🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook 6 Phát Minh Làm Nên Thời Đại - Steven Johnson full prc pdf epub azw3 [Lịch Sử] Ebooks Nhóm Zalo Mục lục 1. Đánh giá về Steven Johnson 2. Lời giới thiệu: Sử gia robot và đôi cánh chim ruồi 3. Chương 1: Thủy tinh 4. Chương 2: Làm lạnh 5. Chương 3: Âm thanh 6. Chương 4: Làm sạch 7. Chương 5: Thời gian 8. Chương 6: Ánh sáng 9. Lời bạt: Nhà du hành thời gian 10. Chú dẫn 11. Thư mục tham khảo Đánh giá về Steven Johnson "Johnson là một học giả thông thái… Dòng suy nghĩ khó đoán định của anh khiến ta bị cuốn theo mãnh liệt. Để giải thích lý do tại sao một số ý tưởng đã đảo lộn thế giới, anh đã vận dụng nhiều môn học: hóa học, lịch sử xã hội, địa lý, thậm chí cả khoa học về hệ sinh thái.” – Los Angeles Times “Steven Johnson là bậc thầy về lịch sử ý tưởng… Cuốn sách này rất tường minh, thú vị và thách thức cảm giác chán chường thường thấy với những điều kỳ diệu quanh ta.” – The Guardian “Quan điểm [của Johnson] rất đơn giản, quan trọng và đúng dịp: Trong suốt tiến trình phát triển mau lẹ của các phát minh, có sự náo động khi cư dân thành phố cố gắng hiểu nó… Johnson là một cây bút tài năng, anh đưa ra những chủ đề phức tạp, rối rắm và khiến cho tiến trình phát triển của chúng trở nên dễ hiểu.” – The Washington Post “Giữa các cuốn sách tao nhã về lịch sử sáng chế công nghệ, Steven Johnson trở thành một trong những người tán thành vai trò hợp tác trong sáng tạo… Sự uyên bác của Johnson khiến ta có phần sửng sốt.” – The Wall Street Journal “Một cuốn sách thực sự khó tin… một lối sáng tạo khi nói về lịch sử.” – Jon Stewart “Cuốn sách này sở dĩ có thể mở mang cho người đọc vì khả năng đánh giá sự tiến bộ của loài người như một mạng lưới ảnh hưởng rộng lớn hơn là chuỗi phát minh đơn lẻ nổi tiếp nhau và kết quả là sự tụng ca tót vời với trí khôn nhân loại.” – The Daily Beast “Say mê tuyệt đối… thực là một cuốn sách đáng kinh ngạc.” – CBS This Morning “Độc giả của 6 phát minh làm nên thời đại không thể quên sự tài hoa của nhân loại, và của Johnson, những điều thường rối rắm nhưng có sức mạnh đáng kinh ngạc trong diễn tiến về sau.” – San Francisco Chronicle “[Johnson] viết về khoa học và công nghệ một cách tao nhã mà gần gụi, anh có sức lây lan niềm hứng khởi trong các chủ đề của mình… Mỗi chương sách đầy ăm ắp những liên kết lạ lùng, hấp dẫn.” – Barnes and Noble Review “Từ kỹ thuật lắp đặt cống ngầm, theo nghĩa đen, là nâng cả Chicago của thế kỷ 19 đến 23 người góp sức sáng tạo bóng đèn điện trước Thomas Edison, [6 phát minh làm nên thời đại] là một niềm phấn khích nhiều tầng cảm xúc.” – Nature Review “Sự lý giải rõ ràng và hấp dẫn về khoa học, phát minh, sự ngẫu nhiên và cảm hứng đã đưa đường đến thế giới ngày nay ta đang sống.” – Minneapolis Star Tribune Lời giới thiệu Sử gia robot và đôi cánh chim ruồi Khoảng hơn hai thập kỷ trước, Manuel De Landa, triết gia – nghệ sĩ người Mỹ gốc Mexico, đã xuất bản cuốn sách lạ lùng và thú vị mang tên War in the Age of Intelligent Machines (Chiến tranh trong Kỷ nguyên Máy móc thông minh). Đó chính xác là một bản phác họa xuất sắc về lịch sử khoa học công nghệ quân sự, nhưng không giống với bất kỳ tưởng tượng thông thường nào về thể loại này. Thay vì những bản hùng ca về kỹ thuật tàu ngầm được một giáo sư nào đó của Học viện Hải quân Hoa Kỳ chấp bút, cuốn sách của De Landa đan cài thuyết hỗn mang, sinh học tiến hóa, và triết học hậu cấu trúc luận Pháp vào lịch sử hình thành của viên đạn hình nêm, ra-đa và các phát minh quân sự khác. Tôi nhớ thời đọc cuốn sách này lúc còn là một sinh viên sau đại học ngoài hai mươi tuổi, tôi từng nghĩ đây là cuốn sách độc đáo đến mức De Landa hẳn phải đến từ một hành tinh văn minh ngoài Trái đất. Nó vừa mê hoặc lại vừa khiến ta bối rối sâu sắc. De Landa mở đầu cuốn sách với lối đặt vấn đề thông minh bất ngờ. Ông đặt giả định về một tác phẩm lịch sử của thiên niên kỷ trước do một dạng trí tuệ nhân tạo viết vào thời điểm nào đó ở tương lai. De Landa lập luận: “Bạn hẳn tưởng tượng những sử gia robot đó sẽ viết nên một thứ lịch sử hoàn toàn khác so với sử gia con người.” Những sự kiện vĩ đại qua lời kể của con người – như cuộc chinh phục châu Mỹ của người da trắng, sự sụp đổ của đế chế La Mã, Đại Hiến chương Magna Carta – sẽ chỉ là tiểu tiết theo quan điểm của sử gia robot. Những sự kiện tưởng chừng nằm bên lề lịch sử – như những món đồ chơi tự động giả bộ chơi cờ ở thế kỷ 18, máy dệt Jacquard từng gợi cảm hứng cho phiếu đục lỗ của ngành máy tính thuở sơ khai – dưới ngòi bút của sử gia robot lại trở thành những sự kiện mang tính bước ngoặt, là sợi dây liên hệ trực tiếp tới hiện tại. “Trong khi sử gia con người cố gắng tìm hiểu cách con người tạo ra các cỗ máy, xe cơ giới và các loại máy móc khác; thì sử gia robot sẽ xem trọng ảnh hưởng của máy móc đến lịch sử tiến hóa của loài người. Sử gia robot sẽ nhấn mạnh rằng khi các cỗ máy trở thành công nghệ chủ đạo trên hành tinh này, con người đã hình dung thế giới xung quanh họ cũng là một hệ thống tương tự với răng cưa và bánh xe.” De Landa lý giải. Ơn Chúa, sẽ không có trí tuệ robot nào trong cuốn sách này. Các phát minh được đề cập ở đây không nằm trong truyện khoa học viễn tưởng mà đều thuộc về đời sống thực: bóng đèn điện, máy ghi âm, điều hòa, ly nước máy sạch, đồng hồ đeo tay, thấu kính. Nhưng tôi sẽ cố gắng kể về các phát minh này từ góc độ một cỗ máy viết sử như De Landa đề cập. Bởi nếu chiếc bóng đèn có thể viết về lịch sử 300 năm qua, hẳn cái lịch sử ấy sẽ rất khác. Chúng ta sẽ thấy quá khứ loài người gắn bó mật thiết với hành trình đi tìm ánh sáng nhân tạo, bao nhiêu tài năng và công sức đã đổ vào cuộc chiến chống lại bóng tối, và các phát minh đã thúc đẩy những thay đổi thoạt đầu tưởng chừng không liên quan gì tới bóng đèn ra sao. Đó là một lịch sử đáng để kể lại cho hậu thế, một phần bởi nó cho phép chúng ta nhìn lại thế giới mà bấy lâu ta vẫn mặc nhiên thừa nhận bằng con mắt khác. Trong thế giới phát triển ngày nay, chúng ta đa phần không dừng lại để nhận ra điều kỳ diệu của việc uống nước máy từ vòi mà không phải lo lắng rằng 48 giờ sau có thể chết vì bệnh tả. Nhờ có điều hòa, nhiều người có thể sống thoải mái trong các điều kiện khí hậu mà chỉ mới 50 năm trước còn là bất khả chịu đựng. Bao quanh chúng ta và trợ giúp chúng ta là hàng vạn món đồ được phù phép bởi ý tưởng và sáng tạo của hàng vạn người đi trước: nhà phát minh, người đam mê, nhà cải cách – họ đã từng bước giải quyết các vấn đề như ánh sáng nhân tạo hay nước sạch để ngày nay chúng ta có thể yên tâm, thoải mái tận hưởng các xa xỉ phẩm này, thậm chí chúng ta còn không nghĩ chúng là đồ xa xỉ. Các sử gia robot hẳn sẽ nhắc nhở chúng ta chịu ơn những con người ấy cũng nhiều như – thậm chí nhiều hơn – lòng tri ân mà chúng ta dành cho các bậc quân vương, thống lĩnh lẫy lừng hay yếu nhân trong lịch sử. Còn một lý do nữa để chúng ta quan tâm đến lịch sử từ giác độ này: những phát minh đó đã tạo đà cho một loạt thay đổi xã hội hơn cả mong đợi. Thông thường, các phát minh nảy sinh từ nỗ lực giải quyết một vấn đề cụ thể, nhưng khi được đưa vào đời sống, chúng lại kích hoạt những thay đổi khó lường. Trong sinh học, thuật ngữ cho hiện tượng này được gọi là đồng tiến hóa (coevolution). Hãy nghĩ về hành vi thụ phấn: ở kỷ Phấn trắng, các loài hoa tiến hóa về màu sắc và hương thơm để phát đi tín hiệu thông báo có phấn cho côn trùng; về phần mình, côn trùng cũng tiến hóa các công cụ tinh vi để lấy phấn hoa và vô tình thụ phấn cho bông hoa khác. Dần dần, hoa cũng bồi thêm phấn cùng mật ngọt ngào để dụ côn trùng tới thụ phấn. Ong và các loài côn trùng khác tiến hóa cơ quan cảm giác để có thể nhìn thấy và bị thu hút về phía hoa, cũng giống việc hoa tiến hóa các đặc tính thu hút loài ong. Đây là một dạng khác của quá trình chọn lọc tự nhiên, không phải kiểu cạnh tranh một mất một còn thông thường như trong phiên bản nói giảm của thuyết Darwin, mà thiên về tính cộng sinh: côn trùng và hoa đều có lợi vì chúng phù hợp với nhau về mặt lý tính. Tầm quan trọng của mối quan hệ này đã được Charles Darwin đề cập đến trong cuốn sách viết về thụ phấn của phong lan, xuất bản sau On the Origin of Species (Nguồn gốc các loài). Những tương tác đồng tiến hóa này thường kéo theo sự biến đổi của các sinh vật dường như không liên quan. Sự cộng sinh giữa thực vật có hoa và côn trùng rốt cuộc đã tạo cơ hội cho chim ruồi hút mật từ cây; tuy nhiên, để làm được điều này, chim ruồi đã phải tiến hóa để có một đặc điểm khí động học đặc biệt, cho phép chúng bay lượn quanh các bông hoa theo cách mà không loài chim nào làm được. Côn trùng có thể giữ thăng bằng trên đường bay nhờ đặc tính linh hoạt do thiếu xương sống. Mặc dù bị hạn chế về cấu trúc bộ xương, nhưng chim ruồi đã tiến hóa lạ lùng về động tác xoay cánh, giúp chúng tự do lên xuống, lơ lửng giữa không trung khi hút mật hoa. Đó là những bước nhảy lạ lùng mà tiến hóa liên tục thực hiện: các chiến lược sinh sản hữu tính của thực vật sau cùng lại thiết kế nên đôi cánh cho chim ruồi. Một số nhà tự nhiên học đã quan sát sự tiến hóa hành vi thụ phấn của côn trùng theo các loài hoa, họ cho rằng hành vi mới kỳ lạ đó không liên quan gì đến loài chim. Nhưng cuối cùng nó đã tạo nên biến đổi bất ngờ về mặt hình thái cơ thể trong lịch sử tiến hóa của loài chim. Câu chuyện về các ý tưởng và phát minh cũng diễn ra như vậy. Chiếc máy in của Johannes Gutenberg làm bùng nổ nhu cầu mua kính mắt, bởi thói quen mới là đọc sách đã khiến đại bộ phận cư dân châu Âu chợt nhận ra họ bị viễn thị; thị trường kính mắt lại khuyến khích con người sản xuất và thử nghiệm nhiều loại thấu kính, từ đó dẫn đến phát minh về kính hiển vi, thứ chẳng bao lâu sau lại giúp chúng ta nhận ra rằng cơ thể con người được tạo nên từ các vi tế bào. Hẳn bạn không thấy mối liên hệ nào giữa công nghệ in và việc mở rộng tầm nhìn thị giác của con người tới cấp độ tế bào, cũng như bạn không nghĩ rằng quá trình tiến hóa của phấn hoa lại có thể thay đổi cấu trúc đôi cánh chim ruồi. Nhưng đó là cách sự thay đổi diễn ra. Thoạt nghe, đây dường như là một biến thể của “hiệu ứng cánh bướm” nổi tiếng trong thuyết hỗn mang, theo đó cái đập cánh khẽ khàng của một con bướm ở California có thể gây nên cả một trận bão ở giữa Đại Tây Dương. Song, thực tế, đây là hai câu chuyện hoàn toàn tách biệt. Tính phi thường (và bất ổn) của hiệu ứng cánh bướm thể hiện ở chỗ nó bao gồm một chuỗi nhân quả gần như bất khả kiến; bạn không thể vạch ra mối liên hệ giữa các phân tử khí dao động quanh con bướm và trận cuồng phong đang kéo đến Đại Tây Dương. Chúng có thể liên quan đến nhau, bởi ở mức độ nào đó, vạn vật đều liên quan đến nhau, nhưng chỉ riêng việc phân tích mối liên hệ thôi đã nằm ngoài khả năng của chúng ta, và việc dự báo thậm chí còn khó hơn thế. Câu chuyện giữa bông hoa và chim ruồi lại rất khác: tuy chúng là những sinh vật khác nhau, với những nhu cầu và khả năng khác biệt, nhưng bỏ qua hệ thống sinh học cơ bản ấy, có thể dễ dàng hiểu được cách bông hoa gây ảnh hưởng trực tiếp lên hình dáng chim ruồi. Cuốn sách này dành một phần viết về những chuỗi hiệu ứng kỳ lạ đó – “hiệu ứng chim ruồi”. Một phát minh, cụm phát minh trong lĩnh vực nào đó cuối cùng lại gây ra biến đổi ở địa hạt hoàn toàn khác biệt. Hiệu ứng chim ruồi có rất nhiều dạng thức. Một số dễ dàng nhìn thấy: sự phát triển hàng chục lần trong việc chia sẻ năng lượng và thông tin đã tạo lực cho làn sóng thay đổi tràn qua các biên giới trí tuệ và xã hội. (Như lịch sử Internet 30 năm qua.) Nhưng có những dạng thức lại rất khó nhận ra; chúng để lại phía sau những dấu chân mờ nhạt. Đột phá trong nhận thức đo lường các hiện tượng – thời gian, nhiệt độ, khối lượng – thường mở ra cơ hội mà thoạt tiên có vẻ chẳng liên quan. (Đồng hồ quả lắc đã kích hoạt các thành phố công nghiệp trong cách mạng công nghiệp.) Thi thoảng, như trong trường hợp ngành in ấn và thấu kính, phát minh mới đã tạo ra nghĩa vụ hay nhược điểm cho một công cụ, đưa chúng ta rẽ sang hướng mới, tạo ra công cụ mới sửa chữa “trục trặc” của chính phát minh. Thi thoảng, công cụ mới lại làm yếu đi rào cản hay giới hạn tự nhiên trong sự phát triển nhân loại, như cách phát minh điều hòa nhiệt độ thúc đẩy con người chiếm lĩnh các điểm nóng khắp hành tinh trên quy mô mà tổ tiên chúng ta cách đây vài ba thế hệ cũng phải ngỡ ngàng. Thi thoảng, công cụ mới lại ảnh hưởng đến chúng ta theo phép ẩn dụ, như trong liên hệ của sử gia robot về đồng hồ và góc nhìn cơ khí của vật lý sơ khai, vũ trụ được hình dung là hệ thống “bánh xe và răng cưa”. Quan sát hiệu ứng chim ruồi trong lịch sử giúp chúng ta hiểu rõ hơn rằng sự biến chuyển xã hội hiếm khi là kết quả trực tiếp của quyền thế hay quyết sách. Thi thoảng, sự thay đổi thông qua hành động của nhà cầm quyền, nhà phát minh hay phong trào phản kháng, những người chủ đích đem đến một hiện thực mới mẻ. (Chúng ta có hệ thống xa lộ liên bang ở hầu khắp nước Mỹ vì những nhà cầm quyền đã thông qua Đạo luật Liên bang Tài trợ Xã hội năm 1956.) Nhưng trong những trường hợp khác, ý tưởng và phát minh dường như có cuộc sống tự thân, gây ra những thay đổi không nằm trong tầm nhìn của chính người sáng tạo ra chúng. Phát minh điều hòa không chủ đích vẽ lại bản đồ chính trị Hoa Kỳ khi làm lạnh các căn phòng và tòa cao ốc, nhưng như chúng ta sẽ thấy, nó đã kích hoạt mạnh mẽ sự thay đổi trong mô thức định cư, dẫn đến những thay đổi về cơ cấu ghế trong Quốc hội và Nhà Trắng. Tôi cố gắng tránh sự cám dỗ dễ hiểu, đánh giá những thay đổi này với một kiểu định giá giá trị nào đó. Chắc chắn cuốn sách này là sự tri ân với trí khôn nhân loại, nhưng khi một phát minh ra đời, nó cũng gây nên các hệ quả phức tạp, khó lường như khi lan rộng vào xã hội. Phần lớn các ý tưởng được văn hóa “sàng lọc” rõ ràng đều là những tiến bộ: trong trường hợp chúng ta lựa chọn một công nghệ hoặc phương pháp khoa học ít hiệu quả và chính xác hơn, đó chính là các ngoại lệ để chứng minh quy tắc này. Và ngay cả trong ngắn hạn chúng ta chọn công nghệ VHS thấp kém hơn thay vì Betamax thì sau cùng chúng ta vẫn có DVD với hiệu năng vượt trội so với cả hai. Vì thế, khi nhìn vòng cung lịch sử dưới góc độ này, nó luôn có xu hướng hướng về các công cụ hiệu quả hơn, nguồn năng lượng mạnh mẽ hơn, cách truyền dữ liệu tối ưu hơn. Vấn đề nằm ở các ngoại ứng và hệ quả ngoài tiên lượng. Khi Google tung ra công cụ tìm kiếm đầu tiên vào năm 1999, nó là một bước tiến vĩ đại, vượt xa bất kỳ kỹ thuật khai thác dữ liệu web khổng lồ nào trước đó. Gần như ai cũng hân hoan: Google giúp thế giới web trở nên hữu dụng hơn, và miễn phí. Nhưng rồi Google bắt đầu bán quảng cáo gắn với các yêu cầu tra cứu mà nó nhận được và chỉ sau vài năm, hiệu năng của các công cụ tìm kiếm (cùng một số dịch vụ mua sắm trực tuyến như Craigslist) đã khiến mục quảng cáo trên các tờ báo địa phương khắp nước Mỹ trống trơ. Không mấy ai lường nổi diễn tiến này, kể cả những nhà sáng lập Google. Bạn có thể lập luận – thực ra khi nó xảy ra, tôi có thể sẽ lập luận – sự đánh đổi này là đáng giá và chính những thử thách mà Google đặt ra sẽ thôi thúc sự ra đời các hình thức báo chí ưu việt hơn, trên nền tảng những cơ hội có một không hai của web thay vì báo in. Song chắc chắn cũng xảy ra trường hợp, sự trỗi dậy của quảng cáo mạng dẫn tới sự lụi tàn của báo giấy – thứ hàng hóa công thiết yếu. Tranh luận kiểu vậy có thể nổ ra với bất kỳ tiến bộ kỹ thuật nào: ô tô giúp chúng ta di chuyển hiệu quả hơn ngựa song nó có đáng để đánh đổi bằng môi trường hoặc một thành phố đi bộ trong lành? Điều hòa giúp ta sống tốt cả trên sa mạc nhưng cái giá phải trả cho nguồn nước là gì? Những câu hỏi về giá trị đó hoàn toàn bất khả kiến trong cuốn sách này. Tìm câu trả lời cho câu hỏi: liệu sự thay đổi có tốt cho nhân loại về lâu dài không, khác với việc tìm cách thức sự thay đổi ấy ngay từ nguồn cội. Cả hai dạng câu hỏi tìm kiếm trên đều quan trọng nếu chúng ta muốn hiểu rõ lịch sử và vạch ra con đường đến tương lai. Chúng ta cần hiểu cách sự sáng tạo diễn ra trong xã hội; chúng ta cần cố gắng hết sức để dự đoán và hiểu thấu hiệu ứng chim ruồi – khi mỗi một phát minh bén rễ lại khiến nhiều lĩnh vực khác biến chuyển. Đồng thời, chúng ta cần một hệ thống giá trị để quyết định khuynh hướng nào nên được khuyến khích và những lợi ích nào không đáng với các chi phí hữu hình. Trong cuốn sách này, tôi cố gắng giải thích kỹ càng các hệ quả, cả tiêu cực lẫn tích cực, của các phát minh được nhắc đến. Ống chân không giúp đưa nhạc jazz đến với khán giả đại chúng nhưng cũng giúp khuếch trương màn diễu hành Nuremberg1. Cuối cùng, bạn cảm nhận về các biến chuyển này như thế nào – liệu đời sống của con người có tốt lên nhờ phát minh ra ống chân không? Sự đánh giá sau cùng tùy thuộc vào niềm tin chính trị và cách nhìn nhận các biến động xã hội của bạn. Tôi cũng phải đề cập với các bạn về phạm vi tập trung: đại từ “chúng ta” trong cuốn sách chủ yếu nói về người dân ở Bắc Mỹ và châu Âu. Hành trình từ quá khứ đến hiện tại của Trung Quốc và Brazil hiển nhiên cũng rất thú vị, nhưng là một câu chuyện khác. Việc giới hạn vào hành trình của cư dân châu Âu/Bắc Mỹ tuy có phạm vi nhỏ hẹp nhưng lại phù hợp hơn, bởi các sự kiện trọng yếu – sự trỗi dậy của phương pháp nghiên cứu khoa học, quá trình công nghiệp hóa – đều khởi phát từ châu Âu, và giờ đây đã lan ra toàn thế giới. (Tại sao chúng khởi phát ở châu Âu hẳn là câu hỏi thú vị bậc nhất nhưng cuốn sách này không phải một câu hỏi, nó tìm cách trả lời.) Những món đồ bị phù phép của đời sống hằng ngày – bóng đèn, mắt kính, máy ghi âm – giờ đã trở thành một phần cuộc sống ở bất cứ đâu trên hành tinh này; do đó kể lại câu chuyện ngàn năm dưới góc nhìn của chúng sẽ gây hứng thú cho bất kỳ ai sống ở bất cứ nơi nào. Những cách tân chịu ảnh hưởng của lịch sử địa chính trị, thường tập trung ở các thành phố và trung tâm thương mại. Song về lâu dài, chúng không chịu trói mình sau các biên giới và bản sắc dân tộc, nhất là trong thế giới được kết nối của chúng ta. Tôi đã cố gắng tuân thủ sự tập trung này, bên trong ranh giới, bởi nếu không cuốn sách này sẽ mở rộng hết mức có thể. Chẳng hạn, khi thuật lại câu chuyện về khả năng thu và truyền phát âm thanh của con người, đó không đơn giản chỉ là tiểu sử của một vài nhà phát minh thiên tài như Edison hay Graham Bell, những cái tên mà học trò nào cũng nhớ. Câu chuyện còn liên quan đến những bức vẽ giải phẫu học vào thế kỷ 18 mô tả đôi tai con người, vụ đắm tàu Titanic, các phong trào nhân quyền và cả các đặc tính âm thanh kỳ lạ của một ống chân không bị vỡ. Đây là cách tiếp cận mà ở đâu đó tôi đã gọi là phương pháp lịch sử “toàn cảnh”: nỗ lực giải thích những thay đổi của lịch sử bằng cách đồng thời xem xét nhiều cấp độ trải nghiệm – từ các rung động của sóng âm thanh trên màng nhĩ cho tới các phong trào chính trị rộng lớn. Sẽ trực quan hơn nếu ta tường thuật lịch sử trên giác độ cá nhân hoặc quốc gia nhưng ở một cấp độ căn bản nào đó, việc giới hạn giữa hai phạm vi này là không chính xác. Lịch sử đã diễn ra ở cả cấp độ nguyên tử và cấp độ biến đổi khí hậu toàn cầu, cũng như ở mọi cấp độ ở giữa hai mức này. Nếu muốn kể lại câu chuyện một cách trung thực, chúng ta cần một cách tiếp cận diễn giải có thể đánh giá bao quát tất cả các cấp độ. Nhà vật lý Richard Feynman từng diễn tả mối quan hệ giữa mỹ học và khoa học trong một sơ đồ tương tự: Tôi có một người bạn là họa sĩ, đôi khi ông ấy có những quan điểm mà tôi không đồng tình cho lắm. Cầm một đóa hoa, ông ấy ngợi ca: “Trông mới đẹp làm sao!” và tôi đồng ý. Sau đó ông ấy nói: “Là một họa sĩ, tôi cảm nhận được vẻ đẹp này nhưng anh, một nhà khoa học, lại mổ xẻ khiến nó trở nên tẻ nhạt.” Tôi thấy ông ấy hơi thiển cận. Đầu tiên, tôi tin là vẻ đẹp mà ông bạn tôi trông thấy hiển hiện với tất cả mọi người và cả với tôi. Mặc dù có thể tôi không có mắt thẩm mỹ tinh tế như ông ấy, tôi vẫn ngưỡng mộ vẻ đẹp của đóa hoa. Đồng thời, tôi nhìn thấy nhiều thứ ẩn sau đóa hoa hơn ông ấy. Tôi có thể hình dung các tế bào và các hoạt động tinh tế bên trong, đó cũng là một vẻ đẹp. Ý tôi là vẻ đẹp không chỉ có ở chiều kích một xentimét mà còn nằm ở các chiều kích nhỏ hơn, ở cấu trúc bên trong và ở cả những quá trình. Việc màu sắc của đóa hoa sinh ra để dụ côn trùng đến thụ phấn thật thú vị; nó có nghĩa côn trùng cũng nhìn thấy màu sắc. Nó đặt thêm một câu hỏi: liệu ý niệm thẩm mỹ có tồn tại ở các dạng sống nhỏ bé này? Vì sao nó có tính thẩm mỹ? Tri thức khoa học sẽ bổ sung thêm các câu hỏi thú vị này vào vẻ đẹp, sự bí ẩn và đáng ngưỡng mộ của đóa hoa. Nó chỉ thêm vào. Tôi không hiểu hai thứ ấy có thể loại trừ lẫn nhau ở đâu. Sức lôi cuốn khó cưỡng trong câu chuyện về các nhà phát minh hay nhà khoa học vĩ đại, như Galileo và chiếc kính viễn vọng, chính là việc lần đường tới ý tưởng đột phá. Song một câu chuyện khác sâu lắng hơn cũng cần được kể: khả năng chế tạo thấu kính phụ thuộc vào các tính chất cơ học lượng tử độc đáo của silic điôxit hay sự sụp đổ của thành Constantinople như thế nào. Kể chuyện dưới góc nhìn toàn cảnh như vậy không loại trừ lối mô tả truyền thống, vốn chỉ tập trung vào tài năng của Galileo. Nó chỉ bổ sung thêm mà thôi. Tháng 2 năm 2014 Quận Marin, California Chương 1Thủy tinh Khoảng 26 triệu năm trước, có điều gì đó đã xảy ra trên những lớp cát của sa mạc Libya, vùng đất ảm đạm, khô cằn đến phi lý đánh dấu bờ đông Sahara. Chúng ta không biết chính xác chuyện gì đã xảy ra, chỉ biết rằng rất nóng. Những hạt cát nóng chảy rồi kết dính lại với nhau dưới sức nóng không dưới 500oC. Hợp chất silic điôxit được tạo thành có một số tính chất hóa học lạ lùng. Giống H2O, chúng có dạng tinh thể khi ở thể rắn, và hóa lỏng khi bị nung nóng. Song silic điôxít có nhiệt độ hóa lỏng cao hơn nước nhiều: bạn cần mức nhiệt khoảng 3000C. Tuy vậy, điểm đặc biệt của silic điôxit lại nằm ở quá trình nguội đi của nó. Mỗi khi nhiệt độ giảm, nước ở thể lỏng lại vui vẻ trở về dạng tinh thể băng. Nhưng vì một vài lý do, silic điôxit không có khả năng tái sắp xếp để trở về cấu trúc tinh thể ban đầu. Thay vào đó, nó trở thành loại vật chất mới, lơ lửng giữa thể lỏng và thể rắn, ám ảnh nhân loại từ buổi đầu của nền văn minh. Khi những hạt cát bỏng đó hạ nhiệt dưới mức hóa lỏng, một dải dài của sa mạc Libya đã được phủ một lớp vật chất mà ngày nay chúng ta gọi là thủy tinh. Khoảng một vạn năm trước đây, có thể xê xích một vài thiên niên kỷ, ai đó khi băng qua sa mạc đã tìm thấy một mảnh thủy tinh lớn. Chúng ta không biết gì hơn về mảnh thủy tinh ấy, trừ việc nó hẳn gây ấn tượng mạnh cho bất kỳ ai chạm vào, bởi nó đã lưu lạc qua nhiều khu chợ và mạng lưới của nền văn minh non trẻ, chỉ dừng lại khi được chạm thành hình bọ hung trang trí. Nó lặng lẽ nằm đó hơn bốn ngàn năm cho đến khi được phát hiện trong quá trình khai quật ngôi mộ của một hoàng đế Ai Cập vào năm 1922. Kỳ lạ thay, mảnh silic điôxit bé nhỏ này đã chu du từ sa mạc Libya đến tận hầm mộ của vua Tutankhamun. Dưới thời cực thịnh của đế chế La Mã, thủy tinh lần đầu tiên từ một vật trang trí đơn thuần đã trở thành kỹ thuật tiên tiến khi những người thợ thủy tinh tìm ra cách khiến nó cứng và trong hơn loại thủy tinh tự nhiên như con bọ hung của vua Tut. Rồi từ đó, cửa sổ kính lần đầu tiên được đưa vào sử dụng, đặt nền móng cho các tòa nhà kính lấp lánh nơi đường chân trời khắp thế giới ngày nay. Tính thẩm mỹ hình ảnh của việc thưởng thức rượu tăng lên rõ rệt khi người ta dùng ly thủy tinh nửa trong suốt và trữ rượu trong chai thủy tinh. Tuy vậy, theo một cách nào đó, lịch sử ban đầu của thủy tinh tương đối dễ đoán: những người thợ thủ công đã tìm ra cách nung chảy cát thành ly uống rượu hoặc ô kính cửa sổ, các ứng dụng mà ngày nay chúng ta mặc định gắn với thủy tinh. Phải chờ đến thiên niên kỷ tiếp theo, khi một đế chế vĩ đại khác sụp đổ thì thủy tinh mới đạt tới vị trí như ngày nay: một trong những vật liệu đa dụng và dễ biến đổi nhất trong lịch sử loài người. Miếng che ngực tráng men vàng, trang trí đá quý và thủy tinh, ở giữa là hình bọ hung xòe cánh, biểu tượng của sự hồi sinh. Cổ vật từ lăng mộ của Pharaoh Tutankhamun Ảnh chụp khoảng năm 1900: Lọ thủy tinh đựng thuốc mỡ bôi da của người La Mã, khoảng thế kỷ 1, 2 SỰ KIỆN THÀNH CONSTANTINOPLE THẤT THỦ năm 1204 đã gây chấn động toàn cầu. Các triều đại sụp đổ, các đội quân vùng dậy rồi tan rã, bản đồ thế giới được vẽ lại. Sự thất thủ của thành Constantinople còn dẫn đến một sự kiện tưởng chừng rất nhỏ bé, lọt thỏm giữa những cuộc tái cấu trúc tôn giáo, thống trị địa chính trị lớn lao và bị phần lớn các sử gia đương thời lãng quên. Một nhóm thợ thủy tinh đã dong buồm từ Thổ Nhĩ Kỳ hướng về phía tây, băng qua Địa Trung Hải để tới định cư ở Venice, bắt đầu bán hàng ở thành phố trẻ và giàu có, vươn lên từ đầm lầy ven biển Adriactic. Dù chỉ là một trong hàng ngàn cuộc di cư do hậu quả của sự kiện thành Constantinople sụp đổ nhưng khi nhìn lại các thế kỷ sau, hóa ra đó lại là một trong những cuộc di cư nổi bật nhất. Khi ngụ cư ở những con kênh và những đường phố quanh co của Venice, nơi bấy giờ được coi là trung tâm giao thương quan trọng nhất toàn cầu, kỹ thuật thổi thủy tinh của họ nhanh chóng tạo ra mặt hàng xa xỉ mới, cung cấp cho các thương nhân trong thành đem bán khắp thế giới. Dẫu lời lãi lớn nhưng nghề thủy tinh cũng không tránh khỏi nghĩa vụ pháp lý. Nhiệt độ hóa lỏng của silic điôxit đòi hỏi những lò nung lên đến hơn 3000C, mà Venice khi đó lại là thành phố có kiến trúc gần như hoàn toàn từ gỗ. (Cung điện đá cổ kính của các đời tổng trấn phải chờ vài thế kỷ sau mới được dựng nên.) Thợ thủy tinh không chỉ mang lại nguồn của cải mới cho Venice mà còn đem lại cả thông lệ kém hấp dẫn hơn, đó là thiêu rụi khu dân cư. Vào năm 1291, nhằm bảo vệ cả kỹ thuật của thợ thủy tinh lẫn sự an toàn của dân cư, giới chức thành phố đã lưu đày các thợ thủy tinh một lần nữa, tuy lần này hành trình rất ngắn: một dặm băng qua vịnh Venice để tới đảo Murano. Các tổng trấn thành Venice không ngờ, họ đã tạo ra một trung tâm sáng tạo: nhờ việc tập trung thợ thủy tinh trên một hòn đảo lẻ loi, rộng bằng một khu phố nhỏ, họ đã châm ngòi cho làn sóng sáng tạo và khai sinh ra môi trường “lan tỏa thông tin”, theo cách gọi của các nhà kinh tế học. Mật độ dân cư đông đúc ở Murano giúp cho các ý tưởng mới mẻ lan nhanh trong hầu khắp cộng đồng. Các thợ thủy tinh vẫn là đối thủ của nhau, nhưng về mặt huyết thống, lại gắn kết với nhau chặt chẽ. Dẫu vài bậc thầy thuộc về nhóm tài hoa hoặc thạo nghề vượt bậc, nhưng về tổng thể, tinh hoa của Murano là sản phẩm tập thể: thứ được kiến tạo từ sự chia sẻ cùng áp lực cạnh tranh. Những năm đầu thế kỷ tiếp theo, Murano nổi tiếng với tên gọi Đảo Thủy tinh. Những chiếc bình trang trí họa tiết và đồ thủy tinh tao nhã trở thành biểu tượng cho địa vị trên khắp Tây Âu. (Những người thợ thủy tinh vẫn tiếp tục công việc tới tận ngày nay, nhiều người trong số họ là hậu duệ của các gia đình di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ năm xưa.) Tuy vậy, đây không phải một mô hình có thể rập khuôn vào ngày nay: các thị trưởng muốn tạo ra một tầng lớp sáng tạo có lẽ không nên tính tới chuyện lưu đày họ và rào bọc bằng án tử hình. Vì lẽ nào đó, phương pháp ấy đã từng hữu dụng. Sau nhiều năm thí nghiệm với những hợp chất hóa học khác nhau, người thợ thủy tinh Angelo Barovier của đảo Murano đã đốt rong biển, vốn giàu kali ôxít và mangan, thành tro và thêm phụ gia này vào thủy tinh nóng chảy. Khi hỗn hợp này nguội đi, nó tạo ra một loại thủy tinh trong suốt lạ lùng. Ấn tượng bởi sự tương đồng giữa sản phẩm mới và tinh thể đá thạch anh thượng hạng, Barovier đã gọi nó là cristallo (tiếng Ý: pha lê). Đó là sự ra đời của thủy tinh hiện đại. Một phần bản đồ Venice thế kỷ 18 thể hiện vị trí của đảo Murano TRONG KHI NHỮNG NGƯỜI THỢ THỦY TINH như Barovier đã khéo chế ra thứ thủy tinh trong suốt, thì phải đến thế kỷ 20, chúng ta mới hiểu được tại sao thủy tinh trong suốt. Đa số vật chất hấp thu năng lượng ánh sáng. Ở cấp độ hạ nguyên tử, electron quay quanh các nguyên tử tạo nên một chất có thể dễ dàng “nuốt” năng lượng của photon ánh sáng chiếu đến, giúp electron nhận được năng lượng. Song electron chỉ có thể nhận hoặc mất năng lượng theo những bước rời rạc, gọi là “lượng tử”. Các loại chất khác nhau có kích thước bước khác nhau. Silic điôxit tình cờ có bước rất lớn, nghĩa là năng lượng từ một photon ánh sáng đơn không đủ để đưa electron lên mức năng lượng cao hơn. Thay vào đó, ánh sáng đi qua loại chất này. (Tuy vậy, năng lượng của tia tử ngoại thường đủ lớn để thủy tinh hấp thu, đó là lý do tại sao da bạn không bị sạm nắng khi ngồi sau cửa kính.) Song ánh sáng không đơn giản chỉ đi qua thủy tinh; nó cũng có thể bị bẻ cong, bị vặn vẹo hay thậm chí bị bẻ gãy thành các bước sóng thành phần. Thủy tinh có thể được dùng để thay đổi diện mạo thế giới bằng cách bẻ cong ánh sáng một cách chính xác. Điều này hóa ra còn có tính cách mạng hơn cả sự trong suốt đơn thuần. Ở những tu viện thế kỷ 12 và 13, khi các thầy tu nghiên cứu những thủ bản tôn giáo trong những căn phòng sáng nến, họ đã sử dụng những miếng kính cong để đọc dễ dàng hơn. Chúng như những chiếc kính lúp cồng kềnh, phóng to những con chữ Latin. Không ai biết chính xác thời gian và địa điểm, nhưng đâu đó vào quãng thời gian này ở miền bắc nước Ý, những người thợ thủy tinh đã có một phát kiến khiến chúng ta thay đổi cách nhìn thế giới, hoặc ít nhất là nhìn rõ hơn: tạo hình thủy tinh thành những dạng đĩa nhỏ lồi ở trung tâm, đặt mỗi chiếc vào một khung rồi nối các khung với nhau ở đỉnh, thành cặp mục kỉnh đầu tiên trên thế giới. Chiếc kính mắt sơ khai này được gọi là roidi da ogli, theo tiếng Ý có nghĩa “những chiếc đĩa cho đôi mắt”. Vì có hình dáng giống lentis beans (đậu lăng) – tiếng Latin là lentes – những chiếc đĩa dần được gọi là lenses (thấu kính). Suốt vài thế hệ, thiết bị mới mẻ tài tình này hầu như chỉ dành riêng cho tu viện. Thời bấy giờ, chứng viễn thị – tật nhìn xa – khá phổ biến nhưng phần lớn mọi người đều không nhận ra do không phải đọc. Với một tu sĩ phải căng mắt dịch thơ của Lucretius trong ánh nến leo lét, nhu cầu về một cặp kính thật quá hiển nhiên. Song quảng đại quần chúng – đa số mù chữ – trong đời sống thường nhật gần như không bao giờ có dịp phải phân biệt những hình thù nhỏ xíu như chữ cái. Mọi người bị viễn thị nhưng không có cơn cớ thực tiễn nào để biết mình mắc tật. Vì thế, những cặp mục kỉnh vẫn hiếm hoi và đắt đỏ. Rồi một điều đã thay đổi mọi thứ, đó là phát minh máy in của Gutenberg vào thập niên 1440. Ta có thể lấp đầy cả một thư viện nhỏ bằng kho sách nghiên cứu tầm ảnh hưởng của máy in, sáng tạo này còn được Marshall McLuhan đặt cho cái tên nổi tiếng: thiên hà Gutenberg. Tỷ lệ biết chữ gia tăng đáng kể, các lý thuyết khoa học và tôn giáo phá cách vây bủa đức tin chính thống; các món tiêu khiển được yêu thích như tiểu thuyết hay ấn phẩm khiêu dâm trở nên phổ biến. Song đột phá lớn của Gutenberg còn gây nên một ảnh hưởng khác, ít được hoan nghênh hơn: nó khiến nhiều người phát hiện ra mình bị viễn thị và khám phá này khiến nhu cầu mua kính tăng đột biến. Điều xảy ra tiếp theo là một trong những trường hợp lạ lùng nhất của hiệu ứng chim ruồi trong lịch sử hiện đại. Gutenberg khiến sách in trở nên tương đối rẻ và nhỏ gọn, giúp gia tăng tỷ lệ biết chữ, từ đó phơi bày tật thị lực của một bộ phận dân số đáng kể, mở ra thị trường mới cho các nhà sản xuất kính. Một thế kỷ sau phát minh của Gutenberg, hàng nghìn thợ làm kính châu Âu đã phát tài và kính mắt trở thành công nghệ tiên tiến đầu tiên – sau phát minh quần áo ở thời Đá mới – được người bình dân thường xuyên mang bên mình. Hình ảnh xưa nhất về tu sĩ đeo mục kỉnh, 1342 Nhưng vũ điệu đồng tiến hóa chưa dừng ở đây. Giống như cách mật hoa cổ xúy kiểu bay mới của chim ruồi, động lực kinh tế đến từ thị trường kính mắt mới nổi đã làm nảy sinh một lĩnh vực chuyên môn mới. Châu Âu không chỉ bị nhấn chìm trong thấu kính mà cả trong biển ý tưởng về chúng. Nhờ máy in, lục địa này giờ đây đông nghẹt chuyên gia thao túng ánh sáng với những mảnh thủy tinh lồi. Họ là những hacker của cuộc cách mạng quang học lần thứ nhất. Và chính họ đã mở ra một chương hoàn toàn mới cho lịch sử tầm nhìn. Năm 1590, ở thị trấn nhỏ Middleburg, Hà Lan, hai cha con thợ cắt kính Hans và Zacharias Janssen đã thí nghiệm với hai thấu kính xếp trước sau, mà không xếp hàng ngang như kính mắt, để phóng đại vật quan sát, từ đó phát minh ra kính hiển vi. Bảy mươi năm sau đó, nhà khoa học người Anh Robert Hooke đã xuất bản cuốn sách minh họa đột phá có nhan đề Micrographia (Hình ảnh vi thể), với các bức vẽ tay kỳ diệu tái hiện thế giới ông nhìn thấy qua kính hiển vi. Hooke phân tích bọ chét, gỗ, lá cây, thậm chí cả nước tiểu đóng băng của chính mình. Nhưng phát hiện lớn nhất trong sự nghiệp của ông là cắt nút bần thành các lát mỏng và quan sát dưới kính hiển vi. Hooke viết: “Tôi có thể cảm thấy hết sức rõ ràng rằng nó bị đục thủng toàn bộ và xốp, giống hệt như tổ ong, nhưng các lỗ của nó không đều; những cái lỗ này, hay tế bào, không quá sâu, nhưng thực sự là căn phòng vĩ đại với nhiều phòng nhỏ.” Với câu nói này, Hooke đã đặt tên cho công trình cuộc đời mình – tế bào – dẫn đường cho cuộc cách mạng khoa học và y học. Không lâu sau, kính hiển vi sẽ hé lộ những cụm vi khuẩn (khuẩn lạc) và virus, cả loại duy trì và loại đe dọa sức khỏe con người, mở đường cho sự ra đời của vắcxin và kháng thể. Kính mắt thế kỷ 15 Kính hiển vi phải mất tới ba thế hệ mới thực sự tạo nên chuyển biến trong khoa học, nhưng vì lẽ nào đó, kính thiên văn lại nhanh chóng phát động cuộc cách mạng của riêng mình. Hai mươi năm sau phát minh kính hiển vi, một nhóm thợ kính người Hà Lan, trong đó có Zacharias Janssen, ít nhiều đã có phát minh lặp về kính thiên văn. Theo truyện kể về một người trong số họ, Hans Lippershey, đã nảy ra ý tưởng khi đang quan sát con mình chơi thấu kính. Lippershey lập tức xin cấp bằng sáng chế, mô tả thiết bị “nhìn vật ở xa giống như nhìn vật ở gần.” Chỉ trong vòng một năm, Galieo đã cải tiến thiết bị của Lippershey, phóng tầm nhìn lên gấp 10 lần. Tháng 1 năm 1610, hai năm sau khi Lippershey xin cấp bằng sáng chế, Galieo đã dùng kính thiên văn để quan sát các vệ tinh của Mộc tinh, lời thách thức đầu tiên với khuôn mẫu của Aristoteles – mọi vật thể không gian đều quay quanh Trái đất. Đây là một lịch sử song song lạ lùng đối với phát minh của Gutenberg. Vì nhiều lý do, nó có liên quan chặt chẽ với cuộc cách mạng khoa học. Sách vở và chuyên luận của những người bị cho là dị giáo như Galileo giúp truyền đi các tư tưởng vượt khỏi giới hạn kiểm duyệt và sau cùng đã làm xói mòn uy quyền của Giáo hội. Đồng thời, vài thập niên sau ấn bản in Kinh Thánh Gutenberg, hệ thống trích dẫn và tài liệu tham khảo ngày một phong phú hơn, trở thành công cụ thiết yếu để áp dụng phương pháp khoa học. Phát minh của Gutenberg còn thúc đẩy cuộc trường chinh của khoa học theo một cách khác, ít quen thuộc hơn: mở rộng khả năng thiết kế kính và thủy tinh. Lần đầu tiên, những tính chất vật lý đặc trưng của silic điôxit không chỉ được khai thác giúp chúng ta quan sát những thứ vốn dễ thấy bằng mắt thường; giờ đây chúng ta còn có thể thấy cả những thứ vượt ra khỏi giới hạn tự nhiên của thị lực con người. Bọ chét (từ bản in khắc cuốn Hình ảnh vi thể của Robert Hooke, London) Thấu kính sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong các phương tiện truyền thông của thế kỷ 19, 20. Nhiếp ảnh gia là những người đầu tiên dùng chúng để hội tụ chùm tia sáng vào tờ giấy được xử lý đặc biệt nhằm ghi lại hình ảnh; sau đó tới lượt các nhà làm phim dùng thấu kính để thu và trình chiếu hình động lần đầu tiên. Từ những năm 1940, người ta bắt đầu tráng một lớp phốtpho lên thủy tinh và bắn electron vào, tạo nên các hình ảnh bắt mắt trên vô tuyến. Sau vài năm, các nhà xã hội học và lý thuyết truyền thông đã tuyên bố chúng ta đã trở thành xã hội hình ảnh: thiên hà chữ nghĩa của Gutenberg đã mở đường cho màn hình huỳnh quang của tivi cùng các khung hình mê hoặc của Hollywood. Nhiều phát minh và chất liệu đã cùng làm nên sự chuyển biến ấy nhưng tất cả chúng, bằng cách này hay cách khác, đều phải dựa vào khả năng truyền và thao túng ánh sáng độc nhất vô nhị của thủy tinh. Hẳn câu chuyện về thấu kính hiện đại và ảnh hưởng của nó tới ngành truyền thông chẳng còn gây sửng sốt. Có một mối liên hệ rõ ràng từ thấu kính của cặp kính đầu tiên tới thấu kính của kính hiển vi và máy ảnh. Nhưng thủy tinh còn có một tính chất vật lý lạ lùng nữa, tính chất mà ngay cả những bậc thầy thổi thủy tinh của đảo Murano cũng không thể nhìn ra. VỀ NGHIỆP VỤ GIẢNG DẠY, nhà vật lý Charles Vernon Boys chắc chắn là một ông thầy tồi. H. G. Wells, người từng có thời gian ngắn là học trò của Boys ở Cao đẳng Khoa học Hoàng gia London mô tả ông là “một trong những thầy giáo tệ nhất, không đoái hoài đến người nghe đầy bất bình bên dưới… (Ông) làm rối tung mặt bảng, nói như tên bắn suốt cả giờ đồng hồ trước khi dính chặt lấy mớ đồ nghề trong phòng riêng của mình.” Tuy thiếu khả năng truyền thụ nhưng Boys được bù lại bằng tài năng trong vật lý thực nghiệm, thiết kế và chế tạo các dụng cụ khoa học. Năm 1887, khi thực hiện một thí nghiệm vật lý, Boys muốn làm một tấm kính thật tốt để đo lường tác động của các lực vật lý dù nhỏ nhất lên sự vật. Ông có ý tưởng sử dụng một sợi thủy tinh mảnh làm tay đòn. Như vậy trước hết, ông phải chế tạo được sợi thủy tinh đó. Một mẫu thiết kế sơ khai chiếc kính hiển vi của Robert Hooke, 1665 Hiệu ứng chim ruồi đôi khi diễn ra do phát kiến ở lĩnh vực này lại phô bày khiếm khuyết ở một công nghệ khác (hay trong trường hợp sách in là khiếm khuyết của chính con người), các khiếm khuyết chỉ có thể được khắc phục bằng môn khoa học thứ ba. Song đôi khi một kiểu đột phá khác cũng mang đến hiệu ứng chim ruồi: khi khả năng đo lường và các công cụ đo lường do chúng ta tạo ra được cải tiến đáng kể. Phương pháp đo lường mới gần như luôn đòi hỏi một phương pháp chế tạo mới. Trong trường hợp của Boys, đó là cánh tay đòn. Điều bất thường mà Boys tạo nên trong biên niên sử sáng tạo là công cụ phi chính thống về đo lường. Để chế ra được một sợi thủy tinh mảnh, Boys dựng một cây cung đặc biệt trong phòng thí nghiệm, rồi thiết kế một mũi tên nhẹ cho nó. Ở đầu mũi tên, ông lấy sáp gắn một thanh thủy tinh vào. Sau đó, ông nung chảy thủy tinh và bắn nỏ. Khi mũi tên lao vút về đích, nó kéo theo một sợi dài từ thanh thủy tinh nóng chảy gắn ở thân cây cung. Có lần, Boys bắn được một sợi dài tới 30 m. “Nếu có vị thần nào ban cho tôi ước gì được nấy, tôi cũng chỉ ước thứ gì có nhiều đặc tính quý báu như các sợi này thôi.” Về sau, Boys đã viết như thế. Điều đáng kinh ngạc nhất là sự dẻo dai của loại sợi này: nó bền tương đương, nếu không muốn nói là hơn, một sợi thép cùng cỡ. Suốt hàng nghìn năm, con người khai thác vẻ đẹp, sự trong suốt của thủy tinh và chịu đựng sự mong manh cố hữu của nó. Song thí nghiệm với cây cung của Boys đã gợi ý một nút thắt nữa trong lịch sử về loại vật liệu linh hoạt đến khó tin này: sử dụng thủy tinh vì độ bền của nó. Charles Vernon Boys trong phòng thí nghiệm, năm 1917 Tới khoảng giữa thế kỷ sau, các sợi này được đan lại với nhau để tạo nên thứ vật liệu mới kỳ diệu mang tên sợi thủy tinh. Chúng có mặt khắp mọi nơi: từ vật liệu cách nhiệt trong nhà, quần áo, ván lướt sóng, siêu du thuyền, mũ bảo hiểm cho đến bảng mạch kết nối các chip máy tính hiện đại. Phần thân của Airbus 380 – sản phẩm chủ lực của hãng hàng không Airbus, đồng thời là dòng máy bay thương mại lớn nhất trên bầu trời – được chế tạo từ vật liệu kết hợp giữa nhôm và sợi thủy tinh, giúp nó có khả năng chống chịu sự phá hủy và hư hại tốt hơn so với vỏ nhôm truyền thống. Trớ trêu thay, phần lớn các ứng dụng này đều ngó lơ khả năng dẫn sóng ánh sáng của silic điôxit: đối với mắt thường, đa số vật dụng làm từ sợi thủy tinh trông đều không có vẻ được làm từ thủy tinh. Vào những thập niên đầu tiên sau khi sợi thủy tinh ra đời, việc nhấn mạnh tính không trong suốt là có lý do. Để ánh sáng đi qua cửa sổ hay ống kính sẽ có ích, nhưng chúng ta cần truyền ánh sáng qua một sợi thủy tinh không lớn hơn sợi tóc làm gì? Chỉ đến khi con người bắt đầu nghĩ đến việc dùng ánh sáng mã hóa thông tin, tính trong suốt của sợi thủy tinh mới trở nên quý giá. Năm 1970, các nhà nghiên cứu ở Corning Glassworks – một đảo Murano thời hiện đại – đã chế tạo thành công loại thủy tinh trong tới mức, nếu tạo một khối dày cỡ chiếc xe buýt, nó vẫn đủ trong suốt để nhìn xuyên qua như một cửa kính bình thường. (Ngày nay, khi công nghệ lọc tân tiến hơn, khối thủy tinh có thể dày nửa dặm mà vẫn giữ nguyên độ trong suốt như thế.) Các nhà khoa học ở Phòng thí nghiệm Bell kéo sợi từ loại thủy tinh siêu trong này và bắn tia laser dọc chiều dài của chúng, biến đổi các tín hiệu quang học tương ứng với ký tự 0 và 1 của mã nhị phân. Sự kết hợp hai phát minh tưởng chừng không hề liên quan, chùm tia laser cường độ cao và sợi thủy tinh siêu trong, tạo ra một thứ có tên: sợi quang học. Sử dụng cáp quang hiệu quả hơn hẳn việc truyền tín hiệu điện tử qua cáp đồng, nhất là ở khoảng cách xa vì ánh sáng cho phép nhiều băng thông hơn, ít nhạy cảm với tiếng ồn và ít nhiễu hơn so với năng lượng điện. Ngày nay, xương sống của Internet toàn cầu được dựng nên từ cáp quang. Khoảng mười tuyến cáp riêng biệt xuyên qua Đại Tây Dương, truyền tải gần như toàn bộ các trao đổi âm thanh và dữ liệu giữa các lục địa. Mỗi tuyến cáp chứa khoảng một tá sợi riêng lẻ, được bọc ngoài bằng các lớp thép và vật liệu cách điện giúp chúng chống nước và tránh hư hại bởi tàu đánh cá, mỏ neo hay thậm chí cá mập. Kích thước mỗi sợi cáp đơn không lớn hơn một cọng rơm. Thật khó tin nhưng thực tế, bạn có thể nắm toàn bộ lưu lượng âm thanh và dữ liệu truyền giữa Bắc Mỹ và châu Âu trong lòng bàn tay. Hàng ngàn phát minh gộp lại mới có thể biến điều kỳ diệu ấy thành hiện thực: trước hết chúng ta phải có ý tưởng phát minh dữ liệu số, rồi chùm tia laser, rồi máy tính ở cả hai đầu có thể truyền và nhận những chùm dữ liệu đó, chưa kể tới những con tàu làm nhiệm vụ lắp đặt và sửa chữa các tuyến cáp. Song một lần nữa, những liên kết kỳ lạ của silic điôxit là cốt lõi câu chuyện. World Wide Web (Mạng Toàn Cầu) được dệt nên từ những sợi thủy tinh. Giờ hãy nghĩ về một hành vi mang tính biểu tượng của đầu thế kỷ 21: chụp ảnh selfie khi bạn đặt chân đến một địa điểm thú vị trong kỳ nghỉ rồi đăng nó lên Instagram hoặc Twitter, từ đây nó được truyền tới điện thoại và máy tính trên khắp hành tinh. Chúng ta quen với việc tung hô các cải tiến giúp biến hành vi này trở thành bản năng thứ hai của con người thời đại mới: thu nhỏ máy tính điện tử thành thiết bị cầm tay, sáng tạo ra Internet và mạng toàn cầu; giao diện của phần mềm mạng xã hội. Nhưng chúng ta hiếm khi nhận ra cách thủy tinh góp sức vào hệ thống này: chúng ta chụp ảnh bằng các ống kính thủy tinh, lưu trữ và chỉnh sửa chúng trên các bảng mạch làm từ sợi thủy tinh, gửi chúng đi khắp thế giới qua những sợi cáp thủy tinh và ngắm chúng trên các màn hình thủy tinh. Mọi mắt xích trong chuỗi đều dẫn về silic điôxit. CHÚNG TA DỄ DÀNG CHẾ NHẠO xu hướng selfie song thực tế hình thức tự thể hiện này đã có truyền thống lâu đời. Một số tác phẩm nghệ thuật đáng nể nhất thời Phục hưng và tiền hiện đại là chân dung tự họa; từ Dürer, da Vinci, Rembrandt cho đến van Gogh với một bên tai băng bó, các họa sĩ đều bị ám ảnh với việc ghi lại các hình ảnh chi tiết và biến đổi của chính mình trên nền canvas. Suốt cuộc đời, Rembrandt đã vẽ khoảng bốn mươi chân dung tự họa. Song điều thú vị về chân dung tự họa là nó không tồn tại như một quy ước nghệ thuật ở châu Âu trước những năm 1400. Người ta vẽ cảnh trí và khung cảnh hoàng gia, tôn giáo cùng hàng nghìn chủ đề khác. Nhưng họ không tự vẽ chính mình. Sự bùng nổ xu hướng ưa thích chân dung tự họa là hệ quả trực tiếp từ một đột phá công nghệ khác về xử lý thủy tinh. Trở lại đảo Murano, các thợ thủy tinh đã tìm ra cách kết hợp loại thủy tinh trong như pha lê của họ với một tiến bộ trong thuật luyện kim: phủ hợp kim thủy ngân và thép lên mặt sau tấm kính để tạo ra một bề mặt sáng bóng, phản chiếu tốt. Lần đầu tiên, gương trở thành vật dụng thiết yếu hằng ngày. Chúng cho con người thấy rõ bản thân mình: trước khi gương xuất hiện, con người sống cả đời mà không biết chi tiết gương mặt mình, chỉ thấy các hình ảnh méo mó, rời rạc phản chiếu trên mặt hồ hay bề mặt kim loại được đánh bóng. Gương kỳ diệu đến nỗi nhanh chóng được đưa vào các nghi lễ thiêng liêng có phần kỳ quặc: trong những chuyến hành hương về đất thánh, người mộ đạo giàu có thường mang bên mình một chiếc gương. Khi đến thánh địa, họ đặt gương sao cho nó phản chiếu được khung cảnh. Trở về nhà, họ sẽ đem khoe tấm gương với bạn bè và người thân, tự hào vì đã mang về bằng