🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bàn về chính quyền
Ebooks
Nhóm Zalo
MARCUS TULLIUS CICERO
Lương Đăng Vĩnh Đức dịch
Huỳnh Trọng Khánh hiệu đính
—★—
BÀN VỀ
CHÍNH QUYỀN
dựa theo bản in của
ALPHABOOKS & NXB HỒNG ĐỨC
ebook | 26-06-2020
LỜI GIỚI THIỆU
Marcus Tullius Cicero (106-43 TCN) là một nhà hùng biện tài danh, một chính trị gia nổi tiếng, và nhà văn Latin cổ điển lỗi lạc. Ông sinh năm 106 TCN tại thị trấn Arpinum, cách Rome khoảng 50 dặm, xuất thần từ một gia đình thứ dân vốn chưa từng có ai nắm chức lớn trong chính quyền. Bước chân vào chính trường khi còn trẻ, Cicero được xem là một “người mới” (novus homo), nên con đường thăng tiến của ông rất gian nan. Năm 75 TCN, ông được bổ nhiệm vào chức quan giám tài1tại tỉnh đảo Sicile. Ông được dân chúng tin tưởng, đến nỗi năm năm sau, năm 70 TCN, họ phải đến nhờ ông tố cáo viên thống sứ tham nhũng của họ là Verres. Ông soạn sẵn bài luận tội cho hai phiên xử, nhưng chỉ mới xong phiên xử đầu Verres đã phải bỏ trốn và không bao giờ trở lại Sicile. Sau đó, năm 63 TCN, ông lên đến nấc thang danh vọng cao nhất với chức chấp chính quan (có quyền hạn tối thượng, nhiệm kỳ một năm). Trong năm ấy, ông đã đập tan âm mưu đảo chính của Lucius Sergius Catilina, một nhà quý tộc bất mãn vì không được bổ nhiệm chức này.
Thập niên 50 TCN, quyền lực của Gaius Julius Caesar bắt đầu lớn mạnh, còn Cicero, mặc dù kính trọng, nhưng vì không ưa Caesar nên đã lui về ở ẩn. Trong thời gian này, ông hoàn thành hầu hết những tác phẩm quan trọng. Sau đó Caesar và Pompey tranh giành quyền hành. Họ kết hợp với Crassus nắm quyền lãnh đạo, dưới danh xưng triumviri, tức là tam đầu chế. Cicero quyết định ủng hộ Pompey và theo ông này đến Hy Lạp. Sau khi Pompey thua trận Pharsalus năm 48 TCN, ông trở về Ý tiếp tục sống ẩn dật cho đến khi Caesar bị ám sát năm 44 TCN - biến cố đẫm máu này làm ông kinh hoàng và ghê tởm vì sự tàn bạo của nó, dù ông là bạn với thủ phạm Brutus. Một lần nữa, ông chọn sống ẩn dật, và viết hai tiểu luận Cato the Elder on Old Age (Tuổi già của Cato Già), và Laelius
on Friendship (Laelius trong tình bạn), cùng một số tác phẩm triết học khác.
Khi ba người hùng mới, Octavian (tức Octavius, con nuôi của Julius Ceasar, sau khi thắng trận Actium, năm 31 TCN, đã lên ngôi hoàng đế dưới tên Augustus), Mark Antony (tức Marcus Antonius, người tình của Cleopatra) và Lepidus thành lập Tam đầu chế thứ hai, Cicero theo phe Octavian. Chẳng những ủng hộ Octavian, ông còn viết 14 bài hùng biện tấn công Mark Antony dữ dội (Philippics) nên đã chuốc lấy hận thù. Sau đó, Octavian và Mark Antony tạm thời bắt tay cùng nhau lập một danh sách những công dân bị đặt ngoài vòng pháp luật. Octavian tìm mọi cách bênh Cicero nhưng Mark Antony vẫn căm thù ông và Octavian đành im lặng. Cicero định bỏ trốn, nhưng bị một học trò tâm phúc phản bội; và ngày 7 tháng 12 năm 43 TCN, ông bị thủ hạ của Mark Antony đến bắt, chặt đầu và hai bàn tay, đưa đi đóng đinh tại Quảng trường Rome - hành động dã man mà người La Mã cũng phải kinh hãi và không bao giờ tha thứ.
Không chỉ là một biện giả vĩ đại bậc nhất La Mã, Cicero được xem là một nhà văn lớn của nền văn chương cổ điển Latin trong giai đoạn từ năm 70 TCN đến năm 14 CN, cùng với hai thi hào đương thời là Horace và Virgile. Sau khi lãnh thổ Rome vươn dài và ổn định, văn chương Latin trở nên cực thịnh với những tên tuổi lẫy lừng khác. Hệ thống tác phẩm của Cicero đồ sộ, phong phú và đa dạng, gồm: a) Khoảng 58 bài còn giữ được trong số 88 diễn văn và biện hộ, b) 6 tiểu luận còn được giữ về thuật hùng biện, trong đó có, chẳng hạn, De inventione (Phương cách lý luận để thuyết phục người nghe) và On Orators (về nhà hùng biện, tài diễn thuyết), c) 45 tiểu luận triết học, đây là thời gian ông tự rút lui khỏi chính trường, sống ẩn dật; các tác phẩm tiêu biểu bao gồm: De Republica (Về Nền Cộng Hòa), On Laws (Về Luật pháp), On the Nature of Gods (Về bản thể của các Thần linh), De divinatione (Về thuật chiêm đoán, tiên tri), Paradoxa Stoicorum (Mâu thuẫn của phái Khắc kỷ)… d) Thư tín rất phong phú, trải dài suốt cuộc đời nhưng chỉ còn lại 800 lá. Những lá thư này cho thấy quan niệm của ông về triết lý, lập trường chính trị, mối liên hệ tình cảm giữa ông và một
số người đương thời, và cùng với những bài diễn văn, cung cấp cho lịch sử những bằng chứng hùng hồn về các khía cạnh khác nhau của thời đại ông đang sống.
Cicero nổi tiếng với những câu châm ngôn hết sức sâu sắc. Ông chính là tác giả của câu nói: “Một ngôi nhà không có sách vở cũng như một cơ thể không có tâm hồn” hay một câu châm ngôn vô cùng sâu sắc về quốc gia, dân tộc: “Thật khốn khổ cho một đất nước không có anh hùng, nhưng còn khốn khổ hơn cho đất nước có anh hùng, nhưng đã quên lãng họ.”
Đây là lần đầu tiên quan điểm, tư tưởng và nghệ thuật hùng biện của Cicero được giới thiệu ở Việt Nam. Có thể nói, cuốn sách Bàn về chính quyền là cuốn sách đầu tiên của ông được xuất bản ở nước ta. Cuốn sách là tập hợp 7 bài hùng biện và bài luận của Cicero xoay quanh các hoạt động của chính quyền và nghệ thuật cầm quyền. Ý thức được giá trị của tác phẩm Bàn về chính quyền, chúng tôi quyết định dịch và xuất bản cuốn sách này mặc dù đây là cuốn sách rất khó chuyển ngữ. Sở dĩ khó là vì ngôn ngữ gốc mà Cicero sử dụng là tiếng Latin, văn bản chúng tôi sử dụng là bản dịch tiếng Anh của Michael Grant được Nhà xuất bản Penguin ấn hành; và tác giả cuốn sách là một nhà hùng biện có tiếng, với cách sử dụng ngôn từ rất giàu tính ám dụ. Mặc dù đã rất cố gắng, song chúng tôi e rằng vẫn còn những thiếu sót. Bởi vậy, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc về bản dịch để hoàn thiện trong những lần xuất bản sau.
Xin trân trọng giới thiệu với độc giả cuốn sách có giá trị này.
Tháng Một năm 2017
CÔNG TY CỔ PHẦN
SÁCH OMEGA VIỆT NAM
Nguyên gốc: quaestor. Một chức tương đối nhỏ trên thang chức vụ. Nhà độc tài Sulla (81 TCN) đã ấn định tổng số quan giám tài là hai mươi người, với độ tuổi tối thiểu là ba mươi, và họ mặc định là thành viên Viện Nguyên lão.↩
BÀN VỀ CHÍNH QUYỀN
Marcus Tullius Cicero (106-43 TCN) biện giả, chính khách La Mã; ông sinh ra tại Arpinium trong một gia đình bản xứ sung túc. Ông được đưa đến Rome để học tập theo định hướng sự nghiệp công, và vào năm 70 TCN ông đã vươn đến địa vị trạng sư hàng đầu ở Rome. Cùng khoảng thời gian đó, sự nghiệp chính trị của ông đầy triển vọng, và ông đắc cử pháp quan (La Mã) nhiệm kỳ năm 66 TCN. Vốn mang nhiều hoài bão, ông đã đạt đến những địa vị thường chỉ được trao cho giới quý tộc La Mã, và đúng như kỳ vọng, ông đã đắc cử chức quan chấp chính nhiệm kỳ năm 63 TCN. Một trong những đặc điểm xuyên suốt cuộc đời chính trị của ông là sự gắn bó với Pompey. Trong vai trò chính khách, nhược điểm lớn nhất của ông là luôn luôn từ chối thỏa hiệp; còn trong tư cách nguyên thủ, những lý tưởng của ông đáng trân trọng và giàu vị tha hơn những kẻ cùng thời. Cicero là biện giả vĩ đại nhất La Mã, sở hữu nhiều kỹ xảo đa dạng và khả năng làm chủ ngôn ngữ Latin đến độ phi thường2. Ông đã công bố các diễn văn của mình theo thông lệ chung của thời ấy, nhưng đồng thời ông cũng viết một lượng lớn tác phẩm về lí thuyết và thực hành thuật hùng biện, về tôn giáo, cũng như về triết học đạo đức và chính trị. Ông đóng vai trò đi đầu trong việc phát triển thơ lục âm Latin3. Có lẽ thú vị nhất trong tất cả các tác phẩm của ông là tuyển tập 900 bức thư rất giàu sử liệu, được công bố sau khi ông mất. Chúng không chỉ chứa đựng trải nghiệm của chính ông về đời sống xã hội và chính trị của tầng lớp thượng lưu tại Rome, mà còn phản ánh những biến đổi trong cảm xúc cá nhân của một con người dễ xúc động và nhạy cảm.
Tất cả diễn văn cổ đại tồn tại đều dưới dạng viết tay, thảo ra dưới tay chính biện giả sau sự kiện (vì biện giả thường không dùng các bản thảo khi trình bày). Điều này có nghĩa những phân tích nghiêm túc về các diễn văn này bị ảnh hưởng lớn bởi nghi vấn về mức độ họ sửa chữa bản viết, nói cách khác, mức độ tu sửa trước khi “xuất bản”. Dù công bố diễn văn là thông lệ ở Rome, các biện giả không ghi lại tất cả biện bác của mình, trừ
những phần thích hợp và để dẫn dắt đến các mục đích của họ. (tr 54, 56 - Cicero, Phillipics - Gesine Manuwald) (ND)↩
Thơ lục âm là thể loại thơ mà một dòng (chữ/thơ) có vận luật bao gồm 6 âm tiết. Đây là vận luật tiêu chuẩn trong sử thi của văn học Hy Lạp và Latin kinh điển, như Iliad, Odyssey và Aeneid. Các thể loại khác sử dụng thể thơ này bao gồm các bài trào phúng của Horace, Metamorphose của Ovid và “the Hymns of Orpheus”. Theo thần thoại Hy Lạp, thơ lục âm được thần Hermes sáng tạo. (ND)↩
LỜI GIỚI THIỆU CHO BẢN DỊCH TIẾNG ANH
Thuật cầm quyền có vai trò thiết yếu đối với cuộc sống của chúng ta, và là thứ nghệ thuật cực kỳ phức tạp. Chúng ta sẽ nhận ra độ phức tạp của nó khi xem xét những sai lầm kinh hoàng của những nhà cai trị xuyên suốt các thời đại, và vẫn còn tiếp diễn đến ngày nay. Kết luận hiển nhiên là họ cần phải biết rõ hơn về công việc mà họ đang nỗ lực thực hiện, cũng như về thành tựu và sai sót nổi bật trong sự nghiệp của những chính quyền khác trong quá khứ. Về mặt này, chính quyền La Mã cổ đại hết sức phù hợp. Sự phù hợp này có nhiều lý do. Thứ nhất, La Mã là nguồn cội trực tiếp của chúng ta về chính trị, văn hóa, và xã hội. Thứ hai, La Mã đã kinh qua nhiều thăng trầm của một đế chế nổi bật nhất, và đôi khi cũng đáng sợ nhất. Thứ ba, La Mã từng cai trị một vùng lãnh thổ cực kỳ rộng lớn của thế giới thời ấy, cho nên những kinh nghiệm cai trị của La Mã có ý nghĩa hết sức lớn lao. Thứ tư, La Mã đã tạo nên nhiều tác phẩm cực kỳ liền lạc, qua đó giúp chúng ta nắm bắt những sự kiện đương thời.
Đặc biệt, các công trình của Cicero hàm chứa lượng thông tin đồ sộ.4 Ông đóng vai trò vô cùng tích cực trong chính quyền Cộng hòa La Mã vào giai đoạn nguy kịch nhất trong vận mệnh của nó, khi ấy, mặc dù đã kiểm soát một đế chế bao la - hay cũng chính vì thế - La Mã vẫn đang sụp đổ trong cảnh chính biến và chuyên quyền. Do đó ông đã sống với chính những điều mà ông bàn luận.5
Dẫu nhân cách của ông về cơ bản là tốt đẹp, ông cũng có một số sai lầm và khiếm khuyết như: tự phụ, kiêu căng, khinh suất, nóng nảy, không giỏi đánh giá con người, chính vì thế, những gì ông làm cũng hết sức con người.6 Tuy nhiên, ông cũng có một ưu điểm trứ danh phi thường, liên quan đến sự tinh thông ngôn ngữ Latin; bởi
ông là một trong những tác giả định hình phong cách văn xuôi vĩ đại nhất qua mọi thời. Điều đó thể hiện ở việc ông đã để lại những bài diễn văn tuyệt vời, sắc sảo.7
Để trở thành nguyên thủ tại Cộng hòa La Mã - cũng như tại những thành bang Hy Lạp trước đây - thì điều thiết yếu trước tiên là phải trở thành một biện giả cừ khôi; và Cicero cũng có tài thuyết phục như bất cứ biện giả nào trong quá khứ. Thế nhưng khả năng làm chủ ngôn ngữ Latin của ông vươn xa hơn nữa. Vì nó không chỉ giúp ông sáng tác những bức thư tuyệt đỉnh soi sáng bối cảnh chính trị, xã hội và văn học (những bức thư gửi cho Atticus8 và những người bạn khác), mà còn cung cấp nhiều luận thuyết giải thích những quan điểm của ông, với phong cách hiệu quả và hấp dẫn nhất. Một số quan điểm này liên quan đến các câu hỏi triết học trừu tượng, còn một số khác lại tập trung vào chủ để thực hành thuật cầm quyền mà ông gắn bó sâu sắc. Thế nên ở đây ta có một con người tham gia tích cực vào chính quyền của một trong những nhà nước vĩ đại nhất mọi thời - đó là chính quyền mà chúng ta chịu ơn thật nhiều - và đồng thời viết về nhiều mặt của nó với văn tài vô song. Ông là nguyên thủ La Mã duy nhất đã truyền đạt toàn diện cho chúng ta về niềm tin chính trị của mình, và là người đầu tiên quan tâm xem xét một cách có hệ thống các cơ chế, chiến thuật và chiến lược cai trị.
