🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bánh Xe Nghiệt Ngã - Arthur Hailey full mobi pdf epub azw3 [Trinh Thám] Ebooks Nhóm Zalo [ebook©vctvegroup] BÁNH XE NGHIỆT NGà —★— Tác giả: Arthur Hailey Người dịch: Phương Hà Nhà xuất bản Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh 1991 ARTHUR HAILEY Người gốc Anh nhập quốc tịch Canada, sang Califoocnia (Hoa Kỳ) sinh sống từ 1966. Sinh năm 1920 ở Luân Đôn. Làm phi công trong Không quân Hoàng gia Anh trong Đại chiến Thế giới lần thứ Hai, di cư sang Canada năm 1947. Hoạt động trong giới kinh doanh, sau đó từ 1956 viết kịch bản cho vô tuyến truyền hình, từ 1959 chuyên viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết “BÁNH XE NGHIỆT NGÔ của tác giả PHI TRƯỜNG đưa bạn đọc đi sâu vào một cơ sở sản xuất của nền công nghiệp hiện đại Hoa Kỳ, hé cho ta thấy bí quyết thành công của nó : những giám đốc năng nổ, tháo vát làm việc mười hai mười bốn tiếng một ngày, những kỹ sư tận tụy yêu nghề luôn tìm cách ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất để nâng cao chất lượng sản phấm, tổ chức lao động chặt chẽ trong nhà máy mẹ kết hợp với hệ thống xí nghiệp vệ tinh qui tụ những tay nghề cao, bộ máy quảng cáo và dịch vụ thương mại rộng khắp thuận tiện cho người tiêu dùng… Đồng thời tác giả cũng phanh phui những mâu thuẫn đang ngáng trở nền sản xuất lớn tư bản. Chủ nghĩa phát triển thậm chí có nguy cơ sa sút : sự cạnh tranh tàn nhẫn giữa các công ti cá mập, nạn ô nhiễm môi trường sống, tệ phân biệt chủng tộc và nạn mafia có mặt khắp nơi dùng khủng bố tàn bạo để bòn rút công nhân, số đông người lao động bần cùng nổi giận… Qua câu chuyên xoay quanh một nhà máy sản xuất ôtô lớn với nhiều gương mặt rất khác nhau, chủ tịch công ty, quản đốc phân xưởng, công nhân bình thường, da trắng và da đen, những cặp vợ chồng chung thủy và những cô nhân tình quí phái… bạn đọc có thể cảm nhận được ánh hào quang kỳ diệu nhưng đầy lo lắng của một hình thái kinh tế xã hội đang tìm cách thích nghi để tồn tại. Dịch qua bản tiếng Pháp “DETROIT” của Nhà Xuất Bản Albin Michel, 1972. Hiệu đính theo bản tiếng Anh “WHEELS” của Nhà Xuất Bản Double and Cie, New York, 1971. C 1 hủ tịch hãng Động Cơ Thông Dụng bực mình, cả đêm qua mất ngủ : chiếc chăn điện trở chứng liên tục và mỗi lần như thế ông lại thức giấc vì lạnh. Lúc này vẫn mặc bộ đồ ngủ, choàng áo khoác, ông rón rén đi lục tìm khắp ngôi nhà vắng lặng rồi mang bầy lên nửa còn lại của chiếc giường lớn nhiều thứ dụng cụ đồ nghề, bắt đầu tháo bộ phận điện trong khi Côrali vợ ông vẫn còn ngủ. Ông phát hiện ngay chỗ tiếp xúc kém. Vừa cằn nhằn các tay sản xuất chăn điện làm ẩu, ông mang xuống xưởng riêng dưới hầm để sửa. Người vợ vươn vai. Chỉ vài phút nữa đồng hồ báo thức sẽ đánh chuông. Lúc ấy bà mới dậy lo bữa điểm tâm trong khi vẫn còn ngái ngủ. Ở thị trấn Blumfin Hin cách Đitơroi mười lăm kilômét này bây giờ vẫn còn tối. Sáng sớm hôm đó chủ tịch hãng ĐCTD, người khô khan, cử chỉ lanh lẹn nhưng bản tính nói chung điềm tĩnh có hai cớ để bực mình : chiếc chăn điện tất nhiên là một, còn một nữa là cách xử sự rất đáng giận của Imơcxơn Vên. Mấy phút trước đây qua chiếc đài bán dẫn đặt trên bàn ngủ mở thầm đủ nghe ông đã nhận ra giọng nói chua ngoa quen thuộc và dễ ghét của nhà “phê phán xe hơi” cỡ lớn này. Bữa qua trong cuộc họp báo ở Oasinhtơn một lần nữa Imơcxơn Vên lại công kích ba người đáng ghét nhất xưa nay của lão : Động Cơ Thông Dụng, Fo và Craixlơ. Lên án ba ông Lớn về tội “tham lam, tụ tập bè đảng lưu manh, bội tín, cưỡng đoạt tiền của dân chúng”. Vì ba Ông Lớn đã hoàn toàn thỏa thuận cùng nhau ngăn cản việc phát triển loại xe “sạch sẽ” thay cho xe chạy xăng, loại xe chạy hơi nước hoặc chạy điện là những loại Vên cho rằng “đã sẵn sàng lăn bánh”. Lời buộc tội chẳng có gì mới. Nhưng Vên vốn rất khôn khéo trong sự giao tiếp với công chúng và giới báo chí nên đã lồng vào lời tuyên bố những tư liệu mới làm nó có giá trị thông tin, thu hút được người đọc. Vị chủ tịch hãng công nghiệp lớn nhất thế giới tốt nghiệp kĩ sư một trường nổi tiếng ngồi sửa bộ phận hâm nóng của chiếc chăn điện với niềm vui thích thường thấy khi có thì giờ làm các việc trong gia đình. Rồi ông đi tắm, cạo mặt, bận quần áo, tới dùng bữa sáng với Côrali. Trên bàn ăn có tờ Đitơroi Tự Do. Vừa trông thấy tên và ảnh Imơcxơn Vên in trên trang nhất ông chửi thề và quăng tờ báo xuống đất. Côrali đặt trước mặt chồng các món của bữa điểm tâm theo chế độ “chống tăng côléttêrôn” : bánh mì nướng không phết bơ, lòng trắng một quả trứng luộc, cà chua xắt khoanh, fomát trắng. Sáng nào vợ ông chủ tịch ĐCTD cũng tự tay soạn bữa ăn đầu tiên này và cùng ăn với chồng mặc dầu chồng phải đi làm sớm. Côrali ngồi xuống trước mặt chồng, nhặt tờ báo mở ra và nói : “Theo Imơcxơn Vên, chúng ta đã có đủ trình độ kỹ thuật để đưa người lên mặt trăng hoặc sao Hỏa thì ngành kỹ nghệ xe hơi cũng phải cho ra được loại xe hoàn hảo, không có khuyết điểm gì và không gây ô nhiễm không khí”. Người chồng đặt khăn xuống. “Định làm tôi ăn mất ngon đấy à ? Bữa ăn đã chẳng có gì lại còn…” Người vợ tủm tỉm cười. “Em thấy hình như anh đã hết ngon miệng rồi thì phải ! Ông Vên còn trích dẫn Kinh thánh nói về ô nhiễm nữa cơ. - Lay Chúa Kitô ! Kinh thánh nói gì về cái đó được ! - Không phải Chúa Kitô đâu. Đoạn này trích trong kinh Cựu Ước. - Thì đọc đi vậy. Đằng nào bà cũng định đọc”. Người chồng lầu bầu, vẻ tò mò muốn biết. “Thánh Giêrêmi: Ta cho ngươi tới xứ sở xanh tươi như một khu vườn để các người được ăn những trái quả tươi ngon nhất. Nhưng sau khi đến các người đã làm ô trọc xứ sở của ta, biến gia tài của ta thành thứ ghê tởm.” Bà rót cà phê vào tách. “Em thấy tay ấy viết khá tài tình”. - Chẳng ai cho cái thằng đểu ấy là kém thông minh. Người vợ đọc tiếp. “Ngành kỹ nghệ xe hơi và dầu mỏ đồng tình kìm hãm sự tiến bộ kỹ thuật đáng lẽ từ lâu đã dẫn đến việc phát minh ra xe chạy điện hoặc hơi nước. Lập luận của họ rất đơn giản : loại xe này sẽ biến thành số không toàn bộ khoản tiền khổng lồ đầu tư vào loại động cơ đốt trong đang đầu độc khí quyển”. Bà đặt báo xuống. “Bài này có gì đúng sự thật không ? - Rõ ràng Vên cho tất cả những điều ấy là đúng. - Anh thì không ? - Nhất định không. - Không có một tí nào ? - Đôi khi có thể thoang thoảng tí chút sự thật trong một lời tuyên bố ngoa ngoắt. Chính bằng cách đó mà những kẻ như Imơcxơn làm ra vẻ mình có lý”. Người chồng đáp lại, vẻ bực bội. - Anh sẽ bác bỏ những điều lão nói chứ ? - Có lẽ không. - Sao vậy ? - Vì nếu Động Cơ Thông Dụng nện Imơcxơn, người ta sẽ lên án cái Hãng lớn như thế mà đi đè bẹp một cá nhân tầm thường. Nếu không đập lại thiên hạ cũng sẽ nguyền rủa bọn anh, nhưng dù sao họ không thể trích dẫn lời bọn anh để xuyên tạc. - Sao không để một người nào khác đập lại ? - Nếu có tay nhà báo kha khá nào đó đụng đến Hăngri Fo xem, có lẽ ông ta sẽ trả miếng - ông mỉm cười - có điều là Hăngri sẽ nói toạc móng heo và sẽ không công bố lời ông ta được. - Ở địa vị anh, có lẽ em sẽ nói một cái gì. Tất nhiên nếu em tin chắc mình có lý. - Cám ơn lời khuyên của em. Vị chủ tịch ĐCTD chấm dứt bàn cãi ngồi ăn xong bữa. Nhưng cuộc tranh luận với những lời châm chọc cố tình mà Côrali cho là thỉnh thoảng đưa ra sẽ bổ ích cho ông, đã làm tiêu tan nỗi bực dọc từ sáng. Ông nghe phía ngoài cửa bếp bước chân người hầu gái đang vào. Như vậy là lái xe đón cô ta dọc đường đã về và đang đợi ông dưới kia. Ông đứng lên, ôm hôn vợ. Mấy phút sau, khoảng sáu giờ sáng chiếc Cađilắc chở ông theo đường Têlêgráf đi về phía đường FriUê và khu trung tâm. Vào một sáng tháng mười trong trẻo có từng cơn gió tây bắc báo hiệu mùa đông đang về. Thành phố Đitơroi bang Misigân, thủ đô thế giới của công nghiệp xe hơi bắt đầu tỉnh giấc. Ở Blumfin Hin, cách nhà ông chủ tịch ĐCTD mười phút đi bộ, phó chủ tịch hãng Fo cũng đang sửa soạn ra sân bay Mêtrôpôlitên của thành phố. Ông đã dùng xong bữa sáng, một mình. Người nữ nhân viên phục vụ bưng khay thức ăn vào tận văn phòng chiếu sáng yếu ớt trong đó ông ngồi đọc các bản báo cáo từ năm giờ sáng (phần lớn các báo cáo đều viết trên loại giấy xanh đặc biệt mà văn phòng phó chủ tịch dùng cho các văn kiện về thực hiện đề án mới) và ghi vào băng từ những chỉ thị rõ ràng, chính xác. Gần như ông không ngẩng lên nhìn khi bữa điểm tâm được mang vào và cũng chẳng nhìn xem mình đang ăn gì. Trong có một giờ ông làm xong khối công việc người khác phải làm trong cả một ngày hoặc hơn nữa mới xong. Phần lớn các quyết định xoay quanh việc xây dựng thêm xưởng máy mới hoặc mở rộng những nhà máy hiện có, tốn kém hàng mấy tỉ đô la. Phó chủ tịch ngoài nhiều nhiệm vụ khác, có trách nhiệm phê chuẩn hoặc bác bỏ các đề án được đệ trình và định thứ tự ưu tiên. Hôm có người hỏi ông phê duyệt những khoản lớn như vậy có thấy run tay không, ông đáp lại : “Không, bởi vì bao giờ tôi cũng thầm bỏ bớt ba chữ số cuối. Thành ra cũng không khó hơn khi cân nhắc mua một ngôi nhà”. Câu trả lời rõ ràng, bật ra rất nhanh, nói lên bản lĩnh của người vốn là anh bán xe xoàng xĩnh chỉ trong thời gian kỉ lục đã trở thành một trong mười hai ông chủ có quyền quyết định trong vương quốc xe hơi. Cũng chính cách làm ăn kiểu đó giúp ông trở thành siêu triệu phú. Vấn đề cần xem xét là sự tiến bộ và sự giàu sang có đáng với cái giá phải trả không. Phó chủ tịch làm việc mỗi ngày mười hai có khi mười bốn tiếng, thường là bẩy ngày trong một tuần với nhịp độ dồn dập. Như ngày hôm nay, trong lúc phần đông dân thành phố còn đang ngủ ông đã phải lên máy bay riêng của hãng bay đi NiuYoóc, trong lúc ngồi trên máy bay ông tranh thủ nghiên cứu thị trường với các nhân viên dưới quyền, vừa đến nơi phải chủ tọa ngay cuộc họp với các giám đốc địa phương cũng về vấn đề đó. Cuộc họp vừa xong ông phải tranh cãi gay gắt với hai mươi đại lý bang NiuGiơdi về việc bảo hành và các dịch vụ hậu mãi. Sau dó đến Manhattan dùng bữa trưa với một nhóm chủ ngân hàng, đọc một bài diễn văn. Rồi họp báo, đương đầu với các phóng viên. Buồi trưa trở về Đitơroi cũng bằng chiếc máy bay đó, ông có nhiều cuộc gặp gỡ để giải quyết công việc thường lệ cho đến bữa chiều. Trong ngày, vào một lúc nào đó chưa sắp xếp được, phải đưa đầu cho thợ đến tận nơi cắt tóc. Bữa tối ăn trên sân thượng sẽ được điểm xuyết bằng cuộc trò chuyện với người phụ trách các ban quan trọng về kiểu xe mới. Cuối cùng sẽ đến vĩnh biệt một đồng nghiệp mới từ trần tối qua vì nghẽn động mạch vành, (tại nhà thờ tang lễ Hêminhtơn, một chặng trên con đường đưa các ông Lớn ngành xe hơi tới nghĩa trang Út Lên). Sau tất cả những việc đó cuối cùng phó chủ tịch mới được về nhà ôm theo chiếc cặp căng phồng hồ sơ phải nghiên cứu để chuẩn bị cho ngày mai. Lúc này ông đẩy khay điểm tâm ra xa, thu gom giấy từ rồi đứng lên. Bốn bức tường của phòng làm việc đều có giá xếp đầy sách. Đôi khi, vào những buổi không bận rộn tối tăm mắt mũi như sáng nay ông ném lên chúng một cái nhìn tiếc nuối và thèm muốn. Vì nhiều năm trước đây có một thời ông đọc rất nhiều. Có thể ông đã trở thành sinh viên nếu đời ông đi theo hướng khác. Bây giờ thì không có thì giờ đọc sách nữa. Ngay cả việc đọc tờ báo hàng ngày cũng phải rình chộp thời cơ tranh thủ liếc thật nhanh. Nên ông cầm tờ báo còn nguyên nếp gấp khi nhân viên phục vụ mang tới và nhét luôn vào cặp. Vì thế mãi sau ông mới biết những lời công kích mới nhất của Imơcxơn Vên và nguyền rủa hắn như những người khác trong ngành xe hơi đã nguyền rủa từ sớm. Tại sân bay ban tham mưu cùng đi với ông đã tề tựu trong phòng đợi của đoàn Vận chuyển hàng không Hăngri Fo. Ông ra lệnh giọng khô khan. “Lên đường”. Động cơ chiếc Jết Xta bắt đầu chạy, trong lúc cả đoàn tám người lên máy bay. Những người lên sau chưa kịp đeo dây an toàn máy bay đã lăn bánh. Chỉ những người thường đi máy bay riêng mới thấy rõ cái lợi về tiết kiệm thì giờ so với đi máy bay công cộng. Máy bay lăn nhanh ra đường băng cất cánh trong lúc mọi người mở cặp đặt trên đầu gối. Phó chủ tịch mở đầu ngay cuộc thảo luận. “Kết quả thu được ở khu vực đông bắc mấy tháng gần đây không được khả quan. Các ông đều đã nắm được số liệu, cũng như tôi. Tôi đòi hỏi sự giải thích tình hình đó. Và muốn biết những biện pháp nào đã được thi hành”. Ông vừa nói xong thì máy bay cất cánh. Phía chân trời vầng dương đỏ quạch nhô dần, sáng lên giữa những đám mây xám trôi rất nhanh. Dưới cánh máy bay đang nâng độ cao, ánh sáng ban mai làm nhìn rõ thành phố và các vùng phụ cận trải dài. Khu trung tâm Đitơroi, ốc đảo vuông mỗi cạnh một cây số giống như một Manhattan thu nhỏ; tiếp liền sau đó là những héc ta đường phố buồn tẻ, nhà cao tầng, nhà máy, nhà ở, phần lớn cáu bẩn. Một thành phố công nghiệp dơ dáy phát sợ vì không chịu vung tiền cho công việc quét dọn vệ sinh. Phía tây thành phố, Điếcbơn sạch sẽ xanh tươi hơn, tận cùng bằng tổ hợp công nghiệp khổng lồ của LơRu. Ngược lại ở đầu phía đông, khu Mũi Lớn, phô những rặng cây thẳng tắp : đó là thiên đường của những kẻ giầu có. Phía Nam là khu công nghiệp Vianđốt mù mịt khói; đảo Bel-In nép sát bờ sông Đitơroi như chiếc sà lan mầu rỉ đồng chở khẳm. Bờ sông bên kia là lãnh thổ Canada, thành phố Oaixo cũng xấu xí cũng gớm ghiếc không kém Đitơroi trên đất Mĩ. Và trên khắp mọi miền, ánh sáng ban ngày làm nổi rõ mật độ giao thông dầy đặc trên mạng đường sá. Hàng vạn con người như đàn kiến cỏ (hoặc đàn chuột len-mút tùy theo cách nhìn từng người) gồm thợ thuyền, nhân viên, viên chức lũ lượt kéo nhau bước vào một ngày sản xuất mới trong vô vàn xí nghiệp lớn nhỏ. Đitơroi kiểm soát và điều khiển nền sản xuất xe hơi của cả nước, nên khi ngày làm việc bắt đầu thì nhịp xuất xưởng lập tức hiện trên tấm bảng lớn đặt tại điểm giao thông lộ các con đường đi tới Fo và tới Craixlơ, những con đường đầy ứ xe. Nhờ sử dụng một hệ thống thống nhất trong cả nước, từng phút một số lượng xe xuất xưởng trong năm hiện lên bằng những con số cao một mét rưỡi trên bảng. Mỗi khi có thêm một dây chuyền khởi động thì tổng số lại tăng lên. Lúc này đã có hai mươi chín nhà máy trong vùng đông bắc làm việc, gửi số liệu lên bảng, số liệu tăng vọt sau khi mười ba xưởng lắp ráp của trung tâm tây và sáu xưởng của Califoócnia khởi động. Những người chạy xe trên đường nhìn tấm bảng với tâm trạng của người bác sĩ nhìn số đo huyết áp, của kẻ đầu cơ chứng khoán khi nhìn bảng giá ở ngân hàng. Có những người còn cá cược nhau về tổng số lúc sáng, lúc chiều. Những xưởng gần nhất cách đây khoảng 1,5km là của Craixlơ, nói chính xác là các xưởng Đốt và Plai-mao mỗi giờ cho ra hơn trăm xe. Trước đây viên chủ tịch hội đồng quản trị của Craixlơ thỉnh thoảng đến giám sát việc bắt đầu chế tạo một sản phẩm mới và tự mình thử khi sản phẩm ra đời. Gần đây ít khi ông làm thế. Buổi sáng hôm đó ông vẫn còn ngồi nhà đọc từ nhật báo Phố Uôn và uống ly cafê do vợ pha trước khi bà đi dự cuộc họp Hiệp hội Nghệ thuật. Hồi đó ông tổng giám đốc hãng Craixlơ (mới nhậm chức chủ tịch gần đây) tất bật chạy ngược chạy xuôi khắp nhà máy không hề mệt mỏi, phần vì nhà máy thiếu máu đang rất cần một giám đốc năng nổ, phần khác là vì bản thân ông đang muốn