🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cát Cháy - Thanh Quế full mobi pdf epub azw3 [Chiến Tranh] Ebooks Nhóm Zalo CÁT CHÁY Tác giả: THANH QUẾ Thể loại: Tiểu thuyết thiếu nhi Nhà Xuất Bản Kim Đồng, 1983 Thân tặng đội thiếu niên du kích Hòa Hải NHÀ THƠ THANH QUẾ Tên thật: Phan Thanh Quế. Sinh ngày 26/2/1945, tại xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, trong một gia đình trí thức yêu nước. Cha là bác sĩ, lão thành cách mạng. Mẹ và các em đều tham gia cách mạng, có người là liệt sĩ, có người là thương binh nặng. Hồi nhỏ học ở trường làng. Từ năm 1955 đến năm 1963 tập kết ra Bắc, học tại các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Từ 1963 đến 1967, học khoa sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1967 đến năm 1969 là cán bộ Nghiên cứu, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương. Từ 1969 đến 1975 là phóng viên chiến trường, tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung trung bộ. Từ năm 1975 đến năm 1980 là cán bộ sáng tác, Trại sáng tác văn học Quân khu V. Từ năm 1980 đến năm 1983 là biên tập viên Tạp chí Văn nghệ quân đội (Tổng cục chính trị, Bộ Quốc phòng). Từ năm 1983 đến năm 2009 là phó chủ tịch Hội văn nghệ Quảng Nam-Đà Nẵng và Hội văn nghệ Đà Nẵng, Tổng biên tập tạp chí Đất Quảng và Non Nước, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (nhiệm kỳ 2000-2005). Từ năm 2009, nghỉ hưu và sáng tác tại Đà Nẵng. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1977 và hội viên Hội Nhà báo Việt Nam từ 1980. TÁC PHẨM CHÍNH Về thơ Tên em khuôn mặt em (2 tác giả), NXB Giải phóng-1975; Tình yêu nhận từ đất (3 tác giả) NXB Tác phẩm mới-1977; Trong mỗi ngày đời tôi, NXB Đà Nẵng-1986; Giãi bày, Hội Văn nghệ Quảng Nam-Đà Nẵng-1988; Khi ta giở sách ra (thơ thiếu nhi), Sở Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên-1988; Hái tiếng chim (thơ thiếu nhi), NXB Đà Nẵng-1991; Những tháng năm vay mượn, NXB Đà Nẵng-1993; Mé biển đời tôi, NXB Hội nhà văn-2000; Người lính đi đầu (trường ca), NXB Quân đội Nhân dân-2003; Thơ Thanh Quế với tuổi thơ, NXB Kim Đồng-2004; Những tháng năm, NXB Quân đội nhân dân-2006; Một gạch và chuyển động, NXB Hội nhà văn 2006; Thơ Thanh Quế, NXB Hội nhà văn-2008; 72 bài thơ chọn, NXB Hội nhà văn-2012; Nơi phòng đợi, NXB Quân đội nhân dân-2006; Tuyển thơ; NXB Văn học-2016. Về văn xuôi Chuyện từ một truyền thuyết (truyện ngắn), NXB Kim Đồng-1978; Thung lũng Đắc Hoa (truyện ngắn 2 tác giả),NXB Phụ nữ-1980; Cát cháy (tiểu thuyết) NXB Kim Đồng -1983; Mai (truyện ngắn ), NXB Phụ nữ-1988; Người khách lạ (truyện ngắn), NXB Đà Nẵng-1990; 11 truyện ngắn, NXB Đà Nẵng-1994; Về Nam (hồi ký, chân dung văn nghệ), NXB Đà Nẵng 1996; Những gương mặt thân yêu (chân dung văn học), NXB Kim Đồng 1996; Bếp lửa làng Tà Băng (truyện ngắn), NXB Quân đội nhân dân-1998; Hai người bạn (truyện ngắn), NXB Kim Đồng-1998; Những kỷ niệm, những gương mặt (hồi ký, chân dung), NXB Đà Nẵng-2001; Từ những trang đời (hồi ký, chân dung văn nghệ), NXB Hội nhà văn-2001; Bà mẹ vui tính (truyện ngắn), NXB Kim Đồng-2002; Sao anh lại cảm ơn tôi (truyện ngắn), NXB Quân đội nhân dân-2002; Truyện và ký chọn lọc, NXB Hội nhà văn -2003; Dì Út (truyện ngắn), NXB Kim Đồng-2003, Thj trấn em kết nghĩa (truyện và ký), NXB Kim Đồng-2005; Ở giữa thời gian (truyện và ký), NXB Đà Nẵng-2007; Tuyển truyện Thanh Quế-chuyện ở miền Cát cháy, NXB Đà Nẵng-2009; Kẻ đào ngũ (tập truyện), NXB Quân đội nhân dân-2013; Tuyển truyện ngắn Thanh Quế, NXB Hội nhà văn -2011; Gương mặt và cảm nhận (chân dung văn học), NXB Đà Nẵng 2013; Ký và chân dung chọn, NXB văn học-2015; Hai người đàn ông và một người đàn bà (truyện), NXB Quân đội nhân dân-2016. Giải thưởng chính Cát cháy (tiểu thuyết), giải nhì (không có giải nhất) của Hội nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 1981; Những tháng năm vay mượn (tập thơ), giải B của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1994; Giải thưởng loại A hai lần (1975- 1985) và (1985-1995) của UBND Quảng Nam-Đà Nẵng cho các tác phẩm trong giai đoạn. Bếp lửa làng Tà Băng (tập truyên), tặng thưởng của Bộ Quốc phòng năm 2000; Người lính đi đầu (trường ca), giải nhì (không có giải nhất) giải thưởng văn học (1997-2005) của UBND thành phố Đà Nẵng; Một gạch và chuyển động (tập thơ), giải nhì (không có giải nhất) giải thưởng văn học (2005-2010) của UBND thành phố Đà Nẵng; Tiểu thuyết Cát cháy và tập thơ Một gạch và chuyển động, giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012. 1 B a đứng sững trước sân, ngó trân trân vào ngôi nhà tranh thủng dột quen thuộc của mình. Nhà vắng tanh, cửa khép hờ, bên ngoài dựng một chiếc nia cũ. Chắc ông nội và mẹ vừa đi đâu đó.Trong một phút, những tình cảm trái ngược bỗng ùa đến: Ba vừa muốn gặp ông, gặp mẹ ngay cho đỡ nhớ, vừa muốn hai người về chậm lại để mình có thời gian sắp xếp mọi ý nghĩ đang bề bộn trong đầu. Ba cảm thấy vừa vui vừa lo. Ba đứng thẫn thờ một chút, sau đó, run run mở cửa bước vào nhà, hồi hộp nhìn khắp lượt những đồ vật như bao người đi xa về. Mọi thứ trong nhà: từ chiếc ảnh cha ố vàng trên bàn thờ, đến cái ghế, cái bàn, chiếc giường ọp ẹp, cả cánh cửa mở thông vào buồng trong không đóng lại bao giờ, vốn có ở những nhà nghèo, vẫn như cũ, mà lại không phải như cũ. Một mùi mốc thường có ở những ngôi nhà vắng chủ lan ra phả vào mũi Ba. Ba đứng lặng một chốc, cố nhớ lại một điều gì đó đã quên bẵng đi từ lâu. Nhưng mọi ý nghĩ cứ bay tuột khỏi đầu Ba. Hai ngày đêm đi đường, ngủ bờ ngủ bụi làm cho Ba mệt đừ, người bã ra, không còn cảm giác chính xác nữa. Ba lần đến chiếc chõng tre ông vẫn nằm, đặt mình lên chiếc chiếu rách đầy cát. Một cái gì đó không rõ tên cứ chạy rần rần từ đầu ngón chân lên mí mắt. Ba nhắm mắt lại. Lập tức những âm thanh mơ hồ quen thuộc bỗng rì rào xung quanh. Có thể đó là tiếng rắc rắc của mối mọt đang ăn cột kèo trong bóng tối trên đầu mình; có thể là tiếng gió nhẹ nhàng thổi cát trên cồn Quy sau nhà, bước chân mẹ đi lại sắp đặt đồ đạc gì đó trong đêm, ông khục khặc ho, những tiếng mơ hồ lan lan trong giấc ngủ không ai cắt nghĩa nổi, chỉ có ở những miền quê yêu dấu. Một tiếng động ở đầu hè làm Ba bừng tỉnh. Không kịp nghĩ, Ba bò ngay xuống gậm giường, nằm im. Chốc nữa, ông hay mẹ bước vào, Ba sẽ chồm ra hù lên một tiếng. Ông thế nào cũng cười khà khà, nói: “Tổ cha mày, tao già nhưng thần kinh tao vẫn còn vững lắm”. Còn mẹ đứng sững lại, tay sờ nơi tim như xưa nay mẹ vẫn vậy khi sợ hãi điều gì. Nhưng một lúc lâu, Ba chẳng thấy mẹ hay ông bước vào nhà. Có lẽ, phải tối mịt hai người mới về. Ba lại leo lên giường, nằm mường tượng ra lúc gặp gỡ. Hẳn lúc đó, ông hỏi: “Tại sao cháu về ?”. Ba nói: “Cháu thích đánh Mỹ”. Ông nói “được” rồi ngồi im như tảng đá. Mẹ chắc càu nhàu. Nhưng mẹ sẽ cho Ba ăn một bữa bánh tráng cá ngừ thật ngon. Mẹ vừa ngồi cuốn bánh đưa tới tấp cho Ba, vừa âu yếm nhìn đứa con trai có khuôn mặt bầu bầu da sạm đen, mắt sáng, người chắc nịch như cha nó mà thầm lo nay mai nó sẽ ra sao. Ba ngồi với ông và mẹ một chút rồi chạy đi tìm bọn thằng Thấn, con Một.Tụi nhỏ thế nào cũng xúm xít lại bắt Ba kể chuyện chiến khu cho chúng nghe. Tất nhiên, Ba sẽ thuật lại mọi chuyện mà chị Bốn cấp dưỡng đã kể cho Ba nghe. Đó là chuyện anh Năm Cần ở văn phòng huyện ủy. Năm 67, bọn Mỹ càn căn cứ. Bắn hết đạn, các anh các chị rút sâu vào hang đá. Chúng truy kích theo. Anh đã đứng nấp ở cửa hang. Cứ mỗi tên mò vào, anh lại dùng báng súng gõ một cái cốc vào đầu nó rồi hất xác ra. Đó là chuyện chị Sáu Úc làm quản lý ở hội phụ nữ. Một hôm, đi cõng gạo về, nước sông Trà Ly lớn quá, cuốn băng chị cùng gùi gạo. Chị em tìm suốt hai ngày không thấy, đã làm lễ truy điệu chị. Giữa chừng, chị trở về, người ướt át, đứng ở đầu hè ngó vào nhà, tưởng ai đó vừa mất, khóc òa. Chị em quay lại, “ồ” lên, rồi đang khóc, họ xông đến đấm vào lưng chị bình bịch, cười khúc khích. Đó là anh Tám Nghề ở cơ quan binh vận. Một lần, địch vây cơ quan, mọi người trốn vào rừng sâu, đói vàng mắt. Đêm đến, anh bò qua đầu giặc đi nhổ sắn. Khi mang gùi sắn nặng trở lại bìa rừng, anh bị vấp đá, gây ra tiếng động. Một thằng ngụy ngồi phục, hẳn đang ngủ gật, giật mình hỏi: “Ai đó”. Anh nói: “Ông tổ nội mày đây” rồi cười hê hê phóng nhanh vào rừng, mặc cho chúng nổ súng theo. Sau đó, Ba sẽ thêm vào: trên đó có nhiều cọp lắm, mặc dù Ba chưa từng thấy. Đêm đêm, nó gầm lên, núi đá chao qua chao lại như bị bom B.52. Một lần, bước ra cửa hang, gặp con cọp to bằng con bò ụ, Ba nổ một phát súng, nó gãy một chân, bỏ chạy, xô đổ tảng đá bằng cái nhà. Một con trăn to vung mình làm cho nước sông Trà Ly trước cơ quan Ba sủi ục ục. Nhưng Ba cùng chị Bốn dùng một sợi sắn dây, cột nó, kéo về nấu cháo bồi dưỡng cho cả cơ quan mấy ngày liền. Bạn bè nghe chuyện sẽ phục Ba lắm. Thằng Thấn hẳn xuýt xoa, chặc lưỡi, vỗ đôm đốp vào đầu vì nó không được biết những chuyện như Ba. Còn con Một thì khỏi phải nói. Ba kể tới đâu, nó sẽ “a” lên tới đấy, mắt trợn ngược. Ba bỗng thấy buồn cười trước những khuôn mặt ngơ ngác của bạn bè mà Ba đã tưởng tượng ra. Rồi Ba cười thật. Ba bụm miệng cười hặc hặc một mình . Một lúc sau, Ba lại thiếp ngủ…Nước sông Trà Ly bỗng sôi lên, đổ ầm ào qua con thác kề bếp ăn của cơ quan. Ba thấy mình ngụp lặn trong dòng nước mát, vẫy tắm thỏa thích sau hai ngày đi đường trở về nhà. Chị Bốn cấp dưỡng bảo Ba tắm mau lên để đem cơm cho chú Chín. Bưng cơm, Ba vấp phải hòn đá, mâm cơm đổ nhào xuống đất, ông nội hiện ra bảo: “Người nào quẹo quẳng, họ chẳng ưa đâu”. Chính lúc đó, mẹ “á” lên vì một phát rốc két của thằng máy bay OVI0 bắn xuống bên kia bờ Trà Ly, khi thấy chị Bốn cầm một mụn măng. Máu loang đỏ… Khi Ba tỉnh dậy thì mặt trời đã lặn, chỉ để lại trên dãy núi phía căn cứ một vầng ráng đỏ. Ba nhảy ra sân, vươn vai mấy cái rồi như ngày nào, Ba vòng phía sau nhà, phóng lên cồn Quy. Đứng ở đây, Ba có thể nhìn khắp một vùng rộng lớn trong xã. Cồn cát giống chiếc mai rùa, rộng chừng nửa cây số vuông này ngăn xã ra làm đôi. Nửa phía nam là cánh đồng đất cát pha chạy từ mí đường tỉnh lộ (đường này làm ranh giới phía tây của xã với các xã bạn) xuống phía đông, giáp với một cái làng hoang người ta gọi là Cô Sơn. Bên kia cánh đồng là con sông Bãi Dài, làm ranh giới phía nam của xã với các xã bạn, chằng chịt những lạch nhỏ, sáng lấp lánh đang đổ về phía biển. Ở nửa xã phía bắc, xen giữa những xóm làng xanh biếc bóng dừa bóng dương là những cồn cát to nhỏ. Chẳng biết từ lúc nào, hẳn người ta đặt tên theo hình dáng hay những nhà ở gần chúng, mà chúng có tên: cồn Kinh, cồn Nhà Lập, cồn Thằn Lằn, cồn Du. Trên một số cồn cát ấy, bọn Mỹ đã dựng lên những ngôi nhà tôn, những trạm gác. Cứ chiều đến chúng bắn những phát pháo sáng nghe “phụp phụp” và tiếp liền sau đó là những quả cối nổ oạch oành. Tít xa kia, sau những làng xóm, năm ngọn núi của cụm Ngũ Hành Sơn nhô lên như năm mái nhà in trên nền trời chiều mờ tím. Ngày nào, Ba đã cùng các bạn leo lên núi Non Nước (một ngọn của Ngũ Hành Sơn) thăm chùa, chơi trò trốn tìm trong các hang đá vôi hoặc rủ nhau vào hang Âm Phủ thả những quả bưởi non, để rồi, sau đó nhảy ùm xuống biển nhặt lại. Ngày nào, Ba cùng các bạn giả người mang lễ vật lên chùa, gánh vũ khí cho đơn vị anh Phan Hành Sơn (1) diệt đại đội Mỹ đóng trên chóp núi. Bây giờ, những khẩu pháo Mỹ đứng nghễu nghện trên các đỉnh núi trông như những con quái vật khổng lồ. Lâu lâu, chúng rướn cái cổ dài ngoẵng lên hét ầm ầm. Một rừng dương như bức tường xanh chạy từ Đà Nẵng vào Hội An ngăn cách xã Ba với mép biển, làm cho mặt biển cứ lúc ẩn lúc hiện như chơi trò trốn tìm. Ba đứng nhìn khắp xã một lúc rồi cởi áo, vắt vai, ngồi bệt xuống cát, hướng mặt về phía biển đón những làn gió mát rượi. Bỗng nhiên, Ba đứng bật dậy nghiêng tai lắng nghe như có ai vừa khẽ gọi tên mình. Làn gió mát vừa đi qua mang đến cho Ba mùi hương thoang thoảng như mùi đào chín sau một ngày nắng to. Có một cái gì đó, cứ ẩn ẩn hiện hiện ở đâu đó, như đã từng quen thuộc lâu rồi, như mãi mãi mới lạ mà ta phải tìm kiếm để gặp. Ba hít mùi hương vào lồng ngực, thẫn thờ một chút và nhận ra, đó là mùi hương của hoa dủ dẻ, loài hoa đậu trên những thân cây bé nhỏ, lá dày và cứng, rễ bám chặt vào mặt cát nóng bỏng của quê hương… – Ê nhóc mày về lúc nào? – Một người nào đó có giọng oang oang hỏi Ba ở phía sau. Ba quay lại thì thấy một anh người thấp thấp, to ngang, đôi tay săn như cái bắp chuối, dáng đi khuỳnh khuỳnh đang sóng bước bên một chị bé nhỏ, tóc dày và dài. Trông hai người thật không xứng đôi tý nào. Thế mà họ mê nhau. Đó là anh Bảy Kim và chị Hai Soan. Bảy Kim đã trên ba mươi tuổi mà chưa có vợ, anh không thích trẻ con gọi là chú mà gọi bằng anh. Bảy Kim là xã đội phó đánh giặc rất hăng nhưng chẳng hiểu vì sao Ba không thích. Có lẽ anh hay véo tai bẹo má Ba và các bạn. Trong những lần đi tắm biển, hễ thấy Bảy Kim là bọn trẻ vù chạy. Anh thường đứng tắm cách xa bọn trẻ, biến mất trong những lớp sóng trùng điệp rồi đột nhiên hiện lên bên một đứa trẻ nào đó, kéo chân nó, dìm cho nó uống nước rồi tung nó ra cười hê hê. Ba trả lời cộc lốc: – Mới về. – Mày biết chuyện gì xảy ra trong nhà mày chưa? – Chưa. Tui mới về hồi xế đây mà. Anh ta cười hố hố: – Cái nhà mày có phúc thiệt. Chồng chết, cha bị bắt, vợ ngại ác liệt vào Đà Nẵng làm đĩ . . . hố hố. Anh ta ngúc ngoắc đầu rồi kéo chị Soan về phía rừng dương liễu. Ba muốn chạy theo hỏi cho rõ sự việc nhưng có cái gì níu chân Ba lại, chôn chặt xuống cát. Cái giọng cười nói sống sượng của anh Bảy Kim làm Ba vừa buồn tức vừa xấu hổ. Cách đây sáu tháng, vào một ngày mưa cuối năm 1968, cha Ba, xã đội trưởng nổi tiếng của xã này đã hy sinh. Trong nhà Ba mọi việc lâu nay ngỡ êm xuôi bỗng xáo trộn lên. Hình như lúc vui sướng, mọi điều thường đến từ từ, lúc đau khổ, mọi lo toan, phiền muộn lại ập đến một lúc. Mẹ Ba ủ rũ, khóc suốt ngày. Đột nhiên, mẹ cấm Ba không được ở trong tổ du kích thiếu niên tham gia đánh giặc với các bạn nữa. Mẹ nói với Ba: “Con ạ, cái nòi chơi với lửa, có ngày cũng bị lửa thiêu. Mẹ có mình con làm giống, con cứ ở nhà, không đánh chác gì nữa”. Mẹ gặp chú Năm Hà, Bí thư xã, chị Bảy phụ trách Đội, xin đừng cho Ba làm những công việc “nguy hiểm” nữa. Mẹ bàn với ông nội gửi Ba ra Đà Nẵng cho yên. Nhưng ông bảo: – Tụi nhỏ ở đây chết hết hay sao mà mày lo quíu vậy mày? Mẹ nói dịu ngọt: – Nhà người ta có nhiều con cái nối dòng nối giống, còn cha, cha chỉ có một đứa cháu đích tôn đó, cha nghĩ coi. – Kệ nó, tao không muốn nó là đứa hèn nhát. Mẹ khóc. Ông nội cầm gậy vừa chọc bình bịch xuống đất, vừa hát: Người nào quẹo quẳng Đứa nào quẹo quẳng Họ chẳng ưa đâu Hát xong, ông nội gọi Ba: – Ba đâu, ra đây, nhìn vô mắt ông đây coi thử mày là đứa được hay đứa nhát. Ba vừa bước ra với ông, vừa nhìn mẹ đang khóc, lúng túng không biết làm sao. Một hôm, ông nội đi ăn giỗ ở Hội An, Ba cùng các bạn đi gài mìn về nhà thì thấy một chú lạ mặt đang ngồi uống nước với mẹ. Mẹ chỉ Ba nói với chú: – Con tôi đây anh Đức ạ – Rồi mẹ quay sang phía Ba – Chào chú đi con. Người kia mỉm cười: – Nghe nói cháu muốn đi bộ đội lắm phải không? – Dạ muốn. Cháu thích lắm. Nhưng sợ mẹ cháu không ưng – Thấy mẹ cười, Ba tiếp – Sợ Đội không đồng ý. – Được mẹ cháu sẽ cho cháu đi. Còn Đội chú sẽ bàn với các anh các chị. Chú cần một người như cháu. Ba mừng rơn. Điều mơ ước lâu nay của Ba là được đi bộ đội đánh Mỹ để trả thù cho cha nay đã thành sự thật. Ba nhảy vọt ra cửa, phóng lên cồn Quy, băng vào xóm để tìm bạn. Ngay lúc ấy, trước mắt Ba, bỗng hiện lên một cậu bé cũng giống như Ba, nhưng oai vệ hơn, mặc quần áo quân giải phóng, đội mũ tai bèo, nằm dưới một hầm cát, vụt đứng dậy chĩa B.41 vào một chiếc xe tăng địch, chiếc xe cháy bừng bừng. Chị phụ trách đã từng kể cho Ba nghe về anh Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Sau này người ta sẽ kể cho bọn trẻ rằng: Ngày xửa ngày xưa có một cậu bé tên là… Bây giờ, trở về đây, việc anh Bảy Kim vừa nói như cái tát vào mặt Ba. Có phải trước đây mẹ lừa mình lên căn cứ để mẹ tự do vào Đà Nẵng sống sung sướng không? Câu hỏi ấy cứ xoáy vào lòng Ba đau nhói. Ba đứng lặng, nước mắt ứa ra. Có tiếng bước chân ai sào sạo trên cát. Ba ngẩng lên, thấy một đứa bé thấp lũn cũn, mái đầu húi cua, đang vác một khẩu súng dài quá người. Trời ơi, thằng Tượng. Nó dừng lại bên Ba hỏi: – Anh về hồi nào? Sao lại đứng buồn vậy? – Tao mới về. Không gặp ai, tao chán quá. – Về công tác à? – Tao về ở luôn với tụi bay đây. Tượng nhìn Ba chăm chăm rồi nói nho nhỏ, vẻ ái ngại: – Em vừa ăn cắp của tụi Mỹ được cây súng. Bây giờ em đem tặng du kích đây – Nó nhìn Ba nói tiếp – Còn anh, giờ anh đi đâu? Có đi họp thì theo em, em chỉ chỗ cho. Tối nay, các anh các chị thiếu niên họp ở làng đó. Anh đến đấy mặc sức mà vui. (1) Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân. 2 Đ ội thiếu niên họp trong một cái đình ở giữa xã, núp dưới bóng mát của những cây mù u. Ngày xưa, đây là nơi thờ cúng thâm nghiêm của bà con. Bây giờ, đại bác Mỹ bắn sụp một mái. Ngói vỡ nát bay tứ tung. Quanh tường, rêu đã mọc lên một lớp dày. Lũ trẻ con qua đây thường dùng tay nạy rêu ném nhau tạo trên tường những mảng loang lổ. Hôm nay, Đội thiếu niên họp để kiểm điểm công việc trong tuần và bàn nhiệm vụ mới. Ba bước vào đình giữa lúc các bạn đang tranh luận về một trận đánh nào đó của Đội. Chợt một đứa trẻ tóc bù xù, mặt mày đỏ lưởng hẳn vì cãi nhau ngẩng lên nói: – A, đồng chí Ba đã về. Đồng chí trả tôi ba quả US (1) nghe. Một cậu bé khoảng mười bốn tuổi, người dong dỏng cao, có mái tóc cúp cua đang ngồi ở góc đình với chị Bảy phụ trách Đội, quay lại hỏi: – Đồng chí Ba đi với chú Chín về công tác đó hử? Ba nói nửa đùa nửa thật: – Báo cáo đồng chí Thấn đội trưởng, tôi đi có một mình. Tôi về xã công tác luôn đây. Thấn nhìn Ba chằm chằm: – Giấy giới thiệu của đồng chí đâu? – Không có giấy tờ gì hết. Tôi về công tác với các đồng chí mà, cần gì giấy tờ. Thấn tái mặt đi một lúc rồi nói: – Không có giấy tờ gì tức là đồng chí trốn về. Thay mặt Đội, tôi xin tuyên bố đồng chí không được họp. Những tiếng cười, tiếng ồn ào rộ lên: – Nó ngại gian khổ ác liệt, chạy về chiêu hồi như mẹ nó đó. – Nghe nói ở vùng ranh dạo này bị địch ràng (2), các cơ quan không mang gạo lên căn cứ được, nó đói, nó về kiếm bụng cơm đó. Chị Bảy có dáng cao to nhưng nước da xanh bủng, vốn là một trong những đội viên đầu tiên của Đội, bây giờ là cán bộ phụ trách, vỗ tay đốp đốp ra hiệu im lặng. Ba nhìn chăm chăm vào miệng chị Bảy. Bao giờ, trước khi vào cuộc họp, chị Bảy cũng nhắc đến truyền thống Đội. Theo chị, Đội thiếu niên xã này được hình thành từ những ngày trước đồng khởi. Hồi đó nhiều cán bộ tham gia kháng chiến chống Pháp bị Mỹ Diệm bắt tù hoặc giết. Nhưng xã này có truyền thống đánh Pháp, lại là cửa ngõ Đà Nẵng, nên gây dựng được cơ sở ở đây thì ta mới có điều kiện để mở rộng phong trào ra cả vùng Đông. Những đồng chí còn sống sót, quyết tâm về bám lại xã. Họ được bà con nuôi giấu ngay trong nhà mình. Con cái của họ, những em trạc tuổi các em bây giờ đã dò la tin tức của địch, canh gác hoặc lo cơm nước cho các chú. Tới ngày đồng khởi, Đội ra công khai, gồm mười bảy em. Sau đó, Đội kết nạp thêm đến hàng trăm em. Các em lớn lên tham gia du kích, đi thoát ly hoặc hy sinh. Lớp sau lại thay thế. Nhưng hôm nay, chị Bảy không nhắc truyền thống Đội. Chị chỉ ngồi im, mắt đỏ hoe. Một lát sau, chị mới nói: – Các em! Hôm nay là bữa họp cuối cùng của chị với các em. Chị bị đau gan nặng nên ở trên cho ra Bắc chữa bệnh. Cấp ủy sẽ cử người thay chị phụ trách các em. Trong khi chưa có ai, chú Năm Hà, Bí thư xã sẽ giúp đỡ cho Đội. Đội ta đã trưởng thành rồi. Các em làm công tác Đội đã quen. Chị rất tin tưởng các em. Chị đi, sẽ cố gắng chữa bệnh cho mau lành để về với các em. Mong các em cố gắng. Bây giờ, chị nói điều này: Chúng ta sẽ tìm hiểu việc bạn Ba sau. Bạn Ba là một đội viên tốt trước đây. Ba xa chúng ta một thời gian. Giờ về không có giấy sinh hoạt, ta cho Ba dự thính. Chúng ta báo cáo xong công việc, sẽ bàn việc này, có khi phải hỏi ý kiến chi ủy nữa. Các em đồng ý không? – Đồng ý, nhưng bao giờ chị đi? – Mấy bữa nữa. – Đừng đi chị à. – Chị cũng không muốn đi, nhưng các anh ép mãi. Chữa xong bệnh, chị về làm việc với các em tốt hơn. Cả Đội im lặng. Mấy bạn gái thút thít khóc. Thấn nói, giọng cảm động: – Sao chị không nói trước cho chúng em tổ chức liên hoan – Thấn nhìn các bạn – Hay mai ta liên hoan nhé, các bạn? – Thôi, chị ra Bắc hẳn sướng hơn các em nhiều. Thành tích của các em làm cho chị vui rồi. Chị chữa bệnh xong, thế nào cũng xin được gặp Bác Hồ, báo cáo với Bác về thành tích của Đội ta. Tất cả bỗng rộn lên: – Chị ra chị báo cáo với Bác rằng em nhớ Bác lắm. Em có xem ảnh Bác trong tờ tín phiếu (3) của bà em một lần. Bác có chòm râu trắng nè, có mắt sáng nè. – Chị nói tụi em đánh Mỹ còn ít lắm. Bác đừng buồn nhen. Chúng em sẽ cố hơn nữa. – Chị nói thiếu nhi xã mình thương Bác nhất nước. Thống nhất Bác vô xã mình trước tiên nghe. – Nếu chị chưa biết nhà Bác, thì chị đến chỗ ba em, nói ba em dẫn chị đi - Thấn góp thêm vì có một lần cha Thấn viết thư về bảo ông đã được gặp Bác. Cả Đội ồn ào rồi im lặng. Có một cái gì đó đang đến, lắng- sâu vào lòng từng em. Một lát sau, chị Bảy nói: – Chị sẽ báo cáo với Bác tất cả. Bây giờ các em báo cáo công tác đi. Tất cả vẫn ngồi im. Một chặp sau thì thằng Mười, một thằng bé khoảng mười hai tuổi, có cái đầu tròn vo như hòn bi, giơ tay lên: – Hôm nay tôi ăn cắp được một khẩu ARI5 của Mỹ, có mang nộp đây. Hết. – Không nên nói là ăn cắp, mà phải gọi là thu chiến lợi phẩm chớ – Con Hoa trạc tuổi Mười, mặc áo hồng, chữa lại. Một thằng bé to ngang, giọng mới vỡ nói ồ ồ: – Tổ tôi có nhiệm vụ diệt thằng Đáng. Nhưng vì tôi hồi hộp quá, để dây cháy chậm hơi dài, nên xe nó qua, mìn mới nổ. Nó còn sống nhăn răng. Tôi xin nhận phiết điểm. Tôi làm lần khác. – Đến ơi, về chơi trò vọc đất với con Xoài em mày cho rồi, đánh với chác – Mười lên giọng chế giễu. Thằng Đến quát: – Mày giỏi lắm hở Mười? Bữa nay mới lấy được có một khẩu súng mà mày đã làm tàng rồi. – Tao không giỏi nhưng cũng chẳng thua mày. – Tại sao bữa trước, mày đứng gác cho tụi tao đặt mìn vô đầu máy ô tô thằng Mỹ, nghe xe khác rồ rồ mày bỏ chạy? – Mày ngu quá, tao đi kêu tụi nó đem mìn đến đánh tiếp mấy xe kia chớ bộ. Chị Bảy lại vỗ tay đốp đốp: – Thiếu niên yên… – Lặng. Trong một phút, cả Đội bỗng im bặt. Nghe rõ tiếng pháo địch từ hạm tàu ngoài biển bắn lên căn cứ của ta. Những loạt cối của bọn Mỹ đóng trong xã cũng đột ngột nổ “oạch oành” như đang giật mình. Chị Bảy nói: – Các em ạ, bữa nay các em hơi ồn hơn mọi hôm đó. Các em phải chú ý cảnh giác vì đồn địch ở gần ta, bọn điệp lại hay trà trộn trong dân. Bây giờ đã khuya rồi, theo chị, các em sẽ báo cáo cho Thấn ghi vô sổ truyền thống của Đội ta sau. Chị chỉ dặn thêm thế này: các anh ở trên bảo sắp tới sẽ căng hơn trước nay nhiều. Địch nó làm dữ đấy. Mà mình thì nhất định không chịu thua nó. Chúng ta phải cố gắng hơn để giúp đỡ các anh cán bộ, du kích. Các em ạ, các anh lớn vẫn bảo, trong gian khổ ác liệt, con người mới thể hiện hết phẩm chất cao quý hay sự hèn kém của mình. Các em nhớ nghe. Các em ngồi im. Thật ra, các em chưa hiểu hết “Phẩm chất” là gì. Chỉ biết mình làm theo cái tốt cái hay, bỏ đi cái xấu. Thằng Đến giơ tay: – Thi đua với bạn Mai Thị Rân, đội viên cũ của Đội ta, giờ công tác ở an ninh quận, vừa diệt một thằng cảnh sát loại bự, lần sau tôi sẽ diệt được tên Đáng. Giờ đây, trong cái đêm hè nóng nực của năm 1969 này, Đến và các bạn chưa thể biết trước được rằng, người bạn mà Đến vừa hứa sẽ thi đua, người đã cùng sinh hoạt Đội, cùng công tác với các em, sau ngày miền Nam giải phóng đã được Đảng và Chính phủ tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng công an nhân dân. Nhiều tiếng xì xào: – Có làm được hay không thì nói. Kẻo lại đổ cho dây cháy chậm nữa đấy. – Được – Đến cất giọng ồ ồ nói-Không được tôi đứt đầu. Thằng Mười ngọ nguậy cái đầu tròn như hòn bi ngó xung quanh rồi nói: – Tôi xin diệt một con chó. Con Hoa mặc áo hồng lại “xì” vào tai nó: – Diệt chó mà cũng nói. Mười đỏ mặt: – Chó là địch, không biết mà cứ xì xì. – Tôi sẽ diệt được năm tên Mỹ. – Tôi sẽ mót được năm giạ lúa. Thằng Thấn ngồi trước bàn, cúi sát bên ngọn đèn ghi chép, ngẩng lên nói: – Nói từ từ cho người ta ghi chớ.Làm gì mà gào dữ vậy. Gào lắm rồi làm không được cho coi. Một lát sau, việc thách thức thi đua coi như đã xong. Thấn gập sổ lại, nhìn về phía Ba. Từ nãy giờ, Ba vẫn ngồi im lặng. Ba thấy từ khi mình lên căn cứ đến giờ, ở nhà, các bạn làm được nhiều việc quá Còn mình thì chẳng làm được gì cả. Ba vừa mừng vừa ghen với thành tích của các bạn. Ba cảm thấy mình bỗng dưng xa lạ, vô tích sự trong cuộc họp. Đôi lúc, nghe các bạn đùa vui Ba cũng mỉm cười, nhưng chợt nhớ mình có quyền gì vui hay buồn trong đó, Ba bỗng mím môi lại, ngồi sâu vào góc tối. – Bây giờ – Thấn nói – chúng ta quyết nghị việc đồng chí Ba. Đồng chí Ba báo cáo đi, vì sao đồng chí về? Ba ấp úng: – Tôi lên căn cứ… lúc đầu làm giao liên… sau phục vụ chú Chín. Tôi ớn việc bưng cơm bưng nước quá trời. Tôi xin về công tác với Đội thôi. – Đồng chí xin về hay tự ý về? – Tôi trốn . – Có phải đồng chí ngại gian khổ ác liệt ở căn cứ không? – Không. – Có phải đồng chí về để đi chiêu hồi không? – Nói bậy – Ba cáu tiết. Một giọng con gái thanh thanh cất lên: – Đồng chí ấy ngại gian khổ nên bỏ về đấy. – Ai bảo – Ba gằn giọng – ai bảo thế hử đồng chí Một? – Tôi đi trực, tôi nghe các chị ở huyện nói. – Nói láo – Ba nổi khùng lên – Tôi thích về là tôi về đấy, làm gì tôi. Cả Đội lại ồn ào: – Con Xuân làm giao liên cho an ninh quận cũng bỏ về, bảo xin tham gia công tác Đội như mày. Thế mà mới nghe bọn ác ôn hăm he đã cúp đuôi chạy vô Đà Nẵng rồi đấy. – Tôi đề nghị khai trừ con Xuân. Nghe người ta nói bây giờ nó ăn mặc sang lắm:Đi guốc cao gót nè, má phấn môi son nè. Đồng chí Ba có ngày cũng… cũng thế cho coi. Ba nói như hét: – Xuân nào kệ nó, tôi không biết? Tôi mà thế à? Thằng Đến nói bên tai Ba: – Con này mày không biết đâu. Nó người xã mình nhưng gia đình sang ở Bình Dương. Nó vô Đội bên đó, đi giao liên từ bên đó. Gia đình về đây nó cũng về đây xin vô sinh hoạt Đội ta, có giấy giới thiệu hẳn hoi. Thế rồi nó đi. Mày lên núi rồi làm sao mày biết nó được. – Tại sao bay coi tao giống như nó- Ba nói bực tức. Chị Bảy góp ý: – Theo chị, em Ba nói như thế, ta sẽ xét sau. Chúng ta hãy nhìn đồng chí trong công việc sau này. Đừng đánh giá bạn như vậy… Cả Xuân cũng vậy. Thôi… sau này các em sẽ hiểu. Thấn chặc lưỡi một cái rồi nói: – Thôi được, như chị Bảy nói, lúc này phức tạp. Nếu đồng chí Ba xét mình về có ý tốt (dù bỏ trốn là sai) thì tạm được. Còn đúng như lời đồng chí Một nói thì đồng chí Ba coi lại. Nếu như thế thì đồng chí đã sa sút phẩm chất người đội viên rồi đấy. Ba cảm thấy buồn giận đến cực độ. Ở căn cứ Ba nhớ các bạn, muốn về với các bạn. Về đây, các bạn lại bảo mình sa sút phẩm chất, ngại gian khổ ác liệt. Muốn đi bộ đội cũng không thành.Muốn được gặp lại bạn bè vui vẻ kể chuyện cho nhau nghe cũng không thành. Sao cái gì cũng không như mình mơ ước thế nhỉ, buồn thật. Giá như lớn hơn, Ba sẽ hiểu rằng, trong cuộc đời, không phải cái gì mình mơ ước cũng có được. Phải phấn đấu không ngừng. Nhưng giờ đây, Ba của tôi còn bé quá, chưa hiểu hết đâu. Cậu ta chỉ đỏ mặt, làu bàu tức giận rồi chạy vù ra khỏi cuộc họp. (1) Lựu đạn Mỹ (2) Bao vây, ngăn chặn (3) Một thứ giấy thay giấy bạc ở khu Năm hồi kháng chiến chống Pháp. 3 B a chạy theo con đường làng rồi băng tắt lên mặt cồn Quy để về nhà mình. Nhưng đến giữa cồn thì Ba dừng lại cởi áo, ngồi bệt xuống cát. Một lúc sau, Ba nằm xoài ra, lăn luôn mấy vòng trên cát. Tính Ba vẫn thế. Khi nào vui quá hay buồn quá mà không ghìm lại được Ba hay lăn trên cát mấy vòng cho nó quên đi để sau đó trở lại bình thường. Nhưng lần này lăn mãi mà Ba vẫn thấy tức. Ba ngồi dậy, vốc từng nắm cát ném rào rào xung quanh như ném một kẻ thù vô hình nào đó. Ba thấy tủi thân quá. Ba thật đơn độc. Mẹ đã bỏ nhà vào thành phố, ông nội bị bắt, bây giờ bạn bè nghi hoặc. Giá như hồi đó cứ nghe theo chị Bốn ở quách căn cứ cho xong. Ba chống tay dậy, bất giác nhìn lên đồn Mỹ ở cồn Kinh. Một ý nghĩ lướt thật nhanh qua đầu Ba. Hay bây giờ mình độn thổ như cha, lên đó nổ súng, ném lựu đạn vào bọn Mỹ cho thằng Thấn, con Một biết tay? Tụi nó cứ nói như thánh tướng. Nhưng Ba không có súng, mà cũng chẳng có một quả lựu đạn nào. Ba chỉ có… đói sau hai ngay ăn xin lũ trẻ chăn bò, chăn vịt Ba gặp dọc đường. Ba chạy ra mép cồn rồi choài người cho cát trôi xuống chân cồn. Khi phủi cát đứng dậy, Ba bỗng sững sờ: Nhà mình có ánh đèn. Ông nội hay mẹ? Ba bước về phía sân.Trước mắt Ba, ngay bậu cửa, một dáng người cao to đang đứng nhìn trời. Ông nội rồi! Ba bỗng dưng thấy chân mình run run. Ngay hồi nhỏ, Ba đã nghe người ta kể về ông nội . Hồi chín năm, một lần, có mấy thằng Tây đen vào cướp gà, ông đã dùng dao đuổi chém. Hòa bình lập lại, bọn Diệm bắt ông ở tù, tra khảo, ông chỉ ngồi im như một tảng đá. Đánh chán, chúng thả ông về. Thế rồi, tự dưng đang ở giữa làng, ông dời ra cất một ngôi nhà riêng lẻ ở dưới chân cồn Quy sát cánh đồng này. Ai nhìn dáng người to lớn, lặng im, bước đi lù lù của ông cũng thấy ngại. Bọn Hội đồng xã cũng gờm ông lắm. Có người bảo rằng, ông bị đánh quá hóa rồ. Có tin rằng nhà ông có chứa Việt Cộng nên ông đóng kịch như thế để che giấu. Chẳng ai biết rõ. Mọi người chỉ biết rằng suốt ngày, ông ngồi im ngó vào bàn thờ. Thỉnh thoảng, ông sai mẹ Ba đi mua rượu. Ông uống xong, dậm chân bịch bịch xuống đất, hát bâng quơ: Người nào quẹo quẳng ẳ Kẻ nào quẹo quẳng Họ chẳng ưa đâu Từ ngày đồng khởi, người ta thấy ông khác hẳn. Ông vui vẻ, dễ mến hơn. Ông nuôi giấu cán bộ, bày vẽ bà con đấu tranh với địch. Các chú các anh cán bộ, du kích hay đến nhà ông nói chuyện, nghe ông khuyên bảo. – Đứa nào lấp ló ngoài ngõ đó? – Ông đột ngột quay về phía Ba. – Dạ, con, Ba đây ông à. – Ủa, mày về lúc nào? Về có việc chi? Ba bước lại gần nói ấp úng: – Dạ, con trốn về. Ông kéo Ba vào nhà, hỏi giật giọng: – Cớ chi, sao lại trốn? – Con không thích ở trên ấy nữa. – Mày ngán căn cứ gian khổ mày về hả. – Ông cứ nói như tụi thiếu nhi – Ba trách móc rồi tiếp – Ở trên đó khổ thiệt đấy. Bọn Mỹ đánh phá dữ quá. Cứ xài B.52 đều đều. Đêm đâu được ngủ chỗ thoáng, cứ phải chui vô hang đá, thở ngợp bắt chết. Còn ăn thì khỏi phải nói. Toàn là cây dớn. Ông biết cây dớn không? Nó gần giống cây dừa đây nè. Muốn ăn, mình chặt nó xuống vạc vỏ ngoài. Bên trong nó có thân mềm mềm như cây đu đủ. Mình phảỉ dùng vỏ đồ hộp bào ra, nấu lên. Ăn nó nhớt nhớt, bụng cứ sôi ùng ục như nồi cám heo. Bữa nào được củ sắn là thích lắm. Còn gạo thì nghe nhắc đến nước miếng đã ứa ra rồi. Ai đau mới có cháo gạo. Bọn địch bịt vùng ranh không cho gạo muối lên. Khổ vậy đó. Nhưng không phải vì vậy mà con về đâu. Ông nhìn Ba chăm chăm: – Thế thì tại sao mày về, mày làm ăn không ra sao họ đuổi cổ phải không? – Sao lại không ra sao – Ba tự ái kêu lên – Con mà làm ăn không ra sao. Mới lên ngày đầu, ngày thứ hai mấy ổng phân đi trực thay cho một anh nào đó bỏ cơ quan đi chiêu hồi, con làm rót rót liền. Nhưng con đâu thích làm giao liên. Ở đây bảo con lên đi bộ đội, lên đó các chú lại phân làm giao liên. Con bực quá nói với chú Chín, Bí thư Huyện ủy: – Chú, sao bữa trước chú Đức hứa cho cháu đi bộ đội giờ lại làm giao liên. – Đi giao liên cũng là làm cách mạng đó chớ cháu, cố gắng làm rồi chú cho đi bộ đội. Nghe chú, con cố làm. Thế mới khổ cho con. Chú Chín thấy con làm được việc, ưng ý, mới chuyển con sang phục vụ cho chú. Thôi thì suốt ngày cứ lo lấy nước, bưng cơm. Con chán quá, con muốn làm dở cho chú chuyển sang việc khác, nhưng không biết làm sao. Một hôm, con đi hái rau rừng thì gặp một anh bộ đội trẻ măng. Con kể chuyện cho ảnh nghe, ảnh cười nói: – Em cũng giống như anh đó. Trước đây anh làm công vụ cho ông phó ban Kinh tài. Anh muốn đi bộ đội quá. Chẳng biết làm sao. Có lần, anh tự động lấy sữa bồi dưỡng của ổng ra ăn. Ổng chuyển ngay… Thế là “hấp”, anh được sang bộ đội. Em về em làm thử. Con không biết là anh này nói giỡn hay thiệt, con về con làm luôn. Bữa đó, chú Chín đi vắng, thấy có hộp sữa ở bàn chú, con khui ra con mút. Bất ngờ, chú về. Con mắc cỡ quá, không biết giấu cái mặt chỗ nào. Ngỡ chú dậm chân kêu trời, ai ngờ chú cười bảo: – Cháu có mệt thì pha sữa uống đi. Hộp sữa này “kinh tài” bồi dưỡng cho chú. Chú thấy cháu sốt, chú định bảo cháu pha uống mà vội đi họp nên quên đó. Chết rồi, ổng làm “chính trị” chắc? Con xoay sang hướng khác. Một bữa bưng cơm, con giả bộ vấp đá, ngã chổng kềnh. Nghe con ngã, chú Chín đang làm việc bỏ bút chạy ra đỡ con dậy: – Cháu nhớ đấy, hòn đá chỗ này dễ vấp lắm, chú bị mấy lần trầy đầu gối rồi đó. Thế này thì chẳng biết làm sao nữa. Con đem chuyện này bàn với chị Bốn cấp dưỡng. Chị thân với con nhất cơ quan đó. Nghe nói chị học giỏi lắm, lớp mười hai rồi. Chị đang học ở Đà Nẵng thì nhà chị trong Điện Bàn bị máy bay B.52 ném bom. Cha, mẹ, các em chị đang ngủ nên chết hết. Chị bỏ học, nhảy lên căn cứ. Con nói: – Chị ơi, em ớn việc này quá, em muốn đi bộ đội lắm. – Hiện nay, bộ đội cũng gặp khó khăn. Họ không nhận con nít đâu. Em thấy không? Các anh bộ đội không có gì chỉ ăn toàn hạt gắm thôi. – Thì em về, em làm du kích xã. – Ý em tốt đó. Nhưng giữa lúc gian khổ, ác liệt, cơ quan có người chiêu hồi, em về, em có sợ bạn bè nghĩ sai không? – Bạn bè em thích em về lắm. Hồi ở dưới em đánh giặc cũng chì một cây (1) đấy. Chị Bốn cười cười: – Chị nói thiệt nè, ở đây chị em thương nhau, em về chị nhớ quá, chị giữ đấy. Với lại, chuyện này quan trọng hơn: chị nghe các chú nói họ giữ em ở tạm đây để cho đi Bắc học hành. Một hôm, con đi hái rau về. Chị Bốn bảo con bưng cơm lên cho chú Chín. Bữa nay, mâm cơm sang quá. Có thịt hộp, mì chay ông Phật. Lạ nữa, là có thêm hai cái chén, hai đôi đũa. Con lên tới nơi, thì thấy có hai ông khách đang nói chuyện với chú Chín. Chú Chín quay lại chỉ con nói với bác già già, đeo kính trắng: – Anh Ba nè, thằng nhỏ con anh Bốn Thổ đấy. Bác kia vẫy con lại, xoa đầu nói: – Nay tình hình căng, địch nó phá đường giao liên quá. Ráng ít nữa, bác cho cháu đi miền Bắc học nghe. Con lắc đầu: – Con hổng muốn. Con thích đi bộ đội à. Cả ba người cười hà hà. Con mắc cỡ quá, chạy vụt ra cửa hang. Chính lúc ấy con thấy có một chiếc OV1O nghiêng xuống bắn một phát rốc két bên kia sông. Máy bay đi, con chạy ra hướng ấy. Trời ơi, trước mắt con, chị Bốn đang nằm, máu đỏ cả người, tay còn cầm một mụn măng cũng thấm máu . . . Ông nội nhíu lông mày, vẻ đăm chiêu. Lát sau ông nói: – Thôi mày về cũng được. Nhưng phải nhớ điều này: Cái con người được hay không là ở cái phẩm giá đó. Bây giờ ác liệt hơn hồi mày ở dưới này nhiều. Mày phải ráng mới được. Lơ mơ, chập chờn, nay thế này, mai thế nọ là không được. Ba cãi: – Kìa, con về chiến đấu chớ có đi chiêu hồi đâu mà ông nói. – Thì tao dặn vậy – ông phẩy tay – tao tin mày, không tin con cháu thì tin ai. Thôi xáp vô , anh Hai, lơ mơ là tao tiện cổ, không còn cái đội mũ đó. Ba cười hì hì: – Ông mất cái đội mũ thì có, con không sợ . Ông lừ mắt: – Cái thằng hỗn, ăn nói không biết thấp biết cao gì hết. Ba im lặng, len lét nhìn ông. Ba ngỡ ông vui nên đùa quá trớn. Ba sợ ông mắng. Nhưng lần này, ông chỉ bảo thế rồi bỏ qua. Ông nói như đang theo ý nghĩ của mình: – Chiều nay tao gặp thằng Đản làm an ninh quận Ba của ta. Có lần nó đau nó ở trong nhà mình. Tao lo cơm cháo, thuốc thang cho nó. Thế mà, nó đi chiêu hồi. Nó tra tao, bảo tao là Cộng sản. Tao nói: “Tui chẳng có làm gì cho Cộng sản cả”. Nó bảo: “Có chớ sao không. Hồi tôi còn đồng chí với các ông, tôi đau ông chẳng mua sữa cho tôi ăn, mua thuốc cho tôi uống à”. Tao tức quá, không nghĩ trước sau, bất chấp bọn cảnh sát, đứng dậy nhổ toẹt bãi nước miếng vào mặt nó. – Nhổ nước miếng – Ba reo lên – trúng y sì vô mặt nó chớ? – Trúng y sì, đồ vô ơn bạc nghĩa! Ba cười ồ lên rồi im bặt. Một cái gì đó bỗng nhói lên trong tim Ba, mỗi lúc một đau. Lát sau, Ba mới dám hỏi ông điều đang dằn vặt mình: – Nội ơi, tụi nó nói mẹ ngại ác liệt chạy ra Đà Nẵng theo Mỹ phải không nội? – Ai nói? – Anh Bảy Kim, tụi thiếu nhi. Ông nội ngồi im một lúc rồi nói: – Đời nhiều chuyện lắm. Sau này cháu sẽ hiểu. Ông nói xong lại ngồi im như một tảng đá, Ba không dám hỏi thêm điều gì nữa. (1) Ý nói gan góc 4 C ứ tưởng sau khi trình bày mọi chuyện với chú Năm Hà, Bí thư xã, thế nào Ba cũng được nhận vào đội du kích mật. Ai ngờ, sáng nay, thằng Thấn phân công Ba đi gác. Việc này đâu có gì nặng, chỉ đứng ở đầu các đường rẽ ngõ xóm vừa giả bộ chơi, vừa quan sát tình hình, nếu cần, đưa một cán bộ đi hợp pháp từ thôn này sang thôn khác. Nhưng phân Ba đi gác, Ba bực lắm. Từ lâu việc này giao cho bọn nhi đồng, đâu có đến loại Ba. Ba chẳng thể nào vừa chơi vừa báo tín hiệu gà bươi (ngụy vào) heo sổng (Mỹ ra khỏi đồn) của chúng. Đành rằng, ở xã này, bọn Mỹ đóng ở núi Non Nước, ở cồn Du, cồn Kinh, bọn ngụy đóng dọc đường tỉnh lộ, bọn điệp như rươi nên gác rất quan trọng. Nhưng sao lại là Ba? Hồi sáng thấy bọn thằng Đến, thằng Mười cưỡi bò cùng thằng Thấn ra sân bay Nước Mặn gỡ mìn clay-mo về diệt địch, Ba chạy theo. Chúng nó hết giơ roi bò ngoắt ngoắt lại đưa tay cười mũi. Ba tức quá, ném luôn một vốc cát làm chúng cười rộ lên, chọc tức thêm. Chẳng lẽ lại nhập với tổ con Hoa đi tăng gia gây quỹ Đội. Không chơi với bọn con gái. Ba đành quay về chỗ gác quy định cho mình. Tức ói máu, không thể chịu được. Ba đây cũng nhiều cái đáng tự hào lắm chứ. Nếu bây giờ có ai hỏi Ba: “Đồng chí làm cách mạng từ lúc nào?” Ba sẽ ngẩng cao mặt lên mà đáp: “Tôi ấy à, tôi làm cách mạng từ lúc đứng chưa bằng chiếc cán cuốc”. Người kia ngạc nhiên: “Thế là sao kia?” Ba sẽ cười phá lên: “Có gì mà cứ mở mắt trao tráo lên thế? Tôi làm cách mạng từ hồi tám tuổi, nghe rõ chưa?”. Ấy là Ba nói thật đó. Cha Ba, một người cao lớn, dáng chắc nịch, vốn là xã đội trưởng của xã này. Anh tên thực là Nổi, thứ bốn, Bốn Nổi, nhưng ai cũng gọi là Bốn Thổ. Nói trắng ra, anh đánh độn thổ rất tài. Người ta đồn rằng, có một lần, giữa ban ngày, anh mang áo tơi điệp màu cát trườn từ dưới chân lên đến đỉnh cồn Kinh, nơi có đồn Mỹ đóng. Vụt một cái anh xả súng vào bọn Mỹ đang ngủ trưa, làm chúng chết như rạ. Vụt cái nữa, anh biết mất. Một lần khác, bọn ác ôn đang nhậu nhẹt ở nhà hội đồng xã. Bữa tiệc linh đình. Tự nhiên, tên Đùng xã trưởng trố mắt ra, ớ lên, rồi cả bọn ớ lên. Cái bàn tiệc chao chao, chai cốc rơi loảng xoảng. Từ dưới gầm bàn, Bốn Thổ mặc quần áo rằn ri, đứng dậy, cắp AK quét một loạt. Giữa lúc bọn ác ôn, đứa chết đứa bị thương nháo nhác, anh vớ luôn một chai bia cắp vào nách biến mất. Khi bọn còn sống sót la hét chạy ra ngõ thì thấy tên lính gác bị vỡ sọ, cạnh đó là những mảnh vỏ chai. Ba, cậu con trai duy nhất, được anh chú ý. Anh thường bảo con: “Tao vốn là bộ đội hồi chín năm. Tao bị đau nên không đi tập kết được. Nếu ra Bắc tao cũng làm tới đại tá.” Thế rồi, anh muốn dạy con nối nghiệp anh. Một hôm, anh ngồi dưới gốc một cây dương, mắt ngó lên cồn Kinh, vẫy Ba đang chơi phía ngõ đến bảo: – Mày thấy hai thằng Mỹ đang ngủ gật ở dưới lùm cây kia không? – Thấy. – Tao ưa hai cây ga-răng. Tao lấy thì được ngay. Nhưng tao muốn mày cho biết tài. Ba nhăn nhó: – Con sợ lắm. – Thôi về đi, tao không chơi với bọn nhát. Cậu con trai lên tám tuổi tức khí. Cậu đến bàn với Thấn và Đến rồi ba đứa vừa đuổi nhau, vừa đánh bò cho ăn sát chỗ hai tên Mỹ. Một lúc sau người ta thấy Thấn và Đến gãi lưng cho hai tên Mỹ. Một lúc sau nữa, người ta thấy chúng vừa giụi mắt vừa la “ố là là”. Ba cậu bé đánh bò về phía Bốn Thổ. Ba lấy hai khẩu ga-răng, giấu trong những cuộn rau muống biển đặt trên l ưng bò xuống đ ưa cho cha không nói một lời nào. Ngư ời cha nói: “Đ ược” rồi mang súng đi. Từ đó, bác Hai Đẩu trong làng, vốn hay thơ, thư ờng đọc cho mọi ngư ời nghe: “ Đồng chí cha, đồng chí con Hễ còn Bốn Thổ, giặc còn thua to”. Một lần Bốn Thổ định dẫn mấy anh du kích cải trang bố trí diệt tên Lăng, cảnh sát xã ở gần nhà hội đồng. Ba bảo làm như vậy không được, ở đó khó đánh. Theo ý Ba thì nên bố trí ở quãng đường từ Non Nước đi N ước Mặn, Ba cùng tổ thiếu niên canh gác báo tín hiệu cho. Ông cha không nghe. Ông cùng mấy du kích mò vào gần nhà hội đồng xã, thấy tên Lăng rồi, như ng đông dân xin giấy tờ quá nên đánh không tiện, đành rút lui. Ba phấn khởi lắm. Ăn cơm xong, ngồi ở chõng trước sân, Ba phê bình cha. Ông cha đang bực, quát lên: – Mày dạy khôn tao à? – Đâu có, con thảo luận với cha chứ. Cha Ba, một ng ười có uy tín nh ư vậy còn nghe Ba. Bây giờ Ba lại chịu thua bọn con nít, tức thiệt. Ngồi nghe bọn thằng Tượng đánh đáo mà Ba phát ớn. Ba dựa vào một gốc cây, mơ mơ ngủ. Bỗng có bước chân ai đi bên cạnh. Ba giật mình đánh thót. Tr ước mắt Ba, thằng T ượng đang dẫn một ng ười mặc quần áo nin-phăng xanh, đội nón trắng như bà con trong xã nh ưng dáng lạ hoắc, đi l ướt qua. Tư ợng dừng lại bên Ba nói nghiêm nghị: – Đồng chí Ba gác sao lại ngủ gục? – Im đi, ai đồng chí với mày! – Sai rồi còn nạt ngư ời ta. Tối nay tui báo cáo… Ba làm lành: – Thôi đừng nói gì, tao cho mày mấy đồng xu để đi đánh đáo. – Hứ. Ai thèm! Tư ợng đ ưa ng ười ấy về Cô Sơn. Ba ngỡ tối đó mình sẽ bị phê bình. Nhưng Tượng không nói gì, chỉ gật gật cái đầu húi cua, mắt nhìn Ba chăm chăm như muốn nói: “Anh hãy coi chừng, đừng có lơ mơ mà bắt nọn tui”. Đêm ấy, Ba thao thức. Thì ra, bạn bè không phải ai cũng ghét mình cả. Chỉ tại mình không làm cho họ hiểu thôi. Trong một lúc chợp mắt, Ba thấy ông nội cúi xuống nói vào tai: “Cái chính của con người là cái phẩm giá đó con à, đừng để người ta không tin mình”. Ba quàng dậy thì trời đã sáng. Ở quê Ba, mặt trời đến sớm. Mặt trời nhô lên biển, hồng hào như khuôn mặt một đứa trẻ vừa mới rửa sạch sẽ. Ba chạy ra chỗ hôm qua thì thấy thằng Tượng đã đứng ở điểm gác của nó rồi. Tượng thật vô tư và lanh lẹn. Ba nó đi bộ đội, mẹ nó làm cán bộ tỉnh. Từ nhỏ, nó ở với dì nó là chị Sáu Tròn. Tượng còn nhỏ nhưng biết tận tụy với công việc. Nó canh gác tốt, chơi với Mỹ, lấy súng rất tài. Có lẽ, Ba phải đề nghị kết nạp nó vào Đội. Tượng đang cùng các bạn say mê đánh đáo. Ba định chạy về nhà lấy mấy đồng xu cho nó, thì thấy Tượng đứng nghiêng tai lắng nghe. Một lúc sau, như từ trong tai nó chạy ra, tiếng ô tô ù ù vọng tới. Ngay lúc ấy, Ba nghe Tượng la lớn: – Giơi bay! Bọn ác ôn đến rồi. Chúng đến là có chuyện. Phải báo cho chú Năm Hà biết. Ba vội chạy ra nhà con Hoa. Đến nơi, mới biết các chú đang ở đình làng. Ba vừa tới sân đình thì gặp con Một xách phích nước từ một nhà gần đấy đi lại. Thấy Ba, mặt nó cứ vênh vênh, khinh khỉnh. Có lẽ, nó đi giao liên lên vùng giáp ranh nhiều, nên bắt chước các chị miền Bắc tết tóc đuôi sam, mặc dù tóc nó ngắn cũn cỡn trông đến buồn cười. Nó hất hàm hỏi Ba: – Đồng chí đến đây có việc gì? – Gặp chú Năm – Ba cáu tiết đáp. Nó khoát tay: – Đang họp với huyện, lúc khác. Nó tung tẩy xách phích vào trong đình. Ba nhìn theo thấy ghét lạ. Hồi Ba chưa lên núi, đi họp Đội về, nó sợ ma cứ bám theo Ba như cái đuôi. Bữa nào, họp xong, Ba ra trước, nhìn không thấy, nó cứ: “Anh Ba ơi, anh Ba hỡi”.Vậy mà giờ đây nó có vẻ dóc tợn. Con gái như vậy đó, lòng dạ dễ quên. Ba không thèm chấp. Đợi nó đi khuất, Ba đi theo. Bỗng Ba đứng sững lại. Một giọng nói quen thuộc cất lên. Ba nhòm vào trong đình thì thấy một người cao gầy, mặt xương xương, mặc bộ quân phục may bằng vải nin-phăng xanh đang ngồi chủ trì cuộc họp. Trời, chú Chín rồi. Ba thấy run run. Có lẽ ổng xuống vì chuyện mình chăng. Ba nép mình vào tường. Ba nghe chú Chín nói: – Sau tổng tiến công, bọn địch quay về chiến lược quét và giữ. Chúng ra sức đẩy chủ lực ta trở về rừng núi. Ở đồng bằng, chúng cố tìm cách chống du kích chiến tranh của ta. Chúng thực hiện bình định nông thôn, cày ủi, dồn dân, giành dân với ta. Trên chỉ thị ta phải tích cực chống lại kế hoạch “Bình định cấp tốc” của chúng. Xã ta là xã khá.Vừa qua có bị tổn thất nhưng tui tin mấy ông sẽ… Chú Năm Hà, một người tầm thước, khuôn mặt rám nắng, có dáng ngồi hơi khòm, cất giọng trầm trầm: – Báo cáo anh Chín, chúng tôi vừa qua tổn thất nặng quá. Bây giờ, cán bộ du kích cả xã còn không đầy một chục. Xin các anh bổ sung cho một số bộ đội huyện… Chú Chín cười khà khà: – Trời ơi, xã nào cũng đòi bổ sung. Đào đâu ra người nữa mấy ông. Quá bộ tôi là Tề Thiên Đại Thánh, tôi bứt lông chân biến thành ngàn người cho các ông thì khỏi phải nói – Chú lại cười khà khà – Các ông ơi, các ông lo tính lực lượng tại chỗ đi. Các ông cố gắng vận động bà con quyết tâm trụ bám lại xã. Trong cán bộ ta, ai có người nhà ra thị trấn, thành phố làm ăn thì cố mà gọi về. Rồi thì từ đó mà có lực lượng thôi. – Nhưng lấy người đâu chiến đấu bây giờ? – Trời, ông biểu tôi chỉ nữa. Xã ông có truyền thống đàn bà với thiếu nhi, ông bỏ đâu? Chú Năm cũng cười, nhưng nín bặt ngay: – Nhưng đó đâu phải tay súng. Các em lâu nay làm được nhiều việc, nhưng là làm hợp pháp. Sắp tới đây khó khăn, tỷ như nó dồn dân, dồn các em, chẳng lẽ mình bắt các em ra bất hợp pháp. Như vậy có quá sức không? Cuối cùng chỉ còn trơ thân cụ có mấy đứa du kích cứ bám bám… – Trời đất – Chú Chín la lên – Coi bộ cách chức Bí thư của ông đi. Chiến tranh nhân dân mà lại – Chú ngừng một lúc rồi hỏi: – Đội thiếu niên của ông ra sao rồi? – Một số đi theo cha mẹ vô thành phố, đa số còn lại, cứ sợ nó dồn các em đi hết, tụi tôi khó lắm. – Ông đòi gì nữa? Ông cứ tin tôi, ông sẽ có mấy chục tay súng đó. Chú im một lúc rồi tiếp -Ờ mà này, tôi định hỏi mấy ông mà quên. Có phải thằng Ba về đây rồi không? Ba giật thót người. Chết rồi, ổng lại muốn bắt mình lên căn cứ nữa đó! Tai Ba lùng bùng, và tự nhiên Ba nghe chú Năm Hà nói gọn một tiếng như bom nổ: – Rồi. – Trời ơi, nó làm tụi tôi khổ quá. Lúc đầu tưởng nó lạc hoặc nó chết rồi. Chả là bữa đó, huyện bị B.52 mà. Nó lại đi hái rau… Anh Ba Bí thư Tỉnh ủy la tôi quá. Tụi tôi tìm mãi. Có người tưởng nó đi bộ đội vì nó thích bộ đội lắm. Nhưng dò mãi không phải. Sau này, tụi tôi mới đoán là nó về đây. Thế rồi trong cơ quan xảy ra nhiều ý kiến: Có người bảo nó nhớ nhà. Có người bảo nó chán việc, có người bảo tôi hay sai nó, phê bình tôi. Có người bảo má nó nhắn nó ra Đà Nẵng. Tôi điên đầu đấy… Tiếng anh Bảy Kim nói oang oang: – Nhân có anh Chín đây, tôi đề nghị anh Năm cho ý kiến cụ thể. Tại sao trong lúc chúng ta kêu gọi bà con ở xã quyết tâm trụ bám, vận động người đi làm ăn ở xa về, thì anh Năm lại cho vợ một đồng chí xã đội trưởng, lại là cán bộ phụ nữ đi ra Đà Nẵng? – Chị ấy nói có nhiều khó khăn quá, xin ra Đà Nẵng làm ăn một thời gian, tôi báo cáo với chi bộ rồi. – Có phải anh bào chữa không? Tôi vốn thẳng tính xin nói anh Chín nghe: Chị ấy ở đây làm nhiều chuyện mù mờ, không rõ trắng đen, chẳng ai kiểm điểm. Thế rồi bỗng dưng xin đi Đà Nẵng, anh cũng cho. Có phải anh Năm có cảm tình cá nhân không? Tôi biết chị ấy xưa là bạn của anh lẫn anh Bốn Thổ. Anh Bốn Thổ đã… Vừa lúc ấy, con Một xách phích bước ra. Nó bỗng “á” lên một tiếng khi thấy Ba nghe lóng. Ba sợ quá, nhảy vụt ra sân, xô phải con Một, làm cái phích trên tay nó rơi xuống đất vỡ toang rồi phóng vụt ra đường cái, quên cả việc báo cáo tình hình với chú Năm Hà. 5 B a nằm gối tay trên đầu, trăn trở mãi. Ba không ngủ được. Làm sao có thể ngủ khi người ta bị giày vò bởi một ý nghĩ nào đó. Ba nghĩ lung lắm. Đầu Ba nóng bừng như sốt. Bây giờ, Ba không buồn khổ lắm về mình nữa. Qua một tháng nay, Ba đã làm được một số công việc. Bạn bè lại bắt đầu tin Ba. Chỉ có thằng Thấn, con Một thì còn “ra vẻ” tí thôi. Ba không trách, tụi nó đề phòng cũng được. Chỉ tại cái con Xuân chết tiệt nào đó ở thôn dưới cũng về rồi vào Đà Nẵng nên chúng nó nghi lây Ba. Thế rồi, suy đi nghĩ lại, Ba thấy mọi việc là do mẹ gây ra. Trong khi mọi người ở đây hứa quyết tâm trụ bám, mẹ lại vào Đà Nẵng ở. Bữa trước họp, Đội cũng quyết định, đội viên nào có người nhà đi các nơi thì cố gọi về trụ bám. Ba ngượng quá. Vì thế Ba định sáng mai sẽ đi Đà Nẵng gọi mẹ về thôi. Bả có chưởi cũng là tại bả, Ba hết nhiệm vụ. Ba tính hỏi ông nội có nên đi không. Nhưng thấy ông nội và chú Sáu huyện ủy phụ trách vùng Đông ngủ yên nên không dám nói gì. Ba nằm thao thức mãi rồi Ba mò dậy, bước ra cửa: – Ủa, mày đi đâu đấy Ba? – nội cựa mình hỏi. – Dạ, con ra cửa, con không ngủ được. – Có chi mà mày không ngủ được? – Dạ, con muốn hỏi ông chuyện này. – Chuyện chi? – Con định mai sẽ ra Đà Nẵng gọi mẹ con về. Đội bảo ai có người nhà đi xa thì phải gọi về. Ông thấy con có nên đi không? – Hừ, mày biết mẹ mày ở chỗ nào mà tìm? – Sao không biết, con tìm đến Sơn Trà con hỏi. – Cái thằng… Ông định nói tiếp gì nữa, nhưng bỗng im bặt. Một tiếng pháo biển vút xé ngang bầu trời nổ đâu đó trong xã. – Mày kêu chú Sáu xuống hầm đi. Ba và chú Sáu vừa xuống hầm thì pháo biển bắn dồn dập. Chúng bắn như đếm, cứ năm quả một rồi chuyển làn. Một lúc sau, pháo từ chi khu, từ đỉnh núi Non Nước bắn ào ào vô xã. Tai Ba cứ ù ù. Ba giục ông: – Xuống hầm đi ông. – Mày với chú Sáu ở dưới, tao ngồi trên này tao coi thử chuyện gì đã. Đáp lời ông, những tiếng thét rất to từ trong làng vọng ra. Lửa bỗng hực lên nền trời, hắt ánh sáng qua cồn Quy, ngồi ở cửa hầm Ba cũng nhìn thấy. – Ba ơi, mày ngồi với chú Sáu, có gì đưa chú ra hầm bí mật, ông vô xóm coi thử có chuyện gì không, nghe. Ba bước lên khỏi hầm: – Ông ở nhà, con đi cho. Ông đi, có gì một mình con, con không biết đàng làm đâu. Tiếng “ừ” như vừa ra khỏi miệng ông thì Ba đã phóng ra tới mặt cồn Quy. Mấy bóng người cũng chạy ngang qua bãi cát, gồng gánh léo nhéo gọi nhau. Ba đến gần thì ra người quen, Ba hỏi: – Bác Hai ơi, bác gánh đồ đạc đi đâu đó? Người đàn ông trạc năm mươi tuổi vừa dừng lại vừa thở: – Tình hình có vẻ không êm, tao cho mụ nhà tao với mấy đứa lên lộ, ổn ổn tao về. – Bác thì lúc nào mà chẳng có con thỏ cột sau đít. Bác Hai làu bàu bảo “mẹ mày” rồi gánh chạy tiếp. Ba bật cười. Bác Hai này cũng lạ thật. Ở nhà, lúc nào bác cũng chuẩn bị sẵn gồng gánh. Nghe động là bác chạy liền. Chạy mấy hôm, thấy không có gì, lại quay về làm ăn, gặp ai cũng nói: – Tui có máu sợ, ấy vậy mà tôi không theo giặc, bà con đừng lo. Hẳn lần này cũng vậy. Ba mỉm cười nhưng nụ cười tắt ngay. Dù sao bác Hai đi, ổn ổn bác về. Còn mẹ mình thì dông thẳng. Chẳng thế mà mình cười ổng, ổng lại chưởi “mẹ mày” đó sao. Trước mắt Ba, mấy làng ở giữa xã đang cháy phừng phừng. Người ta tụm đông ở đây. Nhiều tiếng la: “Nhảy lên nhà bác Sáu giật tranh đi”, “Kìa, kìa có ai vô dắt con Năm ra không hé. Nó nằm cữ không biết ra kịp chưa”. Mấy anh du kích, cán bộ đang leo lên giật tranh ở một ngôi nhà gần đường. Có tiếng cần vọt kéo gấp gấp. Tiếng nước giội, tiếng lửa kêu xèo xèo. Một anh cán bộ người lem luốc, cõng một chị từ một ngôi nhà bước ra, nói với đám đông: – Ai dỡ nhà cứu người thì làm, ai không có việc gì với tụi con nít thì tránh ra, về hầm ngay, không thấy pháo nó bắn à. Bây giờ mọi người mới nhớ ra là pháo vẫn đang bắn vào xã. Nhưng vẫn chưa ai tản ra. Họ xì xào bàn tán. Nó làm gì? Định thanh lọc hay hủy diệt xã này luôn? Sao lần này nó bắn nhiều pháo thế? Ba bước loanh quanh giữa đám người, tìm một đứa nào quen trong Đội nhưng không gặp. Bỗng nhiên, Ba nghe có tiếng máy rồ rồ ở phía xa. Ba tách đám người chạy ra một đoạn, lắng tai. Đúng rồi, xe, xe nhiều lắm. – Xe vô bà con ơi! Tiếp lời Ba, một người nào đó hét lên: – Có xe vô! Trời sáng rồi, mấy đứa cán bộ, du kích về cả đi. Mọi người đang nói ồn ào. Bỗng nhiên im bặt. Trên đầu họ, một đàn trực thăng phành phạch vỗ cánh bay qua. Chiếc trực thăng đi sau cùng bỗng chúi xuống ném một quả mù đỏ. Từ trên nền trời vừa rạng, đàn trực thăng quay lại, bay vòng tròn trên xóm làng. Bọn Mỹ cầm tiểu liên cực nhanh xối xuống đầu mọi người những tràng đạn dài. Khi chiếc trực thăng cuối cùng ngóc đầu lên bay về phía Nước Mặn thì một đoàn xe M118 của Mỹ đã theo con đường cái chạy giữa xã xông vào làng. Chiếc đi đầu dừng lại ngay giữa làng. Những chiếc đi sau cũng dừng lại. Bọn Mỹ nhảy xuống đất đứng lố nhố. Ba đang ngẩn ngơ nhìn chúng thì từ phía sau, có người thúc vào lưng Ba. Ba quay lại thì thấy thằng Tượng. Nó nói: – Chạy đến bọn Mỹ đi anh. Chẳng biết từ đâu, bọn trẻ con hiện ra rất đông. Các em vây quanh bọn Mỹ, la “ô kê”, “ô kê sa lem” (1), “ô kê sọp, sọp” (2). Những tiếng Anh này các em được một cán bộ binh vận dạy. Ai không biết tiếng Anh sẽ không được vào Đội. Mọi lần, cứ xe Mỹ đến là các em ào vào, đùa vui với bọn Mỹ để các anh chị có thì giờ ẩn trốn, để sau đó có kẹo, thuốc đãi các anh, lắm khi có cả những băng đạn Mỹ nữa. Bọn Mỹ cũng rất thích trẻ con. Chúng “ô kê” lại, cười đùa với bọn trẻ. Nhưng hôm nay, chúng như một bọn say rượu, một lũ quỷ. Chúng dùng báng súng quật cả vào bọn trẻ. Tiếng khóc rộ lên, rồi tiếng la: “Năm-bờ-then” (3) cũng không làm chúng dừng lại. “Sắp có chuyện mới đây”. Ba nghĩ vậy rồi vụt chạy về báo cho chú Sáu và ông nội biết. Phía sau Ba, mọi việc bắt đầu diễn ra. Một tên Mỹ già béo phục phịch có đeo ống nhòm trước ngực, rút từ hông ra một cây súng ngắn. Nó bắn một phát đạn đỏ lên trời. Lập tức, bọn Mỹ xông vào những căn nhà, những căn hầm. Người ta nghe rõ tiếng la hét, chưởi bới. Một loạt súng nổ. Một loạt nữa… Lửa. Lửa bùng cháy tràn lan khắp xã. Ba vừa cùng với ông nội đưa chú Sáu ra hầm, trở vào nhà thì nghe tiếng bước chân chạy thình thịch trên cồn Quy. Ba đang hoảng hốt thì thấy ông nằm xuống chõng, kéo chăn đắp lên người, rên hừ hừ. Trước mặt ông là những bãi đờm có xen máu. – Tại sao tụi bay không ra khỏi nhà – Tên thông ngôn người mảnh khảnh, mắt đeo kính cận dày cộm đi trước mấy tên Mỹ, hỏi. Ông nội nhỏm dậy ho khù khụ, tay run run chỉ phía trước mặt: – Thưa ông, nhờ ông nói giùm với mấy ông Mỹ là tui bị lao, phải ở cách ly khỏi làng, xin mấy ông tha cho. Tên thông ngôn nói gì với mấy tên Mỹ. Chúng nó xì xồ với nhau. Tên thông ngôn quay lại nói với hai ông cháu: – Ra khỏi nhà ngay! Một thằng Mỹ từ phía sau chạy tới. Nó nhanh nhảu bật lửa châm vào đầu một cây sào có buộc giẻ. Chúng đốt nhà. Ba chưa kịp làm gì thì thấy mình bị một tên Mỹ râu mọc tua tủa đầy cằm, xốc lên lưng, chạy bình bịch qua cồn Quy. Trên con đường cái chạy giữa xã đã đầy người. Có người mang gánh, có người mang thúng, mủng, gói, xách tay, đèo níu con cái đang la khóc ở phía sau.Từ một ngôi nhà gần đường, hai thằng Mỹ kéo lệch xệch một cụ già râu tóc bạc phơ. Một chị vừa đi vừa khóc tức tưởi, tay kéo vạt áo che vú. Chị vừa bị một tên Mỹ giằng xé. Có tiếng hét thật to, làm Ba giật mình nhảy vọt ra lề đường. Một tên Mỹ cởi trần cõng một bà già, lịch bịch chạy đến chiếc xe đậu cuối cùng ném đánh ầm lên đó như ném chiếc bao tải. Mấy tên Mỹ nhễ nhại mồ hôi, cõng mấy cái bàn cái ghế của một nhà nào cũng vất lên chiếc xe đó. Chiếc xe chạy, để lại một lớp bụi đằng sau. Tên Mỹ già ban nãy lại rút súng ngắn ra bắn lên trời một phát đạn màu xanh. Có tiếng hét ở phía trước. Ba cùng đoàn người rùng rùng chuyển đi. Sau lưng họ là những họng súng cực nhanh của Mỹ. Sau lưng bọn Mỹ là những ngôi nhà còn sót lại sau trận pháo hồi đêm, đang bốc cháy. Trên đầu đoàn người là vòm trời đầy khói, tàn than bay như một đàn quạ. (1) Tên một loại thuốc lá (2) Ăn (3) Number ten : nghĩa đen là số mười. Ở đây là tiếng lóng bọn Mỹ dùng để nói cái gì xấu. 6 B a cùng với mọi người bị lùa về cồn Biện, một cồn cát tương đối phẳng, hoang vu, không chỗ nào có lấy một bóng cây. Đó là cái đuôi của một dải cồn cát xuất phát từ sân bay Nước Mặn tràn vào phía nam. Trên dải cồn cát này mọc lố nhố những ụ pháo, những đồn bót, nhà ở của một trung đoàn Mỹ, đứng án ngữ ở vùng này. Một cánh đồng rộng chỉ còn lam nham những gốc rạ ôm choàng phía sau cồn Biện. Giữa cánh đồng là con sông Hàn. Đến đây, sông Hàn bỗng lượn về phía bắc, chỉ để lại một nhánh nhỏ đổ về biển, đó là sông Bãi Dài. Con đường tỉnh lộ từ Đà Nẵng đi Hội An chạy ngay trước mặt cồn Biện. Nếu theo trục đường này khoảng một trăm mét về phía bắc, sẽ gặp khu nhà hội đồng xã, những đồn bót của bọn bảo an, bọn nghĩa quân. Tiếp liền sau đó là thị trấn Non Nước với phố xá, chợ búa kéo dài tới chân Ngũ Hành Sơn. Cồn Biện hôm nay không còn là cồn cát hoang vắng như trước. Bọn bảo an, nghĩa quân đang hò hét nhau đóng cọc, rào dây thép gai quanh cồn. Khi Ba và mọi người bị lùa đến, vẫn còn thấy chúng khuân từ trên những chiếc xe tải đậu gần đấy xuống những cuộn dây bùng nhùng tấp thêm lên chỗ đã rào. Ngay chỗ mép lộ bước xuống cồn, chúng có chừa một cái cổng hẹp. Hai tên nghĩa quân cầm súng đứng gác hai bên cổng. Thằng Đáng xã trưởng cùng bọn hội đồng xã đứng trong một cái nhà dù sát cổng. Đáng lom lom nhìn mặt từng người đang lần lượt bị bọn Mỹ và cảnh sát lùa vào cồn. Ai đi qua nó cũng cúi mặt, sợ hãi. Lợi dụng lúc mấy người đi trước đứng ùn lại, Ba đăm đăm nhìn nó như cố nhận mặt cho rõ. Người nó gầy, cao, cục yết hầu ở cổ to, mắt gườm gườm. Bấy lâu nay nghe tiếng nó nhưng Ba chưa gặp. Ngay lúc ấy, Ba nghe một tiếng thở dài. Ba thấy một chị đứng trước mặt mình cứ chốc chốc lại liếc về một người nào đó đứng sau tên Đáng như bị y thôi miên. Một lúc sau, Ba mới biết đó là thằng Đang, xã phó. Đang khoảng ba mươi tuổi, người trắng trẻo, có khuôn mặt hồng hồng, mớ tóc xoăn rủ duyên dáng trước trán. Đang thường được các bà các cô mê đắm, chiều chuộng. Nó vốn làm nghề dạy học. Nó thường nói với mọi người rằng: “Tôi chẳng thích gì làm hội đồng xã. Trên ép quá thì làm kiếm cơm, chớ tôi thích gõ đầu trẻ hơn”. Một giọng nói gằn gằn ở phía trước làm Ba giật nảy mình: – Chị kia, đứng sang bên phải. Ba nhìn thấy tên Đáng chỉ vào chị Soan. Chị Soan có vẻ ngơ ngác hỏi lại: – Ông nói sao ạ? – Chị đứng bên phải để tý nữa về nhà hội đồng. Chúng tôi cần khai thác thêm. Chị là cán bộ B. – Ông nói gì lạ? – Đừng giả bộ nữa. Mày là cán bộ phụ nữ hoạt động hợp pháp- Đáng cười – Có người khai vậy. Chị ta vốn là tổ trưởng của mày, giờ đang ở Sơn Trà. Chị Soan há miệng, đứng sững. Vừa lúc ấy, Ba bước tới. Chị liếc nhìn Ba. Có một cái gì đó làm Ba xốn xang. Hay mẹ mình khai? Hồi ở nhà, Ba thấy mẹ hay bàn việc với chị Soan lắm mà. Có lẽ không phải. Mà sao chị Soan cứ nhìn mình? Ba nghe tiếng thằng Đang nói nhỏ nhẻ: – Thôi, chị cứ vô với bà con. Ông Đáng đồng ý với tôi cho chị vô đó. Có gì ta bàn sau, việc gì mà tra khảo. Còn em – Đang quay về phía Ba – em là con bà Phước ở Sơn Trà phải không? Lạ quá, Ba run run đáp: – Dạ phải. Đang cười vui vẻ: – Em vô đi. Vô ít hôm rồi về Sơn Trà ở với mẹ. Mẹ em tốt lắm. Thông minh lắm. Ba vừa đi vừa cảm thấy cái nhìn nóng bỏng của chị Soan gắn sau gáy mình. Từ phía cổng, tiếng thằng Đáng vẫn giật cục: – Ông già kia vô ! – Chị kia, chị áo đen kia quay mặt lại đây. Trời, giấu giếm mãi. À, phải rồi, chị đứng sang phải. Trưa đứng bóng. Nắng nảy đom đóm mắt. Cồn cát nóng hừng hực. Những người bị dồn ngồi túm tụm trên cát không bóng cây, mệt mỏi, mặt ỉu xìu. Một số than vãn, la mắng con, xi cho con ỉa đái. Như mọi lần, mỗi lúc giặc tập trung người để thanh lọc hay hội họp, các em thiếu nhi đi lại lộn xộn, la hét, cấu véo, gây đánh nhau để phá đám. Từ khi đi trên đường, các em đã ra hiệu cho nhau. Người ta thấy Thấn rượt theo Đến. Một tên cảnh sát chộp tay nó, nó la lên: – Ông cảnh sát ơi, thằng Đến nó đánh tui. Mẹ ơi, thằng Đến nó đánh con! – Mười ơi, mày đấm thằng Tượng cho tao một cái. Nó vừa giật củ khoai của tao. Các em ùa ra phía cổng, định vượt ra khỏi cồn cát. Lập tức, bọn nghĩa quân, cảnh sát giơ báng súng quật đôm đốp. Bọn trẻ con lăn đùng ngay trước cổng: – Cha mẹ ơi, cảnh sát đánh con ! – “Quốc gia” gì lại đánh dân? Tiếng ồn ào lại nổi lên. Cụ già, phụ nữ chạy ùa ra phía cổng: – “Quốc gia” giết con nít, bà con ơi! – Đi về thôi, chẳng có tội gì mà bị giam trên cát! – Nóng quá! – Ỉa ỉa cái gì. Chết đến nơi rồi mà còn đòi ỉa! – Xì đái đi, đái đi rồi về? Một loạt súng bắn chỉ thiên. Ngay lúc ấy người ta thấy một chiếc xe ập tới trước cổng. Từ trên xe, bọn cảnh sát, súng gắn lưỡi lê sáng quắc, cầm dùi cui nhảy xuống, quất túi bụi vào mọi người. Bà con đang la ó bỗng im bặt. Họ không thể ngờ rằng, lần này bọn địch lại làm dữ như vậy. Trước đây, trong mỗi lần thanh lọc, trừ một số cán bộ bị bắt, bọn địch có dễ dãi hơn với mọi người. Lần này, chúng hằm hằm đẩy bà con vào cồn cát. Chúng còn đặt một khẩu đại liên ngay cổng sẵn sàng nhả đạn vào mọi người. Từ nãy giờ, Ba vẫn ngồi im không tham gia với các bạn. Ba thấy buồn bực lắm. Đôi mắt chị Soan lúc nãy như đóng đinh vào đầu Ba. “Chẳng lẽ mẹ mình khai à? – Ba nghĩ – Trong làng này, ngoài mấy người già, con nít, có ai là phụ nữ ra Sơn Trà đâu”. Ba thấy xấu hổ quá. Tụi nó nói mình sa sút phẩm chất, gia đình mình ngại gian khổ ác liệt là phải quá. Tại sao thằng hội đồng có mái tóc xoăn xoăn kia lại có vẻ dịu dàng với mình, với mẹ mình. Có phải… Trời ơi chỉ tại mẹ thôi. Mẹ lừa mình lên căn cứ để mẹ ra Đà Nẵng làm ăn sung sướng, để người ta khinh, chưởi mình. Biết làm sao bây giờ? Hay… hay mình tìm một quả lựu đạn để ném vào bọn ác ôn, chết thì thôi. Hay mình về tìm các chú các anh, để xin làm du kích. Rồi mọi người sẽ không khinh mình nữa. Nghĩ đến đây, Ba bỗng thấy nhớ ông nội và các anh du kích quá. Các anh ra sao? ông nội ra sao? Mải nghĩ, Ba không biết Thấn đến kề bên: – Mày làm gì mà ỉu xìu như lá chuối héo vậy? Ngại ác liệt rồi hử? Mấy lâu nay, Ba đã nguôi nguôi giận Thấn, giờ nghe nó nói vậy, Ba lại thấy bực. Nó ỷ làm đội trưởng cứ ăn nói như cán bộ bự vậy, lại còn chụp mũ người ta nữa. Ba bực tức: – Ngại à, nè xem đây! Ba dang tay xô thằng Thấn, làm cho nó lạng người suýt ngã. Thấn cáu tiết: – Mày, mày có biết mày vừa làm việc gì không? – Im đi, tao không sợ mày đâu. – Ba làu bàu. Một chiếc xe GMC từ đâu chạy đến đậu trước cổng. Từ trên xe bọn Mỹ nhảy xuống hè nhau ôm mấy tấm bạt, mấy ôm cọc. Chúng nó vừa xì xà xì xồ vừa đóng cọc, giăng bạt. Một lúc sau, bốn cái nhà bạt mọc lên. Bọn hội đồng xã kéo một đoàn vào. Chúng ra lệnh bà con tập hợp lại. Thằng Đáng nói: – Bà con có biết tại sao chúng tôi đưa bà con lên đây không? Đó là vì xã này mất an ninh. Bọn Cộng sản đã quấy nhiễu cuộc sống an lành của bà con. Vì vậy phải tách bọn chúng ra. Chúng tôi mời bà con về đây cho gần “quốc gia”, gần các ông Mỹ, để bảo vệ cho bà con- Nó nhìn mọi người rồi tiếp – Bây giờ, bà con cứ theo từng giới mà vô các trại. Phụ nữ nè, lão ông nè, lão bà nè, các em nè. Chúng ta ở tạm vậy. Mai sẽ có xe chở tôn đến cho bà con làm nhà. Một cụ già tóc bạc xóa, chống gậy đứng dậy nói: – “Quốc gia” có lòng lo như vậy, chúng tôi xin cảm ơn. Nhưng chúng tôi sẽ ăn đất mà sống à? Tên Đáng cười hềnh hệch: – Bác lo quá xá ta. Sẽ có phát cơm gạo hẳn hoi. Bác cứ nghỉ không mà được ăn đó, sướng chưa? Như để chứng minh lời tên Đáng, một chiếc xe tải nữa chạy đến. Bọn Mỹ lăn từ trên xe xuống những bao tải to.Tên Đáng giơ tay chỉ vào xe, nói với mọi người: – Bánh mì đó, gạo đó, thịt hộp đó. Lại còn phát cả bát hẳn hoi. Ra đây ở sướng chưa? Tôi biết bà con xã ta thiếu gạo, ăn khoai hoài nóng ruột lắm… Đáng gật gật đầu rồi tiếp: – Bà con cứ yên chí mà nghỉ. Chuyện đâu có đó. Chỉ nhắc bà con chú ý. Hừ, kể cả mấy thằng nhóc con này nữa – Đáng chỉ vào đám thiếu nhi – đừng có ai mó máy ra bờ rào. Chúng tôi có gài mìn cả rồi đấy? Bọn hội đồng xã kéo nhau đi. Nhưng chỉ một lúc sau, tên Đáng quay lại: – Chị nào là chị Bê hè, cho gặp chút xíu. Một người con gái mặt đầy tàn nhang đứng dậy: – Ông gọi tôi? – Phải, mời chị lên nhà hội đồng. Có người vừa cho tôi hay chị là đoàn viên cộng sản B (bí mật). Chị Bê ra đi. Mọi người kinh hãi nhìn nhau. Tự nhiên, họ ái ngại nhau, ít cởi mở với nhau như lúc sáng. Rồi đây ai sẽ khai mình? Rồi đây ai sẽ bị bắt, bị tù, bị giết? Ba đang ngồi sau một bà già thì thoáng thấy chị Soan vẫy thằng Thấn, thằng Đến lại chỗ chị. Ba người thì thầm gì với nhau rồi nhìn Ba. Ba bực lắm. Chẳng thèm chơi với ai cả, Ba đi lang thang quanh khu đồn. Với con mắt tò mò, Ba nhìn khắp hàng rào. Nhìn về đồn Mỹ. Ba ngạc nhiên thấy ở một góc rào, dưới chân đồn có một cái hầm bứa (hầm đổ rác), hẳn trước đây bọn Mỹ vẫn xuống đổ rác. Hầm này ăn thông ra cánh đồng. Ba cúi xuống, giả vờ nhặt một cái lon đồ hộp để rà thử chúng có gài mìn dưới hầm không. Khi ngẩng lên, Ba thấy có một thằng Mỹ cao kều, tóc xoắn tít, mắt đeo kính cận đang đứng sau lưng mình. Hẳn nó vừa từ trên đồn xuống. (Bọn ngụy ỷ có bọn Mỹ ở bên nên không rào dây thép đoạn khu dồn giáp với đồn Mỹ). Ba sợ điếng người. Nhưng thằng Mỹ vỗ vai Ba, cười hô hố. Nó hỏi Ba bằng tiếng Việt pha tiếng Anh : – Tên? Tên du? – Ba. – Bo. -Tên Mỹ lặp lại và nhe răng cười. Ba cũng cười, chỉ vào ngực nó: – Tên chi, con chó? – Mai-cơn. Thằng Mỹ rút một cái bóp trong túi ra rồi chỉ vào ảnh mẹ, vợ, con trai nó: Mámi-son, u-mân, boi. Bất ngờ nó cởi áo ra chỉ vào lưng: – Gai, gai. Ba lắc đầu. Nó cầm tay Ba gãi gãi. – Gai, gai. Mày bảo gãi à? Ba bấu móng tay vào lưng nó, cào thật lực.Tưởng thằng Mai-cơn sẽ nổi cáu lên. Nhưng nó lại cười hệch hệch. Một lúc sau, nó đột ngột bỏ đi. Ba cũng bước đi. Nó quay lại ra hiệu bảo đứng im, rồi giơ tay lên giả làm súng, miệng nói “tùng tùng”. Ý nó bảo Ba đi nó sẽ bắn đùng đùng. Độ năm phút sau, nó quay lại tay ôm một ôm đồ hộp: – Sọp sọp. Ba cởi áo ra bọc đồ hộp rồi quay về nhà bạt. – Mày đã kết bồ với Mỹ rồi à? – Thấn hỏi – Tao thấy hết. – Ờ, làm gì tao? – Ba khiêu khích. – Tao sẽ khai trừ . . . – Đừng có làm dóc… Thấn giật mạnh chiếc áo trên tay Ba. Những lon cá hộp, thịt hộp, sữa lăn ra cát. – Đấy, mày còn ăn của đút của tụi nó nữa. Có lẽ rồi mày sẽ nhận làm CIA nữa kia. Ba nhảy ào tới túm áo Thấn. Hai đứa vật nhau đùi đụi trên cát. Vừa lúc ấy, Ba nghe một tiếng nói nho nhỏ thanh thanh bên cạnh: – Kìa, hai cậu làm gì thế? Ba quay lại. Trước mắt Ba là chị Sáu Tròn, dì thằng Tượng. Chị người thấp thấp, tròn tròn như hạt mít, da mặt sạm nắng. Hồi ở nhà, chị hay đến gặp mẹ Ba lắm. Chị Sáu vẫy Ba đến bên hỏi nhỏ: – Sao hai em đánh nhau? – Tại nó biểu em theo Mỹ. Ba nói ấm ức rồi ngã vào lòng chị Sáu, khóc òa lên. 7 B a đẩy nhẹ chiếc bao cước đựng bánh mì, đồ hộp về phía trước rồi nằm ép xuống sát đất, nhích người qua hầm bứa. Ra khỏi bờ rào, Ba vẫn chưa hết run. Ba ngỡ như có một cánh tay nào đó sắp chụp cổ mình. Nhưng chẳng có gì xảy ra cả. Ngay thằng nghĩa quân đi tuần quanh khu dồn cũng đã ở xa. Hồi nãy, vừa bước ra tới bờ rào, gặp nó đi qua. Ba nhanh nhảu ôm bao cước vào bụng, ngồi xuống rên hừ hừ. Nó hỏi: “Mày làm gì đấy?” Ba nói: “Tui đau bụng!”. Nó quát: “Xê ra phía hầm bứa kia mà ệ”. Nói xong nó lật đật bước đi. Ba thấy hú vía. Bây giờ, khi Ba ra khỏi rào thì nó đã đứng bên thằng gác cổng hút thuốc. Ba phủi bụi đất đứng nhìn chung quanh để định hướng. Nhưng rồi, Ba phải nằm xuống ngay. Một chùm pháo sáng từ đồn Mỹ vừa bắn vọt lên. Chờ pháo tắt, Ba lom khom đi về phía sông Bãi Dài. Việc trở về làng ám ảnh Ba suốt mấy hôm nay. Ba không thể xa ông nội, chú Năm Hà và các anh du kích được. Ba muốn nói điều này với các bạn, rủ các bạn cùng về. Nhưng nhớ lại chuyện xảy ra với thằng Thấn bữa nọ, nên lại thôi. Tụi nó cùng thằng Thấn kết bồ với nhau, bỏ Ba, thì Ba về một mình vậy. Nhưng về bằng cách nào? Chiều hôm qua, thấy thằng Mai-cơn đi ngang qua cổng, Ba xin tên nghĩa quân gác cổng ra chơi. Nó nói: “Thôi, con nít xã ni tao biết hết. Bay giả bộ chơi với bọn Mỹ để ăn cắp lựu đạn diệt tụi tao đó. Hồi nãy cũng có một bọn như mi xin ra mua bánh mì, eo ôi, đừng lừa anh Hai mày. Không được đâu, cút ngay”. Ba quay vào khu dồn. Thằng Thấn, thằng Đến, thằng Mười đang rì rầm gì ở một góc nhà bạt, thấy Ba bỗng im bặt. “Bay định về mà bí mật với tao chớ gì. Mặc bay, tao có cách của tao”. Ba vơ vẩn đi dọc bờ rào. Một thằng cảnh sát đi ngang qua béo tai Ba nói: “Không được đi lung tung, tụi tao dăng mìn khắp nơi đó”. Nó bước đi. Ba bực dọc nhìn theo. Bỗng dưng, Ba thấy trước mặt mình hiện lên cái hầm bứa bữa nọ. Thế mà mấy hôm nay Ba quên mất… Ba đã ra tới mép lộ. Bất ngờ, Ba nằm sấp xuống, mũi dập vào đất. Một toán lính Mỹ đi qua. Dạo này Mỹ và ngụy chia nhau đi tuần phục các nơi. Đợi toán Mỹ đi khỏi, Ba bò lên mặt đường, vụt qua bờ bên kia. Lần theo một con lạch nhỏ, Ba bước về phía đông. Một lúc sau, chân Ba đã đặt lên mảnh đất quen thuộc của mình. Dưới ánh sao sáng mờ mờ, Ba thấy làng xóm thay đổi hẳn. Một vùng đất rộng lớn như vừa bị bom B.52 cày xới, chỗ ùn lên thành đống, chỗ hõm xuống như lòng ao. Xác nhà nằm lăn lóc trộn ngào với xác dương, xác dừa. Những bờ cát lúp xúp ngày nào mọc đầy gai mắc cỡ bây giờ bỗng biến mất. Những cái giếng làng bị san phẳng không còn thành. Không nghe một tiếng dế kêu. Có lẽ chúng cày sâu lắm. Rừng dương ngăn cách xã Ba với biển cũng biến mất. Gió không bị chắn như xưa, ào ào thổi cát vào người Ba. – Ai đó, đứng lại? Từ sau một đống gì đen đen, có tiếng người vang lên cùng với tiếng quy lát khua lắc cắc. Ba vội nằm xuống. Tim đập thình thình. – Có lẽ chồn chó gì đó thôi? – Một giọng khác nói tiếp. Một loạt súng rộ lên, nổ chát chúa quanh chỗ Ba nằm. Ba thấy run run. Ngỡ chúng bắn xong sẽ xông đến bắt sống Ba. Nhưng một lúc sau, tất cả lại im lặng. Thế rồi, từ một chỗ khác, tiếng súng ARI5 lại rộ lên. Chúng phục nhiều chỗ quá!. “Hay ta quay lại”. Ba nghĩ. Nhưng một tiếng thầm đâu đó từ trong sâu thẳm đến với Ba: “Đừng quay lại , đừng bỏ các chú, các anh”… Ba nhổm dậy, ngồi nghĩ một lúc lâu. Ba đoán rằng, thế nào bọn địch cũng phục ở trong làng nhiều hơn ngoài đồng. Ở trong làng, chúng có những đồn Mỹ đứng trên các cồn lớn yểm hộ cho. Ở trong làng, du kích hay mò về nắm tình hình, kiếm lương thực nên chúng dễ tóm gọn. Mặt khác – Ba lại nghĩ thế nào các chú các anh cũng sẽ tụ tập ở Cô Sơn. Vì thế, Ba quả quyết băng ra hướng cánh đồng, đi dọc sông Bãi Dài để về đấy. Đi được một đoạn, Ba bỗng thấy lạnh toát cả người. Linh tính bảo với Ba, hình như có kẻ lạ mặt nào đó núp trong một bụi rậm bên cạnh đang nhìn ra theo dõi Ba. Ba phóng nhanh tới trước rồi nằm ẹp xuống một mô đất. Có một bóng người lao theo hướng Ba. – Anh Ba ơi, anh Ba? – Ai thế nhỉ ? Địch chăng? Sao lại gọi đúng tên mình? Sao lại là giọng con gái quen thuộc quá. Ba nghĩ dồn dập nhưng không tự trả lời được. – Anh Ba ơi, anh Ba! Tiếng người gọi sát bên Ba, Ba hỏi nhỏ: – Ai đấy? – Một đây. – Sao lại ở đây? Một nói hổn hển: – Tui đưa chị Bảy lên trạm H4 về. Xã nào chúng cũng cày. Tui phải đi hợp pháp về đây. Tui đang đi, thấy một bóng người. Tui núp nhìn ra, thấy giống anh quá…Bây giờ làm sao đây, anh? – Làm điệu vào chứ sao? – Ba nói giận dỗi vì nhớ lại chuyện bữa nọ. Một im lặng, thở dài. Ba thấy thương quá, hỏi nhỏ: – Một có thấy địch ở phía cầu Hai không? – Phía trên có, dưới không biết. Giờ ta mò xuống Cô Sơn thử có các anh không? Hai đứa lần mò đi dọc bờ sông, Ba nghe Một vừa bước vừa thở hổn hển ở phía sau. Có lẽ nó đi nhiều nên mệt lắm. Ba định dừng lại dắt nó đi như xưa, nhưng nghĩ vẫn bực chuyện cũ nên thôi. Để nó mệt cho nó biết mặt. Bỗng nhiên, Ba nảy ra một trò đùa: Đang đi, bất ngờ Ba nằm ẹp xuống. Đột ngột, Ba đứng dậy. Đột ngột, Ba nằm xuống. Hẳn đang mệt, Một chẳng biết có gì xảy ra ở phía trước. Theo quy ước đi đường mà người giao liên nào cũng biết rõ, Một cứ nằm xuống đứng dậy theo người đi trước. Ba vừa đùa, vừa cười thầm trong bụng. Một lúc sau, Ba thấy phía trước có mấy bóng người. Ba cùng Một ngồi xuống. Hình như mấy người kia cũng thấy Ba nên họ cũng ngồi xuống. Địch chăng? Sao chúng không bắn? Ba nghe từ phía kia có tiếng “cú, cú, cú”. Ta rồi. Ba đáp lại: “Cú, cú, cú” rồi chạy ào tới. Trời ơi, trước mặt Ba là ông nội. Ông đang đi với chú Sáu Huyện ủy viên. Ông ôm chầm lấy Ba (một việc mà xưa rày chẳng bao giờ có) : – Các cháu về à. Giỏi lắm. Đi đường bờ sông là đúng. Mấy bữa nay, địch kìm chung quanh, ông không đưa chú Sáu ra được. Chiều nay, tự nhiên tụi nó kéo lên cồn Quy. Có lẽ sẽ đóng đồn ở đó vì ông nghe nó đóng cọc, thấy nó giăng tăng. Ông mừng quá, định ra kêu chú Sáu lên thì thấy có một thằng cứ ôm súng ngồi trên miệng hầm bí mật. Ôn dịch, sao mày chưa đi. Ông đến gần thì thấy nó ngủ gục. Thế là ông cho một hèo. Nó gục nằm đấy. Ông lật đật đưa chú Sáu đi – ông dừng lại một chút rồi tiếp – Bây giờ, hai cháu đưa giúp chú Sáu về Cô Sơn. Có lẽ chú Năm Hà ở đấy. Để chú Sáu ở nhà mình nay mai nó cày tới thì nguy. Còn ông, ông quay lại chôn cái thằng ôn dịch nọ. Để nó ở đó, mai bọn kia thấy thời nguy to. Ông mần vậy được không tụi bay? – Được ạ – Ba đáp. Ông đứng im một lúc rồi nói: – Đi cẩn thận nghe. Ba đi trước, tới chú Sáu rồi tới Một. Ba có sao thì Một dẫn chú chạy ngược về nghe. Ba cười: – Ông cứ lo. Con mà dẫn chú Sáu đi là nhất rồi. – Tổ cha mày. Nhớ đi cách nhau ra. Quan sát cho kỹ nghe không. Đừng có mà chủ quan. 8 V iệc gì chứ đưa người đến Cô Sơn thì Ba chả ngại, nhắm mắt cũng đi được. Trước đây, hồi còn nhỏ, Ba cùng bọn trẻ hay ra vùng này. Đó là một cồn cát rộng, chẳng biết từ bao giờ, bà con đã biến thành một cái làng có vài chục nóc nhà thấp thoáng sau những vườn cây. Trước làng là cánh đồng trải dài đến mé đường tỉnh lộ. Sau làng là một bãi cát trắng nhoài mình ra sát mí biển. Bên trái là con sông Bãi Dài, còn bên phải, sau mấy vạt ruộng là mép cuối cùng của cồn Quy. Ba hay ra đây vì ở đây có nhà dì Chín, bạn mẹ. Nhà dì có nhiều mãng cầu, dừa, ổi, chuối. Đến đây, bao giờ Ba cũng đ ược dì cho nhiều hoa quả. Như ng Ba cùng bọn trẻ thường rủ nhau đi hái trộm của dì. Điều đó vẫn thú vị, hồi hộp hơn. Khi Ba vắt vẻo trên cành cây, thì dưới đất có đứa canh, có tín hiệu. Một tiếng chim tu hú nổi lên, nghĩa là có dì ra. Ba ngồi im trên cây hoặc lao nhanh xuống. Thế rồi, sau đó cả lũ chạy ùa ra bờ sông Bãi Dài ngồi ăn. Ăn xong, nhoài mình xuống sông nô giỡn nh ư những con rái cá. Bây giờ, dì Chín đã cùng các nhà khác ra Đà Nẵng ở rồi. Bọn Mỹ bắn pháo dồn dập vào đây. Chúng bảo đây là vùng khó kiểm soát. Làng này bỗng biến thành rừng, mọc đầy cây dại, dây leo. Ng ười ta gọi nó là Cô Sơn, tức quả núi cô đơn. Ở đây, các chú cán bộ, du kích đã đào hầm tránh pháo, cắm chông để khi địch tràn vào xã sẽ rút về đứng chân. Từ đây có thể vư ợt sông để sang xã bạn. Cô Sơn biến thành căn cứ lõm của du kích. Khi Ba và Một đư a chú Sáu đến đây thì đã nửa đêm. Mọi ng ười ùa đến vây quanh hai em. Khuôn mặt ai cũng hốc hác, căng thẳng. Quần áo rách bươm như hình bù nhìn rơm. Đã mấy hôm nay, các chú các anh đang bám ở các thôn, v ượt vòng phong tỏa của địch để tập trung về đây. Lúc nào cũng sợ bị đánh úp. Cái đói hành hạ họ. Tr ước đây, họ không bao giờ chuẩn bị thức ăn. Họ quen sống dựa vào dân, nh ư hầu hết những ngư ời du kích ở các vùng còn dân. Khi Ba bỏ túi đồ hộp, bánh mì ra, mắt mọi ng ười đều sáng lên, c ười nói xôn xao: – Cảm ơn chú bé, đói mờ cả mắt đây. – Đã mấy hôm nay tôi chỉ ăn bông súng. – Ồ, có cả hộp cô-ca cô-la nữa, cao cấp quá. Một tiếng “n ước” vẳng lên từ gốc cây bên cạnh. Mọi ng ười im lặng. Đó là tiếng của anh Bốn Nghiêng. Anh bị thư ơng ở bắp chân phải. Ba mở một hộp cô-ca mang đến cho anh. Một lúc sau, mọi ngư ời vui vẻ ăn đồ hộp và bánh mì. Anh Bảy Kim vừa nhai nhồm nhoàm vừa nói: – Thằng nhỏ này đư ợc. Cố giúp các anh đi em. Mày cố gắng, tới tuổi vô Đoàn các anh kết nạp cho. – Kết nạp vô Đảng cũng đ ược chớ – Một anh nói bốc. – Xứng đáng đội viên quá đi chớ. Chú Năm Hà đang ngồi khom khom bên cạnh Ba ngẩng đầu lên hỏi: – Tình hình khu dồn ra sao hở cháu? – Dạ nó đang thanh lọc, bà con khổ lắm. Anh Bảy Kim c ười hề hề: – Thôi, chuyện đó lúc nữa hãy hay. Ba à, bữa sau em nhớ nói chị Soan gửi cho anh ít chai “Xá xị” nghe. Anh ưa súc miệng thứ đó. – Có lúc không có miếng nư ớc lã mà húp chớ lại – Chú Năm nói – Hồi trư ớc, có lần tôi đi họp huyện về bị địch vây, khát quá, phải bốc bùn cho vô khăn mặt vắt ra để uống đấy. – Thôi ông ơi, cứ hồi trước hồi trước hoài…Hồi con người là con khỉ thì đâu có cơm. Ăn cơm mới nói chuyện mới. – Rồi có lúc khổ hơn vậy, ông ơi. Trăng đã mọc. Cảnh vật và bầu trời như rạng rỡ hẳn ra. Trong phút chốc mọi người có cảm giác khu rừng Cô Sơn như một chiến hạm nổi trôi trên mặt đất mờ ảo ánh trăng… Mọi người lặng đi một chút, ngơ ngác nhìn chung quanh. Chú Sáu nói: – Thôi, bây giờ ta bàn chuyện sắp tới mấy ông nghe – Chú Sáu quay ra ngó xung quanh – Có ai gác xách gì không? Trời ơi, mấy ông chủ quan thế này thì chết. – Cháu gác cho – Ba nói. – Được rồi – chú Sáu nói – cháu nhìn giúp. Còn con Một nó đi mệt quá, để nó ngủ. Ba ngồi trên một mô cát. Trăng sáng quá. Bây giờ trăng chếch về phía tây bắc. Cụm Ngũ Hành Sơn, dưới ánh trăng, cứ mờ mờ ảo ảo như đang trôi trên biển. Một quả pháo đỏ nổ “phụp”, bay lên rồi rơi xuống ngọn núi Gà. Ông nội Ba thường kể, trên đó có cái miếu gọi là “miếu ông”, thờ một vị thần có tài bốc những hạt cát thổi ra thành quân lính để đi đánh nhau với bọn giặc cướp nước. Nếu Ba cũng làm được như thế, Ba sẽ bốc cát biến thành hàng ngàn sư đoàn để đánh bọn Mỹ. Ba nghe từ phía trong, anh Bảy Kim nói oang oang: – Tôi thà chết chứ ngồi không như thằng cụt chân thế này không chịu được. Đề nghị dồn hết anh em, ai còn cầm súng được, đánh vô khu dồn cho nhân dân ra ta mới nhờ cậy được. Bây giờ nó mới dồn, còn lỏng lẻo, không làm ngay nó ràng chặt thì khó lắm. Bảy Kim ưa hành động, nói xong là làm ngay. Hồi còn làm thợ đục đá thuê cho một người chủ ở dưới chân Ngũ Hành Sơn, một hôm, mải tán gái, anh làm hư một bức tượng. Người chủ mắng, anh đốp lại: “Tôi không làm với ông nữa. Tôi đi cách mạng để về tiêu diệt bọn tư sản các ông đây” . Thế là anh đi du kích. Bảy Kim có sức khỏe, anh đánh giặc rất hăng. Anh đánh giặc như người ta bổ một khúc củi hay tát một đìa cá, đánh xong là ngủ, là ăn, không lo nghĩ. Đối với anh lòng dũng cảm của con người chính là sức khỏe, là cú “ục” bất cứ trong trường hợp nào. Vì cán bộ chỉ huy đội du kích liên tiếp bị hy sinh, anh được kéo rất nhanh từ đội viên lên trung đội trưởng rồi làm xã đội phó. Từ khi Bốn Thổ mất, người ta đồn rằng, anh sẽ được làm xã đội trưởng. Nhưng ai cũng ngạc nhiên là gần một năm nay, Năm Hà vẫn kiêm luôn. Có người bảo tại vì Bảy Kim thiếu chín chắn, có người bảo tại vì anh táo bạo quá. Bây giờ, ý kiến của anh cũng táo bạo làm mọi người suy nghĩ. Chú Năm Hà nói: – Các anh tính xem. Ta có một dúm người, địch thì mạnh. Nó đang cày ủi trong làng nên quân còn đứng đông. Ở khu dồn đầy Mỹ, cảnh sát, nghĩa quân, ác ôn. Thằng sư 51 ngụy cũng nằm ở Non Nước. Ta đánh vô khu dồn hóa ra tự tử à – chú im lặng một chút rồi tiếp – Có lúc nằm im để chuẩn bị lực lượng cũng là điều cần làm. Tiếng Bảy Kim rít lên. Anh vốn nóng nảy. Khi đề xuất việc gì, ai không đồng ý, anh rất bất bình. Anh không ưa những người đưa vào công việc những vấn đề lý luận, dù họ nói hay và đúng. Anh nói: – Tôi sợ ông Năm Hà thiếu tư tưởng tấn công đó. Ít nhất ta cũng tổ chức đánh tập kích, diệt xe chớ, ngồi yên à? Tình cảnh dân như thế, các anh không bức xúc gì à? Tiếng chú Năm Hà trầm trầm: – Theo tôi thì ta tạm lặn để giữ lực lượng đã. Kinh nghiệm cho biết là lúc này, địch làm căng. Nhưng thanh lọc và cày xong chúng sẽ yên ở vùng ta để đi vùng khác. Lúc đó ta mọc lên. Tất nhiên ta không ngồi ỳ. Tôi đồng ý là ta sẽ gài mìn phục xe, ngăn địch lấn vô khu Cô Sơn này. Nhưng bây giờ, chủ yếu là ta củng cố chỗ đứng chân, móc nối vô khu dồn, dần dần phối hợp với khu dồn, làm sao trài dân(1) ra. Từ đó mới đứng vững được. Tôi tin làm như vậy là ổn. Ý anh Sáu thế nào? – Tôi đồng ý với ý kiến anh Năm.Tôi mới nảy ra ý này: Bữa nay ta gặp hai cháu Ba và Một. Ta phải qua các cháu, tìm cách liên lạc,. củng cố mọi đoàn thể trong khu dồn. Riêng các cháu vì thế hợp pháp dễ hơn người lớn, vô ra ra vô được, nên ta cố kéo các cháu đi về. Các cháu về rồi cha mẹ sẽ về. Chúng ta có bác Đường (ông nội Ba) làm chỗ dựa cho công việc này, hẳn sẽ xong. Trời sáng dần. Trong lớp sương mù đùng đục tỏa lên từ mặt biển, mặt trời tròn và đỏ mọng như một mặt trời trang trí trên sân khấu. Tiếng súng đã nổ rộ trên đường tỉnh lộ. Trong làng, tiếng hù hụ của xe cày lại nổi lên. Thấp thoáng trong sương mờ, bọn lính đang đi lại trên mặt cồn Quy. Chú Năm Hà bước đến bên Ba, kéo Ba vào lòng nói: – Chú đã kêu con Một dậy rồi. Bây giờ hai cháu về đi chớ ở đây không lợi. Có thể chúng sẽ càn vô. Nếu dọc đường gặp địch hỏi đi đâu thì bảo đi bắn chim. Cháu nói với ông nội cho chú thăm… Vô khu dồn, cháu bàn với chị Sáu Tròn và các bạn tìm cách hợp pháp sao đó để đi đi về về nơi đây. Chú rất muốn có các cháu hợp pháp đứng bên để giúp đỡ các chú. Nhưng chú chưa rõ là làm cách nào. Có các cháu, có bà con thì các chú mới đứng được. Tình hình thế nào, cố gắng chiều nay cho chú biết nghen. Một ngày trôi qua. Hai ngày trôi qua. Chú Năm và các anh du kích căng mắt đợi vẫn không thấy em nào tới. Cho đến xẩm tối ngày thứ ba mới thấy Ba men sát bờ cồn Quy, xuất hiện trên cánh đồng. Ba vừa đi vừa lom khom chạy. Chốc chốc đứng lại nhìn trước nhìn sau rồi lại chạy. Khi đến nơi, Ba thở hổn hển nói: – Mấy bữa nay mấy chú đói lắm hả. Bữa hôm kia về nhà, cháu biểu con Một vô khu dồn trước. Cháu với ông cháu đào lu thóc giấu ở chân cồn Quy đem về. Không có gì giã, hai ông cháu dùng cái mũ sắt cũ với cái chày giã mắm. Giã được mấy nắm thóc thì một thằng ngụy đi qua hỏi: “Tụi bây giã để tiếp tế cho Cộng sản đó à? Tụi nó chết hết rồi”. Ông đáp: “Giã cho hai ông cháu ăn đấy chớ”. Nó nói: “Sao không vô khu dồn mà ở, trong đó có cấp gạo đấy”. Ông nói: “Thưa ông, tui bị lao, mấy ông Mỹ cho ở lại”. Nó đi một lúc thì một đứa khác đến. Chẳng nói chẳng rằng, thằng này đá mũ gạo ụp xuống cát rồi bắt hai ông cháu vô khu dồn. Chiều nay cháu gặp một thằng Mỹ cháu quen tên là Mai-cơn. Cháu giả bộ đi chơi với nó rồi chuồn về. Cháu lại giã gạo, nấu cơm cho các chú. Các chú đói không? – Đói thí mồ đây – Bảy Kim càu nhàu. Chú Năm Hà hỏi: – Còn cái chuyện chú dặn, các cháu đã làm tới đâu rồi? – Dạ, cháu phân con Một vô gặp chị Sáu. Khi cháu vô khu dồn nó lại đi đâu vắng. Trong khu dồn đang thanh lọc, ai cũng sợ nên cháu chưa gặp được chị Sáu để hỏi lại. Cháu sẽ vào tiếp lần nữa chú à. Chú Sáu hỏi: – Còn tình hình chung quanh ra sao? – Dạ, cháu nghe bọn ngụy nói chúng đang cày xã ta và Hòa Trung. Các xã khác thì chưa. Nhưng chúng ràng các trục đường dữ lắm, đi lại khó. – Hòa Vinh yên – Chú Sáu nói – Ở đó có bộ đội huyện, có hang đá trú quân. Chắc anh Chín ở đó, nếu liên lạc được thì tốt. Chú Năm Hà nhìn chú Sáu đăm đăm: – Hay, anh Sáu à, tôi cho liên lạc đưa anh sang đó thì tiện hơn. Anh sang đó ít bữa ổn ổn rồi về. Ở đây khổ quá. – Anh đi tôi đưa cho – Bảy Kim nói. Chú Sáu ngồi im. Hẳn chú biết, trong tình hình khó khăn, các đồng chí ở xã bao giờ cũng ngại có cán bộ cấp trên đứng ở xã mình. Họ phải bận tâm lo lắng, bảo vệ cấp trên. Ngại nhất là, có một số cán bộ lúc đầu chỉ có ý định đi lướt qua các xã khó rồi tìm một xã yên hơn để đứng chân, báo cáo về là họ đã đi khắp nơi. Cấp trên nữa sẽ khen họ. Nhưng khi bị bí ở một xã nào đó, thì họ gây ra lắm khó khăn cho xã. Chú Sáu biết rõ điều ấy lắm, chú nói: – Tôi biết tôi ở đây có vướng cho các ông. Nhưng sao tôi lại bỏ các ông lúc này khi ở Hòa Vinh có anh Chín. Tôi biết đến đó sẽ dễ chịu hơn. Cán bộ như tôi họ sẽ lên đó, mà chẳng có gì trái, vì họ làm việc cho cả huyện. Nhưng tôi không vậy đâu nghe. Chỗ nào khó, tôi xông đến. Tôi sẽ ở đây cùng các ông. Bây giờ, chúng mình tính cách củng cố khu vực này để đứng chân lâu dài… Chú Sáu nói thế nhưng chú không còn ở lại với anh em được quá một ngày… (1) Một biện pháp phá lỏng ách kìm kẹp của địch, chuyển dân ra khỏi khu dồn từng bước đưa họ về làng cũ. T 9 ừ hồi nào đến giờ. Ba mới gặp một trận càn quét ác liệt như vậy. Đêm qua, Ba định quay về cồn Quy, nhưng thấy pháo bắn ở đó nhiều, nên chú Năm Hà giữ Ba lại. Thế là sáng nay, Ba gặp trận càn của giặc vào Cô Sơn. Ngay từ sáng sớm, pháo địch bắn dồn dập. Lúc đầu chúng bắn ngoài đồng, dọc bờ sông, phía bãi biển như để khoanh vùng. Rồi sau đó, chúng cấp tập nã đúng vào giữa Cô Sơn. Ba ngồi cùng hầm với chú Năm Hà. Ba thấy hầm kèo cứ chao qua chao lại. Tai Ba ù đặc. Lửa nhoang nhoáng chung quanh. Đây đó, trên những tàng lá khô, lửa bốc cháy xèo xèo. Một tiếng rè rè bay trên đầu. Ngay lúc ấy, Ba nghe một tiếng “phụp” và tiếp liền một tiếng nổ chói tai bên cạnh. Căn hầm kèo của Ba kêu răng rắc, cát sỏi đổ rào rào. Bỗng nhiên Ba nghe một tiếng kêu ở hầm bên cạnh. Chú Năm Hà nhoài người ra cửa hầm hỏi: – Có ai sao không? Tiếng anh Hai Sáng nói vọng đến như người mắc nghẹn: – Anh Sáu bị thương nặng. Chú Năm Hà phóng ra khỏi hầm, chạy về phía có tiếng kêu. Ba nghe loáng thoáng: “Có ai có băng không? Trời ơi ảnh gãy chân trái rồi”. Một tiếng hét giật giọng: – Chúng nó tràn vào? Trong một phút tất cả đều im lặng, thảng thốt. Ba cùng với các anh du kích vọt lên khỏi hầm, nằm xuống bên những mô cát, những tảng đá, những thân cây vừa bị pháo bắn đổ, mắt đăm đăm nhìn phía cánh đồng, Ba thấy bóng bọn địch lố nhố. Có mấy thằng đã chạy vọt lên phía trước. Bỗng có một tiếng mìn nổ. Khói bay mù. Khi khói tan Ba không thấy mấy thằng đi trước nữa. Anh Bảy Kim nằm bên cạnh cười hê hê. Ai cũng biết bọn giặc vừa bị vấp quả mìn anh chôn từ hôm qua. Cối địch bỗng nã cấp tập vào Cô Sơn. Khi tiếng cối vừa dừng bọn địch lại tràn lên. Gần lắm rồi. Chú Năm Hà quay lại nói với Ba và anh Hai Sáng: – Anh và cháu Ba đưa anh Sáu về phía sau đi, ra hướng bờ sông đó. – Cho cháu ở lại với – Ba nói. Anh Bảy Kim hét: – Mày đi đi cho rồi, ở lại chỉ thêm vướng tụi tao. Ba ấm ức lắm. Cái cha này cứ coi thường mình. Lúc cần thì chả(1) vuốt ve mình, không cần thì chả chưởi mình. Ba muốn ở lại thử chả làm gì. Nhưng nghĩ lại, Ba thấy mình không có súng, chỉ có một quả US chú Năm cho lúc nãy, nên lẳng lặng đến bên chú Sáu, nói với anh Hai Sáng: – Thôi đi anh Hai. Anh Hai Sáng khum người xuống cõng chú Sáu, còn Ba xách chiếc bao bột mì đựng quần áo chú đi theo sau. Phía sau Ba, tiếng súng nổ ran. Mấy phút trôi qua. Tất cả bỗng im lặng. Chú Sáu nói: – Không biết nó lùi ra hay nó tràn vô rồi. Tôi chắc chết, anh và cháu cứ để lại đây…cháu Ba ra phía biển… về khu dồn. Còn anh Hai… quay lại xem thử . . . Họ đang dùng dằng thì ở phía sau tiếng súng lại nổ ran. Thế rồi, có tiếng chân người chạy sào sạo trên cát. Ba quay lại thì thấy anh Bảy Kim. Anh nói: – Hết đạn rồi. Chúng tràn vô mép Cô Sơn rồi, sao mấy ông còn ở đây – Anh nói rồi chạy vụt qua. Ngay lúc ấy, chú Năm Hà cùng các anh du kích chạy tới. Chú Năm Hà nói: – Các anh chạy trước ra bờ sông, có gì lội xuôi về phía biển, xuống vùng Sáu – chú quay lại nói với Ba và anh Hai Sáng – Cháu với anh cũng rút đi, để anh Sáu cho tôi. – Tui… không sống được đâu… các anh rút đi… cho tôi trái lựu đạn US. – Anh Sáu, anh Sáu bám vào lưng tôi. – Đi đi! – Tôi ra lệnh. Tiếng bọn địch la hét ở phía sau. Chú Sáu nói: – Tất cả đi đi… chết hết giờ… Ba vừa lao về phía bậc sông thì nghe một tiếng lựu đạn US nổ. Ba cùng các anh, các chú bơi sang bên kia sông, ngồi tựa vào bờ đất, lấy bèo phủ lên đầu. Độ năm phút sau, Ba nghe bọn địch la ó dọc bờ sông: – Nè, thằng du kích áo đen kia, mày lên ngay, tao thấy rồi, mày núp dưới túm bèo tím kia kìa. Ba thấy lạ quá, sao chúng biết mình núp dưới bèo. Ba rục rịch định lặn đi nhưng chú Năm Hà kéo Ba ngồi im. Ba nghe một tiếng nổ chát chúa trên mặt nước phía trước mặt. Nước chao qua chao lại: – Con ơi, lạy bố đi – Bọn giặc lại hét – lên đi chứ không bố cho về chầu ông vải đây nè. Một phát đạn bắn ngay vào túm bèo bên cạnh Ba. Máu loang đỏ một vùng trước mặt, phía anh Hai Sáng núp… Một lúc sau, bọn địch rút vào Cô Sơn. Tức thì, pháo giặc lại bắn dồn dập xuống sông và hai bên bờ. Chú Năm Hà lặn đến chỗ anh Hai Sáng rồi quay lại nói với Ba: – Bây giờ, chú cháu mình bơi về vùng Sáu. Chú hẹn với các anh rồi. Cháu đi trước, chú kéo anh Hai Sáng đi. Anh ấy đã bị một phát đạn trúng tim. Chiều hôm ấy, địch rút. Nhưng suốt đêm, pháo chúng bắn không dứt vào khu Cô Sơn và hai bên bờ sông Bãi Dài. Đội du kích mệt mỏi, căng thẳng, nghỉ lại trên bãi cát, sát bờ biển. Đây là một cái làng cũ. Bọn địch đốt phá nhiều lần quá nên bà con đã lên ở thị trấn Non Nước. Sáng hôm sau, đề phòng bọn giặc tuần dọc biển, họ chia nhau, từng người một moi cát chôn mình xuống, trên đầu đội những chùm rau muống biển. Nắng lên dần. Mới chừng nửa buổi mà nóng như thiêu như đốt. Ba ngỡ da thịt mình bị tróc ra từng mảng, như bị người ta cho vào nồi rang. Cái đói lại dằn vặt. Bụng Ba như có chân con gì cào cấu. Ba bứt một nắm lá rau muống biển nhai nhai cho đỡ khát. Loại rau này thỏ ăn rất tốt, nhưng chưa bao giờ Ba thấy người ăn. Thỏ ăn được thì mình ăn được. Ba nuốt ực một cái. Vừa lúc ấy Ba nghe anh Bảy nói bên cạnh: – Kiểu này thì chết bỏng mất mấy ông. – Tôi cũng nghĩ mình ở tạm cho qua ngày – Chú Năm Hà nói – Đêm tới ta rút về chỗ nào đó. Có thể về tạm ở làng. Ổn ổn rồi ta về lại Cô Sơn. Một chiếc bo bo từ ngoài khơi chạy về phía bờ. Nó dừng lại ở mép nước. Hai thằng Mỹ cầm hai khẩu tiểu liên nhảy lên bờ cát. Nó lùng chăng? Ba nhìn theo hai tên Mỹ. Ngay lúc ấy, trước mặt Ba hiện lên một con chó hoang hông tóp rọp, lông rụng từng mảng, gặm một cái xương chạy dọc bờ biển. – Pằng! Tiếng nổ bật ra từ đầu súng của một thằng Mỹ. Ba nghe tiếng “ẳng” và con chó chỉ còn chạy một chân, dáng trân trối. – Pằng! Một phát đạn nữa. Con chó xoay xoay người rồi ngã xuống. Hai tên Mỹ cười hô hố, chạy đến xách con chó, đi về phía chiếc bo bo. Bỗng một tiếng “bùm” làm chúng đứng sững lại, ngoảnh nhìn về hướng Ba và các anh du kích nấp rồi nhảy ngay lên bo bo, phóng ra biển. Ba giật nảy mình. Trước mặt Ba, nòng súng anh Bảy Kim đang bốc khói. Anh nói: – Bắn cho chúng hết làm tàng. Mọi người nhìn anh Bảy Kim, im lặng. Tính nóng nảy, tính tự do vô tổ chức của anh gây cho mọi người một nỗi lo. Ai đó bật lên tiếng nói: – Làm lộ mẹ chỗ trú quân rồi. – Lo đếch gì, chẳng sao đâu – Bảy Kim nói. Một quả pháo nổ ầm ngay bãi cát sát bờ biển. Một lúc sau, pháo cấp tập bắn về phía họ. Dưới trưa nắng, những người du kích phải bò lết trên cát để dời vị trí. Sự bồng bột của Bảy Kim đã gây tổn thất: Anh Bảy Nghề bị thương vì một mảnh pháo găm vào bắp đùi. Đêm hôm ấy, Ba cùng đội du kích lần về phía giữa xã. Theo ý chú Năm Hà và các anh, ở đây, chúng đã cày xong nên có thể ổn hơn. Suốt đêm họ tản ra, sục khắp nơi trong làng cũ để tìm thức ăn. Cho đến gần sáng, mỗi người chỉ đem được về nơi tập trung những lọn rau muống, những củ khoai lang sống, một lon nước lã, mà họ lấy được ở những đám ruộng giặc cày, ở những cái giếng giặc ủi vỡ thành. Cả làng không còn thứ gì hơn. Bọn Mỹ ngụy đã cày nát, đã cướp sạch. Trời sáng dần. Để đề phòng giặc, họ chia nhau ngồi dưới những hố giặc cày, núp dưới những thân dương, thân dừa bị ngã. Họ lấy những cành lá bị héo nát phủ quanh người. Ở vùng này vốn nhiều dương. Ngày nào Ba cùng các bạn lẩn trong bóng dương chơi trò trốn tìm. Ngày nào Ba cùng các bạn giắt cành dương quanh người như bộ đội ngụy trang, chơi trò đánh trận giả. Giờ đây, những thân dương trốc gốc, gãy nát nằm lộn với cát, với những xác nhà. Dưới những gốc dương, nhựa bám từng cục như máu người đọng lại. Ôi quê hương! Mỗi vùng quê đều có một loài cây của riêng mình. Vùng quê cát của Ba là dương. Ôi quê hương… Một đêm nữa trôi qua. Ngay từ sáng, một chiếc tàu rọ è è bay qua: – Hỡi anh em cán binh Việt cộng! Chúng tôi đã đẩy sạch chủ lực của các anh sang Lào rồi. Ở đồng bằng, chúng tôi đã cày ủi xong và lập khu trù mật xong. Các anh không thể sống không dân. Cá mà không có nước thì cá cũng chết. Mong các anh, ai còn sống lẩn quất thì ra đồn Non Nước trình diện với “quốc gia” rồi tùy ý về nhà làm ăn. Mọi người im lặng, nằm ẹp xuống đất. Nó biết mình ở đây chăng? Họ tự hỏi. Nhưng thấy chiếc máy bay cứ đi dọc, đi ngang, nói mãi những lời như thế nên họ đoán là nó ghi âm sẵn, ở đâu cũng sủa đúng một giọng. Họ yên tâm. Một lúc sau, nó quay lại chỗ họ. Lần này nó thả ra một câu khác: – Hỡi anh em, Bí thư Huyện ủy Chín Thông của các anh đã đầu hàng ở Hòa Vinh rồi. Mong các anh theo gương mà về .. về về… Mọi người bàn tán: – Có thực anh Chín đi đầu hàng không? – Nó nói láo. – Sao nó biết tên anh Chín? Bảy Kim nói mệt mỏi: – Thời này chẳng biết thế nào. Kể cũng khó đó mấy ông à. Một ngày nữa trôi qua. Xẩm tối, anh Bốn Nghiêng đề nghị chú Năm Hà cho anh đi về phía cồn Quy để nắm tình hình. Theo lời hẹn thì nửa đêm anh sẽ có mặt, nhưng tới khuya mà anh vẫn chưa về. Mọi người lo lắng lắm. Họ bàn nhau: – Hay ảnh bị phục rồi. Hồi nãy tôi nghe tiếng súng. – Hay… – Bảy Kim nói. Mọi người nhìn Bảy Kim. Không ai có thể nghĩ đến điều ấy được. – Hay anh ta “đi” rồi – Bảy Kim tiếp – tôi thấy mấy hôm nay, anh ta thấp thỏm lo âu rất lạ. – Không thể có. Chú Năm Hà nói. – Có thể chứ. Chú Năm Hà đứng dậy: – Thôi, giờ anh Bảy chỉ huy, tôi đi thử. Mắt Bảy Kim lóe sáng. Nhưng anh nói : – Để coi thử sao đã. – Để cháu đi cho, sắp sáng rồi, có gì cháu hợp pháp dễ hơn – Ba xen vào. – Chú đi cho – Chú Năm Hà giành. Mọi người bàn tán. Cuối cùng Ba được đi. Khi Ba về tới gần nhà cũ của mình thì trời đã rạng sáng. Ba đứng núp sau một bụi cây quan sát chung quanh. Bỗng nhiên, Ba nghe từ lùm cây bên cạnh có tiếng người nói: – Thế nào bọn du kích cũng đến lấy xác thằng bị treo cổ này. Tình đồng đội của chúng cao lắm. Tiếng người thứ hai thô tục hơn: – Con c… Nó tiếc gì một đứa. Sáng rồi. Thôi về kiếm cái gì vào bụng đi. Từ sau lùm cây ấy, hai tên ngụy bước ra. Chúng đi về phía con đường làng. Ba cũng bước ra khỏi bụi rậm. Có một cái gì đó làm Ba lạnh toát sống lưng. Ngay trước mắt Ba, xác anh Bốn Nghiêng bị treo lủng lẳng trên một thân cây khô, người trần truồng, cháy đen, in trên nền trời rạng sáng… Ba đứng lặng im một lúc rồi đi về phía khu dồn. Trong khi đó, ở chỗ du kích, các anh cũng bật dậy, đề phòng. Bọn địch đang la ó phía đầu làng: – Có thể Bốn Nghiêng hay thằng Ba chỉ điểm rồi – Một du kích nói. – Có thể Bốn Nghiêng…? – Có thể thằng Ba – Bảy Kim nói – Nó có vẻ khá. Nhưng con nít thì làm sao chịu được những cái đét… với lại mẹ nó… . Vừa lúc ấy, họ thấy một ngọn lửa bốc lên từ xa. Rồi, trong những làn gió, lửa trùm nhanh lên những cây dương khô, lan về phía họ. Không còn cách nào khác. Họ bò ra một bãi cát trắng, nằm chết dí ở đó. Tối hôm ấy, trong đội du kích bỗng xảy ra một cuộc cãi nhau. Anh Bảy Kim nói: – Nó đánh vô Cô Sơn là không ổn rồi. Chúng ta đã mất thế đứng. Bây giờ không thể sống ở đây được. Chúng ta có thể sang Hòa Vinh một thời gian rồi về tấn công lại. Ở đó có hang đá, có bộ đội huyện, có các ảnh giúp đỡ. . . – Chẳng lẽ bỏ dân bỏ đất mà đi à? – Năm Hà nói. – Anh thật là anh hùng. Bữa trước bảo tấn công vô khu dồn cho đồng bào ra, ta có chỗ đứng, anh không chịu vì “phải giữ lực lượng”. Bữa nay, địch làm hung, ta cần giữ lực lượng thì anh đòi ở lại cho chúng thịt. Cái gì anh cũng muốn làm theo ý anh. – Ai đi thì đi, tôi ở đây bám – Năm Hà nói – Kinh nghiệm cho thấy, nó làm gắt một thời gian, thanh lọc xong là ổn. Nếu mình đi, mình có thể sống đỡ hơn ở đây. Nhưng bà con ở khu dồn lấy gì để mà tin tưởng nữa. . . Lấy gì để hy vọng nữa. – Kinh nghiệm, kinh nghiệm. Chưa chắc vậy đâu. Anh nói chi cũng có lý. Ta đi tìm bộ đội ta dựa, chứ có phải đi theo địch đâu? Hai người nhìn nhau. Hai người bạn cùng chiến đấu nhưng lúc khó khăn, mỗi người nghĩ một khác. Biết đâu, sau này, trong cuộc đời, hai người sẽ đi theo những con đường khác nhau… (1) Cha ấy 10 K hu dồn cồn Biện khác xa hồi Ba mới bị lùa vào. Bây giờ ngay cổng chính, chúng treo một tấm biển màu xanh, chữ vàng: “Trại tỵ nạn”. Hai tên nghĩa quân mặc quần áo đen, đội mũ đen, cầm AR15, ngồi uể oải trên hai chiếc ghế kê hai bên cổng ngáp vặt. Người ra cổng để đến nhà hội đồng xin giấy hay đi phố mua sắm và từ hai nơi ấy trở về đều chìa cho chúng xem thẻ căn cước. Chúng nhìn qua loa vì đã quen mặt. Vả lại, chung quanh đây là khu vực đồn bốt, có nhiều trạm gác của chúng, chẳng ai có thể đi xa được. Thỉnh thoảng, một thằng như phát rồ, giương súng lên, xỉa thẳng vào một người nào đó, hỏi giật cục: “Ra phố về à, giấy đâu?” làm cho người này lúng túng rồi cười ha hả, hỏi tiếp: “Cái gì cầm trên tay kia? Thuốc hử? Đưa đây bao!”. Ba đứng bên kia đường giả vờ đợi người nhà, quan sát cái cảnh ấy rồi theo một bà cụ đi từ phố về, bước vào cổng. Hai thằng nghĩa quân đang hút thuốc, nhìn Ba lăm lăm nhưng không hỏi gì. Khắp khu dồn, mùi tanh tưởi bốc lên nồng nặc. Rác đùn từng đống, rác rơi vãi suốt dọc con đường chính vào các khu nhà ở. Ruồi vo vo, bay theo đáp vào mặt vào đầu Ba. Một đứa bé vừa ỉa vừa nhìn Ba, rồi mếu máo khóc lên gọi mẹ. Nhà ở được dựng hai bên trục đường chính. Đầu tiên là hai cái nhà bạt của bọn nghĩa quân canh giữ khu dồn. Tiếp liền sau đó là những chiếc nhà tôn, nhà bạt không vách che. Có nhiều chỗ, chật chội quá, người ta lót chiếu, lót các-tông nằm trên cát. Khói từ những chiếc bếp dựng lên tùy tiện khắp nơi bay mù mịt trong cái nắng hầm hập dội xuống cồn cát làm Ba cảm thấy nhức óc. Ba đi loanh quanh mãi vẫn không tìm thấy chị Sáu. Bất ngờ, Ba bị một cú thụi đau nhói sau lưng, quay lại, thấy thằng Đến đang toe toét cười. Nó cất giọng ồ ồ hỏi: – Mấy hôm nay mày đi đâu Ba? – Ở đây ngại bom đạn quá, ra ở với bà già ngoài Sơn Trà. Đến “xì” một tiếng qua kẽ răng rồi kéo Ba đến một chỗ vắng: – Nói láo. Mày có về chỗ các anh cho tao về với! – Tôi đâu bằng các anh, tôi đi Sơn Trà mà. Đến đấm Ba một cái nhè nhẹ vào lưng: – Mày cứ tự ái mãi. Như vậy là chưa tốt. Có ai bảo mày hư hỏng gì đâu. Người ta mới đề phòng, mày đã sửng cồ. Cái đó, cần phải giáo dục mày nữa. Nhưng thôi. Tao biết mày về với các anh, sao không rủ tao về? – Tại lúc mới vô khu dồn, bay cứ thì thầm gì với nhau có cho tao biết đâu. – Thì cũng bàn chuyện đi về chớ có gì đâu. Nhưng mày phải biết chớ. Mày mới về, người ta còn coi mày thử ra sao đã – Đến lại cười – Trong lúc đó, mới vô khu dồn mày đã được thằng Đang mặn ngọt, mày đã chơi với Mỹ ngay. Ai cũng phải đề phòng chớ! Chị Soan bảo tụi tao đừng có nói gì với mày đấy. – Thế thì sao mày trách tao không rủ mày về? Thôi, xí xóa. Giờ mày dẫn tao đến chỗ chị Sáu đi. Đến kèo nài: – Chỉ rồi cho tao theo về với nghen. Đến dẫn Ba đi vòng vèo qua các nhà tôn, nhà bạt chen chúc người. Tới góc cuối khu dồn, Đến chỉ vào một mái tôn lụp xụp: – Đó chị Sáu ở đó. Ba lập tức quay lại nói với Đến: – Mày nguyên tắc với tao rồi, giờ tao cũng nguyên tắc lại. Mày phải ở ngoài này, không được vô nhà chị Sáu với tao – Ba nói và tưởng Đến sẽ càu nhàu phản ứng, nhưng nó nói: – Đồng ý. Vừa lúc ấy, chị Sáu ngoái cổ ra gọi: – A, hai cậu, làm gì đó? Vô đây, vô đây. Ba nói: – Em có việc với chị. Đến có được vô không? – Vô đây. Đến cũng vô đây. Chị Sáu và thằng Tượng đang ăn cơm. Tượng gật gật mái đầu húi cua chào Ba kiểu như người lớn rồi bước ra ngoài, gác cho mấy chị em. Chị Sáu lấy hai cái bát xới cơm, gắp cá khô đưa cho Ba và Đến, giục: “Ăn đi” rồi nói: – Ba à, bữa trước nó đánh Cô Sơn chị lo quá, chẳng biết tình hình ra sao, em nói chị nghe. – Dạ. Nó đánh vô Cô Sơn, các anh cũng chơi được năm ba thằng. Nhưng nó đánh mạnh quá nên mình phải theo sông rút về vùng Sáu. Bữa nay đang ở…-Ba nhìn Đến, nhìn chị Sáu, thấy chị gật đầu nên tiếp – giữa xã, nên các anh cho em đi tìm chị. Các anh sống cực lắm. Chị Sáu hỏi nho nhỏ: – Có ai sao không các em? – Dạ, chú Sáu Huyện ủy viên hy sinh ở Cô Sơn. Anh Hai Sáng bị nó bắn trúng lúc núp ở sông Bãi Dài, chú Năm đem đi được, chôn ở vùng Sáu rồi. Còn anh Bốn Nghiêng thì đi vô làng, bị nó treo cổ. Chị Sáu ngồi im. Nước mắt lặng lẽ chảy. Chị lấy vạt áo lau mắt rồi nói: – Chú Sáu thật anh dũng. Bọn ngụy về đây nói khi chúng vô Cô Sơn, thấy chú bị thương nặng. Chúng xông đến hô “giơ tay lên” thì chú lập tức ném luôn một quả US. Tụi nó bắn chú, mang xác về đây treo ở bờ rào. Chúng nói: “Đứa nào làm Cộng sản cũng sẽ bị như vầy”. Nhưng bà con đấu tranh, bảo để đó hôi thối nên chôn rồi – Chị Sáu nhìn Ba nói tiếp – Mấy bữa qua, chị cho thằng Tượng đi liên lạc, nhưng không gặp các anh, chị lo quá. Có một số bà con tốt nghe bọn địch nói cán bộ, du kích bị diệt hết, còn người nào thì đi xã khác rồi, cứ bán tín bán nghi, không biết sắp tới đây ai hướng dẫn mình “làm ăn”. Nhưng chị, chị tin anh Năm với các anh vẫn ở lại xã. Em vô đây, chị mừng quá. Chị Sáu gắp cá cho Ba, giục Ba ăn cơm. Ba hỏi: – Còn ở đây ra sao, chị? – Tụi nó cho rằng cày xong, thanh lọc xong, đánh Cô Sơn xong là tạm ổn rồi. Nên chúng nó nới lỏng hơn. Bây giờ chúng lập các tổ chức “Thiếu nhi Phù Đổng”, “Phụ nữ Bà Triệu”, “Phụ lão quốc gia” của chúng. Bà con ta lợi dụng để gặp nhau, liên hệ nhau sau bao ngày e ngại. Chị và tụi thằng Đến đây làm được một số chuyện, cũng đã bắt đầu xáp vô binh vận. – Con Một về đây để nói ý chú Năm Hà, đã gặp chị chưa? – Rồi. Bây giờ chị sẽ bàn tiếp với em. Một tiếng “cạch” ở bên ngoài. Ba nhìn ra thấy mấy tên nghĩa quân đi qua. Hai chị em im lặng. Một lúc sau, Ba nói nhỏ: – Con Một giờ ở đâu, chị? – Nó đi với thằng Thấn lên đồn Mỹ rồi. Ba im lặng. Có một gợn buồn hiện lên trong mắt Ba. Đó là chút hờn dỗi xa xăm vốn có ở mọi người trong lứa tuổi như tuổi Ba. Một tiếng thầm đâu đó khẽ bảo Ba: Đấy, con gái là thế đấy. Mình ở dưới này nó bấu theo mình. Mình lên căn cứ nó bấu theo thằng Thấn. Ở Cô Sơn thế này, ở đây thế nọ… – Chị đã bàn với các chị và các bạn. Bây giờ chưa có cách gì đấu tranh trài dân ra. Phải chờ thêm một ít nữa, có các anh phối hợp kia. Cho nên, đầu tiên là cho các em về giúp đỡ các chú các anh. Các em hợp pháp dễ hơn các chị. Mấy bữa nay, chị cho từng tốp một vài em đòi ra quanh quanh đây chơi thử ra sao. Bọn gác cổng cho ra hết. Như vậy là có cơ làm được. Nhưng phải về từ từ. Bay kéo ra cổng đùng đùng một lúc là lộ ngay. – Em xin về trước – Đến nói giọng ồ ồ. Chị Sáu cười: – Rồi hẵng hay… – Chị nói tiếp với Ba – chị đã nói với Thấn rồi. Thấn cùng một số em nên ở lại. Thấn giỏi tiếng Anh. Nó lại có một người quen làm thông ngôn. Nó ở lại cùng các chị làm công tác trong này. Còn các em, chị đã có cách để các em về. Ba hỏi nhỏ: – Cách sao chị? – Thế này nghe – chị nói thầm vào tai Ba-chiều mai… – Hay lắm – Ba vỗ tay. Chị Sáu mỉm cười giục Ba và Đến ăn thêm. Bữa cơm ở khu dồn chỉ có gạo mục với cá khô. Nhưng so với các anh du kích ở làng thì vẫn sướng hơn nhiều. Mấy bữa qua, Ba và các anh chỉ ăn rau sống. Chị Sáu nói: – Để tiếp tế liền cho các anh, chiều nay chị sẽ nhờ người mua một ít bánh mì, đồ hộp gửi ở nhà một người quen ngoài thị trấn. Chị sẽ chỉ chỗ cho em lấy đem về cho các anh. Còn về lâu hơn thì, em về nói với chú Năm Hà nhen, chị có chôn một lu gạo ở dưới bụi dứa dại chẽ làm hai nhánh sát mép cồn Quy ra Cô Sơn. Em nói chú cho người đào lên, dễ tìm lắm. Ba cười: – Làm sao mà chị lo trước vậy? – Đó là chuyện bí mật, lớn lên em sẽ hiểu – Chị nói có vẻ trách móc – tính đàn ông không bao giờ lo trước cả… Sau này, mãi sau này, Ba mới biết chị Sáu đã thầm yêu trộm nhớ chú Năm Hà. Chị không những lo cho chú Năm Hà mà còn lo cho cả đội du kích. Nhưng đó là mối tình éo le. Ai cũng biết chú Năm Hà có một vợ một con, lúc chú đi ở tù, vợ chú đem con chú đi mất tích. Bây giờ chú vẫn mong đợi… Một tiếng “cạch” lại nổi lên. Hai tên nghĩa quân đi qua. Một tên nói: – Cái cung cách gác như mày thì có ngày Việt Cộng nó vô nó cắt cổ mất. Ai lại vừa gác vừa khò khò. – Vô, vô cái mả mẹ mày. Suốt đêm đi phục, giờ bắt gác, tao cứ ngủ. Việt Cộng còn chó đâu mà lo. Nó chạy cụp đuôi rồi… 11 B a đứng sững lại. Theo sau Ba các bạn cũng đứng sững lại. Trước mắt Ba, trong bóng chiều nhá nhem đổ xuống Cô Sơn, ông nội và các chú, các anh ngồi nhai bông súng luộc. Giữa một vùng đất còn nồng khét mùi thuốc đạn, cây cối đổ ngổn ngang sau trận càn vừa qua, khuôn mặt họ hiện lên dúm dó, lem luốc, vàng ệch. Các bạn gái đứng sau Ba thút thít khóc rồi ùa đến bên ông và các chú, các anh. Ba lặng lẽ hạ bao cước đựng bánh mì, đồ hộp từ trên vai xuống chia cho từng người. Chú Năm Hà nói với ông nội: – Cả chục ngày nay chứ chẳng ít đó bác. Ông nội giục: – Ăn đi các chú, tôi biết thế nào bọn nhỏ cũng về mà. Ba cười hí hí: – Đố ông với các chú biết tụi cháu về bằng cách nào? Ông nội nhăn mặt, giơ tay giả bộ xin hàng: – Tao chịu. Có lẽ tụi bay có phép tàng hình như tiên đấy. – Dở òm – Ba nói – ông biết không, chị Sáu bắt mối được với một nghĩa quân. Chiều nay anh ta gác. Anh ta cho từng tốp tụi cháu ra. Có đứa cầm ná giả bộ bắn chim, có đứa giả bộ mua kem, có đứa đi chơi với Mỹ. Ra ngoài, tụi cháu giả bộ đánh đuổi nhau, chạy về phía làng rồi tìm mãi tìm mãi mọi người. Cuối cùng mời đoán là các chú, các anh về đây. Ông biết bánh, đồ hộp ở đâu ra không? – Tao càng chịu nữa. – Thì chị Sáu nhờ anh nghĩa quân nọ mua, gửi ở bên bác Hai dưới chân chùa Non Nước, con đến con lấy – Ba hỏi ông – Ông về bằng cách nào? Ông nội cười hề hề: – Thường thôi. Cái lưng cho cứng, cái miệng cho chắc, mãi không moi được gì, nó trải chiếu hoa nó mời mình về thôi. Ba quay về phía chú Năm Hà: – Bây giờ chú tính tụi cháu làm cách sao đây ? Chú Năm Hà đang ngồi khom khom nhai bánh mì, ngẩng lên cười bảo: – Cái thằng, cho tao nuốt cái đã mày. Đang nghẹn đây. Các cháu về các chú rất mừng – Chú quay về phía ông nội. – Giờ theo ý bác với các cháu thì ta phải làm sao nào? Ông nội nói: – Tao phác ý vầy, bay coi thử: Muốn chi thì muốn, chuyện đầu tiên là mình phải xây dựng chỗ đứng cho mình đã. Bay nghĩ coi, Cô Sơn mình có lợi thế lắm. Bên trái hử, có con sông Bãi Dài, coi như hào đi. Thành nào mà không có hào. Bay đi Huế chưa? Thấy cái hào ở trước thành nhà Nguyễn chưa? – Ông nội hỏi rồi nói tiếp – Bên phải thì có cồn Quy. Trên đó có cái đồn Mỹ, nó ở khuất phía bên sườn kia, nó nhòm xuống làng. Ta sẽ bố phòng mìn chông làm cho nó án binh bất động. Nó sẽ thụt lút như con rùa chui vô mai. Vậy là ta có cái thành nghe. Sau lưng ta là bãi cát rộng, trước mặt ta là đồng, có gì đứng đây thấy thông thống. Bay tính sao. Có cái “vương quốc” nào tiện như vầy không? Chú Năm Hà nói: – Cháu thấy ý bác trúng bụng cháu đó. Nhưng bây giờ ta tính làm sao bố phòng đây. Bọn Mỹ sợ nhất là mìn, chông đó. Nhưng… – Chông thì khỏi lo – ông nội nói – tụi mình tìm quanh đây, bất quá là vô làng…còn mìn thì tính dần. – Cháu có cả kho mìn đấy – Đến nói – nhưng cho cháu đánh du kích cháu mới cho. – Nói dóc! – Các bạn “hứ” lên. Đến “hé” lại ngay: – Hổng tin tao hả? Hồi giờ tao lấy chiến lợi phẩm, tao nộp du kích một nửa, còn một nửa tao giấu để chuẩn bị… tao làm du kích. – Thiệt không? – Các bạn cùng hỏi. – Sao không! – Đến cất giọng ồ ồ – Không có, tao đứt đầu. Thằng Mười nhảy lại ôm nó rồi hai đứa lăn tròn trên bãi cát. Đó là cách thể hiện sự sung sướng của hai đứa nó. Ngay đêm sau, Đến đã dẫn các anh du kích, Ba, Mười đi lấy vũ khí. Đó là một cái kho gồm đạn, súng, thắt lưng Mỹ được chôn ngay ở bãi biển vùng Sáu, dưới một gốc cây dừa bị cháy…Nhưng đó là chuyện đêm sau. Còn bây giờ, thì các em lại ngồi bên nhau bàn cách xây dựng căn cứ, cái “vương quốc” của mình như ông nội của Ba đã nói. – Chớ bộ mình không làm máy truyền tin à? Con Một hồi nãy giờ ngồi im bỗng cất tiếng hỏi –Ví dụ, ta có một người thấy giặc trước, làm sao báo cho ban chỉ huy biết để chuẩn bị tấn công chúng. – Theo mày thì làm sao? – Con Hoa ngồi bên nó hỏi. – Theo tao thì tụi mình tìm dây nhợ rồi lấy ống bơ gắn hai đầu dây. Ở ngoài có một người gác, ở ban chỉ huy có một người gác. Có gì thông báo cho nhau, kiểu như tụi bay đánh trận giả ấy. Đó là một cách. Cách thứ hai là mắc một mạng dây như lưới đuổi chim, trên có treo lon đồ hộp. Có động tĩnh gì thì rung lên, nó kêu reng reng ai cũng biết. Cả bọn vỗ tay nho nhỏ tán thành. Đối với các em việc đánh giặc vừa rất nghiêm trang vừa giống như một trò chơi thích thú. Trong khi đó, ông nội Ba và chú Năm Hà ngồi cười tủm tỉm nghe các cháu bàn. Rồi đây, bao nhiêu việc phải làm: Làm sao có cái ăn, làm sao có súng đạn, làm sao diệt địch, làm sao đưa dân về làng cũ. Những ý kiến của các cháu đã làm cho chú Năm Hà suy nghĩ rất nhiều. Chú nói với ông nội Ba: – Bác Năm ạ! Mấy bữa nay, cháu lo quá, không biết làm cách sao để đứng được. Các cháu về, chúng nó bàn bạc làm mình sáng mắt ra đấy bác à. Một tiếng “oạch”, tiếp sau là một tiếng “oành” bay qua đầu họ. Mọi người im lặng. Bọn Mỹ trên cồn Quy bắn cối rồi. Từ khi dồn dân đến nay, tụi nó sinh chuyện, đặt thêm cái đồn cồn Quy này. Tụi Mỹ ở đây lúc đầu còn sục sạo xuống chân đồn. Nhưng đêm qua, các anh gài một trái mìn, tụi nó bị vướng chết mấy thằng, nó sởn óc, bữa nay không mò ra mà chỉ dám bắn cối. – Chà, không biết mấy chả bữa nay làm ăn có được không? – Chú Năm Hà lẩm bẩm. Ngay lúc ấy, có tiếng chân sào sạo trên bãi cát. Chú Năm Hà quay nhìn về hướng ấy lắng nghe rồi huýt sáo mấy tiếng chim: “Chóc quạch, chóc quạch”. Lập tức bên kia cũng có tiếng “Chóc quạch, chóc quạch” đáp lại. Đó là hai anh du kích đi gài mìn ở cồn Kinh về. Phải trị chúng vì chúng hay bắn cối về đây lắm. Khi hai người đến gần, chú Năm Hà hỏi: – Xong rồi hử? – Xong rồi. – Mấy ông chơi cách nào? Một anh du kích trẻ măng nháy mắt nhìn Ba: – Như cách anh Bốn Thổ thôi. Tụi này đội cành dương, ở cồn Kinh còn lắm dương mà, trườn mãi lên cột cờ, moi cát gài mìn xong thì rải tờ truyền đơn có câu “Nếu còn bắn cối sẽ còn bị trừng trị nữa” đó… – Mìn hẹn mấy giờ? – 6 giờ 30 sáng. Chú Năm Hà cười, đáp: – Thôi mấy ông nghỉ đi . Nghỉ rồi ăn bánh mì thịt hộp. Bọn nhỏ nó mới mang về đó. 12 Ở Cô Sơn bỗng hiện lên hai khu xum như hai bãi nấm trồi lên mặt cát. Đó là hai khu nhà hầm. Mỗi khu có một cái xum lớn ở giữa, vây tròn là những xum nhỏ, mỗi xum cách nhau vài chục mét. Các xum này được dựng theo hình chữ A, vách lót bằng gỗ dương, thân dừa, nằm dưới lòng đất, chỉ có cái cửa là nhú lên một chút. Dưới lòng xum, người ta chỉ thấy có những chiếc chiếu rách, những tấm bìa các-tông, những nắm lá dương khô. Giữa các xum có đường hào nối nhau lại. Ở khu xum phía nam gần sông Bãi Dài, người ta thấy xuất hiện bóng dáng những người du kích mặc quần áo nin-phăng xanh cũ, cáu bẩn, nách lúc nào cũng cặp súng. Khu xum phía bắc gần giáp cồn Quy, thấp thoáng một đám trẻ ăn mặc đủ kiểu áo quần, quây quần bên một cụ già người cao to, lúc nào cũng có dáng trầm ngâm. Nối liền hai khu xum ấy là một con hào nhỏ không sâu lắm, người lớn đứng thẳng chỉ tới bụng, đi phải cúi khom khom. Người ta tách hai khu xum ở hai phía Cô Sơn như vậy để tránh sự tập trung, dễ tổn thất khi có phi pháo. Mặt khác, chia người ra ở nhiều nơi, càng dễ quan sát địch trên diện rộng, phối hợp với nhau nhịp nhàng hơn. Muốn có hai khu xum đó, những người ở Cô Sơn phải nỗ lực phi thường. Người ta phải lùng sục vào làng cũ, săn từng lưỡi cuốc, lưỡi xẻng may ra còn sót lại sau những trận giặc cày ủi hoặc bí mật mua ở chợ mang về. Thế rồi, suốt bao đêm họ tổ chức đào hầm, chuyển gỗ. Những thân dừa, thân dương từ trong làng, quanh Cô Sơn đã ngã xuống vì bom đạn, vì xe giặc cày ủi, giờ đây tiếp tục hiến thân mình để che bom đạn cho họ. Ở đây thường thấy cảnh này: cứ gần sáng, tại cái xum lớn ở phía bắc, có hai em bé gái thức dậy lúi húi trước hai chiếc thùng vốn đựng dầu xà lách được các anh du kích tạo thành hai cái bếp, nhóm lửa. Sau đó, các em lấy nước từ các ống pháo dựng ở vách xum (có lẽ đã chuẩn bị từ chiều hôm trước) để vo gạo rồi bắc xoong lên bếp. Chính lúc ấy, ở khu xum phía nam, các anh du kích, sau một đêm lặn lội hoạt động, đã trở về cởi áo phanh lồng ngực đón gió biển vào. Một lúc sau, cơm nước đã xong, trời vừa sáng, khi các anh du kích lặn vào trong lòng cát nghỉ ngơi để lúc hoàng hôn lại mọc dậy thì từ các xum ở phía bắc, bầy trẻ nhỏ từ lòng cát phóng vọt lên. Một tốp các em ra phía bờ sông mò cua, bắt ốc, hái rau, đem ra chợ bán mua gạo, muối, dao, cuốc về. Một tốp cùng với cụ già ra ngay mép đồng dưới chân Cô Sơn để cuốc đất trồng rau, trồng khoai và làm nhiệm vụ theo dõi địch. Khi những tiếng “ô-kê, ô-kê”, “cọp ra” “heo sổng” vang lên ở phía cánh đồng thì ở Cô Sơn, mấy đứa bé, có khi đang cắm chông, có khi đang nhồi thuốc nổ vào lon cá làm mìn tự tạo, liền lặp chuyền những lời ấy về phía khu nam. Ở đấy, mấy chú bé cũng làm những việc như thế, ngừng tay, nét mặt căng thẳng, có khi các chú còn cầm chân lôi các anh du kích dậy. Một tốp các em bé cầm ná cao su tiến ra phía bờ biển, đi sâu vào làng cũ, dạo quanh các đồn Mỹ. Để rồi, tối đó các em lại kỉnh (1) cho các anh du kích những quả lựu đạn, những cây súng. Một đêm nào đó, một chú bé nào đó lại dẫn các anh du kích biến vào đêm tối. Những toán Mỹ phục lẻ tẻ tự nhiên mất tích, những quả mìn bỗng nổ ầm ngay chỗ bọn Mỹ đang tập hợp. Khó ai biết hết những đứa trẻ ấy làm gì. Chỉ biết, mỗi đêm về, Ba, người chỉ huy của các cô các chú bé, ngồi trước một ngọn đèn đựng trong thùng dầu xà lách, viết vào quyển sổ truyền thống Đội, ngày một dày thêm những dòng chữ: “- Ngày… tháng… năm… – Tổ Vàng Anh bắt ốc hái rau bán được 200 đồng, mua 5 kg gạo, hai hộp thịt, đã xin bà con được hai lưỡi cuốc mang về để đào hầm. Tổ Chèo Bẻo thu 1 súng, 1 quả pháo lép. Tổ Chim Sẻ canh gác tốt, làm được 6 quả mìn tự tạo. – Ngày… tháng… năm… Ngày … Một buổi sáng, chờ cho các bạn tản đi hết khắp ngả. Ba, Đến, Mười mới bước ra khỏi xum. Trên tay Ba đang cầm một lon thịt có hình hai con heo vờn nhau. Chẳng biết các em định làm gì, nhưng đêm qua, tại xum của Mười, ba đứa cứ rì rầm bàn tán mãi. Mười nói: