🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nhảy Việc Hay Thay Đổi Chính Mình
Ebooks
Nhóm Zalo
Mục lục
1. Lời giới thiệu
2. Chương 1: Tài khoản tiết kiệm sự nghiệp
3. Chương 2: Điều cần làm trước tiên
4. Yếu tố đầu tư thứ nhất: Các mối quan hệ
5. Chương 3: Bạn không quen người bạn biết
6. Chương 4: Hãy cho kẻ thù của bạn thứ họ cần nhất
7. Chương 5: Bộ đếm ngẫu nhiên
8. Chương 6: Sự nghiệp lớn lao cần những người ủng hộ tuyệt vời 9. Chương 7: Đừng đốt quá nhiều cầu
10. Chương 8: Tập thể sẽ dẫn lối khi bạn gặp phải những cú hích trong công việc
11. Yếu tố đầu tư thứ hai: Các kỹ năng
12. Chương 9: Bạn có nhiều kỹ năng hơn bạn tưởng
13. Chương 10: Nắm vững những kỹ năng vô hình
14. Chương 11: Đừng bao giờ trở thành một chú khủng long 15. Chương 12: Chiến thắng như bạn đã từng
16. Chương 13: Hãy khởi động những kỹ năng mới của bạn bằng sự vui vẻ
17. Chương 14: Kỹ năng trở nên sắc bén một cách chậm chạp nhưng lại mòn vẹt nhanh chóng
18. Chương 15: Chọn đúng chiếc búa để phá vỡ đỉnh cao sự nghiệp 19. Yếu tố đầu tư thứ ba: Phẩm chất
20. Chương 16: Trồng một vườn cây
21. Chương 17: Sự rộng lượng sẽ giúp bạn thay đổi cuộc chơi 22. Chương 18: Sự cảm thông không còn là vũ khí của riêng những ai muốn an ủi bạn bè
23. Chương 19: Hiện diện
24. Chương 20: Không bao giờ nhảy việc nếu thiếu phẩm chất 25. Yếu tố đầu tư thứ tư: Nhiệt huyết
26. Chương 21: Can đảm là một lựa chọn, không phải một cảm giác 27. Chương 22: Nhiệt huyết có mùa. hãy sử dụng nhận thức của bản thân để nhận diện chúng
28. Chương 23: Yoga cho sự nghiệp
29. Chương 24: Luôn sử dụng nhiệt huyết để nhân lên các khoảnh khắc 30. Chương 25: Rõ ràng, bạn có thể
LỜI GIỚI THIỆU
Nếu bạn muốn một công việc tốt hơn, hãy bắt đầu với thái độ tốt hơn.
Nếu bạn muốn một công việc mới, hãy bắt đầu với thái độ mới.
Nếu bạn muốn theo đuổi ước mơ, hãy bắt đầu với “thái độ trong mơ” – có vẻ khá ngớ ngẩn khi bạn gõ từ ấy ra.
Thái độ ảnh hưởng đến mọi thứ. Hãy bắt đầu từ đó.
Đó chỉ là một trong rất nhiều lời khuyên chân thành của Jon Acuff trong cuốn sách này. Là người từng trải qua nhiều lần nhảy việc vì những lý do chủ động lẫn bị động, với tinh thần tích cực và cả tiêu cực, tác giả sẽ giúp bạn có cái nhìn đúng đắn về nhảy việc. Nhảy việc đơn giản là Làm lại từ đầu, với một tinh thần và một nhận thức mới.
70% người Mỹ tham gia vào cuộc khảo sát Gallup nói rằng họ ghét công việc đang làm hoặc cảm thấy thiếu gắn bó với công việc. Như một văn hóa, chúng ta tự lừa dối chính mình rằng làm việc là phải thật khổ sở. Chúng ta chỉ mong chờ cuối tuần bởi những ngày trong tuần là lúc những giấc mơ chết lặng.
Hiếm có ai chưa một lần nhảy việc trong toàn bộ sự nghiệp của mình. Tác giả cuốn sách sẽ giúp bạn “bắt bệnh” bốn kiểu chuyển đổi công việc, nhưng dù thuộc kiểu nào, bạn đều cần xây dựng một Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp để có thể Làm lại từ đầu một cách thông minh và hiệu quả. Jon đã đúc kết nên công thức để xây dựng tài khoản này:
Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp = (Mối quan hệ + Kỹ năng + Phẩm chất) x Nhiệt huyết
Bốn yếu tố này không hề mới, cái mới là cách mà chúng ta kết hợp chúng. Nếu thiếu đi một trong bốn yếu tố này, bạn sẽ khó lòng đạt được
hiệu quả tối ưu trong sự nghiệp.
Hy vọng cuốn sách sẽ giúp bạn nhận ra rằng Làm lại sự nghiệp sẽ không hề khó.
Trân trọng giới thiệu tới độc giả!
Hà Nội, tháng 8 năm 2017
CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH ALPHA
Chương 1
TÀI KHOẢN TIẾT KIỆM SỰ NGHIỆP
Nếu là bưu tá, bạn không nên xin dùng nhờ nhà vệ sinh của người khác.
Nhìn lại những gì đã qua, có lẽ tôi không cần học bài học đó bằng kinh nghiệm bản thân. Thế nhưng tôi vẫn đứng đó, ở bậc cửa với đống thư từ phải phát ngày hôm nay cùng một lời đề nghị kỳ cục.
Là một cây viết sáng tạo, nhưng tôi lại là một bưu tá rất tồi. Tôi sống bừa bộn, vụng về và còn hay làm hạt tiêu dây vào mắt mình. Một ngày nọ, tôi thay đổi lịch giao thư buổi chiều sang buổi sáng, nghĩa là những người đáng lẽ nhận thư trễ hơn sẽ nhận được thư sớm hơn. Một vị chủ nhà vui vẻ nói rằng tôi giỏi hơn người đưa thư kia mà không hề biết rằng bà đang vô tình nói đến chính tôi. Tôi hùa theo: “Anh ta là người dở nhất đấy ạ. Một tên ngớ ngẩn ấy mà.”
Con đường sự nghiệp của tôi tiếp tục đi qua những nơi như cửa hàng tiện lợi “Apple Country” – tên là vậy mà chẳng hề có quả táo (apple) nào được bán ra ở đây và cửa hàng “Maurice The Pants Man” – không có ông Maurice nào nhưng lại có rất nhiều quần dài (pants) ở đó.
Tôi đã dành 15 năm làm việc cho nhiều doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ, viết quảng cáo cho Home Depot, làm thương hiệu cho Bose và tiếp thị cho Staples. Tôi bị cắt hợp đồng ở một công ty khởi nghiệp, bị sa thải khỏi một công ty khác, tự điều hành công ty của riêng mình nhưng rồi cũng bị phá sản, sau đó tôi tìm được công việc mơ ước nhưng chẳng bền lâu. Trong suốt đoạn đường đã qua, tôi đã học được một bài học về công việc.
Bạn có thể kiểm soát được nhiều thứ hơn bạn tưởng.
Bạn hoàn toàn có thể tìm được một việc tốt, nhận một việc tệ hại, được làm công việc bạn mơ ước hay thậm chí là thất nghiệp.
Điều đó phụ thuộc vào chính chúng ta. Dù chúng ta thường thích đổ lỗi cho người khác, cho nền kinh tế hoặc cho một vị sếp nào đó đã không chịu “hiểu” chúng ta, nhưng sự thật thì một công việc tốt hơn luôn bắt đầu bằng việc cải thiện chính bản thân mỗi người.
Công việc không phải là kẻ thù.
Công việc không phải là một nhà tù không song sắt đầy khốn khổ mà chúng ta tự nguyện dành trọn đời mình trong đó cho đến khi được phóng thích lúc nghỉ hưu.
Trái lại, công việc có thể rất tuyệt.
Nếu chúng ta biết cách cứu vãn ngày đầu tuần. Nếu chúng ta sẵn sàng làm mới nó. Nếu chúng ta quyết không chấp nhận bế tắc.
Cuốn sách này không viết về vấn đề thôi việc. Tôi đã viết một cuốn như vậy rồi, cuốn sách tên là Quitter (tạm dịch: Kẻ bỏ việc).
Cuốn sách này cũng không viết về sự khởi đầu. Tôi cũng đã viết một cuốn như vậy rồi, cuốn sách có tựa Start (tạm dịch: Sự khởi đầu).
Thay vào đó, cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay viết về việc xây dựng sự nghiệp một cách có chủ đích sử dụng bốn khoản đầu tư mà bất kỳ công việc phi thường nào cũng có.
Các khoản đầu tư này quá hiển nhiên đến mức bạn có thể bỏ qua chúng. Vào một tối nọ, người bán bóng bay hình thú đã nhắc tôi về điều này.
Để phòng trường hợp bạn e rằng tôi đã dành thời gian cuối tuần cho trang Craigslist, hãy để tôi giải thích thêm một chút. Tôi đảm bảo với bạn là tôi có thể giải thích về cuộc gặp gỡ dưới ánh trăng giữa tôi và anh chàng mặc quần có dây đeo cầu vồng kia.
Tôi đang xếp hàng chờ cùng với vợ và các con ở Đêm hội Gia đình (Family Fun Night) tại một trường tiểu học ở khu chúng tôi sống. Đó là một tối thứ Sáu và ngay sau người phụ nữ vẽ mặt nghệ thuật, thì anh chàng bán bóng bay là người mà tôi đến gần.
Vừa bện xoắn vừa kéo mớ bóng bay đầy màu sắc, người thợ khéo léo làm nên những tác phẩm bằng cao su được thổi phồng đứng trên ghế và nhìn xuống tôi.
“Tôi thích những cuốn sách của anh,” anh ta nói khi nhận ra tôi và mỉm cười, nhưng rồi một ý nghĩ nào đó khiến đôi mắt sáng của anh ta tối sầm lại.
Anh ta nói thêm bằng giọng nghiêm túc hơn: “Tôi rất tiếc vì việc hôm nay. Tôi cầu chúc anh những điều tốt đẹp nhất đền đáp lại những nỗ lực trong tương lai của anh.”
Người bán bóng bay đang động viên tôi bởi anh ta tin rằng tôi đã mất rất nhiều.
Và anh ta đã đúng, tôi thực sự đã mất đi một thứ gì đó. Luôn là như vậy khi ta từ bỏ những chốn cũ để tìm đến những cuộc phiêu lưu mới.
Ngay sáng hôm đó, tôi đã từ bỏ công việc mơ ước của mình.
Cũng cùng lúc ấy, tôi bỏ lại phía sau thành quả, tiền tài và những cơ hội điên rồ nhất mà tôi từng có.
Nếu phải ghi lại ngày hôm ấy thì có lẽ đó là ngày thất bại nhất trong đời tôi. Ngay cả khi đọc về những thứ mình đã từ bỏ, tôi vẫn cảm thấy như thể tôi đang hét vào mặt người bán bóng bay bằng lời bài hát của Phil Collins: “Hãy nhìn tôi lúc này đi, ôi chỉ là sự trống rỗng mà thôi.” (Take a look at me now, oh there’s just an empty space.)
Tôi không trách anh chàng đang mang một mớ bóng bay vì đã lo lắng cho sự nghiệp tương lai của tôi.
Nhưng tôi có điều mà anh ta không biết.
Một bộ đồ nghề mà tôi chưa bao giờ bỏ quên.
Một bộ đồ nghề mà bạn có lẽ cũng đã có.
Một bộ đồ nghề mà Nate, bạn tôi sẽ cần đến.
NGÀY CỦA MỌI ĐỔI THAY
Vào một ngày thứ Sáu nọ, Nate, anh hàng xóm của tôi bị mất việc.
Nếu bạn từng được mời họp riêng với sếp lúc chiều muộn của ngày thứ Sáu thì đó không phải một cuộc họp mà là một cái bẫy vụng về.
Sự nghiệp của Nate đã nhanh chóng thay đổi vào ngày hôm đó. Đột nhiên, cuộc đời anh ấy trở nên bấp bênh một cách đầy bị động. Tôi đã hẹn đi cà phê với anh ấy một tuần sau đó.
Vẫn chưa hết sửng sốt, anh ấy kể với tôi cảm giác của mình khi bị mất đi một công việc mà anh đã gắn bó suốt tám năm.
Anh ấy làm việc rất tốt và luôn đạt doanh số. Mọi người yêu mến anh ấy. Khách hàng còn nhắn tin chia buồn với anh ấy vào những ngày sau đó. Anh ấy đã và vẫn là một người tuyệt vời.
Nhưng anh ấy lại gặp rắc rối.
Được bao bọc suốt tám năm trong một công ty lớn, an toàn và rồi đột nhiên anh ấy bị ném ra đường. Mái ấm sự nghiệp mà lâu nay anh ấy gây dựng đã không còn nữa, và phần còn lại của thế giới đã thay đổi đáng kể từ khi Nate bước vào vòng xoáy công việc đó.
Nate nói đầy bức xúc: “Tôi thậm chí còn không biết cách dùng LinkedIn.”
Không ai mong chờ sự thay đổi công việc đột ngột, đó là lý do vì sao người ta thấy bất ngờ khi bị như vậy. Và nếu bạn đã đi làm được hơn một năm, có thể bạn từng thấy việc tương tự xảy đến với bạn hoặc một người bạn quen. Một con sóng mang tính cách mạng của công ty khiến chiếc thuyền chao đảo.
Giữa những đợt sóng dữ dội khi thay đổi công việc, còn có những vấn đề khác tuy ít cấp bách hơn nhưng cũng đe dọa đến công việc của chúng ta, ví dụ như Đỉnh cao của sự nghiệp.
Đỉnh cao của sự nghiệp là bậc cao nhất trong nấc thang sự nghiệp. Đó là đỉnh cao mà một công việc bất kỳ sẽ đưa bạn đến. Tôi đã từng đạt được đỉnh cao đó khi đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng Thiết kế nội dung tại một công ty phần mềm.
Tôi bắt đầu làm việc tại đó như một nhà thầu. Thời gian trôi đi, tôi đã có được chỗ đứng thật sự trong công ty, và trong vài năm, chức vụ của tôi là Trưởng phòng Thiết kế nội dung. Đó là lúc tôi thực sự đã đi đến đoạn cuối con đường sự nghiệp của mình.
Ở vị trí đó, tôi kiếm được nhiều tiền nhất trong đời mình và không phải làm bất kỳ công việc viết lách nào trong công ty. Cách duy nhất để tôi tiến thân là trở thành giám đốc sáng tạo, và điều đó đồng nghĩa với việc tôi sẽ quản lý các nhà thiết kế và những người viết quảng cáo. Đó là lựa chọn tuyệt vời đối với một số người, nhưng đối với tôi thì việc đó đồng nghĩa với việc tôi ít được làm công việc viết lách mà tôi thực sự yêu thích hơn.
Tôi 32 tuổi và cuộc sống của tôi trở nên trì trệ một cách thầm lặng. Trong những năm tháng đó, vài ba lần tôi được tăng lương chút ít và gánh vác nhiều trách nhiệm hơn, nhưng về cơ bản thì đó vẫn là sự trì trệ.
Về sau vợ tôi cũng nói rằng cô ấy thực sự rất lo. Với hai đứa con nhỏ, một hợp đồng thế chấp và cuộc hôn nhân vừa mới bắt đầu, thật đáng sợ khi dồn 30 năm cuộc đời vào một sự nghiệp đơn điệu. Tôi không phải kiểu người thích phiêu lưu, nhưng “an phận” với một sự nghiệp ở tuổi 32 quả thật khó mà chấp nhận được.
Khi bạn đã đạt đến đỉnh cao sự nghiệp, bạn chỉ có một số ít lựa chọn như sau:
1. Xin việc ở một công ty khác;
2. Làm một công việc mà bạn không thích, ví dụ như giám đốc sáng tạo;
3. Cam chịu và chết dần trong khoảng thời gian gần 30 năm.
Lựa chọn đầu tiên không giải quyết được gì ngoài trì hoãn mọi thứ. Bạn có thể có chức vụ khác và kiếm được nhiều tiền hơn. Ở công ty khác có thể cũng sẽ có vị trí “Quản lý của Trưởng phòng nội dung”, và rốt cuộc bạn sẽ nhận thấy mình lại đạt được đỉnh cao tương tự như trong công việc trước đó.
Ở lựa chọn thứ hai, bạn chỉ trao đổi nấc thang nghề nghiệp hiện tại để lấy một nấc thang khác. Kế hoạch này sẽ không hiệu quả bởi vì rốt cuộc, bạn chỉ làm thêm việc mà bạn vốn không thích ngay từ đầu. Nếu không muốn trở thành giám đốc sáng tạo, bạn sẽ cảm thấy việc tiến lên theo nấc thang đó không phải là sự thăng tiến, mà là sự trừng phạt. Bạn sẽ còn lún sâu hơn vào sự nghiệp sai lầm đó.
Lựa chọn thứ ba là lựa chọn đáng chán nhất nhưng lại là lựa chọn thường thấy nhất. Đó là lý do vì sao vào năm 2013, 70% người Mỹ tham gia vào cuộc khảo sát của Gallup nói rằng họ ghét công việc đang làm hoặc cảm thấy thiếu gắn bó với công việc. Như một văn hóa, chúng ta tự lừa dối chính mình rằng làm việc là phải thật khổ sở. Nếu mọi người hạnh phúc với công việc của mình, thì bộ truyện Dilbert1 đã không bán được hàng triệu bản như thế. Tại sao chúng ta lại ăn tối tại nhà hàng TGI Friday chứ không phải TGI Monday2? Chúng ta sống để chờ tới cuối tuần bởi chúng ta thấy rằng những ngày trong tuần là lúc những giấc mơ chết lặng. Nếu đang đọc cuốn sách này trong giờ làm, bạn hãy ngẩng đầu lên mà xem, có bảy trong số mười người bạn thấy cũng đang chán ghét công việc. Không ai muốn gắn bó với công việc mà người đó không thích cả.
1 Loạt truyện tranh hài hước nổi tiếng của Scott Adams, viết về thế giới của những ông chủ và nhân viên văn phòng với nhân vật chính là kỹ sư Dilbert. (BTV)
2 Một cách chơi chữ của tác giả. Nhà hàng đó đặt tên là TGI Friday (Thank God It’s Friday) chứ không phải TGI Monday vì đầu tuần chúng ta còn phải đi làm, chỉ có tối cuối tuần là được đi ăn mà thôi. (BTV)
Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi việc không diễn ra như vậy? Sẽ thế nào nếu ta có được công việc yêu thích ngay từ đầu? Sẽ thế nào nếu chúng ta không cố tránh nhảy việc, thay vào đó là thử nắm bắt chúng? Bởi vì việc đó đang xảy đến với tất cả chúng ta. Mỗi người trong chúng ta sẽ có lần Nhảy việc, trải qua những Cú hích trong công việc, đạt Đỉnh cao sự nghiệp và giành lấy Cơ hội nghề nghiệp.
Làm thế nào để Nhảy việc một cách thông minh?
Làm cách nào để vượt qua những Cú hích trong công việc? Làm thế nào để phá vỡ những Đỉnh cao sự nghiệp?
Làm thế nào để tận dụng được những Cơ hội nghề nghiệp bất ngờ?
Cả bốn câu hỏi trên đều có chung một câu trả lời: chúng ta cần xây dựng một Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp.
MỞ HẦM DỰ TRỮ
Trong vòng 24 giờ sau khi nghỉ công việc gần đây nhất, có 100 người bạn sẵn sàng chìa tay muốn giúp đỡ tôi.
Trong vòng một tuần, tôi được một nhóm giúp xây dựng một blog mới. Trong vòng một tháng, tôi đã có những dự án viết lách mới.
Điều này xảy ra không phải do tôi là người siêu phàm hay có đầu óc chỉ huy siêu đẳng. Nó xảy đến vì tôi đã đặt cọc vào bộ đồ nghề mà tôi gọi là
Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp của mình. Là người dốt Toán, nên tôi đã nghĩ ra một công thức rất đơn giản để giải thích cho Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp (Career Savings Account™ - CSA™).
(Mối quan hệ + Kỹ năng + Phẩm chất) x Nhiệt huyết = Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp).
Công thức có bổ sung chút ít tính chất của Twitter:
(Hội nhóm + Tuyệt vời + Tử tế) x Nỗ lực = Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp.
Mỗi cụm từ trên đây có nghĩa là gì? Sau đây là cách chúng ta định nghĩa chúng:
Mối quan hệ = Những người mà bạn quen biết. Nhóm người mà bạn có mối quan hệ mật thiết trong quá trình làm việc.
Kỹ năng = Những điều bạn có thể làm được. Cầu nối giữa kẻ nghiệp dư và chuyên gia.
Phẩm chất = Con người bạn. Chất keo gắn kết toàn bộ các yếu tố của CSA lại với nhau.
Nhiệt huyết = Cách làm việc của bạn. Nhiên liệu thúc đẩy bạn làm những việc mà người khác không làm, và vì thế bạn có thể tận hưởng thành quả đạt được trong khi người khác thì không.
Bạn đã làm quen với từng phần của Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp. Bất kể tình hình công việc hiện tại của bạn như thế nào, bạn sẽ chẳng ngạc nhiên khi biết rằng mình cần một trong những yếu tố được liệt kê trong danh sách này. Chẳng có ai đọc công thức trên và nghĩ: “Phẩm chất ư? Tôi chưa từng nghĩ là tôi cần yếu tố này!”
Bạn cũng từng áp dụng các khía cạnh của Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp vào đời sống rồi. Bạn đã làm việc dựa vào những kỹ năng của môn golf để ngày càng làm việc tốt hơn. Bạn quyết liệt sôi nổi khi hẹn hò với người yêu, giờ là vợ, để thuyết phục nàng rằng bạn là người xứng đáng. Bạn xây dựng các mối quan hệ với bạn bè bằng cách giữ liên hệ dài lâu với những người bạn ngay cả khi đã tốt nghiệp.
Những điều này không hề mới, cái mới là cách mà chúng ta tập trung vào chúng. Bạn đã có hầu hết những yếu tố cần thiết để nhảy việc, để vượt qua những cú hích trong công việc, phá vỡ đỉnh cao sự nghiệp hay giành
lấy cơ hội nghề nghiệp, nhưng chỉ đơn giản là bạn không áp dụng yếu tố đó vào công việc của mình.
Giống như tôi trong bảy năm đầu của sự nghiệp, bạn chưa một lần kết hợp bốn yếu tố đầu tư này. Có thể bạn sẽ rất giỏi tạo mối quan hệ và có kỹ năng tốt, nhưng bạn chưa nắm vững nghệ thuật của nhiệt huyết. Hoặc bạn đã có được phẩm chất mà mọi người đều thừa nhận nhưng lại chưa bao giờ được rèn giũa một nhóm kỹ năng nào. Điều đó không có nghĩa là sự nghiệp của bạn tệ hại, nhưng nếu thiếu đi một yếu tố đầu tư thì ba yếu tố còn lại không bao giờ mang lại cho bạn hiệu quả tối ưu.
Sau đây là kết quả đạt được nếu bạn chỉ có được ba yếu tố của Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp:
Mối quan hệ + Kỹ năng + Phẩm chất – Nhiệt huyết = Lãng phí tiềm năng, trở thành cầu thủ “xuống phong độ” của giải NBA Draft3, hay ban nhạc chỉ có duy nhất một hit trong cả sự nghiệp.
3 NBA Draft là một sự kiện thường niên của Giải bóng rổ nhà nghề nước Mỹ (NBA). Những vận động viên tham gia Draft thường đang thi đấu tại các trường đại học của Mỹ. 30 đội bóng sẽ lựa chọn ra những cầu thủ xuất sắc và có triển vọng mong muốn tham gia giải vô địch. (BTV)
Kỹ năng + Phẩm chất + Nhiệt huyết – Mối quan hệ = Một bản sự nghiệp khác củaHoàng đế cởi truồng.
Phẩm chất + Nhiệt huyết + Mối quan hệ – Kỹ năng = Tôi khi chơi trong NBA hay Michael Jordan4 chơi bóng chày.
4 Cầu thủ bóng rổ nhà nghề nổi tiếng của Mỹ đã giải nghệ. Anh được xem là một trong những cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại. (BTV)
Mối quan hệ + Sự nhiệt huyết sôi nổi + Kỹ năng – Phẩm chất = Những nhân vật nổi tiếng lắm tài nhiều tật như Tiger Woods, Enron, Guns n’ Roses.
Tôi không thực sự nhận thấy chính mình đang tạo dựng một Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp cho đến khi tôi nhìn nhận cách mình xoay xở khi nhảy việc và xem liệu những người khác nghĩ gì về việc ấy.
Người ta sẽ đến gặp tôi với khuôn mặt buồn bã, như thể tôi đã bị mất một phần cơ thể. Bằng giọng nói đầy quan tâm, nhẹ nhàng và êm dịu như hương trà hoa cúc, họ sẽ hỏi tôi những câu đại loại như:
“Anh sắp sửa chuyển đi à?”
“Chúng tôi có thể giúp gì cho anh không?”
“Chúng tôi có thể ôm anh thật chặt và khóc cùng anh một lát được không?”
Đây đều là những câu hỏi hay, nhưng chúng bộc lộ một niềm tin đầy thú vị: Người sắp sửa chuyển việc sẽ rất tuyệt vọng.
Lý do giải thích cho việc hầu như ai cũng nghĩ như vậy đó là người ta chẳng còn gì để mà trông đợi nữa. Khi phải làm lại từ đầu một cách đầy bất ngờ, họ buộc phải mở tung cánh cửa hầm dự trữ và thoạt tiên họ sợ hãi khi thấy nó trống rỗng. Họ chưa bao giờ gây dựng Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp và cũng không biết rằng mình cần Tài khoản đó cho tới khi họ trở nên tuyệt vọng.
Tại sao lại có tình cảnh như vậy?
Bởi vì chúng ta được huấn luyện để thực thi công việc, chứ không phải xây dựng sự nghiệp.
TẠI SAO CHÚNG TA KHÔNG QUAN TÂM ĐẾN SỰ NGHIỆP?
Người ta thường nói điều quan trọng không phải là bạn biết điều gì mà là bạn quen ai. Khi gặp trục trặc với sợi dây cáp, tôi hỏi anh bạn làm ở Comcast. Khi hệ thống máy tính của tôi có vấn đề, tôi gọi cho anh bạn IT. Khi gặp vấn đề về tiền bạc, tôi nói chuyện với nhà tư vấn tài chính của mình.
Với hầu hết mọi tình huống mà bạn đối mặt trong cuộc sống, sẽ có một người nào đó mà bạn có thể gọi điện hoặc gửi e-mail để nhờ giúp đỡ.
Ngoại trừ công việc của bạn.
Ngoại trừ việc bạn đang làm ít nhất 40 giờ mỗi tuần.
Ngoại trừ việc bạn sẽ làm để trả hết món tiền vay 100.000 đô-la nợ thời sinh viên.
Lĩnh vực đó có rất ít chuyên gia hoặc chuyên viên tư vấn. Nhìn chung lĩnh vực đó mong manh và không được bảo đảm. Và như vậy không có nghĩa là chúng ta không biết tìm kiếm lời khuyên, hay chúng ta là những nhà hoạch định tồi. Hãy xem cách chúng ta dành dụm cho việc học.
Nếu bạn chưa bắt đầu để dành cho con học đại học thì tính đến trước khi bạn nuôi chúng trưởng thành với những nếp nhăn hằn sâu, bạn đã bị tụt hậu rồi. Và có lẽ bạn còn là một phụ huynh cực kỳ tệ hại nữa.
Ý thứ hai trên đây xuất phát từ điểm mấu chốt đó là khi bạn nhận ra thời điểm con bạn sắp sửa bước vào giảng đường đại học. Những phụ huynh khác sẽ khiến bạn cảm thấy tệ hại hơn khi liên tục nói với bạn trong những bữa tiệc liên hoan rằng: “Thời gian trôi mau quá. Bọn trẻ lớn nhanh thật, cứ như gió cuốn bụi bay vậy.”
Bạn gọi cho tư vấn viên tài chính của mình và thiết lập một kiểu tiết kiệm ngược dạng như Quỹ Hưu trí Cá nhân Roth IRA. (Tôi không biết chi tiết về điều này nhưng chắc chắn anh bạn Jeff của tôi đã từng nhắc đến những từ đó với tôi). Bạn bắt đầu tiết kiệm để trả nợ cho việc con chuẩn bị vào đại học.
Nhưng mọi việc không chỉ có vậy. Bạn cũng phải nhắc các con đăng ký các hoạt động phù hợp. Khi còn nhỏ, tôi đã dành suốt những năm tháng tiểu học chỉ để cố giữ cho chiếc xe đạp của mình không dính bẩn. Giờ đây, cứ mỗi năm nhu cầu hướng con trẻ vào những hoạt động đúng đắn khi xin vào đại học đang ngày một sớm hơn. Con gái tôi đã dành một
ngày thứ Bảy để tham gia thi Olympic môn toán. Con bé đang trên đường đua toán học, con đường sẽ đưa nó tới tương lai và nhiều hy vọng được nhận vào đại học.
Và lúc ấy, con bé chỉ mới học lớp bốn.
Chúng ta giữ cò khẩu súng cao su mang tên đại học thật lâu, mãi cho đến khi thời điểm tốt nghiệp phổ thông trung học đến và chúng ta nhả cò. Chúng ta tiến thẳng về phía trước trong vòng bốn, năm năm đầy ngoạn mục. Cha mẹ chúng ta cần tới 18 năm để chuẩn bị cho giai đoạn này và công sức của họ thật xứng đáng.
Chúng ta tốt nghiệp đại học, sau cùng cũng tìm được việc làm và rồi chờ đợi để chuyển sang công việc kế tiếp mà chúng ta đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận, nhưng hóa ra đó là lúc ta nghỉ hưu.
Ở độ tuổi từ 22 đến 62, đây là điều duy nhất mà ta được dạy để sẵn sàng đón nhận. Chúng ta bàn bạc về tài khoản hưu trí 401k của mình. Ta bắt đầu chi trả khoản thế chấp nhà ở để có chốn dung thân khi công việc kết thúc còn xương cốt thì rã rời. Chúng ta mua bảo hiểm trợ cấp thu nhập chỉ để phòng khi bản thân gặp chuyện và không thể tiếp tục làm việc. Chúng ta viết nên những khát khao sống và sẵn sàng chờ đợi những điều tuyệt vời hơn thế.
Rồi chúng ta quên hẳn và hoàn toàn lờ đi những năm tháng sau đại học cho tới lúc nghỉ hưu.
Chúng ta quên rằng chúng ta còn phải vượt qua một khoảng thời gian dài chừng 40 năm.
Chúng ta dành dụm cho những ngày gặp khó khăn về tài chính nhưng chẳng hề làm gì để bảo vệ sự nghiệp của mình trước dông bão.
Chắc chắn một số lĩnh vực chuyên môn của chúng ta luôn cần được bổ sung kiến thức liên tục. Tôi biết những nhân viên ngành Bất động sản và Tư vấn tài chính luôn có sự hỗ trợ của thầy dạy kèm và người cố vấn
trong quá trình làm việc. Nhưng phần đông chúng ta đều không biết dựa vào đâu nếu gặp bế tắc trong công việc.
Nếu hiện tại bạn là một nhân viên phát triển web 34 tuổi và cảm thấy dường như bạn đang ở nhầm chỗ, bạn sẽ gọi cho ai để nhờ giúp đỡ đây?
Mặc dù rất thích công việc tư vấn cá nhân, nhưng tôi biết rằng đối với nhiều người, đó không phải là lựa chọn dành cho họ. Bạn sẽ phải đắn đo suy nghĩ trước khi nhấc điện thoại gọi một người nào đó mà có thể cũng đang phải đấu tranh với những khủng hoảng của cá nhân họ.
Có thể bạn sẽ gọi cho bạn bè. Sau cùng thì họ cũng sẽ hiểu vấn đề. Có lẽ họ cũng đang chán ghét công việc. Có lẽ sau một buổi đi cà phê, bạn có thể than vãn đủ điều về tình trạng của mình. Sự khổ sở song hành cùng công ty, nhưng công ty lại thường khiến chúng ta khổ sở gấp bội. Những buổi cà phê lặng lẽ ở những nơi dành cho kẻ nổi loạn thường không thay đổi được gì nhiều.
Có thể bạn sẽ lên Twitter hoặc Facebook than phiền về công việc như thể những phương tiện truyền thông xã hội này là chốn riêng tư. Không bàn đến chuyện có những công ty kiểm tra thông tin cơ bản của nhân viên bằng cách đào bới tất cả những việc bạn đang làm trên mạng. Ở thời điểm hiện tại, 80% nhà tuyển dụng tìm hiểu thông tin về bạn trên Google trước khi mời bạn đến phỏng vấn. Mặc dù than vãn trên mạng có thể giúp bạn khuây khỏa tạm thời, nhưng điều đó đồng thời xây dựng một lập luận khá vững chắc rằng bạn xứng đáng bị đánh giá thấp trong công việc hiện tại và sẽ không được tuyển dụng cho công việc tiếp theo.
Có thể bạn lại lên mạng và tìm kiếm từ khóa “Hỗ trợ nghề nghiệp”. Tin tốt cho bạn là có đến 2 tỷ kết quả. Tin xấu cũng là có đến 2 tỷ kết quả. Bạn sẽ bắt đầu từ đâu? Từ CareerBuilder, một trang web giúp bạn đăng CV xin việc chăng? Hay một bài báo trên tờ The Huffington Post nói về những điều độc đáo bạn nên làm để có được công việc mơ ước? Hay một người hướng dẫn công việc? Người đầu tiên mà tôi tìm được tính phí 1,99 đô-la mỗi phút và việc ấy khiến người này có vẻ giống một huấn luyện viên quần vợt hơn là người hướng dẫn công việc. Bạn luôn luôn có thể
đánh bóng một số kỹ năng mà bạn chưa từng nghĩ đến kể từ lần cuối bạn nhìn vào bản CV của mình và tham gia ứng tuyển. Và thực ra đã có kha khá người ứng tuyển rồi.
Vậy là bạn gác máy, ngừng lên mạng và quyết định cam chịu thêm một ngày. Hoặc thêm một tuần hoặc thêm một năm nữa.
Rồi bạn cũng thấy khá hơn, tự an ủi là ít nhất bạn cũng đã cố gắng. Làm lại sự nghiệp một cách thận trọng thật quá phức tạp. Nó cũng quá yếu ớt và khó hiểu.
Mặc dù vậy, làm lại sự nghiệp không quá khó đến thế. Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp giúp việc làm lại từ đầu của bạn trở nên đơn giản đến khó tin. Tất cả những gì bạn phải làm là kết hợp những điều bạn đã biết, chẳng hạn như các mối quan hệ và các kỹ năng, rồi mở rộng chúng. Bạn cũng sẽ không phải đối mặt với quá nhiều kiểu thay đổi công việc đến thế. Thực ra thì chỉ có bốn kiểu chuyển đổi công việc.
BỐN KIỂU CHUYỂN ĐỔI CÔNG VIỆC THƯỜNG GẶP
Có bao giờ bạn cảm thấy choáng váng ngay khi vừa chớm nghĩ đến việc làm lại từ đầu không? Có thể ý tưởng cải thiện sự nghiệp giống như một khu rừng già dày đặc dây leo, những cạm bẫy nguy hiểm và khi chiến đấu để có thể trở về, bạn đã thực hiện một hành động cập nhật công việc vô cùng khủng khiếp. Đừng sợ hãi, công việc của chúng ta không quá phức tạp như vậy đâu. Trên thực tế, chỉ có bốn kiểu chuyển đổi công việc bạn phải đối mặt và phần minh họa dưới đây cho thấy rõ từng loại.
Đôi khi, trong công việc, bạn sẽ đưa ra những quyết định chủ động, ví dụ như ứng tuyển cho một công việc mới. Ở những thời điểm khác, quyền quyết định không nằm trong tay bạn, như khi bạn đột ngột bị sa thải, thì việc đó vô tình tác động đến công việc của bạn. Vẽ một đường thẳng từ trên xuống dưới, đường thẳng này biểu thị được mọi kiểu công việc mà bạn sẽ trải qua. Nhưng không phải mọi hoạt động chủ động đều tốt, bạn có thể sẽ sẵn lòng làm một công việc không thích hợp mà không hề lo sợ. Tất cả chúng ta đều có thể đưa ra quyết định sai lầm. Tất cả chúng ta đều có những người bạn chủ động hẹn hò với những gã ngốc lâu hơn mức cho phép. Không hẳn mọi hành động vô tình đều là tệ hại. Trong công việc, bạn có thể được thăng chức một cách đầy bất ngờ.
Bên cạnh đường kẻ dọc đại diện cho những hoạt động từ chủ động đến vô tình, chúng ta còn cần một đường kẻ ngang đi từ tiêu cực đến tích cực. Hai đường kẻ đơn giản này tạo thành bốn góc phần tư đại diện cho bốn kiểu chuyển đổi công việc mà bạn sẽ gặp trong đời.
Ở góc trên bên trái, ngay góc 9 giờ và 12 giờ, là ô vuông “Đỉnh cao sự nghiệp”. Khi tự nguyện làm một công việc mà bạn biết mình sẽ bị mắc kẹt trong đó, bạn đang trải qua giai đoạn “chủ động và trải nghiệm tiêu cực”. Trừ khi có ai đó dí súng vào đầu bạn cả ngày, nếu không bạn sẽ chọn mắc kẹt trong đó và có thể gặp thất bại! Bốn yếu tố đầu tư trong Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp sẽ giúp bạn dù bạn đang trải qua bất kỳ chuyển đổi công việc nào, nhưng mỗi trường hợp sẽ có một yếu tố hữu ích nhất. Khi bạn chạm được tới đỉnh cao thì chính những kỹ năng của bạn sẽ là chiếc búa giúp bạn phá tan đỉnh cao đó.
Đi theo chiều kim đồng hồ, bạn sẽ gặp một kiểu chuyển đổi thứ hai là “Nhảy việc”, ô vuông phía trên bên phải, góc giữa 12 giờ và 3 giờ. Khi bạn quyết định thay đổi công ty, bắt đầu thành lập công ty riêng, hoặc thay đổi chức vụ trong công việc, có nghĩa là bạn đã đưa ra quyết định tự nguyện và lạc quan. “Phẩm chất”, một trong những yếu tố đầu tư trong Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp, sẽ là yếu tố tác động lớn nhất đến năng lực của bạn để nhảy việc thành công.
Ở góc dưới bên phải, phần giữa 3 giờ và 6 giờ, chúng ta bắt gặp “Cơ hội nghề nghiệp”. Khi có một điều tuyệt vời xảy ra ngoài tầm kiểm soát của bạn, bạn đang trải qua giai đoạn bị động nhưng lạc quan. Một người bạn đã lâu không nói chuyện bỗng gọi cho bạn cùng với lời đề nghị về một công việc hoặc là sếp của bạn phải lòng một ai đó và chuyển đến Hawaii, để lại một vị trí bạn luôn mong muốn có được. Hãy ghi chú “Nhiệt huyết” vào góc đó vì đó là thành phần trong Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp sẽ giúp bạn tận dụng tốt nhất những cơ hội bất ngờ ấy.
Ở ô vuông phía dưới bên trái, góc giữa 6 giờ và 9 giờ, là “Cú hích trong công việc”. Bạn bị cho nghỉ việc, mất việc khi công ty sa thải hoặc tốt nghiệp trong một nền kinh tế chỉ có 19 vị trí công việc. Đó cũng là một trải nghiệm không mong muốn nhưng nó không hề tích cực. “Các mối quan hệ” đóng vai trò quan trọng trong lúc này bởi vì cộng đồng là yếu tố sẽ giúp ta vượt qua những thử thách như vậy.
Những đường kẻ ngăn cách bốn góc phần tư chuyển đổi này có đơn giản như khi ta vẽ chúng trong phần minh họa ở trên không? Chắc chắn là không, cuộc sống rắc rối hơn nhiều và ranh giới giữa một số điều như nhảy việc và cơ hội nghề nghiệp có thể trở nên không rõ ràng. Cho dù vậy, với một Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp được đầu tư đầy đủ, bạn sẽ sẵn sàng cho bất kỳ sự thay đổi công việc nào mà bạn có thể phải trải qua.
Đó là phần hay nhất của Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp, bạn có thể tự do áp dụng tài khoản này vào từng trường hợp cụ thể. Đó không phải là công cụ cho những kiểu người có hoài bão về một số loại công việc nào đó. Đó
là công cụ để làm mới công việc của bạn, cho dù cá nhân bạn chọn lựa cách định nghĩa mục tiêu đó như thế nào đi nữa.
HAI ĐIỀU SẼ CẢN TRỞ BẠN BẮT ĐẦU LẠI SỰ NGHIỆP Trở ngại của bạn không chỉ có nỗi sợ hãi.
Tôi từng nghĩ rằng nỗi sợ hãi có thể tự phá được cửa hoặc chui tọt qua lỗ khóa. Tôi đã có nhiều năm làm việc với nhiều người trên khắp cả nước để giúp đỡ họ đương đầu với nỗi sợ hãi. Bằng tất cả nỗ lực của bản thân, tôi chỉ cho họ cách chiến thắng nỗi sợ mà tất cả chúng ta đều cảm thấy. Chúng tôi cùng viết ra những nỗi sợ hãi đó. Chúng tôi đáp trả chúng một cách chân thật. Chúng tôi đấm thẳng vào mặt chúng.
Không may thay, sợ hãi còn có một đồng minh. Trong lúc tôi đang cảm thấy tự mãn vì đánh bại được nỗi sợ hãi thì bị một thứ khác đá vào mạn sườn. Một thứ thầm lặng hơn, tinh vi và quỷ quyệt hơn nhiều so với con quái vật “sợ hãi”. Sự tự mãn.
Và sự tự mãn cũng tiến triển rất âm thầm.
Ngay từ đầu, ta đã đấu tranh chống lại nỗi sợ hãi. Chúng ta tràn trề động lực. Chúng ta đọc cuốn sách đó, đi tham dự sự kiện đó, uống thứ nước tăng lực có màu rực rỡ và nhảy cẫng lên đầy phấn khích. Đến khi chân chạm đất, chúng ta nhanh chóng bật ra câu hỏi “Ta làm gì tiếp đây?”
Chân ta chạm đất sau cú nhảy ăn mừng chiến thắng nỗi sợ hãi và rồi không biết rõ phải bắt đầu từ đâu. Nỗi sợ hãi có lẽ đã lắng đi nhưng hiếm khi nào nó để lại một kếhoạch mới.
Nếu ta biết phải làm gì tiếp theo, biết chính xác điều phải làm thì ta sẽ làm điều đó. Bạn sẽ kinh ngạc vì điều chúng ta sẽ làm. Sự dữ dội và cảm hứng của chúng ta có thể cao ngút. Nhưng bây giờ ta phải làm gì? Phải làm gì tiếp theo đây?
Chúng ta không có một kế hoạch hoàn hảo. Không ai có cả, nhưng chúng ta lại nghĩ là ai cũng có. Và chúng ta không muốn phạm sai lầm. Bạn
không muốn lãng phí giây phút này vào một điều không đáng.
Chúng tôi tạm ngừng trong chốc lát, chỉ để bạn ghi nhớ kỹ điều chúng tôi muốn nói. Hoặc chỉ đơn giản là nín thở trong chốc lát. Suốt khoảng thời gian ấy chúng ta không hề biết rằng sự trì trệ đã lan nhanh đến mức nào. Cảm giác bế tắc không đến bất ngờ, bởi sau đó chúng ta sẽ thức tỉnh. Tính tự mãn như khí ga rò rỉ từ từ chứ không phải là quả bom nổ. Như thể bạn bị một tên trộm lấy đi một đồng xu vào mỗi đêm, chúng ta thức giấc và nhận thấy những ngày tháng đó đã trôi đi đâu mất.
Mọi chuyện không hề tệ. Chúng ta không ghét công việc của mình. Công việc của chúng ta đều ổn.
Thậm chí chúng rất ổn.
Công việc của chúng ta tốt.
Sếp của chúng ta tốt.
Cuộc sống của chúng ta cũng tốt.
Một cuộc sống tốt thì chẳng có gì phải bàn.
Chúng ta ổn và ổn.
Rồi chúng ta dần dần cảm thấy thoải mái.
Việc này không hề tệ. Tôi thích sự thoải mái. Nhưng cuộc sống tuyệt vời rất ít khi được dựng lên bên trong một sự thoải mái tuyệt đối. Bạn sẽ không bao giờ nghe một nhạc công nói rằng: “Cuộc sống cuối cùng cũng trở nên thoải mái và dễ chịu đến mức tôi có thể sáng tác những bản nhạc hay nhất cho mình”.
Khoảng cách giữa sự thoải mái và trì trệ quả thật ngắn đến mức đáng ngạc nhiên.
Ánh sáng của sự dũng cảm trong chúng ta mờ dần đi.
Hy vọng của chúng ta đông cứng lại.
Chúng ta trở nên bế tắc.
Chúng ta bùng nổ trong công việc. Một số người sẽ lựa chọn bế tắc ngay lập tức, vào lúc đó, việc này đẩy chúng ta vào một thế giới mới đầy quả cảm khi họ sa thải hoặc cho ta nghỉ việc. Trong một thời gian ngắn, chúng ta lại suy nghĩ để làm việc gì đó khác hơn. Có thể công việc bế tắc là một món quà trá hình. Nhưng vào lúc này, tìm được một công việc giống như công việc mà bạn đã làm trước đó dễ dàng hơn bất kỳ điều gì. Khi bế tắc, ta không còn thời gian để mơ mộng nữa. Ta phải quay về trọng tâm của vấn đề.
Công việc mới. Danh thiếp mới. Chức vụ mới. Tất cả đều tốt như cũ. Rốt cuộc bạn vẫn bế tắc như cũ.
Vào những lúc khác chúng ta sẽ tự mình giải quyết rắc rối, ta được động viên bởi một điều gì đó mạnh mẽ hơn sự tự mãn của chính mình. Chúng ta chứng kiến bố mẹ nghỉ hưu trong một thế giới được hứa hẹn là sẽ tồn tại ở chặng cuối công việc của họ, vấn đề là thế giới đó thật ra không hề có. Con cái chỉ trích chúng ta không bao giờ ở bên chúng vì chúng ta đi làm quá nhiều. Một cộng sự thoải mái bình luận ta là “tù nhân chung thân” và trong giây phút thoáng qua, ta nhận ra sợi xiềng xích mỏng manh mà ta đã tự áp đặt cho mình. Chúng ta nhận thức được cái kết cho sự nghiệp của mình và quyết tâm làm điều gì đó ý nghĩa hơn. Chúng ta trở nên tập trung vào công việc. Chúng ta dọn dẹp căn phòng của mình và tập thể dục tinh thần.
Chúng ta kiếm tìm công việc mới, tin rằng bằng cách nhảy sang làm một điều gì đó mới mẻ, chúng ta cuối cùng cũng đánh bại được nỗi sợ hãi vĩnh viễn.
Khi ngày đầu tiên của cuộc phiêu lưu mới trôi qua, chúng ta kinh ngạc nhận ra bài học khó nhất của việc theo đuổi một ước mơ.
Khi bị bế tắc trong công việc đó, bạn cảm thấy nỗi sợ hãi như một cái ao và bạn phải vượt qua cái ao đó. Nó tối và có vẻ bí hiểm, nhưng bạn có thể thấy được bờ bên kia. Sau khi hứa hẹn rằng bạn sinh ra để làm việc khác, rằng bạn sẽ không bao giờ bị nỗi sợ hãi đánh bại, bạn nhảy xuống và tin rằng hành động dũng cảm đó sẽ bỏ lại dòng nước đen tối phía sau bạn. Dòng nước ấy chỉ để lại cho bạn rãnh Mariana5.
5 Rãnh đại dương sâu nhất từng được biết. Điểm sâu nhất của nó là nơi sâu nhất trong lớp vỏ Trái đất. (BTV)
Ở đầu bên kia của cú nhảy việc, bạn còn cảm thấy sợ hãi hơn trước. Và tôi thề rằng chẳng có ai nói với bạn điều này đâu. Bạn bè không, gia đình không, sách vở cũng không. Những yếu tố này có vẻ hữu ích với bạn trước đó, có thể là vào lúc chiến đấu với nỗi sợ hãi, nhưng sau đó thì không bao giờ.
Sau đó, sách không có tác dụng nữa. Không ai cần đến lời hứa hẹn của làn nước sâu thẳm, người ta muốn buông xuôi và cần một con tàu.
Bạn cho rằng mình đã phạm sai lầm. Nếu đưa ra được quyết định đúng đắn và theo đuổi mơ ước phù hợp, bạn có cảm thấy bớt sợ hãi hơn không? Hay ngược lại?
Vào những thời khắc hoài nghi, nỗi sợ hãi bị sa thải lại trỗi dậy. Cuộc sống khi bị sa thải dễ dàng hơn bạn tưởng. Nó không quá khó khăn và luôn như vậy. Đâu có hại gì khi bạn quay đầu về bờ? Đó không phải là bỏ cuộc. Bạn chỉ đang nghỉ ngơi một chút mà thôi.
Đến lúc này, sự tự mãn lại trỗi dậy và sẵn sàng phát tác.
Đa phần mọi người sẽ trải nghiệm cuộc sống của mình theo những vòng xoay tương tự.
Chúng ta sợ hãi những điều mà ta không biết trước.
Chúng ta mắc kẹt trong những điều mà ta đã biết.
Nếu chúng ta chống lại nỗi sợ hãi và trở nên dũng cảm, nỗi sợ hãi sẽ thừa nhận thất bại nhưng vẫn thì thầm với ta: “Sẽ khó khăn lắm đấy nhé, có lẽ ngươi đang tự mãn.”
Nếu chúng ta chống lại sự trì trệ và sôi nổi, sự tự mãn sẽ chấp nhận thất bại nhưng khi bạn đi ngang qua, nó vẫn thì thầm: “Sẽ đáng sợ lắm đấy nhé, có lẽ là mày nên sợ đi.”
Hai kẻ thù này sẽ làm khó chúng ta hết lần này đến lần khác cho tới khi chúng ta bỏ cuộc. Chúng ta chấp nhận rằng thứ Hai đầu tuần là ngày khốn khổ. Chúng ta tự mua lấy câu chuyện hoang đường rằng có một công việc hoàn hảo đâu đó ngoài kia và bỏ lỡ một tá công việc tuyệt vời khác chỉ vì cách tìm việc sai lầm của mình.
Cho dù vậy, mọi việc không phải lúc nào cũng như lúc này.
Khi còn là những đứa trẻ, chúng ta đã tin rằng mình có quyền tuyên bố “Làm lại từ đầu!” khi có một điều gì đó không đúng xảy ra.
Chúng ta không sợ phải cố gắng thêm một lần nữa.
Khi ta trưởng thành, ở đâu đó trên đường đời, ta quên mất rằng mình vẫn được phép làm điều đó.
Không bao giờ là quá muộn để tuyên bố Làm lại từ đầu. Tất cả những gì bạn cần là Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp.
Bằng bốn yếu tố đầu tư: Mối quan hệ, Kỹ năng, Phẩm chất và Nhiệt huyết, một Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp sẽ giúp bạn cứu vãn, làm mới cũng như nạp lại năng lượng trong công việc.
Nghe có vẻ như một lời hứa suông phải không? Hoàn toàn không phải vậy, vì giờ đây bạn đã biết chỉ có bốn loại thay đổi công việc mà bạn sẽ đối mặt trong đời. Cho dù bạn chỉ mới 13 tuổi với một lộ trình vạch sẵn hay bạn 43 tuổi với các khoản tiết kiệm, chúng ta sẽ gặp phải và xử lý chừng ấy trường hợp, theo như phần phân tích trên đây.
Bạn sẽ chạm được tới Đỉnh cao nghề nghiệp và rồi trở nên bế tắc, điều này đòi hỏi ở bạn những kỹ năng nhạy bén để giải phóng chính mình.
Bạn sẽ mất việc một cách bất ngờ, điều này đòi hỏi bạn phải có những mối quan hệ tốt để sống sót.
Bạn sẽ nhảy việc, điều này đòi hỏi phẩm chất vững vàng để vượt qua những rắc rối chỉ chực ngáng đường bạn.
Bạn sẽ có một cơ hội đáng ngạc nhiên mà trước đó bạn không nhận thấy, điều này đòi hỏi bạn phải có lòng nhiệt huyết, sự tận tâm để nắm bắt nó.
Vậy đấy, có bốn yếu tố chính tác động đến quá trình thay đổi công việc. Và Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp chứa đựng những yếu tố đầu tư được thiết kế đặc biệt dành riêng cho bạn để bạn có thể tận dụng từng yếu tố một.
Sự nghiệp được gây dựng hay sụp đổ phụ thuộc vào cách chúng ta đầu tư vào nó. Đó là lý do vì sao cuốn sách này sẽ giúp bạn làm hai việc:
1. Gây dựng một Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp đáng giá hàng tỷ đồng.
2. Áp dụng Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp này vào quá trình Tái tạo sự nghiệp mà bạn luôn mong muốn.
Sự nghiệp thật sự rất khó khăn vì chúng luôn thay đổi, còn chúng ta thì không. Chúng ta có xu hướng sợ thay đổi, cho dù thay đổi đem lại lợi ích đến đâu chăng nữa, và cứ thế, chúng ta lờ đi, chối bỏ hoặc chống lại chúng và rồi gặp bế tắc.
Đã đến lúc ta thay đổi cách nhìn đối với công việc.
Đã đến lúc ta theo đuổi những giấc mơ mình từng trốn chạy. Đã đến lúc ta làm công việc mình yêu thích.
Đã đến lúc giải phóng mình khỏi bế tắc.
Đã đến lúc Làm lại từ đầu.
Chương 2
ĐIỀU CẦN LÀM TRƯỚC TIÊN
Tôi thường không đọc trọn vẹn một cuốn sách. Điều này quả là đáng xấu hổ, khi tôi đã chọn viết sách làm nghề của mình.
Kệ sách của tôi chất đầy sách và mỗi cuốn trong đó tôi chỉ mới đọc chừng 30 trang. Ngay cả những cuốn rất hay cũng có xu hướng chịu chung số phận này khi tôi gặp phải sự hối hả của cuộc sống. Thật tốt khi bạn đọc hết một cuốn sách, nhưng vẫn còn cả một thế giới đầy những điều tuyệt vời đang chờ bạn, như môn dù lượn chẳng hạn, vì vậy đừng phí phạm thời gian.
Nỗi sợ hãi và tính tự mãn sẽ nhanh chóng hình thành nên hai bức tường giữa bạn và Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp của bạn, nếu bạn quyết định Làm lại từ đầu. Bức tường đầu tiên là thái độ và bức tường thứ hai là sự kỳ vọng.
Nếu hôm nay bạn muốn có công việc tốt hơn, hãy xử lý cả hai bức tường đó.
Trong vòng 30 giây tiếp theo, tôi không thể dạy bạn một kỹ năng mới mà sếp bạn sẽ nhanh chóng bắt bài. Tôi không thể thay đổi phẩm chất của bạn trong đoạn văn kế tiếp. Một trang sách sẽ không thể đưa nhiệt huyết sôi nổi vào giấc mơ của bạn hay ấn định tất cả các mối quan hệ của bạn, nhưng nếu bạn muốn có một công việc tốt hơn ngay giây phút này, bạn hoàn toàn có thể làm được. Tất cả những gì bạn phải làm là lựa chọn thái độ và điều chỉnh kỳ vọng của bản thân.
Lưu ý là tôi không khuyên bạn “Thay đổi thái độ” đâu nhé. Việc đó có thể mất vài năm. Việc lựa chọn thái độ chỉ cần vài giây. Ngày mai, trong lúc làm việc, hãy lựa chọn thái độ tích cực. Hãy tránh thái độ chỉ trích. Đừng làm như thể bạn giúp đỡ người khác chỉ để thể hiện bản thân. Đừng phàn
nàn này nọ. Hãy khích lệ cổ vũ thành tích của đồng nghiệp. Hãy lựa chọn đối xử với khách hàng như với những siêu sao.
Hãy lựa chọn thái độ làm việc mỗi ngày để rồi cuối cùng thái độ sẽ lựa chọn bạn. Việc này không liên quan tới cảm giác hạnh phúc, cảm giác tận tâm với công việc hay cảm giác mình là một nhân viên tốt. Cảm giác là thứ dễ thay đổi nhất trên đời, góp phần vào sự bất thường của cả ngàn yếu tố. Cảm giác sẽ nói với bạn rằng nguyên một ngày của bạn đã hỏng bởi bạn đã thức dậy sai chỗ trên giường hoặc là lộ trình đi làm của bạn sáng hôm đó quá tệ. Đừng nghe theo cảm giác. Hãy tự lựa chọn, lựa chọn một thái độ tích cực. Đây là điều duy nhất bạn có thể làm ngay giây phút này để khiến sếp bạn kinh ngạc thực sự, để cải thiện các mối quan hệ công việc và gia tăng đáng kể lợi thế lâu dài của bạn với một công việc tuyệt vời.
Điều thứ hai bạn cần làm là điều chỉnh kỳ vọng của bản thân. Bạn kỳ vọng công việc sẽ đem lại cho bạn những gì? Chúng ta đều mang theo một danh sách dài những kỳ vọng bí mật và khi công việc không đáp ứng được những kỳ vọng ấy, chúng ta không còn hứng thú với công việc nữa. Bạn có muốn công việc hiện thực hóa những mong ước đầy sáng tạo của mình? Bạn có muốn công việc sẽ xoay quanh những giấc mơ và hy vọng của bạn không? Bạn có muốn đây sẽ là công việc cuối cùng của bạn không, vì thay đổi công việc thật sự rất phiền phức? Hãy dành ba phút để ghi lại những kỳ vọng của bạn đối với công việc. Và sau đó, dành thêm ba phút nữa để ghi lại những kỳ vọng thực sự vì trước đó bạn có thể đã ít nhiều tự lừa dối bản thân.
Tom Magliozzi, người đồng dẫn chương trình Car Talk của đài NPR, đưa ra lý thuyết rằng “Hạnh phúc = Thực tế – Kỳ vọng”, nhưng tôi không đồng ý. Nếu bạn phân tích kỹ ý kiến đó, ý nghĩa của nó là “Để hạnh phúc, bạn không nên có kỳ vọng”, nhưng như thế thì thật nực cười. Có kỳ vọng là có hy vọng, có ước mơ, có khát khao về một điều gì đó mà bạn muốn. Rõ ràng, việc dập tắt hy vọng của bản thân không phải là giải pháp cho thất bại trong công việc của chúng ta. Bí quyết của tôi không phải là loại bỏ kỳ vọng, mà là điều chỉnh chúng.
Hãy viết ra những kỳ vọng của bạn và tìm cho chúng ngôi nhà phù hợp. Bạn có thể có một số kỳ vọng phù hợp trong công việc. Bạn cũng có thể có nhiều kỳ vọng về những thứ khác, như là một nghề tay trái, một sở thích hay một công việc hoàn toàn khác. Tôi luôn muốn viết những tập thơ. Liệu có phải là một kỳ vọng đúng đắn hay không khi tôi đặt chúng lên vai vị sếp cuối cùng, Dave Ramsey, một bậc thầy về tài chính?
Khi thái độ hoặc kỳ vọng của bạn không còn phù hợp nữa, bạn sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn làm tê liệt hầu hết những cơ hội Làm lại từ đầu. Những kỳ vọng không được nói ra và không được đáp ứng khiến bạn có thái độ tiêu cực. Thái độ tiêu cực khiến bạn trở nên vô lý hơn khi đòi hỏi công việc phải đáp ứng những kỳ vọng của mình. Bạn mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn này và công việc thì ngày càng trở nên tệ hại.
Bạn cần một công việc tốt hơn ngay lúc này? Hãy lựa chọn thái độ và điều chỉnh những kỳ vọng của bản thân.
Yếu tố đầu tư thứ nhất CÁC MỐI QUAN HỆ
Những người bạn quen biết
Tôi xoay xở được là nhờ sự giúp đỡ của bạn bè.
— The Beatles
Tôi từng làm việc cho một công ty chấp nhận trả cho nhân viên 250 đô la nếu người đó giới thiệu được người vào làm và người này gắn bó với công ty hơn ba tháng. Công ty sẽ trả 2.000 đô-la nếu người được giới thiệu là một người lý tưởng và có triển vọng.
Họ làm vậy vì 2.000 đô-la là một khoản nhỏ để trả cho một nhân viên phù hợp. Một người không phù hợp luôn khiến công ty tốn kém hơn, đó là lý do vì sao Tony Hsieh, CEO của Zappos, đã ước tính rằng việc tuyển nhầm người khiến công ty này mất hơn 100 triệu đô-la. Tìm được người giỏi rất khó, và các công ty biết rằng cách nhanh nhất và dễ dàng nhất thường là thông qua mối quan hệ.
Khá lâu trước khi cụm từ “xâm nhập hệ thống máy tính” (hacking) trở nên phổ biến, thì thâm nhập mạng lưới tìm việc theo cách truyền thống là quen biết một ai đó. “Bạn biết gì không quan trọng, quan trọng là bạn quen ai”, nghe có vẻ sáo rỗng nhưng điều đó hiện vẫn đúng.
Các mối quan hệ đem đến cho bạn công việc tạm thời đầu tiên. Chúng đem đến cho bạn buổi phỏng vấn và cơ hội đầu tiên. Điều này đúng vì gần như không thể đánh giá phẩm chất hay nhiệt huyết của một người nào đó chỉ thông qua bản sơ yếu lý lịch. Những người đã từng bị sa thải vì bê bối trong công việc cũ có bản sơ yếu lý lịch tươm tất và trong đó tuyệt nhiên không nhắc đến “thiên hướng biển thủ tiền” hay “thường xuyên đi làm muộn, đặc biệt vào những ngày có cuộc họp quan trọng với khách hàng”. Khi căn cứ vào sơ yếu lý lịch, các kỹ năng thường dễ đánh giá hơn một chút nhưng ngay cả những yếu tố đó cũng có thể bị đánh bóng lên quá mức.
Các mối quan hệ cung cấp những đánh giá chính xác và nhanh nhất về một ứng viên. Nếu bạn tin tưởng Bob, nếu bạn biết được phẩm chất, các kỹ năng và nhiệt huyết của anh ấy, và anh ấy lại tiến cử một người khác,
nhiều khả năng bạn sẽ tin rằng người này có những phẩm chất giống Bob. Bob đã “đóng dấu tín nhiệm” của mình lên người này, đồng nghĩa với việc đặt uy tín của anh ấy vào tay người khác. Bob đã xem xét kỹ càng lý lịch cá nhân của người kia.
Các mối quan hệ không chỉ giúp bạn có được công việc mới, mà còn giúp bạn thăng tiến trong công việc hiện tại, vì chúng ta có xu hướng đấu tranh cho bạn bè nhiều hơn là cho những cái tên không quen trong danh sách ứng tuyển. Mặt khác, các mối quan hệ sẽ giúp bạn trong quá trình chuyển đổi công việc bị động, tiêu cực, chẳng hạn như khi bạn bị sa thải.
Chúng ta thường không chủ ý dành thời gian để xây dựng các mối quan hệ vì những lợi ích thu lại từ khoản đầu tư này không thể nhìn thấy ngay cũng như rất khó đo đếm được. Chúng ta có xu hướng tập trung vào những thứ thuộc tầm kiểm soát của mình, như kỹ năng và lòng nhiệt huyết chẳng hạn. Những người có nhiều mối quan hệ cũng vậy. Nhưng nếu các yếu tố khác trong Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp của bạn đạt mức cao và bạn không tập trung vào các mối quan hệ, bạn sẽ trở thành một ẩn sĩ trong công việc. Bạn làm việc chăm chỉ, đầy phẩm chất và kỹ năng, nhưng không gắn kết với bất cứ người nào, không có ai yêu quý bạn đủ để bảo rằng bạn không nên để ria mép kiểu Hitler trong một phim quảng cáo của hãng Hanes.
Đó có phải là những gì bạn muốn trong sự nghiệp của mình? Bạn có muốn lắc lư bộ ria mép vụng về nhất thế giới trong một bộ phim quảng cáo đồ lót? Tôi cũng không.
Trong phần này, chúng ta sẽ học được những ý tưởng quan trọng để củng cố các mối quan hệ trong công việc và xây dựng các mối quan hệ mới.
Chương 3
BẠN KHÔNG QUEN NGƯỜI BẠN BIẾT
Tốt hơn hết là bạn nên chơi với những người giỏi hơn mình. Hãy chọn lựa những người có cách hành xử khôn khéo hơn bạn và bắt chước họ.
— Warren Buffett
Con người ghét sự thay đổi.
Không chỉ về tình cảm, mà cả thể chất cũng vậy. Bộ não của chúng ta ghét sự thay đổi. Khi đứng trước sự thay đổi, có những phản xạ sinh học bùng lên trong trái tim và trí óc chúng ta giống như pháo hoa, dù ta không cố ý châm ngòi. Khi đối diện với sự thay đổi, phản ứng đầu tiên của ta là nhanh chóng đưa ra những lý do dập tắt sự thay đổi ấy.
Tôi quá già.
Tôi không có đủ tiền.
Việc đó quá mạo hiểm.
Trình độ của tôi không đủ.
Một người khác đã làm việc tương tự rồi.
Có những công việc còn tệ hại hơn công việc hiện tại của tôi. Tôi không có bất kỳ mối quan hệ nào có thể giúp đỡ tôi trong công việc.
Trong vài phút và thậm chí có thể là cả cuộc đời, chúng ta tìm cách củng cố những lập luận lý giải cho việc vì sao chúng ta không nên làm một
điều gì đó. Và có vẻ như đây là cách tiếp cận chúng ta dùng cho chính mình và cho cả những người khác.
Khi ta muốn một người bạn làm một công việc mà họ không muốn, câu đầu tiên mà ta đặt ra cho họ là gì?
“Tại sao anh/chị lại không muốn làm việc ấy?”
Đây là câu hỏi rất thường gặp, nhưng không may thay, đó lại là một câu hỏi sai.
Trong cuốn sách Instant Influence (tạm dịch: Ảnh hưởng tức khắc) của mình, Tiến sĩ Michael V. Pantalon nói rằng khi đặt cho ai đó một câu hỏi như thế, bạn đã vô thức gợi ý họ đưa ra các lý do vì sao họ không muốn làm công việc vừa được đề nghị. Câu hỏi như vậy như là một lời mời gọi cho sự chối bỏ và thậm chí còn khiến bạn “mua bực vào người”.
Khi bạn hỏi sếp rằng: “Tại sao tôi không thể làm việc tại nhà một ngày mỗi tuần?”, câu hỏi này không chỉ khiến vị sếp kia liệt kê ra những lý do bà ấy đã nói với bạn trước đó, mà còn khiến bà ấy nghĩ thêm ra vài lý do mới. Chúng ta không thể cưỡng lại việc sử dụng trí tưởng tượng của mình theo hướng tiêu cực khi chúng ta đặt ra một câu hỏi tiêu cực.
Giải pháp là hãy thử điều ngược lại. Thay vì khơi mào cho một cuộc tìm kiếm những câu trả lời chống lại một ý tưởng, hãy bắt đầu cuộc tìm kiếm những cơ hội. Trong ví dụ trên về vị sếp phản đối việc cho nhân viên có thời gian làm việc linh hoạt vào một ngày trong tuần, bạn nên nói: “Theo chị thì lý do tôi được phép làm việc tại nhà sẽ mang lại lợi ích gì cho công ty ạ?” Bạn không cần cả nghìn lý do, thay vào đó, bạn chỉ cần một điểm tựa tích cực cho điều mà bạn muốn xây dựng mà thôi.
Điều này sẽ đưa ta đến với bài học đầu tiên trong cuốn sách này.
BẠN SẼ THẤY ĐIỀU NÀY THẬT NGỚ NGẨN NHƯNG KHÔNG SAO CẢ!
Có cả triệu cách khiến bạn cảm thấy bế tắc trong công việc, nhưng tất thảy đều có một điểm chung, đó là sự sáng tạo bị ngưng trệ. Khả năng hy vọng, mơ ước và khát khao có một công việc tốt hơn của chúng ta bị tổn thương. Chúng ta vô hiệu hóa một phần bản thân mình, phần tin tưởng rằng thứ Hai tuần tới sẽ tốt đẹp hơn thứ Hai tuần này và thay vào đó là chấp nhận số phận.
Để bắt đầu Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp, chúng ta sẽ bắt đầu với các mối quan hệ và cần đến một tia hy vọng nhỏ nhoi nhất. Vấn đề là bạn không hiểu rõ những người bạn quen khi bạn cần tới các mối quan hệ liên quan đến công việc. Bạn sẽ có thể gọi tên năm người đồng nghiệp gần đây nhất, nhưng nếu tôi đề nghị bạn liệt kê ra những mối quan hệ bạn bè ngẫu nhiên mà bạn có trong hai công việc trước có thể giúp bạn, thì bạn sẽ bị bí.
Khi nhận ra chúng ta cần hơn năm người ngẫu nhiên cho việc này, suy nghĩ tiếp theo nảy ra trong đầu bạn là về kết nối mạng lưới (networking). Và chúng ta lại không xem trọng việc kết nối mạng lưới trong công việc. Hãy tưởng tượng ra một người giỏi giao thiệp trong một phòng họp của khách sạn, nơi mà bất cứ ai cũng có thể đặt danh thiếp vào tay bạn nếu bạn nhìn họ. Chúng ta ngay lập tức nhớ đến một người có thói quen lạm dụng kết nối mạng lưới mà chúng ta từng gặp, đồng thời cho rằng nếu đủ can đảm để cố gắng xây dựng những mối quan hệ công việc tốt hơn, ngay lập tức ta sẽ trở thành người giống họ.
Chúng ta biết rằng kết nối mạng lưới rất quan trọng và sẽ tự hỏi bản thân mình một cách xấu hổ rằng “Tại sao ta lại ghét kết nối mạng lưới đến vậy?” hoặc “Tại sao ta không biết bất kỳ ai có thể giúp ta trong công việc?” Ở điểm này, giống như Tiến sĩ Pantalon đã dự đoán, chúng ta sẽ bắt đầu đưa ra những lý do giải thích cho việc vì sao ta căm ghét kết nối mạng lưới đến vậy và vì thế ta trở thành người lạc lõng nhất trong công việc của mình.
Tôi đồng ý với bạn, hoạt động kết nối mạng lưới thật khủng khiếp. Bất cứ khi nào tham gia vào một bữa tiệc tối, nơi mọi người đều hồ hởi kết nối
với nhau, ngay lập tức tôi chuyển sự tập trung của mình vào một chú chó, và nếu chủ nhà không nuôi chó, tôi sẽ chuyên tâm vào việc thuyết phục họ nuôi một con.
Vì thế tôi đảm bảo với bạn, tới đây bạn sẽ không gặp phải hoạt động kết nối mạng lưới tồi đâu.
Điều tôi sắp sửa chia sẻ với bạn tập trung vào công việc của chúng ta. Có phải hầu hết những điều này có thể áp dụng được vào mọi mối quan hệ? Tôi nghĩ là có, nhưng đây không phải là cuốn sách về các mối quan hệ. Tôi thực sự sẽ làm tan nát hồ sơ hẹn hò trên mạng của bạn nếu bạn để tôi viết cuốn sách ấy, nên ở đây tôi sẽ không đưa ra lời khuyên về các mối quan hệ.
Và những bí quyết trong phần này sẽ không giúp bạn kiểm soát người khác để làm những việc bạn muốn. Chính hướng tiếp cận này là một phần lý do khiến nhiều người sợ phải chăm chút cho các mối quan hệ của họ. Đầu tư vào một mối quan hệ như thể thực hiện một dự án thiếu trung thực. Nhưng việc tin rằng có một mối quan hệ có chủ đích là hành động ích kỷ hoặc xảo quyệt chẳng khác nào tin rằng lười nhác vun đắp cho một mối quan hệ là việc làm khiêm nhường và có động cơ cao thượng. Chắc chắn là như vậy rồi. Nếu bạn đã kết hôn, khi vợ bạn bị tổn thương do bạn không biết làm cho cô ấy vui và không lên kế hoạch cho lễ kỷ niệm ngày cưới, hãy cho cô ấy biết rằng bạn không muốn kiểm soát hoàn cảnh đó. Và hãy kể cho tôi sự việc xảy ra sau đó như thế nào nhé.
Thay vì kết nối mạng lưới hay kiểm soát ai đó, chúng ta chỉ cần đặt ra một câu hỏi rất đơn giản. Chúng ta tạm thời ngưng hoạt động phần đó, phần muốn ngay lập tức tuyên bố rằng: “Tôi không biết ai có thể giúp tôi. Tôi không có bạn bè. Tôi không có bất cứ mối liên hệ nào. Tôi sống cô lập ở một nơi tách biệt và mua cà phê qua mạng để tránh tương tác với người khác.”
Hãy tạm ngưng trong một phút và trả lời câu hỏi sau đây: Ai là người có thể giúp tôi khi tôi Bắt đầu công việc lại từ đầu?
Hãy viết tên của người đó dọc theo lề của trang sách này.
Không phải bạn đã nhớ ra một cái tên sao? Việc đó không quá khó khăn. Và thực tế, đó chỉ là bí quyết của nguyên lý tảng băng trôi, bởi bạn biết nhiều người hơn bạn nghĩ.
NHỮNG TỜ GIẤY NHỚ
Nếu bạn ghé thăm nhà Acuff trong thời gian tôi viết cuốn sách này, bạn sẽ ngạc nhiên khi vào phòng ăn. Nó thường khá gọn gàng, nhưng trong ba tháng này, nó không khác gì cái ổ của một nhà khoa học điên khùng. Tôi đã viết giấy ghi chú và dán khắp tường.
Tôi không bắt đầu theo cách này. Ban đầu, tôi làm mọi việc trên máy tính xách tay, cố gắng phác thảo mọi thứ trong một trang Word. Lúc đầu mọi chuyện vẫn ổn, nhưng càng bổ sung chi tiết vào bản phác thảo, tôi càng thấy việc duy trì chúng trở nên khó khăn hơn. Tôi không thể nhanh chóng tìm ra những gì đã ẩn đi trong Chương 3 hoặc hiểu Chương 6 sẽ giải quyết vấn đề như thế nào. Thật là nản khi cứ cuộn chuột lên xuống và đặt các ý tưởng sai chỗ. Cuối cùng, có lẽ là sau cuộc thảo luận rối rắm lần thứ 50 của chúng tôi, Jenny vợ tôi cảm thấy chán nản. Cô ấy lấy thứ gì đó từ ngăn tủ bếp xuống, ném nó lên bàn như thể chúng tôi đang chơi domino và nói: “Đấy!”
Tôi nhìn lên bàn và cười, những tờ giấy nhớ.
Đương nhiên, ta sẽ luôn quay về với những tờ giấy nhớ. Chúng tôi đã sử dụng những tờ giấy nhớ để đạt được sự sáng suốt khi cần đưa ra quyết định quan trọng nhất trong đời suốt nhiều năm.
Nếu bạn cần phác thảo một thứ gì đó thì chẳng có công cụ nào tốt hơn những tờ giấy nhớ.
Các nhà lý luận vĩ đại trên thế giới luôn biết điều này. Người thượng cổ luôn vẽ lên tường vì một lý do duy nhất, họ không có những tờ giấy nhớ.
Đây cũng không đơn giản là phép ngoa dụ đầy mánh khóe, mà có rất nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy việc viết ra những ý tưởng và quan sát chúng quan trọng đến nhường nào. “Viết lách kích thích các tế bào ở đáy não, hay hệ thống kích hoạt dạng lưới (RAS). RAS chọn lọc các thông tin đầu vào và gán tầm quan trọng cao hơn cho một số thông tin so với những thông tin khác”. Chúng ta dành 40 giờ đồng hồ mỗi tuần cho công việc, vì thế chúng ta nên để não bộ tập trung, theo cách hiệu quả nhất có thể, vào những ý tưởng mà ta sắp sửa thảo luận sau đây.
Nếu chưa bao giờ thực hiện bài tập này, bạn nên dành cho chương này một chút tin tưởng. Tôi biết rằng việc này thật lạ và tôi hứa sẽ không đọc hết cuốn sách Beautiful Mind (Một tâm hồn đẹp) với bạn, hay yêu cầu bạn mua một sợi dây để nối những tờ giấy nhớ.
Tôi cũng cần bạn tạm quên đi nỗi sợ hãi đang lớn dần lên lúc này. Nỗi sợ hãi sẽ thì thầm với bạn rằng: “Ngươi không thể làm bài luyện tập kiểu này đâu vì ngươi thậm chí còn không biết ngươi muốn làm gì với cuộc đời mình.” Nó sẽ còn nói với bạn nhiều lần rằng: “Ngươi chăm chút cho các mối quan hệ để làm gì nếu ngươi không có ước mơ hay kế hoạch nghề nghiệp?” Bạn cần biết rằng câu hỏi đó là một lời nói dối.
Nếu không biết chính xác bạn muốn làm gì với cuộc đời mình, thì bạn cũng giống tôi. Tôi cũng không biết. Tôi muốn khiến mọi người cười và suy ngẫm. Thật là mơ hồ phải không? Nhưng bạn biết không, tôi biết làm cách nào để dành nhiều thời gian hơn cho việc này trong vòng năm năm qua bằng việc sử dụng Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp, và bạn cũng sẽ làm được.
Hãy tập trung vào Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp mặc dù bạn không biết bản thân muốn trở thành người như thế nào khi trưởng thành. Không, hãy quên từ “mặc dù” đi, bạn cần tập trung vào nó bởi bạn chưa biết về nó. Nếu không củng cố các mối quan hệ, học hỏi những kỹ năng mới, tạo dựng phẩm chất và khuếch trương nhiệt huyết, bạn có nghĩ rằng bạn sẽ dần biết được điều mình muốn làm trong đời và hơn thế nữa không?
Hãy cầm lấy một xấp giấy nhớ, hoặc ít nhất là một phần tư tờ giấy khổ A4.
Nếu bạn không có một cây bút, hãy đến một buổi ký tặng sách. Ở đó, bạn sẽ nhận được những món đồ này miễn phí. Tôi đã từng đứng ở một buổi ký tặng sách như vậy, chờ đợi ai đó mua sách của tôi trong tuyệt vọng. Tôi đã phấn khởi vô cùng khi một người đàn ông tiến đến bàn tôi. Tôi nóng lòng kể câu chuyện tôi đã viết sách như thế nào để thay đổi vĩnh viễn cuộc đời ông ấy. Thay vào đó, ông ấy hỏi: “Mấy cây bút này miễn phí đúng không?” khi nhìn về phía bộ sưu tập bút viết tôi mang theo để ký tên vào sách. Tôi ngẩn người và nói: “Vâng, tất nhiên”. Ông ấy bốc một nắm bút và bỏ đi. Tôi vừa chỉ cho bạn một cách để xin bút miễn phí – bạn không cần cảm ơn tôi đâu.
Chúng ta đã nhuần nhuyễn bài tập “Tôi có quen biết ai không”, đã đến lúc ta đào sâu thêm chút nữa. Lý do chúng ta làm việc này là để củng cố các mối quan hệ trong công việc và chúng ta phải biết mình là ai trong mối quan hệ đó. Trong những phần sau của cuốn sách, chúng ta sẽ tham khảo những thẻ ghi chú này. Trong phần nói về các kỹ năng, khi chúng ta cần một người cộng sự đáng tin cậy hỗ trợ chúng ta học một kỹ năng mới, việc lựa chọn sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu chúng ta rút ra một tấm thẻ từ xấp thẻ ghi chú.
Hãy trả lời các câu hỏi sau, bắt đầu từ những mối quan hệ thân thiết nhất, đến những mối quan hệ bình thường nhất, hãy viết tên một người lên mỗi thẻ. (Tôi dám chắc bạn sẽ nhân đôi, nhân ba, thậm chí là nhân năm kết quả của bài luyện tập đầu tiên.)
1. Trong số những người bạn quen biết, ai là người am hiểu về các vấn đề trong công việc?
Ai là quân sư của bạn trong cuộc sống? Người này là người mà những thành viên khác trong hội bạn của bạn có xu hướng cầu cứu để xin lời khuyên trong công việc. Ai là người vượt trội trong công việc và có khả năng giúp đỡ bạn? Tôi thích việc bạn có một người bạn khôn khéo trong vấn đề hôn nhân. Tôi cá là anh này có râu quai nón. Điều đó rất tuyệt, nhưng tôi không thực sự quan tâm đến anh ta trong tình huống của cuộc đối thoại này. Trừ khi anh ta là một người có sức ảnh hưởng, tôi muốn bạn tập trung tìm kiếm những người sáng suốt trong các vấn đề công việc, cho dù ngành nghề của họ là gì đi nữa.
2. Tôi đã làm việc cùng với ai?
Ngay bây giờ, bạn hãy viết ra tên của những người cùng làm việc với bạn trong vòng năm đến mười năm qua. (Bạn đừng lấy cuốn danh bạ của công ty và bắt đầu chép tên của từng nhân viên trong công ty sang đấy nhé. Chỉ liệt kê những người đã làm việc với bạn với tư cách cá nhân thôi.) Nếu bạn vẫn còn học đại học và chưa chính thức đi làm toàn thời gian, hãy viết ra tên của những đồng nghiệp khi bạn làm thêm và tên của những giáo viên dạy bạn. Mỗi tên một thẻ. Làm đi.
3. Người nào tôi biết là có sức ảnh hưởng?
Mỗi người đều chịu ảnh hưởng từ một người khác trong cuộc đời. Người này không nhất thiết phải có sức ảnh hưởng trong công việc bởi vì bằng câu hỏi này, tôi muốn mở rộng vòng tròn của những cái tên bạn đang viết ra. Hãy nghĩ thoáng ra một chút cho câu hỏi này. Ví dụ, hãy giả sử như bạn muốn làm công việc quản lý xây dựng. Ước mơ của bạn là xây dựng nên những tổ ấm. Bạn lướt qua phần các mối quan hệ trong Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp của mình và nhanh chóng nhận ra bạn chẳng quen ai là thợ xây cả. Nhưng thợ sửa ống nước thì sao? Thợ điện thì sao? Người cung cấp dịch vụ cho các nhà thầu, người mua sắm tại cửa hàng đồ gia dụng địa phương thì sao? Có thể bạn sẽ không trực tiếp quen ai đó làm trong ngành quản lý xây dựng nhưng bạn có thể biết những người có liên hệ với họ, đó là những người có sức ảnh hưởng. Có thể một người bạn của bạn là người liên kết, người đó chỉ đơn giản là người quen biết những người bạn cần. Họ có trực tiếp tham gia vào ngành xây dựng không? Không, nhưng bạn vẫn nên liệt kê tên họ như là một người có ảnh hưởng. Chúng ta sẽ không hướng đến việc xây dựng một vòng tròn các mối quan hệ, mà là nhiều vòng tròn như thế.
4. Ai trong số những người tôi quen đang sở hữu một doanh nghiệp?
Tôi cho rằng những người này có thể được xếp vào cột những người có ảnh hưởng nhưng tôi đã cố tình xếp họ riêng ra một nhóm. Đừng chỉ liệt kê những doanh nghiệp liên quan đến công việc hiện tại của bạn vì chúng ta đang mở rộng tìm kiếm để tìm những mối liên kết. Hãy liệt kê bất kỳ và toàn bộ những người chủ doanh nghiệp mà bạn biết. (Không phải “biết” theo kiểu người đó là bạn thân của bạn, mà “biết” theo kiểu bạn đã ít nhất một lần có sự tương tác với người này.) Trong danh sách của mình, tôi sẽ kể tên Dan Banks, người sở hữu tiệm 9 Fruits, một tiệm sinh tố trái cây ở gần nhà tôi. Có phải tôi đang trông đợi được nhận vào một doanh nghiệp mà ở đó tôi pha chế đạm sữa với những thứ đồ khác nhau? Không hẳn là như thế, nhưng những chủ doanh nghiệp này thường có xu hướng quen biết những chủ doanh nghiệp khác. Và họ lại quen biết với rất nhiều
khách hàng nữa. Cơ hội đến từ một khoảng cách rất nhỏ giữa anh Dan này và một công ty khác, phù hợp hơn với năng lực của tôi.
5. Trên mạng, ai là người tôi dõi theo và có vị trí công việc mà tôi mơ ước?
Năm 2011, tôi tham dự một sự kiện mà ở đó, một người rất nổi tiếng đã diễn thuyết về mạng Internet thay vì một câu chuyện rất hay được chọn trước đó. Ông ấy ca tụng những lợi ích dễ thấy của mạng Internet một cách chán ngắt khi nói những câu như “Bạn có thể xem thông tin thời tiết trên Internet và báo cáo thị trường chứng khoán.” Việc này hết sức vô ích. Vì vậy, tôi sẽ tiết kiệm những giây phút khó chịu ấy bằng cách không bảo cho bạn biết tất cả những người tuyệt vời mà bạn có thể kết nối bằng công cụ được gọi là World Wide Web này. Nhưng bạn nên biết điều này, những người nổi tiếng trong các ngành nghề bạn quan tâm sẽ đưa bạn quay về cộng đồng nghề nghiệp trên mạng xã hội Facebook, có cả một trang chủ gồm những liên kết tiềm năng đang chờ đợi bạn trên mạng. Bạn có biết cố vấn kinh doanh Jim Collins không? Bạn không biết, nhưng bạn có thể học trực tuyến từ ông ấy và thậm chí có thể nhận được tin phản hồi đầy hữu ích, ngay cả khi bạn không phải là một chuyên gia truyền thông xã hội. Bạn có thể đấy. Để có được Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp lớn nhất, tốt nhất, quan trọng là bạn phải sử dụng truyền thông xã hội tốt nhất có thể. Truyền thông xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc làm thế nào tôi có thể tạo nên các liên kết để rồi cuối cùng đưa đến hàng tá cuộc nói chuyện thảo luận công việc. Đừng sợ phải viết lên một vài tấm thẻ tên của một vài người mà bạn đang dõi theo trên mạng. Hãy nhớ, chúng ta bắt đầu với những mối quan hệ thân thiết, và bây giờ chúng ta đang ở tận cùng của chuỗi những mối quan hệ thông thường.
6. Mối quan hệ thông thường nào tôi bỏ quên nhưng có khả năng ảnh hưởng đến nghề nghiệp?
Tôi không quan tâm hiện tại bạn đang có bao nhiêu tấm thẻ trước mặt, chắc chắn bạn vẫn bỏ quên một ai đó. Hãy học hỏi nhiều hơn ngay cả ở khía cạnh mà bạn đang sở hữu quá nhiều. Hãy làm điều mà Curt
Anderson đã làm. Ông là một nhạc sĩ và không quen biết nhiều người ở Nashville khi mới chuyển tới đó, nhưng chỉ sau vài tháng, ông ấy đã có thể cùng viết nhạc với một người đã từng giành nhiều giải Grammy. Bạn nghĩ rằng sự tương tác này xuất phát từ người quản lý của ông ấy hoặc một mối liên kết nào đó của ông ấy trong ngành này? Không hề. Người cộng tác với Curtis là một ông bố dẫn con mình đến hồ bơi, và Curtis lại là nhân viên cứu hộ ở hồ bơi đó. Sự việc đó tiến triển thật quá đỗi bình thường.
Phát triển danh sách đó như thế nào?
Đừng cố gắng làm việc đó một mình hay chỉ làm một lần. Hãy thoải mái lướt Facebook, Twitter hoặc thậm chí là một cuốn sổ ghi địa chỉ đã cũ. Hãy đi cà phê với một người hiểu bạn và hỏi họ sáu câu hỏi về cuộc đời bạn như trên. (Hãy viết những câu hỏi đó vào một cuốn sổ thay vì thẻ ghi chú và cho người khác xem những tấm thẻ sau, nếu không người ta sẽ nghĩ bạn thật kỳ quặc.)
Nhiều khả năng là danh sách của bạn sẽ dài hơn bạn dự đoán. Chúng ta thường có xu hướng quen biết nhiều người hơn chúng ta nghĩ. Nếu không phải như vậy thì cũng đừng lo lắng, có thể bạn đã quá cứng nhắc khi trả lời các câu hỏi trên. Hãy quay lại và nới lỏng các câu trả lời của bạn. Hãy cố gắng tìm các mối quan hệ tự nhiên hơn nhân viên cứu hộ ở phòng tập gym của bạn.
Bạn có thể nhân đôi danh sách ban đầu của mình không, danh sách mà chỉ gồm một người ấy? Hoàn toàn có thể vì nguyên tắc đầu tiên của các mối quan hệ là bạn không quen người mà bạn biết.
Dù gì thì bạn cũng đã hoàn thiện bài tập này, có nghĩa là bạn có thể bắt đầu làm một điều gì đó và tận dụng các thẻ ghi chú.
GHI NHỚ
• Các mối quan hệ đem lại cho bạn công việc tạm thời đầu tiên.
• Bạn không quen người mà bạn biết trừ khi bạn chủ ý dành thời gian tập trung vào các mối quan hệ.
• Các nha sĩ nói: “Chỉ làm sạch kẽ của những chiếc răng bạn muốn giữ.” Tương tự, câu nói này cũng đúng với các mối quan hệ, chỉ đầu tư vào mối quan hệ mà bạn muốn duy trì.
Chương 4
HÃY CHO KẺ THÙ CỦA BẠN THỨ HỌ CẦN NHẤT
Nếu ôm ghì một người đang chờ đợi một cái bắt tay là một môn thi đấu Olympic thì tôi sẽ đoạt huy chương vàng. Với tư cách là một diễn giả trước công chúng, tôi thường phải định hướng cho cử chỉ đầy ngượng nghịu này và cho dù tôi bắt tay hay ôm xã giao, người kia sẽ nghĩ theo hướng ngược lại.
Hành động bắt tay hay ôm xã giao vốn không thoải mái gì, nhưng điều đó chẳng là gì so với chuyện sẽ xảy ra nếu ta trao nhầm thứ gì đó trong một mối quan hệ. Đó là điều mà tất cả mọi người đều trải qua. Một người bạn thân đã từng thú nhận tình cảm bất diệt dành cho một cô gái mà anh ấy quen biết trong nhiều năm và để đáp lại anh, cô ấy nói: “Cảm ơn anh rất nhiều vì đã cho em biết điều đó!” như thể lời thú nhận của anh ấy giúp cô tiết kiệm tiền truyền hình cáp hằng tháng vậy.
Thách thức đặt ra là bạn không thể đáp ứng được những điều mà một mối quan hệ cần trừ khi bạn biết được đó là kiểu quan hệ gì. Không may thay, theo chủ ý của chúng ta, các mối quan hệ công việc gần như không phức tạp như các mối quan hệ cá nhân. Vào thời điểm này, Facebook có 11 kiểu quan hệ khác nhau dành cho người dùng. Đối với công việc, về cơ bản chỉ có ba loại mà bạn sẽ gặp trong sự nghiệp của mình.
ĐỊNH NGHĨA KẺ THÙ
Kẻ thù là người hăng hái làm những việc chống lại ước mơ của bạn. Từ “hăng hái” có thể mang nghĩa là họ công khai chỉ trích ước mơ của bạn, công kích nó hoặc làm bạn nản lòng. Kẻ thù không nhất thiết là người căm ghét ước mơ của bạn. Họ có thể là người lôi kéo bạn đi ăn uống chơi
bời vào những đêm mà bạn thề là sẽ làm việc. Liệu họ có tự coi mình là “kẻ thù” của bạn hay không? Không. Thậm chí họ còn tự coi mình là bạn bè của bạn, nhưng kết quả thì chỉ có một. Sự hiện diện của họ tấn công vào những điều bạn đang cố gắng đạt được trong công cuộc Làm lại từ đầu của mình.
BẠN BÈ NGẪU NHIÊN
Một người bạn ngẫu nhiên là người ý thức được quá trình Làm lại từ đầu trong công việc của bạn, họ lấy làm mừng và sẵn lòng cổ vũ cho bạn trên suốt chặng đường ấy. Những người bấm “Like” trên Facebook của bạn khi bạn cập nhật thông tin tìm việc là những người bạn. Người cùng uống cà phê với bạn trong phòng nghỉ là bạn của bạn. Người hàng xóm hỏi thăm bạn về tình hình công việc ở công ty mới cũng là bạn của bạn. Tất cả những người nhắn tin cho tôi trong suốt quá trình Làm lại từ đầu mới đây cũng là bạn. 95% các mối quan hệ của bạn sẽ đạt đến mốc này vì kiểu bạn bè như thế này có thể tiến triển từ quan hệ quen biết một cách ngẫu nhiên thành bạn thân.
NGƯỜI ỦNG HỘ
Người ủng hộ là người đặc biệt giúp đỡ bạn trong việc định hình đường hướng sự nghiệp. Người đó là cơ phó trong quá trình bạn Làm lại từ đầu. Họ tập trung vào làm hàng tá việc, trong thời gian dài, và họ là một phần trong sự nghiệp của bạn. Những người này hiếm gặp, cũng giống như hổ trắng vậy, nhưng không quá hiếm gặp như lời của những nghệ sĩ xiếc, những ông chủ của hổ trắng. Người ủng hộ có thể là người bạn đời, người cố vấn nhiều kinh nghiệm hoặc đối tác kinh doanh. Tùy vào độ sâu sắc của các mối quan hệ, bạn sẽ có một số lượng những người ủng hộ tối thiểu nhất nhưng họ sẽ có ảnh hưởng lớn nhất đến quá trình Làm lại từ đầu của bạn.
Hầu hết những người bạn gặp trong suốt sự nghiệp của mình có thể xếp vào một trong ba nhóm trên. Và bạn sẽ không dễ bị nhầm lẫn những nhóm người ấy. Hãy để dành lại một nhóm để cứu vãn tình huống mà bạn có thể bất ngờ bị “đâm” sau lưng, để đến giữa đoạn đường sự nghiệp bạn
sẽ không phải thốt lên: “Sheila vừa là người ủng hộ thân cận vừa là kẻ thù quyết liệt nhất của tôi. Hãy xem ngày thứ Hai sẽ như thế nào.”
Ngay bây giờ, bạn nên nhìn nhận lại tất cả các mối quan hệ bạn đã có ở chương trước và xếp chúng vào những nhóm phù hợp. Việc này sẽ dễ dàng thôi nếu bạn đã viết những mối quan hệ công việc của bạn vào thẻ ghi chú. Đơn giản bạn chỉ vẽ một đường thẳng trên một tờ giấy, viết tên kiểu quan hệ “Kẻ thù, Bạn bè ngẫu nhiên và Người ủng hộ” vào ba điểm khác nhau, sau đó đặt những tấm thẻ bên dưới mỗi nhãn tên phù hợp. Nếu bạn viết một danh sách thay vì sử dụng thẻ ghi chú, hãy xem xét kỹ mỗi cái tên và nhanh chóng viết loại quan hệ bên cạnh. Nếu bạn không làm theo cả hai cách này, tại sao bạn lại ghét tôi và công việc của bạn đến vậy? Hãy đọc lại và thực hiện bài tập này ngay cả khi bạn cảm giác giống như đang ăn món cải xoăn bạn ghét cay ghét đắng vậy. Tôi ủng hộ bạn. Tôi cũng ghét cải xoăn. Ăn những lát cải xoăn có vị giống hệt như đang ăn những trang sách truyện bị đốt cháy vậy.
Chúng ta vừa nhận diện một số mối quan hệ hiện tại của bạn và phân loại chúng. Chúng ta hãy cùng mổ xẻ từng nhóm và bắt đầu với nhóm tệ nhất trước.
KẺ THÙ
Tôi có thói quen nói chuyện với tài xế taxi khi đi đây đi đó. Nếu tôi học được điều gì đó từ truyền hình thì 87% là từ những chương trình truyền hình thực tế. Một buổi chiều nọ, một người tên Raid Naji Hadab đón tôi tại sân bay Hobby ở Houston.
Sau khi rời khỏi Iraq, cả nhà anh ấy đã sống ở Texas được năm năm. Suốt cuộc nói chuyện ngắn giữa chúng tôi, tôi hỏi anh ấy xem anh có bao giờ quay về quê hương để gặp lại gia đình không. Anh nói rằng anh không thể về vì Al Qaeda đang cố tìm giết anh. Đó không phải là câu trả lời tôi mong đợi.
Sau khi làm phiên dịch cho người Mỹ ở Baghdad, anh bị quy là kẻ phản bội. Trong khoảng thời gian bảy năm, gia đình anh đã phải chuyển chỗ ở
sáu lần quanh thành phố vì bị dọa giết. Cuối cùng anh cũng lấy được thị thực nhập cảnh sang Mỹ, lúc đó anh đã để vợ và các con đi một xe riêng tới sân bay. Còn anh ngồi nhà chờ đợi trong 15 phút và sau đó tự lái xe đi. Tại sao? Anh lo lắng ai đó sẽ ám sát mình khi đang cố gắng trốn khỏi quê nhà. Nếu anh chết, anh muốn đảm bảo rằng gia đình mình sẽ không bị giết trong làn đạn ấy.
Raid có những kẻ thù thực sự, và điều đó khiến tôi khó chịu vì nó khiến tôi nghĩ rằng mình không có kẻ thù. Trước khi Raid kể câu chuyện của mình, tôi định kể cho anh ta nghe câu chuyện của tôi về một người lạ trên Twitter. Ảnh đại diện của anh ta là bức hình ở trần, râu đã cạo, da rám nắng và trông có vẻ say xỉn. Một lần, tôi để dòng trạng thái trên Twitter rằng lần tới tôi sẽ đến Seattle cùng với cả gia đình và người lạ mặt này đã phản hồi rằng: “Thứ duy nhất anh đang mang theo là sự sợ hãi.” Đánh giá của anh ta về sự sợ hãi của tôi thật khó hiểu. Tôi toan đáp lời nhưng vợ tôi đã ngăn lại. Khi vợ tôi không còn trên thế giới này nữa, chắc tôi sẽ xuất bản cuốn sách với nhan đề “Những điều kinh khủng mà vợ tôi sẽ không để tôi trả lời trên Twitter.” Sách sẽ được bày bán trong những chiếc xe cút kít tưởng niệm vì có thể sẽ mất một khoảng thời gian dài để trao đến tay những kẻ thù đáng gờm mà tôi phải đối mặt, như anh chàng Raid kia.
Thật may là không ai cố giết bạn khi bạn làm công việc hiện tại. Nếu họ định làm thế, bạn hãy đọc sách về võ tự vệ Krav Maga, chứ không phải cuốn này.
Có thể bạn chẳng xếp một người nào vào nhóm kẻ thù cả. Phần vì trong chương trước chúng ta cố gắng tìm những người sẽ giúp đỡ ta trong quá trình Làm lại từ đầu. Bản chất của vấn đề này đã ngăn cản ta nghĩ ra quá nhiều kẻ thù cho mình.
Nhưng ngay cả khi bạn không có cái tên nào trong nhóm này, một ngày nào đó bạn cũng sẽ gặp người gây khó khăn cho bạn trong quá trình chuyển đổi công việc. Vì vậy, hãy tìm cách để đối phó với họ.
Tin tốt nhất, tin sẽ khiến bạn cảm thấy nhẹ nhõm đôi chút, đó là nhóm này không quan trọng.
Thứ hay nhất để trao cho kẻ thù là khoảng cách.
Trừ khi người được bạn đưa vào nhóm này là bạn đời của bạn hoặc một thành viên thân thiết trong gia đình, tôi khuyên bạn hãy phớt lờ nhóm này đi. Cố gắng biến kẻ thù thành những người ủng hộ hay thậm chí thành bạn bè là một trong những cách lãng phí thời gian ngu ngốc nhất. Đôi khi bạn phải cắt đứt quan hệ, ngay cả khi đó là một thành viên trong gia đình.
Đối với hầu hết kẻ thù của bạn, hãy cứ phớt lờ họ đi.
Vấn đề là chúng ta thường không làm như vậy. Kẻ thù đeo bám chúng ta. Những người đáng được chúng ta dành cho ít thời gian và sức lực nhất lại có xu hướng nhận được nhiều những điều ấy nhất. Vì vậy lời khuyên đơn giản rằng “Hãy bỏ qua và tiến lên” là một lời khuyên rỗng tuếch. Bởi vì bạn sẽ không làm như vậy và tôi cũng thế. Tôi để bức hình của anh chàng trên Twitter nọ vào trong một cuốn sách! Thật khó khăn để tạo khoảng cách với kẻ thù của ta, ngay cả khi trong sâu thẳm, chúng ta đều biết rằng đó là những gì ta cần làm.
Vậy ta phải đối phó như thế nào với những kẻ thù của mình? Tôi có một số ý tưởng sau.
THU HẸP KHÁI NIỆM “KẺ THÙ”
Điều đầu tiên bạn phải làm với nhóm kẻ thù đó là đưa ra một định nghĩa đúng. Nhắc lại, kẻ thù là người chủ động chống lại thành công của quá trình Làm lại từ đầu. Một người lạ nhắn một điều không hay trên Twitter hay một người bạn bình luận về bạn với những lời miệt thị không thực sự là kẻ thù. Thật khó để kết luận rằng họ chủ động chống lại bạn chỉ vì nói một điều gì đó, họ có thể là một kẻ ngốc.
Giữa kẻ thù và kẻ ngốc cũng có sự khác biệt. Kẻ ngốc luôn luôn là kẻ ngốc đối với tất cả mọi người. Kẻ thù là người chỉ tập trung vào những bước chuyển không đúng lúc của bạn. Nếu một trong những cộng sự của bạn rất khó làm việc cùng, nhưng với ai họ cũng như vậy, thì họ không phải kẻ thù của bạn. Họ là những người gây khó chịu cho bạn, nhưng
không gây hại gì. Có những người rất khó chịu. Chúng ta vẫn phải làm việc với họ và nếu xếp họ vào nhóm kẻ thù thì chúng ta càng gặp khó khăn hơn. Nếu bạn xem mọi người là đối thủ thì bạn gần như không thể nào có mối quan hệ công việc tốt đẹp với họ.
Văn phòng chắc chắn là nơi đầy những “kẻ bon chen” nhưng có phải tất cả bọn họ đều là kẻ thù không? Đa số bọn họ ích kỷ và chỉ tập trung vào sự thăng tiến của bản thân, chứ không phải là sự suy sụp của bạn. Nếu định nghĩa kẻ thù của bạn quá lỏng lẻo và về cơ bản chỉ là “bất cứ ai từng khiến tôi bực bội,” thì công việc của bạn sắp trở nên khổ sở rồi. Nếu bạn vẽ tất cả mọi người bằng chiếc cọ to lớn mang tên kẻ thù, chắc chắn bạn sẽ ghét công việc đó. Nhưng hãy thành thật đi, có phải trong công việc, bạn gặp toàn kẻ thù hay bạn chỉ đơn giản là đang mang kính bảo hộ mang tên kẻ thù?
ĐỪNG TÌM KIẾM KẺ THÙ
Chúng ta thích kẻ thù vì một lý do đơn giản. Họ xác nhận những nỗi sợ hãi bên trong chúng ta.
Đa phần chúng ta, khi đối diện với một quá trình Làm lại từ đầu trong công việc, sẽ có những hoài nghi. Chúng ta sẽ lo lắng, băn khoăn và sợ hãi về việc xây dựng Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp. Trong màn sương mịt mờ ấy, chúng ta bí mật hy vọng tìm ra được ai đó xác nhận nỗi sợ hãi tệ hại nhất của mình. Đó là lý do vì sao sự khổ sở thích đồng hành với bạn đến vậy.
Nếu tôi có thể tìm được ai đó đồng tình với tất cả những điều tiêu cực tôi cảm nhận về bản thân và về quá trình Làm lại từ đầu thì tôi sẽ không phải thực hiện việc ấy nữa. Việc bạn có thể nhận diện một kẻ hay ghen ghét thực sự là một sự khuây khỏa. Việc ấy giống như khi nỗi sợ hãi trong bạn lên tiếng: “Thấy chưa! Đó là người thứ hai cảm thấy ngươi không thể làm được. Giờ ta nhất trí nhé! Ngươi phải từ bỏ!”
Nếu bạn đã sống như vậy đủ lâu, bạn chỉ chực chờ gặp đúng kẻ thù và nỗi sợ hãi trong bạn phát tác để cướp cò súng, đừng như vậy. Hãy bỏ súng
xuống. Hãy ngừng tìm kiếm kẻ thù.
SO SÁNH INTERNET VÀ ĐỜI SỐNG THỰC
Nơi bạn nhận được những chỉ trích thường xuyên nhất là trên mạng. Một người mà bạn không biết rõ sẽ nói điều gì đó tiêu cực về cuộc sống của bạn. Họ bình luận và bằng cách nào đó khiến bạn bị tổn thương. Và bạn đón nhận điều đó. Bạn chấp nhận điều đó, nghĩ về nó và có thể bị ám ảnh về nó.
Sau này, mỗi khi nghĩ đến việc làm bất cứ điều gì, bạn lại suy xét và nhớ lại những lời của người đó. Đó chính là sức mạnh của Internet. Nếu người đó bước vào phòng bạn và nói ra những lời bình luận trên mạng trước đó, bạn sẽ cười nhạo để đuổi họ ra khỏi phòng. Họ là ai mà bảo bạn phải sống như thế nào? Họ thậm chí còn không quen bạn ấy chứ.
Đó chính là vấn đề, chúng ta không bao giờ đối xử với truyền thông xã hội như cách chúng ta đối xử với cuộc đời mình. Khi một người chê bai cả cuộc sống của bạn chỉ vì một điều gì đó mà bạn đăng lên Facebook, chẳng khác gì một người lái xe ngang qua nhà bạn và hét lên từ trong xe: “Sân nhà anh thật là kinh khủng, tôi cá là tâm hồn anh cũng y như thế!”
Bạn đừng nghe người đó. Hãy nghĩ: “Ôi gã này bị điên rồi. Ai mà lại đi hét vào mặt người lạ những điều không tốt chứ?” Nhưng ở trên mạng thì chúng ta hành xử như thể mình biết người đó. Hãy áp dụng “Bộ lọc cuộc sống thực”, phần lớn những kẻ chỉ trích trên mạng sẽ biến mất.
HẦU HẾT KẺ THÙ ĐANG LA HÉT ĐIỀU GÌ?
Vậy là chúng ta đã xác lập được hai điều:
1. Có lẽ bạn có nhiều kẻ thù hơn bạn nghĩ.
2. Nếu những kẻ thù trên mạng xuất hiện trong đời sống thực của bạn, bạn sẽ phớt lờ họ đi.
Nhưng còn những kẻ thù ngoài đời thực thì sao? Chúng ta làm gì với những người bạn, cộng sự hay thành viên trong gia đình đang chống lại sự thành công của quá trình Làm lại từ đầu của bạn đây? Việc trước tiên là bạn phải biết được họ là những kẻ ngốc hay những kẻ có mưu tính.
Một kẻ thù ngu ngốc là người khiến bạn thất bại nhưng không có ác ý. Họ không cố ý khiến bạn thua cuộc, nhưng chuyện đó vẫn xảy ra do sức ảnh hưởng của họ tới bạn. Những người bạn như thế này có thể vô tình gây ra những tổn hại khủng khiếp đến khả năng thực hiện quá trình Làm lại từ đầu của bạn. Trong cuốn sách Change Anything (tạm dịch: Thay đổi bất kỳ điều gì), nhóm tác giả (Kerry Patterson, Joseph Grenny, David Maxfield, Ron McMillan và Al Switzler) đã bàn đến vấn đề này. Họ nói: “Thói quen xấu luôn là một căn bệnh xã hội. Nếu những người xung quanh ta làm gương và khuyến khích những thói quen xấu, chúng ta sẽ gần như trở thành nạn nhân của nó. Biến “kẻ đồng lõa” thành “bạn bè” và bạn sẽ có thêm 2/3 cơ may để thành công trong việc này.
Một trong những cách dễ dàng nhất và nhanh chóng nhất để biến kẻ đồng lõa thành bạn bè là nói cho người đó biết bạn đang làm gì. Hành động nói cho người khác biết việc bạn đang cố gắng làm hầu hết đều khiến mọi chuyện thay đổi. Điểm mấu chốt không phải là tấn công người đó mà là nói một cách chân thành những điều bạn đang cố gắng làm và bạn cần sự giúp đỡ của anh ấy/cô ấy như thế nào. Chắc chắn, anh ấy/cô ấy sẽ nói: “Tôi không biết là tôi đang khích lệ anh như vậy, tôi rất vui khi được giúp đỡ anh.”
Thực tế sẽ có một số người không phản ứng theo hướng đó. Một số người thích con người cũ của bạn. Họ không muốn bạn thay đổi và chắc chắn cũng không muốn thay đổi bản thân họ để giúp đỡ bạn thực hiện quá trình đó. Tại sao lại có chuyện này? Đôi khi, họ nổi giận chỉ vì bạn đang thay đổi còn họ thì không.
Con gái tôi đã nhắc tôi nhớ tới người như thế trong một lần ở cửa hàng tạp hóa.
Ngay khi chúng tôi rời khỏi cửa hàng, đi vào bãi đỗ xe, tôi quyết định sẽ nhảy lên chiếc xe đẩy đựng đồ.
Tại sao ư?
Vì việc đó thật tuyệt.
Khi tôi lái nó, chân tôi không chạm đất, tay tôi nắm lấy tay cầm, tôi nghe tiếng đứa con mười tuổi hét lên sau lưng mình.
“Bố ơi, dừng lại đi! Bố làm chúng con ghen tị đấy!”
Tôi thấy việc đó rất thú vị. Con bé không hét lên: “Bố ơi, cẩn thận đấy!” Con bé cũng không hét lên: “Bố ơi, việc đó là sai quy định đó!” mà là: “Bố làm chúng con ghen tị đấy!”
Và trong câu nói ấy ẩn chứa một sự thật giản đơn.
Đôi khi, những người không thích ước mơ của bạn không phải vì họ nổi giận với nó. Họ giận dữ vì bạn khiến họ ghen tị. Họ muốn là người cảm thấy gió lùa ngang tai khi họ lái chiếc xe đẩy đựng đồ trong bãi đỗ xe. Họ muốn là người đọc diễn văn hoặc sáng lập một doanh nghiệp.
Nhưng cho dù lý do là gì đi nữa, họ không phải là người lái xe trong bãi đỗ xe, không phải người đọc diễn văn hay người thành lập doanh nghiệp, và họ thừa nhận thức để không hét lên như một đứa trẻ mười tuổi. Vì vậy họ sẽ bảo bạn việc ấy không thành hoặc bạn cần phải thực tế hơn hoặc bạn thật ích kỷ. Chúng ta có một ngàn cách để ngụy biện cho sự ghen tị của mình.
Vậy nên có lẽ kẻ thù cũng không phức tạp hơn một đứa trẻ trong bãi đỗ xe, cho rằng đi bộ thì đáng chán hơn lái xe đẩy đựng đồ. Nếu tình huống đúng như vậy, lần sau khi bị ghen tị, bạn cần phải hiểu điều mà kẻ thù của bạn thực sự muốn nói là gì.
“Hãy ngừng theo đuổi ước mơ đi, anh làm chúng tôi ghen tị đấy!”
Và hãy đích thân trao cho họ món quà duy nhất chúng ta có thể trao cho kẻ thù – khoảng cách.
HÃY NGỪNG CHƠI VỚI BỌN TÔM HÙM
Trong thời gian viết cuốn sách này, tôi đã đến Rockport, Massachusetts. Hãy dành vài giây nghĩ đến New England với cảnh trí đẹp nhất mà bạn có thể tưởng tượng ra, thêm vào khung cảnh ấy một bát súp sò và thế là bạn có một bức tranh toàn cảnh Rockport.
Nép mình vào phía bắc của Đại Tây Dương, Rockport khiến du khách đặc biệt yêu thích bởi một dãy dài những cửa hàng và phòng trưng bày tranh vươn ra tận mép biển. Con đường xinh đẹp này tạo thành hình chữ U trên biển, nơi có một bến cảng an toàn cho thuyền buồm và những người đánh bắt tôm hùm.
Khi đi dạo quanh, tôi nhìn thấy một chồng những cái lồng bẫy tôm hùm cũ đầy màu sắc. Có hàng đống bẫy như thế này phía sau một cửa hàng kế bến cảng. Tôi đã từng nhìn thấy bẫy tôm hùm trước đó rồi nhưng những chiếc này lại hơi khác một chút. Điểm khác biệt nằm ở những con chim.
Bên trong mỗi cái lồng cũ, có những con chim đang xây tổ.
Cả tá những chú chim sẻ bay ra bay vào những chiếc lồng ấy và mang theo những cọng rơm. Tôi quan sát khung cảnh này đầy thích thú, như một công trường xây dựng của loài chim vậy. Những con chim, những kẻ lập dị, sử dụng những vật liệu tìm được ở địa phương để xây dựng nơi cư trú tại một nơi không thể ngờ đến. Không phải đang xây tổ, chúng đang cải tạo những chiếc lồng bẫy tôm hùm.
Tôi bắt đầu nghĩ rằng nếu bạn hỏi một con tôm hùm rằng liệu đó có phải là một nơi tốt để xây tổ hay không, có thể chúng sẽ trả lời là không. Cái bẫy là cái chết. Với một con tôm hùm, chui vào bên trong cái bẫy là quyết định cuối cùng của nó. Chúng dành cả đời mình để cố tránh những cái bẫy ấy.
Tuy thế, đối với lũ chim, cái bẫy đó thật hoàn hảo. Nó thông thoáng và bầy chim được bảo vệ tuyệt đối khỏi bọn mèo vì mèo không biết làm thế
nào để xử lý những chiếc lồng bẫy tôm hùm đó. Những chiếc lồng cứng cáp, vững chãi và là ngôi nhà dễ dàng để đi ra đi vào nữa.
Thứ mà chim xem là nhà lại là một cái bẫy đối với tôm hùm.
Công việc nào cũng có tôm hùm – nhóm gồm những người quả quyết rằng mình ghét tất cả những trải nghiệm khi làm việc tại một nơi nào đó. Tôi đã từng là một con tôm hùm, bài xích mọi thứ thì nhanh, thừa nhận cái tốt thì chậm, và còn quả quyết rằng những người xung quanh tôi đều có những trải nghiệm tiêu cực trong công việc giống tôi. Tôi còn nhớ, và cảm thấy xấu hổ, có lần tôi cùng một người bạn dẫn nhân viên mới đi ăn trưa. Anh ta rất phấn chấn với công việc mới và chúng tôi đã làm mọi điều có thể để cho anh ta biết rằng công việc anh ta đảm nhận khủng khiếp đến thế nào. Chúng tôi cố gắng cắt mất đôi cánh của anh ta.
Hiện tại bạn có một nhóm tôm hùm nhiều chuyện, hay chỉ trích thường đi ăn trưa cùng bạn ở công ty. Đôi khi đi cùng họ cũng vui, sự tiêu cực đôi khi được ưa chuộng hơn mức ta muốn thừa nhận, nhưng nên chấm dứt điều đó khi bạn Làm lại từ đầu. Đi chơi với tôm hùm không bao giờ dạy bạn làm thế nào để trở thành một chú chim giỏi hơn. Việc ấy chỉ làm rỗng Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp của bạn thay vì làm đầy lên.
Hãy dành cho những con tôm hùm trong công việc điều mà chúng thật sự cần. Khoảng cách.
CÒN NHỮNG VỊ SẾP TỒI THÌ SAO?
Luôn có những vị sếp tồi. Tôi đã gặp một, hai cấp trên kinh khủng vào thời hoàng kim của mình. Khi bạn nhận ra rằng sếp là kẻ thù, bạn có thể làm một vài điều sau:
1. Cải thiện hiệu năng làm việc để xem mối quan hệ của bạn có được cải thiện hay không.
Bạn không thể thay đổi một người, nhưng đôi khi bạn có thể tác động lên một mối quan hệ trong công việc bằng cách cải thiện hiệu năng làm việc của mình. Khiến cuộc sống của vị sếp khủng khiếp trở nên dễ dàng hơn bằng cách làm việc tốt hơn thường có thể biến một vị sếp khủng khiếp thành một vị sếp ít khủng khiếp hơn. Hãy lựa chọn thái độ của bạn, điều chỉnh những kỳ vọng và áp dụng những kỹ thuật ấy vào phần nhiệt huyết để xem bạn có thể ổn định tình hình không.
2. Chấp nhận việc bạn là một nhân viên.
Đôi khi, khi có người kể với tôi rằng họ có một vị sếp khủng khiếp, điều mà họ thực sự đang nói là: “Họ là ai khi nghĩ họ sắp sửa giao cho tôi thực hiện dự án đó?” Tới lúc này tôi nói: “Họ là sếp của anh đấy, họ là người chắc chắn trả tiền cho anh để bảo anh làm việc này việc nọ. Đó là cách công việc được thực thi.” Tôi có rất nhiều cuộc đối thoại ngắn, đầy ngượng nghịu và không kết thúc bằng những cái ôm và bắt tay. Nếu bạn có một vị sếp kinh khủng đến nỗi thay đổi cả giờ bạn ăn trưa, thì bạn nghĩ sao? Bà ấy phải làm như vậy. Việc đó có công bằng không? Có vui không? Có đúng đắn không? Có thể là không, nhưng đó chắc chắn là hệ quả của việc làm một nhân viên. Nếu việc đó khiến bạn thất vọng, hãy chuyển tiếp sang phần 3.
3. Biến nỗi thất vọng thành năng lượng.
Bạn có hiểu điều mà vị sếp tồi thực sự muốn nói là gì không? “Tôi thách anh tìm ra được công việc tốt hơn đấy!” Hãy chấp nhận lời thách thức của họ. Hãy quên đi những chuyện tầm phào và những lời phàn nàn, những thứ đó chẳng đưa bạn đến đâu cả. Nếu sếp bạn chuyển giờ nghỉ trưa của bạn thành một giờ khác, lệch với tất cả các đồng nghiệp của bạn như một sự trừng phạt đầy khiêu khích, hãy viết lại điều mà bà ta thực sự muốn nói. Bà ấy nói: “Ha! Anh sẽ không được đi ăn trưa cùng bạn bè trong ba tuần,” nhưng tôi thề bạn sẽ nghe thấy rằng: “Tôi thách anh dùng những giờ nghỉ trưa thầm lặng không có bạn bè đó để xin việc khác đấy!” Hãy đáp trả lời thách thức đó.
GHI NHỚ
• Bạn phải trung thực khi định nghĩa từ “kẻ thù”. Nếu định nghĩa đó quá rộng, hãy thu hẹp nó và ngừng việc gán mác kẻ thù cho quá nhiều người.
• Đừng tìm kiếm những kẻ thù củng cố nỗi sợ hãi của bạn, rằng bạn không đủ khả năng để Làm lại từ đầu.
• Thực ra hầu hết kẻ thù của bạn đang muốn hét lên rằng: “Hãy ngừng theo đuổi ước mơ của anh đi! Anh đang làm tôi ghen tị đấy.”
• Hãy trao cho kẻ thù thứ mà họ cần nhất – khoảng cách.
Chương 5
BỘ ĐẾM NGẪU NHIÊN
Tôi hy vọng bạn có một người bạn có thể khóc cùng mình. Một người nào đó có thể hiểu bạn. Một người bạn gái, một người chị thân thiết, một phi công yểm trợ, một chàng cao bồi, một người có thể nói: “Thận của tôi đây này, hãy lấy đi.” Điều này thật tuyệt vời cho 40 giờ đồng hồ bạn không phải làm việc. Nhưng trong môi trường làm việc, tôi không quan tâm đến chuyện có người sẽ nhảy bổ vào một quả lựu đạn vì bạn. Tôi quan tâm đến việc một người nào đó sẽ chia sẻ lý lịch trích ngang của bạn giùm bạn.
Tôi từng nghĩ rằng để có được sự nghiệp vững chắc, bạn cần phải có tình bạn vững chắc. Điều đó cũng giống như bạn nói với mọi người rằng hãy cho đôi cánh của tôi cơn gió hay điều gì đại loại như thế. Tôi bắt đầu nhìn nhận lại sự nghiệp của mình.
Brannon Golden, người tôi đã gặp một lần, người đã biên tập cuốn sách đầu tiên của tôi. Đó là tình bạn ngẫu nhiên.
Beth Corbelt, người tôi làm việc cùng trong sáu tháng, người đã đọc và sửa bản in cho cuốn sách đầu tiên của tôi. Đó là tình bạn ngẫu nhiên.
Shauna Callaghan, người tôi từng gặp, người xây dựng blog cho tôi sau lần Làm lại từ đầu vừa rồi. Đó là tình bạn ngẫu nhiên.
Andy Traub, người tôi biết chủ yếu nhờ Internet, người giúp tôi đứng vững sau lần Làm lại từ đầu vừa rồi. Đó là tình bạn ngẫu nhiên.
Shawn Hanks, người tôi đã không gặp trong suốt một năm qua, người đã giúp tôi khởi động sự nghiệp diễn giả của mình sau lần Làm lại từ đầu vừa rồi. Đó là tình bạn ngẫu nhiên.
Tôi cố gắng ghi nhớ những khoảnh khắc của tình bạn suốt đời ấy bao bọc mình trong suốt giai đoạn chuyển đổi công việc, nhưng thực tế cho thấy mối quan hệ tạo nên sức bật mạnh mẽ nhất thường là những mối quan hệ ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên nhưng không có nghĩa là hời hợt, hình thức.
Như trường hợp của Billy Ivey.
Tôi gặp anh sau khoảng chín năm. Vào năm 1999, chúng tôi từng làm việc cùng nhau gần một năm trong một công ty. Năm 2010, tôi giúp đỡ anh có được công việc tốt. Vì sao? Vì sự xa cách khiến tình cảm dạt dào hơn. Không phải, vì tôi biết anh ấy là một tác giả giỏi và tôi biết một công ty cần một cây bút giỏi.
Những mối quan hệ ngẫu nhiên đặc biệt cần cho Tài khoản Tiết kiệm Sự nghiệp của bạn. Những mối quan hệ như vậy có xu hướng khiến cuộc chơi trở nên ngang tài ngang sức. Chắc chắn bạn cần những người bạn tâm giao. Những người ấy thật tuyệt vời. Nhưng nếu bạn phải vượt qua một quá trình nhảy việc, đó là lúc bạn cần nhiều mối quan hệ nhất. Bạn cần có một bộ sưu tập lớn các mối quan hệ ngẫu nhiên để có thể nhờ cậy.
HÃY NÉM ĐI CÀNG NHIỀU BOOMERANG CÀNG TỐT
Liệu bạn có biết được mối quan hệ công việc nào một ngày nào đó sẽ không còn quan trọng với công việc của bạn nữa không? Không, bạn không biết đâu. Một người bạn không hề nhớ tới suốt nhiều năm qua sắp sửa giúp đỡ bạn. Bạn sắp có được việc làm từ người anh họ của một người bạn của chị của Ferris Bueller. Nếu việc ấy chưa xảy đến, thì nó cũng sắp rồi. Và nếu bạn muốn nó xảy đến nhanh hơn, bạn cần phải ném đi càng nhiều boomerang càng tốt.
Boomerang là những mối quan hệ công việc không bao giờ kết thúc, chúng chỉ lao vào khoảng không trong một khoảng thời gian. Bạn không giận dữ với người ấy, không có bất kỳ lễ kỷ niệm chia tay cho bất kỳ mối quan hệ công việc nào. Một người đồng nghiệp nào đó của bạn đi xa về phía đường chân trời còn bạn thì đi hướng ngược lại. Và một ngày nào đó, vào lúc bạn ít mong đợi nhất, họ sẽ bật quay trở lại cuộc đời bạn cùng với một cơ hội việc làm.
Đó là những gì đã xảy đến với khách hàng lớn nhất của tôi, Reggie Joiner. Năm 2004, tôi nộp đơn xin việc trong công ty của ông ấy. Tôi đã ném một chiếc boomerang đi. Không thấy gì quay lại. Vài năm sau, tôi gửi một số bài viết mẫu của tôi tới công ty của ông ấy thông qua mấy người bạn chung, cũng không thấy hồi âm. Vài năm sau tôi gặp ông ấy ở hậu trường của một sự kiện. Mấy năm sau nữa tôi phát biểu tại một trong những sự kiện của ông ấy. Rồi chúng tôi đi ăn trưa cùng nhau. Và đi cà phê. Và rồi vào ngày tôi đang trải qua quá trình Làm lại từ đầu, ông ấy gọi điện và giúp tôi định hướng. Trong năm đó chúng tôi đã gặp nhau ba lần.
Dù thế nào thì những mối quan hệ thân thiết luôn bắt đầu một cách bình thường. Đó là điểm chung của mọi mối quan hệ thân thiết trong công việc. Vậy tại sao chúng ta lại nghĩ rằng mình có thể gấp rút đạt được một mối quan hệ sâu sắc mà không cần một mối quan hệ bình thường lúc đầu? Tại sao chúng ta không ném thêm nhiều boomerang hơn nữa, đặc biệt là cho vào đó lượng lớn những công cụ chúng ta hiện có để thúc đẩy các mối quan hệ thông thường?
Chúng ta luôn than phiền về những điều được viết ra, Facebook và Twitter đang ăn mòn chiều sâu của tình bạn. Việc đó có thể đúng, nhưng khi ném boomerang đi, ta lại sống trong thời kỳ hoàng kim. Chỉ đơn giản như một tin nhắn động viên hay dòng tin nhắn trên Twitter cũng có thể làm nên điều kỳ diệu, khi chúng tái kết nối bạn với một mối quan hệ công việc đã lâu bạn không kết nối.
Tôi có thể kể câu chuyện tương tự với nhiều người khác mà tôi đã gặp trong đời như với ông Reggie. Tôi kết nối với họ. Chúng tôi đã cùng ăn
trưa. Tôi nói chuyện với họ trong một sự kiện nào đó. Hãy ném đi thật nhiều boomerang, boomerang, boomerang. Họ không phải là một khách hàng ngay tức thì, nhưng đó chính là điều thú vị trong các mối quan hệ boomerang – bạn không kiểm soát được khi nào chúng quay lại.
Nhưng nếu bạn không ném đi boomerang nào, chúng tôi đảm bảo rằng bạn cũng sẽ không nhận được mối quan hệ nào quay trở lại.
NHỮNG MỐI QUAN HỆ NGẪU NHIÊN VẬN HÀNH TRÊN NỀN TẢNG THÔNG TIN VÀ MÓN SÚP KHAI VỊ PHÔ MAI QUESO
Trừ khi bạn của bạn là người dị ứng với đường, tôi nghĩ không có cách bắt đầu một mối quan hệ ngẫu nhiên nào hoàn hảo hơn là một bát súp khai vị phô mai queso.
Nhưng bên cạnh những bát súp phô mai nấu chảy ngon tuyệt ấy, điều cần nhất cho những mối quan hệ ngẫu nhiên là thông tin.
Nếu người khác không biết rằng bạn đang cần giúp đỡ thì họ không thể giúp bạn được.
Bạn ghét nhờ người khác giúp đỡ? Tôi cũng vậy. Lúc ban đầu tôi cũng nghĩ mình không cần. Tin tôi đi, nếu tôi có thể cuộn tròn trong một quả bóng nhỏ hẹp giống như con Ta-tu và lăn qua sự nghiệp của mình một cách hoàn hảo, không cần đến sự giúp đỡ của bất kỳ ai, tôi sẽ làm như thế. Nhưng tôi không thể và bạn cũng vậy.
Chúng ta không nhờ giúp đỡ vì chúng ta nghĩ mình là những người duy nhất cần giúp đỡ. Ta so sánh những tin mới cập nhật được cắt tỉa cẩn thận, đẹp đẽ trên Instagram của bạn bè với thực tế ngổn ngang, lộn xộn trong cuộc sống của mình và cảm thấy thiếu thốn. Chúng ta nghĩ rằng tất cả mọi người đều tự xoay xở được, vì thế chúng ta giả vờ như mình cũng làm được.
Nếu nghiên cứu cuộc đời của bất kỳ người thành công nào, chúng ta sẽ nhận ra rằng họ không bao giờ đơn độc đạt được những gì họ đang có.
Tất cả chúng ta đều cần sự giúp đỡ từ người khác và cách duy nhất họ giúp được ta, nhất là những người bạn ngẫu nhiên, là ta phải cho họ thông tin. Không phải tất cả thông tin. Cách nhanh nhất để kết thúc một mối quan hệ bình thường là dội cho nó một gáo nước lạnh. Bạn không cho họ biết tất cả, nhưng cần cho họ biết sự thật. Nếu bạn đang tìm một công việc mới, hãy nói cho họ biết điều đó. Nếu bạn cần kết nối với ai đó, hãy nói cho họ biết. Bạn bè không phải là người biết đọc ý nghĩ của bạn đâu.
Là một nhạc sĩ, Carlos Whittaker đã dành nhiều năm để xây dựng những mối quan hệ ngẫu nhiên trên khắp đất nước. Anh hát và chơi nhạc ở nhiều nơi, nếu không nói là ở hàng trăm sự kiện. Cuối cùng anh quyết định, không phải hát, mà diễn thuyết trước công chúng, là kế hoạch Làm lại từ đầu anh sẽ thực hiện. Vấn đề duy nhất là mọi người đều biết đến một Carlos ca sĩ chứ không phải một Carlos diễn giả. Chẳng có ai đặt lịch mời anh diễn thuyết cả. Tôi hỏi anh: “Anh đã nói cho nhóm bạn của anh biết hiện tại anh đang tập trung vào diễn thuyết chưa?” Anh ấy nói: “Tôi chưa.” Rồi tôi nói: “Ồ thế thì làm sao họ biết được điều đó chứ?” Anh ấy gửi đi một e-mail với nội dung đơn giản giải thích về quá trình Làm lại từ đầu của mình và bắt đầu dành thời gian cho những cơ hội phù hợp trong cuộc sống.
Cho dù bạn đang theo đuổi một ước mơ mới hay đang cố gắng leo lên nấc thang sự nghiệp, những người bạn ngẫu nhiên sẽ không biết phải làm sao để giúp bạn trừ khi bạn đề nghị họ giúp đỡ.
Bạn đã đề nghị họ chưa?
HÃY BẮT ĐẦU BÊN MỘT CHIẾC BÀN NHỎ
Tôi là một người hướng nội, có nghĩa là tôi sẽ tống bạn ra khỏi nhà nếu bạn cố nấn ná lại lâu hơn sau khi chúng ta đã “dành trọn thời gian trước khi bạn đi” ở tiệm cà phê bưu điện.
Tôi không túm cổ áo ai cả, tôi chỉ đột ngột đứng dậy trong lúc đang nói chuyện và tuyên bố: “Gặp anh tối nay thật vui!” Bí quyết là bạn phải nói điều đó một cách đầy tự tin để thể hiện rằng rõ ràng bạn đang hồi tưởng lại một sự việc đã kết thúc rồi.
Ý tưởng kết thêm những người bạn mới khiến tôi thấy hồi hộp. Tôi là người viết sách và tôi thậm chí đã cảm thấy như sẽ có cuộc hẹn hò nhanh chóng với các doanh nghiệp khiến cả tôi và bạn đều kinh ngạc trong những trang sách kế tiếp. “Greg là một lập trình viên máy tính đến từ Fresno và anh ấy có thể sẽ trở thành một trong những người ủng hộ của bạn. Anh ấy thích đi dạo trên biển cùng những con sói.”
Mặc dù tôi ước rằng tôi cũng có niềm đam mê với bất kỳ thứ gì trong đời mình như những người có niềm đam mê với sói, nhưng đó không phải điều ta đang hướng đến. Nếu bạn muốn có nhiều mối quan hệ boomerang hơn, bạn không cần phải nghĩ ra một kế hoạch phức tạp. Bạn chỉ cần tìm một cái bàn thôi.
Đó là điều mà Sarah Harmeyer đã làm ở Dallas, Texas khi cô mới chuyển đến vùng này và không quen biết nhiều người. Trong sân sau của nhà mình, cô ấy có một cái bàn đủ chỗ cho 20 người.
Cô nhận ra mình muốn làm quen với hàng xóm, cô mời họ đến dùng bữa tối, tất cả bọn họ. Vào thời điểm đó, cô ấy chỉ biết hai người, nhưng cô cũng hiểu rằng trường hợp tệ nhất là sẽ chẳng có ai đến dùng bữa tối hôm đó. Vì thế, cô để thư mời vào thùng thư của từng người một, mời họ đến dùng bữa tối. Cô hy vọng sẽ có một vài người đến. Thay vào đó, có cả thảy 91 người đã hiện diện vào tối hôm ấy.
Cô phát hiện ra rằng nếu bạn dám dũng cảm một chút thì bạn sẽ khám phá ra nhiều điều. Con người thường ít có niềm tin vào cộng đồng, ngay cả những người hướng nội như tôi. Công nghệ phát triển hứa hẹn kết nối
mọi người nhưng cuối cùng nó vẫn không thể đạt được mục đích đó, nhịp sống và yếu tố nào đó đã làm suy giảm ý thức cộng đồng của chúng ta, và ý thức cộng đồng ngày nay quả là khó tìm.
Vì thế, khi một ai đó bỏ qua sự ngượng ngùng và dám ném đi một chiếc boomerang, một điều gì đó kỳ lạ sẽ xảy ra, những boomerang khác xuất hiện. Hay như trường hợp của Sarah, là 1.500 boomerang. Đó là số lượng khách đã đến dùng bữa tối trong sân sau nhà cô kể từ năm 2012.
Quá trình mời khách cũng đơn giản thôi. Nếu Sarah gặp một người lạ ở một bữa tiệc nhẹ hay cửa hàng tạp hóa và họ hỏi cô làm công việc gì, cô nói: “Việc tôi thích làm là ‘Ngồi bên bàn cùng hàng xóm.’” Vậy đấy, không có danh sách khách VIP, chỉ có những tình bạn mới bắt đầu từ một chiếc bàn lớn. Nếu bạn muốn tham gia cùng cô ấy, hãy truy cập trang web neighborstable.com. Bạn cũng có thể chuyển sang cửa hàng đồ nội thất West Elm gần chỗ bạn ở. Ý tưởng đơn giản của Sarah có sức ảnh hưởng nhanh chóng đến mức công ty này đã đề nghị cô tổ chức sự kiện “Ngồi bên bàn cùng hàng xóm” ở một số cửa hàng của họ.
“Bây giờ tôi đã có nhiều bạn bè ở Dallas.” Cô nói. “Một số bạn thân nhất của tôi là những người tôi đã gặp ở chiếc bàn ấy.”
Bạn không cần phải bắt đầu với một chiếc bàn đủ chỗ cho 20 người. Sarah thích tụ tập mọi người, đó là một lựa chọn của cô ấy. Mỗi chúng ta cần có một loại bàn cụ thể. Có thể bàn của bạn là bệ đỡ để bạn chào đón và gặp gỡ những người bạn cùng ngành kinh doanh. Có thể bàn của bạn đặt trong phòng nghỉ vào giờ ăn trưa để bạn tiếp những đồng nghiệp mà bạn chưa biết rõ. Có thể bàn của bạn là lớp học về một chủ đề liên quan đến công việc của bạn ở khu trung tâm thành phố. Những chiếc bàn xuất hiện dưới cả triệu hình thức khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là cộng đồng được tạo ra xung quanh những chiếc bàn. Boomerang cũng bắt đầu từ chúng.
Nếu bạn gặp khó khăn khi bắt đầu tìm kiếm một mối quan hệ mới, trước tiên hãy tìm một chiếc bàn.
TẠO LẬP MỘT MỐI QUAN HỆ NGẪU NHIÊN MỚI, MỘT CÁCH CÓ CHỦ ĐÍCH
Chúng ta cần làm rõ một quan niệm sai lầm. Ngẫu nhiên không có nghĩa là không chủ đích. Ngẫu nhiên có thể mang nghĩa có chủ đích nếu bạn cố ý lựa chọn một người mà bạn muốn kết bạn.
Bạn có thể làm được việc ấy không? Bạn chỉ việc đứng lên và quyết định làm bạn với một người nào đó? Tôi từng nghĩ rằng tình bạn trong công việc phát triển một cách hữu cơ, trên một cánh đồng nào đó và một chú cò sẽ mang tình bạn đến phòng làm việc của bạn. Một ngày nọ bạn ngước nhìn lên và bắt gặp một anh chàng mặc áo dài tay hình chó sói và rất siêu về mã hóa ứng dụng đang đứng đó. Tình bạn bắt đầu!
Tình huống như thế hoàn toàn có thể xảy ra, không phải tình huống về chú cò, ý tôi là tình huống về người bạn ngẫu nhiên ở nơi làm việc, người trở thành bạn lâu năm với bạn ấy. Nhưng chọn người kết bạn thì nhanh hơn rất nhiều.
Việc đó khiến bạn cảm thấy lộn xộn và mơ hồ? Đúng. Những mối quan hệ, đặc biệt là những mối quan hệ mới, đều như vậy cả. Tôi không biết tiêu chuẩn chọn bạn của bạn là gì. Có thể bạn là một người hướng nội muốn tìm kiếm những người bạn hướng nội khác không phải chỉ để tụ tập với nhau. Tiêu chuẩn duy nhất tôi áp dụng đó là: “Quen biết với người sẽ đem lại niềm vui?” Tôi sử dụng tiêu chuẩn đó bởi vì nó giúp tôi định hướng chiếc thang sự nghiệp với ý nghĩ “Ai có thể giúp đỡ tôi nhiều nhất trong phòng này?” Bạn đã bao giờ gặp tình huống này tại một bữa tiệc chưa? Người đang trò chuyện với bạn cứ liên tục nhìn qua vai bạn với hy vọng tìm thấy một người khác để có cuộc nói chuyện vui vẻ hơn? Eo ôi.
Vì thế tôi chỉ tìm kiếm những người có thể khiến tôi vui vẻ khi kết bạn. Họ có tác động tới sự nghiệp của tôi vào một ngày nào đó hay không? Họ có thể trở thành người ủng hộ tôi hay không? Chúng tôi có làm chung một dự án hay không? Có thể có, có thể không. May thay chúng ta không thể dự đoán điều đó khi bắt đầu một tình bạn. (Mặc dù vậy tôi vẫn có thể dự đoán chính xác 100% về những mối quan hệ chẳng đi đến đâu và tôi chủ
động không tham gia.) Một số mối quan hệ hữu ích nhất trong công việc không bắt đầu như một bản kế hoạch hình thành một liên minh nhằm thay đổi thế giới. Bạn chỉ nghĩ rằng chơi với Mark rất vui, vì vậy bạn kết bạn với anh ấy. Trong trường hợp xấu nhất, nếu những tình bạn mới không mang lại điều gì, tôi cũng đã có một tuần lễ nhiều niềm vui hơn bình thường. Vậy là bạn đã chiến thắng.
HÃY LÀ NGƯỜI PHẢN HỒI TRƯỚC TIÊN
Bạn có người bạn nào không bao giờ nghe điện thoại khi bạn gọi không? Người đó không hẳn là đang lảng tránh bạn. Người đó sẽ gọi lại cho bạn, nhưng chỉ khi nào thuận tiện thôi.
Nếu bạn muốn đẩy một tình bạn ngẫu nhiên đi xa hơn trong công việc, hãy là người phản hồi trước. Đừng chỉ ngồi xem e-mail từ ngày này qua ngày khác. Đừng để điện thoại của bạn đầy ắp những tin nhắn thoại. Đừng bắt người khác phải dùng mọi hình thức liên lạc để thâm nhập vào tòa tháp ngà của bạn, hoặc đừng làm xám xịt những phòng làm việc có bạn đang ẩn náu bên trong.
Người ta ghét phải hỏi câu: “Bạn có nhận được e-mail tôi gửi không vậy?” và câu hỏi đó buộc bạn phải thừa nhận: “Có, nhưng tôi đã lờ nó đi” hoặc là sẽ nói dối như tất cả chúng ta đang nói: “Không, chắc hẳn là hộp thư rác của tôi đã chặn e-mail của bạn rồi.” Chúng ta luôn đổ lỗi cho hộp thư rác.
Hãy nghe máy ngay từ tiếng chuông đầu tiên. Hãy trả lời ngay từ e-mail đầu tiên. Chúng không chỉ đơn thuần là hình thức thông tin liên lạc, đó còn là những chiếc boomerang từ những người khác gửi đến bạn. Bạn có muốn nhận lại nhiều hơn số boomerang bạn đã ném đi không? Hãy ném trả lại nhiều hơn số boomerang bạn nhận từ người khác. Hãy là người phản hồi đầu tiên.
HÃY NHẬN LẤY SỰ BẤT TIỆN