Ông đặc biệt đắm chìm và trăn trở vì chủ đề này vì ông sống trong thế kỷ cuối cùng trước Công nguyên, khi chính quyền Cộng hòa La Mã đang sụp đổ ngay trước mắt. Có nhiều lý do cho hiện trạng đó, thế nhưng, vấn đề đã lên đến đỉnh điểm là do những quan bảo dân quyết liệt và cái chết bất đắc kỳ tử của anh em Tiberius và Gaius Gracchus (chết năm 133 TCN và 121 TCN), những người đã theo đuổi việc cải cách trong vô vọng. Sau đó Gaius Marius đã đẩy lùi quân xâm lược German (102, 101 TCN), nhưng hậu quả là kể từ đó quân đội La Mã bắt đầu trông mong vào cá nhân tướng lĩnh chứ không hy vọng gì vào nhà nước. Xung đột giữa Marius (và những người kế nhiệm ông sau đó) với Lucius Cornelius Sulla khiến Sulla phải quay về từ miền Đông và giành chiến thắng trong cuộc nội
chiến đẫm máu đồng thời thiết lập nền độc tài bảo thủ (83-81 TCN).
Tuy nhiên, hầu hết pháp chế của Sulla đã bị xóa bỏ trong nhiệm kỷ chấp chính9 của Cnaeus Pompeius Magnus (Pompey) và Marcus Licmius Crassus phú kiệt (70 TCN). Năm 63 TCN Cicero, trong vai trò quan chấp chính, đã ngăn chặn vụ việc mà ông mô tả là âm mưu của Lucius Sergius Catilina; thế nhưng vào năm 60 TCN, Pompeius, Crassus và kẻ hậu bối lỗi lạc, nhẫn tâm - Gains Julius Caesar - đã thành lập tam đầu chế đầu tiên một cách không chính thức, khiến thể chế Cộng hòa chìm vào bóng tối.
Sau kỳ chấp chính tiếp theo năm 59 TCN, Caesar đã chinh phục xứ Gaul (phía bắc tỉnh miền Nam (Narbonese), vốn đã là lãnh thổ La Mã), thế nhưng cái chết của Crassus dưới tay dân tộc phía đông - người Parthia (53 TCN) - đã đẩy Pompeius và Caesar vào thế đối đầu nhau và dẫn đến Nội Chiến (49 TCN). Pompeius bị đánh bại ở Pharsalus năm 48 TCN rồi bị giết không lâu sau đó, còn cơ đồ của ông tiếp tục suy vong với thất bại cuối cùng tại Thapsus ở bắc Phi và Munda ở miền Nam Tây Ban Nha (46, 45 TCN). Đối với Cicero, cuộc nội chiến và nền độc tài của Caesar (49 TCN) chính là sự phủ nhận chính quyền Cộng hòa mà ông mong mỏi, nhưng ông lấy lại niềm hy vọng khi Caesar bị ám sát vào năm 44 TCN, và nhất là khi Marcus Antonius, kẻ dự định kế tục Caesar, bị đánh bại bởi lực lượng Cộng hòa - lực lượng ủng hộ chính quyền - ở Mutina vào năm 43 TCN. Thế nhưng, tất cả hy vọng khôi phục nền Cộng hòa tan biến khi tam đầu chế thứ hai được thành lập vào năm tiếp theo, bởi Marcus Antonius, chàng trai trẻ Octavian (con nuôi Caesar) và Marcus Aemilius Lepidus. Họ công bố lệnh trục xuất nhiều người, vì đó mà Cicero mất mạng.10
Cicero bị thúc đẩy bởi một mục tiêu lý tưởng: sự hòa hợp quốc gia, sự hòa hợp giai cấp - Concordia Ordinum - ông thật sự cho rằng liên minh khẩn cấp mà ông lập nên trong vai trò quan chấp chính suốt giai đoạn khủng hoảng Catilina có thể gây dựng được tình hòa hợp đó,11 Mặc dù ông mở rộng khái niệm này bao hàm tất cả công dân ở Ý, nhưng thực ra, ông suy nghĩ chủ yếu đến sự hợp nhất các
nguyên lão với các kỵ sĩ (equites)12- những người đứng dưới các nguyên lão một bậc về tài sản và giàu sang. Khi ông hùng biện và công bố tác phẩm Buộc tội Verres [Verrines] (70 TCN; Chương 1), ông đang đứng về phía một lý do phổ biến, rằng tầng lớp quý tộc, mặc dù là nền tảng lý tưởng của quốc gia, đã không thực hiện được sứ mệnh của nó. Nhưng sau đó, ông ngày càng trở nên bảo thủ, vì nhận thấy những nhiễu loạn trong nhiệm kỳ chấp chính của ông, cùng những mối nguy hiểm của bạo lực cách mạng do chúng mở đường và khiến cải cách tự do kém quan trọng hơn so với các biện pháp củng cố ổn định.13
Ông dùng một cụm từ khác để diễn tả lý tưởng của mình là otium cum dignitate,14 otium, không phải là “nhàn rỗi” [leisure] theo nghĩa đen, mà là sự thanh bình của đất nước, đó là điều cực kỳ thiếu thốn trong những thập kỷ vừa qua, và là thứ gần gũi với xu hướng văn hóa cùng học vấn pháp luật của Cicero, còn dignitas thể hiện năng lực phẩm giá của một người trong việc bộc lộ những phẩm chất tốt nhất của mình trong một môi trường tôn ti trật tự do sự thanh bình mang đến.
Cicero không thuộc giới quý tộc La Mã, vì ông là con của một quý ông vùng quê ở Arpinum (Arpino) vùng Latium. Sinh năm 106 TCN, ông được giáo dục rất tốt về triết học và hùng biện tại Rome và sau đó tại Hy Lạp. Năm 90-89 TCN, ông phục vụ trong quân đội của Quintus Pompeius Strabo - cha của Pompey vĩ đại - và được nghe những ý kiến tư vấn cùng tuyên bố của hai trạng sư hàng đầu thuộc chi họ Quintus Mucius Scaevola (Pontifex và Augur). Sau khi thụ lý thành công vụ án đầu tiên của mình,15 ông đã đến Athens và Rhodes để quay lại nghiên cứu triết học và hùng biện (79-77 TCN). Khi trở về Rome, ông được bầu vào một vị trí quan chức - quan giám tài (75 TCN), và phải đi đến Sicily.
Vào năm 70 TCN, trong vai trò quan thị chính16,17 ông đã tranh biện một vụ án thật sự làm nên danh tiếng cho ông: buộc tội Verres, người từng là thống sứ18 của hòn đảo này.19
Ngoài việc củng cố địa vị cho mình, ông còn bị thúc đẩy bởi một cảm nhận rất mạnh mẽ và chân thành. Ông cảm thấy các thống sứ
tỉnh của La Mã phải hành xử chính đáng và đúng mực.20 Đây là cống hiến chính đầu tiên của ông cho nghệ thuật cầm quyền, và trong tập sách này, tôi sẽ trích một bài diễn văn ông phát biểu về chủ đề trên.
Năm 63 TCN Cicero giành được vinh dự tột bậc, đối với một “người mới” như ông, là trở thành quan chấp chính;21 và trong khi đảm nhiệm chức vụ này, ông đã thực hiện một việc mà sau này ông luôn coi đó như thành tựu vĩ đại nhất đời mình: ngăn chặn vụ việc mà ông cùng nhiều người khác cho là “âm mưu” của Cariline. Tôi đã dịch các bài diễn thuyết của ông về chủ đề này trong một tập sách khác.22 Ở đây tôi có nhắc đến một hậu quả gây hiếu kỳ của những sự kiện kịch tính này. Đó[0 (14/52)] Lỗi in ấn? là bài biện hộ cho Murena, một nhân vật mà ông cùng các bằng hữu mong muốn sẽ kế nhiệm chức quan chấp chính vào năm tiếp theo, để tiếp tục tranh đấu chống lại những kẻ bất đồng tiềm năng cùng hạng với Catiline. Murena bị buộc tội nhận hối lộ, và gần như chắc chắn có tội. Cicero hoàn toàn hiểu rõ chuyện này, nhưng lại nghĩ rằng dầu sao vẫn phải bảo vệ Murena để giữ cho nhà nước được gắn kết. Vì thế, đây chính là khía cạnh rắc rối về mặt luân lý của tác phẩm này, nhưng lại rất có liên quan với những gì đã, và đang diễn ra trong thực tế. Biết bao lần trong thế kỷ này ta nghe nói rằng “mục đích biện hộ cho phương tiện”! Đó chính là điều Cicero đã nói.23 Nó có mối liên hệ mạnh mẽ với toàn bộ công việc cai trị, xưa cũng như nay. Đồng thời, ông có những lý giải cực kỳ giá trị về vấn đề chính biến, mà theo ông, vấn đề ấy đang đe dọa lật đổ tất cả chính quyền nền nếp thời bấy giờ.
Rủi thay, sau này, Cicero lại phải thỏa hiệp với chính những nguyên lý cao thượng của mình một lần nữa. Trước tiên, quả thực ông kiên quyết từ chối thỏa hiệp; vì khi Pompey, Caesar và Crassus thành lập Tam đầu chế đầu tiên không chính thức để cai trị đất nước theo lối độc tài (60 TCN), ông từ chối đề nghị tham gia của Caesar, đúng theo niềm tin cả đời ông là: Rome phải có một chính quyền Cộng hòa đúng nghĩa.24 Tuy nhiên, sau đó, hậu quả trực tiếp là ông bị buộc lưu đày (58 TCN). Một năm sau, ông được phép trở về. Thế nhưng, mọi sự nhanh chóng trở nên rõ ràng - và chính ông
cũng thừa nhận25- rằng việc [trở lại] này phải đi kèm những điều kiện nhất định. Điều kiện ấy là ông phải thực hiện các bài diễn vần thay mặt Tam đầu chế. Và đó chính là điều mà ông đã làm; vì thế ông đã biện hộ cho tên tay sai Balbus của Caesar, bài diễn thuyết do ông trình bày tôi có trích ra một phần chính yếu trong cuốn sách này.
Nó cực kỳ dễ hiểu bởi hai lý do. Một là, suy cho cùng, Cicero đang cố gắng biện minh cho quyết định ủng hộ Tam đầu chế. Vì một lẽ, ông hành động do bị ép buộc. Song, bên cạnh đó, ông cũng giải thích: việc chống đỡ cho họ là một tội nhẹ hơn, và dường như sẽ đóng góp nhiều thành quả cho sự tồn tại hay hồi sinh của một chính quyền La Mã đường hoàng, ổn định, hơn là chỉ đứng ngoài cuộc. Một lần nữa, những nguyên tắc tối thượng - trong trường hợp này là nguyên tắc phản đối nền chuyên chế tam đầu - phải bị vứt bỏ để ưu tiên thực thi những việc khác.26 Tôi tự hỏi liệu ngày nay, có ai nắm giữ vai trò thực hiện trong chính phủ của một quốc gia nào đó chuẩn bị ném viên đá đầu tiên hay không27. Tuy nhiên, Biện hộ cho Balbus còn đáng chú ý vì một nguyên nhân khác, lạc quan hơn, Nó mô tả kỹ năng mà người La Mã thể hiện trong việc trao quyền công dân cho người ngoại quốc (Balbus cũng từng là một người ngoại quốc).
Không lâu sau đó, Cicero bắt đầu dành tâm sức cho hai công trình vĩ đại, Về nhà nước [On the State] và Về luật pháp [On Laws], trong đó ông trình bày những cống hiến tích cực trọng yếu của ông cho nghệ thuật cầm quyền, thứ nghệ thuật mà ông đã dạn dày kinh nghiệm - ông định rằng những luận thuyết này không chỉ gây hứng thú về mặt lí thuyết mà còn nhằm áp dụng trong thực tiễn. Ông ưa thích một hiến pháp kết hợp cả ba hình thức danh tiếng: quân chủ chuyên chế, chính trị đầu sỏ, và dân chủ.28 Chính nhà nước và quốc gia của ông, cùng sự phát triển của nó, chưa bao giờ quá khác biệt với quan niệm của ông, và không có gì soi rõ tiến trình chuyển biến của thể chế chính trị phi thường này hơn hai công trình phân tích của Cicero. Mà cụ thể, các thảo luận của ông luôn dựa trên những hoàn cảnh nan giải của một Cộng hòa La Mã đang hấp hối tại chính thời điểm ông viết, và việc nhìn vào cách Cicero nhìn nhận những
hoàn cảnh này giúp ta khám phá ra nhiều điều. Ông chính là nhà tư tưởng chính trị khai sáng nhất và có lẽ là vĩ đại nhất của Rome.29
Việc nền cộng hòa có cần đến một rector (thống sứ, hướng đạo, nhà bảo hộ) hay không phụ thuộc nhiều vào cách chúng ta diễn giải niềm tin của ông. Liệu có phải, như nhiều người nghĩ, niềm tin của Cicero là tiếng vọng của Scipio Africanus trẻ (Aemilianus) [nhà quân sự], hay là lời cổ vũ Pompey, hay lại là lời tự khen mình của Cicero xem bản thân là vị cố vấn tiềm năng? Thế nhưng, rector của Cicero nên được xem, như một nhân vật phi cá nhân hóa, hiện thân, biểu tượng, giống như các Giám hộ [Guadian] của Plato. Nhưng dẫu sao, phác họa của ông về khái niệm này cho thấy ông nhận thức rõ ràng hệ thống chính trị không thể tồn tại nếu thiếu đi biện pháp định hướng của cá nhân. Với điểm hạn chế duy nhất, chủ yếu [đối với một nền cộng hòa - ND] này, ông cho rằng hệ thống Cộng hòa La Mã cũ (khi ông nhìn lại nó trong niềm hoài cổ) là tốt nhất.
Cho nên chính đây, theo một nghĩa nào đó, là chủ nghĩa cộng hòa truyền thống kiểu cũ - tạm gác sang bên những gợi ý mơ hồ về rector- thứ chủ nghĩa không đưa ra được một giải pháp cụ thể nào cho những tội lỗi trong thời đại của Cicero. Đó chính là thái độ khiến ông bị lên án là nhà tư tưởng luẩn quẩn, tuyệt vọng, đáng hổ thẹn, kém cỏi, lạc hậu, kẹt giữa làn ranh cách mạng và phản động.30 Song, kết án như thế là không công bằng: ngay tác phẩm Concordia Ordinum đã tốt đẹp hơn những gì người ta phán xét ông, và hơn nữa, ông vẫn còn nhiều cống hiến khác. Cụ thể, khi gợi lại Luật tự nhiên khắc kỷ và Tình huynh đệ của nhân loại [Brotherhood of Man], ông tin tưởng vững chắc vào các quyền con người cơ bản mà những học thuyết này ngụ ý. Ông tin rằng, có một luật phổ quát, có hiệu lực toàn hảo, dựa trên Lý tính [Reason], vượt trên mọi luật lệ của bất kỳ quốc gia hay nhà làm luật nào (mặc dù Cicero là người ủng hộ chủ nghĩa hợp hiến mạnh mẽ nhất). Đây là học thuyết có sức ảnh hưởng áp đảo, và nhận được nhiều tiếng nói đồng tình, dù hiện nay, cũng như xuyên suốt quá khứ, nó thường bị vi phạm hơn là tôn trọng trong thực tiễn.
Các cuộc biến loạn của nội chiến giữa Pompey và Caesar (49-48 TCN) đã diễn ra tiếp sau đó.31 Cicero tuyệt vọng bởi đó chính là cái kết cho chính quyển nền nếp, thanh bình mà ông đã luôn gắn bó. Sau một thời gian dài băn khoăn, ông về phe Pompey vì dù có nhiều khiếm khuyết nó vẫn gần với chủ nghĩa Cộng hòa hơn chế độ chuyên chế của Caesar (và chiếm được lòng trung thành của hầu hết những người ủng hộ nền Cộng hòa).
