Đi rong trên những múi giờ là cuốn sách gồm 19 bài viết về cuộc hành trình khám phá các quốc gia nằm trải rộng trên ba châu lục Á, Âu, Phi dưới cái nhìn của một người Mỹ gốc Việt hòa trộn trong mình cả hai nền văn hóa Đông – Tây. Nét đặc biệt ở cuốn dy ký này là với giọng văn dí dỏm nhưng không kém phần chiêm nghiệm sâu sắc, tác giả khiến độc giả không thôi tò mò, ngạc nhiên, hứng khởi trước từng cánh cửa du quan hấp dẫn, để biết những điều mà có khi google và những tour du lịch không mang lại được. Ví như: Vì sao người Bangladesh múa tay liên tục như một vũ điệu và luôn mang theo vòng nhang? Và vì sao dưới cái nắng đỏ lửa 40 độ, đền Baitul Mukarram vẫn mát lạnh chân trần? Chúng ta sẽ nhìn thấy gì khi đứng ở đường kinh tuyến gốc Greenwich? Đường biên giới ở châu Âu có gì đặc biệt? Đường vào kim tự tháp Kheops để chiêm ngưỡng quan tài của Pharaoh vĩ đại nhất Ai Cập có gì? Công dân số một của Brussels là ai? Từng chuyến đi rong của tác giả là “từng chuyến lộng lẫy thanh xuân, rực rỡ thanh xuân, nối dài thanh xuân”, đi để thỏa nỗi khao khát tuổi trẻ – cú chạm thật mạnh vào bụi đất của từng xứ sở trên thân thể địa cầu. *** Vay đôi chân kẻ đa tình mà đi như thể trong mình điêu linh Tôi hình dung Nguyễn Hữu Tài chơi lò cò trên những đường kẻ dọc ngang kinh tuyến và vĩ tuyến. Hai bàn tay anh tung hòn sỏi thanh xuân mát rượi tuổi 30 còn đôi bàn chân nảy bật lên, đầy háo hức và mê đắm, khao khát một cú chạm thật mạnh vào bụi đất của từng xứ sở trên thân thể địa cầu. Lò cò làm cuộc rong chơi. Bởi anh biết tuổi trẻ không dài dặc, mà vô cùng ngắn ngủi. Nên từng chuyến đi rong là từng chuyến lộng lẫy thanh xuân, rực rỡ thanh xuân, nối dài thanh xuân vào muôn ngàn cát đá ngày sau. Những trải nghiệm riêng biệt khiến quyển du ký của Hữu Tài độc đáo và lạ lùng. Nơi anh đến không phải luôn là địa điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới như chúng ta thường thấy trong phần lớn các ấn phẩm du ký, mà có khi rất ngẫu nhiên, là Maastricht có cô bạn gái cũ anh thầm thương thời trung học, là nơi chẳng mấy ai tới du lịch nhưng người thầy địa lý năm xưa từng bảo “đáng để một lần đến thăm trong đời thay vì cứ du lịch đến các nước phương Tây giàu có” (Bầy muỗi đói ở Bangladesh, nơi người lái taxi ở Nepal, cậu bé dẫn đường ở Bangladesh bỗng dưng khơi gợi, Bangkok có một người-tình-hiện-tại đang chờ đợi, để sau chuyến bay là những cái hôn dài, cuống quýt, nồng nàn. Ở từng chốn du quan, anh cũng không hối hả đi cho hết những điểm thường được gắn mác “nhất định phải đến”, mà nhiều lúc chậm rãi nhấp ngụm trà chiều nước Anh trên đường phố Soho, bần thần u sầu sau cơn mưa hoang vu khi đứng trước ngôi mộ của người sinh ra Đức Phật nằm lẻ loi dưới bước chân trâu bò giữa phế thành Kapilavastu, “lang bạt với ba lô, máy ảnh, thêm vài ngàn baht trong