🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nói Có Sách
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
Tên sách : NÓI CÓ SÁCH
(Giải thích các danh từ mới thường dùng) Tác giả : VŨ BẰNG
Nhà xuất bản : NGUYỄN-ĐÌNH VƯỢNG Năm xuất bản : 1971
----------------------
Nguồn sách : timsach.com.vn
Đánh máy : Nhóm đánh máy trên wiki TVE-4U.ORG
Kiểm tra chính tả : Lê Thị Phương Hiền, Hải Hải, Văn Bình, Nguyễn Kim Thoa, Trần Ngô Thế Nhân, Nguyễn Ngọc Vân, Vũ Thị Xuân Hương
Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 16/05/2018
https://thuviensach.vn
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE 4U.ORG
Cảm ơn tác giả VŨ BẰNG và nhà xuất bản NGUYỄN-ĐÌNH VƯỢNG đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
https://thuviensach.vn
MỤC LỤC
THƯ THAY LỜI TỰA
MẤY LỜI NÓI ĐẦU
PHÀM LỆ
CHỦ NGHĨA CƠ HỘI CÓ KHÁC CHỦ NGHĨA HOẠT ĐẦU ? CHÍ SĨ, CHIẾN SĨ, LIỆT SĨ, TỬ SĨ
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CẢM GIÁC, CẢM ỨNG, CẢM XÚC XÁC NHẬN, XÁC ĐỊNH, KHẲNG ĐỊNH
PHẢN ẢNH HAY PHẢN ÁNH ?
THÔNG QUA
CHỦ NGHĨA TỰ NHIÊN, KINH TẾ TỰ NHIÊN
BIỂU THỊ, BIỂU HIỆN
HIỆU NĂNG, HIỆU LỰC, HIỆU XUẤT, HIỆU NGHIỆM, HIỆU QUẢ
CÁ NHÂN VÀ CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN
YÊU CẦU CÓ KHÁC YÊU SÁCH ?
MỸ HỌC, MỸ HÓA
GIAO ĐIỂM, GIAO LƯU, GIAO HƯỞNG
PHÂN CHIA, PHÂN CẤP, PHÂN TÁN, PHÂN HÓA, PHÂN ĐỊNH CẢM TÍNH VÀ LÝ TÍNH
TẠI SAO CÓ DANH TỪ ĐỆ TAM ĐẾ QUỐC, ĐỆ TỨ CỘNG HÒA ?
THẾ NÀO LÀ ĐẠO SƯ ? THẾ NÀO LÀ ĐẠO CỤ ?
TÁC DỤNG, TÁC ĐỘNG
NHÂN VĂN
https://thuviensach.vn
CÔNG THỨC
CỐNG HIẾN
TƯƠNG QUAN VÀ LIÊN HỆ
ĐẤU TRANH TƯ TƯỞNG, CẢI TẠO TƯ TƯỞNG
BÍCH KÍCH PHÁO VÀ BỨC CÁCH PHÁO DANH TỪ NÀO ĐÚNG ?
SAI ÁP VÀ CAO ÁP
LƯU MANH, DU ĐÃNG, DU THỦ DU THỰC KHÁC NHAU THẾ NÀO ?
BẠCH CUỐNG, HẮC CUỐNG
KHẮC PHỤC, CHẾ NGỰ, KHỐNG CHẾ, TUẦN HÓA TÁC GIẢ VÀ TÁC GIA
VỊ TRÍ
KIẾN THỨC VÀ KIẾN GIẢI
CÔNG TY HỢP DOANH HAY CÔNG TƯ HỢP DOANH ? BẢN CHẤT, BẢN NĂNG, BẢN LĨNH
PHẢN CHỦ ĐẦU TRÂU
TRƯNG DỤNG, TRƯNG THU, TRƯNG TẬP, TRƯNG BINH, TRƯNG CẦU
HẬU BỊ, HẬU CẦN
ĐÃI NGỘ
CỔ HỦ, CỔ GIẢ, CỔ ĐIỂN
TỪ KHUYNH TẢ, KHUYNH HỮU, ĐẾN KHUYNH LOÁT VÀ KHUYNH ĐẢO
CHIẾN TRANH, CHIẾN THUẬT, CHIẾN LƯỢC
https://thuviensach.vn
THẾ NÀO LÀ « DANH MỤC SỞ ĐẮC » VÀ « THỰC CHẤT SỞ ĐẮC » ?
THIỀN QUYÊN HAY THUYỀN QUYÊN ?
CÁCH MẠNG HAY CÁCH MỆNH ?
VŨ TRỤ QUAN, THẾ GIỚI QUAN, NHÂN SINH QUAN QUÁ TRÌNH, LỊCH TRÌNH, GIÁO TRÌNH
GIÁ TRỊ TINH THẦN, GIÁ TRỊ ĐỔI CHÁC, GIÁ TRỊ THẶNG DƯ QUÁ ĐỘ
QUAN NIỆM, Ý NIỆM, KHÁI NIỆM
TRANH ĐẤU, TRANH THỦ, TRANH CHẤP
CẦM CHIN, CẦM ĐỒ
« ĐỘNG CƠ LUẬN » CÓ KHÁC « KẾT QUẢ LUẬN » KHÔNG ? BỔ SUNG, BỔ TÚC, BỔ TRỢ BỔ KHUYẾT, BỔ DI PHI VÔ SẢN, PHI QUÂN SỰ, PHI XÃ HỘI
THỰC TẬP, THỰC CHẤT, THỰC LỰC
CHỈNH HUẤN, CHỈNH LÝ, CHỈNH PHONG
NGHỊ LUẬN, NGHỊ QUYẾT, BÌNH NGHỊ, NGHỊ SỰ HIỆU TRIỆU, KHẨU HIỆU, HIỆU LỆNH
CƯƠNG LĨNH, CƯƠNG VỊ, CƯƠNG VỰC
TẠI SAO LẠI LÀ BA XÍCH ĐẾ ?
QUẦN CHÚNG, DÂN CHÚNG, ĐẠI CHÚNG
DÂN TỘC, CHỦ NGHĨA DÂN TỘC, DÂN TỘC TỰ QUYẾT QUÂN CHỦ VÀ DÂN CHỦ
ĐẢNG, ĐẢNG CƯƠNG, ĐẢNG ĐOÀN, ĐẢNG TRỊ, ĐẢNG TRANH
https://thuviensach.vn
BIỆN PHÁP VÀ GIẢI PHÁP
TỔNG ĐỘNG VIÊN HAY TỔNG ĐỘNG BINH ?
LINH ĐỘNG
TỔ
TỰ KIỂM THẢO, TỰ PHÊ BÌNH, TỰ LỰC CÁNH SINH, TỰ NGUYỆN TỰ GIÁC
VẬN ĐỘNG, VẬN DỤNG, VẬN ĐỘNG CHIẾN
ĐẦU ÓC ĐỊA VỊ, TƯ TƯỞNG ĐỊA VỊ
CHỦ NGHĨA NHÂN VỊ CÓ KHÁC CHỦ NGHĨA NHÂN BẢN ? NHŨ BỘ PHẢI CHĂNG LÀ BỘ NGỰC CỦA ĐÀN BÀ ? TỪ QUẢ PHỤ ĐẾN QUẢ NHÂN
HƯƠNG HỒN, ANH HỒN, VONG HỒN
CỤ THỂ HÓA
THỰC THI, THỰC NGHIỆM, THỰC TẠI, THỰC TIỄN HẠ TẦNG CƠ SỞ, THƯỢNG TẦNG CƠ SỞ
SÁP NHẬP HAY SÁT NHẬP ?
THẾ NÀO LÀ MỘT NỀN VĂN HỌC NGHỆ THUẬT DÂN TỘC, KHOA HỌC VÀ ĐẠI CHÚNG ?
SÚC TÍCH HAY TÚC TÍCH ?
« NHẤT BIẾN » HAY « BẤT BIẾN » ?
NÊN DÙNG THANH TOÁN RA SAO ?
TỪ THỂ HIỆN ĐẾN HIỆN THỰC
HOÃN XUNG
CÔNG KIÊN, CÔNG HÃM
THỰC DÂN, PHONG KIẾN LÀ GÌ ?
https://thuviensach.vn
PHƯƠNG CHÂM, PHƯƠNG PHÁP, PHƯƠNG TIỆN, PHƯƠNG SÁCH, PHƯƠNG TRÌNH
MÔI TRƯỜNG LÀ GÌ ?
THẾ NÀO LÀ « DĨ KHÔNG GIAN HOÁN THỦ THỜI GIAN » ? TỤC NGỮ VÀ THÀNH NGỮ
BẦN NÔNG, CỐ NÔNG, TRUNG NÔNG
LIÊN PHÒNG ĐÔNG NAM Á
MẶT TRẬN, NHÓM, ĐẢNG, PHONG TRÀO
GIAI ĐOẠN VÀ THỜI KỲ
HIỂU THỊ VÀ THÔNG ĐIỆP
HÒA BÌNH VÕ TRANG
TẢ KHUYNH VÀ HỮU KHUYNH
ĐẢ PHÁ, ĐẢ KÍCH, ĐẢ THÔNG
BA ĐẢM ĐANG
TẠM ƯỚC, THỎA ƯỚC, THỎA HIỆP, HIỆP ƯỚC, HIỆP ĐỊNH HÓA TRANG VÀ NGỤY TRANG
TỪ PHÒNG GIAN BẢO MẬT ĐẾN BẢO QUẢN, BẢO TRỌNG TAM ĐẦU CHẾ, TAM QUYỀN PHÂN LẬP, TAM TAM CHẾ TỪ PHẢN CHIẾN ĐẾN PHẢN TỈNH
CHIẾN TRANH CỤC BỘ, TƯ TƯỞNG CỤC BỘ
CHIẾU CỐ VÀ ĐÃI NGỘ
CÔNG ĐỒN, CÔNG HÃM, CÔNG KIÊN, CÔNG PHÁ, CÔNG PHẠT, CÔNG THỦ, CÔNG THỦ ĐỒNG MINH
KHU BIỆT, KHU TRỮ, KHU TRỤC
SỐNG ĐỘNG HAY SINH ĐỘNG ?
https://thuviensach.vn
NÕN NƯỜNG LÀ CÁI GÌ ?
PHÂN PHỐI, PHÂN LOẠI, PHÂN LIỆT, PHÂN NHIỆM, PHÂN QUYỀN, PHÂN TÂM, PHÂN TÁCH
THƯỢNG TÁ, THƯỢNG TƯỚNG, THƯỢNG TỌA XUẨN ĐỘNG VÀ MANH ĐỘNG
CÓ BAO NHIÊU THỨ BÃI CÔNG ?
PHẠM VI, LÃNH VỰC
PHIẾN DIỆN, ĐA DIỆN
THẾ NÀO LÀ TƯ BẢN BẤT BIẾN, TƯ BẢN CỐ ĐỊNH, TƯ BẢN LƯU ĐỘNG, TƯ BẢN TẬP HỢP, TƯ BẢN TẬP TRUNG ?
BỨC THIẾT
TÍCH CỰC VÀ TIÊU CỰC
TIÊU CHUẨN
CHỦ QUAN, KHÁCH QUAN
« NHỊ TRÙNG NỘI CÁC » LÀ GÌ ?
THẾ NÀO LÀ TƯ SẢN DÂN CHỦ VÀ THẾ NÀO LÀ CỘNG HÒA DÂN CHỦ ?
VĂN HÓA, VĂN NGHỆ, VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT, KỸ THUẬT
TẠI SAO LẠI GỌI LÀ TAM ĐẠI CHÍNH SÁCH ? CÓ KHÁC GÌ TAM TỰ CHÍNH SÁCH ?
ĐỘT XUẤT, ĐỘT BIẾN, ĐỘT KHỞI
TỐ KHỔ
CỨ ĐIỂM, ĐỊA ĐIỂM, XUẤT PHÁT ĐIỂM
ĐỘNG CƠ, HỮU CƠ, CƠ NĂNG, CƠ BẢN, CƠ SỞ TÀN DƯ VÀ TÀN TÍCH
HÌNH THÀNH, HÌNH THỨC
https://thuviensach.vn
TẠI SAO LẠI CÓ DANH TỪ SAIGON ?
LĂNG TÔ HAY LĂNG THÔ ?
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH, ĐƯỜNG LỐI
HỘI ĐÀM, THÂM ĐÀM, HÒA ĐÀM, TỌA ĐÀM, THOẠI ĐÀM ĐẠI NGÔN CÓ PHẢI LÀ NÓI LỚN ?
PHỔ BIẾN KHÁC PHỔ CẬP
CHỦ NGHĨA PHONG ĐẦU HAY SƠN ĐẦU ?
SƠN ĐỊA CHIẾN KHÁC DU KÍCH CHIẾN RA SAO ? KHUYẾT ĐIỂM, NHƯỢC ĐIỂM, YẾU ĐIỂM
YẾU TỐ, NHÂN TỐ, NGUYÊN TỐ
MẬT KHU LÀ GÌ ? CÓ GIỐNG ĐỊA HẠ KHU KHÔNG ? DÙI ĐỤC CHẤM MẮM CÁY ?
KINH LUÂN VÀ THAO LƯỢC KHÁC NHAU RA SAO ?
DÂM Ô CÔNG KHAI VÀ XÂM PHẠM TIẾT HẠNH KHÁC BIỆT NHAU RA SAO ?
TAM SINH, TAM VÔ, TAM SAO
LY HÔN VÀ LY THÂN
PHÁT TRIỂN, PHÁT HUY, PHÁT SINH
TRÂN TRỌNG VÀ TRANG TRỌNG
NGHỆ SĨ, NGHỆ NHÂN, NGHỆ SƯ, NGHỆ THUẬT GIA AN DÂN VÀ CẦU AN
PHỦ NHẬN, CÔNG NHẬN, XÁC NHẬN
QUAN HỆ, QUAN TRỌNG
THƯƠNG THẢO VÀ THƠM THẢO
HỦ BẠI, HỦ LẬU, HỦ HÓA
https://thuviensach.vn
OANH KÍCH, PHỤC KÍCH, CÔNG KÍCH, DU KÍCH… Ý ĐỒ VÀ XÍ ĐỒ
BIỂU ĐỒ VÀ SƠ ĐỒ
BỐI CẢNH
TRỌNG BỊNH VÀ MAO BỊNH
TRÀO LỘNG, TRÀO PHÚNG, TRÀO MẠ VÀ U MẶC BỘI TÍN VÀ LƯỜNG GẠT KHÁC NHAU RA SAO ?
