🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bà Dalloway - Virginia Woolf full prc, pdf, epub, azw3 [Tiểu thuyết]
Ebooks
Nhóm Zalo
TÁC GIẢ
Virginia Woolf (1882 - 1941) tiểu thuyết gia và là một nhà văn tiểu luận người Anh, bà được coi là một trong những nhân vật văn học hiện đại lừng danh nhất thế kỉ 20.
Trong suốt thời gian giữa chiến tranh, Woolf là một nhân vật có tầm ảnh hưởng của xã hội văn học London và là một thành viên của Bloomsbury Group. • Tuổi thơ
Virginia Woolf sinh ngày 25 tháng 1 năm 1882, tại thủ đô London sương mù. Bố mẹ bà là một cặp đôi ở hai thái cực khác nhau: Ngài Leslie Stephen là một học giả, nhà sử học, nhà văn và phê bình văn học nổi tiếng; trong khi mẹ bà Julia Stephen lại là một nhiếp ảnh gia, người mẫu cũng có tiếng không kém. Hai người đều đã từng trải qua một cuộc hôn nhân trước đó, nên rất tôn trọng và yêu thương nhau.
Không chỉ như vậy, gia đình Virginia còn rất đông đúc. Bố mẹ bà đều có con từ những cuộc tình trước, và tất cả các anh chị em chung nửa dòng máu đều sống dưới cùng một mái nhà. Đó là chưa kể đến số lượng lớn các bạn bè, khách khứa học giả của bố mẹ bà, luôn luôn đến thăm và ở lại nhà.
Nếu nền giáo dục chứa đầy những tri thức học giả từ bố mẹ bà là chưa đủ, những vị khách này lại cung cấp thêm những nguồn thông tin thực tế, những cuộc tranh luận từ khắp nơi đến Virginia. Từ bé, bà không chỉ quen với cuộc sống đầy học thuật, mà còn thường đắm mình trong các cuộc tranh luận và nhanh chóng có ý kiến của riêng mình.
Tuổi thơ hạnh phúc của bà đột nhiên phủ máu xám. Những người thân trong gia đình bà lần lượt qua đời vì bệnh tật. Mẹ bà ra đi đầu tiên năm bà 12 tuổi, mang đến sự suy sụp trong tâm trí bà con gái nhỏ. Tiếp đó là chị bà, và đến cái chết của cha thì Virginia đã không còn giữ được tâm trí mình. Sự suy sụp lần thứ hai của bà quá nặng nề và đã để lại di chứng đến hết đời: bà mắc bệnh rối loạn lưỡng cực. Sau cái chết của cha, bà mắc căn bệnh này trong khoảng thời gian lâu nhất trong đời.
Trong khoảng 2 tháng, một nửa thời gian bà cực kì vui vẻ, cười nói hát ca, mơ mộng ảo tưởng và kể chuyện liên tục với mọi người. Tâm trí bà hoạt động nhanh không ai bằng. Khoảng thời gian còn lại, bà trầm cảm, không muốn nói gì, và coi bản thân mình đầy tội lỗi, không đáng được sống.
Đây cũng là thời gian đầu tiên bà có những cố gắng tự hành hạ và tự tử. Tuy vậy, như nhà sử học cũng là cháu của Virginia đã kể lại, Virginia phân biệt cực kì rõ ràng những triệu chứng của mình, và bà lặp lại nó một cách có chu kì - bà đã chứng tỏ mình là một người phụ nữ sáng suốt chỉ bị mắc bệnh. Nhờ vậy, gia đình bà đã kịp thời có những phương cách trợ giúp bà hiệu quả.
• Tuổi trưởng thành phóng đãng
Sau khi trưởng thành, Virginia đi dạy ở trường đại học và viết các bài luận, bài phê bình, được đăng trên nhiều báo. Chị gái bà - Vanessa lấy chồng năm 1907. Hai chị em chuyển ra sống riêng trong một tòa nhà với rất nhiều những người bạn khác: họ đều là những cử nhân Cambridge.
Tuy vậy, cuộc sống độc lập của Virginia, cùng sống trong một tòa nhà nhiều đàn ông độc thân không phải chồng hay anh trai mình, đã gây ra nhiều phản ứng tiêu cực từ những người bạn cũ của bố mẹ bà.
Nhưng chính Virginia đã phát biểu, trong cuốn sách nổi tiếng của mình: “Một người phụ nữ nếu muốn viết văn thì phải có tự có tiền riêng và phải có một căn phòng riêng”.
Đây là một trong những phát biểu đầy nữ quyền và đầy nhân quyền đầu tiên trong văn học hiện đại. Virginia Woolf cùng với các bạn của mình đề cao sự tự do, độc lập, điều mà nhiều thanh niên thời đó còn thiếu sót. Đồng thời, việc sống độc lập và tự do cũng là một tuyên ngôn của nhóm thanh niên đi trước thời đại: họ chấp nhận những mặt khác của con người mà không đánh giá. Trong số các bạn của Virginia, có những học giả là người đồng tính. Họ hoàn toàn chấp nhận nhau và tự do sống theo cách của mình trong gia đình lớn ở tòa nhà Bloomsbury.
Virginia lấy chồng vào năm 1912, khi bà đã 30 tuổi. Bà lấy Leonardo Woolf, một trong số những người bạn sống cùng nhà của mình. Tuy ông là một người không có chức tước, và cũng không có gia sản giàu có như Virginia nhưng hai người đã có một cuộc sống vô cùng gắn bó, hạnh phúc. 25 năm sau ngày cưới, nhật kí của Virginia ghi lại rằng: “25 năm sau, chuyện yêu nhau của chúng tôi vẫn không thể tách rời. Bạn sẽ luôn cảm thấy niềm hạnh phúc to lớn, khi mãi được thèm muốn với tư cách một người vợ. Và như vậy, cuộc hôn nhân của chúng tôi đã viên mãn.”
Tuy vậy, tính tự do và mạnh mẽ, hoang dã của Virginia không bao giờ cạn kiệt. Trong những năm lấy chồng, bà đã có một cuộc tình với một người bạn gái khác: Vita Sackville-West, lúc đó cũng đã lấy chồng. Ông Leonardo biết trọn vẹn việc này và hoàn toàn chấp nhận sự độc lập của vợ. Cuộc tình của Virginia diễn ra trong khoảng hơn 7 năm, trong lúc đó, bà đã viết cuốn sách Orlando, kể về một người anh hùng vô danh sống qua 3 thế kỉ và những thiên tình sử với cả hai giới. Cuốn sách được con trai của Vita coi là “Bức thư tình vĩ đại nhất của Virginia với Vita.” Sau khi chia tay, hai bà vẫn còn là bạn tốt cho đến khi qua đời.
• Cái chết mà bà lựa chọn
Vào ngày 28 tháng 3 năm 1941, Virginia đã tự trầm mình trong một cái ao gần nhà, sau khi tạm biệt chồng và tự đi dạo quanh khu bà ở. Người ta đã từng nghĩ rằng bà gặp tai nạn, hay tự tử vì đã lên cơn bệnh. Nhưng bức thư bà để lại cho chồng đã vén hết bức màn bí mật: bà đã tự chọn cái chết cho mình.
Trong đó, bà viết: “Người yêu quý, em cảm thấy rất rõ ràng em lại sắp bị bệnh. Em cảm thấy chúng ta không thể vượt qua những điều kinh hoàng như vậy nữa. Và lần
này, em không thể phục hồi.
Em bắt đầu nghe thấy những giọng nói, và em không thể tập trung. Vì vậy em sẽ làm điều tốt nhất cho cả hai chúng ta… Em chỉ muốn nói rằng, mọi hạnh phúc em có trên đời, là do có anh... Tâm trí em rời bỏ em, ngoại trừ một điều, anh là điều tốt nhất với em… Em không thể tiếp tục làm hại cuộc đời anh. Chúng ta đang là những người hạnh phúc nhất trên cuộc đời này. V (chữ đầu tiên trong tên của Virginia) ”
Có lẽ, đó thực sự là điều tốt nhất mà bà có thể làm cho những người Virginia yêu thương. Với sự mạnh mẽ vốn có, bà không thể chịu nổi cảnh sẽ trở thành một gánh nặng tuổi già cho chồng mình, hay việc ông sẽ phải nhìn bà chết dần chết mòn trong sự điên loạn.
Bà đã làm cái việc to lớn nhất trong cả một đời người: chọn cái chết cho mình, làm chủ cuộc đời mình cho đến tận cái chết.
• Những tác phẩm nổi tiếng nhất của bà: — Đêm Và Ngày (Night and Day, 1919).
— Căn Phòng Của Jacob (Jacob’s Room, 1922). — Bà Dalloway (Mrs.Dalloway, 1925).
— Đến ngọn Hải Đăng (To the Lighthouse, 1927).
— Orlando (1928)
— Một Căn Phòng Riêng (A Room of One’s Own, 1929).
— Những Đợt Sóng (The Waves, 1931).
— Ba Đồng Tiền Vàng (Three Guineas, 1938).
GIỚI THIỆU
Trong buổi phỏng vấn do Barnes & Noble thực hiện[1], khi được hỏi: “Cuốn sách nào ảnh hưởng nhiều nhất tới cuộc đời ông, và tại sao?” nhà văn Mỹ Michael Cunningham[2] đã đáp: “Khi tôi mười lăm tuổi, tôi đã đọc cuốn Mrs. Dalloway của Virginia Woolf, vì một cô bé mà tôi phải lòng đã ném nó cho tôi và bảo đại loại là ‘sao cậu không đọc cuốn này và cố bớt ngốc hơn chút xíu?’ Tôi đã đọc nó, và dù tôi vẫn khá ngu ngốc không kém trước đó bao nhiêu, nó là một phát hiện đối với tôi. Cho tới khi đó, tôi không hề biết rằng bạn – bất kỳ một ai – có thể làm những điều như thế với ngôn ngữ; tôi chưa bao giờ đọc những câu phức tạp, đầy nhạc tính, đậm đặc và đẹp đẽ như thế. Tôi nhớ tôi đã nghĩ, ‘Chà, bà ấy đã thực hiện với ngôn ngữ một điều gì đó giống như cách Jimi Hendrix thực hiện với một cây đàn guitar.’ Mrs. Dalloway đã biến tôi thành một độc giả, và chỉ là vấn đề thời gian cho tới khi tôi trở thành một nhà văn.”
Như vậy, tác phẩm này, theo Michael Cunninggham, đã tạo cho ông một ấn tượng vô cùng sâu sắc, biến ông từ một cậu bé “ngốc nghếch” trở thành một độc giả có chiều sâu, và rốt cuộc biến ông trở thành một nhà văn tên tuổi. Thật ra, theo người dịch, một tác phẩm như Mrs. Dalloway không dành cho một cậu bé mười lăm tuổi, vì nó rất khó đọc, cả về văn phong lẫn chiều sâu của chủ đề, mức độ phức tạp của tính cách nhân vật. Có lẽ, nếu nói một cách khách quan và công bằng, ông có ấn tượng mạnh mẽ đến thế là vì từ trong bản chất ông đã có thiên tư của một nhà văn.
Chúng ta cũng thử tìm hiểu xem bản thân Virginia Woolf nghĩ gì về đứa con tinh thần này của mình. Bà viết:
“Trong cuốn sách này, hầu như tôi có quá nhiều ý tưởng. Tôi muốn đưa ra sự sống và cái chết, sự tỉnh táo và sự mất trí; tôi muốn phê phán hệ thống xã hội, và biểu thị nó trong hoạt động, ở trạng thái mãnh liệt nhất của nó.”[3]
Trong một phần nhật ký khác viết vào tháng 10-1923, bà nói cụ thể hơn về quá trình viết một phần trong tác phẩm, phần vợ chồng Septimus đang ở trong công viên
Recent’s:
“Tôi đang ở giữa mớ dày đặc của cảnh tượng điên rồ trong công viên Regent’s. Tôi nhận ra tôi viết nó bằng cách cố hết sức bám chặt vào thực tế… Một ngày nào đó, tôi phải viết lại đoạn này.[4]
Virginia Woolf viết Mrs. Dalloway trong lúc đang cố chống chọi với chứng bệnh thần kinh của chính mình. Và đây cũng là tác phẩm đầu tiên bà khai thác thủ pháp Dòng ý thức. Phần vì bút pháp mới thử nghiệm ở đây chưa tinh luyện và nhuần nhuyễn như ở Tới ngọn hải đăng, phần vì lượng nhân vật cũng quá nhiều (Ngoài khoảng mười mấy nhân vật chủ yếu có tới mấy chục nhân vật phụ; có nhân vật chỉ thoáng hiện ra rồi biến mất hoàn toàn.); mặt khác, ý nghĩ và hành động của các nhân vật đan xen như những sợi tơ nhện từ quá khứ sang hiện tại, rồi lại từ hiện tại sang quá khứ, với rất nhiều hình ảnh ẩn dụ, nên đòi hỏi người đọc phải thật sự tập trung.
Toàn bộ câu chuyện diễn tiến trong một ngày Thứ tư của tháng Sáu năm 1923, bắt đầu với cảnh bà Dalloway tự đi mua hoa vào buổi sáng sớm và kết thúc vào cuối buổi tiệc tại nhà bà lúc đêm khuya. Tác phẩm không
phân thành chương mà phân thành mười phần, mỗi phần không đánh số mà được đánh dấu bằng một số khoảng trống ở giữa. Nhưng để bạn đọc tiện theo dõi, vì có lẽ các bạn không có thì giờ để đọc liền một mạch, người dịch xin mạn phép đánh dấu các phần trong bản dịch bằng chữ số trong ngoặc đơn, ví dụ (1) nghĩa là phần 1.
Chủ đề nổi bật trong tác phẩm này là tác động của Thế chiến I lên mọi tầng lớp xã hội ở Anh. Cuộc chiến tranh đã qua, nhưng dấu ấn của nó vẫn còn nặng nề, sâu thẳm. Như với Septimus, một cựu chiến binh, bị chấn thương tâm lý trong chiến tranh và sau đó đã tự sát. Anh đã kinh qua cuộc chiến bình an, khá vô cảm; đã cưới một cô gái Ý được vài năm. Nhưng sau đó anh đã phát hiện ra có một cái gì đó không ổn trong tâm hồn mình:
“…khi Evans bị giết ở Ý, ngay trước Ngày đình chiến, Septimus, không hề biểu lộ chút cảm xúc hay ghi nhận nào, rằng đây là sự kết thúc của một tình bạn, đã tự chúc mừng mình vì đã cảm xúc rất ít và rất hợp lý. Cuộc chiến đã dạy anh. Nó thật phi thường. Anh đã trải qua toàn bộ vở kịch, tình bạn, cuộc chiến châu Âu, cái chết, đã được thăng cấp, vẫn chưa tới ba mươi và nhất định phải sống sót. Anh đã ở ngay tại đó. Những quả đạn
pháo cuối cùng đã sượt qua anh. Anh quan sát chúng nổ tung với sự dửng dưng. Khi hòa bình lặp lại, anh đang ở Milan, tạm trú trong nhà của một ông chủ nhà trọ; ngôi nhà có một mảnh sân nhỏ, những chậu hoa, những cái bàn nhỏ đặt ngoài trời, các cô con gái hành nghề làm mũ, và một tối nọ anh đã hứa hôn với Lucrezia, cô con gái nhỏ hơn, trong lúc đang hoang mang – rằng anh không thể cảm nhận được.”
Hoặc:
“Nhưng anh không thể thưởng thức, anh không thể cảm nhận. Trong tiệm trà, giữa những cái bàn và những người bồi bàn đang tán gẫu, nỗi sợ kinh khủng lại chế ngự anh – anh không thể cảm nhận. Anh có thể suy luận; anh có thể đọc, Dante chẳng hạn, một cách hoàn toàn dễ dàng… anh có thể cộng tờ hóa đơn của mình; bộ não của anh hoàn hảo; hẳn đây là lỗi của thế giới – rằng anh không thể cảm nhận.”
Những từ “không thể cảm thấy”, “không thể cảm nhận” cứ lặp đi lặp lại trong tác phẩm, lặp đi lặp lại trong ý thức và tiềm thức và của Septimus, và anh kết luận:
“Vậy là không có gì để biện minh; không có gì, bất kể vấn đề thế nào, trừ tội lỗi mà vì nó bản chất con người
đã tuyên án tử hình anh; rằng anh không cảm nhận được. Anh đã không quan tâm khi Evans bị giết; điều đó tệ hại nhất; nhưng tất cả những tội ác khác bên trên cái chấn song giường vào những giờ đầu buổi sáng cũng ngóc đầu lên, búng ngón tay, cười nhạo và châm chọc cái thân thể sóng soày đang nằm nhận thức về sự thoái hóa của nó; anh đã cưới vợ mình mà không yêu cô ta ra sao; đã nói dối cô ta; đã quyến rũ cô ta ra sao; đã sỉ nhục cô Isabel Pole, và bị đánh dấu, đầy những vết rỗ đồi bại đến nỗi những người phụ nữ phải rùng mình khi họ nhìn thấy anh trên phố ra sao. Phán quyết của bản chất con người đối với một kẻ xấu xa đến thế là cái chết.”
Septimus nhiều lần nhắc tới từ tự sát, nhưng trong thâm tâm anh không muốn chết. Mâu thuẫn là thế! Anh nghĩ:
“Vậy là anh đã bị bỏ rơi. Toàn thế giới đang gào thét: Hãy tự sát, hãy tự sát đi, vì chúng tôi. Nhưng tại sao anh phải tự sát vì họ chứ? Thức ăn là một lạc thú; mặt trời nóng ấm; và việc tự sát này, người ta thực hiện nó bằng cách nào, với một con dao ăn, một cách xấu xí, với những vòi máu – bằng cách hít một cái ống dẫn khí đốt
chăng?...”
Và trước khi quăng mình từ cửa sổ căn nhà trọ xuống cái hàng rào song sắt, anh vẫn nghĩ:
“(Anh ngồi lên bệ cửa sổ.) Nhưng anh sẽ chờ cho tới giây phút cuối. Anh không muốn chết. Cuộc sống thật tốt đẹp. Mặt trời nóng ấm. Chỉ có con người – họ muốn gì nhỉ?”
Ngay cả với bà Dalloway, một phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu, yêu cuộc sống và những thú vui vụn vặt hàng ngày của nó, ví dụ những bữa tiệc do bà tổ chức, chiến tranh và cái chết cũng mơ hồ lẫn khuất, hiện diện đâu đó trong cuộc sống quanh bà:
“Bởi giờ đang giữa tháng Sáu. Cuộc chiến tranh đã kết thúc, ngoại trừ một ai đó như bà Foxcrott ở Đại sứ quán đêm qua đã đau xé cõi lòng vì cậu thanh niên khôi ngô đó đã bị giết và giờ đây ngôi trang viên cũ phải chuyển sang cho một người em họ; hoặc phu nhân Bexborough, người đã mở một cửa hàng phúc thiện, người ta bảo, với bức điện tín trong tay bà ta, rằng John, đứa con bà yêu mến nhất, đã bị giết chết; nhưng nó đã kết thúc; tạ ơn Trời – kết thúc.”
Hoặc nó xuất hiện ngay cả trong bữa tiệc của bà:
“Ồ! Clarissa nghĩ, giữa buổi tiệc của mình, đây là cái chết, bà nghĩ.”
Và:
“Việc gì gia đình Bradshaw phải nói về cái chết trong bữa tiệc của bà?Một người đàn ông trẻ đã tự sát. Và họ nói về nó trong bữa tiệc của bà – vợ chồng nhà Bradshaw, nói về cái chết. Anh ta đã tự sát – nhưng như thế nào? Luôn luôn thân thể bà đi qua nó trước nhất, khi bà được kể lại, một cách đột ngột, về một tai nạn; chiếc áo của bà bùng cháy, thân thể của bà bị thiêu rụi. Anh ta đã tự quăng người ra khỏi một cửa sổ. Mặt đất chợt lóe sáng; những que sắt nhọn đầu xuyên qua thân người tím bầm của anh ta, một cách sai lầm. Anh ta nằm đó với một tiếng rơi uỵch, uỵch, uỵch trong bộ não,và rồi một màu tối đen nghẹt thở. Bà nhìn thấy nó như thế. Nhưng vì sao anh ta làm điều đó? Và vợ chồng nhà Bradshaw đã nói về nó trong bữa tiệc của bà!”
Bên trên, tác giả thổ lộ với chúng ta về ý đồ sáng tác của bà đối với tác phẩm, là nói về cuộc sống và cái chết, sự tỉnh táo và sự mất trí, phê phán hệ thống xã hội… Chúng ta đã thử điểm qua về cái chết, sự mất trí. Vậy còn cuộc sống, sự tỉnh táo, và hệ thống xã hội thì sao?
Mỗi nhân vật của Mrs. Dalloway, dù chính hay phụ, dù xuất hiện nhiều lần hay chỉ trong một đoạn, một dòng duy nhất, cũng đều thể hiện sự muôn màu muôn vẻ của tính cách con người, và đã thật sự góp phần vào bức tranh tổng thể, đem đến thành công cho tác phẩm.
Bà Dalloway là một nhân vật vừa đơn giản lại vừa phức tạp, thường xuyên đấu tranh để cân bằng đời sống nội tâm với thế giới bên ngoài. Ở ngoại diện là những thứ lấp lánh, quần áo đẹp, những bữa tiệc, và mối quan hệ với tầng lớp thượng lưu, nhưng sâu bên dưới bề mặt đó là một cuộc kiếm tìm ý nghĩa đích thực của cuộc sống, bản chất của linh hồn. Bà thích tổ chức những bữa tiệc là “để trao tặng; để kết hợp, để sáng tạo”:
“Nhưng nếu đi sâu hơn, bên dưới những gì mọi người nói (và những phán xét này thật nông cạn, thật chắp vá biết bao!) trong tâm trí của bà lúc này, nó có ý nghĩa gì với bà, cái điều mà bà gọi là cuộc đời này? Ôi, nó thật lạ lùng. Đây là Ngài nào đó ở South Kensingtin; một ai đó ở Bayswater; và một ai đó khác, chẳng hạn, ở Mayfair. Và bà cảm thấy một ý thức liên tục về sự tồn tại của họ; bà cảm thấy thật lãng phí biết bao; bà cảm thấy thật đáng tiếc biết bao; bà cảm thấy giá như bà có thể đưa họ tới
gần nhau; thế là bà làm điều đó. Và đó là một sự trao tặng; để kết hợp, để sáng tạo; nhưng cho ai? Một sự trao tặng vì chính sự trao tặng, có lẽ.” Bà ghét cô Kilman, gia sư dạy môn lịch sử cho Elizabeth, con gái của bà, vì cô ta ăn mặc xấu xí, lúc nào cũng chỉ “một cái áo khoác đi mưa,” vì cô ta “tước đoạt khỏi bà” Elizabeth. Nhưng bà cũng nghĩ rằng cô Kilman là “kẻ thù của bà: tình yêu của bà.” Thường xuyên trong bà là sự phân tranh giữa những đam mê thật sự và một nếp sống thượng lưu dễ chịu mà bà yêu thích. Nhưng cuối cùng, bà nhượng bộ cuộc sống, và bằng cách nhượng bộ, rốt cuộc bà lại là người chiến thắng.
Thông qua các nhân vật như Phu nhân Bruton, bác sĩ Holmes, bác sĩ William Bradshaw, ông Thủ tướng, Virginia Woolf cũng đã phê phán tầng lớp thượng lưu London, đặc biệt là giới bác sĩ,một cách sâu sắc và tinh tế, đôi khi nhuốm vẻ mỉa mai. Họ là những kẻ thích áp chế người khác, áp đặt những điều mình muốn lên toàn thế giới; là những kẻ ảo tưởng về một Đế chế đã lụi tàn.
Bản thân nhân vật Peter Walsh không có gì ấn tượng, chỉ là một người đàn ông đa cảm và thiếu quyết đoán.
Tuy nhiên, qua hồi ức và những suy nghĩ của ông, chúng ta hiểu rõ hơn về Clarissa và Sally Seton. Cô Kilman, gia sư môn lịch sử cho Elizabeth và bà Ellie Henderson là hai nhân vật khá thú vị. Sally Seton, một cô gái táo tợn, thông minh khi còn trẻ và một phu nhân Rosschester trung niên tới dự bữa tiệc cũng là một nhân vật khá đặc biệt, nhưng xuất hiện phần nhiều trong hồi ức của Clarissa Dalloway và Peter Walsh. Sự hiện diện thật sự của nhân vật này trong bữa tiệc không có gì nổi bật. Nụ hôn của Sally trao cho Clarissa vào một đêm giữa vườn rau mang tính chất tình yêu đồng tính, ít ra là về phía Clarissa, vì bà vẫn lưu giữ mãi ấn tượng về nó. Elizabeth, con gái của Richard và Clarissa là một cô bé mười bảy tuổi xinh đẹp, có ước mơ trở thành một bác sĩ hay chủ nông trại.
Thời gian là một yếu tố chi phối toàn tác phẩm. Tiếng chuông Big Ben và những cái đồng hồ điểm giờ hầu như hiện diện từ đầu tới cuối tác phẩm. Những tiếng chuông biểu thị sự “bất khả vãn hồi” của thời gian. Quá khứ êm dịu hay cay đắng, hạnh phúc hay đau khổ đan xen với thực tại trong tâm thức của từng nhân vật. Bản thân Virginia Woold lúc đầu cũng định đặt tựa đề cho tác
phẩm là Thời Khắc (The Hours).
Dĩ nhiên trên đây là những nhận định rất sơ lược, đầy tính chủ quan để giúp độc giả có một ý niệm khái quát về tác phẩm. Người dịch rất mong các bạn có thể phát hiện thêm nhiều yếu tố sau khi đọc và sẽ yêu thích tác phẩm qua bản dịch này. Nếu bạn cảm thấy tác phẩm không hay, đó chắc chắn là do khả năng của người dịch còn hạn chế, dù đã cố hết sức mình. Xin chân thành cám ơn mọi ý kiến đóng góp của các bạn.
Sài Gòn, 10/2012
Nguyễn Thành Nhân
I
Bà Dalloway bảo bà sẽ tự đi mua hoa.
Vì Lucy có công việc phù hợp với cô ta. Mấy cánh cửa sẽ được tháo khỏi bản lề, những người thợ của Rumpelmayer sẽ tới. Và sau đó, Clarissa Dalloway nghĩ, thật là một buổi sáng tuyệt vời – tươi tắn như thể được ban phát cho lũ trẻ con trên bờ biển.
Thật hân hoan! Thật chìm đắm! Vì dường như đối với bà, khi những cái bản lề kêu rít lên, như lúc này bà có thể nghe, bà phải mở tung những khung cửa sổ kiểu Pháp và lao người vào bầu không khí thoáng đãng của Bourton. Trong lành biết bao, êm ả biết bao, dĩ nhiên là yên tĩnh hơn lúc này, bầu không khí sớm mai hồi ấy giống như tiếng vỗ của một làn sóng; nụ hôn của một làn sóng; lạnh và gắt, thế nhưng nghiêm trang (với một cô gái mười tám tuổi như bà thuở ấy),khi bà cảm thấy như đã từng cảm thấy lúc đứng đó ở khung cửa sổ mở, rằng một điều gì đó kinh khủng sắp xảy ra; khi nhìn những bụi hoa, những cây cối với làn khói ngoằn ngoèo
lan tỏa và những con quạ đang vọt lên, sà xuống; đứng và nhìn cho tới khi Peter Walsh bảo: “Đang suy tư giữa đám rau củ hả? – Phải thế không? – “Tôi thích những người đàn ông hơn là những cây cải bắp” – Phải thế không? Hẳn ông ấy đã nói thế vào bữa điểm tâm của một sớm mai nào đó khi bà đã bước ra trước sân hiên – Peter Walsh. Một hôm nào đó, trong tháng Sáu hoặc tháng Bảy này, bà quên mất là tháng nào, ông ấy sẽ trở về từ Ấn Độ, vì những lá thư của ông ấy cực kỳ buồn nản; những câu nói của ông ấy chính là thứ làm cho người ta nhớ; đôi mắt, con dao nhíp, nụ cười, tính tình gắt gỏng của ông ấy, và khi hàng triệu thứ đã hoàn toàn biến mất, một vài câu nói như câu này về những cây cải bắp thật kỳ lạ biết bao! Bà hơi cứng người lại chút đỉnh trên vệ đuờng, chờ chiếc xe tải của Durtnall chạy qua. Một người phụ nữ quyến rũ, Scrope Purvis nghĩ về bà (ông ta biết bà như người ta biết về những người sống bên cạnh nhà mình ở Westminster); ở bà có cái dáng vẻ của một con chim, một nàng chim giẻ cùi, xanh lam, nhẹ nhàng, sôi nổi, dù bà đã quá năm mươi, và đã bạc trắng mái đầu từ khi ngã bệnh. Bà đứng đó, không hề nhìn thấy ông, chờ để băng qua đường, người thật thẳng.
Vì khi đã sống ở Westminster – bao nhiêu năm nhỉ? – hơn hai mươi rồi – người ta cảm thấy thậm chí giữa những xe cộ giao thông qua lại, hay khi tản bộ trong đêm, Clarissa luôn tỏ ra quả quyết, một sự im lặng, hay vẻ nghiêm trang riêng biệt; một sự ngập ngừng vô tả, một trạng thái hồi hộp (nhưng người ta bảo có thể đó là do tim bà đã chịu ảnh hưởng của bệnh cúm) trước khi tháp Big Ben đổ chuông. Kia rồi! Nó đã trầm trầm vang dội. Đầu tiên là một âm thanh cảnh báo, như âm nhạc, rồi tới thời khắc, bất khả vãn hồi. Những đường tròn xám xịt nặng trĩu tan biến khỏi bầu không khí. Chúng ta thật là những kẻ ngu xuẩn xiết bao, bà nghĩ khi băng qua phố Victoria. Vì chỉ có Trời mới biết vì sao người ta yêu nó như thế, cách người ta nhìn nó như thế, tạo nên nó, dựng nó lên xung quanh người ta, xô đổ nó, rồi mỗi khoảnh khắc lại làm mới nó; nhưng những người đàn bà lôi thôi lếch thếch nhất, buồn nản hay bất hạnh nhất, đang ngồi trên những bậc thềm (uống sự suy sụp của họ), làm một việc như nhau, không thể bị xử lý bởi những đạo luật của Quốc hội; bà cảm thấy lạc quan, chính vì nguyên nhân đó: họ yêu cuộc sống. Trong đôi mắt của mọi người, trong từng nhịp điệu, bước đi nặng
nề hay khó nhọc; trong âm thanh ồn ào nhiệt náo; những cỗ xe ngựa, xe hơi, xe buýt, xe tải, những người bán sandwich ngược xuôi như những con thoi; những ban nhạc kèn đồng; những cái đàn thùng; trong tiếng gầm vang đắc thắng, lanh lảnh và cao vút lạ lùng của những chiếc phi cơ bên trên đầu là điều mà bà yêu mến; cuộc sống; London; khoảnh khắc này của tháng Sáu.
Bởi giờ đang giữa tháng Sáu. Cuộc chiến tranh đã kết thúc, ngoại trừ một ai đó như bà Foxcrott ở Đại sứ quán đêm qua đã đau xé cõi lòng vì cậu thanh niên khôi ngô đó đã bị giết và giờ đây ngôi trang viên cũ phải chuyển sang cho một người em họ; hoặc phu nhân Bexborough, người đã mở một cửa hàng phúc thiện, người ta bảo, với bức điện tín trong tay bà ta, rằng John, đứa con bà yêu mến nhất, đã bị giết chết; nhưng nó đã kết thúc; tạ ơn Trời – kết thúc. Giờ là tháng Sáu. Đức Vua và Hoàng hậu đang ở trong Hoàng cung. Và khắp mọi nơi, dù trời vẫn còn sớm lắm, có tiếng gõ móng ầm ầm của những con ngựa pony đang phi nhanh, tiếng đập của những cây vợt crickê; sân Lords, Ascot và Ravelagh và tất cả các sân chơi còn lại được bao bọc trong một bầu không khí mềm mại, xanh xám, mà, khi ánh ngày lên, sẽ bung ra,
và đáp xuống những thảm cỏ, những mảnh sân nơi những con ngựa pony nhảy chồm lên, hai chân trước gõ mạnh lên mặt đất, rồi phóng lên, những chàng thanh niên xoay tròn, những cô gái cười khanh khách trong những chiếc váy muslin trong suốt, những kẻ mà ngay cả lúc này, sau khi khiêu vũ suốt đêm, đang dắt những con chó lông xồm buồn cười đi dạo; và ngay cả lúc này, vào giờ này, những quý bà thừa kế tước hiệu kín đáo đang phóng ra phố trong những chiếc xe hơi để làm những việc nho nhỏ bí ẩn; và những người chủ tiệm đang lu bu trong bên trong tiệm với những viên đá quý và kim cương, những bộ trâm cài tóc cũ kỹ đáng yêu xanh màu biển hồi thế kỷ mười tám để dụ dỗ những người Mỹ (nhưng người ta phải tiết kiệm, không vội vàng mua này mua nọ cho Elizabeth), cả bà nữa, cũng yêu thích nó như trước kia với một niềm đam mê phi lý và chân thật, là một phần của nó, vì ông cha của bà từng là triều thần dưới thời các vua Georges; cả bà, ngay đêm đó cũng sẽ thắp sáng đèn đuốc để tổ chức bữa tiệc của mình. Nhưng lạ lùng biết bao, khi bước vào công viên, sự thinh lặng; màn sương mù; tiếng lao xao; những con vịt hạnh phúc đang bơi chậm rãi; những con chim bồ nông đang
bước lạch bạch; và kẻ đang đi tới, lưng quay về phía tòa nhà Chính phủ một cách thích đáng nhất, mang theo một cái tráp có đóng dấu Quân đội Hoàng gia có thể là ai nhỉ, còn ai khác ngoài Hugh Whitbread; ông bạn cũ Hugh của bà – Hugh đáng ngưỡng mộ!
“Chúc buổi sáng tốt lành, Clarissa!” Hugh lên tiếng, hơi cường điệu, vì họ đã quen biết nhau từ hồi còn bé. “Bà đi đâu vậy?”
“Tôi thích đi bộ trong thành London.” Bà Dalloway đáp. “Thật sự, nó tốt hơn đi bộ ở miền quê.” Không may là họ chỉ tới đây để khám bệnh. Những người khác tới đây để ngắm những bức tranh; xem kịch opera; đưa con gái của họ đi dạo mát; còn gia đình Whitbread thì đến “để khám bệnh.” Đã vô số lần Clarissa phải viếng thăm Evelyn Whitbread trong căn phòng của bệnh xá. Phải chăng Evelyn lại ngã bệnh? Evelyn thấy rất khó chịu trong người, Hugh nói, thể hiện qua cách bĩu môi hay bộ quần áo bảnh bao, vẻ khôi ngô cực kỳ nam tính, và thân hình được che phủ một cách hoàn hảo của ông (hầu như ông luôn ăn mặc rất trang nhã, nhưng người ta cho là ông phải như vậy, với một công việc nho nhỏ trong Hoàng cung) rằng vợ của ông bị yếu trong
người, không có gì nghiêm trọng, với tư cách một người bạn cũ, Clarissa Dalloway sẽ hoàn toàn thấu hiểu, không cần ông phải nói cụ thể. Ồ, vâng, tất nhiên bà hiểu; thật phiền; và đồng thời cảm thấy một ý thức rất thân thương, rất kỳ lạ, về cái mũ của mình. Không phải loại mũ dành cho buổi sáng sớm, có phải không? Bởi Hugh luôn khiến cho bà cảm thấy, khi ông vội vã đi tiếp, giơ cao mũ với vẻ khá ngông cuồng và bảo đảm với bà rằng bà có thể là một cô gái mười tám tuổi, và dĩ nhiên ông sẽ tới dự buổi tiệc tối nay, Evelyn đã hoàn toàn dứt khoát, chỉ có thể hơi muộn chút xíu, sau bữa tiệc ở Hoàng cung mà ông phải đưa một trong mấy cậu con trai của Jim tới – bà luôn cảm thấy hơi thất thế bên cạnh Hugh; giống như một nữ sinh; nhưng gắn bó với ông, phần vì luôn hiểu biết ông, nhưng bà nghĩ ông là một gã tốt bụng theo cách của ông, dù suýt nữa ông đã khiến cho Richard nổi điên lên, còn về phần Peter Walsh, mãi tới hôm nay ông ấy vẫn chưa bao giờ tha thứ cho bà về việc ưa thích Hugh.
Bà có thể nhớ hết cảnh tượng này sang cảnh tượng khác ở Bourton – Peter nổi giận; Hugh thì không, dĩ nhiên, cỡ nào ông cũng hòa đồng được, nhưng vẫn
không phải là một vẻ khờ khạo tích cực như kiểu của Peter; không đơn giản là một cái hình nộm để gắn tóc giả của một anh thợ hớt tóc. Khi bà mẹ già của ông muốn ông thôi chụp ảnh hay đưa bà ấy tới Bath, ông thực hiện nó, không nói lời nào; ông thật sự vị tha, còn về nhận định, như Peter từng bảo, rằng ông không có quả tim, không có đầu óc, không có thứ gì ngoài những cung cách hành xử và nền giáo dục của một quý ông người Anh, thì đó là điều tệ hại nhất ở Peter thân yêu của bà; và Hugh đáng được khoan dung; có thể khó mà chịu nổi ông, nhưng ông lại rất đáng yêu khi cùng tản bộ với nhau trong một buổi sáng như hôm nay.
(Tháng Sáu đã ló dạng trên từng chiếc lá của những hàng cây. Những bà mẹ ở khu Pimlico đang cho con bú. Các thông điệp đang được chuyển từ Hạm đội tới Bộ Hải quân. Có vẻ như phố Arlington và Piccadilly đã phá vỡ bầu không khí trong công viên và nâng cao, một cách sôi nổi nhiệt tình, những chiếc lá của nó, trên những đợt sóng của sức sống thiêng liêng mà Clarissa yêu mến. Để nhảy múa, để lướt trôi, bà yêu thích tất cả những điều đó.)
Vì có vẻ như họ đã xa cách nhau suốt mấy trăm năm,
bà và Peter; bà chưa bao giờ viết lá thư nào, còn những lá thư của ông ấy thì khô khốc; nhưng đột nhiên bà chợt nảy ra ý nghĩ, Nếu bây giờ ông ấy ở đây với mình, ông ấy sẽ nói gì? – một số ngày, một số cảnh tượng đã mang ông ấy trở về với bà một cách bình thản, không còn nỗi cay đắng cũ; có lẽ đây là sự tưởng thưởng cho việc quan tâm tới mọi người; họ đã quay lại giữa công viên St. James vào một sáng đẹp trời, thật vậy. Nhưng Peter – bất chấp ngày hôm đó có thể đẹp cỡ nào, những cây cối và hoa cỏ, và cô gái nhỏ mặc áo hồng – Peter không bao giờ trông thấy thứ nào trong tất cả những điều đó. Ông ấy sẽ đeo kính vào, nếu bà bảo ông ấy; ông ấy sẽ nhìn. Điều mà ông quan tâm là tình trạng của thế giới; vĩnh viễn vẫn là thơ của Wagner[5], Pope[6], tính cách của mọi người, và những nhược điểm của linh hồn bà. Ông ấy đã trách móc bà thậm tệ biết bao! Họ đã tranh cãi nhiều biết bao! Bà sẽ lấy một ông thủ tướng và đứng ở đầu cầu thang; ông ấy đã gọi bà là nữ chủ nhân hoàn hảo (bà đã khóc vì câu nói đó trong phòng ngủ), bà có những phẩm chất của nữ chủ nhân hoàn hảo, ông ấy bảo.
Thế nên bà vẫn sẽ nhận ra mình đang tranh luận ở
công viên St. James, vẫn chứng tỏrằng bà đúng – và bà cũng đã không kết hôn với ông ấy. Vì trong hôn nhân, cần phải có một tờ chứng nhận nho nhỏ, một sự độc lập nho nhỏ giữa những người sống chung hết ngày này sang ngày khác trong cùng một ngôi nhà; thứ mà Richard đã cho bà, và bà đã cho ông ấy. (Chẳng hạn, sáng nay ông ấy đi đâu? Một ủy ban nào đó, bà chưa bao giờ hỏi đó là ủy ban gì?) Nhưng với Peter, mọi thứ phải được chia sẻ; mọi thứ phải được thảo luận. Và điều đó thật quá sức chịu đựng, và khi cái cảnh tượng đó diễn ra trong khu vườn nhỏ, cạnh đài phun nước, bà phải chia tay với ông, không thì họ sẽ bị hủy diệt, cả hai người đều bị hủy hoại, bà tin chắc vậy; dù bà đã mang theo suốt nhiều năm, như một mũi tên ghăm chặt vào tim, nỗi u sầu, thống khổ; thế rồi sự kinh khủng của khoảnh khắc khi ai đó nói với bà trong một buổi hòa nhạc rằng ông ấy đã cưới một người phụ nữ gặp gỡ trên một con tàu sang Ấn Độ! Bà không bao giờ quên được tất cả những chuyện ấy! Ông ấy gọi bà là một kẻ lạnh lùng, tàn nhẫn, đoan trang vờ vịch. Bà không bao giờ hiểu ông ấy thích thế nào. Nhưng có lẽ những người đàn bà Ấn Độ đó làm được – những cô nàng khờ dại, xinh
xắn, mong manh, ngốc nghếch. Và bà đã phí hoài lòng thương hại của mình. Vì ông ấy hoàn toàn hạnh phúc, ông ấy quả quyết với bà – hoàn toàn hạnh phúc, dù ông ấy chưa hề làm một điều nào mà họ từng nói tới; trọn cuộc đời ông ấy là một sự thất bại. Điều này vẫn còn khiến cho bà nổi giận.
Bà đã tới cổng công viên. Bà đứng một hồi, nhìn những chiếc xe buýt hai tầng trên phố Piccadilly. Giờ bà sẽ không nói với bất kỳ một ai trên đời rằng họ như thế này hoặc như thế nọ. Bà cảm thấy rất trẻ trung; đồng thời lại già nua vô tả. Bà xắn như một lưỡi dao qua mọi thứ; đồng thời lại ở ngoài lề, dõi nhìn theo. Bà có một cảm giác thường xuyên, trong lúc quan sát những chiếc taxi, về tình trạng ở xa, thật xa, ngoài biển khơi và cô độc; bà luôn có cảm giác rằng sống dù chỉ một ngày là rất, rất nguy hiểm. Bà không nghĩ rằng mình thông minh hay quá khác biệt. Bà không thể nghĩ ra làm thế nào bà có thể đi qua cuộc đời dựa vào vài nhánh kiến thức mà cô Daniels đã trao cho họ. Bà chẳng biết gì hết; ngôn ngữ không, lịch sử không; hiện giờ bà ít khi đọc một cuốn sách, ngoại trừ những cuốn hồi ký khi lên giường; thế nhưng đối với bà nó cực kỳ hấp dẫn, tất cả
những thứ này; những chiếc xe taxi chạy ngang qua; và bà sẽ không nói về Peter. Bà sẽ không nói về mình, Tôi thế này, Tôi thế nọ.
Tài năng thiên phú duy nhất của bà là hiểu biết mọi người hầu như bằng bản năng, bà nghĩ, tiếp tục bước đi. Nếu bạn bỏ bà vào một căn phòng với ai đó, lưng bà sẽ cong lên như lưng một con mèo; hoặc bà sẽ kêu rừ rừ như mèo. Tòa nhà Devonshire, tòa nhà Bath, ngôi nhà có con vẹt mào Trung Quốc, có lần bà đã nhìn thấy chúng sáng rực ánh đèn; và nhớ tới Sylvia, Fred, Sally Seton – những vị chủ nhà hiếu khách; và cuộc khiêu vũ suốt đêm; những cỗ xe ngựa ra chợ nặng nề lướt qua; và trở về nhà qua công viên. Bà nhớ có lần đã ném một đồng siling xuống hồ Serpertine. Nhưng người ta nhớ mọi thứ; cái bà thích là điều này, tại đây, ngay lúc này, trước mặt bà; vị phu nhân mập mạp trong cỗ xe. Vậy có quan trọng gì không, bà tự hỏi, việc đi về phía phố Bond, có gì quan trọng không khi bà phải từ bỏ hoàn toàn, không tài nào tránh khỏi; tất cả những thứ này phải tiếp diễn mà không có bà; bà có ghét bỏ nó không? hay niềm tin rằng cái chết là sự kết thúc hoàn toàn không mang lại chút an ủi nào? nhưng theo cách nào đó, trên
những đường phố London, trên sự thăng trầm của vạn vật, ở đây, ở đó, bà đã sống sót, Peter đã sống sót, sống trong nhau, bà là một phần, bà chắc chắn, của những cây cối ở nhà, của ngôi nhà ở đó, xấu xí, tất cả tan rã thành từng mảnh như đã diễn ra; là một phần của những người bà chưa bao giờ gặp; đang trải ra như một làn sương mù giữa những người bà biết rõ nhất, những người nâng bà lên nhánh cây của họ như bà đã nhìn thấy những cây cối nâng một làn sương, nhưng nó lan trải ra xa mãi, cuộc đời bà, bản thân bà. Nhưng bà đã mơ gì khi nhìn vào cửa sổ tiệm của Hatchard? Bà đang cố khôi phục lại điều gì? Hình ảnh bình minh trắng nào ở miền quê, như bà đã đọc trong cuốn sách bày bán công khai:
«Đừng e sợ nữa sức nóng của vầng thái dương, Hay những cơn thịnh nộ của mùa đông giận dữ»[7] Cái lứa tuổi muộn màng này của kinh nghiệm trần thế
đã nuốt chững tất cả bọn họ, đàn ông và phụ nữ, một cái giếng đầy nước mắt. Những giọt lệ và những nỗi u sầu của lòng can đảm và sự chịu đựng; một thái độ thẳng thắn và khắc kỷ tới độ hoàn hảo. Cứ nghĩ, chẳng hạn, về người phụ nữ mà bà ngưỡng mộ nhất, Phu nhân Bexborough, đang mở cửa hàng phúc thiện.
Có cuốn “Những chuyến dạo chơi và những cuộc hội hè của Jorrocks”[8]; có cuốn “Xát xà bông”[9], “Những hồi ức của bà Asquith”[10] và “Săn thú lớn ở Nigeria”[11], tất cả đều bày bán công khai. Luôn có rất nhiều cuốn sách; nhưng dường như không có cuốn nào hoàn toàn thích hợp để mang tới dưỡng đường cho Evelyn Whitbread.
Khi Clarissa bước vào phòng, không thứ gì có thể giúp cho bà ấy vui lên và làm cho vẻ ngoài của người phụ nữ nhỏ bé đã khô héo không tài nào tả xiết đó trở nên thân mật, dù chỉ trong khoảnh khắc; trước khi họ lấy lại sự điềm tĩnh cho cuộc chuyện trò tràng giang đại hải thông thường về những chứng bệnh của phụ nữ. Bà mong muốn điều đó biết bao – rằng trông mọi người sẽ hài lòng khi bà bước vào, Clarissa thầm nghĩ và quay lưng bước trở lại phía phố Bond, bực dọc, vì việc phải có những lý do khác để làm các thứ là điều xuẩn ngốc. Có lẽ tốt hơn bà nên nằm trong số những người giống như Richard, những kẻ làm các thứ là vì chính bản thân chúng, bà nghĩ, chờ để băng qua đường, nửa phần thời gian bà đã làm những thứ không đơn giản, không vì chính bản thân chúng; mà là để mọi người suy nghĩ thế
này thế khác; bà biết vậy là hoàn toàn ngu ngốc (và lúc này viên cảnh sát giơ bàn tay lên) vì chưa hề có ai bị lừa dù chỉ trong một giây. Hoặc giá mà bà có thể sống lại một lần nữa đời mình! bà nghĩ, bước lên vệ đường, thậm chí có thể nhìn theo một cách khác hẳn!
Trước hết, bà sẽ ngăm ngăm như Phu nhân Bexborough, với một làn da giống như da thuộc và đôi mắt xinh đẹp. Bà sẽ, giống như Phu nhân Bexborough, chậm rãi và trang nghiêm; khá to con; quan tâm tới chính trị như một gã đàn ông; với một ngôi nhà nông thôn; rất có phẩm cách, rất chân thành. Thay vì thế, bà có một thân hình nhỏ nhắn mảnh khảnh; một gương mặt nhỏ bé buồn cười, nhọn như mỏ của một con chim. Đúng là bà duy trì tốt vóc dáng của mình; có đôi bàn tay và bàn chân đẹp, và ăn mặc coi được, nếu xét tới việc bà tiêu tiền ít. Nhưng thường thường hiện giờ, cái thân thể bà mang (bà dừng lại để nhìn một bức tranh Hà Lan), cái thân thể này, với mọi khả năng của nó, dường như không có gì – không có gì cả. Bà có một ý nghĩ kỳ quặc nhất về việc mình trở nên vô hình; không ai nhìn thấy; không ai biết tới; lúc này không còn hôn nhân, không còn con cái, mà chỉ còn quá trình lạ lùng và khá nghiêm
trang với số còn lại bọn họ, ngược lên phố Bond, bà Dalloway đang hiện hữu này; thậm chí không còn Clarissa; chỉ bà Richard Dalloway đang hiện hữu này.
Phố Bond mê hoặc bà; phố Bond vào buổi sớm mai của mùa này; những lá cờ đang tung bay; những cửa hiệu; không nước văng tung tóe; không ánh sáng lấp lánh; một cuộn vải tuýt trong cửa tiệm nơi cha bà đã mua những bộ comlê trong suốt năm mươi năm; vài hạt ngọc trai; cá hồi trên một tảng nước đá.
“Đó là tất cả,” bà nói, nhìn tiệm của người bán cá. “Đó là tất cả,” bà lặp lại, dừng lại giây lát ở cửa sổ của một tiệm bán găng tay, nơi mà, trước chiến tranh, bạn có thể mua những đôi găng tay gần như tuyệt hảo. Và ông chú già William của bà thường bảo một quý cô được biết tới nhờ giày và găng tay của cô ta. Một sáng nọ giữa cuộc chiến ông đã trở người trên cái giường. Ông đã nói, “Chú đã có đủ rồi.” Những đôi găng tay và giày; bà có một đam mê đối với những đôi găng tay; nhưng con gái của bà, Elizabeth của bà, không hề quan tâm tới thứ nào trong số đó.
Không một mảy may, bà nghĩ, đi tiếp dọc phố Bond tới một cửa hiệu nơi họ để dành hoa cho bà khi bà tổ chức
một bữa tiệc. Elizabeth thật sự quan tâm tới con chó của nó hơn tất cả mọi thứ. Cả ngôi nhà sáng nay đầy mùi hắc ín. Tuy nhiên con chó Grizzle tội nghiệp vẫn tốt hơn là cô Kilman; chứng sốt ho của chó và hắc ín và tất cả những thứ còn lại vẫn tốt hơn là việc ngồi ê a trong một căn phòng ngủ ngột ngạt với một cuốn kinh cầu nguyện! Tốt hơn bất cứ thứ gì, bà có ý muốn nói thế. Nhưng có thể nó chỉ là một cụm từ, như Richard nói, giống cụm từ cửa miệng của tất cả mọi cô gái. Có thể đó là trạng thái của tình yêu. Nhưng sao lại với cô Kilman? Người dĩ nhiên đã bị đối xử một cách tệ hại; người ta phải khoan dung cho điều đó, và Richard bảo cô ta có khả năng, thật sự có đầu óc về mặt lịch sử. Dù sao, không thể tách rời họ được, và Elizabeth, con gái của bà, đã tới dự cuộc họp nhóm đạo; nó đã ăn mặc đẹp biết bao, nó đã đối xử tốt biết bao với những người tới ăn trưa mà nó không hề quan tâm chút xíu nào, theo kinh nghiệm của bà, trạng thái mê ly trong tôn giáo khiến mọi người trở nên tàn nhẫn (những chính nghĩa cũng vậy); làm u mê những cảm giác của họ, vì cô Kilman sẽ làm bất cứ điều gì cho những người Nga, chịu đói gần chết vì những người Úc, nhưng lại kín đáo gây đau khổ cho người khác; cô ta rất
vô cảm, mặc một cái áo khoác vải cao su màu lục. Cô ta mặc cái áo đó hết năm này sang năm khác; cô ta toát mồ hôi; cô ta không bao giờ ở trong phòng năm phút mà không khiến cho bạn cảm thấy sự ưu việt của cô ta, sự thấp kém của bạn; cô ta nghèo khổ ra sao; bạn giàu có ra sao; cô ta sống ra sao trong một khu ổ chuột, không một tấm màn, một cái giường, một tấm thảm hay bất cứ thứ gì có thể có, toàn bộ linh hồn của cô ta trở nên han rỉ với nỗi thống khổ gắn chặt vào nó; cô ta bị sa thải khỏi trường trung học hồi chiến tranh – một con người tội nghiệp rất đỗi không may! Vì không phải người ta ghét cô ta mà ghét cái ý tưởng về cô ta, mà không ngờ gì nữa, đã tự nó tập hợp trong chính nó nhiều thứ không phải là cô Kilman; đã trở thành một trong những bóng ma mà người ta chiến đấu với chúng trong đêm; một trong những bóng ma đứng dạng chân bên trên chúng ta và hút lấy nửa phần máu huyết của chúng ta, những kẻ thống trị và những tên bạo chúa; vì không ngờ gì nữa, với một cú gieo súc sắc khác, hẳn bà sẽ yêu mến cô Kilman nếu như người da đen có địa vị cao hơn người da trắng! Nhưng không phải trong cõi đời này. Không.
Tuy nhiên, việc con quái vật hung bạo này khuấy động
trong lòng khiến bà thấy khó chịu! Việc nghe thấy tiếng những nhánh cây gãy răng rắc và cảm thấy những cái móng guốc nện xuống những chiều sâu của khu rừng ngập lá đó, linh hồn; không bao giờ cảm thấy hoàn toàn hài lòng, hay hoàn toàn có an ninh, vì con quái vật đó sẽ khuấy động vào bất cứ lúc nào, niềm căm ghét đó, nhất là từ khi bà bị bệnh, có khả năng khiến cho bà cảm thấy bị cào cấu, bị gây thương tổn bên trong xương sống; mang tới cho bà nỗi đau thể chất, và khiến cho mọi lạc thú trong vẻ đẹp, trong tình bạn, trong cuộc sống an lành, trong việc được yêu thương và mang lại niềm vui cho ngôi nhà của bà bị chấn động, run rẩy và cong oằn như thể thật sự có một con quái vật đang đào xới trên mái nhà, như thể toàn bộ chiếc áo giáp của sự hài lòng không là gì khác ngoài tình yêu chính bản thân mình! Niềm căm ghét này!
Vớ vẩn, vớ vẩn! Bà kêu lên với chính mình, đi ào qua những cánh cửa xoay của những tiệm bán hoa trên phố Mulberry.
Bà tiến tới, nhẹ nhàng, cao, người rất thẳng, được chào hỏi ngay lập tức bởi cô Pym có gương mặt tròn xoe và đôi bàn tay luôn đỏ ửng, như thể chúng đã bị
nhúng trong nước lạnh cùng với những nhánh hoa. Có nhiều loại hoa: phi yến, đậu hoa, những chùm tử đinh hương; và hoa cẩm chướng, hàng đống hoa cẩm chướng. Có hoa hồng; có hoa diên vĩ. Ồ, phải – bà hít vào mùi thơm ngọt ngào của khu vườn địa đàng trong lúc đứng trò chuyện với cô Pym, người chịu sự giúp đỡ của bà, và nghĩ rằng bà tử tế, vì bà đã tử tế từ nhiều năm trước; rất tử tế, nhưng năm nay trông bà già hơn, đang xoay đầu từ phía này sang phía khác giữa những đóa hoa diên vĩ và hoa hồng, và gật đầu chào những chùm tử đinh hương với đôi mắt khép hờ, hít vào mùi thơm ngào ngạt, sự dịu mát tuyệt trần, sau cảnh náo nhiệt trên phố xá. Và sau đó, khi mở mắt ra, những bông hồng nằm trong những cái khay đan bằng nhánh liễu gai trông tươi tắn như tấm vải lanh xếp nếp vừa mới giặt sạch từ một tiệm giặt ủi; và những bông cẩm chướng đỏ thẫm, nghiêm trang, đang ngẩng cao đầu; và tất cả những bông đậu hoa trải ra trong những cái bát, tím man mác, trắng tuyết, xanh nhạt – như thể đang là chiều tối và những nàng thiếu nữ mặc váy dài vừa bước ra để hái những bông đậu hoa và bông hồng sau khi một ngày hè huy hoàng, với bầu trời gần như xanh thẫm, với những đóa
hoa phi yến, hoa cẩm chướng và huệ trắng, đã trôi qua; và đây là khoảnh khắc giữa sáu và bảy giờ khi mọi loài hoa – hoa hồng, phi yến, diên vĩ, tử đinh hương – tỏa sáng; trắng, tím, đỏ, cam đậm; mỗi bông hoa dường như tự bốc cháy một cách mềm mại, thuần khiết trong những luống đất mờ sương; và bà yêu biết bao những con bướm đêm trắng xám đang bay vòng vòng, trên cái bánh nướng màu đỏ anh đào, trên những đóa hoa anh thảo ban chiều!
Và trong lúc bà bắt đầu đi cùng cô Pym từ chậu hoa này sang chậu hoa khác, chọn lựa, bà tự nhủ, vớ vẩn, vớ vẩn, ngày càng dịu dàng hơn, như thể vẻ đẹp này, mùi thơm này, màu sắc này, và việc cô Pym yêu quý bà, tin cậy bà, là một làn sóng mà bà để cho lướt trôi qua người mình và trùm lên niềm căm ghét đó, con quái vật đó, bao trùm lên tất cả; và nó nâng bà lên cao, lên cao mãi khi – Ồ! Có một tiếng pít-tông nổ trên đường phố bên ngoài!
“Trời, mấy chiếc xe hơi đó!” cô Pym nói, bước tới cửa sổ để nhìn, quay trở lại, với những bông đậu hoa đầy ắp trên đôi cánh tay, và mỉm cười với vẻ hối lỗi như thể những chiếc xe hơi đó, những cái lốp xe hơi đó, tất
cả đều là lỗi của cô ta.
Cú nổ thô bạo khiến cho bà Dalloway nhảy nhổm lên và cô Pym đi tới cửa sổ và xin lỗi xuất phát từ một một chiếc xe hơi đã được lôi sang một phía vệ đường ngay đúng chỗ đối diện với cửa sổ của tiệm Mulberry. Những khách qua đường dừng lại và dòm ngó, dĩ nhiên, đã có đủ thời gian để nhìn thấy một gương mặt rất quan trọng nổi lên trên tấm màn dày màu xám bồ câu, trước khi một bàn tay đàn ông kéo bức màn xuống và người ta không còn thấy gì nữa trừ một ô vuông màu xám bồ câu.
Thế nhưng lời đồn thổi ngay lập tức lan truyền từ giữa phố Bond tới phố Oxford ở đầu này, tới tiệm nước hoa của Atkinson ở đầu kia, lan đi một cách vô hình, vô thanh, như một đám mây mỏng như voan trôi nhanh trên những ngọn đồi, thật sự buông rơi trên những gương mặt mà chỉ một giây trước đó cực kỳ rối loạn sự điềm tĩnh và lặng lẽ bất ngờ của một đám mây. Nhưng giờ đây sự bí ẩn đã quét đôi cánh của mình qua họ; họ đã nghe một giọng nói đầy quyền lực; linh hồn của tôn giáo đang ra ngoài dạo chơi với đôi mắt che kín và đôi môi mở rộng. Nhưng không ai biết người ta đã nhìn thấy gương
mặt của ai. Có phải đó là mặt của Hoàng tử xứ Wales, của Hoàng hậu, của Thủ tướng? Đó là gương mặt của ai? Không ai biết.
Edgar J. Watkiss, với cuộn ống chì quấn quanh cánh tay, nói lớn tiếng, với một vẻ hài hước, tất nhiên: “Xơ của Thủ táng.[12]”
Septimus Warren Smith, kẻ nhận ra mình không thể đi qua, đã nghe thấy lời của anh ta.
Septimus Warren Smith, độ ba mươi tuổi, mặt mày nhợt nhạt, mũi khoằm, mang một đôi giày nâu và mặc một chiếc áo khoác tồi tàn, với đôi mắt màu nâu lục nhạt chứa đựng một nỗi e sợ khiến cho những người hoàn toàn xa lạ cũng trở nên e sợ. Thế giới đã vung ngọn roi của nó lên; nó sẽ hạ xuống chỗ nào?
Mọi thứ trở nên bất động. Tiếng xình xịch của những động cơ xe hơi nghe như thể một mạch máu đang đập dồn dập một cách bất thường qua toàn bộ một cơ thể. Mặt trời trở nên nóng lạ lùng vì chiếc xe hơi đã dừng ở bên ngoài cửa sổ tiệm Mulberry; những quý bà lớn tuổi trên tầng hai của những chiếc xe buýt hai tầng bung mấy cái ô đen của họ ra; chỗ này một cái ô xanh lục, chỗ nọ một cái ô đỏ mở ra với một tiếng bụp nho nhỏ. Bà
Dalloway bước tới cửa sổ nhìn ra với đôi tay ôm đầy những nhánh đậu hoa, gương mặt nhỏ nhắn hồng hào cau lại với vẻ dò hỏi. Mọi người đều nhìn vào chiếc xe hơi. Septimus nhìn. Những cậu bé cưỡi xe đạp nhảy xuống xe. Giao thông ùn tắt. Và chiếc xe hơi nằm chình ình ở đó, với những tấm màn buông kín, và bên trên chúng là một hình vẽ lạ lùng giống như một cái cây, Septimus nghĩ, và cái cây này dần dà thu hút mọi thứ tới một điểm trung tâm trước mắt anh, như thể một điều kinh khủng nào đó đã gần như lên tới bề mặt và sắp sửa bùng lên thành những ngọn lửa, khiến anh hoảng hốt. Thế giới chao động, run rẩy và đe dọa bùng lên thành những ngọn lửa. Mình chính là người chắn đường, anh nghĩ. Không phải mọi người đang nhìn ngó và chỉ vào anh; không phải anh đứng thừ ra đó, chôn chân trên vỉa hè, là vì một mục đích hay sao? Nhưng vì mục đích gì?
“Chúng ta đi tiếp đi, Septimus.” Vợ anh nói. Một phụ nữ nhỏ nhắn, với đôi mắt to trên một gương mặt nhọn vàng bủng; một cô gái Ý.
Nhưng bản thân Lucrezia không thể không nhìn vào chiếc xe và hình vẽ cái cây trên những tấm màn. Có phải Hoàng hậu ở trong đó không – có phải bà đang đi
mua sắm?
Tay tài xế, lúc nãy đã mở thứ gì đó, xoay thứ gì đó, đóng thứ gì đó lại, trèo lại vào xe.
“Đi thôi.” Lucrezia nói.
Nhưng chồng cô, vì họ đã lấy nhau được bốn năm năm, nhảy chồm lên, nhìn chòng chọc, và bảo: “Được rồi!” một cách giận dữ, như thể cô đã cắt ngang ý nghĩ của anh.
Hẳn mọi người đã chú ý; hẳn mọi người đã thấy. Mọi người, cô nghĩ, nhìn đám đông đang chong mắt ngó vào chiếc xe hơi; người Anh, với con cái, lũ ngựa và quần áo của họ, mà cô ngưỡng mộ theo cách nào đó; nhưng giờ họ là “mọi người,” vì Septimus đã nói: “Tôi sẽ tự sát”; nói ra một điều kinh khủng như thế. Giả sử họ đã nghe thấy anh ta? Cô nhìn đám đông. Giúp với, giúp với! Cô muốn kêu lên với những cậu bé và những người phụ nữ giúp việc cho những ông chủ hàng thịt. Giúp với! Mới mùa thu trước cô và Septimus đã đứng ở bến tàu, quấn chung một tấm áo choàng, và Septimus đang đọc một tờ báo thay vì nói chuyện, cô đã giật phắt nó khỏi tay anh và cười chế giễu ông già đang nhìn họ! Nhưng người ta che đậy sự thất bại. Cô phải đưa anh ta vào một công
viên nào đó.
“Giờ chúng sẽ băng qua đường.” Cô nói.
Cô ta có một quyền hạn đối với cánh tay của anh, dù anh không hề có chút cảm giác nào. Anh sẽ trao tay cho cô ta, kẻ rất đơn giản, rất bốc đồng, chỉ mới hai mươi bốn tuổi, không có người bạn nào ở Anh, đã rời nước Ý vì anh, một mẩu xương.
Chiếc xe hơi với những tấm màn buông phủ và một vẻ bí hiểm tiếp tục tiến tới phố Piccadilly, vẫn bị dòm ngó săm soi, vẫn làm cho những gương mặt ở cả hai bên đường gợn lên cùng một hơi thở sùng kính ảm đạm mà không ai biết là dành cho Hoàng hậu, Hoàng tử hay Thủ tướng. Bản thân gương mặt đó chỉ bị ba người nhìn thấy một lần duy nhất trong vài giây. Ngay cả giới tính lúc này cũng đang trong vòng tranh cãi. Nhưng chắc chắn là có nhân vật lớn đang ngồi trong đó; nhân vật lớn đã đi ngang, ẩn nấp, xuôi xuống phố Bond, chỉ di chuyển cách những thường dân chiều rộng của một bàn tay. Có thể đây là lần đầu tiên và lần cuối cùng họ ở trong phạm vi nói chuyện với hoàng tộc nước Anh, với cái biểu tượng lâu dài của quốc gia sẽ được những nhà khảo cổ hiếu kỳ biết tới, khi chọn lọc những tàn tích của thời gian, khi
London là một con đường mòn um tùm cỏ và tất cả những kẻ hối hả dọc vỉa hè đó trong buổi sáng Thứ tư này chỉ còn là những khúc xương với vài chiếc nhẫn cưới trộn lẫn trong tro tàn của họ và những lớp vàng trám răng của vô số cái răng sâu. Khi đó gương mặt trong chiếc xe hơi sẽ được biết tới.
Có lẽ đó là Hoàng hậu, bà Dalloway nghĩ, bước ra khỏi tiệm Mulberry với những bó hoa; Hoàng hậu. Và trong giây lát, bà khoác lên một vẻ ngoài cực kỳ phẩm giá khi đứng cạnh tiệm bán hoa dưới ánh mặt trời trong lúc chiếc xe chạy ngang qua với vận tốc đi bộ, những tấm màn buông kín. Hoàng hậu sẽ tới một bệnh viện nào đó; Hoàng hậu đang mở một cửa hàng phúc thiện nào đó, Clarissa nghĩ.
Sự chen lấn xô đẩy thật là kinh khủng đối với giờ này trong ngày. Lords, Ascot, Hurlingham, sân nào nhỉ? Bà tự hỏi, vì con đường đã bị nghẽn. Những tầng lớp trung lưu nước Anh đang ngồi nghiêng người ở tầng trên những chiếc xe buýt hai tầng với những cái gói và những chiếc ô, vâng, thậm chí cả áo lông, trong một ngày như thế này, thật lố bịch, thật khác với bất cứ điều gì người ta có thể hình dung; và bản thân Hoàng hậu đã bị trì
hoãn; bản thân Hoàng hậu không thể đi qua. Clarissa bị kẹt lại ở một phía của phố Brook; ngài John Buckhurst, vị thẩm phán già ở phía bên kia, với chiếc xe ở giữa họ (ngài John đã nghỉ hưu nhiều năm nay và ưa thích một phụ nữ ăn mặc đẹp) khi tay tài xế, hơi nghiêng người, nói hay chỉ gì đó cho viên cảnh sát, tay này cúi đầu chào, giơ cánh tay lên và hất đầu, dời chiếc xe buýt hai tầng sang một bên và chiếc xe hơi chạy qua. Chậm rãi và rất yên lặng, nó tiến theo con đường của nó.
Clarissa đã đoán ra; Clarissa đã biết, tất nhiên; bà đã nhìn thấy một cái gì đó màu trắng, kỳ diệu, hình tròn, trong bàn tay của tay người hầu, một cái đĩa khắc một cái tên – của Hoàng hậu, của Hoàng tử xứ Wales, hay của Thủ tướng? – mà, với sức mạnh tự thân của vẻ huy hoàng, đã lóe lên (Clarissa nhìn thấy chiếc xe xa dần, biến mất) để bừng sáng giữa những giá đèn chùm, những vì sao lấp lánh, những bộ ngực căng cứng với những chiếc lá sồi, Hugh Whitbread và tất cả những đồng nghiệp của ông ta, những quý ông của nước Anh, trong đêm đó ở điện Buckingham. Và cả Clarissa cũng tổ chức một bữa tiệc. Bà hơi cứng người một chút; vì thế bà sẽ đứng ở đầu cầu thang.
Chiếc xe hơi đi khỏi, nhưng nó đã để lại một gợn sóng lăn tăn tràn qua những cửa tiệm bán găng tay, tiệm bán mũ và tiệm may ở cả hai bên đường của phố Bond. Trong ba mươi giây, tất cả những cái đầu đều nghiêng về một hướng – tới cái cửa sổ. Chọn một cặp găng tay – chúng nên dài tới bên dưới hay bên trên cùi chỏ, màu vàng chanh hay màu xám nhạt? – các quý bà dừng lại; khi câunói kết thúc đã có điều gì đó xảy ra. Một điều gì đó rất tầm thường trong những trường hợp đơn lẻ mà không thiết bị toán học nào, dù có khả năng truyền được những chấn động của Trung Quốc, có thể ghi lại sự rung động; thế nhưng trạng thái viên mãn của nó khá dữ dội và sự tầm thường của nó đòi hỏi cảm xúc; vì trong tất cả những tiệm mũ và tiệm may những người xa lạ nhìn nhau và nghĩ tới những người chết; tới lá quốc kỳ; tới Đế chế. Trong một tiệm rượu ở một phố hậu, một gã thuộc dân đã thóa mạ Hoàng gia Anh dẫn tới lời qua tiếng lại, những ly bia bị vỡ, và một cuộc cãi lộn om xòm, vang dội đến lạ lùng suốt quãng đường trong tai của những thiếu nữ đang mua áo lót trắng đính ruy băng trắng cho đám cưới của họ. Bởi sự bối rối bề mặt của chiếc xe đang chạy ngang qua khi chìm xuống đã lướt
qua một điều gì đó rất sâu xa.
Lướt ngang qua phố Piccadilly, chiếc xe hơi quẹo xuống phố St. James. Những người đàn ông cao lớn, những người đàn ông lực lưỡng, những người đàn ông ăn mặc lịch sự với những chiếc áo đuôi tôm, áo sơ-mi trắng và tóc chải vuốt ra sau gáy, những người, vì những lý do khó phân biệt, đang đứng trong cửa sổ hình vòm của câu lạc bộ Brooks’s[13], với đôi bàn tay đặt sau đuôi áo khoác, đang nhìn ra, ý thức một cách bản năng rằng nhân vật lớn vừa mới đi ngang, và ánh sáng nhợt nhạt của sự hiện diện bất tử trùm lên họ như đã trùm lên Clarissa Dalloway. Ngay lập tức, họ đứng thậm chí thẳng hơn, bỏ tay xuống, và dường như sẵn sàng theo chân Quốc chủ của họ, nếu cần, tới họng khẩu đại bác, như những tiền nhân của họ đã làm trước đó. Những bức tượng bán thân trắng toát và những cái bàn nhỏ ở phía sau, bị che lấp bởi những cuốn tạp chí Tatler và những chai xô-đa, dường như cũng tán thành; dường như biểu thị cho cánh đồng lúa xào xạc và những thái ấp của nước Anh, và đáp lại tiếng bánh xe lăn lao xao như những bức tường của một hành lang thì thầm mở rộng và tạo âm vang cho một giọng nói đơn lẻ bởi sức mạnh
của toàn thể một giáo đường. Shawled Moll với những bó hoa của mình trên vệ đường đã chúc cậu bé thân yêu an lành (tất nhiên đó là Hoàng tử xứ Wales) và hẳn sẽ tung số tiền bằng giá của một ca bia – một bó hoa hồng – vào phố St. James vì sự bốc đồng và lòng khinh miệt sự nghèo túng nếu như bà không nhìn thấy ánh mắt của viên cảnh sát đang dán vào mình, làm thui chột lòng trung thành của một bà già Ái Nhĩ Lan. Những tay lính gác ở phố St. James cúi chào; viên cảnh vệ của Hoàng hậu Alexandra tiếp nhận.
Trong lúc đó một đám đông nhỏ đã tập trung ở những cánh cổng của Điện Buckingham. Cả bọn đều là những người nghèo, bơ phờ nhưng tự tin, họ chờ đợi; nhìn vào bản thân cung điện với lá cờ đang tung bay; nhìn vào tượng Nữ hoàng Victoria sừng sững trên cái bục, ngưỡng mộ những thềm nước chảy của bà, những bụi phong lữ của bà; chọn từ những chiếc xe hơi trên đường The Mall, trước tiên chiếc này, rồi tới chiếc kia, tỏ bày cảm xúc một cách vô ích với những thường dân lái xe ra phố; khôi phục lại lòng tôn kính của họ, gìn giữ không để cho nó lụi tàn trong lúc hết chiếc xe hơi này tới chiếc khác chạy qua; và suốt thời gian đó vẫn để cho lời đồn
tích tụ lại trong huyết mạch của họ và rung động những dây thần kinh trong đùi họ với ý nghĩ về việc Hoàng gia đang nhìn họ; Hoàng hậu đang chào; Hoàng tử đang chào; với ý nghĩ về cuộc sống thiên đường mà những vị vua đã được ban tặng một cách tuyệt vời; về những viên quan hầu cận và những cái nhún gối sâu; về căn nhà búp bê của Hoàng hậu; về việc Công chúa Mary đã lấy một người Anh, và Hoàng tử – Chà! Hoàng tử! người giống Đức vua già Edward một cách kỳ diệu, họ bảo, nhưng mảnh mai hơn nhiều. Hoàng tử sống ở phố St. James; nhưng chàng có thể tới thăm mẹ chàng vào buổi sáng.
Sarah Bletchley nói thế với đứa bé trên tay chị, nhón lên nhón xuống như thể chị đang đứng cạnh tấm chắn lò sưởi của mình ở Pimlico, nhưng vẫn dõi mắt vào con đường, trong lúc Emily Coates nhìn khắp các những cửa sổ cung điện và nghĩ tới những nàng hầu, vô số nàng hầu, những căn phòng ngủ, vô số căn phòng ngủ. Đám đông tăng lên khi có sự tham gia của một quý ông cao tuổi cùng một con chó săn Aberdien và những người đàn ông thất nghiệp. Anh chàng bé nhỏ Bowley, người có những căn phòng ở khu phố Albany và bị niêm phong bằng sáp những nguồn sống sâu xa hơn nhưng có thể gỡ
bỏ niêm phong một cách bất ngờ, không thích đáng, đầy cảm xúc bởi chính sự kiện này – những phụ nữ nghèo đang chờ để trông thấy Hoàng hậu đi qua – những phụ nữ nghèo, những đứa con côi, những người góa phụ, cuộc chiến tranh – chậc chậc – thật sự có những giọt lệ trong mắt anh. Một làn gió nhẹ thật ấm áp lướt dọc con đường The Mall, qua những hàng cây gầy guộc, qua những vị anh hùng bằng đồng, cuốn lên một lá cờ đang phất phới tung bay trong lồng ngực người Anh của Bowley và anh nhấc mũ khi chiếc xe hơi quẹo vào đường The Mall, giơ cao nó khi chiếc xe tới gần; mặc cho những bà mẹ nghèo ở khu Pimlico áp sát vào mình, và đứng thật thẳng. Chiếc xe hơi chạy tới.
Đột nhiên chị Coates ngẩng lên nhìn bầu trời. Âm thanh của một chiếc phi cơ xoáy vào tai của đám đông như một điềm gỡ. Nó đang bay tới trên những hàng cây, phụt khói trắng ra sau, làn khói cuộn tròn và xoắn lại, thật sự đang viết ra một điều gì đó! Đang tạo nên những mẫu tự giữa bầu trời! Mọi người ngẩng lên nhìn.
Chiếc phi cơ bổ nhào thẳng xuống, gầm lên, lượn một vòng, chìm xuống, ngóc lên, và bất kể nó làm gì, bất kể nó bay tới đâu, dập dờn phía sau nó một luồng khói
trắng dày đặc uốn cong và kết lại thành những mẫu tự giữa bầu trời. Nhưng chữ gì? Phải là A C không? Một chữ E, rồi một chữ L? Chúng chỉ nằm yên chốc lát, rồi di chuyển và tan ra và bị xóa đi khỏi bầu trời, và chiếc máy bay vọt ra xa rồi quay lại, trong một không gian bầu trời mới, bắt đầu viết một chữ K, một chữ A, và có lẽ một chữ Y?
“Glaxo,” chị Coates nói với một giọng căng thẳng, sợ sệt, ngẩng lên nhìn, và em bé con chị, nằm cứng đơ và trắng bóc trên tay chị, cũng ngẩng lên nhìn.
“Kreemo,” chị Bletchley thì thào, như một kẻ mộng du. Với cái mũ giơ ra, bất động một cách hoàn hảo trong bàn tay, anh Bowley nhìn thẳng lên. Dọc suốt con đường The Mall mọi người đang đứng và nhìn lên bầu trời. Trong lúc họ nhìn, toàn thế giới bắt đầu im lặng một cách hoàn hảo, và một đàn hải âu băng ngang qua bầu trời, đầu tiên là một con dẫn đường, rồi tới con khác, và trong sự im lặng và thanh bình khác thường này, trong vẻ xanh xao này, trong sự thuần khiết này, những cái chuông ngân lên mười một tiếng, âm thanh bốc cao tan loãng giữa đàn chim hải âu.
Chiếc phi cơ quay lại, lao nhanh và sà xuống đúng nơi
nó muốn, một cách nhanh nhẹn, tự do, một người trượt băng…
“Đó là một chữ E,” chị Bletchley, hay một vũ công, nói.
“Đó là chữ toffee,” anh Bowley lẩm bẩm – (chiếc xe hơi tiến vào cổng, và không ai nhìn nó), và luồng khói bị cô lập, ngày càng cuốn ra xa, tan dần và hòa vào những dải mây trắng thênh thang.
Nó đã biến mất; nó đã nằm phía sau những đám mây. Không còn âm thanh. Những đám mây mà các mẫu tự E, G hay L đã gắn vào di chuyển một cách tự do, như thể đã dự định băng từ Tây sang Đông trong một sứ mệnh tối quan trọng không bao giờ tiết lộ ra, thế nhưng chắc chắn đúng là thế – một sứ mệnh tối quan trọng. Thế rồi đột nhiên, như một con tàu lao ra khỏi một đường hầm, chiếc phi cơ lại vọt ra khỏi những đám mây, âm thanh xoáy vào tai của tất cả mọi người trên đường The Mall, trong công viên Green, trong phố Piccadilly, phố Regent’s, công viên Regent’s, một cột khói cuộn lên phía sau nó và nó sà xuống, rồi bay vút lên, viết hết mẫu tự này sang mẫu tự khác – nhưng nó đang viết chữ gì?
Lucrezia Warren Smith, đang ngồi cạnh chồng mình
trên một cái ghế trên đường Broad Walk trong công viên Regent’s, nhìn lên.
“Nhìn kìa, nhìn kìa, anh Septimus!” Cô kêu lên. Vì bác sĩ Holmes đã bảo cô phải làm cho chồng cô (kẻ không bị bất kỳ bệnh gì nghiêm trọng mà chỉ hơi khó ở) chú ý tới mọi sự vật bên ngoài.
Vậy là, Septimus nghĩ, nhìn lên, chúng đang ra hiệu cho mình. Thật ra không phải là những từ thật sự; nghĩa là, anh chưa thể đọc được thứ ngôn ngữ này; nhưng nó khá đơn giản, cái vẻ đẹp này, cái vẻ đẹp tinh tế này, và mắt anh rưng lệ khi anh nhìn những từ làm bằng khói đang tan chảy dần giữa bầu trời và ban tặng cho anh với lòng từ thiện vô cùng tận và tinh chất của tiếng cười hết hình dáng này tới hình dáng khác của vẻ đẹp phi thường và đang ra hiệu về dự định của chúng nhằm cung cấp cho anh vẻ đẹp, thêm nhiều vẻ đẹp, mà không đòi hỏi gì đáp lại, mãi mãi, đơn thuần chỉ để nhìn! Những giọt lệ lăn xuống đôi gò má của anh.
Nó là toffee [kẹo bơ cứng]; họ đang quảng cáo kẹo bơ cứng, một người vú em nói với Rezia. Họ bắt đầu cùng nhau đánh vần t… o… f…
“K…. R….” người bảo mẫu nói, và Septimus nghe chị
ta nói “Kay, Arrr” sát bên tai anh, sâu thẳm, dịu dàng, như một tiếng đàn organ êm dịu, nhưng với một chút thô kệch trong giọng của chị ta như tiếng kêu của một con châu chấu, nó nạo vào xương sống của anh một cách tuyệt vời và chuyển lên bộ não của anh những làn sóng âm thanh chấn động, vỡ tung. Thật là một phát hiện diệu kỳ – rằng giọng của con người trong những điều kiện khí quyển nhất định (vì người ta phải có đầu óc khoa học, trên hết tất cả là đầu óc khoa học) có thể làm cho cây cối mọc nhanh hơn! Rezia hạnh phúc đặt bàn tay cô với một sức nặng to lớn lên đầu gối của anh để anh trở nên nặng nề, chết sững, không thì sự phấn khích của những cây du đang dâng lên và hạ xuống – dâng lên hạ xuống với toàn bộ những chiếc lá cháy bùng lên và màu sắc mỏng đi, dày lên từ màu xanh dương sang màu xanh lục của một lượn sóng trũng sâu, giống như những chiếc lông chim gắn trên đầu lũ ngựa, những chiếc lông vũ trên đầu của các quý bà, chúng dâng lên hạ xuống một cách rất đỗi kiêu hãnh, rất đỗi mỹ lệ – sẽ khiến anh nổi điên lên. Nhưng anh sẽ không nổi điên. Anh sẽ nhắm mắt lại; anh sẽ không nhìn thấy gì nữa.
Nhưng chúng đã ra hiệu; những chiếc lá sống động;
những cây du sống động, và những chiếc lá được nối với cơ thể của anh, trên cái ghế ở đó, bởi hàng triệu thớ sợi, thổi nó bay lên hạ xuống; khi những nhánh cây vươn ra, cả anh cũng tạo nên ấn tượng đó. Những con chim sẻ vỗ cánh, cất mình lên và rơi vào những vòi phun nước lởm chởm là một phần của mô hình; trắng và xanh, bị chặn lại với những nhánh cây đen. Những âm thanh hòa điệu với hành động có chủ tâm; những khoảng không gian giữa chúng cũng quan trọng như những âm thanh. Một đứa bé khóc. Từ xa vọng lại một tiếng còi. Kết hợp lại tất cả có nghĩa là sự chào đời của một tôn giáo mới…
“Septimus!” Rezia nói. Anh giật nảy cả người lên. Hẳn là mọi người phải nhìn thấy.
“Em sẽ đi tới chỗ đài phun nước và quay lại,” cô nói. Vì cô không chịu đựng được nữa. Bác sĩ Holmes có thể nói không có chuyện gì quan trọng. Cô muốn thà là anh chết cho rồi! Cô không thể ngồi cạnh anh khi anh nhìn chòng chọc như thế mà không thấy cô và khiến cho mọi thứ trở nên kinh khủng; bầu trời và cây cối, trẻ em đang nô đùa, những cỗ xe ngựa đang chậm chạp lăn bánh, những cái còi đang thổi, đang rơi xuống; tất cả
đều kinh khủng. Và anh sẽ không tự sát; và cô không thể nói với một ai. “Septimus đã làm việc quá vất vả” – đó là tất cả những gì cô có thể nói với mẹ cô. Tình yêu khiến cho người ta cô độc, cô nghĩ. Hiện giờ cô không thể nói với một ai, ngay cả với Septimus, và quay nhìn lại, cô thấy anh đang ngồi một mình trong chiếc áo khoác tồi tàn, trên cái ghế, lưng khòm xuống, nhìn chòng chọc. Và một người đàn ông thật hèn hạ khi nói anh ta sẽ tự sát, nhưng Septimus đã chiến đấu, anh dũng cảm; anh không phải là Septimus hiện giờ. Cô thắt dây cổ áo lại. Cô đội cái mũ mới lên và anh không bao giờ chú ý tới; và anh hạnh phúc mà không cần tới cô. Không gì có thể làm cho cô hạnh phúc nếu không có anh! Không gì cả! Anh ích kỷ. Những người đàn ông đều như vậy. Vì anh không bị ốm. Bác sĩ Holmes đã bảo anh chẳng có vấn đề gì cả. Cô duỗi bàn tay ra trước mặt. Coi kìa! Chiếc nhẫn cưới của cô bị tuột – cô đã trở nên gầy quá. Chính cô là người gánh chịu khổ đau – nhưng cô không có ai để nói.
Xa rồi nước Ý và những con ngựa trắng và căn phòng nơi các chị em cô ngồi làm những cái mũ, và những đường phố đông nghẹt mỗi chiều tối, với mọi người đi
lại, cười lớn tiếng, không sống kiểu nửa vời như những người ở đây, co người lại trong những cái xe lăn, nhìn vài bông hoa xấu xí nhú lên từ một cái chậu!
“Vì anh nên nhìn thấy những khu vườn ở Milan.” Cô nói to. Nhưng với ai?
Không ai cả. Những từ của cô tan biến mất. Một quả tên lửa cũng tan đi như thế. Những tia lửa, sau khi bắn xẹt vào bóng đêm, đầu hàng nó, bóng tối buông xuống, tuôn trút lên những đường viền của những ngôi nhà và tháp; những sườn đồi trống trải mềm đi và chìm xuống. Nhưng dù chúng đã biến mất, đêm chứa đầy chúng; màu sắc bị tước đoạt, khoảng trống của những ô cửa sổ, chúng tồn tại một cách trầm trọng hơn, phát ra thứ mà ánh ngày minh bạch không truyền dẫn được – sự bất an và hồi hộp của vạn vật kết lại thành khối ở đó, trong bóng tối; co cụm lại trong bóng tối; tước đi sự khác biệt về độ cao thấp mà ánh bình mang tới khi, quét lên những bức tường màu trắng và xám, làm ố đi từng tấm kính cửa sổ, nâng làn sương khỏi những cánh đồng, phô bày ra những con bò nâu đỏ đang bình an gặm cỏ, tất cả một lần nữa được trang hoàng trước mắt; một lần nữa tồn tại. Tôi cô đơn; tôi cô đơn! Cô kêu lên, bên cạnh đài
phun nước trong công viên Regent’s (nhìn đăm đăm vào người Ấn Độ và cây thập giá của ông ta), như có lẽ vào lúc nửa đêm, khi mọi biên giới mất đi, đất nước có lại hình dáng cổ xưa của nó, như người La Mã đã nhìn thấy nó, đang nằm buồn bã, khi họ đặt chân lên đất liền, những ngọn đồi không tên và những dòng sông mà họ không biết chảy quanh co về đâu – đó là bóng tối của cô; khi đột nhiên, như thể một viên đạn pháo được bắn đi và cô đứng bên trên nó, cô nói cô là vợ của anh thế nào, đã cưới nhau ở Milan nhiều năm trước, vợ của anh, và sẽ không bao giờ, không bao giờ nói rằng anh điên! Quay đi, viên đạn pháo rơi; cô rơi, rơi xuống. Vì anh đã ra đi, cô nghĩ – đã ra đi, như anh đe dọa, để tự giết mình – để tự quăng mình vào dưới một cỗ xe! Nhưng không, anh ở đó, vẫn ngồi một mình trên ghế, trong chiếc áo khoác tồi tàn, đôi chân gập lại, ánh mắt đăm đăm, đang nói to tiếng.
Những người đàn ông không được đốn hạ cây cối. Có một Thượng đế. (Anh đã ghi những phát hiện như thế vào mặt sau của những phong bì). Thay đổi thế giới. Không ai giết chóc do lòng căm ghét. Phải làm cho mọi người biết điều này (anh đã viết nó ra). Anh chờ. Anh
lắng nghe. Một con chim sẻ đậu trên một cái rào đối diện chiêm chiếp kêu lên, Septimus, Septimus, bốn hoặc năm lần, và tiếp tục kéo dài những nốt nhạc của nó, hót lanh lảnh một điệu mới những từ Hy Lạp về việc không có tội ác, và với sự tham gia của một con sẻ khác, chúng hót bằng những giọng kéo dài và chói tai những từ Hy Lạp, từ những hàng cây trong cánh đồng của sự sống ở mé ngoài một dòng sông nơi những người chết bước đi, về việc không có cái chết.
Đó là bàn tay của anh; đó là những người chết. Những vật trắng toát tụ hợp lại sau cái hàng rào đối diện. Nhưng anh không dám nhìn. Evans đang ở sau cái hàng rào!
“Anh đang nói gì vậy?” Đột nhiên Rezia hỏi, ngồi xuống cạnh anh.
Lại phá ngang! Cô luôn luôn phá ngang.
Cách xa khỏi mọi người – họ phải cách xa khỏi mọi người, anh nói (nhảy nhổm lên), đi ngay tới đằng kia, nơi có những cái ghế bên dưới một cái cây và con dốc dài của công viên trũng xuống như một khúc vải xanh lục với một tấm vải trần bằng khói màu xanh trời và hồng trên cao, và có một cái lũy gồm những ngôi nhà xa gần lố nhố mờ mờ trong làn khói, xe cộ lao xao trong một
vòng tròn, và bên mé tay phải, những con vật màu nâu xám vươn những cái cổ dài bên trên hàng rào Vườn thú, đang rống, đang tru lên. Ở đó, họ ngồi xuống bên dưới một tàng cây.
“Nhìn kìa.” Cô nài nỉ anh, chỉ vào một đám con trai đang xách những cái cột gôn crickê, một đứa kéo lê bước chân, xoay tròn quanh gót chân rồi lại lê bước, như thể nó đang diễn vai một anh hề trong nhà hát.
“Nhìn kìa.” Cô nài nỉ anh, vì bác sĩ Holmes đã bảo cô phải làm cho anh chú ý tới những sự vật có thật, đi tới một nhà hát ca múa nhạc, chơi crickê – đó là một môn chơi rất tuyệt, bác sĩ Holmes nói, một trò chơi ngoài trời thú vị, đúng thứ trò chơi dành cho chồng cô.
“Nhìn kìa.” Cô lặp lại.
Nhìn kẻ vô hình đang ra lệnh cho anh, lúc nàygiọng nói đó trao đổi với anh, Septimus, kẻ vĩ đại nhất trong nhân loại, mới bị đưa từ sự sống sang cái chết, Vị Chúa tể, kẻ đã tới để làm mới lại xã hội, kẻ nằm như một tấm khăn trải giường, một tấm chăn bằng tuyết chỉ bị tác động bởi mặt trời, mãi mãi không hoang phí, mãi mãi khổ đau, kẻ giơ đầu chịu báng, kẻ gánh chịu khổ đau vĩnh viễn, nhưng anh không muốn nó, anh rên lên, gạt
nó ra khỏi anh với một cái vẫy tay, sự gánh chịu khổ đau vĩnh viễn đó, sự cô độc vĩnh viễn đó.
“Nhìn kìa.” Cô lặp lại, vì anh không nên nói lớn tiếng với chính mình ở bên ngoài.
“Ồ, nhìn đi.” Cô nài nỉ anh. Nhưng có gì ở đó để nhìn? Vài con cừu. Tất cả chỉ có thế.
Đường tới trạm xe điện ngầm của công viên Regent’s – họ có thể nói cho cô biết đường tới trạm xe điện ngầm của công viên Regent’s không – Maisie Johnson muốn biết. Cô chỉ mới lên đây từ Edinburgh hai ngày trước.
“Không phải đường này – ở đằng kia!” Rezia kêu lên, xua tay gạt cô ta sang một bên, để cô ta không nhìn thấy Septimus.
Dường như cả hai đều kỳ quặc, Maisie Johnson nghĩ. Dường như mọi thứ đều rất kỳ quặc. Tới London lần đầu tiên để nhận một chức vụ ở công ty của bác cô trên đường Leadenhall, và hiện đang đi bộ qua công viên Regent’s vào buổi sáng, cặp vợ chồng ngồi trên ghế này khiến cô hoàn toàn bị sốc; người thiếu phụ hình như là người nước ngoài, người đàn ông trông thật kỳ lạ, đến nỗi nếu cô có rất già cô vẫn nhớ lại và để cho nó reo lên ầm ĩ trong những hồi ức của mình về việc cô đã đi bộ
qua công viên Regent’s vào một sáng đẹp trời mùa hạ hồi năm mươi năm trước. Bởi lẽ cô chỉ mới mười chín và cuối cùng đã tìm ra con đường tiến thân của mình, tới London. Và thật kỳ quặc làm sao, đôi vợ chồng mà cô đã hỏi đường này, người phụ nữ giật mình và khua tay, còn người đàn ông dường như khác thường một cách đáng sợ; đang cãi nhau, có lẽ; chia tay mãi mãi, có lẽ; một điều gì đó sắp xảy ra, cô biết; và hiện giờ tất cả những người này (vì cô đã quay trở lại đường Broad Walk), những cái chậu đá, những bụi hoa nghiêm nghị, những ông già bà già, hầu hết đều là những người bệnh tật ngồi trên những chiếc xe lăn – sau Edinburgh, tất cả dường như đều kỳ quặc. Và Maisie Johnson, khi tham gia vào nhóm bạn đồng hành đang khẽ khàng di chuyển, nhìn ngó mông lung, hôn gió nhau đó – lũ sóc đang đứng làm dáng, lũ chim sẻ bay quanh đài phun nước tìm vụn bánh, lũ chó bận rộn với những cái hàng rào, bận rộn với nhau, trong lúc làn không khí mềm mại ấm áp bao trùm lên chúng và thêm vào cái nhìn chằm chặp không chút ngạc nhiên mà với nó chúng đón nhận từ cuộc sống một thứ gì đó bất thường và có tính xoa dịu – cảm thấy một cách chắc chắn cô phải kêu lên Ồ! (vì
người đàn ông trẻ trên cái ghế đã khiến cô hoàn toàn chuyển sang một chiều hướng khác. Có gì đó sắp xảy ra, cô biết.)
Khủng khiếp! Khủng khiếp! Cô muốn kêu lên. (Cô đã rời khỏi nhóm bạn đồng hành của mình; họ đã cảnh báo cho cô biết chuyện gì sẽ xảy ra.)
Vì sao cô không ở nhà cho rồi, cô kêu lên, vặn cái nắm đấm của hàng rào chấn song sắt.
Cô gái đó, bà Dempster nghĩ (người đã để dành vỏ bánh mì cho lũ sóc và thường ăn trưa trong công viên Regent’s) chưa biết một điều nào hết; và có vẻ như tốt hơn cô ta nên tỏ ra cứng rắn một chút, chậm chạp một chút, khiêm tốn một chút trong những kỳ vọng của người ta. Percy đã say. Chà, tốt hơn nên có một đứa con trai, bà Demspster nghĩ. Bà đã trải qua một thời điểm khổ sở về chuyện đó, và không thể kềm được một nụ cười trước một thiếu nữ như thế. Cô ta sẽ lấy chồng, vì cô ta khá xinh xắn, bà Dempster nghĩ. Lấy chồng, bà nghĩ, và rồi cô ta sẽ biết. Ồ, nấu nướng các thứ, vân vân. Mỗi người đàn ông đều có cách thức của mình. Nhưng mình có chọn lựa hoàn toàn giống như thế không nếu mình có thể biết trước, bà Dempster nghĩ, và không
thể kềm một lời chúc thì thầm cho Maisie Johnson; để cảm thấy trên cái mọng mắt nhăn nheo của gương mặt già nua héo hắt của mình nụ hôn của lòng thương hại. Vì đó là một cuộc sống khó khăn, bà Dempster nghĩ. Bà đã cho nó được gì? Những đóa hoa hồng; thân hình; đôi bàn chân của bà nữa. (Bà kéo những cục u bên dưới lớp váy.)
Những bông hồng, bà nghĩ một cách mỉa mai. Toàn thứ rác rưởi, bạn thân mến của tôi. Vì thật sự, việc ăn, uống, hẹn hò, những ngày tốt đẹp và tệ hại, cuộc đời, không hề dính dáng chút gì tới những bông hồng, và hơn thế nữa, để tôi nói cho bạn biết, Carrie Dempster không muốn đổi số phận của mình với bất kỳ người phụ nữ nào ở thị trấn Kentish! Nhưng bà cầu khẩn lòng thương hại. Lòng thương hại cho sự mất mát của những bông hồng. Lòng thương hại bà yêu cầu ở Maisie Johnson, đang đứng cạnh những luống dạ lan hương.
Chà, nhưng chiếc phi cơ đó! Không phải bà Dempster luôn ao ước được nhìn thấy những vùng ở nước ngoài sao? Bà có một đứa cháu trai, một người truyền giáo. Nó bay vút lên và lao đi.[14] Bà luôn tới vùng biển Margate, không xa khỏi tầm nhìn từ đất liền, nhưng bà không có
đủ kiên nhẫn với những người phụ nữ sợ nước. Nó lướt tới và hạ xuống. Bụng dạ bà trào lên miệng. Lại bay vút lên. Có một anh chàng trẻ tuổi đẹp trai ở trên đó, bà Dempster dám đánh cược, và nó cứ bay ngày càng xa; nhanh và nhòa dần, chiếc phi cơ lao đi; bay vút lên bên trên Greenwich và tất cả những cột ăng-ten; bên trên hòn đảo nhỏ của những ngôi nhà thờ xám, St. Paul’s và những nhà thờ còn lại, cho tới khi, ở mé bên kia London, những cánh đồng trải ra và những khu rừng nâu sẫm, nơi những con chim hét thích mạo hiểm nhảy loi choi, đưa mắt liếc nhanh, tóm lấy con ốc sên và moi nó ra khỏi vỏ trên một tảng đá, một lần, hai lần, ba lần.
Chiếc phi cơ phóng vụt đi, cho tới khi nó chỉ còn là một tia sáng rực rỡ; một khát vọng; một sự tập trung; một biểu tượng của linh hồn một gã đàn ông (với Bentley, dường như nó là thế, anh đang hăng hái cắt cỏ trên bãi cỏ của mình ở Greenwich); của quyết tâm thoát ra khỏi cơ thể của anh, ra khỏi ngôi nhà, Bentley nghĩ, đi vòng quanh cây tuyết tùng, bằng phương tiện của tư duy, Einstein, óc phán đoán, toán học, học thuyết Mendel. Chiếc phi cơ phóng vụt đi.
Thế rồi, trong lúc một người đàn ông trông có vẻ tiều
tụy khó tả xách một cái túi da đứng trên bậc thềm của giáo đường St. Paul, và do dự, vì trong đó là niềm an ủi nào, ông nghĩ, sự chào đón tuyệt vời ra sao, có bao nhiêu ngôi mộ với những ngọn cờ vung vẫy bên trên, những vật kỷ niệm chiến thắng không phải đối với quân thù, mà đối với, ông nghĩ, cái tinh thần tìm kiếm sự thật ghê gớm đó, lúc này đang rời khỏi mình không nguyên cớ, và hơn thế nữa, thánh đường cung cấp bằng hữu, ông nghĩ, mời ông trở thành hội viên của một đoàn thể; những người đàn ông vĩ đại tham gia nó; những kẻ tử vì đạo đã chết vì nó; vì sao không bước vào, ông nghĩ, đặt cái túi da chứa đầy những cuốn sách mỏng này trước một bàn thờ, một thánh giá, biểu tượng của một thứ gì đó đã bay vút ra khỏi sự tìm kiếm, truy lùng và tấn công vào những ngôn từ và tất cả đã trở thành tinh thần, lìa khỏi xác, phất phưởng như một hồn ma – vì sao không bước vào? Ông nghĩ, và trong lúc ông do dự, chiếc phi cơ bay vọt qua bên trên ngã tư Ludgate Circus.
Thật lạ lùng; thật tĩnh lặng. Người ta không nghe thấy một âm thanh nào bên trên tiếng xe cộ giao thông. Dường như nó không có người dẫn dắt; bay nhanh theo ý chí tự do của chính nó. Và lúc này, lượn vòng lên mãi,
hướng thẳng lên, như một thứ gì đó bốc lên cao trong trạng thái mê ly, trong niềm vui thuần khiết, làn khói trắng vọt ra từ phía sau kết thành hình thòng lọng, đang viết một chữ T, một chữ O và một chữ F.
II
“Họ đang nhìn gì thế?” Clarissa Dalloway hỏi người hầu vừa mở cửa.
Đại sảnh của ngôi nhà mát rượi như một mái vòm. Bà Dalloway đưa tay lên che mắt, trong lúc cô hầu gái đóng cửa lại, và bà nghe thấy chiếc váy của Lucy kêu sột soạt, bà cảm thấy giống như một nữ tu đã lìa bỏ thế giới và cảm thấy bao phủ quanh bà là những lớp vải voan quen thuộc và lời phụ xướng cho những câu kinh cầu nguyện cũ. Người đầu bếp đang huýt sáo trong bếp. Bà nghe tiếng lách cách của cái máy đánh chữ. Đó là cuộc sống của bà, và, nghiêng đầu xuống cái bàn trong sảnh, bà cúi chào bên dưới sự tác động, cảm thấy hạnh phúc và thanh khiết, tự nhủ với mình, trong lúc cầm lấy tập giấy ghi chú với thông điệp điện thoại bên trên, những khoảnh khắc như vầy thật giống biết bao những chồi non trên cây sự sống, giống biết bao những bông hoa của bóng tối, bà nghĩ (như thể một đóa hồng xinh tươi nào đó đã nở chỉ riêng cho đôi mắt của bà); không một
khoảnh khắc nào bà tin vào Thượng đế; nhưng càng có nhiều lý do hơn, bà nghĩ, cầm tập giấy lên, để người ta phải đền đáp trong cuộc sống thường nhật cho những người giúp việc, cho những con chó và những con chim yến, trên hết là cho Richard chồng bà, người là nền tảng của nó – của những âm thanh vui vẻ, của những ánh sáng xanh, thậm chí tiếng huýt sáo của bà đầu bếp, vì bà Walker là người Ái Nhĩ Lan và cứ huýt sáo suốt ngày – người ta phải đền đáp lại lớp trầm tích bí ẩn này của những khoảnh khắc tinh tế, bà nghĩ, giơ tập giấy lên, trong lúc Lucy đứng cạnh bà, cố giải thích lý do.
“Ông Dalloway, thưa bà.”
Clarissa đọc tập giấy ghi chú điện thoại: “Phu nhân Bruton muốn biết hôm nay ông Dalloway có thể tới dự bữa ăn trưa với bà ấy không.”
“Thưa bà, ông Dalloway bảo tôi nói với bà rằng ông ấy sẽ ăn trưa ở ngoài.”
“Ôi Trời!” Clarissa nói, và Lucy chia sẻ vì cô ta hiểu sự thất vọng của bà (nhưng không chia sẻ nỗi đau); cảm thấy sự tương hợp giữa họ; nắm bắt được hàm ý; suy nghĩ về cách thức yêu của tầng lớp xã hội cao; tô điểm tương lai của chính mình với sự bình thản; và, cầm lấy
cái ô của bà Dalloway, xem nó như một thứ vũ khí thiêng liêng mà một nữ thần buông xuống sau khi làm xong bổn phận một cách vinh quang trên bãi chiến trường, và đặt nó vào cái giá ô.
“Đừng sợ nữa.” Clarissa nói. Đừng sợ nữa sức nóng của vầng thái dương; vì cú sốc của việc phu nhân Bruton mời Richard dùng cơm trưa mà không có bà khiến cho khoảnh khắc bà đứng rung chuyển, như một nhánh rêu dưới đáy sông cảm thấy sự chuyển động của một mái chèo lướt qua và run rẩy; bà cũng chấn động như thế, bà cũng run rẩy như thế.
Millicent Bruton, người mà những bữa tiệc trưa của bà ta được cho là cực kỳ vui thú, đã không mời bà. Không lòng ghen tuông thô tục nào có thể tách rời bà khỏi Richard. Nhưng bà sợ bản thân thời gian, và đọc thấy trên gương mặt của phu nhân Bruton, như thể nó là một cái đồng hồ mặt trời khắc trên tảng đá dửng dưng, sự hao mòn của cuộc sống; phần chia của bà đã bị cắt mỏng ra sao từ năm này sang năm khác; số dư còn lại ít oi biết bao để có thể kéo dài thêm, để thẩm thấu, như trong những năm trẻ trung, những sắc màu, những điều ý nhị, những cung bậc của sự tồn tại, để bà phủ đầy căn
phòng bà bước vào, và thường xuyên cảm thấy, khi bà đứng đó trong giây lát trên bậc cửa phòng khách, một trang thái hồi hộp tinh tế, giống như cảm giác hồi hộp níu giữ một người thợ lặn trước khi lao mình xuống trong lúc biển cả hết tối sầm lại sáng rực bên dưới anh ta, và những lượn sóng đe dọa vỡ tung, nhưng chỉ nhẹ nhàng tách bề mặt của chúng ra, cuộn lên và che giấu và kết tụ lại trong lúc chúng lật ngửa những nhánh rong biển với những con trai.
Bà đặt tập giấy ghi chú lên cái bàn trong sảnh. Bà bắt đầu chậm rãi đi lên gác, với bàn tay đặt trên thành cầu thang, như thể bà vừa rời khỏi một bữa tiệc, nơi khi thì người bạn này, khi thì người bạn khác đã quay phắt khỏi gương mặt của bà, giọng nói của bà; đã đóng cửa lại, đi ra và đứng một mình, một hình dáng đơn côi nổi lên trên màn đêm đáng sợ, hay nói chính xác hơn, nổi lên trên ánh nhìn đăm đăm của buổi sáng tháng Sáu thật sự này; mềm mại với sắc đỏ của những cánh hoa hồng, bà biết, và cảm thấy nó, khi bà dừng lại cạnh cửa sổ cầu thang mở rộng để cho tiếng phần phật của những tấm màn, tiếng chó sủa ùa vào, bà nghĩ, cảm thấy bản thân đột nhiên run rẩy, già nua, không còn hơi thở, để cho tiếng
ken két, tiếng gió thổi, tiếng hoa nở của ngày thoát ra khỏi những cánh cửa ra vào, cửa sổ, thoát ra từ thân thể và bộ óc của bà mà lúc này trở nên bất lực, vì phu nhân Bruton, người mà những bữa ăn trưa của bà ta được cho là cực kỳ thú vị, đã không mời bà.
Giống như một nữ tu đang rút lui, hoặc một đứa trẻ đang thám hiểm một tòa tháp, bà đi lên gác, dừng lại ở cửa sổ, đi tới phòng tắm. Có một tấm vải lót sàn màu xanh và một cái vòi rỉ nước. Có một sự trống vắng quanh trung tâm cuộc sống; một căn phòng áp mái. Những người phụ nữ phải tháo bộ trang sức giàu có của họ ra. Vào giữa trưa họ phải cởi áo dài ra. Bà chọc tay vào cái gối cắm kim và đặt cái mũ vàng gắn lông chim lên giường. Những tấm vải giường còn sạch, căng trải thành một mảng rộng trắng toát từ mé này sang mé kia. Cái giường của bà như ngày càng hẹp lại. Cây nến đã cháy hết phân nửa và bà đã đọc say sưa cuốn Hồi ký của Nam tước Marbot. Đêm qua bà đã đọc tới khuya về cuộc rút lui khỏi Moscow. Bởi Hạ viện đã họp lâu đến nỗi Richard cứ khăng khăng, sau cơn bệnh của bà, rằng bà phải ngủ cho yên giấc. Và thật sự bà thích đọc về cuộc rút lui khỏi Moscow. Ông ấy biết điều đó. Thế nên
căn phòng nằm ở tầng áp mái; cái giường hẹp; và khi nằm đó đọc, vì bà khó ngủ, bà không thể xua đuổi một trạng thái trinh bạch đã bảo lưu suốt kỳ sinh sản cứ bám sát vào bà như một tấm chăn. Một khoảnh khắc của thời con gái đáng yêu đột nhiên xuất hiện – chẳng hạn trên con sông bên dưới cánh rừng ở Clieveden – khi mà, qua một cơn co thắt của nào đó của linh hồn lạnh lẽo này, bà đã lơ là với ông. Và rồi ở Constantinople, và cứ lặp đi lặp lại. Bà có thể nhìn thấy cái bà thiếu hụt. Nó không phải là vẻ đẹp; nó không phải là trí tuệ. Nó là một thứ gì đó tỏa lan ra từ giữa; một thứ gì đó ấm áp, phá vỡ những bề mặt và làm gợn sóng những cuộc tiếp xúc lạnh nhạt giữa đàn ông và đàn bà, hay giữa những phụ nữ với nhau. Bà có thể lờ mờ nhận thức được điều đó. Bà bực tức với sự thận trọng mà chỉ có trời mới biết đã mọc ra từ đâu, hoặc, như bà cảm thấy, đã được Tự nhiên gửi tới (kẻ luôn luôn khôn ngoan); thế nhưng đôi khi bà không thể cưỡng lại việc đầu hàng trước sự quyến rũ của một người đàn bà, không phải một cô gái, một người đàn bà đang tự thú một sự dại dột, một ý nghĩ điên rồ nào đó, vì họ thường làm điều đó với bà. Và dù đó là lòng thương hại hay là do vẻ đẹp của họ, hay vì bà lớn tuổi
hơn, hay một sự ngẫu nhiên nào đó – như một mùi hương mơ hồ, hay một tiếng đàn vĩ cầm ở nhà bên (sức mạnh của những âm thanh thật lạ lùng trong những khoảnh khắc nhất định), khi đó, không ngờ gì nữa, bà cảm thấy điều mà những người đàn ông cảm thấy. Chỉ trong một khoảnh khắc; nhưng thế cũng đủ rồi. Đó là một phát hiện bất ngờ, một nét thoảng qua giống như một thoáng đỏ bừng trên mặt mà người ta cố kềm lại, và rồi, khi nó lan ra, người ta đầu hàng sự mở rộng của nó, và vội vã chạy tới một chỗ xa nhất, và ở đó run rẩy, cảm thấy thế giới đang tiến tới gần hơn, phình lên với một ý nghĩa lạ lùng nào đó, một sức ép nào đó của trạng thái mê ly, đang tách lớp vỏ mỏng của nó ra, phun trào và tuôn trút với một sự nhẹ nhõm lạ thường bên trên những vết nứt và những nỗi đau! Thế rồi, trong khoảnh khắc đó, bà nhìn thấy một làn ánh sáng; một que diêm bùng cháy trong màu vàng nghệ; một ý nghĩa nội tại hầu như hiển lộ ra. Nhưng sự tới gần lùi lại, trạng thái căng cứng mềm đi. Nó đã trôi qua – cái khoảnh khắc ấy. Tương phản với những khoảnh khắc như thế (cả với những người đàn bà) là cái giường (khi bà nằm xuống) và Nam tước Marbot, và cây nến đã cháy nửa phần. Nằm tỉnh