túi, cùng với em ăn vỉa hè, nghỉ lề đường, tối về ký túc xá ngủ vùi chăn chiếu” (Chuyện tình Bangkokđể thấm thía Bangkok đời thường chứ không phải Bangkok của sex show, của phố đèn đỏ chuyển giới. Thành ra, với tập du ký này, người đọc sẽ không đi tham quan chỉ để ngắm nhìn và nhận biết cho thỏa tò mò, mà còn để xuyên qua chuỗi buồn – vui – lo âu – sợ hãi – hồi hộp – háo hức – mệt mỏi – chờ đợi – lưu luyến – thất vọng – thăng hoa – đắm đuối yêu đương hò hẹn… trên hành trình đi bụi của Tài. Cái duyên may là ở đâu anh cũng gặp được một người bản địa hoặc một người bạn, một người tình để có dịp trải nghiệm và thấu hiểu đời sống văn hóa, đời sống từng ngày. Có thể nói Đi rong trên những múi giờ mang lại thương hiệu “Tài tour” với một lịch trình có một không hai. Đặc biệt, cái nhìn của một người Mỹ gốc Việt hòa trộn trong mình cả hai nền văn hóa Đông – Tây sẽ soi chiếu từng vùng đất qua lăng kính khác biệt, khác biệt hẳn một người Việt thuần túy hoặc một người phương Tây thuần túy. 19 bài viết về các quốc gia nằm trải rộng trên ba châu lục (châu Á, châu Phi và châu Âusẽ không thôi khiến độc giả tò mò, ngạc nhiên, hứng khởi trước từng cánh cửa du quan hấp dẫn, để biết những điều mà có khi google và những tour du lịch không mang lại được, ví như: – Việc đầu tiên khi vào rạp chiếu phim ở Bangkok là gì? – Vì sao người Bangladesh múa tay liên tục như một vũ điệu và luôn mang theo vòng nhang? Và vì sao dưới cái nắng đỏ lửa 40 độ, đền Baitul Mukarram vẫn mát lạnh chân trần? – Tour “Jack the Ripper” khởi hành ở Durward Street gắn liền với sự kiện kinh hoàng nào ở London vào cuối thế kỷ 19? – Chúng ta sẽ nhìn thấy gì khi đứng ở đường kinh tuyến gốc Greenwich? – Đường biên giới ở châu Âu có gì đặc biệt? – Nơi Đức Phật ra đời bây giờ ra sao? – Đường vào kim tự tháp Kheops để chiêm ngưỡng quan tài của Pharaoh vĩ đại nhất Ai Cập có gì? – Xem bóng đá với người Hà Lan, Bỉ, Đức, Tây Ban Nha vào mùa cao điểm của World Cup thì sẽ bùng nổ như thế nào? – Công dân số một của Brussels là ai? Hơn nữa, gắn với từng trang du ký là những câu chuyện rất riêng tư của Tài mà chỉ Tài mới có, chỉ Tài mới kể được. Cái giọng hài tếu sẽ khiến người đọc cười ngất trước những tình huống oái oăm, những suy nghĩ hóm hỉnh của anh dọc đường gió bụi. Cái giọng ngậm ngùi, tui tủi sẽ khiến người đọc chùng xuống chạnh lòng như một mảnh khăn mỏng rơi lưng chừng cơn gió lặng bởi nỗi niềm của kẻ độc hành muôn đời tha hương ở xứ người. Ai đọc chín quyển sách đã xuất bản, hẳn thấm thía cái chất thuần Việt đậm đà trong chàng trai di cư sang Mỹ từ năm 18 tuổi. Đến quyển thứ 10 này, ở trong khung cảnh xê dịch qua 10 quốc gia khác nhau, chuyện gì ở đâu Tài cũng liên tưởng đến chuyện Ninh Hòa, chuyện Sài Gòn, chuyện Việt Nam được. Đi rong chơi qua bao đường biên giới, có cơ hội thưởng thức bao của ngon vật lạ mà người đời khao khát, nhưng niềm sung sướng nhất của anh là khi ngẫu nhiên tìm được xe bán mì xào với chai “xốt Sài Gòn” huyền thoại, để anh vừa hối hả ngấu nghiến ăn, vừa khóc ròng vì nhớ nhà giữa đường phố Amsterdam và Barcelona. Bởi vậy, người Việt đọc du ký của Tài sẽ khoái đến tận cùng, vì được anh dẫn dắt đến những chỗ có món ăn quê nhà, thỏa cơn thèm nước mắm trong những ngày phiêu dạt xứ xa. Cái chất thuần Việt đó khiến Hữu Tài đứng ngồi ở đâu cũng chăm chắm hướng đến đường kinh tuyến GMT+7, như Tài từng khiến một cô hướng dẫn viên ở Thái Lan bỏ nghề, chấp nhận đền tiền cho công ty để chạy về với cha mẹ vì trót đọc truyện ngắn của anh. Hòn sỏi thanh xuân trên hai bàn tay anh suốt đời muốn nằm im đấy, buồn vui như đá cuội, mất mát như cát bụi. Vì quê nhà không chỉ là nỗi nhớ để hướng về, mà còn lắm nỗi đau Tài mang theo. Nên anh lò cò làm cuộc cứu rỗi. “Tôi trở thành đứa trẻ mồ côi cả mẹ lẫn cha khi chưa tròn 29. Đó là tháng ngày đau buồn và tang thương nhất khi tôi mất hết động lực và niềm vui để sống. Tôi khóc rất nhiều, sụt cân, sức khỏe suy sút, bị suyễn quật ngã vào mùa đông năm đó. Gắng gượng mãi mới qua khỏi sau bao ngày thở chẳng ra hơi. Tôi nghĩ mình phải làm gì đó để khỏa lấp nỗi buồn vô hạn này. May mắn thay, những chuyến đi dọc ngang đã trở thành niềm cứu rỗi.” (Lối đi ngay dưới chân mình. Trong cuộc chơi trẻ thơ trên quả địa cầu này, Tài đi như muốn dát mỏng những buồn đau bao năm tháng đời mình, giăng móc những điều muốn quên đi lên từng kinh tuyến, vĩ tuyến và mua chuộc niềm vui với thú loanh quanh. Những nơi anh đến có thể ngẫu nhiên với người đời, nhưng tất nhiên với anh, đến không chỉ vì muốn biết, mà còn muốn một cuộc gặp để rót đủ những dở dang trong quá khứ, để lấp đầy niềm đam mê từ thuở ấu thơ. Bởi vậy đi chơi với anh, độc giả còn thấm thía cả chuyện đời, cả phận người. Du ký của anh không chỉ tả mà còn kể, không chỉ có cảnh mà có chuyện. Những câu chuyện dài hơn con đường thinh không trên bầu trời, con đường gập ghềnh trên mặt đất, quyến rũ người nghe đến bất tận. Lật một trang Đi rong trên những múi giờ nghĩa là độc giả đã cầm trên tay tấm vé “Tài tour” và sẽ miên du không dứt được. Đọc để đi và hiểu biết. Đọc để cười (vì Tài hóm và lí lắc lắm trên đường du kývà xả hết căng thẳng. Đọc để có thể khóc (vì Tài đa cảm và hay chạnh lòng mọi lúc mọi nơi. Đọc để thấy Nguyễn Hữu Tài, qua 10 quyển sách, vẫn vẹn nguyên là một “người tình” hấp dẫn của độc giả. Anh “người tình” giàu yêu thương và thông minh, luôn biết làm mình mới toanh mỗi khi hò hẹn. Anh “người tình” khéo chuyện, viết như thể đang khoác vai độc giả, rủ ngồi xuống cà phê lề đường, rồi rủ rỉ xôn xao kể, mà khóc mà cười suốt cuộc tri âm. Hồ Khánh Vân Giảng viên Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh