🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tâm Lý Tội Phạm
Ebooks
Nhóm Zalo
TÂM LÝ TỘI PHẠM
Tác Giả: Lôi Mễ
Dịch Giả:
– Độc giả thứ 7: Trần Hữu Nùng
– Đề thi đẫm máu: Hương Ly
– Cuồng vọng phi nhân tính: Hương Ly – Lưu Quang Thuyết – Sông ngầm: Vũ Thị Hà
– Ánh sáng thành phố: Trần Hữu Nùng
-Tâm nguyện cuối cùng: Vũ Thị Hà
Nhà Xuất Bản: Công Ty Cổ Phần Sách Cổ Nguyệt
Giới Thiệu Về Tác Giả:
Lôi Mễ – Nhà văn trinh thám nổi tiếng Trung Quốc.Lôi Mễ không rõ lai lịch, tuổi tác chỉ biết là ngoài 30 là giáo viên luật hình sự tại Học viện Cảnh sát Hình sự Trung Quốc và hiện đang làm Phó giáo sư Học viện Cảnh sát Hình sự Trung Quốc. Anh ấy rất thành thạo về tâm lý học tội phạm và điều tra tội phạm.
Lôi Mễ nổi tiếng trên mạng với những cuốn tiểu thuyết tâm lý tội phạm như “Tâm lý tội phạm” (tên gốc trên Internet là “Portrait”), có vô số người hâm mộ và độc giả phải gọi anh là “thầy” của mình. Anh ta hiểu tất cả các loại tội lỗi, thậm chí còn hơn cả dấu tay của mình. Với bộ truyện tâm lý tội phạm kiệt tác của mình, anh đã trở thành người viết “tiểu thuyết tâm lý tội phạm đầu tiên của Trung Quốc”.
Lôi Mễ vào làng văn trinh thám hình sự hơi muộn so với nguyện vọng của mình. Ngay từ thuở thiếu thời anh đã tập tành viết sách nhưng
phải đến năm 2006, anh mới xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên mang tên “Độc giả thứ 7” và ngay sau đó là liên tiếp 3 tác phẩm nữa: Đề thi đẫm máu, Cuồng vọng vô nhân tính, Sông ngầm. Dù số lượng chưa nhiều, chỉ với những tác phẩm trên, Lôi Mễ đã được xếp hạng trong số những nhà văn trinh thám hình sự nổi tiếng của Trung Quốc. Các tác phẩm đã được dịch sang tiếng Anh, Việt, Thái và xuất bản ở nhiều quốc gia và khu vực. Một bộ phim truyền hình chiếu mạng và phim điện ảnh cùng tên được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết “Tâm lý tội phạm” đã được phát sóng và nhận được nhiều đánh giá tích cực.
Do đặc thù nghề nghiệp, các tác phẩm trinh thám của Lôi Mễ đậm chất hình sự chuyên nghiệp, tính logic chặt chẽ, tình tiết xác thực và cẩn mật. Tác phẩm của ông rất giàu tâm lý tội phạm , pháp luật , điều tra tội phạm , điều tra tại chỗ và pháp y . Họ có không chỉ là sao chép các trường hợp thực trong và ngoài nước, mà còn là sự tưởng tượng táo bạo và kỳ lạ, mà làm cho các công trình cả hấp dẫn và sâu sắc. Khả năng đọc mạnh mẽ, nhưng cũng có thể khơi dậy suy nghĩ sâu sắc của người đọc. Với bộ tiểu thuyết tâm lý tội phạm kiệt tác, ông nổi tiếng trong giới văn học Trung Quốc và trở thành tiểu thuyết gia tâm lý tội phạm xuất sắc nhất Trung Quốc hiện nay .
Các tác phẩm của Lôi Mễ theo thứ tự :Series về anh chàng cảnh sát Phương Mộc.
– Độc giả thứ 7
– Đề thi đẫm máu
– Cuồng vọng phi nhân tính
– Sông ngầm
– Ánh sáng thành phố
-Tâm nguyện cuối cùng
MỤC LỤC:
TÂM LÝ TỘI PHẠM
Giới Thiệu Về Tác Giả:
ĐỘC GIẢ THỨ 7
Mở Đầu: HỒI ỨC
Chương 1: NGƯỜI ĐI ĐÊM
Chương 2: ĐIỀU TRA
Chương 3: ĐỘNG CƠ
Chương 4: SÔNG THƯỢNG
Chương 5: TÌNH YÊU CHÂN THÀNH
Chương 6: ĐÊM NAY HỒN VỀ
Chương 7: TUYỆT PHẨM TUYẾT
Chương 8: BI THƯƠNG VÔ VỌNG
Chương 9: ĐÊM ĐÔNG
Chương 10: TẤM THẺ MƯỢN SÁCH CHẾT CHÓC Chương 11: NHÓM WPO
Chương 12: SÀN DIỄN BA NGƯỜI
Chương 13: NẾU NGƯỜI TIẾP THEO LÀ TÔI Chương 14: CHẲNG KẺ NÀO HẠ NỔI TA Chương 15: BỮA TIỆC CỦA ÁC MA
Chương 16: NĂNG KHIẾU TRỜI CHO
Chương 17: MỘT ĐÊM Ô NHỤC
Chương 18: THÙ HẬN
Chương 19: NGƯƠI LÀ AI?
Chương 20: TUẦN ĐÊM
Chương 21: BỘ MẶT THẬT
Chương 22: ĐỨT DÂY
Chương 23: BỒN NƯỚC
Chương 24: HẠ MÀN
Chương 25: LỬA
Chương 26: NHẬT KÝ CỦA TÔN MAI
Vĩ Thanh: BỜ BÊN KIA CỦA THỜI GIAN ĐỀ THI ĐẪM MÁU
Phần Dẫn: QUÁI VẬT
Chương 1: CƯỠNG HIẾP CẢ THÀNH PHỐ Chương 2: NGƯỜI BỊ ĐÁNH DẤU
Chương 3: NỖI SỢ HÃI
Chương 4: QUỶ HÚT MÁU
Chương 5: BÁC SĨ
Chương 7: CỐ ĐỂ QUÊN
Chương 8: VUI SƯỚNG HAY KHÔNG
Chương 9: LỘ DIỆN
Chương 10: NGÔI SAO 5 CÁNH TRÊN CÁNH CỬA Chương 11: THÀNH HỒI ỨC
Chương 12: VỤ ÁN TẠI BỆNH VIỆN
Chương 13: BẢN NĂNG
Chương 14: LỌ HOA CỦA GRAYSON PERRY Chương 15: MÊ HỒN TRẬN
Chương 16: SÁT THỦ CON SỐ
Chương 17: LỢN
Chương 18: THE YORKSHIRE RIPPER
Chương 19: TÌNH YÊU LÀ GÌ
Chương 20: MÈO VÀ CHUỘT (1)
Chương 21: 3+1+3
Chương 22: MÈO VÀ CHUỘT(2)
Chương 23: ĐÊM NOEL
Chương 24: ĐƯỜNG BƠI SỐ 6
Chương 25: PHÒNG 304
Chương 26: SƯ HUYNH
Chương 27: ĐẠI HIỆP HÔ LAN
Chương 28: TẦNG TRÊN ĐỊA NGỤC Vĩ Thanh
Ngoại truyện: QUẢ CỦA CÂY ĐỘC CUỒNG VỌNG PHI NHÂN TÍNH
Phần Dẫn: NGÀY NHÀ GIÁO
Chương 1: CÔ NHI VIỆN
Chương 2: TÁI NGỘ
Chương 3: BI THƯƠNG
Chương 4: THIÊN SỨ ĐƯỜNG
Chương 5: CÂU CHUYỆN CỦA LA GIA HẢI Chương 6: PHƯƠNG HƯỚNG
Chương 7: XÉT XỬ
Chương 8: MÊ CUNG DƯỚI LÒNG ĐẤT Chương 9: VƯỢT NGỤC
Chương 10: TRÙNG HỢP
Chương 11: GIÁO HÓA TRƯỜNG
Chương 12: DẤU VẾT
Chương 13: CÂU CHUYỆN CỦA CÔ Q Chương 14: DIỄN XUẤT ĐAU THƯƠNG (1) Chương 15: DIỄN XUẤT ĐAU THƯƠNG (2)
Chương 16: NGHI THỨC
Chương 17: TÁI HIỆN VỤ ĐÂM XE
Chương 18: LẠC HƯỚNG VÀ CHỨNG MINH Chương 19: ĐỨA TRẺ ĐÁNG THƯƠNG
Chương 20: CÔNG CỤ
Chương 21: HỒI ỨC
Chương 22: CÂU CHUYỆN CỦA ANH K
Chương 23: ÔNG TA VÀ “CÔ TA”
Chương 24: CỨU VÃN
Chương 25: MẤT ĐI VƯỜN ĐỊA ĐÀNG
Chương 26: THEO DÕI
Chương 27: CÂU CHUYỆN CỦA ANH H
Chương 28: THỰC NGHIỆM
Chương 29: THIÊN SỨ GẪY CÁNH
Chương 30: SÚNG
Chương 31: KẺ HIẾN TẶNG
Chương 32: HỘP SKINNER
Chương 33: SỐ PHẬN
Chương 34: TUYỆT LỘ
Chương 35: KẾ TRONG KẾ
Chương 36: CÁT BỤI LẠI TRỞ VỀ VỚI CÁT BỤI Vĩ Thanh: KHUNG CẢNH PHÍA SAU CHỐN ĐÔ THÀNH Ngoại truyện: CHIẾC HỘP CỦA SKINNER *
SÔNG NGẦM
Phần Dẫn: CẠM BẪY
Chương 1: BẮT CÓC
Chương 2: KẺ CƯỚP
Chương 3: HÀNH ĐỘNG TRONG ĐÊM
Chương 4: CĂN NGUYÊN
Chương 5: TẠM BIỆT CẢNH SÁT
Chương 6: ĐỘNG CƠ
Chương 7: KẺ NGOÀI CUỘC
Chương 8: GẶP LẠI
Chương 9: LỜI NÓI DỐI
Chương 10: ĐỨC PHẬT VÀ ĐỊA NGỤC
Chương 11: CUỘN BĂNG VIDEO
Chương 12: BÁCH HÂM DỤC CUNG [18]
Chương 13: ĐỌ SÚNG
Chương 14: THÔN LỤC GIA
Chương 15: CÁ MÙ [23]
Chương 16: THỎA ƯỚC IM LẶNG
Chương 17: CẢM ƠN CẢNH SÁT
Chương 18: ÉP CUNG
Chương 19: SÔNG NGẦM
Chương 20: CUỘC CHIẾN ĐẪM MÁU
Chương 21: NHÂN CHỨNG IM LẶNG
Chương 22: SỰ HY SINH CỦA CHIẾN SĨ CẢNH SÁT Chương 23: SỰ THẬT
Chương 24: GIĂNG BẪY
Chương 25: TRÊN DANH NGHĨA TÊN ANH Lời Kết: HÃY NGHE BÀI CA CỦA GIÓ
Ngoại truyện: LỜI NÓI DỐI CỦA ÁNH TRĂNG ÁNH SÁNG THÀNH PHỐ
Phần Dẫn: CHUYỆN CŨ
Chương 1: CHẠY THI
Chương 2: CẦU HÔN
Chương 3: BÁO ỨNG
Chương 4: DẤU CHÂN
Chương 5: TRO TÀN CỦA HỒI ỨC
Chương 6: TỬ CUNG
Chương 7: TRUY TÌM TUNG TÍCH TRONG ĐÊM MƯA Chương 8: ÁC MỘNG
Chương 9: MÃ SỐ
Chương 10: CON ĐƯỜNG CHẾT
Chương 11: TRẢ THÙ NGANG GIÁ
Chương 12: DÁNG VẺ CỦA ANH TA
Chương 13: CĂN HẦM
Chương 14: ĐÃ TỪNG QUEN BIẾT
Chương 15: ÁNH SÁNG THÀNH PHỐ
Chương 16: KỲ HẠN CHẾT CHÓC
Chương 17: TOÀN DÂN BIỂU QUYẾT
Chương 18: VẾT TAY
Chương 19: MÁI NHÀ XƯA
Chương 20: THÂN PHẬN MỘT CON NGƯỜI Chương 21: LUÂN HỒI
Chương 22: BỒI DƯỠNG SÁT THỦ
Chương 23: TÌNH YÊU SÂU ĐẬM NHẤT
Chương 24: NGƯỜI CON GÁI NHƯ NHÁNH CỎ DẠI Chương 25: CƯỚP ĐOẠT
Chương 26: TẮT NGẤM
Vĩ Thanh: AI LÀ NGƯỜI PHẢI RA ĐI ?
Ngoại truyện: HAI KIẾP ĐỜI HOA
TÂM NGUYỆN CUỐI CÙNG
Phần Mở Đầu: TỰ THÚ
Chương 1: LẦN GẶP GỠ ĐẦU TIÊN Chương 2: NGƯỜI CẢNH SÁT GIÀ
Chương 3: CỬA
Chương 4: ÁN CŨ
Chương 5: CHỐN NHÂN GIAN
Chương 6: BẠN
Chương 7: ĐIỀU TRA
Chương 8: THEO DÕI
Chương 9: NHÀ CŨ
Chương 10: DẤU TAY
Chương 11: TỘI PHẠM GIẾT NGƯỜI Chương 12: THẾ GIỚI MỚI
Chương 13: ĐÓN TẾT
Chương 14: CHỨNG MINH LÀ GIẢ Chương 15: ĐỒNG MƯU
Chương 16: U LINH
Chương 17: CÔ GÁI TRONG HOÀNG HÔN Chương 18: CÙNG MỘT BÊN CỦA THẾ GIỚI Chương 19: SẺ THÔNG VÀNG
Chương 20: NƯỚC HOA
Chương 21: SỰ THẬT
Chương 22: PHU NHÂN HỒ ĐIỆP
Chương 23: BÍ MẬT CỦA NHẠC TIÊU TUỆ Chương 24: TÂM NGUYỆN CUỐI CÙNG
Chương 25: BÓNG DÁNG HUNG THỦ Chương 26: CƠ HỘI
Chương 27: THẤT BẠI
Chương 28: DI NGUYỆN
Chương 29: CÚNG TẾ
Chương 30: THỨC TỈNH
Chương 31: BÍ MẬT CỦA HAI NGƯỜI Chương 32: KẺ ĐÓNG THẾ
Chương 33: Ý NIỆM KHÔNG THỂ THAY ĐỔI Vĩ Thanh: XUÂN MUỘN
ĐỘC GIẢ THỨ 7
"Thế là hắn khốn đốn, hắn đã sụp đổ!" Các vị không ngớt chế nhạo anh ta, nhưng các vị nên biết, anh ta gục ngã ở một tầm cao hơn các vị. Anh ta vui đến cùng cực rồi đâm buồn chán, nhưng ánh sáng của anh ta vẫn rực rỡ ngay sau bóng tối của các vị. - Nietzsche(1)
1. Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844-1900), nhà triết học Đức (N.D. chú thích)
Mở Đầu: HỒI ỨC
Mình đã ngủ bao lâu rồi nhỉ?
Bây giờ tìm hiểu điều này đã chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Tôi đành mở mắt ra, và lập tức ngửi thấy các thứ mùi rất đáng ngờ. Tôi hít hít mấy lần, rồi nhận ra là mùi của đủ các loại đồ ăn: mỳ bò xá xíu của hãng "bác Khang", mùi hành, mùi cánh gà rán New Orleans KFC, mùi rượu trắng loại rẻ tiền, mùi tương ớt và mùi giày dép vừa tụt ra khỏi chân.
Tàu hỏa Trung Quốc xưa nay vẫn thế, nó như một quán ăn mở cửa đến rất khuya. Quán ăn này lại chuyên bán những thực phẩm để qua đêm. Dù thích hay không, có chấp nhận hay không thì anh vẫn phải nuốt cho được việc. Trong toa tàu ngột ngạt và ẩm thấp, những mùi vị này chẳng khác gì làn sương đậm đặc, nhơm nhớp, dinh dính, bám vào mắt anh.
Tôi mở nắp chai nước khoáng ực một hơi hết nửa chai, rồi chậm rãi sờ túi áo lấy cặp kính ra đeo - mọi thứ trước mắt trở nên rõ ràng hơn.
Ngồi đối diện với tôi là một nam trung niên sắc mặt vô cảm. Ông ta mặc chiếc áo khoác to xù, tay nắm chặt chiếc cặp da màu đen (bàn tay thô nháp và chằng chịt nếp nhăn); đôi giày da đã bám đầy bụi lại há mõm, còn chủ nhân của nó thì đang nhìn lên cái túi đặt trên giá để hành lý bằng ánh mắt đờ đẫn dường như vô hồn. Bên cạnh ông ta là một cô gái trẻ, ăn mặc bình thường, nhan sắc cũng tầm tầm, đang lim dim mắt nghe nhạc MP3 (máy nội địa, đã rất cũ). Ngồi bên trái tôi là một bà già, cũng như tôi vừa nãy, đang gục xuống bàn ngủ, nước bọt rỉ qua mép rồi chảy xuống bàn thành một vệt sang sáng. Cảnh tượng này khiến tôi phát ớn, tôi lập tức đưa mắt nhìn ra cửa sổ.
Hôm nay là một ngày đầu xuân, trời âm u xam xám. Con tàu vừa đi qua một vùng đất hoang vu, không hề thấy bóng dáng nhà nông đang cần cù gieo hạt vụ xuân như ta vẫn tưởng tượng, cũng không có bóng
một con bò bê nào hết. Đôi khi cũng thoáng thấy vài gian nhà cấp bốn thấp lè tè vụt trôi qua cửa sổ, có vài đứa trẻ mặc áo bông dày sụ đang chơi đùa trước cửa. Không thể biết chúng đang chơi trò gì nhưng tôi cũng cảm nhận ra được niềm vui ngày xuân đang trỗi dậy ở đó.
Nhưng chẳng liên quan gì đến tôi, dù tôi rất muốn được vui cùng chúng.
"Xin lỗi." Tôi níu áo chị nhân viên toa tàu đang cố lách qua giữa đám hành khách. "Khi nào có thể đổi vé giường nằm, hả chị?"
"Chờ một lát. Anh không thấy tôi đang rất bận à?" Chị nhân viên có khuôn mặt to rộng trả lời vẻ khó chịu. "Mệt mỏi thật! Đã hết tết rồi mà khách vẫn đông quá thể!" Chị ta cau mày nhìn những đầu người đang nhấp nhô trên sàn toa xe.
Họ đang ngồi chen chúc nhau, mắt ai cũng có nét ghen tỵ và hậm hực với những người đang yên vị ngồi trên ghế. Nhưng phần lớn thì giờ họ dùng ánh mắt như của chim ưng săn mồi để tăm tia bốn phía, mong phát hiện ra ai đó sắp xuống thì vội vã chen đến chiếm lấy cái không gian bé tẹo chỉ vài chục centimet.
Ánh mắt tôi dừng ở hai người ngồi ở chỗ ghế chếch với mình.
Hai người, một nam một nữ. Cô gái ngồi ghế kề bên cửa sổ, người đàn ông ngồi bên cạnh cô và nhoài người trên bàn, hình như đang ngủ. Cô gái còn trẻ, có vẻ như ở độ tuổi đi học, vẻ mặt cô có nét vừa hoảng sợ lại vừa xấu hổ, thỉnh thoảng cô khẽ đẩy người đàn ông ngồi bên một cái. Nhưng anh ta sau mỗi lần bị đẩy thì lại ngoan cố áp sát người sang phía cô gái.
Tôi chú ý đến đôi vai anh ta đang khẽ động đậy.
