🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nguyên tắc của thịnh vượng Ebooks Nhóm Zalo NGUYÊN TẮC CỦA THỊNH VƯỢNG Daniel Crosby Nguyễn Linh dịch -----------------*------------------ NHÀ XUẤT BẢN D N TRÍ Số 9 - Ngõ 26 - Phổ Hoàng Cầu - Q. Đống Đa - TP. Hà Nội VPGD: Số 347 Đội Cấn - Quận Ba Đình - TP. Hà Nội Đt: (024) 6686 0751 - (024) 6686 0752 Email: [email protected] Website: nxbdantri.com.vn Chịu trách nhiệm xuất bản: BÙI THỊ HƯƠNG Chịu trách nhiệm nội dung: LÊ QUANG KHÔI Biên tập: Vũ Thị Thu Ngân Sửa bản in : Doãn Kỳ Trình bày :Trần Thơm Vē bia :Gia Long Liên kết xuất bản Công ty CP Sách Bách Việt Trụ sở chính: Địa chỉ: Số 9, ngõ 55/9 Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội Tel: (024) 3776 5580 - Fax: (024) 37765579 Chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh: Địa chỉ: 233 Nguyễn Thượng Hiền, P.6, Q. Bình Thạnh, Tp. HCM Tel/Fax: (028) 3517 1788 Website: http://www.bachvietbooks.com.vn http://www.facebook.com/bachvietbooks.com.vn In 3.000 cuốn, khổ 14,5x20,5 cm tại Công ty Cổ phần In Truyền thông Việt Nam. Địa chỉ: Khu thủ công nghiệp Lạc Trung, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Số xác nhận đăng ký xuất bản: 729-2019/CXBIPH/8-23/DT cấp ngày 08/03/2019 Quyết định xuất bản số: 729-08/QĐXB/NXBDT, ngày cấp 17/04/2019 Mã ISBN: 978-604-88-7434-6 In xong và nộp lưu chiểu năm 2019. LỜI KHEN NGỢI M ỗi khi muốn tìm kiếm những hiểu biết sâu sắc, trái với suy nghĩ thông thường về cách làm thế nào chúng ta có thể và nên ra quyết định đầu tư tốt hơn, tôi luôn tìm đến Daniel Crosby. Dù ông ấy xuất bản sách, viết blog hay đăng bài trên Twitter, tôi đều đọc hết. Tôi cũng không thấy có gì không ổn khi ông ấy bông đùa về nhược điểm của chúng ta và đưa ra khả năng giúp chúng ta sửa đổi tốt hơn. Cuốn sách này là một đóng góp tuyệt vời nữa cho sự nghiệp đầu tư vững vàng (và đúng mực).” - Tiến sĩ Brian Portnoy, Trưởng phòng Đào tạo Nhà đầu tư của Virtus Investment Partners “Nhà đầu tư cá nhân thường là kẻ thù nguy hiểm nhất của chính họ, có khi họ bán cổ phiếu đi trong khi đáng ra phải mua vào, hay tập trung vào sự thay đổi hàng ngày của cổ phiếu hoặc để cho các phương tiện truyền thông đẩy mình vào trạng thái hoảng loạn. Trong cuốn sách mới nhất của Tiến sĩ Daniel Crosby, ông đã chia nhỏ các bước của một bộ quy tắc dễ thực hiện nhằm giúp các nhà đầu tư duy trì lâu dài. Đừng để tâm trí hủy hoại kết quả đầu tư của bạn. Hãy đọc cuốn sách của ông và tự trang bị cho bản thân để chiến đấu với chính mình ngay từ hôm nay.” - LouAnn Lofton, The Motley Fool “Tiến sĩ Daniel Crosby là một trong những nhà tâm lý học hành vi ưu tú trong lĩnh vực đầu tư hiện nay, và cuốn sách này cho thấy một nhà đầu tư có thể làm gì để quản lý thành công tài sản của mình. Với bộ quy tắc đơn giản, nhà đầu tư có thể dễ dàng xây dựng một khuôn khổ giúp họ trở nên giàu có, ngay cả khi bản năng con người cố gắng phá hoại đầu tư của họ. Hãy mau chóng đọc cuốn sách này!” - Aaron Klein, CEO của Riskalyze “Ngành công nghiệp dịch vụ tài chính đã dần bộc lộ điểm yếu và bỏ qua yếu tố con người trong một thời gian dài. Các nhà đầu tư và cố vấn tài ba hiểu rõ rằng các yếu tố cảm xúc, quyết định và hành vi ít nhất cũng quan trọng như lợi nhuận lớn như Tiến sĩ Daniel Crosby giải thích rõ ràng trong Nguyên tắc của Thịnh vượng.” - David Geller, CEO, GV Financial “Vạch ra mối quan hệ giữa những điều khiến con người cảm thấy hứng thú có thể làm cho chúng ta thất bại trong quản lý tiền ở trong thời kỳ khủng hoảng, Tiến sĩ Crosby cung cấp một nơi ẩn náu an toàn với khuôn phép để thành công của ông. Cuốn sách này không chỉ mang tính thông tin mà còn rất hấp dẫn bởi cách ông nhẹ nhàng phơi bày phương thức mà hành vi của con người tác động đến việc ra quyết định của chúng ta như thế nào.” - Noreen D. Beaman, CEO của Tập đoàn Brinker Capital “Sử dụng những ví dụ thực tế sinh động và hấp dẫn, Tiến sĩ Crosby đưa ra cái nhìn sâu sắc về hành vi bẩm sinh của con người và vai trò của nó trong thị trường tài chính. Trong cuốn sách thú vị này, ông cung cấp một khuôn khổ thực tế vô giá cho các nhà đầu tư, những chuyên gia tài chính và bất cứ ai tìm kiếm sự giàu có bền vững.” - TS. Svetlana Gherzi, Chuyên gia Tài chính Hành vi, Ngân hàng UBS “Hãy tránh xa chương trình CNBC và bước vào một liệu trình điều trị trong lĩnh vực tài chính! Mọi người đều nghĩ rằng “mua thấp, bán cao” là quy tắc đầu tiên (và duy nhất) của đầu tư. Điều tưởng như vô cùng dễ dàng này đã thúc đẩy hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả các nhà đầu tư, nhưng rất nhiều nhà đầu tư lại không thể làm theo câu thần chú đơn giản này. Trong Nguyên tắc của Thịnh Vượng, Daniel Crosby đã giải thích tại sao chúng ta phải đấu tranh với các quyết định đầu tư dễ dãi, và gợi ý rằng quy tắc đầu tiên để đầu tư có lợi là phải thoát khỏi lối mòn của chính bạn.” - Meredith A. Jones, Tác giả cuốn Women of The Street: Why Female, Money Managers Generate Higher Returns, (And How You Can Too) VỀ TÁC GIẢ T ốt nghiệp Trường Đại học Brigham Young và Trường Đại học Emory, Tiến sĩ Daniel Crosby là nhà tâm lý học, chuyên gia về tài chính hành vi và nhà quản lý tài sản. Ông đã áp dụng nghiên cứu tâm lý thị trường vào mọi thứ từ thiết kế sản phẩm tài chính đến lựa chọn cổ phiếu. Ông là đồng tác giả Cuốn sách bán chạy nhất của theo danh sách từ New York Times mang tên Personal Benchmark: Integrating Behavioral Finance and Investment Management và là người sáng lập ra Nocturne Capital. Ông cũng là lá cờ đầu đầu trong lĩnh vực tài chính hành vi. Những ý tưởng của ông đã xuất hiện trong Huffington Post và Tạp chí Risk Management, cũng như các mục báo hàng tháng trên WealthManagement.com và Investment News. Daniel được vinh danh là một trong số “12 lý luận gia đáng quan tâm” bởi Monster. Com ; “Một blogger về tài chính nên đọc” bởi AARP và “Danh sách 40 lý thuyết gia xuất sắc dưới 40 tuổi trong lĩnh vực tài chính” bởi Investment News. Khi không tư vấn về tâm lý học thị trường, Daniel thích các bộ phim độc lập, điên cuồng theo dõi đội bóng chày St. Louis Cardinals, và dành thời gian cho người vợ cùng ba con. Những cuốn sách khác của Daniel Crosby Everyone You Love Will Die (Tạm dịch: Mọi người bạn yêu thương đều ra đi) Personal Benchmark: Integrating Behavioral Finance and Investment Management (đồng tác giả Chuck Widger ) (Tạm dịch: Khung đánh giá cá nhân: Tích hợp quản lý đầu tư và tài chính hành vi). NGUYÊN TẮC CỦA THỊNH VƯỢNG Tâm lý học và bí quyết đầu tư thành công Dành tặng Katrina, Charlotte, Liam, Nelle và ba thiên thần - cảm ơn về tất cả Tiến sĩ Daniel Crosby là một trong những cái tên nổi tiếng nhất nghiên cứu về tài chính hành vi. Gần đây, theo bảng xếp hạng “40 lý thuyết gia xuất sắc dưới 40 tuổi” trong ngành quản lý đầu tư của tờ Investment News thì danh tiếng Tiến sĩ Crosby đã tăng vượt bậc nhờ cuốn Nguyên tắc của Thịnh vượng. Cuốn sách đã giải thích hết sức rõ ràng, tinh tế, đầy sáng tạo nguyên nhân tại sao và làm thế nào mà các nguyên tắc cơ bản của tài chính hành vi lại trở thành một phần không thể thiếu của quá trình quản lý đầu tư. Nguyên tắc của Thịnh vượng hữu ích với cả nhà đầu tư và cố vấn dày dạn kinh nghiệm cũng như người mới vào nghề. Hầu hết những cuốn sách tuyệt vời và cuốn hút đều mô tả đời sống nội tâm phức tạp của chúng ta một cách đầy kịch tính. Khi đọc các cuốn sách đó, chúng ta bị rơi vào bi kịch của những số phận sinh ra từ sợ hãi, tham lam, nghịch lý, trớ trêu, chiến thắng và đau buồn, bệnh tật, tình yêu cùng hạn chế của con người. Tác giả, người đã kéo màn che và tiết lộ đời sống nội tâm của chúng ta xứng đáng được khen ngợi. Một tác giả như Crosby, người đã xuất sắc đưa vở kịch của con người vào quá trình quản lý đầu tư, chắc chắn càng đáng được tuyên dương vì đã làm cho mọi thứ trở nên ngắn gọn, rõ nét, sống động, hấp dẫn, thích đáng và đầy ý nghĩa. Tiến sĩ Crosby làm được như vậy là nhờ thực hiện theo chỉ dẫn khôn ngoan của Leonardo da Vinci, Nassim Nicholas Taleb, Daniel Kahneman và Ben Carson. Những vĩ nhân này khuyên chúng ta nên giải quyết các vấn đề phức tạp bằng cách kiên định áp dụng một số quy tắc đơn giản. Thật nghịch lý khi tin rằng giải pháp tốt nhất cho các vấn đề phức tạp lại là những điều hết sức đơn giản. Sự thật này được làm sáng tỏ ngay từ trang đầu tiên của Nguyên tắc của Thịnh vượng thông qua câu chuyện về căn bệnh giun chỉ1 không thể chữa khỏi. Trong khi tai họa này chưa được ngăn chặn ở châu Phi, thì sự lây lan, hay đúng hơn là tồn tại của nó đã bị chặn đứng bởi một giải pháp đơn giản qua việc phát hiện người nhiễm bệnh đã tắm chung với người không bị bệnh. Giải pháp là - người nhiễm bệnh cần tránh tắm ở nơi công cộng. Giải pháp đơn giản và nhẹ nhàng này lại rất hiệu quả vì mọi người đã biết quản lý hành vi của bản thân. Chắc bạn bắt đầu hiếu kỳ rồi, đúng không? 1 Nguyên văn: Guinea Worm Disease hay Dracunculiasis, viết tắt GWD, là căn bệnh nhiễm trùng gây nên bởi ký sinh trùng Dracunculus medinensis. Bệnh lây qua đường nước uống có chứa ấu trùng giun Guinea, dạng chưa trưởng thành của sâu. GWD ảnh hưởng đến cộng đồng những người nghèo tại các vùng xa xôi hẻo lánh của châu Phi do thiếu nguồn nước sạch. Với sự hiếu kỳ của chúng ta, Tiến sĩ Crosby lại chuyển sang một nghịch lý khác, một nghịch lý hết sức trọng yếu mà các nhà đầu tư, bao gồm cả cá nhân và tổ chức, phải nắm bắt và làm chủ được nếu muốn thành công. Để tồn tại và bảo toàn sức mua của đồng tiền một cách thích đáng nhằm duy trì phong cách sống cá nhân như mong muốn, chúng ta phải đầu tư vào các tài sản rủi ro. Nhưng, tất cả chúng ta, từng người một, bất chấp mức độ tinh tế của mỗi người, đều không được chuẩn bị tâm lý phù hợp khi đầu tư vào tài sản rủi ro. Nhìn chung, do căn bệnh “sợ hãi và tham lam” khiến chúng ta lựa chọn và tham gia mua bán tài sản có xu hướng sở hữu tại các thời điểm sai lầm, cho dù chúng ta cần chúng để tồn tại. Đây là một vấn đề vô cùng phức tạp. Giải pháp của Tiến sĩ Crosby cho vấn đề phức tạp này lại rất đơn giản và nhẹ nhàng. Ông gọi nó là Quy tắc đầu tư cơ bản (viết tắt là RBI - Rules Based Investing). RBI là một mô hình đầu tư gồm hai phần chính - khái niệm và quy trình khung, nhằm thực hiện hoặc áp dụng các kiến thức cần thiết. Trong phần I, chúng ta được tiếp cận mười Quy tắc để giàu có quan trọng mà nhà đầu tư cần nắm bắt và thực hành như là những yếu tố cần thiết của quá trình quản lý đầu tư. Được nghiên cứu và ghi chép cẩn thận, các nguyên tắc bất biến này trở nên sống động qua từng giai thoại và trích dẫn của những nhà đầu tư tài ba trong thời đại chúng ta cũng như thế hệ đi trước. Quy tắc số 1. Làm chủ hành vi. Các nghiên cứu cho thấy rõ ràng hệ quả của hành vi sai lệch của chúng ta, chẳng hạn như các nhà đầu tư, các cá nhân thường xuyên mua bán sai thời điểm, từ đó làm đảo lộn danh mục đầu tư của bản thân. Quy tắc số 2. Chúng ta cần các nhà cố vấn để uốn nắn hành vi sai lệch của bản thân. Theo nghiên cứu “Tăng thêm giá trị của bạn” của Vanguard và báo cáo “Alpha, Beta, and Now… Gamma” của Morningstar cho thấy số lượng các cố vấn, chẳng hạn cố vấn hành vi, đã tăng khoảng 2 - 3% mỗi năm. Trong suốt phần trình bày tám quy tắc tiếp theo, tác giả đã cho thấy sự thông thạo của mình trong lĩnh vực tài chính hành vi. Những quy tắc này là công cụ cần thiết giúp chúng ta kiểm soát và chỉ đạo 117 thiên hướng hành vi sẽ giúp các nỗ lực trong cuộc sống của chúng ta trở nên hữu ích, nhất là trong lĩnh vực đầu tư. Tuy nhiên, như thế cũng chưa đủ. Đưa ra được một quy tắc hay một nguyên lý là không đủ. Chúng ta phải áp dụng hoặc thực hiện liên tục các quy tắc đó mới đạt được kết quả như mong ước. Tôi biết cảm giác đau đớn vì thua lỗ thường mạnh mẽ gấp đôi so với niềm vui nhờ thành quả đạt được. Làm thế nào chúng ta kiểm soát tốt nhất xu hướng cảm xúc này và không bán ra khi thị trường xuống đáy? Đáp án nằm ở một phần hết sức quan trọng, đó là chúng ta phải đa dạng hoá yếu tố cần thiết của quá trình đầu tư. Song hiểu rõ xu hướng cảm xúc này cũng vẫn chưa đủ. Chúng ta phải biết cách chế ngự nó thông qua sự đa dạng hoá phù hợp. Và Polanyi, nhà triết học vĩ đại của khoa học đã nói rằng, điều quan trọng là chỉ khi thực hiện thành công quản lý rủi ro thông qua đa dạng hoá, chúng ta mới có thể rút ra bài học cho bản thân. Trong Phần II, Tiến sĩ Crosby đưa ra một khung quy trình mà nếu kiên trì áp dụng sẽ mang lại thành công và kiến thức cho chúng ta, hoặc sự thành thạo cần thiết để có được kết quả tốt đẹp khi đầu tư vào tài sản rủi ro, đồng thời kiểm soát các hành vi sai lệch vốn thường làm hỏng nỗ lực đầu tư của chúng ta. Với lòng tin vào kỹ năng nghiên cứu phi thường và tính kỷ luật cao như một nhà khoa học xã hội uy tín, Tiến sĩ Crosby đã tạo ra một quy trình quản lý tích cực mà khi triển khai nghiêm túc sẽ mang lại tiềm năng cho cả việc lợi dụng hành vi mua sai lầm, và bảo vệ nhà đầu tư khỏi thua lỗ thê thảm thông qua hiểu biết sâu sắc về tâm lý đầu tư. Quy trình quản lý tích cực này có tên là Đầu tư dựa trên quy tắc (viết tắt RBI: Rules Based Investing) hướng nhà đầu tư tập trung vào các tiêu chí đã được chứng minh là quan trọng trong quản lý đầu tư - đa dạng hoá, doanh số nhỏ và chi phí thấp. Nói một cách nghiêm túc, RBI đồng thời cũng bao gồm một phần các yếu tố trong quy trình của nó mà tác giả đã mô tả như tính nhất quán (consistency), rõ ràng (clarity), dũng cảm (courageousness) và chắc chắn (conviction). Ông đưa ra các lập luận rất thuyết phục rằng nguyên tắc 4C này đã chi phối năm nhân tố tâm lý chung của các hành vi xấu của chúng ta như: cái tôi, cảm xúc, thông tin, sự chú ý và tính bảo thủ. Không thể chối cãi rằng thông qua trình bày của tác giả về các hành vi này, chúng ta sẽ nhận rõ bản thân mình. Và ẩn trong đó là bài học quan trọng rút ra từ cuộc tranh luận tuyệt vời, hấp dẫn, thấu đáo và hùng hồn nhằm lồng ghép tài chính hành vi vào quản lý đầu tư. Nó không chỉ mở ra con đường thu được lợi nhuận mơ ước, mà còn vẽ ra bức tranh toàn cảnh hành vi của con người, giúp chúng ta hiểu rõ bản thân hơn. Tôi luôn học được những điều tuyệt vời từ Tiến sĩ Daniel Crosby và tin tưởng rằng các nhà đầu tư hay cố vấn khác cũng thế. Bạn hãy tự trải nghiệm nhé! Chuck Widger, Tháng 7 năm 2016. Lời giới thiệu TÔI ĐÃ HỌC CÁCH NGỪNG LO LẮNG VÀ ĐỌC CUỐN SÁCH NÀY NHƯ THẾ NÀO! Q uý độc giả thân mến, cuốn sách này được viết ra nhằm mục đích duy nhất là giúp bạn trở nên giàu có hơn. Sự thịnh vượng đó, nếu bạn tiến hành theo đúng hướng dẫn, thì chắc chắn sẽ thành hiện thực. Bạn sẽ phải kiên trì, thừa nhận sai lầm và đồng ý với quan điểm rằng một vài quy tắc đơn giản là niềm hy vọng lớn nhất của bạn để quản lý bản thân và tài sản của mình. Là một người bình thường, bạn luôn có xu hướng thiếu kiên nhẫn, kiêu ngạo và phức tạp hoá mọi chuyện, thì có lẽ bạn sẽ nổi đoá lên, cho rằng cuốn sách không phù hợp với mình. Nhưng, nó vẫn rất hữu dụng với bạn. Những nỗ lực của tôi để giúp bạn hoàn thiện bản thân gồm hai phần: Phần 1: Giải thích các quy tắc cần thiết để làm chủ bản thân trong quá trình đi tới sự giàu có. Tôi đưa ra mười lời khuyên dựa trên hàng trăm năm lịch sử của thị trường, bắt nguồn từ một sự thật hiển nhiên rằng, bạn nên kiểm soát vấn đề quan trọng nhất (chẳng hạn như: hành vi). Phần 2: Thiết lập trước một bộ phương pháp đầu tư hành vi dựa trên quy tắc (từ giờ chúng ta sẽ gọi là RBI). Phần 2 có thể được định nghĩa là một kênh chuyển tiếp từ tổng quát đến cụ thể, từ quản lý rủi ro đến sinh lợi. Bắt đầu bằng giả thiết một chuỗi rủi ro hành vi trực tiếp dẫn tới một cuộc thảo luận về phương pháp đầu tư dựa trên quy tắc, nhằm giảm thiểu các rủi ro nói trên. Kết thúc phần 2 là một cuộc đàm thoại về năm yếu tố cụ thể mà tôi đã đưa ra trong phương pháp RBI như là ví dụ về các ứng dụng tiềm năng. Thông qua cuốn sách này, tôi sẽ giúp bạn tập trung vào ứng dụng thực tế của những điều từng bị che giấu, và cuối mỗi chương sẽ có phần “Thực hành.” Phần này sẽ dẫn dắt cách bạn nên suy nghĩ, học hỏi và thực hiện như thế nào để có được bài học quý giá và ứng dụng chúng vào thực tế nhằm nâng cao khả năng đầu tư của bản thân. Tôi cho rằng trường hợp mà các quy tắc chi phối thế giới của một nhà đầu tư khác biệt rất lớn với những quy tắc chi phối các lĩnh vực khác trong cuộc sống. Thành công trên thị trường phụ thuộc vào việc chúng ta có tuân theo đúng quy tắc của nó hay không và điều này lại được quyết định bởi sự am hiểu bản thân của chúng ta. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ giúp bạn vững mạnh hơn về mặt tài chính và nhận thức sâu sắc hơn về bản thân. LỜI NÓI ĐẦU Giun chỉ và Sự giàu có “Tâm lý học dường như là lời giải đáp cho tất cả các giải pháp tiềm năng nhằm cải thiện thu nhập từ thị trường chứng khoán.” - Ben Stein và Phil DeMuth, cuốn The Little Book of Alternative Investments 2 (Tạm dịch: Cuốn sách nhỏ về Các khoản đầu tư thay thế ) 2 Alternative Investments (AI) là cách thức đầu tư dựa trên nhiều loại tài sản khác nhau ngoài những loại đầu tư thông thường như cổ phiếu, trái phiếu và tiền mặt. Những loại tài sản này bao gồm: Đầu tư vào Quỹ đầu cơ (Hedge fund), Công ty tư nhân (Private Equity), Bất động sản, Hàng hóa và các loại hình đầu tư khác. Từ giun chỉ… M iền Nam nước Mỹ là một vùng đất đáng tự hào và đôi khi cũng rất phiền phức bởi nền ẩm thực độc đáo, chất giọng không thể nhầm lẫn cùng sự ấm áp cả về tình người và khí hậu. Tôi là một người con của vùng đất kỳ lạ và tuyệt vời đó, một người Alabama chính cống hiện đang sống tại Atlanta - thủ phủ của miền Nam. Atlanta có rất nhiều điều kỳ thú: là quê hương của hai giải Nobel Hoà bình - Martin Luther King, Jr. và Jimmy Carter; là thành phố duy nhất của Mỹ hai lần bị hoả hoạn thiêu rụi hoàn toàn và là nơi tổ chức Thế vận hội mùa hè 1996. Nhưng có lẽ ấn tượng hơn cả, Atlanta chính là cái nôi nghiên cứu dịch tễ học của thế giới với Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh (CDC) và Trung tâm Carter. CDC tự hào với hơn 14.000 nhân viên tại 50 quốc gia và là mũi nhọn chống lại các căn bệnh truyền nhiễm trong nước và quốc tế. Trung tâm Carter, di sản từ thiện của tổng thống Mỹ Jimmy Carter, đã đưa ra phương châm đầy tham vọng: Gìn giữ hoà bình. Chống lại bệnh tật. Khơi nguồn hy vọng. Mặc dù cả hai trung tâm đều hoạt động rất cần mẫn, nhưng có vẻ công việc của họ mới chỉ dừng ở chỗ thu hút sự chú ý của người dân tới các dịch bệnh nguy hiểm như HIV/AIDS, SARS, cúm gia cầm và gần đây nhất là virus Ebola. Với cái tên ấn tượng được giật tít trên các trang nhất (đang nói mày đó, bệnh Bò điên), những dịch bệnh này luôn nhận sự quan tâm của công chúng. Một số chương trình có ảnh hưởng nhất của các tổ chức này đã có tác động trên diện rộng. Một trong số các chiến dịch như vậy là nỗ lực loại trừ giun chỉ do Tiến sĩ Donald Hopkins chỉ đạo. Để nhận biết đầy đủ tầm quan trọng của công trình do Tiến sĩ Hopkins cùng nhóm của ông đã thực hiện tại trung tâm Carter, trước tiên chúng ta phải hoàn thành nhiệm vụ khó khăn là hiểu rõ tác hại của loài ký sinh Dracunculus hay thường được biết đến là giun chỉ (rất khó chịu đấy). Giun chỉ là loài ký sinh trong mô lớn nhất và có thể dài đến ba feet (tương đương 1 mét). Chúng cũng sinh sản rất nhanh chóng, một con cái trưởng thành có thể chứa tới ba triệu phôi, một con số đáng kinh ngạc. Tổ chức Y tế Thế giới đã mô tả đặc điểm, “loài ký sinh trùng này di chuyển qua các mô dưới da của nạn nhân, gây ra các cơn đau khủng khiếp, nhất là khi xâm nhập vào khớp xương. Cuối cùng chúng sẽ chui ra ngoài (đa số là qua bàn chân), gây ra chứng phù thũng hết sức đau đớn kèm các vết lở loét đi cùng cơn sốt, buồn nôn và nôn mửa.” Ôi! Vấn đề còn phức tạp hơn, bởi chính phương thức nhằm làm dịu cơn đau tồi tệ này lại làm tăng nguy cơ truyền nhiễm. Trong nỗ lực đầy tuyệt vọng để giảm bớt sự đau đớn, người bệnh thường tìm tới các nguồn nước và ngâm phần chân tay chứa đầy giun xuống đó. Kết quả tức thì đối với bệnh nhân là rất khả quan - họ sẽ thấy mát lạnh ở vết thương và đỡ đau nhức trong chốc lát. Tuy nhiên, sự cứu rỗi ngắn ngủi với một cá nhân sẽ gây ra thiệt hại cho rất nhiều người khác, bởi vì lúc này lũ giun chỉ đã chui vào trong nước, môi trường sinh sản ưa thích của chúng. Giờ chắc bạn cũng đã đoán ra, đám ký sinh trùng sinh sôi nhanh chóng trong nước, rồi lại xâm nhập vào trong cơ thể những người đã uống nguồn nước đó, và rồi họ lại trở lại nguồn nước để giảm đau, chu kỳ cứ thế tiếp diễn. Nhưng những hậu quả tiêu cực với xã hội lớn hơn rất nhiều so với cơn đau thể chất (nói thì dễ lắm ấy). Cuốn sách Influencer: The Power to Change Anything đã mô tả các hệ quả đó như sau: “Người bệnh không thể làm việc trong nhiều tuần lễ. Khi cha mẹ bị đau đớn, lũ trẻ sẽ phải nghỉ học để giúp việc nhà. Hoa màu không được gieo trồng. Mùa màng thất bát. Kéo theo nạn đói. Thế hệ tiếp theo vẫn sẽ lặp lại vòng luẩn quẩn của nghèo đói và mù chữ. Thông thường người bệnh có thể chết vì nhiễm trùng thứ cấp do ký sinh trùng gây ra. Kết quả là, trải qua hơn 3.500 năm, bệnh giun chỉ vẫn là rào cản lớn đối với sự phát triển kinh tế và xã hội ở hàng chục quốc gia.”3 3 J. Grenny, K. Patterson, D. Maxfield, R. McMillan and A. Switzler, Influencer: The Power to Change Anything (McGraw-Hill Education, 2013), 17. Lúc này chúng ta dễ dàng nhận thấy Tiến sĩ Hopkins cùng nhóm của ông đã tuyên chiến với một kẻ thù ghê gớm khi khởi động chiến dịch chống lại bệnh giun chỉ năm 1986. Nhưng kế hoạch chiến đấu của họ chưa phải là điều tuyệt vời nhất. Thay vì nỗ lực tập trung vào việc chữa bệnh, họ đã tìm cách thay đổi hành vi của con người nhằm ngăn chặn bệnh lan rộng. Và nhờ vậy họ đã làm được điều mà rất nhiều người cho rằng không thể - gần như tiêu diệt hoàn toàn một căn bệnh mà không cần tới một phương thuốc cụ thể nào. Cách thức họ tiến hành để đạt được thành công không tưởng này lại diễn ra hết sức trực quan: họ kiểm tra những ngôi làng không bị nhiễm bệnh, lưu ý một số hành vi quan trọng và công bố rộng rãi phát hiện của mình. Cụ thể các hành vi đó như sau (nếu đã từng sống ở một nước đang phát triển bạn sẽ hiểu rõ tầm quan trọng của chúng): 1. Người dân sống trong các ngôi làng khoẻ mạnh phải luôn sẵn sàng thông báo cho mọi người khi bạn bè, người thân hay hàng xóm của họ bị nhiễm bệnh. 2. Người bệnh phải được giữ tránh xa nguồn nước chung trong giai đoạn đau đớn nhất (chẳng hạn như lúc giun chui ra ngoài qua da). Bằng cách quy định hoá hai hành vi quan trọng này và cho mọi người thấy hiệu quả của chúng, Tiến sĩ Hopkins và nhóm của ông đã mang lại sức khoẻ dồi dào về thể chất, tinh thần và kinh tế cho hàng triệu người. Nghiên cứu của họ có tầm ảnh hưởng to lớn, song giải pháp lại vô cùng đơn giản; hầu như họ chẳng làm gì mang tính đột phá đặc biệt mà vẫn cứu được thế giới thoát khỏi thảm hoạ này. Chỉ nhờ Tiến sĩ Hopkins hiểu được sức mạnh của một số hành vi quan trọng, rồi áp dụng rộng rãi và nhất quán mà thôi. … đến lợi nhuận khổng lồ Dường như chẳng có bất kỳ dính líu gì giữa sự giàu có của bạn với một loài ký sinh trùng nhiệt đới cả (hoặc nó quá kinh tởm để so sánh), nhưng thực ra chúng ta có thể rút ra được nhiều bài học từ công cuộc loại trừ căn bệnh này. Trước tiên chúng ta phải thừa nhận rằng, thực tế các nhà đầu tư đang mắc phải một căn bệnh mà không có và sẽ không bao giờ có phương thuốc cứu chữa. Căn bệnh đó chính là nỗi sợ hãi và lòng tham. Tôi hy vọng rằng sau khi đọc xong cuốn sách này, bạn cũng sẽ bị thuyết phục như tôi rằng tâm lý chính là trở ngại lớn nhất đối với cả lợi nhuận thoả đáng từ đầu tư, đồng thời cũng là lợi thế tiềm năng nhất của bạn để đánh bại các nhà đầu tư khác kém kỷ luật hơn. Thứ hai, bạn phải đồng ý rằng cách duy nhất để tiêu diệt căn bệnh sợ hãi và tham lam này là tuân thủ tuyệt đối một nhóm các hành vi sống còn. Cũng giống những hành vi đã giúp giải thoát dân làng, các hành vi ở đây cũng rất đơn giản, trực quan, dễ nắm bắt nhưng sẽ đau thấu xương khi thực hiện. Nó có dễ hiểu như việc một người nhiễm bệnh không nên tiếp cận nguồn nước không? Tất nhiên rồi. Liệu có dễ làm trong lúc cơ thể bạn đang đau đớn không? Không đời nào. Tương tự như vậy, các ý tưởng bạn tìm thấy ở cuốn sách này trong giây phút tỉnh táo nào đó xứng đáng nhận được cái gật đầu mạnh mẽ. Nhưng khả năng thực hiện chúng theo đúng kỷ luật của bạn trong mọi điều kiện thị trường sẽ quyết định hiệu quả của chúng. Một người dân bình thường biết không được nhúng chân xuống nước mà vẫn làm thì cũng chẳng hơn một người không biết gì, các nhà đầu tư cũng vậy. Giống như người dân, chỉ khi học được cách chịu đựng đau đớn hôm nay để xây dựng ngày mai tốt đẹp hơn thì chúng ta mới trở thành nhà đầu tư thực thụ. Vượt qua rào cản ‘‘Hãy nói không” Dường như bản chất con người là thường thích thú môn học gọi là bệnh lý học. Sigmund Freud bắt đầu nghiên cứu tâm lý con người bằng cách xây dựng các tình huống khiến họ rơi vào tuyệt vọng (ví dụ: liên quan đến Mẹ) và các quy tắc của phương pháp phân tâm học này tiếp tục được áp dụng trong suốt hơn một thế kỷ. Đó là khoảng thời gian 150 năm trước khi tâm lý học lâm sàng được hoàn chỉnh bằng một phương pháp mà ngày nay chúng ta gọi là tâm lý học tích cực - nghiên cứu về những điều khiến con người hạnh phúc, mạnh mẽ và phi thường. Có lẽ chẳng có gì đáng kinh ngạc khi tài chính hành vi cũng bắt đầu với một nghiên cứu về sự bất thường và chỉ mới dần chấp nhận quan niệm tập trung hơn vào giải pháp. Mặc dù xem xét kỹ lưỡng quá trình chuyển đổi từ cách tiếp cận hiệu quả sang tiếp cận hành vi không phải là lý do tại sao chúng ta lại ở đây, nhưng vẫn xứng đáng để cân nhắc cơ sở của ý tưởng này và làm thế nào chúng ta có thể cải thiện chúng. Trong nhiều thập kỷ, các lý thuyết kinh tế phổ biến đã tán thành quan điểm “Con người Kinh tế” với đặc điểm lý trí, tối đa hoá lợi ích và tư lợi. Với những giả định đơn giản này (mà thường không thực tế), các nhà kinh tế học đã xây dựng một mô hình toán học vượt trội song lại khó ứng dụng trong thực tiễn. Nó đã rất hiệu quả cho đến khi không còn phù hợp nữa. Bị kích động bởi niềm tin vào khả năng dự đoán của con người Kinh tế, những người Thông minh nhất đã mạo hiểm “nhặt vài đồng xu nhỏ ngay trước mũi xe ủi”4 - cho đến khi chúng bị ủi phẳng hoàn toàn. 4 Hàm ý: chấp nhận rủi ro lớn chỉ để có được tỷ suất lợi nhuận nhỏ bé. Với ưu thế của các quỹ đầu tư mạo hiểm, sự mê muội kỳ quặc cùng những vụ phá sản và các chứng cứ ngày càng nhiều về tính phi lý của loài người, Con người Kinh tế dần nhường chỗ cho Con người Ảo tưởng. Nhóm ủng hộ lý thuyết hành vi bắt đầu ghi chép lại sai lầm của các nhà đầu tư cũng như những người từng nhiệt tình ủng hộ lý thuyết hiệu quả thị trường để bảo vệ sự khôn ngoan chung của đám đông. Theo ghi nhận gần đây nhất thì các nhà tâm lý học cùng các nhà kinh tế học đã ghi chép 117 sai lầm có thể ảnh hưởng xấu tới quyết định tài chính sáng suốt. Có tới một trăm mười bảy khả năng khác nhau khiến bạn mắc sai lầm. Vấn đề của triết lý Tháp Ngà5 này là nó chẳng có điểm nào hữu dụng với các nhà đầu tư. Đối với các nhà tâm lý học lâm sàng, chẩn đoán là cần thiết, nhưng lại không phải là phần trọng yếu trong quá trình điều trị. Nếu một giờ trị giá 200 USD của ông ta không giúp xác định bệnh lý của bạn và chỉ cho bạn lối thoát, thì ngược lại cái mà phần lớn các lý thuyết tài chính hành vi mang đến cho công chúng đầu tư là: quá nhiều căn bệnh và bế tắc về giải pháp. 5 Nguyên gốc là Ivory Tower: nghĩa bóng là thế giới cao siêu, xa vời của tri thức sách vở và ý nghĩa chủ quan mà trong đó các nhà trí thức náu mình, cách xa thế giới thực. Để xem xét trực tiếp tính vô ích của lời khuyên không nên làm cái gì, chúng ta hãy thử bài tập đơn giản sau đây: “Đừng nghĩ tới một con voi màu hồng.” Chuyện gì xảy ra sau khi bạn đọc đề nghị trên? Kỳ lạ là bạn làm chính xác điều tôi yêu cầu đừng làm và tưởng tượng ra một con voi màu hồng. Thất vọng làm sao! Bạn có thể tưởng tượng bất kỳ thứ gì - bạn có vô số chỉ trừ một lựa chọn - và dĩ nhiên bạn vẫn không tuân theo yêu cầu đơn giản của tôi. Ồ, tôi vẫn chưa bỏ cuộc đâu. Chúng ta hãy thử thêm một lần nữa. “Cho dù thế nào, đừng nghĩ tới một con voi lớn màu tím với chiếc ô xinh xắn đang nhón gót đi trên một chiếc dây trên cao nối giữa hai toà nhà trong một khu đô thị rộng lớn.” Bạn lại tiếp tục không làm theo lời tôi, đúng không? Trải nghiệm vừa rồi của bạn là xu hướng hết sức tự nhiên, con người thường sẽ tưởng tượng hoặc thậm chí là ngẫm nghĩ về thứ gì đó, ngay cả khi biết rõ là không nên. Xem xét trường hợp một người ăn kiêng đã tự xây dựng một danh sách dài những thực phẩm cần loại bỏ. Chẳng hạn, anh ta có thể lặp đi lặp lại câu thần chú, “Tôi sẽ không ăn bánh quy. Tôi sẽ không ăn bánh quy. Tôi sẽ không ăn bánh quy” bất kỳ lúc nào gặp phải sự cám dỗ dù nhỏ nhất. Nhưng tác dụng chính của cách tự kỷ ám thị đầy cực đoan của anh ta là gì? Thực tế là anh ta đã nghĩ tới bánh quy cả ngày và có vẻ sẽ đầu hàng ngay khi nhìn thấy một chiếc Oreo. Nghiên cứu cho thấy có một cách tiếp cận hiệu quả hơn nhiều là định hướng lại hành vi thành điều gì đó đáng mong ước hơn việc lặp đi lặp lại các thông điệp mang tính hành xác, mà trớ trêu thay lại luôn khiến chúng ta bận tâm về những thứ xấu xa. Thật không may cho các nhà đầu tư, cho đến nay thì luôn có quá nhiều các thông điệp giả dối “Đừng làm” hơn là những điều mang tính xây dựng như “Hãy làm.” Mục đích của tôi là khôi phục lại sự cân bằng và cung cấp cho bạn những gợi ý cụ thể để quản lý cả hành vi lẫn tiền bạc của bạn. Vượt qua định kiến Tiêu cực và hổ thẹn không chỉ mang lại hành vi trái mong muốn, mà đôi khi còn khiến chúng ta mất hoàn toàn tính chủ động. Lãnh đạo của VitalSmarts - những người tiên phong đổi mới trong đào tạo và phát triển năng lực lãnh đạo trong công ty - vừa chia sẻ một câu chuyện như vậy trong tác phẩm của họ, Influencer: The Power to Change Anything. Họ kể câu chuyện về Đức vua Rama IX của Thái Lan đã ban hành một quyết định lịch sử nhằm thể hiện sự nhân từ của mình nhân dịp sinh nhật 60 tuổi. Quà tặng của ông là gì? Ông đã ân xá cho hơn 30.000 tù nhân. Sự việc xảy ra vào năm 1988, và cho tới trước lúc đó, virus HIV/AIDS ở Thái Lan phần lớn nằm trong hệ thống nhà tù. Nhưng với việc phóng thích hàng chục ngàn tù nhân ở đất nước có ngành công nghiệp tình dục phát triển này, tình hình đã nhanh chóng thay đổi. Trong vòng 365 ngày, có tới 1/3 số người hành nghề mại dâm ở các tỉnh đã bị phát hiện nhiễm HIV. Và thực tế đáng buồn có thể dự đoán trước được, những người đàn ông đã lập gia đình mau chóng bị lây nhiễm từ gái mại dâm, đưa căn bệnh trở lại vùng ngoại ô và truyền sang cho vợ con họ. Với hơn một triệu người Thái mắc bệnh và gần 1% dân số hoạt động trong lĩnh vực tình dục, dự báo tỉ lệ nhiễm HIV trong tương lai thật đáng sợ. Để đối phó với tình trạng này, chính phủ đã triệu tập một nhóm đặc biệt do Tiến sĩ Wiwat đứng đầu. Thực tế, ông nhận được yêu cầu phải khiến công chúng sợ hãi. Ông cùng nhóm cộng sự đã làm các tấm băng-rôn với dòng chữ đầy kịch tính như, “sắp