Cát Cháy – Thanh Quế full mobi pdf epub azw3 [Chiến Tranh]

Cát Cháy – Thanh Quế full mobi pdf epub azw3 [Chiến Tranh]

Tác giả:
Thể Loại: Hồi Ký - Tuỳ Bút
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn
EPUBMOBIPDFĐỌC ONLINE

“Cát cháy” viết trực diện về chiến tranh, về cuộc chiến đấu của quân ta với quân địch, mà quân ta ở đây là những đứa trẻ của đội du kích thiếu niên ở Cô Sơn.

Từ đây, tác giả đã viết nên một câu chuyện cảm động về sự can đảm, lòng quyết tâm, về tình bạn, tình đồng đội, tình thân vô cùng chân thực, dung dị.

Chiến tranh còn nóng hổi mùi bom đạn, với những cuộc càn quét, dồn dân ráo riết của quân địch, nhưng ở đó có những đứa trẻ không sợ đánh giặc. Từ nhỏ đã ý thức được cần phải tham gia vào chiến tranh, phải bền gan bền chí chiến đấu với kẻ thù, để không bị bạn bè chê cười, và để cùng giúp sức với các chú bộ đội lớn hơn.

Tuổi nhỏ mà kiên gan, như Ba, như bé Một, như Thấn… và rất nhiều những đứa trẻ khác nữa.

Theo dõi hành trình hàng ngày giữa bom đạn ác liệt của những đứa trẻ này, người đọc vừa cảm phục vì sự thông minh, dũng cảm của chúng, lại vừa thót tim, lo lắng mỗi khi thấy chúng đối diện với hiểm nguy.

Sự hy sinh của bé Một, cô bé giao liên tháo vát, nhanh nhạy và can đảm đã khiến cho mỗi đứa trẻ sững sờ. Chứng kiến cái chết của cô bạn nhỏ thân thiết, cô đồng chí anh hùng, mỗi đứa trẻ đều như lớn lên, trong đó người chịu tác động nhiều nhất là cậu bé Ba.

Ba và Một đã cùng lớn lên và có những kỷ niệm thân thiết với nhau. Tác giả đã dành cho Ba và Một những trang văn vô cùng thơ mộng giữa bom đạn, để dệt nên những khoảnh khắc kỷ niệm đẹp đẽ của hai người bạn, hai người anh em, và đâu đó, tưởng như đã nhen nhóm những rung cảm sâu kín lạ lùng.

“Từ phía bờ sông, có một mùi hương như mùi hương hoa dủ dẻ phảng phất theo làn gió bay vào. Mùi hương như tâm hồn con người, qua chiến tranh còn bền vững hơn chính bản thân sự sống của mỗi con người”. Mùi hương ấy, có lẽ Ba sẽ còn giữ mãi, để nhớ về Một. Và sự ra đi của Một khiến Ba trưởng thành hơn, và càng vững tin hơn nữa vào lý tưởng mà mình đang đi.

Trong buổi lễ kết nạp thành viên mới của đội du kích thiếu niên, những đứa trẻ để tưởng nhớ về người đồng chí nhỏ nhắn Huỳnh Thị Một đã quyết định lấy tên cô bé đặt cho Đội. Câu chuyện ấy buồn bã nhưng cảm động đến chừng nào.

Những đứa trẻ chiến đấu trong Cát cháy của nhà văn Thanh Quế, gợi nên biết bao nhiêu hình ảnh trẻ thơ đẹp đẽ kiên ngang trong chiến trường, như Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca trong Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán, hay cậu bé Gavroche trong Những người khốn khổ của văn hào Victor Hugo, hay cậu bé Ivan trong bộ phim Ivan’s Childhood của đạo diễn nổi tiếng người Nga Andrei Tarkovsky…

Chiến tranh và trẻ thơ vốn dĩ là hai phạm trù hoàn toàn trái ngược nhau. Trẻ thơ, với sự hồn nhiên, thơ ngây đáng lẽ nên được hưởng một đời sống yên bình, hạnh phúc, nhưng chiến tranh vẫn cứ xảy ra, và mỗi đứa trẻ, vẫn có thể trở thành những người anh hùng.