dứt khoát dứt bỏ cái nhãn “kế toán” người ta thường gán cho những người ngoi lên theo con đường của ngành tài vụ chứ không qua ngạch kỹ sư hoặc chuyên viên thương mại. Dưới quyền ông, hãng đã trải qua nhiều bước thăng trầm : sáu năm thịnh vượng gây được lòng tin cho các cổ đông tiếp theo là sáu năm sa sút đến mức báo động. Sau đó bằng những cố gắng ghê gớm và những tiết giảm khắc nghiệt hãng đã vượt qua cơn hiểm nghèo, khiến có người cho rằng chưa bao giờ hãng hoạt động tốt bằng trong thời kì khó khăn. Tuy nhiên thời khó khăn đã qua, không ai cho rằng chiếc Pentátta đời mới nhất của Craixlơ có thể lại mất cái vị trí nó đã chiếm được. Vị chủ tịch có thể rảnh rang một chút, suy nghĩ nhiều hơn, đọc những thứ thấy thích đọc. Lúc này ông đang đọc bài của Imơcxơn Vên; bài đăng trên nhật báo Phố Uôn có phần kín đáo hơn trên từ Đitơroi Tự do. Nên làm ông chán ngấy, ông thấy lời chỉ trích của lão cùn mòn, không có bản sắc. Nên ông chỉ lướt qua rồi chuyển qua mục bất động sản có sức thuyết phục hơn. Không mấy người biết ít lâu nay Craixlơ đang chăm lo xây dựng một vương quốc bất động sản, trước mắt làm cho hoạt động kinh doanh của công ti phong phú hơn, và sao lại không ? trong vài thập kỷ nữa sẽ đưa “số ba” lên ngang hàng hoặc cao hơn Động Cơ Thông Dụng. Trong khi chờ đợi ngày đó, vị chủ tịch hài lòng ghi nhận nhịp độ sản xuất trên mức khả quan của các nhà máy Craixlơ. Như vậy đó, sáng nay cũng như tất cả các buổi sáng, Ba Ông Lớn vật lộn ráo riết để giữ vững ngôi thứ của mình trong khi một hãng khác ở bang Uýtcơnxin, hãng Động Cơ Mĩ bé nhỏ hơn cũng góp vào dòng lũ xe hơi này một phần tuy ít ỏi hơn nhưng hiện đại hơn. T 2 rong xí nghiệp lắp ráp ở phía bắc đoạn đường tránh Fitsơ, phó giám đốc Mat Dêlxki một lão tướng tóc điểm bạc của công nghiệp xe hơi lấy làm mừng vì bữa nay là thứ tư. Tuyệt nhiên không phải vì thứ tư là ngày ít vấn đề gấp gáp phải giải quyết, điều này không bao giờ có. Chiều nay cũng vẫn sẽ như mọi buổi chiều khác, lúc trở về nhà là lúc ông đã mệt mỏi rã rời, thấy mình già hơn so với tuổi năm mươi ba, với cảm giác như vừa sống thêm một ngày trong nồi áp suất. Đôi khi Mat Dêlxki ước sao mình lấy lại được sức lực thời trai trẻ, trong buổi đầu mới bước vào ngành công nghiệp, hoặc như thời làm phi công lái máy bay ném bom trong thế chiến thứ hai. Nhớ lại những chiến công huy hoàng đã lập được trên mặt trận chính châu Âu mới thấy những tháng năm chinh chiến cũng không làm kiệt sức bằng công việc đang gánh vác hiện nay. Như lúc này, vừa vào tới phòng làm việc lắp kính đặt lưng chừng phía trên các phân xưởng lắp ráp của nhà máy, ông vừa cởi áo khoác vừa đọc lướt bản báo cáo nhãn đỏ do một người tốt bụng nào đã đặt sẵn trên bàn. Bản ghi những yêu sách của công đoàn mà ông thấy ngay là nếu không giải quyết một cách khẩn trương và thận trọng sẽ có thể làm bùng nổ một cuộc tổng bãi công. Trong một chồng giấy tờ khác chắc chắn còn nhiều mối bận tâm nữa : thiếu vật tư (ngày nào cũng như ngày nào), khiếu nại về chất lượng sản phẩm, máy móc hư hỏng, hoặc một điều bí hiểm gì đó chưa ai từng nghĩ tới, một loạt những rắc rối, riêng từng cái hoặc kết hợp với nhau có thể làm ngưng dây chuyền lắp ráp và đình đốn sản xuất. Dêlxki buông rơi tấm thân ngũ đoản xuống ghế đặt trước bàn làm việc bằng kim loại xám. Chiếc ghế rên rỉ dưới sức nặng của cái bụng bề thế ông bê đi khắp nơi. Từ nay không còn có thể đưa lọt cái bụng này vào trong khoang lái chật hẹp của chiếc B.17 nữa. Lúc đầu ông đã hi vọng may ra những nỗi lo toan trong công việc sẽ làm tiêu bớt các cân mỡ dư thừa. Nào ngờ chúng còn làm tăng thêm. Nhất là từ khi Freda mất đi. Cô đơn trong tuyệt vọng, đêm đêm ông tỉnh giấc dậy mở tủ lạnh. Vớ được thứ gì ăn thứ ấy chẳng biết làm gì hơn. Được cái hôm nay là thứ tư. Phải bắt đầu từ đầu. Ông bấm công tắc máy nội đàm liên lạc với phòng làm việc chính. Cô thư ký vẫn chưa đến. Một nhân viên chấm công trả lời. “Tôi cần gặp anh Paclên và người đại diện, phó giám đốc ra lệnh. Bảo họ đến ngay lập tức”. Paclên là đốc công. Người đại diện mà phó giám đốc cho gọi là ai thì đã rõ. Mọi người đều biết có bản báo cáo đánh dấu đỏ. Trong một nhà máy những tin không lành lan nhanh. Chồng giấy tờ chưa đụng đến tuy biết là cần xem ngay không chậm trễ nhắc nhở Dêlxki về những yếu tố khác nhau có thể làm ngưng dây chuyền lắp ráp. Dù vì bất cứ lý do gì, nguy cơ sản xuất bị đình trệ luôn luôn như lưỡi gươm dí vào mạng sườn Dêlxki. Công việc của ông, lý do tồn tại của cá nhân ông là giữ vững sự chuyển động của dây chuyền là trông thấy những chiếc xe hoàn chỉnh từ đó chạy ra mỗi phút một chiếc. Bất kể bằng mánh khóe nào, đôi khi ông phải xoay xở như một nghệ sĩ tung hứng một lúc mười lăm trái cầu. Trò tung hứng hay những lời xin lỗi không có ý nghĩa gì đối với ban giám đốc. Chỉ có một điều thực sự đáng kể : kết quả công việc, mức sản xuất trong ngày, phí tổn sản xuất. Nếu dây chuyền dừng lại người ta sẽ thổi còi ông. Dừng một phút là giảm một chiếc xe, là một tổn thất không thể gỡ lại. Vài ba phút dừng làm thiệt hàng nghìn đôla vì tuy máy ngừng nhưng tiền lương và mọi khoản chi phí khác đâu có dừng lại. Dù sao bữa nay cũng là thứ tư. Máy nội đàm sôi. “Thưa ông Dêlxki, họ tới”. Ông nhận điện, giọng nghiêm nghị. Mat Dêlxki khoái thứ tư chỉ vì lý do rất giản dị : thứ tư cách thứ hai hai ngày và cách thứ sáu cũng hai ngày. Trong ngành công nghiệp xe hơi, thứ hai và thứ sáu là hai ngày cơ cực cho ban giám đốc vì nạn thợ nghỉ việc. Thứ hai, thợ ăn lương theo giờ thường vắng mặt đông hơn những ngày khác trong tuần. Sau đó là thứ sáu. Cắt nghĩa điều này không khó : thợ thường lĩnh lương thứ năm, có tiền trong tay, nhiều người tự ban thưởng một bữa nhậu linh đình hoặc một đợt nghỉ cuối tuần kéo dài trong ma túy, đến thứ hai vẫn còn say líu lưỡi hoặc còn đang ngủ bù. Vì thế trong những ngày thứ hai và thứ sáu, vấn đề lớn nhất át hẳn mọi vấn đề khác là giữ vững năng suất dù thiếu thợ. Phải điều nhân công như điều quân cờ. Người đang thành thạo một công đoạn này bỗng phải làm việc anh ta chẳng biết làm. Một công nhân chuyên lắp chụp trục bánh xe bị điều đi lắp barơ-sốc sau vài câu hường dẫn qua loa, có khi còn chẳng được câu nào. Nhiều người dù là nhân viên bàn giấy, lái xe tải, quét dọn cũng bị lôi đi lấp lỗ hổng ở các bộ phận sản xuất. Có người quen ngay công việc, nhiều người phải mất trọn ngày mới đặt xong bộ lót két nước, thậm chí còn lắp ngược. Thành ra phần lớn những chiếc xuất xưởng ngày thứ hai hay thứ sáu đều lắp ráp cẩu thả, kéo theo biết bao rắc rối cho những người chủ tương lai. Vì vậy những người sành sỏi tránh xa loại xe này như tránh bệnh dịch hạch. Các tay đại lý cỡ bự nắm được tình trạng đó và có ít nhiều uy thế đối với nhà máy thường đòi phải dành cho khách sộp của họ những xe lắp ngày thứ ba, thứ tư hoặc thứ năm. Hơn nữa có cả những khách hàng thông thạo còn đòi ghi thành điều kiện trong phiếu đặt hàng rồi mới ký. Tất nhiên xe bán cho các quan to bao giờ cũng là xe lắp giữa tuần. Cửa bỗng bật mạnh : đốc công Paclên được lệnh triệu tập, vào thẳng phòng phó giám đốc chẳng thiết gõ cửa. Cao lớn, gân guốc, Paclên trạc bốn mươi, kém Dêlxki mười lăm tuổi. Nếu đi học chắc anh ta là một hậu vệ giỏi trong đội bóng, và khác với số đông các đốc công thường gặp, trông anh ta có oai hơn. Lúc này hình như anh đoán biết có chuyện rắc rối và đang chuẩn bị tư thế đương đầu. Anh ta tỏ ra giận dữ và Dêlxki nhìn thấy trên gò má bên phải anh ta có vết bầm. Bỏ qua việc Paclên vào không gõ cửa, Dêlxki chỉ cho anh ta chiếc ghế. “Mời ngồi và lấy lại bình tĩnh. Tôi muốn biết lý lẽ của anh, vì tôi nhất thiết phải nghe cả hai tiếng chuông. Nhưng đừng mất nhiều thì giờ : theo như cái của kia - ông chỉ từ báo cáo - anh đặt chúng tôi vào tổ kiến đấy”. Paclên ném cái nhìn giận dữ lên vị cấp trên. “Lý lẽ của bản báo cáo kia chắc là hay. Tôi đuổi cổ thằng cha dám đánh tôi và sẽ không thay đổi quyết định. Còn ông, nếu ông có cái cần phải có, nếu ông biết thế nào là công bằng thì phải ủng hộ tôi”. Mat Dêlxki đã lăn lộn dưới phân xưởng nên học được lối quát tháo đến nay vẫn chưa quên. “Này, không được giở trò ngu ngốc ở đây nghe chưa ? Tôi đã bảo anh “ hãy lấy lại bình tĩnh”, bây giờ tôi vẫn thấy như thế. Lúc nào cần tôi sẽ quyết định ủng hộ ai, tại sao ủng hộ. Không được nói với tôi về công bằng và các thứ khác, hiểu chưa ?” Mắt họ gặp nhau. Paclên cúi mặt xuống trước. Mát gật đầu. “Tốt lắm, Frăng. Bây giờ ta xem lại câu chuyện ngu ngốc này từ đâu”. Ông hiểu Frăng Paclên từ lâu. Hồ sơ của viên đốc công này sạch sẽ và nhìn chung anh đối xử công bằng với kẻ dưới. Chắc phải xảy ra chuyện gì khác thường nên anh ta mới xử sự trái tính trái nết như thế. “Một trường hợp lấn chỗ, gây ách tắc. Thằng nhóc là thủ phạm. Nó còn mới. Nó làm vướng người bên cạnh. Tôi muốn nó phải trở về chỗ của nó”. Dêlxki gật đầu tỏ ý hiểu. Điều này thường xảy ra. Một công nhân chịu trách nhiệm làm một việc cố định nào đó trên dây chuyền nhưng cứ mỗi thao tác lại chậm mất vài phút. Xe hơi trên băng chuyền di chuyển, người công nhân chạy theo và lấn vào khu vực của người khác. Khi người trưởng kíp thấy thế anh ta phải tìm cách đưa người thợ đó về đúng chỗ. Dêlxki giục : “Tiếp tục.” Chưa kịp nói thì cửa lại mở, đại diện công đoàn bước vào. Người bé nhỏ hồng hào, đeo kính cận và điệu bộ kiểu cách. Ông tên là Illat, trước khi được bầu cách đây vài tháng cũng đã từng làm việc ở dây chuyền. “Chào ông”, ông chào Dêlxki chỉ hất đầu về phía Paclên. Dêlxki mời ngồi xuống ghế. “Chúng tôi đang đi sâu vào sự việc… - Đọc báo cáo của tôi ông đỡ mất thì giờ hơn. - Đọc rồi. Nhưng tôi cần nghe cả phía bên kia. Nói tiếp đi Paclên. - Vậy là như đã nói ban nãy, tôi gọi một cậu khác và bảo : “Giúp tôi đưa phần việc của anh này về đúng chỗ”. - Đồ nói điêu ! Illat hét lên. Thật ra anh đã nói : “Đưa phần việc của thằng ranh con này.” Thằng ranh con[1] ấy là một bạn da đen nên đó là một câu chửi độc địa. - Trời đất ơi ! Paclên bực bội gầm lên. Anh tưởng tôi không biết sao ? Bao lâu nay lăn lộn trong nhà máy mà tôi lại không biết nên tránh những từ nào ? - Vậy mà anh vẫn cứ nói ! Có đúng không ? - Cũng có thể. Tôi nói : cũng có thể vì không nhớ lắm. Nếu quả thật tôi có dùng từ đó thì chẳng qua cũng là buột miệng nói nhịu thôi, chẳng có ý gì”. Illat nhún vai. “Bản sửa lại cuối cùng đây phải không ? - Đây không phải là bản sửa lại, đồ đểu !” Illat đứng bật dậy : “Thưa ông Dêlxki, trong nhà máy này tôi là đại diện nghiệp đoàn công nhân xe hơi. Nếu đây là giọng lưỡi mà… - Điều đó sẽ không lặp lại. Ông ngồi xuống và nhân đây tôi lưu ý ông nên tự mình giữ gìn đừng dùng nhiều đến từ “đồ điêu” ! - Tôi đã bảo rằng tôi không bịa đặt gì hết, không hề bịa đặt gì hết ! Paclên xen vào, nhấn mạnh câu nói bằng cú đấm mạnh xuống bàn. Điều đáng nói hơn là : cậu thợ kia không hề để ý tôi đã nói gì cho đến khi người ta dựng lên câu chuyện này. - Đó không phải là lời hắn nói ! Illat quật lại. - Có thể bây giờ thì không. Tôi xin nói để ông nghe, ông Mat. Cái cậu lấn chỗ là một cậu bé. Da đen. Mới độ mười bẩy tuổi. Tôi chẳng ghét bỏ gì nó. Nó không nhanh nhẹn nhưng chịu khó. Tôi có thằng em trạc tuổi nó. Đi làm về tôi vẫn hỏi “Thằng ranh con đâu?” Chẳng ai cho thế là không tốt. Ở đây cũng vậy cho đến khi thằng cha Niucơc xen vào. - Nhưng anh có nhận đã nói “ranh con” không ? Illat bướng bỉnh. - Có, có, anh ta có nói, Dêlxki mệt mỏi nói xen vào. Chúng ta chấp nhận như thế”. Ông ta tự kiềm chế mình như tất cả những lần xảy ra tranh chấp chủng tộc trong nhà máy. Ông có ý kiến riêng, nhất là vì chính ông bản chất là một tay phân biệt chủng tộc thâm căn cố đế. Ông đã trở nên thế trong khu ngoại thành OaiÊnđôt đa số dân là người Balan và là nơi ông ra đời. Từ đó các gia đình gốc xlavơ khinh miệt người da đen, cho họ là lười nhác và gây rối. Đáp lại người Đen căm ghét người Balan và mối ác cảm này vẫn tồn tại ở Đitơroi. Dêlxki vì công việc đòi hỏi nên đã giấu kín bản năng tự nhiên. Không thể điều hành một nhà máy dùng nhiều nhân công da đen mà lại để lộ tình cảm của mình - ít nhất cũng đừng bộc lộ thường xuyên. Vừa lúc nãy ông đã phải kìm mình để khỏi thốt lên : “Dù anh ta có nói thế thì đã sao ? Có gì khác nhau đâu ? Trưởng kíp bảo thế thì nó cứ việc làm theo. “Nhưng Dêlxki biết rằng nói thế chỉ tổ làm tình hình càng nghiêm trọng hơn. Nên ông chỉ lầu bầu : “Quan trọng là điều xảy ra sau đó.” - Đúng lúc rồi đấy, Paclên nói.Tôi cứ tưởng không bao giờ nói được đến đoạn này. Lúc ấy chúng tôi sắp tiếp tục công việc trong trật tự thì tên hạng nặng Niucơc dẫn xác đến. - Cũng là một bạn da đen, Illat nói rõ thêm. - Niucơc làm việc tận đầu dây chuyền. Hắn đâu có nghe được chuyện gì. Người nào đó đã kể lại cho hắn. Hắn đến, chửi tôi là đồ con lợn phân biệt chủng tộc và đánh tôi”. Viên đốc công đưa ngón tay lên má chỗ bầm tím đã sưng to thêm từ khi anh vào. “Anh có đánh lại không ? Dêlxki vội hỏi. - Không. - Rất đáng mừng, Anh khôn ngoan đấy. - Vâng, đúng thế. Tôi đuổi Niucơc ngay lập tức. Đánh đốc công mà không việc gì, coi sao được ! - Cũng tùy từng trường họp, Illat nhận xét. Nếu vì bị khiêu khích… Mat Dêlxki luồn tay vào mái tóc. Có những ngày ông ta ngạc nhiên thấy đầu vẫn còn tóc. Vụ này thuộc thẩm quyền Kécnơn giám đốc nhà máy nhưng ông ta không có nhà. Ông đang ở trụ sở của hãng dự cuộc họp bàn về kiểu xe mới Oriôn, xe siêu-hiện-đại sắp ra đời. Đôi khi Mát Dêlxki có cảm tưởng Kécnơn đã nghỉ tuy còn những sáu tháng nữa ông ta mới chính thức về hưu. Thành ra vụ này cũng như một số vụ khác lại rơi lên đầu Dêlxki, điều không thú vị gì. Nhất là vì ông không phải người thay chân Kecnơn. Ông đã được mời lên xem tờ phiếu nhân sự của ông, một tờ giấy rời cặp trong tấm bìa bọc da lúc nào cũng đặt trên phó chủ tịch. Để ông này tiện mở ra xem mỗi khi định thu nhận hoặc thuyên chuyển nhân viên. Trên phiếu dán ảnh của Dêlxki có ghi : “Người này hiện đang ở vị trí lãnh đạo thích hợp”. Những người có vai vế trong công ty đều hiểu cái công thức dễ lọt tai ấy chỉ là một uyễn ngữ rẻ tiền. Diễn đạt rõ ra câu đó nghĩa là : “Người này đã lên cao hết khả năng. Ở chức vụ hiện nay chắc hẳn người này làm việc được nhưng sẽ không lên cao hơn”. Qui chế rất rõ ràng : trong trường họp này phải báo cho đương sự biết, đó là quyền lợi tối thiểu của anh ta. Vì thế mấy tháng trước đây Mat Dêlxki đã biết mình không bao giờ vượt quá chức phó giám đốc. Lúc đầu tin đó đã làm ông thất vọng cay đắng. Đến nay ông mới quen và đã hiểu rõ nguyên nhân, ông thuộc về phái cổ, một hình mẫu của lớp người đang tàn lụi mà các ông chủ không muốn cho nắm giữ những vị trí then chốt. Ông đã ngoi lên bằng còn đường giờ đây rất ít người đi theo : làm thợ, kiểm tra viên, trưởng phân xưởng, trưởng phòng rồi phó giám đốc. Tay trắng không bằng cấp ngay từ điểm xuất phát vì phải bỏ học nửa chừng khi chiến tranh nổ ra. Hòa bình trở lại ông đăng ký theo học các lớp buổi tối tận dụng các điều kiện ưu đãi đối với cựu chiến binh. Giật được mảnh bằng kỹ sư và sẵn có tham vọng thúc đẩy, ông bắt đầu leo lên, giống những người cùng