Tôi và cậu, đôi bạn thân rất thân, niềm thân ái thắm thiết bền lâu. Hai đứa hiểu nhau mà chẳng cần nói trọn một câu. Có chung nhau những sở thích vô cùng khác lạ. Rồi tình thân tiêu tan sau một ngày mùa hạ, khi cô ấy đến rồi đi không để lại lời nào.
Giữa biển người mênh mông, Takuya và Hiroki trở nên gắn kết nhờ có chung những kĩ năng và sở thích khác hẳn cộng đồng.
Nghĩ nhiều, làm nhiều, nói ít… Mấy năm thân thiết của hai cậu được ghi dấu bằng những lúc âm thầm đứng cạnh nhau trên sân ga đợi tàu đi học, âm thầm cùng chế tác chiếc máy bay chở ước vọng tương lai, âm thầm sẻ chia những tật xấu phải che mắt người ngoài, âm thầm cảm nhận nét đẹp của một cô gái, và âm thầm cả khi phát hiện ra nhau lại tiếp tục chung sở thích về một người.
Người ấy không chỉ gây xáo trộn tâm tư, mà có lẽ còn sẽ gây chia rẽ tình bạn thân thiết của hai cậu…
Trên vụn nắng lấp lánh mặt ao xanh, trong tiếng vĩ cầm réo rắt, tơ lòng mong manh của một cô bé và hai cậu bé đã lặng lẽ dệt nên những canh vải vô cùng phức tạp, không thể gỡ ra chỉ bằng cách đơn giản là quyết định ai ở bên ai.
Một câu chuyện hư cấu đầy chân thật
Light novel Bên kia mây trời là nơi hẹn ước lấy bối cảnh Nhật Bản hư cấu, nơi bị chia cắt hai miền Nam – Bắc và phải chịu sự thao túng từ các cường quốc khác. Sự đấu đá giữa Mĩ và Liên Bang, hai thế lực đã chia cắt nước Nhật, trở thành lý do chính để phe Liên Bang (chiếm đóng các đảo phía Bắc) cho phép nhà khoa học Tsukinoe Ekusun xây dựng lên ngọn tháp cao kỳ lạ.
Trong bối cảnh loạn lạc vì những phe phái, mâu thuẫn như vậy, bộ ba người bạn trẻ Hiroki, Sayuri và Takuya xuất hiện mang theo sự trong trẻo, hồn nhiên. Hiroki và Sayuri hạnh ngộ trên chuyến tàu hỏa, họ cùng chia sẻ với Takuya sự thích thú với tòa tháp của Liên Bang. Ba người bạn cùng hẹn rằng sẽ có một ngày nào đấy cùng bay đến ngọn tháp trên chiếc máy bay Velaciela (đôi cánh trắng) mà Takuya và Hiroki chế tạo. Tuy nhiên, lời hứa đó không thể thực hiện vì Sayuri đã mất tích đầy bí ẩn.
Âm mưu và tình yêu
Ba năm sau đó, Takuya làm việc cho cơ quan Liên Minh Khoa học (Alliance Scientific Facility) do Cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ tài trợ. Nhờ vậy, cậu dần phát hiện ra sự liên quan mật thiết giữa tòa tháp với một chiều không gian song song khác.
Cùng lúc đó, Hiroki đến Tokyo để hoàn thành chương trình cấp 3. Dù bị trầm cảm sau vụ mất tích đột ngột của Sayuri, nhưng Hiroki vẫn đủ tỉnh táo để phát hiện ra những manh mối còn sót lại trong lá thư trước lúc biến mất mà Sayuri để lại. Cũng từ đây, những bí mật dần được vén màn với những âm mưu khủng khiếp đến từ cả hai cường quốc.
Liệu Hiroki và Takuya có thể tìm được Sayuri? Bộ ba sẽ làm thế nào để thoát khỏi cuộc chiến tương tàn giữa hai miền đất nước? Ngọn tháp kỳ lạ đóng vai trò gì? Tất cả những thắc mắc của độc giả sẽ đều được tác giả giải đáp khéo léo trong light novel ‘Phía bên kia mây trời là nơi hẹn ước’
Những lời khen dành cho ‘Bên kia mây trời là nơi hẹn ước’
Hầu như những độc giả yêu quý bộ truyện, dù là nguôn tác manga hay anime đều nhận xét rằng họ bị thu hút bởi tính nhân văn của câu chuyện. Hiroki, Takuya và Sayuri là những người trẻ giữa cuộc chiến, song họ không chiến đấu bằng súng đạn mà lựa chọn tình bạn, quyết tâm thực hiện hoài bão làm vũ khí.
Hiroki và Takuya đã có lúc buông lơi cuộc hẹn trên tòa tháp với Sayuri mà từ bỏ việc lắm ráp máy bay, nhưng sau đó cũng chính để cứu Sayuri mà cả hai tiếp tục hoàn thành ‘đôi cánh trắng’ ấy. Còn Sayuri, cô bé chấp nhận đánh đổi ký ức 3 năm để giúp được quân kháng chiến có cơ hội thống nhất hai miền đất nước… Tất cả những chi tiết ấy đều tô điểm cũng như khẳng định giá trị tuyệt vời của bộ light novel này.
Light novel ‘Bên kia mây trời là nơi hẹn ước’ hiện đã được IPM phát hành tại Việt Nam.
***
Phải chăng ta đang nghe
hơi thở của bầu trời
nơi tháp kia khóc than
trôi xa về phương Bắc.
Miyazawa Kenji
Tôi bất giác ngẩng đầu nhìn trời trong lúc đợi đèn xanh ở ngã tư trước trung tâm thương mại Odakyu HALC.
Khoảnh trời hẹp bên trên cổng Tây ga Shinjuku bị vây quanh bốn phía bởi cao ốc, chẳng rực rỡ cho lắm vào sáng sớm, nhưng cũng coi như khá trong xanh giữa đô thị xám xịt, đủ khiến tôi nhận ra hè đang về.
Trong hình dung của tôi, hương sắc mùa hè giống như một khối không khí nồng nàn, chầm chậm rơi xuống từ không trung.
Tôi nheo mắt, mường tượng về khối hương sắc mùa hè ấy.
Vào khoảnh khắc đó, kí ức về mùa hè đặc biệt, mùa hè của mười sáu năm trước, bỗng bồi hồi trào dâng trong lồng ngực. Buồng phổi như thắt lại, đau nghẹn đến mức nước mắt chực rơi. Mất một lúc mới nhận ra đèn tín hiệu đã chuyển sang xanh, tôi vội vàng bước qua đường, theo dòng người hướng về cửa soát vé ở cổng Tây.
Nhà ga đang giờ cao điểm. Đám đông trước mặt tôi tạo thành dòng người tấp nập, lần lượt tràn qua cửa soát vé tự động. Tôi ngắm nhìn cảnh tượng đó, lòng chẳng mảy may ngạc nhiên hay xúc động. Chừng này con người cùng sống trong một thành phố, mỗi người lại có cuộc đời riêng. Ngẫm lại mới thấy, chẳng rõ từ lúc nào chuyện này không còn khiến tôi kinh ngạc. Tôi ý thức được gánh nặng trên vai mình. Bước sang tuổi ba mươi mốt, tôi đã thấm thía nỗi mỏi mệt tương xứng với tuổi tác. Không quá to tát, nhưng cũng khó bơ đi mà sống.
Tôi bỗng không muốn đến công ty nữa.
Tính cách tôi vốn hơi khác thường, đúng hơn là y như trẻ con. Nhưng nghĩ lại, hồi nhỏ tôi từng trốn học bao giờ chưa nhỉ? Hình như là chưa. Tôi ngờ rằng mình đã lớn lên theo cách không trọn vẹn. Bởi người ta khó có thể trưởng thành thực sự nếu chưa làm trẻ con đúng nghĩa khi còn bé. Tôi chẳng biết việc làm người lớn có giá trị đến nhường nào. Có điều, chí ít mối hoài nghi về sự trưởng thành nửa vời của bản thân vẫn luôn canh cánh trong lòng tôi.
Tôi điểm lại lịch trình hôm nay. Trước mắt không có cuộc hẹn nào cả. Việc gấp không phải không có, nhưng chắc sẽ xoay xở được thôi. Tôi bỏ cặp đi làm vào tủ gửi đồ của nhà ga, khóa lại. Lấy điện thoại trong túi áo ra, tôi định bụng gọi đến công ty…
Tôi chợt đổi ý, tắt nguồn rồi cất điện thoại vào túi áo. Tôi quyết tâm, đã trốn thì trốn cho ra trò đúng kiểu trẻ con.
Tôi biết ngay mình muốn đi đâu. Sau khi xuống ga Tokyo qua tuyến Chuo, tôi mua vé tàu tốc hành tuyến shinkansen Tohoku đi Hachinohe cùng vé về Aomori. Bước lên con tàu shinkansen Hayate rời ga lúc 8 giờ 56 phút, tôi nhét mình trong ghế ngồi chật hẹp, mơ màng ngủ gà ngủ gật suốt hành trình gần ba tiếng.
Tôi chuyển sang tàu hỏa tốc hành ở Hachinohe, đi tới ga Aomori. Đợi thêm ba mươi phút, tôi lên chuyến tàu hỏa chạy bằng dầu diesel của tuyến Tsugaru. Đây là tuyến tàu chặng ngắn chạy đến tận cùng bán đảo Tsugaru, điểm cực Bắc đảo Honshu.
Chuyến tàu vùng quê đầy hoài niệm. Đoàn tàu gồm hai toa. Mỗi ngày vỏn vẹn năm chuyến.
Không có gì thay đổi. Toa tàu vắng khách tạo cảm giác bình lặng đến lạ kì. Người dân sống ở Tsugaru chỉ đi lại bằng tuyến đường sắt duy nhất này. Có thể vì vậy mà tôi nhận thấy ở nó sự thân thuộc đặc biệt.
Thế nhưng, trong đó có cả cảm giác lạc lõng. Bởi tôi đã trở thành kẻ xa lạ trên mảnh đất này. Tôi không còn thuộc về bầu không khí thân thương ấy nữa.
Một cặp đôi cấp hai ngồi ở khoang ghế đằng xa. Cả hai đang vui vẻ trò chuyện. Tôi bồi hồi ngắm cảnh tượng ấy. Hai đứa mặc đồng phục trường cấp hai của tôi. Bộ đồng phục cũng không đổi khác so với trước kia. Tôi nghe thấy nội dung cuộc đối thoại. Toàn chuyện lặt vặt của trẻ con, nhưng trông cả hai rất vui vẻ, không vướng bận gì cả.
Tôi cũng có một thời rạng rỡ, vô ưu như thế.
Những điều nhỏ nhặt từng là báu vật, đem đến niềm vui khôn tả.
Cạnh tôi có một người bạn thân cùng một cô gái xinh đẹp. Ba chúng tôi ngồi trên chuyến tàu này, mong sao cỗ xe lửa vận hành bằng dầu diesel vốn vừa nặng vừa chậm chạy từ từ hơn nữa. Giờ đây tất cả chỉ còn trong kí ức xa vời…
Đúng rồi. Tôi đã đi rất xa.
Khi ấy, tôi gắng hết sức vùng vẫy, cốt để đi càng xa càng tốt. Cái đích mà tôi của ngày đó cố gắng vươn tới có phải chính là đây? Tôi cũng chẳng biết.
Tôi xuống ga Tsugaru-Hamana, trước điểm cuối của tuyến một ga.
Tôi vừa đưa mắt nhìn bãi để xe nhỏ dành cho xe đạp, vừa bước về hướng ngược lại với ngôi làng, băng qua gầm cầu cạn của tuyến Tsugaru-Kaikyo mới, tuyến đường sắt xây dở chưa từng được đưa vào sử dụng.
Đoạn đường tiếp theo hơi dốc.