🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bạn Chỉ Tưởng Là Mình Đang Rất Cố Gắng - Lý Thượng Long full mobi pdf epub azw3 [Self Help]
Ebooks
Nhóm Zalo
LÝ THƯỢNG LONG
BẠN CHỈ TƯỞNG
LÀ MÌNH ĐANG RẤT CỐ GẮNG
Dịch giả: Thanh Đậu &Vinh Chi
Nhã Nam & NXB Dân Trí
IMPORTANT NOTES
Phiên bản ebook của sách này được làm nhằm mục đích truyền cảm hứng và khuyến khích văn hoá đọc, hoàn toàn không vì mục đích thương mại. Người tạo ebook không hưởng lợi gì từ ebook này. Nếu có thể, hãy ủng hộ Nhà xuất bản và tác giả bằng cách mua sách gốc. Xin cảm ơn!
This ebook was created solely for the purpose of inspiring and encouraging a reading culture, not for any commercial purposes. The maker of this ebook shall not derive any benefits from its circulation. If it is within your capabilities, please support the author and the publisher by purchasing a original hard copy. Thank you!
LỜI NÓI ĐẦU
Thật ra là nằm ở bìa sau quyển sách
Vì sao bạn cố gắng mãi mà không đạt được thành quả như ý? Vì sao ngày nào bạn cũng bận bịu mà chẳng thu được gì?... Bạn đã thật sự cố gắng chưa, hay chỉ tưởng là mình đang cố gắng?
Cuốn sách này không mang đến những bài viết truyền cảm hứng sáo rỗng, mà đều là những câu chuyện chân thực xoay quanh tác giả cùng những quan điểm, dù đúng dù sai, cũng hết sức chân thành. Chúng mang đầy hơi thở cuộc sống, phản chiếu suy nghĩ và khát vọng của lứa tuổi thanh niên bồng bột nhưng tràn đầy nhiệt huyết. Đúng như Socrates từng nói: “Cuộc sống không phải do bản thân trải nghiệm thì không đáng sống”, cố gắng mà không hiểu rõ mình cố gắng vì cái gì, lại càng không xứng đáng.
Bạn sẽ hiểu được thế nào là “chỉ tưởng rằng mình đang cố gắng”, sẽ tránh được trạng thái “tưởng là hòa đồng, thực ra lại là lãng phí tuổi xuân”, biết “bỏ qua những lời phê phán vô dụng” và “tránh lối tư duy của kẻ yếu”. Cuối cùng, nếu như bạn tin rằng có con đường để thay đổi số phận, thay đổi tương lai, những câu chuyện và con người trong sách này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho bạn!
LỜI GIỚI THIỆU 1
Giữ lấy sự nhiệt tình đối với bản thân
Cổ Điển - Người sáng lập công ty New Elite Development, Chuyên gia tư vấn đời sống nổi tiếng.
Tôi xem lướt qua tất cả phần mở đầu các bài viết của anh Long, vừa xem vừa buồn cười... trong mười bài đầu thì có chín bài xuất hiện chữ “tôi” ở dòng đầu tiên, gần nhất là ở chữ thứ hai, “theo tôi thấy", xa nhất cũng chỉ ở dòng thứ hai mà thôi.
Tôi nghĩ, một gã phải tự yêu bản thân, lại nhiệt tình và có năng lực quan sát lắm mới viết được như thế, từ câu chuyện của mình mà nhìn cuộc đời, từ cuộc đời của mình mà nói về cuộc đời của người khác (đương nhiên, bệnh của tôi còn nặng hơn, nhìn lại dòng đầu tiên mà xem). Nietzsche là tổ sư viết kiểu này, trong tác phẩm Ecce Homo của mình, ông đã bắt đầu viết “tôi” ngay từ phần mục lục: 1, Tại sao tôi lại có trí tuệ như vậy; 2, Tại sao tôi lại thông minh như vậy; 3, Tại sao tôi lại viết ra cuốn sách hay như vậy.
Nhưng, cũng may đây đúng là một cuốn sách thực sự liên quan đến “bản thân”.
Mark Twain từng kể về việc viết văn của mình thế này: Ông thường ngồi trước trang giấy trắng suốt mấy giờ đồng hồ, viết rồi lại xóa, cho đến khi viết được một câu “thực sự ra câu”. Sau đó ông tự nhủ: “Nếu ta viết được
một câu, ta chắc chắn có thể viết ra câu tiếp theo.” Cứ thế, cho đến khi hoàn thành cả cuốn sách.
Tôi có cảm giác, cuốn sách này cũng được viết ra như thế. Đây là một cuốn sách về “tôi” - một người trẻ tuổi, tất cả các câu chuyện đều bắt đầu bằng “Một người bạn của tôi”, đến “Tôi phát hiện”, sau đó kết thúc bằng “Tôi cảm thấy”. Qua những câu chuyện này, anh Long bàn luận về vấn đề “Bạn chỉ giả bộ cố gắng”, tuyên bố “Tôi đã trưởng thành rồi, buông tay đi”, nói cho bạn biết “Khi từ biệt, cần phải để tâm một chút", bàn về “Ai là
người tốt với bạn” và “Đừng kết hôn với người mình quá yêu.” Có lúc tôi phải cảm thán, một người thuộc thế hệ 9x, không ngờ lại có tư tưởng thú vị như thế...
Nếu bạn cũng giống tôi, là một người lớn lên ở những thành phố và nông thôn đang phát triển nhanh chóng, trải qua tuổi thanh xuân tàn khốc trong sự kìm kẹp ở trường cấp III, trường đại học, lăn lộn kiếm sống giữa xã hội phức tạp, mà vẫn ôm trong lòng mộng tưởng, vậy thì bạn không thể tránh khỏi những vấn đề này. Kiểu như một người ôm theo con thỏ nhỏ mà mình yêu quý chen vào tàu điện ngầm vậy, những vấn đề ấy giống như những người xa lạ với gương mặt mơ hồ chen chúc ập đến bạn, bạn không thể tránh né, chỉ có thể đối mặt mà thôi.
Bởi vậy, đây là một cuốn sách chân thực. Những câu chuyện trong sách đều là thực, quan điểm dù đúng dù sai, cũng đều chân thành. Nếu nhìn từ góc độ học thuật, những câu chuyện về “người bạn của tôi” như vậy đều không danh tính, diện mạo mơ hồ, khó mà trở thành chứng cứ để lập luận được. Nhưng đọc xong ngẫm lại tận tường, lại cảm thấy chúng rất chân thực và hoàn chỉnh. Bạn gần như có thể tìm được ngay một người tương tự trong cuộc sống thực. Giống như những câu chuyện cười mà bạn kể về “một người bạn” vậy, người nghe đều biết đó chính là bạn.
Tôi từng trịnh trọng viết thế này: “Từ góc độ chuyên nghiệp của một chuyên gia tư vấn đời sống, tôi thấy có rất nhiều điểm cần phải mài giũa. Một số quan điểm còn có sự xung đột, một vài suy nghĩ còn thiếu hệ thống. Nhưng tư duy như vậy đã là hiếm có lắm rồi.” Viết như vậy thể hiện tôi khá lý tính và chuyên nghiệp, về sau, tôi cũng gạch bỏ câu này đi, vì nói như thế không chân thực.
Tuổi trẻ thực sự, không phải là như thế.
Tuổi trẻ thực sự là vô tri, khi đến tuổi trung niên ngoảnh đầu nhìn lại mới phát hiện, hóa ra chúng ta chẳng biết quái gì về cuộc đời, xã hội, và tình cảm cả. Nhưng lúc này, xin hãy giữ lấy sự vô tri đáng quý đó.
Tuy rằng chúng ta không hiểu thế giới này, nhưng không hiểu sao chúng ta lại cảm thấy mình có thể đi khắp thế giới, tuy rằng chúng ta không hiểu về tình yêu, nhưng lần nào chúng ta cũng dốc hết trái tim ra mà yêu; tuy rằng chúng ta bị hiện thực dập cho sứt đầu mẻ trán, nhưng chúng ta vẫn vô cùng
lạc quan, nhận định rằng thế giới này sẽ nhờ mình mà thay đổi. Cuối cùng, thế giới này thực sự đã thay đổi vì những người như thế. Sự vô tri quý báu ấy, là thứ mạnh mẽ nhất.
Gibran nói: "Bạn không thể cùng lúc sở hữu cả tuổi trẻ lẫn tri thức về tuổi trẻ, vì tuổi trẻ bận rộn với kế sinh nhai, không có thời gian tìm tòi học hỏi, còn tri thức lại bận rộn với việc tìm kiếm bản thân, không thể hưởng thụ cuộc sống." Vì vậy, tuổi trẻ cần ngông cuồng một chút, trung niên cần vững vàng một chút, già rồi thì cần trang nghiêm một chút. Nếu lúc trẻ bạn không ngông cuồng, đến khi có tuổi lại không kiềm chế được nữa, thành ra lưu manh.
Bởi thế tôi cảm thấy đọc cuốn sách này còn sảng khoái hơn đọc mấy loại sách trống rỗng nhạt toẹt, không nói về người sống kiểu như Hai mươi triết lý cuộc đời mà bạn không thể không biết nhiều; thực tế hơn một cuốn sách dịch chẳng biết từ tiếng nước nào về tiền lệ thành công của ai đấy, mở đầu bằng “Hồi Zuckerberg còn nhỏ..." hoặc là "Max là CEO của công ty xxx ở thung lũng Silicon"... đừng nói là thung lũng Silicon, những người dịch sách ấy có khi còn chưa đặt chân đến Trung Quan Thôn 1cũng nên. Đừng nói lý thuyết, đừng kể chuyện người khác, mà hãy nói về bản thân anh. Việc bản thân anh làm, niềm vui của bản thân anh, nỗi đau của bản thân anh, mới là mạnh mẽ nhất.
Đừng hỏi thế giới này cần cái gì, hãy là chính bản thân mình, điều thế giới này cần là chính bạn.
Hãy giữ lấy lòng nhiệt thành đối với "bản thân", giữ lấy sự vô tri quý báu của thời tuổi trẻ này.
Bởi vì, thế giới này thay đổi chính nhờ những người như bạn.
LỜI GIỚI THIỆU 2
Cuộc đời trông có vẻ bận rộn
Lưu Tư Khiết - tác giả cuốn sách Mong rằng có người cùng bạn lưu lạc khi khốn khó.
Năm 2010, tôi viết vào nhật ký: "Chúng ta lo âu phiền muộn, chẳng qua là vì phát hiện bản thân của hiện tại và bản thân trong tưởng tượng khác nhau quá xa." Mà nguyên nhân khiến chúng ta càng lúc càng rời xa bản thân trong hình dung của mình, một phần rất lớn là vì chúng ta đang phụ lòng chính mình từng chút, từng chút một.
Nói về phiền muộn, tôi phát hiện chúng ta ít nhiều đều rơi vào một cái vòng luẩn quẩn gọi là: chúng ta trông có vẻ bận rộn, thực ra là đang rất phiền muộn. Chúng ta lúc nào cũng hoắng lên muốn học hành, mua rất nhiều sách từ vựng về, nhưng chẳng bao giờ giở ra; chúng ta lúc nào cũng
được khuyến khích rèn luyện thân thể, vậy là bèn đi tìm hiểu rất nhiều chương trình, song chẳng bao giờ đụng đến; chúng ta lúc nào cũng thực lòng muốn đọc sách, bèn mua về rất nhiều sách, rồi chẳng bao giờ mở ra xem.
Chúng ta lúc nào cũng tốn rất nhiều thời gian trên mạng xã hội, tải về rất nhiều thứ mà mình cho là hữu ích, đến khi ổ cứng máy tính đầy các tài liệu, bạn cũng vẫn chưa buồn đọc.
Chúng ta bận bịu, nhưng lại không dành thời gian ấy ra tìm hiểu những thứ mình đã cẩn thận chắt lọc, lựa chọn. Chúng ta bỏ thời gian ra sưu tầm, song lại quên mất thứ quan trọng nhất là bỏ thời gian ra mà tiêu hóa chúng.
Bạn nói là bạn muốn làm nhà văn tự do, nhưng chẳng bao giờ thấy bạn cố gắng viết lách, bạn nói bạn muốn thi cao học, nhưng chẳng bao giờ thấy bạn đọc sách, làm bài, bạn gặp mọt sách thì khịt mũi khinh khỉnh nói sống như thế chẳng có ý nghĩa gì, bạn thấy người ta đi du lịch lại coi thường, bảo rằng chỉ là đi theo trào lưu. Tôi bắt đầu nghi ngờ những lời cửa miệng
của bạn có phải là cái cớ trốn tránh hiện thực hay không, tôi bắt đầu nghi ngờ có phải bạn đã trở nên lo lắng, bất an vì hết lần này đến lần khác trốn tránh hiện thực và tự an ủi bản thân mình hay không.
Sách mua về không đọc, thì chẳng qua chỉ là giấy in chữ lên mà thôi; sách từ vựng tiếng Anh mua về không học thuộc, cùng lắm cũng chỉ là tổ hợp sắp xếp của 26 chữ cái; các bài nói chuyện tải về mà không đọc, cũng chỉ là một đống hình ảnh vô dụng, có lẽ bạn chỉ tiện tay tải xuống, rồi chẳng bao giờ mở ra xem. Thế rồi, đến một ngày bạn nhận ra, những thứ tích trữ lại đã nhiều đến mức không xem hết nổi.
Bạn lướt qua một đống những bài nói chuyện, một chồng sách học từ tiếng Anh, càng lúc càng buồn bực vì không biết bắt tay từ đâu. Trì hoãn và chờ đợi, là thứ dễ đè bẹp ý chí của con người nhất trên thế gian này.
Tôi không biết có bao nhiêu người như thế, nhưng tôi có thể khẳng định, bên cạnh mỗi chúng ta hầu như đều có một người như vậy. Họ làm một số điều, không phải vì yêu thích hay vì đã suy nghĩ kỹ càng, mà chỉ muốn làm bản thân bận rộn, để khỏi có vẻ bị những người khác bỏ lại quá xa.
Đừng nhìn người khác làm việc gì tốt, việc gì hay là muốn thử làm việc đó, vì những gì một người thể hiện cho bạn xem chưa chắc đã là toàn bộ. Rất nhiều trường hợp, bạn phải chạy vào đường chạy của người khác rồi mới biết nó không thích hợp với mình. Nhìn bề ngoài rất hoành tráng, kỳ thực họ cũng có những nỗi khổ của riêng mình. Bạn cần phải nhìn rõ toàn bộ, rồi mới cẩn trọng đưa ra lựa chọn.
Vậy phải làm sao để đánh bại nỗi phiền muộn? Cách tốt nhất chính là đi làm những việc khiến bạn cảm thấy phiền muộn.
Đọc xong cuốn sách của Lý Thượng Long, tôi đột nhiên nghĩ đến những lời đã viết phía trên.
Cuốn sách này làm tôi hiểu ra vài điều mà đã lâu rồi tôi chưa hiểu được, hy vọng rằng bạn đọc xong cũng sẽ ngộ được vài điều, đi làm những việc xung quanh mình một cách rõ ràng, chính xác. Bạn biết đấy, hành động,
ẳ
xưa nay chẳng bao giờ phải đợi thời tiết tốt hay trạng thái tốt cả, thời khắc này chính là vĩnh hằng, thời khắc này chính là tất thảy.
Cùng cố gắng nhé.
Viết ở Melbourne,
LỜI TỰA (1)
Chào các bạn.
Cuốn sách này được viết từ năm năm trước, khi ấy tôi cũng như các bạn, đầy tò mò đối với thế giới, tràn ngập khát vọng với tương lai.
Vì không biết, thế nên lại càng kính sợ, vì không hiểu, thế nên lại càng muốn đi tìm tòi, vì còn trẻ, thế nên không chùn bước.
Tôi còn nhớ năm đó, giáo dục trực tuyến bùng nổ như ong vỡ tổ, tôi vừa nghỉ việc ở Tân Đông Phương, hoàn toàn không biết chút gì về lĩnh vực này.
Thế là, tôi và hai người bạn thân thành lập trang kaochong.com, rồi lại cùng mấy người bạn khác mở studio làm phim. Lúc đó, tôi tiêu sạch tiền tích lũy của mình, cảm thấy phải đập nồi dìm thuyền mới có thể cùng tiến cùng lùi.
Tuổi trẻ nên chịu vất vả một chút, thực ra đây là điều không tránh khỏi, tôi vẫn còn lờ mờ nhớ được những ngày tháng không trả nổi tiền nhà, những lúc đi ăn hàng luôn phải nhìn giá, nhờ đó tôi hiểu rằng, phải sinh tồn được, mới có thể nói về giấc mơ.
Chính vào thời điểm ấy, tôi viết cuốn sách này. Đây là những suy nghĩ thường ngày của tôi về tuổi trẻ, những tùy bút viết về cuộc sống, một số bài được lan truyền rộng rãi trên mạng, cũng có một số chỉ là tâm đắc tôi viết cho riêng mình. Những bản thảo ấy, tập hợp lại thành một cuốn sách.
Lúc đó, khi nhà xuất bản tìm gặp tôi đề xuất ra sách, tôi đã từ chối, vì tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại viết sách vào lúc này, viết sách đáng ra nên là việc mà người lớn tuổi thực hiện, tôi vẫn còn trẻ như thế, không muốn chết trẻ chút nào.
Sau này, áp lực kinh tế rốt cuộc cũng làm tôi khuất phục, nhà xuất bản thanh toán cho bốn mươi nghìn tệ, khoản tiền ấy trở thành thu nhập cấp
cứu của tôi.
Không ai ngờ được, trong những tháng ngày sau đó, cuốn sách này lại được rất nhiều người trẻ tuổi đọc trên giường, trên xe buýt, tàu điện, sau giờ học, trong ký túc xá.
Vì nó chân thực, nên càng được người ta trân trọng.
Rất nhiều người nói với tôi, cuốn sách này có ý nghĩa rất lớn đối với họ, nó đã thay đổi thói quen của họ, một số người chẳng bao giờ đọc sách, sau khi đọc xong cuốn sách này của tôi liền bắt đầu đọc những tác phẩm khác.
Nhờ câu chữ, họ đã trở nên mạnh mẽ hơn; vì đọc sách, họ cảm thấy không còn cô đơn.
Nhưng họ không biết, ý nghĩa của cuốn sách này đối với tôi, còn lớn lao hơn nhiều.
Cuốn sách này đã đưa tôi vào thế giới văn chương, tôi bắt đầu hiểu ra rằng, thông qua ghi chép, thông qua viết lách, tôi có thể lưu lại tư tưởng của mình lúc đó, có thể khiến bản thân mình tiến bộ.
Những năm gần đây, tôi đã viết được ba cuốn sách, chủ biên một bộ sách.
Nhìn lại cuốn sách này, cũng có một số quan điểm chưa được chín chắn lắm, nhưng tất cả nội dung đều chân thực, dũng cảm, rất giống tuổi trẻ của tôi khi đó.
Những năm này, tôi đã từ một thầy giáo tiếng Anh trở thành một đạo diễn trẻ, cùng với việc tự do về tài chính, tôi vẫn thích uống rượu, vẫn thích tụ tập với bạn bè, thích ăn xiên nướng ở hàng quán lề đường, mỗi lần đọc lại cuốn sách đầu tiên đều nhớ đến những tháng ngày hai bàn tay trắng.
Tôi nhớ khi cuốn sách này vừa xuất bản, tôi đã tự bỏ tiền đi du lịch khắp Trung Quốc.
Tôi nhớ cảnh mình và trợ lý Tiểu Tống ngồi xổm ăn mì kéo ngoài cổng một trường đại học, ăn xong liền vào giảng đường diễn thuyết.
Tôi nhớ một buổi ký tên bán sách chỉ có bốn mươi người đến, tổ chức ở một giảng đường có thể chứa được ba trăm người. Tôi nhớ cảnh mình ôm một con gấu bông lớn mà fan tặng chen chúc trong tàu điện ngầm.
Tôi còn nhớ hơn những gương mặt ấy: một bác lớn tuổi nhờ ký tên cho con ông, một học sinh trường quân đội nói cậu ấy muốn sống một cuộc đời khác, một cô gái nói cô ấy sẽ một mình nuôi con và sống tiếp...
Có người nói cảm ơn những bài viết của tôi, nhưng tôi cũng muốn nói:
Cảm ơn các bạn đã đi cùng tôi, chính nhờ có các bạn, mới có tôi mạnh mẽ hơn của ngày nay.
Trong lần tái bản này, tôi có thêm một số bài viết mới, sửa lại những quan điểm mà hiện giờ mình cho là không chín chắn, khi một lần nữa trông thấy bìa cuốn sách này, tôi bắt đầu hiểu ra: tuổi trẻ vẫn mãi còn đó, chỉ cần bạn không ngừng dũng cảm cố gắng.
Thấy văn như thấy người, hãy để những bài viết trong cuốn sách này cùng bạn trưởng thành nhé.
LÝ THƯỢNG LONG
27/7/2017
LỜI TỰA (2)
Năm trước, tôi mang theo kịch bản vừa viết xong đi gặp nhà đầu tư, uống trà với họ cả một buổi chiều, nói rất nhiều chuyện. Lúc ra khỏi quán nước, mặt tôi cứng lại vì cười, không sao giãn ra nổi nữa. Đúng đấy, tôi đã bị từ chối.
Lúc đó, đứng giữa con phố lớn, tôi đau khổ lắm. Lòng thầm nhủ, mình cố gắng đến thế rồi, tại sao vẫn không có ai chấp nhận câu chuyện của mình, trên đời này chỉ dựa vào cố gắng liệu có làm nên cơm cháo gì nữa không đây? Dựa vào cái gì mà điều kiện xuất thân của họ tốt hơn tôi, không cần
phải lo lắng chuyện cơm ăn áo mặc? Dựa vào cái gì mà họ có cơ hội tốt như thế còn tôi thì không? Dựa vào cái gì? Cái gì?
Lúc tôi về đến nhà thì đã là mười một giờ đêm. Khoảnh khắc bật đèn lên, tôi đột nhiên hiểu ra một điều: Oán trách cũng vô ích, tại sao lại không thu dọn hành trang tiếp tục lên đường? Tích cực hướng về phía trước cũng là một ngày trôi qua, tự ruồng rẫy bản thân cũng là một ngày trôi qua, cớ gì
mà không sống với hy vọng tràn đầy? Đã không tránh khỏi phải đi đến tối mịt, tại sao không giơ tay ra bật đèn lên?
Tôi cũng hiểu rằng, kỳ thực những cố gắng trước kia của mình, đều chỉ là biểu hiện giả tạo, trông có vẻ như rất cố gắng mà thôi.
Trông tưởng như mỗi ngày đều mang theo rất nhiều sách vở đến phòng tự học, nhưng lại mang theo cả điện thoại di động nữa; trông tưởng như buổi tối học bài rất muộn, nhưng lại chỉ ngồi bần thần ra đó, trông tưởng như đến phòng gym tập luyện, nhưng lại chỉ chụp dăm ba tấm ảnh đăng WeChat... học tập mà không có kế hoạch chỉ là lãng phí thời gian, cố gắng mà không đặt ra mục tiêu cũng chỉ là tự mình dối mình.
Dần dần, tôi bắt đầu viết ra kế hoạch mỗi ngày cho mình, mỗi tháng đều đặt ra cho bản thân một mục tiêu, cố gắng không vì người khác, không nhằm thể hiện. Tôi bước từng bước một, đi rất chậm, nhưng không dừng lại.
Đến ngày hôm nay, cuối cùng tôi đã hiểu ra, những động lực và cố gắng trong quá khứ, thực ra đều được báo đáp. Chỉ là, bạn đã thực sự dốc lòng hay chỉ làm bộ cho người khác thấy? Nhiều lúc, một người phải quỳ gối
lết đi, không có nghĩa là sau này anh ta chắc chắn sẽ đứng thẳng dậy được, nhưng một người biết ngẫm ngợi tại sao hiện tại mình phải quỳ gối, sau này nhất định sẽ giống như một người khổng lồ, vững vàng đứng lên, cái nhìn xuống thế gian này. Socrates từng nói: Cuộc sống không phải do bản thân trải nghiệm thì không đáng sống. Tôi cảm thấy rằng, cố gắng mà không hiểu rõ mình cố gắng vì cái gì, lại càng không xứng đáng.
Nếu bạn cũng giống như tôi tin chắc rằng dựa vào đôi bàn tay mình có thể thay đổi số phận, vậy chắc bạn sẽ thích những bài viết của tôi, thích quan điểm của tôi, thích những câu chuyện tôi kể bạn nghe, thích những con người trong cuốn sách này.
Trong cuốn sách này có rất ít những câu chuyện kiểu xúp gà tâm hồn vô thưởng vô phạt. Nhiều câu chuyện kiểu xúp gà chỉ là cái cớ cho trạng thái chán chường của bạn lúc này, là lý do cho sự hoang mang của bạn. Thực ra, không phải chuyện gì cũng có thể từ từ mà làm, không phải người nào cũng được ông trời bố trí cho những gì thích hợp nhất, cũng không phải ai cố gắng một cách ngốc nghếch đều thực hiện được ước mơ của mình.
Những gì tôi viết trong sách này, không phải những câu chuyện truyền cảm hứng nhạt nhẽo, mà toàn là những chuyện sống động xảy ra với tôi và bạn bè. Đằng sau những câu chuyện ấy, phản chiếu cuộc sống, phản chiếu chúng tôi. Chúng sẽ nói với bạn, trạng thái sống "trông như rất cố gắng" rất đáng sợ; chúng sẽ cho bạn biết, đối đãi với bạn thân cũng cần phải biết lựa lời, bởi lẽ "bạn thân đến mấy cũng không thể chấp nhận nổi những lời bộc trực quá đáng của bạn"; chúng sẽ nói với bạn, nghịch cảnh không hề đáng sợ, chớ nên hòa đồng vì muốn hòa đồng, bởi "bạn tưởng rằng mình đang hòa đồng, thực ra chỉ là lãng phí tuổi trẻ thôi"...
Những người tôi nêu ra trong sách, cũng giống như tôi, đều là người bình thường, chỉ là có những chuyện không bình thường đã xảy đến với họ. Tôi là một người quan sát, lặng lẽ quan sát những câu chuyện bình thường mà
không tầm thường ấy, yên lặng ngẫm nghĩ về những tình tiết cô đơn nhưng không cô độc, lúc thì cảm động, lúc lại nước mắt rưng rưng. Lý An từng nói: "Cuộc sống của chúng ta cần phải kể chuyện, bằng không sẽ giống như số π, kéo dài vô cùng vô tận." Tôi lấy làm vinh hạnh và có cơ hội chứng kiến, đồng thời ghi lại tất cả những gì xảy ra với họ: Nguyệt Nguyệt, cô gái buộc phải rời bỏ quê hương theo đuổi mộng ước; một cô bé bỏ học ở trường nổi tiếng; Nam, người từ bỏ cuộc sống ổn định; Phi, người không bao giờ từ bỏ tình yêu...
Tôi thường viết vào đêm muộn, có lẽ khi bạn lật giở cuốn sách này, cũng là vào lúc đêm muộn. Ngọn đèn bàn chiếu vào từng gương mặt đang cố gắng, chiếu sáng sự tĩnh lặng trong nội tâm mỗi người, có lẽ cũng chiếu sáng cả giọt lệ trong mắt bạn. Thực ra chẳng sao cả, ai mà chẳng từng khóc nức nở giữa đêm thâu? Nhưng bạn phải tin rằng, bạn khi đang cố gắng không hề cô độc, mà thực ra, những người nỗ lực vươn lên chẳng bao giờ cô độc cả.
Vì thế, có lẽ bạn cũng giống như tôi, đều tin vào giá trị của nỗ lực phấn đấu, đều hiểu rõ ràng, tuổi trẻ là để lăn lộn xông pha, đều biết chắc ước mơ vĩ đại đến nhường nào. Vậy, nếu như có ước mơ, thì phải mơ cho thật điên cuồng vào, điên cuồng thì mới thành anh hùng được.
Khi biết cuốn sách này được xuất bản, sâu trong lòng tôi dâng trào lên niềm cảm động và biết ơn đầy ấm áp, cảm tạ từng người đã thích các bài viết của tôi, vì các bạn, cuốn sách này mới được vén mây ra thấy mặt trời, cũng nhờ có các bạn, những con chữ của tôi mới có ý nghĩa, cảm ơn các bạn đã cho tôi dũng khí và sức mạnh.
LÝ THƯỢNG LONG
PHẦN 1
Bạn chỉ có vẻ như rất cố gắng mà thôi
Trông bề ngoài ngày nào cũng thức khuya, nhưng lại chỉ cầm điện thoại like dạo;
Trông bề ngoài đi học thật sớm, nhưng trong giảng đường lại chỉ ngủ bù giấc đêm hôm qua;
Trông bề ngoài ngồi cả ngày trong thư viện, nhưng thực ra chỉ bần thần suốt cả một ngày;
Trông bề ngoài là đến phòng tập gym, nhưng chỉ để bắt chuyện với mấy anh đẹp trai, mấy nàng xinh gái.
Chỉ nhìn thấy những đẹp đẽ vẻ vang, không thấy được nỗi đắng cay khổ sở
1.
Khoảnh khắc tàu hỏa lăn bánh, tôi chợt thấy ông chú mặc âu phục đi giày da bên cạnh mình rơi lệ. Ông lấy điện thoại di động ra chụp lại cảnh bên ngoài cửa sổ khoang tàu, phong cảnh quê hương ấy, khi tàu chạy, ông sẽ khó lòng thấy lại được nữa. Ông ngồi khoang hạng nhất, nhìn cách ăn mặc, hẳn phải là một người thành đạt trong mắt mọi người, đôi giày da sáng bóng, chiếc cặp táp hàng hiệu đã chứng minh địa vị và thân phận của ông.
Vậy ông khóc cái gì, tại sao phải rơi nước mắt? Phải chăng ông không muốn xa gia đình, hay là có câu chuyện gì đó khó quên?
Trên đường, tôi là người mở lời trước, câu chuyện càng nói lại càng high.
Ông là giám đốc của công ty ngoại thương, mười năm trước đã đến Bắc Kinh làm thuê, trước khi đến Bắc Kinh ông mới lấy vợ, vừa kết hôn xong đã rời nhà lên Bắc Kinh làm ăn, vợ sinh con ông cũng không ở bên cạnh, vì lúc ấy đang có một vụ làm ăn rất quan trọng.
Hồi đó ông còn trẻ, chỉ biết hùng hục làm việc mà không hiểu tầm quan trọng của gia đình, lúc vợ cần mình nhất ông lại không ở bên cạnh bà, người vợ bị băng huyết, không giữ được đứa bé, chuyện ấy trở thành niềm ân hận suốt đời của ông.
Ông nói: “Giờ công việc đã tạm ổn rồi, đón vợ lên Bắc Kinh, nhưng bà ấy ở không quen, được hai tuần thì bỏ về nhà. Chú muốn về quê nhiều hơn để ở bên người nhà, nhưng lại bận rộn công việc, lần nào đi cũng thấy lưu luyến. Có lẽ qua năm nay sẽ đỡ hơn.”
Ông nói tiếng phổ thông, không nặng giọng địa phương, không nghe ra được là người vùng nào, ông làm việc ở khu vực Thương mại Quốc tế
phồn hoa nhất Bắc Kinh, san sát nhà cao tầng, xe cộ đông đúc, người qua kẻ lại vô cùng náo nhiệt.
Mỗi lần ông ra ngoài đều có tài xế, về nhà có người giúp việc, chẳng phải lo ăn lo mặc, nhưng lúc nào cũng nhớ nhung người vợ ở nơi xa mà chẳng làm gì được. Trước lúc xuống tàu, ông bảo với tôi: “Thượng Long này, thực ra chú vẫn muốn về nhà, ở bên ngoài dù xa hoa hào nhoáng đến mấy, cũng chỉ là bề ngoài mà thôi, Có những nỗi đắng cay không ai thấy, chỉ có người nhà mới hiểu được.”
Lúc ông nói câu này, trong lòng tôi rất chua xót, chợt nhớ đến một câu từng đọc được hồi mấy năm trước: Thứ ta thấy được chỉ là đẹp đẽ vẻ vang, thứ ta không thấy được, toàn là đắng cay khổ sở.
Nhưng, những đắng cay khổ sở ấy lại chỉ có những người thân thiết nhất mới thấy được, hoặc bị chôn vùi trong lòng mình, không ai biết, giống như ngọn nến, tim đang cháy, nhưng lại chiếu sáng xung quanh, sưởi ấm những người bên cạnh.
2.
Dạo gần đây, tôi cực kỳ khó chịu khi người khác nói: “Thằng đấy số may mới có được thành công hôm nay mà thôi.” Đặc biệt, càng khó chịu hơn khi họ bồi thêm một câu, “Tôi mà may như thế...”
Chẳng có vận may nào trên trời rơi xuống cả, cái gọi là số may, chẳng qua là vì họ lúc nào cũng sẵn sàng chuẩn bị, những lúc đắng cay khổ sở, những ngày tháng đau đớn, không phải là họ không trải qua, mà là bạn không biết đấy.
Đã không biết, thì ngậm miệng lại, tôn trọng cố gắng âm thầm của những người đó đi.
Năm 2008, tôi quen với anh Cù, lúc đấy anh vẫn còn làm nhân viên tư vấn ở một trung tâm tiếng Anh, lương tháng trả tiền nhà xong chỉ tạm đủ ăn, không có nổi bạn gái, thậm chí còn không dám đi tụ tập với bạn bè, mỗi lần tụ tập ăn uống đều phải hỏi rõ xem có ai mời hay không.
Những năm đó, chúng tôi ở Bắc Kinh đỡ đần cho nhau, tôi nhìn anh ấy tiến bộ từng chút từng chút một, vì một đơn hàng mà đến tận nhà khách hàng giữa trời tuyết lớn, vì một dự án mà họp đến tận sáng hôm sau, vì một khóa học mà phải đi công tác ở một vùng rất ха.
Mấy năm sau, anh được điều chuyển đến Thượng Hải, kế đó, lại được thăng chức tới Hàng Châu, trở thành hiệu trưởng một phân hiệu.
Năm ngoái, tôi đi ký sách, đến đơn vị của anh Cù để “chà đạp”.
Lúc mới đến phòng làm việc của anh, từ đằng xa đã nghe thấy anh Cù đang lớn tiếng nói về kế hoạch năm nay, tôi thầm nhủ: Cái tính hùng hổ ấy vẫn chẳng thay đổi gì cả.
Họp xong, các nhân viên đi ngang qua tôi, một người thì thào nói: “Giám đốc Cù lúc nghiêm túc trong oách thật đấy.”
Một nhân viên khác tỏ vẻ bất mãn: “Ăn may thôi, tôi mà số đỏ như anh ta, giờ cũng là hiệu trưởng rồi...”
Tôi liếc nhìn người nhân viên đó, mỉm cười, lắc đầu.
Tối hôm đó, anh Cù và tôi ôn chuyện cũ, nhắc lại thời hai bàn tay trắng ngày xưa, nhắc đến niềm hy vọng trong những thời khắc gian nan, anh nói một câu, đến nay tôi vẫn không thể nào quên được: “Sống quỳ không đáng thẹn, quan trọng là hiện tại quỳ, là để sau này có thể đứng lên mạnh mẽ hơn.”
Quả vậy, tất cả những việc mình bất đắc dĩ phải làm hiện giờ, tất cả những ngày tháng khó nhọc mà giờ mình phải trải qua, đều là để sau này có thể tỏa sáng giữa đám đông. Người ta sẽ chỉ nhìn thấy những tia sáng ấy, chứ đâu thấy được những vết thương bạn phải chịu đựng trong quá khứ.
3.
Tôi từng có bài viết Bạn phải sinh tồn được, mới có thể nói về cuộc sống và giấc mơ.
Lúc mới bắt đầu, đừng mơ tưởng hão huyền xây lâu đài giữa không trung, bởi lẽ mọi giấc mơ không có cơ sở kinh tế, đều có vẻ viển vông, trước hết hãy bắt tay vào làm đi đã.
Chúng ta bao giờ cũng dễ dàng nhìn thấy những người đã đi được rất xa, nhưng lại không thấy sự chuẩn bị phía sau của họ, đằng sau mỗi chuyến du lịch nói đi là đi luôn ấy, là một khoản tiền nói rút là rút ra luôn.
Chúng ta bao giờ cũng dễ dàng thấy những doanh nhân nọ kia tiêu tiền như nước, nhưng lại không thấy được họ cũng từng đạp xe đạp giữa đêm ở những thành phố lớn, chạy đi giao từng đơn hàng một.
Chúng ta bao giờ cũng dễ dàng bị ánh sáng thu hút, nhưng lại không biết những người vinh hiển ấy đã phải khuỵu gối bao nhiêu lần.
Những tháng ngày đen đủi ấy của họ, chúng ta không bao giờ trông thấy được, nhưng không có nghĩa là họ không trải qua, không có nghĩa là họ không nhìn rõ.
Vì vậy chúng ta không cần phải thèm muốn hay đố kỵ những người đang tỏa sáng, lại càng không cần phải buồn rầu tự trách, đó chẳng qua chỉ là những giai đoạn khác nhau trong đời mà thôi, tất cả rồi sẽ
qua đi, sẽ tốt lên, chỉ cần bạn vẫn tin tưởng và cố gắng, tin rằng cuộc sống có thể thay đổi nhờ đôi bàn tay mình.
Thứ không đốn ngã nổi bạn, sẽ chỉ khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn.
Bỏ qua những lời phê phán vô dụng
1.
Tôi bước đi trên đường phố Đài Bắc đèn hoa rực rỡ, ngang qua trung tâm mua sắm ở cao ốc 101, ngoài cửa có một đôi tình nhân đang cãi nhau, nói chính xác hơn là người con trai đang mắng cô gái: “Tại em đấy, cứ mua cho lắm vào, trễ mất chuyến tàu điện ngầm cuối cùng rồi thấy chưa?”
Cô gái ấm ức nói: “Xin lỗi mà, tại em không tìm thấy ví đâu cả.”
Người con trai tiếp tục mắng: “Em chẳng có khái niệm thời gian gì cả, ngày nào cũng lãng phí thời gian, mua sắm vào là quên hết tất cả, lần trước em cũng thế, tháng trước em cũng vậy, rốt cuộc em muốn thế nào? Rồi nữa, em không cất gọn ví tiền đi được à? Cứ để lung tung, thứ gì cũng để bừa bãi, mất rồi đúng không, em xem lại lần trước đi...”
Cô gái lại tiếp tục xin lỗi.
Anh chàng kia vẫn không bỏ qua, bới móc những chuyện trước đây ra mắng mỏ.
Cuối cùng, cô gái cũng nổi cáu, quát lên một câu: “Anh có phải đàn ông không vậy?”
Bọn họ tiếp tục cãi vã, mặc cho bên đường có rất nhiều taxi trống chạy qua, cô gái tiếp tục giải thích, anh chàng kia thì cật lực mắng mỏ. Tôi đút tay vào túi, nhìn cảnh tượng khôi hài ấy tiếp diễn, đột nhiên thần nghĩ: Muộn thế này rồi, việc cần kíp trước mắt là bắt một chiếc xe đi về, hoặc báo cảnh sát để tìm ví tiền, bới móc lại những chuyện đã qua, mắng nhiếc trách móc người bênh cạnh mình, có tác dụng gì chứ?
Đáng tiếc, rất nhiều người trong chúng ta không hiểu rằng những lời phê phán vô tác dụng này thực ra cực kỳ có hại.
Kỳ thực cũng dễ hiểu, vào những lúc thế này, trách móc người bên cạnh mình là điều dễ dàng nhất.
Những câu chuyện tương tự xảy ra với các cặp đôi, cũng xảy ra trong rất nhiều gia đình và Công ty.
Một đứa bé cầm bài kiểm tra 6 điểm từ trường về nhà, đưa cho bố xem, ông bố liền buông đũa bát, tay đấm chân đạp, bà mẹ thì giơ cao cây roi, đứa bé bị đánh cho bầm tím cả mặt mũi. Bạn nghĩ rằng lần sau đứa bé ấy có được điểm cao nổi không?
Không thể. Đứa bé sẽ giấu bài kiểm tra đi không đưa cho bố mẹ xem.
Một nhân viên cấp dưới xuất sắc nhưng vì một lần sơ suất mà làm mếch lòng khách hàng, khiến vụ làm ăn đi tong, về đến Công ty liền bị cấp trên mắng như tát nước vào mặt, làm nhục, nhiếc móc trước mặt tất cả mọi người. Thế nhưng, làm như vậy thì khách hàng kia có quay lại không?
Không hề, chẳng những khách hàng không quay lại, mà công ty còn tổn thất một nhân viên ưu tú, thêm một đối thủ cạnh tranh.
Bạn thấy đấy, những lời phê bình vô tác dụng sẽ dẫn đến cảm xúc tiêu cực lan tràn, tiếp sau đó, là một vòng tuần hoàn ác tính, cảm giác bức bối khó chịu cứ ngập đầy, chồng chất lên.
Vậy thì, thế nào mới là phê bình có hiệu quả?
2.
Thực ra, trong rất nhiều trường hợp, chúng ta phê bình người khác đều kèm theo cảm xúc. Hễ phê bình người khác kèm theo cảm xúc, thì khó lòng chỉ nhắm vào sự việc mà không nhắm vào con người.
Bởi lẽ, con người có thể cảm nhận được cảm xúc, còn sự việc thì không.
Phê bình có hiệu quả là trước khi trách móc phải nghĩ xem: phê bình như thế, liệu có giúp ích gì cho kết quả hay không?
Ví dụ như cặp tình nhân kia, nếu trước khi nổi cáu, người con trai có thể nghĩ: Mình nổi cáu lên thì có tìm được ví tiền hay không, có thể khiến thời gian quay ngược để lên tàu điện ngầm hay không? Nếu đáp án là không, thì cần mau chóng tìm ra phương án giải quyết khác.
