quê quán. Như vậy thằng con tôi đã làm phúc chứ không phải nó gây tội. Ông về với cha mẹ vợ con, còn hơn là ông nằm lại rừng núi mà không ai tìm thấy ông.
Thằng Thán im lặng nghe cha khấn. Hắn ít tin rằng linh hồn anh lính da đen Tony nào đó lại oán hắn. Hắn cũng có học lên đến lớp bảy. Hắn biết Tony D vì sao bị giết. Ác giả ác báo chứ. Anh ta giết người thì anh ta bị người giết. Anh ta cô đơn lủi thủi ở chốn rừng xanh núi đỏ, hắn có công tìm thấy anh ta và anh ta phải trả tiền cho hắn. Vậy thôi. Nghe nói bên Mỹ người ta sòng phẳng trong mấy vụ tiền bạc lắm.
Lão Thiến khấn xong lại giục con trai đi ngủ. Lão không dám tắt đèn. Lão ngồi chong chong ở cửa chờ sáng. Tuy vậy gần sáng lão lại thiếp đi. Lão nhìn thấy rõ ràng hai bàn chân bằng xương đang dạo quanh người lão và một mùi hôi thối nồng nặc bốc lên, làm lão phát nôn. Sợ hãi quá, lão nhắm nghiền mắt và vẫn nghe tiếng chân khô khốc, như tiếng động của kim khí dạo quanh chỗ lão ngồi. Lão thiếp đi mê mệt cho đến sáng.
Ba ngày thằng Thán đi vắng, lão Thiến không ngủ được vào ban đêm. Lão mơ liên tục. Vẫn là anh lính da đen, lúc thì có da có thịt y như ông Tây đen hàng binh Pháp ngày hòa bình vẫn lái xe ở quê lão. Lúc đó lão còn trẻ. Người lính Pháp có lần dừng xe mời lão hút thuốc lá. Anh lính da đen ngày đó hiền lành là thế mà sao cái ông Tony này lại im lìm bí hiểm. Ông ta giống hệt anh hàng binh Pháp khi xưa, nhưng chả nói năng gì sất. Cứ đứng trong góc phòng nhìn ra. Mỗi lần lão mơ, lão lại ngửi thấy mùi hôi của xương của thịt được đào lên từ mồ mả. Có lúc lão lại thấy trần xì bộ xương trắng hếu đi lách cách trong nhà, bộ xương leo lên giường, lên thành cửa sổ rồi cái mồm xương với hai hốc mắt nhìn lão chằm chằm ghê gớm. Xưa nay lão chưa hề yếu bóng vía, thế mà mấy ngày này lão cứ bủn rủn cả chân tay mỗi khi nghĩ tới giấc ngủ. Ban ngày lão khóa cửa, ra vườn hoa chỗ ngã tư
phố, leo lên cái ghế đá còn có cả dấu vết của các cuộc trăng hoa ban đêm, lão ngủ. Ở đấy lão ngủ yên, mặc kệ nắng gió vì xưa nay nắng gió không là quái gì đối với lão. Đến tối lão phải về. Cả đêm lão chong đen dò đài. Lão bắt chước mụ Phàn rắc muối ra cửa sổ, thắp hương cắm ở lối đi. Lão nghe rõ tiếng động của bầy thú ngủ đêm trên sân thượng. Cạnh cái hõm nhà lão là vợ chồng thằng Xét bán thịt chó ngoài chợ. Thằng Xét bỏ con vợ nhà quê, ra đây mở hiệu thịt chó và chiếm được một hõm trên sân thượng này. Hắn kiếm đâu ra được con bò lạc về làm vợ. Nàng người miền trong, da trắng giọng nói ỏn ẻn. Nàng sướng phát điên vì được tắm xà phòng Camay, được mặc xilíp Thái Lan, được xức nước hoa Tàu. Thằng Xét chiều cô vợ mới, chịu khó mua sắm cho nàng để ban đêm nàng ban phát cho hắn cái thứ hạnh phúc của một con cái hùng hổ bên cạnh một con đực cũng dư thừa sức lực vì rượu, vì thịt chó…
Xét sắm cả áo kiểu “ký giả”, quần bò mốc, giày “bít” cho nàng. Và hắn sung sướng khi thấy bất cứ một mốt mới nào xuất hiện trong đám con gái bán thịt ở chợ là vợ hắn cũng có… Mấy đêm nay, tiếng chân đi lại của lão Thiến bên kia cản trở vợ chồng Xét khá nhiều. Nàng nằm im nghe ngóng tiếng động của lão Thiến và ngay đến con hổ cái khi nằm cạnh con đực ban đêm cũng trở nên mềm oặt, nàng nép đầu vào cái nách hôi hám của thằng Xét, thứ mồ hôi của kẻ ăn nhiều thịt chó. Nàng nũng nịu bằng cái giọng miền sơn cước quanh năm gió Lào:
- Em sợ lão Thiến quá!
Thằng Xét xoa đầu vợ y như cái cảnh phòng ngủ hắn vẫn được xem trên tivi. Hắn cũng muốn bắt chước phim ảnh nói
một vài lời nịnh vợ, âu yếm vợ nhưng hắn không quen. Hắn ậm à rồi văng ra trong lúc nàng vẫn chờ đợi một lời nói khác.
- Đ. mẹ, “não” điên, chấp “nàm” đ… gì? Quay sang bên “lày”, khiếp, dạo “lày” béo thế, y như con “nợn” cạo “nông”.
Tiếng cười nghèn nghẹt như tiếng chuột cống ăn đêm của vợ chồng Xét lại khiến lão Thiến yên tâm. Lão mở đài, dò đài, thắp đèn sáng trưng và mong cho hết đêm… Một tuần sau thằng Thán hí hửng mang về bọc tiền to. Hắn cười toét cái miệng đầy những răng:
- Trúng đậm!
Hắn mang về một bọc lá chuối tướng đựng đầy lòng lợn, có cả mắm tôm và ba cân bún. Hai bố con lão Thiến làm một lèo hết sạch mớ lòng lợn và ba cân bún. Quanh đi quẩn lại, lão Thiến không nhìn thấy bọc tiền của thằng con đâu:
- Mày nhét nó đâu rồi?
- Ở trong nhà này thôi. Tôi đi vắng một ngày, khi về tôi sẽ chi cho bố năm trăm. Quân tử nhất ngôn.
Thằng Thán đi, ở nhà lão bố không thể ngồi yên. Ba ngày mà lão không ngủ được. Lão lò mò khắp nhà để tìm bọc tiền. Xó xỉnh nhà này có chỗ nào mà lão không mò ra. Lão tìm, lão móc ở tất cả chỗ nào kín nhất mà không thấy. Buổi trưa mệt quá, lão nằm ngay trên sàn nhà, bụng nghĩ xem còn chỗ nào? Lão chỉ cần rút vài con “ngan nằm” trong đống kia, đến mẹ nó cũng không biết được. Nghĩ ngợi, lão thiếp đi và phải bật dậy ngay khi trông thấy bộ xương ngồi chồm hỗm trên kèo nhà. Lão văng tục:
- Đ. mẹ mày, mày đang về quê cha mày, mày còn muốn cái chó gì nữa mà dọa tao?
Bộ xương cứ ngồi như thế, lúc lắc đầu, những khớp xương lỏng lẻo, chuyển động rung leng keng như tiếng nhạc ngựa. Lão Thiến sợ hết hồn.
Lão xua tay xua chân cho nó đừng làm thế nữa nhưng nó càng làm già. Mùi hôi thối khiến lão tắc thở… Lão chống cự với bóng ma trong giấc ngủ chập chờn, đến khi tỉnh dậy, lão cảm thấy mình gầy tọp, chán ăn, người ngợm bải hoải như phải gió.
