🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Một Đứa Con Đã Khôn Ngoan
Ebooks
Nhóm Zalo
epub©vctvegroup
09-12-2017
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com
MỘTĐỨA CONĐÃ KHÔNNGOAN
Và những tác phẩm mới phát hiện của cố nhà văn Nguyễn Công Hoan viết cho trẻem
GIỚI THIỆU
T
ừ thuở văn xuôi viết bằng chữ quốc ngữ còn chập chững đi những bước đầu tiên, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã xuất hiện. Sự có mặt của tập truyện ngắn Kiếp hồng nhan xuất bản năm 1923 đã ghi nhận điều này. Trong trào lưu của dòng văn học hiện thực phê phán, bằng tác phẩm của mình, ông đã khẳng định vị trí hàng đầu và được xem như một trong những người đặt nền móng cho nền văn học này bằng những tác phẩm xuất sắc nhất. Hơn 50 năm cầm bút, ông đã có dành một khoảng thời gian để sáng tác cho thiếu nhi. Trong hồi ký Đời viết văn của tôi (NXB Văn Học 1971) có đoạn ông viết: “Lại một người bạn cũ của tôi là Nguyễn Đức Phong, tức Thái Phỉ, xuất bản tờ báo nhi đồng lấy tên là Cậu Ấm. Báo Cậu Ấm đăng hai truyện dài và một truyện ngắn. Một truyện dài là Tấm lòng vàng.” (tr. 181) Xin đặt câu hỏi: - ngoài tác phẩm đã nêu trên thì một truyện dài và một truyện ngắn còn lại tên gì? Lâu nay, do thiếu tư liệu nên các nhà nghiên cứu văn học đã không đề cập đến.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì đó là truyện dài Đảng Rổ Bẫy và truyện ngắn Đồng trinh Gia Long. Trước hết xin đề cập đến tờ báo mà trong hồi ký của nhà văn Nguyễn Công Hoan có đề cập đến. Tờ báo này từ số 1 đến số 12 (ra ngày 8.5.1935) có tên Cậu Ấm báo con trai. Bắt đầu từ số 13 (ra ngày 15.5.1935) được đổi tên thành báo Cậu Ấm Cô Chiêu. Chủ nhiệm của báo là ông Nguyễn Đức Phong, tòa xoạn đặt tại 82 Rue du Coton (Phố Hàng Bông Hà Nội), báo in theo khổ 19x29cm, dày 20 trang. Truyện dài Tấm lòng vàng được in từ số 1 đến số 13, trước khi chấm dứt có giới thiệu thêm: “Tấm lòng vàng đã đặt ông Nguyễn Công Hoan vào vị trí số 1 nhà viết truyện cho trẻ em có biệt tài, muốn biết ông Hoan hơn nữa thì đón xem Đảng Rổ Bẫy”. Qua số báo sau, tức số 14 (ra ngày 22.5.1935) bắt đầu in Đảng Rổ Bẫy và kết thúc vào số 30 (ra ngày 11.9.1935). Còn truyện ngắn Đồng trinh Gia Long thì in trên báo số 6 (ra ngay 27.3.1935).
Do truyện dài Đảng Rổ Bẫy chưa được in thành sách nên hầu như các nhà nghiên cứu không biết đến cũng là điều dễ hiểu. Từ sự phát hiện này, chúng tôi có viết thư báo tin cho nhà văn Lê Minh con gái của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Và chúng tôi thật sự vui mừng khi trong thư phúc đáp, bà Lê Minh cho biết cũng mới tìm được hai tác phẩm của bố. Đó là vở kịch Tấm lòng vàng gồm 5 hồi, 3 cảnh do chính nhà văn chuyển thể từ truyện dài cùng tên và truyện vừa Một đứa con đã khôn ngoan. Hai tác phẩm này thuộc tủ sách Truyền Bá của NXB Tân Dân in vào năm 1942. Có được hai tác phẩm này là do Bibliothèque Paris tặng cho Thư viện quốc gia - Bộ Văn Hóa - Thông tin, và nơi đây đã cho bà Lê Minh chụp lại từ microfim. Từ những sự phát hiện này, chúng ta đã biết thêm một biệt tài của nhà văn bậc thày Nguyễn Công Hoan khi viết cho trẻ em. Ở đó sự giáo dục, hướng thiện đã được lồng vào cốt truyện ly kỳ, gây cấn để hấp dẫn người đọc, chứ không chỉ là những lời giáo huấn khô khan. Và điều đáng quý hơn nữa là những vấn đề mà nhà văn đặt ra thì ở thời điểm này nó vẫn còn mang ý nghĩa thời sự.
Trong truyện Một đứa con đã khôn ngoan, nhà văn giáo dục cho trẻ em đức tính yêu lấy tiếng Việt. “Ta có tiếng nói riêng. Bổn phận ta là phải giữ lấy tiếng ta, vì tiếng ta tức là tinh thần nước ta” (tr.12). Cậu bé Chỉ trong truyện này chỉ mê tiếng Pháp và cho rằng tiếng Việt không đủ để diễn tả hết mọi suy nghĩ và sự vật. Ngay cả lúc viết thư cho bạn thì cậu cũng phải dùng chêm tiếng Pháp. Cậu (bố) của cậu bé Chỉ không đồng ý và phân tích cho cậu rằng: “Con thấy thiếu chứ tiếng ta không thiếu. Nếu thiếu chăng, thì nó thiếu ở ý mới, vật mới xưa kia không có. Còn những ý cũ vật cũ thì tiếng nước ta vẫn đủ như thường. Xem ngay như về gia đình, ta có biết bao nhiêu tiếng: kỵ, cụ, ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, chắt, chút, chú, bác, cậu, mợ, dì, cô, thím, âu yếm, thân, hiếu, đễ, từ và biết bao nhiêu tiếng nữa. Lại nói như cách mang đồ đạc, ta có đội, gánh, xách, vác, cầm, khênh, ôm, cõng, bẽ, tải, cắp, khuân, bế, mỗi tiếng một nghĩa riêng” (tr.13) và “Cậu dám đánh cuộc với các ông cử, ông nghè Tây dùng tiếng Pháp mà dịch nổi tiếng “lôi thôi” của ta đấy” (tr.13). Dù được phân tích thấu đáo như thế, nhưng cậu bé Chỉ vẫn không tin. Và cậu chỉ thật sự tin khi mợ (mẹ) của cậu bị ốm và nhờ cậu đọc giùm tiểu thuyết tiếng Việt. Cậu bất ngờ là không ngờ nó lại hay đến thế! “Truyện Tây cũng đến thế là
cùng” (tr.29). Chúng tôi bùi ngùi khi đọc lại những lời của người mẹ nói với con: “Mợ mua sách Quốc văn, được sách hay đã đành, dù phải sách dở mợ cũng vui lòng. Mình không có tài làm cho Quốc văn hay đẹp hơn lên, thì phải có chút khuyến khích những người có công quý hóa ấy vậy” (tr.18). Đừng quên rằng, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã tôn vinh tiếng Việt từ thập niên 40 - lúc mà tiếng Pháp còn ngự trị trong mối quan hệ xã hội. Ngay lúc tiếng Việt còn bị rẻ rúng thì sự mẫn cảm của nhà văn đã giúp cho ông thấy tương lai lớn mạnh tất yếu của nó. Bây giờ, mọi người đang đổ xô nhau học ngoại ngữ như một “mốt” thời thượng, thì truyện Một đứa con đã khôn ngoan đã nhắc nhở chúng ta rất nhiều điều.
Đã từng đọc truyện dài Tấm lòng vàng thì chắc hẳn, đã đôi lần chúng ta phải ứa nước mắt trước hoàn cảnh bi đát của cậu học trò tên Đức. Đức có biệt danh vua zéro vì học dốt. Nào phải vì lười biếng, nhát học đâu, mà vì gia đình nghèo. Bố mất, mẹ đi lấy chồng khác, cậu phải ở trọ. Không có tiền trả, bà chủ sai cậu làm quần quật tối ngày, cậu không có thời giờ ôn bài. Biết chuyện này, một thày giáo đã âm thầm giúp Đức: mỗi tháng bỏ 3 đồng vào vở để Đức trả tiền trọ. Từ đó, Đức học giỏi hẳn lên. Đây là một câu chuyện cảm động. Cảm động vì thày thương yêu học trò và sau này, khi công thành danh toại thì học trò tìm cách giúp đỡ lại thầy trong cơn hoạn nạn. “Rồi đây, dù các em có làm nên đến gì, mà dầu chảng được đội ơn thầy nhiều như anh đây, thì lúc nào cũng nhớ ơn thầy, tức là ơn người cha thứ hai vậy” (tr.30). Đọc lại vở kịch này, chúng tôi tin rằng, bây giờ trong môi trường sư phạm vẫn còn những tấm lòng cao thượng như thế. Cho dù nó có phai nhạt đi ít nhiều thì sự có mặt của vở kịch Tấm lòng vàng ở thời điểm này vẫn là điều cực kỳ đáng quý và cần thiết trong việc giáo dục thê hệ trẻ.
Trong truyện Đảng Rổ Bẫy thì nhà văn viết về một thiếu niên tên là Tâm. Trên đường trở về nhà, lòng đang nao nức muôn báo tin cho cha mẹ biết là mình vừa đỗ Sơ học yếu lược. Không ngờ, khi đặt chân đến nhà thì nghe tin cha bị bắt vì tội ăn cướp! Thế là Tâm lên tận huyện đường để minh oan cho cha. Lần thứ hai lên gặp quan huyện thì chẳng may Tâm bị đảng cướp Rổ Bẫy bắt cóc. Sau đó, nhờ trí thông minh và lòng dũng cảm, Tâm đã khám phá ra tổ chức của đảng cướp này. Phải thừa nhận rằng, câu chuyện này được nhà văn viết cực kỳ lôi cuốn, đã đọc thì không thể gấp
sách lại nửa chừng.
Được sự đồng ý của gia đình nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903-1977), XNB Trẻ tái bản lại bốn tác phẩm này. Chúng tôi tin rằng, những tác phẩm này hoàn toàn phù hợp với lý tưởng giáo dục trẻ em hiện nay.
MỘT ĐỨA CON ĐÃ KHÔN NGOAN
H
ôm nay, tuy là chủ nhật và trời rét hơn mọi ngày, nhưng Chỉ cũng dậy ngay từ năm giờ.
Anh lấy quyển giấy ráp, cầm ngọn bút chì. Anh đọc đi đọc lại hai dòng đầu bài, gạch những tiếng quan trọng, rồi nhắm mắt, gục mặt vào bàn tay để nghĩ.
Xung quanh anh không có một tiếng động.
Bọn người nhà, người quét dọn, ở tận dưới bếp và buồng khách. Cậu mợ và em Nhật vẫn còn ngủ.
Sự tĩnh mịch giúp anh tìm được rất nhiều ý hay.
Ấy là anh theo phương pháp làm luận của thày giáo vẫn chỉ bảo. Thày thường khuyên học trò khi gặp bài khó, phải làm lúc buổi sớm, là lúc trí não còn trong trẻo. Và dậy sớm, trong mình được khoan khoái và tinh thần sảng khoái, nghĩ gì cũng dễ ra. Thày bảo trước khi làm nên đọc kỹ đầu bài để nhận những ý chính, nếu cần lấy bút gạch để ghi nhớ, rồi hãy tìm tòi ý tứ. Rồi lần lượt biên ngay vào giấy. Khi ý đã nhiều thì nên chọn lọc cho đầy đủ và xếp đặt cho thứ tự. Lúc ấy hãy dàn bài và ráp câu.
Bỗng có hơi thở ấm áp đằng sau cổ. Chỉ ngoảnh lại, thì ra mợ.
Mợ thấy anh chăm chú về công việc, nên đi rón rén đến và yên lặng đứng âu yếm nhìn.
— Con làm gì thế?
— Con làm rédaction[1] đấy mợ ạ.
Mợ mỉm cười:
— Con cứ quen miệng, nói với mợ cũng chen tiếng tây, mợ hiểu sao
được.
Chỉ bẽn lẽn:
— Con vẫn biết thế, nhưng sao tránh được. Nó thành thói quen rồi. Lúc ấy cậu cũng đã dậy, cậu run rẩy vì lạnh, hai tay thọc vào hai túi, hỏi. — Thói quen gì?
Mợ đáp:
— Thói quen là nói chuyện với tôi cứ chen tiếng tây vào.
Cậu gật:
— Thói quen đó rất thông thường của những người biết tiếng Pháp. Thấy cậu bênh, Chỉ bèn gỡ:
— Nói như thế, nó nhanh hơn bằng câu toàn tiếng ta, cậu nhỉ. Mợ vuốt tóc anh, dịu dàng giảng:
— Nhưng đó là một thói xấu. Không ai nên mắc phải cả. Hôm nọ mợ thấy con mắng em Nhật chỉ tại em không hiểu con định nói gì, vì con cũng chen tiếng tây. Chính mợ cũng không hiểu. Những tiếng tây con vừa nói với mợ đều có thể thay bằng tiếng ta. Vậy sao con không tập nói chuyện bằng toàn tiếng ta. Mợ chẳng hạn, và bao nhiêu người không biết tiếng tây, sao vẫn nói chuyện được với nhau, mà nhanh chóng như thường.
Cậu vò đầu Chỉ, chế nhạo:
— Thế cu cậu đuối lý rồi.
Rồi cậu bảo mợ:
— Thôi đi rửa mặt cho con làm việc, kẻo nó lại bắt đền.
Khi trong buồng yên lặng, Chỉ lại cặm cụi làm việc. Anh mở các sách in, đọc hết bài này đến bài khác, để tìm ý.
Rồi xếp đặt ý xong, anh mới ráp bài.
Bỗng mợ gọi:
— Chỉ ơi, hãy nghỉ tay «măng giê»[2] đã.
Anh bật cười, vâng một tiếng toan đứng dậy. Nhưng chợt nghĩ ra được một câu hay, anh vội vàng lại ngồi xuống để viết. Rồi hết câu nọ đến câu kia, anh đã ráp trọn được đoạn mở bài và đoạn kết cục. Cách làm ấy, anh cũng theo phương pháp của thày giáo chỉ bảo. Còn đoạn giữa là đoạn chính, anh định ăn sáng xong mới làm.
Anh đứng dậy, vừa đi vừa bần thần nghĩ ngợi.
Cậu mợ vẫn chờ anh, đương đùa vui vẻ với em Nhật.
Thấy anh đến, mợ nhìn anh và bảo:
— Nào «măng giê», tôi còn phải đi «chợ-trờ-rờ» nữa đây.
Cả nhà lại cười.
Ăn vội vàng vài miếng nữa, Chỉ đứng dậy, lại hấp tấp ngồi vào bàn giấy làm việc.
Anh thực là một người học trò chăm chỉ
Vì sự siêng năng, nên anh thi gì cũng đỗ ngay. Kỳ Sơ học Yếu lược, Sơ học Pháp việt, anh đỗ một cách dung dị đã đành, đến cả những kỳ thi khó khăn vào học lớp nhì năm thứ nhất bậc sơ học và năm thứ nhất bậc Cao đẳng tiểu học, nhiều thí sinh mà số người lấy vào rất ít, anh cũng đỗ cao.
Anh chỉ phải một tội vô tâm, lúc nói với mợ, hoặc bất cứ ai, dù người không hiểu tiếng Pháp, cũng cứ chen một vài tiếng tây vào. Cái đó mợ bảo luôn, nhưng anh cũng không giữ được. Anh quen miệng đi mất rồi. Anh nhận thấy chẳng những một mình anh, các bạn anh, và bất cứ một ai đã học tiếng Pháp, đều có tật ấy.
Anh thấy nói như thế dễ dàng hơn là nói toàn tiếng Nam. Vì anh đỡ phải tìm tiếng cho đúng để diễn đạt tư tưởng. Chữ Pháp anh sẵn có, thì câu nói có xen một vài tiếng Pháp, anh cũng hiểu như nói toàn tiếng Nam. Vả anh thấy tiếng ta thiếu rất nhiều để diễn tả cho đủ ý.
Ở trong lớp, anh vốn nổi tiếng giỏi Pháp văn. Kỳ luận Pháp văn nào anh cũng được thày khen, và bình bài lên cho cả lớp nghe. Anh ước rồi cậu mợ
cho anh sang Pháp, học tập ở các trường cao đẳng mà anh thường được biết tên.
Cho nên anh luyện Pháp văn một cách rất chăm chú.
Không môn học nào anh mất nhiều công phu bằng môn học ấy.
Anh ngồi làm luận Pháp văn thì không thấy mỏi, thấy nóng ruột một tí nào. Dù hai giờ, dù ba giờ, dù cả buổi sáng, dù lan sang cả buổi chiều, anh cũng vẫn chăm chú. Khi một bài được hoàn toàn anh mới vui vẻ và yên tâm.
Nhưng lần này mới mười rưỡi, anh đã ráp xong bài. Anh chưa đọc lại và chép ra giấy. Anh muốn thí nghiệm một lối làm việc mới. Là để độ hai ba giờ sau hãy đọc lại. Và trong thì giờ ấy, anh làm những việc khác cho quên đi. Như vậy tức là anh làm hai bài trong lúc tinh thần minh mẫn.
Đặt bút xuống bàn, anh mỉm cười nhìn ra ngoài trời trắng đục. Thời tiết hẹn một tuần mưa dầm lâu dài.
Bỗng vú già đi qua, anh hỏi:
— Gần được cơm chưa, hở vú?
— Độ nửa giờ nữa, chú ạ.
Anh khoan khoái. Anh đương nghĩ không biết dùng thì giờ rỗi để làm gì, thì sực nghĩ đến bài luận Quốc văn chưa được một chữ.
Anh bèn lấy giấy, mở sách chép đầu bài, rồi chẳng cần ráp, viết lia lịa trong mười phút, được mười lăm dòng. Anh đánh dấu chấm hết.
«Miễn là có bài nộp khỏi phải phạt.»
Nghĩ vậy, anh nhìn đồng hồ. Chợt nhớ đến bức thư của Hà, người em họ, nhận đã lâu mà chưa trả lời, anh đọc lại thư, rồi lấy giấy.
Hanoi13 Février1942
Cher Hà
Hẳn Hà lấy làm ngạc nhiên vì lần này anh viết cho Hà bằng chữ quốc ngữ. Không phải anh négliger về français[3] đâu, nhưng vì sáng nay, anh mới phải làm bài réduction lâu thì giờ quá.
Anh đã gặp Kính petit frère de Tùng[4]rồi. Anh thấy nó giống Tùng như hai giọt nước.
Anh đã đem câu thứ nhất Hà dặn hỏi, thì nó câm như cá chép. Cho nên anh không hỏi nó câu deuxième question[5] nữa. Thôi, thế là anh em nó déclarer vaincus[6]rồi, vậy Hà cũng nên pardonnercho họ.
Vậy thếlà tranquille[7] nhé. Không có lửa thì sao có khói nhỉ.
Thôi, anh chúc Hà bonne santé.[8]
Ở đây bình yên. Duy hôm nọ ma mère[9] hơi bị malade[10]bởi refroidissement[11] nhưng hôm nay đã rétablie[12]rồi.
A bientôt[13]
CHỈ
Chỉ vừa ký tên xong, thì mợ đã đứng cạnh:
— Con tôi chăm quá. Phải nghỉ để giải trí rồi ăn cơm chứ? — Vâng. Nhưng đây là con viết lettre, à quên viết thư cho Hà. Mợ gật:
— Ừ mợ cũng toan nhắc con, sợ con quên.
Rồi mợ liếc nhìn vào giấy mỉm cười:
— À, lần này con viết bằng quốc ngữ. Thử đọc mợ xem có thông không nào.
Chỉ luống cuống, nhìn mợ có ý ngượng nghịu. Anh vội vàng lấy giấy thấm đặt lên bức thư, rồi đứng dậy trước mặt mợ, để mợ khỏi nhìn thấy chữ và đọc:
— Hà nội ngày 13 Février 1942. Em Hà, hẳn lấy làm ngạc nhiên vì lần này anh viết cho Hà bằng chữ quốc ngữ. Không phải nhãng bỏ Pháp văn đâu, nhưng vì sáng nay, anh mới phải làm bài luận lâu thì giờ quá. Anh đã gặp Kính, em Tùng rồi. Anh thấy nó giống Tùng như hai giọt nước.
Bỗng mợ rũ ra cười:
— Thế nào, giống Tùng như gì?
Chỉ nhắc lại:
— Như hai giọt nước.
Mợ vẫn cười:
— Con nói giọng gì thế?
Rồi mợ nói:
— Ừ, hai giọt nước thì giống nhau thực, nhưng hình như người ta không nói thế mà?
— Vâng, người ta chẳng nói ressemblercomme deux gouttes d’eau là gì?
— À, thế thì người ta của con khác, người ta của mợ khác. Người ta của mợ chỉ nói giống nhau như đúc mà thôi. Nhưng thôi cũng được, đọc nốt đi.
Chỉ đọc:
— Anh đã đem câu thứ nhất Hà dặn hỏi, thì nó câm như cá chép. Bỗng mợ lại rũ ra cười:
— Câm như cá chép. Sao con khéo bịa ra văn chương thế.
— Thưa mợ con đâu dám bịa, người ta nói muet comme une carpe nghĩa là câm như cá chép.
— À, thế con dịch đúng tiếng tây. Nhưng con có biết ta nói câm như gì không?
Chỉ đưa mắt nhìn lên trần, chớp mắt để nghĩ ngợi. Một lát, anh lắc đầu: — Con không biết.
— Người ta bảo câm như thóc, câm như hến. Con viết tiếng ta thì nên dùng toàn giọng ta. Nếu con viết câm như cá chép, giống nhau như hai giọt nước, thì ra con viết tiếng ta bằng chữ Pháp. Con dịch chữ Pháp ra tiếng ta. Như thế không được. Giống nhau như hai giọt nước với giống nhau như đúc, câm như cá chép với câm như hến hoặc như thóc. Hai lối nói cũng hay ngang nhau. Vậy ta có lối nói văn vẻ, sao con không dùng.
— Thưa mợ, tại con không biết.
— Con không thể không biết. Con phải biết câu câm như thóc hoặc như
hến trước, rồi con hãy nên biết đến câu câm như cá chép mới phải. Tức là con phải hiểu câm như con cá chép nghĩa là câm như hến hoặc như thóc, để khi nói tiếng pháp thì dùng câu trên, mà khi nói tiếng ta thì dùng câu dưới. Trong thư còn gì nữa, đọc nốt rồi đi ăn cơm.
Chỉ đọc:
— Cho nên anh không hỏi câu thứ hai nữa. Thôi, thế là hai anh em nó...
Chỉ ngắt lại không đọc nữa. Muốn chừng anh đương tìm tiếng ta để dịch cho lọn hai tiếng déclarer vaincus. May quá, lúc ấy mợ không để ý nghe lắm, nên anh đọc ngay xuống câu dưới:
— Vậy Hà cũng nên tha thứ cho họ. Vậy thế là yên tâm nhé. Không có lửa thì sao có khói nhỉ.
Mợ lại gắt:
— Thế nào?
— Không có lửa thì sao có khói nhỉ.
Mợ nghĩ, rồi gật đầu:
— Câu ấy đúng ý đấy, nhưng sao nó ngô nghê thế.
Hẳn lại là một câu tiếng Pháp mà con dịch ra.
— Vâng, đó là một câu phương- ngôn Pháp.
— Vậy thế con có biết ta cũng có câu phương ngôn về ý ấy hay không? — Thưa có. Thế gian chẳng ít thì nhiều, không dưng ai dễ đặt điều cho ai. — Sao con không dùng câu này có hơn không?
Chỉ bối rối:
— Con quên.
— Thôi được, đọc nữa đi.
Chỉ nối:
— Thôi, anh chúc Hà mạnh khỏe. Ở đây bình yên. Duy hôm nọ mẹ tôi bị
ốm bởi lạnh, nhưng hôm nay đã khoẻ rồi.
— Thế nào, mẹ tôi bị ốm bởi lạnh à? Mợ không hiểu nói ý ấy thì phải đặt tiếng tây thế nào, nhưng mợ chắc con lại dịch theo tiếng tây đây. Sao con không gọi mẹ tôi là mợ anh, hoặc bác, có thân hơn không. Mà bị ốm bởi lạnh à? Sao con không nói là bác khó ở vì cảm hàn?
Lúc ấy cậu vừa đến. Cậu hỏi:
— Thế nào, ai cảm hàn?
— À , con nó viết cho cháu Hà, nhưng dùng tiếng ta không thông. Tôi không hiểu nó đặt câu tiếng ta không thông, thì viết tiếng tây thông thế nào được nhỉ.
Cậu hỏi:
— Đâu, đưa thư cậu đọc xem thế nào mà mợ kêu nào.
Chỉ không thể giấu được nữa. Anh phải đưa thư cho cậu. Cậu đọc xong, không bình phẩm gì, chỉ nói:
— Thôi, muộn rồi, đi ăn cơm.
Chỉ sung sướng. Cậu đã hiểu cho anh rồi. Anh vui vẻ theo cậu mợ ngồi vào bàn ăn.
Vú già xới cơm xong, cậu nhìn bát cơm trắng, khói nghi ngút, tỏa một mùi thơm, bèn hỏi vú già:
— Vú già, nồi cơm hôm nay thổi bởi ai, mà trông có vẻ tốt ăn lắm. Vú già bưng miệng, quay đi để cười.
Mợ ngớ mặt ra nhìn cậu.
Chỉ thấy cậu nói ngô nghê cũng nhếch mép.
Nhưng cậu nghiêm trang, bảo Chỉ:
— Đấy con xem, con và vú già thì cười cậu, mà mợ thì có ý ngạc nhiên. Là vì cậu đã nói một câu bằng tiếng An nam, nhưng nó không An nam một tý nào. Con học tiếng Pháp, con chăm về Pháp văn là phải, nhưng không
nên sao nhãng tiếng ta.
Chỉ không đáp, Cậu tiếp:
— Ta có tiếng nói riêng. Bổn phận ta là phải giữ lấy tiếng ta, vì tiếng ta tức là tinh thần nước ta. Cậu nói nồi cơm thổi bởi ai, trông có vẻ tốt lắm, thì cũng có thể hiểu được, nhưng người Nam mình không nghe quen. Mình phải nói tiếng Nam theo giọng Việt Nam mới được.
Chỉ cảm động:
— Tại con học chữ Pháp, nên con hay nghĩ theo giọng Pháp.
— Con nghĩ theo giọng Pháp khi con dùng tiếng Pháp thì rất tốt. Nhưng khi nói tiếng Nam, mà con cũng nghĩ theo thế, tức là con dịch ở tiếng Pháp. Vậy con là ông Tây nói tiếng An nam mất rồi.
Cả mợ lẫn Chỉ cùng cười. Rồi Chỉ nói:
— Nhưng con thấy tiếng ta nhiều khi thiếu từ để dùng.
Cậu lắc đầu:
— Con thấy thiếu chứ tiếng ta không thiếu. Nếu thiếu chăng, thì nó thiếu ở những ý mới, vật mới xưa kia không có. Còn những ý cũ, vật cũ thì tiếng ta vẫn đủ như thường. Xem ngay như về gia đình, ta có biết bao nhiêu tiếng: kỵ, cụ, ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, chắt, chút, chú, bác, cậu, mợ, dì, cô, thím, âu yếm, yêu, thân, hiếu, đễ, từ, và biết bao nhiêu tiếng nữa. Lại như nói cách mang đồ đạc, ta có đội, gánh, xách, vác, cầm, khênh, ôm, cõng, bê, tải, cắp, khuân, bế, mỗi tiếng một nghĩa riêng.
Nghe cậu nói một thôi một hồi, Chỉ phì cười. Cậu cũng cười:
— Thế mà tiếng Tây phải chắp vào một tiếng gốc. Vả lại tiếng ta nói rất văn vẻ. Ví dụ hai tiếng cánh buồm, thì cậu tưởng văn chương đến thế là bóng bẩy, nhưng ta thì để nói thường. Cậu dám đánh cuộc với các ông cử, ông nghè tây dùng tiếng Pháp mà dịch nổi tiếng «lôi thôi» của ta đấy.
Mợ cười:
— Ừ, tiếng lôi thôi mà cắt nghĩa thì nó dài biết nhường nào! Cho nên muốn giỏi tiếng nước ngoài hãy nên giỏi tiếng nước ta đã.
Cậu gật đầu:
— Bởi vì tiếng nước ta, ta phải trọng và phải yêu trước hết. Nhiều lần mợ bảo con không nên nói tiếng Pháp xen vào tiếng ta là chí phải. Không gì ngô nghê hơn là bức thư con vừa viết cho em Hà. Đầu tiên, cậu thấy chữ Hanoi, cậu đã không bằng lòng rồi, phải viết Hà nội làm hai chữ, đánh dấu quốc ngữ cho đúng. Bởi vì những cái ấy là của mình. Người ta viết lầm, đọc sai, mình còn nên uốn nắn lại cho đúng, huống chi mình lại bắt chước sự sai lầm của người ta.
Mợ tiếp:
— Thật thế bây giờ tôi đọc sách, đọc báo thấy chữ Mỹ Thọ, Thủ đầu một, Phủ Quốc, Phú lãng Thượng, Phủ Liễn, Chobo, Viétri, Núi Đèo mà tôi đâm bực mình. Tôi ước gì người ta viết cho đúng để trẻ con đọc đỡ sai.
— Cứ gì trẻ con, cả người lớn nữa.
Nghe từng ấy tiếng, Chỉ hiểu đọc chữ Phú lãng thượng là người đọc lầm chữ Phủ lạng thương, còn những chữ khác anh cho là mợ bẻ sai. Anh không dám cãi, nhưng cũng không dám hỏi. Thì Cậu nói ngay:
— Con học sách Địa dư và Sử ký của ta do người Pháp làm, phải nên coi chừng những chỗ viết sai, hoặc những chữ theo âm Pháp. Ví dụ trong Trung kỳ có cái đảo nhiều rừng quế, người ta gọi là Hòn Quế, hòn tức là đảo, thì trên địa đồ đề là Hone Koé, đảo Cái Bầu, trên địa đồ là đề Kébao; cũng như xem sách người Pháp làm về phong tục xứ mình, mình phải biết chỗ nào là đúng, chỗ nào là hỏng...
* * *
Tuần lễ ấy, cũng như mọi tuần lễ trước, Chỉ được nhất luận Pháp văn và phải bét luận Quốc văn.
Nhưng khác mọi khi, Chỉ thấy xấu hổ về điểm kém của bài sau hơn là sung sướng về điểm hơn của bài trước.
Những tiếng bạn khen là văn sỹ tây không làm anh vui vẻ và hãnh diện nữa.
Anh đọc lại bài luận Quốc văn của anh, rồi mượn bài của Thấn được nhất. Anh bật cười, thấy bài mình ngắn ngủi. Hai bài hơn kém nhau mười điểm, chỉ vì một bài làm kỹ lưỡng, một bài làm dối dá. Chứ những câu bạn đặt cũng rất thường, không chỗ nào cầu kỳ, không chỗ nào dùng chữ nho, hoặc điển tích khó hiểu.
«Nếu vậy, muốn hơn điểm, có khó khăn gì.»
Anh quyết rằng nếu để ý làm cẩn thận trong mười lăm phút nữa, thế nào cũng được từ mười điểm trở lên, nghĩa là hơn hẳn sáu bảy điểm.
Rồi anh nghĩ đến công phu và thì giờ làm luận Pháp văn. Anh phải dùng công phu và thì giờ gấp mười, có khi hơn thế nhiều, mà kết quả chỉ hơn anh em độ ba bốn điểm. Vậy từ trước đến nay, sao anh cứ chuộng cái khó mà bỏ cái dễ.
Chẳng hoá ra dại lắm du.
Nhưng suy xét kỹ, anh thấy anh không dại. Bài thi nào Pháp văn cũng làm nền tảng. Kém Pháp văn, thì dù môn khác giỏi mười mươi cũng bằng thừa.
Ở trong lớp, thỉnh thoảng anh có thử nghe thày giáo giảng những đoạn thơ và văn xuôi. Nhưng anh thấy nó thế nào. Thơ thì khó hiểu, mà văn xuôi thì rất tầm thường. Cho nên anh chỉ dùng giờ Quốc văn để xem trộm tiểu thuyết Pháp, hoặc làm tính, hoặc nói chuyện với bạn ngồi cạnh.
* * *
Hôm ấy bắt đầu nghỉ hè. Cậu bảo Chỉ:
— Ba tháng nghỉ, con không phải trả tiền học, vậy cậu cho con mỗi tháng bốn đồng, tùy con muốn mua sách vở hay đồ chơi thì mua.
Nói rồi, cậu mở ví tiền đưa cho anh .
Chỉ hớn hở, mặc áo ra phố. Lúc về, anh cắp một gói, mở ra, toàn tiểu thuyết Pháp.
Anh hăm hở, lấy dao rọc từng tờ, rồi đọc miệt mài.
Mới hơn tuần lễ, anh đã ngốn hết mấy cuốn ấy. Anh lại buồn. Em Nhật bé hơn anh nhiều, nó trẻ con không hợp với tuổi anh. Cho nên anh chỉ đùa với nó bền lắm là mười lăm phút.
Một hôm, nhận được giấy của nhà trường, cậu xem rất kỹ, rồi bảo:
— Chỉ ạ, kỳ thi cuối năm vừa qua, các bài về khoa học và toán pháp con bị kém, vậy nhân bây giờ nhiều thì giờ, con nên cố gắng về các môn ấy.
Anh thấy cậu không được vui, nên vâng ngay. Anh quyết định, từ hôm sau, mỗi ngày làm một vài bài tính, và để ra hai giờ học lại các bài khoa học, và xem rộng ra cho hiểu thấu hơn.
Nhưng khi mở sách, mới đọc qua đầu bài tính, anh đã chán nản. Anh cố gắng nghĩ, vì bài hơi khó. Anh thở dài. Thì té ra anh đi học từng ấy năm, chưa được chút lợi nào, bởi đã chểnh mảng khoa học.
Khoa học tức là cơm. Văn chương chỉ là áo. Kẻ khó cần xin cơm, chứ chưa có người hành khất nào đi ăn mày áo bao giờ. Khoa học mới đem đến cho ta sự sống.
Anh thở dài lại cặm cụi với những con số trên mảnh giấy. Đến hơn nửa giờ anh nhăn trán để nghĩ nhưng không làm nổi bài tính.
Anh bèn đến chơi nhà bạn để hỏi. Lúc hiểu, anh sung sướng quá, rồi nhân thấy mấy cuốn tiểu thuyết Pháp, anh mượn về.
Anh lại nhãng bỏ khoa học để ngấu nghiến đọc truyện.
Anh thấy văn chương bao giờ nó cũng thấm thía vào tâm hồn. Còn khoa học, nó khô khan, khó chịu lắm.
* * *
Cuối tháng ấy, cậu lại cho anh bốn đồng nữa, và anh lại dùng để mua sách.
Nhưng mợ dặn anh chọn cho mợ một cuốn sách Quốc văn mới xuất bản. Anh cười:
— Con có biết sách thế nào là hay đâu?
— Thế con mua sách tây thì làm thế nào?
— Con tìm tên người làm sách nổi tiếng, hoặc thấy tên sách hay, hoặc đọc qua trang đầu, cũng có thể đoán được.
— Vậy mua sách cho mợ, con cũng làm như thế.
— Nhưng văn sỹ Việt Nam làm gì có ai nổi tiếng?
— Ô, biết bao nhiêu người bây giờ viết rất hay.
— Thế a, mợ?
Nhưng anh vẫn hồ nghi. Anh cho là truyện của người Việt Nam viết gọi là hay, nhưng hay sao bằng truyện tây. Có chiều lòng mợ mà anh phải mua một quyển thì mua, chứ anh tiếc tiền lắm. Anh hỏi:
— Mợ ạ những truyện của ai viết thì nên mua?
Mợ bèn kể một ít tác giả quen tên để anh biên vào mảnh giấy, rồi mợ dặn:
— Nhưng bất cứ, có nhiều tên ký rất lạ ở những truyện rất hay, không biết chừng.
— Thôi con không biết chọn sách Quốc ngữ đâu. Con cứ theo tên biên đây mà mua vậy.
— Cũng được.
Anh bèn mặc quần áo, lên hiệu sách tây. Anh mua mất ba đồng sáu, vì anh chắc sách ta bán rẻ, độ ba bốn hào là cùng. Anh rất bằng lòng mấy cuốn mới này. Cuốn thì anh vẫn ao ước được đọc. Cuốn thì của tác giả nổi tiếng.
Anh đến phố ta vào một hiệu sách Quốc văn.
Trước hết anh ngạc nhiên, vì thấy bầy những tác phẩm dầy dặn, đẹp đẽ chẳng khác những cuốn anh đương cầm ở tay chút nào. Ngó đến giá đề ở gáy, anh bật buồn cười. Sách ta có gì mà bán đắt thế. Anh cau mặt, nhìn tên sách một lượt. Rồi anh về.
Thấy anh, mợ đặt tờ nhật trình xuống bàn, hỏi:
— Nào, con mua quyển gì cho mợ thế, chắc phải hay lắm. — Thưa mợ, con chưa mua, vì con không đủ tiền.
Mợ không bằng lòng:
— Sao vậy? Bốn đồng kia mà?
— Vâng, nhưng con không ngờ sách ta bây giờ bán cũng đắt lắm. Mợ lắc đầu:
— Không phải đắt, con nên nói là cao, vì công in và giấy hiện giờ tăng lên nhiều. Vả người làm sách đã tốn bao nhiêu công phu.
— Thế thì không mua là phải, vì phí tiền!
— Sao lại phí tiền?
— Vì chuyện hay sao được! Để con xem xong cuốn này, con kể lại cho mợ nghe, mợ mới thấy là con hà tiện đúng.
— Mợ không thích nghe, mợ chỉ thích đọc lấy. Vả sao con lại nói là hà tiện đúng.
— Mợ để tiền cho con mua sách tây, con vừa được học, mợ vừa được nghe chuyện.
— Nếu ai cũng như con, thì nghề viết văn của ta không thể sống. Nghề viết văn không sống, tức là Quốc văn không còn.
— Đành vậy nhưng đồng tiền bỏ ra mua sách sao cho xứng đáng mới được.
— Con muốn tiêu tiền xứng đáng. Vậy chưa đọc cuốn sách Quốc văn
nào, con không nên khinh bạc thế. Mợ mua sách Quốc văn, được sách hay đã đành, dù phải là sách dở mợ cũng vui lòng. Mình không có tài làm cho Quốc văn hay đẹp hơn lên, thì phải có chút của khuyến khích những người có công quý hóa ấy vậy.
Chỉ cảm động. Anh không đáp. Mợ đứng dậy mở tủ, đưa anh tờ giấy một đồng. Chắc mợ thấy anh ngậm ngùi, nên nói chữa cho anh vui vẻ:
— Nhưng dễ thường mợ đã bắt con làm việc vô lý. Là mợ toan ăn bớt tiền của con? Bốn đồng cậu cho là riêng của con, con có thể tự do tiêu dùng. Đây, tiền của mợ. Vậy con mua cho mợ một quyển.
Khỏi bẽn lẽn, Chỉ lại ra phố. Anh gặp Thân, bèn vồ lấy bạn, nói: — Tôi nhờ anh chọn cho tôi một quyển tiểu thuyết ta rất hay. — Chọn để mua à?
— Phải.
— Để dành tiền đấy, ít lâu nữa, sẽ có một bộ sách hay lắm. Bây giờ anh muốn đọc, thì về nhà, tôi cho mượn vài quyển.
— Nhưng tôi cần mua một quyển thôi.
Thân có ý nhạo:
— Anh cũng mua sách quốc ngữ à?
— Tôi mua cho mợ tôi. Nếu không mợ tôi mắng.
— Anh cứ nghe lời tôi mà chờ. Nếu mợ anh mắng, anh nói như tôi vừa bảo anh ban nãy.
— Nhưng có đích là sách hay không?
— Sao lại không? Tôi thấy trên báo quảng cáo thế, mà cậu tôi cũng quảng cáo thế.
Chỉ tin ngay, vì biết cha Thân làm báo và có xuất bản nhiều sách. Anh đến nhà bạn.
Thân đưa Chỉ đứng trước một chiếc tủ to, bày rất thứ tự những cuốn
sách đóng gáy da, in chữ vàng. Chỉ vui sướng khen:
— Cậu anh cẩn thận quá nhỉ. Nhà tôi cũng có tủ, nhưng sách của cậu tôi không thuê đóng đẹp đẽ như thế này.
Rồi Chỉ rất ngạc nhiên, vì thấy toàn sách Quốc văn. Có bộ đến ba cuốn, đo dày hơn gang tay. Anh càng lấy làm lạ. Có thể nào sách ta lại có những bộ vĩ đại thế được không? Anh hỏi bạn:
— Những sách này anh đã đọc chưa?
— Tôi mới đọc được ít quyển dễ. Còn nhiều quyển khó lắm, phải đủ trí thức mới hiểu nổi.
— Thật à.
Rồi anh trố mắt nhìn Thân, lại hỏi:
— Nhà anh có độ bao nhiêu sách Quốc văn?
— Có chừng một vạn quyển, nhưng vẫn chưa là đủ, vì cậu tôi không đủ tiền mua. Người ta tặng cuốn nào, cậu tôi có cuốn ấy mà thôi.
— Ồ, tôi tưởng sách ta độ vài chục cuốn là cùng.
Thân cười:
— Khi nào mình không biết rõ cái gì thì chớ nên đoán bậy. Anh vào đây tôi cho xem nữa.
Thân bèn dắt Chỉ sang buồng cạnh, có bàn giấy của cha. Chỉ thấy một chồng báo cao đến trần. Thân trỏ cái tủ ở cạnh:
— Đây để giữ các tạp chí đã đóng bìa.
Chỉ nhìn từng tập dày đóng nửa năm một. Anh thấy có đến bốn năm chục tên.
Một lát, anh nói:
— Tôi không ngờ, anh ạ. Mình cũng có nhiều báo, nhiều sách lắm đấy nhỉ.
— Nhưng thấm vào đâu với nước ngoài. Người ta có hàng triệu sách.
Chỉ mở tủ, lấy ra một quyển báo. Anh mở từng tờ để đọc qua các đầu bài. Rồi anh thở dài, cất trả vào tủ. Bỗng anh hỏi:
— Tại sao anh giỏi annamite thế?
Thân mỉm cười:
— Là bởi không bao giờ tôi dùng tiếng annamite để gọi hai tiếng Quốc văn.
— Tôi hỏi thực, anh đừng đùa nữa.
— Bởi vì tôi thích Quốc văn như anh đã thích Pháp văn.
— Anh làm thế nào để thích Quốc văn được.
— Lạ gì! Làm như cách anh đã làm để thích Pháp văn ấy!
— Nhưng Pháp văn khác, Quốc văn khác. Anh so sánh sao được. Pháp văn hay lắm chứ?
— Vậy tôi thấy Quốc văn là hay, nó hợp với tôi hơn.
— Anh cho tôi mượn vài quyển nhé !
— Được, hễ có thì giờ, anh cứ đọc. Rồi anh sẽ phục Quốc văn cũng như phục Pháp văn.
Chỉ tần ngần một lát, rồi nói:
— Thôi, tôi chẳng mượn nữa, vì mợ tôi gàn lắm, cứ bắt mua. Vậy anh bảo nên mua quyển gì nhỉ?
Thân ra tủ sách nhà ngoài nhìn một lượt, rồi lắc đầu:
— Sách hay không biết có còn hay hết rồi. Song, tôi cũng cứ biên cho anh ít tên. Nếu hết, anh đành mua những cuốn không được hay lắm vậy.
Rồi Thân lấy bút chì, ghi độ mười tên, chia làm hai hạng.
Quả nhiên khi Chi đi hỏi sách, hàng nào cũng đáp là hết. Thành thử anh không mua được cuốn nào của Thân mách, đành quay lại nhà bạn, mượn một cuốn hay nhất.
* * *
Chỉ về hớn hở xuống bếp tìm mợ. Mợ nhìn nhan sách, gật đầu nói: — Ừ quyển này mợ chưa đọc.
Anh lấy làm sung sướng vì đã hà tiện tiền cho mợ. Anh lại mách mợ rằng nhà Thân có rất nhiều sách, tha hồ mượn. Như vậy, mợ cứ việc đọc, không phải tốn đồng nào. Rồi anh phải lấy công, xin mợ chỗ tiền ấy để mua sách tây mới được.
Nhưng anh lạ quá. Mãi mợ không bắt đầu xem cuốn truyện anh mượn. Mợ không bận gì cả. Nhiều lúc rỗi, không có việc, mợ thơ thẩn ở ngoài sân. Trái với mọi ngày, bận lắm mợ ham đọc đến nỗi bỏ chậm cả công việc. Cho nên anh hỏi:
— Mợ chưa đọc cuốn truyện mới à?
Thì mợ chỉ đáp mỗi một tiếng:
— Chưa.
Rồi đến khi anh ngốn hết cả những truyện của anh, anh vẫn không thấy mợ bắt đầu đụng đến sách của mợ, dù mợ vẫn có nhiều thì giờ nhàn rỗi.
Một buổi sáng, cậu đi làm, anh mon men để tán tỉnh xin mợ thêm tiền mua sách. Anh nói:
— Mới có quyển roman, à quên tiểu thuyết hay lắm, mợ cho con vay hai đồng để mua.
— Con xin thì mợ cho, chứ vay thì bao giờ trả được.
— Có chứ, cuối tháng cậu cho tiền, con trả mợ.
— Cho tiền để con mua sách thì lúc nào cậu mợ cũng vui lòng. Anh vui sướng quá, pha trò:
— Vả mợ cho con cũng chẳng thiệt nào, vì con đã tìm thấy một kho sách, muốn mượn cuốn nào cũng được.
Mợ vuốt đầu anh, mỉm cười:
— Mợ không thích đọc sách mượn, mợ chỉ thích đọc sách mua. Vì ngoài các thú được đọc, mợ muốn có ích cho cả tác giả.
Chỉ yên lặng, ngẫm nghĩ. Anh liếc nhìn cuốn tiểu thuyết của Thân vẫn nằm nguyên trên mặt tủ chè. Bây giờ anh mới hiểu ý mợ vì sao không đụng đến cuốn sách mà mợ chưa đọc lần nào. Anh nói:
— Thế thì lần này con mua đền mợ vậy. Nhưng con không biết chọn sách đâu.
Mợ mỉm cười:
— Đành rằng đọc sách thì phải chọn, bởi vì có sách có ích, có sách có hại, có sách hay, có sách dở. Nhưng đó là đối với hạng ít tuổi như con. Còn như đến tuổi cậu mợ bây giờ, thì đọc sách nào cũng không có hại, chỉ chẳng may gặp phải sách viết dở quá, thì cũng hơi bực mình mà thôi. Song, mình cũng nên lấy làm bằng lòng vì đã giúp ích cho một tác giả để khuyến khích viết cuốn sau....
Mợ móc túi lấy tiền đưa cho anh.
Lần này anh chiều ý mợ, mua hai cuốn sách quốc văn. Anh bảo của mợ một, của anh một. Kỳ thực anh đương mải xem hai cuốn truyện tây mượn của bạn. Anh đọc sách quốc ngữ chỉ sợ tiếc thì giờ, vì anh chắc chắn là nó không bổ ích gì cả.
Mấy hôm nay mợ sốt.
Cả ngày mợ nằm trong buồng, không ra đến ngoài.
Thày thuốc muốn mợ được yên tĩnh, bảo không cho em Nhật được chơi đùa gần chỗ mợ nằm, nên mợ càng buồn.
Chỉ vốn có hiếu, không mấy lúc anh rời mợ. Anh nói chuyện học và kể cho mợ nghe em Nhật ban nẫy vừa nói năng hóm hỉnh ra sao.
Anh sờ đầu mợ luôn. Thỉnh thoảng mợ nắm chặt tay anh, để lên môi, âu yếm nói:
— Dù mợ ốm đến đâu, nhưng thấy con ngoan ngoãn, săn sóc đến mợ, mợ cũng cố phải khỏi, cho con được vui sướng.
Rồi quả nhiên mợ cất cơn. Nhưng thày thuốc vẫn bắt mợ kiêng gió, không cho ra khỏi buồng. Thấy lúc nào Chỉ cũng băn khoăn, lo lắng, mợ nói:
— Hôm nay mợ khỏi rồi, từ mai, mợ không nằm nữa, mợ sẽ đi lại như thường. Thôi, con cứ ra ngoài chơi với em.
Chỉ nhìn mợ, đặt tay vào má mợ:
— Không, con chả chơi với em. Con ở đây cho mợ vui.
— Mọi khi con không rời quyển sách, mấy hôm nay hẳn chẳng được chữ nào.
— Nghỉ hè, đọc được gì thì đọc, chẳng có thì chơi, ai bắt, con chỉ cần ở cạnh mợ luôn.
Mợ mỉm cười đáp:
— Con tôi ngoan quá.
Rồi chợt nghĩ ra, mợ tiếp:
— À, cuốn sách hôm nọ, mợ xem chưa hết , vậy con đọc cho mợ nghe đỡ buồn nhé.
Tuy là sự miễn cưỡng, nhưng không bao giờ Chỉ nỡ từ chối mợ, nên đáp: — Vâng.
Anh uể oải đứng dậy, đi lấy cuốn sách. Anh chán nản mở từng tờ. Anh nhìn sách như nhìn kẻ thù giết hại thì giờ của anh. Song, anh chắc mợ chỉ nghe độ hai ba trang thì mệt, anh sẽ được nghỉ. Anh hỏi mợ:
— Mợ đọc đến đâu rồi:
Mợ tìm trang, nhưng nói:
— Thôi, con cứ đọc từ đầu, mợ nghe lại cũng không sao. Mợ muốn con cũng hiểu đầu đuôi câu chuyện.
Chỉ mở trang cuối, xem chữ số đề rồi thở dài:
— Ngót ba trăm trang!
Mợ hiểu ý, nói:
— Con đọc nhanh, cũng chóng xong. Nhưng đến đâu thấy mỏi, hoặc thấy chán thì nghỉ. Mai mợ khỏi thực, mợ không phải nhờ con nữa.
Chỉ bắt đầu đọc. Trang đầu, anh không chú ý, nên mắt nhìn miệng đọc, mà trí để đâu ấy. Anh chẳng nhớ gì truyện, chỉ cốt đọc cho nhanh.
Đến trang hai cũng vậy. Nhưng đến hết trang ba, mợ ngắt lại, nói: — À, truyện này chắc hay. Người ta tả khéo nhỉ.
Lúc ấy Chỉ mới hơi để ý. Anh nhìn chậm rãi, nghiền ngẫm từng câu. Bấy giờ anh đọc mới thành mạch lạc, rõ ràng, và thấy có hứng thú.
Vừa lúc đó, vú già vào hỏi mợ muốn ăn gì. Nhân lúc mợ dặn dò vú, anh mở lại các trang trước để xem, cho hiểu câu truyện. Thì ra anh nhận thấy tác giả viết khéo lắm. Câu văn vừa sáng sủa, dễ hiểu, không có đoạn nào cầu kỳ, khiến anh chán nản được. Vả lại truyện kể lại có duyên, nó như có sức lôi cuốn anh, nên anh càng chăm chú. Thế là anh bắt đầu lấy làm khoan khoái.
Khi vú ra, anh đọc nối cho mợ nghe. Và từ lần này, anh để ý đến những trang anh đọc.
Đó là một người lính thợ An nam, hồi Đại Chiến trước tòng chinh sang Pháp, nay về làng thì vừa gặp lúc mẹ già ốm nặng.
Đoạn tả tâm sự người lính khi trở về làng, làm anh thấy hăm hở. Đoạn tả cái buồng tối tăm của bà già nằm rên rỉ, làm anh cảm động, lạnh cả gáy.
Đọc đến trang thứ chín, thứ mười, anh thấy khô cổ. Anh dừng lại, uống chén nước. Mợ ái ngại, cầm lấy sách:
— Thôi, hình như con mệt rồi thì phải.
Nhưng vì anh đã ham câu chuyện, nên đáp:
— Không ạ.
Và anh vẫn đọc nối.
Đến trang hai mươi, đoạn tả hai vợ chồng bàn tính việc làm ma mẹ, nó hoạt- động quá. Anh như được trông thấy cảnh ấy ở trước mắt. Cổ anh lại khô, nhưng anh cố đọc, anh đọc mãi đến trang hai mươi bảy mới nhấp giọng.
Nhưng mợ giật hẳn lấy sách:
— Con mệt rồi, chớ cố mà có hại. Để lúc khác mợ xem một mình cũng được. Vả bây giờ mợ muốn nằm nghỉ.
Anh thất vọng, nhìn cuốn tiểu thuyết gấp trên tay mợ.
Mợ nói:
— Cho con ra ngoài chơi. Bảo em đùa khẽ nhé.
— Vâng.
Rồi anh đắn đo mãi mới dám nói:
— Mợ cho con mượn sách.
Mợ nhìn anh. Hẳn mợ ngạc nhiên lắm. Được cuốn tiểu thuyết, anh vui sướng, rón rén ra ngoài, vào bàn giấy cặm cụi xem nối.
Anh đọc mê man. Vì câu chuyện hay lạ.
Đến bữa, anh phải bất đắc dĩ đi ăn, nhưng cố gượng xem thêm được nửa trang. Rồi vừa buông bát đũa, anh đã vớ ngay lấy sách để đọc nối, giấu cậu. Anh sợ cậu biết, sẽ bị mắng,vì cậu vẫn khuyên làm việc có giờ giấc, nhất là khi ăn xong, phải nên nghỉ ngơi.
Càng đọc anh càng ham. Đến tối anh bật đèn cạnh giường để đọc. Chín giờ là giờ ngủ, anh đã đến quá nửa quyển, nhưng phải tắt đèn đi. Anh trằn trọc, nghĩ mãi về những nhân vật, và đoán kết cấu câu chuyện. Anh mong chóng đến sáng, để xem nốt. Anh thương vợ người lính tốt bụng mà bị long đong. Anh phục ông bác người lính là kẻ cả, biết cần kiệm cho cháu, và nhất định bỏ những hủ tục nó làm cho người ta điêu đứng.
Rồi hôm sau, anh dậy thực sớm. Rửa mặt xong, anh đọc sách liền.
Khi thấy tiếng mợ, anh mới vào buồng hỏi thăm. Mợ bảo mợ sẽ dậy, để ra nhà ngoài. Anh khoe với mợ cuốn truyện thì mợ cho anh xem trước, và không bắt đọc nữa.
Cho nên anh lại miệt mài vào những trang giấy. Anh xem rất nhanh. Chỉ vài phút xong một trang.
Trước giờ ăn, anh đã xong cả quyển.
Anh gập sách lại, bâng khuâng.
Rồi đến bữa cơm, anh thấy mợ ngồi ở bàn, nên càng vui vẻ: — Mợ ạ, sách hay lắm.
— Con đã đọc hết rồi à?
— Vâng.
— Chóng nhỉ.
— Vì chuyện hay, nên đọc ham, chóng hết.
Cậu hỏi:
— Câu chuyện thế nào?
Anh kể từ đầu đến đuôi cho cậu mợ nghe, không có sót chỗ nào. Khi đến đoạn kết, cậu bĩu môi, nói:
— Thế thì có gì là hay.
Anh tức, cãi:
— Hay lắm, thế là hay lắm. Truyện tây cũng đến thế là cùng. Cậu tủm tỉm, vờ ngạc nhiên:
— Truyện ta viết hay sao bằng truyện tây. Đọc phí thì giờ, mua phí tiền, con ạ.
Chỉ biết cậu nhạo, cười lạt. Mợ vỗ vào má anh nói:
— Thế từ nay con còn khinh tiếng ta nữa hay thôi.
Anh bẽn lẽn:
— Tại con chưa đọc cuốn nào. Trước kia con dại dột, và nhắm mắt nói liều. Từ nay con nguyền rủa những người nói thế.
Cậu gật gù:
— Cho nên chưa biết thì đừng nói một cách hàm hồ. Từ nay hẳn con đã khôn ngoan, biết tin và yêu tiếng ta.
— Và con còn lấy làm kiêu ngạo rằng Quốc văn còn tiến bộ đến chỗ hoàn toàn.
Mợ đùa:
— Nếu thế thì nhà ta có phúc lắm nhỉ.
Anh ngậm ngùi:
— Rồi con sẽ đọc, đọc rất nhiều sách Quốc văn.
Cậu vỗ tay.
Rồi cậu mợ cùng cười rầm, Chỉ vui sướng, cười to hơn. Em Nhật nhấp nhổm trên ghế, cũng cười. Và vú già, vừa đánh cháy vừa mủm mỉm.
• 1942
ĐỒNG TRINH GIA LONG
N
gày trước, độ tôi còn bé, có một lần tôi mua một thức gì mà tôi quên đi mất, người ta trả lầm lại tôi một đồng trinh Gia long.
Đồng trinh Gia Long cũng to vừa bằng đồng trinh Khải Định, nên vì vô ý hoặc vội vàng, ngay lúc ấy, tôi cứ bỏ tọt vào túi.
Nhưng mà, về đến nhà, thấy bị thiệt mất nửa xu, tôi bực mình quá.
Không thể làm cách gì tiêu được đồng ấy, tôi đành cất nó vào hộp. Mà luôn trong nửa tháng trời, hễ lúc nào tôi nhìn đến nó đã lên dỉ, là lòng tiếc của lại cắn rứt tôi, có khi đêm nằm chỉ thở dài, trằn- trọc mãi không ngủ được.
Sốt ruột không chịu được, tôi phải nghĩ kế tống nó đi.
* * *
Lần ấy tôi được nghỉ lễ ba ngày.
Hôm tôi sắp về nhà quê, tôi nghĩ đến sáng hôm
Sau phải đi xe lửa sớm mà chợt tôi được thấy ngay một ý rất hay.
Tôi định rẽ ra ga ngay từ lúc năm giờ. Lúc ấy hẳn là trời còn tối, chưa rõ mặt người. Như thế, nhân dịp tốt, tôi sẽ vào một hàng quà ở trước cửa ga, để mua một thứ gì cần trả tiền bằng xu lẻ. Rồi khi trả tiền, tôi đếm cả đồng trinh Gia Long lẫn vào những trinh Khải định. Thế thì có trời biết.
Suốt đêm tôi thấp thỏm mừng thầm, đắc chí lắm.
* * *
Sáng hôm sau, tôi đến ga rất sớm.
Đứng ở hiên, tôi móc túi, lấy đồng trinh Gia long, ghé vào tận dưới ngọn đèn để xem cho kỹ, rồi cho riêng vào một túi. Tôi đi sang dãy hàng cơm bên kia đường, chọn một nhà có người xem chừng còn ngái ngủ mới vào. Tôi mặc cả một phong bánh khảo để đem về làm quà cho em bé tôi:
— Mấy xu một phong bánh khảo thế bà?
— Bảy xu!
— Bốn xu có được không?
— Không!
— Thế bốn xu rưỡi vậy.
— Gớm! Cậu này mua bán chặt chẽ quá! Sáu xu, thực giá đấy! — Thôi, năm xu, bà bán cho tôi.
— Không được, sáu xu kia!
Chẳng được giá, tôi bỏ đi. Nhưng vừa bước khỏi nhà, bà hàng đã gọi giật lại:
— Này, cậu mua bánh khảo! Năm xu rưỡi đấy.
— Không, tôi chỉ có năm xu thôi.
Rồi tôi lại đi.
— Này, lại đây. Cậu lấy hai phong, tôi bán rẻ cho một hào. — Không, tôi chỉ mua một phong thôi.
Tôi không bằng lòng mua hai phong, chẳng phải tôi không đủ tiền. Nhưng nếu tôi trả một hào, thì đồng trinh chết rấp ấy, tôi đẩy nó đi sao được.
Mặc cả hàng bên cạnh, tôi cũng bị người ta nói thách, tôi bèn bụng bảo dạ:
“Thôi, năm xu rưỡi cũng được, cốt mình trả được bằng tiền trinh là khá rồi.”
Nghĩ vậy, tay tôi thọc vào túi, đếm mười đồng trinh, và nhét đồng Gia long vào giữa là mười một. Tôi đến hàng ban nãy, nói:
— Nào, năm xu rưỡi, bà bán cho tôi một phong.
Bà hàng uể oải mở tủ. Tôi vẫn nắm trong tay mười một đồng trinh. Rồi sự khôn ngoan lại xui thêm tôi nên đứng chân trong chân ngoài, để lúc trả tiền xong, tôi cần cắm cổ đi cho chóng, kẻo người ta gọi lại.
Bà hàng lấy phong bánh, nói:
— Bánh này ngon lắm, đáng sáu đồng xu của tôi.
Tôi mỉm cười. Vì tôi lấy làm khoái trí rằng sẽ được lợi hẳn một xu! Bà hàng đẩy gói bánh lên mặt quầy. Tay tôi vẫn thọc sẵn vào trong túi. — Nào, trả tiền đi.
Tôi rút nắm trinh ra. Nhưng vì vội quá, tôi đụng tay đánh rơi mất hai đồng.
Lúng túng, tôi cúi xuống tìm. Khi nhặt được đủ, tôi lại có ý để đồng trinh Gia long len vào giữa, rồi nhanh như cái cắt, tôi đặt cả cọc tiền lên mặt tủ và giao hẹn:
— Tiền đây, bà nhé!
Nói xong, trống ngực thình thình, tôi quay gót bước một mạch cho mau, vừa đi vừa thỉnh thoảng quay lại nhìn, yên trí sao cũng được nghe tiếng:
— Này! đổi cho tôi đồng khác!
Nhưng may quá! Bà hàng đã đếm tiền xong, mà cũng chẳng thấy gọi tôi lại. Đến hiên ga, tôi vừa thở vừa nhìn lại: trong hàng, tôi không thấy bà ấy nữa. Một người khác đã ra coi thay từ bao giờ.
Mừng quá! Thật là may mắn! Từ nay đỡ nỗi bực mình. Thành ra tôi khôn một tý hóa được một xu lợi.
* * *
Ngồi trên xe lửa, vơ vẩn, tôi nghĩ tới em bé tôi. Chắc thoạt thấy tôi về, nó mừng rỡ. Khi đòi quà mà được phong bánh khảo, thì hẳn nó reo ầm, mừng quýnh, ôm chặt lấy tôi mà hôn. Nghĩ đến cảnh tượng ấy, tôi sung sướng, đắc chí lạ thường.
Rồi hai tay vùng vẫy, tôi tung tăng đi lên đầu toa, lại xuống cuối toa.
Lúc chợt muốn biết bánh khảo ấy hiệu gì, tôi sực nhớ ra... Khổ quá! Quái! Lạ thật...
Tôi ngẩn người, cau mặt để nghĩ. Tôi nghĩ lại từng lúc một, thì dần dần mới nhớ đích là tôi đã bỏ quên phong bánh ngay ở hàng cơm.
Bởi vì được tiêu thoát đồng trinh Gia long, tôi vừa mừng, vừa lo, nên cứ cắm cổ chạy, quên bặt mất không cầm gói bánh. Thảo nào tôi không thấy nhà hàng gọi tôi!
Chán quá!...
• Năm 1935
ĐẢNG RỔ BẪY
I
Nóng ruột
N
ghe gọi đến tên mình, Tâm cuống lên, trống ngực nổi mạnh. Tâm chỉ muốn rú lên một tiếng thật to cho bõ sướng. Cho nên, chẳng thể đứng lâu để nghe hết tên những người đỗ, Tâm nóng ruột, cố lách tấm hàng rào người, ra chỗ rộng rãi cho thoáng khí để được múa may nhẩy nhót cho rãn thịt rãn gân.
— Thế nào? Anh Tâm có đỗ không?
— Anh Tâm đỗ rồi chứ?
Gật đầu huyên thiên để trả lời các bạn, Tâm liến thoắng khoe kỳ thi vấn đáp.
Bỗng một hồi vỗ tay ran như pháo nổ, kế đến tiếng nói cười xôn xao, tiếng reo hò rầm rộ.
— Xong rồi à? Anh có đỗ không?
— Năm nay trường ta đỗ nhiều hơn năm trước nhỉ!
Rồi người vui, kẻ buồn, ai nấy tản mát mỗi người một ngả.
Trong lòng hồi hộp, Tâm vội cả êm cổ đi thật mau về nhà. Nhưng Tâm nhìn thấy cái rặng tre làng lù lù đằng trước, cách những một thôi nữa, thì nóng ruột quá. Mọi chiều về học, Tâm không mong nên không thấy đường xa. Tâm chỉ ước được đôi cánh như chim để bay vụt vèâ nhà, báo tin ngay cho cha mẹ biết.
Đi rẽ sang con đường hẹp, Tâm trông trước trông sau, thấy rặt những
người lạ cả. Thế thì Tâm không thể làm thế nào cho họ biết ta đây mới đỗ Sơ học Yếu lược được. Bởi vậy, càng không lộ được ra ngoài cái sung sướng, cái danh giá, Tâm thấy hậm hực mà càng phải đi rảo bước.
Lúc bấy giờ, rặng núi xám uốn lưng rồng đằng xa đã nuốt hết hòn ngọc lửa đỏ chói. Trên nền trời lam những đám mây trắng, hồng, tan họp. Gió hiu hiu. Bể lúa rập rềnh nổi lên làn sóng xanh rợn. Chẳng mấy chốc, cổng làng đã hiện ra trước mắt, Tâm càng đi tới gần, càng thấy vui vẻ.
Tiếng ve reo. Rặng bương nổ mấy tiếng pháo. Cành tre dang hai tay ra đón. Ngọn xoan cúi xuống chào. Bụi ruối nép bên vệ đường nhường lối. Lá cau phần phật vẫy. Hoa râm bụt hé miệng cười. Cái gì cũng như có vẻ mừng người mới đỗ. Thế thì chắc cha mẹ Tâm cũng đứng nấp đâu đây để bất thình lình chạy xổ ra, ôm choàng lấy Tâm mà hỏi chuyện. Mà người làng có lẽ đứng sếp hàng cả ở sân đình để chờ tin Tâm. Nếu thế thực, thì vẻ vang cho Tâm biết ngần nào.
Tâm qua cổng làng, lòng càng hồi hộp. Bộ mặt nghiêm trang, ta đây kẻ giờ, Tâm nhìn thẳng, đi rất hùng dũng oai vệ.
Nhưng mà Tâm chẳng gặp ai hỏi han một điều nào. Mà hình như không ai để ý đến cái người thông thái, từ nay chẳng phải đứa bé tầm thường!
Thấy ai nấy lạnh lùng, Tâm chán quá. Chẳng lẽ tự nhiên lại đi khoe rằng mình mới đỗ. Cho nên Tâm khinh đứt hạng người chưa biết xứ Bắc kỳ có mấy đường xe lửa, và không được trông thấy thứ ruồi đi giầy, biết sách va ly vi trùng thổ tả và ho lao!
Qua cửa đình, Tâm thấy người ta tụm năm tụm ba, Tâm mừng thầm, sắp sẵn câu trả lời. Nhưng hão quá, vẫn chẳng ai hỏi han. Trái lại, người thì lại tròng trọc nhìn Tâm, người thì nói chuyện trộm cướp, người thì mê mệt vì nghe. Tâm khó chịu quá.
Vẫn lấy dáng đứng đắn, Tâm thẳng thắn đi rõ mau. Không cần. Người mong tin Tâm đỗ, thì là cha mẹ Tâm kia. Chỉ có cha mẹ Tâm, thấy Tâm đỗ mới cùng Tâm sung sướng.
Tâm rẽ vào trong ngõ. Rồi không thể bước từng bước nữa, Tâm cắm cổ
chạy. Thích quá, Tâm sắp mồm reo.
Nhưng đến cổng, Tâm đứng dừng lại, lắng tai nghe xem cha mẹ đang làm gì.
Song chẳng thể đứng lâu, Tâm đã ba chân bốn cẳng, mắt hoa lên, vừa chạy, vừa gọi:
— Thày u ơi, con đỗ rồi.
Rồi Tâm cười khanh khách, nói một thôi một hồi:
— Buổi sáng con ở nhà ra đi còn là thằng học trò khổ, bây giờ đã thành ra ông Sơ học Yếu lược! Hà! Hà!
Nhưng Tâm ngạc nhiên: chẳng có cái gì tỏ vẻ mừng Tâm cả. Tâm im để nghe, nhìn khắp các chỗ. Ô hay! một tiếng động cũng không.
Tâm bước vào nhà, ngó trong buồng, rồi xuống dưới bếp, ra đằng sau. Cha mẹ Tâm đâu? Có lẽ nào bây giờ ở ngoài đồng còn chưa về? Vả cha Tâm dù đã khỏi sốt, chắc cũng chưa thể đi làm ngay được. Thế thì cha mẹ Tâm đâu?
Tâm đành yên lặng ngồi chờ, nhưng nóng ruột lắm. Mà sự yên lặng ở xung quanh cũng không giảng nghĩa cho Tâm hiểu thêm một tý gì.
Tâm tung tăng đi ngoài sân, đã hơi bực mình. Sao cha mẹ vội đi đâu, mà không chịu khó hãy ở nhà để đợi Tâm về đã?
Mà sao cha mẹ Tâm mãi không về? Chiều rồi. Bếp thì đã tắt ngấm tắt ngầm! Bao giờ mới được ăn cơm đây?
Tâm càng chờ càng thấy bặt tin tức, nên thỉnh thoảng chạy ra cổng ngó. Vẫn thấy vắng tanh, Tâm buồn, bồn chồn cả người.
Sao thời giờ nó đi chóng thế. Trời đã sâm sẩm rồi.
Tâm đứng chờ hẳn ở cổng. Quái thật!
Rồi Tâm ra hẳn ngoài đường cái. Làm sao cha mẹ Tâm đi đâu lâu thế? Ở trước cổng các nhà, Tâm thấy từng bọn đứng túm tụm nói chuyện.
Nhiều người lại nhìn Tâm nữa.
Tâm không hiểu chuyện gì cả. Mà đứng đây mãi cũng thế thôi, Tâm vẫn chẳng thấy hút cha mẹ đâu cả.
Cảnh vật như xê dần vào chỗ nhá nhem. Bụng Tâm thấy đói lắm. Hết cả vui. Tâm luẩn quẩn tự hỏi tại làm sao chiều nay đường làng có vẻ khác mọi ngày, mà ai cũng ra dáng ngơ ngác. Ngay trong nhà Tâm thấy như có cái gì buồn buồn, mà cha mẹ thì vắng nhà đến gần tối.
Tâm chẳng tài nào trả lời được những câu hỏi khó khăn, bí mật, nên không thể đi đâu được nữa. Tâm bèn đến gần các người. Thoảng nghe, Tâm vẫn thấy chuyện cướp.
Người ta chỉ chỏ Tâm và nhìn Tâm bằng con mắt ái ngại.
Bỗng tự nhiên Tâm thấy chột dạ, như đoán được cái tai nạn. Tâm không đứng được phải hỏi ngay:
— Bác Tự nhỉ, thày u tôi đi đâu thế, biết không?
Bác Tự cười một cách thương hại đáp:
— Thày mày bị bắt giải đi từ trưa. U mày theo thày mày lên huyện.
Tâm rật nẩy mình, tái mét mặt. Mọi người yên lặng, nhìn Tâm. Tâm rưng rưng nước mắt nức nở khóc:
— Thày u ơi! Thày u ơi!
Một lúc, cố nhịn đau đớn, Tâm lau nước mắt nhìn bốn bên. Xung quanh, người xúm xít. Tâm lại vừa khóc vừa hỏi:
— Thày tôi tại sao bị bắt, bác có biết không?
Một bà thở dài, chép miệng:
— Khốn nạn thằng bé! Tại tối hôm qua thày mày đi ăn cướp nhà ông Chánh.
Nghe nói cha đi ăn cướp, Tâm như bị sét đánh mở trừng mắt nhìn mọi người:
— Cướp bao giờ? Cướp ở đâu ? Thày tôi mà đi ăn cướp à?
— Cướp đêm qua, nhà cụ Chánh dưới cuối tổng.
Rồi người ta bảo nhau:
— Ừ, nó ngủ khì thì còn biết gì!
Không thể nén được nỗi khổ tâm nữa, Tâm lại vừa khóc vừa nói:
— Thế các ông các bà không kêu oan cho thày tôi à? Thày tôi hôm qua sốt. Có tôi biết. Tôi ngủ cả đêm với thày tôi. Đến tận sáng hôm nay, đầu thày tôi vẫn còn nóng lắm. Thế thì thày tôi đi ăn cướp lúc nào? Mà xưa nay có ai gặp thày tôi đi ăn cướp bao giờ không? Thày ơi! sao thày không nói rõ thế, lại để cho người ta bắt?
Thấy những lời nói thật thà, tha thiết, ai nấy yên lặng, cảm động.
Tâm vẫn khóc, vẫn kêu, trách móc cả mọi người, bằng những câu thơ ngây, đến nỗi ai cũng phải buồn cười.
Một người đi qua đường, đứng lại nghe rồi nói to:
— Ai thế? thằng Tâm đấy à? Thày mày bị bắt oan thì mày lên huyện mà kêu!
Người ta cho là câu pha trò lý thú, phá ra cười.
Rồi trời tối.
Lác đác, ai về nhà nấy.
Độ trong mười lăm phút, ở chỗ tụ họp đông đúc cười nói vừa rồi, còn trơ ra có một mình Tâm đứng thút thít khóc...
T
II
Nỗi oan
âm về nhà, đau đớn như người bị thương, nghĩ mãi không biết đám cướp nhà ông Chánh xảy ra lúc nào. Nhưng dù lúc nào, thì cha Tâm cũng là bị bắt oan. Tuy chưa ăn cơm, nhưng Tâm không thấy đói nữa. Những nỗi thương cha, nhớ mẹ đã chứa chất đầy ruột gan Tâm rồi. Tâm ngồi đầu hè, ti tỉ khóc. Bác Trưởng bên hàng xóm nghe tiếng, ái ngại, gọi Tâm và hỏi có đói không. Nhưng Tâm lắc đầu, chỉ xin chiếc diêm để thắp đèn cho sáng.
Lần đầu, Tâm ở nhà một mình trong khoảng đêm tối. Nhìn ra ngoài, Tâm thấy đen kịt, thì đâm sợ. Rồi nghĩ đến đám cướp và nỗi oan ức của cha, Tâm bỗng sợ và sửng sốt cả người.
Chợt Tâm thấy cái bóng người ngoài sân. Tâm hết hồn. Nhưng một tiếng quen quen đã làm Tâm yên dạ:
— Anh Tâm không đóng cổng à?
Tâm trả lời bác Trưởng:
— Vâng, cháu quên.
Được có người đến nói chuyện, Tâm đỡ thấp thỏm và vui vẻ quá. Bác Trưởng bảo:
— Anh sang bên tôi mà ăn cơm, tôi để phần đấy.
— Thưa bác, cháu không đói.
— Tôi để phần thật đấy. U anh lúc đi, có dặn tôi rằng khi nào anh về, thì gọi anh sang ăn cơm. Thế anh về lúc nào mà tôi không biết?
— Cháu về lúc chiều. Cháu thấy thày u cháu không có nhà, cháu chờ mãi. Rồi lúc tối, cháu hỏi, mới biết thày cháu bị bắt.
Bác Trưởng nhìn Tâm, ái ngại nói:
— Phải, thày anh bị bắt. Khốn nạn!
Động tâm, Tâm nức lên khóc. Bác Trưởng dỗ:
— Thôi nín đi. Rồi mai thày anh được về, cần gì.
Tâm nghiến răng nói:
— Nhưng mà họ bảo thày cháu đi ăn cướp, bác ạ.
Bác Trưởng thong thả, gật đầu:
— Phải.
— Thế lúc thày cháu phải bắt, bác có biết không?
— Có, tôi thấy lao xao bên này, tôi mới nhòm sang.
— Ai bắt thày cháu?
— Ông Huyện.
— Ông Huyện ấy à? Có phải cái ông bằng trạc tuổi bác, mà đeo cái thẻ bài ngà ở ngực phải không?
— Phải.
Tâm tươi tỉnh nhìn bác Trưởng bằng hai mắt sáng quắc, chan chứa vẻ vui:
— Thế thì cháu biết ông ấy. Đã có lần ông ấy vào lớp cháu, xem sách cháu và khen cháu. Thế thì rồi cháu đến nhà ông ấy để kêu oan cho thày cháu. À bác ạ, sao lúc thày cháu bị bắt, bác không nói cho thày cháu.
— Nói thế nào được?
— Có ai kêu oan hộ thày cháu không?
— Không, vả ai kêu được.
— Mà thày cháu cũng không kêu à?
— Nghe đâu có, nhưng người ta cứ bắt đi.
— Thày cháu oan lắm, bác ạ.
Bác Trưởng gật đầu:
— Nhiều người biết thế, nhưng đâu chính kẻ cướp xưng ra thày anh, và lại có giấy má của chính tay thày anh viết nữa kia.
Tâm trừng trừng nhìn bác Trưởng, tỏ ý căm giận. Rồi dậm chân xuống đất, Tâm nói:
— Thế thằng cướp đâu hở bác?
— Nó chết rồi. Hôm qua tuần làng đuổi được một thằng cướp, rồi đánh nó đau quá. Khi sắp chết, nó mới thú thế.
Tâm lại xịu mặt, buồn bã:
— Không có lẽ nào, bác ạ. Thế này nhé, hôm qua, lúc cháu thi xong kỳ vấn đáp rồi, cháu mới về nhà. Lúc ấy độ vào khoảng bốn giờ chiều, u cháu còn ở chợ, mà thày cháu cũng đi ra đồng chưa về. Cháu ra để khoe các bài với thày cháu thì cháu thấy thày cháu ngồi tựa vào gốc đa đống Rố, có dáng mệt nhọc. Cháu hỏi thì thày cháu bảo đang lên cơn sốt. Cháu sờ đầu thày cháu, thấy nóng quá. Cháu mới dắt trâu và nói với thày cháu về nhà. Đi đường, thày cháu lao đao, lử đử, mấy lần suýt ngã. Nhưng may, về nhà được bình yên. Thày cháu lủi thủi lên giường, kéo mấy cái chiếu ra đắp. Lúc u cháu đi chợ về, mới luộc trứng đánh gió cho thày cháu.
— À, phải, tôi còn nhớ u anh mượn tôi đồng bạc đồng.
— Bác để cháu nói nốt cho bác nghe. Thế rồi thày cháu mãi không khỏi. Thày cháu bỏ bữa cơm, cứ nằm rên, mà người nóng như hỏa lò than. Lúc tối, ngoài ngõ có người gọi thày cháu, thày cháu không gượng dậy được, nên u cháu phải nói dối là thày cháu đi vắng?
— À, hay là vì thế mà người ta nghi cho thày anh chăng?
— Thế rồi thì cháu ngủ với thày cháu. Chính cháu nằm cạnh thày cháu mà cháu có được chợp mắt lâu đâu. Thỉnh thoảng thày cháu cựa hay rên, hay gọi, thì cháu lại phải dậy. Mãi đến sáng mới đỡ nóng. Nhưng mà thày cháu không dám đi làm vội. U cháu cũng nghỉ buổi chợ. Lúc cháu đi xem bảng thi, cháu sờ đầu thày cháu, thày cháu bảo: “Hôm nay tao không đi ra
đồng. Chắc độ thì khỏi thật. Mày cứ yên tâm mà đi. Có đỗ phải về ngay báo tin nhé.”
— Cháu chờ từ sáng đến chiều mới có bảng. Lúc về, thì thày cháu phải bắt rồi. Thày cháu oan lắm bác ạ. Mai bác lên Huyện với cháu.
Được nói một hồi để tỏ bày hết các công việc Tâm như nhẹ nhàng cả người.
Bác Trưởng thở dài:
— Ừ, thảo nào, lúc bị bắt, tôi thấy thày anh tái mét mặt, ngồi sổm bó rò ở sân, gục mặt vào cánh tay, có lẽ chưa khỏi thực cơn sốt.
— Lúc ấy hồi mấy giờ, hở bác?
— Vào mười giờ sáng.
— Thế thì chắc thày cháu đang sốt, bác ạ.
Nói xong, Tâm thương cha, nức nở khóc, hỏi:
— Người ta có trói thày cháu không, hở bác?
Bác Trưởng lại thở dài, vỗ vai Tâm an ủi:
— Có. Nhưng trói không chặt.
— Khốn nạn thân thày, thày ơi! Thế mà người ta cứ đưa thày cháu đi à, hở bác?
— Phải, nhưng thày anh nhất định không chịu theo người ta. — Phải rồi, tội gì mà đi.
— Nhưng không đi không được.
— Không đi thì người ta làm gì nổi, bác nhỉ.
— Người ta đánh chứ!
— Thế người ta có đánh thày cháu không?
— Có.
Tâm giật mình đánh thót, lại rưng rức khóc. Bác Trưởng động lòng, lắc
đầu và rớt nước mắt. Tâm nghĩ đến cái cảnh cha đang ốm, rên, nằm yên trên giường, bỗng bị một lũ người lôi dậy rồi trói, rồi đánh, rồi lôi đi. Đau đớn làm sao. Bác Trưởng dỗ dành mãi, Tâm hỏi:
— Thế bác có biết người ta bảo thày cháu đi như thế độ mấy hôm thì về không?
— Không, người ta chỉ bảo thày anh ăn cướp vì chính thày anh đã viết giấy hẹn bọn cướp.
— Hẹn gì hở bác?
— Hẹn đến nhà ông Chánh ăn cướp, mà thày anh đưa đường hộ.
— Thày cháu sốt, thì đưa đường thế nào? Hôm qua cướp lúc nào, cả nhà cháu có biết tý gì đâu! Xưa nay thày cháu hiền lành, có biết ăn cướp thế nào! Thày cháu oan lắm, bác ơi. Bây giờ người ta đưa thày cháu đi đâu?
— Lên Huyện.
— Chắc thày cháu phải ngồi tù đấy, bác nhỉ?
— Hẳn thế!
— Nếu ngồi tù thì ngày phải làm lụng khổ sở tối phải cho chân vào cùm, bác ạ. Thế ngồi tù thay có được không nhỉ, bác?
— Không.
— U cháu bao giờ về, bác có biết không?
— Tôi không kịp hỏi. Vì lúc ấy cuống lên, còn nhớ gì mà dặn.
Ngồi đó ít lâu, bác Trưởng lại bảo Tâm sang ăn cơm và sang nghỉ bên ấy. Nhưng nhất định Tâm không nghe, đáp: - Bây giờ thày cháu còn đói, còn khổ bằng mười cháu ấy. Thôi bác để cháu ở nhà coi nhà.
Rồi bác Trưởng về. Tâm đi tiễn rồi đóng và chặn cổng cẩn thận. Tâm thương cha, nhìn chỗ cha nằm, thấy những chiếu xộc xệch, thì bùi ngùi, không hiểu rồi sau này bao giờ cha con mới được sum họp.
S
III
Tôi làm chứng
áng hôm sau, Tâm dậy rất sớm, tìm nồi và gạo, để thổi cơm ăn. Thương hại quá! Đã mười hai tuổi đầu, mà vì từ thủa bé chưa hề
phải vào bếp bao giờ, nên Tâm rất lóng ngóng, cơm thành ra vừa sống vừa khê. Lại còn nỗi không có đồ ăn, nên Tâm cố nhắm mắt nhắm mũi mới nuốt được một bát cơm nhạt.
Ăn xong, Tâm vội vàng đi lên huyện. Muốn chóng được biết tin cha bị tai nạn thế nào, Tâm cố đi rảo cẳng cho chóng tới nơi. Tâm chỉ lạy trời đi nửa đường gặp cha mẹ về, thì vui vẻ biết ngần nào.
Người làng Tâm, ai cũng nhìn theo, ái ngại. Có người hỏi đi đâu, thì Tâm ngây thơ đáp:
— Tôi lên Huyện để kêu oan cho thày tôi.
Nghe câu nói thật thà, ai cũng phải buồn cười mà không tin.
Nhưng mà Tâm lên Huyện thực. Việc này, Tâm đã định bụng ngay từ lúc nghe thấy một người tinh nghịch, xui đùa Tâm thế. Nhưng bé dại như Tâm tưởng người ta xui khôn.
Vả quan Huyện đã lầm mà bắt cha Tâm, thì Tâm tưởng còn gì phải hơn là Tâm đến tận Huyện mà làm chứng rằng cha Tâm không đi ăn cướp.
Đi đã được xa, song Tâm không thấy mỏi, vì lòng ngổn ngang, đang sốt sắng cố mong cho chóng tới Huyện.
Tâm biết đường, vì Tâm đã đến trường Huyện thi Sơ học Yếu lược. Huyện ở cách trường thi ngót một cây số, mà hôm trước bạn bè đã trỏ cho Tâm cái lô cốt và ngọn cờ tam tài phấp phới ở cổng vòm rồi. Cho nên bây giờ Tâm cứ theo đường cũ và nhìn cái lô cốt mà đến.
Chẳng mấy chốc, Tâm đã qua nhà trường. Hôm ấy chủ nhật, nên các cửa đóng, mà sân cũng lặng lẽ. Tâm nhớ lại buổi hôm trước, chỗ ấy ồn ào, tấp
nập, mà chính nó đã làm cho Tâm được những phút sung sướng. Nhưng bây giờ, Tâm được sung sướng lại không được gặp cha mẹ để báo tin. Trái lại, chẳng may về nhà Tâm thấy cha tù tội, mẹ vất vả, thì lòng Tâm bây giờ cũng lạnh lẽo chẳng khác gì cái sân trường buồn bã này.
Đi quá một chỗ quành, Tâm đã bắt đầu thấy mấy cái mái ngói đỏ sẫm hiện ra ngoài tầng lá xanh biếc. Rồi những nhà tranh xám, những tường vôi trắng, san sát như chen nhau thành dẫy ở hai bên đường cái nắng chang chang.
Tâm hồi hộp. Chính trong khóm nhà ấy, đêm qua, Tâm đã gửi hai thứ của báu, tức là hai cha mẹ. Tâm muốn chạy cho mau tới.
Nhưng Tâm không chạy vì Tâm chán nản quá. Đến bây giờ mà vẫn chưa gặp cha mẹ Tâm về, thì còn mong nỗi gì.
Bước chân vào phố Huyện, Tâm có ý nhòm kỹ vào các hàng cơm, để tìm mẹ. Gặp mẹ, Tâm sẽ được òa lên khóc, chạy lại ôm lấy mẹ, gục mặt vào vai mẹ mà kể lể nỗi mình từ chiều hôm qua đến nay. Gặp mẹ, Tâm sẽ được biết rõ đầu đuôi việc cha phải bắt, và hỏi tại sao mẹ Tâm và cả đến cha Tâm nữa, không ai kêu rằng oan để quan Huyện tha cho. Gặp mẹ, Tâm sẽ được rõ lúc cha Tâm bị trói thì đã khỏi sốt chưa, phải đánh có đau không, và hiện nay đã thật khỏe mạnh như cũ chưa.
Tự nhiên, Tâm nghĩ bấy nhiêu điều, nước mắt cứ ràn rụa ra, rồi Tâm nức nở khóc.
Người hàng phố ai thấy thằng bé con ôm áo lên mặt mà gào cũng đổ ra xem, hỏi nhau và đi theo. Thì ai hiểu được!
Người ta tưởng là một đứa phải đòn. Người ta lại tưởng là một đứa bị lạc.
Nhưng người ta thấy Tâm quành vào phía cổng Huyện thì ai nấy ngơ ngác nhìn nhau và đứng dừng cả lại.
Ở cổng Huyện, người lính canh, đang bồng súng trên vai, đứng vắt chân chéo kheo, cũng tròng trọc nhìn Tâm khóc. Lúc thấy Tâm đi tới gần, người ấy không khỏi lấy làm lạ.
Người ấy tưởng Tâm đi lầm đường, bèn đứng chắn cổng và hỏi: — Đây không phải chỗ mày đi! Ra ngay!
Khóc lóc, Tâm nói:
— Thưa ông, phải, tôi vào đây.
Người lính trừng mắt, hỏi:
— Mày có biết đây là đâu không mà dám láo?
— Có, thưa ông, đây là Huyện.
Thấy Tâm cứ tự do đi vào, người lính cầm tay, lôi mạnh ra. Nhưng Tâm khóc to hơn. Người ta kéo vào xem, vòng trong vòng ngoài. Tâm cứ lăn xả vào, nên bị người lính dúi mạnh, ngã xoài ra đất. Tâm vừa nằm cong queo vừa chắp hai tay vái lấy vái để:
— Lạy ông, ông làm phúc, cho tôi vào.
— Mày hỏi ai? Liệu hồn! Đừng dở khôn dở dại mà tù thì chết! — Lạy ông, tôi không dại.
Nói đoạn, Tâm lóp ngóp bò dậy, mặt mũi, quần áo lấm bê bết. Người lính hỏi:
— Mày vào đây làm gì?
— Thưa ông, tôi hỏi quan Huyện.
Mọi người giật mình, nhìn nhau, cùng muốn biết rõ chuyện gì. Nhưng người lính bảo:
— Mày muốn sống thì ra ngay!
Rồi người ấy trợn mắt, giơ báng súng trước ngực Tâm và dọa: — Không đi thì tao cho cái này bây giờ!
Nhưng Tâm chẳng hề sờn lòng, cứ chen người lính:
— Tôi hỏi quan Huyện.
— Quan trẻ con với mày à?
— Không. Tôi hỏi quan để kêu oan cho thày tôi.
Mọi người đang im lặng, thấy Tâm nói câu ấy thì hiểu ngay rồi bảo nhau:
— À, nó là con thằng cướp hôm qua đấy mà.
Tâm nghe tiếng, tức quá, lau nước mắt, cau mặt, giận dữ nhìn mọi người. Tâm chỉ muốn có sức mạnh để ra vả ngay vào miệng ai đã dám bảo cha Tâm là kẻ cướp. Tâm hất hàm, cà khịa:
— Ai bảo tôi là con thằng cướp?
Mọi người cười rầm. Cả người lính cũng vừa nhếch mép, vừa lẳng Tâm một cái rõ mạnh đến nỗi Tâm lại ngã dúi dụi.
Người ta cười rầm lên.
Người lính lại đuổi:
— Bước ngay!
Uất lên không chịu được, Tâm quyết gây chuyện với mọi người mà Tâm cho là kẻ thù cả. Song Tâm cho là vô ích, nên lại đứng dậy xoa đùi, dịu dàng nói tử tế với người lính:
— Ông làm ơn cho tôi vào hỏi quan.
Người lính thấy Tâm dại quá, bèn quát:
— Quan đi vắng! Phúc cho mày, nếu ngài có nhà thì mày chết rồi! Bên tai, Tâm thấy những tiếng:
— Thằng bé ấy điên à?
— Sao nó dại dột thế!
Tức đầy ruột, nhưng Tâm không thèm đáp, Tâm lại nằn nì với người lính:
— Ông cho tôi vào với cha tôi vậy. U tôi đâu, ông làm phúc bảo tôi. — Chỗ này không phải chỗ đùa của mày. Muốn tù theo bố mày thì bảo.
— Vâng, ông cho tôi vào tù càng hay.
Thấy Tâm đáp rất tự nhiên, ai nấy làm ồn ào:
— Nó điên thật. Đừng đánh nó, tội nghiệp ông ạ.
Tâm nói:
— Quan ở nhà chứ có đi vắng đâu. Ông nói dối tôi. Ông cho tôi vào đi! — Tao thèm nói dối mày? Không đi, ông kia ông ấy ra thì chết bây giờ.
Biết rằng người lính dọa, Tâm mặc kệ, không sợ. Bỗng một tiếng còi ô tô đằng xa. Người lính cuống quýt, nói:
— Thôi chết! Quan về! Có bước ngay đi không.
Rồi anh ta lôi Tâm sềnh sệch như lôi con vật.
Người xem tản về gần hết. Tâm thấy cái ôtô quành vào, nhanh trí, chạy ra giữa đường liều nằm xoài ra. Xe bỗng dừng lại.
Người lính canh, sợ hãi, xám mặt, vội đến bẩm quan Huyện. Quan Huyện xuống xe, nhìn Tâm. Người ta xúm cả lại để nghe.
Chẳng chút sợ hãi, Tâm lóp ngóp đứng dậy, chắp tay nhìn quan Huyện. Bỗng Tâm òa lên vừa khóc vừa nói:
— Bẩm quan lớn, thày tôi không phải kẻ cướp. Đêm hôm có cướp, chính thày tôi sốt. Tôi ngủ với thày tôi suốt đêm. Bẩm quan lớn, thày tôi không ăn cướp đâu. Có tôi làm chứng.
Quan Huyện nghiêm trang, nói:
— Ai bảo thày mày không ăn cướp?
— Bẩm quan lớn, tôi nói thực, tôi không dám nói dối đâu. Tôi làm chứng rằng đêm kia thày tôi sốt, tôi ngủ với thày tôi suốt đêm. Thày tôi bị bắt oan, xin quan lớn làm phúc tha cho thày tôi về.
Quan Huyện dịu lời, xoa đầu Tâm và dỗ dành:
— Được, thày mày không ăn cướp đâu. Tao cũng biết. Thày mày mặt mũi hiền lành lắm.
— Vâng, thế thì quan lớn tha ngay cho.
— Nhưng để đủ chứng cớ thì thày mày sẽ được tha, nghe chưa? — Bẩm quan lớn, tôi làm chứng. Chính mắt tôi thấy thày tôi ở nhà. Quan Huyện cười, thương hại:
— Được, ta biết thế.
— Vâng, thế thì xin quan tha cho thày tôi ngay. Thày tôi oan quá! Quan Huyện lắc đầu, cảm động:
— Không thể được nhé. Thày mày bị giải lên Tỉnh sáng hôm nay rồi nhé.
Như nghe tiếng sét, Tâm nức lên một tiếng.
Rồi mê mẩn, Tâm hỏi:
— U tôi đâu, quan lớn ơi?
Văng vẳng, Tâm nghe thấy tiếng đáp:
— U mày theo thày mày lên Tỉnh rồi.
Thế là Tâm mê đặc, nằm gục xuống đất.
Q
IV
Quan Huyện hỏi chuyện
uan Huyện sai bế Tâm vào Huyện, và cho đặt nó nằm trên ghế. Ngài lại bảo lấy dầu bôi cho Tâm, và lay gọi.
Một lúc, Tâm tỉnh dậy, nhưng vẫn còn bàng hoàng lắm.
Quan Huyện đến gần ôn tồn, xoa đầu Tâm hỏi:
— Ta xem con rất có hiếu. Ta khen đó. Con đã đi học chưa? Tâm sung sướng, tỉnh táo, đứng dậy lễ phép đáp:
— Bẩm quan lớn, con mới đỗ Sơ học Yếu lược hôm qua.
Bẩm thày con phải giải lên Tỉnh thật?
Quan Huyện thương hại, khẽ gật đầu:
— Chính ta giải lên từ sáng sớm. Vì hôm nay chủ nhật, nên ta không muốn chậm trễ. Nhưng con cứ yên tâm.
Tâm đăm đăm nhìn quan Huyện, rồi khóc:
— Thế thì thày con khổ quá. Thày con có ăn cướp bao giờ đâu! Quan Huyện dỗ dành:
— Không ngại. Nếu thày con oan thì sẽ chẳng hề gì. Mà ta chắc thày con được tha nay mai.
Sửng sốt, Tâm giương hai mắt ngây thơ nhìn Quan Huyện:
— Quan lớn, chắc thày con được tha? Bẩm quan lớn bao giờ ạ? Quan lớn biết thày con oan mà!
Lúng túng, quan Huyện nhắc lại câu ban nãy:
— Phải, nhưng con hãy cứ yên tâm.
Rồi ngài hỏi lảng:
— Con được mấy anh em?
— Bẩm con có mỗi một mình.
— À, ta xem con mặt mũi sáng sủa, chắc con chăm học và ngoan ngoãn lắm.
Tâm tươi tỉnh đưa mắt nhìn xuống; nhưng không thể nào quên cha, Tâm lại hỏi:
— Bẩm quan lớn, thày con phải giải lên Tỉnh, thì ở đâu?
— Ở đâu, con không cần biết.
Tâm lại òa lên khóc:
— Thế thì con biết rồi, đích thày con lại bị giam trong nhà pha! Quan Huyện ái ngại nhìn Tâm, thở dài. Tâm nói:
— Xin quan lớn thương thày con, mai quan lớn lên bảo người ta tha thày con ra.
Quan Huyện gật đầu và đáp cho Tâm yên bụng:
— Được, mai ta sẽ lên. Ta nói rằng đêm hôm có cướp, con ngủ cả đêm với thày con, mà thày con đang sốt.
Tâm vui sướng, nhìn quan Huyện bằng đôi con mắt thật thà, cầu khẩn: — Vâng, chính thế.
Quan Huyện ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi ngài lấy bút chì và quyển sổ tay ra, và hỏi Tâm những câu vơ vẩn:
— Con có biết mặt thày chánh tổng con không?
Tâm chớp mắt mấy cái để nghĩ, rồi đáp:
— Bẩm quan lớn, không.
— Cái người vẫn cưỡi con ngựa hồng, và đội cái nón lông đen ấy mà. Tâm nghĩ ra, nhanh nhẩu nói:
— À, bẩm quan lớn, đấy là Cụ Bá.
— Ừ, phải Cụ Bá. Thế Cụ Bá có đến nhà thày con bao giờ không nhỉ? — Bẩm dễ thường không, vì thày con không quen.
— Con cố nhớ lại xem.
Lặng yên một lúc, Tâm đáp:
— Dễ thường không. Vả con đi học, con cũng chẳng biết.
— Con có nghe thấy thày con nói rằng thày con yêu hay ghét Cụ Bá không?
Tâm ngớ ngẩn, đáp:
— Con không biết.
— Thế con yêu hay ghét cụ Bá? Con nói thực.
— Bẩm quan lớn, Cụ ấy dữ lắm. Con sợ lắm.
— Cụ ấy dữ thế nào?
— Một buổi chiều, con ở nhà trường về, con đi với anh em bạn bên cạnh đường, mé tay phải, thế mà cụ ấy cũng giơ roi vút vào lưng con một cái.
— Cụ ấy bảo thế nào mà đánh con?
— Cụ ấy chẳng bảo gì cả, tự nhiên con thấy cụ ấy đánh như thế. — Thế đánh xong, con có thấy cụ ấy bảo gì không?
— Bẩm có. Cụ ấy trỏ roi vào mặt con và nói: “Liệu hồn cả cái thằng bố mày ấy”.
Quan Huyện gật gù, cúi xuống biên. Rồi ngài hỏi:
— Thế con về có nói chuyện ấy với thày con không?
— Bẩm không, vì con quên.
— Được, không hề gì. Con có nhớ con phải đánh vào hôm nào không? Tâm ngẫm nghĩ, rồi nói:
— Bẩm chắc vào hôm thứ ba, vì con nói chuyện với anh em bạn về bài ám tả.
— Thứ ba nào?
— Độ một tháng nay. À phải chiều hôm ấy, quan lớn vào trường con. — Được rồi.
Quan Huyện lại biên, rồi hỏi:
— Thế chiều hôm ấy, thày u con có nhà không? Con thử nhớ kỹ lại xem nào.
Tâm đưa mắt nhìn lên và chớp mãi, rồi nói:
— Buổi sáng thày con đi ra đồng, u con đi chợ. Buổi chiều con chờ mãi, nhưng đến tối mịt thày u con mới về.
— Sao con nhớ.
— Vì hôm quan lớn vào trường con, có xem sách con và khen con; nên khi về nhà con chờ thày u con để khoe, mà mãi không về, nên con nóng ruột. Vì thế con mới nhớ.
— Thế hôm ấy thày u con về nhà, có cái gì khác không?
— Bẩm quan lớn, dễ thường không. Con chỉ nhớ rằng về muộn hơn mọi ngày mà thôi.
— Thế thày u con buồn hay vui?
— Thày con... phải, thày con không ăn cơm bảo rằng ốm. U con thì không vui vẻ như mọi ngày. À phải rồi, hình như hôm ấy thày con vừa cãi nhau với ai thì phải.
— Sao con biết.
— Vì đến tối, con thấy nhiều người đến chơi hỏi chuyện u con nên con nghe lõm bõm. Cũng có người đến tận chỗ thày con nằm mà thì thào.
— Con nghe thấy những gì?
— Bẩm con không nghe rõ nhiều, vì con mải học. Con thấy bác Tư con nói to bảo u con “cứ phải thì thôi, chứ ăn hiếp thế nào được”.
— Vậy mà sao con không hỏi u con xem chuyện gì à?
— Bẩm không. Vì hôm ấy con phải đòn.
— Tại làm sao?
— Tại con học to quá, át cả tiếng người lớn nói chuyện.
— Ai đánh con?
— Thày con.
— Thày con ốm kia mà?
— Vâng. Nhưng thày con cũng dậy được. Thày con không tìm được roi, thì vớ ngay cái thước cứ đánh vào lưng con mãi.
Quan Huyện cười, bảo:
— Chắc là thày con có điều gì bực mình.
Rồi ngài biên và hỏi tiếp:
— Thày con thường hay chơi với ai?
— Bẩm thày con thường hay chơi với ông bác con, cậu con. — Người ngoài kia mà?
— Bẩm không ạ.
— Thật chứ?
— Vâng.
— Thày con có biết Quốc ngữ không nhỉ.
— Bẩm có.
— Phải, ta đã rõ. Vở học của con đóng hay mua sẵn nhỉ?
— Bẩm con đóng lấy cho khỏi tốn tiền.
— Trường con có anh học trò nào mua vở sẵn không?
— Có, chỉ có anh Tín có vở đắt tiền ấy mà.
— Anh Tín nào?
— Bẩm anh Tín con cụ Bá.
— Quan Huyện chống tay vào má, thở dài gặng:
— Chỉ có một mình anh ấy thôi à?
— Vâng.
— Thế thì được. Con viết mực màu gì?
— Bẩm mực đen.
— Ở lớp con ai viết mực xanh không?
— Bẩm nhiều lắm.
— Anh Tín viết mực gì?
— Bẩm mực xanh.
— Được, hay lắm, con có biết ta hỏi để làm gì không?
Ngơ ngác, Tâm đáp:
— Bẩm không.
Quan Huyện gật gù, cười và xoa đầu Tâm:
— Để ta biết rằng thày con oan, nghe chưa? Thày con oan thực. Người ta trình ta rằng thày con dắt cướp, lấy tang chứng ở một cái thư chính tay thày con viết cho bọn cướp.
Tâm trợn mắt, nhìn quan Huyện, có vẻ tức tối:
— Chính tay thày con?
— Phải. Ta đã so chữ thày con với cái thư ấy thì không sai. Mà chính thày con cũng nhận rằng thày con viết bức thư ấy. Nhưng ta biết thày con oan.
Tâm nhìn quan Huyện, lấy làm lạ quá, không hiểu ngài nói đùa hay nói thực. Tâm định hỏi rõ, nhưng ngài bận việc phải lên công đường. Đến bữa cơm, Tâm được quan Huyện cho ăn. Cơm nước xong, quan Huyện gọi Tâm lên, cho một đồng bạc, và bảo:
— Con cứ yên tâm về mà học hành. Ta đã rõ cả. Rồi khi nào ta cần, ta sẽ gọi con lên hỏi nhé.
Vừa vui vẻ vừa cảm động, Tâm vái chào quan Huyện rồi về.
V
Mẹ và con
V
ừa về đến cổng làng, Tâm gặp mẹ.
Hai mẹ con mừng quá, ngồi ôm lấy nhau, nức nở khóc.
Mẹ Tâm lau nước mắt cho Tâm và nói:
— Con đi đâu, u tưởng con lạc, u phải đi tìm.
— Con đi lên kêu oan cho thày.
Cảm động, mẹ Tâm ôm chặt Tâm vào lòng, vỗ về Tâm, và thở dài:
— Con ơi, thày oan quá. Con có đói không? Mấy hôm nay con ăn cơm ở đâu?
Rồi mẹ Tâm lại dàn dụa nước mắt, lắc đầu nhìn Tâm:
— Khổ lắm, con ạ, thày bị vu là ăn cướp.
Tâm làm vênh mặt đáp:
— Mai thày được tha, đến mai quan Huyện đi xin cho thày, u đừng lo. Thấy có nhiều người qua lại, hai mẹ con đứng dậy đi về.
Tâm nói:
— Con đỗ rồi, u biết chưa?
Mẹ Tâm gật, đáp:
— Đã, u vừa nghe nói ban nãy.
— U về bao giờ?
— U vừa về xong. U theo thày lên Huyện, để nghe tin, nhưng chẳng được biết gì cả.
— Sao u không vào hỏi quan Huyện?
— Ai người ta cho vào.
— Thế mà con vừa mới được quan Huyện cho vào nhà trong. Mẹ Tâm mắng:
— Đừng nói càn.
— Thật đấy, quan Huyện hỏi chuyện con, khen con, cho con ăn cơm, và thưởng cho con đồng bạc đây này.
Nói xong, Tâm móc túi đưa tiền cho mẹ. Mẹ Tâm nhìn Tâm, nửa tin nửa ngờ. Tâm nói:
— Quan Huyện tử tế lắm, u ạ, mai ông ấy lên tỉnh xin tha cho thày. — Sao con biết?
— Ông ấy bảo thế, vì ông ấy biết thày oan.
— Sao con biết?
— Tại con nói với ông ấy rằng hôm có cướp thì thày sốt, mà chính con ngủ với thày suốt đêm. Nếu thày đi ăn cướp thì làm gì con chẳng biết!
Mẹ Tâm cười:
— Vì thế nên quan Huyện tin là thày oan?
— Vâng.
Mẹ Tâm ngậm ngùi, thở dài bảo:
— Không phải thế. Con là trẻ con, nói thì ai tin. Người ta nói gì phải có chứng cớ chứ.
— Thì con làm chứng mà lỵ.
— Thế ngộ con nói dối thì sao?
— Con nói thực chứ khi nào nói dối. Mà chả phải thế là gì? U cũng biết đấy nhé.
— Phải rồi chính sự thực là thế, nhưng người ta thường mắc tội oan vì tình ngay, nhưng lý gian. Người ta chỉ tin ở lý. Hôm ấy, chỉ có mẹ con ta biết rằng thày sốt ở nhà cả đêm, chứ người ngoài ai lấy lý mà đoán, cũng tin là thày đi ăn cướp.
Tâm chừng trừng nhìn mẹ, hỏi:
— Lý gì lại thế?
— Vì chập tối, có mấy người gọi cổng, thì u lại bảo là thày đi vắng. — Thế lúc thày phải bắt thì thày khỏi sốt chưa?
— Buổi sáng, lúc con đi thi được một lát thì có người nhà cụ Bá gọi thày đến nhà cụ có việc.
— Việc gì, u có biết không?
— U đã kịp hỏi gì đâu. Thày đi khỏi nhà, thì u cũng đi. Lúc u về, thấy thày ngủ, nên u không muốn gọi. Độ một giờ sau, u thấy quan lính kéo vào, bắt thày dậy. U đang ngơ ngác, thì thấy người ta bảo thày can tội dắt cướp vào nhà cụ Bá đêm hôm trước.
— Thế thày u không kêu oan à?
— Có, nhưng ai nghe.
— À, ban nãy quan Huyện cũng hỏi chuyện cụ Bá.
— Thế à? Hỏi thế nào?
— Quan Huyện hỏi thày có quen cụ Bá và ghét hay yêu cụ Bá? — Con nói thế nào?
— Con bảo không biết.
Mẹ Tâm thở dài, nói:
— Lão ấy ghét thày lắm đấy. Chắc việc này lão vu oan cho thày để trả thù.
— Thù gì, hở u?
— Con còn bé không nên biết.
Tâm cau mặt, hậm hự, nói:
— Nhưng sao quan Huyện bảo có bắt được cái giấy chính chữ thày viết cho bọn cướp kia mà.
— U không biết. Ban nãy, u về nhà mới nghe thấy người ta mách rằng tuần làng bắt được một thằng cướp, đánh nó nhừ tử, rồi khám túi nó thấy cái thư ấy.
— Nhưng thằng cướp ấy chết rồi.
— Phải, nó đau quá, nên không sống được.
— A, thế rồi chắc cụ Bá trình quan, nên quan mới bắt thày.
— Lại còn thế nào nữa. U lên Huyện theo thày, nhưng không được giáp thày, nên chẳng hỏi han được câu nào. Sáng hôm nay, u lạy van những người lính để xin vào nói chuyện với thày, nhưng người ta không cho.
— Người ta ác nhỉ!
— Rồi người ta giải thày con lên Tỉnh, đi bằng ô tô.
— Thế thày có trông thấy u không?
— Có, vì u khóc, gào tướng lên.
— Thày có bảo gì không?
— Thày có dặn một câu gì, nhưng đứng xa quá, u không nghe rõ. Tâm ngậm ngùi, nhìn mẹ rồi hỏi:
— Rồi thế nào nữa?
— Rồi xe thày đi u chạy theo.
— Nhưng u chạy kịp sao được xe ô tô?
— Thì lúc u mê lên mà lỵ. U liều đấy. May có người bảo u chạy mau đến chỗ xe ô tô hàng, có một cái sắp đến giờ chạy.
— Thế là u cũng đi ô tô lên Tỉnh à?
— Ừ, u lên xe được một lát thì xe chạy.
— Rồi đến Tỉnh thế nào?
— Rồi u chẳng biết chỗ nào để tìm thày nữa. Tỉnh rộng mênh mông, biết người ta đem thày vào nơi nào.
Tâm buồn bã, nắm chặt lấy tay mẹ. Lúc bấy giờ, hai mẹ con đã đến nhà. Mẹ Tâm trỏ vào chân, nói:
— Khổ chửa, con xem, u đi rộp cả chân lên.
Tâm nhìn mẹ, âu yếm nói:
— Thế u không gặp thày à?
— Không; u hỏi thăm thì người ta bảo chắc thày bị giam vào trong đề lao.
— Đề lao là chỗ nào?
— Là chỗ giam người có tội, là nhà pha ấy mà. U đến đề lao, xin vào, nhưng người ta đuổi ra. Người ta bảo khi nào xử án thì đi mà xem. Khổ quá con ạ, Thật là thày con mắc tai vạ tự nhiên. Biết bao giờ thày con lại được tha về?
— Nhưng con đã bảo đến mai mà lỵ.
Mẹ Tâm thở dài, ôm con vào lòng, nói:
— Con còn bé dại, không hiểu việc. Quan Huyện bảo thế là dỗ dành con yên tâm đó. Thế làm thế nào con giáp được quan Huyện?
— Hôm qua con đi thi về, con nghe thấy tin thày phải bắt và u đi theo thày, con khổ quá.
— Khốn nạn, đêm hôm qua ngủ một mình có sợ không con? — Không. Sáng hôm nay con dậy sớm, thổi nấu cơm ăn.
— Con thổi cơm?
— Vâng. Nhưng vừa sống vừa khê.
Mẹ Tâm cười, thương hại:
— Khốn nạn con tôi! Sao nữa?
— Con vào Huyện. Người lính và hàng phố cứ bảo con điên, con lăn xả vào, người ta đẩy con ngã mấy lần, nhưng con cứ liều.
Nước mắt chạy quanh, mẹ Tâm hỏi dồn Tâm nói:
— Rồi ô tô quan Huyện về, con nằm lăn ra đường cho nên xe đỗ, quan Huyện xuống xe. Con hỏi quan Huyện về tin thày. Quan Huyện tử tế lắm, hỏi chuyện con mãi.
— Ừ, nhưng con đừng nói với ai rằng con được vào huyện nhé. — Vâng. Nếu mai thày chưa được tha, thì bao giờ nhỉ?
— Còn chờ phiên tòa xử. Nếu quan trên xét ra thày oan thì được tha, nếu không thì làm tội.
— Tội gì?
— Người ta bỏ tù thày chứ làm gì!
— Thế làm thế nào cho quan trên xét thày oan nhỉ?
— Làm thế nào? Chỉ trừ khi nào quan trên bắt được bọn cướp ấy, mà bọn cướp ấy nhận là không quen thày.
— Được, để con giục quan Huyện đi bắt cướp.
— Đừng nói càn.
Rồi Tâm mơ màng nghĩ đến chuyện bắt cướp để minh oan cho cha. Bỗng Tâm nói:
— Hay là u với con đi bắt cướp đi.
— U là đàn bà, con là trẻ con, làm thế nào được.
Bực mình, Tâm ngả đầu vào lòng mẹ, nhắm mắt lại, nghĩ ngợi. Được một lát, Tâm ngáy khò khò...
H
VI
Đồ ăn cướp
ôm thứ hai, Tâm đi học, chán nản quá. Tâm chỉ muốn xin phép ở nhà để mẹ đỡ buồn mà thôi.
Đến chiều, lúc giờ chơi, anh em xúm quanh hàng quà, anh thì ăn dưa hấu, anh thì ăn vải. Bỗng anh Tuệ thấy anh Thắng đang nhồm nhoàm miếng dưa; thì lui lủi rình đằng sau, thò tay giật mạnh, rồi chạy.
Thắng đuổi theo, vừa cười vừa nói:
— A, đồ ăn cướp!
Tâm đang đứng ở bậc thềm nhìn các bạn chơi “tíu tít”, chợt nghe Thắng nói thế thì động lòng, quay lại. Lúc ấy Thắng cũng nhìn Tâm, vừa cười vừa bảo:
— Đồ ăn cướp!
Thế là hơi tức sung lên, Tâm quyết không tha bèn hầm hầm chạy lại ngáng chân Thắng. Bị ngáng bất ngờ, Thắng ngã xoài, chảy cả máu đầu rồi Tâm cứ mạng mỡ Thắng mà “ục” mãi.
— Bảo ai ăn cướp! Bảo ai ăn cướp!
Anh em vừa can gỡ Tâm ra. Nhưng Tâm vẫn hăng hái đấm đá huyên thiên.
Thắng đau, kêu rầm. May quá, thày giáo chạy ra, gọi cả mọi người vào, hỏi tội. Trước hết, thày thấy Thắng đau, nên hỏi Thắng:
— Thế nào?
Thắng vừa khóc vừa nói:
— Bẩm thày, con đang ăn dưa, anh Tuệ chạy đến giật dưa của con rồi chạy, rồi tự nhiên anh Tâm, anh ấy đánh con.
Cho là Thắng giấu tội, Tâm vẫn hung hăng, mặt đỏ nói:
— Bẩm thày, anh ấy nhiếc con.
Bạn bè ngạc nhiên nhâu nhâu lên bênh Thắng, mỗi người một điều. Nhưng thày giáo bắt im, mà mọi người vẫn xì xào, nhìn nhau. Thày hỏi tất cả:
— Các anh thấy ai đánh ai trước?
Ai cũng cùng một loạt đáp:
— Bẩm thày, anh Tâm đánh anh Thắng trước ạ.
Thày nghiêm sắc mặt nhìn Tâm; Tâm không chịu được uất ức, bật khóc: — Bẩm thày, sao anh ấy nhìn con, mà cười lại nhiếc con là đồ ăn cướp? Thắng cãi:
— Tôi bảo anh đâu mà anh động lòng?
Thày bảo:
— Im! Tại làm sao anh bảo thế là anh Thắng nhiếc anh?
Lau nước mắt, Tâm nói:
— Bởi vì thế là anh ấy bảo thày con là kẻ cướp.
Cả thày giáo lẫn các bạn đều ngạc nhiên. Nhưng một lát, thày cười, bảo:
— Phải, tôi hiểu rồi, anh Thắng không có ý gì chế nhạo anh đâu. Có phải thày anh mới phải bắt về tội ăn cướp không?
Học trò ai nấy im phăng phắc trông vào Tâm chờ câu trả lời. Tâm nhìn thẳng thày đáp:
— Vâng, nhưng thày con oan. Thày ở xa, thày không biết rõ. Thày giáo mỉm cười, gật đầu:
— Tôi rõ cả. Nhưng anh Thắng, anh có cố ý nói anh Tâm không? Thắng ngơ ngác đáp:
— Bẩm thày, con có biết thày anh ấy phải bắt đâu.
Thày quay lại Tâm, động lòng, nói:
— Vậy anh đã biết rằng anh ngờ oan cho bạn chưa? Trong khi nóng nảy, anh đã làm một việc rất vô lý. Anh đã nhận thấy chưa?
Tâm ngẫm nghĩ rồi đáp:
— Bẩm thày, nếu thế thì con chịu lầm.
— Nhưng từ nay hai người không được gây chuyện với nhau nữa nhé. Anh Thắng thấy anh Tâm lầm, có thù oán nữa không?
Thắng hiền lành, đáp:
— Bẩm không ạ.
Thày vui vẻ, nói:
— Vậy từ nay hai anh lại chơi với nhau như cũ nhé. Thế thì bây giờ anh Tâm lau chỗ chảy máu ở đầu anh Thắng đi. Coi không có thái dương có sẹo đấy.
Mọi người cười rầm.
Tâm vui vẻ lấy khăn lau máu cho Thắng, rồi nói:
— Anh tha lỗi cho tôi.
Thắng cười:
— Không hề gì, anh ạ.
Xong chuyện, các học trò cùng tản mỗi người một nơi.
Riêng Tâm vẫn ngậm ngùi, đứng thần ra ở góc trường.
Thấy vậy, thày giáo gọi Tâm, bảo:
— Anh vẫn còn tấm tức à?
Ngoan ngoãn, Tâm đáp:
— Bẩm không.
— Nhưng sao anh không vui vẻ như các bạn.
— Bẩm thày, tại con nghĩ đến thày con.
Thày cười, thương hại:
— Anh em bạn nào ai xấu bụng mà chế giễu anh đâu.
— Bẩm tại con tưởng anh Thắng nói con. Thày con mắc tiếng oan là ăn cướp, nên bây giờ ai tin là thày con đi ăn cướp, thì con uất ức không chịu được.
Gật gù, thày an ủi:
— Anh thật thà như thế rất tốt.
Rồi Tâm kể chuyện từ đầu đến đuôi việc cha bị bắt cho thày giáo nghe. Anh em bạn xúm quanh dần, ai nấy im lặng như để nghe một chuyện cổ tích.
Nói xong, Tâm khóc:
— Bẩm thày, thày làm cho con cái đơn.
Thày giáo ái ngại, nói:
— Được, nhưng để vài hôm nữa xem ra sao hãy hay.
Từ hôm ấy, ngày nào Tâm cũng chờ cha được tha về, nhưng càng mong mỏi, càng thấy buồn bã.
Mẹ Tâm, từ khi cha Tâm vắng nhà, thì suốt ngày long tong, chạy hết chỗ nọ đến chỗ kia, để nghe người này bàn, người khác sui. Nhưng rút cục, chẳng ai giúp cho một điều gì cả. Thành ra mất cả công việc.
Nhiều lúc, mẹ Tâm nóng ruột, thì muốn lên Tỉnh, nhưng ai coi nhà cho, vả để Tâm ở nhà một mình thì lại lo. Cho nên mẹ Tâm đành bó tay mà than dài thở vắn.
Ngày nào cũng như ngày nào, hết sáng đến trưa, hết trưa đến chiều, rồi đến tối mịt, lúc nào trong nhà Tâm cũng vắng vẻ buồn tênh. Cha Tâm như cột cái của nhà. Nay cột cái bị gẫy, thì nhà còn vững sao được.
Thỉnh thoảng mẹ Tâm đi lễ, và kêu ở các đền các phủ, thì cũng hơi yên lòng. Có một lần hỏi thày bói thì thày bảo thế nào cũng không hề gì.
Nhưng sự thực, cha Tâm vẫn bị giam ở đề lao trên Tỉnh, mà lúc nào mẹ
Tâm và Tâm nghĩ đến nông nỗi một người tù phải ăn uống khổ sở, làm lụng vất vả, mà tội vạ không biết có thoát không, thì lại cùng nhau sụt sịt.
Có một hôm, thày Lý đến bảo mẹ Tâm:
— Này, mười hai tháng sau, lên mà xem tòa xử.
Mẹ Tâm sửng sốt hỏi:
— Xử thày cháu ấy à, ông?
— Phải. Hai mẹ con rủ nhau lên mà xem nhé!
— Ông nghe thày cháu có việc gì không?
— Tôi chả biết nữa.
Từ đó, hai mẹ con mong ngày mong đêm cho chóng đến hôm phiên tòa. Mẹ Tâm càng chăm kêu cầu, lễ bái.
Rồi đến ngày mười một, hai mẹ con nhờ người giữ hộ nhà để cùng nhau lên Tỉnh. Mẹ hỏi Tâm:
— Thế nào? Đố con biết thày có việc gì không nào?
Tâm trả lời phắt:
— Không.
— Tại sao con biết?
— Tại thày hiền lành, ai mà không biết thày có đi ăn cướp bao giờ đâu! Mẹ Tâm nhìn Tâm, cảm động, thở dài nắm chặt lấy tay Tâm, nói: — Phải rồi, con nói phải lắm.
Rồi hai mẹ con hăm hở lên đường, chứa chan hy vọng...
VII
Phiên tòa
T
ờ mờ sáng, mẹ Tâm và Tâm đã chực sẵn ở cửa đề lao. Thấy lính bồng súng đi đi lại lại ở cổng và các góc tường, Tâm hơi run sợ bèn rủ mẹ ra đứng ở gốc cây tận đằng xa.
Một chốc, có một vài người lác đác đến đó, mẹ Tâm làm quen hỏi han mọi việc, và kể lể nỗi riêng của mình. Tâm thì nóng lòng sốt ruột, chỉ chờ cho đến khi cánh cổng sơn đen kia hé mở ra, người ta dắt cha Tâm đi, thì Tâm sẽ được gần gũi cha mà hỏi han trò chuyện.
Mặt trời cứ dần dần tung tóe các tia lửa. Ánh nắng chiếu vào chỗ có bóng râm. Tâm vừa mỏi, vừa nực.
Thỉnh thoảng, Tâm hỏi mẹ xem bao giờ người cai giải tù đi, thì mọi người đều nhìn Tâm mà cười thương hại, và bảo:
— Tý nữa.
Tâm bực dọc lạ thường, từ nãy mong mỏi đã bao nhiêu “tý” rồi, mà vẫn còn “tý nữa”, thì không hiểu còn “tý” đến thế nào nữa. Giá Tâm lớn thì quyết đánh liều chạy vào giục các thày quyền cho các thày ấy biết nóng ruột.
Nhưng bỗng hai cánh cửa đề lao mở toang ra. Tâm vui sướng, tưởng tượng như cái cổng nó cười vậy.
Những người đứng ngoài đều chăm chắm, yên lặng để nhìn cho kỹ về mé cửa. Bỗng người lính canh, hất tay nói to:
— Đứng dẹp cả sang bên đường.
Rồi năm sáu người lính nghiêm trang đi trước, kế đến một bọn độ mười lăm người tù. Tâm hồi hộp nắm lấy tay mẹ, không chớp mắt, cố trố lên nhìn. Nhưng Tâm không nhận ra ai là cha Tâm nữa. Người nào cũng giống người nào. Ai nấy đầu thì cạo trọc mà tóc thì dựng ngược lên. Nhất là đôi
mắt thì Tâm thấy nó xếch và dài xoạc ra gần thái dương, mà mặt mũi đen đủi một cách dữ tợn.
— Thày đâu, hở u?
Cuống quýt, Tâm hỏi mẹ thì mẹ Tâm cũng đang nhớn nhác tìm tòi. Rồi Tâm thấy rõ những dây xích nó giàng chặt từng đôi tay một. Tâm nao nao trong lòng.
Bỗng mẹ Tâm trỏ, bảo:
— Kia, thày kia, đi ở hàng gần cuối đấy kia kìa.
Nhìn theo ngón tay, Tâm bỗng rật nẩy mình. Thì ra cha Tâm cũng đầu trọc, cũng mắt xếch xoạc, cũng đen đủi dữ tợn, vì cha Tâm là kẻ phải tù. Tâm vừa mới được trông thấy người tù, thế mà Tâm lại không nghĩ ra.
Bọn lính dẫn tù qua mặt, Tâm không thể dừng được, bèn gọi: — Thày ơi!
Dứt lời Tâm, mẹ Tâm dắt Tâm mon men đến gần, nhưng khốn nạn, hai mẹ con đều bị mỗi người một roi vào lưng đánh đét.
Vừa đau, vừa sợ, vừa thương cha, nhưng Tâm đành đi chùn lại sau, mắt nhìn theo, không chớp. Tâm hỏi mẹ:
— Thày có trông thấy u với con không nhỉ?
Mẹ Tâm đáp:
— Không, vì chắc thày không ngờ là u con ta biết ngày xử án.
Mẹ Tâm và Tâm vừa đi vừa đố nhau chốc nữa quan xử thế nào. Tâm quyết cha được tha. Mẹ Tâm cũng yên trí thế. Đến tòa, mẹ con theo mọi người vào. Tâm thấy cái buồng lạ, ngơ ngác nhìn, nhất là vài ba người lính bồng súng đi bách bộ ở hiên càng làm cho Tâm rối cả gan ruột.
Tâm lẳng lặng theo mẹ đứng ở cạnh tường, vì trên các ghế, người ta ngồi đã chật cả. Tâm nhìn cái quầy cao trên bục và cái bán nguyệt bằng chấn song gỗ, chẳng hiểu là cái gì, nhưng không dám hỏi. Trông bốn bên, Tâm thấy một vài người làng quen và cả cụ Bá nữa.
Một chốc, bỗng tự nhiên cả tòa im lặng. Thì ra các quan đến, ngồi cả ở đằng sau quầy, và rồi Tâm mới hiểu cái chấn song gỗ bán nguyệt là chỗ tù đứng, mà người ta vẫn gọi là vành móng ngựa.
Xử xong một vài việc rượu lậu, quan tòa gọi tên cha Tâm. Tâm nhận thấy mọi người đổ dồn cả mắt ra mé cửa, và thì thào.
Hai người lính dẫn cha Tâm vào đứng trước vành móng ngựa. Tâm nhìn rõ lắm. Nhưng nhìn rõ bao nhiêu, Tâm lại rầu gan nẫu ruột bấy nhiêu. Cha Tâm đen đủi, hốc hác và có dáng lù đù quá. Ngước lên nhìn mẹ, Tâm thấy mẹ đang lấy vạt áo chùi nước mắt. Tâm lắng tai nghe người ta nói khẽ với nhau:
— Đảng chúng nó tàn ác lắm, ước gì tòa phạt thật nặng vào. Bực dọc, Tâm cố tìm xem ai vừa nói. Bỗng quan tòa hỏi:
— Người ta tìm được trong túi tên cướp cái thư chính tay mày viết, có phải không?
Cha Tâm đáp:
— Bẩm quan lớn, thư ấy không phải chữ con viết, con chỉ viết để so chữ con với chữ trong thư bắt được trong túi tên cướp mà thôi.
Quan tòa cười gằn:
— Phải, mày bao giờ cũng có quyền nói là mày hiền lành thật thà, dù chính tay mày đã giết người.
— Bẩm quan lớn, thực quả con oan.
Tâm chờ mãi, chưa thấy cha kêu là hôm đó bị sốt và có nằm ngủ với Tâm. Tự nhiên Tâm thấy hăng hái, mà giá không sợ bọn lính, thì Tâm đã quyết nhẩy xổ vào nói đầu đuôi cho quan tòa nghe rồi.
Quan tòa nói:
— Những chứng cớ rành rành ra đó mà mày còn kêu oan, thì thế nào mới là tội. Đây, giấy mày viết cho bọn cướp đây, còn bản của mày viết để so chữ thì đây, hai thứ chữ giống nhau như lột.
Nói xong, ngài giơ cho mọi người xem tờ giấy.
Tâm giương to mắt để nhìn, ngạc nhiên quá. Các quan tòa thì thào. Quan tòa nói:
— Mày không xưng thêm được người nào làm chứng thì tòa phạt mày rất nặng.
— Bẩm lạy quan lớn xét cho, thực quả con không biết gì mà xưng cả. Con đã khai thực là con ốm.
Khấp khởi mừng, Tâm thấy câu nói ấy vững chãi lắm, chắc thế nào tòa cũng tha cho cha. Tâm đã tưởng tượng bao nỗi vui sướng khi cha con gặp mặt, cả nhà ríu rít kể lể nỗi đau xưa.
Nhưng không để cha Tâm nói hết câu, quan tòa bảo:
— Mày là tên cướp rất gan, vậy tòa phạt mày năm năm tù và mười năm biệt xứ.
Dứt lời, cha Tâm thổn thức khóc. Mẹ Tâm và Tâm choáng người, đều rú lên những tiếng thất kinh. Cả tòa quay lại nhìn. Tâm như mê dại bâng khuâng, không nghe, không trông thấy gì nữa.
Nhưng một người lính lại gần, đuổi mẹ con Tâm ra ngoài.
Mẹ Tâm dắt Tâm ra sân, đứng ở gốc cây bàng. Hai người cùng âm thầm đau đớn, nhưng biết làm thế nào?
Chợt Tâm nghe tiếng cha gọi khe khẽ, hai mẹ con bèn nhìn trước nhìn sau, rồi đứng sát cửa sổ để hỏi chuyện. Tâm thấy cha khốn khổ thì thương quá, giàn giụa nước mắt. Cha Tâm nói:
— Tôi bị oan, vì tôi khờ. Hôm đó, cụ Bá nói tôi đến bảo rằng nghi cho tôi viết thư cho bọn cướp. Cụ đưa tôi cái thư bắt được trong túi tên cướp và bắt tôi chép ra hai bản để so chữ. Bây giờ tôi mới hiểu tôi bị tù tội là vì thế. Cụ lấy hai bản của tôi làm một bản bắt được trong túi tên cướp và một bản để so chữ, còn cái bản bắt được thực thì chắc đốt đi.
Tâm sực nghĩ tới lời hỏi của quan Huyện rồi rồn rã hỏi cha:
— Thày viết bằng giấy trong sách học của anh Tín và dùng mực của anh ấy phải không?
— Ừ.
— Người ta bảo bọn cướp có đảng, thì là đảng gì? Thày có biết không? — Tên là đảng Rổ Bẫy.
Tâm mừng quá, nói to:
— Thế thì thày không lo.
Tâm nói to quá, nên bị ngay một roi vụt vào người. Rồi người lính đuổi cả mẹ Tâm và Tâm ra khỏi tòa án. Văng vẳng, Tâm còn nghe cha nói:
— Tâm học hành ngoan ngoãn, con nhé!
VIII
Người sẹo má
V
ào cái cảnh đau đớn như cảnh nhà Tâm, thì ai có thể kiên gan mà không khóc được. Mà càng có người đến hỏi thăm bao nhiêu, mẹ Tâm càng khóc nhiều. Tâm thấy vậy, buồn khổ quá.
Đêm hôm ấy, trằn trọc, Tâm không sao ngủ được. Vậy mà Tâm không muốn nói chuyện với mẹ thêm một câu nào, dù Tâm cũng thừa biết rằng mẹ Tâm vẫn còn thức. Thành ra hai mẹ con vẫn nằm im mà hai người thỉnh thoảng lại thở dài. Mắt Tâm còn như trông rõ cha ở Tòa án, tai Tâm còn như văng vẳng nghe những lời khuyên răn của cha.
Cha Tâm xưa nay vẫn hiền lành, vậy mà tự nhiên bị bắt, rồi ngồi tù, rồi can án. Năm năm! Năm năm nữa, lâu quá!
Ai làm cho cha Tâm phải bắt? Cái gì làm cho cha Tâm bị án năm năm? Tâm quyết phải lên Huyện mới được.
Hôm sau, Tâm nói với mẹ để xin phép đi thì mẹ Tâm bảo:
— Bây giờ mới kêu thì có ích gì, vả quan Huyện có quyền về việc này đâu.
— U cứ cho con đi. Độ nọ, quan Huyện đã hỏi con nhiều điều, chắc nay ngài còn nhiều điều hỏi nữa. Vả ngài dặn thỉnh thoảng con cứ đến Huyện kia mà. Phải làm cho thày được tha chứ!
Mẹ Tâm cảm động, nắm chặt lấy tay Tâm:
— Thày được tha, ai chả muốn thế. Nhưng phải hiểu việc, nếu không, chỉ công toi. Con không nên đi nữa.
Thấy mẹ ngăn, Tâm khóc, nói:
— Thôi được, thế là thày chịu khổ trong năm năm!
Mẹ Tâm âu yếm nhìn Tâm, ôm Tâm vào lòng, trỏ ra sân và bảo:
— Đây kia, con có trông thấy không? Mấy hôm nay, vì trời nắng chang chang, đường trắng xóa, cây cối lá gục lả cả xuống, u thấy mệt lắm. Con đi một mình, u không đành lòng, mà u chưa được khỏe thực để đưa con đi.
— Chỉ vì có thế mà u không muốn cho con đi à? Thế sao ngày thường cũng nắng thế này, u không ngăn con đi học?
Mẹ Tâm cười, không đáp. Tâm vui sướng nói:
— Thế con đi nhé?
— Nhưng trời nắng lắm, con ạ.
— Trời nắng hay mưa, có dính dáng gì đến việc tù tội của thày đâu, hở u?
Nói đoạn Tâm với cái áo trắng dài và cầm mũ đi ra. Mẹ Tâm nói:
— Để u mua gì cho con ăn cái đã, kẻo ăn cơm từ sáng đến bây giờ rồi còn gì.
Tâm cười đáp:
— Thôi, u cho con năm xu và để con đi ngay mới chóng về được.
Thế là Tâm đi, cắm cổ đi. Mẹ Tâm nhìn theo, nghĩ đến bụng dạ Tâm, những cảm ơn Trời Phật. Giá khỏe mạnh, thì bà đã cắp nón đi trông nom cho Tâm rồi.
Tâm đến Huyện thấy ở phố có nhiều người chỉ trỏ vào mình và nói chuyện cùng nhau. Cũng có người rủ nhau đi theo Tâm. Tâm mặc kệ, đi một mạch đế chỗ quành vào dinh.
Người lính canh, vẫn người hôm nọ, trông thấy Tâm, toét mồm ra cười. Tâm đoán biết người ấy không cấm đoán Tâm như lần trước nữa.
Song, Tâm không cạy quen thuộc, mà cứ việc đi thẳng vào một cách tự do vô lễ. Tâm bèn cất mũ chào và hỏi:
— Thưa ông, quan Huyện có nhà không ạ?
Người lính lắc đầu:
— Không. Mà quan đi vắng thực, chứ không phải tôi nói dối. Tâm cười:
— Quan đi từ bao giờ và bao giờ quan về, thưa ông?
— Có lẽ sắp về. Em đến kêu quan việc gì vậy?
— Không có việc gì cần, ông ạ. Tôi đến bẩm quan rằng thày tôi bị kết án năm năm.
Người lính cau mặt thương hại nói:
— Em chờ ở hàng cơm rồi quan về thì bẩm nhé.
— Vâng. Chắc hễ quan về thì có còi ô tô, tôi biết.
— Không, hôm nay quan không đi ô tô.
— Thôi được, chào ông, tôi xin ra hàng nghỉ một lát.
Tâm lững thững đi, ra ý nghĩ ngợi.
Tâm ngồi hàng uống nước. Một vài người làm quen lân la đến hỏi chuyện. Tâm kể lể đầu đuôi. Ai cũng ái ngại và khen Tâm có hiếu.
Tâm nóng ruột mong quan Huyện, nên độ nửa giờ Tâm lại đứng dậy vào Huyện hỏi thăm. Nhưng quan Huyện vẫn chưa về.
Trong bọn người nghe chuyện, Tâm nhận thấy một người săn sóc đến Tâm nhất. Người ấy trạc độ ngoài ba mươi tuổi, dễ nhận nhất là ở má bên phải có cái sẹo dài. Người ấy mời Tâm ăn quà và lúc Tâm vào Huyện thì người ấy cũng theo đi. Đến một chỗ vắng, người ấy bảo Tâm:
— Cậu chờ ở hàng nước thì phí công lắm. Nhà tôi ở gần đây, cậu về mà nghỉ ngơi cơm nước, tội gì. Rồi đến chiều mát, tôi đưa cậu ra Huyện. Tôi được gặp cậu bé như cậu, tôi quý hóa lắm. Tôi có mấy đứa con xấp xỉ tuổi cậu, nhưng chúng nó hư lắm. Cho chúng nó đi học, chúng nó chỉ trốn đi chơi, chúng nó đua anh đua em, nghịch hư nghịch dại. Cho nên tôi muốn đón cậu về nhà, để chúng nó nom thấy, cho chúng nó biết sửa mình.
Tâm đắc chí, theo người ấy về nhà.
Đi nửa đường, người ấy hỏi:
— Cậu bảo thày cậu bị quan Tòa nghi oan cho vào đảng cướp gì nhỉ? — Đảng Rổ Bẫy, ông ạ.
— Thế cậu có hiểu Đảng Rổ Bẫy là gì không?
— Không. Tôi nghĩ mãi mà không biết. Người ta bảo đảng ấy to lắm, đã cướp bóc và giết hại rất nhiều.
Người sẹo má lắc đầu, đáp:
— Tôi không nghe ai nói thế bao giờ. Thế cậu định trình quan Huyện bắt à?
— Vâng.
— Nhưng biết họ ở đâu mà bắt.
— Ồ, ông không biết, chứ quan Huyện này, cái gì mà ngài chẳng biết. Hôm nọ ngài đã hỏi tôi rồi.
Ra ý nghĩ ngợi, người sẹo má không nói gì cả. Tâm thấy người ấy tử tế, lấy làm yên lắm, trò chuyện rất vui vẻ.
Chiều hôm ấy, cơm nước xong, Tâm xin ra huyện. Người sẹo má nói:
— Tôi đã chót hứa với cậu là đưa cậu đi. Nhưng hiện bây giờ tôi có một việc rất cần, không thể đi được ngay, vậy cậu có thuộc đường không?
Tâm gật đầu:
— Được, tôi có thể đi một mình. Ra đến đầu làng, theo bờ sông độ nửa cây số thì đã trông thấy cổng Huyện phải không, ông?
— Phải. Nếu không thuộc đường thì cậu ở lại đến mai hãy đi cùng tôi. — Thế thì ông để tôi đi một mình bây giờ.
Nói xong, Tâm chào và ra đi, trong bụng hớn hở. Đồng năm xu của mẹ cho, Tâm vẫn còn giữ nguyên vẹn, thế mà Tâm đã được ăn uống no đủ. Chắc khi về tới nhà, mẹ Tâm lấy làm lạ lắm.
Trời vẫn còn nắng, mà cái nắng xiên khoai càng như thiêu như đốt.