🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bản sắc: Nhu cầu phẩm giá và chính trị phẫn nộ Ebooks Nhóm Zalo Tặng Julia, David và John LỜI NÓI ĐẦU Cuốn sách này có lẽ sẽ không ra đời nếu Donald J. Trump không được bầu làm tổng thống vào tháng Mười một năm 2016. Giống như nhiều người Mỹ khác, tôi đã rất kinh ngạc bởi kết quả đó và thấy phiền muộn bởi hệ quả của nó với nước Mỹ và thế giới. Đó là cơn địa chấn bầu cử thứ hai trong năm đó, lần đầu khi người Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu vào tháng Sáu. Tôi đã dành nhiều thời gian trong những thập niên qua để suy nghĩ về sự phát triển của các thể chế chính trị hiện đại: nhà nước, pháp quyền và trách nhiệm giải trình dân chủ trước tiên ra đời như thế nào, cách các thể chế độ phát triển và tương tác ra sao, và cuối cùng là tiến trình chúng suy bại. Ngay trước khi Trump thắng cử, tôi đã viết rằng các thể chế Mỹ đang suy bại khi nhà nước bị thâu tóm bởi các nhóm lợi ích hùng mạnh và khóa chặt trong một cấu trúc cứng nhắc vốn không thể tự cải tổ. Trump chính là kết quả lẫn nhân tố góp phần tạo nên sự suy bại đó. Lời hứa khi tranh cử của ông, với tư cách là một người ngoài cuộc, là sử dụng ủy quyền từ quần chúng để lay chuyển hệ thống và khiến nó hoạt động trở lại. Người Mỹ đã mệt mỏi với chia rẽ đảng phái và khao khát một nhà lãnh đạo mạnh mẽ để tái đoàn kết đất nước, phá vỡ hệ thống mà tôi gọi là “chế độ phủ quyết” (vetocracy) - ám chỉ khả năng các nhóm lợi ích ngăn chặn hành động tập thể. Khao khát mang tính dân túy này đã đưa Franklin D. Roosevelt vào Nhà Trắng năm 1932 và định hình lại chính trị Mỹ trong hai thế hệ tiếp theo. Vấn đề với Trump gồm cả hai mặt: cả với chính sách và tính cách của ông. Chủ nghĩa dân tộc kinh tế của Trump có lẽ sẽ làm xấu đi tình trạng của những cử tri ủng hộ ông thay vì tốt lên, trong khi ưu ái rõ ràng của ông cho những kẻ độc tài chuyên quyền, thay vì các đồng minh dân chủ, có nguy cơ gây bất ổn cho toàn bộ trật tự quốc tế. Về tính cách, thật khó tưởng tượng cá nhân nào khác kém phù hợp hơn Trump để làm tổng thống Hoa Kỳ. Những đức tính thường gắn liền với năng lực lãnh đạo tốt - sự trung thực cơ bản, tính đáng tin cậy, khả năng nhận định xác đáng, tận tâm với lợi ích công, và nhận thức đạo đức thiết yếu - hoàn toàn vắng bóng ở con người ông. Mối bận tâm chính trong suốt sự nghiệp của Trump là tự đề cao bản thân, và ông hoàn toàn thoải mái khi lẩn tránh những người hay quy tắc cản trở mình bằng mọi cách có thể. Trump đại diện cho một xu thế lớn hơn trong chính trị quốc tế, hướng tới thứ gọi là chủ nghĩa dân tộc dân túy1. Các nhà lãnh đạo dân túy tìm cách sử dụng tính chính danh có được qua các cuộc bầu cử dân chủ để củng cố quyền lực. Họ tuyên bố có mối gắn kết trực tiếp với “quần chúng”, những người thường được định danh theo các thuật ngữ dân tộc hẹp, vốn loại trừ một phần lớn dân số nói chung. Họ không thích thể chế và tìm cách làm suy yếu hệ thống kiểm tra và cân bằng, vốn giới hạn quyền lực cá nhân lãnh đạo trong nền dân chủ tự do hiện đại: tòa án, cơ quan lập pháp, truyền thông độc lập và bộ máy quan liêu phi đảng phái. Sự trỗi dậy của hệ thống dân chủ trên toàn cầu từ giữa những năm 1970 đã bước vào giai đoạn mà đồng nghiệp của tôi, Larry Diamond, gọi là cuộc thoái lui toàn cầu2. Vào năm 1970, thế giới có khoảng 35 nền dân chủ bầu cử, tăng dần đều trong ba thập niên tiếp theo và đạt mốc 120 vào đầu những năm 2000. Mức tăng tốc nhanh nhất là giai đoạn 1989-1991. Tuy nhiên, kể từ giữa những năm 2000, xu hướng đảo ngược và tổng số lượng nền dân chủ đã giảm. Trong khi đó các quốc gia chuyên chế, dẫn đầu là Trung Quốc, ngày càng trở nên tự tin và ngạo mạn hơn. Không mấy ngạc nhiên khi các quốc gia chuyển đổi sang dân chủ như Tunisia, Ukraine và Myanmar đang vật lộn để xây dựng các thể chế khả thi, hay dân chủ tự do đã không thành công ở Afghanistan hay Iraq sau khi Mỹ can thiệp vũ trang. Và cũng rất đáng thất vọng, dù không hoàn toàn bất ngờ, khi nước Nga quay lại với truyền thống độc đoán. Điều không ngờ tới hơn nhiều là các mối đe dọa của nền dân chủ lại xuất hiện từ chính các nền dân chủ vững chắc. Hungary là một trong những quốc gia đó. Khi quốc gia này gia nhập cả NATO và Liên minh châu Âu, có vẻ như Hungary đã tái gia nhập châu Âu với đặc điểm mà các nhà khoa học chính trị gọi là nền dân chủ tự do “trưởng thành”. Tuy nhiên, dưới nhiệm kỳ của Orbán và đảng Fidesz của ông, Hungary đã tiến đến mô hình mà Orbán gọi là nền “dân chủ phi tự do”. Nhưng bất ngờ kinh ngạc hơn là các phiếu bầu ở Anh và Hoa Kỳ lần lượt ủng hộ Brexit và Trump. Đây là hai nền dân chủ hàng đầu, từng là kiến trúc sư của trật tự quốc tế tự do hiện đại, các quốc gia dẫn đầu cuộc cách mạng “tân tự do” dưới thời Ronald Reagan và Margaret Thatcher trong những năm 1980. Tuy nhiên, chính những nước này dường như đang quay lại với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Điều này lý giải cho nguồn gốc của cuốn sách này. Kể từ khi tôi xuất bản bài tiểu luận “Sự cáo chung của Lịch sử?” (The End of History?) vào giữa năm 1989, và cuốn sách Sự cáo chung của Lịch sử và Con người Cuối cùng (The End of History and the Last Man) vào năm 19923, tôi thường xuyên được hỏi liệu sự kiện X có làm mất hiệu lực luận đề của tôi không. X có thể là cuộc đảo chính ở Peru, chiến tranh ở Balkan, vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hay gần đây nhất là việc Donald Trump đắc cử, và làn sóng chủ nghĩa dân tộc được mô tả ở trên. Hầu hết những chỉ trích này đều dựa trên một hiểu lầm cơ bản về luận đề đó. Tôi đã sử dụng từ lịch sử theo ngôn ngữ của Marx và Hegel, tức là câu chuyện tiến hóa lâu dài của các thể chế loài người, mà ngoài ra có thể gọi là phát triển hoặc hiện đại hóa. Từ cáo chung không mang ý nghĩa “chấm dứt”, mà là mục tiêu” hay “đích đến”. Karl Marx từng gợi ý rằng điểm cáo chung của lịch sử sẽ là một xã hội cộng sản, và tôi chỉ đơn giản cho rằng đó phải là xã hội của Hegel, nơi sự phát triển sẽ tạo ra một nhà nước tự do gắn liền với nền kinh tế thị trường, là kết quả hợp lý hơn4. Điều này không có nghĩa là quan điểm của tôi không thay đổi theo thời gian. Việc tái tư duy đầy đủ nhất quan điểm của mình đã được tôi gói lại trong hai tập Nguồn gốc Trật tự Chính trị (The Origins of Political Order) và Trật tự Chính trị và Suy bại Chính trị (Political Order and Political Decay), vốn có thể coi là nỗ lực viết lại Sự cáo chung của Lịch sử và Con người Cuối cùng dựa trên những gì tôi hiểu về chính trị thế giới hiện nay5. Hai thay đổi quan trọng nhất trong suy nghĩ của tôi gắn với: thứ nhất, khó khăn trong việc phát triển một nhà nước hiện đại, phi cá nhân - vấn đề mà tôi vẫn gọi là “hướng đến Đan Mạch” - và thứ hai là nguy cơ nền dân chủ tự do hiện đại suy bại hay đi thụt lùi. Tuy nhiên, những nhà phê bình chỉ trích tôi có một hiểu lầm khác. Họ không để ý rằng tiểu luận ban đầu của tôi có dấu hỏi ở cuối tiêu đề, và họ cũng không đọc các chương sau của cuốn Sự cáo chung của Lịch sử và Con người Cuối cùng vốn tập trung vào vấn đề Con người Cuối cùng của Nietzsche. Ở cả điểm đó, tôi đã chỉ ra rằng cả chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo đều sẽ không mất đi vai trò quyền lực của mình trong chính trị thế giới. Chúng sẽ không mất đi bởi vì, như tôi lập luận khi đó, các nền dân chủ tự do đương đại không giải quyết được tận gốc vấn đề thymos. Thymos là một phần của linh hồn khao khát có được sự công nhận về phẩm giá; còn isothymia là nhu cầu được tôn trọng trên cơ sở bình đẳng với những người khác, trong khi megalothamia là mong muốn được công nhận là vượt trội. Các nền dân chủ tự do hiện đại hứa hẹn và phần lớn đã đem lại một mức độ tối thiểu về sự tôn trọng bình đẳng, thể hiện trong các quyền cá nhân, pháp quyền và quyền bầu cử. Điều mà các nền dân chủ không đảm bảo được là mọi người sẽ được tôn trọng như nhau trong thực tế, đặc biệt là với thành viên của các nhóm cộng đồng từng bị gạt ra bên lề trong lịch sử. Toàn bộ một quốc gia có thể thấy bị coi thường, vốn sẽ thổi bùng chủ nghĩa dân tộc hung hãn, hay các tín đồ tôn giáo cảm thấy đức tin của mình bị bôi nhọ. Do đó, isothymia sẽ tiếp tục thúc đẩy yêu cầu về sự công nhận bình đẳng, điều rất khó để thực thi một cách hoàn hảo. Vấn đề lớn khác là megalothymia. Các nền dân chủ tự do đã thực hiện khá tốt vai trò mang lại hòa bình và thịnh vượng (mặc dù đã ít nhiều giảm sút trong những năm gần đây). Những xã hội giàu có và an toàn này là lãnh địa của Con người Cuối cùng của Nietzsche, những người “vô bản ngã” này dành cả đời để theo đuổi thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng, nhưng không có giá trị cốt lõi, không có mục tiêu hay lý tưởng nào cao hơn mà họ sẵn sàng phấn đấu và hy sinh. Một cuộc đời như vậy sẽ không làm hài lòng tất cả mọi người. Megalothymia nở rộ bởi ngoại biệt: chấp nhận rủi ro lớn hơn, tham gia các cuộc tranh đấu vĩ đại, tìm kiếm ảnh hưởng lớn hơn, bởi tất cả những điều này sẽ tạo ra sự công nhận bản thân vượt trội so với người khác. Trong một số trường hợp, điều này có thể tạo ra những nhà lãnh đạo anh hùng như Lincoln, Churchill, hay Nelson Mandela. Nhưng trong các trường hợp khác, nó giúp sản sinh các bạo chúa như Caesar, Hitler… những người dẫn dắt xã hội vào chế độ độc tài và thảm họa. Vì megalothymia đã tồn tại trong lịch sử của tất cả các xã hội, sẽ không thể loại bỏ nó, mà chỉ có thể điều chỉnh hoặc kìm hãm. Câu hỏi tôi đặt ra trong chương cuối của Sự cáo chung của Lịch sử và Con người Cuối cùng là liệu hệ thống dân chủ tự do hiện đại gắn liền với nền kinh tế thị trường có tạo ra đủ phương tiện đáp ứng cho megalothymia hay không. Vấn đề này đã được nhìn nhận đầy đủ bởi những người sáng lập nước Mỹ. Trong nỗ lực tạo ra một chính phủ cộng hòa ở Bắc Mỹ, họ đã cảnh giác về lịch sử sụp đổ của Cộng hòa La Mã và lo lắng về vấn đề chủ nghĩa Caesar. Giải pháp đề ra là hệ thống hiến pháp kiểm tra và cân bằng, giúp phân phối và ngăn chặn tập trung quyền lực vào một lãnh đạo duy nhất. Quay lại năm 1992, tôi đã cho rằng nền kinh tế thị trường cũng tạo ra những phương tiện đáp ứng cho megalothymia. Một doanh nhân có thể vô cùng giàu có trong khi vẫn đóng góp cho sự thịnh vượng chung. Hoặc những cá nhân như vậy có thể tham gia các sự kiện Ironman, lập kỷ lục chinh phục các đỉnh núi ở Himalaya, hoặc xây dựng công ty Internet có giá trị nhất toàn cầu. Trên thực tế, tôi đã lấy Donald Trump làm ví dụ trong “Sự cáo chung của Lịch sử?” về một cá nhân vô cùng tham vọng, mong muốn được công nhận của ông ta chuyển sang sự nghiệp kinh doanh (và sau này là giải trí). Lúc đó, tôi đã không nghĩ rằng 25 năm sau ông không đủ hài lòng với thành công trong kinh doanh và sự nổi tiếng, mà còn đi vào chính trị và được bầu làm tổng thống. Nhưng điều này không hoàn toàn bất nhất với lập luận chung mà tôi đưa ra về các mối đe dọa tiềm tàng trong tương lai đối với nền dân chủ tự do, và vấn đề trọng tâm của thymos trong một xã hội tự do6. Những nhân vật như vậy đã tồn tại trong quá khứ như Caesar, Hitler hay Perón, những người đã kéo xã hội của họ đi xuống con đường thảm khốc của chiến tranh hay suy giảm kinh tế. Để đẩy bản thân về phía trước, họ đã bám vào sự phẫn nộ của thường dân, những người cảm thấy rằng quốc gia, tôn giáo hay lối sống của họ đang bị coi thường. Megalothymia và isothymia do đó đan xen vào nhau. Trong cuốn sách này, tôi quay lại các chủ đề mà tôi bắt đầu khám phá vào năm 1992 và vẫn viết về nó kể từ đó: thymos, sự công nhận, phẩm giá, bản sắc, nhập cư, chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo và văn hóa. Cụ thể, cuốn sách này kết hợp với Bài giảng Tưởng nhớ Lipset về nhập cư và bản sắc mà tôi đã trình bày năm 2005, và bài giảng tại Quỹ Latsis ở Geneva năm 2011 về nhập cư và bản sắc châu Âu7. Ở một số chỗ, cuốn sách này ít nhiều lặp lại một số đoạn từ các bài viết trước đó. Tôi xin lỗi nếu những đoạn này tạo cảm giác lặp đi lặp lại, nhưng tôi tự tin rằng ít người dành thời gian để xâu chuỗi lại và xem nó như một lập luận mạch lạc liên quan đến sự phát triển trong hiện tại. Nhu cầu công nhận bản sắc của một cá nhân là một khái niệm tổng thể thống nhất phần lớn những gì đang diễn ra trong chính trị thế giới ngày nay. Nó không bị giới hạn trong chính trị bản sắc được thực hành trong các trường đại học, hoặc với chủ nghĩa dân tộc da trắng mà nó kích động, mà mở rộng đến các hiện tượng rộng lớn hơn như sự bùng nổ của chủ nghĩa dân tộc kiểu cũ và chủ nghĩa Hồi giáo bị chính trị hóa. Tôi lập luận rằng phần lớn những gì được gán cho động lực kinh tế thực tế bắt nguồn từ nhu cầu được công nhận và do đó không đơn giản là chỉ cần được thỏa mãn bằng các phương tiện kinh tế. Điều này có ý nghĩa trực tiếp cho cách chúng ta đối phó với chủ nghĩa dân túy trong hiện tại. Theo Hegel, lịch sử loài người bị thúc đẩy bởi cuộc đấu tranh để được công nhận. Ông cho rằng giải pháp hợp lý duy nhất cho mong muốn được công nhận là sự công nhận phổ quát, trong đó phẩm giá của mỗi con người được công nhận. Sự công nhận phổ quát bị thách thức bởi các hình thức công nhận một phần dựa trên quốc gia, tôn giáo, giáo phái, chủng tộc, sắc tộc, giới tính, hay bởi các cá nhân muốn được công nhận là vượt trội. Sự trỗi dậy của chính trị bản sắc trong các nền dân chủ tự do hiện đại là một trong những mối đe dọa chính mà thể chế dân chủ đang đối mặt, và trừ khi chúng ta có thể quay lại những hiểu biết phổ quát hơn về phẩm giá con người, nếu không thế giới sẽ tiếp tục chìm đắm trong xung đột. Tôi muốn cảm ơn một số bạn bè và đồng nghiệp đã góp ý về bản thảo này: Sheri Berman, Gerhard Casper, Patrick Chamorel, Mark Cordover, Kinda Cramer, Larry Diamond, Bob Faulkner, Jim Fearon, David Fukuyama, Sam Gill, Anna Gryzmala-Busse, Margaret Levi, Mark Lilla, Kate McNamara, Yascha Mounk, Marc Plattner, Lee Ross, Susan Shell, Steve Stedman, và Kathryn Stoner. Tôi đặc biệt cảm ơn Eric Chinski, biên tập viên của tôi tại Farrar, Straus và Giroux, người đã làm việc không biết mệt mỏi với một vài cuốn sách của tôi. Cảm quan về logic, ngôn ngữ và kiến thức sâu rộng của ông về các vấn đề quan trọng là vô cùng hữu ích cho cuốn sách này. Tôi cũng rất biết ơn sự hỗ trợ của Andrew Franklin tại Profile Books cho cuốn sách này và tất cả các cuốn sách trước đó của tôi. Như mọi khi, tôi biết ơn các đại diện của mình trong hoạt động xuất bản, Esther Newberg tại International Creative Management và Sophie Baker tại Curtis Brown, cũng như tất cả những người hỗ trợ họ. Họ đã rất nỗ lực để giúp sách của tôi xuất bản ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Tôi cũng xin cảm ơn các trợ lý nghiên cứu của tôi: Ana Urgiles, Eric Gilliam, Russell Clarida và Nicole Southard, những người có vai trò tối quan trọng trong việc cung cấp dữ liệu cho cuốn sách này. Tôi rất biết ơn sự hỗ trợ của gia đình và đặc biệt là vợ tôi, Laura, vốn cũng là một độc giả và nhà phê bình cẩn trọng cho tất cả các cuốn sách của tôi. Palo Alto và Carmel-by-the-Sea, California Francis Fukuyama, “The Populist Surge”, The American Interest 13 (4) (2018): 16-18.↩︎ Larry Diamond, “Facing Up to the Democratic Recession”, Journal of Democracy 26 (1) (2015): 141-155.↩︎ Francis Fukuyama, “The End of History?”, National Interest 16 (Summer 1989): 3-18; The End of History and the Last Man (New York: Free Press, 1992).↩︎ Tôi diễn giải Hegel thông qua lăng kính của Alexandre Kojève, người nhìn nhận sự phát triển của Cộng đồng Kinh tế Chung châu Âu như là hiện thân cho sự cáo chung của lịch sử.↩︎ Francis Fukuyama, The Origins of Political Order: From Prehuman Times to the French Revolution (New York: Farrar, Straus and Giroux, 2011); Political Order and Political Decay: From the Industrial Revolution to the Globalization of Democracy (New York: Farrar, Straus and Giroux, 2014).↩︎ Tôi rất biết ơn những ai thực sự dành thời gian để đọc sách của tôi. Có thể xem chi tiết ở Paul Sagar, “The Last Hollow Laugh”, Aeon, 21 tháng Ba, 2017, https://aeon. co/essays/was francis-fukuyama-the-first-man-to-see-trump-coming.↩︎ Seymour Martin Lipset Lecture; xem Francis Fukuyama, “Identity, Immigration, and Liberal Democracy”, Journal of Democracy 17 (2) (2006): 5-20; bài giảng tại Latsis “European Identity Challenges”, trình bày tại Đại học Geneva vào tháng 11/2011, xem “The Challenges for European Identity”, Global, 11 tháng Một, 2012, http://www.theglobaljournal.net/group/francis-fukuyama/article/469/.↩︎ 1 NỀN CHÍNH TRỊ PHẨM GIÁ Tại một thời điểm ở khoảng giữa thập niên thứ hai của thế kỷ 21, chính trị thế giới thay đổi đột ngột. Thời kỳ từ đầu những năm 1970 cho đến giữa những năm 2000 chứng kiến hiện tượng mà Samuel Huntington gọi là “Làn sóng thứ ba” của dân chủ hóa, khi số lượng quốc gia xếp vào nhóm dân chủ bầu cử tăng từ khoảng 35 lên đến 110. Trong thời kỳ này, dân chủ tự do đã trở thành hình thức chính quyền mặc định cho phần lớn thế giới, ít nhất là về khát vọng nếu không phải là trên thực tế1. Song song với sự chuyển đổi về thể chế chính trị là mức tăng trưởng tương ứng về phụ thuộc kinh tế giữa các quốc gia, hiện tượng chúng ta gọi là toàn cầu hóa. Hiện tượng này được bảo đảm bởi các thể chế kinh tế tự do như Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại và thể chế kế nhiệm nó, Tổ chức Thương mại Thế giới. Những thể chế này được bổ sung bởi các hiệp định thương mại khu vực như Liên minh châu Âu và Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ. Trong suốt giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng trong thương mại và đầu tư quốc tế vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu và được coi là động lực chính cho thịnh vượng. Từ năm 1970 đến 2008, sản lượng hàng hóa và dịch vụ của thế giới tăng gấp bốn lần và hầu như tất cả các khu vực trên thế giới đều có tăng trưởng, trong khi số người sống trong tình trạng nghèo cùng cực ở các nước đang phát triển giảm từ 42% tổng dân số (1993), xuống còn 17% trong năm 2011. Tỉ lệ trẻ em tử vong trước 5 tuổi giảm từ 22% năm 1960 xuống dưới 5% năm 20162. Ở Tuy nhiên, trật tự thế giới tự do này không mang lại lợi ích cho tất cả. Ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nền dân chủ phát triển, bất bình đẳng gia tăng đáng kể, qua đó nhiều ích lợi của tăng trưởng chủ yếu rơi vào tầng lớp tinh hoa, vốn được xác định chủ yếu qua nền tảng giáo dục3. Vì tăng trưởng tương quan với khối lượng hàng hóa, tiền tệ, và mức độ chuyển dịch ngày càng tăng, nhiều thay đổi xã hội mang tính đột phá xuất hiện. Ở các nước đang phát triển, những dân quê trước đây không có điện bỗng dưng thấy mình sống ở các thành phố lớn, được xem TV hoặc kết nối với Internet bằng điện thoại di động nhan nhản khắp nơi. Thị trường lao động tự điều chỉnh với các điều kiện mới bằng cách đưa hàng chục triệu người qua các đường biển quốc tế để tìm kiếm cơ hội tốt hơn cho bản thân và gia đình, hoặc tìm cách thoát khỏi cuộc sống không thể chịu đựng được ở quê nhà. Tầng lớp trung lưu mới, đông đảo, trỗi dậy ở các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng công việc họ làm thay thế công việc vốn thuộc về tầng lớp trung lưu cũ trong thế giới phát triển. Sản xuất chuyển dần từ châu Âu và Hoa Kỳ sang Đông Á cũng như các khu vực có chi phí lao động thấp khác. Đồng thời, phụ nữ dần thay thế đàn ông trong nền kinh tế mới mà dịch vụ ngày càng chiếm ưu thế, và những lao động có tay nghề thấp đang bị thay thế bằng máy móc thông minh. Bắt đầu từ giữa những năm 2000, động lực hướng tới một trật tự thế giới cởi mở và tự do hơn bắt đầu chững lại, rồi đảo ngược. Sự thay đổi này diễn ra đồng thời với hai cuộc khủng hoảng tài chính, lần đầu bắt nguồn từ thị trường cho vay dưới chuẩn của Hoa Kỳ vào năm 2008 vốn dẫn đến cuộc Đại Suy thoái sau đó, và lần thứ hai với mối đe dọa đối với đồng Euro và Liên minh châu Âu do Hy Lạp vỡ nợ. Trong cả hai trường hợp, các chính sách của giới tinh hoa dẫn đến những cuộc suy thoái lớn, tỉ lệ thất nghiệp cao và thu nhập giảm đối với hàng triệu lao động bình thường trên toàn thế giới. Vì Hoa Kỳ và EU là mô hình kiểu mẫu, những cuộc khủng hoảng này hủy hoại danh tiếng của dân chủ tự do nói chung. Học giả dân chủ Larry Diamond mô tả những năm sau các cuộc khủng hoảng trên là “suy thoái dân chủ”, theo đó tổng số các nền dân chủ đã giảm từ mức đỉnh ở hầu hết các khu vực trên thế giới4. Một số quốc gia chuyên chính, đứng đầu là Trung Quốc và Nga, trở nên tự tin và quyết đoán hơn trước nhiều: Bắc Kinh bắt đầu quảng bá “mô hình Trung Hoa” là con đường đi tới phát triển, trong khi Moscow tấn công vào sự suy thoái tự do ở Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ. Một số quốc gia tưởng như đã trở thành các nền dân chủ tự do thành công trong những năm 1990 lại đảo ngược, hướng về phía chuyên quyền, bao gồm Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan và Ba Lan. Mùa xuân Ả Rập năm 2011 phá vỡ các chế độ độc tài trên khắp Trung Đông, nhưng sau đó gây thất vọng sâu sắc về kỳ vọng mở rộng dân chủ trong khu vực khi Libya, Yemen, Iraq và Syria rơi vào nội chiến. Sự trỗi dậy của khủng bố tạo ra các cuộc tấn công ngày 11 tháng Chín đã không thể bị triệt tiêu sau khi Hoa Kỳ tiến quân vào Afghanistan và Iraq. Thay vào đó, nó chuyển hóa thành Nhà nước Hồi giáo tự xưng ISIS, nổi lên như ngọn hải đăng của phong trào Hồi giáo phi tự do và bạo lực trên khắp thế giới. Điều đáng chú ý tương tự với khả năng chống chịu của ISIS là rất nhiều người Hồi giáo trẻ từ bỏ cuộc sống tương đối an toàn ở những nơi khác tại Trung Đông và châu Âu để tới Syria chiến đấu vì lý tưởng. Đáng ngạc nhiên hơn, và có lẽ còn quan trọng hơn, là hai bất ngờ lớn vào năm 2016 liên quan tới bầu cử, khi người Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu và Donald J. Trump được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ. Trong cả hai trường hợp, cử tri đều bận tâm đến các vấn đề kinh tế, đặc biệt là tầng lớp lao động, những người đối diện với nguy cơ mất việc làm và giải trừ công nghiệp. Nhưng điều quan trọng không kém là sự phản đối nhập cư liên tục trên quy mô lớn, vốn được coi là nguyên nhân khiến người bản xứ mất việc và làm xói mòn bản sắc văn hóa lâu đời. Các đảng chống nhập cư và chống EU mạnh lên ở nhiều nước phát triển, nổi bật là Mặt trận Quốc gia ở Pháp, Đảng Tự do ở Hà Lan, Lối đi khác cho nước Đức (AfD) và Đảng Tự do Áo. Trên khắp lục địa, tồn tại cả nỗi sợ khủng bố Hồi giáo và những tranh cãi về lệnh cấm thể hiện bản sắc Hồi giáo như burka, niqab và burkini. Chính trị thế kỷ 20 được tổ chức dọc theo phổ chính trị tả - hữu, được xác định bởi các vấn đề kinh tế. Phe cánh tả nhấn mạnh hơn đến bình đẳng trong khi cánh hữu ưu tiên tự do. Chính trị cấp tiến tập trung vào người lao động, công đoàn và các đảng dân chủ xã hội tìm kiếm phương thức bảo trợ xã hội và phân phối lợi ích kinh tế hiệu quả hơn. Ngược lại, cánh hữu chủ yếu quan tâm đến việc giảm quy mô của chính phủ và thúc đẩy khu vực tư nhân. Trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21, ở một số khu vực phổ sóng này dường như đang nhường chỗ cho bản sắc. Cánh tả quan tâm ít hơn đến bình đẳng kinh tế nói chung, và tập trung nhiều hơn vào việc đẩy mạnh quyền lợi của nhiều nhóm yếu thế, bị xem là “bên lề”: người da đen, dân nhập cư, phụ nữ, người gốc Latin, cộng đồng LGBT, người tị nạn và các nhóm tương tự. Trong khi đó, phe cánh hữu tái định hình bản thân là những người yêu nước, tìm cách bảo vệ bản sắc dân tộc truyền thống, vốn thường được liên hệ chặt chẽ với chủng tộc, sắc tộc hoặc tôn giáo. Đây là truyền thống lâu đời, xuất hiện sớm nhất là từ lúc Karl Marx quan niệm đấu tranh chính trị phản ánh xung đột kinh tế, về cơ bản là nhằm phân chia lại khẩu phần của miếng bánh lợi ích. Thật vậy, đây là một phần thời đại những năm 2010, khi toàn cầu hóa tạo ra một nhóm đáng kể những người bị bỏ lại phía sau bởi tăng trưởng chung diễn ra trên khắp thế giới. Từ năm 2000 đến năm 2016, một nửa số người Mỹ không có thu nhập thực tế tăng lên; tỉ lệ sản phẩm quốc nội thuộc về nhóm 1% đã tăng từ 9% GDP năm 1974 lên 24% năm 20085. Nhưng ngoài lợi ích vật chất, con người cũng được thúc đẩy bởi những động cơ khác, vốn giải thích rõ hơn những sự kiện riêng biệt ở hiện tại. Động cơ này có thể gọi là chính trị phẫn nộ. Trong nhiều trường hợp khác nhau, nhà lãnh đạo chính trị quy tụ những người ủng hộ mình về với nhận thức rằng phẩm giá của họ đang bị thách thức, miệt thị, hay coi thường. Sự phẫn nộ này đòi hỏi sự công nhận của công chúng về phẩm giá của nhóm. Một nhóm bị coi rẻ tìm cách phục hồi phẩm giá sẽ mang sức nặng cảm xúc lớn hơn nhiều so với những người chỉ đơn thuần theo đuổi lợi thế kinh tế. Do đó, tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề cập đến thảm kịch khởi phát từ sự sụp đổ của Liên Xô cũ, và châu Âu lẫn Hoa Kỳ đã lợi dụng sự suy yếu của nước Nga trong những năm 1990 để đưa NATO đến sát biên giới lãnh thổ. Ông khinh thường thái độ cao ngạo đạo đức của các chính trị gia phương Tây và không muốn nước Nga bị đối xử - như tổng thống Obama từng nói - như một chủ thể yếu đuối trong khu vực, mà là một cường