Như những chú lính chì dũng cảm, chúng vượt qua sợ hãi, vượt qua mất mát, để sống cuộc đời phải sống. Mỗi nhà văn khi viết về trẻ con trong chiến tranh, đặc biệt khi chứng kiến khoảnh khắc ngã xuống của chúng, đều như trầm lại, ngậm ngùi, và đầy đau thương.

Tác giả Thanh Quế đã có được những trang văn vô cùng cảm động, chân thành và dung dị về những đứa trẻ sống trong thời đại khói lửa buồn thảm ấy. Dù viết về một cuộc chiến trực diện, nhưng văn của Thanh Quế, vốn cũng là một nhà thơ, lại vô cùng mềm mại, uyển chuyển, và đầy những tâm tư.

Ông đi sâu vào suy nghĩ trăn trở của mỗi đứa trẻ, như Ba, dù rất dũng cảm, luôn quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, nhưng trong lòng luôn đau đáu một nỗi buồn về người mẹ của mình. Như Thấn, vô cùng thông minh, nhưng lại luôn lo lắng sẽ thua kém bạn bè, bị bạn bè coi thường….

Và hơn hết, tác giả đã viết nên một khúc ca đẹp về tình bạn, tình đồng chí, tình thương mến giữa những đứa trẻ với nhau. Chúng tự đến bên cạnh nhau, an ủi, khích lệ, vun đắp và giúp nhau trưởng thành.

Tác phẩm của Thanh Quế hôm nay đọc lại còn thấy vẫn nguyên cảm giác rùng mình vì sự phá hủy của chiến tranh, và vẫn thấy rưng rưng lòng bởi những mất mát, những khổ cực và chân tình mà những đứa trẻ dành cho nhau. Chuyện chiến tranh khép lại được chưa? Có lẽ, ở xứ sở đã chìm trong chiến tranh lâu đến thế, mất mát nhiều đến thế, chuyện chiến tranh vẫn chưa thể khép lại.

Tiểu thuyết Cát cháy của Thanh Quế  được lấy chất liệu từ những hoạt động chân thật của Đội du kích thiếu niên Hòa Hải, vùng chân núi Ngũ Hành Sơn, giàu truyền thống cách mạng và văn hóa, vào những năm kháng chiến chống Mĩ ác liệt.

Tập sách đã được giải nhì (không có giải nhất) của Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 1981 và là một trong hai tác phẩm đoạt giải thưởng Nhà nước năm 2012 của nhà văn Thanh Quế…

Nhà văn Thanh Quê vốn quê gốc ở Phú Yên. Tại đây ông còn mẹ già và các em gái. Nhưng ngay sau chiến tranh ông sống ở thành phố Đã Nẵng, nơi ông đã gắn bó và cầm bút gần nửa thế kỉ qua. Đà Nẵng chính là quê hương thứ hai nơi lưu giữ những hồi ức sống động bi thương và đẹp đẽ nhất của cuộc đời nhà văn.

Ông từng là học sinh miền Nam ra Bắc học ở trường học sinh miền Nam số 24 Hà Đông, rồi vào học khoa sử Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1969 ông vào công tác ở chiến trường khu V. Hiện nay ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng thư ký Hội Nhà văn Đà Nẵng.

