🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Giàu từ chứng khoán
Ebooks
Nhóm Zalo
John Boik
GIàU TỪ CHỨNG KHOáN
NHà XUẤT BẢN TRI THỨC
Biên tập Ebook: http://www.taisachhay.com
Ebook thực hiện dành cho những bạn chưa có điều kiện mua sách.
Nếu bạn có khả năng hãy mua sách gốc để ủng hộ tác giả, người dịch và Nhà Xuất Bản
Lời giới thiệu
Cho lần tái bản thứ nhất
Tháng 1/2007, Alpha Books đã xuất bản cuốn Giàu từ chứng khoán: Bài học từ những nhà kinh doanh chứng khoán thành công nhất mọi thời đại của tác giả John Boik, NXB McGraw-Hill, 2004. Đây là cuốn sách nói về cuộc đời, kinh nghiệm và phương pháp đầu tư đúc kết từ rất nhiều năm lăn lộn trên phố Wall của các nhà kinh doanh chứng khoán xuất sắc nhất trong lịch sử gồm: Jesse Livermore, Bernard Baruch, Gerald Loeb, Nicolas Darvas, và Bill O'Neil.
Bài học rút ra từ những thành công, thất bại, thăng trầm của những thiên tài này sẽ rất hữu ích với độc giả. Với Jesse Livermore, bài học đó là: “Chỉ với ý tưởng, anh không thể kiếm được tiền; chỉ khi xác định được đúng hướng thị trường anh mới có thể kiếm được tiền”. Còn Bernard Baruch là: “…ngay cả nếu bạn đúng 3 hoặc 4 lần trong tổng số 10 lần giao dịch thì bạn đã kiếm được khoản tiền khá lớn nếu biết ngừng giao dịch khi thấy mình đang mắc sai lầm.” Gerald M. Loeb: “Thông tin mọi người đều biết không có ý nghĩa nhiều lắm.” Với Nicolas Darvas là: “Không bao giờ có cổ phiếu tốt hoặc xấu mà chỉ có cổ phiếu tăng giá hoặc sụt giá”. Và cuối cùng, William J. O’Neil, người đứng đầu Công ty Nghiên cứu Đầu tư William J. O'Neil và được coi là một “thầy phù thủy của thị trường chứng khoán”, đã đưa ra mô hình lựa chọn cổ phiếu hiệu quả C-A-N-S-L-I-M hiện nay đang được sử dụng rộng rãi: “… với sự kiên trì và làm việc chăm chỉ, mọi thứ đều có thể. Bạn có thể làm được mọi thứ và lòng quyết tâm là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công.”
Đây là cuốn sách mở đầu cho bộ sách “Giàu từ Chứng khoán” của Alpha
Books. Cho đến nay, bộ sách đã gồm 10 cuốn sách tham khảo không thể thiếu về phương pháp kinh doanh chứng khoán của những nhà đầu tư hàng đầu thế giới.
Trong vài năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều biến động, với những giai đoạn liên tục tăng trưởng và trở thành cơn sốt trên toàn quốc, có lúc lại trở nên trầm lắng và rơi vào suy thoái. Nhưng chúng tôi tin rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cuốn sách Giàu từ chứng khoán vẫn luôn giữ nguyên giá trị: giúp độc giả Việt Nam có cái nhìn sâu sắc về ngành kinh doanh chứng khoán, hiểu thêm về kiến thức, tư duy và bài học của các thiên tài đầu tư chứng khoán, từ đó đúc rút được những kinh nghiệm quý báu để có thể thành công trong một “lãnh địa” tưởng như đầy may rủi này.
Đó là lý do chúng tôi tiến hành tái bản cuốn sách.
Xin trân trọng giới thiệu với độc giả.
Tháng 1/2008
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin gửi lời cảm ơn tới Gina, vợ tôi, vì sự cảm thông và ủng hộ đối với tôi. Tôi cũng xin cảm ơn Daniella - cô con gái 5 tuổi của tôi. Tôi thật hạnh phúc vì đã có Gina và con bên mình. Và tôi cũng muốn gửi lời cám ơn tới Gina vì đã cùng tôi trao đổi trong suốt quá trình nghiên cứu.
Tôi xin cảm ơn những người bạn tuyệt vời và bố mẹ tôi - những người đã luôn cổ vũ động viên tôi.
Tôi xin cảm ơn các chuyên gia của Nhà xuất bản McGraw-Hill, đặc biệt là tổng biên tập tốt bụng - ông Kelli Christiansen.
Cuối cùng, tôi xin bày tỏ sự cảm ơn tới William O’Neil. Cuốn sách này chắc chắn sẽ không bao giờ được xuất bản nếu thiếu những đóng góp của ông, đặc biệt là những nỗ lực hết mình khi đem đến những thông tin thị trường cổ phiếu có liên quan, xác thực và có giá trị tới những nhà đầu tư cá nhân.
LỜI GIỚI THIỆU
Bài học từ những nhà kinh doanh chứng khoán thành công nhất mọi thời đại là cuốn sách đề cập những kỳ tích của các nhà giao dịch cổ phiếu vĩ đại. Cuốn sách kể về năm nhà kinh doanh chứng khoán đã cực kỳ thành công trong một lĩnh vực vô cùng khó khăn - lĩnh vực kinh doanh cổ phiếu. Mặc dù rất nhiều người kiếm được khoản lợi nhuận lớn và đạt được những thành công nhất định khi giao dịch cổ phiếu trong khi đại đa số thất bại nhưng nổi bật nhất vẫn là năm người được đề cập trong cuốn sách này.
Họ là những người vĩ đại nhất bởi tất cả họ (một trong số đó vẫn đang tiếp tục gặt hái thành công) đều đã đạt được thành công to lớn trong nhiều thập kỷ qua. Họ đã đề ra nhiều chiến lược mới để đạt được thành công trên thị trường cổ phiếu và những chiến lược này luôn luôn chứng tỏ là đúng đắn. Khi thời gian đã kiểm nghiệm được tính hiệu quả của những chiến lược kinh doanh này thì nó cũng khiến cho thành công đạt được của họ trở nên ấn tượng hơn nhiều.
Ai là những nhà giao dịch cổ phiếu vĩ đại nhất và làm thế nào họ được công nhận là những người vĩ đại nhất? Họ đều là những huyền thoại trên Phố Wall và mỗi người trong số họ đã xuất bản ít nhất một cuốn sách miêu tả những chiến lược kinh doanh thành công của mình. Sau đây là một số thông tin sơ lược về họ:
• Jesse Livermore: thiên tài ẩn dật và có cuộc sống khá kín đáo. Những chiến lược kinh doanh có tính đổi mới của ông đến nay vẫn được sử dụng. Livermore đã trở nên cực kỳ giàu có nhưng cũng bị thua lỗ rất nhiều lần và cuối cùng ông đã để những bê bối cá nhân và sự trầm cảm nghiêm trọng huỷ
hoại cuộc đời mình.
• Bernard Baruch: chuyên gia tài chính thông minh và khôn ngoan - người trở nên rất giàu có nhờ thành công trong việc kinh doanh cổ phiếu, sau đó hoạt động trong ngành dân chính và đạt được đỉnh cao về quyền lực.
• Gerald M. Loeb: người chuyên viết về lĩnh vực tài chính, một nhà môi giới và kinh doanh cổ phiếu ngắn hạn - người đã kiếm được hàng triệu đô la trong vòng hơn nửa thế kỷ, là người “đương đầu” với thị trường và là người luôn tuân thủ chặt chẽ những quy tắc kinh doanh của mình.
• Nicolas Darvas: mệnh danh là “kẻ ngoại đạo” trong ngành cổ phiếu. Thành công ban đầu rất tình cờ với cổ phiếu đã khiến ông quyết tâm phải đạt được thành công trên thị trường chứng khoán. Sau nhiều năm nỗ lực cố gắng và trải qua rất nhiều thất bại, sự kiên trì của ông không hề suy giảm và cuối cùng những nỗ lực của ông cũng được đền đáp xứng đáng với việc ông thu được hàng triệu đô la nhờ việc kinh doanh cổ phiếu. Và nhờ đó, ông đã được nhắc đến trong một câu chuyện nổi tiếng trên tạp chí Time.
• William J. O’Neil: nhà nghiên cứu cổ phiếu dựa trên thực tế và là người làm việc rất chăm chỉ. Việc nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng và áp dụng những nguyên tắc kinh doanh đã giúp ông kiếm được khoản lợi nhuận to lớn. Sau đó, ông dùng chính số tiền kiếm được này để thành lập những công ty chuyên nghiên cứu thông tin đầu tư trên thị trường, đáp ứng nhu cầu cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp và những nhà đầu tư cá nhân.
Kinh doanh cổ phiếu thu hút vô số người bởi vì đối với họ, giao dịch cổ phiếu rất đơn giản và nhiều người còn quan niệm rằng đây là cách dễ dàng và nhanh chóng để giàu có. Khi những người này bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, phần lớn họ đều thấy rằng kinh doanh cổ phiếu không hề dễ như
họ nghĩ. Thị trường cổ phiếu là nơi diễn ra nhiều kỳ vọng và nhiều cảm xúc. Bằng cách xem xét những biến động nhỏ, những gì đã và đang diễn ra trên thị trường, nghiên cứu sâu từng diễn biến trên thị trường mà những nhà giao dịch hàng đầu này đã học hỏi và tìm ra được phương pháp kinh doanh có hiệu quả. Cũng giống như bất kỳ nghề nghiệp nào khác, công việc này cũng đòi hỏi phải tập trung nghiên cứu, quan sát kỹ lưỡng thị trường, làm việc chăm chỉ để đạt được thành công vang dội. Mặc dù vậy, thị trường cổ phiếu cũng là nơi hầu hết mọi người bị thất bại bởi họ đã không cố gắng và toàn tâm hết mình vào nó. Trải qua kinh nghiệm và quá trình quan sát không ngừng, những nhà kinh doanh vĩ đại này thấy rằng thông tin trên thị trường cổ phiếu thường không rõ ràng và do vậy, nó thường đánh lừa hầu hết mọi người.
Mỗi chu kỳ thị trường mới đều xuất hiện những người được gọi là chuyên gia cổ phiếu - những người áp dụng các chiến lược mới với hy vọng sẽ thành công trên thương trường. Các cuốn sách mới được viết ra, các bản tin mới được ấn hành và các website mới đưa ra những bí quyết kinh doanh mới phát hiện - những bí quyết được cho là sẽ giúp các nhà đầu tư thành công trên thị trường cổ phiếu. Tuy nhiên, rất ít người giữ được kết quả thành công lâu dài và đều bị phá sản trước khi chúng ta có dịp thấy được kết quả thành công lâu bền, liên tục của họ. Giống như ở một số lĩnh vực khác như thể thao, âm nhạc, kinh doanh, y tế, nghệ thuật, v.v… thị trường cổ phiếu cũng không phải là trường hợp ngoại lệ vì ở đó cũng có một số người nổi trội hơn những người khác. Cũng giống như việc theo đuổi một mục đích nào đó trong cuộc đời, khi giao dịch cổ phiếu, chúng ta cũng phải làm việc chăm chỉ và tận tâm để có thể đạt được thành công lớn nhất có thể.
Bài học từ những nhà kinh doanh chứng khoán thành công nhất của mọi thời đại đề cập năm nhà kinh doanh thành công nhất trong thế kỷ vừa qua bao gồm: Jesse Livermore (1892 - 1940), Bernard Baruch (1897 - những năm
1930), Gerald. M. Loeb (1921 - những năm 1970), Nicolas Darvas (1952 - những năm 1960) và William J. O’Neil (1960 đến nay). Những giai đoạn trên đã phản ánh việc các nhà đầu tư vĩ đại này đã giao dịch cổ phiếu có phương pháp, trải qua tất cả các kiểu chu kỳ thị trường cổ phiếu trong vòng hơn 100 năm. Hãy xem Hình I - 1.
Mỗi giai đoạn có những bối cảnh thị trường khác nhau như thị trường có hiện tượng đầu cơ chờ giá lên và thị trường có hiện tượng đầu cơ chờ giá xuống. Do đó, chúng ta sẽ học được những bài học trong bối cảnh thị trường khác nhau của những nhà giao dịch vĩ đại này. Những chiến lược họ áp dụng đều giống nhau cho dù họ giao dịch trong những giai đoạn khác nhau. Chương 6 sẽ tóm tắt những đặc điểm giống nhau trong phương pháp, kỷ luật và nguyên tắc kinh doanh của họ. Trải qua kinh nghiệm và nhiều lần mắc sai lầm, những nhà giao dịch này đã đưa ra một số kết luận thống nhất về nguyên tắc và chiến lược kinh doanh cơ bản - những nhân tố đã giúp họ thành công hơn những nhà đầu tư khác trên thị trường cổ phiếu.
Bằng việc xem xét những nét tương đồng trong quan điểm của các nhà giao
dịch này trong những giai đoạn khác nhau của thị trường, chúng tôi đã chứng minh được một điểm rất quan trọng khi nói đến thị trường cổ phiếu. Mặc dù thị trường khi thì tăng giá khi thì giảm giá từ năm này qua năm khác và từ chu kỳ này qua chu kỳ khác nhưng những yếu tố đóng vai trò quan trọng trên thị trường lại không hề thay đổi. Tại sao vậy? Đó là bởi vì bản chất con người rất ít khi thay đổi. Mặc dù hàng ngày có hàng triệu người tham gia giao dịch nhưng cho dù đó là ngày nào, năm nào hay thế kỷ nào đi chăng nữa thì cũng chỉ có một số tính cách của con người xuất hiện trên thị trường cổ phiếu. Đó là sợ sệt, tham lam, hy vọng và ngu dốt. Và bản chất con người có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường. Suy cho cùng, thị trường thực ra là nơi tập hợp những quan điểm của nhiều người và nhiều chuyên gia thị trường khác nhau.
Livermore có một câu nói nổi tiếng đó là: “Không có gì mới trên Phố Wall hay trong hoạt động đầu cơ cổ phiếu. Những gì đã xảy ra ở quá khứ sẽ tiếp tục lặp lại. Đó là do bản chất của con người không thay đổi và do cảm xúc của con người luôn chi phối quá trình giao dịch của họ”.
Do đó, dù là năm 1929 hay năm 1999 hay năm 2029 thì bản chất con người, những quan điểm của con người và những kỳ vọng của con người về khoản lợi nhuận kiếm được trong tương lai cũng là những yếu tố ảnh hưởng nhất đến thị trường. Khả năng làm chủ bản tính của con người là yếu tố phân biệt số ít người giao dịch thành công với đại đa số những người giao dịch không thành công trên thị trường cổ phiếu.
Những cái tên được đề cập trong cuốn sách này đều là những huyền thoại trên Phố Wall. Jesse Livermore và Bernard Baruch đều là những người rất nổi tiếng trong những năm đầu thế kỷ XX. Họ đã tạo ra những nguyên tắc mới - những nguyên tắc đã giúp họ cực kỳ thành công và giàu có. Mặc dù Jesse Livermore đã trải qua rất nhiều khó khăn và gian khổ trong sự nghiệp
kinh doanh của mình nhưng ông thực sự là một thiên tài kinh doanh. ông đã đạt được những thành tích to lớn cũng như tạo dựng được một gia sản khổng lồ. Mặc dù là người thành đạt nhất trong giới kinh doanh nhưng ông luôn hòa đồng với mọi người. ông được đông đảo mọi người công nhận là một trong những nhà kinh doanh xuất sắc nhất trong lịch sử.
Những thành công của Berard Baruch khi giao dịch cổ phiếu cũng đem đến cho ông sự giàu có, thịnh vượng và danh tiếng trong giới kinh doanh. ông trở thành một huyền thoại với tư cách là chuyên gia tài chính và sau đó chuyển sang hoạt động chính trị - một công việc hết sức khó khăn nhưng ông vẫn thành công rực rỡ. ông giúp phác thảo hiệp ước hòa bình và làm việc với tư cách là Chủ tịch Ban quản trị các ngành công nghiệp phục vụ chiến tranh cho Tổng thống Woodrow Wilson trong suốt thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Gernard M. Loeb cũng là một huyền thoại trên Phố Wall mặc dù ông có cuộc sống lặng lẽ hơn. Hơn 50 năm “chinh chiến” trên thị trường chứng khoán, ông đã tích luỹ được hàng triệu đô la. Hơn nữa, ông cũng rất thành công trong vai trò là nhà môi giới chứng khoán và người viết về lĩnh vực tài chính. ông đã phải đua tài với Benjamin Braham - người đưa ra quan điểm đầu tư có giá trị với cuốn sách Phân tích Chứng khoán (Security Analysis) kinh điển của Benjamin Braham được xuất bản cùng năm 1935 với cuốn Cuộc chiến để tồn tại trong đầu tư (The Battle for Investment Survial) kinh điển của Loeb. Hai nhân vật này có hai cách thức đầu tư đối lập nhau bởi Graham ủng hộ chiến lược mua và nắm giữ cổ phiếu còn Loeb lại cho rằng giao dịch cổ phiếu ngắn hạn là cách thức đáng tin cậy nhất giúp ông thành công và kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ trên thị trường cổ phiếu.
Phương pháp Darvas của Nicolas Darvas cũng thu hút được sự chú ý khi câu
chuyện của ông được đăng trên tạp chí Time và cuốn sách kể về chính cuộc đời ông Tôi đã kiếm được 2 triệu đô la trên thị trường cổ phiếu như thế nào (How I Made $ 2.000.000 in the Stock Market) đã trở thành tác phẩm bán chạy nhất khi được xuất bản năm 1960. Kinh nghiệm của Darvas đã chứng tỏ với tất cả các nhà kinh doanh đầy tham vọng rằng bất kỳ ai, kể cả những người không trực tiếp tham gia vào việc kinh doanh chứng khoán, vẫn có thể kiếm được lợi nhuận khổng lồ trên thị trường cổ phiếu nếu như họ luôn nỗ lực hết mình.
William J. O’Neil là một nhà giao dịch cổ phiếu vĩ đại trong thời đại ngày nay. O’Neil đã tạo dựng cơ đồ nhờ việc kinh doanh cổ phiếu và sau đó ông dùng khoản lợi nhuận kiếm được để nghiên cứu thị trường, mang đến những nguồn tư liệu về đầu tư cho các nhà giao dịch trên toàn thế giới. Dự án kinh doanh của ông mang tên William O’Neil & Co, phục vụ cho các doanh nghiệp đầu tư có uy tín và Nhật báo kinh doanh của nhà đầu tư (Investor’s Business Daily) phục vụ các nhà đầu tư cá nhân được coi là công việc chính của ông. Đây được coi là nguồn thông tin đáng tin cậy cho các nhà đầu tư và cho việc nghiên cứu trong thế giới kinh doanh ngày nay. Phương pháp CAN SLIM của O’Neil đã trở thành phương pháp ưa thích của nhiều nhà đầu tư cá nhân.
Rất nhiều ấn phẩm về những nhà kinh doanh chứng khoán vĩ đại này đã đề cập chi tiết những chiến lược và những câu chuyện riêng của họ. Một số ấn phẩm đã trở thành tác phẩm bán chạy nhất và hầu hết đều có mặt trong thư viện cá nhân của các nhà kinh doanh cổ phiếu nó thường được xem là những tác phẩm kinh điển về đầu tư. Cuốn sách này có tham khảo rất nhiều tác phẩm đã xuất bản của hoặc về những nhà kinh doanh vĩ đại này. Tôi rất khuyến khích các bạn đọc các tác phẩm của từng người để có được một cái nhìn thấu đáo hơn về cuộc sống và về các chiến lược kinh doanh của họ.
Thông tin chi tiết về các ấn phẩm của năm nhà kinh doanh này được liệt kê trong mục nguồn tư liệu tham khảo ở phần sau của cuốn sách này.
Những kinh nghiệm của các nhà kinh doanh cổ phiếu vĩ đại nhất mọi thời đại có thể dạy chúng ta nhiều bài học. Vậy thì rốt cuộc ai là người có khả năng vượt qua được những nhà giao dịch vĩ đại này - những người đã đạt được thành công to lớn nhất sau khi đã trải qua tất cả những sai lầm, thử thách, gian khổ và sau đó vạch ra những chiến lược kinh doanh có hiệu quả để vượt qua tất cả những khó khăn này?
Chúng ta hãy bắt đầu nghiên cứu sơ lược tiểu sử các nhà kinh doanh cổ phiếu vĩ đại này và tìm ra những đặc điểm khiến họ thành công hơn đại đa số những nhà giao dịch khác trên thị trường cổ phiếu. Chúng ta sẽ nhận thấy việc tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc kinh doanh đòi hỏi phải có kỷ luật, kiên nhẫn, chăm chỉ làm việc và bền bỉ có thể mang lại những kết quả to lớn như thế nào cho các nhà giao dịch. Tôi nghĩ bạn sẽ thấy thú vị khi phát hiện những nét tương đồng trong chiến lược của các nhà giao dịch này và với việc tận tâm trong công việc, học hỏi từ những nhà giao dịch vĩ đại này, bạn cũng có thể phát triển những nguyên tắc kinh doanh của riêng mình và áp dụng chúng cùng với những chiến lược cơ bản đã được thời gian trải nghiệm trong cuốn sách này. Có lẽ một ngày nào đó trong tương lai, bạn cũng có thể thêm tên mình trong danh sách Các Nhà Giao Dịch Cổ Phiếu Vĩ Đại Nhất Mọi Thời Đại.
1. Jesse Livermore
“Chỉ với ý tưởng, bạn không thể kiếm được tiền; mà chỉ khi đã xác định được đúng hướng thị trường bạn mới có thể kiếm được tiền.”
Thiên tài ẩn dật
Jesse Livermore sinh ngày 26 tháng 7 năm 1877 tại Massachusettes. ông xuất thân trong một gia đình nghèo, bố ông chỉ là một người nông dân sống ở vùng New England đầy thử thách. Cậu bé Jesse mong muốn một cuộc sống đầy đủ hơn và vào năm 14 tuổi, khi người cha bắt cậu bỏ học để đi làm thì Jesse đã quyết định bỏ nhà ra đi. Chỉ với vài đồng đô la mẹ cho trong túi, cậu lên Boston. Cậu tìm được việc làm tại công ty chứng khoán Payne Webber và kiếm được 6 đô la một tuần. Nhiệm vụ của cậu là ghi giá cổ phiếu trên một cái bảng đen to với chiều dài bằng chiều dài căn nhà của những người môi giới chứng khoán và những người quan sát giá cổ phiếu khi nhìn thấy giá lên hay xuống từ máy điện báo sẽ thông báo cho mọi người biết.
Livermore bao giờ cũng rất xuất sắc trong môn toán ở trường học và ông thấy rằng được làm việc trong Phố Wall là sự lựa chọn đúng đắn trong con đường nghề nghiệp của ông. ông là người có năng khiếu tự nhiên với khả năng nhớ chính xác những con số. Khi còn trẻ, chỉ trong vòng 1 năm ông đã học kiến thức toán của 3 năm. ông có khả năng nhớ giá và những ký hiệu trong máy điện báo khá tốt khi làm ở Payne Weber. ông là người thường quan sát giá cổ phiếu và khi quan sát, ông tập trung chú ý cao độ. ông bắt đầu ghi những con số vào một cuốn sổ ghi chép và sớm nhận thấy những con số này tuân theo một vài mô hình nhất định. ông ghi sự thay đổi của hàng nghìn giá cổ phiếu vào nhật ký ghi chép và nghiên cứu, xem xét một số mô hình. Khi 15 tuổi,
Livermore đã nghiêm túc học mô hình cổ phiếu và sự thay đổi về giá cổ phiếu. Chính quá trình học tập ngay tại nơi làm việc này đã giúp ông quan sát cách mọi người tham gia thị trường chứng khoán như thế nào. ông nhận thấy hầu hết mọi người thua lỗ ở thị trường chứng khoán vì họ đưa ra quyết định giao dịch không theo những nguyên tắc đã đề ra, họ không nghiên cứu môn học về thị trường và những hoạt động diễn ra trong thị trường chứng khoán trong khi việc nghiên cứu này lại vô cùng cần thiết.
ông đã tiến hành buôn bán chứng khoán lần đầu tiên trong đời cùng với một người bạn. Họ đầu tư toàn bộ số tiền 5 đô la để mua cổ phiếu của Burlington bởi vì bạn của Livermore cho rằng giá cổ phiếu này sẽ tăng. Họ tiến hành giao dịch với một trong những công ty hoạt động chui ở Boston. Đối với những nhà đầu tư có ít tiền thì giao dịch với những công ty này rất hấp dẫn đơn giản vì họ chỉ đánh cược về xu hướng tiếp theo của cổ phiếu hoặc xu hướng của phiên giao dịch ngắn hạn. Hơn thế nữa, bạn vẫn được phép đánh cược xu hướng tăng lên hay giảm đi của cổ phiếu mà không cần phải có giấy chứng nhận có cổ phiếu ở một công ty. Nếu bạn dự đoán chệch 10% so với thực tế thì giao dịch của bạn sẽ không được công nhận. Quy định chỉ cho lệch 10% so với thực tế có hiệu lực tại thời điểm đó và nhờ quy định này mà Livermore đã tự xây dựng cho mình quy tắc giảm thua lỗ triệt để mà sau này ông đã nghiêm túc thực hiện trong sự nghiệp kinh doanh của mình. Trải qua thời gian và kinh nghiệm, ông đã trau dồi được kiến thức và có thể giảm thua lỗ xuống dưới 10%.
Nhắc lại vụ đầu tư mua cổ phiếu của Burlington, trước tiên Livermore kiểm tra cuốn sổ ghi chép của mình và ông càng tin tưởng rằng giá cổ phiếu tăng hay giảm dựa trên sơ đồ giao dịch cổ phiếu gần đây. Như vậy, ông đã giao dịch cổ phiếu lần đầu tiên năm 15 tuổi và kết thúc phiên giao dịch này, ông kiếm được số tiền lãi là 3,12 đô la.
ông tiếp tục công việc làm ăn với những công ty hoạt động chui. Khi 16 tuổi, từ việc giao dịch chứng khoán, ông có thể kiếm được số tiền nhiều hơn so với số tiền lương nhận được từ Payne Webber. Khi kiếm được 1.000 đô la, ông bỏ hẳn công việc ở Payne Webber để chính thức chuyển sang giao dịch chứng khoán với những công ty hoạt động chui.
Khi 20 tuổi, Livermore kiếm được nhiều tiền đến mức ông bị cấm không được tham gia giao dịch cổ phiếu ở những công ty hoạt động chui ở Boston và New York bởi ông đã khiến những công ty này mất đi khoản lợi nhuận của mình. Với thành công này, người ta đã đặt cho ông biệt danh là “Chú bé đầu cơ”. Những ông chủ trong các công ty hoạt động chui không muốn làm việc với ông vì những phiên giao dịch chứng khoán thành công của ông khiến cho họ mất đi nguồn lợi nhuận của mình.
Với lòng tự tin, ông quyết định đến New York để giao dịch cổ phiếu - những cổ phiếu được niêm yết trên Thị trường Chứng khoán New York. Cuối cùng thời điểm của ông đã đến, đây là lúc ông có thể kiểm tra năng lực của mình trong một thị trường giao dịch lớn hơn. Thông qua một công ty môi giới, ông mở một tài khoản với số tiền 2.500 đô la. Số tiền này được trích từ số tiền 10.000 đô la mà ông đã kiếm được khi còn giao dịch kinh doanh với những công ty hoạt động chui.
Do thua lỗ nhiều, Livermore đã rút ra một bài học, đó là công việc kinh doanh không phải lúc nào cũng đơn giản. Chính vì thế, ông bắt đầu nghiên cứu những sai lầm đã mắc khiến ông thua lỗ. Bản phân tích chi tiết những lỗi đã mắc đã giúp ông thành công trên con đường sự nghiệp sau này. Bản phân tích này cũng là một trong những bài học quý báu nhất mà ông đúc kết được.
Quá trình phân tích những sai lầm lần đầu này đã giúp ông thấy được sai lầm của mình: đó là quá nóng vội và nghĩ rằng mình có khả năng giao dịch chứng
khoán. Nóng vội thường dẫn đến bốc đồng, mà những ai có tính bốc đồng thường ít khi thành công trên thương trường. ông đã phải trả giá đắt cho sai lầm này và rất nhiều người buôn bán chứng khoán ngày nay vẫn mắc phải.
New York không phải là nơi thành công của Livermore. ông đã bị phá sản chỉ trong sáu tháng, phải vay 500 đô la từ công ty môi giới chứng khoán. Cầm số tiền này trong tay, ông quay trở lại giao dịch chứng khoán với những công ty hoạt động chui với hy vọng rằng mình có thể lấy lại được số tiền ban đầu. ông nhận thấy những công ty hoạt động chui này niêm yết giá cổ phiếu ngay lập tức trong khi đó Thị trường Chứng khoán New York thường chậm trễ trong việc niêm yết giá. Tại thời điểm đó, ông thường quen với hệ thống niêm yết giá ngay lập tức và nhanh chóng giao dịch chứng khoán. Sau hai ngày, ông quay trở lại New York với số tiền 2.800 đô la và trả khoản tiền 500 đô la đã vay từ công ty môi giới chứng khoán.
Nhưng khi trở lại New York, ông thấy công việc khó khăn hơn so với dự tính và nhận thấy mình cùng lắm chỉ hòa vốn trên thị trường New York, vì vậy ông quay trở lại giao dịch với những công ty hoạt động chui lần cuối cùng. Chỉ khi Livermore có tới 10.000 đô la trong tài khoản nhờ tài giao dịch chứng khoán mà không cần xuất đầu lộ diện thì ông chủ của những công ty hoạt động chui này mới phát hiện ra ông và một lần nữa, ông bị cấm không được giao dịch chứng khoán với những công ty này.
Năm 1901, ông trở lại New York và đây cũng là thời điểm mà cổ phiếu giao dịch được niêm yết trên Thị trường Chứng khoán New York. Trong khi các hoạt động đầu cơ chờ giá lên diễn ra sôi nổi thì nhờ mua cổ phiếu của hãng Northern Pacific, Livermore đã tăng số tiền 10.000 đô la của mình lên 50.000 đô la. ít lâu sau, ông đầu tư số tiền này với hình thức vay cổ phiếu từ người môi giới với hy vọng mua lại với giá thấp hơn và kiếm được lợi nhuận từ sự
chênh lệch này, bởi ông cho rằng thị trường cổ phiếu có thể mất giá trong một thời gian ngắn. Mặc dù ông thua lỗ trong hai phiên giao dịch này nhưng những nhận định ban đầu của ông là đúng. Bởi do có quá nhiều người tham gia giao dịch cổ phiếu này nên việc ông chậm trễ khi đưa ra những quyết định giao dịch đã khiến ông thua lỗ do giá cổ phiếu diễn ra ngược so với những gì ông dự đoán.
Từ kinh nghiệm này, ông đã thấy được khó khăn khi giao dịch ngắn hạn trên thị trường chứng khoán. ông thấy mình phải học cách thích nghi với những môi trường giao dịch khác nhau, từ những giao dịch được thực hiện ngay lập tức ở những công ty hoạt động chui tới những những phiên giao dịch có tổ chức, diễn ra phức tạp hơn nhiều. Mùa xuân năm 1901, Livermore lại bị phá sản một lần nữa. ông phát hiện một công ty hoạt động chui vừa mới đi vào hoạt động kinh doanh. ông cho rằng có thể lấy lại được số vốn lúc đầu nếu ông giao dịch với những công ty mới như thế này. Trong vòng gần một năm, ông đã thu hồi được số vốn của mình cho đến khi bị phát hiện và bị cấm hoạt động giao dịch chứng khoán ở đó.
Trải qua nhiều lần thua lỗ, Livermore đã đúc kết được rằng con người phải qua những lần thua lỗ thực sự thì mới có thể tìm ra con đường làm ăn kinh doanh phù hợp với mình. ông vẫn kiên định theo đuổi sự nghiệp và tiếp tục học hỏi rút ra bài học từ và những lần thất bại.
Đây cũng là thời điểm ông khám phá ra yếu tố thời gian. Yếu tố thời gian trong giao dịch cổ phiếu nghĩa là cần phải kiên nhẫn và con đường dẫn tới thành công trong hoạt động kinh doanh cổ phiếu sẽ phải mất nhiều thời gian. Thời gian sẽ thử thách những ai theo đuổi mục đích kinh doanh của mình. Yếu tố thời gian cũng có nghĩa là bạn phải hiểu giao dịch cổ phiếu diễn ra như thế nào. Tại phiên giao dịch cổ phiếu của những công ty hoạt động chui,
do tính chất mạo hiểm, dễ gặp rủi ro ngay từ khi thành lập và đi vào hoạt động nên thời gian giao dịch thường diễn ra rất nhanh. Ở New York, yếu tố thời gian có nghĩa là việc giao dịch cổ phiếu diễn ra chậm hơn so với những giao dịch ngay tức thì. Có một thực tế là khi bạn mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, việc giao dịch được coi như hoàn tất chỉ khi bạn đã cầm được tờ giấy chứng nhận sở hữu cổ phần của công ty đó. Sự khác nhau của yếu tố thời gian giữa thị trường chứng khoán chính thức và những công ty chui chính là ở chỗ với công ty chui bạn phản ứng được nhanh hơn. Còn trên thị trường chứng khoán đòi hỏi tính kiên nhẫn và nhờ đức tính kiên nhẫn này, Livermore đã đạt được nhiều thành công rực rỡ. Yếu tố thời gian cũng giúp ông hiểu rằng con đường dẫn tới thành công trong lĩnh vực đầu cơ cổ phiếu sẽ đến sau một khoảng thời gian nhất định. Thành công không thể một sớm một chiều có được.
ông hiểu rất rõ tầm quan trọng của yếu tố thời gian bởi vì ông đã trải qua nhiều thăng trầm khi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình. ông đã đạt được những thành công quan trọng ngay từ đầu. Khi 15 tuổi, ông kiếm được 1.000 đô la đầu tiên. Trước khi bước sang tuổi 21, ông đã kiếm được số tiền 10.000 đô la. ông đã có tài khoản trị giá 50.000 đô la nhưng sau đó lại bị trắng tay chỉ sau hai ngày. ông đã nhiều lần trải qua những biến động bất thường của thị trường nhưng vẫn giữ vững được lập trường của mình bởi vì ông hiểu rằng kinh doanh chính là sự lựa chọn đúng đắn trong con đường sự nghiệp của ông.
Tại thời điểm này, Livermore cũng đã đưa ra một số định nghĩa. ông cho rằng tham gia vào thị trường chứng khoán là một quyết định có tính chất mạo hiểm và ông cũng nhìn thấy người ta đã gian lận như thế nào để lừa những nhà kinh doanh đơn lẻ. ông định nghĩa người đầu cơ phải là người có tính kiên nhẫn và chỉ hành động khi thị trường đưa ra những tín hiệu cho phép đầu
cơ. Khi còn trẻ tuổi, ông không ngừng học tập những kỹ năng mới cần thiết để có thể đạt được những thành công vang dội khi hoạt động kinh doanh trên thị trường. ông cũng hoàn thiện việc đề ra những quy tắc cho mình bởi vì ông là người kiên định tuân theo những quy tắc đã đề ra.
Tại thời điểm này, Livermore không phải là một chuyên gia chứng khoán. ông luôn lắng nghe người khác và lắng nghe cái gọi là “mẹo nhỏ” của họ. ông vẫn tiếp tục giao dịch cổ phiếu rất nhiều. ông đã mắc phải một sai lầm: đó là đã vội vàng bán cổ phiếu quá sớm để kiếm lợi khi thị trường đang có hiện tượng đầu cơ chờ giá lên. Tại thời điểm này ông cũng phát hiện ra tầm quan trọng của thị trường chung và thấy được vai trò quan trọng phải học và hiểu thị trường nói chung làm gì và thị trường ảnh hưởng đến hầu hết cổ phiếu như thế nào. ông cũng phải học cách hiểu thị trường đang diễn ra như thế nào và thị trường đang ở giai đoạn nào thay vì cố gắng đoán xem thị trường sẽ như thế nào trong thời gian tới.
Livermore không lúc nào ngừng học tập. ông nhận thấy rằng sai lầm lớn nhất mà một người mắc phải trên thị trường chứng khoán là thiếu kiên nhẫn. Qua nhiều kinh nghiệm, ông đã học được cách tin tưởng vào khả năng phán đoán của mình. Việc quan sát không ngừng đã giúp ông có được sự tin tưởng vào những phán đoán của mình và không quên chú ý đến từng dao động nhỏ thường xuyên xảy ra trên thị trường.
Nhờ đó ông đã từng bước có được những chiến thuật cho riêng mình và ở tuổi 30, ông đã trở nên thành công hơn trên con đường kinh doanh cổ phiếu. Tại thời điểm đó, ông phát triển chiến lược thăm dò (sẽ đề cập chi tiết hơn ở phần sau của Chương 1). Một chiến thuật quan trọng khác mà ông đã thực hiện đó là chiến lược mua với số lượng ngày càng nhiều hơn khi giá cổ phiếu này tăng.
Chiến lược mua số lượng ngày càng nhiều hơn khi giá một cổ phiếu tăng là một chiến thuật vô cùng quan trọng mà những nhà kinh doanh cổ phiếu được nhắc đến trong cuốn sách này đã áp dụng. Chiến lược này có nghĩa là mua một cổ phiếu với số lượng ngày càng nhiều hơn khi giá cổ phiếu tiếp tục tăng. Bạn hãy tưởng tượng chiến thuật này đã tạo ra sự khác biệt như thế nào trong những năm đó bởi vì hầu hết mọi người được học cách mua thứ gì đó với giá thấp hơn để được giá hời chứ không phải trả giá cao cho món hàng đó. Livermore chỉ mua cổ phiếu khi ông đã quan sát sự biến động của giá cổ phiếu đó. Nếu giá cổ phiếu tiếp tục tăng thì việc quyết định mua cổ phiếu đó là hoàn toàn có căn cứ. Việc đưa ra những quyết định giao dịch hoàn toàn đúng này đã giúp ông vững tin vào chiến thuật mà mình đưa ra: mua cổ phiếu với số lượng nhiều hơn khi giá cổ phiếu này tiếp tục tăng. Nhờ đó lợi nhuận gia tăng đáng kể khi ông mua một số loại cổ phiếu đặc biệt.
Livermore đã sử dụng hai chiến lược trên khi giao dịch những cổ phiếu có kỳ hạn ngắn trên thị trường vào cuối năm 1906 do thị trường đã gặp khó khăn trong việc duy trì sự sôi động trong xu thế giá tăng cao. ông tiếp tục giao dịch những cổ phiếu có kỳ hạn ngắn bởi vì giá những cổ phiếu yếu tiếp tục giảm. ông đã giao dịch thành công với loại cổ phiếu này trong giai đoạn đầu khi thị trường có hiện tượng đầu cơ giá hạ vào năm 1907. Chính nhờ những phiên giao dịch thành công này mà năm 31 tuổi ông đã trở thành triệu phú.
Năm 1907, trong khi thị trường tài chính bị khủng hoảng, chỉ trong ngày 24 tháng 10, Livermore kiếm được 3 triệu đô la bởi vì ông đã ngừng giao dịch những cổ phiếu có kỳ hạn ngắn của mình. Tháng 10 năm 1907, J.P Morgan, người sau này có ảnh hưởng nhất đến tình hình tài chính, đã cứu Phố Wall ra khỏi nguy cơ sụp đổ vì ông đã can thiệp vào thị trường chứng khoán với khả năng thanh toán bằng tiền mặt cần thiết, giúp thị trường này vẫn tiếp tục đứng vững. Morgan đã gửi một thông điệp cá nhân trực tiếp tới Livermore yêu cầu
ông ngừng giao dịch cổ phiếu có kỳ hạn ngắn trên thị trường. Việc J.P. Morgan vĩ đại biết được những hành động giao dịch cổ phiếu của Livermore là một bằng chứng rõ ràng về danh tiếng và ảnh hưởng mà Livermore đã tạo dựng được trên thị trường chứng khoán.
Nhà đầu cơ giá hạ của Phố Wall
Vào thời gian này, Jesse Livermore đã thực sự tạo dựng được hình ảnh nhà kinh doanh xuất chúng trên Phố Wall. ông trở nên giàu có nhờ kinh doanh những cổ phiếu giá hạ khi thị trường xảy ra vụ khủng hoảng tài chính năm 1907 và mọi người gọi ông bằng cái tên “nhà đầu cơ giá hạ của Phố Wall”. Có được thành công trên thị trường chứng khoán càng khiến Livermore vững tin vào khả năng phân tích thị trường của mình và vào vai trò cần thiết phải có khả năng này nếu ai đó muốn thành công.
Từ những thành công trên thị trường cổ phiếu, ông bắt đầu đầu cơ trên thị trường hàng hóa. ông hợp tác với Percy Thomas, người mà được coi là “Vua vải bông” thời đó. Lúc này, Thomas đã mất hết cơ đồ chỉ vì một số vụ kinh doanh bất thành. Tuy nhiên, Livermore vẫn lắng nghe Thomas vì ông biết được những thành công trước đây của Thomas và vì Thomas vẫn được coi là huyền thoại trong ngành vải bông. Thomas thuyết phục Livermore tham gia vào thị trường vải bông. Livermore đã sớm phát hiện rằng việc ông tham gia lâu dài vào thị trường vải bông đã làm tiêu tan gần hết tổng số của cải của mình. ông mất nhiều triệu đô la đã kiếm được mà nguyên nhân thất bại chủ yếu do ông đã phá vỡ những quy tắc thị trường ông đã nghiên cứu, phát triển trong nhiều năm khi còn trẻ.
Livermore đã phá vỡ những quy tắc của riêng mình là tự lực giao dịch kinh doanh trên thương trường và không được lắng nghe ý kiến của người khác. ông cũng đã phá vỡ quy tắc cắt giảm thua lỗ vì ông liên tục thua lỗ. Những
thất bại này khiến ông rất đau buồn. Trong nỗ lực kiếm lại được số tiền đã mất, ông đã quyết định giao dịch liều lĩnh và vì vậy ông ngày càng mất số tiền lớn hơn. ông ngày càng lún sâu vào cảnh nợ nần và càng thêm sầu não. ông bắt đầu mất niềm tin vào chính mình và điều này cực kỳ nguy hiểm với một người kinh doanh cổ phiếu.
Phải mất nhiều năm, Livermore mới trở về những ngày tháng đầy huy hoàng của mình. Thị trường hầu như ế ẩm từ năm 1910 đến năm 1914 (thị trường thực sự đóng cửa từ tháng 8 năm 1914 đến giữa tháng 12 năm 1914 do Chiến tranh Thế giới thứ nhất xảy ra). Lúc này, Livermore đang bị phá sản, buồn phiền và nợ hơn 1 triệu đô la. Hơn nữa thị trường cũng không đem lại cơ hội tốt nào cho ông. Để có thể tránh được khoản nợ phải trả và quay trở lại kinh doanh cổ phiếu, ông quyết định tuyên bố phá sản năm 1914. Đến năm 1915, khi thị trường sôi động trở lại thời gian chiến tranh, một trong những công ty môi giới chứng khoán ông giao dịch cùng đã đưa cho ông 500 cổ phiếu không định rõ giá trị. Trong vòng sáu tuần, ông không làm gì hết ngoại trừ việc nghiên cứu thị trường và quan sát giá cổ phiếu. ông nhận thấy mỗi cổ phiếu có thể tạo ra một mức giá danh nghĩa cho nó. Đây là nguyên tắc giao dịch cổ xưa mà ông đã từng sử dụng khi giao dịch với những công ty hoạt động chui. Mức giá danh nghĩa có nghĩa là khi cổ phiếu tăng tới một số tròn như 100 đô la hoặc 200 đô la trên mỗi cổ phiếu thì rất có khả năng cổ phiếu này tiếp tục tăng giá.
Livermore mua cổ phiếu của Bethelehem với giá 98 đô la và ông quan sát thấy giá cổ phiếu này tăng lên 100 đô la và tiếp tục còn tăng nữa. ông mua 500 cổ phiếu nữa khi giá mỗi cổ phiếu đạt tới mức 114 đô la một cổ phiếu. Ngày tiếp theo, giá cổ phiếu đạt mức 145 đô la ông bán 1.000 cổ phiếu và kiếm được 50.000 đô la tiền lãi. Sự thành công trong phiên giao dịch này đã giúp ông lấy lại sự tự tin và tiếp tục tuân theo những quy tắc mình đề ra. Đã
có lúc tài khoản của ông có tới 500.000 đô la và kết thúc năm 1915, ông đã có 150.000 đô la trong tài khoản.
Cuối năm 1916, Livermore bắt đầu bán cổ phiếu trước thời hạn. Thị trường bắt đầu sụt giá. Rất nhiều cổ phiếu hàng đầu đã đạt được mức giá cao nhất và bắt đầu sụt giá khi có nguồn tin rò rỉ Tổng thống Wilson đang có kế hoạch thiết lập mối quan hệ hòa bình với nước Đức. Phố Wall coi sự kiện này theo chiều hướng tiêu cực bởi vì nó có thể ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế cung cấp hàng hóa cho nước ngoài của Hoa Kỳ trong thời chiến. Bernard Baruch (nhân vật trong Chương 2), bạn của Livermore, cũng bán cổ phiếu trước thời hạn tại thời điểm đó và người ta đồn rằng ông đã kiếm được 3 triệu đô la khi biết bí mật này. Một uỷ ban của Quốc hội được thành lập nhằm điều tra tin đồn này. Baruch và Livermore phải giải trình trước Uỷ ban. Baruch thừa nhận rằng ông kiếm được số tiền 470.000 đô la nhờ việc bán cổ phiếu trước thời hạn trong thời gian này nhưng ông cũng tuyên bố ông kiếm được số tiền này không phải do biết trước tin đồn. Tuy nhiên, Thị trường Chứng khoán New York cũng ban hành một điều luật mới quy định không được phép giao dịch chứng khoán khi có những tin đồn xảy ra. Tất nhiên, quy định này rất ít hiệu lực nhưng nó cũng cho thấy ảnh hưởng của Livermore và Baruch đối với thị trường tại thời điểm đó. Livermore đã tự mình kiếm được số tiền 3 triệu đô la vào năm 1916 nhờ việc giữ lại cổ phiếu trong thời kỳ giá cổ phiếu tiếp tục tăng và bán cổ phiếu trước thời hạn khi thị trường cổ phiếu sụt giá vào mấy tháng sau đó.
Ngày 6 tháng 4 năm 1917, Hoa Kỳ bước vào cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Lúc này sau khi giành được nhiều thành công trên thị trường chứng khoán, Livermore bắt đầu trả tất cả khoản nợ trước kia mặc dù theo luật pháp quy định tuyên bố phá sản năm 1914 đồng nghĩa với việc ông không bị bắt buộc phải trả khoản nợ đó.
Lấy lại được vị thế là nhà kinh doanh xuất chúng
Năm 1917, Livermore đã lấy lại được danh tiếng trong làng kinh doanh chứng khoán mà ông đã từng tạo dựng được trên Thị trường Tiền tệ Mỹ. Ngày 13 tháng 5 năm 1917, tờ báoNew York giật một hàng tít lớn: “Một nhà giao dịch chứng khoán khét tiếng trên Phố Wall: Một tay đầu cơ, một cậu học việc, một nhà kinh tế học hay một kẻ thao túng gây xáo động thị trường trong những năm gần đây”. Tiêu đề bài báo đã mô tả cả Jesse Livermore và Bernard Baruch và hơn thế nữa còn coi họ là những người giao dịch cổ phiếu quan trọng, có thế lực và thành đạt trên Phố Wall.
Trong những năm 20 của thế kỷ XX, Livermore quả quyết rằng kinh nghiệm là một trong những yếu tố then chốt dẫn đến sự thành công lâu dài trên thị trường. ông ngày càng nổi danh là một trong những nhà kinh doanh cổ phiếu tài giỏi và thành công nhất. Nhờ tuân theo những quy tắc mà mình đề ra trong kinh doanh, ông đã thực sự biến giấc mơ của mình trở thành hiện thực: trở thành người đàn ông giàu có. Tuy vậy, ông luôn coi mình chỉ là người học việc trên thương trường và luôn coi học tập là quá trình không ngừng nghỉ. Livermore tin tưởng rằng không ai có thể kiểm soát được thị trường.
Vào khoảng thời gian này, ông bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng của việc tìm hiểu cổ phiếu nào thực sự dẫn đầu khi thị trường đang có xu hướng tăng giá. ông cũng không ngừng học hỏi cách mà những nhà lãnh đạo có thể nổi bật trước đám đông và cách mà họ đã trở thành những người thực sự thắng cuộc. ông cũng nghiên cứu những cuộn băng về cổ phiếu và tìm hiểu phương thức hoạt động của thị trường để từ đó có thể trở thành người đứng đầu trong lĩnh vực cổ phiếu. ông khám phá ra rằng khi thị trường có xu hướng tăng giá thì sẽ xác định được những cổ phiếu ăn khách nhất trong những ngành hàng đầu. Việc xác định này một lần nữa giúp ông thấy được tầm quan trọng của việc
hiểu biết những nguyên tắc cơ bản trên thị trường cũng như giá cổ phiếu. Việc ông khám phá một số cổ phiếu nhất định thuộc cùng một ngành nghề hoạt động giống nhau như thế nào và những nhóm cổ phiếu hàng đầu vận động theo chiều hướng nào để phù hợp với xu hướng chung của thị trường chính là chìa khóa dẫn tới những thành công ngày càng lớn hơn của ông mà đỉnh điểm là khi thị trường sụp đổ năm 1929.
Từ mùa đông năm 1928 đến mùa xuân năm 1929, hiện tượng đầu cơ chờ giá lên ở thị trường chứng khoán diễn ra mạnh mẽ. Livermore nóng lòng chờ giá cổ phiếu lên để có thể kiếm lời lớn và ông mong giá cổ phiếu sau đó sẽ lên đến mức đỉnh điểm trên thị trường. Vào đầu mùa hè năm 1929, ông bán tất cả những cổ phiếu có kỳ hạn dài, ông muốn bán cổ phiếu khi giá của chúng đang tiếp tục lên. ông cũng cho rằng thị trường đã mở rộng quá mức. ông đã từng chứng kiến việc thị trường tăng giá mạnh và nhận thấy thị trường bắt đầu có xu hướng giảm giá chứ không phải là xu hướng tăng giá mạnh như đã từng xảy ra. ông bắt đầu tìm hiểu kỹ lưỡng những cổ phiếu có kỳ hạn ngắn.
Chiến thuật tìm hiểu kỹ thị trường của Livermore là mua cổ phiếu với số lượng ít khi bắt đầu giao dịch. Nếu việc giao dịch này diễn ra suôn sẻ thì ông sẽ mua thêm nhiều cổ phiếu và tiếp tục mua (hoặc bán cổ phiếu trước thời hạn) nếu thị trường diễn ra theo đúng như những gì ông suy luận, đây chính cũng chính là chiến lược thứ hai của ông (chiến lược mua cổ phiếu với số lượng ngày càng nhiều hơn khi giá cổ phiếu này tiếp tục tăng). ông thường tính toán mức giá trung bình cao lên thay vì tính mức trung bình thấp đi, cách tính này cũng được nhiều người trong thời đại ông và trong cả thời đại ngày nay áp dụng. Nhưng cách tính này không phải là cách tính có lợi nhất. (Bình thường, người ta hay sử dụng chiến thuật mua nhiều khi giá thấp và mua ít dần đi khi giá tăng cao đối với một loại cổ phiếu. Như vậy, mức giá trung bình của cổ phiếu đó sẽ thấp hơn và dễ thu được lợi nhuận cao hơn khi giá
tăng cũng như sẽ bị lỗ hơn khi giá hạ). ông cũng tận dụng mối quan hệ với nhiều người môi giới chứng khoán để giao dịch cổ phiếu thông qua họ, bởi danh tiếng và quyền lực trong việc giao dịch cổ phiếu đã khiến nhiều người quan tâm, để ý đến ông.
Khi bắt đầu chiến lược thăm dò thị trường, Livermore biết chắc rằng thị trường có thể sẽ bắt đầu sụp đổ do giá cổ phiếu liên tục tăng với tốc độ đáng kinh ngạc trong một khoảng thời gian dài. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà tất cả những nhà kinh doanh cổ phiếu vĩ đại đề cập trong cuốn sách này tiếp thu được. Khi mọi thứ trở nên tuyệt vời và kỳ diệu thì người kinh doanh cổ phiếu phải luôn phát hiện thấy những dấu hiệu cho thấy thị trường sắp thay đổi.
Năm 1929 có rất nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường sẽ sụp đổ. Những cổ phiếu hàng đầu ngừng tăng giá. Giá cổ phiếu đã lên tới đỉnh điểm. Mọi người đều đã kiếm được 10% lợi nhuận, đều đưa ra những lời khuyên về đầu tư cổ phiếu và cho rằng mình là chuyên gia về thị trường chứng khoán. Ta có thể thấy rõ một điều là khi mọi người đều đã đầu tư vào thị trường cổ phiếu thì sức mua thêm sẽ không còn nữa và do đó không thể tiếp tục đẩy giá của thị trường lên cao hơn.
Cuối cùng vào tháng 10 năm 1929, thị trường sụp đổ. Livermore đang nắm giữ rất nhiều cổ phiếu với kỳ hạn ngắn mà ông đã mua mấy tháng trước đó. Nhờ đó ông đã thu được nhiều triệu đô la tiền lãi trong vụ thị trường sụp đổ. Khi mà mọi người mất hết số tiền lãi đã có và có tin đồn rằng nhiều người nhảy lầu tự tử thì Livermore lại có một trong những ngày nhận nhiều tiền lãi nhất. Nổi tiếng với biệt danh “Người đầu cơ chờ giá hạ của Phố Wall”, ông đã bị nhiều người chỉ trích là đã gây ra vụ khủng hoảng này, ông còn nhận được rất nhiều lời đe dọa ám sát từ những người đã mất tất cả mọi thứ mà họ
từng sở hữu. Ngay sau khi vụ thị trường phá sản diễn ra, tờ Thời báo New York đã đưa ra một nhan đề: “Jesse Livermore bị tố giác là người cầm đầu nhóm những người ngăn chứng khoán có giá đang tăng mạnh…”.
Sau sự kiện này, Quốc hội đã thông qua Điều luật về Chứng khoán và Trao đổi chứng khoán và thành lập Hội đồng Trao đổi Chứng khoán với hy vọng rằng sẽ bình ổn thị trường bằng cách tạo ra những thay đổi có tính sâu rộng đối với việc kinh doanh giao dịch cổ phiếu. Livermore kết luận rằng ông không phải thay đổi những quy tắc của chính mình bởi vì bản chất loài người không đổi và rốt cục chính con người sẽ điều khiển mọi hoạt động trên thị trường chứng khoán.
Mặc dù Livermore kiếm được nhiều triệu đô la khi giao dịch những cổ phiếu có kỳ hạn ngắn trên thị trường, như ông đã từng làm năm 1929 nhưng ngày càng khó có được thành công tuyệt vời đến như vậy. Một cổ phiếu đang lên sẽ có thể tiếp tục tăng giá, nhưng một cổ phiếu xuống dốc có thể sẽ giảm giá xuống không. Bạn phải phản ứng nhanh hơn với thị trường bởi vì sợ hãi là nguyên nhân khiến giá tiếp tục giảm còn niềm tin sẽ là động lực khiến giá tiếp tục tăng. Hơn nữa sợ hãi sẽ làm cho bạn đưa ra quyết định nhanh hơn so với khi bạn có niềm tin. Bạn phải có khả năng thay đổi tâm lý nhanh khi tham gia giao dịch trên thị trường.
Mặc dù Jesse Livermore đã rất giàu có nhưng ông vẫn phải đối mặt với rất nhiều nỗi phiền muộn trong cuộc sống riêng. Trải qua thời gian khó khăn trong cuộc sống hôn nhân, sau đó là ly dị và những vấn đề khác trong gia đình, Livermore trở nên cực kỳ tuyệt vọng. Bên cạnh đó việc kinh doanh cổ phiếu của ông cũng gặp nhiều khó khăn. Thực tế là năm 1934, ông đã một lần nữa tuyên bố phá sản và người ta đồn rằng ông đã mất toàn bộ số tiền kiếm được năm năm trước đó. Những khúc mắc cá nhân đã khiến ông rơi vào tình
trạng này và qua đây chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của việc đề ra mục tiêu cân bằng tình cảm để có thể toàn tâm vào việc kinh doanh kiếm lời trên thị trường, tránh được những sai lầm đắt giá. Thời gian sau đó, cuộc sống của ông hoàn toàn đối lập với những quy tắc đề ra khi ông đang ở đỉnh điểm thành công và danh tiếng ở Phố Wall.
Ghi chép sự thành công
Cuối năm 1939, Livermore quyết định viết một quyển sách riêng về những chiến lược giao dịch cổ phiếu và tháng 4 năm 1940, cuốn sách của ông mang tựa đề Làm thế nào để giao dịch cổ phiếu (How to Trade in Stocks) được xuất bản. Cuốn sách bán không chạy, chủ yếu do tại thời điểm đó công chúng ít quan tâm đến thị trường chứng khoán vì những ảnh hưởng còn để lại của cuộc Đại khủng hoảng trên thị trường trước đó. Tuy nhiên, tác phẩm đầu tiên này lại là nguồn tư liệu vô cùng quý giá đối với tất cả các nhà giao dịch cổ phiếu đầy tham vọng.
Vài tháng sau khi cuốn sách được xuất bản, vào ngày 28 tháng 11 năm 1940, Jesse Livermore đã tự tử mang theo nỗi thất vọng ghê gớm trong lòng. ông đã chết ngay lập tức sau khi tự bóp cò.
Đối với Livermore, thị trường chứng khoán là một thách thức lớn nhất và phức tạp nhất trên thế giới. Niềm ao ước và niềm say mê của ông là có được sự thành công trên Phố Wall. Livermore tin tưởng rằng đầu cơ cổ phiếu là một hình thức nghệ thuật chứ không đơn thuần là phân tích khoa học.
Rất nhiều người coi Jesse Livermore là nhà giao dịch cổ phiếu vĩ đại nhất mọi thời đại. Tác phẩm kinh điển về đầu tư “Hồi ký của các nhà điều hành cổ phiếu” của Edwin Lefevre, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1923 đã viết về tiểu sử của Livermore. Tập hồi ký này vẫn là một trong những tác phẩm
về đầu tư được nhiều bạn ưa thích nhất và được đánh giá cao nhất cho tới tận ngày nay. Richard Wyckoff viết một quyển sách ngắn mang tựa đề “Các phương cách của Livermore trong việc giao dịch cổ phiếu” sau khi ông phỏng vấn Livermore vào những năm 20 của thế kỷ XX. Trong những năm vừa qua rất nhiều sách và các bài báo đã viết về Jesse Livermore vì cuộc đời huyền thoại của ông vẫn được bạn đọc quan tâm cho đến tận ngày nay.
Livermore là người duy nhất mở đường cho những nhà giao dịch chứng khoán sau này bằng những khám phá của mình về những gì hoạt động và không hoạt động trên thị trường. Livermore là một người thích cuộc sống ẩn dật, ông luôn giữ bí mật những phiên giao dịch và sổ sách ghi chép của mình. ông là một trong những người đầu tiên mua cổ phiếu khi giá của những cổ phiếu này đang tăng sau khi vượt qua được thời kỳ giá duy trì ở một mức nhất định. Chiến lược này của ông hoàn toàn đối lập với chiến lược của những người khác - những người cho rằng mua cổ phiếu với giá càng rẻ càng tốt. Livermore luôn cho rằng ông mất tiền khi phá vỡ những nguyên tắc mình đề ra và ông luôn kiếm được nhiều tiền khi ông tuân theo chúng. ông làm việc rất chăm chỉ để phân tích thị trường và nghiên cứu các giả thuyết về đầu cơ và nhờ vậy đã lên tới đỉnh cao của sự nghiệp. ông đã mắc phải tất cả những sai lầm mà hầu hết những người giao dịch chứng khoán mắc phải, nhưng ông đã rút ra được nhiều điều quý giá từ những sai lầm này và ông luôn luôn duy trì quá trình học tập của mình bằng cách đọc những cuốn băng ghi các phiên giao dịch và nghiên cứu thị trường.
Câu danh ngôn nổi tiếng của ông mà rất nhiều sách báo đã trích dẫn trong nhiều năm qua đó là câu “Phố Wall không bao giờ thay đổi. Túi tiền thay đổi, cổ phiếu thay đổi, nhưng Phố Wall không bao giờ thay đổi bởi vì bản tính con người không bao giờ thay đổi”. Câu nói này cho thấy tâm lý có vai trò quan trọng như thế nào đối với thị trường. ông tin rằng con người hành động
và phản ứng lại thị trường giống như cách mà họ hy vọng, lo lắng, mong muốn và thờ ơ, điều đó giải thích tại sao những công thức số học và sơ đồ cổ phiếu thường lặp đi lặp lại theo một cơ sở nhất định từ thời kỳ này sang thời kỳ khác.
Livermore cũng tin rằng rất khó để thành công trên thị trường chứng khoán bởi vì thị trường chứng khoán thu hút nhiều người. Thị trường đòi hỏi con người phải có khả năng phán đoán xu hướng sắp xảy ra trong tương lai. Đây là một công việc rất khó khăn bởi vì không dễ dàng điều khiển và chế ngự bản tính con người. Livermore cũng quan tâm đến khía cạnh tâm lý trong thị trường đến mức đã có lúc ông tham gia một khóa học tâm lý chỉ bởi vì ông muốn nghiên cứu chứng khoán. Tham gia những khóa học tâm lý này đã chứng tỏ sự tâm huyết của Livermore khi ông muốn hiểu được mọi khía cạnh của thị trường ngay cả khi một số dường như có vẻ ít liên quan nhất đến việc kinh doanh cổ phiếu. Với việc nỗ lực nâng cao những kỹ năng cần thiết, ông mong muốn có được mọi lợi thế khi giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Livermore đã tham gia giao dịch chứng khoán tích cực trong vòng 48 năm từ năm 1892 đến năm 1940. Qua nhiều trải nghiệm cộng với những thăng trầm trong cuộc đời, khi phá sản, lúc giàu có, Livermore đã phát triển được một vài chiến lược mà nhờ đó ông đã thành công trên thương trường.
Cách thức của Livermore: Đề ra các tiêu chuẩn trong kinh doanh cổ phiếu
Trải qua những năm tháng kinh doanh trên thị trường chứng khoán, các chiến lược của Livermore ngày càng trở nên hoàn thiện. Giao dịch cổ phiếu đã thực sự trở thành nghề nghiệp của ông. Nhờ những kinh nghiệm được đúc rút từ những lần thất bại cũng như những lần thành công, ông đã tự hoàn thiện mình và không ngừng tìm hiểu những gì hoạt động và không hoạt động trên thị trường chứng khoán.
Dưới đây chúng tôi sẽ trình bày những chiến lược mà Livermore đã đề ra - những chiến lược đã được các nhà giao dịch cổ phiếu vĩ đại sau này áp dụng theo cách thức riêng của họ.
Các kỹ năng và những đặc điểm của một nhà giao dịch cổ phiếu thành công
Livermore tin tưởng rằng để trở thành nhà giao dịch cổ phiếu thành công phải có những phẩm chất nhất định, và công việc giao dịch này chắc chắn không phù hợp với tất cả mọi người. Đây không phải nghề dành cho những người ngớ ngẩn, lười động não hoặc những người không có khả năng cân bằng tình cảm. Đặc biệt nó không dành cho những ai muốn làm giàu nhanh chóng. Đây là một đặc điểm rất quan trọng mà Livermore đã phát hiện ra trong quá trình giao dịch ở thị trường chứng khoán.
Một trong những chìa khóa dẫn tới thành công khi giao dịch chứng khoán là bạn phải hiểu được yếu tố thời gian. Livermore tôn trọng yếu tố thời gian và ông tin rằng không ai có thể coi thị trường là nơi có thể giúp họ kiếm tiền nhanh chóng. Xem xét thị trường theo quan điểm như vậy là cực kỳ nguy hiểm và thường dẫn tới những hậu quả ngược lại. Cân bằng tình cảm, điều mà sau này Livermore phải cố gắng vượt qua trong cuộc sống của mình và cuối cùng đã dẫn tới cái chết bi thảm của ông, được coi là vô cùng quan trọng bởi vì thành công trong thị trường chứng khoán không đơn thuần là cuộc chiến về trí tuệ, mà còn là một cuộc chiến về mặt tình cảm.
Một trong những phẩm chất mà Livermore cho là cần thiết để thành công trên thị trường chứng khoán là phải biết cân bằng tình cảm. ông biết một trạng thái cân bằng tốt về mặt tâm lý - nghĩa là không bị ảnh hưởng bởi sợ hãi hay hy vọng - là một nhân tố dẫn tới thành công trên thương trường. Kiên nhẫn, nghĩa là chờ đợi thời cơ tốt, là một trong những yếu tố cần thiết đối với một nhà giao dịch cổ phiếu. Thiếu kiên nhẫn là một điểm yếu và có thể gây ra
những tổn thất, thua lỗ cho những người kinh doanh cổ phiếu. Tương tự như vậy, giữ im lặng và giữ bí mật về những thua lỗ và những thành tích của mình là một là trong những kỹ năng cực kỳ quan trọng. Đạo đức nghề nghiệp cũng hết sức quan trọng.
Livermore coi việc đầu cơ cổ phiếu là một công việc chính thức bởi vì công việc này yêu cầu phải đầu tư toàn bộ tâm trí để có thể kinh doanh tốt. Muốn trở thành nhà giao dịch cổ phiếu thành công cũng giống như muốn trở thành bác sĩ hay luật sư giỏi, bạn phải không ngừng học tập và rèn luyện. Nhiều người không cho rằng thị trường chứng khoán yêu cầu những ai tham gia phải cố gắng nỗ lực như những nghề đã đề cập ở trên. Những người này quan niệm thị trường rất đơn giản, bạn không cần phải nỗ lực bởi vì để tham gia vào thị trường này, tất cả những gì bạn phải làm đó là hướng dẫn những người môi giới chứng khoán tham gia giao dịch. Hoặc bạn chỉ cần lắng nghe những lời khuyên từ người ngoài và sau đó dựa vào những thông tin đó để đưa ra những quyết định giao dịch và đợi tiền sẽ đến với mình. Khi không có đủ giấy tờ hợp pháp và bằng cấp học hành đầy đủ, không một ai dám đưa ra quyết định tiến hành phẫu thuật hoặc bảo vệ bạn trước tòa án, điều này cũng đúng trong trường hợp giao dịch cổ phiếu. Đây là một kỹ năng luôn luôn đúng trong mọi thời đại. Livermore coi việc giao dịch cổ phiếu là một nghề kinh doanh và ông luôn luôn tìm kiếm những cách thức mới để nâng cao khả năng của mình.
Những kỹ năng sau ông cho là cần thiết:
• Kiếm chế cảm xúc (kiếm chế những cảm xúc có thể ảnh hưởng đến giao dịch cổ phiếu).
• Có kiến thức về kinh tế và nắm bắt các hoạt động diễn ra trên thị trường (cần có kinh nghiệm cần thiết để biết những sự kiện nào có thể ảnh hưởng
đến thị trường và giá cổ phiếu).
• Kiên nhẫn (khả năng tăng lợi nhuận không ngừng là khả năng phân biệt giữa người giao dịch cổ phiếu giỏi với người giao dịch bình thường).
Bốn kỹ năng và đặc điểm khác mà ông cho là cần thiết:
• Khả năng quan sát - chỉ dựa vào những dữ liệu thực tế.
• Khả năng ghi nhớ - ghi nhớ những sự kiện quan trọng để tránh mắc phải những sai lầm trước.
• Khả năng toán học - có kiến thức về số học và những quy tắc cơ bản. • Kinh nghiệm - rút ra bài học từ những thành công và thất bại. Nhà kinh doanh cổ phiếu có nguyên tắc
Theo quan điểm của Livermore, tính trung thực và khách quan trong quá trình ghi chép sổ sách, việc tự mình động não, tự mình đưa ra quyết định là những nguyên tắc vô cùng quan trọng trong kinh doanh chứng khoán. Bất cứ lần nào ông không tự mình đưa ra những quyết định giao dịch ông lại bị thua lỗ lần đó.
Livermore đã xem xét lại tất cả những lần giao dịch cổ phiếu của mình, kể cả những lần giao dịch bị thua lỗ. Đây là một trong những việc ông làm thường xuyên và ông bắt đầu công việc này ngay từ khi mới chập chững bước vào nghề giao dịch cổ phiếu. Việc xem xét những lần giao dịch trước là một cách học tập rất tốt giúp ông tránh được thua lỗ trong tương lai và tránh mắc phải những sai lầm trước.
Một nguyên tắc khác mà mãi sau Livermore mới thực hiện (và nếu tuân theo
nguyên tắc này sớm hơn, có lẽ ông đã tránh được những quãng thời gian tồi tệ nhất) đó là dành một nửa số lợi nhuận ở những phiên giao dịch ông đã thu lãi gấp đôi, đem gửi ở các quỹ dự trữ. Quỹ này sẽ giúp ông tránh phá sản. Nó cũng cung cấp cho ông vốn cần thiết để vẫn có thể giao dịch khi thị trường có biến động.
Một nguyên tắc khác mà Livermore đã sớm học được là: giao dịch hàng ngày hoặc hàng tuần là một việc làm của những người thất bại và kiểu giao dịch này sẽ khó đạt được thành công. ông nhận thấy là có thể giao dịch ở một số thời điểm nhất định nhưng cũng có lúc không nên tiến hành giao dịch cổ phiếu. ông đã nhiều lần nghỉ ngơi và đi nghỉ mát, điều này rất tốt cho sức khỏe vì lúc này thị trường không đem đến cho ông những cơ hội tốt nhất. Nguyên tắc này không bắt buộc ông lúc nào cũng phải giao dịch. Trở thành người ngoài cuộc và người quan sát, bạn có thể nhận thấy rõ những thay đổi trên thị trường hơn là những người ngày nào cũng quan sát từng dao động nhỏ của thị trường.
Livermore rất thận trọng khi đọc những băng ghi giao dịch chứng khoán và phân tích những biến động về giá của thị trường nói chung cũng như những giá từng cổ phiếu riêng lẻ. Những nguyên tắc mà ông đã áp dụng trong việc giao dịch chứng khoán và ông đã nghiêm túc thực hiện chúng như thế nào vẫn còn là điều bí ẩn. ông đã bí mật học trong ngôi nhà của mình, ông thường học một hoặc hai tiếng trước bữa sáng. Thời gian yên tĩnh được ngồi học một mình đối với ông rất quan trọng. Được nghỉ ngơi thoải mái vào đêm hôm trước nên ông thấy buổi sáng là thời gian rất tốt để tập trung trí tuệ. ông có thể phân tích tình hình kinh tế, các tin tức xảy ra ngày hôm trước và sau đó đưa ra những giao dịch mà ông cho là hợp lý và phán đoán thị trường có thể diễn ra theo chiều hướng nào.
Với tính cách thích ẩn mình, quá trình suy nghĩ của ông không bị tác động bởi những nhân tố bên ngoài. Tại phòng làm việc của mình, ông không muốn ai giúp đỡ và ông có thể ngồi lì ở trong phòng cả ngày. ông ngồi trong phòng để muốn xem xét kỹ hơn những cuốn băng ghi giao dịch chứng khoán và cũng bởi vì ông tin rằng tư thế ngồi thẳng sẽ giúp ông có thể suy nghĩ tỉnh táo hơn. Người ta nói rằng bàn làm việc của ông ngăn nắp, trật tự và sạch sẽ như một tờ giấy trắng. Livermore đã tuân thủ nghiêm túc những quy tắc kinh doanh của mình với hy vọng đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp.
Là người tiên phong đề ra những nguyên tắc giao dịch chứng khoán
Livermore là người tiên phong thực hiện nhiều nguyên tắc trong kinh doanh chứng khoán. Trước ông, không có ai hoạt động giao dịch chứng khoán mà có thành công lớn để ông có thể học hỏi. Livermore tự học hỏi, rút ra từ những sai lầm đã mắc, ông nghiên cứu thị trường với tất cả sự tập trung và vận dụng những kinh nghiệm mình đã trải qua để tìm hiểu những gì hoạt động và không hoạt động trên thị trường chứng khoán. Những sai lầm, những thành công ông đạt được là những bài học quý báu cho nhiều nhà kinh doanh cổ phiếu sau này.
Nhiều nhà kinh doanh chứng khoán đã tuân theo những nguyên tắc cơ bản mà Livermore đề ra, họ thường học hỏi nguyên tắc thông qua những sai lầm mà họ đã mắc phải. Ví dụ, họ cho rằng Livermore là nhà kinh doanh đầu tiên mua cổ phiếu khi giá cổ phiếu ở mức cao mới. ông cũng mua với số lượng ngày càng nhiều hơn khi cổ phiếu đang ở mức giá cao sau khi đã xem xét kỹ lưỡng thị trường sẽ diễn biến như thế nào. Những nguyên tắc này cũng được áp dụng đối với cổ phiếu có thời hạn ngắn bởi vì ông kinh doanh chúng do những cổ phiếu yếu này tiếp tục ở mức giá thấp. ông không bao giờ mua cổ phiếu khi cổ phiếu này đang ở mức giá thấp và trải qua thời gian ông đã đúc
kết được kinh nghiệm không bao giờ được tính giá trung bình thấp khi mua cổ phiếu khi giá cổ phiếu này bắt đầu giảm. Chiến lược này - gọi là chiến lược tính trung bình chi phí - là chiến lược tính thua lỗ và không một nhà kinh doanh vĩ đại nào được đề cập trong cuốn sách này áp dụng.
Livermore không phải là người kinh doanh theo phong trào bởi vì ông giao dịch dựa trên việc nghiên cứu cuốn băng ghi những phiên giao dịch chứng khoán và nghiên cứu sự biến động về giá cổ phiếu. Ngay cả khi không nhìn sơ đồ chứng khoán thì một chuyên gia về chứng khoán có thể biết khi nào cổ phiếu ăn khách tăng hoặc khi nào giá cổ phiếu đó tăng lên một mức mới. Livermore là người có khả năng đọc những cuốn băng ghi phiên giao dịch cổ phiếu rất tốt, có được khả năng này không phải là dễ. Đọc những giao dịch cổ phiếu rất khó vì nó đòi hỏi phải quan sát liên tục không ngừng và có thể sẽ dựa vào cảm tính của mình khi xem xét sự vận động của cổ phiếu. Bạn cần nghiêm túc tuân theo những nguyên tắc kinh doanh để tránh không rơi vào tình trạng đưa ra những quyết định dựa trên cảm tính của mình. Những người có khả năng đọc phiên giao dịch chứng khoán tốt nhất (Livermore, Jack Dreyfus và Gerald Loeb) đều tin tưởng vào những gì mà họ đọc được, chứ họ không tin tưởng vào cảm tính của mình.
Livermore đã sử dụng công cụ phân tích toán học để đánh giá diễn biến thị trường nhưng tất cả những thông tin cần thiết ông nắm được đều nhờ vào việc tập trung quan sát sự vận động của giá cổ phiếu và số lượng cổ phiếu mà những người khác mua. ông chỉ đưa ra quyết định mua cổ phiếu khi giá cổ phiếu đang ở mức cao và ngày càng có nhiều người mua với số lượng nhiều hơn. Đây là những thông tin cho thấy nhu cầu về cổ phiếu này rất lớn. ông cho rằng khi những cá nhân nói riêng hoặc thị trường nói chung mua cổ phiếu với số lượng ngày càng nhiều thì chắc chắn thị trường sẽ có biến động. ông cố gắng quan sát những dấu hiệu xảy ra trên thị trường. Livermore đã dựa
vào số lượng cổ phiếu để đưa ra những quyết định mua hoặc bán cổ phiếu ăn khách trên thị trường.
ông coi số lượng cổ phiếu tăng là một tín hiệu cho thấy thị trường nhất định sẽ biến động. ông không quá chú trọng điều gì đã tác động đến thị trường bởi quyết định giao dịch trong các cuốn băng đã là những bằng chứng đầy đủ. ông cho rằng nếu thị trường diễn biến theo xu hướng này thì ông đã có được bằng chứng chứng minh cho điều đó. ông không cần phải cố gắng tìm hiểu lý do chính xác tại sao nhiều nhà đầu tư có nhu cầu lớn về một loại cổ phiếu nhất định. Nếu có nhiều người đầu tư vào một loại cổ phiếu thì sẽ đẩy giá cổ phiếu này tăng lên. Còn nếu thị trường ít có nhu cầu về một loại cổ phiếu thì giá cổ phiếu này sẽ giảm xuống. Đây sẽ là những tín hiệu giúp ông xác định thời điểm cần đưa ra quyết định giao dịch. Những quyết định giao dịch cổ phiếu của ông thường dựa trên khả năng diễn biến tiếp theo của cổ phiếu và xu hướng hiện tại của thị trường.
ông thường mua cổ phiếu khi giá của chúng đang ở mức cao mà không cần quan tâm đến những yếu tố khác. Livermore nhận thấy tầm quan trọng của việc mua cổ phiếu đúng lúc. Ví dụ, ông mong chờ giá của cổ phiếu sẽ vượt qua được mức giá mà nó đã giữ trong một thời gian dài. Những nhà đầu tư sẽ đưa ra quyết định giao dịch khi giá cổ phiếu này tạo được bước đột phá. ông chỉ quyết định giao dịch khi đã chắc chắn rằng giá cổ phiếu đó đã vượt qua được thời kỳ giậm chân tại một mức giá. Ngay sau khi bạn đã xác định được xu hướng hoặc những thay đổi trên thị trường thì đây được coi là thời điểm tốt để bạn bắt đầu kinh doanh. Điều này có thể xảy ra đối với từng cổ phiếu hoặc với cả thị trường chứng khoán. ông không quá chú trọng việc nên mua hay nên bán cổ phiếu vì ông sẽ thực hiện cả hai sự giao dịch đó trên thị trường.
Sau đó, ông quan sát kỹ lưỡng diễn biến của cổ phiếu để biết sự biến động của cổ phiếu đó có diễn ra theo đúng những gì ông dự đoán không. Nếu đúng như vậy thì xu hướng đó sẽ tiếp tục diễn ra. Bạn không nên theo đuổi một cổ phiếu khi giá của cổ phiếu này đã tăng hơn rất nhiều so với giá ban đầu của nó bởi vì khi bạn thua lỗ thì hậu quả sẽ rất nặng nề. (Điều này cũng giống như cách nhìn nhận của O’Neil khi theo đuổi một cổ phiếu vượt quá xa trị giá ban đầu.) Bạn cũng không nên mua cổ phiếu khi chưa xác định chính xác cổ phiếu này sẽ diễn biến như thế nào bởi vì cổ phiếu đó có thể không theo chiều hướng bạn mong muốn. Livermore muốn chỉ đưa ra quyết định giao dịch mới khi ông đã xác định chính xác cổ phiếu này đang diễn biến theo chiều hướng nào. ông thường áp dụng những quy tắc này khi giao dịch những cổ phiếu có kỳ hạn ngắn. Nếu một cổ phiếu được giao dịch với mức giá thấp và khi người ta đổ xô mua cổ phiếu này mà giá của nó tiếp tục xuống thấp hơn so với mức trước thì Livermore tin rằng có nhiều khả năng cổ phiếu đó tiếp tiếp tục xuống giá.
Mua cổ phiếu tại thời điểm giá cao và khi thị trường hầu như không phản ứng với giá mới này và mua cổ phiếu khi giá của nó đã vượt qua được mức giá duy trì trong một thời gian dài là những hành động mà Livermore thường thực hiện. Cũng giống như cơ thể đang chuyển động, một khi cổ phiếu đã vượt qua được giai đoạn giá giữ nguyên ở một mức thì cổ phiếu này sẽ tiếp tục tăng giá. Livermore tin rằng cổ phiếu đó sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn nữa. Một lần nữa xin bạn lưu ý hãy chờ diễn biến tiếp theo của cổ phiếu trước khi đưa ra những quyết định giao dịch. Bạn cũng phải xác định rõ diễn biến này của thị trường. Chiến lược này được coi là chiến lược kiểm soát rủi ro.
Bạn hãy đợi cho đến khi đã xác định rõ diễn biến thị trường. Nếu thị trường không diễn biến theo như những gì ông phán đoán thì ông biết rằng mình đã sai và ngay lập tức ngừng giao dịch. Chờ đợi để đưa ra những quyết định đầu
tư đúng đắn là cực kỳ quan trọng. Nó đòi hỏi bạn phải cực kỳ kiên nhẫn. Livermore đã ngồi trên đống tiền rất lâu trước khi sử dụng chúng đúng lúc, đúng thời điểm.
Bạn cũng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng cổ phiếu được giao dịch với số lượng là bao nhiêu khi giá cổ phiếu này tiếp tục tăng và bạn cũng cần phải xác định khi nào giá cổ phiếu sẽ ngừng thay đổi. Do thị trường biến động phản ánh quyết định của nhiều nhà đầu tư cổ phiếu nhưng điều này không có nghĩa phản ứng của những nhà đầu tư nhỏ hoặc bình thường không ảnh hưởng đến thị trường.
Một đặc điểm quan trọng trong nguyên tắc của Livermore đó là ông chỉ tập trung đến những người đầu tư cổ phiếu lớn khi thị trường có hiện tượng đầu cơ chờ giá lên. ông nắm giữ một số cổ phiếu có giá trị thấp và dễ dàng kiểm soát. ông cũng muốn biết rõ ai là người đầu tư cổ phiếu nhiều nhất trước khi ông đưa ra quyết định giao dịch của mình. ông chỉ tập trung sự chú ý của mình vào những người đầu tư lớn thay vì quan sát tất cả những ai giao dịch chứng khoán. ông nhận thấy cổ phiếu mạnh nhất là cổ phiếu hàng đầu được những nhà đầu tư hàng đầu giao dịch. ông tránh không đầu tư vào các cổ phiếu yếu. Điều này chứng tỏ ông tránh những cổ phiếu rẻ tiền. ông quan sát thấy những cổ phiếu yếu, đang có xu hướng giảm sẽ rất khó khăn để tăng giá và ông chỉ cho phép mình giao dịch những cổ phiếu ăn khách đang có xu hướng tăng giá.
ông tiếp tục quan sát thị trường và mối quan hệ giữa xu hướng về giá của những cổ phiếu hàng đầu với những cổ phiếu khác trong cùng một ngành nghề. ông cũng nhận thấy trong những nhóm cổ phiếu hàng đầu sẽ có một cổ phiếu đặc biệt, một vài cổ phiếu trong cùng nhóm cũng hoạt động tốt. Nhận thấy điều này là một yếu tố quan trọng trong việc xác định xu hướng giá của
các loại cổ phiếu, ông thường quan sát nhiều cổ phiếu trong cùng một nhóm để thấy xu hướng biến động của chúng. ông tin rằng các cổ phiếu khác trên thị trường cũng sẽ diễn biến theo chiều hướng giống như chiều hướng của hầu hết cổ phiếu trong một nhóm bất kỳ vận động. ông gọi đây là xu hướng chung của cả nhóm. Khi thị trường hoạt động mạnh, nếu một nhóm nào đó có những cổ phiếu không hoạt động sôi nổi thì ông sẽ bán tất cả mọi cổ phiếu có bất cứ kỳ hạn nào hoặc ông tránh giao dịch cùng một lúc với những cổ phiếu thuộc nhóm đó.
Livermore cũng quan sát và đưa ra quyết định giao dịch với những cổ phiếu khác trong cùng một ngành nghề. ông nhận thấy nếu một nhà đầu tư hàng đầu của nhóm cổ phiếu mạnh bắt đầu giao dịch theo hướng ngược lại thì những cổ phiếu khác trong nhóm này cũng sẽ bắt đầu dịch chuyển theo hướng đó. Việc quan sát liên tục như vậy giúp ông phán đoán được những gì đang diễn ra trong nhóm cổ phiếu hàng đầu nói riêng và trong thị trường chứng khoán nói chung.
ông cũng nhận thấy mỗi một nhóm cổ phiếu nhất định sẽ diễn biến khác nhau. Điều quan trọng là bạn phải hiểu chu trình kinh tế trong mỗi ngành nghề và chu trình này ảnh hưởng như thế nào đến giá cổ phiếu. Bạn phải hiểu thị trường chứng khoán không bị ảnh hưởng bởi những hoạt động giao dịch cổ phiếu nhất thời. Do đó, bạn phải có khả năng phán đoán diễn biến tình hình kinh tế trước nhiều tháng. Nghĩa là bạn phải luôn luôn quan sát thị trường và phải là người có kiến thức về kinh tế và các kiến thức cơ bản khác.
Thị trường sụp đổ mà đỉnh điểm là năm 1907 và năm 1929 khi các cổ phiếu hàng đầu và nhóm cổ phiếu hàng đầu đều yếu đi hàng tháng trước khi chỉ số thị trường thực sự giảm. ông suy luận rằng khi những nhà đầu tư cổ phiếu hàng đầu thực hiện giao dịch lớn thì những người khác cũng sẽ giao dịch theo
như cách của họ. Năm 1929, bài học ông đã rút ra được từ vụ thị trường sụp đổ năm 1908 đã cho phép ông tận dụng mọi dấu hiệu của thị trường và bằng sự trải nghiệm của mình ông đã kiếm được khoản tiền lớn.
Khi những nhà giao dịch chứng khoán hàng đầu giao dịch nhiều, Livermore thường không cố gắng tìm hiểu nguyên nhân tại sao. ông để thị trường vận động theo xu hướng đó. ông không mất thời gian tìm hiểu lý do tại sao thị trường lại giảm giá, tất cả những gì ông biết đó là thị trường thực sự đã mất giá và việc ông cần làm đó là đưa ra những quyết định giao dịch phù hợp với thị trường hiện tại. Thường là sau một thời gian ông mới tìm ra được lý do.
Để có thể mua được chính xác những cổ phiếu hàng đầu trong nhóm những cổ phiếu thuộc các ngành hàng đầu sau khi giá của cổ phiếu này đã vượt được thời kỳ giữ nguyên một mức giá và để chắc chắn rằng mình giao dịch đúng với diễn biến của thị trường, Livermore đã thực hiện chiến lược thăm dò thị trường và chiến lược mua cổ phiếu với số lượng nhiều hơn khi giá cổ phiếu này tiếp tục tăng.
Tuy nhiên trước khi bắt đầu giao dịch, tốt hơn là bạn nên hiểu xu hướng chung của thị trường. Livermore tin rằng thị trường sẽ diễn biến theo hướng kết hợp giữa xu hướng hiện tại và tương lai và đó là lý do tại sao chúng ta luôn thấy rất khó đoán chính xác thị trường sẽ diễn ra như thế nào trong tương lai. Thị trường luôn luôn diễn biến theo chiều hướng mà nó muốn và ngược lại. ông đã thực hiện những giao dịch đối với cổ phiếu dài hạn khi thị trường có hiện tượng đầu cơ chờ giá lên và giao dịch những cổ phiếu ngắn hạn khi thị trường có hiện tượng đầu cơ chờ giá xuống và khi thị trường đồng thời xảy ra hai xu hướng trên thì ông sẽ không đưa ra quyết định giao dịch nào cả để chờ đến cho đến khi ông xác định rõ thị trường sẽ diễn biến theo chiều hướng nào. Tìm ra được xu hướng của thị trường là một trong những
công việc khó nhất phải làm bởi vì xu hướng này sẽ đối lập với những suy nghĩ và những quyết định mà mọi người đưa ra tại thời điểm này. Đó là lý do tại sao Livermore sử dụng chiến lược thăm dò thị trường.
ông sử dụng hai chiến lược này để mua một phần cổ phiếu ông dự định mua trước khi quyết định mua toàn bộ. Quyết định số lượng cổ phiếu muốn mua là bao nhiêu là việc làm vô cùng quan trọng trước khi ông thực sự bắt đầu mua cổ phiếu đó. Đây là một phần trong kế hoạch quản lý tiền tốt - một trong những nguyên tắc cơ bản của Livermore sau khi đã thăm dò thị trường. Trước hết, ông sẽ mua một số ít cổ phần của một cổ phiếu và sau đó, quan sát xem dự đoán ban đầu của mình có đúng không. Nếu vận động của cổ phiếu đó diễn ra theo đúng như những gì ông dự tính thì ông sẽ mua với số lượng nhiều hơn và sẽ mua với giá cao hơn ở những lần mua kế tiếp sau.
Ví dụ, nếu ông dự định sẽ mua 400 hoặc 500 cổ phần của một cổ phiếu nhất định, trước tiên, ông sẽ thực hiện tất cả các nguyên tắc đề ra trong kinh doanh của mình. Sau đó, ông sẽ mua 1 phần 5 số cổ phần ông dự tính mua (ở ví dụ này là 100), hoặc 20% số cổ phần ban đầu. Nếu cổ phiếu này diễn biến ngược với những dự đoán của ông thì ông sẽ bán đi và chỉ chịu thua lỗ ít. Nếu giá cổ phiếu này trôi nổi trên thị trường trong vòng vài ngày thì ông sẽ ngừng giao dịch bởi vì sự biến động của cổ phiếu không giống như những gì ông suy nghĩ. Nếu cổ phiếu tiếp tục tăng giá, ông sẽ tiếp tục mua thêm. ông sẽ mua với giá cao hơn so với lần mua trước và ông sẽ mua thêm 100 cổ phần nữa, tương đương với 20% số lượng ông dự tính mua ban đầu.
Tại thời điểm này ông đã sở hữu 200 cổ phần của một cổ phiếu đang tăng giá mà cổ phiếu này đang diễn biến theo đúng như những gì ông suy đoán. Điều này rất quan trọng. Quá trình giao dịch như thế này đã không bị cảm xúc tác động đến. Nguyên tắc này đã giúp ông đưa ra quyết định giao dịch dựa trên
việc cổ phiếu đang hoạt động như thế nào trên thị trường. ông không dựa vào niềm tin, sự sợ hãi hay mong muốn. Những nguyên tắc này cho ta thấy ông tiếp tục mua thêm cổ phiếu hoặc bắt đầu ngừng giao dịch nếu giá cổ phiếu này bắt đầu giảm.
Trong ví dụ này nếu cổ phiếu tiếp tục tăng giá thì ông sẽ mua nốt cổ phần còn lại hoặc trong trường hợp này là 200 hoặc 300 cổ phần còn lại. Đây là cách ông kiểm soát sự rủi ro trong một số trường hợp cụ thể. ông đã liên tục quan sát sự biến động của giá và xu hướng tiếp theo của giá.
Chiến lược này đòi hỏi bạn phải quan sát kỹ thị trường nhưng thực ra chiến lược này không dễ dàng thực hiện. Việc chuyên tâm đọc những cuốn băng ghi phiên giao dịch chứng khoán và những kinh nghiệm quý báu thu được đã giúp ông xác định, đề ra và tuân theo những chiến lược này để có thể gia tăng lợi nhuận cho mình.
Khi Livermore đã xác định mình sẽ giao dịch cổ phiếu có thời hạn ngắn hay có thời hạn dài, ông bắt đầu tìm kiếm những tín hiệu để bán cổ phiếu của mình. Người ta thường cho rằng phần giao dịch chứng khoán khó nhất không phải là mua, mà là bán. Những người cùng thời với Livermore cũng đồng tình với quan điểm trên.
Livermore muốn bán cổ phiếu khi giá của chúng tiếp tục tăng. Một lần nữa đây lại là một công việc hết sức khó khăn vì nó đi ngược lại với những mong muốn đang chế ngự trong chúng ta là nếu giữ thêm những cổ phiếu này, ta có thể kiếm thêm được tiền. Với kinh nghiệm và những kiến thức đúc kết được từ những lần quan sát thị trường, Livermore đã biết cách không để cảm xúc xen vào công việc và biết khi nào ngừng giao dịch. ông biết rằng ông không thể bán được với cái giá cao nhất, vì vậy ông luôn chú ý đọc những thông tin giao dịch trên cuộn băng và tìm kiếm những tín hiệu để bán sau khi cổ phiếu
này đã tăng được một khoảng thời gian nhất định và sau đó tăng đến một mức giá bất bình thường. Lúc này số lượng người đổ xô mua cổ phiếu này cũng đã tăng vọt. Việc giá có tăng lên đôi chút và cùng với đó là nhiều người đổ xô mua hay việc giá giảm và cũng có ngày càng nhiều người mua cổ phiếu là những tín hiệu quan trọng giúp bạn xác định được đây là thời điểm cần bán cổ phiếu đó. Kinh nghiệm đóng một vai trò quan trọng bởi vì nó sẽ giúp bạn nhận ra được những bất thường trong giá cổ phiếu và giao dịch với số lượng bất thường của những người đầu tư.
Thông thường Livermore chỉ giao dịch cổ phiếu có thời hạn dài nếu biết chắc rằng ông lãi ít nhất 10 giá. ông đã kiếm được số tiền lãi nhiều hơn thế ở những lần giao dịch thành công của mình chính là nhờ tính kiên nhẫn. Tuy nhiên, rất nhiều lần giao dịch không đi theo đúng hướng mà ông dự định ban đầu. Nếu cổ phiếu bắt đầu giảm giá, ông sẽ bán ngay và như vậy ông sẽ chỉ phải chịu thua lỗ một số tiền tối thiểu. Việc ông bán đi những cổ phiếu này cho thấy ông đã thừa nhận phỏng đoán của mình là sai. Trong thị trường chứng khoán, khi bạn đang đi sai đường, cách tốt nhất để sửa chữa là hãy làm điều gì đó để cứu vãn tình hình. Livermore đã bán cổ phiếu đó và tiếp tục giao dịch cổ phiếu khác. Nếu cổ phiếu đó đang trôi nổi trên thị trường và không biến động nhiều lắm thì ông sẽ ngừng giao dịch vì nếu tiếp tục giao dịch ông sẽ phải trả chi phí cơ hội cho hành động của mình. ông muốn được giao dịch những cổ phiếu ăn khách có xu hướng giá tăng lên hoặc giảm xuống chứ ông không muốn giao dịch với những cổ phiếu không biến động gì.
Hầu hết những chiến lược và nguyên tắc của Livermore dựa trên suy nghĩ về thị trường, những suy nghĩ này hoàn toàn trái ngược với hầu hết những nhà giao dịch chứng khoán cùng thời với ông. Những chiến lược quan trọng của ông có thể được khái quát như sau:
• Hiểu xu hướng chung của thị trường. Bạn phải nắm bắt, theo kịp với việc thị trường đang diễn ra theo xu hướng nào và phải luôn luôn quan sát thị trường. Quan sát và đưa ra những quyết định giao dịch phù hợp với thị trường, đừng giao dịch theo xu hướng ngược với thị trường.
• Hãy mua những cổ phiếu đang ở mức giá cao mới bởi vì những cổ phiếu loại này đã trải qua giai đoạn giữ nguyên một mức giá trong một thời gian dài. Hãy sử dụng chiến lược thăm dò thị trường để đánh giá việc giao dịch có đúng không và mua với số lượng ngày càng nhiều những cổ phiếu đang tăng giá.
• Cắt giảm thua lỗ xuống mức thấp. Hãy tránh đưa ra những quyết định sai lầm khiến bạn thua lỗ trên 10%, mức thua lỗ cho phép chỉ là 10%. Hãy bán những cổ phiếu trôi nổi trên thị trường bởi vì tiếp tục theo đuổi những cổ phiếu này, bạn sẽ mất đi chi phí cơ hội.
• Hãy kiên nhẫn với những cổ phiếu mạnh nhất của bạn khi giá của chúng tiếp tục tăng hoặc giảm (nếu cổ phiếu này có kỳ hạn ngắn). Hãy kiên nhẫn với những cổ phiếu đang vận động theo xu hướng đúng. Bạn sẽ kiếm được số tiền lớn nếu bạn biết hướng đầu tư.
• Bạn nên tập trung vào những cổ phiếu hàng đầu trong những lĩnh vực hàng đầu và hoạt động mạnh.
• Tránh nghe theo lời khuyên và sự mách bảo của người khác. Hãy tự mình nghiên cứu thị trường, luôn luôn gắn với thực tế và có những kiến thức cơ bản về thị trường.
• Tránh giao dịch cổ phiếu rẻ tiền. Bạn chỉ có thể kiếm được nhiều lợi nhuận từ những cổ phiếu lớn và bạn rất khó kiếm được nhiều tiền với những cổ
phiếu rẻ tiền.
Người ta xem những nguyên tắc này là hoàn toàn sai lầm và không chính xác, đặc biệt trong thời đại của Livermore. Tuy nhiên, thành công và sự giàu có mà Jesse Livermore có được cuối cùng đã chứng minh rằng đây là những chiến lược hoàn toàn đúng đắn.
Những chiến lược đã được chứng minh là hoàn toàn đúng và đang được áp dụng trong thời đại hiện nay
Để chứng minh thị trường thực sự đã không thay đổi nhiều qua thời gian và cổ phiếu thường lặp đi lặp lại những xu hướng giống như thế nào thì biểu đồ sau đây sẽ minh họa cho ta thấy những chiến lược của Livermore có thể được áp dụng như thế nào trong môi trường kinh doanh hiện nay. Bắt đầu vào giữa tháng 3 năm 2003, giá cổ phiếu có xu hướng tăng sau khi thị trường có hiện tượng đầu cơ chờ giá lên từ tháng 3 năm 2000. Sau 3 năm giảm giá, thị trường bắt đầu xuất hiện xu hướng mới. Các điều kiện kinh tế tăng trưởng và dự đoán của nhiều người về triển vọng làm ăn có lãi của các công ty đã dẫn tới xu hướng tăng giá, kéo dài trong vòng sáu tháng.
Một số nhà đầu tư kinh doanh cổ phiếu thành công ngày nay đã áp dụng những chiến thuật mà Jesse Livermore là người đi tiên phong hồi đó. Một trong hai cổ phiếu hàng đầu mới nổi lên trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng giá vào tháng ba năm 2003 đó là Stratasys, Inc (SSYS). Stratasys là một công ty công nghệ chuyên phát triển, sản xuất và bán trên thị trường các loại thiết bị 3-D đầu tiên để sáng tạo những mô hình tự nhiên được lấy mẫu từ vi tính. Về cơ bản, Stratasys là cổ phiếu mạnh, hàng đầu, vì tháng 12 năm 2002, loại cổ phiếu này đã tăng 81% lợi nhuận và tăng 13% doanh thu. Cuối tháng 3 năm 2003, cổ phiếu này còn đạt được kết quả tốt hơn, đó là tăng 243% lợi nhuận và 67% doanh thu.
Hình minh họa 1-1 cho thấy các hoạt động giao dịch diễn ra trên thị trường chứng khoán từ tháng 1 năm 2003 đến tháng 3 năm 2003 và ghi chú một số vùng quan trọng mà Livermore đã cảnh báo các nhà đầu tư cần quan sát kỹ lưỡng thị trường. Livermore chỉ đưa ra quyết định giao dịch sau khi ông đã nghiên cứu kỹ xu hướng của cổ phiếu từ cuốn băng ghi giao dịch, ông không phải là người giao dịch theo phong trào. Biểu đồ này đã minh họa rất rõ ông đã sử dụng chiến lược của mình như thế nào để xác định những cổ phiếu hàng đầu mới trên thị trường cũng như việc xác định xu hướng chung khi thị trường tăng giá và giá cổ phiếu bắt đầu hồi phục.
Ở hình 1-1, ta thấy những đặc điểm mà Livermore đã áp dụng:
• Chờ cho đến khi thị trường chung có hiện tượng tăng giá (thị trường thực sự đã tăng giá vào ngày 17 tháng 3 năm 2003).
• Tìm kiếm những cổ phiếu hàng đầu sau khi những cổ phiếu này đã vượt qua giai đoạn vẫn giữ nguyên một mức giá (lần đầu tiên trong vòng ba năm Stratasys đã vượt qua được mức giá 13 đô la).
• Số lượng cổ phiếu đóng một vai trò quan trọng giúp cổ phiếu này vượt qua được thời kỳ giữ nguyên một mức giá.
Hình 1-2. Miêu tả tiến trình tăng giá của cổ phiếu Stratasys trong giai đoạn ba tháng tới - từ tháng tư 2003 đến tháng 6 năm 2003 và qua đó ta thấy được tầm quan trọng trong nguyên tắc của Livermore.
Hình 1-2 minh họa các chiến lược của Livermore đã được áp dụng như thế nào đối với những cổ phiếu hàng đầu mới nhằm kiếm được lợi nhuận cao, đó là những chiến lược như:
Nguồn: www.bigcharts.com
• Hãy kiên nhẫn với cổ phiếu hàng đầu mới được xác định trên thị trường và hãy tiếp tục giao dịch những loại cổ phiếu này để gia tăng thêm lợi nhuận.
• Tận dụng phương pháp mua với số lượng ngày càng nhiều khi giá của những cổ phiếu này tiếp tục tăng và đang diễn ra như mong muốn.
• Hãy giữ chặt cổ phiếu và không bị cám dỗ bởi những khoản lợi nhuận ngắn hạn nếu thị trường nói chung và cổ phiếu đó nói riêng diễn ra theo đúng như mong muốn.
Khi bạn mua cổ phiếu Stratasys vào ngày 21 tháng 3 năm 2003 với giá cuối ngày là 13 đô la, tức là bạn đã tăng 166% lợi nhuận bởi vì giá cổ phiếu Stratasys đã đạt mức 34,58 đô la cuối phiên giao dịch ngày 30 tháng 6 năm 2003. Một việc làm rất quan trọng đó là bạn cần chờ cho đến khi thị trường chung thực sự tăng giá. Chỉ số NASDAQ đã trải qua thời điểm vô cùng quan trọng vào ngày 12 tháng 3 khi đạt được 7,7 điểm với số lượng giao dịch tăng 129,23%. Trong ngày tiếp theo, chỉ số NASDAQ tiếp tục tăng lên mức 61,54 điểm, tăng 1340,73% số lượng cổ phiếu được giao dịch. Ngày tiếp theo giá cổ phiếu này chỉ tăng thêm 0,45 điểm. Ở phiên giao dịch tiếp theo (thứ hai, ngày 17 tháng 3) cổ phiếu tiếp tục tăng giá (xem Chương 5 - William J.O‘Neil và đánh giá của ông đối với những hoạt động giao dịch sau khi ông đã xác định đúng xu hướng diễn ra của thị trường) khi đạt mức 51,95 điểm và cổ phiếu này được giao dịch với số lượng ngày càng nhiều hơn.
Trung bình chỉ số NASDAQ tăng 27,6%, từ mức thấp nhất là 1271,46 vào ngày 11 tháng 3 lên đến mức cao nhất là 1622,80 vào cuối ngày 30 tháng 6 năm 2003. Do thị trường tiếp tục có xu hướng tăng giá, cổ phiếu Stratasys tiếp tục tăng mạnh so với giá ban đầu. Ngày 30 tháng 9 năm 2003, chỉ số NASDAQ đã tăng 40,5% so với ngày 11 tháng 3. Cổ phiếu Stratasys đạt mức 42,62 đô la vào cuối phiên giao dịch ngày 30 tháng 9, như vậy cổ phiếu này đã tăng 227,9% so với ngày 17 tháng 3 năm 2003 - thời điểm mà giá cổ phiếu đã vượt qua được thời gian dài không thay đổi.
Cùng thời gian trên thì trên thị trường cũng có một cổ phiếu hàng đầu khác. Netease.com (NTES) là một công ty Internet có trụ sở tại Trung Quốc tham gia trong lĩnh vực cung cấp những phần mềm ứng dụng, dịch vụ và công nghệ cho thị trường Internet của Trung Quốc. Cổ phần ADR của cổ phiếu Natease.com và nhóm cổ phiếu Internet, nhóm mà Netease.com trực thuộc là một trong những nhóm cổ phiếu hàng đầu ăn khách khi thị trường có xu hướng tăng giá. Hình 1-3 và Hình 1-4 cho chúng ta những phân tích tương tự như cách mà chúng ta đã từng phân tích với cổ phiếu Stratasys.
Netease.com vốn là một cổ phiếu mạnh. Ba tháng cuối năm 2002 kết thúc với phiên giao dịch cuối ngày 31 tháng 12, cổ phiếu Netease.com đã tăng 207% lợi nhuận và tăng 815% doanh thu. Ba tháng đầu năm kết thúc với phiên giao dịch ngày 31 tháng 3 năm 2003, cổ phiếu này đã tăng 486% lợi nhuận và tăng 392% doanh thu. Rõ ràng Netease.com là một công ty hoạt động mạnh trong một lĩnh vực đang phát triển trên thị trường và chính nhờ điều này mà Netease.com đã thu hút được sự chú ý của các doanh nghiệp đầu tư - những doanh nghiệp đang giao dịch rất nhiều cổ phiếu hàng đầu khi thị trường có xu hướng tăng giá. Nếu bạn mua cổ phiếu Netease.com với mức giá 16,60 đô la vào ngày 26 tháng 3 thì giá cổ phiếu này đã tăng 119,7%, đạt mức 36,47 đô la vào cuối ngày 30 tháng 6 năm 2003. Vào ngày 30 tháng 9 năm 2003, giá cổ phiếu Netease.com đạt mức 55,86 đô la, tăng 236,5% so với tháng 3 - thời
điểm mà giá cổ phiếu vượt qua được thời gian dài không thay đổi.
Nếu bạn tiếp tục đọc về những nhà kinh doanh cổ phiếu vĩ đại khác sau Livermore, bạn sẽ thấy những chiến lược và nguyên tắc mà Livermore sử dụng đã được hầu hết những nhà đầu tư này áp dụng và cũng chính nhờ những chiến lược này mà họ đã thành công trên thị trường chứng khoán.
2. Bernard Baruch
“… ngay cả nếu bạn đúng 3 hoặc 4 lần trong tổng số 10 lần giao dịch thì bạn đã kiếm được khoản tiền khá lớn nếu biết ngừng giao dịch khi thấy mình đang mắc sai lầm.”
Dr.Facts
Bernard Baruch sinh năm 1870 tại South Carolina. ông tốt nghiệp trường Đại học New York và bắt đầu tham gia giao dịch cổ phiếu trên Phố Wall vào năm 1891 khi làm những công việc lặt vặt cho công ty A.A. Houseman & Company - một công ty môi giới nhỏ ở New York và với công việc này ông kiếm được 5 đô la một tuần.
Với mong muốn thăng tiến trong nghề nghiệp và có được một vị trí tốt hơn trong công ty, ông quyết định tham gia khóa học về kế toán vào buổi tối. Qua khóa học này, ông đã biết cách phân tích tình hình tài chính của công ty. ông cũng thường xuyên đọc cuốn sách Sự kiện tài chính. ông đọc rất nhiều sách về các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt ông tập trung đọc những cuốn sách liên quan đến tài chính. ông cũng bắt đầu đầu cơ cổ phiếu theo cách riêng của mình. Cũng giống như Livermore trong Chương 1 của cuốn sách, Baruch cũng chỉ phải trả trước 10 xu trên mỗi tờ đô la khi mua cổ phiếu.
Cũng giống như những nhà giao dịch chứng khoán khác, lúc đầu Baruch cũng đạt được một số thành công nhất định nhưng sau đó ông lại mất toàn bộ số lợi nhuận kiếm được do thiếu kinh nghiệm, thiếu những kiến thức cơ bản về thị trường, không tuân theo những nguyên tắc trong hoạt động kinh doanh. Baruch cũng đã rất nỗ lực trong những năm đầu kinh doanh nhưng ông có không mấy bộ. ông thường mua số lượng cổ phần ít, thường 10 cổ phần trên
Thị trường Chứng khoán Hợp nhất. ông thường mua những cổ phiếu của ngành công nghiệp và đường sắt. Cũng giống như Livermore, ông đã cố gắng giao dịch với các công ty hoạt động chui ở New York tuy nhiên ông lại không có được thành công do khi giao dịch với những công ty này ông phải nhanh chóng đưa ra quyết định giao dịch.
Sai lầm đầu tiên trong việc đầu cơ cổ phiếu của ông là nghe theo lời khuyên từ người khác khi quyết định mua cổ phiếu của một công ty đường sắt. Công ty này có ý định xây đường tàu điện tới khách sạn Put-in-Bay (một hòn đảo ở Lake Erie). ông rất hứng thú với dự án này, vì thế ông thuyết phục cha mình đầu tư 8.000 đô la. Baruch mất toàn bộ số tiền trên vì dự án thất bại. Mặc dù cha ông vẫn tin tưởng và tiếp tục đề nghị cho ông vay ngắn hạn khoản tiền 500 đô la nhưng Baruch cho rằng đây là vụ thất bại đầu tiên của mình. Cũng giống như hầu hết những nhà đầu tư cổ phiếu khác, Baruch cho rằng ông cần phải mất một số tiền để có thể đạt được một kết quả tốt hơn.
Thất bại này đã dạy ông một bài học quý báu. ông bắt đầu phân tích để tìm ra sai lầm dẫn đến việc thua lỗ. Cũng giống như Livermore, Baruch cũng đề ra nguyên tắc là phải luôn luôn phân tích những sai lầm mình đã mắc phải trong sự nghiệp kinh doanh. Quá trình tự phân tích cũng trở thành một cách thức học tập của ông. Đối với Baruch, nguyên nhân dẫn đến thua lỗ là rất rõ ràng. Chúng bắt nguồn chính từ việc thiếu kiến thức về lĩnh vực ông đang đầu tư, ví dụ như thông tin cơ bản của công ty, triển vọng về công ty xét trên khía cạnh tăng trưởng trong tương lai hay nguồn lợi nhuận tương lai của công ty.
Một nhân tố nữa dẫn đến sự thất bại của ông đó là ông giao dịch vượt quá nguồn tài chính cho phép của mình. ông thấy không thể gia tăng tài sản của mình khi chỉ dùng rất ít tiền đầu tư và để thành công thật sự trên thị trường chứng khoán phải mất nhiều thời gian. Cũng giống như Livermore, ông cũng
thấy không thể làm giàu nhanh chóng được và thường mất một thời gian dài mới thực sự có được thành công được trên thị trường.
Baruch không ngừng học tập và giao dịch vì thế ông đã dần dần khám phá thị trường thực sự hoạt động như thế nào. Ví dụ, sự hoang mang trong công chúng năm 1893 đã ảnh hưởng đến ngành đường sắt và làm cho thị trường trì trệ cho tới năm 1895. Năm 1893, Baruch trở thành người kinh doanh trái phiếu cho công ty của ông. Đây là thời điểm thị trường đang bị khủng hoảng nên ông phải cẩn thận hơn với tài khoản giao dịch của khách hàng so với khi ông tự mình giao dịch.
Trong thời gian này, khi nền kinh tế xuất hiện tình trạng trì trệ ông cũng đã khám phá ra cách tăng khoản lợi nhuận tài chính của mình. Từ thập niên 1890 đến đầu thập niên 1900, nền kinh tế thường xuyên rơi vào tình trạng trì trệ và suy thoái. Tình trạng như vậy ở giai đoạn này thường kéo dài hơn so với thời đại ngày nay. Sau khi thực hiện một số phiên giao dịch cổ phiếu trong thời kỳ này, Baruch thấy được giá trị của việc mua cổ phiếu khi trên thị trường có hiện tượng hoang mang, lo sợ và khi giá cổ phiếu ở mức quá thấp. Bằng việc quan sát kỹ lưỡng thị trường, ông biết rằng thị trường sẽ mau chóng khôi phục và những cơ hội tốt sẽ đến với những nhà đầu cơ không ngừng quan sát thị trường. Nhưng cũng giống như những nhà đầu tư khác, Baruch thấy phải mất một thời gian thị trường mới có thể khôi phục lại được.
Năm 1895 lương của ông đã tăng từ 5 đô la lên 25 đô la một tuần, nhưng sau bốn năm giao dịch trên Phố Wall tài sản cá nhân của ông vẫn không tăng lên nhiều. Lương tăng giúp ông có cơ hội giao dịch cổ phiếu nhiều hơn nhưng lại không gia tăng lợi nhuận cho ông. ông vẫn giao dịch vượt quá khả năng cho phép vì vậy ông đã bị phá sản nhiều lần. Mỗi khi thị trường dao động, ông đều giao dịch nhiều hơn nên thất bại cũng nhiều hơn. Đây là một trong những
khó khăn ban đầu mà ông đã trải qua. Thất bại có lúc đã làm ông nản chí nhưng ông vẫn tiếp tục không ngừng học tập, nghiên cứu thị trường. Sau khi đòi tăng lương, ông được nhận một phần tám lợi tức của công ty. ông đã trở thành thành viên của công ty khi mới 25 tuổi. ông nhanh chóng thăng tiến trong công việc và được Ban giám đốc đánh giá cao chất lượng làm việc. Những năm đầu tiên này chính là bước khởi đầu tập sự trong công việc kinh doanh của ông. ông đã bị mất hết số tiền 6.000 đô la kiếm được tại Housman khi còn là thành viên của công ty này.
Tại Housman, Baruch cố gắng mua quyền quản lý các công ty khác cho công ty khách hàng của ông. Công ty ông nhận được tiền hoa hồng khi mua số lượng lớn cổ phiếu cho khách hàng với hy vọng giúp khách hàng giành quyền kiểm soát những công ty khác. Sau một số lần giao dịch thành công, ông đã giành được một phần 3 cổ phần trong hãng mình.
Năm 1897, Baruch mua 100 cổ phần của công ty Tinh chế Đường Hoa Kỳ sau khi đã nghiên cứu kỹ công ty này. Khi giá cổ phiếu tăng trong sáu tháng tiếp theo, ông sử dụng số lợi nhuận kiếm được để mua tiếp cổ phần của cổ phiếu này. Chiến lược mua cổ phần với số lượng ngày càng nhiều hơn khi giá cổ phiếu tăng, như chúng tôi đã đề cập ở Chương 1, là cách đã mang lại lợi nhuận cho Livermore. Baruch tiếp tục mua thêm cổ phần khi giá cổ phiếu này tăng. ông quan sát kỹ lưỡng cổ phiếu, không để cho sự dao động của giá cổ phiếu ảnh hưởng đến quyết định giao dịch của mình. Khi Baruch đã bán hết cổ phiếu, ông kiếm được số lợi nhuận là 60.000 đô la. Tại thời điểm đó, ông mua một ghế trong Thị trường Chứng khoán New York với giá là 19.000 đô la nhưng do gặp khó khăn về tài chính nên cuối cùng ông đã bán ghế này cho một người bà con đang có nhu cầu. Thành công trong vụ kinh doanh cổ phiếu của Công ty Tinh chế Đường Hoa Kỳ đã là một bước ngoặt lớn đối với Baruch trong việc trở thành nhà đầu tư thành công.
Với những lần giao dịch thành công năm 1899, ông đã có đủ tiền để mua một ghế nữa trong Thị trường Chứng khoán New York. ông mua vị trí này với giá 39.000 đô la. Phiên giao dịch này giúp ông có thêm niềm tin bởi vì tên ông đã được ghi vào một trong những thành viên xuất sắc nhất trên thị trường chứng khoán. Công ty ông đã kiếm được 501.000 đô la tiền lãi khi giao dịch cổ phiếu A.A. Houston. Do ông nắm giữ một phần 3 cổ phần trong công ty nên ông kiếm được 167.000 đô la. Dường như ông đang tiến bước trên con đường sự nghiệp thành công của mình. Nhưng sau đó không lâu ông mua cổ phiếu của Công ty Sản xuất Rượu mạnh Hoa Kỳ với giá 10 đô la một cổ phần và đầu tư hầu hết số lợi nhuận kiếm được vào cổ phiếu đó. Nhưng chỉ sau vài tuần, giá cổ phiếu này đã giảm từ 10,25 đô la vào ngày 13 tháng 6 năm 1899 xuống còn 6,25 đô la ngày 29 tháng 6 năm 1899. Đây là một cú sốc kinh hoàng đối với ông và đã khiến ông tạm thời mất đi niềm tin vào chính mình. ông đã rút ra được bài học là không bao giờ mua cổ phiếu dựa trên lời khuyên từ người khác và phải luôn luôn dự trữ tiền mặt cho những cơ hội đầu tư tương lai. ông đã kết luận sự khác nhau thành công chủ yếu giữa khi ông giao dịch cổ phiếu Công ty Tinh chế Đường Hoa Kỳ với thua lỗ trong giao dịch cổ phiếu Công ty Sản xuất Rượu mạnh Hoa Kỳ có liên quan trực tiếp đến việc ông nghiên cứu kỹ lưỡng các hoạt động của công ty mà ông đang định giao dịch.
ông tiếp tục học hỏi không ngừng và giao dịch ngày càng thành công hơn. Baruch cho rằng giao dịch chứng khoán là một hoạt động đầu cơ - “speculation”, có nguồn từ tiếng Latin “specularin”, nghĩa là bí mật theo dõi và quan sát cổ phiếu. ông định nghĩa người đầu cơ là người quan sát diễn biến tương lai trên thị trường và đưa ra những quyết định giao dịch trước khi thị trường diễn ra theo chiều hướng đó. Đưa ra quyết định giao dịch ngay lập tức là chìa khóa dẫn đến thành công trên thị trường chứng khoán. Bạn phải tìm được những chi tiết mâu thuẫn và phức tạp để từ đó phát hiện những sự
kiện quan trọng đang diễn ra trên thị trường. Sau đó bạn phải làm việc cẩn thận, rõ ràng, kỹ lưỡng dựa trên những sự kiện trên. Theo ông, một thách thức khó khăn đối với một nhà đầu cơ thành công đó là làm cách nào để không bị cảm xúc chi phối khi phân tích những sự kiện phức tạp trên.
Baruch luôn cho rằng sự nghiệp kinh doanh cổ phiếu trên Phố Wall của ông là một quá trình học tập lâu dài. ông coi thị trường là nơi mọi người cố gắng phán đoán diễn biến của thị trường và quá trình phán đoán này có thể bị cảm xúc chi phối. Nguyên tắc kinh doanh dựa trên sự kiện thực tế khiến cho mọi người gọi ông là “Giáo sư thực tế”, cách đặt tên này bắt nguồn từ mối quan hệ về sau giữa ông với Tổng thống Theodore Roosevelt.
Nghiên cứu thị trường là một thói quen tốt
Sau khi thua lỗ 60.000 đô la khi giao dịch cổ phiếu Công ty Sản xuất Rượu mạnh Hoa Kỳ, Baruch đã nhanh chóng kiếm được số lợi nhuận 60.000 đô la trong vụ đầu tư cổ phiếu Công ty Brooklyn Rapid Transit (B.R.T) nhờ ông đã sửa được sai lầm của mình đó là không đầu tư dựa vào lời khuyên từ người khác. Lần này ông đã tự mình nghiên cứu thị trường và thành công có được trong lần giao dịch này đã giúp ông lấy lại niềm tin vào chính mình.
Baruch tiếp tục giao dịch cổ phiếu. Năm 1901, ông quyết định bán cổ phiếu của Công ty Amalgamated Copper trước thời hạn và kiếm được số lợi nhuận nhiều nhất tính đến thời điểm đó. ông đã kiên nhẫn, tự mình nghiên cứu thị trường và tiếp tục giữ cổ phiếu này thay vì bán nhanh kiếm lời khi nhận thấy hướng giao dịch của ông là đúng, chính vì điều này mà ông đã kiếm được lời lớn. Tháng 6 năm 1901, giá cổ phiếu tăng lên mức 130 đô la một cổ phần. Qua quá trình nghiên cứu thị trường, ông cho rằng mức giá cao không duy trì lâu vì thực tế cho thấy thị trường cùng tăng lên sẽ không khuyến khích giá cổ phiếu tăng thêm nữa.
Tháng 7 và tháng 8 năm đó, giá cổ phiếu bắt đầu giảm. Vào ngày 6 tháng 9 năm 1901, Tổng thống McKinley bị bắn trong một vụ ám sát và bị rơi vào tình trạng hôn mê. Baruch quyết định bán cổ phiếu trước thời hạn do sự bất ổn của đất nước tại thời điểm đó. ông đã nhịn đói và toàn tâm suy nghĩ, ông cho rằng cung có thể vượt cầu. ông tiếp tục bán cổ này trước thời hạn khi giá cổ phiếu giảm, bởi vì ông thấy rằng hướng đi của mình là đúng. Khi ông ngừng giao dịch cổ phiếu này với giá 60 đô la một cổ phần thì ông đã kiếm được gần 700.000 đô la lợi nhuận thực. Phiên giao dịch này cũng đã giúp ông lấy lại được sự tự tin về khả năng nghiên cứu thị trường của mình.
ông quyết định mua cổ phiếu của Công ty Đường sắt Louisville & Nashville (L&N) sau khi đã nghiên cứu kỹ về công ty và triển vọng có lãi khi đầu tư vào công ty này. Giá cổ phiếu này giảm xuống dưới 100 đô la một cổ phần trong mùa hè năm 1901 sau khi giá cổ phiếu của Hãng hàng không Northern Pacific giảm mạnh - trước đó giá cổ phiếu này đã tăng mạnh, và cuộc khủng hoảng năm 1901 cũng là một phần nguyên nhân gây ra việc giảm giá này. ông bắt đầu mua cổ phiếu L&N sau khi đã nghiên cứu tình hình hoạt động của Công ty và bởi vì ông muốn biến ước mơ thời thơ ấu là sở hữu và quản lý công ty đường sắt trở thành hiện thực. Tháng 1 năm 1902, cổ phiếu L&N tiếp tục tăng giá. Cùng với một nhóm các nhà đầu tư, ông bắt đầu mua thêm cổ phần trong nỗ lực giành được quyền kiểm soát công ty này. Giấc mơ của ông không thể trở thành hiện thực, do nhóm ông không bao giờ giành được quyền kiểm soát toàn bộ công ty, nhưng cuối cùng sai khi bán hết số cổ phần của mình ông đã kiếm được số lợi nhuận đáng kể gần 1 triệu đô la.
Ở độ tuổi 32, sau 5 năm kinh nghiệm giao dịch cổ phiếu trên Phố Wall, Baruch đã tích luỹ được số tiền 3,2 triệu đô la và nổi tiếng là người đầu cơ thành công. Mùa hè năm 1902, ông tạm thời ngừng giao dịch để đi du lịch tới châu âu và suy nghĩ cho tương lai của mình. Một là ông sẽ tiếp tục giao dịch
cổ phiếu trên thị trường chứng khoán hai là học luật hoặc học y - hai nghề mà ông luôn luôn quan tâm. Cuối cùng ông quyết định tiếp tục giao dịch ở Phố Wall và vào tháng 8 năm 1903, khi 33 tuổi, Baruch nghỉ việc ở Công ty A.A Housman để tự mình giao dịch, ông thấy muốn thành công cần phải tự mình giao dịch.
Điều mà ông thực sự khám phá ra đó là ông giao dịch ít hơn và chú ý ít hơn đến những dao động nhỏ diễn ra hàng ngày trên thị trường. ông cũng bắt đầu dành nhiều thời gian hơn vào những công ty xây dựng và vào lĩnh vực đầu tư của một số công ty hay một số ngành nghề nhất định. Đây là lúc ông bắt đầu thành công trong sự nghiệp kinh doanh riêng của mình và nổi danh là nhà đầu cơ cổ phiếu thành công cũng như là một chuyên gia tài chính khôn khéo.
Sự xuất hiện của một nhà đầu cơ cổ phiếu
Một ví dụ về việc Baruch đã thành công như thế nào đó là ông bắt đầu tìm kiếm cơ hội mới và nghiên cứu các công ty cao su khi ô tô ngày càng trở nên phổ biến tại thời điểm đó. ông bắt đầu mua cổ phần của Công ty Sản xuất Cao su trong thời kỳ thị trường hoảng loạn do sự sợ hãi của những người giàu có gây ra năm 1903. Sau đó ông tìm kiếm cơ hội đầu tư ở những ngành nghề khác - những ngành có thể giúp ông kiếm lời tại thời điểm đó. Mua cổ phần của Công ty Sản xuất Cao su đã giúp ông cùng một số nhà đầu tư khác sở hữu và thành lập Công ty Cao su Lục địa và sau này được biết đến với cái tên Công ty Cao su Xuyên lục địa. Cuối cùng, ông bán hết cổ phần của mình và kiếm được một khoản lợi nhuận đáng kể.
Đầu năm 1904, Baruch biết tin Soo Line đang có kế hoạch tăng lưu lượng vận chuyển lúa mì bằng cách xây một đường ray mới phía Tây. ông tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng và bắt đầu mua với giá từ 60 đến 65 đô la một cổ phần. Có tin đồn rằng triển vọng của đường ray mới này không lớn như người ta
tưởng. Baruch không quan tâm đến tin đồn này. ông quyết tâm không bị ảnh hưởng bởi những nhân tố và ý kiến bên ngoài, do ông đã rút ra từ bài học trước cách đó vài năm. Vụ mùa lúa mì bội thu đã tăng doanh thu của Soo Line lên 50% và cổ phiếu của công ty này cũng đã tăng vọt lên mức 110 đô la một cổ phần. ông tiếp tục nghiên cứu thêm về công ty, xem xét lại triển vọng công ty và ông thấy khả năng giá cổ phiếu này tiếp tục tăng là điều khó xảy ra. Sau đó ông đem bán tất cả cổ phần của mình trước khi cổ phiếu này sụt giá.
Baruch coi những phiên giao dịch đem lại lợi nhuận lớn cho mình có được là do ông nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường và do ông ngày càng có nhiều kinh nghiệm trong việc nhận biết xu hướng giá của cổ phiếu. Bạn cần phải thay đổi quan điểm và không được quá tập trung theo một hướng (tăng giá cổ phần hay giảm giá cổ phiếu) khi giao dịch trên thị trường. Phiên giao dịch này chứng tỏ Baruch đã nghiên cứu thị trường như thế nào và ông chỉ đưa ra quyết định giao dịch dựa trên tình hình thực tế. ông cho rằng việc ông thay đổi hướng đầu tư khi tình hình trên thị trường thay đổi là nguyên nhân chính giúp ông thành công trong phiên giao dịch với Soo Line.
Thành công và Quyền lực
Ở độ tuổi 35, Baruch đã là một nhà triệu phú và là một nhà đầu cơ cổ phiếu có tiếng tăm cũng như một chuyên gia tài chính thành đạt. Nhờ quá trình học tập, nghiên cứu không ngừng, chăm chỉ làm việc và không mắc lại những sai lầm trước đó, ông trở thành người giàu có khi còn trẻ tuổi.
Nhờ đưa ra những quyết định phù hợp với thị trường, Baruch không những không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng thị trường năm 1907 mà còn kiếm được 2 triệu đô la. ông tặng 1,5 triệu đô la cho Ngân hàng của công ty Manhattan để hỗ trợ khủng hoảng tiền mặt do vụ khủng hoảng năm 1907 gây
ra, và ông cũng cho Công ty Utah Copper vay 500.000 đô la giúp họ thanh toán khoản tiền lương cho nhân viên và giúp các hoạt động kinh doanh của họ không bị gián đoạn.
Quan hệ giao dịch với nhiều nhà kinh doanh hàng đầu trên Phố Wall trong thời kỳ chiến tranh đã giúp ông hiểu rõ tính cách của họ. Những kinh nghiệm có được khi còn giao dịch trên Phố Wall đã giúp ông nhiều trong cuộc sống đời thường. Cha của Baruch là một nhà vật lý nổi tiếng và có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời Baruch, ông đã từng nghĩ đến việc không tham giao dịch trên Phố Wall nữa để theo đuổi một trong những công việc khác cao quý hơn là công việc kiếm tiền.
Với tư cách là một thương gia thành đạt, ông tiếp xúc với rất nhiều người. Khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra, Baruch rời Phố Wall và tham gia ngành dân chính. ông là chủ tịch “War Industries Board” và Tổng thống Wilson đã mời ông tới Paris để hỗ trợ phác thảo hiệp ước hòa bình. Khi Tổng thống Wilson mời ông về làm việc cho War Industries Board, Baruch bán ghế của ông trên thị trường chứng khoán và tất cả cổ phần nắm giữ trong các công ty - những cổ phiếu có thể tăng giá khi hợp đồng của chính phủ được thực thi để tránh những xung đột quyền lợi.
Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc, ông tiếp tục làm việc trong ngành dân chính vì ông cảm thấy thoải mái hơn so với việc giao dịch cổ phiếu và kiếm tiền. Kinh nghiệm có được khi làm việc trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ nhất đã thay đổi suy nghĩ của ông. ông trở thành thành viên của Ủy ban Tư vấn thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia. ông có trách nhiệm kiểm tra xem những nguyên vật liệu thô đã có đủ cho chương trình sẵn sàng chiến đấu của Hoa Kỳ hay chưa. Sau đó ông tiếp tục hoạt động trong ngành dân chính dưới thời chính quyền của Tổng thống Theodore Roosevelt.
ông làm việc với tư cách là luật sư cho nhiều quan chức cấp cao. Thực tế ông được bổ nhiệm tiếp tục giữ cương vị trên trong bốn chính quyền, và làm cố vấn cho sáu vị tổng thống khác nhau. Một trong những vị trí cao nữa ông đã từng nắm giữ đó là Trưởng phái đoàn Hoa Kỳ tới tham dự Hội đồng Năng lượng Nguyên tử của Liên hiệp quốc năm 1946.
Mặc dù người ta nói rằng khi ông làm việc trong ngành dân chính, ông không tham gia giao dịch trên Phố Wall nữa nhưng ông vẫn chú ý quan sát thị trường và tiếp tục giao dịch cổ phiếu cho dù ông không thể tập trung toàn bộ thời gian cho công việc này. Đối với ông, vừa giao dịch cổ phiếu vừa phục vụ đất nước mới là điều làm ông thỏa mãn. ông vẫn là thành viên tham gia tích cực trên thị trường bởi vì thống kê cho thấy ông nắm giữ những cổ phiếu ăn khách năm 1925 (một năm tốt đối với thị trường chứng khoán). ông đã kiếm được 1,4 triệu đô la và chỉ mất 415.000 đô la cho những lần giao dịch thất bại. Xin hãy lưu ý rằng ông chỉ để mình thua lỗ tới một mức có thể kiểm soát được khi so sánh với số lợi nhuận kiếm được. Khi thị trường biến động mạnh năm 1926, ông kiếm được hơn 457.000 đô la lợi nhuận ròng.
Năm 1928, khi thị trường tăng giá mạnh, Baruch chuyển địa điểm văn phòng của mình đến gần Phố Wall hơn. ông rất nôn nóng muốn biết môi trường kinh doanh ở Hoa Kỳ trong suốt thời kỳ giữa và cuối những năm 1920. Khi thị trường có hiện tượng đầu cơ mạnh và xảy ra trên diện rộng từ năm 1928 đến năm 1929 và khi giá cổ phiếu tăng nhanh, Baruch rất lanh lợi khi giao dịch trên thị trường. ông tự mình đưa ra quyết định ngừng giao dịch trước khi thị trường sụt giá, xin lưu ý một điều đó là ông lo lắng khi thấy giá cổ phiếu tăng liên tục không ngừng. Người ta nói rằng ông đã quan sát thấy thị trường lên đến mức đỉnh điểm vào tháng 10 năm 1929, mặc dù theo sổ sách ghi chép lại ông vẫn tiếp tục mua cổ phiếu trong suốt tháng 10 năm đó, thậm chí ngay sau khi thị trường có hiện tượng tăng giá đột ngột lần đầu tiên. Năm 1929, ông
cũng kiếm được số lợi nhuận hơn 615.000 đô la (số lợi nhuận này không bao gồm số cổ phiếu ông chưa bán vào cuối năm).
Sau khi thị trường sụp đổ lần đầu tiên, Baruch cảm thấy tự tin hơn rằng mọi điều tồi tệ nhất đã qua và cơn bão tài chính cũng đã kết thúc, ông tiếp tục tìm kiếm triển vọng kinh doanh trên thị trường Hoa Kỳ. Thực tế cho thấy điều tồi tệ nhất vẫn chưa kết thúc và giá cổ phiếu vẫn còn tiếp tục giảm ở một số thời kỳ nữa. Người ta tính toán rằng khi thị trường đang ở mức đỉnh điểm năm 1929, tài sản của Baruch ước đạt gần 25 triệu đô la. Tuy nhiên, ông không bị ảnh hưởng bởi giai đoạn giá cổ phiếu giảm mạnh từ cuối năm 1929 đến giữa năm 1932, khi thị trường rơi xuống mức thấp nhất 41,22 điểm vào ngày 8 tháng 7 (so với thời điểm ngày 3 tháng 9 năm 1929 khi thị trường tăng tới mức cao nhất là 381,17 điểm). Tuy nhiên cuộc sống của ông không thay đổi nhiều lắm vì ông tiếp tục đi nghỉ mát và cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp chính trị…
Thậm chí, vào giữa những năm 1950, người ta nói rằng Baruch (lúc đó vào độ tuổi 80) vẫn dành thời gian nói chuyện qua điện thoại với các nhà môi giới chứng khoán, giao dịch chứng khoán, có lúc mua 10.000 cổ phần và dành nhiều giờ đồng hồ theo dõi những cuốn băng ghi phiên giao dịch chứng khoán. Rất nhiều nhà đầu cơ khác đã lắng nghe ý kiến đánh giá của ông về thị trường hiện tại. ông thường đáp lại rằng không ai có thể phán đoán chính xác xu hướng của thị trường chứng khoán và chắc chắn ông cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
Baruch rất giỏi quản lý tài sản kiếm được, và trong những năm cuối thập niên 40 của thế kỷ XX ông hào phóng ủng hộ các trường đại học và các học viện y khoa để tỏ lòng tôn trọng nghề y và sự tận tâm hết mình của cha ông. Số tiền từ thiện này đã được dành cho việc nghiên cứu và phát triển các thuốc chữa
bệnh cho con người. Với nguồn tài chính to lớn, ông đã mua cơ ngơi Hobcow nổi tiếng ở Nam California. ông sở hữu 17.000 hecta đất và chủ nhân của khu đất này là Tổng thống Hoa Kỳ hoặc những người quyền cao chức trọng khác. Người ta nói rằng di sản ông để lại có trị giá hơn 14 tỷ đô la và rằng ông đã trao tặng gần 20 triệu đô la cho những mục đích cao cả khác nhau trong suốt cuộc đời mình.
Baruch viết cuốn sách về cuộc đời mình mang tên Câu chuyện của riêng tôi (My Own Story), cuốn sách được xuất bản năm 1957 và lập tức trở thành cuốn sách bán chạy nhất. ông sống một cuộc sống đầy đủ, phong lưu, thỏa mãn và có ích. ông chết năm 1965, thọ 94 tuổi.
Phương pháp tiếp cận thị trường của Baruch
Baruch đã có phương pháp tiếp cận thị trường thông minh. Một trong những kỹ năng mà ông tin là cần thiết đó là hãy thành thật với chính bản thân mình và luôn mong là mình đúng. Mọi người thường nhắc đến câu nói của ông: “Không nhà đầu cơ nào có thể lúc nào cũng đúng. Trong thực tế nếu một nhà đầu cơ đúng một nửa trong quãng thời gian giao dịch thì người đó đã đạt mức trung bình tốt. Ngay cả khi họ đúng 3 hoặc 4 lần trong tổng số 10 lần thì họ đã kiếm được khoản tiền khá lớn nếu họ biết ngừng giao dịch khi nhận thấy mình đã sai”.
ông cũng nói về “thời điểm đang ngủ” vì đã có lần một người nào đó từng nói với ông về điều này. “Thời điểm đang ngủ” có nghĩa nên đưa ra quyết định bán cổ phiếu khi bạn tỉnh dậy vào ban đêm và lo lắng về chúng. Bạn cần phải sử dụng tiềm thức để quyết định bán và không phải lo lắng nữa.
Hãy tiến hành nghiên cứu thực tế thị trường
Cũng giống như Livermore, Baruch tin tưởng rằng con đường dẫn tới thành công đích thực trên thị trường chứng khoán đó là cống hiến toàn bộ thời gian và tâm trí cho công việc này bởi đây là một môi trường đầy những thách thức to lớn. ông coi việc giao dịch cổ phiếu khó ngang với việc cố gắng trở thành một bác sĩ hoặc luật sư giỏi. Đơn giản là bạn phải dành toàn bộ thời gian của mình để theo đuổi nghề nghiệp mình đã lựa chọn. Giao dịch trên thị trường cũng giống như làm việc trong những nghề cao quý khác yêu cầu bạn phải thận trọng cao độ.
ông cho rằng thị trường chứng khoán không quyết định sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế nhưng lại phản ánh bộ mặt của nền kinh tế. Khả năng hiểu và đưa ra quyết định phù hợp với xu hướng thị trường là một kỹ năng bắt buộc. ông tin rằng giá cổ phiếu phản ánh sự thật về nền kinh tế và rằng tâm lý quá lạc quan, được thấy rõ khi giá cổ phiếu tăng cao, thậm chí nguy hiểm hơn so với tâm lý bi quan bởi vì khi quá lạc quan bạn sẽ không thận trọng nữa. Kinh nghiệm này ông đã trải qua lần đầu tiên trong khoảng thời gian từ giữa đến cuối những năm 1920. Điều này có nghĩa là đầu cơ chờ giá hạ cũng quan trọng ngang với đầu cơ chờ giá tăng bởi vì đầu cơ chờ giá hạ sẽ hạn chế sự lạc quan quá mức và làm cân bằng thị trường. Kỹ năng cần thiết ở đây đó là bạn cần phải xác định mình đang tham gia môi trường kinh doanh nào. Cũng giống như Livermore, Baruch cũng vừa đầu cơ chờ giá tăng vừa đầu cơ chờ giá hạ, ông giao dịch phù thuộc vào điều kiện thị trường tại thời điểm đó. Cách tiếp cận thị trường linh hoạt này đã giúp ông rất nhiều bởi vì ông có thể kiếm lời được từ những cổ phiếu ngắn hạn cũng như cổ phiếu dài hạn.
Với những trải nghiệm của mình, Baruch khám phá ra rằng kỹ năng cần thiết để trở thành một nhà đầu cơ giỏi là phải biết phản ứng nhanh với những thay đổi trên thị trường. ông tin rằng không có sự đầu tư nào là hoàn toàn chắc
chắn và không nên tin tưởng tuyệt đối vào sự đầu tư nào cả. Vì lý do này mà các nhà đầu cơ cổ phiếu cần nhanh chóng đưa ra những quyết định giao dịch khi thị trường thay đổi liên tục.
Kinh nghiệm này đã được nhiều nhà đầu tư cổ phiếu áp dụng trong lịch sử ngành chứng khoán. Về cơ bản, thị trường chứng khoán phản ánh các hoạt động kinh tế đang diễn ra và những mong muốn của các nhà đầu tư về hoạt động kinh tế trong tương lai. Do đó việc đưa ra những quyết định phù hợp với sự thay đổi trong các công ty hay trong các ngành nghề - đó là việc có thêm những ngành nghề mới hay sự tăng trưởng phát triển của những ngành nghề hiện thời - là một việc làm vô cùng quan trọng.
Ví dụ, vào năm 1898, 60% cổ phiếu trên thị trường là của ngành đường sắt. Năm 1925, con số này đã giảm xuống còn 17% và vào khoảng năm 1957, ngành đường sắt chỉ chiếm 13% số cổ phiếu trên thị trường. Trong thời đại ngày nay, ngành đường sắt chỉ phát hành một số lượng ít cổ phiếu và chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong các cổ phiếu được niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Cổ phiếu hiện nay bao gồm rất nhiều ngành nghề mới như ngành công nghệ sinh học, thiết bị bán dẫn, điện tử và nhiều ngành công nghệ hàng đầu khác. Điều đó chứng tỏ rằng thị trường luôn luôn thay đổi và thích nghi với những tư duy đổi mới. Những nhà đầu tư cổ phiếu thành đạt trong lịch sử luôn biết cách bổ sung những kỹ năng mới để phù hợp với sự thay đổi của thị trường bởi vì thị trường không ngừng mang đến những cơ hội mới rất đa dạng.
Baruch tin rằng mọi người thường giao dịch theo xu hướng giống như hướng người khác giao dịch. Theo như cách nói của J.P. Morgan, “quá trình liên tục suy nghĩ” nghĩa là quan tâm đến việc đám đông sẽ phản ứng lại những gì diễn ra trên thị trường như thế nào. Giáo dục và cấp bậc địa vị trong xã hội không
đem lại lợi thế cho ai khi có những biến động xảy ra trên thị trường. Phản ứng của đám đông đã khiến cho giá cổ phiếu tăng mạnh vào cuối những năm 1920 và cuối cùng đã dẫn đến tình trạng sụp đổ thị trường. Điều này có nghĩa là cho dù chỉ số IQ của bạn có cao đến mức độ nào hoặc vị trí nghề nghiệp của bạn cao đến đâu thì thị trường vẫn hoạt động không tuân theo ý muốn của những người tham gia và không quan tâm đến bạn là ai với tư cách là một cá nhân. Việc hiểu tâm lý và ảnh hưởng của tâm lý tới thị trường là khám phá quan trọng đối với Baruch trong quá trình tìm kiếm lợi nhuận.
Baruch cũng hiểu rằng động lực khiến giá cổ phiếu tăng đó là phản ứng của mọi người đối với nền kinh tế và những thay đổi trên thị trường. Chìa khóa dẫn đến thành công đó là khả năng kiềm chế không để tâm lý làm ảnh hưởng đến quá trình giao dịch. Cũng giống như những nhà đầu tư cổ phiếu khác, Baruch cũng cố gắng có được khả năng này, cuối cùng với những trải nghiệm thực tế và nghiêm túc tuân theo những nguyên tắc đề ra trong kinh doanh, ông đã học được cách kiềm chế tình cảm của mình. Nếu bạn không thể kiềm chế tình cảm của mình, bạn sẽ có rất ít cơ hội đạt được thành công và kiếm được nhiều lợi nhuận trên thị trường chứng khoán.
Bernard Baruch miêu tả thị trường chứng khoán là nhiệt kế và môi trường kinh doanh là cơn sốt. Thị trường không tạo ra chu trình kinh tế mà chỉ đơn thuần phản ánh chúng cũng như phản ánh những đánh giá của các nhà đầu tư tin tưởng công việc kinh doanh và thị trường sẽ diễn biến như thế nào trong tương lai. ông tin rằng chìa khóa dẫn đến sự lớn mạnh của các nền kinh tế đó là an ninh quốc gia phải vững mạnh và tín dụng quốc gia phải tốt. Khả năng hiểu mối quan hệ giữa thị trường và nền kinh tế cũng như thị trường thực sự hoạt động như thế nào là kỹ năng cần thiết để tồn tại và thành công trên thị trường chứng khoán.
ông tin tưởng vào khả năng phán đoán và suy nghĩ của mình. Baruch tin rằng những thông tin không dựa trên sự phán đoán và suy nghĩ thì thường không có giá trị. Và ông cho rằng để có khả năng phán đoán tốt, bạn phải quan sát kỹ các thông tin thị trường. ông cũng so sánh sự tỉnh táo và khả năng đưa ra những phán đoán đúng theo chiều hướng thị trường là chìa khóa dẫn đến thành công trên thị trường chứng khoán.
ông giải thích lý do tại sao có quá nhiều người thua lỗ trên thị trường đó là do họ nghĩ họ có thể kiếm tiền mà không cần đầu tư suy nghĩ. ông tin rằng hầu hết mọi người đều quan niệm thị trường chứng khoán là nơi có thể đạt được thành công và trở nên giàu có mà không cần phải cố gắng nhiều. Tuy nhiên, ông cũng chứng minh rằng thị trường không phải là nơi giúp bạn trở thành người giàu có nếu như bạn không đáp ứng được những yêu cầu của nó. Khi thị trường đem lại lợi nhuận cho bạn và tiếp tục diễn ra đúng như phán đoán của bạn thì phải đảm bảo rằng bạn vẫn luôn khiêm tốn. Tính cách mềm dẻo giúp ông cân bằng tâm lý trước khi phải đưa ra những quyết định giao dịch khôn ngoan.
Nguyên tắc tự đề ra trong giao dịch
Baruch là người luôn tuân theo những nguyên tắc đề ra khi tiếp cận thị trường sau nhiều năm hoạt động kinh doanh bị thua lỗ. Nguyên tắc số một của ông là không bao giờ mua cổ phiếu dựa trên ý kiến của người khác hoặc dựa trên tin tức nội bộ. Chính vì dựa trên những thông tin này mà ông đã bị thua lỗ một vài lần khi mới bước chân vào nghề kinh doanh cổ phiếu, trong đó phải kể đến lần thua lỗ nặng nề khi ông mua cổ phiếu của Công ty Sản xuất Rượu mạnh Hoa Kỳ. Từ đó trở đi, ông chỉ dựa vào thực tế cho dù thực tế đó cứng nhắc và khô khan. ông luôn tin tưởng vào kết quả từ quá trình tự mình nghiên cứu, tìm hiểu mọi thông tin về công ty, về quản lý, khả năng cạnh tranh, thu
nhập và tiềm năng phát triển tương lai của công ty ông đang định giao dịch. Tự lực và tự suy nghĩ là một kỹ năng bắt buộc.
Baruch tin rằng ông phải tìm hiểu tất cả những thông tin trước khi đưa ra quyết định đầu tư và cam kết sẽ tiếp tục giao dịch cho dù lần giao dịch này rất khó kiếm được lãi. ông cảnh báo luôn phải lưu ý đến mọi thông tin có được từ người khác, nhất là những chuyên gia cổ phiếu. ông nhớ lại một lần vào cuối năm 1929, một cậu bé ăn xin - người mà ông hay cho tiền - nói với ông rằng một ngày nào đó cậu sẽ khuyên ông cách đầu tư cổ phiếu. Sự kiện này cũng từng xảy ra với một nhà đầu cơ cổ phiếu thành công trong suốt những năm 1920 - người có mối quan hệ với Joseph P. Kennedy và là cha của cựu Tổng thống John F. Kennedy. Joseph P. Kennedy nhắc đến lần thị trường tăng giá mạnh vào năm 1929, trước khi thị trường sụt giá, một cậu bé đánh giày tỏ ý muốn khuyên ông cách đầu tư. Cậu bé nói với Kennedy biết rằng thị trường đang gần đạt được mức đỉnh điểm. Điều này có nghĩa nếu mọi người đầu tư vào thị trường chứng khoán thì cơ hội giá cổ phiếu tiếp tục tăng là điều không thể xảy ra nếu tất cả những nhu cầu của mọi người đều được đáp ứng. Tất nhiên việc một người ăn xin khuyên Baruch và cậu bé đánh giày khuyên Kennedy chỉ tình cờ xảy ra trước khi thị trường sụp đổ lớn năm 1929. Cả Baruch và Kennedy đều thanh lý hầu hết số cổ phiếu của mình trước khi vụ thị trường sụp đổ này tàn phá hết mọi nhà đầu tư.
Baruch không cho rằng mọi người nên giao dịch nhiều cổ phiếu, tốt hơn là hãy giao dịch một số ít cổ phiếu và quan sát diễn biến những cổ phiếu này thật cẩn thận. ông nghĩ rằng mọi người không cần phải biết tất cả những thông tin liên quan đến quá nhiều cổ phiếu cùng một lúc. ông cũng đã phát hiện ra khả năng tập trung cũng là một kỹ năng quan trọng dẫn đến thành công trong thị trường cổ phiếu. ông cho rằng không ai có thể là chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. ông thích tập trung vào một công việc và cố gắng hoàn
thành tốt việc đó.
Giống như Livermore, Baruch cũng phân tích tất cả các giao dịch của mình để xem có cần phải thay đổi gì trong cách thức tiếp cận thị trường không. ông cũng phân tích để phát hiện ra những sai lầm đã phạm để tránh mắc lại những sai lầm này trong tương lai. ông đã sớm hình thành thói quen này trong sự nghiệp kinh doanh của mình. Để có thể phân tích thấu đáo và không bị phân tán tư tưởng trong quá trình phân tích, Baruch tin tưởng khả năng rút lui khỏi thị trường tới mức mà ông muốn. Nghĩa là khi cần thiết ông có thể ngừng giao dịch và thanh lý cổ phiếu của mình. ông cũng thường đi nghỉ mát ở châu âu vào kỳ nghỉ hè hàng năm. Những kỳ nghỉ này giúp ông cảm thấy khỏe mạnh, tránh xa được những căng thẳng khi giao dịch trên thị trường và đây cũng là lúc ông có thời gian để xem xét lại những lần giao dịch trước đó. Livermore tin rằng thời gian tạm xa rời thị trường là vô cùng quý báu đối với ông, do vậy ông đã dành nhiều thời gian đi nghỉ mát để thoát khỏi thị trường và để nạp lại năng lượng cho chính mình trước khi quay trở lại giao dịch. Đối với Baruch, những lần trốn tránh như thế này đã giúp ông cân bằng trí óc và tập trung suy nghĩ cho những phiên giao dịch tiếp theo.
Một nguyên tắc mà Baruch đã học được ngay sau lần ông mắc sai lầm khi giao dịch cổ phiếu công ty Sản xuất Rượu mạnh Hoa Kỳ đó là không được đầu tư hết số tiền mình có, tốt nhất nên dự trữ một lượng tiền mặt. Nguyên tắc này giúp ông tránh đặt cược toàn bộ số tiền của mình vào một cổ phiếu và sau đó có nguy cơ phá sản khi thị trường diễn ra theo chiều hướng ngược với phán đoán của mình. ông cũng muốn dự trữ tiền mặt, đặc biệt là khi thị trường đang ở mức giá thấp nhất, để ông có thể kiếm được lời khi thị trường tăng giá lên - điều mà ông luôn tin rằng sẽ xảy ra. Dự trữ vốn sẽ cho phép ông có thể tận dụng những cơ hội đầu tư mới.
Baruch biết phần thưởng của quá trình làm việc chăm chỉ và ông tự khép mình vào kỷ luật để hoàn thành tốt nhiệm vụ trước mắt. ông biết công việc này đòi hỏi phải nắm bắt được thông tin chính xác để từ đó có thể đưa ra những quyết định giao dịch thông minh. Thị trường đòi hỏi mọi người phải thận trọng và ông đã kết hợp khéo léo khả năng tuyệt vời vốn có của mình với sự nỗ lực hết sức mình để đạt được những thành công rực rỡ trong kinh doanh.
Trải qua những năm tháng kinh doanh, ông nhận thấy được hai sai lầm chủ yếu dẫn đến sự thất bại trong những năm đầu giao dịch của ông, đây cũng là những sai lầm mà hầu hết các nhà đầu tư khác mắc phải, đó là:
• Biết quá ít về thông tin của công ty: sự quản lý, thu nhập, triển vọng và khả năng phát triển trong tương lai của công ty.
• Thường giao dịch vượt quá khả năng tài chính của mình.
Đây là những sai lầm ông mắc phải và chính vì thế, nhiều lần ông đã mất hết toàn bộ số vốn của mình. Từ bài học này, ông hứa sẽ tự mình nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình hoạt động của công ty ông mong muốn đầu tư vào đó.
Baruch am hiểu số liệu tài chính, nó giúp ông trong quá trình nghiên cứu tình hình cơ bản của công ty ông đang định đầu tư. Ngày nay, chúng ta có thể nói rằng Baruch là một nhà đầu tư theo trường phái chính thống hơn là nhà đầu tư theo quy tắc. Trong quá trình đánh giá những yếu tố cơ bản và chất lượng chung của một công ty, ông xem xét đến ba khía cạnh sau:
• Bất động sản của công ty đó. Tiền mặt và tài sản của công ty. • Công ty đó phải hoạt động hoặc sản xuất những thứ mà thị trường cần.
• Công ty đó phải có bộ máy quản lý tốt.
ông cũng tự mình kiểm tra tình hình công ty, đặc biệt là bộ máy quản lý và triển vọng tài chính trước khi bắt đầu giao dịch cổ phiếu của công ty đó.
Những con số và quy tắc
Baruch là một người chấp hành tốt các kỷ luật, ông luôn nghiên cứu và dựa vào các sự kiện diễn ra trên thị trường hơn là dựa trên những quy tắc giao dịch. Trong các nguyên tắc giao dịch ông đã phát triển và chấp hành, ông chú ý đến nguyên tắc cắt giảm thua lỗ nhanh chóng - một nguyên tắc bắt buộc mà ông đã học được từ chính kinh nghiệm của bản thân mình. Cũng giống như những nhà giao dịch cổ phiếu vĩ đại mà cuốn sách này đề cập, đây là một nguyên tắc vô cùng quan trọng trong việc bảo toàn vốn và cho phép ông tích luỹ tài sản trong suốt cuộc đời mình.
Baruch rất nhiều lần bán cổ phần khi giá cổ phiếu đang tăng điển hình là năm 1929. ông bán 121.000 cổ phiếu của ngành công nghiệp lưu huỳnh trước khi giá cổ phiếu này lên tới mức đỉnh điểm. Đến tháng 10 năm 1929 thời điểm thị trường sụp đổ, ông đã bán hết toàn bộ số cổ phiếu nắm giữ. Lý do ông duy trì được tài sản của mình đó là ông có khả năng bán cổ phiếu khi giá cổ phiếu này đang tăng. ông tin rằng không ai có thể bán được với mức giá cao nhất hoặc mua được với mức giá thấp nhất. Đặc biệt sau nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trên thị trường chứng khoán, ông đã có được “cảm giác” giúp ông quyết định bán cổ phiếu khi cảm thấy giá đang ở mức quá cao. ông không tuân theo nguyên tắc cụ thể nào, nhưng ông cho rằng mọi người có thể có khả năng này sau nhiều năm giao dịch và quan sát kỹ lưỡng thị trường.
ông cũng tuân theo một nguyên tắc khác sau lần mắc sai lầm khiến ông phải trả giá trong những lần giao dịch đầu tiên. ông mắc sai lầm năm 1906 khi
tham gia thị trường hàng hoá và mua cà phê (một mặt hàng mà ông không am hiểu - sai lầm thứ nhất) và khi giá cổ phiếu này bắt đầu giảm, ông nghe lời khuyên từ người khác là hãy tiếp tục giữ cổ phiếu này (sai lầm thứ hai - nghe lời khuyên từ người khác). ông tiếp tục giữ cổ phiếu và quan sát giá cổ phiếu đang tiếp tục giảm. ông mắc thêm một sai lầm nữa đó là bán một số lượng lớn cổ phiếu Canada Pacific - cổ phiếu đang tăng giá và đem lại lợi nhuận cho ông. ông quyết định bán những cổ phiếu này để tăng số tiền ông dự định đầu tư cho cổ phiếu cà phê. Cuối cùng ông phải bán hết số cổ phiếu đang thua lỗ này và chịu mất 700.000 đô la. ông quyết tâm sẽ không bao giờ giao dịch những lĩnh vực mình thiếu hiểu biết, cắt giảm thua lỗ xuống mức thấp nhất và tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang lên. ông cũng nhận thấy lần giao dịch cà phê thất bại này đã ảnh hưởng xấu đến lòng tin của một nhà kinh doanh cổ phiếu như thế nào.
Baruch luôn tin rằng bán cổ phiếu đúng thời điểm còn khó hơn rất nhiều lần so với mua cổ phiếu đúng thời điểm. ông lưu ý đến yếu tố tâm lý trong quá trình giao dịch; nếu cổ phiếu tiếp tục tăng giá, các nhà đầu tư thông thường có thể tiếp tục nắm giữ bởi vì họ muốn gia tăng thêm lợi nhuận - họ rất tham lam. Nếu giá cổ phiếu giảm, họ cũng sẽ tiếp tục nắm giữ với hy vọng rằng cổ phiếu đó sẽ tăng trở lại để ít nhất họ có thể bán và hòa vốn - họ đã hy vọng hão huyền. Baruch đã làm việc chăm chỉ, tránh việc làm tai hại đó là để cảm xúc tác động đến mình. Nguyên tắc của ông đó là bán cổ phiếu khi giá cổ phiếu đang tăng và nếu cổ phiếu này giảm giá, ông sẽ nhanh chóng bán đi và chịu chấp nhận thua lỗ.
ông đã bán cổ phiếu vài lần năm 1928 khi giá cổ phiếu đang đạt mức cao kỷ lục. Khi giá cổ phiếu tiếp tục tăng, ông sẽ quay trở lại thị trường và mua với số lượng nhiều hơn. Qua đây, chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc theo sát những diễn biến trên thị trường, chứ không đưa ra quyết định dựa
trên việc mọi người phỏng đoán thị trường diễn ra theo chiều hướng nào. Tháng 8 năm 1929, thị trường tăng giá mạnh đến mức Baruch mua cổ phiếu với số lượng lớn trong một ngày và bán chúng ngay ngày hôm sau. Nguyên tắc giao dịch của ông đó là hãy để những phán đoán và hành động của thị trường mách bảo cần làm những gì.
Việc cẩn thận thực hiện những chiến lược và nguyên tắc đề ra đã giúp Baruch trở thành người giàu có, thành đạt và rất quan trọng trong giới kinh doanh. Sau đó ông đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp phục vụ tổ quốc và trở thành Cố vấn được tín nhiệm cho nhiều Tổng thống Hoa Kỳ.
3. Gerald M. Loeb
“Thông tin nào mọi người đều biết thì không có ý nghĩa nhiều lắm”. Nhà giao dịch cổ phiếu ngắn hạn
Sinh năm 1899, Gerald M. Loeb bắt đầu đầu tư cổ phiếu năm 1921 khi ông làm việc tại phòng trái phiếu của Công ty môi giới chứng khoán tại San Francisco. Ban đầu ông không ham thích công việc kinh doanh lắm nhưng sau đó chuyển sang nghiên cứu mọi thứ có thể về đầu cơ, đầu tư, tiền bạc, tài sản và môn kinh tế học. ông bắt đầu công việc đầu tư kinh doanh kể từ khi nhận được khoản thừa kế 13.000 đô la từ cha ông và đây là số tiền vốn ban đầu của ông. Khi lòng say mê giao dịch cổ phiếu tăng lên, ông bắt đầu thấy thích viết những bản tóm tắt các số liệu tài chính và trái phiếu mà những tài liệu này được xuất bản cuối năm 1921.
Năm 1923, Loeb thua lỗ nặng và mất đi một khoản tiền vốn đáng kể, và giống như những nhà giao dịch khác mà chúng tôi nhắc đến trong cuốn sách này, ông đã rút ra được một bài học quý giá và chính nhờ có bài học này ông đã trở nên thành công hơn trong những lần giao dịch tiếp theo. Sau đó ông làm môi giới chứng khoán cho Công ty E.F Hutton & Co. và di cư đến New York năm 1924. ông sống tại đó và trở thành thành viên sau đó là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị sau khi công ty được sáp nhập năm 1962.
ông nổi tiếng với vai trò là người phụ trách chuyên mục thị trường cho một tờ báo và đã có những bài đăng trên các báo: Barron’s, Tập san Phố Wall và Tạp chí Nhà đầu tư. Năm 1935, Loeb viết một cuốn sách được mọi người ưa thích Trận chiến để tồn tại trong đầu tư (The Battle for Investment Survival). Cuốn sách đã bán được trên 200.000 bản trong lần xuất bản đầu tiên và do
nhu cầu của bạn đọc, đến năm 1957 cuốn sách tiếp tục được tái bản. Năm 1965, Loeb cập nhật thêm những thông tin mới cho cuốn sách nhưng các chiến lược đầu tư về cơ bản là không thay đổi so với lần xuất bản đầu tiên năm 1935.
Ngay từ khi mới ra đời, cuốn sách Trận chiến để tồn tại trong đầu tư đã đạt được doanh số kỷ lục, cùng thời gian này một cuốn sách khác về đầu tư mà bạn đọc ưa thích cũng được xuất bản. Đó là cuốn Phân tích chứng khoán (Security Analysis) của Benjamin Graham, được coi là cẩm nang cho các nhà đầu tư mua và nắm giữ cổ phiếu bởi vì người ta coi Graham là cha đẻ của đầu tư có giá.
Graham và Loeb có những cách tiếp cận thị trường đối lập nhau ở quan điểm đầu tư theo hướng nào trên thị trường là có lợi hơn và khôn ngoan. Trong những năm qua, có rất nhiều nhà đầu tư cổ phiếu thành công trong số đó Warren Buffet được coi là người nổi tiếng nhất, tuy nhiên, Loeb cũng là người tích luỹ được hàng triệu đô la trong suốt sự nghiệp giao dịch cổ phiếu của mình.
Trong khi rất nhiều người coi Buffet là nhà đầu tư dài hạn do cách thức ông đầu tư vào cổ phiếu, vào các công ty và do ông thường nắm giữ những cổ phiếu này trong nhiều năm thì Loeb lại quan niệm thị trường là một chiến trường. ông tin rằng cuộc chiến giành lợi nhuận sẽ rất nguy hiểm nếu vẫn tiếp tục nắm giữ cổ phiếu trong một thời gian dài. ý tưởng này cũng đã được đề cập đến trong một cuốn sách nổi tiếng của ông. Quan điểm này xuất phát từ kinh nghiệm sau nhiều năm đầu tư trên thị trường, đặc biệt là khi ông trực tiếp chứng kiến vụ thị trường sụp đổ năm 1929.
Loeb, lắng nghe theo ý kiến của bản thân, đã hầu như ngừng giao dịch khi thị trường sụp đổ năm 1929. Là một nhà đầu tư cổ phiếu sắc sảo, Loeb khám phá