quốc. Viktor Orbán, thủ tướng Hungary, tuyên bố vào năm 2017 rằng việc ông trở lại nắm quyền vào năm 2010 đánh dấu thời điểm khi “những người Hungary quyết định rằng chúng ta muốn lấy lại đất nước, chúng ta muốn lấy lại lòng tự trọng và chúng ta muốn lấy lại tương lai của chính mình”6. Chính phủ Trung Quốc của Tập Cận Bình đã nói rất nhiều về “trăm năm quốc nhục”, và cách Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác đang cố gắng ngăn chặn Bắc Kinh trở lại với vị thế cường quốc mà họ đã từng đạt được trong thiên niên kỷ vừa qua. Khi kẻ sáng lập al-Qaeda là Osama bin Laden mới 14 tuổi, mẹ ông ta thấy bin Laden có tình cảm mật thiết với Palestine, “nước mắt chảy dài trên khuôn mặt khi bin Laden xem ti-vi ở nhà tại Ả Rập Xê Út”7. Sự phẫn nộ của ông ta khi người Hồi giáo bị sỉ nhục sau đó xuất hiện ở những tín đồ Hồi giáo trẻ tuổi tình nguyện chiến đấu ở Syria, đại diện cho đức tin mà họ tin rằng đã bị công kích và chà đạp trên khắp thế giới. Họ hy vọng tái lập vinh quang của nền văn minh Hồi giáo trước đó bằng Nhà nước Hồi giáo. Sự phẫn nộ khi mất phẩm giá cũng là một lực đẩy mạnh mẽ các quốc gia dân chủ. Phong trào bảo vệ sinh mạng Người da đen (Black Lives Matter) khởi phát từ một loạt vụ cảnh sát giết hại người Mỹ gốc Phi được công bố rộng rãi ở Ferguson (Missouri), Baltimore, New York và các thành phố khác. Phong trào này tìm cách hướng thế giới bên ngoài chú ý đến thân phận các nạn nhân từ nạn bạo lực tùy tiện do cảnh sát gây ra. Trong các trường đại học và văn phòng trên khắp nước Mỹ, tấn công tình dục và quấy rối tình dục được xem là bằng chứng cho thấy đàn ông không nghiêm túc coi phụ nữ là bình đẳng với mình. Sự chú ý đột ngột hướng đến những người chuyển giới, nhóm dân số trước đây chưa được coi là mục tiêu phân biệt đối xử. Và nhiều người trong số những cử tri bỏ phiếu cho Donald Trump nhớ về thời kỳ tốt đẹp hơn trong quá khứ, khi họ có vị trí an toàn hơn trong xã hội của chính mình, và hy vọng thông qua hành động của mình có thể “biến nước Mỹ vĩ đại như xưa”. Mặc dù xa cách về thời gian và địa điểm, cảm xúc của những người ủng hộ Putin đối với sự kiêu ngạo và khinh miệt của giới tinh hoa phương Tây cũng giống với cảm xúc của các cử tri ở vùng nông thôn Hoa Kỳ, vốn cảm thấy giới tinh hoa ở đô thị hai bên bờ đại dương và đồng minh truyền thông phớt lờ họ và các vấn đề của họ. Những kẻ thực hành chính trị phẫn nộ nhận ra nhau. Sự đồng cảm mà Vladimir Putin và Donald Trump dành cho nhau không chỉ mang tính cá nhân, mà bắt nguồn từ chủ nghĩa dân tộc chung của hai người. Viktor Orbán giải thích, “một số lý thuyết mô tả những thay đổi đang diễn ra ở thế giới phương Tây và sự nổi bật của một tổng thống Mỹ là một cuộc đấu tranh trên chính trường thế giới giữa giới tinh hoa xuyên quốc gia - nhóm được gọi là toàn cầu - và giới tinh hoa dân tộc yêu nước”, mà tổng thống Trump là một hình mẫu mới xuất hiện trong tầng lớp này8. Trong mọi trường hợp, dù là một cường quốc như Nga, Trung Quốc hay nhóm cử tri ở Hoa Kỳ và Anh, một cộng đồng sẽ tin rằng bản sắc của họ không được công nhận đầy đủ bởi thế giới bên ngoài (trong trường hợp của một quốc gia) hoặc bởi các thành viên khác trong cùng xã hội. Những bản sắc đó có thể rất đa dạng, dựa trên quốc gia, tôn giáo, sắc tộc, khuynh hướng tình dục hoặc giới tính. Chúng đều là những biểu hiện của một hiện tượng chung, đó là chính trị bản sắc. Thuật ngữ bản sắc và chính trị bản sắc mới xuất hiện: bản sắc được nhà tâm lý học Erik Erikson phổ biến trong những năm 1950, và chính trị bản sắc xuất hiện trong nhóm chính trị văn hóa vào thập niên 1980 và 1990. Ngày nay, bản sắc có rất nhiều ý nghĩa, trong một số trường hợp chỉ liên quan đến các phạm trù hoặc vai trò xã hội, trong những trường hợp khác là thông tin cơ bản về bản thân (ví dụ như “danh tính [bản sắc] của tôi đã bị lấy cắp”). Khi sử dụng theo nghĩa này, bản sắc luôn tồn tại9. Trong cuốn sách này, tôi áp dụng khái niệm bản sắc theo một nghĩa cụ thể để giúp chúng ta hiểu tại sao nó lại quan trọng đối với chính trị đương đại. Bản sắc phát triển trước tiên từ sự khác biệt giữa nội ngã đích thực (true inner self) của một cá nhân và một thế giới bên ngoài bao gồm các quy luật và quy tắc xã hội, những quy luật và quy tắc vốn không công nhận đầy đủ phẩm giá bên trong đó. Trong suốt lịch sử loài người, cá nhân thường bất hòa với xã hội. Nhưng chỉ thời hiện đại mới xuất hiện quan điểm cho rằng nội ngã đích thực mang giá trị nội tại, và xã hội bên ngoài đã sai lầm một cách có hệ thống và không công bằng khi đánh giá nó. Nội ngã không thể bị ép buộc tuân thủ các quy tắc của xã hội, mà chính xã hội cần phải thay đổi. Nội ngã là nền tảng phẩm giá con người, nhưng bản chất của phẩm giá đó mang tính biến thiên và thay đổi theo thời gian. Trong nhiều nền văn hóa sơ khai, chỉ có một số ít cá nhân có phẩm giá, thường là những chiến binh sẵn sàng mạo hiểm mạng sống trên chiến trường. Trong các xã hội khác, phẩm giá là thuộc tính của tất cả loài người, dựa trên giá trị cố hữu của họ, đó là con người có nhận thức. Và trong các trường hợp khác, phẩm giá thuộc về thành viên của một nhóm lớn hơn có chung trải nghiệm và nhận thức. Cuối cùng, ý thức bên trong của phẩm giá tìm kiếm sự công nhận. Việc tôi có ý thức về giá trị của mình là không đủ nếu người khác không công khai thừa nhận nó, hoặc tệ hơn, nếu người khác coi thường hay không thừa nhận sự tồn tại của tôi. Lòng tự trọng nảy sinh từ sự kính trọng của người khác. Bởi loài người khao khát sự công nhận một cách tự nhiên, ý thức hiện đại về bản sắc phát triển nhanh chóng thành chính trị bản sắc, theo đó các cá nhân đòi hỏi sự công nhận của công chúng về giá trị của mình. Do đó, chính trị bản sắc bao trùm một phần lớn các cuộc đấu tranh chính trị của thế giới đương đại, từ các cuộc cách mạng dân chủ cho đến các phong trào xã hội mới, từ chủ nghĩa dân tộc và Hồi giáo đến chính trị tại các trường đại học ở Mỹ thời hiện đại. Thật vậy, triết gia Hegel cho rằng cuộc đấu tranh để được công nhận là động lực tối thượng của lịch sử loài người, và là chìa khóa để thấu hiểu sự ra đời của thế giới hiện đại. Trong khi bất bình đẳng kinh tế, phát sinh từ toàn cầu hóa của khoảng 50 năm qua, là yếu tố chính giải thích cho chính trị đương đại, nỗi bất bình về kinh tế lại trở nên gay gắt hơn nhiều khi gắn liền với cảm giác phẫn nộ và bị coi thường. Trên thực tế, phần lớn những gì chúng ta cho là động cơ kinh tế thực ra không phản ánh trực diện khao khát về của cải và nguồn lực, mà là thực tế rằng tiền được coi là một biểu hiện của địa vị và để mua sự tôn trọng. Lý thuyết kinh tế hiện đại được xây dựng xung quanh giả định rằng con người là những cá nhân duy lý, muốn tối đa hóa “lợi ích” của bản thân tức là giá trị vật chất - và chính trị đơn giản là một phần mở rộng của hành vi tối đa hóa ích lợi đó. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn giải thích chính xác hành vi của con người đích thực trong thế giới đương đại, chúng ta phải mở rộng hiểu biết về động cơ của con người vượt ra ngoài mô hình kinh tế đơn giản này, [mô hình] vốn đã chi phối phần lớn diễn ngôn của nhân loại. Không ai tranh cãi về việc con người có khả năng hành xử duy lý, hay con người là những cá nhân tư lợi tìm kiếm của cải và nguồn lực to lớn hơn. Nhưng tâm lý con người phức tạp hơn nhiều so với mô hình kinh tế giản lược. Để hiểu được chính trị bản sắc đương đại, chúng ta cần lùi lại và tìm kiếm hiểu biết sâu sắc và phong phú hơn về động cơ và hành vi của con người. Nói cách khác, chúng ta cần một lý thuyết hợp lý hơn về tâm hồn con người. Samuel P. Huntington, The Third Wave: Democratization in the Late Twentieth Century (Oklahoma City: University of Oklahoma Press, 1991).↩︎ Steven Radelet, The Great Surge: The Ascent of the Developing World (New York: Simon and Schuster, 2015), 4.↩︎ Để có quan sát toàn diện hơn về mức tăng của bất bình đẳng toàn cầu, xem thêm Branko Milanovic, Global Inequality: A New Approach for the Age of Globalization (Cambridge, MA: Belknap Press, 2016).↩︎ Diamond, “Facing Up to the Democratic Recession”, 141-155.↩︎ Ali Alichi, Kory Kantenga, và Juan Solé, “Income Polarization in the United States”, IMF Working Paper WP/16/121 (Washington, DC, 2017); Thomas Piketty và Emmanuel Saez, “Income Inequality in the United States, 1913-1998”, Quarterly Journal of Economics 118 (1) (2003): 1-39.↩︎ Viktor Orbán, “Will Europe Belong to Europeans?”, bài phát biểu tại Baile Tusnad, Romania, 22 tháng Bảy, 2017,Visegrad Post, 24 tháng Bảy, 2017 https://visegradpost.com/en/2017/07/24/full-speech-of-v-orban-will-europe-belong-to europeans/.↩︎ Rukmini Callimachi, “Terrorist Groups Vow Bloodshed over Jerusalem. ISIS? Less So”, New York Times, 8 tháng Mười Hai, 2017.↩︎ Orbán, “Will Europe Belong?”↩︎ James D. Fearon, “What Is Identity (As We Now Use the Word)?”, bài viết chưa xuất bản, 3 tháng Mười một, 1999, http://fearonresearch.stanford.edu/53-2.↩︎ 2 PHẦN THỨ BA CỦA TÂM HỒN Các lý thuyết về chính trị thường được xây dựng trên nền tảng lý thuyết về hành vi con người. Các lý thuyết này rút ra đặc tính thường xuyên trong hành động của con người từ khối lượng thông tin thực nghiệm mà chúng ta tiếp nhận về thế giới quanh mình, và hy vọng thiết lập mối liên hệ nhân quả giữa những hành động này và môi trường xung quanh. Khả năng lý thuyết hóa là một yếu tố quan trọng đóng góp cho thành công tiến hóa của loài người. Nhiều cá nhân thực dụng khinh thường lý thuyết và khả năng lý thuyết hóa, nhưng họ lại luôn hành động dựa trên các lý thuyết ngầm ẩn nào đó mà họ đơn giản không nhận ra. Kinh tế học hiện đại dựa trên một lý thuyết như vậy, cho rằng con người là những kẻ “tối đa hóa lợi ích duy lý”: họ là những cá nhân sử dụng khả năng nhận thức mạnh mẽ của mình để tìm kiếm tư lợi. Gắn liền với lý thuyết này là một số giả định. Thứ nhất, đối tượng đề cập là cá nhân, chứ không phải gia đình, bộ lạc, quốc gia hoặc một nhóm xã hội nào khác. Mọi người hợp tác với nhau bởi vì họ tính toán rằng hợp tác đem lại lợi ích cá nhân tốt hơn cho bản thân so với việc tự mình hành động. Giả định thứ hai liên quan đến bản chất của “lợi ích”, sự ưa thích của cá nhân - với xe hơi, dục vọng, hay một kỳ nghỉ thoải mái - tạo nên cái mà các kinh tế gia gọi là “hàm lợi ích” của cá nhân. Các nhà kinh tế sẽ tranh luận rằng ngành khoa học này không bàn tới những ưu tiên cơ bản hay ích lợi mà cá nhân lựa chọn; vì điều đó phụ thuộc vào cá nhân. Kinh tế học chỉ nói về cách thức những ưu tiên được theo đuổi một cách duy lý. Do đó, một nhà quản lý quỹ đầu tư đang tìm cách kiếm thêm một tỷ USD và người lính nằm lên quả lựu đạn để cứu đồng đội đều tối đa hóa những ưu tiên khác nhau của mình. Có lẽ những kẻ đánh bom tự sát - thật không may là đang trở thành một phần bối cảnh chính trị thế kỷ 21 - đơn giản là đang cố tối đa hóa số lượng trinh nữ mà họ sẽ gặp trên thiên đàng. Vấn đề là lý thuyết kinh tế có ít giá trị dự đoán nếu những ưu tiên không bị giới hạn vào lợi ích vật chất, chẳng hạn như việc tìm kiếm thu nhập hay của cải. Nếu một người mở rộng khái niệm về lợi ích bao gồm các thái cực của cả hành vi ích kỷ và vị tha, thì đó không khác gì phép lặp thừa rằng con người sẽ theo đuổi bất cứ điều gì họ theo đuổi. Điều chúng ta thực sự cần là một lý thuyết giải thích tại sao một số người theo đuổi tiền bạc và an toàn, trong khi số khác chọn chết vì một lý tưởng hay dành thời gian và tiền bạc để giúp đỡ người khác. Nếu cho rằng Mẹ Teresa và một tay quản lý quỹ Phố Wall đều cùng tối đa hóa lợi ích của mình, chúng ta dường như bỏ qua điều gì đó quan trọng hơn về động cơ của họ. Trong thực tế, hầu hết các nhà kinh tế học giả định rằng ích lợi phụ thuộc vào một số dạng thức tư lợi vật chất, [các dạng thức này] vốn ưu việt hơn các loại động lực khác. Đây là quan điểm được đồng tình bởi cả các nhà kinh tế thị trường tự do đương đại và những nhà Mác-xít cổ điển, họ vốn cho rằng lịch sử được định hình bởi các giai cấp xã hội theo đuổi lợi ích kinh tế của mình. Ngày nay, kinh tế học đã trở thành một ngành khoa học xã hội thống trị và có uy tín vì mọi người thường hành xử theo phiên bản hạn chế về động cơ hành động của các nhà kinh tế học. Động cơ vật chất có vai trò quan trọng. Ở Trung Quốc, năng suất nông nghiệp trong các trang trại tập thể thấp vì nông dân không được phép giữ lại thặng dư họ sản xuất ra; do đó họ sẽ lẩn tránh thay vì chăm chỉ làm việc. Khi động cơ thay đổi vào cuối những năm 1970, cho phép nông dân giữ lại thặng dư, sản lượng nông nghiệp tăng gấp