🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ngục Trung Thư - Đời Cách Mệnh - Phan Bội Châu
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
Tên sách : NGỤC TRUNG THƯ
ĐỜI CÁCH-MỆNH PHAN BỘI-CHÂU
Tác giả : PHAN BỘI-CHÂU
Bản dịch : ĐÀO TRINH NHẤT
Nhà xuất bản : TÂN VIỆT
------------------
Nguồn sách : diễn đàn TVE-4U
Đánh máy : thuannguyen1088, lovelysnake289,
blacktulip161, linhtt, kimduyen, ngoctinhpham
Kiểm tra chính tả : Lã Thị Phương Thuý, Đỗ Ngọc Tân, Đỗ thị Minh Trang, Bùi Văn Vương, Nguyễn Thu Hiền, Thư Võ
Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 27/11/2017
https://thuviensach.vn
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE 4U.ORG
Cảm ơn dịch giả ĐÀO TRINH NHẤT đã chia sẻ tác phẩm này đến người đọc
https://thuviensach.vn
MỤC LỤC
THAY LỜI TỰA
I. VÌ SAO LONG-TẾ-QUANG BẮT TÔI HẠ NGỤC ?
II. RA ĐỜI GIỮA LÚC MẤT NAM-KỲ ĐÃ 6 NĂM !
III. CÙNG ANH EM ĐỒNG-CHÍ TỔ-CHỨC RA ĐỘI SĨ-TỬ CẦN VƯƠNG
IV. MUỐN HÃM TỈNH-THÀNH NGHỆ-AN
V. TÔN ÔNG CƯỜNG-ĐỂ LÊN LÀM MINH-CHỦ
VI. RA THĂM HOÀNG-HOA-THÁM RỒI VÔ NAM-KỲ VII. LƯU-CẦU HUYẾT-LỆ TÂN-THƯ
VIII. LÀM SAO MUA ĐƯỢC KHÍ-GIỚI ?
IX. TÔI TRỐN SANG TÀU, GẶP CỤ NGUYỄN-THUẬT VÀ LƯU VĨNH-PHÚC Ở QUẢNG-CHÂU
X. GẶP LƯƠNG-KHẢI-SIÊU VÀ KHUYỂN-DƯỠNG-NGHỊ XI. RƯỚC KỲ-NGOẠI-HẦU XUẤT-DƯƠNG
XII. HÔ-HÀO THANH-NIÊN SANG NHẬT CẦU HỌC XIII. GẶP MẶT HOÀNG-HOA-THÁM
XIV. CHÍNH-PHỦ LÂM-THỜI TÂN VIỆT-NAM
XV. MUỐN CHỞ KHÍ-GIỚI VỀ GIÚP HOÀNG-HOA-THÁM XVI. TRẦN-KỲ-MỸ VÀ HỒ-HÁN-DÂN GIÚP SỨC
XVII. LONG-TẾ-QUANG BẮT TÔI HẠ NGỤC
https://thuviensach.vn
PHAN BỘI CHÂU
NGỤC TRUNG THƯ
tức là
ĐỜI CÁCH-MỆNH PHAN BỘI-CHÂU NGUYÊN HÁN-VĂN CỦA CỤ PHAN BỘI-CHÂU BẢN DỊCH của ĐÀO TRINH NHẤT
Phụ-lục bức thư của
Kỳ-ngoại-hầu CƯỜNG-ĐỂ
gửi vua Khải-Định năm 1924
TỦ SÁCH DỊCH
TÂN VIỆT
https://thuviensach.vn
THAY LỜI TỰA
Năm 1913, Phan Sào-Nam tiên-sinh đang ở bên Tàu, bỗng bị đô đốc Quảng-đông là Long-tế-Quang vừa tham lợi, vừa sợ oai, bắt tiên-sinh hạ ngục và toan giải giao cho chính-phủ thuộc-địa Đông-dương. Nếu không có những bạn cách-mạng Trung-hoa nhất là Hồ-Hán-Dân cứu khỏi, thì tiên sinh đã bị bắt về nước sớm hơn 12 năm kia rồi.
Lúc ở trong ngục Quảng-châu, tiên-sinh thái-nhiên viết ra tập sách tuyệt-mạng, tựa là « NGỤC TRUNG THƯ » tự thuật việc mình bôn-tẩu quốc-sự mấy mươi năm, lời lẽ rất là thành-thiệt, bi-tráng. Đến văn-chương hay thì khỏi phải nói.
Anh em Việt-Nam đồng-chí ở Tàu năm 1914, từng đem xuất-bản một lần. Năm 1938 lại mới in một lần nữa. Ai cũng phải nhìn-nhận là tập văn có giá-trị, cả về lịch-sử và văn-chương.
Chúng tôi dịch ra đây để cống-hiến đồng-bào xem cho biết tiên-sinh hoạt-động cách-mạng ở hải-ngoại gian-nan nguy-hiểm ra sao ?
Độc-giả đọc sẽ thấy bậc người tài học và khảng-khái như tiên-sinh, hai mươi năm về trước bôn-tẩu quốc-sự, có thanh-danh trọng-vọng biết bao, thế mà vẫn giữ đức tự-trọng tự-khiêm, đến đỗi tự cho mình là ngu, là dở, ấy chính là một chỗ trì-thủ cao-thượng của một nhà chí-sĩ cựu học, và tiên-sinh là người khiến cho chúng ta đáng kính, không lấy sự thành bại luận anh-hùng, cũng chính vì chỗ trì-thủ đó vậy.
Chẳng bù với nhiều người tự xưng là chí-sĩ mưu-quốc bây giờ, mỗi việc gì cũng háo-thắng háo-danh, chưa ra gì đã tự-cao tự-đại, chúng tôi tưởng họ cần phải học đạo trì-thủ còn lâu lắm.
Sau khi bị bắt về nước, giam lỏng ở Huế gần 15 năm, cho tới ngày chết, tình-cảnh rất tiêu-điều, túng-bấn, nhưng vẫn lạc-đạo an-bần, giữ tròn
https://thuviensach.vn
tiết-tháo, từ chối nhất-thiết danh-lợi của đối-phương cám-dỗ.
Chỉ vì muốn treo cao tấm gương sáng đó mà chúng tôi công-bố bản dịch « NGỤC TRUNG THƯ » này ra, không có hậu-vọng nào khác hơn.
ĐÀO TRINH NHẤT
https://thuviensach.vn
I. VÌ SAO LONG-TẾ-QUANG BẮT TÔI HẠ NGỤC ?
Con chim sắp chết, tiếng kêu đau-thương ; người ta sắp chết, lời nói ngay thẳng. Những lời tôi nói ra đây có ngay thẳng hay chăng, tôi đâu có biết. Nhưng chỉ biết là lời nói của một người sắp chết thì có.
Mùa đông năm Quý-sửu (1913) tôi đang ở đậu Dương-thành 1, thì quan toàn-quyền Pháp 2ở Đông-Dương sang chơi Quảng-châu, đem vụ án đầu đảng cách-mạng nước Nam ra, xin chính-phủ Quảng-đông bắt tội để giải giao về chính-phủ Pháp xử.
Đô-đốc Quảng-đông lúc bấy giờ là Long-tế-Quang chịu theo lời xin ấy, trước ngày cuối năm 8 bữa, bắt tôi giam-cầm trong ngục, và báo cho tôi biết rằng sớm muộn sẽ giải tôi giao trả người Pháp.
Tôi biết sớm chiều gì đây, đầu tôi cũng lìa khỏi cổ, nhưng tôi vẫn lấy làm vui-vẻ. Than ôi ! bao nhiêu năm bôn-tẩu, mưu-tính trăm việc mà không nên một việc gì, nghĩ mình tội nặng lỗi nhiều, có vui gì sống nữa mà ham.
Song trước khi chết, không lẽ không thốt ra một vài tiếng kêu đau thương sau chót. Ai biết lòng ta chăng ? Ai bảo ta có tội chăng ? Còn một giây-phút trước khi ta phải chôn mình dưới đất, ta cũng muốn cạn lời ta nói. Chiếc bóng bơ-vơ trời biển, ngọn đèn leo-lét gió mưa, ta thấm giọt lệ còn lưu lại mấy chục năm nay, gom-góp lịch-sử một đời ta, hòa với máu mà viết ra tập sách này. Hỡi ba ngàn muôn đồng-bào chí-ái chí-thân, dầu ai biết lòng ta chăng ? dầu ai buộc tội ta chăng ? khi đọc tập sách này, sẽ thấy giọt máu hầu khô, vẫn còn đầm-đìa ở trên mặt tờ giấy vậy.
https://thuviensach.vn
II. RA ĐỜI GIỮA LÚC MẤT NAM-KỲ ĐÃ 6 NĂM !
Triều vua Tự-Đức thứ 15, năm Nhâm-tuất (Tây-lịch 1862), binh Pháp chiếm lĩnh đất Nam-kỳ ta.
Nam-kỳ là kho tàng thiên-nhiên của nước ta ; cửa biển Saigon thật là cuống họng ta, nay đã vào tay người Pháp rồi, ta chưa mất hết cả nước, chỉ là chuyện thời-gian sớm muộn đó thôi. Chén vàng đã ụp, nhà lớn sắp tiêu, thương thay cho ta, lại nhè giữa lúc ấy mà sinh ra đời. Thiệt ta sinh ra đời giữa năm Đinh-mảo, niên-hiệu Tự-Đức thứ 20, nghĩa là lúc Nam-kỳ đã mất sáu năm rồi. Đầu xanh nào đã biết gì, con thơ chưa lìa bọc mẹ, thế mà tấn-kịch biển khóc non gào, sửa-soạn đem mi mà liệng vào giữa tấm màn thảm-đạm ấy. Lồng-lộng trời xanh, kẻ ấy là ai đó tá ?
Lúc đầu thế-kỷ 18, ngọn sóng mới của Âu-học vọt lên cao muôn trượng ; những tiếng dội phú-cường, hầu như vang-động tràn-lan cả hoàn cầu. Phải chi ta sớm được đầu-thai ở giữa khoảng đó, có lẽ ta không đến đỗi mù-mù mịt-mịt như ta ngày hôm nay. Nhưng tiếc thay, ta chẳng may sinh ra ở nước Nam ta.
Nước ta từ xưa phụ-thuộc vào nước Tàu, địa-lý, lịch-sử, gốc-tích, trải mấy ngàn năm nay, như hai nước anh em đã lâu đời lắm vậy. Bởi đó, nước ta chỉ biết tôn-sùng Hán-học như thần thánh, mà Hán học xem trọng, chỉ có khoa-cử văn-từ.
Tôi từ nhỏ tới lớn, vốn có tư-chất thông-minh, công-phu đèn sách dùi-mài cũng không bê-trễ, nhưng kể đến sự kết-quả, chẳng qua chỉ là sự học khoa-cử mà thôi.
Vì lúc bấy giờ, lối học khoa-cử của nhà Thanh, đang sôi-nổi như gió cuốn mây bay, người nước mình bắt bóng theo chân, chỉ sợ không
https://thuviensach.vn
giống y người Tàu. Bà con ta muốn cỡi mây lướt gió, không thể nào không mượn con đường khoa-cử, dầu ai có muốn chẳng theo thời đi nữa, cũng không có đường học nào khác hơn mà đi. Than ôi ! chổi cùn trong nhà, tự mình xem là của quý, sự ưa-thích lâu đời đã thành thói-quen thành ra rốt cuộc tôi cũng bị thời-trang trói-buộc, đến đỗi tiêu-hao ngày tháng về nghiệp khoa-cử gần hết nửa đời người. Đó là một vết nhơ rất lớn trong đời tôi vậy.
https://thuviensach.vn
III. CÙNG ANH EM ĐỒNG-CHÍ TỔ-CHỨC RA ĐỘI SĨ-TỬ CẦN-VƯƠNG
Năm tôi 17 tuổi, tức là năm Tự-Đức 36, quý-mùi, binh Pháp chiếm lấy Hà-nội và các tỉnh Bắc-kỳ. Đến năm tôi 19 tuổi, nhằm năm ất-dậu, Hàm-Nghi nguyên-niên, binh Pháp chiếm kinh-thành Huế, vua Hàm-Nghi phải chạy : cung-điện bày ra cảnh hoang-lương, nhởn nhơ bầy nai, đầy dăng ổ quạ, tấn-kịch vong-quốc mở ra từ tháng 7 Hàm-Nghi năm đầu trở đi vậy. Ôi ! Trời nghiêng đất ngã, lúc nầy kẻ làm trai đội trời đạp đất, ai nỡ dòm non sông bằng con mắt gỗ đá, trơ-trơ cho đành !
Tôi được trời phú cho, máu nóng không vừa, ngay từ hồi còn là thằng trẻ con đọc sách của ông cha để lại, mỗi khi đọc tới chuyện người xưa hăng hái thành-nhân tựu-nghĩa, tôi thường nhỏ nước mắt ròng-ròng, thấm ướt cả sách. Những chuyện Trương-công Văn-Định chết theo Nam-kỳ và Nguyễn-công Tri-Phương tuẫn thành Hà-nội, tôi hay đàm-đạo nhắc-nhở tới luôn, mà mỗi lần nhắc tới, khiến tôi vung tay vỗ ngực, tự thẹn cho mình thua sút hai ông đó. Vì tính-chất trời sinh cho tôi như thế, không thể nào làm bộ khác hơn được.
Sau lúc kinh-thành thất-thủ, vua Hàm-Nghi ngự giá ra đóng tại sơn phòng tỉnh Hà-Tĩnh, các bậc quan-thân đang ở nhà ; như Nguyễn-xuân-Ôn, Đinh-văn-Chất, đua nhau dựng cờ cần-vương, phong-trào tràn-lan khắp các phủ huyện đều có. Ngó lại tôi còn là một tên học trò nhỏ tuổi, nào có thế lực gì dám cùng các cụ cùng nổi lên làm việc lớn. Mình như con chim con, lông cánh chưa đủ, nanh vuốt còn non, tự nghĩ mà buồn. Lại nhớ đến chuyện anh-hùng của Đổng-thiên-vương ngày xưa ba tuổi cỡi ngựa đánh giặc, tôi nghĩ tôi thật là một thằng con trai hèn quá.
Suy đi tính lại, không biết làm cách gì, chỉ còn có cách kêu gào bọn đồng-học, tổ-chức ra một đội quân học-trò giúp vua, gọi là « Sĩ-tử cần vương đội ». Tôi với bạn thiết Trần-văn-Lương là người phát-khởi, cùng
https://thuviensach.vn
tôn ông cử-nhân Đinh-xuân-Sung lên làm đội-trưởng ; tôi thì làm phó-đội. Đội này chỉ có lối ngoài một trăm người.
Công việc sắp-đặt hơi yên, duy có binh-lương khí-giới chưa có cách tìm đâu cho ra. Vừa gặp lúc người Pháp đem đại-binh tới hạ thành Nghệ an, rồi thừa thắng tiến binh đánh giẹp các phủ huyện. Đội quân của chúng tôi tổ-chức, cả lương-hướng súng đạn đều không có, thành ra chỉ trong giây lát, như bầy muông-chim vỡ-lở tứ-tán. Tôi phải trà-trộn trong đám nạn-dân mà chạy thoát-thân. Tới nay nhớ lại việc tôi đã làm đó, không khác gì trẻ con làm nhà bằng giấy để chơi, không bỏ cho bậc người kiến-thức chê cười. Tuy vậy, tôi cũng cứ chép ngay ra đây, vì tấm lòng tôi mưu-toan cứu quốc, thật là phôi-thai từ việc ấy mà ra. Nghĩ mình bày trò tuy giả, nhưng mà lòng vốn thẳng-ngay, cho nên tôi không dám dấu-diếm chỗ dở của tôi.
Lúc bấy giờ, cửa nhà tôi bị tiêu-huỷ vì họa binh-đao, thân-phụ tôi giữa cơn hoạn-nạn, lại mang bệnh nặng. Tôi không còn mẹ, cũng không có anh em nào, thành ra không dám bỏ cha mình mà ngó tới việc gì khác. Tôi đành nương-náu ở nhà dạy học trò, để chuyên lo săn-sóc bệnh cha, cả thảy 9 năm.
https://thuviensach.vn
IV. MUỐN HÃM TỈNH-THÀNH NGHỆ-AN
Nhưng trong 9 năm ấy tôi vẫn lo nghĩ trau-dồi lông cánh để một mai bay-nhảy vẫy-vùng, chứ không hề xao-lãng. Tôi thường cùng anh em đồng-chí là bọn ông Vương-thúc-Quý (người cha khởi-nghĩa, đem hương binh chống với Bảo-hộ, sau bị tử nạn) và Hà-văn-Mỹ (là một viên kiện
tướng bộ-hạ của cụ Phan-đình Phùng, sau bị quân Bảo-hộ bắt được tự-tử mà chết), chúng tôi âm-mưu với nhau, mỗi năm tới ngày lễ kỷ-niệm cộng hòa, anh em mật-hội đồ-đảng ở tỉnh-thành Nghệ-an, toan bề hãm thành. Song quân lính Bảo-hộ đông-đảo, việc phòng-bị kiên-cố lắm, chúng tôi không thể thành sự. Có điều là nhân mấy dịp đó mà anh em giang-hồ hiệp khách được làm quen kết bạn với nhau, cũng tức là đầu giây mối nhợ cho cuộc hoạt-động của tôi sau này vậy.
Đến năm tôi ngoài 30 tuổi, đảng Cần-vương khắp trong nước nối nhau vỡ-lở tan-tành, chỉ còn sót lại một mình cụ Phan-đình Phùng ở La sơn, cố sức cầm-cự được lâu. Nhưng tới năm Giáp-ngọ, niên-hiệu Thành Thái thứ 6, cụ mất. Từ đó trở đi non sông hiu-quạnh, việc gánh-vác không còn ai. Trải 10 năm, tôi ôm lòng phẫn, nuôi chí to, vẫn rắp-ranh ở ngay giữa khoảng núi Hồng sông Lam, dựng lên một cây cờ độc-lập. Tới đây tôi không thể nào nín mà không làm được.
Tôi sinh-trưởng trong làng xóm dã-man, thuở giờ chỉ quen lặn-lội trong rừng từ-chương khoa-cử, nói đến tài-học như người Âu-châu, thật không có mảy-may nào. Song tôi có bẩm-chất cang-cường, biết nghĩa liêm sỉ, không chịu theo đuôi làm tớ người ta. Vừa gặp trong nước hồi nay cựu đảng đã im hơi bặt dấu, tân đảng thì chưa nẩy nhánh đâm chồi ; tôi kết-giao họp-đảng bao nhiêu lâu, thành ra ở trong xã-hội hơi có tiếng-tăm hơn trước, thiết nghĩ lúc này chính mình không tự ra tay làm việc, liệu còn chờ ai. Kết quả tôi được như ngày nay, thiệt bởi một tấc lòng suy-nghĩ đó làm nguyên nhân vậy.
https://thuviensach.vn
Tuy thế, tôi dại-dột thì thôi. Nghĩ xem thế-lực người Pháp lớn-lao thế kia, tài sức tôi nhỏ-nhoi thế này, tôi ỷ vào quốc-dân, mà quốc-dân ở vào trình-độ còn thấp-thỏi ra sao, tôi dựa vào thời-thế mà thời-thế nhằm lúc khó-khăn ra sao, không nói cũng rõ. Vậy mà tôi chẳng dòm trước ngó sau, chỉ cậy mình có bầu máu nóng trơ-trơ, toan ra tay làm việc vá trời lấp biển, chẳng phải là tôi điên-khùng lắm sao ? Dầu sao mặc lòng, tôi cứ việc hăng hái đi tới, không dòm ngó trước sau gì hết. Trong trời đất có ai ngu dại hơn tôi nữa không ?
https://thuviensach.vn
V. TÔN ÔNG CƯỜNG-ĐỂ LÊN LÀM MINH CHỦ
Số là ban đầu tôi định chiêu-nạp bọn anh-hùng lục-lâm và những người trong đảng cần-vương còn sót lại, để dựng cờ khởi-nghĩa ở khoảng Nghệ-Tĩnh. Bởi vậy có một lúc nhiều khách rượu làng chơi, cùng tôi giao du lui tới thân-mật lắm.
Bộ-hạ cũ của Phan tướng-công là Quỳnh-Quảng và môn-hạ của Bạch-Xỉ 3 là bọn Kiễm và Cọng hay ra vào nhà tôi luôn.
Nhà tôi là nhà làm nghề dạy học, nhưng mà học trò chỉ ở nhà ngoài, còn nhà trong thì chứa đầy khách hào-kiệt sơn-lâm. Các ông đồ nho trong xóm gặp lúc đi ngang chợt ngó thấy tình-trạng như thế, đều lắc đầu lẽ lưỡi, đến đỗi lần sau các ông không dám day mặt ngó vào nhà tôi nữa.
Việc chúng tôi mưu-tính lần hồi chín-chắn, gần tới ngày hẹn nhau phát lên rồi.
Song ông bạn thân là Đặng-quân Thái-Thân nói với tôi :
- « Xem kỹ lại thời-thế chưa có chỗ nào mình đáng thừa-cơ làm việc lớn. Bọn ta vội-vã làm càn, chắc là không xong việc gì được đâu. Nhưng ta cũng phải làm sao để chỉ tỏ cho người Pháp biết rằng quốc-dân ta chẳng phải toàn là hạng người quá hèn, vậy thì ta cứ mạo-hiểm làm một phen cũng được, có điều là mong-ước sao cho chúng ta cất tiếng lên trước rồi phải có người nối lời sau mới được.
« Nhưng nếu ta chỉ khởi sự trong khoảng Nghệ-Tĩnh mà thôi, tôi e như chuyện cái thai đứa nhỏ khó đẻ, ở trong bụng mẹ lọt ra chưa kịp khóc oa-oa mấy tiếng thì đã chết non mất rồi. Tôi trộm suy-nghĩ mà lo-ngại dùm cho tiên-sinh chỗ đó.
https://thuviensach.vn
« Theo ý tôi tưởng, trước hết ta nên vô Nam ra Bắc, cầu anh em hào-kiệt ở hai nơi cùng làm việc với ta. Đất Bắc-kỳ vốn nhiều nghĩa-sĩ, từ Quảng-nam trở vô Nam-trung cũng không thiếu gì hạng người khảng-khái bi-ca. Ta lấy nghĩa đề-huề với họ rồi tất cả anh em ba nơi đồng thời khởi
nghĩa, để chia bớt sức mạnh của bên địch, mà vây cánh đồ-đảng chúng ta đông, như vậy họa chăng mới làm nên công việc ».
Đặng-quân vốn người hăng-hái, gan dạ, nhân-phẩm lại cao, trải 10 năm vừa là thầy vừa là bạn tôi. Nay nghe lời ông nói rất nhằm, tôi mới tỉnh ngộ, liền bàn-định trước hết hãy vô Nam-trung, rồi sau sẽ ra ngoài Bắc, liên-kết với các phe-đảng anh em toàn-quốc, để sắp-đặt khởi-nghĩa sau.
Lúc bấy giờ bạn đồng-niên với tôi, ông Đặng-văn Bá cũng tán thành chí tôi đã định, bèn cùng tôi đi vô trong Nam.
*
Tôi vô Nam chuyến này, nghe nói trong đảng cần-vương hai tỉnh Quảng-Nam Quảng-Ngãi, có viên kiện-tướng là ông Nguyễn-Thành 4, sau khi bị bắt nhờ có ông Nguyễn-Thân cứu dùm, may mà được tha, giờ ông đang ở trong núi làm ăn. Song chí-khí hồi xưa vẫn còn nồng-nàn, chưa phải là tro tàn lửa nguội, chẳng qua như chim cắt đang đợi có gió thu đó thôi.
Mùa xuân, tháng hai năm Quý-mão, tôi với hai họ Đặng cùng vô Quảng-nam. Lúc đi ngang Huế, gặp ông Lê-Võ từ Bình-Định trở về tới đó.
Lê-quân vốn con nhà làm tướng. Bốn người anh đều chết vì nạn nước. Ông nhỏ tuổi nhất trong nhà, thành ra may-mắn chưa chết. Khi gặp tôi ở kinh-thành, Lê-quân tỏ-bày chí-khí như phơi gan trải mật. Chúng tôi hôm sớm quấn-quýt với nhau, trở nên thân-thiết. Rồi cùng chúng tôi đi vô Quảng-Nam, tìm đến ra mắt cụ Nguyễn-Thành.
https://thuviensach.vn
Ông cụ này, hồi khởi nghĩa-binh mới có 18 tuổi, đã xông-pha hùng hổ, nhiều lần đánh bên địch phải thua ; họ khen cụ biết cách cầm quân. Cụ chính là người trội nhất của nghĩa-đảng vậy.
Chúng tôi đến, cụ mới làm quen mà đã coi như bạn thân lâu ngày. Anh em cùng ngồi quây-quần uống rượu nói chuyện. Cụ Nguyễn-Thành bàn-bạc công việc thiên-hạ một cách hùng-hồn và rất rành-mạch đúng lẽ.
Tôi đem chí muốn ra phân-trần. Cụ vỗ tay, nói :
- « Hay dữ ! Thuở nay, ai muốn mưu-toan đại-sự, trước hết phải cần ba điều này : một là thu phục lòng người, hai là góp số tiền lớn, ba là sắp đặt mua sắm quân-khí cho đủ. Hễ lòng người đã chịu tin phục thì số tiền lớn có thể góp được. Có tiền thì vấn-đề quân-giới, không khó giải-quyết đâu.
Nhưng phải hiểu dân-trí và tập-quán của dân nước nhà, không thể nào bắt-chước làm theo châu Âu cho được. Bọn ta muốn có cách kêu gọi nhân-tâm cho dễ, nếu không mượn tiếng phò vua giúp chúa thì những nhà sang họ lớn kia, ai chịu phu-họn theo mình. Vậy thì ta dầu có bụng cứu nước mặc lòng, chẳng qua chỉ chết thân mình cho tròn được một tiếng vậy thôi, ngoài ra không ăn thua lợi-ích gì cho việc lớn.
« Vua Hàm-Nghi trốn-tránh ở chốn nào, đã lâu không nghe tin tức ra sao. Còn vua Thành-Thái hiện tại thì ở trong tay người Pháp kiềm-chế, anh em ta không làm cách gì ra vào thân-cận bên mình ngài đặng. Sẵn có dòng-dõi của đức Đông-cung Cảnh là đích-tự Cao-hoàng, hiện nay đang còn. Chúng ta khởi-nghĩa, nên trước hết tôn ngài lên làm cung-chủ ; có thế thì danh-nghĩa mới thuận, hiệu lệnh được chuyên, mỗi khi ta cất tiếng kêu gào, thuận theo chiều gió, tất nhiên có tiếng vang bóng sâu xa lắm vậy. Các ông tính sao ? ».
https://thuviensach.vn
Tôi với hai ông Đặng, Lê, ban đầu thật chúng tôi chưa hề suy-tính tới việc tôn người dòng-dõi nhà vua. Tới đây nghe Nguyễn-quân, chúng tôi cho là lẽ phải lắm.
Than ôi ! Trí dân chưa mở, thói cũ chưa chừa, chủ-nghĩa gia-tộc và chủ-nghĩa quốc-gia, ở giữa lúc mới bắt đầu tiếp-xúc như vậy, mình muốn nó đánh-đổ bao nhiêu thói quen cổ-thời mà quét đi cho sạch, nào có phải là chuyện dễ-dàng. Tuy vậy, nghe mấy lời Nguyễn-quân vừa mới bày-tỏ, tôi không chịu khuất-phục cũng chẳng được nào !
https://thuviensach.vn
VI. RA THĂM HOÀNG-HOA-THÁM RỒI VÔ NAM-KỲ
Tháng ba năm quý-mão, tôi tìm tới yết-kiến Kỳ-ngoại-hầu Cường Để ở Huế, tỏ-bày việc lớn.
Kỳ-ngoại-hầu hớn-hở nói :
- Lâu nay tôi vẫn nuôi cái chí lớn đó. Ngặt vì từ lúc Hồ-quý-Châu và Nguyễn-thụ-Nam là hai bạn đồng-chí của tôi qua đời đi rồi, tôi để ý tìm kiếm mãi nhưng chưa gặp được ai có thể nói câu chuyện ấy với mình. Nay các ông không từ xông-pha muôn dặm, vì chỗ tinh-khí với nhau mà tìm đến tôi, tôi xin vui lòng hy-sinh tất cả mọi sự, để cùng các ông nằm gai nếm mật, nếu có thể báo đáp quốc-ân trong muôn một, dầu tôi có phải tan thây mất xác cũng vui.
Rồi Kỳ-ngoại-hầu cùng tôi và hai ông Lê, Đặng đi vô Quảng-Nam hội-họp các đồng-chí ở nhà ông Nguyễn-Thành trên núi.
Chúng tôi bí-mật bàn-tính các việc, cùng tôn Kỳ-ngoại-hầu lên làm hội-chủ, và giao công việc của đảng từ hai tỉnh Nam Nghĩa trở về Nam cho Ng-Thành gánh vác, còn từ hai tỉnh Bình Trị trở ra Bắc thì tôi đảm-nhiệm.
Liền tháng 6 năm đó, tôi trở về Nghệ, rồi thẳng đường ra Bắc-kỳ dạo chơi hơn 10 tỉnh, lén sắp-đặt việc đảng và tìm bạn đồng-chí.
Rồi tôi lặn-lội lên miệt Yên-thế, tới đồn Phồn-xương để yết-kiến Hoàng tướng-quân Hoa-Thám.
Hoàng tướng-quân vốn là tay cứng trong đảng cần-vương xứ Bắc kỳ. Từ lúc ông Nguyễn-Bích tử-trận, ông Nguyễn-thiện-Thuật chạy sang Tàu thì đảng cần-vương Bắc-kỳ tan rã. Duy có Hoàng tướng-quân một mình chiếm giữ miền núi tỉnh Bắc-giang, chống-cự với Bảo-hộ đã ngoài 10
https://thuviensach.vn
năm. Người Pháp chia cắt miệt rừng cho tướng-quân cai-quản để cùng tướng-quân giảng-hòa. Người trong nước ta từ đàn-bà con trẻ, chẳng ai mà không nghe tiếng-tăm Hoàng-Hoa-Thám lừng-lẫy.
Từ hồi nào đến giờ, tôi mới được bước chân vô trong đồn trại này là lần thứ nhất.
Tôi nhớ hôm đó là mùng 8 tháng 8 năm Quý-mão. Cùng đi với tôi một chuyến là hai ông Kiếm-phong Nguyễn-Cừ và Cao-điền Nguyễn-Điển.
Hai ông này ở chờ ngoài đồn, chỉ có mình tôi vô trong.
Rủi nhằm lúc Hoàng tướng-quân đang mắc bệnh nặng, không thể cùng tôi hội-đàm được. Nhưng tướng-quân sai người con trưởng là Cả Trọng và hai viên ái-tướng là Cả-Dinh Cả-Huỳnh, tiếp-đãi tôi vui-vẻ tử-tế.
Tôi ăn ở trong đồn 11 ngày, rồi thổ-lộ hết tâm-sự mình rồi mới ra đi. Đảng ở Bắc-kỳ từ đó mới tổ-chức lại.
Tháng 10, tôi trở vô kinh, báo-cáo việc đảng cho Hội-chủ hay. Hội chủ nói với tôi :
- Nam trung vốn là khu đất của tiên-triều gây-dựng mở mang, xưa đức Cao-hoàng nhờ đó mà khôi-phục rỡ-ràng nghiệp cũ. Lòng người nhờ cũ rất nhiều. Tiên-sinh nên vào một chuyến, chắc có ảnh-hưởng không phải nhỏ đâu.
Thế rồi trung tuần tháng 12 năm Quý-mão, tôi lên đường vô Nam. Cuối tháng chạp, tàu đến Saigon.
Qua tháng giêng năm Giáp-thìn, tôi đi Châu-đốc, Hà-tiên, tìm thăm các hào-kiệt ở Thất-sơn. Lại đi dạo khắp các tỉnh Cần-thơ, Vĩnh-long, Sa đéc. Nhân dịp thăm viếng cả những chỗ dấu xưa vết cũ của hai cụ Nguyễn-
https://thuviensach.vn
Huân, Trương-công-Định ; trong ý mong-mỏi may ra mình có gặp-gỡ được sự gì hay chăng ?
