🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bọn Làm Bạc Giả - André Gide & Bửu Ý (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Trinh Thám] Ebooks Nhóm Zalo Bọn Làm Bạc Giả: André Gide Bửu Ý: dịch Nhà xuất bản: Văn học Đông A: phát hành Năm: 2017 Dịch từ nguyên bản tiếng Pháp: Les Faux-Monnayeurs Chuyển thể ebook amylee tve-4u.org Tặng Roger Martin du Gard tiểu thuyết đầu tiên của tôi để tỏ tình bằng hữu thâm sâu. A.G. ANDRÉ GIDE 1869-1951 André Gide là một trong những nhà văn xuất chúng nhất thế kỉ 20. Các tác phẩm nổi bật của ông bao gồm: Bọn làm bạc giả, Kẻ vô luân, Khung cửa hẹp, Dưỡng chất trần gian, Hòa âm điền dã... Năm 1947, ông được trao giải Nobel Văn chương cho "những tác phẩm có tầm vóc nghệ thuật lớn lao và phổ quát, mà trong đó thân phận và nỗi đau con người được ghi lại bằng lòng mến yêu sự thật đầy can trường và khả năng thấu hiểu tâm lí vô cùng sắc sảo". Bọn làm bạc giả là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Gide. Năm 1999, cuốn sách được nhật báo Le Monte sếp vào vị trí thứ 30 trong 100 cuốn sách hay nhất thế kỉ 20. Tác phẩm Paris những năm đầu thế kỷ 20, định mệnh đã mang tên thiếu niên ngông cuồng, chàng nhà văn lãng tử mê phiêu bạt, gã tú tài nuôi mộng thi thư, quý phu nhân bạc nhược vì tình, tay sinh viên trường y bội bạc và cậu học sinh sa đọa bởi cám dỗ đến với nhau, rồi từng người họ lại nối kết với những người khác, tạo nên một mạng lưới quan hệ chằng chịt... Không có một cốt truyện rõ ràng, không có một đường dây xuyên suốt, từ đầu đến cuối BỌN LÀM BẠC GIẢ là dòng chảy tùy hứng của số phận mà qua đó bằng ngòi bút tài tình André Gide đã tạo nên một thế giới nhân sinh sâu thẳm, đi tới tận cùng vùng tăm tối trong bản thể con người. Được xem là tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của Gide, cuốn sách này hàm ẩn cái chân lí văn chương trác tuyệt của ông và nhờ vậy mà trở nên bất tử. Phần thứ nhất Paris I Bernard tự nhủ: - Bây giờ nghe như có tiếng bước chân ngoài hành lang thì phải. Hắn ngẩng đầu nghe ngóng. Không phải: cha và anh hắn ở lại tòa án, mẹ hắn bận đi thăm viếng, chị gái đi dự hòa nhạc; còn thằng út, thằng Caloub, thì trường học đã cầm chân hắn mỗi ngày sau khi bãi trường. Bernard Profitendieu ở nhà hì hục học thi tú tài, còn ba tuần lễ trước mặt hắn nữa thôi. Gia đình tôn trọng sự tịch mịch của hắn, ngạ quỷ thì không. Bernard đã cởi áo veston mặc ngoài mà vẫn khó thở. Từ khung cửa sổ mở ra đường, chỉ có sức nóng ùa vào. Trán hắn nhễ nhại. Một giọt mồ hôi chảy xuống sống mũi, và rơi xuống lá thư hắn đang cầm nơi tay. Hắn nghĩ: “Diễn trò nước mắt rồi đây. Nhưng thà chảy mồ hôi còn hơn là chảy nước mắt.” Phải, ngày tháng đã rành rành. Không nghi ngờ vào đâu được: thư liên quan đến Bernard, chính hắn. Thư gửi cho mẹ hắn, một lá thư tình mười bảy năm xưa, không kí tên. - Chữ cái này là nghĩa gì? Chữ V, cũng có thể là N lắm chứ... Có nên hỏi mẹ không?... Mình hằng tin tưởng ở sự biết điều của mẹ. Mình tự do tưởng tượng một ông hoàng nào đó. Còn hơn nếu vỡ lẽ mình là con của một tên ma cô nào thì sao? Không biết cha đẻ là ai, mình mới đỡ sợ phải giống ông ta. Mọi cuộc điều tra đều sinh trói buộc. Đáng kể chăng là sự nhẹ nhõm. Đừng đào sâu. Hôm nay thế cũng đủ cho ta rồi. Bernard gấp thư lại. Thư cùng một khổ giấy với mười hai lá thư khác trong gói. Một dải màu hồng buộc lại tất cả mà hắn không cần phải tháo ra, hắn chuồi thư vào đó để thắt cả xấp lại như cũ. Hắn đặt xấp thư vào chiếc hộp nhỏ rồi đặt chiếc hộp vào ngăn kéo bàn. Ngăn kéo không phải mở ra, nó đã tiết lộ bí mật bằng ngỏ trên. Bernard chắp nối những miếng rời của mặt gỗ đỡ tấm mã não phủ lên. Hắn nhẹ tay thận trọng, sập tấm mã não xuống, đặt lại lên trên đó hai giá đèn bằng pha lê cùng với chiếc đồng hồ kềnh càng mà hắn vừa mới đem ra sửa chơi. Đồng hồ gõ bốn tiếng. Hắn vặn lại cho đúng giờ. - Hai cha con ông dự thẩm và ông luật sư không về trước sáu giờ đâu. Ta đủ thì giờ. Thế nào cũng phải cho ông dự thẩm về thấy trên bàn tờ thư đẹp đẽ trong đó ta sẽ nói ý nghĩa sự ra đi của ta. Nhưng trước khi viết, mình thấy rất cần giải thông tư tưởng một chút đã và đi tìm gặp thằng bạn Olivier để cầm chắc một chỗ đậu, ít nữa là tạm thời. Olivier bạn thiết của ta ơi, đã đến lúc ta thử lửa tính chiều lòng của cậu và để cho cậu chứng tỏ giá trị của cậu với ta. Cái đẹp trong tình bạn của hai đứa chính là từ trước tới nay chúng ta chưa hề lợi dụng nhau. Nào! Yêu cầu giúp đỡ một việc ngộ nghĩnh chắc không đến nỗi tẻ nhạt. Phiền nỗi Olivier không ở một mình. Mặc, ta sẽ tìm cách tách riêng hắn ra. Ta muốn cho hắn hoảng kinh vì sự trầm tĩnh của ta. Chính trong cõi bất thường mình mới cảm thấy mình tự nhiên hơn hết. Con đường T..., nơi Bernard Profitendieu sống cho tới hôm nay ở gần sát vườn Luxembourg. Tại đây, cạnh hồ nước Médicis, trên lối đi nhìn xuống hồ nước, mấy đứa bạn hắn có thói quen hẹn nhau mỗi ngày thứ tư từ bốn đến sáu giờ, chuyện trò về nghệ thuật, triết học, thể thao, chính trị và văn học, Bernard bước đi rất nhanh, nhưng khi qua khỏi cổng vườn, hắn nhác thấy Olivier Molinier và lập tức chậm chân lại. Cuộc hội họp hôm đó đông đảo hơn lệ thường, có lẽ vì đẹp trời. Có vài đứa nhập bọn mà Bernard chưa quen. Mỗi đứa trong bọn trẻ này, hễ đứng trước cả bọn, là đóng một vai trò và hầu như mất hết tự nhiên. Olivier bừng đỏ mặt khi thấy Bernard đi tới và, khá đột ngột, hắn bỏ người thiếu nữ đang chuyện trò, lảng ra xa. Bernard là bạn thân thiết nhất của hắn, vì thế Olivier vô cùng thận trọng không làm ra vẻ gì là kiếm tìm hắn; đôi khi hắn còn vờ vĩnh không trông thấy Bernard nữa là khác. Trước khi tới với Olivier, Bernard phải đối đầu với nhiều nhóm, và chính vì cũng giả vờ không tìm kiếm Olivier nên Bernard còn chần chờ. Bốn đứa bạn trong bọn đang đứng quanh một đứa nhỏ người để râu đeo kính xấp xỉ lớn tuổi hơn mấy đứa kia, đang cầm cuốn sách. Hắn tên Dhurmer. Dhurmer ngỏ lời với một đứa trong bọn một cách đặc biệt hơn, nhưng lấy làm sung sướng rõ rệt vì được cả bọn lắng nghe. Dhurmer nói: - Mày nghĩ coi. Tao gắng tới trang ba mươi vẫn không thấy màu sắc gì hết, một chữ để mô tả cũng không. Chàng ta nói về một người đàn bà, áo đỏ hay xanh tao cũng chẳng hay chứ đừng nói gì. Tao, hễ không có màu sắc thì giản dị lắm, tao chẳng nom thấy gì. Và vì cần đại ngôn, nhất là vì hắn cảm thấy mình bị coi như mất bớt vẻ chững chạc, hắn nhấn mạnh: - Tuyệt đối không thấy gì hết. Bernard không để tai tới thằng khoa ngôn nữa, hắn xét thấy không nên bỏ đi quá vội, nhưng hắn đã bắt đầu nghe bọn kia cãi cọ ở sau lưng và Olivier trở lại nhập bọn sau khi bỏ rơi người thiếu nữ; một đứa ngồi trên chiếc ghế dài đọc báo Action Française. Olivier Molinier, giữa bọn chúng, sao trông trịnh trọng thế! Hắn vẫn là một trong mấy đứa nhỏ tuổi nhất. Khuôn mặt còn trẻ thơ và ánh mắt của hắn biểu lộ sự sơ khai của tư tưởng. Hắn dễ đỏ mặt. Tính tình đằm thắm. Dù hắn tỏ ra hòa nhã đối với mọi người, không hiểu một sự dè dặt khó hiểu nào đó, một sự e ấp nào đó vẫn ngăn cách hắn với bạn bè. Hắn khổ tâm vì điều đó. Không có Bernard thì hắn đã khổ hơn. Giống như Bernard lúc này, Molinier ghé vào từng nhóm một lát vì nể bạn, nhưng những điều hắn nghe, không có gì khiến hắn lưu tâm. Hắn nhòm qua vai thằng đọc báo. Bernard, không quay lại, nghe Olivier nói: - Mày không nên đọc báo, nó làm mày ứ huyết. Và tên kia đáp trả lại chanh chua: - Còn mày, hễ ai nói tới Maurras(1) là mày xanh mặt. Tiếp theo, một tên thứ ba, giọng giễu, hỏi: - Bộ mày thích những bài của Maurras sao? Và tên thứ nhất đáp: - Chán ngấy, nhưng tao thấy Maurras có lí. Kế đó, một tên thứ tư mà Bernard không nhận ra giọng: - Còn cái gì không làm mày ngấy, mày đều tưởng là thiếu bề sâu? Tên thứ nhất cãi lại: - Mày tưởng chỉ cần ngốc là chọc cười được ư? - Lại đây! - Bernard vừa nói nhỏ giọng, vừa đột ngột nắm lấy tay Olivier. Hắn kéo Olivier đi ra xa mấy bước. - Trả lời mau, mình có chuyện gấp. Cậu có nói với mình là cậu không ngủ cùng một tầng lầu với hai ông bà, đúng không? - Mình đã chỉ cửa phòng mình cho cậu rồi, cửa phòng mở ra ngay cầu thang, đi một nửa tầng lầu là lên nhà chính. - Cậu có nói em cậu ngủ chung với cậu? - Phải, thằng Georges. - Cậu và Georges không thôi? - Ừ. - Thằng nhỏ biết kín miệng không? - Nếu cần. Tại sao thế? - Là thế này. Mình đã bỏ nhà, hay nói đúng hơn, tối hôm nay mình sẽ bỏ nhà. Mình chưa biết đi đâu. Cậu có thể chứa mình một đêm không? Olivier mặt tái bệch hẳn ra. Chấn động quá mãnh liệt, hắn không đủ sức nhìn Bernard. Olivier bảo: - Được, nhưng đừng đến trước mười một giờ. Mỗi đêm má xuống thăm hỏi trước khi đi ngủ rồi khóa cửa. - Thế thì làm sao... Olivier cười: - Mình có chìa khóa khác. Cậu sẽ gõ cửa khe khẽ để khỏi đánh thức Georges nếu hắn ngủ. - Liệu bác gác cổng có để mình vào không? - Mình sẽ báo cho bác biết. Yên trí! Mình với bác ăn ý nhau lắm. Chính bác cho mình cái chìa khóa kia đấy. Hẹn gặp lại. Hai người từ giã không bắt tay nhau. Và trong khi Bernard bỏ đi, nghiền ngẫm lá thư muốn viết mà ông dự thẩm sẽ phải bắt gặp khi trở về, thì Olivier, vốn không muốn người ta bắt gặp mình đứng riêng với Bernard, nên tìm tới Lucien Bercail mà bọn kia để cho đứng hơi riêng rời. Nếu không yêu Bernard nhất thì Olivier đã yêu thích Lucien lắm đấy. Bernard bạo gan bao nhiêu thì Lucien rụt rè bấy nhiêu. Ai nấy cảm thấy Lucien yếu ớt, dường như hắn chỉ sống bằng trái tim và trí tuệ. Hắn ít khi có can đảm sấn sổ tới, nhưng hắn đã mừng ra mặt ngay khi thấy Oilivier lại gần. Lucien có làm thơ chăng, mọi người đều nghi hoặc; tuy nhiên thiết tưởng Olivier là kẻ độc nhất được Lucien thổ lộ dự định. Cả hai lần ra mé khuôn viên. Lucien bảo: - Tôi muốn làm sao thuật lại, không phải chuyện một nhân vật, nhưng câu chuyện về một địa điểm, - đấy, chẳng hạn câu chuyện một lối đi công viên, như lối đi này, thuật lại những gì xảy ra - từ sáng tới chiều. Trước tiên bọn giữ em đến, rồi bọn vú em đeo những tấm dải... Không, không hẳn... trước tiên là người toàn màu xám tất cả, không phân biệt đàn ông đàn bà tuổi tác, để quét dọn lối đi, tưới cỏ, thay hoa, tóm lại để sửa soạn sân khấu và trang trí trước khi cổng mở, anh hiểu chứ? Bấy giờ bọn vú em vào. Bọn bé con vọc cát cãi cọ, bọn giữ em tát bọn nhỏ. Kế đó là các lớp học nhỏ bãi ra... thêm bọn đàn bà thợ thuyền nữa. Có những kẻ nghèo khó đến ngồi ăn trên ghế. Sau đó là bọn thanh niên kiếm tìm nhau, bọn khác trốn tránh nhau, bọn nữa đứng ngồi riêng, tư lự. Và kế đó là dân chúng, vào lúc nhạc trỗi lên và lúc các nhà hàng đóng cửa. Bọn học sinh, sinh viên như hiện giờ. Buổi chiều, bọn tình nhân hôn nhau, có những kẻ chia tay khóc lóc. Cuối cùng, hết ngày, một cặp người già... Và thình lình, một hồi trống khua: đóng cổng. Mọi người đi ra. Kịch chấm dứt. Anh hiểu chứ: một cái gì đó cho mình cái cảm giác thôi hết rồi của mọi thứ, cái cảm giác của sự chết... nhưng vẫn không nói tới cái chết, cố nhiên. - Phải, tôi hiểu lắm, - Olivier đáp, hắn đang nghĩ tới Bernard chứ có nghe lọt chữ nào đâu. Lucien hăng say nói tiếp: - Chưa hết, chưa hết! Tôi muốn, trong phần coi như màn vĩ thanh, chứng minh chính cái lối đi này đây, ban đêm, sau khi mọi người bỏ đi hết rồi, thì thanh vắng, đẹp hơn ban ngày nhiều; trong cảnh im lặng mênh mông, mọi tiếng động trong thiên nhiên xuất thần: tiếng vòi nước, tiếng gió trong lá, và tiếng lảnh lót của con chim đêm. Ban đầu tôi nghĩ tới chuyện thêm vào đó những bóng tối, có lẽ thêm những bức tượng... nhưng tôi cho rằng như thế lại nhạt nhẽo hơn; cậu nghĩ sao? Olivier phản đối hờ hững: - Không, đừng thêm tượng vào, đừng thêm tượng vào. Tiếp đó, dưới cái nhìn buồn bã của Lucien, Olivier sốt sắng lớn tiếng: - Ờ, thành công được thì tuyệt đấy, cậu ạ. (1) Charles Maurras (1868-1952) là nhà văn, nhà thơ và nhà phê bình người Pháp. Ông là người sáng lập và nhà tư tưởng của tờ Action Française. II Trong thư từ của Poussin, tuyệt không có dấu vết một bổn phận nào của ông đối với cha mẹ. Sau đó không bao giờ ông ghi lại sự tiếc nuối sống xa cha mẹ. Tự ý bỏ đi sống ở La Mã, ông bỏ mất mọi ý muốn hồi hương, có thể nói mọi kỉ niệm luôn nữa. PAUL DESJARDINS (Poussin) Ông Profitendieu nóng lòng về nhà và nhận thấy ông bạn đồng nghiệp Molinier, hiện cùng sánh vai dọc đại lộ Saint-Germain, bước đi chậm quá. Ông Albéric Profitendieu vừa trải qua một ngày ở tòa án đặc biệt bề bộn: ông lấy làm lo lắng vì cảm thấy nằng nặng thế nào bên hông phải; ông mệt gan, gan của ông hơi dễ đau. Ông liên tưởng sẽ được tắm lát nữa, không có gì giúp ông nghỉ ngơi, rũ sạch âu lo trong ngày cho bằng tắm một trận tới nơi tới chốn; nghĩ trước tới tắm nên ông không dùng cữ chiều, cho rằng tắm, dù là nước ấm, với cái dạ dày trống rỗng mới thật là chu đáo. Đúng ra, đây có lẽ chỉ là một định kiến; nhưng định kiến là trụ cột của văn hóa. Ông Oscar Molinier cố hết sức rảo bước theo ông Profitendieu, nhưng ông thấp người hơn nhiều và bắp thịt đùi kém nảy nở; hơn thế nữa, tim hơi bị màng mỡ dễ cho ông thở dốc. Ông Profitendieu, còn tráng kiện ở tuổi năm mươi, ngực thong dong và dáng đi nhanh nhẹn, có thể bước vượt bỏ ông bạn như không, nhưng ông là người rất giữ gìn thể thống; đồng nghiệp của ông cao niên hơn, kì cựu hơn trong nghề: ông phải kính trọng. Ông còn cần được người đời bỏ qua cho về khoản tài sản của ông, một tài sản kếch xù kể từ buổi cha mẹ vợ mất đi, trong khi đó của cải ông Molinier đều nằm trong lương bổng chủ tịch đoàn, lương bổng không đáng chi, và không tương xứng với địa vị cao cả mà ông chấp chưởng một cách quá uy thế nên khỏa lấp được sự kém cỏi của đồng lương. Ông Profitendieu sốt ruột mà dằn nén; ông quay nhìn ông Molinier và thấy ông này thấm chặm mồ hôi; rốt cục lại những điều ông Molinier nói khiến ông quan tâm vô cùng; nhưng quan điểm hai người không giống nhau và cuộc tranh luận bừng bốc lên. Ông Molinier bảo: - Anh cho dò xét trong nhà đi. Góp nhặt những lời tường trình của người gác cổng với con giúp việc giả mạo, thế là được. Nhưng anh hãy đề phòng, chỉ cần anh đẩy cuộc điều tra đi xa quá một chút là công chuyện nó vuột khỏi tay anh... Tôi muốn nói nó dễ bề lôi cuốn anh quá xa không như anh dự tưởng lúc ban đầu. - Tính liệu như thế có dính líu gì tới luật pháp đâu. - Nào, nào, anh với tôi, chúng mình đều rõ luật pháp phải như thế nào, và luật pháp nó như thế nào. Chúng ta chọn cái khả quan nhất mà làm, đồng ý; nhưng mà, dẫu làm hoàn hảo thế nào, chúng ta đi đến sự phiên phiến là cùng. Trường hợp làm anh bận tâm hôm nay lại là một trường hợp tế nhị đặc biệt: trong mười lăm tên bị cáo hoặc mai đây sẽ thành bị cáo do một tiếng nói của anh, hết chín tên là vị thành niên. Và có mấy đứa, anh biết đấy, là con cái những gia đình tăm tiếng. Cho nên trong lúc này tôi coi mọi cái trát tống giam nhỏ nhặt đều là vụng về lộ liễu. Báo chí của đảng phái sẽ nắm lấy nội vụ, thế là anh mở cửa cho đủ thứ tống tiền, bôi nhọ. Anh sẽ không làm gì nổi: dù anh thận trọng bao nhiêu, làm sao anh ngăn ngừa người ta nêu tên tuổi này tên tuổi kia... Tôi không có tư cách khuyên nhủ anh, và anh biết tôi muốn được anh khuyên nhủ hơn nhiều, anh là người mà tôi luôn luôn nhìn nhận và ngưỡng vọng cái cao kiến, minh mẫn, trực tính... Nhưng nếu ở địa vị anh, tôi sẽ hành động thế này: tôi tìm cách chấm dứt vụ xì căng đan ghê tởm này bằng cách tóm cổ bốn năm đứa chủ mưu... Phải, tôi biết chúng nó khó bắt, nhưng khổ nỗi, đó là nghề nghiệp chúng mình. Tôi sẽ ra lệnh niêm phong chỗ ở, niêm phong cái sân khấu những tấn tuồng kia đi, và dàn xếp sao để báo cho bọn con trời ấy biết, nhẹ nhàng, bí mật, và chỉ cốt sao ngăn ngừa tái phạm. À! Chẳng hạn như anh cứ cho bắt nhốt bọn phụ nữ; tôi sẵn sàng chấp thuận điều này; hình như ở đây mình phải đối phó với một vài thứ người ngợm hư hỏng không dò nổi và cần thanh trừng bọn đó trong xã hội. Tuy nhiên, một lần nữa, anh đừng bắt mấy thằng nhỏ; dọa cho chúng sợ là được rồi, kế đó chụp mũ chúng nó bằng cái nhãn hiệu “hành động không suy tính” và để cho chúng kinh ngạc một thời gian lâu vì chỉ bị một vố hết hồn không thôi. Anh nghĩ coi, ba đứa trong bọn chưa tới mười bốn tuổi và cha mẹ chúng chắc hẳn xem chúng như thiên thần trong trắng hồn nhiên. Nhưng, nói cho ngay, coi nào, nói giữa anh với tôi thôi, tuổi đó lẽ nào mình đã nghĩ tới đàn bà? Ông đứng lại, hụt hơi vì nói thao thao hơn là vì đi, và sẵn nắm tay áo ông Profitendieu, buộc ông này dừng theo. Ông lại nói: - Nói cách khác, ngày xưa nếu chúng mình có tư tưởng chuyện đó, thì nghĩa là tư tưởng một cách lí tưởng, bí nhiệm, sùng mộ, có thể nói như thế. Bọn nhỏ hôm nay, anh thấy chưa, chúng nó không còn lí tưởng... À, con cái anh thế nào? Cố nhiên, những điều này không phải tôi nói cho mấy đứa con anh. Tôi biết rằng với chúng nó, có anh coi ngó, sợ gì những sự lầm lỗi như thế kia. Quả tình từ trước tới nay ông Profitendieu chỉ một nước tự hào vì con cái, nhưng không phải ông ảo tưởng: giáo dục có hay ho nhất đời đi nữa cũng không chế ngự những bản năng xấu; nhờ trời, lũ con ông không có bản năng xấu, có lẽ bọn con ông Molinier cũng thế; vì thế cả hai ông mặc nhiên khỏi lo những giao du xấu và đọc sách xấu. Nhưng cấm đoán những cái mình không ngăn ngừa nổi thì cấm đoán làm gì? Những cuốn sách cấm đọc, đứa trẻ đọc lén. Ông, đường lối của ông giản dị vô cùng: sách nào xấu, ông không cấm đọc; nhưng ông liệu thế nào cho bầy trẻ không ham đọc sách đó. Còn vấn đề bàn tới kia, ông sẽ suy nghĩ thêm và hứa, dù sao đi nữa, nếu có làm gì thì thông báo cho ông Molinier hay. Duy có việc kiểm soát kín đáo thì vẫn tiếp tục vì vụ tệ hại kéo dài đã ba tháng thì có thể cho nó kéo dài vài hôm hay vài tuần nữa vậy. Hơn nữa, vụ nghỉ hè sẽ lãnh phần phân tán bọn du đãng. Tạm biệt. Bây giờ ông Profitendieu mới có thể bước vội. Vừa về đến, ông đã chạy vào phòng tắm và mở mấy vòi nước trong bể. Antoine vốn mong ngóng ông chủ nãy giờ nên lại hóa ra giáp mặt ông nơi hành lang. Lão bộc trung thành này ở trong gia đình mười lăm năm nay; lão đã chứng kiến bọn nhỏ lớn lên. Lão thấy được lắm chuyện; hồ nghi lắm chuyện khác, nhưng làm mặt không để ý những gì người ta muốn giấu giếm lão. Bernard không khỏi có thiện cảm với Antoine. Hắn không muốn ra đi mà không nói lời từ biệt lão. Và có thể rằng vì giận gia đình, hắn thích thổ lộ cho người giúp việc hèn mọn sự ra đi của hắn mà những người thân cận lại không hay; nhưng phải nói rằng khi Bernard phân phô thì không có ai ở nhà. Vả lại, Bernard khó lòng từ biệt mà người nhà khỏi kiếm cách níu giữ hắn lại. Hắn ngại giải thích. Với Antoine thì hắn có thể nói vỏn vẹn: “Tôi đi đây”. Nhưng vừa nói hắn vừa chia tay một cách trịnh trọng đến nỗi lão bộc kinh ngạc. - Cậu không về xơi cơm sao? - Về ngủ cũng không, bộc ạ. Và vì Antonie ngơ ngác không biết phải hiểu như thế nào, không biết có nên gặng hỏi không, Bernard lặp lại đầy dụng ý hơn: “Tôi đi đây”, rồi nói thêm: - Tôi có để lại lá thư trên bàn của... - hắn không thể quyết định nói: “của bố” nên sửa lại - ở trên bàn phòng làm việc. Chào bộc nhé. Bắt tay Antoine, hắn xúc động như thể đang cùng một lúc giã từ quá khứ; hắn lặp lại lời chào thật nhanh, rồi bỏ đi, không để cho tiếng nấc lớn kịp dâng lên cổ họng vỡ òa ra. Antoine kinh nghi không hiểu để cho hắn ra đi thế kia chẳng phải là một trọng trách hay sao - nhưng làm sao cầm giữ hắn lại được? Dù sự ra đi của Bernard đối với mọi người trong gia đình là một biến cố bất ngờ, quái gở - Antoine vẫn cảm thấy thế - nhưng vai trò lão bộc vẹn toàn của lão là không lộ vẻ kinh ngạc. Lão không cần biết rằng ông Profitendieu chẳng hay. Có lẽ lão chỉ có thể hỏi hắn: “Ông lớn có biết cậu đi không?”; nhưng như vậy lão mất hết lợi thế và chẳng thích thú gì. Nếu lão có nóng lòng trông chờ ông chủ là để rủ rỉ vào tai ông bằng giọng bình thường, kính nhường và giống như một lời thông báo đơn giản Bernard nhờ lão chuyển lại, rủ rỉ câu nói mà lão đã ngâm nga soạn sửa: - Thưa trước khi đi, cậu Bernard có để lại một lá thư cho ông lớn trong phòng làm việc. Câu quá giản dị dễ trôi qua không được chú ý; lão hoài công tìm kiếm một điều gì đó lớn lao hơn và tự nhiên, mà vẫn không tìm thấy được gì. Nhưng vì chưa hề xảy ra chuyện Bernard vắng nhà, nên ông Profitendieu mà Antoine quan sát qua khóe mắt, không sao nén nổi giật mình: - Sao? Trước khi... Ông trấn tĩnh lại ngay, ông không nên để lộ sự kinh ngạc trước mắt một kẻ bề dưới; ý nghĩ mình là kẻ bề trên không rời ông phân li. Ông dứt lời bằng một giọng thật bình thản, giọng chủ nhân thật sự: - Được rồi. Và trong khi đi vào phòng: - Bộc bảo thư để đâu? - Thưa, ở trên bàn làm việc của ông lớn. Ông Profitendieu, vừa vào phòng, quả nhiên trông thấy một bao thư đặt lồ lộ trước mặt chiếc ghế phô tơi, nơi ông quen ngồi viết; nhưng Antoine đâu đã dời gót nhanh thế, và ông Profitendieu đọc chưa được hai dòng thư thì đã nghe gõ cửa. - Tôi quên thưa với ông lớn là có hai người đang chờ ở phòng khách nhỏ. - Người nào thế? - Thưa tôi không rõ. - Họ đi với nhau? - Hình như không ạ. - Họ muốn gì ở tôi? - Thưa không rõ. Họ mong yết kiến ông lớn. Ông Profitendieu cảm thấy mất kiên nhẫn. - Tôi đã bảo và nhắc đi nhắc lại là tôi không muốn ai đến đây quấy rầy tôi - nhất là giờ này; tôi có ngày giờ tiếp khách tòa... Tại sao bộc đưa họ vào? - Cả hai người đều bảo có việc cần kíp trình bày với ông lớn. - Họ đến lâu chưa? - Gần một tiếng đồng hồ rồi ạ. Ông Profitendieu đi vài bước trong phòng và quệt tay lên trán; tay kia ông cầm lá thư của Bernard. Antoine đứng trước cửa, đường hoàng, không lộ vẻ gì hết. Cuối cùng lão thích thú thấy ông dự thẩm mất bình tĩnh và lần đầu tiên trong đời nghe ông giậm chân quát tháo: - Để tôi yên coi nào! Để tôi yên! Bảo họ tôi bận. Bảo hộ hôm khác đến. Antoine vừa ra khỏi là ông Profitendieu chạy ra cửa: - Antoine! Antoine!... Khóa nước trong bể lại luôn. Thế mà định tắm đấy! Ông tiến tới bên cửa sổ và đọc: Thưa ông, Chiều hôm nay sau khi tình cờ phát giác được, tôi đã hiểu ra rằng tôi có bổn phận không còn coi ông như cha, và đó là điều nhẹ nhõm vô cùng đối với tôi. Tự cảm thấy quá ít yêu ông, lâu nay tôi ngỡ mình là thằng con lạc giống; thà biết chưa từng là con ông. Có lẽ ông mong mỏi tôi phải biết ơn ông vì đã được ông đối xử như con, nhưng trước hết tôi luôn luôn cảm thấy giữa các con ông và tôi một sự cách biệt trong lối đối xử, và về khoản này, tất cả những gì ông làm, tôi hiểu ông cũng khá nên tôi biết rằng sở dĩ thế chính là vì ông sợ xì căng đan, chính là để che đậy một tình cảnh không lấy chi làm thơm danh cho ông lắm - và sau hết là vì ông không thể làm sao khác. Thà ra đi không nhìn lại mẹ tôi, vì vĩnh biệt sợ tôi mềm lòng chăng và cũng vì trước mặt tôi, mẹ có thể tự cảm thấy lâm vào cảnh ngộ lỡ làng - điều này gây khó nghĩ cho tôi. Tôi không chắc tình của mẹ đối với tôi đã nồng nàn đến độ, bởi tôi thường hay ở nội trú, mẹ ít có thì giờ biết đến tôi, và bởi hình ảnh tôi không ngớt nhắc nhở mẹ một cái gì đó trong đời mà người mong bôi xóa đi, nên chi tôi nghĩ rằng người sẽ thấy tôi ra đi mà nhẹ lòng vừa ý. Nếu ông có can đảm, xin hãy nói với người rằng tôi không giận người đã sinh tôi làm đứa con hoang, trái lại là khác, tôi thích thế này còn hơn là ông sinh ra tôi. (Tôi xin lỗi nói lên điều đó, tôi không định viết cho ông những lời sỉ nhục, nhưng những điều tôi nói lên đây sẽ giúp ông khinh rẻ tôi, và điều này sẽ làm ông thoải mái). Nếu ông muốn tôi giữ im lặng về những lí do thầm kín khiến tôi bỏ nhà ra đi, tôi xin ông đừng tìm cách bắt tôi trở về. Quyết định xa ông của tôi rất quyết liệt. Tôi không biết sự nuôi dưỡng tôi cho tới ngày hôm nay bắt ông tốn kém là bao, tôi có thể cam thân sống bám vào ông chừng nào tôi còn mờ mịt, nhưng điều khỏi nói, từ nay về sau, tôi muốn không thụ nhận gì nữa của ông. Ý nghĩ nợ nần gì của ông, đối với tôi, đều khó chấp nhận, và thiết tưởng, nếu bắt đầu lại tất cả tôi thà chết đói hơn là ngồi chung bàn với ông. May hình như tôi nhớ có nghe nói rằng mẹ tôi, khi kết hôn với ông, là người giàu có hơn ông. Do đó tôi có quyền nghĩ rằng tôi sống là chỉ do mẹ tôi đài thọ. Tôi cảm ơn mẹ, miễn cho mẹ những khoản còn lại, và xin người quên tôi. Ông sẽ tìm cách giải thích sự ra đi của tôi với những ai lỡ ra lấy đó làm ngạc nhiên. Tôi cho phép ông tấn công tôi (nhưng tôi thừa biết ông sẽ không chờ tôi cho phép mới làm). Tôi kí bằng cái tên họ buồn cười vốn của ông, tôi muốn có phép gì trả lại nó cho ông, tên mà tôi chưa kịp làm dơ. BERNARD PROFITENDIEU T.B: Tôi để lại ở nhà ông mọi vật dụng của tôi, chúng thuộc về Caloub thì có lẽ chính đáng hơn, mong như thế giùm ông. Ông Profitendieu lảo đảo tìm tới chiếc ghế. Ông muốn nghĩ ngợi, nhưng ý nghĩ quay cuồng hỗn loạn trong đầu. Hơn nữa, ông cảm thấy đau nhéo nhè nhẹ ở bên phải, đấy, bên dưới sườn, cứ thế không hết được: gan quặn đấy. Có nước suối Vichy ở nhà hay không nữa chứ? Vợ ông về rồi thì đã may! Làm thế nào cho bà biết Bernard bỏ nhà đây? Nên đưa lá thư cho bà chăng? Lá thư bất công, bất công ghê gớm. Ông bất bình là phải nhất. Nỗi buồn của ông, ông muốn coi đó như là bất bình. Ông thở mạnh và theo mỗi lần thở ra bật lên tiếng “ôi trời!” nhanh và yếu như tiếng thở dài. Cơn đau nhói bên mình hòa lẫn với cơn buồn, biểu lộ và định vị cho nỗi buồn. Dễ thường ông mang nỗi buồn nơi lá gan. Ông buông mình xuống ghế và đọc lại lá thư của Bernard. Ông nhún vai héo hắt. Lá thư rõ độc địa đối với ông, nhưng ông cảm nhận ra trong đó nào giận hờn, nào thách thức, phách lối. Không đời nào có ai trong bầy con của ông, con chính thức, viết nổi như thế kia, chính ông cũng chịu thôi, ông thừa biết thế, bởi lẽ không có gì trong con người chúng nó mà ông khỏi nhận biết dư vang trong chính mình. Đã đành ông luôn luôn cho rằng mình phải nên chê bai những gì cảm thấy là mới mẻ, thô bạo, và bất trị trong con người Bernard; nhưng ông không còn tin như thế nữa, ông cảm thấy rõ rằng chính vì những cái đó mà ông yêu hắn như chưa từng yêu mấy đứa con khác. Từ hồi nãy đã nghe tiếng Cécile ở phòng bên cạnh, nàng nghe hòa nhạc về, ngồi bên cây đàn dương cầm và đàn đi đàn lại không thôi một câu trong một đoản khúc đò đưa. Cuối cùng ông Albéric Profitendieu hết chịu nổi. Ông hé mở cửa phòng khách và, bằng một giọng than van, gần như van xin, vì cơn đau gan bắt đầu hành hạ ông khốn đốn (hơn nữa, ông luôn rụt rè phần nào đối với con gái): - Cécile con à, chắc có nước suối Vichy ở nhà không con? Nếu không có, thì con sai đi kiếm. Với lại con yêu của bố ngừng đàn tí xíu nhé. - Bố đau ư? - Đâu có, đâu có. Nhưng bố cần suy nghĩ tí xíu từ giờ cho đến bữa ăn, tiếng đàn của con làm bố rối trí. Và vì đau đớn làm cho ông dịu dàng, ông nói thêm âu yếm: - Con chơi điệu gì đó hay lắm. Điệu gì thế? Nhưng ông bước ra không kịp nghe trả lời. Tuy nhiên con gái ông vốn biết ông không hiểu gì âm nhạc và lẫn lộn bài ca Viens, Poupoule với hành khúc của Tannhäuser (hay chính cô nàng đặt điều nói thế), Cécile cũng chẳng có ý định trả lời cho ông. Nhưng kìa, ông đã mở cửa ra lại: - Mẹ con chưa về sao? - Thưa chưa ạ. Vô lí thế. Bà sẽ về tới quá chậm không đủ thì giờ nói với bà trước bữa ăn. Bày đặt được điều gì đây để tạm thời giải thích sự vắng mặt của Bernard? Ông vẫn không thể nói lại sự thật, không thể phơi bày cho lũ con biết cái bí mật về vụ lạc lòng phút chốc của mẹ chúng. Chao ơi! Mọi sự đã được hoàn toàn tha thứ, lãng quên, tu chỉnh. Đứa con út chào đời đã thắt chặt sự dàn hòa giữa hai người. Thế mà bỗng đâu cái bóng ma phục thù kia đục từ quá khứ lên, cái tử thi kia mà sóng xô tấp vào... Thôi chứ! Cái gì nữa đấy? Cửa phòng làm việc của ông mở ra không tiếng động; mau mau, ông chuồi lá thư vào túi áo trong, màn cửa nhấc lên thật khẽ. Thằng Caloub. - Bố này, câu La-tinh này nghĩa là gì? Con không hiểu gì hết. - Bố đã bảo con đừng có đi vào mà không gõ cửa. Với lại bố không muốn con vào quấy rầy bố mãi thế này. Con quen nhờ vả và nương tựa vào người khác thay vì đem sức mình ra. Hôm qua là bài toán hình học, hôm nay là một... câu La-tinh của ai đấy? Caloub chìa cuốn vở: - Họ không nói, nhưng mà, đây này, bố coi: bố thế nào cũng nhận ra. Họ đọc cho viết, nhưng chắc con viết sai. Con muốn biết con viết có đúng không đã... Ông Profitendieu cầm lấy cuốn vở, nhưng ông đau quá lắm. Ông dịu dàng đẩy thằng bé ra: - Lát nữa. Sắp sửa ăn rồi. Anh Charles về chưa? - Anh xuống phòng làm việc rồi. (Luật sư Charles tiếp khách ở tầng trệt). - Con đi nói với anh lên gặp bố. Nhanh lên. Tiếng chuông reo! Đến bây giờ bà Profitendieu mới trở về, bà xin lỗi đã về muộn, bà hẳn đã đi thăm nhiều nơi. Bà ái ngại thấy chồng đau. Làm gì được giúp ông? Quả tình sắc diện của ông bệnh lắm. Ông sẽ không ăn được đâu. Ăn không có ông vậy. Nhưng sau bữa ăn bà sẽ cùng mấy đứa con lên gặp ông. - Còn Bernard? - Ừ nhỉ, thằng bạn của Bernard... bà biết cái thằng bày vẽ toán cho nó, chắc nó đến đây đem Bernard đi ăn rồi. Profitendieu cảm thấy dễ chịu hơn. Lúc đầu ông sợ mình đau quá không mở miệng nổi. Mà lại cần giải thích sự khiếm diện của Bernard nữa. Bây giờ ông biết mình cần nên nói gì, dù có đau lòng. Ông cảm thấy mình vững tâm và quyết tâm. Mối lo sợ duy nhất của ông là vợ ông sẽ cắt ngang mà khóc lóc, la lối, sợ bà đâm quẩn trí... Một giờ sau, bà bước vào với ba con, bà tới gần. Ông để bà ngồi sát cạnh ghế ông. Bằng giọng ra lệnh, ông nói nhỏ: - Mẹ nó hãy cố ngồi yên, và đừng nói lời nào, nghe không? Sau đó mẹ nó và tôi sẽ chuyện trò với nhau. Và trong khi nói, ông nắm bàn tay của bà trong hai tay mình. - Nào, ngồi xuống, các con. Bố lúng túng thấy các con đứng trước mặt thế kia như khảo hạch. Bố có chuyện rất buồn phải nói với các con... Bernard đã từ biệt chúng ta và chúng ta không còn gặp lại Bernard... trong một thời gian. Hôm nay bố phải cho các con biết điều mà lúc đầu bố đã che giấu các con, vì bố thích được thấy các con yêu Bernard như anh em, vì mẹ và bố yêu Bernard như con. Nhưng Bernard không phải là con của bố mẹ... Một người cậu của Bernard, em của mẹ đẻ Bernard khi lâm chung gửi gắm Bernard cho nhà mình... người cậu đó đã đến hồi chiều xin lại Bernard. Một bầu im lặng nặng nề tiếp theo mấy lời của ông và mọi người nghe tiếng Caloub thút thít. Ai nấy chờ đợi, nghĩ rằng ông sẽ nói thêm. Nhưng ông khoát tay: - Bây giờ các con hãy ra ngoài. Bố cần nói chuyện với mẹ. Tất cả đi xong xuôi, ông Profitendieu ngồi hồi lâu không nói năng gì. Bàn tay bà để trong đôi tay ông như thể chết rồi. Bằng bàn tay kia, bà đưa khăn lên mắt. Bà chống khuỷu tay vào chiếc bàn lớn, và quay mặt khóc. Qua những tiếng khóc nấc lay động người bà, ông Profitendieu nghe bà thì thào: - Ôi! Mình ác thế... Ôi! Mình đã đuổi nó đi. Hồi nãy, ông định không đưa lá thư của Bernard cho bà, nhưng đứng trước lời buộc tội bất công thế kia, ông chìa lá thư: - Này, mẹ nó đọc đi. - Tôi không đủ sức. - Mình phải đọc mới được. Ông không còn nghĩ tới cơn đau. Ông đưa mắt theo dõi bà suốt lá thư, từng dòng một. Hồi nãy trong khi nói, ông khó lòng ngăn nổi nước mắt, bây giờ ngay lúc mối xúc động bỏ rơi ông, ông nhìn vợ. Bà nghĩ sao? Vẫn một giọng trần tình, qua những tiếng nức nở như cũ, bà tiếp tục thì thầm: - Trời! Tại sao mình nói cho nó... Đáng lẽ mình không nên nói cho nó... - Ô hay, mình thấy rõ ràng tôi có nói gì với nó đâu... Đọc thư kĩ xem. - Tôi đã đọc kĩ... Nhưng thế thì làm sao nó khám phá ra? Ai nói với nó? Trời! Thế nghĩa là bà vẫn khăng khăng! Vì thế mà âm sắc của bà thê lương! Tai ương này đáng lẽ thắt chặt hai người lại. Ôi thôi! Ông Profitendieu mơ hồ nhận thấy tư tưởng của hai người rẽ lối khác nhau. Và trong khi bà phàn nàn buộc tội, đòi hỏi, ông tìm cách hướng cái đầu óc khăng khăng kia về những tình cảm tín mộ hơn, ông nói: - Hình phạt đấy. Ông đứng lên, vì nhu cầu tự nhiên muốn chế phục; bây giờ ông ưỡn thẳng người, quên và không kể gì tới cơn đau đớn mình mẩy, và nghiêm nghị, âu yếm, thị oai, đặt tay lên vai Marguerite. Ông thừa biết rằng bà bao giờ cũng chỉ ăn năn một cách không toàn vẹn về câu chuyện mà ông luôn muốn coi như sự yếu lòng nhất thời; giờ đây ông muốn nói cho vợ rằng mối bi ai này đây, sự thử thách này đây có thể dùng vào việc chuộc lại lỗi lầm, nhưng ông loay hoay tìm kiếm một mẫu lời nói sao cho vừa ý mình mà lại có hi vọng được thông cảm. Một bên vai của Marguerite cưỡng lại cái ấn tay nhè nhẹ của ông. Marguerite dư biết rằng, bao giờ cũng vậy thế nào ông cũng xuất khẩu một lời giáo dục luân lí nào đó nhân những chuyện đời nhỏ nhặt nhất, chịu làm sao nổi; mọi sự đều được ông giải khai và diễn dịch theo giáo điều của ông. Ông cúi xuống bà. Ông rắp tâm nói thế này đây: - Mình thấy chưa: tội lỗi không sinh được gì tốt đẹp. Mình hà tất che đậy lỡ lầm. Khổ! Tôi đã hết sức với nó, tôi đối với nó như đối với con đẻ. Bây giờ trời cho ta thấy là sai lạc nếu ta tưởng rằng... Nhưng ngay từ câu đầu ông ngừng nói. Và có lẽ bà hiểu mấy tiếng đầy ý nghĩa kia, có lẽ những tiếng ấy đã vào sâu trong tim bà, chẳng thế mà bà nức nở trở lại, còn dữ dội hơn trước, sau một hồi ngưng khóc; kế đó là gập người xuống như chực quỳ gối trước mặt ông, ông khom lưng nâng giữ vợ mình. Bà nói những gì qua nước mắt. Ông cúi sát môi vợ. Ông nghe: - Mình thấy rõ... Mình thấy rõ... Trời! Tại sao mình lại tha thứ cho tôi? Trời! Đáng lẽ tôi không nên trở về. Gần như ông bắt buộc phải đoán ra lời lẽ của vợ. Bà nín bặt liền đó. Không thể giãi bày nhiều hơn. Chẳng lẽ nói mình cảm thấy bị bó thân trong thứ tiết hạnh do ông đòi hỏi, chẳng lẽ nói mình chết ngạt, hay bảo mình đã ăn năn thì lỗi lầm gì nữa? Lỗi lầm đó giờ phút này bà lấy làm ân hận rồi. Ông thẳng người lên, bằng một giọng oai phong nghiêm nghị, nói: - Mình ạ, tôi e rằng mình hơi cố chấp tôi hôm nay. Khuya rồi. Ta đi ngủ là hơn. Ông đỡ bà đứng dậy, rồi đưa về phòng, hôn lên trán bà, kế đó quay vào phòng giấy và ngồi phịch xuống ghế. Lạ chưa, cơn đau gan đã lắng dịu, nhưng ông cảm thấy rời rã. Tay vẫn bưng lấy trán, ai oán quá, ông không khóc nổi. Ông không nghe tiếng gõ cửa, nhưng cửa xịch mở, ông ngước đầu lên: Charles, con trai ông. - Con vào thăm hỏi bố. Charles vào tới gần. Anh đã hiểu đầu đuôi. Anh muốn cho bố biết là anh đã hiểu. Anh mong bày tỏ lòng xót thương, yêu mến, mối tận tình với ông, thế nhưng, điều khó tin ở một luật sư: anh diễn đạt vụng về không ai bằng: hay có lẽ anh đâm ra vụng về hễ khi nào tình cảm anh thành khẩn. Anh ôm bố hôn. Cái cách anh lân la đặt tựa đầu lên vai cha rồi để yên đấy một lát tỏ cho ông biết anh đã hiểu. Anh đã hiểu quá rõ nên chi giờ đây, khẽ ngước đầu lên, anh cất tiếng hỏi, một cách vụng về, như mọi cái gì anh đã làm, nhưng lòng anh quá bấn loạn không hỏi không được: - Thế Caloub? Câu hỏi phi lí, vì Bernard càng khác mấy đứa con kia, thì nơi con người Caloub cái vẻ gia thống càng dễ nhận. Ông vỗ vai Charles: - Không, không, con yên tâm. Bernard không thôi. Nghe thế, Charles trịnh trọng bảo: - Chúa đuổi thằng ăn bám... Nhưng ông ngăn lại, ông đâu có cần ai nói thế với ông? - Con đừng nói. Cha con không còn gì để nói với nhau. Ta hãy để họ đó. Bây giờ là gần mười một giờ. Ta hãy để bà vợ ông Profitendieu ở lại trong phòng, ngồi trên chiếc ghế nhỏ ít tiện lợi. Bà không khóc, không nghĩ gì hết. Hơn thế nữa, bà muốn bỏ trốn đi, nhưng bà sẽ không trốn. Hồi ở với tình nhân, cha của Bernard, chúng ta không cần biết là ai, bà tự nhủ: mình làm gì rốt lại cũng không phải con đàn bà hiền lương. Bà sợ tự do, sợ tội ác, sợ thảnh thơi, nên mười hôm sau bà quay về nhà day dứt. Ngày xưa song thân bà bảo bà như thế này là phải lắm: con chẳng bao giờ biết con muốn gì. Ta hãy tạm biệt bà. Cécile đã ngủ rồi. Caloub nhìn ngó ngọn đèn sáp mà ngao ngán; đèn sẽ không còn đủ để cho phép hắn đọc hết cuốn truyện phiêu lưu giúp hắn nguôi quên sự bỏ nhà ra đi của Bernard. Tôi tò mò muốn biết Antoine kể lại được những gì cho chị bếp nghe, nhưng làm sao nghe được hết bây giờ. Đã đến giờ Bernard phải đi tìm gặp Olivier. Đêm nay hắn ăn ở đâu, hay hắn có ăn chăng, tôi không biết nữa. Hắn đi ngang qua trước buồng lão gác cổng không trở ngại, hắn nhón nhén lên cầu thang... III Sung túc và yên bình sinh loài bạc nhược; chính ngay điều vất vả mới là mẹ can đảm. SHAKESPEARE Olivier đã lên giường chờ mẹ đêm đêm vào tận giường hôn hai con nhỏ. Hắn có thể thay quần áo trở lại để tiếp Bernard, nhưng hắn chưa chắc Bernard có đến không, và sợ đánh thức thằng em Georges thường mau ngủ và dậy trễ; cũng có thể hắn không nhận ra điều gì bất thường. Nghe một tiếng gì như tiếng cào cửa rụt rè, Olivier vọt ra khỏi giường, đút chân vội vào đôi giày nhẹ và chạy ra mở. Không cần phải bật đèn, ánh trăng đủ soi sáng gian phòng. Olivier đưa tay ôm chầm lấy Bernard. - Chờ cậu gớm! Mình không thể tin cậu đến. Hai bác biết cậu không ngủ nhà đêm nay? Bernard nhìn thẳng trước mặt, trong bóng tối. Hắn nhún vai. - Cậu nghĩ rằng tôi phải xin phép, hả? Giọng nói hắn lạnh lùng mai mỉa bắt Olivier lập tức cảm thấy cái vô lí của câu hỏi. Hắn vẫn chưa hiểu rằng Bernard đã ra đi “thật sự”, hắn tưởng Bernard chỉ định ngủ lang đêm nay thôi và không giải thích rõ cái hành vi đột ngột của mình. Hắn hỏi: - Bernard định khi nào về? - Không bao giờ! Mọi sự tỏ rõ trong đầu óc Olivier. Hắn quyết tỏ ra mình theo kịp những cảnh huống và không để cho một cái gì đến làm giật mình, thế mà hắn cũng buột miệng: - Cậu làm một việc tày trời. Về phần Bernard, hù bạn một chút xíu không hại gì, nhất là hắn cảm nhận được vẻ khâm phục lóe ra trong lời buột miệng, nhưng hắn nhún vai lần nữa. Olivier nắm bàn tay Bernard, hắn nghiêm trọng lắm, hắn lo lắng hỏi: - Nhưng mà... tại sao cậu bỏ đi? - Ôi! Chuyện gia đình. Không nói cho cậu được. Và để tránh vẻ quá trang nghiêm, hắn đùa nghịch dùng mũi giày hất rớt chiếc giày nhẹ lủng lẳng nơi chân Olivier, vì cả hai ngồi ở thành giường. - Thế cậu đi đâu sống? - Không biết. - Và sống bằng cái gì? - Để coi. - Cậu có tiền không? - Đủ ăn điểm tâm ngày mai. - Rồi sau đó? - Sau đó phải tìm cách. Mệt! Tìm khắc ra. Rồi cậu coi, mình sẽ kể lại cho cậu. Olivier phục bạn sát đất. Hắn biết Bernard tính người nhất quyết, thế mà hắn bán tín bán nghi đến hồi sắp sửa cạn lương thực và quẫn bách, hắn không trở về sao? Bernard dám chắc với hắn: sẽ thử thách bất cứ điều gì chứ không trở về sống cạnh người nhà. Và vì hắn lặp lại nhiều lượt và mỗi lần mỗi thêm hung bạo: bất cứ điều gì - nên chi Olivier se sắt bất an. Hắn muốn nói mà không dám. Cuối cùng, hắn mở lời trong khi cúi đầu và nói bằng một giọng không tin tưởng: - Bernard à... dù sao, cậu không có ý định... Nhưng hắn ngừng nói. Thằng bạn hắn ngước mắt lên và, không cần nom rõ Olivier, nhận ra sự lúng túng của Olivier. Bernard hỏi: - Ý định gì? Cậu muốn nói gì? Nói đi. Ý định ăn cắp phải không? Olivier lắc đầu. Không, không phải điều đó. Olivier bỗng nhiên òa khóc, hắn lật bật ôm siết Bernard. - Cậu hứa là đừng... Bernard ôm lấy Olivier, rồi cười đẩy hắn ra, Bernard hiểu: - Điều đó thì mình hứa. Không, mình không làm tên ma cô đâu. Và tiếp: - Thật ra ma cô thì tiện nhất đấy, nhỉ? Nhưng Olivier cảm thấy yên tâm; hắn thừa biết câu cuối cùng nói ra chỉ làm ra vẻ vô liêm sỉ mà thôi. - Thi cử của cậu? - Phải, cái đó mới phiền. Dẫu sao mình không muốn để cho rớt. Mình tưởng đã chuẩn bị, đúng hơn cốt sao hôm đó đừng mệt trong người. Mình phải giải quyết sự việc thật nhặm lẹ. Hơi cầu may đấy, nhưng mà... mình sẽ qua khỏi, rồi cậu xem. Cả hai lặng im chốc lát. Chiếc giày nhẹ thứ hai bị hất rớt. Bernard: - Cậu cảm lạnh bây giờ. Ngủ lại đi. - Không, cậu đi ngủ mới đúng chứ. - Giỡn! Nhanh lên nào! - Và hắn ra sức bắt Olivier trở lại chiếc giường đã nhàu nhò. - Nhưng còn cậu? Ngủ đâu? - Bất cứ đâu. Ngủ dưới đất. Trong xó. Mình phải tập cho quen. - Không, này. Mình muốn nói với cậu cái này, nhưng không cảm thấy cậu ở sát bên mình thì mình chẳng nói được. Cậu chui vào giường với mình. Và sau một lát Bernard cởi bỏ áo quần xong xuôi rồi đến với hắn: - Bernard biết không, cái mình nói với cậu lần trước ấy... Xong rồi. Đạt được mục tiêu. Bernard hiểu lờ mờ. Hắn nằm sát người vào Olivier. Olivier nói tiếp: - Nghĩa là lợm giọng được, cậu ạ. Gớm guốc... Xong xuôi, mình muốn nhổ, muốn mửa, muốn bứt da, muốn tự tử. - Cậu nói quá đáng. - Hoặc là muốn giết ả, con đó... - Con nào đấy? Dù sao, cậu không làm ẩu đấy chứ? - Không, ả là mèo thân thiết với Dhurmer, Dhurmer giới thiệu mình với cô ả. Cái lối nói chuyện của ả làm mình ê ẩm nhất. Nói không nghĩ. Mà lại đần độn thế! Những lúc đó mà không câm cái mồm lại thì mình không hiểu nổi. Muốn bưng mồm ả, muốn bóp cổ ả đi. - Khổ thân! Nhưng cậu phải nghĩ rằng Dhurmer chỉ chịu tặng cậu một con nhỏ ngốc nghếch thôi chứ... Ít nhất nó cũng đẹp? - Cậu tưởng mình nhìn mặt ả à? - Cậu ngốc. Cậu đáng yêu. Thôi ngủ nào... Ít ra cậu đã hưởng... - Cóc khô! Chính cái đó làm mình tởm nhất: dù sao mình cũng làm được... đúng như mình ao ước. - Thế à! Hay đấy, bạn. - Xin cậu. Nếu đó là tình yêu thì mình chán mứa lắm rồi. - Cứ làm như bé bỏng ấy! - Mong thấy cậu lâm sự. - Mình à! Cậu biết không, mình không chạy theo. Mình đã nói với cậu: mình chờ chuyện lạ. Thế thôi, một cách dửng dưng, chuyện đó đối với mình không nói lên được gì. Dù sao, nếu mình... - Nếu cậu sao... - Nếu con đó... Thôi. Ngủ. Và hắn quay lưng lại đột ngột, khẽ nhích ra khỏi thân hình có hơi nóng kia làm hắn lướng vướng. Nhưng lát sau Olivier đã hỏi: - Này... cậu tin Barrès sẽ được đắc cử không? - Chậc!... Chuyện mắc dịch! - Thây kệ! Này... nghe cái này tí... Hắn đè lên vai Bernard, Bernard quay lại. - Anh chàng ta có bồ. - Thằng Georges? Thằng nhỏ vờ ngủ nhưng lắng nghe hết, dỏng tai trong tối, khi nghe tên mình, hắn nín thở. - Điên à! Mình nói Vincent chứ! (Lớn tuổi hơn Olivier, Vincent vừa xong những năm y khoa đầu tiên). - Anh có nói với cậu hả? - Không. Anh không dè mình biết. Bố mẹ mình không hay biết gì hết. - Nếu hay, hai bác có nói gì không? - Không biết. Chắc có lẽ mẹ sẽ rầu rĩ. Bố sẽ yêu cầu anh cắt đứt hoặc là cưới. - Đấy! Bọn thượng lưu lương thiện không hiểu rằng người ta có thể lương thiện theo một lối khác họ. Làm sao cậu biết? - Đầu đuôi thế này: từ dạo sau này Vincent ra đi ban đêm khi bố mẹ mình đã ngủ đâu đấy rồi. Anh bước xuống thật khẽ, nhưng mình nhận ra bước chân anh ở ngoài đường. Tuần vừa rồi, thứ ba thì phải, đêm nực quá mình nằm không nổi. Mình đứng ở cửa sổ cho dễ thở hơn. Mình nghe cửa dưới nhà mở ra rồi đóng lại. Mình nhoài người ra, và khi Vincent đi ngang qua cây đèn, mình nhận ra anh. Lúc đó đã quá nửa đêm. Đó là lần đầu tiên. Mình muốn nói: Lần đầu tiên mình để ý thấy. Nhưng từ khi đã hay rồi, mình dò xét, ấy không chủ tâm đâu nhé... và hầu như mỗi đêm mình nghe anh ra đi. Anh có chìa khóa riêng và bố mẹ mình dọn dẹp phòng cũ của Georges với mình làm thành phòng thăm bệnh để sau này có bệnh nhân. Phòng của anh ở bên cạnh, bên trái phòng chứa đồ đạc, trong khi các phòng còn lại ở phía bên mặt. Anh có thể đi ra đi về khi nào tùy ý mà không ai hay biết. Thường thường mình không nghe anh về, nhưng tối hôm kia, thứ hai, mình không hiểu cái gì xui khiến, mình đang nghĩ tới dự tính ra báo của Dhurmer đấy chứ... Không ngủ được. Mình nghe tiếng nói trong cầu thang, mình cứ tưởng là Vincent. - Lúc đó mấy giờ? - Bernard hỏi, không phải vì háo hức biết mà để tỏ ra quan tâm. - Ba giờ sáng thì phải. Mình thức dậy và kê tai sát cửa. Vincent đang nói với một người đàn bà. Hay đúng hơn chỉ có cô nàng nói. - Thế làm sao cậu biết đúng là anh Vincent? Bao nhiêu người thuê nhà đều đi ngang trước cửa phòng cậu kia mà. - Quả như thế, đôi khi thật khó chịu: khuya chừng nào, họ leo lên lầu làm ồn chừng ấy, bất kể người ngủ... Thế thì chỉ có thể là Vincent; mình nghe cô nàng lặp lại tên Vincent. Cô nàng nói với anh... Ồ! Nói lại ngấy quá... - Cứ nói coi. - Cô nàng nói: “Vincent, anh ơi, mình ơi, đừng bỏ em!” - Cô ta gọi thế nào? - Cô này gọi anh Vincent bằng “vous”! - Ừ. Kì cục nhỉ? Kể tiếp đi. - “Anh không có quyền bỏ rơi em bây giờ. Anh muốn em ra làm sao đây? Anh muốn em đi đâu? Nói cho em một lời. Trời! Nói đi.” Rồi cô gọi lại tên Vincent và lặp lại: “Anh ơi, anh ơi”, bằng một giọng não nuột hơn, và nhỏ dần. Tiếp theo mình nghe một tiếng huỵch (hai người chắc hẳn ở nơi cầu thang), tiếng động như của vật gì ngã. Mình nghĩ là cô nàng quỳ gối xuống. - Thế còn anh, anh không trả lời gì hết sao? - Chắc anh bước lên mấy bực cấp cuối cùng: mình nghe cửa phòng đóng lại. Và sau đó cô nàng đứng nán một lúc lâu gần sát đây, gần như sát cửa của mình. Mình nghe cô khóc nức nở. - Đáng lẽ cậu nên mở cửa ra cho cô. - Dám đâu. Vincent sẽ nổi đóa lên nếu biết mình hay chuyện của anh. Với lại mình sợ cô ngượng bị bắt gặp đang khóc lóc. Biết nói gì với cô chứ. Bernard đã quay mặt lại với Olivier. - Ở địa vị cậu, mình mở cửa rồi đó. - Nói gì! Cái gì mà bao giờ cậu chẳng dám. Hễ cái gì thoáng qua đầu là cậu làm. - Cậu trách mình đó ư? - Không, mình muốn như cậu. - Cậu nom thấy cô nàng kia có thể là ai? - Làm sao biết nổi? Thôi, ngủ ngon. - Này... có chắc thằng Georges không nghe lỏm tụi mình? Bernard rỉ tai Olivier. Cả hai nghe ngóng một lát. Olivier bình giọng nói theo: - Không, nó ngủ; với lại nó chả hiểu gì đâu. Cậu biết hôm nọ nó hỏi bố gì không?... Tại sao bọn... Lần này Georges không nín được nữa, hắn nhổm dậy trên giường và cắt ngang câu của thằng anh, quát: - Anh ngốc, anh không thấy tôi cố ý sao?... Ừ đó, nãy giờ hai người nói gì tôi nghe hết, tưởng gì! Các người khỏi lo. Chuyện anh Vincent tôi biết lâu rồi. Nhưng bây giờ các anh gắng nói nhỏ lại, tôi buồn ngủ đây. Hay là nín đi. Olivier quay mặt vào tường. Bernard không ngủ, ngắm nghía gian phòng. Ánh trăng làm cho phòng có vẻ lớn thêm. Thật ra, hắn biết gian phòng này qua loa. Ban ngày Olivier không có mặt ở đây, một đôi lần hắn tiếp Bernard đều ở phòng trên lầu. Ánh trăng bây giờ lần tới chân giường nơi Georges vừa thiếp ngủ; hắn nghe gần hết những điều anh hắn kể, hắn có lí do để mộng mị. Phía trên chiếc giường của Georges, ta nhận ra một tủ sách nhỏ có hai ngăn với sách học. Trên một chiếc bàn gần giường của Olivier, Bernard nhác thấy một cuốn sách lớn khổ hơn, hắn với tay cầm lấy sách để nhìn nhan đề: Tocqueville(2); nhưng khi hắn muốn đặt sách xuống bàn, cuốn sách sểnh và tiếng động đánh thức Olivier. - Dạo này cậu đọc sách của Tocqueville à? - Dubac cho mình mượn đó. - Cậu thích không? - Hơi nhạt. Nhưng có nhiều cái được lắm. - Này. Mai cậu làm gì? Ngày mai, thứ năm, học sinh được nghỉ. Bernard tính gặp lại Olivier thì phải. Hắn định không còn đặt chân đến trường nữa; hắn cho là không cần đến những giờ học cuối cùng và hắn soạn thi một mình. Olivier bảo: - Ngày mai, mười một giờ rưỡi mình ra ga Saint-Lazarre đón tàu từ Dieppe đến để gặp ông cậu Édouard ở Anh về. Buổi chiều, ba giờ, mình sẽ đi gặp Dhurmer ở viện Louvre. Thì giờ còn lại mình phải học. - Cậu Édouard? - Ừ, em cùng cha khác mẹ với mẹ mình. Cậu vắng nhà đã sáu tháng, còn mình biết cậu qua loa thôi, nhưng mình yêu cậu lắm. Cậu không biết mình đi đón và mình sợ nhận không ra. Cậu không giống ai trong gia đình hết, con người cậu hay lắm. - Cậu ấy làm gì? - Viết văn. Mình đọc gần hết sách của cậu, nhưng lâu nay cậu không xuất bản gì nữa. - Tiểu thuyết? - Ừ, những loại tiểu thuyết. - Sao Olivier không hề đề cập với mình? - Vì cậu sẽ đòi đọc, và nếu cậu không thích thì... - Thì sao? Nói tiếp đi. - Thì mình buồn. Đấy. - Thế cái gì khiến cậu bảo là cậu Édouard hay lắm? - Mình không biết nữa. Mình đã bảo mình hầu như không biết đến cậu. Đúng hơn, đó là một dự cảm. Mình cảm thấy cậu quan tâm đến nhiều thứ mà bố mẹ mình không quan tâm, và người ta có thể nói với cậu đủ chuyện. Ngày nọ, trước khi cậu ra đi không được bao lâu, cậu đã ăn tại nhà mình; đang khi trò chuyện với bố, mình cảm thấy cậu nhìn mình mãi và mình bắt đầu lúng túng, mình sắp sửa bỏ phòng đi ra - lúc bấy giờ ở phòng ăn, mọi người còn chần chừ sau khi dùng cà phê, nhưng cậu đã bắt đầu hỏi bố về mình, điều này làm mình lúng túng thêm và bố bỗng nhiên đứng lên đi lấy mấy câu thơ mình vừa làm xong, mấy câu thơ mà mình đã ngu xuẩn trưng ra với bố. - Thơ của Olivier hả? - Có chứ, cậu biết mà, bài thơ mà cậu cho là giống như bài Bao lơn(3) đấy. Mình biết nó chẳng có giá trị gì hay chẳng đáng bao nhiêu, bố đưa ra làm mình giận quá. Trong một lúc, giữa khi bố lục lạo mấy câu thơ, chỉ có cậu Édouard và mình trong phòng, và mình cảm thấy đỏ phừng cả mặt, mình không tìm được gì để nói năng với cậu nên nhìn lảng đi nơi khác, mà cậu cũng thế, cậu bắt đầu vấn thuốc hút: kế đó, có lẽ để cho mình thoải mái phần nào vì chắc chắn cậu thấy mình đỏ mặt, cậu đứng dậy quay nhìn ra cửa sổ. Cậu huýt gió khe khẽ. Thình lình cậu nói với mình: “Cậu lúng túng hơn con nhiều.” Nhưng mình tin cậu tử tế mà nói thế. Cuối cùng bố trở vào, bố đưa mấy câu thơ của mình cho cậu, cậu đọc. Mình cáu đến độ nếu cậu khen, chắc mình sẽ nói hỗn lại. Dĩ nhiên bố chờ đợi những lời đó - những lời khen - và vì cậu không nói năng gì, bố hỏi: “Thế nào? Cậu nghĩ sao?” Nhưng cậu đã cười bảo bố: “Khó bàn trước mặt anh”, thế là bố cũng cười bỏ đi ra. Và sau đó, khi chỉ có cậu và mình, cậu bảo mình rằng cậu thấy thơ mình dở lắm, nhưng mình vui lòng nghe cậu nói như thế; và cái làm mình vui lòng hơn nữa là, cậu vụt trỏ hai câu thơ, hai câu độc nhất mình khoái trong bài thơ, cậu nhoẻn miệng cười nhìn mình bảo: “Hay đấy.” Cậu mình như thế đó, không hay sao? Và giọng cậu nói với mình, Bernard phải biết! Muốn ôm cậu mà hôn. Rồi cậu bảo mình rằng cái sai lầm của mình là khởi đi từ một ý nghĩ, và mình để cho chữ nghĩa dẫn dắt không đúng mức. Thoạt tiên mình không hiểu rõ, nhưng mình chắc rằng bây giờ mình thấy cậu muốn nói gì rồi - và cậu có lí. Mình sẽ giải thích cho Bernard nghe lần khác. - Bây giờ mình hiểu Olivier muốn có mặt lúc cậu Édouard đến. - Đâu có! Mình kể cho Bernard nghe chuyện chẳng nhằm vào đâu, và không hiểu sao mình lại kể. Tụi mình đã bày tỏ cho nhau biết bao nhiêu chuyện khác nữa. - Cậu bảo mười một giờ rưỡi phải không? Làm sao biết ông cậu đến chuyến tàu đó? - Vì cậu có ghi trên tấm bưu ảnh gửi cho mẹ; vả lại mình có thử lại trên bảng chỉ dẫn. - Olivier ăn trưa với cậu Édouard? - Không! Mình phải về lại đây lúc mười hai giờ trưa. Mình chỉ đủ thì giờ bắt tay ông cậu; nhưng thế là đủ... À! Còn cái này nữa, không lại ngủ mất: bao giờ mình lại gặp lại Bernard? - Chưa gặp lại trong vài hôm. Chưa giải quyết xong thì chưa gặp. - Nhưng dù sao... mình giúp Bernard được gì chăng? - Cậu giúp mình? Không. Như thế không chơi. Mình sẽ có vẻ như chơi lận. Thôi ngủ ngon. (2) Alexis de Tocqueville (1805-1859) là nhà tư tưởng chính trị và nhà sử học người Pháp. (3) Tác phẩm của nhà thơ Pháp Charles Baudelaire (1821-1867), được nhà soạn nhạc Claude Debussy phổ nhạc năm 1890. IV Cha tôi cục súc, nhưng mẹ tôi thông tuệ, theo phái tĩnh tu; người nhỏ nhắn, dịu hiền, bà thường bảo tôi: Con ơi, con sẽ bị đày đọa. Nhưng bà không lấy thế làm phiền não. FONTENELLE Không. Vincent Molinier mỗi đêm ra đi như thế kia không phải đến nhà tình nhân. Anh bước nhanh thật, nhưng ta hãy bén gót anh. Từ đầu đường Notre-Dame-des-Champs nơi anh ở, Vincent xuôi thẳng tới đường Saint Placide nối dài đường kia rồi tới đường Bạc, ở đây vài kẻ phong lưu còn qua lại muộn màng. Anh dừng bước ở đường Babylone trước một cánh cửa hông mở ra. Đây, anh đang đứng tại nhà bá tước Passavant. Giá anh không thường hay đến đây, anh đã không xồng xộc vào cái nơi kiêu sa này như thế. Người hầu mở cửa cho anh thừa biết những gì là rụt rè ẩn dưới cái vẻ mạnh dạn cố tạo ra kia. Vincent dụng tâm không đưa nón mình ra cho gã, từ xa anh đã ném nón vào ghế. Tuy nhiên Vincent đến đây chưa được bao lâu. Robert de Passavant, tới bây giờ tự xưng là bạn của Vincent, vốn là bạn của vô số người. Tôi không hiểu hai người quen biết nhau như thế nào. Có lẽ ở trường học, mặc dù Robert de Passavant nhiều tuổi hơn Vincent thấy rõ; họ không gặp nhau mấy năm, rồi gần đây, tái ngộ một đêm kia lúc Olivier bất ngờ cùng Vincent đi xem kịch; trong lúc nghỉ hát Passavant mời hai người ăn kem; đêm đó Passavant hay tin Vincent vừa xong thời gian ngoại trú, hãy còn phân vân không biết có nên sung vào nội trú hay không; nói cho ngay, ngành khoa học tự nhiên quyến rũ anh hơn là y khoa; nhưng nhu cầu mưu sinh... Tóm lại, Vincent đã vui vẻ nhận lời đề nghị có lợi cho anh của Robert ít lâu sau đó, là mỗi đêm đến săn sóc ông cha già của Robert, ông cụ này hãy còn bị chấn động mạnh sau một vụ giải phẫu khá trầm trọng. Công việc là thay băng, dò bệnh cho tinh tế, chích thuốc, sau hết là những gì đó không hiểu cần có bàn tay thành thạo. Ngờ đâu, ngoài ra, tử tước Robert có những lí do thầm kín để đến gần Vincent; và Vincent còn có những lí do khác để nhận lời. Lí do thầm kín của Robert, sau này chúng ta sẽ tìm cách khám phá; còn lí do của Vincent thì đây: bị thúc bách vì quá cần tiền. Một khi lòng ngay ngắn và giáo dục trong sạch sớm dạy cái ý nghĩa trách nhiệm, làm cho một người đàn bà mang bầu thì sao khỏi cảm thấy mình phần nào nợ nần đối với nàng, nhất là khi người đàn bà đó đã bỏ chồng để theo mình. Vincent lâu nay sống một đời khá đức độ. Cuộc phiêu lưu với Laura, đối với anh, tùy theo giờ khắc trong ngày, có vẻ hoặc là quái đản hoặc là rất tự nhiên. Thường thường chỉ cần cộng lại một số lượng những sự kiện nhỏ rất giản dị và rất tự nhiên, từng sự kiện riêng rời, là có một tổng kết quái đản. Vừa bước đi anh vừa lẩm nhẩm điều đó và không tìm ra lối thoát. Đã hẳn anh không hề nghĩ đến chuyện quyết tâm đèo bòng người đàn bà đó, không nghĩ đến chuyện cưới nàng sau khi nàng li dị hoặc là sống với nàng không hôn thú: thật buộc lòng anh phải tự thú rằng anh không cảm thấy yêu nàng cho lắm; nhưng anh biết nàng không có của cải gì ở Paris; anh đã gây khốn đốn cho nàng, ít nhất anh cũng đảm đương cho nàng sự cứu trợ buổi đầu thô thiển này mà anh tự cảm thấy khó chu toàn - ngày hôm nay còn kém ngày hôm qua, kém hơn những ngày gần đây. Bởi vì tuần vừa rồi anh còn có năm ngàn franc mà mẹ anh đã công khó nhẫn nại dành dụm để giúp cho giai đoạn đầu trong sự nghiệp của anh. Năm ngàn franc kia đúng ra có thể đủ cho tình nhân sinh nở, an dưỡng trong bệnh viện, săn sóc buổi đầu cho đứa bé. Thế thì anh đã nghe theo ngạ quỷ nào thế? - Số tiền, đã giao cho nàng trong tư tưởng, số tiền đó, anh hướng về nàng, dành phần cho nàng, và anh sẽ thấy mình mang trọng tội nếu trích một phần trong đó ra. Thế mà một tối kia ngạ quỷ nào rỉ tai anh rằng số tiền đó e chưa đủ? Không, không phải Robert de Passavant đâu. Robert không hề thốt một lời nào tương tự; thế nhưng lời đề nghị của Robert đem Vincent đến một sòng bạc rơi nhằm vào tối hôm đó. Và Vincent ưng thuận. Sòng bạc này có điểm sau đây là hiểm độc: tất cả đều diễn ra giữa bọn người thượng lưu, bạn bè. Robert giới thiệu anh bạn Vincent với nhóm người này nhóm người kia. Vincent thiếu phòng bị không đủ sức chơi lớn đêm đầu tiên ấy. Anh giắt sẵn chẳng bao nhiêu tiền nhưng vẫn từ chối mấy tấm giấy bạc mà tử tước đề nghị chi trước cho anh. Ngờ đâu, vì anh thắng, anh mới tiếc rẻ đã không liều lĩnh hơn và anh hứa mai trở lại. Robert bảo anh: - Bây giờ mọi người ở đây quen anh, không cần tôi đi theo anh nữa. Câu chuyện này diễn ra tại nhà của Pierre de Brouville mà người ta quen gọi bằng tên Pedro. Từ đêm đầu tiên ấy kể đi, Robert de Passavant để cho người bạn mới quen sử dụng chiếc xe hơi của mình. Khoảng mười một giờ, Vincent lần mò đến, trò chuyện mười lăm phút với Robert vừa phì phà xong điếu thuốc, rồi leo lên lầu nhất, và lân la bên cạnh cụ bá tước lâu hay mau còn tùy theo tính khí của ông cụ, tùy theo sự chịu khó của ông cụ và sự đòi hỏi của bệnh tình ông: sau đó chiếc xe hơi đưa anh đến đường Saint Florentin, chỗ ở của Pedro, một giờ sau xe đến đây rước anh về và lại đưa anh, không phải về ngay nhà - chẳng là anh sợ người ta chú ý - mà về ngã tư gần nhất. Đêm hôm kia, ngồi trên bực cấp cầu thang dẫn lên chỗ trú ngụ của gia đình Molinier, Laura Douviers đợi Vincent cho tới ba giờ, đến khi ấy Vincent mới trở về. Mà thật ra, đêm ấy, Vincent nào có đến Pedro. Anh còn gì nữa đâu mà thua chứ. Từ hai hôm nay, năm ngàn franc chẳng còn lấy một xu. Anh có báo cho Laura biết, anh có viết thư cho nàng hay rằng anh không làm gì được nữa cho nàng; anh khuyên Laura quay về với chồng hay cha nàng mà thú nhận tất cả. Nhưng đối với Laura, từ nay sự thú nhận có vẻ khó lòng, và thậm chí nghĩ tới việc thú nhận một cách bình thản nàng cũng không thể. Những lời lên giọng của người yêu chỉ dâng dậy trong lòng nàng mối bất bằng và mối bất bằng này có rời bỏ nàng là để du nàng vào tuyệt vọng mà thôi. Vincent gặp nàng lại nhằm đúng tình trạng này. Nàng muốn níu giữ anh; anh rứt tay nàng ra. Anh đã phải rắn rỏi, có thế thật, bởi anh là người có trái tim dễ xúc động; nhưng vốn ham lạc thú hơn là đa tình, anh đã dễ dàng buộc mình phải cứng rắn. Đối với những lời nàng van vỉ bùi ngùi, anh không trả lời; và đúng lúc Olivier nghe lỏm bấy nhiêu lời đem kể lại với Bernard sau đó, thì Laura, sau khi Vincent đã đóng sập cửa ngay mặt nàng, hãy còn nán lại, ngã quỵ xuống thềm, tức tưởi hồi lâu trong bóng tối. Kể từ hôm ấy, hơn bốn mươi giờ đã trôi qua. Vincent, hôm qua, không đến với Robert de Passavant, ông cụ hình như bình phục; nhưng tối hôm nay một tấm điện tín mời gọi Vincent. Robert muốn gặp anh. Khi Vincent bước vào căn phòng mà Robert dùng làm phòng làm việc và phòng hút thuốc, nơi Robert thường có mặt và đổ công ra trang hoàng trưng bày theo ý thích, Robert đưa tay ra bắt, đưa tay một cách lơ lửng qua vai, không đứng lên. Robert đang viết. Robert ngồi trước một bàn đầy sách. Trước mặt, chiếc cửa sổ sát mặt đất nhìn ra vườn mở rộng đón ánh nắng. Không quay lại, Robert nói: - Anh biết tôi đang viết gì đây không?... Nhưng đừng có tiết lộ... nhé! Hứa đi nào... Một bài tuyên ngôn lần khai từ cho tạp chí của Dhurmer. Dĩ nhiên tôi không kí tên... nhất là vì trong đó tôi tự đề cao... Vả lại, bởi vì cuối cùng thế nào họ cũng khám phá ra chính tôi bảo trợ cho tạp chí, tôi thích họ đừng biết quá sớm rằng tôi có cộng tác. Im lặng nhé! Nhưng coi nào: anh chẳng bảo anh có người em viết văn là gì? Cậu ấy tên gì thế nhỉ? - Olivier, - Vincent đáp - Olivier, phải, tôi quên mất... Đứng làm gì thế? Anh ngồi xuống ghế kia. Không lạnh chứ? Muốn tôi đóng cửa sổ lại không?... Olivier làm thơ thì phải? Olivier phải đưa thơ cho tôi mới được. Dĩ nhiên tôi không hứa sẽ đăng... nhưng dẫu sao chắc không phải thơ dở. Em của anh có vẻ thông minh lắm. Lại nữa, tôi cảm thấy Olivier có theo dõi tin tức. Tôi muốn nói chuyện với Olivier. Anh hãy bảo Olivier đến gặp tôi. Nhé? Tôi tin tưởng nơi anh. Thuốc? - Và Robert đưa ra cái hộp thuốc bằng bạc. - Xin anh. - Bây giờ anh nghe tôi đây, tôi cần phải nói với anh thật đứng đắn. Tối hôm nọ anh hành động như trẻ con... mà tôi đây cũng thế. Tôi không nói là tôi đã làm chuyện không phải khi đem anh đến Pedro, nhưng tôi cảm thấy mình có trách nhiệm, phần nào, về khoản tiền anh thua. Tôi tự nhủ chính tôi làm cho anh mất tiền. Không biết có phải người ta gọi thế là ân hận không, nhưng nó khởi sự bắt tôi ngủ không xuống và ăn mất ngon, thật đấy! Và tôi tưởng tới người đàn bà tội tình mà anh có nói cho tôi nghe. Nhưng cái này là một chuyện khác, không đả động tới, nó thiêng liêng. Điều tôi muốn nói là tôi thích, tôi muốn, vâng, tôi muốn nhất định đưa cho anh số tiền tương đương với số tiền anh đã mất. Năm ngàn franc, nhỉ? Và tôi muốn anh sẽ đem ra liều thêm phen nữa. Số tiền kia, tôi nhắc lại, tôi xem như chính tôi làm cho anh mất, tôi xem như tôi mắc nợ anh, anh không phải cảm ơn. Anh sẽ trả lại tôi nếu anh được. Bằng không, mặc! Chúng mình sòng phẳng. Tối nay anh hãy tới Pedro lại, như thể không có chuyện gì. Xe hơi sẽ đưa anh đi, rồi xe sẽ trở lại đây đem tôi đến nhà cô Griffith, mãn cuộc tôi xin anh tìm gặp tôi tại nhà cô này. Được chứ? Xe sẽ quay lại rước anh tại Pedro. Robert mở ngăn kéo, lấy ra năm tấm giấy bạc trao cho Vincent: - Anh đi nhanh lên... - Nhưng còn ông cụ... - À! Quên nói với anh: ông cụ mất rồi, vừa mất độ... Robert rút chiếc đồng hồ bỏ túi và la lên: - Trời, khuya thế! Gần mười hai giờ... Đi nhanh lên... Ừ, vừa mất độ bốn tiếng đồng hồ. Mấy lời thốt ra không vội vàng chút nào, mà trái lại hờ hững thế nào ấy. - Thế anh không ở lại... - Ở lại canh chừng ông cụ chứ gì? - Robert ngắt ngang. Không, thằng em tôi lo, nó ở trên ấy với vú già, nó hạp mạng với người quá cố hơn tôi... Tiếp đó, vì Vincent vẫn không nhúc nhích, Robert nói luôn: - Anh ạ, tôi không muốn mang vẻ cẩu trệ trước mặt anh, nhưng tôi gớm cho những tình cảm có sẵn. Tôi đã sẵn chứa trong lòng một tình phụ tử đúng kích tấc, nó bồng bềnh đôi chút trong buổi đầu nhưng tôi buộc lòng đi đến chỗ thu nhỏ nó lại. Ông cụ suốt đời không được gì cho tôi ngoài sự mua não chuốc phiền, trái ý, vướng víu. Nếu ông còn được chút tình nào thì chắc chắn tôi không phải là người được ông cho cảm thấy điều đó. Sự bồng bột đầu tiên của tôi đối với ông, thuở tôi chưa biết cầm lòng, chỉ đáng cho ông gắt gao lại với tôi, điều này dạy khôn cho tôi. Chính anh cũng chứng kiến đấy, khi anh săn sóc ông... Có bao giờ ông cảm ơn anh không nào? Anh có được ông ban cho cái quẳng mắt, cái thoáng cười nào không? Ông luôn luôn tưởng ông có quyền hưởng tất cả những thứ đó. Eo ôi! Người đời gọi thế là cá tính đấy. Tôi chắc ông đã làm khổ mẹ tôi nhiều, là người mà ông vẫn yêu, nếu quả có lần ông yêu thật sự. Tôi chắc ông đã làm khổ tất cả chung quanh ông, mọi người, mấy con chó, ngựa, bọn tình nhân; bạn bè thì không, vì ông không có người nào là bạn. Cái chết của ông làm ai nấy thở phào. Thiết tưởng ông là một người rất có giá trị “về phương diện nào đó”, như lời người đời; nhưng tôi chưa bao giờ khám phá ra nổi cái phương diện nào thế. Ông rất thông minh, điều này thì chắc chắn. Tựu trung, đối với ông, tôi vẫn có, vẫn giữ một niềm kính phục nào đó. Nhưng còn giở cái trò sụt sùi... chuyện vắt nước mắt tôi ra... không, tôi không nhỏ bé gì nữa. Thôi! Chuồn lẹ lên và một giờ sau đến gặp tôi tại nhà Lilian Griffith... Sao? Anh ngượng vì không có áo tuxedo? Rõ ngớ ngẩn! Sao thế chứ? Chỉ có hai đứa mình thôi mà. Thôi thế này, tôi hứa với anh chỉ mặc veston. Được nhé. Đốt một điếu trước khi đi nào. Với lại trả xe về nhanh cho tôi, xe sẽ rước anh lại sau. Robert nhìn Vincent đi ra, nhún vai, rồi đi vào phòng mặc áo, chiếc áo đang ngửa mình chờ chực trên chiếc sô pha. Trong một gian phòng lầu nhất, cụ bá tước nằm trên linh sàng. Người ta đã đặt chiếc thánh giá trên ngực cụ, nhưng quên không bắt cụ chắp hai tay. Bộ râu mọc mấy ngày làm dịu bớt góc cạnh của cái cằm cương nghị. Những nếp nhăn hằn ngang trán, dưới mái tóc màu tro hất ngược lên như bàn chải, trông có vẻ bớt sâu nét, và như dãn ra. Con mắt thụt vào vòm xương mí mắt với hàng lông mày rậm rì. Chính vì chúng ta không còn phải tái ngộ ông cụ nữa nên tôi ngắm nhìn ông lâu. Chiếc ghế bành đặt ở đầu giường. Séraphine, vú già, ngồi trong đó. Nhưng vú đã đứng lên. Vú đến gần chiếc bàn có ngọn đèn dầu kiểu xưa soi không đủ sáng căn phòng; cây đèn dầu được vặn lên. Cái chụp đèn thu ánh sáng vào cuốn sách thằng Gontran đang đọc... - Cậu mệt rồi, cậu Gontran. Cậu nên đi ngủ. Gontran ngước nhìn Séraphine, rất hiền hậu. Tóc hắn vàng hoe, hất ra ngoài trán, phấp phới hai bên thái dương. Hắn mười lăm tuổi. Khuôn mặt hắn gần như khuôn mặt đàn bà đang độ biểu lộ tình người và tình yêu mà thôi. Hắn nói: - Còn vú thì sao? Chính vú mới nên đi ngủ, vú à. Đêm hôm qua vú đứng hầu suốt đêm. - Ồ! Tôi đây thức quen rồi; vả lại ban ngày tôi có ngủ, còn cậu... - Thôi, để mặc đấy. Tôi không mệt, và tôi thích ở đây nghĩ ngợi, đọc sách. Tôi hiểu bố tôi quá sơ sài; chắc tôi sẽ quên hẳn người nếu bây giờ không nhìn kĩ. Tôi sẽ thức cạnh người cho tới sáng. Này vú, vú ở với gia đình tôi được bao lâu rồi nhỉ? - Tôi ở từ khi cậu ra đời một năm; và nay cậu gần mười sáu tuổi. - Vú nhớ mẹ tôi rõ không? - Tôi nhớ mẹ cậu không à? Hỏi lạ chưa! Khác nào câu hỏi tôi có nhớ tên tôi không. Dĩ nhiên tôi nhớ mẹ cậu. - Tôi cũng có nhớ được chút ít, nhưng không rõ lắm... tôi mới năm tuổi thì mẹ mất... Này... bố trước kia có ngỏ lời gì nhiều với mẹ không? - Cái đó tùy ngày. Cụ không bao giờ nhiều lời; và ai mở miệng ngỏ lời trước với cụ, cụ không thích lắm đâu. Dẫu sao dạo sau cụ nói năng nhiều hơn một chút. Mà thôi, tốt hơn đừng khơi kỉ niệm dậy nhiều quá và để Chúa từ tâm lo phần phán xét tất cả những cái đó. - Vú thật lòng tin rằng Chúa sẽ từ tâm lo liệu những thứ đó? - Không Chúa từ tâm thì cậu bảo ai vào đấy? Gontran đặt môi lên bàn tay ửng đỏ của Séraphine. - Vú biết vú nên làm gì không nào? Vú nên đi ngủ. Tôi hứa với vú sáng ra tôi thức vú dậy ngay; và lúc bấy giờ đến lượt tôi đi ngủ. Tôi yêu cầu vú đấy. Séraphine vừa để hắn một mình thì Gontran đã quỳ gối xuống chân giường; hắn vùi trán vào mớ vải drap nhưng không sao khóc nổi; không có mạch nguồn nào dâng lòng hắn dậy. Đôi mắt vô vọng vẫn hoàn khô ráo. Thế là hắn đứng lên. Hắn nhìn khuôn mặt vô xúc cảm kia. Hắn muốn, trong giây lát thiêng liêng này đây, cảm nhận ra một cái gì đó tót vời và hiếm hoi, muốn lắng nghe một sự cảm thông của bên kia thế giới, phóng tư tưởng mình lên những vùng thinh khí siêu nhiên - ngờ đâu, tư tưởng hắn vẫn trì trệ sát đất. Hắn nhìn đôi bàn tay thất sắc của người chết, và tự hỏi những chiếc móng tay sẽ tiếp tục dài đến bao lâu. Hắn thấy hai bàn tay rời rẽ kia sao mà khó coi. Hắn muốn đem chúng lại gần nhau, gần sát lại, để cho chúng nắm lấy chiếc thánh giá. Ý kiến này hay đấy. Hắn nghĩ rằng Séraphine sẽ ngạc nhiên khi thấy người chết chắp tay, và chưa chi hắn đã lấy làm thú vị trước sự ngạc nhiên của vú; sau đó, ngay liền sau đó, hắn khinh bỉ mình đã vội lấy thế làm thú vị. Thế mà hắn vẫn cúi người xuống giường. Hắn nắm lấy cánh tay ở xa nhất của người chết. Cánh tay đã cứng đơ và không chịu nhượng bộ. Gontran muốn nắn cho tay cong lại, nhưng hắn khiến cho thi hài nhúc nhích theo. Hắn nắm lấy tay kia trông có vẻ mềm hơn. Gontran đưa bàn tay gần đến chỗ nó nên ở; hắn lấy cây thánh giá, cố chuồi cho lọt cứng vào giữa ngón tay cái và mấy ngón tay kia; nhưng sự đụng chạm vào da thịt lạnh ngắt khiến hắn bủn rủn. Hắn chắc mình nguy đến nơi mất. Hắn muốn gọi Séraphine vào lại. Hắn buông thả hết - cây thánh giá nghiêng ngửa trên tấm drap nhàu nhò, cánh tay rơi xuống lại bất động ở chỗ cũ; và trong cảnh im lặng âm khí mênh mông, hắn bỗng nghe một tiếng “Quái” thảng thốt làm hắn toàn thân nổi gai ốc, như thể có một người nào khác... Hắn quay lại, nhưng không: chỉ có hắn. Thế nghĩa là tiếng rủa vang dội kia do hắn mà ra, ra từ tâm khảm của hắn vốn chưa hề biết rủa. Tiếp đó, hắn quay lại ngồi xuống và cắm đầu đọc. V Tâm hồn ấy, thể xác ấy chẳng bao giờ có cái gì châm thủng nổi. SAINTE-BEUVE Lilian nhổm dậy đưa đầu ngón tay chạm vào mái tóc màu hạt dẻ của Robert: - Anh bắt đầu hốc hác rồi đấy, anh ạ. Thận trọng chứ: anh mới ba mươi tuổi là nhiều kia mà. Xói đầu thì hư lắm. Anh nghiêm trọng hóa cuộc đời quá đáng. Robert ngước mắt lên và mỉm cười nhìn nàng: - Cam đoan gần em thì không. - Anh có bảo Vincent đến gặp chúng mình chứ? - Có, vì em yêu cầu anh. - Thế... anh có cho nó mượn tiền? - Năm ngàn franc, anh nói với em rồi mà... Nó sẽ thua nốt đàng Pedro. - Sao muốn cho nó thua? - Chứ gì nữa! Anh mục kích đêm đầu tiên. Nó chơi hỏng bét. - Nó đã có thì giờ học hỏi... Anh muốn đánh cuộc đêm nay nó thắng không nào? - Nếu em muốn. - Hừ! Nhưng tôi xin anh chớ có nhận lời như nhận cực hình. Tôi thích người ta làm gì phải vui lòng mới được. - Bớt giận nào. Đồng ý. Nếu nó thắng, nó sẽ trả tiền cho em. Còn nếu nó thua, em sẽ bù tiền cho anh. Được chưa? Nàng nhấn chuông: - Đem rượu tokay với ba cái cốc vào cho chúng tôi. - Sau đó nàng tiếp tục câu chuyện với Robert. - Và nếu nó về với năm ngàn franc thôi thì để cho nó, nhé? Nếu nó không ăn không thua... - Không đời nào có chuyện. Lạ nhỉ, em quan tâm đến nó thế? - Anh không thấy nó đáng quan tâm mới là chuyện lạ chứ. - Em thấy nó đáng quan tâm là vì em yêu nó. - Thưa đúng như thế ạ! Với anh thì nói thế không sao. Nhưng tôi quan tâm đến nó không phải vì thế. Trái lại: phàm kẻ nào hớp hồn tôi, tôi thường nguội lạnh. Người giúp việc hiện ra, mang rượu và cốc trên khay. - Chúng ta sẽ uống đánh cuộc đã, rồi sẽ uống với kẻ nào thắng. Người giúp việc rót rượu và hai người nâng cốc. Robert lại nói: - Anh thấy thằng Vincent của em nhạt phèo. - Ối! Vincent “của tôi”!... Làm như không phải chính anh đem nó đến! Và xin anh đừng có bạ đâu cũng nhắc đi nhắc lại rằng anh chán nó, không người ta lại thêm chóng hiểu vì lẽ gì anh chơi với nó. Robert khẽ xoay mình đặt môi lên bàn chân trần của Lilian, nàng vụt rút chân về và giấu dưới chiếc quạt. Robert buột miệng: - Anh nên ngượng chăng? - Với tôi anh bất tất phải thử. Không được đâu. Nàng cạn li, sau đó: - Anh muốn tôi nói chứ. Anh có đủ đức tính của một nhà văn: kiêu căng, giả dối, tham vọng, bất định, ích kỉ... - Em quá khen. - Phải, bấy nhiêu đó thật là thơ mộng. Nhưng anh sẽ không đời nào là một nhà tiểu thuyết có tài. - Tại vì?... - Tại vì anh không biết lắng nghe. - Hình như anh lắng nghe em kĩ lắm mà. - Xin anh! Nó không làm nhà văn mà còn biết nghe tôi hơn. Nhưng hễ khi nào chỉ có tôi với nó, thì chính tôi lại là người nghe. - Nó mà biết nói với năng! - Ấy là vì anh nói liên hồi. Tôi biết anh mà: anh đâu có để cho nó xen tiếng nào. - Nó có khả năng nói được bao nhiêu thì anh đã biết trước rồi. - Chắc không? Thế anh có biết rõ câu chuyện của nó với người đàn bà đó không? - Ôi dào! Chuyện tình, theo chỗ anh biết, ở đời không có gì chán bằng! - Tôi cũng rất thích khi nó nói về lịch sử tự nhiên. - Lịch sử tự nhiên còn chán hơn chuyện tình nữa. Như thế nghĩa là nó có dạy cho em? - Ước gì tôi có khả năng thuật lại những cái nó nói với tôi... hấp dẫn, anh ạ. Nó kể cho tôi khối chuyện về loài động vật ở bể. Tôi thì luôn luôn hiếu kì về mọi thứ ở bể. Anh biết, bây giờ ở Mỹ họ đóng những chiếc tàu với gương ở bên sườn để nhìn thấy chung quanh dưới đáy đại dương. Có vẻ kì thú đấy chứ. Thấy san hô còn sống, thấy những... gọi bằng gì nhỉ?... những san hô tảng, hải miên, rong rêu, cá mú. Vincent bảo có những giống cá hễ nước trở mặn hơn hay bớt mặn là chết, trái lại có những loại khác chịu nổi những cấp độ nước mặn khác nhau, và ở một bên những dòng nước, chỗ nước trở nên bớt mặn, để ăn những con cá kia khi chúng ngất ngư. Anh phải yêu cầu nó kể cho nghe... Cam đoan với anh là kì thú lắm. Khi nói, nó phi thường hẳn. Không còn nhận ra nó nữa. Nhưng anh đâu có biết gợi cho nó nói... Chẳng hạn khi nó kể lại câu chuyện của nó với Laura Douviers... Phải đấy, tên của người đàn bà... Anh biết nó quen với cô nàng thế nào không? - Nó có nói với em? - Với tôi, người ta nói hết. Anh dự biết mà, ông mãnh! Và nàng vuốt ve khuôn mặt Robert bằng những chiếc lông từ cái quạt đã được xếp lại. - Anh có ngờ nó đến thăm tôi mỗi ngày, kể từ đêm anh đưa nó đến tôi? - Mỗi ngày! Không, quả tình anh không ngờ. - Đến ngày thứ tư, nó hết nhịn nổi, nó kể hết. Nhưng sau đó mỗi ngày nó nói thêm một chi tiết nào đó. - Thế mà em không chán! Đáng phục. - Tôi đã bảo với anh là tôi yêu nó. Và nàng kiểu cách cầm lấy tay Robert. - Còn nó... nó yêu cô nàng kia không? Lilian bật cười: - Trước đây có. Ôi! Lúc đầu tôi phải làm ra vẻ cực kì quan tâm tới cô nàng. Phải khóc theo nó nữa đấy. Bây giờ hết rồi. Anh hãy nghe câu chuyện ban đầu như thế nào nhé: Vincent và Laura cả hai đều ở tại Pau, trong một bệnh viện tư, một nhà điều dưỡng, người ta đưa cả hai đến đây vì cho rằng cả hai bị lao phổi. Kì thật không đúng. Nhưng hai người ngỡ mình bệnh nặng. Họ chưa quen biết nhau. Gặp nhau lần đầu tiên, nằm gần nhau ngoài sân vườn, mỗi người nằm trên ghế dài, gần bọn bệnh nhân nằm suốt ngày ngoài trời để dưỡng sức. Vì tưởng bị nguy, họ tự nghĩ mình có làm gì cũng chẳng đi tới đâu. Nó luôn mồm nhắc nhở cho nàng rằng cả hai chỉ còn sống được một tháng nữa thôi; và bấy giờ là tiết xuân. Nàng ở đó một mình. Chồng nàng giữ một chức giáo sự khiêm tốn dạy Pháp văn ở Anh. Nàng đã để chồng ở lại bên Anh mà xuống Pau. Nàng lấy chồng được ba tháng. Anh chồng hẳn phải cóp nhặt lắm mới gửi nàng xuống tới đó. Chồng thư từ cho vợ hằng ngày. Nàng là con một gia đình rất danh giá, rất gia giáo, rất dè dặt, rất rụt rè. Thế mà ở Pau... Tôi không biết rõ Vincent tìm được lời gì nói với nàng mà đến ngày thứ ba nàng thú nhận với nó rằng, dù ngủ với chồng và trao thân cho chồng, nàng chẳng biết thích thú là gì. - Thế còn nó, lúc bấy giờ nó nói sao? - Nó cầm lấy tay nàng đang buông thõng bên chiếc ghế đài và đưa lên áp sát vào môi hồi lâu. - Còn em, khi nó kể lại như thế, em nói gì? - Tôi à! Thật quái gở... anh tưởng tượng lúc bấy giờ tôi cười phá lên như điên. Không nín được mà ngừng lại cũng không được... Vị tất điều nó nói bắt tôi cười; nhưng chính là bởi cái vẻ chăm chú và hoảng hốt của tôi mà tôi tưởng phải tạo ra để thúc đẩy nó tiếp tục. Tôi cứ sợ để lộ vẻ thích thú quá đáng. Nói cho ngay, câu chuyện thật tuyệt và thật thảm. Thổ lộ cho tôi, nó xúc động vô cùng! Nó chưa hề kể với ai. Cha mẹ nó cố nhiên không hay biết gì hết. - Em mới chính là người nên viết tiểu thuyết. - Phải đấy bạn, phiền nỗi giá tôi biết nên viết bằng thứ tiếng gì!... Có điều giữa tiếng Nga, tiếng Anh và tiếng Pháp, tôi chưa bao giờ dứt khoát nổi. - Cuối cùng, đêm kế đó, nó đến gặp cô bạn mới ở trong phòng, tại đây nó dẫn giải cho nàng, và tôi nghĩ nó dạy cho nàng cừ khôi lắm. Nhưng, vì đinh ninh chỉ sống rất ít thời gian nữa thôi, hai người dĩ nhiên không phòng bị, và tất nhiên ít lâu sau, có tình yêu giúp sức, cả hai người bắt đầu bình phục rất khả quan. Khi nàng phát giác mình có thai, cả hai hoảng hốt. Chuyện xảy ra tháng vừa rồi. Trời bắt đầu nóng nực. Miền Pau đến mùa hè không cách gì chịu nổi. Hai người cùng trở lại Paris. Chồng nàng yên trí rằng nàng ở tại nhà bố mẹ hiện đang điều hành một trường nội trú cạnh vườn Luxembourg, nhưng nàng có dám gặp lại cha mẹ đâu. Ông bà thì tưởng nàng còn lưu lại Pau, nhưng chẳng bao lâu mọi sự bị phanh phui. Ban đầu Vincent thề thốt chẳng bỏ rơi nàng, nó bảo sẵn sàng đi với nàng tới cùng trời cuối đất, đi Mỹ, đi châu Đại Dương. Nhưng hai người cần phải có tiền. Chính lúc đó nó gặp anh và nó bắt đầu đánh bạc. - Nó không kể gì với anh hết. - Đừng bảo với nó là tôi có nói cho anh hay, nhớ đấy!... Nàng ngừng lại, nghe ngóng: - Tưởng nó chứ... Nó bảo tôi trong đoạn đường từ Pau đến Paris, nó đã tưởng nàng điên mất. Lúc ấy nàng mới chợt hiểu nàng vừa có thai. Nàng đứng đối diện nó trong toa tàu lửa chỉ có hai người với nhau thôi. Từ sáng đến đó nàng không ngỏ lời nào với nó, nó phải lo liệu mọi thứ cho chuyến đi, nàng phó cho ai làm gì thì làm, như thể không nhận thức được gì nữa. Nó nắm lấy hai bàn tay nàng, nhưng nàng nhìn sững trước mặt, hung dữ, như không trông thấy nó, và môi mấp máy. Nó cúi xuống nàng. Nàng lẩm bẩm: “Người tình! Người tình! Tôi có người tình”. Nàng lặp lại lời này một giọng; và vẫn một tiếng đó trở lại mãi, làm như nàng không biết đến tiếng nào khác... Thật đấy anh, khi nó kể cho tôi nghe, tôi hết muốn cười. Suốt đời tôi chưa hề nghe chuyện gì thê thiết hơn. Nhưng thế mà, nó càng nói, tôi hiểu rằng nó tách nó ra ngoài tất cả những chuyện đó. Có thể nói nó nhờ sự xúc cảm của tôi để làm tan loãng xúc cảm của nó. - Anh không hiểu, bằng tiếng Nga hay tiếng Anh, em sẽ diễn tả như thế nào, chứ còn bằng tiếng Pháp, anh chứng thực em diễn tả hay lắm. - Cảm ơn. Tôi biết. Sau đó nó nói sang lịch sử tự nhiên, và tôi gắng thuyết phục nó rằng nếu hi sinh nghề nghiệp cho tình yêu thì đó là chuyện quái gở. - Nói cách khác, em khuyên hắn hi sinh tình yêu đi. Và em tình nguyện thế chân vào mối tình đó? Lilian không trả lời. - Lần này chắc đúng là nó, - Robert vừa tiếp lời vừa đứng lên - ... mau mau một lời nữa trước khi nó vào. Ông bố anh vừa mới mất. - Thế à? - Nàng chỉ nói có thế. - Nếu trở thành bà bá tước Robert de Passavant, em nghĩ thế nào? Thoạt nghe, Lilian ngửa mặt ra sau cười giòn giã. - Kìa bạn... chẳng là tôi đinh ninh nhớ rõ mình có bỏ quên một tấm chồng ở Anh. Quái! Tôi chưa nói với anh à? - Có lẽ chưa. - Có một đức công hầu Griffith đâu đó thì phải. Bá tước Passavant không bao giờ tin danh tước của chồng nàng là chân xác nên nở nụ cười. Nàng nói tiếp: - Này anh. Phải chăng để lấp đầy đời sống của anh nên anh mới tưởng tượng cách đề nghị điều đó cùng tôi? Không, anh ạ, không. Chúng mình hãy giữ nguyên thế này. Bạn bè, nhé? - Và nàng đưa tay ra, Robert hôn lên đó. Vincent vừa bước vào vừa nói oang oang: - Ơ kìa, biết chắc mà. Ăn mặc chỉnh tề thế kia, con người không giữ lời. Robert nói: - Phải, anh đã hứa chỉ mặc veston để khỏi hổ cho veston của Vincent. Xin lỗi bạn, nhưng tôi sực nhớ đang thọ tang. Vincent ngẩng cao đầu; con người anh tiết ra toàn hơi hám của đắc thắng, hân hoan. Nghe anh vào, Lilian chồm chồm. Nàng chăm chú nhìn anh một lát, rồi vui sướng lao người tới Robert, vừa đấm Robert thùm thụp vừa nhảy nhót, múa may và reo lên (Lilian làm tôi bực mình phần nào mỗi khi nàng trẻ con như thế này): - Anh chàng thua cuộc rồi! Thua cuộc rồi! - Cuộc gì? - Vincent hỏi. - Robert cuộc anh thua lần này nữa đấy. Thế nào! Nói nhanh: ăn được bao nhiêu? - Tôi là người tốt bụng và can đảm phi thường nên mới ngừng lại ngang năm chục ngàn và thôi chơi. Lilian reo lên khoái trá: - Hoan hô! Hoan hô! Hoan hô! Rồi nàng nhảy tới bá vào cổ Vincent, Vincent cảm thấy trên toàn thân mình sự mềm mại của tấm thân hừng hực mùi đàn hương, và Lilian hôn lên trán, lên má, lên môi anh. Vincent loạng choạng lách mình ra. Anh rút từ trong túi một bó bạc. Anh đưa năm tấm cho Robert: - Này, anh lấy lại số tiền anh cho tôi vay. - Lần này anh mắc nợ cô Lilian. Robert đưa mấy tờ bạc cho nàng, nàng ném lên đi văng. Lilian hổn hển. Nàng ra ngoài ban công để thở. Đây là giờ khắc khả nghi với đêm tàn và ngạ quỷ tính toán sổ sách. Ngoài kia, không nghe tiếng động nào. Vincent đã ngồi xuống đi văng, Lilian quay nhìn anh, và lần đầu tiên dùng giọng thân mật: - Thế bây giờ anh sẽ làm gì đây? Vincent bưng đầu trong tay và, như tức tưởi, nói: - Tôi không biết nữa. Lilian tiến lại gần và đặt tay lên trán anh, anh ngước nhìn, đôi mắt ráo hoảnh và nồng nhiệt. - Trong khi chờ đợi, chúng mình sẽ uống mừng tay ba, - nàng nói và rót tokay đầy ba cốc. Sau khi tất cả uống xong, nàng bỗng nói: - Bây giờ mấy anh về. Khuya rồi, tôi chịu hết nổi. Nàng đưa họ ra tới phòng xép, kế đó, khi Robert tiến lên trước, nàng chuồi vào tay Vincent một vật nhỏ bằng kim khí và nói thầm: - Đi với y, mười lăm phút sau anh trở lại. Trong phòng xép, người giúp việc đang ngủ gật gà, nàng nắm lấy tay lay gọi. - Anh soi đường cho mấy ông xuống tới dưới. Cầu thang tối om, nếu dùng điện thì có lẽ giản tiện hơn; nhưng Lilian cố ý cho người giúp việc luôn luôn để mắt vào bọn khách ra về. Người giúp việc đốt mấy ngọn nến ở giàn đèn lớn, đưa bổng lên cao đàng trước mặt, tiến dẫn Robert và Vincent ở cầu thang. Chiếc xe hơi của Robert chờ chực trước cửa, cửa được người hầu việc đóng lại sau lưng họ. Lúc Robert mở cửa xe và ra dấu mời lên, Vincent bảo: - Chắc tôi về bộ thôi. Tôi cần bách bộ chút đỉnh để lấy lại quân bình. - Anh không muốn tôi đưa về thật sao? Thình lình Robert chụp lấy bàn tay trái của Vincent đang nắm chặt. - Mở tay ra! Nào! Đưa coi có cái gì đấy? Vincent khờ khạo sợ Robert ghen. Anh đỏ phừng mặt xòe mấy ngón tay ra. Chiếc chìa khóa nhỏ rơi xuống lề đường. Robert nhặt lên ngay, ngắm nghía; Robert cười trao trả lại. - Hừ! - Robert thốt và nhún vai. Tiếp đó, chui vào xe, Robert ngả người về sau, hướng về Vincent đang khựng người. - Thứ năm đấy nhé. Anh hãy bảo cậu em là tôi chờ cậu từ bốn giờ chiều. - Và Robert đóng cửa xe lại nhanh không để cho Vincent kịp đáp lời. Xe phóng đi. Vincent bước một đỗi trên bến tàu, đi qua sông Seine, lần tới mé Tuileries, phần lọt ra ngoài rào sắt, tiến đến gần một bể nước nhỏ, nhúng vào nước chiếc khăn tay rồi thấm chặm lên trán và hai bên thái dương, rồi thong thả trở lại nhà Lilian. Ta hãy để mặc anh giữa khi ngạ quỷ ranh mãnh nhìn anh đút êm chiếc khóa nhỏ vào ổ... Đúng lúc đó là giờ mà Laura, tình nhân ngày hôm qua của anh, trong một gian phòng khách sạn buồn bã, sau khi khóc lóc rên xiết hồi lâu, sắp sửa ngủ thiếp. Trên boong tàu đưa chàng trai về Pháp, Édouard, trong lóe sáng đầu tiên của bình minh, đọc lại lá thư nhận được của nàng, lá thư than thân cầu cứu chàng. Bến bờ hiền hậu của quê hương đã lấp ló, nhưng, qua lớp sương mù, muốn nhận ra, phải có con mắt quen nhìn. Không một vẩn mây trên trời, từ đây ánh mắt của Thượng đế sẽ hàm tiếu. Riềm mi của chân trời ửng đỏ đã vén lên. Paris sẽ nóng nực lắm đây! Đã đến lúc ta tìm gặp lại Bernard. Đây, hắn thức giấc trên giường Olivier. VI Chúng ta một lũ con hoang; Và người khả kính nhất Đáng cho tôi gọi bằng cha Sinh tôi ra ở đâu bao giờ không hiểu. SHAKESPEARE Bernard đã mơ một giấc mơ phi lí. Hắn không nhớ mình mơ thấy gì. Hắn không tìm cách nhớ lại giấc mơ, mà tìm cách ra khỏi giấc mơ. Hắn bước vào lại thế giới thực tại để cảm thấy thân hình của Olivier đè nặng bên mình. Thằng bạn hắn, trong khi ngủ chung, hay ít ra trong khi Bernard ngủ, đã ép lại gần, vả chăng chiếc giường hẹp không cho phép nằm rộng rãi, hắn trăn trở, bây giờ hắn nằm nghiêng và Bernard cảm thấy hơi thở nóng của bạn buồn buồn ở cổ. Bernard chỉ mặc một chiếc sơ mi ngắn; vắt ngang mình, một cánh tay của Olivier táy máy ép vào thịt da hắn. Trong một lát Bernard ngờ bạn mình không ngủ thật. Nhẹ nhàng, hắn lách mình ra. Không đánh thức Olivier, hắn dậy, mặc áo quần vào và nằm xuống giường lại. Hãy còn sớm quá chưa đi được. Bốn giờ. Đêm dễ thương mới bắt đầu nhạt bóng. Thêm một giờ nghỉ ngơi, lấy đà để can trường khởi sự một ngày. Nhưng hết ngủ nổi, Bernard ngắm nhìn khung cửa kính ửng màu xanh, mấy bức tường xám của căn phòng nhỏ, chiếc giường sắt, nơi Georges mơ màng trăn trở. Bernard thầm nhủ: “Lát nữa mình sẽ đi về định mệnh. Phiêu lưu! Tiếng mĩ miều thế! Là điều phải xảy đến. Bao nhiêu thứ lạ lùng đợi chờ ta. Không hiểu mấy đứa khác có giống mình không nhưng hễ thức dậy rồi, mình khinh bỉ những đứa nào còn ngủ. Olivier, cậu ạ, mình đi không được cậu chào từ giã. Hấp! Đứng dậy, hỡi Bernard anh hùng! Đến giờ rồi.” Hắn chặm lên mặt một chéo khăn thấm nước, đội mũ, mang giày. Hắn mở cửa, không gây tiếng động. Ra ngoài! A ha! Không khí chưa được hô hấp thanh khiết cho châu thân biết chừng nào! Bernard men theo rào sắt của vườn Luxembourg, hắn xuống đường Bonaparte, ra tới bến tàu, băng qua sông Seine. Hắn nhớ tới lề luật mới của đời sống mà hắn vừa mới tìm ra được công thức: “Nếu mày không làm thì ai làm cho? Nếu mày không làm tức khắc thì đợi đến bao giờ?” Hắn nghĩ: “Nhiều việc lớn phải làm”; hắn thấy hình như mình đang đi tới những việc lớn đó. “Nhiều việc lớn”, hắn bước đi thầm nhắc nhở. Hắn biết được những việc lớn gì cho cam!... Trong khi chờ đợi, hắn biết mình đói bụng: này đây hắn đang tới gần khu hàng quán. Hắn được mười bốn xu trong túi không thêm một đồng trinh nào. Hắn bước vào quán, lấy một chiếc bánh sừng bò và li cà phê sữa trên mặt quầy. Giá tiền: mười xu. Còn bốn xu, hắn ngang nhiên để lại hai xu trên quầy tiền, đưa hai xu còn lại cho một gã khất thực đang lục lạo thùng rác. Nhân đạo? Bất chấp? Quan hệ gì. Bây giờ hắn cảm thấy mình sướng như vua. Hắn không còn gì hết: tất cả là của hắn! “Ta trông chờ tất cả ở ơn trời.” hắn nghĩ. Quý hồ đến trưa ông trời chịu cung cấp một miếng bít tết hồng hào trước mặt ta, ta sẽ liên hiệp hết mình với trời (bởi tối hôm qua hắn không ăn). Mặt trời lên từ lâu. Bernard rẽ ra lại bến tàu. Hắn cảm thấy mình nhẹ nhàng; nếu chạy thì hắn tưởng như mình bay bổng. Trong não bộ, tư tưởng hắn nhảy bồng khoái hoạt. Hắn nghĩ: “Cái khó ở đời chính là coi nặng một điều gì lâu dài. Đấy, mẹ yêu người đàn ông mà ta đã gọi bằng bố - ta đã tin ở tình yêu đó mười lăm năm; hôm qua ta vẫn còn tin. Chính mẹ cũng cóc coi nặng cuộc tình của mẹ. Ta muốn biết xem ta có khinh mẹ hay yêu mến mẹ hơn, một khi đã sinh ra con hoang?... Mà thực ra ta cũng không quyết tâm muốn biết. Những tình cảm đối với những người sinh đẻ ra ta đều thuộc về những gì mà tốt hơn ta không nên cố cách tìm hiểu. Về phần người đàn ông bị tình gạt, giản dị lắm: ta nhớ rõ suốt đời ta ghét ông; hôm nay ta phải tự thú nhận rằng ta đâu có dụng tâm ghét - và ở đây ta ân hận có chừng đó. Thế mà nếu không cạy chiếc ngăn kéo kia, e suốt đời ta cứ tưởng ta mang những tình cảm trái đạo đối với một người cha. Vỡ lẽ mới nhẹ nhõm làm sao!... Kì thật, ta không chủ tâm cạy ngăn kéo; mở nó ra ta cũng không nghĩ tới... Và lại có những trường hợp giảm khinh: trước hết ta chán nản khủng khiếp ngày hôm ấy. Thêm vào đó, sự hiếu kì, sự hiếu kì định mệnh kia, nói theo Fénelon(4), chắc hẳn thừa hưởng của người cha đẻ của ta, bởi lẽ tuyệt không có dấu vết nào là hiếu kì trong dòng họ Profitendieu. Ta chưa từng gặp ai ít hiếu kì hơn đức ông chồng của mẹ ta, trừ bọn con cái của ông với mẹ. Chừng nào ăn tối xong xuôi, ta sẽ nghĩ thêm về họ... Giở lớp đá cẩm thạch của chiếc bàn và thấy chiếc ngăn kéo mở hé đâu có đồng nghĩa với sự cạy ổ khóa. Ta không phải là thằng chuyên bẻ khóa. Giở lớp đá cẩm thạch ở chiếc bàn lên là điều có thể xảy ra cho bất cứ kẻ nào. Thésée nhấc tảng đá, chắc hẳn thuở đó bằng tuổi ta. Cái làm trở ngại cho chiếc bàn thường ngày là cái đồng hồ quả lắc. Ta đã không nghĩ tới chuyện giở lớp đá cẩm thạch của chiếc bàn nếu ta không rắp ranh sửa đồng hồ... Đâu phải ai ai cũng có thể bắt gặp, tìm thấy ở dưới đó những khí giới hay những thư tình tội lỗi! Mà thôi! điều quan trọng là ta đã hay biết. Đâu phải ai cũng như Hamlet được thần linh chỉ điểm. Hamlet! Lạ nhỉ, quan điểm sao khác nhau thế, ấy là còn tùy theo mình đứng về phe thiện hay ác. Ta sẽ trở lại vấn đề chừng nào ăn tối xong... Ta đọc thư như thế là điều quấy chăng? Nếu là quấy... không phải đâu, thì ta đã bứt rứt. Và nếu ta không đọc, ta đã phải tiếp tục sống trong vô thức, gian dối và phục tùng. Ta hãy đi tìm chỗ thoáng. Nào, ra khơi! Ơi Bernard! Hỡi Bernard, tuổi xuân xanh này... như lời của Boussuet; hãy đặt xuân xanh nghỉ mình trên chiếc ghế băng này, Bernard. Sáng nay, sao trời đẹp thế! Có những hôm mặt trời quả như mơn trớn trần gian. Giá ta có cách gì thoát ra ngoài ta một thoáng, chắc chắn ta sẽ làm thơ.” Nằm trên chiếc ghế băng, hắn thoát ra ngoài hắn trọn vẹn đến độ ngủ thiếp mất. (4) François Félenon (1651-1715) là tổng giám mục, nhà thần học, nhà thơ và nhà văn người Pháp. VII Mặt trời đã lên cao, ánh nắng xuyên qua cửa sổ mở, mon men mơn trớn bàn chân trần của Vincent trên chiếc giường rộng nơi anh nghỉ mình bên cạnh Lilian. Không hay anh đã tỉnh ngủ, nàng nhướn người lên, nhìn anh và ngạc nhiên thấy dáng anh tư lự. Griffith, người đàn bà quý phái, yêu Vincent có lẽ; đúng hơn nàng yêu ở anh sự thành công. Vincent người cao lớn, đẹp đẽ, gọn gàng, nhưng anh không biết cách đứng ngồi hay bỏ dậy. Nhất là nàng tán dương cái táo bạo, dũng khí của tư tưởng anh; hẳn nhiên anh là người có học nhiều, nhưng sao nàng vẫn thấy anh có vẻ không thông. Nàng đem cái bản năng của người tình, người mẹ rủ xuống anh chàng thanh niên lớn xác này mà bỏ công ra đào luyện. Nàng sẽ tác tạo thành tác phẩm của mình, bức tượng của mình. Nàng dạy cho anh săn sóc móng tay, dạy cho anh rẽ tóc về một bên mà lúc đầu anh hất ngược ra sau, và vầng trán anh, bị tóc lấp hết nửa, lộ ra nhợt nhạt hơn và cao hơn. Sau hết, nàng đã đem những chiếc cà vạt thích hợp thay thế cho mấy chiếc nơ khiêm tốn nhỏ bé may sẵn mà anh mang. Tất nhiên Griffith yêu Vincent, có điều nàng không chịu nổi anh lầm lì, hay là “ủ trệ” theo như lời nàng. Trên vầng trán của Vincent, nàng dạo ngón tay nhẹ nhàng như để xóa một nếp nhăn chia đôi, nếp nhăn này phát sinh từ chân mày rồi ấn xuống hai vệt thẳng đứng và trông như thể vết đau thương. Nàng cúi xuống anh lẩm bẩm: - Nếu anh buộc lòng đem đến đây cho tôi những tiếc nuối, lo lắng, ăn năn, thì khác nào anh không đến. Vincent nhắm mắt lại như đứng trước một lần sáng quá chói chang. Mối hoan lạc trong ánh mắt của Lilian lóa mắt Vincent. - Ở đây giống như ở niệm đường; cởi giày ra khi bước vào để khỏi dây bùn mang từ bên ngoài vào. Anh tưởng tôi không biết anh đang nghĩ gì ư? Rồi khi Vincent muốn đặt tay lên trước miệng nàng, nàng vùng cưỡng lại: - Đừng có thế, để tôi nói chuyện nghiêm trang với anh. Tôi đã suy nghĩ nhiều về điều hôm nọ anh ngỏ với tôi. Người ta luôn tưởng rằng bọn đàn bà không biết suy nghĩ, nhưng rồi anh sẽ thấy cái đó còn tùy thuộc hạng đàn bà... Anh có nói với tôi về kết quả của sự giao giống... và anh nói rằng người ta không thu hoạch được gì đáng kể bằng cách trộn giống, mà bằng tuyển giống... Đấy! Tôi nhớ kĩ bài học của anh đấy chứ?... Thế này nhé! Sáng nay, tôi tưởng anh đang ấp ủ một con quỷ, một thứ gì đó vô cùng lố lăng mà anh không bao giờ rứt ra nổi: một kết hợp giữa loại đàn bà hư đốn và thần thánh. Không phải sao?... Anh ghê tởm cho chính mình đã bỏ rơi Laura: tôi đọc điều này trong nếp nhăn trên trán anh. Nếu anh muốn quay về bên cô nàng cứ nói ngay và xa tôi; cầm bằng như tôi nhầm lẫn về trường hợp anh, và tôi sẽ để anh ra đi không ân hận. Còn nếu anh có ý định ở lại với tôi thì hãy từ bỏ cái bộ mặt đưa đám này đi. Anh làm tôi nhớ một số người Anh: tư tưởng họ càng khoáng đạt, họ lại càng bám vào đạo lí; thậm chí không có ai nghiệt ngã cho bằng một số người vô đạo trong bọn họ... Anh cho tôi là vô tâm? Anh nhầm: Tôi thừa hiểu anh thương hại cho Laura. Đã thế, anh đến đây làm gì? Tiếp theo, vì Vincent quay mặt đi, nàng nói: - Anh nghe đây: anh sẽ vào phòng tắm và cố làm sao rũ bỏ những tiếc nuối của anh trong nước tắm. Tôi bấm chuông gọi đồ ăn, nhé? Và khi anh ra lại, tôi sẽ giải thích cho anh điều này mà trông chừng anh không hiểu rõ. Vincent đứng lên. Nàng nhổm dậy nói với theo: - Đừng có mặc lại vội. Trong tủ, phía bên phải máy đun nước, anh sẽ tìm thấy áo choàng tắm, khăn choàng, pyjama... tùy anh chọn. Vincent trở ra hai mươi phút sau, trùm mình bằng chiếc áo choàng djellanbah dài chấm gót bằng lụa màu xanh hồ trăn. - Ấy khoan! Đợi tôi soạn sửa cho, - Lilian lớn tiếng reo. Nàng rút trong một chiếc hòm Á Đông ra hai chiếc khăn quàng cổ rộng màu hoa cà, lấy chiếc màu sẫm hơn thắt lưng cho Vincent, còn chiếc kia quấn vào đầu anh. - Tư tưởng của tôi luôn luôn đi liền với màu sắc phục sức, - nàng mặc chiếc pyjama màu hung ánh bạc. - Tôi nhớ có một hôm hồi đó còn nhỏ tí, ở San Francisco, người ta muốn tôi mặc toàn đen, lấy cớ một bà dì của tôi mới chết, một bà dì già tôi chưa hề gặp mặt. Suốt cả ngày tôi khóc, buồn thôi là buồn, tưởng tượng mình lắm sầu khổ, tưởng tượng mình thương tiếc dì vô hạn... chỉ tại màu đen. Nếu bọn đàn ông ngày nay chững chạc hơn đàn bà, là vì đàn ông ăn mặc sẫm màu hơn. Cam đoan anh không còn những ý nghĩ giống như ban nãy. Anh ngồi xuống kia, cạnh giường và chừng nào anh uống xong ly vodka, tách trà, và ăn hai ba cái xăng-uých, tôi sẽ kể cho anh nghe một câu chuyện. Khi nào tôi có thể bắt đầu thì anh bảo tôi... Nàng ngồi xuống, trên tấm thảm bên cạnh giường, ngồi lọt vào giữa hai chân của Vincent, co ro như thân thạch bia Ai Cập, cằm tì lên gối. Sau khi nàng cũng ăn uống xong xuôi, nàng vào chuyện: - Anh biết không, ngày chiếc tàu La Bourgogne bị đắm, tôi có mặt ở trên đó. Tôi mười bảy tuổi, như thế để nói cho anh rõ tuổi tôi bây giờ. Tôi bơi lội rất giỏi; và để chứng tỏ cho anh thấy lòng tôi không quá khô khan, tôi sẽ xin nói cho anh biết rằng nếu ý nghĩ đầu tiên của tôi là cứu lấy mình thì ý nghĩ liền theo sau là cứu một người nào đó. Biết đâu cứu mình chẳng phải là ý nghĩ đầu tiên cũng nên. Hay đúng hơn, thiết tưởng tôi chẳng nghĩ tới nghĩ lui gì hết; thế mà không có cái gì làm tôi ghê tởm cho bằng bọn người trong những lúc tương tự chỉ nghĩ tới bản thân; không, có những người đáng ghê tởm hơn nữa: bọn đàn bà la ơi ới. Có một chiếc ca nô đầu tiên đến giải cứu, người ta chất đầy lên đó ưu tiên là đàn bà và trẻ con, và một số bọn đàn bà tru tréo đến muốn phát điên. Công cuộc vụng tổ chức quá khiến chiếc ca nô, thay vì nằm yên trên biển, chúi mũi xuống và hất tung tất cả bọn người ngay lúc chưa kịp ngập nước. Bấy nhiêu đó diễn ra trong ánh đuốc, đèn hiệu và đèn rọi. Anh không tưởng nổi thê thảm như thế nào. Sóng khá dữ, và tất cả những gì không ở trong vùng ánh sáng đều mất tăm ở bên kia ngọn nước trong đêm. Tôi chưa hề sống một đoạn đời nào khẩn trương hơn, nhưng tôi kiệt lực hết suy nghĩ tưởng chừng khác nào con chó cứu hộ khi nó nhảy xuống nước. Giờ tôi còn chẳng hiểu chuyện gì xảy ra lúc đó. Tôi chỉ biết rằng mình đã để ý thấy trong ca nô có một đứa con gái nhỏ năm sáu tuổi đáng yêu, và lập tức, khi thấy thuyền chòng chành, nghiễm nhiên nó là người mà tôi quyết tâm cứu mạng. Trước đó có mẹ nó, nhưng mẹ nó bơi không giỏi, vả lại bị lúng túng vì mặc juyp, luôn luôn gặp như thế trong những trường hợp đó. Phần tôi, như cái máy, tôi phải cởi bỏ đồ mặc trong người, người ta réo gọi tôi lên chiếc ca nô thứ hai. Tôi phải leo lên; sau, hình như từ chiếc ca nô đó, tôi đã nhảy xuống biển, tôi chỉ nhớ bơi khá lâu với đứa bé bá vào cổ tôi. Nó khiếp hãi và bóp nghẹt cổ tôi làm tôi hết thở nổi. May sao từ ca nô họ trông thấy chúng tôi và chờ chúng tôi, hay bơi về hướng chúng tôi gì đó. Nhưng tôi kể chuyện này cho anh không phải vì thế. Kỉ niệm lưu lại mãnh liệt hơn hết, kỉ niệm mà không đời nào có cái gì có thể tẩy xóa khỏi tim óc tôi, là đây: trong chiếc ca nô ấy, chúng tôi chất chồng lên nhau tầm bốn chục mạng sau khi đã vớt nhiều người bì bõm tuyệt vọng, như người ta đã vớt chính tôi. Nước lên gần sát mí thuyền. Tôi ở đàng sau và tôi ôm chặt đứa bé gái vừa cứu để truyền hơi ấm cho nó, và để đừng cho nó thấy cảnh tượng mà tôi đây không thể không thấy: hai gã thủy thủ, một người lăm lăm chiếc rìu và người kia một con dao làm bếp, và anh biết chúng nó làm gì không?... Chúng chặt ngón tay, cổ tay của mấy người dưới nước bám vào dây cố leo lên thuyền. Gã thủy thủ (gã kia thì da đen) quay lại nhìn tôi đang đánh răng cầm cập vào nhau vì lạnh, vì hãi hùng, vì rợn người: “Nếu lên thêm một người nữa thôi, chúng ta bỏ mạng hết thảy. Thuyền đầy nhóc”. Hắn nói thêm rằng trong vụ đắm tàu nào cũng buộc phải làm thế, nhưng dĩ nhiên người ta không nhắc tới. Bấy giờ tôi lịm người đi, đàng nào tôi cũng chẳng nhớ gì nữa, như thể bị ù tai khá lâu sau một tiếng vang dội kinh hồn quá đỗi. Và đến khi, trên chiếc tàu vô danh nào đó vớt chúng tôi, tôi hoàn hồn, tôi hiểu ra rằng tôi không còn và sẽ không bao giờ trở lại làm đứa con gái tình cảm xưa kia; tôi hiểu ra rằng tôi đã để một phần con người tôi chìm nghỉm theo chiếc La Bourgogne, rằng tôi sẽ chặt cụt ngón tay, cổ tay của một lũ tình cảm tế nhị để ngăn chúng leo lên đánh đắm tâm hồn tôi. Nàng nhìn Vincent bằng khóe mắt, và ưỡn người ra sau: - Đó là một thói quen phải tập. Kế vì mái tóc để lơi bị xổ xuống phủ vai, nàng đứng lên, tiến lại chiếc gương soi, và vừa chỉnh tóc vừa nói: - Lúc tôi rời Mỹ ít lâu sau đó, tôi như là bộ lông cừu vàng quý báu và tôi đang đi truy tầm kẻ chinh phục nó. Tôi có thể nhầm lẫn đôi khi, có thể nhầm lẫn... và có thể nhầm lẫn hôm nay là một, khi đem ra nói với anh như tôi hiện đang làm. Thế nhưng anh đừng có tưởng là anh đã chinh phục tôi vì tôi đã trao thân cho anh. Anh hãy tin chắc điều này: tôi thậm ghét bọn kém cỏi và chỉ có thể yêu kẻ đắc thắng. Nếu anh để bụng tới tôi, hãy xem như là để tôi giúp anh đắc thắng. Còn như nếu để anh thở than, để anh được an ủi vỗ về…, chi bằng nói ngay cho anh biết; không, Vincent ạ, tôi không đúng là người cho anh: đúng cho anh chính là Laura. Nàng nói những lời đó không quay mặt lại, vẫn tiếp tục chỉnh những món tóc rối, nhưng Vincent bắt gặp tia mắt nàng trong gương. Vincent đứng lên và cởi bỏ kiểu phục sức Á Đông để mặc lại áo quần thành phố, anh nói: - Cô cho phép đến tối nay tôi mới trả lời. Bây giờ tôi phải về vội trước khi Olivier ra đi, tôi có điều cần kíp nói với em tôi. Anh nói lên điều này để chạy lỗi và để thêm màu mè cho sự bỏ ra về, nhưng khi anh tiến lại gần Lilian, nàng quay lại, tươi tỉnh và thật đẹp khiến anh lưỡng lự. - Trừ phi tôi viết giấy để lại cho nó thấy vào bữa trưa, - anh nói tiếp. - Hai người nói chuyện nhiều với nhau không? - Hầu như không. Không, đêm nay có người mời, tôi phải chuyển cho nó. - Robert mời... Oh! I see(5)... - nàng thốt lên và mỉm cười kì dị. - Chúng ta cũng cần bàn lại về Robert... Anh đi nhanh lên vậy. Nhưng nhớ sáu giờ trở lại vì đến bảy giờ xe của Robert chở chúng mình đi ăn ở Bois. Vincent vừa bước đi vừa ngẫm nghĩ; anh cảm thấy rằng từ sự thỏa ước, có thể nảy sinh, cùng với niềm vui, một nỗi gì như vô vọng. (5) À, tôi hiểu. VIII Phải chọn lựa: yêu đàn bà hoặc quen biết đàn bà; không có nửa vời. CHAMFORT Trong chuyến tàu suốt đi Paris, Édouard đọc cuốn sách của Robert de Passavant! Cây đánh đu - sách mới phát hành mà chàng vừa mua ở nhà ga Dieppe. Có thể cuốn sách đang đợi chàng ở Paris; nhưng Édouard nóng lòng muốn biết. Người ta bàn tán tới nó khắp nơi. Không bao giờ có cuốn sách nào của chàng được cái hân hạnh có mặt ở các tủ sách nhà ga. Người ta đã nói rõ cho chàng biết chỉ cần vận động thế nào đó là được đặt sách, nhưng chàng không quan thiết. Chàng nhắc nhủ thầm rằng mình lo toan làm gì cho lắm tới chuyện sách được trưng bày ở tủ sách nhà ga, nhưng chàng cần nhắc nhở lại với mình điều đó khi bắt gặp cuốn sách của Passavant. Tất cả những gì Passavant làm khiến chàng bất an: những bài báo, chẳng hạn, trong đó người ta đưa sách anh chàng lên mây. Phải, điều đó giống như một sự kiện cố tạo: mỗi một tờ báo trong số ba tờ chàng mua vừa mới khui ra là đều mang một bài tán thưởng Cây đánh đu. Tờ thứ tư đăng một lá thư của Passavant phản kích một bài báo hơi kém tán thưởng hơn những bài kia được in ra trước đó trong tờ báo; trong lá thư, Passavant biện hộ cho sách mình và phân giải cuốn sách. Lá thư khiến Édouard bực mình còn hơn những bài báo. Passavant tự cho là soi sáng công luận. Chưa bao giờ có cuốn sách nào của Édouard làm nổi dậy lắm bài báo đến thế, mà Édouard cũng chưa hề làm gì để lôi kéo về mình những hảo ân của bọn phê bình. Nếu như bọn người này làm mặt lạnh với chàng thì cũng chẳng sao. Nhưng khi đọc những bài về cuốn sách của đối thủ, chàng thấy cần phải lặp lại với mình rằng vẫn chẳng sao. Không phải chàng ghét Passavant. Chàng có gặp y đôi lần và thấy y là người có tình. Huống chi y luôn tỏ ra rất khả ái đối với chàng. Nhưng những sách của Passavant, chàng không thích; đối với chàng, y là một tay tập thành hơn là nghệ sĩ. Nghĩ tới Passavant thế này đã đủ. Édouard rút trong túi áo veston lá thư của Laura, lá thư này chàng đã đọc lại trên boong tàu; chàng đọc thêm lần nữa. Thưa anh, Lần cuối cùng em gặp anh - anh nhớ không đó là ngày hai tháng tư, giáp ngày em xuống miền Nam - anh đã bắt em hứa viết thư cho anh nếu em lâm vào trường hợp khó xử. Em giữ lời hứa. Ngoài anh ra em biết kêu gọi ai đây? Những người mà em muốn được nương nhờ lại chính là những người em muốn giấu giếm nỗi khổ của em. Thưa anh, em đang rơi vào thống khổ. Đời em từ buổi giã từ Félix như thế nào, có lẽ một ngày nào đó em sẽ kể cho anh. Félix đã tiễn em xuống tận Pau, rồi trở về Cambridge vì việc dạy học đòi hỏi. Ở Pau, em ra nông nổi, đơn chiếc và buông trôi, phó mặc cho thời kì dưỡng bệnh, cho tiết xuân... Em sẽ đánh bạo thú thật cùng anh những điều mà với Félix em không thể thổ lộ! Đã đến lúc em buộc lòng quay về với Félix. Bao nhiêu lá thư em viết cho Félix từ ít lâu nay đều dối trá và những thư em nhận được của Félix chỉ nói tới sự vui mừng của Félix biết em khỏe mạnh thêm. Sao em không đau dai đi? Sao em không chết mất dưới đó đi?... Anh ạ, em phải quy hàng thực tại hiển nhiên: em có thai, và đứa bé hoài thai không phải của Félix. Em xa Félix đã hơn ba tháng, dù sao ít ra em không bụng dạ nào trí trá với chồng. Em không dám về lại với chồng. Không thể. Em không đành lòng. Félix quá tốt bụng. Félix có thể sẽ tha thứ cho em nhưng em không xứng, em không muốn được Félix tha thứ. Em không dám về với mẹ cha, hai người vẫn tưởng em còn dưới Pau. Cha em, nếu người biết tin, người hiểu ra, người mắng nhiếc em. Người sẽ xua đuổi em. Làm sao đương đầu với đức hạnh của người, với sự kinh tởm của người cho điều xằng bậy, dối trá, tất cả những gì ô trọc? Em cũng sợ làm buồn lòng mẹ và em gái. Còn kẻ đã... nhưng em không muốn kết tội con người đó; lúc hứa giúp em, anh ấy ở trong cái thế làm nổi. Nhưng muốn giúp em hiệu lực hơn, khốn thay anh ấy quay ra đánh bạc. Anh ấy thua mất số tiền đáng lẽ dùng vào việc cấp dưỡng cho em, cho việc sinh nở. Anh ấy thua sạch. Lúc đầu em có ý nghĩ bỏ đi với anh ấy, bất cứ đi đâu, sống với anh ấy ít ra trong một thời gian, vì em không muốn bắt anh ấy lúng túng, cũng không muốn nặng gánh cho anh ấy; thế nào cuối cùng mình chẳng tìm cách tự lực sinh sống; nhưng mà ngay tức thời thì em không thể. Em thấy rõ rằng anh ấy đau khổ mà bỏ em và em thấy rõ rằng anh ấy không thể làm khác hơn, thành thử em không kết tội cho anh ấy, dẫu sao anh ấy cũng đã bỏ em. Em ở đây không tiền bạc. Em ở chịu, trong một khách sạn nhỏ, có điều không kéo dài thế mãi được. Em không biết sẽ ra sao đây: Ôi! Bao con đường kì tuyệt thế kia sao chỉ có thể dẫn mình tới vực sâu. Em viết thư này cho anh đến địa chỉ ở London mà anh đã cho em, bao giờ thư mới đến tay anh đây? Thế mà em đã hằng mong làm mẹ thế! Em chỉ một nước khóc trọn ngày. Anh hãy khuyên bảo em, em chỉ còn hi vọng nơi anh nữa thôi. Cứu em với, nếu có thể, bằng không... Ôi, những lúc khác em đã có can đảm hơn, chứ giờ đây đâu phải chỉ riêng mình em bỏ mạng. Giả như anh không đến, giả như anh viết cho em: “Anh không làm gì được”, em sẽ không trách anh lấy một lời. Gửi anh lời vĩnh biệt, em sẽ cố gắng đừng quá tiếc rẻ cuộc đời, nhưng em tin rằng anh chưa từng thấu hiểu cho rằng tình bạn của anh đối với em vẫn là cái gì đẹp nhất mà em được biết - anh chưa từng thấu hiểu cho rằng mối tình mà em gọi tên là tình bạn giữa em với anh mang một tên khác trong lòng em. LAURA Félix DOUVIERS T.B: Trước khi thả lá thư này vào thùng thư, em sẽ gặp lại con người đó lần cuối cùng. Em sẽ chờ đêm nay tại nhà anh ấy. Nếu anh nhận được thư này, tức là em đã... vĩnh biệt anh thật. Vĩnh biệt! Em không còn biết em viết gì. Édouard nhận được lá thư trên đây ngay sáng hôm lên đường. Nghĩa là chàng quyết định khởi hành ngay sau khi tiếp nhận thư. Đàng nào chàng cũng không có ý định kéo dài lâu lắc chuỗi ngày ở Anh quốc. Tôi tuyệt nhiên không mạo muội ám chỉ rằng chàng sẽ khó thể trở về Paris đặc biệt để giải cứu Laura, tôi nói rằng chàng sung sướng trở về. Chàng mất tuyệt mọi lạc thú một cách khủng khiếp dạo sau này ở Anh quốc; về Paris, điều trước tiên chàng sẽ làm là tới một địa điểm ô trọc; và vì chàng không muốn đem theo tới đó những giấy tờ riêng tây, chàng với tay lên ngăn giá của phòng tàu lấy chiếc va li, mở ra đút lá thư của Laura vào. Chỗ của lá thư ấy đâu phải nằm lọt giữa chiếc áo veston và chồng áo sơ mi, chàng đưa tay xuống dưới lớp áo xống, chạm vào một tập đóng bìa cứng đầy nét chữ của chàng hết nửa cuốn; chàng tìm tòi trong đó, ngay ở đầu cuốn tập, những mảnh giấy rời viết năm vừa rồi, chàng đọc lại; lá thư của Laura nép mình vào giữa những mảnh giấy này. NHẬT KÍ Édouard 18 tháng 10 - Laura dường như không nghi ngờ mảy may về quyền năng của nàng; phần tôi, đã tháo gỡ được những bí mật của lòng mình, tôi biết rõ rằng mãi đến ngày nay, không có dòng chữ nào tôi viết ra mà nàng khỏi gián tiếp gợi nguồn cảm hứng cho tôi. Bên tôi, tôi cảm thấy nàng còn ngây thơ, và bao nhiêu khôn khéo trong lời lẽ của tôi giai do ở sự hằng tâm muốn chỉ bảo, thuyết phục, làm xiêu lòng nàng. Nghe thấy điều gì, tôi không khỏi liên tưởng ngay: Nàng sẽ nghĩ sao về nó? Tôi bỏ mặc mối xúc động của mình mà chỉ còn biết tới mối xúc động của nàng thôi. Đến nỗi tưởng chừng nếu nàng không có đó để nói rõ cùng tôi, e bản sắc của tôi tan nhòa ra chung quanh thành những đường nét quá mờ nhạt; quanh quẩn con người nàng, tôi mới tập trung và minh định được mình. Cớ sao mãi tới hôm nay, tôi lại có thể vọng tưởng uốn nắn nàng giống tôi? Trong khi, ngược lại, chính tôi mới là kẻ uốn mình theo nàng, mà tôi không để ý chứ! Hay là thật sự thế này: do một sự giao hưởng tinh kì của tình yêu, hai con người chúng tôi đã biến thể cho nhau. Vô hình vô ý, mỗi người trong hai kẻ yêu nhau tự uốn mình theo sự đòi hỏi của người kia, dụng công cho giống hệt thần tượng được chiêm ngưỡng trong lòng người kia... Kẻ nào yêu đúng nghĩa đều hết trung thực. Nàng đã đánh tráo với tôi như thế. Ý tưởng của nàng bám sát tư tưởng của tôi khắp mọi nơi. Tôi khâm phục cái nhãn thức, tính hiếu kì, cái học thức của nàng và tôi không rõ có phải chỉ vì yêu tôi mà nàng quan tâm nhiệt tình thế kia, đến bao nhiêu thứ mà nàng bắt gặp tôi si mê. Bởi chưng nàng chẳng biết khám phá ra điều gì. Mỗi điều gì nàng hâm mộ, bây giờ tôi hiểu, đối với nàng nằm kề cận ý tưởng tôi; về việc này, có gì đáp đúng sự đòi hỏi thâm sâu của bản chất nàng đâu. “Ngày trước, em trang sức và làm đẹp chỉ để cho anh”, nàng sẽ bảo thế. Kì thật tôi lại đi mong mỏi rằng nàng làm thế kia là để cho nàng đấy thôi, rằng nàng nghe theo một nhu cầu thầm kín riêng của nàng. Nhưng bấy nhiêu thứ mà nàng thêm thắt cho mình để làm vừa lòng tôi sẽ không còn lại được tăm hơi, một tiếc nuối cũng không, ngay cả cái cảm giác thiếu vắng cũng không nốt. Đến một ngày nào đó con người thật tái hiện, thời gian chầm chậm rũ sạch những lớp áo vay mượn, và ví phỏng kẻ kia lại mê luyến những món trang sức ấy; nó sẽ chỉ còn ôm ấp vào lòng một món làm đẹp không hồn, một kỉ niệm... màu tang chế và thất vọng. Hỡi ôi! Bao nhiêu nết đẹp, bao nhiêu nết vẹn toàn ta đã điểm tô cho nàng! Đáng giận thay cái vấn đề trung thực kia! Trung thực! Hễ nói tới nó tôi chỉ nghĩ tới sự trung thực của nàng. Nếu nhìn lại tôi, tôi hết hiểu nghĩa danh từ đó. Tôi luôn luôn chỉ là con người mà tôi tưởng là thật - và điều này biến đổi không ngừng đến nỗi thường khi con người tôi buổi mai không nhận diện con người tôi buổi tối nếu tôi không chầu chực đấy để hợp giao chúng lại. Dễ thường không còn gì khác biệt tôi cho bằng chính tôi. Riêng trong cõi tịch mịch con người thật của tôi thỉnh thoảng mới hiện ra với tôi và tôi mới đạt tới một thứ liên tục căn bản nào đó; nhưng bấy giờ sự sống của tôi hình như chậm lại, đình chỉ và hình như tôi ngừng hiện hữu thật sự. Tim tôi đập chỉ vì thông cảm, tôi chỉ sống vì người khác; có thể nói, cứ bằng cách ủy quyền, bằng cách hôn phối, tôi mới cảm thấy mình chưa bao giờ sống mãnh liệt hơn là lúc tôi thoát ra ngoài chính mình để trở thành bất cứ ai. Cái lực phản ngã phóng ngoại ấy đến độ làm tiêu tán trong tôi cái ý thức về sở hữu - và do đó, cái ý thức trách nhiệm. Một con người như thế đó đâu phải thuộc loại người làm chồng. Làm sao cho Laura hiểu? 26 tháng 10 - Đối với tôi, cái gì có hiện hữu chăng là hiện hữu đi liền với tính chất nên thơ (và tôi trao trả lại cho chữ đó cái nghĩa đầy đặn của nó) - bắt đầu bằng chính tôi. Có khi tôi mường tượng mình không hiện hữu thật sự, nhưng chỉ tưởng tượng rằng mình có mặt thôi. Điều mà tôi khó tin hơn cả lại chính là sự hiện thực của mình. Tôi không ngừng thoát ra ngoài tôi và khi nào tự ngắm mình hành động, tôi chẳng hiểu rõ rằng kẻ mà tôi đang trông thấy hành động lại chính là kẻ đang nhìn và đang nghi hoặc, và ngờ rằng nó lại có thể vừa là diễn viên vừa là kẻ ngắm nhìn. Sự phân tích tâm lí đối với tôi mất hết cả ích lợi kể từ ngày tôi vỡ lẽ ra rằng ta cảm nhận đúng điều gì mà ta tưởng tượng cảm nhận. Từ đó đâm ra nghĩ rằng ta tưởng tượng cảm nhận điều mà ta cảm nhận thật... Tôi thấy rõ điều này với mối tình của tôi: giữa hai điều yêu Laura và tưởng tượng mình yêu - tưởng tượng yêu ít với yêu ít, hỏi ông thánh nào thấy sự cách biệt?... Trong địa hạt tình cảm, cái thật không phân với cái tưởng. Và nếu chỉ cần tưởng tượng yêu là yêu được, thì cũng thế, chỉ cần tự nhủ mình tưởng tượng yêu khi yêu là tức khắc yêu kém đi một chút, là tách khỏi cái mình yêu phần nào nữa đấy - hoặc tách bớt một vài mảnh vụn. Nhưng nói lên được điều này lẽ nào không cần phải bớt yêu rồi sao? Bằng một lập luận tương tự, trong truyện của tôi, X sẽ cố gắng tách mình ra khỏi Z - và nhất là tách nàng ra khỏi mình. 28 tháng 10 - Người ta nói mãi tới sự kết tinh đột ngột của tình yêu. Sự giải tinh chầm chậm mà tôi không hề nghe nói tới là một hiện tượng tâm lí lưu ý tôi nhiều hơn. Tôi cho rằng người ta có thể quan sát nó trong một thời gian dài ngắn nào đó trong mọi trường hợp lấy nhau vì tình. Khỏi sợ cho Laura, cố nhiên, (và như thế càng hay), trường hợp nàng lấy Félix Douviers theo lời khuyên của lí trí, gia đình và chính tôi. Douviers là một giáo sư rất thanh lương, đầy tài cán và rất có khả năng trong lãnh vực của mình (tôi nhớ là anh được học sinh của anh trọng vọng) - ở anh, Laura sẽ khám phá, khi hữu sự, nhiều đức tính hơn là nàng hồ đồ tiên liệu, khi nàng đề cập đến anh, tôi còn nhận thấy rằng, trong lời khen, nàng không vượt quá ra ngoài thì phải. Douviers có giá trị hơn nàng tưởng. Đề tài kì diệu cho tiểu thuyết: sau mười năm, hai mươi năm chung sống, sự giải tinh tiệm tiến của cả hai vợ chồng. Đang yêu và đang muốn được yêu, chàng không thể xuất hiện đúng con người thật của mình; vả chăng chàng không trông thấy đối phương - nhưng lại trông thấy ở đó một thần tượng mà chàng vẽ vời, thần thánh hóa, tạo ra. Bởi thế tôi đã cảnh giác Laura để nàng đề phòng mình và đề phòng chính tôi. Tôi đã bỏ công thuyết phục rằng mối tình giữa nàng với tôi khó thể bảo đảm hạnh phúc bền bỉ cho cả hai. Mong nàng cũng đã xiêu lòng. Édouard nhún vai, đóng cuốn nhật kí kèm với lá thư và đút tất cả vào va li. Chàng để luôn vào đó cái ví tiền sau khi trích ra một tấm trăm franc chắc hẳn đủ dùng cho tới lúc chàng sẽ đi nhận lại chiếc va li mà chàng định bụng gửi kho hàng chừng nào xuống. Phiền một nỗi là va li không có khóa; hay đúng hơn chàng không còn chìa để khóa. Chàng mất mãi những chìa khóa va li. Chậc! Bọn lao công kho hàng ban ngày bận bịu quá lắm, và có bao giờ chỉ có chúng nó mà thôi đâu. Chàng sẽ gửi va li khoảng bốn giờ, đem về nhà, rồi đi ủy lạo và giúp Laura; chàng sẽ gắng đưa nàng đi ăn tối. Édouard gật gà; những ý tưởng của chàng vô tình theo một chiều khác. Chàng tự hỏi nếu chỉ đọc lá thư của Laura, chàng có thể đoán tóc nàng màu đen được chăng? Chàng thầm nhủ rằng bọn nhà văn vì mô tả nhân vật quá chính xác mà hóa ra ngăn trở hơn là giúp cho óc tưởng tượng và đáng lẽ phải để cho mỗi người đọc hình dung lấy từng nhân vật thế nào tùy ý. Chàng nghĩ tới cuốn tiểu thuyết đang soạn thảo ắt hẳn không giống một cái gì chàng đã viết ra từ trước đến nay. Chàng không dám chắc rằng Bọn làm bạc giả là một nhan đề hay. Chàng đã vụng suy khi tung nhan đề ra. Phi lí thay, cái thói vạch lưng những “soạn thảo”, để câu độc giả. Điều này không câu được ai và trói buộc mình... Chàng cũng không dám chắc rằng đề tài hay ho cho lắm. Chàng hằng tưởng tới nó và tưởng tới nó từ lâu, nhưng chưa viết một dòng nào. Dù sao, chàng ghi lại vào cuốn sổ tay những điểm và những điều suy nghĩ. Chàng rút cuốn sổ đó ở va li ra. Rút cây bút máy ở túi ra. Hí hoáy: “Rũ sạch cho kì hết những yếu tố nào không đặc thuộc tiểu thuyết. Giống như trước đây, nhiếp ảnh cởi bỏ cho hội họa mối lo sợ phải giống nhau như khuôn đúc thế nào đó, thì người ghi âm thanh ngày mai đây chắc cũng sẽ bôi xóa thiên tiểu thuyết gồm những đối thoại ghi chép được, nhưng đoạn đối thoại mà nhà văn tả chân thường khi lấy làm đắc ý. Những ngoại biến, tai nạn, những chấn động ngoài da đều thuộc về điện ảnh; tiểu thuyết nên biết điều mà nhường lại. Đến như sự mô tả nhân vật đối với tôi hình như cũng không thuộc bộ môn đó một cách thuần túy. Thật thế, tôi thấy rằng tiểu thuyết thuần túy (và về nghệ thuật, cũng như về mọi thứ, chỉ có sự thuần túy mới đáng kể với tôi) như không cần đến mô tả nhân vật. Kịch cũng thế. Nhưng chớ có bảo rằng nhà soạn kịch không mô tả nhân vật vì đòi hỏi khán giả phải nhìn ngó nhân vật được đưa ra mười phần sống động trên sân khấu; bởi lẽ đã biết bao nhiêu lần chúng ta chẳng khó chịu khi đi xem kịch là gì, khó chịu vì diễn viên, và khổ tâm vì diễn viên trong không giống kẻ mà chúng ta có lẽ đã hình dung được rõ ràng nếu không có diễn viên. - Tiểu thuyết gia, nói chung, không tín nhiệm nơi óc tưởng tượng của độc giả một cách vừa đủ.” Nhà ga nào vừa lướt qua như gió thoảng. Asnières. Chàng đút cuốn sổ tay vào lại va li. Nhưng sự tư tưởng tới Passavant hẳn nhiên khiến chàng không yên. Chàng rút sổ tay ra lại. Chàng viết thêm: “Đối với Passavant, nghệ phẩm là một phương tiện hơn là mục đích. Những tín lí về nghệ thuật mà anh giãi bày được vững vàng mãnh liệt thế kia là nhờ chúng không thấm sâu, không có sự thúc bách của cá tính chỉ huy, chúng đáp ứng cho sự mách lối của giai đoạn, khẩu lệnh của những tín lí đó là: xu thời. Cây đánh đu. Cái gì nay mai sẽ xuất hiện như già cỗi nhất chính là cái thoạt tiên đã xuất hiện như tân kì nhất. Mỗi một sự chiều đãi, mỗi một sự ép uổng, là hứa hẹn một nếp nhăn. Mà Passavant được lòng bọn trẻ là nhờ chỗ đó. Passavant không thiết ngày mai. Anh hướng vào thế hệ hôm nay (điều này tất nhiên còn hơn là hướng vào thế hệ hôm qua) - nhưng vì anh chỉ hướng tới nó nên những gì anh viết ra dễ qua theo với nó. Anh biết thế và không tự hứa sự tồn tại; và đó chính là điều khiến anh tự biện hộ một cách cay cú, không những khi nào người ta đả kích anh, anh còn chống đối từng lời phẩm bình hạn chế. Còn như cảm thấy tác phẩm mình trường tại thì anh đã để cho tác phẩm tự biện hộ và không việc gì phải luôn luôn tìm cách giải minh nó. Tôi đang nói gì thế này? Anh đắc ý với những lời ngộ nhận, với những lệch lạc kia mà. Bấy nhiêu điều phải chiết giải cho những nhà phê bình mai hậu.” Chàng coi đồng hồ. Mười một giờ ba mươi lăm. Lẽ ra đã đến rồi mới phải. Vạn nhất Olivier đợi chàng ở cửa tàu thì sao? Tuyệt nhiên chàng không trông mong gì điều đó. Nói chi xa, làm sao phỏng đoán Olivier có thể biết tới tấm thiệp chàng báo tin về cho bố mẹ hắn - và trên tấm thiệp chàng ghi rõ, một cách tình cờ, chểnh mảng, có vẻ đãng trí, ngày và giờ - như thể để đánh lừa hên xui, và bởi chàng khoái những điều lấp ló. Tàu đỗ lại. Nhanh lên, một gã khuân vác nào đó! Không, va li chàng không đến nỗi nặng, và kho hàng không đến nỗi xa... Giả như hắn có đấy, liệu hai người biết nhận ra nhau giữa đám đông không đã? Gặp nhau quá ít thế kia. Miễn hắn không thay đổi quá lắm!... Kia! Trời đất! Hắn đấy sao? IX Nếu Édouard và Olivier tái ngộ mừng vui vồn vã hơn thì chúng ta đã không có gì để phàn nàn về những gì xảy ra kế đó; đàng này có một sự cân nhắc dị kì, người này cân nhắc uy tín mình trong tâm trí người kia làm cả hai khựng lại; đến nỗi người này tưởng chỉ có mình xúc động, hoàn toàn bị nỗi mừng vui của mình chi phối và như thể ngượng ngùng cảm thấy mình quá lộ liễu, chỉ lo làm thế nào đừng để lộ sự quá trớn mà thôi. Thành thử Olivier, đã không góp vui với Édouard bằng cách bày tỏ nỗi hân hoan đến đón chàng, lại tưởng là nên nói rằng sáng nay mình có việc phải đi qua đây, làm như để chối việc đến đây. Thận trọng quá đáng, hắn khôn khéo nhủ lòng rằng e cậu Édouard cho sự có mặt của mình không thích đáng chăng. Mới thốt lời nói dối hắn đã đỏ mặt. Édouard bắt gặp vẻ đỏ mặt, và bởi vì lúc đầu chàng nồng nàn nắm lấy cánh tay Olivier, chàng, cũng vì thận trọng mà ngỡ rằng chính cử chỉ đó làm cho Olivier đỏ mặt. Lúc đầu chàng nói: - Cậu cố cho rằng cháu không đến, nhưng trong thâm tâm cậu chắc chắn thế nào cháu cũng đến. Chàng có thể tưởng rằng Olivier bắt gặp vẻ tự đắc trong câu nói vừa rồi. Khi nghe hắn buông thõng: “Chính cháu có việc phải đi qua đây”, chàng thả tay Olivier ra, và cụt hứng ngay: Chàng đã muốn hỏi xem Olivier có hiểu rằng tấm thiệp gửi cho bố mẹ hắn kia, chàng dụng ý viết cho nó đấy; nhưng vừa định hỏi chàng đã ngần ngại. Olivier sợ bắt Édouard phát chán và sợ nói về mình gây hiểu nhầm nên câm miệng. Hắn nhìn Édouard và lấy làm lạ vì chàng máy môi, rồi hắn cúi mặt xuống ngay: Édouard vừa mong được nhìn có thể vừa sợ Olivier cho mình quá lớn tuổi. Chàng thiếu bình tĩnh vân vê một mẩu giấy trong tay. Đó là tấm phiếu người ta vừa giao cho chàng ở kho hàng, nhưng chàng không để ý. “Nếu là phiếu hành lí,” Olivier nhủ thầm, trong khi nhìn chàng vò nhàu mẩu giấy thế kia rồi hờ hững ném đi, “cậu đâu có ném như thế.” Và hắn ngoái lại giây lát để trông ra ngọn gió cuốn mẫu giấy lùi xa đàng sau hai người trên lề đường. Giá hắn nhìn lâu hơn, hắn đã được nom thấy một thanh niên nhặt lấy. Đó chính là Bernard đã theo dõi hai người từ khi họ ở nhà ga đi ra... Trong khi đó, Olivier khốn nỗi không tìm ra gì để nói với Édouard, và sự im lặng đối với hắn đâm ra không chịu nổi. Hắn lẩm nhẩm: - Đi ngang qua trước trường Condorcet, mình sẽ nói với cậu: “Bây giờ cháu phải xin về, chào cậu”. Rồi, tới trước trường, hắn lại khất cho tới góc đường Provence. Còn Édouard cũng thấy im lặng nặng nề, không thể đành lòng như thế. Chàng kéo người bạn đường vào một quán cà phê. May ra li rượu porto của nhà hàng giúp cho cả hai vượt qua sự lúng túng. Hai người nâng cốc. - Chúc đăng khoa, - Édouard mở lời, nâng cốc lên. - Bao giờ thi đây? - Mười hôm nữa ạ. - Cháu chuẩn bị rồi chứ? Olivier nhún vai: - Thưa, biết sao được. Chỉ cần hôm đó cụt hứng là xong toi. Hắn không dám trả lời “Rồi”, sợ để quá lộ vẻ tự tin. Còn một điều nữa khiến hắn lúng túng, là hắn vừa thích vừa sợ xưng hô thân mật với Édouard; hắn đành gán cho mỗi câu của mình cách nói gián tiếp trong đó chữ “vous” vẫn bị loại trừ, thành thử Édouard cũng hỏng dịp yêu cầu hắn dùng “tu”, là điều hắn ưa thích; tuy nhiên, hắn nhớ rõ, hắn đã có dịp dùng cách xưng hô “tu” mấy hôm trước khi Édouard ra đi. - Cháu học khá không? - Thưa không tệ. Nhưng chưa hết sức. - Những người giỏi luôn có cảm tưởng có thể làm hơn nữa, - Édouard nói kiểu cách. Chàng buột miệng mà nói; nói xong, chàng thấy câu của mình lố bịch. - Cháu vẫn làm thơ? - Thưa, thỉnh thoảng... Cháu cần được chỉ dẫn nhiều... Hắn ngước mắt nhìn Édouard; đúng ra, hắn muốn nói “được cậu chỉ dẫn”. Và ánh mắt, bổ túc cho lời, nói lên điều đó rõ rệt đến nỗi Édouard tưởng chừng hắn nói thế vì lịch sự hay vì cảm tình. Nhưng cái gì đã thúc bách chàng trả lời, mà lại trả lời đột ngột thế này: - Ồ! Phải biết tự mình chỉ dẫn mình hoặc tìm kiếm chỉ dẫn ở bạn bè! Lời chỉ dẫn của người lớn không giá trị gì. Olivier nghĩ thầm: “Mình đâu đã yêu cầu cậu chỉ dẫn, sao cậu phản đối?” Người nào cũng dậm dật chỉ cho ra toàn một giọng ráo hoảnh, bó rọ; và người này cảm thấy sự lúng túng và rấm rứt của người kia thì ngỡ mình là cái mộc và là nguyên nhân của những điều ấy. Chuyện trò điệu này chẳng được gì tốt, nếu không có gì đến lay giật. Mà không có gì thật. Sáng nay Olivier ngủ dậy khó ở trong người. Mối buồn khi tỉnh giấc không còn Bernard kề cạnh mình, đã để Bernard ra đi không từ giã, mối buồn đó, trong giây lát bị chi phối vì nỗi mừng vui tái ngộ Édouard, bây giờ dâng lên trong lòng hắn như một đợt sóng âm u, làn đắm chìm bao nhiêu ý tưởng. Hắn muốn đề cập tới Bernard, muốn thuật lại với Édouard tất cả và gì gì nữa, muốn cho cậu quan tâm tới bạn mình. Khốn nỗi một nụ cười khẽ của Édouard cũng sẽ làm hắn đau lòng, và sự diễn tả có thể sẽ tiết lộ những tình cảm nồng nàn và rộn ràng đang rung động con người hắn, nếu không rơi vào chổ lộ vẻ thái quá. Hắn lặng câm, hắn cảm thấy nét mặt mình đanh lại, hắn ước ao lao vào đôi tay cậu mà khóc. Édouard hiểu lầm sự im lặng đó, hiểu lầm sự biểu lộ của bộ mặt rúm ró kia; chàng rộn rã quá nên không khỏi mất tất cả thoải mái của mình. Bất quá chàng chỉ đành lòng ngước nhìn Olivier, thằng con trai mà chàng muốn siết vào vòng tay và bồng bế như thằng bé và đến khi bắt tia mắt không hồn của hắn, chàng nghĩ: “Đúng rồi... Mình bắt nó chán... Mình bắt nó mệt, quẩn trí. Tội cho nó! Nó chỉ chờ ta nói một tiếng là đi về.” Và tiếng đó, không nén nổi, Édouard thốt ra, vì tội tình cho hắn: - Bây giờ cháu nên về. Bố mẹ chờ cháu về ăn, chắc chắn như thế. Olivier, cùng chung ý nghĩ, đến lượt hắn hiểu lầm. Hắn lật đật đứng lên, đưa tay ra bắt. Dù sao hắn muốn ngỏ lời với Édouard: “Bao giờ cháu gặp lại cậu? Bao giờ gặp nhau lần nữa?...” Édouard cũng chờ đợi câu nói đó. Nhưng không, chỉ một tiếng nhạt nhẽo: - Chào cậu. X Mặt trời đánh thức Bernard dậy. Hắn rời chiếc ghế dài đứng lên, đầu đau như búa bổ. Vẻ hùng dũng bảnh bao của sáng ngày đã bỏ rơi hắn. Hắn cảm thấy trơ trọi gớm ghê và lòng đầy rẫy không hiểu một mùi vị gì mằn mặn mà hắn không chịu gọi tên là nỗi buồn, nhưng đang khiến hắn ứa nước mắt. Làm gì đây và đi đâu?... Nếu hắn mon men tới ga Saint-Lazare đúng vào giờ khắc mà hắn biết Olivier ắt phải đến đấy, đâu phải hắn có ý định rõ rệt gì, và không ngoài ý muốn gặp lại bạn mình. Hắn trách mình ra đi đột ngột hồi sáng: Olivier có thể lấy thế làm buồn lòng. Olivier chẳng phải là người hắn yêu quý nhất đời đó sao?... Khi bắt gặp bạn cặp kè Édouard, một cảm giác kì quái xui khiến hắn vừa theo dõi hai người, vừa tránh lộ diện. Hắn khổ tâm cảm thấy mình thừa thãi, thế mà hắn vẫn muốn chen vào giữa hai người. Hắn thấy Édouard có vẻ khả ái, cao lớn hơn Olivier ít thôi, dáng điệu kém trẻ trung hơn ít thôi. Hắn định bụng gạ chuyện với Édouard nên trông đợi Olivier chia tay chàng. Nhưng lấy cớ gì gạ chuyện? Đúng lúc đó hắn trông thấy mẩu giấy nhỏ nhàu nhò vứt ra khỏi bàn tay lơ đễnh của Édouard. Nhặt lên xong rồi, thấy ra đó là cái phiếu gửi hành lí... được rồi, đúng là cái cớ hắn đang tìm kiếm còn gì! Hắn thấy đôi bạn vào quán cà phê, hắn đứng khựng người một lát; kế đó, tiếp tục nói cho mình nghe: - Một thằng nào bình thường thì đã hấp tấp đem trao trả mẩu giấy này cho đương sự rồi. Con người bị phỉnh gạt, nản, nhạt và vô dụng? Dễ bị đời thao túng thế! Tôi có nghe người ta nói với Hamlet lời đó. Ơi Bernard, hỡi Bernard, ý tưởng nào thoáng qua đầu ngươi thế? Hôm qua ngươi đã lục lạo ngăn kéo. Hôm nay ngươi dấn thân vào nẻo nào đây? Hãy thận trọng đấy, em ạ... Hãy coi chừng mười hai giờ trưa, gã coi kho hàng, mà Édouard có việc chiếu cố, gã sắp sửa đi ăn và hãy coi chừng có người khác thay thế gã. Và ngươi đã chẳng hứa với bạn là dám làm mọi chuyện đó ư? Song, hắn ngẫm nghĩ rằng quá hấp tấp e hỏng bét. Bị bắt chợt, gã coi hàng có thể coi sự hối hả là khả nghi; dò lại sổ sách của kho, một món hành lí nhập kho có mấy phút trước mười hai giờ mà đã xuất kho ngay sau đó, gã có thể coi như thế là ít tự nhiên. Sau hết, vạn nhất người qua đường hay kẻ thọc gậy bánh xe nào đó có nom thấy hắn nhặt mẩu giấy... Bernard đành xuôi bước trở lại xuống tới La Concorde, không vội vàng; vừa vặn bữa ăn của một kẻ nào khác. Người ta cũng thường làm như thế lắm chứ, gửi va li vào kho trong thời gian đi ăn và sau đó đến nhận lại. Hắn không còn cảm thấy choáng váng nữa. Khi ngang qua mặt tiền một quán ăn, hắn điềm nhiên lấy một cây tăm xỉa răng (tăm đặt thành từng cụm nhỏ trên các bàn), hắn sẽ gặm cây tăm này trước bàn giấy kho hàng, cho có vẻ đã no bụng. Mừng cho mình mặt mày sáng sủa, ăn mặc đẹp, tư cách lịch sự, nụ cười và ánh mắt thẳng thắn, tóm lại một cái gì đó trong bộ điệu làm người ta cảm nhận ra bọn người sống trong no ấm không cần gì hết, có đủ hết. Hiềm nỗi, nằm ngủ trên ghế băng, cái gì cũng rối rắm nhàu nhò. Hắn lảo đảo một thoáng. khi gã nhân viên đòi hắn mười centime công trông coi. Hắn không còn một xu. Làm sao? Chiếc va li nằm đấy, trên bục. Thiếu vững vàng chút xíu là sẽ làm người ta động tâm, và thiếu tiền cũng thế. Nhưng ngạ quỷ sẽ không cho phép hắn sẩy chân, ngạ quỷ chuồi vào mấy ngón tay thấp thỏm của hắn đang lục lạo hết túi này đến túi kia, đang vờ vĩnh tìm kiếm vô vọng, một đồng bạc nhỏ mười xu không hiểu bỏ quên từ bao giờ, đấy, trong túi áo gi lê. Bernard đưa đồng tiền cho gã nhân viên. Hắn không để lộ chút gì là bối rối. Hắn đoạt lấy chiếc va li và, bằng một động tác đơn sơ và thuần lương, đút vào túi năm xu thối lại. Thoát! Hắn nóng bừng. Đi đâu bây giờ? Đôi chân hụt hẫng và chiếc va li xem chừng nặng. Làm gì với cái này đây?... Hắn chợt nghĩ ra mình không có chìa khóa. Không, không, không, hắn sẽ không cạy khóa, quái! Hắn đâu phải trộm cắp... Phải chi hắn biết có những gì trong đó thôi. Chiếc va li nặng trĩu cánh tay. Hắn mệt nhừ. Ngừng lại một lát, hắn đặt vật nặng xuống lề đường. Hắn cũng muốn trao trả lại, thật thế đấy; nhưng hắn muốn tra hỏi cái va li này đã. Hắn ấn vào ổ khóa cầu may. Kìa! Lạ lùng! Vỏ trai há miệng, để lấp ló hòn ngọc: một cái ví, để ló những tờ bạc. Bernard vồ lấy ngọc và khép ngay con trai lại. Và đây là lúc hắn hữu sự, nào! Một khách sạn. Tại đường Amsterdam, hắn có biết một khách sạn gần lắm. Hắn đói meo. Nhưng trước khi ngồi vào bàn, hắn muốn cất giấu chiếc va li. Người bồi phòng xách va li đưa hắn lên thang lầu. Ba tầng lầu, một dãy hành lang... một cánh cửa, hắn khóa trái cửa lại lấp kín kho tàng... hắn trở xuống lầu. Ngồi đối diện miếng thịt bít tết, Bernard không dám rút cái ví tiền ra khỏi túi (Biết đâu có người dòm ngó?) nhưng bàn tay trái của hắn, ở tận cùng cái túi trong, âu yếm vân vê chiếc ví. Bernard tự nhủ: - Làm sao cho Édouard hiểu rằng ta không phải là thằng trộm cắp mới khó chứ! Édouard là hạng người như thế nào đây? Chiếc va li có lẽ sẽ cho mình hay. Một con người đáng yêu, cầm chắc như thế. Nhưng thiếu gì bọn người đáng yêu không chịu hiểu một trận đùa. Nếu ông ta tưởng cái va li bị mất cắp, thì thấy lại va li chắc ông không lấy gì làm vừa ý. Thấy mình xách va li lại, ông sẽ cảm tạ mình, bằng không ông chỉ là một người thô lậu. Ta sẽ có cách làm cho ông quan tâm tới ta. Tráng miệng mau rồi trở lên xem xét tình hình. Trả tiền, và ta hãy để lại cho người bồi bàn một món tiền khiến gã cảm động. Và lát sau, hắn vào lại trong phòng. - Nào, va li, mày với ta!... Một bộ complet để thay, có lẽ đối với ta hơi rộng một chút thôi. Vải hợp nhãn và sành điệu. Áo xống, các món dùng vào việc vệ sinh cá nhân. Trả lại cho ông tất cả những món này ư, không chắc lắm. Nhưng có điều này chứng tỏ ta chẳng phải là thằng trộm cắp, là những tờ giấy này đây sẽ bắt ta quan tâm hơn nhiều. Ta hãy đọc cái này đã nhé. Đây chính là cuốn tập trong đó Édouard đã nhét lá thư buồn của Laura. Chúng ta đã rõ mấy trang đầu; đây là đoạn tiếp theo: XI NHẬT KÍ Édouard Ngày 1 tháng 11 - Cách đây mười lăm hôm... - tôi đã lỡ không ghi chép lại ngay. Không phải thiếu thì giờ, nhưng lòng tôi đầy ắp hình ảnh Laura - hay đúng hơn tôi không muốn tư tưởng mình nguôi quên nàng, vả lại tôi không thích ghi lại những điều tình cờ, giai đoạn, và lúc đó tôi thấy hình như những điều mình sắp sửa kể chưa thể có một sự liên tục, mà lại, như người ta bảo, chưa có gì quan trọng; ít ra, tôi không chịu công nhận sự thể và chính để chứng tỏ điều này với chính mình, có thể nói như thế, nên tôi mới nén lòng không đả động tới ở trong nhật kí của tôi; nhưng tôi cảm thấy rõ, chống chế làm gì vô ích, rằng khuôn mặt của Olivier bữa nay cuốn hút tâm tưởng của tôi, đưa tâm tưởng tôi sang chiều khác, và dù không để ý đến Olivier, tôi không sao tự mình giải thích rõ ràng, cũng không hiểu mình trọn vẹn. Buổi sáng đó, tôi ở nhà Perrin về, tôi đến đây coi ngó công việc ấn loát cho cuốn sách cũ của tôi tái bản. Vì trời đẹp tôi thơ thẩn dọc bờ sông chờ giờ ăn trưa. Gần tới trước nhà Vanier, tôi dừng lại cạnh một hàng bán sách tùy cơ. Tôi chẳng quan tâm đến sách bằng một cậu học sinh chừng mười ba tuổi đang lục lạo những ngăn sách lồng lộng giữa trời dưới con mắt điềm nhiên của người coi hàng ngồi trên chiếc ghế rơm trong cửa tiệm. Tôi vờ ngắm nghía quầy sách, nhưng chính tôi cũng coi ngó thằng bé qua khóe mắt. Hắn mặc một chiếc áo măng tô đã sờn xơ với đôi tay áo quá ngắn để ló tay áo veston ra ngoài. Chiếc túi lớn cạnh sườn, dù ta có cảm giác là rỗng không, vẫn há hốc; ở khóe túi, vải đã bị rách. Tôi nghĩ rằng chiếc áo choàng này hẳn đã phục dịch cho nhiều anh em, và anh em hắn với hắn quen thói nhét quá nhiều đồ vật trong túi. Tôi cũng nghĩ rằng mẹ hắn quá chểnh mảng, hoặc là quá bận rộn không vá víu cho. Nhưng lúc này đây, thằng bé khẽ quay người, tôi nom thấy chiếc túi kia đầy vết khâu mạng một cách thô sơ bằng sợi chỉ đen lớn, chắc chắn. Tức thì, tôi nghe văng vẳng những lời rầy rà của người mẹ: “Đừng có nhét một lúc hai cuốn sách vào túi, mày phá hỏng áo mất. Túi áo lại rách nữa rồi. Bận sau, tao báo trước tao không khâu lại đâu nhé. Nhìn xem mày có ra cái quái gì không!...” Bà mẹ khốn khổ của tôi nói với tôi cũng những lời như thế, và tôi cũng chẳng để tâm. Chiếc áo choàng không cài để lộ áo veston, và tia mắt của tôi chú ý đến một cái gì như huy chương nho nhỏ, một mẩu dải, hay đúng hơn một cánh hoa hồng nhỏ màu vàng hắn đeo ở khuy áo. Tôi ghi lại tất cả những điều này vì kỉ cương, và chính thật là vì ghi lại làm tôi chán ngắt. Tới một lúc nào đó, người coi hàng bị gọi vào bên trong; y vào chỉ một lát rồi trở ra ngồi xuống ghế; nhưng giây lát đó đã đủ cho phép thằng bé đút nhẹ vào túi áo măng tô cuốn sách đang cầm trong tay; rồi, lập tức, hắn trở lại lục lạo các ngăn sách như không có gì xảy ra. Song hắn hồi hộp, ngước đầu lên, để ý tia mắt của tôi và hiểu ra rằng tôi đã trông thấy hắn. Ít ra, hắn nhủ thầm rằng tôi đã có thể trông thấy hắn; dáng chừng hắn không chắc chắn gì cho lắm, nhưng trong hồ nghi hắn mất hết tin tưởng, đỏ bừng mặt và bắt đầu giở ngón tiểu xảo cố tỏ ra mình tự nhiên lắm nhưng lại ghi dấu ngượng ngùng tột độ. Tôi nhìn hắn không ngớt. Hắn rút trong túi ra cuốn sách đánh cắp, đút vào lại, dời chân đi vài bước, rút từ trong áo veston cái ví nhỏ xơ rơ, hắn làm ra vẻ moi móc tiền trong đó mà hắn biết chắc là không có, hắn bĩu môi một cách có ý nghĩa, cái mím môi kệch cỡm, dĩ nhiên là hướng về tôi, ngụ ý: “Chậc! không có à?” kèm theo một tí phụ chú này nữa: “Lạ nhỉ, mình cứ tưởng có chứ”, mấy cái này hơi lố, hơi thô kệch, như tên diễn viên sợ không được người khác nghe ra. Rốt cục, có thể nói; dưới áp lực của tia mắt tôi, hắn lại tiến đến quầy sách, cuối cùng hắn rút cuốn sách ra khỏi túi và đột nhiên để sách vào lại chỗ trước kia. Sự thể được thi hành tự nhiên đến nỗi người coi sách không nhận ra được điều gì hết. Rồi thằng bé ngẩng đầu lên lần nữa, lần này mong được yên thân. Nhưng không, cái nhìn của tôi vẫn ở nguyên chỗ, như con mắt của Cain; tuy nhiên con mắt của riêng tôi cười thầm. Tôi muốn ngỏ lời với hắn, tôi chờ cho hắn rời mặt tiền quầy sách rồi sẽ xáp lại làm quen, nhưng hắn không nhúc nhích và vẫn đứng trước hàng sách, và tôi chợt hiểu hắn sẽ không nhúc nhích chừng nào tôi hãy còn nhìn chằm chằm hắn như thế này. Lúc bấy giờ, giống như người ta làm náo loạn để xúi con thú săn tưởng tượng dời đổi hang, tôi lùi xa vài bước như thể đã thấy đủ rồi. Hắn bỏ đi về phía hắn, nhưng hắn chưa kịp cao bay thì tôi đã bắt kịp hắn. - Cuốn sách gì thế? - Tôi hỏi hắn đột ngột, nhưng vẫn hết sức nhã nhặn trong giọng nói và trên nét mặt. Hắn nhìn ngay vào mặt tôi và tôi cảm thấy sự nghi ngờ của hắn tiêu tan. Có thể hắn không đẹp trai, nhưng ánh mắt của hắn mới xinh làm sao! Trong ánh mắt của hắn, tôi thấy đủ thứ tình cảm lao xao như đám rêu dưới lòng suối. - Sách hướng dẫn du lịch Algerie. Nhưng sách đắt quá. Tôi không đủ tiền. - Bao nhiêu? - Hai franc rưỡi. - Dẫu sao nếu cậu không trông thấy tôi nhìn cậu, cậu đã chuồn đi với cuốn sách trong túi rồi. Thằng bé làm một động tác cãi lại và phản đối bằng một giọng rất thô kệch: - Đâu có, có khi... ông cho tôi ăn cắp sao?... Giọng hắn đượm vẻ tin tưởng muốn cho tôi hồ nghi điều mục kích. Tôi cảm thấy nếu dằng dai thì mình sẽ nao núng. Tôi rút trong túi ra ba đồng tiền: - Này! Đi mua đi. Tôi chờ cậu. Hai phút sau, hắn ở trong tiệm bước trở ra, giở từng trang cái món quà ưa thích. Tôi đón lấy cuốn sách trong tay hắn. Đây là cuốn hướng dẫn du lịch đã xưa của Joanne, năm 1871. Tôi đưa trả sách lại cho hắn, bảo: - Muốn làm gì với cái thứ này? Xưa quá. Dùng gì được nữa. Hắn cãi là vẫn được, vả lại những cuốn hướng dẫn gần đây hơn bán quá đắt, và “với cái thứ này” mấy tấm bản đồ vẫn có thể giúp hắn. Tôi không tìm cách ghi nhận nguyên văn những lời của hắn vì những lời này, nếu mất đi cái giọng nói tỉnh lẻ đặc biệt, sẽ mất hết bản sắc, cái giọng nói đã làm tôi thích thú, nhất là vì câu kéo của hắn không phải là không đẹp. Cần rút ngắn đoạn này nhiều. Sự chính xác đâu phải nhờ chi tiết của câu chuyện kể mà đạt được, nhưng chính thật là nhờ hai ba nét đặt đúng chỗ trong tưởng tượng của người đọc. Tôi vẫn tin rằng để cho thằng bé kể mọi chuyện e hay hơn; quan điểm của hắn ý vị hơn quan điểm của tôi. Thằng bé vừa lúng túng vừa tự hào vì mối quan tâm của tôi đối với hắn. Nhưng sự trầm trọng của tia mắt tôi làm lệch hướng của nó phần nào. Một nhân cách, quá non nớt và hãy còn vô tâm, thì thủ thế và lẩn trốn đàng sau một thái độ. Không có gì khó quan sát cho bằng những kẻ đang thời tượng hình. Ta buộc lòng trông thấy những kẻ này phiến diện, chỉ thấy họ theo chiều trắc diện thôi. Thằng bé bỗng nhiên tuyên bố rằng “cái nó ưa thích nhất” là “địa lí’. Cái ưa thích này e che giấu bản năng lang bạt. Tôi hỏi hắn. - Bộ cậu muốn đi sang bên đó sao? - Ồ! - Hắn vừa nói vừa khẽ nhún vai. Tôi thoáng có ý nghĩ rằng hắn không được hạnh phúc bên cạnh những người thân thích. Tôi hỏi xem hắn có sống với bố mẹ không. - Có. Và hắn không thích bố mẹ hay sao. Hắn phản đối yếu ớt. Hắn có vẻ hơi e ngại thế nào đó vì hồi nãy đã để hình tướng quá lộ. Hắn nói thêm: - Tại sao ông hỏi tôi vậy? Tôi nói ngay - Hỏi thế thôi. Rồi tôi khều ngón tay vào mẩu dải vàng ở khuy áo hắn: - Cái gì thế này? - Cái dải, ông thấy rõ còn hỏi. Những câu hỏi của tôi làm hắn bực mình rõ rệt. Hắn bỗng quay sang tôi, như thù nghịch, và bằng một giọng bỡn cợt xấc láo không ngờ nổi khiến tôi rời rã hẳn: - Này... ông thường hay nhìn trộm bọn học sinh hả?