chứng của thánh tích qua hình ảnh phản chiếu. Ngay cả Gutenberg trước khi phát minh ra máy in cũng từng có ý tưởng khởi nghiệp bằng việc sản xuất và bán các tấm gương nhỏ cho khách hành hương chuẩn bị lên đường. Song ảnh hưởng quan trọng nhất của gương lại hoàn toàn thế tục. Filippo Brunelleschi đã sử dụng một tấm gương để sáng tạo phép phối cảnh tuyến tính bằng việc vẽ hình ảnh phản chiếu của Nhà rửa tội Florence Baptistry thay vì hình ảnh trực tiếp. Nghệ thuật cuối thời Phục hưng khá “ngợp mắt” bởi các tấm gương đan cài trong họa phẩm, nổi tiếng bậc nhất là kiệt tác đảo ngược của Velázquez, Las Meninas (Những nàng hầu gái). Bức họa vẽ chính họa sĩ (cùng gia đình hoàng gia mở rộng) khi đang vẽ cho Vua Philip IV và Hoàng hậu Mariana của Tây Ban Nha. Toàn bộ bức họa được vẽ từ góc nhìn của hai thành viên hoàng gia đang ngồi làm mẫu; như vậy, theo nghĩa đen, nó vẽ một hành động vẽ. Vua và Hoàng hậu chỉ thoáng xuất hiện trên bức vẽ, ở bên phải Velázquez: hai hình ảnh bé nhỏ, mờ nhòe phản chiếu trong một tấm gương. Tấm gương trở thành công cụ vô giá trong tay các họa sĩ, giờ đây họ có thể ghi lại thế giới xung quanh một cách trung thực hơn nhiều, kể cả các đường nét chi tiết gương mặt họ. Trong sổ tay của mình, Leonardo da Vinci đã viết (bằng cách sử dụng gương thuần thục để viết kiểu chữ ngược huyền thoại): Bức họa Las Meninas của Diego Rodríguez de Silva y Velázquez Khi muốn biết liệu hiệu ứng chung trong bức tranh của anh có tương đồng với hiệu ứng của vật mẫu được phản ánh theo tự nhiên, hãy dùng gương phản chiếu vật mẫu rồi so sánh hình ảnh phản chiếu với tranh và cân nhắc cẩn trọng liệu chủ thể trong hai hình ảnh có thống nhất, đặc biệt xem xét kỹ tấm gương. Tấm gương cần được xem như người dẫn đường. Nhà sử học Alan McFarlane viết về vai trò của thủy tinh trong việc định hình tầm nhìn nghệ thuật: “Nhân loại như thể mắc chứng cận thị có hệ thống vậy, chúng ta không thấy và đặc biệt không phản ánh được thế giới tự nhiên một cách chính xác, rõ ràng. Nhân loại thường nhìn tự nhiên một cách biểu trưng, như một chuỗi ký hiệu… Điều khôi hài mà thủy tinh đã làm là vứt bỏ hay đền bù cho cái lăng kính tối tăm của tầm nhìn cùng sự méo mó trong tư duy nhân loại, nhờ đó ánh sáng có thể lọt vào nhiều hơn.” Chính vào lúc thấu kính thủy tinh mở mang tầm nhìn cho chúng ta về những vì sao cùng vi tế bào, gương thủy tinh lại giúp chúng ta lần đầu tiên thấy được bản thân mình. Điều này thay đổi xã hội một cách tinh tế nhưng không kém phần quan trọng so với cách kính viễn vọng thay đổi nhận thức về vị trí của con người trong vũ trụ. “Ông hoàng quyền lực nhất thế giới đã xây một sảnh đường ốp toàn gương, những tấm gương trải dài từ phòng này sang phòng khác trong dinh thự xa hoa. Sự tự giác, sự soi xét nội tâm, trò chuyện với hình ảnh trong gương, tất cả đều bắt nguồn từ thứ đồ vật mới mẻ này.” Lewis Mumford viết trong cuốn Technics and Civilization (Kỹ nghệ và Văn minh). Các quy phạm xã hội, quyền sở hữu và tập quán pháp bắt đầu xoay quanh cá nhân hơn là những tập thể lâu đời: gia đình, bộ tộc, đô thành, vương quốc. Người ta bắt đầu khai thác sâu hơn về đời sống nội tâm. Hamlet, vở kịch tập trung mô tả thế giới tâm lý sâu sắc của nhân vật, thống trị sân khấu, trở thành mẫu thức kể chuyện có sức ảnh hưởng lớn. Đọc một cuốn tiểu thuyết, đặc biệt là khi nó được kể ở ngôi thứ nhất, là một thú tiêu khiển: nó cho phép ta lang thang trong suy nghĩ, cảm xúc và ý thức của người khác hiệu quả hơn bất kỳ hình thức mỹ học nào từng được tạo ra. Về mặt nào đó, tiểu thuyết tâm lý là thể loại bạn muốn nghe khi bắt đầu tĩnh tâm dành nhiều giờ đồng hồ quan sát chính mình trong gương. Sự chuyển hóa này hàm ơn thủy tinh đến mức độ nào? Có hai điều không thể phủ nhận: thứ nhất, gương trở thành công cụ đóng vai trò chủ đạo cho phép các họa sĩ vẽ chân dung tự họa, đồng thời sáng tạo ra phép vẽ phối cảnh, biến nó trở thành một phép vẽ chính thống; thứ hai, chỉ một thời gian ngắn sau các sự kiện trên, một sự chuyển dịch căn bản đã xảy ra trong nhận thức của người châu Âu, hướng họ xoay quanh chính mình – một sự dịch chuyển rồi sẽ phổ biến khắp thế giới (và còn lan tỏa đến ngày nay). Chắc chắn rất nhiều nhân tố đã cùng hội tụ để làm nên sự dịch chuyển này: một thế giới vị kỷ hòa hợp với các hình thức sơ khai của chủ nghĩa tư bản hiện đại, thứ đang nảy nở tại những nơi như Venice hay Hà Lan (quê hương của những bậc thầy hội họa tự sự như Dürer hay Rembrandt.) Có lẽ các nhân tố đa dạng này bổ trợ cho nhau: khi chăm chú nhìn hình ảnh phản chiếu trong gương, một trong những món đồ trang trí nội thất hiện đại đầu tiên, chúng ta phát hiện một bản thân hoàn toàn khác lạ, từ đó tạo đòn bẩy cho hệ thống thị trường để nó hân hoan bán cho chúng ta nhiều tấm gương hơn. Chính xác thì gương không tạo ra thời Phục hưng song đã tham gia vào vòng lặp phản hồi tích cực cùng với các yếu tố xã hội khác; và khả năng phản xạ ánh sáng khác lạ của nó đã thúc đẩy các yếu tố còn lại. Đó chính là góc nhìn mà các sử gia robot cho ta thấy: công nghệ này không phải nguyên nhân duy nhất của biến chuyển văn hóa thời Phục hưng nhưng theo nhiều cách, nó đóng vai trò quan trọng không kém các tầm nhìn xa khác của con người mà chúng ta vẫn thường ngợi ca. McFarlane đã mô tả mối quan hệ nhân quả này một cách tinh tế. Tấm gương không “ép” phong trào Phục hưng diễn ra, mà “cho phép” nó xảy ra. Chiến lược thụ phấn tinh vi không ép chim ruồi tiến hóa ngoạn mục về khí động học; nó tạo ra bối cảnh cho phép chim ruồi lợi dụng lượng đường miễn phí của hoa bằng cách tiến hóa một nét đặc thù. Trường hợp độc nhất của chim ruồi trong thế giới chim chóc gợi ý rằng nếu hoa không tiến hóa theo vũ điệu cộng sinh cùng với côn trùng, kỹ năng bay lượn của chim ruồi sẽ không bao giờ hình thành. Tưởng tượng một thế giới có hoa mà vắng bóng chim ruồi thật dễ dàng. Song thật khó khi nghĩ về điều ngược lại. Điều tương tự cũng xảy ra trong mối quan hệ giữa tấm gương và tiến bộ công nghệ. Nếu thiếu công nghệ kích hoạt khả năng nhìn hiện thực phản chiếu một cách rõ ràng, bao gồm cả khuôn mặt chúng ta, thì chòm sao nghệ thuật, triết học, chính trị mà chúng ta gọi là thời Phục hưng sẽ khó lòng xuất hiện. (Cùng giai đoạn này, văn hóa Nhật Bản trân quý chiếc gương thép nhưng không bao giờ dùng chúng để soi xét nội tâm như châu Âu – có lẽ một phần vì thép phản chiếu kém hơn thủy tinh và bị nhòe màu vào hình ảnh.) Nhưng gương không phải là điều kiện quyết định để khởi sinh cách mạng châu Âu. Văn hóa châu Âu có thể sẽ diễn tiến theo chiều hướng khác, không trải qua cuộc cách mạng tri thức như trên, nếu sáng tạo về gương thủy tinh diễn ra ở thời điểm lịch sử khác. Thời kỳ Phục hưng được một hệ thống bảo trợ nâng đỡ, nhờ đó các họa sĩ và nhà khoa học mới có thời gian thỏa sức cùng những tấm gương. Thời Phục hưng nếu thiếu nhà Medici – không phải một gia đình nói riêng mà là tầng lớp kinh tế họ đại diện – cũng thật khó hình dung, giống như việc thiếu đi những tấm gương. Cũng phải nói rằng, các giá trị trong một xã hội hướng về cá thể cũng gây nhiều tranh cãi. Việc định hướng luật lệ xoay quanh các cá thể sẽ trực tiếp dẫn tới một truyền thống nhân quyền và sự nhấn mạnh của quyền tự do cá nhân trong các đạo luật. Có thể coi đây là một sự tiến bộ nhưng nhiều người cũng có lý khi không đồng tình với việc đẩy chủ nghĩa cá nhân đi quá xa, tách biệt khỏi các tổ chức tập thể: các liên hiệp, cộng đồng, nhà nước. Để giải quyết bất đồng này, ta cần đến các lập luận và các hệ giá trị khác với những gì ta cần để lý giải nguồn gốc của chúng. Gương đã kiến tạo ra cái tôi hiện đại, theo một cách thực tế song không định lượng được. Đa số chúng ta đồng ý với điều này. Đó rốt cuộc có phải chuyện tốt hay không lại là một câu hỏi khác, một câu hỏi hẳn không bao giờ có lời giải cuối cùng. NÚI LỬA NGỪNG HOẠT ĐỘNG Mauna Kea trên Đảo Lớn ở Hawaii cao khoảng 4.300 m tính từ mực nước biển, song lại vươn tới 6.000 m xuống đáy đại dương, nên nếu tính độ cao từ chân tới đỉnh, nó còn cao vượt cả đỉnh Everest. Đây là nơi hiếm hoi trên Trái đất mà bạn có thể lái xe từ mực nước biển lên độ cao 4.300 m chỉ trong vài giờ đồng hồ. Nơi đỉnh núi, quang cảnh cằn cỗi gần như Hỏa tinh: một dải đất toàn đá sỏi và không có sự sống. Phía trên dỉnh núi vài trăm mét, hiện tượng nghịch nhiệt của khí quyển giữ các đám mây lại; ở đó, không khí khô và loãng. Đỉnh núi là nơi cách xa các lục địa nhất khi bạn vẫn ở trên mặt đất, điều đó có nghĩa là bầu khí quyển quanh Hawaii – không bị ảnh hưởng bởi nguồn năng lượng bất ổn của Mặt trời hất ngược trở lại hoặc bị các vùng đất rộng lớn khác hấp thu – cũng ổn định như bất cứ đâu trên hành tinh. Tất cả các đặc điểm trên khiến đỉnh Mauna Kea trở thành một thế giới khác. Ngoài ra, đây cũng là một chốn tuyệt thú để ngắm sao. Ngày nay, có khoảng 13 đài thiên văn khác nhau trên đỉnh Mauna Kea, những mái vòm màu trắng khổng lồ nằm rải rác trên đá đỏ như tiền đồn lấp lánh của một hành tinh xa xôi. Trong số này có cặp kính viễn vọng đôi của Đài thiên văn W. M. Keck, cũng là loại kính thiên văn quang học mạnh nhất thế giới. Kính thiên văn Keck dường như là hậu duệ trực tiếp từ sáng tạo của Hans Lippershey, chỉ có điều phép màu của nó không dựa vào những thấu kính thủy tinh. Để bắt được ánh sáng từ các góc xa xôi của vũ trụ, bạn cần các thấu kính lớn cỡ chiếc xe bán tải; ở kích cỡ này, thủy tinh trở nên khó hỗ trợ về mặt vật lý và chắc chắn cho ra những hình ảnh méo mó. Do đó, các nhà khoa học và kỹ sư của Keck sử dụng một công nghệ khác để thu lại những dấu vết mờ nhạt của ánh sáng: đó chính là gương. Mỗi kính viễn vọng có 36 tấm gương lục giác, tạo thành một màn phản chiếu rộng sáu mét. Ánh sáng được phản chiếu lên một tấm gương thứ hai và sau đó xuống một dàn thiết bị, nơi hình ảnh được xử lý và hiển thị trên màn hình máy tính. (Ở Đài thiên văn Keck, không có vị trí nào thuận lợi để nhìn trực tiếp qua ống kính viễn vọng như Galileo và nhiều nhà thiên văn khác từng làm.) Song ngay cả với bầu không khí loãng và siêu ổn định như ở đỉnh Mauna Kea, các nhiễu loạn dù rất nhỏ cũng có thể làm nhòe hình ảnh mà Keck bắt được. Vì vậy, các đài quan sát đã dùng một kỹ thuật tài tình có tên “quang học thích nghi” để hiệu chỉnh hình ảnh của kính viễn vọng. Tia laser được chiếu lên bầu trời đêm bên trên Keck, nhằm tạo ra một ngôi sao nhân tạo. Ngôi sao giả này trở thành một điểm tham chiếu; vì các nhà khoa học biết chính xác tia laser sẽ trông ra sao trên trời khi nó không bị bầu khí quyển làm biến dạng, họ có thể đo được mức độ biến dạng bằng cách so sánh hình ảnh laser lý tưởng với những gì kính viễn vọng thật sự thu được. Dưới chỉ dẫn của bản đồ độ nhiễu ấy, máy tính sẽ chỉ thị cho những tấm gương của kính viễn vọng dựa theo độ biến dạng chính xác của bầu trời phía trên đỉnh Mauna Kea đêm đó. Hiệu ứng cũng tương tự như đặt một cặp kính lên đôi mắt người cận thị: những vật ở xa đột nhiên trở nên rõ ràng hơn hẳn. Tất nhiên trong trường hợp kính thiên văn Keck, vật ở xa là các thiên hà và siêu tân tinh mà đôi khi cách ta cả tỷ năm ánh sáng. Khi nhìn vào những tấm gương của Keck, ta như nhìn vào quá khứ xa xôi. Một lần nữa, thủy tinh lại mở rộng tầm nhìn cho nhân loại: không chỉ nhìn thấy thế giới vô hình của tế bào và vi sinh vật, hay kết nối toàn cầu qua máy ảnh điện thoại, mà còn trở ngược lại quá khứ nguyên sơ của vũ trụ. Thủy tinh bắt đầu hành trình của mình như món trang sức và những chiếc lọ rỗng. Vài ngàn năm sau, trên các đám mây ở đỉnh Mauna Kea, nó đã hóa thành cỗ máy thời gian. CÂU CHUYỆN CỦA THỦY TINH nhắc nhở chúng ta một điều: sức sáng tạo của con người vừa bị hạn chế lại vừa được tiếp sức bởi tính chất vật lý của các yếu tố xung quanh. Khi nghĩ về những thực thể kiến tạo nên thế giới hiện đại, chúng ta thường nói về tầm nhìn vĩ đại của khoa học và chính trị, của phát minh đột phá hay các phong trào rộng khắp. Song bên cạnh đó, lịch sử còn bao gồm một yếu tố vật chất: không phải “vật chất” trong chủ nghĩa duy vật biện chứng của Marx, vốn mang ý nghĩa đấu tranh giai cấp và ưu tiên tột bậc cho những kiến giải kinh tế. Trái lại, lịch sử vật chất là góc nhìn Đài thiên văn Keck lịch sử được tạo nên từ những khối vật chất cơ bản, những thứ có liên kết với phong trào xã hội và hệ thống kinh tế. Hãy tưởng tượng bạn có thể viết lại sự kiện Big Bang (hoặc vào vai Chúa, tùy theo ẩn dụ của bạn) và tạo ra một vũ trụ giống hệt vũ trụ của chúng ta, chỉ thay đổi duy nhất một điều nhỏ xíu: các electron của phân tử silic. Trong vũ trụ mới hình thành này, các electron sẽ hấp thụ ánh sáng như phần lớn các vật chất khác, thay vì cho phép các photon đi qua. Một điều chỉnh nhỏ như vậy hẳn sẽ không tạo nên khác biệt nào cho toàn bộ quá trình tiến hóa của người Homo sapiens (Người tinh khôn) cho đến một vài nghìn năm trước. Song, thật kinh ngạc, kể từ mốc thời gian ấy, mọi thứ đã thay đổi. Con người bắt đầu khai thác hành vi lượng tử của các electron silic này theo vô số cách. Ở mức độ cơ bản nào đó, thật khó tượng tượng nổi thiên niên kỷ vừa qua sẽ ra sao nếu thiếu các mảnh thủy tinh trong suốt. Ngày nay, chúng ta có thể biến cacbon (dưới dạng hợp chất đã định hình thế kỷ 20, plastic) thành một loại chất liệu trong suốt và dẻo dai có thể làm thay công việc của thủy tinh nhưng kỹ thuật này có tuổi đời chưa đến một thế kỷ. Hiệu chỉnh các electron của silic đó, bạn sẽ đánh cắp của con người những cửa sổ, kính mắt, thấu kính, ống nghiệm, bóng đèn trong mấy nghìn năm qua. (Những tấm gương chất lượng cao có thể được phát minh độc lập bằng cách sử dụng các chất liệu có khả năng phản chiếu, dù có thể sẽ mất thêm vài thế kỷ.) Một thế giới không có thủy tinh sẽ không chỉ thay đổi diện mạo những công trình của nền văn minh bằng cách tháo tất cả khung cửa kính khỏi các Nhà thờ Lớn và các bề mặt phản chiếu của đô thị hiện đại. Một thế giới không có thủy tinh còn làm lung lay nền tảng của các tiến bộ hiện đại: khả năng kéo dài sự sống đến từ hiểu biết về tế bào, virus và vi khuẩn, kiến thức di truyền học về cấu tạo con người; kiến thức thiên văn về vị trí của con người trong vũ trụ. Không vật chất nào trên Trái đất có quan hệ với các đột phá về nhận thức trên hơn thủy tinh. Trong một lá thư gửi bạn về cuốn sách lịch sử tự nhiên mà ông chưa bao giờ có dịp viết, René Descartes mô tả bản thân muốn kể câu chuyện về thủy tinh đến mức nào: “Làm sao mà từ những cát bụi kia, chỉ bằng việc nung nóng, lại hóa thủy tinh: sự chuyển hóa từ cát bụi thành thủy tinh đối với tôi cũng đẹp đẽ như bất cứ hiện tượng tự nhiên nào và tôi lấy làm hân hoan khi mô tả nó.” Descartes đã đến đủ gần cuộc cách mạng thủy tinh lần thứ nhất để nhận thức tầm vóc của nó. Ngày nay, chúng ta đã tiến quá xa khỏi những ảnh hưởng ban đầu của loại vật chất này để có thể đánh giá thủy tinh từng và vẫn sẽ còn quan trọng ra sao với cuộc sống hằng ngày. Đây là một trong số các trường hợp mà lối tiếp cận toàn cảnh giúp làm sáng tỏ vấn đề, cho phép chúng ta thấy những gì có thể bị bỏ lỡ nếu chỉ tập trung vào các nghi vấn của lối kể chuyện lịch sử thông thường. Dĩ nhiên, viện dẫn những yếu tố vật lý khi tranh luận về các biến động lịch sử chẳng phải chuyện chưa từng. Hầu hết chúng ta đồng ý rằng cacbon đóng một vai trò thiết yếu trong đời sống kể từ cách mạng công nghiệp. Song theo một cách nào đó, đây không phải là tin mới mẻ: từ “nồi xúp nguyên thủy”, cacbon đã cần thiết cho sự sống của mọi sinh vật. Nhưng silic điôxit không có nhiều ứng dụng với loài người cho đến một nghìn năm trước, khi những người thợ thủy tinh bắt đầu mày mò các tính chất kỳ lạ của nó. Ngày nay, nếu nhìn quanh căn phòng của mình, bạn dễ dàng bắt gặp hàng trăm món đồ tồn tại được là nhờ silic điôxit; và vật dụng có thành phần là nguyên tố silic còn nhiều hơn nữa: ô kính cửa sổ hoặc trần nhà; ống kính máy ảnh điện thoại; màn hình máy tính; tất cả thiết bị có vi mạch hoặc đồng hồ điện tử. Một vạn năm trước, nếu bạn tổ chức buổi thử vai cho hóa học trong cuộc sống thường ngày, các diễn viên chính vẫn sẽ giống hệt hiện nay: chúng ta cần rất nhiều cacbon, hyđrô và ôxy. Còn silic thì có lẽ không được ghi nhận. Dù rất dư thừa – chiếm đến 90% lớp vỏ Trái đất – nó hầu như chẳng đóng vai trò gì vào quá trình trao đổi chất của các dạng sống trên hành tinh này. Cơ thể chúng ta phụ thuộc vào cacbon và các công nghệ của chúng ta (năng lượng hóa thạch và plastic) cũng phụ thuộc vào cacbon tương tự vậy. Song nhu cầu sử dụng silic lại là một ham muốn hiện đại. Câu hỏi đặt ra là: tại sao lại mất nhiều thời gian đến thế? Vì sao các tính chất phi thường của loại chất liệu này lại bị tạo hóa lờ đi lâu đến thế và tại sao khoảng một nghìn năm trước, các tính chất này lại bỗng trở nên quan trọng với xã hội loài người? Với những câu hỏi này, chúng ta dĩ nhiên chỉ có thể phỏng đoán. Nhưng chắc chắn, câu trả lời có liên quan đến một tiến bộ công nghệ khác: lò nung. Một lý do mà con người trong quá trình tiến hóa không tìm thấy nhiều ứng dụng ở silic điôxit là vì đa số những gì thú vị nhất ở vật chất này chỉ xuất hiện khi vượt quá 500oC. Ở nhiệt độ khí quyển Trái đất, nước và cacbon đã là những chất liệu sáng tạo tuyệt vời, nhưng rất khó thấy được khía cạnh này của silic điôxit trừ khi bạn nung chảy nó và môi trường Trái đất – ít nhất là trên bề mặt hành tinh – đơn giản sẽ không đạt tới mức nhiệt này. Lò nung đã đem lại hiệu ứng chim ruồi: bằng cách nắm bắt kỹ thuật tạo ra nhiệt độ cực cao trong một môi trường có kiểm soát, chúng ta mở khóa bước vào thế giới phân tử đầy tiềm năng của silic điôxit, thứ sớm thay đổi cách chúng ta nhìn thế giới và chính chúng ta. Lạ lùng làm sao, ngay từ đầu, thủy tinh đã mở rộng tầm nhìn về vũ trụ, rất lâu trước khi chúng ta đủ tri thức để nhận ra. Các mảnh thủy tinh trên sa mạc Libya tìm đường đến lăng mộ vua Tut đã thách đố các nhà khảo cổ, địa lý và vật lý thiên văn suốt hàng thập kỷ. Các phân tử bán lỏng của silic điôxit gợi ý rằng nó được hình thành ở một nhiệt độ chỉ có thể sinh ra từ vụ va chạm thiên thạch trực tiếp, nhưng lại không có bất kỳ bằng chứng nào về hố thiên thạch nào ở khu vực lân cận. Vậy nguồn nhiệt phi thường này từ đâu đến? Sét có thể đánh vào một mẩu silic nhỏ với nhiệt độ đủ tạo ra thủy tinh, nhưng nó không thể nung chảy cả một bãi cát chỉ với một cú đánh. Vì thế các nhà khoa học suy đoán rằng thủy tinh Libya sinh ra từ một vụ va chạm giữa sao chổi với khí quyển Trái đất, nó phát nổ trên lớp cát của sa mạc. Năm 2013, một nhà địa hóa học người Nam Phi tên là Jan Kramers đã phân tích một viên sỏi bí ẩn ở khu vực này và khẳng định nó có nguồn gốc từ lõi của một sao chổi – mẫu đầu tiên được tìm ra trên Trái đất. Các nhà khoa học và các cơ quan vũ trụ đã chi hàng tỷ đô-la tìm kiếm các mảnh vỡ của sao chổi bởi chúng cung cấp các hiểu biết sâu sắc về quá trình hình thành Hệ Mặt trời. Viên thạch anh từ sa mạc Libya giờ đây đã đưa họ đi thẳng vào các nghiên cứu địa hóa học về sao chổi. Vậy là sau cùng, thủy tinh lại dẫn đường. Chương 2Làm lạnh Một sáng mùa hè năm 1834, con tàu ba cột buồm Madagascar cập cảng Rio de Janeiro, trong khoang tàu chứa thứ hàng hóa hoang đường nhất: nước hồ New England đóng băng. Madagascar và thủy thủ đoàn phục vụ cho Frederic Tudor, một thương gia Boston táo gan và ương ngạnh. Lịch sử giờ đây biết đến ông qua biệt danh “Vua Băng” nhưng suốt một thời gian dài khi mới trưởng thành, dù kiên trì đáng ngưỡng mộ, ông vẫn bị coi là tay thảm bại. “Nước đá là một chủ đề thú vị.” Thoreau đã viết như vậy trong Walden (Một mình sống trong rừng) khi chiêm ngưỡng mặt nước đóng băng “màu xanh dương đẹp đẽ” của hồ Massachusetts. Khi còn nhỏ, Tudor cũng từng lặng ngắm khung cảnh giống như vậy. Là một người Boston trẻ tuổi giàu có, gia đình ông từ lâu đã được thưởng thức nước đóng băng trong hồ nước ở điền trang riêng, Rockwood – không chỉ vì yêu vẻ đẹp của hồ mà còn vì hồ có khả năng giữ lạnh mọi thứ. Như nhiều gia đình giàu có phương bắc, nhà Tudor trữ những tảng nước hồ đóng băng trong các nhà trữ băng, gần một trăm cân băng được giữ không tan chảy một cách kỳ diệu cho tới tận mùa hè nóng nực, và một nghi thức mới bắt đầu: xẻ băng để làm đồ uống tươi mát, làm kem, hạ nhiệt bồn tắm trong cái nóng đổ lửa. Thời nay, ý tưởng về một khối băng nguyên vẹn suốt nhiều tháng mà không cần đến tủ lạnh có vẻ xa lạ. Chúng ta đã quen với việc nước đá được bảo quản vĩnh viễn nhờ nhiều kỹ thuật làm lạnh sâu hiện đại. Song nước đá trong tự nhiên lại là một vấn đề khác – không giống các dòng sông băng, chúng ta biết một tảng băng không thể tồn tại quá một giờ dưới nắng nóng ngày hè, đừng nói đến nhiều tháng. Tuy vậy, từ kinh nghiệm cá nhân, Tudor biết nếu được giữ tránh xa ánh mặt trời, một tảng băng lớn có thể duy trì được tận giữa mùa hè – hoặc ít nhất cũng đến được cuối mùa xuân ở New England. Hiểu biết này gieo một hạt mầm ý tưởng vào tâm trí ông, một ý tưởng rốt cuộc phải trả giá bằng sự tỉnh táo, gia sản và sự tự do – trước khi biến ông thành người vô cùng giàu có. Khi mười bảy tuổi, Tudor được cha cho đi du lịch đến Caribe cùng anh trai John, người vừa giải ngũ do chấn thương đầu gối. Cha Tudor cho rằng khí hậu ấm áp sẽ giúp cải thiện sức khỏe của John, nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại: khi đến Havana, anh em nhà Tudor lập tức bị ngộp thở giữa tiết trời oi bức. Họ vội dong buồm bắc tiến về đất liền, dừng lại ở Savannah và Charleston, song cái nóng đầu hè vẫn đeo đuổi họ và John ngã bệnh, có lẽ là lao phổi. Sáu tháng sau, anh qua đời ở tuổi hai mươi. Frederic Tudor Cuộc phiêu lưu tới Caribe của anh em nhà Tudor là một thảm họa dưới góc độ can thiệp y khoa. Tuy nhiên, việc chịu đựng sự ẩm ướt của vùng nhiệt đới trong bộ phục sức của quý ông thế kỷ 19 đã gợi một ý tưởng cấp tiến – ai đó có thể cho là lố bịch – với chàng Frederic Tudor trẻ tuổi: vận chuyển băng từ phương bắc băng giá đến Tây Ấn, một thị trường khổng lồ cho mặt hàng này. Lịch sử thương mại toàn cầu đã chứng minh rõ ràng nhiều gia tài khổng lồ được gây dựng nhờ vận chuyển loại hàng hóa từ nơi dư thừa đến nơi khan hiếm. Với chàng trai trẻ Tudor, nước đá đáp ứng hoàn hảo đẳng thức ấy: hầu như vô giá trị ở Boston, nhưng lại vô giá ở Havana. Buôn bán nước đá ban đầu chỉ là một ý tưởng lướt qua, song không hiểu sao, nó cứ luẩn quẩn trong đầu Tudor, đi qua nỗi đau từ cái chết của anh trai và cả những năm tháng vô định của một chàng trai trẻ tuổi giàu có trong xã hội Boston. Đôi lần trong giai đoạn này, khoảng hai năm sau cái chết của anh trai, Tudor chia sẻ ý tưởng phi lý ấy với em trai William và người anh rể tương lai còn giàu có hơn mình, Robert Gardiner. Vài tháng sau đám cưới chị gái, Tudor bắt đầu viết nhật ký. Ở bìa lót, ông ký họa tòa nhà Rockwood, từ lâu đã giúp gia đình ông tránh sức nóng của nắng hè. Tudor gọi nó là “Nhật ký căn nhà băng”. Ông viết trong dòng đầu tiên: “Kế hoạch và… để vận chuyển băng đá tới vùng nhiệt đới. Boston ngày 1 tháng 8 năm 1805, vào ngày này, William và tôi quyết định huy động hết tài sản, cam kết mùa đông sau sẽ mang nước đá tới Tây Ấn.” Đoạn nhật ký này điển hình cho phong cách của Tudor: lanh lợi, tự tin, tham vọng đến mức gần như khôi hài. (Người em William hiển nhiên ít tin vào triển vọng của kế hoạch hơn.) Sự tự tin của Tudor xuất phát từ giá trị cực lớn của nước đá một khi nó đến được vùng nhiệt đới: “Ở một đất nước mà vài lúc trong năm, cái nóng đến mức gần như không chịu nổi,” ông viết trong đoạn tiếp theo, “khi mà nước, thứ thiết yếu cho sự sống, luôn ở tình trạng âm ấm thì băng sẽ được coi trọng hơn hầu hết những thứ xa xỉ khác.” Việc kinh doanh băng hẳn sẽ đem lại cho anh em nhà Tudor “gia sản lớn hơn cả mức chúng ta nên biết tiêu xài như thế nào”. Ông có vẻ ít để tâm tới các trở ngại trong việc vận chuyển nước đá. Trong thư từ thời kỳ này, Tudor đem những câu chuyện được nghe kể lại (gần như là đồn thổi) về việc kem được vận chuyển nguyên vẹn từ Anh đến Trinidad làm dẫn chứng thuyết phục cho sự thành công của kế hoạch. Giờ đây, khi đọc “Nhật ký căn nhà băng”, bạn có thể nghe thấy lời một chàng trai trẻ đang rừng rực niềm tin, nhắm mắt trước mọi sự hoài nghi và phản đối. Tuy vậy, Frederic lại có một lợi thế: anh có đầy đủ điều kiện để biến các gạch đầu dòng trong kế hoạch thành hành động thực tiễn. Tudor đủ tiền thuê một con tàu và có một nguồn cung cấp nước đá vô tận được Mẹ Thiên nhiên tạo tác mỗi mùa đông. Do đó, tháng 11 năm 1805, Tudor điều em trai và một người họ hàng đi tiền trạm tới Martinique, chỉ dẫn họ đàm phán các đặc quyền với mặt hàng nước đá sẽ được chuyển đến vài tháng sau. Trong khi chờ tin từ phái đoàn của mình, Tudor mua một con tàu hai buồm mang tên Favorite với giá 4.750 đô-la và bắt đầu thu hoạch nước đá chuẩn bị cho hành trình. Vào tháng hai, con tàu Favorite nhổ neo rời cảng Boston, chất đầy nước đá từ hồ Rockwood, dong buồm thẳng tiến tới Tây Ấn. Kế hoạch của Tudor gây ấn tượng mạnh với báo giới, dù giọng điệu họ hãy còn hồ nghi. “Không phải là trò đùa!”Tờ Nhật báo Boston viết. “Một con tàu với kiện hàng 80 tấn nước đá đã nhổ neo từ cảng này tới Martinique. Hy vọng nó sẽ không phải là một vụ đầu cơ lầm lạc.” Lời chế nhạo của tờ Nhật báo hóa ra lại có cơ sở. Dù phải trì hoãn nhiều lần do thời tiết, nước đá vẫn giữ được nguyên trạng đến cuối hành trình. Vấn đề lại nằm ở việc mà Tudor chưa từng dự liệu. Cư dân Martinique không hề hứng thú với món hàng mát lạnh kỳ lạ của ông. Đơn giản vì họ không biết sẽ làm gì với nó. Trong thế giới hiện đại, chúng ta không lạ gì với trải nghiệm đi qua nhiều môi trường nhiệt độ khác nhau mỗi ngày. Buổi sáng, chúng ta thưởng thức cà phê nóng hổi và tới cuối ngày thì tráng miệng bằng món kem mát lạnh. Những ai sống ở vùng có mùa hè nóng sẽ quen đi qua đi lại giữa văn phòng có điều hòa và độ ẩm khủng khiếp bên ngoài; ở nơi mùa đông ngự trị, chúng ta co mình lại, lao ra ngoài phố lạnh căm và bật sưởi khi về đến nhà. Song vào những năm 1800, hầu hết những người sống ở vùng xích đạo đều chưa từng trải nghiệm cái lạnh. Với người dân Martinique, ý niệm về nước đóng băng cũng kỳ khôi như iPhone vậy. Có một điều lạ lùng, thậm chí thần kỳ, đó là đặc tính của nước đá từng xuất hiện trong một kiệt tác văn học thế kỷ 20, Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez: “Rất nhiều năm sau này, trước đội hành hình, Đại tá Aureliano Buendía đã nhớ lại buổi chiều xa xưa ấy, khi cha chàng dẫn chàng đi xem nước đá.” Buendía nhớ lại những chuyến lang thang suốt thời thơ ấu, mỗi chuyến đi là một trải nghiệm khám phá công nghệ mới. Những thỏi nam châm, kính thiên văn, kính hiển vi… nhưng không thành tựu công nghệ nào trong số đó khắc họa hình ảnh thị trấn tưởng tượng Macondo vùng Bắc Mỹ như những khối băng. Thi thoảng, tính mới lạ của đối tượng mới tạo nên lợi thế. Đó là sai lầm đầu tiên của Tudor. Ông đã cho rằng tính mới lạ tuyệt đối của nước đá sẽ giúp ông ghi điểm. Ông tin rằng các tảng nước đá của mình sẽ vượt trội so mọi thứ hàng xa xỉ khác. Trái lại, chúng chỉ nhận được những cái nhìn trống rỗng. Sự thờ ơ với sức mạnh kỳ diệu của nước đá khiến em trai Tudor, William, không tìm được người mua độc quyền. Tệ hơn nữa, William còn không tìm ra nơi thích hợp để trữ băng. Tudor đành đến Martinique nhưng chỉ thấy bản thân mắc kẹt với một món hàng không có nguồn cầu và đang tan chảy ở mức báo động dưới cái nóng vùng nhiệt đới. Ông phát quảng cáo khắp vùng, hướng dẫn chi tiết cách sử dụng và bảo quản nước đá, song rất ít người nhận lấy. Ông loay hoay làm được một ít kem nhờ vậy gây ấn tượng với một số dân địa phương, vốn tin rằng món ngon này không thể làm ở nơi gần xích đạo đến vậy. Chuyến đi này cuối cùng vẫn hoàn toàn thất bại. Trong nhật ký, ông ước tính đã mất khoảng 4.000 đô-la cho vụ đầu tư rủi ro vào vùng nhiệt đới. SỰ ẢM ĐẠM CỦA CHUYẾN BUÔN Martinique còn lặp lại trong những năm tiếp theo, với kết cục thậm chí thê thảm hơn. Tudor phái một loạt tàu chở nước đá tới vịnh Caribe trong khi nhu cầu với sản phẩm của ông tăng lên rất khiêm tốn. Cùng lúc đó, gia sản của gia đình khánh kiệt và nhà Tudor lui về trang trại Rockwood, nơi có triển vọng nông nghiệp nghèo nàn như đa phần đất đai New England. Khai thác nước đá trở thành tia hy vọng cuối cùng của gia đình. Song đó cũng là tia hy vọng bị đa số dân Boston chế nhạo công khai và rồi một chuỗi vụ đắm tàu cùng cấm vận khiến những lời chế nhạo càng trở nên có lý. Năm 1813, Tudor bị bỏ tù vì nợ nần chồng chất. Vài ngày sau đó, ông ghi lại trong nhật ký: Thứ hai ngày mồng chín, tôi đột ngột bị bắt… và giam giữ như một con nợ trong nhà lao Boston… Vào ngày đáng nhớ ấy trong cuộc đời nhỏ bé, tôi 28 tuổi 6 tháng 5 ngày. Đó là chuyện tôi nghĩ mình khó lòng tránh khỏi, song lại là lúc hy vọng lên cao đỉnh điểm, bởi việc làm ăn của tôi cuối cùng cũng khởi sắc sau cuộc vật lộn đáng sợ với nghịch cảnh suốt bảy năm – nhưng cuối cùng nó vẫn diễn ra và tôi gắng hết sức để đối mặt như với cơn thịnh nộ của thiên đàng, vốn bồi thêm sức mạnh hơn là làm suy giảm tinh thần của một người đàn ông chân chính. Thương vụ non trẻ của Tudor ngay từ đầu đã mắc phải hai trở ngại sơ khởi. Ông gặp trở ngại về lượng cầu, khi phần lớn khách hàng tiềm năng không hiểu tại sao sản phẩm của ông hữu ích. Ông còn gặp vấn đề về bảo quản: một lượng hàng đáng kể bị hao hụt do nhiệt độ, nhất là khi đến vùng nhiệt đới. Nhưng đặt trụ sở ở New England sẽ đem lại cho ông một lợi thế trọng yếu ngoài nước đá. Không như các đồn điền mía đường và cánh đồng bông ở miền nam, các bang vùng đông bắc Hoa Kỳ gần như thiếu các tài nguyên có thể đem bán được ở nơi khác. Điều này nghĩa là những con tàu khi rời cảng Boston thường trống trơn, chúng hướng đến Tây Ấn để lấp đầy khoang hàng giá trị trước khi trở lại các khu chợ giàu có bên bờ đông. Trả tiền một thủy thủ đoàn để lái một con tàu không hàng hóa chẳng khác gì đốt tiền. Chở hàng gì cũng tốt hơn để tàu trống, vì thế Tudor có thể đàm phán mức cước vận chuyển thấp hơn, nhờ vậy không cần mua và duy trì đội tàu riêng. Dĩ nhiên, một trong các điểm cộng của mặt hàng nước đá là về cơ bản nó miễn phí: Tudor chỉ phải trả tiền cho thợ xẻ băng từ hồ. Nền kinh tế tại New England còn sinh ra một phụ phẩm khác cũng vô giá trị y hệt như vậy: mùn cưa, chất thải chính từ các nhà máy gỗ. Sau nhiều năm loay hoay với đủ phương pháp, Tudor phát hiện mùn cưa là vật liệu cách nhiệt tuyệt vời cho băng. Các khối băng được đặt chồng lên nhau, đệm mùn cưa ở giữa, sẽ lâu tan gấp đôi so với khi không được bảo vệ. Ý tưởng tiết kiệm của Tudor quả thiên tài khi kết hợp ba thứ bị thị trường gần như định giá bằng không – nước đá, mùn cưa, con tàu trống – và biến chúng trở thành thương vụ kinh doanh béo bở. Chuyến đi thảm họa đầu tiên tới Martinique đã chỉ rõ cho Tudor thấy ông cần một nhà kho tại chỗ; thật quá nguy hiểm khi giữ sản phẩm mau tan trong những căn nhà không được thiết kế đặc biệt để cách ly khỏi nắng nóng mùa hè. Ông mày mò nhiều thiết kế buồng lạnh, sau cùng chốt lại cấu trúc tường kép: lớp không khí giữa hai bức tường đá sẽ giúp giữ lạnh bên trong. Tudor không hiểu hóa học phân tử nhưng cả mùn cưa lẫn kiến trúc tường kép đều xoay quanh một nguyên lý. Để băng tan, nó cần hút nhiệt từ môi trường xung quanh, phá vỡ liên kết tứ diện của phân tử hyđrô, vốn giữ cấu trúc tinh thể cho băng. (Chính quá trình hút nhiệt từ bầu không khí xung quanh khiến nước đá có khả năng kỳ diệu giúp chúng ta hạ nhiệt.) Nơi duy nhất diễn ra sự trao đổi nhiệt là bề mặt tảng băng, đó là lý do vì sao các tảng băng lớn lại giữ được lâu như vậy: tất cả liên kết hyđrô bên trong được cách nhiệt hoàn toàn với bên ngoài. Nếu bạn tìm cách bảo vệ băng khỏi nhiệt độ bên ngoài bằng vật liệu dẫn nhiệt tốt – kim loại chẳng hạn – liên kết hyđrô sẽ bị bẻ gãy nhanh chóng thành nước. Nhưng nếu bạn tạo lớp đệm giữa môi trường và lớp băng bằng vật liệu dẫn nhiệt kém, băng sẽ bảo toàn trạng thái tinh thể của nó lâu hơn rất nhiều. Xét về tính dẫn nhiệt, không khí dẫn kém hơn kim loại 2.000 lần và kém thủy tinh 20 lần. Trong buồng lạnh của Tudor, cấu trúc tường kép tạo một lớp đệm không khí giữ cái nóng mùa hè tránh xa nước đá; lớp vỏ bọc bằng mùn cưa trên tàu đảm bảo vô số túi khí giữa các mạt gỗ sẽ cách nhiệt cho băng. Các vật liệu cách nhiệt hiện đại như xốp cách nhiệt cũng dựa vào kỹ thuật tương tự: chiếc thùng giữ lạnh bạn đem đi dã ngoại có thể giữ lạnh cho dưa hấu bởi nó được cấu tạo từ các chuỗi polystiren xen kẽ với các túi khí tí hon. Vào năm 1815, sau cùng, Tudor cũng lắp được các mảnh ghép chủ chốt của bức tranh: thu hoạch, cách nhiệt, vận tải và bảo quản. Dù vẫn bị các chủ nợ truy đòi, Tudor bắt đầu gửi các chuyến hàng định kỳ tới nhà trữ băng tối tân ở Havana, nơi những cơn thèm kem đang chầm chậm lớn dần. Mười lăm năm sau dự cảm ban đầu, việc kinh doanh nước đá của Tudor bắt đầu sinh lời. Vào những năm 1820, ông đã có nhà trữ băng trên khắp Nam Mỹ, chứa đầy nước đá New England. Đến những năm 1830, thương thuyền của ông dong buồm tới tận Rio và Bombay. (Ấn Độ rốt cuộc trở thành thị trường sinh lời lớn nhất của ông.) Khi qua đời vào năm 1864, Tudor đã tích lũy được gia sản trị giá hơn 200 triệu đô-la tính theo thời giá hiện nay. Ba thập kỷ sau chuyến đi thất bại đầu tiên, Tudor đã viết những dòng sau trong nhật ký: Ngày này 30 năm trước, tôi đã đến Martinique trên con tàu Favorite của thuyền trưởng Pearson với chuyến hàng nước đá đầu tiên. Năm ngoái, tôi đã vận chuyển tới 30 chuyến tàu băng, và khoảng 40 chuyến nữa được những người khác chuyển… Ngành kinh doanh này vậy là đã định hình. Nó không thể bị ngừng trệ và dựa vào một cá nhân đơn lẻ nào. Nhân loại sẽ mãi được ơn phước dù cho tôi yểu mệnh hay trường thọ. Thành công rực rỡ (dù chậm trễ) của Tudor trong việc kinh doanh nước đá khắp thế giới ngày nay có vẻ phi lý, không chỉ vì thật khó tưởng tượng nổi cảnh các tảng băng tồn tại qua chuyến hành trình dài giữa Boston và Bombay. Còn một sự hiếu kỳ khác, gần như có tính triết lý, đối với việc kinh doanh nước đá. Buôn bán hàng hóa tự nhiên hầu như chỉ bao gồm các nguyên liệu ở những môi trường giàu năng lượng. Mía đường, cà phê, chè, bông: tất cả những hàng hóa chủ lực của thương mại thế kỷ 18 và 19 này đều phụ thuộc vào cái nóng rộp da của khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới; nhiên liệu hóa thạch – thứ đang dịch chuyển quanh thế giới trong các thùng chứa và ống dẫn dầu – đơn giản là năng lượng mặt trời được giữ lại và lưu trữ trong cây cối hàng triệu năm về trước. Bạn sẽ có cả một gia tài vào những năm 1800 nếu vận chuyển những thứ chỉ sinh trưởng ở vùng giàu năng lượng tới những vùng nghèo năng lượng. Nhưng thương vụ kinh doanh nước đá – có lẽ là trường hợp đầu tiên trong lịch sử thương mại toàn cầu – có tính chất trái ngược hoàn toàn. Thứ đem lại giá trị cho nước đá hoàn toàn chỉ là trạng thái nghèo năng lượng của mùa đông New England và đặc tính duy trì trạng thái lâu dài của nước đá. Hoa màu vùng nhiệt đới khiến dân cư quần tụ lại ở các vùng có khí hậu nóng đến không chịu nổi và từ đó tạo ra thị trường cho một sản phẩm giúp con người thoát khỏi cái nóng. Trong lịch sử lâu đời của thương mại, năng lượng luôn luôn đi cùng với giá trị – càng nóng lại càng giàu năng lượng mặt trời, càng nhiều khả năng tăng trưởng. Song trong một thế giới thiên về sức nóng của các đồn điền mía đường, bông vải, cái lạnh cũng có thể là một tài sản. Đó là tầm nhìn vĩ đại của Tudor. MÙA ĐÔNG NĂM 1846, Henry Thoreau quan sát đám thợ xẻ của Frederic Tudor đang tách các khối băng khỏi hồ Walden bằng cày ngựa kéo. Cảnh tượng ấy hẳn giống như cảnh trong tranh của Brughuel: những con người làm việc trong không gian lạnh lẽo với công cụ thô sơ, tách biệt khỏi thời đại công nghiệp đang rầm rộ đâu đó. Song Thoreau biết công việc của đám thợ kia được gắn với một mạng lưới rộng hơn nhiều. Trong nhật ký, ông viết về một sự mường tượng du dương khi nước đá đến với thị trường toàn cầu: Vậy là có lẽ các cư dân nóng nực của Charleston và New Orleans, của Madras, Bombay và Calcutta, sẽ uống nước nơi cái giếng của tôi… Dòng nước thuần khiết của hồ Walden sẽ hòa với nước thiêng của sông Hằng. Làn gió thuận sẽ đẩy nó qua các hòn đảo huyền thoại của lục địa Atlantic và Hesperide, viết nên chỉ dẫn hàng hải của Hanno, trôi dạt tới Ternate, Tidor và cửa vịnh Ba Tư, tan chảy trong cơn bão nhiệt đới của biển Ấn Độ và neo đậu trong các bến cảng mà Alexander Đại đế cũng mới chỉ nghe tên. Nhưng Thoreau vẫn đánh giá thấp quy mô của mạng lưới toàn cầu ấy – vì việc kinh doanh nước đá mà Tudor tạo dựng liên quan đến nhiều thứ hơn là nước đóng đá. Cái nhìn hờ hững đối với chuyến hàng đầu tiên của Tudor tới Martinique nhường chỗ cho sự dựa dẫm ngày càng lớn vào nước đá. Đồ uống được làm mát bằng nước đá trở thành điểm nhấn trong đời sống ở các nước phía nam. (Đến tận ngày nay, người Mỹ vẫn thích thưởng thức đồ uống có đá hơn người châu Âu, một di sản xa xăm từ tham vọng của Tudor.) Đến năm 1850, thành công của Tudor trở thành cảm hứng cho vô số người theo gót; và hơn 100.000 tấn nước đá Boston được vận chuyển vòng quanh thế giới mỗi năm. Đến năm 1860, hai phần ba hộ gia đình New York có người giao nước đá hằng ngày. Một ghi chép ở thời đó cho thấy nước đá đã gắn chặt với những nghi thức thường nhật: Ở các công xưởng, xưởng in, phòng tài vụ, những công nhân, thợ in, nhân viên cùng nhau thưởng thức phần đá hằng ngày. Mọi văn phòng, dù chật chội hay vắng vẻ, chỉ cần có mặt người, đều được làm mát bởi sự hiện diện của người bạn trong suốt này… Nó thiết yếu như dầu cần cho bánh xe. Nó giúp toàn bộ cỗ máy con người vận hành vui tươi, làm quay bánh xe thương mại và thúc đẩy động cơ kinh tế tiến bước băng băng. Sự phụ thuộc vào nước đá tự nhiên lên cao đến mức cứ khoảng một thập kỷ hay một mùa đông ấm áp bất thường sẽ khiến báo chí phát điên với các suy đoán về “nạn đói nước đá”. Năm 1906, tờ Thời báo New York chạy một dòng tít cảnh báo: “Nước đá lên tới 40 xu, nạn đói ở ngay trước mắt.” Tờ báo tiếp tục đưa thêm bối cảnh lịch sử: “Suốt 16 năm, New York chưa từng phải đối mặt với viễn cảnh không nước đá như năm nay. Năm 1890, rắc rối ập đến và cả nước điên cuồng lùng sục nước đá. Nhưng kể từ đó, nhu cầu nước đá đã tăng mạnh và nạn đói sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều.” Trong vòng chưa đầy một thế kỷ, nước đá từ chỗ là một sự hiếu kỳ đã trở thành món hàng xa xỉ và cuối cùng là thiết yếu. Các tảng băng được xẻ từ hồ, rồi đưa lên xe ngựa kéo về nhà trữ băng, năm 1950 Việc làm lạnh bằng nước đá đã vẽ lại bản đồ nước Mỹ, không thí dụ nào tiêu biểu hơn việc hình thành Chicago. Sự bùng nổ ban đầu của Chicago gắn với hệ thống kênh đào và đường sắt nối liền thành phố tới Vịnh Mexico và các thành phố Bờ Đông. Bất ngờ trở thành một trung tâm vận tải nhờ điều kiện tự nhiên lẫn tham vọng kỹ thuật của thế kỷ, thành phố đã đưa dòng chảy lúa mì lưu chuyển từ đồng bằng phì nhiêu đến trung tâm miền đông bắc. Nhưng thịt thì không được vậy vì đây là mặt hàng dễ hỏng. Chicago phát triển mạng lưới thịt đông lạnh từ giữa thế kỷ với những thùng hàng đầu tiên từ trại giết mổ ngoại vi thành phố tới phía đông. Nhưng theo thời gian, sự mất cân bằng về cung/cầu gia tăng giữa các thành phố đói khát vùng đông bắc và gia súc vùng trung tây ngày càng tăng. Vào thập niên 1840 và 1850, khi tình trạng di dân khiến dân số ở các đô thị vùng đông bắc như Philadelphia, New York và các trung tâm đô thị khác gia tăng, nguồn cung thịt bò địa phương sụp đổ để duy trì nguồn cầu đang lên ở các thành phố. Trong khi đó, cuộc xâm thực Đại Bình nguyên đã khiến các chủ trại hăng say phát triển đàn gia súc lớn, không tương ứng với lượng dân số tiêu thụ. Người ta có thể chuyển gia súc sống đến các bang miền đông để giết thịt tại chỗ nhưng chi phí quá đắt đỏ, thêm nữa chúng thường bị gầy hoặc bị thương trên đường đi. Phân nửa số động vật không thể lấy thịt khi chuyển đến New York hay Boston. Cuối cùng, nước đá đã mở ra lối thoát cho ngõ cụt này. Năm 1868, ông trùm Benjamin Hutchinson đã cho xây dựng một xưởng chế biến thực phẩm, với “phòng lạnh chứa băng đá tự nhiên cho phép bảo quản thịt lợn trong vòng một năm, một trong những sáng kiến của ngành công nghiệp,” như Donald Miller đã viết trong cuốn sách về lịch sử Chicago thế kỷ 19, City of the Century (Thành phố Thế kỷ). Đó là khởi phát của một cuộc cách mạng không những thay đổi Chicago mà cả toàn bộ lãnh thổ tự nhiên miền trung nước Mỹ. Sau năm 1871, phòng lạnh của Hutchinson đã truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp gia nhập vào ngành công nghiệp thịt hộp. Một số doanh nghiệp vận chuyển thịt bò trở lại miền đông bằng đường ô tô ray trong suốt mùa đông. Năm 1878, Gustavus Franklin Swift đã thuê một kỹ sư thiết kế ô tô đông lạnh để vận chuyển thịt bò đến Bờ Đông quanh năm. Đá lạnh được xếp vào thùng, bên trên thịt; từ điểm xuất phát đến cuối chặng, công nhân phải thay đá mới liên tục để bảo quản thịt phía dưới. Miller viết: “Ứng dụng vật lý này đã thay đổi phương thức buôn bán thịt bò truyền thống là giết thịt tại chỗ sang giao thương toàn cầu, với chuỗi ô tô đông lạnh đưa đến tàu thủy chở hàng đông lạnh, mang thịt bò từ Chicago tới bốn lục địa.” Thành công của giao thương toàn cầu đã biến đổi lãnh thổ tự nhiên của đồng bằng nước Mỹ như ngày nay: bãi chăn thả gia súc thay thế đồng cỏ mênh mông, như Miller mô tả: “một hệ thống thành phố-đồng quê là môi trường mạnh mẽ bậc nhất gây sức ép lên sự biến đổi lãnh thổ tự nhiên nước Mỹ từ sau khi sông băng của kỷ Băng hà tan chảy.” Chuồng trại của Chicago mọc lên như nấm trong hai thập niên của thế kỷ 19, như Upton Sinclair viết: “sự kết hợp lớn nhất của lao động và tiền vốn ở cùng một chốn.” Trung bình mỗi năm có 14 triệu động vật bị giết thịt. Phong trào “ăn chậm” hiện đại tỏ thái độ khinh thị các khu liên hợp công nghiệp thực phẩm do hệ thống chuồng trại ở Chicago cùng mạng lưới vận chuyển hàng đông lạnh phát triển dựa trên các bãi chăn thả và giết mổ tàn nhẫn. Sinclair đã phác họa Chicago như một mẫu hình hỏa ngục công nghiệp hóa Hai cậu bé đang quan sát hai người bán nước đá trên đường phố Harlem, 1936 của Dante, với kỹ thuật sử dụng ở các chuồng trại giống như chuyện giết chóc dã man thời Trung cổ. Mô hình công nghệ tiên tiến chủ yếu nằm ở chuỗi ô tô đông lạnh. Theodore Dreiser đã đúng khi mô tả chuồng trại như “con dốc hướng thẳng đến giết chóc, mổ xẻ và đông lạnh”. Người ta thường kể, thành phố Chicago ra đời nhờ phát minh ra đường sắt và xây dựng kênh đào Erie. Song những duyên do đó mới chỉ kể một phần câu chuyện. Sự phát triển phi mã của Chicago sẽ không bao giờ trở thành hiện thực nếu vắng bóng những tính chất hóa học kỳ lạ của nước: khả năng giữ và từ từ giải phóng cái lạnh chỉ với sự can thiệp tối thiểu của con người. Nếu vì lý do nào đó, tính chất hóa học của nước bỗng dưng đổi khác, sự sống trên Trái đất sẽ mang một hình thái khác hoàn toàn (nhiều khả năng sẽ không tiến hóa). Song nếu nước còn mất cả khả năng đông lại độc đáo, quỹ đạo của nước Mỹ thế kỷ 19 gần như chắc chắn đã theo một hướng khác. Bạn có thể mang hạt tiêu vòng quanh Trái đất mà không cần giữ lạnh song với thịt thì không thể. Nước đá cho phép ta nghĩ đến một mạng lưới thực phẩm kiểu mới. Chúng ta thường nghĩ về Chicago như một thành phố của những bờ vai rắn rỏi, những đế chế xe lửa và lò mổ. Nhưng cũng không sai nếu nói rằng nó được dựng lên bởi những liên kết tứ diện của hyđrô. NẾU MỞ RỘNG KHUNG THAM CHIẾU và nhìn vào ngành kinh doanh nước đá trong bối cảnh lịch sử công nghệ, bạn sẽ thấy cải tiến của Tudor có phần khó hiểu, gần như lỗi thời. Bấy giờ là giữa thế kỷ 19, kỷ nguyên của những nhà máy vận hành nhờ than đá, hệ thống đường sắt và đường dây điện tín nối liền các đại đô thị. Vậy mà công nghệ làm lạnh hiện đại nhất vẫn chỉ dựa vào việc xẻ băng từ hồ. Hơn100.000 năm kể từ khi làm chủ được lửa, thứ được cho là sáng tạo đầu tiên của người Homo sapiens, chúng ta đã có nhiều trải nghiệm, thành thạo nhiều phương cách để tạo nhiệt. Song phía ngược lại của phổ nhiệt lại thách thức hơn nhiều. Cách mạng công nghiệp đã diễn ra cả trăm năm mà cái lạnh nhân tạo vẫn chừng như là ảo tưởng. Nhưng nhu cầu thương mại cho nước đá, hàng triệu đô-la chảy ngược từ vùng nhiệt đới vào túi các “nam tước nước đá” vùng New England, đã gửi một tín hiệu đi khắp thế giới rằng cái lạnh có thể tạo ra của cải, kích thích các bộ óc sáng tạo tìm kiếm bước đi tiếp theo cho cái lạnh nhân tạo. Bạn có thể cho là thành công của Tudor sẽ tạo cảm hứng cho một thế hệ thương gia-sáng chế gia hám lợi như ông để tạo nên một cuộc cách mạng làm lạnh nhân tạo. Tuy vậy, không như chúng ta tung hô văn hóa khởi nghiệp trong thế giới công nghệ ngày nay, các phát kiến quan trọng nhất không phải luôn đến từ khám phá của khối tư nhân. Đôi khi ý tưởng mới được thúc đẩy bởi giấc mơ về một “gia sản lớn hơn cả mức chúng ta nên biết tiêu xài