***

Thân tặng đội thiếu niên du kích Hòa Hải

NHÀ THƠ THANH QUẾ

Tên thật: Phan Thanh Quế. Sinh ngày 26/2/1945, tại xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, trong một gia đình trí thức yêu nước. Cha là bác sĩ, lão thành cách mạng. Mẹ và các em đều tham gia cách mạng, có người là liệt sĩ, có người là thương binh nặng. Hồi nhỏ học ở trường làng. Từ năm 1955 đến năm 1963  tập kết ra Bắc, học tại các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Từ 1963 đến 1967, học khoa sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1967 đến năm 1969 là cán bộ Nghiên cứu, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương. Từ 1969 đến 1975 là phóng viên chiến trường, tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung trung bộ. Từ năm 1975 đến năm 1980 là cán bộ sáng tác, Trại sáng tác văn học Quân khu V. Từ năm 1980 đến năm 1983 là biên tập viên Tạp chí Văn nghệ quân đội (Tổng cục chính trị, Bộ Quốc phòng). Từ năm 1983 đến năm 2009 là phó chủ tịch Hội văn nghệ Quảng Nam-Đà Nẵng và Hội văn nghệ Đà Nẵng, Tổng biên tập tạp chí Đất Quảng và Non Nước, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (nhiệm kỳ 2000-2005). Từ năm 2009, nghỉ hưu và sáng tác tại Đà Nẵng. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1977 và hội viên Hội Nhà báo Việt Nam từ 1980. 

Có thể bạn thích sách  Chuyện Cũ Hà Nội - Tập 1

TÁC PHẨM CHÍNH 

Về thơ

Tên em khuôn mặt em (2 tác giả), NXB Giải phóng-1975; Tình yêu nhận từ đất (3 tác giả) NXB Tác phẩm mới-1977; Trong mỗi ngày đời tôi, NXB Đà Nẵng-1986; Giãi bày, Hội Văn nghệ Quảng Nam-Đà Nẵng-1988; Khi ta giở sách ra (thơ thiếu nhi), Sở Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên-1988; Hái tiếng chim (thơ thiếu nhi), NXB Đà Nẵng-1991; Những tháng năm vay mượn, NXB Đà Nẵng-1993; Mé biển đời tôi, NXB Hội nhà văn-2000; Người lính đi đầu (trường ca), NXB Quân đội Nhân dân-2003; Thơ Thanh Quế với tuổi thơ, NXB Kim Đồng-2004; Những tháng năm, NXB Quân đội nhân dân-2006; Một gạch và chuyển động, NXB Hội nhà văn-2006; Thơ Thanh Quế, NXB Hội nhà văn-2008; 72 bài thơ chọn, NXB Hội nhà văn-2012; Nơi phòng đợi, NXB Quân đội nhân dân-2006; Tuyển thơ; NXB Văn học-2016.

Về văn xuôi

Chuyện từ một truyền thuyết (truyện ngắn), NXB Kim Đồng-1978; Thung lũng Đắc Hoa (truyện ngắn 2 tác giả),NXB Phụ nữ-1980; Cát cháy (tiểu thuyết) NXB Kim Đồng -1983; Mai (truyện ngắn ), NXB Phụ nữ-1988; Người khách lạ (truyện ngắn), NXB Đà Nẵng-1990; 11 truyện ngắn, NXB Đà Nẵng-1994; Về Nam (hồi ký, chân dung văn nghệ), NXB Đà Nẵng-1996; Những gương mặt thân yêu (chân dung văn học), NXB Kim Đồng-1996; Bếp lửa làng Tà Băng (truyện ngắn), NXB Quân đội nhân dân-1998; Hai người bạn (truyện ngắn), NXB Kim Đồng-1998; Những kỷ niệm, những gương mặt (hồi ký, chân dung), NXB Đà Nẵng-2001; Từ những trang đời (hồi ký, chân dung văn nghệ), NXB Hội nhà văn-2001; Bà mẹ vui tính (truyện ngắn), NXB Kim Đồng-2002; Sao anh lại cảm ơn tôi (truyện ngắn), NXB Quân đội nhân dân-2002; Truyện và ký chọn lọc, NXB Hội nhà văn -2003; Dì Út (truyện ngắn), NXB Kim Đồng-2003, Thj trấn em kết nghĩa (truyện và ký), NXB Kim Đồng-2005; Ở giữa thời gian (truyện và ký), NXB Đà Nẵng-2007; Tuyển truyện Thanh Quế-chuyện ở miền Cát cháy, NXB Đà Nẵng-2009; Kẻ đào ngũ (tập truyện), NXB Quân đội nhân dân-2013; Tuyển truyện ngắn Thanh Quế, NXB Hội nhà văn -2011; Gương mặt và cảm nhận (chân dung văn học), NXB Đà Nẵng-2013; Ký và chân dung chọn, NXB văn học-2015; Hai người đàn ông và một người đàn bà (truyện), NXB Quân đội nhân dân-2016.

Giải thưởng chính

 Cát cháy (tiểu thuyết), giải nhì (không có giải nhất) của Hội nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 1981; Những tháng năm vay mượn (tập thơ), giải B của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1994; Giải thưởng loại A hai lần (1975-1985) và (1985-1995) của UBND Quảng Nam-Đà Nẵng cho các tác phẩm trong giai đoạn. Bếp lửa làng Tà Băng (tập truyên), tặng thưởng của Bộ Quốc phòng năm 2000; Người lính đi đầu (trường ca), giải nhì (không có giải nhất) giải thưởng văn học (1997-2005) của UBND thành phố Đà Nẵng; Một gạch và chuyển động (tập thơ), giải nhì (không có giải nhất) giải thưởng văn học (2005-2010) của UBND thành phố Đà Nẵng; Tiểu thuyết Cát cháy và tập thơ Một gạch và chuyển động, giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012.

***

Ba đứng sững trước sân, ngó trân trân vào ngôi nhà tranh thủng dột quen thuộc của mình. Nhà vắng tanh, cửa khép hờ, bên ngoài dựng một chiếc nia cũ. Chắc ông nội và mẹ vừa đi đâu đó.Trong một phút, những tình cảm trái ngược bỗng ùa đến: Ba vừa muốn gặp ông, gặp mẹ ngay cho đỡ nhớ, vừa muốn hai người về chậm lại để mình có thời gian sắp xếp mọi ý nghĩ đang bề bộn trong đầu. Ba cảm thấy vừa vui vừa lo. Ba đứng thẫn thờ một chút, sau đó, run run mở cửa bước vào nhà, hồi hộp nhìn khắp lượt những đồ vật như bao người đi xa về. Mọi thứ trong nhà: từ chiếc ảnh cha ố vàng trên bàn thờ, đến cái ghế, cái bàn, chiếc giường ọp ẹp, cả cánh cửa mở thông vào buồng trong không đóng lại bao giờ, vốn có ở những nhà nghèo, vẫn như cũ, mà lại không phải như cũ. Một mùi mốc thường có ở những ngôi nhà vắng chủ lan ra phả vào mũi Ba. Ba đứng lặng một chốc, cố nhớ lại một điều gì đó đã quên bẵng đi từ lâu. Nhưng mọi ý nghĩ cứ bay tuột khỏi đầu Ba. Hai ngày đêm đi đường, ngủ bờ ngủ bụi làm cho Ba mệt đừ, người bã ra, không còn cảm giác chính xác nữa. Ba lần đến chiếc chõng tre ông vẫn nằm, đặt mình lên chiếc chiếu rách đầy cát. Một cái gì đó không rõ tên cứ chạy rần rần từ đầu ngón chân lên mí mắt. Ba nhắm mắt lại. Lập tức những âm thanh mơ hồ quen thuộc bỗng rì rào xung quanh. Có thể đó là tiếng rắc rắc của mối mọt đang ăn cột kèo trong bóng tối trên đầu mình; có thể là tiếng gió nhẹ nhàng thổi cát trên cồn Quy sau nhà, bước chân mẹ đi lại sắp đặt đồ đạc gì đó trong đêm, ông khục khặc ho, những tiếng mơ hồ lan lan trong giấc ngủ không ai cắt nghĩa nổi, chỉ có ở những miền quê yêu dấu.

 Một tiếng động ở đầu hè làm Ba bừng tỉnh. Không kịp nghĩ, Ba bò ngay xuống gậm giường, nằm im. Chốc nữa, ông hay mẹ bước vào, Ba sẽ chồm ra hù lên một tiếng. Ông thế nào cũng cười khà khà, nói: “Tổ cha mày, tao già nhưng thần kinh tao vẫn còn vững lắm”. Còn mẹ đứng sững lại, tay sờ nơi tim như xưa nay mẹ vẫn vậy khi sợ hãi điều gì. Nhưng một lúc lâu, Ba chẳng thấy mẹ hay ông bước vào nhà. Có lẽ, phải tối mịt hai người mới về. Ba lại leo lên giường, nằm mường tượng ra lúc gặp gỡ. Hẳn lúc đó, ông hỏi: “Tại sao cháu về ?”. Ba nói: “Cháu thích đánh Mỹ”. Ông nói “được” rồi ngồi im như tảng đá. Mẹ chắc càu nhàu. Nhưng mẹ sẽ cho Ba ăn một bữa bánh tráng cá ngừ thật ngon. Mẹ vừa ngồi cuốn bánh đưa tới tấp cho Ba, vừa âu yếm nhìn đứa con trai có khuôn mặt bầu bầu da sạm đen, mắt sáng, người chắc nịch như cha nó mà thầm lo nay mai nó sẽ ra sao. Ba ngồi với ông và mẹ một chút rồi chạy đi tìm bọn thằng Thấn, con Một.Tụi nhỏ thế nào cũng xúm xít lại bắt Ba kể chuyện chiến khu cho chúng nghe. Tất nhiên, Ba sẽ thuật lại mọi chuyện mà chị Bốn cấp dưỡng đã kể cho Ba nghe. Đó là chuyện anh Năm Cần ở văn phòng huyện ủy. Năm 67, bọn Mỹ càn căn cứ. Bắn hết đạn, các anh các chị rút sâu vào hang đá. Chúng truy kích theo. Anh đã đứng nấp ở cửa hang. Cứ mỗi tên mò vào, anh lại dùng báng súng gõ một cái cốc vào đầu nó rồi hất xác ra. Đó là chuyện chị Sáu Úc làm quản lý ở hội phụ nữ. Một hôm, đi cõng gạo về, nước sông Trà Ly lớn quá, cuốn băng chị cùng gùi gạo. Chị em tìm suốt hai ngày không thấy, đã làm lễ truy điệu chị. Giữa chừng, chị trở về, người ướt át, đứng ở đầu hè ngó vào nhà, tưởng ai đó vừa mất, khóc òa. Chị em quay lại, “ồ” lên, rồi đang khóc, họ xông đến đấm vào lưng chị bình bịch, cười khúc khích. Đó là anh Tám Nghề ở cơ quan binh vận. Một lần, địch vây cơ quan, mọi người trốn vào rừng sâu, đói vàng mắt. Đêm đến, anh bò qua đầu giặc đi nhổ sắn. Khi mang gùi sắn nặng trở lại bìa rừng, anh bị vấp đá, gây ra tiếng động. Một thằng ngụy ngồi phục, hẳn đang ngủ gật, giật mình hỏi: “Ai đó”. Anh nói: “Ông tổ nội mày đây” rồi cười hê hê phóng nhanh vào rừng, mặc cho chúng nổ súng theo. Sau đó, Ba sẽ thêm vào: trên đó có nhiều cọp lắm, mặc dù Ba chưa từng thấy. Đêm đêm, nó gầm lên, núi đá chao qua chao lại như bị bom B.52. Một lần, bước ra cửa hang, gặp con cọp to bằng con bò ụ, Ba nổ một phát súng, nó gãy một chân, bỏ chạy, xô đổ tảng đá bằng cái nhà. Một con trăn to vung mình làm cho nước sông Trà Ly trước cơ quan Ba sủi ục ục. Nhưng Ba cùng chị Bốn dùng một sợi sắn dây, cột nó, kéo về nấu cháo bồi dưỡng cho cả cơ quan mấy ngày liền. Bạn bè nghe chuyện sẽ phục Ba lắm. Thằng Thấn hẳn xuýt xoa, chặc lưỡi, vỗ đôm đốp vào đầu vì nó không được biết những chuyện như Ba. Còn con Một thì khỏi phải nói. Ba kể tới đâu, nó sẽ “a” lên tới đấy, mắt trợn ngược. Ba bỗng thấy buồn cười trước những khuôn mặt ngơ ngác của bạn bè mà Ba đã tưởng tượng ra. Rồi Ba cười thật. Ba bụm miệng cười hặc hặc một mình .

Có thể bạn thích sách  Sống Sót Trên Đảo Hoang - Takahashi Toshihiro full mobi pdf epub azw3 [Phiêu Lưu]

Một lúc sau, Ba lại thiếp ngủ…Nước sông Trà Ly bỗng sôi lên, đổ ầm ào qua con thác kề bếp ăn của cơ quan. Ba thấy mình ngụp lặn trong dòng nước mát, vẫy tắm thỏa thích sau hai ngày đi đường trở về nhà. Chị Bốn cấp dưỡng bảo Ba tắm mau lên để đem cơm cho chú Chín. Bưng cơm, Ba vấp phải hòn đá, mâm cơm đổ nhào xuống đất, ông nội hiện ra bảo: “Người nào quẹo quẳng, họ chẳng ưa đâu”. Chính lúc đó, mẹ “á” lên vì một phát rốc két của thằng máy bay OVI0 bắn xuống bên kia bờ Trà Ly, khi thấy chị Bốn cầm một mụn măng. Máu loang đỏ…

Khi Ba tỉnh dậy thì mặt trời đã lặn, chỉ để lại trên dãy núi phía căn cứ một vầng ráng đỏ. Ba nhảy ra sân, vươn vai mấy cái rồi như ngày nào, Ba vòng phía sau nhà, phóng lên cồn Quy.

Đứng ở đây, Ba có thể nhìn khắp một vùng rộng lớn trong xã.

Cồn cát giống chiếc mai rùa, rộng chừng nửa cây số vuông này ngăn xã ra làm đôi. Nửa phía nam là cánh đồng đất cát pha chạy từ mí đường tỉnh lộ (đường này làm ranh giới phía tây của xã với các xã bạn) xuống phía đông, giáp với một cái làng hoang người ta gọi là Cô Sơn. Bên kia cánh đồng là con sông Bãi Dài, làm ranh giới phía nam của xã với các xã bạn, chằng chịt những lạch nhỏ, sáng lấp lánh đang đổ về phía biển. Ở nửa xã phía bắc, xen giữa những xóm làng xanh biếc bóng dừa bóng dương là những cồn cát to nhỏ. Chẳng biết từ lúc nào, hẳn người ta đặt tên theo hình dáng hay những nhà ở gần chúng, mà chúng có tên: cồn Kinh, cồn Nhà Lập, cồn Thằn Lằn, cồn Du. Trên một số cồn cát ấy, bọn Mỹ đã dựng lên những ngôi nhà tôn, những trạm gác. Cứ chiều đến chúng bắn những phát pháo sáng nghe “phụp phụp” và tiếp liền sau đó là những quả cối nổ oạch oành.

Tít xa kia, sau những làng xóm, năm ngọn núi của cụm Ngũ Hành Sơn nhô lên như năm mái nhà in trên nền trời chiều mờ tím. Ngày nào, Ba đã cùng các bạn leo lên núi Non Nước (một ngọn của Ngũ Hành Sơn) thăm chùa, chơi trò trốn tìm trong các hang đá vôi hoặc rủ nhau vào hang Âm Phủ thả những quả bưởi non, để rồi, sau đó nhảy ùm xuống biển nhặt lại. Ngày nào, Ba cùng các bạn giả người mang lễ vật lên chùa, gánh vũ khí cho đơn vị anh Phan Hành Sơn (1) diệt đại đội Mỹ đóng trên chóp núi. Bây giờ, những khẩu pháo Mỹ đứng nghễu nghện trên các đỉnh núi trông như những con quái vật khổng lồ. Lâu lâu, chúng rướn cái cổ dài ngoẵng lên hét ầm ầm.

Một rừng dương như bức tường xanh chạy từ Đà Nẵng vào Hội An ngăn cách xã Ba với mép biển, làm cho mặt biển cứ lúc ẩn lúc hiện như chơi trò trốn tìm.

Ba đứng nhìn khắp xã một lúc rồi cởi áo, vắt vai, ngồi bệt xuống cát, hướng mặt về phía biển đón những làn gió mát rượi. Bỗng nhiên, Ba đứng bật dậy nghiêng tai lắng nghe như có ai vừa khẽ gọi tên mình. Làn gió mát vừa đi qua mang đến cho Ba mùi hương thoang thoảng như mùi đào chín sau một ngày nắng to. Có một cái gì đó, cứ ẩn ẩn hiện hiện ở đâu đó, như đã từng quen thuộc lâu rồi, như mãi mãi mới lạ mà ta phải tìm kiếm để gặp. Ba hít mùi hương vào lồng ngực, thẫn thờ một chút và nhận ra, đó là mùi hương của hoa dủ dẻ, loài hoa đậu trên những thân cây bé nhỏ, lá dày và cứng, rễ bám chặt vào mặt cát nóng bỏng của quê hương…

Có thể bạn thích sách  Thủ Tướng Anh Winston Churchill - Cuộc Đời Và Sự Nghiệp

– Ê nhóc mày về lúc nào? – Một người nào đó có giọng oang oang hỏi Ba ở phía sau.

Ba quay lại thì thấy một anh người thấp thấp, to ngang, đôi tay săn như cái bắp chuối, dáng đi khuỳnh khuỳnh đang sóng bước bên một chị bé nhỏ, tóc dày và dài. Trông hai người thật không xứng đôi tý nào. Thế mà họ mê nhau. Đó là anh Bảy Kim và chị Hai Soan. Bảy Kim đã trên ba mươi tuổi mà chưa có vợ, anh không thích trẻ con gọi là chú mà gọi bằng anh. Bảy Kim là xã đội phó đánh giặc rất hăng nhưng chẳng hiểu vì sao Ba không thích. Có lẽ anh hay véo tai bẹo má Ba và các bạn. Trong những lần đi tắm biển, hễ thấy Bảy Kim là bọn trẻ vù chạy. Anh thường đứng tắm cách xa bọn trẻ, biến mất trong những lớp sóng trùng điệp rồi đột nhiên hiện lên bên một đứa trẻ nào đó, kéo chân nó, dìm cho nó uống nước rồi tung nó ra cười hê hê. Ba trả lời cộc lốc:

– Mới về.

– Mày biết chuyện gì xảy ra trong nhà mày chưa?

– Chưa. Tui mới về hồi xế đây mà.

Anh ta cười hố hố:

– Cái nhà mày có phúc thiệt. Chồng chết, cha bị bắt, vợ ngại ác liệt vào Đà Nẵng làm đĩ . . . hố hố.

Anh ta ngúc ngoắc đầu rồi kéo chị Soan về phía rừng dương liễu. Ba muốn chạy theo hỏi cho rõ sự việc nhưng có cái gì níu chân Ba lại, chôn chặt xuống cát. Cái giọng cười nói sống sượng của anh Bảy Kim làm Ba vừa buồn tức vừa xấu hổ.

Cách đây sáu tháng, vào một ngày mưa cuối năm 1968, cha Ba, xã đội trưởng nổi tiếng của xã này đã hy sinh. Trong nhà Ba mọi việc lâu nay ngỡ êm xuôi bỗng xáo trộn lên. Hình như lúc vui sướng, mọi điều thường đến từ từ, lúc đau khổ, mọi lo toan, phiền muộn lại ập đến một lúc. Mẹ Ba ủ rũ, khóc suốt ngày. Đột nhiên, mẹ cấm Ba không được ở trong tổ du kích thiếu niên tham gia đánh giặc với các bạn nữa. Mẹ nói với Ba: “Con ạ, cái nòi chơi với lửa, có ngày cũng bị lửa thiêu. Mẹ có mình con làm giống, con cứ ở nhà, không đánh chác gì nữa”. Mẹ gặp chú Năm Hà, Bí thư xã, chị Bảy phụ trách Đội, xin đừng cho Ba làm những công việc “nguy hiểm” nữa. Mẹ bàn với ông nội gửi Ba ra Đà Nẵng cho yên. Nhưng ông bảo:

– Tụi nhỏ ở đây chết hết hay sao mà mày lo quíu vậy mày?

Mẹ nói dịu ngọt:

– Nhà người ta có nhiều con cái nối dòng nối giống, còn cha, cha chỉ có một đứa cháu đích tôn đó, cha nghĩ coi.

– Kệ nó, tao không muốn nó là đứa hèn nhát.

Mẹ khóc. Ông nội cầm gậy vừa chọc bình bịch xuống đất, vừa hát:

Người nào quẹo quẳng

Đứa nào quẹo quẳng

Họ chẳng ưa đâu

Hát xong, ông nội gọi Ba:

– Ba đâu, ra đây, nhìn vô mắt ông đây coi thử mày là đứa được hay đứa nhát.

Ba vừa bước ra với ông, vừa nhìn mẹ đang khóc, lúng túng không biết làm sao.

Một hôm, ông nội đi ăn giỗ ở Hội An, Ba cùng các bạn đi gài mìn về nhà thì thấy một chú lạ mặt đang ngồi uống nước với mẹ. Mẹ chỉ Ba nói với chú:

– Con tôi đây anh Đức ạ – Rồi mẹ quay sang phía Ba – Chào chú đi con.

Người kia mỉm cười:

– Nghe nói cháu muốn đi bộ đội lắm phải không?

– Dạ muốn. Cháu thích lắm. Nhưng sợ mẹ cháu không ưng – Thấy mẹ cười, Ba tiếp – Sợ Đội không đồng ý.

– Được mẹ cháu sẽ cho cháu đi. Còn Đội chú sẽ bàn với các anh các chị. Chú cần một người như cháu.

Ba mừng rơn. Điều mơ ước lâu nay của Ba là được đi bộ đội đánh Mỹ để trả thù cho cha nay đã thành sự thật. Ba nhảy vọt ra cửa, phóng lên cồn Quy, băng vào xóm để tìm bạn. Ngay lúc ấy, trước mắt Ba, bỗng hiện lên một cậu bé cũng giống như Ba, nhưng oai vệ hơn, mặc quần áo quân giải phóng, đội mũ tai bèo, nằm dưới một hầm cát, vụt đứng dậy chĩa B.41 vào một chiếc xe tăng địch, chiếc xe cháy bừng bừng.

Chị phụ trách đã từng kể cho Ba nghe về anh Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Sau này người ta sẽ kể cho bọn trẻ rằng: Ngày xửa ngày xưa có một cậu bé tên là…

Bây giờ, trở về đây, việc anh Bảy Kim vừa nói như cái tát vào mặt Ba. Có phải trước đây mẹ lừa mình lên căn cứ để mẹ tự do vào Đà Nẵng sống sung sướng không? Câu hỏi ấy cứ xoáy vào lòng Ba đau nhói. Ba đứng lặng, nước mắt ứa ra.

Có tiếng bước chân ai sào sạo trên cát. Ba ngẩng lên, thấy một đứa bé thấp lũn cũn, mái đầu húi cua, đang vác một khẩu súng dài quá người. Trời ơi, thằng Tượng. Nó dừng lại bên Ba hỏi:

– Anh về hồi nào? Sao lại đứng buồn vậy?

– Tao mới về. Không gặp ai, tao chán quá.

– Về công tác à?

– Tao về ở luôn với tụi bay đây.

Tượng nhìn Ba chăm chăm rồi nói nho nhỏ, vẻ ái ngại:

– Em vừa ăn cắp của tụi Mỹ được cây súng. Bây giờ em đem tặng du kích đây – Nó nhìn Ba nói tiếp – Còn anh, giờ anh đi đâu? Có đi họp thì theo em, em chỉ chỗ cho. Tối nay, các anh các chị thiếu niên họp ở làng đó. Anh đến đấy mặc sức mà vui.


(1) Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân.

Mời các bạn đón đọc Cát Cháy của tác giả Thanh Quế.