🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Người hùng ý tưởng Ebooks Nhóm Zalo nguoi_hung Mục lục 1. Khởi nghiệp công nghệ – Cần nhanh nhưng không vội 2. Chương 1. Thời cơ 3. Chương 2. Nguồn cội 4. Chương 3. Trường Lakeside 5. Chương 4. Phụ tá 6. Chương 5. Wazzu 7. Chương 6. 2 + 2 = 4! 8. Chương 7. Mits 9. Chương 8. Cộng sự 10. Chương 9. Thẻ mềm 11. Chương 10. Dự án cờ vua 12. Chương 11. Rạn nứt 13. Chương 12. Hồi chuông thức tỉnh 14. Chương 13. Quần hùng tranh đấu 15. Chương 14. Blazermania 16. Chương 15. Người thứ 12 17. Chương 16. Vũ trụ 18. Chương 17. Jimi 19. Chương 18. Liên kết toàn cầu 20. Chương 19. Đường truyền lớn 21. Chương 20. Tìm kiếm 22. Chương 21. Lập bản đồ não bộ 23. Chương 22. Phiêu lưu 24. Lời bạt 25. Trí thông minh nhân tạo, Aristotle kỹ thuật số và dự án Halo KHỞI NGHIỆP CÔNG NGHỆ – CẦN NHANH NHƯNG KHÔNG VỘI Thạc sĩ Thạch Lê Anh Nhà sáng lập, Chủ nhiệm đề án VietNam Silicon Valley (VSV) Thời gian gần đây, các start-up về công nghệ đang trở thành một phong trào đáng chú ý và thu hút được giới đầu tư trong và ngoài nước. Cộng đồng Khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam dồn dập đón nhận những thông tin đầy hứng khởi nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn cần phải vượt qua. Bài toán đặt ra cho họ là làm sao để hòa mình vào dòng chảy khởi nghiệp của thế giới đủ nhanh, để không bị tụt hậu đồng thời tạo những dấu ấn riêng mang tên Việt Nam trong khi có đến 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bí quyết duy nhất là HỌC HỎI và KHÔNG NGỪNG RÚT KINH NGHIỆM. Nói về vấn đề này, chúng ta có thể học hỏi được gì từ Thung lũng Silicon – trung tâm công nghệ cao toàn cầu, cái nôi của đổi mới sáng tạo và truyền thông xã hội, từ lâu đã trở thành thánh địa đối với những người ôm mộng thay đổi thế giới, đồng thời là hình mẫu trung tâm khởi nghiệp để các quốc gia khác học tập theo? Với mong muốn mang đến cho độc giả trong nước một góc nhìn độc đáo, chân thực và thực tế nhất có thể về muôn mặt đời sống ở Thung lũng Silicon, để thấu hiểu và kêu gọi thành công vốn đầu tư từ Thung lũng cho start-up của mình, hay để rút ra những bài học hữu ích cho phát triển doanh nghiệp, Alpha Books và VSV đã tuyển chọn và xin trân trọng giới thiệu bộ sách “Khởi nghiệp Công nghệ” gồm ba cuốn: Giải mã bí ẩn Thung lũng Silicon: Cuốn sách cung cấp cái nhìn của người trong cuộc, vén tấm màn giải ảo những điều huyễn hoặc về Thung lũng Silicon, bao gồm cả những khía cạnh vi tế mà chỉ những người từng lăn lộn ở đây mới nhìn ra. Cuốn sách bao gồm hàng chục cuộc phỏng vấn với các doanh nhân, chuyên gia, nhà đầu tư mạo hiểm – giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những cách làm tốt nhất nhằm xây dựng và phát triển doanh nghiệp, cùng những nguyên tắc cần xây dựng và/hoặc phá bỏ để tạo đà bứt phá, đưa doanh nghiệp vươn tầm quốc tế. Nếu không thể đến Thung lũng Silicon để mục sở thị không khí khởi nghiệp sôi sục ở đây, bạn hoàn toàn có thể đọc cuốn sách này, để có cái nhìn sơ qua về mảnh đất được mệnh danh là thánh địa khởi nghiệp này. Máu bẩn: Cuốn sách viết về ảo tưởng, tham vọng, bí mật và sự dối trá trong vụ lừa đảo lớn nhất Thung lũng Silicon: Lời cảnh tỉnh cho cả các doanh nhân đầy hoài bão và lý tưởng lẫn các nhà đầu tư lão làng. Cuốn sách viết về Theranos, một công ty khởi nghiệp từng được cả thế giới công nghệ ngưỡng mộ với công bố về một phát minh mang tính đột phá, hứa hẹn làm thay đổi cả bộ mặt ngành y tế. Elizabeth Holmes, nhà sáng lập tuổi trẻ tài cao của công ty này, từng được ví là Steve Jobs trong giới nữ doanh nhân, là người từng góp mặt trong danh sách các tỷ phú trẻ nhất nước Mỹ. Nhưng đằng sau tất cả ánh hào quang đó là tham vọng, ảo tưởng, và cả một lời nói dối vĩ đại. Máu bẩn kể lại hành trình của Theranos từ đỉnh cao danh vọng trở thành cú sốc điếng người cho Thung lũng Silicon nói riêng và giới công nghệ, đầu tư, khởi nghiệp thế giới nói chung. Paul Allen – Người hùng ý tưởng: Cuốn sách sẽ là động lực thúc đẩy những doanh nhân khởi nghiệp kiên trì với con đường mình đã chọn. Vẫn biết là chông gai và tỷ lệ thành công thấp, nhưng nếu đam mê, thành công sẽ luôn mỉm cười với họ như cuốn sách này chỉ ra. Cuốn sách chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của Paul Allen, nhà đồng sáng lập đế chế Microsoft từ những năm 20 tuổi, một trong những người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới do tạp chí Timebình chọn năm 2007 và 2008 dù phát hiện mình bị ung thư. Đây cũng là động lực để ông khẩn trương bắt tay vào viết cuốn hồi ký nhằm chia sẻ những chuyến phiêu lưu và hoài bão trong đời mình. Qua cuốn hồi ký, người đọc sẽ có được cái nhìn sâu sắc hơn về Bill Gates, người đồng sự, đối tác và cũng là người anh em thân thiết của Allen. Ông đã thể hiện tầm nhìn vượt thời đại trong lĩnh vực công nghệ, khát khao được cống hiến những điều tốt đẹp cho đời cũng như những trăn trở cùng lời khuyên dành cho thế hệ tương lai. Bộ sách xứng đáng là những ấn phẩm “nên đọc” dành cho giới start-up nói chung và những người đang có ý định khởi nghiệp, phần nào có thể giúp họ gia tăng tỷ lệ thành công hơn và quan trọng là có một hành trình khởi nghiệp bớt chông gai hơn. Trân trọng giới thiệu! Chương 1THỜI CƠ Một buổi chiều cuối tuần tháng Mười hai năm 1974, khi rảo bước về phía Quảng trường Harvard, tôi không hề biết rằng cuộc đời mình sắp sang trang mới. Hôm đó, trời đổ tuyết và rất lạnh, ở tuổi 21, cuộc đời tôi lâm vào ngõ cụt. Vài tuần trước, bạn gái tôi đã bỏ về quê nhà chúng tôi ở Seattle cách đây gần 500km. Còn ba học kỳ nữa tôi sẽ tốt nghiệp Đại học bang Washington, nơi mà hai năm qua tôi đã xin bảo lưu đến hai lần. Trong tay tôi, giờ đây chỉ là một công việc không triển vọng ở Honeywell, một căn hộ tồi tàn và một chiếc Chrysler New Yorker phiên bản năm 1964 chạy dầu. Nếu không có gì thay đổi trong mùa hè này, tôi đành phải quay về trường và học nốt cho xong. Trong những ngày tháng ấy, chỉ có một nhân tố bất di bất dịch trong cuộc đời tôi, đó là chàng sinh viên Harvard tên Bill Gates, cộng sự ăn ý của tôi từ thời chúng tôi gặp nhau ở trường Lakeside, khi đó cậu ấy học lớp 8, còn tôi học lớp 10. Bill và tôi cùng nhau học phân tích mã máy tính. Chúng tôi từng khởi nghiệp thất bại, sau đó cộng tác với nhau trong một số công việc lập trình chuyên nghiệp từ khi còn ở tuổi thiếu niên. Chính Bill là người đã dỗ ngọt tôi chuyển đến Massachusetts kèm theo kế hoạch bỏ học và cùng cậu ấy làm việc tại một công ty công nghệ. Sau đó, cậu ấy lại đổi ý, quay về trường đại học. Có vẻ cậu ấy cũng giống tôi, không chịu an phận và luôn sẵn sàng thử sức với những điều mới mẻ. Bill và tôi vẫn luôn tìm kiếm một dự án thương mại. Chúng tôi vẫn nuôi hy vọng rằng cuối cùng, chúng tôi sẽ viết một phần mềm nào đó, vốn là sở trường của mình. Đôi khi, chúng tôi mơ mộng về doanh nghiệp tương lai của mình bên những ổ bánh mì hay miếng pizza pepperoni trong tiệm House of Pizza của trường Harvard. Một lần nọ, tôi hỏi Bill: “Nếu mọi chuyện suôn sẻ, cậu nghĩ công ty của chúng ta sẽ lớn cỡ nào?” Cậu ấy đáp: “Em nghĩ công ty có thể có tới 35 lập trình viên.” Với tôi, điều này có vẻ tham vọng. Ngay từ những ngày đầu của công nghệ mạch tích hợp trong thập niên 1950, các nhà tư tưởng cấp tiến đã hình dung ra những cỗ máy điện toán mạnh mẽ và kinh tế hơn. Năm 1965, trên tạp chí Electronics, một nhà nghiên cứu vật lý trẻ tên là Gordon Moore đã trình bày chi tiết về dự đoán này. Ông quả quyết rằng số lượng bóng bán dẫn tối đa trên một mạch tích hợp sẽ tăng gấp đôi sau mỗi năm với chi phí sản xuất chip không đổi. Sau khi đồng sáng lập Intel vào năm 1968, Moore điều chỉnh rằng cứ hai năm một lần, số lượng bóng bán dẫn sẽ tăng gấp đôi – đây vẫn là một con số rất ấn tượng. Trên phương diện tốc độ xử lý của máy tính và dung lượng ổ đĩa, những xu hướng tương tự nhanh chóng xuất hiện. Đó là một quan sát đơn giản nhưng có sức ảnh hưởng sâu rộng, và vẫn có giá trị cho đến ngày nay. Vì những tiến bộ không ngừng trong công nghệ chip, máy tính sẽ tiếp tục trở nên nhanh hơn và rẻ hơn. Ảnh hưởng của Định luật Moore càng trở nên rõ ràng hơn trong năm 1969, vài tháng sau khi tôi gặp Bill (khi đó tôi 16 tuổi, chỉ mới học lập trình trên máy tính cỡ lớn (mainframe).) Một công ty Nhật Bản tên là Busicom đã đặt hàng Intel thiết kế chip cho dòng máy tính cầm tay (handheld calculator) giá rẻ nhằm đánh bại các đối thủ cạnh tranh. Busicom cho rằng chiếc máy mới sẽ cần 12 con chip mạch tích hợp. Nhưng Ted Hoff, một trong những kỹ sư của Intel, lại đưa ra một ý tưởng táo bạo: Họ có thể cắt giảm chi phí bằng cách kết hợp các thành phần của một chiếc máy tính đầy đủ chức năng vào một con chip duy nhất, về sau sản phẩm này được gọi là bộ vi xử lý. Trước khi những con chip mới này xuất hiện, để thực hiện một chức năng phức tạp duy nhất, máy tính phải cần tới hàng chục hay hàng trăm mạch tích hợp, từ việc điều khiển đèn giao thông, máy bơm khí gas hay thiết bị đầu cuối máy in. Máy tính cỡ nhỏ (minicomputer) có kích thước bằng lò vi sóng, loại hình chuyển tiếp giữa máy tính cỡ lớn và máy vi tính (microcomputer), tạm thời vẫn chưa xuất hiện, cũng tuân theo công thức tương tự: mỗi chip một chức năng. Song phát minh của Hoff còn có nhiều tác dụng hơn thế. Như Gordon Moore nhận định: “Giờ đây, chúng ta có thể chế tạo một con chip duy nhất và bán nó cho hàng nghìn thiết bị khác nhau.” Tháng Mười một năm 1971, Moore và Robert Noyce, nhà đồng phát minh mạch tích hợp, đã giới thiệu vi mạch (microchip) Intel 4004 với mức giá 200 đô-la. Bài quảng cáo sản phẩm trên tờ Electronic News đã đưa ra tuyên bố về “một kỷ nguyên mới của thiết bị điện tử tích hợp”. Ban đầu, chẳng mấy ai chú ý đến chip 4004, nhưng năm đó, tôi chỉ mới là sinh viên năm nhất nên có thời gian nghiền ngẫm mọi loại tạp chí và tập san. Đó là giai đoạn huy hoàng của máy điện toán, hầu như tháng nào cũng có mẫu mã mới. Lần đầu khi biết về chip 4004, tôi đã phản ứng như một tay kỹ sư thực thụ: Bạn có thể tạo ra thứ gì hay ho với cái này đây? Thoạt nhìn, con chip mới của Intel trông như lõi của một chiếc máy tính tinh xảo. Nhưng khi tìm hiểu nhiều hơn, tôi biết nó có tất cả hệ thống mạch điện kỹ thuật số (digital circuitry) của một bộ xử lý trung tâm, hay còn gọi là CPU, bộ não của bất kỳ chiếc máy tính nào. Chip 4004 không phải là một món đồ chơi. Không giống như những mạch tích hợp chuyên dụng cho từng thiết bị, nó có thể xử lý chương trình từ một bộ nhớ ngoài. Với hạn chế về kết cấu, bộ vi xử lý (microprocessor) đầu tiên của thế giới có thể xem là chiếc máy tính trên một con chip, đúng như quảng cáo. Đó là lời báo hiệu đầu tiên về cái ngày mà máy tính có thể phổ biến đến tất cả mọi người. Bốn tháng sau, trong lúc tiếp tục “dõi theo con chip”, tôi lại được chứng kiến bước phát triển tất yếu tiếp theo. Tháng Ba năm 1972, tạp chí Electronics đăng tải một bài báo công bố Intel 8008. Cấu trúc 8 bit của nó có thể xử lý những vấn đề phức tạp hơn nhiều so với chip 4004, và nó sở hữu bộ nhớ 16 kilobyte (tương đương 16.000 byte), vừa đủ cho một chương trình cỡ vừa. Giới kinh doanh xem 8008 như một thiết bị kiểm soát giá rẻ có thể áp dụng vào đèn giao thông hay băng chuyền hàng hóa. (Sau này, Bill và tôi cũng sử dụng nó để phân tích lưu lượng truy cập trong doanh nghiệp non trẻ của chúng tôi). Nhưng tôi biết rằng chỉ cần có cơ hội, thế hệ vi mạch thứ hai này có thể làm được nhiều hơn thế. Tất cả những ý tưởng lớn thật sự của tôi đều bắt đầu từ sự phát triển mang tính nền tảng – trong trường hợp này là sự tiến hóa của những con chip vi xử lý đầu tiên của Intel. Tôi đã đặt ra một số câu hỏi cơ bản: Phát minh đột phá này sẽ hướng về đâu? Cái gì lẽ ra nên xuất hiện nhưng chưa thấy tăm hơi đâu? Làm thế nào tôi có thể tạo ra một sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, và những ai có thể tham gia cuộc cách mạng này? Mỗi khoảnh khắc thấu suốt của tôi đều đến từ sự kết hợp của hai yếu tố hoặc nhiều hơn nhằm tạo ra một công nghệ mới và mang những ứng dụng đột phá đến cho đông đảo khách hàng tiềm năng. Vài tháng sau khi chip 8008 trình làng, một sáng kiến vụt lóe trong đầu tôi. Nếu một bộ vi xử lý có thể chạy một ngôn ngữ cao cấp, công cụ cơ bản để lập trình một chiếc máy tính đa năng sẽ là gì? Ngay từ đầu, tôi đã biết chắc rằng chúng tôi sẽ sử dụng BASIC (Beginner’s All-Purpose Symbolic Instruction Code – Mã hướng dẫn ký hiệu đa năng dành cho người mới bắt đầu), ngôn ngữ tương đối đơn giản mà Bill và tôi đã học ở Lakeside trong lần đầu tiên trải nghiệm máy tính. Mẫu máy tính cỡ nhỏ mới nhất của Digital Equipment Corporation, PDP-11, đã có thể chạy ngôn ngữ FORTRAN phức tạp hơn trên bộ nhớ chỉ vỏn vẹn 16.000 byte. Dù một chiếc máy sử dụng chip 8008 có thể chậm hơn, nhưng tôi nghĩ nó sẽ thực hiện hầu hết những chức năng tương tự với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ của PDP-11. Lần đầu tiên, những người bình thường có thể mua máy tính cho văn phòng, thậm chí cho gia đình họ. Một chiếc máy sử dụng chip 8008 và ngôn ngữ BASIC có thể mang lại vô vàn ứng dụng cho lượng khách hàng không giới hạn. Vì thế, tôi hỏi Bill: “Tại sao chúng ta không lập trình ngôn ngữ BASIC trên chip 8008?” Cậu ấy nhìn tôi với ánh mắt nghi ngại rồi đáp: “Vì nó vừa tệ vừa chậm như rùa. Chỉ riêng ngôn ngữ BASIC đã ngốn gần hết bộ nhớ. Công suất không đủ – việc này chỉ tổ phí thời gian thôi.” Sau một hồi suy ngẫm, tôi biết cậu ấy có lý. Rồi cậu tiếp lời: “Khi nào họ tung ra con chip nhanh hơn thì hãy báo cho em.” Bill và tôi đã sớm hình thành một kiểu phối hợp đầy ăn ý. Tôi là mưu sĩ, người dùng trí tưởng tượng để đưa ra các sáng kiến. Bill sẽ lắng nghe và chất vấn, rồi tập trung vào ý tưởng tốt nhất của tôi để biến chúng thành hiện thực. Tất nhiên, sự phối hợp giữa hai chúng tôi cũng có lúc căng thẳng, nhưng hầu như đều rất hiệu quả. Rất lâu trước khi đến Massachusetts, tôi đã phỏng đoán về thế hệ chip tiếp theo, vốn sẽ sớm xuất hiện. Tôi tin sẽ có người chế tạo ra máy tính dựa trên con chip này – một dạng máy tính cỡ nhỏ, nhưng giá rẻ đến mức làm đảo lộn cả thị trường. Trong bức thư gửi tới Intel để tìm kiếm nhà phân phối chip 8008 địa phương cho chiếc máy đo lưu lượng của chúng tôi, tôi đã hỏi họ về kế hoạch tương lai. Vào ngày 10 tháng Bảy năm 1972, một nhà quản lý tên là Hank Smith đã hồi âm như sau: Trong tương lai, chúng tôi không có dự định tung ra bất kỳ con chip mới nào thay thế 8008. Chúng tôi dự định giới thiệu một dòng thiết bị mới cho phân khúc thị trường cao cấp (nơi chip 8008 sẽ phát triển mạnh mẽ thông qua máy tính cỡ nhỏ)… Dòng thiết bị mới dự kiến sẽ được ra mắt vào giữa năm 1974. Tôi không hề biết rằng Federico Faggin, nhà thiết kế chip vĩ đại, đã thúc giục ban quản lý Intel bắt tay nghiên cứu chip Intel 8080, thông tin này được Electronics tung ra vào mùa xuân 1974. Bộ vi xử lý mới nhất có bộ nhớ lớn gấp bốn lần con chíp trước đó, công suất tăng gấp ba lần và dễ lập trình hơn nhiều. Hank Smith đã sai, chip 8008 rất nhanh lỗi thời. Theo lời Faggin: “Chip 8080 đã thật sự tạo ra thị trường cho bộ vi xử lý. Chip 4004 và 8008 là những thứ gợi mở, nhưng chính chip 8080 đã biến nó thành sự thật.” Có một điều có vẻ chắc chắn: Chip 8080 đã đáp ứng điều kiện của một bộ vi xử lý có sẵn ngôn ngữ BASIC. Vừa biết tin, tôi liền báo với Bill: “Đây là con chip mà chúng ta đã nói tới.” Tôi kể ra một loạt những ưu điểm của chip 8080, đặc biệt là mức giá phải chăng 360 đô-la. Bill đồng ý rằng chip 8080 có đủ khả năng và mức giá hợp lý. Nhưng lập trình ngôn ngữ BASIC từ con số 0 là một công việc rất khó khăn, điều mà chúng tôi chưa từng làm, hơn nữa hiện tại vẫn chưa có máy tính nào có thể chạy được. Điều này đồng nghĩa với việc không có thị trường. “Anh nói đúng, đó là một ý tưởng hay,” Bill nói. “Khi nào có một chiếc máy phù hợp, hãy quay lại báo với em.” Tôi không ngừng thúc giục Bill cân nhắc lại, giúp tôi phát triển một chiếc máy 8080 BASIC trước khi bị người khác nẫng tay trên. “Chúng ta mở công ty đi,” tôi nói. “Cứ chờ mãi thì sẽ muộn mất – chúng ta sẽ lỡ mất cơ hội!” Ngày 23 tháng Mười năm 1974, tôi viết trong nhật ký: “Tôi đã gặp Bill tối thứ Hai và có thể chúng tôi sẽ viết trình biên dịch BASIC/Hệ điều hành cho 8080.” Nhưng đó chỉ là mơ tưởng hão huyền. Bill chưa sẵn sàng, và tôi không thể tiếp tục nếu thiếu cậu ấy. Mục tiêu duy nhất khi tôi chuyển đến Boston là để chúng tôi có thể cùng nhau làm một điều gì đó đặc biệt. Cả hai đều biết những thay đổi lớn sắp xảy ra. Nhưng chúng tôi không biết nó trông như thế nào cho đến một ngày se lạnh tháng Mười hai trên Quảng trường Harvard. SẠP BÁO TIN TỨC NGOẠI TỈNH nằm ngay giữa Quảng trường, gần Harvard Coop, nơi tôi thường lang thang tìm sách. Bên kia đường là tiệm kem Bringham’s, Bill và tôi hay đến đó nhâm nhi mấy ly sô-cô-la lắc. Mỗi tháng, tôi sẽ ghé đến sạp để xem những tạp chí định kỳ như Radio Electronics và Popular Science. Tôi mua bất kỳ thứ gì hấp dẫn, lướt qua mấy tờ quảng bá rầm rộ về vô tuyến điện nghiệp dư. Như hầu hết các tạp chí, Popular Electronics cũng đề lùi ngày khoảng một hoặc hai tuần. Tôi đang lùng sục ấn bản mới tháng Một – thì bất chợt sững người. Tiêu đề trang bìa ghi rõ: DỰ ÁN ĐỘT PHÁ! Bộ lắp ráp máy tính cỡ nhỏ đầu tiên trên thế giới khiêu chiến với máy tính thương mại. “ALTAR 8800” TIẾT KIỆM HƠN 1.000 ĐÔ-LA Bên dưới hàng chữ cỡ lớn là bức ảnh một chiếc hộp màu xám, mặt trước gồm những hàng đèn và công tắc nhị phân, giống với hình dạng mà tôi vẫn mường tượng.1 Với tính cách tiết kiệm, thích tự tay làm lấy của độc giả tờ tạp chí này, tôi biết bên trong chỉ có một bộ vi xử lý duy nhất; vì việc ghép nhiều chip sẽ rất tốn kém. Chỉ còn lại một câu hỏi: Liệu bộ vi xử lý đó là chip giới hạn Intel 8008 hay chip 8080 tăng cường? Tôi đoán – tôi hy vọng – là chip 8080. 1 Tôi thật sự không biết “cỗ máy” trên trang bìa chỉ là mô hình thay thế vào phút chót, sau khi họ không kịp giao bản mẫu Altair thật vì cuộc đình công tại hãng Railway Express. (TG) Tôi vớ một cuốn tạp chí trên kệ rồi lướt qua thật nhanh, hy vọng mỗi lúc một tăng. Tôi tìm thấy câu chuyện ở trang 33, kèm theo một bức ảnh khác của máy Altair và một dòng tít quảng cáo mời gọi hơn nữa: ALTAIR 8800 Dự án máy tính cỡ nhỏ mạnh nhất từ trước tới nay – chỉ cần 400 đô la là có được. Câu đầu tiên của bài viết, do H. Edward Roberts và William Yates của MITS, nhà sản xuất chiếc máy này, chấp bút, chính là điều mà tôi và Gates luôn mơ ước: “Kỷ nguyên của máy tính trong mỗi gia đình – chủ đề yêu thích của các nhà văn khoa học viễn tưởng – đã đến!” Altair tượng trưng cho “một chiếc máy tính hoàn thiện có thể cạnh tranh với máy tính cỡ nhỏ tinh vi đang có mặt trên thị trường,” nhưng “có mức giá chỉ tương đương với một chiếc tivi màu”. Đoạn tiếp theo càng thêm tính thuyết phục: “Dưới nhiều góc độ, [máy Altair] tượng trưng cho sự phát triển mang tính cách mạng trong thiết kế điện tử và tư duy… Bộ xử lý trung tâm của nó là con chip LSI [tích hợp quy mô lớn] mới mạnh hơn gấp nhiều lần các bộ xử lý IC trước đó.” Chiếc CPU đó chính là 8080. Bây giờ thì Bill đã có được câu trả lời rồi! Tôi nghĩ. Tôi dằn 75 xu tiền báo lên quầy rồi cuốc bộ qua sáu tòa nhà lép nhép tuyết tan đến phòng của Bill tại Currier House, trường Harvard. Tôi xông thẳng vào phòng khi cậu ấy đang ôn tập cho bài kiểm tra cuối kỳ; giờ đang là mùa thi cử. “Cậu còn nhớ đã nói gì với tôi không?”Tôi nói, cảm thấy tự hào pha chút hụt hơi. “Cậu bảo tôi hãy báo với cậu khi có người tạo ra chiếc máy dựa trên chip 8080?” “Phải, em nhớ chứ.” “Đây, nó đây,” tôi vừa đáp vừa hăng hái lấy ra cuốn tạp chí. “Cậu đọc đi!” Bill vừa đọc bài viết, vừa đong đưa người trên ghế, dấu hiệu cho thấy cậu ấy đang chìm sâu vào suy tư. Tôi có thể thấy cậu ấy thật sự bị ấn tượng. “Nó có thể mở rộng, như một máy tính cỡ nhỏ,” Bill thì thầm. Với mức giá 397 đô-la cho một bộ lắp ráp, chỉ nhỉnh hơn một chút so với giá chip 8080 mua riêng, máy Altair cơ bản chỉ có bộ nhớ 256 byte, chỉ vừa đủ để lập trình cho mấy chiếc đèn nhấp nháy. Nhưng có thể bổ sung bằng thẻ nhớ ngoài. Gắn thêm một mạch đầu vào/đầu ra cùng một máy thu âm cát-sét đầu ra/đầu vào2* hoặc thuê kèm máy điện báo đánh chữ (Teletype) là bạn sẽ có ngay một chiếc máy hoạt động tốt với chi phí chưa tới 2.000 đô-la. Giá cả hợp lý sẽ thay đổi mọi thứ – không chỉ với người chơi nghiệp dư, mà cả giới khoa học và dân kinh doanh. Dường như Altair có thể chạy một ngôn ngữ tương tác như BASIC, ý tưởng đã nhảy múa trong đầu tôi trong suốt ba năm qua. 2 Giữa kỷ nguyên băng giấy và giai đoạn thịnh hành của đĩa mềm, băng cát-sét từng có một thời gian ngắn giữa thập niên 1970 được xem là thiết bị lưu trữ hàng đầu cho máy tính (microcomputer). (TG) Chúng tôi đang tìm kiếm một chiếc máy tính cá nhân thương mại đầu tiên. Bill đặt cuốn tạp chí xuống, và chúng tôi lên kế hoạch cho bước tiếp theo. Tin tốt là cuối cùng thì chuyến tàu của chúng tôi cũng rời sân ga. Tin xấu là: Chúng tôi không biết liệu mình có kịp giờ lên tàu hay không. Dù bài báo loáng thoáng đề cập đến ngôn ngữ BASIC và FORTRAN, nhưng không cho biết liệu MITS đã có sẵn những ngôn ngữ trên nền chip 8080 hay vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Dù là trường hợp nào thì chúng tôi cũng “xong” rồi. Ôm hy vọng về điều tốt nhất, chúng tôi dùng mẫu thư tín có sẵn để gửi một bức thư đến chủ tịch công ty, ngụ ý rằng chúng tôi có một ngôn ngữ BASIC sẵn sàng trình làng. Không nhận được hồi âm, chúng tôi liền gọi điện hỏi rõ. “Anh nên nói chuyện với họ. Anh lớn tuổi hơn,” Bill nói. “Không, cậu gọi đi, cậu giỏi mấy thứ này hơn tôi,” tôi nói. Cuối cùng, chúng tôi thống nhất rằng Bill sẽ gọi điện nhưng xưng là tôi. Đến khi gặp trực tiếp MITS, chúng tôi nghĩ, tôi sẽ là người ra mặt. Tôi để râu quai nón, ít ra trông cũng ra dáng người lớn, trong khi Bill – lúc bước vào hàng “băm” vẫn thường xuyên bị xét căn cước để kiểm tra xem đã đủ tuổi thành niên chưa – vẫn có thể bị nhầm là học sinh trung học. “Ed Roberts nghe đây.” “Tôi là Paul Allen ở Boston,” Bill nói. “Chúng tôi sắp hoàn thiện ngôn ngữ BASIC dành cho máy Altair và muốn gặp ông để trình bày.” Tôi ngưỡng mộ sự can đảm của Bill, nhưng lo rằng cậu ấy đang đi quá xa vì chúng tôi vẫn chưa viết được dòng lệnh nào. Roberts cảm thấy hứng thú, nhưng ngày nào ông cũng nhận được cả chục cuộc gọi từ những người tuyên bố như thế. Ông nói nới Bill những điều ông đã nói với tất cả những người khác: Người đầu tiên bước qua cửa phòng ông ở Albuquerque với ngôn ngữ BASIC có thể khởi chạy sẽ được ký hợp đồng cho máy Altair. (Sau này, Ed thuật lại câu chuyện này với phong cách đặc trưng của mình, ông chọn ngôn ngữ BASIC vì bạn “có thể dạy cho bất kỳ thằng ngốc nào cách sử dụng [nó] ngay lập tức”). Ông nói hiện tại họ không thể làm gì. MITS vẫn đang gỡ lỗi cho thẻ nhớ trong bộ phận mà họ cần để chạy thử ngôn ngữ BASIC trên Altair. Họ sẽ sẵn sàng giao hàng cho chúng tôi trong vòng một tháng. Cuộc nói chuyện kéo dài năm phút. Khi kết thúc, Bill và tôi nhìn nhau. Viết một ngôn ngữ lập trình cho bộ vi xử lý và hoàn thành nó là hai việc hoàn toàn khác nhau. Về sau, tôi được biết chính các kỹ sư của MITS đã nghi ngờ tính khả thi của ngôn ngữ BASIC trên chip 8080. Khi ấy, nếu chúng tôi già dặn hơn hoặc chín chắn hơn, có lẽ Bill và tôi đã bỏ qua nhiệm vụ trước mắt. Nhưng chúng tôi vẫn còn non nớt và ngây thơ đến mức tin rằng mình có thể thành công. Chương 2NGUỒN CỘI Trong cuốn Darkonian xuất bản năm 1940 có hai bức chân dung to bằng một phần tư trang sách chụp hình các học sinh giỏi nhất nhận danh dự của Trường Trung học Anadarko ở miền trung Oklahoma. “Nam sinh ưu tú” Kenneth Allen đang nhìn thẳng vào ống kính máy ảnh, với mái tóc vàng chải ngược, chiếc cằm vuông vức và nụ cười đầy tự tin. “Nữ sinh ưu tú” Edna Faye Gardner có mái tóc xoăn ôm lấy gương mặt hình trái tim. Dù là ảnh trắng đen, nhưng mắt nàng vẫn rực sáng. Tôi biết rất rõ ánh mắt ấy. Mẹ tôi giờ đã bước sang tuổi 88, không còn là cô hoa khôi ngày nào, nhưng bạn vẫn có thể nhìn thấy năng lượng tích cực ánh lên trong đôi mắt bà. Bố mẹ tôi lớn lên trong thời buổi loạn lạc rồi trưởng thành khi thế giới chìm trong chiến tranh; họ thông minh và đầy hoài bão, nhưng tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Ở Anadarko (với dân số chỉ vỏn vẹn 5.579 người), một quận nhỏ nằm cách thành phố Oklahoma gần 113km về hướng tây nam, có hai người với hai phong cách sống khác nhau. Với vóc dáng lanh lợi và nhỏ nhắn, mẹ tôi là ngôi sao trong tất cả các nhóm nhạc học sinh. Mẹ làm ca đêm tại thư viện địa phương, một công việc rất phù hợp với mục tiêu thời niên thiếu của bà: đọc ít nhất một cuốn tiểu thuyết của tất cả các tác giả nổi tiếng thế giới. “Sam” Allen, hội trưởng hội học sinh, chơi ở vị trí trung tâm của đội bóng bầu dục trường và chạy rất nhanh. (Biệt danh của bố bắt nguồn từ một vận động viên chạy vượt rào nổi tiếng thời bấy giờ, “Sam Siêu tốc”). Bố thường tụ tập ở chốn đông người, cho tới khi bắt đầu đến thư viện. Bố thích truyện phiêu lưu và tiểu thuyết phương Tây, nhưng sở thích của ông không bó buộc trong văn chương. Một ngày nọ, bố đến trước cửa nhà mẹ, định mời mẹ tham dự buổi tiệc dạ hội tốt nghiệp. Bố chẳng bao giờ có cơ hội ngỏ lời. Đứng trên bậc cửa, bố mân mê chiếc mũ trong đôi bàn tay to, trong khi mẹ cứ luyên thuyên về cuốn sách mới nhất mà mình rất thích. Mẹ lớn lên cùng bốn ông anh nên chẳng hề ngại ngùng trước mặt các chàng trai. Mẹ chưa từng nghĩ phải hỏi lý do bố đến tìm. Bối rối và xấu hổ, bố hậm hực bỏ về nhà. Lẽ ra bố phải lường trước điều này. Vốn không phải là người tinh tế, mẹ tôi cùng bạn bè tới tham dự dạ hội mà không hẹn hò cùng anh chàng nào cả. Hôm đó mẹ rất vui. Ba năm sau, bố mẹ tôi đính hôn. LẦN ĐẦU TIÊN về thăm bà con ở Anadarko, tôi đã sửng sốt với chất giọng địa phương của họ. Gần 30 tuổi bố mẹ tôi mới rời khỏi quê hương Oklahoma, nhưng tôi chưa từng nghe thấy hai người nói bằng giọng mũi hay giọng lè nhè. Mẹ nói: “Bố mẹ quyết định sẽ nói tiếng Anh chuẩn, và bố mẹ đã làm đúng như vậy.” Khi gia nhập vào cuộc di cư hậu chiến, tìm đường tới California rồi qua Seattle, bố mẹ đã bỏ lại sau lưng cuộc sống cũ. Tôi nghĩ bố mẹ muốn một điều gì đó lớn hơn cho bản thân và cho con cái. Sau khi tôi chào đời vào năm 1953, mẹ quay lại với công việc giảng dạy lớp bốn tại trường Ravenna ở phía bắc Seattle. Hiếu kỳ và thân thiện cùng nụ cười luôn thường trực trên môi, Faye Allen là kiểu giáo viên mà 10 năm sau học sinh vẫn nhận ra và trao một cái ôm nồng thắm. Mẹ đọc bài rõ to, từng chữ đều đúng chính tả, ngắt nghỉ tại những điểm cao trào khiến bọn trẻ cứ hồi hộp chờ đợi bài giảng của mẹ ngày hôm sau. Tôi cũng có cảm giác đó mỗi khi tới giờ đi ngủ, tôi luôn năn nỉ mẹ kể thêm một chương trong cuốn The Swiss Family Robinson (Lớn lên trên đảo vắng). Mẹ nghỉ làm sau khi sinh em gái, nhỏ hơn tôi năm tuổi, tôi nghĩ đây là một quyết định rất khó khăn. “Mẹ yêu nghề giáo lắm,” mẹ nói. “Với mẹ, dạy học không phải là công việc. Dạy học là đang được sống.” BỐ TÔI MUA một ngôi nhà nhờ tiền vay dành cho quân nhân, rồi chúng tôi chuyển đến Wedgwood, một khu mới phát triển ở phía bắc Đại học Washington. Đó là một cộng đồng Seattle điển hình với đồi núi trập trùng, xanh tươi, những ngôi nhà gỗ và cây anh đào lâu năm. Xe cộ thưa thớt, các ông bố có thể chơi bóng bầu dục cùng con trai trên đường sau bữa cơm chiều. Hàng xóm hai bên nhà tôi là một tài xế xe tải và một cặp vợ chồng chủ nhà hàng người Pháp. Ngôi nhà hai tầng, ba phòng ngủ của chúng tôi có ván lợp màu xám đậm, mái nhọn cùng một bãi cỏ nhỏ trước nhà và một mảnh sân sau vừa đủ lớn. Chúng tôi cũng có một tầng hầm là nơi bộc lộ sở thích của các thành viên trong gia đình. Một bên là máy giặt; đối diện là phòng thí nghiệm hóa học của tôi khi lớn hơn; dọc theo mặt thứ ba của tầng hầm là xưởng làm việc của bố, trên tường gắn một chiếc bảng đục lỗ treo đầy dụng cụ. Núi sách văn chương của mẹ nằm chật cứng trên những kệ sách giáo trình ngoại cỡ, tràn xuống sàn nhà bên cạnh những chồng tạp chí New Yorker. Chỗ này càng quá tải hơn khi mẹ đảm nhận nhiệm vụ định giá các cuốn sách tại cửa hàng tiết kiệm Wise Penny, mỗi lần về nhà mẹ đều mang theo một phần của kho sách. Mẹ tôi đọc tất cả mọi thứ, từ tác phẩm kinh điển đến tiểu thuyết thời thượng: Bellow và Balzac, Jane Austen và Chinua Achebe, Nadine Gordimer và Lin Yü-t’ang. Mớ lộn xộn dưới tầng hầm đó là ngoại lệ trong công tác quản gia hoàn hảo của mẹ. Mẹ cứ hứa lần hứa lữa sẽ dọn dẹp chỗ đó nhưng chẳng nỡ vứt bỏ dù chỉ một cuốn National Geographic (tạm dịch: Địa lý quốc gia). Vậy mà bố tôi có thể buộc mẹ nhượng bộ một lần. Số là một đêm nọ, mẹ phải đánh thức bố vì quá sợ không thể đi vào nhà tắm một mình, và bố đã đưa ra luật: không được đọc truyện ma nữa. Trước khi đi nhà trẻ, tôi đã tự đọc sách trôi chảy. Tôi còn nhớ trong lúc đọc lướt qua một quyển truyện tranh vỡ lòng nào đó, trang sách bỗng trở nên rõ ràng và các con chữ đột nhiên có nghĩa. Không lâu sau đó, nhân dịp Giáng sinh, tôi được tặng một cuốn sách ảnh ngoại cỡ chứa mọi thứ mà một đứa trẻ lên bốn luôn muốn biết về máy đào, máy cày, máy xúc và xe cứu hỏa. Tôi đọc cuốn sách đó mỗi ngày. Thấy tôi thích thú như vậy, mẹ đã nhờ một người bạn giảng cho tôi về động cơ hơi nước. Nó không quá nặng tính kỹ thuật, nhưng tôi đã có được ý niệm đầu tiên về bánh răng, dây cua-roa và tất cả những thứ ẩn chứa bên trong đã thổi hồn sống vào cỗ máy vô tri. Cuốn sách đã mở ra một chân trời mới cho tôi. Ít lâu sau, tôi liền nài nỉ xin mẹ mua thêm một cuốn về động cơ xăng. Về sau, tôi chuyển sang tua-bin hơi nước, cuối cùng là nhà máy điện hạt nhân và động cơ tên lửa. Tôi nghiền ngẫm từng cuốn một, không hiểu hết tất cả chi tiết nhưng học hỏi vừa đủ để khiến tôi thỏa mãn. Ở một mức độ cơ bản nào đó, phép màu đã trở thành điều hợp lý. Tôi bắt đầu hiểu cách vận hành của những thứ này. KHI LÊN BA, tôi theo học trường mầm non âm nhạc của cô Perkins dưới chân đồi và làm đảo lộn cuộc sống của cô. Tôi ghét phải đứng yên trong hàng. Nếu tìm thấy một cuốn sách ảnh hay, tôi sẽ không chịu ăn xúp dù đã tới giờ ăn. Tôi chuyển sang trường Ravenna với tư cách trẻ tự học, một đứa lì lợm vô phép tắc. Ở nhà trẻ, theo sổ liên lạc, tôi cần “cố gắng hơn nữa” trong việc quan sát kỷ luật ở trường lớp và tuân thủ những buổi diễn tập cứu hỏa. Năm học lớp mầm, tôi và mấy đứa con trai khác tìm thấy một vòng tròn kim loại lớn trong phòng cất quần áo. Bọn tôi chẳng biết nó để làm gì, và thách nhau vặn nó mỗi ngày một ít. Một buổi sáng nọ tôi nói: “Chơi tới luôn đi,” rồi vặn hết cỡ. Đó là một ngày tăm tối của trường Ravenna. Bồn rửa ứ nghẹt; bồn cầu không xả được nước; vòi nước uống thì cạn khô. Chén dĩa bẩn chất đống trong căng-tin. Tôi đã khóa van nước chính của cả tòa nhà, và chẳng ai có thể tìm thấy bản vẽ của hệ thống ống nước từ thời năm 1920. Trường buộc phải cho học sinh về sớm. Sáng hôm sau, Phó Hiệu trưởng đến lớp tôi và hỏi: “Trò nào đã khóa van nước trong phòng đựng quần áo?” Tôi chầm chậm giơ tay lên và nói: “Dạ thưa, em ạ.” Tôi nghĩ thầy rất ngạc nhiên khi thấy có người thú nhận. Đôi khi tôi cũng hơi đãng trí. Một buổi chiều nọ, tôi đặt một cuốn sách xuống chỗ đang ngồi trước trận đấu bóng mềm rồi thơ thẩn về nhà và quên béng nó. Hôm sau, thầy hiệu trưởng gọi tôi vào phòng và hỏi: “Paul, tại sao em lại đốt sách toán của mình?” Dĩ nhiên không phải tôi rồi; chắc chắn là một đứa nào ghét làm phép chia dài đã tìm thấy cuốn sách và đốt nó. Dù tôi không thừa nhận, thầy hiệu trưởng vẫn quyết gọi cho mẹ tôi. Mẹ tới trường, tuyên bố với thái độ nghiêm túc: “Ở nhà chúng tôi, ai cũng yêu sách. Con trai tôi sẽ không bao giờ đốt sách.” Chuyện thế là chấm dứt. Tôi biết mình luôn có thể tin tưởng vào sự ủng hộ của mẹ. Sáng nào mẹ cũng tiễn tôi đi học với lời dặn dò như những bà mẹ Spartra tiễn con trai ra trận: “Hãy cầm chắc khiên trên tay và tiến về phía trước nhé!” Nghe xong câu đó, tôi bước ra cửa thêm phần hiên ngang. BỐ TÔI có nhiều nét giống tài tử John Wayne: to lớn, mạnh mẽ, cao 1m9, một người đàn ông kiệm lời hào hiệp và rất trọng danh dự. Bố nghiêm khắc, thẳng thắn và thận trọng, mọi việc bố làm đều có lý do rõ ràng. “Dưới vẻ ngoài khô khan là một tấm lòng bao dung,” tôi đã viết như vậy trong cuốn nhật ký thời trung học. “Bố tin vào lẽ sống đúng đắn trên đời.” Nhưng bố cũng có thể khiến chúng tôi bất ngờ. Một dịp Halloween nọ, khi tôi và em gái vừa trở về nhà sau trò “cho kẹo hay bị ghẹo”, một hình thù dữ tợn trùm ga trải giường trắng toát, đeo mặt nạ châu Phi nhảy xộc về phía chúng tôi và gào rú điên cuồng. Chúng tôi sợ chết khiếp, vừa la hét vừa chạy tót vào nhà. Hai ngày sau, tôi sững sờ khi mẹ tiết lộ đó là ai. Lúc tám tuổi, tôi vẽ cho bố một bức chân dung bằng bút chì sáp: một tay bố cầm cờ-lê, túi áo vắt theo cây tuốc-nơ-vít: Bố là típ người hành động, không phải típ người chỉ nói suông. Khi sống với một người ít nói, lâu dần bạn sẽ dựa vào trực giác và ngôn ngữ cơ thể. Tôi luôn biết khi nào bố không hài lòng về điều gì đó. Cứ đúng 6 giờ tối, gia đình tôi lại quây quần bên bàn ăn. Có một dạo, chúng tôi mang sách lên bàn ăn, nhưng rồi bị cấm vì mẹ con tôi sẽ vừa ăn vừa đọc trong khi bố lặng lẽ ngồi ăn bít-tết. (Vì trưởng thành trong giai đoạn Đại Khủng hoảng, bố thích ăn thịt thăn bò ít nhất hai lần mỗi tuần). Nói theo cách nhẹ nhàng, bố sẽ giải quyết mọi vấn đề bằng ngữ điệu mà tôi gọi là “giọng ra lệnh”. Bố không bao giờ du di hay chấp nhận cớ này cớ nọ, hễ con cái đã chấp nhận về nhà vào giờ nào thì phải về đúng giờ đó. Bố âm thầm khép chúng tôi vào kỷ luật, dạy chúng tôi biết kính trọng mọi người và luôn giữ lời hứa. Bố chưa bao giờ đánh đòn chúng tôi. Có một, hai lần bố định dùng thắt lưng đánh tôi, nhưng tôi đã thoát được nhờ hứa sẽ ngoan ngoãn nghe lời. Mẹ tôi thì khác, mẹ là một người mềm lòng và dễ xúc động. Một buổi tối nọ, tôi xin mẹ làm món bắp rang bơ, mẹ đồng ý với điều kiện tôi phải dọn căn phòng bừa bãi của mình, một lời hứa mà tôi mãi chưa thực hiện. Sáng hôm sau, căn phòng bừa bộn y như cũ, mẹ xông vào phòng với một ống bắp rang Jolly Time đã mở nắp, quăng những hạt bắp cứng vào người tôi, rồi bật khóc: “Con nói nhưng không bao giờ làm!” Tôi cảm thấy tội lỗi, nhưng việc dọn dẹp phòng ốc của tôi cũng chẳng cải thiện gì. Một lần khác, tôi về nhà trễ hai tiếng so với giờ quy định, mẹ liền nổi trận lôi đình. Lúc đó, tôi còn nhỏ nên mẹ có thể dốc ngược hai chân tôi rồi treo tòng teng và nạt: “Không bao giờ được đi chơi mà chưa xin phép bố mẹ nghe chưa!” Tôi vẫn còn trông thấy mấy đồng 25 xu và 10 xu rơi từ trong túi quần rồi rớt xuống sàn nhà kêu leng keng. Mẹ tôi bẩm sinh là người quảng giao, mẹ có thể trò chuyện với bà bán rau suốt 10 phút. Nhưng mẹ có một ông chồng không thích xã giao, số lần bố mẹ tôi mời vợ chồng người ta tới nhà làm khách có thể đếm trên đầu ngón tay. Họ tới một lần, rồi lần thứ hai, và không quay trở lại. Mẹ luôn cố gắng mời hội chị em đến nhà dùng trà chiều và tổ chức một câu lạc bộ sách, nơi mẹ có thể lắng nghe và trò chuyện bằng cả tấm lòng. NĂM 1960, bố tôi trở thành Phó Giám đốc thư viện của Đại học Washington, đứng vị trí số hai trong hệ thống thư viện lớn nhất vùng Tây Bắc. Đến lúc chọn giám đốc mới, hội đồng Đại học Washington đã bỏ qua bố tôi và chọn một người đến từ Đại học Texas có nhiều bằng cấp hơn. Khi bố về nhà lúc 5 rưỡi chiều, tôi hỏi thăm về ngày hôm đó, bố vẫn đáp như mọi lần: “Tốt!” Rồi bố đi ra vườn; ông là người rất biết cách thư giãn. Dường như ông hạnh phúc nhất khi ở giữa những chậu bon sai, đỗ quyên và cây thông Noel do chính tay mình ghép, hiện nó đã cao gần 18 mét. Bố bắt đầu làm vườn ở sân sau rồi mở rộng ra sân trước, cho đến khi chẳng còn mảng cỏ nào để cắt – một niềm hạnh phúc của tôi, vì tôi bị dị ứng với phấn cỏ. Mỗi sáng Chủ nhật, bố chở tôi đến nhà trẻ, rồi chúng tôi trở về nhà với một cây phong Nhật Bản và một ổ bánh táo nướng mới ra lò. Bố và tôi thân thiết nhất là lúc cùng nhau đi câu cá. Trong một chuyến đi du lịch Duyên hải Thái Bình Dương, tôi câu được một con cá hồi vua nặng 11kg, bố sợ tôi bị kéo xuống tàu nên phải ôm chặt tôi. Mỗi năm đến hè, gia đình tôi lại đi nghỉ mát một tuần ở khu nghỉ dưỡng Twin Lakes, nhiệm vụ của tôi là làm sạch cá hồi trước khi nó bị đưa vào chảo trên bếp lò đốt củi. Rồi cả nhà sẽ chơi bài pinocle đến tận khuya. Bố tôi có sở thích đa dạng nhưng có chọn lọc; suốt cuộc đời, ông chỉ chuyên nghiên cứu khoảng năm hay sáu trò tiêu khiển. Bố giúp tôi biết đến nghệ sĩ saxophone Stan Getz và nghệ sĩ guitar Andrés Segovia, về nghệ thuật Ấn Độ tại Bảo tàng Burke. Bố kết bạn với một họa sĩ theo trường phái hiện đại ở địa phương, chiếc ghế yêu thích của bố trong phòng khách được đặt bên dưới bức ảnh vị vua cầm cành hoa của danh họa Rouault. Ở tuổi trung niên, bố trở thành người sành sỏi về tranh phù thế Nhật Bản và gốm tráng men ngọc bích Trung Hoa. Bố đi thơ thẩn trong một cửa hàng, cầm một chiếc bình mong manh nào đó lên, xoay đi xoay lại rồi thì thầm “Đẹp thật!” Bố gửi lại món đồ cho chủ cửa hàng rồi sáu tháng sau sẽ trở lại mua nếu giá không quá đắt. Trong khi mẹ tôi đọc một lèo hết năm cuốn sách từ bốn châu lục, thì bố tốn hàng tháng trời để nghiền ngẫm xong cuốn The Rise and Fall of the Third Reich (Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế Thứ ba) hay cuốn The Guns of August (tạm dịch: Những tay súng tháng Tám). Bố tiếp tục đọc về Thế chiến II như thể muốn giải mã nó. Bố say mê chủ đề này từ thời còn là trung úy trong Đại đội trạm tiếp tế hậu cần 501 ở Pháp và Đức, và nó vẫn khiến bố xúc động. Mẹ kể ngày xưa bố là người hoạt ngôn, sôi nổi, nhưng sau khi từ nước ngoài trở về với tấm Huy chương Sao Đồng và ký ức về một người bạn đã hy sinh, bố liền thay đổi. Lần đầu tiên khi bố hỏi lớn lên tôi muốn làm gì, khi đó tôi hãy còn rất nhỏ. Đó là cách bố truyền lại cho tôi tinh hoa trí tuệ: “Khi con lớn lên và đi làm, hãy làm điều con thích. Dù làm gì đi nữa, con cũng nên yêu thích công việc ấy.” Bố nhắc đi nhắc lại điều nay với tôi bằng giọng đầy thuyết phục. Về sau, tôi đã hiểu điều bố muốn nhắn nhủ: Hãy làm như bố nói, chứ đừng làm như bố làm. Mãi sau này, mẹ mới kể với tôi rằng bố luôn dằn vặt vì lựa chọn nghề nghiệp của mình. Bố nghĩ nếu lúc trước làm huấn luyện viên bóng bầu dục thì bây giờ sẽ hạnh phúc hơn làm quản lý thư viện, nhưng cuối cùng bố đã chọn con đường an toàn và thực tế – một công việc hành chính dưới ánh đèn huỳnh quang. Rất nhiều người cùng thời với bố cũng làm như vậy. Nhưng bố hy vọng tôi có thể chọn con đường tốt hơn. MỤC TIÊU CHÍNH THỨC của Hội chợ Quốc tế Seattle năm 1962 là khuyến khích các thanh niên theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Còn mục tiêu ngoài lề là chứng minh rằng Mỹ đã bắt kịp Liên Xô về mặt kỹ thuật và cuộc chạy đua vào vũ trụ. Nhưng với tôi, một cậu nhóc 9 tuổi vừa phát hiện ra truyện khoa học viễn tưởng, thì Triển lãm ảnh Thế giới Thế kỷ XXI (theo tên gọi chính thức của nó) xoay quanh chủ đề yêu thích nhất của tôi: tương lai. Cứ như thể tôi mở mắt thức dậy và trông thấy những ý tưởng kỳ quái nhất của mình đã trở thành sự thật và chúng chỉ nằm cách nhà tôi hơn 6km. Nhìn thấy khu hội chợ đang dần thành hình, tôi còn nôn nao hơn lúc chờ đón Giáng sinh. Tôi ngắm nhìn những phương tiện giao thông của tương lai, tàu điện một ray màu trắng lấp lánh lướt trên đường ray dài 1,6km. Cùng với kiến trúc của tương lai, tháp Space Needle, lúc bấy giờ là tòa nhà cao nhất miền Tây Mississippi, trên đỉnh tháp là nhà hàng xoay trông hệt như một chiếc chảo bay. Ngay khi hội chợ vừa khai mạc, mẹ liền dắt Jody và tôi đến tham quan lần đầu. Hôm đó, tôi có chụp một tấm ảnh, đầu đội chiếc mũ cao su yêu thích có vành che tai, tôi đã đội nó suốt hai năm cho đến khi nó bị chảy trên lò sưởi. Trông tôi vui đến quên trời đất. Chúng tôi ở đó từ 9 giờ sáng đến tận 9 giờ tối, dư dả thời gian cho mẹ và em tôi dạo chơi thơ thẩn ở khu đất rộng lớn này. Nhưng tôi thì không bước chân ra khỏi khu vực khoa học. Sau khi thám hiểm khắp dải Ngân hà trong rạp chiếu phim Spacearium, tôi tìm thấy một tàu vũ trụ thuộc Dự án Sao Thủy của NASA, chiếc tàu đã đưa Alan Shepard, người Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ. Tôi đến gần để nhìn thật kỹ cuộn Tesla bắn ra những tia điện màu tím dài 6m. Trước đám đông hàng nghìn người, một “phi hành gia” đeo sau lưng động cơ phản lực (jet belt) đã cất cánh khỏi mặt đất trong tiếng máy rít gào, ông đã bay xa 90m ở độ cao 12m, như nhân vật bước ra từ tiểu thuyết của Robert Heinlein. Hôm ấy, ranh giới giữa hiện tại và tương lai dường như đã bị xóa nhòa. Vấn đề chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Cuối cùng, mẹ cũng đến đón tôi và dẫn anh em tôi đến khu Thế giới Tương lai và Bubbleator, chiếc thang máy hình cầu trong suốt. (Tôi rất thích Bubbleator, chỉ mỗi ý tưởng về Bubbleator mà thôi). Tại Quầy Ẩm thực, tôi thử món tôm tempura, chính là tôm xiên que sốt thơm, và lần đầu tiên thưởng thức bánh tổ ong kiểu Bỉ, đây có lẽ là món ăn lạ nhất và ngon nhất mà tôi từng ăn. Bạn có thể nhìn rõ chiếc bánh này trong bộ phim It Happened at the World’s Fair (tạm dịch: Chuyện ở Hội chợ quốc tế) của Elvis Presley: miếng bánh to bản, vuông vức, giòn tan, ngập kem sữa béo, trên cùng phủ những lát dâu tây và bột đường. Từ đó tới nay, tôi đã đến Bỉ vài lần, nhưng chưa từng được thưởng thức miếng bánh nào ngon như thế. Tối hôm đó trên đường trở về, tôi vẫn tỉnh như sáo, mắt mở thao láo. Ở bãi đậu xe, chúng tôi còn gặp chuyện thú vị hơn. Một chiếc Volkswagen đậu ngay sau chiếc Buick của nhà tôi và chặn mất đường lui. Bỗng nhiên từ đâu xuất hiện hai chú thợ đốn gỗ lực lưỡng đến hỗ trợ với phong cách thế kỷ XIX khiến mẹ tôi bối rối. Họ nhấc bổng chiếc xe Con Bọ nhỏ bé rồi đặt nó sang một bên, sau đó chúng tôi lái xe về nhà. BÂY GIỜ NGẪM LẠI, từ nhỏ tôi đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ khi tiếp xúc với khoa học. Tôi có thể đi đến những khu nhà mở cửa vào cuối tuần tại phòng thí nghiệm của trường đại học, nơi các giáo sư và sinh viên trình diễn những thí nghiệm mới nhất của họ. Trong một lần gia đình tôi đến thăm trường UCLA, nơi cô tôi làm việc, tôi được học cách chế tạo kim cương tổng hợp và xem cách máy đo địa chấn có thể ghi nhận các trận động đất. Willard Libby, người phát minh ra phương pháp xác định niên đại bằng các-bon, rót khí ni-tơ lỏng lên bàn tay tôi, nhưng tôi không hề bị bỏng lạnh. Chú Libby giải thích đó là vì một lớp khí bốc hơi mỏng đã bao bọc mỗi giọt chất lỏng trên da tôi. Có một dạo, khoảng năm lớp 4, hóa học trở thành sở thích lớn nhất của tôi. Tại tiệm đồ cũ St. Vincent de Paul, tôi tậu những bộ dụng cụ cũ với giá 50 xu. Chẳng mấy chốc, kệ trong phòng thí nghiệm tầng hầm của tôi chất đầy ly bê-se, ống nghiệm và lọ đựng hóa chất đủ màu sặc sỡ. Đó là một thú vui hay ho và mang tính giáo dục cho đến cái ngày tôi suýt hại chết thú cưng của cả nhà. Jett Black Allen là một chú cún nghịch ngợm thuộc giống chó sục Manchester, hoàng tử của các loài chó: thông minh, nhạy bén, thích lấy lòng chủ. Bố tôi không thể cưỡng lại việc chia bữa tối cho nó, còn cẩn thật cắt bít-tết thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Trước đây ở Anh, giống Manchester được nuôi để bắt chuột, nên chúng rất nhanh nhẹn; hễ bố tôi ngừng cho ăn là Jett lại nhảy cẫng lên xin thêm. Ban đầu thấy nó lấp ló bên mép bàn cũng vui, nhưng sau một thời gian, chúng tôi lấy làm mệt mỏi, thế là tới giờ ăn, Jett bị nhốt xuống tầng hầm. Một ngày nọ, khi tôi đang chế tạo máy tạo khí clo bằng thuốc tẩy Clorox, thì mẹ gọi lên ăn cơm. Giữa bữa ăn, đột nhiên chúng tôi nghe thấy âm thanh lạ, vừa giống tiếng hắt hơi, vừa giống tiếng khò khè khi ngạt thở. Tiếng gì thế nhỉ? Cả nhà tiếp tục ăn uống và trò chuyện, âm thanh đó lại vang lên to hơn, rõ ràng đến từ bên dưới cầu thang. Tôi theo bố xuống tầng hầm, bố mở tung cửa. Jett đứng ngay đó, run rẩy trên mấy bậc thang. Cảnh tượng bên dưới trông như buổi sáng mù sương trên đỉnh Okefenokee, một lớp khí màu vàng xanh dày 6 tấc phủ khắp nền nhà. Jett rất thông minh khi tránh lớp khí độc xa nhất có thể. Khi mở toang cửa sổ tầng hầm để xua tan khí độc, bố nói: “Con làm thí nghiệm thì phải cẩn thận hơn nghe Paul.” Nhưng tôi cũng nhận ra được điều mà bố không nói thành lời: Bố chưa từng bắt tôi ngừng lại. Ở nhà Allen, trẻ con được đối xử như người trưởng thành. Chúng tôi muốn thử làm điều gì, bố mẹ đều khuyến khích. Bố mẹ cho chúng tôi tiếp cận với nhạc của Bach, nhạc jazz và điệu flamenco, nhưng còn hơn thế. Bố mẹ tôn trọng chúng tôi, xem chúng tôi là những cá nhân độc lập đang cần tìm kiếm vị trí của mình trên thế giới này. CHẲNG BAO LÂU SAU, tôi bắt đầu mua sách tự học lắp ráp mạch điện: bộ khuếch đại, máy thu tín hiệu radio, đèn tín hiệu. Đi đâu tôi cũng vác theo chiếc hộp giày cũ đựng pin, bóng đèn, công tắc, mấy món lặt vặt trong những dự án dang dở của tôi. Lên lớp 5, tôi đọc tất cả những cuốn sách khoa học có thể tìm thấy, cùng những ấn phẩm giới hạn củaPopular Mechanics mà tôi tha từ thư viện trường về nhà, để có thể đọc một lèo 10-12 kỳ. Bìa tạp chí thường in hình xe hơi hay người máy của tương lai. Xu hướng thời bấy giờ là dự đoán về tương lai và công nghệ, một vài điều sau này đã trở thành hiện thực. Năm lớp 6, tôi chuyển sang điện tử, môn này còn vui hơn nhiều vì tôi đã tìm được người cùng chung chí hướng đầu tiên. Doug Fullmer, bạn học cùng lớp của tôi, đeo kính gọng sừng nặng trịch, nhà nằm cách nhau nửa dãy đồi. Chúng tôi đều thuộc típ người có thể nói chuyện về vật lý và thiên văn học suốt vài tiếng đồng hồ. Sống trong giai đoạn giao thời giữa một bên là thế giới analog và một bên là kỷ nguyên kỹ thuật số sắp nhấn chìm nó, chúng tôi chẳng thể học cái nào cho trọn vẹn. Khi bố mua cho tôi một bộ phát điện Van de Graaff, tôi và Doug, kỹ sư điện tử tại Raytheon trong tương lai, đều rất hào hứng. Nó có một mô-tơ chạy bằng dây cu-roa tạo ra hiện tượng tĩnh điện trên quả cầu bằng nhôm, đủ để phóng ra tia điện dài 5cm. Hoặc bạn có thể đặt tay lên quả cầu để cho tóc dựng đứng hết lên. Tôi từng trải qua nhiều phen vật vã vì phương pháp thử và sai của mình; có lần tôi suýt bị điện giật chết khi cầm cả hai đầu máy biến thế cùng một lúc. Cơ bắp tôi căng cứng trong 10 giây liên tục, khó khăn lắm mới có thể dứt ra, đó là lần đầu tiên tôi có trải nghiệm cận kề cái chết. Nhưng tôi vẫn thích điện vì công dụng của nó là vô hạn, và bạn chẳng cần đến sách hướng dẫn để chế tạo ra một thứ mới mẻ. Chẳng mấy chốc, mấy lọ đựng hóa chất của tôi đã phủ đầy bụi. Trong đám con trai, tôi học giỏi nhất, nhưng vẫn còn thua Stephanie Hazle vì tôi chỉ đạt điểm B môn thể dục và chính tả, còn cô ấy thì toàn điểm A. Tôi là tay vi-ô-lông ngồi hàng 3, còn Stephanie ngồi hàng đầu, và cô ấy kênh kiệu lắm. Stephanie thông minh và siêu tự tin, nhưng tôi thì cho rằng cô ấy là kẻ hẹp hòi. Một bữa nọ, tôi đem cái máy biến thế tăng áp thô sơ tới trường. Cả lớp xếp hàng để được cầm vào đầu nối điện để trần, lũ nhóc cười khúc khích mỗi khi cảm giác bị luồng điện giật tê tê. Tới lượt Stephanie, tôi dịch chuyển một sợi dây làm tăng điện áp lên gấp 5 lần. Tôi biết nó vô hại, vì dòng điện chỉ kéo dài vỏn vẹn một giây. Nhưng nó đủ mạnh để khiến Stephanie hét toáng lên và bị thầy giáo quở trách. Ai nấy đều thích thú. Cớ sao cô ấy lại làm ầm lên? Gần như ngay lập tức, cảm giác tội lỗi đã lấn át sự khoái chí của tôi và cứ thế kéo dài rất lâu sau đó. Mỗi lần nghĩ lại chuyện này, tôi vẫn thấy áy náy. SỨC MẠNH của thiên nhiên luôn khơi gợi trí tò mò của tôi. Tôi mê mẩn ngồi nghe mẹ kể về cái lần bố mẹ vượt mặt một cơn lốc xoáy tại Đại học Oklahoma, nơi bố tôi theo học và lấy bằng cử nhân sau chiến tranh. Mẹ muốn bố đậu xe bên cạnh rãnh nước dưới một cái cây to, nhưng bố cứ đạp ga rồi phóng xe một mạch tới Anadarko. Sau này khi họ quay về trường đại học, cái cây to đó đã biến mất. Năm lớp 6, một ngày nọ, tôi đang ngồi tập luyện cùng dàn nhạc trong phòng học tạm thì bỗng thấy có điều gì đó rất kỳ lạ xảy ra. Những chùm đèn treo lủng lẳng từ trần nhà bằng dây cáp đang đung đưa như một con lắc. Cô giáo vẫn tập trung vào bảng dàn bè, cuối cùng cô ngước lên và hô to: “Mọi người ra khỏi phòng ngay!” Tôi chạy ù ra sân chơi, tay vẫn cầm chặt cây đàn violin, và nhìn thấy nhựa đường nhấp nhô như sóng trên đại dương. Thật kỳ quái! Tôi nghĩ. Về sau, tôi nghe kể rằng trận động đất đó lên tới hơn 6,5 độ Richter. Người ta đồn rằng đỉnh của tòa tháp Space Needle dao động với biên độ hơn 4,5m, mạnh đến nỗi nước trong bồn cầu của nhà hàng văng tung tóe ra ngoài. Tôi có một cuốn catalog quà tặng Giáng sinh của Sear từ năm 1960, khi tôi sắp tròn 8 tuổi. Nó đầy ắp những món quà khiến nhịp tim của một cậu bé tăng nhanh: một bộ trống bongo; một chiếc kính hiển vi dành cho học sinh để “tiết lộ về thế giới vô hình”; một bộ xe lửa đồ chơi Lionel 7 toa chạy bằng điện, kèm theo “tên lửa điều khiển” để bắn tung toa chở hàng. Với 17,98 đô-la, bạn có thể mua một bộ lắp ráp Brainiac K-30, một “bộ não cơ khí” biết “tính toán, suy luận, làm toán số học và logic… giải đố… chơi game… giải mã – và nhiều hơn thế nữa”. Nhờ đọc tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, tôi biết về những cỗ máy được gọi là máy tính có khả năng thực hiện những điều kỳ diệu. Nhưng tất cả đều mơ hồ cho đến khi tôi 11 tuổi. Để thưởng công tôi đã ngoan ngoãn đi khám nha sĩ, mẹ dẫn tôi đến hiệu sách trường đại học. Lướt qua quầy truyện phiêu lưu, nơi tôi đã sớm đọc hết mấy cuốn như Tow Swift and His Flying Lab (tạm dịch: Tom Swift và phòng thí nghiệm biết bay), tôi chọn một cuốn đại cương về máy tính. Sử dụng những thuật ngữ đơn giản nhất, nó giải thích về mạch ổn định kép (bi-stable circuit) cơ bản, kèm theo hình minh họa là một đa hài ổn định kép (flip-flop) đóng mở qua lại giữa hai bóng bán dẫn. Trong công nghệ analog, việc tăng cường đầu vào sẽ khuếch đại đầu ra, rất giống với việc tăng dòng chảy từ một vòi nước. Nhưng với một thiết bị kỹ thuật số thật sự, trạng thái của mạch đa hài ổn định kép chỉ là 1 hoặc 0, đóng hoặc mở. Cuốn sách đó đã xua tan mây mù về máy tính và bắt đầu dạy tôi nguyên lý vận hành thật sự của chúng. Nhiều năm sau, tôi cùng Doug đến dự một hội nghị khoa học tại Seattle Center, trước đây là nơi tổ chức hội chợ quốc tế, tôi đã giúp cậu ấy chế tạo một người máy có bánh xe được kích hoạt bằng ánh sáng mà chúng tôi đặt tên là Electronic Paramecium. Trông nó giống một R2-D23 phiên bản đơn giản, dù rất lâu nữa bộ phim Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) mới ra đời. Dù người máy này chẳng bao giờ hoạt động tử tế, nhưng ý nghĩ rằng chúng tôi có thể chế tạo một thứ tinh vi hào hứng hơn cả chính công việc đó. Trải qua lần này, cảm giác của tôi về tính khả thi của máy tính càng thêm mở rộng. 3 Tên nhân vật robot trong phim Star Wars. (BTV) QUAY LẠI TRƯỜNG ST. VINCENT DE PAUL, Doug và tôi lang thang tìm kiếm những chiếc tivi còn tốt nhưng bị vỡ bóng chân không. Chúng tôi tháo rời từng bóng rồi thay bằng phụ tùng mà mình đã mua với giá một đô-la. Nếu gặp tivi hỏng nặng không thể sửa, tôi sẽ dùng mỏ hàn để “rã” lấy linh kiện. (Công việc này có thể rất nguy hiểm. Một lần nọ, tôi nghe có tiếng xèo xèo bên tai, bèn cúi xuống thì thấy một giọt kim loại nóng chảy đang làm thủng một lỗ trên đầu gối tôi). Chúng tôi cũng có một vài bộ radio đèn (tube radio) cỡ bằng lò nướng hoạt động tốt, tôi thường dò đài địa phương để nghe nhạc rock ‘n’ roll hay R&B. Những chiếc radio từ thời cuối thập niên 1940 đó đã trở thành cánh cửa đưa tôi đến với âm nhạc đại chúng. Giáng sinh năm 1964, bố mẹ tặng tôi một chiếc máy Sony 3 bóng bán dẫn, linh kiện mạch bán dẫn đầu tiên của tôi – nhỏ gọn đến bất ngờ, cỡ bằng bao thuốc lá. Tôi là kiểu người thích tháo tung mọi thứ để xem cách chúng hoạt động. Lúc tháo nắp sau của chiếc radio để lắp pin, tôi mải mê nhìn ngắm những điện trở và tụ điện tí hon, rồi tự nhủ, Chao ôi, mình phải học cái này mới được. Bên trong chiếc máy ẩn chứa một bí mật; tôi cảm thấy như bị cuốn vào một cuộc điều tra. Chỉ cần có thể thu thập đủ manh mối, chắc chắn tôi sẽ tìm ra chân tướng. Không lâu sau, Doug giới thiệu với tôi về mạch tích hợp với bóng bán dẫn được gắn bên trong chip. Tôi đã đọc về ngành công nghiệp chất bán dẫn mới xuất hiện, và câu chuyện Jack Kilby của công ty Texas Instruments đã trình diễn bản mạch tích hợp hoạt động đầu tiên như thế nào vào năm 1958. Ngay cả như vậy, việc cầm nó trong lòng bàn tay lại là một cảm giác hoàn toàn khác, tất cả sức mạnh điện tử đó đều được chứa đựng bên trong một vật thể bé xíu. Khi đó, tuy chưa biết tới điều này, nhưng tôi đã bắt đầu đi theo con đường mà Định luật Moore tiên đoán. Chương 3TRƯỜNG LAKESIDE Lakeside là trường tư thục danh giá nhất ở Seattle, còn tôi chẳng mấy hứng thú với nó. Mấy đứa bạn mà tôi cứ nghĩ sẽ học cùng trường Ravenna với tôi đã chuyển sang lớp 7 của trường Eckstein, một trường công gần đó. Tệ hơn nữa, trường Lakeside chỉ toàn nam sinh, một viễn cảnh quá tàn nhẫn đối với một cậu nhóc 12 tuổi. Nhưng khi bố mẹ nghe nói tôi đã dành hầu hết năm lớp 6 để ngồi cuối lớp và tự đọc sách, họ đã quyết định rằng tôi cần chuyển đến một môi trường thử thách hơn. Bố mẹ sẽ phải thắt lưng buộc bụng để trả mức học phí 1.335 đô-la của trường Lakeside – một khoản kếch xù đối với một gia đình trung lưu thời bấy giờ. Nhưng bố mẹ mong tôi có được những cơ hội mà họ đã bỏ lỡ hồi còn ở Oklahoma. “Sao con phải học trường tư thục hả mẹ?” Tôi cứ hỏi mãi. “Vì con sẽ được học nhiều hơn,” mẹ tôi đáp. “Và sẽ có nhiều bạn thông minh ở đó. Việc đó sẽ tốt cho con.” Bài kiểm tra đầu vào của trường Lakeside nổi tiếng khó nhằn. Tôi quyết định sẽ cố tình thi rớt, thế là xong. Đó là một kế hoạch hoàn mỹ cho đến khi tôi ngồi xuống làm bài thi: Bài kiểm tra trắc nghiệm với rất nhiều hình xoay ngang xoay dọc và tìm hình theo quy luật, một biến thể của bài kiểm tra IQ tiêu chuẩn. Hay đấy, tôi nghĩ, để xem mấy câu hỏi này khó đến đâu. Tôi quyết định giải phần đầu tiên để xem khả năng của mình, rồi sẽ bù vào mấy câu trả lời sai ở phần sau. Điều tiếp theo mà tôi biết là thời gian đã hết: “Các trò đặt bút xuống!” Đó là một trong những bài kiểm tra mà không ai có thể hoàn thành trọn vẹn, tôi chẳng kịp thêm vào mấy câu sai. Dù gì tôi cũng đinh ninh rằng mình sẽ không được nhận vào trường vì cơ hội quá mong manh. Kết quả là tôi trúng tuyển. Và bố mẹ tôi đã đúng. Ngôi trường này thật sự tốt cho tôi. ĐƯỢC XÂY THEO KIẾN TRÚC CỦA MỘT trường dự bị đại học ở New England, trường Lakeside gồm những tòa nhà bằng gạch cổ trên khu đất rộng 120 mét vuông gần Sân Golf Công viên Jackson ở phía bắc Seattle. Tôi bị ném vào một lớp học gồm 48 học sinh thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt: con trai chủ ngân hàng, thương gia, luật sư và giáo sư Đại học Washington. Trừ một vài ngoại lệ, số còn lại đều học cùng trường cấp hai tư thục hay quen nhau từ Câu lạc bộ Quần vợt Seattle. Hầu hết học sinh trường Lakeside đều thông minh, hơn nữa họ còn có những kỹ năng và thói quen học tập mà tôi còn thiếu. Giáo viên năng động và đòi hỏi khắt khe, họ thường xuyên dùng câu hỏi để trả lời câu hỏi. (Ngoại trừ cô Dunn, cô giáo dạy tiếng Pháp tính tình thất thường của tôi, cô đáp trả những đứa chia động từ ẩu tả bằng phấn và giẻ lau bảng). Có một dạo, tôi rất ngại giơ tay. Tôi lắng nghe phần thảo luận và tự suy ngẫm, rồi tôi sẽ phát biểu nếu không ai có ý kiến. Mãi tới cuối năm lớp 7, tôi mới quen trường quen lớp. Cuối cùng, tôi đã phối hợp ăn ý với thầy Spock, thầy dạy tiếng Anh và là em trai của Benjamin Spock, một bác sĩ nhi khoa nổi tiếng thế giới. “Trong giờ của tôi, Paul luôn là học trò sáng dạ và sâu sắc nhất,” thầy phê trong sổ liên lạc mùa xuân của tôi. Dần dà, tôi đã quen với việc bị thử thách. Trí tuệ của tôi trong 6 năm tại Lakeside phát triển nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào khác trong đời. NĂM TÔI HỌC LỚP 8, có hai sự kiện nổi bật. Trong buổi tập hợp trước trận bóng bầu dục, dưới chiếc ghế đặt hình nộm trong màu áo của đội đối thủ, tôi lắp một máy biến thế nhiệt dầu. Khi thời cơ chín muồi, máy biến thế châm ngòi dây pháo giấu sẵn bên trong cánh tay hình nộm. Trông nó như đang bị tra tấn bằng điện, đúng theo kế hoạch của tôi. Thời khắc quan trọng thứ hai là khi tôi được chọn để đọc diễn văn tốt nghiệp cho trường cấp hai Lakeside. Đó là bài diễn văn đầu tiên của tôi, và tôi đã tập luyện cật lực. Khi đứng trước toàn thể bạn học, thầy cô giáo, phụ huynh và khách mời danh dự, chân tôi có cảm giác khác lạ. Hai đầu gối va vào nhau lập cập, hệt như trong phim hoạt hình. Lúc bấy giờ là năm 1967, trí thông minh nhân tạo đang là chủ đề nóng hổi trong các tiểu thuyết khoa học. Tôi đã đọc I, Robot (tạm dịch: Tôi là người máy) của Asimov với Luật thứ nhất của Người máy (“Người máy không thể làm hại con người hoặc khoanh tay đứng nhìn một người bị hại”), và Colossus, một cuốn tiểu thuyết của Anh năm 1966 kể về một siêu máy tính xấu xa âm mưu thống trị thế giới. Báo chí thời đó tràn ngập những dòng tít như “Máy tính chiếm thế thượng phong” hay “Chính phủ tự động hóa đang ở đây”. Tôi bắt đầu bài diễn văn bằng lời hoan nghênh “kỷ nguyên máy tính” và một tương lai “tươi sáng hứa hẹn nhiều sản phẩm thậm chí còn ưu việt hơn”. Sau khi thừa nhận nỗi ám ảnh rằng một ngày kia, máy tính sẽ thay thế công nhân trên dây chuyền lắp ráp, tôi tỏ lòng khâm phục trước “khả năng kỳ diệu” của máy tính trong toán học, cùng ứng dụng của chúng trong lĩnh vực ngân hàng, dược phẩm và quân sự. Tôi chỉ ra rằng những chiếc máy thăm dò Mặt trăng của Mỹ thực chất là những người máy điều khiển bằng máy tính. Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý đến những điều mà máy tính không thể làm được: “Chúng không thể tạo ra ý tưởng nguyên bản. Chúng không thể vượt quá khả năng được lập trình…” Phải chăng người máy biết suy nghĩ sắp xuất hiện rồi ư? Tôi kết thúc bằng một lời tiên đoán: “Trong 50 tới, người máy với năng lực tế bào não tương đối lớn sẽ trở thành hiện thực trong tầm tay.” Ngày nay nhìn lại, có vẻ như tôi đã quá lạc quan. Sắp bước sang thềm năm 2017, nhưng máy móc vẫn chưa thể thực hiện được những khả năng phức tạp vô hạn của bộ não con người. Gần đây, khi đọc lại bài diễn văn đó, tôi bỗng nhớ lại hình ảnh một cậu bé say mê máy tính nhưng chẳng có mấy kiến thức thực tiễn ngoài mạch đa hài ổn định kép. Tất cả những gì tôi biết đều là thông tin thứ cấp từ sách vở. Ở thời đại mà tôi lớn lên, ngoài những trường đại học danh tiếng hay các tập đoàn lớn, rất ít người từng trông thấy một chiếc máy tính chân chính. Thật khó có thể tưởng tượng rằng tôi đã từng đặt tay lên nó. NGOÀI MẶT, LAKESIDE trông có vẻ bảo thủ, nhưng thực chất lại rất cấp tiến về phương diện giáo dục. Chúng tôi có ít nội quy và nhiều cơ hội, dường như tất cả bạn cùng lớp của tôi đều đam mê một thứ gì đó. Nhưng trường cũng phân chia thành nhiều nhóm. Có nhóm đánh golf và nhóm chơi quần vợt, còn khi mùa đông đến, hầu hết mọi người đều đi trượt tuyết. Tôi chưa từng chơi bất kỳ môn nào trong số đó, và bạn bè tôi là những đứa không hợp với những nhóm có sẵn. Thế rồi, vào mùa thu năm lớp 10, tôi đã tìm ra niềm đam mê đích thực. Thầy giáo địa lý đáng kính của tôi, Bill Dougall, trưởng bộ môn Khoa học và Toán học của trường Lakeside, là một phi công hải quân trong Thế chiến II. Thầy Dougall có bằng chuyên môn về kỹ thuật hàng không và văn chương Pháp của trường Sorbonne. Theo truyền thống tốt đẹp nhất ở trường chúng tôi, thầy tin rằng chỉ học sách vở mà thiếu trải nghiệm thực tế là chưa đủ. Thầy cũng nhận thấy chúng tôi sẽ cần biết đôi chút về máy tính khi lên đại học. Một vài trường trung học bắt đầu đào tạo học sinh về máy tính cỡ lớn theo kiểu truyền thống, nhưng thầy Dougall muốn dạy chúng tôi thứ gì đó hấp dẫn hơn. Năm 1968, thầy tiếp cận Câu lạc bộ các Bà mẹ trường Lakeside và họ đồng ý sử dụng tiền lời từ doanh thu chợ phiên hằng năm để thuê một thiết bị đầu cuối máy điện báo đánh chữ (teleprinter terminal) nhằm ứng dụng kỹ thuật chia sẻ thời gian trên cùng một máy tính, một ngành kinh doanh mới toanh thời bấy giờ. Trên đường đến lớp học toán ở sảnh McAllister, tôi dừng chân ngắm nghía. Càng gần căn phòng nhỏ, tiếng leng keng càng lớn hơn. Tôi mở cửa và trông thấy ba nam sinh chen chúc bên trong. Phòng có một kệ sách và một bàn làm việc chất đầy những chồng sách hướng dẫn, giấy vụn xé từ vở, và những cuộn băng giấy (paper tape) màu vàng. Những học sinh này đang túm tụm quanh một chiếc máy đánh chữ điện tử cỡ lớn đặt trên đế chân nhôm: Một máy điện báo đánh chữ (Teletype) mẫu ASR-33 (viết tắt của Automatic Send and Receive – Tự động gửi và nhận). Nó được kết nối với GE-635, một máy tính cỡ lớn của hãng General Electric (GE) trong một văn phòng bí mật cách xa nơi này. Một đàn anh lớp trên đang khom người trên chiếc máy và bàn phím màu kaki của nó, trong khi một người khác quan sát, thỉnh thoảng lại đưa ra một lời nhận xét khó hiểu. Bên phải bàn phím là một khung quay số để làm bộ điều giải (modem); bên trái là máy dập lỗ (punch) “phun” ra băng giấy 8 cột, rộng 2,54cm. Mỗi ký tự được định nghĩa dựa trên cấu hình của các lỗ được đục trên 8 kênh đó. (2,54cm chiều dài của băng giấy chứa được 10 ký tự; một chương trình nhỏ có thể dài từ 60-90cm). Phía trước máy đục lỗ là một thiết bị đọc băng giấy, nó sẽ dịch chương trình của bạn và gửi đến máy điện toán của GE. Máy Teletype rất ầm ĩ, một sự pha trộn giữa tiếng rì rầm, tiếng tạch tạch như súng liên thanh của máy đục lỗ băng giấy, và tiếng tách tách-rầm của bàn phím máy in. Quanh tường và trần nhà của căn phòng được ốp các tấm ván cách nhiệt và cách âm. Tuy là một thiết bị đầu cuối từ xa ngớ ngẩn không có màn hình hiển thị hay ký tự in thường, vừa ồn ào vừa chậm chạp, nhưng máy ASR-33 cũng thuộc hàng tân tiến nhất thời bấy giờ. Tôi sững sờ, linh cảm mình có thể làm nhiều việc với chiếc máy này. Năm đó là một bước ngoặt trong kỷ nguyên số. Tháng 3 năm 1968, Hewlett-Packard giới thiệu máy tính để bàn (desktop calculator) có thể lập trình đầu tiên. Tháng 6, Robert Dennard được cấp bằng sáng chế cho tế bào một bóng bán dẫn (one-transistor cell) của bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động, còn gọi là DRAM, một phương pháp mới và rẻ hơn trong việc lưu trữ dữ liệu tạm thời. Tháng 7, Robert Noyce và Gordon Moore đồng sáng lập Tập đoàn Intel. Tháng 12, tại sự kiện “Mother of All Demos” (Cụ tổ của mọi màn trình diễn) huyền thoại tại San Francisco, Douglas Engelbart của Viện Nghiên cứu Stanford đã trình diễn phiên bản nguyên thủy nhất của chuột máy tính, máy xử lý văn bản (word processor), e-mail và siêu văn bản (hypertext). Trong tất cả những thay đổi mang tính lịch sử sắp diễn ra trong hai thập niên tiếp theo, nhiều khái niệm đã được gieo mầm trong 10 tháng đó: bộ nhớ rẻ và đáng tin cậy; giao diện người dùng mang tính đồ họa; ứng dụng “sát thủ” (killer application) và nhiều nữa. Nếu có ai xâu chuỗi những điểm này lại với nhau, có lẽ họ sẽ dự đoán được sự biến đổi của máy tính và chúng sẽ sớm được sử dụng như thế nào. MÁY tính cỡ LỚN KINH ĐIỂN thời tôi còn trẻ có kích cỡ bằng một chiếc xe kéo và đắt khủng khiếp. Khả năng tính toán của những cỗ máy IBM và UNIVAC sơ khai đó không hơn gì máy tính bỏ túi ngày nay, nhưng chúng lại choán hết diện tích của mấy căn phòng và tỏa nhiệt cực lớn, thậm chí là ngay cả khi bóng bán dẫn đã được thay bằng ống chân không. Chúng được giám sát bởi những người vận hành được đào tạo bài bản, và hoạt động suốt ngày đêm trong khi khách hàng đứng bên ngoài nhìn vào. Để tiếp cận máy tính, lập trình viên sử dụng máy đục lỗ để chuyển mã viết tay thành một bộ thẻ đục lỗ, mỗi thẻ là một dòng lệnh. Họ buộc dây thun quanh bộ thẻ rồi đưa cho người vận hành để máy đọc những tấm thẻ này. Sau đó, lập trình viên quay về văn phòng để chờ, vì công việc đã chuyển sang lịch trình của người vận hành. Tùy vào mức độ ưu tiên của công việc, họ sẽ lấy dữ liệu in ra sau một vài giờ hay đôi khi là sau vài ngày. Nếu một tấm thẻ bị cong hoặc sai thứ tự, hoặc chỉ một dấu phẩy bị sai chỗ, họ sẽ chỉ nhận được duy nhất một thông báo lỗi. Lập trình viên phải suy luận ra lỗi sai và bắt đầu lại. Hệ thống này được gọi là hệ thống “xử lý hàng loạt” (batch processing), nó hoạt động khá hiệu quả với những nhiệm vụ quản lý thông tin quy mô lớn, như bảng lương công ty. Nhưng nó quá rắc rối cho lập trình viên đến độ họ đã tổ chức cả một phong trào du kích nhằm tìm kiếm một cách thức tương tác tốt hơn. Năm 1957, John McCarthy, nhà khoa học với tầm nhìn phi thường, đã trình diễn một mô hình phần mềm cấp tiến: một “hệ thống chia sẻ thời gian tương thích” (compatible time-sharing system) theo cách gọi của McCarthy, “cho phép mỗi người dùng máy tính hành động như thể họ là người kiểm soát duy nhất”. Thay vì bị động chờ đợi thẻ đục lỗ được xử lý, người dùng có thể giao tiếp với máy tính thông qua bàn phím đầu vào của họ. Bạn có thể “trò chuyện” với máy tính cỡ lớn, nhanh chóng nhận phản hồi, rồi tiến hành hiệu chỉnh. Việc lập trình càng giống một cuộc đối thoại hơn. Phương pháp chia sẻ thời gian mang lại mức giá phải chăng cho việc sử dụng máy tính bằng cách chia đều chi phí giữa hàng trăm người dùng. Hàng chục người có thể cùng lúc tương tác với một máy tính, với bộ xử lý trung tâm dịch chuyển từ công việc của người nay qua người khác chỉ trong tích tắc. Nhịp điệu tới-lui mới này không chỉ hiệu quả hơn, mà còn là một bước nhảy vọt giúp loại bỏ những tấm thẻ rườm rà và tăng mạnh năng suất của người dùng máy tính. Năm 1965, GE kết hợp phiên bản cải tiến hơn của hệ thống McCarthy với ngôn ngữ Dartmouth BASIC nguyên bản, và tung ra một dịch vụ thương mại. Ba năm sau, Bill Dougall và Câu lạc bộ các Bà mẹ đã đưa nó đến Lakeside. Tôi may mắn được lớn lên trong giai đoạn diễn ra những thay đổi cơ bản trong ngành máy tính. Sức mạnh của máy tính, vốn từng là phạm vi độc hữu của chính phủ hay những tập đoàn và trường đại học giàu có nhất, giờ đây có thể chia sẻ cho nhiều người với giá thuê theo giờ. Công nghệ mới phân phối sức mạnh này khắp các văn phòng và trường học. Như thường lệ, thiên thời chính là yếu tố quyết định. Nếu ra đời sớm 5 năm, ở tuổi vị thành viên, có lẽ tôi sẽ không đủ kiên nhẫn chịu đựng phương pháp xử lý hàng loạt của máy tính. Còn nếu ra đời trễ 5 năm, sau khi hệ thống chia sẻ thời gian được phổ biến rộng rãi, có lẽ tôi đã lỡ mất những cơ hội xuất phát từ việc thử những điều mới mẻ. THAY VÌ BIẾN lập trình thành một phân môn chính thức của môn Toán, trường Lakeside xem nó như một môn học tùy chọn. Người giám sát chúng tôi là thầy Fred Wright, một giáo viên dạy Toán trẻ tuổi từng học khóa mùa hè về lập trình thẻ đục lỗ tại trường Stanford. Thầy Wright phát cho chúng tôi tài liệu về ngôn ngữ BASIC và một số đề bài nhập môn để khơi gợi hứng thú, rồi để chúng tôi tự mày mò. Vì không biết cách làm việc “chính xác”, chúng tôi tự tạo ra kỹ thuật của riêng mình và tùy cơ ứng biến. Trường chỉ có một tài liệu sơ sài nhất để hỗ trợ chúng tôi. Sổ tay ngôn ngữ BASIC dài khoảng hơn 50 trang, tôi đã đọc xong trong 1-2 ngày. Tôi học thuộc khoảng 20 từ khóa chính và cách hoạt động của một số phím trên máy Teletype. Trong 1-2 giờ đầu tiên, tôi còn bỡ ngỡ trước ngôn ngữ này, nhưng sau đó thì À, mình hiểu rồi. BASIC dễ hơn tiếng Pháp nhiều: logic nhất quán, từ vựng cô đọng và không có động từ bất quy tắc. Lúc nào bí, tôi sẽ nhờ anh chị lớp trên giúp đỡ: Làm sao để khiến cái đó hoạt động? Làm sao để in? Họ học trước tôi khoảng một tháng và rất vui vẻ trổ tài thực hiện những điều đã biết. Ở một trong những bài lập trình đầu tiên của mình, lấy ý tưởng từ sổ tay, tôi đã vẽ một đồ thị hình sin. Tôi ngắm nhìn con trượt của máy Teletype chạy qua chạy lại để in một hình mẫu hoa thị hoàn hảo, như thể có một bàn tay vô hình đầy mê hoặc đang dịch chuyển nó. Trong vài ngày, thầy Fred Wright đã chẳng còn gì để dạy chúng tôi. Thỉnh thoảng, thầy lại ló đầu vào phòng, mỉm cười rồi nói: “Các em thế nào rồi?” Một vài giáo viên cổ hủ than phiền rằng chúng tôi quá tự do, nhưng thầy Wright thích bước trên ranh giới mong manh giữa kiểm soát và hỗn loạn, để khai phóng sự nhiệt tình của chúng tôi. Khi tôi ngồi bên máy Teletype, niềm hưng phấn ấy rất khó để diễn tả thành lời. Tôi nhìn phần lập trình viết sẵn trong tập, rồi gõ lên bàn phím, lúc này máy đục lỗ băng giấy đang hoạt động. Sau đó, tôi quay số vào máy điện toán GE, chờ nghe một tiếng tít và đăng nhập bằng mật khẩu của trường, rồi ấn phím khởi động để đưa băng giấy vào thiết bị đọc, việc này tốn khoảng vài phút. Cuối cùng, giây phút trọng đại đã đến. Tôi gõ “RUN”, chẳng mấy chốc băng giấy của tôi nhanh chóng được in ra với tốc độ 10 ký tự/giây – so với máy in laze ngày nay thì chẳng khác nào rùa bò, nhưng lúc bấy giờ việc này rất đáng kinh ngạc. Tôi nhanh chóng biết chương trình của mình có hoạt động hay không; nếu không, tôi sẽ nhận được một thông báo lỗi. Dù là trường hợp nào, tôi cũng phải nhanh chóng đăng xuất để tiết kiệm tiền. Sau đó, tôi sẽ sửa lỗi bằng cách truy tìm lỗi sai trên băng giấy, sửa nó trên bàn phím đồng thời đục lỗ một băng giấy mới – ngày nay, thao tác tinh vi này được thực hiện chỉ với một thao tác nhấp chuột và ấn phím. Khi có được một chương trình hoạt động tốt, tôi dùng dây thun cột lại rồi cất lên kệ cho lần tiếp theo. Có lẽ thanh niên thời nay sẽ cho rằng quy trình này quá nhọc nhằn gian khổ, chẳng khác nào dùng cả cỗ máy Rube Goldberg4 phức tạp để đập một quả óc chó. Nhưng với học sinh trung học cuối thập niên 1960, việc nhận được phản hồi “tức thì” từ một chiếc máy tính là điều đáng kinh ngạc, thậm chí nếu bạn phải chờ vài giây để máy tính đi bước tiếp theo trong trò đổ xúc xắc Yahtzee. Ở một phương diện nào đó, thiết bị đầu cuối chia sẻ thời gian này đã đánh đấu bước khởi đầu những năm tháng lập trình cá nhân của tôi trước thời máy tính cá nhân. Hoạt động lập trình rất phù hợp với sở thích của tôi trong việc khám phá xem sự vật có hoạt động hay không để rồi sửa chữa chúng. Từ lâu, tôi luôn ấn tượng với cấu trúc bên trong của các sự vật, từ bóng bán dẫn và mạch tích hợp tới sách thiếu nhi về thiết bị làm đường. Song chính tay viết nên những mã điện toán của riêng mình đem lại cảm giác sáng tạo hơn bất kỳ điều gì tôi từng làm trước đây. Tôi linh cảm rằng luôn còn rất nhiều điều để học hỏi về kiến thức và kỹ thuật, hết lớp này đến lớp khác. 4 Hệ thống dây chuyền phức tạp được thiết kế từ những vật liệu đơn giản nhất. (BTV) Chẳng mấy chốc, tôi dành toàn bộ thời gian ăn trưa và thời gian rảnh rỗi để tụ tập quanh máy Teletype với những đồng môn tri kỷ. Những người khác có thể cho rằng chúng tôi quái gở, nhưng tôi không quan tâm. Tôi đã tìm được sứ mệnh đời mình, tôi là một lập trình viên. THI THOẢNG, CÓ KHOẢNG 20 học sinh ra vào phòng máy tính, nhưng chỉ dăm bảy đứa coi đó là trung tâm vũ trụ của mình. Dù về bản chất, lập trình là một hành trình đơn độc, nhưng chúng tôi đã hình thành một hội huynh đệ mới. Không có giáo viên hướng dẫn, chúng tôi cùng trao đổi câu lệnh và thủ thuật công nghệ. Trong khi một vài người thuộc nhóm phụ tá là học sinh lớp trên như Robert McCaw và Harvey Motulsky, thì tôi là một trong bốn đứa nhỏ hơn tạo thành tổ nòng cốt. Ric Weiland, con trai của kỹ sư hãng Boeing, hao hao nhân vật Spock trong phim Star Trek (tạm dịch: Du hành giữa các vì sao) chỉ thiếu mỗi đôi tai nhọn: trầm tĩnh, tử tế và tỉ mỉ. Năm lớp 9, Ric đã tự viết trò chơi cờ ca-rô cho máy điện toán, nhưng chẳng bao giờ khoe khoang; cậu thích yên lặng tránh sau cánh gà. Kent Evans, con trai Bộ trưởng, nhỏ hơn Ric và tôi hai tuổi, tóc xoăn, đeo bộ niềng răng khó hiểu và luôn tràn đầy nhiệt huyết. Món nào cũng chịu chơi. Một ngày chớm thu, tôi bắt gặp một học sinh lớp 8 gầy nhom, mặt lấm tấm tàn nhang đang cố chen vào đám đông xung quanh máy Teletype một cách lóng ngóng và căng thẳng. Trông cậu ta hệt như học sinh dự bị đại học: áo len dài tay, quần slack màu da, giày mọi to sụ, tóc vàng bù xù. Bạn có thể nhận xét nhanh ba điều về Bill Gates – tên của cậu nhóc kia. Cậu thật sự thông minh. Cậu thật sự thích ganh đua; cậu muốn thể hiện cho bạn thấy cậu thông minh đến dường nào. Và cậu vô cùng, vô cùng kiên nhẫn. Sau lần đầu tiên đó, cậu quay lại đây suốt. Nhiều lần chỉ có tôi và cậu ở đó. Bill xuất thân từ một gia đình hiển hách, thậm chí theo tiêu chuẩn của trường Lakeside; về sau, bố cậu giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Luật sư tiểu bang. Tôi còn nhớ lần đầu tiên đến ngôi nhà rộng lớn của Bill, cách khu Lake Washington khoảng 1-2 dãy, tôi có phần khiếp sợ. Bố mẹ Bill đặt mua dài hạn tạp chí Fortune và cậu đọc chúng rất tỉ mỉ. Một ngày nọ, cậu cho tôi xem ấn phẩm thường niên đặc biệt của tạp chí đó và hỏi: “Anh nghĩ điều hành một công ty nằm trong danh sách Fortune 500 sẽ như thế nào?” Tôi trả lời không biết. Rồi Bill nói: “Biết đâu một ngày nào đó chúng ta sẽ có công ty riêng.” Mới 13 tuổi mà cậu đã ra dáng một doanh nhân tiềm năng rồi. Trong khi tôi tò mò muốn nghiên cứu mọi thứ trước mắt, thì mỗi lúc Bill chỉ tập trung vào một nhiêm vụ duy nhất với kỷ luật nghiêm ngặt. Bạn có thể thấy điều đó khi cậu lập trình – cậu ngồi đó, miệng cắn chặt bút dạ, chân đánh nhịp, người đong đưa, miễn nhiễm với mọi sự sao lãng. Cậu có cách đánh máy độc nhất vô nhị, gõ nghiêng bằng sáu ngón. Có một tấm ảnh nổi tiếng của Bill và tôi trong phòng máy tính không lâu sau lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Tôi ngồi trên chiếc ghế cứng chỗ máy Teletype, vận áo cổ lọ và áo khoác nhung kẻ xanh lá bảnh bao. Bill đứng bên cạnh tôi, mặc áo sơ-mi ca-rô, cúi đầu chăm chú, mắt dán vào máy đánh chữ khi tôi gõ phím. Trông cậu ấy thậm chí còn trẻ hơn tuổi thật. Nom tôi như một ông anh lớn, trên thực tế, Bill không có anh trai. NHƯ MỌI THẰNG CON TRAI ở tuổi thiếu niên, chúng tôi rất mê game. Harvey Motulsky tạo ra một phiên bản nền chữ (text-based) của trò cờ tỷ phú, chức năng quay số ngẫu nhiên của máy tính sẽ thực hiện việc “tung xúc xắc”. Bob McCaw xây dựng một chương trình casino ảo (bao gồm trò gieo xúc xắc, xì-dách và ru-lét) với 300 dòng mã. Chúng tôi rất tự hào, đem giấy in dán đầy một bên tường, băng qua trần nhà rồi xuống tường bên kia. Trong vòng vài tháng, chúng tôi đã dùng hết ngân sách thuê máy tính trong một năm của Câu lạc bộ các Bà mẹ, thế là họ phân bổ thêm một chút nữa. Đầu tháng Mười một, khi trò xì-dách trên máy tính bắt đầu nhàm chán, tôi nhận được tin từ Harvey. Một công ty dịch vụ chia sẻ thời gian vừa mở cửa tại quận University, Seattle. Họ cần người kiểm tra nghiệm thu mẫu máy tính cho thuê mới, máy PDP-10 của Digital Equipment Corporation. Tối hôm sau, tôi liền nhờ bố chở ra Computer Center Corporation, cách nhà chúng tôi 10 phút lái xe. Qua tấm kính mỏng, tôi chăm chú nhìn vào “chú cún” bí ẩn được trưng bày trong căn phòng không bao giờ chìm trong bóng tối: một chiếc máy tính lớn màu đen gồm hết tủ này đến tủ khác, và hàng loạt bảng đèn chớp nháy. Chỉ riêng CPU đã dài xấp xỉ một mét rưỡi. Đó là lần đầu tiên tôi tận mắt trông thấy một chiếc máy tính chân chính, nhưng vẫn khó mà tin rằng một vật như thế này chỉ nằm cách nhà 40 dãy. Trong khoảnh khắc đó, tất cả những điều tôi muốn làm là đăng nhập, kết nối rồi nghịch cho thỏa chí. Ngày nay, một chiếc laptop trung bình nhanh hơn gấp 30.000 lần cỗ máy mà tôi đang tha thiết ước mơ, còn bộ nhớ thì gấp 10.000 lần. Nhưng lúc bấy giờ, PDP-10 là loại tân tiến nhất của quá trình tiến hóa thay thế cho kỹ thuật xử lý hàng loạt. Do Ken Oslen và Harlan Anderson sáng lập, công ty DEC đã có màn ra mắt vẻ vang trong năm 1960 với PDP-1, chiếc máy điện toán “đàm thoại” tương tác thật sự đầu tiên. Chưa đầy một thập kỷ sau, PDP-10 trở thành rường cột cho ARPANET (mạng Internet nguyên thủy) của Bộ Quốc phòng Mỹ và máy chủ của hệ thống chia sẻ thời gian. Nó chạy nhanh hơn hệ thống GE ở Lakeside và có danh mục phần mềm rộng hơn, gồm FORTRAN và những ngôn ngữ khác, cộng thêm một loạt tiện ích trực tuyến phong phú. May mắn cho tôi và các bạn học tại trường Lakeside, phần cứng tuyệt vời này hoàn toàn phụ thuộc vào một hệ điều hành mới, TOPS-10, nó rất dễ bị treo mỗi khi phục vụ quá nhiều người dùng một lúc. Computer Center Corporation (mà chúng tôi thường gọi là C³) đã nhận máy PDP-10 mà họ thuê vào tháng Mười năm 1968, lên kế hoạch bắt đầu cho thuê theo giờ trong năm mới. Trong lúc đó, hệ điều hành TOPS-10 của họ cần được sửa lỗi (debug) trước khi khách hàng trả tiền thuê đến nơi. Để khích lệ thêm cho C³, tiền thuê của họ được hoãn lại cho đến khi phần mềm hoạt động suôn sẻ. Công ty cần ai đó để đẩy hệ thống đến cực hạn, đó là lúc chúng tôi xuất hiện. Một cộng sự trong C³ là phụ huynh trường Lakeside, bà đã nghe về hội huynh đệ công nghệ nho nhỏ của chúng tôi. Vài ngày sau lần trộm nhìn của tôi, thầy Fred Wright dẫn chúng tôi vào tòa nhà để giới thiệu. Một chuyên gia phụ trách đưa ra thỏa thuận: Chúng tôi có thể thoải mái tiếp cận thiết bị đầu cuối của họ bất kể thời gian, miễn sao chúng tôi tuân theo những nguyên tắc cơ bản của họ. “Các cậu có thể cố gắng khiến cho máy bị treo (crash),” thầy nói, “nhưng nếu máy treo vì các cậu, thì các cậu phải báo nguyên nhân cho chúng tôi. Và các cậu không được lặp lại điều đó cho đến khi chúng tôi cho phép thử lại.” Thứ Bảy tuần sau, chúng tôi gặp mặt tại phòng thiết bị đầu cuối của C³, nơi có diện tích rộng gấp ba lần căn phòng nhỏ của chúng tôi ở Lakeside. Chúng tôi vui mừng khi nhìn thấy một dãy 6 máy ASR-33: Chúng tôi không cần phải chờ đợi nhau nữa. Sau một cánh cửa khác chính là thánh địa, phòng máy tính, mỗi tuần 7 ngày có 3 ca kíp thay nhau vận hành. Cỗ máy to lớn, vuông vức và sáng rực đèn huỳnh quang, nền nhà sáng bóng và được nâng cao để bảo vệ nguồn điện mạnh và dây cáp dữ liệu không bị hư hại. Mỗi khi lắp đặt một ổ đĩa cồng kềnh, họ sẽ dùng phễu hút chân không công nghiệp nâng sàn lên và chạy dây cáp mới. Tiếng máy điều hòa cộng thêm tiếng quạt của máy điện toán khổng lồ này khiến nơi này vô cùng ầm ĩ, đến nỗi vài nhân viên vận hành phải đeo bảo hộ tai, như công nhân làm việc trong phân xưởng nhà máy. Đối với chúng tôi, việc chuyển từ GE-635 sang PDP-10 giống như đổi xe Corolla lấy xe Ferrari vậy. Những ngày thứ Bảy gần như không đủ. Chúng tôi đón xe buýt đến C³ sau giờ học, trốn tiết thể dục để đến đó sớm hơn, tay xách theo cặp táp nhỏ. (Tôi rất thích chiếc cặp táp da nâu của mình, chỉ cần chạm nhẹ ngón cái thì nó sẽ mở tung ra). Chúng tôi đang trên đường trở thành hacker, theo ý nghĩa nguyên bản và không vi phạm pháp luật của thuật ngữ này: Những lập trình viên cuồng nhiệt muốn bứt phá giới hạn. Như tác giả Steven Levy đã ghi nhận, văn hóa hacker là một chế độ trọng nhân tài. Vị thế của bạn không dựa vào độ tuổi hay chức vụ của bố bạn. Điều quan trọng là tài năng và khát khao tìm hiểu nhiều hơn về lập trình. Người mới nào cũng cần thầy hướng dẫn, và C³ có 3 người. Tất cả đều là lập trình viên đẳng cấp thế giới, nhiệt tình, mang dáng vẻ mọt sách và hơi lập dị. Họ không giống những nhà quản lý kinh doanh luôn cho rằng chúng tôi là bọn phiền phức; tôi đoán có lẽ họ nhìn thấy ở chúng tôi hình bóng mình thời trẻ. Đôi khi, tôi có cảm giác như mình đã nhảy từ trường trung học lên hội nghị sau đại học về lập trình hệ thống cao cấp. Steve “Ốc sên” Russell, Giám đốc phần cứng của công ty, thấp người và tròn trịa, thích châm chọc. Khi đó anh 31 tuổi, theo John McCathy từ Dartmouth đến MIT. Ở đó, Russell đã tạo ra Spacewar (tạm dịch: Chiến tranh vũ trụ), trò chơi máy điện toán tương tác thật sự đầu tiên trên máy PDP-1. Bill Weiher đeo kính, dáng người thanh mảnh, ít nói. Là người phát triển SOS (Son of STOPGAP, một trong những trình biên tập văn bản vĩ đại đầu tiên), nom anh như một học giả tôn giáo thời Trung cổ. Tôi thường thấy anh miệt mài làm việc tại thiết bị đầu cuối để viết ra những cấu trúc mã phức tạp. Dick Gruen, cựu cố vấn của DEC, người đã gặp Russell và Weiher tại trường Stanford, là người quảng giao nhất nhóm, nghiện thức ăn nhanh và thích đùa như nhân vật Falstaffian5 với quả tóc xoăn phồng. Theo Gruen, không có hệ điều hành nào mà anh không thể khiến nó bị treo, và anh đủ thông minh để tôi tin là thật. 5 Tên của một nhân vật trong tác phẩm của Shakepeare, có ngoại hình béo tròn và tính cách khôi hài. (BTV) Với họ, chúng tôi là “mấy đứa nhóc Lakeside” hay “nhân viên kiểm tra”. Thỉnh thoảng, họ bảo chúng tôi chạy cùng lúc một loạt chương trình đánh cờ để khiến hệ thống quá tải. Nhiệm vụ của chúng tôi vừa hợp với tính phá phách, nghịch ngợm của tuổi thiếu niên, vừa tạo ra kết quả tích cực. Sau nay, tôi nói với một ký giả Seattle: “Cách học tập hiệu quả nhất là trực tiếp làm việc với chiếc máy xịn nhất thời đó, nghiên cứu cách nó vận hành và điều gì làm nó ‘hoạt động hay hỏng hóc’.” Một phương pháp khác là tiến hành kiểm tra cường độ cao một phần của phần mềm cho đến khi nó không thể chạy nữa, chúng tôi sẽ ghi lại điều đã xảy ra trên một tờ giấy rồi tiếp tục. Và đòn cuối cùng chính là khiến toàn bộ hệ điều hành ngừng hoạt động, lúc đó máy Teletype sẽ bị treo và kêu ong ong mỗi khi bạn cố gõ phím. Sau đó, Russell và Gruen sẽ xác định nguyên nhân lỗ hổng trong vui sướng vì biết rằng tiền thuê máy của DEC sẽ tiếp tục được hoãn lại. Chúng tôi cũng vui sướng. Chừng nào còn tìm ra lỗi (bug), chúng tôi sẽ còn tiếp tục ở lại thánh đường này. Mỗi khi thầy hướng dẫn đi qua, tôi sợ đến mức chẳng dám hó hé. Chúng tôi học lỏm thuật ngữ của Russell và Gruen; chẳng hạn, kludge là một kiểu sửa mã chắp vá. Họ nhẫn nhịn sự quấy rầy của chúng tôi, thi thoảng ném cho chúng tôi một vài nhiệm vụ hay ho từ thứ mà họ đang nghiên cứu. Chúng tôi kính sợ trước năng suất lập trình của họ, một kỹ năng quan trọng trong thời đại mà bộ nhớ máy tính còn giới hạn. Hầu như chúng tôi được tự do thử nghiệm những dự án nho nhỏ của mình. Bill lập trình một trò chơi về chiến tranh; Ric vật lộn với ngôn ngữ FORTRAN. Tôi thì viết mã lệnh cho một chương trình mai mối. Buổi tối, thường chỉ còn chúng tôi sử dụng Teletype. Khi cần lấy danh sách, chúng tôi gõ cửa phòng máy tính, chào hỏi nhân viên vận hành ca đêm, thu thập dữ liệu được in ra, rồi trở về máy Teletype của mình. Chúng tôi có thể nhìn lén máy PDP-10, nhưng chỉ đến thế mà thôi. CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG của dịch vụ chia sẻ thời gian là lưu trữ dữ liệu tốc độ cao vĩnh viễn, một cách để dễ dàng tiếp cận công việc của bạn. C³ hoạt động trì trệ suốt nhiều tháng với những ổ đĩa thế hệ cũ, chỉ cho phép người dùng lưu trữ vài chục tập tin với độ dài khiêm tốn. Do đó, mọi người đều háo hức chờ đợi khi Russell nhận một kiện hàng dài khoảng 2,5m, cao hơn 1m; một ổ đĩa quay (moving head disk drive) mới của Bryant Computer Products ở Walled Lake, bang Michigan. Một trong những nhà đại diện mảng dịch vụ của công ty, với chất giọng miền Nam đặc sệt, đã gọi nó là Bryant Khổng lồ. Về sau, chúng tôi đều dùng cái tên đó. Ổ đĩa được sản xuất với kích thước rất lớn. Chính giữa là một trục lớn gắn 12 đĩa thép phủ ô-xít được quay bằng mô-tơ điện khổng lồ, mỗi đĩa có đường kính xấp xỉ 1m. Chúng quay đồng bộ trong khi một bộ cần thủy lực đầu từ (hydraulic arms with magnetic head) trôi bềnh bồng trên lớp đệm không khí mỏng, di chuyển trên bề mặt những chiếc đĩa để đọc dữ liệu. Ổ đĩa có thể chứa khoảng 100 triệu ký tự, mức dung lượng vượt xa bất kỳ sản phẩm hiện có nào. (Ngày nay, chỉ 0,002% dung lượng của ổ đĩa laptop thông thường đã có thể chứa gấp 600 lần lượng dữ liệu đó). Tiếc thay, Bryant Khổng lồ quá mong manh dễ hỏng. Thỉnh thoảng, chỉ vì một chấn động nhỏ như bước chân gần đó, đầu đọc sẽ chạm vào đĩa, làm trầy lớp ô-xít: đầu đọc xúi quẩy đó liền bị treo, dữ liệu bị mất trắng không thể cứu vãn và ổ đĩa hỏng đến độ không thể sửa chữa. Về phần bộ nhớ lưu trữ, C³ sử dụng một thiết bị ít cồng kềnh hơn gọi là DECtape. Chúng nằm trong những chiếc hộp khoảng 10cm – đủ nhỏ để bỏ vào túi quần, đủ lớn để chứa 1 triệu ký tự. Một cuộn dài gần 80m có khả năng lưu trữ tương đương 762m băng giấy, nhỉnh hơn một chút so với chiếc đĩa mềm 20cm mà IBM sẽ trình làng 5 năm sau. Thậm chí với những hạn chế của ổ đĩa quay từ cuộn-sang-cuộn (reel-to-reel) bằng mô-tơ, DECtape vẫn nhanh hơn và ổn định hơn băng giấy, với hệ thống chạy dự phòng kép (dual redundancy) và hai lớp màng phim bảo vệ lớp phủ ô-xít. Trong những buổi giới thiệu, nhân viên kinh doanh của DEC sẽ đục một lỗ cỡ 6mm trên băng và chứng minh rằng dữ liệu vẫn nguyên vẹn. Điều tuyệt vời nhất là DECtape có cấu trúc thư mục, như Bryant Khổng lồ hay những chiếc đĩa mềm sắp xuất hiện. Băng từ (magnetic tape) truyền thống giống như dòng suối chảy liên tục, khiến bạn không thể cập nhật thông tin lưu trữ một cách an toàn; nếu bạn viết một thông tin mới ở đoạn giữa của băng từ, dữ liệu phía sau sẽ bị mất. Nhưng DECtape được tổ chức theo từng khối dữ liệu riêng, có thể viết đè lên một khối mà không ảnh hưởng đến các khối khác. Giờ đây, chúng tôi có thể lưu trữ thêm 5-6 chương trình hoặc nhiều hơn trên một cuộn băng duy nhất, tìm tất cả theo tên, chỉnh sửa riêng từng chương trình hoặc viết đè lên chúng. Trước khi tôi mua một thiết bị đầu cuối tại nhà dành riêng cho bản thân, DECtape là sản phẩm công nghệ đầu tiên thật sự thuộc về tôi. Tất cả chúng tôi đều muốn có nhiều hơn – đó là biểu tượng cho đẳng cấp. Những chiếc hộp nhỏ đó giúp công việc của tôi bớt đi cảm giác tạm bợ, tăng tính chân thực, như thể chúng có giá trị thật sự và lâu dài. Chương 4PHỤ TÁ Khi mùa đông dần trôi, Bill và tôi đã chứng minh được rằng chúng tôi có khả năng chịu đựng tốt nhất trong số học sinh Lakeside ở C³. Bố tôi thường phải lái xe đến lôi tôi về nhà ăn tối. Tôi năn nỉ bố cho phép ở lại nhưng khi được khi không. Bố mẹ lo lắng tôi sẽ học hành sa sút. Điểm vài môn của tôi bị giảm, chứng kiến niềm đam mê mới của tôi, thầy cô giáo có vẻ có thái độ nửa vời. Thầy Maestretti viết: “Paul rất xuất sắc khi làm việc cùng máy tính. Em ấy cực kỳ yêu thích hoạt động của nó và thành thạo hơn hẳn… một học sinh trung bình.” Nhưng tới môn Vật lý, thầy lại cho tôi điểm C+ (dù hồi mùa xuân tôi đã giành được một điểm A), thầy than rằng “nỗ lực làm việc với máy tính [của em] được đánh đổi bằng những môn học khác.” Giáo viên Anh văn của tôi, thầy Tyler, nản lòng vì tôi luôn tự ti với bài tập về nhà, đã đưa ra lời nhận xét đầy triết lý: “Paul là một học trò ‘cuồng tín’ (theo nghĩa tôn giáo cổ) và khi chìm đắm trong đam mê, em ấy gần như không quan tâm đến những thứ khác. Làm thế nào giúp được một học sinh như thế nhận ra sai lầm của mình? Tôi không biết. Nhỡ đâu em ấy lại đúng hơn chúng ta thì sao?” Trên thực tế, tôi đang phát triển mạnh mẽ trong một môi trường chuyên nghiệp, làm việc chăm chỉ với một công việc khiến tôi vui vẻ. Còn trải nghiệm nào tốt hơn thế đối với một thiếu niên 16 tuổi? Nếu không bị quấy rầy, Bill và tôi sẽ lập trình cho đến khi đói lả rồi băng sang bên kia đường, đến một nhà hàng theo phong cách hippie tên Morningtown Pizza. Kế bên là một tiệm tạp hóa, xe cảnh sát đậu đầy trước cửa còn mấy chú cớm thì đang chơi bài ở phòng phía sau. Chúng tôi ngấu nghiến mấy miếng pizza tại Morningtown hoặc mang về C³ và cẩn thận tránh làm rơi xốt xuống máy Teletype. Chúng tôi cứ miệt mài cho đến khi tất cả mọi người ra về, trừ nhân viên ca đêm. Một lần nọ, tôi ở một mình và quên mất thời gian. Xe buýt đã ngừng chạy và quá trễ để gọi bố đến đón, tôi đành cuốc bộ một tiếng về nhà. Một con chó hoang cứ lẽo đẽo theo tôi cả quãng đường; bố mẹ tôi phải nhờ bạn bè nhận nuôi nó. Đối với tôi, Chén Thánh của phần mềm là hệ điều hành, hệ thống thần kinh của máy tính. Nó thực hiện công việc logic cho phép bộ xử lý hoạt động: chuyển từ chương trình này sang chương trình khác; phân bổ bộ nhớ cho các tập tin; di chuyển dữ liệu qua lại giữa các modem, ổ đĩa và máy in. Trừ khi xảy ra trục trặc và máy ngừng hoạt động, bạn sẽ không chú ý đến sự tồn tại của nó. Thời đó, hệ điều hành không phải là những chiếc hộp kín như bây giờ. Nhà sản xuất đóng gói phần mềm chung với phần cứng; bất kỳ công ty nào mua máy điện toán của DEC đều có thể tùy ý thay đổi TOPS-10 sao cho phù hợp với ý định của mình. Bill và tôi biết các giáo viên hướng dẫn của chúng tôi đã tiếp cận với mã nguồn của TOPS-10, họ đang gỡ lỗi (debug) và cải tiến nó. Chúng tôi cũng biết nó là vùng cấm địa đối với mình, và sự cấm đoán đó càng khiến khao khát được tiếp cận cỗ máy lớn gấp chục lần bất kỳ thứ gì chúng tôi đang thực hiện. Vào dịp cuối tuần, sau khi mọi người đều ra về, Bill và tôi sẽ đi lục thùng rác trong khoảnh sân nhỏ của tòa nhà. Chúng tôi mở tung nắp thùng bằng kim loại, tôi đan hai tay vào nhau làm bệ đỡ cho Bill – khi đó, cậu ấy mới nặng chưa tới 50kg. Bill cúi xuống chiếc thùng lớn rồi moi ra bất kỳ thứ gì trông có vẻ hứa hẹn. Sau vài lần như thế, cậu ấy cũng tìm được một kho báu: một chồng giấy in bẩn thỉu, nhăn nhúm. Tôi vẫn nhớ như in cái mùi bốc ra từ vết ố cà phê và nghĩ Cái này gớm thật, nhưng thây kệ. Chúng tôi mang kho báu quý giá đó về phòng chứa thiết bị đầu cuối và nghiền ngẫm nó hàng giờ đồng hồ. Tôi không có phần mềm Rosetta Stone hỗ trợ, 10 dòng chỉ hiểu lõm bõm 1-2 dòng, nhưng tôi rất kinh ngạc trước cấu trúc tinh tế và chặt chẽ của mã nguồn. Để hiểu được kiến trúc của một hệ điều hành như TOPS-10, tôi biết mình phải thành thạo hợp mã (assembly code) của nó, ngôn ngữ bậc thấp hơn được dùng để trò chuyện trực tiếp với cỗ máy. Thấy tôi háo hức như thế, Steve Russell gọi tôi ra nói nhỏ, trao cho tôi một cuốn sổ tay trình dịch hợp ngữ bọc nhựa dẻo sáng loáng, rồi nói: “Cậu cần đọc cái này.” Theo đúng phong cách tự-làm-lấy trong thế giới của chúng tôi, nói thế là đủ hiểu. Lòng đầy phấn khích, tôi mang cuốn sổ về nhà và ngấu nghiến cho tới khi hiểu tường tận nội dung. Sau một tuần nghiền ngẫm 150 trang sổ, tôi lâm vào ngõ cụt; cuốn sổ tay mô tả cơ chế viết hợp mã, nhưng lại không giải thích rõ những câu lệnh đó yêu cầu máy tính làm gì. Tôi quay lại gặp Russell và nói: “Em không hiểu.” Rồi anh đáp, đôi mắt sáng lên: “À, cậu nên đọc cái này,” và đưa cho tôi một cuốn sổ tay bọc nhựa dẻo màu trắng dày 150 trang khác: Tài liệu tham khảo hệ điều hành. Trầy trật mãi tôi mới đọc hết cuốn sách, sau hai tuần, tôi nhận ra vẫn còn thiếu thứ gì đó. Dù ghét phải làm phiền Russell, nhưng tôi vẫn đến gặp anh lần nữa và nói: “Em vẫn chưa hiểu. Làm thế nào em có thể gửi ký tự đến máy Teletype?” Anh đáp: “À, cậu còn cần một cuốn nữa,” sau đó, anh quay lại với một cuốn sổ trông như danh bạ điện thoại: sổ tay hệ điều hành. Đến hôm nay, tôi vẫn không chắc liệu anh đang dìu dắt tôi từng bước hay đang bắt chẹt tôi, nhưng ngay từ đầu, tôi đã cần tất cả ba cuốn sổ tay. Phải mất vài tuần tôi mới có thể thực hiện những bước nhỏ trong việc lập trình trình dịch hợp ngữ, và vài tháng để cảm thấy tự tin. “Cái này hay lắm,” tôi nói với Bill và mấy người nữa. Nhưng bọn họ còn đang mải mê với những ngôn ngữ bậc cao, thứ có thể giúp họ lập trình nhanh hơn. Thế là tôi tiếp tục một mình. Trái với ngôn ngữ BASIC và FORTRAN, nơi mỗi câu lệnh bao gồm nhiều chỉ thị (instruction), hợp ngữ là sự thể hiện trực tiếp, mang tính biểu tượng và 1-1 của mã máy nhị phân, được chuyển thành dạng văn bản (text) và biểu tượng (symbol) dễ nhớ hơn những chuỗi 0 và 1. Ví dụ, sau đây là một dòng trong ngôn ngữ BASIC: A=B+C Khi viết bằng hợp ngữ, câu lệnh đó sẽ trông như thế này: Tải B. (Load B) Thêm C. (Add C) Trữ trong A. (Store in A) Lập trình hợp ngữ vừa tối nghĩa hơn vừa phiền phức hơn ngôn ngữ BASIC. Trong khi những chương trình viết bằng ngôn ngữ bậc cao có thể chuyển đến CPU khác với vài thay đổi nhỏ, giống như những phương ngữ cùng vùng, hợp ngữ chỉ chạy trên một nền tảng phần cứng duy nhất, như sự khác nhau giữa tiếng Đức và tiếng Bồ Đào Nha. Mặt khác, khi được đưa vào máy, hợp ngữ có thể hoạt động nhanh hơn đến 100 lần. Bạn đang viết thẳng cho phần cứng, đến tận cốt lõi. Không còn cách nào nhanh hơn thế nữa. Một người bạn cùng trường Lakeside từng nói rằng tôi có thể đọc hợp mã như người ta đọc tiểu thuyết, nhưng tôi không nghĩ đọc hợp ngữ là việc dễ dàng. Chỉ là tôi chọn việc tập trung vào nó, cọ xát với thực tế. Cuối cùng, tôi đã bắt đầu hiểu cách thức hoạt động của máy tính ở cấp độ cơ bản nhất. Tôi đã đi đến cốt lõi của cỗ máy. CHẲNG CÓ GÌ là MÃI MÃI, cuối cùng, ngày mà C³ kết thúc quá trình thử nghiệm PDP-10 và bắt đầu thu phí sử dụng máy tính cũng đến khi ngân sách của Câu lạc bộ các Bà mẹ cạn kiệt, Lakeside chuyển hợp đồng của họ sang C³. Thời điểm đó, chúng tôi đã có tài khoản cá nhân. (Tôi vẫn nhớ như in số tài khoản của chúng tôi: của tôi là 3662634, còn Bill là 36652635). C³ tính phí dựa trên công thức phức tạp bao gồm thời gian sử dụng CPU và dung lượng đĩa tính theo kilobyte khiến chúng tôi cứ lo lắng sẽ sử dụng vượt mức. Trước khi gửi hóa đơn hằng tháng về cho phụ huynh, thầy Fred Wright sẽ dán một danh sách trên máy Teletype theo thứ tự phí giảm dần, bạn nên cầu nguyện rằng tên mình không có trong 3 hàng đầu. Tôi run sợ khi thấy mình lập kỷ lục ở mức 78 đô-la, tương đương với gần 500 đô-la ngày nay – tôi biết giải thích với bố mẹ sao đây? Là người tâm lý, bố tôi bình thản đón nhận: “Nhiều quá Paul à! Bố biết con đang học, nhưng tiết kiệm được không con?” Bố mẹ xem việc lập trình của tôi là sở thích, cũng như vô tuyến ống chân không hay phòng tối tráng phim, nhưng phung phí hơn nhiều. Bố mẹ Bill cũng nghĩ như vậy. Chúng tôi có thể cảm thấy sự kiên nhẫn của họ đang vơi dần. Cuối mùa thu năm đó, Bill và tôi lấy được mật khẩu hành chính của C³ và đăng nhập tại Lakeside. Chúng tôi nhanh chóng tìm ra đối tượng: tập tin kế toán nội bộ của công ty, tên là “ACCT.SYS”. Tuy nó đã được mã hóa, nhưng chúng tôi biết nó có chứa tất cả mọi tài khoản trả phí cũng như miễn phí. Hy vọng của chúng tôi là tìm ra và thâm nhập vào một tài khoản miễn phí; chúng tôi biết điều này là sai trái, nhưng chúng tôi rất cần được truy cập không giới hạn. Sau vài nỗ lực tìm kiếm một chương trình chuyên dụng có thể đọc và chỉnh sửa ACCT.SYS, chúng tôi sao chép tập tin về thư mục của mình, đợi đến lần sau thử lại. Chúng tôi chẳng bao giờ có cơ hội đó. Vài ngày sau, chúng tôi bị triệu tập đến văn phòng của thầy Fred Wright, chúng tôi rất sốc khi thấy Dick Gruen và một đại diện khác của C³, một người đàn ông nghiêm nghị trong bộ comple đen. Chúng tôi hy vọng chỉ bị quở trách vài câu, vì chúng tôi thật sự chưa làm gì cả. Nhưng ông chú lạnh lùng nói rằng việc chúng tôi thao túng tài khoản thương mại có thể cấu thành hành vi “phạm tội”. Bill và tôi gần như run lẩy bẩy. Chúng tôi sắp bị đuổi học ư? Sự tình còn tệ hơn thế. “Các cậu đã trộm tập tin kế toán, chúng tôi phải tống cổ các cậu đi,” người đàn ông đó nói. Suốt mùa hè, việc sở hữu đặc quyền ở C³ bị tước đi khiến chúng tôi suy sụp. Khi tôi tưởng tất cả đã mất hết, thì tình cờ chúng tôi gặp một người bạn, người này quen biết một vị giáo sư thuộc Đại học Washington có tài khoản C³ miễn phí. Ngay khi học kỳ mùa xuân của Lakeside kết thúc, hầu như ngày nào tôi cũng đến phòng chứa thiết bị đầu cuối trong tòa nhà kỹ thuật điện. Tôi tiếp tục nghiên cứu từ chỗ còn dang dở, vừa đọc mấy cuốn sổ tay vừa ăn hamburger tại hội học sinh. Cuộc sống thật tuyệt vời, nhưng suốt mùa hè tôi không hé một lời về điều này. Tôi không thể liều lĩnh để họ gia nhập và phá hỏng chiến dịch nằm vùng của mình. Cuối cùng, khi tôi kể với Bill, cậu ấy đã rất tức giận. Tuy cảm thấy áy náy, nhưng nếu được chọn lại, tôi biết mình vẫn sẽ làm như vậy vì sự cám dỗ của lập trình. Vào mùa thu năm lớp 11, Steve Russell quyết định tha thứ cho tội lỗi của tôi và gỡ bỏ án phạt. Russell và tôi giao kèo rằng: Để đổi lấy thời gian sử dụng máy tính miễn phí, tôi sẽ cố gắng cải thiện trình biên dịch ngôn ngữ BASIC của họ. Vì những ngôn ngữ bậc cao ngày càng trở nên phổ biến, nên trình biên dịch đã trở thành nhân tố trung gian không thể thiếu. Chúng là những phiên dịch viên chuyển đổi từ mã nguồn bậc cao sang “mã đối tượng” (object code), những bit và byte nhị phân mà máy tính có thể thật sự xử lý. Như tất cả phần mềm khác của DEC, trình biên dịch ngôn ngữ BASIC của PDP-10 có mã nguồn mở và có thể cải tiến; bạn có thể tùy ý thêm vào chức năng mới. Đây cũng chính là nhiệm vụ mà tôi phải thực hiện. Đó là thách thức khó khăn đối với một người chưa từng học một khóa học nào về khoa học máy tính (computer science). Khi in ra giấy, danh mục của trình biên dịch dày như một cuốn tự điển rút gọn, tôi đọc suốt mấy ngày mới hiểu được tổng thể và cách thức liên kết giữa chúng. Bất kỳ hợp mã nào tôi viết đều phải phù hợp với “luồng logic” (logical flow) của chương trình này, chi li đến từng dấu phẩy. Có một dạo, tôi tự hỏi liệu mình có ôm đồm quá hay không. Bướng bỉnh không chịu nhờ giúp đỡ, tôi dùng những nhận xét của lập trình viên trước đó làm bản chỉ dẫn. Sau mỗi khoảnh khắc “À há” là những ngày ròng rã nghiên cứu miệt mài mã nguồn trước mặt. Mệt nhọc chẳng thấm vào đâu khi bạn ở tuổi 17 và đang đắm chìm trong công việc. Lúc nào thức là tôi lại tiếp tục cắm chốt ở C³, ngày qua ngày, rồi tuần qua tuần, tôi bắt đầu có một chút tiến bộ. Cảm thấy đau khổ vì mỗi khi mắc một lỗi nhỏ là lại phải gõ lại toàn bộ các dòng trong chương trình ngôn ngữ BASIC, tôi áp dụng những ý tưởng từ trình biên tập theo dòng (line editor) của Bill Weiher để nhanh chóng tìm ra và chèn vào vài ký tự lẻ. Tôi tỉ mỉ chú giải từng bước một, theo giao thức (protocol) của các giáo viên hướng dẫn, để bất kỳ ai đến sau cũng có thể triển khai trên kết quả công việc của tôi. Hơn nữa, tôi còn tỉ mẩn thực hiện tất cả những công viêc này bằng hợp mã, như một thợ làm đồng hồ tập sự nheo mắt nhìn những bánh răng tí hon để hiểu tác động qua lại giữa chúng. Có lẽ tôi là người hiểu về trình biên dịch hơn bất kỳ ai ở C³. Dường như Russell và Gruen khá bất ngờ trước sự tiến bộ của tôi và đặc biệt hài lòng với trình biên tập theo dòng, một công cụ hữu ích đối với khách hàng của họ. Tôi đã trở thành một hacker thực thụ. Những gì tôi học được trong hai tháng đó đã trở thành nền tảng cho việc tạo ra trình biên dịch cho bộ vi xử lý, khi độ khó và rủi ro cao hơn bội phần. Từ trước tới giờ, thanh thiếu niên thường bị đánh giá thấp khả năng. Tôi cùng Bill, Ric và Kent đã chứng minh khả năng phát triển vượt trội của người trẻ nếu được trao cơ hội. Tuy rằng trình độ của chúng tôi so với các giáo viên hướng dẫn vẫn còn cách xa vài năm, nhưng chúng tôi cũng chẳng phải dạng vừa. Và càng ngày chúng tôi càng tiến bộ. DÙ CÓ TRONG TAY TRÌNH ĐỘ KỸ THUẬT và công nghệ chia sẻ thời gian thượng hạng, nhưng C³ vẫn gặp trở ngại vì mô hình kinh doanh bất ổn. Rất ít chủ doanh nghiệp nhỏ sẵn lòng và có đủ năng lực tự lập trình, trong khi chỉ có vài chương trình thương mại để hỗ trợ họ. Việc làm ăn hoàn toàn phụ thuộc vào Boeing, công ty sử dụng nhiều lao động nhất Seattle, nơi quản lý cấp trung có thể loại bỏ phí chia sẻ thời gian trên bảng chi phí. Năm 1970, Boeing hứng chịu hai đòn giáng nặng nề: tình trạng suy thoái trong ngành hàng không và sự cắt giảm mạnh mẽ chương trình Apollo của NASA. Nhân viên bị sa thải, ngân sách bị cắt giảm mạnh, bao gồm cả kinh phí sử dụng máy tính bên ngoài công ty. Tệ hơn nữa, Boeing đã thiết lập dịch vụ lập trình theo hợp đồng của riêng họ. Chỉ trong vòng vài tháng, từ khách hàng, họ đã chuyển thành đối thủ cạnh tranh của C3. Đầu xuân năm đó, C³ suy sụp và nộp đơn xin phá sản. Khi biết tin, tôi và Bill ba chân bốn cẳng chạy đến phòng chứa thiết bị đầu cuối, năn nỉ xin họ thời gian để hoàn thành một vài chương trình và sao lưu dữ liệu trên DECtape. Chúng tôi đến chưa bao lâu thì nhân viên chuyển nhà tới lấy lại bàn ghế được thuê. Trong lúc chúng tôi điên cuồng làm việc tại máy Teletype thì họ đi từ phòng này sang phòng khác, khiêng bàn chất lên xe tải. Cuối cùng, họ đến chỗ chúng tôi và nói: “Này mấy nhóc, tụi anh phải lấy mấy cái ghế.” Chúng tôi quỳ trên sàn bên cạnh thiết bị đầu cuối để tiếp tục lưu trữ cho xong các chương trình của mình. Vài phút sau, tôi thấy Bill nhìn chăm chú ra ngoài cửa sổ, miệng há hốc. Một chiếc ghế có bánh xe bị lỏng dây, rơi xuống đất và lăn dọc theo đường Roosevelt, phía sau là một nhân viên chuyển đồ đang đuổi theo. Chúng tôi cười phá lên, nhưng chỉ là nụ cười chua chát, một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời chúng tôi đã kết thúc. Viễn cảnh về công việc mùa hè của tôi biến mất, bố dọa sẽ không cho tôi lái xe nữa nếu tôi không bù lại những buổi học còn thiếu tại phòng thí nghiệm hóa học. Nghiêm trọng hơn, việc C³ phá sản là một lời cảnh báo lâu dài rằng một doanh nghiệp có thể lụn bại trong phút chốc. Đặc biệt là Bill, cậu ấy không bao giờ quên bài học đó. NGHĨ LẠI THÌ việc C³ đóng cửa cũng là điều may mắn. Khi buộc phải tranh giành cơ hội tiếp cận máy tính, trải nghiệm của chúng tôi lại được mở rộng. Lúc bấy giờ, IBM kiểm soát hai phần ba thị trường máy tính cỡ lớn. Những đối thủ cạnh tranh bám sát họ được gọi là Bảy chú lùn: Burroughs, Control Data, GE, Honeywell, NCR, RCA và UNIVAC. Cùng với những tân binh hứa hẹn như DEC, họ đang chiến đấu để mở rộng thị phần ít ỏi của mình bằng cách đánh bại người dẫn đầu trên phương diện giá cả, năng lực và tính sáng tạo, hoặc cả ba. Khu vực phần mềm thậm chí còn phân hóa mạnh hơn. Ngày nay, sau cuộc thanh lọc khó tránh trong bất kỳ thị trường trưởng thành nào, cơ bản chỉ còn ba hệ điều hành máy tính: Windows, Mac OS của Apple và các biến thể của Unix. Nhưng với máy tính cỡ lớn hồi thập niên 1970, hệ điều hành lên đến hàng tá. Mỗi dòng máy tính lại có một thế giới phần mềm riêng. Năm lớp 12, một buổi chiều nọ sau giờ tan trường, tôi đánh liều bước qua cánh cửa dẫn vào trong phòng thí nghiệm khoa học máy tính dành cho thực tập sinh của Đại học Washington. Tôi lấy một cuốn sổ tay rồi ngồi xuống bên chiếc máy Teletype kết nối tới Hệ dữ liệu Xerox Sigma 5, chẳng mấy chốc tôi đã thành thạo cách dùng. Lát sau, một sinh viên sau đại học đến hỏi tôi một vấn đề, chẳng mấy chốc mọi người kháo nhau rằng tôi có vẻ nắm chắc cách làm. Tôi cứ tiếp tục cho đến khi một trợ lý giáo sư gọi tôi đến văn phòng và nói: “Nhìn em lạ lắm. EM có học lớp nào của tôi không?” Tôi đáp: “Dạ không thưa thầy.” “Thực ra em cũng không học trường này phải không?” Tôi thừa nhận rằng không phải. Vị trợ lý mỉm cười và nói: “Được rồi, tôi tính thế này. Nếu em tiếp tục giúp các sinh viên của tôi, em có thể ở lại đây.” Sau đó, tôi không còn đường quay lại. Tôi chuyển sang máy Burroughs B5500 và một ngôn ngữ quyền năng gọi là ALGOL – lần đầu tiên tôi được tiếp cận với phương pháp xử lý hàng loạt, một bước lùi về quá khứ chỉ làm tăng thêm lòng cảm kích của tôi với máy PDP-10. Tôi đã chạm vào máy CDC-6400 của Control Data và PDS-1 của Imlac, máy tính đồ họa cá nhân tiên phong, trong đó tôi tìm thấy một phiên bản Spacewar của Steve Russell. Tôi như miếng bọt biển, hút tất cả kiến thức xung quanh. Lúc đó, tất cả chúng tôi đều là những miếng bọt biển. Đến tháng Mười một, một công ty cho thuê máy tính của Ba Lan tên là Information Services Inc. (ISI) đã mời tôi và ba “đồng nghiệp” đến gặp để bàn bạc hợp đồng, một bước tiến lớn cho chúng tôi. Trước khi lái xe tới Oregon, chúng tôi lập ra Nhóm Lập trình Lakeside, nghe có vẻ chững chạc và chuyên nghiệp. ISI muốn có một chương trình tính lương viết bằng COBOL, một ngôn ngữ bậc cao dùng cho ứng dụng kinh doanh. Đổi lại, họ sẽ cho chúng tôi thời gian sử dụng miễn phí máy PDP-10 của họ. Chúng tôi nhấn mạnh kinh nghiệm của bản thân rồi nộp sơ yếu lý lịch; Bill, vừa bước qua tuổi 16, thậm chí còn viết bản lý lịch bằng bút chì trên giấy vở kẻ ngang. Chúng tôi đã được nhận dự án đó. Hóa ra, bước đột phá lớn lại không như mong đợi. COBOL là một ngôn ngữ cồng kềnh, dài dòng, còn chương trình kế toán khiến chúng tôi vô cùng vất vả. Chúng tôi vật lộn với nó suốt mùa đông, sử dụng phòng thí nghiệm khoa học máy tính của Đại học Washington cho tới khi người ta không còn hoan nghênh nữa. Trong một bức thư đề ngày 17 tháng Ba năm 1971, một giáo sư tên Hellmut Golde than phiền rằng công việc của chúng tôi “có xu hướng làm gián đoạn mục đích sử dụng chính của phòng thí nghiệm”. Cuối thư, ông ta còn kèm theo danh sách vi phạm, bao gồm việc chúng tôi “nhiều lần sử dụng máy Teletype (tất cả các máy cùng một lúc) trong thời gian dài và đôi khi không giám sát chặt chẽ khiến máy in ra những bản danh sách dài vô tận”. Tiếng ồn từ công việc của chúng tôi “gây hại đến các hoạt động thông thường và cũng không phải là trạng thái vận hành mong muốn đối với một bản điều khiển thiết bị từ xa”. “Xét thấy những vấn đề này và những sự cố khác,” thầy Golde kết luận, “tôi buộc phải yêu cầu các anh trả lại chìa khóa và chấm dứt các hoạt động của mình tại phòng thí nghiệm ngay lập tức.” Chúng tôi phát hiện ra các thực tập sinh đã khiếu nại với thầy và chuyển sang các máy Teletype ở nơi khác để hoàn thành công việc. Tuy chưa thấy một đồng doanh thu từ chương trình tính lương, nhưng chúng tôi rất thích cảm giác hoài niệm khi quay lại làm việc với máy PDP-10. Chúng tôi bắt đầu xem bản thân như những người kiếm sống bằng nghề lập trình, chứ không còn là tay chơi nghiệp dư. TỪNG CÓ THỜI GIAN la cà giữa các kệ sách trong thư viện khoa học máy tính của Đại học Washington, tôi nghiễm nhiên trở thành chủ lực nghiên cứu của Nhóm lập trình Lakeside. Tôi dành hàng tiếng đồng hồ vùi đầu vào những tạp chí định kỳ như Datamation hay Computer Design để bắt kịp những xu hướng máy tính cỡ lớn mới nhất. Tôi đắm chìm trong những báo cáo kỹ thuật lưu hành nội bộ của MIT và Carnegie Mellon, những lý thuyết thâm sâu trải dài từ trí thông minh nhân tạo đến những thuật toán mới nhất. Tìm được điều gì thú vị, tôi sẽ kiểm tra nó, rồi chỉ cho cả nhóm cùng xem. Theo ảnh chụp kỷ yếu lớp 12, tôi còn đọc những thứ khác nữa. Trong ảnh, tôi đang ngồi tại bàn, mặc chiếc áo khoác vải ca-rô màu xanh lá quen thuộc và một chiếc trông như áo sơ-mi Oxford xanh dương. (Bạn không thể trông thấy đôi bốt kiểu beatles của tôi). Tôi có mái tóc dài thời thượng, tóc mai dày, và một bộ ria như nhân vật Fu Manchu. Cằm tôi tựa trên một chồng sách 11 cuốn, bao gồm Dubliners (tạm dịch: Nười Dublin) của Joyce, Modern University Physics(tạm dịch: Vật lý đại học hiện đại), The Mexican War (tạm dịch: Chiến tranh Mexico) và Kinh Thánh. Tôi đoán tấm ảnh này chắc là để châm biếm bài tập nặng nề mà giáo viên giao cho chúng tôi. Dẫu sao nó vẫn thể hiện rất đúng sở thích đa dạng của tôi. Nỗ lực của tôi chủ yếu xuất phát từ trí tò mò hơn là vì bắt buộc phải đạt điểm cao. Nói tới Nội chiến hay việc chia động từ pouvoir, tôi thậm chí chẳng muốn giả vờ hứng thú. Lúc bấy giờ, tôi viết rằng: “Tôi cũng rất đãng trí (dùng sai từ) và lười biếng (nói giảm nói tránh) đối với những thứ không gợi được hứng thú muốn chủ động tìm tòi hay suy ngẫm.” Nhưng nếu cho tôi một giáo viên năng động và tài liệu hấp dẫn, tôi sẽ càng muốn biết nhiều hơn. Tôi còn nhớ giai đoạn cuồng Rimbaud khi suốt ngày đắm chìm trong những vần thơ về khát vọng và nỗi sợ sâu thẳm. Tôi rất mê môn Lịch sử Assyria và lớp Triết học nâng cao. Chính vào lúc này, trong một lần thảo luận về triết gia Kant giữa giờ ăn trưa với trường nữ sinh Holy Names, tôi đã gặp người bạn gái đầu tiên: Rita, một cô nàng tóc đỏ sắc sảo và duyên dáng. Sảnh McAllister là nơi nhiều sinh viên thường tụ tập, những người không quan tâm đến bất kỳ thứ gì khác trừ ngôn ngữ BASIC. Tôi không như thế. Tôi tham gia diễn tấu nhạc blue sau giờ học với cây guitar thùng. Tôi yêu thích văn học, điện ảnh và đứng hạng tư trong đội cờ vua. Tôi chưa bao giờ ngừng cổ vũ đội bóng bầu dục và bóng rổ của Đại học Washington, đó cũng là đức tính trung thành tôi được thừa hưởng từ bố. Tôi giao du rộng rãi với nhiều nhóm, từ dân hippie tới dân lập trình. Tôi không phải là con mọt sách. Tôi chỉ là một người tình cờ yêu thích máy tính giữa muôn vàn những thứ khác. BA THẬP KỶ SAU KHI thầy Fred Wright dạy Bill và tôi tại trường Lakeside, có người hỏi thầy suy nghĩ gì về thành công của chúng tôi với Microsolf. Thầy đáp: “Các em ấy rất giỏi khi giữ được quan hệ hòa hảo để công ty không giải thể trong 1-2 năm đầu.” Giữa chúng tôi luôn có một lực kéo đẩy. Ở trường Lakeside, đó là sự ganh đua giữa một bên là Ric và tôi, một bên là Bill và Kent; các cậu ấy học sau chúng tôi hai năm và cần phải chứng minh điều gì đó. Nói cho cùng thì Nhóm lập trình Lakeside là câu lạc bộ của các chàng trai, bầu không khí luôn hiện hữu bản tính hiếu thắng và thích phô trương sức mạnh của giống đực. Dù tất cả chúng tôi đều quyết tâm chứng minh năng lực, nhưng chắc chắn Bill là người tham vọng nhất và ganh đua nhất. Từ ngày đầu gặp gỡ, chúng tôi đã là bạn bè, nhưng vẫn có những căng thẳng ngấm ngầm. Giữa năm lớp 12, tôi đang chăm chú làm việc trong phòng máy tính của trường thì Bill bắt đầu trêu ngươi tôi: “Paul, có chuyện bí mật này anh nên biết, nhưng em cá là anh không thể đoán được đâu.” Tôi đáp: “Ồ, thật sao Bill? Chuyện gì vậy?” Cậu ấy nói: “Em không nói cho anh biết được, nhưng đó là thứ mà anh ao ước.” Đúng kiểu của Bill, chuyện này đã diễn ra một thời gian rồi. Nhưng cậu ấy nào hay, tôi đã biết tỏng. Vài tuần trước, đã diễn ra một cuộc phát mãi những tài sản còn lại của C³, bao gồm hàng chục DECtape. Bill và Kent đã mua vội chúng với giá rẻ mạt, rồi im thin thít. Nhưng Ric đã trông thấy họ giấu chiến lợi phẩm trong bệ máy Teletype, rồi mách lại với tôi. Chiều hôm đó, khi mọi người ra về, tôi gom hết mớ băng, bỏ vào hộp mang về nhà rồi giấu dưới giường mình. Hôm sau, con giun xéo lắm cũng quằn. Bill nổi trận lôi đình. “Từ đầu anh đã biết băng DECtape ở đó rồi,” cậu ấy nói. “Anh đã làm gì với chúng?” “Thật sao, Bill?” Tôi nói. “Cậu có băng DECtape à? Lấy ở đâu ra thế?” Bill phát điên. Kent mắng tôi là kẻ ăn trộm rồi đe dọa kiện tôi ra tòa. Chuyện ầm ĩ đến mức thầy Fred Wright phải đến và kéo tôi sang một bên, và tôi đồng ý trả lại mớ băng. Dù vậy, Bill và tôi hiếm khi nảy sinh kiểu mâu thuẫn đó. Trong loạt bài luận năm lớp 12 về những người thân yêu và gần gũi với bản thân, tôi đã viết về cậu ấy như thế này: Bill là một người thấp bé, sáng sủa, thông minh, vui tính và nhìn chung là dễ mến. Cậu ấy xem việc đi học dễ như ăn cháo, cũng thông minh giống tôi trong hầu hết mọi việc (trừ môn tiếng Anh) và rất giỏi dù chỉ mới học lớp 10. So với cậu ấy, tôi biết nhiều hơn về các môn khoa học và thế giới. Hầu như trong bất kỳ tình huống nào, cậu ấy đều có khả năng tự trào một cách hài hước. Bill yêu máy tính và các thiết bị giống tôi. Cậu ấy rất dễ bị ảnh hưởng và sẵn sàng chớp lấy bất kỳ cơ hội nào để vui chơi theo những cách khác thường. Chúng tôi là một cặp bài trùng. TRONG LỄ TỐT NGHIỆP trung học của tôi, một người bạn cùng lớp tên Stu Goldberg đã biểu diễn đàn dương cầm điêu luyện như một bậc thầy. Có một dạo, tôi đắn đo giữa hai con đường sự nghiệp: guitar rock hay lập trình máy tính. Tiếng đàn của Stu đã góp phần củng cố lựa chọn sự nghiệp máy tính của tôi. Sau buổi lễ, khi tôi đang ra về cùng bố mẹ, thầy Fred Wright đuổi theo chúng tôi với một tờ giấy trong tay. Đó là hóa đơn thuê máy cuối cùng của tôi, đâu đó hơn 200 đô-la. Bố tôi cằn nhằn vài tiếng khi viết séc. Tôi dự định theo học ngành khoa học máy tính tại Đại học bang Washington, nhưng bố mẹ vẫn nghi ngờ tính chuyên nghiệp của lĩnh vực này. Họ coi nó như một nghề phụ cho đến khi tôi tìm được tương lai thật sự của mình. Niên học 1971 là năm cuối cùng Lakeside còn là trường nam sinh; mùa thu năm đó, trường sáp nhập với St. Nicolas trở thành trường nam nữ đồng giáo. Như một món quà chia tay, chúng tôi đặt một bia đá mà ngày nay vẫn còn nằm trong khuôn viên trường. Trên tấm bia đá có khắc thứ tiếng Latin sai chính tả: Vivat virgor virilis, hay “Trinh nam muôn năm”. Chương 5WAZZU Tôi rất vui khi ở một mình tại Đại học bang Washington (mà chúng tôi thường gọi là Wazzu), cách nhà gần 500km, nhưng cuộc sống đại học không giống như tôi vẫn tưởng. Chương trình nhập môn chẳng có tính thử thách. Tôi nhớ gia đình và bạn gái, rồi sao lãng vì những ồn ào của xã hội. Vài người như cá gặp nước khi lần đầu ra ở riêng, nhưng tôi không nằm trong số đó. Tôi cũng nhớ máy PDP-10. Ban đầu, tôi dành trọn những buổi tối để viết chương trình trên loạt thẻ cho máy tính cỡ lớn IBM. “Sử dụng thiết bị IBM có khác biệt nhưng thật sự cũng không đến nỗi tệ,” tôi viết thư cho Ric Weiland vào tháng Mười một, ra vẻ vẫn ổn. Máy tính mới luôn hấp dẫn tôi, ngay cả những chiếc máy rườm rà, chậm chạp và cồng kềnh. Tôi đọc ngấu nghiến, cố gắng suy nghĩ những công cụ để cải thiện trải nghiệm lập trình với máy IBM. nhưng chẳng tiến triển là bao. Điều thú vị hơn ở trường đại học là tôi tìm thấy một thế giới rộng lớn hơn, đặc biệt là tại Phi Kappa Theta, một hội huynh đệ nhỏ bé, vô danh ở cuối đường. Hội nằm trên một sườn dốc cao đến nỗi phải cần hai người để cắt cỏ: Một người đẩy máy cắt, một người cầm dây giữ cho máy không lăn xuống đồi. Ngay sau căn nhà là trạm chuyển hướng xe lửa, nơi họ tập kết những chuyến xe lúc 3 giờ sáng. Hai tuần đầu, tôi chẳng thể chợp mắt, nhưng sau đó thì có thể ngủ bất chấp hoàn cảnh. Tôi yêu nơi đó. Một sự pha trộn sinh động giữa dân hippie, dân lập dị và học viên quân đoàn huấn luyện sĩ quan dự bị, hầu như ai tôi cũng thích. Nào là Mike Flood, chủ tịch hội kiêm gã đầu sỏ hay nhăn nhó, người phân công tôi rửa bát; Gary Johnson, kẻ đã tiết kiệm tiền nhà bằng cách sống với hai chú cún trong xe tải trên lối đi vào nhà; Simon Karroum, hay gã người Syria To lớn với tâm hồn bao la, tốt bụng, tiếng Anh của cậu đã bị mai một sau khi làm thuê trên bến tàu Portland trong mùa hè. Chúng tôi phải sửa bài cho cậu và gạch bỏ mấy từ tục tĩu, vì cậu chẳng biết viết làm sao cho tốt hơn. Còn tôi là chuyên gia máy tính, người luôn sẵn lòng giúp bạn sửa lỗi bài tập về nhà; tôi có thể nhìn lướt qua một đoạn mã FORTRAN và chỉ ra chính xác chỗ sai. Nhưng tôi cũng chơi bóng rổ kiểu H-O-R-S E hàng giờ liền trên lối đi vào nhà, hiếm ai đánh bại được cú ném “ách chủ bài” khét tiếng của tôi. Trong đội bóng bầu dục giật cờ (flag football) của trường, tôi chơi ở vị trí giao bóng. Chủ công của chúng tôi, Jerry Morse, là cựu binh của đội thứ cấp New York Yankee, với tay ném như đại bác. Tôi không được trời ban cho tốc độ phi thường, vì thế lúc hội ý, Jerry sẽ bảo tôi: “Chạy 9m rồi quay lại nhé.” Nếu Simon và Mike bị kèm chặt, cậu ta sẽ ném bóng vào ngực tôi. Hiếm khi tôi bắt hụt bóng. Về nhà lúc 1-2 giờ sáng sau thời gian lập trình, tôi thư giãn đầu óc bằng guitar điện, thói quen khiến vài huynh đệ trong hội phiền hà. Mike Flood yêu cầu tôi ngừng chơi, trước khi đặt guitar xuống tôi phải chơi nốt 1-2 hợp âm nữa. Nhưng một buổi tối nọ, một gã đô con tên George Shea đã giận dữ xông vào phòng, túm cổ tôi dí vào tường. Tôi nhìn George và nắm đấm của gã, thầm nghĩ kỳ này chắc toi đời rồi. Với một người lớn lên trong gia đình không bao giờ giận đến mất khôn, ba hồn bảy vía tôi như bay đi mất. “Buông nó ra.” Đó là Mike Hasper, một trong những chiến hữu guitar của tôi, đang thủ thế karate. Nghe nói cậu có đai đen. George đắn đo cân nhắc, quăng tôi xuống sàn trong sự kinh tởm, rồi đùng đùng bỏ đi. Một ngày bình thường ở Phi Kappa Theta chẳng có gì đặc sắc: chơi bài heart và đánh cờ thâu đêm suốt sáng, xemStar Trek trong phòng tivi ở tầng hầm, nhâm nhi Pizza Shack và Taco Time. Dọc theo biên giới bang Idaho có những đoạn đường mà tuổi hợp pháp uống rượu là 19 và bia thì rẻ. Mỗi thứ Bảy, tôi lại tụ tập cùng đám đông để xem đội Cougars bị những đội như USC “làm cỏ”. Tôi cứ sống vô tư cho đến khi rút trúng số 99 trong cuộc bốc thăm quân dịch năm 1972, một con số có thể đưa tôi đến Việt Nam. Lúc bấy giờ, chiến tranh đang ở giai đoạn khốc liệt, chẳng đáng để hy sinh. Nhưng tôi vẫn sẽ làm tròn trách nhiệm nếu được gọi, giống bố tôi trong Thế chiến II. Rốt cuộc, họ đã đình chỉ quân dịch trước khi giấy hoãn thi hành nghĩa vụ vì đi học của tôi hết hạn. Ngày 28 tháng Năm năm 1972, trong tiết học leo núi của Đại học bang Washington, bạn học cùng trường Lakeside với tôi, Kent Evans, bị trượt chân khi đang băng qua một bãi tuyết trên núi Shuksan. Không đeo dây bảo hộ và không tìm được chỗ bám trụ, cậu ấy lăn khoảng 180 mét xuống vực, va vào nhiều mỏm đá lớn. Tuy được máy bay trực thăng hải quân đến giải cứu, nhưng cậu đã mất trước khi kịp đến bệnh viện. Khi đó, Kent mới 17 tuổi. Cái chết của Kent khiến Bill đau khổ, suy sụp. Vài ngày sau đám tang, bố mẹ Kent nhắn chúng tôi đến để xem liệu chúng tôi có muốn thứ gì trong đống máy móc của cậu ấy không – một vài cuốn sổ tay, chẳng có gì quan trọng. Họ thật tử tế, nhưng chúng tôi cảm thấy kỳ cục khi lục lọi đồ của Kent, nên chẳng ở lại lâu. Bill ký hợp đồng viết chương trình thời khóa biểu với trường Lakeside bằng ngôn ngữ FORTRAN trong kỳ nghỉ hè. “Em định viết với Kent,” cậu ấy nói với tôi. “Em cần giúp đỡ. Anh có muốn làm việc với em không?” Tuy chẳng kiếm được bao nhiêu tiền, song tôi vẫn vui vẻ tham gia và làm quen lại với máy PDP-10. Bill suy sụp trong vài tuần, nhưng rồi tinh thần cậu ấy phấn chấn dần lên khi chúng tôi triển khai dự án, dốc toàn lực tại Sảnh McAllister như ngày trước. Chúng tôi thường làm việc đến nửa đêm rồi ngủ lại trên giường gấp. Chương trình này là một thách thức, có nhiều phần biến đổi: môn bắt buộc, bố trí xen kẽ, môn tự chọn và tiết học song song trong phòng thí nghiệm. Tôi rất ấn tượng trước sự khéo léo khi Bill phân chia công việc thành những hợp phần, đặc biệt là cách cậu ấy “nạp trước” bản thân vào một lớp học tiếng Anh với hơn 10 nữ sinh mà không có nam sinh nào khác. Mùa hè năm đó, Bill và tôi trở nên thân thiết hơn. Khoảng cách tuổi tác dường như không còn là vấn đề; chúng tôi có cái mà tôi gọi là sự trao đổi băng thông cao (high-bandwidth). Khi đối mặt với một vấn đề, chúng tôi sẽ bắt đầu “xếp chồng lên”, thuật ngữ máy tính dùng để chỉ trình tự các nhiệm vụ con (subtask) trong CPU: vào sau, ra trước. Khi chúng tôi trò chuyện, cụm từ đó có nghĩa là từ một chủ đề, chúng tôi sẽ chuyển ngược về chủ đề trước đó mà không cần thông báo ngữ cảnh mới. Người khác nghe chúng tôi nói chuyện sẽ chẳng tài nào hiểu nổi: “Rồi chúng ta sẽ chuyển đoạn này…” “Cậu nói đúng, cái kia không thể xảy ra nếu nó đúng…” “Chính xác! Đó là biến số mà lần trước chúng ta sử dụng.” Một điểm chung nổi bật khác là đôi khi cả hai chúng tôi đều rất ngớ ngẩn. Một đêm nọ, sau thời gian dài làm việc không ngủ, chúng tôi miệt mài hàng tiếng đồng hồ với mã lập thời khóa biểu – mà vẫn không tìm ra lỗi sai. Bill nhìn chằm chằm vào trang gặp trục trặc, đột nhiên thốt lên, “X!” rồi cười khúc khích. Tôi nhìn vào liền hiểu ý cậu ấy ngay: Chúng tôi đã để một biến số vô nghĩa giữa một dòng mã. “X!” tôi kêu lên. Sau đó cả hai lăn lộn trên sàn, luôn miệng kêu “X!” giữa tòa nhà không người, kiệt sức và điên loạn. Để thư giãn, chúng tôi đi xem phim; có lẽ chúng tôi đã cùng xem hơn 500 phim trong ngần ấy năm. Rạp yêu thích của tôi là Kokusai trong khu International District của Seattle. Họ có chương trình xem hai phim tính tiền một với phụ đề tiếng Anh, bộ phim thứ hai luôn là về samurai. Bill không hứng thú với phim nước ngoài, nhưng một đêm nọ, cậu ấy đồng ý xem “phim nào cũng được, trừ mấy bộ phim ngu ngốc có con chó nhỏ”. Chúng tôi vừa ngồi vào ghế chuẩn bị xem một bộ phim Nhật hiện đại thì một con chó sục ầm ĩ chạy ngang màn hình. “Đừng chiếu con chó con nữa,” Bill lớn tiếng phàn nàn. Hè năm đó, tuy thật sự rất vui, nhưng chúng tôi chưa bao giờ ngừng suy nghĩ về cơ hội kinh doanh tiếp theo. Bill tiếp nhận xử lý dữ liệu cho một công ty chuyên đo lường mô hình lưu lượng giao thông bằng cách đếm số bánh xe chạy qua ống cao su cảm ứng áp lực. Cứ cách 15 phút, một chiếc máy sẽ đục một mô hình lỗ trên băng giấy 16 hàng đặc biệt, tượng trưng cho số lượng xe hơi. Băng giấy phải được đọc thủ công, kết quả được ghi bằng chữ viết thường, sau đó chuyển vào thẻ tải hàng loạt (batch-loaded card). Quy trình này đơn điệu, kém hiệu quả và rất hại mắt. Bill thuê học sinh lớp dưới tại trường Lakeside làm nhiệm vụ thay máy đọc băng giấy với giá 50 xu một băng. Một ngày nọ, cậu ấy nói: “Bọn nhóc sẽ bị mù khi cố đọc mấy thứ đó. Chúng ta phải tìm cách để tự động hóa việc này.” Tôi lên tiếng thắc mắc liệu chúng tôi có thể sử dụng một trong những chiếc máy tính cỡ nhỏ hiện đại không. Mẫu máy mới nhất của Texas Instruments đặc biệt nhỏ gọn, có giá vài nghìn đô-la, nhưng vẫn quá đắt đỏ với chúng tôi. Rồi tôi nảy ra một ý tưởng khác: Vậy còn bộ vi xử lý 8 bit mới của Intel, chip 8008 thì sao nhỉ? Theo thông tin tôi đọc được, con chip có thể vận hành máy tính, thang máy, thậm chí là thiết bị đầu cuối thông minh. Vì mới ra mắt vào mùa xuân, nó chưa được sử dụng nhiều trong phân tích dữ liệu. Nhưng nếu hoạt động đúng theo thông số kỹ thuật, chip 8008 sẽ phù hợp với nhiệm vụ của chúng tôi. “Chúng ta có thể tạo ra một hệ thống trên nền tảng chip của riêng mình, đó là cách làm rẻ nhất,” tôi nói. Khi Bill tỏ ra quan tâm tới đề xuất này, tôi bổ sung một điều kiên tiên quyết: “Chúng ta phải tìm ai đó chế tạo chiếc máy này.” Phần cứng không phải là thế mạnh của chúng tôi, vì thế chúng tôi cần một cộng sự thứ ba. Một người quen đã kể cho chúng tôi về Paul Gilbert, sinh viên kỹ thuật điện tại Đại học Washington, cuối mùa hè, chúng tôi tìm gặp cậu ta. Sau vài lần gặp gỡ, Paul đưa ra bản phác thảo cho Traf-O Data, chúng tôi sử dụng cái tên này cho máy đo lường lưu lượng giao thông lẫn mối quan hệ cộng sự của mình. (Mãi về sau, tôi hỏi Bill từ đâu mà cậu nghĩ ra cái tên đó, cậu ấy đáp: “Em lấy từ jack-o lantern (đèn bí ngô).” Điều đó thật quái lạ). Trong cơn men say kinh doanh đầu tiên, chúng tôi đã có những ước mơ phát tài vĩ đại. Khi được trang bị những biểu đồ dữ liệu dễ hiểu về lưu lượng truy cập giao thông mỗi giờ, chính quyền đô thị sẽ biết chính xác nên đặt đèn giao thông ở vị trí nào hoặc đoạn đường nào cần tập trung sửa chữa. Trên thế giới, có cơ quan công ích nào lại không muốn một chiếc máy Traf-O-Data cơ chứ? Paul Gilbert đã dùng mánh khóe lấy được một phiếu giảm giá của Đại học Washington, rồi chúng tôi đặt hàng riêng một chip 8008 tại cửa hàng điện tử địa phương. Bill và tôi gom góp 360 đô-la rồi lái xe đến nhận hàng. Trợ lý bán hàng giao cho chúng tôi một hộp các tông nhỏ, chúng tôi mở ngay tại chỗ để được nhìn ngắm bộ vi xử lý đầu tiên. Bên trong lớp giấy bọc bằng nhôm, giữa bản nhỏ bằng cao su đen cách điện, là một hình chữ nhật mỏng dài khoảng 2,5cm. Với hai gã chỉ biết đến các cỗ máy tính khổng lồ trong suốt nhiều năm, khoảnh khắc đó quả là kỳ diệu. “Nhiều tiền như vậy mà chỉ có một mẩu nhỏ xíu.” Bill nói. Nhưng tôi biết điều cậu ấy đang nghĩ: Chiếc hộp nhỏ bé này đang chứa đựng bộ não của cả một chiếc máy tính. Chúng tôi mang nó đến cho Paul Gilbert tại khoa vật lý, rồi cậu ta bắt tay vào việc. Trong quá trình xây dựng phần mềm Traf-O-Data, Bill và tôi rơi vào tình thế lưỡng nan. Cố tạo ra một phần mềm ngay trên chip 8008 là việc vô cùng gian nan, nếu không muốn nói là vô ích. Chúng tôi cần xây dựng một bộ công cụ phát triển (development tool) từ con số 0, bao gồm một trình biên dịch đã được tùy biến, một chương trình có thể dịch các câu lệnh bằng ngôn ngữ hợp mã sang byte thật sự. Dù chip 8008 có thể chạy bộ nhớ 16.000 byte, nhưng Bill và tôi chỉ đủ tiền mua 4K bộ nhớ, chưa thấm vào đâu so với bộ công cụ. Vậy làm thế nào chúng tôi có thể lập trình một bộ vi xử lý giới hạn như thế trên một chiếc máy còn chưa tồn tại? Với tôi, câu trả lời dường như đã rõ ràng: Tôi sẽ mô phỏng môi trường 8008 trên máy máy tính cỡ lớn. Trình mô phỏng (simulator) xuất hiện lần đầu vào giữa thập niên 1960, khi một kỹ sư tên là Larry Moss đã phát minh ra cách để máy IBM 360 “mô phỏng” các mẫu máy tính trước đó và chạy phần mềm của chúng. Công trình của Moss phản ánh một chân lý hiển nhiên trong chu kỳ công nghệ cùng thời với học thuyết của Alan Turing trong thập niên 1930: Mọi chiếc máy tính đều có thể được lập trình để vận hành như bất kỳ loại máy móc nào khác. Phần mềm ưu việt hơn phần cứng. Dù chưa từng đọc thấy có người mô phỏng bộ vi xử lý, nhưng tôi nghĩ nó cũng tương đối dễ. Trong lúc đó, chúng tôi có thể tận dụng bộ nhớ dồi dào của máy tính cỡ lớn và công cụ phát triển cao cấp. Chúng tôi không hề biết con đường trước mặt sẽ chông gai đến dường nào. Tận dụng thiết bị và cơ sở vật chất của Đại học Washington, Paul Gilbert tiếp tục xây dựng một bản mẫu vô cùng phức tạp, với hơn một nghìn sợi dây đồng quấn quanh hàng chục trụ mạ vàng trên hai bảng mạch. Thiết kế và sơ đồ bố trí của chiếc hộp được tiến hành nhanh chóng, nhưng Paul phải mất một năm để làm cho các chip nhớ nhạy âm (noise-sensitive) hoạt động. Trong khi đó, tại Wazzu, tôi vất vả xây dựng một gói mô phỏng trên máy IBM 360. Sửa lỗi trên máy tính xử lý hàng loạt là một việc vô cùng nặng nhọc, cứ tiến được hai bước lại lùi một bước rưỡi. Mùa đông năm đó, Bill đến Pullman giữa đợt rét cắt da. Trong khi đi bộ hơn 3km đến trung tâm máy tính của trường, chúng tôi thấy nhiệt kế trên bảng sự kiện của một ngân hàng đang chỉ âm 250C. Không khí lạnh buốt đến độ nói chuyện cũng thấy đau rát. Khi tới nơi, bộ râu quai nón của tôi đã đông cứng thành đá. “Ở Pullman lúc nào cũng lạnh thế này sao?” Bill vừa nói vừa run lập cập. Sau đó, trong trí nhớ của tôi, cậu ấy không còn xuất hiện ở đây vào mùa đông nữa. VÀO LỄ GIÁNG SINH, Bill nhận được một cuộc gọi từ Bud Pembroke, người đã thuê chúng tôi thực hiện chương trình tính lương ISI. Một dự án phần mềm khổng lồ cho mạng lưới điện của Cục Điện lực Bonneville bị chậm tiến độ, Bud đang lùng sục khắp vùng để tìm lập trình viên biết sử dụng PDP-10. Tôi chưa tròn 20 tuổi còn Bill chỉ mới 17 tuổi, nhưng tuổi tác không phải là vấn đề. “Các cậu sẽ được trả lương,” Bud nói. Bill nói: “Chúng tôi được trả bao nhiêu?” Rồi Bud đáp: “165 đô-la một tuần.” Thậm chí vào thời đó, 4 đô-la một giờ còn được coi là mức lương còm cõi cho một lập trình viên dày dặn kinh nghiệm, nhưng Bill và tôi không thể tin vào vận may của mình. Đây là cơ hội để làm việc với máy PDP-10 một lần nữa, mà còn được trả lương! Tôi rất vui khi xin tạm nghỉ tại Đại học Washington. Bill đã hoàn thành những môn bắt buộc tại Lakeside và được trường chấp thuận cho theo đuổi một dự án cấp cao ngoại khóa trong học kỳ cuối. Chúng tôi báo Bud chừa phần cho mình. Bill và tôi chen chúc trong chiếc Mustang 1967 mui trần màu cam của cậu ấy đi về phía nam đến Vancouver, Washington, vùng đất của những cửa hàng buôn bán, tiệm rửa xe. Ở đây còn có quán A&W Root Beer cổ điển phục vụ khách ngồi trên xe hơi, sau này chúng tôi sẽ trở thành khách quen của họ. Chúng tôi tìm được một căn hộ hai phòng ngủ giá rẻ, và trình diện ở nơi làm việc vào một sáng thứ Hai, tháng Một năm 1973. Chủ của chúng tôi là TRW, một công ty hàng không vũ trụ lớn đã ký hợp đồng với Bộ Nội vụ để thiết lập một hệ thống vận hành và gửi thông tin thời gian thực, hay còn gọi là RODS – hệ thống đầu tiên thuộc loại này tại nước Mỹ, họ nói với chúng tôi như thế. Chính phủ đã có một phần mềm kiểm soát máy phát điện của Bonneville dọc theo sông Columbia, phân phối điện năng cho 8 bang miền tây. Mục tiêu của RODS là làm mới thông tin mỗi giây và phản ứng hiệu quả hơn trong việc chuyển đổi nhu cầu điện năng. Ban quản lý TRW dự đoán rằng nhóm kỹ sư phần mềm cần hai năm để hoàn thành công việc, song họ đã quá xem nhẹ công việc này. Chuyển đổi máy TOP-10 của DEC thành hệ thống thời gian thực cũng như biến táo thành cam – mà còn là một giống cam mới toanh. Sau hơn một năm từ khi dự án khởi động, tiền phạt vượt mức (overrun penalty) tăng vọt, nhưng phần mềm mới của TRW vẫn đầy lỗi. Tình thế cấp bách, ban quản lý đành ra ngoài chiêu mộ tất cả lập trình viên có năng lực mà họ có thể tìm được để xây dựng RODS và đưa vào hoạt động. Lúc chúng tôi đến nơi, đã có hơn 40 người miệt mài làm việc ngày đêm. Trung tâm kiểm soát kiên cố của Bonneville tọa lạc bên kia sông đối diện Portland, phần lớn nằm dưới lòng đất. Thậm chí, họ còn có cả phòng tắm để tẩy rửa phế liệu hạt nhân trong trường hợp có người ấn nút phóng. Bill và tôi dùng thang máy đi xuống bên dưới công trình bê tông vững chắc và dường như vô tận này. Sau khi đi qua vài cánh cửa được bảo vệ bằng khóa bí mật, chúng tôi vào một phòng máy tính với sàn đắp nổi và máy điều hòa lạnh lẽo, nơi chúng tôi sẽ kiểm tra và chạy mã lệnh. Tôi rất hào hứng khi thấy chúng tôi sẽ ở chung phòng với hai máy PDP-10 kép; tôi chưa bao giờ làm việc gần máy tính như thế này. Cuối hành lang là một phòng kiểm soát rộng bằng bốn sân bóng rổ gộp lại. Hai bức tường được phủ kín bằng mạng lưới đèn nền khổng lồ, như một cảnh trong phim Dr. Stranglove (tạm dịch: Bác sĩ Stranglove) thể hiện tình trạng mỗi đập nước ở khu Tây Bắc. Nếu xảy ra trục trặc, bóng đèn tương ứng sẽ chuyển từ xanh sang đỏ. Cán bộ vận hành của Bonneville làm việc tại những bảng điều khiển màu với các bàn phím khổng lồ có thể gọi đến bất kỳ trạm biến điện phụ nào và hiển thị nó trên màn hình của họ. Có những đồng hồ đo thể hiện công suất đầu ra của các đập theomegawatt (triệu watt), tôi nghĩ điều này khá khủng khiếp. Các lập trình viên lập thành một đội thân thiết nhưng hỗn tạp, từ típ công sở cổ điển vận áo sơ-mi trắng ngắn tay, thắt nơ con bướm cho đến những nhân vật vô tư lự như Bob Barnett, một cựu binh từng phục vụ tại Việt Nam, người đã chỉ cho chúng tôi xem những dây cáp theo phong cách “ông chú điên cuồng”. Bill được phân công làm một loạt nhiệm vụ nhỏ, trong khi tôi được giao một công việc kha khá, một mô-đun phục hồi (recovery module) nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống tự động hóa mới. (Khi bạn vận hành điện năng cho hàng triệu con người, việc ngừng hoạt động là điều không được phép xảy ra.) Nếu máy PDP-10 chính gặp trục trặc, hệ thống của tôi sẽ yêu cầu máy tính dự phòng hoạt động thay thế. Để chuẩn bị cho mọi tình huống, TRW thực hiện tất cả những thí nghiệm cực độ, chẳng hạn hiện tượng đoản mạch nối đất (ground short) khổng lồ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những máy tính bên dưới. Sau khi dây cáp thép dày 6,35 li được treo từ đường dây 250 kilovolt đến một cột dầm cắm chặt vào lòng đất, chúng tôi ra bên ngoài xem người ta bật công tắc. Một tiếng ầm đinh tai nhức óc khiến chúng tôi nhảy dựng lên. Dây cáp biến thành một sợi thép bốc hơi, rồi biến mất. May thay, máy tính vẫn không suy suyển. “Chà,” tôi kêu lên, “dữ dội thật.” Một quản lý TRW nói: “Chưa đâu, dữ dội là cái lần Joe quên hạ thùng xe tải sửa chữa mà lái thẳng vào đường dây điện cơ.” “Chuyện gì đã xảy ra với anh ấy?” “Tia lửa bắn tung tóe, bánh xe chảy hết ra,” người quản lý nói, “Joe sợ chết khiếp. Nhưng cậu không sao cả vì chiếc xe tải đã trở thành lồng Faraday.”6 Những anh chàng TRW phá lên cười khi tôi nghĩ: Trời ơi, thế thì kinh quá. Nhân viên quái đản còn chỗ làm việc lại không thấy ánh mặt trời, đôi khi RODS có vẻ rất kỳ lạ. 6 Vào thập niên 1830, nhà vật lý học người Anh Michael Faraday đã chứng minh rằng dòng điện chạy trên mặt ngoài của một cấu trúc không dẫn điện sẽ không ảnh hưởng đến phần bên trong. (TG) Bill và tôi là hai nhân viên nhỏ tuổi nhất, dĩ nhiên lương cũng thấp nhất, nhưng không vì thế mà Bob và những quản lý khác giảm bớt đòi hỏi ở chúng tôi. Ở RODS, chúng tôi phát hiện ra rằng năng lực của mình không hề kém cạnh các lập trình viên hàng đầu. Tôi phải viết 1.000 dòng mã trình biên dịch – số lượng không nhiều, nhưng khá cam go. Hai lập trình viên khác đã thử làm, nhưng mã của họ không thể xử lý “những trường hợp cực đoan”, như khi hai thiết bị (hoặc hơn) hỏng hóc cùng một lúc. Tôi quyết định viết lại từ đầu với cấu trúc rõ ràng và kèm theo ghi chú mà tôi đã học ở C³. Tôi dành hàng giờ kiểm tra công việc, vì nó bắt buộc phải đảm bảo an toàn trong mọi tình huống khẩn cấp. Lần đầu tiên được viết trực tiếp trên một hệ điều hành đang hoạt động, tôi vô cùng phấn khích. Không vướng bận chuyện học hành và gia đình, Bill và tôi vui vẻ đắm chìm trong những buổi lập trình và chu kỳ kiểm nghiệm kéo dài tối thiểu 12 tiếng. Hai chúng tôi bẩm sinh đều là cú đêm, những người hoạt động mạnh nhất lúc 10 hay 11 giờ tối và tiếp tục duy trì hiệu quả tối ưu một lúc lâu sau đó. Khi thấy mệt mỏi, Bill lấy ra hũ bột cam Tang, đổ một ít vào lòng bàn tay, rồi liếm sạch để nạp năng lượng từ đường. (Suốt mùa hè đó, lòng bàn tay cậu ấy luôn có màu vàng nhạt.) Thông thường, chúng tôi sẽ làm việc hai ngày liền rồi đánh một giấc từ 18 tới 20 tiếng, Bill gọi đó là “ngủ nướng”. Nhưng ngủ nghê là chuyện để sau mới tính. Chúng tôi phải hoàn thành công việc của Lakeside trong học kỳ tiếp theo, và dường như ca đêm tại RODS khá lý tưởng cho mục đích này. Chương trình lập thời khóa biểu môn học rất “ngốn” CPU, thỉnh thoảng Bob Barnett đến vào đêm muộn và thấy máy PDP-10 chậm như rùa bò. Anh hùng hổ bước xuống hành lang, giả vờ giận dữ quát: “Gates và Allen đâu rồi? Tắt ngay cái chương trình thời khóa biểu chết tiệt của các cậu đi!” Khi không lập trình, tôi chơi đàn guitar thùng hay xem tin tức về vụ Watergate7 mới nhất ở căn hộ. Chương trình giải trí đêm khuya ở Vancouver chỉ gói gọn trong “bữa sáng kinh điển” của tiệm Denny’s. Chúng tôi sẽ mang về trứng, thịt xông khói, một cái bánh kếp, khoai tây xắt sợi vào lúc 3 giờ sáng. Để thêm phần hào hứng, Bill nhập bọn với Bob tại sân đua chó ở Gresham, họ cá cược số của thú đua dựa trên bảng số ở bãi đậu xe. Vài lần tôi theo họ tới trường đua ngựa Portland Meadows. Bob có thông tin nội bộ về một con ngựa giống quarter tên Red Robbie luôn có thành tích tệ hại ở đường đua nước rút 400m. Một đêm nọ, người ta đưa nó vào đường đua cự ly dài hơn, Bob thuyết phục chúng tôi đem tiền mồ hôi nước mắt đặt cược vào nó. Red Robbie chậm chạp rời chuồng, vẫn chạy hàng chót như mọi khi, nửa đường nó bỗng tăng tốc rồi phóng thẳng về đích, giành chiến thắng với khả năng cực thấp. 7 Là một vụ bê bối chính trị trên chính trường Mỹ, diễn ra từ năm 1972 đến năm 1974, dẫn đến việc Tổng thống Richard Nixon phải từ chức. Vụ việc xảy ra vào thời điểm Chiến tranh Việt Nam, khi chính quyền Nixon đã lạm dụng quyền lực để ngăn cản phong trào phản chiến và lực lượng chính trị đối lập là Đảng Dân chủ. (BTV) Bill và tôi là khán giả quen thuộc của những bộ phim khai thác hình ảnh người da đen (blaxploitation) được chiếu tại một rạp ở đông bắc Portland. Chúng tôi rất vui khi xem Super Fly (tạm dịch: Phi vụ cuối) và mấy bộ phim tương tự, cho đến một buổi tối nọ, một người đi về phía chúng tôi giữa lúc đang chiếu lời cảm ơn ở cuối phim: “Bọn da trắng các cậu làm gì ở đây?” Chúng tôi rất tức tối, nhưng một tuần sau liền trở lại vì chúng tôi thấy mấy phim đó vô cùng thú vị. Sống cùng Bill, tôi nhận ra một mặt khác của cậu ấy. Mẹ tôi có một cụm từ để chỉ những người mê cảm giác mạnh (adrenaline junkie), những người có thể liều mạng để tìm vui. “Người đó,” mẹ nói, “là một người đi trên lưỡi dao.” Bill Gates là một người đi trên lưỡi dao. Cậu ấy rất tự hào khi chạy xe một mạch 265km từ Seattle tới Vancouver trong chưa đầy hai tiếng đồng hồ, đạp ga hết cỡ trên chiếc Mustang vào nửa đêm. Tôi rất e ngại những chuyện nguy hiểm đến thân thể, còn Bill thì có vẻ tận hưởng chúng. Một ngày nọ, cậu ấy bước vào căn hộ của chúng tôi với một chân bị bó bột, tôi hỏi cậu ấy chuyện gì đã xảy ra. “Em chơi lướt ván với Barnett,” cậu ấy đáp. Chiều hôm đó, họ chạy xe tới hồ Lacamas. Theo như lời kể của Barnett, anh đã lướt ván lần cuối và muốn quay về RODS, nhưng Bill khăng khăng muốn lướt thêm một lần trên chiếc ván đơn. Quá vội vàng, cậu không điều chỉnh thiết bị, điều này có thể còn nguy hiểm hơn nếu bạn thích lướt sóng sau ca-nô. Bill té gãy chân, công ty cho cậu ấy 6 tuần quay về Seattle nghỉ dưỡng. Mới 3 tuần, Bill liền tái xuất tại Vancouver, chân đã tháo bột, vẫn còn bầm tím. “Em đi lướt ván với Bob đây,” cậu ấy nói với tôi. Tôi chẳng thể khuyên cậu ấy bỏ ý định, và chân cậu ấy trông cũng vững. Nhìn chung, hai chúng tôi rất ăn ý trong suốt mùa xuân và mùa hè đó, nhưng đôi khi Bill cũng cáu kỉnh, đặc biệt khi chúng tôi chơi cờ vua. Tôi là một đấu thủ thiên về suy luận, thế cờ khai cuộc của tôi vững chắc hơn; còn Bill là tay chơi tùy hứng táo bạo. Một hôm nọ khi tôi đánh thắng, cậu ấy giận đến mức hất sạch mấy quân cờ xuống sàn. “Đó là nước cờ ngu nhất của em từ trước tới giờ!” Bill hét lên. Sau một vài ván như thế, chúng tôi không đánh cờ nữa. KHI ĐÃ QUYẾT ĐỊNH cách làm, tôi có thể nhanh chóng viết ra mã lệnh bảng điều khiển hệ thống (system control panel). Vấn đề là một mô-đun liên lạc bị lỗi khiến tôi không thể kiểm nghiệm thành quả trong thời gian thực cho đến khi tôi quay về Đại học Washington mùa thu năm đó. (Mãi hơn một năm sau, RODS mới chính thức “khai máy” vào tháng Mười hai năm 1974, sau khi TRW bị phạt vô số lần). Trước khi rời đi, tôi nhận được lời nhận xét từ John Norton, một lập trình viên hệ điều hành huyền thoại, người bất ngờ được chỉ định thực hiện đánh giá. Norton có thể lấy một danh sách dày 2,5 cm, đọc hết sạch trong một ngày, rồi gập nó lại. Sau đó, nếu bạn đến hỏi anh ấy một vấn đề, anh ấy sẽ nhắm mắt lại rồi nói: “Mở trang 57, trình con (subroutine) cậu đang tìm nằm ở đó.” Quả là một ngày đáng tự hào khi công việc của tôi đã vượt qua sự kiểm tra kỹ lưỡng của anh. Trong thời gian rảnh, tôi đã có tiến triển với trình mô phỏng Traf-O Data. Bộ xử lý trung tâm của PDP-10 nặng gần một tấn, nhưng chương trình của tôi cần nó hoạt động như một con chip với kích cỡ bằng nửa tép kẹo cao su. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là định nghĩa một bộ khoảng 30 “macro”, một loại lệnh ký hiệu tạo ra các byte cho chip Intel 8008. Trong vòng vài ngày, tôi thực hiện ghép não thành công. Trình biên dịch của PDP-10 không biết điều này, nhưng bây giờ nó đã là trình biên dịch của chip 8008. Bước tiếp theo của tôi là tạo ra trình mô phỏng, chương trình sẽ triển khai sự “biến hình” này. Được viết bằng hợp ngữ PDP-10, trình mô phỏng sẽ bắt chước các câu lệnh của vi chip. Việc lập trình diễn ra suôn sẻ; như thể tất cả những gì tôi học được ở C³ và ISI đã giúp tôi đến với giờ phút này. May mắn là tôi có thể hoàn thành khối lượng công việc một tuần cho Bob Barnett trong khoảng 20 tiếng, rồi tập trung vào Traf-O-Data. Sau một tuần vất vả, tôi đã hoàn tất. Bước thứ ba, cũng là bước cuối cùng, của tôi là điều chỉnh bộ gỡ lỗi của PDP-10 để Bill có thể ngừng chương trình khi đang hoạt động và lần theo nguồn gốc vấn đề. Bộ gỡ lỗi là một đống mã xấu xí, rối rắm, đầy rẫy cửa sập (trapdoor) và ngõ cụt (cul-de-sac), nhưng ba tuần sau khi tôi bắt đầu, chúng tôi đã hoàn thành một bộ phát triển cho chip 8008. (Thủ thuật của tôi hiệu quả đến nỗi Microsoft vẫn sử dụng chúng đến thập niên 1980, cho đến khi bộ vi xử lý đủ nhanh và mạnh để sở hữu công cụ phát triển riêng). Ngay trước khi chúng tôi quay về trường, Bill đã hoàn thành chương trình phân tích giao thông. Chúng tôi chạy thử trên máy PDP-10 với dữ liệu giả định, trình mô phỏng in ra một biểu đồ cột hoành tráng. Vấn đề duy nhất còn lại là xem liệu chương trình của Bill có thể chạy trên phần cứng Traf-O-Data của Paul Gilbert hay không. Giấc mộng của chúng tôi càng thêm vĩ đại; Bill nói về việc lập một công ty thực sự. Tôi cũng mong muốn điều này nhưng vẫn tập trung hơn vào phần công nghệ. Tôi tin chắc máy tính giá rẻ sẽ thay đổi tương lai. Nhưng chúng tôi có thể làm điều gì mới mẻ và khác biệt đây? Tất cả rồi sẽ đi về đâu? Trong một lần Rita ghé thăm Vancouver, tôi dẫn nàng lên tòa tháp vi sóng của TRW và giải thích chi tiết về khả năng truyền dẫn dữ liệu và tiềm năng của nó. Tôi nói, kết nối tốc độ cao giữa con người trên khắp thế giới sẽ nhanh chóng xuất hiện. Một lần khác, khi Bill và tôi đang dùng bữa tại cửa hàng pizza địa phương, tôi chợt nghĩ: “Nếu cậu có thể đọc tin tức trên một thiết bị đầu cuối máy tính thay vì mua báo thì sao? Thậm chí, cậu có thể lập trình nó để tìm các bài báo liên quan đến bất kỳ chủ đề nào cậu muốn? Thế thì tuyệt nhỉ?” Bill nói: “Thôi, thôi, Paul! Một tháng thuê máy Teletype tốn tới 75 đô la trong khi đặt báo giao tận nhà chỉ mất có 15 xu. Làm sao mà cạnh tranh được?” Tôi đành chịu bí. Nhưng tôi không thể ngừng suy nghĩ về thời đại mà mọi người sẽ được kết nối bằng kỹ thuật số, được truy cập thông tin và dịch vụ ngay lập tức. Thật lâu về sau, Bill và tôi mới xác định mục tiêu, bằng rất nhiều từ, rằng “trong mỗi nhà, trên mỗi bàn đều có một máy tính.” Nhưng mùa hè ấy, giữa những cửa hàng và tiệm ăn nhanh ở Vancouver, Washington, hạt giống của câu khẩu hiệu đó – và ý niệm của tôi về một mạng lưới toàn cầu gắn kết tất cả máy tính với nhau – đã được gieo mầm. LÚC CHÚNG TÔI ĐI ĐƯỢC NỬA CHẶNg ĐƯỜNG tại RODS, Bill gọi điện về nhà và hay tin mình được nhận vào Đại học Harvard. Cậu ấy chẳng hề ngạc nhiên; Bill luôn tự tin từ khi đạt điểm hàng đầu trong cuộc thi Putman, nơi cậu ấy thi thố kỹ năng toán học với sinh viên đại học trên khắp nước Mỹ. Tôi cho cậu ấy một lời khuyên: “Cậu biết không Bill, khi vào Harvard, sẽ có vài người giỏi toán hơn cậu đấy.” “Không đời nào,” Bill đáp. “Tuyệt đối không!” Rồi tôi nói: “Cứ chờ xem.” Tôi học toán chỉ tàm tạm, Bill thì xuất sắc, nhưng tôi khẳng định được điều đó nhờ trải nghiệm ở Wazzu. Một ngày nọ, tôi ngồi xem giáo sư phủ kín bảng đen bằng mê cung phương trình vi phân riêng, mà cũng có thể là chữ tượng hình từ thời Vương triều Ai Cập thứ hai. Đó là một trong những khoảnh khắc bạn chợt nhận ra: Mình thật sự không thể hiểu nổi. Cảm thấy có chút buồn, nhưng tôi chấp nhận những hạn chế của bản thân. Tôi an phận làm một người bình thường. Bill thì khác. Khi tôi gặp lại cậu ấy sau kỳ nghỉ Giáng sinh, trông cậu ấy thật ủ rũ. Tôi hỏi về học kỳ đầu tiên, cậu ấy rầu rĩ đáp: “Giáo sư dạy Toán của em có bằng tiến sĩ lúc 16 tuổi.” Các môn học đều thuần lý thuyết, và khối lượng bài tập về nhà lên đến 30 giờ mỗi tuần. Bill dốc toàn lực và đạt điểm B. Nói đến toán cao cấp, cậu ấy có thể là thiên tài 100.000 người có một hoặc hơn. Nhưng có những người là thiên tài 1 triệu hay 10 triệu có một, vài người trong số đó sẽ lọt vào Harvard. Bill chưa bao giờ là người thông minh nhất trong căn phòng đó, tôi nghĩ điều đó khiến cậu nản chí. Cuối cùng, cậu đổi sang chuyên ngành toán ứng dụng. Lúc bấy giờ, chúng tôi còn có những hoài bão vượt xa chuyện học hành. Tháng 12, Bill và tôi soạn lại sơ yếu lý lịch. Chưa đầy 20 tuổi, tôi đã có một loạt “kinh nghiệm làm việc” với 10 máy điện toán, 10 ngôn ngữ bậc cao, 9 ngôn ngữ cấp máy và 3 hệ điều hành. Tôi liệt kê mục tiêu của mình là “lập trình viên hệ điều hành”, mức lương mong muốn là “thỏa thuận”, mặc dù trong ngoặc đơn tôi thêm vào “15.000 đô-la”. Địa điểm: “Bất cứ đâu.” Tôi ghi chú rằng mình có thể làm việc sau ngày 1 tháng Sáu năm 1974, một dấu hiệu cho thấy tôi sẵn sàng tạm rời trường một lần nữa khi gặp thời cơ phù hợp. Tôi vẫn nghĩ tôi biết mình muốn làm gì; chỉ còn thiếu một kế hoạch vững chắc để đến đích. Để mô tả công việc của chúng tôi về Traf-O-Data, tôi viết trong sơ yếu lý lịch: “Thiết kế và tập hợp hệ thống nghiên cứu lưu lượng giao thông dành cho kỹ sư giao thông. Hệ thống được xây dựng trên nền tảng máy vi tính MCS-8008 của Intel. Thiết lập phần mềm và phần cứng đã được kiểm tra toàn diện trên bản mẫu. Dự tính giới thiệu sản phẩm cho khách hàng vào tháng Năm năm 1974.” Phần tổng kết này có phần lạc quan. Quả thực, cuối cùng Paul Gilbert có thể ổn định những chip nhớ rắc rối. Máy Traf-O-Data trông ra dáng hàng hiệu, với ngân sách 1.500 đô-la và đây thật sự là một kiệt tác; Paul thiết kế nó dựa theo máy tính cỡ nhỏ PDP-8 phổ biến, với cách bố trí công tắc và đèn LED tương tự. (Phần nội thất, với dây nhợ chằng chịt như ổ chuột lại là chuyện khác.) Mượn xe tải hàng của một huynh đệ trong hội Phi Kappa, chúng tôi chở máy Teletype qua đèo Snoqualmie. Tôi cột chiếc máy bên cạnh bồn rửa chén của chúng tôi ở Pullman. Sau đó, tôi tải vào một chương trình kiểm tra nhỏ thông qua các phím trên bảng điều khiển trước, nó chạy ngon lành. Nhưng chúng tôi vẫn chưa chắc liệu nó có thể chạy chương trình phân tích giao thông của Bill hay không, vì chúng tôi không tìm thấy máy đọc băng giấy ngoại cỡ 16 hàng nào vừa túi tiền. Lâm vào đường cùng, chúng tôi tìm đến một nhà sáng chế địa phương, ông thiết kế một chiếc máy tạm bợ đọc lỗ trên băng giấy bằng trục lăn kẹp làm từ cao su cách điện. Máy này cần được siết chặt thường xuyên và hiếm khi chạy băng giấy thẳng một đường, nhưng đó là thứ tốt nhất chúng tôi có thể làm. Tại buổi giới thiệu sản phẩm vào tháng Năm cho Phòng kỹ thuật quận King của Seattle, máy đọc băng giấy gặp trục trặc, khiến buổi hôm đó hoàn toàn thất bại. Cuối cùng, Bill hết kiên nhẫn và mạnh tay chi tiền mua máy đọc đáng tin hơn từ Enviro-Labs. Trong thư gửi Ric Weiland vào tháng Tám năm 1974, tôi viết: “Cuối cùng, máy Giao thông đã hoạt động (!).” Với mức giá thu thập dữ liệu là 2 đô-la/ngày, chúng tôi tìm được ba khách hàng: hai quận nhỏ gần Seattle và một khu ở British Columbia. Họ gửi băng giấy giao thông qua đường bưu điện đến nhà của Paul Gilbert, anh sẽ lập biểu đồ lưu lượng xe mỗi giờ. Nhưng ngay khi chúng tôi vừa khởi động, thì Washington cùng một số bang khác đã cung cấp dịch vụ tương tự miễn phí cho các thành phố. Chúng tôi không dễ dàng từ bỏ, thậm chí cố gắng bán hàng của chúng tôi đến tận Nam Mỹ (nhưng không gặp may). Theo giấy khai thuế 6 năm trong khoảng 1974-1980, tổng doanh thu của Traf O-Data là 6.631 đô-la, lỗ ròng 3.494 đô-la. Năm 1982, khi chúng tôi đóng tài khoản giao dịch, tôi được chia doanh thu 794,31 đô-la. Lúc bấy giờ, Bill và tôi đang bận bịu vận hành một công ty khác ở Seattle. Giờ đây nhìn lại, Traf-O-Data là một ý tưởng tốt nhưng chưa có mô hình kinh doanh hoàn thiện. Chúng tôi đã không tiến hành nghiên cứu thị trường. Chúng tôi không dự đoán được việc chính quyền đô thị rất khó bỏ ra chi phí đầu tư, hoặc công chức rất ngại mua máy móc của sinh viên. Với Bill, thất bại của Traf-O-Data là một câu chuyện cảnh giác nữa. Trên hết, chúng tôi học được rằng rất khó để cạnh tranh với những thứ “miễn phí”. (Bill đã khắc cốt ghi tâm bài học này. Nhiều năm sau, cậu ấy đã bị ám ảnh với Linux, một hệ điều hành mã nguồn mở). Tuy nhiên, dự án này cũng có những điểm tích cực. Traf-O-Data củng cố niềm tin của tôi rằng bộ vi xử lý sẽ nhanh chóng chạy những chương trình tương tự như các máy tính cỡ lớn với chi phí thấp hơn rất nhiều. Nhìn về tương lai, bộ công cụ phát triển của tôi cho chip 8008 sẽ cho chúng tôi một nền tảng vô giá khi con chip thế hệ tiếp theo ra đời. Năm 2002, tôi mua lại chiếc máy Traf-O-Data độc nhất vô nhị từ Paul Gilbert và đặt nó trong phòng triển lãm STARTUP của chúng tôi tại Viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên và Khoa học ở Albuquerque. Tôi muốn bày tỏ lòng kính trọng đến một phần cứng vô danh đã đóng một vai trò then chốt trong cuộc cách mạng phần mềm trên bộ vi xử lý. Theo kinh nghiệm của tôi, mỗi thất bại đều chứa đựng hạt mầm thành công tiếp theo của bạn – nếu bạn sẵn lòng học hỏi từ nó. Bill và tôi phải thừa nhận rằng, tương lai của chúng tôi không nằm ở phần cứng hay băng giao thông. Chúng tôi phải tìm ra một hướng đi khác. Chương 62 + 2 = 4! Suốt học kỳ mùa xuân năm 1974, Bill liên tục giục tôi chuyển đến Boston. Chúng tôi có thể cùng nhau tìm việc với vai trò lập trình viên, cậu ấy nói: Một vài công ty địa phương cũng rất hứa hẹn. Chúng tôi sẽ nghĩ ra một dự án hấp dẫn – có lẽ là phần mở rộng của Traf-O-Data, hoặc một thứ gì đó mới mẻ. Đằng nào thì chúng tôi cũng sẽ vui vẻ. Tại sao không thử? Dù vẫn còn lay lắt tại Đại học Washington, tôi đã sẵn sàng mạo hiểm. Tôi gửi sơ yếu lý lịch đến hơn chục công ty máy tính trong khu Boston và nhận được một lời đề nghị làm việc với mức lương 12.500 đô-la từ Honeywell. Bill cũng nhận được lời mời, đây có vẻ là một sự sắp xếp lý tưởng; chúng tôi vừa có thu nhập kha khá vừa có thể thực hiện dự án riêng. Thế rồi, sau khi tôi nhận công việc và chuẩn bị rời khỏi Wazzu, Bill đổi ý và quyết định quay lại Harvard. Tôi nghĩ cậu ấy chịu nhiều áp lực từ bố mẹ, những người có quan niệm truyền thống hơn. Trong một bức thư gửi Ric, Bill viết: “Bố mẹ mong tôi theo ngành kinh doanh hoặc luật – mặc dù họ không nói ra.” Tôi vẫn quyết chí làm theo kế hoạch. Nếu việc ở Boston bất thành, lúc nào tôi cũng có thể quay về trường. Trong lúc đó, tôi sẽ có dịp thể nghiệm một vùng mới của đất nước, Rita đồng ý đi cùng tôi. Chúng tôi trở nên nghiêm túc hơn và muốn sống thử với nhau trước khi tiến tới hôn nhân. Hơn nữa, Bill cũng ở đó. Chí ít, chúng tôi có thể thảo luận cùng nhau vào dịp cuối tuần. Bố tôi không mấy mặn mà với chuyện này. “Mấy thứ phần mềm này giống như trò giải trí,” bố nói. “Bố không tán thành lựa chọn của con, nhưng con đã đủ lớn để tự quyết định.” Tháng 8 năm đó, ngày mà Rita và tôi ra đi, bố đem chiếc Chrysler của gia đình đi rửa rồi đổ đầy xăng. Dù bố mẹ tôi nghĩ gì đi nữa, họ vẫn luôn làm tất cả những gì có thể để ủng hộ tôi. Lái xe xuyên quốc gia cùng bạn gái quả là một cuộc phiêu lưu. Tôi vẫn còn nhớ đoạn đường dài đằng đẵng xuyên qua Montana, khi đến New England chúng tôi chìm trong màn sương mù dày đặc chưa từng thấy, cuối cùng còn đi lạc quanh mấy cái bùng binh ở Boston. Chúng tôi tìm được một căn hộ giá rẻ ở Tyngsborough, gần đường biên giới với bang New Hamsphire. Rita tìm được việc trong một nhà máy chất bán dẫn gần đó, còn tôi bắt đầu làm tại Honeywell, chính công ty này đã sản xuất bộ ổn nhiệt tại ngôi nhà thời thơ ấu của tôi. Nếu DEC là người dẫn đầu với lợi thế vượt trội trong số các đối thủ cạnh tranh của IBM, thì Honeywell là một cái kén lớn, nơi mọi người bấm giờ ra vào như thể họ đang làm cho một công ty điện thoại. Công ty nổi tiếng với văn hóa làm việc thân thiện, ít áp lực: không cần thắt cà vạt, giờ cơm trưa có thể chơi bài bridge. Bốn bề văn phòng ban quản lý đều có cửa sổ, còn các lập trình viên làm việc tại một khu vực rộng, hai người chia nhau một vách ngăn. Đồng nghiệp của tôi là những anh chàng tử tế tuổi 30. Họ là kỹ sư phần mềm chắc tay, nhưng không giống với nhóm tinh anh tại C³ hay những tay đánh thuê cừ khôi ở TRW. Họ không có phong cách của một hacker. Tôi được phân công triển khai một giao thức giao tiếp (communication protocol) để kết nối nhiều máy tính cá nhân của Honeywell, một phần nhỏ thuộc một dự án lớn trong một môi trường năng động. Tôi ngồi tại ngăn làm việc màu nâu nhạt của mình và viết những hợp mã ẩn danh cho một máy thị trường ngách, và chẳng mấy chốc liền cảm thấy buồn chán. Lúc rảnh rỗi, tôi vui vẻ hơn khi có thể sử dụng mật khẩu của Bill để hack vòng quanh Harvard và tiếp xúc lần đầu với Unix, hệ điều hành đa nhiệm của Bell Labs đã nhanh chóng càn quét các trường đại học. Với chỉ lệnh (command) ngắn và hệ thống thư mục gốc và nhánh (root and branch), Unix cho phép tổ chức tập tin dễ dàng hơn, và nó có thể chạy trên phần cứng với giá chỉ 10.000 đô-la. Dường như nơi đây là một thế giới máy tính song song tràn ngập những ý tưởng mới, điều này khiến tôi cảm thấy công việc tại Honeywell càng nhạt nhẽo hơn. Ở