Sau khi Caesar thắng trận Pharsalus (48 TCN), ông ân xá cho Cicero, Cicero bèn trở về Ý. Thế nhưng, cả cuộc đời chính trị dưới ách độc tài của ông đã kết thúc, và dù ông không thể ngăn mình ngưỡng mộ một cách mơ hồ đối với học vấn và thành tựu của Caesar, ông lại hoàn toàn không đồng tình với sự thống trị độc tài của ông này.32 Tất cả những gì ông có thể làm là trở lại viết lách, và bên cạnh nhiều tác phẩm triết học cực kỳ quan trọng được sáng tác trong những năm này - chúng phổ biến nhiều ý tưởng trừu tượng với kỹ năng tột bực33- ông cũng đã viết tác phẩm Brutus (46 TCN) (được dịch trong tập sách này). Không ai có thể hiểu quan niệm của Cicero về thuật cai trị nếu không đọc tác phẩm ấy.
Bề ngoài, Brutus là một khảo sát về thuật hùng biện La Mã; và chứa nhiều chi tiết thú vị về những gì Cicero đã làm để trở thành một biện giả xuất sắc. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng hùng biện là một phần cực kỳ quan trọng trong chính trị và chính quyền, tại Rome, cũng như tại những diễn đàn nhỏ hơn ở Athens trước đây. Quả thực, chính quyền La Mã phụ thuộc, và được vận hành bởi thuật hùng biện - đó là phương tiện hiệu quả nhất để tạo nên quan điểm và thúc đẩy hành động, bao gồm cả các quyết định xét xử34- ở một mức độ mà chúng ta không thể nào tái hiện cũng như hình dung dễ dàng, bởi vai trò này hoàn toàn xa lạ với thực tiễn ngày nay, khi người ta xem hùng biện và nghiên cứu hùng biện là khuôn mẫu lỗi thời, và ngày nay hiếm có diễn giả xuất sắc nào hiện diện trong nghị viện của các quốc gia trên thế giới. Ngược lại, ta có thể nói rằng chính quyền La Mã cổ đại - cho đến khi những kẻ chuyên chế nắm quyền - mang tính hùng biện: Cicero quả quyết rằng biện giả hoàn hảo (với tư tưởng tự do và phẩm hạnh vững mạnh) cũng chính là chính trị gia Cộng hòa hoàn hảo.35 Và những gì tác phẩm
Brutus làm được là giúp độc giả khám phá hậu trường, làm cho họ thấy vì sao ông quan niệm như thế, và những gì đã xảy ra. Chúng ta thật may mắn biết bao khi Cicero, trong khi bị ngăn hoạt động chính trị trong thời điểm này, vẫn còn sức lực và ý chí để lại cho chúng ta nghiên cứu vô giá này!36 Nó mô tả - tốt hơn bất cứ tác phẩm đơn lẻ nào khác “ cách thức thế giới La Mã vận hành.
Khi Julius Caesar bị sát hại vào tháng Ba năm 44 TCN, những kẻ âm mưu đã khống kéo Cicero vào kế hoạch của họ, bởi ông là một biện giả vĩ đại. Ông không hề ăn năn khi tin đồn lan truyền rằng ông đã cố vấn vụ sát hại,37 và ông vui mừng khi nghe tin về vụ sát hại này.38 Quả thật, trong một khoảng thời gian, biến cố này dường như đã khôi phục cho ông uy quyền của một cựu chấp chính quan lão thành; Thế nhưng, mọi sự sớm rõ ràng rằng: Antony muốn chiếm vị trí của Julius Caesar, và trở thành nhà độc tài cai trị Rome. Đối với việc này, Cicero cảm thấy không tài nào chấp nhận được. Nền độc tài của Caesar đã xâm phạm sâu sắc thiên hướng Cộng hòa của ông, nhưng ông vẫn còn nấn ná với nó, một phần bởi tính cách của Caesar, tuy nhiên chủ yếu là do ông buộc phải làm thế. Ông không có mong muốn hay ý định nán lại với Antony - người mà ông khinh bỉ coi là một kẻ thấp hèn và ông tin là ông có thể ngăn chặn hắn đạt được mục tiêu chuyên quyền tồi bại. Vậy nên ông chỉ trích Antony ở Viện Nguyên lão và Hội đồng, trong mười bốn quyển Philippics.
Cicero không phải là người gan dạ lắm, và thường khi, ông không thể quyết định mình cần làm gì. Thế nhưng, giờ đây, sự kinh tởm và quyết tâm đã cho ông cả tính gan dạ và quyết đoán, khi ông dần dần thuyết phục Viện Nguyên lão bàng quan và trơ ì nhận ra hiến pháp đang bị đe dọa bởi Antony. Chúng ta phải thừa nhận rằng ông đã mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng. Sai lầm tồi tệ nhất là tin tưởng Octavian (tương lai là Hoàng đế Augustus) đã và vẫn đang là một người bạn của nền Cộng hòa.39 Song, những diễn văn chống lại Antony không chỉ chói sáng mà còn thật sự can đảm, can đảm nhất trong tất cả những việc đòi hỏi sự dũng cảm mà ông từng làm. Cuối cùng, Cicero đã có thể bày tỏ tiếng nói công khai và thiết thực về niềm tin sâu sắc nhất của ông đối với chính quyển, đó là: không
được để một cá nhân độc nhất cai trị Rome. Những tuyên bố như thế của ông trong tác phẩm Philippics, chính là những tuyên bố cuối cùng do ông phát biểu, vì ông phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Antony và Octavian bắt tay với Lepidus để hình thành Tam Đầu Chế độc tài thứ hai; và theo đề xuất của Antony, để trả thù vụ Philippics, Cicero đã bị xử tử.40
Nhưng ảnh hưởng của ông vẫn còn rộng khắp,41 và tác phẩm vững chãi nhất qua thử thách của thời gian chính là Humanitas nổi tiếng, nó nhấn mạnh rằng: khi những năng lực cao cấp nhất của loài người đã dược sử dụng thì con người và quan điểm của toàn thể nhân loại có quyền được công nhận và tôn trọng mà không một nhà độc tài nào trên thế gian được quyền chà đạp.
Tôi rất biết ơn David Duguid, Maria Ellis, và Robin Waterfield vì những đóng góp hết sức hữu ích cho cuốn sách này, tôi cũng cảm ơn Paul Keegan, Jenny Page và Susan Piquemal đã giám sát quá trình in ấn.
cho ông là cố vấn cho một nhà lãnh đạo bẩm sinh, ông đã ấp ủ - mà không hẳn không có nghi ngờ (và chấp nhận khả năng về sau loại bỏ người mà ông bảo trợ) - ý tưởng ngớ ngẩn rằng: chính ông sẽ trở thành rector và cố vấn chính trị cho một Octavian tưởng chừng như đầy cung kính, “được thần linh dẫn lối” (Octavian đã khăng khăng nài nỉ Cicero đến Rome). Mặt khác, Brutus lại cho rằng có thể thỏa thuận với Antony - ông luôn coi Octavian là mối nguy thực sự cho nền Cộng hòa. Thế nhưng trong lúc đó, khả năng tranh đấu và thao túng của Octavian chống lại Antony - với sự giúp sức của một số nhân vật từng ủng hộ Julius Caesar và những nô lệ đã được tự do - thể hiện một sự bền bỉ, điều báo hiệu tương lai vĩ đại của ông.
Trong tủ sách Penguin Classics các tác phẩm khác của Cicero là Murder Trials, On the Nature of Gods, On the Good Life, Selected Letters, Selected Political Speeches, Selected Works.↩
Ông được xem là một người được biết đến rõ nhất vào thời cổ đại.↩
Cicero thường nhắc lại lời của những người Khắc kỷ, rằng: giá trị thực sự của một con người không nằm ở những gì người đó thực sự có được (bởi ông biết rằng mình thường xuyên thất bại) mà ở những gì người đó nỗ lực đạt tới.↩
Bên cạnh, hay tương phản với nhiều phẩm chất thuyết phục hơn, Cicero cũng xuất sắc trong việc phóng đại, nhắc lại, cường điệu và làm thiên lệch mà nghệ thuật hùng biện thời đó cần có. Quả thật, khi ông diễn thuyết, có thể những kĩ năng này còn được nhấn mạnh nhiều hơn mức chúng ta hình dung nữa, bởi vì rõ ràng các diễn văn của ông đến được tay chúng ta trong hình thức thiên về tính văn chương nhiều hơn so với khi được ông trình bày.↩
Mối liên hệ giữa Cicero vớt kỵ sĩ giàu có, phi-chính-trị Titus Pomponius Atticus có tầm quan trọng lớn lao đối với ông, người cho ông những lời khuyên, gây ảnh hưởng và hỗ trợ ông về tài chính - đặc biệt sau khi ông bị cô lập chính trị. Ông được nói đến trong Brutus, được dịch ở Chương 6.↩
Đại hội Century bầu ra hai quan chấp chính trong hàng ngũ đại quý tộc Rome với nhiệm kỳ một năm. Hai quan chấp chính với quyền lực ngang nhau sẽ là người trực tiếp điều hành mọi công việc của xã hội, nắm giữ quyển lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong trường hợp tổ quốc lâm nguy, một trong hai quan chấp chính sẽ được chọn làm tư lệnh quân đội và là độc tài trong thời hạn sáu tháng, có quyền quyết định tối hậu về mọi công việc. Theo nguyên tắc, đại hội Century là cơ quan quyền lực tối cao, nhưng trên thực tế các quyết định phải được Viện Nguyên lão thông qua. (Lịch sử thế giới cổ đại - Lương Ninh chủ biên) (ND)↩
Suốt thập kỷ tiếp theo và sau đó, xung đột leo thang giữa Marcus Antonius (Antony) ở miền Đông (cùng với Cleopatra VII của Ai Cập) với Octavian ở miền Tây. Hệ quả chính là trận đánh Actium (31 TCN), với chiến thắng cho Octavian “ bốn năm sau ống lấy tên Augustus, và trở thành người sáng lập chính thể đế chế được gọi là chế độ Principate - chế độ nguyên thủ.↩
Xem phẩn sau, Biện hộ cho Murena (Chương 2).↩
Danh xưng equites được sử dụng ít ra là từ năm 88 TCN. Họ là những người có tài sản - không giống như những gì thường được nói, họ không phải là một bộ phận trung lưu thuần nhất “ “các thương nhân”, mặc dù publicani (các quan chức thu thuế cạnh tranh những hợp đồng công) đã trở thành một nhóm có ảnh hưởng quan trọng. Tuy nhiên, còn một vấn đề khác về vai trò thành viên bồi thảm các vụ án hình sự - vốn đưa đến rạn nứt rõ ràng giữa viện nguyên lão với equites (trong các vấn đề khác, họ ít khi bỏ phiếu trái nhau).↩
Đó là lý do mà Cicero sau khi chọn hướng đi đổi mới trước đó (ví dụ: trong các diễn văn Buộc tội Verres (Chương 1)), thì về sau lại thể hiện sự thù địch với những quan bảo dân cải cách như anh em nhà Gracchus - ông cho rằng những hoạt động của họ đã dẫn tới những đòi hỏi phá vỡ cơ chế phân phối đất đai và xóa nợ (ông là người đầu tiên nhấn mạnh rõ ràng vai trò cốt yếu của sở hữu tư nhân - ông tin bảo vệ nó là nhiệm vụ căn bản của chính quyền). Thế nhưng ông cũng nhận ra rằng các nỗ lực của nhà độc tài “bảo thủ” Sulla (81 TCN) nhằm khôi phục quyền thống trị của Viện Nguyên lão quá đẫm máu; và ông cho rằng bất hạnh của mình (nhất là vụ trục xuất ông giai đoạn 38-57 TCN) là do lòng ghen tỵ và sự lãnh đạm yếu đuối của tầng lớp quý tộc bảo thủ. Tuy nhiên, nhìn chung thì ông đã về phe với những người bảo thủ này (optimates) đối đầu với nhóm cấp tiến (populares). Tất cả các nhóm này đều không thiết lập ổn định được đảng phái chính trị của mình, bởi lẽ các thành viên của cả hai phe đều là những cá nhân cạnh tranh nhau để theo đuổi quyền lực và vinh quang cho riêng mình. Thế nhưng có thể mô tả họ một cách tương đối là: một bên là những chính khách hoạt động trong Viện Nguyên lão và một bên là những kẻ ưa trực tiếp tác động đến các đại hội nhân dân (bỏ qua Viện Nguyên lão). Các đại hội nhân dân sẽ được nói đến nhiều hơn trong luận thuyết Về luật pháp [On Laws] (Chương 5).↩
Phát biểu đầy đủ nhất về khái niệm này nằm trong diễn văn Biện bộ cho Sestius [For Sestius], 96ff. Otium hàm ý việc bảo toàn hiện trạng [status quo], miễn là tầng lớp cai trị hoạt động theo một tiêu chuẩn nhất định. Vài người có phẩm giá [dignitas) (vì phẩm chất, uy tín, danh tiếng và ảnh hưởng của họ), trong khi những người khác thì không. Dẫu Cicero tin vào tự do, ông không tin vào sự bình đẳng; ông cho rằng tự do dân chủ quá đà sẽ đồng nghĩa với việc dignitas không có được vị thế xứng đáng.↩
Bản thân Cicero không phải là một trạng sư chuyên nghiệp, mặc dù ông có viết một tác phẩm về lĩnh vực này (De iure civili in artem redigendo) - tác phẩm này đã thất lạc. Khi đó, chưa có những trạng sư biện hộ hay quan tòa chuyên nghiệp (những pháp quan chỉ đơn thuần là chủ tọa).↩
Bộ máy chính quyền La mã gồm các chức vụ: quan chấp chính (chức nâng đã nói ở trên), quan bảo dân (bảo vệ quyền lợi của lớp người bình dân, có thể phủ quyết quyết định chính phủ), pháp quan (coi về tố tụng), quan coi quốc khố (quan giám tài), censor [tạm dịch: giám quan] (coi tình hình dân số, thuế, giáng hoặc nâng đẳng cấp xã hội cho một cá nhân), quan thị chính, và một số chức vụ nhỏ khác. (ND)↩
Cicero chọn chức quan thị chính thay vì chức quan bảo dân “được lòng dân” hơn vì ông không muốn gây mất lòng giới quý tộc - (Dio xxxvi, 43, 5) - dẫu những băn khoăn này cũng biến mất khi ông chọn công kích Verres (Chương 1). Quan thị chính chịu trách nhiệm quản lý các công trình công cộng và trông coi các tài liệu lưu trữ.↩
Thống sứ (governor) được chỉ định hay bầu cử để trở thành người cầm quyền theo luật La Mã ở một hay nhiều tỉnh thuộc đế chế. Thống sứ là trưởng quan tòa của tỉnh. Thống sứ có quyền độc nhất là đưa ra án tử hình, và những vụ này thường xét xử trước mặt nhân vật này. Thống sứ cũng cần đi khắp tỉnh để bảo đảm công lý ở các thị trấn quan trọng khi cần. Ngoài ra, thống sứ còn điều khiển các đạo quân trong tỉnh. (ND)↩
Cicero quả quyết Verres đã dùng cách hối lộ để ngăn việc ông đắc cử chức quan thị chính.↩
