🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Người Quảng Đi Ăn Mì Quảng
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 1
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
Tác giả giữ bản quyền
Nhà xuất bản Trẻ xuất bản
theo hợp đồng sử dụng tác phẩm tháng 4 năm 2012
Minh họa: Đỗ Hoàng Tường
BIỂU GHI BIÊN MỤC TRƯỚC XUẤT BẢN ĐƯỢC THỰC HIỆN BỞI THƯ VIỆN KHTH TP.HCM Nguyễn Nhật Ánh, 1955-
Người Quảng đi ăn mì Quảng: tạp văn / Nguyễn Nhật Ánh; Đỗ Hoàng Tường minh họa. - Tái bản. - T.P. Hồ Chí Minh: Trẻ, 2012.
204tr.; 20 cm.
1. Văn xuôi Việt Nam. 2. Văn học Việt Nam -- Thế kỷ 21.
1. Vietnamese prose literature. 2. Vietnamese literature -- 21st century.
895.9228084 -- dc 22
N573-A60
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn 4
Tạp văn của Nguyễn Nhật Ánh
Nguyễn Nhật Ánh – thơ.
Nguyễn Nhật Ánh – văn xuôi về tuổi mới lớn. Nguyễn Nhật Ánh – truyện liên hoàn về sinh hoạt thiếu nhi và xứ sở phù thủy.
Nguyễn Nhật Ánh – Anh Bồ Câu gỡ rối tơ lòng... ... Và bây giờ Nguyễn Nhật Ánh – tạp văn.
Mười lăm năm trước, cùng làm việc buổi chiều với Nguyễn Nhật Ánh ở tòa soạn một tờ nhật báo, tôi đã nghe anh ấp ủ những đề tài dự định cho một cuốn tạp văn. Không lạ gì, thể văn khiêm nhường này đã cuốn hút một số nhà văn từng thành đạt trong những thể loại lớn. Gần với tùy bút, tạp văn cũng là một thứ essais, một thứ thử nghiệm, và vì là thử nghiệm, nên thường ít người thủy chung với nó.
Tôi những tưởng Nguyễn Nhật Ánh viết tạp văn cũng như anh chơi một ván bóng bàn xả hơi giữa hai chương tiểu thuyết. Vậy mà lúc khoan lúc nhặt, anh vẫn gắn bó với thể loại “thiên thần nhỏ” này suốt mười lăm năm để bây giờ có một tập sách trả ơn cho nó.
https://thuviensach.vn 5
Đọc tạp văn Nguyễn Nhật Ánh, thấy anh vẫn phát huy chất humour, dí dỏm sở trường trong văn tự sự của mình. Khi anh bàn đến chuyện thu nhỏ các đồ vật nhân nói về sân khấu nhỏ, khi anh cắt nghĩa hiện tượng bắt chước thần tượng, hay khi anh luận bàn chuyện hàng giả, chuyện tấm lịch - để mượn ngôn ngữ quảng cáo trên truyền hình, người đọc bao giờ cũng muốn đặt cuối các đoạn văn của anh một chữ Konica – mỉm cười. Thơ và văn xuôi Nguyễn Nhật Ánh vốn không quen đụng chạm những vấn đề thời sự – xã hội trực tiếp. Thành ra thể loại tạp văn này hình như đã được chọn để gửi gắm con người xã hội của anh. Nhưng mà ngòi bút Nguyễn Nhật Ánh bản chất là ôn nhu, nên giọng văn anh lúc nào cũng từ tốn, thanh thỏa, không bao giờ lên giọng dạy đời, dù là nói những chuyện bức xúc, như nỗi khổ của người chị luống tuổi còn độc thân khi làm thủ tục sang tên nhà hay nỗi khó của một làng quê đi quyên tiền để sửa chữa một đoạn đường lầy lội.
Trong tập sách này, giữa chợ và siêu thị, giữa sách in và e-book, giữa quạt Ba Tiêu và quạt Cophaco, giữa thư pháp chữ Hán và thư pháp chữ Việt, giữa cái phong linh ngày trước và cái phong linh bây giờ, Nguyễn Nhật Ánh không giấu giếm sự thiên vị của mình đối với cái thứ nhất. Cũng dễ hiểu thôi, cái lý trí phân tích ở đây được nâng đỡ bởi lý lẽ của hoài niệm. Nhưng hoài niệm không phải là hoài cổ; còn người dẫn dắt và bình luận sự kiện ở đây vẫn không hề đánh mất dáng dấp hiện đại của mình. Chất hiện đại của ngòi bút Nguyễn Nhật Ánh bộc lộ rõ qua những bài
https://thuviensach.vn 6
viết về bóng đá và những bài phê bình phim võ thuật, đặc biệt là bài phân tích chỗ được và chỗ chưa được của bộ phim Ngọa hổ tàng long. Tài năng của Nguyễn Nhật Ánh trong bình luận bóng đá thì đã được khẳng định qua loạt bài ký bút danh Chu Đình Ngạn trên báo Sài Gòn Giải Phóng nghe đâu sẽ được tập hợp và in thành sách nay mai.
Là tạp văn, tập sách này nói đủ thứ chuyện trên trời dưới bể, nhưng rồi không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại chọn nhan đề là Người Quảng đi ăn mì Quảng. Bao nhiêu nhà văn đã thao bút qua việc bình phẩm các món ăn dọc đường đi của dân tộc mình từ Bắc vào Nam: Tản Đà, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng, Võ Phiến... Nguyễn Nhật Ánh là người Quảng, lại còn mở quán để quảng bá các đặc sản quê mình, làm sao mà anh không viết về cái món ăn đã đi vào ca dao:
Thương nhau múc bát chè xanh,
Làm tô mì Quảng cho anh xơi cùng.
Có điều Nguyễn Nhật Ánh bình phẩm món ăn thì ít mà bình phẩm về tâm tình của người ăn thì nhiều. Ai mà không đồng ý khi anh nói rằng người Quảng ở Sài Gòn đi ăn mì Quảng là để tìm một chút hương vị quê nhà, một chút thôi, chứ không bao giờ là trọn vẹn. “Người Quảng xa xứ đi ăn mì Quảng không giống như khi đi ăn những thứ khác như lẩu dê hay bò bảy món. Họ không chỉ ăn bằng miệng, bằng vị giác hay khứu giác, không phải đơn thuần chỉ để thưởng thức cái ngon. Người Quảng đi ăn mì Quảng là đi ăn bằng tâm
https://thuviensach.vn 7
trạng. Họ bước vào quán bán mì Quảng bằng bước chân hồi hộp, thắc thỏm, với tất cả nỗi háo hức phập phồng như đến điểm hẹn với người quen cũ. Gặp tô mì Quảng giữa Sài Gòn, với người Quảng đó là nỗi mừng rỡ “tha hương ngộ cố tri”. Không phải người Quảng Nam, ở Sài Gòn tôi cũng thường ăn mì Quảng ở những quán ăn “chính hiệu” với rau sống chở vào từ Hội An, vậy mà hình như chỉ một lần tôi cảm nhận hết cái hương vị mì Quảng khi, trên đường từ Đà Nẵng về Bình Tú một buổi chiều cuối năm, dừng xe ăn tô mì Quảng nhưn tôm thịt ở thị trấn Nam Phước (là chỗ ở hiện nay của Gia Khanh – L. đó, phải không?). Thì ra ăn một món ăn còn là thụ hưởng cái không khí, cái tâm thế khi mình ngồi ăn.
Bây giờ ngồi viết bài này cho tập sách Nguyễn Nhật Ánh cũng vào một ngày giáp Tết, nhớ tô mì Quảng ngày nào ở Nam Phước, rồi lại nhớ câu thơ của bạn trên một tờ báo xuân (Con dế giang hồ đang nhớ quê!), chao ôi, tôi cũng lẩn thẩn mà bắt chước Nguyễn Nhật Ánh viết tạp văn mất rồi!
Nhà phê bình văn học
Huỳnh Như Phương
https://thuviensach.vn 8
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn 10 nguyễn nhật ánh
lớn và nhỏ
tháng vừa rồi, báo chí nói nhiều đến cuộc Liên hoan Sân khấu nhỏ ở 5B Võ Văn Tần. Lật tờ báo nào ra cũng bắt gặp những dòng giới thiệu, tuyên truyền cho sân khấu nhỏ. Đọc hoài, đến nỗi bị ám ảnh. Rồi một lúc bần thần nghĩ ngợi, tôi bỗng giật mình nhận ra trong thời đại ngày nay không chỉ sân khấu mà có quá nhiều thứ bị thu nhỏ.
Bây giờ đi ra đường, người ta gặp vô số những nhà hàng mini. Chúng tồn tại một cách hiên ngang, thậm chí ồn ào, dọc các dãy phố, với vẻ phô trương của một “thể loại” vừa được khẳng định. Lớn lên từ “phong
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 11
trào”, bên cạnh cái ăn, còn có cái ở. Khách sạn vốn quen được xem như một cơ ngơi đồ sộ, bây giờ cũng sẵn sàng từ bỏ hình ảnh truyền thống của mình để thu nhỏ lại thành khách sạn mini. Cố nhiên, cái mặc cũng không chịu tụt hậu. Nếu trước đây, nhiều cô gái thích mặc áo hở ngực thì bây giờ các cô lại chuộng kiểu áo hở bụng hoặc... phơi lưng. Sở dĩ có sự “thay đổi mẫu mã” này không phải vì biểu tượng cái đẹp của phụ nữ ngày nay đã chuyển từ bộ phận này sang bộ phận khác mà có lẽ vì chủ nhân các “phòng triển lãm lưu động” này bất chợt khám phá ra rằng bất cứ một “mặt hàng” nào dù quý hiếm đến đâu nếu cứ bày lồ lộ trước mắt bàn dân thiên hạ ngày này qua ngày khác tất sẽ giảm giá trị và không còn thu hút “khán giả” nữa. Chính nhờ quy luật “cung cầu” này mà các vị trí vốn được xem là thứ yếu, hạng hai như lưng và bụng bỗng trở nên có giá. Và dưới sự “hướng dẫn thẩm mỹ” của các nàng, không ít đấng mày râu đã phải điều chỉnh quan niệm của mình về cái đẹp để thích ứng với xu thế mới(!). Nhưng sự thu nhỏ kích thước của cái mặc thường biểu hiện hùng hồn và tập trung nhất tại các kỳ thi hoa hậu và người mẫu, đặc biệt ở những màn trình diễn áo tắm. Ở đó, người ta có thể tìm thấy trang phục của Eva với những mảnh vải bé tẹo như những chiếc lá nho đính vào những chỗ đôi khi không được bé tẹo cho lắm ở một số người. Những nhà soạn tự điển đạo mạo và đáng kính nếu đặt chân vào đây hẳn sẽ vô cùng bỡ ngỡ về sự lạc hậu của mình khi đưa ra những định nghĩa về y phục. Trong một số trường hợp, quần áo
https://thuviensach.vn 12 nguyễn nhật ánh
không làm chức năng “che thân” mà ngược lại “khoe thân”. Nêu lên hiện tượng này cũng chỉ như nêu một nhận xét về những điều tai nghe mắt thấy, chứ người viết không mong làm cái sự quá sức gay go là đánh giá. Nhất là trong thời buổi bùng nổ thông tin hiện nay, người ta đang ầm ĩ lên rằng thế giới mỗi ngày một thu nhỏ lại. Mà thế giới bao la dường kia còn thu nhỏ lại được thì hà cớ gì dăm mảnh vải trên người lại không được quyền bé đi một tí để chiều theo dòng chảy của văn minh và để cho... vui mắt? Có người sẽ bảo như vậy và nếu lao vào tranh cãi thì sẽ gặp lắm chuyện rầy rà. Thôi thì ở đây, nhân cuộc Liên hoan Sân khấu nhỏ, ta chỉ bàn về sự “thu nhỏ” mà thôi.
* * *
Con người ta không chỉ ăn, mặc, ở. Còn có bao nhu cầu khác như di chuyển, làm việc, nghỉ ngơi, giải trí, thưởng thức những thú vui vật chất và tinh thần... Và đáng ngạc nhiên thay, cái xu hướng thu nhỏ dường như đã và đang xâm nhập vào tất cả mọi lãnh vực. Từ cái máy bộ đàm cồng kềnh đến loại điện thoại thông dụng rồi đến cái máy liên lạc nhỏ xíu nhét trong thắt lưng là cả một quá trình tiến hóa từ khủng long đến... thằn lằn. Cái máy tính to đùng biến mất, nhường chỗ cho loại máy tính gọn nhẹ lọt thỏm trong túi áo đàn ông và bóp cầm tay của phụ nữ. Xe đạp biến tướng thành xe đạp mini, Vespa đẻ ra Vespa mini và bây giờ người dân thành phố đã khá quen mắt với những chiếc
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 13
xe gắn máy nhỏ xíu chạy nhan nhản ngoài phố. Ngay cả phương tiện giao thông công cộng như xe bus, tưởng không có lý do gì để giảm thiểu kích cỡ và sức chứa, cũng bắt đầu “mini hóa” để trở thành microbus. Nghe nói trên thế giới hiện nay, người ta cũng đang tìm cách thu nhỏ thước tấc một số máy bay, cả các con tàu vũ trụ. Đụng đến “vũ trụ” e rằng hơi quá, mặc dù ngay cả vũ trụ vô biên kia chưa chắc đã tránh thoát nguy cơ bị thu nhỏ: sau từ cosmos (vũ trụ), người ta đã không ngại ngần sáng tạo ra từ microcosm (tiểu vũ trụ)!
Những bà nội trợ bận rộn ít có điều kiện đọc báo, nghe đài vẫn có thể cảm thấy thế giới đang bé dần đi trong tay mình. Những cái quạt máy nhỏ xíu, những cây đèn pin tí hon, những chai nước giải khát bé tẹo đang xâm chiếm các cửa hàng tạp hóa từng giờ. Ngay cả chiếc ô được làm ra cốt để che nắng che mưa bây giờ cũng chỉ lớn bằng phân nửa những chiếc ô kềnh càng của thế hệ trước. Trước những đổi thay chóng mặt này, có cảm giác như nhân loại muốn biến mảnh đất mình đang sống trở thành xứ sở của những người Lilliput.
Nhưng đó chỉ là những tiện nghi vật chất, sẽ có người kêu lên, vật chất bé lại một tí cũng không sao, còn những gì thuộc về tinh thần thì không hẳn thế, không bao giờ thế! Xin thưa, cũng thế thôi! Thậm chí trong đời sống tinh thần, những phương tiện phục vụ càng “co rút” theo một tỷ lệ tệ hại hơn nhiều. Từ màn ảnh đại vĩ tuyến đến màn hình 14 inch dành cho phim video là cả một cuộc cách mạng vi mô hóa. Lần lượt,
https://thuviensach.vn 14 nguyễn nhật ánh
chiếc cassette bé lại bằng cuốn sách. Còn cuốn sách thì bé bằng hộp diêm. (Và hộp diêm, đến một lúc nào đó, nó sẽ thu nhỏ lại bằng một cái gì đó nó chợt nghĩ ra). Ngay cả bóng đá, vốn được mệnh danh là môn thể thao vua với những sân vận động hàng trăm ngàn chỗ ngồi, cũng phải hòa mình với thời đại bằng một thuật ngữ lạ lùng và đầy mâu thuẫn: bóng đá mini!
* * *
Như vậy, chuyện “thu nhỏ lại” quả là có thật, thấy được và sờ được. Nhưng người ta thu nhỏ mọi thứ lại để làm gì vậy? Chẳng lẽ đó chỉ là một thú chơi ngông, một ý thích bốc đồng của con người thời hiện đại? Ấy, xin chớ có hiểu lầm! Thu nhỏ một bộ ngực hay một cặp đùi còn có thể cho là chuyện tùy hứng chứ người ta đã thu nhỏ tới cả chiếc máy bay thì cái chuyện trái khoáy này hẳn có chỗ diệu dụng của nó.
Thực ra cái chuyện thu nhỏ không phải chỉ mới xảy ra ngày hôm qua. Đọc truyện Tây Du, chúng ta thấy cây Như Ý bổng to đùng của Tôn Ngộ Không đã bao nhiêu lần bị thu nhỏ lại chỉ bằng cây kim để họ Tôn giắt vào mép tai. Và Thiết Phiến công chúa cũng năm lần bảy lượt rút gọn kích thước của chiếc quạt Ba Tiêu (vốn để quạt tắt núi lửa) nhét vào trong miệng. Chắc không ai ngây thơ đến nỗi tin rằng bà Thiết Phiến thu nhỏ chiếc quạt lại để làm tăm xỉa răng và họ Tôn biến cây trụ kình thiên kia bé chỉ bằng cây kim để ngoáy tai cho đỡ ngứa. Cái mục đích của sự “thu nhỏ” ở đây rất
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 15
rõ ràng: nó giúp họ Tôn tránh cồng kềnh, vướng víu trong di chuyển, nhảy nhót cũng như tăng cường khả năng cơ động trong chiến đấu tay không và nó giúp Thiết Phiến công chúa có điều kiện che giấu và bảo vệ báu vật trước những phường đạo chích. Thì ra ngay cả các bậc thần tiên, các vị cũng chẳng “nhỏ” để mà “nhỏ”, mà chính vì cái sự tiện lợi của nó.
Chúng ta không phải là thần tiên, nhưng không vì vậy mà mục đích và ý nghĩa của sự thu nhỏ của chúng ta khác đi. Chúng ta cũng chỉ vì lợi ích và sự tiện dụng. Khách sạn mini và nhà hàng mini chỉ cần tận dụng cơ sở có sẵn, tiết kiệm được diện tích, quy mô xây dựng, vốn đầu tư, cả thuế má, nhưng khả năng tranh chấp khách hàng và mức độ lợi nhuận chưa chắc đã kém cạnh so với một số nhà hàng, khách sạn bề thế khác. Hơn nữa, nhờ là mini, khi cần thay đổi nội dung kinh doanh, sự “trở bộ” của nó ắt sẽ rất lẹ làng, dễ thích ứng. Quần áo mini thì tiết kiệm được vải vóc, lại tăng cường khả năng “quảng cáo”. Xe cộ mini thì dễ luồn lách, quanh co, khuân lên vác xuống, nhất là trong thời đại mà nạn kẹt xe đang trở nên một thảm họa toàn cầu. Microbus 12 chỗ ngồi vẫn hấp dẫn hành khách hơn ông anh 50 chỗ ngồi của nó. Rồi điện thoại, ti-vi, cassette, radio, bây giờ con người không phải ngồi một chỗ mới sử dụng được. Từ khi chúng được thu nhỏ, người ta có thể giắt chúng trong mình như giắt một cây bút máy và bắt chúng phục vụ trên từng cây số. Trên thế giới, đã có những loại xe đạp có thể gấp lại như chiếc ô, những căn lều trại gấp lại bằng cái túi xách và những
https://thuviensach.vn 16 nguyễn nhật ánh
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 17
chiếc xe hơi có thể xếp gọn lỏn trong một chiếc... va-li. Cứ tưởng tượng đến cảnh một ngày nào đó mình kẹp một chiếc xe hơi trong nách như Tôn Ngộ Không giắt cây Như Ý bổng trên mép tai, chắc không ai là không thú vị gật gù: “Cái sự thu nhỏ quả là hay đáo để!”.
Như vậy, đa phần những cái “nho nhỏ” với ưu điểm linh hoạt, cơ động, giá rẻ (nếu sản xuất đại trà) được làm ra cốt nhằm thỏa mãn những nhu cầu của con người hiện đại vốn ngày càng ít thì giờ trong một thế giới phát triển đến mức chật chội, ngổn ngang. Với khả năng phục vụ đến tận răng và trên mọi địa bàn, rất có thể chẳng bao lâu nữa cái đội quân nho nhỏ này sẽ tràn ngập và biến thế giới chúng ta đang sống thành thế giới của những đồ vật mini mà không cần đến trí tưởng tượng của Walt Disney. Thì ra người ta “thu nhỏ” là để “mở rộng”, để gia tăng khả năng bành trướng và chiếm lĩnh người tiêu dùng. Cái nhỏ ở đây là cái nhỏ của hạt tiêu, của mũi dùi: càng nhỏ, càng nhọn, càng khoan sâu!
* * *
Thu nhỏ, như vậy, có vẻ như là một xu thế thời đại. Nhưng cái sân khấu nhỏ của chúng ta lại dường như chẳng liên quan gì đến những nhận định này. Với các phương tiện được thu nhỏ, người ta có thể nghe nhạc lúc đi đường hoặc xem phim trong phòng ngủ, nhưng với sân khấu nhỏ khán giả vẫn phải bước ra phố, mua vé, chen nhau vào chỗ. Về phương diện tiện nghi, sân
https://thuviensach.vn 18 nguyễn nhật ánh
khấu nhỏ chẳng đem lại một cải tiến nào đáng kể. So với cha ông mình, khán giả sân khấu ngày nay đổ mồ hôi chẳng ít hơn là bao.
Đã nhỏ, lại không có gì mới trong cung cách phục vụ, sân khấu nhỏ dĩ nhiên không có ý đồ lẫn khả năng “phủ sóng” trên diện rộng. Khán giả phim video chắc chắn đông hơn khán giả phim màn ảnh rộng, nhưng khán giả của sân khấu nhỏ chắc chắn ít hơn khán giả của sân khấu không nhỏ, ít ra là vì sức chứa của nó. Thế thì sân khấu nhỏ của chúng ta hiện nay là gì? Có người gọi nó là sân khấu thể nghiệm hoặc sân khấu tiên phong. Nhưng những định nghĩa loại này có vẻ hướng về tương lai hơn là hiện tại. Riêng tôi, tôi ngờ rằng sân khấu 5B Võ Văn Tần sở dĩ mang tên là sân khấu nhỏ chỉ vì diện tích của nó không lớn mà thôi!
Lịch sử hình thành của sân khấu này chưa bao giờ được bắt đầu bằng ý đồ thể nghiệm. Thoạt tiên nó chỉ là nơi những anh em trẻ, tài năng và tâm huyết nhưng không có đất dụng võ - đa số là đạo diễn và diễn viên sắp hoặc vừa mới tốt nghiệp - tụ tập lại tập dượt và dàn dựng một vài vở kịch cho thỏa lòng yêu nghề. Và khi những kịch sĩ diễn kịch chỉ vì lòng yêu nghề chứ không phải vì lòng yêu... tiền thì họ không bị bất cứ một áp lực nào ngoài áp lực của sự hoàn mỹ và mùa gặt hái của họ dĩ nhiên là những vở diễn nếu chưa hay thì cũng chững chạc, đứng đắn. Chất lượng kêu gọi chất lượng: khán giả đến với sân khấu nhỏ là những khán giả chọn lọc, loại công chúng thường chỉ gặp trong mơ. Ngay từ vở diễn đầu tiên, sự đồng cảm
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 19
giữa người diễn và người xem đã đem đến sự thành công đáng cảm động cho sân khấu nhỏ. Và cho đến nay, trải qua bao thăng trầm, sự gắn bó giữa sân khấu nhỏ và công chúng của nó chưa bao giờ nguội lạnh.
Ý định thể nghiệm với sân khấu nhỏ chỉ xuất hiện về sau, một phần nảy sinh từ thực tiễn biểu diễn, một phần đến từ lý thuyết thực nghiệm của các phong trào cách tân kịch nghệ châu âu. Nhưng cho đến nay, nó chỉ mới ở trong giai đoạn tìm đường, chưa đủ minh bạch để có thể đặt tên cho một loại hình sân khấu. Vì vậy, “sân khấu nhỏ chỉ vì nó nhỏ” là cách nói gần với thực tế nhất. Bởi suy cho cùng, khán giả đến với sân khấu thực ra không phải vì nó nhỏ hay nó lớn mà chủ yếu vì chất lượng thẩm mỹ mà nó đem lại. Làm được như vậy, nghĩa là duy trì được niềm tin của khán giả vào nghệ thuật kịch vốn đang bị thờ ơ thì dẫu sân khấu nhỏ chẳng tự nhân mình lên được, cái nhỏ này lẽ nào chẳng phải là cái nhỏ cần thiết hay sao?
Sài Gòn Giải Phóng chủ nhật, 6-6-1993
https://thuviensach.vn 20 nguyễn nhật ánh
đằng sau
những cái nốt ruồi
hôm nọ, tôi và một người bạn phải một phen hú vía. Vừa từ dưới hồ bơi công cộng bước lên, đã gặp ngay năm, sáu tay “tướng cướp” đang lừng lững từ ngoài cổng tiến vào. Tất cả đều có bề ngoài giống hệt nhau: quần trắng, áo đen, tay áo xắn tận nách, tóc húi cao phô cái gáy trắng nhởn, mặt lạnh như tiền không một cái nhếch môi. Dường như chưa cho thế là đủ, mỗi người còn ốp thêm vào mắt một đôi kính đen ngòm trông phát sốt. Nhìn họ lầm lì nối gót nhau vào
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 21
phòng thay quần áo, tưởng như bên trong sắp đổ máu tới nơi!
May làm sao, chỉ vài phút sau họ lại đi ra. Lần này, với độc một chiếc quần tắm trên người, trông họ đã khác. Khi rũ bỏ những thứ nghi trang lẫn vẻ mặt cô hồn đằng sau cánh cửa gỗ, nom họ giống mọi người hơn, nghĩa là lương thiện. Thậm chí khi tháo những cặp kiếng “hình sự” kia ra khỏi mắt, mặt họ trông non choẹt, mười chín đôi mươi. Hóa ra họ chẳng phải là những sát thủ đến từ đảo Sicile hay từ những mỏ vàng Texas. Đấy chỉ là những chàng trai ưa lập dị của chúng ta.
Mãi về sau, khi có dịp xem một vài bộ phim xã hội đen của Hồng Kông, tôi mới rõ những chàng trai hôm nọ đã vay mượn cái vỏ bề ngoài lạ lẫm kia từ đâu. Nhưng sự sao chép này không phải là hiện tượng hiếm hoi, càng không duy nhất. Từ khi diễn viên Jane March xuất hiện trong phim Người tình với chiếc nón hẹp vành, loại nón này lập tức được các cô gái ưa chuộng đến mức các nhà sản xuất phải vội vàng nghiên cứu mẫu mã và tung ra hàng loạt.
Thế mới biết, để văn hóa của dân tộc này được chấp nhận bởi một dân tộc khác xem ra còn lắm cam go nhưng để lối ăn mặc của nước này du nhập vào nước nọ đôi khi lại quá sức dễ dàng. Cố nhiên, trang phục cũng là một biểu hiện của văn hóa, nhưng nó là bề nổi. Để đến được với bề sâu, đòi hỏi phải cảm thông và thấu triệt. Đến với bề nổi, chỉ cần mô phỏng, nói khác đi, là bắt chước!
https://thuviensach.vn 22 nguyễn nhật ánh
* * *
Tuổi trẻ thường hay bắt chước, thời nào cũng vậy. Điều đó xét ra chẳng có gì đáng trách. Khi chưa đủ từng trải để định hình một bản lĩnh, một phong cách, tuổi trẻ thường tìm cách lấp đầy “chỗ thiếu” của mình bằng cách cố giống với một hình ảnh nào đó, theo họ là chuẩn mực. Cha ông ta ngày xưa, khi trẻ chắc không ít cụ học đòi vẻ đạo mạo của một ông Nghè hay phong thái uy nghi của một viên quan Tổng trấn. Với các phương tiện truyền thông không ngừng được cải tiến, tuổi trẻ ngày nay có nhiều cơ hội và nhiều thần tượng hơn để chọn lựa và mô phỏng. Suy cho cùng, đó cũng là một hình thức tự khẳng định, dĩ nhiên theo cái cách của tuổi trẻ.
Với thời gian và sự trưởng thành, tuổi trẻ sẽ dần dà tìm ra bản sắc đích thực của mình và bấy giờ sự bắt chước, chẳng còn lý do để tồn tại, sẽ chỉ là những trò chơi lẩm cẩm của quá khứ.
Nhưng trong khi tuổi trẻ vẫn còn... trẻ, thì họ thường bắt chước những ai? Chắc không khó lắm để tìm ra giải đáp! Thầy cô và các bậc huynh trưởng trong gia đình tất có ảnh hưởng nhất định đến tuổi trẻ, nhưng đó là những tác động có tính riêng rẽ, không mang ý nghĩa phổ quát. Như thực tế đã chỉ ra, chính những ngôi sao ca nhạc, nghệ sĩ sân khấu, minh tinh điện ảnh và những tài năng kiệt xuất trong thể thao thu hút sự chú ý nhiều nhất do đó tạo ảnh hưởng nhiều nhất đến tuổi trẻ, hiểu như một cộng đồng.
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 23
Trong một thời gian dài, điều này khó thể khác đi, vì đây chính là những nhân vật hoạt động trong các lãnh vực có tính xã hội rộng rãi, lại không ngừng được các phương tiện thông tin đại chúng quảng bá hình ảnh đi cùng khắp, thậm chí vào tận các giấc mơ thầm kín của bao chàng trai, cô gái đương thì.
* * *
So với các nghệ sĩ biểu diễn, ảnh hưởng của các nghệ sĩ sáng tạo đối với tuổi trẻ chậm chạp hơn và ít trực tiếp hơn. Đối với người thưởng ngoạn, khám phá vẻ duyên dáng của diễn viên bao giờ cũng nhanh hơn việc nắm bắt ý đồ của đạo diễn. Và điều đó chẳng có gì là lạ.
Thời nào cũng vậy, các triết gia, nhà văn, họa sĩ, nhà viết kịch, kể cả đạo diễn sân khấu lẫn đạo diễn điện ảnh đều “cam tâm” đóng vai trò chiếc bóng lặng thầm đằng sau tác phẩm của mình. Trong mọi trường hợp, khán giả hội họa đến phòng triển lãm là để xem tranh chứ không phải để xem người vẽ ra bức tranh đó. Tương tự, độc giả văn chương yêu một nhà văn nào đó chính là yêu những cuốn sách anh ta bày bán ngoài cửa hiệu chứ không phải say mê bản thân nhà văn. Xem xong bức tranh, đọc xong cuốn sách, tức nhu cầu tinh thần đã được thỏa mãn, người thưởng ngoạn không có lý do gì để nấn ná lâu hơn. Tên tác giả sau đó có khi họ còn quên bẵng, nói gì đến chuyện nhớ người nhớ mặt.
Như vậy, tác phẩm về mặt nội dung, là chiếc cầu
https://thuviensach.vn 24 nguyễn nhật ánh
nối giữa nghệ sĩ sáng tạo với công chúng nhưng về mặt hình thức giao lưu, lại là chiếc rào cản ngăn cách công chúng với họ. Ngược lại, ở các loại hình nghệ thuật có tính trình diễn, nghệ sĩ đến với công chúng bằng chính con người cụ thể của mình. Họ trình bày nghệ thuật thông qua bản thân mình với tư cách một công cụ chứ không cầu viện đến ngoại vật như giấy bút hay vải, lụa, cọ, sơn.
Cho nên xét về mặt hình ảnh, bên cạnh sự chói sáng của các nhà biểu diễn, những nghệ sĩ sáng tạo của chúng ta xem ra mờ nhạt hơn nhiều. Họ ít được chú ý, thậm chí bị lẫn lộn giữa người này với người khác. Nếu bất chợt bắt gặp ngoài đường, công chúng rất có thể nhầm Nguyễn Khải với Nguyễn Minh Châu, Ngọc Linh với Lê Duy Hạnh hay Nguyễn Trung với Ca Lê Thắng... nhưng chắc chắn họ sẽ phân biệt dễ dàng và ngay tức khắc Bạch Tuyết với Kim Cương hoặc Lý Huỳnh với Nguyễn Chánh Tín.
Trừ những trường hợp bị “phá bĩnh” bởi ngành công nghiệp truyền thanh (đối với bóng đá, sân khấu và ca nhạc), các ngôi sao của nghệ thuật trình diễn bao giờ cũng xuất hiện đồng thời với các hoạt động chuyên môn của mình. Và hình ảnh của họ được công chúng sẵn sàng tiếp nhận như một phần không thể tách rời khỏi những khoái cảm nghệ thuật mà họ đem lại. Lối thưởng ngoạn trực quan này cắt nghĩa tại sao họ dễ tạo ảnh hưởng lên công chúng, đặc biệt là giới trẻ, cũng như dễ được giới trẻ yêu thích, hâm mộ, kế đến là... bắt chước!
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 25
* * *
Nhưng giới trẻ thường bắt chước những gì nơi thần tượng của mình? Tất nhiên trong thâm tâm họ ao ước có được những khả năng như ngôi sao mà họ ngưỡng mộ: một giọng ca mượt mà, truyền cảm, một lối diễn xuất tinh tế và điêu luyện hoặc một cú sút phạt tài tình xuyên qua rào chắn trước cầu môn. Nhưng trên thực tế, để đạt được ước vọng thầm kín đó, phỏng có mấy ai?
Cho nên đa phần họ chỉ bắt chước những biểu hiện về mặt hình thức. Trách họ thế nào được, khi mà để hát hay như một ca sĩ thời danh bao giờ cũng gian nan và khó thực hiện hơn nhiều so với việc làm sao để giống ca sĩ đó về mặt ngoại dạng, cũng như kết tóc lại thành bím như Ruud Gullit chắc chắn là dễ hơn việc dùng cái đầu tóc đó đội bóng vào lưới đối phương. Muốn sở hữu một khả năng, cần phải học tập, nhưng muốn chiếm dụng một kiểu ăn mặc, chỉ sao chép là đủ. Cách thứ hai đòi hỏi ít nỗ lực hơn mà cơ may thành công lại cao hơn. Vì vậy, nếu có ai bảo một kiểu nón từ phim ảnh bước ra cuộc đời nhanh hơn nhiều so với lúc nó được chọn để đưa vào phim ảnh, thì không hẳn đó là người thích nói chuyện hoạt kê.
Thời trang trên những sàn diễn cũng xâm nhập vào đời thường với một sự nhanh nhạy không kém. Những kiểu áo xẻ, những kiểu váy túm và váy quét nhiều khi được sinh ra dưới ánh đèn màu nhưng lại lớn lên và
https://thuviensach.vn 26 nguyễn nhật ánh
biểu dương lực lượng dưới ánh nắng ấm áp của mặt trời trên đường phố.
Giới trẻ không chỉ tìm thấy nơi thần tượng của mình những “tiêu chí” về trang phục. Những kiểu tóc, những dáng đi, những nụ cười, những cú liếc mắt, ngay đến một kiểu khịt mũi đôi khi cũng tìm được cơ hội in thêm những “phó bản” nơi những người hâm mộ trẻ tuổi. Thậm chí có một thời, người ta có thể tìm thấy cái nốt ruồi đặc biệt duyên dáng của ca sĩ Thanh Lan trên khóe môi của rất nhiều thiếu nữ.
Và cũng như trong những lãnh vực khác thời mở cửa, ở ngay cái địa hạt vốn chẳng can dự gì đến hải quan cửa khẩu này, những món hàng ngoại vẫn tìm thấy những vận may của mình. Từ lâu, trên xứ sở của chiếc áo dài đã xuất hiện những mái tóc vàng của Madonna. Mốt đeo bông một bên tai của siêu cầu thủ Maradona và các ca sĩ nhạc rock phương Tây cũng nhanh chóng tìm thấy ở tuổi trẻ thành phố không ít những tâm hồn đồng điệu. Âu đó cũng là một đường lối giao lưu!
* * *
Như vậy, phải chăng tuổi trẻ chỉ học tập ở nhà trường, ở các trung tâm ngoại ngữ và các phòng vi tính, còn ở sân khấu, rạp hát và sân vận động, tuổi trẻ chỉ làm mỗi một việc là... bắt chước? Tôi e rằng sự thể không đơn giản như vậy!
Bắt chước một ai hoặc cố giống một ai, dẫu chỉ về hình thức, tuổi trẻ cũng đồng thời tiếp nhận luôn cả
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 27
phong cách và thái độ sống của người đó một cách có hay không có ý thức. Tuổi trẻ phương Tây thập niên 60 ưa chuộng kiểu tóc dài phủ kín tai của ban nhạc Beatles, và kiểu kiếng cận mắt tròn của John Lennon sau đó, không đơn thuần vì mê đắm những cải cách mới mẻ của nhạc pop mà còn xuất phát từ sự tán thành quan điểm phản chiến, lòng yêu chuộng hòa bình và cái đẹp mà các chàng trai Liverpool thể hiện trong những ca khúc bất tử của mình. Cũng như vậy, với tinh thần chống phân biệt chủng tộc mạnh mẽ, chắc chắn Ruud Gullit đem lại cho tuổi trẻ nhiều điều bổ ích hơn hẳn Maradona, một tài năng từng được coi là tấm gương sáng của giới trẻ Achentina trước khi dính líu đến ma túy và hàng loạt vụ tai tiếng khác.
Tôi tin rằng một chàng trai nhất mực để tóc theo kiểu Ruud Gullit không thể nào đối xử tệ bạc với người bạn da màu trong khu phố mình ở, cũng như một cô gái khăng khăng nhuộm tóc cho giống “quả bom sex” Madonna thì tất nhiên ít nhiều đồng tình với quan niệm luyến ái tự do.
Tóm lại, bằng những phản ứng của mình đối với thế giới chung quanh, dù muốn hay không trên thực tế các ngôi sao vẫn đang làm một sứ mạng trọng đại là truyền đạt đến công chúng hâm mộ những quan niệm của mình về cuộc sống. Đó không phải là loại trường học rao giảng bằng phấn viết và những lời răn mà là một nền giáo dục thực thi bằng nhân cách. Tuổi trẻ bắt chước thần tượng của mình đôi khi chỉ một chiếc áo, nhưng nếu đằng sau tấm áo đó là một trái tim đẹp đẽ
https://thuviensach.vn 28 nguyễn nhật ánh
và lành mạnh thì sự thu hoạch của tuổi trẻ chắc chắn sẽ không dừng lại bên ngoài những mảnh vải vô tri. Còn ngược lại, lỡ ngưỡng mộ một thần tượng có đôi chân nhúng bùn, tuổi trẻ chẳng có cách nào khác hơn là đành cam để giấc mơ của mình chịu một lần vấy bẩn. Các ngôi sao của chúng ta có bao giờ giật mình về những điều nhạy cảm này chăng?
Sài Gòn Giải Phóng chủ nhật, 13-6-1993
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 29
một năm sống với lịch trong các mặt hàng Tết, lịch có lẽ là thứ hàng hóa được bày bán sớm nhất. Những nhà làm lịch săn ảnh từ mùa hạ, săn... giấy phép từ mùa thu để bước qua mùa đông, vào khoảng cuối tháng mười, lịch đã kịp có mặt trên thị trường. Chim én chưa bay, hoa mai chưa nở, nhưng một sớm mai đạp xe ngang quầy sách báo, thấy cô diễn viên điện ảnh quen thuộc đang toòng teng trên tấm lịch nhìn ra cười toe toét, khách đi đường đã có thể vui mừng hoặc buồn rầu tự nhủ: “Lại một cái Tết nữa sắp đến!”. Chưa kịp mở đầu năm mới đã hấp tấp báo hiệu sự cáo chung của năm cũ, phải
https://thuviensach.vn 30 nguyễn nhật ánh
chăng đó là công dụng đầu tiên, và ngoài chức năng, của lịch?
Một tấm lịch thật ra cũng na ná như một cái đồng hồ. Đồng hồ chỉ giờ giấc trong ngày, còn lịch chỉ ngày tháng trong năm. Về sau, một số loại đồng hồ mở thêm các cửa sổ chỉ ngày, thứ với mưu toan kiêm luôn chức năng của lịch nhưng bất thành. Cũng là công cụ đo lường và tính toán thời gian nhưng đồng hồ dù cải tiến đến đâu cũng chỉ cung cấp thông tin về thời gian hiện tại trong khi nhiệm vụ của lịch là trình bày những ngày tháng được phân chia và hệ thống trong một thời gian dài. Người ta xem lịch để tính toán giỗ kỵ, cưới hỏi, sắp xếp công việc hoặc bố trí hẹn hò, toàn những chuyện đại sự!
Cũng như đồng hồ, lịch càng ngày càng được chuyên biệt hóa. Có đồng hồ bỏ túi, đồng hồ đeo tay, đồng hồ báo thức, đồng hồ treo tường, đồng hồ trên bộ, đồng hồ dưới nước, đồng hồ đa năng... thì cũng có lịch bướm, lịch bloc, lịch tờ, lịch bỏ túi, lịch để bàn, lịch sổ tay, lịch thiên văn, lịch tổng hợp... trong đó địa vị thống soái luôn luôn thuộc về lịch tờ với hàng trăm mẫu mã và hàng triệu bản được tiêu thụ hàng năm.
Cùng với lịch bloc, lịch tờ thuộc chủng loại lịch treo tường. Gọi là lịch tờ bởi vì nó là một tờ (hoặc năm tờ, bảy tờ) có... in lịch. Điều trái khoáy là khi đi sắm lịch, người mua chẳng hề chú ý đến phần lịch mà chỉ quan tâm đến phần tờ.
Sắm đồng hồ, ai cũng muốn sắm một cái đồng hồ
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 31
tốt. Nhưng mua lịch, người ta chỉ cốt mua một tờ lịch đẹp. Ở đây, rõ ràng nội dung của tờ lịch đóng vai trò thứ yếu. Chính hình thức của nó quyết định giá cả và khả năng tiêu thụ. Và có lẽ trong vô vàn những sản phẩm lưu hành ngoài xã hội, lịch tờ là mặt hàng duy nhất mà sức tiêu thụ của nó tùy thuộc chủ yếu vào mẫu mã của bao bì chứ không bởi khả năng sử dụng mà nó đem lại.
Hình thức của một sản phẩm dĩ nhiên là cần thiết, nhất là trong thời buổi cạnh tranh của nền kinh tế tự do, nhưng cần thiết đến mức trở thành yếu tố then chốt, quyết định sự thắng bại của một mặt hàng trên thương trường như lịch thì quả là quái lạ. Những chiếc đồng hồ cũng thường xuyên thay đổi kích thước và kiểu dáng nhằm quyến rũ người mua, nhưng do quy định ngặt nghèo của “thể loại”, chúng chỉ quanh quẩn với những hình thức kỷ hà đơn điệu: hết tròn lại vuông, hết vuông lại bầu dục... Gần đây, để đa dạng hóa mẫu mã của đồng hồ, các nhà sản xuất nghĩ ra cách lắp đặt thêm các diện tích phụ, dưới nhiều hình dáng khác nhau nhưng dù nỗ lực đến đâu, đồng hồ cũng không theo kịp lịch ở khía cạnh trình diễn và nhất là không thể thay đổi được thói quen của khách tiêu dùng: một cái đồng hồ tốt vẫn có giá trị gấp nghìn lần một cái đồng hồ đẹp!
Lịch lại khác. Lịch không vận hành nên không hỏng hóc. Do đó người mua lịch không quan tâm đến chuyện xấu tốt, chỉ chăm chú đến chuyện xấu đẹp. Nghĩa là quan tâm đến hình thức hơn nội dung, phần tờ hơn
https://thuviensach.vn 32 nguyễn nhật ánh
phần lịch, phần trên (tranh ảnh) hơn phần dưới (ngày tháng). Mà cái phần dưới đó, cái phần mà nếu không có nó thì cái tấm lòe loẹt trên tường kia chẳng thể gọi là tấm lịch, lại chiếm một diện tích khiêm tốn đến tội nghiệp. Thế mới biết, không cứ là đời người, ngay cuộc đời một tấm lịch cũng lắm cảnh tréo ngoe!
Đến đây mọi chuyện gần như đã minh bạch: Người ta mua lịch như mua một bức tranh, một bức ảnh nghệ thuật, trước hết để treo cho vui nhà vui cửa, còn chuyện xem ngày, tính tháng là chuyện “hạ hồi phân giải”. Cái sự “đánh tráo chức năng” này không hiểu đã xảy ra từ bao giờ nhưng đến nay hiện tượng đó hầu như đã được xã hội mặc nhiên chấp nhận, kể cả về phía Nhà nước. Các cơ quan quản lý văn hóa từ lâu đã liệt lịch vào hàng “văn hóa phẩm”, một sự “nâng cấp”, một “ân sủng” mà những chiếc đồng hồ đẹp nhất cũng đừng hòng được hưởng.
Vậy, phần quan trọng của lịch tờ chính là ở cái phần tranh ảnh, ở cái “khía cạnh văn hóa” của nó. Trên đó, người ta bày biện những gì? Dĩ nhiên, những gì người ta cho là đẹp. Mà cái đẹp, nhân loại đã tổng kết từ lâu, chỉ có ba thứ: Hoa đẹp, cảnh đẹp, người đẹp. Lịch phản ánh điều đó một cách sát sườn: đi vào một gian hàng lịch như lọt vào giữa một rừng hoa - hoa ta, hoa Tây lẫn hoa Tàu đua nhau khoe sắc - và được ngoạn du một vòng từ Hồ Gươm qua chùa Thiên Mụ vô đến tận Hà Tiên nhưng mê tơi nhất là ngoảnh đi đâu cũng thấy các người đẹp đắm đuối nhìn mình, cứ như thể lọt vào cung bà Tây Vương Mẫu.
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 33
Rồi những tranh ảnh rực rỡ đó cũng đến ngày hạ xuống, khi mùa lịch đã qua. Số ế cho vào kho, phần lớn theo chân khách mua sắm về chung sống với từng gia đình, lặng lẽ chứng kiến những thăng trầm, buồn vui trong cuộc đời gia chủ cho đến tận mùa lịch năm sau. Người đẹp theo chân các bạn trẻ, chim hoa cá cảnh về với người già, giang hồ sông nước tặng các bậc trung niên, còn cảnh nội thất dành cho các bà nội trợ. Mỗi người, mỗi lứa tuổi tiếp cận cái đẹp và thưởng thức nó theo tâm cảm của riêng mình.
Nhưng không phải khách mua lịch nào cũng chọn mỹ nhân hay thắng cảnh. Có người thích sống “cận kề” suốt năm với một hoa hậu hay một diễn viên điện ảnh. Nhưng cũng có người thích “mời” một em bé xinh xắn, kháu khỉnh hay một danh hài về sống chung nhà. Ở đây, chủ nhà chuộng cái vui tươi hơn cái mỹ miều, lấy sự hoan hỉ làm điều mong mỏi đầu năm. Tương tự, kẻ cầu sự sung túc chọn lịch bánh trái (truyền thống có lịch ngũ quả, hiện đại có lịch in ảnh các loại bánh Tây như bánh mì, săng-duých, pâtêsô...), kẻ mong yên ổn mọi bề chọn lịch ba ông Phúc Lộc Thọ, kẻ ngoan đạo chọn các loại lịch có màu sắc tôn giáo, các ảnh Chúa, ảnh Phật... Đến đây, thì tranh, ảnh lịch không chỉ đơn thuần thỏa mãn thị hiếu thẩm mỹ nữa mà nhằm đáp ứng khát vọng và những nhu cầu tinh thần vô cùng phong phú của người mua. Tất nhiên những loại lịch này chiếm tỉ lệ không nhiều nhưng đó là sự xuất hiện đầy ý nghĩa. Nó cho thấy lịch không chỉ có khả năng phô diễn cái đẹp bề ngoài mà còn có thể trình bày
https://thuviensach.vn 34 nguyễn nhật ánh
những mơ ước bên trong của nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Nếu khía cạnh này được chú ý đúng mức, hoàn toàn có thể nghĩ tới một sự thay đổi sâu sắc trên thị trường lịch tương lai. Lúc đó, tuổi trẻ không nhất thiết phải sống hết năm này sang năm khác với những người đẹp đã nhẵn mặt mà có thể chọn cho riêng mình những tờ lịch in ảnh nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn, nhà vô địch thế giới về cờ vua Đào Thiên Hải hoặc những nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, những nhà toán học trẻ, những nhà doanh nghiệp thành đạt v..v... Về lịch phong cảnh, bên cạnh những hoa cá kiểng và các kỳ quan thiên nhiên, người mua có thể tìm thấy những công trình kiến trúc hiện đại, những mô hình công nghệ tiên tiến trong nhiều lĩnh vực... Lúc đó, lịch tranh ảnh không chỉ đem lại những khoái cảm thẩm mỹ cho con người mà còn khơi dậy những hoài bão của một cộng đồng không ngừng hướng tới tương lai. Và như vậy, lịch mới đạt tới cái chiều sâu văn hóa của từ “văn hóa phẩm” mà nó đang gánh vác để trở thành một thứ hàn thử biểu đáng tin cậy, phản ánh nhiệt độ tinh thần của xã hội qua từng biến thiên. Lúc đó, người viết bài này có thể bắt chước M. De Cervantes mà rằng: “Bạn hãy cho tôi biết nhà bạn treo loại lịch gì, tôi sẽ nói bạn là người như thế nào”. Lúc đó, tự bạn, bạn cũng có thể nói như thế nếu “hằng năm cứ vào tháng mười”, bạn bắt gặp ai đó đang tần ngần chọn lịch.
Sài Gòn Giải Phóng, số Xuân 1994
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 35
ngổn ngang phố xá
xem phim bây giờ, thấy nhân vật ít dạo phố hơn trước. Họ cũng ra khỏi nhà, chạy tới chạy lui, nhưng là để đi đâu đó chứ tuyệt nhiên không phải là đi dạo. Thậm chí, ở một số bộ phim, khán giả trông thấy nhân vật của mình rượt bắt nhau nhiều hơn là trông thấy họ khoan thai đi đứng. Điều đáng ngạc nhiên là không chỉ các nhà kinh doanh bận rộn hay những bậc tuổi tác già nua mà ngay cả những cặp tình nhân trẻ trung và yêu đời, họ cũng chẳng thiết tha gì chuyện dung dăng dung dẻ ngoài phố. Họ có vẻ thích đến quán ăn, vũ trường hoặc nằm lì ở... khách sạn hơn, mặc dù đó là nơi nếu nấn ná quá lâu họ sẽ gây lắm phiền hà cho bộ phim khi xin duyệt chiếu.
https://thuviensach.vn 36 nguyễn nhật ánh
Thỉnh thoảng, khi cần tạo không khí thơ mộng cho bộ phim hoặc muốn cho nhân vật của mình thư giãn đôi chút, nhà đạo diễn thường nghĩ đến việc đưa họ ra bãi biển hoặc cho họ lên cao nguyên hóng gió. Ở đó, tay trong tay, họ nhởn nhơ ngụp lặn giữa làn sóng biếc hoặc thong thả len lỏi giữa rừng thông xào xạc. Nên thơ thì nên thơ thật, nhưng lại chẳng liên quan gì đến chuyện... phố xá. Các nhân vật của điện ảnh ngày nay sẵn sàng dạo núi dạo rừng nhưng nhất quyết không chịu dạo phố, thế mới kỳ cục!
Tưởng chỉ có những nhân vật trên phim mới trái tính trái nết, hóa ra các nhân vật trong tiểu thuyết bây giờ cũng chẳng dễ chịu gì hơn. Họ đội nón ra đường, nam phụ lão ấu, nhưng để tất bật với công việc của mình chứ chẳng hề để mắt đến cảnh quan. Nhân vật mải mê hành động, mải mê suy tư, chẳng đào đâu ra thì giờ để nhìn đường ngắm phố. Rốt lại, đường phố bất quá chỉ là một trục lộ giao thông thuần túy để đưa con người từ một nơi này đến một nơi khác, thế thôi. Nó chẳng gây ra một chú ý hoặc tạo một ấn tượng nào cho khách đi đường, vì vậy chẳng ảnh hưởng hay liên quan gì đến tâm trạng của nhân vật.
Nhân vật đã chẳng thiết nhìn ngắm thì tác giả chẳng có lý do gì để miêu tả. Càng ngày độc giả càng ít gặp những trang văn đằm thắm trong đó phố phường được tái hiện một cách sinh động và chăm chút như trước đây. Sự quan tâm của nhà văn đối với cảnh vật chung quanh dường như mỗi ngày một nhạt nhẽo dần. Trong không ít tác phẩm, phố phường thậm chí chẳng được
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 37
mô tả như một không gian nữa, mà bị thu gọn lại thành một địa điểm, hay tập hợp những địa điểm, như trong môn hình học phẳng. Nhân vật bây giờ đi là để đến, chứ không phải đi để đi - để thưởng thức thú lang thang trong mưa trong nắng - cũng như đã đặt chân lên cầu là để mong chóng đến bờ bên kia chứ không phải để bâng khuâng ngắm bóng mình dập dềnh trên mặt nước như một thời lãng mạn trước đây!
Phải chăng các nhà văn hiện nay chỉ thiên về đối thoại hay tự sự mà chê lối tả cảnh? Không hẳn! Độc giả vẫn có thể tìm thấy những trang văn tuyệt đẹp về miêu tả cảnh vật trong không ít những tác phẩm đương thời. Chỉ khổ một nỗi, những trang văn hiếm hoi này lại không dành cho thành phố. Cũng như các nhà điện ảnh, các nhà tiểu thuyết khi cần để cho nhân vật của mình trải lòng ra ngoại giới, thường tìm cách đẩy họ về những miền quê êm ả. Chỉ khác một điều, do không tốn lộ phí, các nhân vật tiểu thuyết có điều kiện để đi xa hơn và lưu lại lâu hơn, so với các nhân vật trên màn ảnh.
* * *
Xem phim, đọc sách, thấy nhân vật chẳng khoái lê la ngoài phố, trộm nghĩ mấy ông tác giả hay đạo diễn chắc ngoài đời biếng nhác chẳng bao giờ đi dạo. Rồi ngẫm nghĩ phận mình, giật mình thấy mình cũng thế. Rồi tò mò trông ngang liếc dọc, mới hay thiên hạ hầu như thế cả. Hóa ra đó không phải là chuyện phim, chuyện sách, mà là chuyện đời.
https://thuviensach.vn 38 nguyễn nhật ánh
Dạo phố mới đây còn được coi là thú vui thanh nhã của dân thành thị. Tới nhà một người bạn, hỏi “Anh ấy đâu?”, được trả lời “Anh ấy đi dạo loanh quanh đâu đó”, thế là biết ngay hắn đang nhàn tản ung dung trông đất trông trời ngoài kia. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, căng thẳng, “đi dạo loanh quanh” như thế, đầu óc thơ thới, nhẹ nhõm đi nhiều. Sau bữa ăn căng bụng, “đi dạo loanh quanh” càng có ích cho sức khỏe lắm lắm! Nhưng bây giờ dường như chẳng mấy ai quan tâm đến lợi ích đó nữa. Vì vậy cũng chẳng được nghe những câu trả lời mơ hồ, loáng thoáng như trên kia. Bây giờ đến tìm một người bạn, sẽ được người nhà chỉ dẫn rõ ràng về địa điểm và cụ thể về công việc: anh ấy đến nhà ông A, bà B hay công ty X, cơ quan Y để mua sắm, sửa xe, chở gỗ hay ký hợp đồng. Ngay cả chuyện vui chơi cũng minh bạch: anh ấy coi kịch ở sân khấu H, nhậu nhẹt ở nhà hàng K... Chẳng còn cái chuyện “thả bộ lòng vòng” hay “loanh quanh đâu đó” như trước đây. Có vẻ như một thói quen sắp sửa biến mất khỏi đời sống thị dân?
Nói “có vẻ” là rụt rè lắm, chứ thực ra nó sờ sờ trước mắt. Thoạt trông, cứ tưởng đó là hậu quả tất yếu của quá trình công nghiệp hóa đô thị: người dân càng ngày càng bị cuốn hút vào công việc và không còn nhàn rỗi. Nhưng nếu nhìn vào hàng ngàn nhà hàng đầy ắp thực khách vào mỗi tối, chắc không ai dám tuyên bố là người dân thành phố không có thì giờ. Thì giờ thì vẫn có, chỉ có điều họ không tiêu tốn nó ở ngoài đường. Nhà hàng, vũ trường, rạp hát, các tụ điểm ca nhạc và
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 39
các công viên tranh tối tranh sáng xem ra vẫn hấp dẫn khách nhàn du hơn.
Có người đổ lỗi cho sự du nhập và phát triển các loại xe cơ khí phân khối lớn. Những chiếc xe gắn máy 125 phân khối trở lên càng ngày càng tràn ngập phố phường, và bộ tịch kềnh càng lẫn tiếng gầm rú chói tai của nó đã làm cho thành phố mất đi hình ảnh nhàn nhã, khoan hòa mà trước đây các loại xe Mobylette, Cady, Vélo Solex và PC Honda đã từng đem lại. Lẽ tất nhiên không thể bảo cái anh chàng đang cỡi trên một đống thù lù 400 phân khối kia là anh chàng ưa sự nhàn dật tiêu sái. Nhưng còn những chiếc xe đạp. Chúng vẫn còn đầy ra đấy, chứ đã biến đi đâu. Vậy thì người ta có thể đi dạo phố trên phương tiện thô sơ này lắm chứ? Dĩ nhiên, nếu người ta muốn. Và không ai muốn cả.
Bây giờ chẳng mấy ai cao hứng cỡi xe đạp đi dạo phố, trừ một số nữ sinh tung tăng giờ tan học, ấy cũng là nhân tiện về nhà. Người ta phóc lên yên, cắm cúi đạp, mong cho chóng đến nơi. Rồi lại mải miết đạp, mong cho chóng về nhà. Vẻ ung dung, thư thái của người đạp xe từ lâu đã được thay bằng sự vội vã. Rốt lại, vấn đề không phải ở chiếc xe mà tùy thuộc vào tâm trạng của người điều khiển chiếc xe đó. Khi người ta đã không muốn đi dạo ngoài đường thì dù có đi bộ, người ta cũng chẳng vì thế mà trở nên đủng đỉnh hơn.
* * *
Người dân thành phố đã ngán ra đường chăng? Hay
https://thuviensach.vn 40 nguyễn nhật ánh
vì phong cảnh đường phố chẳng hấp dẫn nổi những cư dân của nó? Có lẽ cả hai.
Từ khi phát triển theo hướng kinh tế thị trường, thành phố chúng ta dần dà trở thành một trung tâm dịch vụ khổng lồ. Nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi và các cửa hàng mọc lên như nấm. Hàng hóa đầy ắp, phong phú và đa dạng. Thành phố đầy sức sống và người tiêu thụ được phục vụ tận răng.
Nhưng với hàng loạt những công trình vội vã mọc lên và chen huých nhau tràn ra đường, thành phố chỉ có vẻ giàu ra chứ không đẹp lên. Nó sặc sỡ mà không ngăn nắp. Những cơ ngơi được định hướng bởi sự thuận tiện làm ăn của chính nó chứ không đoái hoài gì đến cảnh quan chung. Vẻ hài hòa của thành phố biến mất.
Thành phố trở thành một siêu thị, thu hút khách mua sắm nhưng không quyến rũ kẻ dạo chơi. Đường phố dần dần mất sức hấp dẫn. Sức sống của nó chuyển vào bên trong những ngôi nhà rực rỡ và phù hoa. Tiếng thở của nó không còn vọng lên từ mặt đường mà phát ra đằng sau các ô cửa.
Thành phố như một cô gái, giàu lên nhưng đã kém duyên. Có cảm tưởng, người ta đến với cô vì công việc làm ăn chứ không phải vì nhan sắc. Vì thế người ta không có nhu cầu ngắm nghía, rề rà, thưởng thức.
Thực ra, một cô gái giàu thật giàu vẫn thừa sức trang điểm kỹ lưỡng để tôn tạo nhan sắc của mình. Nhưng khổ nỗi, thành phố chúng ta không ở trong trường hợp như vậy. Chúng ta muốn thì có muốn nhưng chưa đủ tài và lực để thiết kế và xây dựng một thành phố như ý
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 41
muốn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế mà không hạ thấp những tiêu chuẩn về thẩm mỹ. Mỗi ngày thành phố mọc lên một ngôi nhà chẳng khác nào một cô gái đang xuân sắm thêm một món đồ trang sức. Cứ mỗi ngày một món, cô không đủ sức để sắm cùng một lúc. Từng món, xét riêng ra, thì món nào cũng đẹp, nhưng đứng gộp lại thì trông... chẳng giống ai. Sự tương ứng không có, mọi thứ đâm ra kỳ cục, đôi khi kệch cỡm. Nhan sắc, suy cho cùng, dù là của một cô gái hay của một thành phố muốn hoàn mỹ cần phải được trù tính một cách đồng bộ, hài hòa.
Đã vậy, những bảng quảng cáo đủ cỡ, đủ kiểu và làm bằng đủ mọi vật liệu mỗi ngày một ngổn ngang, chằng chịt, cưỡng bức mọi tầm nhìn. Những tấm biển “yếu sinh lý” ăn mòn các gốc cây, cho đến nay vẫn chưa bị dẹp bỏ, tiếp tục nhạo báng sức sống của một thành phố.
Rồi rác rến, bụi bặm, ruồi nhặng, những loại xe phun khói mù mịt và gầm gừ điếc óc. Nạn kẹt xe trở nên phổ biến. Lưu lượng xe cộ tăng theo cấp số nhân trên những mặt đường thôi sinh nở. Thành phố nhanh chóng bị ô nhiễm. Mười chín phần trăm số cảnh sát giao thông bị viêm họng và viêm mũi theo thống kê mới nhất là một con số khiêm tốn. Nó sẽ không dừng lại ở đó.
Trong bối cảnh như vậy, dĩ nhiên người ta đâm ngại ra đường. Không ai có thể bình tâm dạo chơi giữa tiếng ồn và khói bụi, giữa những nguy cơ đang ẩn náu trong dòng xe cộ lạng lách ngược xuôi. Ngay cả những người
https://thuviensach.vn 42 nguyễn nhật ánh
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 43
ưa bách bộ bây giờ cũng không còn đất dung... chân. Lề đường từ lâu đã trở thành nơi đào tạo những nhà vô địch Olympic về môn vượt chướng ngại vật. Thói quen dạo phố dần dà đi vào quên lãng. Những hình ảnh thơ mộng trong ca khúc của Hoàng Hiệp “Con đường có lá me bay, chiều chiều ta lại cầm tay nhau về” mới được viết ra trên dưới mười năm, bây giờ nghe đã quá xa xôi!
Để ngắm một chút trong xanh, thở một chút trong lành, người dân thành phố hiện nay chỉ còn cách tìm đến Đầm Sen, Văn Thánh, Thanh Đa, một thứ thiên nhiên nhỏ bé và “có thu tiền”. Nhưng đa số những người đến đó cũng chỉ để tìm cái vắng vẻ chứ không phải tìm cái quang đãng, để không bị nhìn ngắm chứ không phải để nhìn ngắm, vì vậy cái ý nghĩa dạo chơi cũng không còn nguyên vẹn.
Vậy thì trách làm gì những nhân vật trên màn ảnh cứ khước từ dạo phố và cũng đừng hỏi tại sao các nhà văn hôm nay không hào hứng mô tả thị thành. Trong thực tế, “nhiệm vụ” này của nhà văn đã trút lên vai nhà báo. Cảnh quan thành thị rời bỏ trang văn để đến cư ngụ trong những bài phóng sự xã hội đã từ lâu, lẽ nào bạn đọc chẳng nhận ra?
* * *
Ắt nhiên, sẽ có người bảo: nhà cửa lố nhố, đường xá chật chội, rác rến ngổn ngang, khói bụi mù mịt, chẳng gì đẹp để ngắm, lại chẳng tiện để đi, cư dân thành phố không thèm dạo chơi là phải lẽ, còn biết trách ai?
https://thuviensach.vn 44 nguyễn nhật ánh
Ừ nhỉ, biết trách ai? Nhưng rồi ngẫm lại, nhà cửa ấy chẳng phải do chúng ta xây lên là gì! Khói bụi ấy, rác rến ấy cũng do chính chúng ta thải ra đó thôi!
Nhiều người dễ dàng chấp nhận quan niệm trái đất là mái nhà chung của nhân loại nhưng lại tỏ ra xa lạ với ý nghĩ thành phố là mái nhà riêng của chính mình. Đẵn một cái cây để lấy chỗ dựng nhà thì người nào cũng nghĩ ra nhưng dời một căn nhà để lấy chỗ trồng cây thì hầu như không ai nghĩ tới. Có kẻ cứ tối tối vào nhà hàng say sưa gặm món thịt chim quay để một sáng thức dậy ngạc nhiên một cách thành thật: sao thành phố dạo này thiếu vắng tiếng chim thế nhỉ? Những cư dân “hồn nhiên” như thế, tiếc thay, không phải là ít.
Lãnh đạm với nơi ta ở, xét ra cũng bạc tình khác nào hờ hững với người ta yêu. Và nếu cứ tiếp tục vô tâm với người ta chung sống để đến kỳ nghỉ phép hằng năm lại khăn gói đến ở dăm ba ngày với một người xa lạ, liệu ta có thực sự yên lòng như các nhân vật trong phim ảnh và tiểu thuyết hay không? Hẳn là không! Ít ra có một điều khác biệt: nhân vật tiểu thuyết ngoạn du nhờ vào trí tưởng tượng của nhà văn, nhân vật điện ảnh đi nghỉ mát nhờ vào kinh phí của hãng phim, còn chúng ta thì đi tìm sự bình yên bằng tiền túi của mình. Đó là sự khác nhau giữa nghệ thuật và cuộc đời và cũng là cái giá phải trả cho một kinh nghiệm sống chung mà không thực lòng gắn bó!
Sài Gòn Giải Phóng chủ nhật, 4-7-1993
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 45
đồ giả
mua về cây bút bi, viết dăm ba dòng, mực đã đứt đoạn hoặc tuôn nhòe nhoẹt, bèn buột miệng làu bàu “Lại mua nhằm của giả”; chắc không ai trong chúng ta chưa một lần trải qua “thảm cảnh” này. Nguyên cớ trực tiếp của nỗi hậm hực có thể không giống nhau. Với người này, nó là cây viết. Với người khác, nó là cục xà phòng. Với người khác nữa, nó là gói thuốc lá... Nhưng nguyên do thì chỉ có một: hàng giả!
Thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp trên báo một mẩu tin về một ổ làm hàng giả nào đó bị phát hiện. Nhưng những tin tức loại này thường không đem lại
https://thuviensach.vn 46 nguyễn nhật ánh
sự lạc quan nào đặc biệt. Căn cứ vào sự bành trướng từng giờ của đủ loại hàng giả trên thị trường, có cảm tưởng cứ một ổ hàng giả bị phát hiện, lại có ngay hàng chục ổ khác ra đời để trám chỗ!
Nạn hàng giả thực ra không phải là hiện tượng mới mẻ. Thời cổ Hy Lạp, vua Hiero đệ nhị đã từng nhờ nhà bác học Archimède kiểm tra xem người thợ kim hoàn của hoàng cung có pha bạc vào cái vương miện bằng vàng của mình hay không. Nhưng người xưa chỉ giả cái gì đáng giả. Còn bây giờ, nhất là từ khi nền kinh tế hàng hóa phát triển, người ta giả tất tần tật, có lẽ chỉ chừa mỗi con tàu vũ trụ, do khả năng và điều kiện không cho phép.
* * *
Dĩ nhiên những thứ có giá trị sử dụng cao bị làm giả trước tiên. Do đó, vàng giả, đô-la giả, tiền đồng giả xuất hiện rất sớm. Thứ đến là các loại giấy tờ tùy thân: khai sinh giả, chứng minh nhân dân giả, giấy đăng ký xe giả, bằng cấp giả, hộ chiếu giả, thậm chí giấy hôn thú và giấy ly hôn đôi khi cũng giả nốt. Trong trường hợp thứ nhất, người ta cần bảo lãnh nhau xuất cảnh. Trong trường hợp thứ hai, người ta cần chia nhau chiếm dụng tài sản của nhà nước. Và một khi người ta đã đem cả cái sự ăn đời ở kiếp với nhau ra làm giả để thu lợi, thiết tưởng chẳng việc gì trên đời người ta lại không giả mạo được. Giấy tờ lại là thứ dễ làm giả nhất nên sự gian dối trong lãnh vực này có thể được xem là
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 47
bất tận: sổ sách kế toán giả, hợp đồng giả, hóa đơn giả, báo cáo giả, ngay ở ngành y tế vốn được xem là khu vực “tiệt trùng” cũng thỉnh thoảng xuất hiện những bệnh án giả vì những lý do sâu kín nào đó. Nhưng biết làm thế nào được, khi mà ngay cả các vị “thiết diện phán quan” bên ngành tòa án cũng lắm lúc cho ra những án phạt giả khiến dư luận bất bình?
Hàng giả không những lan tràn ngoài xã hội mà còn xâm nhập vào từng gia đình. Hiện nay không ai là không có nguy cơ bị hàng giả tấn công. Trong một gia đình ba người, mỗi thành viên đều có thể làm mồi cho hàng giả theo mỗi cách khác nhau. Đứa con làm mồi cho phấn giả, sữa hộp giả, bột ăn giả. Người mẹ giặt quần áo bằng xà phòng giả, nêm canh bằng bột ngọt giả, giải khát bằng nước ngọt giả, trang điểm bằng son phấn giả và đi chợ trên một chiếc xe đạp giả. Người chồng không chịu kém: anh ta nốc bia giả, nhâm nhi cà phê giả và phì phèo thuốc lá giả, viết thư xin tiền bố mẹ bằng một cây bút giả và trong nhiều trường hợp, mua tặng cho cô hàng xóm xinh đẹp một lọ nước hoa cũng giả nốt. Đó là chỉ kể những “tài sản giả” của riêng mỗi người. Những cái giả khác thuộc lãnh vực gia dụng như các loại vải vóc, đồ gỗ, đồ nhựa, đồ kim khí điện máy giả... thì khó mà liệt kê hết từng món.
Đó là nói lúc khỏe mạnh. Bệnh xuống thì còn mệt với các thầy thuốc giả xuất hiện dưới đủ thứ lốt bịp đời. Nhưng nếu may mắn gặp được “thầy thật” thì chưa chắc đã gặp được “thuốc thật”. Hiện nay các loại dược phẩm giả đang bày bán tràn lan, từ tây dược đến
https://thuviensach.vn 48 nguyễn nhật ánh
đông dược, từ thuốc bắc đến thuốc nam, bốn phương gồm đủ. Ngay cả loại truyền trực tiếp vô máu như huyết thanh mà còn bị làm giả thì có lẽ không loại dược phẩm nào dám tự hào là mình không bị ngụy tạo.
Trong các loại hàng giả, dược phẩm giả là thứ bị dư luận lên án gắt gao nhất, bởi lẽ dễ hiểu là nó gây nguy hại cho sức khỏe và ảnh hưởng trực tiếp đến mạng sống của con người. Nhưng nếu lỡ dùng nhằm thuốc giả đi đến chỗ tử vong thì biết đâu nhờ vậy mà nạn nhân thoát được cái “hội chứng hàng giả” của cõi trần gian lộn xộn này? Trước đây có thể tin như vậy nhưng hiện nay thì không ai dám chắc! Gần đây đã xuất hiện hạng người sẵn sàng đào bới mồ mả để tạo nên những bộ hài cốt giả với âm mưu trục lợi. Người sống lo lắng đã đành, mà bây giờ người chết leo xuống mồ vẫn còn nơm nớp.
Bọn làm hàng giả đã thò tay xuống tận địa ngục thì không có lý gì lại bỏ sót thiên đường. Hàng loạt thần thánh giả được dựng lên để phục vụ cho những ý đồ đen tối. Các loại bàng môn tả đạo như đạo Vuốt, đạo Sờ, đạo Nằm, các loại thầy bùa thầy ngải, đồng cô bóng cậu tiếp tục thay nhau mê hoặc những kẻ nhẹ dạ, cạn lòng.
* * *
Như vậy, không có cách nói nào khác hơn là hàng giả đã tồn tại như một thế giới thứ hai bên cạnh thế giới của hàng thật. Trước bao xi măng giả và trước bao
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 49
thuốc trừ sâu giả, người nông thôn và kẻ thành thị đã vượt lên trên hoàn cảnh sống khác nhau để tìm thấy một nỗi khổ giống nhau. Thiên đường và địa ngục cũng chưa bao giờ xích lại gần nhau đến thế để tìm cách đối phó với thứ nạn dịch khủng khiếp này của loài người!
Ồ, nhưng còn loài người, còn con người? Người ta có thể làm giả cả thế giới, kể cả thế giới... bên kia, nhưng con người thì ai mà làm giả được! Đã gọi là “cây sậy có tư tưởng” thì đố có ai phát minh được một thứ từa tựa như thế! Có họa là thánh... thứ thiệt!
Hứng khởi trước niềm tin mới mẻ về con người, người viết tự cho phép mình rung đùi ngắm nghía một bóng hồng mỹ miều vừa lướt ngang trước mặt. Đang say sưa trước vũ điệu nhún nhảy của những đường cong tuyệt mỹ kia, sực nhớ đến những tin tức gần đây trên báo, người viết bỗng mất hẳn hào hứng và đâm ra bần thần. Không biết những thứ ngồn ngộn trước mắt là của thật hay của giả. Và ngay cả cái “đáng giá ngàn vàng” vốn được canh giữ cẩn mật tận chốn thâm sâu kia, chắc gì không phải là mặt hàng vá víu, tân trang? Nhưng rồi lại tự an ủi: dù sao cái giả này cũng chỉ có “tính cách bộ phận” chứ không mang “ý nghĩa toàn cục”. Ngực giả hay mông giả bất quá cũng như bầu bì giả - kho chứa hàng di động của những con buôn - hay thương tật giả của những đệ tử bang khất cái!
Nhưng đến khi những gã ma cô giả trang thành phụ nữ để trấn lột khách tìm hoa thì sự thể quả đã đến mức nghiêm trọng. Con người bị giả mạo như một tổng thể
https://thuviensach.vn 50 nguyễn nhật ánh
hoàn chỉnh, kể cả giới tính. Sự xúc xiểm, như vậy, đã lên tới tột đỉnh. Nhưng thôi, mặc xác bọn vô lương đó, công an sẽ làm việc với chúng.
Nhưng ngay cả công an - với tư cách là con người xã hội - cũng thường xuyên bị “làm giả”. Để trấn lột, bọn xấu không chỉ giả phụ nữ mà còn giả cả công an, bộ đội, dân phòng. Rảo một vòng qua các lãnh vực hoạt động khác mới hay những nơi này “hàng giả” cũng nhiều không kém. Kinh tế có giám đốc giả lãnh đạo các công ty ma, giám đốc thật lại có nữ thư ký giả. Thể thao có vận động viên giả, đặc biệt trong các giải trẻ. Lãnh vực thông tin có phóng viên giả, mạo danh báo này báo nọ để đi hù dọa, làm tiền. Điện ảnh có đạo diễn giả. Văn học có nhà văn giả, nhà thơ giả. Sân khấu và ca nhạc thỉnh thoảng xuất hiện cả một đoàn giả mạo, chuyên đi lừa bịp khán giả ngoại thành và các tỉnh xa. Có người nghĩ ra cách giả Việt kiều để lường gạt các bà các cô nhẹ dạ, giả cả lính Mỹ để ngụy tạo những bức ảnh về tù binh hòng kiếm chác! Ở miền Nam trước 1975, người ta đã “sản xuất” ra cả một cô công chúa giả để moi tiền quốc vương Bokassa ở tận châu Phi khi ông này tỏ ý muốn tìm lại đứa con rơi ở Việt Nam lúc theo chân đoàn quân viễn chinh Pháp. Cách đây một, hai năm, có người bạo gan giả cả một vị bộ trưởng đã khuất núi để đi nói chuyện khắp nơi. Còn giả mạo con cháu các vị lãnh đạo cao nhất của quốc gia để đi lừa đảo, trường hợp này cũng từng xảy ra và gây rúng động không ít cho một số cơ quan, đơn vị.
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 51
* * *
Tất cả mọi nhà nước đều coi nạn hàng giả là đại họa của quốc gia. Nó gây khốn đốn cho người tiêu dùng và lao đao cho nhà sản xuất. Nếu không bài trừ tận gốc thì cùng với hàng nhập lậu và các thứ âm binh khác, hàng giả sẽ kềm hãm động lực phát triển của xã hội và bào mòn sức khỏe của nền kinh tế vừa mới gượng dậy và hít thở bầu không khí trong lành chưa được bao lâu. Đó là chưa nói đến những sản phẩm tinh thần giả mạo, những hành vi xã hội giả mạo ngày một nhan nhản gây tác hại không nhỏ cho cộng đồng.
Tóm lại, kiếm lợi bằng cách lừa gạt niềm tin của người khác là biểu hiện của thứ tâm lý bất lương. Tiếc thay, những sản phẩm của loại chủ nghĩa thực dụng không rào chắn này ngày càng nhiều và không có dấu hiệu gì cho thấy chúng sẽ bị triệt hạ. Nếu bây giờ tổ chức một cuộc triển lãm “hàng giả - hàng thật” thì chưa biết mặt hàng nào sẽ dồi dào, phong phú và đa dạng hơn mặt hàng nào. Đó là điều nghịch thường, nhưng không nghịch lý! Buồn thay!
* * *
Não nề trước viễn ảnh khuynh loát của hàng giả, người viết định kết thúc bài này bằng một dấu chấm than ảm đạm. May sao, ông cậu họ vừa kịp đến chơi. Nhìn ông vừa cười vừa lấy tay che hàm răng giả, người viết bỗng reo lên mừng rỡ hệt như Christophe Colomb
https://thuviensach.vn 52 nguyễn nhật ánh
phát hiện ra châu Mỹ. Thì ra trên cuộc đời này không phải chỉ toàn những thứ của giả vứt đi! Răng giả, tay giả, chân giả, xương giả, thận giả, tim giả... quả là những ngoại lệ đáng yêu. Đó là kỳ công của một nền văn minh thực sự vì con người. Thực ra chữ “giả” dùng trong trường hợp này có phần nào gượng ép. Gọi là “nhân tạo” nghe phải lẽ hơn: răng nhân tạo, tay chân nhân tạo, tim nhân tạo. Cũng như người ta đã dự định sản xuất ra vàng nhân tạo, kim cương nhân tạo, máu nhân tạo, thịt bò nhân tạo...
Nhân tạo, có nghĩa là con người đã có thể chinh phục và khám phá những bí ẩn của tự nhiên để tạo ra những thứ vốn là sản phẩm độc quyền của đấng toàn năng. Đoạt quyền tạo hóa để làm ra những thứ “của giả” nhằm phục vụ con người so với việc “đoạt quyền sản xuất” để tạo ra những mặt hàng giả mạo hòng lừa bịp khách tiêu dùng quả là khác nhau xa!
Sài Gòn Giải Phóng chủ nhật, 25-7-1993
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 53
hoa đào trong tranh
ngồi trong một hiệu phở, nếu chịu khó quan sát, ai cũng có thể nhận thấy không phải mọi thực khách đều “xử lý” tô phở trước mặt với một phong thái như nhau. Kẻ hì hà hì hục ăn lấy ăn để chẳng có gì tương đồng với người gắp từng đũa một cách khoan thai, vừa ăn vừa nhẩn nha nhấm nháp mùi vị của từng cọng rau thơm hoặc khoái trá hít hà vị cay của quả ớt. Giữa một người ăn cốt lấy no với một kẻ ăn để thưởng thức, thái độ thật khác nhau xa.
Con người trước món ăn vật chất còn khác biệt thái độ, huống chi đối diện với món ăn tinh thần. Kẻ đọc
https://thuviensach.vn 54 nguyễn nhật ánh
sách cốt để hiểu nội dung ý nghĩa với kẻ đọc sách để thưởng thức cái hay đẹp lấp lánh trong từng câu chữ tuy đều là khách mê văn, xem ra vẫn “đồng sàng dị mộng”.
Nghệ thuật khác với khoa học, không thể chiếm lĩnh nó chỉ bằng khả năng nhận thức đơn thuần. Người ta không thể đến với sự ảo diệu của thi ca trên con đường dùng để chinh phục các phép giải phương trình. Nghệ thuật đòi hỏi tiếp cận theo cách khác: ngoài trình độ tri thức, nó đòi hỏi trình độ cảm thụ.
Đọc thơ Hồ Xuân Hương, ai cũng hiểu. Văn phong của nữ sĩ họ Hồ nôm na, rành mạch, ít giấu diếm. Và người đọc nào cũng có thể bật cười vì những liên tưởng ngộ nghĩnh trong đầu mình. Nhưng từ chỗ bật ra tiếng cười hồn nhiên đến chỗ ngẩn ngơ về phép dụng chữ phong phú, sống động và độc đáo của bà, thái độ đối với văn chương đã khác. Rồi từ chỗ xuýt xoa thán phục đến chỗ nắm bắt được cái thần của con chữ, nghe được hơi hướm của câu thơ mà cảm thấu được đằng sau lối nói ngổ ngáo đầy thách thức kia là nỗi đắng cay của một thân phận phụ nữ lận đận giữa một xã hội nhiễu nhương lại thêm một tầng khác biệt nữa. Sự khác biệt đó, chẳng qua do trình độ cảm thụ bất đồng.
* * *
Cảm thụ vẻ đẹp của một tác phẩm nghệ thuật không giống với cảm thụ vẻ đẹp của một bông hoa. Cái đẹp của tự nhiên là cái đẹp uyên nguyên, cái đẹp
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 55
trực tiếp. Đứng trước một rừng đào hoa nở, ai cũng cảm nhận được vẻ đẹp của nó, bất kể sự khác biệt về tuổi tác, trình độ, thậm chí dân tộc. Nhưng đứng trước bức tranh vẽ chính rừng đào đó thì chưa chắc khách thưởng lãm đã nhất trí trong sự phẩm bình. Rừng hoa khi đi vào trong tranh, nó không còn là chính nó nữa, mà đã được tái tạo bằng biện pháp nghệ thuật. Nói cách khác, nó đã được “mã hóa” bằng ngôn ngữ của nghệ thuật. Bởi vậy, nó không còn là hoa. Nó là tranh, đòi hỏi phải “giải mã”, đòi hỏi sự am hiểu nhất định về hội họa.
Văn chương cũng vậy. Đó là một thế giới đã được sắp xếp lại dưới bàn tay sáng tạo của nhà văn, muốn khám phá và cảm thông, người đọc ngoài tri thức không thể không trang bị khả năng cảm thụ. Trang bị từ đâu? Thiết nghĩ, từ môn văn trong nhà trường.
Có thể nói chất lượng của lớp công chúng văn học ngày mai tùy thuộc phần lớn vào chất lượng giảng dạy môn văn trong hiện tại. Cố nhiên những môn học khác như lịch sử, địa lý... cũng góp phần bồi đắp tâm hồn của học sinh, nhưng làm cho học sinh biết xúc động trước một trang văn hay, xao xuyến trước một câu thơ đẹp, qua đó biết yêu quý, trân trọng tiếng mẹ đẻ và phát triển lòng say mê văn học, đó là trách nhiệm của môn văn. Giải quyết tốt hay không tốt những vấn đề của mình, môn văn sẽ góp phần tạo ra hay không tạo ra lớp công chúng có trình độ cảm thụ văn học nói riêng, và khả năng lãnh hội cái đẹp nói chung.
https://thuviensach.vn 56 nguyễn nhật ánh
Dân trí phát triển, trình độ thưởng thức văn học của công chúng sẽ biến chuyển theo. Nhưng nếu nâng cao dân trí chỉ bó hẹp trong phạm vi tri thức mà xem nhẹ việc giáo dục thẩm mỹ, sự biến chuyển đó e rằng chẳng mấy sâu xa. Đã có một thời, môn văn được giảng dạy như một môn chính trị đạo đức. Học sinh học văn cốt để hiểu bài văn nói gì chứ không phải nói như thế nào. Khi hình thức nghệ thuật không được chú trọng, văn chương đánh mất vẻ duyên dáng của chính nó. Học sinh học để hiểu hơn là để cảm. Khổ thay, phần cảm đã không đậm đà thì phần hiểu cũng dễ trở thành lớt phớt. Cũng như khi ta đứng trước một người con gái, đã không cảm nàng thì còn mất thì giờ tìm hiểu làm chi!
Đọc sách để cảm thụ rồi đi đến chỗ yêu mến, gắn bó với một nền văn học không phải là chuyện giản đơn. Sự hứng thú đối với văn chương sách vở nếu không được chuẩn bị chu đáo ngay từ khi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường sẽ dễ bị sự bề bộn của cuộc sống làm cho phai nhạt.
* * *
Ông bà ta dạy “Học ăn học nói học gói học mở”. Những chuyện “đời thường” đó còn phải học, thưởng thức nghệ thuật lẽ nào là chuyện “tự nhiên nhi nhiên”?
Không phải cặp mắt nào cũng nhìn thấy được vẻ đẹp của một bức tranh trừu tượng, một điệu múa ballet.
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 57
Cũng như không phải đôi tai nào cũng động đậy khi nghe một vở opéra, một bài giao hưởng. Không được đưa vào làm quen - dù là làm quen có tính cách “xã giao” - trong nhà trường, những loại hình này ngày càng xa lạ với đám đông. Nhưng đó không phải là số phận dành riêng cho nghệ thuật hiện đại. Những loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo cũng chịu một nỗi hẩm hiu không kém. Với cùng một lý do như trên, công chúng ngày nay không cảm thụ nổi cái đặc sắc của nghệ thuật hát bội, và càng ngày loại hình này càng có nguy cơ tàn lụi nếu không kịp thời biến tướng để thành một thứ gì đó không phải là mình. Tuổi trẻ bây giờ đa số thích nghe ca khúc, xem kịch nói, phim ảnh - những nghệ thuật có ngôn ngữ gần với đời thường nhất, vì vậy ít “lôi thôi” nhất.
Bàn về nghệ thuật, những người có liên quan đều nói một cách dễ dàng: “Phải kết hợp dân tộc với hiện đại”. Nhưng nếu để mặc sự kết hợp đó xảy ra bên ngoài môi trường giáo dục và đào tạo chính quy của quốc gia thì sự bền vững và sức lan tỏa của nó phỏng có là bao!
Trong thực tế, không ai thi vào Trường Nghệ thuật sân khấu chỉ để học cách thưởng thức môn hát bội, cũng chẳng làm gì có người ghi tên vào Nhạc viện cốt để mai này biết rung động trước bản giao hưởng Anh hùng của Beethoven. Những nơi này đào tạo những người hành nghề chứ không phải những người thưởng ngoạn, những nghệ sĩ chứ không phải là công chúng bao la.
https://thuviensach.vn 58 nguyễn nhật ánh
Công chúng chỉ được tạo nên từ chỗ của mình. Nếu chúng ta vô tình xem nhẹ vai trò có ý nghĩa nền tảng của việc hướng dẫn cảm thụ nghệ thuật trong nhà trường thì những lời than vãn triền miên về các kho sách ế hoặc những lời báo động về một đoàn hát bội hay một đoàn ballet đang giãy chết liệu có khác gì tiếng vọng giữa thinh không!
Sài Gòn Giải Phóng chủ nhật, 13-3-1994
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 59
ng ười Quảng
đi ăn mì Quảng
1 Ở Sài Gòn, nếu bạn nhìn thấy một người khách
bước vô một quán bán mì Quảng, kêu một tô mì, ăn xong gật gù khen ngon, trả tiền rồi đi ra, lòng không hề vướng bận một điều chi thì bạn có thể đàng hoàng kết luận: khách không phải là người Quảng Nam.
2 Người Quảng Nam đi ăn mì Quảng không
có được một thái độ hồn nhiên như thế. Họ thường trực bận tâm “Chả biết mì Quảng quán này có đúng là... mì Quảng không?”. Trước khi kêu một tô mì Quảng, họ hỏi chủ quán “Đúng không?”, sau khi ăn
https://thuviensach.vn 60 nguyễn nhật ánh
một tô mì Quảng, họ bảo chủ quán “Không đúng!”. Họ là người Quảng.
3 Ăn phở, ăn hủ tiếu, ăn bún bò hoặc ăn bất cứ
thứ nào khác, người Quảng ăn trong thinh lặng. Còn khi bắt gặp một thực khách người Quảng vừa ăn vừa oang oang nhận xét, đánh giá, bình phẩm, thậm chí cằn nhằn, càu nhàu cái món mà họ đang ăn, bạn có thể quả quyết ngay là họ đang ăn mì Quảng. Khách A bảo “Sợi mì không đúng”. Khách B phán “Rau sống sai rồi”. Khách C khẳng định “Nhưn trật lất”. Cũng có khách khen “ngon”, nhưng quay sang con gái ngồi cạnh, thòng thêm một câu “Nhưng bà nội mày nấu ngon hơn”...
4 Có phải đó là đặc tính của “Quảng Nam hay
cãi”? Không rõ lắm. Nhưng điều này thì rất rõ: mì Quảng là món ăn đặc trưng và phổ biến bậc nhất ở Quảng Nam. Xét về tính đại chúng (trong phạm vi cộng đồng của nó), có lẽ mì Quảng đứng hàng đầu trên... thế giới. Không một khu phố, làng mạc, chợ búa, ngóc ngách nào ở Quảng Nam là không bán mì Quảng. Nhưng điều này mới đáng đưa vào sách Ghi
nét: Có thể có người Bắc suốt đời chưa từng nấu phở, có thể có người Nam từ bé đến già chưa từng nấu hủ tiếu, nhưng chắc chắn không một người Quảng Nam nào chưa từng nấu mì Quảng tại gia.
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 61
5 Có gì đâu! Ra ngoài chợ mua vài lá mì, ít rau
sống, ít tôm thịt, miếng bánh tráng, rang thêm mấy hột đậu phộng là có ngay một tô mì Quảng nóng hổi và thơm phức cho cả nhà xì xụp. Mì Quảng là món ăn bình dân bậc nhất và cũng dễ nấu bậc nhất.
6 Mì Quảng dễ nấu còn ở chỗ nó là món ăn thích
nghi với mọi hoàn cảnh. Tất nhiên có một số “chi tiết” căn bản phải tuân thủ: lá mì phải thoa dầu phộng, rau sống phải có bắp chuối, tô mì phải có rắc đậu phộng, phải có bánh tráng bẻ rôm rốp, có quả ớt cắn lụp bụp, không có những thứ này sẽ “bất thành mì Quảng”. Riêng “nhưn” mì Quảng thì đa dạng và “biến ảo” vô cùng. Thông thường là nhưn tôm thịt heo, nhưng lúc tìm không ra thịt heo thì người miền biển bắt cua bắt cá, người miền núi bắt gà bắt vịt làm nhưn, ăn vẫn thấy ngon, vẫn ra hương vị mì Quảng. Mì Quảng là món ăn của người bình dân, vì vậy không khép mình vào những đòi hỏi khe khắt như những món ăn dành cho giới thượng lưu. Và chính nhờ vậy, mì Quảng có một sức sống mạnh mẽ, nó tồn tại và phổ biến ở mọi thủy thổ.
7 Ngay tại Quảng Nam vẫn tồn tại những quán
mì Quảng nổi tiếng với các loại nhưn khác nhau: mì gà, mì vịt, mì tôm, mì tôm thịt heo, mì cua... Thị trấn Hà Lam bé xíu, nơi kẻ viết bài này trải qua
https://thuviensach.vn 62 nguyễn nhật ánh
suốt thời thơ ấu, mà cũng đã có mì gà Ba Tự và mì tôm bà Rì nổi tiếng song song, thuở nhỏ xách gà mên đi mua về cho ba mẹ, dọc đường cứ phải nuốt nước miếng ừng ực.
8 Tất cả những lời con cà con kê nãy giờ rốt lại
chỉ nhằm giải thích cái cốt cách “hay cãi” của người Quảng Nam khi đi ăn mì Quảng. Thì ra, có gì đâu: Người Quảng Nam từ bé đến lúc rời khỏi quê đi lập nghiệp phương xa, đa số thường sinh sống, hít thở và lớn lên trong cái kiểu mì Quảng mà mình biết, mà mình quen thuộc gần gũi. Người thuở nhỏ thường ăn mì tôm nhất quyết mì Quảng nhưn gà là “lai căng vô số tội”, “phải nấu như quán bà Cả Ngô ở đầu làng tôi mới đúng”, người lớn lên trong mì gà lại một mực khăng khăng mì Quảng nấu tôm là sai bét bè be, “không tin về hỏi... bà nội tôi coi”. Cứ thế mà đỏ mặt tía tai! Giả dụ bây giờ mở một cuộc thi nấu mì Quảng thế nào cho đúng, chắc chắn thí sinh sẽ ấu đả với thí sinh, giám khảo sẽ ấu đả với giám khảo ba ngày ba đêm chứ chẳng chơi! Mà tô mì Quảng đúng nhãn hiệu sẽ không bao giờ được xác định trên cõi đời này! Bởi mì Quảng là món ăn chỉ đúng với ký ức và trải nghiệm của từng người!
9 Nhưng “đúng” hay “không đúng” phỏng có gì mà phải buồn bực đến thế? Tới một quán
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 63
ăn, ngon thì quay lại, dở thì đi luôn, đơn giản quá mà! Việc gì phải càu nhàu, tức tối, buồn khổ cho mệt người rối trí? Hỏi như vậy là chưa hiểu sự gắn bó giữa người Quảng và món mì Quảng. Người Quảng xa xứ đi ăn mì Quảng không giống như khi đi ăn những thứ khác như lẩu dê hay bò bảy món. Họ không chỉ ăn bằng miệng, bằng vị giác hay khứu giác, không phải đơn thuần chỉ để thưởng thức cái ngon. Người Quảng đi ăn mì Quảng là đi ăn bằng tâm trạng. Họ bước vào quán bán mì Quảng với bước chân hồi hộp, thắc thỏm, với tất cả nỗi háo hức phập phồng như đến điểm hẹn với người quen cũ. Gặp tô mì Quảng giữa Sài Gòn, với người Quảng đó là nỗi mừng rỡ “tha hương ngộ cố tri”. Bẻ một miếng bánh tráng hay cắn một trái ớt là biết bao nhiêu kỷ niệm ấu thơ ùa về trong tâm trí. Người Quảng ăn mì Quảng bằng cả tấm lòng, bằng kỷ niệm. Vì vậy, khi thấy “người quen cũ” mà họ náo nức muốn hội ngộ lại không giống với “người quen cũ” họ từng gặp nơi “quán bà Cả Ngô” mấy mươi năm trước, họ càu nhàu thất vọng là chuyện hoàn toàn dễ hiểu. Gặp “người quen cũ” (hay “người tình cũ”), thấy cố nhân mắt mũi, cách ăn vận không giống thời đi học, thấy “tình đã khác xưa”, làm sao bắt họ không nhận xét, đánh giá, bình phẩm, làu bàu, bực bội.
10 Nhưng người Quảng đi ăn mì Quảng không
chỉ làu bàu bực bội. Giận thì giận mà thương thì thương. Sau khi tuôn một tràng bình phẩm, cuối
https://thuviensach.vn 64 nguyễn nhật ánh
cùng bao giờ cũng là những góp ý nhiệt tình: Nhưn phải thế này, rau phải thế này, bánh tráng phải thế này.... Điều đó thật ra là gì? Chẳng qua họ nóng lòng muốn món mì Quảng quê hương phải ngon hơn, phải “đúng” hơn, phải danh giá hơn để họ có cái mà giới thiệu, mà kể lể, mà tự hào với bè bạn xứ người và với đám con cháu sinh ra và lớn lên nơi đất ngụ cư. Khi rời khỏi vùng đất sản sinh ra nó, mì Quảng không còn thuần túy là món ăn nữa mà trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của một vùng đất lắm kẻ tha hương. Về điều này có thể mạo muội mượn hai câu thơ của thi sĩ Chế Lan Viên để cải biên cho hợp:
Khi ta ở chỉ là nơi “mì” ở
Khi ta đi “mì” đã hóa tâm hồn!
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 65
11 Tất nhiên, nghe khách góp ý, chủ quán nếu
là người Quảng Nam chính gốc sẽ gân cổ cãi lại cho kỳ được để vừa bảo vệ cho món “mì Quảng của làng mình” vừa bảo vệ cho câu tục ngữ “Quảng Nam hay cãi”. Nếu không phải là người Quảng, chủ quán sẽ cười cười “Vâng, tôi sẽ tiếp thu và cố gắng sửa chữa...”. Dĩ nhiên sau đó, chẳng chủ quán nào chịu mất công sửa chữa, vì nếu sửa theo thực khách A, chắc chắn thực khách B sẽ nổi trận lôi đình...
12 Thôi thì cứ để vậy, cái chính là ăn cho đỡ
nhớ quê hương. Không biết làm sao cho “đúng”, chỉ cố làm cho “ngon”. Vì vậy, mãi mãi về sau ai cả gan mở quán bán mì Quảng, đành phải mỉm cười chấp nhận công thức: Một tô mì Quảng đúng nghĩa gồm: lá mì, nhưn, rau sống, đậu phộng, bánh tráng... và món gia vị “Đúng không?”. Bán mì Quảng mà không bị khách trố mắt nghi ngờ “Đúng không?” thì dứt khoát là... không đúng!
Tuần san Sài Gòn Giải Phóng thứ bảy, số Xuân 1999
https://thuviensach.vn 66 nguyễn nhật ánh
https://thuviensach.vn
buồn gì đâu!
phong linh, còn gọi là chuông gió, hay chuông nhạn, một tên gọi có nguồn gốc từ những miếng đồng dẹp, mỏng, có hình chim nhạn, va vào nhau mỗi khi có gió thổi qua. Chúng ta thường bắt gặp phong linh ở các nghĩa trang hoặc ở các chùa chiền. Không biết có phải vì vậy mà tiếng reo vui tai của phong linh luôn tạo nên cảm giác bình yên, thư thái. Dường như các văn nhân và các tiểu thư cũng thích treo phong linh ở trước mái hiên.
Cách đây dăm năm, tôi vất vả đi lùng khắp các cửa hàng trong thành phố để tìm mua một cái phong linh. Không đâu có. Tới một tiệm nọ, tôi hỏi chuông gió,
https://thuviensach.vn 68 nguyễn nhật ánh
chủ tiệm lắc đầu. Tôi hỏi chuông nhạn, chủ tiệm nhún vai. Tôi hỏi phong linh, chủ tiệm sáng mắt reo “Thứ đó thì có, chờ một chút”. Một lát sau, ông ta đem ra đưa tôi một cái “phone-link”. Mặt ông ta hí hửng, còn vẻ mặt tôi không cần nói chắc các bạn cũng có thể hình dung ra được rồi.
Thế đấy, tôi buồn rầu nhủ bụng, bây giờ thì người ta chỉ biết “phone-link” chứ đâu biết phong linh, cái hiện đại đã thay chỗ cho truyền thống rồi chăng? Nhưng không, gần đây phong linh đã được bày bán tràn lan. Toàn phong linh ngoại nhập, màu sắc sặc sỡ, lòe loẹt, hình thù thô kệch, lại vẽ rồng vẽ phượng chi chít, âm thanh thì chỉ tổ làm người ta giật mình mất ngủ. Không, phong linh của tôi, cái chuông gió trong trí nhớ, cái chuông nhạn trong kỷ niệm của tôi là những cánh nhạn mảnh mai thanh nhã, và những tràng reo vui của nó mới thánh thót làm sao. Từ đó, tôi không còn thói quen treo phong linh trước cửa phòng viết nữa. Tôi thà để hồn mình lắng nghe tiếng reo của cái chuông nhạn trong ký ức vọng về.
Cũng đau khổ cho những ai như tôi là sự “cải tiến” của cái kính vạn hoa. Nếu được bỏ phiếu, tôi sẽ không ngần ngại bình chọn ống kính vạn hoa là đồ chơi kỳ thú nhất của tuổi thơ, là quà tặng tuyệt diệu nhất mà người lớn đã nghĩ ra cho trẻ em. Hằng hà bông hoa lần lượt xuất hiện dưới tay mình, chỉ sau mỗi cái lắc nhẹ. Những cánh hoa không ngừng thay dáng, những sắc hoa không ngừng đổi màu, và có tới hàng vạn, hàng triệu những bông hoa như thế, và tuyệt vời thay,
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 69
không bông hoa nào giống bông hoa nào trong hàng vạn hàng triệu cái kia.
Và trò chơi kính vạn hoa lý thú, hấp dẫn, giá trị ở chỗ cái động tác “lắc”. Cứ lắc một cái, một thế giới mới lại hiện ra. Hệt như ông bụt vung cây phất trần. Hệt như nàng tiên vẩy cây đũa phép. Thật là thần tiên, cái lắc đó. Cái đồ chơi kỳ diệu này cũng đã một thời biến mất, cũng đã khiến tôi một thời vất vả đi tìm. Rồi cũng theo cái cách xuất hiện bí hiểm của cái phong linh, gần đây nó được bày bán khắp nơi. Và thật kỳ cục, chả rõ nhà sản xuất nào đã cải tiến cái “kính vạn hoa lắc” thành cái “kính vạn hoa vặn”. Cầm ống kính bằng hai tay, một tay giữ, một tay vặn. Vặn một cái, một bông hoa lại hiện ra. Tất nhiên, thích thì cũng có thể lắc, nhưng nhìn cái kính vạn hoa gồ ghề với hai lớp bao quanh kia thật chẳng còn gì hứng thú để mà cầm về.
Nếu bạn không hiểu được sự phản cảm của tôi thì bạn hãy tưởng tượng trước mặt bạn là một nàng tiên đang nghiến răng vặn lấy vặn để cây đũa phép thay vì ve vẩy nhẹ nhàng như... tiên. Nàng tiên hiện đại đó, dù đẹp đến mấy, chắc cũng chẳng khiến bạn phải mất công mơ mộng, phải không?
Buồn gì đâu!
Sài Gòn Giải Phóng chủ nhật, 27-5-2001
https://thuviensach.vn 70 nguyễn nhật ánh
“ bà đi siêu thị ...”
hồi tôi còn bé, nhà tôi ở kế chợ. Chợ làng tôi chỉ họp ban đêm, với vô số những ngọn đèn dầu lung linh trong các sạp hàng. Và một trong những niềm vui của tôi hồi đó là được mẹ dắt xuống chợ, nhiều khi chẳng để mua gì. Tôi thích cầm tay mẹ len lỏi hàng tiếng đồng hồ giữa những gánh cá tươi, những rổ rau, những chiếc lồng gà, mê mẩn nhìn ngắm những vòng xuyến xanh đỏ, những hộp chì màu, những viên bi ve sặc sỡ bày trên những chiếc sạp tre...
Ngôi chợ quê mùa đó đã in sâu vào ký ức tôi đến mức sau này nó trở thành một phần trong kỷ niệm tuổi thơ của tôi. Và tôi ngờ rằng mọi em bé thôn quê đều thế.
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 71
Cuộc sống người Việt Nam bao giờ cũng gắn bó với chợ búa. Chợ búa quan trọng đến mức ông bà ta không ngại ngần khẳng định “nhất cận thị, nhị cận giang”. Nơi nào trên chợ dưới thuyền nơi đó chắc chắn sầm uất, thịnh vượng. Bắc Trung Nam đều có những ngôi chợ nổi tiếng, thậm chí như biểu tượng của một vùng đất: chợ Đồng Xuân, chợ Đông Ba, chợ Bến Thành...
Chợ gắn bó mật thiết với đời sống người dân đến mức vào thẳng trong ca dao: “Nhớ dừa Quảng Hán, Lưu Khê. Nhớ cơm chợ Bản, thịt dê Quán Lào”, “Ai về Hoằng Hóa mà coi. Chợ Quăng một tháng ba mươi phiên chiều”, “Chợ Nhàng lắm bún, nhiều phi. Trăm công nghìn việc cũng đi chợ Nhàng”...
Một trung tâm kinh tế thương mại như thành phố Hồ Chí Minh đương nhiên lắm chợ. Thậm chí có thể gọi thành phố Hồ Chí Minh là thành phố chợ với trên 200 chợ lớn nhỏ, với rất nhiều ngôi chợ nổi tiếng: chợ Bình Tây, chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Bà Chiểu, chợ Trần Chánh Chiếu... Có những chợ lâu đời như chợ Kim Biên, hình thành từ năm 1778.
Nhưng theo thời gian, theo sự phát triển của các hệ thống siêu thị, những ngôi chợ truyền thống đang có nguy cơ teo tóp.
Siêu thị thực ra cũng là chợ, nhưng là “siêu chợ” (supermarket). Siêu thị bây giờ bày bán không thiếu một thứ gì. Nếu trước đây không lâu, siêu thị chỉ bày bán một vài mặt hàng cao cấp thì bây giờ vào siêu thị, khách tiêu dùng có thể mua từ một chiếc quần gin đến
https://thuviensach.vn 72 nguyễn nhật ánh
một bịch mắm ruốc, một bịch chè, từ một chiếc đồng hồ, một chai rượu Tây đến một lát cá, một tép rau thơm.
Siêu thị có ưu thế là không gian sạch sẽ, suốt ngày đêm máy lạnh chạy mát rượi, mùa nắng không phải hít bụi, mùa mưa không phải lội sình lép nhép như đi ngoài chợ.
Về giá cả, các mặt hàng trong siêu thị bằng hoặc thấp hơn ngoài chợ. Vì khối lượng hàng của siêu thị lớn, nên giá mua vào (và bán ra) đương nhiên rẻ hơn.
Nhưng có lẽ cái hấp dẫn nhất ở siêu thị là phương cách phục vụ: Giá niêm yết từng món, không có nạn kỳ kèo trả giá. Hàng hóa sạch sẽ, vệ sinh, bao bì đẹp mắt, lại được lựa chọn tha hồ, lật tới lật lui cả chục lần không bị ai lườm nguýt. Xách bịch chả giò đi lòng vòng cả buổi, tự nhiên không thích mua nữa, quanh lại trả vào chỗ cũ, cũng chẳng ai gây khó dễ. Ở ngoài chợ, điều đó là bất khả thi.
Vì vậy mà các bà nội trợ bây giờ có vẻ thích vô siêu thị mua sắm hơn là ra ngoài chợ. Đối tượng đi chợ tất nhiên cũng còn đông, nhưng đã bị các siêu thị san sẻ dần.
Tất nhiên siêu thị không phải mặt nào cũng... siêu. Siêu thị cũng có những hạn chế của mình. Hàng hóa trong các siêu thị bây giờ đã khá phong phú, nhưng vẫn chưa hoàn toàn thay thế được chợ, vì có những thứ người ta chỉ có thể mua được ngoài chợ chứ không mua được trong siêu thị. Hàng hóa trong siêu thị dẫu
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 73
sao cũng là hàng công nghiệp. Để mua một bó rau tươi thật tươi, dăm quả trứng gà ta vừa mới “ra lò”, người mua chỉ có thể tìm đến chợ, nơi có mặt những người nông dân “tự sản tự tiêu” vừa chân ướt chân ráo từ ngoại ô lên.
Gửi xe ở siêu thị cũng là một vấn đề. Chẳng khách tiêu dùng nào chịu mất công loay hoay nơi bãi giữ xe cả buổi để vào mua chỉ mỗi một món đồ cỏn con. Điều quan trọng nữa: từ “siêu thị” từ lâu đã đồng nghĩa với từ “tiêu tiền”. “Đi siêu thị”, là “đi shopping”, “đi mua sắm”. Đã vào siêu thị, khó mà trở ra với cái ví còn nặng bằng một phần ba so với lúc đi vào. Sức quyến rũ của siêu thị lớn đến mức một người phụ nữ bước chân vào với ý định chỉ mua một cuộn chỉ thế nào cũng trở ra với một đống quần áo lủ khủ trên tay. Vì vậy, người ta thích đến siêu thị mà cũng ngán đến siêu thị.
Nhưng rồi sẽ đến một ngày, siêu thị sẽ thay thế hầu như hoàn toàn được chợ, nhất là khi mặt bằng kinh tế của xã hội được nâng lên, đời sống của người dân khá hơn. Lúc đó việc “tiêu tiền” đã trở thành sinh hoạt bình thường của mỗi gia đình, thậm chí là “nghĩa vụ” đối với quốc gia như ở một số nước phát triển, giúp cho tiền tệ lưu thông. Lúc đó thói quen mua sắm của người dân sẽ thay đổi mạnh mẽ và số phận các ngôi chợ truyền thống e rằng sẽ rất bấp bênh. Cho đến nay, chưa một ngôi chợ nào đóng cửa trước sự cạnh tranh của siêu thị, nhưng việc mua bán đã bắt đầu có dấu hiệu ế ẩm. Và trong tương lai, nếu tình hình tiếp tục diễn biến như hiện nay, có khả năng những gánh
https://thuviensach.vn 74 nguyễn nhật ánh
hàng rong, những quầy hàng nhỏ, những xe hàng lưu động sẽ giành lấy vị trí của những ngôi chợ trước đây để phục vụ cho nhu cầu mua sắm dọc phố của khách, điều mà siêu thị không làm nổi.
Điều đáng suy nghĩ: Kinh phí xây dựng một số chợ vừa qua có lẽ không kém kinh phí xây dựng của một vài siêu thị, nhưng hiệu quả hoạt động không cao và cung cách phục vụ không có gì thay đổi để kịp thích ứng với tình hình. Phải chăng do siêu thị được xây dựng và quản lý bằng kinh phí của một công ty, một hợp tác xã, một tập đoàn tư nhân cụ thể, còn chợ thì do kinh phí nhà nước và điều hành bằng ban quản lý chợ cũng của nhà nước nên mối ưu tư cho chợ không được đầy đủ chăng?
Chợ rồi sẽ đi về đâu? Có thể vẫn còn đó, nhưng quy mô, không khí và vai trò sẽ không còn được như cũ. Đó là điều nên buồn hay nên vui? Cuộc sống tiện nghi hơn, văn minh hơn, nhưng chị em tiểu thương rồi sẽ xoay xở ra sao? Hình ảnh em bé nắm tay mẹ dạo chợ để xem xiếc, xem múa lân... rồi sẽ xảy ra trong các siêu thị đa năng, nhưng bóng mát của cây bàng già, của cây điệp vàng rắc hoa lên mái tóc huyền của cô hàng sẽ mãi mãi thuộc về kỷ niệm của một thời đã xa? Và bà già yêu đời kia nữa, bà sẽ không còn dịp “đi chợ Cầu Đông. Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng”, mà thay thế vào đó, trẻ con sẽ hát “Bà đi... siêu thị Miền Đông”. Chắc thế!
Sài Gòn Giải Phóng chủ nhật, 7-10-2001
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 75
quanh chuyện đọc sách đã có rất nhiều người lo sợ rằng đến một ngày nào đó, cuốn sách trong hình thức truyền thống sẽ bị “tuyệt chủng” khi kỹ thuật sách điện tử ồ ạt ra đời. Chữ e (electronic - điện tử), vốn là một phát minh đáng tự hào của loài người, nay đã bắt đầu cuộc chinh phục với quy mô mới, và với một sự hăm hở gây lo ngại. Nó chưa bằng lòng với việc đứng chễm chệ trước chữ mail (thư) để thành e-mail (thư điện tử), một hình thức thư tín phải thừa nhận là nhanh gấp trăm lần và tiện gấp nghìn lần so với việc thư từ theo kiểu cũ, mà đang muốn bành trướng thế lực bằng cách đứng
https://thuviensach.vn 76 nguyễn nhật ánh
chình ình trước chữ book (sách) để thành một e-book (sách điện tử) khiến những nhà làm sách truyền thống hoang mang và lo ngại.
Theo thông tin trên báo chí thì nhà văn chuyên viết truyện kinh dị Stephen King nếu không phải là người duy nhất cũng là người mở đầu cho sự cách mạng gây chấn động này. Nói có sách mách có... internet, bây giờ giở bất kỳ một trang web phát hành sách nào trên mạng, cũng có thể thấy cuốn Riding the Bullet của King được giới thiệu kiêu hãnh là e-book, còn kèm theo chú thích phần mềm phải tải xuống để đọc nó là Microsoft Reader (cung cấp cho khách hàng miễn phí).
Miễn phí đây tất nhiên là miễn phí chương trình Microsoft Reader dùng để đọc cái e-book của ông King, chứ cuốn Riding the Bullet kia thì vẫn phải bỏ tiền ra mua đàng hoàng (bằng thể thức thanh toán qua thẻ tín dụng - theo như giá ngày hôm nay là 2.25 USD, sau khi đã giảm giá 10%), đại khái như mua một cuốn sách thì được tặng một cặp kính để đọc vậy.
Điều đáng nói ở đây là giả như ông Stephen King (hay cái công ty của ông) có tặng cả cái phần mềm Microsoft Reader lẫn cuốn sách kia thì người viết bài này thiệt tình thấy cũng không ham lắm. Tải cuốn sách điện tử đó xuống cái máy vi tính của mình thì dễ (phần quảng cáo sách có cẩn thận ghi rõ: chừng 595 Kbytes) nhưng ngồi lì trước cái máy, lấy con chuột click
từng trang để đọc thì... cực hình quá.
Suy cho cùng, cái thú của chuyện đọc sách đâu chỉ
https://thuviensach.vn người quảng đi ăn mì quảng 77
đơn giản do cốt truyện đem lại mà còn do cái cách đọc, cái tư thế đọc, cái khung cảnh đọc. Chiều ra ngoài vườn, mắc chiếc võng giữa hai gốc khế, vừa đọc sách vừa nằm đu đưa, tai nghe chim hót lích chích, mũi nghe mùi mực in, mùi giấy mới thơm tho, da nghe gió mát mơn man, hoặc tối nghe mưa rơi tí tách trên mái tôn, leo lên giường quấn mền nằm đọc sách, cầm theo một trái bắp nướng hoặc một bịch đậu phộng rang, vừa đọc vừa gặm vừa nhai thì cái thú đọc sách mới có thể gọi là lên tiên được. Cuốn e-book của Stephen King không thể đem lại được cái đó, dù truyện ông viết có hồi hộp, hấp dẫn đến đâu chăng nữa. Bởi đọc sách muốn nâng lên thành một cái thú thì không chỉ có hai con mắt tham dự, mà phải có cái tai động đậy, cái miệng nhúc nhích, cái mũi hít hà, tay chân cơ thể cựa quậy thì mới là... trọn bộ. Thiếu những yếu tố đó phụ họa vào, chuyện đọc sách mất đi gần hết cái quyến rũ của nó. Lưu cái truyện trên máy thành một file rồi in ra tờ giấy khổ A4 mà đọc, nó cũng lướng vướng, khó chịu thế nào. Nó vẫn khác xa với cái rung động khi cầm trên tay một cuốn sách xinh xắn, vừa vặn, có ruột, có gáy, có bìa. Và nhất là nó không thể gợi lại nơi chúng ta nỗi háo hức, hồi hộp khi được cha mẹ mua cho cuốn sách đầu tiên.
Cho nên mới nói, bà con đừng lo. Người viết bài này không định phản bác sáng kiến về sách điện tử, thậm chí còn thấy hay hay, vì nó vẫn có cái ưu thế nhất định của nó, ít ra là trong khâu phát hành, nhân bản và
https://thuviensach.vn 78 nguyễn nhật ánh