đôi trong vòng bốn năm. Một trong những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là các chủ ngân hàng đầu tư đã được tưởng thưởng cho lợi nhuận ngắn hạn nhưng không bị trừng phạt khi các khoản đầu tư rủi ro sụp đổ vài năm sau đó. Để khắc phục vấn đề, cần phải yêu cầu thay đổi những động cơ như vậy. Nhưng trong khi mô hình kinh tế tiêu chuẩn giải thích nhiều điều về hành vi con người, nó cũng có nhiều điểm yếu. Trong vài thập niên qua, các nhà kinh tế học và tâm lý học hành vi như Daniel Kahneman và Amos Tversky đã tấn công các giả định cơ bản của mô hình kinh tế bằng cách chỉ ra rằng con người không duy lý trong thực tế. Ví dụ, họ chọn các hành vi mặc định thay vì các chiến lược tối ưu hơn, hoặc tiết kiệm công sức suy nghĩ bằng cách sao chép hành vi của những người xung quanh1. Mặc dù kinh tế học hành vi vạch ra những điểm yếu của mô hình lựa chọn duy lý hiện có, nhưng nó không đưa ra một mô hình thay thế cụ thể về hành vi của con người. Cụ thể, nó không lý giải nhiều về bản chất những lựa chọn ưu tiên của con người. Lý thuyết kinh tế không giải thích thỏa đáng vì sao người lấy thân che lựu đạn, kẻ đánh bom tự sát, hoặc một loạt các trường hợp khác khi lợi ích vật chất không xuất hiện. Thật khó để nói rằng chúng ta “mong muốn” những thứ đau đớn, nguy hiểm hoặc tốn kém cũng tương tự cách chúng ta mong muốn thực phẩm hay tiền trong ngân hàng. Vì vậy, cần xem xét các cách giải thích khác về hành vi của con người vượt ra ngoài các lý giải về mặt kinh tế đang chiếm ưu thế hiện nay. Nền tảng hiểu biết bao quát hơn này luôn tồn tại, vấn đề là chúng ta thường quên những gì chúng ta biết. Các lý thuyết về hành vi con người được xây dựng dựa trên lý thuyết về bản chất con người: các quy tắc phát sinh từ gốc gác sinh học phổ quát của con người, trái ngược với những thứ bắt nguồn từ quy tắc hay tập quán của các cộng đồng khác nhau. Ranh giới giữa bản chất và dưỡng dục hiện nay đang gây nhiều tranh cãi, nhưng ít ai phủ nhận rằng hai thái cực của sự phân chia này có tồn tại. May thay, người ta không cần tạo lập ranh giới một cách chính xác để phát triển một lý thuyết mang đến góc nhìn sâu sắc hơn về động cơ của con người. Các nhà tư tưởng thời kỳ đầu hiện đại như Thomas Hobbes, John Locke và Jean-Jacques Rousseau lập luận chi tiết về “trạng thái tự nhiên”, thời điểm nguyên thủy trước khi xã hội loài người xuất hiện. Tuy nhiên, trạng thái tự nhiên chỉ là phép ẩn dụ cho bản chất loài người, nghĩa là những đặc điểm cơ bản nhất của con người tồn tại độc lập với một xã hội hay văn hóa cụ thể của họ. Trong truyền thống triết học phương Tây, những cuộc thảo luận về bản chất loài người khởi nguồn từ sớm hơn rất nhiều, ít nhất là với tác phẩm Cộng hòa (Republic) của Plato. Cộng hòa là cuộc đối thoại giữa triết gia Socrates và hai nhà quý tộc Athens trẻ tuổi, Adeimantus và người anh trai là Glaucon, về bản chất của một thành phố công bằng. Sau khi làm sáng tỏ một số lý thuyết về công lý hiện có, như khẳng định của Thrasymachus rằng công lý không là gì khác ngoài lợi ích của kẻ mạnh, Socrates xây dựng một thành phố công bằng “về mặt diễn ngôn”, dựa trên sự khai phá bản chất của linh hồn. Từ linh hồn (psyche, theo tiếng Hy Lạp) không còn được sử dụng, nhưng như từ nguyên gốc của nó cho thấy, môn tâm lý học (psychology) về cơ bản nghiên cứu chủ đề tương tự. Cuộc thảo luận chính về bản chất của linh hồn xuất hiện trong quyển IV. Socrates lưu ý rằng một phần cơ thể khao khát tìm kiếm những thứ như thực phẩm và nước uống. Nhưng nhiều lúc, một kẻ khát nước sẽ không uống vì anh ta biết nước bị nhiễm độc và có thể bị bệnh. Socrates hỏi, “Liệu tồn tại thứ gì trong tâm hồn khuyến khích họ uống và thứ gì ngăn cản họ uống không, hay thứ gì khác biệt điều chỉnh những động cơ đó?”2 Adeimantus và Socrates đồng ý rằng phần thứ hai khác biệt của linh hồn mang tính tính toán, và rằng nó có thể hoạt động trái ngược với phần phi lý, mang tính khao khát của linh hồn. Cho đến thời điểm đó, Socrates và Adeimantus đã mô tả mô hình kinh tế hiện đại như sau: phần khao khát tương ứng với sở thích cá nhân, trong khi phần tính toán mang tính tối đa hóa duy lý. Mặc dù Sigmund Freud không còn được đề cao như trước, nhưng sự khác biệt này tương ứng với khái niệm của ông về cái tôi khao khát và bản ngã để giữ những khao khát đó trong tầm kiểm soát, phần lớn là do áp lực xã hội. Nhưng Socrates chỉ ra một loại hành vi khác bằng cách liên hệ đến câu chuyện về Leontius ở Athens, người đi ngang qua một đống xác chết do những kẻ hành hình bỏ lại. Leontius muốn nhìn vào các xác chết, nhưng đồng thời cố gắng tránh làm như vậy, sau một hồi đấu tranh nội tâm, ông ấy nhìn đống xác chết và nói, “Nhìn này gã bất hạnh, hãy nhìn đi cho thỏa thuê”3. Leontius, trong khi cố gắng nuông chiều khao khát nhìn thấy xác chết, biết rằng điều đó đáng lẽ cần bỏ qua; và rằng ông đã đầu hàng nỗi khao khát của mình và khiến dấy lên sự tức giận và ghê tởm bản thân. Socrates hỏi: Và ở nhiều nơi khác, liệu chúng ta có nhận thấy rằng, khi khao khát buộc ai đó đi ngược lại với phần tính toán, anh ta lại tự trách móc mình và tinh thần của anh ta chống lại thứ đang thực hiện hành vi bị thúc đẩy kia; và, cứ như thể có hai nhóm đối lập, liệu tinh thần của anh ta có thể trở thành đồng minh của lời nói?4 Chúng ta có thể dẫn chứng điều này tới một ví dụ hiện đại hơn, khi một tay nghiện ma túy hoặc nghiện rượu biết rằng một liều nữa sẽ có hại cho mình, nhưng vẫn thực hiện để rồi cảm thấy ghê tởm bản thân vì yếu đuối. Socrates sử dụng một từ mới, tinh thần, để nói đến phần linh hồn là nơi ẩn náu của sự tức giận đối với chính mình, vốn là từ được dịch sơ sài từ tiếng Hy Lạp thymos. Socrates sau đó hỏi Adeimantus rằng liệu phần linh hồn không muốn nhìn vào xác chết chỉ là một ham muốn khác, hay là một khía cạnh của phần tính toán, vì cả hai đều phát triển theo một hướng chung. Quan điểm đầu là góc nhìn của kinh tế học đương đại, coi mong muốn chỉ bị giới hạn bởi tính toán: một mong muốn khác, quan trọng hơn, sẽ thay thế nó. Socrates hỏi, vậy liệu có một phần thứ ba của linh hồn? Những gì chúng ta đang giải thích về tinh thần là trái ngược với khẳng định gần đây của chính chúng ta. Lúc đó, chúng ta cho rằng nó có liên quan một cách nào đó đến phần mong muốn, nhưng bây giờ ngược lại, chúng ta nói rằng trong phần đó của linh hồn, nó lại dang tay về phía phần tính toán. Quả thực là như vậy, [Adeimantus] nói. Vậy có phải nó cũng khác biệt với phần tính toán không, hay nó là một dạng đặc thù của phần tính toán để thực tế là không có ba hình thức tâm hồn mà chỉ có hai phần tính toán và phần mong muốn? Hoặc cũng giống như việc có ba giai cấp trong thành phố nhóm lại với nhau, để kiếm tiền, bảo vệ, và tranh luận, liệu có tồn tại mảng thứ ba của tâm hồn, về bản chất là phụ trợ cho phần tính toán, nếu không bị làm hỏng bởi dưỡng dục?5 Adeimantus đồng ý tức khắc với Socrates rằng phần linh hồn - thymos - không chỉ là một mong muốn hay khía cạnh khác của lý trí mà là một phần độc lập của tâm hồn. Thymos là nơi trú ngụ của cả phẫn nộ và kiêu hãnh: Leontius kiêu hãnh và tin rằng ông có bản ngã tốt để kháng cự việc nhìn vào xác chết, và khi thất bại trước mong muốn của mình, ông đã tức giận vì không thể sống theo chuẩn mực đó. Hơn hai thiên niên kỷ trước khi kinh tế học hiện đại ra đời, Socrates và Adeimantus đã hiểu về những gì không được ngành khoa học này công nhận. Mong muốn và lý trí là những bộ phận cấu thành của tâm lý con người (tâm hồn), nhưng phần thứ ba, thymos, vận hành hoàn toàn độc lập với hai phần đó. Thymos là nơi phán xét có giá trị: Leontius tin rằng ông thừa đạo đức để không nhìn vào xác chết, cũng giống như tên nghiện ma túy muốn trở thành người lao động chăm chỉ hoặc một bà mẹ ân cần. Con người không chỉ muốn những thứ bên ngoài thân thể, như thức ăn, đồ uống, Lamborghini, hay cơn phê tiếp theo. Họ cũng khao khát những đánh giá tích cực về giá trị hoặc phẩm giá bản thân. Những đánh giá đó có thể đến từ nội tâm, như trong trường hợp của Leontius, nhưng chúng thường là của những người khác trong xã hội, những người công nhận giá trị của họ. Nếu nhận được đánh giá tích cực họ sẽ thấy tự hào, và ngược lại, họ sẽ cảm thấy tức giận (khi họ nghĩ rằng mình đang bị đánh giá thấp) hoặc xấu hổ (khi họ cho rằng mình đã không bắt kịp tiêu chuẩn của người khác). Phần thứ ba của linh hồn, thymos, là nơi trú ngụ của chính trị bản sắc đương đại. Các chủ thể chính trị có tranh đấu về các vấn đề kinh tế: liệu thuế nên thấp hay cao hơn, thu nhập của chính phủ nên được phân chia như thế nào cho các bên khác nhau trong một nền dân chủ. Nhưng nhiều mặt của đời sống chính trị không mấy liên quan đến nguồn lực kinh tế. Ví dụ như phong trào hôn nhân đồng tính, vốn lan rộng như cháy rừng ở khắp thế giới phát triển trong hai thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Vấn đề này có khía cạnh kinh tế, liên quan đến quyền kiêm hưởng, quyền thừa kế… đối với người đồng tính nam hoặc đồng tính nữ sống cùng nhau. Tuy nhiên, nhiều vấn đề nêu trên có thể và trong nhiều trường hợp được giải quyết thông qua các quy tắc mới về tài sản trong kết hợp dân sự (civil union). Nhưng kết hợp dân sự có vị trí thấp hơn hôn nhân: xã hội sẽ nói rằng người đồng tính có thể ở bên nhau một cách hợp pháp, nhưng mối quan hệ của họ sẽ khác với mối quan hệ giữa một người đàn ông và một phụ nữ. Điều này là không thể chấp nhận được đối với hàng triệu người muốn hệ thống chính trị công nhận rõ ràng phẩm giá bình đẳng của người đồng tính nam và nữ, việc có khả năng kết hôn là một dấu hiệu của phẩm giá bình đẳng đó. Và những người chống đối muốn điều ngược lại: một sự khẳng định rõ ràng về phẩm giá thượng đẳng của sự kết hợp khác giới và qua đó là của gia đình truyền thống. Những cảm xúc dành cho hôn nhân đồng tính liên quan nhiều đến sự khẳng định về phẩm giá hơn là về mặt kinh tế học. Tương tự, cơn phẫn nộ bùng nổ của phụ nữ thể hiện trong phong trào #MeToo, nổi lên sau những tiết lộ về hành vi của nhà sản xuất phim Hollywood là Harvey Weinstein, cơ bản là về sự tôn trọng. Mặc dù cách những gã đàn ông quyền lực quấy rối những phụ nữ dễ bị tổn thương có khía cạnh kinh tế, đánh giá sai nữ giới dựa trên giới tính hay vẻ ngoài, mà không phải vì những đặc điểm khác như năng lực hay tính cách, vốn tồn tại giữa những người đàn ông và phụ nữ tương đương nhau về quyền lực và sự giàu có. Tuy thế, chúng ta dường như đi xa hơn trong câu chuyện của thymos và bản sắc. Socrates trong Cộng hòa không tranh luận rằng thymos là một đặc điểm được chia sẻ đồng đều giữa tất cả mọi người, và ông cũng không cho rằng nó tự biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Nó tồn tại giống như thứ liên quan đến một nhóm người nhất định trong thành phố tưởng tượng của ông, những kẻ giám hộ hoặc vệ binh chịu trách nhiệm gìn giữ thành phố khỏi kẻ thù. Họ là những chiến binh, khác với chủ cửa hàng vốn có đặc điểm chính là khao khát và sự hài lòng, cũng khác với tầng lớp lãnh đạo thông thái vốn dùng lý trí để xác định điều gì là tốt nhất cho thành phố. Socrates cho rằng những người bảo vệ thymos thường có tính cách dữ dội và so sánh họ với những con chó hung tợn với người lạ và trung thành với chủ nhân. Là những chiến binh họ phải can đảm, phải sẵn sàng mạo hiểm và trải qua khó khăn theo cách mà cả tầng lớp thương gia lẫn tầng lớp thông thái không làm nổi. Sự tức giận và kiêu hãnh, thay vì lý trí hay ham muốn, thúc đẩy họ chấp nhận rủi ro. Nói theo cách này, Socrates phản ánh thực tế của thế giới cổ điển, hay có lẽ là thực tế của hầu hết các nền văn minh trên thế giới, nơi xuất hiện tầng lớp quý tộc vốn đạt được địa vị xã hội cao do họ, hoặc tổ tiên của họ, là những chiến binh. “Quý ông” theo tiếng Hy Lạp là kaloskagathos, mang nghĩa “cao đẹp và tốt bụng”, trong khi từ quý tộc (aristocracy) bắt nguồn từ thuật ngữ Hy Lạp mang nghĩa “trị vì bởi những người giỏi nhất”. Các chiến binh này được cho là khác biệt về mặt đạo đức với những thương gia nhờ các đức tính của họ: họ sẵn sàng mạo hiểm mạng sống vì lợi ích số đông. Danh dự chỉ dành cho những người sẵn lòng từ chối tối đa hóa lợi ích duy lý như trong mô hình kinh tế học hiện đại, vinh danh những ai sẵn sàng mạo hiểm với lợi ích quan trọng nhất trong tất cả, mạng sống của chính mình. Ngày nay, chúng ta có xu hướng đánh giá lại giới quý tộc với rất nhiều hoài nghi, tích cực lắm thì coi họ là những ký sinh trùng tự cao và tệ nhất là những kẻ săn mồi hung bạo với phần còn lại của xã hội. Con cháu của quý tộc thậm chí còn tồi tệ hơn, vì bản thân họ không tạo ra địa vị mà gia đình họ nhận được, mà thông qua thừa kế. Tuy nhiên, chúng ta phải công nhận rằng trong các xã hội quý tộc tồn tại một niềm tin sâu xa rằng danh dự hay lòng tự trọng không bắt buộc phải có với tất cả mọi người, mà chỉ ở tầng lớp những người sẵn sàng hy sinh mạng sống. Âm hưởng của chính kiến đó vẫn tồn tại trong sự tôn trọng mà công dân của các xã hội dân chủ hiện đại thường dành cho những người lính hy sinh vì tổ quốc, hoặc cảnh sát và lính cứu hỏa liều mình vì nhiệm vụ. Nhân phẩm hay lòng tự trọng không bắt buộc với tất cả mọi người, ít nhất là với các doanh nhân hoặc người lao động có mục tiêu chính là tối đa hóa lợi ích của chính mình. Giới quý tộc cho rằng bản thân họ ưu việt hơn những người khác và sở hữu thứ mà chúng ta có thể gọi là megalothymia, mong muốn được công nhận là vượt trội. Các xã hội tiền dân chủ tồn tại dựa trên nền tảng của hệ thống phân cấp xã hội, vì vậy niềm tin vào sự vượt trội vốn có của một giai tầng nào đó là nền tảng cho việc duy trì trật tự xã hội. Vấn đề với megalothymia là đối với mỗi người được công nhận là vượt trội, sẽ càng có nhiều người bị coi là thấp kém và không nhận được bất kỳ sự công nhận nào về giá trị nhân phẩm của mình. Trong khi Socrates và Adeimantus coi thymos chủ yếu liên quan đến tầng lớp người bảo vệ, họ dường như cũng nghĩ rằng tất cả loài người sở hữu cả ba phần của linh hồn. Những người không phải bảo vệ cũng có niềm kiêu hãnh của mình, niềm kiêu hãnh bị tổn thương khi nhà quý tộc tát vào mặt họ và ra lệnh cho họ tránh đường, hoặc khi cô con gái hay vợ họ bị ép buộc biến thành đồ chơi tình dục cho giai cấp “cao cấp” hơn. Dù có một số nhóm người nhất định luôn muốn được coi là vượt trội, cảm giác phẫn nộ mạnh mẽ sẽ xuất hiện khi một cá nhân bị coi thường. Hơn nữa, trong khi chúng ta sẵn sàng tán dương những người có thành tích nhất định, chẳng hạn như vận động viên hoặc nhạc sĩ vĩ đại, nhiều sự vinh danh xã hội bắt nguồn không phải ở sự vượt trội thực sự, mà là trong quy ước xã hội. Chúng ta có thể dễ dàng phẫn nộ với những người được công nhận vì những thứ không mấy tốt đẹp, chẳng hạn như những kẻ có vai vế thích phô trương hoặc các ngôi sao chương trình thực tế hay khoe mẽ vốn có thể không giỏi giang gì hơn chúng ta. Vì vậy, một động lực mạnh mẽ không kém của con người là được coi “cũng tốt” như người khác, yếu tố mà chúng ta có thể gọi là isothymia6. Megalothymia là yếu tố mà nhà kinh tế học Robert Frank gọi là “tốt theo địa vị” - về mặt bản chất, điều này không thể chia sẻ vì nó dựa trên vị trí của một người so với người khác7. Sự trỗi dậy của nền dân chủ hiện đại là câu chuyện về sự dịch chuyển từ megalothymia sang isothymia: những xã hội vốn chỉ công nhận một số ít giới tinh hoa được thay thế bởi xã hội công nhận quyền bình đẳng của mọi người. Ở châu Âu, các xã hội phân tầng theo giai cấp bắt đầu công nhận quyền của thường dân, và các quốc gia vốn bị nhấn chìm trong các đế chế lớn tìm kiếm một địa vị riêng biệt và bình đẳng. Các cuộc đấu tranh lớn trong lịch sử chính trị của Mỹ - chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc, quyền của người lao động, quyền bình đẳng của phụ nữ - về cơ bản đều là những đòi hỏi, yêu cầu hệ thống chính trị phải mở rộng tập hợp các cá nhân được công nhận là có quyền bình đẳng. Tuy nhiên, câu chuyện phức tạp hơn thế. Chính trị bản sắc đương đại được thúc đẩy bởi cuộc tìm kiếm sự công nhận bình đẳng của các nhóm đã bị xã hội của mình đặt ngoài lề. Nhưng mong muốn được công nhận là bình đẳng có thể dễ dàng chuyển sang yêu cầu công nhận sự vượt trội của nhóm đó. Đây là một phần lớn trong câu chuyện về chủ nghĩa dân tộc và bản sắc dân tộc, cũng như trong một số hình thức chính trị tôn giáo cực đoan ngày nay. Một vấn đề nữa với isothymia là một số hoạt động nhất định của con người chắc chắn sẽ đòi hỏi sự tôn trọng lớn hơn những hoạt động khác. Phủ nhận điều này là chối bỏ khả năng xuất sắc vượt trội của con người. Tôi không thể chơi piano và không thể vờ rằng mình ngang hàng với Glenn Gould hoặc Arthur Rubinstein trong lĩnh vực này. Bất kỳ cộng đồng nào cũng dành sự vinh danh lớn hơn cho người lính hoặc cảnh sát mạo hiểm mạng sống của mình vì lợi ích chung thay vì những kẻ hèn nhát bỏ chạy khi mới nhìn thấy hiểm nguy, hoặc tệ hơn là thông đồng với bên ngoài để phản bội lại cộng đồng. Việc công nhận tất cả mọi người có giá trị ngang nhau lại khiến chúng ta thất bại trong việc nhận ra giá trị của những người thực sự vượt trội trong một số mặt. Isothymia yêu cầu chúng ta nhận ra giá trị cơ bản bình đẳng của đồng loại. Với Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, chúng ta khẳng định rằng trong các xã hội dân chủ, tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”. Nhưng trong lịch sử chúng ta đã bất hòa về việc ai đủ điều kiện được công nhận là tất cả mọi người”. Tại thời điểm tuyên ngôn được ký, tập hợp này không bao gồm người da trắng không có tài sản, nô lệ da đen, người Mỹ bản địa hoặc phụ nữ. Hơn nữa, vì con người rõ ràng là rất đa dạng về tài năng và năng lực, chúng ta cần biết là mình sẵn sàng công nhận mọi người là bình đẳng cho mục đích chính trị theo nghĩa nào. Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ tuyên bố rằng điều này là “hiển nhiên”, mà không có chỉ dấu nào để chúng ta hiểu về sự bình đẳng. Thymos là phần linh hồn tìm kiếm sự công nhận. Ở Cộng hòa, chỉ có một nhóm người tìm kiếm sự công nhận về phẩm giá của mình, trên cơ sở họ sẵn sàng mạo hiểm mạng sống để thành những chiến binh. Tuy nhiên, mong muốn được công nhận dường như cũng nằm trong tâm hồn mỗi con người. Các thương gia, nghệ nhân hoặc người ăn xin trên đường phố cũng có thể cảm thấy đau đớn khi bị coi thường. Nhưng cảm giác đó là lộn xộn, và họ không có ý thức rõ ràng về lý do tại sao họ nên được tôn trọng. Xã hội của họ lý giải rằng họ không đáng giá như quý tộc, tại sao không chấp nhận phán xét đó của xã hội? Trong phần lớn lịch sử loài người, đây thực tế là định mệnh của đại đa số đám đông. Nhưng trong khi thymos là một khía cạnh phổ quát luôn tồn tại của bản chất con người, thì niềm tin rằng mỗi chúng ta đều có nội ngã đáng được tôn trọng, và xã hội xung quanh có thể đã sai khi không công nhận nó, là một hiện tượng xuất hiện gần đây hơn. Vì vậy, trong khi khái niệm bản sắc bắt nguồn từ thymos, nó chỉ xuất hiện trong thời hiện đại khi kết hợp với khái niệm về nội ngã và ngoại ngã, và quan điểm cực đoan rằng nội ngã có giá trị hơn vẻ bên ngoài. Đây là sản phẩm của cả sự thay đổi trong ý tưởng về bản ngã và thực tế của các xã hội, [các xã hội] bắt đầu phát triển nhanh chóng dưới áp lực của sự thay đổi kinh tế và công nghệ. Daniel Kahneman, Thinking, Fast and Slow (New York: Farrar, Straus and Giroux, 2013).↩︎ The Republic of Plato, trans., với ghi chú và tiểu luận diễn giải, bởi Allan Bloom (New York: Basic Books, 1968), variorum sec. 439b-c.↩︎ Ibid., 439e-440a.↩︎ Ibid., 440a-b.↩︎ Ibid., 440e-441a.↩︎ Để hiểu rõ hơn isothymia hiện diện trong thực tế ra sao, xem thêm Robert W. Fuller, Somebodies and Nobodies: Overcoming the Abuse of Rank (Gabriola Island, British Columbia: New Society Publishers, 2003).↩︎ Robert H. Frank, Choosing the Right Pond: Human Behavior and the Quest for Status (Oxford: Oxford University Press, 1985), 7.↩︎ 3 BÊN TRONG VÀ BÊN NGOÀI Không như thymos, vốn là phần vĩnh cửu trong bản chất con người, thứ sau này trở thành quan niệm hiện đại về bản sắc chỉ xuất hiện từ vài trăm năm trước khi xã hội bắt đầu hiện đại hóa. Mặc dù có nguồn gốc từ châu Âu, sau đó nó lan rộng và bén rễ trong hầu hết các xã hội trên toàn cầu. Nền tảng của bản sắc đi cùng với nhận thức về sự khác biệt giữa phần bên trong và bên ngoài con người. Cá nhân tin rằng họ có bản sắc thực sự hay đích thực ẩn giấu bên trong chính bản thân họ, cách nào đó điều này mâu thuẫn với vai trò mà xã hội xung quanh giao cho họ. Quan niệm hiện đại về bản sắc đặt giá trị tối thượng vào tính đích thực, trong sự xác nhận về nội tính vốn không được phép tự biểu đạt. Nó nằm ở phần nội ngã chứ không phải ngoại ngã (outer self). Thông thường, cá nhân không thể hiểu nội ngã đó thực sự là ai, chỉ có cảm giác mơ hồ rằng mình đang bị buộc phải sống giả dối. Điều này có thể dẫn đến việc thường trực bị ám ảnh bởi câu hỏi “Tôi thực sự là ai?” Đi tìm câu trả lời tạo ra cảm giác lạ lẫm và lo lắng và chỉ có thể dịu đi khi họ chấp nhận nội ngã đó và có được sự thừa nhận từ công chúng. Và nếu xã hội bên ngoài tiến tới hoàn toàn thừa nhận nội ngã, người ta phải nghĩ rằng chính xã hội đó có thể thay đổi theo những cách căn bản. Ở phương Tây, ý tưởng về bản sắc được khởi phát, theo nghĩa nào đó, trong thời Cải cách Tin Lành, và do tu sĩ dòng Augustinô là Martin Luther đưa ra diễn giải ban đầu. Luther tiếp nhận nền giáo dục thần học truyền thống và trở thành giáo sư tại Wittenberg. Trong mười năm, ông đọc, suy ngẫm và đấu tranh với nội ngã của mình. Theo lời một sử gia, Luther “cảm thấy mình trong trạng thái tuyệt vọng trước Chúa. Ông muốn được bảo đảm rằng Chúa sẽ chấp nhận mình, nhưng ông chỉ có thể tìm thấy trong chính mình sự tồn tại chắc chắn của tội lỗi, và trong Chúa là công lý không lay chuyển, [công lý ấy] vốn phê phán tới cùng những nỗ lực ăn năn và tìm kiếm sự thương xót của thánh thần của mình”1. Luther tìm đến biện pháp khổ chế do Giáo hội Công giáo khuyên răn, trước khi nhận ra ông không thể làm gì để mua chuộc, vỗ về, hoặc cầu xin Chúa. Ông hiểu rằng Giáo hội chỉ hành động ở tầng nấc bên ngoài của con người thông qua xưng tội, đền tội, bố thí, thờ phụng thánh thần - vốn đều là vô nghĩa bởi vì ân sủng chỉ được ban cho như một hành động yêu thương tự nguyện từ Chúa. Luther là một trong những nhà tư tưởng phương Tây đầu tiên định rõ và giá trị hóa nội ngã trên hữu thể xã hội bên ngoài. Ông lập luận rằng con người mang bản chất hai lớp, phần nội thuộc về tâm linh và phần ngoại thuộc về cơ thể sinh học, do “chẳng có thứ gì ở bên ngoài có thể gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến việc tạo ra sự đúng đắn hay tự do của Kitô giáo”, nên chỉ có con người nội tại mới có thể thay mới được. Chỉ riêng đức tin có thể cai trị con người nội tại đơn nhất, như La Mã 10[:10] từng nói, “với người tin vào những gì trái tim mách bảo thì sẽ được biện minh”, và vì chỉ có đức tin mới biện minh được, rõ ràng con người nội tại không thể được biện minh, giải thoát, hoặc cứu rỗi bởi bất kỳ việc làm hoặc hành động bên ngoài nào, và những việc làm này, bất kể đặc tính của chúng như thế nào, không liên quan gì đến con người nội tại này2. Sự thừa nhận - trọng tâm của giáo lý Tin Lành về sau - rằng chỉ đức tin và không hoạt động nào khác cùng lúc biện minh được cho con người đã hạ bệ triết lý tồn tại của Giáo hội Công giáo. Giáo hội là cầu nối giữa người và Chúa, nhưng nó chỉ định hình được con người bên ngoài thông qua nghi lễ và hoạt động. Luther kinh sợ trước sự suy đồi và lệch lạc của Giáo hội trung cổ, nhưng cái nhìn sâu sắc hơn chính là bản thân Giáo hội là không cần thiết và thực sự, thật hồ đồ khi cố gắng ép buộc hoặc mua chuộc Chúa. Bản thân Luther sẽ không trở thành một thiếu niên chịu sự phục tùng của xã hội; đúng hơn, chính xã hội sẽ phải điều chỉnh theo nhu cầu từ con người nội tại. Mặc dù đó không phải là ý định của Luther, nhưng cuộc Cải cách mang lại kết quả đúng như vậy: sự suy tàn của La Mã do Giáo hội Phổ quát, sự trỗi dậy của những giáo lý thay thế và một loạt thay đổi xã hội trong đó tín đồ cá nhân được ưu tiên hơn cấu trúc xã hội hiện hữu. Các nhà lý luận xã hội từ lâu đã tranh luận rằng liệu những thay đổi lớn diễn ra ở châu Âu sau cuộc Cải cách mà chúng ta gọi là hiện đại hóa - là sản phẩm của lực lượng vật chất hay do những ý tưởng như của Luther thúc đẩy. Karl Marx và các nhà kinh tế tân cổ điển đương đại nói rằng ý tưởng của Luther là phái sinh của điều kiện vật chất: nếu không có sự bất mãn và chia rẽ kinh tế rộng khắp giữa các quân vương Đức, quan điểm của ông không bao giờ lan tỏa theo cách trước đây. Mặt khác, nhà xã hội học Max Weber lập luận ủng hộ tính ưu việt của ý tưởng: điều kiện vật chất mà các nhà kinh tế học nghiên cứu chỉ có thể xuất hiện bởi vì chúng được chính danh hóa bởi những thay đổi theo hướng mọi người nghĩ về chúng những điều kiện tương tự trong thời kỳ trước không tạo ra kết quả tương tự vì môi trường tri thức khác nhau. Theo tôi, cả hai quan điểm này đều nắm bắt được một phần sự thật, vì nhân quả vận động theo cả hai hướng cùng một lúc. Điều kiện vật