🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ánh Sáng Vô Hình - Anthony Doerr full prc pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết]
Ebooks
Nhóm Zalo
ÁNH SÁNG VÔ HÌNH –★–
Tựa gốc: All the light we cannot see Tác giả: Anthony Doerr
Dịch giả: Vũ Thanh Tuyền
Đoạt giải: Pulitzer 2015
Phát hành: Quảng Văn
Nhà xuất bản Văn Học (tái bản 4/2018)
CREDITS
–★–
SCAN: annie_tuongminh
PDF và OCR: Trúc Quỳnh Đặng
Soát lỗi: Mạc Vấn, annie_tuongminh, Bọ Cạp, Lightningning, Nguyên Phạm, Đình Trí, kenjikama, Trúc Quỳnh. Soát tổng thể: vuthanhhoa89
Biên tập và tạo ebook: Misaki
ebook©vctvegroup
22-01-2019
Dành tặng Wendy Weil
1940 – 2012
Vào tháng Tám năm 1944, hầu như toàn bộ thành phố cổ có tường thành bao quanh Saint-Malo, viên ngọc đẹp nhất của bờ biển Emerald vùng Bretagne thuộc nước Pháp, bị lửa thiêu gần hết. Trong số 865 tòa nhà nằm bên trong thành lũy của thành phố, chỉ còn lại 182 tòa nhà và tất cả đều bị phá hủy một phần.
− Philip Beck
Chúng ta không thể có được sức mạnh hay sử dụng sức mạnh theo cách của chúng ta mà thiếu chiếc điện đài.
− Joseph Goebbels
PHẦN MỞ ĐẦU
Ngày 07 tháng Tám năm 1944
TỜ TRUYỀN ĐƠN
Chúng được rải từ trên trời xuống vào lúc chạng vạng tối. Chúng bay khắp nơi, từ đầu này cho đến đầu kia tường thành, từ bánh xe cho đến mái nhà, dập dờn giữa khoảng trống của các tòa nhà. Chúng phủ đầy mặt đất, trắng xóa trên nền đường sỏi cuội. Nội dung của chúng là: Thông báo khẩn đến cư dân thành phố. Lập tức rời khỏi thành phố đi về vùng nông thôn chưa bị chiếm đóng.
Thủy triều dâng cao. Trăng khuyết treo lơ lửng, màu vàng. Trên mái của những khách sạn ngay trên bãi biển ở phía Đông và những khu vườn ở phía sau, sáu quả pháo gây cháy của Mỹ được thả vào những nòng súng cối.
MÁY BAY NÉM BOM*
Chúng băng qua eo biển Manche vào nửa đêm. Có mười hai chiếc và chúng được đặt theo tên của những bài hát: Stardust, Stormy weather, In the mood và Pistol-Packin’ Mama. Sóng biển cuồn cuộn trôi ở phía dưới, nước bắn tung tóe với vô số những con sóng bạc đầu. Chẳng mấy chốc, những hoa tiêu có thể nhìn thấy rõ hình dáng của những hòn đảo nằm dọc theo đường chân trời dưới ánh trăng mờ.
Nước Pháp.
Bộ đàm kêu tanh tách. Các máy bay ném bom, thong thả, gần như uể oải tỏa ra khắp mọi hướng ở trên cao. Những chùm ánh sáng màu đỏ từ những ụ súng phòng không liên tục quét khắp dọc bờ biển. Trong bóng tối, hình dáng những con tàu đổ nát hiện ra, bị đánh đắm hay bị phá hủy, phần mũi tàu một chiếc méo mó, biến dạng, chiếc còn lại lập lòe khi bị đốt cháy. Trên một hòn đảo xa nhất, bầy cừu hoảng loạn chạy ngoằn ngoèo giữa những tảng đá.
Bên trong mỗi máy bay, người cắt bom nhìn qua khung kính ngắm và đếm đến hai mươi. Bốn, năm, sáu, bảy. Với người cắt bom, tường lũy bằng đá của thành phố mỗi lúc một gần hơn, trông như một chiếc răng xấu xí, thứ gì đó đen đúa và nguy hiểm, ung nhọt cuối cùng cần bị cắt bỏ.
CÔ GÁI
Ở một góc nào đó của thành phố, trong một tòa nhà cao hẹp ở số 4 đường Vauborel, trên tầng thứ sáu, tầng cao nhất của tòa nhà, cô gái mù mười sáu tuổi tên Marie-Laure LeBlanc quỳ xuống trước một mô hình chiếm hết bề mặt của cái bàn thấp. Mô hình đó chính là phiên bản thu nhỏ của thành phố cô đang sống, gồm có bản sao thu nhỏ của hàng trăm tòa nhà, cửa hàng và khách sạn bên trong tường lũy. Có nhà thờ lớn với những tháp nhọn hình răng cưa, lâu đài Saint-Malo đồ sộ cổ kính và những dãy biệt thự ven biển có ống khói nối tiếp nhau. Một cầu tàu bằng gỗ mỏng tạo nên hình vòng cung ở phía ngoài bãi biển được gọi là Plage du Môle, một khoảng sân trước hình mắt lưới mỏng mảnh vắt qua chợ hải sản, những chiếc ghế dài tí xíu, bé hơn hạt táo, rải rác trên quảng trường nhỏ.
Marie-Laure miết mấy đầu ngón tay dọc theo tấm tường chắn rộng một xăng-ti-mét kéo thành hình sao mấp mô vòng quanh mô hình ở bên trong như một thành lũy bảo vệ. Cô tìm những khe hở trên đỉnh tường thành, nơi đặt bốn khẩu súng thần công trang trọng chĩa ra biển. Cô thì thầm, “pháo đài Hollande”, những ngón tay lần xuống cầu thang bé xíu. “Đường Cordiers. Đường Jacques Cartier.”
Ở góc phòng có hai cái xô mạ kẽm đựng đầy nước. Ông chú đã dạy cô, hãy luôn đổ đầy nước mỗi khi có thể. Phòng tắm nằm ở tầng ba. Ai mà đoán được khi nào sẽ lại bị cúp nước. Ngón tay cô thơ thẩn quay lại ngọn tháp của nhà thờ. Phía Nam
hướng về cổng của thị trấn Dinan. Cô đã miết các ngón tay khắp mộ hình suốt đêm để đợi ông chú Etienne, chủ của ngôi nhà này, vì ông chú của cô vẫn chưa trở về kể từ khi ra ngoài vào đêm hôm qua trong khi cô đang ngủ. Và giờ lại một đêm nữa trôi qua, chiếc đồng hồ treo tường lại xoay thêm một vòng, cả tòa nhà im lặng như tờ, cô không thể ngủ được.
Cô có thể nghe được tiếng máy bay ném bom khi chúng cách xa ba dặm. Không khí ngày càng bị nhiễu. Tiếng o o bên trong vỏ ốc biển.
Khi cô mở cửa sổ phòng ngủ, tiếng động cơ máy bay trở nên to hơn. Ngoài ra, đêm tĩnh lặng vô cùng: không có tiếng động cơ, không có tiếng nói, không có tiếng ồn ào. Không tiếng còi báo động. Không có tiếng bước chân trên nền đường sỏi cuội. Thậm chí cũng chẳng có những con mòng biển. Chỉ có tiếng thủy triều lên vỗ vào chân tường chắn của thành phố, cách đó một khối nhà và sáu tầng bên dưới.
Và một thứ gì đó nữa.
Thứ gì đó kêu lách cách êm ái, rất gần. Cô nhẹ nhàng mở cánh cửa chớp bên tay trái và mấy ngón tay lần lên thanh cửa ở bên phải. Có một tờ giấy được giắt trên đó.
Cô đưa nó lên mũi. Nó có mùi mực mới. Có thể là mùi dầu hỏa. Tờ giấy quăn tít. Nó chỉ mới ở ngoài đấy không lâu lắm. Marie-Laure lưỡng lự đứng nơi cửa sổ với đôi chân mang vớ, căn phòng ngủ ở sau lưng, những vỏ ốc biển được xếp thành hàng trên nóc tủ, đá cuội xếp dọc chân tường. Cây gậy của cô dựng ở trong góc, cuốn tiểu thuyết bằng chữ Braille* đang đọc dở của cô
được úp trên giường. Tiếng phản lực o o càng lúc càng to.
CHÀNG TRAI
Cách năm con phố về hướng Bắc, một binh nhì Đức mười tám tuổi tóc bạch kim tên Werner Pfennig tỉnh giấc bởi tiếng o o ngắt quãng yếu ớt. Nhỏ hơn cả tiếng vo vo. Những chú ruồi khẽ đập vào ô kính cửa sổ xa xa.
Cậu đang ở đâu đây? Thoang thoảng mùi hóa chất dễ chịu của dầu súng, mùi gỗ thô của những thùng gỗ thưa đựng đạn pháo mới đóng, mùi băng phiến của khăn trải giường cũ - cậu đang ở trong khách sạn. Tất nhiên là thế. Khách sạn Abeilles, khách sạn Những con ong.
Vẫn là đêm. Vẫn còn sớm.
Vang lên tiếng còi và tiếng nổ đùng đùng từ phía biển, pháo phòng không đang nổ.
Một hạ sĩ phòng không vội vã chạy xuống hành lang, đứng trên đỉnh cầu thang. “Chạy xuống hầm”, anh ta quay đầu lại hét lên, Werner bật đèn, cuộn chăn vào trong túi vải len thô và bắt đầu chạy xuống sảnh.
Mới đây thôi, khách sạn Những con ong là một địa điểm vui chơi, có những cánh cửa chớp màu xanh sáng ngời ngoài mặt tiền, nhà hàng có hàu ngâm đá và những phục vụ người Breton đeo nơ bướm lau những cái ly thủy tinh bóng loáng phía sau quầy bar. Khách sạn có 21 phòng, hướng ra biển và đại sảnh có một lò sưởi to như xe tải. Vào kỳ nghỉ cuối tuần, dân Paris hay đến đây nhấm
nháp rượu khai vị, trước đó thỉnh thoảng có vài đặc phái viên của Đảng Cộng hòa - các bộ trưởng, thứ trưởng, Đức giám mục và Đô đốc - từ những thế kỷ trước là những tên cướp biển man rợ, những kẻ giết người, những tên cướp, những tên cướp biển, thủy thủ.
Năm thế kỷ trước, trước khi nơi này trở thành một khách sạn, nơi đây là nhà của một tên cướp biển giàu có đã từ bỏ việc cướp bóc tàu thuyền để nghiên cứu về ong tại những trang trại ở ngoại ô Saint-Malo, viết nguệch ngoạc trong những cuốn sổ ghi chép và ăn mật ong trực tiếp từ tổ. Trên đỉnh của các lanh-tô cửa vẫn còn in hình những chú ong nghệ khắc trên gỗ sồi, những vòi phun nước phủ đầy dây thường xuân trong sân sau trông như tổ ong. Werner thích năm bức bích họa đã mờ trên trần của những căn phòng lớn nhất trên lầu, chúng vẽ hình những con ong to như đứa trẻ đang bay lơ lửng trên nền xanh dương, những chú ong đực biếng nhác và ong thợ với đôi cánh trong mờ, phía trên bồn tắm hình lục giác, một con ong chúa dài chín feet có nhiều mắt, bụng viền vàng đang co tròn từ đầu này sang đầu kia trần nhà.
Trong bốn tuần qua, khách sạn đã trở thành một thứ khác: một pháo đài. Một biệt đội phòng không Áo bít kín mọi cửa sổ, lộn ngược tất cả giường. Họ gia cố thêm lối vào, nhét vào gầm cầu thang những thùng đạn pháo. Tầng bốn của khách sạn, có những căn phòng ngoài vườn với ban công kiểu Pháp mở rộng nhìn ra tường thành, trở thành chỗ đặt một khẩu súng phòng không tốc độ cao được gọi là khẩu 88 có thể bắn một quả đạn pháo nặng 21,5 pound xa tới chín dặm.
Lính Áo gọi khẩu súng thần công của mình là Her Majesty* và
suốt tuần qua, những thành viên của biệt đội phòng không này nâng niu khẩu pháo như cách những chú ong thợ tôn sùng ong chúa. Họ đổ thêm dầu, sơn lại nòng súng, tra dầu các bánh xe, họ xếp bao cát dưới bệ súng như lễ vật.
Khẩu acht acht* nữ hoàng, hung thần chết chóc, được dùng để bảo vệ cho tất cả bọn họ.
Werner đang đứng ở chân cầu thang dưới tầng trệt, khi khẩu 88 đang khai hỏa hai phát liên tiếp. Đây là lần đầu tiên cậu nghe tiếng súng trong khoảng cách gần đến thế và âm thanh vang lên như thể nửa phần trên của khách sạn bị đổ sập. Cậu loạng choạng suýt ngã và đưa hai tay lên bịt tai. Những bức tường rung rinh cho đến tận móng, rồi chững lại.
Werner có thể nghe thấy tiếng lính Áo ở hai tầng trên nhốn nháo, tiếng nạp đạn, tiếng rít của hai quả đạn pháo khi chúng bay ầm ầm qua biển, cách đây khoảng hai hay ba dặm. Cậu nhận ra một người lính đang hát. Hay có lẽ nhiều hơn thế. Có khi tất cả bọn họ đang hát. Tám lính không quân Đức, sẽ chẳng có ai sống sót, đang hát một bài tình ca dành cho nữ hoàng của mình.
Werner đi theo luồng ánh sáng của chiếc đèn pin băng qua hành lang. Khẩu trọng pháo khai hỏa lần thứ ba, kính vỡ loảng xoảng ở đâu đó gần đấy, bồ hóng từ ống khói phun xuống và những bức tường của khách sạn chấn động như chuông rung. Werner sợ âm thanh đó sẽ làm cậu rụng mất răng.
Cậu kéo mở cửa hầm và ngừng lại trong một thoáng, đảo mắt nhìn quanh. “Đó phải không?”, cậu hỏi. “Họ thật sự đang đến phải không?”
Nhưng có ai ở đó để trả lời chứ?
SAINT-MALO
Khắp các hang cùng ngõ hẻm, số người chưa tản cư còn sót lại cuối cùng trong thành phố tỉnh giấc, rên rỉ, thở dài. Những phụ nữ không chồng, gái điếm, những ông lão trên sáu mươi tuổi. Những người lần lữa chưa muốn ra đi, những tên mật thám, những kẻ hoài nghi, những tên nát rượu. Những nữ tu thuộc mọi dòng tu. Người nghèo. Kẻ ngoan cố. Người mù.
Một số hối hả chạy xuống hầm tránh bom. Một số tự nhủ rằng đó chỉ là diễn tập. Số khác nán lại để chộp lấy tấm chăn hoặc sách kinh hay bộ bài.
Ngày đổ bộ* đã diễn ra hai tháng trước. Cherbourg đã được giải phóng, Caen đã được giải phóng, Rennes cũng vậy. Một nửa miền Tây nước Pháp đã tự do. Ở phía Đông, Hồng quân Liên Xô đang chiến đấu giành lại Minsk* ; lực lượng quân kháng chiến Ba Lan đang nổi dậy ở Warszawa*; vài tờ báo táo bạo ám chỉ rằng tình thế giờ đây đã đảo lộn.
Nhưng không phải ở nơi này. Không phải tại thành lũy cuối cùng ở rìa lục địa này, thành trì vững mạnh cuối cùng của quân Đức ở vùng bờ biển Bretagne.
Người ta rỉ tai nhau rằng, tại đây, lính Đức đang sửa lại hai ki-lô mét đường hầm phía dưới tường thành cổ; chúng xây dựng những hàng rào phòng thủ mới, những đường ống mới, các lối thoát mới, nhiều hệ thống mê cung ngầm phức tạp dưới mặt đất. Bên dưới
pháo đài La Cité, kéo dài từ thành cổ băng qua bên kia sông, có những phòng dùng để băng bó, những phòng dùng làm kho chứa đạn dược, thậm chí là một bệnh viện dưới lòng đất, hay mọi người tin là vậy. Có một hệ thống điều hòa không khí, một bồn chứa nước dung tích hai trăm nghìn lít được chuyển thẳng từ Berlin đến. Có nhiều bãi mìn, một hệ thống công sự bê tông ngầm với ống ngắm gắn kính viễn vọng, được dự trữ đầy đủ quân nhu để nã đạn ra biển suốt ngày, mỗi ngày, trong vòng một năm.
Người ta rỉ tai nhau rằng, tại đây có một nghìn lính Đức sẵn sàng hi sinh. Hay năm nghìn. Có lẽ nhiều hơn.
Saint-Malo: nước bao quanh bốn bề thành phố. Sự liên kết của nơi đây với phần còn lại của nước Pháp thật mỏng manh: một con đường đắp cao, một cây cầu, một mũi đất nhô ra biển. Người dân Saint-Malo cho biết, trước tiên chúng tôi được gọi là người Malouins. Tiếp đó là người Breton. Nếu chẳng còn gì nữa thì được gọi là người Pháp.
Dưới ánh chớp bão tố, tường lũy bằng đá granit ánh lên màu xanh dương. Khi thủy triều lên cao nhất, nước biển dâng lên chân thành đến sát trung tâm thành phố. Lúc thủy triều rút xuống thấp nhất, phơi ra hàng nghìn xác tàu đắm với những con hà bám đầy vỏ tàu trên biển.
Mũi đất nhỏ này đã bị đánh chiếm suốt ba nghìn năm. Nhưng chưa bao giờ như thế này.
Một người bà bế một đứa trẻ đang quấy khóc áp vào ngực. Một gã say xỉn đang tiểu trong một ngõ hẻm ở vùng ngoại ô Saint Servan, cách đó một dặm, giật tờ truyền đơn mắc trên bờ giậu
xuống. Nội dung là: Thông báo khẩn đến cư dân thành phố. Lập tức rời khỏi thành phố đi về vùng nông thôn chưa bị chiếm đóng. Mấy khẩu đội pháo phòng không lóe sáng ở những hòn đảo phía ngoài, những khẩu đại bác lớn của Đức bên trong thành phố cổ nã một loạt đạn khác ra biển và ba trăm tám mươi tù binh Pháp bị giam trong một pháo đài được gọi là National trên đảo, cách bờ biển một phần tư dặm, túm tụm ngước lên trời trong khoảng sân nhỏ tràn ngập ánh trăng.
Bốn năm bị chiếm đóng và tiếng máy bay ném bom rền rĩ mỗi lúc một gần nghĩa là gì đây? Sự giải thoát chăng? Hay một cuộc tàn sát?
Tiếng lách cách của những khẩu súng nhỏ. Tiếng trống hiệu triệu của súng phòng không. Một tá chim bồ câu đang đậu gật gù trên đỉnh tháp nhà thờ lớn lao xuống và lượn vòng trên mặt biển.
SỐ 4 ĐƯỜNG VAUBOREL
Marie-Laure LeBlanc đứng một mình trong phòng ngủ đang ngửi tờ truyền đơn mà cô không thể đọc được. Còi báo động hú vang. Cô đóng cửa chớp và chốt cửa sổ lại. Máy bay càng tiến lại gần thêm giây nào thì lại mất thêm một giây quý báu. Cô nên nhanh chóng xuống tầng dưới. Cô nên đến góc bếp, chỗ ấy có cánh cửa sập nhỏ dẫn xuống hầm rượu phủ đầy bụi và những tấm thảm bị chuột gặm cùng những chiếc rương cổ đã lâu chưa được mở.
Thay vì vậy, cô quay lại cái bàn ở chân giường và quỳ xuống cạnh mô hình thành phố.
Mấy ngón tay cô lại lần theo tường lũy bao quanh, pháo đài Hollande, cầu thang nhỏ dẫn xuống dưới. Mỗi Chủ nhật, tại khung cửa sổ này, ngay tại đây, ở thành phố thực, một cô gái đập mấy tấm thảm của mình. Từ phía dưới cửa sổ ấy, một cậu bé từng la lên, mắt mũi để đi đâu thế hả, cô bị mù à?
Những tấm kính cửa sổ trong nhà kêu lạch cạch. Những khẩu pháo phòng không nhả tiếp một loạt đạn khác. Trái đất chỉ xoay chệch khỏi trục một chút.
Bên dưới ngón tay cô, đường Estrées thu nhỏ cắt ngang đường Vauborel thu nhỏ. Ngón tay dịch sang phải, lướt qua các ô cửa. Một hai ba. Bốn. Cô đã làm việc này bao nhiêu lần rồi?
Số 4: tòa nhà của ông chú Etienne là nơi ẩn náu của cô gái mồ côi cao lêu đêu. Nơi cô đã sống bốn năm qua. Nơi cô đang quỳ trên
tầng sáu một mình, trong khi một tá máy bay ném bom Mỹ gầm rú tiến về phía cô.
Cô ấn vào trong cánh cửa trước nhỏ xíu, một cái chốt chìm hiện ra, cô nhấc ngôi nhà tí hon lên khỏi mô hình. Trong tay cô, ngôi nhà chỉ lớn gần bằng hộp đựng thuốc lá của cha cô.
Giờ đây, những máy bay ném bom đã gần đến nỗi sàn nhà bắt đầu rung lắc dưới đầu gối cô. Ngoài hành lang, ngọn đèn chùm pha lê treo lơ lửng phía trên cầu thang rung loảng xoảng. Marie-Laure xoay ống khói của ngôi nhà tí hon một góc chín mươi độ. Rồi cô đẩy trượt ba mảnh gỗ tạo thành mái nhà và dốc ngôi nhà xuống.
Một viên đá rớt xuống lòng bàn tay.
Nó lạnh ngắt. Cỡ trứng chim bồ câu. Hình giọt nước. Một tay Marie-Laure nắm chặt ngôi nhà nhỏ, tay kia cầm viên đá. Căn phòng dường như nhẹ bẫng, ngột ngạt. Như thể những ngón tay khổng lồ chuẩn bị chọc xuyên qua mấy bức tường. “Ba à?”, cô thì thào.
CĂN HẦM
Bên dưới hành lang khách sạn Những con ong, hầm chứa của cướp biển được đào xuyên qua tầng đá gốc*. Phía sau những thùng gỗ thưa, tủ và giá treo dụng cụ, các vách hầm toàn bằng đá granit. Ba thanh xà lớn được đẽo gọt thủ công, chuyển đến đây từ cánh rừng già nào đó ở Bretagne và được những đội ngựa kéo dựng lên để chống trần hầm từ mấy thế kỷ trước.
Mọi thứ trong hầm lập lòe dưới ánh sáng một ngọn đèn. Werner Pfennig ngồi trên một cái ghế xếp trước bàn làm việc bằng gỗ dài, kiểm tra mức pin còn lại và đeo ống nghe lên tai. Chiếc điện đài là một máy thu phát vô tuyến hai chiều vỏ thép có cần ăng ten dài 1,6 mét. Nó giúp cậu liên lạc với máy thu phát tương thích ở tầng trên, với hai khẩu đội pháo phòng không khác bên trong thành phố và với pháo đài chỉ huy dưới lòng đất ở phía bên kia cửa sông. Chiếc máy thu phát vô tuyến kêu o o khi khởi động. Một trinh sát đọc tọa độ vào bộ ống nghe điện đài và một pháo thủ lặp lại thông tin vừa nhận. Werner dụi dụi hai mắt. Sau lưng cậu, tài sản bị tịch thu chất đầy đến tận trần hầm: những cuộn thảm, đồng hồ quả lắc to, tủ đựng quần áo, tranh phong cảnh lớn có nhiều vết nứt. Có tám hoặc chín đầu tượng bằng thạch cao trên cái kệ đối diện chỗ Werner ngồi, cậu không thể đoán được chúng dùng để làm gì. Trung sĩ Frank Volkheimer to lớn đi xuống cầu thang gỗ hẹp, cúi đầu né các thanh xà. Anh ta mỉm cười với Werner và ngồi xuống
chiếc ghế bành lưng cao bọc lụa màu vàng, khẩu súng trường gác trên hai bắp đùi khổng lồ, khẩu súng trông không lớn hơn cây dùi cui.
Werner cất tiếng, “Đang bắt đầu rồi sao?”
Volkheimer gật đầu. Anh ta tắt đèn và chớp hàng mi thanh tú khác thường trong ánh sáng nhập nhoạng.
“Sẽ kéo dài bao lâu?”
“Không lâu đâu. Ở dưới đây chúng ta sẽ được an toàn.” Bernd, kỹ sư, xuống cuối cùng. Bernd nhỏ con, mắt lé, tóc màu nâu nhạt. Anh ta đóng cửa hầm lại, cài then và ngồi giữa cầu thang gỗ với ánh mắt chán nản, khó mà đoán được là sợ hãi hay cam chịu.
Cánh cửa hầm đóng lại, tiếng còi báo động nhỏ dần. Bóng đèn treo trên trần trên đầu họ rung rinh.
Werner nghĩ, nước. Mình đã quên nước.
Khẩu đội pháo phòng không thứ hai khai hỏa từ một góc xa của thành phố, sau đó khẩu 88 ở phía trên khai hỏa tiếp, oang oang, chết chóc, Werner lắng nghe tiếng đạn pháo rít trên bầu trời. Bụi từ trên trần tung mù mịt. Qua ống nghe, Werner có thể nghe được những lính Áo ở phía trên vẫn đang hát.
… aufd’Wulda, auf d’Wulda, da scheint d’Sunn a so gulda*...
Volkheimer uể oải cào cào lên một vết bẩn trên quần mình. Bernd hà hơi thổi vào đôi tay khum thành hình chén. Máy thu phát kêu tanh tách dưới vận tốc gió, áp lực không khí, làn đạn. Werner nghĩ
về quê nhà: cô Elena cúi xuống thắt đôi từng sợi dây buộc đôi giày nhỏ của cậu. Những ngôi sao xẹt qua cửa sổ gác mái. Jutta, em gái cậu, khoác một tấm chăn qua vai và chiếc tai nghe điện đài lủng lẳng bên tai trái.
Trên tầng bốn, lính Áo nhét một quả đạn pháo khác vào nòng khẩu 88, ngắm kĩ đường bắn và bịt tai lại khi phát pháo bắn ra, nhưng ở dưới này Werner chỉ nghe thấy chiếc radio vang lên thanh âm thời thơ ấu của cậu. Nữ thần Lịch sử nhìn xuống trần gian. Chỉ có thông qua những ngọn lửa nóng nhất mới có thể được thanh lọc. Cậu thấy một rừng hoa hướng dương héo rũ. Cậu thấy một đàn chim hoét trên cây bay tán loạn.
THẢ BOM
Mười bảy, mười tám, mười chín, hai mươi. Sóng biển đang vỗ ào ạt bên dưới khung kính ngắm. Giờ là những mái nhà. Hai chiếc máy bay nhỏ hơn vạch hai đường khói trên đường hành lang ven biển, máy bay ném bom dẫn đầu thả hết số bom của nó và mười một chiếc khác làm theo. Những quả bom rơi theo đường chéo, máy bay ném bom lên cao và cất cánh.
Dưới bầu trời đầy những chấm đen. Ông chú của Marie- Laure, bị giam cùng hàng trăm người khác bên trong cánh cổng của pháo đài National, cách bờ biển một phần tư dặm, nheo mắt nhìn lên trời và nghĩ, châu chấu, ông nhớ lại một câu cách ngôn trong kinh Cựu Ước đã được học ở trường dòng: Châu chấu không có vua, tuy nhiên bọn chúng bay theo hàng.
Một lũ điên cuồng. Phá sạch đậu. Hàng trăm vườn hồng tan tác. Có hàng ngàn ẩn dụ như vậy và chẳng cách nào có thể diễn tả trọn vẹn: mỗi máy bay có 40 quả bom, tổng cộng 480 quả, 72.000 pound thuốc nổ.
Một trận tuyết lở đổ xuống thành phố. Một cơn cuồng phong. Tách trà trôi khỏi giá. Tranh tuột khỏi đinh. Trong một phần tư giây tiếp theo, không thể nghe thấy tiếng còi báo động. Không thể nghe được gì. Tiếng gầm lớn đến nỗi xé rách màng nhĩ.
Những khẩu pháo phòng không bắn những quả pháo cuối cùng. Mười hai máy bay ném bom nguyên vẹn nhào lượn trong bầu trời
đêm.
Trên tầng sáu nhà số 4 đường Vauborel, Marie-Laure bò xuống dưới gầm giường, ép chặt viên đá và mô hình tòa nhà bé nhỏ vào ngực.
Trong căn hầm bên dưới khách sạn Những con ong, ngọn đèn đơn gắn trên trần hầm tắt phụt.
PHẦN MỘT Năm 1934
BẢO TÀNG LỊCH SỬ TỰ NHIÊN QUỐC GIA
Thị lực của cô bé Marie-Laure LeBlanc sáu tuổi, cao lêu đêu, mặt đầy tàn nhang sống ở Paris đang suy giảm nhanh chóng khi cha cô cho cô đi cùng nhóm trẻ để tham quan viện bảo tàng nơi ông làm việc. Người hướng dẫn là một lão gác cổng già gù lưng chẳng cao hơn lũ trẻ là bao. Ông ta gõ cốp cốp đầu cây ba toong lên sàn để tập trung sự chú ý, rồi dẫn một tá các bạn nhỏ băng qua các khu vườn vào các phòng trưng bày.
Bọn trẻ quan sát các kỹ sư dùng nhiều ròng rọc để nâng xương đùi con khủng long hóa thạch lên. Chúng xem xét con hươu cao cổ nhồi* trưng bày trong một tủ âm tường. Chúng săm soi các ngăn kéo chứa đầy lông, vuốt và mắt bằng thủy tinh của người nhồi thú; chúng khẽ búng vào những tấm mẫu cây đã hai trăm năm tuổi được trang trí với các loài phong lan, hoa cúc và thảo mộc.
Cuối cùng, chúng trèo lên mười sáu bậc thang để tham quan Phòng trưng bày Khoáng vật. Người hướng dẫn chỉ cho chúng thấy đá mã não có xuất xứ từ Brazil, đá thạch anh tím và một thiên thạch được đặt trên chiếc đôn mà ông khẳng định là có niên đại ngang với Hệ Mặt trời. Sau đó, ông xếp chúng thành hàng một, dẫn xuống hai cầu thang xoắn ốc, đi qua vài hành lang và ngừng trước một cánh cửa sắt chỉ có một lỗ khóa. Ông thông báo, “chuyến tham quan kết thúc.”
Một cô bé thắc mắc, “Nhưng có cái gì ở phía bên kia ạ?”
“Phía sau cánh cửa đó là một cánh cửa khóa khác, nhỏ hơn một chút.”
“Và sau cái cửa đó là gì ạ?”
“Một cái cửa khóa thứ ba, còn nhỏ hơn.”
“Sau cái cửa đó là gì ạ?”
“Cái cửa thứ tư, thứ năm và cứ thế cho đến cánh cửa thứ mười ba, cái cửa khóa này nhỏ xíu, chỉ lớn bằng chiếc giày.” Lũ trẻ chồm về phía trước. “Và sau đó thì sao ạ?”
“Phía sau cánh cửa thứ mười ba” - người hướng dẫn khua bàn tay nhăn nheo - “là Lửa Biển.”
Hoang mang, sốt ruột.
“Đi nào. Các cháu chưa bao giờ nghe đến Lửa Biển sao?” Bọn trẻ lắc đầu. Marie-Laure liếc nhìn lên dãy đèn trơ trụi trên trần nhà, mỗi bóng cách nhau khoảng ba mét; trong mắt cô mỗi bóng đều tỏa ra vòng sáng bảy sắc cầu vồng.
Người hướng dẫn mắc cây ba toong trên cổ tay và xoa hai bàn tay lại với nhau. “Đó là một câu chuyện dài. Các cháu có muốn nghe một câu chuyện dài không?”
Chúng gật đầu.
Ông hắng giọng. “Cách đây nhiều thế kỷ, tại nơi mà giờ chúng ta gọi là Borneo, một hoàng tử nhặt từ dưới một lòng sông khô hạn lên một viên đá màu xanh vì ngài thấy nó đẹp. Nhưng trên đường quay về cung điện, hoàng tử bị bọn cướp cưỡi ngựa tấn công và đâm dao vào tim ngài.”
“Đâm vào tim sao?”
“Thật à?”
Một cậu bé gắt lên, “Im đi.”
“Bọn cướp lấy nhẫn, ngựa và mọi thứ của hoàng tử. Nhưng vì hoàng tử siết chặt viên đá màu xanh nhỏ trong tay nên bọn chúng không phát hiện ra nó. Vị hoàng tử đang hấp hối cố gắng bò về nhà. Sau đó, hoàng tử bất tỉnh suốt mười ngày. Đến ngày thứ mười, trước sự kinh ngạc của các bảo mẫu, hoàng tử ngồi dậy, xòe tay ra và trong lòng bàn tay ngài là viên đá.
“Các ngự y nói rằng đó là một phép màu, vì hoàng tử lẽ ra không thể sống sót với một vết thương chí mạng như thế. Các bảo mẫu nói rằng ắt hẳn viên đá có quyền năng chữa lành vết thương. Các thợ kim hoàn của đức vua lại nói khác: họ bảo rằng viên đá là viên kim cương thô lớn nhất trên đời. Người thợ đẽo đá giỏi nhất mất tám mươi ngày để chế tác, khi hoàn thành, viên kim cương có màu xanh khác thường, màu xanh của vùng biển nhiệt đới, thế nhưng ngay chính giữa viên kim cương lại có một vệt đỏ, giống như những ngọn lửa bên trong một giọt nước. Đức vua gắn viên kim cương lên vương miện của hoàng tử, dân gian truyền tụng rằng khi vị hoàng tử trẻ ngồi lên ngai vàng và lúc ánh mặt trời soi chiếu xuống hoàng tử thì ngài trở nên sáng chói đến nỗi người khác không thể phân biệt hoàng tử với ánh sáng mặt trời.”
Một cô bé thắc mắc, “Ông có chắc đó là thật không ạ?” “Im đi.” Cậu bé lúc nãy lên tiếng.
“Viên đá được gọi là Lửa Biển. Người ta tin rằng hoàng tử là một vị thần, chừng nào ngài còn giữ viên đá thì không ai có thể giết ngài. Nhưng những chuyện kì lạ bắt đầu xảy ra: hoàng tử càng giữ
viên đá thì ngài càng gặp nhiều bất hạnh. Trong vòng một tháng, hoàng tử mất đi hai người em trai, một người bị chết đuối, người kia bị rắn cắn. Trong vòng sáu tháng, vua cha chết vì bệnh hiểm nghèo. Mọi việc thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn khi thám báo của nhà vua báo rằng một đội quân hùng mạnh đang tập hợp ở phía Đông.
“Hoàng tử triệu tập các cố vấn của cha ngài. Tất cả đều khuyên ngài nên chuẩn bị chiến đấu, ngoại trừ một người, một thầy tư tế* nói rằng ông đã có một giấc chiêm bao. Trong giấc chiêm bao của thầy tư tế, nữ thần Trái Đất đã nói với ông rằng nữ thần đã tạo ra viên đá Lửa Biển để làm quà tặng cho người mình yêu, vị thần của Biển Cả và đang dùng dòng sông để gửi món quà. Nhưng khi con sông khô hạn và hoàng tử nhặt lấy viên đá, nữ thần đã nổi giận. Nữ thần nguyền rủa viên đá và bất cứ người nào giữ nó.”
Mọi đứa trẻ đều chồm tới, Marie-Laure cũng vậy.
“Lời nguyền như sau: người giữ viên đá sẽ bất tử, nhưng chừng nào còn giữ viên đá, thì tai ương sẽ liên tục ập đến với những người mà người đó yêu thương, hết người này đến người khác.” “Bất tử ạ?”
“Nhưng nếu người giữ viên đá ném nó xuống biển, bằng cách đó giao viên đá đến đúng người nhận, nữ thần sẽ phá bỏ lời nguyền. Vậy là hoàng tử, giờ đã là vua, suy nghĩ trong suốt ba ngày ba đêm và cuối cùng quyết định giữ lại viên đá. Nó đã từng cứu mạng ngài, ngài tin rằng nó sẽ khiến cho ngài trở nên bất khả chiến bại. Ngài cắt lưỡi của thầy tư tế.”
“Ối”, cậu bé nhỏ nhất kêu lên.
“Sai lầm nghiêm trọng”, cô bé cao nhất nhận xét.
Người gác cổng kể tiếp. “Quân xâm lược kéo đến và phá hủy cung điện, giết hết mọi người chúng gặp và không ai gặp lại hoàng tử nữa, trong vòng hai trăm năm chẳng ai nghe được gì về viên đá Lửa Biển. Một vài người nói rằng viên đá được cắt thành nhiều viên đá nhỏ hơn; người khác lại nói rằng hoàng tử vẫn cất giữ viên đá và ngài đang ở Nhật hay Ba Tư, là một nông dân hèn mọn dường như trẻ mãi không già.
“Vì vậy, viên đá chìm vào quên lãng. Cho đến một ngày, khi một nhà buôn kim cương người Pháp, trong chuyến đi đến Golconda Mines ở Ấn Độ, tìm thấy một viên kim cương hình quả lê khổng lồ. Nặng 133 cara. Độ tinh khiết gần như hoàn hảo. Ông ta viết rằng, nó to như trứng chim bồ câu, xanh như biển cả, nhưng có một vết màu đỏ ở ngay chính giữa. Ông ta đúc một phiên bản sao y của viên đá và gửi cho một công tước say mê đá quý ở Lorraine, cảnh báo công tước những tin đồn thổi về lời nguyền. Nhưng vị công tước rất muốn có được viên kim cương. Vì vậy, nhà buôn mang nó đến châu Âu, vị công tước gắn nó lên trên đầu bịt của cây ba toong và mang nó đi khắp mọi nơi.”
“Ừm. Ồ.”
“Trong vòng một tháng, nữ công tước bị ung thư vòm họng. Hai gia nhân họ yêu mến ngã từ trên mái nhà xuống và gãy cổ. Rồi cậu con trai duy nhất của công tước chết trong một tai nạn cưỡi ngựa. Dù mọi người nói với công tước là trông ông khỏe mạnh hơn bao giờ hết, nhưng công tước trở nên sợ ra khỏi nhà, sợ phải tiếp khách. Rốt cuộc, công tước đã phải tin rằng viên kim cương của mình chính là viên đá Lửa Biển bị nguyền rủa, vì vậy, ông đã thỉnh
cầu đức vua cất kỹ viên đá trong viện bảo tàng dưới một căn hầm đặc biệt được khóa kỹ và không được mở hầm trong hai trăm năm.” “Và?”
“Và một trăm chín mươi sáu năm đã trôi qua.”
Bọn trẻ vẫn im lặng trong một lúc. Vài đứa làm tính bằng ngón tay. Rồi chúng đồng loạt giơ tay lên. “Chúng cháu có thể nhìn viên đá được không ạ?”
“Không.”
“Thậm chí mở cánh cửa đầu tiên cũng không được sao?” . “Không được.”
“Ông đã thấy nó chưa?”
“Chưa.”
“Vậy làm thế nào mà ông biết là nó thật sự ở đó?”
“Các cháu phải tin câu chuyện.”
“Thưa ông, nó khoảng bao nhiêu tiền ạ? Có thể mua được tháp Eiffel không ạ?”
“Một viên kim cương lớn và hiếm như vậy rất có thể mua được tới năm tháp Eiffel.”
Những tiếng thở hổn hển.
“Tất cả những cánh cửa đó là để ngăn bọn trộm lấy cắp nó ạ?” “Có lẽ”, người hướng dẫn trả lời và nháy mắt, “những cánh cửa đó để ngăn lời nguyền ứng nghiệm.”
Lũ trẻ chìm vào yên lặng. Hai hoặc ba đứa bước lùi lại. Marie-Laure tháo kính ra và mọi thứ trở nên mờ ảo. Cô hỏi, “Tại
sao không thể đơn giản là lấy viên kim cương và ném xuống biển chứ?”
Người gác cổng nhìn cô. Những đứa trẻ khác cũng nhìn cô. Một cậu bé lớn hơn nói, “Từ trước đến giờ mày đã thấy ai ném năm cái tháp Eiffel xuống biển chưa?”
Một tràng cười vang lên. Marie-Laure cau mày. Đó chỉ là một cánh cửa bằng sắt với một lỗ khóa bằng đồng thau. Chuyến tham quan kết thúc, bọn trẻ giải tán và Marie-Laure quay lại Gian trưng bày chính với cha. Ông chỉnh lại chiếc kính trên mũi cô, nhặt chiếc lá ra khỏi mái tóc cô. “Con có vui không, con yêu?” Một con chim sẻ màu nâu nhỏ từ trên xà nhà sà xuống đậu trên những hàng gạch trước mặt cô. Marie-Laure ngửa lòng bàn tay ra. Con chim sẻ nghiêng đầu, xem xét. Rồi vỗ cánh bay đi mất. Một tháng sau, cô bị mù.
ZOLLVEREIN
Werner Pfennig lớn lên ở một vùng cách thủ đô Paris ba trăm dặm về hướng Đông Bắc gọi là Zollverein: một khu mỏ than rộng bốn ngàn mẫu Anh ở ngoại ô Essen, nước Đức. Đây là vùng luyện thép, mỏ than antraxit*, đầy nhà ổ chuột. Những ống khói nghi ngút, những đầu máy di chuyển qua lại trên các hệ thống đường ray chạy bằng cáp điện, những cái cây trơ trụi lá mọc trên đống xi than trông như những bàn tay xương xẩu trồi từ dưới đất lên.
Werner và em gái, Jutta, lớn lên ở Trại Trẻ, một trại mồ côi hai tầng được xây bằng gạch thải trên đường Viktoriastrasse gồm nhiều phòng chứa lũ nhóc đau ốm ho sù sụ, bọn trẻ sơ sinh khóc lóc cùng những cái rương mòn vẹt đựng những tài sản cuối cùng của cha mẹ quá cố gồm có: mấy bộ quần áo chắp vá, bộ dao nĩa dùng trong tiệc cưới mờ xỉn, những tấm ảnh chụp gia đình phai màu chìm nghỉm trong chỗ đồ.
Những năm đầu đời của Werner là giai đoạn đói kém nhất. Đàn ông giành giật việc làm bên ngoài những cánh cổng của Zollverein, trứng gà giá hai triệu reichmark* một quả, sốt thấp khớp như con sói hung tàn săn đuổi bọn trẻ ở Trại Trẻ. Không có bơ hay thịt. Trái cây chỉ là tưởng tượng. Nhiều tối, trong những năm tháng tồi tệ nhất, nữ giám hộ của Trại Trẻ cho bọn trẻ ăn bánh được làm từ bột mù tạc và nước.
Nhưng dường như cậu bé Werner bảy tuổi đã vượt qua được.
Cậu nhỏ con, tai vểnh và giọng nói ngọt ngào cao vút; mái tóc màu bạc trắng của cậu làm người khác ngơ ngẩn. Trắng như tuyết, trắng như sữa, trắng như phấn. Một sắc trắng không thể diễn tả. Mỗi sáng, cậu buộc dây giày, nhét báo bên trong áo khoác như một lớp lót để bớt lạnh và bắt đầu thăm dò thế giới. Cậu chộp lấy những bông tuyết, bọn nòng nọc, lũ ếch ngủ đông; cậu nịnh nọt xin bánh mì từ những người bán bánh mì đã bán hết hàng; cậu thường xuất hiện trong bếp với sữa tươi cho bọn trẻ sơ sinh. Cậu cũng làm ra nhiều thứ: hộp giấy, máy bay hai tầng cánh xù xì, thuyền đồ chơi có bánh lái.
Cứ vài ngày cậu lại làm nữ giám hộ giật mình với những câu hỏi không thể trả lời như: “Cô Elena, tại sao chúng ta lại nấc cục vậy?” Hay: “Cô Elena, nếu mặt trăng to đến thế thì làm cách nào mà nó trông nhỏ xíu vậy?”
Hay: “Cô Elena, con ong có biết là nó sắp chết nếu nó đốt ai đó không?”
Cô Elena là một nữ tu đạo Tin lành đến từ Alsace, cô yêu thương bọn trẻ hơn là giám sát chúng. Cô hát những bài dân ca Pháp bằng giọng mũi the thé, giấu nhẹm điểm yếu với rượu sherry và thường đứng ngủ gật. Nhiều đêm cô cho phép bọn trẻ thức khuya khi cô kể cho chúng nghe những câu chuyện bằng tiếng Pháp về tuổi thơ êm đềm của cô trên những ngọn núi với tuyết phủ trên nóc nhà dày đến sáu feet, những người rao tin tức và những nhánh sông bốc hơi khi trời lạnh, những cánh đồng nho phủ đầy sương giá: một thế giới ngập tràn những bài ca mừng Giáng sinh.
“Những người điếc có nghe được tim mình đập không, cô
Elena?”
“Tại sao không gắn cột buồm vào bên trong cái chai, cô Elena?” Cô sẽ bật cười. Cô sẽ vò tóc Werner; cô sẽ thì thầm, “người ta sẽ nói là cháu quá bé, Werner, rằng cháu đến từ nơi không ai biết đến, rằng cháu không nên mơ mộng nhiều. Nhưng cô tin cháu. Cô tin cháu sẽ làm được những điều tuyệt vời.” Rồi cô sẽ đuổi cậu lên cái giường nhỏ mà cậu đã đòi cho riêng mình trên gác mái, kê ngay dưới cửa sổ mái nhà.
Đôi khi cậu và Jutta vẽ. Em gái cậu lẻn đến giường của Werner, cả hai nằm sấp xuống giường và thay phiên nhau dùng cây bút chì duy nhất. Jutta, nhỏ hơn Werner hai tuổi, là một họa sĩ tài năng. Cô bé thích nhất là vẽ Paris, cô bé đã nhìn thấy thành phố này qua một tấm ảnh trên bìa sau một cuốn tiểu thuyết lãng mạn của cô Elena: những mái nhà hai mảng*, những dãy nhà mờ sương, hàng rào mắt cáo bằng sắt của một tòa tháp xa xa. Cô bé vẽ những tòa nhà chọc trời màu trắng uốn lượn, những cây cầu chằng chịt, những đám đông tụ tập bên bờ sông.
Những ngày khác, sau giờ học, Werner đặt em gái lên chiếc xe goòng mà cậu đã lắp ráp từ những phần bỏ đi, kéo xuyên qua khu mỏ. Chúng chạy rầm rầm xuống những ngõ hẻm rải sỏi dài, băng qua những ngôi nhà tranh dột nát, những thùng đốt phế liệu, đi qua những thợ mỏ hết việc ngồi chồm hổm, bất động như tượng cả ngày trên những thùng thưa úp ngược. Một bánh xe thường bị long ra và Werner kiên nhẫn cúi xuống để vặn lại bu lông. Xung quanh chúng là hình bóng những công nhân làm ca hai lê bước vào các nhà kho trong khi công nhân làm ca một xiêu vẹo lê bước về nhà,
lom khom, đói khát, đăm chiêu với khuôn mặt đen nhẻm bên dưới mũ sắt. Werner sẽ líu lo, “Chào”, “Chào buổi chiều” nhưng các thợ mỏ thường tập tễnh bước qua mà không đáp lại, thậm chí không liếc mắt nhìn cậu, mắt họ dán vào đống tạp chất, tình trạng suy thoái kinh tế của nước Đức đang lờ mờ bao phủ họ như hình bóng lù lù của công việc nặng nhọc.