ĐỀ CAO CẢNH GIÁC
ĐỐI TƯỢNG
CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CẢI LƯƠNG, XÃ HỘI KHOA HỌC VÀ XÃ HỘI KHÔNG TƯỞNG
KHỦNG HOẢNG KINH TẾ, CHÁNH TRỊ, NỘI CÁC, KHỦNG HOẢNG THIẾU, KHỦNG HOẢNG THỪA
ĐẶC BIỆT, ĐẶC THÙ VÀ ĐỘC ĐÁO
THẾ NÀO LÀ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM, CHỦ ĐIỂM ? CHẾ ĐỘ ĐẠI NGHỊ CÓ PHẢI LÀ CHẾ ĐỘ LƯỠNG VIỆN ? THẾ NÀO LÀ DUY TÂM, DUY VẬT, DUY SINH ? DUY LINH ? BẢNG TRA CỨU
A
B
C
D
Đ
G
H
https://thuviensach.vn
K L
M N O P
Q S
T
V X Y
https://thuviensach.vn
VŨ BẰNG
NÓI CÓ SÁCH
(Giải thích các danh từ mới thường dùng) NGUYỄN-ĐÌNH VƯỢNG
1971
https://thuviensach.vn
CÙNG MỘT TÁC GIẢ
Đã xuất bản :
- Miếng ngon Hà-nội (Kim Lai xuất bản) – 1967 (hết) - Bốn mươi năm nói láo (Kim Lai xuất bản) – 1969 (hết) - Mê chữ (Tân Văn xuất bản) – 1970
- Món lạ miền Nam (Tân Văn xuất bản) – 1970
- Những cây cười tiền chiến (Văn Học xuất bản) – 1970 - Cười đông, cười tây. Cười kim, cười cổ (Phong Phú xuất bản) – 1971 - Phù dung ơi, vĩnh biệt ! (Thế Giới xuất bản) – 1971 - Các sách trước tác trước năm 1967 đã hết
Sắp xuất bản :
- Người Việt chịu chơi
- Nhà văn lắm chuyện
- Nghệ thuật và danh giáo
https://thuviensach.vn
NÓI CÓ SÁCH
Nói có sách, mách có chứng. (Tục-ngữ)
Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe. (Tục-ngữ) Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri. (Luận-ngữ)
https://thuviensach.vn
THƯ THAY LỜI TỰA
Kính anh Vũ-Bằng,
Ngôn-ngữ-sử của dân tộc chúng ta vướng đôi điều bất hạnh : là ai muốn viết làm sao thì viết, ai muốn ghép chữ cách nào tuỳ ý – chẳng hạn như « lành-mạnh-hoá » (vì theo tôi chữ hoá chỉ có thể để sau một số tĩnh từ hán-việt mà thôi, như « phong-phú-hoá », « giản-dị-hoá »…) ai muốn bắt chước ai cũng được ! Những người như Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Phạm Duy Tốn… trước đây và Nguyễn Tuân, Nguyễn Ngọc… ngày nay đều là những người có một bút pháp hẳn hòi không dễ gì tác giả đem dạy thiên hạ mà cũng không dễ gì muốn học mà nên – thượng số là chịu một mẩu ảnh hưởng. Nói rộng ra, khi đã hoá nhập hoá thể với văn chương rồi thì André Malraux viết La condition humaine hay Jean-Paul Sartre viết văn độc thoại nội tâm rồi để adjectif possessif in chữ nghiêng để chứa ý của một yếu lý hiện sinh, hay như Gertrude Stein, Samuel Beckett, Clézio… viết không… kể văn phạm cổ điển nữa – văn của họ có nhạc tính riêng, nếp hành văn riêng. Họ không tuyệt đối theo công thức cổ nhân để lại, mà vẫn hay.
Chứ còn những người mới cầm bút !…
Và một khi mà ngôn ngữ chưa điển chế và thống nhất, thì lại có thêm một điều rắc rối nữa : chẳng hạn như chỉ riêng một chữ êire trong triết học, mà có đến mấy chữ việt để diễn : nào là bản-thể, nào là yếu-tính, nào là hữu-thể, nào là vật-thể, nào là hiện-hữu-thể – năm người dùng năm danh từ để diễn một ý, hay là năm người để một danh từ trong một văn mạch hay năm văn mạch (contexte) khác nhau… để cho ai nấy có thể điên cái đầu !
Thưa Anh, chỉ khổ cho người đọc và người học – mà đã là người đọc người học thì ai cũng vì lòng tự ái mà phải giấu sự… không hiểu của mình đi chứ ! Xin thưa thực với Anh rằng cách đây gần hai chục năm, tôi đọc cuốn Triết lý đã đi đến đâu của ông Trần Đức Thảo – lúc ấy ông chưa về
https://thuviensach.vn
Hà-nội – tôi đọc đủ hai lần mà chẳng hiểu ông muốn nói gì, rồi phải đi tìm bản pháp văn để đọc coi đầu đuôi ra sao !
Có khổ chưa, anh Vũ Bằng !
Một chữ, nó có cái nghĩa quán lệ, dù có là… chướng, thì cũng đã qua bao nhiêu miệng con người trong không-thời-gian rồi, thiên hạ phải chấp nhận ; nó còn có cái nghĩa mà văn mạch (contexte), lớn hay nhỏ, gán cho nó ; nhưng nói gì thì nói, cái nghĩa nó ở trong từ điển phải là chính xác. Nói một cách khác : có dùng là dùng cái nghĩa đó, có gán nghĩa là gán cái nghĩa đó trước – sai một ly đi một dặm, cái ý niệm (idée-concept) mà chữ nó chứa nếu không ăn khớp với ý chủ quan, người dùng nó (hay người đọc) có thể dẫn thiên hạ đi xa – dám đến chỗ có nước mắt chan hoà kia đấy, thưa anh, thật không phải là nói ngoa ! Cái câu của Hé-gel « Tout ce qui est réel est rationnel, tout ce qui est rationnel est réel », mà tôi thường thấy diễn ra là : cái gì thực tại là duy lý, cái gì duy lý là thực tại, thì thật là dùng chữ quán lệ ngoài ý Hégel ! Có dịp tôi sẽ xin trở lại… (Tôi nghe nói trên giấy tờ ngoại giao quốc tế có một bản chữ pháp : hễ có tranh tụng thì đem nó ra mà đối chiếu ! Có lẽ pháp ngữ nó chính xác, nó nhiều « nuance » chính xác hay sao ấy chứ !)
Thưa Anh,
Bề nào, thời chúng ta cũng ở vào thời loạn về xã hội – cái loạn ấy gây ra các thứ mất-thứ-tự khác, riết rồi nó thành ra một tình trạng mà Emmanuel Mounier là một « giáo tổ » về thuyết nhân-vị gọi là désordre établi. Giữa lúc ấy thì ngôn-ngữ-sử đòi hỏi sự có mặt của những nhà điển chế : tôi nghĩ rằng nếu có một đoàn thể văn học nó giống giống như một cái viện hàn lâm chẳng hạn bên Pháp để mà lập nên một số hội đồng giám khảo lo về một số phương diện của vấn đề, thì những người như anh, như các anh phải là người có vị trí ở trỏng : anh đã có nửa thế kỷ « tắm » trong văn thơ ; anh đã sống qua những « nếp » hưng vong của lịch sử và đã chứng kiến những biến thiên của văn học nói chung từ Thăng Long đến Bến Nghé ; anh lại đã làm cái việc mà riêng tôi tôi gọi là vượt biên giới
https://thuviensach.vn
của thế hệ mới ; anh vẫn viết những truyện ngắn như Cái nồi, là một truyện trong mươi mười truyện ngắn tôi cho là hay nhất trong tiền bán thế kỷ hai mươi nầy ; anh đã viết hồi ký Thương nhớ mười hai mà tôi đã đọc và tôi thấy bút pháp trữ tình của anh vẫn là bút pháp bực thầy và sáng-tạo-tính (créativité) của anh chưa hề sứt mẻ ; anh đã sống với văn chương, cười vì nó, khóc do nó… suốt gần một nửa thế kỷ… không buông tha nó, nó không buông tha anh… (Tôi cho là nghiệp đó !)
Vậy thì cuốn sách có tính chất một cuốn từ điển và chứa tinh thần bách khoa – do anh biên soạn, tôi tin là không thể nào dở được.
Thưa Anh,
Chỉ còn chờ cho nó ra đời. Học giới chờ. Sinh viên giới chờ – nói tóm lại, có cầm bút là có chờ, kể cả kẻ viết Bức thư thay lời tựa mà nó có hân hạnh viết cho Anh.
Trân trọng
Sàigòn, gần hè Tân Hợi
TAM-ÍCH
https://thuviensach.vn
MẤY LỜI NÓI ĐẦU
Phong trào kháng chiến chống Pháp đã đến với ta kèm theo một phong trào khác : phong trào dùng danh từ mới bằng chữ nho. Nói « mới » tức là nói rằng trước đấy các nhà văn nhà báo, các chính khách, sinh viên, nghị sĩ… cũng đã có một thời kỳ đua nhau dùng chữ nho, kiểu Phạm Quỳnh. Dùng như thế, có vẻ… nho nhã, và hàm xúc, tuy rằng có ích trong sự dùng điển, và câu văn đó ít lời mà nhiều ý, nhưng đồng thời cũng tỏ ra rằng người viết hay nói lười nhác, không muốn mất thời giờ tìm một chữ Việt tương đương để cho đại chúng đều hiểu được.
Đến thời báo « Đông Tây » ra đời, một số nhà văn trẻ đả kích kịch liệt những tác phẩm dùng nhiều danh từ chữ nho. Trong một thời gian khá dài, văn viết đã thấy bớt danh từ chữ nho, nhưng đến lúc dân ta nổi lên chống Pháp thì người ta lại thấy các danh từ mới bằng chữ nho xuất hiện nhiều hơn cả bao giờ.
Đó là một nhu cầu, vì nói cho thực, lúc đó ta vẫn chưa đủ chữ để diễn tả những ý nghĩ cần dùng về mặt chánh trị, kinh tế, xã hội v.v… nhưng đồng thời ta cũng phải nhận rằng có nhiều cán bộ lúc ấy cũng lạm dụng danh từ ; thay vì nói một cách bình thường, dễ hiểu, thường ưa « xổ » danh từ mới ra, trước là để dọa nhân dân, sau là vì họ tưởng rằng có dùng các danh từ mới ấy thì mới là cách mạng, mới là người thời cuộc.
Đã đành rằng trong các cán bộ dọa người bằng danh từ đó, cũng có nhiều người dùng trúng, nhưng lúc cách mạng mới bùng lên thì đa số dùng « trật lấc ». Vì thế ngày nào và ở đâu ta cũng thấy có những câu chế nhạo cán bộ dùng sai danh từ, như mấy thí dụ dưới đây mà ông Lãng-Nhân đã ghi trong cuốn « Chơi chữ » tái bản lần thứ ba :
Theo ông Lãng-Nhân, chữ quốc ngữ dễ học, dễ đọc, nhưng không phải vì thế mà dễ viết, dễ nói. Là vì muốn nói hay viết cho rành rọt, cần phải có một ít vốn chữ Hán là thứ chữ đã thâm nhập vào tiếng ta rồi.
https://thuviensach.vn
Nếu chỉ đọc được mà không rõ nghĩa thì sẽ có những câu chuyện đàm thoại như ông Đàm Trung Mộc đã kể trong báo « Bạn dân ».
« Trên xe điện. Bước lên xe điện, vợ tôi bị một bà níu lại, nói tíu tít :
« - Gớm, gió nào đạo dẫn cậu mợ đến đây ? Tiền bạc gà ăn không hết, tội gì mà đi cái xe phức tạp này ? Mà cậu nên nghe chị, học vừa vừa chứ, phải điều trị lấy sức khoẻ chứ. Còn mợ nữa, cấm có chịu quá vãng đến chơi nhà chị. »
« Hai vợ chồng cãi nhau. Anh chồng mua một đùi chó về nhắm rượu, say rồi gây với vợ. Vợ nhiếc là đồ đế quốc và hăm đi đề nghị với bí ban. Chồng quát : Cái thứ đàn bà chưa ai vẫy đã le te đi ủng hộ như mày, ngủ thì tích cực lắm, mà làm thì chẳng thấy có kiên quyết gì hết ; muốn đề nghị để ông đi đề nghị cho một thể, ông trường kỳ với mày mà !… »
« Chuyện báo cáo trong ủy ban. Một chị nhỏ nhẹ nói với chị cán bộ :
« - Thưa đồng chí, chứ bữa nọ đồng chí có ủy nhiệm em mua nón, em đã tham gia đa số các chợ, ráo riết truy tầm, mà thiệt tình không thấy đâu còn oa trữ thứ nón đó, thành ra đến nay cuộc điều tra vẫn chưa kết quả, em xin trân trọng báo cáo để đồng chí bế mạc cho… »
Ở ngay nơi sản xuất ra những danh từ mới mà người ta còn dùng lầm một cách ngô nghê, thế thì cũng chẳng nên trách gì một số người khác bắt chước sử dụng những danh từ đó đã dùng sai lạc một cách ngô nghê không kém.
Điều đáng phàn nàn là có một số các nhà lãnh đạo, chánh trị gia, nghị sĩ, dân biểu, văn nhân, ký giả và sinh viên, trí thức đáng lý có thể dùng được những danh từ nôm na bình thường để diễn đạt tư tưởng, không chịu làm như thế mà lại sính dùng danh từ mới để nói hay viết, vì thói quen tiêm nhiễm cũng có, mà vì muốn tỏ ra vẻ mình thông thái, giỏi giang cũng có.
Nhất là một số chính khách thì lại càng sính dùng những danh từ mới lắm. Sính như thế là vì họ nghĩ rằng làm văn hoá, làm chánh trị, hay làm kinh tế… mà dùng những danh từ tầm thường thì dân chúng không sợ, phải
https://thuviensach.vn
dùng những danh từ mới thì mới tỏ ra là chính khách, là thông thái, là người làm việc dân việc nước hạng… cừ !
Họ có biết đâu rằng chính ở nơi sản xuất ra những danh từ mới ấy, sau một trận sốt rét danh từ, người ta đã quay về tìm những chữ nôm na, đại chúng để diễn đạt tư tưởng và bỏ được những danh từ khó hiểu đi được chừng nào càng hay chừng ấy. Một bài diễn văn hay, một lời tuyên ngôn giỏi, có phải hay, giỏi vì mấy danh từ như « đề cao cảnh giác », « cao độ », « đặc thù », « tư liệu », « ý đồ » đâu, nhưng hay vì tư tưởng, vì kết cấu, vì giản dị, vì có biện chứng, vì cảm hoá và đi sâu được vào lòng nhân dân.
Ấy là nói những danh từ trên dùng đúng nghĩa và đúng chỗ. Những chính khách, lãnh tụ dùng lầm danh từ, hoặc dùng không đúng chỗ, không những đã không đạt được ý muốn của mình mà lại còn làm cho người hiểu biết nghe thấy mà phải tức cười và thương hại cho hồn chữ.
Chắc các bạn đọc còn nhớ mồ ma Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã viết một hài văn nói về chữ kiện xuống tới Diêm Vương những nhà văn đã « làm tình làm tội » chữ nghĩa, dùng lầm chữ, dùng sai chữ.
Câu chuyện ấy là hài văn nhưng thực ra cũng có một phần nào thực. Cái phần thực đó là chữ nghĩa không phải là vật vô tri, nhưng mỗi chữ đều có một đời sống, một cái hồn, thương lấy chữ tức là thương lấy mình, thương lấy văn hóa nước mình, thương lấy chữ tức là tự trọng.
Đã là người, ai mà lại không lầm lẫn. Có người lầm lẫn về hành động, có người lầm lẫn khi viết, có người lầm lẫn khi nói. Sự lầm lẫn ấy gần như không tránh được, duy có một điều cần biết là phải tự giác, nhận lấy lầm lẫn, học hỏi, để tránh những lầm lẫn, không để cho tái diễn.
Tôi không tán thành những người cố chấp, không chịu học hỏi, chủ trương cái gì của địch thì không dùng mà chỉ có cái gì của ta mới hay, mới đẹp. Nói riêng trong phạm vi nước ta, Bắc hay Nam cũng chỉ có một văn hóa mà thôi, người Nam dùng chữ của Bắc hay người Bắc dùng chữ của Nam không phải là cái dở hay cái tội.
https://thuviensach.vn
Điều cần thiết là không nên lạm dụng chữ ngoại quốc, nếu có thể dùng chữ của mình thì bao giờ cũng vẫn hơn. Nhưng nếu có những trường hợp mà tiếng ta không có hay chưa có danh từ để diễn tả một ý kiến, một cảm giác, một tư tưởng, ta có thể cứ dùng những danh từ nhập cảng của ngoại quốc hay những danh từ của những đồng bào khác ý thức hệ với ta, nhưng điều quan trọng là đã không dùng thì thôi, chớ đã dùng thì cũng nên dùng cho đúng nghĩa và đúng chỗ, kẻo hồn chữ lại phải tả oán ở nơi âm phủ.
Soạn cuốn sách này, chúng tôi không dám có ý tưởng sửa sai hay bắt bẻ bất cứ ai. Đây là những điều chúng tôi học hỏi được, sưu tập lại để trình chánh bạn đọc, trước là để giúp ích cho những người chưa có dịp học hỏi, mà sau là để cho các bậc cao minh nhuận chính hầu giúp ích cho những người đến sau muốn sử dụng những danh từ mới một cách chân xác và đứng đắn.
Chúng tôi biết rằng bước đầu của chúng tôi còn nhiều thiếu sót. Chúng tôi chỉ tìm hiểu những danh từ thường dùng. Dám mong các bạn bốn phương sẽ gửi thêm những điều học hỏi của các bạn về nhà xuất bản để cho lần tái bản, chúng ta sẽ có một cuốn sách tương đối đầy đủ hơn và nhân đây cũng xin các bạn chỉ bảo cho chúng tôi những sai lầm mà các bạn nhận thấy khi đọc sách.
Sàigòn tháng Giêng Tân-Hợi,
V.B.
https://thuviensach.vn
PHÀM LỆ
1) Cuốn sách này không phải là từ điển, nên không xếp theo thứ tự A, B, C…
2) Chúng tôi chỉ lựa những chữ hay dùng và xếp đặt tuỳ theo sự cần thiết hay tuỳ theo trường hợp.
3) Kèm với những danh từ sai, chúng tôi đưa ra những danh từ có thể coi là đúng hơn. Mỗi danh từ sai hay đúng đều có ghi thí dụ.
4) Về vấn đề giải thích, chúng tôi đưa ra những điều đã học hỏi được. Nhưng cũng có nhiều danh từ chúng tôi được các bạn quen biết tìm tòi và giúp đỡ. Mặt khác, chúng tôi cũng dựa vào nhiều cuốn từ điển như « Hán Việt từ điển », « Anh Việt từ điển », « Larousse », « Từ điển Trương Vĩnh Ký », « Pháp Việt từ điển », « Từ điển tiếng Việt »… Vì không muốn làm lạc ý của các tác giả các từ điển này, có những câu giải thích chép đúng nguyên văn, và cũng có những câu mà chúng tôi diễn đạt lại theo ý của chúng tôi, vì nhiều vấn đề không tiện nói ra.
5) Chúng tôi tin rằng sau khi đọc sách này, độc giả sẽ gửi thêm về cho chúng tôi nhiều danh từ làm thắc mắc các bạn, được các bạn giải thích rồi hay chưa giải thích. Chúng tôi rất hoan nghênh và sẽ cố gắng làm cho cuốn « Nói có sách » tái bản tương đối đầy đủ hơn.
Chúng tôi xin thành thật cảm tạ tất cả các bạn hữu đã giúp cho chúng tôi hoàn thành được cuốn sách này.
V.B.
https://thuviensach.vn
CHỦ NGHĨA CƠ HỘI CÓ KHÁC CHỦ NGHĨA HOẠT ĐẦU ?
Cơ hội chủ nghĩa là chủ nghĩa của những kẻ « gió chiều nào theo chiều ấy ». Cứu cánh của những người theo chủ nghĩa này là quyền lợi cá nhân. Họ không cần lý tưởng, không cần chân lý, mà chỉ cần cơ hội. Cơ hội tới, có danh có lợi là làm.
« Đầu cơ » là bà con ruột thịt với « cơ hội ». Giống như đầu cơ kinh tế, những người đầu cơ chánh trị là những người không chịu bỏ lỡ dịp tốt để làm tiền hay tiến thân. Có khác chăng là khác ở chỗ bản thân họ không có một chút giá trị, nên hễ gặp cơ hội là họ xông tới, chớ thường không dám làm cao giữ giá để chờ một cơ hội khác.
Chủ nghĩa hoạt đầu cũng là một thứ chủ nghĩa cơ hội, song trình độ nghề nghiệp của những người hoạt đầu có cao hơn nhiều.
Trên sân khấu chánh trị, những kẻ không những thấy cơ hội là « chộp » lấy mà có lúc thì uốn lưng quì gối, có lúc đánh bên tả, gạt bên hữu với những mục đích gian manh, thì những kẻ đó đích danh là những phần tử hoạt đầu vậy.
Người có tư tưởng cơ hội có thể ít phạm phải những hành động phản bội, nhưng người có tư tưởng hoạt đầu nhất định sẽ đi vào con đường phản bội.
https://thuviensach.vn
CHÍ SĨ, CHIẾN SĨ, LIỆT SĨ, TỬ SĨ
Chí sĩ (kẻ sĩ) là những người trí thức, có tiết tháo, trọng liêm sỉ, trong mọi trường hợp, giữ được lòng trung trinh với đất nước.
Dưới chế độ nô lệ hay thống trị, hà khắc, người chiến sĩ thường là những người từ khước mọi cám dỗ, danh lợi của bọn thống trị. Những người có chí lớn nhưng chán nản cuộc đời đen bạc, ở ẩn, cũng gọi là chí sĩ.
Chí sĩ mà lại có tinh thần chiến đấu cách mạng, tức có tinh thần luôn luôn vận động, tuyên truyền, tổ chức cách mạng được gọi là chí sĩ cách mạng. Thí dụ : chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu.
Chiến sĩ chỉ những người chiến đấu ngoài mặt trận. Dần dần, danh từ chiến sĩ được định nghĩa rộng ra cho tất cả mọi công tác chiến đấu khác, vì thế có đủ loại chiến sĩ : chiến sĩ trồng khoai, chiến sĩ nuôi gà, chiến sĩ tăng gia sản xuất… Song có điều cần biết là các chiến sĩ sản xuất phải có thành tích chiến đấu cụ thể, nếu không, không thể thành chiến sĩ được.
Với nội dung ấy, chiến sĩ phải là những người tích cực, gương mẫu nhất.
Liệt sĩ là những chiến đấu viên có tinh thần hăng hái hy sinh và đặc biệt coi cái chết nhẹ như lông hồng.
Những người có tinh thần ấy mà chưa chết, chưa được gọi là liệt sĩ, cho nên nói liệt sĩ là nói người có thành tích tranh đấu và có cái chết anh dũng, như liệt sĩ Nguyễn Thái Học, liệt sĩ Phạm Hồng Thái.
Tử sĩ là danh từ để nêu chung những chiến sĩ bị chết ngoài mặt trận.
https://thuviensach.vn
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CẢM GIÁC, CẢM ỨNG, CẢM XÚC
Ba chữ cảm giác, cảm ứng và cảm xúc khác biệt nhau.
Cảm giác là sự tiếp nhận tự nhiên về sự vật bên ngoài, qua sự khích thích của thần kinh. Sự khích thích ấy sở dĩ phát sinh là nhờ ở giác quan (tai, tay, mắt, mũi, lưỡi và linh tính hay giác quan thứ sáu) đem lại cho ta.
Cảm giác là một vấn đề thực tế, song nó vẫn thường xuyên còn tồn tại hai tính chất : chủ quan và mơ hồ.
Cảm ứng là cảm tình nẩy nở theo cảm giác, như uống rượu thì thấy say, ăn chuối thì thấy ngọt. Cảm ứng tuy đi liền với cảm giác, nhưng kết quả hai đằng có khác nhau. Cảm giác thì có sai biệt, còn cảm ứng thì không sai biệt (trừ trường hợp những người có chứng bịnh thần kinh).
Cảm xúc là sự thông cảm hay xúc động vì sự vật bên ngoài, qua đường cảm giác. Có cảm giác mới có cảm xúc, có cảm xúc mới có cảm ứng.
Cảm thông để có thái độ hoà nhã hay cảm khái để phát tiết ra ý chí của mình đều là kết quả tinh thần sau khi có cảm xúc.
https://thuviensach.vn
XÁC NHẬN, XÁC ĐỊNH, KHẲNG ĐỊNH
Hàng ngày, chữ xác nhận vẫn được dùng, nhất là trên mặt báo. Thí dụ : theo tin tức được xác nhận… Xác nhận là công nhận là có thực, là xác đáng, chắc chắn.
Xác định là định ra một cách đứng đắn, rõ ràng. Thí dụ : xác định thái độ học tập. Xác định một thái độ đối với việc Mỹ đổ bộ lên Việt Nam. Xác định khác với quyết định. Quyết định có ý nghĩa là quyết chí định một cách chắc chắn, quyết chí phải thực hiện một ý định, một quan điểm, một kế hoạch. Thí dụ : Chính phủ quyết định hạ giá hàng và trừng phạt nặng nề những kẻ đầu cơ tích trữ.
Khẳng định là khẳng khái quyết định là đúng. Chữ khẳng định mạnh hơn chữ xác nhận. Trái với khẳng định là phủ định, cũng như phủ nhận, có nghĩa quả quyết là không. Thí dụ : Chữ Hán gắn liền với Nho học, với giáo dục, khoa cử. Nhà nước phong kiến cần Nho học để khẳng định chủ nghĩa phong kiến, giữ gìn địa vị thống trị của giai cấp, nên phải đem Nho học truyền bá cho nhân dân.
Danh từ « thẩm định » và « thẩm đoán » có ý nghĩa xét trước rồi đoán, định sau. Còn khẳng định lập trường là làm cho vững lập trường.
https://thuviensach.vn
PHẢN ẢNH HAY PHẢN ÁNH ?
Phản ảnh và phản ánh đều có nghĩa là chiếu hắt trở lại (refléter), nhưng chữ phản ảnh bây giờ ít được dùng như phản ánh. Thí dụ : văn học dân gian phản ánh cuộc sống của quần chúng, biểu hiện thế giới quan của quần chúng, do đó có tính nhân dân sâu sắc.
Từ ý nghĩa đó, chữ phản ánh được dùng với một ý nghĩa bóng bảy, rộng rãi hơn. Phản ánh có nghĩa là tỏ ra, biểu hiện ra. Thí dụ : lời văn của ông ta phản ánh một nội tâm thắc mắc.
Ở ngoài kháng chiến, chữ phản ánh còn được dùng với một ý nghĩa rộng hơn nữa : phản ánh là kể lại sự việc đã xảy ra. Thí dụ : phản ánh tình hình chiến sự cho cấp lãnh đạo.
https://thuviensach.vn
THÔNG QUA
Ở đây chúng ta thường dùng danh từ thông qua và cho là có ý nghĩa biểu quyết chấp thuận. Sự thực thông qua có ý nghĩa đó, ý nghĩa quyết định chấp nhận một kiến nghị. Thí dụ : việc tiếp thu văn hóa ngoại quốc đã tiến hành trên cơ sở một tinh thần dân tộc, không phải chỉ có sự khuôn rập, đáng phàn nàn mà còn có tinh thần độc lập đáng quí trọng. Đối với ngày nay, đó là một niềm phấn khởi, đồng thời cũng là một bài học hay : không thông qua cơ sở dân tộc, nhất định không có sự tiếp thu tốt văn hóa nước ngoài.
Mặt khác, thông qua còn một ý nghĩa nữa mà ít người nghĩ tới khi dùng danh từ này. Thông qua còn có nghĩa là trải qua, đi qua, dựa vào. Thí dụ : Giai cấp công nhân thông qua Đảng Cộng Sản mà lãnh đạo cách mạng.
Nhưng thông suốt thì có ý nghĩa khác hẳn. Thông suốt chính sách không có nghĩa là chấp nhận chính sách nhưng có nghĩa là hiểu rõ chính sách từ đầu đến cuối.
https://thuviensach.vn
CHỦ NGHĨA TỰ NHIÊN, KINH TẾ TỰ NHIÊN
Danh từ tự nhiên dùng để chỉ tất cả những vật có sẵn trong trời đất, chớ không phải do sức người tạo ra, như ánh sáng, không khí, núi non, sông nước, cây cối…
Chủ nghĩa tự nhiên là một quan niệm nghệ thuật thịnh hành vào cuối thế kỷ 19, chủ trương miêu tả sự thật khách quan, sự thật ấy thế nào thì ghi lại đúng như thế. Thí dụ : Emile Zola là một nhà văn có hạng trong phái tự nhiên.
Kinh tế tự nhiên là nền kinh tế sản xuất ra để cho mình tiêu dùng, trái với kinh tế sản xuất hàng hóa.
Về y học, tự nhiên liệu pháp là cách trị bệnh không cần đến thuốc mà chỉ cần trị theo lối tự nhiên, nghĩa là dựa vào khí hậu, thể dục, chế độ ăn uống như uống nước lã để chữa bệnh nhức đầu hay ăn sả để trị bệnh phong chẳng hạn.
Về tôn giáo, tự nhiên thần giáo là một thuyết cho rằng đấng Thượng Đế tạo ra thế giới, nhưng người ta không cần phải có lễ nghi tôn giáo và bàn thờ, đồ cúng để cầu xin Thượng Đế.
https://thuviensach.vn
BIỂU THỊ, BIỂU HIỆN
Biểu hiện là tỏ ra, hiện ra, để lộ ra, để cho người ta thấy. Thí dụ : cá tính dân tộc Việt Nam, sau những cuộc tiếp thu văn hoá nước ngoài, biểu hiện rõ rệt nhất trong ngôn ngữ Việt Nam. Hay : Câu chuyện ông ta nói với chúng bạn hôm đó biểu hiện tư tưởng cầu an.
Chủ nghĩa biểu hiện là quan niệm nghệ thuật cho rằng nghệ thuật chỉ có nhiệm vụ trình bày đời sống tâm lý của con người chớ không cần diễn tả những sự vật bên ngoài.
Cũng nên biết rằng biểu hiện không phải là biểu hiệu. Biểu hiệu là tên riêng. Thí dụ : tôi tên là Trần Văn Khá biểu hiệu là Thu-An. Biểu hiệu còn có nghĩa là một vật dụng để nêu ra một ý gì, tượng trưng cho một ý gì… Con chó là biểu hiệu cho sự trung thành, con lừa là biểu hiệu cho tính ưa nặng, phải đánh đá mới chịu đi.
Chữ biểu thị cân xứng với chữ biểu lộ : tỏ ra cho biết. Thí dụ : Trong khi tiếp xúc với tiếng Hán, tiếng Việt vẫn biểu thị một trình độ tiến hóa nhất định của xã hội Việt Nam. Hay : tác phong của người dân biểu thị một tinh thần độc lập.
https://thuviensach.vn
HIỆU NĂNG, HIỆU LỰC, HIỆU XUẤT, HIỆU NGHIỆM, HIỆU QUẢ
Danh từ thường được dùng luôn là hiệu lực. Hiệu lực là cái gì có thể đưa tới kết quả. Thí dụ : đạo luật này có hiệu lực từ ngày được ban hành. Hiệu lực còn có nghĩa là tác dụng của luật pháp, qui chế… đối với nhân dân. Thí dụ : hiệu lực của một đạo luật.
Hiệu năng cũng đồng nghĩa với hiệu lực. Hiệu năng (có người viết là năng hiệu) tức là khả năng đưa tới kết quả.
Hiệu nghiệm là có kết quả rõ ràng. Thí dụ : thuốc này hiệu nghiệm như thần, uống vào năm phút là bệnh thuyên giảm liền. Hiệu quả cũng có thể là có kết quả rõ rệt. Thí dụ : nghe lời, ông ta về tìm lá phèn đen để uống trị bệnh phù thì quả vậy chỉ nửa giờ sau thấy hiệu quả ngay.
Hiệu xuất là kết quả của sự sản xuất.
https://thuviensach.vn
CÁ NHÂN VÀ CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN
Cá nhân, theo nghĩa chính của nó, là một người nói riêng, đối với đoàn thể và xã hội. Thí dụ : đảng ấy chỉ lưa thưa có mấy chục người, nhưng xét cho kỹ thì có vài cá nhân xuất sắc có thể « làm trò » được.
Chủ nghĩa cá nhân là nhân sinh quan của những người chỉ biết chú trọng đến quyền lợi riêng của mình, không cần lý đến quyền lợi của đoàn thể, của xã hội. Hồi Pháp thuộc, thể theo chiều hướng tư tưởng của các lớp thanh niên tư sản và tiểu tư sản – nhất là một số ông « tây an-nam » mới du học Pháp về – đòi giải phóng tình cảm, đòi tự do luyến ái, lấy ái tình và tự do bỏ vợ rồi lấy vợ khác làm hạnh phúc duy nhất, làm lý tưởng ở đời để trốn tránh cuộc sống trước mắt đầy chông gai đau khổ dưới ách thực dân phong kiến ; thể theo tư tưởng bi quan, tiêu cực phát sinh trong các tầng lớp đó dao động, hoang mang sau các cuộc khủng bố, thực dân lại không hề ngăn cấm mà ra mặt khuyến khích, cổ võ các nhà văn thời đó đi vào những tâm trạng xã hội yếu hèn ấy, gây thành một chủ nghĩa cá nhân, đòi giải phóng cá nhân, thực chất là đòi tự do ăn chơi, trụy lạc, để hủy hoại ý chí đấu tranh của thanh niên, đưa dần đến con đường làm tay sai chúng nó.
Mặt khác, cá biệt có nghĩa là riêng lẻ, ít có. Thí dụ : trường hợp cá biệt.
https://thuviensach.vn
YÊU CẦU CÓ KHÁC YÊU SÁCH ?
Trong các cuộc tranh đấu của công nhân đối với chủ hay các cuộc biểu tình của dân phản đối các cuộc khủng bố trắng đối với sinh viên… các ký giả, văn gia hay dùng chữ yêu sách.
Yêu sách có nghĩa là đòi cho kỳ được mới thôi. Thí dụ : yêu sách của công nhân nhà máy giấy đòi tăng lương đã được thỏa mãn. Trong danh từ « yêu sách », có ý nghĩa tranh đấu, đòi hỏi gắt gao.
Yêu cầu, so với yêu sách, tương đối nhẹ hơn, tuy là cũng có ý nghĩa đòi hỏi. Dùng chữ yêu cầu, người ta biểu thị một ý ôn hòa hơn. Thí dụ : cảnh binh yêu cầu các người đến dự cuộc vui giữ trật tự.
Ngoài nghĩa này ra, danh từ « yêu cầu » còn một nghĩa nữa mà ở vùng quốc gia ít có người dùng. Yêu cầu có nghĩa là đòi hỏi nhưng đòi hỏi tới một mức nào đó, trong một công việc nhất định. Thí dụ : yêu cầu của các truyện vui cười là khả năng bảo đảm gây được cười cho người đọc. Hay : yêu cầu của công tác ấy là làm thế nào cho già trẻ lớn bé đều vui vẻ tự ý muốn đi học, chớ không bắt buộc.
https://thuviensach.vn
MỸ HỌC, MỸ HÓA
Vì lẽ chúng ta sống bên cạnh người Mỹ nên nhiều người nghe thấy, đọc thấy danh từ « mỹ học » và « mỹ hóa » đều tưởng ngay đâu rằng mỹ học là cái học của người Mỹ và Mỹ hóa là hóa ra người Mỹ, đồng hóa với Mỹ.
Trong danh từ « mỹ học », mỹ được dùng và hiểu như chữ mỹ trong mỹ thuật. Mỹ học là môn học nghiên cứu cái đẹp và tác dụng của những sự vật mà mình cho là đẹp. Thí dụ : Tiếng cười trong truyện ấy có một ý nghĩa chiến đấu, một ý nghĩa mỹ học.
Mỹ hóa là hóa đi cho đẹp. Chớ không phải là hóa ra người Mỹ. Thí dụ : Trên con đường mỹ hóa của truyện cổ tích, nhiều truyện cổ tích ở nhiều nước đã được kể thành văn vần hoàn toàn. Ta có truyện Trương Chi, Thạch Sanh…
https://thuviensach.vn
GIAO ĐIỂM, GIAO LƯU, GIAO HƯỞNG
Đọc trong một bài diễn văn gần đây, tôi thấy có câu sau : « Văn hóa, văn học chữ Hán của Trung Quốc đi vào Việt Nam không phải do sự giao hưởng bình thường mà chính là cùng với quân đội Trung Hoa xâm lược ». Chữ giao hưởng dùng như thế, không đắt. Giao hưởng, nói chung, chỉ dùng để nói về một giàn nhạc có nhiều thứ nhạc cụ hòa hợp với nhau. Thí dụ : giàn nhạc giao hưởng.
Trong câu trích trong bài diễn văn nói trên kia, phải dùng « giao lưu » mới đúng. Giao lưu nghĩa là sự trao đổi giữa hai luồng hàng hóa, văn hóa, tư tưởng. Thí dụ : giao lưu văn hóa, giao lưu tình cảm.
Còn giao điểm, không có nghĩa là trao đổi, hòa hợp. Giao điểm, thường dùng trong toán học, chỉ có nghĩa là cái điểm mà tại đó hai hay nhiều đường gặp gỡ nhau.
Sau này, dùng rộng ra, giao điểm chỉ những nơi mà nhiều đường lộ gặp nhau. Thí dụ : ác chiến đã diễn ra ở một giao điểm cách Luang Prabang 10 cây số.
https://thuviensach.vn
PHÂN CHIA, PHÂN CẤP, PHÂN TÁN, PHÂN HÓA, PHÂN ĐỊNH
Nói về đất nước chia đôi, ta thường dùng chữ phân chia, qua phân. Thí dụ : sau hiệp định Genève, đất nước ta phân chia làm hai mảnh, lấy sông Bến Hải làm ranh. Hay : dưới thời Thập Nhị Sứ quân, đất nước qua phân, nhân dân đồ thán.
Về quân sự, ta hay dùng chữ phân tán. Thí dụ : đánh để phân tán lực lượng địch. Danh từ phân tán cùng nghĩa với phân hóa, nhưng phân tán có nghĩa là chia ra làm nhiều phần, chớ phân hóa ngoài ra lại có ý là chia ra nhiều phần đối lập nhau. Thí dụ : Bắt được địch, ta không giết, nhưng đãi ngộ họ, tẩy não họ, rồi cho họ về, nhằm mục đích phân hóa địch, một khi họ trở về nước họ.
Phân hóa giai cấp cũng có nghĩa là chia ra nhiều giai cấp đối lập nhau để dễ cai trị, vì làm như thế thì nhân tâm bị phân hóa.
Cũng nói về giai cấp, còn danh từ phân cấp, nhưng phân cấp không có nghĩa là chia ra thành nhiều cấp, nhưng là chia ra cho các cấp. Phân cấp quản lý là chia việc quản lý cho nhiều cấp. Chữ phân cấp đây cũng tựa như phân công, nghĩa là chia công việc cho nhiều người theo khả năng và yêu cầu.
Phân định thành phần giai cấp nghĩa là chia ra và xác định thành phần của các giai cấp.
https://thuviensach.vn
CẢM TÍNH VÀ LÝ TÍNH
Đã nói đến cảm xúc, cảm giác và cảm ứng, cũng nên biết cảm tính là gì.
Cảm tính là tính – nói rộng ra là ý thức, hệ thống tư tưởng – phát lộ trên cơ sở cảm nghĩ hay cảm giác.
Cảm tính mang theo tình cảm cá nhân và chủ quan. Nó khác hẳn với lý tính tức là ý thức tư tưởng được suy diễn và chứng minh qua lẽ phải và sự vật thực tế.
Để nâng cao những nhận thức còn trừu tượng, ta thường nói : « Phải nâng cao trình độ cảm tính tới trình độ lý tính ». Như thế, có nghĩa là : hoặc phải xác định nhận thức mơ hồ (trường hợp giữa cảm tính và lý tính thống nhất với nhau) để kiến tạo một ý-thức-hệ dứt khoát ; hoặc phải khắc phục những tình cảm cá nhân còn tồn tại để xác định lập trường theo lẽ phải, có dẫn giải đàng hoàng.
https://thuviensach.vn
TẠI SAO CÓ DANH TỪ ĐỆ TAM ĐẾ QUỐC, ĐỆ TỨ CỘNG HÒA ?
I. Đệ tam đế quốc là một danh từ mà Hitler tự gán cho nước Đức trong đại chiến thứ nhì (3e Reich). Thời ấy, định nghĩa Đế quốc chỉ là một nước hùng mạnh, có nhiều nước khác thần phục. Nó cũng tương tự như « nghiệp bá » thời Đông Châu Liệt Quốc, chớ chưa có qui định dứt khoát như ngày nay.
Hitler muốn đề cao tinh thần dân tộc Nhật Nhĩ Man, một dân tộc đã từng có những thành tích hiển hách ở Châu Âu từ thời thượng cổ và hiện nay là dòng giống chính thống ở Đức. Với ý định ấy, Hitler hy vọng xách động được tính tự cường của dân tộc Đức lao đầu vào con đường chiến tranh xâm lược.
Theo Hitler, Đệ nhất Đế Quốc là Đế Quốc La Mã. Cựu Đức-ý-chí Đế Quốc là Đệ nhị Đế Quốc. Đệ nhất và Đệ nhị Đế Quốc đều do dòng giống Nhật Nhĩ Man xây dựng. Ngày nay, Đệ Tam Đế Quốc cũng phải là Đế Quốc của tất cả những người Nhật Nhĩ Man họp lại và lập nên. Lịch sử sẽ chứng minh như thế và chỉ có thế mới là kẻ thừa kế xứng đáng của dòng giống Nhật Nhĩ Man.
II. Đệ tứ Cộng Hòa (4e République) là nền Cộng Hòa lần thứ tư ở nước Pháp, sau đại chiến thứ nhì, tức sau thời kỳ đã đánh bại phát xít Đức, tái lập quyền độc lập cho nước Pháp.
