🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Có 500 Năm Như Thế - Hồ Trung Tú full prc pdf epub azw3 [Lịch Sử]
Ebooks
Nhóm Zalo
CÓ 500 NĂM NHƯ THẾ - IN SUCH A 500 YEARS Bản sắc Quảng Nam và Đàng Trong từ góc nhìn phân kỳ lịch sử. Hồ Trung Tú
Bản quyền tiếng Việt ©Hồ Trung Tú 2017.
DẪN NHẬP
Lịch sử Nam tiến của người Việt Nam trải dài suốt từ thời nhà Lý đến các vua Nguyễn; các năm 1306, 1471 thường được nhắc tới như chỉ là những cột mốc đánh dấu cái dòng chảy rất đều, không ngừng nghỉ của các đoàn người Nam tiến. Thực ra nếu nhìn kỹ vào từng giai đoạn ta sẽ thấy cái dòng chảy ấy không đều như đã nghĩ. Nó có những lúc dữ dội để chiếm hữu, lúc lắng lại để định hình, lúc thì nếp ăn nếp ở ngôn ngữ phong tục thiên về Chàm, lúc thì chuyển hẳn sang Việt. Ở đây chúng tôi xin đưa ra một cách phân kỳ để thử xác định ý nghĩa và dấu ấn của mỗi giai đoạn mà nó để lại trên mỗi tiến trình lịch sử, qua đó có thể ít nhiều hiểu được, và thử dựng lại những gì đã xảy ra trong suốt 500 năm (1306 đám cưới Huyền Trân đến 1802 khi Gia Long lên ngôi) dài dằng dặc ấy.
Ví dụ như giai đoạn lịch sử này, quan hệ Việt - Chàm có điều gì đó rất lạ, nó vừa thân thiết như người nhà lại vừa dữ dội như hai kẻ thù không đội trời chung: Năm 1370, sau cuộc loạn Dương Nhật Lễ, mẹ Nhật Lễ trốn sang Chiêm Thành, bày tỏ tình hình suy yếu của nước Đại Việt và xui Chế Bồng Nga sang đánh Việt. Thế nhưng chỉ sau đó vài năm, 1390, khi Chế Bồng Nga chết ngay trên chiến thuyền khi tiến đánh Đại Việt, con Chế Bồng Nga là Chế Ma Nô Đà Nan bị La Khải cướp ngôi đã sang Việt cầu cứu. Phong Chế Ma Nô Đà Nan làm Hiệu chính hầu. Đến 1407, khi nhà Minh bắt được Hồ Quý Ly, Chiêm Thành cất quân thu lại đất cũ, dân di cư (Việt vào dưới thời Hồ) sợ chạy tan cả(1), các tướng lĩnh Đại Việt như Hối Khanh, Nguyễn Rỗ đều bỏ chạy cả, chỉ một mình Ma Nô Đà Nan chống nhau với Chiêm Thành, thế cô sức núng, bị người Chiêm giết chết! Trớ trêu thay, đây lại là con của Chế Bồng Nga! Làm sao để hiểu hiện tượng này?
Quan hệ Việt - Chàm giai đoạn này quả thật có điều gì đó rất lạ, không giống như ta thường hình dung rạch ròi địch ta lâu nay! Đó là
tầng lớp chính trị, tầng lớp mà ý thức dân tộc, tự hào dân tộc của họ thường mạnh mẽ, thế nhưng ở đây hình như khái niệm dân tộc không còn rạch ròi như ta vẫn thường hình dung. Phải chăng ở mức độ nào đó các khái niệm Chàm - Việt khá là gần gũi chứ không phải chỉ có ta địch? Vậy ở tầng lớp bình dân, nhân dân lao động không quan tâm mấy đến chính trị thì sao? Hẳn các tộc người, các làng Việt - Chàm ở cạnh nhau cũng không phải là điều gì không thể xảy ra.
Vết tích văn hóa Chămpa trong đời sống người Quảng Nam thì nhiều lắm, vật thể thì ở đâu cũng thấy những đền tháp hoặc móng gạch Chàm, ở đâu cũng thấy những Lùm Bà Giàng, miếu Hời, lăng Pô Pô phu nhân, Thiên Y A Na… Phi vật thể thì trước hết phải kể đến những làn điệu dân ca, hát ru, và sau đó là những lễ hội phong tục như thờ cúng cá voi, hát bả trạo, các món ăn, khẩu vị, tính cách, phong tục tập quán. Và trong đó dấu ấn hẳn không thể bỏ qua là giọng nói.
Nhiều người không hiểu cái giọng nói của người Quảng Nam nó xuất phát từ đâu trong khi tất cả các gia phả của các dòng họ đều ghi rõ rằng thủy tổ của họ là người Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương… vào đây. Giáo sư Trần Quốc Vượng bảo: “Thì các cụ vào đây đâu có đem vợ con đi được nên lấy vợ Chàm rồi sinh con đẻ cái là cái chuyện hết sức bình thường, vấn đề là các bà mẹ Chàm nói tiếng Việt ấy đã truyền lại cho con cái mình cái giọng của người Chàm nói tiếng Việt. Cái giọng đó chính là giọng Quảng Nôm nhà cậu”(2). Bằng chứng về cái chuyện trai Việt lấy gái Chàm thì nhiều lắm: Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân hay nói về hình ảnh ông Ba Bị của vùng Quảng Bình, Quảng Trị. Hồi đó các cụ nhà ta đi vào Nam vợ con tất cả đều phải để lại chỉ mang theo một đứa con trai. Một bị cõng con, một bị lương thực và một bị quần áo. Cái hình ảnh của những đoàn người ra đi vào Nam khắc khổ và lặng lẽ ấy đủ sức dọa bất cứ đứa trẻ khóc dai, khó bảo nào. Vào đây những đứa con trai ấy lớn lên lấy ai làm vợ nếu không phải là các cô gái Chàm? Suy luận logic là vậy, thế nhưng chúng ta vẫn có được một bằng chứng khá hay ngay trong Sử ký Toàn thư, đó là Chiếu dụ của vua Lê Hiến Tông năm 1499 (28 năm sau khi Lê Thánh Tông bình Chiêm): Kể từ nay, trên từ thân vương, dưới đến dân chúng, đều không được lấy đàn bà con gái Chiêm Thành làm vợ, để cho phong tục được thuần hậu(3). Dĩ nhiên lấy đó làm bằng chứng người Việt không lấy vợ Chàm thì thật ngớ
ngẩn, đó chẳng qua là vì người ta lấy vợ Chàm quá nhiều, thành phong trào từ thân vương đến dân đen, nên mới có cái chiếu dụ như thế!
Trước đó năm 1403, dưới triều Hồ Hán Thương đã phát động nhiều đợt di dân vào vùng Quảng Nam lập nghiệp. Triều đình tổ chức cho thuyền chở phụ nữ vào làm vợ cho những di dân nhưng giữa đường bị bão đánh, tất cả đều bị chìm chết!(4) Ý định tạo những dòng họ thuần Việt bất thành! Thế thì hóa ra tất cả những người Quảng Nam hiện nay đều mang trong người năm mươi phần trăm dòng máu của người Chàm? Và còn hơn thế nữa họ đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm! Dĩ nhiên sự kiện này không đại diện được cho cả 500 năm hình thành bản sắc Đàng Trong, thế nhưng nó cũng cho thấy ngay từ đầu ý thức “Đại Việt”, một cái gì đó “thuần Việt” cũng đã hình thành và ít nhiều nó cũng đã định hình một thái độ thiếu bình đẳng với người bản địa; điều đó không khỏi tác động đến sự xung khắc khi hai cộng đồng người sống cạnh nhau kéo dài nhiều trăm năm sau đó.
Ở Quảng Nam nhiều người vẫn bảo giọng nói khác nhau là bởi nước uống. Có làng như làng Thanh Quýt, chỉ một con đường làng không vừa lối cho một chiếc xe bò nhưng bên này đường thì nói mô, tê, răng, rứa còn bên kia đường thì đâu, kia, sao, dậy… Giọng nói của người Quế Sơn, Tiên Phước thì khác xa lắm với giọng nói của người Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An. Ngay ở Đà Nẵng mà người “bên tê sông” bao gồm bốn phường: Nại Hiên Đông, Mân Thái, Thọ Quang, An Hải Tây vẫn giữ cái giọng nói không giống với bất cứ cái giọng nói nào của người Quảng. Tại sao thế? Do nước uống chăng?
Trong 500 năm từ 1306-1802, đối với người Chàm ở lại thì kinh đô đã dời vào Đồ Bàn. Hệ thống hành chính, chính trị coi như không còn nhưng điều đó đối với đa số nhân dân là chuyện xa lạ. Họ vẫn ở lại với những làng Chàm của họ. Người Việt đến cũng quần cư trong những ngôi làng Việt mới mở. Có thể là làng này cách làng kia chỉ một con đường làng nhỏ. Có thể là bên này áo dài khăn đóng, bên kia là sa-rông khăn vấn. Có thể là bên này kiêng thịt bò còn bên kia thì mỗi lần mổ bò lại trống chiêng inh ỏi. Có thể là bên này bảo Siva mới là chúa tể của tất cả, còn bên kia thì cãi, không, Ngọc Hoàng Thượng Đế mới là trên hết. Có thể là họ lườm nhau, nguýt nhau, cãi nhau suốt 500 năm như thế. Biết làm sao được, đó là cuộc va chạm
giữa hai nền văn minh khổng lồ của nhân loại là Ấn Độ và Trung Hoa. Và phải chăng cú va chạm nảy lửa ấy vẫn còn để lại dấu vết đâu đó trong tâm hồn người Quảng Nam? Họ như luôn phải khẳng định một điều gì đó, trung thành với một niềm tin nào đó. Không thế họ không sống được, họ như cảm thấy thất bại và không tồn tại. Phải chăng họ hay cãi cũng vì thế? Biết làm sao được, họ đã có cả một lịch sử dài đến 500 năm để cãi nhau kia mà!
Hình ảnh da báo của các ngôi làng Chàm và Việt ấy ta còn thấy đến giữa thế kỷ XVI, trong “Ô Châu cận lục” có viết “Làng Thủy Bạn nói tiếng Chiêm. Gái Giáng La thì mặc áo Chàm, trai thì cầm quạt tàu”. Cái hình ảnh này đã được một người Anh vẽ lại rất rõ trong một bức tranh vẽ một nhóm người An Nam ở một làng gần vịnh Đà Nẵng (có thể hiểu là vùng cửa sông thuộc phường Nại Hiên Đông ngày nay) vào cuối thế kỷ XVIII với sà-rông, khăn vấn turban trên đầu. Như vậy là đến cuối thế kỷ XVIII vùng Nại Hiên Đông, Đà Nẵng vẫn còn rất đông người hoàn toàn mặc đồ Chàm. Họ có hoàn toàn nói tiếng Chàm không? Không ai biết nhưng ít nhiều nó lý giải được tại sao đến giờ người “bên tê sông” vẫn nói bằng cái giọng lạ như thế. Ở Thanh Quýt, và Tiên Phước, Quế Sơn tình hình cũng có thể là đã diễn ra như vậy: Có một số làng Chàm chỉ chịu chuyển sang nói tiếng Việt về sau này, chậm nhất là cuối thế kỷ XVIII, chứ không phải tất cả đều từ 1306 hoặc 1471.
Quả thật là sẽ sai lầm nếu ta cứ mãi cường điệu cái tính cách của người Quảng Nam lên rồi cố công lý giải cái điều mà phần lớn sự thật hình thành nên do tưởng tượng, do sự nồng nhiệt với vùng đất quê hương, do sự cường điệu những điều mà thật ra ở đâu cũng có, ví như đất địa linh nhân kiệt, đất học, đất văn vật, đất trung tâm văn hóa, đất ngã ba đường…
Rõ ràng sự nghiên cứu văn hóa địa phương sẽ không nhích lên một bước nếu ở đâu và bao giờ chúng ta cũng cứ lặp đi lặp lại những mỹ từ vừa nói cho mỗi vùng đất mà không thử tìm hiểu căn nguyên của tất cả những điều đó, nó xuất phát từ đâu, hình thành và phát triển lên như thế nào…?
Mà thật ra sự hình thành tính cách, giọng nói của người Quảng Nam cũng sẽ không có một chút nghĩa lý nào cả nếu qua đó chúng ta không rút ra được điều gì to lớn hơn cái ý nghĩa địa phương chí của nó, không góp phần làm rõ hơn cái bản sắc mà qua đó nó có thể
đóng góp cho sự phát triển của vùng đất nói riêng và của cả đất nước nói chung.
Bằng phương pháp phân kỳ lịch sử Nam tiến của dân tộc, qua những biến cố lịch sử đã xảy ra trên vùng đất này, và điều quan trọng nhất là xác định thời gian của mỗi giai đoạn, xác định cái độ dài thời gian cần thiết để mỗi sự kiện diễn ra có đủ điều kiện để có thể để lại những dấu ấn của nó trong đời sống, trong tâm hồn của mỗi cư dân rồi định hình một tính cách trên hậu duệ của họ ở vùng đất này.
Cái phương pháp phân kỳ ở đây thật ra cũng không có gì mới so với tất cả những gì nhiều người đã nói trước đây, chỉ có điều nếu trước đây người ta chỉ nêu lên các mốc thời gian của các sự kiện mà ít để ý đến quãng thời gian đã trải qua giữa hai sự kiện, trong khi điều đó là vô cùng quan trọng để sự tiếp thu, tiếp biến, giao lưu văn hóa diễn ra rồi hình thành và cố định một tính cách bền chắc, không chịu biến đổi trong các giai đoạn sau.
Ví dụ như ít người để ý rằng kể từ khi Bắc Quảng Nam thuộc vào Việt từ 1306 đến khi vùng đất này có dinh trấn đầu tiên, có cơ quan quyền lực chính thức đại diện cho triều đình Đại Việt năm 1602, là 300 năm đã diễn ra. 300 năm không chính quyền(5)trên một vùng đất nhiều dân tộc mà các dân tộc này người ta đã từng đánh nhau, hoặc nhà nước của các dân tộc này đã từng đánh nhau chí tử suốt nhiều trăm năm trước đó. Điều gì đã xảy ra trong suốt 300 năm ấy? 300 năm là ngắn hay dài? Đó là quãng thời gian để hình thành nên nền văn hóa châu Mỹ La Tinh độc đáo trên cơ sở của ba nền văn hóa khá khác nhau là Châu Phi, Châu Âu, và Châu Mỹ bản địa. 300 năm chí ít là 12 thế hệ đã trôi qua! Những người con của đời thứ 12 có biết ông bà tổ tiên đời thứ nhất của mình sống ra sao, yêu ghét cái gì, ý thức dân tộc cộng đồng như thế nào, thậm chí ông bà họ là dân tộc gì, họ có phải là người đã quên nguồn gốc hay chưa, hay đã hòa nhập vào cộng đồng dân tộc Đại Việt mà họ không một chút ý thức? Đó vẫn luôn là những sự kiện quan trọng buộc chúng ta phải có cái nhìn thấu đáo hơn cũng như phải cân nhắc và trả lại cho nó những vai trò, vị trí xứng đáng của nó trong tiến trình hình thành lịch sử của dân tộc. Và thậm chí, sau khi tiếp cận với các nguồn tư liệu chúng tôi đã nhận ra không phải là 300 năm như cảm nhận ban đầu mà thực sự là đã có 500 năm đằng đẵng (1306-1802) để hoàn thành một cuộc hòa nhập khó diễn tả hết những nét bi hùng của nó.
Một ví dụ khác, sự kiện Chúa Nguyễn cho xây lũy Trường Dục(6) đóng vai trò như thế nào trong lịch sử? Ai cũng biết rằng đó là một chiến lũy nội bất xuất ngoại bất nhập(7) nhưng ít người để ý rằng kể từ khi có lũy Trường Dục 1630 thì các cuộc di dân cũng có nghĩa là chấm dứt. Lúc này thì cho dầu miền Thanh-Nghệ, Hải Dương có mất mùa đói kém thế nào đi nữa thì dân di cư cũng không thể vào Nam cho dầu họ đã có một số thân bằng quyến thuộc vào trước. Thực tế cho thấy là các năm sau 1630 các cuộc di dân đều đã đi lên vùng biên giới phía bắc. (Trong Thanh Thực Lục thì giữa các năm 1738 và 1743 người Việt Nam vượt biên giới sang Trung Hoa vào các tháng 6 và 8 năm 1742, rồi vào tháng 2 và 4 năm 1743. Thanh Thực Lục đề cập nhiều đến việc người Việt bán con cho người Trung Hoa vì đói kém)(8). Việc này bản thân nó cũng chỉ là một sự kiện lịch sử đơn thuần nếu ta không nhận thấy từ nó một điều rằng chính nhờ sự chia cắt tuyệt đối này, sự cắt đứt hoàn toàn các mối quan hệ với vùng “quê cha đất tổ” ở phương Bắc mà Đàng Trong đã dần ổn định một tính cách, một vùng ngôn ngữ, hay nói cách khác, trên vùng đất mới với nhiều cộng đồng người với nhiều nền văn hóa khác nhau đã tổng hòa nên một sắc thái văn hóa mới không còn giống với nguyên quán. Sự cắt đứt này kéo dài 150 năm từ 1630 đến khi Nguyễn Huệ thống nhất đất nước giữa năm 1786. 150 năm là gần 6 đời, thời gian đủ để xóa nhòa các nét văn hóa được những người đầu tiên cố gắng bảo tồn, nếu như con cháu họ không muốn bảo tồn! Hãy nhìn vào các thế hệ thứ hai, thứ ba trở đi của các con cháu người Việt ở các nước Âu Mỹ, chúng ta sẽ hình dung được phần nào điều gì xảy ra nếu văn hóa bị cắt đứt, mất giao tiếp với nguồn cội trong suốt 140 năm!
Khi nghiên cứu các giai đoạn lịch sử của Đàng Trong nhiều người đã phải dừng lại các công cuộc tìm hiểu bởi các sử liệu để lại như đã nói là quá sức hiếm, hiếm đến mức mỗi giả thiết đưa ra đều khó lòng tìm được đủ cứ liệu để chứng minh. Chính vì thế trong suốt một thời gian dài công cuộc nghiên cứu lịch sử Đàng Trong hầu như chỉ dừng lại ở việc thống kê, dựng lại lịch sử các triều đại và đôi nét về đời sống kinh tế xã hội của Xứ Đàng Trong. Công cuộc Nam tiến được diễn giải và được hiểu như là một đường thẳng tiệm tiến, sự khó khăn của những di dân tiên phong chỉ được hiểu là sự khó khăn của người đến nơi hoang vu, rừng thiêng nước độc, không bóng người, họ là những người Việt nguyên gốc với tất cả cái nền bản sắc văn
hóa của đồng bằng Bắc bộ. Thế nhưng cái mô hình phát triển này đã ngày càng bộc lộ nhiều điều thiếu sót, không thể giải thích được nhiều hiện tượng thực tế của vùng Quảng Nam; ví dụ như: Người Quảng Nam có tiếp thu nhiều điều từ nền văn minh Chămpa, thế nhưng thử hỏi họ tiếp thu cái gì ở chỗ không người? Đi tìm câu trả lời cho tất cả những điều như thế quả thật không dễ, nhất là trong tình hình các cứ liệu là quá sức hiếm.
Với cái nhìn phân kỳ chúng ta cũng sẽ có thái độ đúng đắn hơn với các nguồn tư liệu, đơn giản là vì không có bất cứ tư liệu nào đủ phản ảnh được toàn bộ quãng thời gian dài suốt 500 năm. Có thể lúc này, nơi kia người Chàm bỏ chạy nhưng nơi khác lại không thế. Có thể chỗ này người Việt di cư chạy tan cả khi Chiêm Thành cất quân thu lại đất cũ, nhưng chỗ kia, lúc khác thì người Việt vẫn ở lại cùng người Chàm mà không hay chính quyền đã thay đổi.
Trước đây, khi tìm thấy những bản văn “Bắc địa tấu từ” tương truyền là những bản báo cáo của những di dân về những ứng xử với người Chàm gửi ra triều đình Thăng Long; trong đó nói nhiều về chuyện dùng những mưu chước, như thi xây tháp, người Việt xây tháp bằng tre bồi giấy, người Chàm xây tháp bằng gạch nên thua, để lấy đất của người Chàm. Hoặc như giới nghiên cứu khá hào hứng với những gia phả cổ xưa khả tín của người Chàm hoặc người Việt vào sớm và xem đó như là bức tranh chân thực về lịch sử Nam tiến mà không hay rằng trong không gian khác, thời gian khác chuyện có thể đã xảy ra không như vậy. Các bạn có thể thấy trong sách, tư liệu được sử dụng nhiều nhưng không một tư liệu nào gọi là một tư liệu “đinh”, quan trọng nhất phản ảnh được toàn bộ 500 năm của một cuộc giao hòa văn hóa. Điều rút ra ở đây là góc nhìn với vấn đề, còn tư liệu chỉ giúp ta hình dung nên câu chuyện, bối cảnh xã hội lúc đó không hơn không kém.
Lịch sử Chămpa, lịch sử xứ Đàng Trong hầu như đã được các nhà nghiên cứu đi trước làm xong với nhiều công trình công phu rất đáng để chúng ta khâm phục như “Lịch sử Chămpa” của Maspéro; “Lịch sử Xứ Đàng Trong” của Phan Khoang; hoặc như công trình nghiên cứu cụ thể hơn về chính trị, xã hội của Li Tana trong “Xứ Đàng Trong - Lịch sử Kinh tế - Xã hội Việt Nam Thế kỉ 17 và 18”… Ở đây chúng tôi không lặp lại những sự kiện lịch sử ấy mà đi sâu phân tích các sự kiện lịch sử đó hầu cố gắng tìm ra những bằng chứng đủ sức thuyết
phục, hoặc giải thích được các vấn đề về bản sắc người Quảng Nam nói riêng và Xứ Đàng Trong (các tỉnh Nam Trung bộ và cả đến miền Nam) nói chung.
Không để bị ràng buộc quá nhiều vào các cứ liệu, trên cơ sở những sử liệu đã có chúng tôi mạnh dạn đưa ra những giả định trên cơ sở những lập luận logic. Dĩ nhiên điều này thật khó tìm được sự đồng tình nhưng bù lại chúng tôi vẫn tin rằng điều này sẽ đẩy các cuộc nghiên cứu sau này thoát khỏi vạch xuất phát, thoát khỏi sự nghiên cứu lịch sử đơn thuần, để từ đó có thể đem lại những hiệu quả cụ thể trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Quảng Nam, những hiệu quả cụ thể trong sự nghiên cứu các tộc họ, các gia phả. Và điều quan trọng nhất là qua đó chúng ta có thể hiểu được rằng lịch sử bản thân nó, với những câu chuyện, sẽ không là gì cả vì ở đâu mà không có những câu chuyện, cái quan trọng là qua lịch sử đó chúng ta hiểu được bản sắc của vùng đất ấy, dân tộc ấy.
Và đó, bản sắc lịch sử, có thể nói là phương pháp chính của chúng tôi khi khảo sát các giai đoạn lịch sử đã diễn ra trong quá trình Nam tiến của dân tộc trên vùng đất Quảng Nam này. Nói đúng và dễ hiểu hơn, chúng tôi tập trung nhiều sự chú ý của mình vào các sự kiện có khả năng tạo nên bản sắc.
(1) Đại Việt Sử ký toàn thư - Viện Khoa học xã hội Việt Nam. NXB. Khoa học Xã hội, 1988, tập 2, trang 219 (kể từ đây xin được viết tắt là SKTT). (2) Những trích dẫn lời cố Giáo Sư Trần Quốc Vượng ở đây đều là những lời ông giảng hoặc nói chuyện mà chúng tôi được nghe chứ chưa thấy ông viết ra ở công trình nào. Tuy vậy, đây thực sự là những cảm hứng chính để chúng tôi đi sâu hơn tìm hiểu những gì mà bằng trực cảm ông đã nhìn thấy. Và đó cũng là cảm hứng chính để chúng tôi hoàn thành tập sách này.(3) Chiếu dụ tháng 8 ngày 9 năm Cảnh Thống thứ 2 1499. SKTT. NXB Khoa học Xã hội, tập 3, trang 17. (4) SKTT, tập 2, trang 204: Năm 1403 Hán Thương đem những người không có ruộng mà có của đến Thăng Hoa (Nam Quảng Nam, Nam sông Thu Bồn đến giáp Quảng Ngãi nay), biên chế thành quân ngũ. Quan lại ở các lộ, phủ, châu, huyện chia đất cho họ ở. Người ở châu nào thì thích hai chữ tên châu ấy vào hai cánh tay để làm dấu hiệu. Đến năm sau đưa vợ con đi theo, giữa đường bị bão chết đuối, dân phần nhiều ta oán. (5) Thật ra cũng có nhưng đó chỉ là những chính quyền hành chính mờ nhạt, chủ yếu tập trung ở các vùng thị trấn dọc đường quốc lộ. Ngay vị tổng trấn danh tiếng cuối cùng trước khi Nguyễn Hoàng vào nam là Bùi Tá Hán khi mất cũng được Đại Việt Sử ký Toàn Thư gọi là Thổ quan, cũng đủ cho ta hình dung chính quyền cai trị của Đại Việt trên vùng đất này sau 1471 cũng không phải là một chính quyền chặt chẽ cho lắm. (6) Năm Canh Ngọ 1630, ông Đào Duy Từ chủ xướng việc thiết kế và chỉ đạo xây dựng hai công trình phòng thủ quan trọng là lũy Trường Dục ở huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình (1630) và lũy Thầy từ cửa sông Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu (Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), kể từ đây xin gọi chung là lũy Trường Dục. (7) Xem thêm các dẫn chứng ở các chương nội dung. (8) Dẫn theo Li Tana, Xứ Đàng Trong, NXB Trẻ năm 1999, trang 40.
A - PHẦN XÂY DỰNG CÔNG CỤ
I. ĐỊA GIỚI
Ban đầu, giới hạn không gian mà chúng tôi dự định khảo sát là nguyên vẹn tỉnh Quảng Nam bao gồm thành phố Đà Nẵng hiện nay, kéo dài từ Nam đèo Hải Vân đến hết huyện Núi Thành; thế nhưng trong quá trình nghiên cứu chúng tôi nhận ra sông Thu Bồn, tức sông Chợ Củi trong các thư tịch cổ, thực sự đóng vai trò quan trọng, phân chia tỉnh Quảng Nam ra làm hai phần Bắc Quảng Nam và Nam Quảng Nam với những đặc điểm lịch sử không thể nhập làm một.
Đó chính là vì Bắc sông Thu Bồn(9) đến Nam Hải Vân đã thuộc Việt ngay từ 1306, còn Nam sông Thu Bồn chỉ thuộc vào Việt kể từ 1402, nhưng chỉ trong vòng 5 năm rồi sau đó trở lại với Chămpa, mãi đến 1471 mới thực sự thuộc vào Việt vĩnh viễn. Gần 170 năm là quãng thời gian quá dài để đến nay ta thấy giọng nói của người Quảng Nam ở Nam sông Thu Bồn (bao gồm các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Tiên Phước, Hiệp Đức, Tam Kỳ, Núi Thành) khác khá rõ với giọng nói người ở Bắc sông Thu Bồn (bao gồm các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An và TP Đà Nẵng). Sự khác nhau này rõ ràng là biểu hiện của 170 năm chia cắt, chúng ta sẽ khảo sát kỹ hơn trong chương nói về giọng nói người Quảng Nam.
Đèo Hải Vân, sông Thu Bồn và những địa danh được đề cập đến.
Sự khác biệt này mạnh mẽ đến mức sau 1471, khi đất nước đã kéo dài đến hết tỉnh Bình Định. Lê Thánh Tông phân chia lại các đơn vị hành chính thì Bắc Quảng Nam vẫn thuộc Thuận Hóa bất kể sự trở ngại do đèo Hải Vân gây ra. Thậm chí điều này còn tiếp tục mãi cho đến 1604 Bắc Quảng Nam mới tách khỏi Châu Hóa thuộc vào Quảng Nam đến ngày nay.
Dưới góc nhìn này, chúng ta thấy quả thật, sông Thu Bồn đã đóng một vai trò không hề nhỏ trong suốt chiều dài lịch sử, góp phần tạo nên những vùng bản sắc khác nhau, không thể bỏ qua trong bất cứ nghiên cứu nào về tỉnh Quảng Nam.
Trong lịch sử, trước khi thuộc Việt, đây là vùng đất thuộc Chiêm Thành(10), một quốc gia gồm nhiều vương triều hình thành từ thế kỷ II sau công nguyên kéo dài đến thế kỷ XV-XVI. Trước thế kỷ X kinh đô Chiêm Thành đóng ở vùng Trà Kiệu nay thuộc xã Duy Sơn huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam. Các nhà nghiên cứu đất nước Chămpa người Pháp và cả các nhà nghiên cứu sau này, đều hầu như thống nhất rằng các giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của đất nước Chiêm Thành chính là thời kỳ mà kinh đô còn đóng trên vùng đất Quảng Nam hiện nay. Điều này chắc chắn sẽ có một số ý nghĩa nhất định nào đó tác động đến bản sắc lịch sử để hình thành nên bản sắc văn hóa của vùng đất này.
Năm 1306, thời Trần, vùng đất này sáp nhập vào Đại Việt, thuộc châu Hóa (lỵ sở thành Hóa Châu đóng ở ngoại ô thành phố Huế hiện nay); trở thành huyện Điện Bàn thuộc thừa tuyên Thuận Hóa thời Lê, phủ Điện Bàn thừa tuyên Quảng Nam thời chúa Nguyễn; ngày nay là địa bàn các huyện và thành phố như đã nói.
Khoanh sự khảo sát lại ở vùng Bắc Quảng Nam chúng tôi cũng đã chọn lấy vùng đất mà sự tranh chấp giữa Đại Việt và Chămpa diễn ra quyết liệt và dai dẳng nhất. Các tỉnh như Quảng Ngãi, Bình Định sự tranh chấp cũng có xảy ra nhưng đã không quyết liệt và dai dẳng bằng. Trong 100 năm đầu tiên, 1306 - 1402, người Việt là số ít, hoàn toàn chịu ảnh hưởng của người Chàm. Nhưng trong 7 năm dưới thời nhà Hồ thì người Việt tràn vào với số đông và hoàn toàn cai trị vùng đất này. Thế nhưng khi thuộc Minh thì người Chàm lại hoàn toàn làm
chủ đất này cho đến 1471 Lê Thánh Tông bình Chiêm thì người Việt mới quay lại thực sự quyền thống trị. Sau 1471 thì người Việt lại nắm lấy quyền lực nhưng chính quyền chưa đủ mạnh để có thể hoàn toàn điều khiển xã hội, các tổng trấn đều được gọi là “thổ quan” như trường hợp Bùi Tá Hán trong Sử Ký Toàn thư đã gọi. Đây là giai đoạn hai cộng đồng Việt - Chàm sống tương đối bình đẳng với nhau cho đến khi Nguyễn Hoàng vào Nam. Ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định sự việc có thể cũng đã diễn ra một cách tương tự nhưng chắc chắn là ở cấp độ ít gay gắt hơn vì người Chàm luôn là số đông; người Việt vào trước 1402 xem như rất ít, không đáng kể. Sau 1402, 7 năm dưới thời nhà Hồ người Việt có vào nhưng có lẽ rút đi nhanh chóng khi nhà Hồ sập. Ở các tỉnh này hoàn toàn không tìm thấy dòng họ nào có số đời 25-27 như một số tộc họ ở Quảng Nam. Người Việt thực sự đến các tỉnh này kể từ sau 1471 và từ ít đã nhiều lên dần bên cạnh số lượng người Chàm đông đúc. Những nhận định này rõ ràng cần được chứng minh. Xin xem các chương nội dung.
Ở bề ngang chúng ta cũng cần phải xác định biên giới khảo sát. Các sử liệu và ghi chép đã biết đều chủ yếu tập trung vào mô tả đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của các vùng dân cư thị tứ ven biển và hầu như bỏ qua các vùng nông thôn xa về phía tây, nhất là các xã, huyện thuộc vùng trung du như Tiên Phước, các xã miền tây huyện Quế Sơn, các xã vùng B huyện Đại Lộc.
Chạy suốt chiều dài ven biển tỉnh Quảng Nam hiện nay là sông Trường Giang. Đây là con đường giao thông huyết mạch quan trọng và chủ yếu của Đại Việt và Đàng Trong trong tất cả các thời kỳ. Các tàu bè giao thông đường thủy nội địa thường chọn con đường trên các sông hoặc đầm phá ven biển. Phủ Biên Tạp Lục cho thấy con đường thiên lý lúc ấy là những chặng đi bộ nối tiếp những chặng đi ghe, thuyền. Dọc sông Cổ Cò từ Đà Nẵng vào Hội An, cũng như sông Trường Giang từ Hội An vào đến Bến Ván, Núi Thành hiện nay chúng ta còn nhìn thấy rất nhiều ngôi mộ cổ của người Việt giai đoạn thế kỷ XV đến XVII. Chùa Vạn Đức, một trong những chùa cổ nhất ở Hội An xây dựng đầu thế kỷ XVII đã có hướng chính là hướng ra sông Cổ Cò. Khi sông Cổ Cò bị bồi lấp chùa mới sửa hướng theo đường bộ như chúng ta thấy hiện nay. Trên cái trục giao thông đường thủy quốc gia này các làng xóm, thị tứ đã hình thành và được ghi chép, mô tả trong tất cả các sử liệu trong nước cũng như các ghi
chép của các thương nhân, tu sĩ phương Tây mà chúng ta đã biết, về vùng đất này.
Trong khi đó, cách sông Trường Giang, sông Cổ Cò chừng trên dưới 20 cây số về phía tây, các làng xóm dân cư đều vắng bóng trong tất cả các sử liệu hoặc các ghi chép đã biết. Chúng ta không có cứ liệu để có thể nói rằng khi người Việt đến các vùng đất này, cho dù là thời kỳ nào đi nữa, thì đó là vùng rừng núi hoang vu, và họ là người đầu tiên đến để khai phá hay nơi đó đã có những làng xóm của người Chàm đã sinh sống hàng trăm năm trước đó. Chúng ta gặp rất nhiều những câu như: Thủy tổ dòng họ, đã đến nơi này khai canh lập ấp, khẩn hoang lập điền, v.v… trong hầu hết các gia phả ở Quảng Nam, nhưng không phải vì thế mà chúng ta tin rằng họ đã thực sự đặt chân đến một nơi hoang địa, rừng rú rậm rạp, không bóng người. Người Chàm đã sinh sống trên vùng đất này từ nhiều trăm năm trước và dấu vết của họ để lại có thể nói là khắp nơi. Làng Thanh Quýt dày đặc các di tích Chàm, vùng B Đại Lộc cũng nhiều lắm những “mỏ” gạch Chàm chìm trong đất. Không thể nói những vùng đất đai trù phú, màu mỡ ấy người Chàm đã bỏ đi hết khi người Việt đến. Họ có ở lại hay không và họ ở lại những đâu, đến năm nào thì mới thực sự biến mất? là những câu hỏi sớm hay muộn cũng cần phải được trả lời. Dấu ấn những người ở lại khi va chạm với cộng đồng người Việt không khỏi đã để lại những dấu vết (nếu ta hình dung đó là hai cộng đồng tộc người không thể hòa nhập) là như thế nào?
Và đó là mục đích mà chúng ta sẽ cố công tìm hiểu, hay chí ít, đặt những viên đá đầu tiên trên con đường tìm hiểu những gì đã xảy ra trên vùng đất này suốt từ 1306 đến 1802.
(9) Sông Thu Bồn hiện nay hạ lưu chia làm hai nhánh là sông Thu Bồn và sông Bà Rén. Chưa có khảo sát địa mạo để biết cách nay 700 năm dòng chính sông Thu Bồn chảy theo hướng nào, tức biên giới Đại Việt sau đám cưới công chúa Huyền Trân, thế nhưng theo những nét khác nhau trong ngữ âm của Bắc và Nam sông Bà Rén chúng tôi xin chọn sông Bà Rén là giới hạn phía Nam không gian khảo sát (tức thêm vào không gian khảo sát huyện Duy Xuyên vì rõ ràng giọng nói, ngữ âm của người Duy Xuyên là hoàn toàn trùng khớp với giọng nói, ngữ âm của người Bắc Quảng Nam). Hơn nữa sông Bà Rén trước đây còn có tên là sông Ly Ly, theo chữ Hán, Ly có nghĩa là lìa ra, bờ rào, phên giậu… và theo chúng tôi điều đó không phải là không có nghĩa đối với dòng sông có vai trò chia cắt đất nước Chămpa (chí ít là trong mắt người Chămpa giai đoạn đó) suốt 170 năm (1306-1471). (10) Trước nữa, theo các kết quả nghiên cứu khảo cổ học thì vùng đất này đã có người cổ thuộc thời đá mới sinh sống, nối tiếp theo đó là nền văn minh Sa Huỳnh rực rỡ mà dấu vết của nó trải rộng trên hầu hết địa bàn tỉnh Quảng Nam từ biển lên đến vùng núi cao. Theo các dấu vết khảo cổ, nhất là các đợt điền dã, khảo cổ của Giáo sư Trần Quốc Vượng ở Hội An trong các năm từ 1989-
1994, nền văn hóa Sa Huỳnh phát triển rực rỡ ở đây và chấm dứt hẳn vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Ngay lúc ấy, thế kỷ một sau công nguyên, những dấu vết đầu tiên của người Chàm cũng xuất hiện trong các hố đào khảo cổ ở Trà Kiệu. Một số nhà nghiên cứu cho rằng văn hóa Chămpa là sự bản địa hóa văn hóa Ấn Độ của người Sa Huỳnh. Thế nhưng quan điểm này không thể trả lời được tại sao trên cùng một địa bàn (Hội An chỉ cách Trà Kiệu chừng 10 km chim bay), cùng một thời điểm (thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên) lại có hai nền văn hóa cùng tồn tại với những nét bản sắc khác nhau khá quyết liệt và mạnh mẽ. Đồ gốm người Sa Huỳnh nhẹ lửa nhưng thanh thoát, tạo dáng thanh nhã, nhẹ nhõm, dùng nhiều hoa văn và màu sắc để tô vẽ. Trong khi đó đồ gốm người Chàm hầu như không tô vẽ, gốm dày và thô, nặng lửa, và đặc biệt lại không dùng bàn xoay, một bước tiến kỹ thuật. Tại sao lại có một bước lùi về kỹ thuật như vậy? Người Sa Huỳnh là người bản địa, chắc chắn ngôn ngữ của họ thuộc nhóm Môn-Khmer; người Chàm thì ngôn ngữ thuộc nhóm Nam Đảo. Bảo người Chàm chính là người Sa Huỳnh tiếp nhận văn hóa Ấn Độ e rằng có hơi vội vã. Nếu người Chàm không phải là người Sa Huỳnh thì họ là ai trong số các Nam Đảo, kể cả các nước Nam Á như Miên, Xiêm, Miến và cả Ấn Độ? Như vậy là gốc gác của người Chàm vẫn còn là một câu hỏi lớn, và vì thế, như sự chứng minh trong các chương nội dung, người Quảng Nam có nhiều gốc gác, quan hệ huyết thống với người Chàm, cũng có nghĩa rằng gốc gác người Quảng Nam, theo nghĩa rộng thì một bộ phận nào đó của người Việt, của người Đàng Trong, cũng cần phải mở rộng không gian tìm kiếm ra xa hơn, rộng hơn và bất ngờ hơn nữa.
II. VẤN ĐỀ THẾ HỆ
Có một thực tế diễn ra vào thời các vua Nguyễn là: Sau những năm dài chiến tranh, loạn lạc (200 năm phân tranh Trịnh-Nguyễn rồi cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn, chiến tranh giữa chúa Nguyễn với Tây Sơn, Tây Sơn với những cuộc Bắc tiến và với nhà Thanh), làng xóm trở lại cảnh thanh bình. Những lễ tục được phục hồi, các dòng họ cũng bắt đầu chú ý đến gốc gác, phổ hệ. Một phong trào viết gia phả nổi lên khắp nơi, mạnh nhất là dưới thời Tự Đức, phát sinh một sự tranh giành tộc tổ, họ lớn(11); tranh nhau tiền hiền khai canh, lập ấp. Ai cũng muốn mình là người đầu tiên đặt chân lên mảnh đất làng này từ 1471 nên số đông các gia phả ở Quảng Nam đều ghi: Ngài (Họ) Quý Công đã theo vua Lê Thánh Tông bình Chiêm năm Hồng Đức nhị niên định cư ở lại làng… từ thời đó. Ở Quảng Nam hiện nay rất khó để tìm ra một gia phả nào đó có bản gốc được viết từ trước nhà Nguyễn 1802 mà thường là được lập lại, tu bổ, chép lại dưới thời Tự Đức về sau, và điều này đã tạo nên không ít khó khăn cho công cuộc nghiên cứu lịch sử xứ Đàng Trong nói chung và gia phả tộc họ nói riêng.
Có thể tìm ra rất nhiều những ví dụ như vậy, ví dụ như gia phả họ Huỳnh (Hoàng) làng Xuân Đài (Điện Bàn, Quảng Nam, một dòng họ danh gia vọng tộc với những người như Thống đốc thành Hà Nội, Hoàng Diệu) ghi rằng: “Niên Hiệu Hồng Đức năm thứ 30 (thực ra là Hồng Đức nhị niên) đánh lấy Chiêm Thành mới đặt ra Quảng Nam đạo thừa tuyên và ông Thỉ Tổ của chúng ta (người tỉnh Hải Dương) di cư vào Nam từ thuở đó… lập nên cơ nghiệp lưu hạ đến nay đã hơn 10 đời”(12). Gia phả này viết năm Tự Đức 34, tức 1881, lui về trước 10 đời, ước chừng 25 năm một đời tức là 250 năm, vậy ông Thỉ Tổ dòng họ này vào Quảng Nam khoảng năm 1639, cách Lê Thánh Tông bình Chiêm đến 132 năm, tức gần 6 thế hệ! Rõ ràng họ Huỳnh làng Xuân Đài khó có thể phản đối lập luận này. Con số 1639 của họ
Huỳnh cũng là một con số khá lý thú và chúng ta sẽ trở lại con số này một lần nữa sau này.
Một trường hợp khác, hầu như tất cả các trường hợp họ Lê ở Quảng Nam - Đà Nẵng được dẫn trong “Nhân vật họ Lê trong lịch sử Việt Nam” (NXB. Đà Nẵng năm 2001) đều bắt đầu bằng câu: “Ta từng theo vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, sau đại thắng bình Chiêm mùa xuân năm 1471. Ta được vua sai phái ở lại trấn trị vùng đất thuộc Chiêm Động, sau được phong chức Bình Chiêm triệu Quốc Công” thế nhưng hầu hết 214 phái hệ tộc Lê ở Quảng Nam - Đà Nẵng đều ghi rằng đến nay đã lưu hạ được 18-19 thế hệ. Nếu vậy thì mỗi thế hệ sẽ là 28 năm, một con số khó thể chấp nhận vì theo lệ thường người Việt Nam lập gia đình và có con sớm, trên dưới 20 tuổi.
Chính vì vậy vấn đề số năm của mỗi thế hệ là một vấn đề cực kỳ quan trọng qua đó sẽ giải đáp cho chúng ta nhiều vấn đề đã gần như bế tắc vì thiếu những cứ liệu đáng tin. Vậy thì chúng ta nên lấy số năm cho mỗi thế hệ là bao nhiêu để có thể khả dĩ tin cậy được? Các nhà nghiên cứu phương Tây thường lấy con số 30 năm cho mỗi thế hệ(13) nhưng với người Châu Á nói chung và người Việt Nam chúng ta nói riêng với phong tục “Lấy chồng từ thuở mười ba. Đến năm mười tám thiếp đà năm con. Ra đường thiếp hãy còn son. Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng” thì liệu con số 30 năm cho mỗi thế hệ có thích hợp?
Trường hợp người cháu đời thứ 31 của hoàng tử Lý Long Tường ở Hàn Quốc đến Việt Nam nhận lại quốc tổ cho ta một ví dụ đáng tin cậy và khó ai không đồng ý. Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh năm 1225 và hoàng tử Lý Long Tường đã chạy trốn bàn tay “nhổ cỏ tận gốc” của Trần Thủ Độ đã đến Triều Tiên vào năm này để bắt đầu một dòng họ mới. Thật kỳ lạ, đúng vào năm 2000 người cháu đời thứ 31 đã trở về Việt Nam để cho chúng ta một con số bình quân chính xác là 25 năm cho mỗi thế hệ mà không cần đến số lẻ hoặc cộng trừ vài năm như thường gặp!
Đó là một trường hợp chắc chắn gia phả được ghi một cách chính xác và chúng ta có thể tin được; hơn nữa đó là của châu Á, của người Triều Tiên, một xứ lấy Nho giáo làm trọng như Việt Nam. Thế nhưng, Triều Tiên là xứ lạnh, liệu phong tục tập quán kết hôn và sinh con đẻ cái của họ có giống với Việt Nam? Liệu có thể áp dụng con số
ấy vào Việt Nam được không? Và riêng vùng Quảng Nam liệu có gì khác biệt? Sẽ có ý kiến cho rằng cứ việc lấy các tộc họ lâu năm, có gia phả rõ ràng và nổi tiếng như Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ… ở vùng đồng bằng Bắc bộ ra tính thì ta sẽ dễ dàng có con số năm bình quân cho mỗi thế hệ chứ không cần phải tính riêng ở vùng Quảng Nam. Dĩ nhiên là như vậy rồi, thế nhưng khi đặt vấn đề rằng khi tính bình quân ta sẽ có con số khác nhau khi số chia lớn nhỏ khác nhau. Một dòng họ 40-50 đời sẽ có con số bình quân cho mỗi thế hệ khác với một dòng họ chỉ có 7-8 đời, Ở Quảng Nam các dòng họ khảo sát đều ít hơn 26 đời, phổ biến là 16-18. Con số này nói điều gì và nó có thật đáng tin cậy? Đặt riêng Quảng Nam thành một vùng để khảo sát chúng tôi hy vọng rằng qua đó sẽ giúp ta giải thích được một số điều không thể giải thích được bởi thiếu các cứ liệu đáng tin cậy.
Thật ra ở đây vấn đề này không khó, chính vì dễ nên cho đến nay gần như chẳng có một công trình nào về vấn đề này khả dĩ được công nhận một cách khoa học để ai cũng có thể dựa vào đó mà tính toán khi làm gia phả, mỗi dòng họ thường tự chọn cho mình một số năm để kiểm tra lại các sự kiện được ghi trong gia phả, hoặc trong trường hợp không có ngày tháng cụ thể thì lấy nó để ước tính năm vị thỉ tổ sáng lập nên dòng họ ở đất mới. Có nơi 30 năm, có nhà 27 năm, có họ 25 năm, có người 23,5 năm, thậm chí có nơi chỉ 20 năm.
Ở đây ai cũng biết là số lượng gia phả được xét càng nhiều thì con số bình quân sẽ càng chính xác. Chính vì nó đơn giản và dễ thực hiện nên chúng tôi đã có một cuộc khảo sát nhỏ ở vùng Quảng Nam và đã nhận ra nhiều chuyện khá lý thú. Tiêu chí đặt ra là chỉ xét đến những trường hợp có gia phả rõ ràng và xác định được năm vị thỉ tổ đến Quảng Nam bằng những nguồn sử liệu đã được khẳng định. Vấn đề là ta sẽ tính thế hệ đầu thế hệ cuối như thế nào đây để khả dĩ có thể gần với sự thật nhất? Ta hãy tạm lấy một ví dụ cụ thể như sau để dễ hiểu: Ông cố tôi là Hồ Trung Lượng sinh năm 1858, tôi Hồ Trung Tú sinh 1958, vừa chẵn 100 năm cho bốn đời (Đây là ví dụ cụ thể và tròn chẵn năm ngoài ra không có ý gì khác, và dĩ nhiên thế hệ anh, em, chú, bác nhà tôi có người hơn tôi 5-10 tuổi và cũng có người nhỏ hơn tôi 5-10 tuổi ta xem như cộng trừ 5-10, nếu nhiều đời thì con số cộng trừ sẽ ít dần đi vì qua nhiều năm người sinh sớm cùng với người sinh muộn sẽ bình quân dần). Nếu năm nay tôi đủ lớn để sinh con thì con tôi sẽ là thế hệ thứ năm. Vấn đề đặt ra là ta
có nên tính thế hệ (thứ năm) mới sinh vào phép tính hay không? Cũng là bốn đời nhưng nếu tính từ khi ông cố tôi mất đến khi tôi, thế hệ thứ tư sinh ra thì chỉ có 50 năm. Còn nếu tính từ khi ông cố tôi sinh đến tôi 70 tuổi thì sẽ là 170 năm! Lệch nhau đến 120 năm! Nếu 20 thế hệ mà lệch nhau đến 120 năm thì cũng đã khó mà chấp nhận và sẽ khó mà rút ra được điều gì khả dĩ có thể dùng để tính toán trong việc xác định các sự kiện trong gia phả học và lịch sử. Trong ví dụ nêu trên ta thấy, vấn đề chỉ là xác định cái mốc của thế hệ đầu và thế hệ cuối, các thế hệ giữa có thể bỏ qua, không quan tâm đến; nếu tính thế hệ thứ nhất từ khi ông cố tôi sinh ra đời thì thế hệ cuối, là tôi, cũng phải tính từ khi mới sinh ra đời. Còn nếu tính từ khi ông cố tôi trưởng thành, thì tôi cũng phải tính đến khi trưởng thành, cần phải loại thế hệ con tôi đi. Vấn đề đặt ra ở đây là thế hệ cuối mấy tuổi thì được tính là một thế hệ? Chưa có một tiền lệ nào trong việc này chúng tôi xin đề xuất tuổi của thế hệ cuối là 18 tuổi, tuổi khi bắt đầu lập gia thất với cái mốc là năm 2002 (một năm nào khác cũng được nhưng năm 2002 ta sẽ có con số tròn năm đối với các sự kiện quan trọng trong lịch sử Nam tiến như 1306, 1402, 1472, 1602, 1802). Khi các cụ tiền hiền vào Nam và là thủy tổ các dòng họ thì rõ ràng các ngài đã lớn tuổi và chúng ta cũng không biết năm sinh của các ngài mà chỉ biết năm các ngài vào Nam. Tóm lại thế hệ thứ nhất sẽ là thế hệ các vị tiền hiền vào Nam và thế hệ cuối sẽ là thế hệ đến năm 2002 là 18 tuổi.
Thứ nữa là vấn đề chọn chi, phái nào để tính. Cùng một ông tổ nhưng chi này mới 10 đời nhưng chi khác đã 16-17 đời. Nếu dòng trưởng nam, dòng mà người miền Trung thường gọi là dòng Thế tổ, phái nhất, chi nhất. Dòng này thường kết hôn sớm, thường là trên dưới 18 tuổi đã kết hôn nên số đời dòng trưởng nam thường là rất lớn. Ngược lại các dòng thứ, nhất là trai út, số tuổi người cha khi sinh trai út thường là rất lớn, thường là 40-50, thậm chí 60 tuổi không phải là hiếm. Ví dụ như tộc Phan “Minh Đức”, làng Phong Thử, Điện Thọ, Điện Bàn có ông Phan Thúc Duyên, một nhân vật lớn của phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh khởi xướng, là người thuộc đời thứ 10. Theo bà Phan Thị Lan con gái út ông Phan Thúc Duyên thì bà là đời 11 nhưng trong họ đã có người thuộc đời 17, đời 18. Gia phả chép Đức thỉ tổ của dòng họ vào Nam dưới đời vua Lê Trang Tông 1573. Bình quân ta có 25 năm/một thế hệ. Vấn đề lý thú là trong tộc bà Lan
là người duy nhất còn lại của đời thứ 11, các cụ ông trên dưới 80 tuổi trong tộc đều phải gọi bà bằng Bà và hết mực kính trọng. Nhìn kỹ vào gia phả ta thấy ông Phan Thúc Duyên là con thứ 10 của ông Phan Thúc Quý, bà Lan là con gái út được sinh khi ông Phan Thúc Duyên đã 58 tuổi. Nếu lấy trường hợp bà Lan để tính thì ta có số năm bình quân cho mỗi thế hệ là 39,1 năm! Tính riêng từ ông nội đến bà đã có đến 120 năm! Rõ ràng lấy những trường hợp như thế để tính chúng ta sẽ không đi đến đâu và sẽ không bao giờ có thể thống nhất được vấn đề số năm cho mỗi thế hệ. Trong khi đó nếu lấy chi phái có số đời nhiều nhất để tính chúng ta sẽ dễ dàng thống nhất hơn bởi phong tục và sinh lý người Việt Nam ta thường đàn ông trên dưới 20 tuổi thì thành lập gia thất, con đầu lòng được sinh ít khi người cha dưới 20 tuổi. Ở dòng trưởng nam liên tục ta sẽ có các trường hợp người có con sớm và người có con muộn, có người trưởng nam là con trưởng nhưng cũng có người trưởng nam là con út trong nhà. Bình quân lại ta sẽ có con số dễ dàng chấp nhận, vấn đề rõ ràng là không quá khó để đồng thuận.
Một tộc đặc biệt và được ghi chép cẩn thận nhất ở Đàng Trong là tộc Nguyễn với chín đời chúa, mười ba đời vua Nguyễn. Chúng ta hãy bắt đầu với năm 1558, năm Chúa Tiên Nguyễn Hoàng 33 tuổi vào trấn đất Thuận Hóa và bắt đầu sinh con (sinh chúa Sãi năm 1563). Chín đời chúa nhưng thật sự chỉ có 8 thế hệ cha truyền ngôi cho con, Gia Long đồng đời với chúa thứ chín Định Vương Nguyễn Phước Thuần. Gia Long truyền ngôi trực hệ cho con trưởng đến Tự Đức và sau đó các vua kế ngôi rất rối ren với những cuộc truất phế rồi tôn phù của các loạn thần với những sự kiện, thời kỳ nhũng nhiễu như bốn tháng ba vua (tứ nguyệt tam vương), nên chúng ta sẽ dừng lại ở đời vua Minh Mạng là thứ 10 rồi tính tiếp các đời sau bằng ngự chế của vua Minh Mạng quy định tên đệm cho các đời ở bài Đế hệ Thi:
Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quý Định Long Trường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thụy Quốc Gia Xương.
Vào năm 2002 ta có trường hợp sớm nhất là anh Nguyễn Phúc Quý Tiết, trực hệ của dòng vua Thành Thái, đang ở phố Phan Châu Trinh thành phố Huế, đã có cháu nội lấy chữ lót là Long lên 5 tuổi.
Vậy ta dừng lại ở thế hệ con anh Quý Tiết có chữ lót là Định. Như vậy từ Nguyễn Hoàng đến các con cháu có chữ lót là Định tổng cộng là 18 đời. 1558 đến 2002 là 444 năm, bình quân mỗi thế hệ là 24,6 năm.
Một tộc họ nổi tiếng ở Đà Nẵng với cuốn gia phả độc đáo được ghi từ thời ông tổ Phan Công Thiên sinh ngày mồng 6 tháng giêng năm Mậu Ngọ 1318 đến nay không bỏ sót thế hệ nào, đó là tộc Phan làng Đà Sơn phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng. Phan Công Thiên đến Đà Sơn với chức của vua Trần ban cho là “Đô chỉ huy sung thập tam châu kinh lược chiêu dụ xử trí sứ” vào năm 1346. Đến nay, sau 656 năm, tộc họ này đã có con cháu đời thứ 27, bình quân ta có 24,2 năm cho mỗi thế hệ. Đây là một cuốn gia phả đặc biệt và chúng ta sẽ dành một chương cho nó.
Gia phả tộc Hồ làng Cẩm Sa xã Điện Nam, huyện Điện Bàn ghi chép rằng thỉ tổ dòng họ đã vào Nam từ năm 1402 dưới cuộc vận động di cư vào Nam dưới triều Hồ Hán Thương (1402-1407) và vị thỉ tổ này là bác ruột của Hồ Quý Ly có nguồn gốc ở làng Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Họ Hồ là một họ danh gia vọng tộc thời đó. Ít nhất đã có một thời làm vua của đất nước nên chắc chắn người có chữ, có học là không thiếu và hơn nữa ý thức về sự vinh quang của dòng họ sẽ khiến họ ghi chép gia phả khá kỹ, khó mà có thiếu sót. Và có một điều khiến ta có thể tin được chính là việc ghi chép tên họ đầy đủ, không xảy ra trường hợp khuyết danh của một thế hệ nào, nhất là dòng trưởng nam, thường gọi là dòng Thế tổ. Nếu ở đây có xảy ra việc thêm đời để trở thành một tộc to, họ lớn thì khó ai mà dám sáng tác ra tên họ ông bà, mà thường là khuyết danh một hai thế hệ nào đó. Theo gia phả họ Hồ Cẩm Sa thì đến năm 2002 đã có được đời thứ 26. Từ 1402 đến 2002 là 600 năm, chia cho số đời của người đến năm 2002 là 18 tuổi là 25 (thế hệ thứ 26 đã có nhưng còn nhỏ, phần lớn chưa đến 18 tuổi), ta có con số là 24 năm/mỗi thế hệ.
Họ Ngô ở Viêm Đông, Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam gia phả ghi gốc gác là ở Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế vào Quảng Nam từ thời Tây Sơn, lưu hạ đến nay được 10 đời, ta có con số: 1770 đến 2002 là 232 năm/10 đời, vậy 23,2 năm/mỗi thế hệ.
Họ Mai Phước ở làng La Huân xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam có ông Mai Đình Dõng được Nguyễn Hoàng phong làm tổng trấn Quảng Nam năm Tân Mùi 1571(14). Gia phả ghi Mai Đình
Dõng là cháu nội của ông Mai Phước Thông, thỉ tổ tộc Mai ở Quảng Nam, và tộc Mai lưu hạ đến nay được 19 đời. Trừ hai đời của ông và cha chưa xác định năm vào Nam, từ Mai Đình Dõng đến nay là 17 đời. Bình quân ta có 430/17=25,2 năm/ mỗi thế hệ.
Đến đây ta thấy là đã có thể chấp nhận được là trung bình ở mỗi thế hệ từ 23,5 đến 25. Đây là con số tạm chấp nhận chứ rõ ràng vấn đề cần phải có một công trình nghiên cứu khoa học với các cuộc điều tra nghiên cứu cũng như phân tích, thống kê trên số lớn, diện rộng mới đủ sức thuyết phục các vị trưởng lão các tộc họ, nhất là khi gia phả họ đã ghi con số bình quân là 30, thậm chí là 40 năm một thế hệ!
Trở lại trường hợp họ Huỳnh làng Xuân Đài, nếu trả lại con số trung bình là 23,5 năm/một thế hệ ta sẽ biết được năm ông thỉ tổ dòng họ vào Nam, 1881 trừ 235 năm, đó là năm 1646, cách Lê Thánh Tông vào Nam đến 180 năm, gần 8 đời. Nếu họ Huỳnh làng Xuân Đài cứ khăng khăng rằng mình vào từ 1471 thì họ phải tìm cho ra ít nhất 7 thế hệ cha ông nữa không ghi trong gia phả!
Gia phả tộc Lê Mân Thái quận Sơn Trà, Đà Nẵng chép rằng: “Tổ là đại thần trấn Thanh Hóa Lê Hòa, còn gọi Lê Công Hào, là cháu chín đời của Thái tổ hoàng đế Lê Lợi, cháu bảy đời của Lê Thánh Tông, là con của Văn Tuấn hầu Lê Xích; đã vượt biển (?) vào Nam năm 1651 và truyền nối đến nay 14-15 thế hệ”. Đây là những dòng có thể tin được và cho ta phép tính từ Lê Thánh Tông đến nay là 7+15 =22 thế hệ, trung bình mỗi thế hệ là 24,1 năm.
Ở đây sự kiện đại thần trấn Thanh Hóa Lê Hòa vì lý do gì mà vượt biển vào Nam sẽ là một câu hỏi lớn tộc Lê Mân Thái cần phải trả lời và chúng ta sẽ khảo sát kỹ sự kiện này ở chương bàn về lũy Trường Dục, và chi tiết vượt biển cho chúng ta một ví dụ lý thú vì lúc ấy, 1651, quả thật không ai có thể vào Nam bằng đường bộ, vượt tuyến lũy Trường Dục được(15).
Khi đã có con số chuẩn về số năm của mỗi thế hệ chúng ta sẽ dễ dàng xét lại các sự kiện ghi trong các gia phả để hiệu chỉnh lại cho chính xác hơn.
Ví dụ như gia phả tộc Mai Trường Định kể bà tổ dòng họ là Phạm Thị Kim Xuyến do loạn lạc dưới thời chiến tranh với họ Trịnh (1627- 1672) nên bà dẫn 3 người con trai về sống ở Trường Định, lập nên tộc Mai Trường Định lưu hạ đến nay được 9 đời. Ông Mai Phước Ngọc cho rằng mỗi đời là 30 năm nên hoàn toàn ứng với năm 1627.
Còn nếu theo bình thường 23,5 năm một thế hệ thì đó sẽ là năm 1791. Nếu chấp nhận 23,5 năm một thế hệ thì tộc Mai Trường Định phải tìm lý do để bà tổ tộc mình rời quê La Huân để đến Trường Định phải gắn liền với các sự kiện của năm 1793, năm Tây Sơn chiếm Quảng Nam gây nên những biến động to lớn trong đời sống chứ không phải là những sự kiện của các năm 1627 như ông Mai Phước Ngọc đã ghi trong “Sơ thảo lịch sử tộc Mai La Huân”. Đó là chưa nói chuyện 8 thế hệ ở La Huân được tính trong thời gian từ 1471 đến 1623 là 152 năm, bình quân chỉ 19 năm. Như vậy cùng trong một dòng họ nhưng từ đời 1 đến 8 thì 19 năm một thế hệ nhưng từ đời 9 đến 17 thì tính 30 năm cho mỗi thế hệ! Mâu thuẫn này rõ ràng là do dòng họ đã xác định sự kiện bà Phạm Thị Kim Xuyến về Trường Định là không đúng.
Nhân đây chúng tôi xin đề nghị tộc Mai Trường Định nên lấy năm bà Phạm Thị Kim Xuyến theo sự kiện ông anh cả của bà Phạm Thị Kim Xuyến là ông Phạm Công Thùy, có con là Phạm Công Bảo, con ông Bảo sinh bà Phạm Thị Kiều Oanh là vợ thứ vua Khải Định. Bà Kiều Oanh gọi ông Mai Phước Tồn cháu nội bà Kim Xuyến là dượng, chồng cô ruột. Vậy bà Kiều Oanh là cháu gọi ông Thùy bằng ông cố, cách nhau trung bình 100 năm. Vua Khải Định sinh năm 1885, mất năm 1925, ta tạm lấy năm 1910 ông cưới vợ thứ là bà Kiều Oanh. Trước đó 100 năm là 1810, bà Phạm Thị Kim Xuyến đến Trường Định trước sau 1810 vài năm chứ không phải 1627 như sơ thảo lịch sử tộc Mai La Huân đã ghi. Và theo sự kiện này để xác định thì ta sẽ có số năm trung bình cho mỗi thế hệ tộc Mai ở Trường Định sẽ là 200 năm chia cho 9 thế hệ là 22,2 năm mỗi thế hệ.
(11) Minh Mạng năm thứ 14, 1833, có chiếu dụ về việc “nghiêm cấm các tộc họ dùng tùy tiện những chức tước Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Nếu đã trót đem tước hiệu khắc vào thần chủ, bia đá thì cho để như cũ, duy văn tế và giấy tờ thì không được xưng hô theo thói cũ, để chính danh phận”. Đại Nam thực lục - NXB. Giáo dục 2004 - tập 3, trang 676. Chiếu dụ này cho thấy việc tôn xưng danh phận tổ tiên, tiền hiền với phẩm cao, tước trọng là khá tùy tiện ở các làng xã. (12) Gia phả tộc Huỳnh làng Xuân Đài, Điện Bàn Quảng Nam. (13) Một ví dụ chúng tôi có được là tiểu thuyết Cội Rễ của nhà văn Mỹ Elicx Heili, gia phả của dòng họ đã được tính bình quân là 30 năm cho mỗi đời. (14) Khâm định Việt sử thông giám cương mục, NXB. GD năm 1998, tập 2, trang 156 chép Mai Đình Dõng là Mai Đình Dũng, và gia phả tộc Mai Phước La Huân ghi ông tên thật là Mai Phước Hòa, và bia mộ khẳng định đó là cách đọc khác nhau chứ bia mộ của Mai Đình Dõng ở La Huân ghi rõ ông là tổng trấn Quảng Nam. (15) Hệ thống lũy thành ở Quảng Bình trong chiến tranh Trịnh Nguyễn có nhiều lũy xây vào những giai đoạn khác nhau, chúng tôi chọn tên “lũy Trường Dục” này để gọi chung cho
cụm các lũy gồm lũy Nhật Lệ, lũy Đồng Hới, lũy Thầy, lũy Đào Duy Từ, lũy Trường Dực và lũy Trường Dục.
III. VAI TRÒ CỦA SỰ PHÂN KỲ LỊCH SỬ NAM TIẾN VÀ NHỮNG DẤU ẤN BẢN SẮC QUẢNG NAM
Đã như một mặc định, lịch sử Nam tiến của người Việt trải dài suốt từ thời nhà Lý đến các vua Nguyễn, như một đường thẳng tiệm tiến; các năm 1306, 1402 hoặc 1471 chỉ là những cột mốc đánh dấu cái dòng chảy rất đều, không ngừng nghỉ của các đoàn người Nam tiến. Thực ra, nếu nhìn kỹ vào từng giai đoạn ta sẽ thấy cái dòng chảy ấy không đều như đã nghĩ. Nó có những lúc dữ dội để chiếm hữu, lúc lắng lại để định hình, lúc thì nếp ăn, nếp ở, ngôn ngữ, phong tục thiên về người Chàm, lúc thì chuyển hẳn sang Việt, lúc thì song song tồn tại kéo dài hàng trăm năm; lúc thì người Chàm cố công giữ gìn nếp sống cha ông, nhưng lại có lúc dường như họ đã nỗ lực, cố công quên đi gốc gác!
Khi đưa ra con số 500 năm (từ 1306 đến 1802) chúng tôi không chỉ lấy tròn một con số mà bản thân nó đã có thể tạo nên ấn tượng về một quãng thời gian đủ để gọi là đằng đẵng, mà thực sự muốn trả lại cho lịch sử quãng thời gian cần thiết để vùng đất mới có thể tạo nên một bản sắc. Lâu nay, khi nói về lịch sử Nam tiến chúng ta hãy hình dung một cách đơn giản rằng người Việt đã vào khi người Chàm đã chạy đi hết, số ít ở lại đủ để giao lưu, tiếp biến hai nền văn hóa. Một số đã lấy vợ Chàm… Tất cả cứ như câu chuyện chỉ diễn ra trong vòng một hai chục năm rồi xong, hết. Không có gì thêm!
Những mốc thời gian và địa điểm được nhắc đến nhiều trong sách này.
Khi đưa ra con số 500 năm cho một cuộc giao hòa văn hóa hẳn nhiều người sẽ không đồng ý, bởi có nhiều quan điểm cho rằng kể từ sau 1471 mọi chuyện đã gần như xong, chính quyền Đại Việt đã thực sự cắm chân vững chắc trên đất Quảng Nam nói riêng và đất từ Nam Hải Vân đến bắc đèo Cù Mông (Quảng Nam đến Bình Định) nói chung. Tiếp cận với từng sự kiện có được trong giai đoạn 1471 đến 1802 chúng tôi thấy dường như không phải vậy, người Chàm đã ở lại, thậm chí đã ở lại rất đông, đã sống cộng cư hòa hiếu bên cạnh người Việt, đã giữ được bản sắc văn hóa của mình cho đến trước khi Gia Long lên ngôi. Ở Đà Nẵng cho đến 1802, đã có chí ít đến 10 làng Chàm nguyên vẹn từ ngôn ngữ đến cách ăn cách mặc. Chỉ sau khi nhà Nguyễn có những chính sách mạnh mẽ thì họ mới thực sự đánh mất bản sắc và “hòa tan” vào cộng đồng người Việt.
Vấn đề thật khó tin khi nói: TA, tức rất nhiều người Quảng Nam - Đà Nẵng là chính con cháu của những người Chàm ở lại ấy mà không tự biết! Ở vùng đất Quảng Ngãi đến Phú Yên thì huyết thống thuộc Chàm ấy còn chiếm tỉ lệ cao hơn nữa trong những dòng máu đang chảy trong huyết quản người Việt hôm nay!
Vì nhiều lý do, một mảng lịch sử của dân tộc đã bị đánh mất, đánh mất thực sự ngay từ thời phong kiến chứ không phải vì những lý do chính trị sau này như nhiều người nói. Đi tìm lại, từ những mảnh ghép không mạch lạc, không cùng màu, bị bao phủ sẵn những cái nhìn đã được định sẵn… hẳn không phải là chuyện dễ trong việc đi tìm sự đồng thuận.
Bằng phương pháp phân kỳ chúng ta soi vào từng giai đoạn và cố tìm ở đó những hạt nhân hợp lý với những đặc điểm nào đó nổi bật đến độ đủ để in vào trong tâm thức người Quảng Nam những dấu ấn mãi mãi không thể phai mờ mà ta hay gọi là bản sắc.
1/ Trước 1306
Việt - Chàm đã có mối quan hệ lịch sử rất dài gần 1.000 năm trước khi Huyền Trân bước chân qua khỏi đèo Hải Vân.
Trước thế kỷ X kinh đô vương quốc Chiêm Thành là vùng Trà Kiệu, thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam hiện nay. Giai
đoạn này về trước Chiêm Thành là một quốc gia hùng mạnh, họ nhiều lần đánh ra bắc đèo Ngang, lúc này thuộc nhà Đường, và dĩ nhiên bắt rất nhiều tù binh người Việt mang về. Ít nhiều những tù binh này tạo được một cái nhìn quen thuộc cho những cư dân Chiêm vùng kinh thành và điều này sẽ khiến người lao động Chiêm Thành, tức những dân quê ít học, ít quan tâm đến chính trị không cảm thấy quá sợ hãi khi những đại quân Việt kéo đến sau này: Thậm chí ngay từ đầu những năm lập quốc của quốc gia Chiêm Thành một người Giao Châu (Việt?) là Phạm Văn đã làm vua xứ này và tạo thành một vương triều thứ hai kéo dài gần 100 năm. Phạm Văn vốn người Giao Châu (lúc này thuộc Đường) có cơ hội sang Trung Quốc học hỏi nên lúc về Lâm Ấp đã giúp vua Lâm Ấp là Phạm Dật xây dựng cung điện, làm thành trì và khi Phạm Dật chết thì Phạm Văn tự xưng lên làm vua Chiêm Thành. Quả thực trong mắt của người Việt thì người Chiêm xa lạ, khó hiểu hơn nhiều so với người Chàm nhìn người Việt. Điều này cũng dễ hiểu bởi bản sắc văn hóa của hai dân tộc, trong khi người Chàm vùng Quảng Nam nay quá đậm nét văn hóa Ấn Độ với những vị thần khó hiểu(16)thì người Việt vùng Thanh - Nghệ, lúc thuộc Đường, còn khá mờ nhạt nét văn hóa Trung Hoa, đời sống tâm linh khá hiền lành, đơn giản… Chính điều này sẽ khiến người Việt sau này (sau 1306) khi vào sống cạnh người Chiêm họ sẽ không gây cho người Chiêm những khó chịu, những áp lực tâm lý đến mức không thể chung sống mà phải bỏ đi.
Và khi Lê Đại Hành (Lê Hoàn) lên ngôi rồi đem quân đánh Chiêm lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, năm 982, ông cũng đã đem quân vào đến kinh đô Chiêm Thành lúc này là Đồng Dương (huyện Thăng Bình ngày nay) đóng quân ở đó một năm mới trở ra. Thậm chí một vị quan quản giáp của Lê Đại Hành là Lưu Kế Tông đã trốn ở lại khi đại quân kéo về rồi tự xưng làm vua nước Chiêm Thành cai trị vùng đất miền Bắc nước này. Sau cuộc thất bại này người Chiêm dời kinh đô vào Đồ Bàn (Bình Định). Bao nhiêu binh lính người Việt cùng với Lưu Kế Tông ở lại sau sự kiện 982? Một năm đóng quân ở đất này chuyện gì xảy ra giữa hàng vạn binh lính và dân Chiêm bản xứ? Lưu Kế Tông làm vua có quyết định dùng tiếng Việt thay cho tiếng Chàm trong các quan hệ xã hội? Có buộc người dân ăn ở theo nếp Việt? Có khuyến khích người Việt di dân vào và có tạo ra một sự ưu đãi nào đó cho những di dân đầu tiên ấy?
Năm 1020 Lý Thái Tổ cử người đi đánh Chiêm Thành nhưng chỉ đến Bố Chính, Quảng Bình ngày nay. Năm 1044 Lý Thái Tông dẫn 12 vạn quân đánh thẳng vào đến sông Thu Bồn, chém đầu vua Chiêm là Sạ Đẩu ở đây rồi dẫn đại quân vào Đồ Bàn, cho sứ đi khắp các nơi vỗ yên, phủ dụ dân chúng Chiêm Thành. Tầng lớp thượng lưu, giáo sĩ, chính trị hẳn đã bị chú ý thu gom, trừng phạt nhưng đa số dân trong các xóm làng là đối tượng của cuộc phủ dụ này. Năm 1069 Lý Thánh Tông phạt Chiêm lần thứ hai, bắt vua Chiêm là Chế Củ giải về Thăng Long. Chế Củ phải xin dâng ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh để được tha. Biên giới Đại Việt lúc này là Quảng Bình và một phần Quảng Trị bây giờ.
Từ đó đến 1306, tức 237 năm, không có cuộc tiến đánh nào của người Việt. Một phần do hợp tác đối phó với nhà Nguyên nên mối quan hệ Việt - Chiêm khá tốt, thậm chí vua Trần Nhân Tông đã vân du, một chuyến du lịch đến Chiêm Thành, lúc hữu hảo đã vui miệng, hay thực sự quý mến vua Chiêm mà hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Vua Chiêm dâng hai châu Ô, Lý làm sính lễ. Nhiều người cho rằng hai châu này thực ra đã thuộc về Việt.
237 năm không chiến tranh (thực ra là có nhưng chỉ là những cuộc cướp bóc của những toán thổ phỉ, cướp biển mà người Chiêm thời nào cũng có, thậm chí ở biển Đông và vịnh Thái Lan bây giờ cũng không thiếu) đủ sức, đủ thời gian để người Việt lấn dần từng bước dưới sự hỗ trợ của những Việt kiều vào trước như đã nói. Cái sự dâng hai châu Ô, Lý của Chế Mân để lấy được một người đẹp là chuyện lịch sử nhân loại ít thấy. Tuy vậy ta vẫn có thể hiểu được hành động này qua trường hợp tương tự của Mạc Đăng Dung khi cổ buộc dây thừng, đi chân đất đến phủ phục trước mạc phủ quân Minh xin hàng và dâng các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù. Thực ra, theo “Đại Việt Địa dư Toàn Biên” thì 6 động ấy chưa bao giờ thuộc về Việt, năm Tuyên Đức thứ 2 người các động ấy làm phản, về với Giao Chỉ. Nay nhà Mạc lấy đất của họ mà trả cho họ, đó là một động tác chính trị và nhà Minh cũng chỉ cần cái danh ấy để không phải động binh lúc này đang rất khó khăn với quân Thanh. Chế Mân hẳn biết rằng so sánh tương quan lực lượng sẽ không bao giờ giữ được Ô, Lý nữa chi bằng làm thế để tăng mối hòa hiếu may ra giữ yên được vùng đồng bằng Quảng Ngãi trở vào trù phú hơn nhiều so với vùng Thừa Thiên, Quảng Trị.
Giai đoạn này có mấy sự kiện nổi bật cần chú ý:
Khó có thể xác định được điều gì về các mối giao lưu văn hóa Việt - Chàm giai đoạn này. Chỉ với hai sự kiện người Việt làm vua đất Chiêm Thành tạo nên hai triều đại khá dài lâu ta có thể hình dung phần nào vị trí người Việt trong xã hội người Chàm.
Giai đoạn này cuộc Nam tiến của người Việt diễn ra chủ yếu trên vùng đất giữa hai đèo Đèo Ngang và Hải Vân. “Dấu vết” cuộc “giao lưu” này còn lại khá rõ ở một số ốc đảo dân cư nằm rải rác ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế, ví dụ như các ốc đảo thổ ngữ ở các làng Cao Lao Hạ, Mỹ Lợi… lâu nay như một câu hỏi không lời đáp thì nay có thể giải thích được qua việc phân kỳ này(17).
Gần đây, các cuộc khảo cổ hoàng thành Thăng Long giai đoạn Lý Trần cho thấy nhiều yếu tố Chàm trong các kiến trúc, điêu khắc; và ở ngay Mỹ Sơn cũng đã tìm thấy nhiều chữ Hán (chữ Trần) ẩn trong các viên gạch, đá ở tháp G1, có niên đại xây dựng trong thế kỷ XIII chứng tỏ mối quan hệ Việt Chàm, là sâu sắc và gắn bó hơn rất nhiều những gì chúng ta nghĩ, nó cần một sự nghiên cứu thấu đáo và toàn diện hơn những gì vừa nhìn thấy trong lớp gạch ngói đổ nát vừa tìm thấy ở Thăng Long(18).
2/ 1306-1402: Đứt mạch nguồn với bản quán lần I Nhưng lịch sử không như Chế Mân nghĩ, chỉ 1 năm sau, vụ giải thoát công chúa Huyền Trân đã khiến người Chàm nổi giận, họ liên tục quậy phá vùng biên giới đến mức 5 năm sau ngày đám cưới, vua Trần Anh Tông đã thân chinh tiến đánh Chiêm Thành. Toàn bộ Chiêm Thành trở thành một châu của Đại Việt(19). Vua nhà Nguyên phản đối nhưng vua Trần vẫn tự cho mình có quyền tông chủ đô hộ trên đất Chiêm Thành, và cũng làm nhiệm vụ là một tông chủ thực sự: Năm 1313 Tiêm La lấn cướp Chiêm Thành vua Anh Tông cử người đem binh đi ứng cứu Chiêm Thành.
Ngay sau 1306 thành Châu Hóa được xây dựng và suốt từ đó về sau thành Hóa châu luôn được nhà nước Đại Việt kiểm soát: Năm Đại Trị thứ 5 đời Trần Dụ Tông (1362), sai Đỗ Tử Bình sửa sang thành này(20). Năm 1362 đã sửa sang thành có nghĩa là thành này đã
được xây dựng trước đó nữa. Điều này có nghĩa rằng ngay sau 1306 một chính quyền với cơ quan hành chính, quân sự tập trung đã được nhà Trần thiết lập trên vùng đất phía bắc Hải Vân kéo dài đến sông Thu Bồn.
Điều cần xác định rõ nhất của giai đoạn này là biên giới Chàm - Việt sau đám cưới Huyền Trân là sông Thu Bồn, trước đây gọi là sông chợ Củi(21), tức sông Thu Bồn nay.
Suốt giai đoạn này, vùng đất Bắc Thu Bồn - Nam Hải Vân(22) thuộc Việt, thuộc quyền cai quản của thành Hóa Châu (ở ngoại ô thành phố Huế hiện nay), mặc dù Đại Việt chưa bao giờ thực sự cai quản được vùng đất này(23) một cách thực chất nhưng trên danh nghĩa nó vẫn thuộc Việt. Mãi đến cuối thế kỷ này vùng đất Quảng Nam ở phía nam Thu Bồn mới thuộc vào Việt (được gọi là Châu Thăng). Dấu ấn lịch sử phân kỳ thuộc Việt sớm (trước 1402) và Việt muộn (sau 1402) này hình như đã để lại dấu vết đâu đó trong giọng nói của người Bắc và Nam sông Thu Bồn. Giọng nói của người Điện Bàn, Đại Lộc, Hội An và giọng nói của người Quế Sơn, Tiên Phước, Tam Kỳ(24).
Sau 1306, nhà Trần 2 lần đem đại quân vào Chiêm Thành, một lần trừng phạt sự nổi loạn và một lần giúp Chiêm Thành đánh lại Xiêm La.
Giai đoạn này nếu có những người Việt sinh sống ở đây thì chắc chắn mọi nếp sống, sinh hoạt của họ đều phải theo Chàm. Như sử đều ghi, vị quan cai trị Châu Hóa (lỵ sở đóng ở ngoại ô TP. Huế nay) luôn là người Chàm. Người Việt ở Bắc Quảng Nam và Đà Nẵng nay cũng phải nói tiếng Chàm trong giao tiếp với cộng đồng Chàm đông đúc lúc ấy.
Giai đoạn này chủ yếu các xung khắc nếu có đều xảy ra phía bắc Hải Vân.
Nửa sau thế kỷ XIV này thì Chiêm Thành phát triển cực mạnh và họ đẩy các cuộc giao chiến ra đến tận vùng sông Mã Thanh Hóa, thậm chí Chế Bồng Nga đã 5 lần đánh ra Bắc, trong đó 4 lần kéo quân vào Thăng Long, có lần đóng quân ở đó đến 9 tháng trời!
Đó là những điều kiện chắc chắn để chúng ta tin rằng giai đoạn này vùng Bắc Quảng Nam tuy đã thuộc Việt nhưng ưu thế là hoàn toàn thuộc về người Chàm.
Sau cái chết của Chế Bồng Nga, Chiêm Thành loạn lạc. Hồ Quý Ly đem quân tiến đánh và chúa Chiêm là Ba Đích Lại xin dâng đất Chiêm Động, trọn tỉnh Quảng Nam ngày nay cho Đại Việt. Hồ Quý Ly bắt ép phải dâng nộp cả động Cổ Lũy (trọn tỉnh Quảng Ngãi ngày nay). Nhà Hồ chia đất ấy thành bốn châu là Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa và đặt người cai trị. Theo “Đất nước Việt Nam qua các đời” của Đào Duy Anh thì Châu Thăng ấy tương đương vùng đất Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành ngày nay (kể cả Quế Sơn, Tiên Phước ở phía tây).
Và gần đây, việc phát hiện ra gia phả tộc Phan làng Đà Sơn-Đà Ly phía bắc Đà Nẵng đã cho chúng ta đôi nét hình dung về cuộc sống của người Việt trong không gian xã hội của người Chàm trong những năm sau 1306 này.
Trong “Phan tộc phổ chí”, gia phả tộc Phan làng Đà Sơn, Đà Ly có đoạn:
“Trong nước, các tướng họp với các ông châu trưởng, động trưởng tôn lập ông Bí động trưởng làm quốc chúa. Ông Chúa Bí cầu hôn nhà Trần, khi ông Chúa đi làm rể, viên tướng Sạ Đẩu chiếm ngôi quốc chúa, cử binh đánh Trần, tranh đất Đà Giang. Vua Trần tức giận, cử binh đánh bắt được Sạ Đẩu. Quân binh nhà Trần đến nước ta (Chiêm Thành), thấy phong tục nước ta lạc hậu, trở về tâu vua, vua Trần khuyên Tiên Công ta và Bí chúa nên theo phép của vua mà lãnh quan tước trở về bàn với các ông tộc trưởng, tù trưởng thuận hiệp Chiêm Thành và Giao Chỉ thành một nước để cùng tiến hóa đợi đến lúc giàu mạnh sẽ chia ra tự chủ. Tiên công ta tự nghĩ rằng nước ta Chúa đã chết, tướng làm phản, đất hẹp, dân nghèo, thế khó tự chủ nên theo lời vua Trần. Vua Trần phong cho Tiên công chúng ta chức Đô chỉ huy kinh lược chiêu dụ xử trí sứ, coi trong 13 châu. Ông lãnh chỉ đi chiêu dụ, quân dân các châu động đều quy thuận. Ông trở về xin (vua Trần) cấp trâu bò, dụng cụ làm nông, đồng thời xin một số dân Giao Chỉ đã thuần thục nghề nông và hiểu biết chữ nghĩa. Vua Trần cho ông trông coi các xứ, thiết lập trang trại chia nhau để ở, dạy cho thổ dân chúng ta học hành và cày cấy… về dân số thì dân Giao Chỉ và dân địa phương cùng chung một ngạch tịch… Trong số các dân địa phương có người còn chắp nê tập tục cũ, không thuận theo sự khai hóa ấy thì chia ra ở riêng… Đến khi nghe họ Hồ dời đổi ngôi nhà Trần… Ông con thứ thâu hết giấy tờ sổ sách đến yết kiến quan nhà Hồ. Viên quan nhà Hồ thết đãi yến tiệc rồi giao cho ông
nhận sổ lưu dân Giao Chỉ, tha dòng tôn thất nhà Trần (tức các con cháu ngoại nhà Trần thuộc tộc Phan Đà Sơn), dân phản nhà Ngô (người Hoa di dân) chia vào các trại để khẩn ruộng “(25).
Sau 1306, Chiêm Thành vẫn kiểm soát phía nam Hải Vân, thế nhưng chúng ta có nhiều ví dụ cho thấy người Việt sinh sống ở đây không phải ít.
Trên danh nghĩa đất Hóa Châu kéo dài đến sông Thu Bồn ngày nay nên việc có nhiều người Chàm thân Việt là điều hoàn toàn dễ hiểu. Qua đó số người Việt sống trên đất này trước 1402, ví dụ duy nhất được ghi chép là cô công chúa họ Trần làm vợ Phan Công Thiên, cho phép chúng ta có thể tin chắc rằng tiếng Việt đã được sử dụng không phải ở mức độ cá biệt, đơn lẻ. “Phan tộc phổ chí” còn cho ta biết nhiều bà vợ người Việt có chồng tộc Phan trong bốn đời đầu tiên, những người được ghi rõ là “triều Trần phong chức…” (khả năng trước 1402) gồm có các bà: Trần Ngọc Lãng (công chúa nhà Trần, chưa thể kiểm chứng), Phạm Thị Xuân Quang, Phùng Thị Đính, Nguyễn Thị Thông, Nguyễn Thị Phước Chỉ, Nguyễn Thị Dung, Lê Thị Tài, Lê Thị Ngọc Mỹ, Phạm Thị Hoài, Ngô Thị Huy, Ung Thị Thận, Đỗ Thị Nhựt Tân… Như vậy là ta có chí ít các họ Việt như Phạm, Phùng, Nguyễn, Lê, Đỗ… là sui gia với tộc Phan Đà Sơn. Bên cạnh đó Phan tộc phổ chí cũng còn cho biết các tộc Việt cùng ở trên mảnh đất Đà Sơn như: Phan, Nguyễn, Kiều, Đỗ(26). Điều đó có nghĩa lúc ấy, trước 1402, ở vùng đất thuộc Đà Nẵng nay nhiều tộc họ người Việt đã định cư và ở bên cạnh người Chàm một cách thân thiết, mối quan hệ thông gia trai Chàm lấy vợ Việt và trai Việt lấy vợ Chàm không hề là một trở ngại cho các đôi nam nữ khác dân tộc.
Vấn đề người Việt sống bên cạnh người Chàm, thậm chí dưới quyền cai trị, quản lý, bảo trợ và cả “tội đồ của ta chúng hết thảy bao dung(27)” của người Chàm là khá rõ ràng qua ghi chép này. Cần nhớ rằng đó là những ghi chép hiếm hoi về các mối quan hệ Chàm - Việt trước 1402. Ngay cả sau 1402 hoặc 1471, chúng ta cũng không có được những ghi chép tương tự như vậy. Mặc dù trong các khảo sát ở phần nội dung chúng tôi thiên về nhiều các sự kiện có khả năng góp phần tạo nên bản sắc người Quảng Nam đều sau 1402, thế nhưng những ghi chép này, trước 1402, của gia phả tộc Phan Đà Sơn đã thực sự phản ảnh được sự lệ thuộc lẫn nhau, nương tựa lẫn nhau để chuẩn bị cho một cuộc giao hòa lớn sau này.
Tóm lại, giai đoạn 100 năm trước 1402 là một giai đoạn lịch sử vô cùng quan trọng, sau khi khảo sát tất cả các giai đoạn phân kỳ, nhất là trong việc đi tìm hạt nhân hợp lý của sự ra đời giọng nói người Quảng Nam, chúng tôi chợt nhận ra hầu như toàn bộ cái mà ta hay gọi là bản sắc Quảng Nam là đã hình thành vào giai đoạn này. Chí ít, điều thấy rõ nhất đó là giọng nói của người Bắc Quảng Nam. Đơn giản một điều rằng sau 1402 đó là giai đoạn hình thành của vùng phương ngữ Nam Quảng Nam, giọng nói của người Quế Sơn, Tiên Phước. Giọng nói người Nam Quảng Nam bị “lỗi” ở những âm mà người Bắc Quảng Nam không mắc phải nhưng lại giống với những lỗi của người Thanh Hóa. Ví dụ như vần anh, vần inh. Và điều đó thì hoàn toàn tương thích với việc nhà Hồ tổ chức ở tầm quy mô cho người Thanh Hóa vào Thăng Hoa năm 1402. Những “lỗi” của phương ngữ Bắc Quảng Nam dường như thuộc về một giai đoạn sơ khai và xa xôi hơn nhiều!
3/ 1402-1407: Ước tính số lượng người Việt di dân dưới triều nhà Hồ
Năm năm mang đậm dấu ấn của ý chí nhà Hồ trong việc mở rộng bờ cõi, xác định chủ quyền, ổn định chính trị trên vùng đất mới. Không có đủ cứ liệu để hình dung số lượng người Việt vào Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa trong 5 năm này; thế nhưng việc ước đoán số dân Việt di dân vào Nam dưới thời nhà Hồ là một yêu cầu không thể bỏ qua.
Năm năm là quãng thời gian vô cùng ngắn để những di dân có thể định cư sâu rễ bền gốc ở nơi ở mới. Ngày nay chúng ta khó có thể hình dung đời sống xã hội của vùng đất Thăng Hoa ngày ấy, tức nam sông Thu Bồn đến Quảng Ngãi ngày nay, là như thế nào. 5 ngàn hay 10 ngàn, hay 20 ngàn người Việt đã đi theo các chiếu dụ của cha con Hồ Quý Ly?
Tính toán ước đoán số lượng người Việt vào Thăng - Hoa - Tư - Nghĩa trong 5 năm 1402-1407 là một yêu cầu bắt buộc phải làm nếu muốn nói được điều gì đó về dấu ấn bản sắc, chí ít là trong ngữ âm, hình thành ở Nam Thu Bồn. Có vài sự kiện cho phép ta hình dung phần nào lượng người Việt di dân vào đây giai đoạn này:
Mùa xuân, tháng 2 (1403), Hán Thương đem những người không có ruộng mà có của dời đến Thăng Hoa, biên chế thành quân ngũ.
Quan lại ở các lộ, phủ, châu, huyện phải chia đất cho họ ở. Người ở châu nào thì thích hai chữ tên châu ấy vào hai cánh tay để làm dấu hiệu. Đến năm sau đưa vợ con đi theo, “giữa đường, bị bão chết đuối, dân phần nhiều ta oán” và “Hán Thương mộ dân nộp nhiều trâu để cấp cho dân mới dời đến Thăng Hoa, người nộp được ban tước”(28). Các sự kiện này cho thấy quyết tâm của nhà Hồ trong việc quản lý và cai trị vùng đất mới. Và khi mà triều đình đứng ra tổ chức các cuộc di dân như vậy hẳn số lượng người đi không thể là một vài so với các triều đại sau chỉ dùng vùng đất này như một chốn lưu đày cho các tội phạm. Cuối năm 1403 này, Hán Thương còn tổ chức một cuộc Nam chinh với 20 vạn binh lính thủy bộ, âm mưu đánh đến tận vùng Phan Rang, Thuận Hải. Quân vây thành Chà Bàn, sắp lấy được nhưng vì thiếu lương ăn và Phạm Nguyên Khôi không đủ tài nên phải rút(29). Cuộc tiến quân này cho phép ta hình dung điều kiện vô cùng thuận lợi để thực hiện các cuộc di dân và bố trí, sắp xếp các lưu dân vào các nơi ở mới thuộc Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày nay.
Có một vài sự kiện giúp chúng ta hình dung phần nào số lượng người Việt đến vùng đất này trong các năm từ 1402-1407, đó là khi quân Minh chiếm Thanh Hóa, hai cha con Hồ Quý Ly chạy vào đến Tân Bình (Quảng Bình), sai Hoàng Hối Khanh đang cai trị Thăng Hoa lấy một phần ba số dân di cư trước đây, gộp với quân lính địa phương tổ chức lực lượng cần vương cho nhà Hồ(30). Trong tình hình nước sôi lửa bỏng, tập hợp được vài trăm người thì không đáng để cha con Hồ Quý Ly kỳ vọng, vài ngàn người thì mới có thể gọi là một lực lượng cần vương. Chúng tôi chọn lấy số 3.000 người là khả năng thấp nhất. Cứ 4-5 dân có một đinh, 2- 3 đinh có một lính thì số dân di cư trên dưới 10 ngàn, nếu không nói là 20-30 ngàn người là điều có thể chấp nhận được.
Trên cái diện tích gần như tương đương với hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày nay, thì bao nhiêu người Việt đưa vào mới gọi là tương đối để cai quản vùng đất mới, vùng đất nhiều bất an, đầy bạo loạn và chưa hề có ý định thuần phục, và quan trọng nhất là ý chí xây dựng một vùng kháng chiến, một căn cứ địa lúc nguy nan của cha con họ Hồ? Vài chục ngàn người chúng tôi nghĩ là không đủ với ý chí của Hồ Quý Ly lúc ấy!
Năm 1407 “Chiêm Thành cất quân thu lại đất cũ, dân di cư sợ chạy tan cả”(31), chính câu này của Sử Ký Toàn Thư khiến ta tin rằng số
lượng người di cư là đông như ước tính, vì có thể, chỉ với số lượng lớn đến như vậy nó mới tạo nên được sự kiện để được ghi vào sử sách.
Ở phía người Chàm ở lại ta thấy Hồ Quý Ly không xua đuổi người Chàm mà ra một chính sách như thường thấy ở vùng đất mới: “Người Chiêm Thành nào đi thì cho đi. Người ở lại thì bổ làm quan”(32). Việc người Chiêm Thành ở lại làm quan cai trị, chiêu dụ dân Chiêm Thành là một chi tiết cho thấy người Chiêm Thành ở lại là chính và họ chiếm tuyệt đại đa số, người Việt vào là “ở lẫn”(33) với người Chàm, thuận theo phong tục người Chàm, chịu sự cai trị của người Chàm là chính.
Thưa thớt đến nay còn vài gia phả chép rằng tổ tiên họ đã vào đất này từ thời Hồ Quý Ly. Ý chí Hồ Quý Ly như chiêu mộ người có của nhưng không có ruộng vào đây, “Hán Thương mộ dân nộp trâu để cấp cho dân mới dời đến Thăng Hoa, người nộp được ban tước”; và cũng tổ chức “cho thuyền chở vợ con vào theo”(34)là chưa từng có kể cả các triều đại sau này. Thế nhưng sự thành bại lại không nằm ở ý chí ấy.
Ngoại trừ một số họ Chiêm ghi theo âm Hán đọc thành Phan, Phạm, Đặng thì Hồ Quý Ly còn ban cho họ Đinh với một số người Chiêm hàng phục(35).
(Xem thêm: “Dân Kinh cựu” trong phần Tổng luận, trang 190)
4/ 1407-1445: Đứt mạch nguồn với bản quán lần II Đến 1445 thì quân Đại Việt đánh một trận lớn đến tận Trà Bàn (Quy Nhơn), bắt vua Chiêm là Bí Cai về Thăng Long. Vua Lê Nhân Tông là một ông vua nhân từ, bao nhiêu tù binh ông đều thả sau khi làm lễ cáo thắng trận ở Thái Miếu.
Lát cắt 1407 là một lát cắt lịch sử cần thiết để số người Việt mới vào dưới triều Hồ và không chạy về, đã ở lại thêm một lần nữa mất quan hệ với quê hương bản quán mãi đến 1445. 40 năm không phải là dài trong lịch sử nhưng cũng không phải là ngắn với các thế hệ thứ hai thứ ba vừa hình thành do ở lại, quan hệ mật thiết với cộng đồng người Chàm đông đúc áp đảo chung quanh.
Đây là lần thứ hai đáng ghi nhớ về quan điểm phân kỳ về việc bị đứt sự liền mạch với quê hương bản quán, khiến những người đã
vào phải hòa nhập triệt để hơn với văn hóa bản địa đồng thời người bản địa cùng với văn hóa Việt đã bị “đông cứng” lại do không được bổ sung thêm trong một vài thế hệ. Đây chính là điều kiện ắt có và đủ để định hình một bản sắc, chí ít là ngữ âm, vững bền đến 600 năm sau cũng không phai mờ.
Ngay cả vào các thời kỳ sau, chúng ta thấy nếp sinh hoạt trong ăn, ở miền Bắc luôn là sự nghèo khó. Đến thời Minh Mạng người đàn ông còn mặc khố phổ biến(36). Trong khi đó người Xứ Đàng Trong theo các ghi chép từ Ô Châu Cận Lục đến các ghi chép của các giáo sĩ phương Tây thì quần là áo lượt năm bảy lớp. Thực sự là người Việt giai đoạn này đã “tiếp thu” chí ít là trong sự ăn mặc của người Chàm cũng là điều dễ hiểu.
Khi quân Minh đến hỗ trợ cho Chiêm Thành lấy lại đất cũ. Chính quyền Chiêm Thành lấn ra trở lại tới vùng Thuận Hóa (Bắc Hải Vân) dưới thời thuộc Minh, dân Chiêm số người bỏ đi cũng trở lại quê hương bản quán, nhưng các di dân Việt đã vào dưới thời Hồ Quý Ly không phải vì thế mà bỏ đi cả. Năm 1407, SKTT chép “Đến khi Chiêm Thành cất quân thu lại đất cũ dân di cư sợ chạy tan cả”(37). Tất nhiên là như vậy rồi và cũng dễ để hình dung thái độ của người Chàm đối xử với dân Việt lúc họ thu lại đất cũ người Việt đã chiếm đóng khi Hồ Quý Ly đưa dân vào các châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Ngay việc chạy của dân di cư ấy ta cũng phải xét đó là dân mới vào, mới xây dựng chính quyền Quảng Ngãi ngày nay hay cả dân đã ở lâu với người Chàm, có gia đình đã 4-5 thế hệ, ở vùng Bắc Quảng Nam cũng chạy? Chúng tôi không nghĩ rằng một câu ấy của SKTT lại có thể phản ánh được toàn bộ tình hình người Việt. Trường hợp Nguyễn Rỗ được Chiêm cho làm quan to(38) cho phép ta hình dung tình hình không đến nỗi khó khăn lắm đối với các Việt kiều. Gia phả họ Hồ ở Cẩm Sa(39), Điện Nam, Điện Bàn là một ví dụ. Gia phả này đã chép được vị thủy tổ dòng họ này đã vào Quảng Nam từ thời đó, dưới triều Hồ Hán Thương và ở đó liên tục, con cháu đến nay cũng đã đến đời thứ 26-27.
Và một sự kiện lớn như thế Gia phả tộc Phan làng Đà Sơn không thể không ghi chép, và ta đọc thấy: “Khi nhà Minh đánh bại nhà Hồ đem đất Chiêm Động Cổ Lũy trả lại cho Chiêm Thành thì người Việt do họ Hồ điều vào nay lại chạy ra Hóa Châu (gần TP Huế nay), ông
Phan Công Nhân vẫn khôn khéo xử trí để bảo đảm cho người Việt được an toàn”(40).
Người Việt ở lại đất này sau khi người Chàm thu lại đất cũ là chuyện không phải bàn nữa. Suốt từ đó, 1407, cho đến 1446 thì Nam Hải Vân hoàn toàn dưới sự cai trị của người Chàm, vùng chịu nhiều cảnh binh đao là Hóa Châu, vùng Quảng Trị - Thừa Thiên ngày nay. 44 năm yên bình đối với vùng Quảng Nam. 44 năm hoàn toàn không có những di dân mới vì Chiêm Thành đã thực sự giành được tự chủ trong khi Đại Việt bị sự đô hộ của nhà Minh. Nếu có những di dân thì đó là những người bỏ chạy ách đô hộ của nhà Minh và dĩ nhiên họ không có bất cứ quyền lực nào trên vùng đất mới. Khi họ không có quyền lực thì cũng có nghĩa họ hoàn toàn lệ thuộc vào sự cai trị của người Chàm. Và với cái nhìn này ta sẽ hiểu được tại sao “Chiếu bình Chiêm” viết năm 1471 lại có những câu như: “Cấm mổ thịt làm khốn khó dân trời, cấm nấu rượu việc tế thần phải bỏ”. Cần hiểu mổ thịt đây là mổ thịt bò. Người Chàm theo đạo Bà La Môn thờ thần bò và không bao giờ ăn thịt bò và cũng không uống rượu. Và ngay cả thịt heo cũng vậy, lúc này một số người Chàm đã theo đạo Hồi. Trong khi với người Việt thì đó là hai thứ thịt không thể thiếu. Hãy thử hình dung, hai làng ở cạnh nhau nhưng làng này thì thờ bò còn làng kia thì đánh trống inh ỏi khi mổ bò; làng này bày heo ra cúng nhưng làng kia lại sợ thịt heo như phạm tội thánh! Phải chăng sự xung đột văn hóa kéo dài dai dẳng hàng trăm năm này đã tạo nên tính cách người Quảng Nam? Mời xem các khảo sát kỹ hơn ở các chương sau.
Một việc nữa “Đến khi Chiêm Thành cất quân thu lại đất cũ” thì đất cũ, hay đất Chiêm Thành thu lại đó là đất nào, đến đâu có lẽ cũng là một yêu cầu cần xác định. Sau 1407, SKTT nhiều chỗ chép Chiêm Thành lại quấy nhiễu hoặc đánh cướp thành Hóa Châu. Thành Hóa Châu ngoại ô TP. Huế hiện nay. Có nghĩa là vùng Bắc Hải Vân nhà Minh vẫn kiểm soát được. Chiêm Thành cất quân thu lại đất cũ là ý nói vùng Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa; tức nam sông Thu Bồn; và có thể mở rộng đến cả Bắc sông Thu Bồn, tức đến chân núi Hải Vân, lúc này (trước 1445) đều thuộc quyền kiểm soát của Chiêm Thành.
Khi so sánh với hiện tượng văn bản Thủy Thiên chúng tôi nhận ra vùng Quảng Trị đã thực sự không bị tác động bởi sự kiện cắt đứt với mạch nguồn bản quán năm 1407 như các địa phương Nam Châu
Hóa, rõ nét hơn là Nam Hải Vân. Và chắc chắn yếu tố này quyết định không nhỏ đến sự khác nhau giữa giọng nói hai miền Huế và Quảng. Đã có 2 thế hệ người Việt lớn lên bên cạnh người Chàm, những cuộc hôn nhân giữa hai dân tộc chắc chắn là nguồn mối của sự tồn tại. Những người Việt có thể phải nói tiếng Chàm ngoài xã hội nhưng trong gia đình những con dâu, con rể người Chàm có thể cũng phải nói tiếng Việt. Người Việt nói tiếng Chàm không thể giống như người Chàm và dĩ nhiên ngược lại người Chàm nói tiếng Việt cũng chẳng giống như người Việt vùng Thanh Hóa - Nghệ An. Dĩ nhiên giai đoạn này tiếng Chàm là ngôn ngữ chính thống của vùng này. Dấu ấn của cộng đồng Chàm-Việt, hình ảnh xã hội rõ nhất mà chúng ta có được giai đoạn này nằm ở câu: “Dân vùng này nhiễm tục cũ của người Chiêm, tính hung hãn, quen khổ sở. Triều trước (nhà Trần) dùng họ để ngừa người Chiêm” của Lý Tử Tấn chép phần thông luận trong Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi khắc in năm 1435(41). Nhát cắt của nhà Minh khiến Đại Việt suy yếu, Chămpa làm chủ hoàn toàn vùng đất vừa thu lại, chí ít đến Hải Vân nếu không nói cả thành Hóa Châu thuộc đất Thừa Thiên - Huế ngày nay; cho đến 1445 là một nhát cắt với cội nguồn “cần thiết” để những yếu tố văn hóa của những người Việt vào trước hòa nhập với nền văn hóa mới rồi sản sinh, hình thành rồi ổn định một bản sắc đến độ người Việt đến sau 1471, dầu đông, cũng phải “hòa nhập” vào chứ không còn đủ lực để “cải hóa” hoặc “hoàn nguyên” số người Việt vào trước nữa. Sau này, sau khi có lũy Trường Dục, chúng ta cũng sẽ thấy điều này, sự cắt đứt với mạch nguồn văn hóa từ nguyên quán, sẽ tạo điều kiện cho những nét văn hóa mới được hình thành và củng cố, lặp lại một lần nữa, ở bình diện vững chắc hơn.
5/ 1445-1471
Tháng 12 năm 1445 Lê Nhân Tông lệnh cho Lê Khả đem 60 vạn quân đi đánh Chiêm Thành. Trận đánh này vào tận thành Trà Bàn chỉ là sự răn đe chứ không lấy thêm đất. Trận này Minh Thực Lục chép Đại Việt bắt được đến 33.500 tù binh, thế nhưng SKTT thì chép rất nhẹ nhàng: Tháng 6 (1446) đem chúa Chiêm Thành Bí Cai làm lễ dâng tù cáo thắng trận ở Thái Miếu. Sau đó chỉ giữ chúa Bí Cai và ba người phi tần ở kinh sư, còn những người Chiêm khác đều cho đưa về nước; Ma Ha Quý Lai dâng biểu xưng thần, xin làm vua Chiêm
Thành(42). Cả hai nguồn đều cho thấy là có bắt tù binh và mang về Thăng Long, sau đó thả. Những chi tiết này cho thấy việc gặp người Chiêm Thành là giết cả chỉ là hư truyền và là một cái nhìn thiếu toàn diện nhằm lý giải, kiến giải cho sự “biến mất” của người Chàm sau này.
Sau trận này, có thể người Việt đã quay lại Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa như cũ.
Ma Ha Quý Lai vì vâng phục Đại Việt nên chỉ ở ngôi 2 năm thì bị em là Ma Ha Quý Do truất ngôi bắt bỏ tù, phục hồi tinh thần Chiêm Thành, chẳng những không thuần phục mà còn không triều cống, dâng sớ đến nhà Minh buộc tội Đại Việt xâm lấn lãnh thổ, những mong nhà Minh gây áp lực trả đất Chiêm Động, Cổ Lũy (tức Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa) lại cho Chiêm Thành.
Khi Bàn La Trà Toàn lên ngôi thì xét thấy chỉ có dùng vũ lực mới giải quyết được chuyện này nên tháng 3 năm 1469 dùng thủy quân đánh thành Hóa Châu (Huế) lần đầu. Đến tháng 8 năm sau đem 100.000 quân, có một đội kỵ binh rất nhiều voi, đích thân chiếm đóng thành Hóa Châu.
Lê Thánh Tông chỉ cần có vậy để ra Chiếu Bình Chiêm. Và Trà Toàn thành vị vua cuối cùng của vương quốc này!
6/ 1471-1627: Thời kỳ của những làn sóng di dân. Người Chàm ở lại hay ra đi?
Trên bình diện toàn quốc thì đây là một giai đoạn phân kỳ thống nhất, giai đoạn của những làn sóng di dân không ngừng nghỉ suốt 200 năm chẵn. Thế nhưng trên bình diện vùng đất ta đang xét là Bắc Quảng Nam thì giai đoạn này cần chia ra làm hai là 1471-1603 và 1603-1671, đơn giản là vì đến 1603 thì Bắc Quảng Nam mới hết thuộc vào Châu Hóa để trở thành một huyện của thừa tuyên Quảng Nam. Tuy nhiên sự chuyển đổi hành chính này, sau khi khảo sát kỹ, chúng tôi thấy nó không tác động mấy tới đời sống người dân cũng như bản chất của giai đoạn phân kỳ này, cũng không góp phần tạo nên những dấu ấn bản sắc mới; nên vẫn chọn đây là một giai đoạn phân kỳ kéo dài tròn 200 năm với nhiều sự kiện quan trọng thuộc loại bậc nhất trong toàn bộ lịch sử Nam Tiến.
Đến năm 1471, cái mốc quan trọng và dứt khoát để chấm dứt những cuộc giằng co, lấn qua lấn lại giữa Việt và Chiêm trên vùng đất Quảng Nam thì những cuộc di dân là không thể kiểm soát được nữa. Ngoài số di dân từ sắc chỉ năm 1476 quy định “tội nhân bị tội lưu đày ở châu gần thì sung làm quân vệ Thăng Hoa, ở châu ngoài thì sung làm quân vệ Tư Nghĩa, những kẻ được tha tội chết thì sung quân vệ Hoài Nhân” chúng ta còn hiểu rằng những năm mất mùa đói kém nhân dân từ Thanh Hóa trở vào cũng sẵn sàng lên đường vào Nam.
SKTT ghi các năm 1561, 1570, 1571, 1572, 1586, 1588, 1589, 1592, 1594 1595, 1596, 1597, và 1608 đều là những năm mất mùa đói kém và nhấn mạnh đến số người tị nạn. Chẳng hạn 1572 chúng ta thấy ghi: “Năm ấy, các huyện ở Nghệ An, đồng ruộng bỏ hoang, không thu được hạt thóc nào, lại bị bệnh dịch chết đến quá nửa, nhiều người xiêu giạt, kẻ thì lần vào Nam, người thì giạt ra Bắc, trong hạt rất tiêu điều”(43).
Hơn nữa, miền Thuận Quảng lúc này thì SKTT chép như một “thiên đường”: “Hoàng (Nguyễn Hoàng) vỗ trị mấy chục năm, chính mệnh khoan hòa, thường ban ân huệ, dùng phép công bằng, chấn chỉnh khuyên răn tướng sĩ bản bộ. Cấm chỉ, trừ bọn hung ác, dân hai trấn đều cảm mến nhân đức, thay đổi phong tục, chợ búa không nói thách, dân chúng không làm giặc, cổng ngoài không phải đóng, thuyền buôn nước ngoài đều tới buôn bán trao đổi phải giá, quân lệnh nghiêm cẩn, người người gắng sức. Do vậy, họ Mạc không dám dòm ngó, trong cõi được an cư lạc nghiệp”(44), nên không khỏi dân các tỉnh phía Bắc tìm đến.
Li Tana đã bỏ nhiều công phu để nghiên cứu về sự di dân, nhất là giai đoạn sau khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Quảng Nam 1558 cho đến khi lũy Trường Dục được dựng lên năm 1631. Số lượng người Việt di dân vào phủ Điện Bàn giai đoạn này trong hơn 200 năm (1555 đến 1777) theo hai tài liệu Ô Châu Cận Lục và Phủ Biên Tạp Lục, Li Tana ước tính:
Năm Số xã
Số hộ (ước tính)
Dân số (ước tính)
Tỉ lệ gia tăng hằng năm
1555 66 5.808 29.040
1777 197 17.336 86.680 0,78%
“Sự ước tính này cho thấy một tỉ lệ gia tăng dân số đáng ngạc nhiên, rõ ràng ảnh hưởng của việc di dân trong sự phát triển của dân số ở đây”(45).
Sách “Phủ tập Quảng Nam ký sự” viết vào thế kỷ XVI có nói quân của Bùi Tá Hán nhận lệnh diệt quân Mạc ở Cổ Lũy, ông dẫn quân vào cho nghỉ ở Cù Lao Ré rồi giả làm đoàn người di cư, lén đổ bộ lên bờ và tấn công(46). Như thế ta hiểu có nghĩa là những đoàn người di cư vào năm 1545 ấy là đông đúc đến dường nào, nó đủ sức để một đạo quân cải trang lẩn trong ấy!
Người Việt di dân vào định cư sống bên cạnh các làng Chàm hay tất cả người Chàm lúc này đã bỏ ra đi? Đó là một câu hỏi vô cùng lớn quyết định toàn bộ bản sắc văn hóa và cả nhân chủng của người Quảng Nam nói riêng và các tỉnh Nam Trung Bộ nói chung. Đây là giai đoạn phân kỳ quan trọng nhất cần phải bỏ công nghiên cứu nhiều nhất, nhưng cũng là giai đoạn có nhiều ghi chép nhất, nhất là từ các ghi chép của các giáo sĩ phương Tây. Tuy nhiên, như đã nói, một sự kiện, một chi tiết nào đó có thể phản ảnh được cái toàn cục nhưng thường thì nó chỉ phản ảnh được giai đoạn đó, thời điểm đó. 200 năm của một cuộc di dân là quãng thời gian quá dài đủ để người vào trước có thể đã quên gốc gác để đón người vào sau như kẻ ngụ cư mới. Thậm chí, người vào trước đã đủ thời gian để hình thành nên một giọng nói mới để người vào sau không còn nhận ra đó chính là người cùng quê hương bản quán.
100 năm sau khi Lê Thánh Tông bình Chiêm, sách “Ô Châu Cận Lục” mô tả vùng Quảng Nam - Thừa Thiên ngày nay: “Nói tiếng Chiêm có thổ dân làng La Giang, mặc áo Chiêm có con gái làng Thủy Bạn, nhiều xã còn giữ thói dâm phong mây mưa, thói quen cổ truyền cũng đã lâu lắm”. Sách “Phủ tập Quảng Nam ký sự” đã nói kể chuyện ông Bùi Tá Hán trong những năm 1545-1568 có những chính sách với người Chiêm như: “Lập ở vùng biên giới, Tuy Hòa nay, 3 đồn lớn ở đó lập 3 nơi giao dịch cho phép người Kinh - Chàm mang các thứ tới đây buôn bán. Người Chàm nếu có ai ra vào cửa khẩu vùng biên để thăm bà con thân thuộc thì đều phải trình báo rõ ngày giờ với các quan đồn”. Điều này cùng với mô tả trong “Ô Châu Cận Lục” cho thấy khu vực người Chiêm còn ở lại là khá rộng, trải từ Quảng Bình cho tới Phú Yên, Tuy Hòa (Phú Yên nhập vào Đại Việt năm 1611). Dĩ nhiên tình hình bây giờ không còn giống như hồi 1402-1471, họ buộc
phải nói tiếng Việt khi giao tiếp ngoài xã hội. Và dĩ nhiên họ nói tiếng Việt theo kiểu của người nước ngoài nói tiếng Việt, số lượng họ là bao nhiêu? Nhiều hay ít? Họ chuyển dần thành Việt như thế nào?
Giai đoạn 200 năm này có những dấu mốc phân kỳ đặc biệt quan trọng cần chú ý:
6.1/ 1471-1558: Ngay sau khi chiếm được Đồ Bàn, Lê Thánh Tông cử người Chàm cai quản những vùng đất mới. SKTT chép: “Ngày mồng 7 (tháng 3 năm Tân Mão - 1471), lấy người Chiêm đầu hàng là Ba Thái làm Đồng tri châu Thái Chiêm; Đa Thủy làm Thiêm Tri châu. Vua dụ họ rằng: “Hai châu Thái Chiêm và Cổ Lũy trước là đất của ta, đời gần đây bị mất về nước Chiêm, nay lấy lại được hết, đặc cách sai bọn các ngươi trấn giữ. Có kẻ nào không theo, cho giết trước rồi tâu sau”. Ngày 11, lấy Đỗ Tử Quy làm Đồng tri châu Thái Chiêm quân dân sự, Lê Ỷ Đà làm Cổ Lũy châu tri quân dân. Người Chiêm nào dám chống hay làm loạn thì cho giết rồi tâu sau(47). Có nghĩa là người Chàm vẫn ở lại rất đông.
Trước khi Nguyễn Hoàng vào Nam. Giai đoạn của những tộc họ đến nay có số đời trên 18.
- Người Chiêm Thành không có họ. Ai có họ là người Việt đến sau. (Việt sử xứ Đàng Trong của Phan Khoang, trang 89. Chưa rõ Phan Khoang dẫn ở đâu(48).
Sau này, sau 1471, vua Lê Thánh Tông cũng lại có một sắc chỉ về việc xét họ tên với bọn người Chiêm. Và đến một lúc những người Chiêm không có họ ấy bắt buộc phải mang một họ nào đó bất kể là Đinh, Lê, Lý, Trần, Phan, Nguyễn v.v… để vào sổ hộ tịch lại là một chuyện quan trọng nữa mà chúng ta cần phải bàn đến trong các chương sau.
6.2/ 1558 - 1602: 1602 dinh trấn Thanh Chiêm được thành lập và Bắc Quảng Nam chính thức tách khỏi Châu Hóa để trở thành huyện Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam kéo dài đến Bình Định. Đây là lần đầu tiên một dinh trấn thể hiện một trung tâm chính trị của người Việt thực sự đủ mạnh để cai quản vùng đất từ phía nam Hải Vân đến bắc đèo Cù Mông. Thực ra trước đó đã có các lỵ sở đạo Thừa tuyên Quảng Nam đóng ở Bình Định, Quảng Ngãi nhưng đều chưa đủ mạnh để có thể thực sự có quyền lực trên thực trạng xã hội đa chủng tộc, đa văn hóa như Đàng Trong giai đoạn này. Hay nói cách khác, trước 1602 thể chế chính trị, quyền lực nhà nước vùng đất này là
lỏng lẻo, “Dân địa phương ở đấy (Đàng Trong) sống lẫn lộn với người Man”(49).
6-3/ 1602 - 1627: Giai đoạn này Chúa Nguyễn đánh Phú Yên và xây lũy Trường Dục. Đây cũng là giai đoạn người Việt còn có thể ra Bắc, về quê đem bài vị, hài cốt cha mẹ vào để thờ phượng(50). Đồng thời đây cũng là giai đoạn di dân mạnh nhất, tạo nên những dòng họ có số đời trung bình trên dưới 16. Và đây cũng là giai đoạn của văn hóa Việt thực sự lên ngôi, thực sự làm chủ. Nhưng kể từ tháng 3 năm 1627, Trịnh Tráng khởi 20 vạn đại quân thủy bộ vào Nam, chiến tranh Trịnh - Nguyễn chính thức nổ ra thì con đường Nam tiến coi như cũng chấm dứt.
6-4/1627-1671:
Cuộc chiến Trịnh - Nguyễn thực sự diễn ra từ năm 1627. Có nghĩa là trước đó con đường ra Bắc vào Nam là không gián đoạn(51). Trong 46 năm ròng rã, hai bên Trịnh - Nguyễn đánh nhau lớn bảy lần và một số lần đánh nhau quy mô nhỏ hơn. Chiến trường chủ yếu ở hai bờ sông Gianh, vùng Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình ngày nay. Sau nhiều năm giao chiến, cả hai bên đều kiệt quệ về sức người sức của nên phải chấp nhận đình chiến vào năm 1673, chia cắt lâu dài đất nước. Sông Gianh, sử sách hay gọi là Linh Giang, trở thành ranh giới chia nước Đại Việt thành Đàng Trong và Đàng Ngoài. Mặc dù đến 1673 sông Linh Giang mới thực sự ngăn cách đất nước nhưng về mặt lịch sử Nam tiến, theo chúng tôi, ngay từ khi Đào Duy Từ cho xây lũy Trường Dục năm 1630, con đường Nam tiến, di dân đã thực sự bị cắt đứt. Và như đã phân tích(52) đây là cái biên giới một con chuột đi cũng không lọt. Có một số tù binh bị bắt trong 7 cuộc giao tranh nhưng số lượng là không đáng kể. Duy nhất trận đánh ra Nghệ An năm 1648 bắt được ba vạn tù binh, có tài liệu nói chỉ 3.000, theo chúng tôi con số 3.000 hợp lý hơn: Thủy tổ họ Nguyễn Tây Sơn cũng bị bắt và an tháp vào Bình Định giai đoạn này(53).
Chưa ghi nhận được gia phả nào ở Quảng Nam có thủy tổ cũng là tù binh bị bắt năm 1648 như thủy tổ nhà Tây Sơn. Có thể lúc này Quảng Nam đã đất chật, người đông; hơn nữa Quảng Nam đã là vùng đất ổn định, dinh trấn Thanh Chiêm được chúa Nguyễn cho xây dựng như một trung tâm đầu não chính trị, quân sự ngay bên bờ bắc sông Thu Bồn; vùng đất cần người Kinh đến “coi ngó” là các tỉnh phía
nam gồm Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận; vì vậy sự “an tháp” là ở các tỉnh phía Nam chứ sẽ không có ở vùng đất như đã là kinh kỳ của Quảng Nam.
Có nghĩa là, theo chúng tôi ở đất Quảng Nam sẽ không có tộc họ nào mới kể từ 1627. Lát cắt 1627 này góp phần không nhỏ trong việc tạo nên bản sắc, mặc dù đã định hình và khó có thể thay đổi được nữa, nhưng năm 1627 vẫn là dấu mốc quan trọng vì nó cho biết những tộc họ nào xuất hiện ở Quảng Nam sau 1627, tức đến nay ít hơn 16 đời, đều cần phải “đặc biệt chú ý”, nhất là không thể tùy tiện bảo vào Nam theo Lê Thánh Tông bình Chiêm được.
Nhưng số lượng thế nào chăng nữa thì chắc chắn ở đó cũng có đủ tất cả các họ của người Việt, và đây là những “thủy tổ” cuối cùng của các dòng họ ở Quảng Nam và có số đời đến nay ít nhất phải là 14. Từ đó đến 1671 Trịnh - Nguyễn nhiều lần đem quân đánh ra hoặc đánh vào, có thể giai đoạn này có thêm một ít tù binh nữa nhưng không thấy sử chép thành vấn đề. Và đến 1671 thì hai họ thôi chiến tranh, lấy sông Gianh làm ranh giới Nam Bắc.
200 năm với nhiều biến động nhưng xuyên suốt trong đó ta thấy hình ảnh người Việt sống lẫn với người Man. Và điều không tránh khỏi là những cuộc hôn nhân. Thậm chí những cuộc hôn nhân chồng Việt vợ Chàm giai đoạn này là rất phổ biến, phổ biến đến mức 1499 Lê Hiến Tông ra sắc chỉ: “Kể từ nay, trên từ thân vương, dưới đến dân chúng, đều không được lấy đàn bà con gái Chiêm Thành làm vợ, để cho phong tục được thuần hậu”(54).
7/ 1627 – 1775(55) 150 năm chia cắt tuyệt đối: Đứt mạch nguồn với bản quán lần thứ III, hay vai trò của lũy Trường Dục trong việc hình thành bản sắc Đàng Trong
NHỮNG DÒNG HỌ ÍT HƠN 16 ĐỜI LÀ Ở ĐÂU RA? Biên giới Trịnh-Nguyễn là biên giới quân sự, không được qua lại. Năm 1716 chúa Nguyễn Phúc Chu mật sai hai người khách (Tàu) buôn Phước Kiến là Bình, và Quý (không rõ họ) sang Quảng Tây rồi qua ải Lạng Sơn mà vào Thăng Long để xem xét tình hình Đàng Ngoài. Vào đến Nghệ An thì không thể đến Bố Chính được vì Trấn thủ là Lê Thời Liêu cấm ngặt, ai không có giấy hộ chiếu của các trấn, ty cấp thì không được vào châu Bố Chính(56). Có nghĩa là, như ta
thường nói, một con chuột cũng không lọt! Thậm chí đến 1738 Lê Duy Mật là con vua Dụ Tông ly khai chống Trịnh, xin chúa Nguyễn mở cửa biên giới đón nhận rồi hợp lực chống Trịnh. Lời thư rất tha thiết nhưng Chúa Nguyễn chỉ hậu đãi sứ giả rồi từ khước việc mở cửa biên giới. Rõ ràng suốt giai đoạn 1671 về sau (đến năm 1775 quân Trịnh tiến vào Phú Xuân. Chúa Nguyễn không chống nổi phải bỏ chạy vào Quảng Nam. Quân Trịnh chiếm toàn bộ Thuận Hóa, lũy Trường Dục bị phá) những cuộc di dân là hoàn toàn chấm dứt, tù binh cũng không còn. Có thể có một số dân vượt biên bằng đường biển, đường núi nhưng chắc chắn là số lượng không đáng kể và không đủ để tạo nên vấn đề.
Những cuộc di dân sau Tây Sơn không còn dừng lại ở vùng Quảng Nam nữa(57).
Tác giả Huỳnh Công Bá trong luận án Phó Tiến sĩ: “Công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã ở Bắc Quảng Nam từ giữa thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVIII” khảo sát gia phả của 63 dòng họ ở phía bắc Quảng Nam ghi là tổ tiên của họ đã tới đây trong chiến tranh Trịnh Nguyễn: “Dưới sự cai trị của chính quyền Lê Trịnh, xã hội Đàng Ngoài ngày càng thối nát, tiêu điều. Để trút gánh nặng thuế khóa, dao dịch, thiên tai, cơ cận, người Đàng Ngoài không còn con đường nào khác là phải bỏ đất bỏ làng tiếp tục xuôi nam” và tác giả thống kê được nguyên quán của các tộc họ đến Bắc Quảng Nam giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh có trên 64 tộc họ chủ yếu thuộc các địa phương Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương và Thăng Long; trong đó Nghệ An là địa phương chiếm tỉ lệ lớn nhất (50%)(58). Chưa có dịp để khảo sát gia phả các tộc họ này thế nhưng chúng tôi tin rằng nếu khảo sát kỹ chúng ta sẽ thấy cơ sở để khắng định các tộc họ này vào Nam giai đoạn sau 1627 sẽ là thiếu chắc chắn; nếu không có số đời không tương thích với số năm thì cũng sẽ là một chi, nhánh nào đó ở Thuận Hóa hoặc nơi khác di chuyển đến lập họ mới; bởi đơn giản, lũy Trường Dục sau 1627 là bất khả xâm phạm!
Cũng giống như sự chấm dứt di cư năm 1407, sự chấm dứt di cư năm 1627 chính là điều kiện cần có để sự giao thoa đã hình thành đi vào ổn định, không bị pha trộn thêm, để cố định một bản sắc vững bền đến mức nhiều biến động sau này cũng không thay đổi.
Có một câu hỏi cực lớn được đặt ra là: Những người miền Bắc cuối cùng vào tạo nên các dòng họ là những năm 1627 đến nay tròn
380 năm. Cứ tối thiểu 24 năm là một đời thì đến nay ít nhất cũng đã được 16 đời. Vậy những dòng họ có số đời ít hơn 16 là ở đâu ra? Phải chăng phần lớn trong số đó là những người Chàm mang họ Việt và đã thực sự quên gốc gác?
Số dòng họ có số đời như thế, dưới 16, ở Quảng Nam lại khá nhiều, thậm chí rất nhiều. Lý do đưa ra có thể là số ông bà thủy tổ vào trước 1627 ấy ít học, không ghi chép gì. Đến nhiều đời sau khi con cháu có người có điều kiện học hành thì mới tiến hành ghi chép làm gia phả. Dĩ nhiên là vậy nhưng điều này không thể giải thích được là tại sao lại có những làng, những xã không tìm đâu ra một dòng họ có số đời trên 16? Chưa có công trình điều tra về chuyện này nhưng một số nơi chúng tôi biết được tuy là đất có dấu vết Chămpa (tức đã có người ở lâu đời) nhưng khó tìm thấy một nhà thờ tộc họ, ý niệm về dòng họ khá mờ nhạt, nếu có thì không có một họ nào quá con số 12 đời, đa phần là tộc Nguyễn Văn. Tại sao vậy?
Vâng, thật khó, nếu không nói là hoàn toàn không có, một dòng họ nào tự xác nhận rằng ông bà tổ tiên của mình không phải là người Việt, không phải từ miền Bắc di cư vào. Ngay trong trường hợp duy nhất là tộc Phan ở hai làng Đà Sơn - Đà Ly ở Hòa Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng gia phả vốn viết bằng chữ Chiêm: “cùng kê các đời từ thượng cổ, trung cổ cho đến cận cổ đều viết bằng chữ khoa đẩu”, tuy trong gia phả có chỗ ghi rõ: “Dòng giống họ Lê gốc người động Thanh Lam, cùng một nòi giống Chiêm của ta…”(59), hoặc “Thời cận cổ lại dời vào Đà Bàn, đổi hiệu nước là Chiêm Thành… tiếp nối các đời làm chủ đất nước, gồm 68 thế kỷ. Các thế hệ đều dùng chữ khoa đẩu để biên chép”(60).
Thế nhưng rồi cũng dựa vào câu “Thủy tổ chúng ta là vua Lạc sinh ra tộc chúng ta. Thời thượng cổ lưu dấu cũ ở động Thạnh Lam hiệu là bộ Việt Thường, thời trung cổ dời vào Lâm Châu, cận cổ lại dời vào Đà Bàn, đổi hiệu nước là Chiêm Thành…” để hiện nay con cháu tộc này khẳng định gốc gác Việt không thể cãi của mình, thì chúng ta sẽ không bao giờ hy vọng có thể tìm ra một tộc họ thuần Chàm nào. Ngay cả các tộc họ Ông, Ma, Trà, Chế cũng vậy, tộc nào cũng có một lý do nào đó để khẳng định dòng máu Việt từ những di dân phương Bắc vào(61).
Sau khi chiến thắng Chiêm Thành trở về, tháng 9/1471 vua Lê Thánh Tông ra sắc chỉ: “Những người nguyên là quan lại ngụy,
những người là cha Ngô mẹ Việt, bọn phản nghịch và người Ai Lao, Chiêm Thành hết thảy là nô tỳ của nhà nước. Con cái còn bé cho thay đổi họ tên làm dân thường”. Đến tháng 9 năm 1472 lại ra sắc chỉ: “cho Thái bộc tự khanh xét họ tên của bọn người Chiêm, người Man. Họ của người Chiêm thì mới cũ theo đúng quy chế, họ của người Man thì dồn lại” (Trong kho Hán Nôm có còn lưu giữ lại cái quy chế này?). Ta không hiểu được quy chế đặt ra cho việc đặt họ của người Chiêm là như thế nào nhưng biết chắc một điều rằng từ nay người Chiêm phải ghi họ tên mình bằng chữ Hán. Những con cái có cha mẹ “cứng đầu” thì phải mang họ Việt và trở thành người Việt. Ngoài một số họ như Ông, Ma, Trà, Chế rất đặc trưng họ Chàm ra ta còn biết một số họ được viết và đọc bằng âm Hán là Phạm, Phan, Đặng, Đinh…
Đến thời các chúa Nguyễn thì nhà nước luôn cần tăng cường sức mạnh quân sự và một trong những điều phải làm là nắm chắc dân số, tiến hành làm hộ tịch, hộ khẩu của tất cả các địa phương, kể cả các thôn xóm xa xôi hẻo lánh nhất. Một điều tất nhiên phải xảy ra đối với những “cán bộ” đi làm hộ tịch, hộ khẩu khi đến các gia đình, thậm chí các làng người Chàm 100%, như trong Ô Châu Cận Lục đã nói, chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi ghi tên họ của những người Chàm bằng chữ Hán, nhất là đối với đa số dân Chàm trong các làng nông nghiệp hoặc chài lưới (như vùng Nại Hiên Đông chẳng hạn) đều ít học và không biết chữ.
Người Chàm không có họ, vua Lê Thánh Tông đã có một sắc chỉ về chuyện này nhưng chúng ta không biết các chúa Nguyễn xử lý chuyện này như thế nào. Ở phường Nại Hiên Đông-Đà Nẵng chúng tôi gặp rất nhiều người có tên ghi giấy khai sinh là Chén, Đóc, Nư, Tồi, Hứ, Gà, Cốc, Rô, Mãi… Giả sử, xin nhắc lại là giả sử, những người đó là người Chàm thì ông “cán bộ” hộ tịch, hộ khẩu làm sao phân biệt thằng Rô này với thằng Rô kia, làm sao phân biệt được thằng Hứ với con Hứ? Mà chuyện đó thì rất quan trọng trong việc gọi quân. Hình như các “cán bộ” hộ tịch hộ khẩu thời các chúa Nguyễn giải quyết bằng cách: Thôi thì mầy lấy đại họ gì đó cũng được, miễn là cha con giống nhau, con trai thì đệm chữ Văn, con gái thì đệm chữ Thị. Tình hình có thể cũng đã diễn ra giống như cuối thế kỷ XX ở các huyện miền núi Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và cả Tây Nguyên nhiều người lấy họ theo họ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ Nguyễn
Văn ở Quảng Nam nhiều, nhiều một cách bất thường, có phải cũng là vì như thế?
Chỉ cần qua 3 đời là những người con người cháu sẽ nghĩ rằng mình có họ đó thật rồi, mình là người Việt thật rồi! Thêm nữa, qua câu khấn của bài văn tế cúng đất của người Quảng Nam: “Ma Chàm, ma Chợ, ma Mọi, ma Rợ, thương vong đói khát, ma Lồi, ma Lạc, hữu danh vô vị, hữu vị vô danh, đẳng chúng cô hồn đồng lai thụ hưởng” giúp ta hiểu những người Chàm ở lại họ mong muốn càng mau chóng quên gốc gác càng tốt, họ không kể gốc gác lại cho con cháu, nếu có thì cũng chỉ 2, 3 đời là hết. Trong kho lưu trữ Hán Nôm thời Nguyễn có ở đâu đó chép lại sự kiện này? Nếu không thì trong thực tế, ít ra cái giả định như thế nó cũng góp phần giải thích được là tại sao ở Quảng Nam lại có những làng, những xóm toàn là họ Nguyễn, gia phả hình thành nhiều lắm chỉ 10, 12 đời. Vùng Quảng Ngãi, Bình Định nay cũng rất ít có họ nào trên 14 đời nhưng đó có thể là những di dân đi từ Quảng Nam sau 1648. Nếu ở đó có những dòng họ không phải có gốc Quảng Nam thì sao? Và đó mới là con số đông tuyệt đối ở vùng này!
8/ Vấn đề người Chàm sau 1802
Mọi chuyện lẽ ra đã có thể kết thúc ở điểm mốc lịch sử 1671. Toàn bộ lịch sử Nam tiến, lịch sử hình thành bản sắc Đàng Trong, bản sắc phương ngữ Nam đến 1671 là đã hoàn chỉnh và không còn có thể biến đổi được nữa. Thế nhưng sau khi có được các bản ảnh màu in trong tập “Du ký đến Đàng Trong năm 1793” của Barrow chúng tôi chợt nhận ra vấn đề hoàn toàn chưa kết thúc! Những tấm khăn xếp turban đội đầu, những tấm vải kama quấn quanh người, những chiếc váy phụ nữ 5-7 tầng nhiều màu sắc rực rỡ.., ấy người Chàm vẫn còn giữ được cho đến trước khi Gia Long lập nên triều Nguyễn. Các mô tả của Barrow ở các làng quanh cửa biển Đà Nẵng như Nại Hiên, Thanh Khê, Nam Ô cho thấy thực sự họ vẫn còn giữ được bản sắc của mình cho đến 1802!
Và đến khi đọc được các văn bản địa bạ triều Nguyễn vẫn rất nhiều những làng Man, tộc… chúng tôi chợt hiểu vấn đề người Chàm ở lại cần phải xét đến chí ít giữa thế kỷ 19.
Một sắc chỉ nào đó của vua nào đó nhà Nguyễn, một quan niệm sống nào đó, một thay đổi nào đó trong xã hội đã khiến họ, những
người Chàm cuối cùng, đã từ bỏ tất cả sau 500 năm dẳng dai kiên trì bảo vệ bản sắc của cha ông! Họ hoàn toàn biến mất trên đất Quảng Nam và cả Quảng Ngãi, Bình Định nữa. Biến mất như chưa từng có mặt, như đã bỏ chạy đi tất cả, ngay từ thời 1471!
Quả thật chuyện là quá lớn và thực sự chúng tôi cũng không hiểu tại sao phần lớn ký ức, phần lớn lịch sử lại bị lãng quên một cách khắc nghiệt đến như vậy. Hy vọng là trong các khảo sát ở chương nội dung chúng ta sẽ làm sáng tỏ hơn, dễ có đồng thuận hơn trong một vấn đề vô cùng tế nhị và nhạy cảm này.
(16) Thậm chí, đến thế kỉ cuối XIX, đầu thế kỉ XX, người uyên bác như Phương Đình Nguyễn Văn Siêu trong “Đại Việt Địa Dư Toàn Biên” cũng nhìn người Chàm một cách xa lạ như sau: Các truyện ở bắc sử, chép tên vua nước này hoặc gọi là Phạm Dật, Phạm Dương Mại, Phạm Chư Nông, Gia Cát Địa… là lấy tên chữ Hán dịch vào gần giống đấy thôi. Nước Mán này không có họ. Tục nước ấy thờ Phật lại thờ ma. Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Bình Định còn nhiều chân móng thành cũ gọi là thành Lỗi vương (Lồi vương), núi ở đây có nhiều tháp cũ. Bình Thuận, Phan Lý, Phố Hời có ruộng trà mương (là ruộng lộc điền của vua cũ) người ta ai có việc gì phải đi qua nơi ấy, tất phải nói rõ như là phân bua, nếu không thì bị ma làm. Thuận Thành là tục cũ nghìn năm, bây giờ gọi là người Hời. Dẫu ở lẫn với dân ta, vẫn còn thích ở trần truồng, chỉ che một miếng vải ngang, tiếng nói và cách ăn uống đều khác người Việt ta. (Đại Việt địa dư toàn biên. Viện Sử học và NXB. Văn hóa năm 1997, trang 311). (17) Xem chương “Giọng nói Quảng Nam” (trang 124). (18) Xem thêm phụ lục: Từ một chữ Trần trong tháp G1 ở Mỹ Sơn (trang 262). (19) Sự kiện vua Trần Anh Tông đi đánh Chiêm Thành tháng 12 năm 1311 được SKTT ghi lại với nhiều chi tiết hay, phản ảnh được các mối quan hệ Chàm Việt lúc ấy, xin xem thêm ở các chương nội dung. (20) ĐNNTC, tập 1, trang 166. (21) Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, NXB. Thuận Hóa, 1995, trang 162. (22) Có một ngẫu nhiên lịch sử được lặp lại sau gần 700 năm là vùng đất này hoàn toàn trùng khớp với tỉnh Quảng Đà mà chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam phân chia thành một đơn vị hành chính trong những năm chiến tranh. (23) Ngay sau Huyền Trân về Việt người các thôn La Thủy, Tác Hồng, Đà Bồng đã nổi loạn. (24) Xem chương Giọng nói Quảng Nam (trang 124). (25) Võ Văn Thắng. Một bản phổ chí nói về quan hệ Việt-Chàm. VIỆT NAM HỌC, Kỷ yếu hội thảo Quốc tế lần thứ nhất. Hà Nội 15-17.7.1998. Tập 5. NXB. Thế giới, 2001, trang 500. (26) Xem phụ lục “Gia phả tộc Phan làng Đà Sơn” (trang 255). (27) Chiếu Bình Chiêm. (28) SKTT, tập 2, trang 204. (29) SKTT, tập 2, trang 206 (30) SKTT, tập 2, trang 219. (31) SKTT, tập 2, trang 219. (32) SKTT, tập 2, trang 203. Qua các ghi chép của SKTT, dân tình Chiêm Thành lúc này khá là bi thảm: Chúa Chiêm Ba Đích Lại sợ hãi, dâng đất Chiêm Động (toàn bộ vùng đất phía Nam Thu Bồn thuộc Quảng Nam nay gồm các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành, Tiên Phước). Quý Ly không chịu, bắt ép dâng nộp cả động Cổ Lũy. Sau đó cho người Chiêm Thành thu lấy những dân phụ cận đưa về nước, người ở lại thì bổ làm quan. Chính việc “bắt ép” này mà khi nhà Hồ tan, người Chiêm Thành thu lại đất cũ với nhiều hận thù, nhất là trên vùng đất Cổ Lũy.(33) Hạ Môn chí. Dẫn lại theo Li Tana, Xứ Đàng Trong, NXB. Trẻ, trang 186. (34) SKTT, tập 2, trang 204. (35) SKTT, tập 2, trang 193. (36) Tháng 9 năm Mậu Tý năm Minh Mệnh thứ 9 (1828): “Đổi lối áo quần từ sông Gianh trở ra Bắc” và 10 năm sau (1837) Minh Mệnh nhắc lại, chi tiết hơn và
nhiều bực mình hơn: “Từ sông Gianh ra Bắc, trước đây vẫn còn ăn mặc theo tục cũ, ra dụ cho đổi theo cách ăn mặc như từ Quảng Bình trở vào để phong tục như nhau. Lại ban hạn rộng rãi để ai nấy có thì giờ khâu may. Nhưng đến nay, kể đã ngoài 10 năm, mà ở đàng ngoài bọn ngu phu, ngu phụ vẫn cứ chần chừ chưa chịu đổi thay. Từ Quảng Bình trở vào Nam, hết thảy đã ăn mặc theo lối nhà Hán, nhà Minh, mũ mãng, áo quần đều chỉnh tề, tươm tất. Dân Bắc Kỳ cứ ăn mặc theo lối cũ. Đàn ông, con trai đóng khố đàn bà, con gái mặc áo vạt khép vào nhau dưới thì mặc váy. Như vậy đẹp xấu ra sao, mọi sự đã rõ. Một số nơi đã theo thói hay. Nhưng nhiều nơi vẫn duy trì hủ tục, phải chăng cố ý trái lệnh của Trẫm? Nay truyền cho các viên tổng đốc, tuần phủ, bố chánh, án sát các tỉnh phải giải thích, khuyên nhủ cho dân biết rõ ý của Trẫm. Lại ban hạn trong năm nay tất cả phải thay đổi quần áo. Nếu sang năm sau vẫn có người theo lối cũ, thì trị tội. (Đại Nam Thực Lục, NXB. Giáo dục, 2004, tập 5, trang 164). (37) SKTT, tập 2, trang 219. (38) SKTT, tập 2, trang 219 chép: “Đến khi Chiêm Thành cất quân thu lại đất cũ, dân di cư sợ chạy tan cả, bọn Hối Khanh trở về Hóa châu, chỉ một mình Ma Nô Đà La (một người Chàm theo Việt) chống với Chiêm Thành, thế cô sức núng, bị người Chiêm giết chết. Khi Hối Khanh trở về Hóa Châu thì Nguyễn Rỗ đưa dân di cư đi đường bộ đến chậm. Trấn phủ sứ lộ Thuận Hóa là Nguyễn Phong nghi ngờ ngăn không cho vào. Đánh nhau với Rỗ hơn một tháng. Rỗ không có viện binh liền đem quân và gia quyến về Chiêm Thành. Chiêm Thành cho Rỗ làm quan to”. (39) Cẩm Sa nay là một xã (Điện Nam) vùng cát vắng người, nhưng khi sông Cổ Cò chưa bồi lấp thì Cẩm Sa là một trạm dịch trên đường thiên lý (tên này do Hồ Hán Thương đặt ra vào đầu năm 1402, SKTT chép khá rõ), tức là một vùng thị tứ khá sầm uất. Việc tộc Hồ, là một tộc lớn và lâu đời ở Quảng Nam nhưng lại định cư trên một vùng đất cát khá khô cằn là một lý do khá không hợp lý và ta sẽ tìm hiểu thêm ở phần khảo sát về giọng nói người Thanh Quýt, một làng nhiều dấu vết, di tích Chàm giáp giới với Cẩm Sa. (40) Võ Văn Thắng. Phan tộc phổ chí. Bản dịch và đánh máy phần chưa công bố. Tác giả đã công bố một phần trong “Một bản phổ chí nói về quan hệ Việt-Chàm”. VIỆT NAM HỌC, Kỷ yếu hội thảo quốc tế lần thứ nhất. Hà Nội 15- 17.7.1998. Tập 5. NXB. Thế giới, 2001, trang 496. (41) Nguyễn Trãi toàn tập, in lần thứ hai có sửa chữa và bổ sung. Viện Sử học. NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, trang 235. Xem thêm khái niệm “dân Kinh cựu” ở trang 190. (42) SKTT, tập 2, trang 357. (43) SKTT, tập 3, trang 147. (44) SKTT, tập 3, trang 147. (45) Li Tana. Xứ Đàng Trong, NXB. Trẻ, 1999, trang 53. (46) Phủ tập Quảng Nam ký sự. Tư liệu thư tịch và di tích về nhân vật Bùi Tá Hán (1496 - 1586). Sở VHTT Quảng Ngãi ấn hành năm 1995, trang 21. (47) SKTT, tập 2, trang 451.
(48) Tác giả Phú Trạm, trên tạp chí Tia Sáng số ngày 2/10/06 có bài “Bàn thêm về họ người Chàm” cũng khẳng định rằng người Chàm không có họ. Các họ Ông, Ma, Trà, Chế là những họ của vua, hoàng thân quốc thích. Thường thì người Chàm dùng Ja (nam) hay Mư (nữ) trước tên, như Văn hay Thị của người Việt vậy. Tất cả, không phân biệt, cho đến khi đối tượng thành người lớn, xây dựng gia đình hay có vai vế trong xã hội, họ mới được gọi theo vai vế hay chức danh ấy. Và đặc biệt, theo Nguyễn Văn Luận: “Vào năm Minh Mạng thứ 14, triều đình Huế bắt người Chàm phải theo phong tục Việt Nam. Họ phải chọn lấy một trong những tên họ đọc theo ngôn ngữ Việt Nam, gồm có: Bá, Đàng, Hứa, Lưu, Lựu, Hán, Lộ, Mã, Châu, Ngụy, Từ, Tạ, Thiên, Ức, Vạn, Ưng, Lâm, Hải, Báo, Cây, Dương, Quảng, Qua, Trượng, Tưởng, Lư.”
Khảo sát lại nguồn từ Đại Nam thực lục chúng tôi thấy năm Minh Mạng thứ 14, tháng 10, có ban cho người Chàm các họ: Đào, Mai, Trúc, Tùng (Đại Nam Thực Lục, tập 3, NXB. Giáo dục, 2004, trang 392) chứ không thấy các họ Nguyễn Văn Luận đã nói.
Và Phương Đình Nguyễn Văn Siêu cũng nói rõ trong Đại Việt Địa Dư Toàn Biên: “Nước Mán này không có họ”. (Đại Việt địa dư toàn biên. Viện Sử học và NXB Văn hóa năm 1997 - trang 311).
Tóm lại, trong trường hợp nào thì ta cũng có một thực tế là vào giai đoạn này, đến đầu thế kỷ XIX, người Chàm phải mang một họ nào đó chứ không còn giữ được phong tục cũ nữa.
(49) Hạ Môn chí. Dẫn lại theo Li Tana, Xứ Đàng Trong, NXB. Trẻ, trang 186. (50) Gia phả tộc Lê Tự ở Thanh Quýt kể chuyện người con thứ về đem mộ cha vào, người con trưởng về sau chỉ đem được mộ mẹ chứng tỏ trước khi có lũy Trường Dục sự ra Bắc vào Nam là khá dễ dàng. (51) Trường hợp gia phả tộc Lê Tự ở Thanh Quýt như chú thích trên. (52) Năm 1716 chúa Nguyễn Phúc Chu mật sai hai người khách (Tàu) buôn Phước Kiến là Bình, và Quý (không rõ họ) sang Quảng Tây rồi qua ải Lạng Sơn mà vào Thăng Long để xem xét tình hình Đàng Ngoài. Vào đến Nghệ An thì không thể đến Bố Chính được vì Trấn thủ là Lê Thời Liêu cấm ngặt, ai không có giấy hộ chiếu của các trấn, ty cấp thì không được vào châu Bố Chính (Đại Nam Thực Lục - Tiền Biên. NXB. Giáo dục, 2004, tập 1, trang 136). Thậm chí đến 1738 Lê Duy Mật là con vua Dụ Tông ly khai chống Trịnh, xin chúa Nguyễn mở cửa biên giới đón nhận rồi hợp lực chống Trịnh. Lời thư rất tha thiết nhưng Chúa Nguyễn chỉ hậu đãi sứ giả rồi từ khước việc mở cửa biên giới. (53) Chúa cùng các tướng bàn cách khu xử những tàn quân bị bắt. Có người cho rằng quân giặc tráo trở để đấy thì sợ sinh biến, không bằng đưa họ đi chốn núi sâu hay nơi hải đảo để khỏi lo về sau; lại có người cho rằng giết tướng hiệu đi, còn thì thả về Bắc. Chúa nói: “Hiện nay từ miền Thăng (tức phủ Thăng Bình) Điện (tức phủ Điện Bàn) trở vào Nam đều là đất cũ của người Chàm, dân cư thưa thớt, nếu đem chúng an tháp vào đất ấy, cấp cho canh ngưu điền khí chia ra từng hộ từng xóm, tính nhân khẩu, cấp cho lương ăn để chúng khai khẩn ruộng hoang, thời trong khoảng mấy năm, thuế má thu được có thể giúp quốc dụng, và sau hai mươi năm, sinh sản ngày càng nhiều, có thể thêm vào quân số, có gì mà lo về sau!” Lại lệnh cho nhà giàu bỏ thóc cho họ vay và cho họ được tìm lấy những lợi núi đầm mà sinh sống. Từ đó từ Thăng, Điện đến Phú Yên làng mạc liền nhau, về sau sẽ thành hộ khẩu”. (54) Chiếu dụ tháng 8 ngày 9 năm Cảnh Thống thứ 2, SKTT, tập 3, trang 17. (55) Trước đây, ở bản in đầu, chúng tôi lấy mốc chấm dứt di dân tuyệt đối là 1671, nam sông Gianh thành biên giới chia đôi Đại Việt, thế nhưng về mặt Nam tiến thì cần phải xác định năm 1627, lúc nổ ra chiến tranh giữa hai nhà Trịnh Nguyễn, thì đó mới là năm thực sự chấm dứt Nam tiến. Sử liệu nói về các đợt bắt tù binh cho dù lớn, là thủy tổ của nhiều tộc họ nhưng sẽ phần lớn rơi vào các tỉnh phía Nam; ở Quảng Nam không ghi nhận sự “an tháp” các tù binh vào. Hơn nữa, lúc này Quảng Nam như đất kinh kỳ, an tháp tù binh vào ở thành tiền hiền nhiều tộc họ nó không được hợp lý nên chúng tôi quyết định lấy năm 1627 xem như là năm chấm dứt Nam tiến. (56) Đại Nam Thực Lục (Tiền Biên). NXB. Giáo dục, 2004, tập 1, trang 136.
(57) Li Tana khi nghiên cứu về dân số Xứ Đàng Trong đã bỏ qua, hoặc không đánh giá hết vai trò của lũy Trường Dục nên đã cho rằng: “Vào thế kỷ XVII, trong suốt 50 năm (nửa cuối) chiến tranh Trịnh Nguyễn, cuộc di dân từ phía bắc vẫn tiếp tục, như công trình nghiên cứu mới đây của nhà nghiên cứu Huỳnh Công Bá, cho thấy rõ. Theo tác giả (Huỳnh Công Bá), gia phả của sáu mươi ba dòng họ ở phía bắc Quảng Nam ghi là tổ tiên của họ đã tới đây trong thời chiến tranh Trịnh Nguyễn”. Li Tana cũng cho rằng sang đến thế kỷ XVIII vẫn có các cuộc di dân từ phía bắc vào: “Đợt di dân lớn thứ hai đã diễn ra vào các thập niên 30 và 40 của thế kỷ XVIII. Cương Mục ghi nhận là vào năm 1730, dân của 527 xã miền Bắc đã bỏ nhà cửa tới sống tại một địa điểm mới không được nói rõ” (Li Tana, Xứ Đàng Trong, trang 38-39).
Tuy nhiên, nhờ nguồn tư liệu phong phú, về cuối phần này Li Tana đã phát hiện ra là có rất nhiều người Việt Nam vượt biên giới sang Trung Hoa tỵ nạn, nhiều đến độ Thanh Thực Lục đã ghi rất nhiều lần vào thời kỳ giữa các năm 1738 và 1743. Nhất là sau 1738, Thanh Thực Lục “liên tiếp bàn về vấn đề người Việt Nam vượt biên giới Trung Việt vào Trung Hoa vào các tháng 6 và 8 năm 1742, rồi vào tháng 2 và 4 năm 1743. Một báo cáo còn xác nhận là từ khi có chiến tranh (các cuộc nổi dậy ở miền Bắc), trong 10 nhà tại xứ An nam thì tới 9 nhà không còn có ai” (Li Tana, Xứ Đàng Trong, trang 40).
(58) Huỳnh Công Bá, “Công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã Bắc Quảng Nam từ giữa thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVIII”, tóm tắt luận án Phó Tiến sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội, 1996, trang 13-14. (59) Võ Văn Thắng, Một bản phổ chí nói về quan hệ Việt-Chàm. VIỆT NAM HỌC, Kỷ yếu hội thảo Quốc tế lần thứ nhất. Hà Nội 15-17.7.1998. Tập 5, NXB Thế giới, 2001, trang 500. (60) Võ Văn Thắng. Một bản phổ chí nói về quan hệ Việt-Chàm. VIỆT NAM HỌC, Kỷ yếu hội thảo quốc tế lần thứ nhất. Hà Nội 15-17.7.1998. Tập 5. NXB. Thế giới, 2001, trang 497-498. (61) Ngay trong trường hợp tộc Phan Đà Sơn-Đà Ly có nguồn gốc từ Phan Văn một người Giao Chỉ làm vua Chămpa và tạo thành vương triều thứ hai kéo dài gần 100 năm ngay trong những năm đầu lập quốc; hoặc đó là hậu duệ của Lưu Kế Tông, một vị quan quản giáp của Lê Đại Hành đã trốn ở lại rồi tự xưng làm vua nước Chiêm Thành cai trị vùng đất miền Bắc nước này vào năm 982; hoặc tộc Phan Đà Sơn-Đà Ly là hậu duệ của một trong những vị tướng, vị lính nào đó trong các đoàn quân Đại Việt ở lại đất Chiêm Thành đầu tiên, thì về bản chất đến thời 1402, Tộc Phan đã thực sự đại diện cho cộng đồng người Chàm ở lại và tùy vào từng lúc khi thì chở che người Việt, khi thì bảo vệ người Chàm như nhiều chỗ trong phổ chí đã ghi.
IV. NGƯỜI CHÀM Ở LẠI
Vấn đề người Chàm ở lại hay ra đi khi người Việt đến cho đến nay vẫn chưa được sự quan tâm đúng mức của giới nghiên cứu. Cách nghĩ, khi người Việt đến thì giết hết người Chàm hoặc người Chàm bỏ đi chỉ để lại một vùng đất hoang vu, đã tồn tại khá lâu và không chỉ trong giới bình dân mà ngay cả những nhà nghiên cứu có uy tín. “Có thể nghĩ rằng vào thời kỳ này, thế kỷ XV, người Chàm đã rút về phần đất phía nam với kinh đô Vijaya, chỉ còn một bộ phận làm quân canh giữ biên giới, để đất cho người Việt di cư đến tiếp quản”(62). Những cách hình dung gần như đã được “mặc định” như vậy về lịch sử Nam tiến không phải là không có căn cứ, bởi ngay trong SKTT hoặc trong các gia phả, ta sẽ gặp đâu đó những câu như “Khi người Việt đến thì người Chàm bỏ đi cả”. Thế nhưng ngay cả khi có một cứ liệu nào đó nói về việc người Chàm “bỏ đi cả”, thì vấn đề cũng không hẳn đã như vậy, bởi xét về không gian thì có thể nơi này bỏ đi và điều đó được ghi lại nhưng nơi khác thì thậm chí, người ta, tức người Chàm, còn không biết đến là đã thay đổi chính quyền! Còn xét về thời gian thì sự bỏ đi của người Chàm càng mơ hồ hơn nữa. Suốt trong quãng thời gian đằng đẵng từ 1306 đến 1471, thậm chí, theo chúng tôi, là 1602, năm Nguyễn Hoàng cho xây dinh trấn Thanh Chiêm, thiết lập một cơ quan hành chính quân sự tập quyền đầu tiên đủ mạnh trên đất Quảng Nam; thì vùng đất Quảng Nam ngày nay có ngót nghét 300 năm không chính phủ với bao nhiêu lần giành qua lấn lại, khi thì Đại Việt nắm quyền, khi thì Chiêm Thành cai trị. Có thể lần này thì họ bỏ đi nhưng sau đó vài năm thì họ quay lại. Cứ cho rằng có một bộ phận bỏ đi thì đó phải là tầng lớp trí thức, có ý thức dân tộc cao hoặc có quan hệ chính trị không thể sống được với Đại Việt, còn lại đa số là người dân làm nông, dân đen mù chữ, đánh cá thuộc các làng chài ven biển thì chẳng có lý do gì để bỏ vùng đất đã sinh sống ngàn đời. Hơn nữa, ngày xưa phương tiện thông tin kém, có khi
ở Thanh Chiêm, Hội An đã thay đổi chính thể nhưng vùng trung du ở Đại Lộc, Duy Xuyên thì chẳng một ai biết là đã có đổi thay. Những trường hợp như vậy ta vẫn còn gặp khá nhiều trong những năm đầu thế kỷ XX, các cuộc thay đổi chính quyền từ Pháp sang chính phủ Trần Trọng Kim, rồi sang Nhật, rồi Việt Minh, rồi lại rơi vào tay Pháp, sau đó là chính quyền Sài Gòn… nhiều nơi không hề biết tới những thay đổi đó.
Vì vậy vấn đề không hề là đơn tuyến, một chiều như cách nghĩ 300 năm dồn lại một ngày: “Khi người Việt đến thì người Chàm đã rút đi cả”.
Chỉ trên lập luận một cách logic thôi chúng ta cũng có thể thấy rằng vấn đề không hề đơn giản như đã nghĩ. Thậm chí chúng tôi còn ngờ rằng đây không phải chỉ đơn thuần là sự tiếp thu cái mới của người Việt như một số người bảo vệ quan điểm cho rằng người Việt chỉ tiếp thu một số yếu tố văn hóa của người Chàm, và tất cả người Việt hiện nay là người Việt thuần chủng, tất cả đều từ Bắc di cư vào, ngoài ra không có gì khác (!), bằng chứng là tỉnh Côngpông Chàm ở bên Campuchia là nơi mà người Chàm đã chạy sang và định cư đến hôm nay. Vâng, có thể là như vậy, có thể là người Chàm bỏ chạy là rất đông, có thể là họ đã sang đó và lập nên một tỉnh Côngpông Chàm, thế nhưng vấn đề là có còn người nào ở lại hay không và số lượng người ở lại là nhiều hay ít, nhất là qua thời gian hàng trăm năm thì lần nào thì rút đi lần nào thì không? Ở đâu thì bỏ chạy ở đâu thì không?… thì đến nay vẫn chưa được khảo sát hoặc có bất cứ một công trình nghiên cứu nào, thậm chí chỉ là sự “phỏng đoán” nào đó.
Chỉ trên lập luận logic thôi thì chúng ta đã thấy cái sự “tiếp thu văn hóa Chàm” và người Chàm bỏ đi cả, tự thân nó đã chứa nhiều mầm mâu thuẫn. Thử hỏi: Con người ta có thể tiếp thu cái gì ở chỗ trống không? Người Việt không thể tiếp thu bất cứ điều gì nếu người Chàm đều bỏ đi cả, hoặc giả cứ gặp họ là đuổi đánh, hoặc giả xem họ là “mọi”, là thấp kém! Mà cái tiếp thu được xem ra thì nhiều lắm, vô cùng nhiều là đằng khác! Vậy sự thật thì chuyện gì đã xảy ra? Đặt câu hỏi như vậy chúng ta sẽ không bao giờ có được câu trả lời chính xác bởi “thời gian đằng đẵng, không gian mênh mông”, sự thật của lúc này có thể không đúng với sự thật lúc khác. Không gian xã hội vùng Quảng Nam năm 1402 chắc chắn sẽ không giống năm 1471 hoặc 1602.
Vậy thì, cũng với quan điểm phân kỳ, chúng ta hãy thử xét từng giai đoạn một để xem cái chuyện người Chàm ở lại hay ra đi để lại một vùng đất hoang cho người Việt đến “khai canh lập ấp”(63)là có thể hình dung như thế nào. Và nếu mà người Chàm ở lại thì họ là số nhiều hay số ít so với người Việt mới vào? Và đâu là cơ sở để ta có thể hình dung bối cảnh xã hội của cái không gian Chàm-Việt trong mỗi thời kỳ? Đó là chưa nói những người Chàm ở lại ấy, bây giờ họ “biến” đi đâu cả rồi?
1/ Khảo sát Ô Châu Cận Lục
Đặt vấn đề cho có từng phần rạch ròi là như vậy chứ thật ra vấn đề người Chàm ở lại đã mặc nhiên được công nhận qua các ghi chép của Dương Văn An trong “Ô Châu Cận Lục”: “Người La Giang nói tiếng Chiêm. Gái Thủy Bạn mặc áo Chiêm. Hoài Tài, Tân Lại, Đan Lương nửa phần giữ thói mây mưa; Bao Vinh, Lại An, Thể Lại vẫn còn tục Giang Hán(64). Thói hư để mãi thành quen, kể cũng có nguyên nhân cả”(65). Cái nguyên nhân mà Dương Văn An nói đó hẳn là phong tục của người Chàm cũ. Cũng tra trong Ô Châu Cận Lục, chúng ta thấy 8 xã có thói mây mưa ấy thì phần lớn nằm về phía bắc Hải Vân. Chúng ta hãy thử xem các xã ấy thuộc khu vực địa phương nào hiện nay:
La Giang: Không thấy Ô Châu Cận Lục đề cập đến lần thứ hai tên làng này nên không biết La Giang thuộc huyện nào. Ở Bố Trạch, bắc Quảng Bình, khu vực của làng Cao Lao Hạ, thành Khu Túc cũ, có các làng La Hà (Hà là sông, nên có thể gọi là La Giang), La Kinh đều bên bờ sông Gianh. Theo Đào Duy Anh(66) những đoạn sông qua các làng đó đều có thể gọi là La Giang. Chi tiết này rất lý thú khi ta khảo sát đến giọng của người Cao Lao Hạ nổi tiếng trong giới nghiên cứu ngôn ngữ học.
Thủy Bạn thuộc huyện Kim Trà phủ Triệu Phong. Nay đổi tên là Thủy Tú thuộc xã Hương Vinh huyện Hương Trà (Ô Châu Cận Lục ghi chùa Thiên Mụ thuộc huyện Kim Trà).
Hoài Tài, Lại Ân thuộc huyện Tư Vinh. Hoài Tài đổi tên thành Mậu Tài; Lại Ân vẫn giữ tên làng cũ; cả hai đều thuộc xã Phú Mậu huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế.
Bao Vinh thuộc huyện Tư Vinh, nay thuộc Hương Vinh, huyện Hương Trà, gần thành phố Huế nay.
2 xã Tân Lại, Đan Lương đều không rõ huyện.
Thế Lại trong chương ba nói về “Bản đồ” thì xếp Thế Lại vào huyện Kim Trà, khu vực thành phố Huế ngày nay, thế nhưng trong chương tổng luận về phong tục thì hai lần Dương Văn An xếp Thế Lại vào huyện Tư Vinh. Theo các tác giả (Trần Đại Vinh và Hoàng Văn Phúc) hiệu đính và dịch chú Ô Châu Cận Lục, bản in của NXB. Thuận Hóa năm 2001 thì, Thế Lại nay đổi tên thành Thế Lại Thượng và Thế Lại Hạ, thuộc xã Hương Long, phường Phú Hiệp, TP Huế.
Huyện Tư Vinh thời Lê Sơ đổi thành Tư Vang, chúa Nguyễn đổi thành Phú Vang, năm Minh Mạng 16 tách thành Hương Thủy và Phú Lộc. Ô Châu Cận Lục chép đèo Hải Vân, cửa biển Tư Khánh, Đà Nẵng đều thuộc huyện Tư Vinh, nên Tư Vinh thời Dương Văn An kéo dài từ Phú Lộc đến tận Nam Ô, và phần lớn TP. Đà Nẵng hiện nay.
“Huyện Tư Vinh… con trai Lại Thị bày trò chồng cối lên cao chín chiếc. Hoặc tường hoa ngõ liêu thái độ lẳng lơ, hoặc nói tiếng Châu Hóa, mặc áo Chiêm thói lễ bỉ lậu; thậm chí kẻ thất phu Chiêm Ân làm mất mặt thế gia, bọn du đãng Lại Ân thông dâm với thím dâu, thế thì vinh hay nhục?(67)” Hiện tượng thông dâm với thím dâu, nếu đó là một chuyện tai tiếng, đơn lẻ thì thôi khỏi bàn, còn nếu như đó là “bản chất” của trai Lại Ân thì chúng ta vẫn có thể “biện minh” bằng phong tục của người Chàm, ảnh hưởng bởi phong tục Ấn Độ. Theo đó người con gái về nhà chồng và trở thành tài sản của gia đình nhà chồng. Chồng chết thì phải lấy anh em trai, không có anh em trai thì phải làm vợ của cháu trai(68).
Và ở huyện Điện Bàn thì Ô Châu Cận Lục chép:
Huyện Điện Bàn đất đai liền với phương Nam, cương giới ở ngoài Châu Ô… Hóa Khuê, Cẩm Lệ(69) đóng cọc gỗ để chắn cá sấu; Lỗi Sơn, Chiêm Sơn rào cổng gỗ mà phòng hổ báo. Đàn bà mặc váy Chiêm, đàn ông dùng quạt Bắc… Phân biệt tôn ti quần áo chẳng tô hồng thì tía. Phong tục huyện Điện Bàn hậu nhiều bạc ít là như thế(70).
Như vậy các “Lề thói cũ” ấy chúng ta thấy phần lớn đều nằm trong huyện Tư Vinh và huyện Điện Bàn, phần lớn thuộc các huyện Bắc và Nam Hải Vân hiện nay. Có nghĩa rằng chuyện người Chàm ở lại đã là
hiển nhiên và không phải bàn cãi nhiều, cần nhớ rằng lúc này đã là 1553, có nghĩa rằng trước đó 100 năm, hoặc 200 năm thì người Chàm ở lại còn đông hơn nữa, “Lề thói mây mưa bỉ lậu cũ” hẳn nhiều và phổ biến hơn nữa! Ở phía bắc Hải Vân, thuộc Châu Hóa, vùng đất luôn được kiểm soát bởi người Việt suốt từ 1306 mà đã không ít làng Chàm như vậy thì nam Hải Vân chắc chắn sẽ còn nhiều hơn nữa.
Vấn đề còn lại là những điều mà Dương Văn An ghi chép đó liệu đã… không có gì để nói thêm? Liệu chỉ có 8 xã là người Chàm ở lại vào năm 1553 ấy hay vẫn còn rất nhiều xã khác nữa mà Dương Văn An không nói tới? Những ghi chép ấy của Dương Văn An thật ra đã được nhiều người sử dụng cũng với một mục đích là người Chàm ở lại là có thật và chính vì thế mới có sự tiếp thu hoặc tiếp biến văn hóa xảy ra. Thế nhưng phải chăng vấn đề chỉ có như vậy? Liệu có cách gì để biết nhiều hơn những gì Dương Văn An đã nói? Hoặc có còn ở đâu đó sử liệu nào về vấn đề này?
2/ Vấn đề người Chàm ở lại giai đoạn 1306-1471 Bàn về vấn đề người Chàm ở lại trên vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng ngày nay trong giai đoạn 165 năm này cũng hơi bị thừa vì gần như những quan điểm chính thống đều thừa nhận rằng cho đến 1471, người Chàm vẫn quản lý và dĩ nhiên là có dân ở lại trên vùng đất này.
Chúng ta hãy lược lại vài sử liệu để có thể chắc chắn điều này: Ngay sau đám cưới Huyền Trân, nhà Trần đã thiết lập đơn vị hành chính trên vùng đất vừa có được là hai châu Thuận và Hóa và sai Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên dân chúng(71). Châu Thuận ở ngoài và Châu Hóa ở trong với một cơ quan quân sự hành chính là thành Hóa Châu, theo Đại Nam Nhất Thống Chí là “ Nha môn Đô Ty Thừa ty của phủ Triệu Phong, cao hàng trăm trượng, đứng sững như đám mây dài. Năm Đại Trị thứ 5 đời Trần Dụ Tông (1362), sai Đỗ Tử Bình sửa sang thành này. Nay không biết ở chỗ nào”(72). Năm 1362 đã sửa sang thành, có nghĩa là thành này đã được xây dựng trước đó nữa. Điều này có nghĩa rằng ngay sau 1306 một chính quyền với cơ quan hành chính, quân sự tập trung đã được nhà Trần thiết lập trên vùng đất phía Bắc Hải Vân.
Thế nhưng, trong khi đó ở phía Nam đèo Hải Vân thì ta có sự kiện: “(1307) Người các thôn La Thủy, Tác Hồng, Đà Bồng không chịu
theo. Vua sai Nhữ Hài đến tuyên dụ đức ý (của nhà vua) chọn người trong bọn họ trao cho quan tước, lại cấp ruộng đất, miễn tô thuế 3 năm để vỗ về”(73). Chưa thấy tài liệu nào nói ba thôn này hiện nay thuộc vào địa phương nào, nó có thể ở Bắc Hải Vân mà cũng có thể ở Nam Hải Vân. Ở đây chỉ nhấn mạnh ý rằng đã có một số địa phương người Chàm không chịu theo chính quyền mới và họ vẫn ở lại chứ không bỏ đi.
Từ đó, 1307, cho đến khi Hồ Quý Lý thâu tóm thêm vùng đất Chiêm Động và Cổ Lũy thì phần lớn thời gian vùng đất này (Bắc Thu Bồn) vẫn thuộc về sự cai trị của người Chàm. Năm Hưng Long thứ 20 (1312) vua thân đi đánh Chiêm Thành, vua đến Câu Chiêm dừng lại. Vua Chiêm là Chế Chí sai trại chủ Câu Chiêm đến cống. Vua Trần Anh Tông yêu cầu Quốc chủ ra hàng. Trại chủ báo cáo với Chế Chí. Chế Chí nghe theo, đem gia thuộc đi đường biên tới hàng(74).” Chưa thấy tài liệu nào xác định Câu Chiêm nay thuộc vùng đất nào, chỉ Phan Khoang phỏng đoán đó: “Có lẽ ở biên giới núi Hải Vân”(75). Phan Khoang phỏng đoán vậy vì ông đọc chữ Câu thành chữ Cu và liên hệ đến sông Cu Đê dưới chân Nam Hải Vân. SKTT bản dịch của NXB. KHXH đọc là Câu Chiêm; Cương Mục, bản dịch của NXB. Giáo dục 1998 cũng đọc là Câu Chiêm. Từ Câu Chiêm cho ta liên hệ đến Câu Lâu và Chiêm Động (sau là Thanh Chiêm và đó là tên gọi một dinh trấn quan trọng của Đàng Trong). Cả hai địa danh này hiện nay đều ở cạnh nhau, đều thuộc xã Điện Phương huyện Điện Bàn. Cuộc điền dã của Giáo sư Trần Quốc Vượng năm 1989 phát hiện thấy trên vùng đất gọi là Thanh Chiêm có rất nhiều hiện vật, di tích Chiêm Thành và cuộc hội thảo về 400 năm Dinh trấn Thanh Chiêm do tỉnh Quảng Nam tổ chức năm 2002 đã xác định đây chính là dinh trấn mà Nguyễn Hoàng đã thành lập trên cơ sở một đồn lũy cũ của Chiêm Thành.
Những điều này tạm cho chúng ta giả định rằng cho đến trước khi Hồ Quý Ly chiếm lấy Chiêm Động và Cổ Lũy (1402) thì toàn bộ vùng đất Bắc Quảng Nam, tuy đã thuộc về Đại Việt nhưng vẫn dưới quyền cai trị của Chiêm Thành. Mãi đến năm 1471 SKTT còn chép đến việc bắt sống Bồng Nga Sa là viên lại giữ cửa sông Cu Đê (sông chảy sát chân núi Nam Hải Vân) của nước Chiêm(76), điều này cho thấy một cách khá rõ rằng người Chiêm Thành vẫn còn kiểm soát khá kỹ vùng đất Nam Hải Vân cho mãi đến 1471. Cần nhắc rằng trong khi đó Bắc
Hải Vân đã được Đại Việt kiểm soát ngay sau 1306 ngoại trừ 13 năm (1377-1390) dưới thời Chế Bồng Nga.
Như vậy là cho đến 1471 đất Quảng Nam ngày nay vẫn hoàn toàn thuộc về Chiêm Thành ngoại trừ một số năm dưới thời nhà Hồ. Mặc dù từ 1306 nó đã thuộc về Đại Việt nhưng người Chàm vẫn kiểm soát vùng đất này. Trong những năm Đại Việt thuộc Minh họ vẫn mong muốn giành lại Ô, Lý; nhiều lần đem quân ra đánh thành Châu Hóa nhưng đều không thành công. Và điều này khiến chúng ta hiểu rằng cho đến 1471, đất Đà Nẵng Quảng Nam ngày nay người Chàm vẫn sinh sống và kiểm soát hoàn toàn mọi mặt về xã hội.
3/ Văn bản “Thủy Thiên” và vấn đề người Chàm ở lại vùng Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đầu thế kỷ XV Thật thiếu sót, đến lần in thứ hai chúng tôi mới tiếp cận được văn bản “Thủy Thiên”, một văn bản ghi chép từ đầu thế kỷ XV ở vùng đất Quảng Trị, mô tả nhiều chi tiết mối quan hệ của người Việt di dân và người Chàm bản địa với độ khả tín cao. Nếu “Phan tộc phổ chí” chép chuyện qua lăng kính của người Chàm ở lại thì văn bản “Thủy Thiên” (theo nghĩa là những người thiên di đầu tiên vào vùng đất mới) lại là ghi chép của một người Kinh khi tiếp xúc với những người cư dân bản địa Chiêm Thành ở vùng đất Quảng Trị nay.
Văn bản “Thủy Thiên” được lưu giữ bởi họ Bùi làng Câu Nhi, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, được các tác giả Nguyễn Hữu Thông và Lê Đình Hùng(77) báo cáo trong Hội thảo khoa học: “Nhận thức về miền Trung Việt Nam - Hành trình 10 năm tiếp cận”, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam - Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế tổ chức tại Huế ngày 26/7/2009; có tên chính thức là: “Cư dân vùng Thuận Hóa đầu thế kỷ XV qua văn bản “Thủy Thiên”. Nhận thấy thời đó, Thuận Hóa là tên gọi vùng đất gồm cả các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, và một nửa tỉnh Quảng Nam nay, văn bản “Thủy Thiên” hoàn toàn có thể phản ảnh đời sống của cư dân cả vùng đất rộng lớn này, nhưng riêng trong trường hợp này, ưu tiên kỹ hơn cho vùng Quảng Nam, chúng tôi xin đổi tên gọi lại như trên để nhấn mạnh đến việc đây là chuyện xảy ra ở vùng Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, nơi hiện nay truy tìm dấu vết thời cộng cư, giao lưu văn hóa Việt Chăm là hiếm và khó hơn vùng Quảng Nam nhiều, cũng đã thế, huống nữa là vùng Quảng Nam. Hơn nữa việc xác định
này cũng sẽ cho ta hình dung nên không gian, bối cảnh xã-hội lúc đó, đầu thế kỷ XIV, ở Quảng Trị và nên “khoanh” nó lại ở vùng Quảng Trị, rộng hơn có thể là Bắc Hải Vân; chứ vùng Quảng Nam có thể mọi chuyện đã không như vậy nữa, chí ít thì sau 1407, người Chàm đã chiếm lại Nam Hóa Châu, tức cái rẻo từ Hải Vân đến Thu Bồn; nên các thông tin trong “Thủy Thiên” có thể đã không còn đúng ở đây nữa.
Do không có điều kiện tiếp xúc với văn bản gốc chúng tôi xin giới thiệu ra đây những gì đã được các tác giả giới thiệu trong báo cáo. Riêng phần khảo tá, phân tích và đánh giá khá công phu của các tác giả. Bạn đọc có thể tìm đọc toàn văn báo cáo ở đường link: pdf.
oOo
Nội dung chính:
Trành, một ngày hội họp uống rượu khoản đãi hương lão, hương dịch nhớ lại chuyện năm xưa, nhân cùng với những người ban đầu di cư thuộc nhập nói rằng: “Chúng ta, nay ai ai đều yên ổn chỗ ở, danh tịch cũng đã định. Trong đơn chiêu mộ có hơn hai mươi người, quan trên đã cấp giấy chứng nhận: Bùi Trành; Bùi Trừ; Bùi Chức; Nguyễn Kinh; Đề Phùng; Hoàng Tất Đắc; Hoàng Kha [bệnh chết]; Nguyễn Thao [nhập nơi khác chiêu mộ]; Phạm Quán; Phạm Thận [nhập nơi khác chiêu mộ]; Trần Ninh [xin nơi khác chiêu mộ]; Trần An; Lê Thành; Lê Thật [bệnh chết]; Đào Thức; Đỗ Bình; Trương Hậu; Phan Cơ; Phan Thích [bệnh chết]; Đặng Khiêm, Đặng Lượng [xin nơi khác chiêu mộ]). Xã hiệu xác lập là Câu Lẫm (nhân đi tìm chọn đất, ví như ngựa trắng bay cao xem mà hạ xuống đây). Đình vũ đã làm xong (tọa Quý hướng Đinh). Tế tự, hương ẩm kính cẩn thi hành. Địa phận tiếp giáp giới hạn cũng đã xác định rõ ràng. Còn những người ban đầu di cư có tên trong hộ tịch, nguồn gốc của tôi với các vị, ai ai cũng nên thuật lại, tôi sẽ ghi chép đầy đủ để con cháu đời sau người muốn khảo cứu lấy đó làm chuẩn. Không làm vậy thì những người đến ở đây sau cũng được gọi là những người ban đầu di cư, rồi hàm hồ bàn tán ai mà biện bạch điều này cho được
…
Lúc đó mọi người đều cho như vậy là rất hay. Tôi bèn theo đúng lời kể viết thành một bản, bình luận sắp xếp yên ổn xong. Tôi liền cất nó đi
…
Đến lúc, nhân triều đình bàn bạc: Đất Ô châu người Chiêm đã bỏ đi, tất cả dân của ta không có gia cư điền sản, chiêu mộ được nhiều người đến đó canh phá tụ hợp lập làng sau thành số sẽ khởi trưng. Tôi khởi ứng ngay những lời đó, thương thuyết cùng với mọi người, ứng mộ được tất cả hơn hai mươi người, mọi việc sắp đặt đã yên ổn
…
Do ngày trước, tôi đã thương thuyết với người Chiêm ở xứ đó, cho nên khi đến nơi không có tranh cãi về điều này
…
Người Chiêm thường xuyên qua lại, tôi lấy lòng thành để khoản đãi. Mỗi khi Người Chiêm gặp biến cố gì tôi cũng lui tới giúp đỡ. Lúc ấy, người Chiêm lấy nhiều thổ cẩm để tặng tôi, tôi không sử dụng, lâu ngày thành gánh, mang trình lên quan trên. Quan trên thay mặt giúp tôi trình lên Thái Tổ. Nhân sự việc này Thái Tổ ban cho tôi hiệu Cẩm Đề. Xứ này người Chiêm nhiều mà bình nhân (chỉ người Việt gốc từ đất Bắc) ít, sợ sinh hạ con cháu một Tề mười Sở rồi nhiễm biến phong tục của người Man. Như chỗ ông ở bình nhân nhiều mà người Chiêm ít, cuối cùng sau này cũng nhiễm theo tập quán rồi thành phong tục của ta. Xin thuộc “Nhân Lý”, tiếp đến để mưu đồ cho con cháu sau này. Ông có thể thu nạp được không?…
(Hết văn bản)
Có một thông tin hết sức quan trọng cho ta biết lúc này, nửa đầu thế kỷ XV, ở vùng Quảng Trị người Chàm vẫn ở lại nhiều: “Xứ này người Chiêm nhiều mà bình nhân ít”, cần nhớ rằng lúc này sau sự kiện nhường Ô - Lý đã gần 150 năm; và Hồ Quý Ly cũng đã đưa dân vào đến Thăng - Hoa - Tư - Nghĩa, tức Nam Quảng Ngãi nay nhưng ở Quảng Trị người Chàm ở lại vẫn đông!
Họ đã không chạy đi đâu cả. Và văn bản này cho chúng ta thông tin về quan điểm thái độ của người Việt với người Chàm bản địa. Điều này rất dễ khiến chúng ta cũng sẽ theo đó mà nhìn nhận hoặc hình dung nên vấn đề trong tâm thế của những người “thuần Việt” mà quên rằng những người “Chàm nhiều” đã biến đi đâu, đã tác động lên người Việt mới những gì, hay họ chẳng biến đi đâu cả và chúng ta, những người con Quảng Trị, một số là hậu duệ của chính họ mà không hay không biết, ở đây điều chúng tôi muốn nói không phải là vấn đề huyết thống hay văn hóa mà chính là thái độ của chúng ta khi nhìn lịch sử là thực sự cần được thay đổi.
4/ Số lượng người Chàm vào năm 1471
Liệu có thể biết được dân số người Chàm lúc này? Đây là chuyện gần như bất khả bởi người Chàm không để lại bất cứ văn bản nào đề cập xa gần đến chuyện này. Số lượng đơn vị hành chính địa phương của họ, điều khả dĩ có thể suy ra số dân, không hề có tài liệu nào đề cập đến. Tuy vậy, trong một số trường hợp, số quân lính tham gia các trận chiến thì thường được ghi lại và từ đó ta có thể suy ra số dân theo nguyên tắc trung bình mà các nhà nghiên cứu vẫn thường dùng là cứ 4-5 dân thì có một người là đinh (người tuổi trai tráng mà nhà nước quản lý và sẵn sàng sung quân khi nhà nước kêu gọi), và thường 2 đinh thì có một người tại ngũ. Có nghĩa là, các con số về hộ tịch hộ khẩu là số đinh. Và từ số đinh này nhân với trên dưới 10 ta sẽ có được số dân gần với thực tế.
Tống Sử nói Chămpa có 38 huyện và dưới 30.000 gia đình vào thời Harivarman III (1074-1080). Li Tana cho rằng dân số Chiêm Thành như vậy là rất thưa thớt tuy nhiên nếu xét đến tỷ lệ phát triển dân số hằng năm ở mức tối thiểu ta sẽ thấy rằng Tống Sử nói về số dân Chiêm Thành như vậy cũng khá là chính xác. Tạm cho rằng mỗi gia đình có 5 người thì với mức tăng dân số trung bình của thời trung cổ tối thiểu là 1,5% mỗi năm, sau 400 năm, vào giữa thế kỷ XV ta đang xét, thì dân số Chiêm Thành cũng đã xấp xỉ trên dưới một triệu người(78).
Minh Thực Lục có chép vào năm 1450, người Việt đã mang quân tiến đánh Chiêm Thành và đưa về Việt Nam 33.500 người Chàm(79). Sử Ký Toàn Thư năm 1450 không thấy chép sự kiện này. Chỉ tháng 12 năm 1445 lệnh cho Lê Khả đem 60 vạn quân đi đánh Chiêm Thành. Nếu lần tiến đánh này bắt 33.500 người như Minh Thực lục chép thì có thể hình dung chí ít lực lượng binh lính của Chiêm Thành phải gấp 3 lần con số ấy, tức 100.000 binh lính. Từ đó suy ra dân số Chiêm Thành lúc ấy cũng trên dưới một triệu người.
Phép ước tính trên đây không phải do chúng tôi nghĩ ra mà được các nhà khoa học Liên Xô trước đây sử dụng rất nhiều trong các phương pháp dự đoán tương lai(80). Trong những trường hợp thiếu các số liệu trực tiếp chúng ta vẫn có thể dùng những con số gián tiếp, trên cơ sở logic cuộc sống đã biết, để suy ra con số gần đúng với thực tế. Ví dụ như trường hợp tính toán số dân Chiêm Thành ở
trên, chúng tôi cho rằng 33.500 người là con số tù binh tối đa có thể có được trong thời kỳ đó giữa hai nước Đại Việt và Chiêm Thành. Và thứ hai nữa, tỉ lệ 1/3 tù binh bị bắt là một tỉ lệ tương đối, không chắc chắn, thế nhưng khi ta có thêm một tỉ lệ nữa là 4-6 người dân có một người đinh, và 2 đinh có một người tại ngũ thì sai số sẽ giảm đi khá nhiều. Ví dụ như thay 1/10 bằng 1/5 hoặc 1/15 rồi nhân với 2 rồi nhân với 4 hoặc 5 thì trong các trường hợp không quá cực đoan ta vẫn có được con số xấp xỉ 1.000.000 người dân Chiêm Thành vào lúc ấy.
Như vậy là cả hai phép tính, dựa vào tỷ lệ phát triển dân số tối thiểu hằng năm và sử liệu của Minh Thực lục, chúng ta đều có số dân Chiêm Thành vào giữa thế kỷ XV là trên dưới 1 triệu người.
Đó là con số không phải ít nếu so với Đại Việt lúc ấy, 1450, theo tính toán của Li Tana là gần 3 triệu người(81). Tỉ lệ dân số giữa hai nước như trên là có thể chấp nhận được xét trên mối tương quan quân sự giữa hai nước cũng như các trận chiến đã diễn ra trong thế giằng co dưới thời Chế Bồng Nga trong những năm cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV(82).
Và tư liệu cuối cùng giúp ta có thể hình dung dân số Chiêm Thành ngay năm 1470 là con số trong SKTT: “Tháng 8, quốc vương Chiêm Thành Bà La Trà Toàn thân hành đem hơn 10 vạn quân thủy bộ cùng voi ngựa đánh úp thành Hóa Châu” và đến tháng 11 thì Lê Thánh Tông “gọi 26 vạn tinh binh, xuống chiếu (bình Chiêm) thân chinh” đi đánh Chiêm Thành(83). Con số 10 vạn quân Chiêm Thành là con số của Đại Việt nên có thể là con số cường điệu để nhấn mạnh việc cấp bách phải tiêu diệt quân giặc đang xâm lấn bờ cõi. Hơn nữa việc chỉ đánh thành Hóa Châu cũng không cần đến con số quân đông đến vậy. Thế nhưng chi tiết quân số Chiêm Thành bị tiêu diệt khi Đại Việt kéo vào Đồ Bàn “bắt sống hơn 3 vạn, chém hơn 4 vạn thủ cấp”(84) (Cương Mục chép là chém 6 vạn quân lính) cùng với vài vạn quân bị diệt ở Tân Yểm, Cựu Tòa (thuộc cửa biển Kỳ Hà huyện Núi Thành nay). Quân số Chiêm Thành cũng xấp xỉ với 10 vạn binh đúng như SKTT ghi.
Và từ đó suy ra số dân Chiêm Thành là trên dưới 1 triệu người là có thể chấp nhận được. Hơn nữa, quân số Đại Việt đi đánh Chiêm Thành năm 1471 là 26 vạn, đặt trong các mối tương quan lực lượng
ta thấy cũng vẫn giữ được tỉ lệ dân số Đại Việt gấp 3 lần dân số Chiêm Thành là tỉ lệ khá gần với sự thật.
Như vậy một triệu người dân Chiêm Thành là con số không phải quá xa hoặc khó chấp nhận. Một triệu người cho vùng đất từ đèo Hải Vân đến Bình Thuận dài 700 cây số của miền Trung đất hẹp là mật độ không phải quá thưa. Ở miền Trung, vùng đồng bằng Quảng Nam là một trong số ít vùng đất có thể canh tác lúa nước. Hơn nữa, ở đây còn có sông Thu Bồn là con sông lớn, nhiều nguồn tài nguyên; lại có một thành lũy là Câu Chiêm bên cạnh kinh đô cũ là Trà Kiệu và thánh địa Mỹ Sơn nên việc từ bỏ vùng đất này để ra đi là điều vô cùng khó với người Chàm về cả ý nghĩa kinh tế cũng như đời sống tâm linh. Hơn nữa ta có rất nhiều ghi chép chứng tỏ người Chàm vẫn ở lại trên đất Quảng Nam - Đà Nẵng ngày nay giai đoạn trước 1471. Sự kiện quan trọng nhất để chứng minh là năm 1471, khi Lê Thánh Tông đến Châu Hóa, đã bắt sống Bồng Nga Sa là viên lại giữ cửa sông Cu Đê (sông chảy sát chân núi Nam Hải Vân) của nước Chiêm(85).
Khi vùng đất đã có người ở từ lâu đời, cho dù qua binh biến đã mất chủ quyền nhưng vẫn còn hai đồn lũy là Cu Đê và Câu Chiêm như vậy thì chẳng hà cớ gì mà “bỏ đi cả”. Hơn nữa, quan hệ Đại Việt và Chiêm Thành giai đoạn hai thế kỷ XIV-XV này ta thấy khá kỳ lạ. Việc các quan, tướng giữa hai nước chạy sang hàng rồi được bao dung xảy ra khá thường xuyên và phổ biến. Đến như hai con của Chế Bồng Nga là Chế Ma Nô Đà Nan và em là Chế Sơn Nô, với ý thức tự hào dân tộc và người cha anh hùng là khá lớn, thế nhưng khi ngôi vua rơi về tay người khác sau khi Chế Bồng Nga chết, họ đã chạy sang Đại Việt chứ không chạy vào Nam, sang Xiêm cầu viện hoặc lên Tây Nguyên để xin cư trú; thì được Đại Việt phong Ma Nô Đà Nan làm Hiệu Chính Hầu, Sơn Nô làm Á Hầu(86). Sau đó, vào năm 1407, Nguyễn Rỗ là tướng của nhà Hồ cai trị Chiêm Thành, nhưng khi nhà Hồ mất đã quay lại hàng Chiêm Thành và vẫn được Chiêm Thành cho làm quan to(87). Rồi sự kiện tộc Phan làng Đà Sơn. Có thể rút ra được điều gì qua những sự kiện như vậy? Theo chúng tôi, quan hệ Đại Việt-Chiêm Thành là mối quan hệ không quá gay gắt như chúng ta vẫn hình dung hôm nay. Có thể chăng vào lúc này mối quan hệ của cộng đồng dân cư giữa hai dân tộc đã quá gắn bó, do hôn nhân, do đều là miền biên viễn. Sự chiến tranh thực ra chỉ tồn tại trong ý thức của những nhà cầm quyền, trong tầng lớp chính trị, còn dân cư
của cả hai tộc người ở đây đều xem nhau như anh em một nhà nên việc thuộc về ai là điều không quan trọng? Hơn nữa, trước đó, giai đoạn nhà Trần, hai nước đã có một thời gian dài có mối giao hảo quá thân thiết nên việc “bỏ đi cả” là chuyện càng khó xảy ra. Ngay cả trong trận đánh kinh thành Trà Bàn năm 1445 của tướng quân Lê Khả bắt về 33.500 tù binh mà Minh thực lục chép ấy lại được SKTT chép khá nhẹ nhàng rằng: Tháng 6 (1446) đem chúa Chiêm Thành Bí Cai làm lễ dâng tù cáo thắng trận ở Thái Miếu. Sau đó chỉ giữ chúa Bí Cai và ba người phi tần ở kinh sư, còn những người Chiêm khác đều cho đưa về nước; Ma Ha Quỷ Lai dâng biểu xưng thần, xin làm vua Chiêm Thành(88)”. Thái độ khoan dung ấy đã khiến người Chàm sau đó liên tục quấy nhiễu miền Thuận Hóa để Đại Việt phải động binh một trận quyết định vào năm 1471. Sự kiện này cho phép chúng ta hiểu rằng tuy bị đánh và vua bị bắt thế nhưng họ chưa phải vì thế mà bỏ đi cả.
Vấn đề người Chàm ở lại cũng đã được Phan Khoang cảm nhận và đề cập đến 2 lần nhân hai sự kiện quan trọng là 1306 và 1471, trong “Việt sử Xứ Đàng Trong”:
(1306) “Với tình thân thiện giữa hai dân tộc, người Chiêm chắc đã ở lại đông, sự phối hợp hôn nhân chắc đã thường thấy, và ấy là cơ hội độc nhất trong lịch sử bang giao Chiêm Việt mà những ảnh hưởng lẫn nhau trong các phương diện sinh hoạt giữa hai dân tộc được thăng tiến”. Và (1471): “Trái với trước kia, người Chiêm đã bỏ Chiêm Động, Cổ Lũy Động mà đi khi di dân ta đến, lần này người Chiêm không đi, vì biết rằng đất đai phía nam không màu mỡ bằng Vijaya, và cũng không còn hy vọng báo phục, nên chấp nhận lệ thuộc ta”(89).
Không thấy Phan Khoang nói về số phận cũng như những dấu ấn mà số người Chàm ở lại ấy trong cộng đồng dân cư xứ Đàng Trong sau này. Ngay các cảm nhận ấy của Phan Khoang, nếu xét thật kỹ trong cái nhìn phân kỳ ta sẽ thấy mọi chuyện đã không hẳn như vậy. Năm 1306, nếu có nói đến chuyện người Chàm ở lại thì chỉ có thể nói trên vùng Bắc sông Thu Bồn, sự phối hợp hôn nhân giai đoạn này là khá quan trọng, có tính tiền đề cho những bước phát triển về sau, nó hoàn toàn khác với chuyện người Chàm ở lại và các cuộc hôn nhân Chàm-Việt trong các giai đoạn sau! Hơn nữa, nếu chỉ có vậy mà bảo rằng đó là “cơ hội độc nhất trong lịch sử bang giao
Chiêm Việt” thì e rằng sẽ xem nhẹ các sự kiện sau đó cũng quan trọng không kém.
Chính vì thiếu một cái nhìn phân kỳ với những đặc điểm của từng giai đoạn mà Phan Khoang cũng cho rằng trước 1471 “người Chiêm đã bỏ Chiêm Động, Cổ Lũy (Quảng Nam - Quảng Ngãi nay) mà đi khi di dân ta đến”. Nhà Hồ lấy Chiêm Động và Cổ Lũy thì người Chiêm có bỏ đi không? Xin thưa là không! Ngoài hai người con trai của Chế Bồng Nga là Chế Ma Nô Đà Nan và Chế Sơn Nô nhà Hồ còn có Chế Đa Biệt và Mộ Hoa Từ Ca Diệp(90), những người Chiêm này liệu có giữ chân người Chiêm ở lại chứ không phải bỏ Chiêm Động và Cổ Lũy ra đi cả? Hơn nữa, sau khi chiếm lấy Chiêm Động và Cổ Lũy, “Hán Thương lấy Hiệu Chính hầu Chế Ma Nô Đà Nan (con trai Chế Bồng Nga) làm Cổ Lũy huyện Thượng Hầu, trấn giữ châu Tư, Nghĩa chiêu dụ vỗ về dân chúng người Chiêm để mưu lâu dài”(91). Hoàn toàn không có bằng chứng nào cho thấy “người Chiêm đã bỏ Chiêm Động, Cổ Lũy mà đi khi di dân ta đến” như Phan Khoang nói; đó là chưa nói, ngay 1471, vua Lê Thánh Tông cũng vẫn phải lấy những người Chiêm đầu hàng Ba Thái, Đa Thủy, Đỗ Tử Quy, Lê Ỷ Đà… để cai trị dân ở các châu, động từ Thu Bồn đến Trà Khúc(92). Người Chiêm không có ở đó thì Lê Thánh Tông lấy người Chiêm làm quan để làm gì? Điều này có nghĩa rằng các làng Chàm ở vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn còn nguyên vẹn sau sự kiện 1471.
Cùng với tộc Phan làng Đà Sơn, người Chàm ở lại trên đất Đà Nẵng, Quảng Nam ngày nay như vậy là có thể hình dung được. Với dân số 1 triệu người, một số dân không hề nhỏ. Họ chạy đi đâu mà “bỏ đi cả”? Một tỉnh Côngpông Chàm e không đủ chỗ để dung chứa 100.000 người di tản. Chạy vào Phan Rang hay lên Tây Nguyên vài trăm ngàn nữa. Mọi phép tính hoặc phỏng đoán cũng sẽ đồng ý ở mức tối thiểu 1/2 số dân người Chàm đã ở lại với người Việt sau 1471!
5/ Vấn đề người Chàm ở lại sau 1471
Cuộc tiến đánh thành Đồ Bàn của Lê Thánh Tông năm 1471 xét ra cho cùng cũng chẳng khác mấy với các lần tiến đánh thành Đồ Bàn của quân Đại Việt trước đó trong lịch sử. Cũng bắt vua, răn đe dân Chiêm Thành rồi rút quân về và giao cho người Chàm tự cai trị vùng
đất của họ. Chỉ khác chăng là lần này ông chính thức vẽ bản đồ đưa biên giới Đại Việt vào đến đèo Cù Mông và đặt tên cho vùng đất mới. Ngày mồng 7 (tháng 3 năm Tân Mão-1471), lấy người Chiêm đầu hàng là Ba Thái làm Đồng tri châu Thái Chiêm, Đa Thủy làm Thiêm Tri châu. Vua dụ họ rằng: “Hai châu Thái Chiêm và Cổ Lũy trước là đất của ta, đời gần đây bị mất về nước Chiêm, nay lấy lại được hết, đặc cách sai bọn các ngươi trấn giữ. Có kẻ nào không theo, cho giết trước rồi tâu sau”.
Ngày 11, lấy Đỗ Tử Quy làm Đồng tri châu Thái Chiêm quân dân sự, Lê Ỷ Đà làm Cổ Lũy châu tri quân dân. Người Chiêm nào dám chống hay làm loạn thì cho giết rồi tâu sau(93).
Trước nay, nhiều người nghĩ rằng các quan người Chiêm đầu hàng ấy đã được vua Lê Thánh Tông cử cai trị toàn bộ vùng đất từ Quảng Nam vào đến hết Bình Định ngày nay. Thế nhưng qua những gì SKTT chép ở trên ta thấy: Ngày mồng 1 tháng 3 đánh thành Đồ Bàn thì sang ngày mồng 2, vua thấy đã phá được thành Chà Bàn, liền xuống chiếu đem quân về(94). Và cứ theo đó mà biết thì ngày mồng 7 vua đã ra đến Cổ Lũy, và ngày 11 thì đến Chiêm Động rồi ra các sắc chỉ trên.
Điều này cho thấy người Chàm vẫn là số đông dân cư của vùng đất từ Thanh Chiêm vào Cổ Lũy, tức Nam Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày nay.
Vậy vùng đất thuộc Bình Định ngày nay, vùng đất có kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành lúc ấy, thì sao? SKTT cũng như Cương Mục, Thực Lục, Nhất Thống chí đều không đề cập đến vị quan tổng trấn là Chàm hay Việt, cũng không thấy hỏi đến các hoạt động của bộ máy hành chính, quân sự cùng các địa điểm đặt lỵ sở của dinh trấn vùng đất cực Nam sau sự kiện 1471.
Tại bảo tàng TP. HCM, phòng lịch sử đời Lê thế kỷ XV-XVIII, có trưng bày một chiếc ấn đồng với mặt ấn có 12 chữ triện “Quảng Nam Đẳng Xứ - Tán Trị Thừa Tuyên - Sứ Ty Chi Ấn”. Chiếc ấn được tìm thấy trong lòng đất ở nơi là thành Châu Sa cũ (nay là xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Năm chế tạo chiếc ấn được xác định với dòng chữ trên cạnh trái là “Hồng Đức nhị niên, nguyệt nhật” (tháng 5 năm 1471)(95). Như vậy là bằng chứng “sờ được” về chính quyền Đại Việt trên đất Quảng Nam xưa (Đạo Thừa tuyên Quảng
Nam kéo dài từ sông Thu Bồn đến đèo Cù Mông nay) là đã được khẳng định, chỉ một thắc mắc nhỏ còn lại là, SKTT chép đến tháng 6 vua mới ra lệnh thành lập đạo Quảng Nam, thế nhưng trên chiếc ấn này thì đó lại là tháng 5. Chế tạo một chiếc ấn đồng không thể làm một ngày, một tuần mà xong, vì vậy ta có thể thấy việc thiết lập một chính quyền đại diện cho nhà nước Đại Việt trên vùng đất mới theo ý chí của vua Lê Thánh Tông là khá mạnh và quyết đoán, nó đi trước cả những sắc dụ về hành chính mang tính công bố chính thức về lãnh thổ.
Vấn đề chỉ còn là ai là Tổng trấn, là trấn thủ đạo thừa tuyên Quảng Nam lúc ấy? Đó là người Chàm hay người Việt? Theo nhà nghiên cứu Thạch Phương, thì đó chính Phạm Nhữ Tăng (dựa trên gia phả và các sắc phong của tộc Phạm làng Hương Quế, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã được vua Lê Thánh Tông chỉ định làm trấn thủ đạo thừa tuyên Quảng Nam, kiêm quản phủ Hoài Nhơn trong các năm từ 1471 đến 1477(96).
Thế nhưng sau Phạm Nhữ Tăng chúng ta có đến 50 năm “khoảng trống lịch sử”, không có bất cứ một ghi chép hoặc bằng chứng nào cho phép đoán định vị trí dinh trấn Quảng Nam cũng như ai là trấn thủ dinh trấn này, cho đến khi Mạc Đăng Dung cử em là Mạc Quyết vào trấn thủ Thuận Quảng (1527) và đặt dinh trấn tại xã Chánh Lộ, thuộc địa phận thị xã Quảng Ngãi ngày nay. Ngay chiếc ấn được chế tạo tháng 5 năm 1471 ấy cũng được tìm thấy ở vị trí là thành Châu Sa cũ (nay là xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), tận phía bắc của tỉnh Quảng Ngãi.
Liệu Phạm Nhữ Tăng đã đặt dinh trấn ở ngay trên đất kinh đô Chiêm Thành cũ là Đồ Bàn hay ngay từ đầu đã đặt dinh trấn ở Châu Sa? Gia phả tộc Phạm làng Hương Quế chép, Phạm Nhữ Tăng đã được vua chỉ định làm trấn thủ Đạo thừa tuyên Quảng Nam kiêm quản phủ Hoài Nhơn (Bình Định nay). Đất Hoài Nhơn đã thuộc đạo Quảng Nam, đã làm quan trấn thủ Quảng Nam tại sao lại còn kiêm quản phủ Hoài Nhơn? Phải chăng điều này cho phép ta hiểu rằng ở mức độ nào đó, Hoài Nhơn vẫn chưa thực sự thuộc Quảng Nam, Hoài Nhơn vẫn còn một “chút” quyền tự trị?
Thật vậy, người Chàm ở lại trên kinh đô Đồ Bàn cũ là quá đông để có thể “quy thuận” một sớm một chiều; Thậm chí, họ đã nổi loạn, để
một năm rưỡi sau: “Ngày mồng 8 tháng 11 (1472), lại đi đánh Chiêm Thành. Bắt được chúa nó là Trà Toại và bè lũ đem về kinh”(97). Kể từ đây, SKTT chép về các sự kiện có liên quan về Chiêm Thành và người Chàm ít hẳn, và sau đây là tất cả các sự kiện được SKTT hiếm hoi đề cập đến:
3 năm sau 1471, vào năm 1474, bọn Nghiên Nhân Thọ, Nguyễn Đình Mỹ tâu việc Chiêm Thành tan vỡ quấy nhiễu biên giới. Năm 1477 có Nguyễn Tế tâu việc địa phương Chiêm Thành. Năm 1498 đặt thêm các sở hiệu của ba vệ Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn thuộc Đô ty Quảng Nam.
Năm 1499 có một sự kiện vô cùng quan trọng để có thể hình dung nên đời sống xã hội trong cộng đồng dân cư Chàm-Việt được chép trong SKTT mà trước nay ít được nhắc tới, đó là dưới triều Lê Hiến Tông (năm Cảnh Thống thứ 2-1499): tháng 8, ngày mồng 9, có chiếu rằng: Kể từ nay, trên từ thân vương, dưới đến dân chúng, đều không được lấy đàn bà con gái Chiêm Thành làm vợ, để cho phong tục được thuần hậu. Đó là theo lời tâu của Hộ khoa đô cấp sự trung Vũ Lộc(98). Có thể nói đây là bằng chứng duy nhất khiến việc người Việt lấy vợ Chiêm Thành không còn là sự phỏng đoán hoặc suy luận mà có. Những chi tiết được SKTT ghi lại này cho phép hiểu chiếu dụ ban ra có giá trị trước hết ở kinh đô, vì lối sống xã hội ở kinh đô mà ra chiếu dụ ấy. Và vì thế nó cũng cho phép ta hiểu: ở kinh đô còn vậy thì chuyện lấy vợ người Chiêm Thành ở Quảng Nam sẽ còn là phổ biến hơn nữa.
Chúng ta hãy thử hình dung các chuẩn mực xã hội dựa trên các giai tầng, thành phần xã hội của các tộc người lúc ấy để có thể xảy ra hiện tượng lấy vợ Chiêm Thành đến mức phổ biến như vậy. Đối với tầng lớp phong kiến như Vũ Lộc thì họ, những người Chiêm Thành, bị xem là thấp kém, nhưng trong tầng lớp lao động thì có như vậy không, họ có bị xem là thấp kém đến mức như “mọi” để người đàn ông phải cảm thấy xấu hổ khi lấy họ làm vợ? Hay đó thực sự là một mốt thời thượng khá vui và sang trọng trong lối sống?
Việc vua Lê Hiến Tông ra hẳn một chiếu dụ về việc lấy vợ người Chiêm Thành cho thấy sự việc đã trở thành phổ biến chứ không còn đơn lẻ, những người vợ Chiêm Thành ấy đã mang cả nền văn hóa của dân tộc họ vào trong gia đình mới, liệu dấu ấn của một sự kiện
lớn như vậy có còn đế lại dấu vết của nó đâu đó trong đời sống của người Việt nói chung, người Quảng Nam hôm nay nói riêng? Và một điều nữa cần phải nhắc, rằng người Chiêm Thành không phải chỉ có đàn bà con gái! 28 năm sau ngày gần như chính thức xóa bỏ đất nước Chiêm Thành mà còn ra cái sắc chỉ như vậy cho thấy người Chàm ở lại khá là yên ổn trong chính quyền mới. Thậm chí họ vẫn còn khá mạnh, khá đông để âm mưu nổi loạn như các sự kiện sau trong SKTT:
Năm 1509: Sai bọn Đô đốc Bảo Lộc bá Lê Tử Vân và Vũ Cảnh đi kinh lý vùng Quảng Nam.
Trước đây, năm Hồng Đức thứ 1, Thánh Tông thân hành đi đánh Chiêm Thành bắt được Trà Toại và vợ con nó đem về nước ta an trí ở ngoài cửa Bảo Khánh gần 30 năm. Đến thời Cảnh Thống, con là Trà Phúc mang trộm hài cốt của cha là Trà Toại trốn về nước, để lại một người chị ruột, đến khi có binh hỏa mới chết. Đến nay, nô lệ người Chiêm của các nhà thế gia, công thần ở các điền trang cũng bỏ trốn về nước.
Vũ Cảnh cho chạy trạm tâu vua là người Chiêm làm loạn. Vua hạ lệnh giết người Chiêm đến gần hết, không biết rằng kẻ làm loạn chính là bọn người Chiêm Chế Mạn. Đến sau bắt được bọn người Chiêm Ma Mặc phiêu dạt ngoài biển, giam ở thừa chế, họ lại cung khai rằng năm trước, Trà Phúc đã trở về nước sai Con là Ma La sang cầu viện nhà Minh, lại đóng nhiều thuyền, chứa nhiều lương. Do đó, vua sai bọn Cảnh đi kinh lý(99).
Và đó là những dòng cuối cùng mà SKTT còn nói đến từ Chiêm Thành!
Tất cả các ghi chép đó cho thấy sau 1471, cho đến ít nhất là năm 1510, người Chàm vẫn luôn muốn nổi loạn, đến 1509 mà còn đóng nhiều thuyền, chứa nhiều lương thì có thể biết họ chẳng chạy đi đâu cả, họ vẫn ở lại vùng đất có kinh đô Đồ Bàn của họ, cả đàn ông lẫn đàn bà, vẫn tiếp tục sinh con đẻ cái và dạy dỗ con cái niềm tự hào về dân tộc, về văn hóa của cha ông.
Kể từ lúc này, các nguồn sử liệu bắt đầu thiếu vắng hẳn, vì vậy thật khó để hình dung về số phận những người Chàm này. Họ ở lại và họ đã biến đi đâu mà cho đến hôm nay không còn một dấu vết? Liệu có thể hình dung nên không gian xã hội cộng cư của hai tộc người, của hai nền văn hóa khá khác nhau giữa Việt và Chàm lúc ấy?
Sau 1509, sau những dòng chữ cuối cùng mà SKTT chép về Chiêm Thành, thì mãi đến 1553 ta mới lại có được vài dòng mô tả lối sống của cư dân Chàm qua Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An. Chuyện gì đã xảy ra cho những lưu dân Việt trên vùng đất mới? Số phận những người Chàm ở lại là ra sao?
Những năm ngay sau 1471, đất đai thì đã thuộc Đại Việt nhưng những vị quan cai trị thì vẫn là người Chàm. Sự kiện đáng chú ý nhất là sau đánh thắng Trà Bàn, khi rút quân về ngang Cổ Lũy và Chiêm Động, tức vùng Điện Bàn đến Quảng Ngãi nay, vua Lê Thánh Tông đã bổ cho người Chàm làm quan cai trị vùng đất này. Trong gia phả các tộc họ ở Quảng Nam rất nhiều tộc họ đã vào và định cư trên đất phương Nam này ngay sau 1471. Có nghĩa rằng trong giai đoạn ngay sau 1471, người Việt đã vào và sống bên cạnh người Chàm, dưới quyền cai trị của một quan người Chàm! Ở đâu không biết chứ ngay vùng Ngũ Xã Trà Kiệu, cách dinh trấn Thanh Chiêm chừng 10 cây số, nơi có 13 vị tiên tổ của các tộc như Lê, Nguyễn, Đinh, Võ, Phạm, Trương… đã vào định cư tại đó ngay sau 1471; thì họ đã sinh cơ, lập nghiệp ngay dưới quyền cai trị của một trong các quan người Chàm đầu hàng: Ba Thái, Đa Thủy, Đỗ Tử Quy, Lê Ỷ Đà.
Có nghĩa rằng, sau 1471, mô hình “da báo” các làng Chàm - Việt là một sự thật khó chối bỏ. Ở Bình Định người Chàm là số đông tuyệt đối; ở Quảng Ngãi thì các quan người Chàm vẫn nhiều, có nghĩa rằng người Chàm cũng là đa số; vùng Quảng Nam thì người Việt đã đông, tuy vậy, dựa trên số gia phả có được số đời trên 21 thế hệ rất là hiếm chúng ta có thể biết cho đến năm 1500, người Việt trên đất Quảng Nam vẫn chưa phải số đông. Họ là số ít ở bên cạnh các làng người Chàm và “nương” theo khá nhiều các phong tục, tín ngưỡng, văn hóa của người Chàm bản địa.
Đó là nói theo cái nhìn “phi phân kỳ” kiểu 500 năm dồn lại một ngày, sự thật thì những người Việt sống bên cạnh hay nương nhờ các làng Chàm lâu đời ấy chỉ giữ được bản sắc Bắc Bộ của mình không lâu thì phải hòa nhập, và sang đến thế hệ thứ hai, thứ ba thì những người Việt này đã nhiễm, như Lý Tử Tấn chép Thông Luận trong Dư Địa Chí (khắc in năm 1435) của Nguyễn Trãi: “Dân vùng này nhiễm tục cũ của người Chiêm, tính hung hãn, quen khổ sở. Triều trước (nhà Trần) dùng họ để ngừa người Chiêm”(100). Con cái họ phải hòa nhập vào cộng đồng phương ngữ mới, nhất là trong điều
kiện không có thêm những di dân mới do lũy Trường Dục là một giới tuyến nội bất xuất ngoại bất nhập kéo dài từ 1671 đến Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc lần thứ nhất năm 1786. 115 năm không đi lại giữa hai miền Nam Bắc, 4-5 thế hệ người Việt “thuần chủng” đã sinh ra liệu họ có còn giữ được sự “thuần chủng” trong mọi nếp suy nghĩ với cộng đồng người Chàm, người “lai” và cả người Việt đã đến và hòa nhập từ 300 năm trước?
6/ Vấn đề người Chàm dưới thời các chúa Nguyễn Sau những dòng cuối cùng mà SKTT chép về đất nước Chiêm Thành năm 1509 ấy, đến giữa thế kỷ XVI chúng ta mới có lại những ghi chép về cuộc sống của người Chàm còn lại trong hai tài liệu chính là “Ô Châu Cận Lục” của Dương Văn An và “Phủ tập Quảng Nam ký sự” của Mai Thị. “Ô Châu Cận Lục” thì đã biết, “Phủ tập Quảng Nam ký sự” thì cũng vài dòng thưa thớt như sau: “Lập ở vùng biên giới huyện Tuy Viễn 3 đồn lớn, mỗi đồn có 500 quân, ở đó lập 3 nơi giao dịch cho phép người Kinh - Chàm mang các thứ tới đây buôn bán. Người Chàm nếu có ai ra vào cửa khẩu vùng biên để thăm bà con thân thuộc thì đều phải trình báo rõ ngày giờ, kỳ hạn đi và về, với các quan đồn”(101); “Ngài nên nhẫn nhịn, lảng tránh sự khiêu khích của người Chiêm để dồn tất cả mũi nhọn hướng thẳng vào quân ngụy Mạc”(102).
Tất cả những ghi chép như vậy không cho ta nhiều thông tin về số phận người Chàm ở lại trong xã hội mới, chỉ cho phép hình dung rằng người Chàm vẫn là một vấn đề khá quan trọng đối với các quan trấn thủ xứ Thừa tuyên Quảng Nam trong những năm giữa và cuối thế kỷ XVI. Trong “Phủ tập Quảng Nam kỷ sự” có một chi tiết nữa cần nhắc tới là đô đốc Bùi Tá Hán có một người hầu là tên Xích Y. Một loại tên các thư tịch cổ dùng để nói về người thiểu số. Vị quan Xích Y này được tạc tượng cùng một lần với Bùi Tá Hán lúc hai người ghé thăm một chùa Phú Yên “Bấy giờ ngài vào Phú Yên, có vị Hòa Thượng thấy ngài phong độ khác thường, bèn đẽo gỗ tạc tượng ngài. Viên tướng dưới cờ là Xích Y Thị cũng được tạc thành tượng”(103). Cần nhớ rằng lúc Bùi Tá Hán làm tổng trấn Quảng Nam thì Phú Yên vẫn chưa thuộc vào Đại Việt mà vẫn còn là của người Chiêm Thành. Vị quan hầu người dân tộc thiểu số này sau này cũng được ghi tên
trong hầu hết các sắc phong của triều Nguyễn với danh hiệu là “Diệu Đức Dương Quang Hiến Chính Đoán Túc Xích Y”.
Tất cả các sự kiện cho phép ta hình dung rằng viên quan hầu người thiểu số này khá đắc lực trong việc giúp Bùi Tá Hán cai trị đất mới thừa tuyên Quảng Nam. Các tư liệu không cho biết Xích Y thuộc tộc người nào, thế nhưng trong một xã hội mà sự nguy hiểm luôn thường trực lớn nhất là sự “khiêu khích của người Chiêm” như “Phủ tập Quảng Nam ký sự” đã chép thì ta hiểu Xích Y chính là người Chàm cũng không có gì là thái quá.
Cái chết của Bùi Tá Hán cũng là một nghi án của lịch sử. Ông là một người rất có công, đương thời đã được người dân tạc tượng thờ. Thừa tuyên Quảng Nam trong SKTT lúc này cũng ít thấy giặc giã, thế nhưng ông chết không rõ vì lý do gì, người ta chỉ tìm thấy chiếc áo bào ông mặc đẫm máu trên cành cây, người và ngựa đều không tìm thấy (1568). Xã hội thừa tuyên Quảng Nam giữa thế kỷ XVI này quả thật cũng còn ẩn chứa khá nhiều bất trắc chứ không hề yên ổn như các sử liệu thưa thớt còn lại.
6.1 Tỉnh Kẻ Chàm
Bản đồ này được xuất bản ở Amsterdam Hà Lan năm 1760 bởi công ty Covens and Mortier cho thấy các địa danh như Quảng Bình, Thuận Hóa, Quảng Nghĩa, Quy Nhơn đều được phiên âm khá chính xác như tên gọi hiện nay, chỉ riêng Quảng Nam được ghi là Tỉnh Ciam (chữ Ciam này không thể là một cách phiên âm từ Nam bởi ngay đó ta có vị trí được đánh dấu là Dinh Ciam, tức Dinh trấn Thanh Chiêm, một đơn vị quản lý hành chính với các tàu bè cập cảng Hội An được các ghi chép đương thời mô tả nhiều).
Nửa đầu thế kỷ XVII xuất hiện nhiều giáo sĩ Gia Tô giáo đến Đàng Trong truyền đạo và họ ghi chép nhiều nhật ký, báo cáo, mô tả như A. de Rhodes, C. Borri, François Basom… và địa danh Quảng Nam thường được gọi là Ciam, Cacciam, Cacham, Cachan xuất phát từ cách gọi của người dân là Kẻ Chàm. Ví dụ như đoạn văn sau đây của Borri trong Xứ Đàng Trong năm 1621: “Xứ Cocincina (Xứ Đàng Trong) chia thành năm tỉnh. Tỉnh thứ nhất là nơi chúa ở ngay sát Xứ Đàng Ngoài gọi là Thuận Hóa. Tỉnh thứ hai là Cacciam (So sánh với các tư liệu khác thì đó phiên âm của từ Kẻ Chàm, tức Quảng Nam), nơi Hoàng tử làm trấn thủ, Tỉnh thứ ba là Quamguia (Quảng Ngãi, theo phiên âm của người Ý). Thứ tư là Quingnim (tức Quy Nhơn), người Bồ đặt tên là Pulucambiz”(104). So sánh các trường hợp phiên âm Quảng Ngãi và Quy Nhơn của Borri chúng ta thấy quả thật lúc ấy Quảng Nam được gọi là Kẻ Chàm thật.
Tại sao tỉnh Quảng Nam lúc này đã được chính thức thành lập, các nguồn sử liệu chính thống để gọi vùng đất này là Quảng Nam, chỉ riêng các giáo sĩ phương Tây, các nhà hàng hải và hình như cả trong dân chúng đều gọi nơi này là tỉnh Kẻ Chàm? Liệu chăng ở Quảng Nam đầu thế kỷ XVII là khá đông đúc và “đậm đặc”. Điều này, “sống lẫn lộn” với người Man, là điều hầu như không gặp các ý kiến phản đối trong giới nghiên cứu. Thế nhưng dường như sự hình dung này là chưa thực sự gần với thực tế, số lượng người Chàm ở lại phải đông đúc và đậm đặc đến mức nào thì xứ này lúc ấy được gọi là Kẻ Chàm? Từ bức tranh trong sách của J. Barrow vẽ những cư dân quanh vịnh Đà Nẵng vào năm 1793, tức đã cuối thế kỷ XVIII, cũng với sự hình dung cư dân Đà Nẵng (xem “Hình dung Đà Nẵng trước 1627” trang 219) và ta hiểu lý do tại sao Quảng Nam lại được gọi là tỉnh Kẻ Chàm một cách dai dẳng đến như vậy.
Và câu hỏi nữa là các người Man, người Chàm ấy biến đi đâu sau đó, nếu người hiện có đều là người Việt thuần chủng? 6.2 Nhà cửa
Có một vài chi tiết lý thú và khá thuyết phục để hình dung nên một không gian sinh hoạt của cộng đồng người ở Quảng Nam vào giai đoạn cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII và kéo dài đến đầu thế kỷ XIX; đó là những mô tả nhà cửa và cách ăn mặc, y phục của người