Là tạp văn, tập sách này nói đủ thứ chuyện trên trời dưới bể, nhưng rồi không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại chọn nhan đề là Người Quảng đi ăn mì Quảng. Bao nhiêu nhà văn đã thao bút qua việc bình phẩm các món ăn dọc đường đi của dân tộc mình từ Bắc vào Nam: Tản Đà, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng, Võ Phiến… Nguyễn Nhật Ánh là người Quảng, lại còn mở quán để quảng bá các đặc sản quê mình, làm sao mà anh không viết về cái món ăn đã đi vào ca dao: Thương nhau múc bát chè xanh, Làm tô mì Quảng cho anh xơi cùng. Có điều Nguyễn Nhật Ánh bình phẩm món ăn thì ít mà bình phẩm về tâm tình của người ăn thì nhiều. Ai mà không đồng ý khi anh nói rằng người Quảng ở Sài Gòn đi ăn mì Quảng là để tìm một chút hương vị quê nhà, một chút thôi, chứ không bao giờ là trọn vẹn. “Người Quảng xa xứ đi ăn mì Quảng không giống như khi đi ăn những thứ khác như lẩu dê hay bò bảy món. Họ không chỉ ăn bằng miệng, bằng vị giác hay khứu giác, không phải đơn thuần chỉ để thưởng thức cái ngon. Người Quảng đi ăn mì Quảng là đi ăn bằng tâm trạng. Họ bước vào quán bán mì Quảng bằng bước chân hồi hộp, thắc thỏm, với tất cả nỗi háo hức phập phồng như đến điểm hẹn với người quen cũ. Gặp tô mì Quảng giữa Sài Gòn, với người Quảng đó là nỗi mừng rỡ “tha hương ngộ cố tri”. Không phải người Quảng Nam, ở Sài Gòn tôi cũng thường ăn mì Quảng ở những quán ăn “chính hiệu” với rau sống chở vào từ Hội An, vậy mà hình như chỉ một lần tôi cảm nhận hết cái hương vị mì Quảng khi, trên đường từ Đà Nẵng về Bình Tú một buổi chiều cuối năm, dừng xe ăn tô mì Quảng nhưn tôm thịt ở thị trấn Nam Phước (là chỗ ở hiện nay của Gia Khanh – L. đó, phải không?. Thì ra ăn một món ăn còn là thụ hưởng cái không khí, cái tâm thế khi mình ngồi ăn. Bây giờ ngồi viết bài này cho tập sách Nguyễn Nhật Ánh cũng vào một ngày giáp Tết, nhớ tô mì Quảng ngày nào ở Nam Phước, rồi lại nhớ câu thơ của bạn trên một tờ báo xuân (Con dế giang hồ đang nhớ quê!, chao ôi, tôi cũng lẩn thẩn mà bắt chước Nguyễn Nhật Ánh viết tạp văn mất rồi!
Nguồn: https://thuviensach.vn