thế hệ từ bờ biển Noócmăngđi, từ những đảo trên Thái bình dương trở về. Tiếc thay, ông đã lên đường quá muộn, - mãi sau này ông mới nhận ra điều đó. Quá muộn màng so với các chàng trai xuất sắc từ các trường Đại học lớn nhảy thẳng vào ghế giám đốc. Dù vậy đây không phải cái cớ cho Kecnơn vô tình hoặc cố ý rũ bỏ trách nhiệm : lúc này ông ta vẫn là ông chủ. Phó giám đốc lưỡng lự trong vài giây. Chỉ gọi cú điện thoại là rút được chân ra khỏi câu chuyện có cơ sẽ hết sức rắc rối này. Ông thay đổi ý định vì hai điều. Trước hết vì tự hào rằng mình cũng đủ sức như Kecnơn - có khi còn hơn – để giải quyết vụ xung đột. Sau nữa, vì một thứ linh tính : ông cảm thấy không thể chậm trễ một phút nào. Ông quay sang Illat : “Nghiệp đoàn tính sao ? - À vâng, tôi đã báo cáo với ông chủ tịch… - Xin miễn cho các chi tiết. Tất nhiên phải bắt đầu từ đây, nhưng vì Chúa, xin ông nói ngắn thôi: ông đòi những gì ? - Được. Chúng tôi đòi ba điều. Trước hết phải nhận lại ngay lập tức anh bạn Niucơc của chúng tôi, kèm theo tiền trả bù thời gian mất việc. Sau đó phải xin lỗi hai người đương sự. Cuối cùng, buộc Paclên nghỉ việc”. Anh này đang ngồi thụp dưới ghế vội bật dậy : “Lạy Chúa ! Chỉ có thế thôi à ? anh hỏi với giọng mỉa mai. Nhân tiện xin hỏi : tôi phải xin lỗi trước khi bị đuổi hay sau? - Công ty chịu trách nhiệm xin lỗi chính thức, Illat nói rõ. Còn anh, anh nghĩ xem mình có đủ tử tế để thêm lời xin lỗi của anh vào đó không. - Nghĩ kỹ rồi. - Nếu anh chịu suy nghĩ sớm hơn, chúng ta đã không sa lầy trong vũng bùn này, Mat Dêlxki thốt lên. - Thế ông chấp nhận tất cả những điều đó sao ? viên đốc công kêu lên, làm một cử chỉ giận dữ về phía Illat. - Tôi chưa nói gì với ai. Tôi tìm cách lập lại trật tự và tôi cần có những tin tức thêm vào điều hai anh đã cung cấp”. Ông đưa tay với chiếc máy điện thoại phía sau lưng. Ông đứng chắn giữa máy và hai người, quay số và đợi. “Tình hình dưới đó thế nào ? ông hỏi khi thấy có người cầm máy. - Ông Mát đấy à ? người ở đầu dây đằng kia khẽ hỏi. - Phải.” Tiếng ồn ào hỗn độn át gần hết tiếng thì thào của người đối thoại. Xưa nay Dêlxki vẫn ngạc nhiên thấy người ta có thể sống và làm việc hàng ngày trong tiếng động ghê gớm thế. Riêng ông thì chịu không tài nào quen được nó. “Tình hình rất xấu, ông Mat, người kia thầm thì. - Đến mức nào ? - Bọn cầm đầu đã sẵn sàng trên lưng ngựa. Đừng nói lộ tôi đấy. - Không đời nào. Anh thừa biết thế”. Tuy quay lưng lại, Dêlxki vẫn biết hai người đang lắng nghe. Có thể họ nghi ngờ chứ không thể biết chắc ông đang nói chuyện với một đốc công da đen, Xtên Lêthơrơp. Anh ta là một trong số sáu bảy người ông kính trọng nhất trong nhà máy. Con người anh kể cũng có phần mâu thuẫn. Ngoài nhà máy Lêthơrơp là một người hoạt động nghiệp đoàn rất tích cực đã một thời tôn sùng Mancơm X. Nhưng trong nhà máy anh có ý thức trách nhiệm, vững tin rằng trong lĩnh vực công nghiệp xe hơi anh sẽ giành giật được cho đồng chủng bằng lý trí nhiều hơn là bằng chủ nghĩa vô chính phủ. Vì thế lúc đầu Dêlxki có ác cảm sau chuyển sang mến phục anh. Điều bất hạnh cho nhà máy là trong hiện trạng mối quan hệ chủng tộc, có ít người da đen làm đốc công, làm giám đốc tính theo tỉ lệ. Mọi người đều biết đáng lẽ số đó phải đông hơn rất nhiều. Nhưng không ít người da đen lùi bước trước gánh nặng trách nhiệm, hoặc sợ chính những người hoạt động công đoàn trẻ tuổi ngay trong hàng ngũ họ, một số khác cảm thấy mình chưa sẵn sàng. Trong những lúc hiếm hoi có được thái độ khách quan, đôi khi Dêlxki nghĩ rằng nếu các ông trùm ngành xe hơi biết dự báo tình hình - đó cũng là một phần chức năng của họ - họ đã phải tung ra trong những năm 40 một chương trình tỉ mỉ về cất nhắc người lao động da đen. Và hôm nay sẽ có nhiều Lêthơrơp hơn, mọi người đều được lợi hơn. “Theo anh cái gì đang âm ỉ dưới ấy ? - Có thể là đình công. - Bao giờ ? - Có lẽ sau lúc nghỉ trưa. Cũng có thể trước, nhưng theo tôi thì ít có khả năng”. Viên đốc công nói nhỏ nên Dêlxki lúc nào cũng phải căng tai nghe. Lêthơrơp không thể làm khác : máy anh ta đang dùng đặt ngay cạnh băng chuyền. Một số thợ da đen ghen tức uy tín của anh và thấy rõ sự kém cỏi của mình gọi anh là “thằng mọi sơn trắng” (ngụ ý nịnh bợ ông chủ). Dêlxki phải nghĩ cách làm sao để khỏi làm phức tạp thêm cuộc sống của anh. Ông lại hỏi : “Chúng chờ à ? Tại sao ? - Những người cầm đầu muốn kéo toàn bộ công nhân tham gia. - Khẩu hiệu đình công vẫn đang lan rộng ? - Còn phải nói. Còn nhanh hơn cái thời dùng trống bên châu Phi. - Không ai chỉ ra rằng cuộc đình công ấy không hợp pháp, trái với các giao ước tập thể? - Ông có dự trữ được nhiều câu pha trò kiểu ấy không ? - Ừ đúng thế thật, Dêlxki thở dài. Thôi, dù sao cũng cám ơn . Ông gác máy. Linh tính không đánh lừa ông : ông sẽ hành động ngay không chậm trễ. Một va chạm chủng tộc ở ngay nơi làm việc có thể là mồi lửa đốt thùng thuốc súng, với sự nhanh nhạy đã đi vào tục ngữ. Khi cuộc bãi công đã được quyết định, phải mất nhiều ngày (sau khi dàn xếp xong xung đột) mới ổn định được trật tự trong mọi việc. Dù phong trào chỉ giới hạn trong số lao động da màu - thậm chí chỉ trong một bộ phận những người này - cũng làm sản xuất ngưng trệ. Trong khi sứ mệnh bảo Mat Dêlxki là giữ vững sản xuất. Dường như đọc được ý nghĩ của ông, Paclên bảo Dêlxki : “Này ông Mat, chẳng lẽ ông để cho họ sai khiến ! Nhất định sẽ có những người ngừng việc, sẽ có rắc rối, nhưng có những nguyên tắc đáng cho chúng ta bám giữ, đúng không ? - Có đấy. Điều quan trọng là biết rõ phải bảo vệ những nguyên tắc nào và vào lúc nào”. Cúi sát người xuống bàn Paclên nói với vẻ tin tưởng thành thật : “Đúng là tôi có lúc cứng với họ, nhưng vì cần phải thế. Đốc công đứng giữa hai phe nên bị ăn đòn từ mọi phía. Trước tiên là đòn của ban giám đốc - từ sớm đến tối mấy ông đeo trên lưng thúc giục phải sản xuất, sản xuất mãi, sản xuất nữa. Rồi bộ phận kiểm tra cả đời nhăn nhó chê chất lượng tồi, cuối cùng là công nhân với những tên như Niucơc và nhiều tên khác. Đốc công phải được lòng tất cả chừng ấy người, lại còn phải được lòng cả nghiệp đoàn dù họ sai lầm hay không sai lầm. Công việc thật nặng nên tôi phải cứng tay. Chỉ bằng cách ấy mới sống được. Nhưng đồng thời tôi cũng công bằng. Không bao giờ phân biệt đối xử người làm dưới quyền vì lý do anh ta là da đen. Tôi không phải là cai đồn điền roi lăm lăm trên tay. Và trong chuyện rắc rối đã đưa chúng ta đến đây, nguyên nhân chỉ là vì hình như tôi đã gọi một người da đen bằng tiếng “ranh con”. Nào tôi có bắt nó đi hái bông, đánh giầy, ngồi toa dành riêng cho người đen hoặc chịu những gì gì người ta thường dán vào từ đó ! Tôi chỉ giúp nó làm việc. Và nếu quả thật tôi có nói thế, do sơ ý buột miệng nói nhịu thôi, thì tôi cũng ân hận thật lòng. Không giống như với Niucơc. Hắn bị đuổi và phải chịu các hậu quả khác, Nếu hắn thoát không bị trừng phạt khi vô cớ đánh đốc công thì ông có thể nhét lá cờ của ông xuống dưới đít và vĩnh biệt mọi thứ kỷ luật từ hôm nay. Nói đến công bằng là tôi muốn nói những điều vừa rồi. - “Trong lập luận của anh có vài ba điểm đúng” Dêlxki thừa nhận. Ông biết rõ Paclên đối xử với thợ da đen có công tâm hơn nhiều người khác trong nhà máy. Ông quay sang Illat. “Ý anh thế nào ?” Đại diện nghiệp đoàn ngước cặp mắt đờ đẫn dưới cặp kính dầy. “Tôi đã trình bày rõ lập trường của nghiệp đoàn, thưa ông Dêlxki.” - Vậy nếu tôi không nghe theo anh, nếu tôi ủng hộ Frăng như anh ta yêu cầu, chuyện gì sẽ xảy ra ? - Chúng tôi sẽ bắt buộc phải tiến hành thủ tục khiếu nại. - Được. Đây là quyền các anh. Nếu đi tới cùng, việc đó sẽ kéo dài hơn ba mươi ngày. Trong khi chờ đợi mọi người vẫn làm việc chứ ? - Tất nhiên. Bản giao ước tập thể qui định… - Không cần dạy tôi bản giao ước nói gì, Dêlxki hét lên. Nó nói rằng trong khi đang điều đình mọi người phải ở vị trí làm việc. Vậy mà vào đúng lúc này một phần lớn người của anh đang chuẩn bị quẳng hết công việc đấy, vi phạm bản giao ước”. Lần đầu tiên Illat tỏ ra lúng túng. “Nghiệp đoàn công nhân xe hơi U.A.W. không cho phép đình công trái luật. - Vậy nhân danh Chúa thiêng liêng, anh hãy chặn ngay cuộc bãi công này đi. - Nếu đúng như ông vừa nói, tôi sẽ đi bảo mấy người của nghiệp đoàn. - Nói với họ chẳng ăn thua gì đâu, anh cũng biết như tôi vậy. Illat tái mặt. Rõ ràng Illat không thích thú gì khi nghĩ đến việc tranh cãi với một số đoàn viên da đen trong tâm trạng hiện nay. Mat Dêlxki ý thức rất rõ điều đó. Tình thế hiện tại đặt nghiệp đoàn vào vị thế rất tế nhị. Không ủng hộ các đoàn viên da đen họ sẽ kết tội các thủ lĩnh nghiệp đoàn là có đầu óc phân biệt chủng tộc, làm tôi tớ cho ban giám đốc. Mặt khác nếu nghiệp đoàn đi quá xa trong việc ủng hộ thì về mặt pháp lí họ sẽ rơi vào một vị thế không thể chịu đựng nổi, bị lôi cuốn vào cuộc đình công không định trước. Đình công không hợp pháp là rút phép thông công của các thủ lĩnh nghiệp đoàn U.A.W[2] như Hútcốc, Frêdơ, GritHao, Bênơn và những người khác, họ đã xây dựng uy tín trên sự không khoan nhượng khi điều đình với giới chủ, và sự tôn trọng triệt để lời hứa. Những người “đánh lẻ” chỉ làm mất tín nhiệm và làm suy yếu nghiệp đoàn. Dêlxki tận dụng ưu thế của ông : “Những người lãnh dạo nghiệp đoàn chắc chắn sẽ không khen ngợi nếu anh không giành lại được quyền làm chủ tình thế. Muốn chặn đứng cuộc đình công chỉ có một cách : có ngay bây giờ, ngay tại đây một quyết định. Rồi chính anh, Illat, sẽ phổ biến trong nhà máy. - Còn tùy theo quyết định như thế nào, Illat cảnh giác, lầu bầu. Để xem đã… Đối với Dêlxki mọi việc đều đã rõ. Quyết định ông đưa ra sẽ không làm ai hài lòng - ngay ông cũng không vui vẻ gì -và chắc chắn sẽ phải trải qua một lúc khó khăn, nhưng để nhà máy tiếp tục chạy đều thì ông, Mat Dêlxki đành cất hết mọi niềm tin và lòng tự hào của mình vào túi. Đậy khăn hỉ mũi che kín bên trên. “Quyết định của tôi thế này : không sa thải một ai, Niucơc trở lại làm việc với điều kiện chỉ được dùng nắm đấm trong công việc, về điểm này tôi muốn nói thật rõ : nếu còn xảy ra chuyện như vừa rồi dứt khoát Niucơc sẽ bị tống khỏi cửa. Tôi sẽ tự mình nói với anh ta đôi điều”. Đại diện nghiệp đoàn không che giấu sự hài lòng. “Sẽ trả hắn tiền công những giờ nghỉ việc” ? - Hắn vẫn chưa rời khỏi nhà máy hả ? Còn à ? Thế thì tôi cho rằng có thể trả công đó cho hắn với điều kiện hắn phải làm việc đến hết giờ. Và không nói tới việc thay đổi Paclên nữa.”. Ông nhỏm người đối mặt với viên đốc công : “Anh phải đến gặp gã da đen. Nói cho hắn hiểu là anh không cố ý xúc phạm hắn…” - Chúng ta đã thống nhất là anh ta phải xin lỗi kia mà, Illat xen vào. - Lại thế nữa. Paclên nổi giận. Xin lỗi về tất cả những thứ bẩn thỉu… - Chú ý mồm miệng đấy, Dêlxki gắt. Paclên đứng bật dậy, cao lớn hơn hẳn Dêlxki. Đầu ngả về trước, anh nói như khạc từng lời vào mặt phó giám đốc : - Còn ông thì được quyền tuôn ra cái gì cũng được. Dĩ nhiên khi hèn nhát không dám bảo vệ lẽ công bằng và tự thấy như thế… - Đủ rồi, nghe chưa ? Dêlxki hét to, mặt đỏ bầm. Anh nghe rõ chưa, tôi nói : đủ rồi. - Nghe rõ, nhưng tôi không thích những điều tôi bị nghe. - Anh thích bị tôi đuổi khỏi nhà máy chắc ? - Có lẽ. Ở ngoài được thở không khí trong lành hơn ! Im lặng một lát. Sau đó Dêlxki nhún vai : “Ở điểm này anh nhầm rồi anh Paclên ạ : ngoài ấy cũng giống trong này thôi, vẫn một mùi xú uế như nhau !” Ông đã tự chủ lại. Sa thải Paclên ư ? Không nên, đó chỉ là thêm một sự bất công nữa. Và là một điều ngu ngốc vì những đốc công giỏi đâu có sẵn ! Mặt khác tuy tức giận đấy nhưng Paclên chẳng khi nào tự ý bỏ đi. Dêlxki biết thế ngay từ đầu. Paclên hàng tháng phải đóng bao nhiêu thứ tiền - tiền cầm nhà, tiền mua xe, tiền bảo hiểm nhân thọ - nên không thể bỏ qua khoản lương tháng được lĩnh đều đặn. hơn nữa không thể bỗng chốc bỏ đi những quyền lợi đáng kể về mức thâm niên. Thế mà vài ba phút trước đây ông đã định phản ứng đến nơi đến chốn khi người đốc công nổi cáu kết tội ông hèn nhát. Đã định gào lên rằng khi Paclên còn là thằng nhóc thì Mat Dêlxki đã bay đi ném bom xuống châu Âu quốc xã, đã run run chờ lúc mảnh đạn cao xạ vút lên xé nát ruột gan mặt mũi, tự hỏi không biết lúc nào chiếc B17 của ông trúng đạn tử thương rơi xuống, tan tành và bốc cháy như bao nhiêu chiếc khác của Không đoàn số VII Hoa Kỳ, xung quanh ông. ”Đáng lẽ mày phải nhìn vào đó thật kỹ, con ạ, trước khi mắng tao hèn nhát; cũng đừng quên tao là người chịu trách nhiệm làm nhà máy hoạt động, dù cho có phải nuốt mọi điều sỉ nhục để làm được điều đó tao cũng nuốt”. Nhưng cuối cùng Mat Dêlxki không nói ra tí nào trong tất cả những điều đó. Ông biết rằng các cuộc ném bom đã trở thành chuyện cũ kỹ, rằng những ý tưởng và những giá trị ngày trước bây giờ đã lỗi thời. Ông cũng biết có nhiều thứ hèn nhát, rằng Frăng Paclên có lẽ đúng hoặc ít ra cũng đúng một phần. Ghê sợ chính bản thân mình viên phó giám đốc đứng lên. “Xuống dưới đó giải quyết tại chỗ”. Họ rời phòng làm việc - Dêlxki đi trước, theo chân là đại diện nghiệp đoàn, sau cùng là Frăng Paclên vẫn quàu quạu, hằn học. Đặt chân vào cầu thang sắt nối tầng hành chính trên gác lửng với các phân xưởng dưới tầng trệt, ngay lập tức tiếng ầm ầm của nhà máy xô mạnh vào họ trong một va đụng man rợ, sờ thấy được. Họ tới đất gần ngay đoạn băng chuyền ở đó công nhân hàn những gióng đầu tiên của bệ xe là phần đỡ chiếc xe hoàn chỉnh. Tại dây tiếng ồn dữ dội đến nỗi chỉ đứng cách nhau độ một mét cũng phải gào lên mới nghe được nhau. Quanh họ những chùm tia lửa sáng chói màu trắng xanh văng khắp nơi. Giữa các tràng máy hàn, máy tán rivê nghe rõ tiếng thổi không dứt của khí nén, nguồn năng lượng chính. Ngay giữa nhà máy bát ngát băng chuyền, khắt khe và dữ tợn như vị thần linh tà giáo đang chuyển động một cách tàn nhẫn. Một con quái vật chậm chập, nặng nề, khắc nghiệt. Ba người đi cùng chiều với dây chuyền, đại diện nghiệp đoàn sải chân bước lên ngang Dêlxki. Vì họ đi nhanh hơn hẳn băng chuyền nên những chiếc xe họ vượt qua càng lúc càng gần tới giai đoạn hoàn chỉnh. Họ đi ngang chỗ xe được lắp đặt động cơ, và ngay phía trước họ chiếc bệ xe nằm dưới dang đón nhận chiếc thùng xe trùm lên trên, trong động tác công nhân gọi là “sự giao hợp”. Bất giác Dêlxki đưa mắt chăm chú nhìn khắp gian nhà máy mênh mông, để ý thị sát kỹ những công đoạn chính. Khi họ đi qua công nhân, người ngẩng đầu lên người quay đầu lại nhìn. Vài ba người ít ỏi ra hiệu chào phó giám đốc; Dêlxki thấy rõ số đông công nhân trắng cũng như đen nhìn ông với vẻ lầm lỳ. Ông cảm nhận một bầu không khí xấu độc đầy hằn thù ngấm ngầm và rối loạn che giấu. Một hiện tượng thỉnh thoảng hay xảy ra, có khi vô cớ có khi chỉ vì một chuyện không đâu, như tuồng hiện tượng đó đã nảy sinh một cách tự nhiên. Các nhà xã hội học bảo Dêlxki rằng đó là phản ứng với sự đơn điệu quá đáng của công việc. Đại diện nghiệp đoàn Illat làm bộ nghiêm trang chắc để minh chứng rằng bữa nay anh ta ngoặc với ban giám đốc là do nhiệm vụ chứ không do sở thích. Dêlxki quay sang anh : “Thoát khỏi phải làm việc trên băng chuyền chắc anh thấy khoái ?” - Hẳn rồi. Dêlxki gật đầu. Nhiều khi những người ngoài ghé đến thăm nhà máy thường tin rằng sau một thời gian người thọ sẽ chấp nhận tiếng ồn lớn, mùi khó chịu, sức nóng, sự gò bó khắc nghiệt của nhịp độ và sự lặp lại các động tác muôn thuở. Mat Dêlxki đã từng nghe một số khách giảng giải cho con cái, như đang nói về những con vật nuôi trong vườm thú : “Lâu dần họ sẽ quen, số đông thấy hoàn toàn mãn nguyện về công việc này. Họ không muốn đổi nghề”. Mỗi lần nghe thế ông đều phải tự kiềm chế thật mạnh để khỏi kêu lên bảo bọn trẻ : “Đừng tin. Không đúng đâu !” Như tất cả những người hiểu sâu ngọn ngành nền công nghiệp xe hơn, Dêlxki biết rõ : trừ một vài trường hợp ít có, những người thợ làm việc tại băng chuyền không bao giờ có ý định ở lại đây suốt đời. Khi mới vào nhà máy họ coi đây là một giải pháp tạm thời trong lúc tìm kiếm công việc khác tốt hơn. Khốn thay đối với số đông trong bọn họ, nhất là những người trình độ học vấn thấp kém, cái “tốt hơn” kia mãi mãi ngoài tầm tay, mãi mãi là giấc mơ không bao giờ nắm bắt được. Và dần dần người thợ đành cam chịu, mắc kẹt trong cái bẫy đôi : một bên là những bổn phận riêng – vợ, con cái, nhà cửa, các khoản tiền tháng này nọ - và một bên là thực tế không thể chối cãi : tiền công trong ngành xe hơi cao hơn các ngành khác. Nói vậy, nhưng vẫn cần nhắc lại rằng tiền công cao và những quyền lợi phụ khác không hề thay đổi tính chất ác nghiệt, làm kiệt sức của công việc tại băng chuyền. Không phải vì nó đòi hỏi cao về thể lực mà cái chính là nó mài mòn hệ thần kinh : giờ tiếp giờ, ngày tiếp ngày, công việc ở đây buồn tẻ đến chết được, một sự đơn điệu giết người. Hơn nữa thứ lao động ấy tước bỏ mất danh dự con người. Người thợ đứng dây chuyền không cảm thấy mình thực hiện một công việc đến nơi đến chốn. Không bao giờ anh ta làm ra một chiếc xe : anh chỉ sản xuất, hoặc lắp ráp, một bộ phận lẻ, - tăng thêm một vòng đệm, gắn một mảnh băng kim loại, xiết chặt một con ốc. Mãi mãi một vòng đệm ấy, một mảnh băng ấy, một con ốc ấy, cứ như thế và mãi mãi, như thế mãi mãi, trong những điều kiện lao động ngặt nghèo đến nỗi muốn trao đổi vài câu với bè bạn đứng bên cũng khó, mối quan hệ bằng hữu thân thiết không thể hình thành nổi. Nhiều năm sau, số đông làm quen - một cách chật vật - với sự chịu đựng. Vài người rời bỏ nhà máy vì thần kinh suy nhược. Hầu hết thù ghét công việc mình làm. Thành ra người thợ bị tán chặt vào dây chuyền lắp ráp cũng giống người tù binh hay người tù nói chung : chỉ nghĩ đến thoát thân. Nghỉ việc là một cách thoát thân tạm thời, đình công cũng vậy. Cả hai đều mang lại cho họ một dịp ngưng nghỉ - đấy là cái đích họ đang tìm kiếm một cách cuồng nhiệt trong sự thôi thúc và trong triển vọng của tình hình hiện nay. Phó giám đốc nhận thấy vào lúc này sự thôi thúc có nguy cơ trở thành bất khả kháng. Một lần nữa ông bảo lllat : “Mong anh chưa quên sư thỏa thuận giữa chúng ta. Tôi nhất thiết muốn vụ này được dàn xếp thật nhanh, vả lại anh không có gì đáng phàn nàn : anh đã đạt được điều anh muốn. - Không trọn vẹn. - Cứ cho là đạt về cơ bản. Ẩn đằng sau cuộc khẩu chiến ngắn ngủi là một thực trạng cả hai đều biết rõ. Lo tìm cách thoát khỏi dây chuyền một số công nhân thử lao vào hoạt động nghiệp đoàn : người trúng cử sẽ giành được một việc làm đủ giờ, chưa kể đến khả năng ngoi lên trong hệ thống tổ chức của UAW. Đó cũng là con đường Illat đã chọn mấy năm trước đây. Tuy nhiên đấy không phải là giải pháp hoàn hảo : sau khi trúng cử và trở thành một nhân vật chính trị, nếu không muốn nói là một nhân tài chính trị, vị tân đại diện của nghiệp đoàn phải lo đảm bảo được tái cử sau này nên cũng phải thi hành những mánh lới, những mưu mô, những trò đốn mạt như bất cứ vị nghị sĩ nào khác. Công nhân sẽ là người bỏ phiếu bầu hay không bầu anh ta nên anh bắt buộc phải tranh thủ cảm tình của họ. Đó cũng chính là bài toán hiện nay Illat đang phải tìm ra lời giải. Tới chỗ xảy ra xung đột Dêlxki hỏi : “Anh chàng của anh, Niucơc đâu ?” Illat hất đầu về phía một khoảng trống kê nhiều chiếc ghế và vài chiếc bàn mặt nhựa. Đấy là nơi công nhân nghỉ trưa. Phía cuối bầy một dẫy máy bán hàng tự động, - café, nước chanh, các thứ kẹo. Vạch sơn dưới đất định rõ giới hạn khu này. Bây giờ trong “phòng ăn” chỉ có một người da đen to lớn, nét thô kệch. Anh ngồi giữa đám khói thuốc lững lờ bay, nhìn ba người tiến đến. “Hắn đấy à ? Dêlxki hỏi lại. Anh tới bảo hắn làm việc trở lại và giải thích cặn kẽ cho hắn hiểu vụ việc đã dàn xếp xong. Sau đó bảo tới gặp tôi.” - Ôkê, đại diện nghiệp đoàn lầu bầu và bước qua vạch sơn đến ngồi xuống bên gã Đen lực sĩ, trên mặt đột nhiên nở nụ cười thật rộng. Frăng Paclên đĩnh đạc bước thẳng tới một gã Đen khác trẻ hơn hẳn đang làm việc trên băng chuyền. Anh đứng nói với hắn rất nghiêm trang. Gã kia thoạt đầu tỏ ra lúng túng chẳng mấy chốc đã phì cười, vẻ thanh thản hơi ngốc nghếch. Viên đốc công thân mật đập vào vai gã, tay kia chỉ sang Illat đang thầm thì với Niucơc. Gã Đen trẻ tuổi lại bật cười, Paclên bèn chìa tay, sau một thoáng do dự gã Đen nắm chặt tay viên đốc công. Đứng phía sau Dêlxki tự hỏi liệu mình có đóng nổi vai của Paclên một cách thông minh và dễ thương thế không. “Ông chủ !” Tiếng gọi từ bên kia dây chuyền lắp ráp, Dêlxki quay lại. Người gọi là nhân viên kiểm tra “khoang ngồi”, tay kỳ cựu trong nhà máy. Thấp và to ngang hao hao giống bò mộng ngoại hình anh ta đập vào mắt mọi người vì giống Hitle đến kỳ lạ. Tất nhiên bạn bè tặng cho anh biệt danh Ađônfơ. Anh chàng (Dêlxki quên bẵng hẳn tên anh ta) lại còn tô đậm thêm vẻ ngoài tức cười của mình bằng cách bới mái tóc ngắn cũn thành một mớ xõa xuống mắt trái. “Chào Ađônfơ !” Phó giám đốc trèo qua băng chuyền, khéo léo lách giữa chiếc xe mui trần vàng và chiếc hòm kính xanh Nil”. Thế nào, bữa nay khoang ngồi ra sao ? - Đã có thời còn tồi tệ hơn nhiều, thưa ông chủ. Chắc ông còn nhớ những trận đấu loại cuối cùng giải vô địch bóng chày ? - Thôi không nhắc đến nữa ! Những trận đấu giành cúp vô địch bóng chày và dịp khai mạc mùa săn bắn ở Misigân năm nào cũng làm các nhà chế tạo xe hơi toát mồ hôi lạnh. Hai thời kỳ đó trong năm thường có số công nhân bỏ việc vượt xa mọi kỷ lục : có cả những đốc công những kiểm tra viên bị cám dỗ. Không thế tránh được tình trạng chất lượng sản phẩm giảm sút, đặc biệt khi đấu trận chung kết thì tình hình thực sự vô cùng nguy hiểm : thật vậy ngay những người có mặt trong nhà máy cũng chú ý đến bản tin của đài bán dẫn hơn là đến công việc. Đến nỗi năm 1968 là năm các trận đấu loại rất quyết liệt và rất hấp dẫn, Mat Dêlxki đã thổ lộ với vợ - từ trần. “Xe này tuy thế không có gì đáng chê. Chiếc kia phải dành cho một cô tóc vàng. Một cô gái đẹp, hẳn thế - tôi sẽ không ngần ngại nếu cô nàng đến với tôi…” - Lại thế nữa ! Dêlxki kêu lên. Cậu đã có một công việc ngon lành rồi thì phải. Ađônfơ khẽ gật đầu. Dêlxki nói đúng một phần : so với các thợ khác làm ở dây chuyền, người kiểm tra “khoang ngồi” làm một công việc đúng là có dễ thở hơn, được nhận nhờ có thâm niên làm trong xưởng. Ngược lại, chức vụ này vừa không có lương cao hơn vừa không có quyền lực gì nhưng lại có nhiều bất tiện rõ rệt. Nếu người kiểm tra tỏ ra tận tụy đến mức phát hiện tất cả mọi khuyết điếm, mọi thiếu sót cho đến từng “chi tiết vụn vặt”, anh ta sẽ chuốc lấy ác cảm của bạn bè, họ rất có thể trả miếng bằng cách gây ra cho anh đủ mọi điều khốn khổ. Ngay các đốc công cũng không thích kiểm tra viên quá sốt sắng : một cách khá tự nhiên, họ chống lại tất cả những gì nằm trong phạm vi quyền hạn của họ mà lại có thể làm chậm nhịp độ sản xuất. Bị ban giám đốc thúc ép phải đảm bảo các chỉ tiêu sản lượng, đốc công thường không ngần ngại bỏ ngoài tai lời khiếu nại của kiểm tra viên. Trong những trường hợp đó chỉ cần rỉ tai nhau câu “thế là được rồi” là bộ phận bị hỏng hoặc chưa hoàn chỉnh vẫn tiếp tục chạy trên băng chuyền. Đôi khi bộ phận đó vẫn bị phát hiện khi rời khỏi băng chuyền, sau đó mười tháng - lời tâm sự đầy ý nghĩa : “Ngay đối với kẻ thù tệ hại nhất, anh cũng cầu cho nó đừng mua phải chiếc xe xuất xưởng hôm nay”. Ađônfơ chui từ chiếc hòm kính xanh Nil ra và nhẩy bổ luôn và chiếc tiếp theo, một chiếc mini thể thao mầu da cam sáng, ghế hình chậu mầu trắng. Anh nói : ở khâu kiểm tra chất lượng cuối cùng, nhưng điều này rất ít khi xảy ra. Trong “nhà ăn” vị đại diện nghiệp đoàn đã đứng dậy cùng với Niucơc Mát Dêlxki vẫn nhìn về cuối băng chuyền. Có cái gì đó trong chiếc hòm kính màu xanh Nil đã chạy cách xa bốn năm xe khiến ông chú ý và ông quyết định phải kiểm tra lại trước khi xe ra xưởng. Cũng ở phía cuối băng chuyền, ông thấy Frăng Paclên ở vị trí đốc công của anh : có lẽ nghĩ rằng phần liên quan đến mình trong vụ vừa qua đã kết luận xong, anh trở về vị trí làm việc, Dêlxki cũng cho rằng có thể xếp vụ này lại được rồi. Ông chỉ lo từ nay trở đi viên đốc công sẽ khó duy trì kỉ luật trong xưởng mình. Trong khi… ồ, mặc kệ nó, ai cũng có vấn đề của người ấy, vậy Paclên cứ việc xoay xở lấy. Dêlxki lại trèo qua băng chuyền, lần này theo chiều ngược lại; Niucơc và đại diện nghiệp đoàn tới gặp ông. Gã Đen đi với dáng thoải mái vô tư, thân hình càng đồ sộ hơn nhiều so với lúc ngồi. Mặt anh ta rộng tương xứng với khổ người, rạng rỡ trong nụ cười thỏa mãn. “Tôi đã báo cho anh bạn Niucơc của chúng tôi biết tôi đã giành được cho anh ta cái gì. Anh ta nhận trở lại làm việc vì những giờ nghỉ việc của anh sẽ được trả công.” Phó giam đốc không đính chính cách diễn đạt của Illat : ông không tìm cách cắt bỏ của vị đại diện nghiệp đoàn chút kiêu căng vặt vãnh - nếu Illat thích biến vụ va chạm cỏn con này thành cuộc chiến trên bờ biển Noócmăngđi, cũng chẳng sao. Tuy nhiên không phải vì thế mà ông chịu để coi ông là kẻ chiến bại. “Có lẽ anh thôi cười tủm được rồi đấy, ông bảo Niucơc. Chẳng có gì thú vị mà cười. Còn anh, Illat, chắc anh đã giải thích cho hắn hiểu là lần sau sẽ còn ít thú vị hơn nữa ? - Ông ấy đã giải thích cái gì cần giải thích, Niucơc gắt gỏng. Dù thế nào đi nữa cũng sẽ không có lần sau, trừ phi lại có khiêu khích. - Này, xuýt bị đuổi như anh, thế là quá ngang bướng đấy. - Đây không phải là bướng bỉnh mà là giận dữ. “Gã Đen phác một cử chỉ rõ ràng bao trùm lên đại diện nghiệp đoàn. “ Điều này các anh không thể hiểu nổi. - Thật chứ ? Dêlxki xẵng giọng. Anh nhầm rồi : tôi biết nổi giận khi thấy những cuộc cãi lộn ngu xuẩn làm rối loạn công việc trong nhà máy. - Không giống nỗi giận dữ của tôi. Của tôi nó sâu thẳm tận trong tâm hồn - nó rực cháy không nguôi, không chịu tàn lụi, đó là sự điên dại. Đúng, đó là sự điên dại. - Đủ rồi Niucơc. Đừng làm tôi nổi khùng, rồi anh sẽ phải hối hận.” Gã Đen lắc đầu. Một người to như thế, thô đậm như thế mà cử động và giọng nói lại dịu dàng rất lạ. Chỉ có đôi mắt màu xanh xám long lanh biểu lộ niềm xúc động mãnh liệt. Các ông không thể hiểu được, gã nhắc lại. Phải có lớp da màu đen mới biết là thế nào những triệu mũi kim châm, mũi dao thì đúng hơn, chúng tôi phải hứng chịu từ khi chào đời. Vì thế, ngày bị một gã Trắng gọi “ranh con” là một mũi kim quá mức chịu nổi. - Thôi, thôi, đại diện nghiệp đoàn gạt đi. Chúng ta đã giải quyết xong rồi, nhắc lại làm gì ! - “Anh câm mồm đi.” Niucơc quát lên, mắt vẫn nhìn phó giám đốc có ý thách thức. Đây không phải là lần đầu tiên Mat Dêlxki tự hỏi, một cách rất nghiêm túc : phải chăng cả thế giới này đang bắt đầu bơi trong mê sảng. Hàng triệu con người như Niucơc và như Bacbara con gái của Dêlxki hình như tin chắc vào sự cần thiết phải đạp đổ tất cả những gì xưa kia vẫn là cái khung cho sự tồn tại của loài người : trật tự, uy quyền, đạo đức. Bây giờ hỗn loạn đã thành quy tắc, sự hỗn loạn mà Niucơc đã thể hiện bằng giọng nói và bằng mắt nhìn. Bằng cả những thành ngữ cứng nhắc có sẵn - “giận giữ sâu sa trong tâm hồn” hoặc “sự điên dại” - những từ ngữ cùng một loại, cùng một họ với hàng chục từ khác đại loại “không sống nổi, sự hóa điên, tự quản”. Những từ ngữ mà Mát Dêlxki không thể, hơn nữa không muốn tìm hiểu ý nghĩa. Bị choáng váng trước một số biến động, hoảng sợ trước nhịp điệu diễn biến của chúng, càng ngày ông càng cảm thấy mình bị thời thế vượt qua. Tuy hơi có vẻ ngộ nghĩnh nhưng vẫn có phần nào hợp lô gíc, ông so sánh Niucơc gã da màu to lớn với con gái ông, cô Bacbara thon thả, xinh đẹp, hai mươi chín tuổi, tốt nghiệp một trường nổi tiếng và da trắng. Nếu lúc này Barbara ở đây, rất có thể cô sẽ đánh giá tình hình theo cách nhìn của Niucơc chứ không theo cách của bố cô. Mát sẵn sàng trả giá đắt để có được lòng tự tin của họ. Trong lúc này tất cả cái ông có là một cảm giác mệt mỏi mơ hồ (tuy mới là sáng sớm) và một chút nghi hoặc về cách ông giải quyết vụ vừa rồi. Bực dọc, ông quay sang Niucơc : “Đi về chỗ làm việc.” lllat đợi cho Niucơc đi khỏi. “Sẽ không có ngừng máy. Tôi đã ra chỉ thị. - Chắc anh muốn nhận lời cảm ơn ? Khi người ta không ám sát không cưỡng dâm tôi thì…” Đại diện nghiệp đoàn nhún vai và bỏ đi. Trong lúc đó chiếc xe hòm kính màu xanh Nil ban nãy làm Dêlxki thắc mắc đã chạy thêm một đoạn trên băng chuyền. Phó giám đốc rảo bước đuổi kịp; ông tháo cái “ống treo ở “mặt nạ”[3] đọc các giấy tờ theo xe. Đúng như ông đã nghĩ : ngoài lời chỉ dẫn “đặc biệt” đảm bảo cho xe được qua công đoạn cuối với sự chăm sóc cẩn thận, xe còn mang lời chỉ dẫn nữa “dành cho bạn thân một đốc công”. Tất cả những chiếc xe được gửi gắm cách đó đều tự nhiên biến thành một thứ thực sự hết sức đặc biệt. Trên thực tế sự nhắn gửi ấy bị ngăn cấm, nó không chính thức, hơn nữa còn bất hợp pháp vì nó bao hàm việc lấy cắp (hoặc một chuỗi vụ ăn cắp) cho “bạn thân một đốc công” số tiền lên tới hàng ngàn đôla. Mat Dêlxki vốn là người hay cóp nhặt các mẫu tin rời rạc sau đó đem ghép lại, đoán gần đúng điều đã xảy ra. Theo đơn đặt hàng của một ông trùm trong Ban Quan hệ Đối ngoại của hãng, chiếc xe này đáng lẽ chỉ được thiết trí theo sơ đồ mẫu, nghĩa là ở mức tối thiểu. Trên thực tế, nói theo tiếng lóng con nhà nghề, nó được “nhồi”. Không cần tiến hành một cuộc kiểm tra đầy đủ Dêlxki đã ghi nhận được : một tay lái loại hảo hạng Luých, những chiếc lốp má trắng. Kính màu, máy chạy băng stêrêô… Ngoài ra xe còn được phun thêm một lớp sơn phụ, chính điều này đã làm Dêlxki chú ý. Chỉ cần tưởng tượng cũng tìm ra lời giải thích gần đúng cho vụ này nhưng phó giám đốc còn căn cứ vào nhiều tình tiết đã nắm được từ lâu. Mười lăm ngày trước đây, một người trong số những đốc công chính của nhà máy đã làm lễ cưới cho con gái. Một ông trùm của Ban Quan hệ Đối ngoại (người sẽ nhận chiếc xe hòm kính) muốn làm vui lòng viên đốc công đã thu xếp để những tấm ảnh chụp đám cưới được đăng tải trên các báo Đitơroi và quanh vùng. Bố cô dâu rất vui sướng. Tuy trong nhà máy người ta dị nghị chuyện này. Phần tiếp theo thật dễ đoán. Vị quan chức Ban Đối ngoại dễ dàng biết trước ngày hoàn tất chiếc xe hơi của mình. Ông báo cho người bạn đốc công và anh này vui lòng “chăm sóc” chiếc hòm kính màu xanh Nil trong toàn bộ hành trình của nó trên dây chuyền Dêlxki biết rõ mình phải làm gì : kiểm tra những điều ông nghi vấn bằng cách hỏi trực