Cô bé 14 tuổi Asuka bắt gặp một cây vĩ cầm phát ra âm thanh kì lạ ở cửa hàng nhạc cụ. Đó là đồ vật của Hannah, cô bé người Do Thái từng là thành viên dàn nhạc ở Trại tập trung Auschwitz. Dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt đến thế nào, Hannah vẫn luôn nghĩ tới bạn bè và không bao giờ quên lòng nhiệt thành dành cho âm nhạc. Tình cảm của Hannah chạm tới cả trái tim của cô bé Nhật Bản Asuka…
Một câu chuyện cảm động sinh ra từ một cây vĩ cầm đã kinh qua ngọn lửa chiến tranh, bị vận mệnh bất hạnh trêu đùa.
“Âm nhạc cứu rỗi chúng ta khỏi trái tim tà ác. Chỉ cần tận hưởng âm nhạc một cách đơn thuần, chúng ta có thể vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ, quốc gia, thậm chí là cả chiến tranh nữa.”
***
‘Cây vĩ cầm Ave Maria’ – tiểu thuyết về cô bé thoát chết trong Thế chiến.
Sách của tác giả Nhật là bản hòa tấu giàu cung bậc cảm xúc, khắc họa tình người, tình yêu âm nhạc trước cuộc sống khốc liệt.
Một nghệ sĩ dương cầm tưởng chừng đã lọt vào cửa tử khi bị tên lính Đức phát hiện ẩn náu trong những tòa nhà đổ nát. Cuối cùng, anh bất ngờ thoát chết khi chơi một nhạc khúc trên cây dương cầm bị bỏ quên. Dù trong phút tử sinh, bản nhạc vẫn nhẹ nhàng và thanh khiết, lay động tâm hồn tên lính. Đó là một trong những cảnh kinh điển của phim The Pianist, tác phẩm điện ảnh nổi bật về Thế chiến thứ hai. Một phân cảnh nhỏ đủ để thấy sức mạnh không lời nhưng mãnh liệt của những giai âm đánh thức phần “người” trong mỗi chúng ta.
Cùng lấy đề tài âm nhạc trong thời kỳ Thế chiến thứ hai khốc liệt và u tối trong lịch sử nhân loại, sách Cây vĩ cầm Ave Maria là bản hòa tấu giàu cung bậc cảm xúc, khắc họa rõ nét tình người và tình yêu âm nhạc khi người ta đối mặt với cái chết.
300 trang truyện có lối kể gần gũi, giàu tính nhân văn. Câu chuyện khởi nguồn từ cây vĩ cầm đỏ mang tên Ave Maria do cô bé Nhật Bản Asuka được cho mượn trong cửa hàng bán nhạc cụ. Để tìm lại nguồn vui, động lực tập luyện violin nghiêm túc, Asuka và chủ cửa hàng nhạc cụ quyết định tới gặp Paul Kanzas, chỉ huy dàn nhạc người Ba Lan, cũng là nhạc công có cơ duyên quen được người chủ trước đó của cây đàn – cô bé Hannah. Ngẫu nhiên Hannah cũng 14 tuổi, bằng đúng tuổi Asuka.
Qua lời kể của ông Kanzas, độc giả lùi lại thời quá khứ để lắng nghe số phận đặc biệt của “thiên thần nhỏ” Hanna. Dù lọt vào chốn địa ngục trần gian; cả gia đình từ ông, bà, cha, mẹ, em trai đều bị phát xít tàn sát, sống trong sợ hãi nơm nớp hàng ngày ở Trại tập trung Auschwitz, cô bé vươn lên mạnh mẽ nhờ vào tình yêu vô bờ và thuần khiết với âm nhạc.
Cây vĩ cầm Ave Maria không né tránh những sự thật đau lòng của hiện thực, mà khắc họa chúng tiết chế nhưng đầy đủ. Đó là khi chị gái của Hannah dù khuyết tật vẫn bị quân Gestapo bắn chết, là lúc ông em và cả em trai Andrew chưa đầy 5 tuổi bị đưa vào phòng hơi ngạt, là hình ảnh những người lao động bị đem ra làm trò tiêu khiển cho lính Đức để rồi cuối cùng không thoát khỏi thảm cảnh bị trừng phạt… Suốt tác phẩm, âm nhạc vẫn nổi lên như một “nhân vật chính”, cho độc giả quyền tin vào một “Das Beste Leben” (Cuộc sống tuyệt vời – cụm từ được khắc trên thân đàn).
Liệu âm nhạc có đủ sức mạnh để giúp con người vượt trên mọi nghịch cảnh? Đó là câu hỏi khiến người đọc phải trăn trở xuyên suốt tác phẩm. Ở đây, những bản nhạc không lời, được thể hiện qua cây violin và cả nhiều nhạc cụ khác đôi khi đã phải “đứng chông chênh” trên “bờ vực phán xét”.
Có những lúc, âm nhạc vang lên trong hoàn cảnh đầy đau đớn, xót xa. Khi cả nhà Hannah bị bắt đến Trại tập trung, em nghe thấy bản Tiếng Xuân. Điều khiến sau này em vẫn còn bị ám ảnh mãi, ngay cả khi hòa bình lập lại. Âm nhạc thậm chí từng bị coi là đóng vai trò “ru ngủ” những người lao động và dàn nhạc trong trại tập trung bị cho là những kẻ bợ đỡ quân Gestapo để mưu cầu sự sống. Thậm chí, có những bản hành khúc được chơi trong khi quân Đức thảm sát người Do Thái, tưởng chừng đã trở thành một “vết sẹo tinh thần” mãi mãi trong tâm trí cô bé 14 tuổi. Khi được trở về với cuộc sống bình thường, em đã trốn tránh thực tại, phải trị liệu tâm lý nhiều lần vì không dám nghe chúng.
Nhưng cuối cùng, âm nhạc vẫn thể hiện được sứ mệnh của nó. Từ đầu đến cuối, âm nhạc là sợi dây kết nối con người, thậm chí là những người thuộc về hai phe đối lập, mở ra cánh cửa tưởng chừng xây bằng đá và đã đóng mãi mãi như trái tim của những tên lính Đức Quốc xã. Âm nhạc là “chìa khóa” cho ngục tù theo cả nghĩa đen, và nghĩa bóng: Ngục tù tâm hồn, giúp cho Hannah và những người trong dàn nhạc của em vươn lên mãnh liệt trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Đúng như những gì nhân vật của tác phẩm đã khẳng định: “Âm nhạc sẽ cứu rỗi con người khỏi trái tim tà ác. Chỉ cần tận hưởng âm nhạc một cách đơn thuần, chúng ta có thể vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ, quốc gia, thậm chí là cả chiến tranh nữa”.
Tác phẩm của nhà văn nữ Kagawa Yoshiko đã tiếp cận những trang đau thương nhất của lịch sử nhân loại bằng cách thức giàu cảm xúc và nhân văn. Sách truyền thông điệp về tình yêu giữa con người với nhau và với âm nhạc, từ đó “đánh thức” động lực tìm hiểu về lịch sử, niềm đam mê với âm nhạc của thế hệ trẻ. Ấn phẩm của nhà văn nữ Kagawa Yoshiko đã đoạt giải vàng Huân Chương Sakura, giải thưởng thường niên của Hiệp hội thư viện trường học Nhật Bản. Năm 2014, sách được chọn làm đề tài cho cuộc thi viết cảm tưởng về các tác phẩm văn học dành cho thanh thiếu niên Nhật Bản.
Tô Lệ Trân
***
By LiLybook
Hôm trước có rất nhiều bạn hỏi xin review nên hôm nay mình xin phép review cuốn Cây vĩ cầm của Ave Maria ạ. Theo cảm nhận của mình thì cuốn sách này cũng giống như một bản nhạc hòa tấu, có khúc dạo đầu, có khúc trung gian và có khúc vĩ thanh. Đôi lúc “bản nhạc” êm ái du dương, lúc lại cao trào mãnh liệt, lại có lúc trầm bổng diệu kỳ.
Xem xong review các bạn thích thì mua, hong thích thì cũng mua luôn nha, đáng đọc lắm đó, à còn nữa xem xong review các bạn nhớ rate cho mình 5 sao nghen, mình cảm ơn các bạn rất nhiều
Phù hợp với mọi lứa tuổi và mọi mục đích ^^ (ngoài các bạn yêu sách ra thì cũng có các bạn đọc sách, truyện để giết thời gian đúng không nè)
Mình khuyến khích các bà mẹ nên mua cho con mình đọc vì cuốn sách này mang tư tưởng nhân văn cao đẹp, giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, dạy chúng các phân biệt thiện ác và đúng sai, biết tuyên dương và noi gương cái thiện, lấy cái thiện làm kim chỉ nam trong cuộc sống, biết lên án và loại bỏ cái ác, cái xấu, yêu hòa bình, yêu đất nước quê hương mình.
“Bản Ave Maria cô chơi tại sao lại khác biệt như thế…?”
“Vì bản nhạc này đang rửa trôi tội ác tày trời của chúng ta.”
“Ờ… Có lẽ là vậy đó…”
Câu chuyện bắt đầu từ cô bé Asuka 14 tuổi, dù được học violin từ nhỏ nhưng Asuka luôn thờ ơ với tương lai của mình, hầu như chẳng có một chút động lực nào khiến cô bé ao ước được làm một thứ gì đó. Chuyện là như vậy cho đến khi định mệnh khiến Asuka gặp được cây vĩ cầm Ave Maria và tình cờ được biết về quá khứ của nó. Chủ nhân cũ của cây vĩ cầm này là Hannah, một thiên tài âm nhạc, một trái tim quả cảm đã từng sống sót qua ngọn lửa của chiến tranh.
Đó là vào một ngày mùa đông năm 1933, Đảng đứng đầu Nghị viện Đức lúc bấy giờ là Đảng Quốc Xã đã bổ nhiệm người lãnh đạo Đảng – Hitler lên làm Thủ tướng Đức. Từ ngày đó, cánh cửa địa ngục như mở ra, không chỉ người Do Thái mà cả người Ba Lan, Liên Xô cũng đều phải trải qua một thời kỳ đau thương của lịch sử. Hitler cho rằng người Do Thái là nguyên nhân khiến Đức thất bại trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Chính vì vậy, “cuộc thảm sát” người Do Thái diễn ra. Gia đình Hannah cũng trở thành nạn nhân của chính trị và bị bắt tới Trại tập trung Auschwits.
Tại đây, nhờ tài năng âm nhạc của mình, Hannah được xếp vào dàn nhạc mà không phải lao động khổ sai. Em và dàn nhạc bị quân đội Đức bắt chơi nhạc ở gần các lò thiêu sống để nhấn chìm đi những tiếng thét đau đớn của người lao động vô tội, để che dấu đi tội ác man rợ của chúng. Nhờ sức sống mãnh liệt, can trường, cô bé may mắn được nhìn thấy tự do một lần nữa, nhưng gia đình em thì không thể. Những gì đã xảy ra có lẽ đã trở thành nỗi ám ảnh to lớn trong tâm hồn Hannah.
Đề tài chiến tranh luôn là đề tài lấy được nhiều cảm tình và nước mắt của độc giả. Mặc dù câu chuyện về Hannah và cây vĩ cầm chỉ là những phần hư cấu giả tưởng của tác giả nhưng những sự kiện lịch sử vẫn luôn là sự thật. Giá mà tác giả khắc họa mạnh mẽ và lên án rõ rệt hơn nữa những tội ác mà phát xít Đức đã gây ra thì tác phẩm chắc chắn sẽ thật sự tuyệt vời. Cuốn sách khiến ta biết về những hậu quả tàn khốc của chiến tranh, những người đã ngã xuống, và cách thế giới đã vận hành như thế nào, để chúng ta biết trân trọng hòa bình của hiện tại. Nhắm mắt lại, bạn có nghe thấy tiếng gào thét của những con người vô tội bị đưa vào làm vật thí nghiệm, của những người lao động khi bị ném vào lò hỏa thiêu hay những tiếng khóc ai oán của sự chia ly… chúng hòa vào những cột khói, len lỏi trong từng giai điệu của bản nhạc, đau thương mà thảm khốc.
Hình ảnh Hannah ngồi chơi bản Ave Maria lần cuối cùng giữa cánh đồng hoa anh túc đang nở rộ sau khi Trại tập trung được giải phóng, gương mặt em nở một nụ cười mãn nguyện đã khắc sâu vào tâm trí của mình. Ổn rồi, Hannah bé nhỏ. Trái tim em chẳng còn bất kỳ hận thù hay đớn đau nào nữa… Em đã hoàn thành sứ mệnh của mình
Theo cá nhân mình thì đây là một tác phẩm rất đáng để đọc, nó mang ý nghĩa và tư tưởng nhân văn cao cả, một khát vọng, sức sống tìm tàng và tâm hồn cao đẹp, nghệ sĩ của nhân vật chính, rất thích hợp cho các bé nhỏ đọc nhất là các bé đang ở độ tuổi phát triển tâm hồn (từ lớp 3 trở đi) để từ đó hình thành nên lòng nhân ái, tình thương người và nhận thức thiện ác ở các bé, ngoài ra còn giảm việc các bé mãi mê chơi game, thay vì chơi game thì việc đọc sách tốt hơn nhiều
Mời các bạn đón đọc Cây Vĩ Cầm Ave Maria của tác giả Kagawa Yoshiko & Nguyễn Hồng Vân (dịch).