Werner và Jutta tìm kiếm trong đống rác bẩn thỉu; chúng trèo lên núi máy móc han gỉ. Chúng nhổ những bụi cây mâm xôi và bồ công anh. Thỉnh thoảng chúng tìm được vỏ khoai tây hay cà rốt xanh trong những thùng rác; những buổi chiều khác chúng tìm được giấy để vẽ, hay một tuýp kem đánh răng cũ mà có thể nặn ra chỗ kem còn lại và phơi khô làm phấn viết. Thỉnh thoảng Werner kéo Jutta đến tận lối vào của hầm mỏ lớn nhất tên Pit Nine, xung quanh chỉ toàn là tiếng huyên náo, hầm mỏ sáng rực như trục dẫn giữa lõi lò hơi, trong hầm có một máy trục năm tầng để vận chuyển than, dây cáp đung đưa, búa đập rầm rầm, tiếng đàn ông hò hét, các mảnh ghép tạo nên một bức tranh tổng thể của làn sóng công nghiệp dài khắp mọi hướng và chúng quan sát những chiếc xe tải chở than chạy từ dưới lên, công nhân tràn ra khỏi các nhà kho cùng hộp cơm trưa đi về phía trục nâng như những con thiêu thân lao vào cái bẫy ánh sáng.
“Ở dưới đó”, Werner thì thào vào tai em gái. “Ba mình mất mạng ở dưới đó.”
Và khi màn đêm buông xuống, Werner kéo Jutta bé nhỏ lặng lẽ băng qua những khu vực xung quanh của Zollverein để đi về, muội than bám đầy người hai đứa trẻ tóc bạch kim, mang những thứ quý
báu nhỏ nhoi chúng tìm được về số 3 đường Viktoriastrasse, nơi cô Elena nhìn chòng chọc vào cái bếp lò than, ngâm nga khúc hát ru Pháp bằng giọng hát mệt mỏi, một đứa bé chập chững giật giật dây buộc tạp dề của cô trong khi một đứa khác đang gào khóc trên tay cô.
QUẦY TREO CHÌA KHÓA
Đục thủy tinh thể bẩm sinh. Cả hai mắt. Không thể chữa được. “Cháu có thấy cái này không?”, bác sĩ hỏi. “Cháu có thấy cái này không?” Cả cuộc đời còn lại, Marie-Laure sẽ không thể nhìn thấy bất cứ thứ gì nữa. Khoảng không gian mà cô từng quen thuộc - căn hộ bốn phòng hai cha con đang sống cùng nhau, quảng trường nhỏ rợp bóng cây nơi cuối đường - trở thành những mê cung đầy rẫy nguy hiểm. Các ngăn kéo không bao giờ ở đúng nơi. Nhà vệ sinh là một vực thẳm. Ly nước lúc quá gần, lúc lại quá xa; ngón tay cô quá to, bao giờ cũng quá to.
Mù là gì? Chỗ đáng lý ra phải là bức tường, nhưng tay cô chẳng thấy gì cả. Nơi lẽ ra chẳng có gì, thì cẳng chân cô lại đập vào cái chân bàn. Tiếng xe ô tô gầm rú trên đường, tiếng lá cây xào xạc trong gió, máu chảy rần rật qua tai trong của cô. Trên cầu thang, trong bếp, kể cả gần giường ngủ, những giọng nói của người lớn nhuốm màu tuyệt vọng.
“Con bé đáng thương.”
“Tội nghiệp ông LeBlanc.”
“Cuộc đời sao mà khốn khổ. Cha ông ấy chết trong chiến tranh, vợ thì mất lúc sinh. Và giờ thì chuyện này?”
“Cứ như thể họ bị nguyền rủa.”
“Nhìn con bé. Nhìn ông ấy xem.”
“Phải gửi con bé đi thôi.”
Đó là những tháng ngày đau đớn và tồi tệ: những căn phòng chao đảo như chiếc thuyền buồm, mặt Marie-Laure đập vào các cánh cửa khép hờ. Nơi ẩn náu duy nhất của cô là giường, chăn kéo lên đến tận cằm trong khi cha ngồi hút thuốc trên chiếc ghế kê bên cạnh, đẽo gọt một mô hình nhỏ xíu, cây búa nhỏ của ông gõ đều đều, tờ giấy nhám hình vuông nhỏ của ông phát ra tiếng soàn soạt nhịp nhàng, êm dịu.
Sự tuyệt vọng không kéo dài. Marie-Laure còn quá nhỏ và cha cô thì hết sức nhẫn nại. Cha quả quyết với cô là chẳng có gì gọi là nguyền rủa ở đây cả. Đó là may rủi và may rủi có thể, xấu hay tốt. Vận may mỗi ngày lệch nhẹ về phía thành công hay thất bại. Nhưng chẳng có lời nguyền nào cả.
Một tuần thì sáu ngày cha đánh thức cô dậy trước bình minh và cô dang tay trong lúc cha mặc quần áo cho cô. Vớ, váy, áo len. Nếu có thời gian, cha sẽ để cô thử tự cột dây giày. Rồi hai cha con cùng uống cà phê trong bếp: nóng, đậm đà, nhiều đường như cô muốn.
Đến sáu giờ bốn mươi phút, cô lấy cây ba toong trắng từ trong góc, móc một ngón tay qua đằng sau thắt lưng cha, đi theo cha xuống bốn tầng cầu thang và qua sáu khối nhà để đến bảo tàng.
Đúng bảy giờ, cha mở Cửa số 2. Bên trong là những mùi hương thân quen: dây ruy băng mực trong máy đánh chữ, sàn nhà bôi sáp, bột đá. Tiếng vang vọng quen thuộc khi bước chân họ băng qua Gian trưng bày chính. Cha chào người bảo vệ trực đêm, rồi đến người gác cổng, luôn là hai lời đáp lặp đi lặp lại: Bonjour, bonjour. Xin chào, xin chào.
Rẽ trái hai lần, một lần rẽ phải. Chùm chìa khóa của cha kêu leng
keng. Một ổ khóa bật ra, một cánh cổng mở rộng.
Trong quầy treo chìa khóa, phía trong sáu tủ có cửa kính, hàng nghìn chìa khóa bằng sắt treo trên móc. Có chìa khóa còn thô và chìa khóa vạn năng, chìa vặn ổ khóa tròn và chìa xoay ổ khóa dài, chìa khóa trục nâng và chìa khóa tủ. Có chìa dài như cẳng tay Marie-Laure, có chìa còn ngắn hơn ngón tay cái cô.
Cha Marie-Laure là thợ khóa chính của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia. Cha cô ước lượng để ngăn cách giữa các phòng nghiên cứu, các nhà kho, bốn bảo tàng công cộng riêng biệt, khu vườn thú, những nhà kính, những vườn dược liệu và vườn cây trang trí ở Vườn bách thảo Paris, cả tá cổng và sảnh nghỉ thì cần khoảng mười hai nghìn ổ khóa trong toàn thể khu liên hợp của bảo tàng. Chẳng có ai biết rõ hơn về khóa để có thể phản bác.
Cả buổi sáng cha cô đứng trước quầy khóa và phân phát chìa khóa cho nhân viên: những nhân viên trông nom vườn thú đến đầu tiên, khoảng tám giờ thì bộ phận hành chính dồn dập kéo đến, tiếp đó là kỹ thuật viên, thủ thư và nhóm trợ lý nghiên cứu, cuối cùng là các nhà khoa học đến lẻ tẻ. Mọi thứ được đánh số và mã màu. Mọi nhân viên, từ lao công cho đến giám đốc, lúc nào cũng phải mang chìa khóa bên người. Không ai được phép mang chìa khóa ra khỏi nơi làm việc và không ai được phép để chìa khóa trên bàn làm việc. Xét cho cùng, bảo tàng sở hữu viên ngọc bích vô giá từ thế kỷ mười ba, khối cavansite* từ Ấn Độ, khối rhodochrosite* của Colorado; cha cô đã thiết kế một loại khóa cố định gắn phía sau cái quầy hình bán nguyệt có xuất xứ từ Florence được tạc từ đá lapis lazuli* mà hằng năm các chuyên gia vượt cả ngàn dặm để đến chiêm ngưỡng.
Cha cô đố cô. “Chìa vặn tròn hay chìa khóa móc đây, Marie? Chìa tủ ly hay chìa khóa chốt cố định?” Cha hỏi cô về vị trí của những vật trưng bày, về mọi thứ trong tủ. Cha không ngừng đặt vào tay cô những thứ không thể ngờ được: một cái bóng đèn, một con cá hóa thạch, một cái lông chim hồng hạc.
Một tiếng mỗi sáng — kể cả Chủ nhật — cha cô đặt cô ngồi trước một cuốn sách chữ Braille. Chữ A là một chấm ở góc trên. Chữ B là hai chấm trên một đường thẳng đứng. Jean. Đến. Chỗ. Người. Làm. Bánh Mì. Jean. Đến. Chỗ. Người. Làm. Pho. Mát.
Buổi chiều, cha cô dắt cô đi dạo vòng quanh. Cha cô tra dầu các chốt cửa, sửa các tủ, đánh bóng các nắp khóa. Cha dẫn cô đi từ hành lang này sang hành lang khác để đi từ phòng trưng bày này sang phòng trưng bày khác. Những hành lang hẹp dẫn đến các thư viện rộng lớn; cửa kính mở ra lối đi đến nhà kính tràn ngập mùi đất mùn, giấy báo ẩm và hoa cúc lôbêli. Có các cửa hàng mộc, xưởng nhồi bông thú, cơ man nào là kệ và ngăn kéo đựng mẫu vật, toàn bộ những bảo tàng bên trong bảo tàng.
Vài buổi chiều, cha cô để cô lại phòng nghiên cứu của tiến sĩ Geffard, một chuyên gia về động vật thân mềm lâu năm có bộ râu thường có mùi len ẩm. Tiến sĩ Geffard sẽ ngừng mọi việc đang làm để mở một chai Malbec* và thì thào kể cho cô về những mạch quặng ông từng đến khi còn trẻ: quốc đảo Seychelles, Honduras thuộc Anh, quần đảo Zanzibar. Ông gọi cô là Laurette, ngày nào ông cũng ăn một con vịt quay vào lúc ba giờ chiều, đầu ông chứa đựng một danh sách tên nhị thức tiếng Latin dài như vô tận.
Trong bức tường phía sau phòng nghiên cứu của tiến sĩ Geffard
là những chiếc tủ có nhiều ngăn kéo đến nỗi cô không đếm xuể, ông cho phép cô mở từ ngăn kéo này đến ngăn kéo khác, tay cầm những vỏ ốc biển - những con ốc xoắn, ốc olive, ốc volute tuyệt đẹp từ Thái Lan, ốc xà cừ hình nhện từ Polynesia - bảo tàng có hơn mười nghìn mẫu vật, hơn một nửa các loài động vật thân mềm đã được phát hiện trên thế giới và Marie-Laure đã được chạm vào gần hết.
“Laurette, vỏ ốc đó thuộc về một con ốc biển màu tím, một con ốc mù sống suốt đời trên mặt biển. Ngay khi được thả xuống đại dương, nó sẽ khuấy mạnh nước để tạo ra bong bóng, dùng dịch nhầy kết dính các bong bóng đó để tạo thành một cái bè. Rồi nó trôi đi khắp nơi, ăn bất cứ loài sinh vật phù du không xương sống nào nó gặp. Nhưng nếu mất cái bè đó, con ốc sẽ chìm và chết.”
Một vỏ ốc Carinaria vừa nhẹ vừa nặng, vừa cứng vừa mềm, vừa nhẵn vừa xù xì. Cô có thể chơi cả nửa tiếng đồng hồ với con ốc gai tiến sĩ Geffard để trên bàn, những hõm gai, các vòng xoắn lằn nổi, miệng ốc sâu; đó là một rừng gai nhọn, hang hốc và kết cấu bề mặt, đó là một vương quốc.
Bàn tay cô di chuyển không ngừng, cảm nhận, thăm dò, kiểm nghiệm. Lông trên ngực của một con chim Chicadee* nhồi bông và được đóng trong khung mềm không thể tin được, mỏ chim nhọn như kim. Phấn trên đỉnh bao phấn của hoa tulip cũng ít như lượng tinh dầu tí xíu chiết xuất được. Cô đang thực sự chạm vào mọi thứ, để học - vỏ của cây sung dâu trong vườn, một con bọ vừng bị nhốt lại ở Phòng Côn trùng học; mặt trong của một vỏ sò bóng láng trang nhã ở phòng nghiên cứu của tiến sĩ Geffard - và yêu thích việc đó.
Ở nhà, vào buổi tối, cha cô xếp gọn giày hai cha con vào cùng một góc khuất, treo áo khoác lên cùng một cái móc. Marie-Laure đi qua sáu gờ đá lát có khoảng cách bằng nhau ở trong bếp để đến bàn ăn, cô lần theo một sợi dây bện cha đã giăng để đi từ bàn đến nhà vệ sinh. Cha múc bữa tối ra một cái đĩa tròn và mô tả vị trí của các loại thức ăn khác nhau theo hướng giờ đồng hồ. “Con yêu, khoai tây ở hướng sáu giờ. Nấm ở hướng ba giờ.” Rồi cha hút thuốc và tiếp tục với các mô hình thu nhỏ trên cái bàn làm việc trong góc bếp. Cha đang dựng mô hình theo tỉ lệ của toàn bộ khu vực xung quanh nhà, những tòa nhà có khung cửa sổ cao, rãnh thoát nước mưa, tiệm giặt là, tiệm bánh mì và quảng trường nhỏ cuối đường có bốn ghế dài và mười cái cây. Vào những đêm ấm áp, Marie-Laure mở cửa sổ phòng ngủ lắng nghe tiếng đêm lặng dần qua ban công, đầu hồi, ống khói, chậm rãi và yên bình, cho đến khi khung cảnh thật xung quanh và mô hình thu nhỏ hòa thành một trong tâm trí cô.
Bảo tàng đóng cửa vào thứ Ba. Marie-Laure và cha dậy muộn; hai cha con uống cà phê đậm đà với đường. Hai cha con đi bộ đến nhà thờ Panthéon, hay chợ hoa, hoặc dọc sông Seine. Thỉnh thoảng, hai cha con ghé tiệm sách. Cha đưa cho cô một cuốn từ điển, một tờ nhật báo, một tạp chí hình. “Có bao nhiêu trang, Marie Laure?”
Cô lướt tay dọc gáy sách.
“Có phải năm mươi hai trang không ạ?”
“Có phải bảy trăm lẻ năm trang không ạ?”
“Có phải một trăm ba mươi chín trang không ạ?”
Cha vén tóc ra sau tai cô; cha nhấc cô lên cao và xoay tròn. Cha gọi cô là điều kỳ diệu của cha. Cha nói là cả triệu năm nữa cha cũng sẽ không bao giờ rời xa cô.
ĐIỆN ĐÀI
Werner lên tám và đang lục lọi trong đống rác đằng sau một nhà kho thì cậu tìm thấy một thứ trông giống một cuộn dây lớn. Đó là một cột trụ quấn dây kim loại xung quanh kẹp giữa hai miếng gỗ thông tròn và dẹt. Phía trên đỉnh cột trụ là ba sợi dây điện đã bị bung sợi. Điểm cuối một sợi dây điện lủng lẳng một cái tai nghe nhỏ.
Jutta, sáu tuổi, có khuôn mặt tròn và mái tóc bạch kim dày xù, nép vào anh trai. “Cái gì thế?”
“Anh nghĩ”, Werner trả lời, có cảm tưởng như thể cái tủ ly nào đó trên trời vừa được mở toang, “bọn mình vừa tìm thấy một cái điện đài.”
Cho đến giờ thì cậu mới chỉ thoáng nhìn thấy mấy điện đài sau: một cái máy thu thanh lớn phía sau tấm rèm viền đăng ten của nhà một viên chức; một cái điện đài xách tay ở nhà tập thể của thợ mỏ; một cái điện đài khác ở phòng ăn trong nhà thờ. Cậu chưa bao giờ chạm vào cái nào.
Cậu và Jutta lén mang thiết bị đó về số 3 đường Viktoriastrasse và săm soi dưới một bóng đèn điện. Hai anh em chùi sạch nó, gỡ cuộn dây rối, lau bùn trên tai nghe.
Nó không hoạt động. Mấy đứa trẻ khác đến, đứng nhìn xuống và ngạc nhiên, rồi dần mất hứng thú và kết luận rằng không thể sửa được. Nhưng Werner mang cái điện đài lên gác mái của mình và
mày mò suốt mấy tiếng đồng hồ. Cậu tháo rời mọi bộ phận có thể tháo; đặt từng bộ phận lên sàn và lần lượt soi từng thứ dưới ánh đèn.
Ba tuần sau ngày tìm được cái máy, dường như mọi đứa trẻ ở Zollverein đều ra ngoài vào buổi chiều đầy nắng ấy, Werner chợt chú ý đến sợi dây dài nhất của cái máy, một sợi dây nhỏ mỏng cuốn hàng trăm vòng quanh trục chính, bị đứt vài đoạn ngắn. Cậu từ từ, tỉ mỉ gỡ cuộn dây, mang toàn bộ đoạn dây bị đứt xuống dưới nhà, gọi Jutta vào giữ giúp trong khi cậu nối lại các đoạn đứt. Rồi cậu cuộn nó lại như cũ.
“Giờ thì thử xem nào”, cậu lẩm bẩm, ấn tai nghe vào tai và chỉnh tới lui cái núm vặn mà cậu chắc là núm dò sóng dọc theo cuộn dây. Cậu nghe tiếng sóng nhiễu rẹt rẹt. Rồi từ đâu đó sâu bên trong tai nghe, một âm thanh du dương vang lên. Tim Werner ngừng đập, dường như giọng nói ấy dội vào vỏ não cậu.
Thanh âm lặng nhanh như khi nó đến. Cậu dịch chuyển núm dò một phần tư inch. Sóng nhiễu nhiều hơn. Thêm một phần tư inch nữa. Không có tiếng gì.
Trong bếp, cô Elena đang nhào bột bánh mì. Bọn con trai hò hét trong ngõ. Werner chỉnh tới chỉnh lui núm dò sóng.
Sóng nhiễu, sóng nhiễu.
Cậu đang định đưa tai nghe cho Jutta thì cậu nghe thấy tiếng đàn violin với tiết tấu nhanh, dồn dập ở gần nửa dưới nguyên vẹn, đều đặn của cuộn dây. Cậu cố giữ yên núm dò. Tiếng violin thứ hai vang lên sau tiếng đầu tiên. Jutta xích lại gần hơn; cô tròn mắt nhìn anh trai.
Tiếng piano theo sau tiếng violin. Rồi tiếng nhạc cụ bộ hơi. Tiếng đàn dây dồn dập, tiếng nhạc cụ bộ hơi dập dìu theo sau. Thêm nhiều nhạc cụ hòa âm. Tiếng sáo? Tiếng đàn hạc? Giai điệu tuôn trào, dường như đan xen vào nhau.
“Werner?”, Jutta thì thào.
Cậu chớp mắt, cậu phải nuốt nước mắt xuống. Phòng khách trông vẫn như mọi khi: hai cái giường cũi trẻ em bên dưới hai cây thánh giá Latin, bụi lơ lửng trước cửa lò sưởi, cả tá lớp sơn bị bong tróc khỏi ván gỗ ghép chân tường. Một bức tranh thêu hình ngôi làng vùng Alsace phủ đầy tuyết của cô Elena treo phía trên bồn rửa bát. Tuy nhiên, bây giờ nơi này có âm nhạc. Như thể có một dàn nhạc tí hon rục rịch hồi sinh trong đầu Werner.
Dường như căn phòng từ từ chao đảo. Em gái khẩn thiết gọi tên cậu và Werner ấn tai nghe vào tai Jutta.
“Âm nhạc”, Jutta thốt lên.
Cậu giữ núm dò bất động hết mức có thể. Tín hiệu rất yếu, nên dù chỉ cách tai nghe sáu inch, cậu vẫn không thể nghe được tiếng nhạc nào. Nhưng cậu ngắm khuôn mặt bất động, ngoại trừ mi mắt của em gái, trong bếp cô Elena ngẩng đầu lên nhìn Werner chăm chú, đôi tay dính đầy bột lơ lửng trong không khí, hai cậu bé lớn hơn hối hả chạy vào và khựng lại vì cảm nhận được sự thay đổi gì đó trong không khí và chiếc điện đài nhỏ có bốn cực cùng cần ăng ten đặt bất động trên nền nhà giữa bọn họ giống như một phép màu.
DẪN CHÚNG TA VỀ NHÀ
Marie-Laure thường mở được mấy hộp câu đố bằng gỗ mà cha cô làm tặng sinh nhật cô. Chúng thường có hình thù như ngôi nhà và đựng thứ lặt vặt nào đó. Cần phải thực hiện một loạt các bước khéo léo mới mở được hộp: dùng móng tay tìm ra một đường nối, đẩy phần đáy trượt sang phải, gỡ một thanh trượt bên cạnh, lấy ra chiếc chìa khóa giấu trong thanh trượt, mở ổ khóa ở trên đỉnh và tìm thấy một cái vòng tay ở trong.
Vào sinh nhật lần thứ bảy của cô, một ngôi nhà gỗ nhỏ xíu được đặt ở giữa bàn bếp, chỗ hay để bát đựng đường. Cô kéo một ngăn kéo chìm ra khỏi đáy, tìm ngăn bí mật bên dưới ngăn kéo, lấy ra một chìa khóa bằng gỗ, đút chìa khóa vào trong ống khói. Bên trong là một thanh sô-cô-la Thụy Sĩ hình vuông.
“Bốn phút”, cha cô cười. “Sang năm ba sẽ phải làm phức tạp hơn.”
Dù vậy, trong một thời gian dài, không giống như mấy cái hộp câu đố của cha, cô không hiểu lắm về mô hình mô phỏng khu vực xung quanh nhà của cha. Nó không giống thật. Ví dụ, giao lộ thu nhỏ giữa đường Mirbel và đường Monge, chỉ cách căn hộ của họ một khối nhà, chẳng hề giống giao lộ thật. Giao lộ thật có một quảng trường bậc dốc ồn ào và thơm ngát: vào mùa thu, nó có mùi dầu xe, mùi dầu thầu dầu, mùi bánh mì nướng từ tiệm bánh mì, mùi long não của tiệm thuốc Avent, mùi cây phi yến, hoa đậu thơm và hoa
hồng trên giàn hoa. Trong những ngày đông, giao lộ tràn ngập mùi thơm của hạt dẻ nóng; vào những đêm hè, giao lộ trở nên buồn tẻ và uể oải, đầy những cuộc chuyện trò buồn ngủ và tiếng ghế sắt nặng nề lạo xạo.
Nhưng mô hình giao lộ của cha cô chỉ có mùi hồ khô và mùn cưa. Đường phố trống không, vỉa hè tĩnh lặng; dưới ngón tay cô, mô hình chẳng hơn gì một bản sao thu nhỏ và đầy khiếm khuyết. Cha khăng khăng bắt Marie-Laure lướt các ngón tay qua mô hình, nhận ra những ngôi nhà khác nhau, các góc phố. Và vào một ngày thứ Ba tháng Mười hai lạnh lẽo, khi Marie-Laure đã bị mù hơn một năm, cha dẫn cô đi bộ lên đường Cuvier đến vườn bách thảo Paris.
“Con yêu, đây là con đường sáng nào cha con ta cũng đi. Xuyên qua những cây tuyết tùng phía trước là Gian trưng bày chính của bảo tàng.”
“Con biết, ba ạ.”
Cha cô nhấc cô lên và xoay ba vòng. Cha cô nói, “giờ con sẽ dẫn chúng ta về nhà.”
Cô há hốc miệng.
“Cha muốn con nghĩ về mô hình, Marie.”
“Nhưng con không thể làm được.”
“Cha ở sau con một bước. Cha sẽ không để xảy ra chuyện gì đâu. Con có cây ba toong của mình. Con biết con đang ở đâu.” “Con không làm được!.”
“Con làm được.”
Giận dữ. Thậm chí cô không thể đoán được vườn cây ở phía
trước hay phía sau.
“Bình tĩnh lại nào, Marie. Mỗi lần một xăng-ti-mét.”
“Xa lắm, ba ơi. Ít nhất là sáu khối nhà.”
“Đúng là sáu khối nhà. Hãy dùng lý luận. Chúng ta nên đi hướng nào trước?”
Trái đất ầm ầm xoay tròn. Tiếng đám đông la hét, tiếng phanh thắng kêu kít, hình như ai đó phía bên trái cô dùng búa đập lên thứ kim loại nào đó. Cô lê chân về phía trước cho đến khi đầu cây ba toong bị hẫng. Một lề đường ư? Một cái ao, một cầu thang hay một cái hố? Cô xoay người chín mươi độ. Bước tới ba bước. Giờ thì cây ba toong của cô đụng phải chân tường. “Ba ơi?”
“Ba đây.”
Sáu bước, bảy bước, tám bước. Một tiếng ầm - một kẻ hủy diệt vừa ra khỏi nhà, tiếng máy bơm gầm rú - bao phủ họ. Tiếp mười hai bước, cái chuông buộc quanh tay nắm cửa của một cửa hiệu kêu leng keng và hai người phụ nữ đi ra, va vào cô khi đi ngang qua.
Marie-Laure làm rớt cây ba toong, cô bật khóc.
Cha nhấc cô lên, ôm cô sát vào ngực.
“Rộng lớn quá”, cô thì thào.
“Con có thể làm được, Marie.”
Cô không thể.
ĐIỀU GÌ ĐÓ NẢY SINH
Trong khi những đứa trẻ khác chơi nhảy lò cò trong ngõ hoặc bơi trên dòng kênh, Werner ngồi một mình trên gác xép, thử nghiệm với cái điện đài tìm được. Trong một tuần, nhắm mắt cậu cũng có thể tháo và lắp ráp lại nó. Tụ điện, cuộn cảm ứng, cuộn chỉnh sóng, tai nghe. Một đầu dây hướng xuống đất, một đầu chĩa lên trời. Trước giờ cậu chưa từng gặp phải thứ gì cần đến quá nhiều phán đoán như vậy.
Cậu thu lượm được nhiều bộ phận từ các nhà kho: dây đồng rời, đinh vít, một cái tua vít bị cong. Cậu dụ dỗ vợ ông dược sĩ cho cậu cái tai nghe bị vỡ, cậu tận dụng một cuộn solenoid* của cái chuông cửa hỏng, hàn nó vào một điện trở và làm một cái loa. Trong vòng một tháng, cậu xoay xở thiết kế lại toàn bộ cái điện đài, thêm các bộ phận mới vào chỗ này chỗ kia, nối nó vào một đầu nguồn điện.
Tối nào cậu cũng mang cái điện đài xuống dưới nhà và cô Elena cho phép bọn trẻ nghe đài một tiếng. Họ điều chỉnh điện đài để nghe tin tức, hòa nhạc, opera, dàn hợp xướng quốc gia, chương trình dân gian, mười hai đứa trẻ ngồi theo hình bán nguyệt trên đủ loại đồ đạc, cô Elena ngồi giữa, cũng gầy gò như bọn trẻ.
Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy hứng khởi, tiếng điện đài phát ra. Chúng ta chẳng có gì phải kêu ca. Chúng ta đặt những bước chân vững chắc trên thế giới của mình và chẳng tác nhân nào có thể xê dịch được chúng ta.
Mấy đứa con gái lớn thích những cuộc thi âm nhạc, các bài hướng dẫn tập thể dục, một chương trình định kỳ tên là Các lời khuyên theo chủ đề dành cho những người đang yêu làm cho mấy đứa nhỏ tuổi kêu ré lên. Bọn con trai thích kịch, tin tức, những bài hát hùng tráng. Jutta thích nhạc jazz. Werner thích mọi thứ. Violin, kèn săn, trống, diễn văn - cùng lúc ấy, ở một nơi xa xôi nào đó có một cái miệng đang đọc trên micro - cậu say sưa trước ma thuật ấy.
Không ngạc nhiên khi, tiếng điện đài phát ra, sự can đảm, sự tự tin và tinh thần lạc quan ngày càng gia tăng đang tràn đầy trong người dân Đức? Chẳng phải đó là ngọn lửa niềm tin mới mẻ nảy sinh từ sự hi sinh tự nguyện này ư?
Mỗi tuần trôi qua, với Werner dường như thật sự có điều gì đó mới mẻ đang nảy sinh. Sản lượng khai thác ở mỏ tăng lên, số người thất nghiệp giảm xuống. Bữa tối Chủ nhật có thịt. Thịt cừu, thịt heo, xúc xích - những món ăn xa xỉ chưa từng có trước đây. Cô Elena mua một cái trường kỷ mới bọc nhung kẻ màu cam, một cái bếp có lò nướng có các núm vặn lửa là một vòng tròn màu đen, ba quyển Kinh Thánh mới đến từ một Hội Giám mục ở Berlin, một cái nồi hấp tiệt trùng quần áo được giao đến cửa sau. Werner có quần mới, Jutta có một đôi giày riêng. Tiếng chuông điện thoại reo lên bên nhà hàng xóm.
Một buổi chiều nọ, trên đường từ trường về nhà, Werner dừng lại bên ngoài một tiệm thuốc và gí mũi vào khung cửa sổ cao: năm tá lính xung kích cao một inch diễu hành trong đó, mỗi tên lính đồ chơi mặc áo Đảng viên Đảng Quốc xã, băng tay màu đỏ nhỏ xíu, một số thổi sáo, một số đánh trống, vài chỉ huy cưỡi trên những con ngựa
màu đen bóng loáng. Phía trên sợi dây gắn trên đầu chúng là một đĩa bánh răng di trượt mỏng bằng sắt tây có phao gỗ, cánh quạt xoay để tạo ra điện và điều khiển chu trình hoạt động của bộ đồ chơi. Werner nghiên cứu bộ đồ chơi qua tấm kính trong một lúc lâu, cố tìm hiểu cách thức hoạt động của nó.
Mùa thu năm 1936, cứ đêm xuống là Werner mang điện đài xuống dưới nhà, đặt nó trên tủ búp-phê và những đứa trẻ khác vội vàng để được ngồi trước. Điện đài khởi động kêu o o. Werner lùi lại, tay đút trong túi. Từ loa vang lên tiếng hát của một dàn đồng ca thiếu nhi, chúng ta chỉ hi vọng được lao động, lao động, lao động và lao động, được làm những công việc vẻ vang cho đất nước. Rồi bắt đầu vở kịch do Nhà nước tài trợ diễn ra ở ngoại ô Berlin: câu chuyện về những tên xâm lược lén tấn công một ngôi làng trong đêm.
Cả mười hai đứa trẻ đều ngồi bất động. Trong vở kịch, những tên xâm lược tự nhận là chủ các cửa hàng bách hóa mũi khoằm, những người thợ kim hoàn gù lưng, các chủ ngân hàng hèn hạ; chúng bán những thứ rác rưởi bắt mắt, chúng khiến các thương gia uy tín trong làng mất việc. Chẳng bao lâu sau, chúng mưu tính giết trẻ em Đức đang ngủ trên giường. Cuối cùng, một người hàng xóm bình thường và cảnh giác phát hiện ra. Cảnh sát được gọi đến: những viên cảnh sát cao to đẹp trai có giọng nói tuyệt vời. Cảnh sát phá cửa. Cảnh sát kéo những tên xâm lược ra. Một cuộc diễu hành ái quốc diễn ra. Mọi người lại sống hạnh phúc.
ÁNH SÁNG
Cô thất bại hết thứ Ba này tới thứ Ba khác. Việc cô dẫn cha đi sai hướng qua sáu khối nhà khiến cô giận dữ, nản chí và cách nhà xa hơn cả lúc đầu. Nhưng vào mùa đông năm cô lên tám tuổi, trước sự ngạc nhiên của Marie-Laure, cô bắt đầu đi đúng. Cô lướt ngón tay qua mô hình ở trong bếp, đếm số ghế dài, cây cối, cột đèn và ô cửa thu nhỏ. Mỗi ngày lại có thêm vài điểm mới - nắp cống, ghế dài ở công viên, vòi nước trên đường của mô hình giống hệt như thật.
Marie-Laure ngày càng dẫn hai cha con về gần nhà hơn trước khi phạm phải lỗi nào. Bốn khối nhà, ba khối nhà, hai khối nhà. Và một ngày thứ Ba đầy tuyết của tháng Ba, khi cha dẫn cô đi bộ đến một mục tiêu mới khác, rất gần bờ sông Seine, nhấc cô xoay ba vòng và nói “dẫn chúng ta về nhà”, cô nhận ra rằng, lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu bài tập này, nỗi sợ hãi đã không còn cuộn lên trong bụng cô.
Thay vào đó, cô ngồi xổm trên vỉa hè.
Thoang thoảng mùi kim loại trong màn tuyết rơi xung quanh cô. Hãy bình tĩnh lại. Hãy lắng nghe.
Xe ô tô làm bắn nước ở trên đường, tuyết tan nhỏ giọt xuống rãnh; cô có thể nghe thấy tiếng bông tuyết rơi tí tách qua những tán cây. Cô có thể ngửi được mùi cây tuyết tùng ở vườn bách thảo Paris cách đó một phần tư dặm. Đây là tiếng tàu điện ngầm rít lên ầm ầm bên dưới vỉa hè; đó là bến cảng Saint-Bernard. Đây là bầu
trời quang đãng và cô nghe thấy tiếng cành cây kêu rắc rắc: đó là khu vườn nhỏ phía sau Gian trưng bày cổ sinh vật học. Cô nhận ra chỗ này ắt hẳn là góc giao giữa bến cảng và đường Cuvier.
Sáu khối nhà, bốn mươi tòa nhà, mười cái cây nhỏ trên quảng trường. Con đường này cắt ngang con đường kia, cứ thế nối tiếp nhau. Mỗi lần một xăng-ti-mét.
Chùm chìa khóa trong túi cha kêu lạo xạo. Phía trước hiện ra những tòa nhà cao lớn bên cạnh khu vườn, dội lại âm thanh. Cô nói, “Chúng ta đi về phía bên trái.”
Họ bắt đầu đi dọc đường Cuvier. Ba con vịt trời bay theo hàng về phía họ, đập cánh đồng thời, hướng về sông Seine và khi mấy con vịt bay ngang qua đầu họ, cô tưởng tượng rằng mình có thể cảm nhận được ánh sáng chiếu trên mấy đôi cánh, len vào từng sợi lông.
Rẽ trái sang đường Geoffroy Saint-Hilaire. Rẽ phải đến đường Daubenton. Ba nắp cống, bốn nắp cống, năm nắp cống. Ở phía trước, bên trái sẽ là hàng rào mở bằng sắt của vườn bách thảo Paris với những thanh rào mảnh như các chấn song của một cái lồng chim lớn.
Phía bên kia đường chỗ cô đang đứng là hiệu bánh mì, hàng thịt, cửa hàng bán thức ăn chế biến sẵn.
“Qua đường có an toàn không, ba ơi?”
“Có.”
Rẽ phải. Rồi đi thẳng. Giờ họ đang đi trên con phố nhà mình, cô chắc chắn như vậy. Đi sau cô một bước, cha ngửa đầu lên trời cười
ngoác miệng. Mặc dù cô quay lưng về phía cha, mặc dù cha chẳng nói lời nào, mặc dù cô mù, nhưng Marie-Laure biết cha cười - mái tóc dày của cha ướt đẫm vì tuyết và nhiều dòng nước đọng nhỏ giọt từ trên đầu xuống, khăn quàng cổ của cha quấn lệch trên vai, cha đang tươi cười dưới mưa tuyết.
Hai cha con đi được nửa đường Patriarches. Họ đang đứng trước tòa nhà của mình. Marie-Laure tìm thấy thân cây hạt dẻ mọc cao qua cửa sổ tầng bốn của cô, vỏ cây đang nằm dưới ngón tay cô.
Người bạn thân quen.
Chưa đầy một giây sau, đôi tay cha vòng dưới nách cô, nhấc bổng cô lên, Marie-Laure mỉm cười, cha bật ra tiếng cười trong trẻo, dễ lan tỏa, suốt đời mình cô sẽ cố nhớ kỹ điều này, cha và con gái xoay tròn trên vỉa hè ngay trước nhà, cười với nhau dưới màn tuyết rơi qua những tán cây trên đầu.
NGỌN CỜ CỦA CHÚNG TA BAY PHẤP PHỚI PHÍA TRƯỚC
Ở Zollverein, vào mùa xuân năm Werner lên mười, hai cậu thanh niên lớn nhất của Trại Trẻ - Hans Schilzer mười ba tuổi và Herribert Pomsel mười bốn tuổi - đeo ba lô cũ trên vai và đi kiểu chân ngỗng vào rừng. Khi trở lại, cả hai đã là thành viên của Đoàn Thanh niên Hitler.
Cả hai mang súng cao su, giáo, tập mai phục phía sau đụn tuyết. Cả hai gia nhập toán con trai thợ mỏ nổi dậy ngồi ở bãi họp chợ, ống tay áo xắn lên, quần soóc kéo đến hông. “Nói chào”, họ gào lên với người đi qua. “Hay thay bằng heil Hitler - Hitler vạn tuế, nếu thích.”
Chúng cắt cho nhau cùng kiểu tóc, đấu vật trong phòng khách và khoe khoang rằng chúng chuẩn bị tham gia đợt huấn luyện bắn súng, về những tàu lượn chúng sẽ lái, những tháp pháo xe tăng chúng sẽ điều khiển. Ngọn cờ của chúng ta là biểu tượng của một kỷ nguyên mới, Hans và Herribert nghêu ngao hát, ngọn cờ của chúng ta dẫn ta đến sự trường tồn bất diệt. Trong bữa ăn, chúng mắng mỏ mấy đứa nhỏ hơn về tội ngưỡng mộ những thứ ngoại lai: một mẩu quảng cáo xe ô tô của Anh, một cuốn sách tranh của Pháp.
Kiểu chào của chúng thật tức cười, trang phục thì gần như lố lăng. Nhưng cô Elena nhìn hai cậu trai đó bằng ánh mắt cảnh giác:
mới cách đây không lâu chúng là những đứa trẻ chập chững biết đi hồn nhiên lẩn trên giường để trốn việc và khóc đòi mẹ. Giờ chúng đã trở thành những gã thanh niên du côn bẻ khớp ngón tay và để hình lãnh tụ trong túi áo sơ mi.
Cô Elena ít nói tiếng Pháp hơn và lại càng ít hơn mỗi khi có mặt Hans và Herribert. Cô thấy mình cần chú ý đến giọng của mình. Một cái liếc mắt thoáng qua của láng giềng cũng có thể khiến cô thắc mắc.
Werner cúi gằm đầu. Nên nhảy qua đống lửa mừng*, bôi nhọ dưới mắt, quát nạt bọn trẻ nhỏ chăng? Vò nhàu những bức họa của Jutta? Cậu quyết định tốt hơn nên tránh gây sự chú ý, càng vô hình càng tốt. Werner đang đọc những tạp chí khoa học thường thức ở hiệu thuốc, cậu quan tâm đến hiện tượng nhiễu xạ, những đường hầm dẫn đến lõi trái đất, phương thức truyền tin từ nơi này đến nơi kia bằng trống của người Nigeria. Cậu mua một quyển sổ tay và phác thảo mô hình buồng phun sương, máy dò ion, kính chống tia X. Cần những gì để tạo ra cái mô tơ nhỏ gắn trên nôi để tự động đu đưa cho đứa trẻ ngủ? Làm thế nào để kéo dãn lò xo trên trục xe goòng để cậu có thể dễ dàng kéo nó lên dốc?
Một viên chức của Bộ Lao động đến thăm Trại Trẻ để trao đổi về cơ hội làm việc ở mỏ. Bọn trẻ mặc bộ quần áo sạch sẽ nhất ngồi dưới chân ông ta. Ông ta giải thích là toàn bộ đám con trai, không trừ đứa nào, sang tuổi mười lăm sẽ đến làm việc ở mỏ. Ông ta nói về niềm vinh dự, sự thành đạt và chúng may mắn đến thế nào vì đã có sẵn công việc. Werner cảm giác trần nhà như sụp xuống, tường nhà như co lại khi ông ta cầm chiếc điện đài của Werner lên và đặt
nó xuống mà không nói gì.
Cha cậu đã nằm dưới đó, sâu dưới mặt đất một dặm. Không bao giờ tìm được thi thể. Cậu vẫn bị những đường hầm ám ảnh. “Từ vùng đất xung quanh các bạn”, ông ta nói, “từ mảnh đất của các bạn, đem đến sức mạnh cho đất nước chúng ta. Thép, than đá, than cốc. Berlin, Frankfurt, Munich - những thành phố đó không thể tồn tại nếu thiếu nơi này. Các bạn cung cấp nền tảng của một trật tự mới, đạn dược cho súng ống, áo giáp cho xe tăng.”
Hans và Herribert nghiên cứu khẩu súng lục giắt trên thắt lưng bằng da của ông ta bằng ánh mắt sững sờ, ngưỡng mộ. Trên tủ búp-phê, chiếc điện đài nhỏ của Werner kêu lạch cạch.
Nó phát rằng, trong ba năm qua, tụ của chúng ta đã dũng cảm đối mặt với một châu Âu đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Nó phát rằng, chỉ mình Ngài là có công lao đem đến thực tế, đem đến cho trẻ em Đức, rằng cuộc đời của người Đức một lần nữa trở nên đáng sống.
VÒNG QUANH THẾ GIỚI TRONG TÁM MƯƠI NGÀY
Mười sáu bước chân là đến đài phun nước, quay lại mười sáu bước. Bốn mươi hai bước là đến cầu thang, quay lại bốn mươi hai bước. Marie-Laure vẽ những tấm bản đồ trong đầu, tháo một cuộn dây bện tưởng tượng dài hàng trăm thước, rồi xoay và cuộn nó lại. Gian trưng bày Thực vật học có mùi giống như mùi hồ dán, mùi giấy thấm và những bông hoa ép khô. Gian trưng bày cổ sinh vật học có mùi giống như mùi bột đá, bột xương. Phòng Sinh vật học có mùi giống như mùi phoóc môn và mùi hoa quả hỏng; nó được chất đầy với những chiếc bình làm lạnh nặng nề trong đó nổi lềnh bềnh vài thứ, cô chỉ có thể tự diễn tả đó là: hình dáng như sợi dây ngoằn ngoèo, nhợt nhạt của những con rắn chuông, đôi tay dữ dội của con khỉ đột. Phòng Côn trùng học có mùi như mùi băng phiến và dầu: tiến sĩ Geffard giải thích đó là một chất bảo quản được gọi là naphtalin. Phòng hành chính có mùi giấy than, hoặc thuốc lá, hoặc rượu brandy, hoặc nước hoa. Hoặc cả bốn mùi.
Cô đi theo dây cáp và ống dẫn, rào chắn và dây thừng, hàng rào và vỉa hè. Cô sợ người. Cô không bao giờ biết liệu mình có thể hồi phục thị lực hay không.
Bọn trẻ mà cô gặp đầy những thắc mắc: Có đau không? Bạn có nhắm mắt ngủ không? Làm cách nào bạn biết đang là mấy giờ? Cô giải thích, mù chẳng hề đau. Và chẳng hề tối tăm, không phải
kiểu bóng tối mọi người nghĩ. Mọi thứ được tạo thành bởi những tấm lưới, tấm rèm và sự dịch chuyển của âm thanh, kết cấu. Cô đi một vòng quanh Gian trưng bày chính, tìm đường đi giữa những tấm ván sàn kêu cọt kẹt; cô nghe tiếng bước chân nặng nề đi lên xuống các cầu thang bảo tàng, tiếng thét của đứa trẻ mới chập chững biết đi, tiếng rên rỉ của một bà lão mệt lử ngồi xuống cái ghế dài.
Màu sắc - một điểm khác mà mọi người không nghĩ đến. Trong trí tưởng tượng của cô, trong những giấc mơ của cô, mọi thứ đều có màu sắc. Những tòa nhà của viện bảo tàng có màu be, màu hạt dẻ, màu nâu đỏ. Những nhà khoa học trong bảo tàng có màu hoa cà, màu vàng chanh và màu nâu lông cáo. Hợp âm đàn piano vang lên từ loa máy thu thanh trong trạm gác phát ra màu đen sẫm và nhiều sắc xanh dương xuống hành lang hướng đến quầy treo chìa khóa. Tiếng chuông nhà thờ tỏa ra những hình cung màu đồng nghiêng nghiêng qua khung cửa sổ. Những con ong có màu bạc, chim bồ câu có màu hoe, màu nâu vàng và thỉnh thoảng là màu vàng. Cây bách cổ thụ mà hai cha con đi qua mỗi buổi sáng lung linh như kính vạn hoa, mỗi chiếc lá kim là một luồng ánh sáng hình đa giác.
Cô không có hồi ức gì về mẹ, nhưng cô hình dung bà giống một màu trắng sáng chói tĩnh lặng. Cha tỏa ra hàng ngàn sắc màu, màu ngọc mắt mèo, màu đỏ của trái dâu tây, màu nâu đỏ sẫm, màu lục thẫm; cha có mùi như dầu và kim loại, cảm giác như một lẫy khóa trượt ra khỏi ổ, chùm chìa khóa của cha kêu leng keng như tiếng chuông khi cha bước đi. Cha có màu xanh ô liu khi nói chuyện với một trưởng bộ phận, một loạt sắc cam khác nhau khi cha chuyện trò
với cô Fleury ở nhà kính, màu đỏ tươi khi cha nấu ăn. Cha bừng sáng màu ngọc bích khi khom người trên bàn làm việc vào buổi tối, khẽ ngâm nga khi làm việc, đầu điếu thuốc của cha lập lòe màu xanh dương.
Cô bị lạc. Các thư ký hay các nhà thực vật học, có lần là trợ lý giám đốc, dẫn cô quay về quầy treo chìa khóa. Cô tò mò, cô muốn biết sự khác nhau giữa tảo và địa y, giữa con trai Charruanus và con trai Delodontus. Những nhà nghiên cứu nổi danh cầm khuỷu tay cô và dẫn cô đi qua khu vườn hay dắt cô đi lên cầu thang. Họ sẽ nói rằng, “bác cũng có một cô con gái”, hay “tôi tìm thấy cô bé giữa bầy chim ruồi.”
Cha cô trả lời, “Toutes mes excuses. Thành thật xin lỗi.” Cha đốt một điếu thuốc, lấy từng chìa khóa ra khỏi túi. Cha thì thầm, “Ba sẽ phải làm gì với con đây?”
Vào ngày sinh nhật lần thứ chín, lúc tỉnh dậy, cô tìm thấy hai món quà. Món quà đầu tiên là một hộp gỗ mà cô không thể tìm ra chỗ mở. Cô xoay tới xoay lui. Mất một lúc cô mới nhận ra một cạnh có gắn một cái lò xo. Cô ấn vào đấy và cái hộp bung ra. Bên trong là một thanh kem pho mát Camembert và cô đút ngay vào miệng.
“Quá dễ!”, cha cười.
Món quà thứ hai nặng, gói trong giấy và buộc bằng dây bện. Bên trong là một cuốn sách dày đóng gáy lò xo. Bằng chữ Braille. “Họ nói cuốn sách này dành cho con trai. Hay những cô gái thích phiêu lưu mạo hiểm.” Cô có thể nghe được tiếng cười trong giọng cha.
Cô lướt đầu ngón tay qua trang tiêu đề rập nổi. Vòng. Quanh.
Thế. Giới. Trong. Tám. Mươi. Ngày. “Ba ơi, nó đắt lắm.” “Ba mới là người phải lo chuyện đó.”
Sáng hôm đó, Marie-Laure bò xuống dưới quầy treo khóa, nằm sấp và đặt cả mười ngón tay lên một hàng trên trang sách. Tiếng Pháp dường như được dập theo kiểu chữ cổ, các chấm nổi được in sít hơn kiểu chữ cô thường đọc. Nhưng sau một tuần, nó trở nên dễ dàng. Cô tìm dải ruy băng đã dùng để đánh dấu, mở cuốn sách ra và quên bẵng viện bảo tàng.
Ngài Fogg bí ẩn sống một cuộc đời như một cái máy. Jean Passepartout trở thành người hầu thân tín của ngài. Hai tháng sau, khi đã đọc đến dòng cuối cùng của quyển sách, cô quay lại trang đầu và bắt đầu lại từ đầu. Đến tối, cô lướt đầu ngón tay qua mô hình của cha: tháp chuông, tủ kính bày hàng. Cô tưởng tượng ra các nhân vật của Jules Verne* bước đi trên đường, tán gẫu trong các cửa hiệu; một người làm bánh mì cao nửa inch đẩy những ổ bánh mì tí hon vào và ra khỏi lò; ba tên trộm nhỏ xíu bàn mưu tính kế khi chúng chầm chậm đi ngang qua tiệm kim hoàn; những chiếc xe ô tô nhỏ xíu ầm ầm lao trên đường Mirbel, cần gạt nước trượt qua lại. Phía sau một cánh cửa sổ trên tầng bốn đường Patriarches, một phiên bản thu nhỏ của cha cô ngồi trên bàn làm việc nhỏ xíu trong tòa nhà thu nhỏ của họ, giống y như cha làm ngoài đời thực, đang dùng cát đánh bóng mấy miếng gỗ nhỏ xíu; bên kia phòng là một bé gái tí hon gầy gò, thông minh, một cuốn sách đang mở đặt trong lòng; trong ngực cô bé đập rộn rã điều gì đó trọng đại, điều gì đó đầy khát khao, điều gì đó không sợ hãi.
GIÁO SƯ
“Anh phải thề”, Jutta nói. “Anh có thề không?” Giữa mấy cái trống han gỉ, săm xe tả tơi và dưới đáy bãi mùn quặng, cô tìm thấy một sợi dây đồng dài mười thước. Đôi mắt cô sáng rực.
Werner nhìn chằm chằm vào mấy tán cây, qua bãi mùn quặng và nhìn lại em gái. “Anh thề.”
Hai anh em lén mang cuộn dây về nhà và móc nó vòng quanh mấy cái lỗ đinh trên mái hắt bên ngoài cửa sổ gác mái. Rồi chúng nối nó với cái điện đài của mình. Gần như ngay tức thì, trên băng sóng ngắn, chúng có thể nghe thấy ai đó nói bằng một ngôn ngữ lạ đầy âm z và s.
“Có phải tiếng Nga không?”
Werner nghĩ đó là tiếng Hungary.
Ánh mắt Jutta mơ màng và hăng hái. “Hungary cách đây bao xa?”
“Một nghìn ki-lô-mét?”
Cô há hốc miệng.
Hóa ra những giọng nói được truyền đến Zollverein từ khắp các châu lục, xuyên qua các tầng mây, bụi than, mái nhà. Không khí di chuyển cùng với chúng. Jutta làm một cái thước phù hợp với cái thang chia độ Werner vẽ trên cuộn chỉnh sóng, cẩn thận viết đúng chính tả tên từng thành phố họ bắt được sóng. Verona 65, Dresden
88, London 100, Roma, Paris, Lyon. Tần sóng ngắn trong đêm khuya là địa phận của những kẻ du mục và mơ mộng, những con người điên rồ và diễn giả ngông cuồng.
Sau khi cầu nguyện, sau khi đèn đã tắt hết, Jutta lẻn lên gác mái với anh hai, thay vì cùng vẽ, hai anh em nằm sát vào nhau nghe đài cho đến nửa đêm, đến một giờ sáng, đến hai giờ sáng. Họ nghe những bản tin tiếng Anh mà họ không thể hiểu; họ nghe một phụ nữ Berlin giảng giải về cách thức tổ chức một bữa tiệc cocktail*.
Một đêm nọ, Werner và Jutta dò được một chương trình phát thanh tổng hợp có giọng một phát thanh viên nam đang nói về ánh sáng bằng giọng Pháp nhẹ.
Não bộ bị bao phủ hoàn toàn trong bóng tối, hẳn nhiên là vậy, các em nhỏ à, giọng nói vang lên. Nó trôi nổi trong một chất lỏng trong suốt bên trong vỏ não, không bao giờ có ánh sáng. Tuy nhiên thế giới nó xây dựng trong trí óc lại tràn đầy ánh sáng. Thế giới đó tràn ngập màu sắc và chuyển động. Vì vậy, các em à, bằng cách nào mà bộ não chẳng hề biết đến chút ánh sáng nào, lại dựng nên cho chúng ta một thế giới ngập tràn ánh sáng?
Chương trình phát ra tiếng xì xì và tắt phụt.
“Chuyện gì vậy?”, Jutta thì thào hỏi.
Werner không trả lời. Giọng nói của người đàn ông Pháp đó thật mượt mà. Giọng của anh ta khác hẳn cô Elena, tuy nhiên, giọng nói ấy quá truyền cảm, quá cuốn hút, đến nỗi Werner nhận ra cậu có thể hiểu mọi từ. Người Pháp ấy nói về ảo giác, điện từ học; có một khoảng ngừng và rè rè, như thể một đĩa hát bị xước, sau đó anh ta ca ngợi than đá.
Hãy nghĩ về một mẩu than đỏ trong bếp lò gia đình mình. Các em quan sát nó chưa? Khúc than ấy từng là một cây xanh, một cây dương xỉ hay cây sậy cách đây một triệu năm, hay có khi hai triệu năm hoặc một trăm triệu năm. Các em có thể hình dung một trăm triệu năm không? Suốt cuộc đời cây ấy, mùa hè, lá cây hấp thụ toàn bộ ánh sáng chúng nhận được và chuyển hóa năng lượng mặt trời vào bên trong cây. Trong vỏ cây, cành cây, thân cây. Vì cây ăn ánh sáng, gần giống cách chúng ta ăn thức ăn. Nhưng rồi cây chết và bị đổ, có thể là xuống nước, và bị phân hủy thành than bùn, than bùn bị vùi sâu dưới lòng đất từ năm này qua năm khác - qua nhiều niên đại mà nếu so với nó thì khoảng thời gian một tháng, một thập kỷ hay thậm chí cả cuộc đời bạn chỉ giống như một hơi thở, một cái búng tay. Cuối cùng than bùn khô và trở nên cứng như đá, ai đó đào nó lên, rồi người bán than mang nó đến nhà bạn, có khi chính bạn đem nó đến bếp lò, và giờ đây ánh sáng mặt trời đó - ánh sáng mặt trời một trăm triệu năm tuổi đang sưởi ấm ngôi nhà bạn đêm nay…
Thời gian trôi chậm. Căn gác mái biến mất. Jutta biến mất. Đã có ai từng nói tường tận với Werner về chính những thứ mà cậu tò mò muốn biết nhất?
Hãy mở đôi mắt, người đàn ông ấy kết luận, và hãy nhìn những gì bạn có thể nhìn trước khi chúng khép mãi mãi, sau đó tiếng đàn piano vang lên, một giai điệu độc tấu khiến Werner liên tưởng đến một con thuyền bằng vàng trôi trên dòng sông đen thẳm, một chuỗi hòa âm đã làm biến đổi Zollverein: những ngôi nhà trở nên mờ ảo, các khu mỏ được lấp kín, những ống khói nhà máy đổ xuống, một con sóng biển cổ xưa tràn vào thành phố, hi vọng tuôn trào trong
không khí.
LỬA BIỂN
Những tin đồn lan truyền trong viện bảo tàng Paris, nhanh chóng và được thêu dệt rực rỡ như những chiếc khăn quàng cổ. Người ta cho rằng viện bảo tàng đang trưng bày một viên đá quý nào đó, viên đá quý này có giá trị hơn bất cứ thứ gì đã được trưng bày.
“Nghe nói”, Marie-Laure tình cờ nghe được một người nhồi bông thú nói với người khác, “viên đá đến từ Nhật Bản, rất cổ, của một Mạc chúa ở thế kỷ mười một.”
“Tôi nghe nói”, người kia nói, “nó đã được mang ra khỏi hầm bảo tàng của chúng ta. Nó đã được cất ở đây lâu lắm rồi, nhưng vì quy định nào đó mà chúng ta không được phép trưng bày nó.” Ngày nọ, nó chỉ là một khối magie hydro cacbonat hiếm, hôm sau nó lại là một viên đá saphia sao có thể đốt cháy bàn tay người nào chạm vào. Sau đó nó trở thành một viên kim cương, chắc chắn là kim cương. Vài người gọi nó là Viên Đá Dẫn Đường, những người khác gọi nó là Khon-Ma*, nhưng chẳng bao lâu sau mọi người gọi nó là Lửa Biển.”
Marie-Laure nghĩ: bốn năm đã trôi qua.
“Tai họa”, một người bảo vệ ở trạm gác nói. “Đem đến bất hạnh cho bất kì người nào giữ nó. Tôi nghe nói tất cả chín người chủ trước của nó đều tự tử.”
“Tôi nghe nói bất kì người nào cầm nó mà không đeo găng tay sẽ chết trong vòng một tuần”, người thứ hai lên tiếng.
“Không, không, nếu ai giữ nó, người đó không thể chết, nhưng người xung quanh họ sẽ chết trong vòng một tháng. Hay có lẽ một năm.”
“Tốt hơn tôi nên chạm tay vào nó!”, người thứ ba bật cười, nói. Tim Marie-Laure đập mạnh. Mười tuổi và trên tấm màn đen của tâm trí cô có thể tưởng tượng ra bất cứ điều gì: một chiếc du thuyền, một trận đấu kiếm, đấu trường La Mã sôi động đầy màu sắc. Cô đã đọc Vòng quanh thế giới trong tám mươi ngày cho đến khi những chữ Braille bị mòn và nhòe; sinh nhật năm nay, cha tặng cô một cuốn sách còn dày hơn: Ba chàng lính ngự lâm của Dumas. Marie-Laure nghe nói rằng viên kim cương màu xanh lục nhạt và to như khuy áo choàng. Rồi cô nghe nói rằng nó to như hộp diêm. Một ngày sau, nó biến thành màu xanh dương và to như nắm tay em bé. Cô hình dung ra một nữ thần giận dữ sải bước trên hành lang, thổi những lời nguyền vào viện bảo tàng như những đám mây độc. Lời nói của cha làm trí tưởng tượng của cô xẹp xuống. Đá chỉ là đá, mưa chỉ là mưa và bất hạnh chỉ là vận rủi. Một vài thứ chỉ đơn thuần là hiếm hơn thứ khác, vì vậy mà có ổ khóa.
“Nhưng, ba ơi, ba có tin nó là thật?”
“Viên kim cương hay lời nguyền?”
“Cả hai. Một trong hai.”
“Chúng chỉ là truyền thuyết thôi, Marie.”
Tuy nhiên, bất cứ khi nào có điều gì đó không ổn, nhân viên bảo tàng lại xì xào rằng đó là do viên kim cương. Điện cúp trong một giờ: do viên kim cương. Một ống dẫn bị rò làm hư hỏng toàn bộ giá
đựng các mẫu thực vật ép khô: do viên kim cương. Lúc vợ ông giám đốc trượt ngã trên băng ở quảng trường Vosges và xương cổ tay bị nứt hai chỗ thì tin đồn bùng nổ trong viện bảo tàng.
Trong khoảng thời gian đó, cha của Marie-Laure được gọi lên phòng giám đốc. Cha ở trên đó hai tiếng đồng hồ. Cô nhớ lại có khi nào cha được gọi lên phòng giám đốc để họp trong hai tiếng không? Chưa bao giờ.
Gần như ngay sau đó, cha cô bắt đầu làm rất nhiều việc trong Phòng trưng bày Khoáng vật học. Trong nhiều tuần, cha kéo mấy chiếc xe chở những bộ phận thiết bị khác nhau ra vào quầy treo chìa khóa, làm việc rất lâu sau khi bảo tàng đóng cửa, đêm nào cha cũng có mùi hàn xì và mùn cưa khi trở về quầy treo chìa khóa. Mỗi lần cô xin đi cùng, cha đều phản đối. Cha nói, tốt nhất cô nên ở lại quầy treo chìa khóa với cuốn sách chữ Braille hay lên Phòng nghiên cứu động vật thân mềm.
Cô quấy rầy cha vào bữa sáng. “Ba đang làm một cái hộp đặc biệt để trưng bày viên kim cương đó. Một loại két sắt trong suốt nào đó.”
Cha đốt một điếu thuốc. “Lấy cuốn sách của con đi, Marie. Đến giờ đi rồi.”
Câu trả lời của tiến sĩ Geffard cũng chẳng khá hơn. “Cháu có biết kim cương - hay tất cả các loại tinh thể - được hình thành như thế nào không, Laurette? Bằng cách bồi thêm những lớp cực nhỏ, mỗi tháng bồi thêm vào hàng nghìn nguyên tử, lớp này chồng lên lớp kia. Từ thiên niên kỷ này qua thiên niên kỷ khác. Những truyền thuyết cũng được tích lũy như vậy. Tất cả những viên đá cổ đều có
hàng đống truyền thuyết. Chỉ một chút truyền thuyết cũng làm người ta sửng sốt, rồi tò mò về nó đến nỗi có thể làm cho vua Alaric* đánh chiếm thành Roma; nó có thể làm cho ánh mắt của các Pharaon sáng bừng. Các nữ hoàng Scythia* có thể đeo nó nhảy suốt đêm. Chiến tranh có thể nổ ra vì tranh giành nó.”
“Ba nói lời nguyền chỉ là những câu chuyện được dựng lên để ngăn cản những tên trộm. Ba nói nơi này có sáu mươi lăm triệu mẫu vật và nếu cháu tìm được đúng giáo viên thì mỗi mẫu vật đều thú vị như nhau.”
Tiến sĩ nói, “Có một số thứ nhất định vẫn thôi thúc con người. Chẳng hạn, ngọc trai và những vỏ ốc xoắn trái, những vỏ ốc hướng về bên trái. Thậm chí thỉnh thoảng những nhà khoa học giỏi nhất cũng cảm thấy một sự thôi thúc để nhét thứ gì đó vào trong túi. Thứ gì đó rất nhỏ bé có thể hết sức đẹp đẽ. Rất đáng giá. Chỉ những người mạnh mẽ nhất mới có thể chống lại được cảm giác thôi thúc ấy.”
Cả hai im lặng trong một lát.
Marie-Laure lên tiếng, “Cháu nghe nói viên kim cương giống như một tia sáng từ thế giới ban sơ. Trước khi nó rơi xuống, một tia sáng từ Chúa trút xuống trần gian.”
“Cháu muốn biết nó trông như thế nào. Đó là lý do cháu tò mò.” Cô cuộn con ốc gai trong tay, đưa nó lên tai. Hàng nghìn ngăn kéo, hàng nghìn tiếng xì xào bên trong hàng nghìn vỏ ốc. “Không. Cháu muốn tin rằng ba không ở gần viên đá.”
HÃY MỞ MẮT
Werner và Jutta cứ tìm đi tìm lại chương trình của nam phát thanh viên người Pháp. Thường vào giờ đi ngủ, giữa số lượng các đài phát thanh quen thuộc ngày càng tăng.
Này các em, hôm nay hãy tìm hiểu về vòng quay của máy móc, chắc chắn điều này sẽ làm cho tâm trí các em say sưa và đãng trí cào lông mày của mình... Họ nghe một chương trình về các sinh vật biển, một chương trình khác về Bắc Cực. Jutta thích chương trình nói về các nam châm. Chương trình Werner yêu thích là về ánh sáng: thiên thực*, đồng hồ mặt trời, tia cực quang và các bước sóng. Chúng ta gọi những ánh sáng hữu hình là gì? Chúng ta gọi chúng là màu sắc. Nhưng quang phổ điện từ* chạy từ tần số không cho đến vô cực, vì vậy thật ra, các em à, về mặt toán học, tất cả ánh sáng đều vô hình.
Werner thích nép mình dưới cửa sổ gác mái và tưởng tượng sóng điện đài giống như những dây đàn hạc dài hàng dặm, uốn lượn và ngân vang khắp Zollverein, bay qua những khu rừng, những thành phố, những bức tường. Đến nửa đêm, cậu và Jutta dò dẫm trên tầng điện ly*, tìm kiếm giọng nói truyền cảm, uyên thâm ấy. Khi hai anh em tìm được, Werner cảm thấy như thể cậu được bước vào một cuộc sống hoàn toàn khác, một nơi bí mật có thể tìm thấy những phát kiến tuyệt vời, ở nơi ấy một đứa trẻ mồ côi đến từ mỏ than có thể làm sáng tỏ điều huyền bí quan trọng nào đó bị che
khuất trong thế giới vật chất.
Cậu và em gái bắt chước những thí nghiệm của phát thanh viên người Pháp; hai anh em làm xuồng cao tốc từ những que diêm và nam châm từ những cái kim khâu.
“Sao ông ấy không nói ông ấy đến từ đâu, Werner?” “Có lẽ bởi vì ông ấy không muốn chúng ta biết thì sao?” “Giọng ông ấy giống người thượng lưu. Và cô đơn. Em đoán
chắc ông ấy làm những chương trình đó từ một biệt thự lớn, to như cả khu mỏ, một tòa nhà có hàng nghìn phòng và hàng nghìn người hầu.”
Werner mỉm cười. “Có lẽ vậy.”
Giọng nói, lại tiếng piano. Có lẽ chỉ là tưởng tượng của Werner, nhưng cứ mỗi lần cậu nghe chương trình ấy, thì chất lượng sóng lại giảm xuống một chút, âm thanh ngày càng khó nghe hơn: như thể chương trình phát thanh ấy được phát từ một con tàu thủy đang ngày càng đi xa hơn.
Nhiều tuần trôi qua, với Jutta ngủ bên cạnh, Werner nhìn lên bầu trời đêm và sự náo động trào dâng trong cậu. Cuộc sống diễn ra bên ngoài những nhà máy, bên ngoài những cánh cổng. Ở ngoài đó người ta theo đuổi những vấn đề rất quan trọng. Cậu tưởng tượng mình là một kỹ sư cao lớn mặc áo choàng màu trắng đang bước vào một phòng thí nghiệm: những cái vạc bốc hơi nghi ngút, tiếng máy móc chuyển động ầm ầm, những biểu đồ phức tạp gắn trên tường. Cậu xách một cái đèn đi lên cầu thang uốn lượn đến đài thiên văn và nhìn qua thị kính của kính viễn vọng lớn, ống ngắm chĩa lên bầu trời đen thẳm.
XA DẦN
Có lẽ người hướng dẫn tham quan già là người dở hơi. Có lẽ viên đá Lửa Biển chưa từng tồn tại, có lẽ những lời nguyền chẳng có thật, có lẽ cha đã đúng: Trái đất bao gồm đá mắc ma*, vỏ lục địa và đại dương. Trọng lực và thời gian. Đá chỉ là đá, mưa chỉ là mưa và bất hạnh chỉ là vận rủi.
Buổi tối cha trở về quầy treo khóa sớm hơn. Không lâu sau, cha lại dẫn Marie-Laure cùng đi làm các việc lặt vặt, trêu chọc cô về núi đường cô xúc vào ly cà phê của mình hay chuyện phiếm với người gác cổng về một nhãn hiệu thuốc lá ngon hơn. Không có viên đá quý chói lóa mới nào được đưa ra triển lãm. Không có tai họa nào trút xuống nhân viên bảo tàng; Marie-Laure không phải chết vì vết rắn cắn hay ngã xuống cống và gãy lưng.
Vào buổi sáng sinh nhật mười một tuổi, cô thức dậy và tìm thấy hai gói quà đặt ở chỗ bát đường. Món quà đầu tiên là một hình lập phương bằng gỗ quét sơn được làm bằng những tấm gỗ trượt. Mất mười ba bước để mở và chưa đầy năm phút cô đã tìm ra cách mở.
“Lạy Chúa”, cha kêu lên, “con là chuyên gia phá khóa.” Bên trong hộp là hai thanh kẹo Bamier. Cô mở giấy gói và bỏ cả hai thanh kẹo vào miệng cùng lúc.
Trong gói quà thứ hai: một tập giấy dày với hàng chữ Braille ở ngoài bìa. Hai. Vạn. Dặm. Dưới. Biển.
“Người bán sách nói là có hai tập. Đây là tập một. Ba nghĩ là năm
tới, nếu chúng ta tiết kiệm, chúng ta có thể mua tập hai.” Cô bắt đầu đọc ngay. Người kể chuyện là một nhà nghiên cứu sinh vật biển lừng danh tên là Pierre Aronnax, cũng làm việc ở viện bảo tàng như cha cô. Ông đi khắp nơi trên thế giới, nghiên cứu từ con tàu bị đắm này tới con tàu bị đắm khác. Sau một cuộc thám hiểm châu Mỹ, giáo sư Aronnax suy ngẫm về bản chất thật sự của các sự cố đó. Phải chăng chúng là do một tảng đá ngầm di động? Một con kỳ lân biển có sừng khổng lồ chăng? Một con thủy quái khổng lồ trong truyền thuyết*?
Nhưng tôi đã để cho những ảo tưởng dẫn dắt và giờ tôi phải gạt chúng sang một bên, giáo sư Aronnax viết. Những ý nghĩ kì quặc như vậy là đủ rồi.
Marie-Laure nằm sấp cả ngày và đọc. Lập luận, lý lẽ, khoa học thuần túy: giáo sư Aronnax khăng khăng rằng đây là những phương thức đúng đắn để theo đuổi những điều huyền bí. Không phải là những truyền thuyết và truyện cổ tích. Các ngón tay cô lướt trên những hàng chữ; trong trí tưởng tượng, cô bước trên boong của con tàu chiến bọc sắt có hai ống khói tên là Abraham Lincoln. Cô ngắm thành phố New York đang dần xa; những khẩu súng thần công trên các pháo đài ở New Jersey chào mừng chuyến hành trình của cô; những cột đèn hiệu nhấp nhô trên sóng. Một thuyền hiệu với hai cặp đèn pha lướt qua khi châu Mỹ xa dần; Đại Tây Dương mênh mông hùng vĩ đang chờ đón ở phía trước.
CƠ HỌC CĂN BẢN
Vợ chồng ngài Thứ trưởng đến thăm Trại Trẻ. Cô Elena nói họ đang đi kinh lý các trại trẻ mồ côi.
Mọi người tắm rửa, mọi người cư xử lễ phép. Bọn trẻ xì xào, có lẽ chúng đang được xem xét nhận nuôi. Những đứa con gái lớn nhất trại phục vụ bánh mì được làm từ lúa mạch đen và gan ngỗng trên những cái đĩa lành lặn cuối cùng của Trại Trẻ trong khi vị Thứ trưởng bệ vệ và cô vợ nghiêm nghị quan sát phòng khách như thể nhà vua vi hành đến thăm căn nhà gỗ nhỏ của những người lùn đáng ghét. Khi dọn bữa tối, Werner ngồi ở cuối bàn của đám con trai với một cuốn sách trong lòng. Jutta ngồi đối diện ở cuối hàng nữ, mái tóc xoăn trắng sáng của cô rối tung, vì vậy nhìn cô như thể bị điện giật.
Cầu Chúa phù hộ cho chúng con và những tặng phẩm này của Người. Cô Elena thêm vào một lời cầu nguyện thứ hai về khoản tiền hỗ trợ của ngài Thứ trưởng. Mọi người cắm cúi ăn.
Bọn trẻ hoảng sợ; thậm chí Hans Schilzer và Herribert Pomsel, mặc áo Đảng viên Đảng Quốc xã cũng ngồi yên lặng. Vợ Thứ trưởng ngồi thẳng đơ như thể xương sống bà được đẽo từ cây sồi.
Ngài Thứ trưởng nói, “và mỗi đứa trẻ đều giúp chuẩn bị bữa tối phải không?”
“Dĩ nhiên ạ. Ví dụ, Claudia sắp rổ bánh mì. Và hai đứa sinh đôi rửa gan.”
Má Claudia Forster đỏ ửng. Hai đứa sinh đôi đá lông nheo. Đầu óc Werner để tận đâu đâu, cậu đang nghĩ về cuốn sách đặt trong lòng, Cơ học căn bản của Heinrich Hertz*. Cậu tìm thấy nó dưới tầng hầm nhà thờ, ố vàng và mốc meo, có từ hàng thập kỷ, mục sư cho phép cậu mang về nhà, cô Elena cho phép cậu giữ nó và mấy tuần nay Werner đang vật lộn với những phương trình toán học hóc búa. Điện, Werner đang nghiên cứu, có thể tự tích điện. Nhưng khi kết hợp điện với từ, đột nhiên bạn có chuyển động - sóng. Điện trường và mạch điện, dẫn điện và cảm ứng. Khoảng cách, thời gian, khối lượng. Không khí tích rất nhiều điện không thể nhìn thấy! Sao mà cậu ước cậu có đôi mắt nhìn được tia tử ngoại, nhìn được tia hồng ngoại, nhìn được sóng điện đài tập trung trên bầu trời đen thẳm, xuyên qua những bức tường của Trại Trẻ. Khi cậu ngước nhìn lên, mọi người đang nhìn cậu chằm chằm. Ánh mắt cô Elena hoảng hốt.
“Đó là một cuốn sách, thưa ngài”, Hans Schilzer mách. Gã giật cuốn sách khỏi lòng Werner. Cuốn sách khá nặng nên gã phải dùng cả hai tay nhấc nó lên.
Có vài nếp nhăn cau lại trên trán vợ ngài Thứ trưởng. Werner cảm thấy má mình nóng bừng.
Ngài Thứ trưởng đưa bàn tay béo ú ra. “Đưa cuốn sách đây.” “Đó có phải một cuốn sách của bọn Do Thái?”, Herribert Pomsel hỏi. “Một cuốn sách của bọn Do Thái, đúng không?” Cô Elena trông như thể định lên tiếng, rồi nghĩ lại.
Werner nói, “Hertz sinh ra ở Hamburg.”
Jutta nói trổng, “Anh trai tôi rất giỏi môn Toán. Anh ấy giỏi hơn mọi học sinh ở trường. Chắc chắn một ngày nào đó anh ấy sẽ giành được một giải thưởng lớn. Anh ấy nói chúng tôi sẽ đến Berlin và học với những nhà khoa học xuất chúng.”
Bọn trẻ nhỏ há hốc miệng, mấy đứa lớn cười khẩy. Werner nhìn chòng chọc vào đĩa. Ngài Thứ trưởng cau mày khi ông ta lật cuốn sách. Hans Schilzer đá vào ống quyển Werner và ho. Cô Elena quát, “Đủ rồi, Jutta.”
Vợ ngài Thứ trưởng xúc một nĩa đầy gan, nhai, nuốt, chấm khăn ăn vào hai khoé miệng. Ngài Thứ trưởng đặt cuốn Cơ học căn bản xuống bàn, đẩy nó ra, rồi liếc nhìn lòng bàn tay như thể cuốn sách đã làm bẩn tay ông ta. Ông ta nói, “Cô bé, nơi duy nhất mà anh trai cô sẽ đến là mỏ than. Ngay khi bước sang tuổi mười lăm. Như tất cả những cậu trai khác ở Trại Trẻ này.”
Jutta cau có, Werner nhìn chằm chằm vào chỗ gan đã đông lại trên đĩa mình bằng đôi mắt tóe lửa, thứ gì đó trong ngực cậu ngày càng thít chặt lại và âm thanh duy nhất vang lên suốt khoảng thời gian còn lại của bữa tối là tiếng bọn trẻ cắt, nhai, nuốt.
TIN ĐỒN
Nhiều tin đồn mới xuất hiện. Chúng xào xạc dọc các lối đi của vườn bách thảo Paris và uốn lượn khắp bảo tàng; chúng dội lại trong các vị trí cố thủ bụi bặm của các nhà thực vật học già cả đang nghiên cứu các loại rêu ngoại lai. Tin đồn nói rằng quân Đức sắp đến.
“Quân Đức”, người thợ làm vườn khẳng định, “có sáu mươi nghìn máy bay chiến đấu; quân Đức có thể hành quân trong nhiều ngày mà không cần ăn; quân Đức giao cấu với bất cứ nữ sinh nào chúng gặp.” Một phụ nữ đứng sau quầy bán vé nói rằng quân Đức mang lựu đạn khói và giắt súng chống tên lửa ở thắt lưng; “quân phục của chúng”, cô thì thào, “được làm từ một chất liệu còn cứng hơn thép.”
Marie-Laure ngồi trên chiếc ghế dài cạnh Gian trưng bày động vật thân mềm và lắng tai nghe những nhóm người đi ngang qua. Một chàng trai buột miệng, “Bọn Đức có một quả bom tên là Hiệu lệnh ngầm. Nó phát ra một âm thanh mà bất cứ ai nghe được đều phải mặc quần lót ra khỏi phòng tắm.”
Một tràng cười.
“Tôi nghe nói chúng phát sô-cô-la tẩm độc.”
“Tôi nghe nói chúng nhốt người tàn tật và trẻ em ở mọi nơi chúng đến.”
Mỗi lần Marie-Laure lặp lại tin đồn khác nhau với cha, cha đáp
“Đức à” với một dấu chấm hỏi phía sau, như thể đó là lần đầu tiên ông nói thế. Cha bảo chẳng việc gì phải lo lắng đến việc bị người Áo chiếm đóng. Cha nói rằng mọi người vẫn còn nhớ cuộc chiến tranh gần đây và chẳng ai điên đến mức phát động chiến tranh lần nữa. Giám đốc chẳng hề lo ngại, các trưởng bộ phận cũng vậy, vì vậy những cô gái nhỏ đang tuổi ăn tuổi học cũng không nên lo lắng.
Dường như điều đó đúng: chẳng có gì thay đổi ngoại trừ ngày trong tuần. Marie-Laure thức dậy mỗi buổi sáng, mặc quần áo, đi theo cha qua cổng số 2, nghe cha chào hỏi người trực đêm và ông gác cổng.
Bonjour bonjour. Bonjour bonjour. Xin chào xin chào. Xin chào xin chào. Các nhà khoa học và thủ thư vẫn lấy chìa khóa của mình vào buổi sáng, vẫn nghiên cứu răng của những loài voi cổ đại, loài sứa ngoại lai, các tấm mẫu cây. Những thư ký vẫn bàn luận về thời trang; giám đốc vẫn đến bảo tàng bằng chiếc xe limousine hiệu Delage hai màu; mỗi trưa những người châu Phi bán hàng rong vẫn khẽ đẩy những chiếc xe dọc sảnh với tiếng rao bán bánh mì đen kẹp trứng, bánh mì đen kẹp trứng.
Marie-Laure đọc truyện của Jules Verne trong quầy treo khóa, trong nhà vệ sinh, trên hành lang; cô đọc trên ghế dài ở Gian trưng bày chính và bên ngoài hàng trăm lối đi trải sỏi ở vườn cây. Cô đọc tập một cuốn Hai vạn dặm dưới biển rất nhiều lần, gần như thuộc lòng.
Biển là tất cả. Nó chiếm bảy phần mười trái đất... Biển chỉ là một nơi chứa đựng tất cả những sinh vật khổng lồ, dị thường. Biển chỉ là sự vận động và tình yêu là cuộc sống vô tận.