Nóng nảy quá đà, chắc chắn sẽ khiến cả hai bên càng thêm khó chịu, cô gái bị nhiếc mắng, tâm trạng lại càng tệ hơn, tự nhiên cũng sẽ nổi đóa lên.
Buổi đêm cô không ngủ ngon, hôm sau đi làm tâm trạng không tốt, làm việc sơ suất, tiếp tục bị cấp trên mắng, vòng tuần hoàn ác tính cứ lặp đi lặp lại, khiến chuyện này lại sinh ra chuyện khác.
Có người nói, ai bảo mắng cô gái ấy không có tác dụng gì, mắng cô ta là để cô ta nhớ kỹ sau này đừng như thế nữa!
Thật tức cười, mất ví tiền và lỡ tàu điện ngầm đã đủ khiến cô gái ấy nhớ kỹ rồi, công khai mắng chửi phụ nữ chỉ khiến người qua đường cảm thấy người đàn ông ấy giỏi đổ lỗi, không có trách nhiệm mà thôi.
Nhưng nếu anh chàng kia không nhiếc mắng cô gái, mà lựa chọn cách an ủi: mất tiền rồi thì thôi, chúng ta đi tìm, không tìm được thì anh bù cho em, chuyện gì cũng giải quyết được; lỡ tàu điện ngầm thì thôi, lần sau chúng ta phải để ý thời gian, lần này bắt tắc xi về nhà đi vậy, vừa khéo lâu rồi bọn mình không đi tắc xi, phải không? Cũng lâu lắm rồi bọn mình không ngắm cảnh Đài Bắc về đêm rồi nhỉ?
Nếu thế, kết quả liệu có tốt hơn không?
Rồi cả đứa bé bị điểm thấp kia nữa, có đứa trẻ nào muốn bị điểm thấp, làm mọi người mất vui đâu?
Nó đưa bài kiểm tra cho bố mẹ xem, là vì muốn bố mẹ giúp nó cùng giải quyết vấn đề, lần sau làm thế nào để được điểm cao, chứ không phải để nghe bố mẹ mắng mỏ, bị bố mẹ đánh đòn.
Đánh đập chửi mắng có thể thay đổi điểm số đã chấm ư? Có thể cải thiện điểm số sau này không?
Cha mẹ thông minh, nhất định sẽ hiểu được, roi vọt không thể dạy ra con cái có hiếu, mắng nhiếc không thể dạy ra thiên tài, chỉ có cổ vũ, khen ngợi và yêu thương mới giúp một đứa trẻ trưởng thành khỏe mạnh.
Có người nói, điểm kiểm tra thấp như vậy, lại còn muốn tôi phải khen ngợi à?
Thế nhưng, con trẻ bị điểm kém, lẽ nào bố mẹ không có trách nhiệm?
Cái kiểu đánh mắng vô ích này chỉ giải quyết được nhu cầu trút giận, còn khiến đứa trẻ có cảm giác bố mẹ không yêu nó, chỉ yêu điểm số mà thôi.
Lại nói về người nhân viên làm mất khách hàng kia, công ty nào cũng gặp phải những vấn đề giống nhau, sơ suất thường xuyên xảy ra, nhân viên xuất sắc cỡ nào cũng sẽ có lúc mắc sai lầm, huống hồ, mếch lòng khách hàng cũng chưa chắc đã là vấn đề của nhân viên.
Khi nhân viên làm mất khách, một lãnh đạo bình thường không nên lập tức trách mắng, mà cần phải suy ngẫm hai việc: 1, Vì sao lại để mất khách; 2, Có thể cứu vãn hay không.
Phân tích được sao lại mất khách, là để lần sau không bị mất nữa, nếu có thể cứu vãn, thì hãy dốc sức mà cứu vãn.
Trách mắng nhân viên khiến nhân viên có cảm giác lãnh đạo chỉ quan tâm đến lợi nhuận, chỉ nghĩ đến người ngoài không lo cho nhân viên, là hạng lãnh đạo chỉ biết mắng chửi hết lần này đến lần khác để chứng minh sự kém cỏi của mình.
Đây mới là điều đại kỵ.
Có người nói, nhưng tôi không kiềm chế được cảm xúc của mình, cứ muốn mắng thì phải làm sao?
Thực ra, nhiều lúc, trước khi phê phán ai, bản thân hãy tìm một góc không người, nhắm mắt hít sâu một hơi cho bình tĩnh, cách này thực sự rất có hiệu quả.
3.
Năng lượng tiêu cực đánh vào sự bất công trên thế giới này, còn năng lượng tích cực thì đưa ra phương án giải quyết sau khi đánh vào sự bất công ấy.
Chỉ khác nhau một chút, mà đã trở thành khác biệt về mặt bản chất. Tôi kể một câu chuyện nữa:
Trong bữa ăn, tôi nói chuyện với một vị MC nổi tiếng, anh ta chửi khắp lượt từ lãnh đạo Đài Loan cho đến người bán hàng rong lề đường, càng mắng chửi càng hứng khởi, những người xung quanh không ai dám làm mếch lòng, cứ nhìn anh ta chửi đổng, có mỗi tôi hỏi một câu: “Thế anh có
phương án giải quyết không?”
Anh ta ngẩn ra giây lát, không nói gì.
Tôi nói tiếp: “Có lẽ anh không ở vị trí đó,nói không chừng những người đó cũng có nỗi khổ và logic của riêng họ.”
Anh ta mặc kệ tôi, tiếp tục chửi mắng.
Sau bữa cơm, một người bạn khác thì thào với tôi: “Nghe tay đấy chửi bới lâu như vậy, câu nói hôm nay của anh rốt cuộc cũng khiến tôi tìm được gốc rễ căn bệnh của anh ta rồi.”
Tôi hỏi: “Gốc rễ căn bệnh gì?”
Người bạn kia đáp: “Phê phán người khác dĩ nhiên là rất đơn giản, bới móc sai lầm của người khác dĩ nhiên cũng rất dễ dàng, có điều, việc phê phán vốn là để đưa ra phương pháp giải quyết, khiến thế giới này trở nên
tốt đẹp hơn, nếu chỉ phê phán cho sướng miệng hoặc nhằm làm nổi bật tư tưởng bản thân thì thật là đáng ghét.”
Tôi gật đầu.
Dạo gần đây, trên mạng có rất nhiều người bình luận, phê phán một số sự việc nào đó rất hăng, thậm chí còn tấn công cả nhân thân, công kích bậy bạ, ngồi trước bàn phím thể hiện ý kiến của mình, nhưng những lời phê phán, bình luận này đều không đưa ra một phương án giải quyết nào cả, chỉ là để giải tỏa cảm xúc, khiến cho thế giới mạng trở nên mù mịt chướng khí, suốt ngày đem đạo đức ra phán xét người khác.
Những lời phê bình này, chẳng những không khiến thế giới tốt đẹp hơn, mà còn làm cho nó xấu đi.
Được ít mà mất nhiều.
Vì vậy:
Những lời phê bình không nhằm mục đích thay đổi kết quả, là phê bình vô tác dụng.
Những lời trách móc mà không đưa ra phương án giải quyết, tức là trách móc vô nghĩa.
Bỏ đi những phê bình trách móc không có tác dụng ấy, cũng là một phương thức để lan truyền năng lượng tích cực đó các bạn.
Nếu không xuất chúng, ắt sẽ bị loại bỏ
1.
Hồi học đại học, tôi có tham gia cuộc thi hùng biện tiếng Anh, lúc vào trường thi rồi, một thành viên ban giám khảo đi tới nói: “Năm nay quy chế cuộc thi thay đổi nhé."
Trước đó, logic của cuộc thi rất đơn giản, bạn hùng biện xong, ban giám khảo và khách mời bắt đầu chấm điểm, rồi dựa theo số điểm cao thấp để đánh giá, trước khi có điểm của từng người, không ai biết được mình sẽ xếp thứ bao nhiêu.
Nhưng lần đó, quy chế thi hoàn toàn thay đổi. Trước mặt ban giám khảo chỉ có hai bóng đèn, một bóng đèn là thông qua, bóng còn lại là bị loại.
Không có lựa chọn trung gian, không có chuyện chờ quyết định sau, một là xuất chúng vượt lên, nếu không thì bị loại.
Sau cuộc thi lần đó, tôi để ý quan sát rất nhiều game show truyền hình, gần như đều chuyển sang dạng đó hết, một là được chọn, hai là bị đào thải.
Khán giả xem thì rất đơn giản, song giám khảo lựa chọn lại rất khó khăn, tuy là hình thức khác nhau, nhưng xét về tổng thể đều thành một dạng: Yes or No, I want you or I don't want you.
Tôi từng hỏi một người làm truyền hình: “Tại sao lại tàn nhẫn thế, chọn cách về sau hãy quyết định để người ta dễ chịu hơn không được à? Sao nhất thiết phải tàn nhẫn như vậy, trực tiếp Yes or No luôn tại trận, khiến cho người ta khó xử.”
Anh ấy nói một câu, làm tôi mãi mãi không thể nào quên được: “Cuộc sống chẳng phải cũng tàn nhẫn như thế ư?”
2.
Thế giới này thực ra rất tàn nhẫn, con người nếu không xuất chúng, ắt sẽ bị loại bỏ, không có lựa chọn ở giữa.
Trong hiện thực lúc nào cũng có một vài giai đoạn trung dung, để người ta cảm thấy dễ chịu phần nào, nhưng những giai đoạn trung dung ấy khiến cuộc sống của chúng ta ấm áp lên, đồng thời cũng khiến nó trở nên phức tạp hơn, khi bị vạch ra, logic đằng sau sự trung dung ấy lúc nào cũng rất tàn nhẫn.
Một người bạn của tôi đến Bắc Kinh tìm việc, đã gửi đi mấy bộ hồ sơ. Anh ấy thích nhất là một công ty đầu tư mạo hiểm, lần đó phỏng vấn trực tiếp xong, anh nghe người ta nói: “Anh về nhà đợi tin nhé.”
Anh ấy về nhà, sốt ruột chờ tin, đến khi mấy công ty khác đều gửi offer, hy vọng anh mau chóng bắt đầu làm việc, thì vẫn không thấy công ty kia có hồi âm. Anh bạn tôi gửi thư đến công ty đó, cũng không nhận được câu trả lời chính xác, mãi đến khi anh ấy hỏi qua bạn bè làm trong công ty mới biết được mình đã bị đánh trượt từ lâu rồi.
Anh ấy giận dữ cằn nhằn: “Vì sao không gửi cho tôi một bức thư nói rõ là tôi bị từ chối? Nói rõ cho tôi biết chẳng phải là xong rồi sao, Cớ sao cứ phải nhùng nhằng, làm tôi suýt nữa từ chối các công ty khác?”
Tôi nghĩ, đây là logic của hầu hết các công ty, không có tin tức gì tức là từ chối. Thế nhưng, chẳng lẽ gửi đi một tin nhắn từ chối lại khó khăn đến thế hay sao? Chẳng lẽ một câu “Thật xin lỗi, anh bị loại rồi” khó nói thế hay sao? Sau này tôi nhận ra, quả thực là rất khó khăn. Từ chối có nghĩa là mang thái độ đối địch, mang thái độ đối địch tức là ở vào thế đối lập, vì vậy, trong lĩnh vực tìm việc làm này, ngoài xuất chúng và bị loại ra, còn có thêm một lựa chọn thứ ba: chờ quyết định sau.
Logic của lựa chọn thứ ba này thực ra về cơ bản là chẳng còn gì nữa rồi, bản thân lựa chọn này không hề tồn tại, nhưng vì sợ mếch lòng người khác, thế nên mới để cho người ta một tia hy vọng.
Nhưng đằng sau hy vọng ấy, sẽ có thể là nỗi thất vọng lớn hơn.
Logic như vậy cũng tồn tại trong tình yêu, dạo gần đây, thấy rất nhiều nam thanh nữ tú đều có “phương án dự bị”, tôi cực kỳ khó hiểu, nếu được theo đuổi, chẳng phải là yêu thì nhận lời, không yêu thì từ chối thẳng thắn hay sao?
Không phải.
Chúng ta còn có một logic thứ ba, tức là chờ quyết định sau. Tôi từng thấy một cô gái nói với một chàng trai: “Em không ghét anh, nhưng nếu anh sẵn lòng đợi em chơi thỏa thích rồi quay lại, đến lúc ấy chúng ta sẽ ở bên nhau.” Trời đất ơi, dưới gầm trời này lại còn logic kiểu ấy hay sao?
Kỳ quái hơn là, anh chàng kia vẫn đồng ý, không chỉ đồng ý, mà còn chật vật theo đến cùng, hai người kết hôn.
Rồi tôi được tin, sau khi cưới vài tháng thì người con trai đòi ly hôn, lý do là anh ta cũng chơi bời chưa đủ.
Tình yêu theo tôi lý giải rất đơn giản, nếu yêu thì dũng cảm theo đuổi, nếu không yêu thì đừng làm lỡ dở người ta, dứt khoát từ chối đi. Lựa chọn lập lờ chỉ tổ hại người, khiến người ta đi chẳng được ở chẳng xong, rõ ràng có thể chuyển hướng tình cảm, yêu một cô gái khác, nhưng rồi lại nghĩ, người
trong mộng vẫn còn cho mình cơ hội kia mà, cần phải thể hiện cho tốt, thành thực chờ đợi, làm tốt vai trò “dự bị”, rốt cuộc chẳng phải sẽ có thể bên nhau hay sao?
Đợi mãi đợi mãi, đợi đến khi nhận được tin người trong mộng kết hôn.
Vì vậy, trong đời thực, không có lựa chọn chiết trung, một là xuất chúng, hai là bị loại bỏ. Lựa chọn chiết trung khiến cho thế giới này trở nên phức tạp, thậm chí còn khiến người ta lạc lối, bạn có thể bày tỏ tư tưởng chiết trung, nhưng tuyệt đối đừng tin vào nó, luôn phải đứng sang một bên, bằng không sẽ càng thêm lạc lối.
Ví dụ, tôi từng hỏi một người bạn: “Cậu muốn ăn gì?” Người bạn đáp: “Tùy.” Tôi nói: “Vậy có muốn ăn KFC không?” Anh ta nói: “KFC có gì ngon?” Tôi lại hỏi: “Vậy McDonald được không?” Anh ta nói: “McDonald
thì có gì ngon?” Tôi tiếp tục hỏi: “Vậy cậu muốn ăn gì?” Anh ta nói: “Tùy cậu.”
Rõ ràng, đây không phải là tùy nữa rồi. Bạn có suy nghĩ, thì hãy biểu đạt ra, giống như khi người khác hỏi tôi: "Thầy Lý có kiêng ăn gì không?” Tôi nhất định sẽ đáp: “Thật ngại quá, tôi không ăn cay được” chứ không phải là: “Tùy cậu”.
3.
Có thể bạn nói tôi cực đoan, nói rằng chúng ta đã trở nên xấu xa, thối nát trong cái thế giới cực đoan này, trung dung bao giờ cũng là phương thức tốt nhất.
Quả thực, nhìn bề ngoài có vẻ là như vậy, nhưng chúng ta cũng sẽ trở nên hoang mang lạc lối trong môi trường và tư duy như thế, trở nên không giống con người từ trong ra ngoài.
Ví dụ, buổi tối phải làm thêm giờ, bạn gái lại làm ầm lên đòi đưa đi ăn tối, rốt cuộc bạn nên lựa chọn thế nào? Logic trung dung là bạn làm thêm đến 10 giờ, sau đó cùng bạn gái đi ăn đêm.
Bạn tưởng rằng mình không làm mếch lòng cả hai, thực ra ông chủ sẽ trách móc bạn, tại sao những người khác làm thêm đến 11 giờ, bạn lại về trước một tiếng; bạn gái cũng sẽ oán trách, tại sao muộn như vậy bạn mới đến bên cô ấy.
Thực ra, chúng ta có thể nói với bạn gái thế này: “Xin lỗi em, hôm nay phải tăng ca, ngày mai nhất định anh sẽ đi với em.” Cũng có thể nói với sếp thế này: “Hôm nay sinh nhật bạn gái em, đối với em cô ấy quan trọng hơn một chút, anh cứ trừ lương em đi vậy.”
Trông như có vẻ làm mếch lòng một bên, thực ra bản thân lại bớt đi được rất nhiều phiền não, bạn hoàn toàn có thể cân đối tốt hơn. Xin đừng hiểu nhầm, tôi không hề phủ nhận đạo trung dung, chỉ là khi bản thân thế giới này đã phức tạp, chọn lựa con đường ở giữa sẽ khó đi hơn rất nhiều.
Có lúc, bớt đi vài lựa chọn thực sự có thể giúp bạn rất nhiều, con người là một loại động vật không ngừng xoắn xuýt, không ngừng lựa chọn, tuổi tác càng lớn, càng cần phải làm phép trừ cho cuộc sống: bớt đi một số người bạn không thực lòng, bớt đi những thông tin không cần thiết, bớt đi những lối sống khiến mình không vui vẻ.
Xét cho cùng, không ai trong chúng ta có thể lo trọn vẹn tất cả mọi mặt được, bạn phải học cách lựa chọn, lựa chọn có thể khiến bạn bớt đi rất nhiều phiền phức.
Chúng ta ai cũng có lúc phân vân trước hai con đường, chẳng biết phải lựa chọn thế nào?
Có rất nhiều người cứ lẩn quẩn giữa hai con đường, hoặc tự mình mở ra một con đường thứ ba ở giữa, đi rất mệt mỏi, rất chậm chạp, lại còn rất khổ sở, tại sao không thể lựa chọn một con đường, dũng cảm tiến bước, quên đi con đường kia?
Phải biết rằng, lựa chọn tệ nhất chính là không lựa chọn.
Có người sẽ hỏi, nếu hai con đường ấy nhất thiết phải lựa chọn một, không cho tôi đi giữa, nhỡ đi sai đường thì tính sao?
Kỳ thực, đây chính là cuộc đời, lựa chọn rồi thì phải liều mạng mà tiến lên, đã từ bỏ thì đừng hối hận, huống hồ, chẳng có con đường nào là uổng phí cả, cho dù một số con đường không có được kết cục lý tưởng, thì phong cảnh ven đường cũng để lại những ký ức đẹp đẽ cho cuộc đời này rồi.
Vì vậy, trước khi lựa chọn, bạn cần phải ám thị chính mình: Một là xuất chúng, hai là bị đào thải.
Phải tiến lên đầu không ngoảnh lại như thế, mới thu hoạch được nhiều hơn nữa.
4.
Thêm một ví dụ nữa.
Có rất nhiều sinh viên hỏi tôi nên thi cao học hay nên đi làm, thời điểm họ hỏi ý kiến tôi, lần nào cũng là tháng 10, mà tháng 12 đã bắt đầu thi cao học rồi.
Họ không thể buông được công việc bình bình đang có, cũng không sao bỏ được kỳ thi cao học đã ôn tập qua loa hai tháng, thời gian lại rất cấp bách, vì vậy, bọn họ lựa chọn phương thức chiết trung: vừa làm việc, vừa ôn thi cao học. Ban ngày làm việc mệt mỏi rã rời, tối đến đọc sách mà đầu óc cứ
để đâu đâu, đến cuối cùng, họ bị sếp sa thải, mà thi cao học cũng trượt luôn.
Rất nhiều người có tư duy như thế, trước khi làm một việc gì đó không có quyết tâm đập nồi dìm thuyền, không chịu buông bỏ cái gì, luôn tìm kiếm lựa chọn ở giữa, sau đó cẩn thận nhích từng bước một, kết quả chỉ có thất bại mà thôi, vì bạn không dốc hết sức lực.
Thế nhưng, bạn có nhận thấy, khi dồn hết sức vào ôn thi mấy tháng cuối, hoặc nghiến răng cố gắng làm việc, tỷ lệ thành công sẽ lớn hơn rất nhiều, tất nhiên, bạn cũng có thể nói, ngộ nhỡ tôi làm cái gì cũng thất bại thì tính sao?
Nhưng ít nhất bạn cũng đã dốc hết toàn bộ sức lực, không phải hối hận nữa, hãy tổng kết lại nguyên nhân thất bại của mình, mài sắc vũ khí, chuẩn bị nghênh đón trận chiến tiếp theo.
Huống hồ, bạn còn trẻ như vậy, cớ sao phải sợ thất bại, cùng lắm thì làm lại từ đầu, thành công muộn một chút thôi.
Vì vậy, thực ra đây chính là lựa chọn tốt nhất khi chúng ta còn trẻ: một là xuất chúng, hai là bị đào thải.
Lựa chọn rồi thì hãy kiên định, buông bỏ rồi thì đừng hối hận, lựa chọn một con đường mình thích, bước đi không ngoảnh đầu lại, cho dù có mình mẩy đầy thương tích, mặt mũi bầm tím cũng chẳng sao. Con đường này do chính mình lựa chọn, có lết cũng phải lết đến tận cùng.
Cuộc sống không có lựa chọn trung gian, không có đường tắt, kể cả có đi nữa, thì cũng phải đến khi bạn đến đích, ngoảnh đầu nhìn lại, mới lờ mờ trông thấy con đường nhỏ ấy.
Thế nhưng, cho dù đi vòng vèo thế nào thì phong cảnh ven đường vĩnh viễn là những trải nghiệm đẹp đẽ không thể nào thay thế được.
Học cách tránh lối tư duy của kẻ yếu
1.
Dạo trước, tôi không thể chịu đựng nổi, rốt cuộc đã phải block một người bạn.
Người bạn này là do họ hàng giới thiệu, đến Bắc Kinh nửa năm rồi vẫn không tìm được việc làm, thực ra không phải là không tìm được, mà là mắt cao hơn đầu, tài chẳng được bao nhiêu mà lại ngạo mạn, không tìm được công việc tốt nhưng công việc hơi kém chút thì không chịu làm.
Tôi rất thích giới thiệu bạn bè mình với nhau, xét cho cùng, quen biết lẫn nhau trong một mạng lưới bạn bè có kết cấu như mạng nhện sẽ giúp người ta khỏi cô đơn trong một thành phố lớn. Nửa năm trước, tôi dẫn anh ta đến tham gia một buổi tụ tập do một anh bạn khác tổ chức, anh bạn này thành công từ khi còn rất trẻ, là CEO của một công ty. Anh ấy rất giỏi, mới 26 tuổi đã tập hợp được một nhóm làm việc cho mình, công ty thành lập được một năm bắt đầu sinh lợi, tôi hy vọng nói chuyện với anh ấy có thể khích lệ người bạn kia.
Tôi đứng một bên chăm chú lắng nghe, anh bạn tôi cũng bắt đầu nói hăng say, thao thao bất tuyệt.
Đột nhiên, người bạn nọ hỏi một câu: “Thế bố mẹ anh làm gì vậy?” Anh bạn tôi đáp: “Công chức ở địa phương.”
Thế là, người bạn nọ phá lên cười: “Thấy chưa, tôi đã nói rồi mà, bố mẹ anh mà là nông dân thì lấy đâu ra vốn ban đầu chứ? Anh cũng chỉ có thể làm thuê cho người khác thôi, làm sao khởi nghiệp được?”
Lúc anh ta nói những lời này, tôi rất ngượng, nhiều người khác có mặt ở đấy cũng khó xử, anh bạn thông minh của tôi nói đùa vài câu cho qua rồi bỏ đi mất.
Hoạt động kết thúc, anh ta lại tiếp tục cằn nhằn: “Nếu không nhờ ông bố giàu, anh ta làm sao có được ngày hôm nay chứ?”
Tôi hơi phật lòng nói: “Bố người ta cũng chỉ là công chức bình thường thôi, làm gì có tiền.”
Người bạn nọ nói: “Vậy thì chắc trăm phần trăm anh ta có ông chú ông cậu gì đó rất oách rồi, như tôi đây này, chẳng có họ hàng gì có thân có thể để dựa vào.”
Hôm ấy, tôi đi một mạch không ngoảnh đầu lại, lên xe, dọc đường đi block người bạn đó luôn.
Vì đó không phải là lần đầu tiên.
Tôi quen anh ta hơn nửa năm, logic và lối tư duy của anh ta lúc nào cũng khiến người ta chán ghét: một người có thành tựu trong sự nghiệp, vậy thì nhất định là vì người đó có bố giàu; nếu không có bố giàu, thì chắc chắn là có một ông cậu hay ông chú nào đó giàu.
Một cô gái lái xe xịn, nhất định là cô ấy được bao nuôi; nếu không phải được đại gia bao nuôi, thì nhất định là có một ông bố giàu, không thì ông cậu ông chú nào đó giàu.
Một người được thăng chức, tăng lương, nếu không phải do quan hệ, thì là do giỏi bám càng sếp, nếu không phải thế, thì nhất định là người đó có một ông bố giàu; không thì có ông cậu ông chú nào đó giàu.
Anh ta không bao giờ phân tích người khác thành công như thế nào, dựa vào nỗ lực mà thay đổi cuộc sống của mình ra sao, anh ta lúc nào cũng cường điệu những nhân tố khách quan, sau đó dùng thái độ “tôi yếu nên tôi có lý” để phê phán những người đang cố gắng trên thế giới này, dùng ánh mắt đầy thuyết âm mưu để đánh giá những người đang tiến bộ.
Lúc nào cũng nhấn mạnh nguyên nhân khách quan, không bao giờ tìm nguyên nhân ở chính bản thân mình.
Lúc nào cũng cảm thấy người khác may mắn, còn mình thì có tài mà không gặp thời.
Lúc nào cũng cảm thấy thế giới không tốt với anh ta, nhưng chẳng bao giờ nhìn thấy vấn đề của chính mình.
Một người hồi nhỏ phải thiếu thốn tình cảm đến mức nào, mới cảm thấy cả thế giới này đều có bố mẹ tốt? Một người phải vô năng đến mức nào, mới có cái lối tư duy hại người không lợi mình của kẻ yếu như thế?
2.
Những người có lối tư duy của kẻ yếu như vậy rất nhiều.
Một lần, có người bạn nói một câu khiến tôi ấn tượng rất sâu sắc, anh ấy nói: “Mỗi khi có một người hay một sự việc gì đó đột nhiên nổi bùng lên, cậu sẽ lập tức nhận thấy có hai nhóm quần chúng: một nhóm chỉ mãi phê phán, một nhóm khác lại cắm đầu vào nghiên cứu.”
Nhóm người phê phán thì phê cho người ta chóng cả mặt, dùng các mối quan hệ, truyền thông, đổi đủ cách thức khác nhau để chê bai chửi đổng, chê người khác chán rồi, bản thân họ liền thở phào sảng khoái, sau đó tiếp tục chửi mắng, chê bai mục tiêu tiếp theo, không hề nhận ra cuộc sống của mình đã thành một đống rác lớn. Trong khi những người mải nghiên cứu thì chăm chăm nghĩ ngợi một vấn đề: Vì sao mà anh ta nổi như vậy? Anh ta có điểm gì đáng cho mình học hỏi không? Sự kiện này có gợi ý gì cho mình không?
Nhóm người đầu tiên hậm hực giậm chân tại chỗ, nhóm người thứ hai lặng lẽ tiến bộ, đi về phía trước.
Tôi có người bạn, lần nào gặp nhau cũng nói mình không may mắn, kịch liệt chê bai đồng nghiệp, trách móc lãnh đạo, phê phán thời đại, thoạt đầu tôi còn cảm thấy anh ta rất thú vị, dám nói nhiều điều như vậy, nhưng sau này lần nào gặp nhau anh ta cũng nói không ngừng không nghỉ như bà thím đầu ngõ, rốt cuộc cũng làm chúng tôi phát ngấy lên.
Có lần, tôi hỏi anh ta: “Cậu bất mãn với hiện trạng của mình như vậy, đã bao giờ nghĩ đến chuyện nghỉ việc, hoặc đổi sang một môi trường khác tốt hơn chưa?”
Anh ta đáp: “Làm gì có tiền! Tôi nào có giỏi giang gì!"
Tôi nói: “Thế cậu cằn nhằn làm gì, dành thời gian ấy nghĩ xem làm thế nào kiếm tiền, hay làm thế nào rèn luyện lấy chuyên môn cho thật giỏi còn hơn.”
Anh ta nói: “Chẳng phải bọn họ đã hại tôi chẳng học được nghề ngỗng gì cho ra hồn à! Chẳng phải cái xã hội này hại tôi không có đồng nào tiết kiệm à! Cái thời đại này...”
Anh ta lại bắt đầu, nói không ngừng không nghỉ, thế nhưng, nói cũng chẳng có tác dụng gì.
Một con người không nghĩ đến chuyện thay đổi, mà chỉ không ngừng bực bội tức tối, ắt sẽ bị giam cầm trong tư duy của kẻ yếu, mãi giậm chân tại chỗ, không thể tiến lên, cuối cùng bị vây khốn, không sao bay thoát nổi.
Có thể bạn sẽ nói, chẳng nhẽ chúng ta mãi mãi không thể nói về sự xấu xa của cái thế giới này hay sao? Không phải, sở dĩ chúng ta phải viết về những sự bất công, phải bình luận những hiện tượng xấu xí của thế giới này, đó là vì chúng ta muốn thay đổi nó, thế nhưng, cứ mắng chửi, oán trách, thực ra lại chẳng được tác dụng gì cả.
Thế giới do con người tạo thành, có lúc, phải thay đổi mình cho tốt, gây ảnh hưởng đến những người xung quanh, khiến thế giới tốt đẹp lên một chút.
Bắt đầu từ bản thân mình, bao giờ cũng có tác dụng hơn là chỉ đi chỉ trích người khác.
3.
Lại nói về người bạn nọ.
Mấy ngày sau, anh ta tiếp tục than phiền với tôi, nói là đồng nghiệp được thăng chức, còn mình thì không, sau đó tự an ủi rằng: “Tôi cũng biết làm thế nào để đượC thăng chức, chẳng qua tôi không làm mà thôi.”
Kế đó, anh ta lại hậm hực càu nhàu: “Thằng đấy chẳng phải chỉ gặp may thôi sao?”
Thật thế ư? Vận may thực sự quan trọng đến thế ư? Không, vận may rất quan trọng, nhưng nhất định không giữ vai trò chủ đạo, những người được gọi là gặp may ấy, chẳng qua là họ luôn luôn sẵn sàng chuẩn bị mà thôi.
Bạn tưởng mình hiểu được quy tắc, chỉ là không làm theo, thực vậy sao?
Không hẳn đâu, đánh trận trên giấy dù xuất sắc mấy cũng không bằng tự mình dẫn quân ra trận thật nhiều, cái đầu tiên chỉ là lý tưởng, còn cái sau mới là thực tiễn.
Bạn luôn cho rằng việc người khác làm đơn giản, luôn cho rằng mình cũng hiểu được những nguyên lý đó, nhưng bạn lại không làm, không làm thì bạn mãi mãi không thể biết được quá trình thực tế thao tác những thứ đó phức tạp đến nhường nào.
Bạn lúc nào cũng muốn tìm thời điểm có trạng thái tốt nhất để bước đi bước đầu tiên, nhưng lại mãi mãi không biết trạng thái tốt nhất là như thế nào, sau đó cứ trì hoãn không cất bước, cuối cùng lại tự dằn vặt mình: Nghe bao nhiêu lý lẽ như thế, vẫn không sống cho tử tế được.
Đó chẳng phải là nói thừa hay sao, bạn chẳng bao giờ hành động, chỉ nghe lý lẽ, hiểu đạo lý.
Người hiểu được lý lẽ, lúc nào cũng cho rằng mình là hoàn mỹ, nhưng phàm khi bắt đầu hành động, luôn luôn sẽ có va vấp, con người ta chính là trưởng thành lên từ những khuyết điểm, những va vấp như thế.
Chỉ nghĩ mà không làm, chỉ nói người khác mà không nhìn lại chính mình, chỉ nhấn mạnh nguyên nhân khách quan mà không tự phản tỉnh bản thân,
lối tư duy của kẻ yếu này sẽ chỉ khiến con người ta giậm chân tại chỗ, sớm muộn rồi cũng gây hại cho bản thân.
Bạn chỉ trông có vẻ rất cố gắng mà thôi
Một lần ở trên lớp, có cô bé ủ rũ nói với tôi: “Thầy ơi, em thi tiếng Anh cấp 4 đến lần thứ tư rồi, vẫn trượt, rốt cuộc là tại sao ạ?”
Tôi hỏi: “Em đã luyện đề chưa? Học thuộc từ vựng chưa?”
Cô bé lấy ra tập đề thi đã làm đến rách bươm, trả lời tôi: “Em thậm chí còn thuộc đáp án tất cả các đề mục mà thầy đã giảng, em cố gắng đến thế rồi, tại sao vẫn thi trượt hả thầy?”
Đây là một học sinh để lại cho tôi ấn tượng đặc biệt sâu sắc, thực ra kỳ thi tiếng Anh cấp 4 cực kỳ đơn giản, nghe nói, tỷ lệ thi đỗ hằng năm hơn 80%, mười mấy phần trăm thi trượt kia còn bao gồm cả những học sinh không được cộng điểm gì và những em chẳng thèm học hành gì. Tôi thầm nhủ, một người phải có “nghị lực” đến nhường nào mới có thể giữ mình ở mãi trong nhóm mười mấy phần trăm đó, đã thế lại còn liên tiếp bốn lần thi trượt nữa chứ.
Thế nhưng, khi nhìn cuốn vở ghi chép kín đặc của học sinh này, tôi lại nghĩ, trông có vẻ rất cố gắng đấy, chẳng có lý nào lại thi trượt cả, liệu có phải đầu óc cô bé này có vấn đề gì không.
Nói chuyện một hồi lâu, vẫn không tìm ra lý do.
Cảm giác này giống như một bác sĩ biết bệnh nhân của mình có bệnh, nhưng lại không biết chữa trị cho anh ta thế nào vậy. Vì thế, tôi đành phải giở chiêu: “Em đã cố gắng như thế rồi, yên tâm đi, lần sau chắc chắn sẽ qua được.”
Cô bé ấy ngượng nghịu nói: “Mong rằng thế ạ.”
Trên thế giới này, không có kết quả nào mà không có nguyên nhân cả, dù lúc này không nhìn ra được thì nguyên nhân nhất định vẫn tồn tại ở đâu đó.
Đó là lần cuối cùng tôi gặp cô bé ấy, cô bé không bao giờ xuất hiện trong lớp học của tôi nữa.
Một hôm, tôi đến bên cạnh chỗ cô bé ngồi, chỉ vào chỗ trống hỏi cô bé ngồi cạnh: “Em có quen bạn ấy không?”
Cô bé kia đáp: “Quen ạ, bạn ấy học cùng lớp em.”
Tôi nói: “Tại sao bạn ấy suốt ngày bỏ học vậy?”
Cô bé kia cười cười: “Bạn ấy có nhiều việc lắm ạ.”
Cũng ngày hôm đó, tôi đã tìm ra được nguyên nhân căn bệnh. Cô bé này là chủ tịch hội học sinh, đồng thời còn kiêm chủ nhiệm của mấy câu lạc bộ, rất tích cực tham gia tổ chức các hoạt động, cũng có rất nhiều bạn bè. Việc duy nhất mà cô không có thời gian để làm, chính là ở một mình. Nhưng học tiếng Anh thực ra là một việc rất cần ở một mình. Còn cô bé ấy thì chỉ làm một bộ đề mẫu, vội vội vàng vàng đối chiếu đáp án, sau đó lao ra khỏi phòng tự học để tiếp tục lo các việc của hội học sinh. Trong đầu cô cũng chỉ nhớ được rằng “mình đã cố gắng luyện đề mẫu như thế”, ngoài ra chẳng còn gì khác, cũng giống như việc cô bé ấy đã khoe với rất nhiều người là mình đi học ở lớp này, nhưng gần như chẳng bao giờ đến lớp; cũng giống như việc cô tìm rất nhiều người hỏi thăm cách thức học tiếng Anh, nhưng chẳng bao giờ thực sự ghi nhớ điều gì vào đầu. Lừa người khác rất dễ, lừa bản thân mình càng dễ hơn, thế nhưng, lừa cả thế giới này thì hơi khó.
Tôi nhớ có một cô bé tên là Tiểu Bạch, lúc nào cũng thích tôi giới thiệu cho một số tên sách và tên phim, hơn nữa lại còn yêu cầu phải thật phong cách, vì thế, mỗi lần tôi đọc sách xong đều mang đến cho cô đọc. Mỗi lần cô đọc xong, đều đăng lên weibo, bên dưới có vô số người "like".
Có lần, trong lúc nói chuyện phiếm với cô, tôi hỏi: “Nói anh nghe, quyển sách lần trước đọc xong em có nhớ gì không?”
Cô đáp: “Em quên hết rồi.”
Về nhà, thấy cô lại khoe trên WeChat là vừa đọc xong một cuốn sách, tôi vội “like” ngay bài viết ấy.
Một người bạn khác tên là Tiểu Lộ, rất thích đến phòng tự học, mỗi lần tôi lên WeChat đều thấy cô cập nhật: Dạo này mệt lắm; Sắp thi đến nơi rồi, chỉ còn cố mấy ngày nữa thôi; Đi sớm về muộn...
Cuộc sống mà cô mô tả, lúc nào cũng đầy trắc trở, đầy cố gắng. Cuộc sống mà cô trưng ra cho người khác nhìn vào, lúc nào cũng đầy năng lượng tích cực.
Thế nhưng, cái gì không qua được, thì vẫn là không qua được. Kết quả thi cử của cô dường như luôn trắc trở, và bất lực.
Bởi xét cho cùng, mọi sự cố gắng không phải để cho người khác nhìn, quan trọng là những cố gắng ấy có thực sự chạm đến được nội tâm của mình hay không, có giúp nâng cao bản thân lên hay không. Một lần nọ, tôi cùng cô đi tự học, thấy cô mang theo nào sách kế toán, sách tiếng Anh, đề luyện thi... còn có cả điện thoại di động nữa.
Cả một buổi sáng cô hết lên WeChat, lại lướt weibo. Kiểu cố gắng này, thực ra chỉ là trông có vẻ cố gắng mà thôi.
Trông bề ngoài ngày nào cũng thức khuya, nhưng lại chỉ cầm điện thoại like dạo; trông bề ngoài đi học thật sớm, nhưng trong giảng đường lại chỉ ngủ bù giấc đêm hôm qua, trông bề ngoài ngồi cả ngày trong thư viện, nhưng thực ra chỉ bần thần suốt cả một ngày; trông bề ngoài là đến phòng tập gym, nhưng chỉ để bắt chuyện với mấy anh đẹp trai, mấy nàng xinh gái. Ở bên cạnh chúng ta, luôn có một số người ghi chép rất nghiêm túc, nhưng kết quả học tập lại không được tốt lắm, cũng có những người thành tích học tập cực tốt, nhưng trông bề ngoài lại chẳng nghiêm túc gì cả. Rất nhiều người định nghĩa loại thứ hai là người thông minh, thực ra, bọn họ chỉ là những người có thể gạt bỏ được mọi cám dỗ trong lúc học tập, toàn tâm toàn ý cố gắng, tuy là những cố gắng ấy người khác không nhìn thấy được, nhưng trong thời gian học tập, họ không hề phân tán.
Những cố gắng này, không nhất thiết phải để người khác biết, có lúc, giữa đêm khuya bạn than thở thế giới này thật bất công, tại sao người nào đấy trông có vẻ chẳng mấy khi học hành, cuối cùng lại có thành tích tốt như thế. Thế nhưng, ở đằng sau, bọn họ và bạn rốt cuộc đã làm những gì? Cuộc sống của bạn và cuộc sống của bạn mà mọi người nhìn thấy, có đồng nhất hay không? Bạn có chắc rằng, thời gian được gọi là cố gắng ấy, bạn đã thực sự động não? Thực sự chuyên tâm vào công việc chính? Thực sự không thẹn với lòng mình chứ? Hay là, bạn chỉ trông có vẻ như rất cố gắng mà thôi?
Bạn tưởng mình đang hòa đồng, thực ra là đang lãng phí tuổi trẻ
Tôi viết bài này hoàn toàn ngẫu nhiên. Hôm đó, một học sinh kể với tôi, trong phòng ký túc xá có bốn người, cậu ấy là người duy nhất không chơi game, nhưng lại bị những người khác công kích tập thể: “Học hành có tác dụng gì chứ? Cậu giả bộ với ai vậy? Cậu không nhập bọn với chúng tớ, sau này làm sao có tiền đồ gì được?” Hôm ấy nghe xong, tôi hết sức buồn bực nhớ đến cuộc sống đại học của mình.
Thực ra, tôi chưa từng thoải mái trong cái quần thể ày.
Tôi chợt hiểu ra, học đại học không phải là để hòa vào một tập thể, mà là để hoàn thành mộng tưởng của mình, sau đó tìm ra quần thể thực sự thuộc về mình.
Cảm giác này giống như bạn là một cao thủ bóng rổ, tại sao nhất thiết phải nhập bọn với một nhóm toàn người học giỏi tiếng Anh chứ? Không thể chọn lựa bạn cùng phòng với mình, nhưng bạn có thể lựa chọn bạn bè của mình, không thể quyết định hoàn cảnh sống của mình, nhưng bạn có thể quyết định môi trường lý tưởng của riêng bạn.
Hòa nhập vào tập thể thích hợp với mình, tìm kiếm thứ mình cần, dù là lý tưởng, hay bạn bè, đây mới là điều bạn nên làm trong bốn năm đại học.
Từng có một phòng ký túc xá, trong phòng có tám người. Mỗi khi có đủ cả tám người trong phòng, trưởng phòng đều tổ chức một trò chơi, tám người chia làm hai nhóm, mỗi nhóm ba người cùng đánh bài, hai người còn lại thì bật máy tính lên chơi DOTA (một trò game online), hoặc lấy điện thoại ra
không ngừng lướt web, hoặc không thì nằm trên giường cầm PSP (một loại máy chơi game) đợi đến lượt bọn họ.
Sau đó, một buổi tối trôi qua như thế.
Sau đó, một năm đã trôi qua như thế.
Sau đó, bốn năm đã trôi qua như thế.
Trong tám người ấy, nhất định có một hai người vẫn sống khá tốt, nhưng cũng nhất định có người rất chật vật. Những người sống khá tốt, có thể nói đã sống rất giả dối trong bốn năm đại học, vì bọn họ bày trò cho người khác sa ngã, còn mình vẫn kiên định tiến lên phía trước, trong ngoài bất nhất, người rất chật vật ấy, mãi mãi không bao giờ biết được vấn đề nằm ở đâu.
Trong buổi học gần đây nhất, tôi không ngừng nhấn mạnh điều này với học sinh của mình: thời đại học, các bạn không thể lựa chọn bạn cùng phòng, nhưng có thể lựa chọn bạn bè của mình.
Bởi lẽ, gần đây tôi bắt đầu phát hiện ra: phòng ký túc xá là nơi sự trụy lạc bắt đầu, hòa nhập vào hội nhóm là khởi điểm của sự đào thải.
Trong quan niệm của nhiều người, khi ba trong bốn người liên tục tải về các phim của một nữ minh tinh nào đó, mà người thứ tư không xem thì là không hòa đồng.
Trong bốn người, ba người chơi game, người thứ tư không chơi thì là không hòa đồng.
Con người thường sợ cô đơn, vì thế, hầu hết mọi người đều chọn cách hòa nhập với tập thể.
Thế nhưng, bạn tưởng mình đang hòa đồng, thực ra lại đang lãng phí tuổi xuân; bạn tưởng mình kết bạn, nhưng khi bạn tốt nghiệp với hai bàn tay trắng, ai còn coi bạn là bạn bè? Bạn tưởng mình không cô đơn trong bốn năm đại học, đến khi tốt nghiệp không có việc làm, không có nửa kia, bạn lại càng cô đơn gấp bội.
Có người nói, cô đơn rất đau khổ, nhưng có ai bảo thực hiện lý tưởng của mình mà không đau khổ đâu? Trong thời gian bốn năm ngắn ngủi ở trường đại học, tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp vì hòa nhập với tập thể mà trở nên sa đọa.
Còn nhớ hồi năm thứ nhất, suốt ngày có người rủ tôi chơi game, tôi cũng chơi, nhưng cuối cùng chỉ đọng lại cảm giác trống rỗng, giống như bọn họ.
Còn nhớ hồi năm thứ hai, khi họ cầm điện thoại di động liên tục tải về các game mới, tôi lại ngồi trong góc ôm sách từ vựng tiếng Anh để học.
Còn nhớ hồi năm thứ ba, bảy người trong phòng ký túc cùng công kích tôi, nói tôi không hòa nhập với tập thể. Còn có người đi khắp nơi rêu rao rằng tôi kiêu ngạo, nói xấu tôi khắp nơi, nhưng tôi hiểu, khác người không phải cái sai của mình, cuối cùng tôi đành phải làm đơn xin đổi phòng khác.
Đến giờ, tôi đã quên mất tên của những người nói tôi không hòa nhập tập thể ấy rồi. Tôi biết, trong nhóm họ có thể có người còn nhớ đến tôi. Nhưng tôi chỉ muốn nói, họ nhớ đến tôi, chứng tỏ cuộc sống của họ không thể không có tôi, còn tôi đã quên mất tên họ, chứng tỏ cuộc sống của tôi không cần đến bọn họ.
Cho đến hôm nay, tôi quen rất nhiều người, có một số là đạo diễn lớn, một số là diễn viên nổi tiếng, một số là các doanh nhân lớn, một số là đại gia trong giới tài chính, chính trị gia, một số là những hot girl hồi đầu chẳng buồn ghé mắt nhìn tôi lấy một lần, quan trọng nhất là, tôi có một đám bạn tốt. Đến thời điểm này tôi mới thấy cảm kích, nhờ hồi đó không hòa nhập với tập thể, mà hiện tại tôi mới tìm được quần thể của riêng mình, làm những việc mình cần phải làm.
Nếu hồi đó tôi hòa nhập với tập thể đó, hiện tại bên cạnh tôi là những ai, tình trạng của tôi sẽ như thế nào?
Tôi luôn có niềm tin kiên định rằng, anh hùng vĩnh viễn là người cô độc, chỉ có đám lâu la lính lác mới tụ tập vô tội vạ. “Định luật 80/20” có thể áp dụng với bất cứ ngóc ngách nào trên Trái Đất này: 20% số người chiếm hữu 80% tổng tài sản; 80% số người phục vụ cho 20% số còn lại.
Đặc biệt là các chàng trai, bốn năm đại học, nếu cứ tụ bạ, cứ ở trong phòng ký túc, không chịu mở mang tầm mắt, chỉ giậm chân tại chỗ làm ếch ngồi
đáy giếng thì đến lúc bước ra ngoài xã hội, các bạn sẽ phải nhận lấy hậu quả.
Còn các bạn gái, trong thời kỳ đại học lại càng cần phải bồi dưỡng rèn luyện tính cách độc lập, dựa dẫm vào một người đàn ông không thể bằng được dựa vào đôi bàn tay mình để sáng tạo ra tương lai.
Song, điều tôi muốn nói là, không hòa nhập tập thể chứ không phải kết thù chuốc oán, không phải khăng khăng một phách. Ít nhất, cũng chớ nên làm mếch lòng người khác, vì “đạo không hợp thì không đi được với nhau”. Điều này không có nghĩa là đến nói chuyện cũng không được, hoặc là công kích lẫn nhau bằng lời lẽ gay gắt. Bạn có thể ủng hộ cách sống của người khác, chỉ có điều, cần phải có suy nghĩ của riêng mình.
Nói tóm lại, những người đạt được thành tựu ngoài kia, bao giờ nội tâm cũng có một khoảng trời riêng, họ thích lặng lẽ tư duy, đồng thời không ngừng tiến bước về phía lý tưởng của mình.
Đi làm thêm chỉ để kiếm tiền, là sự đầu tư ngu xuẩn nhất
Cuối năm 2010, năm đầu tiên làm thầy giáo, tôi quen được một người bạn tốt - một sinh viên năm thứ nhất khoa Kinh tế trường Đại học Nhân dân. Tôi luôn nghĩ rằng, khoa Kinh tế trường Đại học Nhân dân là một khoa cực oách, vì thi vào rất khó, thêm nữa tôi đang tha thiết muốn biết thêm một số kiến thức về kinh tế học, vì vậy tôi luôn lấy lòng cô, để cô giảng giải, truyền thụ cho một số tri thức. Chúng tôi thường hay hẹn nhau uống cà phê ngoài quán, vì khi ấy tôi đã bắt đầu đi làm, nên đại đa số là do tôi trả tiền. Cho đến một ngày...
Cô ấy nói với tôi: “Anh Long, anh giới thiệu cho em một công việc làm thêm ở trung tâm tiếng Anh gì đấy được không?”
Tôi hỏi: “Tại sao?”
“Gần đây em túng tiền lắm, cứ bắt anh mời suốt, em cũng ngại lắm ấy.” Tôi nói: “Em thi tiếng Anh cấp 4, cấp 6, IELTS, TOEFL chưa?” Cô đáp: “Em mới học năm nhất mà, đương nhiên là chưa rồi.” Tôi nói: “Thì đấy, em mới học năm nhất, sao vội kiếm tiền vậy?” Cô ngừng lại chừng năm giây rồi nói: “Anh đúng là không phải bạn tốt.”
Sau đấy, cô vừa cứng vừa mềm thuyết phục, tôi đành giới thiệu cô đến một trung tâm chuyên dạy tiếng Anh cho thiếu nhi. Học sinh của cô đều học tiểu học. Lúc lên lớp, cô chỉ phải dạy học sinh bảng chữ cái, nói Father (bố), Mother (mẹ), sau đó chơi trốn tìm, đuổi bắt với các em.
Tháng đầu tiên, cô kiếm được hơn 4000 tệ. Cô cực kỳ vui vẻ mời tôi ăn một bữa cơm.
Cuộc sống như vậy kéo dài suốt học kỳ II năm thứ nhất đại học. Cô để dành được một ít tiền, mọi người đều khen ngợi, cho rằng cô thật sự rất có
chí phấn đấu.
Thế nhưng, tôi lại phát hiện ra một số điểm không ổn. Nếu mỗi tháng bạn nhận của công ty 4000 đồng, vậy thì ít nhất bạn phải kiếm cho người ta 20000 đồng, mỗi ngày phải bỏ ra 8 tiếng đồng hồ. Vậy mà một tháng của bạn mới đáng giá 4000 đồng?
Về sau tôi mới biết, mỗi ngày cô tốn 10 tiếng đồng hồ để soạn bài, ngoài 8 tiếng ăn cơm và ngủ ra, cô chỉ còn lại 6 tiếng để học tập. Kể cả cô có thực sự dùng hết 6 tiếng này để học tập, thì cũng không thể coi là sinh viên toàn thời gian mà đã là sinh viên bán thời gian mất rồi. Tâm sức cô bỏ ra trong 10 tiếng đồng hồ để soạn giáo án ấy lớn hơn rất nhiều những gì thu nhận được trong chưa đầy 6 tiếng đồng hồ. Vào thời điểm cần thu nhận, cô lại lựa chọn bỏ ra, thế thì bốn năm đại học còn có nghĩa lý gì?
Hôm đó, tôi và cô nói chuyện rất lâu, cô cảm ơn tôi và nói: “Anh Long, anh nói đúng lắm, em sẽ viết thư xin thôi việc.”
Kế đó, một việc không ngờ lại xảy ra. Quản lý nói chuyện với cô, thấy cô có biểu hiện xuất sắc, bèn tăng lương gấp đôi. Trước sự cám dỗ ấy, cô lại tiếp tục làm thêm một năm nữa.
Năm đó, tôi không nỡ quấy rầy cô, chỉ để ý những khi ăn cơm với tôi, cô càng lúc càng ít nói về kiến thức kinh tế, mà ngày càng nói nhiều hơn về việc giảng dạy tiếng Anh. Tôi rụt rè hỏi: “Sau này em định làm giáo viên tiếng Anh à?”
Cô nói: “Không ạ, em học kinh tế mà. Sau này đương nhiên là phải trở thành nhà kinh tế, giống như Lang Hàm Bình2 ấy.”
Tôi ngẩn người ra hỏi: “Nhưng mọi việc em làm đều không khiến em trở thành nhà kinh tế được, sau này em chỉ có thể trở thành một giáo viên tiếng Anh thôi. Vì mọi việc em làm bây giờ đều chẳng liên quan gì đến kinh tế cả. Tuy rằng em chưa cảm nhận được, nhưng những thứ này lại âm thầm quyết định tương lai của em đấy.”
Cô đáp: “Không thể nào, em kiếm nốt ít tiền rồi sẽ dừng lại ngay, cơ sở vật chất cũng rất quan trọng mà!”
Tôi lại im lặng, chỉ hy vọng mình nói sai.
Kỳ nghỉ hè năm thứ hai, rất nhiều ngân hàng cho sinh viên khoa Kinh tế cơ hội thực tập, các bạn học của cô hầu như đều nhận được offer, còn cô, vì bận làm việc, không ngờ đến tiếng Anh cấp 4 cũng trượt, khỏi nói đến các chứng chỉ chuyên ngành kinh tế, ngay môn văn hóa cũng bị nợ mất hai môn. Mà kỹ năng duy nhất cô thu hoạch được, chính là làm thế nào khiến lũ trẻ vui vẻ và trao đổi với phụ huynh chúng.
Câu chuyện này vẫn có một cái kết đẹp, vì cô bé này năm nay tốt nghiệp xong đã đi Mỹ học chuyên sâu rồi, nhưng mỗi lần nhắc lại chuyện cũ, cô đều nói với tôi, hồi ấy cô kiếm được một khoản lương kha khá, nhưng cảm giác giống như bị hội chứng luộc ếch vậy, sơ ý một chút là chết lúc nào không biết. Chẳng những vậy, cô còn tưởng rằng mình rất cố gắng, thực ra là cố gắng đi về phía vực sâu, chẳng học được gì cả.
Bốn năm đại học là bốn năm hấp thu tri thức dày đặc nhất, thời gian quý giá như vậy, tại sao phải đi kiếm tiền? Sau này bạn sẽ có nhiều thời gian kiếm tiền, nhưng sẽ không có đủ thời gian và tâm sức để học tập sữa. Thời sinh viên, nghèo là chuyện bình thường, nó càng có thể khiến bạn giữ được ý chí và đấu chí để làm những việc mình thích và có tính thử thách. Một số công việc làm thêm thuần túy chỉ là lãng phí thời gian, lãng phí năng lượng, làm suy yếu ý chí phấn đấu của bạn.
Hồi tôi học đại học, có đi làm gia sư, hồi ấy vui lắm, cảm thấy có tiền rồi. Sau này, tôi mới nhận ra ngoài việc mỗi tiếng kiếm được 100 đồng ra, thì tôi đã lãng phí một phần lớn thời gian. Tôi làm được khoảng hai tuần rồi xin nghỉ.
Còn một số nghề nữa, ví dụ như nhân viên phục vụ, nhân viên giao hàng nhanh... tôi không kỳ thị những nghề nghiệp ấy, chỉ là tại sao bạn cứ phải lãng phí thời gian học tập, đọc sách quý giá để đi làm những việc mà ai cũng có thể làm? Nếu chỉ để làm những việc ấy, bạn còn phải đi học đại
học làm gì? Kỳ thực, nếu bạn không học lên thạc sĩ, thì bốn năm này là bốn năm cuối cùng bạn có thể tập trung học tập. Trong bốn năm này, bạn có rất nhiều việc phải làm: bạn có thể không lên lớp, nhưng bạn không thể không
đọc sách, bạn có thể không lấy bằng, nhưng bạn không thể không học tập; bạn có thể không tụ bạ, hòa nhập với những người xung quanh, nhưng bạn không thể không kết bạn. Bạn tưởng là ở trường đại học ngoài thời gian trên lớp, còn lại đều có thể lãng phí, thầm nhủ, mình chỉ đi làm thêm một chút, còn hơn là ở trong ký túc xá ngủ hay chơi game nhiều. Song tôi nói cho bạn biết, khi bạn tiêu phí những khoảng thời gian mà bạn cho là bỏ thì thương vương thì tội ấy, có vô số sinh viên khác đang cố gắng học tiếng Anh chuẩn bị ra nước ngoài, cũng có vô số sinh viên khác đang vào thư viện đọc cuốn sách mà mình thích. Sau khi tốt nghiệp, những người đó sẽ chuyển toàn bộ tri thức và kỹ năng mình học được thành những thứ cần cho công việc, kiếm được nhiều tiền hơn gấp bội.
Đến hôm nay, tôi vẫn cảm ơn chính mình vì đã không bị việc kiếm tiền làm cho mê muội, tôi cho rằng người trẻ không thể coi việc kiếm tiền là mục đích sống, mà phải học tập nhiều hơn, tìm hiểu thế giới này nhiều hơn. Mấy năm trước, tôi quyết định dành thời gian rảnh đi học chế tác điện ảnh: biên tập, cắt cảnh, quay phim, hiệu ứng đặc biệt. Vậy là, sau vài bộ phim, tôi đã hợp tác với trang Youku ra bộ “Người vỡ mộng”. Tôi cũng rất cảm động, bởi thời trẻ đã không tham làm thêm kiếm tiền mà làm lỡ dở việc học của mình, đánh mất bao nhiêu là khả năng phát triển.
Cuối cùng, tôi chân thành khuyên mọi người: đừng ngưỡng mộ cuộc sống của những người có việc làm thêm, có tiền, vì cùng với sự trưởng thành về tuổi tác, sớm muộn gì bạn cũng có. Thế nhưng, những thứ bạn có mà họ không có: thời gian, tuổi trẻ... thực ra cực kỳ quan trọng. Bởi vậy, đừng vì một số công việc làm thêm vô nghĩa mà lãng phí cả tuổi xuân tươi đẹp, làm vậy không đáng chút nào.
Cách nghỉ ngơi tốt nhất
Anh A - một nhân vật nổi đình đám trên mạng mà tôi quen biết là một người đàn ông tràn đầy nhiệt huyết, cảm giác như ngày nào anh cũng có vô số thời gian dùng không hết: viết sách, giảng bài, đọc sách, tham gia đủ các loại chương trình, anh chia thời gian của mình thành rất nhiều phần nhỏ, phần này của ngày hôm nay làm cái gì, phần kia làm cái gì. Những phần này đều được phân chia rất tỉ mỉ, để thời gian của một ngày không lãng phí chút nào. Trong vòng một năm, sự nghiệp của anh đi lên vùn vụt, các mối quan hệ cũng mỗi lúc một nhiều, số lượng fan đông đến nỗi khiến người ta phát khiếp. Mỗi lần xem weibo của anh, câu hỏi mà các học sinh hỏi nhiều nhất là: “Làm sao thầy có thể cùng lúc làm được nhiều việc như thế? Thầy không cần nghỉ ngơi à? Thầy là người sắt chắc?”
Câu trả lời của anh rất đơn giản: “Làm những việc khác nhau, chính là sự nghỉ ngơi tốt nhất.”
Không biết bạn từng có cảm giác, hôm nay đã học tiếng Anh ba tiếng đồng hồ, mệt quá, vậy là bạn tự nuông chiều bản thân một chút, ngủ trưa một giấc, đổi lại là đến tối bị đau đầu khó chịu, sau đấy thì không thể làm nổi việc gì nữa. Việc này xảy đến với rất nhiều người, rõ ràng đã ngủ cả buổi chiều, vậy mà không đỡ mệt, vẫn cứ uể oải, hiệu quả công việc không cao. Nguyên nhân đơn giản lắm, vì cách thức nghỉ ngơi căn bản không phải là ngủ triền miên, mà là nghĩ vấn đề khác, đi làm việc khác. Quan trọng là, họ chẳng mệt hơn những người ngủ suốt ngày là bao nhiêu.
Tôi vẫn không thể quên được chuyện của anh H bạn thân tôi. Hồi mới ở quê lên Bắc Kinh lập nghiệp, tôi ở chung với anh một thời gian. Hồi ấy, anh đang tự ôn luyện, chuẩn bị cuối năm thi nghiên cứu sinh. Tôi là giáo viên tiếng Anh, nên tiếp xúc với rất nhiều học sinh: có người cần cù, có người làng chàng, có người hiệu suất không cao, cũng có loại thiên tài.
Mặc dù tôi không thích phân loại người khác, nhưng tôi đã gặp rất nhiều bạn học hành cần cù mà vẫn nhàn nhã, cũng thấy rất nhiều bạn nhìn bề ngoài thì rất khổ luyện nhưng cuối cùng lại chẳng có kết quả tốt. Anh H bạn tôi thuộc loại thứ hai.
Một ngày, anh ấy làm đề tiếng Anh khoảng hai tiếng, học một ít từ mới, dịch dăm ba câu là thấy mệt. Anh bèn vươn vai, kế đó nằm vật giường, rồi như bị dính xuống giường không thể ngồi dậy được nữa, lăn bên này bên kia vài lượt là ngủ thiếp đi... Tôi đánh thức anh dậy, hỏi: “Anh có thi nghiên cứu sinh nữa không vậy?”
Anh đáp: “Tôi nghỉ một tí rồi học tiếp.”
Anh ngủ khoảng một tiếng, sau khi dậy, hiệu suất thấp đến kinh người. Quyển sách mãi vẫn mở ở trang đó, hơn một tiếng sau, anh vẫn cứ nhìn chằm chằm vào mấy dòng đó. Tôi bước đến gần, mới phát hiện anh đã lôi điện thoại ra lên mạng từ lúc nào.
Anh thi nghiên cứu sinh hai lần, đều trượt cả. Có bữa anh hỏi tôi: “Có phải tôi già rồi không, lúc nào cũng thấy không ngủ đủ giấc, ban ngày buồn ngủ, tối lại mất ngủ, học hành chẳng hiệu quả gì cả.”
Ở chung phòng với anh một thời gian dài như vậy, tôi hiểu rất rõ, một ngày anh ngủ hơn mười tiếng đồng hồ, chắc chắn là đủ rồi. Vì vậy, tôi nói với anh: “Anh thử đừng dùng giấc ngủ để thả lỏng bản thân nữa xem. Học mệt rồi thì đứng dậy đi chạy bộ.”
Dưới sự kêu gọi của tôi, anh và tôi cùng đi làm thẻ tập thể hình. Thời gian đó tôi cũng đang cố gắng giảm béo, nên đã dẫn anh cùng đến phòng tập. Tấm thân vốn đã mệt nhoài của anh, sau khi chạy cho ướt sũng mồ hôi, tinh thần chẳng những không uể oải mà ngược lại còn trở nên có sức sống hơn. Hôm đó, anh học đến mười một giờ đêm, không thấy buồn ngủ chút nào. Khi làm xong bài cuối cùng, anh vươn người một cái, cơn buồn ngủ bèn ập tới, nằm xuống là ngủ ngay. Đêm đó, anh không mất ngủ, tôi nghe tiếng ngáy đều đều. Hôm sau, anh gọi điện cho tôi: “Thượng Long, đi tập thể dục không?”
Ngày hôm sau, anh lại tiếp tục đi đến phòng tập với tôi.
Nhiều lúc, chúng ta cảm thấy rất mệt mỏi, chẳng còn tinh thần làm việc gì nữa, chúng ta thấy buồn ngủ, nhưng nằm trên giường lại không
sao ngủ được. Thực ra, đó không phải vì chúng ta đã già, mà là bởi chúng ta không vận dụng thời gian một cách hợp lý. Thời gian của chúng ta quý báu như thế, tại sao lại không sử dụng một cách có kế
hoạch? Nhiều khi, thời gian nghỉ ngơi hoàn toàn không phải là để ôm đầu ngủ vùi, mà là để điều chỉnh lại trạng thái, để đầu óc nghĩ việc khác, ngủ chỉ là một trong các phương thức thả lỏng bản thân mà thôi, ngoài cách ấy ra, chúng ta còn nhiều phương pháp khác nữa.
Tôi từng có một học sinh là sinh viên thuộc loại top Đại học Bắc Kinh, trong giai đoạn luyện thi nghiên cứu sinh, thời gian mỗi ngày của cậu ấy đều được lên kế hoạch rất chi tiết. Hằng ngày, cậu học tiếng Anh hai tiếng, mệt rồi thì bắt đầu vẽ tranh, vì học tiếng Anh sử dụng phần ghi nhớ của bộ não, còn vẽ tranh thì sử dụng phần nào sáng tạo. Vẽ tranh mệt rồi, cậu bèn chuyển sang đọc sách chính trị. Ngồi mãi cũng mệt, cậu liền đứng dậy chạy vài vòng, chạy đến khi mồ hôi túa ra thì lại tiếp tục học. Mỗi ngày cậu đều khiến việc học hành của mình trở nên không đơn điệu, cuộc sống không nhàm chán. Tuy rằng thời gian ôn luyện để thi nghiên cứu sinh không dễ dàng gì, nhưng ít nhất cũng không đến nỗi phải khổ sở vật vã.
Các thầy giáo của Khan Academy từng làm một thực nghiệm xác định thời gian tập trung chú ý của một người trưởng thành chỉ có 15 phút. Nếu chúng ta ép buộc bản thân, thời gian này có thể dài hơn một chút. Nhưng chúng ta
có thể dùng phương thức khác để thả lỏng đầu óc, như vậy, sẽ không thấy buồn ngủ nữa.
Rất nhiều người không thể kiên trì chạy đường dài, là vì trong đầu chỉ nghĩ đến bước chân của mình, những bước chạy lặp đi lặp lại ấy thật nhàm chán và nặng nề, chẳng mấy chốc người đó sẽ suy sụp. Những người kiên trì chạy, đều là những người dùng đôi mắt để nhìn phong cảnh bên đường. Bạn thấy đấy, cái gọi là nghỉ ngơi, không phải ngủ vùi, mà là thêm một chút gia vị vào cuộc sống của mình, để nó trở nên khác đi, nhiều màu sắc hơn.
Trở lại với cuộc sống của tôi. Hồi mới làm thầy giáo, tôi cảm thấy mọi thứ rất mới mẻ, mỗi ngày đều có thể gặp các học sinh khác nhau, mỗi ngày giảng những bài khác nhau, nơi dạy cũng đổi qua đổi lại. Thế nhưng lâu
ẳ
dần, tôi chẳng muốn chuẩn bị bài mới nữa, nội dung bài giảng cứ lặp đi lặp lại. Mặc dù học sinh khác nhau, nhưng phản ứng giống nhau, địa điểm dạy học cũng chỉ có vài chỗ như thế. Vậy là, tôi bắt đầu cảm thấy cuộc sống thật nhạt nhẽo, khô khan, ngày nào cũng thấy mệt mỏi, lên lớp xong chỉ muốn về nhà ngủ. Khoảng thời gian đó, tôi cảm tưởng thời gian giống như bị lên dây cót, chán chường, nhạt nhẽo lại còn tàn nhẫn. Ngày ngày tuy đều rất bận rộn, nhưng chẳng vui vẻ gì.
Trong một cơ hội ngẫu nhiên, tôi quen được một anh bạn bên khoa đạo diễn, anh ấy dạy tôi viết kịch bản, giới thiệu một số tác phẩm cho tôi đọc và học hỏi. Sau đó, tôi thi vào Dự án bồi dưỡng đạo diễn trẻ, thành lập studio Long Ảnh, các bài viết cũng bắt đầu có rất nhiều người đọc. Vốn dĩ, mỗi ngày tôi lên lớp 10 tiếng, sau đó thời gian còn lại đi ngủ, bây giờ, tôi đã cắt bớt rất nhiều thời gian đi dạy, chuyển sang viết tạp văn, viết kịch bản, đọc sách, du lịch. Cũng có nhiều người hỏi tôi: “Sao anh có nhiều thời gian thế, vừa viết sách vừa đi dạy vừa làm phim, lại còn đọc sách nữa, bận như thế, nghỉ ngơi vào lúc nào?" Thực ra, nghỉ ngơi là chuyện rất đơn giản, làm việc khác mà thôi. Lên lớp là việc tốn thể lực, dạy xong thì cũng nên động não, đầu óc mệt rồi thì đọc sách nghỉ ngơi một lúc, khi nào mỏi mắt thì nghe nhạc, ngồi lâu rồi thì dậy chạy bộ. Nghỉ ngơi không nhất định phải ngủ, thực ra chỉ cần dùng đầu óc theo cách khác để làm việc mà thôi.
Những người ngày nào cũng ở nhà ngủ vùi mãi mãi không thể biết được những người chạy bộ trên máy có một niềm vui khác. Những người đang chạy, luôn cảm thấy thế giới này vận động, năng lượng
tích cực và cảm giác an toàn khá giống nhau, đều là do bản thân mình mà ra. Những người ngày nào cũng hừng hực sống và làm việc kia không phải trời sinh ra đã khác người, mà chỉ vì họ luôn sống với một trái tim ham học hỏi và theo đuổi cái mới mà thôi.
Còn về giấc ngủ, mỗi ngày đảm bảo ngủ cho đủ là được. Tôi luôn nghĩ rằng, tuổi trẻ và sức sống là thứ không dễ gì có được, hà tất phải lãng phí vào việc ngủ?
Giỏi thôi chưa đủ, bạn có phải không thể thay thế hay không?
Dạo trước, khi studio của tôi tuyển người, một cô gái trẻ với nụ cười tươi tắn bước vào. Tôi xem tác phẩm của cô, cảm thấy rất khá, bèn hỏi: “Em muốn ứng tuyển cho vị trí nào vậy?”
Cô đáp: “Dựng phim ạ.”
Thực ra tôi rất muốn tuyển cô, nhưng người dựng phim của nhóm chúng tôi làm việc rất chăm chỉ, lại có năng lực, đồng thời tình hình tài chính của chúng tôi cũng không đủ để tuyển thêm người nữa vào vị trí này. Trong lúc đắn đo, tôi hỏi: “Em có nghĩ đến việc đổi sang vị trí khác không? Như là làm hiệu ứng đặc biệt chẳng hạn?"
Cô đáp: “Em không biết làm ạ.”
Tôi nói: “Vậy em còn biết làm gì nữa?”
Cô ngẩn người ra giây lát, đoạn nói tiếp: “Em dựng phim rất khá mà, anh xem tác phẩm của em rồi, hẳn là đã biết.”
Lúc đó tôi rất mâu thuẫn, vì quả thực cô rất giỏi, nhưng vị trí đó đã có người rồi. Người giỏi rất nhiều, cô có thể bị thay thế, đi trước mà hóa ra lại đến sau. Vì vậy, chúng tôi bàn bạc một hồi, cuối cùng tôi giới thiệu cô sang một studio khác. Vốn dĩ tưởng chuyện này đã kết thúc, nhưng tối hôm đó, cô gái gửi cho tôi một tin nhắn rất dài, hỏi: “Em rất muốn gia nhập nhóm của anh, vả lại năng lực của em cũng không kém, tại sao anh không nhận em?”
Thực ra, nếu đổi thành người khác thì tôi đã không trả lời rồi. Cộng thêm, lúc ấy cái tật thích làm thầy người khác của tôi lại nổi lên, tôi nghĩ ngợi một lúc lâu, cũng trả lời cô một tin nhắn rất dài: “Tiểu Mỹ, bọn anh đều nhìn ra được là em rất giỏi, nhưng việc dựng phim này em vẫn chưa đạt đến trình độ cao nhất. Tuy rằng sau khi gia nhập với bọn anh, năng lực của
em chắc chắn sẽ được nâng cao rất nhanh, em có tiềm lực rất mạnh, nhưng tiếc là bọn anh đã có người dựng phim, vị trí đó đã đủ rồi. Mặc dù em giỏi, nhưng em lại không đủ may mắn. Nhưng em có biết không, người không thể thay thế bao giờ cũng sẽ may mắn hơn, lần sau em nhất định phải học thêm nhiều thứ khác nữa, như vậy cơ hội thành công sẽ cao hơn! Anh nói em điều này nhé, sau này dù học tập hay làm việc gì cũng phải nhớ, giỏi thôi chưa đủ, nhất định phải xuất sắc, phải là người không thể thay thế, đây mới là quan trọng nhất.”
Sau ngày hôm đó, tôi và cô trở thành bạn tốt, chúng tôi thường cùng đi ăn. Hôm nay, cô đã ký hợp đồng với một studio rất lớn, lương tháng trên mười nghìn tệ. Chữ ký của cô trên weibo là: Giỏi thôi chưa đủ, bạn có phải không thể thay thế hay không?
Thực ra chỉ cần bạn vẫn còn đọc sách, mỗi ngày không ngủ đến tận trưa, không chơi game đến nửa đêm, không uống rượu đến tận khi trời sáng, vậy bạn chính là một trong những người đang nỗ lực; một người luôn nhìn về phía mặt trời, nhìn về tương lai, nhất định là một người giỏi giang. Thế nhưng, tại sao một người giỏi giang vẫn bị công ty lý tưởng của mình từ chối, bị giấc mơ của mình cự tuyệt từ ngoài cửa? Bởi vì trên thế giới này, không phải cứ nỗ lực là nhất định có thể thành công. Xét cho cùng, người cố gắng có rất nhiều, ở những thành phố lớn, thứ nhiều nhất chính là giấc mơ, không thiếu nhất chính là người giỏi. Thế nhưng, bạn giỏi giang thì sao chứ, mà định nghĩa về giỏi giang của mỗi người lại khác nhau. Nếu giỏi thôi chưa đủ, vậy thì hãy khiến mình trở nên không thể thay thế đi. Mà cách để trở nên không thể thay thế có hai loại: một là làm những việc người khác không muốn làm; hai là làm những việc người khác đều có thể làm tốt đến mức xuất sắc. Người như thế, mới là loại mà xã hội này thực sự cần đến.
Ảnh tốt nghiệp của một sinh viên nữ học ngành Cổ sinh vật của Đại học Bắc Kinh khiến dân mạng phát cuồng lên, vì cả khoa ấy chỉ có một mình cô, mọi người đều đùa rằng chắc chắn cô không bao giờ trốn học được. Có người lại hâm mộ cô, vì người như cô không phải lo nghĩ xin việc làm. Nếu trong xã hội chỉ có một vị trí tương ứng, và tiền đề là không ai ngồi vào đó dựa vào quan hệ, vậy thì vị trí này chỉ có thể thuộc về cô chứ không
phải ai khác. Nếu như có hai vị trí, vậy thì hai đơn vị sẽ phải tranh nhau để có được cô, thi nhau cho cô đãi ngộ, lương bổng tốt hơn, vì cô là người không thể thay thế. Trên đời này có rất nhiều người như vậy, làm việc mà người khác không muốn làm, để rồi trở nên không thể thay thế. Trước khi Bruce Lee (Lý Tiểu Long) sang Hollywood, đã có rất nhiều cao thủ trong giới võ thuật xuất hiện trên phim điện ảnh, nhưng chỉ có Bruce Lee sẵn sàng sang Mỹ phát triển. Rất nhiều cao thủ võ thuật không muốn rời bỏ quê hương đến một nơi xa lạ để mở mang sự nghiệp, mà khi đó bên Mỹ lại bùng nổ văn hóa phim ảnh, sau khi Bruce Lee sang đó, ông liền trở thành ngôi sao tầm cỡ thế giới, trở thành nhất đại tông sư. Thực ra, rất nhiều những người được gọi là thành công đó đều nhờ làm những việc mà người khác không muốn làm, từ đó trở nên không thể thay thế được.
Mấy năm trước, tôi học tiếng Anh trong trường quân đội, những người xung quanh đều cảm thấy tôi bị điên. Còn nhớ, có vô số đêm, tôi cầm cuốn từ điển tiếng Anh dày cộp đến phòng tự học, đứng đối diện với bức tường, lớn tiếng đọc thuộc lòng trong phòng học trống trải. Hồi đó, tôi viết lên giấy một câu thế này: Chịu được cô đơn, mới có thể hưởng thụ phồn hoa. Về sau, câu này được chia sẻ rộng khắp trên mạng. Còn nhớ có bạn học đã hỏi tôi: “Cậu học giỏi lắm rồi, cần gì phải học thêm nữa?” Tôi đáp: “Giỏi thôi chưa đủ, phải xuất sắc mới được.” Năm 2010, tôi tham gia cuộc thi hùng biện tiếng Anh “Ngôi sao hy vọng”, trải qua cạnh tranh kịch liệt, tôi giành được giải nhất khu vực thành phố Bắc Kinh, giải ba toàn quốc. Người dẫn chương trình nói: “Bạn là người đầu tiên mặc quân phục tham gia cuộc thi của chúng tôi đấy.” Khi đó, rất nhiều người hỏi tôi: “Trong môi trường của bạn, không ai học tiếng Anh cả, tại sao bạn lại học tiếng Anh?” Tôi cười đáp: “Chính vì không ai học tiếng Anh, tôi mới học chứ.”
Tôi vẫn nhớ, hồi đó trong đầu chỉ nghĩ làm thế để khiến bản thân trở nên không thể thay thế. Tôi rất cảm ơn khoảng thời gian ấy, ngày ngày đều cắm đầu cắm cổ học tiếng Anh, thế nên mới có cuộc sống mà tôi muốn có ngày hôm nay. Bây giờ, tôi đã bắt đầu toàn tâm toàn ý tập trung vào studio, hy vọng tương lai có thể làm ra những bộ phim hay hơn. Con đường này rất xa, có rất nhiều người cạnh tranh, tôi sẽ tiếp tục khiến bản thân trở nên mạnh mẽ hơn, mỗi ngày đều tiến bộ một chút, làm những việc người khác không muốn làm, làm một cách xuất
sắc tuyệt đối những việc người khác đều có thể làm, có vậy mới không thể thay thế được.
Tôi đã ở trong ngành đào tạo tiếng Anh được bốn năm, đối với ngành này, nổi tiếng nhất không phải là các lãnh đạo công ty, cũng không phải nhân viên, mà là những thầy cô giáo có sở trường đặc biệt. Các công ty, trung tâm lúc nào cũng tìm kiếm những giáo viên như thế. Họ có sở trường riêng của mình, họ là những người không thể thay thế. Làm lâu trong cái ngành này, tôi đã dần dần hiểu ra, điều quan trọng nhất là khiến mình trở nên giỏi giang hơn.
Mỗi lần đọc lại Thủy Hử, tôi đều cảm thấy rất thú vị, những nhân vật phong vân, lừng lẫy giang hồ như Tống Giang, Lý Quỳ cuối cùng đều không có kết cục tốt. Còn những người có tài năng đặc biệt như Tiêu Nhượng thổi sáo, Kim Đại Kiên khắc chữ cuối cùng lại được trọng dụng. Thứ Đỗ Phủ để lại cho thế gian, không phải quan chức của ông, mà là những bài thơ ông viết. Vì thế, đối với thế hệ chúng ta đây, vũ khí để chúng ta sinh tồn trên thế giới này chính là sở trường, là việc mà chúng ta làm giỏi nhất.
Các bạn trẻ đang trên con đường học tập cũng chớ nên chỉ cắm đầu đọc sách, hãy đến các hội chợ việc làm xem hiện nay xã hội đang cần chuyên ngành gì, lên mạng xem các công ty lớn thiếu người như thế
nào, rèn giũa kỹ năng sở trường đến mức không thể thay thế, biến đó thành sự nghiệp mà mình yêu thích. Con đường này có lẽ sẽ rất khó nhọc, thế nhưng, làm gì có cao thủ nào tu luyện mà không phải chịu đựng nổi cô đơn, mà không phải vất vả khó nhọc. Nếu bạn đã lựa chọn con đường trở nên không thể thay thế, vậy thì trên đường thực hiện mộng ước của mình, hứng chịu vài ba cú đấm có hề chi?
Trên đời này nhất định có người đang sống cuộc sống mà bạn mong ước
Câu chuyện này bắt đầu từ một chuyến du lịch. Mùa hè năm 2011, tôi một mình lên đường đi du lịch. Một hôm, tôi đến Hoa Âm ở Thiểm Tây, trời rất lạnh, đột nhiên muốn leo núi Hoa Sơn, bèn thuê xe đến đó, đến nơi thì đã là ba giờ chiều. Lúc đến chân núi Hoa Sơn, trên người tôi còn đúng 100 tệ tiền mặt, trả tiền xe xong, bác tài nghi hoặc nhìn tôi nói: “Chưa thấy ai leo núi như cậu cả, đi một mình, không mang theo nhiều tiền thì cũng thôi đi, lại còn chọn cái giờ này nữa.”
Tôi nói: “Vậy thì nên leo vào lúc nào?”
Bác tài đáp: “Người khác đều bắt đầu leo từ tối để sáng hôm sau xem mặt trời mọc. Từ đây cậu leo lên đỉnh Bắc ít nhất cũng mất bốn tiếng, cáp treo cũng nghỉ mất rồi. Đêm khuya vắng vẻ, cậu không mang theo nhiều tiền, không có chỗ trú, không sợ bị sói nó tha đi mất à.”
Tôi nghe mà dựng hết tóc gáy lên, nhìn ngọn Hoa Sơn cao sừng sững, rồi vẫn quyết định, nếu đã đến nơi rồi thì cứ leo đi vậy.
Khác người cũng có chỗ tốt, bạn sẽ không phải chịu đựng dòng người đông đúc và cảnh đầu người lố nhố khắp nơi. Khác người không có nghĩa là tôi đã sai.
Hôm ấy, tôi một thân một mình, tai nghe tiếng gió thu hiu hắt, mắt nhìn lá rụng dưới chân núi, tim đập thình thịch không ngừng đánh trống thu quân. Tôi chỉ nhớ đoạn đường đó rất dài, tôi thì đi rất nhanh, vì một thân một mình leo núi lại còn lo lắng có tiếng sói tru hay ở đâu nhảy ra mấy vị lục lâm hảo hán chém cho vài nhát. Nếu mà thế thật, tôi chắc chắn chỉ biết quỳ xuống xin tha, đưa hết 70 đồng còn lại trên người cho họ mà thôi.
Thấy ven đường có một ông già bước đi loạng choạng đang lục thùng rác, tôi hỏi: “Ông ơi, nhanh nhất phải bao lâu mới lên được đỉnh Bắc ạ?”
Ông già không ngẩng đầu lên: “Bốn tiếng.”
Tôi nói: “Người trẻ như cháu thì sao ạ?” Ông già liếc mắt nhìn tôi một cái rồi đáp: “Nhanh mấy cũng phải mất ba tiếng đấy.”
Tôi chào từ biệt ông già, đeo tai nghe lên, bước trên con đường leo núi đầy mồ hôi nước mắt. Tôi bước đi càng lúc càng nhanh, nhưng càng lên cao lại càng lạnh, đến khu vực có tuyết, điện thoại cũng mất tín hiệu luôn. Tôi còn lờ mờ nhớ được, có một đoạn đường rất dốc, gần như là thẳng đứng, phải
dùng tay tóm vào dây xích dồn lực bò lên. Thế nhưng, chỉ cần chạm tay vào sợi xích sắt đó, sẽ thấy lạnh đến thấu xương, thậm chí bàn tay còn dính chặt luôn vào đó. Tôi nhìn hai bàn tay mình, do dự không biết nên hay không nên leo tiếp, nhưng rồi lại nhìn ra phía sau, đã leo được nửa đường, muốn quay lại cũng không được nữa rồi, giống như bạn đã chèo thuyền ra giữa hồ, muốn tiến không xong mà muốn lùi cũng chẳng còn đường nào nữa, chẳng thà đánh liều một phen mà đi tiếp. Tôi đang nghĩ ngợi, đột nhiên trong thấy trên sợi dây xích gần như buông thẳng đứng ấy có một cô gái đang cố gắng leo lên. Cô leo rất chậm, nhưng bước nào ra bước đấy, rất vững chãi.
Nửa tiếng sau, tôi đuổi kịp cô, cô không cao, vóc người nhìn từ phía sau gầy gò, buộc tóc đuôi ngựa, lưng đeo ba lô, mặc đồ thể thao, mồ hôi chảy ròng ròng từ trên cổ xuống.
Cô không đi găng tay. Bàn tay nhỏ nhắn đỏ lên vì lạnh.
Tôi leo chậm lại, gọi: “Xin chào, phía trước còn bao xa nữa mới đến đỉnh núi vậy?”
Cô gái hẳn là rất ngạc nhiên, đưa mắt nhìn tôi, thấy không giống người xấu, bèn cười đáp: “Cứ leo đi, để ý quá tới đích đến thì mất hết cả ý nghĩa của việc leo núi còn gì.”
Ở độ cao này, nhiệt độ đã xuống dưới 0, gió lạnh thổi vào mặt chúng tôi, chui vào cổ áo. Đoạn đường ấy, tôi đi cùng với cô, không nhanh, nhưng mỗi bước đều rất vững chãi. Đột nhiên tôi hiểu ra, kỳ thực chúng ta đều
đang đi trên từng chặng đường đời, điểm cuối là gì không quan trọng, vì những thứ đó đều cố định, thứ duy nhất không xác định, đó là cách chúng ta đi và phong, cảnh ven đường.
Sau đấy, chúng tôi lên đỉnh núi, tôi nhẩm tính thời gian, là 2 tiếng 45 phút. Chúng tôi ngồi trong một cái đình, tôi nói: “Thế mà họ bảo anh là phải ba tiếng mới lên được đỉnh Bắc:”
Cô mỉm cười: “Những gì họ nói chưa chắc đã đúng mà." Tôi lấy ra một lon bò húc, đưa cho cô: “Em đi du lịch một mình à?” Cô gái đáp: “Ừ, em đi một mình.” Tôi hỏi: “Em không đi học sao?” Cô đáp: “Đang tạm nghỉ.”
Thực ra, tôi có thể hiểu được, tôi đã đi dạy một thời gian dài, có đến một số ngôi trường chất lượng dạy học không tốt, học sinh chẳng học được gì, lại còn cấm ngặt trốn học nữa. Có nhiều bạn chẳng học được mấy tri thức chuyên ngành, nhưng phong cách quan liêu thì học được rõ lắm. Mỗi lần tôi đến những ngôi trường như thế giảng bài, đều sẽ thấy một người đang chỉ huy một người khác: “Cậu đi mua bình nước cho thầy giáo.” Tôi hỏi: “Tại sao bạn không đi mua?” Người đó đáp: “Tôi là lãnh đạo của cậu ta.” Tôi thở dài, thầm nhủ, nếu mình mà đi học ở trường này, thà rằng đi làm những việc mình thích còn hơn, đừng nói là tạm nghỉ bảo lưu, có khi thôi học luôn cũng không chừng.
Tôi hỏi: “Em học trường gì thế?”
Nhưng, cô lại nói: “Em học trường Phục Đán.”
Tôi luôn nghĩ ngày trời lạnh thế này, hẳn là không thể có chim bay qua, thế nhưng, đúng lúc đó, tôi rõ ràng nghe thấy tiếng chim kêu.
Cô mỉm cười hỏi tôi: “Lúc đi được nửa đường, anh có từng nghĩ đến việc bỏ cuộc không?”
Tôi gật đầu.
Cô nói: “Có phải là phát hiện mình không còn đường lùi nữa, đành phải tiếp tục đi tới?”
Tôi đáp: “Đúng vậy.”
Cô nói: “Vậy nên, mấy cái gọi là thành công học toàn vớ vẫn cả, tất cả mọi thành công đều do bị bức ép mà ra, cố gắng chưa chắc đã thành công được.”
Tôi nói: “Thành công học cũng giống như bây giờ người ta cổ xúy du lịch bụi vậy thôi, luôn có những người hễ cảm thấy công việc không thuận liền đi du lịch, mà không biết một mực theo đuổi việc lang thang chân trời góc
biển với một mực theo đuổi cuộc sống sáng đi chiều về nơi công sở thực ra giống nhau, cao thủ thực sự là người có thể điều tiết được hai thứ này một cách hài hòa.”
Cô chợt hỏi: “Anh làm gì vậy?”
Tôi đáp: “Anh làm thầy giáo, làm cả đạo diễn, biên kịch nữa.”
Con người tôi chính là như vậy, hễ cứ nhắc đến trải nghiệm của bản thân là không phanh được. Thực ra như vậy là rất ngốc, vì chỉ có những người ruột để ngoài da mới kể tồng tộc chuyện của mình ra với người khác, có lẽ vì hồi ấy còn trẻ, nên tôi cứ kể hết. Tôi kể mình được giải ba cuộc thi hùng biện tiếng Anh toàn quốc, lúc làm thầy giáo cũng được đánh giá là giỏi nhất, lập công cho trường quân đội, nhưng cô cứ ngáp hoài. Dần dần, tôi kể đến đoạn mình muốn theo đuổi sự tự do mà mình mong muốn nên đã nghỉ dạy ở trường quân đội, hai năm nữa sẽ đi Mỹ học đạo diễn, mắt cô mới sáng bừng lên.
Cô chậm rãi nói: “Theo đuổi cuộc sống mà mình mong muốn, có dễ không?”
Tôi nói: “Em thấy sao?”
Hôm ấy, tôi đã được nghe một câu chuyện mà tôi sẽ nhớ mãi cả đời.
Cô gái này bảo lưu kết quả từ nửa năm trước, đã đi leo núi ở Tây Tạng, uống rượu ở Lệ Giang, chèo thuyền ở Tân Cương, ăn đồ cay ở Thành Đô, đây là trạm thứ mười một của cô, sau đó cô còn muốn đi rất nhiều nơi nữa. Tôi hỏi cô: “Tại sao không học xong rồi hẵng đi du lịch, hay đi trong kỳ nghỉ ấy, nghỉ hè nghỉ đông thì sao?”
Cô đáp: “Bao nhiêu năm nay, lúc nào em cũng sống vì người khác, em chỉ muốn dành một năm này sống vì mình thôi.”
Tôi ngẩn người, lặng lẽ nghe câu chuyện của cô. Gọi cô là Tiểu Mỹ nhé.
Hồi nhỏ, Tiểu Mỹ cũng giống như mọi đứa trẻ khác, đã bị bố mẹ, thầy cô nhồi nhét vào đầu rằng, giấc mơ của em là vào Thanh Hoa, Bắc Đại, Phục Đán3, mặc dù bản thân cô cũng không biết đó là cái gì.
Hồi đó, bố mẹ cô nói rằng: “Chỉ cần con thi được vào trường danh tiếng là hoàn thành nhiệm vụ, còn lại không phải lo lắng gì nữa.” Bố mẹ cô đều làm việc ở ngân hàng huyện, không giàu sụ nhưng ít nhất cũng không phải lo cái ăn cái mặc. Người khác đi học lớp bồi dưỡng học sinh giỏi, cô cũng được đi học, người khác tham gia hoạt động ngoại khóa, cô cũng không thiếu tiền đi. Cô nói, cuộc sống của mình chính là một cuộc sống hết sức bình thường của giới trung lưu. May mắn là, cô học hành cũng không tồi.
Thế nhưng, thế giới này lúc nào chẳng thích thêm vào cuộc sống bình lặng của bạn một ít gia vị, vậy mới khiến những gì bạn thấy khác với người thường, mới khiến bạn không quên được những ngày tháng bình lặng ấy, khiến bạn ngẫm lại xem cuộc sống là gì. Có điều, đối với Tiểu Mỹ, chút gia vị này thêm vào hơi quá tay.
Bố Tiểu Mỹ gặp tai nạn xe hơi, chết ngay tại chỗ, tài xế gây tai nạn bỏ trốn, còn mẹ cô thì ngày nào cũng rửa mặt bằng nước mắt. Người dân ở đó cung cấp cho một số đặc điểm của tên tài xế, để tìm được người này, mẹ cô đã nghĩ đủ trăm phương nghìn kế, rốt cuộc cũng phát hiện ra hắn là cậu ấm một nhà rất có thế lực ở địa phương, thế lực lớn đến nỗi đủ để một tay
che trời. Mẹ cô không ngừng kiện cáo, nhưng không thấy tia hy vọng nào, dần dần hai bên tóc mai đều bạc trắng, mỗi lần đi kiện đều bị bác đơn với lý do không đủ chứng cứ. Mẹ cô không tài nào tìm được công lý, cứ vậy lâu dần, bắt đầu bước lên con đường của kẻ kêu oan.
Có một lần, lãnh đạo đến nhà họ cầm theo một đống tiền để mẹ cô thôi kiện tụng, mẹ cô cầm tiền ném vào lãnh đạo, những tờ giấy bạc đỏ vãi khắp mặt đất, trông như bầu máu nóng của mẹ cô vậy. Không lâu sau, ngân hàng đuổi việc mẹ cô, yêu cầu họ dọn ra khỏi căn nhà được cơ quan cấp cho, cuộc sống của hai mẹ con đột nhiên trở nên hết sức khó khăn.
Khi ấy cô còn nhỏ, nhưng cũng hiểu nước mắt là gì. Cô nói với mẹ: “Mẹ, đợi con thi đỗ đại học, con sẽ học ngành Luật, làm luật sư, giúp mẹ đi kiện.” Mẹ cô mỉm cười, nói với con gái: “Con nhất định phải thi đỗ vào trường nổi tiếng đấy nhé.” Trong nụ cười ấy, tràn đầy hy vọng đối với cuộc sống, thế nhưng, ánh mắt hy vọng ấy không kiên trì được lâu, chẳng bao lâu sau đã tắt lịm.
Ngày Tiểu Mỹ nhận được thư báo đỗ đại học, cũng là lần cuối cùng cô thấy mẹ mình, mẹ cô đã rời khỏi thế giới này theo cách của bố cô. Có nhiều lúc, bạn sẽ cảm thấy thế giới này thật kỳ lạ, một số sự việc xảy ra hoàn toàn nằm ngoài dự liệu của tất cả mọi người, vậy mà khi chúng xảy ra, lại hết sức trùng hợp. Nhưng cuộc đời luôn là thế, khi nhốt bạn trong căn phòng nhỏ tối tăm sẽ đột nhiên để bạn thấy một tia nắng mặt trời, chỉ cần bạn tóm chặt lấy tia nắng ấy, bò theo nó, bạn sẽ thấy được mặt trời.
Lần này tài xế không bỏ chạy mà đền một khoản tiền, ra tòa cũng bị xử phạt. May mắn là, gã lái xe lúc trước đâm chết bố cô cuối cùng cũng phải đi tù.
Tiểu Mỹ khóc cạn khô nước mắt, vào học ở khoa Luật. Cô hiểu rằng, những ngày tháng về sau, cô sẽ phải tự dựa vào chính mình.
Tôi nghe Tiểu Mỹ kể đến đây, nhìn vào đôi mắt kiên cường và gương mặt bị cái lạnh làm cho đỏ hồng của cô, lòng lấy làm chua xót. Tôi hỏi: “Sau đó thì sao? Tại sao em lại bảo lưu kết quả??”
Cô nói, ngày ngày cô đều chăm chỉ học tập, làm việc, vì cô biết nghề nghiệp này rất quan trọng nên học rất nghiêm túc. Để không lỡ dở việc học, đồng thời nuôi Sống bản thân, cô luôn làm việc vào buổi tối, viết bài cho báo, dịch tài liệu tiếng Anh cho nhà trường. Cứ vậy, học kỳ đầu tiên, cô kiếm được một ít tiền, kết quả thi đứng đầu cả lớp.
Vì cô giỏi xuất sắc, lại không thích giao lưu với người khác, đám bạn cùng lớp rất tò mò, ngấm ngầm tìm hiểu xem cô là người thế nào. Các bạn cùng phòng rất thích gặng hỏi xem bố mẹ có làm gì, có chỉ lẳng lặng nói, họ đều làm ở ngân hàng.
Những người khác lập tức vỗ đùi: “Đã bảo rồi mà, chẳng trách lại học giỏi thế, hóa ra là con nhà giàu.”
Mỗi lần nghe những lời như vậy, Tiểu Mỹ rất khó chịu, cô không biết nói dối như vậy là đúng hay sai, nhưng cô hiểu, hạnh phúc chính là sống cuộc sống như một người bình thường, không bị người khác phân biệt đối xử.
Mỗi ngày đều bận rộn học hành, lại còn phải đi làm, cô dần dần xa rời đám bạn cùng phòng và bạn bè, cô cảm thấy cô độc, cũng cảm thấy cuộc sống như lên dây cót, chẳng còn nhìn thấy trời đất gì nữa. Mỗi ngày học xong về đến ký túc xá, cô lại nghe mấy người cùng phòng châm chọc: “Ồ, lại đi học nữa rồi, trâu bò thật.”
Cô thường nhìn xa xăm, những lúc đêm khuya thanh vắng lại âm thầm khóc một mình, nghĩ rốt cuộc mình có muốn học ngành Luật hay không, hay bản thân rốt cuộc muốn gì. Thực ra, phía sau nghi vấn này và nỗi cô độc của cô là một vấn đề sâu sắc: Đâu mới là nhà?
Hôm đó, cô làm thủ tục xin bảo lưu, cô muốn đi một mình, bất kể đi đâu, miễn đi là được. Cô vác ba lô đi Tây Tạng, mua sách hướng dẫn, tra tìm tuyến đường, xuất phát, đến vùng đất mà tất cả mọi người đều muốn đi nhưng không có thời gian để đi ấy.
Buổi tối hôm cô thu dọn hành lý lên đường, đã uống chai rượu đầu tiên trong đời với đám bạn cùng phòng. Hôm đó, bạn cùng phòng của cô nói:
“Cậu thích thật đấy, có thể đi du lịch, làm việc mình thích, hạnh phúc biết mấy. Thực ra tớ cũng rất thích cách sống nói đi là đi luôn như thế.”
Tiểu Mỹ nói: “Nếu cậu đã mong ước cuộc sống như vậy, tại sao không xuất phát đi luôn?”
Người bạn kia đáp: “Nhà tớ không có tiền như nhà cậu, bố mẹ tớ đều ở nông thôn mà, đợi khi nào tốt nghiệp tìm được việc làm rồi tính sau.”
Một người khác nói: “Thực ra tớ cũng muốn sống một năm như vậy, nhưng không học giỏi như cậu, tớ còn nhiều môn phải thi lại lắm, nghỉ một năm trở lại thì chẳng còn gì nữa rồi, sau này còn phải tìm việc, tìm bạn trai, lấy chồng đẻ con nữa.” Cô này nói xong, lại tiếp tục quay sang xem phim Hàn Quốc.
Tiểu Mỹ mỉm cười, không nói gì. Ngày hôm sau, cô khởi hành, trên hành trình ấy, đích đến của cô là tương lai và viễn xứ. Tôi không thể biết trong hành trình của mình cô đã gặp những gì, cũng không biết được trong tương lai cô sẽ gặp những gì, giống như tôi vĩnh viễn không bao giờ biết được, tương lai tôi sẽ gặp điều gì vây.
Tôi chỉ nhớ ngày hôm đó, trên đỉnh Bắc của Hoa Sơn lạnh lẽo, đột nhiên như có một dòng nước nóng ấm chảy vào đáy lòng mình.
Tôi ngồi xổm ở đó, không biết nói gì. Đột nhiên, tôi hiểu ra, trên đời này, thực sự có người đang sống cuộc sống mà bạn mong muốn. Bạn cũng có thể sống như vậy, chỉ cần một chút quyết tâm, một chút dũng cảm, một chút hy vọng và một chút lòng tin.
Tôi không lưu số điện thoại của cô, đã là người trong giang hồ thì cần gì phải dùng một dãy số thế tục tầm thường và một cái nhãn mà đánh dấu lên cuộc gặp gỡ ấy. Tối hôm đó, chúng tôi dựa vào xô pha một khách sạn ngủ thiếp đi. Hôm sau khi tôi thức giấc, cô đã đi rồi, bên cạnh tôi để lại một đôi găng tay và một mảnh giấy.
Trên mảnh giấy viết: Khi theo đuổi ước mơ, nếu lạnh, hãy dùng hy vọng mà sưởi ấm.
Chẳng có con đường nào là uổng công đi
Hồi đi học tôi có một cậu bạn thân tên là Tiểu Nam, cậu này không thích kể lể, làm việc gì cũng có mục đích rất rõ ràng. Mỗi lần chúng tôi nói chuyện với nhau, cậu ta luôn đi thẳng vào chủ đề chính, sau đó đưa ra một số kết luận mang tính tổng kết, cuối cùng làm chúng tôi không biết phải tiếp lời như thế nào nữa. Mỗi lần mấy đứa bọn tôi làm chuyện gì khác người, cậu ta luôn là người lý trí nhất, mỗi lần mấy đứa bọn tôi uống rượu say quên trời đất, cậu ta luôn là người phụ trách đưa cả bọn về nhà. Mặc dù là bạn thân, nhưng lần nào chúng tôi cũng thầm nghĩ, có lẽ cả đời này cậu ta đều như vậy, không có quá nhiều điểm đặc sắc, không mắc phải sai lầm quá lớn, cũng không có gì khiến người khác phải chấn động hay kinh ngạc.
Có hôm, tôi và Đông bàn nhau, bảo: “Thằng này lần nào cũng nhìn bọn mình uống nhiều, khóc như chó, lần này hai đứa mình phải chuốc nó say, nhất quyết phải bắt nó nói ra mấy chuyện mùi mẫn, kể cả không có thì cũng phải xem xem rốt cuộc trong lòng nó chất chứa cái gì chứ.” Hôm ấy, tôi cầm chén rượu không ngừng cụng vào chai cậu ta, Đông thì hết lần này đến lần khác dụ cậu ta uống cạn, cho tới khi cậu ta ngồi xụi lơ trên ghế bắt đầu cười ngây ngô mới thôi. Sau đó, cậu ta kể một câu chuyện về bản thân khiến chúng tôi phải kinh ngạc và chấn động.
Chuyện xảy ra vào một kỳ nghỉ hè, lũ học sinh lớp 12 quăng hết cặp sách, đốt sách vở, bắt đầu lên đường du lịch, bắt đầu yêu đương mà không cần ngại ngùng xấu hổ, bắt đầu chạy theo những trận bóng nảy lửa, còn Tiểu
Nam thì đã bắt đầu xoắn xuýt với lựa chọn nguyện vọng thi đại học rồi. Vì bố cậu ấy là bộ đội, từ nhỏ Tiểu Nam đã tự đặt ra mục tiêu rằng sau này cũng sẽ thi vào trường quân đội, ra sức vì đất nước. Thế nhưng, bố Tiểu Nam kiên quyết phản đối cậu nhập ngũ, kỳ thực, cha mẹ không để con cái kế thừa sự nghiệp của mình thường có hai nguyên nhân: một là hiểu được sự quý giá của tự do, biết được tầm quan trọng của việc bản thân có cuộc sống và sở thích riêng, con cái cũng như vậy, không thể áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái, dạng cha mẹ này rất vĩ đại; hai là biết rõ cuộc sống của mình không phải là thứ mình muốn, bản thân đã sống rất khổ sở rồi, mà con cái rõ ràng có lựa chọn tốt hơn, dạng cha mẹ này càng vĩ đại hơn. Bố
Tiểu Nam, không biết là xuất phát từ nguyên nhân nào, nhưng ông kiên quyết phản đối cậu thi vào trường quân đội.
Hai người cãi nhau mấy ngày, không có kết quả. Bố Tiểu Nam lấy tờ đăng ký của cậu giấu đi, định bụng đăng ký cho cậu xong rồi mới nói. Hôm sau, Tiểu Nam biến mất.
Bố cậu tìm suốt hai ngày trời, lo lắng gọi điện đi khắp nơi. Còn Tiểu Nam lúc này, đã một mình đi đến ngồi trước cổng một doanh trại bộ đội đặc chủng ở Đại Hưng. Hôm ấy trời nóng như đổ lửa, ve kêu vang trời, con chim nhỏ sải rộng cánh, chuẩn bị bay vút lên như một chú hùng ưng.
Cảnh vệ trông thấy cậu bé ngồi trước cửa doanh trại một ngày một đêm, bèn tò mò đi tới, nhìn Tiểu Nam hỏi: “Cậu nhóc, cậu làm gì vậy?”
Tiểu Nam ngẩng đầu lên, chậm rãi nói: “Em muốn gặp chính ủy của các anh.”
Chiều hôm ấy trong phòng làm việc, chính ủy gọi điện cho bố Tiểu Nam, rốt cuộc, bố cậu cũng phải thỏa hiệp.
Tiểu Nam được vào trường quân đội mà cậu mơ ước từ lâu, khi huấn luyện cậu luôn cần cù hơn người khác, biểu hiện tốt hơn người khác, người khác chạy bộ 5000 mét, cậu sẽ chạy 10000 mét, người khác học đến 9 giờ, cậu sẽ học đến 11 giờ. Năm thứ hai đại học, cậu gặp tôi, cũng là người thích vào thư viện đọc sách. Từ đấy, chúng tôi trở thành bạn thân, thường nói với nhau về những cuốn sách hay mình đọc được trong tuần và một số suy nghĩ mới lạ của bản thân.
Chúng tôi đã cùng nhau làm rất nhiều chuyện điên rồ, tôi từng viết lại những chuyện này thành một cuốn tiểu thuyết, nhưng cuối cùng lại không xuất bản. Chúng tôi không chuyện gì là không nói với nhau, nhưng tôi lại hiểu rất rõ một điều, tôi chắc chắn sẽ phải rời khỏi môi trường này, vì trời sinh tôi đã thích tự do, không muốn bị gò bó, còn Tiểu Nam thì khác, cậu ấy có khả năng nhẫn nại rất tốt, thích cuộc sống như vậy. Mặc dù con đường định sẵn là khác biệt, nhưng hai chúng tôi đều chúc phúc cho nhau.
Một năm sau, tôi rời trường quân đội, theo đuổi cuộc sống mà mình hằng mong muốn.
Vốn dĩ câu chuyện đến đây là kết thúc. Thế nhưng, hai năm sau, tôi nhận được điện thoại của Tiểu Nam. Trước đây, tôi mất liên lạc với cậu ấy, chỉ biết cậu ấy được điều động đến nơi thiếu thốn khổ sở nhất, ở đấy thậm
chí điện thoại di động còn không được dùng, nghe nói trong chu vi mấy chục cây số xung quanh đều không có người ở.
Tiểu Nam nói: “Thượng Long, ngày mai tôi muốn gặp cậu.”
Tôi hỏi: “Cậu vẫn còn sống cơ à, ha ha, nhưng sao mà ra ngoài được vậy? Không phải là không được ra ngoài hay sao? Cả điện thoại di động cũng không được dùng cơ mà.”
Tiểu Nam đáp: “Cậu kệ tôi.”
Hôm sau, tôi và Đông, Chuột, mấy anh em lâu lắm không gặp nhau bèn tụ tập lại, thấy Tiểu Nam biệt vô âm tín hai năm nay đã đen đi nhiều. Chúng tôi tưởng Tiểu Nam đến báo tin được thăng chức, nhưng cậu ấy uống một ly rượu, rồi chầm chậm thốt ra một câu làm cả bọn kinh ngạc: “Ngày mai anh các chú xuất ngũ rồi.”
Tối hôm đấy, ngoài nụ cười tràn trề hy vọng của cậu, tôi chỉ lờ mờ nhớ được tiếng ồn ào trong quán cùng cảm giác tự do khi uống rượu ăn thịt xiên. Cậu ấy nói: “Đến nơi gian khổ nhất, những gì cần trải nghiệm thì đã trải nghiệm rồi, cũng nên đổi một cách sống khác thôi.”
Kế đó, cậu ấy lại tiếp lời: “Mới đầu bố tôi không đồng ý, lãnh đạo đơn vị cũng không đồng ý, nhưng bố tôi phản đối dữ nhất. Hai tuần liền tôi không nghe điện thoại của ông ấy, ha ha, tôi lại nhớ đến cái hôm mùa hè năm năm trước.”
Tôi hỏi: “Vậy cậu đã nghĩ xem sau này sẽ làm gì chưa?”
Tiểu Nam nói: “Có lẽ là sẽ làm việc gì đó liên quan đến nhiếp ảnh, quay phim, gần đây tôi mới bắt đầu học, không so với đạo diễn lớn như cậu ẳ
được. Nhưng cũng chẳng sao, tóm lại là chúng ta có thể thường xuyên tụ tập rồi.”
Lúc này, Đông lên tiếng hỏi: “Nhưng mà, dẫu sao cũng đã kiên trì năm năm rồi, cậu không thấy năm năm này lãng phí a? Nếu dành thời gian ấy ra học làm phim có phải tốt hơn không.”
Tiểu Nam uống một ly rượu, đáp: “Thực ra chẳng có ngày tháng nào là uổng phí cả đầu. Không trải qua những ngày đó, tôi chẳng bao giờ biết được mình yêu thích cái gì, chẳng bao giờ biết được cuộc sống hiện tại quý giá nhường nào, đến khi về già, tôi nhất định sẽ hối hận về những năm tháng chỉ nghĩ thôi mà chẳng làm gì.”
Hôm ấy, chúng tôi uống rất nhiều, sau đó đi karaoke hát bài Cá muối của nhóm Ngũ Nguyệt Thiên, khóc bù lu bù loa. Đột nhiên, tôi hiểu ra, thực ra trên thế gian này chẳng có con đường nào là uổng công đi cả. Giống như bạn đứng ở một ngã tư, bạn chẳng bao giờ biết được bước tiếp theo mình
sẽ đi hướng nào. Một số người khi đi đường có người khác dẫn lối, nói cho họ biết con đường này có thể đi như thế nào, đi hết con đường kia sẽ là cái gì, tuy rằng dễ dàng hơn rất nhiều, nhưng lại mất đi cái thú khám phá và niềm phấn khích khi đứng trước những điều không xác định. Có một số con đường, chỉ khi bạn đi qua nó, đi sai đường, đi vào ngõ cụt, bạn mới biết con đường ấy không thể đi được, như vậy cũng không ảnh hưởng đến tốc độ của bạn, bởi lẽ, cuộc sống không liên quan đến tốc độ, không liên quan đến điểm cuối con đường, mà tương quan với phong cảnh ven đường, với những người đi cùng bạn, với tâm trạng của bạn khi đi trên con đường ấy. Dù cho bạn đi sai đường, nhưng bạn đã ngắm được những phong cảnh mà người khác không ngắm được, dọc đường quen được những con người mà cả đời bạn có thể chỉ lướt qua, ngửi thấy những mùi hương hoa mà có lẽ cả đời bạn cũng không thể nào ngửi được. Kỳ thực, chẳng có con đường nào là uổng công đi cả.
Tôi còn nhớ, hồi đó khi đọc tự truyện của Michael Jordan, có một câu làm tôi rất cảm động. Anh ấy nói: “Nếu không chơi bóng chày hai năm, tôi mãi mãi chẳng bao giờ biết được mình yêu môn bóng rổ đến thế.”
Có lúc tôi cảm thấy, rõ ràng khoảng cách ngắn nhất giữa hai điểm là đường thẳng, tại sao ông trời lại bắt mình phải đi vòng vèo? Về sau trưởng thành dần lên, tôi bắt đầu hiểu ra, tuy rằng đường thẳng là khoảng cách ngắn nhất giữa hai điểm, nhưng đường cong kia mới là đẹp nhất. Mà những bức tranh đẹp trên thế gian này, rất hiếm bức có đường thẳng, mà toàn là do vô số đường cong hợp thành.
Câu chuyện của Tiểu Nam kết thúc ở đó, giờ tôi không biết cậu ấy ở đâu, chỉ biết rốt cuộc Tiểu Nam cũng đã cất bước, có lẽ sau này cậu ấy sẽ trở thành đạo diễn không chừng. Dù thế nào đi nữa, những thứ cậu ấy ngắm nhìn, những việc cậu ấy trải qua trên con đường đã đi, đều không thể nào mua được bằng tiền.
Chẳng có con đường nào là uổng công đi, chẳng có việc gì là uổng công làm, những việc thoạt nhìn tưởng như không có ý nghĩa gì, đều là nền móng để trưởng thành. Mỗi một khúc nhạc đệm trong cuộc đời chúng ta đều có ý nghĩa của nó, vì vậy đừng nên oán trách tại sao mình không làm việc gì sớm hơn, lại càng đừng nên hối hận rằng giá mà mình làm việc này việc nọ thì có phải đã tốt rồi không. Bạn có thời gian mà hối hận, mà oán trách, chi bằng hãy sửa soạn lại mình, tiến lên phía trước. Có nhiều lúc, chỉ khi đi nhầm đường mới dần dần ngộ ra được tương lai mà mình mong muốn, chỉ khi kết bạn làm người, mới dần dần biết được thế nào là trong hoạn nạn thấy chân tình, chỉ khi yêu lầm người, mới dần dần hiểu được tình yêu thực sự là gì.
Đừng ở bên cạnh người có năng lượng tiêu cực 1. Tình yêu
Nói về ủng hộ hay phản đối việc yêu sớm, xưa nay luôn có rất nhiều ý kiến khác nhau. Tôi từng đọc một bài báo thế này: Sau khi kỳ thi Đại học kết thúc, hai học sinh lớp 12 nghênh ngang nắm tay nhau bước đi. Truyền thông phỏng vấn họ, hai em tự hào nói: “Rốt cuộc chúng em có thể thoải mái công khai đi bên nhau rồi.” Niềm xúc động ấy, khiến người ta bồi hồi mãi không thể lắng lòng lại được. Một bài báo khác còn thú vị hơn, hai em học sinh điểm thi đại học cao thứ nhất và thứ ba ở Bắc Kinh là một cặp, các em ở bên nhau cả một thời gian dài như thế mà phụ huynh trong nhà không ai hay biết. Sau này, khi được phỏng vấn, phụ huynh điềm đạm trả lời: “Yêu sớm không sai, nhưng cần phải được chỉ dẫn.”
Thế nhưng, ở ngay bên cạnh tôi đây, lại có vô số ví dụ về việc yêu sớm gây ra những sự kiện không thể nào cứu vãn nổi, thậm chí còn hủy hoại cuộc đời của một con người. Về vấn đề yêu sớm này, tuyệt đối không thể triệt để dẹp hết, phủ định toàn bộ, mà phải nhìn xem nửa kia là người như thế nào. Tình cảm nào cũng vậy, bất luận tuổi tác, nếu hai người ở bên nhau có thể cùng tiến bộ, cùng giúp nhau trở nên tốt hơn, vậy thì tình cảm ấy nảy sinh sớm một chút có gì không ổn đâu? Nhưng nếu hai người ở bên nhau làm nhau lỡ dở, lựa chọn vui thú trong thời điểm cần phải học hành, cùng nhau lùi bước, vậy thì tình cảm ấy thà rằng cắt đứt sớm đi còn hơn.
Tôi có người bạn nọ, trước đây là một người tích cực, thích chơi bóng rổ, học hành cũng rất chịu khó. Năm thi đại học, cậu ta không ngờ lại yêu một cô gái tiêu cực. Hồi đấy, cô này toàn chơi với đám lưu manh côn đồ. Chúng tôi kiên quyết phản đối thì cậu ta nói: “Nhỡ đâu tớ có thể thay đổi cô ấy thì sao?”
Cậu bạn tôi rất cố gắng cảm hóa cô gái kia. Cô ta ngoài miệng thì nói học hành rất quan trọng, ngày nào cũng học chung với cậu bạn tôi, nhưng ngồi trong phòng học lại liên tục quấy rầy cậu ta bằng đủ mọi trò. Cô ta ngoài miệng thì nói thi đại học rất quan trọng, nhưng tối nào về nhà cũng nhất
định phải gọi điện buôn chuyện với cậu bạn tôi đủ một tiếng đồng hồ. Cậu bạn tôi không nỡ chia tay, nhưng tối nào cũng trằn trọc đến nỗi thiếu ngủ nghiêm trọng, hôm sau lên lớp nghe giảng không hiệu quả, tự học thì không có mục đích, thời gian buổi tối lại còn bị chiếm dụng. Dần dà, thành tích học tập của cậu ta rớt thê thảm. Tôi từng nhắc nhở cậu ta: “Tình cảm quan trọng nhất là hai người phải có tâm hồn độc lập và cùng nhau tiến bộ, không phải người này nhân nhượng người kia, người kia kiềm chế người này.” Cho đến tận khi kết thúc kỳ thi đại học, cậu ta mới hiểu lời tôi nói.
Năm thi lại đại học, cậu ta kiên quyết chia tay. Sau đó mấy năm, cậu ta trở thành giảng viên đại học, lúc lên lớp, câu mà cậu ta hay nói nhất là: “Nửa kia của bạn sẽ quyết định tầm cao của bạn.” Nói xong, lại tỏ vẻ trầm ngâm lắc đầu. Học sinh của cậu ta thường hay lên mạng tán chuyện, bảo cậu ta kiếm được bà vợ đẳng cấp thấp hay cao này nọ, nhưng tôi biết, cuộc hôn nhân hiện nay của cậu ta rất hạnh phúc. Trong tình yêu, tìm được một người có thể khiến bạn tiến bộ là rất quan trọng, tìm được một người có thể cùng bạn tiến bộ, lại càng quan trọng hơn.
2. Tình bạn
Dưới ngòi bút Lỗ Tấn có một nhân vật rất có tính hình tượng: thím Tường Lâm. Chị ta gặp phải chuyện chẳng lành, nhưng câu chuyện cảm động đến mấy mà chị ta kể ba bốn bận cũng khiến cho người ta phản cảm, huống hồ lại còn là bi kịch. Ở bên cạnh chúng ta, thực ra khắp nơi khắp chốn đều có các “thím Tường Lâm”. Họ thích kể những chuyện bi kịch và đen tối, có lẽ
khi kể những câu chuyện ấy họ có thể cảm nhận được sự tồn tại của bản thân, cũng có thể khi kể những câu chuyện ấy, họ nghĩ sẽ thể hiện được mình rất có học thức. Song, những người ấy thực ra rất ích kỷ. Họ chỉ biết mình “high”, hoàn toàn không để ý đến cảm nhận của người khác. Bạn bè kiểu như vậy là loại “có độc”, sự tồn tại của họ sẽ từng chút từng chút một làm tổn hại đến lòng tin của bạn với cuộc sống, khiến cho năng lượng tích cực của bạn bị giảm sút, làm tăng thêm lòng oán trách của bạn với thế giới này. Thế nhưng, họ lại không đưa ra được phương án giải quyết, không thể cho bạn được hy vọng, những người như thế, mặc dầu không xấu xa, nhưng sẽ âm thầm lặng lẽ làm tổn hại người khác.
Tôi từng có bài viết Bạn thân đến mấy cũng không thể chấp nhận nổi những lời bộc trực quá đáng của bạn, nói về một số tổn thương mà những người không chú ý ngôn từ có thể gây cho người khác, nhưng so sánh với những người trực tiếp truyền đi năng lượng tiêu cực và suốt ngày kể lể về nỗi khổ của đời mình kia, thì đó chỉ là những vết thương ngoài da mà thôi.
Tôi có người bạn, mỗi lần chúng tôi gặp nhau là cô ấy lại lôi hết những nhọc nhằn của mình ra kể lể. Cô ấy nói mình khó khăn thế nào, thế giới này xấu xa ra làm sao... Cô bạn tôi gặp gỡ nhiều người, có rất nhiều chuyện để kể, nhưng câu chuyện nào cũng đều có chung một cái kết: “Cậu nói xem anh ta có phải ngốc lắm không?” Tôi nghe mà đầu óc bùng nhùng, đáp: “Ừ.” Cô ấy lại tiếp tục: “Còn chuyện này nữa...”
Cô bạn tôi than thở trách móc nửa tiếng đồng hồ, kết cục vẫn vậy: “Cậu nói xem anh ta có phải ngốc lắm không?”
Có lần tôi thực sự không chịu nổi nữa, bèn mạo hiểm nói thẳng: “Hôm nào cậu cũng kể với tớ những chuyện bi kịch của mình, có bao giờ nghĩ đến cảm nhận của tớ không? Câu kể xong mấy chuyện này, có khi rất lâu sau tớ vẫn còn thấy phiền não đó.”
Cô ấy trả lời một câu, làm tôi tắc tị: “Lúc giảng bài chẳng phải cậu cũng hay kể những chuyện nghèo khổ khó khăn của mình à?”
Tôi nghĩ ngợi giây lát rồi đáp: “Những thứ tớ truyền đạt là năng lượng tích cực!”
Sau này, khi viết kịch bản, có một vị đạo diễn đã nhắc nhở tôi rằng: “Cậu biết các tác phẩm trước đây của cậu có vấn đề lớn nhất là gì không?”
Tôi đáp: “Không ạ.”
Ông ấy bảo: “Cậu viết về không khí ở Bắc Kinh, chỉ biết có phê phán; cậu viết về chính sách xếp hàng, chỉ có chỉ trích; cậu viết chuyện các cô gái được bao nuôi, chỉ có oán trách. Ai mà muốn nghe những chuyện toàn năng lượng tiêu cực ấy mãi chứ?”
Tôi cãi: “Nhưng rõ là chúng tồn tại mà.”
Ông ấy bảo: “Nhưng, cậu không thể tước đoạt hy vọng của người khác, cậu phê phán không khí ở Bắc Kinh, thì cần phải đưa ra phương án giải quyết của chính mình, cậu chỉ trích việc xếp hàng không có hiệu quả, nhưng lại không đưa ra phương pháp nào tốt hơn, cậu oán trách các cô gái được bao nuôi, nhưng cậu lại không viết về chuyện các cô gái cần làm thế nào mới có thể độc lập. Cái kết của cậu không đem đến cho người ta hy vọng, tác phẩm như thế, chính là năng lượng tiêu cực, mọi người không thích, là loại tác phẩm có độc.”
Mây câu nói đó làm tôi sực tỉnh, lúc ấy tôi đã hiểu ra, bạn bè cũng thế, rõ ràng đều là kể một trải nghiệm đau khổ, nhưng người có năng lượng tiêu cực chỉ biết chê trách người ta không tốt, nhiếc móc xã hội bất công, còn người mang năng lượng tích cực sau khi kể xong câu chuyện sẽ nói cho
bạn biết, cho dù khổ đau hơn nữa, bạn vẫn có thể cố gắng để thay đổi phần nào.
Nếu bạn không phải là KOL (những người nổi tiếng có lượng fan đông đảo trên mạng), không có tầm ảnh hưởng lớn lao, có thể để những người bên cạnh thấy bi kịch của mình, thấy mình oán trách, thì cũng đừng chỉ một mực oán trách, truyền đạt năng lượng tiêu cực, vì làm thế chỉ khiến những người yêu quý bạn thêm khó chịu, hà tất phải làm vậy chứ?
Tôi không thích những người bạn kiểu như thím Tường Lâm, họ cứ cằn nhằn không ngừng nghỉ để tẩy não chúng ta, âm thầm lặng lẽ thay đổi giá trị quan của chúng ta. Bọn họ cứ huyên thuyên cường điệu nỗi đau khổ, từng chút từng chút một xâm thực, ăn mòn chí khí của chúng ta. Hãy rời xa những người “độc hại” ấy, kết giao với những người bạn có thể khích lệ bạn, làm bạn với những người có thể cổ vũ bạn trong thất bại. Bạn bè của bạn, cũng sẽ quyết định tầm cao của bạn.
3. Tình thân
Khi viết đến phần thứ ba này, tôi trì hoãn rất lâu. Hai phần trước, tôi đều có thể nghĩ rõ ràng cặn kẽ rồi động bút. Nhưng đến phần thứ ba thì hơi
khó, có thể sẽ bị gắn lên đầu cái mũ bất hiếu. Dù những người thân ấy có ảnh hưởng tiêu cực đến bạn như thế nào chăng nữa, bạn cũng không thể thẳng thừng không nhận họ nữa, người thân rốt cuộc vẫn là người thân.
Khi tôi viết đến phần thứ ba này, cũng là dịp Tết. Ngoài cửa tiếng pháo đì đoàng, bên cạnh là những người thân hạnh phúc.
Trong bữa cơm tất niên, nhà tôi làm rất nhiều món ăn, có gà, có vịt, có cá, có thịt. Tôi và chị gái từng ở Mỹ một thời gian, thói quen ăn uống có một điểm rất giống người phương Tây: chúng tôi không ăn chân gà. Thế những người nhà lại đặt trước mặt chị tôi một đĩa chân gà. Đến cuối bữa, đĩa chân gà ấy vẫn không được đụng đến. Vì món ăn này là bác tôi làm, ông bèn lên tiếng: “Hai đứa tụi bay mỗi đứa làm một cái đi chứ?”
Chúng tôi vội lắc đầu: “Cháu không ăn đâu ạ.”
Bác tôi nói: “Không được, phải ăn chứ, người xưa nói ăn chân gà là dễ kiếm tiền đấy, sau này phải kiếm thật nhiều tiền vào.”
Ông tiếp tục khuyên nhủ, thái độ rất kiên quyết. Lúc ấy tôi bật cười, vì chuyện này chẳng có logic gì cả, bèn chỉ tay vào cái bàn nói: “Bác ơi, người xưa bảo ăn cả cái bàn cũng phát tài được đấy.”
Không ngờ câu nói đùa ấy lại khiến bác tôi nổi giận ngay giữa bàn ăn. Bố tôi thấy bác phát cáu, vội vàng dàn hòa. Vậy là chúng tôi phải nhắm mắt nhắm mũi ăn hết hai cái chân gà.
Lúc đó tôi thầm nhủ, một người lớn thích điều khiển người khác như thế làm sao mà sống chung với con cháu được? Nếu đường lối giáo dục đúng đắn, thì dù có dùng phương thức hơi bạo lực họa may vẫn còn có kết quả tốt, nhưng không phải đường lối giáo dục của ai cũng đúng đắn mãi mãi, nếu thái độ lúc nào cũng cứng rắn thì phiền phức to. Về sau, tôi quan sát con cái và lối sống của bác tôi, cuối cùng cũng chứng minh được quan điểm của mình. Anh họ tôi dù sống chung một thành phố với bác, nhưng ngoài dịp cuối tuần về thăm bố mẹ, thời gian còn lại anh đều sống riêng. Họ không thể điều khiển con cái mình từ xa, con cái chỉ đáp ứng yêu cầu