🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bên Kia Mây Trời Là Nơi Hẹn Ước - Kanoh Arata & Shinkai Makoto & HẢI HÀ (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Light Novel]
Ebooks
Nhóm Zalo
Bên kia mây trời là nơi ta hẹn ước (雲のむこう、約束の場所) ———★———
Tác giả
Kanoh Arata
Nguyên tác
Shinkai Makoto
Người dịch
Hải Hà
Phát hành
IPM
Xuất bản
NXB Hồng Đức 07/2019
ebook©vctvegroup
19-05-2020
Mở đầu
Phải chăng ta đang nghe
hơi thở của bầu trời
nơi tháp kia khóc than
trôi xa về phương Bắc.
Miyazawa Kenji
T
ôi bất giác ngẩng đầu nhìn trời trong lúc đợi đèn xanh ở ngã tư trước trung tâm thương mại Odakyu HALC.
Khoảnh trời hẹp bên trên cổng Tây ga Shinjuku bị vây quanh bốn phía bởi cao ốc, chẳng rực rỡ cho lắm vào sáng sớm, nhưng cũng coi như khá trong xanh giữa đô thị xám xịt, đủ khiến tôi nhận ra hè đang về.
Trong hình dung của tôi, hương sắc mùa hè giống như một khối không khí nồng nàn, chầm chậm rơi xuống từ không trung.
Tôi nheo mắt, mường tượng về khối hương sắc mùa hè ấy. Vào khoảnh khắc đó, kí ức về mùa hè đặc biệt, mùa hè của mười sáu năm trước, bỗng bồi hồi trào dâng trong lồng ngực. Buồng phổi như thắt lại, đau nghẹn đến mức nước mắt chực rơi. Mất một lúc mới nhận ra đèn tín hiệu đã chuyển sang xanh, tôi vội vàng bước qua đường, theo dòng người hướng về cửa soát vé ở cổng Tây.
Nhà ga đang giờ cao điểm. Đám đông trước mặt tôi tạo thành dòng người tấp nập, lần lượt tràn qua cửa soát vé tự động. Tôi ngắm nhìn cảnh tượng đó, lòng chẳng mảy may ngạc nhiên hay xúc động. Chừng này con
người cùng sống trong một thành phố, mỗi người lại có cuộc đời riêng. Ngẫm lại mới thấy, chẳng rõ từ lúc nào chuyện này không còn khiến tôi kinh ngạc. Tôi ý thức được gánh nặng trên vai mình. Bước sang tuổi ba mươi mốt, tôi đã thấm thía nỗi mỏi mệt tương xứng với tuổi tác. Không quá to tát, nhưng cũng khó bơ đi mà sống.
Tôi bỗng không muốn đến công ty nữa.
Tính cách tôi vốn hơi khác thường, đúng hơn là y như trẻ con. Nhưng nghĩ lại, hồi nhỏ tôi từng trốn học bao giờ chưa nhỉ? Hình như là chưa. Tôi ngờ rằng mình đã lớn lên theo cách không trọn vẹn. Bởi người ta khó có thể trưởng thành thực sự nếu chưa làm trẻ con đúng nghĩa khi còn bé. Tôi chẳng biết việc làm người lớn có giá trị đến nhường nào. Có điều, chí ít mối hoài nghi về sự trưởng thành nửa vời của bản thân vẫn luôn canh cánh trong lòng tôi.
Tôi điểm lại lịch trình hôm nay. Trước mắt không có cuộc hẹn nào cả. Việc gấp không phải không có, nhưng chắc sẽ xoay xở được thôi. Tôi bỏ cặp đi làm vào tủ gửi đồ của nhà ga, khóa lại. Lấy điện thoại trong túi áo ra, tôi định bụng gọi đến công ty...
Tôi chợt đổi ý, tắt nguồn rồi cất điện thoại vào túi áo. Tôi quyết tâm, đã trốn thì trốn cho ra trò đúng kiểu trẻ con.
Tôi biết ngay mình muốn đi đâu. Sau khi xuống ga Tokyo qua tuyến Chuo, tôi mua vé tàu tốc hành tuyến shinkansen Tohoku đi Hachinohe cùng vé về Aomori. Bước lên con tàu shinkansen Hayate rời ga lúc 8 giờ 56 phút, tôi nhét mình trong ghế ngồi chật hẹp, mơ màng ngủ gà ngủ gật suốt hành trình gần ba tiếng.
Tôi chuyển sang tàu hỏa tốc hành ở Hachinohe, đi tới ga Aomori. Đợi thêm ba mươi phút, tôi lên chuyến tàu hỏa chạy bằng dầu diesel của tuyến
Tsugaru. Đây là tuyến tàu chặng ngắn chạy đến tận cùng bán đảo Tsugaru, điểm cực Bắc đảo Honshu.
Chuyến tàu vùng quê đầy hoài niệm. Đoàn tàu gồm hai toa. Mỗi ngày vỏn vẹn năm chuyến.
Không có gì thay đổi. Toa tàu vắng khách tạo cảm giác bình lặng đến lạ kì. Người dân sống ở Tsugaru chỉ đi lại bằng tuyến đường sắt duy nhất này. Có thể vì vậy mà tôi nhận thấy ở nó sự thân thuộc đặc biệt.
Thế nhưng, trong đó có cả cảm giác lạc lõng. Bởi tôi đã trở thành kẻ xa lạ trên mảnh đất này. Tôi không còn thuộc về bầu không khí thân thương ấy nữa.
Một cặp đôi cấp hai ngồi ở khoang ghế đằng xa. Cả hai đang vui vẻ trò chuyện. Tôi bồi hồi ngắm cảnh tượng ấy. Hai đứa mặc đồng phục trường cấp hai của tôi. Bộ đồng phục cũng không đổi khác so với trước kia. Tôi nghe thấy nội dung cuộc đối thoại. Toàn chuyện lặt vặt của trẻ con, nhưng trông cả hai rất vui vẻ, không vướng bận gì cả.
Tôi cũng có một thời rạng rỡ, vô ưu như thế.
Những điều nhỏ nhặt từng là báu vật, đem đến niềm vui khôn tả. Cạnh tôi có một người bạn thân cùng một cô gái xinh đẹp. Ba chúng tôi ngồi trên chuyến tàu này, mong sao cỗ xe lửa vận hành bằng dầu diesel vốn vừa nặng vừa chậm chạy từ từ hơn nữa. Giờ đây tất cả chỉ còn trong kí ức xa vời...
Đúng rồi. Tôi đã đi rất xa.
Khi ấy, tôi gắng hết sức vùng vẫy, cốt để đi càng xa càng tốt. Cái đích mà tôi của ngày đó cố gắng vươn tới có phải chính là đây? Tôi cũng chẳng biết.
Tôi xuống ga Tsugaru-Hamana, trước điểm cuối của tuyến một ga. Tôi vừa đưa mắt nhìn bãi để xe nhỏ dành cho xe đạp, vừa bước về hướng ngược lại với ngôi làng, băng qua gầm cầu cạn của tuyến Tsugaru Kaikyo mới, tuyến đường sắt xây dở chưa từng được đưa vào sử dụng. Đoạn đường tiếp theo hơi dốc.
Chẳng mấy chốc tôi đã tới nhà máy bỏ hoang dựng theo kiểu nhà tiền chế*. Đi tắt qua phần đất của xưởng, tôi khom mình lách sang bên kia hàng rào đã hỏng, chầm chậm leo lên ngọn đồi nhỏ ở phía sau. Mất nửa tiếng đồng hồ vượt qua quãng đường um tùm cây cối, cảnh vật đột ngột hiện ra.
Trước mắt tôi là đồng cỏ mênh mông ánh lên màu lục nhạt, trông hệt như trang trại, cỏ non mơn mởn mọc ngút tầm mắt, tỏa hương tươi mát hòa quyện trong gió. Một thế giới xanh dịu, bao la, trải dài vô tận.
Tôi chậm rãi bước vào vùng cỏ. Tiếng xào xạc khi đám cỏ lay động khẽ lướt qua tai.
Ở khá xa bên tay phải là một nhà ga hoang phế nằm trơ trọi. Ba sân ga bê tông nối với nhau bằng cây cầu gỗ bộ hành nằm trên cao. Vài chỗ trên tường hay sàn cầu đã mục. Nhà ga bị bỏ hoang khi việc xây dựng còn dang dở, vì thế chưa có chuyến tàu nào chạy qua đây.
Nó chẳng thể đưa người ta đi đâu, cũng chẳng đón ai ghé đến. Trước kia, nơi này từng chứa đựng toàn bộ cuộc sống của tôi. Tôi ngước nhìn bầu trời rộng lớn đến quá đáng. Những đám mây dày
bồng bềnh trôi trên tầng không xanh thẳm. Tôi ngửa mặt, ngước lên nhìn quanh một lượt, bầu trời cũng xoay tròn, sắc xanh như thể dồn hết về chỗ tôi.
Giữa khoảng không cao vời vợi, một chiếc máy bay hiện ra. Chiếc máy bay nhỏ màu trắng.
Velaciela...
Là ảo ảnh do tôi tưởng tượng.
Nó không thực sự bay trên trời. Mà chỉ tồn tại trong kí ức cũ kĩ của tôi. Một cỗ máy với hình thù lạ lùng, không được nhắc đến và cũng không thể xuất hiện trong bất kì tập san máy bay nào.
Velaciela.
Tác phẩm của ba chúng tôi. Chiếc máy bay đẹp đến nao lòng. “Tuyệt quá...” Giọng Sayuri vang lên bên tai.
Không, là ảo giác thôi. Cô đã không còn. Chỉ là một mảnh kí ức bị khuấy động và tái hiện nhờ không gian.
Vậy mà tôi lại có thể góp nhặt gần như trọn vẹn hình ảnh của cô. Tiếng bước chân cất lên khi cô bé chạy trên cỏ, đuổi kịp tôi từ phía sau, vượt qua tôi rồi quay đầu lại, chiếc váy đồng phục ngắn và mái tóc đen ngang vai đung đưa.
“Máy bay!”
Sayuri mừng rỡ nói. Cô vẫn mang hình hài nữ sinh cấp hai của mười sáu năm trước.
“Sao mình lại xuất hiện trong hình dáng đó? Bạn biết dáng vẻ mình khi trưởng thành hơn cơ mà?”
Gió lướt qua da, đem tôi về với thực tại.
Chiếc máy bay, bóng hình Sayuri, cả hai vụt tan biến.
Tôi thẫn thờ nhìn nơi ảo ảnh Sayuri vừa đứng.
Tôi ngẩn người hồi lâu, ngắm màu xanh của đồng cỏ và bầu trời. Cuối dải đất nhô cao như ngọn đồi là mũi đất. Đứng trên đó có thể nhìn thấy biển. Biển màu xanh đen lạnh lẽo. Sâu thẳm và tối tăm, nhưng lại trong suốt đến kì lạ. Đó là màu eo biển Tsugaru vào mùa hè. Xa hơn nữa, bên kia eo biển là đảo Hokkaido xanh xám, nửa như hòa vào màu trời.
Tôi bỗng thắc mắc vì sự thiếu vắng một chi tiết đáng lẽ phải có ở đây. Đúng rồi. Ngọn tháp.
Ngày trước, mỗi khi đứng ở chỗ này, trông sang đảo Hokkaido bên kia eo biển, tôi đều thấy ngọn tháp trắng lừng lững giữa nền trời đầy mây. Ngọn tháp cao ngất, từ bán đảo Tsugaru vẫn trông thấy được. Đường thẳng màu trắng xinh đẹp như được vẽ lên không trung bằng thước kẻ, có phần giống bản phác thảo thang máy vũ trụ trong tạp chí khoa học dành cho thiếu niên. Kiến trúc khổng lồ đến mức vô thực, chẳng khác nào tới từ nền văn minh thuộc thế giới khác.
Nhưng giờ không thấy tháp đâu.
Không còn nữa.
Tôi đã đánh mất nó.
Thảm cỏ xao động trong gió, gợn sóng như mặt nước, mang hơi hướm Sayuri lại bên tôi.
“Mình luôn có linh tính sắp đánh mất thứ gì đó. Thế giới đẹp đẽ nhường này, vậy mà...” Phải. Cô từng nói thế, rằng luôn có dự cảm mất mát. Bấy giờ tôi mới học cấp hai, chắc chắn chưa thể hiểu hết, nhưng lời cô vẫn lay động tôi một cách kì lạ.
Chuyện xảy ra nhiều năm trước cuộc chiến ấy. Bấy giờ Hokkaido được gọi bằng cái tên Ezo, là mảnh đất bị quốc gia khác xâm lăng, kẻ địch
chiếm đóng. Gần ngay trước mắt mà không thể đặt chân đến. Ở một chân trời ngoài tầm với.
Là nơi hẹn ước.
Đúng vậy. Mùa hè ấy, ba chúng tôi đứng đây ngắm ngọn tháp và cùng lập một lời hứa.
Vào một ngày mà hôm nay đã thành dĩ vãng xa xôi, bên kia mây trời từng là nơi hẹn ước với Sayuri.
Ngọn tháp mất đi là lỗi của tôi.
Sayuri cũng không còn bên tôi nữa.
Sayuri... Cô ấy giờ thế nào? Tại sao lúc này tôi không thể ở bên Sayuri?
Vừa nghe tiếng cỏ xào xạc, tôi vừa cúi mặt, xòe ngón tay ra đếm. Đếm những thứ đã để mất, đã phá hỏng, đã vứt bỏ suốt mười mấy năm nay. Tính thử mới thấy chẳng có bao nhiêu. Vậy mà sao cảm giác lại nặng nề thế này.
Tôi chầm chậm bước tới chỗ đường ray sắt bị bỏ hoang trong tình trạng lắp đặt dở. Trước mắt tôi là nơi hai đường ray giao nhau rồi tách ra. Tôi ngồi xuống thanh ray gỉ sét. Tôi khóc. Có lẽ tôi đã đánh mất toàn những thứ không được phép mất đi. Nhưng chừng nào tôi còn là tôi, cậu ấy còn là cậu ấy, cô ấy còn là cô ấy, đó vẫn là điều bất khả kháng. Con đường của chúng tôi không cho phép chuyển tuyến hay thay đổi điểm đến.
Khi bầu trời đã loáng thoáng nhuốm sắc đỏ, tôi vẫn ngồi im như thế. Tôi lắc đầu, xua đi cảm xúc u buồn rồi chậm rãi đứng dậy, khẽ phủi gỉ sét bám trên quần xuống. Đã đến lúc trở về với “hiện tại”. Tôi quay người cất bước, bỏ biển lại sau lưng.
1
Mùa hè
M
ười mấy năm về trước.
Tôi sinh ra và lớn lên tại thị trấn Sotogahama, tỉnh Aomori. Nó nằm ở rìa bán đảo Tsugaru, mà có lẽ gọi là điểm xa nhất về phía Bắc của Nhật Bản* sẽ dễ hình dung hơn.
Chỗ tôi chẳng có gì, chỉ thấy biển, núi, vài căn nhà thưa thớt, đồng ruộng, cùng lắm có thể kể thêm đài tưởng niệm Tsugaru trên mũi Tappi. Ngay cả siêu thị cũng mất vài chục phút lái ô tô mới tới. Không có xe hơi thì không thể sinh hoạt bình thường ở chốn này.
Nghe nói trước kia cũng có thời thị trấn nhộn nhịp người câu cá ghềnh đá*, nhưng vì đường biên giới với Liên bang* nằm ngay trước mặt, nên sau khi hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao, khu vực này rơi vào tình trạng căng thẳng, khách tới câu thưa dần. Thậm chí nghề cá ở cảng Hamana còn không biết sẽ đi về đâu.
Dù vậy, thị trấn vốn gần như chưa bao giờ chứng kiến cảnh thịnh vượng, nên người dân ở đây cũng không quá lo ngại, họ vẫn sống rất bình thản.
Nhắc đến Aomori, người ta thường nghĩ về Xứ tuyết*, Dazai Osamu*, Terayama Shuji*, căn cứ quân sự Mỹ Nhật ở Misawa*, lễ hội Nebuta*... Liên tưởng đến Xứ tuyết cũng đúng thôi, vì thực tế những trận tuyết lớn trút rầm rập từ trên trời xuống (quả thật tuyết rơi rầm rập). Nhưng
hình ảnh nơi này trong tôi lại có màu lục sẫm.
Bán đảo Tsugaru là vùng đất của những dãy núi thấp, thoai thoải chạy dài đến bờ biển. Vào mùa hè, sau khi tuyết tan, cây cối trên núi ngả màu xanh đậm xinh đẹp, giống màu xanh crôm trên bảng màu vẽ. Ngược lại, cỏ và chồi non ánh lên màu xanh lá mạ tươi sáng dưới nắng. Tôi vẫn hay ngắm sự tương phản giữa hai sắc xanh đậm và nhạt ấy qua cửa sổ nhà mình. Việc đó khiến tôi cảm thấy được thả lỏng, thư thái, tâm trạng đang u ám cũng bừng sáng, hoàn toàn an tâm.
Nên thơ yên ả là vậy, nhưng xét tình hình thế giới, mười mấy năm nay Aomori luôn thu hút sự chú ý không nhỏ.
Nguyên nhân đương nhiên xuất phát từ vùng đất Ezo do Liên bang chiếm đóng, nằm ngay bên kia eo biển Tsugaru. Vùng đất này chính là biên giới phân chia Nhật Bản và Liên bang, tức Liên hiệp các quốc gia cộng sản hùng mạnh chiếm trọn nửa thế giới.
Ở Aomori, trong chương trình học môn Xã hội lớp Bảy có một phần đặc biệt xoay quanh lịch sử của Nhật Bản và Liên bang giai đoạn cận đại. Chúng tôi phải học để hiểu rõ chuyện đang xảy ra trên mảnh đất quê hương.
Giờ học vô cùng tẻ nhạt, nhưng không hiểu sao, tôi nhớ khá rõ những gì được dạy. Cuối tháng Mười năm 1945, Liên Xô chiếm đảo Hokkaido*. Sau khi Nhật Bản lấy lại quyền sở hữu vào năm 1950, đảo Hokkaido cũ, với tên gọi mới là Ezo, vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Liên Xô. Năm 1956, tại Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 20, Khrushchev* ra tuyên bố thành lập Liên bang, hợp nhất nước Nga và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Tây Á thành một khối. Nửa cuối năm 1960, các cuộc biểu tình theo chủ nghĩa dân tộc dâng cao trên lãnh thổ Ezo. Nhằm đối phó với tình
hình trên, Liên bang chấm dứt quan hệ ngoại giao với Nhật Bản vào năm 1975. Nhật Bản bị chia cắt thành hai vùng Nam Bắc cho đến nay... Những câu hỏi trong bài kiểm tra luôn lặp đi lặp lại, vì thế đến giờ tôi vẫn thuộc làu từng mốc thời gian trong lịch sử cận đại liên quan đến Liên bang.
À không, không hẳn chỉ nhờ giờ học hay bài kiểm tra.
Quan hệ ngoại giao đột ngột bị cắt đứt vào một ngày năm 1975, chia cắt Hokkaido và Honshu, nên ở khu vực này có nhiều gia đình đến giờ vẫn chưa thể đoàn tụ.
Rất đông bạn bè của tôi không được gặp mặt anh chị em họ, lắm đứa còn có ông bà kẹt ở Ezo. Tôi cũng có một người bác mất tích trong thời kì Bắc-Nam chia cắt.
Có lẽ vì thực tế tàn nhẫn ở ngay trước mắt, nên lịch sử cận đại cứ thế ăn sâu vào trí nhớ.
Và một thứ nữa. Là ngọn tháp.
Tôi sẽ kể về ngọn tháp.
Tôi yêu ngọn tháp.
Khi tôi ra đời, nó đã đứng sừng sững ở trung tâm Ezo. Tôi lớn lên, mỗi ngày đều ngước nhìn ngọn tháp ấy.
Từ thị trấn chẳng ra dáng thị trấn nơi chúng tôi sống, nhìn về phía Bắc, tôi thấy ngọn tháp trắng dựng đứng trên vùng đất Hokkaido xa xôi, mảnh như thanh ruột bút chì kim được đúc dài vô tận.
Bây giờ nhớ lại, khung cảnh đó vẫn đượm vẻ kì quái.
Ngày nào tôi cũng ngắm nó, vậy mà cảm giác lạ lùng không hề vơi đi. Ngọn tháp cao khủng khiếp. Nó lôi tuột ánh nhìn của người ta lên cao
như phẩy một nét vẽ thẳng tắp, vươn xa mãi, xa mãi, càng lên cao càng mảnh, rồi mất hút. Không có đỉnh. Không, thực tế là có, nhưng nằm ngoài tầm mắt.
Khi còn nhỏ, tôi thường tưởng tượng cảnh ngọn tháp vươn tới vũ trụ, kết nối với hành tinh khác. Nó thực sự khiến người ta có cảm giác ấy. Từ bán đảo Tsugaru nơi tôi sống, miễn trên đầu là khoảng không, chỉ cần nhìn về phía Bắc là sẽ thấy ngọn tháp. Ngọn tháp luôn ở đó, cũng hiển nhiên như mặt trời, trăng, sao và mây.
Nếu có điểm gì khiến nó khác mặt trời hay những vì sao, thì đó là tính chất nhân tạo rành rành, muốn đến vẫn đến được. Mặc dù trên thực tế nó thuộc phần lãnh thổ đang trong tình trạng căng thăng vì tranh chấp quân sự của quốc gia khác, rất khó tiếp cận.
Vậy mà tôi từng muốn đến...
... ngọn tháp đó.
Bất chấp tất cả.
Một trong những lý do khiến ngọn tháp để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi cũng như nhiều người khác, là chúng tôi hoàn toàn không biết nó được dựng lên với mục đích gì.
Một tồn tại không rõ lai lịch, nhưng mang lại cảm giác vô cùng choáng ngợp.
Mọi người, hay chính tôi, đều lãng mạn hóa nó.
Đương nhiên người ta không bỏ cả núi tiền xây một tòa nhà chỉ để cổ vũ chủ nghĩa lãng mạn mà chẳng dùng cho mục đích thực tiễn nào. Liên bang có lý do khi xây nó. Nhất định là có.
Đúng, ắt là một động cơ khủng khiếp. Nằm ngoài sức tưởng tượng. Hoặc một mục đích vĩ đại. Hào nhoáng. Đầy quyền năng, có thể thay đổi vạn vật...
Những phỏng đoán nảy sinh từ chỗ vô tri, lớn dần thành niềm khao khát. Ý nghĩ “muốn đến” chuyển sang “phải đến”, cuối cùng trở thành “không đến không được”. Câu hỏi “Ở đấy có gì nhỉ?” được thay thế bằng lời khẳng định “Ở đấy có gì đó!”. Chắc chắn trong ngọn tháp có một bí mật tồn tại vì tôi, sẽ thay đổi toàn bộ thế giới của tôi.
Mình phải tới ngọn tháp. Tôi hạ quyết tâm. Rồi ý nghĩ ấy trở thành lý tưởng không gì lay chuyển nổi. Tôi tin nó chứa đựng mọi tiềm năng của bản thân. Một khi chưa đến đó, tôi không thể đi đâu khác. Nếu không đặt chân tới tháp, tôi sẽ mất hết những cơ hội lẽ ra thuộc về mình. Tôi sẽ chẳng làm nên chuyện gì, biến thành kẻ sống mòn mỏi qua ngày, dần dần tàn lụi trên con đường thẳng không lối rẽ...
Xung quanh còn rất nhiều người ngưỡng vọng ngọn tháp, nhưng có lẽ ít ai thấy ám ảnh vì nó như tôi. Dẫu sao tôi vẫn hoàn toàn tin tưởng nhận định của mình.
Và Takuya là một trong số ít người có suy nghĩ tương tự.
Đến giờ tôi vẫn hơi giận Sayuri, dù chỉ một chút, quả thật không hơn thoáng dư âm nằm sâu trong tâm trí.
Nói ngắn gọn, sự xuất hiện của Sayuri đã khiến tình bạn giữa tôi và Takuya thành ra gượng gạo, đó là sự thật không thể phủ nhận. Nhà tôi ở khu Minmaya trong thị trấn Sotogahama, ngay cạnh chùa Gikeiji, nơi nổi tiếng với truyền thuyết về Miyamoto no Yoshitsune*. Nhà Takuya cũng ở Minmaya, chỉ cách nhà tôi khoảng mười phút đi bộ. Vậy
mà đến khi vào cấp hai chúng tôi mới biết nhau. Chúng tôi học khác trường tiểu học, vì ranh giới phân chia đối tượng nhập học nằm ngay giữa hai nhà.
Tôi học trường Minmaya, Takuya học trường Imabetsu. Vì thế tôi và cậu không phải bạn từ nhỏ. Chúng tôi chỉ chơi với nhau trong ba năm cấp hai. Nhưng trong lòng tôi, cậu luôn chiếm vị trí đặc biệt hơn so với những đứa bạn khác, bây giờ vẫn thế, dù tôi đã ngoài ba mươi.
Tôi và Takuya gặp nhau lần đầu khi lên cấp hai, học cùng lớp. Vào ngày khai giảng, từng người trong lớp đều phải giới thiệu bản thân. Có điều tôi hoàn toàn không nhớ cậu đã nói gì, hay hai thằng làm quen như thế nào. Tôi chỉ nhớ chúng tôi bắt đầu chơi với nhau nhờ những chiếc phi cơ. Giữa chúng tôi luôn có sự hiện diện của phi cơ. Chuyện xảy ra trước kì nghỉ hè, hình như vào tháng Sáu. Đã quá quen với kiểu mỗi giáo viên dạy một môn ở cấp hai và bắt đầu thấy chán, tôi mở cuốn tạp chí máy bay ra, đặt dưới ngăn bàn để đọc.
Bỗng nhiên, gáy bị đập một cái.
Gì thế...
Tôi bực mình quay lại, thấy đứa ngồi sau để mẩu tẩy chì trên lòng bàn tay trái, chuẩn bị búng đi bằng ngón giữa tay phải. Thằng này thấy tôi quay xuống bèn nhe răng cười.
Tôi khá bất ngờ, vì đó là Shirakawa Takuya.
Có một kiểu người không cần bày trò gây chú ý vẫn nhanh chóng trở thành ngôi sao sau khi nhập học. Shirakawa Takuya chính là người như vậy.
Cậu ta đẹp trai, dư sức thu hút con gái. Không những thế, cậu còn có vẻ
chững chạc, ra dáng người lớn. Nói chung là toát lên phong thái lôi cuốn người đối diện. Cực giỏi thể thao, thành tích học tập tốt không tưởng. Tôi nghe đồn cậu còn đứng nhất toàn khối trong cả bài kiểm tra học lực đầu năm học lẫn đợt thi giữa kì. Về sau tôi đã chính miệng hỏi, và cậu xác nhận là đúng.
Hóa ra “con nhà người ta” là có thật.
Nghĩ thế, tôi ngạc nhiên, thực lòng còn ngưỡng mộ cậu, nhưng chỉ dừng lại ở mức đó.
Tôi thì nhìn thế nào cũng khác xa kiểu “con nhà người ta”. Không phải tôi không có điểm mạnh, nhưng đụng đến điểm yếu là tôi hoàn toàn vô dụng, mà số lượng sở đoản lại nhiều hơn sở trường. Cho nên dù ở gần người như Takuya, tôi cũng coi như cậu thuộc về thế giới khác hẳn, chẳng muốn so đo.
Vậy mà Takuya lại đột nhiên chủ động trêu tôi. Thật không hiểu vì lý do gì.
Giờ học kết thúc, cậu lập tức đứng dậy, đi thẳng tới chỗ tôi. “Cái đó là tạp chí máy bay phải không? Cho tôi xem với.” Nói đoạn, cậu giơ tay chỉ cuốn tạp chí hơi thò ra khỏi ngăn bàn.
Tôi ậm ừ “ờ” một tiếng, lôi cuốn tạp chí dày cộp gáy đóng ghim ra đưa cho cậu. Takuya đứng tại chỗ, một tay cầm cuốn tạp chí, tay còn lại thoăn thoắt lật từng trang. Thật là, tên này làm gì trông cũng bảnh!
“Tôi thích loại cánh ngược cơ,” cậu nói. “Dù với người mê máy bay thì gu của tôi chắc hơi xoàng. Nói thế nào nhỉ, cảm giác khá hay ho, kiểu lạ mắt ấy.”
“À, tôi hiểu.” Tôi đáp. “Giống F-16FSW. Nhìn trên ảnh khác hẳn loại F-
16 bình thường, nhưng cái khác ấy lại hay hay.”
“Công nhận. Mẫu S-37 Sukhoi nữa, thiết kế khá độc đáo.” “Mẫu Thần sấm số 2 cũng thế.”
“Chiếc đó xịn thật.” Cậu cười. Nụ cười rất chân thành. “Còn YF-22 và 23, cậu thấy sao?”
Đó là hai mẫu phi cơ thử nghiệm, đang được cân nhắc cho vai trò dòng máy bay chiến đấu chủ lực tiếp theo của quân đội Mỹ.
“Tôi thích con 23 hơn.” Tôi đáp.
“Cậu thích cánh đuôi chữ V hả?”
“Chính xác. Sao cậu biết?”
“Vì tôi cũng thích loại đó.”
Mình và tên này có thể làm bạn. Lúc đó tôi đã tin chắc như vậy. Cậu hỏi tiếp, “Cậu khá thích máy bay nhỉ?”
Tôi khoe, “Tôi còn lắp máy bay nữa cơ. Ở nhà. Mô hình thôi nhưng bay được đấy.”
“Cái gì!? Thật không?” Cậu có vẻ kinh ngạc tột độ. “Này, cậu nói thật hả? Sao không bảo sớm? Tôi đến xem luôn hôm nay được chứ?” Cậu chủ động đề nghị, quá đột ngột, khiến tôi hơi khựng lại, “Hôm nay à... Cậu phải đến câu lạc bộ mà, tôi cũng thế.”
“Bỏ một buổi có sao đâu.” Cậu đáp không suy nghĩ. “Câu lạc bộ ngày nào chẳng đến tập được, chứ mong muốn xem máy bay mà không thực hiện luôn thì sẽ nguội mất. Tôi chúa ghét vụ đó. Khỏi nói nhiều nữa, hết giờ học nhớ dẫn tôi đi xem đấy.”
Kết quả là hôm đó, tôi bỏ buổi tập ở câu lạc bộ bắn cung vừa đăng kí tham gia để đưa Takuya về nhà. Có lẽ chính những lời “không thực hiện
luôn thì sẽ nguội mất” của cậu đã khiến tôi đổi ý.
Bởi tôi cũng quan điểm như vậy.
Tôi thuộc kiểu nghĩ mà không làm ngay là thấy bứt rứt. Tôi chẳng thể dành thời gian nuôi dưỡng ý tưởng cho tới khi chín muồi. Định làm gì mà không bắt đầu luôn là khó chịu, nên tôi sẵn sàng bỏ qua ăn, ngủ, hay bài tập về nhà. Cũng vì thế mà tôi gặp không ít thất bại lãng xẹt, nhưng tôi chưa từng nghĩ đến chuyện sửa cái tính này.
Ở góc vườn nhà tôi có một nhà kho bằng gỗ đã cũ mà tôi vẫn tiện miệng gọi là gara, tuy cũng thấy thẹn vì nói quá. Tôi vừa kéo cánh cửa cuốn kêu cọt kẹt lên, Takuya liền cảm thán.
“Chà!” Cậu tròn mắt trầm trồ. “Chỗ này oách thật đấy!”
“Thế à?” Tôi hơi ngượng. “Không phải mọi thứ đều do tôi làm ra đâu.” Gara này vốn thuộc về bác tôi. Bác là anh trai của bố tôi. Tôi chưa gặp ông bao giờ, nhưng luôn cảm thấy thân thiết. Vì bác là người đam mê máy bay.
Bác tôi là sĩ quan Lực lượng Phòng vệ Trên không, mất tích trong thời kì bất ổn sau sự kiện Bắc-Nam chia cắt năm 1975. Khi đó tôi còn chưa ra dời. Nếu chưa hi sinh, chắc ông vẫn đang ở đâu đó bên Liên bang.
Hoàn cảnh ấy khiến bố tôi trở thành người thừa kế căn nhà. Ngay từ lúc đó gara này đã ngổn ngang đồ đạc. Trong gara đầy mô hình thu nhỏ hay mô hình điều khiển vô tuyến* của vô số mẫu phi cơ trên thế giới, bộ phận máy bay thật từ cánh quạt, kính chắn gió đến cần lái, rồi bản vẽ thiết kế, bản vẽ chi tiết, linh kiện lắp ráp máy bay mô hình... Thậm chí có cả máy tiện, máy khoan bàn*, máy dập. Với tôi, đó là một núi báu vật. Bố hoàn toàn không hứng thú với máy bay, tôi lại là con một, nên có thể độc chiếm những gì bác để lại theo nghĩa đen.
Từ bé tôi đã coi gara là sân chơi. Gọi nó là phòng riêng của tôi cũng chẳng phải nói quá. Tuy không thể ngủ lại vì gió lùa, tôi vẫn dành khá nhiều thời gian còn lại trong ngày ở đây. Lúc đó tôi có thể ở bên bộ sưu tập của mình.
Trước khi vào tiểu học, tôi đã mê mệt máy bay và mô hình phi cơ. Ở trường, tôi luôn chọn làm máy bay trong giờ thủ công, khi không có bài tập tôi cũng sẽ chế ra kiểu máy bay nào đó. Máy bay giấy, mô hình bay tự do chạy bằng động lực cao su, máy bay lông chim, đủ loại. Tôi cẩn thận bày từng sản phẩm của mình lên giá gỗ trên tường gara, sẵn sàng cho chúng bay bất cứ lúc nào. Tất nhiên tôi làm cả mô hình RC, đến khi không thỏa mãn với mô hình nữa, tôi tự chế tạo một chiếc máy bay mới theo thiết kế của riêng mình, chỉ tận dụng động cơ có sẵn. Đó là một cỗ máy mạnh mẽ sử dụng động cơ bốn kì, thay vì chạy bảng điện. Tôi hoàn thành nó vào năm ngoái, lúc học lớp Sáu.
“Cậu tự chế ra mấy cái này ấy hả? Siêu thật đấy.”
Takuya bước vào, háo hức nhìn quanh với nét mặt phấn khích. Trông cậu giống hệt đứa trẻ con đứng trong tiệm đồ chơi. Mà thật ra vẻ mặt kia không khác gì biểu cảm của tôi mỗi khi đặt chân vào cửa hàng bán mô hình. Tôi hết sức bất ngờ. Bình thường Takuya luôn tỏ ra chững chạc như người lớn. Tôi cứ nghĩ cậu là thằng con trai không bao giờ hấp tấp, bình tĩnh trước mọi việc, trầm lặng như tượng Phật.
Vì thế, khi phát hiện khía cạnh mới mẻ ở cậu, tôi vừa ngạc nhiên, vừa thấy thân thiết.
Không, đâu chỉ ở mức độ thân thiết. Giây phút đó, tôi đã hoàn toàn bị cậu thu hút.
Takuya sục sạo khắp gara không chút khách sáo, chỉ vào từng mẫu vật
trong bộ sưu tập rồi bắt tôi giới thiệu. Đương nhiên, tôi đáp lại rất nhiệt tình. Mẫu đó ra đời bao giờ, xuất phát từ ý tưởng thế nào, gây khó khăn gì trong lúc thực hiện, hoặc mất bao nhiêu tháng mới xong, bộ phận này có được từ đâu...
Tôi vốn luôn muốn chia sẻ với ai đó về những gì đã làm được, khao khát tìm ra người hiểu đúng giá trị của từng thứ mình sáng tạo. Tôi mang tác phẩm hoàn thành năm ngoái ra ngoài, đưa Takuya bộ điều khiển, lấy đường ruộng gần nhà làm đường băng cho nó cất cánh. Quanh chỗ này chỉ có lác đác vài căn nhà, là nơi lý tưởng để chạy thứ máy bay mô hình.
Khi chiếc máy bay rời khỏi mặt đất, chúng tôi đồng thanh hét lên. Tôi luôn kích động khi cho phi cơ bay, và có lẽ sẽ chẳng bao giờ quen được với việc đó.
Lần nào cũng vậy, cơ thể tôi run lên khi nhìn đôi cánh nhân tạo cứng nhắc bay trên trời. Dù quan sát vào thời điểm nào, cho nó bay lên bao nhiêu lần, cảm giác kì lạ ấy vẫn vẹn nguyên, rạo rực lan tỏa khắp sống lưng.
Không cần giải thích cặn kẽ Takuya vẫn biết cách thao tác, cậu còn lập tức nắm được mấu chốt để điều khiển máy bay theo ý mình. Từ phía trên, bộ động cơ nhỏ bé truyền xuống mặt đất nơi chúng tôi đứng xung động của không khí ở tầng cao. Chiếc phi cơ cầm được bằng hai tay khi bay cao, khi xuống thấp, thong thả lượn vòng trên bầu trời vời vợi, loáng thoáng những đám mây nhuốm màu cam.
Hôm đó chúng tôi cũng thấy ngọn tháp mảnh trên đất Ezo rõ mồn một. Takuya cho phi cơ bay về phía Bắc, liệng theo đường tròn hẹp như thể quấn quanh ngọn tháp.
Khoảng không trên đầu đậm mà trong, vòm trời tròn như ống kính máy ảnh, khiến tôi thấy lòng nhẹ bẫng như bị bầu khí ấy hút lên. “Giờ cậu đang làm dở cái nào? Định làm gì tiếp theo?”
Takuya ngồi xuống chiếc ghế đẩu tròn cạnh bàn vẽ, cất tiếng hỏi. Tôi vừa lau chùi mô hình RC vừa ậm ừ đáp.
“Mới ở giai đoạn lên ý tưởng thôi, tôi chưa bắt tay vào làm. Tôi đang nghĩ đến mấy thứ khá rắc rối. Chẳng biết cụ thể nên bắt đầu từ đâu, có vẻ không khả thi lắm.”
“Gì chứ, bí mật à.”
“Không hẳn là bí mật..” Tôi thoáng ngập ngừng. Tôi muốn làm phi cơ biến hình trong lúc bay.”
“Biến hình? Như F-14* ấy hả?”
“À, kiểu đó cũng hay. Nhưng mà...” Tôi định không nói vì sợ cậu cười cợt, nhưng rồi lại quyết định tiết lộ. “Tôi muốn một chiếc hoành tráng giống X-wing trong Star Wars* cơ.”
Takuya không cười, nhưng có vẻ hơi sốc, “Cái đó cũng bay được hả?” “Tôi bảo ‘giống’ thôi mà. Bắt chước y chang thì không bay được đâu. Ý tôi không phải thế... Nói sao nhỉ. Kiểu vừa bay vừa thay đổi hình dạng ấy, đẹp, lại còn ngầu.”
“Ừm...”
“Nhưng muốn biến hình mà không tính đến khí động học thì cũng chẳng đâu vào đâu. Tạm thời tôi vẫn đang cân nhắc...”
Tôi cất mô hình RC lên giá, bước tới chỗ Takuya, cầm lấy cuốn sổ để mở trên bàn vẽ. Đó là tập phác thảo tôi dùng để ghi lại những thứ nảy ra trong đầu. Tôi lật cuốn sổ, mở trang ghi chép về máy bay biến hình rồi đặt
xuống bàn.
“Tôi đã có vài ý tưởng thiết kế tổng thể. Vấn đề là cơ cấu điều khiển. Thử bao nhiêu cách mà chỉ thu được mấy mớ bòng bong rối tung. Tôi đang lo không làm được cái đó...”
“Này, cho tôi mượn bút chì.” Nãy giờ Takuya ngồi im như tượng xem bản phác thảo, mãi mới lên tiếng, tay với lấy cây bút chì B trong ống bút. Cậu lật trang mới, bắt đầu hí hoáy vẽ.
“Cậu vẽ gì thế?”
“Ở yên đấy chờ tôi.”
Tôi định ngó vào cuốn sổ, cậu liền dùng tay che. Có vẻ cậu không thích để người khác xem thứ đang vẽ dở.
“Cậu thấy cái này thế nào?”
Một lúc sau, cậu đẩy cuốn sổ sang, lúc ấy tôi mới biết được nội dung bức vẽ.
Nó khiến tôi kinh ngạc. Trên trang giấy là những ý tưởng cho bộ phận điều khiển, giúp hiện thực hóa thiết kế của tôi. Cậu vẽ nháp bằng tay không nên phần chi tiết bị lược bỏ, nhìn qua chỉ như tờ giấy lộn. Nhưng khi đọc kĩ những diễn giải bên cạnh, tôi biết đây là thiết kế khá khả thi và sáng tạo. Cơ cấu này cho phép thay đổi hình dạng, đồng thời điều chỉnh trọng tâm giúp ổn định chuyển động trong quá trình bay. Quả là một hệ thống thanh thoát.
Tôi trầm ngâm một lúc rồi nhìn Takuya chằm chằm.
“... Cái này thực sự dùng được đấy.”
“Còn phải nói, tôi vẽ ra để dùng mà.” Takuya tỉnh bơ đáp. Tôi khá sốc, dẫu không muốn thể hiện ra mặt. Tôi vốn rất tự tin về lĩnh
vực này, đừng nói bạn cùng tuổi, ngay cả người lớn trong giới chơi mô hình cũng ít ai đủ khả năng đọ với tôi. Vậy mà cậu lại giải được bài toán mà tôi không sao tìm ra đáp án suốt một, hai tháng nay trong nháy mắt. Sững sờ hồi lâu, tôi thốt lên, “Cậu là thứ gì vậy?”
“Bố tôi chuyên làm mấy việc liên quan đến thiết kế cơ khí kiểu này mà. Nhờ làm chân sai vặt của ông, tôi cũng biết tự cắt kim loại rồi đủ thứ. Chẳng phải tự mãn gì đâu, chứ mấy cuộc thi Robocon ở trường nghề với tôi chỉ là trò trẻ con.”
“Siêu thật...” Tới lượt tôi thốt ra câu nói mà cậu luôn miệng nhắc đi nhắc lại ngày hôm nay. “Cậu đúng là thiên tài...”
“Cứ khen thoải mái đi.” Takuya đắc ý cười nhăn nhở.
Phấn khích một hồi, tôi chợt nhớ ra.
“Nhưng mà...” Tôi nói. “Ờ, chỗ đó.”
Thiết kế của Takuya có một vấn đề. Đương nhiên, cậu cũng biết rõ. Tôi thở dài nói nốt, “Hệ thống phức tạp thế này, gần như không thể chế tạo theo tỉ lệ mô hình...”
“Cũng phải.”
Ý tưởng cậu vẽ ra quá tinh xảo, yêu cầu độ chính xác rất cao, quả thật khó chế tạo ở kích thước mô hình.
“Làm máy bay thật thì còn có thể...” Tôi bâng quơ nói, giật mình vì những lời vừa thốt ra.
“Được đấy. Đã thế thì chế hẳn máy bay thật đi. Dùng máy tính điều khiển.” Takuya thản nhiên nói.
Máy bay thật ư... Khi lỡ miệng nói ra tôi đã giật mình, nhưng nghĩ lại mới thấy, tại sao trước giờ tôi không có dự định hay ý muốn chế tạo phi
cơ thật nhỉ? Quả là khó hiểu.
Làm máy bay thật...
Đúng rồi, giờ mình có thứ kia mà.
Suy nghĩ đó khiến tôi phấn khích, say mê theo cách chưa từng có. “Này, tôi có chuyện muốn bàn.”
Takuya lên tiếng. Tôi quay sang nhìn cậu.
“Gì?”
“Hết kì nghỉ hè là đến lễ hội trường nhỉ? Lấy đó làm thời hạn, tôi với cậu chế tạo cái gì đi?”
“Ờ, được đấy.”
Đây là ý tưởng hay. Có lẽ tôi cũng hơi nản khi cứ một mình đưa ra quyết định, một mình tiến hành mọi thứ. Tôi hỏi, “Nhưng cậu bảo nên làm gì đây?”
“À...” Cậu cười tươi. “Cái mà cả tôi và cậu đều chưa làm bao giờ.”
Chúng tôi quyết định chế tạo phi cơ phản lực điều khiển bằng sóng vô tuyến. Trước giờ tôi mới làm máy bay cánh quạt, chưa làm chiếc nào chạy động cơ phản lực dùng cho mô hình.
Nghe tôi nói vậy, Takuya đáp “Chính thế”, tay trỏ vào mặt tôi. “Nhưng động cơ phản lực dùng cho mô hình đắt lắm đấy. Hét giá sơ sơ đã hơn một triệu còn gì. Đồ cũng phải vài trăm nghìn.”
“Dĩ nhiên là tôi biết.” Mặt Takuya tỉnh queo.
“Rồi cậu định làm thế nào?”
“Không nhất thiết phải mua, kiếm nguồn rồi xoay xở đem về là được đúng không?”
“Cậu nói cái gì thế? Kiếm nguồn với xoay xở là sao?”
“Thôi, chuyện đó để tôi lo. Tôi có cách rồi.”
Vài hôm sau, vào Chủ nhật, Takuya mang động cơ phản lực dùng cho mô hình đến nhà tôi thật. Trên poocpaga xe cậu còn chở một can nhựa nhỏ dựng nhiên liệu dùng cho máy bay phản lực. Động cơ cậu mang đến không phải đồ mới, rõ ràng đã qua sử dụng, nhưng là hàng do Tây Đức sản xuất nên chất lượng cực tốt. Chính là chiếc động cơ khiến tôi thở dài thèm thuồng mỗi khi xem ảnh trong catalô.
Tôi dành khá nhiều thời gian vuốt ve, tận hưởng bề mặt mát lạnh của kim loại, ngắm nghía từ mọi góc độ, tán thưởng hình dáng đẹp hoàn hảo không chút dư thừa của nó. Mùi nhiên liệu xộc vào mũi cũng khiến tôi mê mẩn. Lùa ngón tay qua những rãnh xoắn tròn ở cửa lấy khí của động cơ, tôi có cảm giác một dòng điện vừa chạy khắp người. Thì ra trên đời có thứ xinh đẹp, quyến rũ nhường này. Tôi suýt quên mất cả thời gian lẫn Takuya ở ngay bên cạnh.
Một lúc sau, tôi thình lình quay sang hỏi cậu, “Nhưng này, làm thế nào cậu có được nó?”
Cậu thoáng bối rối, “À, chuyện đó... Muốn nghe tôi kể không?” “Thôi đi, cậu đã làm gì?”
“Nói ra cũng được, nhưng tôi nghĩ cậu không nên hỏi đâu. Nếu biết, cậu sẽ phải dùng nó trong mặc cảm tội lỗi đấy.”
“Ý cậu là...”
Có vẻ Takuya đã dùng phương thức không đứng đắn cho lắm để lấy được thứ này. Chắc mặt tôi lúc đó rất nhăn nhó. Takuya thì chẳng buồn
mặc cảm, hào hứng nói tiếp, “Kệ đi. Dù sao cũng mang đến đây rồi. Nó muốn bay trên trời chứ không thích nằm chết gí trong kho đâu.” Nói đoạn, cậu gõ “boong boong” lên động cơ. Câu trả lời đó đã chấm dứt màn chất vấn, tôi không hỏi thêm gì nữa.
Sau này tôi dần hiểu ra, ở Takuya có một phần hư hỏng khác xa vỏ bọc học sinh ưu tú thường thấy. Tôi không rõ nó thuộc về bản chất, hay cậu chỉ cố tỏ vẻ phá phách.
Có thể kể ra vài ví dụ, hút thuốc lá là một trong số đó. Dù mới học lớp Bảy, cậu đã nghiện thuốc khá nặng.
“Tôi phải đóng vai con ngoan trò giỏi mà. Căng thẳng tích tụ. Cậu coi như không biết đi?”
Cậu nói thế khi chúng tôi đang đo kích thước động cơ, miệng nhả khói dù chẳng có vẻ ngon lành cho lắm. Takuya là đứa cẩn thận, những người xung quanh tuyệt nhiên không biết cậu hút thuốc. Nhưng trước mặt tôi, Takuya lại bình thản hút hết điếu này tới điếu khác.
Vì chuyện này, tôi phải hết sứt chú ý không để tóc tai hay quần áo bị ám mùi, kẻo bố mẹ và thầy cô nghi ngờ.
“Cậu biết bàn là hơi nước dùng để làm phẳng nếp nhăn trên áo vest chứ? Lấy cái đỏ ủi qua là hết mùi thuốc ngay.”
Nghe lời Takuya, ngày nào tôi cũng mượn bàn là của bố, ủi một lượt quần áo đồng phục. Cũng nhờ vậy, suốt ba năm cấp hai chơi với Takuya, tôi là một thanh niên khá tươm tất.
“Con ngoan trò giỏi trông thế mà mệt nhỉ...” Tôi thở dài, lầm bầm. “Nhưng tôi vẫn muốn thử làm học sinh ưu tú một lần xem sao, có tí áp lực cũng được.”
“Tôi nghi ngờ câu đó đấy.” Takuya bỏ tàn thuốc vào chai trà Ô Long rỗng, cười thăm dò. “Cậu chẳng bao giờ có ý nghĩ ấy, chỉ giỏi khoác lác.” “Sao lại không? Tôi muốn thử thật mà.”
“Không, cậu không nghĩ thế. Tôi biết mà.” Takuya tự tin khẳng định. “Tôi thấy cậu mới đáng ghen tị.”
Câu nói tiếp theo của cậu làm tôi hơi bất ngờ, “Sao tôi lại đáng ghen tị?”
“Cậu chỉ làm việc muốn làm, thư thả theo cách riêng. Mặc kệ xung quanh nói gì, cậu cứ là chính mình. Tôi thích thế lắm, nhưng người như tôi không giỏi sống kiểu đó.”
“Vậy à...”
Giọng Takuya trầm lắng khác thường, khiến tôi cũng chùng xuống đôi chút.
“Tôi nổi bật đúng không? Chắc phải đến mức hơi chướng mắt.” “Ừ.” Tôi thành thật đáp. Đúng là cậu làm gì cũng gây chú ý. “Nổi bật nghĩa là phải thuận theo ánh mắt hay đánh giá của người khác.
Bị ràng buộc, không hành động theo ý mình. Trông thế mà mệt lắm đấy.” “Ừm.”
Tôi lẩm bẩm. Đây là lần đâu tiên tôi nghe điều này. Hóa ra thế giới của mỗi người lại khác nhau. Chỉ cần góc nhìn thay đổi, dù ở cùng không gian, cùng trường học, cảm nhận về mọi thứ vẫn chênh lệch rất nhiều.
“Cho nên từ đầu năm học tôi đã để ý đến cậu. Tôi thấy cậu vừa hợp tính, vừa đáng sợ. Cứ bảo nhạt nhẽo, không nổi bật, nhưng nhãng đi một cái là có thể làm ra chuyện vĩ đại gì đó, ở cậu có kiểu áp lực như thế đấy. Thành ra tôi chợn.”
“Ừ, vậy à.” Tôi nhìn xuống bộ động cơ, loay hoay thao tác, giọng nhát gừng. Thật ra trong thâm tâm, tôi vô cùng xúc động.
Takuya nói về điểm yếu của mình vô tư như kể chuyện phiếm. Cậu đem lại cảm giác kì lạ mà trước nay tôi chưa từng gặp. Cách nói chuyện không câu nệ cũng khiến tôi bất ngờ.
Tôi vốn thật thà, hay ít nhất, không phải loại người quá phức tạp. Còn cậu đã sớm biết tạo vỏ bọc làm hài lòng người khác rồi tùy ý gỡ nó xuống khi muốn sống thật với bản thân. Với tôi, việc đó thực sự đáng kinh ngạc và vô cùng mới mẻ.
Quả thật ở Takuya có những điểm thu hút tôi rất mạnh mẽ. “Nhưng mà, hút thuốc có hại cho sức khỏe đấy.” Tôi nghĩ mình nên nói gì đó, bèn đưa ra lời cảnh báo chiếu lệ.
Takuya châm điếu thuốc mới với vẻ mặt hơi khó chịu, rồi đột nhiên nhoài người phả khói thuốc vào mặt tôi.
“Cậu làm cái gì thế hả!”
Tôi ho sù sụ, vừa dùng tay xua khói vừa nói. Takuya nở nụ cười thâm sâu kì lạ.
“Có sao đâu. Tôi với cậu cùng chết vì ung thư phổi là cùng.”
Chúng tôi có thể chọn làm mô hình theo tỉ lệ phi cơ thật, hoặc một khung máy chính thống với hình dáng tương tự.
Tôi hiểu rất rõ làm vậy nó sẽ bay. Tôi đã khá trầy trật tự học về khí động lực, cũng từng thiết kế và vận hành thành công máy bay của riêng mình, vì thế tôi có tự tin về điểm này. Điều tuyệt vời khi thiết kế phi cơ chính là, chỉ cần thiết kế chính xác, chế tạo đúng kích thước đã tính toán,
mô hình chắc chắn sẽ cất cánh thành công. Nếu nó không bay thì chỉ có hai nguyên nhân, hoặc thiết kế sai, hoặc kĩ năng thao tác không đủ. Tôi tự tin trong cả hai vấn đề đó. Không cần quá dụng công, sản phẩm của tôi vẫn bay được. Nhưng làm mãi theo lối đó cũng chán. Tôi muốn thử thách.
Tôi còn nghĩ, vật giống phi cơ bay trên trời là chuyện hiển nhiên. Tôi muốn tạo ra “vật thể bay có hình thù kì dị”. Tôi muốn thử làm một thứ mà chính mình cũng chưa chắc có thành công hay không.
“Kiểu cánh bay* thì sao?”
Takuya mở cuốn Fan Hàng không, chỉ bức ảnh bên trong. “Như chiếc này chẳng hạn. Trông giống UFO, mới lạ đấy chứ?”
“Hình dáng hay thật. Nhưng tôi thấy cũng dễ bay mà.”
“Cậu đúng là đồ lắm chuyện.” Takuya trợn một mắt, tỏ vẻ bó tay. “Muốn làm thứ bay được mà lại bảo không thích loại dễ bay.” “Chịu thôi, biết trước kết quả chán lắm.”
“Kiêu ngạo quá đấy.” Cậu nói qua khóe môi ngậm điếu thuốc cháy dở. “Có điều, tôi cũng hiểu cảm giác đó.”
“Cậu hiểu? Thật không?” Tôi hỏi.
“Tất nhiên là thật.” Cậu đáp. “Thứ chưa thấy bao giờ. Chuyện chưa biết. Trải nghiệm chưa từng có. Cảm giác chưa từng trải qua. Đấy cũng là những thứ tôi muốn. Trên đời chỉ có một thứ thực sự giá trị. Nói ngắn gọn chính là ‘vô tri’.”
“Nói thì nghe hay thật đấy...”
“Máy bay cánh tròn thì sao?”
“Cánh tròn à...”
Tôi thử cân nhắc lựa chọn này. Máy bay cánh tròn là loại phi cơ có cánh chính dạng vòng kín hoặc ống trụ. Vì cánh không có đầu mút, nên máy bay không gặp phải hiện tượng mất lực nâng ở cánh. So với cánh phẳng, diện tích mặt tiếp xúc của cánh tròn nhỏ hơn, thoạt nhìn khó mà bay được, nhưng tôi vẫn có thể làm cho chiếc cánh nhỏ đó bay. Nói cho dễ hình dung thì nó gần giống tên lửa. Chỉ là...
“Có vẻ khó đây...” Tôi buột miệng.
“Đúng ý cậu còn gì?” Takuya chộp ngay câu này để chặn họng tôi. “Quyết rồi nhé.”
Và từ hôm đó, chúng tôi bắt đầu vẽ thiết kế. Takuya vốn không biết nhiều về khí động lực, nhưng sau một đêm, cậu đọc hết ba cuốn sách chuyên môn tôi cho mượn và đạt đến trình độ có thể chế tác mô hình mà chẳng gặp khó khăn gì cả. Chỉ mất một đêm, cậu đã tiếp thu hết những kiến thức mà tôi mất khá nhiều thời gian mới học được. Tố chất thiên tài thật đáng gờm. Tôi phát hoảng, gần như sợ hãi khả năng của cậu, nhưng có bạn bè cùng trình độ hiểu biết quả là điều đáng quý. Đó là lần đầu tiên tôi gặp một đứa bằng tuổi dùng máy tiện hay máy phay ngang cơ.
“Nhà tôi cũng có cái máy thế này, với lại từ bé tôi đã thích chế tác. Giờ tay tôi vẫn còn đủ mười ngón là kì tích đó.”
Takuya nói, mỉm cười khiến khóe miệng tôi cong lên theo. Khi đã quá đồng cảm với nhau, người ta sẽ bật cười. Chuyện tay tôi còn đủ mười ngón cũng không khác kì tích là mấy.
Thiết kế khí động quả thật rất khó, nhưng cả hai đã xoay xở được. Đương nhiên, tôi và Takuya đều không thích thiết kế chỉ để bay. Chẳng những bay tốt, nó còn phải bay thật ngầu. Chúng tôi vẽ các ý tưởng ra giấy, sửa chỗ này, chỉnh chỗ kia, cuối cùng khi hoàn thành bản vẽ ưng ý thì
tháng Bảy đã qua.
Chúng tôi dùng sợi cacbon và gỗ balsa* làm thân máy. Lý do thì nhiều, nhưng chủ yếu là vì ở nhà tôi có sẵn cả núi, đến mức đủ đem bán. Từ tận đáy lòng, tôi vô cùng biết ơn người bác chưa bao giờ gặp mặt. Cùng ai đó chế tạo một thứ là việc rất vui vẻ.
Suốt kì nghỉ hè, tôi và Takuya ở lì trong gara làm máy bay. Chúng tôi im lặng cắt tạo hình, gia công vật liệu bằng giấy nhám với bộ mặt nghiêm túc. Khi thực sự tập trung làm cái gì đó, người ta sẽ không nghe thấy bất cứ âm thanh nào, cũng chẳng thốt ra lời.
Ngay cả lúc ấy, tôi vẫn cảm nhận được sự hiện diện của người đồng sự bằng một giác quan khác, không phải tai hay mắt. Tôi không biết cảm giác của Takuya thế nào. Nhưng tôi đã hi vọng, và tin chắc, cậu cũng nghĩ như tôi.
Chúng tôi tán gẫu khi giải lao. Toàn chuyện lặt vặt, từ thành phần gia đình, chuyện về đứa nào đó trong lớp, đến chương trình ti vi ngày xưa thường xem.
Thỉnh thoảng, chúng tôi tạm gác việc chế tạo lại, lên tàu vào thành phố Aomori chơi. Mua sắm, ăn uống ở cửa tiệm trong trung tâm thương mại bên trên nhà ga, đi bơi. Tôi không hề cảm thấy hào hứng một cách vô cớ như những lần đi chơi với bạn mới quen. Tôi và Takuya hợp nhau như thể hai thằng đã làm bạn nhiều năm nay.
Tới ngày 20 tháng Tám, thời điểm kì nghỉ hè ngắn ngủi ở Tohoku kết thúc, thân máy gần như đã hoàn thiện. Hội trường diễn ra vào ngày 25 tháng chín, vậy là chúng tôi dành trọn tháng còn lại để sơn máy, tinh chỉnh và bảo dưỡng động cơ.
Chúng tôi chọn màu xanh dương cho thân máy bay.
“Màu xanh tạo cảm giác nhanh nhất.”
Takuya nói. Tôi ồ lên trầm trồ. Cậu bảo vậy thì chắc phải có bằng chứng khoa học hay tâm lý học gì đó. Khi tôi hỏi, cậu trả lời. “Không, cảm quan cá nhân thôi.”
Tôi hơi thất vọng. Nhưng xanh dương là màu đẹp. Tôi rất thích màu xanh của đội phi cơ Blue Impulse*.
Tôi và Takuya thống nhất không tiến hành bay thử trước ngày hội trường. Khoe thứ mình biết có thể bay ngon lành cũng chỉ là trình diễn đơn thuần, hết sức nhàm chán. Nhàm chán trong mắt người xem, và hơn hết, là trong mắt hai kẻ trực tiếp làm ra nó như chúng tôi.
Chúng tôi muốn thử nghiệm thứ chưa rõ kết quả trước mặt mọi người. Dù vậy, nếu ai đó hỏi nó bay được không, câu trả lời chắc chắn là có. Chúng tôi đặt niềm tin tuyệt đối ở chiếc phi cơ. Bởi nó là tác phẩm do cả hai tạo ra, tôi và Takuya.
Chẳng có gì đáng tự hào, nhưng phải nói tôi là thằng đi đến đâu mang mưa đến đó. Từ xưa đã vậy, hễ tôi đi tham quan hay dự đại hội thể thao là mưa (thậm chí tuyết) sẽ rơi theo, vậy mà ngày hội trường năm đó lại nắng đẹp. Không trung trong vắt chẳng có lấy một gợn mây. Toàn bộ vòm trời nhuốm sắc xanh dương thăm thẳm của mùa hè.
Sáng hôm ấy, trên đoạn đường ngắn từ ga Minami Yomogita đến trường, tôi hơi ngẩng đầu nhìn trời rồi hít vào thật sâu. Quanh trường chúng tôi chỉ có đồng ruộng, vài căn nhà cùng mấy mảnh rừng nhỏ nằm rải rác. Núi non đều thấp và ở xa. Vì thế vào ngày nắng ráo, bầu trời trông rộng lớn đến choáng ngợp. Địa điểm và thời tiết đều lý tưởng cho phi cơ
cất cánh. Tôi vừa dõi theo chú chuồn chuồn ngô bay ngang tầm mắt, vừa thở sâu để kìm nén cảm giác hưng phấn.
Ba mươi phút nữa mới đến giờ sinh hoạt chung, nhưng Takuya đã có mặt trong lớp.
“Cậu đến muộn, Hiroki.”
“Tôi không muộn. Cậu đến sớm thỉ có.”
Xung quanh chỉ có hai đứa khác đang sửa lại phần trang trí phòng học. Lớp tôi mở hàng đồ ngọt, kiểu quán bán bằng phiếu ăn có ở khắp nơi. Takuya tiến tới chỗ tôi, nói nhỏ để hai đứa kia không nghe được. “Tôi lắp xong máy rồi.”
“Hả? Xong rồi? Cậu đến từ mấy giờ vậy?”
“Tầm một tiếng trước. Tại tôi bồn chồn không chịu được.” Chúng tôi đã tháo rời máy bay, mang dần từng bộ phận đến trường để sẵn từ mấy hôm trước. Tất nhiên bộ dụng cụ lắp ráp và nhiên liệu cũng vậy.
Không biết bằng cách nào, Takuya đã đến phòng giáo viên kiếm được chìa khóa nhà kho bằng gỗ bỏ trống sau trường. Nhà kho đầy cát lạo xạo, nhưng nằm ở góc khuất ít ai để ý, rất thích hợp cho cậu trốn ra hút thuốc. Chúng tôi giấu máy bay trong đó.
Chúng tôi giữ bí mật chuyện này với cả nhà trường lẫn bạn học. Nói cách khác, hai thằng đang đóng vai du kích.
Chúng tôi đặc biệt không để giáo viên biết. Chắc chắn họ sẽ nhặng xị tra hỏi vấn đề an toàn, còn tệ nhất sẽ cấm cản. Tôi và Takuya đều không thích bị người lớn giảng đạo, chưa kể bọn họ toàn là tay mơ chẳng biết gì về máy bay. Chúng tôi ghét bị người khác điều khiển.
Chúng tôi muốn tự trưởng thành, tự kiểm soát cuộc sống của mình. Về chuyện này, tôi và Takuya suy nghĩ giống hệt nhau, thật không khác gì anh em sinh đôi.
Giờ sinh hoạt chung kết thúc, lẽ hội chính thức bắt đầu. Tôi và Takuya tức tốc làm cho xong phần việc ở quầy hàng của lớp rồi chạy đi. Hai thằng lao ra khỏi phòng học, phớt lờ mọi hàng quán, chia nhau tiến hành khâu chuẩn bị theo đúng những gì đã bàn trước.
Thời gian cất cánh ban đầu là 1 giờ chiều, nhưng do lắp máy xong sớm nên chúng tôi quyết định đẩy lên một tiếng.
Tôi cầm chìa khóa Takuya đưa, ra nhà kho, cẩn thận xem xét máy bay đã lắp có sai sót gì không. Từ lúc chế tác chúng tôi đã thống nhất kiểm tra chéo từng chi tiết, Takuya kiểm tra sản phẩm của tôi và ngược lại. Hoàn toàn không vấn đề. Cậu lắp nó một cách hoàn hảo. Tôi cấp nguồn, cho chạy thử để kiểm tra những bộ phận cơ động như cánh liệng, cánh lái độ cao, càng bánh xe. Càng bánh xe bị rít nên tôi chỉnh lại.
Sau đó tôi châm lửa để làm ấm động cơ phản lực. Làm việc này trong nhà kho bằng gỗ không mấy rộng rãi là khá nguy hiểm, nhưng chẳng còn cách nào khác. Không khí nhanh chóng nóng sực lên. Mùi khí thải lan ra cả nhà kho nên tôi phải hé cửa. Gian nhà được dựng cẩu thả và bị gió lùa ở nhiều chỗ, nhưng trong hoàn cảnh này đó lại là sự may mắn.
Trong lúc ấy, Takuya chuẩn bị đường băng.
Khoảng đất trống sau tòa học xá của trường cấp hai chúng tôi học được trải nhựa, dùng làm bãi đỗ xe cho giáo viên. Trường ở nông thôn nên đất có thừa, bãi đỗ vừa rộng vừa thưa xe. Bãi đỗ xe thông ra một con đường tư thẳng tắp. Trừ những người có việc phải vào trường, tuyệt nhiên không ai đi qua đây.
Trong lần vào thành phố Aomori trước đó, Takuya đã mua dây ni lông vàng và đen ở siêu thị bán đồ gia dụng. Cậu căng dây giữa bãi đỗ xe làm tín hiệu cấm đường. Phải làm thế để không có người hay ô tô cắt ngang cung đường dùng làm đường băng. Đường băng nối liền con đường sau bãi xe. Chúng tôi sẽ dùng nó để kéo dài cự li nếu cần, dù theo tính toán, diện tích bãi xe đủ cho máy bay cất cánh. Sau này biết chuyện tôi mới buồn cười. Vốn tính tỉ mỉ, Takuya đặt cả rào chắn nhặt từ công trường xây dựng nào đó ở đầu đường, cẩn thận dựng thêm tấm biển bằng ván ép đề dòng chữ “Cấm lưu thông do tổ chức lễ hội trường”. Toàn đồ giả nhưng cũng khá ra trò.
“Cứ ra vẻ thản nhiên làm việc cần làm thì có phá luật cũng không bị nghi ngờ đâu.”
Lúc còn ở giai đoạn lên kế hoạch, nghe tôi bày tỏ mối lo bị phát hiện rồi ăn mắng nếu tự ý cấm đường, Takuya đã nói vậy.
“Cho nên tôi mới nhận, phụ trách vụ đường băng. Cậu khó tỏ ra đường hoàng khi đang mưu tính chuyện bất minh, đúng chứ?”
Đúng. Tôi đành gật đầu, nghe theo kế hoạch của cậu. Quả thật bộ mặt lúc nào cũng tỉnh bơ của Takuya rất hữu dụng. Khi tôi lỉnh kỉnh xách máy bay, bộ phát tín hiệu cùng hộp dụng cụ đến nơi, cậu đã chuẩn bị xong đường băng mà không bị ai phát hiện.
“Đây là điểm xuất phát.”
Takuya nói, dùng gót giày cao su vạch một đường vô hình trên mặt đường nhựa. Tôi nhẹ nhàng đặt máy bay xuống, châm lửa làm ấm động cơ lần nữa. Ngọn lửa gần như trong suốt, không ngả hẳn sang xanh hay đỏ bập bùng trong không khí. Thỉnh thoảng, mùi nhiên liệu máy bay cháy xộc vào mũi, khiến tôi không khỏi bồn chồn.
Lúc này chúng tôi đã thu hút kha khá sự chú ý. Khán giả bắt đầu kéo đến, trong đó có cả giáo viên. Trông ai nấy đều thong dong như thể họ không nhận ra đây là sự kiện chưa được cho phép. Không, có khi họ biết nhưng cố tình lờ đi.
“Ê, tên lửa à?” Một đứa bạn cùng khối mà tôi quen lên tiếng. “Không phải, máy bay đấy.”
“Làm gì có cánh.”
“Có chứ, trông thế thôi.”
“Bay nổi không? Hay lại kiểu trò đùa dùng một lần?”
“Mấy cậu cứ yên lặng mà xem. Takuya, bắt đâu luôn đi.” Bị dồn ép, tôi nóng nảy bảo.
“Đúng đấy. Chơi thôi.”
Takuya dang tay ra hiệu cho khán giả lùi về sau. Tôi cầm bộ phát tín hiệu lên, kéo ăng ten, gạt nhẹ cần lái. Động cơ điện servo* trong thân máy bay bắt đầu hoạt động, cánh liệng và cánh lái độ cao xòe ra. Mới thế mà đám đông đã bắt đâu xôn xao.
Tôi thở sâu, “Tôi bắt đầu đây.”
“Tới bến đi.”
Tôi gạt cần điều khiển van tiết lưu*.
Động cơ phản lực nhỏ đạp vào khoảng không đằng sau*. Chiếc máy bay chạy một đường thẳng như bị đẩy về phía trước. Tiếng kim loại cọ xát rít lên chói tai. Thân máy được chế tạo với trọng lượng nhẹ rung lên bần bật khi gặp từng vệt gồ ghề nhỏ trên mặt đường nhựa. Tuy lo lắng, tôi vẫn biết mình không được buông lỏng van tiết lưu lúc này. Tôi dồn hết sức tập trung, dùng ngón cái giữ chặt cần điều khiển.
Thật nhẹ nhàng, như thể được nâng bởi đệm khí, chiếc phi cơ vọt lên. Khoảnh khắc này luôn khiến tôi có cảm giác trái tim vừa được kéo lên từ tầng sâu.
Tôi đã cho máy bay cất cánh.
Chiếc máy bay này có sức mạnh khác hẳn những mô hình tôi thường điều khiển. Nó rất nhanh. Tôi cho nó chao lượn rồi bay ngược lại chỗ mình. Phi cơ phản ứng với các mệnh lệnh nhạy hơn tưởng tượng, không khỏi khiến tôi lạnh gáy. Cảm giác rùng mình quen thuộc chạy dọc sống lưng, lan khắp cơ thể, làm tê liệt mọi tế bào.
Tôi cho nó bay ngang qua tòa học xá, vòng ba vòng rộng trên không. Phải đến lúc đó tiếng hò reo lẫn âm thanh ở xung quanh mới lọt vào tai tôi. Tôi đảo mắt nhìn qua, thấy ai nấy đều đang ngẩng đầu nhìn trời như kẻ ngốc, một cảnh tượng hết sức kì quặc. Có những đứa ở tầng hai, tầng ba còn nhoài hẳn người ra khỏi cửa sổ mà ngó. Tôi đã khiến khá nhiều người chú ý.
Tôi chợt muốn nhìn máy bay ở cự li gần, bèn cho nó lượn xuống thấp như vờn qua mặt đất đúng một lần. Chiếc máy bay vụt qua trong chớp mắt, chỉ để lại tiếng động cơ êm êm nhờ hiệu ứng doppler*. Aaaaaaaaa.
Chính là cảm giác này.
Phải miêu tả thế nào đây. Liệu những người đứng xem có hiểu không. Cảm giác như có hai bản thân cùng tồn tại.
Lúc này, tôi vừa đứng trên mặt đất, vừa hóa thành chiếc máy bay nhỏ nương theo gió. Không phải tôi đang điều khiển phi cơ. Tôi vừa là tôi, vừa là chiếc máy bay. Tạm thời, trong tôi tồn tại hai năng lực. Chao lượn trên
bầu trời và đứng vững trên mặt đất. Tôi ngước nhìn mình bay trên không, đồng thời nhìn xuống mình đứng dưới đất. Sự tách biệt dễ chịu. Đa tầng hóa cái tôi. Tôi gửi gắm cảm xúc đến một “tôi” khác cùng lúc đón nhận xúc cảm từ cái tôi đố. Đây quả là trải nghiệm đặc biệt. Không phải nhân hóa, cũng không phải hợp nhất với đồ vật, mà là tách một phần bản thân để tạo ra năng lực mới.
Hai cái tôi ấy cùng chìm trong cơn say.
“Này, đừng có đứng đực ra thế.” Là giọng Takuya. “Đổi chỗ cho tôi.” Tôi ổn định chuyển động của máy bay, chuẩn bị chuyển giao bộ điều khiển.
Đổi người điều khiển khi phi cơ đang bay cần có kĩ thuật nhất định. Tôi giữ chắc cần lái bằng ngón tay, đưa nó cho Takuya đứng bên cạnh. Takuya ghì cần lái từ phía trên vị trí tôi đang giữ. Tôi lần lượt nhẹ nhàng thả ngón tay ra. Những động tác đó chỉ diễn ra trong tích tắc. Chúng tôi đã tập luyện rất nhiều lần, vì thế không gặp sai sót nào.
Sau khi rút tay về, tôi bần thần mất một lúc.
Buông bộ điều khiển ra, cuối cùng tôi cũng có thể bình thản chiêm ngưỡng chiếc máy bay. Khác hẳn máy bay cánh quạt, đường bay của nó sắc lẹm, kích thích mọi tế bào. Chiếc phi cơ với hình dáng mảnh và dài tựa tên lửa xuyên qua luồng gió. Bộ cánh tròn cắt không khí thành từng mảnh như dao nạo gọt vỏ trái cây. Tôi xúc động đến mức nổi da gà, tưởng như lớp vỏ của trái tim trong lồng ngực đang bị lột xuống sắc ngọt.
Tiếng hò reo hòa với tiếng kim loại rít lên từ động cơ rồi chìm mất. Cũng nhờ tiếng ồn chọc thủng màng nhĩ ấy mà không biết từ lúc nào, số người thò đầu khỏi cửa sổ ngó lên trời đã tăng lên. Đâu đó còn có tiếng vỗ tay.
Tôi nhận lại bộ điều khiển. Từng thớ thịt tự nhiên căng lên. Chuyển động của cần lái khuấy động cảm xúc của tôi lần nữa.
Tôi cao hứng cho nó bay tiếp một lúc.
Rồi linh tính không lành kéo đến. Tôi cảm nhận được sự bất thường rất khó diễn tả, giống như dấu hiệu báo trước cơn cảm cúm. Sau giây lát tôi mới nhận ra nguyên nhân. Phản ứng của máy bay không còn nhạy.
“Này, cậu có thấy lạ không?” Takuya vừa dứt lời, động cơ máy bay liền kêu “phụp” một tiếng.
“Hỏng rồi.”
Tôi vội vàng hạ độ cao, kéo phi cơ trở lại điểm xuất phát, nhưng đã muộn. Động cơ ngừng hoạt động. Máy bay đang liệng sang phía bên kia tòa học xá. Nó rơi xuống, mất hút khỏi tầm nhìn.
Rầm! Nó đâm sầm vào cái gì đấy.
“Nhà thể chất!” Tôi và Takuya đồng thanh hét, rồi cùng phóng đi. Chúng tôi vội vàng vòng ra sau tòa nhà, chạy đến bãi đất trống. Nhà thể chất ở đằng đó. Có vẻ máy bay đã đâm vào tường hoặc cửa sổ nhà thể chất. Hai thằng vừa đi vòng quanh vừa ngẩng đầu nhìn tường. Không thấy chiếc phi cơ đâu cả.
Nghe tiếng gọi tên cả hai ở đằng xa, chúng tôi quay lại, thấy vài người thò đầu ra từ cửa sổ tầng ba, tay trỏ nóc nhà thể chất.
“Ở trên đó hả trời!”
Tôi chạy về phía tòa học xá. Hình như Takuya bám theo ngay đằng sau. Chạy qua cửa lên cầu thang, vượt qua hai tầng nhà, chúng tôi lên đến tầng ba. Thế rồi cả hai lao vào phòng học gần nhất. Thật tình cờ, chỗ này để trống. Trường nằm ở vùng quê đáng gọi là vùng sâu vùng xa, nên có
phòng học bỏ không cũng chẳng phải chuyện lạ.
Chúng tôi vọt về phía cửa sổ, nhoài ra ngoài.
Phi cơ kẹt trên gờ mái nhà thể chất, trông như miếng chanh găm vào miệng ly.
Chiếc máy bay xanh dương hòa hợp lạ thường với mái nhà bằng kẽm màu nước biển.
Mái nhà trông như máng trượt ở bể bơi, phi cơ có thể trượt khỏi đó bất cứ lúc nào. Đầu phi cơ bị bẹp do là phần mềm. Nhờ chỗ bẹp ấy nó mới mắc lại trên mái thay vì rơi xuống đất.
“Aaa!” Tôi và Takuya không hẹn mà hét lên âm thanh vô nghĩa gần như cùng lúc.
Trong vài giây tiếp theo, chúng tôi ngẩn người ngắm chiếc máy bay. Chẳng hiểu sao tôi lại thấy nhộn nhạo. Cảm giác khó hiểu vô cớ sôi lên trong dạ dày. Tôi bối rối, tát mạnh lên má để xua đi sự kì quặc ấy. Rồi tôi bất giác nhìn sang Takuya. Vì lý do nào đó, nét mặt cậu y hệt tôi. Hai chúng tôi, không biết đứa nào trước đứa nào sau, phá ra cười. Chúng tôi bấm bụng cười ngặt nghẽo không thành tiếng một lúc, nhưng rồi chẳng nhịn nổi, bật ra tiếng ha hả. Tràng cười ngốc nghếch. Giờ không phải lúc cười, nhưng mọi chuyện cứ lạ lùng quá sức tưởng tượng. Tôi và Takuya tựa vào thành cửa sổ với bàn học mà cười đến khi bắt đầu nấc cụt. “Ôi...” Sau khi phát mệt vì cười, Takuya thở dài. Rồi cậu nói. “Tôi với cậu đúng là cặp đôi hoàn hảo.”
Đó là câu nói thân tình và chân thành nhất mà tôi từng nghe trong suốt ba mươi mốt năm cuộc đời.
Sau đó tôi và Takuya bị gọi lên phòng giáo viên, nghe thuyết giảng một trận ra trò. Giáo viên dặn chúng tôi không được tự ý làm chuyện nguy hiểm thêm lần nào nữa. Khuya hôm đó, hai thằng lẻn vào trường, leo lên mái nhà thể chất lấy lại chiếc máy bay, trước khi nó gặp mưa hoặc bị người lớn tịch thu.
Có vài cảnh tượng luôn tự động hiện ra trong đầu tôi mỗi khi nhớ về Sayuri. Một trong số đó là mẩu kí ức về lần bắt gặp Sayuri ở ga Minami Yomogita.
Minami Yomogita là ga gần trường cấp hai chúng tôi theo học. Nó là ga lớn trên tuyến Tsugaru, nhưng cũng chỉ có hai sân ga và một cửa soát vé phía tàu đến. Muốn sang sân ga phía tàu đi, chúng tôi phải leo lên rồi leo xuống cây cầu bộ hành kiểu tiền chế vắt qua đường ray, nối liền hai sân ga.
Trước sân ga là nhà dân, đồng lúa và rừng tạp. Nói thẳng thì nó chỉ là một ga xép như mọi nhà ga ở nông thôn khác. Đối diện cửa soát vé có phòng chờ dựng bằng gổ, vào mùa đông bếp sưởi lúc nào cũng đỏ lửa, có lẽ đủ gọi là khung cảnh đặc trưng của xứ tuyết.
Trừ những đứa đến trường bằng xe đạp, hầu hết học sinh trường tôi đều đi học qua ga này. Trường tôi là trường làng, nên nói là hầu hết chứ số lượng chẳng có bao nhiêu. Hằng ngày, tôi và Takuya mất bốn mươi phút đi tàu trước khi đặt chân xuống sân ga. Sayuri cũng vậy.
Bấy giờ là cuối năm lớp Tám. Những một năm rưỡi sau sự kiện liên quan đến chiếc phản lực RC. Tôi không nhớ chính xác ngày tháng, có lẽ khoảng hai ngày trước kì nghỉ xuân.
Học sinh trường chúng tôi gọi chuyến tàu lúc hơn 3 rưỡi là “tàu về”,
còn chuyến 5 giờ hơn là “tàu câu lạc bộ”. Hằng ngày, tôi và Takuya đi chuyến dành cho nhóm câu lạc bộ. Takuya thuộc câu lạc bộ trượt băng tốc độ, còn tôi ở câu lạc bộ bắn cung, cả hai đều tham gia khá chăm chỉ.
Ngày nào cũng vậy, đến giờ tàu chạy, tôi và Takuya hẹn nhau ở chỗ cố định trên sân ga, lên tàu qua cùng cửa, ngồi chung khoang ghế. Dù trời lạnh đến thế nào, chúng tôi vẫn đợi nhau trên sân ga chứ không vào nhà chờ, đó là quy tắc ngầm giữa cả hai. Chúng tôi làm thế để đứa này có thể nhìn thấy đứa kia đang đợi, kể cả từ bên ngoài ga.
Chiều hôm đó, tôi chờ Takuya cùng chuyến tàu về nhà trên sân ga như thường lệ. Thời tiết dễ chịu, tôi giấu cằm trong cổ áo khoác, nhìn ánh nắng cuối ngày từ từ nhuộm cam bầu trời.
Một nhóm con gái lao xao trò chuyện đi qua cửa soát vé. Tôi bất giác nhìn sang. Chính là tại giọng nói của Sayuri.
Nhác thấy cô, tôi vội vàng nhìn đi chỗ khác, cố tỏ ra bình thản. Nhưng vẫn len lén dõi theo cô qua khóe mắt.
“Còn mấy phút nữa?”
“Vẫn kịp mà.”
Tôi loáng thoáng nghe Sayuri đối đáp với bạn. Số chuyến đi về ga này rất ít, ai nhỡ tàu vào phút chót sẽ gặp phải vô số rắc rối.
Ngày ấy Sayuri hay bện tóc. Giản dị nhưng rất hợp. Hôm đó cô mặc áo khoác may bằng vải len thô dày ngoài bộ đồng phục mùa đông, khăn quàng quấn hờ quanh cổ. Cô đang vui vẻ cười với bạn.
Tôi nhớ rõ cảnh tượng ấy, bởi trường hợp này hiếm khi xảy ra. Sau khi qua cửa soát vé, thấy tàu chưa đến, Sayuri và nhóm bạn liền quay lại nhà chờ. Tôi thả lỏng cả người, thở phào nhẹ nhõm.
Thế chỗ cho âm thanh cười nói của nhóm nữ sinh là tiếng bước chân nhịp nhàng vang lên từ phía bậc thang câu bộ hành. Là Takuya. Cậu cầm hai lon cà phê mua ở máy bán hàng tự động, thinh thoảng lại tung lên cho đỡ nóng. Bước hết bậc thang, vừa đặt chân xuống sân ga, cậu liền ném cho tôi một lon. Tôi đón lấy, lon cà phê quá nóng so với bàn tay lạnh buốt khiến tôi suýt đánh rơi. Hôm trước chúng tôi có tổ chức một vụ cá cược nhỏ, lon cà phê này chính là phần thưởng.
Takuya đưa lon cà phê lên miệng, lơ đễnh nhìn sân ga đối diện, “Hiroki, hôm nào cậu lại đi làm thêm?”
“À, ừ nhỉ.”
Dạo đó chúng tôi giấu nhà trường, lén đi làm thêm. “Bên câu lạc bộ phải hết ngày mai. Chắc ngày kia.
Cậu thì sao?”
“Buổi tập sáng mai cũng là buổi cuối của tôi. Chốt ngày kia nhé.” “Ừ.”
Theo quy định của trường, chúng tôi chỉ được tham gia hoạt động câu lạc bộ đến hết lớp Tám. Mục đích trên lý thuyết là tập trung ôn thi vào cấp ba. Nhưng tôi và Takuya lại dành thời gian rỗi để làm thêm. Trước đó hai đứa chỉ đi làm được vào thứ Bảy và Chủ nhật, nhưng từ ngày kia trở đi chúng tôi sẽ có kì nghỉ dài, thỏa sức kiếm chác.
Hai đứa hầu như không lo lắng về kì thi. Kết quả học tập của Takuya luôn tốt, tôi cũng không quá tệ. Chưa kể tôi còn nghĩ chỉ cần đỗ cấp ba là được, học trường nào chẳng quan trọng. Chí ít là ở thời điểm đó.
Chúng tôi bàn bạc đôi câu về lịch làm thêm, rồi im lặng đứng đợi tàu. Cả hai đều không phải kiểu hay nói, nên cảnh im lìm như thế này không
hiếm.
Tiếng loa vang lên thông báo tàu sắp đến. Tôi hơi nhoài người về phía đường ray thẳng tắp, tìm kiếm ánh đèn nhỏ xíu trên đầu tàu ở đằng xa. Đoàn tàu từ từ tới gần, uể oải trượt vào sân ga, phát ra một tiếng “xịch” rồi dừng lại. Qua hai lần kính cửa sổ của toa tàu đỗ trước mặt, tôi thấy Sayuri và bạn vội vàng chạy qua cửa soát vé ở sân ga bên kia. Tôi vô thức dồn hết sự chú ý vào tiếng bước chân gấp gáp của nhóm con gái chạy lên rồi chạy xuống cây cầu.
Tiếng lon cà phê rỗng bị Takuya ném vào thùng rác vang lên, làm tôi nhận ra mình mới uống hết nửa lon. Tôi nốc một hơi hết chỗ còn lại, ném vỏ lon về phía thùng rác bằng tư thế thấp tay*. Cái lon suýt trượt khỏi mép thùng rác, nhưng may sao vẫn lăn vào trong.
Quay người lại, tôi nhác thấy Sayuri và nhóm bạn rối rít bước lên tàu. Nghe tiếng Takuya nhắc “Tôi bỏ cậu lại bây giờ”, tôi vội theo sau cậu tiến về phía cửa.
Trước khi lên tàu, tôi ngước nhìn bầu trời đã nhuốm đỏ.
Phía trên nóc tàu, ngọn tháp vươn cao giữa những đám mây mỏng. Nó xuyên thẳng lên vòm trời hình tròn, ngả màu đỏ nhạt. Có lẽ tôi luôn bị hấp dẫn bởi những thứ chỉ có thể ngắm nhìn từ xa mà không chạm tới được.
Tôi và Takuya chiếm một khoang ghế trên tàu, thô lỗ gác chân lên ghế đối diện. Vẫn chỗ ngồi, vẫn tư thế mọi khi. Takuya chăm chú đọc cuốn tạp chí về máy tính dòng Mac. Để giết thời gian, tôi lật xem cuốn Jump* mua muộn một ngày như thường lệ.
Chúng tôi hay im lặng khi ở trên tàu. Ngồi yên thế này đã trở thành lẽ tự nhiên. Có những người không chịu nổi nếu không có chuyện để nói, còn tôi lại chẳng hiểu họ bứt rứt đến thế vì lẽ gì. Khoảng lặng khi ở cạnh
Takuya khiến tôi an tâm. Tiếng tàu lăn bánh trên đường ray hay tiếng trò chuyện rì rầm của những người xung quanh cũng đem lại cảm giác dễ chịu. Cảnh vật ngoài cửa sổ từ từ chìm vào màn đêm, nhà dân dần lùi xa để lại không gian tối đen, cửa kính biến thành tấm gương phản chiếu khuôn mặt lơ đễnh của chính tôi. Tất cả nằm trong thế giới mà tôi với tới, cho tôi cảm giác thân thuộc và được bảo vệ.
Ngày hôm đó, một thứ giống như đợt sóng bất an đột nhiên cuộn lên trong lòng thế giới ấy, khiến toàn thân tôi đông cứng. Ban đầu tôi không biết nó là gì. Thế rồi đợt sóng ấy tựu hình thành một giọng nói, xâm chiếm đầu óc tôi.
Là tiếng Sayuri. Trong những giọng nói xung quanh tôi có tiếng Sayuri chuyện trò cùng bạn bè. Giọng những đứa con gái khác mắc kẹt ở đâu đó không tới được tai tôi. Chỉ có lời Sayuri rành rọt tràn vào tâm trí. Trong không gian đầy tạp âm, tôi chỉ nghe thấy giọng Sayuri, bị choáng ngợp bởi tâm trạng bồn chồn, không biết phải làm gì để thoát ra.
Tôi tập trung nhìn bóng đêm bên ngoài, cố gắng trấn tĩnh. Và rồi, tôi thấy hình ảnh Takuya in trên cửa sổ, mắt vẫn dán vào cuốn tạp chí, nhưng nét mặt đanh lại khác hẳn dáng vẻ thường ngày.
Tôi bỗng có cảm giác Takuya cũng đang lắng nghe tiếng nói của mình Sayuri.
Dự cảm ấy gần như được khẳng định. Một cơn đau dữ dội nhói lên làm lồng ngực thắt lại. Tôi nghiến chặt hàm.
Có gì đó tựa như cảm giác thua cuộc nhen nhóm trỗi dậy. Đương nhiên rồi, cậu ta thông minh, dễ được con gái yêu thích hơn hẳn kẻ như tôi. Nhưng tất nhiên chuyện không chỉ có vậy.
Hôm sau, khi buổi lễ bế giảng dài dòng chán ngắt kết thúc, tôi thay đồ thể thao rồi đến phòng tập. Câu lạc bộ tập hết buổi sáng là nghỉ, nhưng tôi vẫn muốn giương cung thêm một lúc.
Bắn cung là sở thích của tôi.
Tôi đối mặt với tấm bia. Nhắm toàn bộ sự tập trung vào đích. Đường bắn sắc nét liền xuất hiện giữa cả hai. Khi đó, cảnh vật lẫn thanh âm xung quanh đều hóa hư vô, thế gian chỉ còn lại kẻ cầm cung và đích bắn, không mảy may bị tạp niệm khuấy động. Tôi và tấm bia hòa làm một, đổi chỗ cho nhau. Bỗng chốc tôi trở thành tấm bia, còn tấm bia nhắm vào tôi.
Khoảnh khắc ấy tinh khiết đến đáng sợ.
Rồi âm thanh khô khốc vang lên, báo cho tôi biết mũi tên đã găm trúng tấm bia đằng xa.
Tất nhiên, không phải lần nào quá trình đó cũng diễn ra hoàn hảo. Đôi lúc tạp âm chẳng chịu biến mất, hoặc đường bắn bị lệch. Khi ấy tôi không thấy được cái đẹp của bắn cung.
Nhất là dạo gần đây, mọi sự vô cùng tệ. Trong đầu tôi luôn có một mớ bòng bong làm phản xạ rối loạn.
Kĩ thuật bắn của tôi phần nào đã thuần thục, nên mũi tên vẫn trúng đích. Nhưng khoảnh khắc tinh khiết kia không xuất hiện.
Khi sức tập trung đã cạn kiệt, phải bỏ cuộc ngồi thụp xuống, tôi mới nhận ra Takuya đang ngó vào qua cửa sổ.
“Tôi đến xem cậu tập. Xong rồi à?”
“Chưa... Tôi đang nghỉ. Tệ lắm.”
Chúng tôi vào căng tin sắp đóng cửa, mua sữa hương cà phê đóng trong túi tam giác, ngồi xuống cạnh bồn uống nước ở góc sân.
“Rời đội rồi mà vẫn tập. Cậu nhiệt huyết thật đấy.” Takuya vừa nói vừa cắm ống hút vào túi sữa hình tam giác.
“Tôi tập không phải vì nhiệt huyết. Cậu thì sao?”
“Tôi làm sao?”
“Buổi tập sáng nay. Buổi cuối còn gì, chắc nhiều thủ tục lắm. Thể nào chẳng có tiết mục tập hợp rồi chào hỏi đủ kiểu?”
“À, có.” Rồi cậu kể cho tôi một chuyện động trời bằng vẻ dửng dưng. “Còn có một em gái tỏ tình với tôi nữa, nhân dịp tôi rời đội.” “Trời, lại nữa hả?”
“Ờ.”
Takuya hào hứng kể. Cậu sắp thu dọn xong thì bị một nhóm ba cô nàng gọi lại, rồi em gái khối dưới tên Matsuura đưa thư cho cậu... Đương nhiên cậu không phải kiểu người đi khắp nơi khoe khoang chuyện này. Cậu chỉ kể khi có hai chúng tôi với nhau. Giọng cậu chẳng có chút tự mãn nào. Đối với Takuya, đó không phải chuyện đáng tự hào.
Tôi thở dài, “Cậu sướng thật đấy. Em thứ mấy rồi?”
“Cũng không nhiều nhặn gì. Tính từ tháng Tư đến giờ mới là em thứ hai.”
“Vậy là nhiều rồi.”
“Ừ, có khi thế thật.”
Takuya lục lọi túi quần, lôi bật lửa ra. Tôi biết cậu lại định hút thuốc theo thói quen, bèn im lặng dùng mũi chân đá vào giày cậu. Nhớ ra mình đang ở trường, cậu đành thôi tìm gói thuốc, rút tay khỏi túi. “Rồi sao nữa?”
“Hả?”
“Cậu từ chối à, lại như mọi khi?”
“Ờ.”
Tôi dùng ống hút thổi làm hộp sữa kêu lụp bụp. “Phí thế. Matsuura có phải cô bé ở lớp 7-2 không? Trông dễ thương mà... Tiếc thật.” Tôi nói mà không có ẩn ý gì, nhưng sau này nghĩ lại, có lẽ lúc ấy tôi đã vô tình xoáy sâu vào tâm tư Takuya.
“Cậu nghĩ thế thật hả?” Takuya đột nhiên đanh giọng, khiến tôi chột dạ. “Ừ thì, thật! Cô bé nổi tiếng lắm. Cậu thẳng thừng từ chối đứa con gái như thế còn gì? Bình thường ai chẳng thấy khó tin.”
“Tôi cóc quan tâm người khác nghĩ thế nào.” Takuya nhấn bật lửa tanh tách, và đột ngột nói, “Nếu tiếc thì cậu hẹn hò với em ấy đi?!” “Hả? Sao lại là tôi?
“Nếu là cậu, cậu có đồng ý hẹn hò không?”
Tôi cứng họng.
“Matsuura Kana nhỉ. Dễ thương thật. Ngoan nữa. Tôi biết chứ. Nhưng đâu thể chỉ vì dễ thương mà hẹn hò, phải không?”
“Ừm...”
“Với tôi, lý do nằm ở chỗ khác cơ. Chứ không phải đủ điều kiện hay không. Đúng chứ, Hiroki?”
“Ừ, cậu nói cũng phải.”
Tôi thấp giọng đáp. Lời cậu hoàn toàn chính xác. Ngược lại, những điều tôi vừa nói mới là tầm thường và nông cạn.
“Thế nên...” Cậu quay sang nhìn tôi rồi bảo, “Cậu cứ hẹn hò với Matsuura đi.”
“Không không không, sao cứ phải là tôi?”
“Cậu cũng không thích Matsuura à? Hừm. Vậy ai mới vừa ý cậu đây?” Hình ảnh Sayuri nháng lên trong đầu làm tôi phải tìm cách xua đi ngay. Tôi ấp úng.
“Không... Chuyện đó...”
“Cậu nói rõ ra xem nào.”
Nụ cười quen thuộc mỗi khi mưu tính chuyện mờ ám xuất hiện trên mặt Takuya. Nhờ thế tôi biết cậu đang trà đũa tôi vì mấy câu nói lúc nãy. Tôi lảng tránh cố tình trả lời lạc đề.
“Thì... Không phải tôi không thích Matsuura, em ấy cũng dễ thương... Nhưng mà tôi đâu biết hẹn hò là thế nào. Cho nên, nói sao đây... Bỏ qua tôi đi.”
Takuya khịt mũi với vẻ thỏa mãn, tay không ngừng nghịch bật lửa. Sau khi thưởng thức chán bộ dạng lúng túng của tôi, cậu mới quay ra nói nhỏ. “Này, người em ấy tỏ tình có phải cậu đâu.
“Chính cậu lôi tôi vào còn gì!”
“Ha ha, cậu đúng là tệ lậu mấy chuyện này. “
Trong khi tôi còn hậm hực, Takuya tiếp tục cười một cách khó hiểu. Cuộc đối thoại diễn ra bằng giọng điệu bông đùa mà chúng tôi vẫn hay dùng với nhau, nên lúc đó cả hai nhanh chóng bỏ qua như mọi khi. Sau này nghĩ lại, tôi mới nhận thấy chủ đề này nhạy cảm đến thế nào. Takuya được yêu mến, ra dáng, lại có thần thái. Một đứa như vậy thì có gì phải lo nghĩ. Vấn đề nằm ở chỗ cậu là đứa tử tế, đứng đắn, nghiêm túc. Theo quan điểm của tôi, suy nghĩ nghiêm túc là điều quan trọng mà không phải ai cũng dễ dàng học được.
Hình như cậu mến Sayuri. Thằng con trai đứng đắn ấy đang nghiêm túc dành tình cảm cho Sayuri. Khác với đứa giấu giếm suy nghĩ rồi tìm cách lảng tránh như tôi.
Đó cũng là điểm khiến tôi thực tâm thích chơi với Takuya. Sức hút ở cậu không hề nhỏ.
Tôi vốn khá hòa đồng, nên có thể làm thân với hầu hết mọi người. Tôi có cả bạn cùng lớp lẫn khác lớp, những đứa vẫn hay cùng tôi bày trò, đùa nghịch. Nhưng thời gian ở cạnh Takuya có ý nghĩa đặc biệt, khác hẳn lúc chơi với đám bạn đó. Tôi không muốn đánh mất sự gắn kết đặc biệt với cậu. Ý nghĩ ấy mạnh mẽ hơn cả tình cảm tôi dành cho Sayuri. Ít nhất là ở thời điểm này.
Tôi biết sẽ có ngày cán cân ấy đảo chiều, điều này khiến tôi vô cùng lo sợ.
Còn nữa... Takuya là đứa tinh ý. Có lẽ cậu nhận ra tôi thích Sayuri rồi. Sự căng thẳng đáng ngại đã bắt đâu nhen nhóm giữa chúng tôi.
Tôi và Takuya biết Sawatari Sayuri lần đầu sau khi lên lớp Tám. Nói đúng ra, trong ngôi trường nhỏ như thế này, dĩ nhiên chúng tôi biết đến sự hiện diện của cô, chỉ là không có dịp tiếp xúc. Khi đó chúng tôi đơn thuần là bạn học cùng khối, mang máng nhớ mặt và tên, chưa thể nói là quen biết. Muốn kiếm cớ làm thân với bạn gái khác lớp, cách duy nhất là trông vào hoạt động câu lạc bộ, mà Sayuri lại thuộc câu lạc bộ âm nhạc. Chúng tôi phải đổi lớp khi lên lớp Tám. Tôi thất vọng khi không còn học cùng mấy đứa bạn, nhưng mừng vì vẫn chung lớp với Takuya. Đứng trước bảng thông báo danh sách lớp của năm học mới, tôi và cậu nhìn nhau tươi cười, cụng nắm đấm rõ kêu như hai võ sĩ quyền Anh trước trận đấu.
Trong lớp mới có cả Sayuri.
Sayuri là cô gái rất xinh. Nhưng bọn con trai chưa bao giờ kháo nhau Sawatari dễ thương hay xinh xắn.
Nói sao nhỉ, nét đẹp của Sayuri thuộc kiểu ẩn sâu bên trong. Giống như bản nhạc nghe qua tai nghe, vẻ đẹp nằm trọn bên trong con người, không bộc lộ ra ngoài. Vì thế nếu không để ý kĩ, không thực sự chú tâm, người ta sẽ chẳng thể nhận ra ánh hào quang của cô. Có thể nói cô là hình mẫu đối lập với Takuya, đứa làm gì cũng tỏa ra thần thái thu hút một cách tự nhiên.
Khi đó tôi rất lấy làm lạ. Tại sao mọi người không nhìn thấy vẻ đẹp của Sayuri? Cô gái như bước ra từ trong mơ ấy ở ngay trước mắt mà sao họ chẳng hề rung động?
Tuy nhiên, tôi cũng không nhận ra nét đẹp của Sayuri ngay từ đầu. Phải sau này, khi đã có thể chuyện trò thân thiết với cô nhờ vài cơ duyên đặc biệt, tôi mới khám phá ra.
Sách giáo khoa Ngữ văn lớp Tám có giới thiệu vài bài thơ của Miyazawa Kenji. Giáo viên Ngữ văn của chúng tôi tên Yoshitsuru. Khi dạy đến phần đó, ông thầy này đột nhiên bừng bừng nhiệt huyết, hăng hái giảng giải như thể biến thành người khác.
Thầy nói, Miyazawa Kenji là đại thi hào xuất chúng, các em đã biết đọc tiếng Nhật thì phải đọc toàn bộ thơ của Kenji. Thế là bài giảng biến thành công cụ phô bày sở thích của ông. Chúng tôi chỉ biết ngớ người. Dạy cấp hai mà thầy lại in bài viết trong tạp chí khoa học của trường đại học nào đó rồi phát cho chúng tôi đọc, bắt chúng tôi học kiểu seminar*, cuối cùng là chia nhóm nghiên cứu và nộp tiểu luận.
Tôi, Takuya và Sayuri ghép thành nhóm, cùng viết tiểu luận.
Tổ hợp ấy phát sinh hoàn toàn ngẫu nhiên. Vốn dĩ tôi và Takuya định lập nhóm chỉ có hai đứa, nhưng Sayuri lại nghỉ học vào đúng hôm chia nhóm. Chúng tôi là nhóm ít người nhất trong lớp, vì thế đành để cô gia nhập một cách hơi miễn cưỡng.
“Lão ấy đúng kiểu mọt sách nghiện văn chương.”
Takuya nói, chống tay lên bàn thư viện. “Lão ấy” ở đây là ám chỉ thầy Yoshitsuru dạy Ngữ văn.
“Ừ, quá mệt mỏi. Đây đâu phải bài tập cho học sinh cấp hai.” Tôi đồng tình, bức xúc nói.
Sayuri nhìn chúng tôi, cười khẽ, “Miyazawa Kenji có những người hâm mộ vô cùng nhiệt thành. Nhiều người yêu thích thơ ông đến mức không lời nào tả xiết. Có người vào câu lạc bộ văn học chỉ vì muốn đọc tác phẩm của Kenji. Tớ không biết thầy Yoshitsuru cũng là một trong số đó...”
“Ồ...” Tôi nghe mà thoáng bối rối.
Dù là con gái, Sayuri không hề dè dặt hay lúng túng khi ở cùng chúng tôi. Vì thế tôi khá ngạc nhiên. Tôi cứ tưởng con gái sẽ bất an nếu thiếu bạn đồng giới bên cạnh. Nhưng Sayuri thuộc típ không quá để ý vấn đề giữ khoảng cách với bạn khác giới. Chí ít trong mắt tôi là vậy. Cô thoải mái bắt chuyện với chúng tôi dù chưa bao giờ nói chuyện với nhau, điều này cũng thật bất ngờ.
“Nhưng cả Shirakawa và Fujisawa đều khoái thầy Yoshitsuru phải không?”
Sayuri đột nhiên hỏi khiến tôi và Takuya không hẹn mà quay ra nhìn nhau, rồi nhìn cô chằm chặp. Không biết Takuya thế nào, chứ tôi thì trúng phốc.
“Sao bạn lại nghĩ thế?” Takuya hỏi.
“Mình thấy hai bạn và thầy có vẻ giống nhau. Cùng là kiểu người dễ say mê, quên hết mọi thứ khi làm điều thực sự yêu thích. Vì thế mình nghĩ, chắc hai bạn cũng thoải mái với thầy.”
“Ừm...” Tôi lẩm bẩm. Nhận xét đó quả thật khá sắc sảo.
“Sawatari biết bọn mình từ trước à?” Takuya lên tiếng.
“Ừ.”
“Sao bạn biết?”
“Hồi năm ngoái, mình có nhìn thấy, ừm...” Sayuri xòe lòng bàn tay phải, làm động tác bay vào không trung.
“... Hôm lễ hội trường hả?” Tôi hiểu ra.
“Ừ. Đẹp thật đấy. Hai bạn làm ra nó phải không?”
“Đúng thế.” Tôi vui vẻ gật đầu.
“Năm nay các bạn không làm nữa sao?”
“Năm nay thì không.” Takuya đáp. “Lặp đi lặp lại một việc giống nhau thì còn gì vui. Với lại, bọn mình đang bắt tay làm cái khác. Nó ngốn hết thời gian cùa bọn mình rồi.”
“Cái khác? Là gì vậy?”
“Bí mật,” tôi đáp.
“Tiếc ghê.” Sayuri bặm môi, rồi đột ngột hỏi. “Này, giữa con trai với nhau thì tình bạn thế nào?”
“Hả?”
Tôi buột miệng hỏi ngược lại, ra chiều thắc mắc “Sao tự dưng lại hỏi vậy?”.
“Shirakawa với Fujisawa rất thân mà. Cặp kè với nhau suốt. Mình tò mò không biết cảm giác đó thế nào.”
“Bọn mình không biết, hơn nữa đâu phải lúc nào mình và cậu ấy cũng đi cùng nhau.” Takuya trả lời, “Hiroki có bạn của Hiroki, mình cũng thế. Chưa kể, nói đến cảm giác khi làm bạn thì con trai hay con gái chẳng như nhau.”
“Vậy à...” Sayuri khẽ hạ giọng. “Mình lại thấy khác.”
Dù nói vậy, cô không hỏi thêm gì nữa.
Tôi buông một tiếng “Hừm” vô thưởng vô phạt.
Thú thật, khi đó tôi đã thoáng nghĩ Sayuri là kẻ phá đám. Tuy chưa hề tỏ ra tùy tiện, nhưng cô sẵn sàng đặt câu hỏi mà chẳng kiêng dè gì cả, không khỏi khiến tôi cảnh giác.
Nói trắng ra, tôi thấy thoải mái hơn khi ở riêng với Takuya. Sayuri xuất hiện làm tôi mơ hồ nghĩ có điều gì đó sắp sụp đổ. Với tôi mà nói, tôi và Takuya vốn đã là cặp đôi hoàn hảo, sự hiện diện của một thứ ngoại lai, tức con gái, sẽ khiến thế cân bằng bị phá vỡ.
Giờ đây nhìn lại, đó là linh tính chính xác, dù tôi hoàn toàn không phải đứa có giác quan thứ sáu tinh nhạy.
Hai hôm sau là Chủ nhật, sau khi hết giờ ở câu lạc bộ, ba chúng tôi cùng về nhà Takuya để viết tiếp tiểu luận. Nhà cậu chỉ có hai bố con, bố Takuya làm việc ở tòa nhà khác cả ngày cuối tuần nên tiện cho chúng tôi tập trung.
Sayuri đề nghị làm bài tại nhà mình, vì cô sống ở Nakaoguni gần trường, nhưng tôi và Takuya lịch sự từ chối. Hai đứa con trai đến nhà con
gái, nghĩ thôi đã thấy ngại. Tuy nhiên, Sayuri có vẻ không để tâm đến điều này, cô không hề phản đối chuyện tới nhà con trai khi vắng mặt người lớn. “Tính bạn ấy lạ thật.”
Sau đó tôi và Takuya cùng nhận xét. Đối với hai đứa con trai đang ở lứa tuổi dậy thì đầy rắc rối, chuyện đó quả thật hơi khó hiểu. Gia đình Takuya sống trong căn nhà cũ kiểu Nhật, rất giống nhà tôi. Takuya dẫn tôi và Sayuri vào căn phòng có đặt ban thờ, hì hục lôi một chiếc bàn thấp rõ to từ phòng bên cạnh sang. Chúng tôi bày sách vở và tài liệu mượn của thư viện lên bàn.
Sayuri ngồi thu mình, chân chỉ hơi xếp sang một bên. Bằng tư thế đó, Sayuri chứng tỏ cô đã nhanh chóng thích nghi với khung cảnh. Cô thản nhiên hiện diện trong căn phòng, dường như không băn khoăn bất cứ điều gì. Trông cô vô cùng thoải mái.
Cô tì hai tay lên đầu gối, gồng vai, hơi cúi đầu.
“Mình có cảm giác từng thấy cảnh này trong mơ,” cô nói. Có lẽ chính trong bầu không khí không chút phòng bị ấy, cán cân trong tim tôi đã bắt đầu dao động.
Mình thích Miyazawa Kenji, cô nói.
Việc viết tiểu luận diễn ra thuận lợi, chủ yếu nhờ công Sayuri. Sayuri thông minh đến ngỡ ngàng. Cả tôi và Takuya đều thiên về khối tự nhiên, thành tích môn toán hay khoa học tự nhiên khá tốt. Ngược lại, Sayuri là thiên tài về các môn xã hội. Bài luận đầy tính chuyên môn về văn học cận đại mà thầy Yoshitsuru phát rõ ràng quá sức học sinh cấp hai, vậy mà cô đọc hết rồi tóm tắt lại cho chúng tôi chẳng mấy khó khăn, chúng tôi
vô cùng cảm kích, gần như bê nguyên lời cô vào tiểu luận. Nhưng vẻ hoạt bát của Sayuri khi nói về nhũng cuốn sách đã đọc mới là điều khiến tôi xúc động sâu sắc. Trừ những lúc ấy, cô như biến thành người khác. Trong cách cô nói về cuốn sách yêu thích có cả sự thấu hiểu, thân thiết và đồng cảm.
“Nói thế nào nhỉ, mình nghĩ mình rất hiểu Kenji”
Nếu biết thơ của mình được đón nhận nghiêm túc đến mức này, hẳn Miyazawa Kenji cũng thấy thỏa lòng.
“Miyazawa Kenji à...” Tôi có đọc cũng chẳng khác gì nước đổ lá khoai, bèn thở dài như muốn tống khứ mớ bòng bong lởn vởn trong đầu. “Mình còn chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện mình thích sách của ai cơ.” “Hai bạn thường đọc sách gì?”
“Mình đọc về máy tính hoặc vật lý thôi.” Nói đoạn, Takuya chĩa ngón cái sang tôi. “Còn cậu ta chỉ đọc truyện tranh.”
“Ai bảo tôi chỉ đọc truyện tranh?”
“Vậy cậu thử nói xem cuốn sách cậu đọc gần đây nhất là gì?” “À...” Tôi nghĩ một lúc rồi đáp, “Diễn giải kĩ thuật mài”. Nói xong tôi mới nhận ra câu trả lời này không ấn tượng lắm, và tự cảm thấy thất vọng.
“Đó là sách gì vậy?” Sayuri tò mò hỏi.
“Sách dạy cách mài các vật sắc nhọn.” Tôi đáp. “Kĩ thuật phục hồi mũi khoan bằng máy mài, rồi lưỡi cắt, dao nữa...”
“Bạn biết mài dao à?” Sayuri bất ngờ.
“Mài dao đơn giản thôi. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Ai cũng làm được hết.”
“Nhưng mình không biết đấy. Có vẻ hay quá. Hóa ra mấy bạn con trai đọc loại sách đó. Chắc là hữu ích lắm...”
“Không đâu, cậu ta là trường hợp đặc biệt. Mình chẳng bao giờ đọc mấy thứ đó.” Takuya nửa đùa nửa thật nói. “Cậu ta hơi bất thường.” “Sở thích của cậu cũng bất thường đấy thôi!”
Sayuri khúc khích cười, nhìn chúng tôi. Cô luôn cười dễ thương kiêu ấy, như thể bị cù lét, “Hay thật. Mình toàn đọc truyện với thơ. Hễ sách văn học thì cuốn nào mình cũng đọc.”
Với tính cách của Sayuri, có lẽ cô thực sự đọc mọi thứ cô bắt gặp. Tôi chợt thắc mắc, bèn hỏi, “Sawatari này, sao bạn lại đọc sách? Ý mình là, mình đọc vì cần tìm hiểu cái này cái kia...”
“Bạn muốn hỏi tại sao mình đọc dù biết là không vì mục tiêu cụ thể nào cả, phải không?”
“Phải.”
“Tại sao nhỉ...” Sayuri thoáng ngẫm nghĩ. “Có lẽ vì mình thèm cảm giác mơ hồ xuất hiện trong lúc đọc.”
“Cảm giác gì cơ?”
“Cảm giác biến mất.”
“Biến mất...?”
“Nói sao nhỉ... Đầu tiên là toàn bộ những thứ xung quanh. Rồi chính mình.” Cô nói. “Bản thân vụt tan biến khi đọc, chỉ còn lại nội dung cuốn sách. Hai hạn biết cảm giác ấy chứ?”
“Để xem nào.” Takuya nói. “Khi mải làm cái gì đó, thỉnh thoảng mình cũng thấy thế.”
“Vậy là có, đúng không?” Sayuri lên tiếng. “Nhưng trường hợp của
mình hơi khác. Như thể đi về giữa hai thế giới vậy.”
“Đọc mấy thứ này bạn cũng có cảm giác đó à?” Tôi úp cuốn Mùa xuân và Tu La* bản bunko* lên mặt, ngả người nằm ngửa ra. “Mình thì hoàn toàn không hiểu ông ấy viết gì.”
“Ừ. Có đấy.”
“Thật hả? Mấy câu ‘Không sợ gió, chẳng sợ mưa’ cũng làm bạn mê mẩn sao?”
“Mình không ghét câu thơ đó.”
Sayuri khúc khích cười. Thế rồi cô nghiêm mặt, ngâm nga. ‘“Tay nóng chân run, Ta xây dựng tháp này.’”
“Tháp?” Tôi ngạc nhiên bật dậy.
“Ừ, tháp.” Sayuri gật đầu, tay lật tuyển tập thơ. “Trượt theo dòng thời gian, Xây dựng nên xinh đẹp. Đuổi xa dần bóng đêm, Nặn lên hình dáng tháp.’”
“Đó là gì vậy?” Takuya hỏi.
“Tác phẩm này tên Tay nóng chân run. Bài thơ Miyazawa Kenji viết ngay trước khi qua đời. Mình thích bài này nhất. “
“Đoạn vừa rồi có ý nghĩa gì?”
“Đoạn này mình cũng không rõ... Mình đoán tác giả ám chỉ ông sắp trở thành sự tồn tại bất diệt...”
“Nghe giống thứ ở phía Bắc kia nhi.” Tôi nói cụt ngủn.
“Đúng đấy. Ngọn tháp đó chắc cũng trăm tuổi rồi.” Sayuri chọc chọc ngón tay vào bình thủy tinh đựng trà lúa mạch, làm nó rung rinh. “Sách là kí ức bất tử.” Sayuri nói “Ở trường hợp Miyazawa Kenji, dù trăm năm đã qua, sách của ông vẫn được xuất bản, có những độc giả như
chúng ta, có cả những người hâm mộ như thầy Yoshitsuru, nên dường như ông vẫn sống. Mình nghĩ điều đó thật tuyệt vời. Còn mình chắc chắn sẽ bị lãng quên ngay, chẳng bao giờ được nhớ đến. Bây giờ mình vẫn tới lớp, ở bên bạn bè, hằng ngày đều rất vui, nhưng khi tốt nghiệp mỗi người một nơi, ai nấy đều sẽ quên mình ngay thôi...”
Tôi bàng hoàng. Takuya cũng có vẻ mặt tương tự. Không ngờ Sayuri lại đột nhiên nói chuyện nghiêm trọng như vậy với hai đúa chẳng mấy thân thiết như tôi và Takuya.
Giọng Sayuri không buồn bã hay đau khổ mà hờ hững bất thường. Chính vì thế, cảm xúc cô muốn giãi bày càng có vẻ chân thật. Sự thành thật rất đáng sợ. Đùa cợt hay trêu ghẹo không khiến con người ta ám ảnh. Nhưng lời nói xuất phát từ thâm tâm đôi khi có thể gây ra nỗi bất an tột độ.
Biết phải phá vỡ bầu không khí im lặng khó xử, tôi lên tiếng, “Làm gì có chuyện...”
“Không. Thật đấy. Chính mình rồi cũng quên rất nhiều bạn bè và người quen mà. Ngay lúc này mình đã biết điều ấy, biết cả chuyện người khác sẽ lãng quên mình. Đó là cái kết không thể tránh khỏi...”
Tôi sững sờ, dù tránh thể hiện ra mặt. Con gái nghĩ về tương lai xa đến thế từ bây giờ ư? Thật kì lạ! Trong khi tôi chỉ nghĩ lát nữa làm gì, mai làm gì cũng hết ngày.
Dù sao đi nữa, tâm sự của Sayuri đã để lại tác động mạnh mẽ, đủ khiến tôi nhớ đến cô rất lâu về sau. Tôi tự nhủ phải lên tiếng, đại loại như “Mình không quên Sawatari đâu”, nhưng sau một hồi phân vân, tôi thấy khó lòng thốt ra câu nói nghe như thoại phim ấy, đành im lặng.
Đáng lẽ tôi nên nói ra.
Mấy hôm sau, vào giờ Ngữ văn, thầy giáo gọi Sayuri đứng dậy đọc bài Sáng vĩnh biệt* của Kenji. Chất giọng trong trẻo như thủy tinh đã qua chế tác của Sayuri rất hợp với bài thơ thấm đẫm hình ảnh mưa băng và tuyết trắng đó.
Mãi sau này, nhiều năm trôi qua, tôi mới hiểu. Hồi ấy Sayuri đã liên tục tìm kiếm sự giúp đỡ ở tôi và Takuya. Cô khẩn thiết mong chúng tôi đưa cô đến nơi xa, “nơi hẹn ước”. Tôi không biết tại sao cô chọn chúng tôi, chỉ khẳng định được một điều, ngày đó chỉ “chúng tôi” đủ khả năng đưa cô đi. Có lẽ cô cảm nhận được, Sayuri vốn là cô gái nhạy cảm đến đáng sợ.
Nhưng hai thằng lại quá ngây thơ, chỉ biết nghĩ đến bản thân. Ở tuổi ấy, đó là điều khó tránh khỏi. Dẫu thế tôi vẫn tự nhủ. Giá như chúng tôi nhận ra thông điệp không lời của Sayuri sớm hơn, có lẽ cô ấy, cậu ấy và tôi đã có một cái kết khác.
Nghĩ đến đó, lòng tôi lại đau đớn khôn nguôi.
Tạm biệt Takuya ở chỗ bồn uống nước, tôi quay lại phòng tập vắng tanh.
Tôi vẫn muốn bắn tiếp.
Bấm chặt ngón chân xuống sàn gỗ, mắt trân trân nhìn tấm bia, tôi thực hiện chuỗi động tác với sự tập trung cao độ để lắp đuôi mũi tên vào dây cung.
“Đâu thể chỉ vì dê thương mà đồng ý hẹn hò.”
“Lý do nằm ở chỗ khác cơ.”
...
“Vậy ai mới vừa ý cậu đây?”
Những lời không thể phủ nhận của Takuya vang lên, gây nhiễu đầu óc tôi.
Đường bắn chệch. Hẳn là tại tâm trí tôi không ngay thẳng. Sawatari!
Mũi tên găm trúng bia, “pựt” một tiếng dễ chịu. Nhưng tên cách tâm một khoảng nhỏ.
Hôm đó chúng tôi chỉ phải tham gia lễ bế giảng và giờ sinh hoạt chung, vì vậy cả lớp kéo nhau về sớm, hơn 3 giờ chiều ga Minami Yomogita đã gần vắng bóng người.
Tôi đút tay vào túi áo khoác, lững thững đi qua cầu bộ hành. Tới đầu cầu thang dẫn xuống sân ga, tôi lơ đãng đưa mắt nhìn cảnh vật bên dưới qua cửa sổ rồi đột ngột dùng lại.
Trên sân ga, một cô bé đang đọc cuốn sách khổ bunko trong lúc chờ tàu. Là Sayuri.
Tôi liền cảm thấy căng thẳng.
Biết không thể đứng như thế mãi, tôi chầm chậm dấn bước. Vì lý do nào đó, tôi cố gắng không gây ra tiếng động khi đi trên cầu thang. Ngay khi đặt chân xuống sân ga, tôi dừng lại, quay về phía đường ray, vờ như không thấy cô.
Thú thật, tôi không dám lên tiếng. Tôi và Sayuri chẳng có chung đề tài nói chuyện nào cả. Hơn nữa, cuộc đối thoại rất dễ rơi vào không khí gượng gạo, biến tôi thành kẻ nhàm chán trong mắt cô. Hàng loạt suy nghĩ bi quan xuất hiện trong đầu, làm tôi chùn bước.
Chưa kể, dường như tôi sợ chính Sayuri. Tôi cảm nhận được ở cô năng lực thay đổi con người tôi, thứ quyền năng mạnh mẽ mà tôi không thể kháng cự. Khi ở gần cô, tôi luôn hình dung bàn tay nhỏ nhắn trắng trẻo của Sayuri xuyên qua lồng ngực, đảo lộn trật tự cảm xúc trong tim tôi như đổi chỗ những mảnh ghép của trò chơi xếp hình. Nếu đi cùng Takuya như mọi khi, biết đâu tôi sẽ tìm ra chủ đề để nói, thậm chí có thể thoải mái bắt chuyện...
Đúng vậy, Takuya là một phần nguyên nhân. Tôi bắt đầu có thái độ dè chừng trước cậu. Mà không, có thể đó chỉ là cái cớ để biện minh việc tôi muốn lẩn tránh Sayuri.
Cứ thế, tôi đứng cách cô khoảng mười lăm mét, quay mặt đi nhưng vẫn âm thầm dõi theo mọi cử động của cô.
Tiếng sột soạt vang lên khi Sayuri lật sách. Bị âm thanh đó gây chú ý, tôi lén liếc nhìn.
Sayuri mặc áo khoác và quấn khăn lên quá cằm giống như hôm qua. Đôi lúc, hơi thở cô hóa thành khói trắng, tan vào không khí trong trẻo của buổi chiều đông đẹp trời. Hôm ấy nhiệt độ xuống khá thấp, nhưng trông cô không lạnh lắm. Khi chìm đắm trong sách, người ta sẽ quên đi cái rét cũng nên. Dáng đứng của cô thật đẹp. Cô giữ lưng thẳng tắp chứ không học theo tư thế cúi đầu khó coi hay thấy ở người đứng đọc sách. Mắt cô to và đen. Tôi bị cuốn theo chuyển động nhịp nhàng của đôi đồng tử và bờ mi ấy lúc nào chẳng hay. Thế rồi...
Sayuri đột ngột quay sang, nhìn thẳng vào tôi.
“Fujisawa!”
Cô chập hai bàn tay vào nhau, gấp sách lại, mỉm cười gọi tên tôi. Nụ cười tươi sáng vô ngần, làm bầu không khí giữa chúng tôi thay đổi hoàn
toàn trong chớp mắt. Tôi biết mặt mình đang đỏ lên. Mặt tôi nóng bừng, lòng thầm băn khoăn phải đáp lại nụ cười đó thế nào. Sayuri chạy về phía tôi, tôi cũng tiến tới hai ba bước. Cô dừng chân trước mặt tôi, cách chừng nửa mét. Hành động ấy khiến tôi bối rối.
“Thấy mình mà bạn chẳng gọi một tiếng.” Cô nói, vẫn chưa nhận ra sự lúng túng của tôi.
“Mình vừa định gọi bạn mà.” Tôi chống chế. “Sawatari về muộn nhỉ. Mình cứ nghĩ chỉ còn mình về chuyến này.”
“Ừ. Mình ở lại tập nên về muộn.”
“Bạn tập vĩ cầm à?”
“Đúng vậy. Mình vụng về nên luôn chậm hơn các bạn khác.” Nói rồi cô tò mò hỏi. “Hôm nay bạn không về cùng Shirakawa sao?” “À, mình cũng ghé câu lạc bộ tập thêm.”
“Fujisawa thỉnh thoảng vẫn tập bắn cung một mình nhỉ?” “Sao bạn biết?” Tôi càng bồn chồn hơn, bèn quay ra phía đường tàu. “Mình hay đi dạo quanh phòng tập mà. Có lần nghe tiếng tên bắn ngoài giờ tập, mình đã ngó thử qua cửa sổ.”
“Tại mình hay nghĩ lan man lắm. Lúc có mặt các thành viên khác, mình thường mất tập trung. Thành ra mình bắn rất tệ.”
“Giống mình rồi.”
Tôi cảm nhận được vẻ tươi cười của cô lan tỏa bên cạnh. Để ý thấy tàu sắp đến, tôi đưa mắt về phía cuối đường ray, thấp thỏm chờ đoàn tàu diesel màu trắng chầm chậm tiến vào sân ga. Tôi biết Sayuri vẫn nhìn mình suốt lúc ấy.
Tôi và Sayuri lên tàu qua cửa toa cuối cùng.
Sayuri không ngồi mà tựa vào vách ngăn giữa khoang hành khách và buồng lái. Tôi cũng đứng như vậy bên cạnh cô.
“Fujisawa này, mai là bắt đâu nghỉ xuân rồi, bạn định làm gì?” “Mình đi làm thêm với Takuya.”
“Làm thêm? Thích thật. Mình cũng muốn thử...
Bạn có nói với bố mẹ không?”
“Không. Sawatari không giỏi giấu giếm bố mẹ nhỉ?”
“Ừ, chắc chẳng bao lâu là mình để lộ. Hai bạn làm thêm ở đâu?” “Xưởng sản xuất thuộc quân đội, ở Hamana. Bọn mình lấp ráp tên lửa tự hành.”
“Hay ghê... Mình thì chỉ tham gia câu lạc bộ...”
“Bạn không định nghỉ sao?”
“Không, mình sẽ tiếp tục một thời gian nữa.”
“Thế à.”
“Ừ.”
Câu chuyện giữa chúng tôi dùng lại.
Có lẽ lúc đó tôi nên hỏi nhiều hơn. Bình tĩnh mà nghĩ thì có vô vàn chuyện để nói. Bản nhạc cô đang tập ở câu lạc bộ, sở thích âm nhạc, hay chuyện gia đình. Nhưng không hiểu sao tôi lại im lặng.
Trong lúc im lặng, tôi lắng nghe âm thanh lịch kịch đều đặn phát ra từ đoàn tàu. Là tiếng bánh tàu lăn qua khớp nối đường ray. Ban đầu tôi dùng nó để k đếm ngược quãng thời gian ngượng ngùng giữa hai đứa, nhưng rồi tôi lại tưởng đang nghe tiếng đập của tim mình.
Con tàu lấc lư, vai cô khẽ chạm vào tôi. Vào khoảnh khắc ấy... Nó ập
đến.
Nói ngắn gọn, nó là sức lôi cuốn. Tôi cảm nhận được năng lực ấy ở Sayuri. Có thể ví nó với xoáy nước ngoài biển. Tôi như chiếc thuyền nhỏ bị xoáy nước dữ dội nuốt chửng. Phần sản sinh ra mọi tình cảm hay nhận thức nơi tôi bị cuốn vào và khóa chặt trong Sayuri. Điều đó khiến tôi liên tưởng đến Tam giác quỷ Bermuda hay hố đen vũ trụ.
Dĩ nhiên, tất cả chỉ là cảm nhận đơn phương. Nhưng khoảnh khắc ấy đã gây ra chuyển biến quá lớn trong tôi. Con người từ trước tới nay của tôi như biến thành kẻ xa lạ. Nghe thật vô lý, nhưng tôi gần như oán Sayuri. Tôi chưa từng mong muốn sự biến đổi đột ngột nhường này. Tôi thích tự mình từ từ thay đổi bản thân. Ví dụ học cách dùng dụng cụ chưa đụng đến bao giờ cho thành thạo, hay tập luyện tới khi bắn được đường tên đẹp. Tôi thấy mình bị cô chi phối, và chỉ biết cố gắng chịu đựng nỗi đau đó.
Tiếng loa vang lên trong toa, thông báo tàu sắp đến ga Nakaoguni. Tâm trạng khổ sở như bị bão tố bủa vây trong tôi dịu đi. Có điều nó không tan hẳn mà vẫn âm ỉ khuấy động mặt nước. Chắc hẳn dù tôi có quen với cảm giác này, nó cũng không biến mất.
“Đến nơi mất rồi...”
Sayuri lên tiếng khi tàu bắt đầu giảm tốc. Tôi thầm thắc mắc, không hiểu cô nói câu đó với ý gì. Lẽ nào cô không thấy nhàm chán khi cả hai chỉ có vài câu để nói dù về chung chuyến tàu? Tôi muốn hỏi, nhưng trong lúc tôi còn chần chừ vì lo làm cô hụt hẫng, cô đã nhẹ nhàng ngước nhìn tôi rồi nói.
“Fujisawa này.”
“... Sao?”
“Hôm qua, mình mơ thấy mình và Fujisawa cùng về với nhau thế này
đó.”
Tôi nín thở, đóng băng.
Tim tôi suýt ngừng đập. Rốt cuộc cô có ý gì? Tôi không biết nữa, có lẽ với cô, ở riêng cùng tôi không phải chuyện quá tệ. Biết đâu cô có tình cảm với tôi. Lý nào tôi lại không vui. Máu dồn lên não. Tàu dừng. Cửa mở kèm theo âm thanh nặng nề. Sayuri thoắt quay đi, nhẹ nhàng bước qua thềm cửa ra, đặt chân xuống sân ga bê tông. Tôi đi tới cửa như bị cuốn theo. Cô quay người sang phải lần nữa, đối diện với tôi, khẽ vẫy tay rồi mỉm cười.
“Tạm biệt. Hẹn gặp bạn vào năm học mới nhé.”
“... Ừ.”
Cửa nhanh chóng đóng lại như trong phim truyền hình. Lớp cửa kính ngăn cách tôi và Sayuri. Tôi chưa kịp hỏi gì, có lẽ vì cô cố ý không để tôi lên tiếng. Tôi nửa tiếc nuối, nửa nhẹ nhõm. Tàu từ từ lăn bánh, không gian tôi đứng và không gian Sayuri hiện diện chầm chậm lướt qua nhau.
Tôi gí sát mặt vào tấm kính ở đuôi tàu, nhìn theo Sayuri. Cô vừa bước xuống đường ray qua bậc thang ở rìa tay phải sân ga. Ga Nakaoguni không có cầu bộ hành nối các sân ga với nhau, hành khách phải trực tiếp băng qua đường tàu.
Sayuri không ra cửa soát vé luôn mà vui vẻ bước giữa đường ray theo hướng đoàn tàu mới rời ga. Sau đó cô nhón chân nhảy lên thanh ray, đi tiếp như bước trên cầu thăng bằng. Tôi ngắm Sayuri chơi trò stand by me* qua cửa kính con tàu đang dần rời xa cô, thầm nghĩ cô quả thật rất đẹp.
Khi bóng dáng Sayuri đã lùi xa, tôi tiến tới cánh cửa khi nãy cô xuống, tựa trán lên kính, thở dài. Thứ cảm xúc tựa bão bùng vẫn đang hoành hành trong tôi. Bất giác nhìn cảnh vật ngoài cửa sổ, tôi liền thấy ngọn tháp trên
đất Ezo vừa vặn nằm cùng hướng di chuyển của đoàn tàu. Ngọn tháp làm dấy lên một dòng xoáy khác trong lòng tôi. Sự hỗn loạn ngoài tầm kiểm soát bùng lên, làm tôi liên tục thở dốc. Tôi ngắm ngọn tháp bằng đôi mắt vô hồn, tới khi thấy bóng dáng Sayuri bước trên thanh ray chồng lên hình ảnh ngọn tháp. Giữa khung cảnh trong tưởng tượng của tôi, Sayuri như đang đi xa mãi trên đường tàu dẫn tới ngọn tháp.
Hình bóng Sayuri luẩn quẩn mãi trong lòng, khiến tôi trằn trọc tới tận gần sáng hôm sau. Khi tôi thức dậy trong trạng thái đầu óc mờ mịt thì bố mẹ đã đi làm, ông cũng ra ngoài rồi. Tôi xuống bếp nấu một bữa sáng qua loa, sau đó vừa xem ti vi vừa ăn với bộ dạng ngái ngủ.
Thời sự đưa tin về Hội nghị cấp bộ trưởng giữa Mỹ và Liên bang diễn ra trong vài ngày nữa. Nhiều khả năng chủ đề chính của hội nghị sẽ là tình hình phân chia Bắc-Nam tại Nhật. Liên bang bày tỏ quan ngại về việc Mỹ gia tăng sức mạnh quân sự tại căn cứ Mizawa. Trong khi đó, Mỹ chủ trương yêu cầu Liên bang hợp tác trong hoạt động thị sát nhằm làm rõ mục đích xây dựng tháp trên lãnh thổ Ezo, chứng minh nó không phải là công trình quân sự.
Đừng có đùa. Chẳng ai khiến mấy người tìm hiểu đâu.
Tôi hơi bực mình. Liên bang là nước đối địch với Nhật Bản, nhưng trong vấn đề liên quan đến ngọn tháp, dù thế nào tôi vẫn đứng về phía bọn họ.
Tôi ra khỏi nhà, đón tàu tới ga Tsugaru-Hamana. Lôi chiếc xe đạp bỏ bẵng trong bãi xe của nhà ga ra, tôi gồng mình đạp trên con đường nằm giữa cánh đồng. Vượt qua hai cây cầu, đi hết đoạn đường vòng vì phải tránh quả núi nhỏ là tới xưởng chế tác Emishi.
Tôi không buồn giảm tốc mà cứ thế phóng thẳng vào phần đất của xưởng, lượn một vòng trong bãi đỗ dư chỗ cho xe tải cỡ lớn quay đầu (nói cách khác là cái sân rộng um tùm cỏ dại), dừng xe trước văn phòng.
Bước vào xưởng qua khung cửa cuốn kéo cao hết cỡ, tôi thấy chú Miyagawa và chú Sato mặc nguyên quần áo lao động, ngồi cạnh chiếc lò sưởi kiểu daruma*.
“Cháu chào hai chú. May quá, đang nghỉ giữa giờ ạ?”
“Ờ, lại đây ngồi này.” Chú Miyakawa nói.
Tôi vâng dạ rồi với lấy chiếc ghế gấp đang dựa vào tường. Takuya đến sớm hơn tôi, cậu đi ra từ phòng đun nước, bưng khay trà trên tay. “Cậu đến muộn đấy, Hiroki.”
“Xin lỗi.”
Takuya bắt đầu xếp chén lên chiếc bàn cũ. Chú Sato nhanh tay bốc một thanh quẩy rán tẩm đường dùng kèm với trà, vui vẻ quay sang bảo tôi. “Hiroki, chú biết rồi nhé.”
“Chuyện gì vậy chú?”
Chú Miyakawa nói, “Hai đứa trộm con CHUKAR* của bên Phòng vệ Biển đúng không?”
“Không phải đâu ạ.” Rót trà xong, ngồi xuống ghế xếp, tôi và Takuya cùng lúc trả lời giống hệt nhau.
“Bọn cháu đâu có lấy trộm. Bọn cháu nhặt được ở Amagamori mà.” Takuya tiếp tục, “Nó rơi trong lúc tập luyện, bị bỏ lại trong rừng nên bọn cháu xin về thôi.”
“Rõ ràng là lấy trộm còn gì.” Chú Sato nói xen vào. “Mà hai đứa cũng biết tính toán đấy. Có thể động cơ đó hơi yếu, nhưng chắc vẫn dùng được.
Ăn may kiếm được bộ phận đắt nhất mà không mất đồng nào nhỉ.” “Cẩn thận đừng để người ta lần ra.” Chú Miyakawa nói. “Chú nhắc thế thôi, chứ dạo này bên đó hay huấn luyện bằng drone, mất một hai cái chắc cũng không thành vấn đề.”
“Đúng rồi. Chỗ này chẳng làm gì cũng bị cảnh sát để mắt. Rủi mà để lộ là hỏng bét.”
“Cảnh sát có đến ạ?” Tôi hỏi. “Xưởng hợp tác với quân đội Mỹ mà, sao lại bị nghi ngờ ạ?”
“Vì làm chất nổ chứ sao. Bọn họ thăm dò xem mình có tuồn hàng cho khủng bố không.”
“Tại bộ mặt khả nghi của giám đốc nữa.”
Chú Miyakawa nói xong, chú Sato nhỏ giọng bổ sung. Chúng tôi vừa định cười thì cánh cửa nhôm dẫn sang văn phòng mở ra, vị giám đốc mới được nhắc đến, tức ông Okabe, đi vào.
“Đừng có nói xấu người khác.”
Giọng ông ồm ồm đầy dọa nạt. Tóc húi cua, râu ria lởm chởm, miệng lúc nào cũng phì phèo thuốc lá đúng kiểu ông chú đáng sợ, không có bộ đồ lao động liền thân thì trông chẳng khác gì dân anh chị.
“Rồi sao? Chú bảo mặt tôi thế nào cơ?”
Chú Sato lầm bầm hai tiếng “Bỏ xừ”.
Ông Okabe quay sang tôi và Takuya, thông báo hôm nay không có việc cho chúng tôi làm.
“Nguyên liệu định để hai đứa xử lý chưa về đến nơi. Mai hẵng quay lại. Ta sẽ vắt kiệt sức chúng bay, đừng tưởng trả đủ tiền vật liệu là xong.” “Ơ...” Chúng tôi đồng thanh.
“Còn ơ gì nữa?”
“Vâng.”
“Được rồi, hôm nay tới đây thôi, ‘lên trên’ mau rồi về.” Sau đó ông nói tiếp với hai nhân viên của mình. “Còn các chú đừng có lười, làm việc đi.”
Tôi và Takuya băng ngang khoảng sân đầy cỏ dại của xưởng Emishi, len lỏi giữa rừng ăng ten vô tuyến khổng lồ nhìn kiểu gì cũng thấy giống công trình phi pháp, ra đến chỗ hàng rào bằng lưới thép, sau đó chui qua lỗ hổng trên rào. Đi tắt qua khu đất của xưởng rồi lách ra phía sau là cách nhanh nhất để “lên trên”. Nếu chọn lộ trình bình thường, chúng tôi sẽ phải cuốc bộ khá xa theo con đường vòng vèo.
Sau khi đi xuyên một nghĩa địa nhỏ, vòng qua ngôi chùa không người, chúng tôi bât đầu lên núi. Tôi và Takuya thẳng tiến trên đường núi chưa được khai phá. Đường khó đi, lại dốc, nhưng chúng tôi đến đích mà không mất nhiều thời gian.
Tôi và Takuya đi làm thêm đương nhiên vì có mục đích rõ ràng. Vào thời Ezo còn được gọi bằng cái tên Hokkaido và vẫn là một phần của Nhật Bản, người ta từng lên kế hoạch đào đường hầm dưới eo biển Tsugaru, với độ dài tương tự công trình dưới eo biển Dover. Về sau kế hoạch bị dừng do sự kiện Bắc-Nam chia cắt, nhưng dấu vết của các công trình như nhà ga hay đuờng ray bỏ hoang vẫn nằm lại rải rác quanh khu Hakamagoshidake này.
Chúng tôi im lặng leo dốc. Hơi thở ngắt quãng, khói trắng bay lên mỗi lúc một nhiều. Nhưng chúng tôi vẫn leo, tới khi cây rừng đột ngột thưa đi, giải phóng tầm nhìn.
Đỉnh núi kia rồi, rộng và bằng phẳng đến choáng ngợp. Vào mùa này
nó trắng xóa vì tuyết đọng. Mặt đất màu trắng trải dài, kết thúc ở một điểm nhất định, nhường chỗ cho bầu trời.
Chúng tôi luôn dừng chân ở chỗ này. Khoảng trời nhìn từ đây nằm chính giữa hướng Bắc.
Có thể nhìn thấy ngọn tháp. Chúng tôi ngắm nó trong chốc lát. Chếch về phía tay phải đồng tuyết rộng lớn, vài công trình thấp cũ nát nằm im lìm.
Ba sân ga được nối với nhau bởi cây câu bộ hành, nhà chờ bằng gỗ. Chính là nhà ga bỏ hoang.
Cụm kiến trúc đơn độc mọc lên giữa cánh đồng tuyết ấy dễ khiến người ta liên tưởng đến trạm nghiên cứu Nam Cực xem qua ảnh. Đây là một trong những nhà ga thuộc kế hoạch xây dựng đường hầm xuyên biển. Nó bị bỏ hoang trong tình trạng chưa hoàn thiện. Hoàn toàn bị lãng quên, chẳng ai đến gần.
Chúng tôi bắt đầu chế tạo một thứ ở đây từ mùa thu năm lớp Bảy. Chúng tôi làm thêm ở xưởng Emishi là để kiếm tiền mua vật liệu cho nó. Chúng tôi giẫm lên tuyết, bước đi giữa thảo nguyên trắng xóa. Tuyết tan bớt khá nhiều so với mọi ngày, đường ray gỉ sét thấp thoáng lộ ra. “Tan gần hết rồi nhỉ. Tôi muốn bắt đầu lại quá.” Tôi nói. “Thế này ổn rồi, đừng rơi thêm là được.” Takuya đáp.
Hồi giữa đông, chúng tôi hầu như không thể lên đây bởi vướng tuyết, ngoài ra còn vì bận kiếm tiền.
Cạnh nhà ga bỏ hoang có một gara bằng gỗ, dùng để chứa tàu điện. Có vẻ nó được dựng khá vội, chắc chỉ phục vụ mục đích tạm thời. Tôi và Takuya gọi nó là “xuởng máy bay”. Chúng tôi đến gần gara, vòng ra cửa
sau. Takuya vừa lấy chìa khóa khỏi túi vừa nói.
“Tóm lại, không kiếm đủ vật liệu còn thiếu thì chẳng làm gì được. Động cơ chính xoay xở được rồi, nhưng lưới nano bọc ngoài với mô tơ khởi động đều chưa có. Gay go nhất là mô tơ siêu dẫn, cuối cùng là thật nhiều dầu hỏa. Tiền làm thêm từ ngày mai chắc gì đã đủ...”
“Sẽ có cách thôi. Còn cả kì nghỉ hè mà.” Tôi đáp.
“Cũng đúng.”
Chúng tôi đi vào xưởng máy bay tối mờ.
Cả hai đã gặp may khi tìm được nơi này. Ván tường lỏng lẻo, để hở nhiều chỗ khiến ánh sáng từ bên ngoài lọt vào. Nhờ ánh sáng leo lét ấy, hình dạng của thứ đặt ở vị trí trung tâm lờ mờ hiện ra.
Takuya gạt cầu dao trên bảng điện treo tường xuống.
Tiếng “tách” vang lên, bốn bóng đèn pha halogen tỏa ánh sáng trắng xanh. Nguồn sáng từ tứ phía soi tỏ vật thể duy nhất.
Một khung nhôm, vài chỗ phủ ni lông.
Chúng tôi mới có bộ xương. Nhưng nhìn qua cũng đủ biết đó là chú chim khổng lồ đang dang cánh.
Một chiếc máy bay.
Chúng tôi đang chế tạo nó. Đồ thật. Chiếc phi cơ có một không hai trên đời.
Velaciela.
Về sau máy bay được đặt tên như vậy. Hình như từ đó nghĩa là “Đôi cánh trắng”. Chứng tôi đã chọn màu trắng làm màu cho phi cơ từ trước. Bởi nó sẽ bay về ngọn tháp trắng kia.
Đúng thế. Chúng tôi không chỉ cho nó bay. Nó còn có đích đến.
Là nơi trông như nằm trong tầm tay mà không thể đặt chân tới. Chúng tôi khao khát được nhìn tận mắt mảnh đất Ezo bí ẩn cùng ngọn tháp khổng lồ đứng sừng sững trên đó.
Hai đứa ngắm đôi cánh lắp dở chỉ có khung xương, chìm vào cảm giác khoan khoái từ từ dâng đầy, tưởng tượng một ngày nào đó cả hai ngồi vào buồng lái đôi, mở van tiết lưu, cảm nhận sức kéo của trọng lực khi bay vụt lên.
Chúng tôi dự định bay tới ngọn tháp bên kia biên giới trên chiếc Velaciela này.
Chúng tôi quyết định làm máy bay ngay sau tai nạn với chiếc phản lực năm lớp Bảy.
“Lần tới sẽ là máy bay thật.”
Có lẽ ý nghĩ đó đã hiện diện như linh tính trong đầu cả hai ngay từ lúc chế tạo mô hình RC.
Làm được việc trước đây không thể. Mở rộng phạm vi năng lực của bản thân... Cảm giác thỏa mãn mà những trải nghiệm đó mang lại quả thật vô cùng hấp dẫn. Sự hào hứng ấy đã thôi thúc chúng tôi hành động. “Chiến thôi.”
“Ừ.”
Hai đứa xác nhận quyết tâm của nhau chỉ bằng hai câu vắn tắt. Chúng tôi không hề tính đến nguy cơ thất bại. Ngẫm kĩ thì Takuya và tôi đều thật táo bạo, vì mới học cấp hai mà đã dám nghĩ đến chuyện tự tìm vật liệu rồi chế tạo máy bay chở được người.
Sau khi lấy lại chiếc phản lực RC trên mái nhà thể chất, xếp lên yên
sau xe đạp, tôi và Takuya trao đổi vài câu ngắn gọn trong lúc lững thững dắt xe đi bộ về. Cuộc thảo luận diễn ra chóng vánh, vì những lời kiểm chứng dài dòng gần như không còn cần thiết.
“Bay tới đâu bây giờ?” Tôi hỏi. Vì thiết kế sẽ thay đổi khá nhiều tùy đích đến.
“Về chuyện đó, tôi có một chỗ muốn tới.” Takuya đáp.
“Tôi cũng thế.” Tôi nói.
Chỉ có vậy. Đều không nói hẳn là ngọn tháp. Chúng tôi hiểu nhau rất rõ, khỏi nghĩ cũng biết cả hai nhắm tới mục tiêu giống nhau, ở phương Bắc. Lúc ấy là nửa đêm, không thể trông thấy mục tiêu. Nhưng trong tâm trí tôi và Takuya, bất chấp bóng tối đen đặc, ngọn tháp trắng tinh vẫn tỏa sáng như mặt trời giữa hè.
Bấy giờ, nếu bị hỏi tại sao lại chọn ngọn tháp, có lẽ tôi không trả lời trôi chảy được. Cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa chắc mình có thể giải thích thắc mắc đó một cách mạch lạc.
Nếu không sống ở gần, ngày ngày thấy nó, có lẽ người ta sẽ chẳng hiểu được khao khát ấy, sự nôn nóng ấy.
Mười mấy năm, hàng ngày chúng tôi nhìn ngọn tháp mà lớn lên. Đó chính là lý do.
Ngọn tháp đã dạy cho tôi biết một đường thẳng có thể đẹp đến nhường nào.
Xét về vị trí, tháp nằm cách bán đảo Tsugaru 350 kilomet. Khoảng cách khá xa, nhưng trông rất gần. Không, thay vì nói nó ở gần, nên miêu tả rằng nó đang tiến về phía này (về sau tôi mới biết đó không phải ảo giác, mà là
hiện tượng vật lý lượng tử, gọi là “hiệu ứng đường hầm lượng tử vĩ mô”). Đôi khi tôi cảm thấy nó đang cố ý phô diễn vẻ đẹp.
Rốt cuộc chuyện gì đang diễn ra ở nơi đẹp đẽ ấy?
Những thứ hào nhoáng, tuyệt vời nào hội tụ ở đó?
Tôi từng nghĩ vậy.
Nếu ngọn tháp nằm ở nơi nối với đất liền, chắc chắn tôi đã tìm đến chỗ nó sớm hơn. Có tàu đi tàu, không có thì đạp xe. Không dùng được xe đạp thì cuốc bộ. Bất kể mất bao nhiêu ngày.
Nhưng thực tế, tôi và ngọn tháp bị ngăn cách bởi biển và xung đột quốc gia.
Nơi nằm trong tầm nhìn ấy nắm giữ thứ gì đó rất đẹp, nhưng nỗ lực tiếp cận của tôi lại bị cản trở, từ chối. Tôi còn có cảm giác bị cô lập. Vì thế tôi phải kháng nghị.
Phải có được thứ đó.
Một ngày mùa đông năm lớp Bảy, vì vài lý do, tôi đến xem câu lạc bộ của Takuya tập luyện.
Cậu tham gia câu lạc bộ trượt băng tốc độ. Trong trường hiển nhiên không có sân băng, nên các thành viên câu lạc bộ phải bắt xe buýt mini đến một sân băng trên hồ ở xa. Chỗ đó nằm khá cao trên núi, khi phóng tầm mắt xuống dưới, có thể thấy rất rõ eo biển Tsugaru và ngọn tháp phía bên kia.
Tôi tựa vào cánh cửa lùa của xe buýt mini, nhìn Takuya trượt băng. Tiếng súng hiệu xuất phát vang lên, Takuya đạp xuống mặt băng bằng đôi giày chuyên dụng, lao vụt đi, nửa lướt nửa chạy.
Tôi nhận ra Takuya vừa lướt vừa chăm chăm nhìn thẳng vào ngọn tháp. Sau khi tăng tốc, hạ thân trên xuống rất thấp, ánh mắt cậu vẫn dán chặt vào nó.
Tiếp theo là khúc cua, ngọn tháp tạm rời khỏi tầm nhìn của Takuya. Nhưng tôi dám chắc, dù ngọn tháp thật ở sau lưng, cậu cũng vẫn lướt về phía nó, nhờ hình dung trong đầu.
Hết ba phần tư chặng, ngọn tháp lại lọt vào mắt Takuya. Lúc này, cậu dốc sức chạy trên băng như thể đang nổi giận. Rồi cậu cán đích, từ từ thả lỏng tốc độ toàn thân. Suốt quá trình ấy, ánh nhìn không lúc nào rời ngọn tháp.
Nhận ra điều đó, tôi suýt rơi nước mắt.
Tôi muốn nói thật to, rằng tôi cũng vậy, tôi cũng giống cậu. Thật khó diễn tả bằng lời niềm xúc động khi tìm được kẻ có chung suy nghĩ, cùng quyết tâm. Khi ấy, tôi hoàn toàn không coi Takuya là người ngoài. Thậm chí tôi còn hình dung cậu như một “tôi” khác. “Nhất định phải đi đấy.”
Tôi vỗ lên lưng Takuya. Cậu chỉ vừa kịp thay giày để chuẩn bị quay lại chỗ xe buýt.
Takuya tròn mắt nhìn tôi ngạc nhiên.
“Ừ, nhất định.” Nói xong, cậu ngượng nghịu cười.
Có hai vấn đề lớn khi chế tạo máy bay thật. Đó là tìm mua vật liệu và chuẩn bị đường băng.
Ban đầu, chúng tôi dự định dọn dẹp gara ở nhà tôi rồi chế tạo từng bộ phận một. Trong trường hợp này, hai đứa sẽ phải giải quyết bài toán vận
chuyển máy bay đến chỗ nào và bằng cách gì, cho nó cất cánh từ đâu. Chúng tôi cần nơi thật rộng, cố thể làm đường băng dài, càng gần Hokkaido càng tốt. Tôi muốn nhắm thẳng ra biển thay vì bay trên nhà cửa hay làng mạc. Đã có lúc chúng tôi nghiêm túc tính đến phương án chặn đường quốc lộ, hoặc thay đổi toàn bộ thiết kế để biến nó thành thủy phi cơ.
Việc tìm thấy nhà ga bỏ hoang xảy ra hoàn toàn tình cờ.
“Dùng đường ray ở nhà ga bỏ hoang được không nhỉ?”
Người nghĩ ra điều đó chỉ có thể là Takuya. Cậu có lắm ý tưởng thật. Để tìm kiếm đoạn đường thẳng thích hợp làm đường băng, tôi và Takuya lang thang giữa đường ray tàu hỏa như vẫn thấy trong phim. Chúng tôi xuất phát khi tuyết đầu mùa năm ấy còn chưa rơi. Và rồi chúng tôi lên đến đỉnh núi kia.
Khi phát hiện nhà ga bỏ hoang, hai đứa vui mừng đến mức nhảy cẫng lên.
Mạng lưới đường ray gỉ sét đan xen phức tạp, xuôi theo ngọn đồi bằng phẳng.
Cần bẻ ghi.
Sân ga thiết kế theo mô hình ba đảo nổi thẳng hàng.
Và cây cầu bộ hành có mái cũ nát nối liền các sân ga.
Tất cả khiến tôi và Takuya mê mẩn. Mọi thứ giống như căn cứ bí mật vậy. Nước hồ gần đó dâng lên khiến phân nửa nhà ga chìm trong nước, sân ga kiểu đảo nổi như biến thành những hòn đảo thực sự, trông rất ấn tượng. Dưới nước có cả cá, còn câu được cũng nên.
Hai đứa háo hức đi vòng quanh, xem xét một hồi. Chúng tôi leo lên cầu
bộ hành (lên đến nơi phải bước thật khẽ vì sàn đã bắt đâu thủng nhiều chỗ), đứng trên sân ga ném đá xuống mặt nước, chui vào chiếc xe buýt hỏng bị lật, tháo ghế rồi kéo ra ngoài.
Tôi thực hiện giấc mơ nho nhỏ muốn thử từ lâu, đó là ngủ trưa trên đường tàu, gối đầu lên thanh ray. Làm thế trên tuyến đường đang hoạt động sẽ dẫn đến hậu quả hết sức tai hại, còn ở đây chẳng có ai nhòm ngó, không cần lo lắng gì hết.
Thấy vậy, Takuya giả làm tàu hỏa chạy dọc đường ray, lao tới đá vào mạn sườn tôi. Cậu thở khò khè nghe như tiếng động cơ, hiển nhiên không chỉ vì vừa dùng sức chạy đến.
“Cậu hí hửng cái gì?”
“Làm mấy chuyện kiểu này kích thích đúng không? Hay cậu không biết cảm giác ấy?”
“Tất nhiên là tôi biết!” Tôi đáp.
Vậy là chúng tôi quyết định chế tạo máy bay ở nhà ga bỏ hoang. Xét về vị trí, nơi này thông ra biển, lại có đường ray thẳng tắp. Nếu cho máy bay cất cánh từ đây thì làm việc tại chỗ là đỡ tốn công nhất.
Đối với vấn đề còn lại là vật liệu, nhất thời chúng tôi không nghĩ ra phương án nào khả quan. Có cả núi thứ cần mua. Trước nhất là động cơ phản lực. Nhôm để tạo khung, lưới nano cacbon, động cơ siêu dẫn. Cái gì cũng đắt. Phải kiếm đủ tiền. Nhưng vấn đề khó nhằn hơn cả là nguồn cung. Hai đứa vị thành niên như chúng tôi biết mua những thứ đó ở đâu đây?
Cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra câu trả lời, mà gợi ý dẫn đến đáp án ấy tiếp tục là nhà ga bỏ hoang. Trên đời đôi khi vẫn có chuyện như vậy, chỉ cần một bước diễn ra suôn sẻ thì những bước còn lại cũng trơn tru
theo.
Sau nhiều lần đi đi về về nhà ga bỏ hoang, chúng tôi phát hiện ra rằng, xuyên rừng đi thẳng tới phía sau xưởng Emishi là lộ trình xuống núi nhanh nhất. Chúng tôi lén lút băng qua phần đất của xưởng, tiếp đó nhanh chóng ra ga nhờ con đường nhựa dễ đi. Hàng rào sắt gỉ sét bị rách một mảng, chui qua là vào được khu đất.
Cứ thế đến một ngày, chúng tôi bị nhân viên của xưởng bắt được. Sau này chúng tôi mới biết tên chú là Sato, người ít tuổi nhất trong công ty. Bằng vẻ mặt dữ tợn, chú lôi hai đứa lên phòng giám đốc. Khi bị phát hiện, chúng tôi cố bỏ chạy, nhưng chú đã kịp gạt chân đốn ngã Takuya rồi ấn chặt cậu xuống đất trong nháy mắt. Tôi không thể trốn một mình, đành chấp nhận bị tóm.
Tôi thầm nghĩ, hành xử thế này với hai thằng học sinh cấp hai lén lút trong mảnh đất bé xíu có nặng tay quá không, lại nơm nớp lo không biết chú sẽ làm gì nếu tôi dám nói ra.
Phòng giám đốc nằm trên tầng hai tòa nhà tiền chế, bên trong có vài chiếc bàn thép dành cho nhân viên, trông giống văn phòng làm việc hơn. Ngồi ở bàn đầu là giám đốc Okabe, lúc đó chúng tôi còn chưa biết tên. Ông đang đọc báo, miệng ngậm thuốc lá.
Chúng tôi bị đẩy vào lưng, hơi chúi về trước. Chú Sato nói. “Bọn đột nhập từ sau xưởng đây ạ.” ông Okabe kêu “Hả” một tiếng, đặt tờ báo xuống rồi đứng dậy, điếu thuốc vẫn ngậm trên miệng.
Ông là người cao lớn, chắc chưa đến mét tám, nhưng cũng không thấp hơn cỡ đó là bao, cánh tay to như dùi cui. Ông nhìn xuống chúng tôi. “Bọn bay muốn gì?” Ông nói với điệu bộ như sắp đánh chúng tôi. “Trình bày trong vòng một phút. Nếu trả lời vừa ý ta, ta sẽ tha cho về.”
Tôi và Takuya sợ quá, cuống cuồng giải thích. Từ chuyện đi tắt qua xưởng để tiện lên ga, chuyện phát hiện nhà ga bỏ hoang khi tìm chỗ làm đường băng, tới chuyện định chế tạo máy bay trên đó...
“Máy bay hả?” Ông Okabe ngờ vực hỏi. “Ồ, hóa ra là bọn bay. Hai thằng ngốc đem khoe chiếc phản lực ở trường cấp hai rồi ăn mắng te tua đây đúng không?”
Tôi buột miệng hỏi lại, “Sao bác biết ạ?”
Nói xong tôi mới rụt cổ, lo ông nổi đóa vì bị hỏi ngược. Ông Okabe dụi điếu thuốc cháy dở vào gạt tàn, cười to.
“Người lớn có mạng lưới thông tin của người lớn. Giáo viên trường cấp hai Minami Yomogita toàn người quen của ta cả.”
Takuya nhỏ giọng “Hừ” một tiếng. Tôi cũng có cùng cảm nhận. Đoán chừng có thể thương lượng với những người này, Takuya đột ngột nói, “Cho cháu hỏi, đây là xưởng quân khí phải không ạ?” “Ờ, đúng thế. Là chỗ mấy ông chú dữ tợn chế tạo đồ chơi nguy hiểm. Không phải chốn cho bọn trẻ con lảng vảng đâu.”
“Các chú bán nhôm cho bọn cháu được không ạ?”
Tôi ngạc nhiên kêu thầm, tự dưng cậu nói linh tinh gì vậy!? “Nhôm? Hai đứa định dùng thứ ấy làm gì?”
“Bọn cháu làm vật liệu cho máy bay.”
Chú Sato chen vào, “Lại máy bay đồ chơi chứ gì?” “Không phải đồ chơi. Bọn cháu làm phi cơ hai chỗ ngồi đàng hoàng.” Takuya hơi cáu, đáp. Sau một hồi hoang mang trước những diễn biến bất ngờ, cuối cùng tôi cũng bắt kịp. Mua được vật liệu ở chỗ này thì còn gì bằng. Tôi hùa theo Takuya, dõng dạc nói, “Với lại nếu được, bọn cháu muốn mua cả mô tơ