chất rõ ràng định hình cách thức thụ cảm những ý tưởng nhất định của con người. Những ý tưởng có luân lý nội tại riêng, và nếu không có khung nhận thức mà chúng đề ra, người ta sẽ diễn giải điều kiện vật chất khác nhau. Điều này ảnh hưởng đến cách hiểu về sự tiến hóa của quan niệm bản sắc, vì nó được thúc đẩy bởi cả sự tiến hóa trong tư tưởng và điều kiện thay đổi trong một xã hội rộng lớn hơn khi châu Âu bắt đầu quá trình hiện đại hóa kinh tế xã hội. Trên bình diện ý tưởng, chúng ta có thể thấy sự phân biệt giữa bên trong và bên ngoài, và giá trị hóa cái trước lên trên cái sau, đã có bước khởi điểm quan trọng cùng Luther3. Giống như nhiều nhà tư tưởng sau này nỗ lực tìm hiểu vấn đề bản sắc, ông bắt đầu với cuộc tìm kiếm khắc khổ để hiểu chính mình, và cách ông có thể được biện minh trước Chúa. Con người nội tại là không tốt, hắn là kẻ có tội nhưng vẫn cần được cứu rỗi thông qua hành động thể hiện đức tin ở bên trong, vốn không thể trở nên hữu hình thông qua bất cứ hành động bên ngoài nào. Do đó Luther chính là người tạo ra ý niệm, là trọng tâm của vấn đề bản sắc, rằng nội ngã vốn sâu kín và sở hữu nhiều tầng lớp mà chỉ có thể được bộc lộ thông qua tự vấn bản thân. Tuy nhiên, quan điểm của Martin Luther có khoảng cách khá xa với hiểu biết hiện đại hơn về bản sắc. Ông tôn vinh tự do nội ngã, nhưng nội ngã đó chỉ theo một chiều: đức tin và sự chấp nhận ân sủng của Chúa. Đó là lựa chọn nhị phân: họ tự do chọn Chúa, hoặc không. Họ không thể chọn trở thành tín đồ theo đạo Hindu, đạo Phật hay quyết định bản sắc thực sự của họ bằng việc công khai mình là đồng tính nam hay đồng tính nữ. Luther không phải đối mặt với “cuộc khủng hoảng giá trị”, điều mà ông có lẽ sẽ không thể hiểu được, vì dù từ bỏ Giáo hội Hoàn vũ, ông hoàn toàn chấp nhận chân lý căn bản của Kitô giáo4. Lý do thứ hai giải thích tại sao Luther chưa chạm đến quan điểm hiện đại về bản sắc, đó là nội ngã của ông không tìm kiếm sự thừa nhận của đại chúng về thứ tự do nội ngã mới được tìm ra. Thật vậy, ông thống khổ vì động cơ của chính mình: ông tìm cách lảng tránh vết nhơ của sự tự thỏa mãn, biết rằng “chính ông là ác nhân không thể cải tạo được, không có khả năng thoát khỏi những gì ông gọi là ham muốn trần tục (concupiscence) (tội lỗi của việc làm điều đúng đắn là không chỉ để làm hài lòng Chúa mà còn vì lợi ích bản thân)5. Dù được công nhận rộng rãi trong thời đại của mình và có năng lực kiểm soát các cơn tức giận chính đáng, học thuyết đức tin của Luther được xây dựng dựa trên mối quan hệ riêng của con người với Chúa chứ không phải dưới bất kỳ hình thức đồng thuận đại chúng nào. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa bên trong và bên ngoài đã được thiết lập và có thể bồi đắp bởi những nhà tư tưởng sau này với các hình thức mới của tự do bên trong, những người không chấp nhận thế giới quan Kitô giáo của Martin Luther. Vào cuối thế kỷ 18, ý tưởng cốt lõi của bản sắc hiện đại phát triển hơn nhiều và xuất hiện một hình thức thế tục. Nhà lý luận chính trị người Canada là Charles Taylor có những mô tả rõ ràng về quá trình này, với triết gia Jean-Jacques Rousseau đóng vai trò trung tâm6. Rousseau là nguồn cảm hứng cơ bản của nhiều ý tưởng mà về sau trở nên rất quan trọng đối với một loạt xu hướng hiện đại: dân chủ, nhân quyền, chủ nghĩa cộng sản, nguyên lý nhân học và chủ nghĩa môi trường. Tuy nhiên, với ông, lòng tốt tự nhiên của nội ngã là chủ đề gắn liền với các tác phẩm đa dạng của ông về chính trị, xã hội và cá nhân7. Rousseau đảo ngược đánh giá về đạo đức con người nội tại của Kitô giáo. Kitô hữu như Luther tin vào tội tổ tông truyền: con người là sinh vật sa ngã chỉ có thể được cứu rỗi bằng tình yêu của Chúa. Trong Diễn ngôn về nguồn gốc của Bất bình đẳng (Discourse on the Origins of Inequality), Rousseau lập luận con người đầu tiên - con người ở trạng thái tự nhiên - không có tội. Những đặc điểm mà chúng ta liên tưởng đến tội lỗi và điều ác - ghen tị, tham lam, bạo lực, thù hận và những điều tương tự - không phải là đặc điểm của loài người sơ khởi. Trong mô tả của Rousseau, không có xã hội loài người nguyên thủy: những người đầu tiên là sinh vật lo sợ, bị cô lập với nhu cầu hữu hạn, đối với họ, tình dục là bản năng tự nhiên, không phải gia đình mới. Họ không tham lam hay đố kị, cảm xúc tự nhiên duy nhất của họ là thương hại đối với sự đau khổ của người khác. Theo Rousseau, bất hạnh của con người bắt đầu cùng với sự khám phá ra xã hội. Con người đầu tiên bắt đầu dấn thân vào xã hội bằng cách thuần hóa động vật, điều “tạo ra bước đi đầu tiên về niềm kiêu hãnh bản thân”. Sau đó, họ bắt đầu hợp tác để bảo vệ và tận dụng lợi thế của nhau; mối liên hệ mật thiết hơn “khắc sâu trong tâm trí con người nhận thức về một số mối quan hệ nhất định… điều mà chúng ta diễn tả bằng từ lớn, nhỏ, mạnh, yếu, nhanh, chậm, lo sợ, bạo dạn và những ý tưởng tương tự khác”. Khả năng so sánh và đánh giá người khác là nguồn gốc bất hạnh của con người: “Con người sớm bắt đầu thiết lập giá trị cho nhau, biết lòng tự trọng là gì, và ngay khi từng người tuyên bố sở hữu điều đó, sẽ không an toàn cho bất kỳ ai chối bỏ lòng tự trọng của người khác”. Rousseau phản đối sự dịch chuyển từ amour de soi (tình yêu bản thân) sang amour propre (ái kỷ hay phù phiếm); lợi ích cá nhân giản đơn sẽ chuyển hóa thành cảm giác tự hào và mong muốn được xã hội công nhận8. Rousseau nói rằng tư hữu xuất hiện cùng với việc khám phá ra ngành luyện kim và nông nghiệp; trong khi khiến con người trở nên giàu có hơn, khả năng tích tụ tài sản cũng làm tăng sự khác biệt tự nhiên giữa các cá nhân và đẩy sự ghen tị, đố kị, tự hào và xấu hổ lên tầm cao mới. Do đó, lời cảnh tỉnh nổi tiếng của Rousseau trong đầu phần thứ hai của Diễn ngôn (Discourse) là: Người đầu tiên, sau khi chiếm giữ một phần đất đai, tự đứng lên tuyên bố “Đây là của tôi”, và tìm ra những kẻ suy nghĩ đủ giản đơn để tin tưởng anh ta, là nhà sáng lập thực sự của xã hội dân sự… Biết bao nhiêu tội ác, chiến tranh, sát hại lẫn nhau, khổ đau và điều kinh hãi mà một người khác đã có thể cứu rỗi nhân loại, khi đang kéo cọc hay lấp mương, đáng lẽ phải nên hét lên với những kẻ đồng hành: Đừng nghe theo tên lừa đảo đó, các ngươi sẽ lạc lối nếu quên rằng mọi hoa trái trên địa cầu đều thuộc về tất cả chúng ta một cách bình đẳng, và trái đất này không dành riêng cho bất kỳ ai!9 Rousseau đưa ra hai giải pháp riêng biệt giúp nhân loại bước ra khỏi thảm họa về bất bình đẳng và bạo lực. Giải pháp đầu tiên được phác thảo trong cuốn Khế ước Xã hội (The Social Contract) mang tính chính trị, trong đó công dân trở về trạng thái bình đẳng tự nhiên thông qua sự xuất hiện của một “ý chí tập thể” đoàn kết họ lại trong đức tính cộng hòa. Họ hợp tác với nhau thành liên minh chính trị, nhưng phải theo nghĩa không cho phép có bất đồng hay đa nguyên. Một cách chuẩn xác, giải pháp này bị chỉ trích là mang tính tiền-toàn trị, tước bỏ tính đa dạng và đòi hỏi sự thống nhất nghiêm ngặt về tư tưởng. Giải pháp thứ hai không mang tính chính trị mà diễn ra ở cấp độ cá nhân. Trong một tác phẩm sau này của mình, Mộng tưởng của Kẻ Lang thang Cô độc (Reveries of a Solitary Walker), Rousseau cố gắng khôi phục lại trạng thái ý thức của con người đầu tiên, đó là con người như trước khi phát hiện ra xã hội. Trong cuốn Diễn ngôn về Bất bình đẳng (Discourse on Inequality), ông nói rằng “cảm giác đầu tiên của con người là sự tồn tại của mình”; cảm giác tồn tại (sentiment de l’existence) trở về trong Mộng tưởng (Reveries) như một cảm giác trọn vẹn và hạnh phúc xuất hiện khi cá nhân tìm cách khám phá ra bản ngã thực sự ẩn giấu bên trong các lớp cảm giác xã hội mà họ tiếp nhận10. Cảm giác tồn tại của Rousseau một ngày nào đó sẽ biến thành kinh nghiệm trải qua (lived experience), một phần gốc rễ của chính trị bản sắc đương đại. Do đó, Rousseau có quan điểm khác biệt liên quan đến bản chất con người. Ông công kích khẳng định của Thomas Hobbes khi cho rằng con người ở trạng thái tự nhiên là bạo lực, tàn nhẫn và ích kỷ, Rousseau cũng không đồng ý với John Locke khi cho rằng tài sản tư nhân là tự nhiên đối với loài người lúc sơ khởi. Ông cũng không đồng ý với Socrates và Adeimantus rằng thymos là một phần cấu thành tâm hồn con người, vì Rousseau khẳng định rõ ràng rằng cảm xúc kiêu hãnh, và sau đó mong muốn được người khác công nhận, không tồn tại đối với loài người thời kỳ sơ khởi nhất. Những gì Rousseau khẳng định, vốn trở thành nền tảng cho chính trị thế giới trong các thế kỷ tiếp theo, là thứ được gọi là xã hội tồn tại bên ngoài từng cá nhân, một khối bao gồm các quy tắc, mối quan hệ, chỉ thị và phong tục mà chính nó là trở ngại hàng đầu cho việc hiện thực hóa tiềm năng của con người, và do đó là hạnh phúc của con người. Lối suy nghĩ này mang tính bản năng đến nỗi chúng ta không nhận thức được nó. Điều đó hiển hiện trong trường hợp đứa trẻ vị thành niên bị buộc tội cãi cố rằng “Xã hội ép cháu làm vậy”, hay khi người phụ nữ cảm thấy tiềm năng của mình bị kìm kẹp bởi xã hội định kiến và phân biệt giới tính xung quanh cô. Ở quy mô lớn hơn, điều này hiển hiện trong lời phàn nàn của Vladimir Putin, người cho rằng trật tự quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo không tôn trọng Nga, và từ đó tìm cách lật đổ nó. Trong khi các nhà tư tưởng trước đó có thể phê phán một số khía cạnh của quy tắc và tập quán xã hội hiện tại, ít người lập luận rằng toàn bộ xã hội hiện tại và quy tắc của nó cần phải được bãi bỏ đồng thời và thay thế bằng một cái gì đó tốt hơn. Đây thực chất là những gì kết nối Rousseau với các hoạt động chính trị mang tính cách mạng ở Pháp năm 1789, hoặc Nga năm 1917, và Trung Quốc năm 1949. Giống như Luther, Rousseau hình thành nên tính đối lập rõ nét giữa nội ngã và xã hội bên ngoài, đòi hỏi cá nhân tuân thủ với các quy tắc của nó. Tuy nhiên, không giống như Luther, sự tự do của cá nhân nội tại đó không chỉ nằm ở khả năng chấp nhận ân sủng của Thiên Chúa, đúng hơn, nó nằm ở khả năng phổ quát và tự nhiên trong việc trải nghiệm cảm giác tồn tại, không bị trói buộc bởi các tầng nấc quy ước xã hội tích lũy nên. Do đó, Rousseau thế tục hóa và khái quát hóa nội tính do Luther mở ra, và được hoàn thiện thông qua công cuộc khám phá xúc cảm sâu nhất của Rousseau, cũng đau khổ và dai dẳng như của vị tu dòng Augustinô. Theo Charles Taylor, “Đây là một phần trong bước ngoặt lớn về tính chủ thể (subjective) của văn hóa hiện đại, một hình thái mới của đặc tính nội ngã, ở đó chúng ta nghĩ về chính chúng ta như là sinh vật có chiều sâu nội tâm”11. Do đó, quá trình thế tục hóa nội ngã của Rousseau, và sự ưu tiên ông dành cho nó đặt trên quy ước xã hội, là bước đệm quan trọng cho ý tưởng hiện đại về bản sắc. Nhưng Rousseau, như chúng ta thấy, không tin rằng nhu cầu được thừa nhận có tính tự nhiên đối với loài người. Ông lập luận rằng cảm xúc kiêu hãnh và khuynh hướng so sánh bản thân với người khác không tồn tại ở loài người thời kỳ đầu, và sự xuất hiện của chúng trong lịch sử loài người đặt nền tảng cho bất hạnh của con người sau này. Do đó, khôi phục lại nội ngã đòi hỏi việc tước bỏ nhu cầu được xã hội thừa nhận của chính họ, một kẻ mộng mơ đơn độc không cần sự chấp thuận của bất cứ ai. Với tri thức hiện tại của chúng ta về xã hội loài người thời kỳ đầu và về sự tiến hóa của loài người, chúng ta có thể lưu ý về mức độ cực kỳ chuẩn xác của Rousseau ở một số điểm nhất định, nhưng lại cực kỳ sai lầm ở một số điểm khác. Ông phần lớn đã đúng khi mô tả về các giai đoạn lớn trong sự tiến hóa của xã hội loài người, theo dấu quá trình chuyển đổi từ những gì ngày nay chúng ta gọi là xã hội săn bắt hái lượm sang nông nghiệp và sau đó đến thương nghiệp. Ông cũng đã đúng khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khám phá ra nền nông nghiệp: cách thức sự kiện này tạo nên thể chế sở hữu tư nhân và xã hội nông nghiệp có tính bất bình đẳng và phân cấp hơn nhiều so với xã hội săn bắt hái lượm mà chúng thay thế12. Nhưng Rousseau sai ở một số điểm quan trọng, bắt đầu với lời khẳng định con người thời kỳ đầu mang tính chủ nghĩa cá nhân nguyên thủy. Chúng ta biết ông sai, trước hết bởi chúng ta không tìm được bằng chứng khảo cổ học hay nhân học về loài người thời kỳ tiền xã hội, và thứ hai vì chúng ta có độ tin cậy cao rằng chính tổ tiên linh trưởng của loài người hiện đại có tính xã hội cao. Loài linh trưởng hiện tại rõ ràng có cấu trúc xã hội phức tạp cùng với bản năng cảm xúc cần thiết để duy trì giống loài13. Lời khẳng định của Rousseau rằng niềm kiêu hãnh chỉ xuất hiện ở một giai đoạn tiến hóa xã hội nhất định là bất thường, nó đặt ra câu hỏi làm thế nào cảm xúc bản năng của con người có thể xuất hiện tự phát nhằm đáp lại yếu tố thúc đẩy từ bên ngoài. Nếu niềm kiêu hãnh được tạo dựng từ xã hội, trẻ nhỏ phải được đào tạo theo cách nào đó để trải nghiệm nó, tuy nhiên chúng ta không quan sát thấy điều này diễn ra ở trẻ. Ngày nay, chúng ta biết rằng cảm giác tự hào và lòng tự tôn liên quan đến mức độ chất dẫn truyền thần kinh serotonin trong não, và tinh tinh cho thấy mức serotonin tăng cao khi chúng đạt được vị trí con đực alpha14. Dường như không có thời điểm nào mà, về mặt hành vi, loài người hiện đại không so sánh bản thân mình với người khác hoặc cảm thấy tự hào khi nhận được sự thừa nhận của xã hội. Ở khía cạnh này, Plato có cách kiến giải rõ ràng hơn về bản chất con người so với Rousseau. Việc xuất hiện sự phân biệt nội ngã và ngoại ngã ở châu Âu trong khoảng giữa Cải cách Tin Lành và Cách mạng Pháp không phải là ngẫu nhiên. Xã hội châu Âu trải qua một loạt thay đổi kinh tế và xã hội sâu sắc, tạo ra điều kiện vật chất mà nhờ đó các ý tưởng kiểu như vậy có thể lan rộng. Tất cả các xã hội loài người đều xã hội hóa các thành viên để sống theo quy tắc chung, nếu không, sự hợp tác của con người, và sau đó là thành công của con người với tư cách một loài, là bất khả. Tất cả các xã hội đều có thiếu niên nổi loạn và kẻ lập dị, những người không muốn tuân theo những quy tắc đó, nhưng trong cuộc đấu tranh này, xã hội hầu như luôn chiến thắng bằng cách bắt nội ngã phải tuân theo chuẩn mực bên ngoài. Do đó, quan niệm về bản sắc theo cách hiểu hiện nay thậm chí không phổ biến trong hầu hết xã hội truyền thống của loài người. Trong phần lớn mười nghìn năm lịch sử nhân loại, đại đa số người dân sống trong cộng đồng nông nghiệp ổn định. Trong những xã hội như thế, vai trò xã hội đều bị giới hạn và cố định: hệ thống phân tầng chặt chẽ dựa theo thâm niên và giới tính, tất cả đều có nghề nghiệp giống nhau (làm nông hoặc nuôi con và chăm nom gia đình); toàn bộ cuộc đời một người đều diễn ra trong ngôi làng nhỏ tương tự nhau, với một nhóm giới hạn bạn bè và hàng xóm; tôn giáo và niềm tin được tất cả mọi người cùng chia sẻ; và dịch chuyển xã hội - việc di chuyển ra khỏi làng, chọn một nghề nghiệp khác hoặc kết hôn với một người không phải do cha mẹ lựa chọn - gần như là không thể. Xã hội như vậy vừa không có tính đa nguyên, vừa không có tính đa dạng, cũng không có sự lựa chọn. Thiếu lựa chọn, sẽ không có ý nghĩa gì khi một người ngồi lại và ngẫm nghĩ về câu hỏi “Thực sự tôi là ai?” Tất cả các đặc điểm tạo nên nội ngã đều cố định. Ai đó có thể nổi loạn bằng cách chạy trốn đến ngôi làng khác, nhưng ở đó họ sẽ thấy chính mình tiếp tục bị mắc kẹt trong không gian xã hội hạn hẹp y hệt. Không có quan niệm về “xã hội” nằm ngoài cá nhân, cản trở các lựa chọn của cá nhân, và không có việc giá trị hóa nội ngã được đặt trên xã hội. Tất cả điều này bắt đầu thay đổi khi quá trình hiện đại hóa diễn ra ở châu Âu trên quy mô rộng. Cuộc cách mạng thương mại cởi trói cho hoạt động thương mại mở rộng trên quy mô vô cùng lớn và bắt đầu đảo lộn hệ thống phân tầng xã hội thiết lập trước đó. Adam Smith lập luận trong cuốn Của cải của các quốc gia (The Wealth of Nations) rằng phân công lao động bị giới hạn bởi quy mô thị trường, khi thị trường phát triển nhờ biến đổi công nghệ, ngành nghề mới mở ra và các tầng lớp xã hội khác nhau xuất hiện. Các thành phố lớn mạnh về quyền lực và tính độc lập, trở thành nơi trú ngụ cho những nông dân tìm cách thoát khỏi sự bạo ngược của lãnh chúa. Cải cách Tin Lành khởi đầu cho một thế kỷ rưỡi chiến tranh tôn giáo, làm xáo trộn bản đồ chính trị châu Âu. Nó mở ra các khả năng lựa chọn tôn giáo theo cách không thể có được dưới thời Giáo hội trung cổ. Việc phát minh ra báo in khiến cho người dân ở khắp nơi đều biết chữ và ý tưởng mới được lan tỏa nhanh chóng. Biến chuyển về kinh tế và xã hội trên quy mô rộng khiến các cá nhân bỗng có nhiều lựa chọn và cơ hội hơn trong cuộc sống. Trong xã hội cũ, những lựa chọn xã hội hữu hạn sẽ quyết định nội ngã của mỗi người, khi chân trời mới mở ra, câu hỏi “Tôi là ai?” bỗng nhiên trở nên gần gũi hơn, tương tự với nhận thức về hố sâu ngăn cách rộng lớn đang tồn tại giữa con người nội tại và thực tế bên ngoài. Các ý tưởng đã định hình thế giới vật chất, và thế giới vật chất tạo điều kiện cho sự lan tỏa của một số ý tưởng nhất định. G. R. Elton, Reformation Europe, 1517-1559 (New York: Harper Torchbooks, 1963), 2.↩︎ Martin Luther, Christian Liberty, ed. Harold J. Grimm (Philadelphia: Fortress Press, 1957), 7- 8.↩︎ Nhiều thế kỷ trước Martin Luther, Augustinô đã đi theo con đường khổ hạnh tương tự của nội ngã trong Lời thú tội. Tuy nhiên, không giống như Luther, các tác phẩm của ông không làm giảm giá trị của thể chế xã hội hoặc gây ra biến động lớn trong chính trị và xã hội thời đó.↩︎ Charles Taylor, Sources of the Self: The Making of the Modern Identity (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1989), 18.↩︎ Elton, Reformation Europe, 196.↩︎ Xem Taylor’s Sources of the Self and Multiculturalism: Examining the Politics of Recognition (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1994).↩︎ Xem Arthur M. Melzer, The Natural Goodness of Man: On the System of Rousseau’s Thought (Chicago: University of Chicago Press, 1990).↩︎ Jean-Jacques Rousseau, Oeuvres complètes de Jean-Jacques Rousseau, vol. 3 (Paris: Éditions de la Pléiade, 1966), 165-66. Author’s translation↩︎ Ibid., 165.↩︎ Jean-Jacques Rousseau, Les rêveries du promeneur solitaire (Paris: Éditions Garnier Frères, 1960), 17. Tác giả dịch.↩︎ Charles Taylor, The Ethics of Authenticity (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1992), 26.↩︎ Niềm tin của Rousseau rằng tình dục là tự nhiên nhưng không phải là gia đình dường như không đúng với con người hiện đại có tính hành vi. Tuy nhiên, điều đó đúng với loài tinh tinh hiện đại và cũng có thể đúng với tổ tiên của người hiện đại được cho là loài giống tinh tinh↩︎ Phân tích sâu hơn về chủ đề này, xem Fukuyama, Origins of Political Order, 26-38.↩︎ Frank, Choosing the Right Pond, 21-25.↩︎ 4 TỪ PHẨM GIÁ ĐẾN DÂN CHỦ Quan niệm hiện đại về bản sắc là sự hợp nhất ba hiện tượng khác nhau. Đầu tiên là thymos, khía cạnh phổ quát về tính cách con người khát khao có được sự thừa nhận. Thứ hai là việc phân biệt được nội ngã và ngoại ngã, và đề cao giá trị đạo đức của nội ngã đối với xã hội bên ngoài. Điều này chỉ xuất hiện ở châu Âu thời kỳ tiền hiện đại. Thứ ba là quan niệm về nhân phẩm ngày càng thay đổi, trong đó sự công nhận không chỉ dành cho một tầng lớp nhỏ, mà còn cho tất cả mọi người. Việc mở rộng và phổ quát hóa phẩm giá đã biến cuộc tự vấn về bản ngã trở thành một đề án chính trị. Trong tư tưởng chính trị phương Tây, sự thay đổi này diễn ra ở thế hệ sau Rousseau, bởi các triết gia Immanuel Kant và đặc biệt là Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Theo Socrates, phẩm giá là thứ mà các chiến binh của cộng đồng chính trị cần có, người thể hiện sự can đảm và sẵn sàng mạo hiểm hy sinh vì việc công. Đó là một cách hiểu về nhân phẩm, nhưng vẫn có những cách hiểu khác. Trong sách Sáng thế của Kinh Thánh, Adam và Eva sống trong hồn nhiên cho đến khi con rắn xúi giục Eva ăn trái cấm từ Cây Nhận thức Thiện - Ác. Khi ăn trái này, họ ngay lập tức nhận thức được bản thân đang trần truồng, cảm thấy xấu hổ và cố gắng che đậy thân thể. Chúa trục xuất họ ra khỏi Vườn Địa đàng vì vi phạm điều răn của ông, và loài người sau đó sống trong tình trạng sa ngã bởi vì tội tổ tông truyền này. Quan niệm về phẩm giá của Kitô giáo xoay quanh năng lực lựa chọn đạo đức này. Con người có khả năng phân biệt thiện và ác, họ có thể chọn làm điều tốt, ngay cả khi họ thường xuyên không làm như vậy, như Adam và Eva. Biện minh của Luther bằng đức tin chỉ đơn giản là biểu hiện của lựa chọn này. Và mặc dù Adam và Eva đã có lựa chọn sai lầm, những lựa chọn của họ sẽ là vô nghĩa nếu họ không có khả năng phạm tội. Bằng cách ăn trái cấm, họ thiết lập trạng thái đạo đức của họ và con cháu, những người từ đó biết được sự khác nhau giữa thiện và ác và có thể lựa chọn. Động vật không có khả năng biết thiện và ác vì chúng hành động theo bản năng, trong khi Chúa, hiểu theo một cách nào đó, là sự nhân từ thuần khiết và luôn có lựa chọn đúng đắn. Năng lực lựa chọn của con người mang lại cho con người địa vị cao hơn động vật vì năng lực này can dự vào năng lực nhân từ của Chúa, tuy nhiên thấp hơn Chúa vì con người có khả năng phạm tội. Theo nghĩa này, trong truyền thống Kitô giáo, tất cả con người về cơ bản đều bình đẳng: tất cả đều được ban cho một năng lực lựa chọn như nhau. Trọng tâm của lựa chọn đạo đức đối với nhân phẩm được mục sự dòng Baptist là Martin Luther King Con nhấn mạnh, “tôi có một giấc mơ rằng bốn đứa con nhỏ của tôi một ngày nào đó sẽ sống ở một quốc gia nơi chúng sẽ không bị phán xét bởi màu da mà qua bản chất tính cách của chúng”, nghĩa là qua lựa chọn đạo đức do nội ngã tạo ra, chứ không phải bởi những đặc điểm bên ngoài. Immanuel Kant đưa ra phiên bản thế tục cho cách hiểu này của Kitô giáo về phẩm giá trong cuốn Phê phán Lý trí Thực hành (Critique of Practical Reason) và các tác phẩm khác như Cơ sở cho siêu hình học về Đạo đức (Groundwork to a Metaphysics of Morals). Ông khẳng định chúng ta không thể tìm ra điều gì là tốt vô điều kiện ngoài thiện chí - đó là năng lực lựa chọn đạo đức đúng đắn. Nhưng Kant không nhìn nhận điều này dưới thuật ngữ của tôn giáo, lựa chọn có đạo đức, theo ông, bao hàm khả năng tuân theo quy tắc trừu tượng về lý trí vì ích lợi của chính quy tắc đó, chứ không phải vì lý trí là công cụ hướng tới kết quả mong đợi về lợi ích hay hạnh phúc của con người mà lựa chọn đó ngầm theo đuổi. Năng lực của con người đối với lựa chọn đạo đức có nghĩa là con người không phải là cỗ máy tuân theo định luật vật lý, như Hobbes nhận định; mà là chủ thể có đạo đức, có thể đưa ra lựa chọn một cách độc lập với môi trường vật chất quanh họ và, bởi thế, [năng lực ấy] cần phải được coi như là đích đến của chính họ, thay vì là đích đến của những công cụ khác. Quy tắc đạo đức không phải là phép tính hàm lợi ích đưa ra các kết quả nhằm tối đa hóa hạnh phúc của con người, mà là bản thân hành động lựa chọn. Đối với Kant, nhân phẩm xoay quanh ý chí của con người, rằng loài người là chủ thể đích thực hay là nguyên nhân không được tạo ra (uncaused cause). Triết gia Hegel đồng thuận với mối liên hệ này, giữa lựa chọn đạo đức và nhân phẩm; con người là chủ thể tự do về mặt đạo đức, không chỉ là cỗ máy duy lý đơn thuần tìm cách tối đa hóa việc thỏa mãn ham muốn của bản thân. Nhưng không giống như Rousseau hay Kant, Hegel đặt việc chủ thể đạo đức đó muốn được thừa nhận là trọng tâm trong các phân tích của ông về thân phận con người. Trong tác phẩm Hiện tượng học Tinh thần (The Phenomenology of Spirit), ông lập luận rằng lịch sử loài người bị chi phối bởi cuộc đấu tranh cho sự công nhận. Nhu cầu ban đầu đến từ chiến binh sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho một trận chiến đẫm máu, không phải vì bảo vệ lãnh thổ hay của cải, mà đơn giản bởi chính sự công nhận. Nhưng sự công nhận này cuối cùng không được thỏa mãn bởi vì đó là sự công nhận cho một nô lệ, tức là của người không có phẩm giá. Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết khi nô lệ có được phẩm giá thông qua lao động, thông qua khả năng biến thế giới thành một nơi phù hợp với con người. Cuối cùng, dạng thức duy lý duy nhất của sự công nhận là sự công nhận lẫn nhau giữa chủ và nô lệ với nhân phẩm mà họ cùng đồng thuận. Những cuộc đấu tranh này, theo Hegel, không tự phát triển và kết thúc chủ yếu theo cách thức cá nhân truy tìm bản ngã, như đã diễn ra với Rousseau, mà mang tính chính trị. Cuộc xung đột lớn trong thời đại của ông là Cách mạng Pháp, và tôn chỉ bảo vệ quyền Con người (the Rights of Man). Chàng trai trẻ Hegel chứng kiến Napoléon cưỡi ngựa qua khu phố trường đại học của ông sau Trận Jena năm 1806 và thấy được trong hành động đó tính phổ quát hóa về sự công nhận chớm hình thành, theo những nguyên tắc của Cách mạng Pháp. Đây là yếu tố khiến Hegel tin rằng lịch sử sẽ đi đến hồi kết: lịch sử lên đến đỉnh điểm trong ý tưởng về sự công nhận mang tính phổ quát; các sự kiện về sau đơn giản chỉ là nhằm truyền bá nguyên tắc này đến những nơi xa xôi nhất của địa cầu. Một chế độ dân chủ tự do dựa trên quyền cá nhân sẽ coi vấn đề phẩm giá bình đẳng là điều cần được pháp luật bảo vệ thông qua việc thừa nhận công dân là chủ thể đạo đức, có năng lực tham gia vào quyền tự quyết của họ. Trong thời đại của Hegel, nguyên tắc này bị một vị tướng trên lưng ngựa áp đặt cho nhiều quốc gia, nhưng với Hegel, đây là tình tiết nhỏ trong câu chuyện lớn hơn về sự phát triển tự do của con người. Đến đầu thế kỷ 19, hầu hết các thành tố trong quan niệm hiện đại về bản sắc đã xuất hiện: sự phân biệt nội ngã và ngoại ngã, đặt giá trị của nội tính cao hơn các đồng thuận tồn tại trong xã hội, hiểu rằng phẩm giá của nội ngã dựa trên sự tự do đạo đức, quan điểm rằng tất cả con người đều chia sẻ sự tự do đạo đức này, và nhu cầu cho việc nội ngã tự do cần được thừa nhận. Hegel đưa ra sự thật nền tảng về chính trị hiện đại, rằng những khát vọng lớn lao được thể hiện thông qua các sự kiện như Cách mạng Pháp là cuộc đấu tranh nền cho phẩm giá. Nội ngã không chỉ là vấn đề tự soi xét bản thân; sự tự do của nội ngã nên được thừa nhận trong quyền và pháp luật. Sự trỗi dậy của nền dân chủ, điều đã diễn ra hai thế kỷ sau khi có Cách mạng Pháp, được thôi thúc bởi việc các dân tộc đòi hỏi tính nhân vị chính trị (political personhood) của họ cần được thừa nhận, họ là chủ thể đạo đức có năng lực chia sẻ quyền lực chính trị. Nói cách khác, nô lệ sẽ nổi dậy chống lại giới chủ, thế giới nơi chỉ thừa nhận phẩm giá của số ít sẽ bị thay thế bởi một thế giới mà nguyên tắc nền tảng là thừa nhận phẩm giá của tất cả mọi người. 5 CÁC CUỘC CÁCH MẠNG PHẨM GIÁ Nhu cầu được thừa nhận phẩm giá một cách bình đẳng thổi luồng sinh khí cho cách mạng Pháp, và nó vẫn tiếp tục sống động cho đến ngày nay. Ngày 17 tháng Mười hai năm 2010, cảnh sát tịch thu hàng hóa trên xe chở rau của một người bán hàng rong ở Tunisia tên là Mohamed Bouazizi, lấy lý do anh không có giấy phép. Theo lời gia đình kể lại, anh bị một nữ cảnh sát, Faida Hamdi, tát ngay trước mặt mọi người, cũng là người đã tịch thu cả cân điện tử của anh và nhổ nước bọt vào mặt anh (việc Hamdi là nữ có thể tăng thêm cảm giác nhục nhã trong một nền văn hóa trọng nam). Bouazizi đã đến văn phòng thống đốc để phàn nàn và lấy lại chiếc cân, nhưng thống đốc từ chối gặp anh. Bouazizi sau đó đổ xăng lên người và tự thiêu, hét lên, “Các người muốn tôi sống sao?” Tin tức về vụ việc này lan nhanh như cháy rừng ra khắp thế giới Ả Rập, bùng phát ngọn lửa khác với tên gọi Mùa xuân Ả Rập. Hiệu ứng tức thì thấy rõ ở Tunisia, nơi mà chưa đầy một tháng sau, bạo loạn tràn lan dẫn đến việc nhà độc tài cố vị Zine El Abidine Ben Ali rời ghế và từ chức. Các cuộc biểu tình quy mô lớn nổ ra ở các thành phố Ả Rập khác, đáng chú ý nhất ở Ai Cập gần đó, nơi mà vị lãnh đạo uy quyền Hosni Mubarak bị buộc phải từ bỏ quyền lực vào tháng Hai năm 2011. Các cuộc biểu tình và nổi dậy diễn ra ở Libya, Yemen, Bahrain và Syria, khi dân chúng cảm thấy được trao quyền và bỗng nhiên sẵn sàng chỉ trích các nhà lãnh đạo chuyên quyền. Điều được tất cả những người biểu tình này cùng chia sẻ là sự phẫn nộ vì cho rằng họ bị chính phủ làm nhục và coi thường. Ả Những năm sau đó, Mùa xuân Ả Rập chuyển biến xấu đi một cách tệ hại. Thảm kịch đau lòng nhất xảy ra ở Syria, nơi nhà độc tài Bashar al-Assad từ chối rời bỏ quyền lực và phát động cuộc chiến chống lại chính người dân của mình, khiến cho tới nay có hơn 400.000 người bị giết hại và hàng triệu người buộc phải di tản. Ở Ai Cập, các cuộc bầu cử dân chủ sớm đưa Tổ chức Anh em Hồi giáo lên nắm quyền; lo ngại về việc tổ chức này áp đặt chủ nghĩa Hồi giáo của mình lên đất nước đã khiến quân đội tiến hành đảo chính năm 2013. Libya và Yemen rơi vào nội chiến đẫm máu, và các nhà cai trị chuyên quyền siết chặt kìm kẹp trên toàn bộ khu vực. Chỉ Tunisia, nơi Mùa xuân Ả Rập khởi phát, bắt đầu giống một nền dân chủ tự do hơn, nhưng thực tại này vẫn mong manh như ngàn cân treo sợi tóc. Khi nhìn lại những sự kiện này, sẽ dễ dàng phán xét rằng Mùa xuân Ả Rập ngay từ đầu không liên quan gì đến dân chủ, và xu hướng chính trị chủ yếu của khu vực là mô hình chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, điều này không công bằng cho khát vọng chính trị được cởi trói từ hành động tự thiêu của Mohamed Bouazizi. Thế giới Ả Rập phải chịu đựng chế độ độc tài đàn áp và trì trệ trong nhiều năm; tại sao đột nhiên đông đảo mọi người lại liều mạng đáp trả chỉ vì một sự cố? Tình tiết trong câu chuyện của Bouazizi rất quan trọng. Anh không phải là người biểu tình hay tù nhân chính trị bị chế độ ngược đãi, mà là công dân bình thường đang vật lộn để mưu sinh trong khu vực kinh tế phi chính thức. Nhiều nhà doanh nghiệp ở các nước đang phát triển hoạt động phi chính thức và hoạt động của chính phủ khiến việc tuân thủ một loạt quy định pháp lý để điều hành một doanh nghiệp chính thức là quá khó khăn. Điều khiến trường hợp của Bouazizi rất đỗi quen thuộc với hàng triệu người ở thế giới Ả Rập là cách mà anh bị nhà nước Tunisia đối xử: hàng hóa để anh kiếm sống bị tịch thu tùy tiện, anh bị công khai sỉ nhục và khi cố gắng phàn nàn và đi tìm công lý, không ai lắng nghe. Nhà nước không đối xử với anh như một con người: đó là một chủ thể đạo đức xứng đáng nhận được sự tôn trọng tối thiểu, ít nhất là xứng đáng nhận được một lời giải thích hoặc biện minh cho lý do tại sao sinh kế của mình bị tịch thu. Đối với hàng triệu người trong thế giới Ả Rập, hành động tự thiêu của anh là kết tinh cho cảm giác bất công mà họ cảm nhận về chế độ đang cai trị mình. Ả Ả Thế giới Ả Rập sau đó rơi vào hỗn loạn vì chính người Ả Rập cũng không thể thống nhất về việc mô hình nào sẽ thay thế chế độ độc tài cũ. Tuy nhiên, trong một thời điểm vào năm 2011, họ có sự đồng thuận mạnh mẽ về những gì họ không thích: chính phủ chuyên quyền đối xử với họ tốt lắm cũng chỉ như với trẻ con, còn tồi tệ nhất thì như con rối để các chính trị gia tham nhũng lừa gạt, bóc lột về mặt kinh tế hoặc sử dụng làm bia đỡ đạn trong chiến tranh. Trong hai thế hệ vừa qua, thế giới chứng kiến nhiều cuộc nổi dậy tự phát chống lại nhà nước chuyên quyền như sự chuyển đổi của Nam Phi từ chế độ phân biệt chủng tộc apartheid, các phong trào dân sự khác ở châu Phi hạ-Sahara những năm 1990, “các cuộc cách mạng đa sắc màu” ở Georgia và Ukraine đầu những năm 2000, trong đó việc thừa nhận phẩm giá cơ bản là vấn đề trọng tâm. Một trong những cuộc nổi dậy đó trên thực tế đã được gọi là cuộc Cách mạng Phẩm giá. Tháng Mười một năm 2013, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych tuyên bố ngừng những nỗ lực hoàn tất thỏa thuận hợp tác với Liên minh châu Âu và thay vào đó sẽ tìm kiếm sự hợp tác mật thiết hơn với Nga trong Liên minh Kinh tế Á Âu của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Yanukovych từng làm tổng thống vào thời điểm Cách mạng Cam năm 2004; những gian lận nhằm tái cử của ông làm dấy lên cuộc nổi dậy trên quy mô lớn buộc ông phải từ bỏ quyền lực. Tuy nhiên, đến năm 2010, ông trở lại vị trí tổng thống khi Liên minh Màu Cam nắm quyền bất đồng và tha hóa đã không thể thực hiện lời hứa lúc nắm giữ quyền lực. Nỗ lực của Yanukovych đưa Ukraine trở về phe Nga gây ra một loạt cuộc biểu tình tự phát ở thủ đô Kyiv khi vào đầu tháng Mười hai, gần 800.000 người tụ tập tại Maidan để ủng hộ việc tiếp tục thỏa thuận hợp tác với EU. Chế độ của ông phản ứng bằng bạo lực, nhưng cũng giống như nhiều trường hợp tương tự, sát hại người biểu tình chỉ càng thổi bùng thêm sự phẫn nộ và tăng quy mô đám đông ủng hộ phong trào thân Liên minh châu Âu (Euromaidan). Sau cái chết của hơn một trăm người biểu tình vào tháng Hai, Yanukovych mất kiểm soát tình hình và rời ghế tổng thống lần thứ hai, mở ra một giai đoạn chính trị mới cho Ukraine. Từ những sự kiện này, mức độ thành công trong việc xây dựng nền dân chủ tự do của Ukraine không hơn gì Tunisia. Kinh tế và chính trị bị chi phối bởi một nhóm đứng đầu, một trong số đó, Petro Poroshenko, sau này được bầu làm tổng thống cuối năm 2014. Tuy thế, điều quan trọng là phải hiểu được động cơ căn bản của các chủ thể chính trị liên quan, những người tạo nên cuộc biểu tình Euromoidan và Cách mạng Phẩm giá. Đúng ra, cuộc nổi dậy không phải vì dân chủ, nếu nền dân chủ mà chúng ta nhắc tới liên quan đến lựa chọn chúng được thể hiện thông qua bầu cử. Yanukovych được bầu làm tổng thống một cách chính danh vào năm 2010, dựa trên sự ủng hộ từ Đảng Các Khu vực của ông. Chính xác hơn, cuộc chiến liên quan đến nạn tham nhũng và lạm quyền. Yanukovych với tư cách là tổng thống có thể đã tích lũy hàng tỷ USD tài sản cá nhân, khi những tiết lộ về cung điện xa hoa và các tài sản khác của ông sớm được phơi bày. Đảng Các Khu vực nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ một cái đầu đứng trong bóng tối, Rinat Akhmetov, người kiểm soát hầu hết các ngành công nghiệp lớn ở miền đông Ukraine. Lựa chọn liên minh với EU hay nước Nga của Putin được coi như lựa chọn giữa việc sống trong một chính phủ hiện đại đối xử với mọi người như những công dân bình đẳng và sống trong chế độ mà dân chủ bị thao túng bởi những kẻ bất lương tự dàn xếp với nhau, đứng đằng sau bức màn dân chủ. Nước Nga dưới thời Putin là đại diện tiêu biểu cho kiểu nhà nước này, việc liên kết mật thiết hơn với Nga chứ không phải châu Âu đại diện cho bước đi vào một thế giới, trong đó quyền lực thực thụ do tầng lớp tinh hoa vô trách nhiệm nắm giữ. Từ đó tạo ra niềm tin rằng cuộc nổi dậy Euromaidan hướng về việc đảm bảo quyền phẩm giá cơ bản của dân thường. Những bộc phát hiện hữu ở giai đoạn đầu của Mùa xuân Ả Rập và ở các cuộc cách mạng đa sắc màu chỉ ra đâu là cốt lõi đạo đức của nền dân chủ tự do hiện đại. Các chế độ như vậy dựa trên nguyên tắc tự do và bình đẳng cùng tồn tại song hành. Tự do có thể được hiểu theo nghĩa tiêu cực, như không chịu sự kiểm soát từ quyền lực của chính quyền. Đây là cách mà nhiều người Mỹ bảo thủ giải thích từ này: cá nhân phải được phép tiếp tục cuộc sống riêng tư của mình theo cách họ muốn. Nhưng tự do thường có nghĩa lớn hơn việc không bị chính quyền quản chế: nó mang nghĩa chủ thể con người, khả năng thực hiện một phần quyền lực thông qua sự tham gia chủ động vào việc tự cai trị. Đây là yếu tố của tính chủ thể mà đám đông trên đường phố Tunis, Cairo hay Kyiv cảm nhận được, lần đầu tiên họ cảm thấy mình có thể thay đổi cách thức sử dụng quyền lực chính quyền. Sự tự do này được thể chế hóa bằng quyền bầu cử, đem tới cho mỗi người dân một phần nhỏ quyền lực chính trị. Nó cũng được thể chế hóa bằng quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp, con đường dẫn tới tự biểu đạt chính trị. Do đó, nhiều hiến pháp dân chủ hiện đại bảo vệ nguyên tắc về quyền phẩm giá bình đẳng. Chúng dựa trên truyền thống Kitô giáo cho rằng phẩm giá bắt nguồn từ chủ thể đạo đức của con người. Nhưng chủ thể đó không còn được nhìn nhận theo nghĩa của tôn giáo, như khả năng chấp nhận Chúa; mà là khả năng tham gia vào việc thực thi quyền lực với tư cách là thành viên của một cộng đồng chính trị dân chủ. Nguyên tắc thứ hai trong những nền dân chủ tự do hiện đại, sự bình đẳng hiếm khi được hiểu theo hàm ý về một cam kết bình đẳng thực thụ về kinh tế hay xã hội. Chế độ xã hội chủ nghĩa, khi cố gắng biến điều này thành hiện thực, sớm nhận thấy chính mình đang vi phạm nguyên tắc đầu tiên về tự do, đòi hỏi thực hiện quyền kiểm soát của nhà nước với quy mô lớn đối với đời sống người dân. Nền kinh tế thị trường dựa trên việc theo đuổi lợi ích cá nhân, dẫn đến bất bình đẳng về tài sản, do năng lực và hoàn cảnh lúc sinh ra khác nhau của mỗi người. Bình đẳng trong nền dân chủ tự do hiện đại luôn mang nghĩa tương tự như bình đẳng về tự do. Điều này hàm ý cả về tự do phủ định, tức là không bị chính quyền lạm dụng quyền lực, lẫn tự do khẳng định quyền tham gia vào việc tự cai trị và giao thương kinh tế. Nền dân chủ tự do hiện đại thể chế hóa các nguyên tắc tự do và bình đẳng này bằng cách tạo ra nhà nước đủ năng lực nhưng bị ràng buộc bởi pháp quyền và trách nhiệm giải trình dân chủ. Pháp quyền giới hạn quyền lực bằng cách trao các quyền cơ bản nhất định cho người dân - cụ thể là nhà nước không thể hạn chế lựa chọn cá nhân trong một số lĩnh vực nhất định như ngôn luận, quyền hiệp hội, tài sản và niềm tin tôn giáo. Pháp quyền cũng tuân thủ nguyên tắc bình đẳng thông qua việc áp dụng bình đẳng các quy tắc đó với mọi công dân, kể cả người nắm giữ chức vụ chính trị cao nhất trong hệ thống. Đổi lại, trách nhiệm giải trình dân chủ trao cho tất cả công dân trưởng thành một phần quyền lực bằng cách trao quyền cho họ và cho phép họ thay thế giới cai trị nếu họ phản đối cách thức giới cai trị sử