🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Quê Hương Tôi Ebooks Nhóm Zalo https://thuviensach.vn THÔNG TIN EBOOK Tên sách: Quê Hương Tôi Tác giả: Võ Phiến (Tràng Thiên) Thể loại: Tùy bút Nhà xuất bản Thời Đại - Nhã Nam © 2012 The Happiness Project #11-NF TVE-4U Read Freely - Think Freedom Thực hiện: Sadec, Lichan, Lười đọc sách, tamchec, hhongxuan, Hanhdb, dongtrang, Hienhoang.ftu Hoàn thành: 10/2015 https://thuviensach.vn DỰ ÁN HẠNH PHÚC The Happiness Project #11-NF Hạnh phúc luôn tồn tại xung quanh chúng ta, điều quan trọng ta phải biết nắm bắt, kéo nó về phía mình để đem lại an lành cho bản thân, cho cuộc sống! Cuốn sách này là một niềm vui nhỏ bé chúng tôi muốn dành tặng đến bạn, người đọc ạ! https://thuviensach.vn "Hãy nhớ rằng không có hạnh phúc trong sự sở hữu hay sự thâu nhận, mà chỉ có trong sự trao tặng. Hãy mở rộng vòng tay - Hãy chia sẻ - Hãy ghì ôm. Hạnh phúc là một loại nước hoa, mà khi bạn rưới lên những người khác, thế nào cũng có một vài giọt dính trên người bạn." Og Madino https://thuviensach.vn Nhã khúc quê hương Đọc Quê Hương Tôi của Tràng Thiên (Võ Phiến), tôi chợt nghĩ tới ca từ trong bài hát Mái Đình Làng Biển: "Gửi vào đây vào đây vui buồn người Việt Gửi vào đây vào đây tâm hồn người Việt...., Ơi nước non ân tình Hồn Việt Nam như thế Hơ ... thuở bình minh" Có lẽ "Quê hương tôi" (QHT) chính là vậy! Và trước mắt tôi hiển hiện hình dáng cụ Võ Phiến đang so dây chiếc đàn bầu, gảy từng tiếng lòng của đất nước, giữa một khán phòng nhạc giao hưởng phương Tây. Tiếng đàn dân tộc độc đáo chợt như lạ lẫm, và bỡ ngỡ trước những đổi thay của xã hội trong thời đại mới... đàn đôi lúc ngân nga cung đúng của dân ca miền Bắc, lúc là cung oán của dân ca miền Nam, rồi lại chuyển sang cung ai trong dân ca Thừa Thiên - Quảng Trị. Đọc QHT để cảm nhận tình yêu đất nước tha thiết của một người Việt đã sống hơn nửa đời người, nhìn đất nước thay da đổi thịt theo vòng quay của thời cuộc, mà hoài niệm, mà lo lắng; đó có lẽ cũng là tâm trạng chung https://thuviensach.vn của một thế hệ cha ông chúng ta trước sự du nhập của một trào lưu mới, đang làm thay đổi phần nào cách sống, cách nghĩ của dân tộc mình, đất nước mình. Với tôi, QHT như một điệu lý dân dã, ngọt ngào nhiều luyến láy, trúc trắc, lại gần gũi thân thương. Điệu hò ấy sẽ dẫn ta đi suốt chiều dài đất nước, từ Bắc, lên Thượng du, xuôi dọc Trung, vào tới Nam. Thủ thỉ cho ta nghe đặc điểm của từng vùng miền, từ giọng Huế dịu dàng, đến vẻ bình thản của người Huế, chững chạc mà khuôn phép...Từ cuộc di dân Nam tiến của người Bình Định, làm thay đổi cả giọng nói, cách nói... Từ nhận xét rằng trong huyết quản của mỗi người dân Quảng hình như đều có tí máu "chính trị luân lưu"... đến cái tính cách "rụp rụp" mau mắn của dân miền Nam, với cái tiếng" rồi" tiếng "luôn" rất đặc trưng điển hình. Từ câu lục bát ru con của dân tộc Chàm, đến hình ảnh cô giáo người Thượng ngày ngày điệu con lên lớp; giải nghĩa cho ta biết xuất xứ của tên gọi nhiều địa danh, nghe quen đọc hoài mà giờ mới hiểu như Đà Nẵng, Hội An, kinh Vĩnh Tế... Đàn cũng réo rắt tỉ tê với tôi về chiếc áo dài dân tộc, như tự hào về nét đẹp truyền thống, tuy kín đáo mà lại gợi mở nhẹ nhàng thướt tha đón gió. Và chiếc áo dài quốc phục này hầu như chỉ dành riêng nhất cho dáng vẻ dịu dàng của phụ nữ Việt Nam. Và trong giai điệu trầm https://thuviensach.vn bổng lao xao cả tiếng rao hàng nơi góc chợ: "Hai tay xách hai vịm, Một vài mụ le te, Tiếng non rao lảnh lót: Chốc chốc: 'Ai ăn chè'?" Quê hương có chè Huế tế nhị, thanh tao, có món bún bò Huế cay cay dậy mùi quyến rũ, hay với bát nước chè Huế ngon lành được nấu tỉ mỉ, công phu, bát chè phải thật nhiều bọt, đầy bọt, bọt hầu như phủ kín mặt nước, thứ bọt dẻo quánh lại, và nhỏ hạt, uống một bát là uống cả niềm sảng khoái dân dã, thâm tình. Món ngon rải đều khắp mọi miền đất nước, những món ăn gắn với lịch sử nước nhà như bánh tráng của Bình Định, có món là đặc thù của vùng miền như nước mắm Phan Thiết, sa-kê và mắm của miền Nam. Đâu chịu dừng ở món ăn, Võ Phiến còn vẽ những bức tranh rất thơ với cây liễu, cây nhãn lồng ở Huế, hoa dầu bay bay Sài Thành, sắc anh đào hồng thắm Đà Lạt, cây bàng đất Vũng Tàu... hay phượng đỏ rực trời Đà Nẵng. Nhưng điệu xàng xê của QHT không chỉ là giọng kể, mà tràn đầy nỗi niềm lo lắng trước sự đổi thay, lo về những tập tục truyền thống như cúng giỗ, thờ tổ tiên bị xem nhẹ, lo về cái thú hưởng nhàn tao nhã của tiền nhân sắp bị thay thế, về cái tình trong đối nhân xử thế rồi sẽ bị cái lý soán ngôi. Cả nỗi lo về vốn từ ngữ của dân tộc https://thuviensach.vn không phong phú, không phát triển như Tàu, như Tây. Nhẩn nha đọc lại Võ Phiến mới thấy câu ca dao xưa thật hay: "Yêu nhau trái ấu cũng tròn Ghét nhau bồ hòn cũng méo" Trái ấu trong QHT nằm trong hai tập tính của dân mình: chửi (chửi tục) và không cười. Kiểu nào thì Võ Phiến vẫn cứ "đáng yêu" và lập luận thật lý lẽ, nghe xong chỉ có thể mỉm cười xoa tay hài lòng. Điệu hò QHT khi kết thúc vẫn còn âm vang trong tôi tiếng chim én "những cánh én lao tới lao lui, rộn cả lên," nó ríu rít, "nó cuống quýt, nôn nao, rộn rực một niềm vui không chịu được, niềm vui rung lên trong tiếng kêu." Cùng với đó là hình ảnh "ở chân trời, vài đám khói ùn lên, chậm chạp, tỏa cao và rộng. Khói đốt cỏ: Nông dân phát cỏ, dồn lại đốt, để chuẩn bị làm mùa. Chao ơi, những đám khói đốt cỏ ở chân trời trong nắng trưa, sao mà xúc động, cảm hoài." Chao ôi! Tiện tay phóng bút sao hay đến vậy? Bằng lối hành văn bình dị mà giàu cảm xúc, êm như thơ mà hóm hỉnh, trào lộng, thêm chút châm biếm tê người, Võ Phiến đã tấu lên một nhã khúc mang bóng hình Đất - Nước - Tâm - Hồn người Việt chúng ta. Lichan - Happiness Project https://thuviensach.vn TỰA Tùy bút - tùy hứng mà phóng bút - là một thể rất tự do, gặp gì chép nấy nghĩ sao nói vậy. Một cơn mưa, một giọng hát, một hớp trà, một trang sách, một tà áo phất phơ dưới gió, một tiếng ve rỉ rả trong rừng... bất kì một cảnh vật nào, một sự việc nào, hễ gợi hứng cho ta cũng có thể là đề tài một thiên tùy bút. Nó tựa như nhật kí mà không phải là nhật kí, vì nó là “bút” chứ không phải là “kí”; nó tựa như nghị luận mà không phải là nghị luận, vì nó là tùy hứng suy đoán chứ không dụng ý biện luận. Nó phóng túng như vậy nên ta tưởng là dễ, nhưng có viết mới thấy khó. Trước hết nó phải thân mật, hấp dẫn như một câu chuyện thanh nhã giữa những bạn đồng điệu lúc ngồi bên một giàn hoa hay một ấm trà. Nó không cần dài, trung bình mươi trang trở lại, nhưng lời phải tự nhiên có duyên, nội dung phải thay đổi, có ý vị. Quan trọng nhất vẫn là nghệ thuật. Tiểu thuyết mà dở thì người ta vẫn gọi là tiểu thuyết; thơ mà dở thì cũng vẫn là thơ - thơ con cóc; còn tùy bút mà thiếu nghệ thuật thì không có tên để gọi vì lẽ không ai thèm nhắc tới, biết tới. Cho nên lựa thể tùy bút là làm một công việc mạo hiểm, https://thuviensach.vn chỉ có thành công hay thất bại, không thể nhùng nhằng được. * * * Ai cũng biết tài viết tiểu thuyết của Võ Phiến nhưng theo tôi tùy bút mới là thể nạp được hết sở trường của ông, mới thật là đất cho ông dụng... văn. Trong tập Đất nước quê hương này, chúng ta gặp lại tài nhận xét tinh vi, miêu tả sắc bén của ông trong tiểu thuyết. Mấy trang ông tả cách nấu, rót và uống trà Huế làm ta liên tưởng đến Những chiếc ấm đất của Nguyễn Tuân: Nghệ thuật không kém mà lại dí dỏm hơn, có hương vị quê hương hơn. Những đoạn ông tả một chủ quán ăn bình dân ở Cần Thơ, đọc thấy mê. Ông nghe được tiếng “rồi” câm thừa thãi, như để múa men, biểu diễn sự thích thú sau mỗi cử động của chủ quán, thì tôi phục ông quá. Rồi những đoạn nên thơ về một đô thị hoang sơ, Gia Nghĩa những "đàn én rộn rịp, quấn quít trên nóc chợ”, những tiếng ve “rỉ rả thâm trầm như vừa kêu vừa suy ngẫm... bắt đầu phát ra riu rỉu, vươn dần lên; đến một lúc, tự thấy sắp trở nên ồn ào, nó giật mình tự hãm lại”. Tiểu thuyết dù sao vẫn còn hơi gò bó, không thể dễ dàng chuyện nọ bắt chuyện kia được, cho nên chỉ trong tùy bút, chúng ta mới được hưởng cái ngạc nhiên nghe Võ Phiến đương khen chiếc áo dài phụ nữ ngày nay https://thuviensach.vn thì quay về chuyện Lê Quí Đôn bút đàm với một sứ giả Triều Tiên ở Yên Kinh hai thế kỉ trước; hoặc đương nói về thuật một người đánh một lần mười hai cái trống ở Bình Định thì chuyển qua cách ăn bánh tráng. Giọng ông dí dỏm mà tình tứ: “Nếu quả Bình Định mất đi một điệu trống, phải đền lại cái gì chứ? Chiếc bánh tráng nhé?” Cũng chỉ trong tùy bút ông mới thỏa chí phóng bút mỉa mai nhẹ nhàng mà thấm thía của ông được: ông kể lịch trình Nam tiến và Tây tiến của chiếc áo dài phụ nữ, rồi kết: “Thế cho nên tin mạnh ở sự thành công cuộc thống nhất đất nước bằng chiếc áo dài. Nó êm thắm, đẹp đẽ hơn những đường lối thống nhất bạo tàn biết bao!”; và làm sao chúng ta không mỉm cười khi ông bảo ở miền bà Chúa Xứ (Châu Đốc) lễ bái được “hiện đại hóa”, không đau xót khi thấy ở một miền nọ - từ Cai Lậy tới Mộc Hóa - cờ nhiều hơn nhà, người đâu là có cờ đấy. Sau cùng cũng chỉ trong tùy bút ông mới có thể thỉnh thoảng đưa ra những suy đoán mà ông tự nhận là “vu vơ, liều lĩnh”. Kể ra đôi khi ông cũng hơi “phiêu lưu” thật - thể tùy bút cho phép chúng ta như vậy – nhưng nhiều chỗ phải nhận rằng ông sâu sắc, như khi ông phân tích tâm lí nhà Nguyễn thiên vị với người Nam, cả với cây cỏ trong Nam; hoặc khi ông bảo cuộc Nam tiến tới Bình Định vô Phú Yên, Khánh Hòa là “nhì nhằng” cho nên https://thuviensach.vn mới có ái tình Bình - Phú (Bình Định - Phú Yên) trong ca dao. Nhiều suy diễn của ông về thơ, về ngôn ngữ, về cách đặt tên người Thượng cũng làm cho tôi ngạc nhiên. Ông quả có óc tò mò, đọc nhiều và đi nhiều. Năm 1969, vì kí tên chung trong một bản kiến nghị ôn hòa đòi bãi bỏ chế độ kiểm duyệt đối với ngành xuất bản, ông bị giải nhiệm. Về sau các diễn biến của sự việc đã đưa ông đến một chức vụ khiến ông có dịp đi đây đi đó khắp trong nước. Nhờ vậy ông ghi lại những cảm tưởng khi ở Bạc Liêu, Mộc Hóa, khi ở Ban Mê Thuột, Bình Định... mà viết nên tập tùy bút này, phong phú hơn, nhiều vẻ hơn ba tập trước của ông nhiều. Vậy trong cái rủi vẫn thường có cái may. Và khi một nhà văn biết lợi dụng nghịch cảnh thì chẳng những có ích cho mình mà còn có ích cho độc giả, cho văn hóa nữa. Đó cũng là một đề tài lí thú để ông viết tùy bút nữa đấy, ông Võ Phiến. Sài Gòn, ngày 25.3.1973 Nguyễn Hiến Lê https://thuviensach.vn PHẦN MỘT Chiếc áo dài Nữ sĩ Linh Bảo đi dự một đại hội thường niên của các nhà sinh vật học Hoa Kỳ tại tiểu bang Vermont, một hôm vừa bước vào phòng ăn bỗng nghe tiếng một người đàn ông Mỹ nói sau lưng: "Bà mạnh giỏi không? Áo zài. Chời ơi!" Nữ sĩ quay lại, hỏi chuyện, thì ông Mỹ tịt: ông ta chỉ biết có mỗi một câu tiếng Việt ấy. Và trong câu tiếng Việt duy nhất của ông ta đã có cái "áo zài". Năm ngoái, trên sân khấu trình diễn tại hội chợ Osaka, so sánh với thiếu nữ của mấy mươi quốc gia trên thế giới, các cô gái Việt Nam vẫn được đặc biệt chú ý mỗi lần xuất hiện với chiếc áo dài. Đầu năm 1970 ấy, một phái đoàn đại diện báo chí và các cơ quan truyền thông của ta sang thăm Đại Hàn, ông Tổng trưởng Thông tin và