Nhưng tôi đi chuyến nầy, gặp được sự hay rất ít. Thật tôi không ngờ…
https://thuviensach.vn
VII. LƯU-CẦU HUYẾT-LỆ TÂN-THƯ
Tháng 3 năm Giáp-thìn, ở Nam-kỳ trở về, tôi lại ngụ ở Huế. Thỉnh thoảng lo tính một chuyện như cách vẽ rắn thêm chân. Đó cũng là một việc quan-hệ về lịch-sử tôi nên nói.
Nguyên lúc vua Đồng-Khánh được lên ngôi rồi, hai nước Pháp Việt sửa thêm vào tờ điều-ước cũ. Bây giờ cắt đất từ Thanh-hóa trở vào, Bình thuận trở ra gọi là Annam, thuộc về Pháp-quốc bảo-hộ. Then chốt của Chính-phủ Bảo-hộ ở trong tay ông Trú-Kinh Khâm-sứ nắm giữ. Những thực-quyền về việc binh việc tài, đều về tay người Pháp chủ-trì, còn quan lại thì người nước mình. Người Pháp chỉ xem-xét sai-khiến mà thôi.
Tôi suy-nghĩ nếu như công-việc mình tính làm đây mà được bọn người trong quan-trường giúp ngầm, tất là dễ-dàng nên việc.
Song tôi suy đi tính lại bọn làm quan là hạng trí-não tầm-thường, e mình khó lòng mưu-toan với họ, mà rủi mưu-toan với họ không xong, thì có tai-họa xẩy đến cho mình ngay.
Tuy vậy mặc lòng, chúng ta là người đã quyết hiến thân cứu-quốc thì đầu-cổ mình, tính-mạng mình, đều có thể hy-sinh không sá kể gì, vậy thì con đường họa-phước lợi-hại, ta cứ dấn mình vào mà đi, há nên chần chờ trốn-tránh nữa sao ?
Tôi bèn quyết kế tìm cách vận-động các quan.
Lúc ấy, tôi có tiếng hay chữ vang dậy chốn kinh-đô, phần nhiều cụ lớn trong triều muốn được tôi ra vào làm môn-hạ các cụ.
Tôi liền viết ra một cuốn sách, nhan đề là « Lưu-cầu Huyết-lệ Tân thư ». Trong đó tôi tả rõ những cái thảm-trạng thành tan nước mất, những nỗi nhơ nhuốc đổi chúa làm tôi. Lại nói đến dân-trí phải gấp mở-mang,
https://thuviensach.vn
dân-khí nên gấp bồi-dưỡng để làm nền-tảng cho việc cứu-quốc v. v… Cuốn sách này gồm có mấy muôn lời nói.
Tôi ôm sách tới ra mắt các cụ lớn, như cụ Đông-các Nguyễn-Thảng, Công-bộ Đào-Tiến, Lễ-bộ Hồ-Lễ, Lại-bộ Nguyễn-Thuật v. v…
Các cụ đều khen lời nói cứng, văn viết hay, và ngầm cho ý-kiến tôi bày-tỏ là đúng, nhưng thủy-chung các cụ chẳng dám nói rõ ý mình ra sao.
Lanh-quanh hết mấy tháng trường như thế, rồi sau tôi biết rõ bọn cụ lớn kia, mình không cậy nhờ gì được mà trông. Ruột gan của họ, chỉ biết có sự phú-quý của thân họ, nhà họ. Trước việc thì họ chỉ ngồi ngó thành-bại, sau việc thì họ lựa sóng theo chiều. Nay ta mạo-hiểm giải-bày tâm-sự với họ nhưng thật không chỗ nào trông cậy họ được. Tôi luống thẹn mình kém thần trí sáng, chẳng có tài làm cho tượng đá biết gật đầu, rồi càng nghĩ càng ăn-năn trước kia mình tơ-tưởng lợi-dụng quan-trường thật là bá-láp.
Nhưng việc nầy chẳng phải là không có kết-quả gì.
Sau khi « Lưu-cầu Huyết-lệ Tân-thư » ra đời rồi, các chí-sĩ lẩn-quất trong kinh-đô, đều rõ biết ruột gan tôi ra thế nào. Ví-dụ như ông Phan châu-Trinh và ông Trần-quý-Cáp 5– về sau bị tù, chết chém – lúc nầy làm quen thân-mật với tôi, ấy chính là nhờ cuốn « Lưu-cầu Huyết-lệ Tân-thư » giới-thiệu vậy.
https://thuviensach.vn
VIII. LÀM SAO MUA ĐƯỢC KHÍ-GIỚI ?
Lúc bấy giờ, những nghĩa-dân hiệp-sĩ khắp trong nước đã liên-lạc nhất khí với nhau rồi.
Từ Bắc vô Huế, khắp các tỉnh-thành châu-quận trọng-yếu, chúng tôi đều ngấm-ngầm sắp-đặt vây-cánh phe-đảng đâu đó hẳn-hoi, chỉ còn đợi thời-cơ là khởi-sự.
Vấn-đề kiếm tìm những khoản tiền lớn để làm việc, cũng có anh em gánh vác trách-nhiệm quyên-góp.
Phải chi mình ở vào những đời Đinh Lý Lê Trịnh thuở xưa, thì chỉ vung cánh tay mà kêu lên một tiếng, tức-thời sóng dậy sấm vang chỉ là việc thành trong khoảng giây lát mà thôi.
Nhưng đời nay thì khác hẳn.
Từ lúc đời có súng đạn phát-minh ra, bao nhiêu khí-giới gọi là gươm giáo đao thương đã hóa ra đồ bỏ. Cái thứ để chặt cây làm mác kia, đời xưa người ta vác đi đánh Tần đuổi Sở được, chứ đời nay có dùng nó làm nên trò-vè gì !
Phải biết võ-khí của người Pháp tinh-nhuệ hơn của người mình muôn lần ngàn lần. Còn khẩu súng nào ở trong tay người mình, thì ngày đêm có tướng-tá Pháp gìn-giữ coi chừng hoài. Trong hàng quân-ngũ, từ chức cai đội trở lên cũng không có người mình được làm. Nếu muốn dỗ họ trở súng cộng-sự với mình, lúc bình-thường không phải là chuyện dễ ; trừ ra khi nào có phát-sinh đại-chiến, họa chăng sự mưu-tính mới được thực hiện.
Các ông sách-sĩ (người chuyên nghĩ mưu tính kế) trong đảng chúng tôi lúc ấy, gặp phải một vấn-đề to lớn khó-khăn mà không sao giải-quyết
https://thuviensach.vn
được, ấy chính là vấn-đề quân-giới.
Trong nước ta có sở chế-tạo quân-giới nào, đều có binh lính Pháp chiếm giữ, canh-gác cẩn-mật, nếu bà con mình đi qua hơi liếc mắt dòm mấy nơi đó cũng bị tội nặng lập-tức. Như vậy thì chúng tôi có nhúng tay vô chỗ nào mà lấy khí-giới được đâu !
Muốn mua khí-giới ở ngoại-quốc chở vào cho mình lại cũng không được. Là vì bao nhiêu cửa biển trong nước, cửa nào cũng có nhà chuyên trách của Bảo-hộ cắt-đặt, khám-xét dò-la hết sức nghiêm-ngặt. Dầu cho mình mua ở ngoài được, nhưng một số quân-giới rất nhiều, mình có phép tiên, chước quỷ gì mà vận-tải nó lọt vô xứ này cho nổi ?
Anh em chúng tôi lo quanh tính quẩn, mất nhiều ngày giờ mà chỉ có vấn đề quân-giới, mỗi khi nghĩ đến, ai nấy bức-rức lo-âu, cám-cảnh mình thiếu mất một món thứ nhất cần-dùng, rồi nhớ lại chuyện Châu-lang đời xưa nếu không có ngọn gió đông thì lấy gì mà đánh trận Xích-bích ?
*
Cách không bao lâu, bỗng dưng có những tiếng súng nổ ở Lữ-thuận Liêu-đông, lướt theo sóng-gió vang-dội tới đây làm cho rung-động chói chát lỗ tai anh em chúng tôi.
Trận Nga-Nhật chiến-tranh mà Nhật đại-thắng thật có chỗ hay cho chúng tôi rất lớn. Trong óc chúng tôi đến đây có một thế-giới mới lạ mở ra.
Nước Nam ta trước khi chưa có Pháp-quốc bảo-hộ, chỉ biết thế-gian nầy có nước Tàu mà thôi. Tới lúc có Pháp-quốc bảo-hộ ta rồi thì ta lại chỉ biết có Pháp-quốc. Thế-giới đổi dời, phong-trào mới lạ, thật bà con ta chưa hề mộng-tưởng tới đó.
Chúng tôi bôn-tẩu quốc-sự bao lâu, nghĩ có mất xác rụng đầu cũng chẳng sợ, nhưng bất quá là bị cái thiên-lương vì nước lo toan nó bắt-buộc
https://thuviensach.vn
mình phải vậy đó thôi, chứ đến quy-mô xây-dựng độc-lập ra sao, thì lúc ấy chúng tôi vẫn còn mơ-màng như người đi giữa đám sương sa mịt-mù vậy.
Từ hồi bỏ nước đi ra ngoài, đầu óc mắt tai mình mới là bắt đầu biến-đổi. Nhưng không thể nào không bảo được rằng đó là nhờ trận Nhật Nga đánh nhau đã làm vang bóng cho tâm-não chúng tôi.
Than ôi ! đến giữa thế-kỷ 19, gió Mỹ mưa Âu đã làm ồn-ào vũ-trụ, vậy mà ngó lại nước mình vẫn còn đang ở trong cơn mơ-mộng ngủ say. Lúc bấy giờ dân ta còn mù-mịt chuyện đời đã đành, không trách gì được. Nhưng ngay đến hạng người trồi đầu khét tiếng như tôi mà cũng như ếch nằm đáy giếng, kiến ở trong hang, có hiểu biết chuyện đời là gì đâu. Nghĩ trong thế-giới có thứ người đáng buồn cười mà cũng đáng thương xót, không còn ai hơn bà con nước mình.
Là bởi nước mình thuở trước chỉ đóng cửa ngồi nhà, trăm điều kiến văn gì, quanh-quẩn trong vòng chữ nghĩa thi-cử Hán-học mà thôi ; vậy cứ bảo ngay quốc-dân mình là bọn tai điếc mắt đui, cũng không phải là nói quá-đáng chút nào.
Kịp đến khi có người Pháp sang xâm-lược, dân ta cũng vẫn còn mắt đui tai điếc. Nếu không có tiếng súng nổ đùng đùng ở Liêu-đông Lữ-thuận đánh thức, thì có lẽ ta cũng chưa biết ngoài nước Pháp ra còn thế-giới nào khác nữa.
Sau lúc Nhật-Nga khai chiến, giữa khoảng hai năm Giáp-thìn Ất-tỵ, cuộc cạnh-tranh phấn-đấu giữa người Âu người Á, da trắng da vàng, làm cho chúng tôi phải giật mình tỉnh ngủ. Chí-hướng chúng tôi càng thêm nồng-nàn hăng-hái. Song chỉ khổ một nỗi là bị vấn-đề quân-giới ngăn-trở khó-khăn, cho nên tới đây chúng tôi phải gấp tìm cách nào giải-quyết mới xong.
*
https://thuviensach.vn
Hạ tuần tháng 10 năm Giáp-thìn (1904) các tay lãnh-tụ trong đảng mở cuộc đại-hội ở tỉnh Quảng-nam, lấy sơn-trang Nam-thạnh làm nơi khai hội. Nhận thấy chỗ nầy gần kinh-đô Huế, tất ông Hội-chủ chúng tôi có thể lén tới nhóm hội được.
Lúc đó ông Tăng-bạt-Hổ mới ở Hải-phòng vô, trong đảng thêm ra một tay kiện-tướng, ai nấy vui-vẻ hăng-hái lạ-thường.
Các lãnh-tụ đều nói vấn-đề quân-giới nếu không có nước ngoài giúp cho mình thì không xong. Lấy chỗ quan-hệ về lịch-sử, địa-dư, nòi-giống mà nói, có thể giúp ta được không ai khác hơn là Trung-quốc. Nhưng từ trận thua ở Lạng-sơn hồi năm Giáp-thân trở đi, Trung-quốc ký điều-ước Bắc-kinh, đã phải đem cái chủ-quyền phiên-thuộc nước Nam mà nhường đứt cho Pháp rồi. Đến việc Hàm-Nghi xuất-bôn, trong khoảng mấy năm Dậu, Tuất, thiếu gì các cụ nhà ta chạy sang Trung-quốc cầu-viện, nhưng đều bặt mất tin tức. Gương trước mới đó không xa, nước Tàu chẳng giúp gì cho ta được đâu mà mong, vô-ích.
Chúng tôi bàn-định với nhau, chỉ có cầu-viện Nhật-bản. Lúc ấy Nhật-bản mới phát lên hùng-cường mà họ cũng là một dân-tộc da vàng ở châu Á như ta, lại vừa mới đánh thắng Nga xong, không chừng họ có ý muốn làm bá-chủ cả châu Á, vậy thì họ giúp ta để tước bớt khí-lực của châu Âu đi, cũng có điều lợi cho họ vậy. Nếu ta sang kêu ca thống thiết với họ, tưởng gì chớ món quân-giới, hoặc cho ta mượn, hoặc giúp ta mua, không khó khiến chi !
Ai nấy bàn-bạc nhất-định như vậy rồi, bèn tín cử một người làm toàn-quyền đại-biểu đem bút của ông Hội-chủ qua Nhật lo việc khí-giới.
Hồi đó công việc trong đảng đang cần người có tài làm sứ, nên chi toàn-hội cùng cử tôi làm chức đại-biểu đi Nhật.
https://thuviensach.vn
IX. TÔI TRỐN SANG TÀU, GẶP CỤ NGUYỄN THUẬT VÀ LƯU-VĨNH-PHÚC Ở QUẢNG CHÂU
Nay tôi vâng mạng của đảng sai khiến, xuất-dương là lần đầu hết.
Tôi đi đây, vốn lấy tư-cách là đại-biểu của đảng cách-mạng một nước mà đi, cũng tức là đại-biểu cho toàn-quốc dân một nước mà đi.
Nếu như tôi là người tài cao trí giỏi, học rộng biết nhiều về mặt ngôn-ngữ, văn-tự, chính-trị, học-thuật ngoại-quốc cũng thông-thuộc nằm lòng, như kẻ nhớ biết mỗi món đồ quý trong nhà họ kia thế thì mình có mang cái hổ vong-quốc mặc dầu, nhưng được điều không thẹn mình là giống người giỏi-dang trên đời. Được vậy, chẳng phải đủ làm vẻ-vang cho dân ta nước ta ở xứ ngoài sao !
Tiếc thay ! người thứ nhất được đi ra ngoài cùng thế-giới hội-diện, lại là người ngu dốt quê mùa như tôi ; tài đã không có tài, học cũng không nhằm học. Trừ ra ba câu chữ Hán, chứa đầy bụng cũng như là không. Tấm thân đã là con người mất nước tính-mạng vốn không đủ gì trọng khinh, nhưng tài học cũng không đủ gì phẩm lượng, thật mình làm trụy-lạc mất cả giá-trị quốc-dân mình tới đâu mà nói cho xiết. Như vậy thì trời đất mênh mông có chỗ nào dung được mình ? Đêm khuya nhìn bóng hổ thầm, đến đỗi lệ tuôn như máu. Tới nay tôi nhớ lại việc cũ, chỉ xin quốc-dân ta lượng xét cho tôi là may !
Nghĩ xem mình đã sinh nhằm non sông còn ấu trĩ, nòi giống còn u mê, chưa được mở mang, cho nên vừa ở trong bọc mẹ lọt ra, không ai chỉ vẽ dìu dắt để mở trí cho mình, lại gặp phải cái cảnh giam hãm xiềng khóa đêm ngày, người ta chỉ sợ mắt mình được thấy, tai mình được nghe, như thế bảo sao mình không ngu-muội cho được !
https://thuviensach.vn
Dầu vậy mặc lòng, ban đầu tôi mới phụng-mạng của đảng cử đi ra ngoài, thật tôi chưa biết có nông nổi khổ-nhục thế này đâu. Con chim bị nhốt trong lồng lâu ngày, ngó thấy trời rộng mây xanh, thèm thuồng hết sức. Thình-lình bây giờ có dịp thoát mình ra khỏi lồng được, thì trong óc hớn-hở, chỉ biết cái vui được cỡi mây lướt gió, phóng-khoáng tự-do, chứ đâu có vội nghĩ tới sau khi ra khỏi lồng rồi thì gặp phải tình-trạng ra làm sao. Vì đó mà tôi mạnh-bạo vâng mạng của đảng ra đi.
Hạ tuần tháng chạp năm Giáp-thìn, tôi tới Kinh yết-kiến Hội-chủ, dặn-dò công việc sau khi tôi đi rồi. Lại đi thăm viếng hết thảy những người trọng yếu trong đảng, bàn-bạc mọi việc quan-hệ.
Sắp đặt đâu đó xong cả rồi, liền từ Quảng-nam lên đường khởi hành.
Cùng đi với tôi có hai người, là ông Tăng-bạt-Hổ và ông Đặng-tử Kính.
Tăng-quân lúc trước từng làm mặc-khách, giúp bàn việc quân cho Lưu-vĩnh-Phúc, có dịp đi du-lịch khắp hai tỉnh Quảng và Đài-loan hơi thông tiếng nói Quảng-đông.
Tháng 4 năm đó, Tăng-quân mới ở hải-ngoại về, nay lại cùng tôi lo lắng việc đảng, và đảng lựa-chọn cùng xuất-dương với tôi, thật là xứng đáng.
Mồng hai tháng giêng năm Ất-tị (1905) chúng tôi ra Hải-phòng để xuất-dương.
Lúc xuống tàu, tôi khẩu-chiếm bài thơ từ-giã anh em :
生為男子要希奇
Sinh vi nam tử yếu hy kỳ
肯許乾坤自轉移
https://thuviensach.vn
Khẳng hứa càn-khôn tự chuyển di
於百年中須有我
Ư bách niên trung tu hữu ngã
起千載後更無誰
Khởi thiên tải hạ cảnh vô thùy
江山死矣生圖汭
Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế
賢聖遼然誦亦癡
Hiền thánh liêu nhiên tụng việc si
願逐長風東海去
Nguyện trục trưởng phong Đông hải khư
千重白浪一齊飛
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.
Bài dịch :
Khác thường bay nhảy mới là trai,
Chẳng chịu vần xoay mặc ý trời !
Trong cuộc trăm năm đành có tớ,
Rồi sau muôn thuở há không ai ?
Non sông đã mất, mình khôn sống,
Hiền thánh đâu còn, học cũng hoài.
Đông-hải xông-pha nương cánh gió.
Nghìn làn sóng bạc múa ngoài khơi.
Từ đây trở đi, chúng tôi để chân vào con đường nguy-hiểm rồi.
Chính-phủ Pháp không cho người Việt-Nam mình có quyền tự-do lai-vãng. Phàm ai muốn ra xứ ngoài du-lịch hay là buôn bán, nếu không được Bảo-hộ cho phép đi, thì tất bị buộc tội ngầm thông nước ngoài, mưu chuyện làm loạn. Có điều là ai được Bảo-hộ cho phép đi, tất phải là người có tư-cách đủ tin cậy hay là khéo chiều lòng mới được ; tôi vốn không có đủ những tư-cách ấy, thành ra tôi phải đi trốn.
https://thuviensach.vn
Tăng-quán đi trốn nhiều lần rồi, đường sá rất quen thuộc thông-thạo ; ông chỉ vẽ cho tôi cái kế thay hình đổi dạng để qua cửa quan-ải cho lọt.
Từ Hải-phòng ra Moncay, tôi giả làm chú khách đi buôn, cạo đầu kết bím, đáp một chiếc tàu buôn mà đi.
Lúc tàu đến bến, chúng tôi đợi đêm khuya mới dám mướn một chiếc thuyền đánh cá nho-nhỏ, lén qua Trúc-sơn, Trường-sơn là bờ cõi huyện Phong-thành nước Tàu.
Chuyến đi này tuy là nguy-hiểm, nhưng mà vui thú lạ-thường.
Ra khỏi bờ cõi rồi, các món giấy tờ quan-hệ và tiền bạc của chúng tôi đều còn nguyên lành. Ôi người ta nghiêm-cấm mình chừng nào, kết-quả bà con mình càng thêm giỏi cái ngón phá cũi xổ lồng chừng nấy, không riêng gì một mình tôi, theo chân nối gót chúng tôi đi ra hải-ngoại, còn thiếu chi người !
Ở lại Trúc-sơn một tuần-lễ mới đáp ghe buồm Khâm-châu mà đi Bắc-hải.
Lúc bấy giờ đã bước qua sơ tuần tháng hai, còn có ngọn gió đông bắc thổi khá, thành ra ghe đi chỉ có 7 ngày tới Hiệp-phố. Chúng tôi đổi sang tàu buôn Hồng-mao mà đến Hương-cảng.
Tàu đến bến, chúng tôi lên bờ, ở loanh-quanh hết hơn một tuần lễ. Trong óc tôi lúc này thấy sự vui sướng không biết sao mà nói, cảm sự đau khổ, cũng không biết sao mà nói.
Vì tôi mới bỏ nước trốn đi, người Pháp chưa hề nghe biết. Lúc ra khỏi bờ cõi áp-chế rồi, mình thấy hoàn-cảnh mình đều là không-khí tự-do, mặc ý mình đi lại thong-thả, trái lại, thân mình về trước không khác gì một con ngựa hay, bị nhốt trong chuồng, lại bị người ta may kín cả hai mắt lại tối đen, nay bỗng chốc được cắt chỉ mở mắt ra mà chạy nhởn-nhơ dong-
https://thuviensach.vn
ruổi ở giữa khoảng đồng rộng mênh-mông, sung-sướng thảnh-thơi biết mấy. Nhưng nghĩ mình thì vậy, nhớ tới cái cảnh đồng-bào dang bị bó-buộc, thì ruột mình muốn đứt ra từng khúc.
Tại Hương-Cảng thấy học trò đi học vui-vẻ đông-đảo, cảnh buôn bán tấp-nập đêm ngày ; dọc đường không hề thấy ai bị lính bắt đứng lại xét hỏi giấy thân ; không có ai đi đêm không đèn mà bị lính thộp ngực dẫn về bóp ; không có thứ lính tuần hung-bạo ngang-tàng, bắt-bớ người vô-tội ở giữa đường, không có cảnh-tượng người bản-xứ bị người Âu-tây bắt-nạt mà phải nép mình một bên đường. Ôi ! Hương-Cảng cũng là đất dưới quyền ngoại-nhân cai-trị, nhưng Hương-Cảng có vẻ mùa xuân tươi cười, không phải như ở xứ mình.
Lúc này tôi nghe nói quan Hiệp-đốc đại-thần Nguyễn-thiện-Thuật trước kia vì quốc-nạn mà chạy sang Quảng-Đông, giờ đang ngụ trong nhà thờ họ Lưu ở Sa-hà. Nguyễn-công là người ngang hàng với bậc thân-phụ tôi, lại là một tay cần-vương ngày trước, nay tôi sang tới đây, chẳng lẽ không nói cho cụ biết.
Tôi bèn đi Quảng-Đông, tìm tới viếng cụ. Thấy tôi cụ hết sức vui mừng, rồi dắt tôi đến yết-kiến Uyên-Đình Lưu-vĩnh-Phúc.
Lưu bây giờ đã già, nhưng cùng tôi nói lại chuyện cũ ở Bắc-kỳ, thỉnh-thoảng Lưu còn vỗ bàn hét lớn, khiến cho tôi tưởng thấy cái hùng phong như hồi đánh nhau với quân tây ở Cầu-giấy gần Hà-nội vậy.
https://thuviensach.vn
X. GẶP LƯƠNG-KHẢI-SIÊU VÀ KHUYỂN DƯỠNG-NGHỊ
Lúc tôi đến tỉnh-thành Quảng-đông, chính là lúc Sầm-xuân Huyên đang làm tổng-đốc Lưỡng-Quảng.
Tôi gửi cho Sầm một bức thư, nói rõ tình-hình tỉnh Quảng và nước Nam ở giáp-ranh nhau như thể là môi với răng ; hễ môi hở thì răng phải lạnh. Lại nhắc đến tình nghĩa hai nước lâu đời kẻ chúa người phiên thân thiết với nhau ; nay tôi cầu xin họ Sầm giúp cho nước Nam bất cứ về mặt nào cũng được.
Nhưng tôi gửi thư mấy ngày, chẳng thấy họ Sầm trả lời gì hết. Chắc lão sợ người Âu-tây như cọp, ấy là thói quen của đám quan-lại nhà Thanh, mình không lạ gì.
Trở về Hương-cảng, đợi kỳ tàu qua Nhật. Song vì hồi này cuộc hòa giữa Nga với Nhật bàn-định chưa xong, thành ra ở Hương-cảng không có tàu Nhật, tôi phải đáp tàu Chiêu-thương đi lên Thượng-hải.
Lúc ấy đã sau ngày rằm tháng ba.
Tới Thượng-hải, mới thấy cuộc lữ-hành của mình có lắm nông-nổi khó-khăn đẻ ra lần hồi. Việc khó-khăn thứ nhất, là ngôn-ngữ. Cả tiếng Anh lẫn tiếng Tàu, tôi chưa từng học tập bao giờ.
Cũng may cho mình giao-tiếp đều là người Tàu. Nếu biết chữ Tàu thì có thể dùng ngọn bút thay thế cho tấc lưỡi. Nhưng cũng bất-tiện đáo-để.
Than ôi ! Sinh ra giữa thời-đại là thế-kỷ 19, 20 này, ai không có học-thuật giỏi-dang thì không thế nào cùng thế-giới tranh-cạnh sống còn cho được. Ngôn-ngữ văn-tự chính là kẻ dẫn đường đi tới học-thuật. Người ngu dốt quê mùa như tôi, mà khỏi bị đào-thải, là may-mắn biết bao.
https://thuviensach.vn
Tuy vậy, lúc đó tôi đã 40 tuổi, bị công việc của đảng ràng-buộc nơi mình, mình phải vì đảng mà ra sức lo chạy, đến đỗi cơm không biết ngon, chiếu không biết ấm, bây giờ dầu cho mình có muốn ôm sách đi học như hồi thi-cử trước kia, cũng không có ngày giờ nào mà đi học được nữa. Than ôi ! Sa-đà ngày tháng, chớp mắt ra không, mài-miệt công-danh, hối mình đã lỡ, tôi khuyên tất cả thanh-niên nước nhà, muôn-vàn xin chớ bước lầm vào con đường của tôi.
Thượng tuần tháng tư, tôi đáp tàu Nhật ở bến Thượng-hải, trung tuần thì đến Hoành-tân, tôi tạm ở lại đấy hơn một tuần lễ.
Lúc đầu tôi xuất-dương không biết một tiếng Nhật nào, lại cũng không ai giới-thiệu, thành ra lúc đi đường cần dùng chuyện chi, đều cậy chú lính gác đường ; chú chỉ vẽ cho mình một cách rất tử-tể.
Thấy vậy lòng tôi rất cảm-phục chính-sách cảnh-sát của Nhật-bản sắp-đặt hẳn-hoi, trọn-vẹn ; ngó lại chế-độ cảnh-sát ở xứ mình mà buồn. Lúc đó nhà văn-học Trung-hoa là Lương-nhiệm-công Khải-Siêu đang ở Hoành Tân làm chủ « Tân-Dân Tùng-báo ». Nghe nói họ Lương ở Nhật lâu ngày hơi rõ công việc nước Nhật, tôi bèn quyết-định trước hết tới ra mắt họ Lương để cầu họ Lương giới-thiệu với người Nhật.
Tuy là tôi với Lương chưa hề gặp mặt quen nhau lần nào, nhưng tôi nghĩ Lương là bậc người mới, chắc có con mắt tư-tưởng không như bọn tầm-thường. Tôi liền viết một bức thư xin ra mắt. Trong thư có câu như vầy : « Ra đời khóc một tiếng, đã là tương-tri, sách vở đọc mười năm, trở nên thông-gia ». (Lạc địa nhất thinh khóc, tức dĩ tương-tri, đọc thơ thập niên nhỡn, toại thành thông-gia). Tôi lấy mấy câu đó làm gốc để cầu ra mắt họ Lương.
Tiếp được thư, Lương mời tôi vào lập-tức. Chúng tôi lấy bút mực nói chuyện. Lương hỏi tôi qua đây có ý gì, lại hỏi tình-hình người Pháp cai trị nước Việt ra sao. Tôi lấy làm tiếc lúc ấy chỉ kể đại-khái, vì câu chuyện
https://thuviensach.vn
quá dài không thể một lúc bút thừa-đàm mà nói cho Lương biết hết được. Rồi đó tôi viết ra cuốn « Việt-nam vong-quốc sử 越南亡國史 », đưa trọn bản-thảo cho Lương đem ra in. Bước đầu tôi xuất-dương mới viết sách là một lần thứ nhất.
Sau khi họ Lương gặp tôi rồi, lấy cặp mắt xanh đãi tôi rất tử-tế. Nhân đó tôi nói cho Lương nghe việc chúng tôi mưu-tính cậy-nhờ người Nhật giúp cho khí-giới để khởi binh đánh-đổ chính-phủ Pháp. Lương nói :
- Nhiệt-tâm của các ông như thế, sức tôi có được tới đâu tôi giúp liền tới đó, không hề chạy chối. Nhưng nghĩ lại sự giúp sức cho đảng cách mạng đánh-đổ chính-phủ, thuở nay các nước không có lệ đó bao giờ. Nếu có chăng nữa, chỉ là lúc nào hai nước có chuyện xích-mích tới đánh nhau mà thôi. Nay hai nước Pháp, Nhật chưa tới cơ-hội xích-mích đánh nhau, có khi nào chính-phủ Nhật chịu giúp khí giới cho các ông.
« Nghĩ tới cách khác, duy có mấy chính-đảng của dân họ đem sức riêng giúp ngầm các ông, họa chăng có thể. Trong mấy dân-đảng ở nước Nhật hiện thời, chỉ có đảng Tấn-bộ nhiều thế-lực mà Bá-tước Đại-ôi và Khuyển-dưỡng-Nghị chính là hai người đầu đảng. Nếu các ông muốn làm quen hai người đó thì tôi giới-thiệu giùm.
*
Rồi họ Lương cùng tôi đi Đông-kinh yết-kiến Khuyển-dưỡng-Nghị 犬養毅. Sau Khuyển-dưỡng-Nghị dẫn tôi tới ra mắt Đại-ôi Bá-tước 大隈重 信. Về sau đảng chúng tôi cùng dân-đảng nước Nhật có quan-hệ với nhau, đầu giây mối nhợ từ lúc này mà ra vậy.
Mấy ngày sau Khuyển-dưỡng-Nghị lại giới-thiệu tôi với các vị yếu nhân trong dân-đảng.
Lúc nầy Phước-đảo An-chánh đang làm tham-mưu-trưởng, Căn-tàn Nhất làm đầu hội « Đông-Á Đồng-văn », cả hai đều hoan-nghênh tôi.
https://thuviensach.vn
Tôi liền nhân dịp tỏ-bày ý muốn của đảng chúng tôi cầu-viện. Họ nói :
- Phàm là nước đồng-châu đồng-chủng với Nhật-bản thì quốc dân Nhật-bản đều vui lòng giúp-đỡ phò-trì cho nhau luôn luôn. Nhưng mà việc nầy có quan-hệ đến quốc-tế, phải làm sao được chính-phủ ngầm chịu giúp cho thì mới có thể làm. Rủi việc đánh Nga vừa mới xong, chính-phủ nước tôi chưa rảnh mà ngó-ngàng đến việc nào khác được. Các ông rán đợi ít lúc, dân-đảng chúng tôi xin hết lòng với các ông, thế nào cũng có ngày đạt tới mục-đích đừng lo.
Họ lại hỏi lại tôn-chỉ của đảng chúng tôi là quân-chủ hay dân-chủ ? Tôi đáp :
- Mục-đích của đảng chúng tôi bây giờ cốt thiết hơn hết là làm cách nào bắt-buộc người Pháp trả quyền độc-lập cho chúng tôi đã, còn như quân-chủ hay dân-chủ lại là một vấn-đề khác, giờ chưa nghĩ đến. Song cứ theo lịch-sử nước tôi xưa nay và dân-trí hiện-tại, thì quân-chủ phải hơn. Bởi vậy đảng chúng tôi đã tôn một vị hoàng-thân là ông Kỳ-ngoại-hầu lên làm Hội-chủ, thế là chúng tôi sắp-đặt quân-chủ nay mai đó.
Người Nhật vốn tôn-trọng đức Thiên-hoàng, tức là trợ tán-thành chính-thể quân-chủ, cho nên họ cho lời tôi nói là phải.
Họ lại nói với tôi :
- Nay các ông rước được vị Hoàng-thân của quý-quốc sang đây, thì giao-tình của chúng ta càng thêm tốt đẹp. Các ông nghĩ có phải không ?
Tôi nghĩ việc cầu-viện, có thành hay không chưa biết. Nhưng tôi đã trốn nước ra ngoài như vậy, nếu tiếng-tăm bay ra, rủi-ro muôn một mà Hội chủ có hề gì, chắc là ảnh-hưởng đến việc đảng lớn lắm. Bây giờ tôi bèn quyết kế trở về nước để mời Hội-chủ xuất-dương.
https://thuviensach.vn
XI. RƯỚC KỲ-NGOẠI-HẦU XUẤT-DƯƠNG Ban đầu tôi xuất-dương chỉ cố chú-ý vào vấn-đề quân-giới.
Trong khoảng mấy tháng cơm hàng ngủ trọ ở Đông-kinh, tôi được nhân-dịp biết rõ câu chuyện Nhật Nga đánh nhau và thấy được cái hiện trạng của nước Nhật về chính-trị, giáo-dục, ngoại-giao, thực-nghiệp.
Thấy người ta rồi, mình hết sức hổ thầm cho mình lúc trước kia chỉ ngồi co-ro trong nước, hèn nào chẳng kiến-văn, mù-mờ, tư-tưởng bế-tắc, không biết gì cả. Hết thảy anh em đồng-chí với tôi cũng đều như tôi cả ; tôi nghĩ lấy làm tiếc sao không dời được tất cả bà con mình qua ở Anh-hoa tam đảo (tức là Nhật-bản) để cho khối óc và tầm con mắt thay đổi mới lạ hẳn đi !
Sau khi quyết-định rước Hội-chủ xuất-dương, tôi tính phải về nước một chuyến mới được.
Thượng tuần tháng 7 năm Ất-tị tôi với ông Đặng-tử-Kính đáp tàu ở Hoành-tân về nước.
Tôi qua Nhật-bản chuyến nầy, đối với việc đảng sai khiến phó-thác, mà tôi bỏ dở-dang nửa đường như vậy, thật không khỏi tự lấy làm hổ-thẹn.
Nhưng có hai việc, có thể gỡ tội cho mình.
Một là mưu phò được Hội-chủ xuất-dương, thì càng thêm vững lòng khuynh-hướng của anh em trong nước, mà lại khỏi lo có sự gì nguy-hiểm xẩy tới.
Hai là đem những sự tai nghe mắt thấy mới lạ, cùng là việc mình mưu-toan, để bộc-bạch với anh em đồng-bào, chắc hẳn có phần bổ-ích cho cuộc cải-lương tấn-phát mai sau.
https://thuviensach.vn
Vịn vào hai lẽ đó, tôi mạnh-bạo trở về.
Tháng 8, về tới Hải-phòng, ở nhà một người bạn trong đảng. Sự vui mừng không tả ra cho hết.
Là vì lúc tôi đến Bắc-Hải, đánh liều đáp xuống một chiếc tàu tây, nhờ cậy được một người đồng-bào đốt than trong tàu che-chở giùm. Tới lúc người tây xuống tàu khám xét thời va giấu tôi ở khoang tàu dưới chót, chung quanh chất đầy than đá, tôi nằm lọt vô giữa im-lìm không dám hó hé. Nhờ vậy mà người tây không hay, tôi mới lén về trong nước đặng. Đó cũng là một việc mạo-hiểm mà thành-công.
*
Lên bến Hải-phòng rồi, tôi đáp xe lửa đi về Nghệ-An.
Trên xe lửa, tình-cờ gặp lão tuần-phủ X… tỉnh Thái-bình vốn là tay bợm hót giỏi trong đám quan-trường. Lão viết mấy chữ trên miếng giấy nhỏ đưa cho tôi xem, như vầy :
- « Ông trốn đi chưa đầy tuần-lễ, mật-thám đã bủa khắp nơi. Vậy ông sớm liệu đào-tẩu cho mau, không thì nguy đấy ».
Tôi hơi lo.
Nhưng cái mục-đích mình trở về nước nhà chưa đạt được, thì chưa có thể nào đào-tẩu, ta cứ việc ở nhà đã, ra sao thì ra.
Tôi bèn trốn trở về Hà-tĩnh, ước-hẹn những anh em kín-đáo tới hội họp tại nhà Đặng-quân. Còn Tử-Kính thì đem giấy tờ trọng-yếu vô Huế trước để yết-kiến Hội-chủ, rồi đi thẳng vô Quảng-Nam, nói việc mình định mưu-tính vậy vậy cho đồng-chí hai tỉnh Nam Nghĩa hay.
https://thuviensach.vn
Tôi ở quanh-quẩn trong Nghệ-Tĩnh, ngày ngày cùng các đảng-hữu bàn-định việc làm. Kế đó có thư của đồng-chí ở Kinh và Quảng gửi tới thôi-thúc tôi nên gấp đi ra ngoài. Vì đất Nghệ Tĩnh là đất người Tây để-ý dòm-nom coi-chừng hơn hết, cho nên các đồng-chí không muốn tôi ở lần lựa trong chỗ nguy-hiểm đó lâu.
Vừa may gặp ông Trần-đông-Phong đem lại 15 nén bạc và 200 đồng tặng tôi làm lộ-phí, và giục tôi khởi-trình.
Thế là tôi lại từ-giã non nước Hồng Lam, lên đường bô-bá.
*
Lúc ra đi, tôi lưu Tử-Kính ở lại Huế, dặn-dò ông Đặng-thái-Thân lo việc hộ-vệ Hội-chủ xuất-dương cho thật vẹn-toàn ; lại viết thư nhắc-nhở cho anh em phải liệu-định sẵn-sàng món tiền mua sắm và chuyên-chở khí giới để sắp-đặt khởi-sự mai sau.
Thượng-tuần tháng 9, tôi với Nguyễn-quân Thức-Canh từ bến đò Chế-giang ra đi.
Cuối tháng ấy chúng tôi tới Hải-phòng, gặp được một người làm bồi dưới chiếc tàu tây, tên là Lý-Tuệ, tính giùm cho tôi cái kế thoát-hiểm.
Lý-Tuệ là người có gan dạ, mưu-mô, thâm hiểu nghĩa lớn. Về sau ông ta ngầm giúp công việc kia khác cho đảng chúng tôi được nhiều lắm. Lúc này tìm cách đưa tôi xuất-dương, ấy là bước đường thứ nhất của ông ta dấn mình vào quốc-sự vậy. Thật là một người hăm-hở làm việc nghĩa, gặp nạn coi chết như không. Tôi không ngờ giữa lúc mình gió bụi xông-pha lại gặp được người như thế. Nghe nói bây giờ ông ta đã bị đày, còn sống hay chết rồi không rõ.
*
https://thuviensach.vn
Tháng 10 năm ấy, tôi đến Hoành-Tân, vô ở nhà trọ cũ, thấy một vị thanh-niên học-sinh ta là Lương-quân Lập-Nham đã tới ở đó trước rồi. Tôi xem ra người có khí-phách hăng-hái, đầu tóc đang để bờm-sờm ; dò hỏi mới biết ông ta bỏ nhà vượt biển trốn sang Nhật có một mình, lúc lên bờ trong túi chỉ còn vỏn-vẹn có ba đồng xu.
Thấy vậy, tôi vừa vui mừng vừa chưng-hửng. Vì bạn tuổi nhỏ ở nước nhà, một thân một bóng mà dám liều-mạng xông-pha sóng gió muôn trùng, tới một nước thuở nay chưa nghe thấy bao giờ, Lương-quân chính là người thứ nhất vậy. Té ra Lương-quân vốn là người chứa sẵn kỳ-khí, chỉ nghe nói tôi qua Đông-kinh, thành ra mạnh-bạo bỏ nhà bỏ nước ra đi. Bạn thiếu-niên anh-tuấn của ta sau nầy, có mấy người được như Lương-quân ?
Kế đó tôi bôn-tẩu giữa khoảng Đông-kinh Hoành-tân, thường thường cùng những người tai mắt trong dân-đảng nước Nhật nối liền thinh khí, nhờ họ chỉ vẽ điều hay việc phải cho mình rất nhiều.
Nhân đấy tôi nghĩ lại dân-trí nước mình còn quá thấp-thỏi, mà nhân-tài cũng thiếu-thốn không có. Chừng ấy tôi tự ăn-năn việc mình lo toan lúc trước là nông-nổi, chỉ bo-bo về vấn-đề quân-giới, nào có phải đó là cái kế tuyệt-hay để mưu-tính công-cuộc độc-lập cho nước mình được đâu !
Một bữa nọ, tôi đến nhà Lương-khải-Siêu, trong lúc bút-đàm, có đem ý-kiến ấy ra nói, Lương bảo tôi như vầy :
- « Cái kế-hoạch độc-lập của quý-quốc có ba đề-mục lớn. Một là thực-lực riêng ở trong nước các ông. Hai là nhờ hai tỉnh Quảng nước tôi cứu-viện. Ba là nhờ sức cứu-viện của Nhật.
Hai tỉnh Quảng giúp chỉ là giúp giùm khí-giới. Mà Nhật có giúp cũng chỉ là giúp về mặt ngoại-giao. Còn thì nhất thiết đều trông-cậy ở thực lực của quý-quốc mà thôi ».
https://thuviensach.vn
XII. HÔ-HÀO THANH-NIÊN SANG NHẬT CẦU HỌC
LƯƠNG-KHẢI-SIÊU nói tiếp :
« Thực-lực hệ-trọng hơn hết, không gì cho bằng nhân-tài. Vậy thì tôi tính kế cho quý-quốc bây giờ, trước hết ta hãy gắng công ra sức vun trồng nhân-tài. Hễ nhân-tài có đủ, thì chỉ đợi thời-cơ đưa đến là ta làm việc lớn được dễ-dàng ».
Tôi rất phục lời họ Lương nói phải lắm.
Trở về nhà trọ rồi tôi thao-thức suy-nghĩ cả đêm, không sao nhắm mắt ngủ được.
Dòm quanh thế-giới như rồng bay hổ thét, như điện chớp mây tuôn, nhân-tài có ngàn thứ muôn thứ, không có vẻ nào mà không mới lạ. Ngay đến một xó Đông dương nầy, nước nhà mình so-sánh đã đủ thua kém, người ta muôn phần, mình chẳng có một, còn nói Âu-Mỹ làm gì ?
Bởi vậy nuôi dựng nhân-tài là việc cần-kíp của mình, không đợi phải nói nữa. Song muốn nuôi dựng nhân-tài ta phải làm sao bây giờ, vì cái thực-quyền giáo-dục nằm cả trong tay chính-phủ Pháp bảo-hộ ?
Dầu vậy mặc lòng, anh em chúng tôi còn đây, không lẽ nào chịu bó tay đợi chết cho đành. Giờ chỉ có cách là kêu gào bọn thiếu-niên trong nước tỉnh dậy, liều mình trốn ra nước ngoài học tập, như thế thì ta được tự-do mở mang trí khôn, mà nước nhà mới chóng có nhân-tài đẻ ra được nhiều.
Tôi bèn đặt ra bài văn cổ-động bà con trong nước giúp tiền cho thanh-niên qua Nhật cầu học. Bài nầy chỉ viết lơ-thơ có mấy ngàn chữ, nhưng thật là một bài văn sinh-bình tôi lấy làm đắc-ý thứ nhất.
https://thuviensach.vn
Là vì công việc tôi sắp-đặt lo toan từ trước đến giờ, đều chuyên-chú vào hiện-tượng trước mắt, đến sự mưu-đồ sự-nghiệp lâu-dài bền-vững cho nước nhà, thời chỉ có bài văn nầy thôi. Nếu như có hiệu-quả, người nước ta du-học ngày thêm đông, nhân-tài ngày thêm nhiều, dân-trí ngày thêm cao, thì không gì nước Nam ta không có cơ sống lại.
Nhưng thủ-đoạn người ta áp-bức nặng-nề dữ-tợn, khiến cho làn sóng du-học chưa được năm sáu năm, đã làm cái đích cho muôn ngàn mũi tên nhắm vào đó mà bắn, sự ấy trước kia tôi có dè đâu. Than ôi ! Tài hèn sức mỏng, trăm việc làm đều không được như lòng mình muốn, thành ra đá hết rồi mà biển hận vẫn chưa lấp đầy, oan hồn Tinh-vệ, đêm ngày chỉ lênh đênh chìm-nổi với ba-đào, đau-đớn thay !
Bài văn Khuyên thanh-niên du-học viết xong rồi, thuê in ra mấy ngàn tập, giao cho Tăng-quân Bạt-Hổ đem về nước phát-hành. Mùa đông tháng chạp năm Ất-tị, Tăng-quân về nước, cốt lo cổ-động anh em qua học bên Nhật.
Vừa khi đó ông Nguyễn-Hải-Thần ở nước nhà trốn qua tới Nhật, gặp tôi ở Hoành-tân được đọc bài văn của tôi, ông lấy làm mừng lắm, tình nguyện gánh vác khoản tiền tổn-phí cổ-động du-học-sinh.
Không bao lâu, tiếng vang-dội của bài văn tôi làm rung-động xôn xao cả trong nước.
Tháng giêng năm Bính-ngọ, tôi đến nhà ông Khuyển-dưỡng-Nghị để bàn-tính về việc đưa học-sinh Việt-Nam sang học, sắp đặt cho anh em cả trường học chỗ ở sẵn-sàng.
Lúc đó ông Phước-Đão đang làm hiệu-trưởng Chấn-võ học-hiệu tại Đông-kinh, tôi liền xin cho Trần-hữu-Công (tức là Nguyễn-thức-Canh), Lương Lập-Nham và Nguyễn-Điển ba người vô học trường ấy. Còn một người nữa là Lương-Nghị-Khanh thì vô học Đồng-văn thư-viện. Nước ta 4
https://thuviensach.vn
ngàn năm nay chưa hề có người nào du-học ngoại-quốc, có chăng là tự bốn người nầy trước hết. Ôi ! lịch-sử quốc-dân ta như thế ai bảo là thằng bé con lụ-khụ trăm tuổi cũng phải.
Tháng 2 năm đó, bọn ông Tử-Kính đã phò-tá Hội-chủ Kỳ-ngoại-hầu đến Hương-cảng, viết thư sang Nhật gọi tôi qua.
Lúc bấy giờ, bốn người thiếu-niên vừa mới được vô học trường Nhật, lại được nghe tin Hội-chủ xuất-dương yên-ổn, thật mấy năm nay chỉ có chuyện nầy tôi thấy vui mừng khoan-khoái hết sức.
Tôi nóng-nẩy muốn biết tình-hình trong nước gần đây ra sao, lại sẵn có dịp đi nghênh-tiếp Hội-chủ, nên chi hạ tuần tháng hai, tôi đáp tàu qua ở Nhật sang Hương-Cảng. Tới đây, vừa gặp Phan-quân Châu-Trinh 6 mới từ nước nhà qua.
Phan-quân đi chuyến nầy, cốt muốn xem-xét tình-trạng văn-minh của Nhật. San khi gặp mặt tôi rồi, ông cùng tôi và Hội-chủ cùng xuống tàu sang Nhật.
Chúng tôi đến Hoành-Tân vào hồi hạ-tuần tháng tư.
Tôi dẫn Phan-quân đi xem khắp các trường học và các nơi danh tiếng ở thành Đông-kinh, lại giáp mặt nhiều danh-nhân nước Nhật. Cách sau mấy tuần, ông nói với tôi :
- Xem dân-trí Nhật-bản rồi đem dân-trí ta ra so-sánh, thật không khác gì muốn đem con gà con đọ với con chim cắt già. Giờ bác ở đây, nên chuyên tâm ra sức vào việc văn, thức-tỉnh đồng-bào cho khỏi tai điếc mắt đui, còn việc mở-mang dìu-dắt ở trong nước nhà thì tôi xin lãnh. Lưỡi tôi đang còn, người Pháp chẳng làm gì tôi được mà lo.
Tôi cho lời ông nói rất phải. Rồi tôi viết ra tập đầu « Hải-ngoại huyết-thư ». Nhân lúc Phan-quân về nước, tôi gửi đem Huyết-thư đó về.
https://thuviensach.vn
Đối với bà con trong nước, tôi là một người khua động chuông chiều trống sớm để thức-tỉnh, thật là tập văn nầy nối gót Huyết-lệ Tân-thư mà ra đời vậy.
Cách không bao lâu, bọn anh em trong phái cấp-khích ở Nghệ-Tĩnh, như mấy ông Đại-Đẩu, Thần-Sơn, phần nhiều viết thư hối-thúc tôi về việc quân-giới.
Chỉ một vấn-đề đó, khiến cho tôi hao-tốn không biết bao nhiêu tâm huyết mà gây ra lắm nỗi thất-bại thê-thảm, thật là khổ-não cho tôi !
Các ông về phái cấp-khích, có bầu máu nóng đáng kính, nhưng đầu óc các cụ chỉ lo xông-pha bôn-tẩu trên một con đường bạo-động mà thôi. Chính tôi lúc chưa bỏ nước ra đi, cũng chỉ có tư-tưởng giống y như thế ; chừng sau ra ngoài được rộng kiến-văn và nhờ người ngoài giáo-huấn, tôi mới biết sự-nghiệp quang phúc nước nhà, không sao có cơ-sở cho thật bền vững thì không làm nên.
Bởi vậy, một mặt tôi cổ-võ thanh-niên du-học, một mặt muốn mở mang tư-tưởng ái-quốc cho toàn quốc-dân, tôi bèn viết ra Tân-Việt-Nam kỷ niệm-lực, Việt-Nam sử-khảo, và tập Hải-ngoại huyết-thư nối theo. Mấy thứ sách nầy lời lẽ thống-thiết lâm-ly, chỉ có chủ-ý là trông mong quốc-dân ta lấy Chiêm-thành Chân-lạp làm dấu xe nên tránh và rán theo chân nối gót của Trưng-vương, Lê-hoàng, mà phát phần hăng-hái, tìm lấy sự sống ở trong lúc chủng-tộc chưa tiêu, tính mạng chưa tuyệt nầy, bằng không thì trễ mất.
https://thuviensach.vn
XIII. GẶP MẶT HOÀNG-HOA-THÁM Nhưng mà tôi thật ngu !
Chớ chi dân ta đều khôn thì ai bắt mình làm trâu ngựa được, dân ta mà đều biết yêu nòi thương nước thì ai bắt mình làm nô-lệ được ? Nghĩ lại mình ở trong tay người ta ràng-buộc mà toan cất tiếng cả lời, nói bàn về chuyện ái-quốc bảo-chủng, có khác nào ngồi trước mặt đạo-tặc mà bàn cách khu-trừ đạo-tặc đâu. Ai người kiến-thức cũng đã sớm liệu cái mưu ấy của tôi tất phải thất bại rồi.
Tuy là lúc bấy giờ tôi ôm cái kế-hoạch như thế mặc lòng, nhưng đối với sự yêu-cầu của anh em trong phe cấp-khích, không thể nào ngảnh mặt làm lơ cho được.
Bởi vậy tôi lại tính phải trở về nước lần thứ nhì nữa.
Lần nầy về nước có hai mục-đích.
Một là đi qua các nơi hiểm-yếu ở biên-giới hai tỉnh Việt (Quảng đông) Quế (Quảng-tây) để xem-xét địa-hình và kết-giao với đám hào-kiệt trong vùng, hầu sắp-đặt những chỗ mượn đường chuyên-chở quân-giới mai sau.
Một mặt khác lại lên Bắc-giang yết-kiến ông Hoàng-hoa-Thám, muốn xin ông một miếng đất làm khu đồn-điền cho anh em cấp-khích có chỗ nương thân, đợi ngày có thể giải-quyết vấn-đề quân-giới.
Than ôi ! quân-giới ! quân-giới ! nó có phải là vấn-đề chốc lát tính xong được đâu ? Đối với vấn-đề nầy, thật không có giây phút nào tôi đã dời phương-châm qua chỗ thong-thả tính sao cho ổn-thỏa thì hơn.
Tháng 7 năm Bính-ngọ, tôi lại từ-giã Nhật-bản về Quảng-đông, đến Sa-hà ra mắt Mạnh-hiếu Công, vừa gặp người con trưởng của cụ Phan-
https://thuviensach.vn
đình-Phùng là Phan-quân Bá-Ngọc, cũng vừa ở trong nước ra đến nơi.
Phan-quân còn nhỏ tuổi mà người thông-minh anh-tuấn. Lúc tôi còn ở nước nhà đã có dịp gặp-gỡ phơi trải ruột gan với Phan-quân, nay gặp nhau ở chốn tha-hương, tôi vui mừng được gặp một bạn tri-kỷ. Tôi ngỏ cho Phan-quân biết ý tôi muốn về nước, còn Phan-quân thì ngỏ ý-định sang Nhật.
Sau khi từ-biệt Phan-quân rồi tôi vội-vàng đi Khâm-Châu, tìm kiếm một người trong nghĩa-đảng hồi trước, tên là Tiền-Đức, để cậy va làm người hướng-đạo. Chúng tôi đi men một dọc bờ cõi dưới Từ-châu, qua phủ Thái-bình, đến Long-châu, rồi vượt qua cửa ải Trấn-nam-quan. Trước sau cả thảy năm tuần-lễ, bao nhiêu địa thế hiểm-trở, tôi đều xem-xét kỹ-lưỡng. Tiền-Đức cũng có công trong việc nầy nhiều lắm.
Qua ải Trấn-nam, tới chợ Văn-uyên. Chợ nầy có đồn lính một viên quan binh tây 4 lon chỉ-huy. Hễ ai không có thông-hành hộ-chiếu của lãnh sự Pháp cấp cho thì không đi qua lọt.
Tôi mua được một tờ thông-hành của một chú khách-buôn, mạo danh là Hoa-thương mà đi. Lúc nầy trên giấy thông-hành chưa có lệ phải dán hình-ảnh thành ra tôi được bình-an vô sự, lên xe lửa ở Đồng-đăng mà đi Hà-nội.
Hồi nầy là thượng-tuần tháng 9.
Xe lửa tới ga Gia-lâm thì tôi xuống, đi đường bộ lên Thái-nguyên, tới Chợ-Chu vào thăm Lương-tam-Kỳ.
Nguyên là lúc tôi đi ngang qua Thái-bình-phủ đã có dịp vào ra mắt quan Thống-lãnh Trần-thế-Hoa, xin ông giới-thiệu tôi với Lương-tam-Kỳ, bởi Lương là bộ-hạ cũ của ông.
https://thuviensach.vn
Ông Trần lại sai một viên thuộc-hạ dẫn đường cho tôi đi tới đồn điền của Lương.
Lương ở Thái-Nguyên, có thế-lực khá lớn, cày ruộng nuôi trâu, gần chiếm hết 8 phần mười của toàn tỉnh. Bộ-hạ rất đông, quân-giới cũng hơi khá. Chính-phủ Pháp phong làm chức Chiếu-phủ đại-sứ để ràng-buộc họ Lương.
Lúc tôi và người của ông Trần đến đây, Lương-tam-Kỳ hoan nghênh hết sức. Nhân-dịp, tôi thuyết họ Lương phản-chính và giúp sức chúng tôi :
Lương nói :
- Chừng nào đại-binh các ngài hạ Đông-kinh thì tôi xin đem hai tỉnh Thái-nguyên, Bắc-kạn ứng theo.
Tôi xét ý-tứ va cũng là người chỉ ngồi đợi cho công việc ai làm gần xong thì va mới ghé vào, tự va không có khí-tượng mạo-hiểm tiến-thủ gì hết. Chưa đến lúc sấm mưa vang dậy thì va không giúp mình gì đâu.
Ở nhà Lương mấy ngày, tôi từ-biệt ra đi, do đường núi rừng lên tỉnh Bắc-giang tới đồn Phồn-xương, yết-kiến Hoàng-tướng-quân Hoa-Thám.
Trước kia Hoàng đã cùng tôi liên-lạc thinh-khí rồi, nhưng chỉ là những người đem thư lui tới mà thôi. Đến giờ mới thật giáp mặt.
Lúc nầy Đặng-quân Thái-Thân đang có việc ở Hà-nội, được tin tức tôi, liền lên Phồn-Xương gặp tôi.
Rồi đó chúng tôi xin Hoàng tướng-quân cắt đất làm đồn, tính cách thu-dụng những đảng-viên Nghệ-Tĩnh. Hoàng-tướng-quân vui lòng ừ ngay. Liền dẫn chúng tôi đi xem khắp xa gần, để chúng tôi tùy-ý lựa chọn chỗ nào cũng được.
https://thuviensach.vn
Giữa hồi nầy ông Đại-Đẩu cũng đang ở trên đồn. Tôi căn-dặn ông về nói với anh em trong đảng nên tính cách làm ruộng chờ thời.
Không bao lâu có đồn « Tú-Nghệ » lập ra. Việc tôi làm chuyến nầy, là một cái kết-quả nho-nhỏ vậy.
https://thuviensach.vn
XIV. CHÍNH-PHỦ LÂM-THỜI TÂN VIỆT-NAM
Nhưng rồi người Tây thình-lình khai-chiến với tướng-quân, làm cho cái thành-tích đồn-điền của chúng tôi, phút-chốc hóa ra tro bụi.
Than ôi ! Xông-pha nhọc-nhằn trải muôn ngàn dặm, mà chỉ gây nên một cõi mơ-màng thất bại, có ai mưu-sự mà gặp nông-nỗi bất-hạnh như tôi vậy chăng ? Đó chẳng phải chứng cớ tài-hèn trí-mỏng là gì ? Ai nối gót tôi mà dấy lên sau nầy, nên coi sự sai-lầm của tôi mà thay đổi bước đường đi !
Lúc sắp-đặt công-cuộc đồn-điền xong-xã đâu đó rồi, đã là hạ-tuần tháng 10.
Tôi lén xuống Hà-nội gặp ông Ngô-đức-Kế và các đảng-hữu ở Kinh ra, bàn-tính các việc. Rồi lại đi Bắc-ninh, lấy nhà ông cử Nội-Duệ làm nơi tụ-họp bí-mật.
Hai ông Đặng-thái-Thân và Lê-Võ cùng ở Nghệ ra Bắc cùng tôi hội-đàm quốc-sự.
Hồi nầy tiếng-tăm vang-dậy, lũ sói chồn bủa khắp tứ-vi, anh em đồng-chí sợ tôi rủi-ro thì nguy, cho nên đều khuyên tôi phải gắp lìa khỏi bờ cõi nước nhà. Thế là tôi lại cáo-biệt quốc-dân mà xuất-ngoại vậy.
Khoảng trung-tuần tháng chạp, qua cửa ải Nam-quan, do đường Quảng-tây mà đến Ngô-châu, để xuống ghe Ngô-châu đi Hương-cảng.
Thượng-tuần tháng hai năm Đinh-mùi tới nơi.
Bài văn khuyến-học của tôi, truyền-bá rồi. Thiếu-niên nước nhà trốn người Pháp mà xuất-dương, tấp-nập trên đường.
Trung-kỳ thời có đám Nguyễn-Siêu, Lâm-quảng-Trung.
https://thuviensach.vn
Nam-kỳ thời có đám Đặng-bình-Thành, Hoàng-Hưng.
Bắc-kỳ có Đặng-tử-Mẫn, Đàm-Khanh v. v...
Họ tắm gội nắng mưa, xông-pha sương gió, liều-mạng đi tìm học vấn, nối gót theo chân nhau trên đường sang Quảng-đông và Hương-cảng.
Bởi vậy chúng tôi bèn đặt ra tại Hương-cảng một cơ-quan của đảng ta, để có nơi tiếp rước học-sinh và thâu-nhập bạc tiền cùng các giấy tờ bí mật. Chúng tôi để ông Đặng-tử-Kính trông coi.
Tôi lại lập ra ở Hương-cảng một nhà hội gọi là Việt-Nam Thương đoàn Công-hội để giúp-đỡ việc cho đảng. Công-hội nầy ông Võ-mẫn-Kiến làm người chủ-trì.
Lúc đó những bà con mình theo người Pháp qua làm ăn tại Hương cảng cũng động lòng vì nghĩa lớn, rủ nhau vô hội một cách hăm-hở vô cùng. Chẳng phải vậy là dấu tỏ ra nhân-tâm nước mình chưa chết hẳn đó sao ?
Chỉ tiếc rằng tôi thiếu tài bao-bọc, kém sức châu-toàn, thành ra mầm giống vừa mới mọc lên thì gió mưa đã làm cho xiêu-đổ. Việt-Nam Công-hội chỉ có cái tên, rồi chưa được mấy năm, lại nhân bị can-thiệp mà phải giải tán, đáng thương biết bao !
Từ mùa xuân Đinh-mùi đến mùa đông Mậu-thân là thời-kỳ thanh niên ta sang du-học thịnh nhất. Trách-nhiệm tôi phải gánh vác trong thời-kỳ nầy cũng khó-nhọc bộn-bề. Nào là chọn người vào học, nào là lo-liệu giao thiệp ; nào là vận-động bạc tiền ; nào là liên-lạc tình-nghĩa, đều là một tay tôi đứng mũi chịu sào hết thảy. Tôi nghiễm-nhiên như một quan công-sứ của nước Nam ở nước ngoài mà lại kiêm cả chức giám-đốc kinh-lý nữa. Giếng sâu tay ngắn, việc lớn tài hèn, tôi vẫn lo sợ công việc tôi gánh-vác không kham.
https://thuviensach.vn
Đồng thời chúng tôi lại dựng lên Tân-Việt-Nam Cống-hiến, bắt chước làm như một chính-phủ lâm-thời của nước Nam ở hải-ngoại. Tuy là cách-thức sắp-đặt còn sơ-sài, nhưng có ảnh-hưởng tới dân-khí trong nước mau lắm.
Không bao lâu, có những việc ám-sát quan binh tây, và dân rủ nhau xin thuế, thình-lình nổi lên ở Trung-kỳ, Bắc-kỳ. Người Tây bèn đem cái toàn-lực bắt cọp trói beo ra phấn-đấu với đảng chúng tôi.
Than ôi ! người Pháp có kim-tiền và võ-lực mạnh hơn người mình ngàn lần muôn lần ; họ lại khôn-ngoan giảo-hoạt hơn quốc-dân ta vạn-bội, vậy thì đảng chúng tôi không phải thất-bại sao được ?
Khoảng năm Thân, năm Dậu, chính-phủ Pháp bỏ ra nhiều tiền nuôi bọn chồn tinh cáo già cho đi dò-la xét-bắt nghĩa-đảng. Số mật-thám trong nước, sánh lại đông gấp hai số học-sinh du-học ở ngoài.
Phàm là đường-lối mưu-mô bí-mật của đảng chúng tôi đem tiền và thông-tin ra ngoài thế nào, chính-phủ Pháp nhờ có bọn do-thám mà biết ráo kẽ tóc chân răng, tìm cách phá-hoại tan-nát.
Phụ-huynh thân-tộc các đảng-viên phải khóc-than giam-cầm trong ngục tối, còn bọn ác-thám hung-tra thì gầm-thét nghênh-ngang khắp trong xứ. Người trong đảng ta lúc bấy giờ có muốn bỏ nước trốn ra ngoài, chỉ có cách làm như con trùng lỏa-lồ thân-thể mà thôi.
Vì chính-sách người Pháp cốt làm tuyệt-đường vận-lương của ta, chận nghẹt lối cứu-viện của ta, ấy là thủ-đoạn có một không hai của họ. Đồng thời lại vin lấy chỗ quan-hệ của tờ hiệp-ước Pháp-Nhật mà giao-thiệp với chính-phủ Nhật, yêu-cầu bắt hộ người đầu-đảng ta và giải-tán học-sinh đoàn Việt-Nam ở Nhật.
Học-sinh-đoàn ta bị hai ách là kinh-tế hết phương và ngoại-giao bịt lối, thành ra giữa đám gió thảm mây sầu, anh em phải từ-giã đất nước Nhật-
https://thuviensach.vn
Bản mà đi.
Chẳng phải vậy thôi, cho đến bao nhiêu sách vở truyền-đơn tôi in ra để cổ-động quốc-dân, nay đều bị chính-phủ Nhật tịch-biên hết.
Tôi với Hội-chủ Kỳ-ngoại-hầu cũng bị chính-phủ Nhật buộc phải xuất-cảnh. Cảnh thất-bại của tôi lúc nầy thật là đau-đớn, hình như con người bị lột da xé thịt không còn chỗ nào lành-lặn nữa vậy.
https://thuviensach.vn
XV. MUỐN CHỞ KHÍ-GIỚI VỀ GIÚP HOÀNG HOA-THÁM
Ôi ! công việc cứu-quốc, không có gì cần-kíp hơn là vun-đắp nhân tài, mà vun-đắp nhân-tài thì có cách tổ-chức ra đoàn học-sinh là hay hơn cả.
Nhưng chúng tôi gặp phải cảnh-ngộ nầy, không có tài-sức nào tổ chức được học-đoàn nữa. Duy có để cho anh em học-sinh bền lòng gắng chí, tự lo lấy cách tìm đường cầu học mà thôi.
Lúc bấy giờ có người chạy qua Bắc-kinh, như bọn Chung-hạo Sanh, Hồ-học-Lãm. Có người tới Quảng-tây như Nguyễn-tiêu-Đẩu (Bá Trác), Ng-Siên, Huỳnh-trọng-Mậu. Có người chạy sang Xiêm-la, như bọn Hồ-vĩnh-Long, Đặng-quốc-Kiều. Cũng có người vẫn lưu ở Nhật, giả-mạo làm người Tàu để cầu học, như đám Trần-trọng-Khắc, Hoàng-đình-Tuân. Chân trời lênh-đênh, ai lo thân nấy. Kể về tinh-thần, anh em ta vẫn là một bọn ái-quốc thanh-niên, nhưng về hình-thức thì bấy giờ họ là một lũ học sinh bơ-vơ trôi-nổi.
Lúc đó tôi làm thế nào ?
Đối với cảnh-ngộ chẳng may của những anh em học-sinh chí-thân chí-ái, tôi chỉ đành vỗ ngực kêu trời, lấy một trận khóc để kết-thúc vấn-đề ấy thôi. Nhưng mà tấm thân bảy thước đã hứa hẹn với non sông, là thân tôi đây, không thể lấy gì che-lấp trách nhiệm cho được.
Đến nông-nỗi nầy tôi không thể nào không chạy qua con đường bạo-động. Vẫn biết bạo-động với tự-sát đều là việc làm của những kẻ kiến thức hẹp-hòi, không biết lo xa, nhưng nếu sự thế buộc tự-sát, thà rằng xoay ra bạo-động mà chết còn hơn. Vì cứ bạo-động may ra còn trông được có chỗ thành-công trong muôn một. Huống gì tôi đã suy đi tính lại, lúc nầy bỏ sự bạo-động ra không còn có việc gì đáng làm hơn nữa.
https://thuviensach.vn
Muốn học cách Thân-bao-Tự khất binh để cứu Sở, nhưng có chỗ nào là Tần-đình cho mình đứng khóc mà cầu viện-binh ? Muốn học cách Việt-Vương Câu-Tiễn nhịn-nhục báo-thù Ngô, nhưng có nơi nào là Cối-kê để cho mình nương thân để sắp đặt ? Còn muốn lấy văn-tự để cổ-động quốc-dân gọi là cho xong phận-sự đời mình đối với nước non, nhưng khốn thay văn-tự cũng không còn lựa chỗ đất nào để gieo-rắc tuyên-truyền nó được, mới thảm ! Chẳng những thế mà thôi, cho đến những anh em đồng chí ở trong nước cũng đều có cái nguy sớm muộn bị tội, bị tù, bị đày, bị chém nữa kia. Than ôi ! Con thú đến lúc cùng đường túng thế, nếu không phấn-đấu may ra có sống, thì tất phải chết.
Tháng tư mùa hạ năm Kỷ-dậu, đảng ta phải trải muôn cay ngàn đắng mới quyên-góp được một số tiền nữa gửi ra, tôi đem trao hết cho một hiệu buôn Nhật để cậy họ lên mua quân-giới cho mình. Vì chúng tôi muốn bạo-động, thế nào cũng phải có ít nhiều quân-giới.
Quân-giới mua xong rồi, do Đặng-quân Tử-Mẫn bí-mật đem qua Hương-cảng. Lúc ấy là hạ tuần tháng 5 giữa lúc tôi cũng đang ở đó. Vừa nghe tin nước nhà đưa sang, nói rằng Hoàng-hoa-Thám tướng-quân đang giao-chiến với Pháp-binh gắp lắm. Chúng tôi thiết-nghĩ việc cứu-viện họ Hoàng là một việc nghĩa phải làm, không thể nào trì-hoãn được. Bởi vậy chúng tôi nghĩ cách làm sao vận-tải được khí-giới về nước cho mau.
Muốn chở quân-giới vào đất Trung-kỳ tất phải mượn đường Xiêm la mới được. Vì đó tôi phải tức tốc lên đường đi tới Ban-cốc, kinh-đô nước Xiêm, tìm cách yết-kiến nhà đương-cuộc Xiêm cầu họ giúp-đỡ cho mình.
Hai quan đại-thần Lục-quân và Ngoại-giao Xiêm-quốc lúc ấy, hơi có ý muốn giúp đảng cách-mạng ta, nhưng họ còn đang bàn-tính với nhau chưa được nhất-quyết.
Tôi lại nghĩ đảng cách-mạng Trung-hoa thuở nay rất thạo nghề mật chở quân-giới, cho nên tôi lật-đật từ-giã Xiêm-kinh mà đi Nam-dương, yết-
https://thuviensach.vn
kiến Chương-bình-Lân. Chính tay họ Chương viết một bức thư, giới-thiệu tôi đi tìm kiếm một tay làm đầu đảng cách-mạng Trung-hoa để mưu với họ giúp sức cho mình.
Sau khi bàn-định việc nầy xong rồi, tôi đã tới một hãng tàu Trung hoa, thương-thuyết với họ về khoản tiền tổn-phí chuyên-chở. Nếu đừng có việc trở-ngăn, thì cái ngày giờ chuyên-chở quân-giới của chúng tôi đã định xong rồi.
Không ngờ đâu bụng mình tính một đằng mà rồi việc làm trái đi một ngả. Trung-tuần tháng 2 năm Canh-tuất, tôi ở Nam-dương trở về thì nghe tin nói Bảo-hộ ra tay công-phá đảng ta dữ lắm. Người chủ-não của đảng ta ở trong nước là ông Ngư-Hải đã bị nạn, đến đỗi việc đảng vỡ-lở tứ tung. Bao nhiêu quân-giới còn giấu-đút ở Hương-cảng, vì sự đình-trễ lâu ngày, thành ra tai tiếng thấu tới nhà đương-cuộc Anh ở Hương-cảng hay được. Cả thảy hơn mười hòm súng đạn đều bị chính-phủ Anh tịch-thâu hết ; ông Cảnh-Lâm lại vì tội phạm-cấm đó mà bị hạ-ngục.
Trời ơi ! tin hung-báo đưa tới, không khác gì con dao đâm một mũi chí-mạng vào trong cái kế bạo-động của tôi. Nhân đó tôi có câu thơ cảm khái như vầy :
« Ưu thế-kỷ hồ thương hải khấp,
Kinh nhân nhất chỉ ngọc sơn đồi. »
Nghĩa là :
« Lo nước bao phen sa huyết lệ,
Tin quê đưa tới luống kinh-tâm... »
Lại còn một câu nữa :
« Khả vô mãnh hỏa thiêu sầu khứ,
Thiên hựu cuồng phong tống hận tai. »
https://thuviensach.vn
Nghĩa là :
« Đã không ngọn lửa thiêu sầu rụi,
Lại có cơn giông thổi giận thêm. »
Ấy là những câu tả rõ tình-hình cảnh-ngộ của chúng tôi lúc bấy giờ vậy.
Từ tháng 3 năm Canh-tuất trở đi, tôi bước vào cái thời-kỳ hết sức thê-lương.
Tin-tức nước nhà, có khi vắng-bặt mấy tháng trời, tôi không tiếp được mảy-may nào. Vì Bảo-hộ thẳng tay làm chính-sách khám-xét thư từ và tịch-thâu tiền bạc trong nước gửi ra ngoài cho chúng tôi.
Thỉnh-thoảng có người làm dưới tàu tây qua đây nói một vài tin miệng cho mình nghe, đều là những tin-tức kinh-tâm động-phách. Nếu không phải là tin Đàm-quân Kỳ-Sanh bị đày, thì cũng là tin Lê-quân Võ bị bắt. Những tin nói đảng nhân nầy đảng nhân kia bị bêu đầu bằm xác, thường thường theo tiếng còi tàu mà đưa qua đến lỗ tai chúng tôi.
Hồi nầy người Pháp tính-cách làm oai cho đảng-nhân đang bô-đào bên ngoài phải sợ, cho nên chỉ để tiết-lậu ra ngoài những tin hung-báo cho rằng đảng-nhân nọ kia bên trong đã bị chém giết mà thôi. Thành ra những tin-tức đau lòng đứt ruột, không ngày nào không quấn-quýt bên mình tôi.
Tôi dời về ở tỉnh-thành Quảng-châu, thế mà quan-quyền Pháp lại bỏ tiền mua chuộc bọn trinh-thám người Tàu để làm khó cho tôi. Đến đỗi tôi không dám lấy bút mực làm sinh-kế nữa. Sớm tối tôi chỉ nương-dựa vào một bà nữ-sĩ nghĩa-hiệp trên 70 tuổi đầu, làm như bà Phiếu-mẫu nuôi cơm cho tôi ăn. Than ôi ! Bà chiếu-cố tôi trong chỗ gió bụi lênh-đênh, nuôi tôi không biết bao nhiêu bữa cơm mà nói, mà không hề nghĩ tới sự mai sau, trông mình đền-đáp gì hết. Thật là Châu-mẫu Việt-thành, khiến cho tôi chết
https://thuviensach.vn
xuống đất cũng còn mang ơn ngậm-vành kết-cỏ vậy. Bà họ Châu, tên là Bách-Linh.
https://thuviensach.vn
XVI. TRẦN-KỲ-MỸ VÀ HỒ-HÁN-DÂN GIÚP SỨC
Tháng 2 năm Tân-hợi, tôi lại qua Xiêm.
Lúc bấy giờ người trong đảng ta kiều-ngụ nương-náu ở nước Xiêm, có bọn các ông Tử Kính, Vĩnh-Long, Ngọ-Sanh và Minh-Chung, rủ nhau chịu khó cày-cấy ruộng-nương, chăn-nuôi gà vịt, để làm kế trử-sức lâu ngày.
Các ông viết thư sang Hương-cảng kêu tôi qua.
Tôi suy-nghĩ muốn bắt-chước Ngũ-Tử-Tư ngày xưa cày ruộng đợi thời, cũng là kế hay, bèn đáp tàu sang Xiêm.
Sang đây, tôi tới ở sở ruộng Bạn-thầm, tắm gió gội sương, dầm mưa trải nắng, cùng mấy anh em thiếu-niên cùng chia sớt đắng cay, hầu cho tiêu bớt nông-nỗi đau-thương, ăn không ngồi rồi.
Tôi sống cái đời nông-phu cực-nhọc trước sau 8 tháng.
Nhưng trong 8 tháng đó, tôi thấy trong mình vui-vẻ thơ-thới lạ lùng. Lúc khát gặp có suối nước thì uống, lúc đói vớ được trái cây thì ăn, cái ngày giờ cảm-khái vô-liêu của tôi lúc nầy, chôn đứt ở trong cảnh sống ăn sương hút gió, kể cũng là một cách sống thú-vị của anh tráng-sĩ đang cơn túng thế cùng đường. Bởi vậy, tôi cho câu chuyện đáng ghi-chép là phải.
Hồi nầy rảnh-rang nhàn-thích, tôi soạn ra được nhiều bài văn quốc ngữ. Nào truyện Lê Thái-Tổ, nào truyện Trưng nữ-vương. Nào là những khúc hát bài ca cổ-võ tấm lòng yêu nước, yêu nòi, yêu giống. Tôi đem những bài ấy ra dạy cho những người ở trong sở ruộng học thuộc lòng, sớm tối họ thường nghêu-ngao ca hát làm vui. Ấy là tôi muốn gieo hạt giống cách-mạng ở giữa khoảng nước biếc non xanh vậy.
https://thuviensach.vn
Tháng 10 năm ấy (Tân-hợi, 1911) Phan-quân Bá-Ngọc ở Hương cảng sang Xiêm, dem cái tin Võ-Xương khởi-nghĩa nói cho tôi nghe. Tôi lấy làm động-tâm hết sức.
Hồi trước tôi còn ở bên Nhật, từng có cơ-hội kết-giao với bọn lãnh tụ cách-mạng Tàu như Hoàng khắc-Cường, Chương-thái-Viêm. Lại cùng bọn Trương-Kế và chí-sĩ các nước Triều-tiên, Nhật-bản, Ấn-độ và Phi-luật tân, tổ-chức ra hội « Đồng-Á Đồng-Minh ». Chúng tôi với họ cũng là một hạng người đau lòng mất nước, mong phục nghiệp xưa, tôn-chỉ vốn là tương-hợp. Nay nghe tin quân cách-mạng Trung-hoa dấy lên, khiến tôi có cái cảm-giác « tiếng đồng reo tiếng chuông ứng ».
Nhân đó Bá-Ngọc khuyên tôi nên trở về nước Tàu.
Tôi liền từ-giã sở ruộng ở Xiêm mà đi.
*
Hạ-tuần tháng 11 tới Hương-cảng, anh em đồng-chí tản-tác các nơi, giờ đều quần-tụ lại đây.
Lúc nầy tôi viết ra một bài chính-kiến, tựa là « Liên-Á xổ ngôn », cốt bày-tỏ kêu-gào hai nước Trung-hoa Nhật-bản nên đấu sức cùng lòng, để sửa sang gây-dựng đại cuộc châu Á.
Bài nầy truyền ra những người kiến-thức đều khen-ngợi tán-thành.
Song thời-cuộc Đông-Á, đến nay, xoay đổi khác hẳn sự trông-mong của mình lúc đó. Thế mới biết việc đời lý-luận đi tới sự thật không phải là chuyện dễ-dàng. Bọn mình hay ngồi nói ngông tưởng hão, chỉ tổ làm trò cười cho người ta đó thôi.
Mùa xuân năm Nhâm-tí, nước Trung-hoa Dân-quốc thành-lập, cuộc cách-mạng thế là xong-xuôi ; tôi bèn đi Thượng-hải, tìm thăm người bạn
https://thuviensach.vn
hào-hiệp quen nhau thuở trước là Trần-quân Kỳ-Mỹ.
Giữa lúc nầy Trần-kỳ-Mỹ đang làm Đốc-quân Thượng-hải giúp cho tôi một số tiền lớn. Lâu nay tôi khốn-khổ về cảnh túng-bấn nghèo-nàn, không khác gì người hết gạo nhịn ăn lâu lắm rồi, bây giờ được Trần-kỳ-Mỹ vác một số tiền lớn-lao mà cho mình, khiến mình vui mừng yên-ủi, vì lại có tiền để hoạt-động.
Vừa gặp lúc Dân-đảng ở Quảng-đông cũng thành-công đắc-chí, Hồ Hán-Dân làm Đô-Đốc, cùng với Cảnh-sát cảnh-trưởng Trần-cảnh-Hoa, vốn tỏ-ý đồng-tình với đảng cách-mạng nước ta, cho nên tôi nhân dịp lại đi Quảng-châu và định ở luôn tại đó.
Trung-hoa Dân-quốc dựng lên như có luồng gió tiếng vang, rung động tới nước mình nhiều. Dân-khí ta lại phấn-chấn đáo-để. Những hạng chí-khí lại rủ nhau bỏ nước mạo-hiểm trốn ra ngoài, chân nối gót nhau tới Quảng-châu đông lắm.
Bọn ông Liệt-sanh ở Nam-kỳ qua ; bọn ông Hải-Thần ở Bắc-kỳ tới ; bọn Đặng-tử-Kỉnh và Đặng-hồng-Phấn thì ở Xiêm sang. Cho tới mấy anh em học tốt-nghiệp ở trường Lục-quân Quảng-tây lớp nọ, nay cũng đồng thời kéo đến Quảng-châu để hội-họp nhau.
Chúng tôi có thuê một căn nhà ở ngoài thành để làm cơ-quan, anh em tới ở đông quá, đến đỗi chật chỗ.
Đảng-viên xã-hội Tàu ở Quảng-đông là bọn các ông Đặng-cảnh-Á và Lưu-sư-Phục, cũng ra tay giúp sức đảng cách-mạng Việt-Nam mà vận động giùm với các giới.
Chính-phủ Quảng-đông lúc bấy giờ vốn đã sẵn lòng ngó lơ cho ta, thành ra đảng ta tấn-hành, mọi việc hoạt-động được thong-thả tự-nhiên, không bị trở-ngăn lo-ngại gì cả. Nhờ vậy mà đảng cách-mạng ta có vẻ phấn-khởi khá lắm.
https://thuviensach.vn
Anh em đồng-chí thấy vậy, đều khuyên-nhủ thúc-giục tôi nên thừa cơ-hội nầy mà cử-đồ đại-sự. Sinh bình tôi vốn ôm chủ-nghĩa cấp-khích nay lại được đa-số anh em đồng-chí thúc-hối tán-thành, cho nên tôi càng quả quyết làm, vì đó mới có cái màn thất-bại thê-thảm lại diễn ra một lần thứ hai nữa.
https://thuviensach.vn
XVII. LONG-TẾ-QUANG BẮT TÔI HẠ NGỤC
Mồng năm tháng năm Nhâm-tí, anh em trong đảng sửa-sang tổ chức lại, thành ra hội « Việt-Nam Quang-phục 越南光覆會 ».
Các đồng-chí cử tôi giữ quyền tổng-lý : Hoàng-quân Trọng-Mậu thì làm bí-thư.
Chúng tôi thảo ra thể-lệ cách-thức đạo quân Việt-Nam Quang-Phục, lại in ra phiếu quân-dụng riêng cho Việt-Nam Quang-Phục-quân dùng với nhau. Một mặt khác chúng tôi mượn in vô-số sách vở văn bài cổ-động, như là truyện Hà-thành Liệt-sĩ và bài văn khuyên-bảo lính-tập, rồi sai người chuyển–vận về nước, rải phát tứ-tung.
Tháng hai năm Quý-sửu, chúng tôi ủy ông Nguyễn Hải-Thần làm chi-bộ bộ-trưởng hội Việt-Nam Quang-Phục ở Quế-biên (giáp-giới tỉnh Quế, tức tỉnh Quảng-tây) ; ông Trần-văn-Kiện làm chi-bộ bộ-trưởng ở Xiêm-biên, còn ngả Điền-biên (Điền là tên tắt của tỉnh Vân-Nam) thì Đổ
quân Chơn-Thiết tự-nguyện phụ-trách.
Chúng tôi bàn-định lúc nào cử-sự thì cả ba mặt cùng tiến, cho nên sắp-đặt từ trước sẵn-sàng, chỉ còn đợi ngày giờ đến thì làm việc.
Tuy vậy, lúc ấy đảng ta vẫn có một vấn-đề khó nổi giải-quyết, là vấn-đề kinh-tế.
Khó quá, kinh-tế chưa được sung-túc, mà đến khí-giới quân-lương cũng đều lo-ngại thiếu-thốn nữa mới khổ. Nhưng nếu đừng có việc tai-biến gì xẩy ra một cách bất-ngờ, để chúng tôi còn có ngày giờ thì vấn-đề ấy dầu khó mặc lòng, họa may có thể trù-tính xong được. Song chẳng may thuyền xuôi gió ngược, tai biến xẩy ra không ngờ, làm cho toàn cuộc mưu-tính của chúng tôi hư-hỏng tiêu-tan như bọt nước bóng mây. Hán Võ-Hầu (Gia-Cát Khổng-Minh) than rằng việc đời khó được như ý, thật đúng lắm thay !
https://thuviensach.vn
Mùa hạ năm Quý-sửu, ở tỉnh-thành Quảng-đông có việc quân lính nổi-dậy gây biến, cốt đánh-đổ Đô-đốc Trần-cảnh-Hoa, làm cho Trần phải chạy. Long-tế-Quang kéo binh tới, tự lãnh chức Đô-đốc Quảng-đông.
Thuở nay, họ Long với đảng Việt-Nam cách-mạng vẫn không quen biết nhau và không quan-hệ liên-lạc với nhau bao giờ. Đã vậy mà Long lại là người thù ghét vây cánh Hồ-Hán-Dân và Trần-cảnh-Hoa, chỉ muốn có dịp bài trừ cho tiệt. Thành ra đảng ta bị vạ lây ; tôi phải ôm cái cảm-khái thỏ chết chồn đau, vì Hồ-Trần thất-bại, đảng ta không chỗ nương-dựa ở Quảng-đông nữa.
Lúc đó tôi muốn bỏ đi nơi khác cho mau, nhưng vì có công việc của đảng còn ràng-buộc, bỗng-chốc thu-xếp không kịp, tôi đành phải nấn-ná ở lại.
Nhưng cũng lo phòng thân, tôi lật-đật viết thư lên Nguyễn-quân Đĩnh-Nam (tức Nguyễn-thượng-Hiền), cậy ông tìm cách vận-động xin giùm tôi một hộ-chiếu, để nữa tôi có đi đâu đi mới được.
Nguyễn-quân vốn là một nhiệt-tâm với nước. Sơ tuần tháng 7, ông tiếp được thư tôi, lập tức lấy được giấy hộ-chiếu của bộ Ngoại-giao Bắc Kinh gửi xuống cho tôi. Có tờ hộ-chiếu nắm trong tay rồi, tôi bớt lo sợ.
Vả lại các bạn đồng-chí cùng ở Quảng-đông với tôi lúc bấy giờ khá nhiều, nếu như đồng thời giải-tán, muốn đi đâu cũng cần có phí-khoản mà hiện tại tiền bạc không có, thành ra chúng tôi đành chịu nấn-ná ở lại đây với nhau, không tính đi đâu được.
Cách không bao lâu, có tin báo rằng quan Toàn-quyền Đông-Pháp sắp tới Quảng-đông. Kế một tuần sau, thì các cơ-quan hành-sự của đảng ta đều bị khám-xét và được lệnh bị giải-tán. Tôi với yếu-nhân của đảng là Mai-quân cũng bị bắt hạ ngục. Nguyên trước Hoàng-quân Trọng-Mậu có việc đi Vân-Nam và Phan-quân Bá-Ngọc hồi xuống tàu đi Nhật-bản, đều
https://thuviensach.vn
căn-dặn tôi nên liệu cơ mà từ-giã Quảng-đông kẻo nguy. Song tôi suy-nghĩ các bạn đồng-chí đang ở Quảng-đông với mình vô-số, mình không đành lòng nào lo riêng một mình. Vì đó mà tôi cứ do-dự chần-chờ, mới vương lấy tai-ách bây giờ. Đó là cái hiệu-quả tôi không khôn và tôi vô-dũng ra vậy.
Ban đầu mới bị bắt, tôi vẫn tự nghĩ rằng mình không đến nỗi nào phải chết. Đến lúc thấy cách thức người ta áp giải mình đi dọc đường, nào xiềng tay, nào trói chặt, dẫn vô tới ngục-thất, họ lại giam trong ngục-thất chung một chỗ với bọn tù xử tử, bấy giờ tôi mới biết rằng Đô-đốc Long-tế Quang không đãi tôi là hạng tù chính-trị, vậy thì ngày giờ tôi chết gần đến nơi mất rồi !
Từ khi xuất-dương tới giờ, tôi được nếm mùi ở tù, lần nầy là lần thứ nhất. Nhưng Mai-quân hơn tôi : lần nầy ông ta vào ngục là lần thứ ba rồi.
Vào ngục bữa đầu hết, tôi với Mai-quân ở chung một sàn-lim. Đêm hôm ấy tôi đọc miệng một bài thơ để an-ủi Mai-quân như vầy :
飄蓬我輩個他鄉
Phiêu bồng ngã bối các tha hương
辛苦偏君分外嘗
Tân khổ thiên quân phận ngoại thường
性命幾回頻死地
Tính mạng kỷ hồi tần tử địa
鬚眉三度入靈堂
Tu-mi tam độ nhập linh dường
驚人事業天陶鑄
Kinh nhân sự nghiệp thiên đào chú
不世風雲帝主張
Bất thế phong vân đế chủ trương 7
假使前途盡夷坦
Giả-sử tiền đồ tận di thản
https://thuviensach.vn
英雄豪傑也庸常
Anh-hùng hào-kiệt giá dung thường.
Đại-ý là :
Bơ-vơ đất khách bác cùng tôi ;
Riêng bác cay chua nếm đủ mùi.
Tính-mạng bao phen gần chết hụt,
Mày râu ba lượt bị giam rồi !
Trời toan đại-dụng nên rèn chí
Chúa giúp thành-công tất có hồi.
Nếu phải đường đời bằng-phẳng hết,
Anh-hùng hào-kiệt có hơn ai.
Còn tôi thì tự an-ủi mình bằng một bài thơ nôm như sau nầy :
Vẫn là hào-kiệt vẫn phong-lưu,
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu.
Bủa tay ôm chặt bồ kinh-tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Thân nọ vẫn còn, còn sự nghiệp,
Bao nhiêu nguy-hiểm sợ gì đâu.
Làm xong hai bài thơ, tôi ngâm-nga lớn tiếng rồi cả cười, vang động cả bốn vách, hầu như không biết thân mình đang bị nhốt trong ngục.
*
Qua ngày thứ nhì, người ta nhốt riêng tôi và Mai-quân mỗi người ở cách-biệt nhau một nơi. Thế là từ hôm nay, tôi là thằng tù bơ-vơ trơ-trọi ở chốn tha-hương khách-địa.
https://thuviensach.vn
Những nổi khổ-nhục ở trong khám, cố-nhiên mình chẳng nên xót-xa than-thở làm gì. Duy có một điều đau-đớn là mình phải cách-trở anh em, tuyệt hẳn tin-tức, mà ở trong ngục chỉ có một mình nói tiếng Việt-Nam cho mình nghe thôi, nghĩ luống tự buồn rầu cho thân-phận, rồi lại chạnh niềm nhớ tới công việc thất-bại, khiến tôi phải đau lòng mà khóc, nước mắt tầm
tã như mưa. Thật là từ lúc cha mẹ đẻ tôi ra đến nay chưa hề lúc nào biết mùi đau-đớn như bây giờ.
Mà từ lúc cha mẹ đẻ ra, tôi chưa hề nếm mùi đau-đớn như vầy, đầu giây mối nhợ là vì cái chí tôi hoài-bão từ 30 năm trước.
Cái chí tôi hoài-bão ra thế nào ?
Thì chỉ muốn đổ máu ra mua sự tự-do, đánh đổi cái kiếp tôi-tớ lấy quyền tự-chủ đó thôi.
Ôi ! cái chí tôi hoài-bão như thế, cứ lấy thiên-chức quốc-dân ta mà nói, có ai dám bảo rằng : không nên. Song ôm cái chí đó mà có làm thành việc lớn chăng, thì phải nhờ có bắp thịt cứng ra thế nào, học thức giỏi ra thế nào, thủ đoạn có tài thao-túng ra thế nào, thời-thế có khéo xoay-chuyển thế nào mới được. Đằng nầy tôi tự hỏi lấy tôi, bất quá như anh mù cỡi con ngựa đui vậy thôi. Bấy giờ kết-quả thất bại như thế nầy, chính vì tôi dở mà ra, còn than-trách gì nữa !
Tuy vậy, tôi nghĩ trong thế-giới chẳng lẽ nào có một con nước hễ đã xuống rồi thì không bao giờ nó lại lên, chẳng lẽ nào có một cuộc đời hễ đã thành rồi thì không có lúc thay đổi ; bởi vậy cái cuộc thất-bại của tôi tạo ra ngày nay, biết đâu không phải là cái phước cho quốc-dân ta sau nầy ?
Than ôi ! Dòng-dõi Hùng-vương chưa chết hết, chuyện cũ Lê Hoàng còn mới hoài, phàm là quốc-dân ta, ai hoài-bão chí muốn như ta, tất có ngàn ta, muôn ta ức triệu ta, nên lấy việc thất-bại trước của một ta mà
https://thuviensach.vn
răn mình, để cho được trở nên những người năng-y, không đợi tới chín lần đứt tay mới hay thuốc !
Tôi lại nghĩ tôi là một người trong tay không có lấy một miếng sắt, trên mặt đất cũng không có lấy một chỗ nào đứng chân, chẳng qua mình chỉ là một thằng tay không chân trắng, sức yếu tài hèn, lại đòi vật-lộn với hùm beo có nanh dài vuốt nhọn. Ai biết lòng mình thì than-tiếc dùm mình mà nói :
- Gan to !
Ai muốn bắt-lỗi mình thì cả thể bảo mình :
- Ngu quá !
Tóm lại, trong đời người thật không có ai ngu lạ như tôi. Nếu có phải tính-mạng của tôi đến ngày hôm nay là ngày cùng rồi, khi tôi chết, người ta cứ đặt tên hèm cho tôi là Kỳ-ngu thì đúng lắm, không đổi được chữ nào khác hơn. Nhưng nếu muôn một mà tôi không chết, thì rồi sau thấy beo cọp há lại không thể đánh được ư ? Xin quốc-dân ta nên xem gương tôi mà tự răn lấy mình.
Lịch ta ngày 25 tháng chạp năm
Quý-Sửu, Sào-nam-tử viết tập
« NGỤC TRUNG THƯ » nầy ở
nhà ngục Quảng-Châu,
sau khi vào ngục 3 ngày.
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
Notes
[←1]
Dương-thành - Tức là Quảng-châu, tỉnh thành Quảng-đông.
https://thuviensach.vn
[←2]
Albert Sarraut.
https://thuviensach.vn
[←3]
Một người đồng thời với cụ Phan-đình Phùng, lấy hiệu Bạch-Xỉ vì có câu sấm truyền « Bạch-xỉ sanh thiên-hạ sinh », bèn tự xưng hoàng-đế, tụ-tập đồ-đảng ở trên núi Đại-Hàn. Xin xem quyển « PHAN-ĐÌNH PHÙNG » của Đào-trinh Nhất có nói rõ về người lạ ấy.
https://thuviensach.vn
[←4]
Xem tiểu-sử NGUYỄN THÀNH trong quyển HUỲNH THÚC-KHÁNG.
https://thuviensach.vn
[←5]
Xin xem TRẦN QUÝ CÁP (sắp có bán trong loại VIỆT-NAM CHÍ-SĨ – TÂN VIỆT).
https://thuviensach.vn
[←6]
Xin xem tập PHAN CHÂU TRINH (trong loại VIỆT-NAM CHÍ-SĨ – TÂN VIỆT).
https://thuviensach.vn
[←7]
Vì Mai-quân là một vị có đạo Thiên-chúa nên cụ Phan mới có câu nầy.
https://thuviensach.vn