Paris, những năm đầu thế kỷ 20, định mệnh đã mang tên thiếu niên ngông cuồng bỏ nhà đi, chàng nhà văn lãng tử mê phiêu bạt, gã tú tài nuôi mộng thi thư, quý phu nhân bạc nhược vì tình, tay sinh viên trường y bội bạc và cậu học sinh sa đọa bởi cám dỗ đến với nhau, rồi từng người họ lại nối kết với những người khác, tạo nên một mạng lưới quan hệ chằng chịt…
Không có một cốt truyện rõ ràng, không có một đường dây xuyên suốt, từ đầu đến cuối Bọn làm bạc giả là dòng chảy tùy hứng của số phận mà qua đó, bằng ngòi bút tài tình André Gide đã tạo nên một thế giới nhân sinh sâu thẳm, đi tới tận cùng vùng tăm tối trong bản thể con người. Được xem là tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của Gide, cuốn sách này hàm ẩn cái chân lý văn chương trác tuyệt của ông và nhờ vậy mà trở nên bất tử.
Nhận định
“Bọn làm bạc giả là một cuốn bách khoa hiếm hoi về sự hỗn hoạn, nhu nhược và tuyệt vọng của nhân loại.” – Nhà xuất bản Penguin Books
“Tiểu thuyết của Gide mải mê chiêu đãi chúng ta một bữa tiệc đầy ắp những nốt nhạc và thanh âm, một mạng lưới chồng chéo những âm mưu và định mệnh. Nhưng sự hòa trộn đó không tạo nên một bản tạp âm chối tai mà là một phức điệu đích thực, một sự hỗn độn trong trật tự, hệt như một khúc fugue đầy biến động và vô phương hướng của Bach.” – Giáo sư Robert Wexelblatt
***
“Hình như họ muốn làm chúng ta tưởng rằng con người không có lối thoát nào khác ra khỏi tính ích kỷ, ngoài một lòng vị tha còn gớm ghiếc hơn! Tôi cho rằng nếu có cái gì đấy bỉ ổi hơn con người, và đê hèn hơn, thì đấy là số đông người. Chẳng có lí lẽ nào có thể thuyết phục được tôi là đem cộng những cá thể nhớp nhúa lại sẽ cho ra được một tổng thể tuyệt vời. Chẳng lần nào bước chân lên xe điện hoặc xe lửa mà tôi không ao ước xảy ra một tai nạn khủng khiếp biến cái đám người rác rưởi đó thành một đống nhão nhoét; ồ, kể cả tôi, tất nhiên…”
——————-
“Bọn làm bạc giả” là cuốn tiểu thuyết được coi như dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của André Gide. Chính bản thân tác giả cho rằng, đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong sự nghiệp của ông, bất chấp cả việc nó được viết khi A. Gide đã 60 tuổi và có một sự nghiệp sáng tác đồ sộ trước đó.
“Bọn làm bạc giả” có nhiều tầng hình ảnh được đan lồng với nhau: những thiếu niên bị sa đà vào cuộc hoan vui; sự lưu hành tiền giả khiến người ta phải đặt ra câu hỏi: tiền giả chỉ đơn giản là tiền hay là sự phơi bày cảm xúc dối trá của con người; chuyện ngoại tình của các ông bố bà mẹ; chuyện sáng tác văn chương, chữa bệnh tâm thần bằng phương pháp tâm lí,…những vấn đề mang tính chất thời sự nóng hổi lúc bấy giờ. Cuốn tiểu thuyết mở ra từng dòng tự sự về thiếu niên ngông cuồng bỏ nhà đi, chàng nhà văn lãng tử mê phiêu bạt, gã tú tài nuôi mộng thi thư, quý phu nhân bạc nhược vì tình, tay sinh viên trường y bội bạc và cậu học sinh sa đọa bởi cám dỗ đến với nhau, rồi từng người họ lại nối kết với những người khác, tạo nên một mạng lưới quan hệ chằng chịt…Các nhân vật được xây dựng rất phức tạp với nhiều lớp lang về xuất thân, tư tưởng, hành động, tái hiện một bức tranh toàn cảnh đời sống tầng lớp thị dân Pháp cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.
“Bọn làm bạc giả” không được sắp xếp theo trình tự thời gian nhất định mà bị phá vỡ khi A.Gide đã đưa vào tác phẩm những trang nhật ký của nhân vật nhà văn Édouard. Ông đã viết rất nhiều tác phẩm và tác phẩm tiếp theo đây cũng có cái tên “Bọn làm bạc giả”, nói cách khác, cuốn sách của A.Gide là tiểu thuyết bên trong tiểu thuyết .
***
Bernard tự nhủ:
– Bây giờ nghe như có tiếng bước chân ngoài hành lang thì phải.
Hắn ngẩng đầu nghe ngóng. Không phải: cha và anh hắn ở lại tòa án, mẹ hắn bận đi thăm viếng, chị gái đi dự hòa nhạc; còn thằng út, thằng Caloub, thì trường học đã cầm chân hắn mỗi ngày sau khi bãi trường. Bernard Profitendieu ở nhà hì hục học thi tú tài, còn ba tuần lễ trước mặt hắn nữa thôi. Gia đình tôn trọng sự tịch mịch của hắn, ngạ quỷ thì không. Bernard đã cởi áo veston mặc ngoài mà vẫn khó thở. Từ khung cửa sổ mở ra đường, chỉ có sức nóng ùa vào. Trán hắn nhễ nhại. Một giọt mồ hôi chảy xuống sống mũi, và rơi xuống lá thư hắn đang cầm nơi tay. Hắn nghĩ: “Diễn trò nước mắt rồi đây. Nhưng thà chảy mồ hôi còn hơn là chảy nước mắt.”
Phải, ngày tháng đã rành rành. Không nghi ngờ vào đâu được: thư liên quan đến Bernard, chính hắn. Thư gửi cho mẹ hắn, một lá thư tình mười bảy năm xưa, không kí tên.
– Chữ cái này là nghĩa gì? Chữ V, cũng có thể là N lắm chứ… Có nên hỏi mẹ không?… Mình hằng tin tưởng ở sự biết điều của mẹ. Mình tự do tưởng tượng một ông hoàng nào đó. Còn hơn nếu vỡ lẽ mình là con của một tên ma cô nào thì sao? Không biết cha đẻ là ai, mình mới đỡ sợ phải giống ông ta. Mọi cuộc điều tra đều sinh trói buộc. Đáng kể chăng là sự nhẹ nhõm. Đừng đào sâu. Hôm nay thế cũng đủ cho ta rồi.
Bernard gấp thư lại. Thư cùng một khổ giấy với mười hai lá thư khác trong gói. Một dải màu hồng buộc lại tất cả mà hắn không cần phải tháo ra, hắn chuồi thư vào đó để thắt cả xấp lại như cũ. Hắn đặt xấp thư vào chiếc hộp nhỏ rồi đặt chiếc hộp vào ngăn kéo bàn. Ngăn kéo không phải mở ra, nó đã tiết lộ bí mật bằng ngỏ trên. Bernard chắp nối những miếng rời của mặt gỗ đỡ tấm mã não phủ lên. Hắn nhẹ tay thận trọng, sập tấm mã não xuống, đặt lại lên trên đó hai giá đèn bằng pha lê cùng với chiếc đồng hồ kềnh càng mà hắn vừa mới đem ra sửa chơi.
Đồng hồ gõ bốn tiếng. Hắn vặn lại cho đúng giờ.
– Hai cha con ông dự thẩm và ông luật sư không về trước sáu giờ đâu. Ta đủ thì giờ. Thế nào cũng phải cho ông dự thẩm về thấy trên bàn tờ thư đẹp đẽ trong đó ta sẽ nói ý nghĩa sự ra đi của ta. Nhưng trước khi viết, mình thấy rất cần giải thông tư tưởng một chút đã và đi tìm gặp thằng bạn Olivier để cầm chắc một chỗ đậu, ít nữa là tạm thời. Olivier bạn thiết của ta ơi, đã đến lúc ta thử lửa tính chiều lòng của cậu và để cho cậu chứng tỏ giá trị của cậu với ta. Cái đẹp trong tình bạn của hai đứa chính là từ trước tới nay chúng ta chưa hề lợi dụng nhau. Nào! Yêu cầu giúp đỡ một việc ngộ nghĩnh chắc không đến nỗi tẻ nhạt. Phiền nỗi Olivier không ở một mình. Mặc, ta sẽ tìm cách tách riêng hắn ra. Ta muốn cho hắn hoảng kinh vì sự trầm tĩnh của ta. Chính trong cõi bất thường mình mới cảm thấy mình tự nhiên hơn hết.
Con đường T…, nơi Bernard Profitendieu sống cho tới hôm nay ở gần sát vườn Luxembourg. Tại đây, cạnh hồ nước Médicis, trên lối đi nhìn xuống hồ nước, mấy đứa bạn hắn có thói quen hẹn nhau mỗi ngày thứ tư từ bốn đến sáu giờ, chuyện trò về nghệ thuật, triết học, thể thao, chính trị và văn học, Bernard bước đi rất nhanh, nhưng khi qua khỏi cổng vườn, hắn nhác thấy Olivier Molinier và lập tức chậm chân lại.
Cuộc hội họp hôm đó đông đảo hơn lệ thường, có lẽ vì đẹp trời. Có vài đứa nhập bọn mà Bernard chưa quen. Mỗi đứa trong bọn trẻ này, hễ đứng trước cả bọn, là đóng một vai trò và hầu như mất hết tự nhiên.
Olivier bừng đỏ mặt khi thấy Bernard đi tới và, khá đột ngột, hắn bỏ người thiếu nữ đang chuyện trò, lảng ra xa. Bernard là bạn thân thiết nhất của hắn, vì thế Olivier vô cùng thận trọng không làm ra vẻ gì là kiếm tìm hắn; đôi khi hắn còn vờ vĩnh không trông thấy Bernard nữa là khác.
Trước khi tới với Olivier, Bernard phải đối đầu với nhiều nhóm, và chính vì cũng giả vờ không tìm kiếm Olivier nên Bernard còn chần chờ.
Bốn đứa bạn trong bọn đang đứng quanh một đứa nhỏ người để râu đeo kính xấp xỉ lớn tuổi hơn mấy đứa kia, đang cầm cuốn sách. Hắn tên Dhurmer. Dhurmer ngỏ lời với một đứa trong bọn một cách đặc biệt hơn, nhưng lấy làm sung sướng rõ rệt vì được cả bọn lắng nghe. Dhurmer nói:
– Mày nghĩ coi. Tao gắng tới trang ba mươi vẫn không thấy màu sắc gì hết, một chữ để mô tả cũng không. Chàng ta nói về một người đàn bà, áo đỏ hay xanh tao cũng chẳng hay chứ đừng nói gì. Tao, hễ không có màu sắc thì giản dị lắm, tao chẳng nom thấy gì.
Và vì cần đại ngôn, nhất là vì hắn cảm thấy mình bị coi như mất bớt vẻ chững chạc, hắn nhấn mạnh:
– Tuyệt đối không thấy gì hết.
Bernard không để tai tới thằng khoa ngôn nữa, hắn xét thấy không nên bỏ đi quá vội, nhưng hắn đã bắt đầu nghe bọn kia cãi cọ ở sau lưng và Olivier trở lại nhập bọn sau khi bỏ rơi người thiếu nữ; một đứa ngồi trên chiếc ghế dài đọc báo Action Française.
Olivier Molinier, giữa bọn chúng, sao trông trịnh trọng thế! Hắn vẫn là một trong mấy đứa nhỏ tuổi nhất. Khuôn mặt còn trẻ thơ và ánh mắt của hắn biểu lộ sự sơ khai của tư tưởng. Hắn dễ đỏ mặt. Tính tình đằm thắm. Dù hắn tỏ ra hòa nhã đối với mọi người, không hiểu một sự dè dặt khó hiểu nào đó, một sự e ấp nào đó vẫn ngăn cách hắn với bạn bè. Hắn khổ tâm vì điều đó. Không có Bernard thì hắn đã khổ hơn.
Giống như Bernard lúc này, Molinier ghé vào từng nhóm một lát vì nể bạn, nhưng những điều hắn nghe, không có gì khiến hắn lưu tâm.
Hắn nhòm qua vai thằng đọc báo. Bernard, không quay lại, nghe Olivier nói:
– Mày không nên đọc báo, nó làm mày ứ huyết.
Và tên kia đáp trả lại chanh chua:
– Còn mày, hễ ai nói tới Maurras(1) là mày xanh mặt.
Tiếp theo, một tên thứ ba, giọng giễu, hỏi:
– Bộ mày thích những bài của Maurras sao?
Và tên thứ nhất đáp:
– Chán ngấy, nhưng tao thấy Maurras có lí.
Kế đó, một tên thứ tư mà Bernard không nhận ra giọng:
– Còn cái gì không làm mày ngấy, mày đều tưởng là thiếu bề sâu?
Tên thứ nhất cãi lại:
– Mày tưởng chỉ cần ngốc là chọc cười được ư?
– Lại đây! – Bernard vừa nói nhỏ giọng, vừa đột ngột nắm lấy tay Olivier. Hắn kéo Olivier đi ra xa mấy bước. – Trả lời mau, mình có chuyện gấp. Cậu có nói với mình là cậu không ngủ cùng một tầng lầu với hai ông bà, đúng không?
– Mình đã chỉ cửa phòng mình cho cậu rồi, cửa phòng mở ra ngay cầu thang, đi một nửa tầng lầu là lên nhà chính.
– Cậu có nói em cậu ngủ chung với cậu?
– Phải, thằng Georges.
– Cậu và Georges không thôi?
– Ừ.
– Thằng nhỏ biết kín miệng không?
– Nếu cần. Tại sao thế?
– Là thế này. Mình đã bỏ nhà, hay nói đúng hơn, tối hôm nay mình sẽ bỏ nhà. Mình chưa biết đi đâu. Cậu có thể chứa mình một đêm không?
Olivier mặt tái bệch hẳn ra. Chấn động quá mãnh liệt, hắn không đủ sức nhìn Bernard. Olivier bảo:
– Được, nhưng đừng đến trước mười một giờ. Mỗi đêm má xuống thăm hỏi trước khi đi ngủ rồi khóa cửa.
– Thế thì làm sao…
Olivier cười:
– Mình có chìa khóa khác. Cậu sẽ gõ cửa khe khẽ để khỏi đánh thức Georges nếu hắn ngủ.
– Liệu bác gác cổng có để mình vào không?
– Mình sẽ báo cho bác biết. Yên trí! Mình với bác ăn ý nhau lắm. Chính bác cho mình cái chìa khóa kia đấy. Hẹn gặp lại.
Hai người từ giã không bắt tay nhau. Và trong khi Bernard bỏ đi, nghiền ngẫm lá thư muốn viết mà ông dự thẩm sẽ phải bắt gặp khi trở về, thì Olivier, vốn không muốn người ta bắt gặp mình đứng riêng với Bernard, nên tìm tới Lucien Bercail mà bọn kia để cho đứng hơi riêng rời. Nếu không yêu Bernard nhất thì Olivier đã yêu thích Lucien lắm đấy. Bernard bạo gan bao nhiêu thì Lucien rụt rè bấy nhiêu. Ai nấy cảm thấy Lucien yếu ớt, dường như hắn chỉ sống bằng trái tim và trí tuệ. Hắn ít khi có can đảm sấn sổ tới, nhưng hắn đã mừng ra mặt ngay khi thấy Oilivier lại gần. Lucien có làm thơ chăng, mọi người đều nghi hoặc; tuy nhiên thiết tưởng Olivier là kẻ độc nhất được Lucien thổ lộ dự định. Cả hai lần ra mé khuôn viên.
Lucien bảo:
– Tôi muốn làm sao thuật lại, không phải chuyện một nhân vật, nhưng câu chuyện về một địa điểm, – đấy, chẳng hạn câu chuyện một lối đi công viên, như lối đi này, thuật lại những gì xảy ra – từ sáng tới chiều. Trước tiên bọn giữ em đến, rồi bọn vú em đeo những tấm dải… Không, không hẳn… trước tiên là người toàn màu xám tất cả, không phân biệt đàn ông đàn bà tuổi tác, để quét dọn lối đi, tưới cỏ, thay hoa, tóm lại để sửa soạn sân khấu và trang trí trước khi cổng mở, anh hiểu chứ? Bấy giờ bọn vú em vào. Bọn bé con vọc cát cãi cọ, bọn giữ em tát bọn nhỏ. Kế đó là các lớp học nhỏ bãi ra… thêm bọn đàn bà thợ thuyền nữa. Có những kẻ nghèo khó đến ngồi ăn trên ghế. Sau đó là bọn thanh niên kiếm tìm nhau, bọn khác trốn tránh nhau, bọn nữa đứng ngồi riêng, tư lự. Và kế đó là dân chúng, vào lúc nhạc trỗi lên và lúc các nhà hàng đóng cửa. Bọn học sinh, sinh viên như hiện giờ. Buổi chiều, bọn tình nhân hôn nhau, có những kẻ chia tay khóc lóc. Cuối cùng, hết ngày, một cặp người già… Và thình lình, một hồi trống khua: đóng cổng. Mọi người đi ra. Kịch chấm dứt. Anh hiểu chứ: một cái gì đó cho mình cái cảm giác thôi hết rồi của mọi thứ, cái cảm giác của sự chết… nhưng vẫn không nói tới cái chết, cố nhiên.
– Phải, tôi hiểu lắm, – Olivier đáp, hắn đang nghĩ tới Bernard chứ có nghe lọt chữ nào đâu.
Lucien hăng say nói tiếp:
– Chưa hết, chưa hết! Tôi muốn, trong phần coi như màn vĩ thanh, chứng minh chính cái lối đi này đây, ban đêm, sau khi mọi người bỏ đi hết rồi, thì thanh vắng, đẹp hơn ban ngày nhiều; trong cảnh im lặng mênh mông, mọi tiếng động trong thiên nhiên xuất thần: tiếng vòi nước, tiếng gió trong lá, và tiếng lảnh lót của con chim đêm. Ban đầu tôi nghĩ tới chuyện thêm vào đó những bóng tối, có lẽ thêm những bức tượng… nhưng tôi cho rằng như thế lại nhạt nhẽo hơn; cậu nghĩ sao?
Mời các bạn đón đọc Bọn Làm Bạc Giả của tác giả André Gide.