Văn hóa Đại Hàn - bấy giờ là ông Shin Bum Shik - có tặng mỗi người một xấp hàng để về làm quà cho vợ! Mở ra xem thì là thứ hàng rất mỏng và dài đúng 2m80. "Chời ơi", ông Shin Bum Shik am hiểu cái món "văn hóa" Việt Nam ấy sao mà kỹ quá vậy? https://thuviensach.vn Hai trăm năm mươi năm trước, vào đúng ngày cuối năm Canh Thìn đời Cảnh Hưng, sứ giả nước ta là Lê Quý Đôn gặp sứ giả Triều Tiên là Hồng Khải Hy tại Yên Kinh nước Tàu. Đôi bên bút đàm, thành ra thân mật. Đêm trừ tịch của cái năm Canh Thìn ấy, sứ thần Triều Tiên sai con trai mang đến cho Lê Quý Đôn một phong thư và một món tặng phẩm. Trong thư có những câu: "Nhân giở bản đồ, biết có quí quốc, hai nước chúng ta, Đông Nam xa cách, loài trâu ngựa có dông nhau cũng không kịp. Thế mà được cùng hội họp nơi Hồng Lô quán, thực là ngoài sức tưởng tượng". Hai trăm năm sau, sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước Hàn Việt càng vượt xa cái sức tưởng tượng của Hồng sứ giả không biết đến bao nhiêu mà nói. Không cần "giở bản đồ", người đồng bào lỗi lạc của Hồng sứ giả không những đã biết rõ về nước Việt Nam, lại còn biết vanh vách đến cả món y phục của đàn bà con gái nước này nữa. Không những Shin tiên sinh nắm vững kích thước của áo dài, ông lại cảm thông đến cả cái sở trường của nó, là thật mỏng! Nhưng trong câu chuyện này không phải chỉ có Shin tiên sinh là đáng khen. Phải nhận rằng về phần chiếc áo dài Việt Nam, tự nó cũng phải xuất sắc mới được. Thật chứ: để cho bấy nhiêu chi tiết về nó thấu đến tai nhà lãnh đạo văn hóa một quốc gia phương Bắc, món nữ phục https://thuviensach.vn của nước Đông Nam Á này phải lẫy lừng lắm. Áo dài lẫy lừng ở quốc ngoại. Nó cũng không ngớt ghi những thành công liên tiếp ở quốc nội. Đôi ba mươi năm trước, phụ nữ miền Nam không mấy người mặc áo dài. Ngày nay thì chiếc áo dài đã thẳng xông xuống tận Năm Căn, U Minh... Áo dài đã Nam tiến đến mũi Cà Mau. Con đường Tây tiến của nó nhiều trở ngại hơn, nhưng không hẳn sẽ bế tắc đâu. Hôm 14 tháng 4 năm nay, ai có đến xem lễ chịu tuổi của đồng bào gốc Miên tại ngôi chùa đường Trương Minh Giảng đã có dịp thấy hầu hết các cô gái Miên đều mặc áo dài. Ở Ninh Thuận, Bình Thuận, các nữ sinh trung học gốc Chàm mặc một thứ áo cổ truyền đã cải biến, rất gần với chiếc áo dài của ta. Hai sắc dân thiểu số tiến bộ nhất đã dần dần chấp nhận áo dài, chắc chắn một ngày không xa, chúng ta sẽ thấy các bạn gái sắc tộc trên Tây nguyên mặc áo dài. Phải, hiện nay thì chưa có, hay hiếm có lắm, cái hình ảnh một thiếu nữ Gia-rai, hay Ba-na, hay Xơ-đăng v.v... với áo dài tha thướt. Nhưng họ đã dùng bà ba, áo thun, xu-chiêng, sơ-mi... Họ sẽ tiến đến áo dài là cái chắc. Và như thế, thiết tưởng áo dài có một đóng góp không nhỏ vào việc làm nồng nàn thêm tình cảm dân tộc. Trong một thiên truyện nọ của Sơn Nam, thầy phái https://thuviensach.vn viên nhà báo Chim trời ở Sài Gòn xuống tận xóm Cà Bây Ngọp ở Rạch Giá tìm ông độc giả Trần Văn Có để đòi hai đồng sáu cắc rưỡi tiền mua báo. Đến nơi, chủ và khách, sau bữa cơm chiều, đốt lửa un khói rồi chui vô trong mùng trốn muỗi, ngồi nói chuyện. Quanh quẩn một hồi, hai người gặp nhau ở những trang Quốc văn giáo khoa thư: kẻ nhớ bài "Chốn quê hương là đẹp hơn cả", người thuộc bài "Thú chăn trâu", mỗi người thay nhau đọc to lên một câu, có khi cả hai cùng hợp xướng: "Đầu tôi đội nón mê như lộng che, tay cầm cành tre như roi ngựa...". Cuộc hàn huyên thú vị quá, tình nghĩa giáo khoa thư đầm ấm quá. Sáng hôm sau, thầy phái viên báo Chim trời từ giã ông bạn đi về Sài Gòn, không thâu một cắc bạc nào. Hãy tưởng tượng một ngày kia những người bạn gái gặp nhau, kẻ ở U Minh người trên Phú Bổn, kẻ gốc Chàm Phan Rí, người gốc Miên Sài Gòn v.v. mà có thể cùng nhau bàn tán om sòm về những chuyện tà nam, tà bắc, cổ thuyền, cổ hở, cổ tròn, cổ vuông, eo suông, eo thắt v.v. thì cuộc gặp gỡ sẽ hào hứng, thân mật biết mấy! Giữa đàn bà con gái với nhau mà không gặp nhau được ở đề tài ăn mặc, không đem chuyện áo chuyện xống nói với nhau được thì biết làm sao gây được thân tình? Nhất định rồi một ngày nào đó, tất cả các bạn gái Việt https://thuviensach.vn Nam sẽ gặp nhau. Và cũng nhất định, cuộc gặp nhau trên vạt áo dài con gái càng đông đảo, vui thú, thân thiết hơn cuộc gặp trên những trang Quốc văn giáo khoa thư. Thế cho nên chúng ta tin mạnh ở sự thành công của cuộc thống nhất đất nước bằng chiếc áo dài. Nó êm thấm, đẹp đẽ hơn những đường lối thống nhất bằng vũ lực biết bao! * * * Áo dài Việt Nam thắng lớn trong nước và ngoài nước, do đâu mà được vậy? - Do nó cho thấy gió. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm, sau nhiều tháng ở hội chợ Osaka, chứng kiến sự thắng lợi của chiếc áo dài Việt Nam trước các đối thủ quốc tế, sau khi so sánh các ưu khuyết điểm của y phục phụ nữ các nước được phô diễn tại đây, đã nhận xét như thế. Mặc áo dài mà đứng yên chưa chắc đã ăn đứt nổi những cô gái Âu Á khác mặc y phục dân tộc của họ. Nhưng mặc áo dài mà đi, mà múa v.v. thì người con gái Việt Nam linh động hẳn lên. Áo dài Việt Nam vừa theo sát những nét tuyệt mỹ của thân người, lại vừa thêm cho tấm thân ấy sự linh động phơi phới mà nó vẫn ao ước. Những tà áo nhẹ ve vẩy phất phơ trong gió làm cho một thân hình nặng nề nhất, cục mịch nhất, cũng hóa ra thanh thoát. https://thuviensach.vn Thân người là đẹp, nhưng thứ y phục chỉ nhằm khai thác cái đẹp của thân người thì rõ ràng là tục. Trang phục là văn hóa, văn hóa là một cố gắng cải biến thiên nhiên. Trang phục mà như mini-jupe, thì ấy là một cuộc phi nước đại trở về tự nhiên, gợi lên những ham muốn trực tiếp vào "tòa thiên nhiên", là một chối bỏ văn hóa. Nhưng thân người đẹp, y phục không được phép xóa hẳn cái thân người đi. Trang phục mà như chiếc kimono Nhật thì là một sự quá trớn của văn hóa đấy nhé. Văn hóa cũng phần nào thôi chứ. Chiếc áo dài Việt Nam là một sự dung hòa giữa tự nhiên và văn hóa. Phần trên của nó đề cao thân người, bạo và tục; đã có phần dưới rất thanh, thoát hẳn thân người. Nhìn vào một người nữ mặc áo dài, sau khi bị khích động vì cái phần trên, mắt lần dò nhìn xuống, thì ở phần dưới lại chỉ thấy... gió! Vâng! Ở đây chỉ thấy có gió (như người nhiếp ảnh gia tinh mắt đã thấy), có cái thướt tha, cái bay bướm mà thôi. Luận về dân tộc tính, có người đã đặc biệt chú ý đến cái đức tính truyền thống của người Việt Nam là đức tính thiết thực, thể hiện trong lối ăn mặc những áo quần (nhất là quần) rất ít màu sắc. Đúng lắm, quần áo chúng ta lại còn thiết thực ở chỗ gọn ghẽ, giản đơn nữa. Tuy nhiên, nhận xét đây không bao gồm chiếc áo dài phụ nữ. https://thuviensach.vn Áo dài gái Việt thì được phép màu mè sặc sỡ, được phép lả lướt. Tha hồ! Mà như vậy phải chứ. Trong cuộc sinh hoạt thường nhật ở một hoàn cảnh gian khổ, dân tộc ta thiết thực; nhưng áo dài không phải là sinh hoạt thường nhật. Nó là hội hè. Dân tộc nào cũng tự cho phép mình có những ngày hội, những cuộc vui. Những ve vẩy phấp phới của các tà áo dài là niềm vui hợp lý mà chúng ta tự thưởng cho mình bên cạnh những lao tác nhọc nhằn. Là cái văn vẻ trong cuộc sống tinh thần của dân tộc, sau khi đã nỗ lực củng cố cuộc sống vật chất. Bởi vậy, trên đất nước, hễ nơi nào còn đang khai phá, còn đang bận rộn vất vả nhiều về công cuộc xây dựng những cơ sở vật chất của đời sống thì chiếc áo dài chưa vội xuất hiện. Chỉ nơi nào đất mới đã khai phá xong, điều kiện sinh sống đã ổn định xong xuôi, con người đã thảnh thơi, bấy giờ thì hai vạt áo của người đàn bà Việt Nam mới tự buông thõng xuống, phe phẩy, và reo vui với gió. Hồi sinh thời, anh Y Uyên thích một câu ca dao của tỉnh Phú Yên: "Con ngựa tía ăn quanh đèo Cả, Vầng nguyệt đêm rằm bóng ngả về đông. Chẳng thà tôi giục ngựa về không, https://thuviensach.vn Chẳng thèm cướp của giành chồng người ta". "Về không"? - Tốt lắm. Nhưng chuyện "giục ngựa" nghe có hơi kỳ. Đây là chuyện của con gái Phú Yên ba bốn mươi năm trước. Thuở ấy, con gái Phú Yên quấn khăn trùm đầu, cưỡi ngựa phóng như bay. Thuở ấy dĩ nhiên họ chưa mấy người mặc áo dài. Thuở ấy, ở Phú Yên, gái cũng như trai, còn phải xông pha vất vả; cũng là cái thuở - như Võ Hồng từng cho biết - mà văn bằng yếu lược là cả một sự hiếm hoi, cuộc sống tinh thần chưa kịp lo đến. Như thế không phải chỉ riêng trong Nam, mà ngay ngoài Trung, trước đây chẳng bao lâu cũng vắng bóng chiếc áo dài phụ nữ. Rồi dần dần Phú Yên có văn sĩ, có luôn áo dài. Rồi trong Nam cũng lại nhiều văn thơ, và... áo dài. Áo dài xuất hiện, rồi thịnh phát cùng với sự tăng cao của mức sống, cùng với sự thuần hóa của nếp sống. Nó là món trang phục đẹp đẽ. Nó đáng yêu, đã đành; nó lại là một dấu hiệu đáng mừng. 12-1971 https://thuviensach.vn Lại chiếc áo dài Mùa thu năm Hợi, cuộc cách mạng kinh tế bùng nổ ồn ào quá, làm lu mờ hai cuộc cách mạng khác: cuộc cách mạng quần, xuất hiện trước đó ít lâu; và cuộc cách mạng áo, xuất hiện sau đó ít lâu. Áo và quần nói đây là của đàn bà con gái Việt Nam. Trước, hãy nói qua chuyện quần. Kể từ khi đàn bà con gái xứ ta vâng lời vua tụt váy ra để mặc quần, thì họ giữ gần như nguyên vẹn chiếc quần ấy cho đến nay, qua nhiều thế kỷ. Màu sắc, bất quá chỉ là đen với trắng. Kích thước, khi dài khi ngắn, khi rộng khi hẹp, quanh đi quẩn lại cũng không cách xa nhau là bao. Những dằn vặt băn khoăn táo bạo nhất có lẽ đều dồn vào chỗ thắt lưng: khi lưng vặn, khi lưng buộc với dải rút, có thời dùng dây cao-su, có thời khác lại cài nút v.v... Dù sao, những cải biến ấy đều ở trong vòng che đậy kín đáo. Và thực ra đều nhỏ nhặt. Thế rồi, đột nhiên, giữa năm 1971, chiếc quần cổ truyền bị thay bằng chiếc quần pát Tây phương: phụ nữ Việt Nam mặc quần pát với áo dài! Đây không phải là chuyện ảnh hưởng, chuyện cảihttps://thuviensach.vn cách v.v... Đây là một sự thay thế, một vụ truất phế ngang xương. Dẫu sao, không nên trách đàn bà con gái nước mình. Dân tộc ta tiếp xúc với Tây phương từ những thế kỷ 16,17; văn hóa Tây phương đã xâm nhập ồ ạt vào biết bao lãnh vực trong cuộc sinh hoạt vật chất và tinh thần của ta. Thế mà văn hóa Tây phương phải chờ đến hơn ba trăm năm mới xông vào hạ nổi chiếc quần đàn bà: đâu phải phụ nữ Việt Nam không bền lòng kiên trinh? * * * Tuy nhiên, lần này cốt yếu là nhằm nói về cái áo. Và đây mới càng là một sự kỳ lạ. Người phụ nữ Việt Nam đã giữ riết lấy tấm áo của họ dai dẳng một cách khác thường. Theo lẽ thường, đàn ông không hay đua đòi theo thời trang bằng đàn bà: áo vest, cà-vạt v.v... đổi mốt chậm hơn váy, khăn quàng, vòng cổ, xuyến tay v.v... Thế nhưng hiện nay trừ các cụ già, các nhà tu hành, thì hầu hết đàn ông Việt Nam tại các thôn ấp xa xôi đều mặc Âu phục; trong khi ấy thì đa số phụ nữ, cho đến các cô ở những đô thị lớn nhất cũng vẫn trung thành với chiếc áo dài. Hơn nữa, người đàn bà Việt Nam không phải chỉ ăn đứt có người đàn ông Việt Nam về đức trung thành. Kiêu https://thuviensach.vn hãnh về nền văn hóa lâu đời như Trung Hoa mà ngày nay trong đồng phục của nữ sinh trung tiểu học họ cũng đành chấp nhận kiểu Tây phương, trong khi đồng phục nữ sinh chúng ta vẫn là áo dài. Nổi tiếng lừng lẫy như chiếc kimono mà ngày nay trên các đường phố khắp đất Nhật thứ trang phục