Ngày hôm sau, lão Thiến lại phải mò ra vườn hoa ngủ. Buổi chiều, thằng Thán về nhà, nó xộc ra vườn hoa kéo cổ bố:
- Về ngay!
Thấy mắt thằng con ngầu đỏ, cái môi nó đen sạm lại một cách dữ tợn, lão Thiến đi theo con. Thằng Thán về nhà trước, và khi bố nó vừa bước qua cái cửa cót ép, nó túm cổ lão Thiến:
- Tiền đâu?
Lão Thiến sửng sốt:
- Sao lại hỏi tao tiền?
- Tiền tôi để dưới cục gạch này, bố đem đâu rồi?
Lão Thiến chỉ biết lắc đầu, lùi xa bàn tay cứng như gọng sắt của thằng con. Lão không nói nên lời. Thằng Thán thấy bố như vậy càng nghi ngờ một cách điên dại.
- Ông nôn ra. Tiền mồ hôi nước mắt của thằng này, ông nuốt không trôi đâu. Ba triệu đồng của tôi, không phải của thiu thối.
- Tao không lấy!
Lão Thiến bắt đầu lắp bắp được.
- Không ông lấy thì chó vào đây à? Nôn ra!
- Tao thề với mày, tao có tìm thật, định rút vài con nhưng không thấy. Tao thề với mày, tao mà nói điêu thì tàu xe chẹt tao nát ra như bụi.
- Ông có mà chết. Ông thề mà chết được thì tôi ăn cứt chó. Nghe thủng chưa? Nôn ra, oẹ ra. Tôi bóp cổ ông lè lưỡi bây giờ!
Và nó xông vào, túm lấy cái cổ có cục hầu to như cục gạch của lão bố. Lão Thiến kêu ặc ặc như một con chó già bị trấn nước.
- Nôn ra. Một mình ông ăn không xuôi đâu. Nôn ra cho tôi đi nộp đề.
- Tao không lấy. Tao thề!
- Thề cái con chó. Nếu ông không lấy thì tự cầm con dao kia rạch mặt ra cho tôi xem, không là tôi bóp cổ ông chết. Dao đây!
Lão Thiến run lập cập. Cầm con dao sắc như nước, lão Thiến nhìn con van nài:
- Tha cho tao, tao không lấy của mày đâu. Con ơi, đời nào bố làm thế? Bố già rồi, bố làm thế phải tội.
- Rạch mặt đi!
- Thôi, đau lắm tao chịu sao được?
- Không rạch thì chặt đi một ngón tay. Làm ngay. Ông có làm thế tôi mới tin, không là tôi bóp cổ chết tươi. Chặt đi!
Thằng Thán xông tới. Cái mặt nó xù ra vì độc ác. Một cách vô thức, tội nghiệp, lão Thiến kê ngón tay lên thành giường, nhìn con. Thằng Thán hét:
- Thề đi, chặt đi, đồ sâu bọ! Chặt ngay không là thụt lưỡi với thằng này.
Con dao giơ lên, phập một tiếng khủng khiếp, một dòng máu trào ra theo ngón tay trỏ bên bàn tay trái của lão rơi xuống sàn. Thằng Thán nhìn cảnh đó, không một chút xúc động. Hắn thấy bố hắn mặt tái mét, miệng lệch sang một bên vì đau đớn. Tất cả điều đó chỉ làm hắn tĩnh trí lại. Hắn bước ra ngoài, còn biết né chân cho khỏi giây vào máu. Hắn bừng bừng ý muốn trả thù đứa nào cướp không của hắn ba triệu. Ngón tay của lão Thiến có lẽ làm nó tin là lão không lấy thật. Nhưng thằng nào, thằng nào vào đây? Biết lấy gì trả nợ? Đối với lão chủ đề này, không trả hắn cho rửa mặt bằng a xít ngay. Mẹ kiếp, thời này đứa nào cùn đứa ấy thắng. Tao trốn! Và trong những bước đi như say, hắn mơ thấy đất thánh Hồng Kông!
Trông thấy thằng Thán xăm xăm bước xuống cầu thang, mụ Phàn muốn cười với hắn mà không dám cười. Cái mặt hắn
hãi quá, y như vừa uống máu người. Mụ đi lên sân thượng, định vào nhà thì nghe tiếng rên đau đớn của lão Thiến. Chưa hiểu chuyện gì mụ đã hô hoán.
- Giết người, có người bị giết.
Người ta thấy lão Thiến đang gục đầu xuống miệng ngậm chỗ tay bị thương, máu từ đó nhuộm đỏ cả cằm lão, chảy xuống ngực áo. Cái thân thể to tướng của kẻ tạp ăn và lười nghĩ ngợi, cái thân thể hung dữ của kẻ chỉ chuyên dùng cơ bắp vào mọi chuyện giờ đây rúm ró lại, đến đứa trẻ có con tim độc ác cũng phải mủi lòng. Ngay giây phút ấy lão Thiến hơi mê đi. Lão nhìn thấy trong làn sương mờ mịt ở đâu đó, bộ xương người trắng hếu đang nhìn lão, bộ xương mờ mờ, hơi cử động và giơ bàn tay lên đỉnh đầu. Lão nghĩ là nó gọi, định đi tới nhưng hóa ra không phải, bộ xương đang chào lão. Thậm chí lần này bộ xương còn ré lên cười y như đàn bà. Lão muốn giơ tay chào lại nó nhưng không được, tay lão bị trói chặt…
Lão loáng thoáng nghe tiếng cười.
- Lão tỉnh rồi gọi tắc lô cho lão đi. Đi “tắc lô” cho nó êm.
Một tiếng nói rất tục. Tiếng cười đàn bà lại ré lên. Lão Thiến hiểu ra đó là tiếng cười của mụ Phàn. Và cái đám thú mà lão vẫn chung sống bấy lâu nay trong cùng một cái sân thượng này giờ đây đang là những con người bên cạnh lão. Lão được băng bó, được rửa mặt, được mặc thêm cái áo, được khiêng xuống cầu thang cấp cứu…
Từ đó lão không bao giờ mơ thấy bộ xương và anh lính da đen nữa. Lão đã được yên, ngoại trừ thằng Thán đi biệt
tích… Một đêm thằng Xét giục vợ đi ngủ sớm. Hắn ôm cái của mũm mĩm trời cho vào hai cánh tay đồ tể chó, phả hơi rượu vào mặt nàng:
- “Của lỡm” ơi, ngày mai anh sẽ mua cho “làng” một cái áo “nông” cực xịn.
- Của đâu mà xộp thế? -Nàng bắt đầu dùng ngôn ngữ đô thị.
- Bắt được… Mà đừng có bép xép ông xẻo “nưỡi” nghe chưa? Mà sắp tới ông có mua cúp thì cũng phải “lói” tiền riêng của mình, nghe chưa? Không nghe ông “nà” ông xẻo tất… Món chôm được cực to, “ló” mà biết thì tù. Hiểu chưa?
Nàng cười thét lên như bị cắt tiết. Đêm nào nàng cũng có những trận cười như thế. Khắp cái sân thượng đang mờ mịt trong giấc ngủ nặng nề, sau một ngày vật lộn với miếng ăn, chỉ có vợ chồng thằng Xét là ồn ào nhất, thức khuya nhất. Chúng vẫn là con thú ngay cả khi màn đêm khiến cho thú trở thành người. Đêm nay lại oi nồng, trời đang chuyển cơn giông. Lão Thiến lên cơn đau ở ngón tay cụt. Lão ngồi ở cửa sổ nhìn ra, chờ cơn mưa cho vết thương dịu lại. Ngoài kia là đô thị. Nhà nhà xếp chồng lên nhau. Anh lính Tôny D không còn quấy nhiễu lão nữa. Lão lại hài lòng, mãn nguyện, như quan đại thần chính hiệu, chỉ tức những lúc này. Cơn đau khắc khoải, đỏ màu máu, khiến lão chán ngán sự đời… Lão bỗng nghĩ ra, và ngớ cả người ra trước một điều mà lâu nay lão không nghĩ tới: Chính thằng lính da đen kia đã chôm bọc tiền. Mẹ nó, chả thế mà từ hôm chõm được đến nay, không thấy nó xuất hiện nữa! Thằng xỏ lá đến thế là cùng!
1991
BẾN TÀU MÙA ĐÔNG
Q
uán nước của mụ Tư Héo là cái quán mở khuya nhất ở thị trấn này. Trong quán có đủ thứ giải khát. Lại có cả các món điểm tâm ban đêm cho khách trên đường
ra bến tàu thuỷ: bánh mì, mì ăn liền, trứng và giò chả. Giống như mọi cái quán ở nơi hẻo lánh cần bảo vệ, mụ Tư Héo cũng cần phải chi ra các món cố định: bát xối giò không thu tiền cho chú cảnh sát ăn vào buổi sáng, hoặc bữa nhắm cho đám anh chị khét tiếng là dân đao búa có hạng của bến tàu. Mụ cần được cả hai loại người ra tay can thiệp khi có chú trộm choai ở vùng khác đến hành sự. Vì thế ở giữa nơi đồng không mông quạnh mà cái quán có hai mẹ con trông nom lại khá ổn. Mụ cũng là người biết trông giỏ bỏ thóc. Mụ chiêu đãi khách qua cái túi tiền chứ không qua quần áo, không qua mẽ ngoài – ví như lão Luốc. Cứ vào khoảng mười hai giờ đêm, lão lù lù xuất hiện ở trước quán của mẹ, người to lớn, ăn mặc như đám dân khuân vác ở cảng. Nhà lão đâu như ở cuối thị trấn, người ta đoán như vậy chứ không ai biết đích xác vì cứ thấy lão mất hút vào cái xóm tối như hũ nút. Lão thường ngồi trầm ngâm bên li rượu thuốc, và ăn như hổ ăn nào là trứng, là giò, mực nướng, tôm khô ăn sống. Lão ăn khoẻ, uống khoẻ, ngồi khoẻ nên cử 12 giờ đêm, mụ Tư Héo lại ngóng ra cửa, hỏi thăng Hon đang nửa cốc chén ở cái cầu bắc ra con mương thải nước đen ngòm.
- Này, mười hai giờ rồi hả?
Thằng con mụ biết mụ hỏi gì nên đáp gọn lỏn:
- Lão mò ra giờ đấy!
Lão sòng phẳng tới từng xu, trả tiền đàng hoàng lắm, khác hẳn cái mẽ ngoài của lão thường làm người ta lầm tưởng nhân cách cũng như quần áo. Mụ Tư Héo kiên nhẫn ngồi phục vụ lão. Những khi đó mặt mụ như có ánh sáng rọi từ bên trong, mọi đường nét thô kệch dịu đi và cái miệng ngoa ngoắt thường ngày lúc ấy trông như là nũng nịu, như con mèo. Mụ ngồi cạnh cái bóng to lớn của lão Luốc hết sức lạ lùng. Lão Luốc thường có hàng tập tiền lớn vùi sâu trong cái túi áo đại cán mặc tứ thời. Thằng Hon thường khiếp sợ mỗi khi rỗi việc đứng trong xó nhà quan sát lão Luốc. Nó sợ hai bàn tay của lão, sợ chòm râu xám ngoét, sợ cả cái đùi mốc thếch lão vẫn gãi sồn sột và vừa gãi vừa nhón dưa giá cho vào mồm. Nó nghĩ lão đã từng làm cái gì đó ghê gớm lắm nhưng nó không dám nói với mẹ. Nó cũng nghĩ mẹ nó chỉ nhìn thấy cái nết ăn như hổ của lão, bất chấp cái nết câm như hến và bí hiểm như đêm tối của lão. Lão đến quán lúc 12 giờ đêm, ra về lúc hai giờ, khi con đường ra bến tàu đã lại rộn rịp lên vì con tàu xuất phát lúc bốn giờ sáng. Thường khi lão ra về, mụ Tư Héo đi nằm, dặn con khép cửa hờ và tỉnh ngủ để có ai mua gì thì bán... Cái lệ đó kéo dài đã hàng năm nay và mụ Tư Héo thu kha khá tiền nhờ lão Luốc, và tính nết mụ cũng dịu dàng hơn sau những lúc gặp lão.
Năm nay mùa đông đến muộn nhưng trời vừa rét là cắt da cắt thịt. Mụ Tư Héo đốt bếp than lúc 11 giờ vì đêm hôm qua vừa tới quán, lão Luốc đã làm luôn ba gói mì tôm, sau đó mới ngồi uống rượu. Chắc lão rét quá, mà không hiểu lão từ đầu mò về trong lúc đói khát như vậy? Mụ Tư Héo vừa lẩm bẩm vừa như nói với con, nhưng thằng Hon không để ý gì vì nó vừa được mẹ cho đi xem kịch bên thành phố. Tâm trí nó
còn bàng hoàng vì cái sân khấu rực rỡ màu sắc, vì đám trẻ con huyên náo, khán giả thường xuyên của các buổi diễn ế khách trong cái rạp hát có cánh cửa mở rộng ra nhà vệ sinh công cộng, mùa đông đỡ oi nồng mùi nước đái... Giữa lúc đó, cánh cửa mở tung. Hai người đàn ông bước vào quán. Cả hai mặc những chiếc áo nato mới cứng, quần bò, mũ nồi đội lệch. Họ giống nhau như hai anh em sinh đôi và thằng Hon ngỡ ngàng như đã từng trông thấy họ ở đâu.
- Ăn gì các chú? – Mụ Tư Héo vừa lừng khừng vừa niềm nở.
Một trong hai gã nhìn vào mặt mụ chủ quán, nhìn vào sau cánh cửa và cất tiếng:
- Bà chị cứ thư thư.
Bên ngoài trời giá rét, gió hun hút thổi dọc con đường độc đạo xuyên qua thị trấn. Vài ngọn đèn đường chao đảo trong gió. Hai gã đàn ông ngồi vào cái bàn trong cùng. Thằng Hon im lặng nhìn cái gã cao hơn một chút, mặt dài như mặt ngựa và cố nhớ xem đã trông thấy gã ở đâu? Gã mặt ngựa hỏi một cách dữ dằn:
- Có gan tươi không, xào một đĩa đi!
- Giờ này làm gì có gan tươi hai chú? Ăn xôi giò còn nóng vậy. – Mụ Tư Héo hơi run giọng.
Gã kia lại hỏi:
- Có tiết canh chó không?
Mụ Tư Héo đứng dậy nhìn liếc ra đường. Chú cảnh sát giờ này không ra đường. Còn đám du đãng hay uống rượu đãi ở
quán mụ lúc này chắc đang làm ăn ở cảng. Hai gã đàn ông biết mụ run nên cười hô hố. Gã mặt ngựa cố tình trật cái vạt áo natô. Một mũi dao sáng loáng loé lên, khi có chiếc ô tô vận tải đi qua, đèn xuyên vào quán sáng như ban ngày. Mụ Tư Héo hơi rúm người lại:
- Các chú ăn tạm mì tôm, có thịt, có rau thơm, cho nó ấm người.
Gã mặt ngựa đứng lên, lấy chân đá cánh cửa mở ra đường. Tiếng ken két ở cái bản lề hôm nay nghe rợn người đến mức mu Tư Héo nói như mếu:
- Các chú thương tình, nhà chỉ có hai mẹ con.
