Đây là sách mới bàn về chủ đề quan hệ Việt – Chăm. Có thể đầu tiên, người Việt từ phía Bắc nhân danh tiến đến trừng phạt người Chăm nhưng cuối cùng định cư luôn ở vùng Chăm. Người Chăm một số nhiều bỏ đi, số ít còn lại, người Việt di dân vào sống xen kẽ với làng Chăm kiểu hình thể da beo. Từ đó xảy ra sự giao lưu, tiếp biến, ảnh hưởng qua lại giữa hai nền văn hóa Việt – Chăm về ngôn ngữ, hôn nhân, trang phục và lối sống.
Cuốn sách là một công trình nghiên cứu công phu về bản sắc văn hóa Quảng Nam trong sự gắn bó chặt chẽ với văn hóa Chăm. Nội dung sách bàn về những nội dung chính: sự thật về hai chữ “Nam tiến”, văn hóa Quảng Nam biến đổi theo tiến trình lịch sử, ngôn ngữ Quảng Nam như là ngôn ngữ của người Chăm nói tiếng Việt. Toàn bộ nội dung cuốn sách là nỗ lực khai phá những tri thức mà theo tác giả, đã bị chìm khuất, hay lãng quên trong lịch sử, mà nay cần tạo dựng để giúp chúng ta có một cái nhìn toàn diện, sâu sắc về văn hóa – vốn là một vấn đề không bao giờ giản đơn.
Qua 260 trang viết cho thấy tác giả Hồ Trung Tú có nhiều suy tư trăn trở để hướng tìm về cuội nguồn, bản sắc của mình cũng như cư dân ở vùng đất Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên.
***
Lịch sử Nam tiến của người Việt Nam trải dài suốt từ thời nhà Lý đến các vua Nguyễn; các năm 1306, 1471 thường được nhắc tới như chỉ là những cột mốc đánh dấu cái dòng chảy rất đều, không ngừng nghỉ của các đoàn người Nam tiến. Thực ra nếu nhìn kỹ vào từng giai đoạn ta sẽ thấy cái dòng chảy ấy không đều như đã nghĩ. Nó có những lúc dữ dội để chiếm hữu, lúc lắng lại để định hình, lúc thì nếp ăn nếp ở ngôn ngữ phong tục thiên về Chàm, lúc thì chuyển hẳn sang Việt. Ở đây chúng tôi xin đưa ra một cách phân kỳ để thử xác định ý nghĩa và dấu ấn của mỗi giai đoạn mà nó để lại trên mỗi tiến trình lịch sử, qua đó có thể ít nhiều hiểu được, và thử dựng lại những gì đã xảy ra trong suốt 500 năm (1306 đám cưới Huyền Trân đến 1802 khi Gia Long lên ngôi) dài dằng dặc ấy.