cổ truyền cầu kỳ ấy mỗi ngày một hiếm, trong khi áo dài Việt Nam luôn luôn đại thắng y phục Tây phương trên khắp các nẻo đường đất nước. Chúng ta không vội mong khám phá ra cái bí ẩn đã khiến cho người phụ nữ Việt Nam dằn lòng trước cám dỗ, nhất mực chống lại tính ham thích thời trang, khiến họ thiết tha với chiếc áo cổ truyền đến thế. Chỉ nhận thấy giữa họ và cái áo mà họ thiết tha hình như quả thực có những chỗ hợp nhau. * * * Trước hết, vóc dáng ấy và trang phục ấy hợp nhau. Bảo rằng quần áo cũng đòi hỏi một vóc người, như thế không phải là nói quá. Thỉnh thoảng vẫn thấy những phụ nữ Âu Mỹ mặc áo dài Việt Nam. Đó hoặc là những bà lấy chồng Việt và muốn tỏ thiện chí đồng hóa với người Việt, hoặc là những du khách thành thực tán thưởng một kiểu y phục địa phương v.v... Nhưng trông họ, người ta thấy rõ người ra đàng người áo ra đàng áo. Thân hình của họ, dáng đi của họ toa rập nhau giễu cợt chiếc áo dài của ta. Giữa đôi bên không có thỏa hiệp, chỉ https://thuviensach.vn có sự gán ghép miễn cưỡng trông thấy. Thân hình họ vạm vỡ quá, lực lưỡng quá. Tà áo thướt tha thích chọn một hình vóc mảnh mai hơn. “Tần phì Việt sấu", nét gầy của ta đã đi vào tục ngữ Trung Hoa. Nét ấy tương phản quá xa với vóc người Âu Mỹ. Dáng đi của họ lại mạnh bạo quá, gấp gáp quá. Ở một người cao lớn bước đi như thế, những tà áo dài sẽ nhảy lưng tưng vội vã một cách thảm hại. Để có thể phe phẩy nhẹ nhàng, nó thích chọn một dáng đi uyển chuyển hơn. Có lẽ cũng vì những lý do về vóc dáng ấy mà cho đến nay chiếc áo dài chưa chấp nhận được mọi sắc dân trong nước Việt Nam. Gái gốc Chàm, gốc Miên gần đây đã mặc áo dài, nhưng thật hiếm thấy những cô gái Ra đê, Gia-rai, Xơ-đăng v.v... mặc áo dài. Sự ngần ngại của gái Cao nguyên có lý. Không phải họ không ham "văn minh": đàn bà Thượng vui lòng mặc sơ mi, áo thun, mặc xu-chiêng, mặc đồ đầm nữa, nữ sinh Thượng cũng nhiều em mặc jupe lắm... Nhưng đối với chiếc áo dài thì những bờ vai quá khỏe, thì dáng đi nhô mông và lụp chụp của người leo núi v.v..., những cái ấy chưa thích hợp. Áo dài dân tộc còn phải chờ đợi một thời gian nữa, để hoàn cảnh sinh sống canh cải kịp trao cho vóc dáng bạn gái Cao nguyên những nét thanh tú hơn. * * * https://thuviensach.vn Ngoài chuyện vóc dáng, tưởng cũng có thể nói đến chút liên quan giữa trang phục và tâm hồn con người. Và bảo rằng áo quần cũng đòi hỏi một tâm hồn xứng hợp, lại vẫn chưa hẳn là nói quá đâu. - Thế "tâm hồn mặc áo dài" là cái thứ tâm hồn ra làm sao? - Đặt vấn đề để bắt bí nhau như thế có ác đấy nhé. Nhưng chắc chắn kẻ nhiều ác ý nhất vẫn có thể nhận thấy mặc dù ở xứ lạnh lẽo, đàn bà Tây phương và Trung Hoa có những kiểu áo hở hang hơn đàn bà Việt Nam nhiều. Về sự hở hang ta đành không dám sánh với Tây phương, riêng các bạn láng giềng Trung Hoa, họ cũng mặc thứ áo dài để lộ cánh tay trần đến tận nách và để hở cả chân đến tận đùi! Nách và đùi không là chuyện tâm hồn? Xin đừng khắt khe: chính nó đấy, chính là tâm hồn đấy mà. Ít ra đó là những món có liên quan đến việc tìm hiểu tâm hồn một dân tộc. Tây phương chấp nhận những món đó trong hội họa, Trung Hoa chấp nhận những món đó trong tác phẩm văn chương, trong lối trang phục v.v..., trong khi chúng ta nhất định từ chối: điều ấy thiết tưởng có thể gợi ý về một ý thức luân lý rất cao nơi người Việt Nam. Chuyện dính dáng tùm lum đến nào là văn học nghệ thuật, nào là luân thường đạo lý như thế, sao lại không soi sáng được một https://thuviensach.vn khía cạnh nào đó của tâm hồn dân tộc? Ở Đông phương có một kiểu nữ phục danh tiếng nữa, là chiếc kimono của Nhật. Trông một người đàn bà mặc kimono, thật là cả một công trình. Công trình xếp đặt kỹ quá, khéo quá, che lấp hẳn thân người: rốt cuộc không còn đâu là thân người nữa. Đường nét tự nhiên bị xóa mất cả. Thân người chỉ còn như là cái cớ cho sự xây dựng một công trình mỹ thuật. Cải biến tự nhiên là dấu hiệu của văn minh. Ăn sống với ăn chín là một cách biệt về văn hóa. So sánh thức ăn có nhiều gia vị cầu kỳ của người Tàu với những món Tây phương nấu nướng không làm mất cái vị tự nhiên của thức ăn, Lâm Ngữ Đường dường như đã lấy làm hãnh diện về cái lưỡi của đồng bào ông, cái lưỡi đã tiến đến mức tinh tế không chịu được sự tiếp xúc sỗ sàng với thức ăn còn gần tình trạng tự nhiên, không chịu được cái xúc động quá mạnh mẽ do thức ăn còn giữ nguyên vị gây nên. Như thế lại cao hơn trình độ ăn chín thêm một bậc nữa. Lại càng xa thiên nhiên, càng cao thêm trên bậc thang văn hóa. Một người đẹp trong áo kimono, thật không còn cái đẹp nào xa tự nhiên hơn, nhiều tính cách nhân vi hơn. Mà thật ra, người Nhật có bằng lòng với cái đẹp nào không do công phu xếp đặt? Uống trà thì có đạo có luật, cắm hoa thì có phép có thuật, cho đến việc tự sát cũng https://thuviensach.vn có nghi thức cẩn thận! Có lẽ trong xã hội ấy từng nụ cười, từng câu chào hỏi nhau, từng bước đi lối đứng điệu ngồi v.v... trong cuộc sống thường nhật, mỗi việc đều có công thức, ước lệ quy định sẵn. Ở một xã hội như thế, thậm chí người người ăn nói với nhau hàng ngày cũng không dùng thứ ngôn ngữ hồn nhiên. Người Nhật nói với nhau bằng một thứ ngôn ngữ trịnh trọng, kiểu cách, chứa đựng rất nhiều tiếng kính ngữ. Cả đến vợ chồng, con cái, anh em trò chuyện với nhau cũng đều dùng kính ngữ. Thượng tọa Thích Thiên Ân có lần cho rằng lắm khi một người đàn bà Nhật dạy vẽ con cái trong nhà mà người cách tường cứ tưởng lầm như bà ta tiếp khách lạ mới đến. Trong Thập thất điều Hiến pháp, bản hiến pháp đầu tiên của Nhật kể từ ngày lập quốc, công bố dưới thời Thánh Đức thái tử, đã có ghi: "Thần dân bách tính phải lấy lễ làm gốc". Một cuộc sống "lấy lễ làm gốc" từ ngoài nhìn vào không khỏi thấy toàn những điệu bộ, nghi thức, đẹp đẽ mà giả tạo. Nhưng cũng có lẽ từ trong xã hội ấy nhìn ra các lối sống khác, người Nhật biết đâu không cho cái hồn nhiên giản dị là sỗ sàng, là kém văn minh, là chưa khai hóa? Cuộc sống "lấy lễ làm gốc" khiến ai nấy ra sức chế ngự bản thân, giấu nhẹm tình cảm. Tác phẩm nghệ thuật https://thuviensach.vn của Nhật thường thường cô đọng, kín đáo. Từ sau giải Nobel Văn học 1968, chúng ta có nhiều cố gắng để làm quen với văn nghệ Nhật Bản. Nhưng nhiều truyện của những Kawabata, Mishima v.v... không khỏi làm bỡ ngỡ chúng ta vì một vẻ lửng lơ, như không nói hết lời, có khi tưởng không định nói gì. Đọc cuốn "Banka" của Yassuko Harada chẳng hạn, chúng ta ngạc nhiên trước cái bình tĩnh, cái đức tự chủ, cái kín nhẹm của tác giả, một thiếu nữ chưa đầy hai mươi tuổi. Tác giả và gần hết mọi nhân vật đều thế cả. Vợ chồng Katsuragui, anh Mikio Hisada, anh Tatsumi Kossé v.v..., bấy nhiêu nhân vật nam nữ đều có thái độ nhã nhặn, khả ái, đều có những cử chỉ lời lẽ lịch sự, dịu dàng với nhau. Nhưng những bề ngoài ấy che đậy cái gì bên trong thì có trời biết được. Người Nhật cũng có nhiều bản năng, tình cảm mãnh liệt như ai, nếu không phải là hơn ai. Nhưng giáo dục, văn hóa, nhưng cuộc sống "lấy lễ làm gốc" đã đè nén tất cả, đã cải biến tất cả thành một nụ cười, hòa nhã mà bí ẩn thăm thẳm. Chính bởi vậy cho nên người nào người ấy trong cuốn truyện nọ đều có những phản ứng bất ngờ, dữ dội: họ yêu dữ tợn, họ chết dữ dằn. Ai nấy như tuồng bình thản mà khốc liệt. Bởi vì thực ra cái bộ mặt bình thản dịu dàng trong cuộc sống ấy đã đạt được bằng một ý chí khốc liệt. https://thuviensach.vn (Trong một cuộc sống "lấy lễ làm gốc" như thế, cô Reiko là một quái tượng, cô bé đó không có giáo dục: mẹ chết, cha lêu lổng. Vả lại cô ta là cái "tuổi trẻ hôm nay" của Tây phương sống sượng thả vào cái xã hội kín đáo nhất của Đông phương kín đáo. Cô ta là sự bồng bột, lấc cấc, nhâng nháo. Cô ta là thiên nhiên hoang dại. Đưa vào để làm nổi bật những đặc tính của văn hóa cổ truyền Nhật. Đưa vào để cái sống làm nổi bật cái chín, cái quá chín). Trong nền văn hóa của cái quá chín ấy, cảm hứng thi ca là cái bông lông vẫn phải khép mình vào thứ kỷ luật khắt khe nhất, vào hình thức cô đọng nhất. Một bài đơn ca (tanka) 31 chữ phải ngắt làm từng câu 5-7-5-7-7 chữ, một bài hài cú (haiku) 17 chữ lại phải chia làm 5-7-5 chữ: sao mà gò bó quá vậy! Trong khi ấy, lục bát của ta co dãn từ những bài hai câu cho đến những bài mấy vạn câu, gieo vần ở chữ thứ sáu tốt nhất, mà ở chữ thứ tư cũng xong. Ngắt nhịp có vô vàn cách khác nhau, luật bình trắc cũng có thể linh động... Mọi chuyên đều đại khái, dễ dãi. Cái xuề xòa này trái nghịch hẳn với những hình thức nghiêm khắc kia. Từ những cố gắng phi phàm đầy điệu bộ kia trở về với cái giản dị tự nhiên của dân tộc, chúng ta thở phào, nhẹ nhõm, thoải mái. Cũng có thể nói đến một cảm tưởng tương tự khi đối https://thuviensach.vn chiếu chiếc kimono Nhật với chiếc áo dài Việt Nam. Và khi chiếc áo dài đã tự liên hệ được như thế với thi ca, ngôn ngữ, với tiểu thuyết, nếp sống v.v... thì chắc chắn nó cũng phản ảnh phần nào một nét tâm hồn dân tộc. * * * Dù có chỗ hợp với vóc dáng và tâm hồn người Việt, đó cũng không phải là một bảo đảm cho sự bất diệt của áo dài. Nếu muốn, ai bảo chúng ta không thể nghĩ ra những kiểu y phục khác, cũng hợp với vóc dáng với sở thích của chúng ta như vậy, mà lại còn hợp với các nhu cầu của cuộc sống trong thời đại mới hơn? Người Nhật không phải đang loại bỏ dần dần một số y trang rất tiêu biểu cho tâm hồn họ đó sao? Vậy sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu trong tương lai có ngày áo dài bị đào thải. Tuy nhiên, những "biến cố" xảy đến cho áo dài những ngày gần đây vẫn có tính cách khác thường. Đã lâu lắm, áo dài không phải chịu những biến cải quá lớn. Sự can thiệp của họa sĩ Cát Tường hơn ba mươi năm trước, của bà Nhu vào mười năm trước, cùng cái vai raglan từ vài năm nay, đều không có gì quan trọng. Trong khi áo kimono tàn lụi mà chiếc áo dài vẫn còn đó gần nguyên vẹn, như thế chứng tỏ nữ phục ta có nhiều https://thuviensach.vn tính cách để thích ứng với khung cảnh sinh hoạt mới hơn, ít ra là cho đến lúc này. Do cái đơn giản, tự nhiên của nó. Thế rồi, đột nhiên, gần đây hàng loạt kiểu mới được tung ra, áo dài cổ sơ-mi, áo dài xẻ vạt trước, vạt sau, áo dài cài nút giữa ngực, áo dài với cái đai trước bụng, áo dài sát nách, áo dài trên đầu gối, áo dài hở lưng v.v... Trong một đêm Giáng sinh 1971, nếu chịu khó đi lùng khắp các đám đông, có lẽ còn bắt gặp được nhiều kiểu khác nữa. Đã xong chưa đây? Nào ai biết được. Một khi người ta đã mở được lưng, ra có gì đoán chắc là sẽ không có vụ hở ngực, hở rốn? Một khi đã chuyển hàng nút bên hông ra trước ngực được, ai bảo không thể xảy ra vụ cài nút sau lưng? Ai mà biết được giới hạn của những sáng kiến ấy? Người ta tự hỏi. Có chuyện gì vậy? Nguyên nhân nào xui khiến những biến cải táo bạo, cực đoan, triệt để và dồn dập như vậy? Đó có lẽ không hẳn vì lý do thẩm mỹ, bởi có được bao nhiêu kiểu mới trông đẹp mắt? Cũng không hẳn là vì lý do nhu cầu của cuộc sống mới, bởi có những kiểu mới còn rườm rà lướt thướt hơn kiểu cũ. Vả lại, người ta sẽ dễ dàng tin ở những lý do thiết thực nếu các biến cải được tiến hành thận trọng hơn, https://thuviensach.vn phải chăng, từ tốn hơn. Đàng này, nó xảy đến ào ạt như những trận tấn công tới tấp. Nó xảy ra