Trong tác phẩm On Duties, Cicero nhấn mạnh rằng việc cai trị tồi đối với dân chúng trong lãnh thổ sẽ khiến người cai trị phải chịu hậu qua.↩
Ông là người duy nhất không thuộc dòng dõi nguyên lão, trong vòng bốn mươi bốn năm, trở thành chấp chính quan; và giới quý tộc liên tục nhắc nhở ông điều đó - bởi họ sợ rơi lại vào chế độ độc tài hay cảnh hỗn loạn, mặc dù họ ủng hộ việc ông giữ chức quan chấp chinh. Suốt thời Cộng hòa La Mã, hai mươi hay ba mươi người trong số hơn mười gia tộc gần như độc chiếm quyền lực. Về cơ bản, Cicero không phản đối việc này, miễn là họ sáng suốt, thế nhưng họ không như vậy. Do đó, ông cố gắng hết sức nhấn mạnh rằng “những người mới” mang đến một nhân tố trọng yếu là virtus - tức phẩm chất. Chủ đề này sẽ được nói nhiều hơn trong các diễn văn Buộc tội Verres và Biện hộ cho Murena.↩
Cicero: Selected Political Speeches (Penguin Classics), trang 71-145.↩
Ông biết việc đó, và biện minh cho những lập luận bênh vực vô lý tại tòa trong các vụ án khác (Letters to Friends, VII, 1, 4, To His Brother Quintus, HI, 5, 4). Xem thêm Biện hộ cho Balbus (bên dưới, Chương 3).↩
Một số người vẫn tin năm 60 TCN đánh dấu kết thúc thực sự của Cộng hòa La Mã: R. Syme, The Roman Revohmtion, tr. 8.↩
Letters to Atticu, IV, 5, Letters to Friends, 1, 9.↩
“Xin tạm biệt nguyên tắc - một cách chân thành và danh dự” (Letters to Atticus, đã kể trên) - có lẽ đề cập đến bài diễn văn sớm hơn một chút cua Cicero là On the Consular Provinces. Trong For Plancius, năm 91 TCN (trình bày năm 54 TCN), ông lý giải một lần nữa, và cố biện minh cho sự từ bỏ của mình.↩
Kinh Thánh có câu: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” (Ga 8:7) ở đây tác giả muốn nói: ngày nay, có người nào làm trong chính quyền mà hoàn toàn không thỏa thiệp, chỉ người đó mới đủ tư cách ném đá buộc tội Cicero. (HĐ)↩
Thể chế “hỗn hợp” này, mà trước đây được sử gia Polybius tôn vinh (Cicero mang ơn ông rất nhiều), xuất hiện nhiều lần trong những cuộc tranh luận đầu tiên về thể chế Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, chẳng hạn: nó được thể hiện nổi bật trong tác phẩm Defence of the Constitutions of Government of the United States của John Adams (1787).↩
M. Fuhrmann, Gymnasium, LXVII, 1960, tr. 481. Cicero đã dạy ra cách suy nghĩ - Voltaire nói như vậy.↩
Sử gia La Mã vĩ đại Theodor Mommsen (1817-1903) chịu trách nhiệm lớn cho quan điểm này, vốn được R.G.C Levens nhắc lại, kể từ nhiệm kỳ chấp chính của Cicero trở về sau (Cicero: The Fifth Verrine Oration, 1946 (1967), tr. Xliii). Chẳng hạn: trong hoàn cảnh tuyệt vọng và ngày càng mất kiểm soát, ông không vạch ra được bất kỳ cách tiếp cận nào cho việc tái thiết kinh tế đang hết sức cấp bách. Cũng như không có mô hình xã hội và thể chế nào mà ông gắn bó theo kịp những thay đổi mãnh liệt của thời đại đó; chẳng hạn: ông không thể nhận ra thế giới bấy giờ không còn có thể được cai trị thông qua các thể chế thành phố nữa. Với sự tuyệt vọng, và chủ nghĩa lạc quan đơn độc, ông muốn đổi mới và hồi sinh nhà nước mà không phải thay đổi thể chế của nó. Thực sự, ông không hiểu gốc rễ của những khó khăn mà La Mã hiện đang mắc phải. Levens nói thêm: “Hoang mang và phẫn nộ vì tan vỡ hy vọng, không thể đối diện với tương lai, ông luôn phải vật lộn để lý giải hiện tại cho phù hợp với chính quá khứ của mình, và những gì ông phát biểu luôn bị ảnh hưởng bởi nỗi ám ảnh này.”↩
Cicero làm tỉnh trưởng lần đầu ở Cilicia (51-50 TCN) “ nơi ông hãnh diện vì đã dẹp tan nạn tham nhũng.↩
Thế nhưng ông đã ba lần cầu xin Caesar tha thứ cho các đối thủ chính trị (46-45 TCN). Hơn nữa, vào tháng Mười hai năm 45 TCN, ông đã mời Caesar cùng một đoàn tùy tùng lớn đến dự bữa tối tại biệt thự của minh ở Cumae.↩
Sẽ là bất công khi coi ông đơn thuần là một kẻ ăn cắp những tư tưởng triết học Hy Lạp. Chính ông đã chọn lọc và tổng hợp tài liệu, chúng được củng cố thêm bởi lịch sử La Mã và kinh nghiệm cá nhân ông, và được đặt trong một bối cảnh phổ quát.↩
Cicero khẳng định: sự bền vững của một nhà nước gắn bó mật thiết với những quyết định pháp lý của nó. Brutus mô tả điều đó cực kỳ rõ ràng rằng: những diễn văn trong các phiên tòa thường liên quan mạnh mẽ với chính trị.↩
On the Orator, 1, từ tr.33. Cuốn Orator cố gắng mô tả một biện giả hoàn hảo. Cicero cố ý quay trở lại truyền thống nhân văn của Aristotle và Theophrastus, trước khi triết học và hùng biện phân ly.↩
Mặc dù chính Cicero nhấn mạnh rằng chính trị mới là ưu tiên tuyệt đối của ông, còn học thuật chỉ là tạm thời. Ông phản bác quan điểm chống đối của trường phái Epicurus đối với việc phục vụ nhà nước và chủ nghĩa chính trị tích cực (mặc dù người bạn Atticus của ông là một người theo phái Epicurus). Thế nhưng ông đã nhận ra rằng: nỗi bất hạnh của ông chính là phải sống trong một thời dại mà những tài năng hướng đến hòa bình của mình bất lực trước tham vọng tàn bạo.↩
II Philippics, 25.↩
Vd. Letters to Friends, VI, 15.↩
Xem Philippics, bên dưới, và Letters to Friends, x, 28. Khi Cicero đã sẵn sàng mọi biện pháp khích lệ Viện Nguyên lão đánh bại Antony, đồng thời vai trò thích hợp nhất dành↩
Yếu tố chủ yếu thúc đẩy những “lệnh bài trừ” này (liên quan đến cái chết của 300 nguyên lão và 2000 kỵ sĩ) chính là việc tịch thu bất động sản để trả lương cho quân đội.↩
Về vấn đề này, hãy xem M. Grant (ed), Cicero: Selected Works (penguin Classics), tr. 25-32. Điều đặc biệt mỉa mai là đại bản doanh kinh doanh rượu lậu và bài bạc của Al Capone trong những năm 1920, ở Cook County, Illinois, lại là một thị trấn mang tên Cicero.↩
CHƯƠNG 1
BUỘC TỘI VERRES (II, 5): LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỤC LỢI Ở MỘT ĐỊA PHƯƠNG?
Tác phẩm Buộc tội Verres [Verrines] là đóng góp quan trọng đầu tiên của Cicero cho nghệ thuật cai trị. Năm 70 TCN Gaius Verres, thống sứ trong ba năm trước đó của Sicily - tỉnh xưa nhất, có tầm chiến lược quan trọng nhất, năng suất cao nhất, và sinh lợi nhất của La Mã - đã bị Cicero khởi kiện tại Rome, đó là hệ quả từ những lời chỉ trích gay gắt của các cộng đồng Sicily.42 Bởi người ta yêu cầu Verres hoàn trả một số tiền lớn, cho nên trước tòa, Ông ta bị buộc tội tống tiền.43 Thế nhưng, hầu như ai cũng hiểu rằng cáo trạng này bao gồm cả thói cai trị tệ hại nói chung, và Verres có nguy cơ mất quyền công dân. Đồng thời, địa vị của Viện Nguyên lão La Mã cũng đang bị đe dọa tương tự - xét trên một phương diện quan trọng. Nhà độc tài Lucius Cornelius Sulla (81 TCN) đã sắp đặt phiên tòa tống tiền gồm toàn các thành viên của Viện Nguyên lão,44 những kẻ này khoảng 40 năm trước đã bị quan bảo dân Gaius Sempronius Gracchus ngăn cấm tham gia phiên tòa - và không cho họ quyền bảo trợ - với mong muốn bảo vệ những phán quyết quyết liệt hơn đối với các thống sứ tỉnh của La Mã (các thống sứ này cùng đẳng cấp với các nguyên lão) bị buộc tội vì các hành vi bất lương trong tỉnh. Vào thời điểm xét xử Verves, Sulla đã thoái vị và qua đời; viện nguyên lão được Sulla củng cố vẫn nắm quyền kiểm soát, thế nhưng, quyền lực tối cao của nó đang bắt đầu suy yếu, bởi hai người ác cảm với uy quyền của nó, Cnaeus Pompeius Magnus và Marcus
Licinius Crassus, đã được bầu làm quan chấp chính tối cao cho năm đó.
Cicero đã dành hết tâm huyết cho vụ kiện này (vì thế tác phẩm Buộc tội Verres có căn cứ thực tế vững chắc nhất trong tất cả các diễn văn của ông). Có nhiều lý do để ông làm như vậy. Thứ nhất, ông thực lòng ghét lối cai trị bất lương. Thứ hai, dẫu ông từng là nguyên lão từ năm 74 TCN, ông vẫn trước sau đồng cảm với các kỵ sĩ (equites) - tầng lớp xuất thân của ông, đó là tầng lớp phi-nguyên-lão mà các cải cách của Sulla đã loại bỏ tư cách thành viên của họ trong các phiên tòa, cũng như loại bỏ họ khỏi các vị trí quyền lực khác: Cicero đã tôn vinh ký ức về người đồng hương Arpinum phi quý tộc và cũng là bà con do hôn nhân của ông, Gaius Marius, vốn là địch thủ của Sulla,45 Thứ ba, đây là cơ hội lớn cho Cicero đánh bại và thế chỗ nhà hùng biện kiệt xuất nhất thời ấy, Quintus Hortensius Hortalus (chúng ta sẽ nghe nói nhiều hơn về ông này trong tác phẩm Brutus), người được Verves và những mạnh thường quân quý tộc của ông nhờ biện hộ giúp.
Những bài diễn văn buộc tội Verres của Cicero là những kiệt tác về mặt tu từ và sống động, với phong cách điềm tĩnh và châm biếm - thứ phong cách mà ông vẫn đang định hình,46 Phần đầu tiên trong các diễn văn này (actio prima), cũng là diễn văn duy nhất trong loạt bài thực sự được Cicero trình bày trước tòa, đã thành công triệt để.47 Không cần chờ đến giai đoạn hai của phiên xử (actio secunda) - mà theo thông lệ, trong giai đoạn này, các trạng sư sẽ cố gắng dàn xếp với nhau lần nữa48- Verves rút về Massilia (Marseille) ở Transalpine Gaul, dưới hình thức tự lưu đày (một giải pháp mà cho bị cáo là công dân La Mã trước thời khắc phán quyết), và sau đó bị kết án phạm tội, phải trả hai, hoặc hai lần rưỡi số tiền bất chính.49
Về sau, Cicero xuất bản actio secunda, chia làm năm phần, kể cả các phụ bản mà ông đã định trình lên. Phần tiếp theo này nhấn mạnh tầm quan trọng của vụ kiện và khiến nó trở nên
bất hủ, tố cáo tất cả những trường hợp lạm quyền tàn bạo ở các tỉnh. Ông có thể đã hy vọng sẽ không bao giờ phải trình bày bài diễn văn này, nhưng ông không chắc về điều đó; và trong tập xuất bản đến được tay chúng ta, ông đã cẩn thận ghi lại các diễn từ đúng như những gì ông đã trình bày, với sự hiện diện của bị cáo. Phần đầu đề cập tới sự nghiệp của Verres kể cả chức vụ pháp quan (74 TCN), cho đến trước khi ông ta trở thành thống sứ Sicily. Phần hai đề cập đến việc thi hành công lý trên hòn đảo, phần ba gồm việc thu thuế thập phân và thu mua hạt giống, và phần bốn - được tán dương - nói về vụ trộm cắp tượng cùng các tác phẩm nghệ thuật khác.50 “Nhưng phần 5, ” theo ý kiến của R. G. C. Levens,51 “bàn về những điều chúng ta quan tâm, là phần đa dạng và đặc trưng nhất của tuyển tập.” Trên danh nghĩa, chủ đề của nó chia làm hai: sự lãnh đạo của Verres trong vai trò thống sứ quân đội, và sự bạo tàn vô trách nhiệm của ông ta qua việc hành hình dân Sicily và dân La Mã.52 Nhưng thực ra đó là sự trù liệu kĩ lưỡng tột bực cho toàn bộ bản cáo trạng, được xây dựng nhằm sử dụng tối đa khả năng hùng biện của Cicero… Mục tiêu của ông không chỉ đơn thuần là trình bày chứng cứ cho tội lỗi của Verres, mà còn khiến Verres trở thành đối tương bị khinh miệt, công phẫn và căm ghét.”
BUỘC TỘI VERRES (II, 5)
Kính thưa quý ngài, tôi biết các ngài đều đã nhận thấy rõ ràng: Gaius Verres đã cướp đoạt tài sản của Sicily một cách hoàn toàn công khai, cả tài sản thiêng liêng lẫn tài sản thế tục, cả tài sản công lẫn tài sản tư. Quý vị cũng biết rằng: không có hình thức trộm cắp hay cướp đoạt nào hắn không dám làm, với tính bất lương tột độ, và còn gì nữa, chẳng hề có ý định giấu giếm.
Dẫu như thế, hắn đang toan đưa ra lời biện hộ ấn tượng, mạnh mẽ cho hành vi của mình. Và thưa bồi thẩm đoàn, tôi phải suy tính trước phương cách đối đáp hắn. Lập luận tôi dùng để phản bác hắn như sau. Sự thận trọng và gan dạ phi thường của Verres, mà trong những thời khắc hiểm nguy và gây lo ngại,53 được hắn xem là
những phẩm chất giúp bảo vệ và cứu vớt tỉnh Sicily khỏi những nô lệ trốn chạy và hiểm họa chiến tranh. Tôi phải cân nhắc, thưa quý ngài, sử dụng đường lối nào, định hình bản cáo trạng trên phương diện nào, cũng như cách thức phản bác nào cho đúng lý. Phẩm chất chỉ huy tài ba của Verres được sử dụng làm thành lũy chống lại mọi công kích của tôi. Tôi hiểu rõ kiểu lý lẽ này. Tôi thấy trước những điều hắn sẽ khoác lác. Hắn sẽ thổi phồng mối nguy chiến trận, thổi phồng cơn khủng hoảng mà đất nước ta đang đắm chìm, và thổi phồng vấn nạn thiếu hụt tướng lĩnh. Rồi hắn sẽ khẩn cầu, hay hắn sẽ van nài quý vị - như thể đó là một quyền hết sức chính đáng của hắn - rằng quý vị không nên để La Mã bị tước mất một tướng lĩnh tài ba như thế, quý vị không nên nghe theo lời kể của những nhân chứng Sicily; và rằng quý vị không nên bỏ qua tiểu sử chói sáng của một vị tướng chỉ bởi vị ấy bị quy tội chiếm đoạt.