tiếp viên đốc công nọ, sau đó gửi báo cáo lên Kecnơn giám đốc nhà máy làm ông này buộc phải có biện pháp trừng phạt. Thế là châm ngòi cho ba mươi sáu chuyện bê bối từ ông trùm của Ban Đối ngoại lan đến cấp chóp bu của công ty. Đồng thời Dêlxki cũng biết rất rõ là mình sẽ không làm gì hết. Bởi ông đã có khá nhiều việc trên lưng. Ngay cả sau khi thanh toán xong cuộc xung đột Paclên-Illat-Niucơc. Chắc chắn trong khi ông vắng mặt chốc lát, nhiều vấn đề mới đã kéo đến chật bàn làm việc, chưa kể tập hồ sơ có ở đó từ sáng chưa có thì giờ ngó tới. Một giờ trước đây đang đi trên đường ông đã nghe qua đài trên xe lời tuyên bố của Imơcxơn Vên : thêm một lần nhà “phê phán ngành xe hơi” nã pháo tới tấp vào toàn thể những nhà chế tạo. Dêlxki coi Vên chỉ là tên ngu ngốc đáng sợ và ông sẵn sàng trả giá đắt để thấy hắn thay chân ông trong vài ngày. Đến lúc ấy cái thằng đốn mạt kia may ra mới thấy được rằng phải trải qua bao nhiêu nỗ lực, lo toan, phiền toái, bao nhiêu dàn xếp, phải có biết bao nghị lực mới đi đến chỗ làm ra được những chiếc xe hơi. Dù là những chiếc xe về mặt này mặt khác còn chưa hoàn hảo. Quay lưng lại chiếc xe xanh Nil, Dêlxki đi tới cầu thang. Khi điều hành một nhà máy, cần biết rằng đôi lúc tốt hơn hết là giả ngây giả điếc - như trong vụ móc ngoặc này chẳng hạn. Tuy nhiên vẫn có niềm an ủi : hôm nay thứ tư. L 3 úc bảy giờ rưỡi sáng hàng vạn người ở Đitơroi cũng như ở ngoại ô đã bắt đầu làm việc. Một số khác vẫn còn trên giường ngủ, do thói lười nhác hoặc vì giờ giấc làm việc riêng trong nghề. Ơrica Tơrentơn thuộc số những người nằm ườn vì lười. Trên chiếc giường rộng kiểu Pháp giữa mớ chăn nệm xatanh trơn tru dễ chịu phủ lên tấm thân thể trẻ trung chắc lẳn, Ơrica tuy đã tỉnh hẳn nhưng sắp ngủ lại. Cô không định dậy trước hai, có thể ba tiếng nữa. Vừa tận hưởng cảm giác trượt êm vào giấc ngủ, cô vừa tưởng tượng có người đàn ông - không phải là một người nào cụ thể, chỉ đơn giản là đàn ông thôi - khởi sự kích thích cô rồi thâm nhập cơ thể cô, rất sâu. Nữa vào. Thế, thế… Nữa… Việc mà chồng cô không làm từ, xem nào… ba tuần ? Có đến một tháng nay. Nhớ lại thế cô nhớ luôn là trước đây cô không phải là gái-ngủ-trưa. Ở Bahama quê hương nơi cô ở cho đến ngày lấy Ađam năm năm trước cô thường dậy trước bình minh giúp bố lao xuồng sau đó coi máy để ông bố ngồi câu : ông mê ăn cá tươi khi lót dạ. Khi trở về nhiều khi Ơrica tự tay nấu nướng món cá. Sau này, về Đitơroi tập sự cuộc sống lứa đôi cô vẫn giữ vững nhịp thời gian đó, dậy cùng lúc với Ađam để soạn bữa điểm tâm và cùng ăn với chồng. Ađam rất hài lòng và không lần nào quên ca ngợi tài nấu ăn của cô; tài năng có thật giúp cô thể hiện đầu óc tưởng tượng phong phú ngay trong những bữa ăn thanh đạm nhất. Không muốn thuê người giúp việc, Ơrica bận bịu từ sáng đến tối nhất là trong những ngày nghỉ cuối tuần và ngày lễ, có thêm Grếch và Kiếc con trai sinh đôi riêng của Ađam học tại trường dự bị gần đây về nhà chơi. Những ngày đầu mới lấy nhau cô băn khoăn tự hỏi không biết hai đứa con có chấp nhận cô và chấp nhận đến mức nào. Vì Ađam mới li dị mẹ chúng chưa đến một năm - chỉ vài tháng trước khi gặp Ơrica và theo đuổi cô rất say mê, gần như cuồng bạo. Trên thực tế Grech và Kiếc đã đón nhận cô ngay, hơn nữa còn có phần biết ơn vì trong nhiều năm qua chúng không được gặp bố mẹ : Ađam bị công việc cuốn hút hoàn toàn, còn mẹ chúng, Frăngxin thì đi ra nước ngoài luôn (hiện giờ vẫn thế). hơn nữa Ơrica còn rất trẻ nên gần gũi chúng hơn mẹ đẻ. Hồi ấy cô vừa tròn hai mốt tuổi, Ađam đã ba mươi chín. Khi lấy nhau họ nghĩ sự chênh lệch tuổi tác không quan trọng. Giờ đây, tức là năm năm sau, khoảng cách vẫn thế nhưng dường như sâu hơn. Một phần quan trọng có lẽ là do lúc đầu họ quá đam mê phần xác thịt. Lần ân ái đầu tiên - điên dại, dữ dội - diễn ra trên một bờ biền ngợp ánh trăng tận Bahama xa xôi. Ơrica còn nhớ mãi cảnh đó : đêm ấm, hương nhài đang độ nở hoa, tiếng sóng vỗ bờ cát trắng, làn gió nhẹ đung đưa ngọn cỏ, nhạc Jazz phập phồng từ chiếc thuyền buồm lớn bỏ neo trên cảng Natxao bên kia vịnh đưa sang. Hai người mới quen nhau được bốn năm ngày. Ađam vừa li dị vợ, chọn tới Bahama để giải khuây, được bạn bè nơi ở đậu giới thiệu với Ơrica tại Sacli-Sacli một vũ trường thời thượng của Nat-xao. Ngay hôm sau Ađam và Ơrica không rời nhau nữa. Đêm nay không phải đêm đầu tiên của hai người trên bờ biển vắng. Những đêm trước Ơrica chối từ Ađam; đêm nay cô không còn sức nữa. “Em lo bị chửa, cô thủ thỉ lúc trao thân.” - Không sao, vì chúng mình sắp lấy nhau. Cô không có mang sau hôm đó, và cả sau này - điều làm cô ân hận. Từ đêm ấy (một tháng trước khi cưới) họ cùng nhau làm tình đều đặn, say sưa - gần như đêm nào cũng thế trước khi ngủ rồi lại dốc sức thêm nữa khi tỉnh dậy - mệt đến kiệt quệ nhưng với xiết bao hân hoan. Khi trở lại Đitơroi họ vẫn giữ vững nhịp khác thường “tối sáng” mặc dầu Ađam cũng như mọi viên chức ngành xe hơi bắt buộc phải dậy sớm. Dần dà nhiều tháng trôi qua - nhiều tháng, rồi nhiều năm - sự hăng say của Ađam yếu đi. Thoạt đầu Ơrica không vì thế mà lo lắng quá : chính cô cũng không thể duy trì mãi mãi nhịp độ đó. Nhưng cô không ngờ sự suy sụp lại đến sớm thế, lại hầu như hoàn toàn đến vậy. Cô nhận ra điều ấy rõ rệt hơn còn vì nhiều nỗi bận rộn trước đây nay đã thành thưa vắng : Grếch và Kiếc không về nhà nữa. Chúng rời Misigân để vào đại học, một đứa học y khoa cơ sở ở Côlômbia, một ở trường báo chí Ôclahôma. Vẫn đang thả trôi theo dòng… Chưa ngủ được… Căn nhà gần hồ Quactơn thành phố Bơcminhhêm, vùng ngoại thành bắc, im ắng đến lạ. Ađam đi rồi : là viên chức cấp cao cần mẫn anh muốn có mặt ở nơi làm việc từ bảy giờ rưỡi sáng để khi các thư kí và người đánh máy đến, anh đã làm việc được một tiếng rồi. Đã thành thói quen, anh dậy sớm tập thể dục, chạy mười phút trong vườn, tắm rồi tự tay sửa soạn bữa sáng, Ơrica thôi nấu nướng buổi sáng từ ngày Ađam phàn nàn bị mất nhiều thì giờ vào bữa ăn : thực vậy anh tỏ ra nóng ruột tuy trước kia anh rất thích mười lăm phút thư dãn bên cạnh vợ vào lúc sáng sớm này. Một hôm nào đó anh đã nói : “Cứ nằm đấy em yêu; anh làm lấy được mà.” Anh làm thật, sáng hôm ấy, rồi sáng sau rồi sáng hôm sau nữa, cuối cùng việc đó đã thành chế độ thường ngày. Tuy thế Ơrica vẫn thấy tiếc vì Ađam không cần cô ngay từ lúc mở đầu một ngày mới, anh không vui mà lại nổi cáu trước bàn ăn bày biện đẹp đẽ, các món ăn hay hay, vợ đã chờ sẵn. Rõ ràng sự thờ ơ tăng dần của Ađam đối với mọi sự xảy ra - hoặc không xảy ra - trong gia đình trộn với sự say mê đến mức chỉ còn biết có công việc càng làm Ơrica cáu bực. Cô thấy ngay đến cử chỉ chăm sóc của chồng cũng có cái gì đó làm cô ghê tởm. Chuông đồng hồ báo thức vừa reo Ađam vội vã tắt ngay trước khi Ơrica tỉnh hẳn, rồi anh choàng dậy không nấn ná lấy một giây - trước kia, mới gần đây thôi chứ nào đã lâu gì, đấy là lúc anh quay sang phía cô, cô dang rộng tay, thường là để ôm ấp nhau một lần ngắn ngủi nhưng chao ôi! thỏa mãn biết bao. Sau đó trong lúc Ơrica còn hổn hển kéo dài dư vị niềm khoái lạc, Ađam luồn khỏi chăn và thầm thì “đây thật là cách hay nhất để mở đầu một ngày mới.” Giờ đây tất cả những cái đó đều đã chết rồi. Không bao giờ lúc sáng sớm, họa hoằn, rất họa hoằn lúc tối - thật không thể chịu nổi. Một anh chồng thức dậy thật nhanh, sửa soạn thật nhanh, ra đi thật nhanh - trong thực tế chỉ là người khách lạ. Sáng hôm ấy Ơrica nghe tiếng Ađam bận rộn dưới nhà định xuống với anh. Dù chỉ để phá vỡ lề thói khủng khiếp. Nhưng cô lại thôi : anh chàng suốt đời cập rập này chỉ cần có một điều là : mau chóng lên đường, lao thật nhanh chẳng khác gì những chiếc xe do hãng anh thiết kế. Hơn nữa Ađam rất thành thạo, anh làm xong bữa lót dạ nhanh chẳng kém cô. Mặc dù vậy Ơrica vẫn băn khoăn không biết có nên xuống hay không - cô còn đang dùng dằng thì nghe tiếng máy xe Ađam khởi động. Chậm mất rồi. … Anh đã lên đường. Như những bông hoa héo tàn… tình yêu, hạnh phúc, bản tình ca kì diệu Ađam - Ơrica Torentơn đôi nhân tình yêu nhau, như điên mới hai ba năm trước. Bây giờ, tất cả những cái đó đâu rồi ? Đâu rồi… Ơrica thốt nhiên chìm sâu vào giấc ngủ. Cô tỉnh dậy vào lúc nửa buổi. Mặt trời thu nhợt nhạt rọi nắng qua khe cửa sổ. Dưới nhà tiếng máy hút bụi rền rĩ báo hiệu bà giúp việc Gúts, mỗi tuần hai buổi tới quét dọn, đã mở khóa cửa sau để vào nhà. Vậy là hôm nay Ơrica thoát khỏi phải làm những việc vặt vãnh, thứ việc khổ sai gần đây làm cô quá ngán. Thấy bên giường có tờ báo buổi sáng Ađam bỏ quên, cô chèn gối quanh giường, vuốt mái tóc màu tro bướng bỉnh xòa xuống mắt, rồi cầm đọc. Trên trang nhất, bài đả kích ngành công nghiệp xe hơi của Imơcxơn Vên chạy dài nhiều cột Ơrica chỉ lướt qua. Cô dửng dưng với đề tài này tuy đôi khi chính cô cũng muốn công kích cái thế giới xe hơi khủng khiếp này. Thuở mới tới Đitơroi cô đã có lúc chú ý đến, vì nó là thế giới của chồng cô. Nhưng chỉ ít lâu sau, cô từ bỏ nó, nản lòng khi thấy các viên chức trong ngành say mê công việc đến nỗi quên hết những “cái còn lại.” Bố Ơrica làm chỉ huy bay cho một công ty hàng không, một phi công rất chắc tay và tài giỏi, là người biết phân chia rạch ròi đâu ra đấy : khi đang lái, dứt khoát không lo lắng chuyện riêng tây, khi đã xảy ra khỏi buồng lái, dứt khoát không lo lắng chuyện nghề nghiệp. Nhờ vậy ông có cuộc sống gia đình rất đầy đủ, có thì giờ đi câu cá, đóng đồ mộc, đọc sách, chơi ghita và đôi khi còn nằm dài phơi nắng, Ơrica còn biết rằng ngay hiện nay bố mẹ cô có nhiều thời gian ở bên nhau hơn vợ chồng cô. Cô còn nhớ hôm báo cho bố biết tin cô quyết định lấy Ađam, quyết định thực ra có phần đột ngột, ông bảo : “Con đã đủ lớn để hiểu rõ việc con làm, vả lại xưa nay con toàn làm theo ý riêng. Vì thế bố không hề có ý định phản đối cuộc hôn nhân này : dù bố phản đối con cũng chẳng thèm nghe, thà để con đi khỏi nhà này với lời chúc phúc của bố còn hơn. Có lẽ lâu dần bố sẽ quen được cảnh có anh con rể gần ngang tuổi bố. Anh ta là nguời khá; bố thấy cũng dễ thương. Nhưng bố cần nói trước để con dè chừng : anh chàng có nhiều tham vọng lắm đấy, mà ở một nơi như thành phố Đitơroi này, tham vọng là cái con chưa hình dung được đâu. Vạn nhất sau này trong gia đình con có gì trục trặc là do cái đó mà ra con ạ.” Quả thật bố mình rất có tài quan sát và hơn nữa, than ôi, bố cũng có tài tiên đoán rất đúng, cô nghĩ thế. Bất giác cô nhặt tờ báo, ngắm bức ảnh Imơcxơn Vên trải ngang hai cột báo. Anh chàng còn trẻ… anh ta hành sự ra sao trên giường ngủ ? Với vẻ cường tráng và thành thạo mà cô mơ tưởng kia ? Cũng chưa chắc : theo dư luận cô nghe biết thì cuộc đời anh ta không có bóng dáng đàn bà. Đàn ông cũng không nốt, tuy người ta định dán cho anh ta cái nhãn “pêđê”. Tỉ lệ những con gà sống thiến và những gã đàn ông suy nhược trong xã hội hiện nay có lẽ ngày càng tăng đến mức đáng buồn. Những trang khác của tờ báo không thích thú gì hơn. Chẳng có gì mới về thời sự thế giới và mục thế giới thượng lưu : gia đình Fo đãi tiệc một công chúa Italia, gia đình Taoxên nghỉ ở khách sạn Xanhfôni tại NiuYoóc, cánh Rôgiê săn vịt trời ở vùng Bắc-Đacôta. Đọc trên trang giáp cuối “Lá thư bạn gái” của cô AnLênđơ, Ơrica cũng thấm viết lá thư của cô : “Cảnh ngộ của tôi cùng tầm thường, buồn chán như biết bao phụ nữ có chồng khác. Một cảnh ngộ làm đề tài thêu dệt nên lắm chuyện gây cười; nhưng kẻ cười và người khóc đâu phải là một ! Nói thẳng ra là tôi đã mất hết. Thời gian gần dây tôi chẳng còn gì, đúng thế, chẳng còn một chút gì…” Cô bực mình vò nát tờ báo, tung chăn vùng dậy. Cô nâng cửa chớp rồi nhìn quanh tìm chiếc túi xách da cá sấu mới mua tối qua. Túi nằm trên bàn trang điểm. Cô mở ra lục bên trong lấy cuốn sổ tay bìa da. Cô vừa giở sổ vừa đi tới máy điện thoại đặt trên bàn đầu giường Ađam. Cô vội vã quay số - rất vội vàng để không có thì giờ thay đổi ý định - Liền ngay đó có tiếng đàn bà trả lời : “Vận chuyển Đitơroi đây.. Bà gặp ai ?…” Ơrica nói tên cô ghi trong sổ tay bằng thứ chữ không ai khác có thể đọc nổi. “Ông ấy làm Ban nào ?” - Đâu ở… Ban Thương mại hay sao ấy. - Cầm máy… Dưới nhà máy hút bụi vẫn rền rĩ. Thế là bà Gúts không nghe được cuộc nói chuyện sắp tới. Càng may… Có tiếng nhấc máy, giọng một người đàn bà khác, Ơrica nhắc lại tên người cô muốn gặp. “Ông đang ở đây. Tôi chuyển máy cho bà.” Ơrica nghe loáng thoáng : “Ôli, có việc. Kênh hai.” Lại có tiếng nhấc máy, và sau cùng là tiếng đàn ông nghe rất trong rất rõ : “Alô ?” - Ơrica đây. Anh còn nhớ không, chúng mình đã gặp nhau… - Nhất định nhớ. Cô đang ở đâu ? - Ở nhà. - Số máy ? Cô nói số điện thoại. “Tốt. Cô bỏ máy xuống, tôi sẽ gọi lại ngay.” Ơrica đứng đợi, thần kinh căng thẳng cân nhắc không biết có nên trả lời hay không. Nhưng chuông vừa reo cô đã cầm ngay tổ hợp. “Chào bé. Em hiểu chứ, có những máy thích hợp và những máy không thích hợp với loại chuyện riêng tây này. Em hiểu. Chúng mình không gặp nhau đã khá lâu rồi nhỉ. - Đúng thế. Im lặng. “Em gọi anh có chuyện gì vậy ?” - À, em nghĩ rằng… hay là chúng mình gặp nhau… - Để làm gì ? - Xem nào… để uống với nhau một ly… - Việc ấy thì lần trước ta đã làm rồi. Em còn nhớ chứ ? Suốt buổi chiều ở tiệm rượu Quynsuê. - Em biết, nhưng mà… - Cả lần trước đó cũng vậy. - Dĩ nhiên, đấy là bữa chúng mình mới gặp nhau lần đầu. - Đúng, đúng : lần đầu cô em phải giữ kẽ. Người đàn bà quyết định mà. Cũng dễ hiểu thôi. Nhưng đến lần thứ hai thì anh đàn ông có thể mong đạt được nguyện vọng, đúng không ? Nhưng lại mất toi cả buổi chiều ngồi nói chuyện xuông. Vì vậy anh nhắc lại câu hỏi : em định sẽ làm gì ? - Lạy Chúa, em định… trao đổi ý kiến… hiểu nhau thêm. - Nếu chỉ có thế thì xin đủ. Ơrica buông thõng tay cầm ống nghe. Trời ơi, tôi đang làm gì thế này ? Sao tôi có thể chấp nhận nói với… với… Chắc chắn có nhiều đàn ông khác - Có, nhưng họ ở đâu ? Tổ hợp lại rung lên : “Này, em vẫn còn đấy chứ, bé ?” Cô phải gắng gượng lắm mới đáp lời. Ngay lập tức người đầu kia nói tiếp : “Nghe đây, anh đặt lại câu hỏi dưới dạng khác nhé : em thèm hôn phải không ? - Vâng, cô thì thầm, cố nén những giọt nước mắt tủi hổ và ghê tởm chính mình đang trào lên. Vâng, em muốn cái đó. - Lần này thì chắc chứ ? Không phải là một buổi nói chuyện cao đạo chứ ? (Lạy Chúa. Không lẽ hắn sắp bắt mình lấy danh dự ra thề nữa sao ? Những con đàn bà thèm khát đến nỗi chịu đựng nổi sự thô lỗ ấy là có thật à ? Rõ ràng là có thật rồi). “Chắc chắn…” - Bravô ! Ta làm cái đó vào thứ tư tuần tới nhé. - Theo em… sớm hơn, được không anh ? (Tận thứ tư tuần sau… cả một tuần lễ đợi chờ…). “Rất tiếc, bé ạ : không thể được. Anh phải đi một vòng. Sau một tiếng nữa anh đi Clivơlên. Năm ngày cật lực đi thăm khách hàng ở bang Ôhaiô - tiếng nuốt nước bọt - Và thỏa mãn các cô nhí trong vùng.” Ơrica vẫn cười được. “Chắc anh sẽ không thấy chán.” - Ô, cái đó thì… Em sẽ rất ngạc nhiên… (Tôi mà ngạc nhiên ư- ? Không, chắc chắn là không. Từ nay chẳng còn có bất cứ điều gì có thể làm tôi ngạc nhiên được). “Về đến nơi là anh sẽ báo ngay. Trong khi chờ đợi, hãy ủ tất cả những cái ấy thật nóng cho anh.” Ngừng một lát. “Thứ tư tới em vẫn khỏe chứ ? Có hiểu anh định nói gì không ?”. Cô không kìm được nữa : “Tất nhiên. Anh tưởng em ngu đến nỗi không nghĩ tới nó à ? - Chắc em lấy làm lạ khi anh nói rằng có không ít cô quên bẵng mất cái của nợ ấy. Thôi nhé tạm biệt em bé. Anh còn phải kéo cày. Tiền đâu có nằm dưới đất cho mình nhặt ! - Chào anh, cô thì thào. - Chào em. Sẽ gặp lại.” Cô buông máy, bưng mặt rồi òa khóc nức nở. Bây giờ cô để mặc dòng nước mắt chảy tràn khuôn mặt. Lúc sau Ơrica vào phòng rửa mặt và thử cân nhắc lại. Dù sao vẫn còn có giải pháp khác. Vì còn những một tuần nữa cô mới tới gặp cái gã ghê tởm kia, nên Ađam vẫn có thể ngăn chặn được “cái ấy” - Ađam hoàn toàn có thể ngăn chặn được ngay cả khi anh không biết nó. Với điều kiện anh phải nhớ lại những quyền lợi và bổn phận người làm chồng, trong bảy đêm tới. Chỉ với điều kiện ấy thôi, cô sẽ đứng vững và sau đó sẽ chế ngự được những đòi hỏi của xác thịt. Cô chỉ mong được yêu, được cảm thấy người cần đến cô, được đáp lại tình yêu đó, nhu cầu dó. Vả lại cô vẫn yêu Ađam như trước : chỉ cần nhắm mắt là cô sống lại những khoảnh khắc say đắm ngày xưa. Dù thế nào mặc lòng cô sẽ cố giúp Ađam. Đêm nay, và cả những đêm sau nữa, cô sẽ làm mọi cái để trở thành người vợ có sức hấp dẫn mãnh liệt, có sức quyến rũ không thể cưỡng lại… Cô sẽ gội đầu, xức thứ nước hoa có chất xạ kích dục, mặc bộ đồ trong suốt nhất. Có lẽ phải mua bộ đồ mới… hôm nay, ngay sáng nay. ngay bây giờ… ở Bơcminhhêm. Ơrica vội vã mặc quần áo. 4 N gôi nhà xây đá xám của trung tâm hành chính có thể còn bề thế hơn dinh thống đốc những bang loại hai của Hoa Kỳ. Vào lúc sớm sủa này các hành lang và phòng giấy còn vắng vẻ. Ađam Tơrentơn lái chiếc xe hơi chỗ ngồi màu kem vào đường vòng dẫn xuống tầng hầm, lao nhanh vào đoạn cua chữ S làm bánh xe rít lên, phanh đúng giữa cửa vào ngăn của anh trong khu đậu xe dành cho các chủ sở. Anh nhảy ra ngoài rất nhanh, bỏ lại chùm chìa khóa trong xe. Đêm qua mưa to nên thùng xe lốm đốm bẩn. Không sao, hôm nay là ngày bộ phận bảo trì phải rửa xe, đổ xăng, và nếu cần thì kiểm tra và sửa chữa vặt theo định kỳ. Đó là một lần những quyền lợi bằng hiện vật của các viên chức cấp cao trong ngành xe hơi : được tùy ý lựa chọn chiếc xe riêng và đổi xe hai lần mỗi năm, cùng một loạt “tiêu chuẩn” phụ khác - xăng nhớt, rửa xe, thay dầu mỡ, sửa chữa. Thường thường các vị tai to mặt lớn ưa dùng loại xe hòm kính thượng hảo hạng : Craixlơ Hoàng hậu, Lincôn, Cađilắc, tùy theo nơi họ làm việc. Một số khác như Ađam chẳng hạn lại thích dùng kiểu xe nhẹ nhàng hơn, xpo hơn, máy khỏe hơn. Bước chân Ađam vang to trên nền nhà để xe màu đen, sạch bóng. Bận bộ đồ xám cài chéo, người cao lớn, chắc lẳn, lực lưỡng, trạc ngoài bốn mươi tuổi, Ađam đi nhanh, đầu ngả về phía trước như để kéo thân mình đi theo được dễ hơn. Tuy thời gian gần đây trang phục của anh có giản dị hơn nhưng anh vẫn giữ được dáng vẻ rất môđéc điểm đôi tí khác người. Khuôn mặt thông minh, đường nét cân đối, cặp mắt xanh xẫm, đôi môi cương nghị sẵn sàng phác một nụ cười thoáng qua – tất cả nói lên một con người thẳng thắn. Trong một số cuộc tranh luận ấn tượng này càng mạnh hơn khi nghe anh diễn đạt với vẻ cứng rắn khiến những người đối thoại mất hết nhuệ khí. Từ mấy năm trước kia anh đã nhận ra thói xấu của mình, nhưng không sửa mà bây giờ còn dùng nó làm một thứ chiến thuật được áp dụng nhiều. Dáng đi vững vàng, năng động biểu lộ tính quyết đoán trong mọi lúc. Trên tay Ađam cầm chiếc túi xách thông dụng căng phồng những giấy tờ tối qua mang về nhà để nghiên cứu cho thấu đáo đến tận mười một giờ đêm. Trong số xe đang đậu Ađam thấy có hai chiếc hòm kính trong dãy dành cho các phó chủ tịch kế bên thang máy “dành riêng” chạy thẳng một mạch lên thấu tầng mười lăm, lãnh địa của các người cầm đầu công ty. Ngăn để xe gần thang máy nhất là ngăn của chủ tịch hội đồng quản trị; sau đến ngăn của chủ tịch công ty, các phó chủ tịch theo thứ tự vai vế. Nơi đậu xe của ông X của ông Z là một dấu hiệu chứng tỏ uy tín của ông đó trong xí nghiệp. Địa vị càng cao thì đoạn đường từ tay lái đến bàn làm việc càng ngắn. Hai chiếc xe hòm kính kia có một cái là xe cấp trên trực tiếp của Ađam, vị phó chủ tịch phụ trách khối Phát triến Kỹ thuật. Xe kia của ông giám đốc Ban Quan hệ Đối ngoại. Ađam trèo từng bước bốn bậc một trên cầu thang dẫn lên tòa nhà chính của cao ốc, đi về phía có một trong nhiều thang máy dành cho nhân viên. Anh ấn nút lên tầng mười rồi đứng đợi một mình trong cabin chờ máy tính điện tử khỏi động thang máy. Một lần nữa anh nóng lòng được vùi đầu vào công việc. Tất nhiên chiếc Ôriôn chiếm chỗ hàng đầu trong đầu óc anh, không phải chỉ gần đây mà kiểu xe đời mới này đã thường xuyên chiếm lĩnh vị trí hàng đầu đó từ hai năm nay. Ađam cảm thấy mình đang sung sức. Chỉ có một điều khó chịu : một sự căng thẳng khó xác định, một thứ co thắt tinh thần xuất hiện mấy tuần lễ gần đây - nỗi khó chịu tuy rất vô lí nhưng càng ngày càng thấy khó dứt bỏ. Anh hơi nhăn mặt, thò tay vào túi trong áo véttông lượm hú họa một viên thuốc nửa xanh nửa đen bỏ vào họng nuốt chửng. Qua một hành lang yên tĩnh - sẽ còn vắng vẻ trong một tiếng nữa - Ađam vào phòng làm việc của anh ở một góc tầng lầu. Vị trí phòng làm việc ở đây cũng là dấu hiệu nói lên cương vị người ngồi đó, một dấu hiệu không thua kém bao nhiêu so với nhà để xe của phó chủ tịch. Trên bàn cô thư ký, tập công văn buổi sáng đã chất thành một chồng đáng sợ. Hồi mới vào nghề đôi khi anh dừng chân liếc qua các tấm phong bì. Sau đó anh nhận ra rằng không nên để phí thì giờ quí báu nên đã bỏ thói quen này. Công việc số một của cô thư ký giúp người lãnh đạo - “của cô thư ký giỏi thực sự”, theo lời vị tổng giám đốc công ty một hôm đã nói - là sàng lọc đống công văn khổng lồ gửi cho ông chủ để loại bỏ tất cả những cái không quan trọng. Chỉ có như thế, (ông chủ) mới dồn hết được sức lực vào những việc cơ bản nhất và những tư tưởng mới. Chính vì thế nên hàng năm, trong số hàng vạn lá thư của khách hàng bất bình gửi cho các nhà chế tạo xe hơi chỉ có vài lá đến tay người nhận mặc dầu tên ông ta để rõ trên phong bì. Các lá thư được các cô thư ký chuyển cho hai hoặc ba ban chuyên trách, trả lời khách theo những qui định có sẵn. Mỗi năm một lần người ta thống kê các đơn khiếu nại và cố gắng rút ra từ đó vài bài học. Thực ra không một ông chủ nào có đủ thì giờ lưu tâm đến từng lời phản kháng. Đôi khi rất hiếm hoi - một vị khách bất mãn có sáng kiến gửi thẳng thư đến nhà riêng giám đốc nào đó; địa chỉ tìm khá dễ dàng vì chỗ ở của số đông các ông trùm được ghi trong tập Who’s Who, tra cứu trong thư viện công cộng. Trong những trường hợp này, ông giám đốc (hoặc phu nhân) nhất định sẽ đọc thư và có khi thấy sự việc nêu trong thư đáng được ông ta đích thân giải quyết. Vừa đặt chân tới cửa phòng làm việc Ađam đã nhìn thấy chiếc bóng đèn màu da cam trên bảng máy nội đàm đang nhấp nháy : ông phó chủ tịch Phát triền Kỹ thuật đã gọi anh, có lẽ từ lúc nãy. Anh gạt chiếc cần phía trên bóng đèn và đợi. Máy đưa ra giọng nói làm ra vẻ trách móc và có âm sắc kim loại : “Hôm nay anh định nêu lý do gì để cáo lỗi ? Tai nạn trên xa lộ, hay đồng hồ báo thức không đánh chuông ?”. Ađam bật cười, nhìn lên đồng hồ treo tường : 7h23. Phó chủ tịch ít khi đến trụ sở trước anh, nhưng hễ có bữa nào đến sớm thế nào ông lớn cũng tìm cách nhấn mạnh. Anh nói đùa : “Enroi, ông thừa biết khó khăn của tôi : không dễ gì thoát ra khỏi giường được. - Lời thú tội đáng yêu ! Này Ađam, anh có bận lắm ngay từ lúc này không ? Liệu có nhảy sang chỗ tôi được không, trong độ một giờ thôi… - Được. Lúc này tôi không có gì gấp lắm. Vừa nói Ađam vừa quan sát qua khung cửa sổ sự đi lại trên xa lộ. Vào giờ phút sớm sủa này lưu lượng xe cộ đã tương đối lớn tuy có giảm so với bốn nhăm phút trước đây lúc có khối lượng rất lớn công nhân đi vào các nhà máy bắt đầu ngày làm việc. Nhưng chỉ lát nữa sẽ ghi nhận được một sự gia tăng mới vẫn theo chiều ngoại ô - trung tâm, lúc hàng nghìn nhân viên hành chính bây giờ còn đang ăn lót dạ sẽ hòa vào dòng sông. Sự thay đổi mật độ giao thông với những lúc cao điểm và những giờ “trống” xưa nay vẫn mê hoặc anh - một điều cũng thường tình thôi vì công việc chính của anh là chiếc xe hơi, có thể nói nó là lý do tồn tại của anh. Anh còn phát minh ra một thứ thang đo - giống thang Bôfo vẫn dùng đo sức gió – để đo lưu lượng xe theo mức quan sát thấy từ khung cửa sổ này. Hiện giờ anh ước lượng nó đạt cường độ Năm. Từ đầu dây đằng kia ở cao hơn năm tầng gác, Enroi Brết-Oét vẫn đang nói : “Vậy đấy… Độ một tiếng hoặc hơn : Tôi chắc anh biết người bạn thân mến Imơcxơn Vên đã trở lại con đường chiến trận. - Khiếp, Ađam lầu bầu, nhớ lại bài tường thuật những lời buộc tội của Vên. Tôi vừa đọc trong tờ Fri Prets sáng nay. - Nhiều từ báo muốn biết rõ quan điểm của chúng ta. Lần này Giếch cho rằng chúng ta nên có đôi lời bình luận. Giếch ƠcHem là phó chủ tịch Quan hệ Đối ngoại, chủ nhân chiếc xe thứ hai ban nãy Ađam trông thấy dưới nhà để xe ngầm. - Tôi đồng ý với ông ấy, Ađam nói. - Hình như họ định quàng cái ách đó lên cổ tôi, nhưng tôi muốn có anh cùng dự. Sẽ có một tay của Atxôxiet Prets, con bé của Niu-Uých , một gã của nhật báo Uôn Xtrit và Bôb Iếcvin của nhật báo Đitơroi. Ta sẽ tiếp cả bọn một lúc. - Có cần xác đinh trước những nét lớn không ? Nói chung những cuộc trả lời phỏng vấn của các vị lãnh đạo ngành xe hơi cho báo chí thường được chuẩn bị hết sức tỉ mỉ. Các chuyên viên Ban Quan hệ Đối ngoại lập bản kê những câu hỏi mà nhà báo có thể đưa ra, trao cho các ông chủ sẽ bị phỏng vấn. Đôi khi còn tổ chức những cuộc diễn tập thực sự, có ba bốn chuyên viên Ban Đối ngoại đóng vai nhà báo. Nếu chuẩn bị cho những cuộc họp báo lớn, việc hoạch định chiến lược sẽ áp dụng thường đòi hỏi một nỗ lực kéo dài mấy tuần lễ : những người phát ngôn của các ông chưa đứng ra đương đầu với báo chí phải có trình độ thành thạo ngang tổng thống Hoa Kỳ, có lẽ còn cao hơn. “Không có lời chỉ dẫn chiến thuật trước, Enroi Brết Oét trả lời. Giếch và tôi đã quyết định sẽ làm theo kiểu gặp gì nói nấy. Hai chúng tôi sẽ hết sức thẳng thắn, - cả anh nữa, tất nhiên. - Nhất trí. Ông có cần tôi lên ngay không ? - Độ mươi phút nữa. Tôi sẽ gọi. Ađam có đủ thì giờ bỏ các thứ trong túi xách, đọc vào máy ghi âm những chỉ thị cho cô thư ký Uyếcxula Côx để cô giải quyết khi tới làm việc. Điều cơ bản trong các chỉ thị cũng như trong các hồ sơ anh mang về nhà nghiên cứu đều xoay quanh kiểu xe Ơriôn. Với cương vị Giám đốc các Công trình Tiên tiến, anh dành phần lớn thì giờ và công sức cho kiểu xe mới còn đang giữ tuyệt đối bí mật. Đúng vào ngày hôm nay sẽ tiến hành một loạt thử nghiệm nhằm làm sáng tỏ điều bí ẩn trong độ rung và tiếng kêu bất chợt trong xe. Cuộc thử nghiệm sẽ tiến hành trên đường băng của hãng ở cách Đitơroi chừng năm mươi kilômet và Ađam là người có trách nhiệm quyết định cuối cùng đã hứa sẽ tới dự cùng với người cùng cấp với anh bên Ban Thiết kế mẫu. Bây giờ vì cuộc họp báo bất thình lình này, Uyếcxula phải thông báo cho mọi người biết cuộc thử nghiệm sẽ lùi lại vài giờ. Trong khi chờ chạm trán các nhà báo anh quyết định đọc lại thật kỹ những lời tuyên bố của Imơcxơn Vên. Thấy trong chồng giấy tờ trên bàn Uyếcxula nhiều tờ báo buổi sáng, anh chọn tờ Fri Prets và Thời báo Niu Yoóc. Sau đó anh tìm cách nhớ lại từng điểm một tất cả những gì Vên đã nói tối qua ở Oasinhtơn. Ađam mới gặp Vên có một lần, hôm “nhà phê phán xe hơi” tái diễn thuyết ngay tại Đitơroi này. Anh đến dự chỉ vì tò mò, cũng như phần đông những ông chủ ngành xe hơi có mặt hôm đó. Trước khi vào họp anh được giới thiệu với Vên và rất ngạc nhiên thấy đó là một chàng trai rất lịch sự, dễ mến, khác xa con người hùng hổ cay độc anh hình dung trước đó. Lúc sau ra trước công chúng Vên vẫn tỏ ra đáng mến, nói năng lưu loát, trình bày ý kiến một cách khéo léo. Ađam thừa nhận : người này để lại ấn tượng hết sức tốt đẹp, và căn cứ vào những tràng vỗ tay tán thưởng thì nhiều thính giả - phải mất tiền mua vé vào cửa - cũng thấy như vậy. Người này chỉ có mỗi một khuyết điểm thôi, nhưng là một khuyết điểm cỡ lớn : phần nhiều những luận điểm của anh không thể đứng vững dưới con mắt những người có kiến thức sâu sâu một chút. Đánh vào ngành công nghiệp có trình độ kỹ thuật rất cao Vên thường bộc lộ sự thiếu thốn rất tai hại về tri thức kỹ thuật, đến nỗi có khi anh nhầm lẫn trong việc mô tả qua loa một bộ phận cơ khí. Quen với những câu khẳng định nước đôi anh tùy tiện đưa ra những lý giải hợp với lập luận riêng, bỏ qua tất cả mọi cái khác. Nếu không thế thì - vẫn trên bình diện kỹ thuật anh tìm nấp sau những nguyên lý chung chung, lối thoát anh rất ưa dùng. Mặt khác tuy xuất thân là nhà luật học nhưng Vên tỏ ra không nắm vững những qui tắc sơ đẳng của việc cung cấp chứng cớ. Viện dẫn những giả định, những lời đồn đại mà anh dứt khoát coi là những kết luận chính xác, đôi khi anh ta đi đến chỗ hoàn toàn bóp méo sự thật - ít nhất đó cũng là nhận xét của riêng Ađam. Ví dụ anh ta làm cho quá khứ trỗi dậy bằng cách gợi lại khuyết điểm này khuyết điểm kia của một kiểu xe mà những người chế tạo đã thừa nhận và khắc phục từ lâu. Anh tung ra những lời buộc tội chỉ căn cứ vào mấy lá thư của vài khách hàng bất mãn. Anh chửi rủa toàn bộ ngành xe hơi, chê bai cách trình bày xấu, khâu hoàn chỉnh sản phẩm nghèo nàn, mức an toàn thấp, và không chịu thừa nhận rằng ngành công nghiệp này thực tình có cố gắng sửa chữa một số thiếu sót. Nghe anh ta thì tất cả bọn chế tạo xe hơi không trừ một ai đều là những tên tham lam cực độ, tính tàn bạo trắng trợn không thua kém tính thờ ơ cẩu thả. Imơcxơn Vên còn cho ra một cuốn sách với tựa đề : Xe hơi Hoa kỳ - mãi mãi cứng đầu. Viết rất khéo léo, với tài năng quyến rũ người đọc, cuốn sách đà trở thành một sách đầu vị - best seller - đưa Vên lên hàng đầu các nhân vật thời thượng trong nhiều tháng liền. Tuy nhiên sau đó anh ta bắt đầu chìm vào quên lãng chỉ đơn giản vì hình như anh đã nói hết những cái anh có để nói. Tên tuổi anh xuất hiện trên báo chí ngày càng ít rồi biến hẳn. Cay cú, Vên tìm đủ mọi cách có thể dùng đến và có thể nghĩ ra hòng làm mọi người lại nhắc đến mình. Rõ ràng anh ta sẵn sàng tuyên bố bất cứ điều gì về bất cứ đề tài nào để đổi lấy vài dòng trên báo, vài phút trên đài phát thanh hoặc đài truyền hình. Tự xưng là “phát ngôn nhân của người tiêu thụ”, anh đang lao vào một loạt trận tiến công mới chống lại các nhà sản xuất xe hơi, tố cáo một kiểu xe nào đó có những khuyết tật này nọ, lời tố cáo lập tức được báo chí đăng tải để rồi sau đó lại phải cải chính (trong thực tế đã xảy ra một số trường hợp). Vên xúi giục một nghị sĩ điều trần trước thượng viện về phí tổn kinh doanh của các hãng xe chính, nhưng vì chỉ dựa vào những số liệu nhặt nhạnh đó đây nên bản thống kê ông ta đưa ra chẳng bao lâu đã bị các hãng đó vạch ra chỗ sai sót. Kết quả vị nghi sĩ được “đẹp mặt”, còn Vên vẫn trơ trơ”. Bị thói hám danh rồ dại thúc đẩy Vên chuyển sang cách gọi điện cho biên tập viên các tờ báo lớn - ngay tại nơi họ làm việc hoặc gọi về nhà riêng - gợi cho họ những “chuyện nẩy lửa” trong đó tên tuổi Imơcxơn Vên dường như chỉ xuất hiện một cách tình cờ. Nhưng cũng dường như chỉ do tình cờ, những giai thoại đó sụp đổ ngay khi người ta mới bắt đầu kiểm chứng. Giới báo chí từ chỗ dựa vào Vên để có những bài giật gân chuyển sang nghi ngại anh ta. Họ có lý : ngay cả khi họ chứng minh bằng a + b là anh ta sai, Imơcxơn Vên vẫn không chịu. Anh ta không bao giờ thừa nhận sai lầm, không bao giờ chịu xin lỗi - trong khi chính ngay hãng Động cơ Thông dụng trước đây đã từng phải công khai xin lỗi Rap Nêđơ người đầu tiên công kích ngành công nghiệp xe hơi (để làm mất thế diện địch thủ, Động cơ Thông dụng không ngần ngại thọc tay vào đời sống riêng của anh, thậm chí còn phái nhiều cô điếm - gọi[4] xinh đẹp tới). Không vì thế mà thận trọng hơn, Vên vẫn tiếp tục thóa mạ rất cay độc tất cả các nhà sản xuất xe hơi, những lời thóa mạ còn nặng nề hơn là treo cổ họ. Anh đặt vào đó một niềm tin, dù thực dù giả; nhưng có sức lôi cuốn đến nỗi vẫn có khi thu hút được khá đông công chúng. Như tối hôm qua ở Oasinhtơn. Ađam gấp báo. Bên ngoài, trên xa lộ lưu lượng xe lên tới cường độ Sáu. Mấy giây sau máy nội đàm rào rào : “Số Bốn vừa tới, phó chủ tịch Phát triển Kỹ thuật báo tin. Mời anh lên để chúng ta tạo thành Số Năm.”. Trong thang máy Ađam sực nhớ : nhất định phải giành chút thì giờ gọi điện cho vợ. Anh cảm thấy trong mấy tuần gần đây Ơrica tỏ ra buồn bã; vả chăng hồi này chung sống với cô thấy khó khăn hơn năm đầu (có lẻ cả hai năm đầu) của cuộc hôn nhân. Hồi ấy mọi việc sao mà dễ dàng, vui vẻ ! Ađam nhận rõ : không khí xấu đi, ít ra cũng một phần do sự mỏi mệt của anh sau ngày làm việc, sự mỏi mệt gậm mòn dần thể xác cả hai vợ chồng. Anh muốn thấy Ơrica đi dây đi đó nhiều hơn, tìm thoát ra khỏi niềm sầu muộn. Đã nhiều lần anh khuyến khích cô tìm tòi các giải pháp, anh chăm lo cho cô luôn đủ tiền tiêu theo ý muốn. Cũng may là hai vợ chồng không lúc nào bị lúng túng về tiền nong, vì Ađam vẫn đều đều leo lên các nấc thang quyền lực. Hiện nay đang có hi vọng anh được tiến cử vào một chức vị còn quan trọng hơn nhiều, một triển vọng mà bất cứ bà vợ nào cũng vui mừng đón nhận. Vậy mà Ơrica vẫn cứ trách móc chồng bỏ quá nhiều thì giờ và sức lực vào công việc. Trong khi đáng lẽ sau năm năm chung sống cô phải thích nghi được với nhịp sống bận rộn tối tăm mắt mũi của những người lãnh đạo trong công nghiệp; biết bao bà vợ đã làm được điều đó. Đôi khi Ađam tự hỏi phải chăng mình đã sai lầm khi lấy một cô vợ quá trẻ hơn mình ? Mặc dầu về phương diện trí tuệ hai vợ chồng rất tương hợp : tuy còn trẻ nhưng Ơrica có trí thông minh sắc sảo không có gì để anh đáng phàn nàn. Và anh cũng để ý thấy cô không ưa gần gũi các chàng trai cùng lứa. Càng nghĩ anh càng thấy rõ vấn đề thật vô cung cấp bách. Nhưng khi vừa đặt chân tới lầu năm, sắp sửa dấn bước vào lãnh địa bộ chỉ huy tối cao của còng ty, anh kiên quyết gạt bỏ mọi nỗi ưu tư. Trong phòng làm việc của phó chủ tịch Phát triền Kỹ thuật người cùng cấp phụ trách Quan hệ Đối ngoại là Giếch ƠcHem đã bắt đầu giới thiệu. ƠcHem hói đầu, to ngang, đã từng mở đầu cuộc đời chinh chiến trong ngành báo chí. Nghiện nặng, lúc không hút tay vẫn cầm tẩu vung vẩy. Lúc này ông chĩa nó ra cửa để chỉ Ađam Tơrentơn đang bước vào. “Chắc anh đã quen cô Mônica, của Niu-Uých … - Vâng, chúng tôi đã gặp nhau rồi.” Ađam vừa trả lời vừa chào cô gái nhỏ người tóc nâu trên đivăng. Ngồi bắt chéo đôi chân xinh đẹp hơi cao, tay kẹp điếu thuốc muôn thuở, Mônica đáp lại bằng nụ cười xa cách, như để nhấn mạnh rằng chàng trai bảnh nhất Đitơroi cũng không thế làm xao xuyến cô gái NiuYoóc. Cạnh Niu-Uých là nhật báo UonXtơrit với đại diện là gã Harit nào đó, năm mươi tuổi, béo tròn. Hãng At-xôxiết Prets cử đến một chàng trai còn trẻ, thái độ hơi căng, giọng hơi cứng, tỏ vẻ sốt ruột muốn thấy màn giáo đầu kết thúc thật nhanh. Bôp Iếcvin của nhật báo Đitơroi đến sau cùng. Ađam quen biết anh hơn; trên số báo nào Iếcvin cũng có bài viết về mọi chuyện liên quan đến xe hơi. Được thông tin đầy đủ, được tất cả mọi người trong nghề kính trọng, anh ta không có vẻ gì của kẻ chuyên nịnh hót; ai cũng biết anh sẵn sàng đề xuất vấn đề và nếu cần sẽ tranh cãi đến nơi. Mới gần đây thôi anh còn nêu cao tên tuổi của Rap Nêđơ và về sau, của Imơcxơn Vên. Phó chủ tịch Phát triển Kỹ thuật Enroi Brêtoet thả người xuống ghế bành và đưa ra câu hỏi thường lệ với giọng thân mật : “Ai bắt đầu ?” Trong những người thân cận, ông có biệt danh “Cáo Bạc” do mái tóc xám rất đẹp (và rất chải chuốt). Ông mặc bộ quần áo rất giản dị kiểu hoàng tử xứ Gan làm nổi bật dấu riêng : những chiếc khuy măngsét to khác thường. Nói chung ông ta tạo ra và phô bày một phong cách hợp với chức vị. Phòng làm việc của ông, cũng như của các phó chủ tịch khác (tất nhiên không kể phòng của các chủ tịch), được xếp đặt và trang trí theo ý riêng, đồ đạc bằng gỗ quí châu Phi, màn gió kép thêu hoa, thảm dầy màu thuốc lá. Những người thành đạt tới mức này dĩ nhiên đều đã trải qua nhiều năm làm việc cật lực. Nhưng khi đã tới đích, địa vị mang lại những bỗng ngoại đáng kể : một phòng làm việc lộng lẫy, kèm theo một phòng ngủ, một phòng ăn riêng biệt ở lầu trên và quyền bất cứ lúc nào cũng được sử dụng phòng tắm hơi mini kiểu Thổ Nhì Kỳ có người phục vụ xoa bóp. “Các bà nói trước chăng ?” Giếch ƠcHem gợi ý. Cô tóc nâu của NiuUých chỉ chờ có thế. “Rất vui lòng. Tôi xin hỏi : hãng các ông định đưa ra chứng cứ ngoại phạm nào mới nhất để bào chữa việc hãng không chịu tiến công - tôi dùng từ tiến công - vào lĩnh vực chế tạo chiếc xe chạy hơi nước ? Hoặc gọi là xe không gây ô nhiễm, nếu các ông muốn.” - Từ mấy ngày nay chúng tôi hết chứng cớ ngoại phạm rồi, Cáo Bạc đáp lời, vẫn tươi cười nhưng giọng đã nghiêm lại. Vả chăng đã có người gánh vác công việc đó - tên là Gioóc Xtêfenxơ nhưng theo chúng tôi thì không có tiến bộ nào. Đại diện Atxôxiêt Prets giận dữ ấn lên mũi cặp kính gọng rất mảnh : “Nếu được miễn cho những câu pha trò thông minh kiểu này, chúng ta sẽ bàn tới những việc nghiêm chỉnh hơn.” - Tôi hoàn toàn đồng ý. Không nên quên thời điểm giới hạn việc truyền tin vô tuyến sang bờ biển phía tây cho các tờ báo buổi chiều. “Cám ơn vì đã nghĩ tới điều đó”, Átxôxiêt Prets lầu bầu. Anh quay sang BrếtOét : “Hồi hôm ông Vên tuyên bố rằng các nhà chế tạo xe hơi thông đồng với nhau để tiếp tục áp đặt loại động cơ đốt trong và không hề có một cố gắng nào đáng gọi là có nhằm tìm ra một giải pháp khác, ông ta cũng khẳng định ngay bây giờ đã có loại động cơ chạy điện rất tốt và một loại chạy bằng hơi nước. Xin phép được biết lập trường của các ông về điểm này.” Cáo Bạc gật đầu : “Ông Vên hoàn toàn đúng trong chuyện động cơ này : chúng đã ra đời. Với nhiều kiểu khác nhau, vận hành nói chung là được. Trong trung tâm thử nghiệm của hãng tôi cũng có nhiều mẫu. Nhưng có điều Vên chưa nói tới - có lẽ để khỏi tự tay hất đổ lập luận của mình xuống đất, cũng có lẽ chỉ đơn giản là do không biết - điều đó là : cho đến nay vẫn chưa chế tạo được thứ động cơ điện không quá đắt không quá nặng mà vẫn đủ mạnh và có tầm hoạt động đủ dùng. Với động cơ chạy hơi nước cũng vậy. Mà tình trạng này chưa thể thay đổi trong một tương lai có thể dự đọán được.” - Nghĩa là còn phải chờ đến bao giờ ? - Chắc chắn đến cuối những năm 70. Vào khoảng 1982 -1983, sẽ đạt được những kết quả đáng kể, nhưng điều đó không có nghĩa là động cơ chạy xăng - lúc ấy đã trở nên sạch sẽ - sẽ mất đi vị trí hàng đầu. - Tuy nhiên những phát minh mới trong lĩnh vực này vẫn thường xuyên được công bố, nhật báo Uôn Xtrit xen vào. Những loại động cơ mới dựa theo nguyên lý này nguyên lý nọ… - Đúng, BrếtOét cau có. Hàng mớ bài báo viết về những cái đó đáng lẽ nên đăng trên trang tranh biếm họa. Bởi vì - xin bỏ qua sự thẳng thắn của tôi - nhà báo các ông đúng là những sinh vật ngây thơ nhất của Chúa. Có lẽ do cố ý vì có tin vào những điều vớ vẩn các anh mời đẻ ra được nhiều bài lý thú. Thử tưởng tượng có nhà sáng chế, hoặc thiên tài hoặc bịp bợm, công bố một phát minh gì đó và nhà báo các anh được thả vào đấy. Điều gì sẽ xảy ra ? Ngay hôm sau tất cả các báo sẽ hò reo đây có thể là trận chọc thủng quyết định, là con đường đi tới tương lai. Sau đó các anh thêu dệt thêm để dùng đi dùng lại câu chuyện làm nhiều lần đến nỗi cuối cùng độc giả tin là thật, rồi nhà báo cũng tin vào những điều họ cứ viết mãi. Môn thể dục tức cười này đã làm nhiều người chắc mẩm chỉ ngày một ngày hai sẽ mua được chiếc xe chạy điện, chạy hơi nước hoặc hơn nữa sắp mua được kiểu xe vừa chạy điện vừa chạy hơi nước. Nhác thấy đồng nghiệp bên Quan hệ Đối ngoại cựa quậy trên ghế bành, Cáo Bạc mỉm cười nhìn ông ta và trấn an : “Đừng ngại, Giếch. Tôi không đả báo chí đâu, chỉ có ý đơn giản khôi phục lại sự thật trên những nét lớn.” - Cám ơn về lời giải thích. Thú thật tôi đã bắt đầu thấy lo. Atxôxiết Prets. “Thưa ông BrếtOét, liệu ông có đi quá nhanh không ? Vì thực ra có nhiều người tài giỏi và nghiêm túc thật lòng tin vào động cơ hơi nước. Nhiều hãng lớn - không thuộc ngành xe hơi, đúng thế - đang hoàn chỉnh nó. Chính quyền Califoócnia đã chuẩn chi một khoản ngân sách để sản xuất một loạt xe hơi nước, và cũng ở Califoócnia đã có những dự luật nhằm ngăn cấm hoàn toàn loại động cơ chạy xăng sau năm năm tới.” Phó chủ tịch Phát triển Kỹ thuật lắc đầu vẻ kiên quyết, bờm tóc xám nhảy tưng tưng. “Theo tôi biết, người duy nhất thông thạo và đã tin tưởng thực sự- vào xe chạy hơi nước là kỹ sư Bin Lia. Tôi nói rõ - đã tin - vì một bữa nọ anh ta đã công khai tuyên bố từ bỏ cái anh gọi là một ý tưởng hoàn toàn nực cười.” - Sau đó anh ta lại một lần nữa thay đổi ý kiến, Atxôxiêt Prets phản đối. - Tôi biết. Tôi cũng biết hiện giờ anh ta đi lại bằng một thứ hộp đựng mũ bằng các tông mà anh ta nói là đựng chiếc động cơ hơi nước mới chế tạo. Thực ra chiếc hộp chỉ đựng có cái lõi của chiếc động cơ nổi tiếng này thôi. Tương tự như khi tôi giơ cao chiếc bu-gi và reo lên : “Đây là động cơ chiếc xe chúng tôi hiện đang sản xuất.” Anh Bin Lia thân mến quên không nói rõ rằng, muốn cái máy của anh chạy được còn phải lắp thêm nồi hơi; bộ ngưng tụ, các quạt thu hồi nhiệt, tóm lại, cả một lô những bộ phận nặng nề, đắt tiền, cồng kềnh. - Tuy thế, những chiếc xe chạy hơi nước của chính quyền Califoócnia… - Nhưng sau đó ! Tất nhiên, bang Califoócnia đã chi một đống tiền kha khá cho đề án này. Các anh có thấy một chính phủ nào không thỉnh thoảng lại điên một tí ? Ngay bây giờ nếu các anh và nửa triệu người dùng xe chấp nhận trả thêm một nghìn đôla cho mỗi xe, chúng tôi có thể - tôi nói là có thể - cho được chiếc xe hơi nước với tất cả những điều bất ngờ và bất tiện của nó. Số đông khách hàng của chúng tôi cũng như của các hãng đang cạnh tranh với chúng tôi không có khả năng trả khoản phụ thu đó. - Cứ cho là như thế, nhật báo Uôn Xtrit càu nhàu. Đây không phải là lý do để lẩn tránh vấn đề xe chạy điện. BrếtOét quay sang Ađam : “Tôi để anh trả lời câu hỏi này.” - Xe hơi chạy điện đã có rồi, Ađam bắt đầu nói. Các anh đều biết chiếc xe nhỏ thường dùng trên sân đánh gôn, và trong một thời gian ngắn nữa có thể làm được chiếc xe hai chỗ ngồi dùng cho các bà nội trợ đi mua sắm hoặc người đại diện thương mại đi công cán trong một phạm vi hẹp. Tuy nhiên đó chỉ là một thứ đồ hiếm, chưa nói đến giá tiền quá đắt. Hãng chúng tôi cũng đã chế tạo, với tính chất thử nghiệm, nhiều kiểu xe tải và xe con chạy điện. Có một điều khó chịu : muốn chúng có bán kính hoạt động đáng kể thì phải dành phần lớn chỗ trên xe để đặt bình điện, mà bình điện thì nặng nề vô cùng. Thế là lợi mất cập hại. - Những bình điện nhỏ siêu nhẹ thì sao : Atxôxiết Prets hỏi. Dựa trên nguyên lý kẽm - không khí hoặc vận hành bằng ma dút. Ông có cho rằng sắp thành công ? - Anh quên chất xuynfat xôđiom, cũng là một khả năng đang được bàn đến nhiều. Điều bất hạnh là chưa có cái nào vượt quá giai đoạn bàn cãi. Nếu không nói là ba hoa dài dòng. - Chúng tôi cho rằng nhất định sẽ có cái mới trong lĩnh vực này. BrếtOét nói thêm. Rồi đây cuối cùng chúng tôi sẽ học được cách tồn trữ một khối năng lượng lớn trong một bình diện thể tích nhỏ. Hơn nữa chắc chắn xe chạy điện sẽ có thị trường tiêu thụ lớn : toàn bộ hệ thống giao thông nội thị. Nhưng ở đây theo chỗ chúng tôi biết, cũng khó đạt được kết quả trước đầu thập niên những năm 80. - Còn về ảnh hưởng của xe hơi điện đối với việc ô nhiễm môi trường, Ađam nói tiếp, người ta thường quên mất một yếu tố căn bản : bất kể bình điện trên xe là loại nào, vẫn cứ phải nạp lại. Khi có hàng chục ngàn xe dùng điện, tất nhiên phải xây dựng thêm nhiều nhà máy phát điện mới, cũng là những ổ gây ô nhiễm mới, mà là những ổ khổng lồ. Vì những nhà máy phát điện này nói chung sẽ được xây dựng ở ngoại thành cho nên cái mà chúng ta đạt được sẽ chỉ là đưa khói từ nội thành ra ngoại thành. - Ông không thấy lập luận của các ông có hơi đuối à ? Cô tóc nâu của NiuUych đưa ra câu hỏi với giọng châm chọc. Cô duỗi chân, kéo váy - một cách vô ích, cô biết thế nên không ngạc nhiên - và lại để nguyên gấu váy ở chỗ cũ, thực tế là ở lưng chừng đùi. Lần lượt từng người đàn ông đưa mắt nhìn xuống đường viền gấu váy : cặp đùi rất đẹp. Mônica giả vờ không biết gì. “Đúng thế, cô nói tiếp, lập luận của các ông bị đuối nên không thể cắt nghĩa sự thiếu vắng một chương trình xúc tiến nghiên cứu. Nhìn chung các ông không làm gì mấy để nhanh chóng hoàn chỉnh được một động cơ hữu hiệu, nghĩa là khỏe, rẻ tiền và vận hành bằng điện hoặc bằng hơi nước. Nhờ có một chương trình xúc tiến theo cách đó nên chúng ta đã đổ bộ được xuống mặt trăng. Thế nào, không có chứng cớ ngoại phạm mới à ? Đó chính là câu hỏi đầu tiên của tôi nếu các ông còn nhớ’.” - Về phần tôi, tôi vẫn rất nhớ, BrếtOét nói, rất, rất nhớ… Khác với những người kia đã nhanh chóng đưa vội mắt nhìn đi chỗ khác, ông ta vẫn cố tình dán mắt vào đùi cô phóng viên trẻ. Không ai nói gì trong vài giây. Rất nhiều phụ nữ trong hoàn cảnh tương tự chắc sẽ thấy ngượng nghịu rụt rè. Mônica rõ ràng vẫn thản nhiên như không. Sau cùng tự Cáo Bạc phải “ngắt điện” bứt ra khỏi cảnh tượng da thịt trần trụi. “Cô nói đến cuộc chinh phục mặt trăng, ông trả lời với giọng âu sầu. Vậy mà cô bạn thân mến ơi, có lúc tôi đã phải ân hận về thành công phi thường này. Vì lịch sử đã làm nẩy sinh một câu sáo mép mới : khi có một vấn đề kỹ thuật giẫm chân tại chỗ vì lý do này nọ, những kẻ ngu xuẩn bèn gào lên : “Chúng ta đã lên được mặt trăng phải không ? Vậy cái gì ngăn cản chúng ta giải quyết vấn đề cỏn con này ?” - Nếu để cô Mônica không đặt câu hỏi này ra, nhật báo Uônxtrit càu nhàu, thì tôi, chính tôi sẽ nêu lên. - Được, để tôi trả lời anh, phó chủ tịch gắt gỏng. Trước hết anh quên mất rằng cánh NASA, cơ quan của chính phủ có ngân sách không giới hạn, khác với chúng tôi, họ lại được chỉ định một mục tiêu rõ ràng : đổ bộ lên mặt trăng. Nhà báo các anh chỉ được nghe lơ mơ về những chuyện rất lờ mờ, các anh đòi hỏi chúng tôi phải dành cho việc thực hiện chiếc động cơ điện hoặc hơi nước sự ưu tiên tuyệt đối như sự ưu tiên mà chương trình Apôllô được hưởng. Nhưng theo sự đánh giá của nhiều người trong số những kỹ sư giỏi nhất của ngành chúng tôi, mục tiêu này vừa không hiện thực vừa không đáng quan tâm. Nhất là trong lúc chúng tôi còn có những ý tưởng giá trị hơn, những đề án sinh lợi nhiều hơn. Ông ta đột ngột dừng lại đưa tay vuốt tóc và ra hiệu cho Ađam tiếp tục. Rõ ràng ông ta không chịu đựng thêm được nữa. Ađam dọn giọng : “Các anh thấy đấy, suy nghĩ của chúng tôi là làm sao cho mục đích mà chúng ta tìm kiếm - không khí trong lành hoặc ít nhất, một sinh quyển không bị xe hơi làm ô nhiễm - sẽ đạt được một cách nhanh chóng, triệt để và rẻ tiền nhất nhờ ở sự hoàn thiện chiếc máy chạy xăng hiện nay. Cả bằng cách cải tiến việc lọc khí xả, và bằng cách làm sạch nhiên liệu.” Đột nhiên anh cất cao giọng : “Cách này không ly kỳ bằng động cơ điện hoặc hơi nước, nhưng nó dựa trên một kỹ thuật chắc chắn hơn nhiều.” Lần đầu tiên BobIếcvin của Đitroi Niu tham gia tranh luận : “Ngoài vấn đề động cơ ra, các ông có dám thừa nhận rằng trước khi Nêđơ Vên và những người khác phá đám các ông, ngành kỹ nghệ xe hơi không thèm để ý gì đến vấn đề ô nhiễm môi trường ?” Iếcvin nói với giọng hờ hững, với vẻ hết sức ngây thơ nhưng Ađam hiểu ngay là câu hỏi của anh ta có thể gây nổ. Tuy vậy Ađam chỉ đắn đo trong giây lát : “Tôi thừa nhận.” Ba phóng viên kia nhìn anh, sửng sốt. Iếcvin vẫn giữ vẻ chân thành : “Nếu tôi không lầm thì chúng ta tới đây vì Imơcxơn Vên, hay nói cách khác, vì một nhà phê phán ngành xe hơi. Đúng không ? - Không đúng, Giếch ƠcHem đính chính. Chúng ta tới đây vì có nhiều vị tổng biên tập yêu cầu chúng tôi trả lời một vài câu hỏi ngay hôm nay. Chúng tôi hiểu ngầm với nhau rằng có đôi câu liên quan tới lời tuyên bố gần đây của ông Vên, nhưng không phải chúng tôi là người quyết định tổ chức họp báo riêng về ông Vên. - Thôi đi, ông Giếch, - Iếcvin cười khẩy. Ông thích chẻ sợi tóc làm tư à ?” Phó chủ tịch Quan hệ Đối ngoại nhún vai. Dường như ông đang tự hỏi : phải chăng mình dại dột khi nhận gặp các nhà báo trong cuộc phóng viên “gặp đâu nói đấy” này. “Đã thế thì… Iếcvin lẩm bẩm với vẻ giả bộ do dự. Xin lỗi ông Ađam: ông có cho rằng những người đả kích ngành xe hơi ví dụ như Nêđơ người biện hộ cho sự an toàn - đã làm một việc có ích không ?” Câu hỏi rất đơn giản nhưng được nêu ra khéo léo chặn trước mọi ý đồ né tránh. Ađam những muốn phản kháng: “Sao lại chĩa vào tôi cơ chứ ?” Nhưng anh sực nhớ đến chỉ thị của BrếtOét “Chúng ta sẽ hết sức thẳng thắn”. Thế là anh lấy lại bình tĩnh. “Không thể chối cãi rằng các người đó làm công việc có ích. Về mặt bảo đảm an toàn của xe Nêđơ đã đạp một cú rất mạnh đẩy cho ngành xe hơi phát triển trong nửa sau thể kỷ XX” Cả bốn phóng viên vội vàng ghi câu trả lời. Lợi dụng lúc đó Ađam lược lại tất cả những điều anh đã nói và dự đoán phần tiếp theo. Anh biết sẽ có nhiều người trong ngành tán thành câu trả lời của anh. Một bộ phận khá lớn những viên chức trẻ và ngay cả một tỉ lệ đáng ngạc nhiên trong giới lãnh đạo đều coi những lời công kích của Nêđơ và Vên là có lý. Tuy những lời công kích đó thường quá đáng và đầy rẫy sai lầm nhưng điều đó không làm thay đổi gì hết : ngành công nghiệp xe hơi rất đáng bị đưa ra xét xử. Khi thiết kế, các nhà sản xuất trong thực tế đã bỏ qua ngay cả những nguyên tắc sơ đẳng về bảo đảm an toàn, họ thực sự chỉ tập trung cố gắng vào việc bán xe, tức là vào khía cạnh thương mại, họ thực sự chống lại mọi cải tiến cho đến ngày có những đạo luật ép họ phải lùi bước. Tóm lại ba Ông lớn - Động cơ Thông dụng, Pho và Craixlơ - say sưa với sức mạnh không lồ của họ đã xử sự như những Gô-li-át, cuối cùng phải chịu nhục trước những Đavít - trước tiên là Rap Nêđơ, sau là Imơcxơn Vên. Đavít chống lại Gôliat ? Đúng thế. Nhất là trường hợp của Nêđơ : một người hoàn toàn đơn độc, không chỗ dựa không phương tiện, chỉ có lòng can đảm đáng kinh ngạc dám một mình đánh vào toàn bộ nền công nghiệp xe hơi Hoa kỳ có những nguồn tài nguyên vô tận và một nhóm khá đông gây sức ép với quốc hội. Bao người đi trước ông chưa hề đạt được đôi chút kết quả nào nhưng ông đã đòi bằng được việc duyệt lại các định mức bảo đảm an toàn và việc ban hành nhiều biện pháp có lợi cho người tiêu dùng. Dĩ nhiên Nêđơ là nhà luận chiến nên ông có tất cả những cái tạo thành nhà luận chiến - tính không khoan nhượng có vẻ sân khấu, ngôn ngữ cường điệu, luôn mồm càu nhàu gai chuyện, và đôi khi thiếu chính xác thật tai hại. Tuy thế ông ta đã giúp ích rõ ràng cho công chúng, một nhiệm vụ đòi hỏi đúng kiểu người như ông. “Theo ông biết, đây là lần đầu tiên người đại diện của giám đốc hãng thú nhận điều đó”, nhật báo Uôn Xtrít nhận xét - Nếu thế, Ađam lẩm bẩm, có lẽ đã đến lúc phải dám thú nhận. Chỉ là cảm tưởng của anh, hay thực sự Giếch có tái mặt tuy nhìn bề ngoài thì ông ta đang mải mê nạo tàn trong tẩu ? Cáo Bạc hình như cũng cau mặt. Nhưng Ađam không bận tâm lắm : nếu cần anh sẽ phân trần với BrêtOét sau cuộc họp. Xưa nay anh vốn không thuộc loại người chỉ biết vâng dạ, bảo sao nghe vậy. Loại người này thực ra cũng hiếm trong giới lãnh đạo ngành xe hơi : những người muốn vượt qua thứ bậc trung cấp đều phải có can đảm giữ vững chính kiến riêng. Ađam Tơrentơn luôn luôn biểu thị lòng can đảm đó : theo anh thì sự thẳng thắn, tinh thần trung thực là những đức tính có ích cho người sử dụng anh. Bước đường công danh đã dạy anh cần phải giữ vững cá tính. Công chúng rất sai lầm khi cho rằng tất cả những người lãnh đạo trong công nghiệp đều được tạo theo cùng một mẫu. Không thể tránh khỏi một số nét chung như : có tham vọng lớn, tính năng nổ, đầu óc tổ chức, sức làm việc rất cao, nhưng ngoài các điểm giống nhau họ là những người kiên quyết theo chủ nghĩa tôn sùng cá nhân, trong bọn họ có một tỷ lệ phần trăm khá cao những người thích mới lạ, những nhân tài, những nhà tiên đoán tương lai. Dù sao điều anh vừa nói cũng đã theo gió bay đi. Để gỡ lại anh thêm một lời tái bút : “Nếu các anh định dẫn câu tôi vừa nói, xin dẫn cả những câu tôi sắp nói đây.” “Câu gì vậy ?” Cô NiuUých vội hỏi. Cô đã bớt hằn học so với lúc đầu cuộc họp. Cô vẫn phô bày cặp đùi một cách hào phóng dưới lần vải mỏng dính bó sát người, làm Ađam không khỏi nhòm ngó thèm thuồng. Cảnh tượng này bỗng nhiên kích thích rất mạnh khiến Ađam vội vã đưa mắt nhìn đi nơi khác. “Trước hết, anh nói, không thể chối cãi được rằng các “nhà công kích xe hơi” đã làm việc có kết quả. Chưa bao giờ những người sản xuất lại nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an toàn đến thế - điều đáng khích lệ hơn là họ buộc phải tiếp tục đường hướng này. Hơn nữa chúng tôi ngày càng chú trọng hơn tới nguyện vọng và nhu cầu của khách hàng, khác hẳn trước kia. Có điều là, nếu như đã có một thời kỳ người ta có thể coi chúng tôi là thờ ơ và cẩu thả, đến nay thời kỳ đó đã dứt khoát lùi xa, điều làm ông Vên hết sức cáu kỉnh. Vì thế nên ông và các đồ đệ mới gào lên như thế, đôi khi còn nói lung tung. Điều mấy ông đó không chịu nhìn nhận -đây là điểm thứ hai tôi muốn nói - là kỹ nghệ của chúng tôi đã đi vào một kỷ nguyên mới, thưc sự mới. - Nếu đúng vậy, Atxôxiết Prets hỏi, ông có cho rằng sở dĩ các ông vào được kỷ nguyên đó là nhờ Nêđơ, Vên và bọn cùng cánh đã thúc các ông phải đi tới ? Có thể nói, bằng cách dí mũi kiếm vào lưng các ông ?” Ađam thấy khó tự kiềm chế. Đôi khi những lời buộc tội liên tục này như đã thành một thứ kinh bổn được các tính đồ tụng niệm thường xuyên chẳng cần suy nghĩ. Rõ ràng thói tật kỳ quặc này không chỉ riêng những nhà công kích chuyên nghiệp mới bị mắc. “Cứ cho là họ đã giúp chúng tôi, anh thừa nhận. Bằng cách xác định những lựa chọn chính yếu, những mục tiêu phải đạt tới, nhất là trên bình diện bảo đảm an toàn và chống ô nhiễm. Nhưng ngược lại họ chẳng đóng vai trò gì trong cuộc cách mạng công nghệ học. Dù thế nào mặc lòng, cuộc cách mạng đó vẫn cứ phát huy tác dụng. Chính nó trong mười năm sắp tới sẽ tạo ra một thời kỳ còn lý thú hơn toàn bộ nửa thế kỷ vừa qua.” - Bằng cách nào ? Atxôxiết Prets hỏi, mắt nhìn đồng hồ. - Tôi không còn nhớ người nào trong chúng ta ban nãy đã dùng từ “chọc thủng”. Nhưng chọc thủng chủ yếu, hiện đã khởi đầu, là trong lĩnh vực vật liệu. Đến mức là khoảng cách giữa 1975 và 1980 chúng tôi sẽ phải nghĩ ra một thế hệ xe hoàn toàn khác. Riêng về vật liệu kim loại cũng đã thay đổi triệt để. Ví dụ loại thép đồng chất, cổ điển đang dùng sẽ thay bằng thứ thép có kết cấu tổ ong, cũng chắc cũng cứng ngang thế nhưng lại vô cùng nhẹ hơn, vừa tiết kiệm nhiên liệu lại triệt tiêu lực va chạm tốt hơn, tạo nên một yếu tố bổ sung mức an toàn. Tiếp đó là những hợp kim mới để chế tạo động cơ. Trong đó, chúng tôi sắp đón nhận một loại có khả năng chịu được những giao động lớn về nhiệt độ, từ 40 lên khoảng 800 độ C trong ba hay bốn giây mà chỉ dãn nở rất ít. Nhờ vậy các thứ cặn xăng - hiện đang là một nhân tố đáng kể gây ô nhiễm khí quyển sẽ bị đốt cháy. Một kim loại khác hiện đang trong quá trình hoàn thiện sẽ có nhiều đặc tính trong đó có đặc tính : có “kết cấu nhớ”, nhờ đó nó nhớ được hình dạng ban đầu của nó. Xe anh có parơ-sốc bị vặn cong, một cái cửa bị vênh ? Anh chỉ cần hơ nóng lên, hoặc ép thêm cho nó một chút là nó trở lại hình dáng cũ. Một hợp kim nữa cũng có triển vọng sẽ dùng để chế tạo loại rôto rất tốt và rất rẻ tiền cho mấy tuốcbin khí… - Đây là cái mới thú vị nhất, theo tôi nghĩ. BrêtOét xen vào. Đặt giả thiết loại động cơ đốt trong không còn, nhất định loại xe chạy tuốcbin sẽ thay nó. Dĩ nhiên dùng tuốcbin vào xe hơi còn nhiều khó khăn phải vượt qua : máy chỉ làm việc thật tốt khi có công suất cao, phải lắp thêm bộ phận trao đổi nhiệt rất đắt tiền nếu không nó sẽ thiêu cháy khách bộ hành. Nhưng những vấn đề đó đều giải quyết được, và thực tế người ta đã bắt đầu tìm cách giải quyết. - Đây là nói về kim loại, nhật báo Uôn Xtrít nhận xét. Có còn gì mới nữa không ? - Còn chứ, Ađam trả lời. Chỉ xin nói về một phát minh có ý nghĩa và hơn nữa lại sắp ra đời máy tính điện tử. Rất gọn, chỉ vừa bằng ngăn đựng găng tay. Nó có thể đảm đương mọi công việc có thể đòi hỏi nó trong mức độ hợp lý. Nó điều khiển hoạt động của nhiều bộ phận máy móc; bugi, vòi phun v.v… Nó kiểm soát sự đốt nhiên liệu sự xả khí. Nó thay thế trong một chừng mực nhất định cho người lái xe, sửa chữa những sai sót anh ta phạm phải ngay từ khi chính anh ta chưa nhận ra. Nó hãm xe thật hợp lý bằng những bộ phanh độc lập cho từng bánh để xe khỏi bị trượt. Một rađa phụ kiểm soát khoảng cách giữa xe anh và xe đi trước, báo nguy cho anh biết xe trước giảm tốc độ. Khi khẩn cấp máy điện tử sẽ giảm tốc và hãm xe lại; do phản ứng của nó nhanh nhạy hơn bất kỳ nhà quán quân nào nên các vụ xe chạy cùng chiều tông nhau sẽ ít xảy ra. Người trên xe còn có thể bắt làn sóng của máy ra đa kiểm soát từng lằn trên xa lộ - hệ thống rađa này chắc sắp được lắp đặt, trong khi chờ có hệ thống hiện đại hơn : chỉ huy giao thông qua vệ tinh.” Ađam liếc mắt, bắt gặp cái nhìn tán thưởng của Giêch ƠcHem. Tất nhiên, vì sau khi buộc phải thủ thế anh đã chuyển sang tiến công thực hiện đúng chiến thuật mà Quan hệ Đối ngoại luôn căn dặn các người phát ngôn của hãng phải áp dụng. Hăng lên, anh tiếp tục : - Trong vô vàn kết quả của những cải tiến này, đáng kể là sự thay đổi hoàn toàn phía trong xe, một sự thay đổi tuyệt vời đối với người ngồi lái. Máy tính điện tử trên xe sẽ thay đổi phần lớn bảng xe hiện có. Ví dụ đồng hồ báo xăng chúng ta đang dùng sẽ thay bằng một mặt số cho biết nếu chạy với tốc độ hiện tại thì còn đủ nhiên liệu chạy bao nhiêu kilômét nữa. Trước mặt người lái có màn ảnh truyền hình nhận tín hiệu của các bộ chỉ thị gắn dưới mặt đường, báo cho người lái tất cả những chỉ dẫn, những thông báo và các loại dấu hiệu. Vì nếu cứ phải luôn luôn rình đọc các biển báo thì đầu óc rất căng thẳng và dễ xảy ra tai nạn. Đã thế nhiều khi người lái không nhìn thấy biển báo trên đường, nhưng khi chúng hiện lên ngay trong xe thì người đãng trí nhất cũng phải thấy. Trên một số con đường mới xây dựng, nếu cho một cuốn băng cátxét vào máy - giống loại băng hiện đã có bán để xem phim tại nhà, xe chạy tới đâu người lái vừa nghe được những lời khuyên cần thiết vừa nhìn thấy những dấu hiệu liên quan đến đoạn đường đang đi. Phát minh cuối cùng : máy thu thanh trên xe được lắp thêm đài phát cùng tần số với máy của trung tâm dịch vụ giao thông quốc gia nên có thể yêu cầu và nhận được sự cứu giúp vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Atxôxiết Prets đứng dậy : “Tôi cần gọi điện thoại !” Giếch ƠcHem vẩy ống điếu ra hiệu bảo anh ta đi theo. Hai người ra hành lang. Những người khác cũng lục tục sửa soạn ra về. Chờ bạn đồng nghiệp bên A.P ra khỏi phòng đóng cửa xong, Bôb Iếcvin mới thăm dò : “Máy tính điện tử anh vừa tả có được lắp trên chiếc Oriôn không ?” Ađam cố kìm giữ đừng nhăn mặt. Oriôn nhất định sẽ được trang bị máy điện tử, nhưng vì còn phải giữ bí mật nên anh không thể nói có. Mà cũng không thể nói không vì con nhà báo cuối cùng thế nào cũng phát hiện anh nói dối. “Thôi đi, Bob, anh thừa biết tôi không được phép nói với anh về Ôriôn.” Chàng phóng viên mỉm cười tỏ vẻ thông hiểu : việc Ađam không cương quyết phủ nhận khiến anh đã nắm được điều cần tìm hiểu. Lúc đứng lên, cô tóc nâu của NiuUých, trông cao lớn hơn đồng thời cũng thon thả hơn. “Xin có lời khen, thưa ông Tơrentơn, về cách ông né tránh vấn đề chúng tôi định hỏi… Nghệ thuật cao cường thật đấy.” - Tôi tránh né à ? Ađam trả lời, vẻ ngây thơ. Đâu có ! Vả chăng tôi chỉ là một viên chức cỡ xoàng của ngành xe hơi, tôi chỉ đơn giản cố gắng phân định cho rõ các khía cạnh của vấn đề… - Ông nói thế ! Vì ông coi trọng việc giữ thái độ vô tư, xin vui lòng trả lời thật khách quan vài ba câu hỏi này. Quan điểm của các nhà sản xuất đã thay đổi thật chưa ? Các hãng lớn có thành thực trong cố gắng thích nghi với đòi hỏi của thời đại chúng ta không ? Thích nghi qua việc chấp nhận trách nhiệm đối với cộng đồng, việc trau dồi ý thức xã hội, chủ tâm đến những giá trị khác ngoài những giá trị thuần túy vật chất ? Ông có thực lòng tin rằng họ sẽ tiếp tục quan tâm đến lợi ích của khách hàng ? Nói tóm lại cái kỉ nguyên ban nãy ông loan báo có thật không ? Hay đó một lần nữa chỉ là sự điểm phấn tô son để quảng cáo, do những chú bé xuẩn ngốc của Quan hệ Đối ngoại nặn ra nhằm phỉnh phờ dư luận để họ khỏi xét nét các ông trong mấy tháng tới ? Với niềm hi vọng muôn đời là mọi cái sẽ trả lại trong trật tự của các ông để rồi các ông lại gần như được quyền muốn làm gì thì làm. Tóm lại các ông tìm cách tạ lỗi, tìm cách đánh lừa chúng tôi và lừa dối ngay chính các ông. Quo vadis, ông Tơrentơn… chắc ông chưa quên hết vốn latinh chứ ? - Còn nhớ lờ mờ đôi chút, Ađam thì thầm. Đủ để hiểu hai từ Quo vadis…ngươi đi đâu ? - Mônica, xin cô nói rõ cho, BretOet xen vào, những điều cô vừa tuôn ra là một câu hỏi hay một bài diễn thuyết ? - Thì cứ coi là một mớ câu hỏi tạp nham đi, cô diễu cợt với nụ cười lạnh lùng. Nếu ông thấy khó quá, để tôi xin tháo rời thành từng mảnh và