không giống một sự cải cách, mà là một phản ứng hùng hổ của... cách mạng. Chiếc áo dài của đàn bà con gái không phải đang được sửa đổi để cho thích hợp với cái gì hết. Nó không được sửa đổi, nó dường như bị chọc ghẹo, gây gổ, bị phá phách tơi bời… Người ta nghĩ đến các cuộc nổi dậy của thanh niên những năm vừa qua trong cái phong trào cách mạng văn hóa ở Âu Mỹ, đến những khẩu hiệu ngang ngược, tục tằn, đến những lối phỉ báng của họ đối với các giá trị tinh thần cũ. Nói thế có vẻ làm to chuyện quá. Nhưng sau những đạo đức, tín ngưỡng, những tổ chức học đường, những tập quán, thành kiến xã hội v.v..., rất có thể ở ta chiếc áo dài truyền thống, đến lượt nó, nó cũng đang là một mục tiêu tấn công của tuổi trẻ hôm nay. Mục tiêu vô nghĩa so với những đối tượng cách mạng khác. Tuy nhiên, cần gì cái nghĩa? Chỉ cần làm một cái cớ để tuổi trẻ trút đổ sự chán ghét của mình đối với những khuôn mẫu cũ kỹ, thí nghiệm sức phá phách của mình, biểu diễn sự ngổ ngáo của mình. Phá chơi vậy thôi. Chuyện trong chốc lát. Hẳn là các cô không có ý cố thủ duy trì lâu dài những cái đai ngang https://thuviensach.vn bụng, những hàng nút giữa ngực áo dài. Chẳng qua là một hành vi vô cớ để chứng tỏ sự tự do. Mục tiêu vô nghĩa của một hành vi vô cớ, chiếc áo dài vô tội có lẽ không đến nỗi lâm nguy thật sự. Rồi các xáo trộn qua đi, nó lại có hy vọng thoát hiểm, ít ra là lần này, để tồn tại. 1-1972 https://thuviensach.vn Ăn uống sự thường Có lần, trong một bữa cơm khách ở Hán Thành, vị chủ nhiệm một tờ báo ấn hành mỗi ngày hơn nửa triệu số, khoe rằng ông đã có dịp ghé thăm Sài Gòn, đã thưởng thức nước mắm Việt Nam, đã mua về một ít cho cả nhà dùng thử, đều thấy ngon. Người nói có lý để hãnh diện: đến viếng một nước xa xôi trong một thời gian ngắn mà đã chịu được một món ăn có mùi vị mạnh mẽ như nước mắm, đã chịu được lại còn thấy cả cái hay của nó để đem lòng ưa thích, thì quả thật là người có thiên tư. Còn về phần kẻ nghe, dường như cũng đã không giấu nổi cả một sự vênh váo: "Ông bạn đã khiếp chưa nào? Bên xứ tôi, cái ăn cái uống siêu như vậy đó. Ấy là ông bạn mới biết qua loa mà đã thán phục nước mắm: thấu triệt nó, còn kinh hãi đến đâu. Nhưng sức mấy mà một người ngoại quốc thấu triệt nổi cái tinh túy của nước mắm? Còn lâu ạ!" Tôi cười thầm trong bụng. Sự vênh váo lố bịch bắt nguồn từ những kỷ niệm xa xôi, ngày còn nhỏ dại, sinh sống ở một làng quê. Ngày ấy, mỗi lần có gánh nước mắm bán dạo ghé vào nhà là cả một sự xôn xao. Bởi vì thường thường, không https://thuviensach.vn một ai trong gia đình mà đủ tự tin vào tài nội trợ của mình để có thể một mình kiêu hãnh quyết định về giá trị một thứ nước mắm. Người bán nước mắm dùng chiếc gáo nhỏ xíu làm bằng sọ quả dừa xiêm đẹt, chỉ lớn hơn thứ gáo của bạn hàng dầu vốn làm bằng sọ quả mù u, lớn hơn một chút thôi. Người hàng mắm vục gáo vào "thõng", múc lên lưng gáo, rót một tí vào cái chén con sạch sẽ, đưa mời. Cô tôi đón lấy chén, đưa lên mũi, ngửi qua, mắt nhìn ngưng lại giữa khoảng không, ngẫm nghĩ, thẩm định... Xong, một cách thận trọng, cô mới le lưỡi nhấm tí nước mắm. Rồi lặng lẽ trầm tư, cô trao cái chén về phía thím tôi... Nhưng bà tôi sốt sắng, nóng nảy, đã vội vàng đưa tay vẫy gọi. Và thím chuyển ngay chén mắm sang bà. Lại ngửi, lại nếm. Sau đó, đến lượt thím tôi: lại ngửi, lại nếm... Thím phát biểu: - Khá hơn thứ năm cắc kỳ trước. Cô tôi tán đồng dè dặt: - Nhấm qua thì nó dịu hơn, nhưng chị chiếp cho lâu lâu thử coi... Bà tôi nhận định: - Nè, mấy đứa thấy sao? Cái màu kỳ này tao không https://thuviensach.vn vừa ý, mà mùi vị của nó cũng chưa đằm đâu. Người bán hàng vội vã cười hề hề: - Bà nói vậy, con chịu. Bà tài thật, không cãi vào đâu được. Thưa, lứa nước này thiếu nắng. Nó còn hơi "sống" đó mà. Thưa, bà mua xong, đem ra "giang" ít lâu, nó bắt nắng, dậy mùi, thơm không thể tả. Màu nó cũng sẽ vàng óng lên chứ không như vầy đâu. Hề hề... Với bà thì cần gì phải bày vẽ, những cái đó bà biết hết mà. Hề hề... Trong khi người bán hàng xoắn xuýt quanh bà, thì cô tôi thong thả trao đổi một nhận xét với thím: - Nước kỳ trước, mới nhấp không thấy ngon lắm nhưng thâm thẩm nó ngọt hoài trên lưỡi: càng chiếp càng ngọt. Nước kỳ này không có hậu. Chị nhớ không: năm ngoái mình cũng gặp phải... Thím tôi vừa gục gặc nhè nhẹ vừa bưng chén mắm lên nhấp lại một tí nữa để chiêm nghiệm. Người bán hàng tai nghe tiếng được tiếng mất những lời bàn tán thấp giọng giữa hai người đàn bà, liền quay lại, ngờ vực, can thiệp liền: "Thưa... thưa... v.v..." Cuộc thưởng thức phẩm bình kéo dài. Số người được mời tham dự vào mỗi lúc một đông. Chén nước màu hàng được chuyển mời người này người kia: những người khách đàn bà vừa mới đến nhà, và lắm khi cả những người đàn ông trong gia đình nữa. Ồ, góp lời vào cuộc trưng cầu ý kiến về một chuyện có tính cách nghệ https://thuviensach.vn thuật rõ rệt như vậy có gì phương hại đến phong cách của hạng mày râu đâu? Trên lãnh vực chuyên môn này, các nhà nghệ sĩ có cái lưỡi đượm nồng mùi mắm của chúng ta ít ra phải gặp một nhà nghệ sĩ lớn của Tây phương. Tức cha Gaucher khả kính, nửa đời chuếnh choáng, chân nam đá chân chiêu, lảo đảo hành trình trên đường nghệ thuật, hơi thở nồng nặc mùi rượu cứu nguy tu viện Prémontrés: "Patatin, patatan, tarabin, taraban..." Thật vậy, muốn thẩm định cho đúng giá trị chân chính của một giọt nước mắm ngon, cũng như của giọt rượu trong thiên truyện nọ của Alphonse Daudet, không thể dùng thứ máy móc tinh vi nào được cả. Chỉ có thể lấy cái lưỡi của một thiên tài làm chuẩn. Nước mắm, cũng như rượu, cũng lại như trà vậy. Tiếc thay, người ta đã xun xoe quá nhiều chung quanh những giai thoại về cái tài phát giác ra hạt trấu lộn trong gói trà Tàu bằng khứu giác, chung quanh những tay tổ được rước đi từ nhà hầm này đến nhà hầm kia, dùng lưỡi thử thứ rượu nho truyền thống vùng Champagne Pháp v.v..., mà không quan tâm đúng mức đến khoa thưởng mắm của dân tộc. Thiết tưởng một người đứng giữa hầm rượu với một người đứng giữa nhà thùng, sự chọn lựa của kẻ sau này còn khó khăn hơn nhiều. Ngày xưa các cô tôi thường kêu trời sau mỗi lần đi https://thuviensach.vn "vạn" mua mắm. Một "nhà thùng" - một hàm hộ - chất chứa nhiều tấn nước mắm, hàng chục hạng khác nhau: dấn thân vào đó, nếm thứ này một chút nhấm thứ kia một tí, chẳng bao lâu cả vị giác cùng khứu giác bấn loạn lên, không còn biết phân biệt đâu vào đâu nữa.... * * * Tôi đã nghĩ đến sự bối rối của các cô một hôm vào xem một xưởng nước mắm ở Cà Mau. Còn người chủ xưởng thì cười ngất về sự bối rối đó. - Nếm mắm? Bây giờ có ai mua bán kỳ cục như vậy đâu? Tôi sững sờ, nghệch người ra. Con người quê kệch tha hồ trải qua bao nhiêu cảnh vật đổi sao dời của thời đại vẫn không hề tưởng tượng rằng cái món nước mắm gần gũi hàng ngày đã trải qua những biến thiên ghê gớm như thế. Bây giờ bậc thang giá trị của nước mắm được quy định căn cứ trên chất đạm. Bây giờ không còn có thứ nước thơm hơn thơm kém, thứ nước có hậu và không có hậu v.v..., chỉ có những thứ nước bảy chất, tám chất, mười chất, mười ba chất v.v... Mỗi "chất" là một phần trăm chất đạm: đưa chuyên viên phân tích xong, căn cứ vào giá biểu xem mỗi "chất" giá bao nhiêu, làm một bài toán nhân. Thế là xong. Việc gì có chuyện nếm với ngửi trong đó? Dĩ nhiên, cũng bấy nhiêu chất nhưng tùy thứ cá dùng https://thuviensach.vn làm nguyên liệu, tùy lề lối chế tạo riêng biệt, mỗi thứ nước mắm có mỗi mùi vị khác nhau: Nhưng nêu ra làm chi những sự phiền toái rắc rối ấy? Chút hương vị loáng thoáng, nếu quả có, bây giờ và ở đây nó cũng chẳng đáng quan tâm mấy. Nó làm sao đương đầu nổi với vị giấm pha vô ào ào? với vị đường? với mùi mù tạt? v.v... Trong chai nước chấm bánh cuốn ngày nay chẳng hạn, phần "tham dự" của nước mắm có được là bao mà đòi hỏi nào hương, nào vị, nào màu, nào sắc cho rầy rà? Miễn mằn mặn và đủ "chất" là được rồi. Thế cho nên trong nhiều tiệm ăn quán nhậu, các chai tàu yểu, nước tương, nước mắm Tàu đã thay thế ngang xương lọ nước mắm cổ truyền nặng mùi. Không thấy đó sao? Giữa cái thứ gọi là nước mắm Tàu, nó không khác nước muối là bao nhiêu, với thứ nước mắm muôn mùi nghìn vị của ta, mà vẫn xảy ra sự thay thế cho nhau được: quá xá rồi! Thành thử lúc này ăn mắm mà khen chê ngon dở, phân biệt mùi vị v.v... lại hóa ra là một sự lẩm cẩm lạc hậu, già nua, lỗi thời, lại lộ cái chân tướng của thế hệ tiền chiến, không theo kịp con người "hôm nay". Người Việt hôm nay, chắc chắn chả mấy chốc sẽ bắt kịp cái khả năng ăn mắm của những người ngoại quốc, bên Tây bên Mỹ. Tôi trót cười thầm ông bạn Đại Hàn đầy thiện chí: oan cho ông ta quá. * * * https://thuviensach.vn Người Việt Nam mất đi cái tinh tế đối với nước mắm mà lạ ư? - Không đâu. Trong cái ăn cái uống của dân tộc đã có những thay đổi động trời hơn nữa. Chẳng hạn bây giờ đi đường khát nước, người Việt Nam trong các đô thị Việt Nam làm sao tìm được bát nước chè để uống? Chỉ có thể uống nước ngọt mà thôi: Coca, xá xị, nước cam, nước rau má, nước... sinh tố (!) v.v... Vào tiệm ăn xong, có tách trà Tàu để súc miệng. Nhưng còn tô nước chè Huế, chè vối, để giải khát cho khách bộ hành thì thật sự mất tích ở chỗ công cộng. Khảo sát những xã hội gồm nhiều giống dân di cư đến, như xã hội Hoa Kỳ, người ta để ý thấy một khi từ bỏ quê hương đến gia nhập vào xứ lạ, di dân thường thường rời bỏ y phục cổ truyền và ngôn ngữ dân tộc trước, rồi sau cùng mới chịu quên đi các món ăn dân tộc. Còn như chúng ta, chúng ta chẳng phải lưu lạc đi đâu, sống ngay trên đất nước, thế mà... "Vẻ chi ăn uống sự thường..." Cái chuyện người Việt có một ngày mất nước chè, phải giải khát bằng Coca, sinh tố v.v... sau những cuộc thảo luận đến khản cổ về những vấn đề văn hóa dân tộc, tình tự dân tộc v.v..., chuyện ấy mà cũng đã được tiền định? Gì mà chu đáo, oái oăm quá vậy? 10-1972 https://thuviensach.vn Chè và văn minh Trong một bài thơ tả cảnh đêm hè ở Huế, Nam Trân kết thúc bằng bốn câu ngũ ngôn như sau: "Hai tay xách hai vịm, Một vài mụ le te, Tiếng non rao lảnh lót: Chốc chốc: 'Ai ăn chè'?" Tôi không nghĩ "tiếng non" là một lối nói điêu luyện, "chốc chốc ai ăn chè" là một câu thơ hay. Nhưng tôi nhớ đến Nam Trân, vì Nam Trân đã nhớ đến chè. Thơ Nam Trân có cái đặc điểm, là kệch cỡm, sống sượng. Lần này cái kệch cỡm lại được việc: bên cạnh trăng vàng, cành phượng, thuyền nan, tiếng hát trên sông Hương, điệu Nam Bình v.v..., ông chợt đưa ra hai vịm chè. Chè là một món ăn đặc biệt của Huế, nhất là vào những đêm hè. Chè là một món ăn rất ít khi được nhắc nhở đến trong những dịp bàn luận về món ăn. Tôi không có sẵn cuốn Hà Nội ba mươi sáu phố phường của Thạch Lam và cuốn Tản Đà thực phẩm trong tay, nhưng tôi cũng không nhớ trong ấy có phần https://thuviensach.vn nào đáng kể dành cho món chè. Còn trong Miếng ngon Hà Nội của Vũ Bằng thì quả là chè không có địa vị đặc biệt. Hãy tìm đến một người sành sỏi nữa, một nhân vật có thẩm quyền nữa: Vương Hồng Sển. Cụ Vương không hay khiêm tốn vờ vĩnh, cụ tự phê: "về phương diện 'ẩm thực' tôi không dám để cho thua ai".[1] Trong ba năm liền, cụ được mời ra dạy ở trường đại học Văn khoa Huế. Mỗi lần từ Sài Gòn ra Huế dạy học, cụ chọn một chương trình. Chương trình ăn uống. Ở Huế một tuần, có chương trình đủ một tuần. Chương trình ấy là một cái thực đơn mà cụ thảo "còn kỹ hơn nhà tướng vẽ họa đồ xuất chinh". Vậy không thể có sơ sót. Về sau, có lần cụ Vương công bố một trong những bản thực đơn ấy. Tôi xem kỹ: trong chín ngày, hai mươi bảy bữa ăn, không có một món chè nào. Có cháo lòng, bún bò, bún riêu, bánh khoái, cháo gan, tiết canh, cháo gà, nem nướng, bánh nậm, bê thui v.v... Đến một tách cà phê cũng được ghi. Nhưng chè thì không. Tôi nản chí. Đành không biết tìm đâu ra một kẻ ca tụng chè. Có lẽ đối với vị giác sành sỏi, cái mặn có giá hơn cái ngọt chăng? Giới thưởng thức coi tuồng rẻ rúng, nhưng giới chế tác thì không thể quên. Trong sách Những món ăn nấu https://thuviensach.vn lối Huế của Hoàng Thị Kim Cúc có mười một món chè. Chừng ấy thiết tưởng chưa đủ, có lẽ còn xa mới đủ các thứ chè ở Huế. Chè Huế rất phong phú, nhiều thứ nấu thật công phu. Tôi chưa vội vàng nói thẳng đến cái ngon của nó, bởi vì đó là vấn đề rắc rối. Vị giác chúng ta mang thành kiến địa phương rất nặng. Nó ngoan cố hẹp hòi. Mối kỳ thị giữa rau giá với rau muống tìm chính nghĩa trong cái chủ quan đáng ghét của vị giác. Bởi vậy nói bô bô với "toàn thể đồng bào" rằng chè Huế tuyệt ngon, tất bị nhiều người ngờ vực, không chừng còn bị mỉa mai; tuy nhiên, đối với những ai đã kịp làm quen với các món ăn miền Trung, thì giá trị của chè Huế không cần chứng minh. Chè bán trong vịm, chè chứa trong nồi, luôn luôn đun nóng, chè múc sẵn vào chén đặt lên nhiều lớp trẹt xếp chồng lên nhau v.v... thứ nào cũng đều có cái ngọt tế nhị, thanh tao. Nhưng đều chưa phải là tinh hoa của chè Huế. Người Huế ăn ngoài đường phố ít hơn ăn trong nhà. Do đó những thức ăn nấu khéo nhất, tinh nhất, phải tìm mà nếm trong các cỗ gia đình. Món ăn Huế không hay ra ngoài gia đình, càng không hay đi xa ngoài địa phương. Phở Bắc vào Sài Gòn đã lâu, phát triển đã nhiều, còn bún bò Huế chỉ vừa xuất hiện lác đác. Món mặn còn thế, huống hồ món ngọt, ít quan trọng hơn. Cho nên chè Huế phía Bắc hình như chỉ ra https://thuviensach.vn đến Quảng Trị, phía Nam có lẽ chỉ vào đến Quảng Nam. Thế rồi nó gặp khó khăn. Vậy mới tội nghiệp. Đối thủ của nó là hộp trái cây. Từ ngày lính Mỹ qua nhiều, đồ hộp càng lan tràn. Tràn cả từ trong quân đội ra ngoài. Và từ đó, mỗi khi vào tiệm muốn ăn cái gì ngọt ngọt, thay vì hỏi thứ chè nấu nướng lâu lắc tỉ mỉ, người ta bằng lòng với một ly thơm, hay táo, hay nho v.v... thêm vào mấy cục đá. Đồ hộp, đá lạnh giản tiện quá, khỏi phải đun nấu gì, mà cất giữ bao lâu cũng được, không thiu, không chua, không mốc... Chè Huế thành ra một thứ xa xí phẩm, kênh kiệu, khó tánh. Nó bị đào thải. Dần dần, nó mất hết tri kỷ. Trong "thiên hạ", mấy ai còn cái lưỡi tinh tế để phân biệt cái ngọt sang trọng của nó với cái ngọt phàm phu tục tử của trái cây đóng hộp ướp đá nữa. Người ta không nghe nói kim chi của Đại Hàn, pho mát của Âu Mỹ tiêu diệt một món ăn mặn nào của người Việt. Chè vẫn là thứ gặp rủi ro hơn cả. Tôi không nghĩ rằng chè sẽ mất tích. Nhưng ngay bây giờ, từ Đà Nẵng trở ra nó đã sa sút trông thấy. Sa sút ghê gớm, so với cái thời oanh liệt mà nó cất "tiếng non" lảnh lót trong thơ Nam Trân. Chè bị văn minh kỹ thuật đánh ngã, cái đó dĩ nhiên. Sức mấy mà nó không ngã? Ông lão Cornille cùng với cái cối xay gió của ông ta đã ngã như thế cách đây một https://thuviensach.vn thế kỷ trong một thiên truyện của Alphonse Daudet. Cái rét đô thị Một hôm, trời chạng vạng tối, cơm nước xong, tôi ngồi trên gác nhìn xuống, lơ đãng theo dõi đám trẻ con giỡn chơi ngoài đường. Bỗng để ý đến ông cụ ở căn nhà đối diện bên kia đường: ông cụ đến nhà bên cạnh, vào nhà, nói mấy lời với gia chủ, rồi trở ra ngay, xong lại đến một nhà kế cận khác, vẫn chỉ nói mấy lời rồi trở ra. Từ xa nhìn xem điệu bộ của chủ và khách, đều có vẻ gì trịnh trọng, khang khác, không giống như những cuộc tiếp xúc thường nhật trong dịp mượn nhau cái búa cái kềm v.v... Sáng hôm sau, hỏi ra thì được biết ông cụ đã dọn nhà sang khu phố khác: đêm ấy ông cụ chào xóm giềng để ra đi. Ông cụ đã sống ở đây hơn mười năm, thế mà khi bỏ xóm rời nhà, vẫn chỉ thấy cần từ biệt có hai người. Việc mất đi một gia đình diễn ra lặng lẽ âm thầm: tôi nhờ tình cờ mà được chứng kiến, còn bao nhiêu bà con trong xóm phải nhiều ngày sau mới để ý đến sự vắng mặt của gia đình ông cụ nọ. Tôi vốn lớn lên ở thôn quê, cho nên trước một việc như thế lấy làm ngỡ ngàng: đời sống của con người ở https://thuviensach.vn thành phố sao mà nó nhỏ quá, nó vô danh quá; tình liên hệ giữa người thành phố sao mà lạt lẽo hững hờ quá. Ông cụ nọ quen nếp sống xưa còn có lời ly biệt; đến như lớp trẻ, thường khi hoặc nhập vào khu phố hoặc vụt rời khỏi khu phố tuyệt không hề chào hỏi giã biệt ai cả. Từ thôn quê ra thành thị, con người càng dồn sát gần nhau lại càng lạnh lùng dửng dưng với nhau. * * * Ấy là chúng ta chỉ sống ở đô thị của một nước kém mở mang. Bên Âu Mỹ, tại những xã hội kỹ nghệ cực thịnh vượng, đô thị phát triển hơn, cuộc sống gấp rút hơn ở ta gấp năm gấp mười lần, thì con người mới ăn ở làm sao! Người ta nhận thấy bên Tây phương số người tự tử mỗi ngày mỗi gia tăng. Ở Hoa Kỳ chẳng hạn, mỗi năm có trung bình nửa triệu vụ quyên sinh; ở Pháp, theo lời bác sĩ Jean-Pierre Soubrier thì cứ trong bốn người chết có một người chết vì tự tử. Và đối với tuổi thanh niên, 88% trường hợp tự tử là do những nguyên nhân liên quan đến sự khó khăn trục trặc trong cuộc sống giữa xã hội mới. Hoặc không thích ứng được với nhịp sinh hoạt quá nhanh, hoặc cân não mệt mỏi căng thẳng, hoặc không còn chỗ nương tựa tinh thần vi mất hết niềm tin v.v... Nhưng nguyên nhân nổi bật, quan trọng hơn cả, là sự cô đơn. https://thuviensach.vn Biết được căn bệnh của người chán đời trong thời đại mới là như thế, kẻ chữa bịnh đã chọn một phương tiện giản dị: máy điện thoại. Hiệp hội "S.O.S. amitié"[2] ở Pháp với chiếc máy điện thoại số 825.70.50 đã cứu không biết bao nhiêu mạng người. Chỉ cần lắng tai nghe, thế cũng đủ làm cho một người hết chán đời. Chỉ vì không tìm được một ai để trò chuyện, hàn huyên, sau những giờ làm lụng buồn nản, thế mà con người không kham nổi cuộc sống. Pierre Olivier, người điều khiển hội "S.O.S. amitié", sau nhiều năm kinh nghiệm trong nghề đã để ý thấy vào khoảng sáu giờ chiều thường có nhiều tiếng gọi từ các trạm xe: giờ ấy, bước chân ra khỏi sở làm, nghĩ đến cảnh tượng thui thủi lê chân về căn phòng trống trải, bơ vơ, không bầu bạn, trải qua một đêm dài nhạt nhẽo v.v..., người ta đâm ngại ngùng, sợ hãi. Ngày thứ Sáu mỗi tuần cũng là ngày có nhiều khách hàng gọi điện thoại để cà kê lẩm cẩm cho vơi bầu tâm sự. Bởi vì trước mặt họ là thứ Bảy và Chủ nhật, tức ngày nghỉ. Tức một khoảng trống mênh mông, hãi hùng. * * * Thiên hạ trầm trồ trước những sự lạ ngoạn mục như đổ bộ nguyệt cầu. Có biết đâu rằng quanh mình vẫn đang diễn ra những sự lạ còn quan trọng hơn, vì có liên hệ thân thiết với đời sống con người: chẳng hạn cái chết https://thuviensach.vn cóng vì cô đơn. Trong lịch sử quả đất có những thời kỳ băng giá làm chết loài khổng tượng. Phải chăng đến đây là thời kỳ băng giá làm chết loài người? Câu chuyện có vẻ viển vông. Nước đang có giặc tùm lum, loay hoay như gà mắc đẻ không biết kết thúc chiến tranh cách nào, mà vội vạch chương trình kinh tế hậu chiến, ông giáo sư họ Vũ đã viển vông. Nước còn 90% dân số làm ruộng mà đã lo đến nỗi sầu cô đơn của đô thị kỹ nghệ, không nhảm nhí quá sao? Nhưng đặc tính con người vẫn là viển vông, là nhảm nhí. Ở đất mà cứ trằn trọc tính chuyện lên trăng, sống hôm nay mà cứ mơ chuyện ngày mai, ngày kia. Thế gọi là vừa đi vừa ngước nhìn. Chỉ có con người vừa đi vừa ngước nhìn. Các loài động vật khác đều đi gục đầu xuống đất. Vả lại, quả thực chúng ta có 90% dân số sống bằng ruộng đất chăng? Đâu có! Đó là một câu chuyện cũ kỹ truyền tụng từ xưa, không còn đúng nữa. Sài Gòn hơn hai triệu dân: như thế cứ trong bảy người dân trên toàn quốc có một người ở thủ đô. Lại còn Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, trên bốn mươi tỉnh lỵ khác. Chắc chắn hiện thời trong ba người dân Việt Nam ít ra cũng có một người ở thành phố. Coi vậy mà chúng ta cũng không xa căn bệnh của thời đại kỹ thuật bao nhiêu. https://thuviensach.vn Trên một trang báo cũ in ở Sài Gòn cách đây không chừng đã hơn một năm, tình cờ tôi nhặt được mấy lời rao sau đây: "Chuộc 20.000đ. - Ai bắt hay mua được con chó phốc nhỏ màu đen, tay chân, má, lông mày màu vàng đậm, mõm dài, răng đều, hàm dưới gãy một răng cửa, tai đứng, đuôi cụt sát đít, đầu nhỏ hơn đít, lùn chân, dài chừng hai gang tay, tên là Phi Phi, chó cái. Tôi không con, bốn năm không xa một ngày, ngủ chung một giường. Tôi có chuyện, gửi đường Nguyễn Huệ, nó nhớ tôi đi kiếm bị lạc ngày (...) Tôi khóc mỗi ngày, mắt không thấy đường, bác sĩ không cho tôi khóc, tôi như khùng, như mẹ mất con. Ai nuôi nó thông cảm sự đau khổ của chúng tôi mang ngay đến, đi đường X... vào đường Y... bên tay trái, hẻm thứ hai, số..., tôi cam đoan giữ lời hứa danh dự 20.000đ. Nếu thích nuôi chó, tôi xin biếu một con chó nhỏ hơn. Ai thấy đâu chỉ giùm, tôi xin biếu 10.000 đồng". Nỗi niềm khắc khoải không thể an ủi được như thế chỉ có giữa một đô thị đôi ba triệu người. Nếu người đàn bà nọ sống tại xóm làng nhỏ hẹp, dân cư thưa thớt, nhất định tình lân lý láng giềng đã lấp đầy khoảng trống do sự mất tích một con chó gây ra. Không thể nói chúng ta chưa biết đến cái rét của đô thị. https://thuviensach.vn Nhàn và nhã Sau cuộc thế chiến thứ nhất, tại nhiều quốc gia con người được xã hội bảo đảm cái quyền có công ăn việc làm. Sau khi được quyền làm việc, con người đòi quyền ăn chơi. Và xã hội vội soạn luật để công nhận cho con người quyền ăn chơi. Thật vậy, sau cuộc thế chiến thứ hai, bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, Điều 24 có ghi: "Mọi người đều có quyền nghỉ ngơi và nhàn tản...". Một cuộc điều tra lý lịch cho thấy quyền hưởng nhàn của nhân loại mới xuất hiện trên hai mươi năm nay. Nghĩa là mới toanh. Vậy trong hàng triệu năm loài người thí thân làm hùng hục? Không! Con người không khờ khạo đến thế: họ đã hưởng nhàn từ lâu trước khi có quyền. Một hôm, tôi gặp ở An Túc một em bé thượng du trên mười tuổi, bị phỏng khá nặng. Thấy tội nghiệp, hỏi thăm cho biết nguyên do vì sao xảy ra tai nạn, được trả lời rằng em ham vui, rượu say túy lúy, lăn quay ra ngủ, đá đổ ngọn đèn, bị thiêu cháy. Em bé gặp nạn trong cảnh nhàn lạc. Và cha anh của em, bao nhiêu đời tổ tiên của em đã sống cảnh nhàn lạc ấy: đến mùa, thu hoạch hoa https://thuviensach.vn màu xong, suốt mấy tháng mưa rừng đổ xuống mịt mù, họ khoanh tay ngồi bên bếp lửa, hút thuốc uống rượu, lơ mơ, hờ hững nhìn ngày tháng trôi qua... Trong xã hội nông nghiệp trước kia, các cụ chúng ta cũng thưởng nhàn chu đáo: "Tháng giêng ăn tết ở nhà, Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè"... Khiếp! Hết phần tư của một năm rồi. Dễ không có luật lao động nào rộng rãi đến thế: một ngày nghỉ, ba ngày làm. Trung bình mỗi tuần lễ hai ngày chủ nhật. Hỏi Alfred Sauvy đặc điểm của thời đại này là cái gì, ông cụ đáp gọn: "Tốc độ". Tốc độ với sự nhàn tản khó lòng đi đôi với nhau, khó có sự chung sống chân thành. Cho nên về cái "quyền" thì có thể hỏi thăm ở thời đại này, nhưng về cái "thuật" nhàn tản thì nên tìm về các thời kỳ trước. Và - điều kỳ lạ - là nên tìm về Đông phương. * * * Nhàn tản không hẳn là ở nể. Nhàn không phải là không làm một việc gì. Kiến trúc sinh lý của con người đòi hỏi phải có sự hoạt động: không hành quân, không đánh máy công văn, thì đọc Kim Dung, thì đánh xì phé, đi chọi gà, đi bơi v.v. Bắt một người ngưng chỉ mọi hoạt động là hành hạ người ấy. https://thuviensach.vn Cho nên nhàn tản cũng là một hoạt động. Lắm khi còn là hoạt động dữ dội hơn lúc làm việc. Một ông giám đốc ngồi ở phòng giấy, cười với người này, bắt tay người khác, hút thuốc, uống rượu, tiếp khách: thế lại là bận rộn với công việc, lại kêu vất vả. Phóc ra sân ten-nít, ông ta mặc xà lỏn áo cánh, chạy nhảy dưới nắng như điên, mồ hôi mồ kê nhễ nhại: thế mà ông ta đang thưởng nhàn đấy. Vậy khác nhau chẳng qua ở chỗ làm việc là hoạt động vì nhu cầu sinh nhai mà nhàn tản là hoạt động vì nhu cầu sinh lý. Sự thưởng nhàn ở xã hội Đông phương chúng ta ngày xưa cũng không loại trừ hoạt động. Nhưng các cụ chúng ta dường như chưa bao giờ chọn những cách thừa nhàn đến vã mồ hôi. Cái chơi của Tây phương ngày nay là đá banh, là phóng xe, là bơi thuyền, là ôm nhau nhảy nhót hò hét v.v... Các thú chơi cổ truyền của ta là: chăm nom một cây kiểng suốt vài mươi năm, truyền tử lưu tôn một gốc cây lùn trong vài ba thế kỷ để mấy đời con cháu thay nhau gọt tỉa, là nhắp chén trà, là tìm cách bày một hòn đá cho hợp với cảnh vườn v.v... Trong năm, những ngày mưa là những ngày thừa thãi nhiều thì giờ nhất. Để tiêu cho hết khoản thừa thãi ấy, một người Á Đông không cần phí sức: "Mùa xuân mưa nên đọc sách, mùa hè mưa https://thuviensach.vn nên đánh cờ, mùa thu mưa nên lục những đồ cất trong rương, mùa đông mưa nên uống rượu"[3]. Lặng lẽ như thế, âm thầm như thế. Đố kỵ thứ nhàn quần quật, thứ nhàn đẫm mồ hôi, tiền nhân chúng ta chọn một thứ "nhàn" thế nào cho nó “nhã". * * * Cái nhàn quần của Tây phương hiện đại làm cho xã hội bận rộn thêm, và gây tốn kém vô kể. Cách đây mười năm, Raymond Cartier đã tính thường niên Hoa Kỳ chi phí vào sự nhàn du mất ba mươi lăm tỉ Mỹ kim, tức là gấp đôi lợi tức tổng quát về canh nông, gấp bảy lần tổng số thương vụ về kỹ nghệ xe hơi trong toàn quốc. Tổ chức những chuyến bay cho khách du lịch, dựng khách sạn ở các bãi bể, xây hồ tắm, cất rạp xi-nê, lập "ba" v.v..., cả xã hội bù đầu vì chuyện nhàn du. Nhàn du thành ra một cái cớ để băng xăng nhặng xị lên. Trong khi ấy kẻ mở rương đồ cũ ra, vừa tẩn mẩn soạn từng món, vừa bồi hồi với từng kỷ niệm, kẻ ấy chẳng quấy rầy một ai, chẳng làm tốn kém của xã hội một xu. Kể ra, trong lịch sử, đôi bên đã nhiều lần học cách "chơi" của nhau. Tây phương học của chúng ta tục uống trà. Nhưng từ cái trà trong Trà kinh của Lục Vũ, trong Trà thư của Okakura Kakuzo, đến cái trà vắt chanh thêm đường của Âu Tây, sự cách biệt xa như giữa tiếng đàn https://thuviensach.vn thánh thót trong phòng với tiếng thanh la của Sơn Đông mãi võ ngoài chợ. Chúng ta cũng có học của Tây phương tục uống cà-phê. Nhưng khi về với chúng ta thì cà-phê nhẩn nha nhỏ từng giọt trong sự chờ đợi nâng niu, còn ở Hoa Kỳ anh bạn Ký giả Lô Răng ngán ngẩm trước cảnh vặn rô-bi-nê cho cà-phê trong cái lò tổ bố chảy vào ly tồ tồ.[4] Thành thử mỗi bên đã biểu lộ phong thái riêng của mình trong cái tập tục chung. Một tấm gương in hai khuôn mặt hoàn toàn khác nhau. * * * Có thể vì tạng thể và tâm hồn người Tây phương khác chúng ta, khiến họ ham những động tác mạnh mẽ hung bạo, ghét sự chùng chình đủng đỉnh, khiến họ lúc nào cũng xông pha, tích cực. Cũng có thể chẳng qua vì cái "tốc độ" trong nếp sống của xã hội kỹ nghệ in dấu lên tâm hồn họ. Quen sống với chương trình, giờ giấc, trong tiếng động ồn ào, rốt cuộc họ thừa nhàn một cách tất tả. Dầu sao, đến giai đoạn lịch sử này thì đang xảy ra cái điều tai hại là họ lôi cuốn ta theo họ. Ở khắp các nước Á Đông, cuốn sách của Mễ Phí dạy phép ngắm nghía đá đẹp đã thành vô dụng từ lâu. Cuốn Trà kinh của Lục Vũ cũng chỉ còn được khách phong lưu Á Đông dành cho một địa vị tôn kính từa tựa như tín https://thuviensach.vn đồ Hồi giáo đối với sợi râu của Ma-hô-mết. Cuối thế kỷ này, nhờ sự tiến bộ kỹ thuật, các quốc gia tân tiến kêu rằng họ đạt tới nền văn minh của nhàn du. Thiên hạ hân hoan trước kỷ nguyên mới. Nhưng là kỷ nguyên của thứ nhàn du theo cái lối nhảy lên xe phóng như ma đuổi đi Saint Tropez, đi Nice, đi Vũng Tàu, Long Hải v.v... nằm xếp hàng dày khít, rồi đớp thịt cá ào ào, nốc rượu với cà-phê ừng ực... Thứ nhàn du làm bở hơi tai. Thứ nhàn du sốt ruột. Tạng thể và tâm hồn của con người, nếp sống của xã hội từ nghìn năm xưa, đã khiến chúng ta phân biệt tiện nghi, dật lạc với an nhàn, khiến chúng ta quan niệm ngốn ngấu không phải là nhàn, nhâm nhi mới là nhàn. Quan niệm ấy, phân biệt ấy, sắp vất đi cả. Vâng, hiện thời chúng ta hãy còn nhấp trà và cà-phê khác Âu Mỹ, nhưng cứ cái đà này thì chẳng mấy chốc sẽ hòa đồng! Hùng hục đuổi theo chiều hướng văn minh Tây phương, chắc chắn rồi chúng ta cũng sẽ chộp được cái quyền nhàn du. Tha hồ hí hửng. Bấy giờ chỉ thiếu có cái cốt cách thanh nhã để thừa nhàn, thế thôi. 12-1969 https://thuviensach.vn Đạo và đời Mấy lúc sau này, nhiều người tự nhận mình theo một thứ đạo, gọi là đạo "thờ cúng ông bà". Nghĩ lại mình, tôi bỡ ngỡ: hóa ra lâu nay vẫn theo đạo mà không hay. Như ông Jourdain làm tản văn bốn mươi năm... Kịp đến khi biết tới, thì cái đạo đã đến hồi suy vi. Không phải tôi dám bảo liều lĩnh rằng thế hệ này không hiếu thảo bằng các lớp trước. Nhưng việc thờ có thể tiếp tục tồn tại mà việc cúng thật khó duy trì được như xưa. Nhất là ở đô thị. Và nguyên nhân chỉ vì bây giờ chợ gần nhà. Cách chúng ta một thế kỷ, một hôm có bạn đến nhà chơi bất thần không báo trước, cụ Yên Đổ đã kêu trời: "... Trẻ thì đi vắng, chợ thì xa. Ao sâu nước cả, khôn chài cá, Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà. Cải chửa ra hoa, cà mới nụ, Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa"... Nghe bảo thuở nhỏ nhà cụ nghèo. Trong bài thơ này có nói đến ao sâu, vườn rộng..., không phải cảnh túng bấn. Vậy có lẽ bài này được viết khi cụ Yên Đổ đã từ https://thuviensach.vn quan. Một ông tiến sĩ từng làm đến tổng đốc, mà gặp khách vào lúc bất ngờ còn bối rối đến thế, huống hồ thường dân trong làng. Cụ Yên Đổ kể lể hơi nhiều thành ra nghe có vẻ như cụ muốn đùa bạn một tí, kỳ thực, chỉ nguyên một chuyện "chợ thì xa" đã rắc rối phiền hà. Ở thôn quê cảnh xa chợ lại là thông thường. Nhà cách chợ năm bảy cây số, phần lớn là đường bờ ruộng, ngoằn ngoèo, luôn luôn phải đi bộ, không có xe cộ gì. Chợ đã xa, lại không họp thường xuyên. Phải chờ năm ngày mới đến một phiên chợ. Vì thế mua được món ăn người ta phải liệu tìm cách nấu thế nào để có thể dùng được nhiều ngày. Phải chăng vì vậy mà trong các món ăn của dân tộc, món kho rất nhiều? Trên một thực đơn Tây khó gặp món kho, còn chúng ta, nào là cá kho, thịt kho, tôm kho, tép kho... Món kho Việt Nam thật phong phú. Có nhiều cách thức kho, trong đó lắm cách tinh vi, điêu luyện. Tôi có anh bạn người Huế thỉnh thoảng lại nhận được một hộp cá bống kho tiêu của bà cụ thân sinh gửi vào Sài Gòn: kỹ thuật kho cá xuống đến con dâu, có lẽ bà cụ đã nhận thấy không còn tin tưởng được nữa. Món kho truyền thống liệu rồi nó có còn tiếp tục đứng vững trước sự phát triển của văn minh đô thị? Đó https://thuviensach.vn cũng là một vấn đề nữa, nhưng lần này không thể nhẩn nha: Chúng ta đang bận nói chuyện chợ búa và cúng giỗ. Chợ xa là một cái bất tiện. Cái bất tiện khác nữa là khách khứa ở thôn quê đến nhà chơi thường lưu lại khá lâu. Hoặc bà con, hoặc bạn bè, họ đều có quyền chiếm của ta cả buổi, cả ngày, mỗi lần đến thăm viếng. Như thế, một phần là vì thì giờ trong xã hội nông nghiệp không quá thiếu thốn chật hẹp: người ta làm và nghỉ theo mùa màng thời tiết chứ không theo giờ khắc của chiếc đồng hồ lạnh lùng đếm từng phút từng giây trên vách các phòng việc và xí nghiệp ngày nay. Phần khác trong tình trạng giao thông trước kia ở thôn quê làm sao có thể vụt đến vụt đi trong chốc lát? Ngoại trừ những kẻ láng giềng, ở làng trên xóm dưới lúc nào cũng dễ dàng gặp mặt, thì không nói làm gì. Chứ còn bà con thân thuộc ở khác tổng khác quận, từ thời đại Khổng tử cho đến thời đại cụ Yên Đổ, đều không hay phóng Honda hay ngồi xe tắc-xi đi thăm nhau. Họ phải cất công lội bộ hàng buổi. Cho nên đến nơi họ cần nghỉ ngơi. Những bậc đã có tuổi tác lại càng phải nhẩn nha lâu hơn. Vì thế tiếp khách bằng cơm nước là thường, là cần. Khách du lịch bây giờ thỉnh thoảng kháo nhau về đức tính hiếu khách của một số dân tộc chậm tiến mà họ gặp đó đây trên thế giới: khách đến nhà bao giờ cũng sẵn https://thuviensach.vn sàng cơm nước cho ăn, giường màn cho ngủ. Thiết tưởng đó chẳng qua là những tập tục cần thiết của một thời còn lưu lại: vào thời không có quán xá, không có lữ điếm, nếu tập thể không buộc nhau có thái độ đối xử như thế thì kẻ lỡ độ đường sống làm sao được? Cụ Nguyễn Trãi từng giải thích cho người nhà hiểu rằng sự "thết đãi rượu trà" đối với bạn hữu là "của gửi chồng ta đi đường". * * * Tiếp người phải có cơm nước thịnh soạn, mà món ăn không phải bất cứ lúc nào cũng mua được. Đã vậy, trong chế độ xã hội ngày xưa ai nấy đều nặng tình gia tộc. Chim có tổ người có tông, bà con họ hàng phải năng tới lui thăm viếng. Nếu mỗi lần thăm viếng nhau, mỗi lần gây bối rối cho nhau thì kẹt quá. Cụ Yên Đổ làm được thơ để tạ từ, chứ người khác đã không có bữa ăn lại không có cả thơ sẽ hổ thẹn biết bao. Trong hoàn cảnh ấy, cúng giỗ là giải pháp tuyệt diệu. Bà con có dịp tề tựu thăm nhau, gia chủ có điều kiện để chuẩn bị cuộc tiếp đón chu đáo, chi phí đãi đằng cũng được tiên liệu để khỏi có ai bị thiệt thòi. Mảnh ruộng hương hỏa gọi là trích ra lo việc tổ tiên, nhưng tổ tiên chỉ chịu cái tiếng, để cho con cháu hưởng cái miếng. Và miếng ăn nhỏ nhặt ấy, một đấng tiền nhân, vừa thực tế https://thuviensach.vn vừa ranh mãnh, đã khéo xếp đặt kín đáo, nhờ đó mà củng cố được tình thân trong họ hàng từ đời nọ qua đời kia. * * * Trong gia đình tôi có những bậc tuổi tác, những bậc đã từng lo việc cúng giỗ quá nửa thế kỷ rồi, nhưng từ ngày rời xóm làng về đô thị cũng đâm ra mất cả hào hứng trong việc cúng giỗ linh đình. Cúng để mời ai? Ai đến tham dự? Họ hàng sống tản mác khắp nơi, lâu lâu có người ghé thăm: kẻ dạy học thì ghé vào dịp nghỉ hè nghỉ lễ, quân nhân ghé vào dịp nghỉ phép, kẻ buôn bán ghé nhân một chuyến đi mua hàng, công chức ghé nhân một kỳ hội nghị v.v... Gặp nhau, nếu cần ăn uống thì hoặc kéo nhau đi ăn tiệm, hoặc ra chợ mua thức ăn về nhà, lúc nào cũng sẵn. Cúng giỗ, có một hồi người ta cho là hủ tục tốn kém, đem ra chỉ trích, xúi bỏ đi, mà không ai bỏ. Lại đến một thời nó được nâng lên thành cái đạo tôn quý cần bảo tồn, thì hình như vừa gặp lúc khó bảo tồn. Một tập tục ra đời trong hoàn cảnh xã hội nông nghiệp, mất hoàn cảnh ấy nó suy tàn. Cúng giỗ không ngã trước sức tấn công của tư tưởng "cấp tiến"; mà khi chợ búa và tiệm ăn nhích đến gần nhà, tự nhiên nó lặng lẽ rút lui. Nhảm thật: cúng giỗ là chuyện đạo lý, văn hóa, tín ngưỡng, tức là cao siêu; còn tiệm ăn với chợ búa https://thuviensach.vn chẳng qua là những cái phàm tục. "Cúng" là hình thức bên ngoài, "thờ" nặng về ý nghĩa bên trong. Bên ngoài đã suy sụp, liệu bên trong có sẽ mãi mãi nguyên vẹn? Chỉ e cảnh đời biến đổi, lẽ đạo cũng không khỏi suy vi. Kể cả đạo thờ cúng ông bà. 12-1969 https://thuviensach.vn Ông và cháu Tết đến, dù là Tết khắc khổ, dù là Tết kiệm ước, đây đó vẫn quần áo se sua. Thì ra tạo nên sự sung túc của quốc gia là khó, mà hãm lại sự phô trương một cảnh sung túc giả tạo cũng không dễ. Tần mần muốn biết xem trước kia đồng bào ta đã ăn mặc ra sao. Trước, không phải là thời Hồng Bàng, là thời Trọng Thủy Mỵ Nương: xưa như thế thành ra quá xưa, cơ hồ không còn liên quan gì với chúng ta. Chỉ mong ngược lại độ trăm năm, tìm biết về thế hệ người Việt cuối cùng trước khi Pháp đến xâm chiếm xứ này. Về lớp người ấy, Trần Trọng Kim cho biết: "Cách ăn mặc thì chỉ có đồ vải đồ nâu, người nghèo khổ chỉ có manh áo cánh và thường thì đóng cái khố, có đi đâu mới mặc cái quần vải dài đến đầu gối”.[5] Thiết tưởng ngày Tết chiếc quần ấy cũng không thể dài hơn. Người nghèo khổ là đa số. Đa số dân ta trước kia cơ cực đến thế sao? Nếu phải nói luôn đến cái thiểu số sung túc nữa thì cũng chẳng có gì rực rỡ. "Người sung túc mới có vài cái áo nâu đen và vài cái quần hoặc nhuộm nâu hoặc để trắng, chứ không được mặc đồ gấm đồ vóc và đi https://thuviensach.vn giày".[6] Như thế, quang cảnh đám đông thuở ấy trong những hội hè, những cuộc vui ngày xuân, có vẻ ảm đạm, so với các đám đông đầy màu sắc sặc sỡ ngày nay. Trong tranh, trong truyện, trong kịch tuồng thời xưa, chúng ta không gặp những nhân vật như thế. Trái lại, chỉ có những áo mão xênh xang, lụng thụng, chỉ có một cảnh phong lưu sang trọng. Dần dà, trong cảm tưởng mơ hồ, chúng ta đồng hóa người xưa với những đào kép phục sức cầu kỳ trên sân khấu hát bộ. Văn nghệ phong kiến khỏe tuyên truyền quá, gây cho đời sau một ảo tưởng quá đẹp, khiến chúng ta khi nhìn xuống cái khố - vốn thuộc vào cuộc sống thường nhật thuở ấy - bỗng đâm ra ngỡ ngàng. * * * Trước đây trăm năm ông bà chúng ta kham khổ hơn chúng ta ngày nay, sự tiến bộ dĩ nhiên không do cuộc thống trị của Pháp đem lại cho ta. Mà là do văn minh kỹ thuật đem lại, chung cho cả loài người. Một tác giả đã cho rằng vua Louis XIV ở thế kỷ 17 không sung sướng bằng một người thợ bây giờ bên xứ ông, vì trong điện Versailles thời ấy không có chút tiện nghi nào: phòng rộng, gió lộng càng thêm lạnh buốt. Cho đến đầu thế kỷ 19, thường dân bên Pháp hạng nghèo https://thuviensach.vn suốt đời vẫn chỉ có một đôi giày, gặp dịp quan trọng như hội hè tiệc tùng mới xách theo, tới nơi bỏ giày xuống xỏ chân vào. Cha chết để giày lại cho con như một gia bảo.[7] Ở Pháp, ở Nhật, ở Nga, ở đâu đâu trong khoảng trăm năm qua đều có những đổi thay ngoạn mục, đem lại nhiều tiện nghi cho con người. Thì ở ta cũng thế, không thể khác. Nhưng văn minh một thế kỷ nay không phải chỉ có những đổi thay ấy. Trong cuộc sống Việt Nam, có thể để ý đến một phương diện ngộ nghĩnh hơn của văn minh. Sách Đại Nam nhất thống chí của Cao Xuân Dục[8] có ghi tên mấy liệt nữ ở tỉnh Bình Định. Một liệt nữ tên là Nguyễn Thị Phiêu, năm mười lăm tuổi, bị một tên cường bạo là Trần Văn Kiên toan hãm hiếp, đã cực lực chống cự, và bị bóp cổ chết; do đó năm Minh Mạng nguyên niên được vua nêu thưởng. Một liệt nữ khác tên là Bùi Thị Tâm, bị người ở trong ấp là Võ Đăng Hy bức bách thông gian, đã mắng nhiếc và bị đâm chết; do đó năm Minh Mạng thứ 16 được vua nêu thưởng. Chuyện như vậy mà không lạ lùng sao? Gái bị hiếp rồi chống lại, rồi bị giết, vứt thây hoặc trong nghĩa địa, hoặc dưới lòng sông, hoặc trong phòng ngủ khách sạn v.v..., những tin tức ấy bây giờ chúng ta gặp hàng ngày trên báo. Nếu có kẻ nào đề nghị ông đô https://thuviensach.vn trưởng thưởng huy chương, bội tinh cho các nạn nhân, hẳn ông đô trưởng cho là kẻ ấy định đùa mình. Một đàng, việc xảy ra trong gang tấc mà viên chức sở tại không buồn để ý đến; một đàng, cũng việc ấy, xảy ra ngoài ngàn dặm, tận nơi thôn ấp xa xôi hẻo lánh, mà nhà vua cứu xét khen thưởng. Người ta tưởng chừng sống hai nền văn minh khác nhau! Có ai ngờ cả hai trường hợp đều diễn ra trên cùng một quốc gia, chỉ cách xa nhau có đôi ba thế hệ. * * * Vào thời kỳ lớp người mà chúng ta gọi bằng ông cố bà cố, người Việt Nam nhìn sự việc ở đời khác bây giờ nhiều quá. Bây giờ nhìn nhau chỉ thấy những công dân, thuở ấy xã hội ăn ở với nhau như trong gia tộc. Nhà cầm quyền nhìn dân như công dân, cho nên chỉ thưởng phạt về thái độ của họ đối với nghĩa vụ quốc gia, chứ không xen vào đời tư của họ. Có những huy chương cho người nghĩa quân anh dũng, có bội tinh cho người công chức cần mẫn, có bằng tưởng lệ, bằng danh dự để khuyến khích lòng tận tâm với công vụ; mà không có những khuyến khích gìn giữ tiết trinh, ăn ở hiếu đễ v.v... Tiết trinh, hiếu đễ v.v... là đức tốt của con người, https://thuviensach.vn không phải của người công dân; là chuyện luân lý, không phải chuyện pháp luật. Về mặt luân lý, kẻ nào tốt kẻ ấy tha hồ yên ổn với lương tâm, tha hồ hưởng sự kính trọng khâm phục của đồng bào; nhưng nhà nước thì không can thiệp đến. Trao một bằng thưởng về phẩm hạnh tốt cho ông nọ bà kia? Bộ nhà nước muốn chơi cha sao chớ? Nhà nước có phải gồm những bậc đạo cao đức trọng đâu? Trong trường hợp bà Nguyễn Thị Phiêu, bà Nguyễn Thị Tâm v.v..., ông đô trưởng thời nay chỉ cần tóm cổ trừng phạt hai tên đàn ông về hành vi làm thiệt đến tính mạng kẻ khác, làm quấy động cuộc sống an ninh của xã hội. Tức là trị hai công dân bất hảo, chứ không phải trị hai con người sút điểm về đạo đức. Đã không trị người kém đạo đức, tất nhiên không thể khen người cao trọng về đạo đức. Đứng ở quan điểm ấy, chúng ta thấy vua quan ngày trước xử sự có phần lẩm cẩm. Như tuồng lẫn lộn cả pháp lý với đạo đức, cả việc nước với việc nhà. Xử sự không hẳn ra vua ra quan, mà có lúc lại như cha như mẹ. Trị đứa xấu nết một phát để răn dạy, rồi khen đứa ngoan ngoãn mấy câu để khích lệ. Khen đàn bà nết na, khen con có hiếu với mẹ cha, khen vợ biết chung thủy với chồng v.v... tức những chuyện tư riêng trong gia đình người ta, chuyện tư cách phẩm hạnh cá nhân của người ta. https://thuviensach.vn Nhà nước như thế không những lo cai trị, mà còn lo dạy dỗ. Một thế hệ ý thức quyền bình đẳng giữa mọi người sẽ bất bình về một quan niệm nhà nước "kẻ cả" như vậy. Nhưng các thế hệ đã chấp nhận quan niệm ấy thì có lẽ lại cảm thấy không khí đầm ấm trong một khung cảnh xã hội gia tộc. * * * Tết đến, chiều ba mươi ta có tục cúng một bữa để rước ông bà. Nếu ông bà về thực, trong cuộc đối diện, trước những tiện nghi, những xa hoa trong đời sống vật chất của chúng ta, hẳn là ông bà không khỏi mừng cho con cháu ăn nên làm ra, mỗi ngày một khá. Còn chúng ta thì rầu lòng ái ngại trước những cái quần ngắn quá gối của ông bà. Ngược lại, biết đâu ông bà lại không âm thầm ái ngại nhìn con cháu sống bơ vơ giữa một xã hội vô tình, trong đó giữa mọi người chỉ có một liên hệ pháp lý? 1-1970 https://thuviensach.vn Bệnh tật và chữ nghĩa Trong tác phẩm văn chương rất thơ mộng của Hoàng Ngọc Tuấn mang tên Ở một nơi ai cũng quen nhau, tôi bắt gặp một nhân vật không mấy tao nhã, tức Hùng - ghẻ - ruồi. Quả thực, ở nơi này ai cũng quen nhau: tôi với anh Hùng ấy rất nên tay bắt mặt mừng. Bởi vì tôi nhận ra ở anh một kẻ tri kỷ. Anh mang trên người nỗi bực mình mà tôi và nhiều bạn bè đã trải qua mấy năm hồi còn học ở Huế, ngày xưa. Trong các bạn ngày ấy, có người đã đem từ trong Quảng ra những toa thuốc gia truyền, nhưng vẫn không thoát nạn. Chuyện cũ qua đã lâu. Bất ngờ hôm nay gặp lại cậu học sinh xứ Huế cùng lứa với mình hồi ấy, do một văn sĩ hào hoa dẫn đến: À, hóa ra đến bây giờ cái sự bực mình nọ vẫn còn đó, và đang quấy rầy anh bạn; bây giờ đến lượt anh bạn chịu trận. Vì sao chứng bệnh này quanh quẩn mãi ở địa phương này, chứng bệnh kia hoành hành tại địa phương kia? Đó là chuyện y học. Anh bạn Hùng là một nhân vật của văn chương, anh chỉ khơi lên vài nghĩ ngợi về một tiếng nói của dân tộc: cái tiếng không tao nhã mà anh bạn đã https://thuviensach.vn mang lấy làm biệt danh. * * * Trong ngôn ngữ ta, ngoài tiếng thuần Việt, thành phần ngoại nhập sớm nhất và nhiều nhất là những tiếng gốc Hoa. Phải dùng đến tiếng người ngoài là vì tiếng ta bấy giờ còn thiếu; tiếng còn thiếu là vì sự vật cần gọi tên, tư tưởng cần diễn tả hãy còn ít hơn của người. Bởi vậy, việc phân biệt tiếng thuần Việt với tiếng gốc Hoa khiến chúng ta biết được đại khái trình độ sinh sống và kiến thức của dân tộc ta khi bắt đầu tiếp xúc với người Tàu. Liên quan đến các bộ phận cơ thể con người, ông Bình Nguyên Lộc có kể ra trong cuốn Nguồn gốc Mã lai của dân tộc Việt Nam (trang 541) một danh sách 26 tiếng thuần Việt như: tóc, tai, lưng, bụng v.v... Có lẽ, nếu muốn, ông còn có thể kéo dài danh sách thêm nữa, vì ai nấy đều biết hãy còn khá nhiều bộ phận khác được gọi bằng tiếng thuần Việt. Nhưng dẫu danh sách có được kéo dài gấp năm gấp mười thì những tiếng thuần Việt vẫn hãy còn dưới mức cần thiết để gọi tên đầy đủ các bộ phận cơ thể. Ngay từ khi vừa tiếp xúc với người Tàu, dân ta đã nhận thấy sự thiếu sót ấy, và đã mượn một số tiếng Tàu để xài: tủy, tinh, gan (do can), tim (do tâm), gân (do cân) v.v... Một cái nhìn thoáng qua cho thấy đại khái các danh https://thuviensach.vn từ thuần Việt chỉ những bộ phận bên ngoài, danh từ gốc Hoa chỉ những bộ phận bên trong cơ thể. Có lẽ khi đôi bên biết nhau thì người Tàu đã có những kiến thức sâu xa hơn chúng ta về cơ thể: ta thấy những cái dễ thấy vì phơi bày ra ngoài, họ thì còn biết cả những thứ ở tận trong kia. Kiến thức của ta đến da đến thịt, của họ đến sợi gân; của ta đến cái xương, của họ thì đã đến chất tủy v.v... Trong khi không có sách vở nào ghi lại trình độ hiểu biết của chúng ta về nhân thể vào những thời xa xưa, thì có lẽ các tiếng thuần Việt ấy có thể xem là một bằng chứng. Bởi vì một khi chúng ta đã biết đến một bộ phận nào, đã đặt ra tiếng để gọi nó thì dù cho về sau, khi tiếng Tàu du nhập, có kẻ thích xài ngoại ngữ, tiếng thuần Việt vẫn cứ còn đó mãi mà không bị mai một: thái dương không làm mất màn tang, cốt không làm mất xương, huyết không làm mất máu, yết hầu không làm mất cuống họng v,v... Tiếng thuần Việt còn lại như một kho tàng để đánh dấu cái trình độ kiến thức của chúng ta hồi còn biệt lập với người Tàu. Đánh dấu trình độ, ngoài ra dường như còn có thể gọi những suy nghĩ về chiều hướng tư tưởng của ta, về ít nhiều đặc điểm trong kiến thức của ta. Chẳng hạn có những bộ phận nằm hẳn bên ngoài, ai cũng có thể thấy được, thế mà ta không có tên, phải https://thuviensach.vn mượn tiếng Tàu: cái nhân trung, cái hổ khẩu v.v... Quan niệm về tướng số, về y lý khác nhau của mỗi dân tộc đã khiến người Tàu chú ý đến những chỗ ta không chú ý. Lại chẳng hạn, tại sao cùng là bộ phận nằm bên trong mà những món nằm ở phần dưới được ta biết và gọi đích danh khá nhiều, nào là lá mía, lá lách, mật, nào là trái cật, ruột non, ruột già, bong bóng, con trê v.v,..; trong khi ấy có những bộ phận nằm ở phần trên cơ thể, thật lớn, choán một khoảng thật rộng, mà ta lại làm ngơ không biết đến, phải chờ người Tàu nhắc cho, như phổi (do phế), tim (do tâm)? Tại sao có cái chiều kiến thức hướng hạ ấy? * * * Nếu lấy tiếng thuần Việt làm căn cứ tìm hiểu vốn kiến thức xa xưa của dân tộc, thì thấy rằng sự hiểu biết về cơ thể của chúng ta bấy giờ dẫu sao cũng phong phú hơn là về bệnh tật nhiều lắm. Tiếng thuần Việt chỉ về bệnh tật thật nghèo. Từ những chứng bệnh thông thường nhất cho đến những chứng bệnh nguy hại nhất, phần nhiều đều mang tên Tàu: cảm, thương hàn, ban, thổ tả, lao, cam tích, dịch hạch, lậu, trĩ, (phát) phì, (lên) đậu, (mắc) dịch v.v... Người ta có cảm tưởng trước khi Tàu đến, ta chưa biết gì nhiều về bệnh tật, chưa biết đích xác, chưa gọi được tên... Ta nói đau đầu, đau bụng v.v..., cũng như https://thuviensach.vn nói đau đái, đau ỉa v.v..., nghĩa là nêu lên cảm giác khó chịu khá mơ hồ, không phân biệt cái "đau" bất thường, bệnh hoạn, với cái "đau" vô hại. Ngay giữa tiếng đau, tiếng ốm của ta với tiếng bệnh của Tàu đã có sự khác biệt sâu xa. Để diễn tả ý thọ bệnh, người Trung và Nam dùng tiếng đau, người Bắc dùng tiếng ốm. Đau vốn chỉ thị một cảm giác, nó đồng nghĩa với chữ thống của Tàu. Còn tiếng ốm thì ở Trung Nam có nghĩa là gầy. Đau, ốm, gầy, đều chỉ nêu lên những cảm giác và tình trạng của người bệnh, những biểu hiện của bệnh, chứ chưa thực đúng là bệnh. Dùng những tiếng ấy, ta chỉ kịp nhận ra mấy dấu hiệu cụ thể, ta chưa đạt tới một ý niệm tổng quát về bệnh, nói gì đến sự phân biệt tinh vi giữa bệnh, tật, chứng v.v... (toàn những tiếng gốc Hoa). * * * ảm Vì ta xài nhiều tiếng gốc Hoa để chỉ bệnh tật cho nên gặp được tiếng thuần Việt nào có thể ngờ rằng tiếng đó chỉ những chứng bệnh hoặc đã xuất hiện sớm nhất trong thời cổ ở xã hội ta, hoặc hoành hành tác hại nhiều nhất ở ta, khiến được đặc biệt lưu ý. Chẳng hạn chứng ho, bệnh cùi, hủi, bệnh hen, bệnh sốt rét v.v... Sốt rét là một trường hợp khá đặc biệt. Ta không dùng tiếng ngược của Tàu, có lẽ vì khi người Tàu đem danh từ đó sang thì dân ta đã quá quen thuộc, quá rành https://thuviensach.vn rẽ về chứng bệnh và tên gọi sốt rét. Ở Trung và Nam không có tiếng sốt cũng không có tiếng rét, vậy nếu bệnh chỉ có tên sốt rét có thể là nó xuất hiện trước tiên ở miền Bắc. Nhưng không phải vậy. Danh từ sốt rét được phổ biến rộng rãi khắp nước và trở nên tên gọi chính thức của bệnh nọ có lẽ chỉ vì ngôn ngữ miền Bắc sớm có ưu thế trong văn chương, sách vở, báo chí toàn quốc. Thật ra, trong dân chúng miền Trung một tiếng khác vẫn còn thông dụng: bĩnh. Nơi thì gọi sốt rét, nơi lại gọi bĩnh, nơi cho là ngã nước, nơi lại bảo chống nước, làm cữ v.v... chứng bệnh nọ có lẽ được dân ta bắt gặp đồng thời ở nhiều miền khác nhau và dành cho khá nhiều quan tâm. Nhưng chắc chắn mối quan tâm lớn nhất của dân tộc vẫn dành cho chứng bệnh của bạn anh Hùng. Ghẻ là tiếng thuần Việt. Chúng ta không cần sự giúp đỡ của người Tàu, tự mình thừa sức hiểu biết về chứng bệnh nọ. Bảo "thừa sức", bởi vì chúng ta có cả một kho: danh từ liên quan đến vụ ghẻ, chưa chắc Hoa ngữ đã phong phú bằng. Ta phân biệt ghẻ với chốc, với mụt, với nhọt, với lát, với giời, với sài, với đẹn, với mề đay, với chùm bao[9]. Ta phân biệt ra bao nhiêu là thứ ghẻ; ghẻ nước, ghẻ ngứa, ghẻ tàu, ghẻ bọc, ghẻ phỏng, ghẻ hờm, ghẻ ruồi, ghẻ cóc, ghẻ cái, ghẻ đen, ghẻ khoét v.v... Ta có bao https://thuviensach.vn nhiêu tiếng để diễn tả những việc liên quan đến ghẻ: ngứa, gãi, nặn (mủ) v.v..., để theo dõi chứng bệnh: sưng, lở, loét, sẹo, rụng, rần, mung, nung (mủ), cái kèn, cái cồi, mạch lươn v.v... Tất cả đều là tiếng thuần Việt. Cái kiến thức mênh mông như thế của chúng ta về ghẻ khiến ý kiến của bác sĩ Trần Ngọc Ninh cho rằng ta dạy tiếng giới cho Tàu[10] hấp dẫn hơn ý kiến ngược lại của giáo sư Lê Ngọc Trụ. Về cái "vụ" này, ta còn phải học ai? Mớ danh từ phong phú xung quanh tiếng ghẻ không chứng tỏ tính cách nguy hiểm của bệnh ấy hay mối lo hãi đối với nó trong xã hội ta thời trước. Dữ dằn như sư tử mà không được ta đặt tên cho, vì nó xa lạ. Đến như cọp, voi v.v... cũng chỉ có cái tên và một ít tiếng để mô tả. Còn con gà thì địa vị của nó trong ngôn ngữ dân tộc quan trọng hơn gấp trăm lần. Xung quanh cái lông, cái cựa v.v... của nó, bao nhiêu là danh từ. Từng cú đá, từng ngón đòn của nó, từng chứng bệnh của nó đều có tên. Nguyên những tiếng liên quan đến mớ vảy đóng trên chân nó, không phải tay chơi gà nhà nghề khó lòng nhớ cho hết. Như vậy, giành được ưu tiên trong ngôn ngữ không phải là những vật lớn lao, nguy hiểm, đáng sợ, đáng lo, mà là con vật gần gũi. Gần tầm tay, mật thiết với cuộc sống thường nhật, thì thu hút được sự bận tâm của ta, sự bận tâm ấy phản ảnh trong ngôn ngữ. https://thuviensach.vn Vậy "ghẻ" là một cái gì thân cận mật thiết như thế trong cuộc sống cổ thời ở ta chăng? Anh bạn Hùng đã đau đúng niềm đau của dân tộc nghìn xưa chăng? 9-1972 https://thuviensach.vn Mưa và thơ Cuối tháng Mười năm 1970, tôi có đi Quảng Tín một chuyến, và học hỏi được vài ba điều. Từ Quảng Ngãi ra Tam Kỳ vào một buổi chiều không mấy sáng sủa. Thỉnh thoảng mưa lắc rắc năm ba hột. Thị xã hồi đó chỉ có một phòng ngủ nhỏ, không điện, không nước máy. Nửa đêm thức giấc, nghe mưa tuôn dầm dề. Một mình với một ngọn đèn hột vịt ở quán trọ, càng lâu càng tỉnh, nghĩ đến chuyến bay ngày mai nhất định hủy bỏ, nghĩ đến chuyến bay ngày mốt chắc chắn cũng sẽ đình hoãn, nghe tiếng mưa càng lúc càng phức tạp: có tiếng nước rót xuống vũng nước đầy óc ách; có tiếng xán mạnh xẳng xớm xuống nền xi-măng; có tiếng nước xối lên vành mâm, vào lòng thau, xối vào những cái phuy chứa; có tiếng rơi lộp bộp, lùng bùng xuống những hộp giấy, thùng thiếc úp sấp v.v... - như thế thật sốt ruột. Vũng nước đầy óc ách nọ ở đâu nhỉ? Chiếc thùng thiếc kia là thùng gì? Nằm chỗ nào mà ồn ào vậy? Những cái đó, trong đêm trường mưa gió cùng lên tiếng nhắc nhở về một khung cảnh xa lạ quanh mình. Hôm sau, trời lúc mưa lúc tạnh, đi Thăng Bình thăm một xã mới vừa trở về sau nhiều năm sống trong vùng https://thuviensach.vn kiểm soát của phía bên kia. Chừng năm trăm dân làng ngoi ngóp lóng cóng xây cất vội vàng trên một ngọn đồi những căn lều để tạm trú. Những dân làng ấy hôm trước vừa trải qua trận đụng độ ác liệt giữa hai bên, nhưng không một ai buồn nhắc lại: kẻ bận nhen một bếp lửa, người lui cui cưa chẻ một khúc tre tươi, đóng một cây cọc, kẻ quấn chiếu nằm ngủ mê mệt ở một góc lều, người loay hoay với đám con mọn... Trong đám dân làng có nhiều mất mát, nhiều kỷ niệm ghê gớm về trận đánh ngày hôm qua: chắc chắn rồi họ sẽ nhắc lại, kể lại, nhưng không phải là vào lúc này. Còn các quân nhân thì sau trận đánh, lúc này là lúc họ nói. Một vị chỉ huy, sau câu chuyện, còn vui vẻ biếu tôi cuốn nhật ký của một binh sĩ miền Bắc để làm kỷ niệm. Đó là một cuốn vở bìa cứng, dày 160 trang, có hai lỗ thủng. Chủ nó tên là Vương Ngọc H., từ ngoài Bắc vào. Anh ta còn kẹp vào tập nhật ký hai lá thư tình chưa kịp gửi đi, và một bài thơ của Tố Hữu, in thạch bản. Tôi dừng mắt ở hai lỗ thủng. Vị chỉ huy gật đầu kín đáo: Đúng, vì những lỗ thủng ấy mà tập nhật ký đã rời chủ. Tối đến, trời lại mưa to, mưa không ngừng. Thế này thì hỏng luôn một đêm nữa, không đi đâu được. Lại một mình với một ngọn đèn hột vịt trong phòng, nằm nghe mưa đổ bốn bề. https://thuviensach.vn Chừng bốn giờ sáng, mở mắt, thấy phòng tối om. Bên ngoài tiếng mưa tiếng gió vẫn không ngớt. Mãi một lúc mới nhận định được tình thế: thì ra nước đã tràn vào phòng từ bao giờ, cái đèn ngập nước đang trôi lênh đênh đâu đó. Tôi quờ tay tìm kiếm. Ở cái vị trí cũ của chiếc đèn, cạnh chân giường, ở đó bây giờ không còn đèn nữa. Ở đó là một chiếc giày, lơ lửng như một con thuyền. Phải một hồi lâu xắn quần lội nước quờ quạng, mới vớt được đủ đôi giày và chiếc đèn. Mở cửa phòng, ra ngoài, xin lửa đốt đèn; trở vào, lo đánh răng, rửa mặt, cạo râu, làm va-li v.v... Mực nước mấp mé mép giường: rời phòng là vừa. Chưa đầy năm giờ rưỡi sáng. Trời hãy còn tối mịt. Bên lề đường, trước mặt phòng ngủ, một bộ phản lớn được kê ở chỗ đất cao: tất cả khách trọ trong phòng đã chen chúc nhau trên chiếc thuyền của ông già Noé ấy từ lúc nào. Tôi ngồi đó, và quả nhiên được cứu vớt. Sáu giờ rưỡi sáng, anh bạn thi sĩ Lê Th. T đến tìm, định rủ đi ăn sáng. Anh trố mắt trước quang cảnh ngộ nghĩnh. Trong bộ quân phục, với tơi nón, với đôi ủng cao-su, anh bạn của tôi vóc người cao lớn trông đẹp đẽ khác thường. Anh đứng giữa đường nở nụ cười, mưa đổ trắng xóa khắp người: tôi nghĩ đến hình ảnh một sĩ quan Cao https://thuviensach.vn gia-sách[11] hiên ngang giữa cảnh mưa tuyết trên một bìa sách nào đó. Tôi theo chân anh Lê, sang tị nạn tại nhà nhạc gia của anh. Ở đây dĩ nhiên cũng ngập lụt, nhưng nhà có một tầng gác. Tối hôm đó, tôi đã dự ở nhà anh Lê một bữa ăn cảm động không thể quên. Ngồi ăn, chúng tôi kẻ ngồi phản người ngồi ghế. Thực khách ngồi ghế phải mang luôn đôi "bốt" theo chân, vì nước ngập gần đến đầu gối. Anh Lê vừa ăn vừa nhắc lại những thú vui mùa lụt ở làng quê mà anh đã trải qua hồi thơ ấu, những thứ chim, những thứ thú bị nước dồn vào nơi tử địa để dân làng kéo nhau đi bắt, để trẻ con suốt ngày tíu tít ngoài trời... Phải, anh Lê nói đúng: bên cạnh đĩa rau thơm xanh mởn, những con tôm nằm trong các cuốn chả ram, những con tôm "nò" tươi rói, đỏ ửng lên một màu cực vui dưới lớp bánh tráng mỏng ấy, chúng cũng nhắc đến một đặc điểm về thời tiết địa phương, nhắc theo cách riêng của chúng; và tiếng cựa quậy đôi chân dưới phản; và những xao động mạnh mẽ với nhiều đợt sóng xô ào ạt vào nhà mỗi lần có chiếc xe chạy ngang qua ngoài đường, những đợt sóng chồm vã vào các vách tường bên mâm tiệc v.v..., những cái ấy càng làm chứng về các đặc điểm thời tiết địa phương. Phải, mùa mưa ở đây thật ngộ. Tuy nhiên, đêm ấy đài BBC loan tin trận lụt đã làm https://thuviensach.vn chết đuối khoảng một trăm nạn nhân! Và bắt đầu từ sáng hôm sau, ngày ngày tôi bó gối trên căn gác nhà anh Lê, ngồi rình từng dáng mây, từng con chim sẻ kiếm ăn lẻ loi, để hy vọng một chuyến bay... Trong những ngày ấy tôi có dịp học thêm hai câu ca dao: "Đất Quảng Nam [12] chưa mưa đã thấm, Rượu hồng đào chưa nhấm đã say". * * * Hai câu nghêu ngao của người bình dân thuộc một thể thơ dân tộc: thể thất ngôn Việt. Cũng trong những ngày nằm mưa tại đây, tôi có dịp nhận thấy câu thơ thất ngôn Việt nhất định cự tuyệt một cuộc chung sống với câu thất ngôn Tàu. Thi sĩ Tố Hữu đã thử nghiệm một cuộc chung sống như thế, và thiết tưởng ông đã không thành công. Bài thơ "Theo chân Bác" của ông kẹp trong tập nhật ký của anh Vương Ngọc H. có những đoạn theo luật thơ Việt: "Bắc sơn gọi, Nam kỳ nổi dậy Sống một ngày hơn mấy mươi năm. Lửa căm giận sôi dòng máu chảy Sức mỗi người bỗng hóa thành trăm", lại có những đoạn theo luật thơ Tàu: "Chiều mùa thu ấy đến Diên An Có một hồng quân tay nóng ran Đẩy chiếc xe bò lên với bạn https://thuviensach.vn