Thưa quý ngài, tôi xin thành thực với quý ngài. Tôi rất lo ngại lý lịch quân sự ấn tượng của Verres sẽ khiến mọi việc làm khác của hắn thoát khỏi trừng phạt. Tôi còn nhớ phiên tòa của Manius Aquilius.54 Tôi nhớ rằng: bài diễn văn biện hộ cho hắn của Marcus Antonius được xem là ấn tượng và quả quyết, Khi Antonius dẫn dắt đến lời kết, ông cho thấy ông là nhà hùng biện dũng cảm và sắc sảo đến dường nào. Vì những gì ông làm là đến chỗ Manlus Aquilius và túm lấy hắn. Sau đó, ông để Aquilius đứng ở chỗ mà ai cũng thấy, rồi ông phanh ngực áo hắn, để lộ lồng ngực hắn. Mục đích của ông là cho người dân thành Rome cùng bồi thẩm đoàn nhìn thấy những vết sẹo Aquilius phải chịu - những vết sẹo trước ngực hắn. Đồng thời, Antonius cũng huyên thuyên về vết thương trên đầu thân chủ mình - vết thương do một viên chỉ huy địch gây ra và cũng được trưng ra ngay trước mắt mọi người. Kiểu phô diễn này khiến bồi thâm đoàn xúc động sâu sắc. Mạng sống một con người đã được cứu thoát trước vũ khí của quân thù; thần may mắn đã giải cứu hắn ta. Hắn chưa bao giờ nỗ lực tự cứu mình. Thế nhưng, viễn cảnh của hắn sẽ thật sự đáng buồn, nếu sau khi được cứu sống, hắn chẳng được quần chúng La Mã tán dương, mà lại thành nạn nhân của những đòn công kích tàn bạo từ những viên hội thẩm.
Đó là lối biện hộ mà những đối thủ của tôi dự định áp dụng lúc này; và ai cũng thấy cái đích mà nó nhắm đến. Bọn họ sẽ nói rằng: Verres có thể là một tên trộm, và một kẻ báng bổ thần linh, ở khía cạnh này, hắn có thể là bậc thầy vô song trong mọi tội ác hay mọi thói xấu mà ta có thể nghĩ ra được. Nhưng hắn lại là một tay chỉ huy tài ba và may mắn, cho nên bất chấp mọi thứ: ta nên yêu lấy hắn, để hắn có thể giải quyết những việc quốc gia đại sự mà chúng ta đang mắc phải.
Giờ đây, hỡi Verres, có nhiều phương cách ta có thể dùng để chống lại ngươi; nhưng ta sẽ không đụng đến chúng. Ta sẽ không đưa ra lời khẳng định mà ta biết hoàn toàn hợp lẽ; đó là: một phán quyết phải được tòa tuyên cho một vấn đề cụ thể, riêng biệt. Nếu ta nhấn mạnh nguyên tắc này thì những gì ngươi phải chứng minh không phải là việc ngươi là chiến binh giỏi, mà là: ngươi đã kiềm chế không đụng tay vào tài sản của bất cứ ai khác, những thứ không phải của ngươi. Tuy nhiên, như ta đã nói: đó không phải là điều ta sẽ tiến hành. Thay vì vậy, ta sẽ truy vấn ngươi - ta cho rằng đây là điều mà chính ngươi cũng mong muốn - liệu những thành tựu quân sự của ngươi có thực sự quan trọng như những gì được kể hay không.
Chẳng có nghi ngờ gì về điều ngươi nói, đó là: sự can đảm của ngươi đã bảo vệ Sicily khỏi những nô lệ trốn chạy. Đó là một hành động tuyệt vời, và cũng là lời biện hộ đáng khen ngợi. Tuy nhiên, ngươi đang nói đến cuộc chiến nào nhỉ? Theo như ta vẫn hiểu thì chẳng có cuộc chiến với nô lệ trốn chạy nào xảy ra ở Sicily kể từ Cuộc chiến Nô lệ thứ Hai mà Manius Aquilius đã kết thúc. Dẫu cũng có một cuộc chiến khác ở Ý, mà ta sẽ chỉ ra sau đây. Và hẳn nhiên, đó cũng là một cuộc chiến hệ trọng và ác liệt.55 Và chắc hẳn ngươi không có ý ám chỉ rằng ngươi cũng có công lao trong chiến thắng đó cùng với Marcus Licinius Crassus hay Cnaeus Pompeius Magnus - dẫu ta tin tưởng tuyệt đối rằng sự trơ tráo của ngươi đủ lớn để ngươi dám tuyên bố ngớ ngẩn đến như vậy!
Không, chúng ta được hướng đến việc hình dung là ngươi đã ngăn chặn những toán nô lệ trốn chạy từ Ý tới Sicily. Nhưng ta không
thể hình dung ngươi đã ngăn chặn việc ấy vào khi nào, ở đâu, hay từ phía nào, hay hình thức đổ bộ nào, bằng xuồng hay bằng thuyền. Bản thân ta chưa từng nghe những chuyện như thế xảy ra bao giờ. Ta lại nghe kể về hành động táo bạo và sự quả quyết của Marcus Crassus dũng cảm đã ngăn bọn trốn chạy làm bè56 và vượt qua eo biển đến Messana: dù thực ra thì chuyện đó cũng chẳng cần tốn nhiều công sức ngăn chặn, nếu có những đội quân La Mã trú đóng ở Sicily và sẵn sàng đẩy lui bọn nô lệ nếu chúng xoay sở đổ bộ. Ta đồng ý rằng: đã có một cuộc chiến diễn ra ở Ý - và ở rất gần bờ biển Sicily; nhưng ngay tại Sicily thì chẳng có chiến tranh gì sất. Nhưng chuyện đó cũng không ngạc nhiên lắm. Bởi ngược lại, trong quá khứ mỗi khi có chiến tranh ở Sicily, thì nó chẳng bao giờ lan đến Ý, dù khoảng cách giữa hai vùng chẳng bao xa.
Tuy nhiên, ta không chắc vị trí gần kề này nói lên được điều gì. Có lẽ nó cho thấy quân thù sẽ dễ dàng tiếp cận Sicily. Hay nó cho thấy nguy cơ nổi loạn lan tràn đến hòn đảo này - do ảnh hưởng lan truyền. Thế nhưng bọn phản loạn không hề có thuyền! Mà nếu không có thuyền, thì con đường nối hai bờ không chỉ bị ngăn trở, mà còn bị phong tỏa hoàn toàn. Ngươi nhấn mạnh rằng những nhân tố thù nghịch này ở gần Sicily, nhưng chúng có thể dễ dàng đến Đại Tây Dương hơn là đến Mũi Pelorus. Ngươi cũng nói đến việc bọn nô lệ phản loạn có thể lan rộng ảnh hưởng. Thế nhưng theo như ta biết, khi nói về chuyện đó ngươi cũng chẳng có thêm lý do gì mới so với những lý do của các thống sứ tỉnh khác. Có lẽ ngươi cho rằng có thể nếu ra chuyện này dựa vào những cuộc chiến nô lệ từng xảy ra tại Sicily. Nhưng thực ra, đó chính xác là lý do tại sao tỉnh cửa ngươi đã, và vẫn, hoàn toàn không hề có hiểm họa nào. Vì suốt từ khi Manius Aquilius ra đi, tất cả các thống sứ khác đều đã thực hiện những điều chỉnh và thông qua các sắc lệnh khiến nô lệ không thể sở hữu bất cứ loại vũ khí nào.
Liên quan đến chủ đề này, ta sẽ kể lại một câu chuyện cũ. Nó cho thấy một điển hình cho sự nghiêm ngặt mà ta đang nói đến, và có lẽ chính ngươi cũng biết câu chuyện này bởi cùng lý do ấy. Khi Lucius Domitius Ahenobarbus làm thống sứ Sicily,57 một ngày nọ, người ta mang một con heo rừng lớn đến chỗ ông. Domitius nhận
thấy còn vật này tuyệt đẹp, và hỏi ai đã giết nó. Khi ông nghe rằng kẻ giết nó là một người chăn cừu thuê, ông bèn cho gọi người này, và anh ta đến đầy sốt sắng - với hy vọng được khen ngợi hay ban thưởng. Domitius đã hỏi anh ta làm thế nào mà giết được con thú khổng lồ như thế. Anh ta trả lời rằng đã giết nó bằng một cây thương chuyên dùng để đi săn. Thế là, viên thống sứ ra lệnh đóng đinh anh ta ngay tức khắc. Có lẽ cách xử lý như vậy thật tàn nhẫn. Ta sẽ không bàn đến khía cạnh đó. Tuy nhiên, cái ta thấy là Domitius đã quyết định trừng phạt người đàn ông để rồi bị xem là độc ác, chứ không bỏ qua chuyện người này phạm tội sử dụng vũ khí - chuyện đó đồng nghĩa Domitius sẽ bị đánh giá là nhân từ thái quá.
Khi những luật lệ hà khắc nảy được đưa ra ở Sicily, thì thống sứ Gains Norbanus,58 dù không phải là người mạnh mẽ hay gan dạ lắm cũng đã chẳng vấp phải khó khăn gì. Đó là giai đoạn mà toàn xứ Ý đang bừng bừng ngọn lửa chiến tranh với các đồng minh.59 Tuy nhiên khi đó, Sicily lại hoàn toàn đủ lực tự bảo vệ mình khỏi bất cứ sự bùng nổ chiến tranh nào từ bên trong. Người Sicily có những mối liên hệ cực kỳ gần gũi với các thương gia La Mã trong cuộc sống hằng ngày và trong các vấn đề vật chất; đó là mối quan hệ hợp lý và hài hòa. Thêm nữa, họ hoàn toàn hài lòng với luật lệ La Mã, không hề mong muốn lật đổ hay thay thế nó. Chưa kể, đối với hiểm họa thù địch từ các nổ lệ, những sắp đặt của các thống sứ đủ sức trông chừng chúng; và sự nghiêm khắc của chính những chủ nô cũng giúp sức một phần. Vì tất cả những lý do đó, chúng ta không phải lo ngại bất kỳ cuộc nổi dậy nào trong tỉnh lỵ này.
Thế nhưng chúng ta phải đặt câu hỏi rằng: thực sự, có đúng là không có bất cứ cuộc bạo động nào của nô lệ hay mưu đồ nào được báo cáo từ Sicily trong thời gian Verres làm thống sứ hay không. Chắc chắn không có những chuyện đại loại như thế đến tai Viện Nguyên lão hay người dân thành Rome, và chính Verres cũng chẳng gởi đến Rome báo cáo chính thức nào về vấn đề này. Song, dẫu sao đi nữa, cũng có nhiều gợi ý cho rằng: các cuộc nổi dậy của nô lệ đã được toan tính tại nhiêu nơi ở Sicily. Đúng là tôi không có chứng cứ để tiếp tục, nhưng tôi đang suy luận từ việc lầm và sắc
lệnh của Verres. Xin nhớ cho rằng khi tôi nói điều này, động cơ của tôi không hề có hiểm thù. Mà đúng ra, những gì tôi định làm là truyền đạt và ghi nhận chính những luận điểm mà Verres sốt sắng thiết lập;60 và những điều mà quý vị chưa từng nghe bao giờ.
Quận Triocala là một phần của hòn đảo, là nơi những nô lệ trốn chạy thời trước từng chiếm đóng. Và rồi, nô lệ của một người Sicily tên là Leonidas bị nghi ngờ khởi xưởng một âm mưu. Verres đã được báo cáo việc này, và theo lệnh của hắn những người dính líu bị bắt giữ thích đáng và được đưa đến Lilybaeum. Chủ nô của họ bị triệu đến tòa, phiên xử diễn ra, và họ bị kết án. Tôi tự hỏi rằng: quý vị dự đoán chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo. Quý vị hoàn toàn đúng đắn khi cho rằng Verres, như thường lệ, đã kiếm chác thứ lợi nhuận bẩn thỉu, trộm cắp từ vụ việc này. Nhưng đừng cho rằng sự việc sẽ luôn diễn ra cùng một kiểu: lần này, tôi sẽ kể cho quý ngài vài điều khác biệt. Bởi vì, khi lo sợ chiến tranh, thì người ta sẽ không nghĩ đến chuyện kiếm chác nữa61. Hay nếu có cơ hội nào trong vụ này, thì Verres đã bỏ lỡ nó. Hắn có thể bòn rút một số tiền từ Leonidas vào lần đầu tiên triệu tập người này. Hay hắn có thể mặc cả kiếm chác để không đưa vụ này ra tòa; việc này thì không có gì lạ. Hay một kiểu mặc cả khác nữa để các bị cáo được tha bổng. Nhưng một khi những nô lệ bị tuyên bố có tội, như trong trường hợp này, thì tất cả cơ hội kiếm lời bẩn thỉu đều tan biến. Đám nô lệ chỉ còn nước bị giải đi và tử hình.62
Thực tế vụ án, với phán quyết rằng họ có tội, đã dược xác nhận bởi các thành viên của phiên tòa, các ghi chép chính thức, thành phố Lilybacum danh tiếng và cộng đồng công dân La Mã lớn và cực kỳ danh giá.63 Đó là cái kết cho vụ việc này; và đám nô lệ phải bị giải đi. Và đúng là bọn chúng đã bị đưa đi, và bị trói vào cột. Ngay đây, thưa quý ngài, tôi chắc rằng các ngài đang chờ đợi tôi cho hay những điều trái khoáy diễn ra tiếp theo; như ta đã biết, Verres sẽ không làm việc gì mà không bòn rút lợi nhuận hay chiếm đoạt phi pháp. Vậy thi, hắn đã làm gì? Quý vị cứ thoải mái suy đoán. Cứ hình dung ra những tội lỗi tệ hại nhất mà quý vị có thể nghĩ được. Và xem: quý vị chính xác đến thế nào! Bởi câu chuyện mà tôi sắp kể cho quý vị nghe sẽ vượt quá tất cả những gì quý vị có thể phỏng
đoán. Bởi điều diệu kỳ đã xảy ra là những kẻ này - những nô lệ bị kết tội âm mưu và phạm pháp, những nô lệ đã bị mang đi hành quyết và trói vào cột hỏa thiêu - bỗng nhiên, trước mắt hàng ngàn nhân chứng, chúng được cởi trói và được trả về cho chủ nô của chúng ở Triocala!
Ta tự hỏi rằng ngươi, hỡi Verres loạn trí, sẽ nói gì về chuyện này. Và nhất là ta tự hỏi rằng: liệu ngươi có câu trả lời nào cho một câu hỏi của ta hay không. Ta phải nói thêm rằng: đó không thực sự là câu hỏi; bởi quả là xấu hổ khi đưa vấn đề này ra, khi mà nó có thể là lời cáo buộc xúc phạm đến một nhân cách. Quả thật, người ta hoàn toàn nên tránh câu hỏi này, nếu như còn chút nghi ngờ nào về câu trả lời; nhưng thực ra thì chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Tuy nhiên, quay trở lại với câu hỏi. Đây là câu hỏi của ta. Ngươi đã nhận được gì, hỡi Verres, khi ngươi thả chúng đi? Ngươi nhận được bao nhiêu, và nhận bằng cách nào? Tuy nhiên, như ta đã nói, ta sẽ miễn cho ngươi câu hỏi này và tránh cho ngươi khó khăn phải suy nghĩ câu trả lời. Thả bọn nô lệ ấy đi là một hành vi phạm pháp mà dù đổi lấy bao nhiêu tiền của cũng không ai dám làm, ngoại trừ ngươi. Và ta hoàn toàn chắc chắn: không ai dám tin rằng khi làm như thế, ngươi hoàn toàn không được lợi lộc gì!
Dẫu sao, vào lúc này, ta định sẽ không nói gì về phương thức trộm cắp và cướp đoạt của ngươi. Thay vì vậy, giờ đây ta sẽ tập trung vào danh tiếng của ngươi trong vai trò tướng lĩnh. Là một giám hộ và người bảo vệ xuất chúng cho tỉnh mình cai quản, vậy ngươi hãy cho ta biết. Trước tiên, ngươi biết rằng những nô lệ này dự định vũ trang và nổi loạn ở Sicily. Rồi sau đó, ngươi tán thành bản án của tòa. Thế nhưng, ta rất muốn biết làm thế nào mà ngươi đủ can đảm kéo chúng ra khỏi móng vuốt tử thần khi mà sau đó, chúng đã được đưa đi hành quyết theo truyền thống. Ta chỉ có thể đoán ý định của ngươi như thế này: những cây cột chữ thập mà ngươi dựng lên để đóng đinh bọn nô lệ bị kết án thay vì thế, thật đáng hổ thẹn là có lẽ đã được dành để hành quyết những công dân La Mã - những người không hề bị kết tội!64
Một quốc gia suy đồi, và cảm thấy phải cậy nhờ những biện pháp tuyệt vọng, thường chấp nhận những sách lược tai hại là ân xá tội nhân, phóng thích tù nhân, cho phép kẻ bị đày trở về, và hủy bỏ bản án mà tòa hợp pháp đã tuyên. Khi những việc ấy xảy ra, ai cũng nhận thấy quốc gia này đã bên bờ sụp đổ; và thảm họa dường như không thể tránh khỏi. Và bất cứ nơi đâu có những diễn biến như thế, thì tôi nhắc lại: một đặc trưng của chúng chính là việc hủy bỏ những bản án tử hình hay lưu đày, vì lợi ích của phe bảo thủ hoặc phe cấp tiến, tùy theo tinh huống cụ thể. Thế nhưng ngay cả như vậy, thì cũng hiếm khi nào người bãi bỏ phán quyết lại chính là người đã ra phán quyết ấy! Và thường thì kẻ đó sẽ không thi hành ngay lập tức, hay thậm chí sẽ không thi hành nếu những tội ác bị kết án đe dọa cả cuộc sống và vận mệnh của mọi người khác.
Tuy nhiên lần này, chúng ta thấy một chuyện hoàn toàn lạ thường. Sự thật về tội ác này, chính nó, thật khó mà tin được. Chỉ có một nhân cách như của bị cáo đây; Verres, mới khiến chúng ta tin nổi. Sự thật là thế này đây. Những kẻ được phóng thích theo cách đó chính là những nô lệ. Họ đã được phóng thích bởi chính người đã kết tội họ. Họ đã được phóng thích ngay lập tức, khi bản án dành cho họ chỉ mới được bắt đầu. Và họ là những nô lệ bị kết án vì tội gây nguy hại cho nhiều người và cho cuộc sống của mọi công dân.
Tuyệt vời thay tư cách chỉ huy của Verres! Chúng ta không đời nào được so sánh hắn với Manius Aquilius, dư Aquilius là người rộng lượng. Chỉ những hạng người như Paullus,65 Scipio, Marius ta mới nên đem so với hắn. Những xáo trộn trong đám nô lệ ở Sicily do cuộc nổi loạn của bọn nô lệ trốn chạy ở Ý rõ ràng không thoát khỏi sự chú ý của hắn. Và ngay khi nhận ra điều đó, hắn đã giỏi đến thế nào khi làm chúng kinh sợ bất lực! Hắn ra lệnh bắt giữ một vài người. Việc đó hẳn làm chúng kinh hãi! Hắn triệu chủ nô của chúng tới tòa. Thật là điều khủng khiếp cho một nô lệ! Hắn tuyên những bị cáo có tội - và như thế, bằng việc phán quyết một số ít người phải chịu cái chết đau đớn, hắn tuyên bố rằng hắn đã dập tắt lửa phản loạn.
Thế thì tiếp theo, điều gì đã xảy ra cho chúng? Người ta sẽ phỏng đoán những thứ như: đòn roi, bị thiêu trên cọc, và thứ hình phạt cuối cùng dành cho bọn tội phạm cũng như hình thức răn đe dành cho những người khác, đó là tra tấn và sau đó đóng đinh vào thập tự giá.
Không, hoàn toàn không; trong vụ này, tất cả bị cáo đều được miễn hình phạt và được phóng thích! Quả là phương cách lạ lùng để thị uy và làm bọn nô lệ khiếp sợ! Đây là một vị thống sứ, như mọi người có thể thấy, người cực kỳ dễ bảo đến độ tự mình nhận của đút lót từ đao phủ để cứu mạng đám nô lệ, ngay cả khi chúng bị kết tội mưu đồ tội ác, ngạc nhiên thay.
Ta ngờ rằng ngươi đã hành động hệt như vụ Aristodamus xứ Apollonia - và vụ Leon xứ Imachara. Sự xáo trộn được suy đoán trong đám nô lệ và nỗi sợ bất thình lình về một vụ nổi loạn đã gợi ý cho ngươi một ý đồ gì đó, ta phải đoán rằng: ý đồ đó không hẳn là nhiệt tâm muộn màng trong nhiệm vụ bảo vệ tỉnh lỵ mà ngươi cai quản, mà đúng hơn, ý đồ đó là một phương cách độc đáo để trục lợi phi pháp. Eumenides xứ Halicyae là một quý tộc nổi danh và giàu có, ông này có một quản gia mà theo ý ngươi đã bị kết tội âm mưu phạm pháp. Tuy nhiên khi ấy, ngươi đã nhận 60 ngàn sesterce [tiền cổ La mã]66từ người chủ Eumenides, đó là một khoản đút lót mới bị phanh phui từ lời chứng đã được tuyên thệ của chính Eumenides. Một chuyện khác: khi kỵ sỹ Gaius Matrinius vắng mặt ở Rome, ngươi buộc ông này phải bỏ ra 600 ngàn sesterce bằng cách tuyên bố rằng ngươi có bằng chứng buộc tội các quản gia và người chăn cừu của ông ta. Việc này được Lucius Flavius báo cáo lại, ông này là người phụ trách vụ việc của Galus Matrinius, và là người chuyển cho ngươi khoản tiền đút lót ấy. Vị giám quan Cnaeus Cornelius Lentulus Clodianus67 nổi tiếng cũng xác nhận việc này, vị này vì lo lắng cho thanh danh của Matrinius đã viết thư cho ngươi ngay khi số tiền được trao tay, đồng thời kêu gọi những người khác cùng viết cho ngươi.
Kế đến là vụ Apollonius Geminus xứ Panormus - con trai của Diodes. Đây là một vụ việc khác mà chúng ta không thể không lên
tiếng. Đó là chuyện tai tiếng, rắc rối và trơ tráo chưa từng có ở Sicily. Khi Verres đến Panormus, hắn lệnh cho Apollonius trình diện, mà thực ra là hắn ra pháp lệnh triệu tập ông ta, trong sự hiện diện của đám đông lớn các cư dân La Mã bản xứ. Ngay lập tức người ta bắt đầu bàn tán, và họ bàn tán theo kiểu này: “Tôi tự hỏi một người giàu có như Apollonius sẽ thoát khỏi tay thống sứ được bao lâu nữa. Verres rõ ràng đã có sẵn kế hoạch, và ông ta sẽ thực hiện ý đồ của mình. Khi một kẻ giàu có như Apollonius bị Verres triệu tập lập tức, thì ắt hẳn có ý đồ nằm sau.” Vậy nên mọi người đều mong ngóng để xem chuyện gì sắp sửa diễn ra. Thế rồi, bất thình lình, quả đúng Apollonius hối hả đi vào, chết dở vì lo lắng. Người con trai trẻ tuổi đi cùng ông ta. (Người cha già của anh ta từng nằm liệt giường một thời gian.) Sau đó, Verres gọi tên một nô lệ, hắn nói rằng tên này chăn bầy gia súc của Apollonius. Tên nô lệ, theo như hắn tuyên bố, đã âm mưu và kích động những nhóm nô lệ khác ở vùng lân cận.
Sự thực là: chẳng có tên nô lệ nào như vậy trong nhà Apollonius. Tuy nhiên, Verres đã dàn dựng về nhân vật này. Apollonius vẫn bác bỏ rằng: ông không có người nô lệ nào có tên như Verres nói. Thế là Verres đã ra lệnh dùng vũ lực lôi ông ta ra khỏi tòa và tống vào ngục. Apollonius bất hạnh, trong lúc bị lôi đi, vẫn kêu gào rằng ông không làm gì cả, ông vô tội, ông đang khó khăn về tiền bạc và không có sẵn tiền, ông không có tiền, Quả thực, sự việc đã rõ ràng khi Apollonius công khai những sự thật này, với rất đông người lắng nghe, để ai ai cũng hiểu cho rằng: nguyên nhân ông phải chịu số phận bất hạnh này là bởi ông không chi tiền - tôi vẫn nói, sự việc đã rõ ràng khi ông kêu gào như thế về món tiền khiến ông bị tống vào ngục.
Xin quý vị hãy lưu ý sự nhất quán đặc trưng trong hành động và mục đích của tay thống sứ này. Và xin nhớ cho rằng: khi những sự việc này xảy ra, thì hắn biện hộ theo hướng: hắn không chỉ là dạng thống sứ tầm thường mà chính là một vị tướng tài xuất chúng. Thế mà khi lo sợ nô lệ nổi loạn, thì hắn lại đối phó theo cách này: hắn giáng hình phạt cho đám chủ nô, những người bị kết án dù vô tội và đồng thời lại miễn trừ cho bọn nô lệ, những kẻ có tội! Apollonius là
một người cực kỳ giàu có, và nếu một cuộc nổi loạn của nô lệ bùng nổ ở Sicily, ông ta sẽ mất đi tài sản kếch sù của mình. Vậy mà Verres lại lôi ông ta ra tòa vì một tội danh phi lý là can dự đến một cuộc nổi loạn như thế, và đẩy ông ta vào cảnh xiềng xích. Còn với bọn nô lệ, cũng chính Verres, được hội đồng của hắn tán thành, tuyên bố rằng chúng đã âm mưu lật đổ. Và sau đó - lần này thì hội đồng của hắn không hề ủng hộ mà hắn hoàn toàn làm theo ý mình - hắn miễn thứ hết thảy hình phạt cho bọn nô lệ ấy!
Có một điểm khác có thể tính đến. Chúng ta hãy thử hình dung rằng: Apollonius đã làm chuyện gì đó mà chiếu theo luật, ông ta phải bị trừng phạt. Thế thì, trong trường hợp đó, chúng ta có thể chống lại Verres và buộc tội hắn, bởi hắn đã quy cho Apollonius một tội nặng hơn mức ông ta đáng phải chịu. Tuy nhiên, tôi sẽ không nghiêm khắc với hắn đến như vậy. Tôi không có ý định làm theo thói quen của các công tố viên, đó là: chỉ trích mọi hành động khoan dung là dễ dãi thái quái nhưng đồng thời lại chống đối bị cáo bằng cách phê phán mọi biểu hiện khắt khe của bị cáo là độc ác. Tôi không muốn đi theo lối ấy.
Không, Verres, ta chấp nhận phán quyết của ngươi. Ta hoàn toàn tán thành uy quyền của ngươi để ngươi không phải bất bình. Thế nhưng, khi ta thấy rằng chính ngươi đã bãi bỏ tất cả những phán quyết mà ngươi đưa ra, thì ngươi chẳng còn tư cách gì để bất mãn trước phê phán của ta nữa. Bởi vì khi một người tự kết tội chính mình, thì hắn cũng phải bị kết tội bởi phán quyết đã được tuyên thệ của tòa. Apollonius là một người bạn, người quen của ta. Thế nhưng, ta sẽ không tỏ ra sốt sắng bác bỏ phán quyết của ngươi bằng cách nói tốt cho ông ta. Ta sẽ không nói gì đến tính thanh đạm, nhân cách tốt dẹp, nết cần cù của ông ta. Ta cũng cho qua luận điểm mà ta từng nói đến trước đây: ông ta đã đầu tư tài sản vào nhân công, vật nuôi, chuồng trại và cho vay, điều đó có nghĩa là: nếu bạo loạn hay chiến tranh nổ ra ở Sicily thì ông ta sẽ là người hứng chịu nhiều nhất.
Còn một luận điểm khác nữa mà ta sẽ không đưa ra tranh luận. Cứ cho rằng vào lúc nào đó, Apollonius đã gây chuyện sai trái nghiêm
trọng. Thế thì khi ấy, một con người tiếng tăm đến như vậy, thuộc về một cộng đồng danh tiếng đến như vậy, không thể nào chịu một hình phạt khốc liệt đến như vậy khi vẫn chưa qua xét xử. Ta cũng sẽ không kích động ác ý nhằm vào ngươi bằng cách kể ra một câu chuyện khác. Ta chỉ viện đến sự thật rằng: con người tốt bụng này đang nằm trong ngục tù, trong cảnh tối tăm, dơ đáy và bẩn thỉu. Và tại đó, do cấm đoán độc tài của ngươi, cho nên cha già con trẻ: chẳng một lần được thấy mặt nhau. Lại nữa, ta sẽ bỏ qua thêm một chuyện nữa. Này Verres, mỗi lần ngươi đến Panormus trong suốt mười tám tháng Apollonius ngồi tù, các nguyên lão địa phương cùng các quan chức của thành phố và các tư tế đã đến gặp ngươi để van xin và khẩn cầu cho con người bất hạnh, vô tội này, sau cuối, cũng sẽ được giải thoát khỏi số phận nghiệt ngã. Tất cả những việc này, như ta đã nói, ta sẽ không kể đến. Dẫu rằng nếu ta dùng đến chúng thì ta có thể chứng minh vô cùng dễ dàng rằng: cách đối xử tàn bạo mà ngươi gây ra cho người khác khiến ngươi chẳng có tư cách gì để được khoan dung trong phiên tòa này.
Một lý do ta không muốn vận dụng những lập luận này với ngươi là vì ta hoàn toàn dự trù được những lý lẽ đối đáp mà Hortensius sẽ biện hộ cho ngươi. Thưa quý ngài, ông ta sẽ cho quý ngài thấy: tuổi tác của người cha Apollonius cùng những tháng năm tuổi trẻ của con trai ông ta, và cả nước mắt của họ, đối với Verres không quan trọng bằng lợi ích và an ninh của cả tỉnh, chính thế. Ông ta sẽ nói lên quan điểm rằng: nghiêm khắc và răn đe là những đặc trưng thiết yếu của một chính quyền. Ông ta sẽ nói với các ngài rằng: đó chính là lý do vì sao các thống sứ giắt theo gậy trước mình, vì sao các thống sứ mang theo cả rìu, vì sao phải xây dựng ngục tù, và vì sao truyền thống tổ tiên ta có đẩy hình phạt cho kẻ sai quấy.
Thế nhưng, khi ông ta quả quyết như thế, với giọng điệu thẳng thừng và mạnh mẽ, thì tôi có một câu hỏi dành cho ông ta. Tại sao khi không có tình tiết gì mới, không có chứng cứ gì mới có lợi cho Apollonius, hay nói cách khác là tại sao khi không có duyên cớ gì cả, chính Verres lại đột nhiên ra lệnh trả tự do cho Apollonius sau tất cả những chuyện này? Tôi muốn nhấn mạnh rằng: khả năng Verres phạm tội là cực kỳ cao. Thực sự, nó cao đến mức tôi sẽ để
cho các thành viên phiên tòa này, không có sự tác động nào từ tôi, tự kết luận về những mờ ám tài chính liên quan đến toàn bộ vụ việc này, về bản chất bê bối và đáng hổ thẹn trong những việc làm như thế của Verres, và về những, cơ hội vô tận, vô hạn để kiếm chác hậu hĩnh từ những việc làm ấy.
