🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Sự Tuyệt Chủng Của Con Người Kinh Tế
Ebooks
Nhóm Zalo
SỰ TUYỆT CHỦNG CỦA CON NGƯỜI KINH TẾ Bản quyền tiếng Việt © 2010 Công ty Sách Alpha Bìa: Nguyễn Đức Vũ
Biên tập viên Alpha Books: Đào Quế Anh Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com
Đàn nhím quây quần bên nhau để sưởi ấm trong mùa đông giá rét; nhưng khi những chiếc gai trên người chúng đâm vào nhau, chúng buộc phải tản ra… Sau nhiều lần sát lại rồi tản ra, chúng buộc phải tản ra… Tương tự, nhu cầu hình thành xã hội cũng đưa con người đến gần nhau hơn nhưng rồi bản tính gai góc và khó ưa lại đẩy họ ra xa nhau. Cuối cùng con người cũng hiểu cần giữ một khoảng cách vừa phải mới mong giao tiếp được với nhau, khoảng cách đó cũng chính là chuẩn mực của phép lịch sự và hành xử.
ARTHUR SCHOPENHAUER,
Tặng phẩm và cặn bã, II, 31, 1851
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com
C
Lời Nhà xuất bản
hủ nghĩa Duy vật biện chứng, triết học của Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra rằng: Chủ nghĩa Tư bản là hình thái kinh tế - xã hội xuất hiện sau chế độ phong kiến, trong đó các tư liệu sản xuất do giai cấp tư
sản chiếm hữu và dùng làm phương tiện để bóc lột làm thuê của người lao động.
Đại chiến thế giới Thứ nhất và Đại chiến thế giới Thứ hai do Chủ nghĩa Tư bản gây ra để xâm chiếm thuộc địa, tranh giành thị trường không ngoài mục đích bóc lột được nhiều hơn. Sự tàn khốc của hai cuộc đại chiến là không thế chối cãi, khiến nhân loại ngày càng cảnh giác với Chủ nghĩa tư bản. Do vậy, nhiều nhà kinh tế học tư bản đã viết nhiều luận thuyết biện minh cho Chủ nghĩa Tư bản và cho rằng bản chất của Chủ nghĩa Tư bản đã thay đổi.
Cuốn Sự tuyệt chủng của con người kinh tế của Michael Shenner là cuốn sách được bán rất chạy trên thế giới ngay từ khi mới xuất bản. Tác giả, với những ví dụ được chọn lọc, dẫn dất người đọc từ lòng trắc ẩn (phi giai cấp), tới sự tuyệt chủng của con người kinh tế đặt mục đích kinh tế lên trên hết, cuối cùng là sự tự do lựa chọn (có đạo đức?!)… trong nhu cầu đời sống của cá nhân, chính là lời cổ súy khôn khéo và nồng nhiệt cho thị trường tự do thuần túy - hay cụ thể hơn là lời biện minh Chủ nghĩa Tư bản đã khác trước và sẽ là tương lai của nhân loại.
Trước thời buổi hội nhập kinh tế toàn cầu, nước ta kiên định xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đây chính là một cuốn sách cần đọc để hoà nhập mà không hòa tan.
Cuối cùng, xin được trích một câu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị ĐCSVN về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay (Số 01/NQ-TN 21/3/92): “Đối với các học thuyết khác ngoài Chủ nghĩa Mác - Lênin, về xã hội, cần được nghiên cứu trên quan điểm khách quan, biện chứng”.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
NHÀ XUẤT BẢN THỜI ĐẠI
V
Lời giới thiệu
Vì sao tiền không mua được hạnh phúc?
ì tiền và hạnh phúc là hai phạm trù không liên quan với nhau. Khám phá này nghe qua chắc không khiến bạn sửng sốt đến nỗi có thể làm rơi thìa khi đang ăn, hoặc rớt vỡ đĩa khi đang cầm, nhưng
nó chính là bí mật ẩn sâu trong tiềm thức của bạn - một sự kết nối vô hình. Cũng giống như phần thịt thừa trên bàn tay loài gấu trúc có liên quan đến khái niệm sự thích nghi từ trước vậy. Một cụm từ khiến ta phải trăn trở đến chiều sâu ý nghĩa của nó, để rồi trong khi tìm hiểu điều bí ẩn ấy, ta bắt gặp rất nhiều điều bí ẩn khác. Và, tựu trung lại, bạn sẽ hiểu rằng quá trình tiến hoá của sự sống cũng giống như của công nghệ tuân thủ một trật tự khắc nghiệt: tuyệt chủng mới là quy luật, còn sống sót chỉ là ngoại lệ.
Đến đây, đã đủ làm bạn cảm thấy bí mật đan xen bí mật, điều tưởng đã biết dường như vừa có thêm tầng ý nghĩa mới chưa?
Đó chính là cách tiếp cận vấn đề rất tuyệt của tiến sĩ Michael Shermer, một nhà văn khoa học Mỹ, nhà nghiên cứu lịch sử khoa học, người sáng lập Hiệp hội Hoài nghi, hiện đang có hơn 55.000 thành viên, và Tổng biên tập tạp chí Hoài nghi.
Trong cách trình bày vấn đề của mình, ông hay đặt độc giả vào những tình huống hết sức khó chịu. Ví như, phải đối diện với vấn đề đạo đức cá nhân khi gặp một tình huống cần giúp đỡ, bạn sẽ chọn hại một người để cứu nhiều người; hay, bạn chọn sẽ thay đổi một thứ gì đó để cứu nhiều người? Dĩ nhiên, đa số chúng ta đều chọn không làm hại người khác để cứu một người khác. Vấn đề đặt ra là, khó chịu hơn một chút nữa, nếu bạn chỉ có một lựa chọn hại người khác để cứu nhiều người, bạn sẽ làm gì?
Nếu những vấn đề trình bày trong cuốn sách này là thế, phải chăng đây là một cuốn sách rao giảng về đạo đức. Không, bạn đừng vội lo lắng quá. Vì ngay ở chương hai cuốn sách, tác giả đã đề cập đến vấn đề “Trực giác kinh tế trong ta”? Chắc chắn, đây là một cuốn sách về kinh tế. Nhưng hãy cẩn thận, vì Shermer sẽ thuyết minh cho bạn quan điểm riêng về vấn đề tiền bạc, được minh họa bằng công trình nghiên cứu của hàng loạt các giáo sư khả kính - những bậc thầy kinh tế mà giải Nobel là một đảm bảo chắc chắn. Nhưng đồng thời, ông cũng phê phán việc con người đã dùng cái xúc cảm nhạy bén và quá ư thiên kiến của mình để định nghĩa về chúng.
Bạn sẽ phân vân giữa ngã ba đường, rằng quyển sách này hướng dẫn bạn điều gì? Nên định nghĩa lại các giá trị đạo đức hay chỉ dẫn bạn cách tiêu tiền dựa trên sai lầm tinh tế của cảm xúc mà bạn đã phạm phải trong quá khứ?
Nếu vội vàng xem chương kết luận, bạn sẽ dễ nhầm lẫn nghỉ mọi người được tự do lựa chọn hành động cho bản thân. Nhưng, hãy lật giở từng trang từ đầu cuốn sách, đọc từng dòng, từng dòng… để lối hành văn kể chuyện liệt kê, mạch lạc dẫn dắt lôi cuốn, bạn sẽ thấy dường như có một trình tự nào đó đã từ từ nắm bắt, điều chỉnh suy nghĩ của bạn.
Xin mời bạn cùng bước vào cuộc phiêu lưu.
Tháng 10 năm 2010
Nhà văn QUẾ KHƯƠNG
Dẫn nhập
KINH TẾ HỌC CHO MỌI NGƯỜI
P
húc âm thánh Matthew, trang 25, dòng 14-29, thuật lại lời dạy của Jesus Chúa cứu thế về tài năng như sau: “Vì phàm ai đã có thì sẽ được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có,
cũng sẽ bị lấy đi.” Nếu không xét đến ngữ cảnh, câu nói trên không thể hiện chút trí tuệ nào của một nhà tiên tri vĩ đại, người từng tuyên bố rằng lòng nhân từ sẽ ngự trị thế giới; song nếu xét trong ngữ cảnh phù hợp, có thể hiểu Jesus cho rằng nếu biết cách đầu tư tiền của (tính bằng đơn vị “talents”) thì con người sẽ trở nên giàu có hơn. Một người đầy tớ được trao cho năm talents nếu biết cách đầu tư sẽ đem về cho chủ mười talents. Một người đầy tớ được trao cho hai talents nếu biết cách đầu tư sẽ đem về cho chủ bốn talents. Nhưng nếu được trao cho một talent và người hầu đó đem cất kỹ vào hộp thì cuối cùng cũng chỉ có thể trả lại một talent duy nhất cho chủ. Khi đó, ông chủ sẽ yêu cầu người đầy tớ ngại rủi ro này trao một talent đó cho người biết cách biến năm talents thành mười talents – nghĩa là người kiếm được nhiều tiền nhất lại được ban thêm của cải. Vậy là kẻ giàu càng giàu thêm.
Hẳn lời dạy của Chúa Jesus thâm sâu hơn câu chuyện mang tính kinh tế về lựa chọn phương cách đầu tư đúng đắn, song tôi muốn xem lời dạy này như một ngụ ngôn về tâm hồn của thị trường. Vào những năm 1960, nhà xã hội học Robert K. Merton đã tiến hành một nghiên cứu quy mô lớn về cách thức các ý tưởng khoa học được khám phá, công nhận trong một thị trường ý tưởng – ông coi khoa học như một thị trường. Merton nhận thấy các khoa học gia lỗi lạc thường có uy tín lớn hơn mức xứng đáng đơn giản bởi họ là những tên tuổi lớn, trong khi các cộng sự giúp việc và các nghiên cứu sinh – những người đảm nhận phần lớn công việc – lại chẳng hề được biết đến. Một hiệu ứng phổ biến tương tự cho thấy những ý tưởng sáng tạo và những câu danh ngôn thường được nâng tầm và đem lại sự vẻ vang cho cá nhân nổi tiếng nhất liên quan đến chúng.
Merton gọi đây là Hiện tượng Matthew. Các chuyên gia về thị trường xem đây là Lợi thế tích lũy. Trong ngữ cảnh kinh tế rộng hơn, tôi sẽ đề cập đến nó như Hiệu ứng bán chạy nhất. Một sản phẩm bán chạy khi vừa được tung ra thị trường sẽ khiến những người khác tin đây là một sản phẩm tốt và mong muốn sở hữu nó, điều này sẽ kéo thêm nhiều người đến mua, và thông điệp cứ thế lan tỏa đến vô số khách hàng khác. Sản phẩm này lập tức trở
thành món hàng bán chạy nhất. Trên thương trường ai cũng biết hiệu ứng này, thế nên nhiều tác giả và nhà xuất bản quyết tâm đặt bằng được cuốn sách của họ vào danh mục sách bán chạy nhất của New York Times. Khi sách của bạn nằm trong danh mục này, các hiệu sách sẽ lập tức xếp nó vào giá sách bán chạy nhất (đôi khi còn ghi rõ “Danh mục sách bán chạy nhất theo xếp hạng của New York Times”).
Cuốn sách sẽ được đặt ngay bên ngoài, các ẩn bản xếp ngay ngắn như một khối gỗ. Điều này giúp các khách hàng tiềm năng vừa bước vào hiệu sách đã nhận ra đây là một cuốn đáng đọc. Lượng mua tăng lên khiến cuốn sách lập tức được các biên tập viên mục New York Times Book Review nâng hạng trên danh mục sách bán chạy, điều này như một thông điệp tích cực gửi đến độc giả khiến số ấn bản bán được ngày càng tăng thêm, cuốn sách trụ hạng lâu hơn, doanh số bán tiếp tục tăng cao hơn nữa. Tất cả xoáy quanh như một vòng tròn, và các tác giả giàu nhất lại càng giàu thêm.
Để lượng hóa Hiệu ứng bán chạy nhất, nhà xã hội học Duncan Watts, công tác tại Đại học Columbia, cùng với hai cộng sự Matthew Salganik và Petter Dodds đã tiến hành một thí nghiệm trong đó 14 nghìn người đăng ký làm thành viên một trang web, nơi họ có thể nghe, xếp hạng và tải về các ca khúc do các ban nhạc vô danh trình bày. Một nhóm thành viên được cho biết tên của các ca khúc và ban nhạc, trong khi nhóm thứ hai chỉ được biết số lần mỗi bài hát được tải về. Các nhà nghiên cứu đã gọi đây là điều kiện “ảnh hưởng xã hội”. Họ muốn biết thông tin về số người tải một ca khúc về có ảnh hưởng đến quyết định tải hoặc không tải nó về của các chủ thể khác không. Đúng như dự đoán, số liệu biểu thị lượng tải về đã ảnh hưởng đến những thành viên thuộc nhóm chịu “ảnh hưởng xã hội”: những bài hát có số người tải về nhiều hơn tiếp tục được các thành viên mới tải về nhiều hơn, trong khi lựa chọn của nhóm biết tên bài hát và ban nhạc lại cho kết quả cực kỳ khác biệt. Điều này không có nghĩa là chất lượng của một cuốn sách, một ca khúc hay bất kỳ sản phẩm nào khác không có ảnh hưởng tới quyết định của người mua. Tất nhiên, nó có ảnh hưởng và ảnh hưởng đó có thể lượng hóa được. Nhưng hóa ra khi người tiêu dùng đưa ra lựa chọn chủ quan dựa trên đánh giá mang tính tương đối của các khách hàng khác thì ảnh hưởng của sự xếp loại khách quan về chất lượng sản phẩm thường trở nên mờ nhạt.
Những thị trường nơi việc buôn bán diễn ra dựa trên những bảng xếp hạng, xếp loại và danh mục hàng bán chạy nhất dường như vận hành theo ý muốn của riêng nó, giống như một cơ thể chung. Thực chất, đây mới chỉ là một trong những hiệu ứng sẽ được đề cập trong cuốn sách này, minh chứng cho mức độ ảnh hưởng của tâm hồn tới thị trường, và rộng hơn nữa là sự tồn tại tinh thần riêng của thị trường. Hãy cùng suy ngẫm một câu chuyện kinh tế khác qua bài học về sự tiến hóa có liên quan đến Hiệu ứng bán chạy nhất.
***
Hãy tưởng tượng bạn là một chủ nhà băng sở hữu một lượng tiền hữu hạn có thể cho vay. Nếu bạn cho những khách hàng có mức độ rủi ro cao vay, thực sự bạn đang chơi một canh bạc liều lĩnh vì con nợ của bạn có thể không trả được nợ và tài sản của bạn cũng tiêu tán. Điều này tạo ra một nghịch lý: Những người cần tiền chính là những người có mức độ rủi ro cao nhất và vì thế khó lòng vay được tiền, trong khi đó những người ít cần tiền nhất lại có mức độ rủi ro thấp nhất – và thế là người giàu càng giàu thêm. Hai nhà tâm lý học tiến hoa John Tooby và Leda Cosmides đã gọi đây là Nghịch lý chủ nhà băng, và họ đã áp dụng nó vào một vấn đề sâu sắc hơn: chúng ta nên kết bạn với ai? Họ cho rằng Nghịch lý chủ nhà băng “cũng tương tự như một vấn đề nghiêm trọng mà tổ tiên chúng ta gặp phải trong quá trình thích nghi với cuộc sống: lúc một người nguyên thủy cần được giúp đỡ nhất cũng là lúc người đó có mức độ rủi ro cao, và vì thế không còn đủ hấp dẫn để được trợ giúp”.
Nếu xem cuộc sống giống như một nền kinh tế và những nguồn lực là bất cứ thứ gì chúng ta sẵn có để giúp đỡ người khác – đặc biệt bao gồm tình bạn – theo logic của Nghịch lý chủ nhà băng, sẽ có những lựa chọn rất khó khăn khi đánh giá mức độ tin cậy của những người chúng ta gặp. Theo thuyết tiến hóa, lòng vị tha là vấn đề lớn hơn được đặt ra ở đây: tại sao tôi phải hy sinh gene của tôi vì gene của người khác? Hoặc mang tính kỹ thuật hơn, vị tha là hành động làm giảm khả năng sinh tồn của tôi đồng thời làm tăng khả năng sinh tồn của người khác.
Các lý thuyết chuẩn mực cho rằng có hai con đường tiến hóa dẫn tới sự vị tha: lựa chọn theo huyết thống (một giọt máu đào hơn ao nước lã) và vị tha tương hỗ (có đi có lại). Giúp đỡ những người gần gũi thân thiết hoặc những người sẽ đền đáp lòng vị tha của tôi nghĩa là tôi đang giúp chính mình. Vì thế, sự lựa chọn sẽ hướng đến những người có xu hướng vị tha ở mức độ nào đó. Bị giới hạn bởi các nguồn lực, chúng ta không thể giúp đỡ tất cả mà phải đánh giá mức độ rủi ro của mỗi người, và sẽ có một số người ít rủi ro hơn những người khác. Một lần nữa Nghịch lý chủ nhà băng lại xảy ra: Những người nguy khốn nhất lại ít có cơ may được giúp đỡ nhất, và thế là người giàu càng giàu thêm. Nhưng không phải khi nào cũng vậy, có những người bạn lúc sóng êm biển lặng giả vờ tỏ ra vị tha, nhưng khi trời nổi giông bão thì họ chẳng buồn cứu giúp chúng ta. Ngược lại, những người bạn thực sự là những người luôn bảo vệ lợi ích của chúng ta mà không hề đòi hỏi sự đền đáp. “Những bạn bè xấu thường đeo mặt nạ trung thành”, Tooby và Cosmides phân tích, “ Nếu bạn sống ở thời nguyên thủy và không có ai quan tâm sâu sắc đến lợi ích của bạn, khi đó bạn rất dễ bị tổn thương trước các sự kiện bất ngờ – trở thành con tin của số mệnh.” Môi trường sống càng tồi tệ, càng cần thiết phải có những người bạn thực sự, và trong quá khứ, môi trường sống của con người không hề giống một chuyến dã ngoại êm đềm.
Tiến hóa là một quá trình chọn lọc theo khả năng thích nghi và hành xử theo Nghịch lý chủ nhà băng, trong đó chúng ta phải (1) cố gắng để được những người xung quanh ghi nhận sự thành thực và đáng tin cậy, (2) trau dồi những thuộc tính được ưa chuộng nhất trong cộng đồng, (3) tham gia những hoạt động cộng đồng nhằm nhận diện và củng cố những thuộc tính thiên về xã hội, (4) tránh những hoạt động cộng đồng gây mất uy tín và để lại tai tiếng, (5) chú ý đến những đặc điểm đáng tin cậy ở người khác và (6) rèn khả năng phân biệt bạn bè chân thành và bạn bè hời hợt. Vì thế, Tooby và Cosmides kết luận, Nghịch lý chủ nhà băng, giải thích cho vấn đề thuộc lĩnh vực tâm lý học tiến hóa: “Nếu bạn có tầm quan trọng đặc biệt hoặc duy nhất với ai đó – dù vì bất cứ lý do nào – người đó cũng sẽ có sự quan tâm trên mức thông thường đối với sự tồn tại của bạn khi gặp khó khăn. Sự quan tâm ấy khiến người đó trở nên quan trọng với bạn. Lý do ai đó “đầu tư” vào bạn chính là vì bạn cũng “đầu tư” vào người đó. Hơn nữa, khi nhận ra điều này ở mức độ nào đó, có thể sự quan tâm ban đầu họ dành cho bạn sẽ gia tăng.” Với sự gia tăng này, người nghèo có thể trở nên giàu có nhờ sự phát triển nền tảng tình bạn.
***
Năm 1859, Charles Darwin xuất bản cuốn Nguồn gốc các loài. Cuốn sách gây tranh cãi đến mức vào năm 1861, Hiệp hội vì tiến bộ khoa học Anh phải dành một phần đặc biệt trong cuộc họp thường niên thảo luận về nó. Người ta trao đổi, phân tích tốt xấu, và có ý kiến gay gắt chỉ trích cuốn sách của Darwin quá nhiều lý thuyết và ông chỉ nên “đưa ra dẫn chứng và để chúng yên”. Nhà kinh tế chính trị và hoạt động xã hội Henry Fawcett - người bạn đồng thời là đồng sự của Darwin – đã viết thư cho ông sau cuộc họp, miêu tả thái độ tiếp nhận của giới khoa học với học thuyết này (Darwin thường không tham dự những sự kiện như vậy vì lý do sức khỏe yếu và bận bịu gia đình). Darwin đã trả lời Fawcett, giải thích mối quan hệ khăng khít giữa lý thuyết và thực tiễn:
Khoảng ba mươi năm trước, có nhiều tranh luận cho rằng các nhà địa chất chỉ được phép quan sát chứ không phát triển thành lý thuyết, và tôi nhớ rõ có người đã nói cứ đà này thì con người chỉ có cách xuống mồ đếm cát sỏi và mô tả màu sắc của chúng. Thật kỳ lạ nếu ai đó không thấy bất cứ quan sát nào cũng phải nhằm ủng hộ hoặc phản biện một quan điểm nào đó, nếu muốn nó có ích.
Tôi đã dùng câu nói này để minh họa trong bài báo đầu tiên viết cho cho tạp chí Scientific American, trong đó tôi phát triển nó thành một nguyên tắc mang tên Châm ngôn của Darwin, thể hiện ở ý sau cùng: bất cứ quan sát nào cũng phải nhằm ủng hộ hoặc phản biện một quan điểm nào đó, nếu muốn nó có ích.
Châm ngôn của Darwin trở thành triết lý khoa học của cuốn sách này:
nếu muốn các quan sát trở nên hữu ích, chúng phải được kiểm chứng trước một quan điểm nào đó – luận đề, mô hình, giả thuyết hay kiểu mẫu. Các sự kiện không thể tự phát ngôn nên chúng cần được giải mã qua lăng kính ý tưởng, vì nhận thức dựa trên quan niệm.
Khoa học là sự kết hợp tuyệt vời giữa số liệu và lý thuyết – giữa nhận thức và quan niệm – chúng cùng nhau tạo thành nền tảng vững chắc của khoa học, công cụ mạnh nhất con người tạo ra nhằm tìm hiểu sự vận hành của thế giới. Nếu không còn tách rời lý thuyết, quan niệm với số liệu, nhận thức chúng ta sẽ đạt đến cách nhìn nhận khách quan của Archimede – nhìn bằng đôi mắt của Chúa – về bản thân và thế giới.
Trong cuốn sách này tôi sẽ phản bác một quan điểm đáng mỉa mai cho rằng Darwin và học thuyết của ông không có chỗ đứng trong lĩnh vực khoa học xã hội, đặc biệt khi nghiên cứu về hành vi xã hội và kinh tế của con người. Trong khi nhiều nhà khoa học kịch liệt phản đối việc đưa Thuyết sáng tạo hay Thuyết thiết kế thông minh vào giảng dạy trong giờ Sinh học tại các trường công, đồng thời điên đầu vì tình trạng giáo dục khoa học thảm hại và số lượng ít ỏi những người chấp nhận học thuyết của Darwin (chưa đầy một nửa dân số Mỹ tin vào sự tiến hóa của con người), hầu hết các nhà khoa học khác – chủ yếu là các nhà khoa học xã hội – đã lên án bằng tất cảm xúc mãnh liệt dành cho Đấng sáng tạo nhằm chống lại nỗ lực đưa tư tưởng tiến hóa vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội và tâm lý. Giờ đây chúng ta có thể hiểu nguyên nhân của sự phản đối này – chính sự cân bằng trong thuyết tiến hóa và các quan điểm cực đoan về di truyền đã dẫn đến những cuộc thanh sát người thiểu năng trí tuệ tại Mỹ, và khiến Đức Quốc xã tạo ra Thuyết ưu sinh - nguồn gốc của sự thảm sát người Do Thái. Do đó, các nhà khoa học xã hội sau Thế chiến II đã phản đối mọi ý tưởng dùng quan điểm tiến hóa để nghiên cứu hành vi con người, và chỉ tập trung đưa ra những giải thích thiên về văn hóa-xã hội.
Tôi cũng sẽ tranh luận về học thuyết Con người kinh tế, xem con người như những thực thể kinh tế vô cùng duy lý, có tính tư lợi và tự do ý chí luôn sống ích kỷ, chạy theo lợi ích tối đa và biết cách đưa ra lựa chọn hiệu quả. Khi quan điểm tiến hóa và các lý thuyết tâm lý học hiện đại được sử dụng để nghiên cứu hành vi con người trên thị trường, chúng ta sẽ thấy học thuyết Con người kinh tế – hòn đá tảng của kinh tế học truyền thống – thường sai lầm và thiếu thuyết phục một cách đáng tiếc. Hóa ra, con người là những sinh vật cực kỳ bất duy lý, và những cảm xúc sâu thẳm, vô thức được tiến hóa cùng thời gian vĩnh hằng chi phối con người ngang bằng (thậm chí nhiều hơn) so với những logic và lý trí hình thành trong thế giới hiện đại.
Quan điểm thứ ba tôi không đồng tình, vốn được nhà sử học người Anh Thomas Carlyle đưa ra 1849, xem kinh tế học như một “khoa học ảm đạm”. Suốt một thế kỷ rưỡi sau đó, hầu hết mọi người đều nghĩ về kinh tế học như
thế, chỉ thấy nó là một lĩnh vực loay hoay trong những mô hình toán học, phân tích tài chính và xem con người về mặt lý thuyết giống như những cỗ máy cực kỳ duy lý và ích kỷ. Thực tế, khi xem xét cả ba quan điểm này, chúng ta sẽ thấy kinh tế học không hề ảm đạm. Trước hết, nó đang trải qua cuộc cách mạng vĩ đại nhất kể từ khi được Adam Smith đặt nền móng vào năm 1776 bằng tác phẩm Sự giàu có của các quốc gia. Sự giao thoa với các lĩnh vực khác đã thổi làn gió mới vào môn khoa học cũ kỹ này, hình thành nên kinh tế học tiến hóa, kinh tế học hỗn hợp, kinh tế học hành vi, kinh tế học thần kinh và một khái niệm tôi gọi là kinh tế học đạo đức. Thứ hai, quan trọng hơn, con người, các doanh nghiệp, các quốc gia luôn có mối quan tâm sâu sắc về tài chính. Về phương diện này, kinh tế học không hề ảm đạm. Hãy thử xếp hai người cấp tiến và hai người bảo thủ vào cùng một phòng, đề nghị họ tranh luận sòng phẳng về các vấn đề kinh tế như chăm sóc sức khỏe toàn cầu, tư nhân cung cấp dịch vụ công cộng, lợi – hại của vốn hỗ trợ nước ngoài, hay những ưu điểm tương đối của việc đánh thuế ngang bằng và đánh thuế lũy tiến, bạn sẽ thấy không khí tranh luận trở nên nóng bỏng chứ không hề ảm đạm.
***
Tôi đã dành ba mươi năm trong cuộc đời nghiên cứu khoa học để tìm hiểu những vẫn đề gây tranh cãi như tiến hóa, sáng thế, sự nóng lên toàn cầu, thảm sát, phân biệt chủng tộc qua chỉ số IQ, phân biệt chủng tộc trong thể thao, phân biệt giới tính qua khả năng nhận thức, những giả thuyết về âm mưu đằng sau các sự kiện Trân Châu Cảng, 11 tháng 9, vụ ám sát JFK, RFK và MLK, các loại dược phẩm thay thế và bổ sung, sự đầu thai chuyển kiếp và cả về Chúa trời, tôn giáo. Tôi nhận thấy khi bị chọc giận, kinh tế học cũng dễ xúc động không thua kém gì các khoa học khác. Nếu cần sự đánh giá khách quan về các sự việc – nhất là khi các sự việc không thể tự phát ngôn – chúng ta có thể đến với kinh tế học. Sự cần thiết nghiên cứu quy luật về hành vi con người trong kinh tế cũng giống như việc các nhà vật lý, hóa học, sinh học phải nghiên cứu các quy luật tự nhiên; và bởi kinh tế học là lĩnh vực được hầu hết mọi người dành tình cảm, khi nghiên cứu nó chúng ta phải cố gắng không chế giễu, than phiền hay khinh bỉ những hành vi của con người mà phải thấu hiểu chúng. Cho phép tôi giải thích lý do tôi bước chân vào lĩnh vực này.
Giữa những năm 1970, thời điểm mà phe tự do đang thắng thế trên lĩnh vực học thuật, tôi trở thành sinh viên Đại học Pepperdine – một trường đại học Công giáo theo khuynh hướng bảo thủ. Tôi đăng ký vào đây vì bản thân tôi theo đạo Thiên chúa giáo dòng Phúc âm, có nguyện vọng trở thành giảng viên đại học, và thần học có lẽ là lĩnh vực phù hợp nhất vì Đại học Pepperdine có Khoa Thần học rất nổi tiếng (việc ngôi trường đặt trên những ngọn đồi Malibu khổng lồ, nhìn ra Thái Bình Dương cũng không hề gì). Tôi
sớm biết để trở thành tiến sỹ thần học, cần phải thành thạo bốn tử ngữ – Hebrew, Hi Lạp, Latin và Xyri. Với tôi, học tiếng Tây Ban Nha đã đủ khó khăn, thế nên sự lựa chọn nghề nghiệp này quả là không ổn. Khi các thầy cảnh báo tôi về tương lai mờ mịt của ngành thần học và cha mẹ bắt đầu lo lắng không biết sau này tôi sẽ kiếm sống bằng nghề gì, tôi quyết định chuyển sang lĩnh vực tâm lý học, nơi tôi khám phá những ngôn ngữ của khoa học và đã thành công. Thần học dựa trên những câu hỏi logic, tranh luận triết học và phản biện văn chương. Khoa học lại dựa vào những dữ liệu kinh nghiệm, phân tích thống kê và xây dựng lý thuyết. Với lối tư duy của tôi, khoa học phù hợp hơn nhiều.
Tôi biết đến kinh tế học lần đầu tiên vào năm cuối đại học, khi thấy nhiều sinh viên trong khoa Tâm lý cùng đọc một cuốn sách dày cộp mang tên Atlas nhún vai, tác phẩm của tiểu thuyết gia-triết gia Ayn Rand. Tôi chưa từng nghe tên cuốn sách cũng như tác giả, vả lại độ dài đáng sợ của nó khiến tôi nhiều tháng liền kiên quyết tránh xa bất chấp bao lời tán dương, cho đến khi sức ép xung quanh khiến tôi miễn cưỡng cầm nó lên. Khó khăn và kiên nhẫn lắm tôi mới vượt qua được mấy trăm trang đầu tiên, cũng là lúc câu chuyện về chàng trai bí ẩn dám làm ngưng động cơ của thế giới thực sự lôi cuốn tôi, khiến tôi say mê lướt qua hàng ngàn trang sách.
Giống như nhiều người, tôi đánh giá rất cao tác phẩm Atlas nhún vai. Năm 1991, Thư viện Quốc hội phối hợp với Câu lạc bộ Cuốn sách của tháng tiến hành khảo sát độc giả về những cuốn sách “tạo nên sự khác biệt” trong cuộc đời họ. Kết quả, Atlas nhún vai xếp thứ hai chỉ sau Kinh Thánh. Triết lý chủ nghĩa khách quan của Rand dựa trên bốn nguyên tắc cơ bản: (1) Siêu hình luận: Thực tế khách quan; (2) Nhận thức luận: Lý lẽ; (3) Đạo đức luận: Tính tư lợi; (4) Chính trị luận: Tư bản chủ nghĩa. Cho dù giờ đây tôi không còn đồng tình với việc bà coi tính tư lợi là đặc điểm của phạm trù đạo đức (khoa học đã chỉ rõ, ngoài tính ích kỷ, bon chen, tham lam, chúng ta còn có thể di dưỡng đức vị tha, tinh thần hợp tác và nhân ái), cuốn sách của Rand thực sự đã đưa tôi đến chân trời rộng lớn của kinh doanh, thị trường và kinh tế học.
Tôi không dám chắc liệu những giá trị của kinh tế học nghiên cứu thị trường tự do và sự khắt khe về tài chính đã thuyết phục tôi tin vào tính chân xác của chúng hay do tôi có thiên hướng tương hợp với thế giới quan này. Có lẽ là cả hai, dù bạn nghĩ thế nào. Cha mẹ tôi chính là những người vô cùng khắt khe về tài chính song lại hết sức tự do về mặt xã hội. Là sản phẩm của cuộc Đại suy thoái, luôn mang trong mình nỗi ám ảnh “tái nghèo”, hai người đã bỏ dở đại học và làm việc cần mẫn cho đến cuối đời. Suốt thời thơ ấu, tâm trí tôi in hằn những nguyên tắc kinh tế khắt khe: làm việc chăm chỉ, đề cao trách nhiệm cá nhân, tính tự quyết, tự chủ về tài chính, chính quyền nhỏ gọn và thị trường tự do. Mặc dù cha mẹ tôi không hề sùng đạo (như
nhiều người bảo thủ ngày nay), họ vẫn hết sức hào hiệp giúp đỡ những người kém may mắn hơn – tham lam là tốt, nhưng nhân ái còn tốt hơn. Sau khi tốt nghiệp trường Pepperdine, tôi bắt đầu nghiên cứu sau đại học về tâm lý học thực nghiệm tại Đại học bang California, Fullerton. Lúc này, tôi đã từ bỏ niềm tin tôn giáo, trở nên say mê vẻ đẹp thế tục của thời đại Khai sáng, đắm mình trong những phương pháp nghiên cứu chặt chẽ và những chân lý nhất thời của khoa học. Nhưng hai năm huấn luyện những chú chuột để chúng nhấn vào các thanh theo đúng tần suất và cường độ của tác động, sự nhiệt tình tôi dành cho loại khoa học này ngày một hao mòn, và khao khát nghiên cứu thế giới thực càng lúc càng lớn dần. Tôi đến văn phòng tư vấn việc làm của trường và hỏi xem liệu tôi có thể làm được việc gì với tấm bằng thạc sỹ. Họ hỏi tôi: “Anh được đào tạo để làm gì?” Tôi trả lời chua chát: “Để huấn luyện chuột.” “Ngoài ra anh còn làm được gì nữa?” - họ căn vặn. “À”, tôi lục tìm trong trí nhớ, “tôi có thể nghiên cứu và viết lách.” Trong sổ giới thiệu việc làm có một công việc liên quan đến nghiên cứu và viết lách tại một tạp chí thương mại dành cho ngành công nghiệp xe đạp, thứ tôi hoàn toàn mù tịt. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là tham dự buổi họp báo do hãng Cycles Peugeout và Michelin Tires tổ chức nhằm vinh danh John Marino, tay đua chuyên nghiệp vừa phá kỷ lục đạp xe xuyên lục địa từ Los Angeles tới New York. Tình yêu thể thao lập tức bùng lên trong tôi, ngay cuối tuần đó tôi tham gia cuộc đua đầu tiên, và suốt hai năm tiếp theo tôi học hỏi về ngành xuất bản, các kiến thức kinh tế liên quan đến bán hàng, marketing và môn thể thao xe đạp. Tôi viết báo, bán quảng cáo và đạp xe tới những nơi xa nhất có thể. Cuối năm 1981, tôi rời tòa soạn, trở thành một tay đua chuyên nghiệp được nhận tài trợ của các công ty, đồng thời hưởng lương trợ giảng môn tâm lý học tại Đại học Glendale.
Một ngày vào năm 1981, sau buổi tập luyện dài, Marino kể với tôi về Andrew Galambos, một nhà vật lý đã nghỉ hưu, đang tổ chức các khóa học riêng tại Viện Doanh nghiệp Tự do, dưới vỏ bọc mang tên “khoa học lý trí”. Khóa học nhập môn có mã số V-50. Buổi học Econ 101 bàn về thị trường tự do, về thế giới mạnh mẽ, đầy sức sống, phân rõ trắng đen, trong đó Adam Smith tốt, Karl Marx xấu; sở hữu tư nhân tích cực, sở hữu tập thể tiêu cực; nền kinh tế tự do hiệu quả, nền kinh tế hỗn hợp phi hiệu quả. Khóa học này rất nổi tiếng ở quận Cam, bang California (hàng xóm của tôi ở Los Angeles thường gọi đây là “Bức màn Cam”), đây cũng là thời điểm Ronald Reagan đắc cử tổng thống và đường lối bảo thủ đang thắng thế. Trong khi Rand ủng hộ sự can thiệp có giới hạn của nhà nước, Galambos lại chủ thuyết tư nhân hóa tất cả tài sản xã hội nhằm khiến nhà nước trở nên không cần thiết và tự tiêu biến. Tài sản được Galambos phân chia thành ba loại: nguyên thủy (bản thân cuộc sống con người), sơ cấp (suy nghĩ, ý tưởng) và thứ cấp (phát sinh từ tài sản nguyên thủy và sơ cấp, ví dụ quyền sử dụng đất và hàng hóa hữu
hình). Do đó, Galambos định nghĩa chủ nghĩa tư bản như “một cấu trúc xã hội có khả năng bảo vệ tất cả các loại tài sản cá nhân một cách triệt để.” Vậy là, để nhận diện một xã hội tự do thực sự, chúng ta đơn giản chỉ cần “tìm ra phương thức thích hợp để hình thành chủ nghĩa tư bản.” Trong xã hội tự do này, chúng ta đều là các nhà tư bản.
Ý tưởng của Galambos không có gì lạ lùng trong lịch sử vận động, phát triển của chủ nghĩa tự do. Bản ngã lớn giúp ông thành công trong sự nghiệp giảng dạy nhưng cũng khiến ông có những phát ngôn thổi phồng cái tôi cá nhân, như khi ông chia tất cả các ngành khoa học thành ba loại: vật lý, sinh học và “khoa học lý trí”. Trí tuệ tuyệt với có thể khiến ông đạt đến đỉnh cao sáng tạo ở nhiều lĩnh vực học thuật, nhưng cũng thường khiến ông và học viên rối tung trong mâu thuẫn, như việc chúng tôi vừa phải cam kết không tiết lộ ý tưởng của ông ra ngoài, đồng thời lại được khuyến khích mời mọc thêm học viên. (“Bạn đăng kí đi, khóa học tuyệt lắm!” “Nó nói về cái gì thế?” “Cái này thì tôi không tiết lộ được!”) Ông còn có khả năng giảng bài say sưa hàng giờ liền mà không cần nhìn tài liệu, nhưng khi hai giờ kéo dài thành ba, rồi ba lại kéo thành bốn, người nghe cũng bắt đầu phát ngấy! Nghiêm trọng nhất, lý thuyết của ông không đảm bảo yêu cầu tiên quyết của một nguyên lý kinh tế: nó quá xa rời thực tế. Những định nghĩa ông nêu ra thật hay, thật tốt, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không thống nhất về hành vi xâm phạm quyền sở hữu? Hiển nhiên câu trả lời sẽ là: “Trong một xã hội thực sự tự do, tất cả những tranh chấp như thế sẽ được giải quyết êm thấm bằng trọng tài.” Điều có vẻ chỉ lý tưởng về mặt lý thuyết, không hơn không kém, nhưng cái tôi cần là những số liệu thu được từ các thực nghiệm xã hội được tiến hành ở thế giới thực tại.
Galambos có bảo trợ cho một nhà khoa học trẻ mang tên Jay Stuart Snelson, và tôi đã có cơ hội gặp anh ngay khi kết thúc khóa học V-50. Snelson từng giảng dạy tại Viện Doanh nghiệp Tự do, nhưng sau một trận cãi cọ với Galambos (trong hành xử xã hội, Galambos thường gây ra những sự cố như vậy, khiến Ayn Rand và các nhà tự do chủ nghĩa hàng đầu khác rất phiền lòng) Snelson tự mình lập ra Học viện vì sự tiến bộ của con người. Nhằm tránh xa Galambos và hướng đến gần kinh tế học chính thống hơn, Snelson đã dựa vào danh tiếng của Trường Kinh tế Áo, nhất là các trước tác của nhà kinh tế học người Áo nổi tiếng Ludwig von Mises. Thông qua hàng loạt các nguyên lý kinh tế và ví dụ lịch sử, Snelson đã chứng minh thị trường tự do tư bản chủ nghĩa chắc chắn là phương tiện hiệu quả nhất để thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng, tự do và việc tư nhân hóa giáo dục, giao thông, liên lạc, y tế, an ninh và vô số lĩnh vực khác sẽ đem lại lợi ích lớn nhất cho đại đa số người dân.
Thời gian này tôi, Marino và một người bạn cùng đội đua tên là Lon Haldeman đã kinh doanh niềm đam mê đạp xe bằng cách lập ra Cuộc đua
xuyên châu Mỹ – một cuộc đua xe đạp xuyên lục địa dài gần năm ngàn ki-lô mét không nghỉ. Chúng tôi nhận được sự tài trợ từ nhiều công ty và ký hợp đồng với hãng ABC Sports. Vài lần xuất hiện trên chương trình Thế giới thể thao giúp tôi đủ nổi tiếng và tự tin mở một cửa hàng xe đạp tại Arcadia, bang California mang tên Shermer Cycles. Tôi cũng trau dồi sự nghiệp dạy học bằng cách mở các khóa học mới về Thuyết tiến hóa và Lịch sử các tư tưởng kinh tế tại Đại học Glendale.
Tôi cũng lập ra một nhóm đọc sách và thảo luận hàng tháng mang tên “Hội Mặt trăng” – đặt theo nhóm nghiên cứu nổi tiếng hồi thế kỷ XVIII Hội Mặt trăng Birmingham. Nhóm này tập trung thảo luận những cuốn sách như Hành vi con người, chính nó đã truyền cảm hứng cho tôi hướng đến mục tiêu cao cả mà tác giả Ludwig von Mises đặt ra: “Chúng ta phải tìm hiểu quy luật về hành vi con người và sự tương tác trong xã hội giống như các nhà vật lý tìm hiểu quy luật của tự nhiên”. Tôi gọi đây là Châm ngôn của Mises, đó chính là một trong hai nguyên tắc định hướng cho tư duy của tôi khi viết cuốn sách này.
Năm 1987, tôi quyết định từ bỏ những cuộc đua xe đạp để hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh, với mong muốn đem những ý tưởng của mình đóng góp cho đời. Tôi chuyển lĩnh vực nghiên cứu từ tâm lý học sang lịch sử, và năm 1991 tôi lấy được tấm bằng tiến sỹ lịch sử khoa học tại Đại học Claremont. Tôi bắt đầu giảng dạy tại Đại học Ocidental, một trường chuyên về nghệ thuật tự do, niên khóa bốn năm, tại Los Angeles. Từ đó, tôi quan tâm đến những vấn đề khoa học lớn lao hơn, đặc biệt là nguy cơ của sự phản khoa học và bất duy lý trong xã hội ngày nay. Năm 1992, cùng với Kim – vợ tôi – và họa sỹ Pat Linse, tôi thành lập Hội Hoài nghi, xuất bản tạp chí Hoài nghi, và cùng nhau tham gia giảng dạy nhiều chuyên đề tại Học viện Công nghệ California.
Phương châm của Hội Hoài nghi là kim chỉ nam thứ hai cho cuốn sách này, bắt nguồn từ bài luận của Baruch Spinoza, triết gia người Hà Lan, viết năm 1667 trước khi qua đời, Tractatus Politicus, trong đó ông giải thích phương pháp nghiên cứu những môn khoa học mang nhiều yếu tố cảm xúc như chính trị và kinh tế.
Tôi nghiên cứu đối tượng của những môn khoa học này với tinh thần tự do giống như trong toán học, tôi cần mẫn làm việc không phải để chê bai, than vãn hay lên án những hành vi của con người mà để thấu hiểu chúng; và vì thế tôi nghiên cứu những cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố, ghen ghét, tham vọng, tiếc nuốc không phải để chứng tỏ sự đồi bại của bản chất con người mà xem chúng như những thuộc tính cố hữu của con người, giống như nóng, lạnh, sấm, chớp là bản chất của tự nhiên vậy.
Diễn đạt súc tích hơn, điều cốt lõi tác giả muốn nói là: “Tôi miệt mài nghiên cứu không phải để nhạo báng, kêu ca hay khinh bỉ những hành vi của
con người, mà để hiểu được chúng.” Tôi nâng câu nói này lên thành Cách ngôn của Spinoza, coi đó là chuẩn mực cần hướng đến khi nghiên cứu các vấn đề nặng về cảm tính trong khoa học, tôn giáo và đạo đức. Điều này thể hiện rất rõ trong bộ ba tác phẩm của tôi: Vì sao con người tin những chuyện hoang đường, Cách thức của đức tin và Khoa học về Thiện và Ác. Khi nghiên cứu kinh tế học tiến hóa, tôi cũng luôn tâm niệm điều này. Vì thế, kinh tế học dành cho tất cả chúng ta.
D
1
Bước nhảy vọt
ọc bờ sông Orinoco, ranh giới giữa Brazil và Venezuela, có bộ tộc Yanomamö sinh sống bằng nghề săn bắt-hái lượm với mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm ước tính chỉ vào khoảng 100 đô-la.
Nếu bạn đến thăm một ngôi làng của người Yanomamö và đếm số công cụ bằng đá, giỏ, mũi tên, cung tên, chỉ sợi, võng dệt bằng dây leo, ấm đất, dược thảo, vật nuôi, đồ ăn, vải vóc và những thứ tương tự như thế, bạn sẽ thu được con số chừng ba trăm. Hơn mười ngàn năm trước, với số tài sản này, bất kỳ ngôi làng nào trên trái đất cũng có thể được coi là giàu có. Nếu như loài người có lịch sử 100 ngàn năm thì ngót 90 ngàn năm chúng ta sống với điều kiện kinh tế giản đơn như vậy.
Dọc bờ sông Hudson, ranh giới giữa New York và New Jersey, những người tiêu dùng và thương nhân Manhattan đang sinh sống với mức thu nhập hàng năm ước tính lên tới 40.000 đô-la. Nếu bạn đến Manhattan và đếm những sản phẩm bày bán tại các cửa hiệu, nhà hàng, đại lý, siêu thị, bạn sẽ thu được con số khoảng mười tỷ. Đây là một cách so sánh dị thường, lần đầu tiên được nhà Eric Beinhocker đưa ra trong nghiên cứu toàn diện Nguồn gốc của giàu có. Đã có một biến chuyển nào đó trong mười ngàn năm trở lại đây, khiến thu nhập của những người săn bắt, hái lượm tăng lên bốn trăm lần.
Nhưng con số này sẽ hoàn toàn lu mờ nếu ta so sánh đời sống của những người săn bắt-hái lượm với những người tiêu dùng và thương nhân qua số lượng hàng hóa.
Để đo lường thông số này, kinh tế học hiện đại sử dụng đơn vị hàng tồn kho (Stock Keeping Units – SKUs) để tính số hàng hóa sẵn có ở một cửa hàng. Theo thống kê, mỗi ngày có bảy trăm loại hàng hóa mới được tung ra thị trường, tương đương với một phần tư triệu loại mỗi năm. Năm 2005, chỉ riêng lĩnh vực thực phẩm và đồ gia dụng đã xuất hiện thêm 26.893 loại hàng hóa mới, trong đó bao gồm 187 loại thực phẩm làm từ ngũ cốc dùng cho bữa sáng, 303 loại nước hoa phụ nữ và 115 loại sản phẩm khử mùi. Giữa con số ba trăm SKUs của bộ tộc Yanomamö và mười tỷ SKUs của cư dân Manhattan có sự chênh lệch lên đến 33 triệu lần.
Sự khác biệt 400 lần về thu nhập và 33 triệu lần về lượng hàng hóa quả là không còn lời nào để tả. Để hiểu được sự chênh lệch quá khập khiễng này, cần phải lấy một ví dụ tương tự. Ngược lại với khoảng cách thu nhập, bề
ngang rộng nhất của hòn đảo Manhattan chỉ vẻn vẹn 3,7 ki-lô-mét, bạn hoàn toàn có thể đi hết quãng đường này trong vòng chưa đầy một giờ, vừa đi vừa ngắm các cửa hiệu và các tòa nhà chọc trời. Nhân con số này với 400 bạn sẽ có 1.480 ki-lô-mét, dài hơn một chút so với khoảng cách từ New York tới Atlanta, nếu đi bộ với tốc độ vừa phải, không ngừng nghỉ, bạn phải mất 261 giờ (10,9 ngày) để vượt qua quãng đường này. Sự khác biệt còn rõ rệt hơn nữa khi chúng ta so sánh thông qua SKUs. Chiều dài Manhattan là 21,5 ki lô-mét. Nhân con số này với 33 triệu, con số thu được sẽ là 709.500.000 ki lô-mét, xấp xỉ khoảng cách từ Trái Đất đến Sao Mộc khi hai hành tinh này đang quay trên quỹ đạo và ở cùng phía so với mặt trời. Để đi bộ hết chiều dài thành phố Manhattan bạn chỉ cần một ngày nhưng một phi hành gia, dù bay với tốc độ khủng khiếp lên đến trên 51.000 ki-lô-mét một giờ, cũng cần một năm rưỡi mới tới được Sao Mộc.
Đây quả thực là một bước nhảy vọt, có thể so sánh với sự tiến hóa của động vật đi bằng hai chân, sự phát triển của đại não và ý thức; nó có ý nghĩa lớn lao giống như sự phát minh ra lửa, ngành in ấn và Internet; đồng thời cũng xứng đáng xếp ngang hàng với các cuộc Cách mạng Nông nghiệp, Cách mạng Công nghiệp và Cách mạng Số. Bước nhảy vọt này không diễn ra dần dần. Số liệu cho thấy mức thu nhập bình quân hàng năm tương đương 100 đô-la chỉ được nâng lên khoảng 150 đô-la vào năm 1000 trước Công nguyên – cuối thời đồ đồng và vào thời vua David. Con số này cũng không qua khỏi mốc 200 đô-la cho đến sau năm 1750, khi Cách mạng Công nghiệp bắt đầu manh nha. Nói cách khác, phải mất đến 97 nghìn năm để đưa mức thu nhập bình quân hàng năm của loài người từ 100 lên 150 đô-la, và mất thêm 2.750 năm nữa để chạm mốc 200 đô-la, nhưng cuối cùng, chỉ trong vòng 250 năm, con số này đã vọt lên 6.600 đô-la trên toàn thế giới – đối với những người giàu nhất tại các nước giàu nhất, sự thay đổi thậm chí còn ngoạn mục hơn nhiều. Nếu thu gọn quãng thời gian 100 nghìn năm đó vào một năm, 250 năm thịnh vượng của loài người chưa dài bằng một ngày. Nếu thu gọn cả một trăm thiên niên kỷ đó trong 24 tiếng đồng hồ, kỷ nguyên sản xuất công nghiệp và kinh tế thị trường của chúng ta mới tồn tại chưa đến 3,6 phút. Nói khác đi, thời đại chúng ta đang sống và coi nó bình thường như thế giới vốn có, thực chất chỉ là góc phần tư của một phần trăm lịch sử nhân loại.
Tại sao và bằng cách nào con người tạo nên bước nhảy vọt về kinh tế như vậy? Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này thông qua phương pháp và kết quả nghiên cứu của nhiều lĩnh vực khoa học mới về tiến hóa, bao gồm lý thuyết phức hợp, tâm lý học tiến hóa, kinh tế học hành vi, kinh tế học thần kinh và kinh tế học đạo đức. Phải vận dụng tất cả những môn khoa học mới này, kết hợp với các khoa học truyền thống khác, chúng ta mới mong giải đáp được câu hỏi mà cho đến nay vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất của thời đại.
Để đơn giản hóa, tôi sẽ gộp chung các môn khoa học này vào nhóm Kinh tế học tiến hóa – nghiên cứu kinh tế dưới góc độ một hệ thống thích nghi và tiến hóa phức tạp mang những bản năng của con người qua quá trình tiến hóa để thích nghi và tồn tại như một động vật xã hội kể từ thời đồ đá. Đây là cách diễn đạt hoa mỹ việc xem nền kinh tế như một hệ thống phức tạp đã thay đổi và thích nghi với hoàn cảnh trong quá trình tiến hóa từ những hệ thống giản đơn hơn; việc suốt 90 ngàn năm đầu tiên, con người sống bằng săn bắt, hái lượm và tụ tập thành những bầy đàn nhỏ; và chính môi trường này đã hình thành nên trong chúng ta những tâm lý không mấy đầy đủ để hiểu và sống trong thế giới hiện đại. Thực chất, nhằm giải thích bước nhảy vọt của lịch sử nhân loại, tôi sẽ giải quyết ba vấn đề liên quan đến vấn đề: thị trường – như một thực thể sống có khả năng tư duy độc lập.
1. 1. Quá trình hình thành một thị trường có tư duy – hay, các nền kinh tế đã tiến hóa ra sao từ săn bắt-hái lượm đến tiêu dùng-buôn bán.
2. 2. Cách thức thị trường tư duy – hay, phương thức nào bộ não của con người, vốn tiến hóa để phù hợp với nền kinh tế săn bắt-hái lượm, nay phải thích nghi để điều hành thị trường tiêu dùng-buôn bán.
3. 3. Tính đạo đức của thị trường có tư duy – hay, cách thức các xúc cảm đạo đức tiến hóa nhằm giúp chúng ta hợp tác và tạo điều kiện cho thương mại công bằng, tự do.
Đây quả là một vấn đề hết sức nan giải.
***
Từ khi tham gia khóa thiên văn học vào năm đầu đại học, tôi nhận thấy cả cộng đồng khoa học lẫn xã hội nói chung có xu hướng xếp loại khoa học thành những lĩnh vực từ “khó” (các môn khoa học tự nhiên như thiên văn học, vật lý, hóa học) đến “trung bình” (các môn sinh vật học như giải phẫu học, sinh lý học, động vật học) và “dễ” (các môn khoa học xã hội như tâm lý học, xã hội học, nhân chủng học). Lịch sử thậm chí không được coi là một môn khoa học, còn kinh tế học thì chật vật trong một lãnh địa học thuật riêng. Và như thường thấy ở các bảng xếp hạng, thứ tự trên đồng thời đánh giá tầm quan trọng của các môn khoa học, trong đó các môn khoa học khó là quan trọng nhất còn các môn khoa học dễ là ít quan trọng nhất, và kèm theo đó là mức độ trọng thị và ủng hộ tương ứng. Nhưng, nhờ được đào tạo cả về lĩnh vực khoa học tự nhiên và sinh vật học, đồng thời có kiến thức tổng quát cùng kinh nghiệm thực tế ở lĩnh vực khoa học xã hội, tôi luôn cảm thấy thứ tự xếp hạng này cần được đảo lại.
Khoa học tự nhiên khó ở chỗ các công thức tính toán cực kỳ phức tạp,
song đối tượng nghiên cứu của nó dễ nắm bắt và luận giải hơn nhiều so với thế giới sự sống và các hệ sinh thái đan xen chặt chẽ, phức tạp. Nhưng xây dựng lý thuyết sinh vật học – một trong những vấn đề nan giải nhất của lĩnh vực khoa học nghiên cứu sự sống – cũng vẫn thua xa về mức độ phức tạp so với nghiên cứu trí não con người và xã hội. Theo quan điểm của tôi, khoa học xã hội là lĩnh vực khoa học khó, vì đối tượng nghiên cứu của nó phức tạp và đa dạng hơn rất nhiều.
Trong lĩnh vực thần kinh học, nghiên cứu ý thức từ lâu đã được xem là “vấn đề khó khăn”. Không dễ gì giải thích cách thức hàng tỷ neuron riêng lẻ tập hợp lại để tạo thành ý thức, khoa học gọi là “xã hội của trí tuệ”. Một vấn đề khó hơn nữa – tôi gọi là bài toán hóc búa – khoa học giải thích như thế nào về cách thức hàng tỷ con người riêng lẻ hình thành nên một hiện tượng tập thể mang tên văn hóa, hay “xã hội của văn hóa”, và thể chế kinh tế, chính trị nào nên được sử dụng nhằm đạt đến sự hài hòa về xã hội?
Khi loài người chuyển từ đời sống săn bắt-hái lượm sang tiêu dùngbuôn bán, các nhóm người đã tiến hành hàng trăm cuộc thực nghiệm xã hội nhằm giải bài toán hóc búa trên. Các bầy đàn, thị tộc, bộ lạc, nhà nước, đế chế đã lần lượt ra đời. Các chế độ thần quyền, tài phiệt, quân chủ và dân chủ đã được thử nghiệm. Các tư tưởng trung thành với bộ lạc, trung ương tập quyền, xã hội chủ nghĩa và nay là toàn cầu hóa không ngừng nối tiếp nhau. Từ chỗ không có thương mại tiến tới thương mại công bằng và thương mại tự do, dường như các trật tự kinh tế đã không ngừng hoán vị, với mức độ thành công khi nhiều khi ít. Suốt hàng thiên niên kỷ, các triết gia và học giả thuộc mọi tầng lớp, từ khắp mọi nơi trên thế giới đã nỗ lực giải quyết bài toán hóc búa này song không đạt được nhiều đồng thuận. Liệu khoa học hiện đại có làm tốt hơn?
***
Tiến hóa là một quá trình phức tạp thể hiện qua các hành vi giản đơn của các thực thể nhằm tồn tại và duy trì nòi giống. Nền kinh tế là các hệ thống phức tạp thể hiện qua hành vi giản đơn của con người nhằm kiếm sống và nuôi dạy con cái. Vì thế, khi giải thích (1) các nền kinh tế đã tiến hóa ra sao từ săn bắt-hái lượm đến tiêu dùng-buôn bán, (2) làm sao để trí não con người, vốn tiến hóa để phù hợp với nền kinh tế săn bắt-hái lượm, nay phải điều hành thị trường tiêu dùng-buôn bán, và (3) cách thức các xúc cảm đạo đức tiến hóa nhằm giúp chúng ta hợp tác và tạo điều kiện cho thương mại công bằng, tự do; về thực chất chúng ta cần nghiên cứu (1) hành vi của thị trường và nền kinh tế, (2) sự vận hành của tâm lý con người trong thị trường và nền kinh tế , và (3) khía cạnh đạo đức của thị trường và nền kinh tế.
Sự tiến hóa và nền kinh tế không chỉ tương đồng đơn thuần, thực chất chúng là hai ví dụ khác nhau về cùng một hiện tượng bao quát hơn mang tên các hệ thống thích nghi phức tạp, trong đó mỗi yếu tố, bộ phận, thực thể hay
con người tương tác, trao đổi thông tin và thích nghi hành vi của mình với sự thay đổi điều kiện sống. Đây là các hệ thống luôn học hỏi và phát triển trong quá trình tiến hóa từ giản đơn đến phức tạp, đồng thời có tính tự xúc tác, nghĩa là chúng bao gồm các vòng phản hồi tự truyền động (giống như hệ thống phóng thanh tạo ra một vòng phản hồi giữa loa và micrô, khiến cường độ và âm lượng nhanh chóng tăng lên). Sau đây là một vài ví dụ về các hệ thống thích nghi phức tạp và những gì phát triển từ chúng, khi đặc tính tự xúc tác nội tại khiến chúng có khả năng tự tổ chức:
Sự sống thể hiện đặc tính tự tổ chức nổi bật của các hóa chất tiền sinh, được tập hợp theo một phương thức giúp chúng có khả năng tự duy trì, nhân bản và sinh sản.
Sự sống phức tạp thể hiện đặc tính tự tổ chức nổi bật của dạng sống giản đơn, khi các tế bào không nhân kết hợp với nhau tạo thành các tế bào nhân chuẩn phức tạp hơn – cơ thể chúng ta được cấu tạo bởi loại tế bào này – chúng bao gồm các hạt cơ quan từng là tế bào không nhân (chẳng hạn các ty lạp thể có DNA riêng).
Dạng sống đa bào thể hiện đặc tính tự tổ chức nổi bật của các dạng sống đơn bào, hợp nhất với nhau nhằm mục đích tồn tại và sinh sản. Miễn dịch thể hiện đặc tính tự tổ chức nổi bật của hàng tỷ tế bào trong hệ thống miễn dịch nhằm chống lại vi khuẩn và virus.
Ý thức thể hiện đặc tính tự tổ chức nổi bật của hàng tỷ neuron thần kinh hoạt động theo những cơ chế phức tạp của não bộ.
Ngôn ngữ thể hiện đặc tính tự tổ chức nổi bật của hàng ngàn từ ngữ phát ra trong giao tiếp giữa những người sử dụng ngôn ngữ.
Luật pháp thể hiện đặc tính tự tổ chức nổi bật của hàng nghìn phép tắc và cấm cản bất thành văn, qua thời gian được soạn thảo thành những luật lệ và quy tắc thành văn nhằm phù hợp với các xã hội ngày càng to lớn, phức tạp.
Nền kinh tế thể hiện đặc tính tự tổ chức nổi bật của hàng triệu con người theo đuổi lợi ích cá nhân mà không nhận ra chính họ đang tạo ra một hệ thống phức tạp, to lớn hơn.
Các hệ thống thích nghi phức tạp dường như được hình thành từ trên xuống dưới, song thực tế trong quá trình tiến hóa các đối tượng được xây dựng từ dưới lên thông qua sự thích nghi theo chức năng – nó sẽ hoạt động, tồn tại và tái sinh ra hình mẫu tương lai của sự sống và văn hóa. Từ những dạng sống sơ khai nhất trong chuỗi phức hợp, chúng ta chứng kiến sự tiến hóa bắt đầu từ khi các tế bào giản đơn hợp thành các tế bào phức tạp, cấu tạo nên các dạng sống đa bào, và từ đó hình thành các quần thể, đơn vị xã hội, ý thức, ngôn ngữ, luật pháp và nền kinh tế.
Trong các cơ thể sống, hệ thống thích nghi phức tạp của tiến hóa được định hướng bởi chọn lọc tự nhiên, hay chọn lọc bằng tích lũy biến dị. Những chữ cái do một con khỉ gõ ngẫu nhiên vào bàn phím máy tính sau hàng tỷ
năm cũng không thể trở thành Hamlet, hay đơn giản chỉ là “To be or not to be” (Sống hay không sống). Nhưng nếu thêm yếu tố chọn lọc tích lũy không ngẫu nhiên vào phương trình nhằm giữ lại những chữ gõ đúng và xóa bỏ những lỗi đánh máy:
wieTskewkOsdfeB92uE2OseRdl7jeNkseOdseTe3r22TsweOsxBwxseE… Lập tức các ký tự vô nghĩa trên trở thành:
TOBEORNOTTOBE…
Nhằm chứng minh sức mạnh của chọn lọc tích lũy, người bạn và là đồng nghiệp của tôi, Richard Hardison, đã viết một chương trình máy tính minh họa chính xác quá trình này, trong đó, các chữ cái được gõ ngẫu nhiên và được “lựa chọn” dựa trên câu thoại nổi tiếng của Shakespeare. Trung bình chỉ với hơn 90 giây và 335,2 lần thử, máy tính đã chọn xong các chữ cái hợp thành câu thoại đó, trong khi nếu kết hợp ngẫu nhiên, chúng ta sẽ cần khoảng 2613 lần thử. Nghiên cứu song song và độc lập với Hardison, Richard Dawkins đã thiết kế một hệ thống chọn lọc tích lũy theo câu thoại nổi tiếng khác của Shakespeare METHINKSITISLIKEAWEASEL (Tôi thấy nó giống con chồn). Sau này khi chúng tôi nhận ra sự trùng hợp về kết quả nghiên cứu, Dawkins đã viết như sau.
Nếu ai thấu hiểu tầm quan trọng tột bậc của phép chọn lọc tích lũy nghiêm ngặt trong học thuyết Darwin, khi đối diện với cuộc tranh luận về tính phi xác xuất của tiến hóa, hẳn sẽ nghĩ ngay đến loài khỉ nổi tiếng vốn thường được dùng làm ví dụ nhằm tăng kịch tính cho cuộc tranh luận này. Đây là cách mô phỏng hiển nhiên nhất nhằm giải thích cho những ai còn hồ nghi. Sự chọn lọc này có thể được minh họa dễ dàng qua một chương trình khá đơn giản mà cả tôi và Hardison đã thực hiện gần như cùng lúc vào năm 1984 và 1985. Xét về bề mặt, những con khỉ phiền toái kia đã gõ nên tác phẩm Hamlet trứ danh của Shakespeare. “To be or not to be” là câu thoại nổi tiếng nhất trong vở kịch đó. Lẽ ra tôi cũng chọn câu này, song tôi nghĩ cuộc đối thoại giữa Hamlet và Polonius về hình thù các đám mây hẳn sẽ là một lời giới thiệu ngắn gọn, vì thế tôi chọn câu “Me thinks it is a Weasel.”
Trong tự nhiên, đột biến gene ngẫu nhiên và sự kết hợp gene của cha mẹ trong con cái sẽ hình thành biến dị, chính quy trình chọn lọc biến dị thông qua sự tồn tại của chủ thể mang gene sẽ thúc đẩy quá trình tiến hóa. Quá trình chọn lọc có hướng và tự tổ chức này hình thành nên tính phức tạp và đa dạng của sự sống. Chính vì thế tiến hóa là hiện tượng mang tính tự tổ chức rõ rệt.
Sự tiến hóa của nền kinh tế vật chất cũng diễn ra theo cách tương tự thông qua quá trình sản xuất, chọn lọc rất nhiều biến dị của vô số sản phẩm. Mười tỷ sản phẩm ở Manhattan mới chỉ đại diện cho các biến dị khiến chúng được tung ra thị trường, vì thế luôn có một quá trình chọn lọc bởi chính các nhà sản xuất nhằm dự đoán đúng nhu cầu của thị trường. Khi những lựa
chọn này được đưa ra thị trường, quá trình chọn lọc tích lũy sẽ diễn ra để chọn lựa sản phẩm được ưa thích và đánh giá cao nhất về độ hữu dụng. Quá trình này được người tiêu dùng trên thị trường thực hiện thông qua “lá phiếu” bằng đồng đô-la, quyết định sản phẩm nào sẽ tồn tại: VHS thay thế Betemax, DVD thay thế VHS, đĩa CD thay thế băng từ, điện thoại nắp gập thay thế điện thoại “cục gạch”, máy tính thay thế máy đánh chữ, Google thay thế Altavista, xe hơi thể thao thay thế xe ngựa, sách in (vẫn) chưa bị sách điện tử thay thế và báo điện tử (sẽ sớm) thay thế mạng lưới thông tin truyền thống. Các sản phẩm được mua sẽ “tồn tại” và “sinh sôi” trong tương lai nhờ quá trình sử dụng và tái sản xuất lặp đi lặp lại.
Môi trường là không gian của sự tiến hóa. Thị trường là không gian của nền kinh tế. Giống như tự nhiên lựa chọn các biến dị thích hợp nhất tồn tại trong một môi trường đặc thù, con người cũng lựa chọn các hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tốt nhất mong muốn, nhu cầu của họ trong một thị trường nhất định. Cần lưu ý trong sự tiến hóa và nền kinh tế, không có một đấng sáng tạo từ trên cao bao quát toàn bộ hệ thống. Trong cuộc sống, không ai có quyền “lựa chọn” sự tồn tại hay tuyệt chủng của các sinh vật, dù đó là loài thú đẻ con hiền từ hay những tay đô tể phát xít Đức khoác áo bác sỹ. Tiến hóa là một quá trình bất khả tri giác và bất khả tiên liệu – không ai có thể biết trước sự thay đổi nào sẽ cần thiết để tồn tại. Về khía cạnh này, sự tiến hóa không tuyệt đối tương đồng với nền kinh tế, vì một số thể chế pháp luật ban hành từ trên xuống dưới thực sự cần thiết nhằm thiết lập cơ chế cho phép thương mại bình đẳng và tự do phát triển. Nhưng nếu can thiệp quá nhiều từ trên xuống, thị trường sẽ mất đi tính công bằng và tự do, điều này đã được minh chứng bằng những thất bại trong quá khứ, vì thị trường là một hệ thống vô cùng phức tạp, có tính tương tác và tự xúc tác. Năm 1922, trong cuốn Chủ nghĩa xã hội, Ludwig von Mises đã giải thích nguyên nhân của những thất bại trên, đáng lưu ý nhất là vấn đề “tính toán kinh tế” trong một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Dưới chủ nghĩa tư bản, giá cả liên tục và nhanh chóng thay đổi tùy theo quyết định từ dưới lên của các nhân tự do trao đổi trên thị trường; dưới chủ nghĩa xã hội, giá cả chậm thay đổi và được hình thành từ trên xuống theo mệnh lệnh của nhà nước. Tiền tệ giữ vai trò phương tiện trao đổi và giá cả chính là thông tin định hướng lựa chọn của người tiêu dùng. Chỉ thị trường tự do mới có khả năng xác định mức giá mà tại đó cả người mua và người bán đều hài lòng.
Các nghiên cứu cho thấy giá vé máy bay trên mạng Internet thay đổi hàng nghìn lần mỗi giờ khi khách hàng tìm kiếm mức giá hợp lý nhất cho cùng một đích đến. Các hãng hàng không sử dụng những phần mềm phức tạp để điều chỉnh giá vé dựa trên tương quan cung cầu trong từng chuyến bay, số ghế còn trống tại từng thời điểm và các biến số khác, hình thành nên “hệ thống định giá năng động.” Hãy hình dung một ủy ban nhà nước về giá
máy bay phải họp mỗi buổi sáng để tính toán giá vé cho một chuyến bay từ Greensboro, Bắc California tới Wichita, Kansas trên một số trong hàng chục chiếc phi cơ, không chỉ dựa trên cung cầu thị trường và số ghế trống mà còn phải xem xét cả giờ bay, loại máy bay, hạng vé, chi phí nhiên liệu, ưu đãi cho khách hàng thường xuyên, chiết khấu giá vé, cùng rất nhiều biến số khác, và phải thực hiện phép tính này cho hàng trăm ngàn khách hàng. Đây không phải một nhiệm vụ bất khả thi và một số nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã nỗ lực thực hiện, song việc làm này, giống như một chú chó chỉ có hai chân, thật khiếm khuyết, vụng về và hài hước đến đau lòng.
Một ví dụ khác cũng góp phần làm rõ luận điểm của tôi. Thật vô ích làm sao khi các nhân viên nhà nước cố gắng định giá từng cuốn trong số 170 nghìn đầu sách được xuất bản hàng năm và bày bán trên các trang web Amazon.com, BarnesandNoble.com, Buy.com, eBay, Half.com,… có tính đến sự khác biệt giữa sách bìa cứng và sách bìa mềm, chiết khấu nếu mua nhiều, chi phí vận chuyển tăng thêm nếu mua ít, và tất nhiên cũng giống như cách các hãng hàng không quy định giá vé, cần tính đến cả chế độ phân biệt giá; và sau cùng hãy thử nhân quá trình tính toán trên với hàng ngàn thị trường, ngành nghề, doanh nghiệp khác nhau, bạn sẽ thấy lý do hiển nhiên tại sao không một hệ thống điều tiết từ trên xuống nào có thể đáp ứng được tính nhạy bén về giá cả so với hệ thống giá cả thích nghi phức tạp từ dưới lên đang tồn tại hiện nay. Chỉ bằng cách để hàng triệu người mua, người bán liên tục và kịp thời thương lượng với nhau, chúng ta mới có thể định giá được hàng tỷ sản phẩm và hàng trăm triệu dịch vụ được cung ứng trong nền kinh tế hiện đại.
Cũng như đối với các cơ thể sống và hệ sinh thái, nền kinh tế thoạt nhìn giống như được bàn tay hữu hình sắp đặt, vì thế chúng ta thường suy ra rằng cần một đấng sáng tạo (nhà nước) từ trên cao nhìn xuống, bao quát mọi ngõ ngách của nền kinh tế. Nhưng cũng như các cơ thể sống được hình thành từ dưới lên do chọn lọc tự nhiên, nền kinh tế cũng được xây dựng từ dưới lên nhờ một “bàn tay vô hình.”
***
Trong suốt 90 nghìn năm đầu tiên của lịch sử loài người, chúng ta đã sống cuộc đời săn bắt-hái lượm, tụ họp thành những bầy đàn nhỏ từ vài chục đến vài trăm người, vì thế tâm lý chúng ta sau quá trình tiến hóa không phải lúc nào cũng sẵn sàng để thích nghi với cuộc sống hiện đại. Những gì được xem là phi lý ngày hôm nay lại là điều hợp lý vào 100 nghìn năm trước. Nếu không đứng trên quan điểm tiến hóa, giả định về Con người kinh tế sẽ hoàn toàn vô nghĩa. Hãy lấy lợi nhuận kinh tế và tâm lý thích công bằng làm thí dụ.
Các nhà kinh tế học hành vi đã tiến hành thí nghiệm mang tên Trò chơi tối hậu thư. Thí nghiệm này diễn ra như sau. Bạn được trao 100 đô-la để chia
sẻ với bạn cùng chơi. Bạn muốn phân chia theo tỷ lệ nào cũng được miễn người kia đồng ý. Khi đạt được đồng thuận, số tiền phân chia sẽ thuộc về các bạn. Bạn nên đề nghị như thế nào? Tại sao không đề nghị phân chia 90-10 nhỉ? Nếu người bạn cùng chơi duy lý, có tính tư lợi và có xu hướng tối đa hóa tiền bạc – giống như các giả thiết trong mô hình kinh tế chuẩn mực Con người kinh tế – hẳn anh ta sẽ không từ chối mười đô-la từ trên trời rơi xuống. Vậy mà anh ta sẽ từ chối! Nghiên cứu chỉ ra rằng các tỷ lệ phân chia chênh lệch hơn mức 70-30 thường sẽ không được đối phương chấp nhận.
Tại sao lại như vậy? Bởi vì những cách phân chia này không công bằng. Điều gì nhắc nhở chúng ta về sự công bằng? Đó chính là tiếng nói của xúc cảm đạo đức “vị tha tương hỗ” đã tiến hóa từ thời kỳ đồ đá, khiến chúng ta có xu hướng đòi hỏi sự công bằng khi tiến hành trao đổi. Nguyên tắc “có đi có lại” chỉ áp dụng được khi tôi biết tôi sẽ nhận được thứ gì đó tương xứng với thứ đã cho đi. Ý thức về sự công bằng đã ăn sâu vào não trạng chúng ta, trở thành xúc cảm chung của loài người và cả bộ linh trưởng. Hàng ngàn thí nghiệm tại các nước phương Tây đã đồng loạt hé lộ cảm thức về sự bất công trước những chào hàng đại hạ giá. Hơn nữa, giờ đây chúng ta đã thu thập được nguồn số liệu khá đầy đủ từ các nước khác ngoài phương Tây, trong đó ở nhiều nơi con người có điều kiện sống khá gần với thời kỳ đồ đá, và cho dù phản ứng của họ không đồng đều như những người sống trong nền kinh tế thị trường, họ vẫn thể hiện rõ mối ác cảm trước sự bất công.
Sự tiến hóa này có thể quan sát rõ hơn ở các loài cùng bộ linh trưởng với con người. Khi tiến hành nghiên cứu loài tinh tinh và khỉ mũ, nhà linh trưởng học Frans de Waal, thuộc trường Đại học Emory, nhận thấy khi hai con vật cùng nhau thực hiện công việc nhưng chỉ một con được thưởng đồ ăn và không chia sẻ với con kia, con vật bị xử tệ sẽ từ chối hợp tác trong tương lai và bày tỏ nỗi bực tức trước sự bất công. Kết quả này cho thấy, các loài thuộc bộ linh trưởng, đặc biệt bao gồm cả loài người, đã tiến hóa cùng ý thức về sự công bằng, một xúc cảm đạo đức giúp các cá nhân đánh giá một giao dịch có bình đẳng hay không. Vô số bằng chứng xác đáng ở nhiều lĩnh vực khác cho thấy, công bằng là yếu tố có tính chiến lược lâu dài nhằm duy trì sự ổn định xã hội trong các bộ lạc thời tiền sử, nơi tinh thần hợp tác được củng cố và trở thành nề nếp, còn thói ăn bám bị trừng phạt và loại trừ. Rõ ràng một lựa chọn kinh tế được xem là bất hợp lý ngày nay – từ chối mười đô la “miễn phí” vì cảm thấy không công bằng – lại từng hết sức hợp lý khi nhìn qua lăng kính tiến hóa.
Lý thuyết cho rằng sự tiến hóa đơn thuần được thúc đẩy bởi các “gene vị kỷ” và các cơ thể sống đều cực kỳ tham lam, ích kỷ, bon chen quả là chuyện hoang đường, hệt như việc cho rằng nền kinh tế hoàn toàn do những con người cực kỳ tham lam, ích kỷ, bon chen… định hướng. Sự thật, chúng ta vừa vị kỷ vừa vị tha, vừa ôn hòa vừa hiếu chiến, vừa thích hợp tác vừa thích
cạnh tranh, vừa thiên xã hội vừa phản xã hội. Trong cuộc sống và nền kinh tế đều tồn tại sự đấu tranh và tương trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, xét về tổng thể, trong bản năng chúng ta cái thiện vẫn thắng cái ác. Khi tờ báo buổi tối đưa tin về một hành vi tội ác, nên nhớ rằng còn có hàng vạn hành động hảo tâm diễn ra hàng ngày không báo chí nào ghi lại. Thị trường rất có đạo đức và các nền kinh tế hiện đại hình thành trên nền tảng bản chất hướng thiện của con người. Nếu không thế, thị trường tư bản chủ nghĩa đã cáo chung từ lâu.Đây không phải cách nhìn nhận nền kinh tế của thần Lạc quan. Tôi cũng không biện hộ rằng các doanh nghiệp hoạt động trên các thị trường tuyệt đối tự do lúc nào cũng có đạo đức. Mọi thứ đều cần có đối trọng, đó chính là nguyên tắc để xã hội tuân theo quy luật tiến hóa, tạo điều kiện cho thương mại diễn ra công bằng và tự do. Đúng như James Madison viết trong Các bài báo Liên bang số 51: “Nếu tất cả đàn ông, đàn bà đều là các thiên thần, chính phủ sẽ trở thành đồ bỏ đi. Nếu các thiên thần điều hành chính phủ, mọi biện pháp đối nội, đối ngoại sẽ trở thành thừa thãi.”
***
Tại sao khoa học nghiên cứu các hệ thống phức tạp về bản chất con người lại dự đoán và chứng minh tính thiện mạnh mẽ sẽ vượt lên trên mớ hỗn độn và lòng vị kỷ? Là một loài động vật có tổ chức xã hội, chúng ta đã tiến hóa để thể hiện tình hữu nghị trong cùng một nhóm và sự đối kháng với các nhóm khác, từ đó hình thành nên mối mâu thuẫn gay gắt giữa ham muốn ích kỷ cho bản thân và đòi hỏi công bằng cho nhóm, giữa đoàn kết gia đình và đoàn kết xã hội nhằm chống lại các thế lực bên ngoài. Nguyên tắc đầu tiên trong kinh tế học đạo đức chính là đặc tính di truyền phản ánh tính tương hỗ: khi được người khác ban tặng thứ gì, chúng ta thấy cần đền đáp lại bằng thứ khác.
Khi tương tác trong nhóm và giữa các nhóm, nhận thức của chúng ta về người khác, đặc biệt là nhận thức về cách người khác nghĩ về chúng ta có ảnh hưởng rất lớn; sở dĩ có điều đó là do chúng ta quan tâm đến uy tín và địa vị. Đó chính là lý do tại sao các thước đo uy tín đang phát triển nhanh chóng trên mạng Internet, thể hiện đặc tính tự tổ chức nổi bật của lòng tin. Đánh giá uy tín của người bán trên eBay, xếp hạng chất lượng sách qua các lời phê bình trên Amazon, đo lường danh tiếng các mạng xã hội nghề nghiệp như MySpace, Facebook, LinkedIn thông qua số lượng và chất lượng kết nối giữa người sử dụng mới chỉ là một vài ví dụ chứng minh nhu cầu về sự tin cậy trong bất kỳ giao dịch nào.
Chúng ta muốn được tôn trọng những người trao đổi ngay thẳng và trung thực. Nhưng chúng ta lại có tính bầy đàn khác thường, và nhận diện nhóm trở nên thiết yếu để nhận diện bản thân. Thật không may, phụ phẩm của tính bầy đàn phân biệt trong nhóm/ngoài nhóm này là tính bài ngoại. Con người luôn có mối ác cảm tự nhiên với Người khác, và biểu lộ khả năng phân loại
những người xung quanh thành cùng phe/khác phe theo từng tiêu chí chi ly nhất – hãy nghĩ đến các băng nhóm như Khoai tây chiên và Máu, các xung đột sắc tộc giữa người Hutus và người Tutis, người Albany và người Serb, người Shiite và người Sunni. Dù luật pháp và giáo dục đã loại bỏ những lề thói bầy đàn cổ xưa này ra khỏi nền văn hóa, nhưng nền tảng tâm lý của chúng vẫn nằm sâu trong não trạng chúng ta từ thời đồ đá, chờ đợi thời cơ hành động. Khi thì người ta khuấy động chúng một cách thảm khốc nhằm phục vụ mục đích chính trị (trong các cuộc chiến tranh), khi thì người ta lợi dụng tính cạnh tranh của chúng nhằm phục vụ mục đích kinh tế (trong hoạt động thương mại).
Cùng lúc chúng ta tiến hóa từ các bầy đàn, bộ lạc thành các thành bang và nhà nước, các cộng đồng cũng ra sức tìm ra sự cân bằng giữa tự do và bình đẳng bằng cách thử nghiệm các kỹ thuật tổ chức xã hội khác nhau, khiến sự phân chia của cải đồng đều giữa các bầy đàn trở thành sự phân chia của cải theo thứ bậc, thể hiện địa vị và sức mạnh giữa các bộ lạc. Chủ nghĩa bình quân nguyên thủy (hoặc ít nhất là bình quân giả cách) đã tiêu biến khi các bầy đàn và bộ lạc hợp thành thành bang và nhà nước. Khi của cải trở thành biểu tượng của sức mạnh, những giá trị đạo đức được tôn vinh nổi bật lên nhằm bù đắp cho giá trị đối nghịch gắn liền với lợi ích cá nhân.
N
2
Trực giác kinh tế trong ta
ăm 1873, mười ba năm sau cuộc đối đầu huyền thoại giữa Đức Giám mục Anh giáo Samuel Wilberforce và nhà sinh vật học theo Thuyết tiến hóa, Thomas Henry Huxley, cha Wilberforce bị chết vì
ngã ngựa. Huxley châm biếm kết cục bi thảm của Đức Giám mục trong một bức thư gửi nhà vật lý John Tyndall: “Khi đó, sự thật và trí óc của ông ta chạm vào nhau, và kết quả thật tai hại.”
Đối với những lực cơ bản như lực hấp dẫn và những hiện tượng đơn giản như ngã ngựa, trực giác của con người về cách thức vận hành của thế giới vật chất – trực giác vật lý – thường rất đúng đắn. Vì thế, một đứa trẻ cũng sẽ phì cười khi thấy trong các bộ phim hoạt hình, một nhân vật bay khỏi mỏm đá sẽ không rơi xuống cho đến khi nhận ra mình đã lơ lửng trên không. (Hiện tượng này được đặt tên là phút ngừng của chó sói để kỷ niệm bộ phim hoạt hình nổi tiếng Chó sói và Gà lôi, trong đó chú chó sói Wile E. Coyote thường rơi như thế khi mải mê đuổi theo chú gà lôi tinh quái.) Nhưng phần lớn lĩnh vực vật lý là phi trực giác – từ môn cơ học lượng tử nghiên cứu thế giới vi mô cho đến thuyết tương đối rộng nghiên cứu thế giới vĩ mô – đây cũng chính là đặc điểm của nhiều quy luật khác, và trước khi khoa học hiện đại phát triển, chúng ta chỉ có trực giác sơ khai dẫn đường.
Trực giác về thiên văn học cho chúng ta biết thế giới phẳng, các thiên thể quay xung quanh trái đất, các hành tinh là các vị thần lang thang quyết định số mệnh con người. Trực giác sinh học giúp chúng ta cảm nhận được sức sống tràn trề trong huyết quản muôn loài, dường như được sinh ra từ hư vô nhờ bàn tay của một đấng sáng tạo tài ba. Trực giác tâm lý học thôi thúc chúng ta tìm kiếm người tí hon trốn trong đầu – con ma bí ẩn trong cỗ máy – một thứ ý thức tách rời não bộ.Trực giác khoa học thường sai lầm do con người tiến hóa trong một môi trường khác xa thế giới chúng ta đang sống. Nhà sinh học theo thuyết tiến hóa Richard Dawkins đã gọi đó là “Thế giới Lưng chừng” – một nơi nằm giữa lớn và nhỏ, nhanh và chậm, già và trẻ. Để cho văn vẻ, tôi gọi đây là Miền Lưng chừng. Trong Miền Lưng chừng của không gian, các giác quan của chúng ta đã tiến hóa để có thể nhận thức những thứ có kích thước trung bình – từ nhỏ như con kiến và đến lớn như dãy núi. Chúng ta không được trang bị khả năng tri giác các loài vi khuẩn, phân tử và nguyên tử ở tận cùng bên này và các chuẩn tinh, thiên hà, vũ trụ
đang mở rộng ở tận cùng bên kia. Trong Miền Lưng chừng của tốc độ, mắt chúng ta có thể nhận thức rất tốt chuyển động của các vật thể đang đi hay đang chạy, nhưng với một bên là sự hình thành chậm chạp của các ngọn núi, sự dịch chuyển lặng lẽ của các lục địa, một bên là tốc độ kinh hoàng của ánh sáng, con người hoàn toàn bất khả tri giác. Trong Miền Lưng chừng của thời gian, cuộc đời sáu bảy chục năm của chúng ta quá ngắn ngủi để có thể chứng kiến quá trình tiến hóa, sự trôi dạt của các lục địa và các thay đổi về lâu dài của môi trường. Điều này lý giải tại sao nhiều người không chấp nhận thuyết tiến hóa và các nghiên cứu về biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cách suy luận nguyên nhân trong khoa học trực giác, tức là cách xác định các mối quan hệ nhân-quả trong thế giới thực, cũng không đáng tin cậy. Phỏng đoán đúng những đồ vật như công cụ bằng đá là tác phẩm của một bàn tay tài hoa, lập tức chúng ta suy ra tất cả những vật có chức năng trong tự nhiên, như đôi mắt chẳng hạn, cũng được thiết kế thông minh như vậy. Thiếu hiểu biết thấu đáo về cách thức hoạt động thần kinh làm nảy sinh ý thức, chúng ta tưởng tượng ra những linh hồn mang trí tuệ bay lởn vởn trong đầu.
***
Từ khi bắt đầu được coi là một môn khoa học, kinh tế học luôn sa lầy trong cuộc tranh luận về cách thức áp dụng các lý thuyết, số liệu để đưa ra giải pháp hữu hiệu cho những vấn đề cụ thể. Người ta thường đón nhận giải pháp thị trường cho các vấn đề xã hội bằng sự hoài nghi. Các doanh nhân không được tin cậy, các công ty luôn bị săm soi bằng ánh mắt ngờ vực. Những người được lợi nhất từ thị trường thường bị người đời dè bỉu. Mối nghi ngờ và ác cảm này bắt nguồn từ trực giác khoa học và sự hạn chế nhận thức trong Miền Lưng chừng của chúng ta về thị trường và nền kinh tế. Trực giác kinh tế khiến chúng ta khinh thị những ai quá giàu có, coi việc cho vay nặng lãi là tội lỗi, hoài nghi bàn tay vô hình của thị trường. Chúng ta thường sợ những gì không hiểu và ghê tởm những gì chúng ta sợ. (Trong một bức biếm họa trên tờ New Yorker, một nhân vật tuyên bố: “Tôi ghét Bill Gates trước khi NÓ trở thành thời thượng.”)
Trực giác kinh tế này hình thành bởi chúng ta tiến hóa từ những bầy đàn săn bắt-hái lượm, ở đó không có thị trường vốn, không có tăng trưởng kinh tế, không có tích lũy tài sản, không có sự chênh lệch giàu nghèo gay gắt, rất hạn chế về phân công lao động và tập trung lao động (người nguyên thủy hầu hết đều rất đa năng) và chắc chắn không có bàn tay vô hình điều tiết trong sản xuất. Để hiểu sự hình thành Miền Lưng chừng của trực giác kinh tế và lý giải vì sao ngày nay nó còn thử thách chúng ta, bảng sau đây ước lượng quá trình tiến hóa của loài người từ săn bắt hái-lượm đến tiêu dùng-buôn bán.
QUÁ TRÌNH TIẾN HÓA CỦA CÁC NHÓM NGƯỜI
Cách đây
Hình thức
Số thành viên
10.000 - 100.000 năm
Bầy đàn
10 - 100
5.000 - 10.000 năm
Thị tộc
100 - 1000
3000 - 5000 năm
Bộ lạc
1000 - 10.000
1000 - 3000 năm
Thành bang
10.000 - 100.000
1000 năm – hiện tại
Nhà nước
100.000 - 1.000.000
Trên chặng đường tiến hóa này, nền kinh tế quá độ từ hình thức phân chia tài sản công bằng trong các bầy đàn thành hình thức phân chia tài sản theo thứ bậc thể hiện địa vị và quyền uy trong các bộ lạc; chủ nghĩa bình quân nguyên thủy tiêu biến hoàn toàn khi các thị tộc, bộ lạc hợp thành thành bang và nhà nước. Vì thế, ngày nay, trong chúng ta tồn tại mối mâu thuẫn giữa ham muốn giành nhiều của cải về phía bản thân và mơ ước công bằng xã hội (hoặc ít nhất là mong muốn không người nào quá giàu hoặc quá nghèo). Ngày nay, tại những đất nước vô cùng rộng lớn, chúng ta chứng kiến cả nỗi đói nghèo khốn khó và cảnh giàu có xa hoa, khiến ai cũng phải kinh hoàng. Tại hầu hết các quốc gia, điều này dẫn tới việc ban hành chính sách chính trị nhằm giúp đỡ người nghèo và hạn chế người giàu, bởi trong suốt quá trình tiến hóa, chúng ta đã sống trong một thế giới có tổng bằng không, cái được của người này đồng nghĩa với cái mất của người khác. Điều này lý giải tại sao tương trợ và chia sẻ thức ăn lại có ý nghĩa quan trọng đối với người nguyên thủy, và sự hình thành tập quán chia sẻ thức ăn kiếm được nhờ công sức săn bắt, hái lượm của cả cộng đồng.
Bộ tộc Ache ở miền đông Paraquay là những người du mục điển hình, sống nay đây mai đó. Thịt kiếm được từ những chuyến đi săn sẽ chia đều cho các thành viên bộ tộc chứ không thuộc sở hữu riêng của anh chàng thợ săn tự tay hạ được con mồi. Tuy nhiên, hai nhà nhân loại học Kim Hill và Hillard Kaplan đã nhận thấy những thợ săn giỏi nhất có nhiều cơ hội tiếp cận với phụ nữ và duy trì nòi giống hơn. Ngoài ra, Hill và Kaplan còn lưu ý tới việc tham gia vào đoàn đi săn là không bắt buộc, nên người ta khuyến khích những người giỏi nhất tham dự bằng các phần thưởng thiết thực như chăm sóc con cái và địa vị cao trong bộ tộc. Cơ chế phân chia thức ăn và trao phần thưởng này chỉ dành cho việc săn bắt, vốn có xác suất thành công thấp, trong khi các thực phẩm sẵn có và dễ kiếm thông qua hái lượm sẽ chỉ được phân chia trong gia đình hạt nhân. Tương tự, người của bộ tộc Inuit cũng có tục lệ trao tặng phần da nửa trên con gấu cho chàng thợ săn đầu tiên phóng cây lao hạ gục nó. Vì lông bờm của loài gấu được dùng để lót giày ống phụ nữ, khi về nhà, chàng thợ săn sẽ nhận thêm sự ngưỡng mộ từ người được anh tặng lại món quà. Đàn ông thích gây ấn tượng với phụ nữ và muốn được những người cùng giới nể phục, đặc điểm này thường được khai thác vì lợi ích chung của cộng đồng.
Tuy nhiên, thế giới chúng ta sống ngày nay không còn có tổng bằng không, bởi khoa học và công nghệ đã tăng năng suất lao động tới mức chúng ta có thể tạo ra lượng lương thực thực phẩm ngày càng dồi dào từ nguồn lực không đổi hoặc thậm chí hạn chế hơn. Thế nhưng bộ não chúng ta vẫn hành xử như thể chúng ta đang sống trong một Miền Lưng chừng có tổng bằng không.
***
Nhà sử học lỗi lạc Arnold Toynbee từng tuyên bố “Sự giàu có của các quốc gia và động cơ hơi nước đã phá hủy thế giới cũ và tạo ra thế giới mới.” Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel George J. Stiglet đánh giá Sự giàu có của các quốc gia là “lời gợi mở có giá trị bền lâu nhất trong toàn bộ lịch sử các học thuyết kinh tế.”
Nếu lý thuyết của Adam Smith thâm sâu và minh xác đến vậy, tại sao một số người vẫn chối từ nó, giống như nhiều người khác chối từ thuyết tiến hóa? Chọn lọc tự nhiên và bàn tay vô hình – sự tiến hóa và kinh tế học – không phải là những giáo lý tôn giáo mà các tín đồ thề sẽ trung thành và tin theo như bổn phận; đó là những chân lý của thế giới kinh nghiệm, và nếu một người không dám khẳng định “Tôi tin rằng có lực hấp dẫn,” người đó cũng đừng nên tuyên bố “Tôi tin tưởng vào thị trường.” Sự từ chối chấp nhận nền kinh tế thị trường tự do có những nguyên nhân tâm lý và xã hội hết sức rõ ràng.
Vì con người tiến hóa từ những bầy đàn nhỏ từ vài chục đến vài trăm thành viên sống bằng săn bắt-hái lượm, trong cộng đồng đó hầu như mọi người đều có mối quan hệ huyết thống hoặc quen biết mật thiết, nên mọi tư liệu sản xuất sẽ được dùng chung, không có hiện tượng tích lũy của cải riêng và thói hám lợi sẽ bị trừng trị. Do đó, phản ứng tự nhiên của chúng ta đối với cơ chế thị trường tự do, nơi của cải có được phô bày lồ lộ như dấu hiệu của sự thành đạt, là ghen tỵ và tức giận; đồng thời chúng ta cũng muốn có ai đó hoặc thế lực nào đó mạnh hơn những kẻ tham lam kia ra tay trừng phạt chúng. Đây chính là chủ nghĩa bình quân tiến hóa. Hơn nữa, trong suốt lịch sử nhân loại, bất bình đẳng kinh tế không sinh ra từ sự khác biệt về trí tuệ và nỗ lực giữa các cá nhân bình đẳng về quyền tự do làm giàu trong xã hội; thay vào đó, một nhóm các đế vương, lãnh chúa, quý tộc và tăng lữ đã thao túng và lợi dụng cơ chế xã hội bất công nhằm phục vụ lợi ích cá nhân, bất chấp việc đẩy quảng đại quần chúng vào cảnh bần cùng. Theo phản xạ tự nhiên, chúng ta là coi sự bất công này là hành động làm giàu phi nghĩa và mong muốn có sự kiểm soát từ trên xuống nhằm hạn chế lượng tài sản tích lũy của bất cứ ai. Khi chúng ta nói “Phải có ai đó làm gì đi chứ,” ai đó mà chúng ta nhắc đến chính là định chế xã hội uy quyền nhất - chính phủ.
Khả năng chịu đựng sự không minh bạch về kinh tế của con người cũng thấp đến mức đáng ngạc nhiên. Thị trường tự do lại hết sức hỗn loạn, bất ổn,
không thể kiểm soát và tiên đoán. Hầu hết chúng ta khó có thể chấp nhận một môi trường như vậy và mong mỏi các định chế xã hội như chính phủ sẽ đem lại sự chắc chắn nhất định cho nền kinh tế. Khi xảy ra thiên tai như động đất, bão lụt chúng ta thường dựa dẫm vào các sự trợ giúp của chính phủ thông qua các điều chỉnh nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là khi chúng ta chưa có biện pháp tự bảo vệ. Những người không đủ tiền (hoặc không muốn) mua bảo hiểm đề phòng thiên tai thường trông mong các cơ quan chính phủ như Cục xử lý tình huống khẩn cấp Liên bang (FEMA) khi rủi ro thực sự ập đến. Nhà kinh tế học Daniel Klein thuật lại một ví dụ đáng tiếc về ảnh hưởng của vị Chúa-Chính phủ tới chính sách kinh tế, kể cả tới các đề xuất chính sách của một nhà kinh tế học đoạt giải Nobel. Vào năm 1955, trong một phiên họp của Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ, Klein đã chất vấn nhà khoa học Robert Solow của Học viện Công nghệ Massachusetts, người từng nhận giải Nobel về kinh tế, lý do vì sao ông này không ủng hộ việc thu học phí tại các trường công, trong khi hành động ấy giúp đưa nguyên tắc và cơ chế thị trường vào hệ thống trường quốc lập. Solow đáp: “Đề xuất của tôi không có nguyên nhân kinh tế nào cả. Là một công dân Mỹ niềm tự hào của tôi chính là Quân đội Hoa Kỳ và hệ thống trường công.” Klein nhận xét, nhiều người phản đối nền kinh tế thị trường tự do vì họ “có xu hướng nhìn nhận và yêu quý chính phủ như một lực lượng có khả năng gắn kết xã hội.” Klein gọi đây là Sự lãng mạn của con người, bắt nguồn từ việc chính phủ cung cấp các dịch vụ công cộng và đáp ứng mong muốn của người dân trong việc phân định phe phái bạn/thù. “Chính phủ xây dựng các công trình lâu bền như đường xá, mạng lưới cáp đa năng, dịch vụ bưu chính và hệ thống trường học. Trong quá trình này chính phủ xác lập và củng cố sự hình thành những trải nghiệm chung cho toàn xã hội, hoặc ít nhất là khiến người dân tưởng tượng ra một thứ trải nghiệm như vậy.” Bất kỳ ai hoài nghi giải pháp của chính phủ về các vấn đề kinh tế, xã hội lập tức sẽ bị gắn mác kẻ khác phe, kẻ chống đối, không vì lợi ích chung của đất nước.
Hầu hết mọi quan điểm về kinh tế đều xuất phát từ các cam kết chính trị dựa trên sự trung thành với phe nhóm của mình. Có thể coi đây là một dạng trực giác kinh tế đặc biệt. Chẳng hạn, phe cấp tiến buộc phải phản đối thị trường tự do không có điều tiết của nhà nước, trong khi phe bảo thủ lại ủng hộ điều này. Nhưng cả phe cấp tiến và bảo thủ đều hậu thuẫn việc ban hành các điều luật kinh tế hà khắc cũng như việc duy trì chính phủ cồng kềnh; họ chỉ mâu thuẫn về số lượng các điều luật được thông qua và đối tượng điều chỉnh của các điều luật này. Phe cấp tiến muốn các tập đoàn lớn chịu sự giám sát của nhà nước và chính phủ phải túc trực tại phòng chỉ huy, trong khi đó phe bảo thủ muốn xây dựng quân đội hùng hậu, còn chính phủ chỉ nên yên vị trong phòng ngủ. Phe cấp tiến kêu gọi người dân chú ý tới sự lạm dụng và chi tiêu ngân sách sai mục đích trong quân đội. Bạn, đồng nghiệp
của tôi, David
B. Schlosser, một doanh nhân đồng thời là ứng viên nghị sỹ bang Arizona nhận định: “Phe cấp tiến thường nghĩ rằng bằng cách đặt những nhiệm vụ ‘hay’ vào tay chính phủ (như y tế chẳng hạn), toàn bộ quá trình sẽ vận hành nhuần nhuyễn nhờ tính hiệu quả nội tại. Họ phớt lờ việc các thành viên chính phủ, những người ra quyết định về các vấn đề họ ủng hộ, cũng chính là những người không được phe cấp tiến tin tưởng vào khả năng ra quyết định. Tại sao chúng ta lại đặt sức khỏe cộng đồng vào tay cùng một cơ quan đã định giá mỗi chiếc cờ-lê quân khí lên đến 800 đô-la, và trả 2.000 đô-la cho một chiếc bồn cầu của Không quân?” Đúng như nhà bình luận xã hội và chính trị P.J. O’Rourkle châm biếm: “Nếu anh nghĩ dịch vụ y tế hiện nay quá đắt đỏ, hãy chờ đến lúc nó miễn phí để xem nó có giá bao nhiêu!”
Phe bảo thủ cũng luôn chìa ra miếng mồi câu đạo đức giả, nhất là khi họ tuyên bố muốn chính phủ can thiệp ít hơn vào nền kinh tế – trừ các khoản trợ cấp cho các doanh nghiệp lớn. Ralph Nader chính xác khi gọi đây là “phúc lợi tập đoàn,” và có thể thấy người ta lạm dụng nó trong ngành dầu khí, phần lớn ngành nông nghiệp và nhất là trong các hợp đồng quốc phòng an ninh. Có thể những khoản trợ cấp ấy có lợi cho nước Mỹ, song chắc chắn chúng sẽ làm méo mó quyết định của người tiêu dùng so với khi chưa có các can thiệp kinh tế đó. Phe bảo thủ cũng coi thường các nguyên tắc của thị trường tự do và thể hiện sự lạc hậu khi cho rằng hoạt động ngoại thương có tổng bằng không: sản xuất một sản phẩm ở nước ngoài rẻ hơn sản xuất trong nước làm lợi cho người tiêu dùng Mỹ nhưng cũng sẽ khiến sản xuất trong nước sẽ đình trệ và người lao động Mỹ mất công ăn việc làm. Trong thế kỷ vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, bộ máy chính phủ Mỹ đã phình to cùng với số thuế người dân phải nộp để nuôi sống nó. Và hầu như tất cả mọi người đều tin rằng để nền kinh tế vận hành lành mạnh, nó cần được chỉ đạo sâu sát từ trên xuống.
***
Điều hoang đường nhất thường thấy trong các quan điểm chống lại thuyết tiến hóa và nền kinh tế thị trường tự do là giả định cho rằng động vật và con người mang bản chất ích kỷ và nền kinh tế, giống như miêu tả đáng nhớ của Tennyson: “vấy máu nơi chân răng và móng vuốt.” Sau khi Nguồn gốc các loài được xuất bản, Herbert Spencer - triết gia người Anh - đã khiến khái niệm “chọn lọc tự nhiên” trở thành bất tử bằng cụm từ “sự sống sót của loài thích hợp nhất,” đây là một trong những diễn giải sai lầm nhất trong lịch sử khoa học nhưng đã trở thành kim chỉ nam cho các nhà xã hội học theo thuyết tiến hóa kể từ đó đến nay. Và họ đã áp dụng học thuyết này theo cách không phù hợp vào sự phân biệt chủng tộc, chính trị và các học thuyết kinh tế. Ngay cả người trung thành với Darwin nhất, Thomas Henry Huxley, cũng thể hiện thế giới quan “đấu sĩ” trong một loạt các tham luận, mô tả thế giới
như một hệ thống “trong đó kẻ mạnh nhất, lanh lợi nhất, khôn ngoan nhất sẽ được sống thêm ngày nữa để chiến đấu.”
Đây không phải là thế giới quan có tính chi phối. Năm 1902, Pyotr Kropotkin - nhà bình luận xã hội theo chủ nghĩa vô chính phủ người Nga, đã bác bỏ quan điểm của Spencer và Huxley trong cuốn sách Tương hỗ. Nhắc đến Spencer qua cụm từ nổi tiếng của ông, Kropotkin viết: “Nếu chúng ta… hỏi tự nhiên ai là kẻ mạnh nhất – những kẻ thường xuyên gây chiến hay những người biết giúp đỡ kẻ khác – chúng ta sẽ thấy các loài động vật có thói quen hỗ trợ đồng loại mới chính là loài mạnh nhất. Chúng có nhiều cơ hội tồn tại hơn, và trong bậc sinh học tương ứng, chúng luôn đạt đến sự phát triển cao nhất về trí tuệ và cấu tạo cơ thể.” Trong các chuyến đi sâu vào vùng Siberia, Kropotkin nhận thấy các loài động vật nơi đây rất có tính hợp tác và hòa đồng, ông kết luận đây chính là sự thích nghi để tồn tại hết sức quan trọng trong quá trình tiến hóa. “Trong thế giới động vật đa số các loài sống thành bầy và chúng hiểu rằng đoàn kết đem lại sức mạnh lớn nhất trong quá trình đấu tranh sinh tồn. Tất nhiên, đấu tranh sinh tồn trong học thuyết Darwin hiểu theo nghĩa rộng không chỉ đơn thuần mang nghĩa tranh giành sự tồn tại, mà là đấu tranh chống lại tất cả các điều kiện bất lợi cho giống loài.” Điều tương tự cũng đúng với cộng đồng loài người, ông tiếp tục chỉ ra dấu hiệu của sự tương hỗ từ thời mông muội, dã man cho đến thời trung cổ và hiện đại: “Với trường hợp này, sự bảo vệ lẫn nhau, khả năng kéo dài tuổi thọ, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trí tuệ và phát triển các kỹ năng xã hội đảm bảo sự duy trì, phát triển và tiến hóa của loài người. Thiếu tính hòa hợp, giống loài nào cũng đi đến chỗ diệt vong.”
Có thể Kropotkin là người vô chính phủ, nhưng quan điểm của ông về bản chất con người hoàn toàn không lập dị. Ông thừa nhận “có vô số các cuộc chiến tranh hủy diệt giữa các loài” và cho rằng “sự khẳng định cá nhân” là một “luồng” khác của bản năng con người cần được thừa nhận. Tuy nhiên, ông bổ sung, “cùng lúc đó cũng có ngần ấy hoặc nhiều hơn thế các hành động ủng hộ, giúp đỡ và bảo vệ đồng loại… Yêu thương lẫn nhau cũng là quy luật tự nhiên giống như đấu tranh lẫn nhau vậy.”
Vấn đề quan trọng là cân bằng các “luồng” bản năng song song: ích kỷ và vị tha, cạnh tranh và hợp tác, tham lam và hào phóng, đấu tranh và tương trợ… Quan điểm của Kropotkin bị các quan điểm của Spencer và Huxley che khuất có lẽ do chúng ra đời ở những nơi khác xa nhau: nền kinh tế cạnh tranh của Anh đối lập với nền kinh tế thiên về bình quân chủ nghĩa của Nga. Vì Adam Smith là người Scotland, khi nhắc đến ông người ta liên tưởng tới quan điểm sống ích kỷ/cạnh tranh, các học giả ít nhắc đến (hoặc thậm chí không biết đến) các tác phẩm của ông viết về tình cảm đạo đức, trong đó ông cho rằng con người đồng thời cũng có tính cộng đồng, biết thông cảm và hợp tác.
Cuộc sống quá phức tạp, khó hiểu và dường như được thiết kế thông minh, nên trực giác khoa học mách bảo chúng ta rằng nhất định phải có một Đấng Sáng thế quyền năng nào đó. Tương tự, nền kinh tế cũng quá phức tạp, khó hiểu và dường như được thiết kế thông minh, vì thế, theo xu hướng tự nhiên chúng ta suy ra rằng cần phải có một kiến trúc sư tài giỏi. Từ đó, vị Chúa-Chính phủ được chúng ta xem như kiến trúc sư của hệ thống kinh tế.
Nhưng cuộc sống và nền kinh tế không được thiết kế thông minh từ trên xuống mà phát triển đồng thời từ các hệ thống đơn giản hơn theo chiều từ dưới lên. Lời giải thích cho cách thiết kế này có thể tìm thấy trong lý thuyết khoa học về sự đa dạng và phát triển, theo đó các hệ thống phức tạp hình thành từ các hệ thống đơn giản hơn. Cuộc sống và nền kinh tế giống như ngôn ngữ, chữ viết, luật pháp, nền văn minh và văn hóa, tất cả đều đồng thời phát triển với thuộc tính tự tổ chức nổi bật trong nội tại các hệ thống đó chứ không cần bản phác họa của một kỹ sư lành nghề. Cũng không cần viện dẫn đến Chúa hay Chính phủ để giải thích các hiện tượng này. Thay vào đó, “chọn lọc tự nhiên” và “bàn tay vô hình” đã giải thích chính xác cách thức các sinh vật và con người khi theo đuổi mục đích cá nhân trong quá trình đấu tranh sinh tồn và phát triển đã tạo nên các đặc tính nổi bật của hệ sinh thái và nền kinh tế. Như đã phân tích, hệ sinh thái và nền kinh tế chính là các Hệ thống thích nghi phức tạp (Complex Adaptive Systems – CAS): trong hệ thống đó, các phần tử, bộ phận, tác nhân tương tác, trao đổi thông tin, học cách thích nghi các hành vi của mình với sự thay đổi của môi trường.
Hệ sinh thái là một hệ thống thích nghi phức tạp đã tiến hóa để giúp vô số các cá thể và giống loài xa lạ trong các cộng đồng sinh vật lớn cùng tồn tại tương đối hài hòa. Nền kinh tế là một hệ thống thích nghi phức tạp đã tiến hóa để giúp những người không quen biết trong các thành phố lớn chung sống hòa thuận. Charles Darwin và Adam Smith, bằng những cách tiếp cận vấn đề khác nhau, đã tìm ra lời giải hợp lý đối với một hiện tượng rộng lớn, phổ quát hơn: sự phát triển của cái phức tạp từ cái đơn giản. Lời giải đó xoay quanh bản năng đã tiến hóa của con người gắn liền với bản chất của các hệ thống tiến hóa, và cách thức tập hợp các cá thể ứng xử trước bản năng đã qua tiến hóa của chúng hay trước sự tiến hóa của các hệ thống thích nghi phức tạp.
3
Chủ nghĩa tư bản nhìn từ dưới lên
T
háng 10 năm 1825, Charles Darwin trúng tuyển vào Đại học Edinburgh, tiếp nối truyền thống nghiên cứu khoa học từ cha, nhà vật lý đầy tham vọng Robert Darwin và ông nội, học giả uyên bác
Erasmus Darwin. Theo chương trình học, ông nghiên cứu các tác phẩm của các nhà Khai sáng lừng danh như David Hume, Edward Gibbon và Adam Smith. Một thập kỷ sau, trở về nhà sau chuyến đi năm năm vòng quanh thế giới trên tàu Beagle, Darwin đã lật lại những tác phẩm trên, xem xét chúng dưới ánh sáng học thuyết mới ông đang phát triển. Dù Darwin không trực tiếp đề cập đến, nhưng nhiều học giả cho rằng, học thuyết chọn lọc tự nhiên được xây dựng dựa trên lý thuyết bàn tay vô hình của Adam Smith.
Mọi tác phẩm khoa học đều được viết ra nhằm ủng hộ hay phản biện một quan điểm nhất định. Quan điểm mà Darwin muốn phản biện được trình bày trong cuốn sách Thần học tự nhiên của William Paley, xuất bản năm 1802. Paley đã nêu những bằng chứng về sự tồn tại và công lao của các thánh hiện diện trong tự nhiên. Darwin đọc cuốn sách này kỹ đến mức ông từng viết như sau trong một lá thư riêng: “Tôi không nghĩ tôi từng ngưỡng mộ cuốn sách nào hơn… Trước đây gần như tôi có thể đọc thuộc lòng nó.” Nhờ có Paley, chúng ta biết đến luận điểm “người thợ đồng hồ vĩ đại” trong cuộc tranh luận rất nổi tiếng về sự tồn tại của Chúa với những người chủ thuyết Thiết kế Thông minh ngày nay.
Nếu Darwin tranh luận với Paley, vậy Paley đã tranh luận với ai? Có lẽ, đó chính là nhà kinh tế học người Scotland Adam Smith. Để chứng minh tầm nhìn thấu suốt của thần thánh trong tự nhiên, Paley mở đầu tác phẩm bằng hình ảnh một đôi chim sẻ trong mùa sinh sản, chúng không hề ý thức được hệ quả lâu dài của hành động này – duy trì nòi giống:
Khi một con chim sẻ đực và một con chim sẻ cái đến với nhau, chúng không bàn bạc về mục đích làm cho nòi giống trường tồn… Chúng đơn thuần làm theo cảm xúc, hệ quả sau đó là những gì chỉ ý nghĩ khôn ngoan nhất cùng với khát khao chăm chút cho tương lai và nỗi lo âu về số phận loài chim sẻ mới có thể đem lại. Hệ quả này sinh ra từ đâu?… Hành động bản năng của loài vật không mang theo ý thức về hệ quả, chúng chỉ muốn được thỏa mãn mà thôi. Tất cả đều chứng tỏ rằng, tầm nhìn thấu suốt trong tự nhiên không thể là của muôn loài mà chỉ có thể là của Tạo hóa.
Vậy là sau hậu đài, Chúa đang giật dây. Để diễn tả quá trình này, Paley đã dùng hình ảnh ẩn dụ “bàn tay vô hình” của Adam Smith, nhưng lại đảo ngược quá trình vốn có trật tự từ dưới lên để diễn tả một sức mạnh thần thánh hướng từ trên xuống:
Về phần tôi, tôi chưa bao giờ thấy một con chim trong hoàn cảnh như vậy, nhưng tôi nhận thấy có một bàn tay vô hình, ngăn giữ kẻ tù nhân mãn nguyện tránh xa các cánh đồng và lùm cây vì một mục đích cao cả - như chân lý đã chứng minh - hiến dâng thứ cao quý nhất, quan trọng nhất và có ích nhất.
Darwin tranh luận với Paley và Paley tranh luận với Smith, vậy Smith tranh luận với ai? Đó là các nhà kinh tế của chủ nghĩa trọng thương. Suốt giai đoạn đầu của lịch sử hiện đại – từ khi hình thành các nhà nước quốc gia cho đến hết thế kỷ XIX – chủ nghĩa trọng thương đóng vai trò tư tưởng kinh tế chủ đạo tại các nước phương Tây. Học thuyết trọng thương hình dung các quốc gia tranh giành một lượng tài sản cố định trong một trò chơi có tổng bằng không, quan điểm này một phần bắt nguồn từ thời kỳ săn bắt-hái lượm. Chủ nghĩa trọng thương cho rằng khi một quốc gia thu được +X, một quốc gia khác sẽ mất đi
–X, và rõ ràng tổng của +X và –X bằng không. (Mọi trò chơi có tổng bằng không đều có dạng như sau: nếu tôi thắng bạn với tỷ số 13–3, số điểm thắng tịnh của tôi là +10 còn số điểm thua tịnh của bạn là –10, hai con số trái dấu nhau sẽ có tổng bằng không.) Vì thế, muốn đất nước trở nên giàu có, chính phủ cần ban hành các chính sách chặt chẽ từ trên xuống về nội-ngoại thương, khuyến khích độc quyền, quản lý các hội buôn, bảo hộ thuộc địa, tích trữ vàng thỏi và các kim loại quý hiếm, cùng vô số các biện pháp can thiệp kinh tế khác nhằm mục đích cuối cùng là đem lại một “cán cân thương mại có lợi.” Có lợi ở đây là cho một quốc gia so với quốc gia khác.
Adam Smith không phải là một nhà kinh tế. Thực chất ông là nhà sáng lập danh dự của môn khoa học này. Sinh thời, ông chủ yếu nghiên cứu lĩnh vực được các học giả gọi là “kinh tế chính trị.” Adam Smith là giáo sư triết học duy tâm tại Đại học Glasgow, nơi ông giảng dạy về luật học, đạo đức học, thuật hùng biện và kinh tế chính trị. Tác phẩm lớn đầu tiên của ông là Lý thuyết về các tình cảm luân lý, xuất bản năm 1759, trong đó, ông đặt nền móng cho quan điểm về ý thức nhân đạo bẩm sinh của con người: “Một người dù ích kỷ đến đâu chắc chắn vẫn có những nguyên tắc nhất định trong bản năng khiến anh ta quan tâm đến lợi ích của người khác, thấy niềm vui của người khác quan trọng với mình, dù anh ta chẳng được gì ngoài sự thư thái khi ngắm nhìn nó. Lòng trắc ẩn cũng vậy, đây là cảm xúc của chúng ta trước nỗi đau của người khác khi chúng ta chứng kiến hoặc thấu hiểu được nó.” Chúng ta cảm nhận được niềm vui, nỗi buồn của người khác qua sự cảm thông – bằng cách thử đặt mình vào vị trí người khác. Adam Smith viết: “Vì
chúng ta không lập tức trải nghiệm những cảm xúc của người khác, chúng ta không thể hình dung họ bị xúc động đến mức nào, nhưng chúng ta có thể làm được điều đó nếu hiểu cảm xúc của bản thân khi ở vào tình huống tương tự.” Nền tảng xã hội văn minh hình thành từ bản tính biết cảm thông của con người – khi cố gắng làm dịu bớt nỗi buồn chúng ta cảm nhận được từ sự đau khổ của người khác, chúng ta sẽ hạn chế những cảm xúc tiêu cực và nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực:
Có hai hệ thống đạo đức khác nhau hình thành từ hai nỗ lực khác nhau: người quan sát cố gắng đi vào cảm xúc của người trực tiếp liên quan còn người trực tiếp liên quan cố gắng dồn nén cảm xúc của mình tới mức người quan sát có thể đồng tình. Hệ thống đạo đức thứ nhất thể hiện sự nhẹ nhàng, lịch thiệp và nhã nhặn, đó chính là đức tính dám hạ mình chân thành và nhân đạo khoan dung. Hệ thống này hình thành trên một hệ thống khác có đặc điểm lớn lao, uy nghi và đáng kính, đó là những đức tính tự kiềm chế, tự làm chủ, và các cảm xúc mãnh liệt khác có vai trò điều tiết hành vi bản năng của chúng ta theo yêu cầu của phẩm giá, danh dự, và tư cách thích hợp; có nguồn gốc từ hệ thống kia.
Tiếp theo Lý thuyết về các tình cảm luân lý, năm 1776, Adam Smith xuất bản cuốn sách chuyên luận Bàn về bản chất và nguồn gốc sự giàu có của các quốc gia. Lý luận chống lại chủ nghĩa trọng thương của ông vừa nhân đạo vừa thực tiễn. Nhân đạo ở chỗ ông cho rằng “không cho phép con người tùy ý định đoạt các sản phẩm do họ làm ra hay ngăn cản họ sử dụng của cải dự trữ và sức lao động theo cách họ thấy có lợi nhất cho bản thân là vi phạm những quyền thiêng liêng của con người.” Thực tế ở chỗ ông chỉ ra “bất cứ khi nào luật pháp cố gắng điều chỉnh tiền công lao động, nó sẽ thường giảm xuống chứ ít khi tăng lên.”
Sự giàu có của các quốc gia là một cuộc tranh luận dài hơi chống lại cơ chế bảo hộ và đặc quyền đặc lợi của chủ nghĩa trọng thương. Hệ thống này có thể đem lại lợi ích cho người sản xuất trong ngắn hạn nhưng gây tổn hại cho người tiêu dùng trong dài hạn, và vì thế sẽ làm giảm sự phồn thịnh của đất nước. Biện pháp mà các nhà trọng thương đề xuất chỉ nhằm phục vụ lợi ích của người sản xuất, các hãng độc quyền và bộ máy nhà nước, trong khi đa số người dân – nguồn lực đích thực đem lại sự giàu có cho quốc gia – lại bị bần cùng hóa: “Của cải của một đất nước không chỉ tính bằng số vàng bạc nó nắm giữ mà bao gồm cả đất đai, nhà cửa và các loại hàng hóa tiêu dùng.” Vậy mà “trong hệ thống trọng thương, quyền lợi của người tiêu dùng hầu như luôn bị hi sinh vì quyền lợi của người sản xuất.”
Giải pháp là gì? Ngừng mọi sự can thiệp. Để thị trường tự do. Dỡ bỏ mọi rào cản thương mại và các hạn chế khác về quyền tự do kinh tế của con người, đồng thời cho phép họ trao đổi theo cách phù hợp với bản thân, cả về phương diện đạo đức và thực tiễn. Nói cách khác, nền kinh tế nên được định
hướng bởi tiêu dùng chứ không phải sản xuất. Chẳng hạn, theo quan điểm của chủ nghĩa trọng thương, hàng hóa nước ngoài rẻ hơn trong nước đem lại lợi ích cho người tiêu dùng nhưng lại khiến người sản xuất nội địa bị tổn hại, do đó nhà nước nên áp các loại thuế quan bảo hộ nhằm duy trì cán cân thương mại có lợi. Nhưng thuế quan bảo hộ nhằm bảo hộ ai? Smith chỉ ra rằng, về mặt nguyên tắc, hệ thống trọng thương chỉ làm lợi cho một nhóm các nhà sản xuất trong khi đại đa số người tiêu dùng bị bần cùng hóa vì phải mua hàng nhập khẩu với giá cao hơn. Ông thí dụ, trồng nho ở Pháp rẻ và hiệu quả hơn nhiều so với ở những vùng đất nội địa lạnh lẽo: “Nếu chịu khó che chắn và đánh luống cẩn thận trong các nhà kính, chúng ta vẫn có thể trồng được nho ở Scotland” nhưng mức chi phí sẽ cao gấp ba mươi lần so với ở Pháp. “Liệu có nên cấm nhập khẩu tất cả các loại rượu vang ngoại chỉ để khuyến khích người Scotland sản xuất rượu vang đỏ, rượu vang tía?” Smith trả lời câu hỏi này bằng một nguyên tắc khái quát hơn: “Sự khôn ngoan khi tề gia không khi nào là sự dại dột khi trị quốc. Nếu nước khác có thể bán cho chúng ta một mặt hàng rẻ hơn mức giá chúng ta tự sản xuất, tốt nhất hãy mua nó.”
Đây là điều cốt lõi trong học thuyết của Smith: “Tiêu dùng là mục đích cuối cùng và duy nhất của sản xuất. Do đó, quyền lợi của người sản xuất chỉ nên được quan tâm đến một mức mà ở đó quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo.” Vấn đề là hệ thống trọng thương “dường như coi sản xuất, chứ không phải tiêu dùng, mới là cái đích cuối cùng và là mục tiêu của công nghiệp và thương mại.” Một khi sản xuất thế chỗ tiêu dùng trở thành mục tiêu của nền kinh tế, người sản xuất sẽ được các nhà quản lý từ trên xuống quan tâm nhiều hơn người tiêu dùng từ dưới lên. Thay vì để người tiêu dùng nói cho người sản xuất biết họ muốn mua gì, mua bao nhiêu, các cơ quan nhà nước và các chính trị gia lại xác định giúp người tiêu dùng chủng loại, số lượng và giá cả hàng hóa họ được phép mua. Trong nước, chính phủ sẽ can thiệp thông qua ưu đãi thuế cho doanh nghiệp (số liệu cho thấy mỗi năm các doanh nghiệp Mỹ được hưởng khoản ưu đãi khoảng 750 tỷ đô–la), hỗ trợ thuế cho các tập đoàn (hàng năm 500 tập đoàn mạnh nhất nước Mỹ chia nhau số tiền hỗ trợ lên đến 125 tỷ đô–la), luật lệ (nhằm điều chỉnh giá cả, xuất nhập khẩu, sản xuất, phân phối và tiêu thụ) và giấy phép/hạn ngạch (nhằm quản lý tiền công và đảm bảo việc làm). Với nước ngoài, chính phủ chủ yếu can thiệp thông qua công cụ thuế dưới nhiều tên gọi khác nhau như “thuế hải quan,” “thuế nhập khẩu,” “thuế quan,” “thuế quan bảo hộ,” “hạn ngạch nhập khẩu,” “hạn ngạch xuất khẩu,” “thỏa thuận tối huệ quốc,” “thỏa thuận song phương,” “thỏa thuận đa phương,” và nhiều biện pháp tương tự.
Các thỏa thuận này không bao giờ dành cho người tiêu dùng hai nước mà là thỏa thuận của các chính trị gia và người sản xuất. Người tiêu dùng không có tiếng nói trong vấn đề này, ngoại trừ việc họ có quyền bầu cử không trực
tiếp để chọn ra các chính khách, những người sẽ bỏ phiếu thuận hoặc phiếu chống những loại thuế và thuế quan này. Tất cả những điều này đều dẫn đến một hậu quả: thương mại tự do bị thay thế bằng thương mại “công bằng” (công bằng cho người sản xuất, không phải cho người tiêu dùng), đây chính là một biến tướng của “cán cân thương mại có lợi” mà chủ nghĩa nghĩa trọng thương đề xướng (có lợi cho người sản xuất, không phải cho người tiêu dùng). Trò chơi có tổng bằng không của chủ nghĩa trọng thương thực chất là sự thắng thế của người sản xuất trong nước khi hạn chế và loại bỏ được sự cạnh tranh của người sản xuất nước ngoài, và sự thiệt hại của người tiêu dùng khi được lựa chọn ít hàng hóa hơn, phải mua với giá cao hơn và chất lượng thường thấp hơn. Bù trừ cho nhau, sự giàu có của quốc gia sẽ suy giảm.
***
Những nhà lập quốc và soạn thảo nên bản Hiến pháp Hoa Kỳ đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của trào lưu Khai sáng tại Anh và châu Âu lục địa, trong đó Adam Smith là một đại biểu xuất sắc. Tuy nhiên, không lâu sau khi đất nước ra đời, các chính khách nhanh chóng chuyển trọng tâm nền kinh tế từ tiêu dùng sang sản xuất. Năm 1787, khi Hiến pháp Hoa Kỳ được thông qua, trong Mục I điều 8 ghi rõ: “Quốc hội có quyền đặt ra và thu các loại thuế, thuế hải quan, thuế nhập khẩu và thuế hàng hóa nội địa để trang trải cho các khoản nợ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.” Đây là một trò chơi chữ nghĩa của giới cầm quyền, hãy xem Từ điển Tiếng Anh Oxford giải thích nghĩa thông dụng các thuật ngữ trên ra sao. Thuế (tax): “một khoản đóng góp bắt buộc nhằm hỗ trợ nhà nước”; thuế hải quan (duty): “một khoản tiền nộp vào ngân sách nhà nước, đánh vào hoạt động xuất, nhập khẩu, sản xuất hay buôn bán một số hàng hóa nhất định”, thuế hàng hóa nội địa (excise): thuế đánh vào một số hàng hóa nhất định, được sản xuất hoặc mua bán trong nước. (Hãy lưu ý khái niệm “khoản đóng góp bắt buộc” trong thuật ngữ đầu tiên). Vì thế, có thể diễn đạt lại Mục I, điều 8 như sau: “Quốc hội có quyền đặt ra các loại thuế, thuế, thuế và thuế để bù đắp cho các khoản nợ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.”
Tại châu Âu, chủ nghĩa trọng thương đã ăn sâu khi các nhà kinh tế chính trị, được trang bị vũ khí trí tuệ của Adam Smith, đứng lên đấu tranh, dùng ngọn bút thay thế lưỡi gươm. Vào thế kỷ XIX, nhà kinh tế học người Pháp Frédéric Bastiat đã chỉ rõ điều gì sẽ xảy ra khi thị trường phụ thuộc quá chặt chẽ vào những động thái qua quýt của chính phủ. Trong cuốn Lời khẩn cầu của những người làm nến, bằng văn phong trào lộng bóng bẩy và sắc bén, ông châm biếm các nhóm đặc lợi – ở đây là những người làm nến – khi họ cầu xin sự ưu đãi từ phía chính phủ.
Chúng ta đang phải chống chọi với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ bên ngoài. Họ có ưu thế hơn chúng ta gấp vạn lần trong việc sản xuất ánh
sáng, đến mức sản phẩm họ làm ra ngập tràn thị trường nội địa với mức giá rẻ đến khó tin… Đối thủ này… không ai khác chính là mặt trời… Chúng tôi cầu mong các ngài hãy thông qua một đạo luật yêu cầu người dân bịt tất cả các cửa sổ trên tường nhà, trên mái nhà, trần nhà, các loại cửa chớp, cửa rèm, cửa cánh, cửa tròn, cửa giả và cửa chắn sáng; nói chung là tất cả các lỗ hổng, khe hở, vết nứt.
Bastiat cũng chỉ ra sự khác biệt giữa những thứ có thể thấy được và những thứ không thể thấy được khi chính phủ can thiệp vào thị trường. Một công trình công cộng như cây cầu Alaska “bắc vào hư vô” nổi tiếng, có thể được tất cả mọi người nhìn thấy, được những người xây dựng vinh danh và được lác đác vài người sử dụng khen ngợi. Nhưng thứ không ai nhìn thấy chính là các loại hàng hóa, dịch vụ đáng lẽ sẽ được sản xuất, cung ứng từ tiền thuế của tư nhân nhằm phục vụ các dự án công cộng. Bastiat nói rõ quan điểm của mình rằng, “Sự khác biệt duy nhất giữa nhà kinh tế học tốt và nhà kinh tế học tồi là ở chỗ, nhà kinh tế học tồi tự giới hạn mình trong các tác động hữu hình; nhà kinh tế học tốt biết tính đến các tác động có thể nhìn thấy được và các tác động có thể dự báo được.” Mặt khác, Batistat băn khoăn: “Bạn lý giải ra sao việc hàng triệu người, cùng với hàng triệu người khác kéo đến quán cà phê nơi góc phố của bạn? Tất cả các hoạt động thương mại này không xuất phát từ một văn phòng, tổ chức nhà nước hay cơ quan trung ương nào. Mạng lưới liên kết cả hệ thống hoàn toàn vô hình.” Mạng lưới liên kết này là khung xương chống đỡ giúp cấu trúc thị trường không sụp đổ và rối loạn.
Mô hình trò chơi có tổng bằng không của chủ nghĩa trọng thương vẫn còn tồn tại dai dẳng suốt thế kỷ XIX và XX, kể cả tại Mỹ. Vì hệ thống thuế thu nhập cá nhân thường xuyên, ổn định chưa được thông qua cho đến năm 1913, suốt thể kỷ đầu tiên những người hoạt động kinh doanh, thương mại - thông qua nhiều loại thuế khác nhau - bắt buộc phải đóng góp cho chính phủ. Vì ngoại thương không bù đắp được hết các khoản nợ của nhà nước, năm 1887, chính phủ thành lập Ủy ban Thương mại Liên bang (ICC) nhằm tận dụng hệ thống đường xe lửa đang ngày một lớn mạnh, đồng thời nhằm đáp trả áp lực chính trị từ phía nông dân, những người bất lực trước sự lớn mạnh này. Ban đầu ICC chỉ có nhiệm vụ quản lý các dịch vụ xe lửa giữa các bang, nhưng về sau mở rộng thành giám sát các công ty xe tải, xe buýt, dịch vụ chuyên chở hàng hóa, nước sạch, các đường ống dẫn dầu, các hãng môi giới vận tải và kinh doanh vận tải khác. Không cần biết mục đích của ICC là gì, nhưng tác động đầu tiên của cơ quan này là hạn chế hoạt động thương mại tự do vượt ra ngoài ranh giới các bang, trong lúc đất nước đang cố gắng xây dựng một hình ảnh quốc gia mới, giúp chiến thắng tính cục bộ địa phương đã đe dọa sự an nguy của Hoa Kỳ trong thập kỷ trước.
ICC mở đường cho Luật chống độc quyền Sherman năm 1890, theo đó,
“Mọi hợp đồng, giao kết dưới hình thức tơ–rớt hay hình thức khác, hoặc một âm mưu, giới hạn trong lĩnh vực mậu dịch và thương mại giữa nhiều bang hoặc với nước ngoài, sẽ bị xem là trái pháp luật. Bất cứ ai ký kết một hợp đồng hay có liên quan đến một giao kết hoặc một âm mưu trái pháp luật như trên sẽ mắc trọng tội.” Điều luật này đã khiến không biết bao nhiêu người bị phạt hoặc bỏ tù, hoặc cả hai. Khi bóc trần ngôn ngữ khó hiểu của bọn quan liêu, Luật chống độc quyền Sherman và các án lệ trong suốt một thế kỷ sau khi luật này được thông qua cho phép chính quyền truy tố một cá nhân hoặc công ty vào từ một đến bốn tội danh: (1) định giá quá cao (định giá cao hơn đối thủ cạnh tranh); (2) cạnh tranh tàn khốc (định giá thấp hơn đối thủ cạnh tranh); (3) thông đồng giá (đặt giá bằng đối thủ cạnh tranh) và (4) độc quyền (không có đối thủ cạnh tranh). Đây là hành động có tính đề phòng của cơ quan lập pháp dị ứng với hoạt động kinh doanh và các viên chức bị ám ảnh bởi trò chơi có tổng bằng không của chủ nghĩa trọng thương khi họ ngăn cản quyền tự do mua bán của người tiêu dùng và người sản xuất một cách không thương tiếc. Suốt một thế kỷ kể từ khi luật này được thông qua, chưa từng có doanh nghiệp nào bị xử tệ hơn Công ty Nhôm Hoa Kỳ.
Năm 1886, Charles Martin Hall đã tìm ra phương thức sản xuất nhôm thương mại bằng cách cho dòng điện chạy qua một bồn chứa cryolite và ôxít nhôm để tạo ra một phụ phẩm kim loại tương đối hiếm lúc bấy giờ: nhôm. Nhờ được hậu thuẫn về tài chính, Hall thành lập Công ty Pittsburgh Reduction, và năm 1907 đổi tên thành Công ty Nhôm Hoa Kỳ, hay Alcoa. Với thành công trong việc xây dựng lò luyện nhôm có tính đột phá này của Hall, giá nhôm đã giảm từ 545 đô-la một pound xuống còn 8 đô-la một pound – giảm tới 98,5%. Ban đầu, mỗi ngày ông sản xuất mười pound nhôm và thu về 80 đô-la. Đến những năm 1930, công ty ông thu về một triệu đô-la mỗi ngày, nhưng thay vì tăng giá (như người ta thường nghĩ về các doanh nghiệp độc quyền bằng trực giác kinh tế), Alcoa đã giảm giá nhôm xuống chỉ còn 20 xu một pound – thấp hơn 97,5% so với giá ban đầu. Để thưởng công vì những đóng góp to lớn của ông vào sự thịnh vượng của quốc gia và sự giàu có của hàng triệu người tiêu dùng, Bộ Tư pháp Mỹ đã đưa ông ra tòa năm 1937 cùng với 140 lời buộc tội, trong đó có tội danh định giá thấp quá mức. Phiên tòa này diễn ra từ năm 1938 đến năm 1940 – dài nhất trong lịch sử tư pháp Mỹ tính đến thời điểm đó. Hồ sơ vụ án dày trên 50 nghìn trang, đóng thành 480 tập và nặng tới 325 pound. Tòa án tuyên có lợi cho Alcoa nên Bộ Tư pháp đã kháng nghị. Ngày 12 tháng 6 năm 1944, phán quyết bị đảo ngược, Alcoa không biện hộ được một trong số 140 lời luận tội – độc quyền – và bị buộc trả lại môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các đối thủ trong ngành sản xuất nhôm, Công ty Reynolds Metals và Kaiser Chemicals. Lời nhận định của thẩm phán Learned Hand về hành vi vi phạm pháp luật của Alcoa cho thấy sự thiếu nhất quán trong suy luận:
Dự đoán sự gia tăng trong nhu cầu về kim loại và chuẩn bị để sẵn sàng cung ứng không nên được xem là tất yếu trong kinh doanh. Cũng không có gì buộc công ty liên tiếp tăng gấp đôi khả năng sản xuất trước khi những công ty khác bước chân vào thị trường. Công ty khăng khăng rằng mình không loại bỏ các đối thủ, nhưng tòa thấy không có sự loại bỏ nào hữu hiệu hơn việc không ngừng nắm lấy các cơ hội mới xuất hiện và buộc những công ty mới gia nhập thị trường phải đối mặt với một doanh nghiệp lớn đầy sức mạnh, giàu kinh nghiệm, nhiều mối quan hệ và có đội ngũ nhân sự tinh nhuệ.
Gột bỏ lớp vỏ ngôn ngữ pháp luật cao đạo rườm rà, chúng ta thấy các tội danh của Alcoa bao gồm: (1) Dự đoán nhu cầu của khách hàng về sản phẩm và chuẩn bị sẵn sàng để cung cấp, (2) Liên tục tăng gấp đôi sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, (3) Nắm bắt các cơ hội mới, và (4) Giàu kinh nghiệm, nhiều mối quan hệ, sở hữu đội ngũ nhân viên được đào tạo tốt. Liệu những điều này có gây thiệt hại cho hàng triệu người sử dụng sản phẩm nhôm không? Dĩ nhiên là không. Nó chỉ gây thiệt hại cho những nhà sản xuất nhôm khác, những đối thủ cạnh tranh mà thôi. Với danh nghĩa bảo vệ người tiêu dùng trước hành vi sai trái của một công ty độc quyền, Bộ Tư pháp Mỹ thực chất đã đứng về cùng phía và bảo vệ lợi ích của hai nhà sản xuất, đánh đổi bằng quyền lợi của hàng triệu khách hàng. Dù Alcoa là một hãng độc quyền (đã có lúc như vậy) và dù họ tính toán nâng, hạ, giữ giá sản phẩm để phản ứng với các đối thủ cạnh tranh, nhưng câu chuyện này cho thấy tác hại của hành vi can thiệp tới thị trường từ trên xuống. Dù phải thừa nhận rằng các tơ-rớt khổng lồ đôi khi toan tính vì lợi ích của người sản xuất (bản thân họ) chứ không phải vì người tiêu dùng (các khách hàng của họ), ở đây tôi muốn cân nhắc ảnh hưởng lâu dài của nguyên tắc sâu xa hơn mà Smith đã chỉ ra: thị trường nên được xây dựng từ dưới lên (định hướng bởi tiêu dùng) thay vì từ trên xuống (định hướng bởi sản xuất).
Ngày nay, khi nghe câu chuyện về Alcoa, bạn có thể cho nghĩ đó là chuyện xa xưa rồi. Song, những gì xảy ra với tập đoàn này không khác gì so với vụ kiện Microsoft phải đối mặt vào những năm 1990 do những cáo buộc vi phạm Luật chống độc quyền Sherman. Tập đoàn này bị buộc tội giành lợi thế trên thị trường so với các đối thủ khác thông qua việc cài thêm vào hệ điều hành Windows một trình duyệt web miễn phí, Internet Explorer, khiến các trình duyệt có thu phí khác như Netscape điêu đứng.
Microsoft còn phạm tội bán với giá đặc biệt ưu đãi cho các nhà phân phối lớn như IBM, Intel và Compaq nhằm khuyến khích các hãng này sử dụng công nghệ của mình.
Trong số các nhà phân phối, có cả hãng America Online (AOL), theo đó Microsoft sẽ phát triển một trình duyệt dành riêng cho dịch vụ Internet của AOL. Để đổi lại việc sử dụng phần mềm Internet của Microsoft, AOL sẽ được quyền phân phối trình duyệt Internet Explorer miễn phí trên toàn cầu
và logo của hãng sẽ xuất hiện trong một thư mục đặc biệt trên màn hình Windows. Hiệu quả thể hiện ngay lập tức và vô cùng ngoạn mục. AOL nhanh chóng nhận thêm gần một triệu đăng ký thuê bao và hàng chục triệu người sử dụng nhanh chóng được tiếp cận thế giới ảo mà không cần trả thêm chi phí. Việc Microsoft cung cấp miễn phí trình duyệt Internet Explorer cho người sử dụng có hiển nhiên là điều tốt?
Tôi sẽ không dẫn lời Bộ Tư pháp, cơ quan đã cáo buộc Microsoft về hành vi độc quyền. Đây là nhận định của thẩm phán Tòa án Bang Thomas Penfield Jackson khi tuyên về hành vi phạm tội của Microsoft, ngày 5 tháng 11 năm 1999:
Việc cài thêm trình duyệt Internet Explorer trong hệ điều hành Windows mà không thu một khoản phí riêng biệt giúp người sử dụng dễ dàng làm quen với Internet, làm giảm chi phí tiếp cận Internet của xã hội. Một phần nào đó hành vi này đã buộc Netscape ngừng thu phí trình duyệt Navigator. Những hành vi này góp phần nâng cao chất lượng phần mềm duyệt web, giảm chi phí, tăng cơ hội sử dụng, và vì thế làm lợi cho người sử dụng.
Đây là một tội ư? Đúng vậy, bởi “Microsoft đã tiến hành hàng loạt hành động có chủ đích nhằm thiết lập rào cản gia nhập đối với các ứng dụng và bảo vệ thế mạnh độc quyền, tránh sự đe dọa của các phần mềm kết nối khác, bao gồm trình duyệt web của Netscape và ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng Java của Sun.” Theo quan tòa, “Điều này cho thấy công nghệ vượt trội không phải yếu tố dẫn đến sự tăng trưởng ngoạn mục về số lượng người sử dụng Internet Explorer.” Nói cách khác, dù Microsoft đưa ra các sản phẩm chất lượng cao hơn với giá thấp hơn, đây cũng không phải nguyên nhân giúp tập đoàn này chiến thắng Netscape; thay vào đó chính các thương vụ và chào hàng đặc biệt với các đối tác mới giúp họ thành công, và như vậy là không công bằng. Không công bằng với ai? Với người sử dụng ư? Không phải, bởi thẩm phán Jackson đã nói, hành vi của Microsft làm lợi cho khách hàng. Vậy không công bằng với ai? Câu trả lời giờ đã rõ ràng: với các nhà sản xuất khác.
***
Với những ai sợ các hãng độc quyền và cho rằng một số nhà sản xuất nên được chính phủ bảo vệ trước sự cạnh tranh của một số nhà sản xuất khác, những vụ kiện chống độc quyền như trên có thể coi là cần thiết về mặt đạo đức. Song vấn đề không ở chỗ luật pháp về độc quyền có hợp đạo đức không (dù tôi cho rằng nó hết sức vô đạo đức) mà là liệu nó có phục vụ thị trường tự do và trực giác kinh tế của chúng ta không. Hành vi chống độc quyền hình thành từ một nền kinh tế định hướng bởi sản xuất, luôn có bên được bên mất và có tổng bằng không. Nhưng nền kinh tế không hề có tổng bằng không. Chính trực giác kinh tế đã khiến chúng ta tin rằng nên kinh tế được thiết lập từ trên xuống và chỉ có thể thành công nhờ sự quản lý, điều tiết không ngừng
từ bên trên. Song trong mô hình nền kinh tế luôn tiến hóa, hình thành từ dưới lên của mình, Adam Smith đã đưa ra vô số bằng chứng chống lại điều hoang đường trên và chỉ rõ, trong ngôn ngữ hiện đại của lý thuyết phức hợp, nền kinh tế thể hiện đặc tính tự tổ chức nổi bật của các hệ thống thích nghi phức tạp.
Cuộc cách mạng do Adam Smith khởi xướng cho đến nay vẫn chưa được nhận thức một cách thấu đáo. Không tuần nào trôi qua mà không có những than thở của một chính trị gia, một nhà kinh tế học hay một nhà bình luận xã hội về chuyện công ăn việc làm của người Mỹ, ngành sản xuất của người Mỹ, sự sống còn của các sản phẩm Mỹ đang rơi vào tay người nước ngoài, ngành sản xuất nước ngoài và các sản phẩm nước ngoài. Kể cả phe bảo thủ – được cho là ủng hộ thị trường tự do, mở rộng cạnh tranh và giảm thiểu sự can thiệp của chính phủ – cũng ít nhiều sốt sắng áp dụng các biện pháp bảo hộ sản xuất, dù phải trả giá bằng thiệt hại lợi ích của người tiêu dùng. Ngay cả Tổng thống Ronald Reagan, biểu tượng của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, cũng thỏa hiệp trong các chính sách đưa ra vào năm 1982 nhằm bảo vệ Công ty Mô-tô Harley Davidson chống lại cuộc cạnh tranh khốc liệt với các hãng xe mô-tô Nhật Bản khi các hãng này tung ra các sản phẩm chất lượng cao hơn và giá bán rẻ hơn. Xe của Honda, Kawasaki, Yamaha và Suzuki thường rẻ hơn xe của Harley-Davidson từ 1.500 đến 2.000 đô-la mỗi chiếc cùng mẫu mã. Một người bảo vệ thực thụ cho kinh tế học tiến hóa thị trường tự do hẳn sẽ vui mừng trước số tiền khổng lồ mà người tiêu dùng tiết kiệm được. Xét đến cùng, người tiêu dùng đâu cần quan tâm xem ai sản xuất ra những sản phẩm họ muốn mua? Nhưng vào ngày 19 tháng 1 năm 1983, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) nhận định việc nhập khẩu xe mô-tô ngoại là mối đe dọa đối với các nhà sản xuất trong nước và đánh giá mức độ thiệt hại trong cạnh tranh của Harley-Davidson là 2-1. Hãng này trước đó đã phàn nàn họ không đủ khả năng cạnh tranh với các nhà sản xuất nước ngoài. Vào ngày 1 tháng 4, Tổng thống Reagan chấp thuận đề xuất của ITC và giải trình trước Quốc hội: “Tôi quả quyết rằng việc hạn chế nhập khẩu trong trường hợp này liên quan mật thiết tới lợi ích kinh tế của đất nước,” đồng thời nâng thuế suất từ 4,4% lên 49,4% – một mức thuế cao gấp mười lần đánh vào mặt hàng xe mô-tô nhập khẩu mà người tiêu dùng Mỹ sẽ phải gánh chịu. Thuế quan bảo hộ đã giúp Harley-Davidson hồi phục về tài chính, song thực chất đó là tiền của người tiêu dùng xe mô-tô ở Mỹ chứ không phải tiền của các nhà sản xuất Nhật Bản. Chủ tịch ITC Alfred E. Eckes giải thích về quyết định trên như sau: “Trong ngắn hạn, mức giá cao có thể gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực tới người tiêu dùng, nhưng việc điều chỉnh ngành công nghiệp trong nước sẽ đem lại nhiều tác động tích cực trong dài hạn. Đề xuất hạn chế nhập khẩu sẽ giữ được công ăn việc làm, đồng thời khuyến khích sản xuất sản phẩm mô-tô có tính cạnh tranh trong nước.”
Khi các hiệp định tự do hóa thương mại được ký kết, cho phép mở rộng sản xuất ở nước ngoài nhằm tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ, nhờ đó giảm giá thành sản phẩm so với sản xuất trong nước, sau đó sẽ đưa hàng hóa về tiêu thụ tại thị trường nội địa (điều này có lợi cho người tiêu dùng trong nước và làm gia tăng sự giàu có của quốc gia), nhiều chính khách và chuyên gia kinh tế, dưới sức ép của các hiệp hội thương mại và cử tri, thường tỏ thái độ không tán thành đường lối này với lý do cần bảo vệ quyền lợi người lao động. Điều này khiến tôi nhớ lại hình ảnh so sánh nổi tiếng của ứng cử viên tổng thống Ross Perot năm 1992 về Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ – giống như “tiếng hút gió khủng khiếp” khi công ăn việc làm của người Mỹ mất vào tay người Mexico. Đây là công thức bảo hộ: công nhân trong nước sẽ thắng, công nhân nước ngoài và người tiêu dùng trong nước sẽ thua. Cho đến hôm nay, người ta vẫn thích trò chơi thắng-thua-thua này.
Với những người ủng hộ nền kinh tế định hướng bởi sản xuất, nếu Bill Gates là kẻ phản chúa, hẳn Wal-Mart đang bị đày đọa cùng những kẻ gian dối và giả mạo tại tầng địa ngục thứ tám của Dante. Bằng cách đột ngột hạ giá thành và triệt tiêu sức cạnh tranh của các chuỗi bán lẻ nhỏ hơn, đẩy nhiều đối thủ lâm vào phá sản, có phải Wal-Mart đã làm tổn thương nền kinh tế Mỹ? Không hề. Theo nghiên cứu của hãng tư vấn McKensey, bằng việc tạo công ăn việc làm cho 1,3 triệu người (tương đương với quân số của Quân lực Hoa Kỳ), luôn giữ giá bán lẻ ở mức thấp bằng chiến lược bán lấy số lượng, Wal-Mart đã đóng góp tới 13% trong thành tích tăng năng suất lao động toàn nước Mỹ nửa cuối thập niên 1990. Nhà phân tích chính trị và bình luận xã hội xuất sắc Gerge Will đã nhận định, với mỗi năm mươi việc làm mất đi khi Wal-Mart khiến đối thủ cạnh tranh phá sản, tập đoàn bán lẻ khổng lồ này lại tạo thêm một trăm việc làm mới, khiến tập đoàn này “có tầm quan trọng ngang với Cục Dự trữ Liên bang trong việc kiềm chế lạm phát”
Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử năm 2004, ngài John Kerry đã gọi Wal-Mart là “nỗi ô nhục”, biểu trưng cho “sự trục trặc của nước Mỹ.” Tất nhiên nhận định này xuất phát từ quan điểm hướng đến sản xuất. Nếu nhìn từ góc độ tiêu dùng, khách hàng mua hàng hóa tại Wal-Mart vì họ có thể tiết kiệm được tiền và nhân viên làm việc cho Wal-Mart vì họ thấy có lợi nhất cho bản thân. Như Will đã nhận xét, giá cả tại Wal-Mart thấp hơn 17% so với các cơ sở bán lẻ khác, thu hút trên 127 triệu khách mỗi tuần. Chỉ riêng năm 2006, có đến 25 nghìn người dự tuyển vào 325 vị trí trong một chi nhánh Wal-Mart ở Evergreen Park, bang Illinois. Will gọi Wal-Mart là “cỗ máy tạo việc làm phi thường nhất trong lịch sử khu vực kinh tế tư nhân trên toàn dải ngân hà” và đánh giá “hiệu quả của hệ thống bán lẻ Wal-Mart giúp người tiêu dùng tiết kiệm trên 200 tỷ đô-la mỗi năm, làm lu mờ các chương trình của chính phủ như phân phối thực phẩm (28,6 tỷ đô-la) và tín dụng thuế thu nhập (34,6 tỷ đô-la). Hay nói theo cách của Yogi Berra, nếu người
ta không muốn mua hàng hay làm việc tại các cửa hàng khác, bạn chẳng có cách nào cản được họ.
Đầu năm 2007, Edward C. Prescott - nhà kinh tế đoạt giải Nobel - than phiền rằng các chuyên gia kinh tế tốn quá nhiều thời gian và sức lực để phản bác quan điểm “vai trò kinh tế của chính phủ là bảo vệ nền công nghiệp, việc làm và sự phồn thịnh của Hoa Kỳ trước sức mạnh của các thế lực cạnh tranh nước ngoài.” Prescott, cũng như Adam Smith, không cho rằng đây là vai trò của chính phủ, thay vào đó chính phủ chỉ nên “tạo cơ hội cho người dân tìm kế sinh nhai theo cách riêng, trong các thị trường quốc tế mở, càng ít chịu sự can thiệp của chính phủ càng tốt.” Prescott chỉ rõ “các nước mở cửa cạnh tranh quốc tế nhiều nhất chính là các nước có thu nhập đầu người cao nhất” và khai thông biên giới kinh tế “là chìa khóa để nâng mức sống tại các nước đang phát triển lên ngang tầm với các nước giàu hơn.” Năm 2007 đánh dấu năm mươi năm Hiệp ước Rome, từ các nước thành viên ban đầu gồm Pháp, Ý, Bỉ, Tây Đức, Luxembourg và Hà Lan, với năng lực sản xuất chỉ bằng một nửa nước Mỹ, Liên minh Châu Âu ngày nay đã có vị thế ngang với Mỹ nhờ mở cửa, tự do hóa thương mại. Trong khi đó, dù các nước Đan Mạch, Ireland và Anh có vị thế kinh tế tương đương với sáu nước trên trước khi ký Hiệp ước, về sau lại tụt hậu. Chỉ đến khi ba nước này mở cửa kinh tế với sáu nước thành viên Hiệp ước Rome, họ mới đuổi kịp và đến nay năng lực sản xuất của Anh đã ngang với Đức.
Những ví dụ trên không phải là các thực nghiệm đã qua kiểm định, song chúng ta cũng có thể thử nghiệm thêm bằng cách so sánh hiệu quả xã hội khi các yếu tố tác động biến thiên theo phương thức tự nhiên. So sánh theo cách này sẽ khẳng định sức mạnh của thị trường mở và tự do cạnh tranh. Những năm 1980, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hi Lạp tham gia vào khối thị trường tự do, ngay lập tức kinh tế Tây Ban Nha vượt lên ngang bằng với sáu nước ký Hiệp ước Rome, còn Bồ Đào Nha và Hi Lạp cũng theo rất sát. Năm 1995, ba nước Áo, Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên khối này và nền kinh tế của họ lập tức thể hiện xu hướng tăng trưởng. Năm 2004, mười nước tiếp theo tham gia Liên minh Châu Âu và nhanh chóng có chuyển biến tích cực về kinh tế. Tương tự, năm nền kinh tế mạnh nhất Đông Á (Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong) cũng đạt được nhiều bước tiến về kinh tế khi nới lỏng các dây trói ràng buộc thị trường. Để so sánh, Prescott đưa ra các nghiên cứu chỉ rõ tác hại của bảo hộ tới sự phát triển của quốc gia. Từ năm 1950 đến năm 2001, GDP bình quân đầu người của Châu Âu tăng 68% so với Mỹ, Châu Á so với Mỹ tăng 244%, các nước Mỹ La-tinh do đóng cửa thương mại quốc tế đã chứng kiến sự sụt giảm tương đối 21%, trong khi vào năm 1950 GDP của các nước này vượt Châu Á đến 75%.
Phương pháp so sánh này cũng có thể dùng để lý giải thực nghiệm kinh
tế dưới hình thức Hiệp định Thương mại tự do Trung Mỹ (CAFTA). Từ khi hiệp định được ký kết vào tháng 3 năm 2006, Mỹ bắt đầu giao thương với El Salvador, Guatemala, Nicaragua và Honduras, kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ vào các nước này tăng mạnh cùng dòng vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp mũi nhọn. Trong cuối năm 2006, sau khi tham gia CAFTA, tổng kim ngạch thương mại của Guatemala tăng 17%, một sự thay đổi đáng kể so với con số 5% của nửa năm đầu. Nền kinh tế Nicaragua cũng có bước tiến tương tự. Từ tháng 4 năm 2006 khi nước này tham gia CAFTA đến cuối năm, kim ngạch thương mại đã tăng 20% so với cùng kỳ năm 2005.
Đây là những con số đau đầu, song chúng cùng với nhiều cuộc thực nghiệm tự nhiên khác trên toàn thế giới cho phép chúng ta kiểm tra mối quan hệ nhân quả giữa thương mại tự do và phồn thịnh kinh tế. “Bảo hộ là một biện pháp hấp dẫn,” Prescott thừa nhận, “nhưng nó sẽ nhanh chóng đập tan trái tim kinh tế của bất cứ quốc gia nào không cưỡng lại được sự hấp dẫn ấy. Ngược lại, các quốc gia cam kết tự do cạnh tranh sẽ đảm bảo tương lai kinh tế tươi sáng hơn cho người dân.” Tại sao biên giới kinh tế mở, thương mại tự do và cạnh tranh quốc tế khiến một đất nước giàu có hơn? Hơn hai thế kỷ sau, Prescott làm sống lại cái nhìn thấu suốt của nhà triết học đạo đức Adam Smith: “Mở cửa kinh tế giúp con người có điều kiện sử dụng tài năng kinh doanh để tạo ra thặng dư xã hội, thay vì dùng những tài năng đó để bảo hộ những gì đã có. Thặng dư xã hội sinh ra tăng trưởng, tăng trưởng lại sinh ra thặng dư xã hội, vòng tuần hoàn không bao giờ chấm dứt. Người dân nước nào cũng có động lực cải thiện điều kiện sống và ở nước nào cũng có những người tài giỏi dám chấp nhận rủi ro, song nếu thiếu cơ chế cạnh tranh, tất cả động lực và tài năng ấy sẽ mãi ngủ yên.”
***
Tại sao sự bảo hộ có tổng bằng không của chủ nghĩa trọng thương lại tồn tại dai dẳng và tràn lan đến vậy? Tôi đã chỉ ra tính phi trực quan của các lập luận về bàn tay vô hình hướng từ dưới lên, điều chỉnh các hệ thống phức tạp, trong khi trực quan kinh tế của chúng ta có xu hướng nhìn nhận các hệ thống có tổ chức là sản phẩm của một đấng sáng tạo từ trên hướng xuống. Nhưng còn có một lý do quan trọng hơn, dựa trên tâm lý xã hội tiến hóa từ sự trung thành với nhóm: chúng ta có xu hướng tránh giao tiếp với người không cùng nhóm và bảo vệ nhóm mình.
Chỉ trong mười nghìn năm trở lại đây, các bầy đàn hàng trăm người đã hợp thành các thị tộc hàng nghìn người, các thị tộc hợp thành các bộ lạc hàng chục nghìn người, các bộ lạc tiếp tục hợp thành các thành bang hàng trăm nghìn người, và cuối cùng các thành bang hợp thành các nhà nước hàng triệu người. Bước nhảy vọt về sản lượng lương thực và dân số xuất hiện đồng thời với sự chuyển dịch từ bộ lạc sang thành bang đã tạo điều kiện phân công lao động xã hội nhằm phát triển cả hai mặt kinh tế và xã hội. Tầng
lớp thợ thủ công, in ấn chuyên nghiệp sẽ làm việc tận tụy trong cấu trúc xã hội do các chính trị gia tổ chức và điều hành và nộp thuế để nuôi sống tầng lớp đó. Nền kinh tế nhà nước hiện đại từ đó hình thành.
Tâm lý bầy đàn của chúng ta tiến hóa trên chặng lịch sử này và cùng với nó, xu hướng bài ngoại xuất hiện – trong nhóm tốt, ngoài nhóm xấu. Vào thời đồ đá, khi các giao ước đạo đức bắt đầu phát triển, những thành viên “trong nhóm” của một người gồm có gia đình hạt nhân, gia đình mở rộng, bạn bè và người thân quen mật thiết trong cộng đồng. Giúp người khác cũng là giúp bản thân. Các nhóm chủ trương đoàn kết nội bộ và đối kháng với nhóm khác sẽ có lợi thế sinh tồn hơn các nhóm bất đồng, phân hóa nội bộ hoặc tiếp nhận bừa bãi người lạ vào nhóm mà không xây dựng lòng tin. Chính các giao ước xã hội sâu sắc đã phát triển như một phần tập hợp hành vi phản ứng để tồn tại trong môi trường xã hội phức tạp, vì vậy chúng ta mang theo mầm mống của tính loại trừ nhóm cho đến tận hôm nay. Tính cố kết nội bộ nhóm đồng thời tạo ra xu hướng bài ngoại giữa các nhóm và trong bối cảnh kinh tế hiện đại, nó dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa trọng thương.
***
Adam Smith không hề mù quáng ủng hộ thương mại. Thực chất, ông thường hoài nghi về động cơ thực sự của người sản xuất. Suốt trong tác phẩm Sự giàu có của các quốc gia, ông phê phán các “bè phái” – bộ sậu chính trị gồm các doanh nhân, chủ nhà băng, thương nhân và các nhà tư bản công nghiệp luôn vâng lệnh chính phủ – bởi đây là một khối quyền lực phục vụ lợi ích riêng của người sản xuất thay vì lợi ích chung của người tiêu dùng: “Những lái buôn cùng hội cùng thuyền không mấy khi đồng thuận với nhau dù trong cuộc vui hay trò tiêu khiển, song mọi tranh cãi của họ đều tựu chung ở âm mưu chống lại công chúng hoặc một thủ đoạn tăng giá mới.” Ông cũng không cho rằng tư lợi luôn là đức tính tốt. Ông coi tư lợi như một phần bản năng con người (cùng với lòng cảm thông và nhiều cảm xúc thiên xã hội khác), do đó không phải khi nào nó cũng xấu. Ông cũng không bao giờ đả kích những kẻ quá tham lam và hám lợi vì “chúng ta không đủ chứng cứ để nghi ngờ khiếm khuyết của những người ích kỷ,’’ và cảnh báo “dù ở thời đại nào, dường như châm ngôn của các vị chúa tể loài người luôn là chỉ nghĩ đến mình, không nghĩ cho người khác.”
Trong chúng ta, cái tốt và cái xấu luôn tồn tại đan xen, dựa vào nhau và biểu lộ ra bên ngoài tùy thuộc hoàn cảnh xã hội. Môi trường trao đổi tự do hai bên cùng có lợi sẽ thúc đẩy hợp tác, dù mỗi bên bị chi phối bởi tính cạnh tranh. Miễn là sự trao đổi diễn ra trung thực, tự nguyện, cả người mua lẫn người bán đều thắng khi thống nhất các điều khoản thương mại có lợi ích tương hỗ. Vì lòng ích kỷ, người mua tưởng mình mua được món hời so với số tiền bỏ ra; vì tính tham lam, người bán nghĩ mình thu về nhiều tiền hơn so
với số hàng đem đi trao đổi. Smith đã lý giải điều này bằng một đoạn rất quan trọng trong Sự giàu có của các quốc gia: “Chủ hàng thịt, hàng rượu, hàng bánh không cho chúng ta bữa tối vì hảo tâm mà vì muốn thu lợi. Họ chú ý tới chúng ta vì lòng vị kỷ chứ không phải vị tha. Không thể đem sự cần kíp của bản thân ra nói chuyện với họ, vì những người này chỉ quan tâm đến lợi ích của họ mà thôi.”
Bằng cách để con người theo đuổi lợi ích cá nhân như một xu hướng tự nhiên, cả quốc gia sẽ trở nên phồn thịnh như thể được dẫn dắt bằng một sức mạnh kỳ diệu. Trong Sự giàu có của các quốc gia, hình ảnh ẩn dụ nổi tiếng nhất trong lịch sử tư tưởng kinh tế Châu Âu được sử dụng lần đầu tiên và duy nhất:
Mỗi người đều cố gắng sử dụng đồng vốn anh ta quản lý sao cho hiệu quả nhất… Thực chất anh ta không có ý định đóng góp vào lợi ích xã hội và cũng không biết mình đóng góp bao nhiêu mà chỉ lo cho sự an toàn của bản thân. Khi tiến hành công việc làm ăn với mục tiêu tạo ra nhiều giá trị nhất, anh ta cũng chỉ muốn thu lợi cho riêng mình. Trong trường hợp này, cũng như nhiều trường hợp khác, anh ta được một bàn tay vô hình định hướng, phấn đấu vì một cái đích chưa bao giờ nghĩ đến. Bằng việc theo đuổi lợi ích cá nhân, anh ta thậm chí còn đóng góp cho xã hội hiệu quả hơn khi có chủ ý.”
Nền kinh tế không phải do con người thiết kế, nó là sản phẩm của hành vi con người. Một hệ thống được bàn tay vô hình định hướng có tính chất phi tập trung, vì thế cấu tạo phức tạp bên trong hệ thống chỉ là phụ phẩm không chủ đích do bản năng sâu kín của các tác nhân kinh tế sinh ra. Đến đây, chúng ta gặp lại quan điểm của Darwin – điều gì sẽ xảy ra trong tự nhiên khi các sinh vật theo đuổi lợi ích cá nhân, không hề hay biết hệ quả không chủ đích do hành vi của mình gây ra:
Có thể nói, quá trình chọn lọc tự nhiên đang diễn ra từng ngày, từng giờ ở khắp nơi trên thế giới nhằm xem xét từng biến dị nhỏ nhất, lọc ra cái xấu và bảo tồn cái tốt. Quá trình này diễn ra âm thầm và vô hình bất cứ khi nào và ở đâu có cơ hội, trước sự phát triển của mỗi cơ thể hữu cơ trong mối liên hệ với môi trường sống hữu cơ và vô cơ. Chúng ta không thể nhìn thấy những thay đổi chậm chạp này cho đến khi thời gian đánh dấu sự chuyển mình của thời đại, khi đó chúng ta nhìn nhận về các kỷ địa chất lâu dài phiến diện tới mức, chúng ta chỉ thấy các dạng sống ngày nay khác biệt với thời xưa.
Bàn tay vô hình và chọn lọc tự nhiên mạnh mẽ và ăn sâu vào tiềm thức chúng ta tới mức không thể không liên tưởng chúng tới các lực tự nhiên, như lực hấp dẫn, lực điện từ hoặc các hệ thống cơ học như bánh răng, ròng rọc. Song chúng không phải là lực hay máy móc bởi không có gì tác động đến các tác nhân trong hệ thống theo kiểu nhân quả như vậy. Thay vào đó, bàn
tay vô hình của Smith và chọn lọc tự nhiên của Darwin là sự mô tả quá trình diễn ra một cách tự nhiên trong thiên nhiên và nền kinh tế. Cơ chế đằng sau bàn tay vô hình và chọn lọc tự nhiên nằm đâu đó trong hệ thống – ngay bên trong các tác nhân – đó là lý do tại sao Smith bỏ công sức tìm hiểu tính đồng cảm vốn có trong con người và Darwin nỗ lực nghiên cứu các khuynh hướng tự nhiên của sinh vật.
Adam Smith cho thấy sự giàu có của quốc gia và tính hài hòa của xã hội là hệ quả ngoài chủ đích của quá trình cạnh tranh giữa con người. Charles Darwin chỉ ra thiết kế phức tạp và cân bằng sinh thái là hệ quả ngoài chủ đích của quá trình đấu tranh cá nhân giữa các sinh vật. Nền kinh tế nhân tạo là bản sao của nền kinh tế tự nhiên.
***
Nền kinh tế được hình thành từ dưới lên, không phải từ trên xuống và thị trường tự do định hướng bởi tiêu dùng luôn công bằng và hiệu quả hơn thị trường trọng thương định hướng bởi sản xuất – chúng ta sẽ chấp nhận kết luận tổng quát này ra sao? Nhiều người theo đuổi lý thuyết cực đoan chủ nghĩa tư bản vô chính phủ cho rằng các hệ thống chính trị cuối cùng sẽ thành đồ bỏ đi (tương tự về hình thức nhưng khác về nguyên nhân và kết quả so với dự báo của Karl Marx). Các dịch vụ công cộng sẽ dần dần được tư nhân hóa và cuối cùng hành tinh của chúng ta sẽ trở thành một thị trường tự do toàn cầu, không còn biên giới chính trị, kinh tế, không còn các nhà nước thù địch, tội phạm sẽ giảm xuống mức thấp nhất và trong thế giới đó, mọi tranh chấp sẽ được giải quyết bằng thương lượng. Các nhà chuyển dịch nhân chủng – những người tin rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ tiến hóa thành các rô-bốt sinh học mang bộ gene kỹ thuật khỏe mạnh hơn, thông minh hơn, sống lâu hơn – thậm chí còn vẽ ra viễn cảnh thị trường tự do không chỉ làm chủ thế giới mà còn lan tỏa vào vũ trụ khi chúng ta chinh phục được môi trường sống trên Sao Hỏa. Tiếp đó, họ sẽ thiết lập xã hội trên các vệ tinh của Sao Mộc, Sao Thổ và trên các hệ mặt trời khác; cuối cùng, sau hàng triệu năm, thiên hà sẽ trở thành thị trường hợp nhất của các nhà thám hiểm-thực dân-thương nhân. Những người theo thuyết vị lai còn tưởng tượng biết đâu sau một tỷ năm nữa, chúng ta sẽ chinh phục các thiên hà khác và sau hàng chục tỷ năm nữa, toàn bộ vũ trụ sẽ nằm trong tay con người.
Những viễn cảnh không tưởng mới hấp dẫn làm sao! Một thế giới không biên giới, không quốc gia. Không còn tham lam và nghèo đói! Tất cả mọi người đều là anh em. Nhưng như nhà hiền triết Yogi Berra từng nói, “Trong lý thuyết, không có sự khác biệt giữa lý thuyết và thực tiễn. Nhưng trong thực tiễn thì có.”
Để giữ cho thị trường luôn công bằng và tự do, chúng ta cần một nhà nước chính trị thượng tôn pháp luật trong đó quyền sở hữu được đảm bảo, hệ thống tài chính ngân hàng an toàn và tin cậy, kinh tế ổn định, cơ sở hạ tầng
vững chắc, các quyền công dân được bảo vệ, môi trường sống trong lành và nhiều quyền tự do khác: đi lại, báo chí, giao tiếp và giáo dục. Chúng ta cần quân đội hùng mạnh để bảo vệ nền độc lập trước sự xâm phạm của ngoại bang. Chúng ta cần đội ngũ cảnh sát có uy lực để bảo vệ quyền tự do trước sự xâm phạm của nội thù. Chúng ta cần một hệ thống lập pháp khả thi để làm ra những điều luật công bằng. Chúng ta cần một hệ thống tư pháp hiệu quả để thi hành hợp tình hợp lý những điều luật công bằng ấy.
Hệ thống chính trị-kinh tế tốt nhất đến nay là nền dân chủ tự do và thị trường tự do tư bản chủ nghĩa. Trong hệ thống này, tự do về xã hội và ràng buộc về tài chính kết hợp hài hòa với nhau nhằm đem lại nhiều của cải, tự do và hạnh phúc nhất cho đại đa số người dân.
4
4
Gấu trúc, sản phẩm và con người
N
ăm 1979, tôi bắt đầu chơi môn đua xe đạp. Qua năm sau, tôi ham mê tới mức bỏ tiền mua hẳn một chiếc xe đua Bianchi cao cấp nhập khẩu từ Italia với bộ khung làm từ thép chịu lực kép Raynolds 531
siêu nhẹ, siêu bền, sơn màu xanh ngọc cổ điển, lắp phụ tùng Campagnolo’s Super Record (một số được khoan lỗ để giảm trọng lượng), yên xe bọc da nhãn hiệu Brooks với đinh tán bằng đồng, tay nắm ghi đông bọc da khâu thủ công, lốp xe loại siêu nhẹ, xích líp đều làm bằng titan cho phép giảm trọng lượng đến mức tối thiểu. Đó đúng là chiếc xe trong mơ giúp tôi lướt trên đường nhẹ như bay.
Tôi không hình dung được chiếc xe còn có thể hoàn thiện đến mức nào, cũng như xu hướng trên thị trường lúc đó có thể thay đổi bằng lý do và cách thức nào khác. Trên thị trường xe đạp đua, Reynolds (và Columbus) là nhà sản xuất khung thép ống hàng đầu, Campagnolo chiếm lĩnh thị trường phụ tùng và European Imports là thương hiệu được ưa chuộng nhất. Một chiếc khung xe dán nhãn Reynolds hoàn hảo màu xanh nhạt với dòng chữ vàng ánh kim là mơ ước của không ít tay đua. Một chiếc “Campy” được ví như sự siêu kết hợp của các phụ tùng xe kể từ khi tay đua người Italia Tullio Campagnolo biến thất bại trong cuộc đua vì chiếc xe đạp hỏng thành một một nhà máy sản xuất những chiếc xe được coi là biểu tượng của sự chuyên nghiệp. Thiếu phụ tùng Campy trên xe cũng giống như không cạo nhẵn đôi chân khi trở thành tay đua thực thụ. Xu hướng này tồn tại suốt hàng thập kỉ và ai cũng biết động lực lịch sử sẽ khiến thị trường mẫn cảm với mọi thay đổi. Nhưng liệu điều đó có đúng không?
Hoàn toàn sai. Đến giữa những năm 1980, chúng ta đã có những bộ khung xe đạp làm bằng nhôm, titan, sợi các-bon hay hợp chất. Những chiếc pê-đan trợ lực đời mới đã thay thế gần như hoàn toàn những chiếc pê-đan xỏ ngón, những chiếc yên xe bằng nguyên liệu tổng hợp có đệm lót thoải mái đã thay thế những chiếc yên nặng bằng da, nhãn hiệu Campy được ưa chuộng một thời khó lòng sống sót trước sự tấn công dữ dội từ đối thủ mới nổi Shimano của Nhật - công ty mang lại nhiều tiến bộ về mặt thiết kế và chất lượng của phụ tùng xe, vượt xa tất cả những gì Campy đã có, đáng chú ý nhất là hệ thống SIS (Dura-Ace Shimano Index Shifting) cho phép khóa chặt ở mỗi nấc tốc độ và di chuyển các nấc từ gióng dưới đến chắn bùn (do đó
hạn chế việc cua rơ phải rời tay khỏi ghi đông). Shimano cũng nâng cấp từ 10 bánh răng tốc độ lên thành 12, 14, 16 bánh răng. Một thị trưởng dường như đã đi theo quỹ đạo nhờ động lực lịch sử và sự thống trị của một vài công ty hóa ra lại dễ bị tổn thương trước sức mạnh bên ngoài và cạnh tranh sáng tạo hơn chúng ta tưởng nhiều.
***
Thị trường là kết quả của hàng loạt sự kiện ngẫu nhiên liên tiếp – một chuỗi tình cờ, hay thị trường hình thành nhờ những lực tất yếu của thế giới vật chất, kinh tế và xã hội – một quy luật? Nếu chúng ta có thể tua lại cuốn băng lịch sử kinh tế, liệu cuối cùng các thị trường, ngành nghề, doanh nghiệp và sản phẩm có giống như hiện nay không?
Đây là một câu hỏi hóc búa liên quan mật thiết đến những vấn đề ngoài phạm vi kinh tế học. Thí dụ, sự tồn tại của chúng ta được định trước từ thuở sơ khai vũ trụ nhờ sự nhào nặn đặc biệt của các quy luật tự nhiên hay chúng ta đơn giản chỉ là một biến cố của lịch sử, là sản phẩm cuối cùng trong một chuỗi ngẫu nhiên dường như không có hồi kết? Vấn đề gây tranh cãi ở đây là điều gì tất yếu xảy ra và điều gì tình cờ xảy ra – điều gì phải đến và điều gì có thể đến. Nói chuẩn xác hơn, tình trạng hiện tại của các sự vật là cái tất nhiên – không thể nào khác, hay cái ngẫu nhiên – có thể đã khác?
Câu hỏi này được đặt ra từ thời Aristotle nhưng gần đây lại trở nên nổi tiếng nhờ cuốn Cuộc sống tuyệt vời do Stephen Jay Gould viết năm 1989. Gould giả định nếu cuốn băng sự sống được tua ngược trở lại thời điểm 530 triệu năm trước khi những sinh vật đầu tiên để lại dấu vết trên những vỉa đá phiến sét Burgess ở Canada và thêm vào đó một vài sự kiện ngẫu nhiên thì loài người gần như không thể tiến hóa như ngày nay. Để cuối cùng trở thành loài người hiện đại, cần phải có hàng triệu điều kiện trong quá khứ. Mỗi sự kiện trong chuỗi đều có nguyên nhân riêng và do đó đều mang tính xác định, song kết quả cuối cùng lại không thể đoán trước do sự tác động của rất nhiều yếu tố ngẫu nhiên. Gould tin rằng cái ngẫu nhiên mạnh đến mức chỉ một thay đổi nhỏ ở giai đoạn trước cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến các giai đoạn sau.
Điều tôi đề cập đến không phải là sự tùy ý (E phải xuất hiện sau khi A đã chuyển thành D) mà là nguyên lý trung tâm của lịch sử – sự tiếp liên. Mọi luận giải về lịch sử không thể suy ra từ các quy luật tự nhiên mà phải dựa trên một chuỗi sự việc không thể đoán trước, trong đó một thay đổi dù nhỏ nhất cũng ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Kết quả cuối cùng này sẽ phụ thuộc vào hoặc có tính tiếp liên với những gì đã xảy ra trước đó – như một chữ kí xác thực không thể tẩy xóa của lịch sử.
Nhà vật lý học Edward Lorenz cũng nắm bắt được sức mạnh của cái ngẫu nhiên trong bài báo nổi tiếng “Một cánh bướm khẽ đập ở Brazil có thể gây ra cơn lốc ở bang Texas?” “Hiệu ứng cánh bướm” cho thấy những biến cố lịch sử bất thường ảnh hưởng lớn lao tới việc nghiên cứu các quy luật
chung và các nguyên lý của vũ trụ.
Gould đã lấy ngón tay cái của loài gấu trúc làm hình mẫu cho sự ngẫu nhiên. Trong bài luận năm 1978 “Ngón tay cái đặc biệt của loài gấu trúc,” Gould chỉ rõ ngón tay này không tuân theo quy luật tạo hình thiết yếu có thể đoán định của tự nhiên mà là một ngẫu tác trong quá trình tiến hóa. Thực chất, ngón tay cái của loài gấu trúc chính là thí dụ về thiết kế theo chiều từ dưới lên, một sản phẩm của quá trình tiến hóa với tất cả những công cụ sinh học sẵn có. Một nhà thiết kế thông minh từ trên xuống hẳn đã tạo cho gấu trúc một ngón tay đẹp và hữu dụng hơn nhiều để tước lá khỏi cành non. Ngón tay loài gấu trúc dùng để tước lá được gọi là “ngón cái”, nhưng thực chất đó chỉ là một đoạn xương cổ tay kéo dài hình hạt vừng có thể xoay được. Bàn tay của gấu trúc đã có năm ngón cố định tại các vị trí nhờ các cơ, dây chằng, và các dây thần kinh, được hoàn thiện trong quá trình tiến hóa để có thể quắp từ trước ra sau giống như các loài gấu và động vật ăn thịt có vú khác. Nói cách khác, ngón tay thừa của loài gấu trúc không được thiết kế thông minh mà hình thành từ những bộ phận có sẵn do lịch sử ban tặng, đó là đoạn xương cổ tay đã thay đổi chức năng sử dụng. So với chúng ta, có thể ngón tay cái này thật vụng về và bất tiện, song nó lại đủ để giúp gấu trúc hái lá cây. Do đó, không có lý do gì khiến toàn bộ bàn tay loài gấu trúc bị thay đổi trong quá trình chọn lọc tự nhiên.
***
Trong kinh tế học, quá trình tiến hóa này được gọi là lối mòn lệ thuộc hay then cài lịch sử nhằm diễn tả việc các thị trường thường phụ thuộc vào lối mòn chúng đang đi trên hoặc bị khóa chặt trong các kênh vận hành hiện tại. Khái niệm lối mòn lệ thuộc được nhà kinh tế học trường Đại học Stanford Paul David đưa ra trong bài báo gây tiếng vang lớn năm 1985 “Clio và ý nghĩa kinh tế của bàn phím QWERTY”, bài báo khiến loại bàn phím này trở thành huyền thoại. Về mặt kỹ thuật, David định nghĩa lối mòn lệ thuộc như một “đặc tính của các quá trình động, ngẫu nhiên và không thể đảo ngược, trong đó gồm cả những quá trình có thể được xem là ‘tiến hóa’.” Nói ngắn gọn hơn, đó chính là những vấn đề lịch sử.
Một thí dụ về lối mòn lệ thuộc là Hiệu ứng bán chạy nhất chúng ta đã đề cập đến trong phần mở đầu, theo đó người giàu sẽ càng giàu hơn. Suy rộng ra, lối mòn lệ thuộc cho thấy các công ty sớm bước chân vào một lĩnh vực sẽ có lợi thế đi đầu so với các công ty gia nhập sau. Lợi thế cạnh tranh này có được nhờ rất nhiều yếu tố. Thí dụ, mô hình hiệu quả kinh tế theo quy mô chỉ rõ chi phí cố định sẽ được phân bổ trong quá trình sản xuất nên càng sản xuất nhiều bạn càng có khả năng giảm giá thành của sản phẩm hoàn thiện đến tay người tiêu dùng, nhờ đó có thể chiếm được thị phần lớn hơn. Trước hết, điều này gây ra hiệu ứng số đông, thu hút người tiêu dùng (trừ những người đã có lựa chọn trước) đến với các sản phẩm họ cho là dễ mua nhất xét
trên các yếu tố giá cả và sự tiện lợi trong mua sắm. Thứ hai, điều này gây ra hiệu ứng mạng lưới – khi các nhà sản xuất và phân phối dự đoán ảnh hưởng của hiệu ứng số đông, họ sẽ sản xuất và dự trữ những sản phẩm được đánh giá sẽ có cầu cao nhất. Vòng phản hồi sẽ hình thành khi những sản phẩm phổ biến nhất được sản xuất với số lượng lớn nhất, khiến chúng được người tiêu dùng tiêu thụ nhiều hơn, thúc đẩy việc sản xuất nhiều hơn và cứ tiếp tục như vậy.
Việc có thêm nhiều người sử dụng một sản phẩm sẽ hình thành xu hướng tiêu dùng cố định và điều này có thể cản trở sự phổ biến của những công nghệ khác, do không tương thích về mặt vật chất hoặc do sức cản của chi phí chuyển đổi. Nếu hệ điều hành Windows giúp Microsoft chiếm được thị phần đáng kể trên thị trường và sản phẩm này hạn chế việc sử dụng những hệ điều hành khác, khi đó những người đang quen sử dụng Windows sẽ không muốn chuyển sang hệ điều hành khác. Khi một nhà sản xuất đã xây dựng được mạng lưới người tiêu dùng, dù đối thủ có tung ra sản phẩm với chất lượng tốt hơn và giá cả thấp hơn, nó vẫn có khả năng cạnh tranh để tồn tại vì thị trường lúc này phụ thuộc vào con đường do những người đi trước đã vạch ra. Đây chính là điểm cân bằng, tối ưu hay ổn định tạm thời của thị trường.
Xét về mặt kỹ thuật, sự trung thành với công nghệ cũ đôi khi cũng được gọi là trạng thái cân bằng Nash, một khái niệm do nhà toán học đoạt giải Nobel John Nash đưa ra (tên tuổi ông sống mãi với bộ phim Tâm hồn cao đẹp), theo đó, hai hoặc trên hai người chơi sẽ đạt tới trạng thái cân bằng khi không ai có thể ghi thêm điểm bằng cách đơn phương thay đổi chiến thuật. Nếu mỗi người chơi chọn một chiến thuật sao cho những người còn lại không thể ghi điểm dù có thay đổi chiến thuật, trong khi tất cả những người chơi còn lại đều giữ nguyên chiến thuật, khi đó cách sắp xếp những lựa chọn chiến thuật này được coi như đạt tới cân bằng. Áp dụng vào kinh tế học, thị trường sẽ đạt tới điểm cân bằng khi việc giữ nguyên chiến thuật có lợi hơn (hoặc được cho là có lợi hơn) việc thay đổi chiến thuật. Do đó, các ngành nghề, tập đoàn, doanh nghiệp và con người sẽ đạt tới điểm cân bằng tại đó việc thay đổi chiến thuật không được ưa thích.
Trong một khái niệm liên quan trực tiếp hơn đến kinh tế học, việc chuyển đổi sản phẩm như vậy được gọi là không có Hiệu ứng Pareto. Khái niệm này được nhà kinh tế học người Italia Vilfredo Pareto đưa ra trong các nghiên cứu về hiệu quả của thị trường. Câu hỏi đặt ra ở đây là: có phải thị trường tự do cạnh tranh hiệu quả vì tối ưu hóa được những sản phẩm có chất lượng tốt nhất với mức giá thấp nhất? Để trả lời câu hỏi này, Pareto chỉ ra bốn hình thức thương mại hình thành trên thị trường: thắng – thắng (tất cả những người tham gia đều được lợi), thắng – không thua (một số người tham gia được lợi còn những người khác không được lợi cũng không bị thiệt), không thua – thua (những người tham gia không ai được lợi nhưng có một số
người bị thiêt), và thắng – thua (một số người tham gia được lợi trong khi những người khác bị thiệt). Lý thuyết của Pareto cho rằng sau cùng các bên chỉ tiếp tục các hoạt động thương mại khi cả hai bên tham gia cùng được lợi hoặc một bên được lợi và bên kia không bị thiệt, tức là, hoặc thắng – thắng hoặc thắng – không thua. Cuối cùng, thị trường sẽ cân bằng tại mức tối ưu của hình thức thắng – thắng hoặc thắng – không thua và không thể tiến hành hoạt động thương mại nào hiệu quả hơn mà không khiến ai đó bị thiệt hại. Nếu định nghĩa kinh tế học là sự phân bổ các nguồn lực khan hiếm có khả năng thay thế nhau, với một nhóm cá nhân và một nhóm nguồn lực cho sẵn để lựa chọn, việc chuyển dịch từ sự phân bổ này này đến sự phân bổ khác đem lại lợi ích cho ít nhất một cá nhân và không làm ai bị thiệt hại chính là một hoàn thiện Pareto. Khi không có cách phân bổ nào hiệu quả hơn, cách phân bổ nguồn lực hiện tại được coi là có hiệu quả Pareto.
Các điểm cân bằng, hiệu quả và tối ưu này có nhiều nét tương đồng với Các chiến lược ổn định tiến hóa trong thuyết tiến hóa, theo đó, khi một chiến lược đã được một tập hợp các cá nhân chấp nhận chắc chắn nó sẽ đánh bại những chiến lược thay thế. Trong thí dụ về loài gấu trúc, cách tước lá trúc khỏi cành bằng đoạn xương cổ tay biến đổi đã được chọn – mặc dù đây chỉ là thiết kế dưới mức tối ưu, nó vẫn hiệu quả hơn việc sửa lại cả bàn tay chỉ để giúp một ngón tay cái tiến hóa. Ngón tay cái của loài gấu trúc chính là một chiến lược ổn định tiến hóa. Bàn phím QWERTY cũng là một chiến lược như vậy.
Năm 1873, Christopher Latham Shole bán bản quyền bằng sáng chế máy đánh chữ, trong đó có cả bàn phím QWERTY, cho hãng E. Remington & Sons. Năm 1882, Viện tốc kí và máy chữ được L. V. Longley thành lập tại Cincinnati. Dù có vô số cách sắp xếp bàn phím khác nhau, bà đã chọn hệ thống QWERTY. Chương trình đánh máy của bà ngày càng thành công, phương pháp giảng dạy của bà được chấp nhận rộng rãi và trở thành tiêu chuẩn công nghiệp, thậm chí hãng Remington còn đưa nó vào chương trình học tại những trường dạy đánh máy mới mở. Sau đó, vào năm 1888, một cuộc thi đã được tổ chức để so sánh phương thức đánh máy của Longley với đối thủ cạnh tranh của bà, Louis Taub, người sử dụng kĩ thuật đánh máy khác trên một bàn phím phi-QWERTY. Học trò xuất sắc của bà, Frank McGurrin, đã chiến thắng bằng cách ghi nhớ các phím QWERTY và đánh máy bằng phương thức cảm nhận phím (touch typing). Sự kiện này được rất nhiều người biết đến và phương thức cảm nhận phím đã nhanh chóng được những nhân viên đánh máy ở Mỹ lựa chọn. Bàn phím QWERTY trên máy chữ Remington trở nên thông dụng tới mức việc phân bổ lại các phím hiệu quả hơn là cả một cuộc cách mạng. Dù sao, câu chuyện này chỉ là huyền thoại, vậy sự thật từ ngày đó đến nay ra sao?
Theo huyền thoại này, bàn phím QWERTY được thiết kế cho những
chiếc máy chữ thế kỉ XIX với cơ chế gõ đã quá chậm so với tốc độ ngón tay con người – các phím có thể kẹt ngay lập tức nếu sử dụng hết khả năng của các ngón tay. Mặc dù 70% các từ tiếng Anh có thể viết ra từ các chữ cái DHIATENSOR, khi nhìn vào bàn phím ta có thể thấy hầu hết những chữ cái này không nằm ở vị trí gõ mạnh (hàng phím chính được gõ mạnh bởi hai ngón tay trỏ). Thực chất, tất cả các nguyên âm trên bàn phím QWERTY được xếp xa những vị trí gõ mạnh nhất, chỉ chiếm 32% hàng phím chính. Chỉ có khoảng 100 từ đánh máy được từ riêng hàng phím chính, trong khi đó bàn tay trái yếu hơn phải đánh trên 3000 từ mà không dùng đến bàn tay phải. Nhìn vào bàn phím ta cũng có thể thấy sự sắp xếp phím cơ bản giống như chuỗi Alphabet (trừ các nguyên âm) DFGHJKL, do những thử nghiệm trước đây cho thấy việc sắp xếp bàn phím theo thứ tự bảng chữ cái này giúp đánh máy nhanh hơn. Những nguyên âm đã được bỏ ra để giảm tốc độ đánh máy nhằm tránh làm kẹt phím. Vấn đề này cuối cùng cũng được khắc phục, nhưng QWERTY lại quá lún sâu vào hệ thống (qua sách hướng dẫn, những kĩ thuật giảng dạy, và những nhu cầu xã hội khác) đến mức trừ khi những công ty máy tính cùng với những giáo viên đánh máy, sách hướng dẫn và phần đông những người đánh máy đồng thời quyết định thay đổi, chúng ta vẫn sẽ bị gắn chặt với QWERTY không biết đến bao giờ.
Câu chuyện về nguồn gốc và sức sống bền bỉ của bàn phím QWERTY trở thành thí dụ điển hình về lối mòn phụ thuộc đến mức rất nhiều tác giả đem nó kể đi kể lại. Dựa vào các công trình nghiên cứu của David và Gould, các nhà kinh tế học, bình luận xã hội và nhà báo nhiều lần nhắc đến huyền thoại này như thể đó là một quy luật kinh tế trong đó lịch sử chi phối thị trường, và thành công của thị trường phụ thuộc vào yếu tố may mắn hơn là chất lượng sản phẩm. Song, nếu lối mòn phụ thuộc là động lực mạnh đến vậy trong nền kinh tế, tại sao lại không có hàng chục, hàng trăm ví dụ minh chứng? Câu trả lời có lẽ là câu chuyện về QWERTY quá hoang đường. Dù đúng là QWERTY đến với chúng ta nhờ hàng loạt những sự kiện ngẫu nhiên và trùng hợp – hay chính là những vấn đề lịch sử – loại bàn phím này không hề có chất lượng dưới mức tối ưu. Dường như QWERTY cũng nhanh và hiệu quả như bất kì loại bàn phím nào, do đó nó có nhiều nét tương đồng với ngón tay cái hiệu quả của con người hơn là ngón cái kì lạ của loài gấu trúc.
Để kiểm chứng hiệu ứng lối mòn phụ thuộc, người ta thường so sánh bàn phím QWERTY với bàn phím giản lược DSK (Dvorak Simplified Keyboard) do August Dvorak sáng chế năm 1936 – loại bàn phím được cho là hiệu quả hơn cách bố trí dưới tối ưu của QWERTY. Nếu bàn phím DSK thực sự siêu việt hơn, tại sao không có thị trường dành cho nó? Lối mòn phụ thuộc vào QWERTY là câu trả lời thường được đưa ra – có quá ít người được đào tạo để biết sử dụng bàn phím Dvorak nên không có nhu cầu đối với thiết kế ưu việt này đỏi hỏi các nhà sản xuất đáp ứng.
Tuy nhiên, lời giải thích này khó đứng vững. Những nghiên cứu lịch sử gần đây cho thấy ban đầu Sholes chỉ thiết kế QWERTY để khắc phục hiện tượng kẹt bàn phím, không phải bằng cách giảm tốc độ đánh máy, mà bằng cách tách các phím có các ký tự trên thanh chữ gần nhau dưới bàn trượt máy chữ (chẳng hạn, ông đã tách phím T và H ra xa nhau.) Cách bố trí bàn phím QWERTY thực sự là kết quả của quá trình nghiên cứu tần suất sử dụng các cặp chữ cái. Bàn phím này ra đời không phải để cản trở những người có năng lực đánh máy nhanh, vượt quá khả năng đáp ứng của các loại máy chữ thời bấy giờ.
Thực ra, hai nhà kinh tế học Stan Liebowitz và Stephen Margolis đã kiểm tra kết quả của các cuộc thử nghiệm cho thấy bàn phím Dvorak hiệu quả hơn QWERTY, và đưa ra những kết luận không mấy dễ chịu với Dvorak. Chẳng hạn, trong một nghiên cứu, Dvorak đã so sánh những học sinh ở những độ tuổi khác nhau, từ những trường khác nhau, từ những lớp với thời gian học dài khác nhau, làm những bài kiểm tra đánh máy khác nhau. “Bất kì ai, không cần phải là một nhà khoa học, cũng có thể nhận ra rằng những so sánh đó không phải là những thử nghiệm được kiểm định,” Liebowitz và Margolis nhận xét đầy mỉa mai. Ngoài ra, những kết quả thường được trích dẫn của một cuộc thử nghiệm năm 1944 trong Hải quân, đặt nền móng hoàn chỉnh cho nhận định bàn phím Dvorak ưu việt hơn QWERTY hóa ra cũng chỉ do xào xáo mà có. Ban đầu, Liebowitz và Margolis không tìm thấy văn bản nào nói về nghiên cứu trong Hải quân này nên kết luận rằng “có thể đây là một trường hợp trong đó một tác giả dựa vào ý kiến đánh giá của một tác giả khác, người này lại dựa vào đánh giá của một người khác nữa và cứ như vậy mà không ai biết ý kiến gốc.” Cuối cùng, khi tìm thấy một bản copy trên gác xép một ngôi nhà trong một nông trại tại Vermont, trụ sở của tổ chức Dvorak International, họ mới khám phá ra nghiên cứu này không phải của ai khác mà chính là của viên đại úy hải quân August Dvorak, điều này khiến cho những dữ liệu của ông càng đáng nghi ngờ. Nghiên cứu của ông mắc nhiều lỗi về phương pháp luận. Những nhân viên đánh máy trong Hải quân có thời gian đào tạo sử dụng bàn phím QWERTY và Dvorak khác nhau, và điểm số đánh máy ban đầu của hai nhóm cũng được tính khác nhau. Tồi tệ hơn, ba người đánh máy trong nhóm QWERTY có điểm số cuối cùng là không ký tự trên phút – kết quả vô lý này được suy ra bằng cách tính toán tốc độ đánh máy trung bình với bàn phím QWERTY mà theo ước tính của Liebowitz và Margolis, tốc độ này đã bị hạ thấp tới một nửa so với thực tế. Cuộc thử nghiệm này không trung thực!
Sự thật là bàn phím QWERTY đủ tốt để phục vụ công việc và chắc chắn có thể địch lại bất cứ đối thủ nào, không phải bằng lối mòn thị trường bất công mà bằng chất lượng tương đương hoặc ưu việt hơn. Vào cuối thế kỷ XIX, có rất nhiều cuộc thi đánh máy với những cách sắp xếp chữ cái trên
bàn phím khác nhau và nhiều người có thể đánh máy bằng phương thức cảm nhận phím, duy chỉ có QWERTY đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn hoạt động. Liebowitz và Margolis đã sưu tầm được bài tường thuật một cuộc thi diễn ra vào tháng tám năm 1888 đăng trên tờ New York Times – chỉ vài tuần sau chiến thắng của McGurrin tại Cincinnati – trong đó thí sinh May Orr đạt kết quả 95,2 từ/phút, một thí sinh khác mang tên M. Grant đạt kết quả 93,8 từ/phút, Frank McGurrin giành chiến thắng sít sao: 95,8 từ/phút.
Lịch sử có tính quyết định và chất lượng cũng vậy. Có thể QWERTY chưa phải là giải pháp tối ưu nhưng nó không hề thua kém bất kỳ đối thủ nào từ xưa tới nay. QWERTY không phải là một bàn phím hoàn hảo nhưng nó đủ tốt để phục vụ công việc.
Hàm ý sâu xa của lí thuyết lối mòn phụ thuộc là thị trường sẽ không hiệu quả và không thể cung ứng những sản phẩm tốt nhất nếu chúng ta để mặc nó tiến hóa từ dưới lên, thiếu vắng sự quản lý từ trên xuống. Trong một bài viết đăng trên tờ Scientific American năm 1990, nhà kinh tế học Brian Arthur đã lưu ý về những tác hại của lối mòn phụ thuộc: “Một khi những sự kiện kinh tế ngẫu nhiên đã lựa chọn một con đường nào đó thì sự lựa chọn này có thể sẽ không bao giờ đổi thay bất kể lợi thế của những con đường khác.” Paul David, người viết nên huyền thoại QWERTY, cũng nhận định về hậu quả của việc thiết kế bàn phím này: “Cạnh tranh khi thiếu vắng thị trường tương lai hoàn hảo sẽ khiến ngành công nghiệp bị tiêu chuẩn hóa quá vội vàng trên một hệ thống sai lầm, nơi mà việc ra quyết định phi tập trung sau đó đã đủ sức nắm giữ nó.”
Theo cách lập luận này, nếu IBM bước vào thị trường máy tính cá nhân đầu tiên, các đối thủ khác sẽ bị loại khỏi thị trường một cách không công bằng. Nhà kinh tế học Paul Krugman cũng lập luận tương tự khi ông diễn tả về huyền thoại QWERTY: “Bạn đang dùng loại máy tính nào? Có lẽ là một chiếc dòng IBM. Tại sao bạn lại dùng nó? Có lẽ vì mọi người đều dùng IBM. Có phải mọi người đều dùng IBM vì nó là loại tốt nhất? Rõ ràng là không. Vậy thì tại sao? Vì nó có lợi thế ban đầu nên lượng mua ngày càng gia tăng. Lợi thế ban đầu này là gì? Suốt 40 năm qua, hàng nghìn đại lý bán hàng luôn nói: ‘Không ai phá sản vì mua IBM. ‘Thế mới có trường hợp của VHS và Betamax…” Cũng với cách lập luận tương tự, vì DOS là hệ điều hành đầu tiên, các đối thủ khác như Macintosh sẽ bị loại ra khỏi thị trường một cách không công bằng. Nhà đồng sáng lập tập đoàn Apple, Steve Wozniak, thực chất đã vin vào huyền thoại QWERTY khi phát biểu: “Cũng giống như bàn phím Dvorak, hệ điều hành cao cấp của Apple đã thua trong cuộc chiến chiếm thị phần.” Vậy thì, hầu hết mọi bất bình đẳng kinh tế đều là hậu quả của thị trường không công bằng, hình thành từ dưới lên, bị những sự kiện ngẫu nhiên chi phối. Thị trường này có thể khắc phục bằng sự quản lý từ trên xuống. Krugman đã kết luận: “Khi quy luật QWERTY còn thống
trị thế giới, không thể nào tin tưởng vào thị trường.”
Tuy nhiên, như chúng ta thấy, đây không phải là thế giới của quy luật QWERTY. Cách lập luận trên không hợp lý bởi IBM không còn thống trị thị trường máy tính, DOS không phải là hệ điều hành duy nhất và khách hàng cũng không quá chung thủy với DOS bởi phần lớn đã chuyển sang dùng Windows. Chúng ta thật mù quáng nếu không nhận thấy hầu hết các hệ điều hành ngày nay đều có giao diện bóng bẩy bắt chước các thiết kế ban đầu của Mac. Chưa hết, ngày nay máy tính đã thay thế máy đánh chữ và những chiếc máy tính cá nhân nhỏ gọn đã thay thế loại máy tính khổng lồ – trái ngược với quy luật lối mòn phụ thuộc.
Tôi không hề phủ nhận vai trò của yếu tố lịch sử. Tất nhiên, lịch sử có tầm quan trọng riêng. Then cài lịch sử và lối mòn phụ thuộc là những hiện tượng có thật. Thí dụ, chúng ta vẫn sử dụng phím “shift” (dịch chuyển) trên bàn phím để viết hoa các chữ cái trong khi không có thứ gì bên trong máy tính cần phải đổi chỗ; chúng ta vẫn gõ phím “return” (quay lại) trong khi không cần đặt thứ gì về vị trí cũ. Dù QWERTY có lịch sử phát triển đầy ngẫu nhiên, thực tế cho thấy nó đủ khả năng thống lĩnh thị trường. Nếu Dvorak (hoặc một loại bàn phím nào khác trong tương lai) ưu việt hơn QWERTY, nó sẽ có đủ sức chống lại đà quay của bánh xe lịch sử để đạt tới cân bằng Nash, hoàn thiện Pareto, hay chiến lược cân bằng tiến hóa. Các hệ thống công nghệ, cũng giống như các hệ thống sinh học, định hình các hình thái và chức năng nhờ sự kết hợp của tính hiệu quả và yếu tố lịch sử. Tối ưu hay không tối ưu chưa phải là nhân tố quyết định duy nhất.
***
Tuy nhiên, sự thật về huyền thoại QWERTY không hề phủ nhận khái niệm lối mòn phụ thuộc. Chúng ta đơn giản chỉ chuyển điểm mấu chốt của mô hình sinh học này từ sức mạnh của cái ngẫu nhiên sang hiệu lực của cái tất nhiên. Sự cân bằng và ngữ cảnh phù hợp chính là chìa khóa cho vấn đề.
Trong một nghiên cứu thực hiện năm 2001 về tính tiêu chuẩn hóa của khoảng cách đường ray xe lửa, nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế Douglas Puffert đã chỉ ra cách đạt đến sự cân bằng đó. Khoảng cách giữa một cặp ray là tùy ý song cần có một chuẩn mực giúp các hãng tàu và cơ quan chính phủ thúc đẩy thương mại, giảm chi phí, hoàn thiện dịch vụ và tăng lợi nhuận. Hiệu ứng mạng lưới của các vòng tròn phản hồi đã thuyết phục người tiêu dùng chấp nhận một tiêu chuẩn chung. Theo lý thuyết lối mòn phụ thuộc, qua thời gian một tiêu chuẩn duy nhất sẽ được thiết lập, nhưng thực tế không phải vậy. Australia và Argentina có tới ba tiêu chuẩn đường ray theo vùng khác nhau, dù ai cũng biết điều này rất tốn kém. Ấn Độ, Nhật Bản, Chile và nhiều nước khác sử dụng tới hai tiêu chuẩn đường ray. Một điểm cho cái ngẫu nhiên. Ngược lại, ở một số nước như Mỹ, Canada và Anh, tất cả các đường ray chỉ sử dụng một tiêu chuẩn duy nhất. Một điểm cho cái tất nhiên.
(Tuy vậy, khi đi tàu từ thành phố Boston tới thủ đô Washington, bạn sẽ nhận thấy dù có chuẩn mực chung, hầu hết hành lang xe lửa đông khách nhất vẫn sử dụng hơn một loại hệ thống động cơ.) Trong mọi trường hợp, thị trường khu vực sẽ quyết định kích thước và sự đa dạng của đường ray phù hợp với thiết kế ngẫu nhiên ban đầu và tính hiệu quả thị trường về sau.
Không thể phủ nhận cái ngẫu nhiên có ảnh hưởng trong giai đoạn đầu của một quá trình lịch sử, nhưng nó sẽ nhanh chóng bị làn sóng cuộn trào của cái tất nhiên nhấn chìm. Khi cái tất nhiên lớn mạnh, các lối mòn sẽ dần đạt đến điểm tối ưu, cân bằng, và tạm thời giữ nguyên tại đó. Song trong quá trình tiến hóa của sự sống cũng như công nghệ, tuyệt chủng mới là quy luật, sống sót chỉ là ngoại lệ. Những điểm cân bằng, tối ưu và ổn định của lối mòn phụ thuộc có thể bị phá vỡ, chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, tạo ra những cuộc quá độ lịch sử và cách mạng công nghệ. Thị trường thường dao động qua rất nhiều đỉnh và đáy, đạt đến điểm cân bằng, tối ưu và ổn định, để rồi bị hai sức mạnh đối kháng là cái tất nhiên và cái ngẫu nhiên phá vỡ. Mọi phát minh đều có khởi đầu hết sức ngẫu nhiên. Tuy nhiên điều này không đảm bảo cho vị trí vĩnh viễn của chúng trên thị trường. Yếu tố quan trọng hơn cả là sở thích của người tiêu dùng.
Sự khác biệt rõ ràng giữa quá trình tiến hóa trong sinh học và trong văn hóa chính là nguyên nhân khiến nhiều người căng thẳng về sự tương đồng giữa sự tiến hóa và kinh tế học. Như bạn đã thấy, chúng có rất nhiều điểm thực sự giống nhau nhưng cũng có không ít điểm khác nhau nghiêm trọng. Nhà sử học George Basalla đã làm sáng tỏ vấn đề này trong cuốn Sự tiến hóa của công nghệ. Basalla bắt đầu cuốn sách bằng việc phủ nhận ảo tưởng về một nhà phát minh làm việc cô độc, mơ thấy những tiến bộ công nghệ mới như thể bóng đèn lóe sáng trong trí óc. Basalla cho rằng mọi công nghệ đều được phát triển từ những đồ tạo tác (vật nhân tạo) hoặc những thứ sẵn có trong tự nhiên (vật thiên tạo): “Bất cứ sản phẩm mới nào được chế tạo ra đều bắt nguồn từ một vật thể đã tồn tại.” Nhưng phải có những đồ tạo tác xuất hiện đầu tiên, trước tất cả các phát minh khác, như thể chúng bắt nguồn từ hư vô. Trong trường hợp này, Basalla chỉ ra đồ tạo tác đó bắt nguồn từ tự nhiên.
Ví dụ, Michael Kelly – một trong những người sáng chế ra dây thép gai – đã phát biểu vào năm 1868: “Sáng chế của tôi khiến các hàng rào bằng dây thép có đặc tính tương tự những bụi cây gai. Vì thích thiết kế hàng rào, tôi đã làm ra loại dây gai này.” Bằng phép loại suy, Bassala coi các đồ tạo tác như các sinh vật: “Vai trò của đồ tạo tác đối với tiến bộ công nghệ cũng giống như vai trò của động thực vật đối với quá trình tiến hóa hữu cơ.”
Vậy huyền thoại thiên tài cô độc xuất hiện từ đâu? Basalla cho rằng nó là sản phẩm của hệ thống nhà nước cấp bằng sáng chế, theo đó một cá nhân sẽ nhận mọi vinh dự do một sáng chế đem lại, bất kỳ yêu sách nào về tính
nguyên bản cũng như muốn cải tiến sáng chế đó đều bị luật pháp ngăn cản. Điều này khiến các công ty chỉ muốn tạo ra và mua bằng sáng chế chứ không muốn phát triển thêm nhằm duy trì và giam hãm công nghệ. Xem xét quãng thời gian nhà nước không cấp bằng sáng chế tại Hà Lan từ 1869 đến 1912 và tại Thụy Sỹ từ 1850 đến 1907, Basalla thấy hai nước này không những không bị thiệt hại vì thiếu công cụ hành chính hướng từ trên xuống nhằm quản lý quy trình sáng tạo trong công nghệ và thị trường; ngược lại, họ được lợi nhiều hơn bao giờ hết: “Kinh tế Thụy Sỹ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm từ 1850 đến 1907. Công nghiệp thành công tới mức các nhà tư bản nước ngoài vẫn nô nức đầu tư vào các dự án mới bất chấp sự thiếu vắng hệ thống cấp bằng sáng chế.”
Sẽ có tranh luận rằng các hệ thống tự do kinh tế phù hợp với thế kỷ XIX hơn ngày nay, song Basalla đã trích dẫn một nghiên cứu cho thấy 70% phát minh quan trọng nhất trong nửa đầu thế kỷ XX là thành quả của các nhà phát minh độc lập không được cấp bằng sáng chế: hệ thống truyền động tự động, nhựa tổng hợp, bút bi, giấy bóng kính, phát xạ cyclotron, la bàn hồi chuyển, insulin, động cơ phản lực, phim màu Kodachrome, băng từ thu âm, tay lái trợ lực, dao cạo an toàn, phương pháp in chụp tĩnh điện, động cơ pit-tông quay Wankel và khóa kéo.
Lịch sử văn hóa tất nhiên không thể hoàn toàn tương tự lịch sử tiến hóa. Trong khi các loài sinh vật được phân định bằng khả năng duy trì nòi giống nhưng không thể giao phối với loài khác, đồ tạo tác và tư tưởng lại có thể và thường giao thoa với các “loài” hoàn toàn khác biệt. “Cây” đồ tạo tác cho phép các cành hợp lại sau khi phân tách, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ mới. Sự thay đổi sinh học tuân theo học thuyết Darwin – di truyền gene từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự thay đổi văn hóa tuân theo học thuyết Lamarck – di truyền những đặc tính thu nhận được trong cùng một thế hệ. Sự tương ứng giữa công nghệ và tiến hóa không phải là một-một bởi các hệ thống sinh học gắn với lịch sử bằng cơ chế di truyền tương đối tĩnh, trong khi các hệ thống công nghệ gắn với lịch sử bằng cơ chế văn hóa tương đối động.
***
Một trong những luận điểm quan trọng nhất của Stephen Jay Gould về sự tương đồng giữa tiến hóa và công nghệ là sự thích nghi từ trước (exaptation) – một hệ quả của sự thích nghi (adaptation) – theo đó, một đặc điểm ban đầu hình thành vì một mục đích nhưng về sau lại được lựa chọn vì mục đích khác. Hãy xem xét những đôi cánh chim cỡ lớn. Những đôi cánh này được cấu tạo đầy đủ dựa trên nguyên lý khí động học, cho phép loài chim chạy trốn kẻ thù, tấn công con mồi và bay qua những vùng mặt nước hay địa hình gồ ghề. Vậy đâu là tác dụng của những đôi cánh không hoàn chỉnh? Theo thuyết tiến hóa của Darwin, mỗi bước phát triển liên tiếp của đôi cánh phải
có tính năng nhất định nào đó. Xét về mặt khí động học, đôi cánh chưa hoàn chỉnh sẽ không thể bay được, nên phải chăng đột biến này sẽ không được tự nhiên lựa chọn? Luận điểm này, với tên gọi vấn đề của giai đoạn khởi phát, được dùng để chống lại Darwin và ông đã phản biện bằng mô hình có tính kỹ thuật: “Dù ban đầu một bộ phận hình thành không nhằm một mục đích đặc biệt nào đó, nhưng cuối cùng lại thực sự phục vụ mục đích đó; ta nói nó được trù tính đặc biệt cho mục đích này. Tương tự, nếu ai đó làm ra một chiếc máy nhằm phục vụ một mục đích đặc biệt nhưng lại sử dụng các phụ tùng cũ và chỉ thay đổi đôi chút; ta nói chiếc máy ấy, cùng với tất cả các bộ phận của nó, được trù tính đặc biệt cho mục đích này. Trong tự nhiên, hầu hết mọi bộ phận của các loài sinh vật hiện nay, với một vài cải biến trong từng trường hợp cụ thể, đều phục vụ nhiều mục đích và đều từng cấu tạo nên bộ máy cơ thể những loài sinh vật cổ đại, thậm chí đã tuyệt chủng.”
Gould cùng với đồng nghiệp Elizabeth Vrba gọi giải pháp này là sự thích nghi từ trước, đồng thời đưa ra nhiều thí dụ trong cả môi trường tự nhiên và nhân tạo. Chẳng hạn, với trường hợp đôi cánh, trong giai đoạn khởi phát, nó còn có mục đích sử dụng khác ngoài việc thực hiện động tác bay khí động học. Một trong số những mục đích đó là điều chỉnh thân nhiệt. Qua nghiên cứu các hóa thạch cổ, người ta thấy những chiếc lông vũ đầu tiên có dạng lông mao, tương tự lớp lông phủ cách nhiệt ở các con chim mới nở ngày nay. Loài chim hiện đại có nguồn gốc tiến hóa từ loài khủng long hai chân therapod, cánh và lông vũ có thể đã tiến hóa với mục đích điều hòa thân nhiệt – ép sát vào cơ thể để giữ nhiệt, xòe ra để hạ nhiệt. Song, sự thích nghi ban đầu của cánh và lông vũ có thể còn nhằm giúp loài chim chạy dễ dàng hơn. Điều này đã được lưu ý khi người ta phát hiện ra nhiều loài chim hiện đại vỗ cánh để giữ lực kéo khi chạy ngược những bề mặt rất dốc, thậm chí dựng đứng 90 độ. Một nguyên nhân khác giải thích cho việc hình thành những đôi cánh sơ khai của loài khủng long hai chân là mục đích cầm nắm. Hóa thạch chuyển giao nổi tiếng nhất trong lịch sử tiến hóa, Dực chỉ long – thằn lằn cánh ngón Archaeopteryx, có đôi cánh đủ rộng để đỡ cơ thể, những chiếc lông vũ bất đối xứng có khả năng nâng bổng và đôi vai đủ linh hoạt giúp đập cánh khi bay. Tuy nhiên, Archaeopteryx vẫn mang nhiều đặc điểm của loài khủng long, nhất là bàn tay có thể cầm nắm, có lẽ ban đầu “đôi cánh” hình thành để thích nghi với việc này và về sau mới để bay. Trong quá trình tiến hóa sinh học, các cấu trúc có thể thích nghi với một chức năng và sau đó tiến hóa để đảm nhận thêm các chức năng khác hoặc có thể đảm nhận nhiều chức năng cùng một lúc.
Thích nghi và thích nghi từ trước là hiện tượng phổ biến trong tự nhiên và xã hội. Trong bài luận “Biến lốp xe thành dép”, Gould đã chỉ ra cách thức những người sống tại các nước thuộc thế giới thứ ba (do nhu cầu kinh tế) bắt buộc phải chuyển đổi tính năng của các sản phẩm công nghệ ban đầu được
làm ra với mục đích khác (bạn thậm chí có thể lên mạng và tải về đoạn clip hướng dẫn biến chiếc lốp xe thành đôi dép lốp). Trong lĩnh vực công nghệ phục vụ môn thể thao đua xe đạp, các thay đổi đối với bàn đạp, mũ bảo hiểm, găng tay và yên xe chính là những ví dụ minh họa cho sự thích nghi và thích nghi từ trước. Ví dụ, bàn đạp không xỏ ngón ban đầu được Look, một hãng sản xuất ván trượt tuyết của Pháp tung ra thị trường. Ông chủ hãng Look, Bernard Tapie, đồng thời sở hữu đội đua chuyên nghiệp La Vie Claire với hai tay đua hàng đầu thế giới (Bernard Hinault và Greg Lemond). Bà mối kinh tế đã dàn xếp cuộc hôn phối giữa ván trượt và xe đua. Kết quả: một loại bàn đạp mới, khác xa về kiểu dáng và tính năng so với loại bàn đạp xỏ ngón cũ, ra đời.
Sau một năm, gần như mọi tay đua chuyên nghiệp chuyển sang sử dụng loại bàn đạp này và sau hai năm, nó đã chiếm chỗ trên xe của hầu hết các tay đua nghiệp dư.
Tôi trực tiếp chứng kiến sự thích nghi ban đầu của chiếc mũ bảo hiểm hiện nay trong thời gian cộng tác với hãng Bell Helmets, một hãng chuyên tài trợ cho các tay đua. Loại mũ bảo hiểm bằng chất liệu polystyrence giãn nở được sử dụng phổ biến ngày nay không hề tiến hóa từ chiếc “lưới trùm đầu” bằng da được các tay đua sử dụng suốt nhiều thập kỷ (chúng hoàn toàn không có tác dụng hấp thụ lực khi va đập với vỉa hè). Chính các kỹ sư của Bell Helmets đã thiết kế ra chúng và sử dụng công nghệ polystyren giãn nở vốn được dùng để chế tạo mũ bảo hiểm dành cho xe mô-tô đã được cơ quan nhà nước kiểm nghiệm và chứng nhận. Bản thân công nghệ polystyren khi ra đời không hề liên quan gì đến mũ bảo hiểm nhưng nó đã được điều chỉnh cho phù hợp với các tay đua xe đạp nhằm chiếm lĩnh thị trường. Những chiếc mũ “Bell Shell” kiểu cũ tuy có khả năng chống va đập nhưng bị coi là sản phẩm dành riêng cho những kẻ lập dị. Tôi nói với các kỹ sư rằng chiếc mũ bảo hiểm cần được thiết kế giống chiếc lưới trùm đầu bằng da nếu không sẽ không có tay đua chuyên nghiệp nào chọn nó. Vì thế, mẫu đầu tiên của chúng tôi – V1 Pro – bề ngoài trông giống một chiếc lưới trùm đầu bằng da màu đen nhưng bên trong được thiết kế như một chiếc mũ bảo hiểm xe mô tô thực thụ.
Găng tay và yên xe là thí dụ cuối cùng tôi muốn dẫn ra nhằm chứng tỏ sự thích nghi ban đầu của công nghệ. Hai bộ phận này là hai tiếp điểm chính (và không mấy thoải mái) giữa người và xe. Suốt thế kỷ trước, da là nguyên liệu được lựa chọn để chế tạo chúng. Sự thay đổi duy nhất chỉ ở độ dày, đường cắt, kiểu dáng và màu sắc. Trong cuộc đua xuyên Châu Mỹ đầu tiên vào năm 1982, những tay đua như chúng tôi đã phải chịu đựng chứng đau cổ tay và tê liệt ngón tay cục bộ, chưa kể đến nỗi đau đớn do chiếc yên xe gây nên sau hàng trăm giờ da cọ xát với da. Để làm dịu cơn đau và sự khó chịu, khi chạy được khoảng nửa đường, tôi nghĩ ra cách nhét bọt biển vào găng
tay làm đệm lót và thậm chí còn dùng cả tiểu xảo nhỏ của giới đua xe – đặt một miếng thịt bò tươi vào trong quần short để hấp thu lực rung của mặt đường. Cuộc đua năm đó được tường thuật trên chương trình Wide World of Sports của Đài ABC và thật tình cờ một bác sỹ tại Waco, bang Texas, tên là Wayman Spence đã hết sức chú ý theo dõi vì ông mới phát triển thành công một loại gel mới nhằm giúp các bệnh nhân nằm liệt giường chống lại những cơn đau do sức ép. Bác sỹ Spence ngay lập tức nhận thấy điểm tương đồng và mời tôi tới công ty nhỏ của ông tại Waco – Spenco Medical – rồi cùng tôi và một cô thợ may xem xét cách đưa loại gel đó vào bên trong găng tay và yên xe khiến chúng trở nên thoải mái hơn. Chỉ vài năm sau, hầu như tất cả các công ty trên thị trường đều sản xuất găng tay và yên xe dùng gel và cả những miếng đệm yên xe. Chúng trông không khác gì những chiếc găng và yên kiểu cũ những lại hoạt động với công nghệ gel đời mới.
***
Cũng giống như các loài sinh vật, tư tưởng và đồ tạo tác không chỉ phát triển thông qua quá trình tiến hóa (thay đổi dần dần và chậm rãi) mà còn thông qua các cuộc cách mạng (thay đổi đột ngột và sâu sắc). Mọi tư tưởng và suy nghĩ của chúng ta đều bắt nguồn từ những người đi trước, được xây dựng và tôn tạo lại khi chúng ta nỗ lực để phát triển. Trong số đó, có thể bước tiến này dài hơn bước tiến khác, giống như những bước ngắn đều đặn và những bước nhảy dài. Tư tưởng, đồ tạo tác cũng như các loài sinh vật đều tiến hóa từ thế hệ trước và có những sửa đổi nhất định trong quá trình phát triển thông qua những bước phát triển liên tục hoặc những bước nhảy gián đoạn.
Sự liên tục (quá trình tiến hóa) thể hiện mối liên hệ bền bỉ và mật thiết với quá khứ khi sự thay đổi diễn ra dần dần theo thời gian. Sự thay đổi liên tục diễn ra chậm đến mức không thể nào tri giác được giống như khi một vật dần hòa mình vào vật khác. Quá trình tiến hóa của dòng xe đạp đua từ năm 1960 đến năm 1980 là thí dụ cụ thể (những người ngoại đạo hầu như không nhận thấy sự thay đổi này). Sự gián đoạn thể hiện sự tách rời khỏi quá khứ khi sự thay đổi diễn ra đột ngột và sâu sắc theo thời gian. Sự thay đổi gián đoạn đủ nhanh để có thể tri giác được giống như khi một vật biến thành vật khác. Quá trình tiến hóa của dòng xe đạp đua từ năm 1980 đến năm 2000 là thí dụ cụ thể (ai cũng có thể nhận thấy sự thay đổi dù có yêu thích môn thể thao này hay không). Từ đó, chúng ta có các định nghĩa sau:
Sự liên tục thể hiện mối quan hệ mật thiết với quá khứ và thay đổi dần dần theo thời gian.
Sự gián đoạn thể hiện sự tách rời khỏi quá khứ và thay đổi đột ngột, sâu sắc theo thời gian.
Không phải những chiếc xe đạp đua không thay đổi từ năm 1960 đến năm 1980, nhưng trong quãng thời gian này sự thay đổi diễn ra liên tục –
gồm những cải tiến nhỏ về hiệu quả của hệ thống phanh, xích, các phụ tùng làm bằng kim loại nhẹ hơn, vật liệu và phương thức kết cấu khung khỏe hơn, lốp xe nhẹ và bền hơn, băng cuốn ghi đông tốt hơn… Ngược lại, sự thay đổi diễn ra từ năm 1980 đến năm 2000 lại rõ rệt hơn nhiều và các cải tiến thường có nguồn gốc bên ngoài lĩnh vực xe đạp đua. Sự thay đổi này có tính gián đoạn – hệ thống “sang số” mới, chất liệu làm khung hoàn toàn mới (nhôm, titan, than chì, sợi carbon và cả nhựa), thiết kế khí động học, bàn đạp không xỏ ngón, mũ bảo hiểm vỏ cứng bằng polystyrence giãn nở, găng tay và yên xe được bôi trơn bằng gel… Cả “sự liên tục” và “sự gián đoạn” đều miêu tả chính xác sự thay đổi của dòng xe đạp đua, song chúng đóng vai trò như cái ngẫu nhiên và cái tất nhiên, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể trong chuỗi thời gian khi sự thay đổi diễn ra. Nếu cái tất nhiên đủ mạnh để chi phối, sự thay đổi sẽ diễn ra chậm và liên tục. Nếu cái tất nhiên không ổn định hoặc đang phải cạnh tranh với cái ngẫu nhiên đầy thế lực, sự thay đổi sẽ diễn ra nhanh chóng và gián đoạn.
Nếu coi việc hoàn thiện thiết kế xe đạp cơ bản với khung xe hình thoi, truyền động bằng xích, tay đua ngồi ở tư thế thẳng đứng là những bước tiến có tính liên tục trong suốt thế kỷ XX, hẳn phải có một điểm hội tụ những phát minh, sự kiện và điều kiện xã hội dẫn đến bước nhảy gián đoạn vào đầu những năm 1980. Tôi trực tiếp chứng kiến sự chuyển dịch từ những thay đổi liên tục sang gián đoạn trong khoảng thời gian từ khi tôi bắt đầu đua xe vào năm 1979 cho đến khi ngừng chơi môn thể thao này mười năm sau. Những chiếc xe đạp năm 1979 tốt hơn nhiều so với năm 1959, nhưng chưa đủ để tạo ra sự khác biệt. Sau đó, một loạt sự kiện đã xảy ra, châm ngòi cho một sự thay đổi gián đoạn:
Cuộc khủng hoảng khí đốt năm 1979 khiến doanh số bán xe đạp tăng vọt.
Nhật Bản thâm nhập thị trường xe đạp Mỹ, mang đến nhiều mẫu thiết kế ứng dụng công nghệ cao cùng với triết lý không ngừng tự hoàn thiện thông qua nghiên cứu và phát triển, nhanh chóng vượt mặt các hãng Châu Âu gạo cội như Campagnolo.
Tay đua Bryan Allan cưỡi chiếc xe đạp bay của Paul MacCready - phi cơ dùng sức người Gossamer Albatross - bay qua kênh đào nước Anh. Sự kiện này lập tức trở thành tin nóng trên toàn thế giới.
Vận động viên trượt băng tốc độ Eric Heiden đoạt năm huy chương vàng tại Thế vận hội mùa đông 1980. Heiden cho biết anh thành công nhờ luyện tập đua xe đạp.
Tập đoàn Southland, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven cực kỳ thành công, đã chiêu mộ Heiden và thành lập một đội đua xe đạp chuyên nghiệp đẳng cấp quốc tế. Southland đã rót hàng triệu đô-la vào môn thể thao này, trong đó có việc xây dựng hai sân đua Olympic và
quảng bá đua xe đạp như môn thể thao vua.
John Marino, cựu nhân viên Sở thuế Los Angeles, do bị chấn thương vùng lưng nên đã tập đạp xe để phục hồi sức khỏe. Ông yêu môn thể thao này tới mức nhanh chóng phá vỡ kỷ lục xuyên lục địa với thành tích đạp xe qua Châu Mỹ trong 12 ngày.
Bộ phim đoạt giải thưởng của Viện Hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ với chủ đề chính là môn đua xe đạp – Breaking away – đã giới thiệu tới khán giả Mỹ những nét đặc sắc của môn thể thao này (cách bám đuổi, bứt phá khỏi đám đông, những đôi chân cạo nhẵn và đặc biệt là dòng xe đạp đua nhập từ Ý cùng với những chiếc mũ lưỡi trai Campagnolo màu vàng).
Vấn đề về sinh thái buộc người dân tìm đến xe đạp như một phương tiện giao thông không sử dụng nguyên liệu hóa thạch.
Vận động viên xe đạp ba lần tham dự Thế vận hội John Howard giành chiến thắng trong cuộc thi Ironman Triathlon tổ chức tại Hawaii, được tường thuật trên kênh Wide World of Sports của đài ABC.
Hiệp hội xe chạy bằng sức người toàn cầu tổ chức các cuộc đua xe đạp giản đơn và xe đạp lắp thêm thiết bị khí động học, đã có nhiều kỷ lục về tốc độ bị phá vỡ. Lý do là luật thi cho phép sử dụng bất kỳ mẫu mã công nghệ nào (miễn là chạy bằng sức người).
John Howard đã xuất hiện trên chương trình Tonight Show của Johnny Carson và ghi tên mình vào sách Kỷ lục thế giới Guiness sau khi thực hiện cuộc thử nghiệm đạp xe đua cùng một chiếc ô-tô thể thao với vận tốc 152 dặm một giờ trên cánh đồng muối Bonneville.
Sử dụng các thiết bị khí động học đặc biệt, tay đua người Italia Francesco Moser đã phá kỷ lục bay xa một giờ của Eddy Merckx, từ đó khơi dậy mối quan tâm đối với việc nghiên cứu các trang thiết bị, quy trình tập luyện và cả thuốc kích thích.
Việc UCI công nhận chiến thắng (sau này bị thu hồi) của Moser khiến Hiệp hội đua xe đạp Mỹ lập tức mời tiến sĩ Chester Kyle và nhiều nhà khoa học khác thiết kế chiếc xe đạp đua siêu nhẹ, ứng dụng công nghệ tối tân dùng cho Thế vận hội mùa hè năm 1984. Được đào tạo bài bản (và không phải đối đầu với các đối thủ đến từ Nga hay Đông Đức do bị tẩy chay), đội tuyển Mỹ đã thu về cả núi huy chương.
Những chiếc xe leo núi khiến việc đạp xe thoải mái và dễ dàng hơn, đồng thời mở ra khu vực địa hình mới cho môn thể thao đua xe đạp. Vận động viên xe đạp Jonathan “Jock” Boyer trở thành người Mỹ đầu tiên tham gia giải đua danh tiếng Tour de France và giành vị trí thứ 12. Vận động viên xe đạp người Mỹ Greg Lemond trở thành người đầu tiên ba lần chiến thắng trong giải quán quân thế giới và Tour de France. Anh xuất hiện trên bìa tạp chí Sports Illustrated với danh hiệu “Vận động viên của năm”.
Các loại tạp chí, sách báo và phim ảnh về thể thao cùng với các triển lãm thương mại lớn hàng năm giới thiệu hàng trăm loại bộ phận mới được cải tiến về công nghệ – bạn đồng hành không thể thiếu của mọi tay đua.
Những sự kiện trên, cùng nhiều sự kiện khác, đã hội tụ và chuyển dịch sự thay đổi từ liên tục sang gián đoạn.
***
Xem xét sự khác biệt giữa tiến hóa và công nghệ giúp chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn về những thay đổi trong văn hóa. Sự phát triển sinh học và văn hóa còn khác biệt rõ rệt hơn khi xét đến động lực quyết định chúng. Các loài sinh vật chịu sự chi phối của nhu cầu sinh tồn, bao gồm ăn, uống, sinh sản, trú ẩn và chống lại kẻ thù. Con người cũng là một loài sinh vật nên vẫn cần tất cả những thứ đó và ngoài ra còn có rất nhiều nhu cầu khác. Nếu cái tất nhiên là nguồn gốc duy nhất của mọi sự sáng tạo, hẳn 99,9% các phát minh đã không ra đời. Đâu là nhu cầu đối với máy chữ, xe đạp, máy bay và máy tính? Con người đã sống ra sao trước khi phát minh ra chúng?
Những nhu cầu cơ bản của chúng ta vẫn còn đó. Cái chúng ta có thêm là những ước muốn mới. Đây là cơ chế hoạt động: trong tiến hóa, các kiểu gene tạo ra rất nhiều kiểu hình nhằm phục vụ chọn lọc tự nhiên; nghĩa là biến dị về gene sẽ tạo ra vô số biến dị về thể chất và tự nhiên sẽ chọn lựa các biến dị phù hợp nhất rồi truyền những gene này lại cho thế hệ sau. Trong kinh tế, sự đa dạng và tính mới của hàng hóa tạo điều kiện cho quá trình chọn lọc tự nhiên về công nghệ, theo đó, khách hàng sẽ lựa chọn những sản phẩm phù hợp nhất, khiến chúng không ngừng được sản xuất, mua bán và sử dụng. Hệ thống nhân tạo này chịu sự chi phối của nhu cầu sâu thẳm trong tiềm thức: mong muốn được sống đầy đủ và giàu sang hơn. Nó không chỉ trình bày những giải pháp hẹp đối với những vấn đề vượt ra khỏi nhu cầu vật chất cơ bản của con người mà còn hình thành nên những biểu hiện vật chất của khát vọng tâm lý và nhu cầu tinh thần. Khao khát được sống đầy đủ hơn chính là ý nghĩa của việc làm người. Chúng ta làm ra máy chữ, máy tính, xe đạp, ô-tô không phải vì cần chúng mà vì muốn có chúng.
T
5
Học cách chăm nom đồng tiền
háng 12 năm 1954, chuyên gia tâm lý Leon Festinger cùng các đồng nghiệp hết sức lưu tâm tới tiêu đề bài báo: LỜI TIÊN TRI TỪ HÀNH TINH CLARION: HÃY CHẠY TRỐN CƠN HỒNG THỦY. Một bà
nội trợ ở Chicago, Marion Keech, cho biết bà đã nhận được thông điệp từ hành tinh Clarion báo trước Ngày tận thế sẽ đến cùng một trận lũ lớn trước bình minh ngày 21 tháng 12 năm 1954. Nếu bà và những người tin vào lời tiên tri này tề tựu lúc nửa đêm, một chiếc tàu lớn sẽ đưa họ ra đi an toàn.
Festinger nhận thấy đây là cơ hội, không phải để cứu mình, mà để nghiên cứu hiện tượng bất đồng nhận thức – tình trạng căng thẳng tinh thần xảy ra khi một người cùng lúc có hai luồng tư duy xung đột. “Giả sử một người hoàn toàn tin vào một điều gì đó, hơn thế nữa, người này còn có những ràng buộc đối với niềm tin của mình và đã thực hiện những hành vi không thể cải hoán để thể hiện niềm tin đó. Nếu cuối cùng các bằng chứng xác đáng và không thể phủ nhận cho thấy niềm tin của anh ta là sai lầm, điều gì sẽ xảy ra? Không những niềm tin của anh ta không bị lung lay mà trái lại, anh ta còn tin vào sự đúng đắn của nó hơn trước. Thậm chí anh ta sẽ càng hăng hái thuyết phục người khác cùng tin theo quan điểm của mình.” Rất nhiều người đã tin lời của Keech, bỏ công việc, gia đình và đem cho hết của cải. Festinger dự đoán, những người này, với các cam kết chặt chẽ bằng hành vi, sẽ không mảy may chấp nhận sai lầm khi lời tiên tri không thành sự thật và sẽ tìm cách lý giải về kết cục tốt đẹp đó.
Đêm ngày 20 tháng 12, nhóm của Keech tề tựu, chờ đợi sự xuất hiện của con tàu mẹ khổng lồ. Theo lời của Keech, các thành viên vứt bỏ hết đồ đạc bằng kim loại để tránh làm ảnh hưởng đến sự vận hành của con tàu không gian. Đồng hồ chỉ 00:05, họ vô cùng lo lắng nhưng nhanh chóng dịu xuống vì có ai đó nói đồng hồ của anh ta mới chỉ 23:55. Nhưng từng phút, từng giờ cứ trôi đi, nhóm người do Keech dẫn đầu không còn giữ được bình tĩnh.
4:00 sáng, Keech bắt đầu khóc than vì tuyệt vọng, nhưng rồi bà bừng tỉnh lúc 4:45 và tuyên bố bà nhận được thông điệp khác từ Clarion cho biết Chúa đã cứu rỗi Trái đất vì nỗ lực không mệt mỏi của các tín đồ. “Tuy nhiên, đến rạng sáng ngày 21, đám người tưởng như có tổ chức này đã rã đám khi các thành viên điên cuồng tìm cách thuyết phục thế giới đồng tình với đức tin của họ,” Festinger nói. “Những ngày tiếp theo, trong cơn tuyệt vọng, họ
cố gắng tẩy xóa vết thương bất đồng nhận thức chưa lành bằng cách đưa ra hết tiên đoán này đến tiên đoán khác rồi cầu mong chúng trở thành sự thật. Họ còn bỏ công tìm kiếm lời chỉ dẫn từ các Đấng Giám hộ.” Marion Keech cùng những con chiên ngoan đạo nhất tăng cường nỗ lực chiêu mộ tín đồ bằng cách tuyên bố lời tiên tri đã thực sự ứng nghiệm với kết quả tốt đẹp nhờ đức tin của họ. Festinger kết luận nhóm người của Keech đã cố gắng khắc phục sự bất đồng nhận thức bằng việc tái cấu trúc lại nhận thức nhằm tưởng tượng ra một kết quả tốt đẹp được củng cố bằng việc cải hóa niềm tin của người khác.
Những tín đồ tin rằng sẽ có ngày phán xử đặc biệt dễ trở thành nạn nhân của sự bất đồng nhận thức, nhất là khi họ đưa ra những dự báo chi tiết về ngày tận thế và được thực tiễn kiểm chứng. Khi sự kiện đó không xảy ra, điều thường thấy là các tín đồ sẽ coi đây là một lời tiên tri ứng nghiệm và tìm cách hợp lý hóa nó bằng một trong các lý do: (1) ngày phán xử bị tính toán sai; (2) ngày phán xử không được đề cập cụ thể trong lời tiên tri mà có khoảng biến thiên rộng; (3) ngày phán xử là lời cảnh báo chứ không phải lời tiên tri; (4) Chúa đã suy nghĩ lại; (5) lời tiên tri chỉ nhằm thử thách đức tin của tín đồ; (6) lời tiên tri đã ứng nghiệm về mặt vật chất, nhưng khác với những gì được kỳ vọng; (7) lời tiên tri đã ứng nghiệm về mặt tinh thần.
Tất nhiên, bất đồng nhận thức không phải hiện tượng riêng có ở các tín đồ sùng tín ngày phán xử. Chúng ta vẫn thường trải nghiệm nó khi cố bám vào mớ chứng khoán rớt giá, những khoản đầu tư phi lợi nhuận và những mối quan hệ bất thành. Tại sao khoản đầu tư trong quá khứ lại ảnh hưởng đến quyết định trong tương lai? Nếu chúng ta hoàn toàn duy lý, hãy vứt bỏ những niềm tin cũ và bắt đầu tính toán cơ hội thành công từ nay trở đi. Vậy mà, chúng ta vẫn cố tìm cách hợp lý hóa những gì đã làm trong quá khứ và chính điều đó sẽ ảnh hưởng tới các lựa chọn trong hiện tại.
***
Khi rơi vào tình huống bất đồng nhận thức, không ít người có thói quen “chữa cháy” bằng cách đưa ra những lời biện minh. Không may cho họ, các nghiên cứu được tiến hành sau Festinger cho thấy, ông đã đánh giá thấp tầm ảnh hưởng của việc làm này. Hai học trò của Festinger – Carol Tavris và Elliot Aronson – đã làm sáng tỏ vấn đề này trong cuốn sách được đặt tên rất hay, Có nhiều thiếu sót (nhưng không phải do tôi), khả năng giải thích hợp lý các lựa chọn và hành vi của con người bằng cách tự biện hộ dường như là vô biên.
Cụm từ “có nhiều thiếu sót” đã nói lên tất cả bản chất của quá trình hợp lý hóa. Tháng 3 năm 2007, Chưởng lý Hoa Kỳ Alberti R. Gonzales đã sử dụng chính cụm từ này khi phát biểu trước công chúng về quyết định sa thải một số luật sư đang gây tranh cãi: “Tôi thừa nhận trong việc này còn có nhiều thiếu sót. Tôi xin nhận mọi trách nhiệm.” Tuy nhiên, ông tìm cách hợp
lý hóa, “Tôi vẫn giữ nguyên quyết định và cho rằng nó là quyết định đúng đắn.” Cụm từ này quen thuộc đến mức trở thành sáo ngữ. “Có lẽ các chính phủ tôi từng phục vụ đã có nhiều thiếu sót”, Henry Kissinger đã thú nhận như vậy sau khi gây chiến tại Việt Nam, Campuchia và Nam Mỹ. Edward Egan - Hồng y giáo chủ chăm sóc phần hồn cho thành phố New York, cũng từng thừa nhận sự bất lực của Nhà thờ Thiên chúa giáo trước tệ nạn linh mục quấy rối tình dục trẻ em: “Bằng nhận thức muộn màng, chúng tôi nhận thấy ở đâu đó vẫn còn nhiều thiếu sót… Tôi xin chân thành tạ lỗi.” Và tất nhiên, các chủ doanh nghiệp cũng ưa chuộng cụm từ này không kém gì các chính trị gia và chức sắc tôn giáo: “Chúng tôi có nhiều thiếu sót trong quá trình thông tin tới công chúng và khách hàng về các gia vị trong món khoai tây chiên,” phát ngôn viên của hãng Mac Donald thừa nhận với cộng đồng Hồi giáo và những người ăn kiêng khác sau khi người ta phát hiện “hương vị tự nhiên” trong khoai tây có chứa phụ phẩm làm từ thịt bò. “Sự bất đồng nhận thức gây nên nỗi bất an về tinh thần, từ mức nhói đau cho đến đớn đau; con người không thể bình tâm khi nào chưa tìm được cách xoa dịu nó,” Tavris và Aronson viết trong cuốn sách của mình. Chính trong quá trình tìm cách xoa dịu sự bất đồng nhận thức, khả năng tự biện hộ của chúng ta càng lúc càng gia tăng.
Một trong những lợi ích thực tế của tự biện hộ là dù quyết định của chúng ta ra sao – chọn công việc này hay công việc kia, lấy người này hay lấy người kia, mua sản phẩm này hay mua sản phẩm kia – chúng ta hầu như sẽ luôn thỏa mãn với quyết định của mình, dù các bằng chứng khách quan cho thấy điều ngược lại. Một khi đã đưa ra quyết định, chúng ta thường cẩn thận quan sát những thông tin tiếp sau và lọc ra những dữ liệu trái chiều, chỉ để lại những bằng chứng thuận chiều với lựa chọn của mình. Cách đẽo chân cho vừa giày này diễn ra ở cả những cấp độ cao nhất của sự đánh giá chuyên môn. Trong cuốn sách Nhận định chyên sâu về chính trị, nhà khoa học chính trị Philip Tetlock đã xem xét nhiều bằng chứng về khả năng tiên đoán của các chuyên gia kinh tế, chính trị và nhận thấy đó chính là thứ họ thiếu nghiêm trọng. Điều này đồng nghĩa với việc, các ý kiến chuyên gia hoá ra không hề tốt hơn các ý kiến tầm thường, thậm chí còn có tính may rủi hơn. Và đúng như thuyết tự biện hộ dự đoán, các chuyên gia ít khi thừa nhận mình sai hơn so với người bình thường.
Tự biện hộ là hiện tượng phổ biến trong chính trị. Đảng Dân chủ nhìn thế giới qua lăng kính cấp tiến màu hồng, trong khi Đảng Cộng hòa quan sát mọi thứ bằng nhãn quan bảo thủ u tối. Vào bất cứ giờ nào trong ngày, bất cứ ngày nào trong tuần, hãy thử bật chương trình đối thoại trên radio lên – dù đó là cuộc “đối thoại bảo thủ” hay “đối thoại cấp tiến” – bạn sẽ thấy các chính trị gia diễn giải cùng một sự việc sẽ theo những cách trái ngược 180 độ. Nhà tâm lý xã hội Geofrey Cohen đã định lượng hiện tượng này trong
một nghiên cứu cho thấy các đảng viên Đảng Dân chủ dễ dàng chấp nhận một chương trình phúc lợi hơn nếu nó được một nhân vật cùng đảng phái đề xuất; cho dù thực tế đề xuất này được Đảng Cộng hòa đưa ra và khá hạn chế. Cohen nhận thấy xu hướng tương tự ở các đảng viên Đảng Cộng hòa: họ cũng sẽ nhiệt tình ủng hộ một chương trình phúc lợi rộng rãi nếu lầm tưởng chính sách đó do một chính khách cùng đảng đưa ra.
Cũng như địa vị chính trị, địa vị kinh tế, dù có được nhờ hoàn cảnh xuất thân, nhờ thừa kế hay nhờ lao động đều có thể làm méo mó nhận thức của con người về thực tiễn. Nhà xã hội học John Jost đã nghiên cứu cách thức con người biện hộ cho địa vị kinh tế của mình và của người khác. Những người giàu thường có xu hướng lý giải vị trí đặc quyền của mình bằng việc tưởng thưởng xứng đáng, lao động cần mẫn hoặc biện minh rằng họ đã hào hiệp đóng góp cho xã hội. Họ xoa dịu sự bất đồng nhận thức về người nghèo bằng niềm tin rằng người nghèo sống hạnh phúc và chân thành hơn. Về phần mình, người nghèo lý giải vị trí thấp kém của mình là vì họ đạo đức hơn, họ không phải thành phần ưu tú mà chỉ nằm trong chuẩn mực thông thường của xã hội. Họ cũng coi thường người giàu vì cho rằng người giàu không xứng đáng hưởng những đặc quyền do may mắn hoặc do “ăn bẩn” mà có.
Nhận thức méo mó có thể gây tai họa chết chóc. Kết án tử hình nhầm người là một nguyên nhân đặc biệt của bất đồng nhận thức. Năm 1992, Chương trình Vô tội đã thả mười bốn phạm nhân bị kết án tử hình và giải oan cho trên 250 phạm nhân lĩnh mức án nhẹ hơn. Samuel R. Gross - Giáo sư Luật học của Đại học Michigan cho biết: “Nếu chúng ta xét lại các án tù với mức độ thận trọng như khi xem xét các án tử hình, sẽ có hơn 28.500 phạm nhân lĩnh án dưới mức tử hình được minh oan trong vòng mười lăm năm qua chứ không phải chỉ có 255 vụ như trong thực tế.” Lời biện minh nào có thể xoa dịu sự bất đồng nhận thức trong trường hợp này? Rob Wadern, giảng viên Trường Luật thuộc Đại học Northwestern, giải thích: “Khi đã đặt mình vào hệ thống, bạn sẽ trở thành người hay hoài nghi”. “Ở đâu người ta cũng nói dối bạn. Từ đó bạn xây dựng nên quan niệm về tội phạm và hình thành nên cái gọi là tầm nhìn thiên kiến. Nhiều năm sau, khi các bằng chứng xác đáng cho thấy phạm nhân vô tội. Bạn sẽ ngồi lại và suy nghĩ, ‘Chờ chút. Hoặc bằng chứng này sai hoặc mình sai – mà mình không thể sai được vì mình là người tốt.’ Đó chính là hiện tượng tâm lý tôi đã gặp nhiều lần.”
Tâm lý học về hành vi lừa dối (và tự lừa dối) cho thấy nguốn gốc tiến hóa sâu xa của tự biện hộ và bất đồng nhận thức. Lĩnh vực khoa học này cũng nâng hành vi nói thật hay thừa nhận khuyết điểm lên thành một nguyên tắc quan trọng. Các nghiên cứu chỉ rõ khả năng nói dối của con người tốt hơn khả năng phát hiện nói dối, nhưng những người nói dối vẫn thường xuyên bị lộ tẩy đến mức nói dối trở thành một hành vi đầy rủi ro, nhất là khi
nói dối những người sống gần gũi bên cạnh chúng ta. Càng giao tiếp với một người nhiều bao nhiêu, người đó càng dễ nắm bắt được các tín hiệu khi chúng ta sắp nói dối, nhất là các tín hiệu phi ngôn ngữ như hít thở sâu, không nhìn vào người đối diện hay do dự trước khi trả lời. Song, các tín hiệu này ít khi bộc lộ nếu chính bạn cũng tin lời nói dối của mình. Đây chính là sức mạnh của tự lừa dối, một khả năng đã tiến hóa trong quá trình cha ông chúng ta muốn thu phục những người trong nhóm, vì nếu không làm vậy lời nói dối sẽ sớm bại lộ.
Nhìn từ góc độ tiến hóa, chỉ giả vờ làm điều đúng đắn rõ ràng là chưa đủ, bởi dù chúng ta nói dối giỏi đến đâu, cũng không nên quên rằng chúng ta có khả năng phát hiện nói dối giỏi hơn thế. Người nói dối cần phải tin mình đang làm điều đúng đắn. Niềm tin chi phối cảm xúc, vì thế, ngoài những cử chỉ thể hiện đạo đức, chúng ta còn cảm nhận được đạo đức trong hành vi gian dối và hình thành những cảm xúc đạo đức thực sự. Trong chương tiếp theo, các nghiên cứu trên động vật linh trưởng và loài người nguyên thủy sẽ minh chứng điều này. Sau đây tôi sẽ trình bày cách thức các khuynh hướng nhận thức chi phối quyết định hợp lý của chúng ta trong đời sống cá nhân cũng như trong hoạt động tài chính.
***
Hãy tưởng tượng bạn đang xem một đoạn phim, có thời lượng một phút, chiếu cảnh hai đội bóng mặc áo đen và trắng, mỗi đội gồm ba cầu thủ đang chạy qua chạy lại trong một căn phòng nhỏ, giành nhau một quả bóng rổ. Nhiệm vụ của bạn là đếm số chuyển động của đội áo trắng. Bất ngờ, sau giây thứ ba mươi lăm, một con khỉ đột bước vào phòng, chạy qua đám đông hỗn loạn, đấm ngực thình thịch và biến mất sau chín giây. Liệu bạn có nhìn thấy con khỉ đột không?
Hầu như tất cả chúng ta, với thói tự đắc về khả năng nhận thức, đều tưởng mình không thể bỏ qua hình ảnh ấn tượng như vậy. Sự thật là 50% đối tượng tham gia thí nghiệm nổi tiếng này, do hai nhà tâm lý học Daniel Simons và Christopher Chabris thực hiện, không hề nhìn thấy con khỉ đột, ngay cả khi được hỏi họ có quan sát thấy điều gì khác lạ không. Hiệu ứng này gọi là mù không chủ ý – khi đang chú tâm vào một công việc nào đó như nói chuyện điện thoại trong lúc lái xe, rất nhiều người trong chúng ta sẽ không nhìn thấy các sự vận động, chẳng hạn như một con khỉ đột đứng trên lối đi băng qua đường. Vài năm gần đây, tôi đã trình chiếu đoạn phim này khi thuyết trình trước công chúng về “Sức mạnh của niềm tin”. Cuối buổi nói chuyện, tôi yêu cầu những người không nhìn thấy con khỉ đột giơ tay lên. Chưa đầy một nửa trong số hơn một trăm người nghe giảng nhìn thấy con khỉ đột. Con số này còn thấp hơn nữa nếu trước khi chiếu phim tôi cài thêm cái bẫy về giới tính bằng cách cho họ biết một trong hai giới, nhưng không nói rõ là giới nào để tránh định hướng thí nghiệm, có khả năng đếm số lượt
bóng qua lại tốt hơn. Điều này khiến họ ngồi nghiêm chỉnh và chăm chú quan sát khiến càng nhiều người không nhìn thấy con khỉ đột. Tỷ lệ thấp nhất tôi ghi nhận được là trong một buổi thuyết trình trước khoảng 1.500 nhà tâm lý học hành vi. Dù là những chuyên gia quan sát, hầu như không ai trong số họ nhìn thấy con khỉ đột. Nhiều người bị sốc. Thậm chí có người còn nghĩ tôi đã chiếu hai đoạn phim khác nhau.
Những thí nghiệm như trên cho thấy sự ngạo mạn của con người về khả năng nhận thức cũng như sự hiểu sai về bản chất cách thức hoạt động của não bộ. Chúng ta nghĩ đôi mắt là những chiếc máy quay phim và bộ não là cuốn băng trắng chờ được trao mệnh lệnh. Theo mô hình sai lầm này, ký ức chỉ đơn giản đang tua lại cuốn băng và chiếu nó trong phòng chiếu tâm hồn, nơi đó có một viên chỉ huy đại não quan sát và trình báo lại với một người tí hon cao cấp hơn. May mắn cho các luật sư bảo vệ phạm nhân, sự thật không phải vậy. Hệ thống tri giác và phân tích thông tin của bộ não phức tạp hơn thế nhiều. Do đó, phần lớn những thứ lướt qua trước mắt chúng ta sẽ trở nên vô hình khi bộ não đang tập trung vào việc khác.
Lái xe là một thí dụ điển hình. Simons nói với tôi: “Nhiều trình báo tai nạn đều có những lời khai đại loại như ‘Tôi đã nhìn thẳng mà đâu có thấy gì’. Những người đi xe máy hoặc xe đạp thường là nạn nhân trong những vụ tai nạn như vậy. Lý do là những người lái ô-tô thường chỉ chú ý quan sát những chiếc ô-tô khác, nên dù chăm chú nhìn thẳng vào người đi xe đạp, đôi khi họ cũng không thấy gì.” Simon cũng thuật lại cho tôi nghiên cứu của Richard Haines, trong đó các phi công phải cố gắng hạ cánh chiếc máy bay mô hình trong lúc chăm chú theo dõi các chỉ dẫn bay quan trọng liên tiếp hiện ra trên kính chắn gió. “Trong hoàn cảnh này, một số phi công không nhận thấy một chiếc máy bay khác đang chắn lối trên đường băng.” Không có ai mù hơn những người không nhìn thấy.
***
Đã bao giờ bạn nhận thấy sự mù quáng của người khác trước khuynh hướng của họ, nhưng rồi chính bạn cũng mắc lừa bản thân mình? Nếu vậy, bạn chính là nạn nhân của hội chứng điểm mù, theo đó các chủ thể phân biệt được sự tồn tại và ảnh hưởng của tám khuynh hướng nhận thức khác nhau nhưng lại không nhận thấy các khuynh hướng của bản thân. Trong một nghiên cứu, người ta yêu cầu các sinh viên Đại học Stanford so sánh mình với bạn bè thông qua tiêu chí thân thiện và ích kỷ. Đúng như dự đoán, các sinh viên này luôn đánh giá bản thân cao hơn bạn bè. Khi được cảnh báo về khuynh hướng cao-hơn-trung-bình và phải xem xét lại đánh giá ban đầu, 63% cho rằng họ đã hết sức khách quan, thậm chí 13% còn cho rằng họ đã quá khiêm tốn. Trong một nghiên cứu có liên quan, nhà tâm lý học Emily Pronin tại Đại học Princeton đã cùng các đồng nghiệp chấm điểm cao thấp ngẫu nhiên một bài kiểm tra về “trí thông minh xã hội.”
Không có gì đáng ngạc nhiên, những sinh viên được điểm cao đánh giá bài kiểm tra tốt và hữu ích hơn bạn bè bị điểm thấp. Khi được hỏi liệu họ có bị điểm số gây ảnh hưởng, các sinh viên trả lời rằng họ còn ít chịu ảnh hưởng hơn người khác. Trước việc những người tham gia thí nghiệm thừa nhận họ có xu hướng thuộc một trong hai nhóm thiên lệch, Pronin cho rằng, điều này “xảy ra do tình huống đã soi sáng cho các sinh viên một cách không bình thường; nghĩa là, chính vì thiếu sáng tỏ nên các sinh viên ở phía bên kia đã chọn quan điểm sai lạc.”
Trong một nghiên cứu khác, Pronin đã hỏi các đối tượng tham gia thí nghiệm về phương pháp họ sử dụng để đánh giá khuynh hướng của người khác. Bà nhận thấy con người thường dùng những lý thuyết chung chung về hành vi khi đánh giá người khác nhưng lại đi sâu phân tích nội tâm khi đánh giá bản thân. Pronin gọi vấn đề này là sự ảo tưởng nội tâm, theo đó, con người thường tin tưởng vào bản thân và dùng phương pháp phân tích nội tâm chủ quan để đánh giá chính mình, nhưng lại không tin tưởng người khác để làm như vậy. Với tôi thì được còn với anh thì không. “Chúng ta coi nhận thức về nội dung và quá trình tư duy của mình là chuẩn mực vàng để hiểu các hành vi, động cơ và sở thích của bản thân,” Pronin giải thích. “Song chúng ta không coi nhận thức của người khác về nội dung và quy trình tư duy của họ là chuẩn mực vàng để hiểu các hành vi, động cơ và sở thích của họ. ‘Ảo tưởng’ cho rằng nhận thức nội tâm là khuôn vàng thước ngọc đã khiến chúng ta lạc lối trong quá trình phân tích nội tâm nhằm tìm ra dấu hiệu của các khuynh hướng nhận thức. Chúng ta dễ kết luận mình không chịu ảnh hưởng của khuynh hướng nào vì hầu hết các khuynh hướng đều nằm ngoài khả năng tri giác của lý trí.”
Chúng ta có xu hướng soi xét bản thân dưới ánh sáng tích cực hơn khi người khác soi xét chúng ta. Nhiều cuộc điều tra tầm cỡ quốc gia cho thấy đa số các doanh nhân nghĩ họ có đạo đức cao hơn các doanh nhân khác và các chuyên gia tâm lý về trực giác đạo đức cũng cho rằng họ có đạo đức cao hơn các chuyên gia tâm lý khác. Trong một nghiên cứu của Ban tuyển sinh Đại học trên 829.000 học sinh trung học cuối cấp, 60% tự xếp mình vào nhóm 10% “những người hòa đồng nhất,” trong khi không ai tự xếp mình dưới mức trung bình.
Xu hướng tự thỏa mãn này được thừa nhận rộng rãi. Có thể trích dẫn một thí dụ thú vị trong một nghiên cứu tiến hành năm 1977 của tạp chí U.S News & World Report với chủ đề “Người Mỹ tin ai sẽ được lên thiên đường?”: 52% chọn Bill Clinton, 60% chọn Công nương Diana, 66% chọn Oprah Winfrey và 79% chọn Mẹ Teresa. Nhưng có đến 87% người được hỏi cho rằng chính họ xứng đáng được lên thiên đường.
***
Có những điều con người nhìn thấy ở người khác nhưng lại không nhìn
thấy ở chính bản thân mình. Điều này dẫn đến khuynh hướng quy kết. Một số nghiên cứu đã cho thấy con người có xu hướng chấp nhận những lời khen tặng đối với hành vi tốt của mình (một đánh giá hoàn toàn chủ quan) và dùng hoàn cảnh để giải thích cho các hành vi xấu. Trong khi đối với người khác, chúng ta lại có xu hướng quy kết cả hành vi tốt và hành vi xấu của họ là do hoàn cảnh chi phối. Vì thế, chúng ta thường coi sự giàu có của bản thân là nhờ lao động và trí tuệ, trong khi của người khác là do may mắn và hoàn cảnh. Ngược lại, hành vi xấu của chúng ta được coi là do hoàn cảnh đưa đẩy, còn hành vi xấu của người khác là hậu quả của bản ngã yếu đuối.
Tôi cùng với đồng nghiệp Frank J. Sulloway, một nhà tâm lý học và lịch sử kinh tế tại Viện Đại học California-Berkeley, đã khám phá ra một xu hướng khác trong cách chúng ta đánh giá hành vi của bản thân và của người khác. Chúng tôi muốn biết tại sao người ta lại tin vào Chúa nên đã thăm dò ý kiến của 10.000 người Mỹ được lựa chọn ngẫu nhiên. Ngoài việc xem xét rất nhiều biến dân số và xã hội học, chúng tôi còn yêu cầu các đối tượng viết câu trả lời trực tiếp cho hai câu hỏi cuối cùng: “Tại sao bạn tin vào Chúa?” và “Tại sao bạn nghĩ những người khác cũng tin vào Chúa?” Hai nguyên nhân phổ biến nhất lý giải tại sao họ tin vào Chúa là “sự kiến tạo tuyệt mỹ của vũ trụ” và “cảm nhận thấy sự hiện diện của Chúa hàng ngày.” Rất thú vị và đáng chú ý, khi được hỏi tại sao họ nghĩ những người khác tin vào Chúa, hai câu trả lời trên rớt xuống vị trí thứ ba và thứ sáu, trong khi hai lý do phổ biến nhất là “đức tin đem lại sự thư thái” và “do sợ chết”. Dường như có sự khác biệt sâu sắc giữa cách con người nhìn nhận niềm tin của họ – do động cơ lý trí – và cách con người nhìn nhận niềm tin của người khác – do động cơ cảm xúc. Sự gắn kết của bản thân với một niềm tin được coi là lựa chọn của trí tuệ (“Tôi mua chiếc quần jean 200 đô-la này do chúng được may đẹp và rất hợp với tôi,” hoặc “Tôi đồng tình với việc kiểm soát súng vì các số liệu cho thấy tỷ lệ tội phạm giảm khi số người sở hữu súng giảm”), trong khi đó quyết định và quan điểm của người khác lại được xem là kết quả của nhu cầu hoặc cảm xúc (“Cô ta mua chiếc quần jean đắt đỏ kia vì muốn chơi trội,” hoặc “Anh ta là người tiến bộ, có trái tim nhạy cảm luôn đồng cảm với các nạn nhân.”)
***
Các khuynh hướng nhận thức có sức mạnh và sức lan tỏa rộng khắp đến vậy nên việc lập ra một nhánh kinh tế học mới để nghiên cứu chúng chỉ còn là vấn đề thời gian. Lĩnh vực mang tên kinh tế học hành vi đã được hai nhà tâm lý học Daniel Kahneman và Amos Tversky khởi xướng. Cả hai chưa từng trải qua khóa học kinh tế nào nhưng bằng kinh nghiệm cá nhân trong chiến tranh và kiến thức khoa học về các nguyên tắc của tư duy, sự cộng tác của họ đã dẫn tới một trong những thành công lớn nhất trong lịch sử khoa học xã hội.