“Trông bề ngoài ngày nào cũng thức khuya, nhưng lại chỉ cầm điện thoại like dạo; trông bề ngoài đi học thật sớm, nhưng trong giảng đường lại chỉ ngủ bù giấc đêm qua, trông bề ngoài ngồi cả ngày trong thư viện, nhưng thực ra chỉ bần thần suốt cả một ngày; trông bề ngoài là đến phòng tập gym, nhưng chỉ để bắt chuyện với mấy anh đẹp trai, mấy nàng xinh gá
Bạn thực sự đã cố gắng hay chưa, hay chỉ tưởng là mình đang cố gắng?”
Vì sao bạn cố gắng mãi mà không đạt được kết quả như ý? Vì sao ngày nào bạn cũng bận bịu mà chẳng thu được gì? Trong khi đó, có những người đang thực sự sống cuộc sống mà bạn mong muốn.
“Bạn chỉ tưởng là mình đang rất cố gắng” là tác phẩm hiện vẫn nằm trong top bán chạy nhất ở Trung Quốc, với 2 triệu bản được tiêu thụ, của cây viết trẻ Lý Thượng Long, mang đến rất nhiều câu chuyện chân thực xoay quanh tác giả, và những chiêm nghiệm, suy nghĩ tràn đầy cảm hứng, giúp cho người trẻ thay đổi tư duy, lối sống trong xã hội hối hả, dễ làm ta mất tập trung, mất phương hướng hôm nay.
***
Vì sao bạn cố gắng mãi mà không đạt được thành quả như ý? Vì sao ngày nào bạn cũng bận bịu mà chẳng thu được gì? Mình chỉ muốn hỏi bạn: Bạn đã cố gắng thật chưa, hay chỉ tưởng là mình đang cố gắng?
Có lúc bạn cảm thấy cuộc sống sao mà bất công thế, không lẽ những gì mình làm còn chưa đủ hay sao. Một số người thì gặp tình huống này ở vài lĩnh vực trong cuộc sống, nhưng có những người họ làm gì cũng gặp, đi đâu cũng thấy. Những câu chuyện trong cuốn sách mang đầy hơi thở của cuộc sống, phản chiếu suy nghĩ và khát vọng của lứa tuổi thanh niên tràn đầy nhiệt huyết. Phải chăng: “Cuộc sống không phải do bản thân trải nghiệm thì không đáng sống”, cố gắng mà không hiểu rõ mình đang cố gắng vì điều gì, lại càng không xứng đáng.
Là những trưởng thành của con người khi thời gian trôi qua, ngày hôm nay nhìn lại chúng ta thật khác so với mình của ngày hôm qua. Trường ca về sự trưởng thành của những người trẻ được vun đắp cùng những câu chuyện trong ba phần của Bạn chỉ tưởng là mình đang rất cố gắng. Bài hùng ca ấy được thế hệ trẻ chúng ta đồng thanh cất lên: khi mới bước vào đời, chúng ta mang niềm tin mãnh liệt cùng những suy nghĩ chứng minh bản thân to lớn biết bao nhiêu; khi lớn hơn vài tuổi, chúng ta trải qua những sự mất mát và có những bài học đầu tiên từ nghịch cảnh; và rồi chúng ta đều phải hoàn thiện bản thân, chúng ta phải chấp nhận hiện thực, biết buông bỏ lợi ích cá nhân để những người xung quanh ta được hạnh phúc.
Cuốn sách không được tác giả viết ra với những tiêu đề như thế, nhưng ai đã trải qua ngày tháng hăm hở của một tuổi trẻ đều có thể nhận ra. Cuốn sách không được tác giả viết ra nhằm để kể câu chuyện của mình, cũng không để xây dựng một hệ thống người hâm mộ, mà chỉ đơn giản là để thấu hiểu nỗi lòng của người trẻ khi đứng trước lựa chọn: một bên là vực thẳm, bên còn lại là núi cao.
Giỏi thôi chưa đủ, bạn có phải không thể thay thế hay không?
Có phải bạn đã từng thấy một người giỏi giang vẫn bị công ty lí tưởng của mình từ chối, bị giấc mơ của anh ấy cự tuyệt từ ngoài cửa? Trên thực tế, bạn chỉ cần vẫn còn đọc sách, mỗi ngày không ngủ đến tận trưa, không chơi game đến nửa đêm, không uống rượu tới tận khi trời sáng; vậy bạn chính là một trong số những người đang nỗ lực, một người luôn nhìn về phía mặt trời, luôn nhìn về phía tương lai, nhất định là một người giỏi giang. Sự giỏi giang đó liệu có là đủ hay không?
Ở những thành phố lớn, thứ nhiều nhất chính là giấc mơ, thứ không thiếu nhất chính là những người giỏi. Vậy trong vô số những người giỏi đó, một người được chọn cũng đồng nghĩa với một người mất đi cơ hội, thế thôi. Khi bước vào cuộc sống, chúng ta phải học cách quen với tư duy không thể thay thế: một người công nhân cắt cỏ ngày ngày làm xong phần việc của mình cho một gia đình, cứ khoảng ba tháng anh lại lấy một số điện thoại lạ để gọi cho người chủ của mình để hỏi: “Thưa Bà, nhà Bà hiện có tuyển thêm công nhân cắt cỏ nữa không?” – Không! Bà chủ đáp lại. Người bạn của anh ta thấy làm lạ hỏi anh: “Tại sao lại phải gọi điện như vậy?” – Tôi chỉ muốn kiểm tra là tôi có làm việc tốt hay không thôi! anh ta trả lời. Qua câu chuyện trên, bà chủ thấy không cần thiết phải thay thế một người cắt cỏ mới trong khi những phần việc làm của người cũ vẫn tốt. Là người trẻ, giỏi thôi chưa đủ, hãy khiến mình trở nên xuất sắc.
Cách để trở nên không thể thay thế thì có hai loại: một là làm những việc người ta không muốn làm; hai là làm những việc người khác đều làm một cách xuất sắc.
Trên đời này có rất nhiều người làm những việc người khác không muốn làm, do đó họ trở nên xuất chúng. Trước khi Bruce Lee (Lý Tiểu Long) sang Hollywood, có rất nhiều cao thủ trong giới võ thuật trong giới điện ảnh, nhưng chỉ có ông là sẵn sàng sang Mỹ để phát triển. Kết quả là ông trở thành ngôi sao tầm cỡ thế giới, trở thành nhất đại tông sư, được cả thế giới ca tụng.
Lời nhắn gửi trong phần I của Bạn chỉ tưởng là mình đang rất cố gắng là khi còn trẻ chúng ta ấp ủ những ước mơ to lớn hơn bất kỳ khoảng thời gian nào trong đời, chúng ta cần phải biết làm như thế nào cho mỗi khao khát đó, hãy trở nên kiệt xuất, nếu có thất bại thì ít nhất con đường đó cũng không uổng công đâu. Làm gì có cao thủ nào tu luyện mà không phải chịu đựng nỗi cô đơn, mà không phải vất vả khó nhọc; chọn con đường không thể thay thế thì hứng chịu ba cú đấm có hề chi?
***
Giữ lấy sự nhiệt tình đối với bản thân
Cổ Điển – Người sáng lập công ty New Elite Development, Chuyên gia tư vấn đời sống nổi tiếng.
Tôi xem lướt qua tất cả phần mở đầu các bài viết của anh Long, vừa xem vừa buồn cười… trong mười bài đầu thì có chín bài xuất hiện chữ “tôi” ở dòng đầu tiên, gần nhất là ở chữ thứ hai, “theo tôi thấy”, xa nhất cũng chỉ ở dòng thứ hai mà thôi.
Tôi nghĩ, một gã phải tự yêu bản thân, lại nhiệt tình và có năng lực quan sát lắm mới viết được như thế, từ câu chuyện của mình mà nhìn cuộc đời, từ cuộc đời của mình mà nói về cuộc đời của người khác (đương nhiên, bệnh của tôi còn nặng hơn, nhìn lại dòng đầu tiên mà xem). Nietzsche là tổ sư viết kiểu này, trong tác phẩm Ecce Homo của mình, ông đã bắt đầu viết “tôi” ngay từ phần mục lục: 1, Tại sao tôi lại có trí tuệ như vậy; 2, Tại sao tôi lại thông minh như vậy; 3, Tại sao tôi lại viết ra cuốn sách hay như vậy.
Nhưng, cũng may đây đúng là một cuốn sách thực sự liên quan đến “bản thân”.
Mark Twain từng kể về việc viết văn của mình thế này: Ông thường ngồi trước trang giấy trắng suốt mấy giờ đồng hồ, viết rồi lại xóa, cho đến khi viết được một câu “thực sự ra câu”. Sau đó ông tự nhủ: “Nếu ta viết được một câu, ta chắc chắn có thể viết ra câu tiếp theo.” Cứ thế, cho đến khi hoàn thành cả cuốn sách.
Tôi có cảm giác, cuốn sách này cũng được viết ra như thế. Đây là một cuốn sách về “tôi” – một người trẻ tuổi, tất cả các câu chuyện đều bắt đầu bằng “Một người bạn của tôi”, đến “Tôi phát hiện”, sau đó kết thúc bằng “Tôi cảm thấy”. Qua những câu chuyện này, anh Long bàn luận về vấn đề “Bạn chỉ giả bộ cố gắng”, tuyên bố “Tôi đã trưởng thành rồi, buông tay đi”, nói cho bạn biết “Khi từ biệt, cần phải để tâm một chút”, bàn về “Ai là người tốt với bạn” và “Đừng kết hôn với người mình quá yêu.” Có lúc tôi phải cảm thán, một người thuộc thế hệ 9x, không ngờ lại có tư tưởng thú vị như thế…
Nếu bạn cũng giống tôi, là một người lớn lên ở những thành phố và nông thôn đang phát triển nhanh chóng, trải qua tuổi thanh xuân tàn khốc trong sự kìm kẹp ở trường cấp III, trường đại học, lăn lộn kiếm sống giữa xã hội phức tạp, mà vẫn ôm trong lòng mộng tưởng, vậy thì bạn không thể tránh khỏi những vấn đề này. Kiểu như một người ôm theo con thỏ nhỏ mà mình yêu quý chen vào tàu điện ngầm vậy, những vấn đề ấy giống như những người xa lạ với gương mặt mơ hồ chen chúc ập đến bạn, bạn không thể tránh né, chỉ có thể đối mặt mà thôi.
Bởi vậy, đây là một cuốn sách chân thực. Những câu chuyện trong sách đều là thực, quan điểm dù đúng dù sai, cũng đều chân thành. Nếu nhìn từ góc độ học thuật, những câu chuyện về “người bạn của tôi” như vậy đều không danh tính, diện mạo mơ hồ, khó mà trở thành chứng cứ để lập luận được. Nhưng đọc xong ngẫm lại tận tường, lại cảm thấy chúng rất chân thực và hoàn chỉnh. Bạn gần như có thể tìm được ngay một người tương tự trong cuộc sống thực. Giống như những câu chuyện cười mà bạn kể về “một người bạn” vậy, người nghe đều biết đó chính là bạn.
Tôi từng trịnh trọng viết thế này: “Từ góc độ chuyên nghiệp của một chuyên gia tư vấn đời sống, tôi thấy có rất nhiều điểm cần phải mài giũa. Một số quan điểm còn có sự xung đột, một vài suy nghĩ còn thiếu hệ thống. Nhưng tư duy như vậy đã là hiếm có lắm rồi.” Viết như vậy thể hiện tôi khá lý tính và chuyên nghiệp, về sau, tôi cũng gạch bỏ câu này đi, vì nói như thế không chân thực.
Tuổi trẻ thực sự, không phải là như thế.
Tuổi trẻ thực sự là vô tri, khi đến tuổi trung niên ngoảnh đầu nhìn lại mới phát hiện, hóa ra chúng ta chẳng biết quái gì về cuộc đời, xã hội, và tình cảm cả. Nhưng lúc này, xin hãy giữ lấy sự vô tri đáng quý đó.
Tuy rằng chúng ta không hiểu thế giới này, nhưng không hiểu sao chúng ta lại cảm thấy mình có thể đi khắp thế giới, tuy rằng chúng ta không hiểu về tình yêu, nhưng lần nào chúng ta cũng dốc hết trái tim ra mà yêu; tuy rằng chúng ta bị hiện thực dập cho sứt đầu mẻ trán, nhưng chúng ta vẫn vô cùng lạc quan, nhận định rằng thế giới này sẽ nhờ mình mà thay đổi.
Cuối cùng, thế giới này thực sự đã thay đổi vì những người như thế.
Sự vô tri quý báu ấy, là thứ mạnh mẽ nhất.
Gibran nói: “Bạn không thể cùng lúc sở hữu cả tuổi trẻ lẫn tri thức về tuổi trẻ, vì tuổi trẻ bận rộn với kế sinh nhai, không có thời gian tìm tòi học hỏi, còn tri thức lại bận rộn với việc tìm kiếm bản thân, không thể hưởng thụ cuộc sống.” Vì vậy, tuổi trẻ cần ngông cuồng một chút, trung niên cần vững vàng một chút, già rồi thì cần trang nghiêm một chút. Nếu lúc trẻ bạn không ngông cuồng, đến khi có tuổi lại không kiềm chế được nữa, thành ra lưu manh.
Bởi thế tôi cảm thấy đọc cuốn sách này còn sảng khoái hơn đọc mấy loại sách trống rỗng nhạt toẹt, không nói về người sống kiểu như Hai mươi triết lý cuộc đời mà bạn không thể không biết nhiều; thực tế hơn một cuốn sách dịch chẳng biết từ tiếng nước nào về tiền lệ thành công của ai đấy, mở đầu bằng “Hồi Zuckerberg còn nhỏ…” hoặc là “Max là CEO của công ty xxx ở thung lũng Silicon”… đừng nói là thung lũng Silicon, những người dịch sách ấy có khi còn chưa đặt chân đến Trung Quan Thôn 1cũng nên. Đừng nói lý thuyết, đừng kể chuyện người khác, mà hãy nói về bản thân anh. Việc bản thân anh làm, niềm vui của bản thân anh, nỗi đau của bản thân anh, mới là mạnh mẽ nhất.
Đừng hỏi thế giới này cần cái gì, hãy là chính bản thân mình, điều thế giới này cần là chính bạn.
Hãy giữ lấy lòng nhiệt thành đối với “bản thân”, giữ lấy sự vô tri quý báu của thời tuổi trẻ này.
Bởi vì, thế giới này thay đổi chính nhờ những người như bạn.
Mời các bạn đón đọc Bạn Chỉ Tưởng Là Mình Đang Rất Cố Gắng của tác giả Lý Thượng Long.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn