🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đi Rong Trên Những Múi Giờ
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
di_rong
https://thuviensach.vn
Mục lục
1. Vay đôi chân kẻ đa tình mà đi như thể trong mình điêu linh 2. Lối đi ngay dưới chân mình
3. Chuyện tình Bangkok
4. Bầy muỗi đói ở Bangladesh
5. Dhaka và những sắc màu đối lập
6. London giữa mùa dã yên thảo
7. Hoàng hôn Greenwich
8. Stonehenge ngàn năm rêu phủ
9. Thèm tắm tiên ở Bath
10. Sếu không bay ngang bầu trời Oxford
11. Gặp lại người xưa ở Brussels
12. Maastricht bên hai bến sông Meuse
13. Ăn phở ở Aachen
14. Hoang đàng Amsterdam
15. Barcelona cháy bỏng khát vọng tự do
16. Kathmandu sau động đất
17. Lumbini - Nơi Đức Phật đản sanh
18. 48 giờ ở đất nước Pharaoh
19. Hôn môi Sphinx
20. Thành phố ngàn giáo đường
21. Lời nguyện cầu đêm tối của Nile
https://thuviensach.vn
Cho hương hồn ba má của chúng con, cho thầy Trương Đình Ba, giáo sư Sherman Silverman, cô Nguyễn Thị Răng, cô Nguyễn Thị Hương, và cho năm tháng 30 rực rỡ...
https://thuviensach.vn
Mang linh hồn em theo anh đi
Như mang theo hạt bụi dưới chân nữ thần không mặt Như mang theo cái điều suốt đời không thể đánh mất Và cứ mỗi hai mươi giây xin anh cho nó một nụ hôn trắng ngần. (Song May)
https://thuviensach.vn
Vay đôi chân kẻ đa tình mà đi như thể trong mình điêu linh
Tôi hình dung Nguyễn Hữu Tài chơi lò cò trên những đường kẻ dọc ngang kinh tuyến và vĩ tuyến. Hai bàn tay anh tung hòn sỏi thanh xuân mát rượi tuổi 30 còn đôi bàn chân nảy bật lên, đầy háo hức và mê đắm, khao khát một cú chạm thật mạnh vào bụi đất của từng xứ sở trên thân thể địa cầu.
Lò cò làm cuộc rong chơi.
Bởi anh biết tuổi trẻ không dài dặc, mà vô cùng ngắn ngủi. Nên từng chuyến đi rong là từng chuyến lộng lẫy thanh xuân, rực rỡ thanh xuân, nối dài thanh xuân vào muôn ngàn cát đá ngày sau. Những trải nghiệm riêng biệt khiến quyển du ký của Hữu Tài độc đáo và lạ lùng. Nơi anh đến không phải luôn là địa điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới như chúng ta thường thấy trong phần lớn các ấn phẩm du ký, mà có khi rất ngẫu nhiên, là Maastricht có cô bạn gái cũ anh thầm thương thời trung học, là nơi chẳng mấy ai tới du lịch nhưng người thầy địa lý năm xưa từng bảo “đáng để một lần đến thăm trong đời thay vì cứ du lịch đến các nước phương Tây giàu có” (Bầy muỗi đói ở Bangladesh), nơi người lái taxi ở Nepal, cậu bé dẫn đường ở Bangladesh bỗng dưng khơi gợi, Bangkok có một người tình-hiện-tại đang chờ đợi, để sau chuyến bay là những cái hôn dài, cuống quýt, nồng nàn.
Ở từng chốn du quan, anh cũng không hối hả đi cho hết những điểm thường được gắn mác “nhất định phải đến”, mà nhiều lúc chậm rãi nhấp ngụm trà chiều nước Anh trên đường phố Soho, bần thần u sầu sau cơn mưa hoang vu khi đứng trước ngôi mộ của người sinh ra Đức Phật nằm lẻ loi dưới bước chân trâu bò giữa phế thành Kapilavastu, “lang bạt với ba lô, máy ảnh, thêm vài ngàn baht trong túi, cùng với em ăn vỉa hè, nghỉ lề đường, tối về ký túc xá ngủ vùi chăn chiếu” (Chuyện tình Bangkok) để thấm thía Bangkok đời
https://thuviensach.vn
thường chứ không phải Bangkok của sex show, của phố đèn đỏ chuyển giới. Thành ra, với tập du ký này, người đọc sẽ không đi tham quan chỉ để ngắm nhìn và nhận biết cho thỏa tò mò, mà còn để xuyên qua chuỗi buồn – vui – lo âu – sợ hãi – hồi hộp – háo hức – mệt mỏi – chờ đợi – lưu luyến – thất vọng – thăng hoa – đắm đuối yêu đương hò hẹn… trên hành trình đi bụi của Tài. Cái duyên may là ở đâu anh cũng gặp được một người bản địa hoặc một người bạn, một người tình để có dịp trải nghiệm và thấu hiểu đời sống văn hóa, đời sống từng ngày.
Có thể nói Đi rong trên những múi giờ mang lại thương hiệu “Tài tour” với một lịch trình có một không hai. Đặc biệt, cái nhìn của một người Mỹ gốc Việt hòa trộn trong mình cả hai nền văn hóa Đông – Tây sẽ soi chiếu từng vùng đất qua lăng kính khác biệt, khác biệt hẳn một người Việt thuần túy hoặc một người phương Tây thuần túy. 19 bài viết về các quốc gia nằm trải rộng trên ba châu lục (châu Á, châu Phi và châu Âu) sẽ không thôi khiến độc giả tò mò, ngạc nhiên, hứng khởi trước từng cánh cửa du quan hấp dẫn, để biết những điều mà có khi google và những tour du lịch không mang lại được, ví như:
– Việc đầu tiên khi vào rạp chiếu phim ở Bangkok là gì?
– Vì sao người Bangladesh múa tay liên tục như một vũ điệu và luôn mang theo vòng nhang? Và vì sao dưới cái nắng đỏ lửa 40 độ, đền Baitul Mukarram vẫn mát lạnh chân trần?
– Tour “Jack the Ripper” khởi hành ở Durward Street gắn liền với sự kiện kinh hoàng nào ở London vào cuối thế kỷ 19?
– Chúng ta sẽ nhìn thấy gì khi đứng ở đường kinh tuyến gốc Greenwich?
– Đường biên giới ở châu Âu có gì đặc biệt?
– Nơi Đức Phật ra đời bây giờ ra sao?
https://thuviensach.vn
– Đường vào kim tự tháp Kheops để chiêm ngưỡng quan tài của Pharaoh vĩ đại nhất Ai Cập có gì?
– Xem bóng đá với người Hà Lan, Bỉ, Đức, Tây Ban Nha vào mùa cao điểm của World Cup thì sẽ bùng nổ như thế nào?
– Công dân số một của Brussels là ai?
Hơn nữa, gắn với từng trang du ký là những câu chuyện rất riêng tư của Tài mà chỉ Tài mới có, chỉ Tài mới kể được. Cái giọng hài tếu sẽ khiến người đọc cười ngất trước những tình huống oái oăm, những suy nghĩ hóm hỉnh của anh dọc đường gió bụi. Cái giọng ngậm ngùi,
tui tủi sẽ khiến người đọc chùng xuống chạnh lòng như một mảnh khăn mỏng rơi lưng chừng cơn gió lặng bởi nỗi niềm của kẻ độc hành muôn đời tha hương ở xứ người. Ai đọc chín quyển sách đã xuất bản, hẳn thấm thía cái chất thuần Việt đậm đà trong chàng trai di cư sang Mỹ từ năm 18 tuổi. Đến quyển thứ 10 này, ở trong khung cảnh xê dịch qua 10 quốc gia khác nhau, chuyện gì ở đâu Tài cũng liên tưởng đến chuyện Ninh Hòa, chuyện Sài Gòn, chuyện Việt Nam được. Đi rong chơi qua bao đường biên giới, có cơ hội thưởng thức bao của ngon vật lạ mà người đời khao khát, nhưng niềm sung sướng nhất của anh là khi ngẫu nhiên tìm được xe bán mì xào với chai “xốt Sài Gòn” huyền thoại, để anh vừa hối hả ngấu nghiến ăn, vừa khóc ròng vì nhớ nhà giữa đường phố Amsterdam và Barcelona. Bởi vậy, người Việt đọc du ký của Tài sẽ khoái đến tận cùng, vì được anh dẫn dắt đến những chỗ có món ăn quê nhà, thỏa cơn thèm nước mắm trong những ngày phiêu dạt xứ xa.
Cái chất thuần Việt đó khiến Hữu Tài đứng ngồi ở đâu cũng chăm chắm hướng đến đường kinh tuyến GMT+7, như Tài từng khiến một cô hướng dẫn viên ở Thái Lan bỏ nghề, chấp nhận đền tiền cho công ty để chạy về với cha mẹ vì trót đọc truyện ngắn của anh. Hòn sỏi thanh xuân trên hai bàn tay anh suốt đời muốn nằm im đấy, buồn vui như đá cuội, mất mát như cát bụi. Vì quê nhà không chỉ là nỗi nhớ để hướng về, mà còn lắm nỗi đau Tài mang theo.
Nên anh lò cò làm cuộc cứu rỗi.
https://thuviensach.vn
“Tôi trở thành đứa trẻ mồ côi cả mẹ lẫn cha khi chưa tròn 29. Đó là tháng ngày đau buồn và tang thương nhất khi tôi mất hết động lực và niềm vui để sống. Tôi khóc rất nhiều, sụt cân, sức khỏe suy sút,
bị suyễn quật ngã vào mùa đông năm đó. Gắng gượng mãi mới qua khỏi sau bao ngày thở chẳng ra hơi.
Tôi nghĩ mình phải làm gì đó để khỏa lấp nỗi buồn vô hạn này.
May mắn thay, những chuyến đi dọc ngang đã trở thành niềm cứu rỗi.” (Lối đi ngay dưới chân mình).
Trong cuộc chơi trẻ thơ trên quả địa cầu này, Tài đi như muốn dát mỏng những buồn đau bao năm tháng đời mình, giăng móc những điều muốn quên đi lên từng kinh tuyến, vĩ tuyến và mua chuộc niềm vui với thú loanh quanh. Những nơi anh đến có thể ngẫu nhiên với người đời, nhưng tất nhiên với anh, đến không chỉ vì muốn biết, mà còn muốn một cuộc gặp để rót đủ những dở dang trong quá khứ, để lấp đầy niềm đam mê từ thuở ấu thơ. Bởi vậy đi chơi với anh, độc giả còn thấm thía cả chuyện đời, cả phận người. Du ký của anh không chỉ tả mà còn kể, không chỉ có cảnh mà có chuyện. Những câu chuyện dài hơn con đường thinh không trên bầu trời, con đường gập ghềnh trên mặt đất, quyến rũ người nghe đến bất tận.
Lật một trang Đi rong trên những múi giờ nghĩa là độc giả đã cầm trên tay tấm vé “Tài tour” và sẽ miên du không dứt được. Đọc để đi và hiểu biết. Đọc để cười (vì Tài hóm và lí lắc lắm trên đường du ký) và xả hết căng thẳng. Đọc để có thể khóc (vì Tài đa cảm và hay chạnh lòng mọi lúc mọi nơi).
Đọc để thấy Nguyễn Hữu Tài, qua 10 quyển sách, vẫn vẹn nguyên là một “người tình” hấp dẫn của độc giả. Anh “người tình” giàu yêu thương và thông minh, luôn biết làm mình mới toanh mỗi khi hò hẹn. Anh “người tình” khéo chuyện, viết như thể đang khoác vai độc giả, rủ ngồi xuống cà phê lề đường, rồi rủ rỉ xôn xao kể, mà khóc mà cười suốt cuộc tri âm.
Hồ Khánh Vân
https://thuviensach.vn
Giảng viên Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh
https://thuviensach.vn
Lối đi ngay dưới chân mình1
1 Tên một cuốn sách của nhà văn Nguyễn Lê My Hoàn.
Năm tôi học lớp bốn, người yêu của chị Hòa từ Mỹ gửi về tặng ba tấm bản đồ thế giới bằng tiếng Anh ép nhựa cẩn thận. Do gửi bưu điện, anh phải gấp làm tám nên khi mở ra nó bị gãy ngang dọc tùm lum. Chúng tôi quý lắm, treo giữa nhà, ngay phòng khách. Tôi đi qua đi lại, ngắm mỗi ngày. Và chẳng biết từ khi nào tôi đã thuộc lòng tất cả tên nước trên thế giới dù lúc ấy một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết.
Năm lớp bảy, tôi được cô Nguyễn Thị Răng dạy địa lý, mỗi tuần hai tiết ít ỏi. Tôi không mê mấy môn chính, cứ trông ngóng tới giờ cô để được dẫn đi khắp thế giới qua mấy bài giảng như thắp lửa trong lòng. Lên cấp ba, tôi học địa với thầy Trương Đình Ba và cô Nguyễn Thị Hương, điệu đàng nhưng nghiêm khắc. Thầy Ba là người “khám phá” khả năng tiếp thu và phân tích dữ kiện trong tôi từ rất sớm. Bằng kiến thức siêu việt của mình, thầy đưa tôi qua nhiều vùng đất, chỉ cho phương pháp áp dụng lý thuyết vào thực tiễn qua quan sát với số liệu, và thắp sáng trong tôi những ước mơ tưởng chừng không thật. Tới tận bây giờ, tôi chưa một lần làm thầy thất vọng vì đã đặt niềm tin vào tôi trong suốt những năm tháng đi dạy của mình. Mỗi lần có dịp về quê, tôi hay ghé thăm thầy. Thầy Ba lãng tai lắm rồi, nhiều khi phải hét to thầy mới nghe tận tường, vậy mà thầy vẫn thích đàm đạo chuyện đời với đứa học trò cưng năm cũ. Tôi khoe thầy về các chuyến đi không có điểm dừng. Thầy bảo: “Ngày xưa toàn dạy chay cho tụi bây, giờ bây lớn, có điều kiện đi khắp thế gian kiểm chứng, nhớ xem thầy dạy có đúng không nhen”.
Năm lớp 12, tôi là học sinh giỏi văn của trường. Cùng với bạn Bảo Song, tôi đủ điều kiện thi học sinh giỏi văn tỉnh Khánh Hòa. Vậy mà sau một đêm suy nghĩ, tôi đăng ký thi địa lý. Quyết định ấy làm cô Lê Thị Loan – cô giáo dạy văn của tôi buồn quá chừng (tới tận bây giờ, mỗi khi gặp lại, cô vẫn còn trách móc). May mà hồi đó trời
https://thuviensach.vn
không phụ lòng người, tôi và Vũ Khánh Trường mang về hai giải khuyến khích quốc gia (có thể nói là duy nhất tới bây giờ) cho Trường Phổ thông Trung học Nguyễn Trãi.
Ở Mỹ, môn tôi học giỏi nhất vẫn là địa lý. Giáo sư Sherman Silverman của Prince George’s Community College hay gọi tôi tới văn phòng, đưa thông tin về chuyên ngành Địa lý (Geography) ở Đại học Maryland và kêu tôi ráng học mai sau về thay thế thầy. Nhưng cuộc sống của một người tị nạn không cho phép tôi theo đuổi ngành mình yêu thích. Tôi học và làm rất nhiều giờ, cộng với tiếng Anh vẫn là một rào cản lớn nên chỉ dám chọn các lớp ít đọc, viết, đào sâu nghiên cứu, mà tăng cường tính toán, logic cho dễ thở. Tôi chuyển trường, theo đuổi ngành công nghệ thông tin. Trong suốt quá trình học cũng đăng ký thêm nhiều lớp địa để hoàn thành các lớp đại cương và thỏa mãn niềm đam mê ngày đó. Ra trường, đi làm quản lý địa ốc, rồi học thêm thạc sĩ tài chính kế toán cho ba vui. Đôi khi “nhớ nghề” cũ, tôi cũng ước có ai nuôi mình vài năm, nghỉ làm, quay lại trường, học cho xong cái bằng, mai sau chồn chân mỏi gối, chán nước Mỹ, ôm gói về lại quê hương, làm ông thầy dạy địa đứng trên bục giảng, cất giọng trầm ấm dạy học trò như ngày xưa mong muốn.
Nói vậy thôi chứ dẫu thời gian có quay ngược trở lại, tôi vẫn chọn cách mình đã bước để có được ngày hôm nay.
*
Ai cũng nghĩ tôi đi khá nhiều, nhưng chuyến bước chân ra thế giới của tôi bắt đầu vào tháng 6-2011, đến Bangkok, một năm sau khi ba mất. Trước đó, tôi thường về Việt Nam, đi lang thang từ Nam chí Bắc, rồi lặng lẽ về ngồi với ba những ngày bóng xế. Hai cha con không nói gì nhiều, ậm ừ cho qua chuyện. Ba lúc nào cũng muốn tôi lập gia đình, sinh con, đẻ cái mai sau nối dõi tông đường. Tôi lần lữa hoài, bảo thôi con còn trẻ ham chơi, vợ con sớm làm chi cho khổ cái thân. Ba tôi mất vào đêm 10-6-2010, đúng 10 năm sau ngày ông dắt chúng tôi rời Ninh Hòa sang Mỹ tìm kiếm tương lai. Thêm một mặt trời nữa đã tắt trong đời. Tôi trở thành đứa trẻ mồ côi cả mẹ lẫn cha khi chưa tròn 29. Đó là tháng ngày đau buồn và tang
https://thuviensach.vn
thương nhất khi tôi mất hết động lực và niềm vui để sống. Tôi khóc rất nhiều, sụt cân, sức khỏe suy sút, bị suyễn quật ngã vào mùa đông năm đó, gắng gượng mãi mới qua khỏi sau bao ngày thở chẳng ra hơi.
Tôi nghĩ mình phải làm gì đó để khỏa lấp nỗi buồn vô hạn này.
May mắn thay, những chuyến đi dọc ngang đã trở thành niềm cứu rỗi.
Bảy năm, tôi đặt chân tới 45 bang nước Mỹ. Đi qua gần 60 nước Á, Âu, Mỹ, Úc và sang tận châu Phi. Một mình, với ba lô, máy ảnh, điện thoại, ít tiền mặt và thẻ credit, tôi lang thang tìm hiểu văn hóa, con người, món ăn lẫn niềm vui nỗi buồn của dân bản xứ mà không ghi chép lại. Kể sao cho hết ngày mưa to London rầu rĩ, nắng ráo Cyprus rực rỡ khi lên hình, buổi chiều buồn ở sân bay Lumbini xa lạ mà nước mắt lăn dài, bị bè bạn cho leo cây ở Paris phải tự mày mò tìm đường, rồi đêm một mình trong lâu đài cổ ở Rome giữa một đống dao, tỏi, thuốc ngủ và tiếng Chú Đại Bi vì cái bệnh sợ ma không thuốc nào chữa khỏi…
Và tôi nghĩ, ước mơ vòng quanh thế giới, từ miền cực Bắc tuyết rơi trắng xóa, đến đồng cỏ xavan khô cằn sỏi đá, sa mạc cát vàng nắng gắt ở châu Phi, đi dọc sông Nile, Amazon, Danube, Mekong xanh trong, ghé Rio de Janeiro với những thân hình bốc lửa, New York đêm dài không ngủ, London trầm mặc bên tiếng chuông tháp Big Ben, Buenos Aires rợp trời phượng tím, rồi Lumbini, Jerusalem, Bethlehem tâm linh khởi nguồn các tôn giáo… đều bắt đầu từ tấm bản đồ và cảm hứng năm xưa của thầy cô. Tấm bản đồ ấy, như một người bạn thiếu thời, nằm trong trí nhớ âm thầm, theo chân tôi không rời nửa bước. Từ trang sách, hình vẽ, quả địa cầu và các bài giảng, tôi hiên ngang đi ra thế giới bằng cái nhìn tò mò, khắc khoải của gã thanh niên ngoài 30 với bao chìm nổi, buồn thương.
*
Tôi viết xong bản thảo cuốn sách thứ 10 trong vòng hai tháng, chủ yếu vào mấy ngày cuối tuần sau chuyến về Việt Nam ăn Tết, đánh
https://thuviensach.vn
dấu năm thứ sáu bước vào thế giới của những người cầm bút. Đi rong trên những múi giờ sẽ đưa bạn vòng quanh thế giới không theo thứ tự địa lý hay thời gian nào. Tất cả, chỉ bằng cảm hứng, ký ức không ghi chép và cái nhìn có phần phiến diện. Tôi chỉ là cây bút nghiệp dư, không phải chuyên gia địa lý, lịch sử hay khảo cổ học, có một vài kiến thức trong bài tôi đọc từ internet và nghe kể lại nên chắc chắn sẽ có sai lệch và không để nguồn. Nếu có gì không phải, mong mọi người niệm tình thứ tha.
Chân thành cảm ơn chị Nguyễn Bích Hạnh của báo Thanh niên đã luôn ưu ái cho cộng tác viên phương xa, thỉnh thoảng cho em lên trang sáng tác và ngày nào cũng tâm sự chuyện văn chương, đời sống. Cảm ơn chị Thái Thị Lệ Hằng của báo Khánh Hòa, luôn ủng hộ em hết mình dù mỗi năm gặp được đôi lần vội vã. Cảm ơn Hồ Khánh Vân về tên sách, những dòng thơ và bài giới thiệu viết ấm áp tặng anh. Cảm ơn Trương Thanh Thùy lúc nào cũng chịu đựng sự lèm bèm của anh và giúp anh giới thiệu tới báo chí. Cảm ơn Yến Trang luôn đặt niềm tin và khuyến khích anh viết lách. Cảm ơn anh Nguyễn Trọng Thái đã nhún nhường và chịu đựng trước các đề nghị không tưởng để có bìa sách đẹp. Cảm ơn Huỳnh Tấn Đức Linh, Trần Thái Hiển đã giúp anh chọn và sửa hình ảnh. Cảm ơn Huỳnh Tấn Bảo Linh đã giúp anh sửa chính tả. Cảm ơn Hiểu Phượng về sự ủng hộ lặng thầm. Cảm ơn các ca sĩ của Hữu Tài’s Productions – Dương Quang Vinh, Đặng Thành Thiện, Lê Trần Tuấn Giang, Nhật Trần, Diễm Út đã gắn bó với mười lần ra mắt sách. Và chân thành cảm ơn tất cả cô bác, anh chị, bạn bè, em út, độc giả thân thương đã mua sách và ủng hộ tôi trên con đường viết lách trong suốt sáu năm qua.
*
Một khi đã mang kiếp thiên di, trời sẽ cho bạn đôi chân trần không mỏi.
Lối đi ngay dưới chân mình. Dù nhỏ to, ít nhiều hay dài ngắn, khi có điều kiện bạn hãy mạnh dạn bước ra ngoài biên giới. Để thấy ngoài kia mọi thứ không hữu hạn và hoàn hảo như sách vở, báo chí hay những gì bạn nghĩ. Thế giới muôn màu, lòng người muôn trùng, đi
https://thuviensach.vn
để thấy mình luôn trẻ trung và năng động, dẫu không thể chối cãi một sự thật, năm tháng cứ mãi ra đi.
Maryland, những ngày chớm hè năm 2018
NGUYỄN HỮU TÀI
https://thuviensach.vn
Chuyện tình Bangkok
Trong giấc mơ vòng quanh thế giới của tôi, không hiểu sao Bangkok chưa bao giờ có mặt. Tôi thèm một lần đi ngược dòng Mekong chảy qua ba nước Đông Dương cá tôm đầy ắp. Sang Lào, tìm về đất nước triệu voi, tới cánh đồng Chum huyền bí. Qua Campuchia để thỏa thích ngắm thành cổ rêu phong Angkor Wat, đỉnh cao của văn minh nhân loại ẩn trong sâu thẳm đại ngàn. Dọc ngang qua các địa danh hồi còn nhỏ đã nghe các anh trong làng kể lại. Tuổi đôi mươi của họ, với ba lô xanh và mũ tai bèo, băng rừng vượt suối, “muỗi bay rừng già cho dài mà tay áo”, đối mặt với cái chết mỗi ngày trên chiến trường K, chống lại sự bạo tàn của Khmer Đỏ. Muốn tận tai nghe bài dân ca Miên huyền bí, nhìn vũ nữ Apsara in trên đá, hay bâng khuâng trước nụ cười Đức Thích Ca được gốc cổ thụ ôm choàng. Có lúc, lại mơ đứng trên dãy Trường Sơn ngóng cơn gió Lào bỏng cháy, bên nắng gió bên mưa bụi bay, thiêu sạm da trưa hè miền Trung ruột thịt.
Nào ngờ, vì một phút yếu lòng và nông nổi, tôi đã lạc bước theo nụ cười tươi hơn nắng, trong veo vẻo với hai má lúm đồng tiền và ánh mắt tình tứ niềm thương. Để rồi nhận ra Bangkok quyến luyến từng bước chân quen, dùng dằng nửa ở nửa đi, vừa lạ xa nhưng gần
gần gũi gũi. Từ lần bất chợt đó đến bây giờ là bảy năm, tôi đến Bangkok bao lần không đếm nổi. Có lúc chỉ quá cảnh tại Suvarnabhumi nối chuyến về Sài Gòn, khi thì ghé lại thăm người tình-giờ-đã-cũ còn đi học, lúc thì say đắm với giấc mơ thiên thần giữa đêm Khao San ồn ào.
Tôi đến Bangkok khi thành phố chầm chậm chuyển mình sang đêm. Cô hải quan kính cẩn đứng dậy chắp tay vái chào, khi tôi (nhớ lời dặn của em) làm thế trước. Mặt trời vừa kịp trốn chạy trên đường cao tốc từ sân bay về Assumption University. Cơn mưa phùn vội vã ùa qua không đủ làm ướt áo mỏng. Em bảo, mưa nơi này không đỏng đảnh như Sài Gòn của anh, ập tới bất kể lúc nào trong ngày rồi rảo bước đi không lời từ giã. Vào mùa, Bangkok chỉ mưa ban
https://thuviensach.vn
đêm, rả rích hoài tới sáng. Đêm nằm trong ký túc xá giữa khu vườn xanh mướt bóng cây, nghe ngoài kia mưa rơi nhẹ trên mái hiên, cồn cào gợi lên trong em nỗi nhớ Sài Gòn ở cách đấy hơn một giờ bay, nhưng hiếm khi nào có dịp về thăm vì bài vở chất chồng. Em bảo: “Sinh viên mà anh, gần vậy chứ không có điều kiện”. Chuyện em kể y chang thời sinh viên nghèo nước Mỹ, viết thư cho mấy đứa bạn ở Việt Nam cũng nghèo không kém. Tụi nó bảo một hai triệu ba má gửi vô, xài không tiết kiệm thì tới ngày giữa tháng là đói rã họng, lo đi mượn mấy đứa bạn chung phòng từng gói mì tôm hay ít gạo về nấu ăn lót lòng cho đỡ. Vậy chớ tới đầu tháng có tiền nhà, trích ra hết một phần tư để ăn một bữa thiệt no cho đã cơn thèm.
Em kéo tôi tới trước cổng ký túc xá, chắp tay lạy pho tượng thần trong khám thờ nhang khói, có hoa lài và vạn thọ tươi thơm. Người Thái sùng đạo vào loại nhất nhì thế giới. Tôn giáo như thấm sâu vào máu thịt của họ rồi. Có lẽ vì thế mà phần lớn tâm tính họ nhân từ, ít khi nổi giận.
Bangkok nhá nhem rộn ràng với gánh hàng rong dọc con đường nhèm nhẹp nước mưa. Người ta bán đủ thứ món, từ côn trùng, cánh gà chiên, chả giò, hải sản xiên nướng, gỏi đu đủ, sâm bổ lượng, tới đặc sản Thái như xôi xoài, cá diêu hồng nướng muối ớt. Hai đứa vào khu bán đồ ăn vặt. Cả trăm gian hàng giữa trời mưa gió bão bùng vẫn nở nụ cười thiệt tươi khi có khách ghé. Chẳng mời mọc, chèo kéo, ỉ ôi, không la làng, giành giật hay chặt chém khách. Em luôn miệng hỏi, anh ăn món này nhen, kia nhen, nọ nhen? “Ngon lắm, tin em đi mà”. Cái bụng anh nhỏ xíu xiu, đâu phải máy xay mà cái gì cũng “dzọng” hết? Mà từ chối thì sợ em buồn. Cuối cùng thì tay xách nách mang, rước về nhà một đống đồ, vừa ăn, vừa hít hà, cay chua kiểu Thái.
Đêm Khao San dường như không ngủ. Con đường ngắn ngủn ở trung tâm thành phố trước kia là chợ gạo, giờ là khu du lịch bụi đặc quánh người, gần như phố Bùi Viện ở Sài Gòn hay Tạ Hiện ngoài Hà Nội. Khách sạn hai bên đường để bảng kín phòng. Em bảo không mắc lắm đâu anh, chỉ cần vài mươi baht là có chiếc nệm ngả lưng. Tây ba lô mà, có tiền bạc gì nhiều, ngủ tí rồi dậy lang thang
https://thuviensach.vn
khắp đêm, đắm mình trong rượu bia, nhảy nhót loạn cuồng với các đôi chân miên man bất tận. Tiếng nhạc từ mấy bán bar bên đường ầm ĩ không át nổi tiếng cười nói rộn ràng lẫn tiếng rao hàng của chiếc xe bán kem dừa, trái cây, thịt nướng xiên que, chè nước cốt dừa, pad Thai, cá nướng, hay kebab thơm lừng và đặc biệt sầu riêng hạt lép, cơm dày, thơm ngon nhất thế giới. Anh mỏi chân quá! Muốn massage không? Thế là hai đứa ghé vào quầy bên đường với giá 150 baht để đổi lại ba mươi phút đồng hồ thư thái. Dưới đôi tay điêu luyện của masseur2, các mạch máu dưới lòng bàn chân như giãn hết mức ra, khoan khoái lạ kỳ. Anh muốn ngâm chân vào bồn cho cá lòng tong rỉa da cho sạch không? Thôi, anh không chịu được nhột đâu. Thế làm sao anh có chịu được mấy lần em thọc lét vào hai bên hông? Không biết nữa, có thể do vì anh quá thương em nên đành chấp nhận.
2 Những người làm nghề đấm bóp.
Mọi âm thanh ầm ĩ từ các quán bar, pub hai bên đường, tới tiếng rao hàng tha thiết lẫn cười nói hô hố của gã Tây say sưa liêu xiêu, quàng vai bá cổ đi đầy trên phố không thể nào át được nhịp đập hối hả trong lồng ngực của trái tim son trẻ. Hai bàn tay siết chặt. Mười ngón tay đan khít. Bờ môi loạng choạng tìm nhau, nồng nàn hơi ấm.
Khao San chỉ là một con đường ngắn ngủn giữa trung tâm Bangkok, nhưng chứa trong lòng nó giấc mơ nhỏ to dài nhất thế giới giữa em và anh, bất chợt nửa vòng trái đất tìm gặp nhau, như hẹn hò từ muôn kiếp.
Bangkok buổi sáng như cô thiếu nữ mới lớn, xinh tươi, ưỡn ẹo nằm rúc đầu vào ngực người tình không muốn trở mình thức dậy. Không khí dịu mát từ cơn mưa suốt đêm qua vẫn còn phảng phất. Mùi mồ hôi, da thịt, tóc gội xà bông, phả lên mặt, dán chặt cơ thể vào cái giường êm ấm. Tôi không muốn bước chân ra khỏi thế giới ngoài kia giữa dòng xe cộ, chỉ muốn nằm đó, siết chặt, hôn nhè nhẹ lên đôi mắt mở to như có trăm ngàn điều muốn nói. Mà thôi, phải dậy, để đi xem ngoài kia cuộc sống vội vã và hối hả thế nào. Rồi so sánh, nó không như Sài Gòn chỗ này, chẳng như Nha Trang chỗ
https://thuviensach.vn
kia, sao mà lặng lẽ giống Ninh Hòa… Bật cười với chính mình, hai đất nước tách rời, nền văn hóa khác nhau, thì sao so sánh cho được.
Hai đứa ghé chùa Vàng và cung điện nhà vua. Xứ này tất tần tật mọi thứ về đức vua phải được sùng bái. Em dặn dò: “Anh không được nói xấu vua bằng tiếng nước ngoài, lỡ bác tài hiểu được, anh sẽ vào tù ngồi cho đã nhé. Khi rớt tiền, cũng không được giẫm lên mà phải cúi xuống nhặt. Vô rạp coi phim, trước hết là phải đứng dậy làm lễ chào vua”. Vị thần mình chim, mặt người cao lớn và thần khỉ Hanuman hiên ngang đứng bảo vệ cung thành. Mấy ngọn tháp vút cao ở ngôi chùa dát vàng không sư sãi nổi lên nền trời óng ả. Bangkok hôm đó tù mù tối, mây đen che phủ gần hết bầu trời, nhưng tới chùa Vàng, trời sáng bừng đến lạ. Tôi đứng chắp tay khẩn cầu hạnh phúc, bình an. Không biết Đức Phật nơi này có hiểu được tiếng Việt để chứng cho không. Mà thôi, Phật tại tâm, Phật ở trong lòng, hãy cứ cầu, biết đâu sẽ được.
Nắng lên. Giữa trưa, mặt trời như chảo lửa khổng lồ. Nắng mùa này thật đáng sợ. Ẩm ương và thiêu đốt, bừng bừng giống Hỏa Diệm Sơn nghi ngút khói làm nám hết mặt mày của bốn thầy trò Đường Tam Tạng, vô tình lạc bước thỉnh kinh. Hàng cây ít ỏi bụi bám bên đường không làm dịu nổi cơn nắng. Hàng ngàn tòa nhà cao tầng đầy xi-măng, bê-tông cốt thép phản chiếu ánh mặt trời, làm tăng thêm hiệu ứng nhà kính, hầm hập phố xá xứ này. Ai than thở Sài Gòn kẹt xe, nóng nực ồn ào, muốn bỏ xứ mà đi, thì sang đây một lần thôi, mới thấy giao thông ở Việt Nam xá gì với Bangkok. Dẫu có monorail, subway, đường cao tốc trên cao, nhưng cả thành phố như một ổ kẹt xe vĩ đại. Tiến không được, lùi cũng chẳng xong. Bên trái toàn xe, bên phải toàn người. Thôi cứ kiên nhẫn đứng chờ vậy nhé. Sông Chao Phraya lúc chiều về bất chợt trở thành nguồn cứu rỗi. Chiếc thuyền máy, khi chạy kéo tấm nhựa hai bên che nước, phóng êm ả giữa làn nước đục ngầu, theo đường sông, đưa hành khách về với bữa cơm gia đình êm ấm.
Bangkok là thành phố của nắng gió mưa, của gánh hàng rong và xe tuk tuk rộn ràng. Cứ lên đó ngồi nhong nhong khắp phố, khi xuống
https://thuviensach.vn
xe, thơm thảo thì xếp hàng đưa cho bác tài xế vài đồng xu nhỏ, còn hết tiền thì bỏ đi cũng chẳng ai nói tiếng nào. Bangkok không quá hiện đại cũng chẳng cũ xưa, lúc nào cũng rực rỡ bởi hàng vạn taxi đủ màu sắc, hồng cánh sen, đỏ, vàng, cam, trắng. Trước khi ngồi phải mở cửa nói điểm đến, đợi bác tài xế gật đầu đồng ý mới được lên. Còn không thích hả, lắc đầu nhé. Em cười, taxi nhiều nhưng chảnh lắm. Họ không đi không ai ép được. Do chạy bằng gas nên giá rẻ vô cùng. Mấy chiếc xe bán trái cây rong trở thành nỗi nhớ. Chỉ 20 baht thôi, tôi sẽ có một túi thiệt to xoài, cóc, thơm và mấy bịch muối ớt bé tí teo nhưng cay đáo để. Cô hàng phốp pháp cầm con dao dài như thanh mã tấu, gọt vỏ, xắt xoài, chẻ cóc thật điệu nghệ, bỏ vào mấy que tre, nở nụ cười tươi. Đói quá, ghé lại hàng cơm. Phục vụ chậm có tiếng. Từ lúc gọi món tới khi bà chủ nhà to lớn, đủng đỉnh bưng đĩa cơm ra, để xuống bàn cái rầm cũng đã hết nửa tiếng rồi. Không chờ được thì đứng dậy đi ha, chẳng ép.
Tôi đến thăm và đưa quà cho Minh, người quen của một bạn tâm giao nhờ gửi. Minh rời Đắc Lắc phố núi sương mù, đầy dã quỳ rực thắm lúc thu về, vào Sài Gòn học đại học. Rồi không biết đưa đẩy
thế nào, công ty gửi em sang đây, thuê nhà cho ở và đón khách Việt sang đi tour. “Nếu không có chỗ anh cứ tới đây ở đi. Em đi suốt mà. Lúc thì lòng vòng Bangkok, khi thì Pattaya, lúc thì cố đô Ayutthaya xưa cũ”.
- Sống xứ này vui không em?
- Buồn chết cha! Có phải quê hương đâu mà hạnh phúc? Nhiều lúc em nhớ Sài Gòn, nhớ mẹ ở cao nguyên, muốn bỏ hết để quay về cùng với nắng gió thị thành và cơn mưa bất chợt. Còn không thì chạy về quê cũ, kêu mẹ kiếm ai đó làm mai rồi lấy chồng, ở luôn không lang bạt nữa. Con gái có thì mà dặm trường thì không tốt. Nhưng em lỡ ký hợp đồng với người ta, thôi ráng chờ thêm một năm nữa, xong em nhất định về.
Hai tháng sau, Minh nhắn tin cho tôi: “Em đang ở Sài Gòn. Khi nào về Việt Nam hú em đi cà phê hay ăn trưa nhen. Em chấp nhận chịu phạt, về luôn rồi anh. Một bữa dẫn khách đi Pattaya, em vô facebook anh, đọc tới tản văn mang cái tựa vô cùng giản đơn
https://thuviensach.vn
+84…. Thế là giữa chốn đông người em vừa sợ, vừa lo, khóc muốn hết nước mắt. Tới Bangkok lật đật thu xếp về Việt Nam ngay. Em sợ một ngày nào đó trên màn hình điện thoại hiện con số vô hồn của người nhà báo tin dữ mà không kịp về chia biệt. Chắc em sẽ ân hận đến cuối đời mình”.
Em dẫn tôi tới nhà hàng Việt Nam giữa lòng Bangkok. Chủ quán từng là người mẫu thời trang nổi tiếng, lấy chồng Ý, đi khắp thế gian rồi dừng lại đây để kinh doanh. Quán đủ sắc màu bởi những cây chuối xanh um và nhiều tấm lụa Hà Đông treo mắc khắp nơi, như tiểu thơ Quỳnh Nga trốn mẹ cha dựng quán vắng Bên cầu dệt lụa. Mấy tấm quảng cáo nhạc ngày xưa được trưng trong tủ kiếng. Những đĩa than của Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Giao Linh… đặt để trang trọng. Vài tấm hình của các nghệ sĩ cải lương danh tiếng như Thanh Nga, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Phượng Liên gợi lên Sài Gòn xa nhớ. Giọng Thanh Thúy chầm chậm “Ai cho tôi tình yêu, của ngày thơ ngày mộng. Tôi xin dâng vòng tay mở rộng…”, phút chốc làm đĩa cơm tấm rưng rưng nước mắt. Muốn dắt tay em về với Sài Gòn tức khắc, tức thì.
Tôi đứng đó giữa Siam sầm uất. Quảng trường rộng thênh thang, nhộn nhịp nhất của thành phố các thiên thần. Chợt nhớ bộ phim coi rất lâu, đã quên tên, chẳng ghi lòng cả đầu đuôi câu chuyện. Mang máng, chàng trai quỳ xuống giữa Siam rộng lớn, nhìn thẳng vào đôi mắt long lanh của người tình, mỉm cười và hỏi. “Em có yêu anh không?”. Cô gái nhún vai, hững hờ không nói. “Em có chấp nhận cùng anh đi hết năm tháng còn lại của cuộc sống này?”. Cô cười khanh khách, ngắt lên mũi rồi bảo “anh khùng”. “Em khùng thì có”. Ừa thì có hai kẻ khùng đang suy nghĩ miên man về vài điều không thật.
iPod đang nhảy tới Tuyết rơi mùa hè: “Nếu anh gặp em từ đầu, có lẽ đã không ai qua bể dâu”. Vài mối tình cũ, như cuốn phim quay chậm, thoắt trở về. Thuở trẻ trai, tôi miệt mài chạy đuổi theo đôi mắt buồn như chiếm trọn tâm hồn, nụ cười khoe cả hàm răng ngọc ngà trắng muốt. Nắng, gió, sương mù, mưa, bão của Sài Gòn ma mị cứ thế giẫm nát đời mình, đi qua và để lại bao vết xước khó liền da.
https://thuviensach.vn
Thuở nào đó, ước mơ được cùng với người yêu xây tổ ấm vò nát cả tâm can. Tôi sẽ bỏ hết việc làm, rời Mỹ, về giữa Sài Gòn thuê căn hộ nhìn ra bờ sông trên cao thành phố. Tôi xin đi dạy học hay vô làm công ty bất động sản nho nhỏ. Sáng sớm ngồi bên vỉa hè uống cà phê cóc, ăn gói xôi hay ổ bánh mì lót dạ, xong xách cặp lên giảng đường dạy học. Chiều về chui vô bếp nấu mấy món ngon. Tối ôm nhau trên sô pha xem phim ngôn tình rồi ngủ quên ở đó. Sáng ra lại như con mèo quấn quýt, không muốn trở mình thức dậy đón mặt trời.
Để rồi năm tháng vụt qua như tia chớp, tình yêu thuở nào như lâu đài trên cát bỏng. Sóng biển tràn vào, xô ngã tất tần tật, cuốn cát ra thật xa ngoài khơi kia thăm thẳm. Chia tay, lỗi thuộc về ai không cần đùn đẩy. Con tim luôn có lý do riêng của nó, chẳng giải thích được.
– Thế Bangkok đẹp không anh?
– Đẹp.
– Thế Bangkok dễ thương không anh?
– Dễ thương.
– Thế anh có thích và yêu Bangkok không?
– Thích lắm.
– Thế anh có trở lại nơi này nữa không?
– Sẽ trở lại, để… thăm em...
Mối tình thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ n… đi qua không trở lại. Cứ ngỡ tim mình trơ như hòn sỏi nhỏ lăn lóc một góc biển sâu. Nào ngờ gã trai bất cần ngạo nghễ, cũng có một lúc như con thú dữ, gục ngã trước mũi tên bé xíu của thần tình yêu Eros mong manh.
Hai đêm, ba ngày, quá ít để hít thở bầu không khí, sống và hiểu tận tường mọi ngóc ngách của thủ đô du lịch nhưng cũng đủ làm nặng hành trang đôi cánh thiên di. Không hoang đàng, chẳng sex show,
https://thuviensach.vn
không ra phố đèn đỏ nhìn cô gái chuyển giới chân dài, mặt mũi rạng ngời đứng hai bên đường đưa tay vẫy gọi như vẫn thường thấy trong phim. Tôi có mấy ngày lang bạt với ba lô, máy ảnh, thêm vài ngàn baht trong túi, cùng em ăn vỉa hè, nghỉ lề đường, tối về ký túc xá ngủ vùi chăn chiếu. Hết taxi, cuốc bộ, lại lên thuyền chạy dọc dòng sông nước đen thui bắn dính, vẫn niềm nở cười không lấy gì hờn giận, trách la.
Tạm biệt thành phố của thiên thần. Tạm biệt nụ cười lúm đồng tiền quyện chết hồn anh vào miền hoang vu nhất. Anh về em nhé. Nhưng trước khi đi, cho anh nắm tay em thêm lần nữa. Cho anh hôn lên mắt, má, trán em thêm lần nữa. Cho anh ngấu nghiến hôn lên bờ môi ấy như muốn biến nó làm của riêng mình. Chờ anh quay lại. Đừng bỏ anh đi đâu em nhé. Để hai đứa mình lại đi dọc hết phố phường của cơn gió chiều hây hẩy, ăn cho hết hàng trăm món ngon cay nồng đầu lưỡi, để nén nỗi sợ độ cao, ngồi thật lâu giữa đêm sâu trên tòa cao ốc chọc trời nhìn vệt đèn màu lấp lánh dài như vô tận. Biết đâu lúc đó, anh sẽ đủ dũng cảm như chàng trai trong bộ phim nọ, đứng giữa Siam nhộn nhịp, nói với ai đó một lời yêu thương nồng cháy. Anh sẽ ở cả tuần trong nhà trọ của em giữa Assumption University xanh mát bóng cây và viết nên chuyện tình nồng thắm. Đảm bảo, nó sẽ rực rỡ như chiếc taxi màu mè chở hai đứa ra phi trường và rưng rức buồn như ánh mắt em, lúc đứng vẫy tay chào anh, giữa thẳm sâu đêm nọ.
Về đi, chàng trai thiên di vạn dặm!
Thương tặng Thanh Châu,
Thanh Nhã và Lệ Minh
Tháng 6-2011
https://thuviensach.vn
Bầy muỗi đói ở Bangladesh
Giáo sư Sherman Silverman từng bảo, Bangladesh là nước sở hữu rất nhiều cái nhất thế giới: Nghèo nhất, đông dân nhất, mật độ dân số cao nhất và ô nhiễm nhất. Nhưng đó là nơi đáng để một lần đến thăm trong đời thay vì cứ du lịch tới các nước phương Tây giàu có.
Lịch sử Bangladesh khá phức tạp. Suốt thời kỳ bị Anh đô hộ, Bangladesh thuộc Ấn Độ. Vào năm 1947, trước khi trao trả độc lập sau cuộc cách mạng bất bạo động của lãnh tụ Gandhi, người Anh cũng kịp tác động để chia cắt phần đất hai bên hông theo đạo Hồi thành nhà nước Đông và Tây Pakistan cách nhau gần 1,6 ngàn km. Đến năm 1971, sau cuộc chiến đẫm máu với phía Tây làm hơn ba triệu người chết, phần phía Đông của Pakistan đứng lên giành độc lập và trở thành nhà nước Bangladesh hiện tại.
Theo lời thầy chỉ dẫn, mất gần 16 năm và sau ba giờ bay từ Bangkok, tôi mới đặt chân đến thủ đô Dhaka chật chội. Mặc dù là nước nghèo, nhưng Bangladesh “chảnh” lắm, chỉ miễn visa cho 23 nước, chủ yếu là Hồi giáo châu Phi. Phần lớn phải xin visa ngay tại cửa khẩu với giá 55 đô-la. Còn Việt Nam và 20 nước khác buộc phải xin visa tại đại sứ quán. Chuyến đi cũng khá bất ngờ nên tôi không xin visa trước. Hậu quả là khi máy bay hạ cánh lúc hai giờ sáng, tôi phải lâm vào cảnh mắt nhắm mắt mở chen lấn với vài trăm người để đóng tiền lệ phí qua một cửa sổ bé tí, rồi tiếp tục chạy qua bên kia xếp hàng để mòn mỏi đợi hải quan cấp visa nhập cảnh. Phiền phức quá nên mỗi năm chỉ khoảng 125 ngàn người tìm đến để tham quan và khám phá đất nước này.
Cái cửa sổ bé tí tẹo đó đầy thương gia lẫn công nhân đến từ Trung Quốc. Họ đi thành đoàn, xí xa xí xồ đủ thứ ngữ âm lạ lẫm. Bangladesh là trung tâm dệt may của thế giới, nên người Hoa vốn giỏi làm ăn, không bao giờ để mất cơ hội đến đây kiếm tiền. Họ mở các nhà máy khắp đất nước để tận dụng nguồn nhân công rẻ mạt. Hèn chi, vài nhãn hàng yêu thích của tôi như H&M, Zara hay
https://thuviensach.vn
Abercrombie, dạo gần đây không “Made in Vietnam” hay “China” nữa, mà chuyển qua toàn hàng Bangladesh chất lượng không tốt bằng.
Giữa đêm đông, anh nhân viên mắt nhắm mắt mở ngồi đếm tiền mệt nghỉ. Thỉnh thoảng lại giơ tay đập muỗi bốp bốp, nhưng không thấy anh tỏ vẻ bực bội tí nào. Vẫn đều đều như cái máy (trước quyển hóa đơn in than ba lớp), viết rồi ghi, ghi rồi viết, sau đó đếm tiền, đưa phiếu, cảm ơn, chuyển qua người khác. Sau gần một tiếng đồng hồ chờ đợi, tôi cũng đóng xong tiền, cầm biên lai qua dãy bên cạnh xếp hàng trước hai người khác xin cấp visa. Phải mất thêm một giờ đồng hồ nữa, bằng tất cả thủ thuật chen lấn, giả điếc, quăng cục lơ, nhảy từ hàng này qua hàng khác chứ không thể nào đứng im một chỗ chờ tới lượt mình bị chiếm mất khi các bạn Tàu chung quanh thản nhiên chen như chỗ không người. Ở đâu? Từ đâu đến? Làm gì? Tới đây chi? Tôi cần điện thoại của khách sạn. Nếu không có thì khỏi cấp visa. Nghiệt ngã quá. Tôi phải rà mớ email của mình trong điều kiện không có internet để lấy số điện thoại đưa anh ta chứ không phải lên chuyến bay kế tiếp rời Bangladesh ngay lập tức.
Cuối cùng, sau gần ba tiếng đồng hồ tính từ lúc hạ cánh, tôi mới làm xong thủ tục thông quan trong cơn buồn ngủ đến ghê người.
Và muỗi. Lũ muỗi to gần bằng con châu chấu bay mọi lúc mọi nơi. Nó không tha bất kỳ ai, sang giàu hay nghèo khó, mặc đồ kín mít hay hở hang lòi bụng. Chỉ cần quơ tay ra, tôi đã tóm ngay được cả bụm rồi. Hai nhân viên ngồi canh hành lý của Thai Airways thấy tôi nhe răng cười, tụi tôi chờ ông nãy giờ, trong khi vẫn luôn tay đập muỗi. Tôi đi đến quầy taxi gần đó, đưa địa chỉ khách sạn để hỏi giá tiền. Bên cạnh, người đàn ông khắc khổ đang co chân lên ghế ngủ gật mà tay phải cầm vòng nhang muỗi tỏa khói hôi rình. Giờ mới để ý, cả sân bay lúc này ngập trong khói. Cái mùi nhang muỗi thiệt sự kinh hoàng, làm tôi xây xẩm mặt mày, đầu óc không tập trung nổi. Hèn chi trang web của bộ ngoại giao Mỹ cảnh báo người dân hạn chế đến đây vì Bangladesh là vùng dịch Zika trên bản đồ thế giới.
https://thuviensach.vn
Thiệt tình mà nói, taxi lấy 100 đô-la tôi cũng ráng đưa, vì ở đất nước đó, vào thời điểm này, tôi không có nhiều lựa chọn. Cũng may khách sạn gần nên họ ra giá 10 đô-la. Trước khi đến đây tôi đã đọc kỹ các bài báo lẫn chia sẻ của du khách trên mạng. Dhaka cũng không an toàn cho lắm. Kể từ sau vụ các tay súng tấn công khách du lịch ở quận Gulshan, nơi được coi là giàu có, dành cho giới thượng lưu và du khách quốc tế, thì hầu như các khách sạn hoặc khu nhà ở đều có an ninh cầm súng bảo vệ và kiểm tra nhân thân cẩn thận ngăn ngừa khủng bố.
Bạn thử nghĩ, giữa màn đêm đen, trên đất nước nghèo đói nhất nhì thế giới, trong chiếc xe taxi cũ mèm, chẳng có điều hòa, bên cạnh tài xế với khuôn mặt lầm lì, không nói tiếng nào, đi qua cung đường cũ nát, dằn xóc, dưới ánh đèn đường tù mù là mấy chiếc xe phun khói đen thui… thì làm sao yên tâm cho được? Phải thần kinh thép lắm tôi mới không toát mồ hôi và lộ nỗi lo ra mặt. Taxi chở tôi vô một khu nhà to ở Gulshan, sau khi qua hai lớp an ninh lạnh như tiền, lăm lăm cầm súng. Anh chở tôi vòng tới, vòng lui mấy bận mà không tìm thấy khách sạn đâu hết. Tôi nhủ thầm trong ruột, có khi nào nó chở mình tới một động nào đó rồi bán đi không? Thân tôi chắc không đáng giá gì, nhưng sợ nó nghĩ trong hai cái va li to kia, là đồ đạc áo quần quý hiếm rồi làm bậy thì khổ.
Tới bận thứ ba, anh ta xuống xe hỏi đường tới hai lần mới tìm ra khách sạn. Đó là khu chung cư có phòng cho thuê nên cứ cắm đầu tìm chữ “hotel” sao ra cho được. Nhưng rắc rối vẫn còn vì khu nhà chưa mở cửa. Anh taxi gõ cửa rầm rầm. Một hồi lâu, hai người xuống mở cửa với vẻ mặt hầm hầm, chắc do đang ngủ ngon mà bị đánh thức. Tôi nói tên, từ đâu đến. Họ chạy vô kiểm tra đặt phòng tới ba lần vẫn chưa ra. Chắc ông tới lộn chỗ rồi, qua khách sạn khác xem sao. Chỗ nào nữa trời? Tôi sực nhớ ra, đáng lẽ mình check in từ ngày hôm trước chứ không phải hôm nay. Anh ta mò mò một tí rồi la lên, thấy tên ông rồi. Thế là tôi chính thức được vô ở rồi nhé. Tôi bo cho taxi 5 đô-la. Thiếu điều anh ta quỳ xuống lạy tôi luôn. Số tiền đó, chắc bằng cả ngày lương lái xe bạt mặt.
https://thuviensach.vn
Trước khi cho tôi vào phòng, hai bạn lễ tân bảo chờ tí xíu. Một bạn khệnh khạng khiêng hành lý lên tận lầu bốn (vì không có thang máy), còn bạn kia cầm hai chai thuốc diệt muỗi xịt từ trước ra sau từ trên xuống dưới. Xịt một lèo hết sạch sành sanh. Xịt tới đâu, muỗi rớt xuống chết như sung. Suýt nữa tôi lên cơn suyễn vì cái mùi kinh hãi đó.
Tháng 4-2016
https://thuviensach.vn
Dhaka và những sắc màu đối lập
Những người đàn ông có gương mặt buồn
Đội trầm luân đi giữa đỏ, xanh, vàng, tím
Dhaka phía bên này thiên đường như tắt lịm
Phía bên kia, một nửa rướn kiếm tìm…
(HP)
Có cảm giác tôi vừa chợp mắt là nhân viên khách sạn đã lên gõ cửa phòng bảo “ở dưới có người chờ ông”. Hướng dẫn viên đến sớm hơn 10 phút so với giờ hẹn, nên đồng hồ báo thức chưa kịp kêu. Tôi bảo họ chờ chút để chuẩn bị. Và chỉ trong vòng năm phút ngắn ngủi, tôi đã tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ, quần áo gọn gàng, xuống dưới sảnh chuẩn bị đi chơi. Abdullah, cậu hướng dẫn viên tiến tới lễ phép chào và giới thiệu sơ qua về buổi tham quan hôm nay. Tôi buột miệng hỏi năm nay cậu bao nhiêu tuổi vì cái dáng nhỏ thó, bé xíu nhưng vác bộ râu quai nón dài ngoằng của đàn ông Hồi giáo. Cậu cười, tôi 25 rồi, không phải con nít đâu. Đừng sợ.
Người ta bảo đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Lúc này quả thật đúng. Tôi được đối xử như một ông hoàng sau mấy đồng tip. Bảo vệ và lễ tân cúi người chúc tôi đi chơi vui. Đồ đạc cứ để trên phòng, đừng lo, không có chuyện gì xảy ra hết cả. Ông yên tâm nhé. Abdullah dẫn tôi ra xe đang đợi sẵn trước cổng. Chiếc Corolla đời bao nhiêu không rõ, bên trong sạch sẽ, có điều hòa và tài xế riêng. Ổn rồi, tôi không đòi hỏi gì hơn.
Mặc dù từng là thuộc địa của Anh nhưng người Bangladesh chủ yếu sử dụng tiếng Bengali. Tiếng Anh đứng thứ hai, nhưng rất khó để giao tiếp và gặp các bảng hiệu chỉ đường bằng thứ ngôn ngữ
https://thuviensach.vn
quốc tế này. Cách tốt nhất là đặt sẵn tour trên internet cho biết chỗ đi và toàn mạng rời Bangladesh. Tôi đã nằm lòng lời dặn ấy và cũng không có nhiều sự lựa chọn cho tour ở Dhaka. 100 đô-la cho tám tiếng tính luôn đưa rước từ khách sạn, kèm ăn trưa. Cũng không rẻ mà cũng không mắc (so với tôi), chứ ở đây, hơn một tháng lương ấy.
Và giờ tôi mới hiểu tại sao người ta ngại tham quan Bangladesh đến thế. Khi mặt trời lên, mọi thứ được phơi lồ lộ. Dẫu ở đây, hổng thấy mặt trời đâu, nhưng tất tần tật bày ra hết. Cả thành phố bị bao phủ bởi một lớp bụi mù dơ bẩn của khói xe chạy khắp đường và hàng ngàn tòa nhà, cao ốc đang hối hả dựng xây. Ở khía cạnh nào đó, Dhaka là thành phố đang phát triển. Nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu quay trở lại, đổ tiền vào xây dựng, biến nó thành trung tâm kinh tế mạnh của vùng Nam Á, phục vụ cho đất nước hơn trăm triệu dân này. Rác rưởi và xà bần3 đổ khắp nơi. Mảng tường vẽ ngoằn ngoèo bằng tiếng Bengali và cả Graffiti của các họa sĩ nghiệp dư nào đó. Cứ mỗi góc đường là một đống rác hôi rình, ruồi nhặng tung cánh bay mỗi khi có xe đi ngang qua. Tôi chắc chắn xung quanh mớ rác thải kinh hoàng rỉ nước là hàng triệu con loăng quăng đang ngọ nguậy chuẩn bị lột xác thành muỗi mang mầm dịch bệnh tấn công người. Tự nhiên tôi thấy nổi da gà, đưa tay sờ lên mặt, không biết đêm qua có bà muỗi nào cắn mình và có truyền vô máu cả đống ký sinh trùng không nữa.
3 Xà bần (phương ngữ, khẩu ngữ): đồ phế thải như gạch ngói, vôi vữa... từ các công trình xây dựng.
Không khó để đọc trên báo về những vụ sập nhà ở xứ này. Người ta vẫn chưa quên vụ sập cao ốc tám tầng kinh hoàng ở ngoại ô Dhaka năm 2013. Quân đội được huy động đến kiếm tìm xác người bị vùi lấp. Hơn một ngàn người chết. Gần 300 thi thể không xác định được danh tính đã được mang đi chôn sau khi kiểm tra DNA. Abdullah bảo, đâu đó quanh quẩn ở các mảng tường cũ, vẫn có ảnh của nạn nhân kèm đóa hồng đỏ được người thân dán lên, chờ đợi phép màu để kiếm tìm, dù là vô vọng.
https://thuviensach.vn
*
Người ta gọi Dhaka là thành phố của những đền thờ Hồi giáo với hơn 700 cơ sở tôn giáo chen chúc trong dân cư, để người dân nguyện cầu kiếm tìm sự bình an và cứu rỗi. Ở đâu cũng thế, tôn giáo luôn đóng vai trò xương sống trong xã hội, cho con người bấu víu, dựa dẫm vào đấng tối cao màu nhiệm, vượt qua khó khăn trong đời. Abdullah nhanh nhảu dẫn tôi qua các bãi rác, len qua những người vô gia cư, hay cặp vợ chồng ăn xin đang ngồi đếm tiền trong hộp giấy, để vào đền Baitul Mukarram lớn nhất nước. Cửa trước bị đóng rồi. Gọi mãi mà không ai ra mở nên tụi tôi vòng ra ngả sau. Trước đền thờ, người đàn ông đẩy xe bán trái cây và mấy ly đủ màu có đậu, hạt, rồi sợi dây xanh đỏ y như chè ba màu của Việt Nam. Tôi ra dấu xin chụp hình. Anh nhún vai chắc bảo không có gì to tát lắm. Anh đưa ly “chè” mời mua. Tôi lắc đầu cười, khi thấy cái đống rác to đùng bên cạnh.
Đi riết tôi cũng thuộc loại mặt dạn mày dày, chẳng e ngại rác rến hay nước tù đọng gì. Nhưng thiệt tình tôi cũng thấy ơn ớn khi đứng chờ trên bậc thềm của thánh đường đầy phân dơi, phân chim bốc mùi thum thủm. Phía đối diện, hình như là trung tâm thương mại, bán hầm bà lằng các loại ti vi, tủ lạnh, máy móc cũ, mới được chất lẫn lộn, dưới một nùi dây điện chồng chéo, đan xen trông đến lạnh xương sống. Lỡ chập điện nổ cái đùng chắc tiêu. Gọi cửa thêm chút nữa, một người đàn ông quen với Abdullah ra tươi cười chào đón và mời vào. Tôi phải bỏ giày bên ngoài, đi chân không vô đền. Vừa bước chân lên thềm đá, cảm giác mát lạnh chạy khắp châu thân, làm dịu hẳn đi cái nóng 40 độ đang bủa vây. Ngôi đền được xây từ năm 1968, không cần mở điều hòa mà mát như cái tủ lạnh khổng lồ vậy.
Baitul Mukarram được coi là đền thờ quốc gia Bangladesh với sức chứa hơn 30 ngàn người. Tuy nhiên, nó luôn ở trong tình trạng quá tải bởi Dhaka đông đúc dân. Tới tháng Ramadan4 thiêng liêng, nó phải gồng mình chứa thêm hàng vạn người từ mọi miền đất nước đổ về cầu nguyện. Thánh đường nằm trên nền đất cao, như khối hình hộp khổng lồ mô phỏng Ka’abah tại Mecca (Arab Saudi), một
https://thuviensach.vn
trong ba địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi, nơi tương truyền chứa quyển kinh thánh của giáo chủ Mohammed. Baitul Mukarram có tám tầng cao, được xây toàn bằng đá nên lúc nào cũng mát là đúng rồi. Trời hè, chỉ cần nằm dưới bóng mát một góc sân, cũng đủ để bạn giải nhiệt. Tôi vừa đi lòng vòng tham quan, vừa phải chú ý tránh những đống phân nằm rải rác khắp nơi. Lỡ mà giẫm lên không biết chỗ nào mà rửa.
4 Là tên gọi tháng thứ Chín của Âm lịch Ả Rập. Trong suốt một tháng lễ này, tất cả các tín đồ đạo Hồi đều thực hiện nghiêm túc quy định: không ăn, không uống, không hút thuốc... nghĩa là không được đưa bất kể thứ gì vào miệng từ lúc mặt trời mọc tới khi mặt trời lặn.
Tiếng kinh Koran thu sẵn mở lên chầm chậm. Vài người đàn ông mặc áo chùng trắng quỳ xuống, hướng về thánh địa Mecca cúi lạy xin bình an.
Abdullah bảo giờ mình tới một địa điểm tôn giáo khác không kém phần quan trọng. Đó là Star Mosque, Thánh đường Ngôi sao nằm cạnh trường học. Hôm nay có thi gì đó, nên cảnh sát đứng đầy. Hàng ngàn phụ huynh (chủ yếu là phụ nữ) vẻ mặt lo lắng, nhấp nha nhấp nhỏm nhón chân ngó vô, nôn nóng chờ con, y chang cảnh phụ huynh Việt Nam ngóng trông con mỗi lần tới kỳ thi tốt nghiệp hay đại học. Cảnh sát đóng đường không cho xe vô. Abdullah nói tài xế đậu ở ngoài, rồi dẫn tôi vào bên trong. Mosque được trang trí bằng nhiều ngôi sao xanh từ gốm trăm năm mát lạnh. Các vị chức sắc tôn giáo mặc áo choàng trắng, tươi cười khi biết tôi là người Việt Nam, sẵn sàng chụp hình chung và bảo nhớ đến thăm đất nước đẹp xinh của chúng tôi một lần nữa nhen. Còn mời khi nào rảnh tới đây ăn trưa một bữa.
Đền thờ đạo Hindu Den Dhakeshwari Temple, được xây vào thế kỷ thứ 12 bởi Ballal Sen, vị vua của triều đại Sena, được coi là nơi cất giữ viên ngọc từ vương miện của Sati, nữ thần hạnh phúc, hôn nhân và tuổi thọ. Đền bị phá hủy một lần vào năm 1971 bởi quân đội Pakistan trong chiến tranh giải phóng Bangladesh và bị tàn phá nhiều lần trong các cuộc tấn công của các nhóm Hồi giáo quá khích
https://thuviensach.vn
vào đầu thập niên 90, nên giờ phải canh phòng cẩn thận. Giữa trưa, người ta đóng cửa không cho tham quan. Tôi chỉ đứng bên ngoài nhìn vào tòa tháp hình nón màu vàng viền đỏ kế tiếp nhau. Thấy chút lạc lõng của đạo Hindu giữa lòng đất nước đông dân Hồi giáo.
Ẩn sâu và lọt thỏm trong lòng phố xá đông nghẹt là nhà thờ của người Armenia xây dựng năm 1781 vẫn trơ gan cùng mưa nắng. Chưa vội vào trong, tôi đứng ngó một ông già mặc váy đi ngang qua, hai tay cầm mấy con gà sống giãy giụa, chắc mang ra chợ bán. Tôi đưa máy chụp cậu thanh niên cũng đi bán gà, không xách trong tay mà bỏ thúng đội lên đầu lúc lắc. Anh ta thả tay, làm dáng cho tôi chụp hình. Mấy cậu nhóc loi choi chung quanh vỗ tay reo hò cười đùa ủng hộ.
Giáo đường màu mỡ gà, viền vàng, lẻ loi đến buồn bã. Cổng đóng kín, dường như không có người đi lễ. Người ta đã rời khỏi phố xá Dhaka chật chội để về thành phố mới và an toàn hơn, chẳng có thời gian vật lộn với giao thông mỗi ngày để đi tìm bình yên trong Chúa. Ông bảo vệ quen với Abdullah, từ bên trong chạy ra, mở ba lớp khóa, dẫn chúng tôi vô. Nhà thờ nằm giữa mảnh đất rộng chừng 500m2 với tháp chuông cổ. Thấy tôi đứng ngắm tháp không rời mắt, Abdullah chạy tới gióng một hồi chuông dài giữa trưa. Hai trăm năm tuổi có lẻ rồi mà tiếng chuông vẫn thanh tao kỳ lạ. Nổi trên nền trời mờ mờ bụi bặm, cây thánh giá sừng sững như không có bất kỳ mưa nắng hay dấu thời gian làm hư mòn quyền năng của Chúa thiêng liêng.
Chung quanh tôi, có nhiều ngôi mộ của các thương nhân châu Âu đã đến đây và bao năm thân xác vẫn chưa tìm về cố quốc. Tôi cúi xuống đọc bia mộ bằng xi măng được in dấu thánh, khắc chữ Bengali, Do Thái và tiếng Anh: “Tưởng nhớ Khatch Khatun – vợ của người chồng quá cố David Fridovitch Melick Beglar. Mất ngày 14 tháng 6 năm 1893. Hãy về nhà đi những đứa con của ta và đừng khóc nữa. Mẹ sẽ ở lại đây cho đến khi Đức Chúa Trời xuất hiện”. Hay một ngôi mộ khác gần đó: “Tưởng niệm Johanness Manook, người rời bỏ cuộc đời vào ngày 15 tháng 7 năm 1846, 42 tuổi”. Gần hai thế kỷ nằm xuống ở xứ lạ người xa, xương cốt họ có lẽ đã tiêu
https://thuviensach.vn
tan, thấm sâu vào lòng đất Dhaka, nơi không phải là quê hương xứ sở. Bao đứa con yêu thương và người thân ruột thịt, trong chặng đường tìm kiếm sinh tồn hay khám phá thêm nhiều vùng đất mới, có lẽ đã trở về cố thổ, hoặc gửi nắm xương tàn của mình tại một vùng đất lạ xa, cũng không có dịp quay lại nơi này để thăm viếng người thân thuộc.
Phía bên hông nhà thờ, cây liễu rủ và bụi hoa giấy đỏ rực nở tốt tươi nhưng sắc thắm bị che lại bởi lớp bụi dày, dẫu có hai mươi trận mưa đổ xuống cũng không làm sạch nổi. Tôi bước vào bên trong. Không gian trắng lẫn vàng cô liêu quá. Những hàng ghế gỗ chắc lâu lắm rồi không người ngồi xuống nên đầy bụi. Mấy cái quạt trần trên cao như làm cảnh chứ cũng chẳng ai mở chạy. Phía trên chánh điện, tấm hình Chúa Jesus rỉ máu thương đau trên thánh giá nhân từ. Mặc dù là người ngoại đạo, nhưng tôi vẫn cúi đầu trước ngài và làm dấu thánh, theo thói quen dì Năm bán bột của Nỗi nhớ sầu đâu5 hay dẫn tôi đi nhà thờ làm lễ.
5 Nhân vật trong tập truyện ngắn Những chuyến thiên di của tôi.
Đài tưởng niệm các liệt sĩ Savar dựng lên để tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến giành độc lập với Pakistan để giải phóng Bangladesh vào năm 1971. Giữa trưa nắng gắt vẫn tụ tập đông người đang diễn tập cho một buổi lễ sắp diễn ra. Tượng đài hình tháp, như một mũi tên chĩa thẳng lên trời, là biểu tượng cho lòng quả cảm không ngại hy sinh của người lính chiến. Quanh tượng, hơn chục đàn ông bất chấp nắng nóng như thiêu ngồi dưới bóng râm bán nước giải khát với bắp rang, đậu phộng. Không khó để thấy chục người vô gia cư nằm gần đó, co cuộn người ngủ say sưa quên hết đất trời.
Và đoàn tàu xe lửa huyền thoại tôi thấy trên ti vi, trong sách báo và mơ một lần được tận mắt chứng kiến, đang lừng lững hiện ra trước mặt. Mười mấy toa chầm chậm chạy trên đường ray và cõng theo nó chắc hàng ngàn, mà không, cả chục ngàn người, bất chấp nguy hiểm hay rập rình của Thần Chết. Họ ngồi từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, từ trước ra sau. Bên trong lố nhố đầu người. Trên mui
https://thuviensach.vn
đầu người lố nhố. Bên hông phải, trái người ta thay nhau cầm nắm vào cái gì có thể đu bám được. Cả đoàn tàu như thỏi nam châm cực lớn và hàng ngàn người kia là thỏi nhỏ hơn, gắn dính vào nhau. Nói thì khẩu nghiệp, chứ tôi thấy nó giống miếng đường to ngọt ngào thơm lựng hút cả triệu con kiến bé xíu, bu lại. Mới hay xứ này, mạng người mỏng manh như tờ giấy quyến của mấy ông già quê hút thuốc. Chỉ cần giọt nước nhỏ, giấy đã mủn rữa ra rồi. Hay một cơn gió nhẹ thoảng qua, cả đoàn tàu lắc rung dữ dội, đảo chao trong khoảng không trung, thây người rớt xuống sông như ngói. Nhưng không sao, đi được cứ đi. Người ta phó mặc đời mình cho đấng Allah, chứ không quan tâm gì khác.
Dhaka có diện tích chưa tới 816km² nhưng chứa gần 20 triệu người, đã biến nó thành đô thị chật chội của sự đối lập. Kẹt xe từ sáng tới chiều. Kẹt từ trong ra ngoài, từ ngõ sâu tới cạn. Còi xe là thứ âm thanh thân quen không thể tách rời phố xá. Khoảng cách giàu nghèo được phân định một cách rạch ròi. Trái ngược với trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn giàu sang, là khu ổ chuột rách nát, nơi cư ngụ của hàng triệu người nghèo khó. Khắp nơi trong thành phố, không khó để nhận ra lều bạt che tạm bợ, hay đơn giản là miếng nhựa trải trên vỉa hè, bên trên có một, hai, ba hay nhiều người lơ mơ nằm ngủ. Người ăn xin và bán hàng rong nhiều không đếm nổi. Họ đến từ làng quê nghèo khó, đói kém, không có công ăn việc làm, nên đổ về Dhaka cầu xin lòng thương hại của người đời. Cứ đi lang thang dọc đường, xe dừng lại thì tới xin. Còn không cứ tới các đền thờ Hồi giáo, tụ tập trước cổng, sẽ có người hảo tâm ban bố lòng từ bi bằng đồng taka6 cũ nhàu như mảnh đời của họ.
6 Đơn vị tiền tệ của Bangladesh, 1 taka = 270 đồng.
Bên cạnh hàng ngàn chiếc xe đời mới đắt tiền BMW, Audi hay Lambogini, là hàng vạn xe buýt, ô tô không thể nào mục nát hơn nhưng đông kín người. Nói thật, cho vàng tôi cũng không dám bước chân lên vì chẳng biết nó “banh ta lông” lúc nào. Khắp nơi trong thành phố, rickshaw - xe ba bánh (như xích lô hay xe lôi ở Việt Nam), phía trước có một người đàn ông ốm yếu đổ mồ hôi ướt nhẹp, gò lưng chở cả gia đình mập ù đang phía sau thong dong
https://thuviensach.vn
ngồi ngó. Dhaka được coi là thủ phủ của xe ba bánh (rickshaw), với hơn 400 ngàn chiếc lưu thông mỗi ngày, qua mặt cả Delhi hay Mumbai ở Ấn Độ. Hàng triệu phương tiện không hàng lối, cứ tìm thấy chỗ trống là chen vô càng làm cho giao thông thêm phần hỗn loạn. Trên đường phố đông đúc, tuyệt nhiên không thấy một phụ nữ nào buôn bán. Đó là việc của đàn ông. Đàn bà ở nhà nội trợ, chăm con, hay làm công nhân trong nhà máy dệt. Xứ này, từ cậu trai trẻ lên 10 tới chàng thanh niên đôi mươi, hay ông già 60, mặc kệ nắng mưa, bụi bặm, vẫn miệt mài đội lên đầu lồng sắt đựng gà, vịt, chen chúc đứng bán bánh trái, áo quần, giày dép, bắp nổ, đậu phộng hay nước mía, “chè” ba màu.
Nhưng phải nói Dhaka là một thành phố lắm sắc màu và vô cùng thú vị. Để bù lại sự hỗn loạn về giao thông, người ta đã sơn xanh đỏ tím vàng xe buýt, ô tô hay xe ba bánh cũ. Đi giữa phố xá giống hộp cá mòi, ruồi muỗi bay nhiều gần như bụi, cảm giác màu sắc của phương tiện hòa lẫn vào nhau, cùng với sari lộng lẫy của phụ nữ, khiến ta không bực mình mà vui mắt. Tôi đã đến hầu hết các siêu đô thị trên thế giới. Từ Sài Gòn thân yêu, tới Tokyo sạch bong không bụi, New York đông đúc người, New Delhi đứng đầu ô nhiễm, hay Mexico City kẹt xe từ sáng tới tối, thì Dhaka là một thành phố đặc biệt, không giống ai và cũng chẳng muốn ai giống mình. Nét đẹp ấy, trong mắt gã đàn ông ngoài 30 đi cùng trời cuối đất như tôi, hóa ra vô cùng thú vị.
Bằng một giọng rất tự hào, Abdullah chở tôi đến trường Đại học Dhaka và luôn miệng bảo, đó là niềm kiều hãnh của dân Bangladesh vì nơi ấy đã sản sinh ra bao nhân tài cho đất nước. Trường dạy bằng tiếng Anh nên hèn chi cậu nói giỏi đến vậy.
- Tôi muốn ra nước ngoài du học. Có lẽ là cuối năm nay. - Mày định học ở đâu?
- Tôi đang tìm học bổng. Nếu không có thì chắc đi Trung Quốc vì bên đó rẻ và cũng gần, dù tôi muốn sang Anh học hơn cho xịn.
https://thuviensach.vn
Nói xong, cậu ấy chỉ tôi tòa nhà Curzon Hall màu gạch đỏ, mái vòm và cửa sổ như các cung điện Hồi giáo, được coi là biểu tượng của trường, thủ đô Dhaka và của cả Bangladesh. Tòa nhà có từ thời Anh đô hộ, giờ là trụ sở chính của Viện Khoa học Đại học Dhaka. Trong thời gian diễn ra cuộc vận động phát triển ngôn ngữ Bengali vào năm 1948 – 1956, Curzon Hall là nơi tổ chức nhiều sự kiện nổi bật. Và chính tại nơi đây đã nổ ra cuộc biểu tình phản đối chính sách đồng hóa ngôn ngữ của Pakistan, khởi đầu cho cuộc chiến giành độc lập sau này.
Tuy là đất nước Hồi giáo, nhưng so với nhiều nước khác, phụ nữ Bangladesh vẫn được tới trường, có ghế trong chính phủ, thậm chí giữ cưỡng vị tổng thống. Khắp khuôn viên Đại học Dhaka, các nữ sinh tươi trẻ mặc trang phục truyền thống sari, với mái tóc dài và dày đặc trưng, cài hoa đỏ, xách giỏ, tung tăng nói cười rôm rả. Tôi ghé mặt nhìn vào giảng đường rộng. Hàng trăm sinh viên đang im lặng tập trung làm bài thi. Cách đó không xa, trong tòa nhà của Viện Hóa sinh, sinh viên nam nữ đang mặc áo blouse trắng quây quần bên kính hiển vi nghiên cứu.
Tôi chợt nhớ đến Lumma Hasan, cô bạn trong lớp TESOL7 tại Đại học Maryland hồi năm 2013. Cô có chồng, hai con, thân hình phốp pháp đúng kiểu Nam Á, lúc nào cũng mặc sari và luôn cười toe toét. Thỉnh thoảng cô ấy kể về đất nước mình với niềm hân hoan và nỗi xúc động khó tả. Lumma bảo khi nào có dịp sang Dhaka nhớ nhắn tin, mình sẽ dẫn bạn đi khắp nơi thăm thú. Tiếc là tôi đổi ngày đi vào phút cuối nên không báo được. Mãi sau về Mỹ, tôi gửi cho bạn một tin. Lumma trách quá trời, nói đã hứa sang thì báo mà sao im ru. Tôi bảo an tâm đi, tôi sẽ quay trở lại đất nước của cô thêm một, hai lần nữa.
7 Teaching English as a Second Language – Chứng chỉ dạy tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai.
Một cậu bé bưng thau đậu phộng chạy tới hỏi mua không. Tôi không nỡ chối từ, móc tiền ra mua một bọc. Abdullah chỉ tôi vườn thực vật của trường với đủ các loại cỏ cây, hoa lá. Đầu hè, thược dược, vạn
https://thuviensach.vn
thọ và sao nháy khoe sắc khắp nơi. Đặc biệt là mãn đình hồng đang nở rộ giữa lòng thủ đô Bangladesh, loài hoa mà ở Việt Nam dường như đã tuyệt chủng. Buồn ghê! Mới hôm nào tôi vẫn còn làm hoàng
tử bé ở Ninh Hòa, được chiều chuộng hết mình, ăn món quê thơm mùi ký ức. Rồi hôm kia còn ngồi ở Bean uống cà phê sáng, ra nhậu vỉa hè Mạc Thị Bưởi với đám bạn thân thiết nói đủ thứ chuyện trên đời. Vậy mà giờ bên đóa hoa nửa lạ nửa quen, lòng rộn ràng nhớ quê quá đỗi.
Abdullah hỏi trưa muốn ăn gì, có cần tới nhà hàng không. Đâu cũng được, có ăn là ngon rồi. Thế là ghé vô một quán ăn bên đường, gọi hai đĩa cơm gà ướp cà ri. Tôi bảo ngồi chung bàn cho vui. Nhưng cả hai nhất quyết không chịu. Tôi một bàn, Abdullah một bàn, anh tài xế cao to như ông hộ pháp xin ly nước lạnh rồi lẳng lặng ra xe.
Phần lớn dân Bangladesh theo Hồi giáo, nhưng tôi nghĩ, do từng thuộc Ấn, nên tư tưởng phân tầng giai cấp của Ấn Độ giáo vẫn bao trùm sâu rộng lên đất nước này. Xã hội Hindu được chia thành bốn giai cấp. Brahmans (Bà La Môn) gồm giáo sĩ, lãnh đạo tinh thần tôn giáo, tự nhận mình cao thượng, được sinh ra từ miệng của Brahma – Đấng Sáng Tạo. Thứ hai là Kshatriyas (Sát Đế Ly) thuộc hàng vua chúa, quý tộc, tự cho mình được sinh ra từ cánh tay của Brahma, và thay mặt người nắm giữ quyền hành thống trị dân chúng. Thứ ba là Vaishyas (Vệ Xá) là các thương gia, chủ đồn điền, tin rằng mình được sinh ra từ bắp vế của Brahma, có nhiệm vụ đảm đương kinh tế trong nước. Thứ tư là Shudras (Thủ Đà La), thuộc hàng tiện dân, được sinh ra từ gót chân Brahma, nên phải hầu hạ các giai cấp bên trên. Chưa hết, Ấn Độ giáo còn có một đẳng cấp khác nữa, gọi là Pariah hay Dalit (Tiện Dân), nằm ngoài giai cấp, cùng khổ, mạt hạng, bị xếp ngang hàng với súc vật, không có quyền con người. Họ chủ yếu làm nghề gánh phân đổ ra đồng, dọn dẹp chuồng gia súc, chùi rửa cầu tiêu, chôn người chết. Suốt đời Dalit sống khổ nhục, không được chạm tay vào đồ vật, giẫm lên cái bóng, hay ngồi, ăn, học chung trường, kết hôn với các giai cấp bên trên.
Đĩa cơm gà cà ri thơm phức để trên bàn. Liếc qua đống chén đĩa, thấy ruồi nhặng bám đầy, chủ quán đưa tay đuổi thế là cả bọn bay
https://thuviensach.vn
tứ tán khắp nơi. Tự nhiên hơi nhợn. Mà thôi, sống chết có số cả rồi, đói quá cứ ăn. Tôi xin thêm muỗng nĩa, trong khi Abdullah bốc tay ăn ngon lành. Phía bên kia đường, có người đàn ông đang ép nước mía bán. Thấy tôi chép miệng thèm, cậu ta hỏi muốn uống không. Tôi chẳng thể nào lắc đầu từ chối. Abdullah chạy ra mua một ly to. Trời nóng như điên dại, có ly nước mía mát lạnh đỡ biết là bao. Tiếc là hổng có đá. Tôi hỏi xin quán ăn, họ lắc đầu bảo mùa này đá hiếm lắm. Tôi uống cái ực. Nước mía ngọt lịm, thơm lừng chạy tọt vào miệng đã gì đâu. Tôi tiếp tục liếm môi. Không nói không rằng, Abdullah chạy ra ngoài, mua thêm ly nữa.
Điểm cuối cùng của buổi tham quan là Ahsan Manzil hay còn gọi là Pink Palace, cung điện hồng hay một cái tên khá… diễm tình là Hồng Lâu (chỉ thiếu mộng) bởi lớp sơn hồng chói lọi bên ngoài. Pink Palace nằm trên bờ sông Buriganga đen thui thùi lùi, là điểm nhấn tuyệt đẹp giữa lòng phố thị. Nhưng trước khi vào đó, chiếc xe cà tàng của chúng tôi phải chen chúc trong một khu phố (hay chợ) có vô số đàn ông đang bưng vác, ôm đội, gánh gồng, tay xách nách mang bao tải hoặc thúng hàng cồng kềnh, từ dưới bến sông đi lên. Dường như tất cả các bộ phận trên cơ thể có thể mang vác, họ đem ra xài hết, không bỏ sót cái nào. Sáng giờ gặp toàn người đói nghèo, giờ nhìn chung quanh càng thấy họ khổ hơn gấp bội. Nắng gió thiêu đốt xứ này, nhuộm lên làn da họ một màu đen bóng. Sắc màu thần thánh mà bao trai gái phương Tây thèm khát, hễ tới mùa hè là ra biển nằm ườn trên bãi cát để nhuộm thì dân Bangladesh đâu cần tốn khoản tắm nắng này nọ mà vẫn đen. Cứ đầu trần không áo dài che bọc, một bữa thôi là đã thành cục than rồi. Phải công nhận mắt của họ đẹp ghê hồn. Đen nhánh của hột nhãn lẫn màu nâu đất. Có điều lúc nào cũng buồn rũ rượi. Ám ảnh cả chuyến đi.
Hình như đang diễn ra cuộc bầu cử ở thành phố, nên phía trên, bầu trời bị che kín bởi bụi mù, bên dưới là hàng triệu tấm hình, pano, bảng hiệu của các ứng cử viên, được kết nối thành hàng ngàn dải băng dọc ngang không hàng lối. Thêm xe hơi, xe máy, xe ba bánh, xe đạp chen nhau kèm tiếng còi xe ầm ĩ, người hét la, loa phát thanh xoáy thẳng vào màng nhĩ. Ngồi trong xe kín mít mà đầu tôi muốn vỡ tung ra. May mà vào cổng, mọi ồn ào chộn rộn ngoài kia
https://thuviensach.vn
biến mất. Từng đoàn người lặng lẽ tham quan với vẻ mặt thành kính vô cùng. Thấy một nhóm các cô gái mặc sari, đầu đội khăn choàng che tóc, tôi ngỏ ý chụp hình chung. Trong phút chốc, tôi thấy mình như gươm lạc giữa rừng hoa.
Ahsan Manzil từng là tòa lâu đài lộng lẫy của dòng dõi quý tộc Nawab Abdul Ghani, xây xong vào năm 1872 với phong cách Indo Gothic. Nó được chia làm hai phần, phía Đông với mái vòm được gọi là Rangmahal và phía Tây là phòng khách Andarmahal. Bên trong có phòng vẽ tranh, thư viện, khiêu vũ, phòng ngủ và phòng khách. Hơn 200 năm tuổi, sao dời vật đổi, nổi trôi theo số phận dòng tộc Ghani. Rồi lũ lụt, lốc xoáy, gió mưa, động đất, chiến tranh, thay đổi chính quyền, Pink Palace giờ thành viện bảo tàng quốc gia, trưng bày cổ vật. Có điều bụi bặm quá. Dơ kinh khủng.
Tôi ra phía sau đi vệ sinh. Từ phía xa thôi đã ngửi thấy một mùi muốn ói. Làm sao bây giờ? Nên tiếp tục đi hay ráng nhịn. Chưa bao giờ tôi phải đấu tranh tư tưởng mãnh liệt như vầy. Nhưng không kéo dài thêm được nữa rồi, phải đi thôi. Tôi nhắm mắt, hít hơi thiệt dài, kéo áo lên che kín mũi, rồi xô cửa vô trong, lật đật làm việc cần làm trong khi vẫn ngừng thở. Đầu óc choáng váng vì thiếu oxy, lồng ngực như muốn vỡ tung ra vậy. Nhưng tôi nhất quyết không hít vô bởi sợ chết sớm hơn. Xong rồi! Tôi không kịp rửa tay, mừng rỡ ào ra sân như cơn gió. Quả thật, đó là giây phút kinh hãi nhất đời. Nhưng nhu cầu tối thiểu của bản thân, phải đi thôi, nếu không muốn giải quyết giữa thanh thiên bạch nhật.
Abdullah gọi chiếc đò mỏng manh, với người chèo ốm nhom, đen nhẻm, mang khuôn mặt buồn hiu bởi nắng gió để đưa tôi đi dọc dòng Buriganga, một nhánh của sông Hằng, trước khi đổ ra vịnh Bengal. Bangladesh là trung tâm dệt may của thế giới. Hầu như các hãng quần áo đắt hay rẻ tiền đều có nhà máy tại đây. Chính vì thế mà sông ngòi đều ô nhiễm nặng vì thuốc nhuộm thải ra. Và Buriganga không ngoại lệ. Nó có màu đen kịt như chè đậu đen bởi hơn 60 ngàn m³
nước độc hại và hơn 4,5 ngàn tấn chất thải đổ thẳng vô mỗi ngày. Sông dài 18km, chạy dọc Dhaka, trở thành nơi vận chuyển hàng
https://thuviensach.vn
hóa và con người của thủ đô (khi kẹt xe trở thành vấn đề nghiêm trọng). Hai bờ đầy rác rến, xà bần và những chiếc rickshaw nát mem không còn gì để rách. Sông bốc mùi thum thủm. Y chang mấy xóm nước đen và kênh Nhiêu Lộc ở Sài Gòn trước khi bị giải tỏa. Thỉnh thoảng anh lái hất mái chèo lên vài ngụm cát, cũng sẫm màu như than đá, sau ngần ấy năm ngâm mình dưới nước đen. Nếu tôi đoán không lầm, đây là nguồn cung cấp nước uống lẫn sinh hoạt cho cả thành phố. Tự nhiên thấy lợm cả giọng khi nghĩ tới mớ thức ăn và nước uống sáng giờ.
Bỏ qua mùi hôi kinh hoàng và dòng nước đen thui, tôi tĩnh tâm nhìn cuộc sống trên sông diễn ra vô cùng nhộn nhịp. Chuyến đò đơn sơ với người chèo quấn xà rong, thân hình như lá lúa, chỉ cần cơn gió
thổi qua là rớt xuống nước cái ùm. Thế mà họ vẫn vững tay chèo, chở năm, sáu người to lớn gấp đôi đón đưa đi – về hai bến. Hàng chục tàu chở khách và hàng hóa đậu sát bờ chuẩn bị nhổ neo tới
các thành phố khác xa hơn. Mấy cậu thanh niên thả gàu xuống sông, múc nước dội lên người ra chiều thích thú. Tôi rùng mình thêm lần nữa. Thà ở dơ chứ không bao giờ dám tắm thứ nước kinh hoàng này. Lềnh bềnh trên con nước đen là mảng lục bình xanh, nương theo dòng ra biển lớn. Mới hay, trong bất kỳ hoàn cảnh, môi trường nào, con người và cỏ cây cũng có thể thích nghi chứ chẳng chết chóc gì.
Chiều chầm chậm xuống dần ở trên phố xá thủ đô. Thật khó để mặt trời vẹt hết đám mây bụi kia ra để rải nắng xuống dòng sông đen nhánh. Thuyền về bến. Vốn lãng mạn, nên tôi thấy khung cảnh chung quanh tự nhiên đẹp vô ngần. Trăm năm trước, khi Bangladesh chưa bùng phát dân số và ô nhiễm như bây giờ, chắc dòng Buriganga xanh đẹp lắm. Và có gì thú vị hơn khi bơi thuyền giữa chiều tà trên dòng nước biếc xanh, ngắm cung điện màu hồng tươi xinh, soi mình bên dòng nước.
Trên đường về khách sạn, Abdullah chỉ tôi khu tòa nhà chính phủ rộng bao la là nơi ở của tổng thống và hội họp quốc hội, hỏi muốn ghé không. Tôi lắc đầu, nhiêu đây đủ rồi. Một phần vì chung quanh hàng rào, tôi ngửi được mùi thum thủm của nước tiểu.
https://thuviensach.vn
*
Xe về tới khách sạn đã gần tám giờ. Khoảng ba giờ sáng mới có chuyến về Bangkok. Từ đó tôi sẽ sang London, tiếp tục cuộc hành trình viễn xứ trên đất Mỹ. Tôi hỏi Abdullah có thể chở tôi ra sân bay được không, sẽ gửi thêm tiền, chứ giờ ở đây cũng chẳng ăn ngủ gì. Đi ra ngoài càng không thể. Nửa đêm biết gọi xe đâu ra. Dù có to gan cỡ nào tôi cũng không dám lang thang một mình ở xứ này đâu nhé. Abdullah gật gật đầu nói “đừng lo, tôi sẽ đưa ông ra đến tận nơi”. Xe ngừng trước cổng khách sạn, tôi chạy vô lấy đồ. Coi như ở chưa tới một ngày mà trả tiền tới hai đêm. Đồ đạc cũng gói ghém sẵn rồi. Trong vòng năm phút tắm rửa tôi đã xuống sảnh, cũng vừa kịp cống nạp cho lũ muỗi thêm một mớ máu.
Abdullah kêu tôi viết nhận xét thật tốt cho dịch vụ sáng giờ. Và nếu có trở lại, nhớ liên lạc với gia đình cậu ấy. “Ít tháng nữa tôi sang Trung Quốc học rồi. Giờ giúp ba tôi được ngày nào hay ngày ấy”. Tôi chúc Abdullah học thật tốt sau khi gửi tặng 20 đô-la cho cậu ấy và cả lái xe. Hai đứa cảm ơn tôi không kịp thở. Xe dừng lại ở sân bay. Sau khi để va li của tôi xuống, cả hai tạm biệt ra về. Đang xớ rớ trước đoàn người dài ngoằng, bỗng có hai cậu thanh niên chạy tới, hỏi tôi muốn vô trước không. Chỉ cần 5 đô-la là đẩy qua cổng ưu tiên, không cần xếp hàng chờ lâu như thế. Tôi nhún vai bảo không cần. Còn cả mấy tiếng nữa, chờ được mà. Hai cậu ta cứ lẽo đẽo theo tôi và không ngừng lải nhải bên tai. Bỗng gia đình đang đứng trước quay ra nói xí xa xí xồ gì đó tôi không hiểu. Thấy mặt tôi đần thối ra, họ cười tươi, giơ tay mời tôi lên trước. Rồi cả đoàn dài làm y như vậy, đẩy tôi lên đầu hàng. Hên và xúc động ghê. Với lại đang lười nên tôi đi liền, chẳng đứng im để phụ lòng họ.
Còn sớm quá nên quầy check in của Thai Airways chưa hoạt động. Làm gì bây giờ? Ngủ không được. Sân bay chẳng có wifi. Ở đây, ngoài mấy quầy bán nước không có nhà hàng hay quán ăn để chui vô. Tôi chép miệng, mới nhận ra là mình đang khát nước. Thế là đẩy hành lý tới quầy, hỏi họ có nhận thẻ credit cho chai nước không. Không. Có nhận đô-la không. Cũng không. Mày đi đổi tiền đi. Giờ mới thấy mấy đồng taka của Bangladesh giá trị thấp tè nó quan
Ở
https://thuviensach.vn
trọng cỡ nào. Tới quầy bên cạnh, bên cạnh, rồi bên cạnh nữa. Ở đâu cũng gặp cái lắc đầu từ chối buồn hiu. Tới quầy thứ năm, anh nhân viên gật đầu cái rụp làm tôi mừng hết lớn. 5 đô-la mua được chai nước và hai hộp bánh. Thôi kệ. Mắc nhưng có nước uống là được rồi.
Tôi vẫn chưa thoát nạn muỗi chích đâu nha. Sáng giờ nó chui vô bụi rậm, vũng nước tù đọng trốn hết, đêm xuống lại mò ra hành hạ người ta. Máy lạnh sân bay cũng chẳng hoạt động. Cửa mở toang và mấy cái quạt trần không đủ sức đuổi muỗi đi nơi khác. Tôi mở va li, lôi hai cái áo dài tay, thêm áo thun trùm kín đầu, chỉ chừa mặt. Tôi ngả người nằm trên ghế, hai chân gác lên va li to, giỏ nhỏ thì gác tay, ba lô gối lên đầu cho chắc. Mặc kín mít như vậy mà mấy con yêu tinh muỗi không tha. Tôi đập bôm bốp thiếu điều muốn sưng cả mặt. Khi về tới Mỹ, qua ngày hôm sau, lúc tắm rửa soi gương, mặt tôi nổi lốm đốm như trái rạ.
Chiếc Airbus 330 của Thai Airways ra phi đạo rồi lao vút lên trời, để lại bên dưới những vệt đèn mờ tỏ Dhaka nhấp nháy tiễn chân. Tôi không biết mình có đủ can đảm quay lại đất nước này không nữa. Có đủ dũng khí ngồi trên những chiếc rickshaw cũ nát đi khắp phố phường. Bữa nào Lumma thấy tôi để hình lên facebook chắc sẽ tỏ ra hờn trách. Chỉ biết, trong hộ chiếu của gã đàn ông xê dịch, sẽ có thêm con dấu xuất nhập cảnh nữa rồi. Nhưng tôi sẽ tự hào kể cho mọi người nghe, mình đã tới đất nước đông, nghèo và dơ nhất trên trái đất này rồi nhé.
Hơn 24 tiếng đồng hồ hiếm hoi rảo bước khắp Dhaka, tôi để ý khuôn mặt đàn ông xứ này lúc nào cũng hiện lên nỗi dàu dàu khó tả. Những đôi mắt đen nhánh không thể nào buồn hơn, luôn né ống kính chụp hình, ám ảnh tôi nhiều ngày sau đó. Tôi nhận ra sự thở than, oán trách cuộc đời của mình trước khó khăn đều trở thành vô nghĩa khi đứng giữa lòng Dhaka rực rỡ. Phải sống, bằng bất cứ giá nào cũng phải vươn lên giữa bần cùng và đói khát là cách mà Abdullah nói với tôi về đất nước yêu quý của mình.
https://thuviensach.vn
London giữa mùa dã yên thảo
Em đã ở đâu một quãng đường trần?
Mùa đã yên thảo trên đầu anh loay hoay phía nào cũng không nguôi nhớ
Mỗi bước anh qua dùng dằng từng hơi thở
Tẩn ngẩn tần ngần, vương vướng nụ cười em.
(HP)
Năm lớp 12, khi vào ký túc xá Lê Quý Đôn ở Nha Trang học ôn thi quốc gia, tôi cầm theo cái máy cassette má mua 50 ngàn ở tiệm cầm đồ và cuốn băng nhạc nhão nhoẹt các bài hát thu âm bên hải ngoại. Khi bắt đầu những năm ba mươi của nhạc sĩ Trần Duy Đức qua tiếng hát thần sầu của nữ danh ca Lệ Thu là bài tôi nghe nhiều nhất. Nha Trang chiều cuối năm, gió biển se se lạnh, có hơi điên khi cậu học trò nhà quê mười bảy bẻ gãy sừng trâu mộng mơ nghĩ về năm tháng ba mươi? Không biết có phải cạo mặt mỗi ngày hay để râu lởm chởm? Lúc ấy đang ở Ninh Hòa, Nha Trang, Sài Gòn, hay xa tít tắp vùng trời nước Mỹ? Có sống được với nghề giáo viên yêu thích, hay phải chạy ăn từng bữa mà quên hết đam mê? Bạn bè có liên lạc thường xuyên hay lặn tăm mất hút? Có sánh bước với người mình thầm thương trộm nhớ hay sẽ mãi vò võ cô đơn?
Tôi mang mấy câu ấy hỏi đi suốt thanh xuân trên đất Mỹ. Bận rộn thì không nhớ gì, chứ rảnh rỗi vẫn hay nghĩ về quãng thời gian xa nhà ngắn ngủi nhưng nhiều kỷ niệm đó. Nhìn lại bước đường mình đã đi qua, mới thấy sức chịu đựng phi thường của con người giữa quăng quật cuộc đời. Người ta bảo cái gì càng mong đợi thì càng lâu đến. Nhưng tuổi tác thì khác, vèo một cái nó đã tới trước mặt và tỏ vẻ kiêu hãnh thách thức rồi. 30 tuổi, ngoài công việc ổn định với số lương kha khá, tài khoản ngân hàng có ít tiền và bằng đại học loại giỏi, tôi chẳng sở hữu gì nữa. Ba má bỏ tôi đi khi chưa kịp nói xong
https://thuviensach.vn
lời từ biệt. Ngày má mất, tôi không về để chịu tang và gục đầu khóc ngất trên cơ thể lạnh lẽo, khói hương nghi ngút vì chẳng đủ tiền. Ngày ba lìa bỏ cuộc đời, tôi chỉ kịp về nhìn mặt lần cuối qua tấm gương mịt mờ rồi mấy tiếng sau đau đớn tiễn ông về lòng đất lạnh. Bao nhiêu năm nay, tôi thèm cầm bàn tay tảo tần của má áp lên mặt, mong được nắm lấy bàn tay nhăn nheo của ba hẹn lúc trở về. Tôi muốn nghe tiếng má thở dài mỗi khi gió mưa về giăng khắp lối, nghe giọng nghèn nghẹn của ba khi tôi cất bước giã từ. Nhưng ước mơ tưởng đâu giản đơn mà thiên thu không thể nào thực hiện được. Mãi mãi tôi chẳng gặp lại họ nữa bao giờ.
Cái mốc 30 quả là kinh khủng. Nhưng dù muốn dù không thì số phận vốn vậy, có gào thét khóc la cũng chẳng thay đổi được gì. Người ta bảo nửa đời người rồi, hạ cánh đi là vừa chứ đừng lông bông nữa. Nhưng đó là thời đói khổ của ông Y Vân mấy chục năm trước. “Em ơi có bao nhiêu, sáu mươi năm cuộc đời”. Chứ giờ y học phát triển quá trời, 30 chỉ mới một phần ba thôi, tôi vẫn còn hai phần ba để nhìn đời và suy ngẫm.
Ngày rời Việt Nam ở tuổi 18, tôi nghĩ, tới 30 sẽ quay bước trở về. Giàu sang nghèo hèn gì cũng bỏ hết để làm lại từ đầu. Nhưng dấn thân rồi mới biết, cuộc đời không êm đềm như mình nghĩ. Buồn ghê.
Tháng 9-2011 mộng mơ, tôi về giữa vòng tay ấm áp của gia đình và bè bạn trong tiệc mừng sinh nhật 30 mùa nắng lạ. Sài Gòn bao giờ cũng nhân hậu đón tiếp tôi trở lại. Thành phố vẫn dịu dàng từ phía trên cao, lung linh giữa ánh đèn đêm huyền ảo. Coffee Bean luôn yêu thương tôi mỗi sáng. Quán nhậu lề đường với hàng trăm câu chuyện trên trời dưới đất chưa bao giờ thôi hết vui cười. Ninh Hòa là nơi cho tôi ngủ cả ngày đêm không giật mình hốt hoảng. Các món ăn quen ngoài đường hay chị nấu lúc nào cũng giữ mãi mùi vị quen thuộc, chỉ cần ngửi là biết được hàng quán của ai rồi. Quyến luyến thế rồi cũng phải rời xa, để về lại bên kia trời kiếm sống.
Thay vì bay một lèo về Mỹ (sau khi dừng ở Tokyo như mọi khi), tôi phát hiện mình có thể dùng điểm thưởng của United Airlines để quá cảnh một chặng bất kỳ ở châu Âu hoàn toàn miễn phí. Lúc đầu tôi định ghé Paris hoa lệ, lấp lánh ánh đèn khi màn đêm buông phủ ở
https://thuviensach.vn
Eiffel, hay tới Rome, thành phố vĩnh hằng ngàn năm còn ghi dấu, hoặc về Copenhagen ngồi nghe nàng tiên cá hát giữa biển khơi… Suy đi nghĩ lại, tính tới tính lui, sực nhớ tới Hoàng đang đi học ở London, thế là nhắn tin cho em “Có rảnh không dẫn anh đi chơi?”. Năm phút sau đã có câu trả lời đồng ý.
30 chẵn, lần đầu tôi đặt chân tới châu Âu. Và London trở thành miền nhớ khôn nguôi, chưa bao giờ thôi hết yêu thương mỗi khi tôi trở lại.
Chiếc Boeing 747 của Thai Airways to lớn nhưng già khú rung lên bần bật mỗi khi qua vùng nhiễu động, cuối cùng cũng đưa tôi tới London sương mù che khuất. Do lần đầu bay của Thai Airways nên tôi không rành. Chứ sau này quen rồi, tôi mặc sức chọn máy bay, ghế ngồi, khoang hạng… để tạo sự thoải mái nhất cho mình trong mười mấy tiếng lơ lửng trên trời. Heathrow rộng kinh hồn, cổng này tới cổng khác xa lắc lơ. Đứng xếp hàng nhập cảnh cả tiếng mới được thông quan. Cuối cùng cũng ra được bên ngoài sau khi lấy hành lý trong tiếng nhạc rộn rã của Spice Girls, năm cô gái tuổi thanh xuân tươi đẹp.
If you want my future, forget my past
If you wanna get with me, better make it fast
Now don’t go wasting my precious time
Get your act together we could be just fine.
Hoàng đợi tôi ngay tại cổng như lời đã hứa. Hơn năm không gặp, cậu trai trẻ nắng gió Nha Trang ngày nào giờ trắng ra chút đỉnh, cao nhồng, ăn mặc chất và hiện đại hơn. Hai đứa mừng mừng tủi tủi ôm nhau giữa trời se lạnh xứ người, hỏi han về vài người bạn cũ. Biển quê em vẫn thế. Sóng to, gió lớn nồng nàn. Khách phơi mình trên biển mỗi độ hè về mang lại nguồn lợi khổng lồ cho thành phố. Sài Gòn nơi em học vẫn chưa bao giờ thôi quyến rũ. Ai lỡ một lần vương vấn, cứ nhớ mãi khôn nguôi. London đối xử với Hoàng hơi tệ. Số tiền để dành và gia đình tích góp đưa sang du học, gặp phải
https://thuviensach.vn
trường ma đóng cửa. Thế là toàn bộ tín chỉ và học phí bị mất sạch. Phải cày cuốc để làm lại từ đầu.
Hai đứa lên tube8, vòng vèo mấy line, nào là Piccadilly tới Central, District Line để về nhà trọ. “Mind the gap. Mind the gap”, giọng cô gái rặt Anh vang lên dễ thương vô ngần. Lời thông báo ngắn gọn mỗi khi tàu vào ga là biểu tượng không thể thiếu của hệ thống tàu điện ngầm London, kêu gọi người ta chú ý khoảng cách giữa sàn tàu và sân ga, đề phòng tai nạn. London Underground là hệ thống
tàu ngầm chạy bằng hơi nước đầu tiên trên thế giới (1863). Đây là sáng kiến vĩ đại của vương quốc Anh, nơi nổ ra cuộc Cách mạng công nghiệp. Hơn 150 năm sau, vòng tròn màu đỏ trên nền trắng với dòng chữ xanh da trời ghi tên ga đã trở nên thân quen với bao thế hệ người Anh và du khách khắp nơi. Dẫu giờ hơi cũ và tụt hậu, nhưng với 402km đường ray, kết nối 270 ga và chuyên chở hơn một tỷ hành khách mỗi năm đã tỏa đi khắp nơi trong thành phố, ra tận vùng ngoại ô, thực hiện triệt để chính sách giãn dân của London. Nếu không có nó, chẳng biết mọi người phải xoay xở ra sao. Bữa nào tube bị trục trặc, chắc cả London tê liệt quá. Mỗi lần đi đâu xa, lại nhớ câu “Mind the gap” dễ thương của cô gái ấy.
8 Người Anh không gọi tàu điện ngầm là subway hay metro, mà gọi là tube.
London tháng Chín, sắp sửa vào thu. Nắng không gay gắt mà rót mật vàng ươm lên khắp mọi nẻo đường phố xá. Buổi sáng tinh mơ, hàng cây ven ga bắt đầu trở vàng, gió mười phương thổi nhẹ mơn man, thơm thơm mùi bánh nhà ai đang nướng. Hai đứa ngồi trên ghế gỗ đợi tàu. Hoàng chắc không có cảm xúc gì ngoài việc mong tàu đến thiệt nhanh, để về nhà nghỉ ngơi vì phải dậy sớm. Tôi lại muốn tàu đừng vội đến để thảnh thơi hít thở không khí thoáng đãng, nghe chim vu vơ hót trên cành cao và đợi chiếc lá úa vàng rơi xuống gót chân để nhặt về làm kỷ niệm. Ngẫm ra cũng có lúc mình sến đớn đau, khác hẳn với vẻ ngoài lạnh lùng và bị nhiều người chửi là tàn nhẫn, khô khan và khó chịu.
https://thuviensach.vn
Tàu từ từ vào sân ga. Tôi nghĩ, đó là hình ảnh đẹp và bình yên lâu rồi mới tìm thấy được. Để rồi sau đó, lần nào có dịp đến đây, tôi cũng ra mấy ga trên mặt đất để ngồi. Chẳng để làm gì. Chỉ ngắm cảnh chung quanh và nhớ lại thời trai trẻ của mình, lần đầu đến với London mê đắm.
King’s Cross! King’s Cross! Trời ơi, cái bảng đỏ hiện ra ngay trước mắt mình mà tôi cứ nghĩ là đang nằm mộng. Không ngờ một ngày nào đó, tôi được chạm tay vào sân ga cổ tích này. Tôi nhìn trái phải, ngó trước sau, coi thử có trụ nào thiệt to giữa platform 9 và 10 của dân Muggle để lấy đà thiệt nhanh, chạy xuyên qua vào platform 9, nơi Harry Potter cùng các bạn bắt chuyến tàu Hogwarts Express trong bảy mùa thu đến trường Hogwarts học thành pháp sư và phù thủy. Cũng tại nơi này, trong thế giới nửa thực nửa ảo, sau khi bị Voldermort đánh chết phần hồn lưu lại trong người mình, Harry đã gặp thầy Dumbledore và kể cho nhau nghe cuộc hành trình gian nan đi tìm và tiêu diệt trường sinh linh giá.
Thế giới tưởng tượng của nhà văn Rowling phong phú quá, đã đi theo chúng tôi từ khi còn là đứa trẻ chập chững vào đời, cho tới giờ đã ngoài 30, nhưng từng chi tiết và nhân vật cứ gắn mãi trong đầu. Giờ đứng giữa nhà ga King’s Cross, tự nhiên lòng rưng rưng muốn khóc.
Do có người dẫn đi, nên tôi chẳng phải ghi nhớ đường làm gì cho mệt. Hoàng bảo chuẩn bị xuống thì tôi xuống, lên thì tôi lên. Có lẽ vì thế mà tới tận bây giờ tôi hơi mù tube ở đây. Hoàng bảo: “Em ở trọ trong căn phòng tầm 5m² trong ngôi nhà chẳng lớn là bao của một chú Việt Nam lãnh trợ cấp xã hội. London chật chội, giá nhà đắt nhất thế giới, nên thuê được phòng giá rẻ có chỗ ngủ và đi tắm là mừng lắm rồi. Ổng sướng lắm anh ơi. Mỗi năm về Việt Nam sáu tháng trời, nhà ở đây cho thuê kiếm thêm, ngoài mớ tiền giúp đỡ từ chính phủ”. Sếp tôi từng làm cho Bộ Xã hội Anh gần 30 năm trước, lúc chưa tới Mỹ. Nhiệm vụ của ổng là đi kiểm tra mấy người ăn tiền trợ cấp mà sống sang hơn cả nữ hoàng. Hệ thống an sinh xã hội nước Anh tốt cực kỳ. Nhiều người hổng làm gì, cứ sòn sòn đẻ con, rồi xếp hàng xin giúp đỡ. Mà họ không thèm ở nhà chật chội trong
https://thuviensach.vn
mấy khu ổ chuột đâu nha. Luôn chọn khu xịn và sang, phòng ốc tiện nghi cho thoải mái.
Bay 12 tiếng. Thêm hai tiếng ngồi tàu nữa mới về tới nhà. Tôi chỉ kịp tắm rửa, chẳng ăn uống gì, hai anh em mỗi người mỗi góc, nhắm mắt ngủ khò, giữa tiếng niệm kinh “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật” thanh bình trong chiếc loa thùng, chủ nhà dặn mở thâu đêm suốt sáng.
Thủ đô nắng lên dẫu còn khá lạnh. Thành phố đa sắc tộc nhất thế giới với hơn 300 ngôn ngữ đang háo hức đợi chờ. Sau một giấc đã đời, việc đầu tiên phải làm là bắt tàu đến ga Waterloo thăm chuông đồng hồ Big Ben danh tiếng.
Khi đặt chân lên cầu Westminster trứ danh, tôi mừng phát khóc. Sông Thames mùa thu nước xanh trong, êm đềm chảy qua cây cầu đông khách. Thames không đơn thuần là dòng sông lớn, uốn quanh, chia cắt London thành hai bờ Nam – Bắc, mà còn mang trong lòng bao lịch sử kiêu hùng lẫn đau thương của thủ đô và cả nước Anh xinh đẹp. Từ di chỉ khai quật, các nhà khảo cổ đã xác định con người bắt đầu định cư bên dòng Thames khoảng 4,5 ngàn năm trước Công nguyên. Vào năm 43 sau Công nguyên, người La Mã đã lập nên Londinium, tiền đề của London, rồi người Anglo Saxon chuyển đến cư trú vào thế kỷ 7. Sau hai ngàn năm đằng đẵng, London chuyển mình kỳ vĩ bên hai bến. Dưới đáy sâu trầm tích, Thames đã khóc cười với phố phường, chứng kiến bao đau thương, tang tóc. Sông chôn vào lòng hàng ngàn người chết vì dịch bệnh và hỏa hoạn, như sông mẹ, đi qua bao thế hệ cuộc đời, vào bóng bẩy thơ ca, làm nhiều người như tôi mơ ước chạm vào, giờ mới thỏa lòng, toại nguyện.
Và thoáng thấy bóng dáng Big Ben soi bóng dưới Thames, tôi mới biết mình đã thực sự đến London. Big Ben trên bưu thiếp trước tu viện Westminster, Big Ben trong tờ lịch treo tường, Big Ben biểu tượng cao quý của nước Anh, đang hiện ra sờ sờ trước mặt. Tôi không phải là người mắc chứng “ái vật” nhưng thiệt tình muốn hét thật to cho cả thế giới biết mình đang vui sướng và hạnh phúc thế nào khi đối diện với “người tình trong mộng”. Big Ben là tên gọi thân
https://thuviensach.vn
thương của quả chuông bên trong tháp đồng hồ lớn. Còn tên thật của nàng là Great Bell (quả chuông lớn). Từ tiếng chuông đầu tiên vào năm 1859, Big Ben và nước Anh đã đi qua những khủng hoảng quốc gia, Thế chiến I, Thế chiến II, Chiến tranh Lạnh… nhưng dáng vẻ oai phong của tháp chưa bao giờ mất. Chuông vẫn vang giòn khắp bốn phía thủ đô.
Tôi không muốn rời nơi này tí nào hết. Tôi muốn dựa vào thành cầu nghiêng mình xuống Thames xanh thẳm, để nhìn London Eyes, vòng quay Thiên niên kỷ khổng lồ, cao 135m lúc nào cũng đông nghẹt khách ngồi trong lồng kính ngắm 55 địa danh nổi tiếng nhất thủ đô từ thấp đến cao. Tôi muốn im lặng ngắm chuyến xe buýt hai tầng màu đỏ qua lại trên cầu. Bác tài nào cũng nhấn ga chầm chậm, không phải để né người khỏi tai nạn, mà để cho khách giơ máy ảnh hay điện thoại chụp hình, lưu lại khoảnh khắc tuyệt đẹp lúc xe chạy ngang qua.
Hai đứa chầm chậm đi bộ xuống cạnh bến sông để có thể thấy toàn cảnh tu viện Westminster Abbey xây bằng đá vàng in bóng dưới Thames. Nằm trước nghị viện Vương quốc Anh, giữa hai ngôi tháp Big Ben và Victoria Tower, thánh đường có hai tháp chuông bằng đá giống Notre Dame ở Paris, luôn là một biểu tượng gắn liền với sự thăng trầm của thành phố. Được vua Edward the Confessor xây vào năm 1042, đến nay đã gần một ngàn tuổi mà Abbey chưa hề già cỗi. Là chỗ lên ngôi và an nghỉ của các vị vua, nữ hoàng của nước Anh hùng mạnh, nơi chôn cất hay khắc tên của những nhà khoa học nổi tiếng như Newton, Darwin và Shakespeare lừng danh.
Được nhà thiết kế nổi tiếng Giles Gilbert Scott giới thiệu vào năm 1924, hơn 90 năm sau, buồng điện thoại đỏ đã trở thành nền cho hàng tỷ tấm hình du khách đến London. Và tất nhiên, chẳng có lý do gì để tôi không có một vài pô ảnh với nàng ấy. Bao năm nhìn lại, tôi nghĩ, đó là hình ảnh lộng lẫy nhất của mình. Sau này đi nhiều thành phố khác như Oxford, Manchester, Blackpool, tôi cũng gặp các buồng điện thoại đỏ, nhưng hình như chỉ ở London nó mới rực rỡ, nồng nàn và tươi thắm, như mới được sơn từ tối qua. Thời đại công nghệ thông tin, smartphone thay thế vai trò của các buồng điện
https://thuviensach.vn
thoại công cộng nên chắc chẳng mấy ai dùng nó nữa. Nhưng biểu tượng muôn đời vẫn là biểu tượng. Mỗi đất nước, mỗi thành phố có một biểu tượng nổi tiếng đã vui rồi. Nhưng không hiểu sao ở London, cái gì cũng là biểu tượng.
Hai đứa xuống thuyền đi dọc Thames. Thay vì ngắm nàng ấy từ trên cầu cao, tôi có cơ hội ngồi trong lòng, sát một bên, len lén thò tay vọc nước và ngửi được mùi rong nồng ấm từ dưới đáy. Sông Thames đoạn qua London có 33 cây cầu lớn nhỏ bằng đá, thép, bê tông, cầu vòm, dây võng, dây văng… nối hai bờ Nam - Bắc. Cầu sông Thames không chỉ là phương tiện qua sông, mà còn gieo thương nhớ cho bao nhiêu người già trẻ. Buồn ra cầu đứng cho bớt buồn. Vui chạy tới cầu chia sẻ sự hân hoan. Nhớ ai chạy ra cầu đứng nhìn cho đỡ tủi.
Cầu Tháp (Tower Bridge) kết hợp giữa cầu treo và máy nâng cho thuyền lớn đi là cây cầu đẹp nhất, làm xao xuyến lòng người qua mấy trang tạp chí. Trong nắng trưa, Cầu Tháp được xây theo lối Gothic, hoàn thành năm 1894, với hai ngọn tháp cao 65m oai phong hiện lên uy dũng, bất chấp thời gian tàn phá. Thuyền đi qua City Hall có hình vỏ sò bằng kính và tòa nhà chọc trời khổng lồ The Shard ở phố Southwark đang dần dần hoàn thiện. Cầu Waterloo ngay tại nhà ga Waterloo đông người, gợi nhớ trận đánh kinh hoàng trên đất vương quốc Bỉ, đã làm vỡ tan giấc mộng vĩ cuồng của Napoleon, thống nhất châu Âu… Chui qua cầu London từng được bán với giá 2,5 tỷ đô-la cho doanh nhân người Mỹ, giờ đã thay hình đổi dạng từ cầu đá cong sang dầm hộp bê tông. Anh hướng dẫn cất giọng đọc bản đồng dao buồn của con nít xứ này: “London Bridge is falling down/ Build it up with wood and clay/ Wood and clay will wash away/ Build it up with bricks and mortar/ Bricks and mortar will not stay/ Build it up with iron and stell/ Iron and sell will bend and bow/ London bridge is falling down9…”, hay đó cũng là tiếng thở dài của dân London, cho cây cầu cả ngàn năm tuổi giờ chẳng còn hồn vía.
9 Cây cầu London đang gãy đổ/ Hãy xây nó bằng gỗ và đất sét/ Gỗ và đất sét rồi sẽ bị mục ruỗng/ Hãy xây lại nó bằng gạch và vữa/
https://thuviensach.vn
Gạch và vữa rồi cũng sẽ rơi/ Hãy xây lại nó bằng sắt và thép/ Sắt và thép rồi cũng bị uốn cong/ Cây cầu London đang gãy đổ…
Chúng tôi xuống thuyền ngay bến Tháp London (London Tower) bên bờ Bắc của sông Thames. Trải theo dòng lịch sử, nơi đây từng là pháo đài, rồi cung điện, xưởng đúc tiền, kho vũ khí và sở thú. Tương truyền nó là nơi bị ma ám nhiều nhất nước Anh. Tháp London từng giam nữ hoàng Elizabeth II (khi còn là công chúa) và hàng ngàn người khác theo đạo Tin lành, rồi những người không từ bỏ niềm tin công giáo hoặc chống đối với vương lệnh của Elizabeth II khi bà lên ngôi. Hai đứa ngồi bệt trên thềm đá, nhìn bãi cỏ xanh bị hàng rào ngăn lại. Lũ bồ câu dạn dĩ nhào tới tìm thức ăn như chỗ không người. Xa xa, Tháp Máu (Bloody Tower) hiện lên đau đớn. Tôi dỏng tai nghe hướng dẫn viên gần đó say sưa trình bày cho du khách. Sau khi vua Edward IV qua đời vào năm 1483, em trai của ông, Richard công tước xứ Gloucester, đã tiếm ngôi, giam cầm hai người cháu là vua Edward V và Richard trong tòa Tháp Máu. Mãi đến năm 1674, mấy người thợ sửa sang tòa tháp đã đào được hộp gỗ chứa hai bộ xương trẻ nhỏ, nhưng tới giờ hoàng gia vẫn chưa khẳng định đó là xác của vụ án năm xưa.
Dù hàng ngàn người bị giam cầm ở đây, nhưng chỉ có năm phụ nữ và hai đàn ông bị chém đầu trong khu vực của tháp để giữ danh tiếng cho họ. Đó là hoàng hậu Anne Boleyn vợ của vua Henry VIII, Catherine Howard và nữ hoàng Jane Grey. Gần 1,5 ngàn người khác bị chém ở ngọn đồi Tower. Đầu bị bêu thị chúng trên cầu London và thi thể được chôn dưới nền nhà thờ trong tháp. Người ta nói rằng, hồn ma không đầu, mặc váy trắng xóa của hoàng hậu Anne Boleyn thỉnh thoảng đi lại trong tháp. Hồn ma của Arabella Stuart, cháu gái nữ hoàng Mary xứ Scotland vẫn vất vưởng sau khi bị bỏ cho chết đói. Rồi vua Henry VI, Jane Grey và các hoàng tử kể trên mấy trăm năm rồi vẫn chưa siêu thoát, oan hồn vật vờ dưới bóng trăng thanh.
Đói bụng quá, hai anh em tới gần đó mua đồ ăn. Đã đến nước Anh rồi thì phải thưởng thức đặc sản cá và khoai tây (fish and chips). Nắng bớt gắt hơn, nhạt dần giữa bãi cỏ xanh, trên nóc Tháp London
https://thuviensach.vn
và vàng đi hẳn. Tôi ngước mặt lên, để tia nắng lung linh nhảy múa lên da mình. Có cảm giác ngồi một tí thôi là đủ vitamin D cho cả mùa thu đông sắp tới. Dã yên thảo, loài hoa rực rỡ mùa hè với đủ màu đỏ, hồng, vàng, tím, ở Mỹ giờ có lẽ sắp tàn, thay bằng cúc nồng nàn thơm mát nhưng ở London sau vài tháng, sắc thắm hắt lên trời, lên mắt, lên tay, lên màu tường xám của những lâu đài xung quanh như bức tranh đẹp tuyệt trần, khó lòng phai nhạt.
Hai đĩa fish and chips thiệt bự được bưng ra để trước mặt. Mùi cá thơm lừng kèm mớ khoai tây chiên giòn có miếng chanh và nước xốt trắng nhìn tôi thách thức. Nghe đồn có tới 10 ngàn cửa hàng như thế khắp nước. Ở đây gọi khoai tây chiên là chips chứ không phải french fries. Chắc do mối thù “bất cộng đái thiên” giữa người Pháp với Anh nên phải né. Mỗi năm, số lượng cá tuyết bị giết để lọc xương đem chiên chắc lên đến vài trăm triệu con. Và số khoai tây được thu hoạch cỡ hàng tỷ tấn. Tôi cắn miếng cá. Da giòn, thịt ngọt kinh hồn. Chỉ có điều ăn tới miếng thứ ba thôi là ngán vì dầu mỡ quá nhiều. Do tôi không thích khoai tây chiên, nên chắc chỉ ăn một lần cho biết.
No căng bụng. Hai đứa lại lên tàu qua Soho gần Chinatown để uống trà.
Nếu như ẩm thực của người Anh vào loại chán nhất thế giới, thì ngược lại, họ lại rộng rãi và bao dung vô cùng với các thể loại trà. Trà sáng, trà trưa, trà chiều, trà tối. Hết trà xanh tới trà đen, trà chanh, trà lài, trà đậm, trà nhạt vào tất cả mọi ngày trong tuần mà không biết chán. Chuyện cũ kể rằng, người Anh thường ăn ngày hai bữa, sáng và tối. Khoảng thời gian chính giữa cách nhau cả nửa ngày, cho nên khoảng bốn giờ là bụng bắt đầu đói meo. Thế là nữ công tước Anna Maria xứ Bedford đã nghĩ ra món trà chiều kèm bánh ngọt để chống đói. Việc này lúc đầu chưa phổ biến trong giới quý tộc Anh. Sau đó lan rộng ra nhiều tầng lớp khác trong xã hội, dần dần trở thành một thói quen chẳng những không bỏ được mà còn là đặc trưng của cả Vương quốc Anh. Chẳng biết người Mỹ có ảnh hưởng bữa trà chiều của dân Anh không, mà có thêm bữa ăn phụ khá nhẹ vào đầu giờ chiều gọi là brunch, mặc dù họ không
https://thuviensach.vn
quên bữa sáng với trưa và sau đó là tối. Có lẽ do ăn nhiều bữa quá, mà Mỹ là một trong những đất nước có số lượng người béo phì đứng đầu thế giới cũng không chừng.
Lúc này đã là giờ tan tầm nên phố xá bắt đầu đông những chàng trai, cô gái lẫn anh chị trung niên. Ai cũng ăn mặc lịch sự, cao ráo, xinh đẹp, đứng đầy các pub ven vỉa hè, tràn xuống cả lòng đường vô tư cười nói. Họ bỏ hết công việc áp lực của một ngày lao động
tại thành phố đắt đỏ nhất nhì thế giới, ở trung tâm tài chính toàn cầu, đứng đây cho mọi căng thẳng giãn ra, không cần uống say, chỉ ngà ngà thôi, tối về ngủ vùi, mai lại bắt đầu một ngày rất khác.
Hai đứa bỏ ly trà xuống, ra phố ngắm nhìn. Những chậu hoa trong ánh nắng chiều lả lơi mời gọi. Nghe đồn ở Soho nổi tiếng về câu chuyện bảy chiếc mũi bằng thạch cao có kích thước khác nhau, được ẩn giấu trên nhiều con phố. Đây là tác phẩm nhà điêu khắc Rick Buckley thực hiện vào năm 1997. Lúc đầu ông tạo 35 chiếc đủ kiểu hợp với màu tường rồi đem dán khắp nơi để chụp hình lưu giữ. Qua hôm sau, nó bị dẹp đi nhưng sau đó được gắn lại. Nhiều người tin rằng nếu tìm thấy tất cả bảy chiếc mũi này, họ sẽ có một cuộc đời giàu sang, ấm no và hạnh phúc. Tôi bảo hay mình đi loanh quanh, biết đâu tìm thấy rồi mặc sức đổi đời, không phải đi làm nữa.
Hai anh em đi về phía phố Tàu rực rỡ cao cao lồng đèn. Mùi dầu mỡ, thức ăn quen thuộc xộc thẳng vào mũi. Đang no cành hông, chứ không cũng vô đó làm một tô mì hoành thánh kèm há cảo cho đã đời. Sau này đi đến nhiều phố Tàu nổi tiếng ở New York, Los Angeles, San Francisco, Paris, Bangkok, Sofia, Chợ Lớn ở Sài Gòn hoặc ngay tại quê hương Ninh Hòa, tôi nghĩ, không đâu sạch và ít mùi như Chinatown ở London kỷ niệm.
Không khó để nhận ra tấm bảng “City of Westminster” hay “City of London” nằm ở nhiều góc đường như định phân ranh giới. London mà chúng ta biết là vùng Đại (Greater) London rộng lớn với gần 10 triệu người. Thành phố Westminster vốn là khu tự quản của London, chiếm phần lớn diện tích trung tâm thủ đô và khu West End. Hầu như các danh thắng nổi tiếng như Cung điện Buckingham, Cung điện Westminster, tòa nhà số 10 đường Downing (nơi cư ngụ của
https://thuviensach.vn
các thủ tướng Anh) đều nằm ở thành phố Westminster này hết. City of London lại là một khu vực rất nhỏ trong vùng Đại London ấy. Là khu lõi chính lịch sử của London thuộc đế chế La Mã thời Trung cổ. Người ta vẫn hay gọi đó là khu Dặm Vuông (Square Mile) vì diện tích chỉ 1,12 dặm vuông bé nhỏ. Nhưng ở đây lại có thị trưởng và hội đồng thành phố riêng. Và nghe đâu ngày xưa, mỗi lần các vị vua hay nữ hoàng từ City of Westminster muốn vào City of London, đều phải xin phép.
Soho luôn là góc phố năng động và tươi trẻ nhất của London bởi các pub, bar, quán cà phê, tiệm bánh ngọt dọc khắp ngả đường. Gần đó, còn một khu phố dành cho dân đồng tính. Phải công nhận giới trẻ London đẹp quá. Đúng kiểu thị thành cosmopolitan. Cái chất của áo quần, giày dép, đồng hồ, kiểu tóc, nước hoa lẫn từng bộ ria được chăm chút, săm soi cẩn thận. Dân thẳng (straight) đã lịch thiệp rồi, thì các bạn gay, ngoài một số ăn mặc lập dị, đủ sắc màu vui nhộn, phần còn lại tinh tế đến ngỡ ngàng. Hoàng cao gần 1,8m nên chẳng lọt thỏm chút nào giữa đám đông. Tôi độn thêm giày cũng chỉ mới có 1,72m, nên thấy thiệt là buồn. Giá mà hồi xưa tôi chịu uống nhiều sữa tươi, chắc giờ không đến nỗi.
Hai anh em đi vô mấy tiệm bán sex toy và tạp chí khiêu dâm cho biết với người ta. Đúng là xứ sở tự do về dục tình, tất tần tật mọi thứ đều được phô bày ra một cách rõ ràng, không e ngại.
*
Đêm tối lành lạnh. Tự nhiên thích chơi trò ú tim. Hai đứa đi về phía Đông, để mua tour khám phá về tên sát nhân Jack the Ripper và một phần bí mật không lời giải, từng là cơn ác mộng gieo rắc kinh hoàng khắp cả London.
Tour bắt đầu ngay tại Durwald Street (xưa mang tên Bucks Row), vào ngày 31-8-1888, người ta bàng hoàng phát hiện ra cơ thể bầm tím của Mary Ann Nicholls với hai vết cứa sâu trên cổ làm cho đầu gần như rời ra và bụng bị rạch toang, các cơ quan nội tạng bên trong bị lôi hết ra ngoài. Chưa dừng lại đó, liên tiếp mấy ngày sau, các thi thể khác lần lượt được nhận dạng. Từ Annie Chapman, đến
https://thuviensach.vn
Elizabeth Stride, Catherine Eddowes, rồi nạn nhân thứ năm Mary Jeanette Kelly được phát hiện. Những người phát hiện ra xác chết than rằng sẽ bị ám ảnh đến cuối đời, không thể nào quên. Tất cả các nạn nhân đều có điểm chung là làm nghề gái điếm và cùng bị giết với cách thức phanh thây. Cả London hoảng loạn. Khu phố nghèo Whitechapel phút chốc thành hang ổ của tên đồ tể giết người. Ai nấy cũng ở hết trong nhà không dám ra đường nửa bước. Bức thư của Jack được gửi đến hãng thông tấn Trung ương Anh như thách thức cả lực lượng cảnh sát. Ngoài năm phụ nữ bị giết có chung một kịch bản, sáu người khác bị sát hại ở nhiều nơi theo cách thức khác nhau. Trước dư luận giận dữ và sự hoảng sợ của đám đông, giám đốc sở cảnh sát London là Charles Warren phải từ chức. Mọi sự tìm kiếm tên sát nhân đều đi vào ngõ cụt. Dấu vết quan trọng hắn ta để lại không được phân tích một cách rõ ràng. Những người bị nghi ngờ như Kosminski, Montague Druitt, Micheael Ostrog, hay Francis Tumblety hoặc tự tử chết, hoặc bỏ trốn ra nước ngoài đều không có chứng cứ phạm tội rõ ràng. Tên sát nhân tâm thần, bệnh hoạn vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Vụ án 11 phụ nữ bị giết một cách tàn nhẫn tới giờ vẫn mãi mãi chìm sâu vào bức màn bí mật, không lời giải đáp cho họ yên lòng nơi suối vàng.
Chúng tôi đi qua từng con đường, góc phố hơn trăm năm trước xác của từng nạn nhân lõa lồ được phát hiện. Khu ổ chuột khổ nghèo ở phía Đông East End ngày nào giờ được xây cất, thay đổi khá nhiều nhưng dễ dàng nhận ra vết tích u buồn và thê lương còn sót lại. Cả nhóm người không ai khuyên bảo, tự nhiên đứng sát lại gần. Có
người sợ hãi run run. Vài cô gái đưa tay bụm miệng, mắt đỏ hoe khi chuyền tay nhau hình ảnh và bài báo về các nạn nhân tội nghiệp. Trong ánh đèn leo lét, Whitechapel ảo mờ, gió se se lạnh. Vấn vương đâu đây trên từng viên gạch, mái ngói, bức tường, hàng cây, cọng cỏ, hồn ma của mười một nạn nhân năm cũ vẫn ngày đêm than khóc, đòi mạng kẻ sát nhân.
Thành phố hết sương mù rồi nắng to ban sáng, sau khi mặt trời về núi, đã khoác lên chiếc áo lộng lẫy sắc màu. Trụ đèn ven đường tỏa ánh sáng nhạt vàng, dịu dàng khôn tưởng. Hàng sao soi mình ven bóng. Buồng điện thoại và mấy chiếc xe buýt đỏ khắc khoải hơn
https://thuviensach.vn
giữa đêm thu. Nhà còn xa không em? Cũng không gần mà cũng không xa. Tiếc quá, nếu gần thì mình đi bộ. Anh không muốn ngồi trong tàu điện ngầm xuyên qua lòng đất. Muốn đi dọc hết phố xá chật chội nơi này và mang hết nỗi nhớ cất giấu tận trong lòng. Để năm năm, mười năm và nhiều năm sau nữa, mỗi lần có dịp kể cho ai nghe về London tuyệt mỹ, anh sẽ nói về đêm đầu tiên cùng với người bạn quý đi khắp cùng trên lối mòn bằng đá, ven các tòa nhà có ngàn năm lịch sử, giữa ánh điện đường huyền ảo, bên mấy chậu dã yên thảo đêm khuya vẫn khoe sắc thắm và khẳng định tình yêu dành cho London nhiều vô cùng vô tận, một lần rời đi là quay quắt nhớ thương.
https://thuviensach.vn
Hoàng hôn Greenwich
Không nhớ đêm qua sau khi tắm xong tôi đã đi ngủ từ mấy giờ. Chỉ biết khi tỉnh dậy nắng chói chang đã rọi vô cửa sổ. Hoàng dậy từ sớm, chuẩn bị gần xong bữa ăn sáng đúng kiểu Ăng lê. Ở Việt Nam bước ra đường là có cơm, phở, hủ tiếu, bún, bánh mì, xôi, bột chiên, bánh bèo, bánh hỏi… Người Mỹ siêng thì nướng bánh mì ăn với trứng, bơ và mứt, làm biếng thì chạy vô drive through10 của McDonald’s mua một phần to bagel11, thịt bò, trứng và khoai chiên rồi ăn ngay trong xe. Người Anh thì khác, bữa sáng gồm thịt xông khói, cà chua nướng, trứng ốp la, nấm chiên, bánh mì nướng với bơ, xúc xích và đặc biệt không bao giờ thiếu đậu.
10 Mua hàng kiểu lái xe tạt ngang qua cửa sổ mà không cần vô bên trong.
11 Một loại bánh mì ở Mỹ.
Tôi là đứa lười ăn sáng kinh hoàng, chắc do thói quen từ nhỏ, lật đật chạy ù vì sợ trễ giờ học. Ra chơi tới căn tin mua ổ bánh mì lót bụng. Ngày nào cũng thế, riết tạo thành thói quen cho bao tử đến
tận giờ. Sang Mỹ, sáng uống cà phê với sữa rồi lên công ty. Trưa ăn thiệt nhiều còn tối thì lai rai thôi bởi sợ mập. Có lần đổi thói quen, bày đặt sáng ăn no này nọ. Hậu quả là bụng căng kè, đâm lười, lái xe hổng nổi.
Hai đĩa thức ăn to bổ chảng để trên bàn. Nhìn thôi tôi đã thấy rùng cả mình mà vẫn ráng ăn khỏi phụ lòng bạn. Hoàng hỏi tôi muốn uống trà, cà phê hay nước ép trái cây. Đã đến đây, dù thèm cà phê, nhưng tôi sẽ uống trà cho đúng điệu.
Tôi với Hoàng kể đủ thứ chuyện hồi xưa ở Khánh Hòa, hiện tại ở nước ngoài, rồi tương lai mịt mù, vô định. Tôi dù công việc ổn định, có chút đỉnh tiền, nhưng vẫn thấy mình chưa trưởng thành, hổng biết mai đây sẽ sống ở đâu khi ước mơ được về Sài Gòn vẫn âm
https://thuviensach.vn
thầm cháy bỏng. Sau vụ bị lừa, Hoàng đi làm nhiều hơn, dành dụm tiền rồi mới tính chuyện trở lại trường lần nữa. Hoàng bảo: “Anh sang lần này trời ấm áp, nắng nhiều, chứ trúng mùa đông, trời lạnh hoài, âm u như bão sắp tràn vào, sương mù giăng mờ mịt. Em quen với nắng gió biển quê mình, ở đây bốn giờ chiều, mặt trời đã lặn mất tiêu, trời tối sầm, lạnh kinh hồn. Sống riết em đâm ra trầm cảm”.
Thôi thì cứ coi như ông trời thử thách mình. Nhưng thử kiểu này, thiệt tình cũng hơi quá.
Nếu như thủ đô Washington D.C. nổi tiếng với các bùng binh (circle) mang tên các danh tướng trong nội chiến Bắc – Nam giải phóng chế độ nô lệ, thì London mê đắm lòng người với những quảng trường (square) nằm rải rác khắp nội ngoại ô. Đây là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, hòa nhạc, triển lãm hay các phiên chợ trời. Hễ từ dưới tube trồi mặt lên là gặp ngay một quảng trường nhộn nhịp. Hôm qua gặp mấy cái rồi. Từ Soho cho tới Berkeley, Hanover, Leicester, Sloane và giờ chuẩn bị đi quảng trường nổi tiếng và lộng lẫy nhất London, Trafalgar. Axel, bạn của Hoàng đang chờ nơi đó.
Chỉ còn vài tháng nữa thôi là Thế vận hội Mùa hè diễn ra. London sẽ đón hàng triệu vận động viên và du khách khắp nơi đổ về tham dự. Không khó để thấy cảnh đường kẹt như nêm. Công nhân đang hối hả dựng xây cho kịp tiến độ. Các sân vận động được sửa sang, vỉa hè xây mới, underground nâng cấp nên nhiều trạm bị đóng. Và tím, tông màu chủ đạo của Olympic 2012 hiện diện khắp phố phường. Nói về mê thể thao chắc không đâu bằng người Anh hết. Họ luôn tự hào là nơi khai sinh ra bóng đá và có giải vô địch tennis Wimbledon lâu đời nhất thế giới. Nhìn giải Ngoại hạng Anh thì rõ. Sân vận động lúc nào cũng dày đặc khán giả tới ủng hộ, dù là Manchester United, Liverpool, Chelsea hay mấy đội vô thưởng vô phạt Everton, Crystal Palace. Riêng thủ đô London đã có gần 10 đội bóng chuyên nghiệp với sân riêng rồi. Mỗi đội có fan cuồng và lãnh địa riêng, bất khả xâm phạm. Hay hai tuần Wimbledon danh giá, khán giả dậy từ sáng sớm rồng rắn xếp hàng vô xem từ vòng một tới trận chung kết mà không cần có bất kỳ vận động viên chủ nhà nào thi đấu. Mà họ bày ra đủ thứ luật lệ bắt buộc mọi người tuân
https://thuviensach.vn
theo, như vận động viên phải mặc toàn màu trắng, thi đấu xong là vô liền không được giao lưu với bất kỳ ai trên sân, khán giả ăn mặc lịch sự theo yêu cầu chứ xộc xệch là bị mời về dù là người nổi tiếng.
Axel là luật sư, tuổi gần 40 nhưng còn trẻ và rất đẹp trai. Anh ta cao cỡ 1,9m, tôi đứng tới ngực. Có điều đang thất nghiệp nên chi tiêu dè xẻn từng đồng. Và hổng biết có “xài thuốc” nhiều ảnh hưởng tới thần kinh không, mà nói chuyện cứ chậm chạp, rề rà, nghe dễ nổi khùng. Cũng may dù người Scotland, sống ở London khá lâu, nhưng Axel nói tiếng Anh rất dễ nghe, một phần do tính chất công việc tiếp xúc với nhiều người và hồi trẻ đi chu du bốn biển.
Quảng trường Trafalgar rộng cỡ sân bóng đá, mang tên trận thủy chiến Trafalgar (ở Tây Ban Nha) của hải quân Anh đánh thắng đội quân hùng hậu Napoleon vào năm 1805. Chính giữa, là tượng đài
Nelson’s Column cao 52m hướng về trung tâm thành phố. Bao quanh chân tượng là bốn con sư tử khổng lồ bằng đá đen uy nghi nằm phủ phục. Người London coi Trafalgar như một phần linh hồn họ. Nơi đây từng diễn ra những cuộc biểu tình phản đối chiến tranh, chống vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu, ngày chủ nhật đẫm máu năm 1887 (Bloody Sunday) và đếm không hết các buổi hòa nhạc. Mỗi năm, cứ vào dịp Noel, chính phủ Na Uy sẽ tặng London một cây thông to và họ sẽ trồng trên Trafalgar suốt 12 ngày mừng Chúa giáng sinh trong niềm hân hoan hồ hởi.
Chúng tôi đi vào Bảo tàng Quốc gia (British Museum) gần đó. Tôi không thích bảo tàng lắm bởi mê sự sống động bên ngoài hơn là những mẫu vật trưng bày với vài dòng ghi chú ngắn ngủi. Nhưng nguyên nhân lớn hơn là không đủ nền tảng văn hóa để hiểu và cảm
hết giá trị lẫn thông điệp các cổ vật để lại. Học sinh Âu Mỹ từ nhỏ đã được vô bảo tàng chiêm ngưỡng, làm bài, học hỏi. Còn dân Việt Nam hơi yếu ở điểm này. Nhưng bữa đó tôi phải vô vì một vài báu vật nổi tiếng của nhân loại mà người Anh có công sưu tầm, mua lại, lẫn “mượn” trong các cuộc chinh phạt khắp nơi rồi quên không trả. Mưa dầm thấm đất, chắc giờ đã thành của riêng.
Gần tám triệu hiện vật được trưng bày từ khởi đầu của thế giới loài người là các mầm sống ngoài đại đương, đến Lưỡng Hà, Trung
https://thuviensach.vn
Đông, Babylon, Ai Cập, Ấn Độ, Trung Hoa… tới thời cận, hiện đại. Ai mê bảo tàng chắc dành cả tháng vào đây nghiên cứu cũng không hết bởi tầng tầng, lớp lớp các cổ vật được chất từ sàn đụng lên tới nóc theo ranh giới địa lý khác nhau. Gian phòng Ai Cập đầy ắp các xác ướp quấn băng từ mấy ngàn năm trước. Xác ướp nhiều tới nỗi người ta phải chồng lên nhau, nhiều gấp chục lần bảo tàng ở Cairo tôi tới sau này. Tượng đá đảo Phục Sinh (Easter Island) với đôi mắt khổng lồ không dõi ra mênh mông đại dương Chile mà đứng đây nhìn vu vơ vào mấy bức tường vô hồn bằng kính. Cả một phần đền Parthenon của Hy Lạp cũng được mang trưng bày. Lúc sang Athens, vô bảo tàng quốc gia, nghe hướng dẫn viên nói về khiếm khuyết trong lịch sử Hy Lạp vì các hiện vật bị mất hay lấy cắp đi, mới hiểu được nỗi xót xa vô bến bờ trong lòng họ.
Rosetta Stone là hòn đá được một người lính phát hiện năm 1799, khi đang xây pháo đài tại Rosetta, ven bờ Địa Trung Hải, được để trang trọng ngay cửa ra vào. Có lẽ đó là mẫu vật nổi tiếng nhất mà bất kỳ ai đến đây cũng phải ghé qua chiêm ngưỡng. Theo các nhà
khảo cổ, đây là bia đá cổ bằng đá bazan, nặng hơn nửa tấn, có khắc nội dung bằng ba ngôn ngữ Hy Lạp, Demotic và Hieroglyph (chữ tượng hình Ai Cập cổ đại). Sau nhiều năm đau đầu nghiên cứu, người ta cũng giải mã được nội dung của nó. Đó là sắc lệnh ban hành ở Memphis vào năm 196 trước Công nguyên nhân danh vua Ptolemy V do các linh mục gửi lên nhằm ủng hộ các Pharaoh như người lãnh đạo xuất chúng, khiêm nhường và là người thờ cúng đáng kính đối với các vị thần Ai Cập. Rosetta chỉ là một tấm bia đá bình thường. Nhưng những dòng chữ ngàn năm khắc trên ấy lại là vô giá, hé lộ kho báu của nền văn minh vĩ đại nhất loài người.
Mình đi đâu tiếp nữa anh? - Notting Hill em nhé!
Câu trả lời vô thức bật ra cửa miệng tôi làm cho Hoàng và Axel cười to khùng khục. Nhiều người đến viếng thăm một thành phố hay đất nước nào đó vì vô tình coi bộ phim hay đọc được bài báo từ thuở nhỏ. Ước mơ ấy cứ lớn dần theo năm tháng, cho tới ngày được đặt chân đến nơi mình mong ngóng, thấy háo hức làm sao. Vì thế mà Casablanca (nghe đồn) không có gì quyến rũ nhưng vẫn thu hút cả
https://thuviensach.vn
triệu khách mỗi năm vì bộ phim trắng đen cũ. Hay hai hàng cây hạnh nhân rải kín lá vàng ở Seoul sau Trái tim mùa thu cũng quyến luyến hồn bao nhiêu du khách. Tôi muốn tới Notting Hill uống cà phê, vào cửa hàng của Will Thacker mua sách. Dẫu mình không phải là diễn viên Hollywood nổi tiếng Anna Scott, nhưng biết đâu sẽ gặp được người tình trong mộng ước bao năm.
Notting Hill với những ngôi nhà bằng gạch đủ màu, cửa gỗ san sát nhau kèm hàng trăm chiếc xe đắt tiền đậu kín nhiều con phố. Chẳng tiếng ồn ào của người hay âm nhạc, cũng chẳng thấy cọng rác nào rơi vãi trên các vỉa hè. Đúng là khu phố nhà giàu thành thị, im ắng và sạch sẽ đến lạ thường. Dẫu biết phim hư cấu, nhưng tôi cũng đưa mắt nhìn chung quanh để ráp vào bối cảnh. Hình như Anna với nụ cười rộng như đại lộ Broadway vào hiệu sách ngay chỗ ấy. Đúng khúc này Will va vào Anna làm bẩn hết bộ đồ. Phải chăng nhà này là của Will nơi Anna đã hôn anh ngay bậc tam cấp? Và khách sạn nào xa xa nơi đó, hai người đã có một đêm đáng nhớ bên nhau.
Tôi chia tay Sương Mù hơn ba năm trước đó. Hơn ngàn ngày trái tim đã đôi lần rung động, nhưng dường như vẫn chưa sẵn sàng để đón nhận bất cứ bóng hình nào. Tôi cứ ngỡ lừa dối và chót lưỡi đầu môi hóa thành lớp xi măng bọc tim mình chai sạn. Nhưng hôm nay đứng giữa Notting Hill tuyệt đẹp, mới hay cảm xúc trong mình vẫn còn mãnh liệt. Tự nhiên thèm yêu đương vu vơ rồi hờn giận. Gặp gỡ rồi chia xa mỗi người mỗi ngả. Rồi số duyên tiền định, mình và người tình nào (chưa biết mặt), sẽ như Anna và Will xinh đẹp, rồi cũng gặp lại nhau.
Axel bỏ về vì có việc cần làm. Hổng biết việc gì mà tôi thấy tay chân anh ta run run, giọng lạc đi và nói năng không tròn câu cứ y như người thiếu thuốc. Tôi và Hoàng lên xe buýt, dọc bờ sông Thames, đến đồi thiên văn Greenwich, nơi cùng lúc, bạn có thể đứng trên cả hai bán cầu Đông – Tây của quả địa cầu mà ở giữa là đường kinh tuyến gốc chạy ngang qua.
Buýt ngừng dưới chân đồi, hai đứa thong thả đi bộ lên phía cao, giữa đồng cỏ xanh êm ru có mấy con vịt chạy lạch bạch dễ thương và lũ quạ dạn dĩ đi tìm thức ăn rơi vãi. Sinh viên của Đại học
https://thuviensach.vn
Greenwich gần đó đang ngồi phơi nắng lẫn học bài hăng say lắm. Thanh bình ghê.
Vừa thò mặt lên đồi cao, chúng tôi đã thấy ngay trụ lớn bằng gạch đỏ gắn đồng hồ to đùng với dòng chữ Royal Observatory Greenwich (đài Thiên văn Hoàng gia Greenwich) hiện ra trước mặt. Như có luồng điện chạy xẹt qua cái rẹt, tôi muốn móc điện thoại ra gọi khoe khắp thế gian, mày biết gì không, tao đang chạm tay vào đường kinh tuyến số 0 huyền thoại đó. Say mê địa lý bao năm, đọc quá trời sách và tạp chí Việt lẫn Anh, nghe thầy cô giảng hổng biết nhiêu lần, giờ tận mặt chứng kiến, bảo sao tôi hổng tràn đầy xúc động.
Từ thế kỷ 19, các nhà hàng hải và thiên văn học đã nhất trí lấy Greenwich là kinh tuyến gốc số 0 và chia trái đất 360 kinh độ ra làm 24 múi giờ, mỗi múi trải dài 15 kinh độ. London vinh hạnh được mang giờ khởi đầu số 0 hay GMT – Greenwich Mean Time. Nếu đi sang phía Đông một múi là tăng thêm một giờ đồng hồ, sang Tây một múi thì trừ đi một giờ. Giản đơn là vậy. Các quốc gia tự chọn cho mình múi giờ theo đặc điểm tự nhiên và quyền lợi kinh tế. Nước có diện tích nhỏ như Singapore, Thụy Sĩ, Hà Lan… thì không có vấn đề gì. Riêng các quốc gia lớn hơn sẽ gặp nhiều rắc rối. Việt Nam gọn gàng nằm ở múi giờ GMT+7. Mỹ chia làm ba múi. Bờ Đông Washington D.C. đi trước bờ Tây Los Angeles ba tiếng. Trước đây Nga có 11 múi giờ. Vào năm 2010, Tổng thống Medvedev (giờ là Thủ tướng) giảm xuống còn chín. Người Nga luôn tự hào về hệ thống múi giờ “vô địch” của mình, nhưng khổ thay ở Moscow mới vô giường ngủ thì ở vùng Viễn đông Vladivostok dân chúng đã dậy chuẩn bị đi làm rồi. Lãnh thổ Trung Quốc chỉ có một múi giờ duy nhất là Bắc Kinh GMT+8, nên không hiếm để thấy các cảnh dở khóc dở cười. Có nơi 10 giờ trưa mặt trời mới mọc, chỗ khác phải ăn tối lúc 11 giờ đêm.
Do tới hơi trễ nên cổng đóng, người ta hổng cho vô trong nữa. Vậy cũng hay, hai đứa ra ghế gỗ ngồi, nhìn xa xa về phía London. Chiều rơi nhẹ như chiếc lá thu trên đầu xoay tròn trong không khí. Từ ngọn đồi thoáng đãng, chúng tôi say mê chỉ trỏ, ngắm nhìn những địa danh quen thuộc hiện ra mồn một trong ánh nắng chiều. Nhà thờ St.
https://thuviensach.vn
Paul nơi công nương Diana và thái tử Charles làm lễ cưới (thay vì ở Westminster Abbey theo truyền thống). London Eye chầm chậm xoay tròn giữa khoảng không trống trải. Tháp Big Ben cổ kính bên cạnh tòa nhà The Shard chuẩn bị hoàn thành. Sân vận động O2 đang trang hoàng chuẩn bị cho Olympic sắp diễn ra. Và đẹp nhất, thú vị nhất là được ngắm khúc uốn quanh của dòng Thames dài 215 dặm, đoạn chảy qua London cong mềm như dải lụa. Bao địa danh nổi tiếng của thành phố, chiều nay bỗng thu gọn vào một tầm nhìn.
Không biết từ nơi đâu, giọng Beatles huyền thoại vang lên: “Yesterday, all my troubles seemed so far away/ Now it looks as though they’re here to say/ Oh, I believe in yesterday/ Suddenly, I’m not half the man I used to be/ There’s a shadow hanging over me/ Oh, yesterday came suddenly…12”. Tự nhiên tôi thấy lòng mềm ra hết cả, hai chân như dính chặt vào chiếc ghế gỗ không tách rời ra được. Mặt trời đang rời bỏ phố phường để lui về sau núi. Thần Apollo tuấn tú ơi, dừng quất roi vàng lộng lẫy, để tôi ngắm London thêm xíu nữa. Đêm đen có thể chờ đợi được mà.
12 Ngày hôm qua, mọi rắc rối của tôi đều đã xa cả rồi/ Vậy mà giờ đây có vẻ như chúng đang quay lại/ Ôi, tôi tin vào ngày hôm qua/ Bất chợt, tôi không còn là một nửa của mình như ngày xưa nữa/ Có một chiếc bóng đang bao trùm lấy tôi/ Ôi ngày hôm qua lại đến bất chợt…
Nhưng hình như Apollo không nghe được lời cầu khẩn của tôi nên đánh bầy ngựa thần về núi. Tôi muốn gọi ngay cho United đổi vé để ở lại đây lâu hơn. Hai ngày ngắn ngủi chưa đủ thiếu gì. Còn quá nhiều nơi để đi và khám phá. Tôi không biết mình còn quay lại London thêm lần nào nữa. Có thả lỏng bước chân đi khắp từng góc phố ắp đầy lịch sử? Có chạm vào đóa dã yên thảo đủ màu rủ treo trên lâu đài cổ? Có dịp gặp lại người bạn cùng quê giữa xứ người lạ lẫm? Và có thể ngồi đây trong tĩnh lặng, nhìn London yêu dấu, như ngắm mãi một người lần đầu tiên mới gặp, đã bị tiếng sét ái tình đánh cho xiểng liểng, mê man?
https://thuviensach.vn
Stonehenge ngàn năm rêu phủ
Tháng Bảy vào hè. Thời tiết Maryland đỏng đảnh như cô gái lỡ thì, bốn mươi mấy tuổi vẫn chưa tìm được ý trung nhân hợp mắt. Sáng thì nắng chói chang, chiều lại mưa vần vũ tới tận nửa khuya, qua hôm sau nóng hừng hực như thiêu đốt. Vừa thò mặt ra đường chưa tới hai phút, mồ hôi mồ kê đã đổ ra như tắm vì độ ẩm không khí quá cao. Thỉnh thoảng trời lại nổi phong ba, lốc xoáy, bão to ập về ở thung lũng sâu hay núi đồi gần đó.
Vậy mà Thắng bảo mùa đó nước Anh mới đẹp vì độ chớm hè, nắng vàng rải đều như rót mật sau bao ngày mưa lạnh. “Lộng lẫy lắm anh à, sang chơi với tụi em đi, trước khi lại chìm trong giá rét, mưa gió, ẩm ương, đúng với tên gọi “đất nước sương mù” mà người ta đã mỹ miều dành cho nó”. Tôi vốn ham chơi, không cưỡng được lời rủ rê nồng hậu đó, nên thu xếp nghỉ mấy ngày, mua vé sang Anh lẫn vài nước châu Âu. Sếp tôi, dân Do Thái, nhưng sinh ra ở Liverpool, từng có gần chục năm học tập ở London, nên nghe tôi xin đi Anh là đồng ý liền, dù không tin lắm chuyện tôi bảo chỉ nghỉ ba hôm kèm hai ngày cuối tuần ít ỏi.
Thắng đang du học ở Oxford, Khanh từ Sài Gòn, Thương ở Hàn Quốc, ba đứa đi Scotland và Wales chơi trước mấy ngày. Tôi chỉ có thể “nối chuyến” từ London đi Stonehenge cho tiện.
Chuyến bay của United hạ cánh xuống London lúc bảy giờ sáng. Vừa ra khỏi máy bay, tôi đã lật đật chạy tới làm thủ tục hải quan cho kịp. Heathrow rộng kinh hoàng. Từ cổng vô cổng chính (main terminal) cách nhau cả cây số mà lại không có tàu chuyển tiếp. Khách thì đông nườm nượp. Cả trăm chuyến khắp thế giới đổ về. Hàng ngàn người chen chúc xếp hàng nhập cảnh. Heathrow kiểm tra an ninh vào loại khó nhất thế giới. Nếu bạn có bất kỳ chất lỏng nào, dù chỉ là chai thuốc nhỏ mắt bé xíu, cũng phải lấy ra, bỏ vô bịch nylon, để riêng đi qua máy chiếu. Nếu sơ ý hay cố tình quên, qua máy sẽ bị phát hiện và nhân viên kéo bạn ra xét riêng rất mất
https://thuviensach.vn
thời giờ, trễ chuyến như chơi. Nếu bạn mang hộ chiếu của Vương quốc Anh hay các nước thuộc khối Schengen thì còn nhanh, chứ hộ chiếu các nước khác, kể cả Mỹ, thì ôi thôi cứ bao la xếp hàng chờ. May mà trong sân bay có wifi, nên tôi có thể viber cho bạn bè biết tình hình hiện tại.
Chờ thì lâu nhưng thông quan diễn ra chưa tới 30 giây với vài câu hỏi đơn giản. Thế là tôi tiếp tục kéo va li chạy như bay ra mua vé tốc hành có giá gấp đôi đi một lèo tới ga Victoria cho kịp giờ lên buýt. Victoria cũng thuộc loại to vật vã. Một bên dành cho xe buýt, bên kia thì tube và tàu. Theo sự chỉ dẫn của Thắng, nhưng do lẫn lộn, tôi mất tới 15 phút chạy lòng vòng giữa hai cửa hàng Burger King trong nỗi sợ trễ giờ và bị bỏ lại. Cuối cùng mới thấy ba đứa đang tí ta tí tởn đứng chờ. Thế là nhào tới ôm nhau, tay bắt mặt mừng rồi chạy vô nhà vệ sinh (tốn hết nửa bảng) thay đồ, yên vị ngồi lên buýt.
Và cuộc hành trình thăm Stonehenge, công trình vòng đá thượng cổ có từ thời đồ đá mới, được xây dựng khoảng 2,5 ngàn đến hai ngàn năm trước Công nguyên, một trong các nơi bí ẩn nhất thế giới khi các nhà khoa học, lịch sử, thiên văn vẫn cố tìm ra lời giải đáp, bắt đầu trong một buổi sáng vắt giò lên cổ.
Stonehenge nằm cách London khoảng 130km về hướng Tây, được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1986. Từ thủ đô nước Anh, có nhiều cách để đến Stonehenge. Có thể bắt buýt hay tàu South Western từ ga Waterloo, mất khoảng một giờ rưỡi tới Salisbury, rồi thêm chuyến buýt ngay bên ngoài nhà ga (chạy nửa giờ một lần vào mùa cao điểm, một giờ vào mùa thấp điểm) thêm 20 phút nữa là tới nơi. Giá vé khoảng 40 tới 70 bảng mỗi chặng. Nếu không có nhiều thời gian và sợ bị lạc đường, thì cách tốt nhất là đi theo tour, đặt trên mạng, khởi hành từ nhà ga Victoria. Còn không cứ nhờ khách sạn mua giùm, sẽ có xe tới tận nơi đón rước. Giá vé dao động từ 90 tới 120 bảng tùy theo lịch trình, mắc hơn nếu ghé thị trấn Salisbury hay thành phố Bath đậm dấu La Mã gần đó.
Từ ga Victoria, xe buýt chậm rãi len lỏi qua góc phố cổ kính của London, dẫu chật chội bàng hoàng. Đã đến nơi đây rất nhiều bận, nhưng hễ mỗi lần đi ngang qua góc phố nào, cảm giác rộn rã, bồi
https://thuviensach.vn
hồi vẫn cứ nhoi nhói trong tim. Muốn được đi trên từng miếng đá lót đường, tận tay sờ vào từng viên gạch thân thương, mà ở đó, mỗi góc phố đẹp xinh hay mỗi tên đường đều mang trong mình một câu chuyện thấm màu lịch sử. Mặt trời lên cao lắm rồi. Bầu trời trong vắt không một gợn mây. Người dân xứ này sau bao ngày ngập ngụa trong sương mù và mưa bão, phút chốc bỗng bừng lên sức sống. Ai nấy đều hào hứng, vui cười thấy thương gì đâu. Sếp nói, hễ ngày nào mặt trời lên, cả thành phố ai cũng muốn nghỉ làm, vác ghế ra công viên hay bên vệ đường, ngửa mặt lên trời đón nắng ấm.
Tôi thì buồn ngủ không nói gì vì mới bay sang. Quay qua thấy ba đứa kia cũng gật gà gật gù do mới ngồi buýt xuyên đêm từ xứ Wales về. Bên đó mưa lạnh kinh hồn. Ngồi xe nhức cốt nhức xương, chứ có thẳng cẳng ngủ được đâu mà bảo không mệt. Tôi lôi mớ bánh kẹo mang từ Mỹ qua để cả bọn vừa ăn vừa nói cho đỡ buồn ngủ và ngắm cảnh, bởi ngoài cửa sổ mọi thứ cứ như giấc chiêm bao. Cảm giác tù túng bên trong nội ô nhường chỗ cho con đường nhỏ xíu, khúc khuỷu, lên đồi, xuống dốc, như xé dọc, cắt ngang, len lỏi giữa đồng lúa mì, lúa mạch vào vụ chín vàng. Bên đường, bồ công anh, cúc vàng, cúc dại trắng phau, giữa bãi cỏ xanh, cứ muốn chen lấn nhau, khoe hết sắc màu tươi thắm. Lúc này, bốn bề chỉ có lúa và hoa, chẳng thấy người ta hối hả đi về, ngoài vài chiếc xe chạy qua phá vỡ sự yên tĩnh của đồng quê bình lặng.
Gần tới Stonehenge, đường xá nhỏ hẹp dần. Mang tiếng đường hai làn, mà thua cả một làn trên cao tốc. Dường như ở đây người ta nhường hết đất cho nông dân trồng trọt thì phải. Buýt nghiêng ngả vượt đồi, leo dốc, gió thổi mơn man, lúa ngả nghiêng nhảy múa như đưa tay chạm vào thành xe. Chung quanh, vài gò đất thấp cao xanh cỏ nối tiếp nhau, như nấm mồ hoang giữa đồng không, bao bọc là thảm hoa anh túc đỏ (Remembrance Poppy) chen lẫn giữa cúc dại và cỏ xanh nổi bật lên nền trời trong vắt.
Cô hướng dẫn, bằng cái giọng miền Bắc Anh đặc sệt, khó nghe khôn cùng, kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về loài hoa anh túc. Tôi phải trổ hết 100% công lực, dỏng tai lên, tập trung cao độ để cố
https://thuviensach.vn
hiểu cô ấy nói gì. Poppy là biểu tượng cho lòng tri ân các nạn nhân vô danh của chiến tranh, đặc biệt là lính Anh và các nước trong khối Thịnh vượng chung đã ngã xuống trong hai trận chiến tranh thế giới.
Chuyện bắt đầu vào năm 1915, John McCrae, cựu trung tá quân y người Canada đi thăm mộ người bạn Alexis Helmer ở Flanders (Bỉ) và thấy hoa anh túc đỏ nở rộ trên mộ phần mới đắp, nên đã viết bài thơ In Flanders Field (Trên những cánh đồng Flanders).
In Flanders fileds of the poppies blow
Between the crosses, row on row,
That mark our place, and in the sky,
The larks, still bravely singing, fly,
Scarce heard amid the guns below.
We are the dead; short days ago
We lived, felt dawn, saw sunset glow,
Loved and were loved, and now we lie
In Flanders fields.
Take up our quarrel with the foe!
To you from failing hands we throw
The torch; be yours to hold it high!
If ye break faith with us who die
We shall not sleep, though poppies grow
In Flanders fields.13
13 Trên những cánh đồng Flanders, hoa anh túc nở rộ
https://thuviensach.vn
Xen kẽ giữa những thập tự giá đặt từng hàng
Nơi ghi lại vết tích của chúng tôi
Và ở trên trời những con chim sơn ca bay lượn cùng anh dũng hót vàng, dù chẳng nghe được rõ
Bởi quyện lẫn với tiếng súng to bên dưới.
Chúng tôi đã ra đi, vài ngày trước đó
Chúng tôi đã sống thật lòng, rung cảm trước cảnh mặt trời mọc, hoàng hôn buông xuống
Đã yêu và đã từng được yêu, và bây giờ chúng tôi nằm xuống Giữa những cánh đồng Flanders.
Các bạn hãy tiếp tục cuộc chiến với kẻ thù
Nâng cao bó đuốc mà chúng tôi đã trao khi gục ngã Nếu các bạn mất niềm tin với chúng tôi, những người vắn số Thì chúng tôi sẽ chẳng bao giờ yên nghỉ, dù hoa anh túc nở đầy Trên những cánh đồng Flanders.
Và bài thơ phút chốc nổi tiếng toàn thế giới, biến anh túc đỏ thành biểu tượng bất tử, cho lòng anh dũng và trung thành của người lính ngã xuống vì quê hương. Sự kiêu hùng của họ mãi mãi trường tồn, như hạt anh túc sống sót qua tàn phá của chiến tranh, bền bỉ với thời gian và luôn luôn rực thắm. Vào ngày Tưởng niệm (Remembrance Day) hay Ngày hoa anh túc đỏ (Poppy Day) – 11-11 hằng năm – người ta đeo anh túc nhựa trên ve áo và gắn vòng hoa đỏ rực trên đài tưởng niệm lẫn mộ phận của người lính anh hùng để biết rằng cuộc đời này mãi luôn nhớ họ.
https://thuviensach.vn
Mải mê ngắm cảnh làng quê và đắm chìm theo câu chuyện, xe vào bãi lúc nào không hay. Mọi người bước xuống, theo hướng dẫn viên vào khu đón khách. Lúc này có gần 20 xe buýt, ít nhất cũng hơn 500 người, chia thành nhiều nhóm tụ tập chung quanh. Y chang chúng tôi, mặt mũi người nào cũng đừ đừ nhưng mắt thì sáng trưng, tỏ vẻ háo hức, bồn chồn, muốn đi vô ngắm Stonehenge liền thay vì đứng nghe phổ biến nội quy, soát vé, nhận audio guide, xếp hàng chờ lên xe nhỏ để đi vào thế giới huyền bí của khu cự thạch.
Xe trung chuyển ngừng lại, cả bọn thả bộ trên lối mòn trải nhựa ướt sương đêm. Thỉnh thoảng lại ghé vô nhìn mẩu cự thạch có bảng ghi thông tin dọc theo lối đi như Heel Stone (đá Gót chân), Slaughter Stone (đá Hiến tế). Hướng dẫn viên với giọng tự hào bảo, đây là di tích được tham quan nhiều nhất nhì của nước Anh, mỗi năm đón gần 1,5 triệu lượt khách. Hôm nay ngày thường nên ít đó. Chứ cuối tuần nha, xe đậu từ ngoài kia vô tới trong này. Tụi mày xếp hàng mấy tiếng cũng chưa chắc vào được đây. Hú hồn chưa. Bỏ tiền đi tham quan mà khổ quá.
Chưa kịp mỏi chân, hít chưa đã không khí trong lành, thì Stonehenge hiện ra trước mặt.
Tôi nhìn Thắng. Thắng nhìn Khanh. Khanh nhìn Thương. Thương quay lại nhìn tôi. Cả bốn đứa nhìn nhau, cảm giác choáng ngợp, không tưởng tượng nổi là mình đang tận mắt chứng kiến kỳ quan huyền bí vô ngần dẫu thiệt tình nó không to như trong hình và lại nằm lọt thỏm giữa đồng cỏ mênh mông. Du khách không được tới gần, phải ngắm Stonehenge từ xa, sau lớp dây bao quanh. Chắc họ sợ nhiều đứa bẻ đá, khắc tên, bôi bậy làm kỷ niệm.
30 tảng đá nặng vài mươi tấn, rêu phong bám đầy vì tiết trời ẩm ướt, được dựng thẳng đứng theo hình móng ngựa, với một vòng gồm 30 thanh dầm đá nằm trên đỉnh, đã làm đau đầu không biết
bao nhiêu nhà nghiên cứu. Khai quật khảo cổ gần đó, đã tìm ra hơn 50 ngàn mẩu xương người được hỏa táng và dấu vết nền nhà nguyện nên nhiều nhà khoa học tin rằng Stonehenge được xây dựng qua nhiều giai đoạn, kéo dài khoảng 1,5 ngàn năm, nguyên thủy vốn là một trung tâm rộng bao gồm nhà nguyện, nghĩa trang và
https://thuviensach.vn
đền làm nghi lễ cho gia đình quý tộc. Các nhà thiên văn thì hổng nghĩ vậy. Họ cho rằng những khối đá tảng này nhìn có vẻ lộn xộn không hàng lối, nhưng từ trên cao sẽ thấy, nó được sắp xếp theo
một vòng tròn nhất định để mô tả sự chuyển động của mặt trời, mặt trăng, các vì sao nhằm dự đoán nhật thực, nguyệt thực để phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi lẫn thu hoạch mùa màng. Vào ngày Hạ chí, nhiều người đổ đến đây để xem ánh mặt trời mọc từ Heel Stone ở phía Đông, chiếu thẳng hàng với tảng đá trung tâm và hòn Tế đàn (Alter Stone) nằm ở phía Tây của khu cự thạch.
Mọi người đi một vòng tròn để ngắm từng khối đá và chọn góc chụp hình đẹp nhất. Tự nhiên tôi muốn làm người nổi tiếng, ngày mai sẽ lên trang nhất của mấy trang báo Anh, là có một du khách châu Á đến từ Mỹ, cả gan vượt lớp dây chặn và một nùi an ninh, chạy vô tít bên trong chạm vào mấy hòn đá cổ và chụp quá trời hình. Chứ đi một chặng đường xa lắc xa lơ và tốn một mớ tiền đến đây, mà hổng được lại gần thì uổng chết. Nhưng thôi, nói nào ngay, tôi không muốn mình lên báo một cách bất chấp và vô duyên như vậy.
Giữa trưa, nắng chiếu lên tảng cự thạch sừng sững ngàn năm vẫn không thể hong khô lớp rong rêu ẩm mốc. Mọi người bảo nên ở lại đây tới chiều tà, sẽ thấy hoàng hôn nơi này đẹp vô ngần, khi mặt trời lấp ló đằng sau các tảng đá to và nắng len lỏi vào từng khe hở tạo nên những bức tranh sống động. Nhưng xe sắp khởi hành, chúng tôi không ở lại thêm được nữa rồi. Đi tour mà. Đành phải hẹn ngày trở lại.
Chúng tôi rời Stonehenge với những bí ẩn không lời giải đáp, giữa lúc lũ quạ trên cự thạch vỗ cánh, cất tiếng thê lương gọi bầy hay réo gọi những vong hồn ngàn năm vất vưởng phiêu linh, chưa siêu thăng về với Chúa.
Tháng 7-2014
https://thuviensach.vn
Thèm tắm tiên ở Bath
Từ Stonehenge, xe buýt dừng tại khu chính tòa của Đức Trinh nữ Maria hay còn gọi là nhà thờ Salisbury, di sản văn hóa của UNESCO, có hơn 750 tuổi gần đó để ăn trưa trước khi lên đường tới Bath. Nơi đây có tòa tháp cao nhất (123m), nhà thờ chính lớn nhất, mảnh sân bên trong lớn nhất ở Anh và một trong những tháp đồng hồ cổ nhất trên thế giới. Tương truyền, khi có ý định xây nhà thờ, Đức Giám mục của thành phố Sarum bắn một mũi tên theo hướng ông dự định. Mũi tên trúng một con hươu. Thế là ông quyết định xây chính tòa ngay chỗ con hươu nằm chết.
Chúng tôi là người ngoại đạo nên không hiểu hết ý nghĩa của chuyện cầu kinh. Việc có thể làm là vào trong đứng dưới tượng của Đức Chúa Jesus và Đức Mẹ Đồng Trinh xin sự bình yên trong tâm hồn dưới mái vòm tuyệt đẹp. Bên trong không có nhiều hàng ghế như thường thấy ở các nhà thờ mà chỉ là mấy cái xếp thẳng hàng cho mọi người ngồi làm lễ. Tôi đến sờ vào các trụ đá được mài nhẵn thín, mấy trăm năm nay vẫn vững vàng nâng đỡ mái vòm chạm trổ hoa văn. Vừa chạm vào tảng đá đã thấy lạnh run nơi bàn tay và dường như nghe đâu đó tiếng cầu kinh từ xa xưa vọng lại.
Bốn đứa mua vài cái sandwich khô như ngói kèm mấy chén xúp với bánh ngọt lót lòng. Vừa ăn vừa cằn nhằn, tại sao người Anh lại có thể ăn uống chán đến thế này. Giờ mà có ổ bánh mì đầy thịt với chả lụa hay tô phở tái nóng hổi nhiều hành, chắc tụi tôi giành lộn nhau mà ăn cho đã.
Người ta ví Bath như một thị trấn cổ và xinh đẹp nhất còn sót lại của Vương quốc Anh. Chuyện kể vào đầu thế kỷ 1 sau Công nguyên, khi đế chế La Mã hùng cường bành trướng gót giày của mình khắp châu Âu hay sang tận trời Phi nóng cháy. Nước Anh xinh đẹp cũng không thoát khỏi việc trở thành một phần thuộc địa của họ. Trên bước đường viễn chinh hùng cường, người La Mã dừng chân đến Bath và phát hiện ra nguồn nước nóng tự nhiên khổng lồ có từ thời
https://thuviensach.vn
đồ sắt. Thế là cả đoàn binh quyết định xây dựng hệ thống nhà tắm giống y chang kinh thành Roma để thư giãn. Có lẽ vì thế mà Bath khác biệt với các thành phố ở Anh, bởi kiến trúc La Mã hiển hiện trên từng nhà thờ, đền đài, dinh thự và cả từng viên đá lót đường. Dân xứ này gọi Bath theo tiếng Latin là Aquae Sulis bởi họ muốn dâng tặng nguồn nước tinh khiết này cho Sulis (nữ thần Minerva) nữ thần đồng trinh của thơ ca, y học, trí tuệ, thương mại, dệt, hàng thủ công, ảo thuật của người Roman cổ.
Phải công nhận tay lái của anh tài xế quá ư là lụa mới có thể điều khiển chiếc buýt to đùng chở mấy chục người đi dọc con đường nhỏ xíu, uốn éo như vòng eo cô thiếu nữ đương xuân, đi qua khu đồi rợp bóng cây để vào trung tâm thành phố. Chúng tôi phải bám chặt thành ghế chứ không là bị nhồi như xe chở heo. Gan lì như tôi, mà mỗi lần lắc bên này trộn bên kia, cũng muốn ói ra hết mớ bánh mì khi nãy vừa ăn cho sạch bụng. Xe chạy ngang cây cầu Pulteney bắc qua sông Avon phía Tây thành phố. Dòng sông hiền hòa, trôi lững lờ như chàng thanh niên (có vẻ) lười biếng đang bơi du thuyền chở khách xuôi dòng. Giữa khung cảnh thanh mát như thế này, người ta không nỡ khuấy động mái nước trong lành để phá vỡ sự bình yên của khách viễn du đứng ven bờ hay ngồi quán xá uống ly trà chiều, ăn bánh ngọt. Xe lên phía Bắc, tới khu phố Royal Crescent (Vòng cung Hoàng gia) gồm 30 ngôi nhà cất liền kề nhau, mặt trước có 14 cột theo kiến trúc Gothic Hy Lạp, như vòng thành vĩ đại, bảo vệ Bath khỏi kẻ thù xâm lược hay bão tố của dòng Avon những ngày hung hãn.
Giữa tháng Bảy, trời xứ Bath dìu dịu. Gió nhè nhẹ, mơn man từ bốn phía của bảy ngọn đồi xanh, mang theo mùi đồng cỏ thơm lừng kèm chút nồng nàn của hoa cúc trắng lẫn hương bánh táo nhà ai đang nướng. Gọi là thành phố cho to, chứ Bath giống như thị trấn xinh xinh, đi một vòng là hết những con đường lát đá cũ xưa, ánh lên màu thời gian và dấu chân viễn xứ làm người ta có cảm giác mình đang lạc vào miền cổ tích mộng mơ của hoàng tử, công chúa và phù thủy độc ác quyền năng cùng bà tiên hiền hậu với mái nhà cũ xưa lớp ngói đỏ nằm trong thung lũng bao quanh bởi bảy ngọn đồi nhuốm thời gian.
https://thuviensach.vn
Xe dừng lại ở ngay trước Thermes Romains, giống dinh thự hai tầng nguy nga chứ không phải là nhà tắm công cộng nằm ở trung tâm Bath. Hướng dẫn viên đưa mỗi người một đồng xu để bỏ vô trạm khi vào cổng và dặn hai tiếng sau phải tập trung trước quảng trường để lên xe buýt về lại London. Cả đoàn chậm rãi bước lên hành lang lát đá hoa cương đến bể nước và phòng tắm. Hai ngàn năm chứ ít ỏi gì, vậy mà mái vòm lợp ngói lẫn mấy trụ đá chạm trổ hoa văn dường như bất biến với thời gian. Bên dưới hồ tắm, dòng nước không biết tự bao lâu rồi chưa thay, ánh lên màu xanh của rong rêu. Người ta nói nước chảy đá mòn. Kiến trúc ngâm mình dưới nước trước sau cũng sẽ lụi tàn. Chẳng hiểu sao người xưa kết nối khối đá vô tri này bằng chất liệu gì, mà hai ngàn năm mọi thứ vẫn sừng sững uy nghi không lay chuyển.
Theo các nhà khảo cổ, từ những năm đầu tiên của thiên niên kỷ thứ nhất, tới lúc người La Mã bị đánh lui, nhà tắm kiểu này thấy khắp nơi trong thành phố. Là chỗ để gặp gỡ, chuyện trò, thư giãn sau ngày lao động chứ không hẳn dành riêng chỉ cho chiến binh và quý tộc. Người ta đã tìm thấy được gần 130 tấm bảng trừng phạt ở Bath (Bath curse tablets) viết bằng tiếng Latinh, vén lên một phần lịch sử lâu đời của Bath. Trên đó, họ khắc vài mẩu chuyện hay luật lệ về việc trừng phạt người ăn cắp áo quần, nữ trang hay tiền bạc trong nhà tắm từ thế kỷ thứ 4.
Tôi đưa tay chạm vào dòng nước. Cảm giác âm ấm, rân rân theo từng tế bào da, thấm sâu vào mạch máu. Hèn gì, cả thế giới luôn ngất ngây trước nguồn nước nóng chảy ra từ mạch ngầm trong lòng đất. Tôi nhắm mắt lại, tưởng tượng quanh mình là khung cảnh của thuở xưa, người chiến binh La Mã ngực rộng như cánh đồng, vai ngang như ngọn đồi trọc cỏ, đang trầm mình trong dòng nước bốc khói ngạt ngào khoáng chất. Và cạnh đó, vài thiếu nữ ngực trần, đẹp như tượng thần Venus, đang cầm khăn lẫn mớ trái cây ngọt lịm để hầu hạ các dũng sĩ của lòng mình, vừa thắng trận trở về từ chiến trường rẫy đầy nguy hiểm.
Tôi thì thầm vô tai Thắng: “Chỗ này mà vắng người, anh sẽ lột đồ, trần truồng nhảy xuống cái ùm, ngâm mình trong nước khoáng để trị
https://thuviensach.vn
bệnh lười và thư giãn gân cốt sau chuyến bay dài và mấy tiếng đồng hồ ngồi xe”. Thắng gật gù: “Em sẽ làm y chang anh, nhưng nhớ mỗi người một góc nhé”. “Ôi, làm như báu lắm, chẳng ai thèm dòm em đâu!”.
*
Quảng trường thành phố chen chúc cả ngàn người từ khắp mọi miền của nước Anh và cả thế giới. Cạnh đó là nhà thờ xứ Bath, vốn là một tu viện được xây dựng từ năm 1967. Trải qua nhiều lần bị phá hủy và xây dựng lại, Bath Abbey trở thành nhà thờ cho tới bây giờ. Đúng lúc đang có buổi lễ tốt nghiệp đại học. Hổng biết bọn trẻ ăn cái chi, uống thứ gì, mà chân dài thòng, cao như cây sào. Đứa nào cũng roi roi, mặc áo choàng đen, đội mũ hình vuông, miệng nói líu lo đặc sệt kiểu Anh, gắng lắm mới hiểu được. Mà cũng lạ, chừng chục năm nữa thôi, cũng các thanh niên này sẽ uống bia rượu như hũ hèm, phá tướng, rồi béo ú lên mất đẹp.
Có con chim nào đó liệng cánh báo hiệu mặt trời sắp lặn ở phía Tây. Dưới hàng cây to của các ngọn đồi, mặt trời không rực rỡ như buổi ban mai mà óng ả vàng như mật ngọt thơm lừng rớt trên thảm xanh tươi tốt. Mấy cái bánh trưa nay không đủ làm tụi tôi no dạ. Thế là ghé vô quán đồ ăn nhanh bên đường mua bánh mì gặm cho đỡ đói. Khô muốn rách cuống họng nên tôi hổng thèm, đi mua kem về mút cho ngon miệng. Các thành phố Anh đất chật, người đông, xứ Bath không ngoại lệ. Đường xá bé xí xi, quá trời người nhưng họ vẫn dành phần đất hiếm hoi, xây vỉa hè cho bà con ngồi ngắm đất trời thư giãn.
Buổi chiều se se lạnh, ngồi ăn kem bên vỉa hè, cạnh chậu hoa đủ màu rực rỡ thắm tươi, sau một ngày mệt mỏi đi thăm ba di sản văn hóa của UNESCO nằm cạnh nhau trong bán kính chưa tới 20km, tự nhiên muốn ở lại ngủ với Bath một đêm, sáng ra nghe lũ chim chuyền cành phía ngọn đồi xa, ngửi mùi thơm của sương đêm lẫn với hương hoa, uống ly trà kiểu Anh và tìm một nhà tắm nước nóng nào còn mở cửa, ngâm mình như người Roman cổ, một lần đến Bath, không chịu quay bước rời chân.
https://thuviensach.vn
Sếu không bay ngang bầu trời Oxford
Cho K.
“… Khải thở dài. Tất cả đã hóa xa xăm. Trong anh, ngoài tên, mái tóc dài, đôi mắt nâu và mùi Woods nồng nàn, Khải không có bất cứ thông tin gì về Yên hết. Anh không biết nhà cô ấy ở đâu, số điện thoại bao nhiêu, tấm hình chụp chung, thậm chí facebook, instagram cũng không có nốt. Rồi lúc nghĩ về cô ấy, anh cũng không biết làm sao cho bớt nhớ ngoài việc vẽ lại chân dung Yên ngay trong trí nhớ mình.
Nếu cuộc đời là những cơn mơ, thì giấc mơ đêm qua hoàn toàn không có hậu.
Khải dẹp dọn áo quần bỏ vào va li, định tắm rửa và đi dạo một vòng kiếm gì ăn, rồi ra Megabus quay về Hoa Thịnh Đốn.
Một mẩu giấy nhỏ, hình như là bảng tên, rơi trên sàn gỗ. MS. YEN NGUYEN
Associate Professor14
Oxford Brookes University
14 Associate Professor tương đương với phó giáo sư ở Việt Nam.
Như bắt được cục vàng to thiên hạ đánh rơi, anh mừng đến nỗi tưởng mình đang ngừng thở.
Ngoài kia, nắng tắt. Trời bỗng tối sầm. Thiên hạ lao nhao tìm chỗ trú mưa. Có đàn chim nào tưởng chiều rơi nên bay về tìm tổ ấm. Khải nhìn mẩu giấy, thở dài. Có lẽ giờ này cô ấy đang ngồi ở phi trường,
https://thuviensach.vn
chờ chuyến bay chở mình về Oxford. Mà cũng có thể, ở một nơi nào đó trong thành phố này, Yên đang co ro trong một góc vắng, để trốn chiều về và dõi mắt nhìn đàn chim vỗ cánh bay qua”15.
15 Trích Những đàn chim chấp chới của tôi trong tập truyện ngắn Thiên đường phải không anh? – NXB Văn hóa – Văn nghệ phát hành 2017.
Trong truyện ngắn sắp viết, tôi từng nghĩ, sẽ cho Khải bay đến Oxford vào buổi chiều đông tuyết đổ trắng trời, trong cái lạnh se thắt tâm hồn, để tìm cô gái anh vô tình gặp giữa Times Square và đã có một đêm mặn nồng trong men tình thoáng chốc. Chia sẻ với bạn thân, nó bảo nhân vật giống mày quá vậy. Chuyện! Có gì tốt hơn việc lấy mình làm nhân vật mẫu cho khỏi mất công nhào nặn, vẽ vời? Ngày đó, K. rời bỏ tôi ra đi như cơn gió nhẹ thổi qua, sau vài tuần quen nhau ngắn ngủi. Tôi quen lắm rồi khoảnh khắc lủi thủi lái xe khi mặt trời tìm chạy về với núi. Mấy con đường đi qua vạn ngày, quen mặt, biết tên, như một quán tính không cần bày biểu, cũng đưa tôi về với căn gác lưu đày. Vậy mà nỗi nhớ về K. đong đầy như tia nắng ấm trong buổi chiều mưa lạnh. Như ly chè sương sa hột lựu thiếu nước cốt dừa. Tôi hứa sẽ không bao giờ đến Oxford tìm em, dẫu rất muốn. Ba mươi rồi, đâu mãi bốc đồng, lãng mạn và cuồng nhiệt như thuở 20.
Vậy mà tôi đã vi phạm lời hứa chắc nịch ấy. Vốn là tác giả “sang chảnh”, tôi không bao giờ mượn google làm cảm hứng mà phải tới tận nơi để tìm bối cảnh cho truyện của mình. Vả lại hai đứa đâu còn gì nữa của nhau, ép buộc làm chi cho lòng thêm xót.
Khi buýt về lại London trời đã bắt đầu chạng vạng. Xe dừng lại ở ga Victoria như ban sáng. Chúng tôi có hai tiếng ngơi nghỉ, trước khi tiếp tục về nhà trọ của Thắng ở Oxford. Với mấy đứa sống ảo, 30 phút cũng quý chứ huống hồ chi là hai tiếng. Bọn tôi tay xách nách mang, kéo va li ra Westminster nhộn nhịp. Trên đường, đói quá, tấp vô quán sushi gần đó. Cuối ngày, thức ăn chẳng thể để lâu nên người ta hạ giá 50%. Thế là mua một nùi sashimi, Californian rolls,
https://thuviensach.vn
thêm ít salad và mấy chén xúp miso húp xì xụp ngon lành. Nghĩ tới mớ bánh mì trưa nay, tự nhiên thấy khát khô cả họng.
Cầu Westminster chưa bao giờ vắng khách. Sáng, trưa, chiều, tối gì cũng đông nghẹt người qua lại. Ai đến đây cũng muốn một đôi lần đứng trên cầu nhìn xuống dòng Thames lờ lững. Nghe chuông Big Ben đổ dồn trong ánh nắng mai lẫn chiều, nhìn xe buýt đỏ chậm rãi đi về và cả London Eyes lúc nào cũng đầy người lên xuống.
Từ London về tới Oxford độ tầm 90 phút. Sau tám tiếng đồng hồ trên máy bay, rồi cả ngày ngồi xe lòng vòng tham quan miền quê yên tĩnh, cái lưng và đôi chân tôi muốn gãy ra từng mảnh vụn. Thiệt tình mà nói giờ quăng cho cái nệm, chẳng cần biết nó cứng hay mềm, bẩn thỉu hay thơm tho, không tắm rửa gì ráo, tôi sẽ ngủ một trận đã đời như vừa mới uống một vốc thuốc xong. Xe bỏ lại những con phố London tuyệt đẹp trong ánh điện đường, lao mình về phía trước. Tôi liếc qua Thắng, thấy nó ngủ gà ngủ gật. Qua Khanh với Thương, thấy hai đứa cũng gật lên gật xuống mệt mỏi quá trời. Coi ra mình là đứa tỉnh táo nhất đám này. Nhìn va li và ba lô đồ để trên sàn, tự nhiên tôi nhớ đến hình ảnh của Harry Potter lúc rời bỏ nhà của dì Petunia, sau khi bị dượng Dursley đuổi đi bởi cái tội làm căng phồng bà chị mập ú, khó ưa của dượng. Cũng đêm tối đen như vầy, giữa ánh đèn leo lét, có ánh mắt tinh ranh của quái thú trong bụi rậm chăm chú nhìn. Harry hoảng sợ, vội vã lên chiếc xe phù thủy trờ tới để trốn chạy đến Hẻm Xéo và vô tình đọc được bài báo về Sirius Black, gã tù nhân duy nhất trốn thoát bầy giám ngục gớm ghiếc ở nhà tù Azkaban chơi vơi trên hoang đảo. Cũng từ đêm đó, bí mật về cái chết của bố mẹ Harry chính thức được phơi bày ra ánh sáng.
May mà Thắng kịp tỉnh lúc xe dừng tại trạm chứ không phải đón buýt đi ngược về. Từ ngoài đường chính, cả bọn đi bộ vô một quãng nữa mới tới căn hộ của Thắng. London rộn ràng bao nhiêu thì Oxford tĩnh lặng bấy nhiêu. Ngoài tiếng bước chân trên lối mòn lát gạch, chỉ có tiếng chó sủa vu vơ vọng lại và lũ cú mèo giờ này chưa an giấc, đứng trên ngọn cây chót vót, dõi đôi mắt sáng ngời nhìn
https://thuviensach.vn
xuống và cất tiếng gọi bầy cảnh báo nhớ canh chừng cẩn thận, có bốn đứa nào khả nghi lắm đang đi lại giữa đêm.
Tôi không biết mình đã ngủ bao lâu trước khi tỉnh giấc vì tiếng lục đục ngoài bếp của Thắng. Chỉ nhớ đêm qua tôi quăng đồ đạc một bên, không tắm rửa thay đồ, kịp đánh răng, rồi nằm dài trên salon ngay phòng khách và ngủ như một đứa bé mới lọt lòng, chẳng
nhiều mộng mị. Thường thì mỗi lần đi chơi, không Mỹ đen Mỹ đỏ, không chủ không sếp, không nhân viên quấy rối, cũng chẳng điện thoại hay email, đầu óc tôi thanh thản đến lạ kỳ, nằm xuống là ngáy khò khò. Nhưng thiệt tình mà nói lâu rồi tôi mới có giấc ngủ ngon đến thế.
Thắng hỏi: “Anh uống cà phê hay trà, em pha. Còn hai người kia cứ mặc họ ngủ đi, đừng đánh thức”. Tôi thì quen với hai gói G7 kèm chút cà phê phin mỗi sáng, nên không một sớm một chiều chuyển qua uống trà như Thắng được. Mới qua chưa lâu mà đã nhiễm ngay thói quen uống trà sáng của người Anh rồi. Sinh viên mà giàu ghê. Đi học có 18 tháng mà mướn nguyên một căn hai phòng ngủ để ở. Bên ngoài cửa sổ, rừng cây xanh lá mộng mơ nô đùa theo gió. Mấy đám cúc, hồng nhà hàng xóm nở rộ trong nắng mai. Lũ chim chuyền cành đùa giỡn vô tư hót ca ríu rít. Chẳng có tiếng xe cộ hay tiếng hàng xóm nào lọt vô đây. Nếu Thắng không thức dậy pha trà, chắc tôi sẽ ngủ tới trưa mất.
Hai anh em đứa trà, đứa cà phê tâm sự đủ chuyện trên đời, thì hai nàng kia mới dậy, thay đồ, ăn sáng, và chuẩn bị một ngày tham quan thành phố.
Từ nhà Thắng ra đường cái, giữa ban mai, cuộc sống quá đỗi im lìm. Thứ sáu mà chẳng thấy ai lang thang qua lại. Mấy căn nhà bằng gạch san sát nhau, tận dụng tối đa không gian ít ỏi. Phía trước sân, đám hoa tưng bừng khoe sắc và dây leo bám kín cửa nhà. Tôi tò mò hỏi không ai đi làm sao mà xe vẫn còn để chật cứng ở đây? Thắng nói xứ này xăng mắc như gì, với lại lái xe vô nội ô tốn đủ thứ phí với tiền đậu xe. Mà nhiều khi có tiền cũng không thể tìm chỗ đậu. Nên ai nấy đều sử dụng phương tiện công cộng, là buýt màu đỏ hai tầng. Với lại sẵn tiện thể dục thể thao luôn cho khỏe.
https://thuviensach.vn
Từ chỗ Thắng không phải đi ngoằn ngoèo đâu xa, ngồi buýt thẳng một đường, là tới ngay trung tâm thành phố.
Nếu như Mỹ có vùng đất học Boston, thì ở Anh có Cambridge và Oxford. Người ta gọi nơi đây là thành phố đại học, chan hòa giữa tòa tháp cổ trong mơ, bảng lảng giữa lớp sương mù, rêu phong bám phủ và cao ốc hiện đại. Trung tâm thành phố là làng đại học với 38 trường (college) và một viện trực thuộc Đại học Oxford, đã đào tạo ra 29 nhà khoa học đoạt giải Nobel, 27 thủ tướng Vương quốc Anh, rất nhiều nguyên thủ và chính trị gia, cùng hàng ngàn học giả nổi tiếng thế giới. Hiện tại có gần 24 ngàn sinh viên khắp nơi đang học tập và nghiên cứu. Cứ đi vài bước là thấy một bảng đề tên trường trước ngôi nhà bằng đá trăm năm được gió mưa lướt qua, nhuộm lên màu nâu vàng bắt mắt. Thích nhất là ngắm ô cửa sổ thấp lè tè, chỉ cần kiễng chân là có thể nhìn vào trong, để vài chậu hoa xanh đỏ mùa hè, làm hiện lên khung cảnh vô cùng lãng mạn cho chốn học đường. Thích nhì là mảng tường cũ, thường xuân xanh tốt bám đầy. Hổng biết ở đây vào giữa mùa đông rét căm căm, có cô sinh viên nào nằm trong phòng vì ốm một trận thập tử nhất sinh, đang đợi chiếc lá cuối cùng rơi xuống dưới đám cỏ kia và nghĩ đời mình sẽ kết thúc?
Trên mọi nẻo đường, sinh viên đủ màu da vác ba lô, nói cười vô sự. Đây quả là nơi tri thức và sức trẻ căng tràn. Trên khuôn mặt đầy háo hức của họ, biết đâu sau này, sẽ xuất hiện thêm nhiều nhân tài như từng có. Khắp nơi chỗ nào cũng thấy toàn xe đạp đen đỏ, trắng vàng, là phương tiện cho sinh viên di chuyển. Hình như thiên hạ cứ quăng đó chứ chẳng sợ mất mát gì. Ai ăn cắp thì soi gương tự thấy xấu hổ vậy.
Chúng tôi băng ngang Christ Church Meadow, đồng cỏ mang tên người thắng cuộc trong trận đấu cờ năm xưa để vào Christ Church, đại học có từ thời Trung cổ 800 năm trước, do vua Henry VIII thành lập. Đây là trường nổi tiếng và quan trọng nhất của cụm đại học Oxford, nơi Albert Einstein lỗi lạc và 13 vị thủ tướng của nước Anh từng học tập. Đứng trên quảng trường Tom Quadrangle, ngỡ như đang đứng giữa Hogwarts phép màu bởi đoàn làm phim Harry
https://thuviensach.vn
Potter đã mượn nơi này làm bối cảnh. Ngay chính chỗ đó, Harry đã bắt đầu bài học bằng chổi bay và chụp được quả cầu nhắc nhở của Longbottom do Malfoy ném ra xa và được Giáo sư McGonagall giới thiệu làm Tầm thủ của đội tuyển Quidditch nhà Gryffindor siêu việt.
Tại chỗ này, mấy trận Quidditch bốn nhà Hogwarts diễn ra ác liệt. Quả bóng bay vù vù trong không khí. Các Truy thủy, Tấn thủ và Thủ môn quay trên mấy chiếc chổi bay vù vù không rõ mặt. Và nhiệm vụ của Tầm thủ như Harry là cố bắt được trái banh nhỏ (snitch) để kiếm 150 điểm, kết thúc trận đấu trong tiếng vỗ tay vang dội của khán giả ủng hộ nhà Gryffindor và lời chửi rủa vang trời của nhà Slytherin hắc ám.
Chúng tôi vô sảnh, mơ màng nghĩ cảnh chiếc mũ Sorting Hat đang xếp mấy đứa trẻ vào nhà nào cho phù hợp. Phía trên kia thầy Dumbledor với mắt kiếng hình nửa vầng trăng đang nghiêm nghị ngồi nhìn, thầy Snape mặt trắng tinh, lạnh như tiền, cô McGonagall tuy nghiêm trang nhưng vô cùng tốt bụng, bác Hagrid to như ông khổng lồ, đụng đâu đổ đấy. Trên đầu, cả bầu trời đang rộng mở. Cái trần nhà có thể thay đổi theo ý muốn, giữa ngày nắng to rực rỡ, mà giống như cả bọn đang đứng dưới vì sao chói sáng, giữa đêm trăng thượng tuần lấp lánh trên cao.
Nếu như Christ Church là ngôi trường lớn và nổi tiếng nhất của Oxford, thì Magdalen giàu có quyến luyến hồn người bởi công viên xanh như nhung, liễu rủ êm đềm giữa con sông uốn khúc. Đi ngang qua vườn dược thảo, hình ảnh mấy lớp học của giáo sư Sprout hiền lành với áo quần xốc xếch lại hiện về. Hổng biết mấy cây sâm của cô có còn được trồng, để chiết xuất ra chất giải độc cứu Hermione và mấy đứa học sinh thoát khỏi hình hài bằng đá dưới ánh mắt con Tử Xà, vũ khí bí mật của Slytherin cất dưới hầm bí mật16.
16 Các tình tiết ở đây dẫn từ bộ tiểu thuyết Harry Potter của nữ nhà văn nước Anh J. K. Rowling.
Cả bọn đi ngang qua cây cầu Than thở (Bridge of Sighs) xây dựng từ năm 1914, bắc ngang hai trường Hertford College và New College Lane. Giai thoại kể rằng, mục đích của cầu là nối hai tòa
https://thuviensach.vn