xảy ra dịch bệnh đáng sợ!” Nhưng sau vài năm, khi kiểm tra lại hiệu quả việc làm của mình, họ phát hiện chiến dịch “đe doạ” chỉ mang lại phản ứng tiêu cực. Tình hình ngày càng tồi tệ hơn, vì vậy họ quyết định phải đưa ra phương pháp mới. Lần đầu tiên, Tiến sĩ Wiwat cùng cộng sự đã xác định được gốc rễ của vấn đề: 97% các ca nhiễm mới là do quan hệ tình dục với gái mại dâm. Từ đó ông tập trung vào hướng thuyết phục người hành nghề mại dâm buộc khách hàng phải dùng bao cao su. Nơi mà nỗi sợ từng thống trị giờ được thay thế bằng giáo dục. Chiến dịch sợ hãi mơ hồ dần được thay thế bằng những lời khuyên hữu ích về cách tìm kiếm, tham gia và sử dụng biện pháp phòng ngừa. Cuối những năm 1990, lẽ ra phải có tới năm triệu người Thái mắc bệnh AIDS nhưng kết quả thực tế khả quan hơn nhiều. Nó cho thấy điểm mấu chốt mang tới hiệu quả trong chiến dịch của Tiến sĩ Wiwat - cung cấp nền tảng thông tin có tác dụng hơn là gây ra nỗi sợ hãi. Cho dù là với trường hợp con voi hồng hay gái mại dâm Thái Lan, kết quả khảo sát đều như nhau - xấu hổ và sợ hãi chỉ mang lại hiệu quả tiêu cực, thậm chí còn dẫn đến tâm lý phản kháng. Để cung cấp thêm các bằng chứng về việc ám chỉ tác động lên hành vi ra sao, trong cuốn Predictably Irrational, Dan Ariely đã chỉ ra kết quả của một bài kiểm tra toán thử nghiệm trên một nhóm phụ nữ lại phụ thuộc vào việc họ có được nhắc nhở trước rằng mình là người châu Á (vốn được cho là rất giỏi toán) hay chỉ là một phụ nữ bình thường (được cho là rất kém môn này). Và chắc chắn bạn cũng đoán ra, kết quả của những người được mớm ý nghĩ rằng họ là người châu Á tốt hơn hẳn so với những phụ nữ chỉ được nhắc nhở về giới tính. Tương tự như vậy, Meir Statman cũng chia sẻ nghiên cứu về kinh tế xã hội và hành vi tiêu dùng trong cuốn sách What Investors Really Want. Những người tham gia được gieo ý nghĩ rằng họ là người nghèo và thường có xu hướng tiêu tiền vào hàng hoá xa xỉ, như để thể hiện sự giàu có với mọi người. Trong cả hai trường hợp, hành vi của người tham gia bị thao túng bởi lời nhắc nhở về hoàn cảnh, địa vị của bản thân. Họ được cho biết nơi mình thuộc về và hành động theo đúng như vậy. Xem xét hiện tượng này trong thế giới đầu tư, như đã biết, việc ám chỉ tinh thần rất nguy hiểm. Bằng cách nhấn mạnh những sai lầm về hành vi luôn ngáng chân nhà đầu tư - và không đưa ra các phương pháp thay thế mang tính xây dựng - tài chính hành vi đã ám chỉ rằng các nhà đầu tư sẽ rơi vào bế tắc với các sai lầm này và phản ứng bằng các hành vi khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Nhà đầu tư không phải những kẻ lười biếng tư lợi, chỉ luôn muốn tối đa hoá lợi ích như nhóm lý thuyết thị trường hiệu quả từng nghĩ, nhưng họ cũng không phải ông bố Homer Simpson6 đần độn như vẫn được tô vẽ gần đây. 6 Homer Simpson: là nhân vật chính - người bố trong gia đình Simpson - của loạt phim hoạt hình truyền hình The Simpsons. Thay vì đưa ra một bản danh sách ngày càng dài về sai lầm mà họ sẽ mắc phải, nhà đầu tư cần hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, cũng như lời khuyên cụ thể để phát triển điểm mạnh và hạn chế điểm yếu. Cũng giống vị bác sĩ Thái Lan khôn ngoan, tôi hy vọng cuốn sách này đủ sợ hãi để khiến bạn quan tâm và cung cấp cho bạn giải pháp tích cực để tránh xa rủi ro do hành vi xấu mang lại. Nhà văn Michel de Montaigne đã nói về hiện tượng này một cách uyển chuyển hơn: “Tôi thật lòng biết ơn cô thiếu nữ thành Miletus, người đã đặt vài rào cản khiến nhà hiền triết Thales vấp ngã để cảnh báo ông rằng thay vì mất thời gian thích thú ngắm nhìn những thứ ẩn nấp trong mây thì hãy nhìn rõ con đường dưới chân, khi thấy ông luôn luôn ngước nhìn lên vòm trời xanh. Quả thực cô đã cho ông lời khuyên rất hữu ích, hãy nhìn thấu bản thân mình hơn là ngắm nhìn những thứ xa vời.” Tài chính hành vi cũng dành phần lớn thời gian cho thiên đường trên cao mà không hề ý thức được những cân nhắc thực tế hơn dưới chân mình. Mục đích của tôi trong cuốn sách này là cung cấp các lý thuyết, giai thoại và nghiên cứu đủ thuyết phục lý trí, song luôn hướng tới kết quả thiết thực là giúp bạn trở thành nhà đầu tư khôn ngoan hơn. Vì thế hãy đọc cuốn sách này, nhưng đừng chỉ đọc suông thôi, bởi những nguyên tắc trong này sẽ chỉ hữu ích khi bạn sẵn sàng thử nghiệm chúng. Hành trình của một nhà đầu tư hành vi đòi hỏi một chút lý trí, song nhiều hơn cả là sự kiên trì. PHẦN I NGUYÊN TẮC TỰ QUẢN LÝ HÀNH VI SỰ KHÁC BIỆT GIỮA KHỈ VÀ NGƯỜI B ạn đã từng thấy một con khỉ trong bộ lễ phục7 chưa? Tôi thật lòng hy vọng là rồi, nhưng nếu chẳng may bạn chưa có cơ hội được thấy thì hãy vui lòng đặt cuốn sách này xuống một lát, sử dụng công cụ tìm kiếm yêu thích của bạn, rồi bạn sẽ thấy trò bắt chước này đã được xếp đặt trong vội vàng. 7 Lễ phục: giống như bộ vest thông thường nhưng trang trọng và lịch thiệp hơn, dùng trong các dịp đặc biệt, các sự kiện buổi tối, thường thắt với nơ thay cho cà-vạt và khăn thắt lưng thay cho thắt lưng. Bạn thấy rồi chứ? Tốt rồi! Trong quá trình chứng kiến vẻ ngoài hoành tráng của con khỉ mặc lễ phục, có lẽ bạn đã trải qua một vài phản ứng trái ngược nhau. Phản ứng đầu tiên của bạn có thể là mỉm cười hoặc cười phá lên, nhưng khi nhìn kỹ hơn, có thể bạn sẽ cảm thấy hơi khó chịu. Xét về khía cạnh hài hước thì một con khỉ mặc vest (từ giờ ta sẽ gọi tắt là MIAT: Monkey In A Tuxedo) có lẽ thật buồn cười, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy có gì đó không đúng khi nhìn loài vật hoang dã này quấn chiếc khăn thắt lưng8 quanh eo. 8 Nguyên tác: cummerbund: là phụ kiện dùng thay thế cho thắt lưng khi mặc vest lễ phục, thường được làm từ lụa và vải sa-tanh. Xét về tính lạ lùng thì hình ảnh này tạo cảm giác giống như bạn đang đầu tư sai. Nghịch lý đáng buồn là: 1. Bạn phải đầu tư vào những tài sản rủi ro cao nếu muốn sống sót. 2. Bạn không đủ mạnh mẽ về mặt tâm lý để đầu tư vào chúng. Trước tiên, chúng ta hãy cùng xem xét lý do tại sao bạn phải đầu tư vào các tài sản rủi ro cao nếu bạn muốn ăn bất cứ thứ gì mà không phải là cơm hẩm cháo thiu trong suốt năm tháng vàng son của mình. Theo cuốn sách này thì mức lương bình quân của Mỹ là 26.695 USD và thu nhập bình quân của một gia đình là 50.500 USD. Tuy nhiên, chúng ta hãy giả định rằng bạn thông minh gấp bốn lần mức trung bình và xoay xở để đảm bảo mức lương thoải mái là 100.000 USD một năm. Chúng ta hãy giả định thêm rằng bạn là tín đồ trung thành của chuyên gia phản đối vay nợ Dave Ramsey và đều đặn dành ra 10% thu nhập hàng năm bỏ vào tài khoản tiết kiệm không rút gốc và lãi đến khi nghỉ hưu. Nếu bạn bắt đầu tiết kiệm từ năm 25 tuổi và nghỉ hưu ở tuổi 65, nỗ lực tiết kiệm của bạn sẽ mang lại con số tổng là 400.000 USD. 400.000 USD có vẻ là một số tiền kha khá, nhưng nó cũng khó có thể giúp một người sống thoải mái thêm 30 năm sau khi nghỉ hưu. Với 13.333 USD mỗi năm, bạn sẽ sống ở mức gần sát với chuẩn nghèo theo thống kê hiện nay, đó là còn chưa kể đến lạm phát sẽ xói mòn sức mua của con số này trong vòng 40 năm. Nếu quay trở lại 40 năm trước, chúng ta sẽ thấy với 90.000 USD năm 1975 sẽ có sức mua tương đương 400.000 USD ngày nay. Chỉ cần một phép tính đơn giản cũng giúp chúng ta thấy rõ rằng hiện tại con số 400.000 USD có vẻ ổn, nhưng sau 40 năm nữa chúng ta sẽ cần 1,5 triệu USD để đảm bảo duy trì sức mua tương tự. Hãy nhớ rằng một cặp vợ chồng Mỹ trung bình đang chi tiêu gần 250.000 USD cho dịch vụ y tế, vượt xa mức bảo hiểm hàng tháng của họ. Ngay cả khi tính toán với tỉ lệ lạm phát thấp nhất trong vòng 40 năm tới thì chỉ riêng chi phí y tế cũng vượt xa khoản bạn tiết kiệm được, dù đã áp dụng mô hình tiết kiệm phần lớn khoản tiền kiếm được. Dù bạn có thể phức tạp hóa các giả định trên để phản ánh chính xác hơn thực tế của người lao động trung bình (hầu hết mọi người không thể kiếm được 100.000 USD ngay sau khi vừa ra trường mà tăng dần trong quá trình làm việc và đa phần mọi người không dành ra 10% thu nhập để tiết kiệm) thì kết quả về cơ bản vẫn giống nhau. Đơn giản là bạn không thể đạt được mục tiêu tiết kiệm cần thiết vào năm 65 tuổi mà không có sự trợ giúp của tài sản rủi ro cao mà lợi nhuận chúng mang lại vượt quá sức xói mòn của lạm phát. Burton Malkiel đã đúc rút, “Rõ ràng là dù đối mặt với lạm phát nhẹ, chúng ta vẫn duy trì sức mua thực của bản thân, nếu không chất lượng sống sẽ suy giảm.” Do đó chúng ta phải đầu tư nếu muốn sống sót. Nhưng, xem xét vấn đề thứ hai ở trên, liệu chúng ta có đầu tư đúng hướng không? Câu chuyện Alice ở xứ sở thần tiên là minh chứng điển hình nhất cho thể loại “văn chương phi lý.” Như một người mong đợi vào câu chuyện cổ tích vô lý, Alice thấy mình đang ở trong một thế giới kỳ lạ, nơi mà trên thành dưới, đúng thành sai và “dù bạn đi lối nào cũng không quan trọng.” Vòng xoáy kỳ quái của cuốn sách được minh họa rõ nét qua cuộc đối thoại giữa Alice và chú mèo Cheshire: “Nhưng tôi không muốn đi cùng những kẻ điên rồ,” Alice bình luận. “Ồ, vô ích thôi,” con mèo đáp. “Ở đây chúng ta đều trở thành kẻ điên. Tôi điên. Cô cũng điên.” “Làm sao cậu biết tôi điên?” Alice vặn lại. “Cô buộc phải thế,” con mèo nói, “nếu không thì cô đã không ở đây.” Giống như Alice trong vương quốc của Cheshire, nhà đầu tư cảm thấy họ đang sống ở một thế giới thách thức các luật lệ trong cuộc sống thường ngày. Thế giới của các nhà đầu tư là nơi mà tương lai sẽ chắc chắn hơn hiện tại, làm ít sẽ hiệu quả hơn làm nhiều và tập thể thì thiếu hiểu biết hơn một cá nhân. Chúng ta hãy xem xét chi tiết hơn từng đặc tính của thế giới điên rồ này. Tương lai chắc chắn hơn hiện tại? Giả sử tôi đặt câu hỏi bạn sẽ làm gì trong vòng 5 phút. Kỳ quặc là bạn có thể trả lời câu hỏi này với mức độ chắc chắn cao. Cuối cùng, nó lại có vẻ giống như những gì bạn đang làm vào thời điểm được hỏi. Nào, giờ chúng ta thay đổi câu hỏi một chút và tưởng tượng rằng tôi hỏi bạn sẽ làm gì trong vòng 5 tuần kể từ lúc này. Chắc chắn sẽ khó xác định hơn, nhưng một bản kế hoạch có lẽ sẽ đưa ra vài manh mối về việc bạn định làm trong thời gian đó. Giờ hãy tưởng tượng bạn được yêu cầu dự đoán hành động của mình trong vòng 5 tháng, 5 năm hoặc thậm chí là 50 năm tới. Chết tiệt, gần như là không thể, đúng không? Dĩ nhiên, bởi vì trong cuộc sống thường ngày của chúng ta thì hiện tại vẫn dễ nắm bắt hơn tương lai xa vời. Điều khiến đầu tư trở nên phức tạp chính là sự trái ngược mới là đúng đắn. Chúng ta không biết chuyện gì sẽ xảy ra hôm nay, có khái niệm mơ hồ với sự kiện tuần tới và hiểu biết đại khái về tiềm năng lợi nhuận trong một năm. Nhưng chúng ta lại có thể ước tính chính xác kết quả trong vòng 25 năm nữa. Hãy cùng xem xét hiệu suất dài hạn của cổ phiếu qua các thời kỳ nắm giữ như bảng dưới đây: Bảng 1 - Giới hạn thu nhập cổ phiếu từ 1926 đến 19979 9 Nguồn: Damodaran Online, Quản lý Đầu tư, “Rủi ro và Đầu tư dài hạn.” Trong khoảng thời gian ngắn, khoản thu nhập này gần như không thể xác định được. Trong 1 năm, khoảng giới hạn lợi nhuận rất rộng, từ mức cao nhất gần 54% tới mức thua lỗ nhiều nhất là 43%. Nhưng sau 25 năm, quãng thời gian phản ánh rõ nét hơn hiệu quả đầu tư dài hạn, tương lai sẽ trở nên chắc chắn hơn hiện tại khi giới hạn thu nhập thu hẹp hơn. Thu nhập thay đổi trong giới hạn từ mức tốt nhất là gần 15% đến mức tệ nhất là gần 6% một năm trong khoảng thời gian này. Giới hạn thu nhập không đáng lo ngại trong quãng thời gian dài, có nghĩa là chúng ta nên đầu tư cổ phiếu dài hạn. Với nhiều người, để làm được như vậy đòi hỏi sự cân nhắc cẩn thận về thực tại, một điều dường như không thể xảy ra. Nhà thống kê xuất sắc Nate Silver chia sẻ trong cuốn sách The Signal and the Noise: “Những năm 1950, trung bình cổ phiếu phổ thông của một công ty Mỹ thường được nắm giữ khoảng 6 năm trước khi đưa ra giao dịch - phù hợp với ý tưởng cổ phiếu là khoản đầu tư dài hạn. Những năm 2000, tốc độ giao dịch đã tăng lên gấp mười hai lần. Thay vì được giữ 6 năm như trước thì một cổ phiếu chỉ được giữ trong vòng 6 tháng. Xu hướng này cho thấy vài dấu hiệu giảm nhẹ: quy mô thị trường chứng khoán tăng gấp đôi sau mỗi 4 hoặc 5 năm.”10 10 N. Silver, The Signal and the Noise: Why so Many Predictions Fail - but Some Don’t (Penguin 2015). Trực giác nói với chúng ta rằng hôm nay thường dễ đoán biết hơn ngày mai, song Thế giới điên rồ ở phố Wall (viết tắt WSBW: Wall Street Bizarro World) lại không nghĩ thế. Như ngài Silver đã chỉ ra, khả năng tiếp cận nhiều hơn với dữ liệu và những hiệu ứng không mong muốn của công nghệ sẽ khiến con người có khuynh hướng tập trung vào ngắn hạn hơn. Chính điều này sẽ mang lại cơ hội cho những người có thể cưỡng lại được xu hướng trên; sự thiếu kiên nhẫn ngày càng tăng của phần lớn đám đông sẽ tạo ra lợi nhuận cho các nhà đầu tư khôn ngoan. Ben Carlson đã từng viết trong A Wealth of Common Sense, “Từng cá nhân phải hiểu rằng, dù ngành tài chính đổi mới thế nào thì tính kiên nhẫn vẫn luôn là vũ khí sắc bén nhất trên thị trường. Chẳng có thái độ nào hữu ích hơn nó trong đầu tư chứng khoán dài hạn. Thực tế, lợi thế lớn nhất của một cá nhân chính là khả năng kiên nhẫn.”11 11 B. Carlson, A Wealth of Common Sense: Why Simplicity Trumps Complexity in Any Investment Plan (John Wiley & Sons, 2015), P. 12. Làm ít hiệu quả hơn làm nhiều. “Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của việc án binh bất động.” - Winnie The Pooh “Lười nhác chẳng những không phải là gốc rễ của tội ác, mà còn thực sự là điều tốt đẹp.” - Soren Kierkegaard Hãy tưởng tượng một thế giới mà ở đó bạn tiếp thu được nhiều kiến thức hơn nhờ đọc sách ít hơn, chiêm ngưỡng được nhiều nơi hơn nhờ giảm đi du lịch và có hình thể cân đối hơn bằng cách tập luyện ít đi. Chắc chắn, một thế giới mà làm ít được nhiều sẽ trái ngược với kinh nghiệm sống của chúng ta, nhưng đó lại là cách mà WSBW đang hoạt động. Nếu chúng ta học cách để tồn tại ở WSBW (và buộc phải thế), thì bài học đầu tiên là: làm ít đi. Thuật ngữ tâm lý dành cho khuynh hướng nỗ lực hết sức khi đối mặt với tiền cược cao là thiên kiến hành động. Một số nghiên cứu thú vị nhất về thiên kiến hành động đến từ thế giới hoang dã của các môn thể thao - nhất là bóng đá. Một nhóm nhà nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra hành vi của thủ môn khi đối mặt với cú đá phạt penalty. Với 311 cú đá, họ nhận thấy có tới 94% số lần thủ môn lao sang trái hoặc phải cầu môn. Tuy nhiên, các cú đá lại rất đều nhau, một phần ba về bên trái, một phần ba về bên phải và một phần ba ở chính giữa. Kết quả là họ nhận thấy những thủ môn đứng giữa cầu môn sẽ có tới 60% cơ hội bắt được bóng hơn là lao sang trái hoặc phải. Vậy tại sao đám thủ môn đó lại biểu diễn những pha bắt bóng đầy kịch tính như thế trong khi lười biếng mới có vẻ là chiến lược tốt nhất? Câu trả lời sẽ trở nên rõ ràng hơn khi ta đặt mình vào vị trí của họ (đặc biệt là những người sống tại các quốc gia mà thất bại trên sân cỏ có thể bị trừng phạt bằng cái chết). Khi trò chơi này và sự vẹn toàn lãnh thổ được đặt cùng một chỗ, bạn sẽ muốn được nhìn nhận là đã nỗ lực hết sức, kết quả thế nào không quan trọng! Bạn đã làm mọi khả năng, mọi cách có thể, và đứng ở chính giữa là một tác động trực quan mang tính quyết định của sự tự mãn đáng kinh ngạc. Tương tự như vậy, các nhà đầu tư có nhiệm vụ phải bảo toàn và gia tăng tài sản mà mình khó khăn mới kiếm được sẽ không muốn ngồi yên trong những giai đoạn khó khăn, ngay cả khi các nghiên cứu đều chỉ ra đó là động thái phù hợp nhất. Giống các nhà nghiên cứu giun ở Guinea được đề cập trong phần giới thiệu, một nhóm thuộc quỹ đầu tư Fidelity đã tiến hành kiểm tra hành vi của các tài khoản hoạt động hiệu quả nhất trong nỗ lực nhằm khoanh vùng hành vi của những nhà đầu tư thực sự tài giỏi. Kết quả khảo sát của họ có thể sẽ khiến bạn sửng sốt. Khi nhóm liên lạc với chủ của các tài khoản có kết quả tốt nhất, tình huống thường xuyên gặp nhất là họ đã quên mất tài khoản của mình. Vậy là chẳng còn gì để khoanh vùng hành vi phức tạp của các nhà đầu tư tài ba nữa? Có vẻ như sự quên lãng là vũ khí tuyệt vời nhất mà nhà đầu tư nên sử dụng. Một quỹ đầu tư khác, Vanguard, cũng tiến hành so sánh tính hiệu quả của các tài khoản hầu như không có bất kỳ thay đổi nào với những tài khoản thay đổi thường xuyên. Chắc chắn, họ nhận thấy tình trạng “không thay đổi” hiệu quả hơn. Ngoài ra, Meir Statman trích dẫn nghiên cứu từ Thụy Điển cho thấy những nhà đầu tư giao dịch nhiều nhất thường mất 4% giá trị tài khoản hàng năm cho chi phí giao dịch và lựa chọn thời điểm đặt lệnh không chuẩn. Kết quả này nhất quán trên toàn cầu: với mười chín thị trường chứng khoán lớn nhất, tỷ lệ các nhà đầu tư thay đổi số cổ phiếu mua và nắm giữ thường xuyên nhất chiếm 1,5 điểm phần trăm mỗi năm12. 12 M. Statman, What Investors Really Want: Know What Drives Investor Behavior and Make Smarter Financial Decisions (McGraw Hill Education, 2010), T. 6. Có lẽ nghiên cứu nổi tiếng nhất về tác động có tính hủy hoại của thiên kiến hành động cũng mang lại cái nhìn sâu sắc về khuynh hướng gắn liền với giới tính trong việc mua bán. Terrance Odean và Brad Barber, cha đẻ của lý thuyết tài chính hành vi, đã xem xét các tài khoản cá nhân của một nhà môi giới chiết khấu lớn và tìm thấy điều đáng kinh ngạc vào thời điểm ấy. Trong nghiên cứu này, nam giới giao dịch nhiều hơn nữ giới tới 45%, trong đó nam giới độc thân nhiều hơn nữ giới độc thân với tỷ lệ là 67%. Barber và Odean cho rằng số lượng giao dịch lớn hơn này liên quan đến tính tự tin thái quá, nhưng bất chấp nguồn gốc tâm lý là gì, nó vẫn làm suy giảm lợi nhuận. Kết quả của tích cực thái quá đó là lợi nhuận của nam giới bình thường trong nghiên cứu kém hơn nữ giới bình thường khoảng 1,4 điểm phần trăm mỗi năm. Tệ hơn nữa nam giới độc thân kém nữ giới độc thân tới 2,3 điểm phần trăm - một con số không thể tin được khi xem xét trong suốt quãng thời gian đầu tư. Xu hướng nữ giới làm việc hiệu quả hơn không chỉ được phát hiện trong lĩnh vực đầu tư. Các nhà nữ quản lý nắm giữ quỹ đầu tư mạo hiểm tỏ ra kiên định hơn và lấn át đồng nghiệp nam, chủ yếu nhờ tính kiên nhẫn như đã nói ở trên. LouAnn Lofton từ công ty Motley Fool viết: “… các quỹ đầu tư có quản lý là nữ giới, kể từ khi bắt đầu, luôn có lợi nhuận trung bình là 9,06%, so với mức bình quân 5,82% của các quỹ mạo hiểm khác. Như thể sự vượt trội này còn chưa đủ ấn tượng, nhóm cũng phát hiện ra trong suốt giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008, các quỹ có nữ quản lý không bị ảnh hưởng nặng nề như những quỹ mạo hiểm khác, với số lượng quỹ giảm 9,61% so với mức 19,03% của các quỹ khác.”13 13 L. Lofton, Warren Buffett Invests Like a Girl: And Why You Should, Too (Harper Business, 2012), p. 25. Các chàng trai có vẻ vẫn còn rất hiếu động, nhưng ít ai có thể đoán được chi phí tài chính chóng mặt của thiên biến hành động này. Tránh xa khỏi đám đông điên cuồng “Bất cứ cá nhân nào được coi là có óc xét đoán và hợp lý nếu đứng một mình - thì cũng trở nên ngu dốt nếu lẫn trong đám đông.” - Friedrich Von Schiller Tôi hay phải đi xa, mỗi tuần một lần, ngoài việc phải ăn món gà nấu quá nhừ, tôi thường được yêu cầu nói chuyện với các cố vấn tài chính về những kiến thức cơ bản của tài chính hành vi. Như bất kỳ ai hay phải đi công tác thì việc xác định nơi nào ăn, ngủ và giải trí tốt nhất ở một thành phố xa lạ khá là phức tạp. Rất nhiều khách sạn đẳng cấp thường có người tư vấn giúp bạn, song lời khuyên của họ sẽ bị hạn chế bởi thực tế nó chỉ là ý kiến của một cá nhân. Sau một lần được tư vấn bởi người có thị hiếu kém tinh tế hơn (chắc chắn, tôi có thể đảm bảo về khiếu thẩm mỹ của mình), tôi đã nhanh chóng học được cách khai thác sức mạnh từ nhận xét của đám đông. Các trình duyệt như Yelp, Urban Spoon và Rotten Tomatoes đã cung cấp các bài đánh giá tổng hợp để hướng dẫn thực khách và khán giả về nhà hàng ăn tối hay bộ phim được nhiều người ca ngợi. Trong khi không phải lúc nào cũng đồng tình với khẩu vị của nhân viên trợ giúp hay của nhà phê bình điện ảnh thuộc tờ báo địa phương, thì chưa bao giờ tôi thất vọng về bộ phim hay món ăn được đông đảo công chúng thừa nhận. Với những lĩnh vực này (ví dụ như thực phẩm hay phim ảnh), làm theo đám đông là khôn ngoan nhất. Nhưng sức mạnh đồng thuận của đám đông không chỉ giới hạn trong việc chọn ra món cốt-lết bê ngon miệng hay quyết định có nên xem phim Dude, Where’s My Car? (đạt bình chọn 18% trên Rotten Tomatoes), mà còn là nền tảng xây dựng lên hệ thống chính trị thành công nhất. Ngài Winston Churchill có câu nói nổi tiếng, “chỉ cần một cuộc nói chuyện năm phút với cử tri thông thường sẽ phát hiện ra yếu điểm của chủ nghĩa dân chủ,” đó là các ý kiến được ghi nhận dưới nhiều hình thức trong thời gian bầu cử. Vậy tại sao nền dân chủ vẫn phát triển thành công (hay ít nhất là không hoàn toàn thất bại) trong suốt một thời gian dài? Tại sao lại là nó, mà theo như quan điểm của Churchill, “là mô hình chính phủ tồi tệ nhất, ngoại trừ tất cả những mô hình khác đã được thử thách theo thời gian”? Câu trả lời chính là xu hướng chung của đám đông là trở nên khôn ngoan, đạo đức, khoan dung và độ lượng hơn từng cá nhân riêng lẻ. Các lựa chọn thay thế, như hệ thống chính trị tài phiệt và chế độ quân chủ, luôn sống hoặc chết phụ thuộc vào điểm mạnh hoặc yếu của một nhóm người, sẽ là rủi ro/phần thưởng cao hơn rất nhiều so với chủ nghĩa dân chủ. Có thể cử tri thông thường sẽ không thấy có gì ấn tượng, nhưng những người bình thường của nhóm cử tri thông thường mới là đối tượng đáng giá nhất. Nếu sự khôn ngoan của đám đông có thể giúp chúng ta giải quyết các vấn đề mâu thuẫn phức tạp và lựa chọn ra một chính phủ tốt, thì theo trực quan, dường như nó cũng có thể mang lại thứ gì đó hữu ích cho các nhà đầu tư, đúng không? Sai. Một lần nữa, quy tắc của WSBW lại trái ngược với các logic thông thường và buộc chúng ta phải hành động dựa trên một bộ giả thuyết khác. Giả định rằng đặc quyền hành vi cá nhân dựa trên quy tắc vượt quá sự khôn ngoan của đám đông. Tại sao lại tồn tại khoảng cách chất lượng giữa các quyết định đầu tư và quyết định về ẩm thực? Richard Thaler, nhà kinh tế học hành vi xuất sắc, đã xác định bốn yếu tố khiến chúng ta khó có thể ra quyết định đúng đắn ở bất kỳ lĩnh vực nào. Đó là: 1. Chúng ta luôn quan tâm đến lợi ích trước, sau đó mới tới chi phí. 2. Không thường xuyên ra quyết định đó. 3. Không nhận được phản hồi ngay. 4. Ngôn ngữ không rõ ràng. Lựa chọn một món ăn bao gồm: ngôn ngữ rất rõ ràng (“bữa tối đặc biệt của chúng tôi là món chiên và ngập trong pho mát”), lập tức có phản hồi (“Chúa ơi! Thật là ngon”), được quyết định rất thường xuyên (ba lần mỗi ngày, hoặc nhiều hơn nếu bạn cũng giống tôi), và có sự lựa chọn giữa chi phí ngay lập tức và trì hoãn (“Nó sẽ ngốn mất 27 USD” hay “Tôi nên dừng lại sau khi ăn ba cuộn”). Mặt khác, một quyết định đầu tư lại vi phạm hết cả bốn điều kiện của Thaler. Nó bao gồm ngôn ngữ cố ý gây nhầm lẫn (chẳng hạn: “Thị trường trung lập” là gì?), có vòng lặp thông tin phản hồi chậm trễ (mất hàng thập kỷ, nếu bạn thông minh), được thực hiện rất không thường xuyên (cảm ơn món thừa kế này, dì Mable), và lợi ích bị trì hoãn tới thời điểm mà chúng ta gần như chẳng còn gì nữa (ở tuổi 36, tôi khó lòng tưởng tượng 80 tuổi tôi sẽ chi tiêu số tiền này như thế nào). Đám đông có thể cho chúng ta lời khuyên tuyệt vời khi chọn một món ăn vì đó là quyết định được thực hiện rất nhiều lần với kết quả được biết ngay lập tức. Ngược lại, tính khôn ngoan hay dại dột của một quyết định đầu tư có thể không được thể hiện trong rất nhiều năm, nghĩa là đám đông thiếu kiên nhẫn sẽ khó có thể cho bạn lời khuyên sáng suốt. Như chúng ta có thể kỳ vọng ở nghiên cứu của giáo sư Thaler, đám đông luôn sai lầm trong lựa chọn thời điểm tham gia hoặc thoát khỏi thị trường chứng khoán. Họ tham gia vào thời điểm vui sướng chốc lát và đau đớn lâu dài (với thị trường giá lên còn gọi là Bull Markets) hay thoát ra tại thời điểm đau đớn chốc lát và vui sướng lâu dài (với thị trường giá xuống, còn gọi là Bear Markets). Trong cuốn A Wealth of Common Sense, Ben Carlson đã nhắc đến một kết quả nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nhằm kiểm tra các dòng vốn từ năm 1984 đến 2012. Không có gì đáng ngạc nhiên khi “họ phát hiện ra rằng hầu hết các nhà đầu tư đổ tiền vào sau khi thị trường đã thu được lợi nhuận lớn và rút tiền ra sau khi bị thua lỗ một thời gian dài - chiến lược mua đắt bán rẻ thất bại hoàn toàn.” Một lần nữa, chúng ta có thể thấy rằng nếu áp đặt các quy tắc hàng ngày lên những người ở Thế giới điên rồ ở phố Wall thì chẳng khác gì đổi sự thoải mái về mặt cảm xúc thông thường lấy sự nghèo đói lâu dài. Cuốn Collapse của Jared Diamond kể lại câu chuyện một người cố gắng làm những việc mà rất nhiều nhà đầu tư luôn cố thực hiện ở WSBW - cứng rắn áp dụng lối sống ưa thích của họ lên một hệ thống không tương thích14. Đó là câu chuyện về người Norse - một nhóm người rất khỏe mạnh đã rời quê nhà ở Na Uy và Iceland đến định cư tại Greenland. 14 J.Diamond, Collapse: How Societies Choose To Fail Or Succeed (Viking, 2005). Chúng ta đã biết Dân Viking, những người luôn được biết đến với tính cách kiêu ngạo, đã kiên trì tiến về phía trước bằng cách phá rừng, cày xới đất đai và xây dựng nhà cửa - những hành động ngu ngốc đã cướp mất thảm cỏ mượt mà của lũ gia súc và tàn phá nguồn tài nguyên thiên nhiên ít ỏi còn lại. Đám người Norse còn tệ hơn nữa họ đã phớt lờ sự khôn ngoan của người Inuit bản địa, dè bỉu cách làm của người dân ở đây lạc hậu hơn cái mà họ cho là phương thức tinh vi của người châu Âu đối với nền nông nghiệp và xây dựng. Do coi thường cách sống của dân bản địa, người Norse đã chết trong một vùng đất vô thừa nhận - nạn nhân của chính thói kiêu ngạo của họ. Giống như người Norse ở Greenland, bạn sẽ thấy mình rơi vào một vùng đất với những phong tục kỳ quái mà một số gần như chẳng có ý nghĩa gì. Đó chính là nơi mà làm ít được nhiều, tương lai dễ dự đoán hơn hiện tại và cần phải triệt để bỏ qua sự khôn ngoan của đám đông. Nó cũng là một vùng đất cô độc, đòi hỏi tính nhất quán, kiên nhẫn và kiềm chế, mà chẳng yêu cầu nào dễ dàng với con người. Nhưng nếu muốn sống thoải mái và xứng đáng với nỗ lực của bản thân ở đó, bạn buộc phải đáp ứng. Các quy tắc rất ít và rất dễ học, nhưng khi mới áp dụng bạn sẽ cảm thấy không thoải mái. Tuy không dễ dàng nhưng chắc chắn nó sẽ rất xứng đáng - và nó hoàn toàn nằm trong khả năng của bạn. Chúng ta hãy tiến về phía trước và bắt đầu nghiên cứu các quy tắc của vùng đất này. Quy tắc 1 KIỂM SOÁT VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG NHẤT “Vấn đề quan trọng nhất - hay thậm chí là kẻ thù nguy hiểm nhất của nhà đầu tư - là chính bản thân họ.” - Benjamin Graham T ôi đã nhiều lần lưu ý rằng những nhận xét sâu sắc nhất về bản chất con người được ghi nhận bởi các triết gia, nhà thần học và nhà văn trước khi khoa học có thể chứng minh được đặc tính căn bản đó. Kinh Cựu Ước có ghi lại một câu chuyện như thế và trở thành điển hình cho hiện tượng mà tôi gọi là Vấn đề dòng sông Jordan, hay các vấn đề phức tạp được giải quyết bằng phương pháp đơn giản tới không ngờ. Nguyên nhân hình thành tên gọi dòng sông Jordan là Naaman - một nhà lãnh đạo cộng đồng giàu có và là chỉ huy một đội quân của nhà vua Syria. Xét về mọi mặt đáng lẽ Naaman phải là người đàn ông quyền lực và đáng kính trong cộng đồng của mình. Chỉ có một vấn đề (có lẽ là vấn đề nghiêm trọng) - Naaman bị hủi. Với mong muốn nhằm giúp chủ nhân thoát khỏi nỗi đau đớn tột cùng đó, một người hầu của Naaman đã gợi ý ông nên hỏi ý kiến của một nhà mộ đạo ở Samaria, vốn nổi tiếng chuyên làm phép lạ cho những người chịu nỗi đau tương tự. Chẳng có gì để mất nên Naaman đã lên ngựa, đi thẳng tới nhà Elisha - người đàn ông mộ đạo ấy và xin gặp mặt ông. Thay vì tự mình xuất hiện, Elisha phái người hầu mang tới cho Naaman một thông điệp đơn giản: “Hãy tới tắm bảy lần trên (dòng sông) Jordan, và da thịt sẽ trở lại với ngài, ngài sẽ trở nên sạch sẽ.” Lúc đó, người đàn ông quyền lực của chúng ta có hai điểm không hài lòng đối với sự việc này. Đầu tiên Elisha đã không cư xử lịch sự theo lẽ thường là gặp mặt và nói chuyện trực tiếp với ông. Quá đáng hơn nữa, ông ta còn yêu cầu ông thực hiện một nhiệm vụ có vẻ hết sức ngu dốt là tắm trên một dòng sông không được sạch sẽ cho lắm (nào, bạn hãy tìm kiếm từ khóa “River Jordan” trên Google và xem nó đục ngầu ra sao). Ông tiếp tục liệt kê thêm ba con sông đẹp đẽ và ở gần hơn trước khi nổi cơn thịnh nộ. Trong lúc Naaman giận dữ, người hầu của ông đã lấy hết can đảm tới gần và gợi ý ông nên làm theo lời khuyên giản dị của con người mộ đạo kia. “Ông chủ của tôi, nếu nhà tiên tri đã yêu cầu ngài làm điều vĩ đại, sao ngài lại từ chối? Còn gì vĩ đại hơn khi người nói với ngài rằng hãy tắm rửa và trở nên sạch sẽ chứ?” Theo như câu chuyện thì Naaman đã bỏ qua lòng kiêu ngạo, thực hiện nhiệm vụ có vẻ hết sức đơn giản đó và rũ sạch bệnh tật. Ngày nay các nhà đầu tư cũng thấy mình bị bao vây bởi vấn đề dòng sông Jordan vốn không thể nhận ra bởi nó quá đơn giản. Vấn đề chính là bản thân họ. Khi xem xét yếu tố nào mang lại lợi nhuận đầu tư, theo lẽ thường họ sẽ nghĩ tới mọi thứ trừ điều quan trọng nhất - hành vi của bản thân. Một số sẽ tưởng tượng cuộc sống sẽ trở nên thế nào nếu họ mua cổ phiếu Tesla (hay Apple, hay bất kỳ cổ phiếu đình đám nào) vào ngày đầu tiên chúng được chào bán. Một số lại tự hỏi nếu họ lựa chọn thời điểm hoàn hảo để thoái vốn trước cuộc Đại suy thoái thì sẽ ra sao. Có lẽ hầu hết đều mơ ước trở thành một nhà đầu tư vĩ đại ở tầng trệt tòa nhà Berkshire Hathaway, nhanh chóng thành công như vị lãnh đạo cộng đồng vùng Trung Tây kia. Bất chấp sự thật rành rành rằng hành vi của nhà đầu tư là nhân tố dự đoán khả năng tạo ra lợi nhuận chính xác hơn so với lựa chọn quỹ đầu tư hay xác định thời điểm thị trường, song chẳng ai mơ ước đến khả năng không bị hoảng loạn, nộp thuế thường xuyên và duy trì mục tiêu dài hạn. Và dù không phải là vấn đề mơ ước của nhà đầu tư, thì có vẻ hành vi là điều kiện tiên quyết của đầu tư tốt và là căn nguyên của đầu tư thất bại. Gary Antonacci sử dụng nghiên cứu về hành vi của nhà đầu tư của tổ chức tài chính DALBAR để làm nổi bật lên sự khác biệt lớn giữa hai phương pháp lợi suất gia trọng tính bằng tiền15và lợi suất gia trọng tính theo thời gian16, thuật ngữ viết tắt phổ biến nhất cho điều mà chúng ta gọi là “khoảng cách hành vi”: 15 Lợi suất gia trọng tính bằng tiền là tỷ suất lợi nhuận có tính toán đến thời gian và quy mô dòng tiền vào, ra. 16 Lợi suất gia trọng tính theo thời gian là tỷ suất lợi nhuận (tỷ lệ sinh lời) được tính toán ở điều kiện “lý tưởng,” nghĩa là chỉ căn cứ vào giá trị tài sản (cổ phiếu) biến động lên xuống, mà không quan tâm đến dòng tiền chảy vào, ra do các yếu tố khách quan như rút tiền hay nạp thêm tiền giữa chừng, hoặc khấu trừ chi phí quản lý. Người ta thường dựa trên kết quả này để đánh giá năng lực vận dụng vốn của công ty quản lý quỹ. “Trong vòng 30 năm cho đến năm 2013, S&P 500 có tổng lợi nhuận hàng năm là 11,1%, trong khi các nhà đầu tư quỹ tương hỗ trung bình chỉ kiếm được 3,69%. Trong 7,41% chênh lệch thì có 1,41% là do chi phí của các quỹ tương hỗ, còn lại 6% phần lớn là do các nhà đầu tư đã lựa chọn thời điểm sai lầm.”17 17 G. Antonacci, Dual Momentum Investing: An Innovative Strategy for Higher Returns with Lower Risk (McGraw-Hill Education, 2014), p. 83. Khoảng cách hành vi đo lường tổn thất mà các nhà đầu tư thông thường phải gánh chịu do đã phản ứng theo cảm tính với các điều kiện thị trường. Trong khi một số người có thể không đồng tình với DALBAR trên cơ sở phương pháp luận, thì không ai nghi ngờ về sự tồn tại của khoảng cách hành vi. Theo kết quả ước tính của Biểu đồ 1, có một vài khác biệt về độ lớn của các khoảng cách - với dãy ước tính từ 1,17% đến 4,33% một năm - nhưng vẫn có sự đồng thuận chung về tác động làm giảm lợi nhuận của nó. Biểu đồ 1: Ước tính khoảng cách hành vi Nếu một quỹ tương hỗ đưa ra một sản phẩm và giới thiệu rằng kết quả sẽ tốt hơn 4% mỗi năm, các nhà đầu tư sẽ chen lấn đến sập cả cửa để mua nó. Đáng buồn thay, bản chất dòng sông Jordan của khoảng cách hành vi có nghĩa là chúng ta đã không hiểu rõ vấn đề rằng 4% kiếm được là nhờ những quyết định đúng đắn. Nhưng được rồi, hãy giả sử rằng bạn không bị hấp dẫn bởi lời mời chào của tôi để tối thiểu khoảng cách hành vi và vẫn muốn tập trung vào lựa chọn quỹ tốt nhất. Chúng ta tạm thời cho là bạn đã tìm được quỹ đó (mặc dù thực tế có tới hơn 8.000 quỹ tương hỗ) và đã đầu tư vào quỹ phát triển nhanh nhất từ năm 2000 đến 2010. Trong suốt thập kỷ đó thì CGM Focus (CGMFX) là quỹ đầu tư chứng khoán có tỷ suất lợi nhuận cao nhất, mang lại 18,2% lợi tức hàng năm cho các nhà đầu tư và vượt hơn 3% mỗi năm so với đối thủ ở vị trí thứ hai. Không tồi, hãy lựa chọn chúng! Vấn đề duy nhất là nhà đầu tư thông thường của CGMFX thua lỗ tới 10% trong suốt thời gian đầu tư vào nó. Tính không ổn định của quỹ kết hợp với xu hướng theo đuổi lợi nhuận, nghĩa là các nhà đầu tư thường đổ xô vào sau khi cổ phiếu quỹ đã có lợi nhuận xác định, rồi bỏ chạy trong giai đoạn thua lỗ, lặp đi lặp lại như vậy. Tối đa hóa lợi tức là sự theo đuổi đáng giá và cũng là một mục đích của cuốn sách này, nhưng nó sẽ chẳng có ý nghĩa nào nếu thiếu tính tự chủ. Để minh chứng thêm về vấn đề thời điểm thị trường, năm 1999, thời kỳ hoàng kim nhất trong lịch sử đầu tư chứng khoán, người Mỹ đã dành gần 9% tiền lương vào quỹ hưu trí tư nhân 401k. Ba năm sau, cổ phiếu giảm 33% giá trị, nhưng các khoản đóng góp vào quỹ 401k lại giảm gần ¼18. Đánh giá một chỉ số lớn rất đơn giản, song để đưa ra những hành động thích hợp dựa trên đánh giá này khó khăn hơn rất nhiều. 18 B . Graham and J. Zweig, The Intelligent Investor: The Definitive Book on Value Investing. A Book of Practical Counsel (Harper Business, 2006), p. 215. Đơn giản là chúng ta không thoát khỏi thực tế rằng quản lý hành vi là chìa khóa để trở thành nhà đầu tư thành công. Không có trình độ đầu tư nào mà tự thân nó có đầy đủ khả năng vượt qua căn bệnh chết người của hành vi xấu. Sau đây là chín quy tắc quản lý hành vi giúp bạn hướng tới hành vi tốt và san bằng 4% khoảng cách hành vi, song nó chỉ có thể thành công nếu được hiểu và công nhận trong khả năng của bạn. Điểm khó khăn của hành vi đầu tư tốt là ngay cả khi các nhà đầu tư nắm được các ưu điểm của nó thì những điều thuộc về bẩm sinh thường hiếm khi là xu hướng hành động đúng đắn nhất. Các quy tắc tự quản sẽ giúp loại bỏ khuyết điểm này. Rất hiếm người có đủ sự sâu sắc hay minh bạch để tự quản lý hành vi của bản thân. Nếu hành vi tốt là yếu tố tiên quyết để dự đoán lợi tức đầu tư thì mong muốn tìm kiếm sự giúp đỡ là cách dự đoán tốt nhất của hành vi tốt. Thực hành Suy nghĩ: “Dù thị trường có biến động thế nào, lựa chọn của tôi cũng là tốt nhất.” Đặt câu hỏi: “Thay vì theo đuổi lợi nhuận, liệu tôi có thể làm gì để tiết kiệm, cắt giảm chi phí và duy trì tính kiên nhẫn?” Hành động: Tiến hành tự động hóa quá trình phân bổ dài hạn vào tài khoản đầu tư tăng dần theo mức lương của bạn. Quy tắc 2 BẠN KHÔNG THỂ LÀM MỘT MÌNH “Chúng ta sinh ra không phải chỉ dành riêng cho bản thân.” - Marcus Tullius Cicero T rong kỷ nguyên thương mại 7-đô-la và sức ép miễn phí, một số người đã nhanh chóng coi mối quan hệ tư vấn truyền thống là vết tích của một thời đại đã qua. Cách đây nhiều năm, nhà môi giới và tư vấn có vai trò bảo vệ dữ liệu tài chính và nắm giữ giá cổ phiếu. Ngày nay, nhà đầu tư chỉ cần một chiếc điện thoại Iphone và tài khoản môi giới trực tuyến miễn phí để thực hiện tất cả chức năng mà cách đây 30 năm là độc quyền của Phố Wall. Câu hỏi đáng đặt ra trong thời đại như vậy là “liệu cố vấn của tôi có thực sự kiếm được phí tư vấn không?” Thú vị thay, các nghiên cứu cho thấy câu trả lời là “Có,” mặc dù không giống những lý do bạn có thể nghĩ ra. Trong một báo cáo mang tính lịch sử tựa đề “Chỉ số Alpha của nhà tư vấn,” những người theo trường phái nhạy cảm về phí nổi tiếng tại Vanguard đã ước tính rằng giá trị gia tăng khi làm việc với một cố vấn tài chính giỏi là khoảng 3% mỗi năm19. Báo cáo nhanh chóng chỉ ra rằng 3%∆ (delta) cũng không kiếm được một cách đều đặn, thường xuyên. Nói đúng hơn thì khoản phí trả cho cố vấn thường “nổi cộm” và tập trung nhiều nhất trong những thời điểm sợ hãi và tham lam. Sự phân phối không đồng đều của phí tư vấn cho thấy sự thật thứ hai mà chúng ta sẽ nhanh chóng thảo luận sau đây; vai trò quan trọng nhất của cố vấn tài chính là người huấn luyện hành vi hơn là quản lý tài sản. 19 D. G. Bennyhoff and F.M. Kinniry Jr., ‘Advisor’s alpha’, Vanguard.com (April, 2013). Trong tham luận “Alpha, Beta, and Now… Gamma” 20, Morningstar đưa ra thêm ví dụ chứng minh về tính hiệu quả của cố vấn tài chính. “Gamma” là từ viết tắt được Morningstar dùng cho “thu nhập thêm mà nhà đầu tư có thể kiếm được nhờ đưa ra những quyết định tài chính đúng đắn hơn” và họ coi cải thiện việc ra quyết định là thước đo hiệu quả làm việc của cố vấn tài chính. Trong nỗ lực định lượng Gamma, Morningstar đã đưa ra số liệu thống kê, những người nhận được tư vấn nhằm cải thiện lựa chọn tài chính có kết quả tốt hơn 1,82% một năm so với người khác. Đổi lại, có vẻ như các cố vấn cũng kiếm được nhiều phí tư vấn hơn và cải thiện quá trình ra quyết định là phương tiện chủ yếu giúp họ tăng hiệu quả đầu tư cho khách hàng. 20 D. Blanchett and P. Kaplan, ‘Alpha, Beta, and Now… Gamma’, Morningstar (August 28, 2013). Nghiên cứu được Aon Hewitt và nhà cung cấp tài khoản quản lý Financial Engines tiến hành cũng đồng tình với ý kiến rằng sự hỗ trợ mang lại cổ tức lớn. Nghiên cứu ban đầu của họ được tiến hành từ năm 2006 đến năm 2008 và so sánh giữa các nhóm nhận trợ giúp dưới dạng tư vấn trực tuyến, hướng dẫn thông qua quỹ hưu trí xác định thời điểm kết thúc (target date funds) hay các tài khoản có quản lý với nhóm tự đầu tư. Phát hiện của họ trong giai đoạn này cho thấy nhóm được trợ giúp có kết quả hàng năm, sau khi trừ phí tư vấn, tốt hơn 1,86% so với nhóm còn lại. Sau đó, để kiểm tra ảnh hưởng của hoạt động tư vấn trong thời điểm khủng hoảng, họ đã tiến hành một phân tích tương tự giữa hai nhóm này suốt giai đoạn bất ổn từ năm 2009 đến 2010. Họ nhận thấy tác động của hỗ trợ ra quyết định tăng cao chóng mặt trong thời gian khủng hoảng và kết quả hàng năm của nhóm nhận được hỗ trợ tốt hơn 2,92% sau khi trừ phí. Giống như đề xuất của Vanguard ngay phần đầu, lợi ích của hoạt động tư vấn được thể hiện rõ ở những thời điểm mà người ta gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định hợp lý. Hiện nay chúng ta đã chứng minh được các hướng dẫn tài chính thường đạt được hiệu quả đâu đó trong khoảng từ 2% đến 3% mỗi năm. Mặc dù lúc mới nhìn con số này có vẻ rất nhỏ, song bất cứ ai quen thuộc với sự kỳ diệu của lãi suất kép sẽ hiểu được nó có luỹ thừa lớn thế nào. Nếu cố vấn tài chính thực sự hữu ích thì hiệu quả của những sản phẩm tư vấn tốt về sau sẽ vô cùng đáng kể. Thực tế, các nghiên cứu đã chứng minh điều này. Trong “Báo cáo Đánh giá giá trị tư vấn” năm 2012, Viện nghiên cứu Quỹ đầu tư của Canada đã cho thấy các nhà đầu tư sử dụng tư vấn tài chính thường duy trì kế hoạch đầu tư dài hạn nhiều gấp rưỡi so với nhà đầu tư không sử dụng. Do các hợp đồng tư vấn thường là chiến lược được cân nhắc kỹ lưỡng, khoảng cách hiệu quả đầu tư giữa nhóm mua dịch vụ với nhóm không mua lớn dần theo thời gian. Với nhóm mua dịch vụ trong 4 - 6 năm, chênh lệch giữa hai bên là 1,58 lần. Những người duy trì dịch vụ từ 7 - 14 năm, hiệu quả đầu tư của họ lớn gần gấp đôi (1,99), và với gói dịch vụ từ 15 năm trở lên thì con số đó là 2,73 lần. Tư vấn tài chính tốt sẽ mất phí trong ngắn hạn, nhưng hiệu quả tích luỹ trong suốt cuộc đời đầu tư thực sự là con số đáng kinh ngạc. Hy vọng đến thời điểm này, trong đầu bạn đã có chút niềm tin rằng hiệu quả tích luỹ của việc nhận được tư vấn đầu tư hợp lý là rất ấn tượng về mặt tài chính. Nhưng nếu nhìn xa hơn ích lợi tiền bạc, bạn nên cân nhắc liệu có lợi ích về chất lượng cuộc sống khi làm việc với một chuyên gia tài chính hay không. Suy cho cùng thì rất nhiều người hoàn toàn có khả năng cắt cỏ, lau dọn nhà cửa hay sơn phòng nhưng họ vẫn thuê người khác làm. Trong khi có thể bạn có kỹ năng cắt cỏ tương đương người được thuê thì bạn vẫn yên tâm và có thêm thời gian cho người thân nhờ thuê người làm. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ngoài các phần thưởng tài chính tích luỹ cho người thuê cố vấn, nó cũng có giá trị không kém trong vấn đề tăng tự tin và yên tâm. Trong “Báo cáo Đánh giá giá trị tư vấn” của Canada cũng cho thấy những người chi trả cho dịch vụ tư vấn tài chính luôn cảm thấy tự tin và chắc chắn hơn về khả năng họ sẽ được nghỉ hưu một cách thoải mái cùng số tiền lớn hơn phòng khi khẩn cấp. Một nghiên cứu riêng của Hội đồng Tiêu chuẩn Hoạch định Tài chính cũng cho biết có tới 61% số người sử dụng dịch vụ tư vấn khẳng định “Tôi yên tâm” so với chỉ 36% số người trả lời “không có kế hoạch.” Và trong số có kế hoạch thì có tới 54% cho biết đã có chuẩn bị trong trường hợp nguy cấp so với 22% không có dự tính. Cuối cùng trong số người đã có chuẩn bị thì có tới 51% cảm thấy đã sẵn sàng cho nghỉ hưu so với con số đáng lo ngại 18% không sử dụng dịch vụ21. 21 The Value Of Financial Planning, Financial Planning Standards Council, fpsc.ca. Nhận được tư vấn tài chính hữu ích sẽ giúp mang lại cả sự giàu có lẫn tự tin. Nghiên cứu cũng nói rõ ràng rằng một tư vấn tài chính đúng đắn sẽ giúp bạn giành được lợi nhuận cần thiết để đạt được mục đích tài chính đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn. Mười câu hỏi cho cố vấn tài chính của bạn Chúng ta đã thống nhất rằng làm việc với cố vấn tài chính sẽ giúp bạn loại bỏ được khuyết điểm của bản thân. Nhưng không phải cố vấn nào cũng tài giỏi như nhau. Hãy đưa ra mười câu hỏi sau cho vị cố vấn tương lai để chắc chắn bạn tìm được người giỏi nhất. 1. Anh/chị có phải là người được uỷ thác không? Người được uỷ thác phải chấp hành một yêu cầu theo pháp luật là phải đặt lợi ích của khách hàng lên đầu tiên. 2. Anh/chị sẽ làm thế nào để giúp tôi chống lại kẻ thù nguy hiểm nhất - bản thân tôi? Bạn đừng quên, huấn luyện hành vi là giá trị gia tăng lớn nhất của người cố vấn! 3. Phí tư vấn của anh/chị là bao nhiêu và cách tính như thế nào? Phí tư vấn có thể thương lượng dễ dàng hơn bạn nghĩ, nhất là với các tài khoản lớn. 4. Anh/chị có tập trung vào khách hàng nào không? Một số nhà tư vấn chuyên làm việc với các chủ doanh nghiệp nhỏ, “phụ nữ trong giai đoạn quá độ” hay những người thích đầu tư dựa trên giá trị. 5. Anh/chị cung cấp những dịch vụ nào? Một số chuyên gia tài chính chỉ tư vấn về việc lập kế hoạch hay đầu tư, trong khi số khác lại cung cấp nhiều mảng dịch vụ hơn. Hãy chắc chắn rằng dịch vụ của họ phù hợp với nhu cầu của bạn. 6. Anh/chị có những bằng cấp gì? Hãy lựa chọn những cố vấn có nhiều năm kinh nghiệm kết hợp với chứng nhận phù hợp và bằng cấp sau đại học. 7. Triết lý đầu tư của anh/chị là gì? Một triết lý đầu tư rõ ràng và súc tích là dấu hiệu cho thấy họ đã suy nghĩ rất sâu sắc. Nếu là một quảng cáo mang tính cổ điển thì tốt nhất bạn nên tránh xa. 8. Bao lâu thì chúng ta sẽ gặp gỡ một lần? Số lần phụ thuộc vào nhu cầu và sở thích của bạn, tốt nhất là khoảng từ một đến bốn lần mỗi năm. 9. Anh/chị có trải nghiệm đặc biệt nào về khách hàng không? Bạn mất tiền chi trả cho dịch vụ và nên được đối xử đúng mực. 10. Ai là người kế nhiệm dự tính của anh/chị là gì? Bạn có ý định hợp tác lâu dài với bất kỳ ai cũng đều nên hỏi câu này. Giá trị ở nơi bạn ít mong đợi nhất Chúng ta mở đầu chương trước với lời giải thích ngắn gọn về vấn đề dòng sông Jordan hay các vấn đề phức tạp được giải quyết bằng phương pháp quá đơn giản đến nỗi thường bị bỏ qua. Naaman đã chế giễu đề nghị của người đàn ông mộ đạo chính vì câu trả lời có vẻ quá nhỏ nhặt so với vấn đề to lớn và phức tạp của ông. Tương tự, ngày nay chúng ta thường có xu hướng tìm kiếm các phương thuốc phức tạp cho hầu hết các bệnh lý thể chất, mà bỏ qua các can thiệp mang tính hành vi đơn giản nhưng rất hiệu quả như chế độ ăn uống, tăng cường tập thể dục và thi thoảng tránh xa cuộc sống ồn ào. Xu hướng đề cao tính phức tạp, bỏ qua sự đơn giản đã nảy sinh và tồn tại từ lâu trong giới đầu tư và khiến các nhà cố vấn cũng như khách hàng phớt lờ giá trị gia tăng lớn nhất của một chuyên gia tài chính. Một lần nữa, chúng ta sẽ xem xét các nghiên cứu để cố gắng xác định những yếu tố mang đến hiệu quả cho nhà đầu tư có tư vấn tài chính chuyên nghiệp. Nghiên cứu “Chỉ số Alpha của nhà tư vấn” của Vanguard đã định lượng rất chính xác giá trị gia tăng (theo điểm cơ bản hay BPS: Basic Points) dựa trên nhiều hoạt động phổ biến của một nhà cố vấn và kết quả sẽ khiến bạn ngạc nhiên. Chúng bao gồm: • Tái cân bằng - 35 bps • Phân bổ tài sản - 0 đến 75 bps • Huấn luyện hành vi - 150 bps Thật thú vị, huấn luyện hành vi (kiểu như cầm tay chỉ việc) tạo ra giá trị gia tăng hơn bất kỳ hoạt động nào liên quan trực tiếp đến quản lý tiền bạc. Dựa trên giả định về giá trị gia tăng trung bình 3% mỗi năm thì có một nửa trong đó thuộc về huấn luyện hành vi, hay ngăn cản khách hàng đưa ra quyết định dại dột tại thời điểm sợ hãi hay tham lam! Chính xác hơn thì một cố vấn tạo ra giá trị gia tăng khi họ kiểm soát được cảm xúc hơn là quản lý tiền bạc của bạn. Nghiên cứu “Gamma” của Morningstar cũng mô tả giá trị gia tăng thực sự của cố vấn và những điều nhà đầu tư cần lưu ý khi lựa chọn chuyên gia cho mình. Nó liệt kê các yếu tố tạo ra giá trị gia tăng như sau: • Phân bổ tài sản • Chiến lược rút vốn • Hiệu quả thuế • Phân bổ sản phẩm • Tư vấn dựa trên mục tiêu Dù một vài yếu tố của Gamma có thể tự học (chẳng hạn như phân bổ tài sản), những yếu tố khác vẫn là lợi thế đặc biệt của cố vấn viên. Giống như bất kỳ ai cũng có thể tìm ra chế độ thể dục thể thao hợp lý, việc tìm kiếm các hướng dẫn đầu tư vào một danh mục phong phú đa dạng các loại tài sản là không hề khó khăn. Nhưng nếu chỉ kiến thức là đủ để tạo ra hành vi thích hợp thì nước Mỹ hiện tại sẽ không là nước béo phì nhất thế giới và đang có nguy cơ khủng hoảng hưu trí nghiêm trọng. Tuy kiến thức phù hợp là điểm khởi đầu cần thiết, song một huấn luyện viên cá nhân giúp chúng ta đảm bảo tuân thủ theo kế hoạch còn quan trọng hơn. Vậy các cố vấn tài chính có giúp tăng giá trị không? Các nghiên cứu mạnh mẽ khẳng định là Có, cả về cải thiện phương thức và chất lượng cuộc sống. Nhưng họ sẽ chỉ tạo ra giá trị nếu chúng ta biết rõ mình cần gì khi lựa chọn đối tác quản lý tài sản phù hợp. Xu hướng tự nhiên của chúng ta thường thiên về tính phức tạp và lời quảng cáo hào nhoáng, tìm kiếm những người dẫn đầu với các tuyên bố táo bạo về kiến thức bí truyền. Yếu tố giúp chúng ta ngày càng giàu có hơn là một đối tác có kiến thức sâu sắc cùng mối quan hệ rộng lớn - người sẽ khiến chúng ta lắng nghe trong lúc sợ hãi và giúp chúng ta tránh các khuyết điểm của bản thân. Một giải pháp đơn giản cho vấn đề phức tạp; tôi nghĩ Naaman là minh chứng rõ nét nhất. Thực hành Suy nghĩ: “Một cố vấn giúp tôi tránh được năm lỗi lầm lớn trong đời quan trọng hơn việc kiếm tiền.” Đặt câu hỏi: “Nếu giá trị hàng đầu của một cố vấn là huấn luyện hành vi, tôi có thể mong chờ gì từ mối quan hệ với cố vấn tiềm năng?” Hành động: Tranh thủ sự giúp đỡ của người cố vấn coi huấn luyện hành vi là nhiệm vụ hàng đầu của họ. Quy tắc 3 BẤT ỔN LÀ CƠ HỘI “Thời điểm bi quan cực độ là thời điểm tốt nhất để mua, và thời điểm lạc quan cực độ là thời điểm tốt nhất để bán.” - Sir John Templeton C hắc bạn từng nghe câu nói hài hước nổi tiếng của Nietzsche, “thứ không giết được chúng ta sẽ giúp chúng ta mạnh mẽ hơn.” Nhưng có lẽ bạn không biết ông đã phát ngôn như vậy ngay trước khi mắc bệnh giang mai, suy nhược thần kinh và chết dần bởi sự kết hợp đầy khó chịu của bệnh tâm thần, đột quỵ và tê liệt22. 22 J. M. Brown, Backstage Wall Street: An Insider’s Guide to Knowing Who to Trust, Who to Run From, and How to Maximize Your Investments (McGraw-Hill Education, 2012), p. 9. Trong cuộc sống cũng như trong thị trường tài chính, thật dễ dàng để khoác lác về chuyện trở nên tham lam khi người khác đang sợ hãi, nhưng làm được thế lại là chuyện khác. Đa phần khó khăn này là do những cách riêng biệt mà chúng ta cố gắng xử lý và bám lấy các sự kiện tiêu cực. Chúng ta làm một thử nghiệm nhanh với giả định rằng bạn có một ngày-tốt-đẹp-nếu-không-có-vài-điều- buồn-bực-xảy-ra. Tôi muốn bạn dành ra từ 30-60 giây để tưởng tượng điều gì có thể biến ngày hôm nay trở nên tốt đẹp hơn đáng kể và viết ra. Giờ tôi muốn bạn xem xét điều gì khiến nó trở nên tồi tệ hơn nhiều. Hãy dành 30-60 giây và viết ra một danh sách những điều thực sự phá huỷ ngày hôm nay. Nào giờ hãy so sánh hai danh sách - cái nào dài hơn? Cái nào sinh động hơn? Cái nào thực tế hơn? Nếu bạn cũng giống đa số mọi người thì hẳn là sẽ dễ dàng tạo ra một danh sách các sự kiện thê thảm hơn hẳn những điều thực sự xảy ra trong ngày. Chúng ta thường có xu hướng tưởng tượng ra điều xấu nhất và ghi nhớ các sự kiện tiêu cực như là một biện pháp chống lại các tổn hại trong tương lai. Xu hướng tiêu cực hoá được vận dụng thành thạo bởi những người bán đủ loại đồ, ông chủ một tờ báo cũng nằm trong đó. Như Nick Murray từng nói, “gần như mỗi ngày luôn luôn có một thảm hoạ tận thế xảy ra đâu đó trên thế giới. Và trong những dịp hiếm hoi không có sự kiện nào thì báo chí chỉ đơn giản là sáng tạo ra và trình bày nó 24/7 như là ngày tận cùng của thế giới.” Có ba điều mà các nhà đầu tư thông minh cần phải hiểu nếu họ thực sự muốn miễn dịch trước nỗi sợ hãi được reo rắc bởi những kẻ đầu cơ nguy hiểm: điều chỉnh và thị trường giá xuống là một phần tất yếu của bất cứ chu kỳ đầu tư nào, chúng đại diện cho cơ hội mua dài hạn và cần một quy trình có hệ thống để tận dụng lợi thế của chúng. Một ‘điều chỉnh’ được định nghĩa là giảm 10% giá cổ phiếu, trong khi ‘thị trường giá xuống’ được hiểu là giảm 20%. Cả hai định nghĩa đều dựa trên ý kiến cá nhân, nhưng do chúng được thừa nhận rộng rãi và tác động đến hành vi của các nhà đầu tư khác, nên chúng xứng đáng được xem xét. Từ năm 1900 đến 2013, thị trường chứng khoán Mỹ đã có 123 lần điều chỉnh - trung bình cứ mỗi năm một lần! Tổn thất lớn hơn được coi là dấu hiệu của thị trường giá xuống thì xuất hiện thưa thớt hơn, trung bình khoảng 3,5 năm một lần. Mặc dù giới truyền thông vẫn luôn kêu gào như thể thị trường giảm 10% đến 20% giá trị là ngày tận thế, nhưng chúng vẫn xảy ra thường xuyên như hoa nở mùa xuân và không thể phủ nhận xu hướng thị trường làm gia tăng nhanh chóng sự giàu có trong một thời gian dài. Thật bất ngờ khi xem xét suốt hơn 100 năm đó xảy ra đồng thời cả hai trường hợp: lợi nhuận hàng năm ở mức hai con số cùng số người tham gia giảm hai con số. Thực tế là như vậy, hãy lặp lại theo tôi: “Thị trường giá xuống là một phần tự nhiên của chu kỳ kinh tế và trong suốt cuộc đời mình, tôi hy vọng nó xảy ra khoảng 10 đến 12 lần.” Bảng 2 cho thấy những mốc thời điểm xảy ra thị trường giá xuống tại Mỹ từ năm 1929, thời gian diễn ra và mức đáy của chúng. Thị trường giá xuống và những kỳ điều chỉnh xảy ra khá thường xuyên và có tác động mạnh mẽ, nhưng sức tàn phá lợi nhuận của chúng mang tính hành vi cũng khủng khiếp như khía cạnh tài chính. Carl Richards, tác giả cuốn The Behavior Gap đã đưa ra ví dụ là tháng 10 năm 2002, “tháng thứ năm liên tiếp số tiền các nhà đầu tư rút ra khỏi quỹ đầu tư chứng khoán nhiều hơn số tiền đưa vào - lần đầu tiên có đợt thoái vốn khủng khiếp như vậy.” Bạn muốn biết đáy thị trường mà từ điểm đó chứng khoán sẽ tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm tới đúng không? Phải - tháng 10 năm 2002. Tuy nhiên, khuynh hướng hành vi bất thường không chỉ xảy ra trong các nhà đầu tư nhỏ. Theo chia sẻ của Burton Malkiel trong cuốn A Random Walk Down Wall Street, “Cảnh báo của các nhà quản lý quỹ tương hỗ (được coi là đại diện cho một khoản tiền mặt cực lớn) gần như trùng hợp hoàn toàn với các mốc đáy của thị trường. Đỉnh điểm tiền mặt tại các quỹ tương hỗ trùng khớp với đáy thị trường trong suốt những năm 1970, 1974, 1982, và cuối năm 1987, sau sự sụp đổ nghiêm trọng của thị trường chứng khoán.” Bảng 2 - Giai đoạn khủng hoảng của thị trường chứng khoán Mỹ Những tác động của thị trường giá xuống gây thiệt hại đến tài sản được phóng đại bởi phản ứng của chúng ta trong cơn sợ hãi. Chính điều này sẽ khiến tình hình càng khó khăn gấp bội, bởi thực tế kinh nghiệm chủ quan của chúng ta thường trái ngược với thực tiễn thị trường; khi thị trường đáng sợ nhất chính là lúc nó an toàn nhất. Cố vấn của Warren Buffett từng nói, “nhà đầu tư tỏ ra hoảng loạn hay lo lắng quá mức trước sự suy giảm phi lý của thị trường đã biến lợi thế cơ bản của mình thành bất lợi.”24 Niềm hy vọng duy nhất để kiểm soát nỗi lo lắng không cần thiết này là tiếp cận đầu tư một cách có hệ thống và một ý chí theo đuổi đến cùng - tôi sẽ nói rõ hơn ở phần sau. 24 Graham and Zweig, Intelligent Investor, p. 217. Trung bình người lớn thường dành khoảng một giờ trong mỗi tám tiếng để suy nghĩ về tương lai, nghĩa là mỗi ngày họ sẽ dành khoảng hai giờ tỉnh táo để tự hỏi ngày mai sẽ thế nào. Thật không may, vì lo lắng có xu hướng vượt quá (còn nhớ ngày khủng khiếp mà bạn tưởng tượng ra chứ?) sự bình tĩnh, nên cả hai tiếng đó sẽ chỉ dành để lo nghĩ ngày mai có ổn không. Những người luôn lo lắng như vậy sẽ không nhận ra rằng mỗi khi thị trường hỗn loạn chính là điềm báo sắp đến giai đoạn thu lợi lớn. Chẳng hạn như có một sự thật ngược đời là thời điểm thất nghiệp cao kỷ lục thường có xu hướng dẫn đến bội thu trên thị trường chứng khoán25. Xem xét khám phá của Ben Carlson cũng cho thấy điều tương tự, “Thị trường thường không có lợi nhuận tốt nhất khi đi từ tình trạng tốt đến tuyệt vời, mà chúng thường tạo ra kết quả tốt nhất khi mọi thứ chuyển từ trạng thái tồi tệ đến không-quá-tồi-tệ như trước đây.” 25 Carlson, Common Sense, p. 68. Trong cuốn The Elements of Investing, tác giả Burton Malkiel và Charlie Ellis đã viện dẫn phương pháp của một công ty đứng vững qua thăng trầm của thị trường có vẻ giống hệt cách làm của các bậc cha mẹ (và cựu thanh thiếu niên): “Đầu tư cũng giống như nuôi dạy trẻ vị thành niên - ‘thú vị’ trong suốt giai đoạn chúng dần trưởng thành. Những bậc cha mẹ khôn ngoan biết phải tập trung vào các vấn đề lâu dài, chứ không phải những cơn bộc phát hàng ngày.” Bạn có từng tự hỏi tại sao bạn không thể tự thọc lét bản thân không? Lý do là não bộ của bạn đã xuất hiện ý nghĩ, “Này, tôi phải tự thọc lét mình” trước khi bạn hành động. Đến khi bạn thực hiện hành động đó, cơ thể bạn đã biết trước rồi và hiệu quả sẽ không giống như người khác thọc lét bạn. Hình thành các giả định hợp lý về biến động của thị trường cũng đưa lại cùng kết quả - kỳ vọng sẽ khiến tác hại của sự biến động giảm đi. Nếu quá tin tưởng vào các phản ứng thái quá của truyền thông, bạn sẽ chịu thiệt hại gây ra bởi con dao hai lưỡi là tài chính và hành vi. Song nếu bạn coi điều chỉnh là điều hiển nhiên tệ nhất và là cơ hội tốt nhất thì sẽ kiếm được tiền từ sự hoảng loạn của người khác. Thực hành Suy nghĩ: “Thị trường giá xuống, suy thoái và đặc biệt là sự không chắc chắn là cái giá tôi phải trả để có được lợi nhuận cao.” Đặt câu hỏi: “Liệu có phải các sự kiện khiến mọi người lo sợ chính là cơ hội của tôi?” Hành động: “Lập một danh sách các cổ phiếu bạn yêu thích chất lượng-cao-nhưng-giá-quá-cao và bạn sẽ mua khi biến động thị trường khiến giá của chúng trở nên hấp dẫn hơn.” Quy tắc 4 QUÁ VUI MỪNG - MỘT Ý TƯỞNG TỒI “Nếu cho rằng đầu tư là một trò giải trí, và cảm thấy vui vẻ thì có lẽ bạn sẽ không kiếm được tiền. Đầu tư tốt rất nhàm chán.” - George Soros M ỗi khi tổ chức hội thảo về đánh giá rủi ro, tôi luôn yêu cầu người tham dự viết ra một từ mà nếu đánh vần sẽ nghe như “dahy.” Bạn hãy dành ra vài giây và viết từ đó, đừng suy nghĩ gì cả. Rõ ràng có hai cách phát âm từ đó trong tiếng Anh là “dye” (màu nhuộm) hoặc “die” (chết chóc). Từ nào xuất hiện trong đầu bạn trước tiên có lẽ hoàn toàn liên quan tới tâm trạng của bạn lúc này. Mỗi khi nhớ lại, những người có một ngày tốt đẹp thường nghĩ tới những từ ít đau buồn hơn, trong khi người có một ngày khó khăn thường suy nghĩ tiêu cực hơn. Nhưng tác động của tâm trạng không chỉ giới hạn trong việc hồi tưởng. Cảm xúc ảnh hưởng tới cách chúng ta nhớ về quá khứ và suy nghĩ tới tương lai. Khi hỏi người có ngày tồi tệ (những người đã viết từ “die,” tôi đang nói bạn đó) về thời thơ ấu của họ và họ sẽ cho bạn biết hồi đó họ mũm mĩm thế nào, nhiều mụn trứng cá ra sao và chưa bao giờ là người được chọn đầu tiên cho môn kickball26. Vẫn người đó nếu bạn hỏi họ vào ngày nắng nóng, họ có thể sẽ nhớ lại mùa hè ở Nantucket và ba lần liên tục giải khát ở nhà hàng Tastee Freeze. 26 Là môn thể thao dùng bóng chày để đá chứ không sử dụng bóng đá thông thường. Chúng ta thường so sánh bộ não người với máy tính - một thiết bị lưu trữ có vỏ máy và hiển thị thông tin trên màn hình một cách khách quan. Thực tế, não bộ chúng ta dễ bị kích thích hơn nhiều so với siêu máy tính, có nghĩa là một nhà đầu tư thông minh phải biết cách phòng ngừa để đảm bảo cảm xúc trong một thời điểm nào đó không làm ảnh hưởng tới ý thức của anh ta ở hiện tại. Nhà đầu tư Ben Carlson đã thẳng thắn trình bày: “Rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống đòi hỏi bạn phải có cảm xúc - bạn nên thể hiện cảm xúc trong lễ cưới hoặc khi con bạn được sinh ra. Nhưng cảm xúc là kẻ thù nguy hiểm của quyết định đầu tư đúng đắn. Tôi xin phép được nhấn mạnh thêm lần nữa: cảm xúc là kẻ thù nguy hiểm của quyết định đầu tư đúng đắn.”27 27 Ibid, trang 16. Một nghiên cứu của nhà tâm lý học xã hội Jennifer Lerner cùng các đồng nghiệp đã đưa ra một số ý kiến cho rằng cảm xúc có thể tác động tới khả năng đánh giá rủi ro cùng sự sẵn lòng trả giá của chúng ta28. Lerner và cộng sự của bà đã chia người tham gia thành hai nhóm - Buồn bã và Không cảm xúc. Nhóm Buồn bã được xem trích đoạn bộ phim The Champ có cảnh người cha của cậu bé võ sĩ nhí chết. Sau đó họ được yêu cầu viết một đoạn văn ngắn miêu tả cái chết này đã ảnh hưởng đến tâm trạng của họ như thế nào. Nhóm Không cảm xúc được xem một đoạn phim ngắn nói về cá và được yêu cầu viết về các hoạt động hàng ngày. Sau khi xem xong các đoạn phim này, người tham gia được thông báo rằng họ sẽ thực hiện nghiên cứu thứ hai, không liên quan đến nghiên cứu đầu tiên. Trong nghiên cứu này, một nhóm được đề nghị đưa ra giá bán cho cây bút dạ quang và nhóm còn lại sẽ đưa ra giá mà họ sẵn sàng mua cho cây bút này. 28 N.J. Goldstein, S.J. Martin and R.B. Cialdini, Yes!: 50 Scientifically Proven Ways to Be Persuasive (Free Press, 2009), p. 188. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định thêm nghi vấn của chúng ta - cảm xúc đã tác động rất mạnh đến quyết định mức giá mà giao dịch sẽ diễn ra. Những người mua thuộc nhóm Buồn bã sẵn sàng trả giá cao hơn 30% cho cây bút so với nhóm Không cảm xúc. Nỗi buồn đã khiến họ trả mức giá phi thực tế theo phương thức giải toả cảm xúc bằng mua sắm. Người bán thuộc nhóm Buồn bã cũng cho thấy ảnh hưởng của cảm xúc - sẵn sáng bán giá thấp hơn 33% so với nhóm Không cảm xúc. Nếu chỉ thảo luận về việc thanh toán quá mức cho một cây bút thì rất ít người quan tâm, song nếu chúng ta mở rộng kết quả này sang đánh giá sự giàu có cá nhân thì hiệu quả sẽ rất ấn tượng. Một nhà đầu tư chịu tác động của cảm xúc sẽ mua cổ phiếu với mức giá quá cao do sự phấn khích của bản thân và bán với giá quá rẻ trong tuyệt vọng. Có vẻ như cây bút tài chính Walter Bagehot đã tiến gần sát đến vấn đề, rất lâu trước khi có khái niệm tài chính hành vi, khi ông viết, “Con người có lương tri nhất là khi họ hạnh phúc nhất.”29 29 J.K. Galbraith, A Short History of Financial Euphoria (Penguin, 1994), p. 6. Khi bị kích động Tiếp tục xem xét cách tâm trạng ảnh hưởng tới khả năng đánh giá rủi ro, chúng ta hãy chuyển sang cuốn sách của nhà kinh tế học hành vi Dan Ariely. Trong cuốn Predictably Irrational, Ariely đã nói về một số - kích thích - được ông và một nhóm cộng sự tiến hành. Ariely và cộng sự đã khảo sát một nhóm sinh viên 19 câu hỏi về sở thích tình dục, bao gồm cả khuynh hướng tham gia vào hành vi tình dục “kỳ quái,” lừa dối bạn tình, thực hiện hành vi tình dục an toàn và tôn trọng bạn tình. Họ hỏi nhóm sinh viên có tâm trạng “bình thản,” không bị khuấy động về mặt cảm xúc và tình dục trước. Như bạn có thể dự đoán, xu hướng của nhóm này là ủng hộ tình dục an toàn, đồng thuận, tôn trọng mong muốn của bạn tình và chỉ thực hiện hành vi với bạn tình hiện tại. Tiếp đó, Ariely cùng nhóm của mình đã dùng các hình ảnh khiêu dâm nhằm kích động cảm xúc và ham muốn tình dục của người tham gia. Khi bị kích thích ham muốn, câu trả lời cho 19 câu hỏi của họ đã thay đổi đáng kể. Có tới 136% sẵn sàng lừa dối bạn tình, 72% có khả năng tham gia vào hành vi tình dục kỳ quái và 25% có thể thực hiện hành vi tình dục không an toàn. Ariely tổng kết lại, “Phòng ngừa, bảo vệ, bảo thủ và đạo đức đã hoàn toàn biến mất khỏi màn hình radar. Họ đã không thể tiên đoán được mức độ mà ham muốn có thể thay đổi bản thân.”30 Kết luận đáng sợ của cuộc khảo sát có thể khiến chúng ta tin rằng tác động của nó chỉ giới hạn trong khía cạnh tình dục, nhưng đó là suy nghĩ rất sai lầm. Như Ariely đã chú thích, “… chúng ta cũng có thể phỏng đoán các trạng thái tình cảm khác (như tức giận, đói khát, phấn khích, ghen tuông,…) có tác động tương tự, biến chúng ta trở nên hết sức xa lạ.”31 30 D. Ariely, Predictably Irrational: The Hidden Forces that Shape Our Decisions (HarperCollins, 2009), p. 97. 31 Ibid. Nhóm sinh viên trong khảo sát biết rõ các quy tắc - luôn mang theo bao cao su và không bao giờ lừa dối bạn tình - họ chỉ không quan tâm đến các quy tắc trong khoảnh khắc bị kích động thôi. Và chắc hẳn bạn cũng hiểu rất nhiều quy tắc đầu tư thông minh - nhưng trong giây phút sợ hãi hoặc tham lam bạn không quan tâm đến chúng nữa. Nhà tâm lý học và tư vấn kinh doanh Brett Steenbarger đã nói rất cụ thể, “… tác động thực của cảm xúc lên khía cạnh kinh doanh có vẻ như là sự phá bỏ các quy tắc quản trị… Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của cảm xúc, sự chú ý của họ (các thương nhân) tập trung vào điểm mà họ sẽ bỏ qua mọi nguyên tắc của mình. Thông thường, nó không nằm trong trường hợp vì chịu tác động của cảm xúc mà họ nghi ngờ các nguyên tắc của mình; ngược lại, họ chỉ đơn giản là quên chúng đi thôi.”32Cho dù thông minh cỡ nào, một nhà đầu tư cảm tính sẽ trở nên xa lạ với chính bản thân và các nguyên tắc của mình. 32 B.N. Steenbarger, The Psychology of Trading: Tools and Techniques for Minding the Markets (John Wiley & Sons, 2002), p. 54. Mười mẹo để nhanh chóng kiểm soát cảm xúc Cảm xúc ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta về mọi thứ, bao gồm cả thời gian, rủi ro và mức giá thích hợp. Dưới đây là một số gợi ý rất hữu ích để kiềm chế cảm xúc: 1. Rèn luyện thân thể khoẻ mạnh 2. Xác định lại vấn đề 3. Hạn chế lượng cà phê và rượu 4. Nói chuyện với bạn bè 5. Đừng phản ứng ngay 6. Thay đổi sự chú ý của bạn 7. Gắn nhãn cảm xúc của bạn 8. Ghi lại suy nghĩ và cảm xúc của bạn 9. Thử thách những suy nghĩ tiêu cực 10. Kiểm soát càng nhiều khía cạnh càng tốt Câu chuyện truyền miệng Có rất nhiều lý do một cổ phiếu thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Có thể đó là một công ty hay sản phẩm mà cá nhân bạn đã từng sử dụng, hoặc có thể bạn nghe lỏm một người bạn nhắc đến nó trong bữa tiệc nhẹ buổi tối, hay có lẽ bạn muốn trở thành nhà đầu tư đi đầu trong một xu hướng mới. Cho dù bạn bị cuốn hút vì bất kỳ lý do gì, dường như nó được gói gọn trong một vài câu chuyện lớn lao hơn, mà cái kết của chúng là, “… cô ấy đã trở nên giàu có và sống hạnh phúc suốt đời.” Những câu chuyện truyền miệng luôn phớt lờ mọi lý do, bỏ qua lý trí và chạy thẳng vào tim. Vì lý do này mà chuyện truyền miệng cũng trở thành kẻ thù của nhà đầu tư hành vi. Hãy cân nhắc xem bạn sẵn sàng trả bao nhiêu tiền cho một chiếc găng tay có đính trang sức theo mốt của những năm 1980. Không nhiều đâu, tôi dám cá đấy. Nào giờ bạn sẽ trả bao nhiêu nếu tôi nói rằng Michael Jackson đã từng đeo nó? Tiết lộ này đã lập tức thay đổi hoàn toàn cách bạn đánh giá món đồ. Nếu chỉ là một phụ kiện của ca sĩ nhạc pop những năm 1980 thì cũng chẳng có gì đáng nói, song nếu là mua cổ phiếu thì việc sẽ hết sức nguy hiểm. Cây bút Rob Walker và Joshua Glenn hiểu rất rõ sức mạnh của những câu chuyện truyền miệng và thực hiện một nghiên cứu xã hội gọi là Dự án mục tiêu quan trọng. Nó được thiết kế để kiểm tra giả thuyết cho rằng “câu chuyện truyền miệng biến cái không đáng kể thành đáng kể.” Walker và Glenn đã mua 100 món đồ cũ được bán ở buổi dọn kho và đề nghị những người bạn vốn là nhà văn đánh bóng chúng bằng những câu chuyện hư cấu.Những mặt hàng rẻ tiền có tổng giá mua chỉ dưới 130 USD đã được bán với giá trên 3.600 USD trên eBay. Vâng, sức mạnh của câu chuyện đã khiến người mua trên eBay phải trả tới 52 USD cho một chiếc găng tay chống nóng đã qua sử dụng. Sức ảnh hưởng của thông tin truyền miệng thể hiện rõ nét nhất trong các đợt chào bán cổ phiếu phát hành lần đầu (IPO). Các đợt IPO thường được đánh giá là mới lạ, tập trung vào các lĩnh vực mới đang phát triển, và các công ty cũng có xu hướng chào bán ra công chúng trong thời điểm thịnh vượng. Tác động của những lời nói rỉ tai, cảm xúc kết hợp với nỗi sợ thua lỗ đã khiến các đợt IPO trở nên cực kỳ hấp dẫn với cả nhà đầu tư dù là chuyên nghiệp và bán lẻ. Vậy hứng thú này được truyền cho công chúng như thế nào? Cogliati, Paleari và Vismara đã trình bày trong “giá IPO: tốc độ tăng trưởng được thể hiện qua giá chào bán” rằng IPO trung bình ở Mỹ kém mức tiêu chuẩn của thị trường tới 21% trong ba năm đầu sau khi chào bán33. Bất chấp thất bại nặng nề này, cũng không có dấu hiệu gì cho thấy nhu cầu về các đợt IPO sẽ suy giảm trong thời gian tới. Rốt cuộc, vẫn sẽ luôn có các câu chuyện được thêu dệt. 33 G.M. Cogliati, S. Paleari and S. Vismara, ‘IPO Pricing: Growth Rates Implied in Offer Prices’ (SSRN, February 1, 2008). Những rủi ro bắt nguồn từ đầu tư cảm tính là vô số, nhưng có lẽ thiệt hại chủ yếu gây ra là do rút ngắn giai đoạn. Một kế hoạch yêu cầu cam kết dài hạn cần một cái đầu lạnh, nhưng cảm xúc lại nói, “Tôi muốn nó ngay lúc này.” Bốn nhà tâm lý học của Đại học Princeton đã chứng minh điều này bằng cách thực hiện chụp cắt lớp não bộ của người tham gia được cho hai lựa chọn: nhận ngay thẻ quà tặng 15 USD của Amazon hoặc sau hai tuần nữa nhận thẻ 20 USD. Nghiên cứu cho thấy: “ … khả năng nhận thẻ quà tặng 15 USD ngay bây giờ gây ra một sự băn khoăn không bình thường tại vùng kích thích nằm ở khu vực rìa não của hầu hết sinh viên - nhóm cấu trúc não chủ yếu chịu trách nhiệm về đời sống tình cảm cũng như sự hình thành trí nhớ của chúng ta. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, sinh viên càng cảm thấy thích thú về thứ gì đó mà không được thoả mãn ngay thì khả năng họ lựa chọn vật thay thế ngay lập tức càng lớn.”34 34 M. Lindstrom, Buyology: Truth and Lies About Why We Buy (Random House Business, 2009), pp. 27-28. Thực tế, một nhà đầu tư phấn khích là người thiếu kiên nhẫn, mà một nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn sẽ đầu tư thất bại. Trong hầu hết các khía cạnh của cuộc sống, cảm xúc đóng vai trò rất quan trọng và cần được xem xét cẩn thận. Cảm xúc giúp chúng ta thấu hiểu người thân, khiến chúng ta làm việc tốt và có thể mang lại những khoảnh khắc quý giá nhất trong cuộc sống. Song chúng ta nên loại bỏ nó hoàn toàn khi đưa ra quyết định đầu tư, nó cũng chính là minh chứng khác về khoảng cách rộng lớn giữa Thực tại và Thế giới điên cuồng ở phố Wall. Nghĩa là những trạng thái khóc, cười, yêu thương và tức giận - hoàn toàn bị gạt ra khỏi đó. Thực hành Suy nghĩ: “Cảm xúc khiến tôi trở thành một người khác hoàn toàn.” Đặt câu hỏi: “Liệu quyết định này có bị tác động bởi sự sợ hãi hay tham lam không?” Hành động: “Lập một tài khoản nhỏ (có thể khoảng 3% số tiền bạn có) riêng biệt với các khoản đầu tư dài hạn để kiểm chứng và rút kinh nghiệm. Quy tắc 5 BẠN KHÔNG ĐẶC BIỆT “Bạn không đặc biệt. Bạn cũng không phải là một bông tuyết đẹp hoặc độc đáo. Bạn chỉ là chất hữu cơ đang dần hư thối giống như bất kỳ thứ gì.” - Chuck Palahniuk, FIGHT CLUB "T ôi không thích làm việc với những bệnh nhân đang yêu. Có lẽ là vì lòng đố kỵ - tôi cũng rất ao ước được say mê trong tình yêu. Có lẽ bởi vì tình yêu và tâm lý trị liệu về cơ bản là khác nhau. Các nhà trị liệu tốt chiến đấu trong bóng tối và tìm kiếm ánh sáng, trong khi tình yêu lãng mạn được duy trì bởi sự bí ẩn và tan vỡ trong quá trình khảo nghiệm. Tôi ghét trở thành đao phủ tình yêu.” Đó là câu nói của tiến sĩ Irvin Yalom, giáo sư trường Stanford và theo một ước tính khiêm tốn thì ông là tác giả của hàng loạt sách tâm lý học hay nhất được xuất bản trong suốt 50 năm qua. Trong khi tuyên bố của Yalom nhằm trực tiếp vào tình yêu lãng mạn trong quá trình điều trị, còn với tôi, hiển nhiên là dùng nó trong thị trường vốn. Giống như pháp đồ điều trị tốt chính là tìm kiếm sự tỏa sáng của cá nhân, thì đầu tư hiệu quả chính là vượt qua được niềm tin vào cái tôi đặc biệt của bản thân, thứ thường khiến chúng ta bỏ qua các phương pháp tiếp cận dựa trên xác suất để ủng hộ một niềm tin mơ hồ rằng, “các quy tắc đó không có tác dụng với tôi.” Nhà đầu tư xoàng xoàng thường hay dựa vào các quy tắc và hệ thống - họ làm theo chỉ dẫn và thu được phần thưởng. Còn nhà đầu tư bị mắc kẹt trong nhu cầu phải tốt hơn mức trung bình luôn tập trung vào các quy tắc ủng hộ ý tưởng riêng của họ và phải trả giá đắt cho sự kiêu ngạo của bản thân. Giống như Yalom buộc phải trở thành “đao phủ của tình yêu” để thúc đẩy khả năng tự xem xét nội tâm thực sự của khách hàng, bạn phải tàn nhẫn loại bỏ cái tôi để đạt được kết quả đầu tư phi thường. Như tác giả và nhà đầu tư James P. O’Shaughnessy đã nói, “chìa khoá để đầu tư thành công là nhận ra rằng chúng ta cũng dễ bị tổn thương bởi hành vi sai lệch như người bên cạnh.”35 35 J. O’Shaughnessy, What Works on Wall Street: The Classic Guide to the Best- Performing Investment Strategies of All Time (McGraw Hill Education, 4th edition, 2011), p. 26. Khuynh hướng tự hào của chúng ta bắt nguồn từ một số ít lỗi nhận thức đã được ghi nhận, bao gồm niềm tin vào ngoại lệ cá nhân, được coi là tự tin thái quá và thiên hướng thừa nhận thành công, chối bỏ bất hạnh, được biết đến như là Lỗi quy kết cơ bản. James Montier từng đề cập rằng có tới 95% mọi người tin rằng họ có khiếu hài hước trên mức trung bình36. Trong cuốn sách In Search of Excellence, Peters và Waterman phát hiện ra rằng 100% nam giới tham gia khảo sát cho rằng họ cao hơn mức tiêu chuẩn trung bình của nam và 94% nam giới cảm thấy họ chăm chỉ thể dục thể thao hơn mức trung bình37. 36 J. Montier, Value Investing: Tools and Techniques for Intelligent Investment (John Wiley & Sons, 2009). 37 T.J. Peters and R.H. Waterman, Jr., In Search of Excellence: Lessons from America’s Best-Run Companies (Harper Business, 2006). Khi xếp hạng khả năng toán học trên toàn thế giới, học sinh trung học Mỹ đứng ở mức trung bình. Tuy nhiên, vẫn nhóm học sinh đó khi được đề nghị tự đánh giá thì họ tin rằng mình dẫn đầu thế giới. Josh Brown của đài CNBC đã giải thích hành động này, “Có thể coi đó là sự tự tin nói chung, song nếu kết hợp khả năng toán học trung bình với tự tin thái quá thì đó là sai lầm rất lớn của giới đầu tư ngày nay.”38 Niềm tin vào ngoại lệ cá nhân làm chúng ta bỏ qua các nguy cơ tiềm ẩn, tập trung quá đáng vào vị thế chứng khoán và lạc lối trong những lĩnh vực thuộc phạm vi năng lực cá nhân. Thừa nhận năng lực tầm thường của chúng ta là yêu cầu điển hình của Thế giới điên rồ ở phố Wall để có được kết quả đầu tư xuất sắc. 38 Brown, Backstage Wall Street, p. 6. Nếu vấn đề chỉ giới hạn ở tính tự phụ sai lầm của nam giới về thể chất của họ thì cũng chẳng gây nguy hại cho người khác, song sự tự tin thái quá nguy hiểm cũng xuất hiện ở cả nhà đầu tư mới và nhà đầu tư chuyên nghiệp. Meir Statman viết trong cuốn What Investors Really Want: “Trong giai đoạn đỉnh điểm của chứng khoán vào tháng 2 năm 2000, Gallup đã tiến hành khảo sát các nhà đầu tư cá nhân và nhận được ý kiến đánh giá rằng, thị trường chứng khoán sẽ mang lại lợi nhuận trung bình là 13,3% trong 12 tháng tiếp theo. Tuy nhiên, họ lại kỳ vọng danh mục đầu tư của bản thân sẽ đạt 15,5%… Thành viên của Hiệp hội các nhà đầu tư cá nhân Hoa Kỳ đã đánh giá quá cao lợi nhuận đầu tư của họ, trung bình là 3,4 điểm phần trăm so với lợi nhuận thực tế, và đánh giá lợi nhuận của họ vượt so với nhà đầu tư thông thường là 5,1 điểm phần trăm.” Theo Statman, sự tự tin thái quá của nhà đầu tư tồn tại trên cơ sở tuyệt đối và tương đối. Hãy nhớ rằng đầu năm 2000, giá cổ phiếu được đánh giá là đắt nhất trong lịch sử chứng khoán Mỹ, dù tính toán bằng bất kỳ phương pháp nào. Kỳ vọng đạt lợi nhuận gấp 1,5 lần so với mức trung bình qua các kỳ từ mức giá trên trời được cho là tự tin quá mức. Mong muốn đánh bại các nhà đầu tư khác trong giai đoạn này thì quả là ngựa non háu đá. Lỗi quy kết cơ bản của Montier được trích dẫn ở trên, là hiệu ứng khiến chúng ta nhanh chóng tích hợp các tín hiệu ngữ cảnh vào đánh giá về bản thân, nhưng lại chậm chạp khi đánh giá về người khác. Thay vào đó, chúng ta lại nhìn thấy thất bại của họ xác thực và hệ thống hơn. Trên đường đi làm buổi sáng, có vẻ như bạn luôn hét vào người khác: “Không nhìn đường à?” thậm chí bạn còn đổ cho mình lái xe ẩu là do chưa uống tách cà phê thứ hai. Khi bạn không tốt với người khác, bạn sẽ bào chữa là do mình có một ngày tồi tệ. Song nếu có ai đối xử tệ với bạn thì đó là do bản chất xấu xa của họ - thối rữa từ bên trong. Thiên hướng thừa nhận thành công, chối bỏ thất bại khiến chúng ta coi những vụ đầu tư thành công là kỹ năng cá nhân, do đó sẽ làm mất đi cơ hội học tập của chúng ta cũng như bất kỳ ý nghĩa lịch sử nào. Nếu giá cổ phiếu của bạn tăng, bạn sẽ càng tin tưởng vào tài năng thiên bẩm của bản thân. Nếu giá cổ phiếu đi xuống, bạn sẽ đổ thừa cho yếu tố bên ngoài. Và như thế bạn chẳng học hỏi được gì. Khi được hỏi suy nghĩ của mình về bài học mà nhà đầu tư sẽ nhận được từ cuộc Đại suy thoái, Nhà đầu tư huyền thoại Jeremy Grantham đã trả lời “Trong ngắn hạn, rất nhiều. Trung hạn, một chút. Dài hạn, không gì cả. Đó là tiền lệ lịch sử.”39 Kiêu ngạo là kẻ thù của sự tự phê bình, thứ cứu chúng ta khỏi bản thân và giúp chúng ta học hỏi từ lịch sử. 39 Montier, Value Investing, p. 17. Đánh giá thấp yếu tố bất lợi Quy tắc đầu tư đầu tiên của Warren Buffett là “Đừng đánh mất tiền” và quy tắc thứ hai của ông là “Đừng bao giờ quên nguyên tắc đầu tiên.” Các nhà đầu tư khôn ngoan qua thời gian đã hiểu được sự thật đơn giản rằng, tấn công thì được ca ngợi, song phòng thủ mới là thắng lợi. Mối nguy hiểm lớn nhất của Lỗi quy kết cơ bản không phải ở chỗ khiến chúng ta kiêu ngạo về mức chênh lệch mong muốn, mà là coi nhẹ yếu tố bất lợi. Niềm tin vào ngoại lệ cá nhân làm chúng ta đánh giá thấp những khả năng tiêu cực, một hành động chắc chắn là thảm hoạ trong quá trình ra quyết định đầu tư. Cook College đã thực hiện một nghiên cứu trong đó mọi người được yêu cầu đánh giá khả năng xảy ra một số sự kiện tích cực (ví dụ như trúng xổ số giải đặc biệt, hôn nhân hạnh phúc suốt đời) và các sự kiện tiêu cực (ví dụ như chết vì ung thư, ly hôn) sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của họ. Kết quả nhận được cũng không có gì đáng ngạc nhiên - số người tham gia đánh giá quá cao khả năng xảy ra các sự kiện tích cực lên tới 15% và đánh giá thấp xác suất của các sự kiện tiêu cực tới 20%. Tương tự như vậy, Heather Lench và Peter Ditto cũng tiến hành một nghiên cứu, trong đó người tham gia được cho xem sáu sự kiện tích cực và sáu sự kiện tiêu cực trong cuộc sống cũng như xác suất xảy ra đồng thời của chúng trong dân số nói chung. Những người được hỏi đã xác nhận có 4,75/6 sự kiện tích cực, nhưng chỉ có 2,4/6 sự kiện tiêu cực có thể xảy ra với họ, hoàn toàn bỏ qua xác suất thực tế. Điều này cho thấy chúng ta có khuynh hướng thừa nhận những điều tích cực và gạt bỏ những điều nguy hiểm. Tôi có thể trúng xổ số, cô ấy có thể chết vì ung thư. Chúng tôi có thể hạnh phúc suốt đời, bọn họ có thể ly hôn. Người khác có thể phải tuân theo các quy tắc khi chọn mua cổ phiếu, nhưng tôi có một trực giác tuyệt vời. Dù biết rằng bất hạnh vẫn xảy ra, nhưng để tận hưởng cuộc sống hạnh phúc, chúng ta thường chỉ nghĩ tới chúng về mặt lý thuyết. Hàm ý quản lý rủi ro của tính độc nhất vô nhị là rất rõ ràng - nếu đưa ra quyết định với suy nghĩ bản thân là một bông tuyết độc đáo, có khả năng chúng ta sẽ bỏ qua các nguy cơ tiềm ẩn. Ví dụ đơn giản, nếu cho rằng mức tăng giá tiềm năng “là của tôi” còn mất tiền là của những kẻ khờ khạo khác, chúng ta sẽ có xu hướng hành động ngu ngốc. Một người (J.K. Galbraith) đã từng nói rõ ràng hơn rằng, “Như đã nói từ lâu, những kẻ ngu ngốc sẽ luôn mất tiền, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Vì vậy, những người hoà cùng vào tâm trạng lạc quan chung, sẽ bị bao vây bởi niềm tin vào sự tinh tường về mặt tài chính của bản thân. Nó đã xảy ra hàng thế kỷ, và sẽ tồn tại lâu dài trong tương lai.”40 40 Galbraith, A Short History, p. 110. Thời cổ đại, tại Rome, các tướng lĩnh chiến thắng được diễu hành khắp phố để dân chúng bày tỏ sự kính trọng, giống như ngày nay chúng ta tuyên dương những nhà quản lý tài ba ở hội nghị và trên các mạng lưới kinh doanh 24 giờ. Nhưng có một điểm mà người chiến thắng La Mã cổ đại có ưu thế hơn các chiến binh phố Wall ngày nay là - sự can thiệp mang tính hành vi nhằm kiểm soát hậu quả của tính ngạo mạn quá mức và xu hướng hồi hiện41. Đằng sau một vị tướng, trong cùng chiếc xe ngựa, là một phụ tá thân cận có trách nhiệm duy nhất là nhắc nhở vị tướng về sự tồn vong của ông ta người này như là một hàng rào ngăn cản ông ta ngông cuồng quá mức - dấu hiệu của sự thất bại. “Memento mori,”42 người hầu cận thì thầm, “Một ngày nào đó ngài sẽ chết.” Thậm chí trong ngày trọng đại nhất của vị tướng, người La Mã còn có tục lệ nhắc nhở kẻ thắng trận rằng, một ngày nào đó trong tương lai, ông ta sẽ không còn may mắn nữa. 41 Là xu hướng cho rằng khuynh hướng và mô hình trong thời gian gần đây sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai. 42 là một câu thành ngữ, tiếng Latin có nghĩa là “Hãy nhớ rằng ngươi sẽ phải chết” hoặc “Hãy nhớ rằng ngươi sẽ chết” đã trở thành những lời nhắc nhở. Ca ngợi thành công tài chính và có được sự tín nhiệm là bản tính tự nhiên của chúng ta. Nhưng ngay cả khi đang ăn mừng, chúng ta cũng nên khôn ngoan như người La Mã và đặt bản thân vào thực tế khắc nghiệt rằng chúng ta không hoàn hảo và vận may không kéo dài mãi mãi. “Respice post te! Hominem te esse memento!” Người hầu tiếp tục thì thầm, “Hãy thận trọng và nhớ rằng ngài là một con người.” Thực hành Suy nghĩ: “Tôi không khôn khéo hay tự kiểm soát tốt hơn những người tham gia thị trường khác.” Đặt câu hỏi: “Tại sao những người khác lại bỏ qua điều này nếu đó là một cơ hội đầu tư tuyệt vời?” Hành động: “Làm theo hướng dẫn của cố vấn và kế hoạch tài chính đã lập của bạn chứ không phải là tin vào khái niệm về ưu thế cá nhân.” Quy tắc 6 CUỘC SỐNG CỦA BẠN LÀ TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ CHÍNH XÁC NHẤT “Một người giàu có là người kiếm được nhiều hơn 100 USD so với chồng của chị vợ.” - H.L. Mencken Phản ánh, phản ánh C hán quá. Chán quá. Chán quáaaaaaaaaaaaaaaaaaa. Bạn có thấy chán nản khi đọc câu đó không? Tôi đã phải cố hết sức để cưỡng lại bản thân sau khi viết từ đó ba lần. Chuyện gì đang xảy ra thế? Câu trả lời cho sự ám thị cực đoan này nằm ở nơi mà các nhà khoa học gọi là tế bào thần kinh phản ánh - chúng sẽ được kích hoạt trong cả hai trường hợp: thực hiện hành động và khi quan sát hành động đó43. 43 Lindstrom, Buyology, p. 54. Phát hiện đầu tiên về tế bào thần kinh phản ánh diễn ra trong một phòng thí nghiệm im lìm, gần như bị lãng quên ở thành phố Parma, Ý. Khi đó các nhà khoa học đang nghiên cứu bộ não của lũ khỉ nhiệt đới để tìm hiểu não bộ tổ chức hành vi vận động như thế nào. Theo giải thích của Martin Lindstrom, các nhà khoa học đã nhanh chóng khám phá ra có vài thứ đang thách thức giả thuyết của họ về cách não bộ hoạt động. “Họ quan sát thấy nhóm tế bào thần kinh tiền vận động của khỉ không chỉ sáng lên khi lũ khỉ lấy được quả hạch, mà còn sáng lên trong lúc chúng nhìn con khỉ khác lấy quả hạch.” Cho dù con khỉ thực hiện hành vi đó hay quan sát con khỉ khác thực hiện, bộ não hoạt động giống hệt nhau. Sự việc lạ lùng tiếp tục xảy ra vào một buổi chiều nắng nóng khi một trong số các nghiên cứu sinh của nhóm bước vào phòng thí nghiệm với cây kem ốc quế. Một con khỉ vẫn đang gắn với máy quan sát đã nhìn chằm chằm cây kem mát lạnh một cách thèm thuồng. Khi nghiên cứu sinh này liếm cây kem, vùng tế bào tiền vận động của con khỉ sáng lên trên màn hình. “Nó không hề cử động tay hay liếm kem; thậm chí còn không cầm bất kỳ thứ gì trong tay. Chỉ đơn giản là quan sát hành động đưa cây kem lên miệng của người nghiên cứu sinh thôi, bộ não của con khỉ đã bắt chước được y hệt hành động đó.”44 44 Ibid. Bắt chước Tế bào thần kinh phản ánh là lý do tại sao bạn lại khóc khi xem một bộ phim buồn, cảm thấy ngại ngần lúc nhìn người nào đó ăn uống thô tục, hay nhắm chặt mắt khi xem cảnh kẻ giết người hàng loạt vô tình bắt gặp nhóm sinh viên cạnh ngôi nhà ven hồ. Tế bào thần kinh phản ánh là lý do tại sao lại tồn tại những đoạn video “đập hộp.” Chúng ta thực sự cảm thấy hào hứng khi quan sát người khác bóc hộp hệ thống chơi game mới hay đồ chơi đắt tiền, như thể chính chúng ta đang thực hiện hành động đó. Để áp dụng bài học này trong thực tế, hãy cho con bạn xem đoạn phim đứa trẻ khác đang mở quà vào sinh nhật kế tiếp của chúng và nói với chúng rằng Tiến sĩ Crosby bảo nó cũng giống như con đang mở quà ấy. Sức mạnh của sự bắt chước chắc chắn là một điều tốt - chúng ta có thể khóc cùng một người bạn vừa mất cha mẹ dù chúng ta chưa từng gặp họ - nhưng liệu nó có thể dùng để điều khiển hành vi của chúng ta không? Hãy xem xét tiếng cười đáng sợ được phát xen giữa các chương trình nhé. Tôi cá là nếu tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến của hàng ngàn người sẽ đọc cuốn sách này, chắc chắn là không một ai ủng hộ tuyên bố, “Tôi thích tiếng cười phát giữa các đoạn hài kịch.” Những đoạn tiếng cười đó đã lỗi thời, khả ố, khó chịu và chính bản thân chúng nghe cũng thật giả dối. Tại sao tiếng cười bị hầu hết khán giả ghét bỏ mà các nhà làm phim Hollywood vẫn tiếp tục sử dụng chúng? Chắc hẳn bọn họ hiểu điều gì đó mà chúng ta không biết, có lẽ tiếng cười được thu băng tẻ nhạt này cung cấp những tín hiệu có giá trị về mặt xã hội cho người xem. Các nghiên cứu nhiều lần chỉ ra rằng đoạn tiếng cười này khiến người xem cười lâu hơn, sảng khoái hơn và giúp trải nghiệm xem phim thú vị hơn45. Thực tế, những đoạn tiếng cười đã được chứng minh là có hiệu quả nhất trong việc cải thiện đánh giá các câu chuyện cười hết sức nhạt nhẽo! Chúng ta được lập trình để bắt chước những gì người khác đang làm, ngay cả khi bọn họ chỉ tồn tại trên băng đĩa. Hành vi bắt chước xảy ra ở bất kỳ đâu. Người ăn xin thường để sẵn tiền được cho từ hôm trước vào bát để thể hiện rằng hành vi cho tiền họ là đúng đắn và khiến người khác nghĩ rằng họ xứng đáng được bố thí. Một người không có tiền trong bát xứng đáng được cho 1 đồng, nhưng khả năng họ có được đồng tiền đó ít hơn người vốn đã có ba đồng trong bát. 45 R.B. Cialdini, Influence: The Psychology of Persuasion (Harper Business, 2006), p. 115. Một trong những cách hiệu quả nhất để xoá tan nỗi sợ hãi của trẻ em là cho chúng quan sát đứa trẻ khác thực hiện hành vi gây sợ hãi đó. Trong một nghiên cứu, có tới 67% trẻ em sợ chó đã được “chữa” khỏi nỗi ám ảnh này trong vòng một tuần chỉ đơn giản bằng cách quan sát đứa trẻ khác vuốt ve Fido46. Ngay cả hành động nghiêm trọng như tự sát cũng bị ảnh hưởng bởi sự bắt chước. Tiến sĩ David Phillips thuộc Đại học California tại San Diego phát hiện ra rằng “trong vòng hai tháng sau mỗi câu chuyện tự tử đăng ở trang đầu, trung bình có nhiều hơn năm mươi tám người tự tử so với thường lệ.”47 Hành vi cười và khóc, sống và chết dường như có khả năng lây nhiễm cho người khác khủng khiếp hơn chúng ta tưởng rất nhiều. 46 Cách gọi chung cho loài chó, lấy tên từ chú chó trung thành Fido của Italy. Trích dẫn từ Cialdini, Influence, p. 118 47 Ibid. Tế bào thần kinh phản ánh và các cơ chế khác của não giúp chúng ta dễ dàng đồng cảm, một nguồn tài nguyên vô giá khi xây dựng mối quan hệ và cộng đồng. Mặc dù có thể chưa từng trải nghiệm niềm vui và nỗi buồn giống hệt, nhưng chúng ta có thể chia sẻ cảm xúc với người khác theo cách thoải mái, an ủi và thậm chí cùng tận hưởng niềm hân hoan. Nhưng khi đề cập đến chủ đề nặng nề hơn, chính cơ chế hình thành nên cộng đồng và chia sẻ gánh nặng của nhau lại khiến chúng ta trở thành những nhà đầu tư kém cỏi và quan tâm đến người khác hơn là đáp ứng nhu cầu riêng của bản thân. Jason Zweig đã từng nói, “… đầu tư không phải là đánh bại người khác trong trò chơi của họ, mà là kiểm soát bản thân trong trò chơi của riêng bạn.”48 48 Graham and Zweig, Intelligent Investor, p. 219. Giữ điểm số Việc con người luôn nỗ lực đặt ra tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả là hết sức tự nhiên. Suy cho cùng, một cuộc thi thể thao mà không có bảng ghi điểm thì có thể là một trò tiêu khiển tốt, nhưng sẽ là một chương trình nhàm chán khủng khiếp. Tuy nhiên, chắc chắn cũng cần thiết như điểm số, chúng ta phải đảm bảo rằng mình đang giữ số điểm theo cách có ý nghĩa cá nhân và phù hợp với các quy tắc của trò chơi. Đối với hầu hết các nhà đầu tư, giữ điểm số có nghĩa là trở thành nạn nhân của thuyết ngụy biện Procrustes khi so sánh lợi nhuận của họ với các tiêu chuẩn của thị trường chứng khoán - điển hình là S&P 500. Trong thần thoại Hy Lạp, Procrustes là chủ nhà trọ chỉ có một chiếc giường. Để đảm bảo sự phù hợp giữa hành khách và chiếc giường của mình, ông ta sẽ cắt chân tay của khách quá lớn so với giường và kéo căng người của khách nhỏ hơn. Vì vậy, cũng giống như các nhà đầu tư cố gắng tra tấn và bóp méo những ưu tiên rủi ro, giá trị cá nhân và kỳ vọng lợi nhuận thường được so sánh với chỉ số thị trường không mang tính cá nhân, hơn là tập trung vào thoả mãn nhu cầu đầu tư của bản thân mình. Ngoài lời kêu gọi trực quan về việc so sánh kết quả đầu tư với mong muốn của bản thân, về mặt tâm lý nó còn giúp chúng ta trở thành nhà đầu tư hiệu quả hơn. So sánh kết quả với mong muốn của bản thân thay vì một chỉ số cho chúng ta thấy nên đầu tư vào khoảng thời gian biến động của thị trường, tăng cường tiết kiệm và duy trì mục tiêu dài hạn. Thuật ngữ của tiêu chuẩn đánh giá nhu cầu cá nhân là đầu - tư - dựa - trên - mục - tiêu. Tuy mỗi công ty quản lý tài sản có phương pháp khác nhau, song đều có điểm chung như các nhu cầu lợi nhuận cụ thể được lựa chọn rất cẩn thận và các khoản đầu tư được chia thành từng mục riêng biệt phù hợp với mục tiêu cá nhân. Công ty đầu tư SEI là một trong những công ty đầu tiên triển khai nền tảng đầu tư dựa trên mục tiêu và đã rất thành công (ít nhất là đối với các nhà nghiên cứu như tôi) ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Giai đoạn may mắn đó cho phép chúng ta quan sát tác động mang tính hành vi của phương pháp tiếp cận dựa trên mục tiêu đến quản lý tài sản so với cách tiếp cận truyền thống là so sánh lợi nhuận với chỉ số thị trường rộng hơn. Như tôi đã viết trong cuốn Personal Benchmark (đồng tác giả Chuck Widger - nhà sáng lập Brinker Capital) các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một số điểm khác biệt giữa hai nhóm như sau: “Nhóm có một danh mục đầu tư truyền thống duy nhất: • 50% lựa chọn thanh lý hoàn toàn danh mục đầu tư hoặc ít nhất là danh mục đầu tư cổ phiếu của họ, bao gồm nhiều khách hàng vô cùng giàu có và không có nhu cầu về tiền mặt. • 10% có những thay đổi đáng kể trong phân bổ vốn cổ phần, giảm tối thiểu 25%. Nhóm có chiến lược đầu tư dựa trên mục tiêu: • 75% không thay đổi. • 20% quyết định tăng quy mô của mục nhu cầu cấp bách nhưng giữ nguyên các tài sản dài hạn đã đầu tư cẩn thận.” Melissa Rayer của SEI đã kết luận, phát hiện quan trọng nhất là “các nhà đầu tư dựa trên mục tiêu ít bị hoảng sợ và thực hiện những thay đổi sai lầm trong danh mục đầu tư của họ.”49 Từ lợi nhuận của một người có danh mục đầu tư truyền thống, có thể thấy năm 2008 quả thực là khoảng thời gian kinh hoàng. Họ có thể thấy tổng tài sản của mình giảm gần một nửa và không có sự khác biệt giữa nhu cầu ngắn và dài hạn. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi có tới 60% nhà đầu tư của SEI được bảo đảm hoặc giảm đáng kể vị thế của họ! 49 M.D. Rayer, ‘Goals-Based Investing Saves Investors from Rash Decisions’, SEI Wealth Network (2008). Mặt khác, các nhà đầu tư theo mục tiêu sẽ nhận ra rằng một số mục tiêu của họ hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng như chúng vẫn vốn thế. Vì hầu hết các phương pháp tiếp cận dựa trên mục tiêu đều bao gồm một nhóm an toàn “ngắn hạn,” họ lập tức có được sự yên tâm cần thiết để vượt qua sóng gió. Đối với cách tiếp cận có tác động sâu rộng như vậy, đầu tư dựa trên mục tiêu đơn giản đến không ngờ. Bằng cách phân chia các khoản đầu tư vào từng mục cụ thể một cách có mục đích rõ ràng, chúng ta sẽ có các đánh giá cần thiết nhằm tránh được sự thiếu kiên định và tập trung vào vấn đề quan trọng nhất. Ngoài việc chống lại chủ nghĩa ngắn hạn, đánh giá cá nhân còn dựa trên sức mạnh của điều mà các nhà tâm lý học gọi là “kế toán nhận thức.” Là một dạng của thuyết đóng khung, kế toán nhận thức nói rằng cách chúng ta sắp xếp một câu hỏi (hay một tài khoản) có liên quan mật thiết đến cách chúng ta phản hồi. Ví dụ, một cuộc thăm dò ý kiến của tờ New York Times/ CBS về luật pháp trong chương trình “Không hỏi, không nói” đã đưa ra cùng một câu hỏi theo hai cách khác nhau và thu được kết quả rất khác biệt.50 Câu hỏi đầu tiên đặt ra là liệu “đồng tính nam và đồng tính nữ” có được phục vụ trong quân đội không và 79% thành viên đảng Dân chủ quả quyết là có. Câu hỏi thứ hai là liệu họ có ủng hộ “người đồng tính luyến ái phục vụ trong quân đội không” thì chỉ có 43% thành viên đảng Dân chủ cho thấy sự tiến bộ của mình. 50 C. Wider and D. Crosby, Personal Benchmark: Integrating Behavioral Finance and Investment Management (John Wiley & Sons, 2014), p.158 Tương tự như vậy, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mọi người có khuynh hướng tiết kiệm tiền được dán nhãn là khoản giảm giá, nhưng lại chi tiêu tiền được dán nhãn là phần thưởng. Barack Obama và các cố vấn của ông, vốn rất am hiểu về kinh tế hành vi, đã sử dụng thuyết đóng khung để đưa ra kích thích tiêu dùng sau cuộc suy thoái kinh tế, ví dụ như là tiền thưởng nhằm động viên người nhận ưu tiên mua TV màn hình lớn hơn là tích trữ khoản thưởng đó. Cách bạn dán nhãn các khoản tiền của mình chính là cách bạn chi tiêu và tiết kiệm chúng; một xu hướng mà đầu tư dựa trên mục tiêu đã áp dụng triệt để. Xem xét câu nói của George Loewenstein: “Quá trình nhẩm tính tiền thu được từ nhiều tài khoản thường được kết hợp với phân bổ các tài khoản theo từng mục đích cụ thể. Tuy có vẻ đây là một quá trình rất bình thường, song việc phân bổ có tác động đáng kể đến các khoản tiết kiệm cho nghỉ hưu. Cheema và Soman phát hiện ra rằng nếu để dành tiền trong phong bì dán ảnh bọn trẻ, một cặp vợ chồng có thu nhập thấp đã gần như tăng gấp đôi tỷ lệ tiết kiệm.”51 51 Ibid, p.159. Abraham Maslow nhận thấy các nhu cầu của chúng ta được xếp hạng khác nhau, với nhu cầu căn bản nhất là thức ăn, chỗ ở rồi mới tới nhu cầu an toàn. Tương tự như vậy, chúng ta nên tập trung vào mục tiêu tài chính cao hơn, chẳng hạn như để lại một khoản thừa kế, sau khi đã đủ tài sản để đáp ứng nhu cầu an toàn trước mắt của bản thân. Khái niệm này được minh họa trong Hình 1: Hình 1: Ví dụ về phân cấp nhu cầu tài chính Khi các khoản đầu tư được gắn nhãn với một nhu cầu cụ thể mà chúng phải đáp ứng, nó sẽ giúp cả lợi nhuận kỳ vọng và hành vi thích hợp của chúng ta trở nên rõ ràng hơn. Hơn nữa, quá trình đóng khung có chủ ý còn có tác dụng kích thích cảm giác lo lắng nếu không dành dụm tiền cho mai sau. Ai mà đoán được hành động phân loại tiền đơn giản này lại có tác dụng lớn đến như thế chứ? Sự điên rồ của con người Một trong các tác phẩm đáng tự hào nhất của tôi là cuốn Personal Benchmark, hợp tác với Chuck Widger và Brinker Capital để xây dựng nền tảng đầu tư dựa trên mục tiêu. Chuck, từ rất lâu đã đề xướng nhiều phương pháp tiếp cận mang tính cá nhân, đưa tôi vào để tăng thêm tính khoa học cho hiện tượng ông đã quan sát nhiều năm - các nhà đầu tư hiệu quả nhất bỏ qua chỉ số thị trường rộng