🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cây Vĩ Cầm Ave Maria - Kagawa Yoshiko & Nguyễn Hồng Vân (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Lãng Mạn] Ebooks Nhóm Zalo K A G A W A Y O S H I K O CÂY VĨ CẦM AVE MARIA • Ave Maria no Violin • Nguyễn Hồng Vân dịch Phát hành: WingsBooks Nhà xuất bản Kim Đồng ebook©vctvegroup Giới thiệu nhân vật Asuka: Nữ sinh trung học mười bốn tuổi, sống tại Tokushima, học đàn violin từ khi còn nhỏ. Kiyohara: Người bán nhạc cụ trong thành phố và là người đã giới thiệu “Cây vĩ cầm Ave Maria” cho Asuka. Kalzas: Nhạc công sống tại Ba Lan, người kể cho Asuka nghe về nguồn gốc của “Cây vĩ cầm Ave Maria”. Hannah: chủ nhân của “Cây vĩ cầm Ave Maria”, một thiếu nữ mười bốn tuổi người Do Thái. Klaus: Nhạc công người Đức, theo chân gia đình Hannah tới Trại tập trung. Arles: Nhạc công người Do Thái, cũng là người chỉ huy dàn nhạc của các tù nhân nữ trong Trại tập trung. Leo: Nhạc công cello người Ba Lan trong dàn nhạc tù nhân của Klaus ở Trại tập trung. David: Tù binh người Đức ở Trại tập trung Bando. Người làm bánh trong trại. Paul: Tù binh người Đức ở Trại tập trung Bando. Người đã tạo ra “Cây vĩ cầm Ave Maria” trong Trại tập trung. Khúc dạo đầu TÔI Từ trước đến giờ, tôi vẫn sống ngày qua ngày trong hờ hững. Tôi đến trường vì tất thảy mọi người đều tới đó, rồi bằng cách này hay cách khác, tôi cũng kết bạn được với lũ trẻ ở quanh mình. Tôi học vì không muốn bị mẹ rầy la và tôi giả vờ làm người tốt vì không muốn bị tách biệt với chúng bạn. Chẳng có một động lực, một sự khuấy động nào sục sôi trong lòng khiến tôi ao ước được làm một điều gì đó. Thế nên, tôi cứ mãi sống trong thế giới hiện tại, giữa môi trường được ấn định cho mình với tầm nhìn hạn hẹp của một cô bé con mười bốn tuổi. Tôi không cho rằng điều đó là kì cục, và tôi nghĩ ai cũng vậy cả thôi. Thậm chí tôi còn có cảm giác sau này mình sẽ tiếp tục sống như vậy mãi. Phải, chuyện là thế cho đến khi vận mệnh giúp tôi gặp được cây đàn violin đó… Chương I ASUKA 1. Có khoảng năm phút nghỉ giữa giờ tính từ lúc kết thúc tiết sinh hoạt chung buổi sáng của giáo viên chủ nhiệm cho tới khi bắt đầu tiết một. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi lớp học trở nên xôn xao đó, Ayumi ngồi bàn trên quay hẳn người xuống rồi hỏi tôi. “Asuka, cậu đã quyết định sau này sẽ học tiếp gì chưa?” Ayumi là bạn đồng thời là hàng xóm của tôi từ thuở lọt lòng, và ngay cả bây giờ, khi chúng tôi đã lên lớp tám, cậu ấy vẫn là người bạn thân nhất trong lớp. Chúng tôi khá bận bịu với mấy vụ như “tám” về những bộ truyện tranh cả hai cùng mê mẩn, cho nhau mượn các quyển tạp chí tuổi Teen. Gần đây, khi Ayumi thích một anh chàng, cả hai còn cùng nhau đi cổ vũ trận đấu bóng đá của cậu ta nữa. Tay cầm bản điều tra nguyện vọng được phát trong giờ sinh hoạt chung sáng nay, Ayumi đầy bối rối nhìn sang tôi. “Học tiếp à… Ờ…” Tôi cũng đang bối rối lắm chứ. Tôi cũng có mong muốn của mình, nhưng bản thân tôi hiểu rất rõ, chẳng có điều gì dễ dàng tới mức chỉ cần muốn là được. Hơn nữa, việc khó khăn nhất chính là thuyết phục được mẹ tôi. Thậm chí ngay lúc này tôi cũng chẳng biết rõ, liệu đây có phải điều tôi muốn làm tới mức cãi lời mẹ hay không. “Giá như được tiếp tục chơi violin thì tốt quá…” “Vậy cậu không theo nghiệp bố à?” Bố tôi là bác sĩ. Từ khi còn nhỏ, cứ hễ nhắc tới việc bố tôi làm bác sĩ, mọi người xung quanh đều nhìn tôi với ánh mắt chắc mẩm rằng tôi sẽ nối nghiệp bố mình. Nhưng nghề bác sĩ đâu giống các bộ môn nghệ thuật truyền thống, đó chẳng phải nghề cha truyền con nối. “Ừ, tớ không theo đâu. Tớ định kết hôn năm hai mươi tư tuổi mà. Sau đó tớ sẽ ở nhà làm nội trợ.” “Khoan, chờ chút, cậu chỉ được chọn một thôi. Hoặc là nghệ sĩ violin, hoặc là bà nội trợ.” “Không chọn có được không?” Nghe tôi hỏi vậy, Ayumi tỏ ra ngỡ ngàng. “Đời này làm gì có chuyện cậu có thể vừa làm nghệ sĩ violin vừa làm bà nội trợ chứ. Ngay như chị họ tớ đây này, chị ấy mới sinh con, vừa chăm em bé, vừa đi làm vất vả lắm đó.” “Vậy à…” Tôi vốn không nghĩ công việc của các bà nội trợ lại vất vả tới vậy và tôi cũng chưa hề xác định mình muốn có mối liên hệ đến mức nào với đàn violin trong tương lai. Nói thật lòng, tôi chưa từng suy nghĩ kĩ càng về tương lai đến mức ấy. “Nhưng chẳng phải mẹ cậu mong cậu sẽ trở thành bác sĩ hay sao, Asuka? Mẹ tớ từng nói như thế đấy. À, mà nhắc tới mẹ cậu…” Nói đến đó, Ayumi phì cười. “Hôm qua đúng là đại loạn nhỉ. Biết Asuka trốn tập một cái là bác ấy nổi giận đùng đùng.” Chắc đang nhớ lại chuyện hôm qua, Ayumi vừa nói vừa cười sằng sặc. Hôm qua, tan học một cái là tôi đến thẳng nhà Ayumi chơi, nên trì hoãn buổi tập violin hằng ngày. Ngay khi biết chuyện, mẹ tôi chẳng thèm làm những việc buồn tẻ kiểu như đến nhà Ayumi để đón tôi về, mà đứng nguyên trong nhà hướng mặt ra ngoài thét gọi tên tôi vang vọng cả khu phố. Tiếng gọi giận dữ “ASUKA!” như cất lên từ địa ngục làm tôi sợ bủn rủn cả người, vội vội vàng vàng ba chân bốn cẳng chạy về nhà ngay lập tức. “Mẹ muốn tớ thành bác sĩ nhưng cứ mỗi lần tớ trốn tập đàn là lại làm ầm ĩ cả lên… Người muốn thành nghệ sĩ violin là mẹ chứ có phải tớ đâu.” “Mẹ cậu biết chơi đàn violin à?” “Không biết, nhưng hồi mẹ tớ còn nhỏ, ở gần nhà có một chị chơi đàn violin rất giỏi và mẹ tớ cực kì ngưỡng mộ người đó. Hình như mẹ từng nói rằng muốn học đàn violin nhưng bị gia đình phản đối nên ước mơ không thành hiện thực.” “Vậy à? Nghĩa là mẹ cậu vốn rất mê đàn violin nhỉ.” “Ừ, vậy đấy. Nhưng mà, ờ thì… bây giờ tớ cũng muốn trở thành người làm việc gì đó liên quan đến đàn violin rồi. Tớ mà nói muốn trở thành giáo viên dạy đàn kiểu gì cũng bị phản đối ngay cho mà xem.” Tôi học piano từ năm hai tuổi, năm ba tuổi bắt đầu học violin, đến giờ cũng được hơn mười năm. Hiện nay tôi đã có thể chơi được “Chaconne”* của Vitali* mà không cần nhìn bản nhạc, trình độ ở mức trên trung cấp. Trong số những đứa trẻ có định hướng chơi nhạc chuyên nghiệp, tiến bộ như tôi không phải nhanh chóng hay chậm chạp gì, chỉ ở mức trung bình thôi. Nếu thật sự đặt mục tiêu trở thành một nghệ sĩ chơi violin, tôi cần tập luyện nhiều hơn mới phải. Thực tế, trên cả nước Nhật, số lượng những cô cậu đồng trang lứa tập đàn với cường độ gấp mấy lần tôi nhiều không đếm xuể. “Nhưng Asuka, cậu được gọi là thiên tài còn gì? Cái này cũng là tớ nghe mẹ tớ bảo vậy, có điều cậu từng được thầy giáo dạy violin giới thiệu đến học đàn ở Tokyo, đúng chứ?” “Ừm… Tớ gọi là có năng khiếu so với những bạn không biết chơi đàn violin, nhưng có đầy người trình độ như tớ.” Hồi tôi học lớp ba, thầy dạy đàn violin từng đề nghị “Khoảng một tháng một lần lên Tokyo tập đàn thì em thấy thế nào?” Đối với đứa trẻ sống ở Tokushima vùng Shikoku như tôi, Tokyo như một thành phố trong mơ. Lúc đó tôi chỉ đơn thuần cảm thấy hạnh phúc vì được tới Tokyo. Tôi đến lớp mà thầy giới thiệu để học violin đúng một lần. Tôi vẫn còn nhớ mình đã trở về nhà với những giọt nước mắt vì bị áp đảo bởi những người bạn học cùng hôm đó có trình độ quá cao. Tôi từng lấy làm tự tin vì được mọi người ở một thành phố bé nhỏ vùng Shikoku gọi là “thiên tài” nên khi đứng trước những thiên tài thật sự, tôi đã phải nhận một cú sốc nặng nề, cảm tưởng như đầu mình vừa bị đánh một đòn đau điếng. Đó là thời khắc tôi nhận ra mình chẳng phải thiên tài gì cho cam, mà chỉ khéo léo hơn bình thường một chút. Tôi bỗng thấy xấu hổ khi từ trước tới nay vẫn tự phụ vì được khen là thiên tài và nếm trải cảm giác mình thật đáng thương. Vả lại, điều khiến tôi sợ hãi hơn cả là mẹ tôi biết được tôi không phải là một thiên tài. Tháng sau đó, mẹ vẫn định dẫn tôi đi Tokyo, nhưng tôi làm ầm ĩ lên, nói rằng dù có chuyện gì cũng nhất quyết không đi và ở lì trong phòng. Dù mẹ hỏi lí do, tôi vẫn cương quyết không chịu nói. Có lẽ mẹ cũng cảm nhận được điều gì đó qua cách hành xử của tôi, vì thế không bắt ép tôi nữa. Mọi chuyện tiếp diễn như vậy được mấy tháng, mẹ cuối cùng cũng bỏ cuộc, và từ đó về sau chúng tôi không còn nhắc lại chuyện lên Tokyo học đàn. Tôi không hề ghét bỏ đàn violin, tôi chỉ không muốn đặt mục tiêu trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp mà đơn thuần mong rằng mình có thể tự do chơi violin thật vui thêm một thời gian nữa. Vậy nên khi được hỏi về nguyện vọng trong tương lai, tôi chỉ có thể trả lời rằng mình muốn làm công việc nào đó có thể chơi đàn violin, chứ không phải là một nhạc công. Cũng từng có lúc tôi nghĩ có lẽ mình nên trở thành bác sĩ giống như những gì mẹ nói, biết đâu như vậy mới tốt. “Giờ mà tô viết vào ‘Phiếu điều tra nguyện vọng’ là muốn vào khoa Âm Nhạc chắc mẹ sẽ nổi giận đùng đùng mất…” Trước đây, khi tôi còn được gọi là thiên tài, hình như mẹ cũng ấp ủ nguyện vọng con gái trở thành một nghệ sĩ chơi nhạc. Nhưng kể từ thời điểm tôi quyết định không theo học lớp đàn của thầy giáo danh tiếng tại Tokyo, đồng nghĩa với việc tôi đã từ bỏ ước mong trở thành nhạc công chuyên nghiệp. Dù vậy, lí do mẹ vẫn cho phép tôi tiếp tục học đàn là bởi mẹ không muốn tôi trở thành một con người lệch lạc chỉ biết đến học hành. Nói đến mẹ tôi lúc này, dù vẫn còn hơn một năm nữa mới đến lúc tôi dự thi trung học phổ thông, nhưng mẹ đã bắt đầu thu thập hết mọi thông tin tuyển sinh của các trường trung học danh tiếng và những trường dạy thêm chất lượng cao, mẹ còn đưa tôi đi tham gia các buổi tham quan trường. Mẹ dường như hoàn toàn tin tưởng tương lai tôi sẽ theo học ngành Y, không mảy may nghi ngờ gì cả. Đâu phải tôi hoàn toàn không có ý muốn trở thành bác sĩ, nhưng giữa lúc bản thân tôi còn chưa xác định rõ những cảm xúc của mình, nếu mẹ cứ chạy trước đón đầu và dồn mọi quyết định cho tôi, tôi sẽ cực kì khổ sở để tiếp nhận chúng. Tôi biết nói ra tất cả những điều này chắc chắn sẽ khiến mẹ nổi giận nên tôi chọn cách giữ im lặng. Dù vậy, tôi vẫn nhận thấy rõ khoảng cách giữa tôi và mẹ về việc tôi muốn làm hay người tôi muốn trở thành. “Dù gì thì cũng đừng chạy sang nhà tớ trốn nếu hai mẹ con cậu cãi nhau nhé. Cậu mà làm thế e là mẹ Asuka sẽ giận lây tớ mất.” Là người hiểu rõ tình hình hai mẹ con tôi ngày ngày lục đục quanh chuyện tập đàn violin, Ayumi nói với vẻ chọc ghẹo kèm theo một nụ cười toe toét. 2. Ngày hôm đó cửa hàng bán nhạc cụ quen thân liên lạc với tôi báo tin có một cây violin tốt ở cửa hàng. Dù người ta vẫn nói rằng với đàn violin phải cần có duyên gặp gỡ, khi mua cây đàn hiện nay hồi năm cuối tiểu học, nói thật tôi không được vừa lòng cho lắm. Những chiếc đàn do người ở cửa hàng giới thiệu đều phát ra âm sắc tốt, nhưng nếu để đi thi thì âm thanh ấy vẫn có gì đó chưa đủ. Tôi thực không sao thích nổi thứ âm thanh dày đục và vô vị nghe như những chiếc đàn violin đồ chơi đang dần phổ biến gần đây. Ngược lại, người mẹ không hiểu rõ lắm về đàn violin của tôi thì có vẻ ái ngại bảng giá lên đến triệu yên của nó hơn là âm sắc. Trong đám trẻ đạt thứ hạng cao ở cuộc thi đàn, không ít đứa sở hữu những chiếc đàn trên mười triệu yên và hình như chúng một mực tin rằng phải dùng những chiếc đàn đắt tiền thì mới có thể biểu diễn tốt. Tôi đã mua chiếc đàn hiện tại với điều kiện, sẽ đổi sang cái khác khi cửa hàng nhập về được chiếc đàn tốt hơn. Đúng là âm thanh của một chiếc đàn đắt tiền rất hay, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, việc âm thanh tương xứng với giá trị đó hay không lại phụ thuộc vào tài nghệ của người biểu diễn. Không phải vì đàn violin tốt lên mà tôi có thể chơi hay vượt bậc. Vậy nên, chẳng thể có chuyện tôi vừa đổi đàn một cái là vào được nhóm dẫn đầu trong các cuộc thi giống như mẹ tôi mường tượng. Tôi phấn khởi vui mừng chỉ vì sắp được gặp một cây đàn violin mới. Với đứa trẻ sống nơi làng quê nhàm chán như tôi, cuộc gặp gỡ với một cây đàn mới đã là một tin tuyệt vời. “Cháu nghe nói cửa hàng có nhập đàn violin cổ về ạ.” Tôi vừa bước vào cửa hàng nhạc cụ, một người đàn ông xưng tên Kiyohara liền đi ra. Tên cửa hàng là “Tiệm nhạc khí Kiyohara” nên có lẽ người này là chủ tiệm. Lần cuối tôi tới cửa hàng là ba năm về trước, nên tôi đã quên hẳn gương mặt người nhân viên tiếp đón lúc bấy giờ. Nhưng theo tôi cảm nhận thì người đàn ông khoảng bốn nhăm này có vẻ ngoài vẫn còn trẻ trung, trông như một người anh đáng tin cậy. “Chúng tôi đang đợi quý khách. Hai vị đây là Murakami Asuka và mẹ cháu phải không ạ? Xin mời vào bên trong.” Bên trong cửa hàng không chỉ có violin mà còn bày rất nhiều đàn viola, cello, contrabass. Đây hẳn là một cửa hàng có tiếng mà bất cứ người chơi đàn dây nào ở Tokushima đều từng phải ghé qua ít nhất một lần. Vào sâu trong cửa hàng, chúng tôi thấy trên bộ bàn ghế tiếp khách được sắp xếp như phòng họp đã bày sẵn bốn chiếc đàn violin. Đàn violin cổ không chỉ mang ý nghĩa đơn giản là những chiếc đàn cũ. Vì đàn cổ là những chiếc đàn được làm ra cách đây hàng trăm năm, từng qua tay rất nhiều người chơi đàn, nên âm thanh phát ra rất tuyệt. Trải qua thời gian dài, gỗ của thân đàn khô đi, khiến cho âm thanh cũng đằm hơn. Và đương nhiên, so với những chiếc đàn mới, đàn cổ chỉ còn lại rất ít nên giá trị của chúng lại càng lớn. “Ôi…” Khi tôi định vươn tay về phía một cây violin xếp trước mặt, mẹ liền đe tôi bằng giọng nghiêm khắc. “Này, đừng có đụng vào vội!” “Không được chạm vào ạ?” Tôi biết chắc mẹ sẽ cấm đoán bèn quay đầu lại hỏi chú Kiyohara. “Được chứ. Asuka, cháu cứ chơi thử chiếc nào cháu thích đi.” “Tuyệt quá. Chơi gì bây giờ. ‘Twinkle Twinkle Little Star’* được không nhỉ.” Tôi nhấc chiếc violin gần mình nhất lên, kiểm tra xem dây đàn đã được chỉnh chưa. ‘“Twinkle Twinkle Little Star’ nghe trẻ con quá, sao con không chơi bản dạo này con đang luyện ấy?” “Vậy con chơi ‘Chaconne’ nhé.” Sau khi kéo đàn một hồi, tôi lại tiếp tục chơi bản nhạc đó với cây đàn tiếp theo. Tôi cứ chơi liên tục hết ba cây đàn, trước khi cầm đến chiếc đàn cuối cùng thì chú Kiyohara lên tiếng hỏi. “Cháu thấy thế nào?” “Ừm… Chiếc đầu tiên âm thanh tròn trịa, cháu rất thích. Nhưng dây Rê hơi cứng và khó phát ra âm. Chiếc thứ hai không có âm nào khó chơi nhưng âm thanh không thanh thoát nên cháu không thích. Chiếc thứ ba thì hoàn toàn không được. Âm thanh đanh quá, lại khó kéo.” “Thế á? Mẹ lại nghĩ chiếc thứ ba được đấy. Phần nối kim loại vàng trông đẹp đấy chứ.” Có vẻ mẹ ưng nhất cây đàn violin thứ ba, cái mà tôi vừa mới nói dứt lời là không ổn. Tôi thấy hơi bực với ý kiến của người thích chạy theo mốt như mẹ. “Mẹ, giá trị của đàn violin không nằm ở bề ngoài. Phần nối kim loại vàng nếu thích có thể thay được, còn âm thanh cây đàn phát ra thì không thay đổi được đâu.” Có lẽ vì hiếm có cơ hội chơi thử và so sánh nhiều đàn cổ như vậy, tôi bỗng cảm thấy mình đang mang một sứ mệnh lớn lao là phải truyền đạt cặn kẽ tất cả vốn kinh nghiệm và trải nghiệm của bản thân. “Quả nhiên là Asuka đã chơi violin mười năm liền nên có đôi tai nghe rất chuẩn. Nếu đã vậy, cháu thử chơi nốt chiếc đàn cuối cùng này xem.” “Ôi, trông nó cũ quá.” Khác với ba cây đàn kia, cây đàn cuối cùng có những vệt màu đậm nhạt khác nhau khắp thân đàn, ở đầu chốt chỉnh âm còn có những vết xước nhỏ. À không, tuy tưởng là vết xước, nhưng khi nhìn kĩ hơn, tôi phát hiện ra đó là ba chữ cái “D. B. L.” được chạm khắc. Tôi lật mặt sau đàn, màu sắc từ chỗ thân đàn phình to ở chính giữa đến miếng tựa vai đã chuyển hẳn sang màu vàng. Nếu nhìn kĩ, những vết hình sọc ấy sẽ tạo cảm giác từng có một thứ giống như nước chảy mòn qua vị trí đó. Nó khiến người ta tưởng tượng ra cảnh người chủ trước đây vừa kéo đàn vừa rơi nước mắt. “Đúng vậy, trông nó cũ kĩ quá.” “Người ta cố tình tạo ra nó trông cũ kĩ như vậy đấy, chính vì vậy bề ngoài nó trông như đồ vật từ thế kỉ mười bảy. Chiếc đàn violin này là của Đức, thật ra nó ra đời từ những năm đầu thế kỉ hai mươi nên không cổ lắm đâu. Những vệt xước lốm đốm này và màu sắc không đồng đều được tạo ra có chủ đích, làm cho cây đàn nhìn cũ hơn thực tế. Giá trị của chiếc đàn nằm ở chỗ nó được tạo tác khéo léo đến mức nào mà.” “Ôi, đến vậy cơ ạ?” Mẹ tôi thốt lên và cũng chăm chú ngắm nghía chiếc đàn. Cảm giác như đang cầm trên tay một thứ không rõ nguồn gốc khiến tôi thấy lo lo. Tôi bèn rụt rè kéo cùng lúc dây Mi và dây La. “Ơ…” Trong một thoáng tôi tưởng tai mình có vấn đề. Một âm thanh lờ mờ, dịu dàng vang lên, gần như âm sắc của cây đàn quyện lặp lấy nhau. Âm thanh trong trẻo, nhưng sự hoà trộn hai bậc âm khiến tiếng đàn nhuốm màu buồn thương. Thông thường, hiện tượng cộng hưởng nhiều bậc âm phần lớn xảy ra ở những cây đàn có trụ đàn không tốt hoặc lớp véc-ni bên ngoài đánh không đều, hay mặt đàn có vết nứt. Nhưng nghe âm thanh của chiếc đàn, tôi không thể cho rằng đây là một sản phẩm bị lỗi được. “Sao thế?” Mẹ ngạc nhiên hỏi khi thấy tôi đang nhòm lom lom vào khe chữ S trên thân đàn. “Hình như có cái gì đó lạ lắm ạ…” “Vậy sao? Mẹ lại thấy âm thanh hay đấy chứ. Asuka, con kéo thêm nữa xem nào.” Bị mẹ giục, tôi lại bắt đầu chơi bản “Chaconne” giống như với ba cây đàn trước. Chỉ mới chơi một đoạn nhưng tôi ngay lập tức nhận ra thứ này khác biệt hoàn toàn so với bất cứ cây đàn violin nào tôi từng chơi từ trước tới nay. “Cây đàn này tuyệt quá! Tuyệt vời! Âm thanh quá tuyệt vời.” “Đúng là vậy. Dù thân đàn chưa đủ độ khô để có thể gọi là dễ chơi, nhưng nếu so với những chiếc đàn có tuổi thọ trăm năm ở Nhật thì cây đàn này đã được bảo quản ở vùng khí hậu khô nên có thể phát ra âm thanh rất dễ dàng.” “À, vâng, cũng có thể là như vậy, nhưng cháu thấy còn có gì đó hơn thế…” “Các âm thường cộng hưởng với nhau khiến cho âm thanh phát ra dễ hơn?” “Chính xác ạ!” Khi được chơi cây đàn đặc biệt này dù chỉ một lần thì trong mắt tôi, những chiếc đàn khác đều bị lu mờ. Tôi giờ đây hiểu hơn bao giờ hết câu nói “gặp gỡ đàn violin là do duyên số”. “Mẹ ơi, con muốn cây đàn này.” “Con nói muốn thì dễ lắm, nhưng cây đàn tốt thế này, chắc hẳn đắt lắm đây.” “À vâng thật ra, tôi không có ý định bán chiếc đàn…” Chú Kiyohara suy nghĩ một lúc rồi mới nói tiếp. “Nếu cháu thật sự muốn chơi cây đàn, cửa hàng sẽ cho mượn. Mong chị với cháu hiểu cho, chúng tôi không muốn định giá cho cây đàn này.” “Ôi, một vật quý giá đến vậy thì chúng tôi sao dám cầm chứ.” Dù mẹ đã vội vàng từ chối, nhưng lòng tôi vẫn vương vấn cây đàn lạ kì này. “Đã chơi chiếc đàn này rồi thì con không thể chơi cây đàn nào khác nữa.” “Đừng đòi hỏi như thế. Con xem, chiếc đàn này tuyệt vời như đàn của nghệ sĩ chuyên nghiệp, cho một đứa lười tập như con mượn thì thật có lỗi với cây đàn.” “Nhưng thưa chị… Tôi không dám đảm bảo sau này ta còn cơ hội gặp được chiếc đàn violin nào tuyệt vời hơn nữa đâu. Gặp được nhạc cụ của mình là nhờ vào duyên số, nên kể cả khi cháu phải tìm một chiếc đàn để tham gia các cuộc thi thì cũng chưa chắc sẽ gặp được đúng cây mà mình mong muốn.” Những lời chú Kiyohara nói khiến tôi lại càng muốn có cây đàn hơn. Có thể chú ấy chỉ nói vậy để thuyết phục mẹ tôi vì chú đứng ở góc nhìn của một người buôn bán nhạc cụ. Nhưng tôi mới là người bị ảnh hưởng khi nghe thấy câu “gặp được nhạc cụ của mình là nhờ vào duyên số”. “Dù vậy chúng tôi cũng không thể cứ lợi dụng lòng tốt và sự nhiệt tình của anh. Ý tôi muốn nói một thứ đồ có giá trị cao đến thế là không cần thiết đối với một đứa trẻ lười biếng luyện tập.” “Con sẽ tập đàn luôn từ hôm nay mà. Con năn nỉ đấy…” “Con có nói thế thì…” Mẹ đang bối rối, còn chú Kiyohara lại mủi lòng chấp nhận lời năn nỉ của tôi thay cho mẹ. “Có điều, chị và cháu mua bảo hiểm cho việc sử dụng cây đàn này được không ạ? Nếu chị Murakami thanh toán phí bảo hiểm hàng tháng cho cây đàn thì cửa hàng chúng tôi cũng vô cùng cảm kích… Sau này, khi Asuka trưởng thành rồi cháu hãy tự mua lại cây đàn nhé.” “Vâng, nhất định là thế ạ.” Mẹ tôi hình như vẫn còn lo ngại, nhưng chú Kiyohara lại thay đổi thái độ hoàn toàn và mỉm cười tươi rói rồi. “Nói thật lòng, tôi nghĩ ngoài Asuka vẫn còn người khác xứng đáng với cây đàn này. Nhưng con bé đã thích cây đàn đến vậy thì hẳn cũng là duyên số. Asuka này, đây là cây violin tuyệt vời nên cháu hãy cố gắng chơi chăm chỉ nhé. Chỉ như vậy, cây đàn mới phát ra những âm thanh hay hơn, cháu phải trân trọng nó.” Chẳng biết có phải do áy náy khi mượn được cây đàn violin chẳng thể định nổi giá hay không mà tôi luyện tập nhiệt tình hơn hẳn. Trong lòng tôi, mong ước được tự do chơi đàn vẫn mạnh mẽ hơn hết thảy. 3. “Asuka, con muốn lên Tokyo một chuyến không?” Mẹ đem chuyện đó ra hỏi tôi nửa năm sau khi tôi gặp chiếc đàn violin mới, vừa đúng lúc tháng Mười Hai bắt đầu. Tôi vừa nhấp miệng vào cốc cà phê sữa cho bữa sáng vừa nhìn thăm dò mẹ. Những chuyện mẹ đem ra nói trước giờ đi học thường không mấy vui vẻ. “Tokyo ạ?” Đương nhiên mẹ tôi không nói tới chuyện lên Tokyo để tham quan du lịch. Tôi hiểu rõ điều đó. “Asuka, con cũng biết mà, ở Tokyo có nhiều trường đại học tốt. Nếu thi vào ngành Y, mẹ nghĩ là tới tham quan trước các trường đại học ở đó từ bây giờ cũng chẳng có gì xấu cả.” “Mẹ, con chưa bao giờ nói sẽ trở thành bác sĩ.” Đang dùng bữa sáng mà lại bị ép phải nói những chuyện đau đầu, tôi chẳng còn lòng dạ nào ăn uống nữa. Tôi đặt miếng bánh mì đang ăn dở vào đĩa rồi buông một tiếng thở dài. “Con vẫn còn nghĩ đến chuyện kiếm sống bằng cây đàn violin sao? Nghe này, ở Nhật rất hiếm người thực sự trở thành nhạc công chuyên nghiệp. Thậm chí có người chỉ được mỗi cái danh mà không kiếm nổi thu nhập. Trong thế giới khắc nghiệt như vậy, một đứa tầm tầm, vẩn vơ với ý nghĩ ‘Hi vọng có thể làm điều gì với cây violin yêu thích!’ như con làm sao có thể tồn tại được?” “Con biết chứ!” Tôi có nhiều điều muốn nói, nhưng không thể chuyển chúng thành lời, nên chỉ biết thốt ra một câu đầy vẻ chống đối. Từ khi đổi sang cây đàn violin mới, cường độ luyện tập của tôi tăng lên đáng kể. Càng tập, càng đối diện với chiếc đàn, tôi càng thấy nhiều thử thách phải vượt qua và tôi cũng biết không phải lúc nào cũng khéo léo xoay xở được. Càng mong muốn trở thành nhạc công chuyên nghiệp, tôi lại càng thấy mình sắp bị đè bẹp bởi cảm giác đầy bất an. Tôi tự hỏi một đứa với chút ít kĩ thuật như tôi làm sao có thể trở thành một nhạc công chuyên nghiệp. Vậy nên tôi đặt ra một mục tiêu hết sức mơ hồ. Việc tôi chỉ muốn làm công việc liên quan tới đàn violin thực ra là cái cớ để chạy trốn khỏi nỗi sợ của bản thân. Chính tôi hiểu rõ hơn ai hết con đường trở thành một nghệ sĩ độc tấu violin không hề nhẹ nhàng, đúng như những gì mẹ nói. “Ai mà biết được con có thể làm bác sĩ hay không cơ chứ?” Thốt ra câu đó xong, tôi đứng lên, rời khỏi ghế. “Asuka, vẫn chưa xong bữa mà.” “Con không ăn nữa. Cảm ơn mẹ đã làm đồ ăn sáng!” Tôi trở lại phòng mình, túm lấy cặp sách và bước ra chiếu nghỉ. Tôi nghe thấy tiếng mẹ với theo sau lưng nhưng làm ngơ và cứ thế đến trường. Mấy ngày gần đây, tôi cứ nghĩ mãi việc lẽ nào mình chẳng có năng khiếu chơi violin? Đúng là từ khi đổi cây đàn mới nửa năm trước, việc luyện tập của tôi có tiến triển thuận lợi hơn, nhân cơ hội đó tôi đã thêm vào danh sách luyện tập các bản nhạc mới. Lần này tôi thêm hai bản nhạc vào chương trình luyện tập. Đầu tiên là “Khúc biến tấu theo chủ đề của Corelli”* được Tartini* sáng tác và Kreisler* biên soạn, bản thứ hai là bản “Ave Maria”* của Schubert*. Ban đầu tôi nghĩ mình có thể chơi được ngay vì cả hai vốn trông có vẻ dễ và là hai bản nhạc tôi hay nghe, nhưng ngay từ “Khúc biến tấu theo chủ đề của Corelli”, tôi đã phải loay hoay mãi. Những đoạn hợp âm ba liên tiếp buộc phải kéo đồng thời ba nốt một lúc, nhạc phổ đầy ắp những đoạn tiết tấu nhanh phải chơi ở tốc độ cao, rồi những dấu láy rải rác khắp nơi trên nhạc phổ, dù tôi hăng say luyện tập đến mấy cũng không chơi được cho ra hồn. Chính vì lẽ đó tôi không động gì tới bản “Ave Maria” đáng lẽ phải tập song song, cũng có nghĩa là gần đây tôi chẳng thể tiến thêm một bước nào cả. Đến giữa bản “Ave Maria” bắt đầu có những hợp âm quãng tám nhưng những ngón tay trái không tài nào chuyển động đúng như ý muốn của tôi. Dù tôi vừa chơi chậm rãi vừa kiểm tra từng quãng âm nhưng tất cả những âm thanh phát ra chỉ tựa như ống sáo Nhật hoặc tiếng kèn túi của người Anh, điều đó nhanh chóng làm tôi chán nản tập luyện. Vậy là tôi tự cho rằng mình không thể chơi được bản “Ave Maria” và lần nào cũng tới lớp học của thầy trong tình trạng thiếu luyện tập trầm trọng. Tôi tập mãi mà không có chút tiến bộ nào nên đến cả thầy giáo vốn rất kiên nhẫn cũng phải bịt tai vào và bảo “Dừng lại đi.” Vai buông thõng, thầy nói với vẻ như đã đầu hàng. “Thế là đủ rồi, Asuka. Em chỉ cần chơi hợp âm quãng tám một lần đầu thôi, còn sau đó cứ nhặt các nốt cao hơn mà kéo. Em làm được như vậy chứ?” “Vâng, em sẽ chơi như vậy.” Thế nhưng thậm chí cả những đơn âm đó tôi cũng không chơi hay được và càng ngày tôi càng đánh mất hứng thú với việc tập luyện. Tôi hiểu rất rõ không thể cứ kéo dài mãi tình trạng này. Tôi cũng từng nghĩ tới chuyện sau khi chơi được nhuần nhuyễn “Khúc biến tấu theo chủ đề của Corelli”, tôi sẽ có thể tập trung vào luyện tập “Ave Maria” nhưng tôi có dự cảm rằng, kể cả tôi tập xong Corelli thì tôi vẫn sẽ đặt dấu chấm hết mà không buồn tiếp tục. Nếu đây là một bản nhạc trong sách giáo trình thì tôi đã bắt buộc mình phải chơi cho bằng được mới thôi, nhưng “Ave Maria” không phải bài học trong sách. Tuy tôi không ghét nó với tư cách một bản nhạc, nhưng đâu đó trong tôi đã gán cho nó cái mác phiền phức và khó nắm bắt. Chính vì tinh thần tập luyện lên quá cao nên đến khi hiểu ra mình không đủ khả năng, tôi cảm thấy hoang mang, sợ hãi. Có lẽ mẹ vẫn nghĩ đơn giản rằng chỉ cần tăng thời gian luyện tập thì tôi có thể trở thành chuyên nghiệp, nhưng không phải cứ tập đàn nhiều là đủ khiến người ta hiểu sâu sắc hơn về bản nhạc họ chơi, và cũng chẳng thể mặc định là tất cả mọi người đều sẽ tiến bộ. Nếu mẹ biết được đứa con một thời được coi là thiên tài như tôi thực ra chỉ là một người thường, không biết mẹ sẽ thất vọng đến nhường nào. Tôi sợ mình sẽ phản bội lại những hi vọng lớn lao mẹ dành cho tôi. “Asuka, đợi đã!” Tôi nghe thấy tiếng gọi thân quen phía sau lưng và dừng chân lại. Tôi ngoảnh lại đúng lúc Ayumi đang chạy vội về phía tôi, cậu ấy vẫn mặc chiếc váy đồng phục cắt ngắn, dù trời đã chuyển hẳn sang tiết đông. “Chào buổi sáng, Asuka. Lạ thật nhỉ, hôm nay cậu đi sớm thế.” Tôi chờ Ayumi chạy đến bên cạnh rồi mới bắt đầu cất bước. “Ừm, sáng nay mẹ nói nhiều quá nên tớ ra khỏi nhà sớm hơn.” “Sao, lại cãi nhau à?” Ayumi nói với vẻ ngỡ ngàng. “Tại mẹ cứ lải nhải suốt, chẳng cần biết người khác cảm thấy thế nào.” Tôi kể lại những gì diễn ra trong bữa sáng, trong lúc tôi nói, Ayumi đi bên cạnh và gật gù thông cảm. Nhờ cậu ấy không bình luận gì thừa thãi, chỉ im lặng lắng nghe mà tâm trạng bực bội trong tôi dần lắng xuống. “Nhắc mới nhớ, gần đây Asuka không hay trốn sang nhà tớ nhỉ.” “Ừ, tớ không có thời gian sang ấy chứ. Vì tớ phải luyện tập mà.” “Trời đất, chính miệng cậu thốt ra hai chữ ‘luyện tập’ kìa!” Ayumi vẻ như muốn chọc ghẹo tôi, nhưng trong lời nói có chút ngạc nhiên thật sự. “Giờ tớ phải luyện đàng hoàng, bù cho cả những lúc trốn tập nữa. Thế mà khối lượng luyện tập vẫn hoàn toàn chưa đủ.” “Nghĩa là, cậu thực sự nghiêm túc? Vậy còn con đường trở thành bác sĩ giống bố thì sao?” “Tớ thấy làm bác sĩ cũng hay hay khi nghe những từ rất ngầu trong chuyện của bố, như adrenalin này, dopamine này. Tớ từng mong hiểu được những từ đó và cùng bố trò chuyện về chúng. Nhưng nghĩ kĩ thì tớ cũng chẳng thích học, tớ thà tập đàn mười tiếng còn hơn ngồi học mười tiếng…” “Vậy nghĩa là cậu sẽ trở thành nghệ sĩ chơi violin độc tấu hả?” “Chơi độc tấu thì khó đấy…” Đối với một thứ không thể đạt được chỉ vì thích, cũng không thể đạt được sau khi đã cố gắng nhiều, thì tôi phải làm gì đây? Tôi vẫn có những suy nghĩ riêng của bản thân, nhưng việc đó quả thật quá khó nhằn với một đứa trẻ mười bốn tuổi. 4. Tôi trở về nhà sau buổi học thì thấy chú Kiyohara đang ở đấy. Hằng năm, tôi nhờ người ở cửa hàng tới hai lần vào mùa mưa và tháng Mười Hai để sửa sang bảo dưỡng lại cây đàn, có lẽ vì lí do đó mà hôm nay chú ghé nhà tôi. Bình thường cửa hàng vẫn cử nhân viên sửa chữa khác, nhưng chú Kiyohara nói muốn tự mình làm vì rất quan tâm tới cây đàn tôi đã mượn. “Hình như việc luyện tập của cháu không suôn sẻ lắm nhỉ.” Chú Kiyohara quan sát ngắm nghía mọi góc cạnh của cây đàn. “Úi? Sao chú biết tài thế?” “Xem này, bột nhựa thông vẫn còn dính nhiều lên tận phím đàn nên chắc lúc kéo hợp âm ba cháu để vĩ lướt trên các dây phải không?” “Trời đất, chú nói y như thầy cháu vậy. Lúc chơi đoạn hợp âm ba liên tiếp ở bài Corelli cháu thường cho vĩ trôi đi nên thầy toàn nhắc cháu phải kéo ngắn và nảy hơn, gần đây cháu chơi cũng tàm tạm rồi, nhưng…” Nghe tôi kể chuyện, chú Kiyohara ậm ừ gật gù. “Chú Kiyohara ơi, cháu nghe thầy dạy đàn nói, hồi bằng tuổi cháu, chú từng được gọi là thiên tài đúng không ạ? Sao chú không trở thành nhạc công chuyên nghiệp ạ?” “Vì sao à? Lí do thì không chỉ có một. Nhưng lí do lớn nhất có lẽ là vấn đề kinh tế. Asuka đến tầm tuổi này có lẽ cũng hiểu được, để lên chuyên nghiệp cần một khoản kinh phí tương xứng. Với gia đình buôn bán nhạc cụ ở một vùng quê nhỏ như nhà chú, cha mẹ chú đã không thể vượt qua được gánh nặng tiền bạc.” “Cha mẹ…” “Về mặt này thì điều kiện kinh tế của gia đình cháu đủ dư dả, mẹ cháu cũng rất tâm huyết, nên chú cho rằng nếu Asuka mong muốn trở thành nhạc công chuyên nghiệp thì cháu đang có một môi trường rất thuận lợi đấy.” Tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc có môi trường thuận lợi hay không. Mẹ tôi lúc nào cũng thúc tôi luyện tập và luyện tập, nhưng tất cả những bài tập đó đều không hề miễn phí. Lần đầu tiên tôi nhận ra rằng có cả những đứa trẻ dù muốn chơi violin đến mấy cũng không thể chơi được. “Nhưng mà chú Kiyohara ơi, dù cho môi trường có đầy đủ điều kiện đi chăng nữa, nếu bản thân người đó không có tài năng thì cũng không thể lên chuyên nghiệp đúng không ạ? Bây giờ cháu đang luyện hai bản nhạc, nhưng vì cháu cứ loay hoay mãi với bản Corelli nên không có chút tiến triển nào với bản còn lại là ‘Ave Maria’ cả…” “Sao? Cháu đang tập ‘Ave Maria’ à?” “Vâng, nhưng sao thế ạ, chú Kiyohara?” Trông chú Kiyohara quá bất ngờ nên tôi ngừng kể lể chuyện của mình và nhìn chú. “Vậy à, cháu chơi ‘Ave Maria’ à…” Những lời lẩm bẩm đó như thể không hướng về tôi mà dành cho chính bản thân chú ấy. “Người chủ nhân trước đây của cây đàn này là một cô bé bằng tuổi cháu, có tên Hannah Janssen. Cô bé ấy đã chăm chỉ chơi bản ‘Ave Maria’ của Schubert suốt cuộc đời mình nên người ta còn gọi cây đàn này với tên thân mật là ‘Cây vĩ cầm Ave Maria’ đấy.” “Cùng tuổi với cháu ạ?” “Chú vẫn chưa biết rõ cụ thể, nhưng nghe nói cô ấy là người sống sót từ Trại tập trung Auschwitz* còn cây đàn này hình như đã được đặt ở đồng hoa anh túc trước Trại tập trung.” “Chú Kiyohara, Auschwitz là gì vậy ạ?” “Ồ Asuka, cháu không biết về Auschwitz à? Cháu chưa đọc ‘Nhật kí của Anne’* lần nào sao?” “À, ‘Nhật kí của Anne’ ạ…” Hồi học tiểu học, tôi từng đọc bản đã được biên soạn lại cho dễ hiểu với lứa tuổi nhi đồng. Từ đó tới nay tôi chỉ nhận thức được cuốn sách là câu chuyện về những người sống trong phòng bí mật vì sợ hãi quân Phát xít. Kết cục, Anne bị quân Phát xít tìm ra và gửi tới Trại tập trung. Cô bị bắt bởi lí do gia đình cô là người Do Thái, nhưng đến tận bây giờ tôi mới để ý và thắc mắc không rõ vì sao người Do Thái lại bị truy bắt rồi ngược đãi đến vậy. Dù đó là sự việc xảy ra ở đất nước khác nhưng tôi vẫn thấy xấu hổ vì vốn kiến thức lịch sử nghèo nàn của mình. “Có phải là cây đàn bị vứt đi không ạ? Vì sao Hannah lại từ bỏ cây đàn này?” “Asuka, cháu có hứng thú à?” “Vâng, có chứ ạ. Bởi vì đó là chuyện về người chủ trước đây của cây vĩ cầm này mà. Cháu đương nhiên rất muốn biết về cô gái yêu thích ‘Ave Maria’, lại bằng tuổi cháu.” “Vậy à…” Chỉ cần nghe nói người chủ nhân trước đây của cây đàn bằng tuổi tôi, là tôi đã cảm thấy cuộc gặp gỡ với cây đàn có điều gì đó tựa như số phận. “Thật ra, khi nhập cây đàn về, chú nghe người ta nói nó từng được trưng bày tại một bảo tàng tư nhân ở gần Auschwitz với tên gọi là ‘Cây vĩ cầm Ave Maria’. Ngay cả giám đốc bảo tàng hiện nay cũng không biết điều gì đã đưa cây đàn đến với bảo tàng này, vì người tiền nhiệm đã qua đời trước khi ông kịp hỏi rõ ngọn ngành về nó.” “Thế thì chịu thua không còn cách nào để biết nữa chú nhỉ?” “Chuyện là vậy, nhưng chú cũng khá quan tâm tới nguồn gốc cây violin này nên đang tìm hiểu thêm và có khả năng tới đây chú sẽ được gặp một nghệ sĩ cello từng chơi đàn cùng với Hannah.” “Thật ạ!?” Chú Kiyohara rất quan tâm tới “Cây vĩ cầm Ave Maria” nên đã tìm hiểu trên trang web của Cục Quản lí du lịch Đức, gọi điện tới Đài phát thanh Ba Lan và xin phép được lên sóng qua điện thoại trong một chương trình của nhà đài, khi đó chú tranh thủ kể về cây đàn violin ở cánh đồng trước cửa Trại tập trung Auschwitz và nhắc tới cái tên Hannah Janssen. Sau đó, một người đàn ông tên Kalzas sống ở làng Crossways tại Ba Lan đã liên lạc với chú. “Thực ra người đó sắp tới Nhật để chỉ huy dàn nhạc ‘Daiku’ nên ông ấy nói sẽ dành thời gian để tiếp chuyện chú.” “Ôi, tuyệt quá! Tốt quá rồi ạ!” “Nếu mẹ Asuka đồng ý, chú sẽ đưa cả cháu đi cùng. Như vậy có lẽ ông Kalzas cũng sẽ vui hơn.” “Tuyệt quá!” Tôi hạnh phúc vô cùng, chạy ngay ra khỏi phòng, đi tới nơi mẹ đang chuẩn bị bữa cơm tối rồi kể tuốt tuồn tuột mọi chuyện vừa mới nghe. Mẹ không giấu nổi vẻ ngạc nhiên, nhưng có lẽ, do cảm nhận được những gì tôi sẽ thu được qua việc lắng nghe chuyện cuộc đời của một người đã thoát khỏi vận mệnh đau thương và sống sót từ Trại tập trung Auschwitz còn quan trọng hơn gấp trăm lần học bài, nên mẹ dễ dàng đồng ý cho tôi đi cùng chú Kiyohara. Hoặc có thể chính mẹ tôi cũng rất tò mò về cô gái tên Hannah, chủ nhân trước đây của cây đàn violin này. Vào thời điểm ấy, chính bản thân tôi cũng chẳng thể ngờ rằng, sự hứng thú tò mò đơn thuần với chủ nhân cũ của cây đàn lại trở thành nhân tố thay đổi to lớn cho cuộc đời của tôi. 5. Một tuần sau, vào một ngày tuyết rơi, chúng tôi tới gặp ông Kalzas. Cứ đến tháng Mười Hai hằng năm, từ những dàn nhạc nổi tiếng tới những dàn nhạc nhỏ ở địa phương đều biểu diễn “Bản giao hưởng số chín”* của Beethoven*. Bản giao hưởng này quen thuộc với cả người Nhật, được họ yêu mến và gọi tắt là Daiku*. Ông Kalzas tới Nhật để chỉ huy dàn nhạc chơi bản Daiku, và chúng tôi đã sắp xếp tới Osaka sao cho khớp với lịch trình của ông. Giữa màn tuyết rơi dày, chú Kiyohara, mẹ và tôi tới thăm Hội trường Osaka, nơi đang diễn ra buổi diễn tập tổng duyệt. Trong hội trường, mọi người đi lại khẩn trương, sẵn sàng cho buổi diễn chính thức vào ngày mai. Tất thảy bọn họ đều nhanh chân hối hả ngang qua, nhưng vẫn không quên liếc về phía chúng tôi một cái. Chẳng rõ có phải ba người chúng tôi nhìn quá kì lạ đối với một gia đình không mà lại thu hút ánh mắt xung quanh đến mức đó. Trong số những người ở đó chỉ có một người đàn ông vừa nhìn thấy chúng tôi là đã vội chạy tới. Người này đi đến chỗ chú Kiyohara, trao đổi điều gì đó rồi dẫn chúng tôi vào phòng chuẩn bị cho nhân viên ở ngay bên phải. “Xin mời vào.” Anh ta chỉ cho chúng tôi một căn phòng rộng tới mười chiếu*. Khi chúng tôi im lặng bước vào phòng trong tâm trạng hồi hộp căng thẳng thì từ sâu bên trong, một ông lão tóc bạc phơ quay đầu về phía chúng tôi. Ông ấy chắc hẳn là ông Kalzas. Ông mặc một chiếc áo vét màu be sang trọng, trên cổ quàng chiếc khăn màu rượu vang thay cho một chiếc ca-ra-vát. Tôi nghe nói ông đã gần chín mươi, nhưng ông lão trước mặt chúng tôi trông vẫn giống một quý ông mạnh khoẻ. Như thể muốn giúp chúng tôi thấy thoải mái hơn, ông đứng dậy, bước đến gần, lần lượt nhẹ nhàng ôm chú Kiyohara, mẹ tôi rồi đến tôi. Tiếp đó, ông cầm tay tôi bằng đôi bàn tay hơi run rẩy. Đôi bàn tay ấy thô cứng và gân guốc đến mức tưởng như không phải là tay của một người chơi nhạc, điều này khiến tôi hơi sợ hãi. Trong khi tôi giấu cảm nhận vào lòng, ông bắt chuyện với tôi, không phải bằng tiếng Đức hay tiếng Ba Lan, mà bằng tiếng Anh. “I am Paul Kalzas.” Sau đó ông nói thêm vài câu nữa, có vẻ là để chào đón chúng tôi. Chú Kiyohara nói được cả tiếng Đức lẫn tiếng Anh, tôi biết lúc đó chú đã dùng tiếng Anh giới thiệu bản thân và giúp chúng tôi chào hỏi ông Kalzas. “Chúng cháu rất vui được gặp ông.” Tôi nói vậy bằng tiếng Nhật, dường như ông ấy hiểu điều tôi muốn nói nên đã mỉm cười. “Ông Kalzas, chúng cháu mang ‘Cây vĩ cầm Ave Maria’ đến đây ạ.” Tôi hạ chiếc đàn đang đeo trên lưng xuống rồi mở nắp hộp đàn màu đỏ rượu vang mới tinh. “Đúng là chiếc này chứ ạ?” Chú Kiyohara từ tốn hỏi và trao chiếc đàn cho ông Kalzas. Ông Kalzas đón lấy chiếc đàn, ngắm nghía cả hai mặt. Đôi lông mày trắng dài của ông nhíu lại, trong đôi mắt lấp loáng nước của ông ánh lên vẻ hoài niệm sâu xa. “Hannah, cuối cùng ta cũng được gặp lại nhau…” Ông Kalzas nói chuyện với cây đàn violin, giọng nói ồm ồm đặc trưng của người già run lên từng chặp. “Ta đã băn khoăn không biết có chuyện gì khi chẳng còn thấy em ở bảo tàng nữa. Em hạnh phúc chứ? Một cô bé đáng yêu hệt như em đang giữ chiếc đàn này.” Tôi tưởng như nhìn thấy trong ánh mắt của ông Kalzas hình ảnh một thiếu nữ bằng tuổi mình. Ông Kalzas không nói chuyện với cây đàn. Ông đang thông qua cây đàn để nói chuyện với Hannah. “Đây quả đúng là ‘Cây vĩ cầm Ave Maria’ mà Hannah từng giữ. Sau khi Hannah mất, với mong muốn mọi người không quên đi lịch sử, tôi đã mang cây đàn này tới Bảo tàng Auschwitz. Vậy mà chẳng hiểu từ bao giờ người ta đồn nhau rằng cây đàn đã bị bỏ mặc ở cánh đồng Auschwitz. Tại sao cây vĩ cầm này lại bị đối xử như vậy?” “Nó đã được đưa ra đấu giá ở Anh thưa ông.” Chú Kiyohara vừa giải thích ngắn gọn một câu như vậy, ông Kalzas liền gật đầu thật mạnh, vẻ như ông đã hiểu hết tất cả. “Có lẽ có lí do nào đó khiến nó bị đem đi đấu giá, nhưng âu đây cũng là số phận của ‘Cây vĩ cầm Ave Maria’. Thật may mắn hơn khi cây đàn lại tới chỗ một cô bé Nhật Bản. Bởi vì người Nhật vốn rất biết trân trọng đồ vật mà. Asuka, cháu bao nhiêu tuổi rồi?” Tôi biết ông đang hỏi tuổi tôi bằng tiếng Anh bèn trả lời lại ngay. “Fourteen.” Nghe vậy, ông Kalzas bật lên một tiếng “Ồ” đầy vẻ ngạc nhiên thích thú. “Thật thần kì. Vậy là cháu cùng tuổi với Hannah. Hannah cũng hay đeo cây đàn trên vai như cháu đang làm vậy. Giống như cháu. Phải, giống hệt. Chúa Trời đã khéo léo đưa ‘Cây vĩ cầm Ave Maria’ này đến chỗ cháu. Thật tuyệt vời làm sao… Asuka, cháu có thể chơi một bản nhạc cho ta nghe chứ?” “Vâng, vậy cháu sẽ chơi một đoạn ‘Ave Maria’ của Schubert…” Khả năng kéo violin của tôi cũng không tăng lên đột ngột chỉ vì tôi ở trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt này. Tôi đoán rằng có lẽ người ta sẽ muốn mình chơi duy nhất bản “Ave Maria” thôi nên đã luyện tập trước, thế nhưng sản phẩm âm nhạc của tôi vẫn chẳng có gì thay đổi, tôi càng thêm ngậm ngùi vì sự kém cỏi của bản thân. Tôi không muốn chơi một bản nhạc tệ đến mức khiến ông Kalzas thất vọng và bịt tai lại, vậy nên tôi quyết định chuyển tất cả những chỗ buộc phải chơi hợp âm thành đơn âm cho dễ kéo. “Đúng là âm thanh này…” Trong lúc tôi biểu diễn, ông Kalzas nhắm nghiền đôi mắt và chăm chú lắng nghe, đến khi bản nhạc kết thúc, ông chậm rãi mở mi mắt ra như để thưởng thức hết những âm sắc của giai điệu còn đọng lại. Tôi ngước nhìn ông Kalzas và nhận ra mắt ông đã đỏ hoe. “Asuka, cháu chơi hay lắm. Cháu chơi hay như Hannah vậy. Asuka, cháu quả thật giống như là kiếp sau của Hannah.” Tôi đương nhiên hiểu rằng ông Kalzas đang ca ngợi quá lời. Tuy vậy, chỉ riêng việc bản “Ave Maria” dở tệ của tôi được ông khen đã đủ làm tôi cảm thấy vô cùng ái ngại và có lỗi. Người ta có câu “Sự đã rồi, hối hận cũng đã muộn”, ấy vậy mà trong lòng tôi vẫn thầm nghĩ, giá như ngày thường tôi luyện tập chăm chỉ hơn. Nếu biết màn biểu diễn vụng về của tôi có thể khiến ông vui đến vậy, ước gì tôi có thể chơi hay hơn nữa. 6. Khi tôi đàn xong, một người nhân viên hậu trường mang đồ uống vào phòng, cà phê cho người lớn và ca cao cho tôi. Ông Kalzas sửa lại tư thế ngồi, lún sâu mình trong lòng ghế, rồi chầm chậm nhấm nháp một ngụm cà phê. “Chà… Ta nên bắt đầu kể từ đâu đây…” Máy sưởi trong phòng vẫn bật công suất lớn, nhưng chẳng ai cảm nhận nổi hơi ấm giữa bầu không khí căng thẳng đang chiếm hữu căn phòng. Chú Kiyohara, mẹ tôi và tôi, cả ba người đều nín thở, chờ đợi từng lời của ông lão. Trong căn phòng yên lặng, chỉ còn nghe vọng lại tiếng từng mảng tuyết rơi lộp bộp trên nền đất, chẳng hiểu sao lòng tôi lại thấy bất an. Nhấp một ngụm cà phê từ cái ly còn đang bốc lên làn hơi ấm, ông Kalzas bắt đầu câu chuyện với giọng điệu khe khẽ nhẹ nhàng. “Thật khó mà tin nổi, chẳng ai còn thấy lạ khi ta có thể uống một ly cà phê nóng trong những ngày rét mướt như hôm nay… Cậu có bao giờ nghĩ rằng cuộc sống như vậy là một điều đặc biệt không, cậu Kiyohara?” Người chú Kiyohara cứng đờ ra, thậm chí chẳng thể gật đầu. “Asuka, chuyện ta sắp kể đây có lẽ sẽ vô cùng ám ảnh, thậm chí nó có thể vượt ngoài sức tưởng tượng của cháu.” Ông Kalzas hướng về phía tôi với cái nhìn đầy nghiêm khắc, khác hẳn với ánh mắt hết mực trìu mến ban nãy. “Chắc hẳn từ khi sinh ra tới giờ, cháu luôn được sống cuộc đời tự do nên chẳng thể nhận ra bản thân mình lúc này hạnh phúc tới nhường nào. Sau khi trực tiếp nghe câu chuyện hôm nay từ ta, nhất định nhiều niềm hạnh phúc hơn sẽ tới với cuộc đời của cháu. Bởi vì ta tin rằng dù ít ỏi thì cháu vẫn sẽ phần nào hiểu được thế nào là hạnh phúc thật sự… Ở trường, cháu có học lịch sử chứ?” Ông Kalzas lựa chọn từ ngữ thận trọng nên tôi có thể hiểu được hầu hết những điều ông nói. Chỉ có điều, tôi vẫn còn lúng túng không biết phải trả lời bằng tiếng Anh ra sao nên chỉ nói được mỗi một câu “Yes” cụt ngủn. “Vậy à…” Ông lão lặng ngắm tuyết rơi bên ngoài cửa sổ. “Trẻ mà không học lịch sử là không được. Chỉ biết thôi cũng không ổn chút nào. Dù cho cháu có nhớ được hết niên biểu của các sự kiện, nhớ năm nào xảy ra cái gì, điều đó cũng không thể coi là cháu đã hiểu biết về lịch sử. Học nghĩa là cháu phải dựa vào những sự thật lịch sử và tự bản thân suy nghĩ, cảm nhận thật nhiều điều. Cháu hãy tự hỏi mình, rằng với tư cách là một con người, từ nay về sau phải sống thế nào cho xứng đáng, hạnh phúc là điều gì trên đời, cháu hãy nhìn vào thế giới này và tìm ra chính kiến của bản thân. Đó mới là ý nghĩa của việc học lịch sử.” Ông Kalzas đặt ly cà phê xuống bàn rồi quay ra nhìn tôi. “… Đúng rồi… trước đây Hannah cũng luôn đeo ‘Cây vĩ cầm Ave Maria’ này trên lưng, giống như cháu.” Ông nheo mắt lại như để nhìn tôi cho rõ, từ đầu tới chân. Rồi ông buông một tiếng thở dài, dường như rất nhiều nỗi suy tư chất chứa bên trong. “Cháu có mái tóc đen đẹp tuyệt, còn Hannah có mái tóc vàng giống như búp bê phương Tây. Cô ấy có đôi mắt trong veo với màu xanh sâu thẳm, chính màu mắt đó cùng ‘Cây vĩ cầm Ave Maria’ đã cứu cô ấy khỏi địa ngục. Cả chị gái, em trai, cha mẹ, ông bà của cô bé ấy đều bị sát hại. Có lẽ các cháu vẫn luôn nghĩ rằng việc nhìn thấy địa ngục hay chết chóc chẳng hề liên quan tới mình. Thật khó cho ta… Ta không biết nên mô tả như thế nào về thời kì đó cho các cháu nữa…” Ông Kalzas cất tiếng thở dài, rồi ông nhún vai và lắc đầu như thể đầu hàng. “Asuka, ông cháu bao nhiêu tuổi rồi?” “Bảy mươi… ạ.” Tôi không thể an tâm với phát âm tiếng Anh của mình nên giơ bảy ngón tay lên ra hiệu, thấy vậy ông Kalzas liền gật đầu một cái. “Vậy là câu chuyện này diễn ra khi ông cháu vừa mới chào đời đấy. Chuyện từ năm 1933. Cháu thử tưởng tượng lúc ông mình vừa mới chào đời xem nào. Hãy tưởng tượng ra cái thời ông cháu mới là một đứa bé sơ sinh, vẫn còn đang phải bú sữa mẹ.” “Cháu không thích tưởng tượng cảnh đó đâu.” Tôi bất giác bật cười khiến cả mẹ tôi và chú Kiyohara đang phiên dịch cũng cười theo. “Ha ha. Đúng thế đấy. Nói thế này hơi tội ông cháu, nhưng việc đắm mình thử tưởng tượng thực sự rất quan trọng. Có thể cách này sẽ mất nhiều thời gian hơn học thuộc bảng niên biểu, nhưng nó sẽ giúp ích cho bản thân cháu, khiến cháu không bao giờ quên. Tất cả sẽ kiến tạo nên con người cháu.” “Kiến tạo ạ? Vì sao lại phải kiến tạo bản thân mình ạ?” Khi các từ tiếng Anh trở nên khó hơn, chú Kiyohara phiên dịch thay tôi để câu chuyện được diễn ra trôi chảy. “Câu hỏi quan trọng đây. Ta chắc cháu đang có một cuộc sống hạnh phúc. Con người có quyền được sống hạnh phúc mà. Cả Asuka lẫn mẹ cháu, chú Kiyohara và đương nhiên là cả ta nữa. Tuy vậy, bất chấp việc ai cũng có quyền được sống hạnh phúc, thì trong thực tế, bên cạnh những người hạnh phúc vẫn luôn tồn tại những kẻ bất hạnh. Có người cảm thấy biết ơn khi thưởng thức một tách cà phê và hạnh phúc vì điều đó thì cũng có người khác cho rằng được uống cà phê là chuyện quá đỗi đương nhiên. Nếu ta hỏi cháu, giữa hai người đó ai mới hạnh phúc, cháu sẽ trả lời thế nào, Asuka?” “Người thấy cảm kích trước một tách cà phê, phải không ạ?” “Đúng là vậy đấy.” Ông Kalzas nheo mắt lại, dường như hài lòng với câu trả lời của tôi. “Những người nghĩ rằng uống cà phê là chuyện đương nhiên chắc hẳn luôn có một cuộc sống đủ đầy. Nhưng chính những người biết vui mừng và cảm nhận cái ngon của một ly cà phê mới là những người hạnh phúc dù cuộc sống không giàu sang sung túc. Kiến tạo bản thân chính là làm giàu có xúc cảm của mình và nuôi dưỡng một trái tim biết cảm nhận thế nào là hạnh phúc. Điều đó nghĩa là cháu sẽ được hạnh phúc và còn trở thành người biết chia sẻ hạnh phúc ấy với mọi người xung quanh. Để như vậy cháu không được phép hời hợt. Cháu có nghĩa vụ phải học hỏi nhiều điều, làm trái tim và khối óc của mình hoạt động.” Cả ba người chúng tôi như quên đi bản thân và bị cuốn vào câu chuyện của ông lão từ lúc nào không hay. 7. “Có chuyện gì xảy ra với Hannah thế ạ?” “Phải rồi, vào mùa đông năm 1933, chuyện diễn ra cũng vào một ngày mùa đông lạnh giá như hôm nay. Đảng đứng đầu Nghị viện Đức lúc bấy giờ là Đảng Quốc Xã đã bổ nhiệm người lãnh đạo Đảng - Hitler - lên làm Thủ tướng Đức. Việc này cũng chính là cánh cửa mở ra địa ngục.” “Chuyện đó giống với việc đại diện Đảng to nhất trong Quốc hội Nhật Bản được chọn làm Tổng Lý Đại Thần* ông nhỉ.” Từ khi biết mình sắp được gặp ông Kalzas, tôi đã đọc lại cuốn “Nhật kí của Anne”. Không phải cuốn được biên soạn lại cho thiếu nhi mà là phiên bản đầy đủ dành cho người trưởng thành. Việc hiểu chính xác những câu chuyện lịch sử của nước ngoài khi bản thân mình không sống ở đó quả khó khăn. Nhưng giống như những gì ông Kalzas đã chỉ cho tôi, chí ít tôi có thể đặt mình vào vị trí của người ở đó rồi tưởng tượng, hoặc có thể hoá thân vào nhân vật để suy nghĩ cẩn trọng hơn. “Đúng vậy đấy, Asuka. Chính trị luôn là thứ rất đáng sợ. Đảng phái nào sẽ lên lãnh đạo đất nước là chuyện không ai có thể làm ngơ.” Ông Kalzas nhìn về phía xa xăm rồi kể lại vận mệnh mà Hannah đã gặp phải. “Từ ngày đó, gần như ngay lập tức, Đức Quốc Xã bắt đầu truy sát người Do Thái. Không chỉ người Do Thái, mà cả người Ba Lan, người Liên Xô cũng đã phải trải qua một thời kì đau thương. Hannah đã lớn lên mà không được chạy chơi ở bên ngoài, không được ăn một bữa no bụng.” “Họ nghèo lắm ạ?” “Không đâu, nhà Hannah có một cửa hàng tạp hoá nhỏ bán vật dụng gia đình nên họ không hề nghèo đói. Ngược lại, cha mẹ cô bé rất chăm chỉ nên công việc cũng không gặp khó khăn gì. Mẹ cô bé là giáo viên nhưng đến khi bà nội cô bé yếu đi phải ngồi xe lăn, mẹ cô bỏ nghề giáo trở về nhà phụ giúp công việc của cửa hàng. Có lẽ vì từng là giáo viên lại biết đánh piano ít nhiều nên cứ tới Chủ Nhật bà lại dạy piano cho lũ trẻ hàng xóm. Hannah còn có một cậu em trai kém cô bé chín tuổi. Nhưng đáng thương thay cậu bé chẳng được ngắm nhìn ánh sáng nơi dương thế được bao lâu.” Ông Kalzas tiếp tục kể rằng Hannah học chơi vĩ cầm từ nhỏ. Ông tin chắc những người hàng xóm vẫn luôn trìu mến nhìn theo bóng dáng của Hannah mỗi khi cô bé vừa kéo điệu Polka* hay Valse* đã học bằng cây đàn violin vừa nhảy múa tung tăng trên đường về nhà… Chương II GIA ĐÌNH JANSSEN 1. “Hannah, hôm nay cháu học bài gì đấy?” “Hôm nay sinh nhật ông nhà chú, sang chơi một bản nhé, Hannah!” Luôn có nhiều giọng gọi với theo mỗi khi Hannah đi ngang qua. Hannah chỉ là một đứa trẻ, vậy mà phong cách của em khiến người ta tưởng rằng em là một nghệ sĩ violin thực thụ, cứ có người đánh tiếng là em sẽ biểu diễn theo đúng những gì họ yêu cầu. Chẳng biết có phải những lần đi chơi nhạc theo yêu cầu đã trở thành vốn liếng kinh nghiệm của em không, nhưng số lượng bản nhạc em có thể chơi tăng lên rõ rệt, mọi người trong vùng đều hết lời ca ngợi tài năng của em. Hannah có một người chị gái ốm yếu tên là Nina, chân phải của cô bé hơi có tật. Vậy nên Hannah rất yêu thương chị gái, luôn biết nghĩ cho chị và sẵn sàng đưa tay ra trợ giúp mọi lúc mọi nơi. Về phần Nina, cô cũng là người chị dịu hiền hết mực thương yêu em gái mình. Mỗi khi trời trở lạnh, Nina thường tự tay đan găng và khăn quàng cổ cho em. Đặc biệt hơn, Hannah có tiếng cười giòn tan vô tư, không khi nào dứt, nên rất được hàng xóm láng giềng yêu mến. Nina tuy nhút nhát nhưng luôn tự hào khi có cô em gái sôi nổi và giao thiệp tốt như Hannah. Những tháng ngày êm đềm cứ thế trôi qua, mọi người đều tin rằng ngày mai mặt trời vẫn mọc từ hướng Đông, chẳng ai mảy may nghi ngờ điều đó. Cho tới ngày hôm ấy, một ngày của năm 1933. Một ngày kia, địa ngục đó bỗng nhiên mở cửa. Người Do Thái bị cấm ra ngoài vào buổi tối, thậm chí có cả một sắc lệnh không cho phép họ sở hữu đài radio, do vậy, bắt đầu từ đó, Gestapo (cơ quan cảnh sát mật của chính phủ Đức Quốc Xã) thường bất thình lình xuất hiện trong giờ cơm tối, đập vỡ đài radio hay điểm danh số người trong nhà. Dù chỉ một người trong gia đình vắng mặt thì cảnh sát vẫn tự tiện lục soát mọi nơi, từ nhà tắm cho đến phòng vệ sinh, kể cả người ta có đang giải quyết nhu cầu cá nhân dở dang cũng sẽ bị lôi xềnh xệch ra ngoài và bắt đứng nghiêm bất động cho tới khi chúng đếm đủ số người. Luật sư và bác sĩ người Do Thái đều bị tước bằng, không còn công việc, nhiều người đã phải nhanh chóng thoát li khỏi đất nước. Khi đi ra ngoài vào ban ngày, để dễ bề phân biệt, người Do Thái buộc phải đeo hình ngôi sao trên ngực áo. Trong số dân thường người Đức cũng có nhiều kẻ chẳng còn nhân tính, chúng ném đá hoặc nhổ nước bọt vào những người Do Thái. Dần dần, người Do Thái không còn yên tâm mỗi khi ra khỏi nhà. Dù luôn sống trong nơm nớp lo sợ nhưng gia đình Hannah vẫn trang trải được cuộc sống hằng ngày nhờ có cửa hàng. Nhưng rồi biến cố ập đến khi Hannah lên mười một tuổi. Ngay thời khắc quân Gestapo tiến vào cửa hàng nhà Hannah và nhà thờ gần đó, kính cửa sổ trưng bày của cửa hàng cùng những tấm kính màu của nhà thờ đã lập tức vỡ vụn thành từng mảnh. Cha Hannah kêu mẹ cô bé chạy trốn ngay nhưng cô con gái cả Nina lúc đó đang ở cùng với mẹ lại muốn cố mang theo chút hàng hoá của cửa hàng bất chấp cơ thể tàn tật. Khoảnh khắc Nina túm vào đống đồ đạc bằng cả hai tay, cô bị quân Gestapo bắt được. Bọn Gestapo chẳng mảy may thương xót, chúng thản nhiên dí họng súng vào trán Nina. Người mẹ hoảng hốt chạy tới bám vào cơ thể cô con gái rồi cầu xin lũ cảnh sát tha mạng cho con nhưng chính bà cũng bị chúng dùng bốt đạp thật lực vào người và ngã dúi dụi ra đằng sau. Phần gót những đôi ủng được dùng khi cưỡi ngựa tua tủa những đốt tròn trông như hàng loạt bánh ròng rọc tí hon, vì thế nên chẳng mấy chốc mà quần áo người mẹ rách toạc, thấm đầy máu. Nina bị quân Gestapo xốc dậy và chúng lệnh cho cô phải bước ra khỏi cửa hàng. Nhưng trong trạng thái sợ hãi tột độ, cái chân bị tật của cô càng nặng nề tê liệt. Cô chỉ biết gắng gượng kéo lê chiếc chân phải ra phía bên ngoài cửa hàng. Quân Gestapo vừa nhìn cảnh tượng ấy vừa cười phá lên. “Đúng là quân vô dụng.” Một tên lính Gestapo nói vậy rồi cởi dây xích cho hai con chó lớn mà chúng dẫn theo. Nina dĩ nhiên không có đường trốn. Chẳng bao lâu lũ chó đã cắn nát cái chân phải lê lết của Nina suốt từ bắp đùi trở xuống, tiếng thét thảm thương của cô bé vang vọng khắp khu phố. Sức lực của người cha chẳng thể bảo vệ nổi con gái, ông Janssen ngồi thụp dưới quầy, tay bịt chặt đôi tai và cầu nguyện thánh thần. Cho dù ông giận sự yếu đuối bất lực của bản thân, không biết làm gì ngoài cầu nguyện, nhưng giờ đây đó là việc duy nhất ông có thể làm. Bà Janssen trước cảnh tượng quá đỗi tàn khốc đã ngất lịm đi, thậm chí còn chẳng cầu nguyện nổi. Lúc này, Nina chỉ còn thở thoi thóp, nhưng cô bé vẫn sống. “Ồ, thật đáng thương. Để tao giúp mày nốt nhé, rồi mày sẽ chẳng thấy đau đớn gì nữa đâu.” Tên Gestapo thò tay vào túi áo măng tô đen, rút súng ra bắn thẳng vào ngực Nina. Âm thanh lạnh lùng tàn nhẫn vang vọng khắp vùng trong ánh chiều tà, tất cả mọi người đều không thốt nên lời. Tiếng súng bắn vào người cô gái bé nhỏ chỉ trong chốc lát đã làm tê liệt trái tim của toàn thể người dân trong vùng. Khi mọi người vẫn còn run rẩy trong sợ hãi, mặt đất đã nhuốm màu đỏ lòm bởi máu túa ra từ thân thể của Nina. Hoà trong sắc đỏ rực của vầng dương đang lặn, thị trấn xưa kia vốn bình yên thoáng chốc bị che phủ bởi thứ màu tang thương chết chóc. Vậy là Nina trở thành nạn nhân đầu tiên của thị trấn nhỏ. Sau khi quân Gestapo rời khỏi, cha mẹ Nina chạy tới ôm rịt lấy thân xác không còn sinh khí của con gái, cất lên những tiếng khóc đau đớn vật vã đến xé lòng, than trách bản thân bất lực không thể cứu đứa con bé bỏng. Nhưng tất cả đều đã muộn màng, cô bé Nina hiền lành chẳng bao giờ có thể mở mắt ra được nữa. Sau đó, những hành vi bạo ngược của bọn Gestapo lặp đi lặp lại, gần như biến thành chuyện thường ngày, người ta có thể nhìn thấy xác người nằm rải rác ở bất kì nơi đâu trong thị trấn. Thậm chí không thể đếm hết có bao nhiêu gia đình chỉ vì thiếu mất một thành viên mà cả nhà bị sát hại. Họ bị vứt bỏ bừa bãi bên vệ đường, thi thể lúc nhúc giòi bọ, thịt bị chuột gặm nhấm và toả ra thứ mùi khó chịu xộc thẳng vào mũi người đi đường. Chỉ trong vòng một tuần đến mười ngày, thị trấn này chẳng còn là nơi người ta có thể sống như một con người được nữa. Từ lúc đó, những người Do Thái và người Ba Lan chưa bị giết hại lần lượt bị dẫn đi. Họ bị đưa tới các Trại tập trung. Vào một đêm nọ, mười ngày sau vụ việc của cô con gái lớn, gia đình Janssen quyết định âm thầm rời đi để di chuyển sang thị trấn kế bên. Họ chỉ mang theo lượng hành lí có thể xách được bằng tay, cứ hai người một rời khỏi nhà để tránh bị chú ý. Đến cuối, khi ông Janssen chuẩn bị đẩy chiếc xe lăn có bà cụ ngồi bên trên ra khỏi nhà thì nghe vọng lại tiếng giày của Gestapo dồn dập vang lên giữa thị trấn đang im ắng. Có kẻ nào đó đã bí mật báo lại cho cảnh sát chăng? Bà của Hannah biết rằng mình không thể trốn thoát. “Mẹ sẽ chỉ làm vướng chân vướng tay mọi người, con là người bảo vệ cả gia đình mình, cả nhà không thể để mất con. Mẹ đã chuẩn bị sẵn tinh thần rồi. Con hãy mau ra phía cửa sau mà trốn đi.” Đối với ông Janssen, người mà kí ức về cô con gái Nina bị sát hại vẫn còn đọng lại sắc nét, việc phải quyết định một lần nữa giương mắt chứng kiến mẹ bị giết đủ khiến ông cảm thấy muốn phát điên. Nhưng để bảo vệ gia đình, ông không thể chần chừ. Ông Janssen hôn mẹ, như một lời giã biệt của kiếp này, rồi rút từ trong hành lí ra cuốn Kinh Cựu Ước, ấn chặt nó vào đôi bàn tay nhăn nheo của bà. “Làm cái gì thế! Không phải lúc để khóc lóc uỷ mị đâu, đứa con bất hiếu này!” Bà cụ quở trách con trai bằng giọng khản đặc, cố gắng không để bên ngoài nghe thấy. Ông Janssen đương nhiên hiểu rõ mẹ nói lời khó nghe là để ông dễ dàng rời khỏi nơi này. Ông cũng biết rằng nếu mình bị Gestapo bắt được thì những người trong gia đình đã chạy trốn trước đều sẽ trở thành vật hi sinh. Như thể gạt bỏ tất cả mọi thứ, ông Janssen lao ra khỏi đó. Chỉ còn bà của Hannah ở lại, lặng lẽ nhắm nghiền đôi mắt, lẩm nhẩm cầu nguyện Chúa Trời. Đúng lúc đó, hai tên Gestapo phá sập cửa ra vào của cửa hàng và bắt đầu leo lên các bậc thang. “Cả nhà đi đâu cả rồi!?” Bà cụ vẫn nhắm nghiền mắt, không hề nhúc nhích. Cụ vẫn tiếp tục cầu nguyện đức Chúa Trời, bằng cách đó cụ giữ cho tâm mình thanh thản. Một tên nói với đồng bọn. “Hỏng cả mắt lẫn tai luôn à?” Tên kia liền hất hàm như thể muốn ra hiệu cho hắn “nhìn cái đó đi”. Cuốn Thánh kinh bà nắm trong tay đang rung lên khe khẽ. “Mụ già khốn kiếp! Mụ bị chúng bỏ lại phải không? A ha ha, thật đáng thương!” Hắn vừa cười ha hả, vừa từ từ đẩy chiếc xe lăn từ đằng sau. Khi chiếc xe lăn dừng lại ở chiếu nghỉ cầu thang, hắn lấy cái chân đi bốt của mình đạp vào phần lưng ghế. Chiếc xe lăn cùng bà cụ ngồi trên đó nảy lên nảy xuống dữ dội rồi lăn một mạch xuống cầu thang. Bà cụ không thốt lên dù chỉ một lời cho tới giây phút cuối cùng. Cụ chết đi không một tiếng gào thét khóc than, như một con dân Do Thái ngoan đạo. Có lẽ cụ đã quyết với lòng mình, nhất định không được kìm chân người con trai vừa chạy thoát. Đó là giây phút cuối cùng khi cụ già đáng kính đã hoàn thành nghĩa vụ của bản thân, nhưng nhìn thấy cụ bị chôn vùi bên dưới chiếc xe lăn nặng nề, hai tên Gestapo lại ôm bụng cười ngặt nghẽo. 2. Kể đến đây, ông Kalzas đưa ly cà phê đã nguội lên miệng rồi nhún vai. Asuka từng nhiều lần xem người ta tái hiện lại tình cảnh những người Do Thái bị bức hại trên ti vi và qua phim ảnh, nhưng trong câu chuyện của một người đã thực sự sống qua thời kì đó vẫn có sức mạnh lớn lao vượt xa những cảnh quay. “Chúng đùa giỡn với tính mạng con người chỉ như loài sâu bọ thôi sao?” Chú Kiyohara kêu lên như nói thay cho cảm xúc của cả ba người. “Còn tệ hơn cả loài sâu bọ.” “Ông Kalzas, sao ở Đức lại có những người tàn bạo như vậy ạ?” “Không phải cứ người Đức là xấu xa tồi tệ đâu, từng người từng người đều là một cá thể tuyệt vời. Cháu biết điều cốt yếu là gì không Asuka? Dẫu là người bình thường nhưng một khi bị kéo vào, trở thành một phần của tổ chức, họ có thể thản nhiên làm những điều tàn nhẫn. Con người như vậy đấy. Đó chính là lí do con người không phải là thánh thần. Nhưng các cháu khác. Ta cũng khác, chúng ta nhất định không trở nên như vậy.” “Sao ông có thể nói chắc chắn điều đó ạ? Chúng ta không phải là thánh thần cơ mà.” “Vì chúng ta có âm nhạc. Vì trong tim chúng ta luôn có Mozart và Schubert… Nào, hãy thử nhắm mắt lại mà xem. Cháu có nghe thấy ‘Lời từ biệt’* của Chopin* vang lên không? Đó…” Asuka cảm thấy dường như mình hiểu được những gì ông Kalzas muốn nói. Dù không có âm thanh nào cất lên, nhưng trong thâm tâm, ta vẫn nghe thấy tiếng nhạc. Cảm giác như thể đang trôi bồng bềnh trong một thế giới siêu thực, lớn lao, ấm áp đủ đầy. Đó cũng chính là cảm giác an tâm khi được vòng tay mẹ chở che, cả thân hình lọt thỏm trong lòng mẹ, điều mà trước đây ta đã được trải nghiệm rất nhiều lần. Asuka nhắm mắt lắng nghe câu chuyện của ông Kalzas qua lời phiên dịch của chú Kiyohara. “Vì vậy mà chúng ta luyện tập chơi nhạc. Nếu ta chỉ chơi nhạc để ra vẻ cho người khác thấy mà chán ghét trong lòng, âm nhạc sẽ chẳng thể vọng tới tâm hồn ta. Nếu kiên trì luyện tập hằng ngày, dẫu trong hoàn cảnh không may, ta vẫn cảm nhận được tình yêu của Chúa Trời. Vậy là, những kẻ yêu âm nhạc như chúng ta sẽ không bao giờ có thể phản bội lại tình yêu của Chúa. Chẳng phải vậy sao?” Chú Kiyohara gật đầu đồng tình. Asuka thực sự cảm thấy biết ơn khi được chỉ dạy đúng đắn về ý nghĩa của việc sống cùng âm nhạc. Không phải nghe từ ai khác chung chung, mà chính từ một nạn nhân đã sống sót của Trại tập trung Auschwitz. Điều đó giúp Asuka hiểu ý nghĩa của âm nhạc sâu sắc hơn bao giờ hết. “Người Đức rất yêu âm nhạc. Họ yêu âm nhạc tới mức không có âm nhạc thì chẳng thèm động tới thứ gì. Vậy nên Hannah mới có thể sống sót rời khỏi Auschwitz.” “Chẳng phải nếu yêu âm nhạc thì sẽ không trở thành kẻ ác hay sao ạ?” “Asuka, yêu âm nhạc và có âm nhạc trong tim là hai việc khác nhau. Có hàng vạn người yêu âm nhạc. Những người ấy chi phối âm nhạc. Còn chúng ta, chúng ta biết rằng trong từng thanh âm có sự sống. Người chơi đàn nôn nóng thì nhạc cụ ngân lên thanh âm giận dữ. Nếu ta chơi nhạc với trái tim nhân hậu thì âm sắc sẽ dịu dàng đến vô biên. Người ta nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nhưng âm thanh cũng là cửa sổ tâm hôn đấy. Trái tim ngạo mạn, trái tim tham lam, hay trái tim đố kị, tất cả đều có thể bộc lộ qua các thanh âm. Chúng ta thường xuyên nhìn nhận lại trái tim mình bằng âm sắc. Đó là sự khác biệt to lớn giữa người chơi nhạc với những người chỉ nghe nhạc đơn thuần.” Ông Kalzas nhìn về phía Asuka như thể muốn nói “Cháu hiểu chứ?” Vì chính Asuka cũng đồng cảm với những lời ông cụ nói, nên cô bé khẽ mỉm cười thay cho câu trả lời. Nhận được phản ứng đó của cô, khoé miệng ông Kalzas cũng giãn ra thành một nụ cười. “… Phải rồi. Khi đã lớn tuổi, ta mới quay lại Ba Lan. Trước đó thì ta sang Mỹ. Hồi đó, trong số năm gương mặt người nổi tiếng được đăng ảnh lớn trên tờ New York Times có một nhà giáo âm nhạc người Nhật khiến ta không khỏi tò mò. Sau đó ta đã tới xem buổi hoà nhạc của những đứa trẻ được ông ấy dạy dỗ tại Carnegie Hall*. Có đứa khoảng năm tuổi, cũng có những đứa đã tầm tuổi Asuka.” Ông Kalzas kể tiếp. Trong ấn tượng của ông, người Nhật rất dễ thương nên có lẽ thường trông trẻ hơn so với tuổi, nhưng tất cả những đứa bé chơi nhạc hôm đó đều rất lễ phép. Vốn băn khoăn không biết lũ trẻ còn nhỏ xíu thì sẽ chơi gì cho buổi hoà nhạc, ông đã rất bất ngờ khi thấy chúng có thể chơi ngon lành những bản concerto* hay sonata* mà các nghệ sĩ chuyên nghiệp là người lớn vẫn thường biểu diễn. Những thanh âm tuyệt vời ấy làm rung động trái tim ông Kalzas, khiến ông không thể kìm được nước mắt. Ông có cảm giác như mình đã nhìn thấy Chúa Trời thông qua lũ trẻ. “Qua kĩ thuật điêu luyện của những đứa trẻ ấy, ta biết rằng chúng hẳn được nuôi dưỡng trong những gia đình ấm no, ngập tràn hạnh phúc. Ta nghĩ nếu không có âm nhạc, những đứa trẻ đó sẽ lớn lên đầy kiêu ngạo, nhưng nhờ chơi nhạc mà chúng dường như trở thành những người có tâm hồn phong phú, giàu tình thương tựa như thiên sứ. Người thầy dẫn dắt những đứa trẻ ấy có vẻ đã nhiều tuổi, nhưng vẫn là một quý ông khoẻ mạnh với những bước chân vững chãi. Và ngạc nhiên thay, vợ ông ấy là một người Đức… Chuyện này đã tác động rất mạnh đến ta, nên đến giờ ta vẫn nhớ rõ, như thể mới xảy ra hôm qua.” Câu chuyện xảy ra mười năm sau khi ông Kalzas thoát khỏi Trại tập trung. Để quên đi tất cả những gì đã xảy ra, ông Kalzas tới Mỹ, trong khoảng thời gian ấy, cuộc sống của ông cuối cùng cũng ổn định trở lại, ông đã có được trong tay sự tự do. Địa ngục vẫn còn đeo bám ông ở nơi sâu thẳm tâm hồn, nhưng nhờ có buổi hoà nhạc ấy, ông cảm thấy mình như được tái sinh. “Ta đã nghĩ phải chăng Nhật Bản là đất nước được Chúa Trời lựa chọn để phát đi thông điệp hoà bình. Vậy nên lần này khi biết sẽ được gặp người Nhật, ta chẳng thể ngồi yên. Với ta, nước Mỹ giống như người cha giành chiến thắng bằng niềm tin vào hoà bình và tự do, còn nước Nhật như người mẹ dịu dàng ôm lấy ta và chữa lành mọi thương tổn.” “Ông Kalzas, cháu đã đứng trên sân khấu đó!” Nghe chú Kiyohara nói vậy, ông Kalzas đứng dậy khỏi ghế và kêu ồ lên đầy cảm kích. Sau đó, vẫn đứng nguyên tại chỗ, ông lại chùng vai xuống, rồi ông vừa chầm chậm bước đi giữa căn phòng, vừa bắt đầu kể tiếp câu chuyện. 3. “Cả gia đình Hannah đã sống khoảng một năm dưới tầng hầm của một gia đình người Đức mà họ quen biết ở thị trấn bên cạnh.” Căn nhà sơn màu trắng bên ngoài, xây hai tầng trên mặt đất và một tầng hầm. Đi từ ngoài vào hành lang tầng một sẽ thấy một cầu thang bên tay phải, có thể dùng nó để lên tầng hai và xuống tầng hầm. Tuy nhiên, lối xuống hầm được che lại bằng một tấm ván và phủ thảm dày lên trên. Căn phòng nằm sâu bên trái là phòng ăn, từ đó có thể đi thẳng ra mặt chính diện của hành lang. Phía trước phòng ăn có một bãi cỏ rộng, trong góc trồng cây việt quất. Tầng hầm ở ngay phía dưới phòng ăn, kèm theo một cầu thang hẹp giúp người trong nhà ra vào tầng hầm từ bên dưới bàn ăn để lấy rượu vang và thực phẩm cất trong kho. Có điều, căn hầm cùng lắm chỉ rộng khoảng mười tám mét vuông, đương nhiên không có cửa sổ để lưu thông không khí, lại còn thoang thoảng mùi ẩm mốc, nhưng nhờ có chiếc bàn ăn và tấm thảm dày che đi nên đây cũng là nơi trú thân an toàn nhất. Năm người gồm cha mẹ Hannah, Hannah, em trai Hannah tên là Andrew và ông cô bé đã sống dưới đó. Andrew khi ấy chỉ mới ba tuổi đầu. Ông Janssen không được ở bên mẹ tới giây phút cuối và sau đó cũng chẳng thể quay lại tìm bà. Tuy vậy, để làm yên lòng mọi người trong gia đình, ông nói vì chạy trốn hai người sẽ không thoát được nên đành gửi bà cụ lại nhà một người dân tốt bụng gần đó. Ông Janssen là người duy nhất biết số phận của mẹ mình. Ông căm giận bản thân bất hiếu, trách cứ mình không thể bảo vệ con, ông ngày càng đắm chìm vào rượu như để chối bỏ những cảnh tượng dù muốn quên cũng chẳng thể nào quên được. Cư dân thị trấn này đa phần là người Đức, vì vậy quản thúc ở vùng này không đến nỗi quá khắt khe. Tuy nhiên, khoảng hai lần một tháng, cảnh sát vẫn ghé qua kiểm tra xem người dân có che giấu người Do Thái trong nhà không. Ngay sau mỗi lần kiểm tra, Gestapo sẽ không ghé qua nhà trong một thời gian. Hiểu được chuyện đó, nên hai đứa trẻ nhà Janssen thường tranh thủ lúc ấy để lên tầng một, nơi có trổ những ô cửa sổ. Tuy nhiên, khi có bất cứ ai tới thăm, chúng lại phải lập tức xuống hầm. Ban ngày, chủ nhà thường kéo rèm che đi ô cửa sổ hướng ra phía ngoài đường nên trong nhà khá tối. Nhưng nếu lúc nào cũng kéo rèm sẽ dễ làm nảy sinh các mối nghi ngờ, vì vậy mỗi khi nghe tiếng ủng gõ lộp cộp của quân Gestapo, gia đình lại cố tình mở cửa sổ ra và hát mấy bài đồng dao Đức. Tiếng mở cửa sổ và dậm chân hai nhịp là lời báo hiệu “Trốn ngay, tạm thời đừng lên tiếng!” cho những người ở dưới hầm. Hannah lúc đó khá thích thú với trò chơi trốn tìm này. Cậu em trai Andrew có lẽ vẫn còn cảm thấy trên mặt đất rất đáng sợ nên chẳng dám rời mẹ, cậu bé hầu như chỉ loanh quanh chơi ở dưới hầm, kể cả những lúc Hannah lên tầng một. Người mẹ vẫn lấn cấn lo lắng Andrew có thể bị bệnh còi xương. Nhưng hơn tất cả, bà sợ rằng nếu lỡ bị phát hiện thì bà sẽ đánh mất thiên sứ bé bỏng của mình, vậy nên bà không thể cho con lên trên mặt đất. Ở dưới hầm, không được có một chút lửa nào để tránh bị ngạt khí CO*, cho nên bữa tối của nhà Janssen đều do gia đình người Đức đang cho họ trú nhờ nấu giúp. Bởi vậy, vào những ngày có khách khứa tới chơi buổi sáng, họ đương nhiên sẽ không có bữa ăn. Thỉnh thoảng khi chuyện đó xảy ra, lũ trẻ cứ lèo nhèo ăn vạ nên người mẹ thường chỉ ăn một phần ba chỗ bánh mì của mình, còn lại bà để làm đồ ăn dự phòng lúc căn. Bà cũng mở sẵn một chai rượu vang, chờ cho cồn bay hết, sau đó sẽ rót vào chỗ bánh mì đã khô cứng rồi đưa bọn trẻ ăn. Người Đức đã cưu mang gia đình Janssen là bà vợ nhà Klaus, cũng là giáo viên dạy đàn violin của Hannah. Do nhà của vợ chồng Klaus chỉ cách thị trấn Hannah ở hai ki-lô-mét nên thời bình Hannah vẫn thường đi bộ từ nhà tới chỗ bà Klaus để tập đàn. Với đôi chân của một đứa trẻ, đi một quãng đường như vậy cũng khá là mất thời gian, nhưng trong những lúc đi đi về về, Hannah thường tranh thủ kéo những bản nhạc đã học và nhảy chân sáo về nhà. Nhờ đó, Hannah chơi rất tiến bộ, em thuộc làu hết bản nhạc này tới giai điệu khác. Ông Klaus là chỉ huy một dàn nhạc nào đó ở Berlin, nghe đâu tại Đức, ông cũng khá nổi tiếng. Bà Klaus là người hiền lành, tươi vui. Về sau, Hannah nghe bà Klaus kể lại rằng, bà đã gặp gỡ chồng mình khi còn đang chơi violin trong dàn nhạc ấy, thế rồi, sau khi kết hôn, bà rời khỏi dàn nhạc, về nhận học sinh tại nhà. Ông Klaus hay phải ra nước ngoài công diễn nên thường xuyên vắng nhà, có lẽ vì thế mà hai vợ chồng vẫn chưa có một đứa con. Hannah thường xuyên tới luyện tập nên em là một trong những học sinh được bà Klaus hết mực yêu thương. Gia đình Hannah đến nương tựa nhà vợ chồng Klaus là do bà Klaus kiên quyết mời cả nhà tới, cũng bởi bà nghe trên phố người ta đồn thổi về cô chị gái đáng thương của Hannah sau ngày vụ việc ấy xảy ra. Ông Janssen vì không muốn kéo gia đình Klaus vào rắc rối nên đã một lần từ chối. Nhưng ông cũng cảm nhận được giới hạn khi phải nuôi dạy con trong thị trấn đầy xác chết cùng nỗi sợ hãi, và tới lần thứ ba nhận được lời mời, ông quyết định đưa gia đình đến nhà Klaus trú thân. Khi sắc lệnh cấm người Do Thái ra ngoài được ban bố, kể cả ban ngày, Gestapo cũng lượn lờ khắp nơi để kiểm soát gắt gao người Do Thái. Thậm chí lúc đó có cả những người dân cổ xuý cho hành động giết người của chúng. Để tránh gặp những người như vậy, ngoại trừ lúc đi mua nhu yếu phẩm ở mức tối thiểu, gia đình Hannah từ bỏ việc ra khỏi nhà. Đương nhiên khi đó, Hannah không thể đi tập đàn suốt mấy tháng trời, nhưng lúc ở nhà, em vẫn thường kéo đàn violin hoà với tiếng piano của mẹ, nên em nắm rất vững những gì đã học qua. Bà Klaus thỉnh thoảng vẫn nghe ngóng tình hình luyện tập của Hannah qua mẹ em. Bà còn chỉ cho bà Janssen chương trình học của Hannah nữa. Hannah luyện đi luyện lại kĩ thuật láy âm, rung âm, hợp âm* và cả những giai điệu em đã được học tính đến thời điểm ấy, nhờ vậy, em có thể kéo đàn và nhấn nhá những nốt mạnh yếu trầm bổng sao cho giàu chất nhạc hơn. Không cần phải vội vàng ngó thử xem những bản nhạc tiếp theo là gì, bởi em nghĩ sẽ sớm tới ngày em được học đàn trở lại. Trong khoảng thời gian này, ôn tập bài cũ quá nhiều khiến Hannah thấy chán, nhưng đây lại là yếu tố cơ bản mài giũa khả năng chơi đàn của Hannah. Thậm chí có thể nói, chính giai đoạn ấy đã thúc đẩy tài năng thiên phú của Hannah nở rộ. Kể từ khi chuyển tới nhà Klaus, mỗi khi Gestapo đi khuất, Hannah lại dồn hết tâm sức vào việc tập đàn. Thật may mắn bởi hằng ngày em luôn có bà Klaus làm giáo viên hướng dẫn tại nhà. Bà Klaus luôn khen ngợi Hannah. Dù Hannah có lúc chơi lẫn lộn các quãng âm làm phát ra những âm thanh kì cục thì bà cũng tuyệt đối không bao giờ mắng mỏ. Tuy nhiên, những khi em cố tình giả vờ không nhận ra những nốt sai mà chơi tiếp qua đoạn khác, bà sẽ dùng bút chì gõ vào ngón tay trái của Hannah. Sau đó, bà nhất định sẽ quở mắng một câu duy nhất. “Làm người, không được lừa dối chính mình. Tiếng của trái tim lương thiện là tiếng nói của Đức Chúa.” Qua mấy lần bị nhắc nhở, Hannah đã ghi lòng tạc dạ câu nói này, nhưng em không biết đó là câu nói của Lev Tolstoy”*. Bà Klaus cho Hannah luyện tập những bản nhạc ca tụng nước Đức có vẻ hợp sở thích của lính Đức, ví như “Tannhäuser”* của Wagner*. Hơn nữa, các buổi luyện thường diễn ra trong sự chỉ dạy nghiêm khắc, buộc Hannah phải học thuộc lòng và chơi được bất cứ chỗ nào trong bản nhạc. Đến một hôm, ông Janssen không thể kìm lòng đành phải hỏi thẳng bà Klaus. “Sao cháu nó lại phải chơi những bản nhạc ca ngợi nước Đức thế ạ?” “Nghe này, anh Janssen, chỉ cần còn chơi được những bản nhạc này là chúng ta sẽ không bị nghi ngờ gì cả. Về cơ bản, kể cả lính Đức có loanh quanh ngoài kia cũng không sao. Hơn nữa, bản nhạc này sẽ thành bùa hộ mệnh cho Hannah. Dù có bất cứ chuyện bất hạnh nào xảy đến, Hannah nhất định vẫn sẽ tự bảo vệ được bản thân. Anh không nghĩ vậy sao, anh Janssen?” Biết được tấm thịnh tình sâu sắc của bà Klaus, ông Janssen cảm thấy hổ thẹn. “Xin anh đừng lo lắng gì. Đứng trước âm nhạc, người Đức cũng chỉ là những chú mèo nhỏ mà thôi. Nhất định cách này sẽ có tác dụng. Cả Andrew nữa, đợi chút nữa là thằng bé có thể học chơi một cây violin nho nhỏ, nhưng thằng bé nhỏ con quá… Tôi mong thằng bé chóng lớn, rồi tôi sẽ dạy cho cu cậu chơi được ít nhất là một bản nhạc phòng thân.” “Thưa cô giáo, nhà chúng tôi cũng chẳng còn bao nhiêu tiền để trả tiền học hằng tháng, chẳng những cô miễn học phí cho Hannah mà còn lo cho chúng tôi đến cả chuyện ăn uống, quả thật tôi không dám làm phiền hơn nữa…” “Anh Janssen, đừng có ngại mấy chuyện vặt vãnh ấy. Chồng tôi là một chỉ huy có tiếng, anh ấy kiếm được lắm. Chúng tôi chẳng lo nghĩ chuyện tiền bạc đâu. Tôi nhận tiền học hằng tháng của các học trò khác là vì nếu không làm thế, lũ nhỏ sẽ chểnh mảng tập tành. À mà anh Janssen này, cuối tháng này chồng tôi sẽ về. Đợi đến tối hôm đó chúng ta làm một buổi biểu diễn nho nhỏ ở nhà cho Hannah được không? Tôi muốn mọi người nghe thử xem con bé đã giỏi đến thế nào. Thật lòng nhé, con bé là thiên tài đấy. Nếu không phải sống trong thời đại này, có khi con bé có thể ra mắt với tư cách nghệ sĩ biểu diễn. Chồng tôi chắc chắn sẽ ngạc nhiên lắm. Tôi có thể nhờ chị nhà chuẩn bị một vài món đồ ăn nhẹ và đệm đàn piano cho cháu được không?” Ông Janssen chẳng biết nói gì, trong lòng tràn ngập lòng biết ơn, ông nắm chặt tay bà Klaus. 4. Buổi biểu diễn tại nhà của Hannah diễn ra sau khi Gestapo ghé qua kiểm tra ba ngày. Đó là một ngày bình yên êm ả từ sáng. Rất nhiều tin đồn về thị trấn nơi Hannah từng sống đến tai bà Klaus, nhưng bà không nói một lời nào với gia đình Janssen cả. Ông Janssen có lẽ cũng đã ngầm hiểu mọi chuyện nên chẳng bao giờ ông có ý định dò hỏi tin tức. “Tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là vào những lúc nấu nướng. Cảm ơn bà đã luôn cho phép tôi được phụ giúp.” Bà Janssen vừa thái táo thành từng lát mỏng rồi rải lên đế bánh táo, vừa nói với bà Klaus. “Tuyệt vời nhất là tinh thần chúng tôi được thoải mái. Bà còn để ông cụ nhà tôi được nhổ cỏ trong vườn, để chồng tôi phụ giúp dọn dẹp nhà cửa, điều đó giúp chúng tôi thoát khỏi nỗi buồn chán. Tôi không biết phải nói cảm ơn bà thế nào cho đủ.” “Không đâu, tôi lúc nào cũng chỉ có một mình nên luôn cảm thấy cô đơn. Vì vậy, thật lòng tôi cũng vui lắm. Xin chị đừng bận tâm.” Khi hai người phụ nữ đang tâm tình với nhau thì ông Klaus trở về. “Chà, nhà mình có mùi gì mà thơm vậy nhỉ. Anh về rồi đây!” Vừa nhìn thấy ông Klaus, bà Janssen đứng ngẩn ra một lúc. Theo lời kể của bà vợ, bà Janssen cũng đã mường tượng ra hình ảnh của ông Klaus ở một mức độ nhất định, nhưng theo mắt nhìn của phụ nữ thì ở ngoài trông ông còn tuyệt vời hơn những gì bà từng nghĩ. Ông Klaus có đôi mắt xanh sâu thẳm, với mái tóc màu hạt dẻ nuôi hơi dài. Ông để râu từ mang tai nối xuống đến cằm, gương mặt lại có những đường nét ngọt ngào hao hao nhà soạn nhạc Schumann* nữa chứ. Khoé miệng ông đang nở một nụ cười tươi tắn. Dáng vẻ ấy gây thiện cảm cho người khác và dễ được chấp nhận, ngay cả trong xã hội đề cao đàn ông của Hitler và quân đội Đức. “A, mình về rồi đấy à? Sao trông mình giống con gấu trước ngủ đông với cái bụng trống rỗng thế kia.” Nhìn ông Klaus khụt khịt mũi ngửi mùi trong bếp, bà vợ đứng cười khúc khích. Klaus nhìn vợ, định tặng bà một nụ hôn thay lời chào nhưng nhận ra tay vợ mình đang dính đầy bơ, ông chỉ lại gần và khẽ thơm lên má. “Rất vui được gặp ông, ông Klaus. Như ông thấy đấy, nhờ ơn của ông bà mà gia đình chúng tôi được sống vui vẻ, tôi quả thật không biết phải cảm ơn ông bà thế nào cho phải.” “Rất vui được gặp chị. Tôi mới phải cảm ơn anh chị đã tới bầu bạn với vợ tôi. Tay chị cũng đang dính đồ ăn rồi.” Nói rồi Klaus cũng đặt một nụ hôn phớt lên má bà Janssen. “Ôi, làm thế nào bây giờ nhỉ, được nhận một nụ hôn từ quý ông tuyệt vời khiến tôi thấy chồng mình bị lu mờ quá.” “Mình đã được người ta khen đến vậy, thì phải làm sao với cái bụng khó coi đang bắt đầu xồ ra kia đi thôi.” Nghe vậy, ông Klaus hít một hơi thật mạnh, cố làm bụng xẹp lại như muốn ngầm bảo vợ “thế này đã được chưa?”, rồi cả ba người trong bếp cùng cất tiếng cười giòn giã. Bữa tối bắt đầu từ lúc năm giờ. Chỉ riêng ngày hôm đó, vợ chồng Klaus cùng được ngồi quây quần với gia đình Janssen quanh bàn ăn. Bữa tối hôm đó có cháo yến mạch, phô-mai, bia, xúc xích, sa-lát, bánh mì, khoai tây chiên kiểu Đức, chỉ một vài món giản dị như vậy thôi nhưng đối với gia đình Janssen, một bữa cơm ấm cúng và có thể xin thêm khi ăn hết đã là một niềm hạnh phúc quá đỗi lớn lao rồi. Klaus đã biết việc của gia đình Janssen qua thư của vợ nên ông mua sẵn sô-cô-la về làm quà cho Hannah và Andrew. Andrew tưởng rằng sẽ có một ông bác đáng sợ trên tầng một, nhưng khi nhận được sô-cô-la từ tay Klaus, nỗi sợ hãi trong lòng cậu bé bay biến hết. Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, công việc của Klaus bận rộn hơn. Không còn các buổi biểu diễn cho các nước đối địch như Mỹ nữa, thay vào đó số lần đi công tác gần - đến những doanh trại lính Đức - tăng lên, cũng nhờ vậy mà trong quân đội Đức, Klaus được biết tới rộng rãi và thậm chí còn được đánh giá rất cao. “Có một chuyện đã diễn ra trong buổi biểu diễn ở trụ sở Đảng Quốc Xã, một ngày sau khi Quốc trưởng Hitler thống nhất Áo. Ngồi chếch hướng về bên trái ngay hàng đầu tiên sát ghế khán giả là một nghệ sĩ biểu diễn violin được gọi là Bậc thầy biểu diễn. Nhưng hôm đó, ngay khi chơi đoạn đầu tiên của “Bản giao hưởng Định mệnh”* của Beethoven thì dây đàn của ông bị đứt. Ngay lập tức, một chiếc đàn khác được đưa từ hàng ghế sau lên để thay thế, nhưng một lần nữa dây đàn của Bậc thầy biểu diễn lại bị đứt tại đoạn dạo “Ta Ta Ta Tằng…” thứ tư. Lần này lại thêm một chiếc violin thay thế từ hàng violin thứ hai phía sau được chuyển lên. Hitler chứng kiến đủ, ông ấy tiến tới chỗ Bậc thầy biểu diễn, ghé vào tai ông ta nói gì đó. Kể từ đó, dây đàn của ông này không bị đứt nữa… Nói thế chẳng sai, nhưng cũng có thể nói một cách khác rằng không cần phải lo dây đàn của ông ta đứt nữa. Cháu có hiểu vì sao không?” “Vì cây đàn violin sợ Hitler ạ?” Andrew đan hai bàn tay bé nhỏ vào nhau thành hình chữ thập và run rẩy. Nhìn thấy Andrew có vẻ hoảng sợ, Klaus quệt mứt việt quất lên miếng bánh quy rồi đưa tới gần khuôn miệng nhỏ xinh của Andrew. “Đúng rồi, đúng như Andrew nói. Sau đó, khi ta hỏi người nhạc công về những lời Hitler đã nói, ông ta thuật lại như sau: ‘Lần này còn đứt dây đàn nữa, ta sẽ chuyển ngươi tới Trại tập trung.’ Vậy nên ông ta cố hết sức kéo đàn sao cho tuyệt đối không làm dây bị đứt. Ngày hôm đó trải qua hai lần sự cố như vậy nên cả dàn nhạc ai cũng chơi âm rung hay hơn hẳn. Ha ha ha.” Phải đến hai năm rồi, cả gia đình Janssen mới được ngồi quanh bàn ăn ấm cúng mà không có chút muộn phiền nào. Người nhà Janssen sẽ lại phải xuống hầm, sống những ngày không tiếng cười, vậy nên lúc này tất cả mọi người đều cười cho thật thoả thích. Andrew từ khi nhận thức được mọi thứ xung quanh đã được dạy dỗ phải luôn khẽ khàng lời ăn tiếng nói. Đây là lần đầu cậu bé thấy cả gia đình ngồi ăn mà cười rộn vang như vậy. Ban đầu Andrew vẫn còn ngỡ ngàng, chỉ biết tròn mắt nhìn quanh, nhưng rồi em cũng ôm bụng cười ngặt nghẽo. Nhìn bộ dạng của cậu nhóc, hai vợ chồng Klaus cũng cất tiếng cười vang. Dẫu rằng cậu bé vẫn chưa hiểu chuyện gì, nhưng hình ảnh Andrew cố gắng cười khanh khách theo cả nhà thật đáng yêu, ngộ nghĩnh. Đến khoảng tám giờ, bà Janssen cùng bà Klaus bày bánh táo, hồng trà cùng đĩa hoa quả ra bàn. Lâu lắm mới được ăn một bữa tráng miệng như vậy nên Andrew vui mừng trèo lên ghế sô-pha nhảy tưng tưng, thế là cậu bé liền bị bố mắng. “Nào, Hannah, giờ cháu hãy cho ta và gia đình được thấy tài năng thiên phú của cháu.” Klaus ngả người, ngồi lún sâu vào ghế sô-pha. Hannah chơi Chương bốn của bản “Haffner Serenade”*, khúc Rondo* của Mozart*, rồi đến bản “Largo Epressivo”* của Pugnani*, sau đó, cô bé cùng với phu nhân Klaus chơi bản “Canon”* của Pachelbel*. Bà Janssen vừa đệm đàn piano vừa cảm thấy hãnh diện trước sự trưởng thành đáng ngạc nhiên của con gái. “Cuối cùng, cháu xin chơi bản ‘Ave Maria’ của Schubert để hướng tới ngày mai.” Hannah khác với những học sinh khác của bà Klaus, dù phải chịu cảnh bị Đức Quốc Xã truy sát gắt gao, cô bé lại hợp với những bản nhạc du dương chậm rãi, tạo nhiều cảm xúc hơn là những tiết tấu nhanh của Rondo. Mang theo thanh âm trong trẻo tựa như có khả năng thanh tẩy bất tận vô vàn những cảm xúc khác nhau mà con người ta nếm trải trong đời, bản “Ave Maria” của Hannah chậm rãi đi đến hồi kết. “Ôi, Hannah, con chơi hay quá, chơi hay quá! Hãy cho ta nghe lại đi.” Ông Janssen nước mắt đầm đìa ôm lấy Hannah. Klaus tỏ vẻ rất hài lòng. Hoặc thực ra ông đang ngậm ngùi, không thể không cảm thấy đáng tiếc cho tài năng của Hannah. Hannah không chỉ có khả năng trở thành ngôi sao trẻ tuổi của dàn nhạc, năng lực của cô bé thậm chí sẽ còn nở rộ hơn thế, đủ để đưa em trở thành một trong những nghệ sĩ độc tấu hàng đầu thế giới, vậy mà tài năng hiếm có ấy lại bị chôn vùi bởi thời đại nhiễu nhương này. “Hannah, cháu là một nghệ sĩ violin hết sức tài năng. Vẫn còn nhiều điều cháu cần phải học hỏi thêm. Ví như khi cháu chơi “Ave Maria”, trong đoạn chuyển từ âm vực thấp dần dần lên cao, cháu hãy dùng toàn bộ vĩ để kéo nhằm cảm nhận sâu hơn, đối diện trực tiếp với những suy nghĩ trong lòng.” Để làm mẫu cho Hannah, Klaus kéo từ đầu này sang đầu kia của cây vĩ. Những người khéo léo thường có thể tạo ra âm thanh tương đối ổn chỉ bằng cử động phần phía trước của bàn tay nhưng có vẻ Klaus không muốn Hannah trở thành một nghệ sĩ giống như vậy. Hannah chú tâm vào những gì Klaus vừa nhắc và thử kéo lại từ ô nhịp thứ mười chín cho tới ô nhịp thứ hai mươi ba. “Đúng rồi. Chú trọng những nốt luyến âm để không bị ngắt giữa chừng. Không để những âm rung bị cắt nhỏ quá. Nào, giờ cháu thử chơi lại từ đầu xem. À phải rồi, tuyệt đối không được quên trái tim mình đâu nhé. Cháu hãy gửi gắm hết những mong muốn của bản thân vào trong khúc nhạc này.” Hannah nhắm mắt lại. Tiếng đệm piano của mẹ khe khẽ vang lên. Hannah mường tượng về một ngày bình yên và hạnh phúc đã qua. Ngày mà em cùng mẹ và chị nướng bánh quy. Buổi sáng ngày em trai em chào đời. “Con chẳng cần ngày gì đặc biệt, vậy nên cầu xin Người hãy trao cho mọi người những tháng ngày bình yên…” Hannah mải mê kéo đàn, trái tim mang theo những ước nguyện vô cùng giản dị, và khi giai điệu chính lặp tới lần thứ ba, bản nhạc đi tới hồi kết thúc, tựa như các âm thanh đã dần dần tan biến. Klaus không thể vỗ tay tán thưởng hay cất tiếng ngợi khen màn biểu diễn của Hannah. Ông vẫn nhắm nghiền đôi mắt. Hannah lo lắng cất tiếng gọi. “Bác Klaus?” Klaus chầm chậm mở mắt, ông đứng dậy khỏi sô-pha và tiến tới gần Hannah, ôm lấy đôi vai vẫn còn quá nhỏ bé của em. “Cháu là thiên tài. Cứ như có rất nhiều thiên thần vây quanh ta và ta đã được tới chốn thiên đàng vậy. Quá hoàn hảo! Ta không có gì để dạy cháu nữa. Hannah, cháu phải luôn nhớ, dù trong bất kì hoàn cảnh nào, khi chơi nhạc, hãy gửi gắm tất cả trái tim mình vào âm thanh. Âm thanh là một thực thể sống biết làm lay động trái tim của con người. Ta vẫn thường nói với những thành viên trong dàn nhạc của mình rằng: ‘Thế giới của âm thanh không can hệ gì tới thời đại hay chiến tranh, thế giới đó chỉ tồn tại trên thiên đường, nơi thuộc về Chúa Trời và trong những trái tim lương thiện.’ Chính bởi vậy mà con người không thể ngừng yêu âm nhạc. Những ai đang sống lương thiện thì trái tim càng trở nên đẹp hơn, và những kẻ xấu xa thực chất cũng mong muốn được cứu rỗi tâm hồn, nhờ vào bản nhạc ‘Ave Maria’ mà cháu vừa chơi.” Hannah vui mừng khôn xiết. Tuy nhiên, một niềm vui to lớn hơn thế vẫn đang chờ đợi em. “Tiện đây, Hannah, cỡ đàn của cháu nhỏ quá rồi. Nếu không thay sang cỡ đàn chuẩn thì các ngón tay cháu sẽ bị díu vào nhau mất.” Klaus nói rồi cúi xuống kéo từ trong gầm ghế sô-pha ra một chiếc hộp đựng đàn cỡ chuẩn. “Cháu mở ra đi. Quà cho cháu đấy.” Bà Janssen ngỡ ngàng, bà lịch sự từ chối vì không muốn làm phiền ông bà Klaus hơn nữa, nhưng ông Klaus xua xua bàn tay trái và bảo rằng chiếc đàn chẳng phải đồ cao cấp nên mong bà không ngại. Thấy Hannah vẫn dè dặt, Klaus bèn mở hộp đàn hộ cô bé. “Ôi, tuyệt vời quá. Cái này là đàn cổ ạ?” Hannah cầm cây đàn lên ngắm nghía. “Đây không phải là đàn cổ. Đàn chỉ mới được làm gần đây thôi, nhưng một người nghệ nhân với tay nghề bậc nhất thiên hạ đã tốn hai năm để hoàn thành nó với hình dáng như một cây đàn cổ. Cháu thấy đấy, nó giống hệt như một chiếc đàn Cremona* Amati là họ của một gia đình nghệ nhân làm đàn nổi tiếng ở Cremona từ năm 1538 đến 1740, cũng được lấy làm tên gọi cho các cây đàn do họ tạo nên của thế kỉ mười bảy. Nhưng không chỉ có thế, mặt đàn cong nên cây đàn phát ra âm thanh ngọt ngào thanh thoát như đàn Amati*, mà vẫn âm vang vượt trội. Ta thích điểm này nên mới mua cây đàn để dành. Đương nhiên, điều này bí mật với vợ ta.” Bà Klaus vừa cười vừa trách yêu chồng. “Mình đúng thật là…” Nói rồi bà cầm cây đàn từ tay Hannah và chỉnh dây giúp cô bé. “Ôi, cái gì đây hở mình? Trên chốt chỉnh âm có khắc chữ D.B.L. này.” “À, cái đó ấy à. Nghệ nhân tên Paul chế tạo cây đàn này và anh ấy đã khắc chúng. Mấy chữ ấy viết tắt cho cụm từ ‘Das Beste Leben’ - cuộc đời tuyệt vời.” Phu nhân Klaus gật gù ra vẻ tâm đắc, bà thử kéo đàn để bắt đầu chỉnh âm. “Chà chà…” “Thấy không?” Klaus nói với vẻ hãnh diện trước sự ngạc nhiên của vợ. “Hannah, con hãy thử chơi đoạn đầu bản ‘Largo Espressivo’ với cây đàn này xem.” Bà Klaus đưa lại cây đàn cho Hannah. Hannah làm theo lời bà Klaus, chơi đến ô nhịp thứ bảy. Âm thanh tuyệt vời trên mức tưởng tượng khiến Hannah thích mê cây vĩ cầm này. “Hannah, con chơi thêm một chút nữa đi. Khi nào ta ra hiệu hẵng dừng lại.” Nhưng rồi bà Klaus đắm mình trong bản nhạc đến nỗi quên cả việc ra hiệu. “A, xin lỗi con nhé, Hannah. Ta mải nghe quá.” “Bác Klaus, cháu xin cảm ơn bác. Cháu sẽ giữ gìn cây đàn cẩn thận.” Hannah kẹp cây đàn dưới cánh tay, khẽ chùng gối cảm ơn vợ chồng Klaus. Ông của Hannah đang lặng lẽ lắng nghe cuộc hội thoại của mọi người, và lần đầu tiên kể từ khi tới nhà Klaus, ông lên tiếng. “Ông bà Klaus, thực sự cảm ơn ông bà đã lựa chọn một cây đàn tuyệt vời cho đứa cháu của tôi. Nhưng, tôi thấy nên thế này, thưa ông Klaus. Chúng tôi không thể xin ông bà cả bộ đàn. Tôi, vợ tôi, và cả bố mẹ Hannah nữa, vốn mong có thể cho cháu nó một cây đàn bằng chính sức mình. Ít nhất ông hãy để chúng tôi trả tiền cây đàn được chứ?” “Thành thật mà nói thưa cụ, tôi nghĩ gia đình nên giữ lại một chút tiền cho bản thân. Thêm nữa, hiện nay đồng tiền của người Do Thái không thể sử dụng được nữa rồi.” Klaus từ tốn nói. “Nhà tôi vốn mở cửa hàng buôn bán, tiền cũng đã đổi sang Mác Đức cả rồi. Xin ông đừng ngại. Gia đình chúng tôi quả thật muốn thế. Coi như đây là kỉ vật của chúng tôi…” Lần này tới lượt bố của Hannah cậy nhờ. “Mọi người không cần lo lắng đến việc lưu lại kỉ vật làm gì. Gia đình cứ chờ thêm một thời gian nữa, chắc chắn cả nhà ta sẽ lại được quay về với cuộc sống trước kia thôi. Chúa Trời nhất định sẽ không để những chuyện này tiếp diễn mãi.” Bà Klaus đáp lời. “Cây đàn vốn đã đắt. Lại thêm cây vĩ và hộp đựng đàn bằng da này nữa. Ít nhất xin hãy để chúng tôi trả tiền cho cây đàn. Nếu không, bản thân chúng tôi cũng khó ở lại đây.” Mẹ Hannah lên tiếng. “Tôi hiểu. Hannah, cây đàn này chứa đựng ước mong và tình cảm của cả gia đình cháu. Sau này lớn lên, kể cả khi cháu sống một mình, thì chỉ cần có cây đàn này ở bên, cháu sẽ luôn có thể nhớ về gia đình mình.” “Ông Klaus, tôi thật sự cảm ơn ông. Không biết bà ấy đang làm gì… Tôi thật muốn cho bà ấy thấy Hannah của ngày hôm nay…” “Thôi, cũng đã muộn rồi, cho phép chúng tôi dọn dẹp rồi quay lại hầm trú ẩn ạ.” Ông Janssen nói vội, gần như cắt lời ông. “Anh Janssen, ở dưới hầm nếu có gì bất tiện, đừng ngại gì cả mà cứ nói với tôi. Cả Andrew nữa, khi nào con quen với chúng ta, hãy lên trên này cùng chị nhé. Vừa hay có một cây đàn cỡ 1 /16 của một cậu bé để lại do không dùng được nữa, Andrew có muốn dùng nó để học chơi đàn violin không?” “Được như vậy thì tốt quá, thưa bà. Xin nhờ cả vào bà. Còn cuộc sống dưới hầm khiến chúng tôi rất an tâm, không có điều gì bất tiện cả.” Nghe bà Janssen nói vậy, bà Klaus mở nắp chiếc hộp nằm dưới chân đàn piano, lấy ra một cây violin và đặt lên vai trái của Andrew. “Con hãy giữ cây đàn thật chắc, kẹp ở cổ nhé. Đúng rồi, giữ thật chắc như thế. Giờ con vươn tay trái ra nào, con có nắm được đến đầu xoắn xoắn kia không?” Andrew vừa gắng hết sức dùng cằm và vai kẹp chặt cây đàn violin tưởng như sắp rơi tới nơi vừa vươn tay trái ra với vẻ nơm nớp lo sợ. “Vừa đẹp. Vậy ngày mai chúng ta bắt đầu luôn. Andrew, con sẽ học cách nâng đàn bằng cằm và vai nhé.” Andrew sung sướng nhảy chân sáo thoăn thoắt. Nhờ buổi hoà nhạc tại gia hôm đó mà cậu bé quên hẳn nỗi sợ hãi với tầng một. “Quả thật việc gì chúng tôi cũng mang ơn ông bà. Ơn này của ông bà, chúng tôi có trả cả đời cũng không hết. Cầu mong cho ông bà Klaus đây luôn được Chúa Trời chở che.” Ông nội Hannah vừa nói vừa đưa tay gỡ chiếc mũ Kippah đặc trưng của người Do Thái khỏi đầu, áp nó vào ngực rồi cúi người kính cẩn. 5. Từ hôm sau, Andrew bắt đầu luyện tập. Cậu bé yên tâm lên tầng một trong mười ngày liền. Có lẽ, nhờ từng quan sát dáng đứng của Hannah nên phong thái của Andrew tốt hơn hẳn so với buổi tập đầu tiên của chị gái. Chỉ sau bốn ngày, cậu bé đã giữ được đàn cố định, khi thử kéo một chút, đàn cũng không bị xê dịch, vậy là cậu có thể bắt đầu học chơi nhạc. “Dây mảnh nhất ở đây là nốt Mi. Nào, con kéo đàn thử xem.” Andrew thử lướt cây vĩ từ trên xuống. Một tiếng rít vang lên. “Đúng rồi, đúng là như vậy đó, Andrew. Nhưng, âm thanh của chị con lại khác. Hannah, con chơi thử nốt Mi đi. Không rung nhé.” Hannah bắt đầu luyện tập với cây đàn kích thước tiêu chuẩn từ hôm nay. So với chiếc đàn kích cỡ 3/4 trước kia, âm thanh lớn hơn hẳn. “Andrew, con thấy thế nào?” “Không phải là tiếng rít mà là tiếng vi vu ạ, thưa cô.” “Ha ha. Đúng rồi, con hiểu rõ sự khác nhau rồi đấy. Không biết là âm Andrew kéo hay là chị Hannah kéo hay hơn nhỉ.” “Cái đó thì chị kéo hay hơn ạ.” Andrew nhìn Hannah với vẻ đầy ngưỡng mộ. Hannah là chị, nhưng với Andrew từ trước tới nay chưa bao giờ cậu bé ngưỡng mộ hay coi chị trên mình một bậc, chẳng qua chị sinh ra trước cậu có mấy năm mà thôi. Hai chị em được nuôi dạy cùng nhau, đây là lần đầu tiên cậu bé thấy Hannah thật tuyệt vời. “Vậy ta hãy tìm cách kéo được âm thanh giống như chị nhé. Vì Andrew để vĩ lên dây quá nhẹ nên chỉ kéo ra được tiếng rít thôi, ừm, ta phải giải thích thế nào đây nhỉ… Nào, Andrew, con tạm đặt cây đàn xuống chân đã nào.” Không biết có phải do vừa đặt ra mục tiêu mới là kéo được âm thanh giống chị Hannah hay không mà mắt Andrew bắt đầu sáng lên hấp háy. “Ta cùng tập thể dục cho vai nhé. Vươn vai lên, hạ xuống, vươn lên, hạ xuống. Rồi, giờ con thử kẹp đàn lên một lần nữa nào.” Bà Klaus lấy chun vòng buộc vào đầu cây vĩ một chiếc xe ô-tô đồ chơi nhỏ xinh bằng thiếc. “Ôi.” “Thế này thì đầu vĩ của con nặng hơn rồi đúng không? Giờ con kéo lại một lần nữa mà không ấn vĩ lên dây nhé. Lướt thẳng qua khoảng giữa bàn phím và ngựa đàn. Chú ý, không được khom lưng. Chân mở ra và không được đung đưa người nhé.” Lần này cậu bé không còn kéo ra âm rít nữa mà đã gấn giống tiếng vi vu hơn. “Đúng, đúng thế đó. Con không được quên âm thanh đó đâu nhé. Con là một thiên tài. Nào, hôm nay chị Hannah sẽ chơi bài ‘Twinkle Twinkle Little Star’, Andrew kéo dây La và dây Mi theo nhịp thôi nhé. Hai ba!” Đúng như được bảo, Andrew cố gắng chơi theo nhịp điệu mà Hannah biểu diễn. “A ha, con kéo được rồi. Con chơi được đàn này.” Tay trái cầm đàn, Andrew reo lên, bật nhảy tưng tưng. Chỉ trong vòng có một tháng, Andrew đã chơi được bài “Twinkle Twinkle Little Star”. Khi đã biết đến niềm vui với cây đàn violin, Andrew cảm thấy rất chán nản những lúc phải trốn dưới hầm cả tuần liền mỗi lần gần tới những ngày nguy hiểm. Đối với cậu bé lúc này, cây đàn nhỏ là thứ đồ chơi và cũng chính là người bạn duy nhất. Andrew muốn ít nhất cũng được mang đàn xuống hầm, cứ luôn làm nũng và nài nỉ. Nhưng rủi mà có âm thanh nào từ nó phát ra thì không chỉ gia đình Janssen mà cả tính mạng của vợ chồng Klaus cũng sẽ bị đe doạ, vậy nên, ông bà Janssen không thể chiều ý con mình. Cứ lên tầng trên là Andrew lại nhận được nào thì sô-cô-la, nào thì hoa quả, cả quà tặng nữa, vậy nên cậu bé luôn ngóng chờ đến ngày lại được tập đàn. Kể cả lúc cậu bé nhận biết được rằng quân Gestapo đã tới, cậu vẫn vui như mở cờ trong bụng, vì cậu hiểu rằng mình sắp được học đàn sau khi chúng ra về. Tuy nhiên, Gestapo có thể ghé lại nhà nhiều lần vào cùng một ngày nên dù chúng có bỏ về, lũ trẻ cũng không được lên ngay tầng trên. Từ ngày còn đỏ hỏn, Andrew đã được nghe tiếng đàn violin của chị nên cậu bé nuôi dưỡng khả năng cảm âm thiên phú. Bằng chứng là với hầu hết các bản nhạc, cậu chỉ cần một lần là nhớ và chơi được mà không cần nhìn nhạc phổ. Có thêm một học sinh ưu tú như Andrew bên cạnh Hannah, bà Klaus rất mong chờ sự trưởng thành của hai đứa trẻ. Sau ba tháng, Andrew đã chơi được bản “Gavotte”* của Gossec*, cậu có thể hoà tấu cùng với ông Klaus chơi cello, Hannah và bà Klaus đệm đàn violin thứ, trở thành một thành viên trong những buổi biểu diễn âm nhạc tại nhà. Klaus kết thúc kì nghỉ dài ngày, tiếp tục lên đường tham gia các cuộc lưu diễn. 6. Một buổi chiều, khi Klaus vừa rời đi được khoảng hai ngày, ngoài thềm nhà có tiếng mèo kêu. Bà Klaus mở cửa ra liền thấy một chú mèo Xiêm gầy gò ngồi đó. Nhìn kĩ thì toàn bộ râu của con mèo ngắn cụt ngủn như thể bị ai đó cắt đi, trông bộ dạng ấy, người ta dễ thấy mủi lòng. “Ôi chà, chú mày ở đâu đến vậy? Chắc đói bụng lắm rồi hả?” Nói rồi, bà Klaus ôm lấy con mèo và bế vào nhà. Bà vừa cho một chút sữa vào đĩa, con mèo đã chạy đến uống hết, đôi mắt lim dim ra chiều khoan khoái. Thấy nó cứ liếm mãi cái đĩa, bà Klaus cho nó thêm chút nữa. Chẳng mấy chốc, chỗ sữa lại hết sạch, con mèo ngẩng lên nhìn bà Klaus vòi vĩnh, kêu liên tục. Bà Klaus đành vào bếp lấy một ít thịt khô, xé nhỏ ra cho nó, và con mèo lại ăn hết bay chỗ thịt trong nháy mắt. Có lẽ con mèo đã bị đói khá lâu. Được một lúc, vẻ như rất hài lòng, con mèo bắt đầu lặp đi lặp lại động tác liếm chân trước rồi dụi dụi lên mặt. Bà Klaus đã thả nó ra ngoài, nhưng nó nhất quyết không đi nên bà quyết định đành nuôi nó thêm một thời gian. Bà thầm nghĩ, có thể con mèo sẽ thành một người bạn tốt của Hannah và Andrew. Hannah và Andrew luôn lên tầng trên vào khoảng hơn hai giờ chiều. Đầu tiên, Hannah sẽ ló mặt ra từ chỗ tấm thảm bị chùng xuống để kiểm tra tình hình trên mặt đất nhưng hôm nay, có một con mèo ngồi lù lù trước mặt em. Hannah giật bắn mình, vô tình ngã ngồi xuống sàn tầng hầm. Andrew ngó qua khe hở trên tấm thảm để xem có chuyện gì thì ngay trước mắt cậu bé, con mèo đột ngột cất tiếng “meo”. Andrew mừng rơn, nhoài người ra khỏi tấm thảm và tóm được con mèo. “Chị ơi, nhanh lên, nhanh lên, em bắt được con mèo rồi.” Andrew vừa giữ con mèo giữa ngực và cánh tay trái, vừa kéo tay phải của Hannah đang thò ra từ bên dưới tấm thảm. “Andrew, thôi nào. Đau quá, đau quá.” “Chị nhanh ra đây đi. Nhanh lên!” “Kìa Andrew, kéo mạnh thế tóc chị cọ vào thảm đứt mất.” Hannah ra khỏi tấm thảm với mái tóc rối bù, cô bé chăm chú nhìn vào mặt chú mèo và bật cười. “Nhìn kì quá.” “Sao lại kì ạ?” Andrew thắc mắc. “Thì bởi râu nó cụt hết rồi kìa.” Andrew nhìn chằm chặp vào mặt con mèo. “Ừ nhỉ. Nó chẳng có râu gì cả. Kì quặc ghê!” Nói rồi cậu bé chuyển con mèo cho Hannah ôm. Hannah vừa lấy tay vỗ về trán con mèo, vừa chạy vào phòng khách tới chỗ bà Klaus. “Ái chà, Hannah, Andrew, hai đứa phát hiện ra con mèo rồi à? Trông nó hơi gầy gò một chút nhưng cũng đáng yêu đúng không? Nó đến nhà mình từ hôm qua rồi, vì muốn làm bạn với hai đứa đó.” “Cô ơi, con mèo này tên là gì thế ạ?” “Tên à… Giao cho Andrew đặt tên cho nó nhé. Con mèo này vẫn chưa có tên.” “Nó nhỏ xíu, khuôn mặt cũng kì lạ nữa, hay gọi nó là Bé Con đi ạ.” “Vậy là nhà có Andrew bé con giờ thêm cả mèo Bé Con nữa, đủ một đôi bé con nhỉ.” Bà Klaus cười nói. “Con không còn bé nữa đâu. Mà nhóc này có bộ râu ngắn ngủn, nên con sẽ đặt tên nó là Ngắn Ngủn. Ngắn Ngủn được đấy ạ.” Sau đó, Andrew vui thích với việc rượt đuổi Ngắn Ngủn chạy vòng vòng khắp phòng và chơi đùa cùng nó còn hơn cả luyện đàn. Bà Klaus không ngăn Andrew chạy trong phòng. Đã mất quá lâu nét trẻ thơ mới trở lại trong con người Andrew. Ngắn Ngủn có vẻ là một chú mèo biết cảm âm tốt. Mỗi lần âm sắc trong tiếng đàn của Andrew chuệch choạc là Ngắn Ngủn lại cụp tai ra sau. Andrew thấy làm thú vị, cậu bé cố tình kéo ra những tiếng két két chói tai. Mới đầu, bà Klaus nhìn cảnh ấy cũng mỉm cười cùng cậu bé, nhưng rồi đến lần thứ tư thì bà buộc phải mắng Andrew. “Làm thế sẽ hỏng đàn, còn làm hại đến tai con nữa đó, Andrew. Đến cả trái tim con rồi cũng sẽ bắt đầu trở nên trơ lì, vô cảm, thản nhiên chấp nhận những âm thanh kì quái như thế mất. Không được làm vậy nữa!” Lúc đó, cả Andrew lẫn Hannah đều tin rằng, dù hoàn cảnh sống khó khăn, nhưng quãng thời gian vui vẻ mỗi ngày này sẽ kéo dài mãi. Mùa đông lạnh lẽo trôi qua, khi hoa tulip đã nở hết, nhận được tin ông Klaus sắp trở về từ chuyến lưu diễn, mọi người quyết định sẽ lại thực hiện một buổi biểu diễn tại gia. Klaus trở về sớm hơn kế hoạch hai ngày. “Anh về rồi đây!” Klaus muốn làm vợ bất ngờ với chuyện về nhà sớm hơn dự kiến nên ông mở khoá bước vào nhà mà không đánh tiếng. Đúng khoảnh khắc đó, Ngắn Ngủn lách qua khe cửa chạy vụt ra ngoài. Klaus không biết nhà vừa mới nuôi mèo, hai tay lại đầy ắp những quà cáp, đồ đạc, nên ông chẳng để ý thấy chú mèo chạy qua dưới chân mà cứ thế tiến thẳng về phía bếp. Bà Klaus đang chuẩn bị bữa trưa, vừa quay người lại thì bật ngửa khi nhìn thấy chồng mình đang đứng ngay cạnh bếp, bất ngờ đến mức suýt đánh rơi chiếc đĩa trên tay. “Gì thế này, mình làm em giật mình đấy.” “Xin lỗi khiến em bất ngờ. Anh được về sớm hơn dự kiến. Bọn trẻ vẫn ổn chứ?” Vừa nói Klaus vừa ngắm nhìn gương mặt người vợ lâu ngày mới gặp xem có gì thay đổi không. “Đương nhiên là ổn. Nhưng vẫn chưa có kế hoạch cho buổi biểu diễn trong nhà đâu nhé.” Nhận ra chồng đang quan sát mình, bà Klaus cố tình biểu lộ cảm xúc có phần quá lên sao cho trông thật khoẻ khoắn. “Được thôi, lúc nào cũng được. Lần này cho anh tham gia với.” “Ôi trời, mình có nhìn thấy Ngắn Ngủn đâu không?” “Ngắn Ngủn là gì thế?” Bà Klaus giải thích lại cho chồng về con mèo Xiêm cụt râu. “Sau khi mình đi, nó đã tới và trở thành một thành viên của gia đình.” “Anh không nhìn thấy nó…” “Ngắn Ngủn! Ngắn Ngủn! Ngắn Ngủn, có sữa đây rồi! Ngắn Ngủn…” Mặc cho bà Klaus gọi tên bao nhiêu lần, vẫn không có tiếng mèo đáp lại. “Tệ thật. Andrew sẽ khóc mất thôi. Nhất định là lúc mình vào nhà, nó đã lẻn ra mất rồi.” “Vậy anh ra ngoài tìm thử xem sao.” “Vậy nhờ mình nhé. Xin lỗi mình, mình vừa mới về tới nhà vậy mà…” Klaus nhún vai, ra hiệu với vợ rằng cũng chẳng còn cách nào khác. “Bác!” Andrew bất thình lình chạy tới bên Klaus. Klaus quay về phía Andrew, cất giọng trầm trồ. “Ái chà cháu lớn phổng lên rồi này.” Nói rồi Klaus bế bổng Andrew bé nhỏ lên. Niềm vui vì được gặp lại Klaus và cảm giác giải phóng khi lên mặt đất khiến Andrew cất tiếng cười khanh khách. “Andrew, ai cho con lên trên này khi ta chưa ra hiệu!” Bà Klaus nghiêm khắc trách mắng Andrew trong khi cậu bé vẫn còn đang mải mừng rỡ một cách vô tư. “Vì có tiếng bác nên con, con mới…” “Thôi nào, có sao đâu.” Klaus đỡ lời cho Andrew, nhưng vợ ông không bằng lòng. “Có sao đấy. Andrew, nghe này. Việc này sẽ đe doạ tính mạng của tất cả mọi người đấy. Con mau quay về hầm ngay.” Bà Klaus rất hiếm khi mắng mỏ lũ trẻ nên Andrew kinh ngạc vô cùng. Andrew còn quá nhỏ để hiểu mình đang ở trong tình huống nguy hiểm đến thế nào, nhưng cậu bé vẫn sợ xanh mặt, lờ mờ nhận ra mình đã làm một điều gì đó không hay. Đúng lúc đó, phía ngoài cửa ra vào có tiếng mèo kêu khe khẽ. “Suỵt!” Klaus lên tiếng. Tiếng mèo dần tiến lại gần hơn. Cảm giác trong tiếng kêu có chút gì đó bất thường dù không quá rõ rệt. “Andrew, trốn đi! Vào trong tấm rèm phía sau, nhanh lên! Tuyệt đối không được cử động.” Klaus vừa mới nói hết câu, tiếng gõ cửa đã dồn dập vọng lại. “Mật vụ Đế quốc Đức Quốc Xã đây! Mau mở cửa!” Sau khi hít thở một hơi thật sâu, Klaus từ từ bước ra mở cửa. “Chà, ông Klaus à. Đây có phải mèo nhà ông không?” Một người đàn ông mặc quân phục đứng nơi ngưỡng cửa. “À, vâng. Tôi đang định đi tìm nó. Cảm ơn anh.” Chú mèo nhỏ bị viên mật vụ túm gáy bằng tay trái, ở nguyên tư thế đó khi được chuyển tới tay phải của Klaus, và cuối cùng nằm gọn trong cánh tay bà Klaus đang đứng sau lưng chồng. Như để thể hiện lòng trung thành, gã đàn ông đứng thẳng người lại, chân trái gõ vào chân phải bộp một tiếng, giơ tay phải lên và cất tiếng chào. “Heil Hitler!”* Klaus cũng đứng thẳng người, chào lại y hệt viên mật vụ. “Ông Klaus, có giấy triệu tập từ Bộ Tổng Tư lệnh cho chuyến tiến quân đến Liên Xô.” Trao xong lệnh triệu tập vào tay Klaus, gã lại đứng thẳng người và hô lớn “Heil Hitler!” Chộp lấy giây phút đôi tay của bà Klaus trở nên lơ là, Ngắn Ngủn tuột xuống khỏi người bà, và theo kịch bản tệ hại nhất, nó chạy ngay tới chỗ tấm rèm, vừa cọ người vào đúng hai xen-ti-mét phần cẳng chân Andrew đang lộ ra vừa cất tiếng kêu meo meo. Bà Klaus tuy nghĩ bụng “thôi chết rồi”, nhưng vẫn cố gắng không để gã mật vụ thấy mình đang dao động. Bà rón rén lùi lại phía sau, định bụng sẽ đi tới bắt con mèo. “Phu nhân Klaus, phu nhân không che giấu ai chứ ạ?” “Sao có chuyện như vậy được thưa ông.” Bà Klaus cảm tưởng như mình đang đi vào chỗ chết. Trong đầu bà quẩn quanh toàn những chuyện tiểu tiết như, liệu giọng điệu của mình có bị lạc đi không, liệu các cử chỉ của mình có thái quá không. Tuy nhiên, viên mật vụ đã vào trong nhà, bước thẳng tới trước, lấy tay phải gạt bà Klaus sang và dễ dàng kéo tấm rèm về bên trái. Mọi việc diễn ra chỉ trong chớp mắt, Klaus không có cách nào để ngăn lại. Bên trong tấm rèm, Andrew đứng đó, run lẩy bẩy. “A, Andrew đây rồi. Con trốn ở đó sao? Trò chơi trốn tìm kết thúc rồi.” Bà Klaus nhanh trí phản ứng trước tình huống nguy hiểm, cất giọng nói tươi vui. Rồi bà chủ động kéo Andrew ra đứng trước mặt gã mật vụ. “Đây là Andrew, học sinh của tôi đó. Andrew, con hãy chơi bản ‘Minuet’* của Boccherini* cho ngài đây nghe đi nào.” “Ô, nhóc biết chơi đàn violin à. Vẫn còn nhỏ tí xíu thế này.” Gã nhìn Andrew đầy vẻ ngưỡng mộ. Bà Klaus cảm thấy đây là cơ hội tốt khi nhận ra sự hứng thú của tên mật vụ đã chuyển hướng sang âm nhạc. “Cậu bé này là thiên tài đấy. Ngài hãy nghe thử một bài rồi hẵng về ạ.” Klaus lấy cây đàn cello ra, nói với Andrew bằng giọng ấm áp. “Vậy anh sẽ chơi cello, mình kéo violin phụ nhé. Còn vị trí violin chính số một là con đó, Andrew. Đến lúc con thể hiện tài năng rồi.” Andrew dù chỉ là một đứa trẻ vẫn cảm nhận được bản nhạc em sắp chơi sẽ quyết định vận mệnh của chính mình. Dù không hiểu được chuyện gì đang xảy ra, cậu bé biết duy nhất một điều là mình đang ở trong hoàn cảnh hết sức đáng sợ. Trước ánh mắt dõi theo đầy lo lắng của vợ chồng Klaus, Andrew dũng cảm cầm lấy cây đàn violin. Gã mật vụ ngả người ngồi xuống sô-pha, thấy sô-cô-la bày la liệt trên bàn, hắn chọn lấy một miếng tung hứng trên tay. Miếng sô-cô-la trong tay viên mật vụ giống như tình thế của Andrew lúc này, nếu bị phát hiện là người Do Thái, việc bóp nát hay nuốt chửng cậu bé đều phụ thuộc cả vào hắn. Klaus ra hiệu bắt đầu diễn tấu. Trông Andrew nhỏ con hơn so với độ tuổi lên năm, nhưng như vậy lại là điều tốt, nhờ thế mà điệu bộ biểu diễn đĩnh đạc của cậu khiến gã mật vụ rất đỗi ngạc nhiên. Chơi nhạc xong, Andrew cắp cây đàn vào sườn trái và lanh lẹ cúi chào. “Cảm ơn! Tuyệt vời! Tuyệt vời quá!” Sau khi tiến tới bắt tay lần lượt nghệ sĩ violin thiên tài Andrew, rồi đến vợ chồng nhà Klaus, gã mật vụ bỏ đi như thể chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Cửa vừa đóng lại, nỗi hoảng sợ ghê gớm làm bà Klaus kiệt sức, phải ngồi sụp xuống. Mãi một lúc sau bà mới có thể cất lời. “Con mau quay trở lại hầm đi, Andrew.” Nhưng, chuyện xảy ra hôm đó chỉ là một khoảnh khắc may mắn nhất thời. Khi bình tĩnh lại, bà Klaus lập tức nhớ tới lệnh triệu tập gửi cho chồng mình. “Gay quá! Vậy là ngay đêm mai mình đã phải lên đường rồi. Chúng ta phải làm sao đây?” Klaus vừa pha trà trong bếp vừa thong thả nói. “Không sao đâu, em không cần lo lắng. Kiểu gì anh chẳng được xếp vào đội quân nhạc, cũng không khác trước nay là mấy. Anh chẳng biết phải cảm tạ cây cello này biết bao lần cho đủ. Nhờ có nó mà anh được sống một cuộc sống tốt, ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Điều anh có thể làm là gửi tặng âm nhạc cho những ai đang khao khát nó. Nếu nhờ thế mà anh có thể được cứu rỗi, dù chỉ nhất thời, khỏi những tội lỗi anh đang gây ra, thì thay vì cầu nguyện trước Chúa, đây là nghĩa vụ lớn lao anh phải thực hiện. Vậy nên em đừng lo!” Klaus rót trà cho vợ, ân cần an ủi. “Vâng. Đúng như mình nói. Trước đây, ngay cả khi bị bắt làm tù binh ở Nhật, mình đã được trải qua quãng thời gian tốt đẹp hơn bất cứ ai. Lần này nhất định Chúa Trời vẫn sẽ ban cho mình một cuộc sống tốt.” Dù nói vậy nhưng nước mắt bà vẫn không ngừng rơi. 7. Ngày hôm sau là ngày an toàn vì lính Gestapo đã rời đi, cho nên cả gia đình Janssen lên nhà trên phụ giúp chuẩn bị tiệc chia tay Klaus từ sáng. Cụ ông ngồi chuyện trò với Klaus, hai người phụ nữ lo chuẩn bị bữa ăn, ông Janssen cùng Hannah và Andrew phụ trách trang trí căn phòng. Ông Janssen đứng trên ghế để gắn những đồ trang trí lên trần nhà. Đúng lúc Andrew đang vươn tay đưa cho cha những vòng giấy màu, cửa ra vào đột nhiên bật mở. “Ái chà, cậu bé thiên tài ngày hôm qua đây ha.” Gã đàn ông hôm qua đang đứng đó. Nhìn thấy tấm áo khoác đen dài của quân Gestapo, tất cả mọi người quên cả thở, đồng loạt dừng mọi thứ đang làm. Klaus giơ tay phải lên chào “Heil Hitler!” và tiến lại gần gã đàn ông như để đánh lạc hướng. “Chiều tối nay tôi mới phải xuất phát thưa ngài…” “Thật ra ông sẽ phải xuất phát ngay bây giờ, ông Klaus.” “Người quen của tôi đang chuẩn bị làm bữa tiệc chia tay, thưa ngài!” “Tôi rất tiếc… Ông phải lên đường luôn. Còn nữa, hôm qua tôi quên mất một nhiệm vụ chưa hoàn thành.” Nói rồi, tên mật vụ tiến tới gần Andrew. “Nhóc là Andrew Janssen ở thị trấn bên cạnh, đúng không nhỉ?” Tất cả nuốt nước bọt, cứng đờ người. Không một ai có mặt ở đó nghĩ rằng mình có thể chạy trốn khỏi gã đàn ông đang đứng trước mặt. Dù muốn cứu Andrew bé nhỏ bỗng nhiên trở thành mục tiêu bị chĩa mũi giáo, không một ai biết cách để cứu được em. Vợ chồng Janssen hối hận đã không giải thích rõ để Andrew hiểu lí do vì sao cả gia đình phải ẩn náu và sống dưới tầng hầm. Phu nhân Klaus hối hận đã nhặt chú mèo Xiêm về nuôi. Cụ ông giận bản thân bất lực còn Hannah chỉ biết đau đớn cắn chặt môi. “Nhóc là Andrew phải không?” Bị hỏi tên lần thứ hai, Andrew mếu máo gật đầu. Gã mật vụ lớn giọng ra lệnh cho đồng bọn bên ngoài đưa toàn bộ người trong nhà đi. Bên ngoài có ba chiếc xe chuyên chở đã đợi sẵn, chỉ chờ hiệu lệnh của tên mật vụ là một đoàn người từ bên trong rầm rập túa ra. Tất cả mọi việc đều đúng theo kế hoạch của tên Gestapo đó. Hannah lúc đó vẫn đang đeo trên lưng cây violin của mình, nhưng Andrew thì không kịp cầm theo chiếc đàn nhỏ. Về phần vợ chồng Klaus, trước biến cố bất ngờ ập đến, họ cũng chẳng kịp mang theo nhạc cụ nào, cứ thế bị giải đi. Xe chạy tầm bốn tiếng đồng hồ. Khi xe vừa dừng lại, từng người một bị lùa xuống khỏi ba chiếc xe, và cả hai gia đình nhập lại thành đoàn một lần nữa. Ngày 28 tháng Ba năm 1942, ba giờ bốn mươi ba phút chiều, họ đặt chân tới Trại tập trung Dachau. Ở đây, vợ chồng Klaus mặc trên mình trang phục màu đỏ của tù nhân chính trị, gia đình Janssen bị xăm số ở cánh tay. Phía dưới cánh tay trái của Hannah là dãy số “DI5783”. Kể từ lúc đó người ta không gọi tên Hannah nữa, em chỉ được phân biệt bằng mã số. 8. Việc điều tra chỉ được tiến hành với vợ chồng Klaus. Có lẽ vì họ bị bắt giữ tại hiện trường với tội trạng che giấu người Do Thái, nên hai vợ chồng chỉ phải trải qua thủ tục tra hỏi lấy lời khai để xác minh sự thật. Tuy nhiên, Klaus lại là công dân danh dự của Đức nên chẳng mấy chốc họ được phép trở về nhà ở Berlin. Gia đình Janssen lại khác, họ là người Do Thái nên chẳng cần chất vấn tra hỏi, cả gia đình nghiễm nhiên sẽ bị đưa tới Trại tập trung ở thành phố Oswiecim xa xôi miền Tây Nam Warsaw của Ba Lan, nơi sau này được đổi tên thành Trại tập trung Auschwitz. Đây là nơi trang bị các phòng hơi ngạt nên còn được gọi là “Trại hủy diệt”. Tuy lòng còn băn khoăn về lệnh triệu tập, Klaus vẫn nghĩ rằng ông không thể bỏ mặc nhà Janssen. Cuối cùng, Klaus quyết định tới gặp Trại trưởng Trại tập trung Dachau. “Thưa ông Trại trưởng, gia đình Janssen sẽ ra sao ạ?” “Bọn họ sẽ tới Trại tập trung Auschwitz. Việc này không liên quan gì đến cậu, Klaus. Cậu hoàn toàn không biết gì về những người tên là Janssen cả.” Trại trưởng nói với vẻ mặt thản nhiên, không mảy may xúc động. “Tôi sẽ cùng vợ quay về Berlin một lần. Nhưng sau đó, tôi sẽ cùng gia đình Janssen tới Auschwitz, chỉ mình tôi thôi. Tôi không thể đứng nhìn họ bị giết.” “Mình à!” “Mình hãy ở nhà đợi anh.” Thấy Klaus có nguyện vọng đến Trại Auschwitz, Trại trưởng Dachau không giấu nỗi ngạc nhiên, đặt điếu thuốc đang giữ trên môi xuống. “Cậu nghiêm túc à…? Người như cậu là niềm tự hào của nước Đức, sao chúng tôi có thể để mất cậu được. Cậu làm ơn hiểu giùm tôi đi, Klaus.” “Tất cả là lỗi của tôi. Tôi đã che giấu người Do Thái.” Viên Trại trưởng lại càng ngạc nhiên. Ở “Ha, cậu đúng là lạ thật. Ngày mai tôi sẽ đưa cậu tới Auschwitz luôn. Ở Auschwitz sắp thành lập dàn nhạc. Cậu tới đó làm trưởng dàn nhạc, trông coi bọn họ cho tôi. Cậu là người được ngài Quốc Trưởng Hitler gửi gắm. Chúng tôi không muốn nặng tay.” “Nhưng tôi đã để đàn cello của mình ở nhà mất rồi.” “Tôi sẽ cho người chuyển cello tới cho cậu, không cần lo.” Klaus sau đó bị kẹp giữa hai tên lính SS* buộc phải ngồi vào ghế sau trên một chiếc xe của Gestapo, khác với gia đình Janssen. Gia đình Janssen đi được nửa đường thì được lệnh chuyển từ xe chuyên chở sang đoàn tàu lửa đi đến Auschwitz. Đoàn tàu đã trong tình trạng chật cứng người, cửa tàu vừa mở ra, một mùi hôi thối khủng khiếp đến mức không thở nổi xộc thẳng vào mũi, khiến bà Janssen nôn mửa ngay ngoài cửa. Lúc đó, vài người xô bà ra để chạy khỏi đoàn tàu, nhưng họ ngay lập tức gục ngã dưới đường đạn lạnh lùng của lính SS. Cả Hannah lẫn Andrew đều run sợ trước cảnh tượng vừa diễn ra trong chớp mắt ấy. “Mẹ ơi…!” Bà Janssen ôm lấy Andrew, che mắt con lại, cuối cùng hai mẹ con cũng xoay xở lên được tàu. Andrew sợ tới mức tiểu ra quần, nhưng không chỉ mình Andrew như vậy. Trong toa xe, có nhiều người không biết được đưa từ đâu tới cũng chẳng thể kiềm chế, đũng quần của họ ướt đẫm. Ở mỗi toa xe có một chậu đựng lớn để làm nơi đi vệ sinh, nhưng hoặc là chậu đã đầy hoặc là có quá nhiều người tới mức có chỗ đứng đã là may, chứ đừng nói tới chuyện di chuyển tới nơi đặt chậu. Nữ giới vốn dĩ không bao giờ đi vệ sinh trước mặt người khác, không thể vệ sinh cá nhân trong những ngày kinh nguyệt lại còn khổ sở hơn. Nhưng trong hoàn cảnh trên toa tàu lúc này, chẳng ai còn có thể nhắc tới chuyện xấu hổ hay e ngại. Không ai được ăn uống gì, thậm chí có người đã chết khi sự cực khổ mệt mỏi vượt quá ngưỡng chịu đựng sau nhiều ngày đứng liên tục trên tàu. Có cả những người bỏ mạng vì bị người khác dẫm lên, đè lên. Nhưng chẳng ai còn tâm trí để thương xót cho những người đã chết. Và rồi họ cũng chẳng có thời gian và tâm trí để nghĩ tới hiện thực đang diễn ra trước mắt hay vô số những chuyện có thể sắp xảy ra. Ông Janssen phải cố gắng hết sức vươn mình mới có thể che chở cho Hannah và Andrew bé bỏng không bị chôn vùi giữa biển người trên chuyến tàu. Chương III HANNAH 1. Tháng Chín năm 1941, một cuộc kiểm tra hiệu quả của chất độc Zyklon B do LG. Farben sản xuất đã được tiến hành tại Trại tập trung Auschwitz trên chín trăm tù nhân là binh lính Liên Xô. Kết quả buổi thử nghiệm, toàn bộ chín trăm người tử vong trong vòng mười phút, từ kết quả này, chất Zyklon B được đưa vào sử dụng cho các cuộc thảm sát tập thể người Do Thái. Ngày 20 tháng Một năm 1942, tại Hội nghị Wannsee, Chính sách diệt chủng người Do Thái* cũng như quyết định đưa toàn bộ người Do Thái tới và lao động tại các trại tập trung phía Đông được Đảng Quốc Xã và Chính phủ thông qua. Như vậy, các trại tập trung với tên gọi “Trại huỷ diệt” như Auschwitz II-Birkenau, Majdanek được xây dựng tại những nơi đã bị Phát xít Đức chiếm đóng trên lãnh thổ Ba Lan, toàn bộ người Do Thái trong nước Đức và những nước châu Âu đã bị Đức chiếm đều được đưa tới các trại tập trung này bằng tàu hoả. Gia đình Janssen cũng như toàn bộ những người khác đi trên chuyến tàu không hề hay biết mình đang đi đâu và sẽ phải làm gì. Khi ý thức chỉ còn lờ mờ, cánh tay gần như kiệt quệ vì che chở cho các con, ông Janssen bỗng nghe thấy giai điệu bài “Tiếng xuân”* của Johann Strauss* đang vang lên từ đâu đó. Ông tưởng như mình đang nghe thấy tiếng vọng từ thế giới bên kia, bỗng một tiếng ruỳnh lớn vang lên cùng với sự rung lắc dữ dội và đoàn tàu dừng lại. Tất cả ùa xuống khỏi tàu như ong vỡ tổ. “Em nghe thấy tiếng nhạc!” “Là Strauss!” Andrew và Hannah vui mừng khi nghe thấy tiếng nhạc. Cho dù màn diễn tấu như bị nhấn chìm giữa tiếng của đám đông hỗn loạn, nhưng rõ ràng ngay sát gần đó, dàn nhạc đang chơi bản “Tiếng xuân”. Không rõ đó là bản nhạc chào mừng hay có ý nghĩa gì, nhưng hai đứa trẻ thấy yên tâm đôi chút. Bởi vì thứ âm nhạc ấy gắn kết với niềm hi vọng. Thế nhưng, đó là sự hiểu lầm chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc. Ở sân ga, các sĩ quan chỉ huy và y sĩ đã đứng sẵn ở đó, bắt mọi người đứng thành một hàng, lần lượt hỏi tuổi và tình trạng sức khoẻ của từng người một. “Andrew Janssen; năm tuổi.” Andrew lí nhí trả lời, viên y sĩ chỉ lạnh lùng quay đầu ngón tay sang bên trái. Với cử chỉ lờ đờ như thể chỉ phát ra một lời thôi cũng khiến hắn thấy phiền hà, tên sĩ quan chỉ huy xếp Andrew sang hàng bên trái theo đúng chỉ thị của viên y sĩ. “Pharmal Janssen, bảy mươi tư tuổi, huyết áp cao và luôn trong tình trạng chán chường…” Ông chưa kịp nói hết câu thì viên y sĩ đã chỉ tay sang bên trái. Tên lính lớn tiếng quát nạt. “Sang bên trái!” Khi đứng vào hàng bên trái, ông ngay lập tức ôm lấy Andrew. “Hannah Janssen, mười bốn tuổi.” Viên y sĩ chỉ tay về bên phải. Hannah cùng bố mẹ được phân sang hàng bên phải, bị chia cắt khỏi Andrew và ông. Hàng bên trái gần như chỉ toàn những người bị bệnh, hoặc nói là họ bị bệnh, trẻ con, người già. Cứ chốc chốc những người này lại bị nhồi nhét lên một chiếc xe tải vận chuyển và đi mất, mỗi lần như vậy, người ta lại nghe thấy tiếng khóc xé lòng của những người mẹ bị cướp mất con thơ. Bà Janssen chứng kiến cảnh tượng ấy, cảm thấy chẳng phải chuyện tốt lành gì, bà trở nên hoảng loạn và cố túm lấy gã sĩ quan chỉ huy. “Các người định đưa con tôi đi đâu!” Ông Janssen níu lấy tay người vợ trông như đang muốn nhảy chồm ra ngoài. “Mẹ, mẹ, mẹ ơi! Con sợ, con sợ lắm!” “Andrew!” Hannah cũng lấy hết sức bình sinh hét lên. Tên sĩ quan bình thản nói. “Trẻ con phải gửi ở nhà trẻ. Sẽ có ngày cả gia đình được đoàn tụ, cố chờ tới lúc đó đi.” Cụ Pharmal nhìn bà Janssen gật đầu thật mạnh như muốn nói không có gì phải lo lắng. Andrew bám chặt lấy cánh tay ông nội, mặt mếu máo như sắp khóc, nhìn chằm chằm về phía mẹ. Những đứa bé nhỏ hơn cả Andrew gào khóc ầm ĩ, một người phụ nữ bị cướp mất đứa con còn đỏ hỏn gục xuống, khóc rống lên như phát điên. Vài chiếc xe chở hàng hoá tới, những người xếp hàng bên trái lần lượt bị bắt lên xe. Cũng có những đứa trẻ bị thảy lên xe như một món hàng. Khi việc đưa người lên xe kết thúc, những chiếc xe chở đoàn người tới Khu số Mười một, nơi nằm ngoài hàng rào dây thép bao quanh Trại tập trung. Ngoài những người đã sống ở Trại tập trung vài ngày, trên xe chẳng ai hay biết mình đang bị đưa đi đâu cả. Chỉ còn lại tiếng nhạc khoan thai thi thoảng ngân lên trong gió, như sợi tơ nhện nối những bất an cực độ với niềm hi vọng mong manh, giữ lại trái tim và tâm hồn những con người trên chuyến xe ở lại với thế giới này. Nhưng chẳng tới ba mươi phút sau, những con người ấy hoá thành làn khói tro xám xịt nhuộm kín bầu trời Auschwitz. Mọi chuyện diễn ra chuẩn xác, đúng quy trình và đơn giản giống như một công đoạn trong băng chuyền sản xuất của một nhà máy. Khi khói tan đi chút ít, đoàn người tiếp theo lại được đưa tới nơi, vậy nên bầu trời Auschwitz không có nổi một ngày quang đãng. 2. Vợ chồng Janssen và Hannah vẫn tin rằng một ngày không xa sẽ được gặp lại Andrew và ông. Nhóm những người trẻ tuổi và khoẻ mạnh túm tụm lại trước cổng trại Auschwitz II-Birkenau sau khi điểm danh xong. Trước cổng vào Trại tập trung có treo một biển hiệu lớn với dòng chữ “Lao động là con đường dẫn đến tự do” cứ như thật. Nhưng cũng chẳng tốn mấy thời gian, người ta nhận ra câu đó thực chất phải là “Lao động là con đường dẫn tới cái chết”. Trong hàng rào dây thép gai hai lớp là hơn hai mươi nhà trại hai tầng bằng gỗ và bằng đá đứng liền kề nhau. Trong lúc những người mới tới đang chờ người ta phán quyết xem mình phải ở đâu, dàn nhạc tù nhân ăn mặc chỉnh tề bắt đầu xếp thành hàng ở lối đi vào trại. Khi dàn nhạc diễn tấu lần lượt từ các bản nhạc nhẹ nhàng cho đến các bài đồng dao Đức cũng là lúc những người lao động đã bị vắt kiệt sức lực và tinh thần lê bước trở về. Có người vừa về tới cổng đã đổ gục xuống tắt thở. Chứng kiến cảnh tượng ấy, toàn bộ những người mới đến cuối cùng đã nhận ra số phận sẽ tới với mình. Mẹ Hannah bị đưa tới phân khu số Năm, bố cô bé bị đưa tới khu số Bốn. Khi tới lượt Hannah, một nữ tù nhân đứng ở phía lính Cận vệ quân đội Hitler lên tiếng. “Cô đang đeo đàn violin trên lưng phải không?” “Sao ạ?” Hannah quên mất việc mình đang đeo cây đàn trên lưng. Lúc xuống khỏi tàu, toàn bộ hành lí xách tay đều bị gom hết lại, nhưng không có bất cứ ai bảo Hannah bỏ đồ đạc trên lưng xuống nên em cứ thế được cho qua. Chỉ có thể nói đây chính là vận may của Hannah. “Tôi là Arles Bizet. Cô không cần phải sợ đâu. Tôi cũng là người Do Thái.” Hannah nghĩ rằng cô ấy là một người phụ nữ xinh đẹp. ẳ Mái tóc đen thẳng và đôi môi đỏ thắm khiến cô gái ấy giống như một bông hồng đầy kiêu hãnh. Cô còn giống hoa hồng ở chỗ khiến người ta có cảm giác nếu bất cẩn chạm vào vì bị mê hoặc trước vẻ đẹp của đoá hoa thì sẽ bị gai đâm chảy máu. Lần đầu tiên Hannah nhìn thấy một người phụ nữ dù biết rõ mình là tù nhân nhưng vẫn có thể đường hoàng đầy kiêu hãnh đến vậy. “Cô biết chơi đàn không? Cô chơi được tới đâu?” Arles dồn dập ném các câu hỏi về phía Hannah, thấy vậy tên lính SS theo giám sát cô lên tiếng. “Được, giao D15783 cho cô đó.” Dường như chỉ có mình Arles được ở vị thế không bị gọi bằng mã số. Sau này Hannah mới được biết, cô gái này là một nghệ sĩ violin rất nổi tiếng trên toàn châu Âu, Hitler đã cho người theo dấu cô để đảm bảo rằng cô không bị gửi vào phòng hơi ngạt. Tuy nhiên, vì cô lấy tên theo họ chồng nên sau khi thoát khỏi Trại tập trung Drancy ở Pháp, cô bị đưa tới Auschwitz. Tệ hơn nữa là khi vừa đến, cô bị chuyển luôn vào khu thực nghiệm số Mười với tư cách tù nhân phục vụ các thí nghiệm y học. Nội dung thí nghiệm được lên kế hoạch là sẽ làm Arles mang thai sau đó lôi thai nhi ra và sử dụng các cơ quan nội tạng để tiến hành thí nghiệm. Tuy nhiên, đến một ngày, một nữ bác sĩ ở khu số Mười có nguyện vọng được nghe nhạc cho ngày sinh nhật sắp tới, và lúc đó Arles bèn xưng tên thật. Thế là cô được tuyển chọn làm người phụ trách chỉ huy cho việc thành lập dàn nhạc ở Trại tập trung của nữ, đồng thời được hưởng chế độ đãi ngộ đặc biệt như bây giờ. Dù bị đặt trong hoàn cảnh khắc nghiệt, tinh thần và thể xác Arles vẫn như hai sinh vật sống hoàn toàn tách biệt. Cho đến lúc chết, tinh thần của cô cũng sẽ không bao giờ rời khỏi thế giới âm nhạc để rơi xuống chốn phàm trần. Hannah tách mình khỏi hàng dài tù nhân và bắt đầu bước đi theo Arles.