thế nào” như ở trường hợp của Tudor. Song nghệ thuật phát minh của con người có nhiều hơn một nàng thơ. Ngành buôn nước đá khởi đầu với giấc mơ làm giàu của một chàng trai trẻ, còn câu chuyện của cái lạnh nhân tạo lại bắt đầu từ nhu cầu cấp thiết và nhân văn hơn: khi một bác sĩ nỗ lực cứu sống bệnh nhân của mình. Câu chuyện bắt đầu từ cấp độ côn trùng ở Apalachicola, Florida, thị trấn có một vạn dân sống dọc đầm lầy với khí hậu cận nhiệt đới – môi trường hoàn hảo cho muỗi sinh sôi. Vào năm 1842, nhiều muỗi chắc chắn sẽ dẫn đến hiểm họa sốt rét. Tại bệnh viện khiêm tốn của thị trấn, bác sĩ John Gorrie phải chăm nom hàng tá bệnh nhân đang lên cơn sốt hầm hập. Giữa lúc tuyệt vọng tìm cách hạ sốt cho bệnh nhân, bác sĩ Gorrie đã thử treo những tảng nước đá lên trần nhà bệnh viện. Đó hóa ra lại là một giải pháp hữu hiệu: các tảng nước đá làm mát không khí, không khí làm mát các bệnh nhân. Cơn sốt dịu xuống, một vài bệnh nhân của ông qua khỏi. Song thủ thuật thông minh của Gorrie, vốn sinh ra để đối phó với những nguy hại của khí hậu cận nhiệt đới, rốt cuộc lại bị một phụ phẩm môi trường phá hoại. Độ ẩm nhiệt đới không chỉ biến Florida trở thành miền mến khách với loài muỗi mà còn sinh ra một mối đe dọa nữa: những cơn bão. Một loạt tàu đắm đã trì hoãn việc vận chuyển nước đá từ New England, lấy đi nguồn cung cấp nước đá thường xuyên của Gorrie. Vì vậy, vị bác sĩ trẻ bắt đầu nghiền ngẫm một giải pháp căn bản hơn cho bệnh viện của ông: tự làm nước đá. May mắn cho Gorrie, đây là thời điểm hoàn hảo cho ý tưởng ấy. Suốt hàng ngàn năm, ý tưởng về việc làm ra cái lạnh nhân tạo gần như là không tưởng với văn minh nhân loại. Chúng ta tạo ra nông nghiệp, đô thị, cống nước và máy in, nhưng đằng đẵng bao năm, cái lạnh vẫn nằm ngoài tầm với. Vậy mà bằng cách nào đó, tới giữa thế kỷ 19, chúng ta bắt đầu hình dung được về cái lạnh nhân tạo. Mượn một cụm từ tuyệt vời từ nhà lý thuyết phức hợp Stuart Kauffman, cái lạnh đã trở thành một phần sự “kề cận khả thi” của giai đoạn này. Chúng ta giải thích ra sao về bước đột phá này? Đây không chỉ là vấn đề một bộ não thiên tài nảy ra một phát kiến thiên tài bởi vì anh ấy hay cô ấy thông minh hơn những người khác. Mà còn bởi các ý tưởng về căn bản là mạng lưới của các ý tưởng khác. Chúng ta sử dụng các công cụ, ẩn dụ, khái niệm và hiểu biết khoa học của thời đại mình, pha trộn chúng thành điều gì đó mới mẻ. Song nếu bạn không có những hình khối đúng, đột phá sẽ không xảy ra dù cho bạn tài giỏi đến đâu. Bộ óc thông minh nhất thế giới cũng không thể phát minh ra tủ lạnh vào giữa thế kỷ 17. Nó đơn giản không phải là một phần của sự kề cận khả thi vào thời điểm đó. Nhưng vào năm 1850, các mảnh ghép đã tiến đến gần nhau. Bác sĩ John Gorrie Mảnh đầu tiên nghe chừng rất khôi hài với ngày nay: trước nhất, chúng ta cần khám phá ra rằng, không khí thực ra được cấu tạo bởi một vật chất nào đó và giữa các đồ vật không phải là khoảng không trống rỗng. Vào thế kỷ 17, các nhà khoa học nghiệp dư đã khám phá ra một hiện tượng kỳ lạ: trong môi trường chân không, không gian dường như thực sự trống rỗng và có tính chất khác hẳn bầu không khí thông thường. Lửa sẽ bị dập tắt trong chân không; khóa chân không chặt đến mức hai đàn ngựa cũng không tách ra nổi. Năm 1659, nhà khoa học người Anh Robert Boyle đã đặt một con chim vào trong hũ và hút hết không khí bằng bơm hút chân không. Đúng như Boyle dự đoán, con chim đã chết – và kinh ngạc hơn, nó còn bị đông cứng. Nếu chân không khác không khí thường đến mức có thể dập tắt sự sống, nghĩa là phải có vài vật chất vô hình nào đó tạo nên không khí. Điều này gợi ý rằng, thay đổi thể tích và áp suất không khí có thể thay đổi nhiệt độ của nó. Tri thức nở rộ vào thế kỷ 18, khi đầu máy hơi nước buộc các kỹ sư phải tìm ra chính xác cách thức nhiệt độ và năng lượng chuyển hóa lẫn nhau, từ đó phát minh ra cả bộ môn khoa học nhiệt động lực học. Các dụng cụ đo nhiệt độ và khối lượng có độ chính xác ngày một cao, cùng với những thang đo được tiêu chuẩn hóa như Celcius (độ C) và Fahrenheit (độ F). Đó là trường hợp thường thấy trong lịch sử khoa học và phát minh: khi độ chính xác của đo lường tiến một bước, nhiều chuyện sẽ trở nên khả thi. Tất cả các mảnh ghép này quay cuồng trong trí não của Gorrie như các phân tử khí va đập với nhau, hình thành những liên kết mới. Khi rảnh rỗi, ông lại chế tạo máy làm lạnh. Nó dùng năng lượng từ van để nén khí. Sự nén làm tăng nhiệt độ không khí. Sau đó, chiếc máy làm lạnh khí nén bằng cách để nó chạy qua các ống được làm mát bằng nước. Khi không khí giãn nở, nó hút nhiệt từ môi trường; và giống như các liên kết tứ diện của hyđrô vỡ thành nước dạng lỏng, quá trình hút nhiệt này làm lạnh không khí quanh nó. Thậm chí nó có thể được sử dụng để làm nước đá. Thật kinh ngạc, chiếc máy của Gorrie đã hoạt động. Không còn phải phụ thuộc vào nước đá chuyển từ ngàn dặm xa xôi, Gorrie hạ sốt cho bệnh nhân bằng cái lạnh tự chế. Ông xin cấp bằng sáng chế và dự đoán chính xác một tương lai khi cái lạnh nhân tạo, như ông đã viết, “sẽ phục vụ nhân loại tốt hơn… Nhờ hệ thống làm mát của tôi, hoa quả, rau củ, thịt cá sẽ được bảo quản trong quá trình vận chuyển cho người người thưởng thức!” Mặc dù là nhà sáng chế thành công, nhưng Gorrie đã không trở thành thương gia. Nhờ thành công của Tudor, nước đá tự nhiên trở nên dồi dào và có giá cả phải chăng khi không bị bão tố ngăn trở. Chuyện tồi tệ hơn khi Tudor tự mình thực hiện một chiến dịch bôi nhọ phát minh của Gorrie – cho rằng cỗ máy của Gorrie sản xuất ra thứ nước đá bị nhiễm khuẩn. Đó là trường hợp kinh điển của việc một ngành kinh doanh thống lĩnh miệt thị công nghệ mới mạnh hơn, giống như việc những chiếc máy tính đầu tiên có giao diện đồ họa đã bị đối thủ miệt thị là “đồ chơi”, không phải “máy móc nghiêm túc cho doanh nghiệp”. John Gorrie qua đời không một xu dính túi và không bán nổi một chiếc máy. Song ý tưởng về làm lạnh nhân tạo không chết theo Gorrie. Sau hàng ngàn năm thờ ơ, thế giới bỗng chốc bừng lên một loạt bằng sáng chế về kỹ thuật làm lạnh nhân tạo. Thình lình, ý tưởng đó xuất hiện ở khắp nơi, không phải vì người ta ăn cắp ý tưởng của Gorrie mà vì họ đã chạm vào kiến trúc căn bản kia một cách độc lập. Cuối cùng, những mảnh ghép khái niệm đã ở đúng vị trí và vì thế ý tưởng tạo ra một bầu không khí mát mẻ nhân tạo đột ngột ngập tràn khí quyển. Những tấm bằng sáng chế lan khắp hành tinh là thí dụ cho thấy sự hiếu kỳ lớn lao trong lịch sử phát minh, hiện tượng mà các học giả ngày nay gọi là “phát minh lặp”. Đó là khi một nhóm các nhà nghiên cứu sống rải rác về mặt địa lý cũng tình cờ có khám phá độc lập tương tự. Các thiên tài độc lập cùng gặp nhau ở một ý tưởng, nhưng không ai trong số họ mơ đến một ngoại lệ. Phần lớn các khám phá đều trở thành điều không thể tưởng tượng nổi tại một thời điểm lịch sử, sau đó nhiều người bắt đầu tưởng tượng về nó. Ở nơi nào đó trên thế giới, một nhà khoa học hoặc một nhà phát minh nảy ra một ý tưởng thiên tài, anh ta trình bày trước cộng đồng phát hiện đáng lưu tâm của mình chỉ để nhận ra đã có ba bộ óc khác đã độc lập nghĩ ra ý tưởng tương tự trong năm trước. Pin điện, điện tín, động cơ hơi nước, thư viện nhạc điện tử, tất cả đều được phát minh vài lần hoàn toàn độc lập trong quãng vài năm. Đầu thập niên 1920, hai học giả Đại học Columbia đã khảo sát lịch sử phát minh trong một tiểu luận xuất sắc có nhan đề: “Có phải phát minh là tất yếu?” Họ đã ghi nhận 148 trường hợp phát minh lặp, đa số xảy ra trong cùng một thập niên. Hàng trăm phát minh đã được khám phá từ đó. Việc làm lạnh cũng không khác biệt: hiểu biết về nhiệt động lực học và các tính chất hóa học cơ bản của không khí, kết hợp với các khối tài sản đến từ ngành kinh doanh nước đá đã tạo thời cơ chín muồi cho những phát minh về làm lạnh nhân tạo. Một trong những nhà phát minh lặp là kỹ sư người Pháp Ferdinand Carré, người đã độc lập thiết kế máy làm lạnh theo đúng những nguyên lý căn bản của Gorrie. Ông bắt tay dựng các mẫu đầu tiên của chiếc máy làm lạnh tại Paris nhưng ý tưởng của ông sau cùng lại thành công nhờ những sự kiện xảy đến bên kia bờ Đại Tây Dương – một trận đói nước đá dạng khác ở Nam Mỹ. Sau khi Nội chiến Mỹ bùng nổ năm 1861, Liên bang đã phong tỏa các bang miền Nam nhằm làm hao tổn nền kinh tế của Liên minh. Hải quân Liên bang chặn đứng dòng chảy nước đá còn hiệu quả hơn các cơn bão nổi lên dọc hải lưu Gulf Stream. Với nền kinh tế và văn hóa phụ thuộc vào ngành buôn bán nước đá, các bang miền Nam nóng nực bỗng thấy cần cái lạnh nhân tạo đến tuyệt vọng. Khi chiến tranh leo thang, các tàu hàng buôn lậu đôi khi có thể vượt qua vòng phong tỏa vào ban đêm để tới neo đậu tại các bãi biển dọc bờ Đại Tây Dương và Vịnh Mexico. Song những tay buôn lậu không chỉ chở thuốc súng và vũ khí. Đôi khi họ còn đem đến các mặt hàng tân kỳ: những chiếc máy làm đá theo thiết kế của Carré. Những chiếc máy mới mẻ này dùng amoniac để làm lạnh và có thể làm ra 180 kg nước đá mỗi giờ. Chúng được chở lậu từ Pháp tới Texas, Georgia và Lousiana. Một mạng lưới các nhà phát minh mày mò những chiếc máy này và cải thiện hiệu năng của chúng. Một số nhà máy sản xuất đá lạnh được mở ra, đánh dấu sự khởi đầu trên sân khấu chính của công nghiệp hóa. Tới năm 1870, các bang miền nam nước Mỹ đã làm ra nhiều nước đá nhân tạo hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Trong các thập niên sau nội chiến, việc làm lạnh nhân tạo bùng nổ và buôn bán nước đá tự nhiên dần trở nên lạc hậu. Làm lạnh trở thành ngành công nghiệp khổng lồ, không chỉ đo bằng lượng tiền trao tay mà cả kích cỡ máy móc: những cỗ máy quái thú chạy bằng động cơ hơi nước nặng hàng trăm tấn, được bảo dưỡng bởi cả một đội kỹ sư làm việc toàn thời gian. Vào đầu thế kỷ 20, khu Tribeca của New York – nay là nơi có các căn hộ áp mái đắt nhất hành tinh – thực chất là chiếc máy lạnh khổng lồ. Toàn bộ các khối nhà không có cửa sổ được thiết kế để làm lạnh cơn lũ nông sản bất tận đến từ chợ đồ ăn Washington gần đó. Mọi chi tiết trong câu chuyện về cái lạnh ở thế kỷ 19 đều xoay quanh việc làm lớn hơn, tham vọng hơn. Song cuộc cách mạng tiếp theo trong làm lạnh nhân tạo lại đi theo hướng hoàn toàn trái ngược. Cái lạnh sẽ thu nhỏ lại. Lạ lùng thay, dấu chân nhỏ hơn của làm lạnh nhân tạo rốt cuộc sẽ mở màn cho các thay đổi trong xã hội loài người, lớn lao đến mức bạn có thể trông thấy chúng từ vũ trụ. MÙA ĐÔNG NĂM 1916, một nhà tự nhiên học lập dị, đồng thời cũng là doanh nhân, dời gia đình nhỏ của mình đến vùng lãnh nguyên Labrador. Ông đã sống một mình ở đây qua mấy mùa đông, mở một công ty nuôi cáo và thỉnh thoảng chuyển những con thú cùng báo cáo về Cục Khảo sát Sinh học Liên bang. Năm tuần sau khi sinh con trai, vợ con được đoàn tụ cùng ông. Dù nói thế nào đi nữa, Labrador cũng không phải chốn lý tưởng cho trẻ sơ sinh. Khí hậu vô cùng khắc nghiệt, nhiệt độ thường xuyên xuống dưới -34 độ C và thiếu thốn thiết bị y tế hiện đại. Ngay cả thức ăn cũng không phải một thứ đáng ao ước. Khí hậu lạnh lẽo của Labrador đồng nghĩa với việc tất cả đồ ăn trong suốt mùa đông hoặc bị đông đá hoặc có chất bảo quản: ngoại trừ cá, không còn nguồn thực phẩm tươi sống nào khác. Một bữa ăn điển hình mà dân địa phương gọi là “brewis” gồm cá tuyết muối và hard tack – loại bánh quy khô cứng như đá, được đun lên và trang trí bằng “scrunchions” – những lát mỡ lợn muối nhỏ và chiên giòn. Mọi món thịt hoặc thực phẩm đóng đá khác sẽ trở nên mềm nhũn và nhạt nhẽo khi rã đông. Nhưng nhà tự nhiên học là một ẩm thực gia ưa trải nghiệm, rất mê ẩm thực của các nền văn hóa khác nhau. (Trong nhật ký, ông ghi lại mọi thứ đã ăn, từ rắn đuôi chuông cho đến chồn hôi.) Và vì thế ông đi câu cá dưới băng với một vài thổ dân người Eskimo. Họ đục lỗ trên mặt hồ đóng băng và thả dây xuống câu cá hồi. Với nhiệt độ âm rất sâu, một con cá khi bị kéo khỏi mặt hồ sẽ đóng băng chỉ sau vài giây. Khi ngồi ăn với cả nhà ở Labrador, nhà tự nhiên học trẻ đã vô tình tìm thấy một thí nghiệm khoa học đột phá. Khi rã đông con cá hồi đóng đá trong chuyến đi câu, họ khám phá ra nó có vị tươi ngon hơn hẳn thức ăn thông thường. Sự khác biệt đáng ngạc nhiên đến mức ông bị ám ảnh về việc tìm ra lý do tại sao cá hồi đông lạnh lại giữ được vị tươi ngon hiệu quả đến thế. Vậy là Clarence Birdseye bắt tay vào một nghiên cứu mà sau này sẽ khiến tên ông được in trên bao bì những gói đậu và que cá đông lạnh trong siêu thị khắp thế giới. Lúc đầu, Birdseye suy đoán cá hồi giữ được độ tươi chỉ đơn giản vì mới được câu lên, nhưng khi nghiên cứu sâu hơn hiện tượng này, ông bắt đầu nghĩ, ắt hẳn phải có yếu tố nào khác. Đầu tiên, cá hồi câu ở lỗ băng giữ nguyên hương vị hàng tháng trời, không như các loại cá đông lạnh khác. Ông bắt đầu thí nghiệm với rau củ đông lạnh và khám phá ra rằng bằng cách nào đó, các sản phẩm được đóng đá vào giữa mùa đông có vị ngon hơn hẳn đóng đá vào cuối mùa thu hoặc đầu mùa xuân. Ông phân tích đồ ăn dưới kính hiển vi, nhận ra một khác biệt đáng kinh ngạc của các tinh thể nước đá được hình thành suốt quá trình đóng băng: những sản phẩm đóng đá bị mất hương vị có các tinh thể lớn hơn đáng kể, các tinh thể này có lẽ đã phá vỡ cấu trúc phân tử của chính món ăn. Quảng cáo tủ lạnh General Electric năm 1949 Sau cùng, Birdseye đi đến một giải thích mạch lạc cho sự khác biệt đáng kể trong hương vị: tất cả là đều liên quan đến tốc độ đóng đá. Quá trình đóng đá chậm khiến các liên kết hyđrô của nước đá hình thành dạng tinh thể lớn hơn. Nhưng nếu sự đóng đá diễn ra chỉ trong vài giây – cấp đông, như chúng ta gọi ngày nay – nó sẽ sản sinh ra các tinh thể nhỏ hơn nhiều, ít tác động đến thực phẩm hơn. Những tay câu Eskimo không hề biết đến các tinh thể và phân tử song họ đã hưởng ích lợi của cấp đông suốt hàng thế kỷ khi kéo những con cá sống ra khỏi nước, đưa chúng vào không khí lạnh kinh hoàng. Khi tiếp tục thí nghiệm, một ý tưởng mới bỗng nhen lên trong tâm trí Birdseye: bởi làm lạnh nhân tạo đã trở nên càng lúc càng phổ biến, nếu xử lý được vấn đề chất lượng, thị trường cho thực phẩm đông lạnh có lẽ sẽ rất rộng mở. Như Tudor trước kia, Birdseyes bắt đầu ghi chép lại các thí nghiệm về cái lạnh. Và cũng như Tudor, các ý tưởng cũng lần lữa trong đầu ông một thập kỷ trước khi trở nên khả thi về mặt thương mại. Đó không phải là một phút chứng ngộ hay lóe sáng mà là thứ gì nhẩn nha hơn, một ý tưởng thành hình từng chút một theo thời gian. Đó là thứ mà tôi thích gọi là “linh cảm chậm” – ý tưởng không lóe lên như ánh điện mà cô đặc dần qua vài thập kỷ, không phải vài giây. Clarence Birdseye ở Labrador, Canada năm 1916 Cảm hứng đầu tiên cho Birdseye là sự tuyệt đỉnh tươi ngon: con cá hồi vừa kéo từ hồ lên. Song nguồn cảm hứng tiếp theo lại hoàn toàn trái ngược: một tàu cá thương mại khổng lồ đầy cá tuyết rữa. Sau chuyến phiêu lưu ở Labrador, Birdseye trở về quê nhà ở New York, nhận công việc ở Hội nghề cá, nơi lần đầu tiên ông được tận mắt thấy điều kiện kinh khủng đặc trưng của ngành đánh cá thương mại. Sau này Birdseye viết: “Sự kém hiệu quả và thiếu vệ sinh trong quá trình phân phối cá tươi ghê tởm đến mức tôi phải bắt tay vào phát triển một phương pháp loại bỏ các phần không ăn được ra khỏi thực phẩm dễ hư hỏng trong quá trình chế biến, rồi đóng chúng vào những hộp chứa nhỏ gọn, tiện dụng, và phân phối tới tay các bà nội trợ, giữ nguyên vẹn độ tươi ngon của chúng.” Trong những thập niên đầu thế kỷ 20, thực phẩm đông lạnh đồng nghĩa với sản phẩm hạng bét. Bạn có thể mua cá hoặc thực phẩm đông lạnh nhưng đa phần không thể nuốt nổi. (Thực tế, đồ đông lạnh tồi tệ tới mức bị cấm sử dụng trong các nhà tù bang New York vì không đạt tiêu chuẩn cho phạm nhân ăn.) Vấn đề mấu chốt là đồ ăn được kết đông ở nhiệt độ khá cao, chỉ dưới ngưỡng đóng băng vài độ. Tuy vậy, vài thập kỷ trước đó, các tiến bộ khoa học cho phép con người có thể tạo ra nhiệt độ tương tự như tại Labrador. Đầu những năm 1920, Birdseye đã phát triển một quy trình cấp đông sử dụng các thùng carton đựng cá đông lạnh xếp chồng lên nhau ở -40 độ C. Lấy cảm hứng từ mô hình công nghệ hiện đại của nhà máy Model T của Henry Ford, ông phát triển một loại “máy kết đông băng tải kép”, giúp chạy quy trình cấp đông trên một dây chuyền sản xuất hiệu quả hơn. Ông thành lập công ty General Seafood, dùng kỹ thuật sản xuất mới này. Birdseye nhận ra rằng bất kỳ thứ gì – hoa quả, thịt, rau củ – được cấp đông bằng phương pháp này đều tươi ngon đáng kể sau khi rã đông. Clarence Birdseye thí nghiệm với cà rốt xắt lát để xác định mối liên hệ giữa tốc độ trộn và vận tốc không khí trên thức ăn Thực phẩm đông lạnh vẫn cần một thập kỷ nữa để trở thành một phần thiết yếu trong thực đơn người Mỹ. (Cần có một lượng tủ đông rất lớn trong siêu thị và bếp gia đình, điều phải tới những năm sau chiến tranh mới thành hiện thực.) Song các thử nghiệm của Birdseye hứa hẹn đến mức vào năm 1929, chỉ vài tháng trước khi xảy ra sự kiện Thứ sáu Đen tối, General Seafood được công ty Postum Cereal mua lại và nhanh chóng đổi tên thành General Foods. Những cuộc phiêu lưu câu cá trên băng của Birdseye đã biến ông thành triệu phú. Đến nay, tên ông vẫn còn xuất hiện trên bao bì các gói cá cắt thanh đông lạnh. Bước đột phá thực phẩm đông lạnh của Birdseye được thành hình như một linh cảm chậm nhưng nó cũng xuất hiện như sự va chạm giữa nhiều không gian địa lý và trí tuệ khác nhau. Để hình dung ra một thế giới với thực phẩm cấp đông, Birdseye cần trải qua thách thức nuôi sống cả gia đình ở khí hậu vùng cực, nơi cái rét dữ dội bủa vây; cần dành thời gian đi câu cá với người Eskimo; cần kiểm tra những container hôi thối của tàu đánh cá tuyết đậu trong cảng New York; cần có kiến thức khoa học để biết cách tạo ra nhiệt độ sâu dưới ngưỡng đóng đá; và cần kiến thức công nghiệp để tạo một dây chuyền sản xuất. Giống như các ý tưởng vĩ đại khác, bước đột phá của Birdseye không chỉ bao gồm một hiểu biết đơn lẻ mà cần cả một mạng lưới ý tưởng, tập hợp lại thành một hình thái mới. Điều khiến ý tưởng của Birdseye trở nên mạnh mẽ không đơn giản là trí tuệ của ông mà còn là sự đa dạng của các không gian và các hình thái chuyên môn được ông kết hợp. Công nhân Birds Eye đóng gói thực phẩm đông lạnh trên băng chuyền. Bức ảnh không rõ ngày chụp, khoảng năm 1922-1950 Trong kỷ nguyên yêu chuộng thực phẩm tươi ngon, có nguồn gốc địa phương và sản xuất thủ công ngày nay, những bữa tối đông lạnh (TV dinner) – phổ biến trong những thập niên sau khám phá của Birdseye – không còn được ưa chuộng nữa. Song trong hình thái nguyên sơ, thực phẩm đông lạnh tốt với sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng vào thực đơn cho người Mỹ. Thực phẩm cấp đông cực nhanh góp phần mở rộng mạng lưới thực phẩm về cả không gian và thời gian: nông sản thu hoạch vào mùa hè có thể giữ được nhiều tháng sau đó; người Denver hay Dallas có thể thưởng thức món cá vùng Bắc Đại Tây Dương. Thà ăn đậu đông lạnh vào tháng một, còn hơn chờ năm tháng sau để được ăn đồ tươi. ĐẾN THẬP NIÊN 1950, người Mỹ đã tiếp thu một lối sống chịu ảnh hưởng sâu sắc của cái lạnh nhân tạo. Họ mua bữa tối đông lạnh từ tủ mát siêu thị, xếp chồng chúng vào ngăn lạnh sâu trong chiếc tủ lạnh mới coóng hiệu Frigidaires có công nghệ làm đá hiện đại nhất. Hậu thuẫn phía sau, xương sống của nền kinh tế đông lạnh là hạm đội xe khổng lồ có khoang lạnh, vận chuyển những chuyến đậu đông Birds Eye (và nhiều hãng khác) đi khắp đất nước. Thế nhưng, trong một gia đình Mỹ điển hình những năm 1950, thiết bị làm lạnh tân thời không trữ cá phi lê cho bữa tối hay làm đá cho mấy ly Martini. Nó được sử dụng để hạ nhiệt (và giảm độ ẩm) cho toàn bộ ngôi nhà. Người nghĩ ra “thiết bị xử lý không khí” đầu tiên là kỹ sư trẻ Willis Carrier vào năm 1902. Câu chuyện phát minh của Carrier là trường hợp kinh điển trong biên niên sử những khám phá tình cờ. Chàng kỹ sư 25 tuổi Carrier được thuê lập kế hoạch cho một công ty in ở Brooklyn giúp mực in của họ không bị nhòe vào các tháng hè ẩm ướt. Phát minh của Carrier không chỉ đẩy độ ẩm khỏi phòng in mà còn làm mát không khí. Carrier nhận ra mọi người đột nhiên thích ăn trưa ở cạnh máy in và ông bắt đầu mày mò thiết kế một cỗ máy điều chỉnh độ ẩm và nhiệt độ trong không gian kín. Vài năm sau, Carrier đã thành lập một công ty – đến nay vẫn là hãng sản xuất điều hòa không khí hàng đầu thế giới – tập trung vào mục đích sử dụng công nghiệp. Nhưng Carrier mau chóng bị thuyết phục rằng, điều hòa thuộc về đại chúng. Phòng thí nghiệm của hãng Carrier thử nghiệm sản phẩm mới trị giá 700 đô la, đáp ứng cho sáu phòng, máy điều hòa trung tâm khuếch tán hơi mát trên sàn nhà; hơi nước làm khí lạnh hiển thị, bay lên khoảng một mét. Ảnh năm 1945 Bài thử lớn đầu tiên của Carrier là vào cuối tuần lễ Chiến sĩ trận vong (Memorial Day) năm 1925, khi ông giới thiệu một hệ thống điều hòa thử nghiệm trong rạp chiếu phim hàng đầu của hãng Paramount ở Manhattan, rạp Rivoli. Rạp chiếu phim vốn hết sức ngột ngạt vào những tháng hè. (Thực ra, vào thế kỷ 19, rất nhiều địa điểm vui chơi giải trí ở Manhattan có hệ thống làm mát bằng đá song hệ thống này lại làm ẩm không khí.) Trước khi có điều hòa, ý tưởng về phim bom tấn mùa hè vẻ như hết sức phi lý: một căn phòng chật kín hàng ngàn người nhễ nhại mồ hôi là ngõ cùng mà bạn đến trong một ngày nóng nực. Vì vậy, Carrier đã thuyết phục Adolph Zukor, giám đốc huyền thoại của Paramount, rằng ông sẽ hái ra tiền nếu đầu tư hệ thống điều hòa trung tâm cho rạp phim. Hệ thống điều hòa ở Công ty in Sackett & Wilhems Bản thân Zukor cũng từng dự buổi chạy thử vào ngày lễ Chiến sĩ trận vong, kín đáo ngồi trên hàng ghế ban công. Carrier và đồng sự gặp chút trục trặc kỹ thuật khi khởi động điều hòa; căn phòng đầy những chiếc quạt tay vung vẩy trước giờ chiếu. Sau này Carrier gợi nhắc lại cảnh ấy trong hồi ký: Trong một ngày nóng nực, cần nhiều thời gian để hạ nhiệt nhanh một phòng chiếu đông người, nhất là khi nó chật ních người. Dần dần, gần như không nhận thấy, những chiếc quạt được hạ xuống khi tác động của hệ thống điều hòa trở nên rõ rệt. Một vài người vẫn quen tay song chẳng mấy chốc, họ cũng ngừng quạt… Chúng tôi quay về sảnh và chờ ngài Zukor bước xuống. Khi thấy chúng tôi, ông không chờ được hỏi ý kiến. Ông nói gọn lỏn: “Đúng, người ta sẽ thích nó!” GIỮA NHỮNG NĂM 1925 VÀ 1950, đa phần người Mỹ đều được trải nghiệm điều hòa không khí ở các mặt bằng thương mại như rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, khách sạn hay cao ốc văn phòng. Carrier nhận ra điều hòa được sinh ra để hướng đến không gian trong nhà, nhưng chúng lại quá cồng kềnh và đắt đỏ so với hộ gia đình trung lưu. Tập đoàn Carrier đã hé mở viễn cảnh ấy qua việc trưng bày “Nhà tuyết của tương lai” ở Hội chợ Thế giới năm 1939. Trong khối kiến trúc kỳ cục trông như một phần kem ốc quế vani năm tầng, với sự hỗ trợ của một đội “thỏ tuyết” theo phong cách Rockette, Carrier đã giới thiệu sự kỳ diệu của điều hòa không khí trong nhà. Song viễn cảnh mang sự mát mẻ đến các hộ gia đình của Carrier bị trì hoãn do Thế chiến thứ hai bùng nổ. Phải đến cuối thập niên 1940, gần nửa thế kỷ sau những thử nghiệm đầu tiên, điều hòa mới đến được với các hộ gia đình khi điều hòa di động treo tường xuất hiện trên thị trường. Chưa đầy nửa thập kỷ, người Mỹ đã lắp đặt hơn một triệu máy mỗi năm. Khi nghĩ về công nghệ tiểu hình hóa (thu nhỏ) của thế kỷ 20, tâm trí chúng ta thường hướng về bóng bán dẫn hoặc vi mạch, nhưng dấu vết thu nhỏ của điều hòa cũng rất xứng đáng có một vị trí trong biên niên sử sáng chế: một chiếc máy từng cồng kềnh hơn xe tải nay thu lại đến mức lắp vừa khung cửa sổ. Chính sự thu nhỏ này nhanh chóng gây nên một chuỗi sự kiện phi thường khác, theo nhiều cách có ảnh hưởng ngang ngửa cách xe ô tô tác động lên mô hình định cư ở nước Mỹ. Những nơi từng quá nóng và ẩm ướt – gồm cả vài thành phố từng khiến chàng trai trẻ Frederic Tudor mồ hôi nhễ nhại – đột nhiên trở nên dễ chịu hơn với một bộ phận lớn dân chúng. Năm 1964, xu thế di cư lịch sử từ miền Nam lên miền Bắc, được định hình sau Nội chiến Mỹ, đã đảo chiều. Vành đai Mặt trời nới rộng với dòng di dân mới từ các bang lạnh hơn. Họ nay đã có thể chịu đựng được khí hậu nhiệt đới ẩm và khí hậu sa mạc nóng bỏng nhờ điều hòa trong nhà. Dân số Tucson tăng từ 45.000 lên 210.000 chỉ sau 10 năm; dân số Houston tăng từ 600.000 lên 940.000 trong cùng thập kỷ đó. Vào thập niên 1920, khi Willis Carrier lần đầu trình diễn tác động của điều hòa với Adolph Zukor tại rạp Rivoli, Florida có chưa đầy một triệu dân. Nửa thế kỷ sau, bang này sắp sửa trở thành một trong bốn bang lớn nhất nước Mỹ với 10 triệu người trốn trong những căn nhà lắp điều hòa suốt các tháng hè ẩm ướt. Phát minh của Carrier không chỉ lưu chuyển các phân tử ôxy và nước. Nó còn lưu chuyển cả con người. Rạp Irvin, những năm 1920 Những biến động lớn trong nhân khẩu học luôn đi kèm tác động chính trị. Làn sóng di dân đến Vành đai Mặt trời đã thay đổi bản đồ chính trị nước Mỹ. Vốn là thành lũy của Đảng Dân chủ, miền Nam là nơi tập trung một số lượng lớn người già nghỉ hưu, vốn bảo thủ hơn trong quan điểm chính trị. Nhà sử học Nelson W. Polsby từng mô tả trong cuốn sách How Congress Evolves (Sự tiến hóa của Quốc hội), Đảng Cộng hòa di chuyển xuống miền Nam ở thời kỳ hậu-điều-hòa cũng mạnh như việc xóa bỏ nền tảng “Dixiecrat” khi phe nổi dậy chống lại các phong trào nhân quyền. Ở Quốc hội, điều này gây nên nghịch lý trong việc giải phóng làn sóng cải cách tự do, khi Đảng Dân chủ không phân chia thành phe bảo thủ miền Nam và phe cấp tiến miền Bắc. Song điều hòa lại có dấu ấn mạnh mẽ trong việc bầu cử Tổng thống. Dân số ở Florida, Texas và nam California gia tăng làm dịch chuyển các đoàn đại cử tri về Vành đai Mặt trời. Giữa thập niên 1940 và 1980, những bang có khí hậu ấm áp thu được tới 29 phiếu đại cử tri, trong khi những bang lạnh hơn ở đông bắc và Vành đai Rỉ sắt mất đi 31 phiếu. Nửa đầu thế kỷ 20, chỉ có hai tổng thống hay phó tổng thống xuất thân từ các bang ở Vành đai Mặt trời. Tuy nhiên, từ năm 1952, mọi lá phiếu tranh cử tổng thống thắng cuộc đều có một ứng viên từ Vành đai Mặt trời, cho đến khi Barack Obama và Joe Biden phá lệ vào năm 2008. Đây là toàn cảnh lịch sử: gần một thế kỷ sau khi Willis Carrier bắt đầu nghĩ cách để mực khỏi nhòe ở Brooklyn, khả năng chi phối các phân tử khí tí hon và độ ẩm của chúng ta đã thay đổi bản đồ chính trị Hoa Kỳ. Song sự trỗi dậy của Vành đai Mặt trời mới chỉ là buổi tổng duyệt cho các sự kiện sắp xảy ra trên quy mô toàn cầu. Trên khắp hành tinh, những siêu đô thị tăng trưởng nhanh nhất chủ yếu nằm ở các vùng khí hậu nhiệt đới: Chennai (Ấn Độ), Bangkok (Thái Lan), Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia), Karachi (Pakistan), Lagos (Nigeria), Rio de Janeiro (Brazil), Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất). Các nhà nhân khẩu học dự đoán đến năm 2025, các thành phố nóng nực này sẽ đón thêm hơn một tỷ cư dân mới. “Nhà tuyết tương lai”. Tiến sĩ Willis H. Carrier cầm nhiệt kế trong buổi trình diễn nhà tuyết để mô tả máy điều hòa tại Hội chợ Thế giới St. Loius. Nhiệt độ duy trì trong nhà tuyết là 20oC Chắc chắn rất nhiều người trong số dân di cư đó không có điều hòa trong nhà, hoặc ít nhất là chưa có, và sự phát triển bền vững của các đô thị này vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ, nhất là ở những nơi có khí hậu sa mạc. Song khả năng làm chủ nhiệt độ và độ ẩm tại các tòa cao ốc, cửa hàng và các gia đình giàu có đã cho phép các đô thị trung tâm này có được bệ phóng kinh tế, nâng tầm siêu đô thị. Không hề ngẫu nhiên khi đến trước nửa sau thế kỷ 20, các thành phố lớn nhất thế giới – London, Paris, New York, Tokyo – hầu như đều nằm ở đới khí hậu ôn hòa. Điều ta chứng kiến hôm nay có thể là cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử loài người, được thúc đẩy trước hết bởi một thiết bị gia dụng. NHỮNG KẺ MỘNG MƠ, NHỮNG NHÀ PHÁT MINH mở ra cuộc cách mạng cái lạnh mà không hề có khoảnh khắc đột khởi eureka và ý tưởng thiên tài của họ cũng hiếm khi lập tức thay đổi thế giới. Đa phần họ đi từ linh cảm, rồi bền bỉ giữ các linh cảm ấy suốt nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ, cho đến khi đủ mảnh ghép tập hợp với nhau. Vài phát minh trong số đó có vẻ vụn vặt với chúng ta hôm nay. Tất cả trí tuệ tập thể được tập hợp qua nhiều thập kỷ này lẽ nào chỉ để mang lại bữa tối đông lạnh? Nhưng thế giới đông lạnh mà Tudor và Birdseye gợi mở đã làm được nhiều việc hơn là lấp đầy que cá khắp hành tinh. Nó cũng làm gia tăng dân số nhờ công nghệ cấp đông và trữ lạnh tinh trùng, trứng và phôi. Hàng triệu sinh mạng trên khắp thế giới tồn tại nhờ kỹ thuật làm lạnh nhân tạo. Ngày nay, tiến bộ trong kỹ thuật trữ lạnh noãn, giúp phụ nữ lưu trữ được những trứng khỏe mạnh khi họ còn trẻ, có thể kéo dài khả năng sinh sản đến ngoài 40, 50 tuổi. Ngày nay, chúng ta có nhiều lựa chọn để sinh con – từ các cặp đồng tính nữ hoặc mẹ đơn thân sử dụng ngân hàng tinh trùng để thụ tinh, tới các phụ nữ có thêm hai thập kỷ làm việc trước khi nghĩ đến việc có con – tất cả sẽ chỉ là chuyện hão huyền nếu thiếu phát minh về cấp đông. Khi nghĩ về các ý tưởng đột phá, chúng ta có xu hướng bị giới hạn bởi quy mô của phát minh ban đầu. Khi nhận thức về cách làm ra cái lạnh nhân tạo, chúng ta nghĩ, nó đồng nghĩa với việc phòng ngủ mát hơn, chúng ta ngủ ngon hơn vào những đêm oi bức, hay những viên đá lạnh tốt lành để pha soda. Chỉ chừng đó sẽ dễ hiểu hơn. Song nếu bạn chỉ kể câu chuyện về cái lạnh như thế, bạn đã bỏ qua tầm vóc sử thi của nó. Chỉ hai thế kỷ sau khi Frederic Tudor manh nha ý tưởng mang nước đá đến Savannah, khả năng làm chủ cái lạnh nay đã giúp con người cải tổ mô hình định cư trên khắp hành tinh và mang hàng triệu đứa trẻ đến với thế gian. Nhìn thoáng qua, nước đá có vẻ là tiến bộ khá tầm thường: một mặt hàng đắt tiền, phù phiếm. Thế nhưng, trải hơn hai thế kỷ, ảnh hưởng của nó bắt đầu gây choáng váng, khi chúng ta sử dụng góc nhìn toàn cảnh: từ sự biến chuyển của Đại Bình nguyên Bắc Mỹ đến thổi sự sống vào phôi trữ lạnh; rồi sự bung tỏa của các thành phố mênh mông trên sa mạc cát. Chương 3Âm thanh Xấp xỉ một triệu năm trước, biển cả rút khỏi vùng lòng chảo mà ngày nay là Paris, để lại một vành đai trầm tích đá vôi – vốn là một rặng san hô sống. Theo thời gian, dòng sông Cure ở Burgundy chầm chậm len lỏi qua các khối đá vôi này, kiến tạo một mạng lưới hang động và đường hầm mà sau này sẽ được trang hoàng bởi các nhũ đá và măng đá hình thành từ nước mưa và cacbonic. Các phát hiện khảo cổ học cho thấy rằng người Neanderthal cùng những người hiện đại đầu tiên dùng các hang động này làm nơi trú ẩn và hành lễ suốt hàng chục nghìn năm. Đầu thập kỷ 1990, bộ sưu tập đồ sộ các bức vẽ cổ đại được phát hiện trên vách của một tổ hợp hang động ở Arcy-sur Cure: trên một trăm hình vẽ bò rừng bison, voi ma mút lông lá, chim, cá – và thậm chí, ám ảnh nhất, còn có cả dấu tay trẻ nhỏ. Kỹ thuật định niên đại bằng đồng vị phóng xạ cho biết các bức vẽ ấy đã 30.000 năm tuổi. Và chỉ những bức vẽ ở Chauvet, thuộc miền nam nước Pháp, mới có niên đại lâu hơn. Tranh hang động thường được coi là bằng chứng cho nỗ lực tái hiện thế giới qua hình ảnh của người nguyên thủy. Rất lâu trước phát minh điện ảnh, tổ tiên chúng ta quây quần trong các hang động sáng ánh lửa, nhìn chăm chú lên những hình ảnh nhảy nhót trên vách hang. Song gần đây, người ta đã đưa ra một giả thuyết mới về cách người nguyên thủy sử dụng hang động Burgundy, không nhấn mạnh vào hình vẽ trong các hành lang dưới lòng đất này mà vào âm thanh của nó. Vài năm sau khi các bức vẽ ở Arcy-sur-Cure được phát hiện, Iegor Reznikoff, nhà nhân học âm nhạc của Đại học Paris, bắt đầu nghiên cứu các hang động theo cách của loài dơi: lắng nghe tiếng dội và tiếng vang ở những đoạn khác nhau của tổ hợp hang động. Từ lâu người ta đã biết những bức vẽ của người Neanderthal chỉ tập trung ở một số phần hang động nhất định, với một số bức phức tạp và được trang trí công phu nhất ở nơi sâu hơn một cây số. Reznikoff quả quyết các bức vẽ đều được đặt ở những phần hang đặc biệt về mặt âm thanh, những nơi cho tiếng vang sâu lắng nhất. Khi đứng dưới các bức vẽ động vật thời Đá cũ ở cuối hang Arcy-sur-Cure, nếu gây ra một tiếng động lớn, bạn sẽ nhận được bảy tiếng dội khác biệt. Tiếng vang vọng sẽ kéo dài xấp xỉ năm giây sau khi dây thanh quản của bạn ngừng rung. Về mặt âm học, hiệu ứng này không khác gì kỹ thuật “bức tường âm thanh” nổi tiếng mà nhà sản xuất Phil Spector dùng trong các bản thu vào thập niên 1960 cho các nghệ sĩ như The Ronettes, Ike và Tina Turner. Trong hệ thống của Spector, bản thu âm được dẫn qua một căn phòng dưới tầng hầm chứa đầy loa và micrô, tạo ra tiếng dội nhân tạo rất lớn. Ở Arcy-sur-Cure, hiệu ứng này được tạo ra bởi môi trường tự nhiên của chính hang động. Giả thuyết của Reznikoff cho rằng cộng đồng người Neanderthal đã tụ tập quanh các bức hình vừa hoàn thành, cùng nhau ca hát trong một nghi lễ nào đó, dùng những tiếng vang vọng của hang động để khuếch đại một cách thần thánh tiếng hát của mình. (Ông còn phát hiện các chấm nhỏ màu đỏ được vẽ ở những phần hang giàu âm lực khác.) Tổ tiên chúng ta không thể thu lại âm thanh đã nghe như cách ghi lại trải nghiệm nhìn thế giới trong các bức vẽ. Song nếu Reznikoff đúng, thì những người tiền sử ấy đã thử nghiệm một hình thức kỹ thuật âm thanh sơ khai – khuếch đại và tinh chỉnh một trong những thanh âm ấm lòng bậc nhất: giọng nói con người. Khám phá ở La grotte d’Arcy-sur-Cure, Pháp, tháng 9 năm 1991 Nỗ lực tinh chỉnh giọng nói cuối cùng đã mở đường cho một loạt đột phá công nghệ và xã hội trên cả phương diện giao tiếp, tính toán, chính trị và nghệ thuật. Chúng ta dễ dàng chấp nhận rằng khoa học và công nghệ đã cải thiện tầm nhìn của mình một cách phi thường: từ cặp mắt kính đến kính thiên văn Keck. Nhưng các dây thanh quản rung động khi chúng ta phát biểu hay ca hát cũng được tiếp lực rất nhiều bởi kỹ thuật nhân tạo. Giọng nói của chúng ta lớn hơn; chúng bắt đầu đi theo các đường dây dưới đáy đại dương; chúng trượt khỏi những ràng buộc thô bạo của Trái đất rồi đập vào các vệ tinh. Các cuộc cách mạng thị giác quan trọng đa phần diễn ra vào khoảng giữa thời kỳ Phục hưng và thời kỳ Khai sáng: kính mắt, kính hiển vi, kính viễn vọng giúp nhìn rõ hơn, gần hơn và xa hơn. Song phải đến cuối thế kỷ 19, công nghệ âm thanh mới xuất hiện với sức mạnh toàn lực. Khi ấy, nó thay đổi gần như mọi thứ. Tuy vậy, mọi chuyện không bắt đầu từ việc khuếch đại. Bước nhảy vĩ đại đầu tiên về nỗi ám ảnh của giọng nói đến cùng hành động đơn giản là ghi lại nó. HÀNG NGHÌN NĂM sau khi các giọng ca Neanderthal tụ tập ở chốn vang vọng của quần thể hang động Burgundy, ý tưởng ghi lại âm thanh hãy còn kỳ ảo như cổ tích. Suốt quãng nghìn năm ấy, chúng ta đã trau chuốt nghệ thuật thiết kế không gian âm học giúp khuếch đại giọng nói và nhạc cụ: nhà thờ Trung cổ, xét đến cùng, chứa đựng nhiều kỹ thuật âm thanh không kém việc tạo ra trải nghiệm thị giác hoành tráng. Song không ai nghĩ tới việc thu trực tiếp âm thanh. Âm thanh thật thanh tao, khó nắm bắt. Chúng ta chỉ có thể bắt chước âm thanh bằng giọng nói và nhạc cụ. Giấc mơ ghi lại giọng nói chỉ bước vào vùng kề cận khả thi sau hai phát minh quan trọng: một thuộc lĩnh vực vật lý và một thuộc lĩnh vực giải phẫu. Từ những năm 1500, các nhà khoa học bắt đầu đặt giả thiết rằng, âm thanh đi qua không khí dưới dạng sóng vô hình. (Ít lâu sau, họ đã khám phá ra các sóng này đi nhanh gấp bốn lần khi truyền qua môi trường nước, một đặc tính thú vị sẽ phải chờ đến bốn thế kỷ sau mới được khai thác.) Sang tới thời Khai sáng, các cuốn sách giải phẫu học chi tiết đã vẽ lại cấu trúc cơ bản của tai người, mô tả cách sóng âm đi qua ốc tai hình phễu, tạo nên các rung động trên màng nhĩ. Vào những năm 1850, người thợ in Édouard-Léon Scott de Martinville ở Paris vô tình đọc được một cuốn sách giải phẫu, nó khơi lên trong ông niềm hứng thú về sinh lý học và vật lý âm thanh. Scott cũng từng theo học tốc ký; vài năm trước khi bắt đầu tư duy về âm thanh, ông đã xuất bản một cuốn sách về lịch sử tốc ký. Vào thời điểm đó, tốc ký là kỹ thuật ghi âm tiên tiến nhất; không hệ thống nào có thể ghi lại lời nói với sự chính xác và tốc độ cao như một tốc ký viên thực thụ. Song khi nhìn vào tranh minh họa chi tiết tai trong, một suy nghĩ mới mẻ bắt đầu xuất hiện trong đầu Scott: biết đâu quá trình ghi chép lại giọng nói có thể thực hiện tự động. Thay vì con người, một cỗ máy có thể ghi lại các sóng âm. Tháng 3 năm 1857, 20 năm trước phát minh máy ghi âm của Edison, văn phòng sáng chế của Pháp đã cấp bằng cho Scott về máy ghi chép âm thanh. Chiếc máy của Scott dẫn sóng âm đi qua một thiết bị hình phễu được bọc một đầu bằng màng da mỏng. Sóng âm sẽ gây ra các dao động trên lớp màng mỏng này, rồi truyền tới một cây bút lông lợn. Cây bút sẽ khắc các sóng âm này lên một tờ giấy được phủ muội đèn. Ông gọi phát minh của mình là “phonautograph”: máy ký âm tự động. Tai người Trong biên niên sử phát minh, có lẽ không gì đáng tò mò về sự kết hợp giữa tật viễn thị và cận thị hơn câu chuyện của máy ký âm tự động. Một mặt, Scott đã có bước tiến quan trọng về khái niệm – rằng sóng âm có thể được tách từ không khí và ghi lại bằng máy – một thập kỷ trước khi các nhà phát minh và nhà khoa học khác quan tâm. (Khi bạn sống trước Thomas Edison tới hai mươi năm, mà đã làm được điều này, bạn có thể chắc chắn mình là một thiên tài.) Song phát minh của Scott lại què quặt vì một hạn chế sơ đẳng – thậm chí là nực cười. Ông đã phát minh ra chiếc máy ghi âm đầu tiên trong lịch sử nhưng quên không thêm chức năng phát lại. Thực ra, từ “quên” hơi nặng nề. Ngày nay, chúng ta cho rằng hiển nhiên một thiết bị ghi âm luôn kèm theo tính năng giúp nghe lại đoạn thu. Phát minh một máy ký âm mà không kèm bộ phận phát lại giống như phát minh ra ô tô mà quên trục bánh xe vậy. Nhưng đó là bởi chúng ta đang phán xét công trình của Scott trên một hệ quy chiếu khác. Ban đầu, không ai tin có thể có một chiếc máy truyền được âm thanh bắt nguồn từ nơi khác; cho đến khi Alexander Graham Bell bắt đầu tái tạo sóng âm ở một đầu dây điện thoại, sự phát lại mới trở thành bước tiến hiển nhiên. Theo một nghĩa nào đó, Scott phải tìm kiếm hai điểm mù: ý tưởng có thể ghi lại âm thanh và ý tưởng có thể chuyển ngược các bản ghi ấy về dạng sóng âm. Scott nắm bắt thành công ở điểm thứ nhất, nhưng hoàn toàn không đạt đến điểm thứ hai. Không phải ông quên hay thất bại trong việc phát lại âm thanh mà vấn đề là ý tưởng này chưa bao giờ nảy ra trong đầu ông. Nếu phát lại chưa từng là một phần trong kế hoạch của Scott thì cần đặt ra câu hỏi: vì sao từ đầu ông lại để tâm đến việc tạo ra máy ký âm. Một thiết bị ghi âm nhưng không thể phát lại thì có ích gì? Ở đây chúng ta gặp phải con dao hai lưỡi khi dựa vào các ẩn dụ bao quát, đem ý tưởng từ lĩnh vực này áp dụng vào một bối cảnh mới. Édouard-Léon Scott de Martinville, nhà văn, nhà phát minh máy ký âm tự động Máy ký âm tự động, khoảng năm 1857 Scott đến với ý tưởng về ghi âm thông qua ẩn dụ về tốc ký: ghi lại sóng thay vì từ ngữ. Ẩn dụ cấu trúc này cho phép ông thực hiện bước tiến đầu tiên, đi trước đồng nghiệp nhiều năm, nhưng có lẽ lại ngăn ông thực hiện bước tiếp theo. Một khi từ ngữ được chuyển sang bảng mã tốc ký, thông tin ghi lại sẽ được giải mã bởi những người hiểu loại mã này. Scott nghĩ máy ký âm của ông sẽ áp dụng cùng nguyên lý đó. Chiếc máy sẽ khắc sóng âm vào muội đèn, mỗi lần giật bút tương ứng với một vài đơn âm mà giọng nói của con người phát ra. Và con người sẽ học cách đọc các dòng ngoằn ngoèo này giống như học đọc chữ tốc ký. Về mặt nào đó, Scott hoàn toàn không cố sức phát minh ra máy ghi âm. Ông chỉ cố phát minh ra máy ghi chép – có điều bạn sẽ phải học một ngôn ngữ hoàn toàn mới để đọc được các bản ghi đó. Nếu nhìn lại thì đó không phải là một ý tưởng điên rồ. Con người đã chứng tỏ khả năng đặc biệt tốt trong việc học và nhận biết những khuôn mẫu trực quan; một khi đã học được và thuộc nằm lòng bảng chữ cái, chúng ta có thể đọc mà không cần nghĩ. Sóng âm thanh khi đã được ghi lên giấy cũng đâu khác gì? Đáng tiếc là bộ xử lý thần kinh của con người dường như không chứa kỹ năng nhìn và đọc sóng âm. 150 năm đã qua sau phát minh của Scott, chúng ta đã làm chủ được nghệ thuật và khoa học âm thanh, đến mức hẳn sẽ làm Scott kinh ngạc. Nhưng không một ai trong số chúng ta học được cách phân tích bằng hình ảnh thứ ngôn ngữ nói ẩn trong những sóng âm được ghi lại kia. Đây là một canh bạc sáng suốt rốt cuộc thua trắng. Để giải mã một đoạn ghi âm, chúng ta cần chuyển nó lại thành âm thanh, từ đó hiện giải mã qua màng nhĩ, chứ không phải qua võng mạc. Có thể chúng ta chưa bao giờ đọc được sóng âm song chắc chắn chúng ta không lười nhác: suốt một thế kỷ rưỡi kể từ phát minh của Scott, chúng ta đã phát minh được máy “đọc” hình ảnh thị giác dạng sóng và chuyển nó về dạng âm thanh, chẳng hạn máy tính. Chỉ vài năm trước, một nhóm nhà sử học nghiên cứu âm thanh gồm David Giovanni, Patrick Feaster, Meagan Hennessey và Richard Martin đã tìm ra một bộ sưu tập các bản ký âm của Scott tại Học viện Khoa học ở Paris, trong đó có một bản từ tháng 4 năm 1860, được bảo quản tuyệt vời. Giovanni cùng đồng sự đã quét các dòng mờ nhòe, đứt quãng được khắc lên muội đèn từ thời Lincoln. Họ chuyển hình ảnh này về dạng sóng kỹ thuật số rồi phát lại qua loa máy tính. Ban đầu, họ nghĩ đó là giọng một phụ nữ đang hát khúc dân ca Pháp Au Clair De La Lune nhưng sau đó họ nhận thấy mình đang phát lại đoạn âm thanh với tốc độ nhanh gấp đôi. Khi giảm về nhịp độ chuẩn, một giọng nam vang lên giữa tiếng rạn và rít: đó là Édouard-Léon Scott de Martinville đang khe khẽ hát từ đáy mộ. Dễ hiểu là dù được bật đúng tốc độ, bản ghi này vẫn không đạt chất lượng cao nhất. Suốt phần lớn đoạn băng, những tạp âm từ thiết bị ghi lấn át cả giọng Scott. Song ngay cả khuyết điểm rõ rệt này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng lịch sử của các bản ghi. Những tiếng rít của tín hiệu âm thanh xuống cấp đã trở nên quen thuộc với những đôi tai thế kỷ 20. Nhưng đó không phải âm thanh tự nhiên. Sóng âm giảm, dội hoặc nén lại trong môi trường tự nhiên nhưng nó không vỡ thành các tiếng ồn cơ khí. Âm thanh của tĩnh điện là một âm thanh hiện đại. Scott là người đầu tiên ghi lại nó dù phải mất một thế kỷ rưỡi người ta mới nghe được âm thanh ấy. Nhưng điểm mù của Scott không phải là cái kết của câu chuyện. Mười lăm năm sau khi ông được cấp bằng sáng chế, một nhà phát minh khác đã thí nghiệm với máy ký âm, điều chỉnh thiết kế ban đầu của Scott, thêm vào một cái tai thật lấy từ một tử thi để tăng độ thẩm âm. Sau khi mày mò, ông đã tìm ra phương pháp vừa ghi lại vừa truyền dẫn âm thanh. Tên ông là Alexander Graham Bell. VÌ LÝ DO NÀO ĐÓ, công nghệ âm thanh dường như lại lấy đi thính lực của những người tiên phong trong lĩnh vực này. Hết lần này đến lần khác, cha đẻ của các công cụ đem đến cách thức chia sẻ và truyền dẫn âm thanh mới đều khó hình dung cuối cùng người ta sẽ sử dụng công cụ đó vào việc gì. Khi Thomas Edison hoàn tất thiết kế ban đầu của Scott và phát minh ra máy ký âm vào năm 1877, ông hình dung chiếc máy này sẽ được dùng làm phương tiện gửi thư thoại qua hệ thống bưu điện. Các cá nhân có thể ghi âm thư thành những dòng chữ trên giấy sáp, rồi bỏ nó vào bao thư để vài ngày sau người nhận có thể nghe lại. Bell, sau khi phát minh ra điện thoại, lại có một tính toán sai lầm theo chiều ngược lại: ông hình dung một trong các ứng dụng cơ bản của điện thoại là làm phương tiện chia sẻ nhạc sống. Một dàn nhạc hoặc ca sĩ sẽ ngồi ở một đầu dây, còn thính giả sẽ ngồi lại và thưởng thức âm nhạc ở đầu dây bên kia. Theo một cách nào đó, mọi thứ ngược hẳn với dự tính của hai nhà phát minh huyền thoại: con người cuối cùng lại dùng máy ký âm để nghe nhạc và dùng điện thoại để liên lạc với bạn bè. Là một phương tiện truyền thông, điện thoại giống với các mạng lưới một đối-một của dịch vụ bưu chính. Trong thời đại của truyền thông đại chúng sau này, các nền tảng truyền thông mới tất yếu bị lôi về phía mô hình các nhà sáng tạo truyền thông lớn và khán giả thụ động. Cho đến khi thư điện tử ra đời một thế kỷ sau, hệ thống điện thoại đã duy trì mô hình riêng tư hơn, một đối-một thay vì mô hình giao tiếp một-với-nhiều người. Điện thoại mang lại các hệ quả rộng lớn và đa chiều. Các cuộc gọi quốc tế mang thế giới lại gần hơn dù những sợi dây liên kết chúng ta vẫn rất mỏng manh. Đường dây đầu tiên xuyên Đại Tây Dương cho phép các cuộc gọi dân sự giữa Bắc Mỹ và châu Âu chỉ mới được lắp đặt vào năm 1956. Trong lần lắp đặt đầu tiên này, hệ thống chỉ tiếp nhận đồng thời 24 cuộc gọi. Mới 50 năm trước thôi, đó là toàn bộ băng thông trao đổi âm thanh giữa hai lục địa: trong vài trăm triệu tiếng nói, chỉ hai tá cuộc hội thoại cùng một lúc. Điều thú vị là đường dây điện thoại nổi tiếng nhất thế giới – “điện thoại đỏ” – tức đường dây nóng giữa Nhà Trắng và Điện Kremlin, không phải là điện thoại đúng nghĩa. Được thiết lập sau sự cố liên lạc suýt dẫn đến chiến tranh hạt nhân trong Khủng hoảng tên lửa Cuba, đường dây nóng này thực ra là một máy điện tín, cho phép gửi đi các thông điệp nhanh chóng và tuyệt mật giữa hai cường quốc. Các cuộc gọi thoại bị coi là quá rủi ro xét tới những khó khăn của việc phiên dịch cùng lúc. Bên cạnh đó, điện thoại cũng tạo nên những chuyển biến khó nhận thấy hơn. Nó truyền bá nét nghĩa hiện đại của từ “hello” – lời chào mở đầu hội thoại – biến từ này thành một trong những từ dễ nhận biết nhất trên Trái đất. Tổng đài điện thoại trở thành một trong các con đường đầu tiên để phụ nữ tiến vào tầng lớp lao động. (Giữa thập niên 1940, riêng AT&T đã thuê 250.000 phụ nữ.) Trong một cuộc tranh luận vào năm 1908, John J. Carty, quản lý cấp cao của AT&T, đã cho rằng, điện thoại tác động đến các tòa nhà chọc trời không kém gì thang máy: Nghe có vẻ ngớ ngẩn khi nói Bell và những người kế thừa là cha đẻ của kiến trúc thương mại hiện đại – các tòa nhà chọc trời. Nhưng hãy khoan! Hãy thử xem xét tòa nhà Singer, Flatiron, Broad Exchange, Trinity hay bất cứ tòa cao ốc khổng lồ nào khác. Bạn nghĩ mỗi ngày sẽ có bao nhiêu thông điệp ra vào từng tòa nhà ấy? Giả sử không có điện thoại và mỗi thông điệp lại cần một người chuyển phát? Bạn nghĩ sẽ còn bao nhiêu mét văn phòng chưa bị thang máy lấp đầy? Các khối kiến trúc như vậy sẽ trở nên bất khả thi về mặt kinh tế. Phòng thí nghiệm của nhà phát minh Alexander Graham Bell, nơi ông đã thử nghiệm truyền dẫn âm thanh bằng điện năm 1886 Nhưng có lẽ di sản ý nghĩa nhất của điện thoại nằm ở tổ chức kỳ lạ và tuyệt vời phát triển từ nó: Phòng thí nghiệm Bell, tổ chức đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các công nghệ lớn của thế kỷ 20. Radio, ống chân không, bóng bán dẫn, tivi, pin năng lượng mặt trời, cáp đồng trục, tia laser, bộ vi xử lý, máy tính, điện thoại di động, sợi quang học: các công cụ thiết yếu của đời sống hiện đại đều bắt nguồn từ những ý tưởng tại Phòng thí nghiệm Bell. Không phải ngẫu nhiên nó được biết đến với cái tên “Nhà máy ý tưởng”. Câu hỏi thú vị về Phòng thí nghiệm Bell không phải là nó phát minh ra cái gì. (Câu trả lời rất đơn giản: gần như tất cả.) Câu hỏi thực sự là tại sao Phòng thí nghiệm Bell có thể sáng tạo nhiều đến thế cho thế kỷ 20. Lịch sử minh định của Phòng thí nghiệm Bell, trong cuốn The Idea Factory (Nhà máy ý tưởng) của Jon Gertner, đã hé lộ bí mật về thành công của phòng thí nghiệm này. Không chỉ nhờ sự đa dạng về tài năng, dám thất bại, sẵn sàng đánh cược lớn – tất cả những đặc điểm ấy, Phòng thí nghiệm Bell đều phải chia sẻ với phòng thí nghiệm nổi tiếng của Thomas Edison ở Menlo Park cũng như nhiều phòng nghiên cứu khác trên thế giới. Điều làm nên sự khác biệt căn bản cho Phòng thí nghiệm Bell liên quan nhiều đến luật chống độc quyền không kém gì các thiên tài mà nơi đây thu hút được. Ngay từ năm 1913, AT&T đã đấu tranh với chính phủ Mỹ về vấn đề độc quyền kiểm soát dịch vụ điện thoại quốc gia. Việc AT&T là nhà độc quyền vốn không thể chối cãi. Nếu thực hiện một cuộc gọi ở Mỹ vào bất kỳ thời điểm nào giữa những năm 1930 và 1984, bạn gần như chắc chắn đã sử dụng mạng AT&T. Quyền lực độc quyền mang lại lợi nhuận khổng lồ cho công ty bởi nó không có bất kỳ đối thủ đáng kể nào. Song trong suốt 70 năm, AT&T đã tìm cách giữ khoảng cách với cơ quan quản lý bằng cách thuyết phục họ rằng mạng điện thoại nhất thiết phải là ngành “độc quyền tự nhiên”. Mạng điện thoại analog quá phức tạp, không thể để một đám hỗn độn cạnh tranh nhau quản lý; vì thế, nếu người Mỹ cần một mạng điện thoại đáng tin cậy, họ nên để một công ty duy nhất quản lý. Cuối cùng, các luật sư chống độc quyền ở Bộ Tư pháp đưa ra một thỏa hiệp độc đáo, chính thức có hiệu lực từ năm 1956. AT&T được duy trì độc quyền về dịch vụ điện thoại song bất kỳ phát minh được cấp bằng sáng chế nào có xuất xứ từ Phòng thí nghiệm Bell sẽ phải được cấp phép miễn phí cho mọi công ty Hoa Kỳ thấy nó hữu ích và tất cả bằng sáng chế mới phải được cấp phép với một mức phí khiêm tốn. Thực tế, chính phủ cho phép AT&T giữ lại lợi nhuận nhưng đổi lại họ phải cho đi ý tưởng của mình. Nhân viên thiết lập “điện thoại đỏ”, đường dây huyền thoại nối Nhà Trắng và Điện Kremlin trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ảnh ngày 30 tháng 8 năm 1963 tại Nhà Trắng, Washington, D.C, Mỹ Đó là một thỏa hiệp độc đáo mà ta hiếm có khả năng thấy lần nữa. Sức mạnh độc quyền đem lại cho công ty một quỹ tín thác gần như vô tận dành cho nghiên cứu, có điều, mọi ý tưởng thú vị đến từ các nghiên cứu này lập tức có thể bị các công ty khác sử dụng. Rất nhiều thành tựu sau chiến tranh của người Mỹ trong lĩnh vực điện tử – từ bóng bán dẫn, đến máy tính và điện thoại di dộng – đều liên quan đến thỏa thuận năm 1956. Nhờ giải pháp chống độc quyền ấy, Phòng thí nghiệm Bell trở thành “đứa con lai” kỳ lạ nhất trong lịch sử của chủ nghĩa tư bản: một cỗ máy lợi nhuận khổng lồ sản xuất ra những ý tưởng sẽ được xã hội hóa vì mọi mục đích khả thi. Người Mỹ phải trả thuế thập phân cho AT&T để sử dụng dịch vụ điện thoại nhưng các sáng tạo của AT&T sẽ thuộc về tất cả mọi người. MỘT TRONG NHỮNG ĐỘT PHÁ MANG TÍNH CẢI BIẾN NHẤT của Phòng thí nghiệm Bell ra đời trước thỏa thuận 1956. Vì các lý do có thể hiểu được, nó hầu như bị lờ đi vào thời điểm bấy giờ: phải gần nửa thế kỷ sau, cuộc cách mạng mà cuối cùng nó khởi động mới xảy ra và bản thân sự tồn tại của nó đã từng là bí mật quốc gia, được canh giữ cẩn mật ngang ngửa với Dự án Manhattan. Nhưng dù sao đi nữa, nó cũng là một cột mốc và một lần nữa, lại bắt nguồn từ giọng nói của con người. Sáng tạo dẫn đến sự ra đời Phòng thí nghiệm Bell – chiếc điện thoại của Bell – đã đưa chúng ta qua ngưỡng cửa có tính quyết định trong lịch sử công nghệ: lần đầu tiên, một bộ phận của thế giới vật chất được thể hiện trực tiếp qua năng lượng điện. (Điện tín đã chuyển các ký tự nhân tạo thành điện nhưng âm thanh thuộc về cả hai phạm trù: tự nhiên và văn hóa.) Một người nói vào máy thu, các sóng âm này được chuyển thành xung điện và trở lại hình thức sóng âm ở đầu dây bên kia. Âm thanh là giác quan đầu tiên của con người được điện hóa. (Vào cùng thời kỳ này, điện giúp chúng ta nhìn thế giới rõ hơn nhờ bóng đèn, nhưng đến vài thập kỷ sau chúng ta vẫn chưa thể lưu trữ hay truyền phát những gì nhìn thấy.) Và khi các sóng âm đó biến thành điện, nó có thể truyền đi rất xa với tốc độ đáng kinh ngạc. Nhưng dù các tín hiệu điện tử có kỳ diệu tới đâu, chúng vẫn có điểm yếu. Khi dịch chuyển giữa các thành phố trong những sợi cáp đồng, chúng dễ bị giảm, mất tín hiệu hoặc nhiễm tạp âm. Như chúng ta sẽ thấy, các bộ khuếch đại giúp giải quyết vấn đề đó bằng cách gia tăng tín hiệu khi chúng đi qua đường dây. Nhưng mục tiêu cuối cùng là một tín hiệu thuần khiết, một sự thể hiện hoàn hảo âm thanh gốc, không giảm chất lượng sau khi luồn lách qua mạng điện thoại. Điều thú vị là con đường cuối cùng dẫn tới mục tiêu này lại bắt đầu bằng một mục tiêu khác: không phải để giữ giọng nói của chúng ta thuần khiết mà để bảo mật chúng. Trong suốt Thế chiến thứ hai, nhà toán học huyền thoại Alan Turing hợp tác với A.B. Clark của Phòng thí nghiệm Bell xây dựng một đường dây liên lạc an toàn, mật danh SIGSALY, cho phép chuyển sóng âm của giọng nói thành biểu thức toán học. SIGSALY ghi sóng âm 20.000 lần mỗi giây, nắm bắt biên độ và tần suất sóng tại mỗi giây đó. Nhưng việc ghi âm không được thực hiện bằng cách biến sóng âm thành tín hiệu điện hay đường rãnh trên trục lăn sáp. Thay vào đó, nó biến thông tin thành những con số, được mã hóa bằng ngôn ngữ nhị phân với 0 và 1. Cách gọi “ghi âm” thực ra không chính xác. Sử dụng thuật ngữ phổ biến trong cộng đồng nhạc sĩ hip-hop và điện tử 50 năm sau, họ gọi đây là quá trình “lấy mẫu”(sampling). Thực tế, họ “chụp” các khung hình của sóng âm 20.000 lần mỗi giây, có điều các khung hình này được viết dưới dạng các số 0 và 1 thay vì analog. Làm việc với các mẫu tín hiệu số giúp việc truyền dẫn an toàn trở nên dễ dàng hơn: bất kỳ ai dò tìm tín hiệu analog truyền thống sẽ chỉ nghe thấy một luồng tiếng ồn điện tử. (SIGSALY có mật danh là “Ong bắp cày xanh” vì thông tin thô nghe như tiếng vo ve của loài côn trùng này.) Dùng phương pháp toán học để mã hóa tín hiệu số rõ ràng hiệu quả hơn tín hiệu analog. Dù người Đức chặn và thu lại rất nhiều giờ truyền phát của SIGSALY, nhưng họ chưa bao giờ giải mã được chúng. Được một đơn vị đặc biệt của Army Signal Corp (Ban Thông tín quân đội) phát triển và các nhà nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm Bell giám sát, SIGSALY bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 15 tháng 7 năm 1943, khởi động bằng cuộc gọi lịch sử xuyên Đại Tây Dương giữa Lầu Năm Góc và London. Mở đầu cuộc gọi, trước khi cuộc đàm thoại chuyển sang vấn đề chiến sự nặng nề, Chủ tịch Phòng thí nghiệm Bell, Tiến sĩ O. E. Buckley đã có vài lời giới thiệu về bước đột phá công nghệ mà SIGSALY mang đến: Chúng ta tề tựu hôm nay tại Washington và London để khai thông một dịch vụ mới: điện thoại mật. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với cuộc chiến mà những người ở đây có thể đánh giá tốt hơn tôi. Xét về thành tựu kỹ thuật, tôi cho rằng nó đáng được xếp cùng các tiến bộ lớn lao của công nghệ điện thoại. Nó không chỉ đại diện cho mục tiêu được tìm kiếm lâu nay – bảo mật tuyệt đối đường truyền sóng vô tuyến điện thoại – mà còn đại diện cho ứng dụng thực tế đầu tiên của các phương pháp truyền dẫn điện thoại mới hứa hẹn một tầm ảnh hưởng sâu xa. Dù sao, Buckley vẫn đánh giá chưa đúng tầm “các phương pháp mới” này. SIGSALY không chỉ là cột mốc của công nghệ điện thoại. Ở bình diện rộng hơn, đó là bước ngoặt trong lịch sử truyền thông và liên lạc: lần đầu tiên, các trải nghiệm của chúng ta được số hóa. Công nghệ đứng sau SIGSALY vẫn tiếp tục hiệu quả trong việc cung cấp các đường dây mật. Song lực đẩy thực sự của nó lại nằm ở một đặc tính độc đáo và tuyệt diệu khác: các bản sao số hóa là những bản sao hoàn hảo. Với thiết bị phù hợp, những mẫu âm thanh số có thể được truyền và sao chép hoàn hảo. Biết bao xoay vần trong bối cảnh truyền thông hiện đại – sự tự đổi mới của ngành kinh doanh âm nhạc bắt đầu với các dịch vụ chia sẻ tệp như Napster, sự trỗi dậy của truyền thông trực tuyến (streaming media) và sự đổ vỡ của mạng lưới TV truyền thống – tất cả đều bắt nguồn từ những tiếng vo ve của “Ong bắp cày xanh”. Nếu các sử gia robot trong tương lai phải tìm một sự kiện đánh dấu sự ra đời của “kỷ nguyên kỹ thuật số” – tầm cỡ ngày mùng 4 tháng 7 hay Ngày phá ngục Bastille – cuộc điện thoại xuyên Đại Tây Dương tháng 7 năm 1943 chắc chắn sẽ có thứ hạng cao trong danh sách. Một lần nữa, khát khao tái tạo giọng nói con người đã mở rộng vùng tiệm cận khả thi. Lần đầu tiên trong lịch sử, trải nghiệm của con người đã được số hóa. CÁC MẪU SỐ HÓA CỦA SIGSALY có thể băng qua Đại Tây Dương lại nhờ một đột phá về truyền thông khác, cũng thuộc Phòng thí nghiệm Bell: radio. Thật thú vị vì radio sau cùng lại trở thành phương tiện bão hòa bởi tiếng trò chuyện hay tiếng hát, nhưng khởi phát của nó lại hoàn toàn khác. Những đường truyền radio đầu tiên – do Guglielmo Marconi thực hiện gần như đồng thời với một số nhà phát minh khác trong những thập niên cuối thế kỷ 19 – chỉ để gửi mã Morse. (Marconi gọi phát minh của mình là “điện báo không dây”.) Song không lâu sau khi dữ liệu bắt đầu chảy qua sóng không khí, các nhà khoa học và các phòng nghiên cứu bắt đầu nghĩ cách đưa lời nói, tiếng ca trở thành một phần của dòng dữ liệu này. Trong số những người mày mò đầu tiên có Lee De Forest, nhà phát minh tài năng và thất thường nhất thế kỷ 20. Làm việc trong phòng thí nghiệm riêng ở Chicago, De Forest có mơ ước kết hợp điện báo radio của Marconi với điện thoại của Bell. Ông tiến hành một loạt thí nghiệm với máy phát khe điện cực, một thiết bị tạo ra xung điện điện từ đều và sáng có thể dò được bằng ăng-ten dù ở xa nhiều dặm, rất hoàn hảo để gửi mã Morse. Đêm nọ, khi De Forest đang tạo một chuỗi xung, ông chợt để ý đến một hiện tượng lạ trong phòng: mỗi lần ông tạo tia lửa, lửa từ ngọn đèn chạy bằng khí ga chuyển sang trắng và bùng lên. De Forest nghĩ bằng cách nào đó xung điện từ đã khiến ngọn lửa mạnh hơn. Ánh sáng nhấp nháy của ngọn đèn đã gieo một ý tưởng vào đầu ông: có thể dùng khí ga để khuếch đại bộ thu tín hiệu radio yếu, giúp nó đủ mạnh để truyền các tín hiệu giàu dữ liệu như giọng nói, chứ không chỉ các xung nhịp ngắt quãng của mã Morse. Sau này ông viết có phần khoa trương rằng: “Tôi đã tìm ra một Đế chế Vô hình của Không khí, tuy vô hình nhưng cứng tựa hoa cương.” Sau vài năm thử nghiệm, De Forest đã lắp đặt một bóng đèn khí ga với ba điện cực, được thiết kế để khuếch đại các tín hiệu không dây truyền tới. Ông gọi nó là đèn ba cực (audion). Là thiết bị truyền dẫn lời nói, đèn ba cực đủ mạnh để truyền đi các tín hiệu dễ hiểu. Năm 1910, De Forest đã sử dụng thiết bị được trang bị đèn ba cực để tạo ra bản tin phát sóng giữa tàu và bờ đầu tiên. Song De Forest còn nhiều kế hoạch tham vọng hơn nữa cho thiết bị của mình. Ông hình dung ra một thế giới nơi công nghệ vô tuyến không chỉ phục vụ cho quân đội và truyền thông kinh doanh, mà cho cả sự hưởng thụ đại chúng – đặc biệt là mang opera, đam mê lớn của đời ông, đến với tất cả mọi người. “Tôi chờ đợi ngày opera xuất hiện ở mọi nhà.” Ông chia sẻ với tờ Thời báo New York, và bổ sung một điều kém lãng mạn hơn: “Sẽ đến ngày ngay cả quảng cáo cũng được truyền đi bằng radio.” Ngày 12 tháng 1 năm 1910, trong buổi biểu diễn vở Tosca ở Nhà hát Metropolitan New York, Forest đã nối một micrô điện thoại vào máy truyền phát trên mái nhà để tạo nên buổi phát sóng phát thanh công cộng trực tiếp đầu tiên. Có lẽ là một trong những nhà phát minh hiện đại mơ mộng nhất, Forest sau này đã mô tả lại buổi phát sóng: “Lớp sóng trên thinh không băng qua những tòa nhà cao nhất, những người đứng giữa không hề hay biết các thanh âm lặng lẽ đang lướt qua họ… Và khi nó cất tiếng với anh, những chuỗi giai điệu thế tục được mến chuộng, nỗi kinh ngạc trong anh sẽ dâng trào.” Chúa ơi, buổi phát thanh đầu tiên này không tạo ra nhiều điều kỳ diệu hơn lời nhạo báng. De Forest mời hàng đoàn phóng viên và yếu nhân lắng nghe buổi phát thanh trên các máy thu radio đặt rải rác khắp thành phố. Tín hiệu rất tệ nên thính giả chỉ nghe thấy những tiếng vo ve vô nghĩa như tiếng “ong bắp cày xanh” thay vì “chuỗi giai điệu thế tục được mến chuộng”. Tờ Times gọi đây là một thảm họa. Forest thậm chí còn bị Chưởng lý Hoa Kỳ kiện vì tội lừa đảo, với cáo buộc đã thổi phồng giá trị của đèn ba cực trong công nghệ radio. Để lấy tiền chi trả cho vụ kiện tụng, Forest đã bán bằng sáng chế Audion cho AT&T với giá rẻ mạt. Khi các nhà nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm Bell bắt đầu xem xét đèn ba cực, họ khám phá ra một thứ bất thường: hóa ra ngay từ đầu, Lee De Forest đã hoàn toàn nhầm lẫn về phát minh của mình. Ánh lửa ga bùng lên không liên quan gì tới bức xạ điện từ mà vì các sóng âm từ tiếng ồn của máy phát khe điện cực. Khí ga không hề dò và khuếch đại tín hiệu radio; thực tế, nó còn khiến thiết bị hoạt động kém đi. Song theo một cách nào đó, khuất sau tất cả sai lầm của Forest là một ý tưởng tuyệt vời đang chờ khai mở. Trong thập niên tiếp theo, các kỹ sư tại Phòng thí nghiệm Bell đã điều chỉnh thiết kế ba điện cực cơ bản của ông, loại bỏ khí ga khỏi bóng đèn, để nó phong kín chân không một cách hoàn hảo, biến nó thành một thiết bị phát kiêm nhận tín hiệu. Họ đã cho ra đời ống chân không, bước đột phá lớn đầu tiên trong cuộc cách mạng điện tử, giúp gia tăng tín hiệu điện của mọi thiết bị công nghệ. Tivi, ra-đa, máy ghi âm, bộ khuếch đại đàn guitar, tia X, lò vi ba, “công nghệ điện đàm mật” của SIGSALY, các máy tính kỹ thuật số đầu tiên – tất cả rồi sẽ dựa vào ống chân không. Nhưng công nghệ chính thống đầu tiên mang ống chân không vào từng ngôi nhà lại chính là radio. Theo một cách nào đó, giấc mơ của Forest đã thành hiện thực: một đế chế của không khí, truyền phát các giai điệu được mến chuộng tới mọi phòng khách. Tuy vậy, lại một lần nữa, tầm nhìn của De Forest lại bị các sự kiện thực tế ngăn trở. Các giai điệu bắt đầu được phát qua thiết bị thần kỳ này được công chúng mến mộ, trừ bản thân Forest. RADIO KHỞI ĐẦU SINH MỆNH CỦA MÌNH như một thiết bị hai chiều, một thực hành còn tiếp diễn tới ngày nay như vô tuyến nghiệp dư: các cá nhân cùng sở thích sẽ chuyện trò với nhau qua sóng radio, thi thoảng lại nghe trộm các cuộc nói chuyện khác. Nhưng tới đầu thập niên 1920, mô hình phát thanh sau này thống trị thế giới công nghệ đã xuất hiện. Các trạm phát chuyên nghiệp bắt đầu mang tới các gói tin tức và giải trí cho khách hàng, những thính giả nghe đài qua các thiết bị thu sóng ở nhà. Ngay lập tức, bất ngờ xảy đến: sự hiện diện của một phương tiện âm thanh đại chúng đã giải phóng một loại âm nhạc mới trên toàn nước Mỹ, loại nhạc mà trước đó gần như chỉ thuộc về New Orleans, các thành phố ven sông miền nam và các khu của người Mỹ gốc Phi ở New York và Chicago. Gần như sau một đêm, radio đã khiến nhạc jazz trở thành hiện tượng toàn quốc. Các nhạc sĩ như Duke Ellington và Louis Armstrong trở thành những cái tên thân quen; ban nhạc của Ellington trình diễn những buổi phát thanh toàn quốc hàng tuần tại Câu lạc bộ Cotton ở Harlem từ cuối thập niên 1920. Không lâu sau, Armstrong trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên dẫn chương trình radio quốc gia của riêng mình. Tất cả các sự kiện này khiến Lee De Forest bàng hoàng, ông gửi một lá thư buộc tội đậm phong cách baroque hoa mỹ đến Hiệp hội Đài phát thanh Quốc gia (National Association of Broadcasters): “Các ông đã làm gì với con tôi, hỡi đài phát thanh? Các ông làm nhơ bẩn con tôi khi quấn nó bằng mớ giẻ rách của nhạc ragtime, mớ tả tơi của điệu jive và boogie-woogie.” Thật ra công nghệ mà De Forest góp công tạo dựng về bản chất phù hợp với nhạc jazz hơn nhạc cổ điển. Trong khi nhạc jazz nghe vẫn thật sống động dù được truyền qua những âm thanh bé nhỏ và bị nén của cái loa radio AM đời đầu, thì phần lớn dải âm thanh rộng của các bản giao hưởng lại bị mất đi trong quá trình chuyển dịch. Qua sóng radio, tiếng kèn trumpet của Armstrong nghe hay hơn giai điệu tinh tế của Schubert rất nhiều. Thực tế, cú va chạm giữa jazz và radio đã tạo nên đợt đầu tiên của làn sóng văn hóa sắp quét qua thế kỷ 20. Một âm điệu ra đời ở một vùng đất bé nhỏ nào đó – trong trường hợp của jazz, đó là New Orleans – bỗng chốc tìm đường lên phương tiện truyền thông đại chúng radio, khiến người có tuổi cảm thấy bị xúc phạm, còn đám thanh niên tưng bừng, phấn khởi. Con đường mà jazz mở lối về sau sẽ tiếp tục được lấp đầy bằng rock-n-roll từ Memphis, pop Anh từ Liverpool, rap và hip-hop từ các bang trung nam và Brooklyn. Có điều gì đó ở radio và âm nhạc đã khích lệ xu hướng này theo cách mà tivi và phim ảnh không thể: gần như ngay sau khi một phương tiện quốc dân chia sẻ âm nhạc xuất hiện, các tiểu vùng văn hóa âm thanh bắt đầu đua nở. Trước khi có radio vốn đã có các nghệ sĩ “ngầm” (underground) – các thi sĩ và họa sĩ nghèo – nhưng radio giúp tạo ra một mẫu thức sẽ phổ biến về sau: nghệ sĩ ngầm vụt thành thần tượng chỉ sau một đêm. Nhà phát minh người Mỹ Lee De Forest, ảnh cuối những năm 1920 Tất nhiên, trường hợp của jazz có thêm một yếu tố quan trọng. Phần lớn những ngôi sao vụt sáng sau một đêm đều là người Mỹ gốc Phi: Ellington, Armstrong, Ella Fitzgerald, Billie Holliday. Riêng điều này đã là một đột phá lớn lao: lần đầu tiên trong lịch sử, người Mỹ da trắng chào đón văn hóa Mỹ gốc Phi trong phòng khách, dẫu chỉ qua những chiếc loa của đài radio AM. Các ngôi sao nhạc jazz là những người Mỹ gốc Phi đầu tiên trở nên nổi tiếng, giàu có và được ái mộ vì kỹ năng giải trí chứ không phải nhà vận động. Dĩ nhiên, một số nhạc sĩ cũng trở thành những nhà hoạt động mạnh mẽ, thông qua các ca khúc như “Strange Fruit” của Billie Holliday, kể câu chuyện cay đắng về việc hành hình người da đen không qua xét xử ở miền nam. Các tín hiệu radio sở hữu thứ tự do được chứng tỏ là có tính giải phóng ở thế giới thực. Các đợt sóng radio ấy lờ đi phân hóa xã hội đương thời: giữa thế giới da trắng và da màu và giữa các tầng lớp kinh tế. Các tín hiệu radio bị mù màu. Cũng như Internet, chúng không tập trung phá vỡ các rào cản mà chủ yếu tạo dựng một thế giới tách biệt với các rào cản đó. Sự ra đời của phong trào dân quyền có liên hệ chặt chẽ với làn sóng nhạc jazz lan tỏa khắp nước Mỹ. Với nhiều người Mỹ, đây là nền tảng văn hóa chung đầu tiên giữa người da trắng và da màu, chủ yếu do người Mỹ gốc Phi xây dựng. Bản thân nó là một đòn giáng vào nạn phân biệt chủng tộc. Martin Lurther King đã nêu rõ mối liên kết này trong bài phát biểu tại Đại hội Jazz Berlin năm 1964: Không nghi ngờ gì nữa, các nhạc sĩ jazz đã đấu tranh cho bản sắc của người Mỹ gốc Phi. Từ lâu trước khi các nhà bình luận và học giả nhắc tới “bản sắc chủng tộc” như một vấn đề của thế giới đa sắc tộc, các nhạc sĩ đã tìm về nguồn cội để khẳng định đó là điều khiến tâm hồn họ lay động. Sức mạnh của Phong trào Tự do ở Mỹ xuất phát từ loại nhạc này. Những giai điệu ngọt ngào tiếp sức cho ta khi lòng can đảm bắt đầu chùn bước. Những bản phối phong phú xoa dịu ta khi tinh thần rã rời. Và hôm nay, jazz đã được xuất khẩu ra thế giới… Duke Ellington biểu diễn trên sân khấu, khoảng năm 1935 NHƯ NHIỀU CHÍNH TRỊ GIA của thế kỷ 20, King còn mang nợ ống chân không vì một lý do nữa. Ít lâu sau khi Forest và Phòng thí nghiệm Bell bắt đầu dùng ống chân không để hỗ trợ phát sóng radio, công nghệ này được ứng dụng để khuếch đại giọng nói con người một cách trực tiếp hơn: lần đầu tiên trong lịch sử, bộ tăng âm gắn trên micrô cho phép mọi người diễn thuyết hoặc ca hát trước một đám đông khổng lồ. Rốt cuộc, tăng âm đèn chân không đã giải phóng con người khỏi kỹ thuật âm thanh phổ biến từ thời Đá mới. Chúng ta không còn phụ thuộc vào độ vang vọng của hang động, nhà thờ, nhà hát opera để khuếch đại giọng nói. Giờ đây, điện có thể làm công việc của tiếng vọng, song mạnh mẽ hơn gấp nghìn lần. Loa phóng thanh tạo nên một sự kiện chính trị kiểu mới: đám đông quần chúng được định hướng xung quanh diễn giả. Đám đông đã đóng vai trò chủ đạo trong các biến động chính trị từ một thế kỷ rưỡi trước đó. Nếu chọn biểu tượng cho các cuộc cách mạng trước thế kỷ 20, đó hẳn sẽ là hình ảnh một đoàn người chiếm đường phố năm 1789 hoặc 1848. Nhưng loa phóng thanh đã tập trung những đoàn người đông đúc đó và cho họ một tiêu điểm: giọng nói của người lãnh đạo, vang dội khắp các quảng trường, sân vận động hay công viên. Trước khi có tăng âm đèn, do hạn chế của dây thanh quản, chúng ta khó có thể nói chuyện trước đám đông hơn 1.000 người. (Kỹ thuật thanh nhạc opera phức tạp được thiết kế theo nhiều cách để đưa giọng ca sĩ lên giới hạn sinh học cao nhất.) Nhưng một micrô gắn vào dàn loa sẽ mở rộng tầm nghe bằng cách khuếch âm lên vài nấc. Không ai nhận ra và khai thác nó nhanh hơn Adolf Hitler, kẻ cầm đầu các cuộc diễu hành Nuremberg với hơn 100.000 người tham dự, tất cả đều dán tai vào giọng nói được khuếch đại của viên Quốc trưởng. Nếu micrô và tăng âm bị loại khỏi danh sách tiến bộ kỹ thuật thế kỷ 20, bạn sẽ đồng thời loại bỏ một trong các hình thái tổ chức chính trị đặc trưng của thế kỷ này, từ diễu hành Nuremberg cho tới bài phát biểu “I Have a Dream” (Tôi có một giấc mơ) của Luther King. Tăng âm đèn cũng hỗ trợ nhạc công giống như với các cuộc mít tinh, tụ tập: nhờ có nó, Beatles mới có thể trình diễn tại các Đại nhạc hội Shea Stadium, Woodstock, Live Aid. Nhưng các đặc tính của công nghệ ống chân không còn ảnh hưởng tinh tế hơn đến âm nhạc thế kỷ 20 – khiến nó không chỉ to hơn mà còn huyên náo hơn. Chúng ta – những người sống trong thế giới hậu công nghiệp từ trong trứng nước – khó lòng hiểu được âm thanh của công nghiệp hóa đã gây sốc cho đôi tai của tiền nhân một hay hai thế kỷ trước ra sao. Một bản giao hưởng chói tai kiểu mới bỗng xộc vào đời sống, nhất là ở thành phố lớn: tiếng va chạm của kim loại, tiếng ồn màu trắng phả ra từ động cơ hơi nước. Theo nhiều cách, tiếng ồn cũng gây sốc như mùi vị và sự đông đúc của các thành phố lớn. Đến những năm 1920, khi âm thanh của loa phóng thanh bắt đầu gào thét cùng âm thanh đô thị hỗn loạn sẵn có, các tổ chức như Hội giảm thiểu tiếng ồn Manhattan bắt đầu vận động vì một đô thị yên ắng hơn. Đồng cảm với sứ mệnh xã hội này, kỹ sư Harvey Fletcher ở Phòng thí nghiệm Bell đã chế ra một xe tải chứa đầy thiết bị âm thanh tối tân rồi cùng đồng nghiệp chầm chậm lái xe qua những điểm nóng ồn ào của thành phố New York để đo mức độ của tiếng ồn. (Đơn vị đo âm lượng, đềxiben, ra đời từ nghiên cứu của Fletcher.) Fletcher và cộng sự nhận thấy một số tiếng ồn đô thị – tiếng tán đinh và khoan đất ở công trường, tiếng gầm của tàu điện ngầm – đã đạt tới ngưỡng đềxiben gây tổn thương thính giác. Ở đường Cortlandt, còn có tên “Dãy Radio”, tiếng ồn từ các loa phóng thanh lớn đến mức át cả âm thanh của tàu trên cao. Trong khi các nhóm vận động giảm thiểu tiếng ồn đang đấu tranh với sự ồn ào hiện đại bằng các quy định và chiến dịch công khai, một phản ứng khác xuất hiện. Thay vì cự tuyệt, đôi tai chúng ta bắt đầu tìm ra những vẻ đẹp của âm thanh. Từ đầu thế kỷ 19, các trải nghiệm đều đặn mỗi ngày đã trở thành bài tập về khám phá tính thẩm mỹ của tiếng ồn. Nhưng cuối cùng, ống chân không lại đưa tiếng ồn đến với đại chúng. Kể từ thập niên 1950, các tay chơi guitar có tăng âm đèn nhận ra họ có thể sáng tạo một kiểu âm thanh mới khi đẩy bộ tăng âm lên quá giới hạn, làm xuất hiện một lớp tiếng ồn giòn tan trên những nốt nhạc phát ra do búng dây đàn. Dưới khía cạnh kỹ thuật, đó là do âm thanh của bộ tăng âm hỏng, làm méo âm thanh mà nó có nhiệm vụ tái tạo. Đa số người nghe sẽ có cảm giác như tiếng vỡ song một nhóm nhạc sĩ nhỏ lại cảm thấy có gì đó hấp dẫn trong các âm thanh này. Dù một số bản thu rock-and-roll đời đầu vào thập niên 1950 chứa tiếng guitar bị làm méo tương đối, môn nghệ thuật ồn ào này phải chờ đến thập niên 1960 mới thật sự bùng nổ. Tháng 7 năm 1960, tay guitar bass Grady Martins trong khi thâu đoạn đệm cho bài “Don’t worry” của Marty Robbins thì bộ tăng âm bị trục trặc, tạo ra một âm thanh méo mó nặng nề, ngày nay chúng ta gọi là “fuzztone”. Ban đầu Robbins muốn cắt đoạn nhạc này ra khỏi bài hát nhưng nhà sản xuất thuyết phục anh giữ lại. “Không ai đoán ra đó là tiếng gì vì nó nghe như tiếng saxophone.” Vài năm sau, Robbins kể lại. “Nó tựa như tiếng động cơ máy bay cất cánh. Nó chứa rất nhiều âm thanh.” Lấy cảm hứng từ tiếng ồn kỳ lạ và bất khả thay thế của Martin, ban nhạc The Ventures đã đề nghị một người bạn cùng chỉnh sửa một thiết bị để có thể tùy chỉnh hiệu ứng fuzz. Chỉ sau một năm, hộp làm méo được bán rộng rãi trên thị trường. Sau ba năm, Keith Richards đã lấp đầy đoạn mở đầu của ca khúc “Satisfaction” với kỹ thuật làm méo và âm thanh cộp mác thập niên 1960 ra đời. Quá trình tương tự cũng xảy ra với một âm thanh mới – ban đầu không dễ chịu – xuất hiện khi loa phóng thanh và micrô được đặt gần nhau gây ra những tiếng hú vặn xoắn, tiếng rít. Tiếng méo ít nhất có chút đồng điệu với tiếng ồn công nghiệp xuất hiện lần đầu ở thế kỷ 18. (Vì thế tiếng bass của Grady Martin mới được so sánh với tiếng động cơ máy bay.) Còn tiếng hú lại là sinh vật lạ; nó chưa từng tồn tại dưới bất cứ hình thức nào cho đến khi micrô và loa được phát minh cách đây một thế kỷ. Các kỹ sư âm thanh xoay đủ cách để loại tiếng hú khỏi các buổi ghi âm hay hòa nhạc, đặt micrô sao cho nó không bắt tín hiệu từ loa và gây ra tiếng rít lặp đi lặp lại. Song một lần nữa, cái sai hỏng của một người lại đem âm nhạc tới cho người khác, khi các nghệ sĩ như Jimi Hendrix hay Led Zeppelin (về sau là các tay thể nghiệm nhạc punk như Sonic Youth) đem tiếng hú này vào các bản ghi âm và buổi trình diễn của họ. Thực tế, cuối thập niên 1960, Hendrix không chỉ chơi guitar trong các bản thu đầy tiếng hú mà còn sáng tạo ra một loại âm thanh mới dựa trên độ rung của dây guitar, micrô và loa, xây dựng mối tương tác phức tạp và khó lường giữa ba công nghệ này. Đôi khi sáng tạo văn hóa bắt nguồn từ việc sử dụng công nghệ mới theo cách không ai ngờ. Cả Forest và Phòng thí nghiệm Bell chắc chắn không hề có ý định tạo ra các đám đông khi phác những nét đầu tiên của ống chân không, song cuối cùng hóa ra việc tập hợp một đám đông lại thật dễ dàng khi bạn có trong tay loa phóng thanh để chia sẻ giọng nói với nhiều người. Tuy vậy, đôi khi sự sáng tạo lại đến từ một cách tiếp cận hiếm gặp hơn: khai thác có chủ ý những trục trặc, biến tiếng ồn và lỗi sai thành các tín hiệu có ích. Mỗi công nghệ thật sự mới lại có một phương cách phá bỏ thật sự mới – và đôi khi, các trục trặc ấy mở ra cánh cửa kề cận khả thi mới. Ở trường hợp của ống chân không, nó luyện cho đôi tai chúng ta thưởng thức được các âm thanh chắc hẳn sẽ khiến Forest rụt lại vì kinh hãi. Đôi khi cách một công nghệ mới phá hoại cũng thú vị không kém cách nó vận hành. TỪ NHỮNG NGƯỜI NEANDERTHAL hòa ca trong các hang động Burgundy, đến Éduoard-Leon Scott rì rầm vào chiếc máy ký âm của mình, rồi Duke Ellington phát thanh từ Câu lạc bộ Cotton, câu chuyện công nghệ âm thanh luôn nhằm tăng âm vực cùng cường độ giọng nói và đôi tai của chúng ta. Nhưng chi tiết bất ngờ nhất chỉ xuất hiện một thế kỷ trước, khi con người lần đầu nhận ra âm thanh còn có thế được khai thác với một mục đích hoàn toàn khác: giúp chúng ta nhìn thấu. Sơ đồ phân loại âm thanh trong cuốn City Noise (Tiếng ồn đô thị). Theo đó, nguồn âm thanh gây ô nhiễm gồm: Giao thông, Vận tải, Sửa chữa nhà cửa, Hộ gia đình, Đường phố, Bến cảng, Dịch vụ, Âm thanh hỗn tạp khác Từ xa xưa, người ta đã dùng ánh sáng để báo hiệu cho thủy thủ về các bờ biển nguy hiểm. Ngọn hải đăng Alexandria được xây dựng trước khi Chúa Jesus ra đời vài thế kỷ là một trong số bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. Nhưng hải đăng hoạt động kém nhất chính ở thời điểm người ta cần nó nhất: trong thời tiết mưa bão, khi ánh sáng chúng truyền đi bị sương mù và mưa làm mờ mịt. Nhiều hải đăng dùng chuông cảnh báo như một tín hiệu bổ sung nhưng ngay cả tiếng chuông cũng dễ dàng bị tiếng sóng gầm gào lấn át. Còn sóng âm lại có một tính chất vật lý thú vị: nó di chuyển trong nước nhanh gấp bốn lần trong không khí và hầu như không bị nhiễu bởi sự hỗn loạn sóng âm ở trên mực nước biển. Năm 1901, công ty Submarine Signal Company (SSC) có trụ sở ở Boston bắt tay thiết kế một hệ thống liên lạc khai thác tính chất của sóng âm trong nước: chuông dưới nước sẽ kêu vang từng quãng đều đặn và các micrô được thiết kế đặc biệt để thu tín hiệu dưới nước, được gọi là “hydrophone” (đầu thu sóng địa chấn trong nước). SSC lắp hơn 100 trạm ở các cảng hoặc kênh đặc biệt nguy hiểm trên thế giới, tại đó, chuông dưới nước sẽ cảnh báo những con tàu lắp hydrophone rằng chúng đang lái quá gần rặng đá và bãi cạn. Song, hệ thống tài tình này vẫn có giới hạn. Trước hết, nó chỉ vận hành ở nơi có lắp chuông cảnh báo của SSC. Ngoài ra, nó không nhận biết được những nguy cơ khó lường như tàu lạ hoặc băng trôi. Hiểm họa băng trôi với ngành hàng hải trở nên rõ mười mươi vào tháng 4 năm 1912, khi tàu Titanic chìm xuống Bắc Đại Tây Dương. Chỉ vài ngày trước vụ đắm tàu, một nhà phát minh người Canada tên là Reginald Fessenden đã tình cờ gặp một kỹ sư của SSC tại sân ga và sau một cuộc trao đổi ngắn, cả hai quyết định Fessenden nên tới văn phòng của SSC để xem qua công nghệ tín hiệu dưới nước tiên tiến nhất. Fessenden vốn đi tiên phong trong công nghệ radio vô tuyến: người truyền tiếng nói phát thanh đầu tiên và truyền mã Morse hai chiều xuyên Đại Tây Dương qua radio đầu tiên. Nhờ kiến thức chuyên môn, ông được SSC mời giúp đỡ thiết kế hệ thống hydrophone để lọc hiệu quả hơn tiếng ồn nền của âm thanh dưới nước. Khi tin tức về vụ đắm tàu Titanic lan ra chỉ bốn ngày sau chuyến thăm trụ sở SSC, Fessenden cũng bàng hoàng như mọi người. Song khác với đám đông, ông manh nha ý tưởng ngăn chặn các thảm họa tương tự trong tương lai. Đề nghị đầu tiên của Fessenden là thay thế chuông bằng một đường dây liên tục chạy bằng điện, có thể dùng để truyền cả mã Morse, một ý tưởng đến từ kinh nghiệm làm việc với điện tín vô tuyến. Nhưng khi xem xét các khả năng, ông nhận thấy hệ thống này còn có tiềm năng hơn nhiều. Thay vì chỉ thu nhận âm thanh phát ra ở những điểm cảnh báo được thiết kế đặc biệt, thiết bị trên tàu của Fessenden có thể tự phát ra âm thanh rồi thu lại tiếng vang do sự va đập giữa các âm thanh này với vật thể dưới nước, như cách cá heo định vị bằng tiếng vọng trên biển. Dựa trên cùng nguyên tắc từng khiến các ca sĩ nguyên thủy tìm đến các khu vực hang động có độ vang dội khác thường ở Arcy-sur-Cure, ông đã điều chỉnh thiết bị để nó chỉ cộng hưởng với một phổ tần số nhỏ, khoảng 540 hz, giúp loại bỏ tất cả tiếng ồn nền của môi trường nước. Sau vài tháng gọi thiết bị của mình với cái tên hơi phiền toái: “máy rung”, cuối cùng, ông đổi tên thành “máy dao động Fessenden”. Đây là hệ thống cho phép vừa gửi vừa nhận điện báo dưới nước, và là thiết bị sonar (định vị bằng sóng âm) đầu tiên trên thế giới. Lại một lần nữa, tính thời điểm của lịch sử củng cố thêm sự cần thiết của cỗ máy này. Chỉ mấy năm sau khi ông hoàn tất mẫu thử đầu tiên, Thế chiến thứ nhất bùng nổ. Tàu ngầm U-boat của Đức tung hoành khắp Bắc Đại Tây Dương, gây ra mối đe dọa hàng hải lớn hơn cả tảng băng va vào tàu Titanic. Hiểm họa đó đặc biệt nghiêm trọng với Fessenden, một người Canada có tình yêu nhiệt thành với Đế chế Anh. (Ông dường như cũng có tư tưởng phân biệt chủng tộc: về sau trong hồi ký, ông có đề xuất một lý thuyết lý giải vì sao “đàn ông tóc vàng gốc Anh” là trung tâm của quá trình sáng tạo thời hiện đại.) Song phải hai năm nữa Mỹ mới tham chiến và ban lãnh đạo SSC chia sẻ bổn phận công dân với Liên hiệp Anh như Fessenden. Đối mặt với rủi ro tài chính khi phát triển đồng thời hai công nghệ có tính cách mạng, công ty đã quyết định lắp đặt và tung ra thị trường máy dao động như một thiết bị điện báo không dây. Rốt cuộc, Fessenden phải bỏ tiền túi để tới Portsmouth, Anh, thuyết phục Hải quân Hoàng gia đầu tư vào máy dao động nhưng họ hãy còn hồ nghi về phát minh kỳ diệu này. “Tôi cầu xin họ mở hộp và xem chiếc máy hình thù ra sao.” Những lời van nài của ông bị lờ đi. Sonar đã không trở thành một cấu kiện tiêu chuẩn trong hải chiến cho tới tận Thế chiến thứ hai. Tính đến khi đình chiến vào năm 1918, có đến một vạn sinh mạng đã mất đi vì tàu ngầm U-boat. Người Anh và sau cùng là người Mỹ đã thử nghiệm vô số phương cách, cả tấn công lẫn phòng ngự để đối phó với nanh vuốt quái vật biển. Trớ trêu thay, vũ khí phòng ngự giá trị nhất lại đơn giản là 540 hz sóng âm, dội lại vỏ tàu của kẻ tấn công. Vào nửa sau thế kỷ 20, các nguyên lý định vị bằng tiếng vọng phát triển nhiều ứng dụng hơn là phát hiện băng và tàu ngầm. Tàu cá và cả những tay câu nghiệp dư sử dụng các biến thể của máy dao động Fessenden để phát hiện luồng cá. Các nhà khoa học dùng sóng âm để giải mã những bí ẩn vĩ đại cuối cùng nằm sâu thẳm dưới đáy đại dương, hé lộ các cảnh quan khuất lấp, nguồn tài nguyên thiên nhiên và cả đứt gãy địa chất. Bảy mươi ba năm sau vụ đắm tàu Titanic từng truyền cảm hứng cho thiết bị phát hiện tàu ngầm đầu tiên của Fessenden, một nhóm nhà nghiên cứu người Pháp và Mỹ đã dùng sóng âm để tìm ra con tàu xấu số nơi đáy Đại Tây Dương sâu hơn 3.000 m. Nhưng phát minh của Fessenden lại gây ra chuyển biến sâu sắc nhất trên đất liền, nơi các thiết bị siêu âm dùng âm thanh soi tử cung sản phụ đã cách mạng hóa việc chăm sóc tiền sản, giúp các em bé và bà mẹ ngày nay thoát khỏi các biến chứng mà chỉ một thế kỷ trước có thể dẫn đến tử vong. Fessenden đã hy vọng ý tưởng “nhìn” bằng âm thanh sẽ cứu được các sinh linh. Dù ông không thể thuyết phục chính quyền dùng máy dao động để phát hiện tàu U-boat, công nghệ này sau cùng đã cứu nhiều triệu sinh mạng, cả trên mặt biển lẫn một nơi ông không bao giờ ngờ tới: bệnh viện. Reginald Fessenden thử nghiệm phát minh của mình năm 1906 Dĩ nhiên, ứng dụng phổ biến nhất của siêu âm bao gồm cả xác định giới tính thai nhi từ đầu thai kỳ. Chúng ta đã quen với việc phân loại theo hai hướng: 0 hoặc 1, mạch kín hoặc mạch hở. Nhưng trên đời, chỉ có ít lựa chọn nhị phân khiến người ta đau đầu như giới tính thai nhi. Bạn sẽ có con trai hay con gái? Bao nhiêu sự kiện đổi đời sẽ nảy ra từ mẩu thông tin đơn giản đó? Như bao người, tôi và vợ biết giới tính con mình nhờ siêu âm. Ngày nay, con người có các phương pháp chính xác hơn để xác định giới tính bào thai nhưng chúng ta tìm đường đến với hiểu biết này đầu tiên là nhờ sóng âm dội lại từ cơ thể đang lớn lên của đứa trẻ. Hệt như cách người Neanderthal định vị hang động ở Arcy-sur-Cure, tiếng vang vọng đã dẫn đường. Nhưng sáng kiến này cũng nảy sinh mặt trái. Việc siêu âm ở những xã hội trọng nam như Trung Quốc dẫn tới sự gia tăng các ca nạo phá thai để lựa chọn giới tính. Đầu thập niên 1980, máy siêu âm được cung ứng ồ ạt trên khắp Trung Quốc; dù ít lâu sau, chính phủ chính thức cấm sử dụng siêu âm để xác định giới tính thai nhi, công nghệ “chui” này vẫn rất phổ biến. Tới cuối thập kỷ này, tỷ lệ giới tính sơ sinh ở các bệnh viện khắp Trung Quốc là gần 110 bé trai trên 100 bé gái; ở một vài tỉnh là 118:100. Đây có lẽ là một trong các hiệu ứng chim ruồi kinh hoàng và đau đớn nhất trong mọi công nghệ của thế kỷ 20: ai đó chế tạo ra một cỗ máy để lắng nghe sóng âm va chạm vào các tảng băng trôi và chỉ vài thế hệ sau, hàng triệu bào thai giới tính nữ bị bóp chết cũng vì chính công nghệ đó. Tỷ lệ sinh lệch lạc của Trung Quốc hiện đại ẩn chứa nhiều bài học quan trọng, chưa bàn đến vấn nạn nạo thai, nhất là nạo thai do giới tính. Đầu tiên, nó nhắc ta rằng không tiến bộ công nghệ nào thuần túy tốt đẹp: với mỗi con tàu được cứu khỏi băng trôi, lại có vô số thai kỳ chấm dứt vì thiếu đi nhiễm sắc thể Y. Cuộc hành quân của công nghệ có logic nội tại của nó nhưng việc ứng dụng công nghệ hợp đạo đức lại phụ thuộc vào chúng ta. Chúng ta tùy biến dùng siêu âm để cứu người hay kết liễu chúng. (Thách thức hơn nữa, chúng ta có thể dùng siêu âm để xóa nhòa ranh giới của sự sống, dò nhịp tim của bào thai vài tuần tuổi.) Thông thường, sự kề cận của tiến trình công nghệ và khoa học sẽ gọi ra phát minh kế tiếp. Dẫu thông tuệ đến đâu, bạn cũng không thể phát minh ra siêu âm trước khám phá sóng âm. Nhưng chúng ta dự định làm gì với phát minh này? Câu hỏi này còn phức tạp hơn và cần một bộ kiến thức khác để trả lời. Nhưng trong câu chuyện của sóng âm và siêu âm vẫn còn một bài học khác, nhiều hy vọng hơn, đó là trí tuệ của chúng ta đã nhanh chóng vượt qua ranh giới của ảnh hưởng truyền thống ra sao. Hàng chục nghìn năm trước, tổ tiên chúng ta lần đầu tiên chú ý tới sức mạnh của tiếng vọng và âm dội trong việc thay đổi tính chất âm thanh của giọng nói con người. Suốt nhiều thế kỷ, chúng ta đã tận dụng các tính chất đó để tăng âm vực và tiếp thêm sức mạnh cho thanh quản, từ các nhà thờ cho đến Bức tường Âm thanh. Nhưng thật khó hình dung, 200 năm trước có ai đó nghiên cứu bộ môn vật lý âm thanh và dự đoán được các âm vọng ấy sẽ được dùng để dò vật thể dưới nước hay xác định giới tính của đứa trẻ sắp chào đời. Thứ bắt đầu với âm thanh lay động và gây cảm hứng lớn nhất cho tai người – giọng nói của chúng ta khi ca hát, cười đùa, tâm tình hay tán gẫu – đã bị biến thành công cụ của cả chiến tranh và hòa bình, cả sự sống và cái chết. Giống như những tiếng rền rĩ bị bộ tăng âm đèn bóp méo, không phải lúc nào nó cũng là âm thanh vui vẻ. Song hết lần này đến lần khác, hóa ra nó đều có sự cộng hưởng không ngờ. Chương 4Làm sạch Tháng 12 năm 1856, Ellis Chesbrough, một kỹ sư trung tuổi sống tại Chicago đã vượt Đại Tây Dương, lên đường tìm hiểu danh thắng châu Âu. Ông đã ghé thăm London, Paris, Hamburg, Amsterdam và sáu thành phố khác – một chuyến đại du hý kinh điển. Có điều Chesbrough không thực hiện chuyến đi này để tìm hiểu kiến trúc của Bảo tàng Louvre hay Tháp đồng hồ Big Ben. Ông đến để nghiên cứu những thành tựu ẩn mình của ngành kỹ thuật châu Âu: hệ thống cống ngầm. Khoảng giữa thế kỷ 19, Chicago là một thành phố rất cần chuyên môn về xử lý rác thải. Sự lớn mạnh trong vai trò trung tâm trung chuyển lúa mì và thịt hộp từ Đại Bình nguyên tới các thành phố ven biển đã biến nơi đây từ một ngôi làng nhỏ bé trở thành trung tâm kinh tế chỉ sau vài thập niên. Song không giống các thành phố cũng tăng trưởng ngoạn mục trong cùng giai đoạn như New York hay London, Chicago có một điểm tê liệt: dấu tích dòng chảy của dòng sông băng từ hàng ngàn năm trước khi con người đến định cư, khiến nơi này bằng phẳng quá mức. Trong suốt thế Canh Tân, các tảng băng lớn trượt từ Greenland xuống, che phủ toàn bộ vùng đất Chicago ngày nay bằng những dòng sông băng dày hàng dặm. Băng tan chảy, hình thành một vùng nước mà các nhà địa chất gọi là Hồ Chicago. Khi dần thu nhỏ thành Hồ Michigan ngày nay, nó để lại một lớp bùn lắng. Hầu hết các thành phố lớn đều có địa hình dốc xuống dòng sông hay bến cảng mà chúng mọc lên quanh đó. Trái lại, Chicago bằng phẳng như được ủi – phù hợp cho một thành phố lớn của vùng đồng bằng nước Mỹ. Xây dựng thành phố trên vùng bình địa tưởng chừng là thuận lợi. Bạn hẳn sẽ nghĩ, địa hình đồi núi như ở San Francisco, Cape Town hay Rio sẽ gây khó cho các tòa nhà và giao thông. Song trên thực tế, đất bằng mới khó tháo nước. Giữa thế kỷ 19, thoát nước bằng trọng lực là chìa khóa cho hệ thống cống đô thị. Địa hình Chicago chịu bất lợi vì không có đường thoát nước, nên chỉ một cơn mưa mùa hè nặng hạt đã có thể biến mặt đất thành đầm lầy u ám sau vài phút. Khi William Butler Ogden – người về sau trở thành thị trưởng đầu tiên của Chicago – lần đầu tiên đi xuyên thành phố đã thấy mình “bùn ngập quá gối”. Ông viết thư cho em vợ, người đã đánh liều tậu mảnh đất ở vùng giáp ranh thị trấn: “Cậu sẽ thấy hối tiếc vì công toi trong vụ đầu tư này.” Cuối những năm 1840, người ta dựng một con đường lát ván gỗ băng qua bùn; luôn luôn phải lưu ý rằng, thỉnh thoảng sẽ có tấm ván bị vỡ và “chất nhờn ma quái xanh đen [sẽ] phụt ra giữa khe nứt.” Hệ thống vệ sinh thuở ban đầu là những con lợn đói ăn, đi loanh quanh ăn rác thải của con người. Nhờ mạng lưới đường sắt và giao nhận được mở rộng với tốc độ phi thường, tới thập niên 1850 diện tích Chicago đã tăng gấp ba lần. Tốc độ gia tăng này đặt ra nhiều thách thức về nguồn lực nhà ở và giao thông. Song thách thức lớn nhất bắt nguồn từ một vấn đề bẩn thỉu hơn: gần 100.000 cư dân mới đến thành phố thải ra rất nhiều phân. Một nhà bình luận địa phương phát biểu: “Cống rãnh ngập rác rưởi nơi lũ lợn cũng hếch mũi vì mùi ghê tởm tột cùng.” Chúng ta ít khi nghĩ về vấn đề này nhưng sự phát triển và sức sống của đô thị luôn phụ thuộc vào khả năng xử lý rác thải khi dân cư quần tụ đông đúc. Từ khi loài người sống định cư, việc tìm nơi chứa phân vẫn luôn cần thiết không kém gì việc dựng nhà, đặt quảng trường hay nơi họp chợ. Vấn đề này đặc biệt cấp thiết với các khu vực có mức tăng trưởng phi mã, điều ngày nay chúng ta thấy ở khu ổ chuột của các siêu đô thị. Vào thế kỷ 19, dĩ nhiên Chicago phải xử lý chất thải của cả con người lẫn động vật, ngựa trên đường phố, gia súc chờ giết mổ trong bãi chăn thả. (“Dòng sông đỏ máu dưới chân cầu Rush Street và chảy qua các nhà máy của chúng ta.” Một nhà tư bản viết. “Dịch hạch biết đâu bắt đầu từ đó.”) Các loại chất thải này không chỉ bẩn thỉu mà còn gây chết chóc. Dịch tả và kiết lỵ xảy ra liên tục vào thập niên 1850. Trong thời kỳ dịch bùng phát vào mùa hè năm 1854, chỉ một ngày đã có 60 người chết. Chính quyền lúc đó chưa hiểu rõ mối liên hệ giữa chất thải và bệnh dịch. Nhiều người trong số họ tin vào thuyết “khí độc” thịnh hành thời đó, cho rằng dịch bệnh phát sinh từ một loại khí độc, thi thoảng được gọi là “sương độc” (death fogs), mà con người hít phải ở các thành phố chật chội. Phải một thập niên sau, hiểu biết về con đường lây bệnh thật sự – các vi khuẩn vô hình có trong phân làm ô nhiễm nguồn nước – mới trở thành kiến thức thường thức. Nhưng dù ngành vi khuẩn học vẫn chưa mấy phát triển, chính quyền Chicago đã nhìn ra mối liên hệ chặt chẽ giữa việc làm sạch thành phố và chiến đấu với bệnh tật. Vào ngày 14 tháng 2 năm 1855, Ủy ban về Hệ thống cống ngầm Chicago (Chicago Board of Sewerage Commissioners) được lập ra để giải quyết vấn đề này. Động thái đầu tiên của họ là ra thông báo tìm kiếm “kỹ sư