Trước tiên, quý ngài hãy đánh giá sơ lược những biện pháp mà hắn tiến hành trong vụ Apollonius, và xin lưu ý mức ảnh hưởng rộng và nghiêm trọng của chúng. Sau đó hãy ước lượng chúng theo giá trị đồng tiền, và xem thử chúng đáng giá bao nhiêu. Quý ngài sẽ thấy tất cả những biện pháp này đều nhắm đến một con người giàu có, với mục đích đe dọa tất cả những người khác bằng ẩn ý rằng: những tai họa tương tự có thể giáng xuống đầu họ - đó là lời cảnh báo cho hiểm họa có thể xảy đến với họ. Chiêu thức đầu tiên của Verres là bất ngờ buộc tội rằng: nạn nhân của hắn đã thực hiện một tội xấu xa, nghiêm trọng. Để thoát khỏi tội trạng này, quý ngài hãy thử tính xem phải trả bao nhiêu tiền, và số người phải trả món tiền này đông đến nhường nào! Thế rồi, điều thứ hai, chúng ta có lời buộc tội không phải do công tố viên đưa ra, chúng ta có phán quyết không đến từ tòa án, đó là sự kết tội mà bị cáo không được phép biện minh. Xin quý ngài hãy tính toán những món tiền phải trả để phòng thân trước những kế sách này! Và hãy dự liệu thêm rằng: mặc dù nạn nhân thực sự của những bất công này chỉ có Apollonius, thế nhưng nhiều người khác cũng sẽ phải đối mặt với lối xử bất công đó, và buộc phải chi tiền để tránh rắc rối. Cuối cùng, hãy nghĩ về bóng tối, xiềng xích, nhà giam, nỗi đau khổ khi bị giam giữ, không được thấy cha mẹ và con cái, và còn bị tước mất cả cơ hội được thở, được nhìn ánh sáng mặt trời. Đó là những thứ mà tôi không thể ước lượng bằng tiền bạc. Bị tước mất chúng không khác gì bị tước mất cả cuộc sống.
Cuối cùng thì Apollonius cũng đã mua được tự do cho mình khỏi tất cả những điều kinh khủng này. Khi đó, những khổ sở và chật vật ông phải chịu đã biến ông thành kẻ tàn tạ. Thế nhưng chí ít thì kinh nghiệm của ông cũng chỉ cho những người khác biết rõ thói tham lam độc ác của tên thống sứ đê hèn này. Bởi chắc chắn quý ngài không thể nghĩ ra bất cứ động cơ nào khác ngoài thói tư lợi đã
khiến Verres chọn Apollonius giàu sụ làm mục tiêu cho lời buộc tội hoang đường ấy - cũng như không thể nghĩ ra động cơ nào khác khiến Apollonius bất ngờ được tự do. Tương tự như vậy, quý ngài cũng không thể kết luận kiểu cướp giật này chỉ được thử nghiệm và thi hành với mỗi Apollonius mà không còn ai khác nữa. Không: vụ việc của Apollonius được sắp đặt để hăm dọa và khủng bố tất cả những kẻ giàu có ở Sicily.
Trở lại với chủ đề tiếng tăm quân sự của Verres, thì thưa quý ngài, tôi hy vọng hắn không quên nhắc tôi nếu tôi có bỏ sót chi tiết nào đó. Tuy nhiên, theo tôi thấy thì tôi đã tường thuật đầy đủ những thành tích của hắn, chí ít trong chừng mực những thành tích này có liên quan đến mối nghi ngờ sắp sửa có một cuộc nổi loạn của nô lệ trốn chạy. Tôi có thể cam đoan với các ngài rằng tôi không cố tình bỏ qua bất cứ kỳ công nào của hắn. Sự thận trọng, tận tụy và cảnh giác, sự bảo vệ và giám hộ của hắn dành cho tỉnh cai trị, đều được trình bày hợp lẽ với quý ngài.
Chỉ huy quân đội có nhiều hạng. Nỗ lực của tôi là giúp cho quý ngài biết Verres thuộc về hạng nào. Thời nay, chúng ta đang thiếu những chiến binh vĩ đại; và tôi muốn đảm bảo rằng những phẩm chất nổi bật của Verres trong lĩnh vực này được công nhận một cách xứng đáng. Đúng là sẽ quá lố khi chúng ta so sánh những phẩm chất của Verres với trí tuệ của Quintus Fabius Maximus hay tốc độ tác chiến của tiền bối Publius Scipio Africanus, hay chiến thuật xuất sắc của hậu bối trẻ tuổi cùng tên ông, hay khả năng hoạch định chặt chẽ của Lucius Aemilius Paullus Macedonicus, hay uy lực và sự gan dạ của Gains Marius. Không, Verres thuộc một dạng chỉ huy khác biệt. Và rõ ràng là chúng ta nên trân trọng và giữ chân loại tướng lĩnh như Verres.
Trước hết, chúng ta hãy nói đến nỗ lực khó nhọc của hắn trong việc đi lại đó đây, thưa quý ngài, đó là nhiệm vụ cực nhọc nhất của một vị tướng, và đặc biệt cần thiết ở Sicily. Nhưng tôi phải nói với quý ngài rằng, khả năng hoạch định khôn ngoan của Verres đã biến nhiệm vụ này thành một việc hoàn toàn dễ dàng, thoải mái. Đầu tiên, suốt mùa đông, hắn đã khám phá ra một cách tuyệt vời để
chống chọi với sự khắc nghiệt của cái lạnh, giông bão, cùng những con sông ngập lụt. Bởi những gì hắn làm là chọn thành Syracuse làm căn cứ cho hắn, chúng ta biết vị thế, địa hình và khí hậu của thành Syracuse như sau: ngay cả trong thời tiết dữ dội, giông bão ác liệt nhất, thì vẫn không có ngày nào trôi qua mà mặt trời không xuất hiện vào lúc này hay lúc khác. Vâng, vào mỗi mùa đông, vị chỉ huy quân đội xuất chúng này đã sống hết những tháng ngày đông giá ở ngay tại thành Syracuse. Và hắn sống những ngày tháng ấy theo kiểu mà người ta hiếm khi thấy hắn ra khỏi cửa hay thậm chí ra khỏi giường. Ban ngày ngắn ngủi thì hắn hiến cho tiệc tùng, còn những đêm dài là cho thói trụy lạc và dục tình.
Khi xuân đến, không cơn gió nhẹ nào hay chòm sao nào báo cho hắn biết, trong khí trời lồng lộng, rằng năm mới đã sang. Không, hắn biết xuân đến là nhờ sự xuất hiện của bông hồng đầu tiên trên bàn ăn của hắn. Và vào chính giai đoạn này, hắn dấn mình vào nhiệm vụ du hành nặng nhọc; với nhiệm vụ này, hắn thể hiện mình có sức chịu đựng và nguồn năng lượng dồi dào đến độ chưa ai từng thấy hắn ngồi trên lưng ngựa. Là do, thay vì thế, hắn noi theo tục lệ của các vua Bithynia - hắn đã được đưa đi bằng kiệu. Tám người phu khiêng kiệu đi, và bên trong kiệu là một cái nệm lấp lánh từ xứ Melita, được nhồi hoa hồng. Cũng ở trong kiệu, Verres đội hai vòng hoa, một vòng trên đầu, vòng kia quấn quanh cổ. Hắn giữ trên mũi một túi lưới bằng vải lanh thượng hạng, điểm xuyết tinh xảo, và cũng được nhồi cánh hoa hồng. Đó là cách hắn du hành; và khi đến một thị trấn, hắn sắp xếp để được đưa đi trong cùng kiệu ấy đến tận phòng ngủ của mình.
Và đó chính là nơi các quan chức Sicily cùng các kỵ sĩ La Mã phải đến chầu, như quý ngài cũng đã nghe từ lời khai đã được tuyên thệ của nhiều nhân chứng. Những tranh chấp về luật sẽ được trình bày riêng cho mình hắn, và sau khi hắn nghe xong báo cáo vụ việc, thì những văn kiện ghi lại quyết định của hắn được mang ra khỏi phòng và trình cho công chúng. Đó chính là kiểu bận rộn của Verres: hắn cai trị từ trong phòng ngủ. Sự công bình chẳng làm hắn bận lòng. Nhưng thứ gì sinh lợi thì hắn quan tâm sâu sắc.
Tuy nhiên, hoạt động này không chiếm nhiều thời giờ của hắn. Khi xong việc này, hắn thấy nhiệm vụ tiếp theo là dành hết phần còn lại trong ngày cho Venus và Bacchus68. Đối với những hoạt động đó, tôi sẽ không ngại ghi nhận tính cách kiên trì nổi bật, phi thường nơi vị chỉ huy đáng kính của chúng ta. Bởi tôi phải tiết lộ với quý ngài rằng: trong tất cả các thị trấn ở Sicily nơi các thống sứ thường lưu trú và chủ trì tòa án, thì không một cộng đồng nào mà phụ nữ ở những gia đình gia giáo không được tuyển chọn để thỏa mãn ham muốn tình dục của hắn. Nhiều phụ nữ được mang đến bàn của hắn hoàn toàn công khai. Những phụ nữ ít bạo dạn hơn sẽ đến sau, theo đúng giờ hẹn, để tránh ánh sáng ban ngày và đám người tụ tập tiệc tùng.
Giờ đây, những bữa ăn tối do Verres thiết đãi không phải là những sự kiện trầm lặng mà người ta vẫn hình dung về một thống sứ và tướng lĩnh La Mã, người ta cũng không thấy được những chuẩn mực đứng đắn vốn là đặc trưng thông thường trên bàn ăn của quan chức La Mã. Bởi ngược lại, chúng ồn ào và đầy tiếng la hét xỉ vả. Nhiều khi, sự việc tệ đi thành những cuộc đánh lộn. Vị thống sứ khắt khe, cần cù của chúng ta chưa bao giờ tuân theo luật pháp La Mã. Còn với luật chè chén - vốn đã bị bãi bỏ - thì hắn lại tuần thủ hết sức nhiệt tình, và nốc cho thật nhiều. Kết quả là, nhiều chuyện bi thảm đã xảy ra sau đó. Chẳng hạn: nhiều người được mang đi trên tay của những kẻ khác ra khỏi bữa tiệc, như thương binh rời khỏi chiến trường. Số khác nằm như xác chết, và chỉ còn chờ chết. Và hầu hết những kẻ còn lại cũng nằm vật ra như thế, bất tỉnh và vô tri. Bất kỳ ai chứng kiến cảnh tượng này sẽ không bao giờ tin nổi những gì mình thấy là một bữa tiệc tối của thống sứ. Dường như anh ta đang xem trận Cannae69 được tái hiện bởi bọn tội phạm thì đúng hơn.
Vào đỉnh điểm mùa hạ, nhiều thống sứ Sicily thường đi vòng quanh đây đó. Lý do là vì họ cho rằng thời điểm tốt nhất để thanh tra tỉnh là khi lúa đang trên sân đập. Bởi khi đó, nhân công đều tụ tập đầy đủ, cho nên số lượng nô lệ sẽ được ước tính với độ chính xác cao, và có thể dễ dàng quan sát việc làm của chúng. Thế mà vào thời điểm này; trong năm, khi tất cả những thống sứ khác du hành đó
đây, thì hạng chỉ huy lạ đời này - tức Verres - lại chẳng màng nhúc nhích, và cho dựng trại tại thành Syracuse, thậm chí còn ở trong khu vực thoải mái nhất. Chính tại ngõ vào cảng, chỗ vịnh ngoặt vào thành phố từ bờ biển, hắn đã dựng một dãy lều; chúng được dựng từ vải lanh tốt, được kép căng trên những cây cọc. Rời khỏi nơi ở của thống sứ, vốn từng là cung điện của Vua Hiero70, hắn đóng đô ở chỗ mới này chắc chắn đến độ suốt thời gian này, không ai thoáng thấy được hắn ở bên ngoài.
Thêm nữa, những kẻ duy nhất được phép đến nơi ở mới của hắn là những người có nhiệm vụ chia sẻ, hay đáp ứng thú vui nhục dục cho hắn. Nơi đó tụ tập đầy những phụ nữ mà hắn quan hệ (và số lượng phụ nữ ở Syracuse mà hắn quan hệ thật quá sức tưởng tượng). Đó cũng là nơi tập hợp những kẻ mà Verres coi là xứng tầm bằng hữu - tức những kẻ đủ tư cách chia sẻ cuộc sống chè chén mà hắn vốn đam mê. Và cả con trai của Verres, lúc bấy giờ đã trưởng thành, cũng giết thời gian với bọn đàn ông và đàn bà cùng hạng. Bẩm tính của hắn có thể giúp hắn khác cha mình. Thế nhưng, thói quen và việc dạy dỗ đã biến hắn thành đứa con đích thực của cha hắn - họ hoàn toàn không khác gì nhau.
Để cướp cô gái tên Tertia từ tay nhạc công đàn flute tên Rhodius, Verres đã dùng một trò xảo trá.71 Tuy nhiên, người ta kể rằng việc cưỡng bức này đã gây chấn động trong khu trại. Bởi người vợ thượng lưu của Cleomenes xứ Syracuse, và người vợ của Aeschrio72, vốn cũng có xuất thân danh giá, đã phật lòng khi con gái một vũ công - Isidorus - gia nhập nhóm họ. Thế nhưng, ngài Hannibal73 của chúng ta quả quyết rằng: trong trại của hắn, vị thế ưu tiên được dành cho tài năng chứ không phải địa vị xã hội.74 Hơn nữa, hắn yêu thích nàng Tertia đến đỗi khi đến lúc rời khỏi tỉnh này, hắn mang nàng đi theo.
Vận một chiếc áo choàng Hy Lạp màu tía và một chiếc áo trong phủ đến mắt cá, Verres đã dành trọn thời gian này vui vẻ với phụ nữ. Tuy nhiên, trong khi hắn đang bận rộn như thế, thì sự vắng mặt của viên thẩm phán chính ở Quảng trường, sự thiếu vắng các quyết định pháp lý và các phiên tòa điều trần không hề làm ai cảm thấy bị
xúc phạm hay phật lòng. Nơi Verres đang nghỉ lại, trên bờ biển, nơi đó vang dội ầm ĩ không ngớt giọng nói phụ nữ và ca sĩ. Mặt khác, ở Quảng trường, chẳng còn luật lệ lẫn kiện cáo. Vậy mà không ai phiền lòng. Người ta hoàn toàn không lo lắng việc luật lệ và tòa án bị trì hoãn khi Verres vắng mặt. Mà ngược lại, họ cảm thấy sự vắng mặt của hắn giúp họ thoát khỏi bạo lực và sự hung ác, cũng như thói cướp đoạt của cải dã man và phi lý.
Hỡi Hortensius, chắc chắn ông không thể lập luận để biện hộ cho hắn rằng: một con người như thế quả thật là một vị tướng ấn tượng! Nếu ông làm được thì ông cứ thử tán dương những thành tích được cho là cao quý của hắn và danh tiếng của hắn trong vai trò chỉ huy, trong khi việc hắn trộm cắp, cướp đoạt, tàn nhẫn, kiêu ngạo, độc ác, trơ tráo, và những hành vi sái quấy của hắn là những thứ mà ông không tài nào che giấu được. Tôi hy vọng vào lúc cao trào trong bài diễn thuyết biện hộ của ông, chúng tôi sẽ không sợ ông noi theo thủ thuật diễn thuyết hùng tráng mà Marcus Antonius đã vận dụng năm xưa: đó là yêu cầu Verres đứng lên, phanh trần ngực hắn, và chỉ cho quần chúng La Mã xem những vết sẹo của hắn - quả thực, trong trường hợp của hắn thì chỉ có răng phụ nữ mới gây nên sẹo, và sẹo ấy chỉ minh chứng cho thói vô đạo đức và dâm đãng mà thôi.
Dẫu sao thì, nếu ông đủ trơ tráo đào sâu thêm nữa vấn đề quân sự và hoạt động chiến tranh, thì ông đang làm lợi cho tôi đấy! Bởi quả thực khi ấy, người ta sẽ nhận ra sự thật của tất cả các chiến dịch cũ. Thưa quý ngài, các ngài sẽ không chỉ nhận ra cách hành xử của Verres trong vai trò chỉ huy, mà còn thấy được hắn từng xử sự hạ tiện ra sao. Bởi câu chuyện về cách “phụng sự” của hắn trước đây sẽ lại bị phanh phui toàn bộ; đó là câu chuyện kể về lúc hắn được hộ tống từ Quảng trường, không phải về nhà như lời hắn, mà đến chỗ một nam nhân tình. Quý ngài cũng sẽ được nghe về khu trại ở Placentia, đó là một ổ bài bạc được Verres thăm viếng thường xuyên, dẫu tất cả những gì hắn nhận lại là bị tước sạch lương để đóng phạt. Chúng ta cũng có thể xem qua nhiều thiệt hại tài chính khác của hắn khi còn đương chức: và cách trả nợ của hắn - kèm thêm một khoản bồi thường - là dâng hiến cho các chủ nợ niềm vui thú với thân thể trẻ trung của hắn. Hắn dâng hiến mình, một cách
thụ động, cho những hành vi kinh tởm này. Và không phải hắn mà chính những kẻ đã nhàm chán hắn mới là người chấm dứt những chuyện đó.
Tiếp theo là những hành vi của hắn vào thời hắn đã trưởng thành. Không có khuôn phép chừng mực hay tiết hạnh nào đủ mạnh mẽ để kháng cự sức tấn công hung tợn của hắn. Nhưng việc của tôi không phải là kể ra những chuyên này hay nói ra những hành vi xấu xa của hắn - vốn có liên quan đến nỗi tủi nhục của những người khác. Không, thưa quý ngài, tôi không muốn làm như vậy và tôi sẽ cho qua những bê bối xa xưa này tôi chỉ nhắc đến, mà không xâm phạm danh dự của ai, hai sự việc gần đây những sự việc này sẽ giúp quý ngài hình dung phần còn lại của câu chuyện.
Một là sự thật hoàn toàn hiển nhiên, ai ai cũng rõ: nó hiển nhiên đến độ: suốt giai đoạn chấp chính của Lucius Licinius Lucullus và Marcus Aurelius Cotta,75tất thảy những kẻ quê mùa nhất, từ bất kỳ thị trấn thôn quê nào, khi đến Rome vì pháp vụ đều biết đến chuyện này. Sự thật mà ai cũng biết đó là mọi quyết định do Verres chỉ thị khi còn làm pháp quan thành phố76là do lời xúi giục của ả điếm Chelidon, và theo ý muốn của ả. Việc thứ hai mà thiên hạ đều biết là đây. Vào lúc này, Verres đã rời thành phố trong bộ áo choàng chỉ huy quân sự. Hắn đã tuyên thệ cho nhiệm kỳ chức vụ của hắn và lợi ích quốc gia. Nhưng hết lần này đến lần khác hắn được khiêng bằng kiệu quay trở lại thành phố khi màn đêm đã buông xuống, để tư thông với một người đàn bà đã có chồng; dẫu rằng ả kia sẵn sàng quan hệ với bất kỳ ai khác. Đó là hành vi hoàn toàn trái ngược với đạo đức, với lời thánh thần,77 với mọi nguyên tắc tôn giáo và hành vi con người:
Lạy trời, thái độ và ý định của hắn thật quá khác biệt với người khác! Hãy xem thử trường hợp của tôi. Nếu khi đảm đương những chức vụ mà nhân dân La Mã đã ban vinh dự cho tôi đến nay, tôi không cảm thấy nghĩa vụ thiêng liêng nhất là hoàn thành nhiệm vụ với sự tận tâm cao nhất, thì thưa quý ngài, tôi buộc phải tự nguyện khước từ tất cả thiện ý mà quý ngài và tổ quốc đã rộng lượng phí hoài cho những kế hoạch và kỳ vọng tương lai của tôi! Khi tôi được
bầu làm quan giám tài,78tôi cảm thấy rằng: vị trí đó không chỉ là điều tôi được phó thức, mà còn là sự tin tưởng thiêng liêng đã được trao vào tay tôi. Khi thực hiện những nhiệm vụ ở cương vị quan giám tài tại Sicily, tôi tin rằng mọi cặp mắt đều đổ dồn vào tôi, và chỉ mình tôi mà thôi. Đối với tôi, dường như cá nhân tôi và chức vụ của tôi đã được mang lên sân khấu, và biểu diễn trước một đám đông khán giả chính là toàn thể thế giới. Vậy nên tôi tự nguyện từ chối tất cả tiện nghi dành cho chức vụ này, không chỉ vì sở thích khác thường của tôi mà còn để đáp ứng những tiêu chuẩn chính thống và bắt buộc.
Giờ tôi đã được bầu làm quan thị chính.79 Một lần nữa, tôi hoàn toàn ý thức được trách nhiệm mà nhân dân La Mã phó thác cho tôi. Do vậy, trong lễ hội thiêng liêng của các thần Ceres, Liber và Libera do tôi tổ chức, tôi sẽ cực kỳ tỉ mỉ và khuôn phép. Bằng việc tổ chức các cuộc thi đấu thể thao có nhiều người tham gia, nhằm tôn vinh nữ thần Flora, tôi sẽ thay mặt nhân dân và cộng đồng La Mã xin tội với bà. Với nhiệt tâm thành kính nhất tôi sẽ tổ chức lễ hội cổ xưa nhất - lễ hội đầu tiên được gọi là lễ hội của người “La Mã” - để tôn vinh thần Jupiter; Juno và Minerva.80 Việc giữ gìn những công trình thiêng liêng được ủy thác cho tôi. Và như vậy, trong thực tế, công việc ấy cũng gồm cả nhiệm vụ bảo vệ toàn thành phố.
Với những nhọc nhằn và lo lắng khi đảm trách những nhiệm vụ này, tôi sẽ nhận được một số đặc quyền nhất định. Ở Viện Nguyên lão, tôi được quyền phát biểu trước. Tôi có quyền mặc áo choàng toga viền tím, và ngồi ghế ngà.81 Tôi được quyền làm tượng chân dung bán thân, để các thế hệ sau này nhớ đến tôi. Tuy nhiên, trên tất cả những thứ này, thưa quý ngài, bởi tôi cầu mong ân huệ của tất cả các thần nơi thiên giới, nên tôi phải đảm bảo với quý ngài một việc khác. Hẳn nhiên, tôi hết sức vui sướng khi nhân dân La Mã đã ban vinh dự cho tôi bằng chức vụ này. Tuy nhiên niềm vui sướng của tôi bị lấn át bởi cảm giác lo lắng dày vò. Điều tôi lo lắng là làm sao để người khác không nghĩ rằng: tôi được trao cho chức vụ này bởi sẽ luôn có ứng viên nào đó đảm nhận chức vụ. Điều tôi mong
muốn là: nhân dân tin tưởng vào quyết định đúng đắn của họ, và đã bổ nhiệm đúng người.
Thế mà trái lại, Verres, ngươi hãy tự xét mình. Ta không định nói về bối cảnh quanh cuộc bầu cử chức pháp quan82 của ngươi. Thế nhưng, hãy nghĩ đến khoảnh khắc ngươi được tuyên bố trúng cử, khi vị quan đảm nhận việc thông báo tuyên bố rằng ngươi được phó thác chức vụ cao cấp này - bằng biểu quyết của toàn thể Hội đồng, cả nhóm lão thành lẫn nhóm trẻ tuổi. Trong hoàn cảnh đó, ta không thể hiểu nổi: làm thế nào mà giọng nói của người thông báo lại không khiến ngươi cảm thấy rằng: ngươi đã được phó thác một phần công việc của chính quyền quốc gia - mà vì điều đó, chí ít ngươi cũng phải lánh xa nhà bọn điếm trong năm ấy!
Khi việc rút thăm lựa chọn chức vụ pháp quan giao phó cho ngươi nhiệm vụ thực thi luật pháp, thì ta cho rằng ngươi phải suy xét đến trách nhiệm cực kỳ nặng nề và cực nhọc của công việc này. Và ngươi có thể kết luận rằng, nếu ngươi suy nghĩ cẩn trọng đúng mực, nhiệm vụ đó - vốn thực sự khó khăn cho cả những con người trí tuệ và trung thực nhất - lần này lại được trao cho một kẻ ngu dốt và đê hèn ngoại hạng. Nhưng không, trong lúc đảm nhiệm công việc pháp quan, thay vì tống khứ Chelidon ra khỏi nhà ngươi, thì ngươi lại đưa chức pháp quan, ổ khóa, kho đụn và thùng chứa đến nhà ả. Kế đến là việc cai trị tỉnh lỵ của ngươi. Quyền lực ở vị trí của ngươi, với biểu tượng là gậy và rìu, thật vô cùng lớn lao; và phẩm giá khi ở vị trí đó phải thật uy nghi và vĩ đại. Mặc dù rõ ràng là ngươi chưa bao giờ thoáng nghĩ rằng: nhân dân không trao cho ngươi những phương tiện này để ngươi tận dụng sức mạnh và uy quyền mà vượt qua mọi giới hạn khuôn phép và trách nhiệm. Ngươi nên biết rằng, mục đích của chúng không phải là giúp ngươi mặc sức cướp bóc tài sản của bất kỳ ai, mà hậu quả là không ai có tài sản được an toàn, không ai có nhà cửa được bình yên, không ai có cuộc sống an ổn, không ai có tiết hạnh được vẹn nguyên, trước thói tham lam bạo ngược của ngươi.
Đó là cách ngươi vẫn hành xử từ trước đến nay. Chứng cứ chống lại ngươi đầy khắp. Đó là lý do ngươi phải dùng đến tấm bình
phong là câu chuyện về vụ nổi loạn của nô lệ trốn chạy ở Sicily. Nhưng ngươi nên hiểu rằng câu chuyện này khó mà biện hộ cho ngươi. Mà ngược lại, nó còn thêm vào nhiều lời buộc tội chống lại ngươi. Bởi với hậu quả là cuộc chiến tranh nô lệ trên đất liền, hay sự trì hoãn ở Tempsa,83thì ta không cho rằng ngươi muốn nói thêm điều gì về chúng nữa. Vụ Tempsa là tình huống mà định mệnh đã ưu ái trao cho ngươi một cơ hội tuyệt vời - giá như ngươi có được lòng can đảm hay nhiệt tình tối thiểu. Thế mà tất cả những gì ngươi làm lại là chứng tỏ rằng: ngươi vẫn chỉ là con người như bấy lâu nay.
Đoàn đại biểu từ Vibo Valentia đã kêu gọi ngươi, và người phát ngôn của họ - Marcus Marius biện tài, quý tộc - đã yêu cầu ngươi xử lý tình huống đó. Ông ta nhấn mạnh rằng: ngươi sở hữu uy quyền và chức vụ thống sứ. Thế thì ngươi không nhận quyền lãnh đạo và chỉ huy, không quét sạch đám phản loạn đang đe dọa quyền thế của ngươi hay sao? Bất chấp, ngươi chọn cách tránh né bổn phận. Thực sự, vào chính lúc ấy, người ta lại thấy ngươi trên bờ biển với ả đàn bà của ngươi - Tertia - kẻ mà ngươi mang theo cùng. Và mặc dù Vibo Valentia là thị trấn lừng danh và nổi bật, thế mà trong vụ việc quan trọng này, ngươi lại từ chối và không giúp đỡ, ngươi chỉ tiếp tục đi loanh quanh trong chiếc áo mặc lúc làm việc tay chân và chiếc áo choàng Hy Lạp, và ngươi hoàn toàn hạnh phúc khi làm thế.
Chúng ta chỉ cần suy nghĩ ngược lại: đầu tiên hãy hình dung cách Verres hành xử khi hắn chuẩn bị quay trở về tỉnh và khi hắn đã đến tỉnh; và rồi hãy chú ý đến hắn khi hắn đang trên đường về nhà - không trù định cho một chiến thắng mà là một phiên xử! Nhưng ngay cả khi người ta không đặt vấn đề thỏa mãn khoái lạc tình dục, thì hắn cũng không thôi những hành xử ghê tởm. Trước đó, ở cuộc hội họp của Viện Nguyên lão tại đền Bellona,84 cỏ nhiều lời bàn tán chê trách khi người ta đặt câu hỏi về sự can thiệp của Verres ở Tempsa. Thưa quý ngài, quý ngài có thể nhớ lại thời khắc đó, vào đầu giờ chiều, khi tin xấu đến từ Tempsa. Chúng ta đã không nghĩ ra được bất kỳ ai đủ khả năng quân sự để cử đến đó, Thế rồi có người nhớ ra rằng Verres ở không xa Tempsa. Thế nhưng, tiếng kêu
gào phản đối nổi lên khắp nơi; và những biện giả hàng đầu công khai phản đối đề nghị này. Do đó, tôi không thể thấy được: làm thế nào mà con người bị quần chúng chê trách - người bị buộc quá nhiều tội với quá nhiều bằng chứng - giờ đây lại có thể mong mỏi cơ may mong manh nhất rằng: sẽ có một số thành viên bồi thẩm đoàn biểu quyết ủng hộ hắn, trong khi chính họ đã buông lời lên án hắn thậm chí trước cả khi phiên xử bắt đầu!
Vậy nên chúng ta hãy chấp nhận rằng: hắn chẳng có công trạng gì trong những vụ nổi loạn, hay nghi vấn nổi loạn, của bọn nô lệ trốn chạy: bởi không hề có nổi loạn hay nguy cơ nổi loạn xảy ra ở Sicily, và hắn cũng chẳng làm gì để ngăn chặn, bởi chẳng có gì để phải ngăn chặn. Thế nhưng, chúng ta vẫn sẽ nghe nói rằng: dù sao thì hắn cũng đã duy trì hạm đội mạnh để đẩy lui bọn cướp biển, và hắn đã thực hiện nhiệm vụ này đến độ chu đáo nhất, nhớ đó bảo vệ tỉnh lỵ một cách mẫu mực.
Nhưng thưa quý ngài, hãy lắng nghe những gì tôi kể về hạm đội Sicily này, cùng các trận đánh với bọn cướp biển. Bản tính lý giải cho phép tôi, ngày từ đầu, nhấn mạnh rằng vụ việc này bộc lộ chính những điểm tệ hại nhất trong tính cách của hắn: tham lam, phản bội, điên rồ, dâm dục và tàn bạo. Cho đến nay, quý ngài đã cẩn trọng lưu ý đến những điều tôi kể. Xin hãy tiếp tục lưu ý như vậy trong lúc tôi tóm lược những gì đã xảy ra trong tình huống mà tôi đang đề cập.
Điều đầu tiên tôi phải trình bày là: mục đích của việc chỉ huy các sự vụ hải quân của Vetres hoàn toàn không phải để bảo vệ tỉnh lỵ. Không, mục đích của hắn là bòn rút thu lợi cá nhấn từ số tiền được chi tiêu cho hạm đội. Các vị thống sứ tiền nhiệm thường đều đặn yêu cầu các thị trấn Sicily cung cấp thuyền và một hạn mức cố định thủy thủ cùng binh lính. Thế nhưng chính ngươi, Verres, đã quyết định miễn trừ cho Messana, một thành phố cực kỳ quan trọng và giàu có, khỏi nhiệm vụ đáp ứng tất cả những yêu cầu này.85 Số tiền mà người Messana bí mật chi trả cho ngươi để đổi lấy sự miễn trừ này nếu cần, chúng ta sẽ truy ra từ các văn bản của chính họ và từ các bằng chứng.