Theo lịch sử Pháp thì cho tới 1945, nước Pháp đã có ba nền Cộng Hòa. Sở dĩ như vậy là vì sau cuộc cách mạng tư sản dân chủ Pháp (1789) nước Pháp bị hai lần có mưu đồ lập lại chế độ quân chủ.
Nước Pháp tuyên bố thành lập Cộng Hòa Quốc (sau này gọi là Đệ Nhất Cộng Hòa) từ 1792, tức sau cách mạng 1789 và họp xong Quốc Dân Đại Hội.
https://thuviensach.vn
Năm 1804 (tức sau 12 năm), Nã Phá Luân đệ nhất xưng đế, đệ nhất cộng hòa bị xóa bỏ.
Từ 1848 đến 1852, nhân dân Pháp lại nổi lên lập lại nền Cộng Hòa trong sự sụp đổ của Nã Phá Luân đệ nhị. Thời này gọi là Đệ Nhị Cộng Hòa.
Năm 1852, Nã Phá Luân đệ tam lại xưng đế, làm cho nền Đệ Nhị Cộng Hòa lại tan vỡ. Cho mãi tới 1870, Nã Phá Luân đệ tam lại bị phế, nền Cộng Hòa thứ ba mới hình thành.
Từ 1958, sau khi ông De Gaulle lên nắm chánh quyền lần thứ hai, người ta cũng gọi là Đệ Ngũ Cộng Hòa với ngụ ý đề cao hoạt động cải tiến của De Gaulle với nội tình nước Pháp, song lối lợi dụng từ ấy xét ra không được xác đáng.
https://thuviensach.vn
THẾ NÀO LÀ ĐẠO SƯ ? THẾ NÀO LÀ ĐẠO CỤ ?
Đọc truyện kiếm hiệp, có nhiều cuốn nhắc đến danh từ « đạo sư ». Tuy tác giả không giải thích nghĩa chữ đạo sư, song người đọc cứ hiểu ngầm là tác giả muốn nói đến một vị chân tu vào bực thầy, như Thiền Quang Đạo sư với phép hô phong hoán vũ, Pho Ốc Đạo sư với những môn thần chưởng kinh người.
Mặt khác, để giới thiệu một cuốn phim kiệt tác nọ, các nhà sản xuất, ngoài việc kể lể đủ thứ giá trị và sự xây dựng cuốn phim, không bao giờ quên nêu danh người đạo diễn mà họ suy tôn làm đạo sư. Trong trường hợp này, đạo sư có ý nghĩa là người đạo diễn vào bực thầy.
Vậy thực nghĩa danh từ đạo sư là gì ?
Đạo sư là người tài giỏi, có bản lĩnh, có đức độ, nghĩa là có đầy đủ khả năng để dẫn dắt quần chúng. Có thể là nhà kinh tế, chính trị hay văn hóa có tài lãnh đạo về một trong các lãnh vực ấy. Nó không có nghĩa hẹp, hạn chế vào một nhà sư, một tay kiếm khách hay một người đạo diễn.
Đạo sư như vậy, còn « đạo cụ » là gì ? Có người nói « đạo cụ » là vật dụng của những kẻ ăn trộm (trong nghĩa đạo là trộm) hay nói chung những đồ vật ăn trộm được. Không phải. Danh từ đạo cụ dành riêng để chỉ đồ vật bài trí trên sân khấu để diễn kịch.
Đồ vật lớn như bàn ghế, tủ v.v… gọi là « đại đạo cụ » ; vật nhỏ như khay chén, bình trà, thuốc lá, bao diêm gọi là « tiểu đạo cụ ».
https://thuviensach.vn
TÁC DỤNG, TÁC ĐỘNG
Nhiều người hay dùng lầm chữ tác dụng và tác động. Hai chữ ấy nghĩa khác hẳn nhau. Tác dụng là hiệu quả của một vật ảnh hưởng đến một vật khác. Thí dụ : sâm có tác dụng làm cho người đang mệt mỏi thấy khỏe khoắn lại ngay.
Tác động là có ảnh hưởng mạnh. Thí dụ : đời sống vật chất tác động đến phẩm chất văn nghệ của văn nghệ sĩ.
Tất cả những gì gây ra một tác dụng gọi là tác nhân. Thí dụ : tác nhân gây ra bịnh lao là vi trùng Kock.
https://thuviensach.vn
NHÂN VĂN
Chữ nhân trong danh từ nhân văn có nghĩa là người, nhưng giải thích nhân văn là người thợ viết văn thì nông cạn. Nhân văn là văn hóa của loài người. Chủ nghĩa nhân văn của tư sản chủ trương phá tan những trói buộc kinh tế phong kiến, mưu giải phóng cho cá nhân trên cơ sở thừa nhận giá trị của con người, tin tưởng vào sức sáng tạo của con người. Chủ nghĩa nhân văn của cộng sản đi xa hơn thế. Cũng thì chủ trương nâng cao và thừa nhận giá trị của con người như tư sản, chủ nghĩa nhân văn của cộng sản còn chủ trương chiến đấu để giải phóng cho con người thoát khỏi mọi áp bức, đưa con người đến chỗ thắng tự nhiên, làm chủ vận mệnh của mình.
Chủ nghĩa nhân văn, nguyên thủy, phát triển ở Ý Đại Lợi, sau lan ra khắp Âu Châu, và chủ trương phục hưng văn học và nghệ thuật của cổ Hy Lạp và La Mã.
https://thuviensach.vn
CÔNG THỨC
Công thức là khuôn phép căn cứ theo lề lối khoa học để có thể thích dụng cho những trường hợp cùng thuộc vào loại đó. Về lý hóa, công thức là formule, thí dụ : đại số thức, hóa học thức.
Bệnh công thức là tính cố chấp, nhất nhất theo đúng công thức, không chịu linh động, mềm dẻo theo hoàn cảnh.
Chủ nghĩa công thức là quan niệm sai lầm của một số nhà xã hội học chủ trương rằng người ta có thể căn cứ vào một vài nguyên tắc nhất định để khảo cứu và giải thích tất cả các hiện tượng xã hội.
Khi muốn chuyển một vấn đề gì thành công thức, người ta dùng danh từ công thức hóa.
https://thuviensach.vn
CỐNG HIẾN
Cống hiến có thể vừa dùng làm động từ vừa làm danh từ.
Là động từ, cống hiến có nghĩa là đóng góp vào một sự nghiệp, một việc ích lợi chung. Thí dụ : tôi xin cống hiến các nhà bác học Việt Nam hai con mắt của tôi khi tôi chết để các vị nghiên cứu xem tại sao mắt tôi lại không có lòng trắng, chỉ toàn lòng đen.
Dùng làm danh từ, cống hiến có nghĩa là phần đóng góp về tinh thần hay vật chất của một người vào sự nghiệp chung của xã hội hay nhân loại. Thí dụ : Bài Bình Ngô Đại Cáo là một cống hiến lớn và tốt cho văn chương yêu nước của ta.
https://thuviensach.vn
TƯƠNG QUAN VÀ LIÊN HỆ
Liên hệ là dính dáng với nhau. Thí dụ : vụ đánh đèo Mụ Già và đổ bộ sang Lào có liên hệ với nhau. Nói rộng nghĩa ra, người ta dùng chữ liên hệ khi nhân một vấn đề đã được hiểu biết, nhắc đến những vấn đề có liên quan đến việc ấy.
Tương quan cũng là dính líu với nhau, liên quan với nhau, nhưng người ta dùng chữ tương quan khi nào có ý muốn so sánh. Thí dụ : quyền lợi tương quan giữa người này và người kia. Hay : Việc xem xét các hiện tượng thiên nhiên đặt mối tương quan giữa ảnh hưởng của thời tiết đối với đất đai, cây cối để rút ra những nhận xét có ích cho sự trồng trọt là một vấn đề không thể thiếu được trong nông nghiệp.
Về quân sự, tương quan lực lượng là lực lượng so sánh hơn kém giữa hai bên. Thí dụ : xét về tương quan lực lượng thì quân số của ta đông hơn địch, nhưng võ khí của ta thì ít hơn của họ.
https://thuviensach.vn
ĐẤU TRANH TƯ TƯỞNG, CẢI TẠO TƯ TƯỞNG
Tư tưởng là sự suy nghĩ. Thí dụ : « người ta là một cây sậy có tư tưởng », « Giá trị của ta là ở tư tưởng ». Tư tưởng có khi có nghĩa là chủ ý, kế hoạch hay ý tứ, ý hướng. Thí dụ : Đọc một cuốn sách và hiểu rõ tư tưởng của tác giả.
Ý tứ đó, ý hướng đó là nội dung của ý thức do tư duy tạo nên. Vì thế có người nói : Tư tưởng của giai cấp công nhân.
Cải tạo tư tưởng là cuộc vận động để làm cho tư tưởng tốt đẹp hơn, khoáng khoát hơn, nhưng theo cộng sản hiểu thì cải tạo tư tưởng có nghĩa là cuộc vận động đánh đổ tư tưởng phi vô sản, nhằm hình thành và củng cố tư tưởng vô sản.
Đấu tranh tư tưởng, cũng giống như đấu tranh chánh trị, là cuộc đấu tranh nhằm mục đích làm cho tư tưởng vô sản thắng lợi trong một cá nhân, một đoàn thể hay một xã hội. Về phía dân chủ, đấu tranh tư tưởng nhằm làm cho tư tưởng dân chủ thắng.
Hệ tư tưởng là hệ thống ý thức của một người hay một giai cấp do lợi ích giai cấp tạo nên.
Còn tính tư tưởng là sự phản ánh bản chất và ý nghĩa triết học của sự vật trong một công trình khoa học hay nghệ thuật, khiến công trình đó có tác dụng giáo dục.
https://thuviensach.vn
BÍCH KÍCH PHÁO VÀ BỨC CÁCH PHÁO DANH TỪ NÀO ĐÚNG ?
Không phải bích kích pháo mà cũng không phải bức cách pháo, mặc dù nói cách nào, mọi người cũng đều biết đó là khẩu « moọc chê ».
Có người nói bích kích pháo, vì đó là khẩu súng bắn xuyên tường, và cũng có người nói là bức cách pháo (nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp) vì nó bắn lối cầu vồng, cách bức. Gọi như thế đều không đúng.
Tên chính của nó là bách kích pháo. Bách kích không phải là đánh trăm trận, hay bắn trăm phát. Bách kích là đánh ép.
Nguyên « moọc chê » là một loại súng cối không nặng lắm, hai người có thể mang chạy được, bắn không xa lắm (bốn, năm cây số trở lại) nhưng bắn được theo lối vòng cung, mà sức tàn phá khá mạnh. Di chuyển được bách kích pháo đến gần địa điểm chiến đấu, nó thành một uy hiếp, một áp lực (sức ép) khá lớn cho đối phương.
Bách kích pháo là loại súng đại bác tầm thường trong trận-địa-chiến, nhưng đối với du-kích-chiến, nó có giá trị rất lớn, không kém giá trị của các khẩu súng tối tân bắn không giật.
https://thuviensach.vn
SAI ÁP VÀ CAO ÁP
Nhân vừa nói đến áp lực, chúng tôi ghi nhận có hai danh từ cao áp và sai áp nhiều người dùng không đúng lắm.
Chữ « sai áp » thường dùng trong các hoạt động kinh tế. Sai áp là sự dẫn giải những hàng hóa trái phép, hoặc do buôn lậu, hoặc do trái với qui định thông thường của chính phủ. Hàng hóa sai áp được mang tới các cơ quan pháp lý để định đoạt.
Về luật pháp, Tòa Án cũng dùng danh từ sai áp để chỉ sự cấm đoán người mắc nợ không còn quyền sử dụng hay phân tán tài sản của mình trước khi thanh toán nợ (vì chủ nợ đã trình Tòa Án).
Còn cao áp không có nghĩa tương tự với sai áp mà cũng không có nghĩa là tịch thu như một số người vẫn hiểu.
Chữ « áp » trong trường hợp này là áp bức, chớ không phải là áp giải. Cao áp là một hình thức khủng bố của người thống trị dùng để đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân.
Chính sách đàn áp tàn khốc ấy gọi là « cao áp chính sách ».
https://thuviensach.vn
LƯU MANH, DU ĐÃNG, DU THỦ DU THỰC KHÁC NHAU THẾ NÀO ?
Đối với những người chơi bời lêu lổng, tư cách xấu xa, ta thường gán cho cái tên lưu manh, du đãng, du thủ du thực. Trong những danh từ ấy có gì khác nhau không ?
Lưu manh là một danh từ mới. Lưu là lang thang, trôi nổi (như lưu thủy), manh là liều lĩnh, ẩu tả. Lưu manh lúc đầu chỉ để gọi những kẻ bỏ nghề nghiệp sinh sống chính đáng để đi lang thang dông dài và làm điều xằng bậy.
Sau này, danh từ lưu manh dùng để chỉ chung tất cả những hạng người mất dạy, lừa đảo, « cầu bơ cầu bất », không cần biết họ có tham gia sinh sản hay không. Có thể họ vô nghệ nghiệp, đi làm nghề ăn cắp, đĩ bợm ; có thể họ có nghề nghiệp nhưng là một thứ nghề nghiệp lấy lừa đảo làm chính.
Theo cộng sản, tất cả những người hành nghề như ăn cắp, gái điếm, cờ bạc, phù thủy, thày cúng, bói mù (không căn cứ vào một định lý khoa học nào) đều là những người lưu manh.
Những người đó phần đông lại là những người nghèo khổ, vì sinh kế quá khó khăn nên bắt buộc phải làm điều xấu. Vì thế mà gọi họ là hạng « lưu manh vô sản giai cấp » hay « nhị lưu tử ».
Những người vì túng thiếu mà phải đi ăn mày, ăn xin không thuộc vào hạng « nhị lưu tử » ; song nếu họ vừa ăn xin vừa dùng lời lẽ dối trá hay có những hành động lừa đảo thì họ là « nhị lưu tử ».
Năm 1953, Trung Cộng khoe đã cải tiến được 30.000 nhị lưu tử trở thành « lao động gương mẫu » (?!)
Du đãng, nghĩa đen là chơi bời phóng túng. Ngày nay, danh từ du đãng cũng được dùng để chỉ nhiều hạng người lắm. Thanh niên điếm đàng, đi đầu đường góc phố ; anh chị « kẹ » ở bến xe, máy nước ; hạng người vô
https://thuviensach.vn
nghệ nghiệp lang thang chỗ này chỗ khác và sẵn sàng làm bất cứ việc gì mà người có tiền sai làm – kể cả đánh lộn, biểu tình – đều được kể là du đãng.
Vì chữ du đãng có nghĩa rộng rãi như thế và bao gồm nhiều loại người như thế, cho nên những chánh phủ độc đoán thường dùng mấy chữ « ruồng bắt du đãng », « bài trừ du đãng » để bắt những phần tử chống đối, vì các phần tử này bị các người đó gọi là « chính trị du đãng ».
Còn du thủ du thực ra sao ? Nếu dịch ra chữ Pháp, phải dịch du thủ du thực là vagabond mà người mình thường kêu là ma cà bông hay ma cà chớp. Ma cà bông hay ma cà chớp là hai danh từ Việt hóa (như Việt hóa chiến tranh Việt Nam !) để cho thích hợp với con mắt láo liên và bàn tay « chớp lẹ » khi bao tử buộc phải có những hành động đó.
Nghĩa đen của du thủ du thực là những người chơi cũng phóng túng mà ăn cũng phóng túng. Những người du thủ du thực là những người không muốn làm việc gì cả, thích la cà đầu đường xó chợ và hễ thấy chỗ nào có ăn là « sà » vào để « bóng ».
Người du thủ du thực khác với người « tha phương cầu thực ». Tha phương cầu thực là những người lương thiện vì sinh kế mà phải dời bỏ quê hương để ra ngoài kiếm miếng ăn.
https://thuviensach.vn
BẠCH CUỐNG, HẮC CUỐNG
Chưa hết khổ tâm để tìm hiểu thế nào là « tuyên truyền đen », « tuyên truyền trắng » thì các ông lại xổ ra hai danh từ mới là « bạch cuống » và « hắc cuống ».
Có mấy ông bây giờ nói chuyện với đồng bào quốc dân, gần đây, lại nhắc lại « bạch cuống » và « hắc cuống ».
Dân nghe chẳng hiểu là gì và hỏi cuống đây là cuống rau có phải không ?
Không, « cuống » đấy nhất định không phải là cuống rau đàn bà đẻ, hay cà cuống, hoặc « cuống đít lên ». Cuống có nghĩa là nói láo, nói dối.
Bạch cuống là điều nói dối không hệ trọng gì, không làm hại tới ai. Ví dụ ông thày thuốc chữa cho một người bịnh, biết là không qua khỏi được, nhưng nói dối là bịnh nhẹ để cho bịnh nhân khỏi sợ, khỏi buồn : như thế là bạch cuống.
Trái lại bạch cuống là « hắc cuống », chỉ những điều dối trá, nham hiểm, hại người.
https://thuviensach.vn
KHẮC PHỤC, CHẾ NGỰ, KHỐNG CHẾ, TUẦN HÓA
Mấy danh từ này có ý nghĩa gần giống nhau nên có nhiều người dùng không mấy đắt.
Khắc phục, danh từ thường được dùng nhiều, có nghĩa là thắng những khó khăn, vượt những khó khăn để đạt tới mục đích ấn định. Thí dụ : Khắc phục các khó khăn.
Khắc phục khuyết điểm là sửa chữa các khuyết điểm để tiến tới một kết quả tốt đẹp hơn.
Chế ngự cũng có nghĩa là cố gắng, nhưng trong cố gắng này có hàm ý bắt phục tòng. Chế ngự cùng nghĩa với chinh phục. Thí dụ : chế ngự thiên nhiên.
Khi nói chế ngự tâm tính mình, đè nén dục vọng của mình, danh từ « khắc chế » đắt hơn. Nhưng khi nói một người chủ xiệc khắc phục một con sư tử, bắt nó phục tòng để làm trò theo ý muốn của mình thì nên dùng danh từ « tuần hóa ». Thí dụ : người ấy đã tuần hóa một con sư tử.
Khống chế cũng có nghĩa là bắt khuất phục, bắt phải phục nhưng trong chữ « khống chế » có ý nghĩa kiểm soát và chi phối bằng sức mạnh hay quyền lớn. Thí dụ : máy bay Mỹ khống chế không phận của Bắc Việt trong hai năm 1968, 1969.
https://thuviensach.vn
TÁC GIẢ VÀ TÁC GIA
Hai danh từ này cùng nói về những người trước tác nhưng cách dùng khác nhau.
Tác giả là người biên soạn, sáng tác ra một công trình nghệ thuật nhất định. Thí dụ : Tác giả truyện Lục Vân Tiên là Đồ Chiểu, tác giả truyện Kiều là Nguyễn Du.
Tác gia là những người cũng trước tác những tác phẩm khoa học, nghệ thuật nhưng nói với một tính cách chung. Thí dụ : Người ta có thể giải thích sự thành công trong việc học tập ngôn ngữ, văn học Trung quốc bằng nhiều cách, nhưng không thể phủ nhận vai trò tiếng Việt và cố nhiên tài năng sử dụng tiếng Việt của các tác gia.
Hay : Lược truyện các tác gia Việt Nam.
https://thuviensach.vn
VỊ TRÍ
Vị trí, cũng như phương thế, là chỗ ngồi, chỗ đứng (position). Thí dụ : vị trí của một chiếc tầu. Hay : đứng vào hàng ngũ của mình, không nên dời vị trí của mình.
Vị trí còn có nghĩa là tình thế, trạng huống, cảnh ngộ, địa vị, chức nghiệp. Thí dụ : vị trí của công nghiệp trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, có nhiều chỗ không nên dùng vị trí mà nên dùng những danh từ thích ứng cùng ý nghĩa. Đại khái : il a une position difficile mà dịch là ông ta có một vị trí khó khăn thì ngô nghê, mà phải dịch là ông ta gặp một tình thế, cảnh ngộ khó khăn.
Un homme de position mà dịch là một người có vị trí thì cũng ngô nghê không kém, nhưng phải dịch là : một người có địa vị.
Trong câu « la position de ce malade est alarmante », chữ position không thể dịch là vị trí nhưng phải dịch là tình thế : tình thế của bệnh nhân nguy kịch lắm.
Vị trí còn có nghĩa là chỗ một đội quân đóng. Thí dụ : cả đêm qua quân ta tấn công vị trí địch. Nhưng nói về vị trí của một thành phố (position d’une ville) người ta nên dùng danh từ « phương thế » : phương thế của một thành thị.
Nói về một luận án như position d’une thèse chẳng hạn, position là yếu chỉ : Yếu chỉ của một luận án.
https://thuviensach.vn
KIẾN THỨC VÀ KIẾN GIẢI
Kiến thức là những điều trông thấy và hiểu biết do từng trải và học tập mà thu được. Thí dụ : ông ta có kiến thức sâu rộng (connaissances). Sơ phát kiến thức là những kiến thức đầu ; lý tính nhận thức là connaissances rationnelles, còn ultimes connaissances là tối chung kiến thức.
Kiến giải là ý kiến hiểu biết đối với một vấn đề gì, nói một cách khác, kiến giải có một ý nghĩa hẹp hơn kiến thức.
Thí dụ : Những nhân vật trong truyện cổ tích có thực không ? Hành động của họ có thực không ? Về vấn đề này, có những kiến giải khác nhau.
https://thuviensach.vn
CÔNG TY HỢP DOANH HAY CÔNG TƯ HỢP DOANH ?
Công tư hợp doanh là một hình thức kinh doanh hợp tác giữa tư nhân và chính phủ, (cũng như danh từ lao tư lưỡng lợi, có ý nói cả lao động lẫn tư bản đều có lợi).
Công tư hợp doanh là tổ chức thương mại hay sản xuất rất có lợi. Đa số tư nhân có thể có tiền nhưng thường thiếu nguồn tiếp tế về nguyên liệu và không thấu triệt được nhu cầu cung cấp trong nước, trong lúc chính phủ cũng thiếu : thiếu tư bản, thiếu cán bộ kinh doanh và đang muốn tiến dần lên kinh-tế – kế-hoạch-hóa ; do đó, sự hợp tác giữa những người tư bản trong nước và chính phủ để cùng khắc phục những nhược điểm, đẩy mạnh sản xuất tiến lên là điều rất cần thiết để phục hưng xứ sở.
Để cho tư bản ngoại quốc tự do kinh doanh theo chủ trương mở rộng đầu tư của chính phủ (tất nhiên tư bản ngoại quốc phải tuân theo nguyên tắc đã qui định để tránh lũng đoạn) là một điều cũng tốt, nhất là trong hoàn cảnh một nước còn chưa được mở mang ; nhưng không bao giờ nên để cho thành phần « đầu tư » ấy trội hơn thành phần « công tư hợp doanh ».
Ở nước ta đã có một số xí nghiệp công tư hợp doanh được thành lập ; song số ấy xét ra còn quá ít, so với mọi hoạt động kinh tế ở miền Nam, nói chung.
Có người không hiểu hình thức Công Tư Hợp Doanh kêu chệch ra là « Công Ty Hợp Doanh ». Công ty là một hình thức hợp doanh rồi ; nói công ty hợp doanh thì thừa nghĩa mà không định được nội dung.
https://thuviensach.vn
BẢN CHẤT, BẢN NĂNG, BẢN LĨNH
Có nhiều người nói và viết – nhất là các ông hay lên tiếng với đồng bào quốc dân – thường lẫn lộn bản chất, bản năng và bản lĩnh. Họ nói « Người Việt Nam bản năng thực thà » hay « Người Việt Nam đều có bản lĩnh đáng để cho người Mỹ khâm phục ». Nói như thế là nói liều vì ba chữ bản lĩnh, bản năng và bản chất hoàn toàn có ý nghĩa khác nhau.
Bản chất là chất đặc biệt vốn có ở mỗi người, sự vật để thành những nét đặc biệt của người hay vật ấy. Ví dụ ta nói : « Anh ấy bản chất nóng nảy » là ý nói anh ấy do vấn đề cấu tạo sinh lý sao đó (gan, mật, thần kinh v.v…) nên tính tình thường xuyên nóng nảy, khác hẳn những người khác.
Bản năng (cũng còn kêu là thiên năng) là tính tự nhiên, không cần phải học tập mà cũng không phải do ảnh hưởng mà có. Ví dụ : bơi lội là bản năng của loài cá. Bản năng của loài người là mới đẻ ra đã biết bú, đến tuổi cập kê thì tự nhiên biết tình ái, yêu đương… Bản năng không thể thực thà được, phải nói là bản chất.
Còn bản lĩnh thì có nghĩa là tài lực, kỹ năng. Bản lĩnh không thể tự nhiên mà có, nhưng có được là nhờ trí thông minh và sự điêu luyện, học tập. Nói rằng toàn thể người Việt Nam đều có bản lĩnh cao, đáng để cho người Mỹ khâm phục là nói láo. Nước nào cũng chỉ có một số người có bản lĩnh cao thôi, chớ không thể là vấn đề của toàn thể nhân dân được.
https://thuviensach.vn
PHẢN CHỦ ĐẦU TRÂU
Không phải chỉ người Bắc mới nói « trại » (chệch) như tôi đã nêu thí dụ ở đầu cuốn sách này. Người Trung, người Nam cũng có thể nói trại như người Bắc.
Ở Bắc, những thành ngữ « Dán bùa luồn kèo » đã biến thành « dán bùa lồn mèo » trong miệng một số nông dân, cũng như thành ngữ « Bồ dục chấm nước cáy » đã biến thành « dùi đục chấm mắm cáy ».
Ở trong Nam, tại các vùng quê, chúng tôi thấy có một số người hay nói « phản chủ đầu trâu ». Họ nói « phản chủ đầu trâu » để chỉ những hạng người xấu xa, phản bội, đáng khinh bỉ.
Nhưng tại sao lại phản chủ, đầu trâu ?
Nguyên văn ở chữ « phản Trụ đầu Châu », vốn để chỉ bọn quần thần nhà Trụ ngày xưa, khi nhà Trụ đổ, quay sang phù tá nhà Châu, gồm có bọn Khâu Khôi, Bạch Phong v.v…
Đứng về mặt lịch sử hồi đó, nhà Châu đã có nhiều công trạng trong vấn đề thâu tóm Trung Hoa, phục hồi chính nghĩa và nhân tánh, cho nên đứng về mặt thực tế, quan quân nhà Trụ hướng về nhà Châu khá nhiều. Đó cũng là một lẽ rất tự nhiên trong qui luật phát triển xã hội.
Song đối với một số sĩ phu mang nặng triết lý « trung thần bất sự nhị quân » thì đó lại là một điều « bất khả ».
Vì thế các sĩ phu này cho bọn Khôi Phong là những người không xứng đáng, là những người « phản Trụ đầu Châu ».
Từ « phản Trụ đầu Châu » đến « phản chủ đầu trâu », trong lòng người dân, trước sau cũng chỉ là một nội dung ý nghĩa, song vì sự truyền khẩu dần dần trong dân gian đã làm sai lệch đi mà thôi.
Có lẽ đồng bào ta coi bọn « phản Trụ đầu Châu » hay « phản chủ đầu trâu » đều xấu cả, đều là bọn đầu trâu mặt ngựa cả, nên thấy thành ngữ «
https://thuviensach.vn
phản chủ đầu trâu » cũng chẳng có gì sai trái – mà nó lại có ý nghĩa Việt Nam hơn ! – nên cứ vậy mà truyền lan mãi.
https://thuviensach.vn
TRƯNG DỤNG, TRƯNG THU, TRƯNG TẬP, TRƯNG BINH, TRƯNG CẦU
Trưng là bầy ra. Trưng bầy là bầy ra cho người ta coi. Thí dụ : trưng cầu các võ khí cướp được của địch.
Trưng cầu không có nghĩa là bầy ra nhưng tìm cách để biết ý kiến của số đông. Thí dụ : nhà báo mở một cuộc trưng cầu ý kiến độc giả để xem có nên thêm mục mới hay không.
Về chánh trị, trưng cầu dân ý là tìm biện pháp để hỏi ý kiến nhân dân, để cho nhân dân tự ý bỏ phiếu quyết định một vấn đề gì. Thí dụ : phải làm ngay một cuộc trưng cầu dân ý để tìm biết dân muốn hòa hay chiến.
Về bốn chữ trưng tập, trưng dụng, trưng thu, trưng binh, đại đa số chúng ta thường hay dùng lộn xộn.
Chữ trưng tập chỉ nên dùng vào việc tập trung tài sản của tư nhân để dùng vào việc công. Thí dụ : ngay khi bắt đầu tác chiến, chính phủ đã tính ngay tới việc trưng tập xe cộ lại để dùng vào công việc tiếp tế. Chữ trưng thu cũng có nghĩa là thu tài sản lại như trưng tập.
Nhưng trưng dụng thì có ý nghĩa rộng lớn hơn. Trưng dụng thường dùng để nói về việc cơ quan chính quyền sử dụng nhà máy, nhà cửa, nhà băng… của tư nhân để dùng vào việc công. Thí dụ : vùng đó thuộc vùng quân sự, chính phủ phải trưng dụng hết nhà cửa và trả tiền cho các chủ nhà.
Chữ trưng binh thì chỉ dùng vào một công tác nhất định về quân sự. Trưng binh là gọi những người có nghĩa vụ đầu quân vào bộ đội.
Ngoài mấy danh từ trên ra, còn « trưng mua » mà chúng ta ít khi dùng tới. Trưng mua là ép buộc tư nhân phải bán vật gì cho chính phủ để dùng vào việc công (như trưng dụng). Thí dụ : trưng mua ruộng đất ở Long Khánh.
https://thuviensach.vn
HẬU BỊ, HẬU CẦN
Nhiều người đọc báo không hiểu chữ hậu cần. Hậu cần cũng như chữ hậu phương, thường dùng trong lúc kháng chiến chống Pháp, có ý nghĩa là miền ở sau mặt trận, nhưng hậu cần có ý nghĩa là công việc (cần lao) ở hậu phương, nhằm phục vụ quân đội ở tiền tuyến như việc tăng gia sản xuất, chế tạo võ khí, cung cấp quân nhu v.v… Thí dụ : ngoài tiền tuyến binh sĩ đánh nhau với địch, nhưng ở hậu cần, công việc của người dân cũng quan trọng và có ích lợi không kém.
Hậu bị (ít được dùng) là để dùng về sau, để bổ sung. Thí dụ : trong khi các chiến sĩ đánh nhau, bộ quốc phòng vẫn phải lo trưng binh và huấn luyện tân binh để làm một lực lượng hậu bị. Quân hậu bị, do đó, có nghĩa là quân dự trữ, có khả năng tác chiến, nhưng chưa cho ra ngoài mặt trận.
Hậu đội khác hẳn với hậu bị. Hậu đội là đội quân đi sau để tiếp ứng hay hộ vệ quân chủ lực.
https://thuviensach.vn
ĐÃI NGỘ
Có người dùng chữ đãi ngộ trong một câu văn như thế này : « Chúng tôi phàn nàn thái độ của nhà nước đối với thương phế binh vì tỏ ra đãi ngộ không xứng đáng – có khi tồi tệ với anh em ».
Dùng như thế hơi sai vì trong chữ « đãi ngộ » phải hiểu là tử tế rồi. Chỉ một chữ đãi không, còn có thể ngờ là đãi tồi tàn, không tử tế, (nó đãi tôi không ra gì), nhưng đãi ngộ thì có nghĩa là đối đãi, cư xử tử tế. Thí dụ : các nhà trí thức đi du học không về vì nhiều lý do, trong đó có lý do chính phủ không đãi ngộ các nhà trí thức.
Chữ « đãi ngộ » hàm cái ý tử tế chân thành, không giống chữ đãi bôi có nghĩa là đối xử tử tế ngoài mặt, nhưng có vẻ giả dối ở bên trong. Thí dụ : ăn nói đãi bôi cho xong miếng xôi, trôi miếng thịt. Hay : Ồ, anh ta tử tế gì, mời mình đãi bôi đấy thôi, chớ nó ngán mình muốn chết !
https://thuviensach.vn
CỔ HỦ, CỔ GIẢ, CỔ ĐIỂN
Nói về các nhà văn tiền chiến, có người viết trên một tập san chê các nhà văn tiền chiến là cổ điển. Qua chữ cổ điển họ muốn nói rằng văn chương, tư tưởng, của các nhà văn tiền chiến hủ lậu, cổ hủ. Thật ra cổ điển không bao giờ có nghĩa là cổ hủ, cổ giả.
Cổ giả là người xưa cũ, người nhà quê, cổ hủ là hủ lậu, quê mùa. Chữ cổ điển không bao giờ có nghĩa là quê mùa cả. Cổ điển là danh từ để chỉ những tác phẩm nghệ thuật của cổ đại Hy Lạp và La Mã. Nới rộng nghĩa ra, cổ điển dùng để chỉ chung những tác phẩm hay nhất của trào lưu nghệ thuật một thời đại được công nhận là mẫu mực. Thí dụ : đến bây giờ các trường vẫn còn học văn học cổ điển Pháp. Hay : báo Tri Tân có cái công dịch nhiều sách cổ điển của Việt Nam bằng chữ Hán ra chữ Việt.
Chủ nghĩa cổ điển là quan niệm và trào lưu nghệ thuật thịnh hành ở Âu Châu hồi thế kỷ 17 và 18, chú trọng phục hồi tinh thần và hình thức cổ đại Hy Lạp và La Mã.
https://thuviensach.vn
TỪ KHUYNH TẢ, KHUYNH HỮU, ĐẾN KHUYNH LOÁT VÀ KHUYNH ĐẢO
Tả khuynh, hữu khuynh nghĩa là có xu hướng, chủ trương, hành động nghiêng về hữu hay về tả. Thí dụ : tư tưởng tả khuynh không thích hợp với trình độ quần chúng lúc này vì nó quá mạnh.
Khuynh ở đây có nghĩa là thiên về phía, nghiêng về phía… nhưng trong danh từ khuynh đảo thì không có nghĩa như thế mà là làm cho sụp đổ. Thí dụ : bọn tay sai của ngoại quốc, đến lúc chợ chiều, khuynh đảo lẫn nhau chung qui chỉ vì chuyện tiền nong phân chia không đều.
Chữ khuynh loát có ý nghĩa mạnh hơn khuynh đảo. Khuynh loát là hất cẳng người khác vì ghen ghét. Thí dụ : các nhà trí thức học xong ở ngoại quốc rồi không chịu về nước vì các nhân viên ăn bám chế độ tìm các cách để khuynh loát những người tài đức ; do đó ta không có chuyên viên mà phải đi mướn chuyên viên Đại Hàn, Phi Luật Tân…
https://thuviensach.vn
CHIẾN TRANH, CHIẾN THUẬT, CHIẾN LƯỢC
Chiến tranh là danh từ chung để nói về tình trạng xung đột bằng võ lực trong một nước. Thí dụ : nước ta, sau ngót ba chục năm chiến tranh, bị tan nát tơi bời, nhưng dân chúng vẫn kiên trì chịu đựng để kiện toàn nền độc lập đất nước.
Chiến tranh chia ra làm hai loại :
1) chiến tranh lạnh tức là chiến tranh bằng chính trị, kinh tế và ngoại giao.
2) chiến tranh nóng tức là chiến tranh bằng võ khí và bom đạn.
Chiến tranh tâm lý (hay chiến tranh cân não) là thủ đoạn, mưu mẹo có tính cách bịp bợm, dọa dẫm để gây hoang mang trong hàng ngũ đối phương. Thí dụ : địch nay dọa tấn công, mai dọa tấn công, đó là một đòn chiến tranh cân não.
Chiến trận là cuộc giao chiến chính thức giữa hai quân đối địch ở chiến trường tức là khu vực diễn ra chiến tranh.
Chiến tuyến là mặt trận. Thí dụ : chiến tuyến quân sự, chiến tuyến văn hóa.
Cũng thuộc về chiến tranh, còn danh từ chiến công tức là công lao lập được trong chiến tranh ; chiến cụ tức là vũ khí ; chiến cuộc tức là tình hình chiến tranh ; chiến dịch là các trận đánh có quan hệ với nhau trên một mặt trận, trong một thời gian (thí dụ chiến dịch Điện Biên Phủ) ; chiến khu tức là khu vực chiến tranh (chiến khu năm) ; chiến lũy, thành xây để chống giặc ; chiến hào là đường hầm để quân đội núp mà bắn quân địch ; chiến lợi phẩm là những đồ vật bắt được của địch… nhưng có hai danh từ cũng về chiến tranh mà đến nay vẫn có người dùng lầm là chiến thuật và chiến lược.
https://thuviensach.vn
Chiến lược là kế hoạch đặt ra nhằm thắng quân địch trên một hay nhiều mặt trận. Thí dụ : chiến lược đánh lâu dài để làm cho địch nản chí ; những quân đội xâm lăng không chịu được những chiến lược lâu dài. Ngoại trừ phạm vi chiến tranh, danh từ « chiến lược » còn dùng để chỉ một phương pháp tiến công của một giai cấp trong một thời kỳ, chú trọng xếp đặt lực lượng của mình và bạn của mình nhằm chiến thắng giai cấp thù địch.
Chiến thuật khác chiến lược. Chiến thuật chỉ là một bộ phận của chiến lược rộng lớn, gồm những kế hoạch tổ chức để thực hiện và thủ thắng cho chiến lược. Thí dụ : địch quá nhiều mà lại có võ khí tối tân, nếu ta đánh họ thì thua mất, vậy phải dùng chiến thuật du kích là hơn. Chữ chiến thuật còn có nghĩa là bộ phận của chiến lược chánh trị, gồm những phương pháp, hình thức, tổ chức và khẩu hiệu đấu tranh để thực hiện chiến lược. Thí dụ : muốn chiến thắng địch, ta phải áp dụng chiến thuật cách mạng, không bỏ hở một kẽ nào để cho địch có thể phản công.
Cuối cùng, cũng nên ghi thêm rằng chiến lợi phẩm khác với chiến phẩm. Chiến lợi phẩm, như trên kia đã nói, là đồ vật bắt được của địch trên chiến trường. Chiến phẩm, khác thế, dùng để chỉ tất cả những phẩm vật dùng vào chiến tranh như lương thực, y phục, thuốc men v.v…
https://thuviensach.vn
THẾ NÀO LÀ « DANH MỤC SỞ ĐẮC » VÀ « THỰC CHẤT SỞ ĐẮC » ?
Trong sách vở kinh tế, hay nói « danh mục sở đắc » để chỉ cái phần được hưởng ghi trên sổ sách. Thí dụ : một người thợ lương tháng được 1.200$. Số tiền 1.200$ ấy là số tiền « danh mục sở đắc » của anh ta.
Đối lại với « danh mục sở đắc » là « thực chất sở đắc ». « Thực chất sở đắc » là phần được hưởng thực sự.
Thí dụ : nếu đồng lương của anh ta chỉ có thế thôi, nhưng giá sinh hoạt rẻ, anh ta có thể mua được nhiều gà, nhiều thịt, nhiều gạo, thì cái « thực chất sở đắc » của anh cao. Ngược lại thì anh bị thiếu thốn cực khổ.
Cho nên đứng về mặt kinh tế mà xét, không chỉ có thể căn cứ vào tiền lương nhiều hay ít, mà phải căn cứ vào giá trị của đồng tiền ấy nhiều hay ít, nghĩa là phải căn cứ vào « thực chất sở đắc » chớ không nên căn cứ vào « danh mục sở đắc ».
https://thuviensach.vn
THIỀN QUYÊN HAY THUYỀN QUYÊN ?
Thường thường ta nói « thuyền quyên » để chỉ người con gái đẹp, lanh lợi, tháo vát.
Nói như vậy là nói trại.
Trong ngôn ngữ Việt Nam, có khá nhiều tiếng nói trại như vậy, nghe mãi cũng quen tai, như tông giáo nói quen thành tôn giáo, bổ tử thành bố tử (áo bố tử con cò) v.v…
Thiền quyên là một tĩnh từ để chỉ người hay vật xinh đẹp. Thí dụ : Hoa thiền quyên, trăng thiền quyên.
Người con gái đẹp vì thế mà được gọi là gái thiền quyên.
Chú ý : chữ « thiền » đây không phải có nghĩa là thiền = nhà chùa (như cửa thiền hay thiền sư). Trong chữ Hán, sự phân biệt các chữ thiền với các nghĩa khác nhau bằng các « bộ » đứng bên cạnh nó.
Thiền = chùa, bộ y trước chữ Đan.
Thiền = đẹp, bộ nữ trước chữ Đan.
https://thuviensach.vn
CÁCH MẠNG HAY CÁCH MỆNH ?
Nói cách mạng hay cách mệnh đều được cả.
Chỉ có điều nên biết : cách mạng là gì ? Theo nghĩa đen của danh từ, cách mạng là sự hủy bỏ hay đổi dời (cách) của một vật thể (mệnh).
Có người nói cách mệnh là danh từ rút ngắn của « cách thiên chi mệnh » (thay đổi mệnh trời), ý muốn nói sự vùng dậy táo bạo. Định nghĩa ấy không đúng.
Về mặt xã hội, hiện nay người ta thường dùng danh từ « cách mệnh » để chỉ những việc thay đổi lớn lao có tính chất đột biến (chứ không phải từ từ) của một trạng thái lạc hậu chuyển qua một trạng thái tiến bộ về chánh trị, quân sự, kinh tế hay văn hoá.
Muốn biết thực chất của một sự biến có thực sự cách mạng hay không, ta phải xét xem, so với trước, nó có sự thay đổi thực sự tiến bộ hay không.
Thí dụ kết quả của một cuộc vận động cách mạng chống độc tài, chống áp bức, không kỳ thị tôn giáo chẳng hạn, phải là cuộc vận động thực sự dân chủ, với đầy đủ những thể chế, luật pháp dân chủ bảo đảm, trong đó mọi quyền hạn về sinh sống được coi trọng, không còn có sự phân biệt đối xử về tín ngưỡng hay tôn giáo v.v…
Nếu không có những thay đổi căn bản ấy thì không thể coi đó là một cuộc cách mạng.
Ngược lại, nếu tình hình càng trở nên đen tối hơn, quyền dân chủ càng bị bóp chẹt hơn, thì đó chính là một cuộc vận động cách mạng (chớ không phải cách mạng thực sự).
Tóm lại, cách mạng là cuộc thay đổi tận cội gốc những quan niệm và hình thức cũ để tiến tới một tổ chức mới, nhằm cải thiện đời sống của quần chúng.