Tôi cau mày, và bắt đầu cảm thấy nóng mặt.
Cô gái cố gắng né tránh, đồng thời đưa mắt nhìn bốn phía dường như mong có ai đó sẽ đến giải vây giúp cô. Nhưng hành khách xung quanh chỉ liếc sang rồi nhìn đi, không có ai đáp lại ánh mắt của cô và
càng không có ai đứng lên ngăn chặn hành vi của người đàn ông kia. Mọi người đều im lặng, dường như muốn giữ kín một điều bí mật mà ai ai cũng hiểu cả.
Đôi vai người đàn ông đung đưa càng lúc càng mạnh hơn, đôi mắt cô gái bắt đầu rơm rớm lệ.
Tôi đứng dậy, rồi bước lại bên anh ta. Ngay lập tức có người chiếm chỗ của tôi, lại còn thở phào nhẹ nhõm nữa.
"Này, anh ơi…" Tôi vỗ vai người đàn ông. "Đổi chỗ khác đi!" Tôi chỉ sang chỗ của tôi.
Người đàn ông lập tức ngẩng đầu lên, vẻ mặt nhăn nhó khó chịu: "Gì nào?"
"Tôi nói là đổi chỗ ngồi." Tôi bình tĩnh nhìn anh ta.
Vẻ mặt anh ta nhanh chóng từ khó chịu biến thành hung dữ, môi cong lên, và hạ thấp giọng: "Đừng rách việc!"
"Sang đi!" Tôi nguẩy đầu hất về phía sau lưng tôi. "Ngay bây giờ."
Anh ta sửng sốt nhìn tôi, mọi người xung quanh cũng nhìn tôi. Tôi mỉm cười nhìn anh ta.
Vài giây sau, anh ta đứng lên. Tôi nhận ra anh ta cao hơn tôi một chút, cao khoảng 1m80. Tôi đặt ba lô của mình lên mặt bàn rồi ngồi xuống.
Mọi người xung quanh cũng trở nên hoạt động hơn, hình như ai cũng thở phào. Anh ta thì hầm hầm tức tối, hai tay ôm vai, thỉnh thoảng lại gườm gườm hằn học nhìn tôi. Còn mọi người, có người tò mò nhìn cô gái, cũng có người thì nhìn tôi. Tôi chẳng hào hứng gì với những ánh mắt đó, chỉ cúi đầu, tựa vào lưng ghế, nhắm mắt lại.
Một lát sau tôi cảm thấy có ai đó khẽ kéo cánh tay mình, bèn mở mắt ra. Cô gái ngồi bên bẽn lẽn mỉm cười nhìn tôi, và đưa tôi một mẩu
giấy, trên giấy viết hai chữ "cảm ơn".
Tôi cười cười, coi như trả lời cô, rồi lại nhắm mắt.
Tôi lại ngủ. Cho đến khi có một bàn tay thô bạo lay tôi tỉnh dậy. Tôi cố mở mắt ra. Đó là chị nhân viên nhà tàu lúc nãy.
"Ở toa số 9 có giường nằm rồi! Mau lên!"
Tôi đáp "vâng", đồng thời cảm thấy tàu đang chạy chậm lại, chắc là sắp đến một ga kế tiếp.
Tôi đứng dậy, vươn vai, rồi xách ba lô lên.
Cô gái nhìn tôi, hình như vẻ sợ hãi lại hiện lên trong mắt cô.
Tôi hơi do dự, rồi quay người sang phía người đàn ông kia. Anh ta đang cúi đầu nhắm mắt "dưỡng thần". Tôi cúi xuống, nói khẽ: "Anh đến ga rồi đấy, xuống tàu đi!"
Anh ta dường như giật mình, đáp lại như một phản xạ vốn có: "Chưa! Tôi đến thành phố A."
Tôi chẳng thiết nói nữa, chỉ hất tay: "Đến rồi đấy! Xuống đi!"
Mặt anh ta đang đỏ bỗng tái nhợt, anh ta đã thật sự điên tiết. Rồi lập tức đứng bật dậy đưa tay ra túm cổ áo tôi.
Tôi một tay chặn lại, tay kia bóp luôn cổ anh ta và dúi mạnh xuống ghế.
"Hoặc là mày tự xuống tàu." Tôi nhìn xoáy vào mắt anh ta, "Hoặc là tao ném mày xuống!"
Hai mắt anh ta trợn tròn, hơi vằn đỏ xung huyết vì bị nghẹt thở. Hành khách ngồi bên rào rào đứng dậy tránh dạt ra, rất nhanh chóng, xung quanh tôi và anh ta hình thành một không gian nho nhỏ.
Tôi biết, mặt mũi tôi lúc này hẳn là rất hung dữ, đáng sợ. Những vết sẹo dọc ngang trên mặt đang vặn vẹo khiến tôi giống như một con ác
quỷ đang muốn ăn thịt người.
Gã đàn ông quá sợ hãi. Cổ vẫn đang bị tôi bóp, không sao nói được, anh ta chỉ gật đầu lia lịa.
Tôi bỏ tay ra, đầu gối cũng thôi không ghì trên đùi anh ta nữa. Anh ta mềm oặt, ho rũ rượi một thôi một hồi. Không dám nhìn tôi nữa, anh ta miễn cưỡng đứng lên, một tay xoa cổ họng một tay đưa lên giá để hành lý lôi cái va li du lịch có tay kéo xuống.
Lúc này tàu đã chạy vào ga. Anh ta rảo cẳng chen ngay vào đám đông hành khách xuống tàu rồi đi đến thềm hành lang, lúc đó mới dám ngoái lại nhìn tôi đầy oán hận.
Đêm đã khuya.
Tôi không ngủ được, cả toa xe giường nằm râm ran tiếng ngáy, mọi người đều đang ngủ, chỉ riêng mình tôi ngồi bên ô cửa sổ nhìn ra màn đêm tối đen bên ngoài. Đoàn tàu yên ổn lao nhanh, thỉnh thoảng gừ gừ khẽ rung một cách có quy luật. Trong toa tối âm u, chỉ ở chỗ nối toa le lói một ngọn đèn vàng hiu hắt. Hình như màn đêm ngoài cửa sổ đen kịt đang ẩn chứa những vận mệnh chưa biết sẽ là gì, nhưng nó chẳng thể thu hút được tôi nữa, điều tôi rất không muốn nghĩ đến lúc này, là tương lai.
Ngón giữa bàn tay phải của tôi lại hơi tê đau, có lẽ là tại đoàn tàu đang chạy qua một khu vực mưa xuân sắp về. Tôi mân mê ngón tay chỉ còn một nửa này và cảm thấy rất rõ cái sẹo cứng ở đầu mút ngón tay đã gãy. Nó dường như là một thứ dấu hiệu phân định giữa tôi và quá khứ của mình.
Cửa toa xe mở ra, hai bóng người mờ mờ bước vào, một người là nhân viên nhà tàu, người kia thì không rõ nhưng có thể nhận ra là một cô gái - chắc là cũng vừa mua được vé giường nằm. Người nhân viên dẫn cô gái vào toa, dặn dò mấy câu, rồi ngáp dài bước ra. Cô gái loạt soạt đặt hành lý lên giường, sau đó cầm cốc bước ra ngoài nhìn ngó, rồi bước lại phía tôi.
"Là anh, phải không?"
Tôi ngẩng đầu. Thì ra là cô gái ở toa tàu kia lúc ban ngày. "Ừ." Tôi không muốn nói chuyện, chỉ khẽ ừ hữ.
Cô ta rót cốc nước trong bình giữ nhiệt ở dưới chân tôi, rồi kéo cái ghế ra ngồi xuống trước mặt tôi.
"Anh đang ngắm gì à?" Cô ta nhìn ra cửa sổ rồi ngoảnh sang hỏi tôi.
"Không." Tôi khép mi mắt lại.
Im lặng một hồi rất lâu. Nhưng tôi biết cô ta vẫn đang nhìn tôi.
"Xin lỗi." Cô ta lại cất tiếng, nhỏ nhẹ, rất chậm. "Có thể hỏi một câu không: Anh làm nghề gì?"
"Sao cô lại muốn biết điều này?" Tôi ngẩng đầu lên. Khuôn mặt cô khuất trong bóng tối, chỉ nhìn thấy đôi mắt cô hơi lấp lánh.
"Tôi… chỉ tò mò thôi." Cô ta hơi ngượng nghịu. "Nếu anh không muốn nói ra thì…"
"Tôi đã từng… đã từng là cảnh sát."
"Thế à? Thảo nào…" Cô hào hứng hẳn lên, người hơi xáp lại gần tôi. "Thế thì chắc là anh…"
Rồi cô chỉ vào tay phải và chỉ lên mặt mình, làm vài động tác, nhưng lập tức cảm thấy không ổn nên cô lại lúng túng nhìn tôi.
Tôi lặng lẽ mỉm cười.
"Không sao."
Cô ta trở lại nhẹ nhõm và tính tò mò lại trỗi dậy.
"Đằng nào thì cũng không ngủ được." Tay cầm chặt cốc nước, cô chăm chú nhìn tôi. "Anh kể cho em nghe chuyện về anh đi?"
Tôi nhìn cô, và chợt cảm nhận ra nét thuần khiết, trong sáng, mơ màng trong ánh mắt cô, rất giống đôi mắt một người mà tôi từng quen biết.
Chuyện về tôi? Tôi rút ra một điếu thuốc lá nhưng chưa châm vội. Cũng được!
Giữa đêm khuya, trong toa tàu hỏa, tôi kể những câu chuyện ấy cho một cô gái xa lạ nghe, có lẽ không phải câu chuyện, mà là những hồi ức. Nhưng chúng không hoàn toàn là những sự việc khiến người ta cảm thấy vui vẻ. Nếu có thể được, thì tôi thà rằng chúng chưa từng xảy ra. Và có lẽ Ngô Hàm, Tôn Phổ, Dương Cẩm Trình, Tiêu Vọng, Giang Á và những con người vĩnh viễn gắn liền với ký ức của tôi, họ cũng đều muốn chúng chưa từng xảy ra.
Tôi nên bắt đầu kể từ đâu nhỉ?
Chương 1: NGƯỜI ĐI ĐÊM
Năm 1999, Phương Mộc 21 tuổi, là sinh viên năm thứ ba Đại học Sư phạm thành phố C.
Buổi tối giữa thu, tiết trời đã rất lạnh.
Cảnh tượng của thành phố miền Bắc này thật hiu hắt. Gió từng cơn từng cơn nối nhau tràn về, mặt đất ngập lá vàng khô, bước chân giẫm lên phát ra những tiếng ráp ráp nhỏ nhẹ. Những ngọn đèn rải rác ở các lối đi trong trường hình như cũng tối hơn mọi ngày rất nhiều, ánh sáng vàng nhợt hắt xuống dưới chân một cách bất lực. Bên dưới cột đèn có một người bán rong trứng hấp tẩm hương liệu đang bước qua bước lại một cách uể oải, trông chừng cái bếp lò sắp tắt. Cả khu sân trường vắng tanh, chỉ lác đác thấy bóng vài đôi nam nữ đang lững thững đi bên nhau. Khác hẳn với lúc ban ngày ồn ã, trường Đại học Sư phạm lúc này cực kỳ yên tĩnh.
Những tiếng chuông bỗng vang lên khắp các khu nhà lớp học. Đã hết giờ tự học buổi tối.
Người bán hàng rong cũng đứng thẳng người lên, vội nhanh tay chọc lò cho lửa đỏ hồng. Vài phút sau, từng đám đông sinh viên ùa ra ngoài sân. Họ co người rụt cổ đối mặt với làn gió thu tràn đến, cười nói lao xao và bước về phía ký túc xá. Thỉnh thoảng vài người chạy đuổi theo nhau nô đùa, cũng có cả những tiếng huýt sáo vui vẻ nữa.
Các nữ sinh đỏ mặt lách qua đám nam sinh, có cô còn đánh bạo ngoảnh sang nhìn những anh huýt sáo vang nhất, và thế là những tiếng cười vui vẻ càng rộ lên nhiều hơn, đó là cảnh tượng náo nhiệt cuối cùng trong ngày ở sân trường.
Khu II là ký túc xá nam, nó cũng là khu nhà tồi tàn nhất trường. Lịch sử nhà trường cho biết, khu nhà này do người Nhật xây dựng từ thời kháng chiến. Không thể không công nhận rằng thứ của người Nhật
làm ra quả là bền bỉ, hơn năm chục năm trôi qua mà ngôi nhà cũ kỹ vẫn kiên cố đứng sừng sững trong trường, chỉ hơi bị ẩm thấp mà thôi. Nhưng ẩm thấp chưa chắc đã là dở, cánh sinh viên mấy khóa trước từng nói đùa rằng, khu nhà này vĩnh viễn không thể xảy ra hỏa hoạn, dù ai cố tình phóng hỏa thì lửa cũng không thể bén. Cũ thì cũ, cánh nam sinh ở khu nhà này cho rằng đây vẫn là nơi quý hơn vàng bạc châu báu, bởi vì khi cấp trên về trường kiểm tra vệ sinh, họ không bao giờ được lãnh đạo trường dẫn đến đây cả, cánh nam sinh tha hồ mà vui hết mình. Cái khu nhà mà nơi nơi đều rất sẵn rác, lon bia và chuột, chính là chỗ ở thoải mái sung sướng của cánh nam sinh hồn nhiên vô tư lự.
Trước lúc tắt đèn 11 giờ đêm, là quãng thời gian náo nhiệt nhất của khu II. Cậu nào cũng chân xỏ dép lê, vai vắt khăn mặt, tay bưng chậu rửa mặt đi đi lại lại giữa khu nhà tắm và phòng ở. Lối đi thì luôn thoảng mùi thuốc lá, và luôn vang lên những câu văng tục chửi thề tự nhiên như không, đôi lúc có cậu nhân lúc bạn đang cúi xuống rửa mặt, bèn thò tóm luôn đũng quần bạn, thế rồi những câu chửi mắng bỗ bã lại vang lên.
Trong căn phòng 352, một cậu đang cầm khăn mặt lau mái tóc. Lau vò một hồi, cậu bỗng dừng lại khịt mũi "đánh hơi", rồi cậu đưa cái khăn lên mũi ngửi.
"Ôi, tại sao khăn mặt của mình lại có mùi dưa chua thế này?"
Một cậu đang ngồi ăn mỳ ăn liền, bật cười: "Ha ha… hình như chiều nay Tứ đệ lấy khăn mặt của cậu lau chân." Cậu ta nuốt một miếng rồi nói tiếp: "Lúc đó nó vừa đi đá bóng về!"
Cậu "nạn nhân" ném cái khăn mặt vào chậu, mở cửa phòng bước ra, nhằm về phía khu vệ sinh hét toáng lên: "Thằng Chúc! Ngươi họ Trư phải không(2)? " Mọi người trong phòng cười ồ cả lên.
Mấy giây sau, một cậu béo miệng còn ngậm chiếc bàn chải đánh răng chạy xộc vào: "Thằng khỉ nào thế?"
"Nạn nhân" đang giũ cái khăn mặt, im lặng không nói gì. Cậu béo cười ngượng nghịu: "Hà hà, xin lỗi Lục đệ(3) nhé!"
2. “Tứ đệ” họ Chúc; chữ Chúc đồng âm với chữ Trư = con lợn. Nói đùa.
3. Phòng có 6 nam sinh ở, họ tự đặt biệt hiệu cho nhau theo thứ tự: anh cả, nhị đệ, tam đệ (Ngô Hàm), tứ đệ (Chúc Thành Cường), ngũ đệ, lục đệ (Phương Mộc).
Lục đệ nói: "Xin lỗi là xong à? Đầu tôi mới gội, phí công hay sao? Toàn mùi dưa chua!"
"Thế thì càng hay! Nhị đệ đang ăn mỳ, cậu cứ nhúng khăn mặt vào bát mỳ của nó, thế là cậu ta đỡ phải mua dưa chua."
"Thằng béo chết tiệt!" Lục đệ bước đến giơ tay giả vờ định đánh, Chúc Tứ đệ chỉ cười và né tránh: "Đừng trách tôi, ai bảo khăn mặt của cậu giống hệt khăn mặt của tôi?"
"Đồ chết tiệt! Khăn của ta màu xanh, khăn của ngươi vốn màu trắng kia mà?" Cả phòng lại phì cười.
Lục đệ đưa tay sờ lên mái tóc, rồi lại đưa vào mũi ngửi. "Hừ! Được thôi! Để mai sẽ tính sau."
Rồi cậu nhanh chóng cởi quần áo, tiện tay cầm một tờ "Tuần báo Thể thao", chui vào trong chăn và bắt đầu lật giở ra đọc. Những người khác, hoặc là đọc sách, hoặc là nghe nhạc, chờ đến giờ tắt đèn.
Cửa bỗng lại bị mở ra, một cậu vóc người nhỏ nhắn bước vào, tay đang cầm một hộp cơm bằng inox, cậu ta bước thẳng đến chỗ mấy cái phích nước nóng đặt bên dưới ô cửa sổ, cầm lên lắc lắc. Không có gì. Cậu ta lại nhấc cái khác lên, vẫn không có nước.
"Này, sao phòng các cậu lười thế? Không có một giọt nước nóng nào. Mau xuống dưới kia lấy cho tôi một… à, hai phích nước nóng. Ăn mỳ xong, tôi còn phải ngâm chân."
Cả đám nam sinh cùng quát to: "Đồ chết giẫm!"
Lục đệ mỉm cười đặt tờ báo xuống, rồi nói với cậu còm: "Tôi có nước nóng đây!"
Cậu còm vội bước lại. Lục đệ lật chăn lên: "Chỉ hiềm nó không nóng lắm, chỉ 36o 8 thôi! Cậu có lấy không?"
Cậu còm nhào đến đưa tay ra định chẹn cổ Lục đệ, Lục đệ cười hềnh hệch né tránh, rồi ngoặt tay lại ghì cậu còm xuống giường.
"Nó sờ soạng tôi!" Cậu còm cường điệu gào lên. Những cậu khác thấy thế cũng chạy đến vào hùa cho vui, đè luôn cậu còm xuống giường.
Cậu còm liến thoắng xin tha: "Dừng lại, dừng lại! Nếu tiếp tục đè nữa, tớ sẽ vãi đái ra mất!" Lục đệ vội nói: "Thôi, đừng đùa nữa! Kẻo nó làm ướt giường tôi thì đêm nay tôi ngủ ở đâu?" Mọi người bật cười, buông cậu còm ra. Cậu ta vừa thở phì phò vừa nhổm dậy: "Mẹ ơi! Vậy là không thể ăn mỳ, thế thì trẫm đi làm việc quan trọng vậy! Phương Mộc ơi, cho trẫm ít giấy vệ sinh!"
Lục đệ Phương Mộc cười chế nhạo: "Chu Quân, ngay cuộn giấy vệ sinh cậu cũng không có nổi à?" Nói rồi Phương Mộc cầm nửa cuộn giấy vệ sinh đặt bên gối ném cho Chu Quân. Chu Quân bắt lấy, nhưng chưa đi vội, cậu ta ngồi bên mép giường Phương Mộc tán gẫu với mọi người.
Phương Mộc ngán ngẩm đá chân vào cậu ta. "Sao không đi luôn đi? Sắp tắt đèn đến nơi rồi đấy."
Chu Quân lập tức phấn khích: "Thế thì cậu không hiểu rồi: làm việc quan trọng trước khi đi ngủ là tốt nhất, cậu nghĩ mà xem, nếu cứ khư khư giữ suốt đêm một đống uế tạp trong bụng, thì sẽ rất có hại cho sức khỏe!"
Phương Mộc nhếch mép: "Chỉ nói bừa! Cậu chuyên đi giải quyết vào lúc tắt đèn, không sợ gặp ma hay sao?"
"Hì hì… sợ cóc gì ma? Gặp ma nam thì tớ ra đòn, gặp ma nữ thì tớ sẽ ngủ với nó luôn!"
"Ngủ cái con khỉ! Coi chừng hết pin thì toi đời!"
Các chàng trai đang tán chuyện rôm rả thì đèn điện bỗng vụt tắt, cả căn phòng chìm trong bóng tối. Mấy cậu đang đọc sách cùng "ôi…" một tiếng, sau đó là những tiếng sột soạt, họ chui vào chăn.
Chu Quân đứng lên, nói rất trang trọng: "Bây giờ trẫm hồi cung, uống cốc nước, sau đó sẽ vào nhà vệ sinh để tìm ma nữ!"
"Đồ khỉ, biến đi!"
Chu Quân thụi cho Phương Mộc một quả, rồi cười hề hề đi ra khỏi căn phòng.
Anh cả bật đèn pin lia khắp căn phòng một lượt. "Đã về cả chưa? Lục đệ ra cài cửa đi!"
"Lại bảo tôi cài cửa?"
"Đừng lắm lời nữa! Ai bảo cậu nằm gần cửa nhất? Mau ra cài đi!" Anh cả cười trêu.
Phương Mộc đành ra khỏi chăn, xuống giường, chạy ra chốt chặt cửa phòng rồi chạy vụt trở lại giường.
Lúc chui vào chăn, anh đưa mắt nhìn sang giường đối diện, thấy trống trơn.
"Ơ kìa, Ngô Hàm vẫn chưa về à?"
"Tam đệ hôm nay trực ban."
Mọi người im lặng một lúc. Rồi một cậu khẽ hỏi: "Năm nay Tam ca có định thi vào lớp Cơ địa không nhỉ?"
"Không biết nữa." Anh cả nói giọng ấm ức: "Tam đệ cũng thật đen đủi, rõ ràng là đã đủ điểm sàn, rồi chẳng hiểu sao vẫn cứ bị rớt."
"Tôi đoán rằng cậu ấy sẽ lại thi!" Chúc Tứ đệ cựa quậy giở mình, "Lúc nãy đi về, tôi còn nhìn thấy cậu ấy đang ngồi ở phòng trực ban lẩm
nhẩm từ mới tiếng Anh."
Phương Mộc ngẫm nghĩ, rồi hỏi: "Tam ca vẫn chưa nộp hết học phí thì phải?"
Chúc Tứ đệ nói: "Nộp từ lâu rồi nhưng hình như vẫn thiếu hơn 4.000 tệ."
Phương Mộc im lặng, nằm co trong chăn nghĩ ngợi.
Trong Học viện Pháp luật có một lớp hơi đặc biệt, nói với bên ngoài là lớp Cơ địa, thực ra nó là lớp chính quy học liền lên thạc sĩ. Sinh viên trong lớp này sau khi học xong các học phần thì có thể học luôn chương trình nghiên cứu sinh thạc sĩ. Lúc thi vào đại học, điểm sàn của lớp này cao hơn hẳn điểm sàn các lớp khác trong Học viện Pháp luật. Cạnh tranh trong lớp này đương nhiên cũng rất gay gắt. Theo yêu cầu của Học viện, cuối mỗi học kỳ đều làm bài thi để loại 10% sĩ số. Ai bị đào thải thì sẽ sang lớp khác mà học, ngược lại, sinh viên lớp khác cũng có thể đăng ký thi để vào học lớp này. Ngô Hàm đã dự thi cuối học kỳ, làm bài rất tốt, cầm chắc chín phần mười sẽ đỗ. Nào ngờ, kết quả vẫn là trượt vỏ chuối. Điều khó hiểu là, một vài sinh viên khác học lực vốn thua xa Ngô Hàm nhưng lại thi đỗ ngon lành. Nhà trường giải thích rằng khẩu ngữ tiếng Anh của Ngô Hàm không đạt. Rõ ràng đó chỉ là viện cớ. Các anh em cùng phòng ký túc xá đều xui Ngô Hàm lên gặp nhà trường để "thắc mắc" nhưng thật kỳ lạ, cậu ta dường như không oán hận gì chuyện đó. Sau vài ngày tiu nghỉu, cậu ta lại bắt đầu dốc sức chuẩn bị cho kỳ thi lần sau.
Ngô Hàm quê ở một vùng núi phía bắc, xuất thân con nhà nông, gia cảnh nghèo khó. Cách duy nhất để thay đổi số phận chính là đi học. Trong ba năm ở chung phòng ký túc xá, Phương Mộc cảm nhận rất rõ Ngô Hàm hơn hẳn các bạn khác ở tính cách và ý chí bền bỉ phấn đấu vươn lên mạnh mẽ.
Có lẽ cậu ta muốn dùng kết quả học tập thật tốt để nói lên tất cả.
Cứ thế suy nghĩ miên man, Phương Mộc dần thấy mí mắt của mình trĩu nặng…
Anh lờ mờ cảm thấy phòng 351 bên đối diện có tiếng kẹt cửa, có tiếng người hát ê a và bước ra. Nhận ra đó là ai rồi, Phương Mộc bỗng tỉnh táo, anh nhổm dậy hét về phía cửa phòng: "Hết pin thì toi đời!"
Tiếng hát ngừng bặt, sau đó là tiếng của Chu Quân: "Hà hà… thằng ngốc!"
Những người trong phòng chưa ngủ đều cười khúc khích.
Chu Quân đứng ngoài đá một phát vào cánh cửa, rồi tiếng dép lê loẹt quẹt của cậu ta đi xa dần.
Tất cả trở lại yên tĩnh.
Mọi người trong phòng dần đi vào giấc ngủ, đó đây râm ran tiếng ngáy khe khẽ. Gió vẫn thổi bên ngoài cửa sổ, thỉnh thoảng có chiếc lá bay va vào cửa kính, rất khẽ, không ai nghe thấy. Cả sáu, à không, năm cậu sinh viên đều ngủ say tít trong căn phòng cũ kỹ lộn xộn này.
Cả khu nhà ký túc xá chìm trong yên tĩnh. Ngoài cửa các căn phòng là hành lang không một bóng người, chỉ có một con chuột lúc chạy lúc dừng, men theo chân tường để tìm kiếm thức ăn. Những cánh cửa phòng hai bên hành lang đóng im ỉm, không lời, hình như có những con mắt đơn độc đang theo dõi "kẻ đi đêm" bé nhỏ này.
Kẻ đi đêm bỗng dừng bước, đôi tai bé xíu dựng lên, cảnh giác. Rồi, rất nhanh, nó quay ngoắt lại chạy mất hút.
Ngươi có nghe thấy những tiếng hít thở nặng nề ở góc khuất kia không?
Phương Mộc bừng tỉnh, nói một cách chính xác là bị đánh thức giấc. Anh cố gượng mở mắt và nhận ra cả căn phòng vắng lặng không một bóng người, chỉ còn những cái chăn cùng một màu thống nhất chất lộn xộn trên giường.
Chà! Những gã đại lãn sao hôm nay lại nhanh nhẩu thế nhỉ?
Phương Mộc đang lấy làm lạ, thì nghe thấy những tiếng ồn ào ngoài hành lang. Anh đeo kính, ngồi dậy vươn vai, rồi xỏ dép lê, mở cửa bước ra.
Kỳ lạ quá!
Dường như toàn bộ sinh viên ở khu ký túc II đều tập trung ở hành lang. Áo quần lộn xộn đủ các kiểu, người thì mặc đồ thể thao chạy bộ sáng sớm, người thì choàng chăn, có người chỉ mặc độc chiếc quần cộc. Nhưng họ đều giống nhau ở vẻ mặt hốt hoảng và cùng nhìn về phía nhà vệ sinh.
Phương Mộc cũng nhìn về hướng đó. Nhân viên quản lý ký túc xá là chị Tôn, tay đang đặt tay trên khuôn cửa, nghiêng đầu nhòm vào phía trong. Bên cạnh chị là anh cả của phòng 351 đang đứng dựa lưng vào tường, người run run, ánh mắt đờ đẫn, cứ như có thể ngã sụp xuống đất bất cứ lúc nào.
Phương Mộc nhìn thấy Chúc Tứ đệ trong đám đông, bèn bước lại kéo tay cậu ta: "Sao thế?"
Chúc Tứ đệ ngoảnh lại nhìn Phương Mộc, nhưng không nói gì.
"Có chuyện gì vậy? Nhà vệ sinh lại bị tắc à?" Phương Mộc nhìn xung quanh. "Đâu phải là lần đầu tiên? Có đến nỗi phải xôn xao thế này không?"
Lục đệ của phòng 351 ngoảnh đầu lại, khẽ nói: "Hình như là Chu Quân… bị chết trong đó."
Chương 2: ĐIỀU TRA
Trưởng phòng bảo vệ Đại học Sư phạm Trần Bân đã làm việc lâu năm ở đây nhưng anh gặp vụ việc này là lần đầu tiên.
Kể từ lúc bị cú phôn của ông hiệu phó lôi ra khỏi giường, Trần Bân đã chạy như đèn cù suốt buổi sáng làm đủ các thứ việc. Tiếp người của Sở công an đến khám nghiệm hiện trường, an ủi động viên cánh sinh viên, báo cáo với lãnh đạo nhà trường… lúc này anh mới được ngồi thở một lát, đang định đến nhà ăn kiếm vài cái bánh màn thầu nhét vào dạ dày thì phòng bảo vệ lại gọi điện, bảo anh phải đến ngay vì có cán bộ của Phòng Bảo vệ kinh tế văn hóa của Sở công an thành phố đến.
Đó là một nam giới trạc tuổi Trần Bân, vẻ mặt đầy mệt mỏi, anh đang nghe một cảnh sát hình sự của Sở báo cáo sơ bộ tình hình khám nghiệm hiện trường, sắc mặt anh thản nhiên, mắt luôn nhìn xuống và nghe. Lúc này thấy Trần Bân bước vào, anh ngẩng đầu lên nhìn từ đầu đến chân. Một nhân viên phòng bảo vệ vội giới thiệu ngay: "Đây là anh Trần Bân, trưởng phòng của chúng tôi; đây là anh Hình Chí Sâm, trưởng phòng Bảo vệ kinh tế văn hóa của Sở công an."
Trần Bân cẩn trọng gật đầu. Hình Chí Sâm không đứng lên, vẫn ngồi yên và khẽ gật đầu, coi như chào lại.
Anh cảnh sát đã nhanh chóng báo cáo xong tình hình với Hình Chí Sâm, nghe xong, Hình Chí Sâm không nói gì. Cả căn phòng của phòng bảo vệ im ắng không một tiếng động. Trần Bân hơi lúng túng, anh hắng giọng, rồi nói: "Chuyện bất hạnh xảy ra, cả trường chúng tôi rất đau xót. Nó cũng chứng tỏ công tác bảo vệ trong nhà trường làm chưa đến nơi đến chốn, hiệu trưởng đã nhắc nhở chúng tôi phải tích cực phối hợp với công an để tranh thủ sớm tìm ra…"
Không đợi Trần Bân nói xong, Hình Chí Sâm đứng lên, "Ta đến xem hiện trường!"
Năm phút sau, Hình Chí Sâm đã đứng trước cửa khu ký túc xá II nam sinh, ngắm nhìn khu nhà đã có tuổi thọ kha khá này.
Cửa gỗ, tường gạch đỏ, bên trên còn sót những chữ đại loại như "vô sản", "cách mạng" gì đó. Anh nhìn những tấm cửa sắt ốp ngoài các cửa sổ bằng gỗ, nghĩ ngợi, rồi bước vào cửa khu nhà.
Ngay trước mặt là năm bậc thềm nhà. Phía trước tấm bảng đen đối diện với cầu thang, có một phụ nữ trung niên gầy quắt cao lêu đêu đang đứng viết lên bảng mấy câu thông báo "XXX ở phòng 221 đến nhận bưu phẩm"… nét chữ mềm mại, khiến Hình Chí Sâm cũng phải để ý ngắm nghía. Nghe thấy các tiếng động phía sau, chị bèn quay lại, vừa định hỏi gì đó thì nhìn thấy Trần Bân.
Trần Bân xua tay, nói: "Các anh ấy ở Sở công an, đến xem hiện trường."
Chị ta "à" một tiếng, rồi quay lại tiếp tục viết.
"Chị ấy là Tôn Mai, quản lý khu II này." Trần Bân quay sang nói với Hình Chí Sâm. "Chị ấy trực đêm qua."
Hình Chí Sâm lập tức dừng bước, và hỏi Tôn Mai: "Lúc này chị có rỗi không?"
Tôn Mai có vẻ hơi căng thẳng, gật đầu: "Mời các anh vào đây nói chuyện."
Mọi người bước vào phòng thường trực vốn không rộng rãi gì, lúc này trông càng có vẻ chật chội.
Hình Chí Sâm chưa vội hỏi gì, anh chỉ ngắm nhìn căn phòng.
Căn phòng hình chữ nhật, rộng chừng 7 mét vuông. Bên trái kê một cái giường, tường bên phải có một cửa sổ nho nhỏ, trước ô cửa sổ kê một bàn một ghế. Không gian chật hẹp, nhưng được sắp xếp khá ngăn nắp.
Hình Chí Sâm chú ý đến cánh cửa ở tường bên trái căn phòng. "Kia là gì?"
"Là chỗ nghỉ của sinh viên trực ban." Tôn Mai đáp.
Hình Chí Sâm bước đến mở cửa ra, bên trong là một phòng xép rất hẹp, không cửa sổ, chỉ có một cái giường.
Anh khép cửa, rồi quay trở ra. Thấy Tôn Mai vẫn đứng, anh làm động tác hạ tay xuống, nói: "Chị ngồi đi. Chúng tôi đến để tìm hiểu tình hình."
Tôn Mai nhìn Trần Bân, rồi chị lùi lại và ngồi xuống mép giường.
Hình Chí Sâm ngồi lên chiếc ghế đặt cạnh bàn, "Chị công tác ở đây bao lâu rồi?"
"Năm năm."
"Liên tục à?"
"Vâng."
"Cánh sinh viên, dễ quản lý không?"
"Cũng được. Khu này toàn nam sinh, cũng có cậu khó bảo nhưng nhìn chung thì họ khá chân chất."
"Ở đây mấy giờ thì khóa cổng?"
"10 giờ rưỡi."
"Khóa rồi, còn có thể ra vào hay không?"
"Tuyệt đối không thể." Tôn Mai bỗng cất cao giọng, đồng thời nhìn Trần Bân bằng ánh mắt bất an.
Hình Chí Sâm mỉm cười, "Chị đừng căng thẳng. Nhưng nếu sinh viên về muộn, thì sao?"
Trần Bân ngồi bên nói xen vào: "Nếu cậu nào về muộn, sau khi khóa cổng, thì phải cho bảo vệ biết lý do, sau đó người bảo vệ trực đêm của chúng tôi sẽ đưa về ký túc xá."
Hình Chí Sâm gật đầu, "Cũng tức là, hung thủ chỉ có thể là người đêm qua ở trong khu II này?"
Trần Bân ngớ ra, không biết nói sao.
Cửa phòng thường trực bỗng bị mở ra, một nam sinh gầy gò vừa chạy xộc vào vừa nói: "Cô Tôn ạ, tầng 2 có mấy ô cửa sổ…"
Chưa nói hết câu, thì nhận ra trong phòng đang ngồi kín người, cậu ta sợ quá dừng lại ngay.
"Cửa sổ tầng 2 làm sao?" Hình Chí Sâm nhìn cậu ta, ánh mắt anh tập trung hơn. "Đừng sợ gì, cứ nói xem sao."
Cậu ta nhìn Hình Chí Sâm, rồi lại nhìn Trần Bân. Ngập ngừng định nói rồi lại thôi.
Trần Bân sốt ruột nói: "Kìa, bảo cậu nói thì cứ nói đi!"
Cậu ta hạ thấp giọng: "Cô Tôn đã nói, có lẽ có kẻ bên ngoài đột nhập vào, dặn tôi lên tầng 2 xem xem các cửa sổ có đóng không. Tôi vừa lên xem, thì thấy ở khu vệ sinh hai đầu hành lang có vài cánh cửa sổ đã hỏng, không đóng lại được."
Trần Bân lo lắng ngoảnh sang nhìn Tôn Mai. "Tôi đã nhắc rồi: không được đụng đến bất cứ thứ gì."
Tôn Mai đỏ mặt, không dám ngẩng đầu lên.
Hình Chí Sâm ngoảnh sang bên cạnh: "Cậu Đinh, cậu lên xem sao."
Anh cảnh sát trẻ họ Đinh nói "vâng", rồi cùng hai nhân viên bảo vệ mở cửa bước ra.
Hình Chí Sâm nhìn cậu sinh viên đang lúng túng, hỏi: "Cậu tên gì?"
Cậu ta mặt hơi tái đi: "Dạ, Ngô Hàm."
Trần Bân vội giới thiệu: "Ngô Hàm là sinh viên vừa học vừa đi làm, đêm qua cậu ấy trực ban."
Hình Chí Sâm "thế à?" rồi tiếp tục hỏi: "Đêm qua sau khi tắt đèn cậu ở đâu?"
"Ở đây." Ngô Hàm chỉ vào Tôn Mai: "Ngồi trò chuyện với cô ấy, sau đó tôi vào đi ngủ."
"Đúng thế, tôi có thể làm chứng." Tôn Mai ngẩng đầu lên, nhìn thấy ánh mắt của mọi người đều đang nhìn vào mình, sợ quá, lại cúi đầu xuống.
"Còn chị thì sao?"
"Tôi? Tôi đan áo len, nghe đài, cho đến 5 giờ sáng."
Hình Chí Sâm gật đầu, hơi rướn mày.
Cậu Đinh đã trở lại, vừa phủi bụi trên áo quần vừa nói: "Đúng thế, mấy cánh cửa sổ ở nhà vệ sinh tầng 2 đã hỏng, không đóng lại được. Tôi đã báo về Sở để cử người đến khám nghiệm."
Trần Bân mặt nhăn như bị, "Tôi đã nhắc các cô bao nhiêu lần rồi!" Anh ta chỉ vào Tôn Mai, gắt ầm lên: "Cửa hỏng, phải kịp thời cho sửa ngay, kẻo kẻ xấu sẽ nhằm vào đó. Cô xem, bây giờ xảy ra chuyện…"
"Thôi nào." Hình Chí Sâm đứng dậy, "Bây giờ đến xem hiện trường vụ án."
Hiện trường vụ án là khu nhà vệ sinh ở tận cùng bên trái hành lang tầng ba khu ký túc xá II. Là nhà vệ sinh công cộng, gồm gian ngoài và gian trong; gian ngoài có bể nước vòi nước, gian trong là nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh rộng chừng 20m2, bên trái là chỗ tiểu tiện, bên phải là bốn ô
đặt bốn bệ xí, giữa chúng là ba mảnh tường ngăn xây trát xi măng, cao chừng 1m50. Một anh cảnh sát chỉ vào ô vệ sinh ở góc xa nhất, nói: "Nạn nhân được phát hiện thấy ở ô kia."
Hình Chí Sâm bước lại. Đó là một khoảng không gian nửa khép kín, rộng chừng 1m2, ẩm ướt nhớp nháp. Không thấy có vết máu.
"Khám nghiệm hiện trường xong rồi chứ?"
"Vâng. Nguyên nhân tử vong là bị ngạt thở cưỡng bức, sơ bộ phán đoán là bị giết. Chiều nay sẽ có kết quả khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi."
Hình Chí Sâm gật đầu, anh nhìn mảnh tường ngăn, rồi quay người bước ra ngoài khu vệ sinh.
Ra đến hành lang, anh lại nhìn các căn phòng san sát hai bên hành lang, rồi ngoảnh sang hỏi Trần Bân: "Cậu sinh viên đầu tiên phát hiện ra thi thể, đang ở đâu?"
Trần Bân đáp: "Vẫn đang ở trong phòng. Cậu ta sợ quá, xin nghỉ học nằm nhà."
Hình Chí Sâm chỉ tay ra hiệu dẫn anh đi gặp.
Mọi người cùng đến trước cửa phòng 351. Trần Bân gõ cửa, một giọng nam vọng ra: "Ai đấy?"
"Phòng bảo vệ. Mở cửa nào!"
"Được! Chờ nhé."
Cửa nhanh chóng mở ra, một nam sinh sắc mặt trắng nhợt đứng trước cửa, "Mời các vị vào."
Mọi người theo nhau bước vào, ai đi qua bên cạnh cũng nhìn cậu ta một lượt, khiến cậu càng thêm căng thẳng.
Hình Chí Sâm đến bên bộ bàn ghế duy nhất của căn phòng, kéo ghế ngồi xuống. Thấy cậu sinh viên vẫn đứng, anh mỉm cười, ra hiệu, nói: "Cậu cũng ngồi đi."
Cậu ta "vâng", rồi bước lại bên giường, khép nép ngồi xuống. "Cậu tên là gì?"
"Tôn Khánh Đông."
"Cậu là người đầu tiên nhìn thấy thi thể à?"
"Đúng thế."
"Thử kể lại tình hình xem nào?"
Tôn Khánh Đông nuốt nước bọt, nhíu mày, hình như rất không muốn nhớ lại cảnh tượng đó.
Khoảng 11 giờ rưỡi đêm, bạn cùng phòng là Chu Quân đi vệ sinh. Sau đó không lâu thì Tôn Khánh Đông ngủ. Cho đến khoảng 1 giờ sáng, cậu dậy đi vệ sinh, và thoáng nhận ra bóng Chu Quân vẫn ngồi trong ô nhà xí, bèn gọi một câu: "Vẫn chưa xong ư? Cậu không sợ bị lòi dom à?" Tôn Khánh Đông không nhớ Chu Quân có trả lời hay không, và lại quay về phòng ngủ tiếp. Cho đến 5 giờ rưỡi sáng, cậu dậy để tập chạy buổi sáng, lúc bước vào nhà vệ sinh thì nhìn thấy Chu Quân vẫn ngồi trên bệ xí như trước. Cậu vừa kinh ngạc lại vừa ngờ ngợ, bèn bước lại vỗ lên đầu Chu Quân một cái, thì Chu Quân ngã nhào về phía trước, giữ nguyên tư thế toàn thân cứng đơ. Tôn Khánh Đông sợ quá bỏ chạy ra ngoài, rồi chạy xuống tầng 1 thông báo cho quản lý Tôn Mai. Tôn Mai báo cho cảnh sát.
Hình Chí Sâm nghe xong, trầm ngâm một lát, anh hỏi thêm mấy câu rồi đứng dậy cáo từ. Lúc họ sắp bước ra, Tôn Khánh Đông không ngớt nhìn trộm anh, hình như còn muốn nói gì đó. Hình Chí Sâm nhận ra, bèn hỏi cậu có định bổ sung gì không. Tôn Khánh Đông ấp úng, dường như phải lấy hết can đảm ra để nói rằng, lúc Chu Quân đi vệ sinh, hình như Chu Quân còn đứng ở hành lang nói chuyện với ai đó, và còn
mắng nhiếc người ấy. Hình Chí Sâm hỏi, là ai thì Tôn Khánh Đông do dự, nói rằng hình như là giọng nói của Phương Mộc ở phòng đối diện. Nhưng Tôn Khánh Đông cũng vội nhấn mạnh "chỉ là văng vẳng nghe thấy", chưa chắc đã đúng. Hình Chí Sâm ngẫm nghĩ, rồi nói với Trần Bân: "Gọi Phương Mộc cho tôi."
Sáng nay lên lớp, học về "Lịch sử tư tưởng pháp luật phương Tây". Dù chỉ còn vài phút nữa bắt đầu vào học, nhưng không khí trong lớp vẫn ồn ào như chợ vỡ.
Với tuyệt đại đa số sinh viên tuổi ngoài 20 này, hai chữ "cái chết" dường như là một từ rất xa xôi. Nhưng khi nó thật sự giáng xuống một bạn học ở ngay bên cạnh thì ai cũng có thể hiểu sự chấn động của nó ghê gớm biết chừng nào.
Các nam sinh ở phòng 351 trở thành tiêu điểm của cả lớp, gần như mỗi cậu đều bị các bạn xúm xít vây quanh và hỏi đi hỏi lại về mọi tình hình lúc sáng sớm. Các bạn nữ thì vừa tò mò vừa sợ hãi dò hỏi các cậu về tình hình vụ việc, vài cô mọi ngày khá thân với Chu Quân, mắt rơm rớm lệ. Một bầu không khí vừa ồn ã vừa quái dị bao trùm khắp phòng học, ai cũng len lén nhìn trộm người khác và không ngớt lớn tiếng bàn tán, họ trao đổi với nhau những ánh mắt nghi ngại khó hiểu hoặc đã hiểu ra.
Chuông vào lớp đã reo, gần như đồng thời, thầy Trần lên lớp "Lịch sử tư tưởng pháp luật phương Tây" đang thở mạnh và bước vào lớp.
Nhưng không vì thầy giáo đã đến mà không khí trong lớp có thể yên tĩnh. Thầy Trần kiên nhẫn đứng yên mấy phút, và nhận ra rằng mình không phải là tiêu điểm được chú ý như mọi ngày, thầy không thể không bực mình.
Thầy mạnh tay ném tập giáo án xuống bàn: "Gì thế? Có định học hay không đây?"
Lúc này đám học trò mới nhận ra thầy đã vào lớp, những cô cậu nào đang đứng xa chỗ ngồi vội chạy về chỗ của mình rồi cuống quýt lôi
sách vở trong cặp ra. Lớp học nhanh chóng trở lại yên tĩnh.
Thầy Trần sắc mặt cứng căng, nhìn khắp lớp học một lượt. Thầy nhận ra không như mọi hôm học trò ngồi kín chỗ, hôm nay có vài chỗ trống. Vẫn chưa nguôi bực mình, thầy rút cuốn sổ điểm ra và bắt đầu điểm danh.
"Lư Lâm?"
"Có ạ."
"Trần Tinh?"
"Có ạ."
…
"Chu Quân?"
Cả lớp im phăng phắc.
"Chu Quân?" Thầy Trần ngẩng đầu lên, "Chưa đến à?"
Thầy cầm bút đỏ viết bên cạnh tên "Chu Quân" hai chữ "vắng mặt" bằng nét bút rõ đậm. "Bảo Chu Quân sau giờ học đến gặp tôi!"
Đám học trò đưa mắt nhìn nhau. Có một người nói nhỏ: "Thưa thầy, Chu Quân chết rồi ạ."
Giọng rất khẽ, nhưng thầy Trần vẫn nghe thấy. Thầy trợn tròn mắt: "Nói gì?"
Không cô cậu nào trả lời.
Vài phút sau, trưởng lớp run run đứng lên. "Thưa thầy… Chu Quân không bỏ học… mà là bạn ấy chết rồi ạ…"
"Chết rồi?" Đôi mắt thầy Trần càng mở to hơn, "Chết bao giờ?" "Sáng nay ạ."
Thầy Trần đứng đờ ra một hồi. "Thế thì không phải đến gặp tôi nữa."
Trong lớp văng vẳng mấy tiếng cười khe khẽ.
Phương Mộc không cười.
Anh áp người xuống mặt bàn, nhìn mãi về chỗ trống phía bên trái anh. Đó là chỗ ngồi của Chu Quân mọi ngày.
Chu Quân đã mất. Cậu sinh viên hay nói hay cười, bô lô ba la chẳng e dè gì, đã không còn nữa.
Cái cảm giác này rất không thật. Vì mới chỉ cách đây 10 tiếng đồng hồ, Chu Quân còn nói tếu táo trêu đùa với anh, lúc đó Chu Quân mềm mại, ấm áp, đầy sức sống; còn bây giờ, cậu ấy đã lạnh như băng, cứng căng nằm ở một nơi nào đó không rõ, và bị những bác sĩ pháp y xa lạ thản nhiên mổ xẻ. Cái tên Chu Quân chẳng còn ý nghĩa gì nữa, cậu ấy đã bị gọi là "người chết".
Một ai đó không hề có dấu hiệu gì báo trước bỗng nhiên biến mất khỏi cuộc sống của ta, dù người ấy có quan trọng đối với ta hay không, quan trọng nhiều ít ra sao, thì vẫn khiến ta cảm thấy bùi ngùi tiếc nuối.
Đôi mắt Phương Mộc hơi ươn ướt. Vô vàn những cái hay cái đẹp của Chu Quân bỗng tràn ngập đầu óc Phương Mộc không sao gạt đi được.
Người chết không thể sống lại, người còn lại vẫn phải sống theo nhịp bước cuộc đời. Thầy Trần trấn tĩnh trở lại rồi bắt đầu lên lớp. Được nửa chừng, cửa phòng học bỗng bị mở ra. Một nhân viên bảo vệ của trường bước vào, chào thầy Trần.
"Tôi ở phòng bảo vệ, cần gặp một sinh viên." Anh ta nhìn khắp lượt đám học trò, rồi cất tiếng hỏi: "Phương Mộc, ai là Phương Mộc?
Phương Mộc đang mất tập trung, không có phản ứng gì. Bạn ngồi bên cạnh dúi anh một cái, anh mới đứng dậy: "Tôi đây ạ."
"Cậu ra đây một lát." Anh bảo vệ với vẻ mặt nghiêm túc, chỉ tay ra cửa phòng học.
"Tôi à?" Phương Mộc chỉ tay vào mình, ngơ ngác không hiểu ra sao.
"Đúng! Mau lên!"
Phương Mộc ngỡ ngàng thu xếp cặp sách, rồi đi ra trong ánh mắt ngạc nhiên của mọi người. Cửa vừa khép, lại nghe thấy những âm thanh xôn xao trong lớp học.
Trên đường đi, Phương Mộc vài lần định hỏi nhân viên bảo vệ "tại sao…" nhưng thấy sắc mặt lạnh tanh của người ấy, anh lại thôi.
Phương Mộc được đưa thẳng đến phòng bảo vệ, vừa bước vào, ánh mắt của mọi người trong phòng đều dồn vào anh. Trưởng phòng bảo vệ Trần Bân với nét mặt chẳng mấy thiện chí, chỉ vào một cái ghế, nói: "Ngồi xuống!"
Rồi Trần Bân chỉ vào mấy nam giới mặc thường phục: "Đây là các đồng chí công an, muốn tìm hiểu một số tình hình."
Phương Mộc gật đầu, ngoan ngoãn ngồi xuống ghế. Một lô dấu hỏi vẫn đang ám ảnh đầu óc anh.
"Anh là Phương Mộc?" Một cảnh sát khá trẻ hỏi anh.
"Vâng."
"Học khoa nào?"
"Pháp luật."
"Quê quán?"
"Ở thành phố này."
"Từ 11 giờ 30 đêm qua đến 1 giờ sáng nay, anh ở đâu?"
"Tôi không đi đâu cả, chỉ ngủ trong phòng." Phương Mộc bổ sung: "Các bạn cùng phòng có thể làm chứng điều này."
Anh cảnh sát trẻ mỉm cười: "Anh đừng căng thẳng. Chúng tôi chỉ tìm hiểu tình hình thôi."
Phương Mộc cảm thấy ngượng nghịu, cúi đầu lẩm bẩm: "Tôi không căng thẳng."
"Đêm qua anh và nạn nhân có tiếp xúc với nhau không?" "Có."
"Tức là, có nói chuyện?"
"Vâng, tôi vừa nói rồi."
Phương Mộc đã đoán ra ý định của đối phương, bèn kể lại các sự việc Chu Quân sang xin nước nóng, giấy vệ sinh.
"Sau khi tắt đèn, thì sao?"
Phương Mộc nghĩ ngợi, người hơi cựa quậy vẻ bất an. "Coi như là… có tiếp xúc."
"Coi như có tiếp xúc, nghĩa là sao?" Anh cảnh sát trẻ lập tức truy hỏi. Cả căn phòng bỗng im phăng phắc, ai cũng nhìn vào Phương Mộc.
"Tôi nghe thấy Chu Quân mở cửa rồi đi vệ sinh." Phương Mộc hơi đỏ mặt, ngập ngừng một lát mới nói tiếp. "Tôi ở trong phòng, hét to một câu…"
"Anh hét câu gì?"
"Hết pin thì toi đời… Tôi nói đùa." Phương Mộc vội bổ sung: "Cậu ấy bảo… đi vệ sinh để gặp ma nữ, nên tôi mới nói thế."
Mấy người trẻ tuổi bật cười. Trần Bân đã ngoài 40 tuổi, thì vẫn ngớ ra không hiểu.
"Cậu ta nói gì?"
Phương Mộc lúng túng nhìn anh cảnh sát, im lặng.
"Kìa… cậu ta nói gì?"
"Nói… nói tục."
"Nói tục ra sao?"
"… Thằng ngốc!"
Không ai cười cả.
Phương Mộc có cảm giác, khi anh bị hỏi thì anh cảnh sát đứng tuổi luôn nhìn anh không ngớt. Phương Mộc bèn nhìn anh ta. Anh ta có vẻ mặt thường thấy ở cảnh sát: thản nhiên, lạnh lùng, không thể hiện gì hết. Khi hai luồng mắt gặp nhau, anh ta không có ý né tránh, nhưng Phương Mộc nhận ra ánh mắt anh ta không có ý đối địch hay nghi ngờ. Điều này khiến Phương Mộc bình tĩnh rất nhiều.
Anh cảnh sát trẻ hỏi thêm vài câu, rồi bảo anh ra về. Lúc Phương Mộc bước đến cửa, anh cảnh sát đứng tuổi bỗng hỏi: "Cậu cảm thấy Chu Quân là người như thế nào?"
Phương Mộc đặt tay vào nắm đấm cửa, nghĩ ngợi. "Là người cực tốt, rất thích nói đùa, chỉ thỉnh thoảng… hơi quậy một chút."
Anh cảnh sát đứng tuổi gật đầu như có suy nghĩ gì đó, hất tay ra hiệu cho Phương Mộc cứ ra về.
Chương 3: ĐỘNG CƠ
Sáng hôm sau, lúc Hình Chí Sâm bước vào phòng làm việc, thì các báo cáo khám nghiệm hiện trường và tử thi đã đặt trên bàn làm việc của anh.
Người chết là Chu Quân, nam, 21 tuổi, quê Quảng Tây, sinh viên năm thứ ba Học viện pháp luật - Đại học Sư phạm. Nguyên nhân tử vong: bị nghẹt thở cưỡng bức, thời gian tử vong: trong khoảng 11 giờ đêm hôm trước đến 1 giờ 30 sáng hôm sau. Ở cổ người chết có vết hằn thít cổ rộng 8mm, trên da còn sót một số sợi xen-lu-lô, sơ bộ nhận định công cụ gây án là một sợi dây thừng. Qua xem xét quần áo, nhận định rằng nạn nhân đang ngồi trên bệ xí đi vệ sinh thì bất ngờ bị hung thủ từ phía sau thít cổ. Trên bức tường ximăng ngăn giữa ô vệ sinh 1 và ô vệ sinh 2 có dính một số tổ chức da của nạn nhân, khớp với vết thương sau gáy của nạn nhân; chứng tỏ nạn nhân đã đứng dậy phản kháng giãy giụa; vóc người nạn nhân thấp nhỏ: chiều cao 1m65, tường ngăn cao 1m48, rốt cuộc không chống cự lại được, hậu quả là bị thít cổ đến chết. Hung thủ gây án xong, gập đầu gối nạn nhân lại, đặt nạn nhân tựa lưng vào tường, giống tư thế đang ngồi đi vệ sinh, cho đến sáng sớm thì được phát hiện.
Khám nghiệm chiếc quần thể thao nạn nhân mặc, không tìm thấy dấu vân tay có giá trị; trên sàn ô vệ sinh 2 có một dấu giày rất mờ, không có giá trị. Điều tra cho thấy, từ 11 giờ đêm hôm trước đến khi xác nạn nhân bị phát hiện, có cả thảy 11 người ra vào nhà vệ sinh, nên hiện trường không còn nguyên vẹn nữa.
Đinh Thụ Thành báo cáo tình hình điều tra phỏng vấn hôm qua:
Địa điểm xảy ra án mạng là nhà vệ sinh tầng 3 khu ký túc xá II của nam sinh Đại học Sư phạm. Khu nhà có 6 tầng với cả thảy 325 phòng, trong đó, sinh viên ở 306 phòng, 12 phòng vệ sinh, một phòng thư viện (ở tầng 1), 5 phòng làm nhà kho (ở tầng 6), 1 phòng thường trực (ở tầng 1). Hàng ngày, khu ký túc xá đóng cổng lúc 10 giờ 30 tối, mở cổng lúc 5
giờ 30 sáng hôm sau. Khu nhà có 1.744 nam sinh, gồm sinh viên khoa toán, học viện ngoại ngữ, khoa vật lý, học viện pháp luật, học viện nghệ thuật. Đêm hôm xảy ra án mạng, vắng mặt 83 người, trong đó 17 người ra ở thuê bên ngoài (hiện chưa kịp xác minh đối chiếu), 22 người ra quán ngoài trường xem phim video suốt đêm, đã điều tra làm rõ họ không có thời gian gây án, vì từ sau 11 giờ đêm cửa hàng đó chiếu phim đen, nên khoảng 11 giờ đêm đã khóa chặt cửa ra vào. Đêm hôm đó có 20 sinh viên trở về gia đình (ở thành phố này) xem truyền hình trực tiếp trận bóng đá tranh cúp châu Âu giữa đội Hertha BSC Berlin và đội A.C. Milan (đang điều tra); có 1 người (Ngô Hàm, sinh viên năm thứ ba Học viện Pháp luật, ở phòng 352) trực ban ở phòng thường trực, nhân viên thường trực Tôn Mai xác nhận rằng Ngô Hàm đến từ 11 giờ đêm trò chuyện với Tôn Mai đến 3 giờ sáng, sau đó vào gian trong đi ngủ, không ra ngoài, còn Tôn Mai ngồi đan áo len và nghe đài đến 5 giờ sáng, rồi mở cổng khu nhà. Khoảng 5 giờ 30, Tôn Khánh Đông chạy xuống báo tin có người chết ở tầng 5. Có 23 người khác không ở trong phòng ngủ, đang điều tra.
"Cậu vất vả quá." Hình Chí Sâm rất thông cảm nhìn Đinh Thụ Thành mặt mũi phờ phạc.
Đinh Thụ Thành mỉm cười, tiếp tục báo cáo.
Khám nghiệm hiện trường, thấy rằng ngoài những người ngờ rằng có khả năng gây án nhưng chưa xác minh được, thì cũng không loại trừ khả năng có kẻ ngoài trường đột nhập gây án. Đại học Sư phạm nằm ở khu đông đúc giữa thành phố, rất phức tạp. Tường rào chỉ cao 1m90, người đã trưởng thành đều có thể dễ dàng trèo tường lọt vào, tường rào sau lưng khu ký túc II lại là con phố chính của thành phố. Khu II là một kiến trúc lâu đời, cổng chính của khu nhà tuy được khóa nhưng có nhiều ô cửa sổ đã hỏng. Cửa sổ tầng 1 có ốp lưới sắt bảo vệ nhưng hai bên cổng chính là nhà để xe đạp, kẻ xấu rất có thể trèo lên mái nhà để xe, trèo lên cửa sổ tầng 2 rồi lọt vào khu nhà. Đã xem xét hai nhà vệ sinh trên tầng 2, cũng thấy có cửa sổ bị hỏng không thể đóng lại; có dấu vết bám, trèo từ mái nhà để xe lên bậu cửa sổ nhà vệ sinh tầng 2 nhưng
không thể khẳng định có phải dấu vết để lại trong đêm xảy ra vụ án không. Vì, đã phỏng vấn một số sinh viên, họ đều biết mấy ô cửa sổ đó đã hỏng, nên đặt tên cho chúng là "lối đi xanh". Phòng bảo vệ của trường có quy định: nếu sinh viên về quá khuya thì phải trình bày lý do với phòng bảo vệ, sau đó người trực bảo vệ sẽ dẫn về khu ký túc, hôm sau bảo vệ lại báo cáo lên lãnh đạo trường. Cho nên, nhiều sinh viên về khuya sẽ lặng lẽ trèo lên "lối đi xanh" này để trở về phòng. Các dấu vết để lại cũng có thể là dấu vết cũ do các cậu sinh viên đó để lại.
Đã xem xét quan hệ xã hội của nạn nhân Chu Quân. Chu Quân là người tỉnh khác, không có thân thích ở thành phố này. Cha mẹ là công nhân, quan hệ xã hội cũng đơn giản. Có thể cơ bản loại trừ thế hệ cha mẹ có thù oán rồi dẫn đến cái chết của Chu Quân. Cũng có thể cơ bản loại trừ khả năng cướp của giết người. Điều tra cho thấy Chu Quân tính tình nhẹ nhõm dễ chịu, hay nói đùa. Tuy đôi khi nói đùa hơi quá mức nhưng không gây oán thù với ai, cũng không có chứng cứ cho thấy anh ta có xích mích với người bên ngoài trường. Khi chết, nạn nhân không mang trong người thứ gì có giá trị, túi áo trên có 32 tệ 8 hào. Chắc chắn không có kẻ nào ngu xuẩn đến nỗi vào nhà xí để cướp của giết người, cho nên có thể loại trừ khả năng giết người cướp tài sản. Khám nghiệm các di vật của nạn nhân để lại, cũng không phát hiện thấy đầu mối nào có giá trị.
"Tình hình cơ bản là như vậy!" Đinh Thụ Thành gấp cuốn sổ công tác lại.
Hình Chí Sâm gật đầu, rút thuốc lá ra châm, và đưa bao thuốc cho Đinh Thụ Thành, Thụ Thành cũng châm một điếu. Cả hai ngồi hút thuốc, trầm ngâm suy nghĩ.
"Cậu nhìn nhận thế nào?" Hút được nửa điếu thuốc, Hình Chí Sâm hỏi.
"Khá là rắc rối." Đinh Thụ Thành dúi mẩu thuốc lá vào cái gạt tàn. "Phạm vi cần điều tra loại trừ quá rộng. Với các đầu mối hiện có thì không thể suy đoán về động cơ gây án của hung thủ, không thể tiến hành trinh sát tiếp theo."
Hình Chí Sâm cau mày, im lặng.
Qua năm năm làm việc ở Phòng Bảo vệ kinh tế văn hóa, anh đã xử lý không ít vụ án. Nhưng vụ gay cấn nhất cũng chỉ là cố ý gây thương tích hoặc trộm cắp, lần đầu tiên anh gặp vụ án mạng như thế này. Vốn xuất thân cảnh sát hình sự, Hình Chí Sâm hiểu rất rõ: vận dụng các tư duy trinh sát để từ đó suy ra động cơ gây án, là bước đi đầu tiên rất quan trọng để khám phá các vụ án mạng. Trong vụ này, tại sao hung thủ lại giết Chu Quân?
Mọi tình hình về con người, về quan hệ xã hội của nạn nhân đều giản đơn, cái chết không thể liên quan đến thù oán, tình ái hay cướp đoạt tiền bạc tài sản, khiến cảnh sát không biết nên bắt đầu điều tra từ đâu.
"Nếu bí quá thì chúng ta dùng cách cổ điển: loại trừ mò. Sẽ làm từ ngoài vào, xem có phát hiện ra đầu mối gì không."
Đinh Thụ Thành hơi tiu nghỉu, vì đây là một công việc rất đau đầu phức tạp.
Nhận ra tâm trạng của Đinh Thụ Thành, Hình Chí Sâm đứng lên vỗ vai, động viên anh.
Thành phố này nhân khẩu hơn 600 ngàn, mất đi một người chỉ là chuyện quá bé nhỏ không đáng nói, vì ở mọi nơi của thành phố, ngày nào cũng có chuyện tương tự xảy ra. Ngay đối với cảnh sát, cái chết của Chu Quân cũng chỉ là một xấp tư liệu khô khan giá lạnh xếp trên một đống các vụ án đang chờ phân tích. Nhưng đối với trường Đại học Sư phạm yên tĩnh thì nó là một sự kiện gây chấn động ghê gớm.
Bước ra khỏi phòng bảo vệ, Phương Mộc nghĩ ngợi rồi quyết định bỏ giờ học, đi đến hiệu sách để đọc sách. Thế rồi anh mất cả một ngày để ngồi đọc hết cuốn "Các tác phẩm của Vương Sóc".
Anh không biết rằng việc anh "bị" phòng bảo vệ gọi đến hỏi han đã lan truyền khắp Học viện pháp luật, và càng lúc càng được thêm giấm thêm ớt cho ly kỳ. Chỉ trong một ngày, đã trở thành phiên bản mới:
Phương Mộc bị bắt ngay trên lớp học, anh ta liều mình chống cự, rốt cuộc bị cảnh sát vũ trang hẳn hoi tóm cổ. Và, từ sau khi đến gặp phòng bảo vệ, Phương Mộc đã mất tăm mất tích. Điều này khiến cho lời đồn thổi càng có vẻ rất thật.
Đến tối Phương Mộc trở về ký túc xá, vừa đẩy cửa bước vào phòng, anh đã cảm thấy không khí rất khác thường. Ai cũng há hốc miệng trợn tròn mắt nhìn anh, nhất là Chúc Tứ đệ miệng còn dính cả một nhúm mì sợi, cứ như diễn viên đeo ria trong Kinh kịch.
"Nhìn gì mà nhìn? Chưa thấy ai đẹp trai như tôi à?" Phương Mộc đá đôi giày ra xa rồi nằm sóng soài lên giường.
"Cậu… sao cậu lại về?" Anh cả ngập ngừng hỏi. "Được bảo lãnh à? Bọn tôi đang bàn chuyện đưa cơm cho cậu."
"Ơ, nói gì thế?" Phương Mộc nhổm dậy, nhìn ánh mắt vừa tò mò vừa sợ hãi của mọi người, và bỗng hiểu ra.
Anh vừa bực mình lại vừa buồn cười. "Phòng bảo vệ chỉ gọi tôi đến hỏi vài tình hình, sao các cậu lại nghĩ tận đẩu tận đâu thế?"
Không khí trong phòng bỗng dịu hẳn xuống, mọi người vây lại đua nhau hỏi chuyện, nghe ngóng. Phương Mộc nghĩ bụng, cảnh sát không dặn dò phải giữ bí mật, anh bèn kể lại toàn bộ quá trình hỏi đáp ở phòng bảo vệ. Mọi người nghe xong đều trầm mặc hồi lâu.
Anh cả chậm rãi nói: "Vụ án này…"
Mọi người đều nhìn anh cả bằng ánh mắt chờ đợi, xem anh ta phán ra điều gì.
"… Rõ ràng không phải là tự sát."
"Đồ khỉ!" Mọi người đồng thanh hét lên.
"Hì hì…" Anh cả né người "tránh đòn". "Nhưng cũng thật đáng sợ, Nhị đệ ở phòng 348 nói đêm qua nó còn đi vệ sinh, rất có thể Chu Quân đã chết trong đó rồi.
"Các cậu ạ…" Ngũ đệ nói với vẻ mặt bí hiểm, "Liệu có khả năng… không phải bị người giết không?"
"Đồ chết tiệt! Cậu đã đọc quá nhiều truyện ma thì phải?" Nhị đệ mắng.
"Không phải tôi nói thế…" Ngũ đệ ấm ức chỉ vào Phương Mộc, "Mà là cậu ấy nói."
Thấy mọi người đều nhìn vào mình, Phương Mộc cũng hoang mang. "Vớ vẩn! Tôi chỉ nói đùa thôi. Các cậu đều có trình độ đại học mà cũng tin chuyện đó à?"
Mọi người đều bật cười, nhưng lại lập tức cảm thấy không nên cười, bèn ngậm ngay miệng lại.
Cửa bỗng bị mở ra, Ngô Hàm bước vào, vẻ đầy mệt mỏi, tay áo xắn lên rõ cao, ngực áo thì bị ướt.
"Các cậu đều ở đây cả à?" Nói rồi Ngô Hàm ngồi phịch xuống trước bàn, cầm cốc nước lên ực một hơi uống cạn. "Lối đi xanh đã bị bịt lại, từ nay chúng ta nên về cho sớm."
"Bị bịt lại? Tại sao?" Nhị đệ hỏi, cậu thường xuyên đi chơi game.
"Cảnh sát ngờ rằng đêm qua có người ra vào lối ấy, nên chiều nay phòng bảo vệ đã bịt luôn mấy cửa sổ đó."
"Mong rằng đó là kẻ bên ngoài vào, chứ nếu là người trong khu nhà này giết Chu Quân thì quả là đáng sợ." Anh cả nói, vẻ mặt đăm chiêu.
Mọi người lại trầm mặc. Ai có thể ngờ một người bạn vốn hàng ngày ở bên ta lại bị sát hại như thế.
"Tôi cho rằng không phải kẻ ở trong khu nhà này làm." Phương Mộc lắc đầu, "Đời nào lại có người làm cái chuyện đó!"
"Phải đấy!" Ngô Hàm thả ống tay áo xuống. "Hôm nay, lúc quét dọn nhà vệ sinh, tôi cũng nghĩ về chuyện này. Đúng là Chu Quân mọi ngày hay trêu chọc mọi người thật, nhưng phải có oán thù ghê gớm lắm thì mới đến nỗi giết người."
"Cậu đến dọn nhà vệ sinh đó à?" Ngũ đệ hỏi.
"Ừ! Cô Tôn Mai sợ chết khiếp không dám vào nhà vệ sinh, tôi đành làm vậy! Mệt chết đi được!"
"Cậu không sợ à?" Anh cả trầm trồ khâm phục.
"Sợ gì nhỉ?" Ngô Hàm trèo lên giường của mình, thả hai chân thõng xuống. "Nếu nhìn thấy Chu Quân thật thì tôi sẽ tán chuyện với nó ngay, chưa biết chừng có thể phá án, lập công to!"
Rồi Ngô Hàm cúi xuống hỏi Phương Mộc: "Này Phương Mộc, chiều nay cậu đi đâu? Bọn tôi cứ tưởng cậu đã bị bắt."
"Kìa, Tam ca cũng nghi ngờ tôi hay sao?"
"Hứ! Chắc chắn cậu không phải hung thủ."
"Cậu quả là thấu hiểu tôi." Phương Mộc giả bộ cảm động. "Cậu đâu có cái gan ấy!"
Mọi người lại phì cười. Ngô Hàm co chân lên, rồi nằm xuống đắp chăn. "Giết người, đâu phải chuyện đơn giản."
Phương Mộc mấp máy môi định phản bác mấy câu nhưng lại không nói được gì.
Sắp đến giờ tắt đèn, nên mọi người lấy khăn mặt, bàn chải răng, lần lượt đi đến khu vực nhà vệ sinh mọi ngày.
Có lẽ vì ở đây mới xảy ra án mạng nên rất vắng vẻ chứ không ồn ào như trước. Có nhiều anh chấp nhận đi xa một chút, đến đầu kia của hành lang để làm vệ sinh cá nhân.
Phương Mộc thở dài nhìn mẩu đai vàng cảnh giới của cảnh sát còn sót lại trên bậu cửa.
Ngọn đèn vàng 15w treo trên đầu hình như tối hơn mọi ngày, các anh lặng lẽ đứng bên bồn nước đánh răng rửa mặt, động tác rất nhanh nhẹn, hình như chỉ muốn chóng xong để ra khỏi đây. Anh cả xong trước, ra trước tiên. Rồi đến Ngũ đệ, Nhị đệ. Ngay Chúc Tứ đệ mọi ngày hay lề mề nay cũng nhanh hơn cả Phương Mộc.
Lúc này ở khu bồn nước chỉ còn lại một mình Phương Mộc. Anh hơi cuống, vội nhanh tay lau mặt rồi bưng chậu nước đi ra. Nhưng vừa bước đến cửa mấy ô vệ sinh anh bèn dừng lại.
Bên trong khu vệ sinh dường như còn tối hơn khu bồn nước, trống vắng không có ai. Những vết ố vàng lem nhem bẩn thỉu mọi hôm trên thềm xi măng nơi tiểu tiện, lúc này khô cong, nham nhở. Có lẽ cả ngày hôm nay không ai lò dò vào đây. Bốn cánh cửa của bốn ô vệ sinh khép hờ, lờ mờ nhìn thấy tình hình bên trong. Phương Mộc nhìn vào ô trong cùng.
Chu Quân bị sát hại trong đó.
Tim Phương Mộc đập thình thịch. Anh rón rén bước lên một bước, rồi một bước nữa. Anh đã đứng trước cánh cửa của ô vệ sinh.
Bên trong vẫn bẩn thỉu như cũ, không vì đã từng có một xác chết ngồi ở đây 6 tiếng đồng hồ mà khác đi.
Không hiểu sao trong đầu Phương Mộc lại hiện lên một hình ảnh: Chu Quân ngồi ở đó, đang khoái chí ê a mấy câu hát, và không hề chú ý đến một cái thòng lọng bằng dây thừng đang từ từ thả xuống gần. Bỗng nhiên, thòng lọng choàng vào cổ Chu Quân rồi kéo lên rất mạnh, siết chặt lấy cổ. Chu Quân kêu lên khe khẽ. Rồi cổ bị ghì lên bức tường xi măng phía sau lưng. Chu Quân đành kéo quần lên, cố sức đứng dậy. Nhưng cậu không đủ chiều cao, đầu thì không thể cựa quậy, chỉ có thể giãy đạp đôi chân mình một cách tuyệt vọng. Sau đó sự giãy đạp dần yếu đi, rồi cuối cùng dừng hẳn lại.
Tất cả hiện lên trước mắt Phương Mộc rõ mồn một, y như thật, đến nỗi anh dường như ngước mắt nhìn lên đôi bàn tay của kẻ ác đang rút sợi dây thừng…
Bỗng nhiên trong ống dẫn nước truyền ra những âm thanh kỳ lạ, hình như đó là những tiếng rên rỉ cuối cùng của một con người bị thắt cổ. Mất nước.
Những âm thanh ấy khiến Phương Mộc hoảng sợ, anh vội vã bước ra khỏi khu bồn nước, anh gần như chạy về phòng.
Cái đầu mình có vấn đề hay sao? Anh thầm mắng mỏ mình thậm tệ.
Đêm đến, ai cũng trằn trọc ngủ không yên, giường của mọi người thỉnh thoảng lại kêu cót két. Có lẽ vào khoảng 1 giờ sáng, Phương Mộc nghe thấy Ngũ đệ nói nhỏ: "Tớ đi vệ sinh đây, có ai cùng đi không?" Hồi lâu không ai đáp lời, Ngũ đệ ngượng nghịu nói: "Thế thì tớ không đi nữa vậy."
Phương Mộc càng không ngủ được. Anh nhắm mắt, đầu óc không ngớt vận động. Anh nhận ra rằng từ nay sự yên ổn của khu nhà này sẽ không còn nữa.
Nhưng riêng điều này thì anh không biết: có một màn đen sắp bao trùm lên cả khu trường Đại học Sư phạm này.
Chương 4: SÔNG THƯỢNG
Trẻ, là một từ trung tính. Nó có thể chỉ không ít khuyết điểm: chưa đủ kinh nghiệm, non nớt không làm được việc, dễ nôn nóng, hấp tấp. Đồng thời nó cũng chỉ rất nhiều ưu điểm, một trong số đó là có vô số thời gian để quên đi những chuyện không nên nhớ làm gì.
Hơn một tháng đã trôi qua, và không có thêm các tin tức về vụ án mạng này nữa. Cái tên Chu Quân và cái buổi sáng đáng sợ ấy dần trở nên mờ nhạt trong đầu óc mọi người, cuối cùng, chúng bị gác lại ở một góc nào đó trong trí nhớ. Thời gian vẫn lặng lẽ trôi đi như dòng nước, ngôi trường đã từng một thời xôn xao về cái chết của một con người, nay đã trở lại êm đềm như trước, giống như ném một hòn đá xuống hồ nước, những làn sóng lan ra xong xuôi, mặt hồ lại trở về phẳng lặng. Có lẽ cuộc sống vốn dĩ là như thế.
Một buổi chiều thứ năm, vừa hết giờ lên lớp môn Luật kinh tế quốc tế, Phương Mộc thu xếp cặp sách ra về. Vừa định rời lớp học thì giáo sư Cao dạy môn này gọi anh nán lại. Ông bảo Phương Mộc, Chúc Tứ đệ, Ngô Hàm và Tôn Khánh Đông đến phòng làm việc của ông để chuyển giúp một ít đồ đạc. Phương Mộc hơi ngại không muốn đi, nhưng rồi cũng đi theo các bạn.
Có khá nhiều thứ phải chuyển. Hai thùng các-tông tài liệu to đùng và một đống sách, tất cả đều rất nặng. Phải chuyển từ khu nhà giáo viên đến khu nhà hành chính, việc này không ngon lành gì. Bốn cậu học trò lặc lè khiêng các thứ vào phòng của thầy Cao, lúc này mới thấy trong phòng có một người nữa.
Hay thật, chuyến đi này cũng thú vị đấy. Phương Mộc nghĩ bụng.
Đó là cô nghiên cứu sinh do thầy Cao hướng dẫn, tên là Đồng Sảnh, một người đẹp mà cả Học viện pháp luật phải công nhận. Người
đẹp cười rạng rỡ nhìn thầy Cao, nhưng lại không nói gì với các cậu sinh viên trẻ này, cô ngồi thụp ngay xuống mở đám tài liệu ra xem.
"Thầy có cuốn sách này à? Em đã phải ra thư viện tìm rất lâu. Nếu sớm biết thầy có thì em mượn luôn, và khỏi phải trả lại cũng nên."
"Em đi phô-tô cho xong đi, rồi cầm nó về, nhớ là phải viết cho tôi mẩu giấy mượn sách." Xem ra, thầy Cao không mấy "hưởng ứng" người đẹp.
Người đẹp làm bộ rõ khéo: "Nào, mấy anh khuân hộ tôi đến phòng phô-tô đi?"
Phòng phô-tô ở trên tầng 24! Bốn cậu sinh viên đưa mắt nhìn nhau.
"Có thang máy! Đừng lo! Đối với các chàng trai lực lưỡng, chuyện vặt này có là gì chứ?" Nói rồi người đẹp vỗ vai Chúc Tứ đệ. Nhìn vẻ mặt Chúc Tứ đệ thì biết, đi thang máy đã đành, dẫu bảo cậu ta chạy bộ bưng lên 24 tầng cầu thang cũng xong.
Phương Mộc bỗng nhớ đến mấy câu hát: Anh muốn làm chú cừu non, đi phía sau em; anh muốn em cầm cái roi xinh xinh, vụt lên người anh…
Phương Mộc và Chúc Tứ đệ khiêng một thùng, Ngô Hàm vác một thùng, Tôn Khánh Đông ôm chồng sách to tướng khệ nệ đi trước. Người đẹp thì đi tay không, bước theo sau họ, vừa đi vừa gọi điện thoại: "Tối nay anh cứ đi đi, em không đi đâu… Kìa, đừng hỏi nữa… làm ngoài giờ… Gì cơ? Em còn phải phô-tô tài liệu giúp thầy giáo hướng dẫn…
Thôi, cứ thế nhé."
Rất khó nhọc mới chuyển xong vào phòng phô-tô, Chúc Tứ đệ lau mồ hôi rồi vui vẻ hỏi: "Tối nay chị phải làm việc à?"
"Ừ!" Giọng cô không mấy nhiệt tình.
"Có cần bọn tôi đến giúp không?"
"Không cần, các cậu mau về mà ăn cơm đi." Người đẹp hất tay với mấy nam sinh, cứ như là lùa đàn gà ra khỏi cửa.
Quá thể! Cũng không nói nổi một câu "cảm ơn". Bốn người bước vào thang máy. Phương Mộc thì lầu bầu gì đó.
Chúc Tứ đệ hình như vẫn đang mơ màng. Xuống đến tầng 1, cậu ta trầm trồ: "Quả là một mỹ nhân."
"Xem cái bộ dạng của cậu kìa, cậu nhìn ai chẳng là mỹ nhân?" Ngô Hàm đẩy Chúc Tứ đệ ra cửa thang máy. Cả bốn cậu nói cười vui vẻ bước ra khỏi khu nhà hành chính.
Hôm sau, là thứ hai. Trời âm u. Sắp có mưa to.
Mây đen vần vũ che kín bầu trời, thỉnh thoảng có những tiếng sấm ầm ì từ xa vọng đến. Ở phòng nhân sự trên tầng 3, Phác Nhã Lệ đặt cái túi xắc lên bàn, lấy bánh bích quy ra, và chuẩn bị pha cho mình một tách cà phê.
Lúc này vẫn chưa đến 8 giờ 30, cả tầng nhà vẫn yên tĩnh, phần lớn các phòng làm việc vẫn khóa cửa im ỉm. Trời âm u, cho nên hành lang cũng âm âm tôi tối. Tường sơn màu ghi nhạt mọi ngày trông có vẻ trang nhã, lúc này trông nhợt nhạt tối tăm. Phác Nhã Lệ bưng tách cà phê đầy, thận trọng bước đi. Lúc sắp đi đến cửa phòng, bầu trời bỗng chớp sáng lòa. Cô giật mình, đưa mắt nhìn ra cửa sổ.
"Choang…"
Tách cà phê rơi xuống đất. Những mảnh sứ bắn văng tung tóe cùng đám bọt nước màu nâu đang lặng lẽ chảy loang ra.
Mọi người đứng trong thang máy đang từ từ đi lên đều nghe thấy những tiếng thét kinh hãi trên tầng 3.
Khi cảnh sát Đinh Thụ Thành chạy đến hiện trường thì trời mưa càng nặng hạt.
Thi thể nằm ở mái sân thoáng đãng bên ngoài tầng 3 khu nhà hành chính. Ở hiện trường, các cảnh sát kỹ thuật viên đang bận rộn làm việc. Một anh đang chụp ảnh, một anh khác mặc áo mưa đang lom khom trên mặt sàn xem xét các dấu vết. Nạn nhân là nữ, chết trong tư thế nằm sấp theo hướng nam bắc. Quan sát vóc dáng và các phần da dẻ lộ ra ngoài, thì tầm tuổi chưa cao. Mấy anh pháp y đang thu xếp dụng cụ, Đinh Thụ Thành vỗ vai anh pháp y đứng tuổi quen thuộc: "Thế nào rồi?"
"Ngã từ trên cao xuống. Sơ bộ đoán rằng thời gian tử vong khoảng từ 9 giờ tối qua đến 3 giờ sáng nay. Nguyên nhân tử vong là chấn thương sọ não và nội tạng bị giập nát, xuất huyết nghiêm trọng. Những điều khác, phải chờ giải phẫu tử thi thì mới biết được."
Nhìn Đinh Thụ Thành cau mày, anh pháp y giải thích thêm: "Tối qua trời đột ngột trở lạnh, nên chỉ có thể tạm phán đoán về khoảng thời gian tử vong. Chúng tôi trở về sẽ tranh thủ làm gấp để sớm có kết quả."
Đinh Thụ Thành mỉm cười ái ngại: "Anh vất vả quá."
"Gay rồi, không ổn." Anh cảnh sát đang xem xét mặt sàn đứng dậy nhìn bầu trời xám xịt và đang mưa rất mau. "Mưa to quá, không thể phát hiện ra điều gì có giá trị."
Đinh Thụ Thành cũng ngẩng đầu. Tòa nhà 24 tầng đang lặng lẽ đứng sừng sững trong mưa. Hình như mỗi ô cửa sổ đều thấp thoáng những ánh mắt khó hiểu, sợ sệt, hoặc vui mừng. Đinh Thụ Thành nhìn một lượt đám đông ở các ô cửa sổ. Anh bỗng thấy chóng mặt.
Khi bị ngã xuống từ tầng cao, cô gái này có cảm giác chóng mặt không?
Đinh Thụ Thành ngoảnh lại nói với nhân viên đi theo anh đến đây: "Làm việc đi!"
Nạn nhân tên là Đồng Sảnh, nữ, tuổi 24, nghiên cứu sinh năm thứ hai ngành Luật kinh tế quốc tế - Học viện pháp luật thuộc Đại học Sư phạm. Đồng Sảnh quê Tứ Xuyên, ở phòng 407 nhà A khu ký túc nghiên
cứu sinh. Khám nghiệm tử thi cho thấy, thời gian tử vong trong khoảng 10 giờ tối hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau, nguyên nhân tử vong: chấn thương sọ não và xuất huyết do giập nát phủ tạng trên diện rộng.
Theo các bạn cùng phòng ký túc xá, tối hôm đó Đồng Sảnh nói cô đi phô-tô tài liệu giúp thầy giáo hướng dẫn, có thể sẽ rất muộn mới về, nhưng rồi cả đêm không thấy cô về. Vì Đồng Sảnh có cậu bạn trai gia đình ở ngay thành phố này, nên các bạn cùng phòng không cảm thấy bất ngờ khi cô đi qua đêm không về.
Thầy giáo hướng dẫn tên là Cao Cường, đã xác nhận có nhờ cô gái này đi phô-tô tài liệu. Giáo sư Cao Cường đang chuẩn bị một đề tài cấp nhà nước, ông cần phô-tô rất nhiều tài liệu. Tối hôm xảy ra án mạng, ông phải đến dự sinh nhật bà mẹ vợ nên không thu xếp được thời gian rảnh rỗi, bèn nhờ nữ nghiên cứu sinh Đồng Sảnh mà ông đang hướng dẫn, phô-tô giúp ông. Điều tra cho thấy, tối hôm đó Cao Cường dự tiệc sinh nhật mẹ vợ ở một khách sạn trong thành phố, đến 4 giờ sáng hôm sau mới về nhà. Rất nhiều khách dự sinh nhật đều làm chứng điều này. Trong suốt thời gian đó Cao Cường không ra khỏi khách sạn. Vậy có thể loại trừ khả năng Cao Cường gây án.
Bạn trai của Đồng Sảnh đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở một trường đại học khác cũng thuộc thành phố này, tối hôm xảy ra vụ án, anh vốn đã hẹn bạn gái Đồng Sảnh - họ sắp kết hôn để tổ chức một party "giã từ cuộc sống độc thân", nhưng rồi Đồng Sảnh lại gọi điện rằng tối hôm đó cô phải làm việc ngoài giờ, không thể đi. Bạn trai của Đồng Sảnh đành tự làm party cùng vài người bạn nữa, tại một quán bar trong thành phố, đến 2 giờ sáng; sau đó anh vào một cửa hiệu dịch vụ tắm gội và ngủ cho đến 8 giờ 30 sáng hôm sau. Các chi tiết này đều có người làm chứng. Vậy anh cũng ở trong diện loại trừ.
Vụ án xảy ra ở khu nhà hành chính Đại học Sư phạm, là khu nhà 24 tầng. Học viện pháp luật ở tầng 17, phòng phô-tô trên tầng 24. Bên ngoài cửa sổ tầng 3 là một mái sân rộng chừng 200 mét vuông. Nạn nhân bị phát hiện thấy nằm trên mái sân này. Người thường trực khu nhà hành chính đêm hôm đó là Đường Đức Hậu nói: khoảng 5 giờ 40 phút chiều,
Đồng Sảnh vào khu nhà này. Cô ta có ra khỏi khu nhà hay không, thì Đường Đức Hậu không chú ý. Từ sau 10 giờ tối cho đến sáng sớm hôm sau, Đường Đức Hậu đi tuần tra khu nhà bốn lần, nhưng không thấy có điều gì khác thường.
Điều tra các quan hệ xã hội của nạn nhân, cô là người tỉnh khác, không có họ hàng ở thành phố này, các mối quan hệ tương đối sơ sài. Các bạn và các bạn học của cô nói, tính tình cô rất cởi mở, nhiệt tình, chỉ hơi chuộng hư danh, có phần ngưỡng mộ cuộc sống phong lưu của tầng lớp khá giả, nhưng cô có lối sống đứng đắn đúng mực, không giao du với kẻ xấu. Căn bản có thể loại trừ khả năng bị giết do thù oán. Tìm hiểu người bạn trai của Đồng Sảnh, quan hệ giữa hai người rất tốt, dù cô rất có nhan sắc và có không ít nam sinh theo đuổi; cả hai dự định sẽ kết hôn sau khi tốt nghiệp. Cho nên, hầu như cũng không có khả năng bị sát hại vì chuyện yêu đương.
Xem xét hiện trường, thấy rằng, trong túi áo Đồng Sảnh có 155 nhân dân tệ và trong túi xắc để ở phòng phô-tô có 600 tệ, vẫn nguyên vẹn. Quần áo nạn nhân đang mặc vẫn bình thường. Khám nghiệm tử thi cho thấy màng trinh đã bị rách nhưng là vết rách cũ, và không có dấu hiệu quan hệ tình dục vào buổi tối hôm đó. Cho nên, cũng hầu như không có khả năng bị cưỡng bức rồi sát hại.
Xem ra, chỉ có hai khả năng là tự sát, hoặc sơ ý bất ngờ bị rơi xuống từ tầng cao.
Đinh Thụ Thành trầm ngâm hồi lâu, rồi đứng dậy đi sang phòng làm việc của Hình Chí Sâm.
Nghe Thụ Thành báo cáo xong, Hình Chí Sâm chỉ im lặng, rồi anh hút liền mấy điếu thuốc. Tuy chưa hiểu chi tiết tình hình vụ án nhưng anh đã loại trừ khả năng tự sát. Khi ai đó quyết định tự kết liễu đời mình, thường phải có nguyên nhân. Một cô gái trẻ trung tài hoa rạng rỡ, đang học nghiên cứu sinh, tiền đồ sáng sủa, có tình yêu hạnh phúc, không có lý do gì để phải tự sát cả. Nếu nói Đồng Sảnh lỡ sảy chân ngã xuống, thì lại càng khó tin. Khám nghiệm tử thi cho thấy, có lẽ Đồng Sảnh bị ngã từ
độ cao 19 tầng trở lên, vậy thì nơi có khả năng xảy ra vụ án nhất chính là sân thượng bên ngoài tầng của phòng phô-tô. Đêm khuya, cô chạy ra sân thượng để làm gì?
Đinh Thụ Thành cũng có mối nghi ngờ như Hình Chí Sâm. Hình như mọi khả năng đều không thể nói lên nguyên nhân thật sự về cái chết của nạn nhân.
Trở về phòng làm việc, Đinh Thụ Thành lại lật giở các tư liệu ra đọc. Sau khi hút hết điếu thuốc thứ ba, anh đứng lên, đi đến nhà xác.
Một tấm vải trắng phủ kín thi thể nạn nhân đặt nằm trên bàn giải phẫu. Anh lật tấm vải ra. Một thân hình trắng trẻo nhưng đã không còn sự sống. Nó từng là niềm tự hào của chủ nhân, nó cũng từng khiến bao nam giới thầm yêu trộm nhớ và say mê. Giờ đây, sau khi bị rơi xuống một cách tàn bạo từ tầng cao, nó lại sắp bị đem ra mổ xẻ một cách lạnh lùng. Đinh Thụ Thành nhìn khuôn mặt nạn nhân: khuôn mặt vốn rất xinh đẹp, nay bị giập nát, miệng và đôi mắt hơi mở, hình như có phần kinh ngạc và đang muốn nói một điều gì đó.
Cô định cho tôi biết điều gì?
Buổi chiều, đã có kết quả khám nghiệm hiện trường. Hoàn toàn loại trừ khả năng tự sát và khả năng lỡ sảy chân ngã xuống.
Vì hiện trường rất sạch sẽ.
Trước đó, Đồng Sảnh đã lên phòng phô-tô ở tầng 24, hiện trường này đã được bảo vệ nguyên vẹn. Cửa chỉ khép hờ, không khóa (chìa khóa vẫn nằm trong túi xách của cô). Phòng phô-tô hình vuông, rộng chừng 5m2; trong phòng kê máy phô-tô Sharp, một cái bàn (túi xách của Đồng Sảnh đang đặt trên đó), hai cái ghế và ba xấp giấy phô-tô. Máy phô-tô ở trạng thái đang bật điện, những tập giấy đã phô-tô được xếp ngay ngắn ở bên cạnh. Chứng tỏ Đồng Sảnh đang làm việc thì xảy ra vụ án.
Nhưng, các điều tra viên đều rất ngạc nhiên, vì trong phòng, kể cả trên máy phô-tô, trên bàn ghế và ở tay nắm cửa phòng đều không có bất cứ dấu vân tay nào.
Ngoài ra, căn cứ vào tình hình hiện trường, người ta suy đoán rằng địa điểm xảy ra vụ án là ở sân thượng, đây khả năng lớn nhất. Sân thượng ở bên ngoài hành lang tầng 24, nó gần như đối xứng với phòng phô-tô qua hành lang ở giữa. Nếu muốn ra sân thượng thì phải mở cửa sổ, trèo qua bậu cửa, rồi mới tụt xuống được. Nhưng ở bậu cửa sổ đối diện với phòng phô-tô lại không có một dấu chân nào, cửa sổ vẫn đóng chặt, cũng không có bất cứ dấu vân tay nào trên khung nhôm cửa sổ.
Hình như đã có người thu dọn hiện trường rất sạch sẽ.
Hình Chí Sâm tỏ ra rất hứng thú với những chi tiết này, sau khi sắp đặt các công việc, anh cùng Đinh Thụ Thành đi đến Đại học Sư phạm.
Họ lên thẳng phòng phô-tô trên tầng 24. Tình hình hiện trường căn bản giống như trong báo cáo đã miêu tả, chỉ khác là không còn đám tài liệu gốc và các bản đã phô-tô. Đinh Thụ Thành nói rằng sau khi khám nghiệm hiện trường xong, giáo sư Cao muốn lấy lại các tư liệu đó của ông. Phía cảnh sát đã kiểm tra, thấy rằng trong đám tư liệu ấy không có đầu mối nào có giá trị nên đồng ý trả lại ông Cao.
Hình Chí Sâm và Đinh Thụ Thành xem xét một lượt, sau đó bước ra sân thượng.
Sân thượng rất sạch sẽ, trống trơn, chỉ nhìn thấy ở một góc sân có vài nhúm cát và mấy viên gạch vỡ, chắc là vật liệu sửa sang đường thoát nước còn sót lại từ trước.
Đinh Thụ Thành bước đến bên mép sân thượng, không có lan can, chỉ có một gờ xi măng xây cao khoảng 15cm.
Liệu có phải Đồng Sảnh từ đây ngã xuống dưới kia?
Đinh Thụ Thành thận trọng đặt chân lên gờ xi măng rồi nhìn xuống bên dưới, anh bỗng thấy chóng mặt hoa mắt, vội lập tức lùi lại.
Đây là tòa nhà cao nhất của Đại học Sư phạm, đứng đây có thể nhìn bao quát toàn bộ khu trường và các kiến trúc lân cận. Lúc này sắp đến giờ ăn tối, nên sân trường rất nhộn nhịp, từng đám đông người đang di chuyển, vài chiếc ôtô đang thận trọng đi bên những dòng người.
Anh bỗng cảm thấy có người tiến lại gần, bèn lập tức ngoảnh lại. Hình Chí Sâm đang ngồi xổm nhìn mặt sân ngay dưới chân Đinh Thụ Thành.
Đinh Thụ Thành cũng nhìn xuống đó: có một nửa viên gạch đặt trên gờ xi măng, cách đó khoảng một mét, cũng có một viên gạch.
Đinh Thụ Thành cũng ngồi thụp xuống quan sát hồi lâu, nhưng không nhận ra điều gì khác thường. Anh định hỏi Hình Chí Sâm, nhưng thấy sếp đang rất chăm chú nhìn nên lại thôi.
Hình Chí Sâm bỗng đứng dậy, không nói một câu, quay người bước đi.
Hình Chí Sâm lại trèo qua bậu cửa sổ, nhảy xuống hành lang rồi bước vào phòng phô-tô. Đinh Thụ Thành đi theo sau, thấy sếp đang cúi nhìn mặt sàn căn phòng, như muốn tìm thứ gì đó.
"Sếp Hình… anh đang…"
Hình Chí Sâm vẫn im lặng, mũi gí sát sàn nhà, quan sát từng li từng tí.
Vài phút sau, sắc mặt đầy vẻ thất vọng, Hình Chí Sâm đứng lên, nghĩ ngợi, rồi nhìn kỹ khắp căn phòng. Ánh mắt anh nhanh chóng dừng lại ở bức tường phía đông nam.
Đinh Thụ Thành cũng nhìn theo hướng ấy. Đó là mấy vết cặn nước vẫn chưa khô hẳn, trông hơi sẫm hơn mặt tường xung quanh, nếu không nhìn thật kỹ thì rất khó nhận ra. Suy luận từ góc độ hình học, thì các vệt nước ấy như bị hắt xuống sàn rồi bắn lên tường.
Đinh Thụ Thành nhìn Hình Chí Sâm vẫn đang rất chăm chú quan sát các vệt nước ấy, rồi Hình Chí Sâm dần nhích mép, mỉm cười.
"Cậu Đinh, cậu đến gặp giáo sư Cao hỏi xem các tài liệu ông ấy nhận lại, có vấn đề gì không?"
Chương 5: TÌNH YÊU CHÂN THÀNH
Cách đây hai tháng. Giữa mùa hè.
Cái nắng gay gắt bao phủ toàn thành phố, những cơn gió khô chầm chậm đưa qua, trên cây, lũ ve sầu đang ra sức nỉ non khiến người ta nghe mà nẫu cả ruột gan. Lúc này đang 1 giờ rưỡi chiều, là lúc oi bức nhất trong ngày. Ai ai cũng cố ẩn náu ở nơi mát mẻ, mặt đường trải nhựa bị nung chảy cũng vắng tanh vắng ngắt, thỉnh thoảng mới có chiếc ôtô chạy qua rất nhanh rồi biến mất, hình như nó cũng sợ bị nung nóng.
Một cậu thanh niên đang đi bên đường với những bước chân vội vã. Dưới ánh nắng nóng rát, người ấy mặt đầm đìa mồ hôi, chiếc áo sơ mi vải dày cộp rất không đúng thời tiết, cũng ướt đẫm từ lâu.
Đi đến cổng một khu chung cư, người ấy dừng lại, gỡ cặp kính xuống, đưa tay lên day day hai bên sống mũi rồi lại đeo kính lên và nhìn quanh một lượt. Xung quanh hết sức yên tĩnh, một xe đẩy bán đồ uống giải khát đang đỗ bên đường, một bà già tóc bạc ngồi sau xe ngủ gật. Một con chó uể oải nằm bẹp bên chân bà, buông thõng cái lưỡi dài và thở phì phò.
Cậu thanh niên tin chắc không có ai chú ý đến mình, bèn co cẳng chạy vụt vào khu chung cư, chạy miết, rồi dừng lại trước cửa một tòa nhà. Con chó giật mình bởi động tác bất ngờ của người ấy, nó ngẩng đầu nhìn theo bóng người nhanh chóng biến mất sau cánh cửa ngôi nhà. Rồi nó lại lập tức cúi rạp đầu lặng lẽ nằm dưới bóng râm bên chân chủ nhân.
Không khí mát mẻ trong ngôi nhà khiến chàng trai thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Cậu ta nhẹ chân bước trên cầu thang lên tầng 3, rồi dừng lại trước một cánh cửa sắt. Chờ nhịp thở trở lại gần ổn định, cũng chưa
gõ cửa vội, cậu ta nín thở và áp tai vào cánh cửa nghe ngóng. Một lúc lâu sau, người ấy mới nhè nhẹ gõ cửa mấy cái.
Trong phòng vọng ra một giọng nữ: "Ai đấy?"
Cậu thanh niên không lên tiếng.
Vài giây sau, giọng nữ lại vang lên: "Tự mở cửa mà vào!"
Cậu ta lần túi áo lấy ra một chiếc chìa khóa, nhìn hai bên một lượt, rồi mở khóa, lách vào bên trong nhanh như cắt.
Đây là một căn hộ nho nhỏ có hai gian trong ngoài, đồ đạc sơ sài nhưng rất ngăn nắp sạch sẽ. Tuy đang giữa trưa hè nhưng cửa sổ đều đóng kín mít, không khí ngột ngạt và hơi tôi tối. Một phụ nữ đang nửa nằm nửa ngồi trên giường, uể oải ngồi thẳng lên, vẻ mệt mỏi mỉm cười với cậu thanh niên.
"Biết ngay là anh!"
Chàng trai không nói gì, chỉ nhìn quanh bốn phía.
"Đừng tìm nữa, Á Phàm đi dự trại hè rồi, đêm nay không về."
Cậu ta thở phào nhẹ nhõm. Nhưng rồi lập tức cảm thấy trong phòng rất nóng, mồ hôi lại vã ra. Cậu ta cau mày nhìn cửa sổ đang đóng, cả rèm cũng kéo khít.
Người phụ nữ mỉm cười, chỉ vào cây quạt điện cũ kỹ đặt ở góc phòng. "Bật quạt lên một lúc cho mát đi!"
Cậu ta bước đến bật quạt, cánh quạt quay vo vo, rồi gió từ từ thổi lại.
Khi gió thổi đến giường, người phụ nữ khẽ rùng mình, rồi kéo cái chăn bông đang đắp lên cao hơn nữa.
"Đừng xối vào người ta. Không chịu nổi đâu."
Cậu thanh niên xoay cái quạt chếch đi, ấn một phím, quạt ngừng tuốc-năng, để cho gió chỉ thổi về phía mình. Người ấy cởi áo sơmi, lộ ra một thân hình gầy gò nhưng bộ ngực vẫn săn chắc. Cảm thấy gió tạt đến thật dễ chịu.
Người phụ nữ lặng lẽ nhìn sang, mỉm cười vui vẻ. Hồi lâu sau, người phụ nữ lại cất tiếng: "Đừng ngồi quạt lâu quá, dễ bị cảm đấy!"
Cậu thanh niên nhìn lại, rồi hỏi: "Em thế nào? Vẫn ổn chứ?"
Nét cười trên khuôn mặt người phụ nữ tắt ngấm, chỉ lặng lẽ nhìn chàng trai, rồi quay người vào phía trong và nằm xuống.
Chàng trai hơi ngờ ngợ, nhưng rất bối rối, hai tay buông thõng và cứ thế đứng yên tại chỗ.
Cả căn phòng im lặng một hồi lâu, chỉ có tiếng quạt điện vo vo khẽ kêu. Cậu thanh niên cứ đứng như vậy, cũng cảm thấy chẳng ra sao, cậu ta nghĩ ngợi rồi khẽ nói: "Thế thì… em cứ chịu khó nghỉ ngơi…"
Người phụ nữ ngắt lời, giọng dịu dàng: "Anh lại đây đi!"
Chàng trai hơi do dự, rồi từ từ bước lại bên giường, ngồi xuống, đặt tay lên vai người phụ nữ.
Người phụ nữ không nói gì, cũng không ngoảnh lại, chỉ nhích người vào phía trong, chừa ra một khoảng vừa phải trên giường.
Sắc mặt cậu thanh niên cũng nhẹ nhõm trở lại. Cậu ta cởi giày, ngẫm nghĩ, rồi đặt mũi giày hướng ra phía cửa, xếp cẩn thận và ngay ngắn.
Rồi cậu ta nằm xuống bên cạnh, đặt tay lên cổ người phụ nữ, bàn tay nhẹ nhàng lướt sang vai bên kia, ôm choàng lấy cô ta. Người phụ nữ không từ chối, khẽ nhích người trở lại, nhắm mắt, thu mình trong lòng cậu thanh niên, cảm thấy rất dễ chịu.
Thân thể người phụ nữ toát ra một mùi gì đó rất lạ. Cậu thanh niên vuốt ve mái tóc cô, sờ tay lên trán cô. Cô gối đầu trên cánh tay chàng
trai, và nhẹ nhàng nắm bàn tay anh ta.
Cả hai cứ thế nằm bên nhau, im lặng. Trong phòng chỉ có tiếng gió quạt khe khẽ thổi chếch ra một góc căn phòng.
Bàn tay người phụ nữ khô nháp và đầy những vết nhăn, ngón tay nhẹ lướt trên làn da ngăm ngăm của chàng trai, mềm và trơn rất dễ chịu. Cậu thanh niên lim dim mắt cảm nhận, cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ lúc giữa trưa ùa tới, thế rồi anh ta ngủ lịm đi lúc nào không biết nữa.
Ngủ một mạch đến khi mặt trời lặn. Lúc chạng vạng tối, anh ta bỗng tỉnh dậy, và ngồi phắt lên, hoang mang nhìn quanh bốn phía. Động tác bất ngờ của anh ta khiến người phụ nữ nằm bên vừa ngạc nhiên lại vừa buồn cười.
"Anh sợ gì chứ? Nhà chỉ có em và anh, hai chúng ta thôi."
Cậu thanh niên thở phào, rồi lại nằm xuống, và có cảm giác khắp người mình bỗng đầy mồ hôi.
Người phụ nữ tì cằm trên ngực chàng trai, ngón tay không ngớt đưa qua đưa lại, vẽ trên ngực anh ta. Cậu thanh niên khẽ hôn lên trán người phụ nữ. Người phụ nữ, hình như được khích lệ, choàng lấy anh ta ôm rõ chặt, đôi mắt say sưa nhắm nghiền. Ôm ghì một lúc, cô ta bỗng nghe thấy bụng người đàn ông phát ra tiếng "o o…" thì bật cười.
"Đói rồi chứ gì?"
Cậu ta gật đầu.
"Em cũng hơi đói rồi, trong bếp có con gà, sáng nay vừa cắt tiết; anh biết nấu canh gà không?"
Cậu ta lại gật đầu.
Người phụ nữ nhích môi, lim dim mắt: "Em muốn anh nấu canh gà cho em."
Chàng trai lại hôn lên trán người phụ nữ, rồi xuống giường, người vẫn cởi trần. Không lâu sau đó, mùi thơm hấp dẫn đã từ trong bếp bay ra.
Người phụ nữ vẫn nửa nằm nửa ngồi trên giường lắng nghe những tiếng lách cách trong bếp, thỉnh thoảng lại hít hít, đôi mắt tràn ngập niềm vui.
Khoảng sau 7 giờ, cả hai đã cùng ăn bữa tối. Người phụ nữ vẫn ngồi trên giường, để chàng trai bón cho từng thìa canh gà.
Có lẽ vì có anh ta bầu bạn nên cô cảm thấy ngon miệng. Sau khi uống xong một bát canh gà, sắc mặt cô hồng hào lên rất nhiều.
Cậu thanh niên hăm hở ăn gọn ghẽ số canh còn lại và đám thịt gà, sau đó cả hai lại quấn lấy nhau ngồi xem tivi. Chàng trai chăm chú xem bộ phim chiến tranh bom đạn, còn người phụ nữ thì chẳng mặn mà gì, chỉ ngoan ngoãn ngả vào lòng anh ta, chốc chốc lại ngẩng lên nhìn mặt chàng trai.
Chẳng mấy chốc kim đồng hồ đã chỉ 10 giờ tối. Cậu thanh niên vỗ vai người phụ nữ, rồi đứng dậy mặc áo quần gọn ghẽ. Người phụ nữ đắp chăn nằm trên giường, lặng lẽ nhìn anh ta. Anh ta đã buộc xong dây giày, ngồi bên mép giường, cúi xuống hôn môi người phụ nữ. Người phụ nữ đưa tay ôm choàng lấy anh ta.
"Ở lại đi! Đêm nay chỉ có hai chúng ta thôi."
Chàng trai do dự.
"Sáng mai hãy đi, được không? Hãy ở lại với em."
Có lẽ ánh mắt nài nỉ của người phụ nữ đã khiến chàng trai rung động, anh ta gật đầu, rồi lại cởi giày, cởi áo ra. Sau một thoáng nghĩ ngợi, anh ta lại cởi phăng chiếc quần dài, chỉ còn mặc chiếc quần lót màu xanh, rồi nhanh chóng chui vào chăn và tiện tay tắt luôn ngọn đèn.
Trong bóng tối, anh ta ôm chặt người phụ nữ, bàn tay lần vào trong áo cô ta. Người phụ nữ không mặc áo nịt ngực, làn da dịu mát mềm mại
thật dễ chịu. Bàn tay anh ta xoa nhẹ trên bụng rồi vuốt ve khắp người cô ta.
Cả hai quấn chặt lấy nhau. Hơi thở của chàng trai dần gấp gáp nặng nề, tiếng rên rỉ của người phụ nữ cũng càng lúc càng rõ. Cậu ta đưa bàn tay còn lại cởi nốt chiếc quần lót của mình xong thì lập tức kéo quần người phụ nữ xuống. Người phụ nữ dường như chợt tỉnh lại, mạnh tay đẩy anh ta ra.
"Hôm nay không được."
Chàng trai đang mặt đỏ phừng phừng, thở hồng hộc, không nói gì hết, anh ta gạt tay người phụ nữ sang bên và cố sức kéo quần cô ta xuống. Cô ta cuống cuồng giãy đạp và không ngớt van vỉ. Chiếc giường gỗ cũng cót két lên tiếng cùng với hai người. Bỗng người phụ nữ vung tay tát vào mặt cậu thanh niên một cái rõ mạnh.
Anh ta bỗng nghệt ra, đờ đẫn, hai bàn tay cũng dừng lại. Người phụ nữ cảm thấy hối hận, vội ngồi dậy đưa tay lên xoa nhẹ khuôn mặt anh ta. Anh ta thấy người phụ nữ đã mềm lòng, bèn lại đưa tay về phía cái quần, nhưng cô ta đã lập tức ghìm lại.
"Đồ không có lương tâm, anh lại muốn em phải chịu tội chắc?" Cô ta dằn giọng.
Chàng trai bỗng sững sờ. Lát sau anh ta ngồi thẳng lên, bật công tắc đèn. Ánh đèn sáng lòa rọi khắp căn phòng, người phụ nữ đưa tay lên che mắt. Anh ta kéo quần cô ta xuống.
Một thứ mùi tanh nồng nặc hắt lên, bên dưới của người phụ nữ là những vệt máu đỏ sẫm, đệm dưới lưng và chăn đang đắp cũng dính những vệt máu khô cứng…
Cậu thanh niên kinh ngạc nhìn cảnh tượng này. Người phụ nữ lặng lẽ nhìn anh ta, từ từ kéo quần lên, và đưa tay tắt đèn. Sau đó cô ta lại kéo cậu ta nằm xuống bên cạnh.
Cậu thanh niên nằm đó, toàn thân cứng đơ hồi lâu. Anh ta bỗng thở dài, rồi đưa tay ra ôm choàng người phụ nữ kéo vào lòng mình, nhẹ nhẹ vuốt ve mái tóc của cô.
"Sao em không cho anh biết?"
Người phụ nữ ngẩng đầu lên, rất ngạc nhiên nhìn anh ta. "Em cho anh biết rồi. Anh không nhìn thấy bức thư đó à?" Mọi động tác của chàng trai bỗng dừng lại.
Chương 6: ĐÊM NAY HỒN VỀ
Phương Mộc nhận ra Chúc Tứ đệ mấy hôm nay tâm trạng không ổn.
Lúc lên lớp, cậu ta thường ngồi hàng ghế cuối cùng và ngẩn ngơ nhìn ra cửa sổ. Trở về ký túc xá, cậu ta cũng ít để ý đến mọi người. Hoặc nằm trên giường thẫn thờ nhìn lên trần nhà, hoặc ngồi trước bàn cầm bút vẽ nguệch ngoạc chẳng đâu vào đâu. Kể cả khi ra quán Net, Chúc Tứ đệ cũng không hào hứng chơi game, hò reo như mọi ngày, mà chỉ vào một trang mạng nào đó lẳng lặng ngồi đọc. Phương Mộc lén nhìn trộm, nhận ra đó là những trang về đề tài những hiện tượng kỳ bí. Phương Mộc đã hiểu ra ít nhiều, Chúc Tứ đệ bỗng trở nên khác thường, là vì chuyện Đồng Sảnh.
Trong ngôi trường vừa mới khôi phục lại được sự yên tĩnh ít hôm, nay cái chết của Đồng Sảnh lại gây xôn xao như một làn sóng mới trỗi dậy. Ở bất cứ chỗ nào, dù là nhà ăn, trên lớp, thậm chí trong khu nhà vệ sinh, cũng đều nghe thấy đủ thứ tin đồn đại phỏng đoán. Có quá nhiều phiên bản. Có người nói Đồng Sảnh và thầy giáo hướng dẫn Cao Cường dan díu với nhau, đêm hôm đó "cô Cao" đến tìm Đồng Sảnh đàm phán không có kết quả, thế rồi xảy ra ẩu đả, cô Cao đẩy Đồng Sảnh ngã xuống sân. Có người bảo Đồng Sảnh bắt cá hai tay, hẹn hò với một người thứ ba trên tầng 24, khi đang làm tình thì bị bạn trai bắt quả tang; người bạn trai phẫn nộ không sao chịu nổi, bèn đẩy Đồng Sảnh ngã xuống. Lại có người nói, đó chỉ là Đồng Sảnh bỗng lên cơn thần kinh, rồi lỡ trượt chân ngã xuống. Ly kỳ hơn nữa, có người suy đoán rằng tầng 24 có ma, ma nhập vào Đồng Sảnh, giết cô ta để làm vật thí thân cho mình.
Phương Mộc cảm thấy tiếc nuối cho Đồng Sảnh. Một cô gái xinh tươi như thế, đã phải từ giã cõi đời một cách hết sức bi thảm. Đồng Sảnh vốn ưa trang điểm, chuộng hình thức, nếu biết mình đã chết với một khuôn mặt biến dạng hoàn toàn như thế, hẳn cô không sao chịu nổi. Tuy nhiên, anh tiếp xúc với Đồng Sảnh quá ít, mối quan tâm của anh đối với
Chu Quân mới là sâu nặng. Cậu ta đã ở bên Phương Mộc những ba năm trời. Thật đáng tiếc, giờ đây không còn tin tức gì về vụ án mạng Chu Quân nữa.
Hai sinh viên liên tiếp bỏ mạng, nhà trường cũng cảm thấy áp lực rất lớn, vì thế lãnh đạo đã phải mở cuộc họp đặc biệt, để các trưởng khoa trở về truyền đạt lại thái độ của nhà trường. Gọi là "thái độ", chẳng qua chỉ là nhà trường đang tích cực phối hợp với công an để phá án, mọi người không nên tin vào những lời đồn đại vô căn cứ, hãy tin tưởng ở năng lực của cơ quan công an v.v… Phương Mộc hết sức phản cảm đối với cái tinh thần của một hội nghị "đanh thép nhưng rỗng tuếch", và khiến anh không quên câu thành ngữ "mất bò mới lo làm chuồng".
Đồng Sảnh đã chết được bảy ngày, lúc chiều Phương Mộc ra sân chơi bóng rổ, sẩm tối anh trở về phòng, thấy trong phòng chỉ có một mình Chúc Tứ đệ. Cậu ta đang thẫn thờ nằm trên giường, vẫn mặc nguyên quần áo lúc ban ngày, gấu quần có dính vết bùn, bộ dạng bơ phờ mệt mỏi. Phương Mộc cầm chậu thau đi rửa mặt, lúc quay về thì Chúc Tứ đệ đã dậy và đang ngồi trước bàn mó máy thứ gì đó.
Phương Mộc biết tâm trạng Chúc Tứ đệ mấy hôm nay là gì nên không dám hỏi, chỉ lẳng lặng sắp xếp lại sách vở, rồi ra khỏi phòng để đi tự học. Vừa bước đến cửa thì Chúc Tứ đệ gọi anh.
Phương Mộc lập tức ngoảnh lại, thấy cậu ta đang sững sờ nhìn mình, đôi môi xam xám rung lên, Phương Mộc chưa kịp hỏi thì cậu ta bỗng trào nước mắt.
Phương Mộc rất lúng túng, mọi ngày cậu béo đâu có thế này, hôm nay lần đầu tiên thấy cậu ta khóc.
Phương Mộc vội bước đến, nhưng không biết nên nói gì, đành vỗ vai một cách tượng trưng để an ủi. Chúc Tứ đệ gục đầu xuống bàn khóc rưng rức.
Lát sau cậu ta đứng dậy, vừa lau nước mắt vừa xé một mảnh giấy vệ sinh lau mũi. Rồi cậu ngoảnh nhìn Phương Mộc, khẽ hỏi: "Cậu có tin
là có ma không?"
Phương Mộc ngớ người. Lúc này anh mới nhận ra trên bàn có cái túi nilon chứa mấy thứ kỳ lạ, hình như là những chữ bùa chú ngoằn ngoèo viết trên giấy vàng, một cái gậy trúc quấn chặt mảnh vải và một xấp tiền giấy.
"Chắc không phải… cậu đã…" Phương Mộc cố tự kiểm soát để không tỏ ra kinh ngạc. "Cậu…"
"Tôi rất thích cô ấy!" Đôi mắt Chúc Tứ đệ lại trào lệ.
Phương Mộc im lặng nhìn những tờ bùa chú và tiền giấy, anh nhẩm tính, rồi hỏi: "Hôm nay là…"
"Đúng, hôm nay là 7 ngày của Đồng Sảnh, theo cách nói ở quê tôi, 7 ngày sau khi chết, hồn sẽ trở về nơi ở cũ, gọi là hồi hồn. Tôi đã tra trên mạng, tìm đến một vị đại tiên trong thành phố này. Tôi mua của ông ấy… à không, tôi xin ông ấy những thứ này để tối nay gọi hồn Đồng Sảnh, có lẽ có thể biết ai đã hại cô ấy."
Phương Mộc nghĩ ngợi. "7 ngày sau khi chết, hồn sẽ về nhà thăm người nhà thì phải?"
Câu hỏi này khiến Chúc Tứ đệ ngớ ra. "Có lẽ… có lẽ sẽ tiện đường trở về khu nhà hành chính, dù sao đó cũng là nơi cô ấy có mặt lần cuối…"
Chúc Tứ đệ đứng dậy nắm tay Phương Mộc, nói rất tha thiết: "Trong phòng này chỉ tôi và cậu thân nhau nhất, cậu… lại là người can đảm nhất. Tối nay cậu cùng đi với tôi được không?"
Phương Mộc định nói ngay nhà vệ sinh tôi còn không dám đi nữa là… nhưng rồi anh lại nhìn Chúc Tứ đệ, và cân nhắc từ ngữ: "Tứ ca à, chúng ta dù sao cũng là sinh viên đại học…"
Chúc Tứ đệ lại trào nước mắt. "Tôi biết mình thật ngu dại, nhưng tối nay tôi không thể không đi." Ngừng một lát, cậu lại nói tiếp. "Chỗ
anh em với nhau, tối nay cậu đi với tôi đi?"
Phương Mộc mềm lòng. Nhìn khuôn mặt đẫm nước mắt của Chúc Tứ đệ, anh hơi do dự nhưng rồi cũng gật đầu.
Hai người bàn bạc, thống nhất kế hoạch. Khoảng 9 giờ tối Chúc Tứ đệ sẽ đến khu nhà hành chính trước, mở cửa sổ nhà vệ sinh ở tầng 1, sau đó Phương Mộc bò vào, xách theo các thứ đồ. Khoảng 10 giờ, trước khi khu nhà này đóng cổng chính, Chúc Tứ đệ sẽ giả vờ ra về (tốt nhất là để cho người thường trực nhìn thấy), sau đó cậu ta sẽ quay lại cửa sổ nhà vệ sinh tầng 1 rồi chui vào. Làm xong mọi việc, cả hai sẽ lại chui ra khỏi khu nhà hành chính, trở về khu ký túc II (sẽ nhờ Ngô Hàm đêm nay trực ban mở cổng cho). Thế là gọn chuyện, chẳng ma nào biết. (Ban đầu, gã Trư lợn này dự kiến: cả hai sẽ xách các thứ đồ và đàng hoàng bước vào khu nhà hành chính, nhưng Phương Mộc cho rằng sau khi vụ án mạng xảy ra, khu nhà ấy rất được chú ý quan sát, vậy đừng nên công khai hành động. Chúc Tứ đệ công nhận ý kiến của Phương Mộc là sáng suốt, cậu nói "tôi đã không nhìn nhầm người", Phương Mộc nhủ thầm trong lòng: Hừ!)
Nhưng lúc thực hiện kế hoạch thì lại có trục trặc. Các ô cửa sổ nhà vệ sinh ở tầng 1 khu nhà hành chính đã bị ốp lưới sắt (chắc là biện pháp mất bò mới lo làm chuồng, của nhà trường). Bí quá, Phương Mộc đành đưa các thứ cho Chúc Tứ đệ, sau đó đánh liều đi thẳng vào cổng chính của khu nhà ngay trước mắt người thường trực.
Cả hai nấp trong nhà vệ sinh ở tầng 17 cho đến nửa đêm, không dám thở mạnh. Gã dở hơi Chúc Tứ đệ, vừa vào trong khu nhà đã định ra mái sân của tầng 3 để đốt vàng mã cho Đồng Sảnh, Phương Mộc vội can rằng, âm hồn thường trở về sau nửa đêm; vả lại, đốt lửa trên mái sân lúc 9 giờ tối, chắc chắn sẽ bị người ta phát hiện.
Chờ đến khi người thường trực đã đi tuần tra xong, cả hai xách túi đồ lên, rón rén ra khỏi nhà vệ sinh. Chúc Tứ đệ có vẻ rất sốt ruột chạy thẳng đến cửa thang máy, Phương Mộc vừa sợ vừa bực mình ngăn lại. Cậu béo thì không hiểu, nên nói là cứ đi thang máy cho nhanh; Phương
Mộc nói nhỏ cảnh báo cậu: đi thang máy, thì nhất định sẽ bị người thường trực phát hiện, Chúc Tứ đệ mới "sáng mắt ra" và lại rối rít cảm ơn Phương Mộc. Phương Mộc bắt đầu nghi ngờ liên kết với gã Trư này để hành động, mình có sáng suốt không?
Cầu thang bộ tối om, không gian bức bối, mỗi tiếng động nhỏ cũng bị phóng to lên mấy lần, ngay tiếng "sột soạt" cọ xát của túi nilon cũng khiến người ta chói tai. Phương Mộc và Chúc Tứ đệ run rẩy lần theo tường bước xuống cầu thang, đồng thời thầm nhẩm số tầng. Phương Mộc bỗng có cảm giác hình như cả hai đang đi sâu vào thế giới trong lòng đất.
Hồi lâu sau, họ dò dẫm xuống đến tầng 3, rồi mở cửa sổ ở bên hành lang. Gió lạnh lập tức tạt đến và thấm ngay vào mũi vào phổi, khiến Phương Mộc rùng mình. Anh cùng Chúc Tứ đệ bò qua cửa sổ bước ra mái sân bên ngoài. Trời rất lạnh, gió to phát khiếp. Phương Mộc cảm thấy toàn thân như bị hạ nhiệt. Chúc Tứ đệ quay lưng về phía đầu gió, ngồi thụp xuống loay hoay bố trí. Phương Mộc vừa sợ vừa rét run, anh luôn miệng giục Chúc Tứ đệ làm cho nhanh lên. Nhưng cậu ta càng lúc càng bối rối, rồi cậu thút thít khóc. Phương Mộc im lặng, hiểu rằng dẫu khuyên nhủ cũng vô ích, chỉ thầm cầu mong sao nhanh chóng kết thúc sự việc.
Chúc Tứ đệ nức nở một hồi, mặt mũi đầm đìa nước mắt, cậu ngẩng lên nhìn bầu trời tối đen lẩm bẩm: "Đồng Sảnh, anh đến thăm em đây…"
Phương Mộc cũng nhìn lên, khu nhà 24 tầng dường như cao vút khác thường. Cảm giác bị áp lực quá lớn khiến anh thấy choáng váng chóng mặt, hình như tòa nhà này là một tấm bia mộ khổng lồ sừng sững đứng giữa đất trời, có thể đổ sập xuống anh bất cứ lúc nào.
Không rõ lúc bị rơi xuống mái sân này, cảm giác của Đồng Sảnh ra sao?
Hoảng loạn bất lực không thể nương tựa vào đâu? Hay là tuyệt vọng? Hay là kinh hãi tột độ lúc ngã vật xuống mặt sân?
Từ trên cao như thế đẩy người ta xuống, cảm giác sẽ là gì?
Khi nhìn cô ấy rơi xuống, đôi tay khua lên như điên dại xen lẫn những tiếng thét hãi hùng gấp gáp, chứng kiến cô ấy biến mất trong màn đêm vô tận rồi chờ nghe thấy một tiếng "huỵch" nặng nề…
Hắn… cảm giác của hắn sẽ là gì?
Chúc Tứ đệ run run châm lửa đốt đám tiền giấy. Một đám lửa nho nhỏ nhanh chóng bùng lên trên mặt mái sân. Cậu ta vừa lật giở xấp tiền giấy vừa quệt nước mắt. Những mảnh tro bị gió cuốn lên rồi lại rơi xuống mặt mái sân, có vài mảnh rơi ngay vào mặt Chúc Tứ đệ, cậu đưa tay hất phăng nó xuống, để lại trên mặt cậu những vệt nhọ đen, bên ánh lửa bập bùng, gương mặt cậu trông thật đáng sợ.
Đã đốt xong đám tiền giấy, Chúc Tứ đệ cầm một thanh trúc nhỏ vừa khua lên vừa lẩm bẩm gì đó, Phương Mộc cố lắng nghe nhưng không hiểu; chắc là những câu khấn mời hồn ma hãy trở về. Nhưng mãi đến lúc hơn 1 giờ sáng vẫn không thấy hương hồn của mỹ nhân đâu. Chúc Tứ đệ rất thất vọng. Phương Mộc thì nghĩ "may quá". Nhưng khi cả hai vừa thu dọn xong các thứ định ra về, thì Phương Mộc nhận ra rằng họ không thể ra khỏi đây được nữa.
Cả hai bàn bạc, rồi quyết định lại nán lại qua đêm ở khu nhà vệ sinh, sáng mai khu nhà hành chính mở cổng thì sẽ bí mật lẻn ra.
Mặt sàn lát đá ở nhà vệ sinh giá lạnh như băng. Phương Mộc đã chịu rét từ tối đến giờ, anh ngồi tựa vào đường ống dẫn khí sưởi, thầm oán trách Chúc Tứ đệ. Rồi Phương Mộc cũng chìm vào giấc ngủ…
Anh mơ thấy mình đang đứng trên sân thượng, xung quanh là màn đêm dày đặc. Nhưng, kỳ lạ thật, anh nhìn rõ mồn một những người đứng ở tầng dưới đang nhìn lên anh, thậm chí nhận ra khuôn mặt của từng người.
Chu Quân, Đồng Sảnh. Chúc Tứ đệ…
Kỳ lạ hơn nữa là, anh không hề nghĩ rằng hai người trong đó đã chết. Họ đang ngẩng khuôn mặt trắng nhợt lên, lặng lẽ nhìn anh.
Phương Mộc cảm thấy hơi bối rối, vì anh rất không quen bị ai đó nhìn lâu như thế này. Cho nên anh vội ra khỏi sân thượng. Nhưng một ý nghĩ bất chợt nổi lên: mình sẽ nhảy xuống cho nhanh!
Rồi anh làm thế thật. Ngay lập tức anh nhận ra mình trôi qua bên cạnh đầu nóng của máy điều hòa rồi rơi xuống sàn nhà vệ sinh.
Anh ngồi dậy, thấy vai đau kinh khủng. Anh vừa xoa nắn vai vừa ngỡ ngàng nhìn bốn xung quanh. Đầu óc dần tỉnh táo, rồi anh bỗng nhận ra không thấy Chúc Tứ đệ đâu nữa.
Phương Mộc cảm thấy căng thẳng. Anh đứng phắt lên mở to mắt quan sát khắp chốn, nhưng nhà vệ sinh vắng tanh chỉ có một mình anh.
"Chúc Tứ đệ, cậu đang ở đâu?" Phương Mộc đánh bạo gọi to, và cảm thấy giọng mình run run. "Đồ khỉ, đừng dọa người ta!"
Không một hồi âm.
Trán anh vã mồ hôi lạnh, anh gắng định thần, rồi bước đến bên cửa, mở cửa, ra khỏi nhà vệ sinh.
Ngoài hành lang tối đen như mực, cực kỳ im ắng. Phương Mộc liếm đôi môi khô nẻ của mình, cố gắng điều hòa hơi thở, bước từng bước đi về phía trước.
Đi qua chỗ rẽ, phía trước là đoạn hành lang nối với mái sân. Nhìn thấy có ánh đèn thấp thoáng nhợt nhạt, và có một người đang đứng trước ô cửa sổ…
Phương Mộc sửng sốt, rồi phát cáu. Cái bóng dáng ấy, rõ ràng là Chúc Tứ đệ.
"Thằng chết tiệt ạ!" Anh rảo bước, đồng thời gắt lên: "Chạy đi đâu, sao không nói một câu hả?"
Chúc Tứ đệ giật mình quay lại, nhận ra Phương Mộc, bèn thở phào.
"Tôi đang đợi cậu!" Chúc Tứ đệ lại nhìn ra mái sân ngoài kia, uể oải nói: "Tiếc rằng cô ấy không về."
"Thế thì thôi vậy." Phương Mộc chẳng mặn mà gì, "Nếu Đồng Sảnh về thật, chỉ e cậu sẽ sợ mất vía!"
"Không đâu! Tôi thích cô ấy như vậy kia mà!" Chúc Tứ đệ quay lại nhìn Phương Mộc: "Nhưng, tôi đang nghĩ đến một điều này."
"Nghĩ gì?"
"Đồng Sảnh ngã từ tầng 24 xuống, tuy chết ở mái sân tầng này nhưng cô ấy vẫn là từ trên đó rơi xuống."
Phương Mộc ngẩn người nghĩ ngợi. "Ừ nhỉ, kể cũng đúng."
Chúc Tứ đệ đã lấy lại tinh thần, "Cậu còn nhớ chứ: Luật hình sự mà chúng ta học nói rằng, nơi phát sinh hành vi phạm tội và nơi xảy ra hậu quả, đều gọi là địa điểm phạm tội, do đó có thể coi nơi Đồng Sảnh bị ngã cũng là nơi cô ấy chết."
Phương Mộc thầm nghĩ, thằng cha béo này suýt nữa thi trượt môn Luật hình sự, thế mà hắn vẫn thuộc ra trò. Nhưng anh rất không muốn bàn về Luật hình sự với Chúc Tứ đệ vào lúc này; anh không cho rằng Đồng Sảnh chết rồi mà vẫn còn tâm trí để nghiên cứu khoa học. Do dự, nhưng rồi Phương Mộc cũng đồng ý đi theo Chúc Tứ đệ lên tầng 24 xem sao.
Cả hai lên đến tầng 24 thì mồ hôi vã ra khắp người. Hành lang tối đen dường như trải dài đến vô tận. Họ đi một lúc lâu thì thấp thoáng nhìn thấy cửa phòng phô-tô. Càng đi đến gần, Phương Mộc càng cảm thấy bóng tối như càng đậm đặc hơn, anh bất giác rùng mình, chân bước cũng chậm lại. Chúc Tứ đệ thì rất hăm hở, đưa tay ra kéo Phương Mộc rảo bước về phía phòng phô-tô.
Đã dần dần nhìn rõ cửa phòng. Tim Phương Mộc bỗng đập thình thịch. Một cảm giác chẳng lành bỗng dâng lên. Anh đưa tay ra định níu Chúc Tứ đệ đứng lại nhưng chưa kịp đụng vào người thì cậu ta đã đứng
ngay lại. Phương Mộc lập tức nhìn về phía trước, mới thoáng nhìn, anh đã cảm thấy máu trong người mình như bị đông cứng lại.
Cửa phòng phô-tô từ từ mở ra. Hai cái bóng mờ mờ xuất hiện trước mắt Phương Mộc và Chúc Tứ đệ.
Đúng là có ma thật.
Hai chàng trai đứng đờ ra giữa hành lang, Phương Mộc nhìn như đóng đinh vào hai cái bóng, đầu anh dường như trống rỗng không có gì nữa. Tựa như có ánh chớp chợt lóe lên giữa bầu trời đêm, Phương Mộc bỗng nghĩ đến một điều.
Hai cái bóng, tức là cả Chu Quân cũng về?
Hai bóng người đứng đó, bất động. Phương Mộc cảm nhận rất rõ họ "đang nhìn" anh và Chúc Tứ đệ.
Màn đêm bao bọc xung quanh lặng lẽ áp lại dày đặc hơn. Hành lang không một tiếng động. Hai người và hai cái bóng đứng đó nhìn nhau.
Rồi Chúc Tứ đệ trấn tĩnh trở lại, khẽ hỏi giọng run run: "Đồng Sảnh, là em phải không?"
Một trong hai cái bóng phát ra tiếng kêu rít chói tai, rồi lặng lẽ đổ sụp xuống.
Tiếng rít khiến Phương Mộc sợ hết hồn, bản năng xui khiến anh kéo Chúc Tứ đệ cùng bỏ chạy tháo thân. Chạy đến đầu cầu thang, Phương Mộc bị một làn ánh sáng chói lòa rọi đến, khiến anh không thể mở mắt. Sau đó lại lập tức nhìn thấy mấy chùm tia sáng từ phía dưới chiếu hắt lên, kèm theo những tiếng hô: "Ai? Đang làm gì ở đây?"
9 giờ sáng hôm sau, Phương Mộc và Chúc Tứ đệ được thầy giáo trợ giảng đưa từ phòng bảo vệ về phòng ở.
Đêm qua, bảo vệ và người thường trực khu nhà hành chính đi tuần tra như thường lệ. Khi đi tuần tầng 23, họ bỗng nghe thấy tiếng thét ở
tầng trên, các anh bảo vệ liền chạy lên. Đúng lúc đó họ chạm trán Phương Mộc và Chúc Tứ đệ đang hoảng loạn chạy lại. Cả hai sợ hãi chỉ về phía phòng phô-tô và nói ở đó có ma. Mấy anh bảo vệ đánh bạo bước đến cửa phòng phô-tô, thì phát hiện ra một đôi nam nữ nằm bẹp dưới đất. Người phụ nữ đang ngất xỉu, còn người đàn ông tuy vẫn tỉnh táo nhưng quần đã ướt nhòe cả.
Điều tra cho thấy, đó là anh bếp trưởng của nhà ăn tập thể và một nữ nhân viên, bấy lâu nay họ vẫn có quan hệ với nhau. Vì không muốn tốn tiền ra ngoài thuê phòng, họ bèn lên khu nhà hành chính để hú hí. Để bảo đảm kín đáo thật sự, họ cố ý chọn tầng 24 mà lâu nay mọi người đang xôn xao sợ hãi (Chà chà! Chắc chắn họ là tín đồ chủ nghĩa duy vật thứ thiệt! Phương Mộc nghĩ bụng). Và, lại thấy phòng phô-tô không khóa, họ bèn vào để mây mưa cho đã đời. Xong việc rồi, họ mở cửa đi ra thì vừa vặn nhìn thấy hai người, một người cầm cây gậy trúc, rất giống hình ảnh hai con quỷ Vô Thường cầm gậy treo phướn đi bắt người trong truyền thuyết, đặc biệt là gã cầm gậy lại hỏi một câu rồ dại nhắc đến tên "Đồng Sảnh" đã ngã chết gần đây, khiến đôi trai gái sợ hết hồn, cô nhân viên nhà bếp kinh hãi ngất luôn tại chỗ, đến giờ vẫn đang nằm viện chưa về.
Câu chuyện của đôi nam nữ này đúng là ê chề đáng xấu hổ, nhưng vẫn có thể đáng tin. Còn Phương Mộc và Chúc Tứ đệ thì có phần đáng ngờ.
Chúc Tứ đệ nhất quyết nói rằng cả hai cậu đến đó để đốt tiền giấy cho cô sinh viên lớp trên đáng kính, mong có thể gửi gắm một chút nỗi niềm nhung nhớ. Phòng bảo vệ hỏi cậu dùng thanh trúc ấy để làm gì, Chúc Tứ đệ ấp úng, rồi nói rằng lúc mua tiền giấy được họ khuyến mại mua một tặng một. Phòng bảo vệ tất nhiên không tin, và nói bóng gió rằng có những hung thủ thường hay trở lại hiện trường nơi mình đã gây án, thế là họ báo công an. Hai cảnh sát một già một trẻ đến hỏi hai cậu học trò mấy câu, rồi cho về. Lúc ra về, anh cảnh sát già mỉm cười hỏi có phải hai cậu định hồi hồn cho người chết, muốn trả thù cho Đồng Sảnh