Gã mặt ngựa không thèm nhìn mụ, gã nhìn gã kia và hai gã lại cười, một gã cười không thành tiếng, một gã cố làm cho tiếng cười có cái gì đó rùng rợn. Thằng Hon nép sâu hơn vào cánh cửa. Gã mặt ngựa ngoắt tay:
- Ê, lỏi, bước ra!
- Cháu ấy ạ?
- Mày ấy. Bước ra ngoài này!
Thằng Hon bước ra giữa nhà. Gã mặt ngựa nói với gã kia, một gã đàn ông im lìm, bí hiểm, có đôi mắt nhỏ như hai sợi chỉ.
- Mày ngồi vào chỗ đó đi.
- Mẹ mày, chỗ đó chắc là nhà xí của hai mẹ con nó.
- Mày ngồi vào đó cho kín. Vào đi!
Gã đàn ông mắt nhỏ nghe lời bạn. Gã bước vào sau cánh cửa, ngồi lọt sâu vào đó và gã cố tình để mũi dao ló ra. Gã mặt ngựa gầm ghè:
- Cất mẹ cái mũi dao đi! Mày định đánh động cho thằng già hả? – Và kèm một tiếng chửi tục đến nỗi hai gã đều cười. Sau đó gã mặt ngựa lại cái giường của hai mẹ con kê trong góc. Gã ngồi lên mép giường kéo tấm vải che kiểu như ri đô của các nhà trong thị trấn. Gã kéo tấm vải rồi hỏi gã kia:
- Kín chưa mày?
Trong xó cửa, gã đàn ông mắt nhỏ ló mặt ra nhìn: - Kín!
Gã mặt ngựa ngoắc tay về phía mụ Tư Héo:
- Biết bọn này chờ ai không?
- Dạ không.
- Đồ óc bã đậu! Có biết thằng già hay ra quán lúc mấy giờ không? Nói đi, đồ óc bã đậu!
- Dạ, ông Luốc ấy ạ?
Gã mặt ngựa hỏi vào cánh cửa:
- Tên lúc này của lão là Luốc hả mày?
- Đếch biết. Tên gì chả thế. Lão sắp chầu giời, lên đó cần đếch gì tên.
- Mấy giờ? – Gã mặt ngựa nắm chặt cổ tay thằng Hon. Cổ tay nó bị tím bầm vì bàn tay hộ pháp. Và thằng Hon ngước mắt nhìn lên gã mặt ngựa. Nó bổng choáng người. Nó đã nhận ra gã vì có lần đám trẻ con thị trấn qua bên thành phố xem kịch, đã chạy theo ông vua trong vở kịch dành cho thiếu nhi, diễn vào sáng chủ nhật. Thằng Hon đã trông thấy “ông vua” ban ngày, khi vừa tan hát và “ông vua” bước ra sau cánh gà, bỏ râu, nheo mắt vẫy chào bọn trẻ. Trên sân khấu, “ông vua” từ bi có nàng công chúa là con gái đẹp như tiên. Thằng Hon đã nhận ra, nó sững sờ mất một giây, không trả lời câu hỏi của gã mặt ngựa.
Từ sau cánh cửa, gã mắt nhỏ cảnh giác:
- Ê, coi chừng thằng đó biết mày đấy. Mẹ kiếp cái nghề chó chết của mày, đi đâu người ta cũng nhận mặt.
- Cháu không biết chú là ai đâu. – Thằng Hon run sợ. Gã mặt ngựa tám cái tai của nó, cười gần:
- Biết hay không cũng thế thôi. Nhưng mày biết im mồm chứ?
- Cháu biết.
- Mày biết, nếu hở ra cho ai chuyện này thì sao không? - Cháu biết.
- Vậy thôi, mấy giờ lão già ra quán?
- Khoảng 12 giờ đêm.