Sau mỗi cuộc cách mạng, con người phải dễ thở hơn, sung sướng hơn.
https://thuviensach.vn
Theo quy luật tự nhiên của sự phát triển xã hội, loài người cứ phải mỗi ngày mỗi tiến, thì cứ sau một thời gian nhất định (dài vắn tuỳ theo trình độ tiến lanh, tiến chậm của mỗi nước) lại có một cuộc cách mạng. Đó là những cuộc vận động mấu chốt để thay đổi quan hệ về sự làm việc và cách hưởng thụ về sự làm việc ấy nhằm đẩy mạnh sức sản xuất trong nước.
Như trên đã nói, cách mạng là một cuộc vận động thay đổi lớn và có tính chất đột biến, cho nên cách mạng khác với cải lương. Cải lương, cải tiến, chỉ là sự thay đổi dần dần.
Những người chủ trương cách mạng triệt để thường chống chủ nghĩa cải lương, cải tiến, vì theo họ, cải lương, cải tiến tuy không phải là thoái bộ, nhưng chỉ là một hình thức sa đoạ, làm nhụt ý chí đấu tranh của người cách mạng. Quần chúng vì ngại đấu tranh khó khăn, cũng dễ tự mãn hay được an ủi phần nào về những kết quả của các cuộc vận động cải lương, cải tiến.
Tuy nhiên vẫn có những người chủ trương cách mạng triệt để, song không từ chối các cuộc vận động cải lương, cải tiến vì theo họ, nhiều cuộc vận động cải lương, cải tiến góp lại cũng thành một cuộc cách mạng. Có điều là họ không bao giờ chịu thoả mãn làm cho ý chí đấu tranh đình lại sau một cuộc vận động cải lương, cải tiến.
https://thuviensach.vn
VŨ TRỤ QUAN, THẾ GIỚI QUAN, NHÂN SINH QUAN
Vũ trụ quan và thế giới quan cũng như nhau. Đó là cách thức nhìn nhận và giải thích các hình thức tự nhiên và xã hội. Thí dụ : các thủ lãnh tư bản có một vũ trụ quan khác hẳn các thủ lãnh cộng sản về kinh tế, xã hội và nhiều địa hạt khác.
Chữ quan đây là quan sát. Nhân sinh quan cũng là một cách nhìn, nhưng hạn định trong một phạm vi : nhìn nhận đời sống, công tác, xã hội, lịch sử, dựa theo lợi ích của giai cấp mình. Thí dụ : nhân sinh quan cách mạng, tức là nhân sinh quan của những người yêu nước, yêu giống nòi đấu tranh để thực hiện công bằng xã hội, đưa đất nước đến tự do, độc lập và phồn thịnh.
https://thuviensach.vn
QUÁ TRÌNH, LỊCH TRÌNH, GIÁO TRÌNH
Lịch trình có một ý nghĩa rộng rãi, nói chung, về bước đường đã trải quá. Thí dụ : lịch trình tiến hoá của xã hội loài người.
Quá trình cũng có ý nói tới bước đường đã trải qua, nhưng con đường đây có một ý nghĩa tiến triển, phát triển. Thí dụ : quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Quá trình không giống danh từ quá kỳ có ý nói về việc vượt qua kỳ hạn đã định.
Giáo trình cũng khác hẳn nghĩa lịch trình và quá trình. Giáo trình là sưu tập các bài giảng về một bộ môn trong trường đại học. Thí dụ : Giáo trình về văn học sử Việt Nam.
https://thuviensach.vn
GIÁ TRỊ TINH THẦN, GIÁ TRỊ ĐỔI CHÁC, GIÁ TRỊ THẶNG DƯ
Gần đây, nhiều người hay nói tới những giá trị tinh thần. Chữ « giá trị » đó có hai nghĩa, muốn hiểu theo cách nào cũng được.
1) Giá tốt hay xấu, đắt hay rẻ của một vật, cũng như giá hàng, giá tiền.
2) Tác dụng tốt đẹp, cao quý. Thí dụ : người có giá trị, bài diễn văn có giá trị.
Về lãnh vực kinh tế, nói quy luật giá trị tức là nói tới quy luật kinh tế của sản xuất hàng hoá, theo đó việc sản xuất và trao đổi hàng hoá phải tiến hành trên cơ sở hao phí lao động xã hội cần thiết.
Giá trị sử dụng là giá trị của những vật có thể thoả mãn được nhu cầu của người ta, như cơm gạo thoả mãn được nhu cầu ăn, quần áo thoả mãn nhu cầu mặc.
Giá trị đổi chác, cũng như giá trị giao dịch, là giá trị của hàng hoá làm hàng cho hàng hoá có thể đem đổi lấy tiền hoặc một thứ hàng hoá khác.
Sau hết giá trị thặng dư là giá trị do lao động của công nhân làm thuê sáng tạo ra thêm, ngoài giá trị của sức lao động mà cộng sản cho là « bị các nhà tư bản chiếm không. »
https://thuviensach.vn
QUÁ ĐỘ
Nhiều người dùng lầm chữ quá độ và cho rằng danh từ này chỉ bất cứ cái gì không bình thường, đi quá cái mức của nó (như ăn quá độ, chơi quá độ).
Sự thực, quá độ có một ý nghĩa khác hẳn : quá độ dùng để nói về thời gian chuyển tiếp giữa hai thời kỳ. Thí dụ : thời kỳ quá độ. Lúc ấy, Nhật đi, Tàu đến. Dân ta khổ sở vô cùng ; trong giai đoạn quá độ ấy, số người chết đói hàng ngày không kể sao cho siết.
Cũng nên ghi thêm rằng có nhiều người viết và nói « qua độ » là sai.
Mặt khác cũng nên nói thêm rằng quá độ không bao giờ cũng một nghĩa với cao độ. Trong một truyền đơn bươm bướm, có người viết : « Địch phá hại đến cao độ ». Dùng danh từ như thế là sai. Người viết có ý muốn nói là quá độ, quá sức.
Cao độ có ý nói tới một mức vượt xa mức thường. Chữ « độ » đây cũng như chữ « độ » trong danh từ « quá độ », chỉ một khoảng thời gian nhất định, một số đo lường nhất định. Thí dụ : độ này, độ trước. Hay : độ cao, độ thấp.
https://thuviensach.vn
QUAN NIỆM, Ý NIỆM, KHÁI NIỆM
Ba danh từ quan niệm, ý niệm, khái niệm có ý nghĩa và tầm quan trọng khác nhau.
Quan niệm là cách hiểu một vấn đề. Thí dụ :
Sau khi đổ bộ sang Cam Bốt, mới đây quân ta lại đổ bộ sang Lào. Có một số sinh viên biểu tình ở Cầu Ông Lãnh chống mở rộng chiến tranh. Quan niệm của anh về việc đó ra sao ?
Khái niệm có một ý nghĩa lớn lao và trang trọng hơn quan niệm. Khái niệm là hình thức tư duy 1của loài người khiến người ta hiểu biết những đặc trưng, những thuộc tính, những mối liên lạc cơ bản nhất của các sự vật và các hiện tượng trong hiện thực khách quan. Thí dụ : khái niệm về văn chương dân gian Việt Nam.
Còn ý niệm thì cũng là khái niệm về một sự việc, nhưng có ý chật hẹp và sơ lược.
https://thuviensach.vn
TRANH ĐẤU, TRANH THỦ, TRANH CHẤP
Danh từ được dùng rất nhiều từ ngày cách mạng tháng tám bùng lên là danh từ tranh đấu.
Tranh đấu (cũng như đấu tranh), là sử dụng triệt để và tích cực mọi phương pháp nhằm đánh bại đối phương để giành lấy phần thắng về mình.
Trong chữ đấu tranh giai cấp, ta phải hiểu rằng đây là một cuộc vật lộn giữa các giai cấp đối lập để tranh lấy quyền lợi, phía giai cấp thống trị thì giành quyền lợi cho phe mình còn giai cấp bị trị thì tranh đấu để đánh bại giai cấp thống trị.
Tranh đấu tư tưởng là một cuộc đấu tranh làm cho tư tưởng đúng đắn thắng lợi. Chữ này cũng giống như chữ đấu trí. Chữ tranh luận có ý hẹp hơn : bàn cãi để tìm ra lẽ phải. Thí dụ : tranh luận để xem việc nới rộng chiến tranh có nên không – tranh luận về giá trị một cuốn tiểu thuyết. Chữ tranh biện cũng giống như chữ tranh luận, tranh cãi. Thí dụ : tranh biện, tranh cãi gay go về vấn đề nghệ thuật vị nhân sinh.
Cũng được người ta dùng nhiều là chữ tranh thủ. Tranh thủ có ý mạnh hơn chữ tranh đấu : tranh đấu chỉ là tìm mọi phương pháp để giành lấy thắng lợi về mình, còn tranh thủ là tranh đấu lấy thắng lợi và giữ lấy, hay cố gắng lôi cuốn về phía mình để làm lợi khí, để làm hậu thuẫn hay vây cánh. Thí dụ : Về lãnh vực ngoại giao, trong bao nhiêu năm nay cả thế giới đều tìm cách tranh thủ các nước Phi Châu. Tranh thủ thời gian có một ý nghĩa khác thế một chút : sử dụng một khoảng thời gian để làm một công việc đáng lẽ phải làm vào lúc khác. Thí dụ : tranh thủ giờ nghỉ để đi về nhà thăm vợ và mua bán. Do đó, chữ tranh thủ thời gian dần dần có một ý nghĩa rộng rãi hơn : thay vì một lúc khác mới làm công việc đó, nhưng làm ngay để cướp thì giờ. Thí dụ : tình hình nguy cấp lắm rồi, ta không thể chờ đợi được nữa, phải tranh thủ thời gian để cướp ngay lấy dân, kẻo sang tay địch mất.
https://thuviensach.vn
Ngoài hai danh từ tranh đấu và tranh thủ ra, còn tranh chấp. Tranh chấp là giành giật nhau. Thí dụ : các ông lớn tranh chấp quyền hành – Nhật và Trung Hoa Dân Quốc tranh chấp thị trường.
Chữ tranh chấp còn có thể dùng để nói về sự bất đồng ý kiến trong một cuộc tranh luận. Thí dụ : ý kiến tranh chấp. Khi cuộc tranh giành có sức mạnh xen vào, người ta nên dùng chữ tranh cường. Tranh cường cũng là tranh chấp, tranh đua, tranh giành, nhưng có ý nhấn về hai lực lượng giành giật nhau quyền lợi, đo sức với nhau để giành lấy thua, được. Thí dụ : trước cờ ai dám tranh hùng, năm năm hùng cứ một phương hải tần.
Tranh đoạt cũng có ý giành nhau để chiếm lấy quyền lợi, cũng như tranh giành, tranh chấp (tranh giành thị trường), nhưng tranh hùng thì có ý nghĩa mạnh hơn một chút, tuy cũng chỉ có ý nghĩa giành giựt nhau.
Sau hết, còn danh từ tranh tồn. Danh từ này có ý rộng rãi và ngụ ý tranh đấu để giành lấy sự sống. Danh từ này bị coi là cũ, ít ai dùng tới.
https://thuviensach.vn
CẦM CHIN, CẦM ĐỒ
Thành ngữ « cầm chin cầm đồ » thực ra không lai một tí Trung Hoa nào, nó hoàn toàn là tiếng của người miền Nam Việt Nam. Thế mà đồng bào ta cũng nói trại được ! !
Nguyên văn nó ở thành ngữ : « Cầm tĩn mà đổ », để chỉ những trận mưa rào xối xả, mưa lớn tới mức như có người cầm tĩn nước mà đổ xuống vậy.
Tĩn là một thứ lọ bằng sành, chứa được từ ba đến năm lít nước, bầu phình ra, cổ thắt lại. Đây là một thứ lọ của đồng bào miền Nam thường dùng để đựng nước mắm, cá mắm v.v… mà ta thường thấy rất nhiều tại chợ Cầu Ông Lãnh.
Nếu tĩn đầy nước, ta dốc ngược lên mà đổ ra thì nước chảy từ trong ra rất mạnh, lại thêm có tiếng ào ào, ục ục… Nước mưa dội xuống mà cứ cảm tưởng như « cầm tĩn mà đổ » thì quả là một trận mưa rào khủng khiếp vậy.
Song le nông thông ta thường thường nói « cầm chin cầm đồ », bất quá cũng chỉ để phát ra cái ý nghĩa như trên mà thôi.
https://thuviensach.vn
« ĐỘNG CƠ LUẬN » CÓ KHÁC « KẾT QUẢ LUẬN » KHÔNG ?
Động cơ, nghĩa thông thường, là bộ máy tạo ra sức chuyển động. Thí dụ : xe có động cơ, hay động cơ xe lửa, xe điện, xe hơi v.v… Nghĩa rộng, động cơ là những nguyên nhân, yếu tố phát sinh ra hành động.
Con người ta mỗi khi nói làm một việc gì đều có những nguyên nhân sâu xa của nó. Nguyên nhân ấy nhằm thoả mãn dục vọng hay quyền lợi nào đó. Nguyên nhân ấy có lúc bộc lộ rõ ràng, song đại đa số được che đậy bởi nhiều lý do trá hình khác.
Thí dụ một người lính chiến đấu ngoài mặt trận, có những người thực sự giác ngộ quyền lợi tổ quốc, thấy cần phải hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ ấy. Những cũng có người vì túng thiếu mà phải đi lính, cũng có người chỉ vì có người yêu muốn có một người chồng say xưa cung kiếm mà tình nguyện vào lính. Ba người ấy có ba động cơ khác nhau, một người vì chính trị, một người vì kinh tế và một người vì ái tình.
Vì có ba động cơ khác nhau nên có ba ý thức và tinh thần chiến đấu khác nhau. Do đó mà thuyết « động cơ luận » chủ trương phải tìm cho thấy cái động cơ của công việc thì mới định được giá trị của công việc ấy cho thật đúng. Nếu có sai, cần sửa, thì phải sửa ngay từ cái động cơ.
Nghịch lại với « động cơ luận » là « kết quả luận ». Người chủ trương kết quả luận không cần biết có động cơ và cho động cơ thuộc về chuyện riêng tư của mỗi người, miễn là có thành tích thì có khen thưởng, có sai lầm thì có trừng phạt.
Công bình xã hội phải dựa vào kết quả, chớ không thể dựa vào động cơ.
https://thuviensach.vn