🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook 101 Truyện 100 Chữ - Nguyễn Thị Hậu full mobi pdf epub azw3 [Tập Truyện Ngắn] Ebooks Nhóm Zalo Nhà văn Trần Nhã Thụy: Quan niệm của chị thế nào về truyện cực ngắn, và vì sao chị chọn truyện cực ngắn? Nguyễn Thị Hậu: Truyện cực ngắn là truyện... cực ít chữ, và giản dị. Bằng một hai chi tiết, hình ảnh “gợi” nhiều hơn là “kể”, truyện cực ngắn thường “ý tại ngôn ngoại”. Tôi thích viết ngắn vì nó như một thách đố: Càng ngắn gọn càng chính xác thì càng đạt đến sự giản dị. Viết truyện cực ngắn cũng rất thú vị vì thường mang lại bất ngờ: định viết thế này mà khi hoàn chỉnh lại ra một truyện hoàn toàn khác hẳn. (Báo Tuổi trẻ ngày 7/11/2011) Tiến sĩ khảo cổ học, từng “công tác bảo tàng” nhiều năm, hiện là Viện phó Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, Phó Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, chừng ấy thứ để khó hiểu về việc viết văn của Nguyễn Thị Hậu. Nhưng nếu đọc loạt truyện cực ngắn này, không cần nghĩ ngợi đến những chức tước, học hàm học vị, sẽ thấy một cái nhìn nhạy cảm rất đàn bà, một kết cấu truyện gọn sắc như những cú đâm của dao găm, và cả tiếng cười như sắp phá bung ra đằng sau sự lạnh lùng của con chữ. Nhà văn Lê Anh Hoài (báo Tiền Phong cuối tuần, ngày 8/5/2009) Đồng hồ Nhìn đâu cũng thấy đồng hồ. Trên tường nhà, trên bàn làm việc, trên màn hình máy tính, trên điện thọai... Trong phòng làm việc, phòng họp, phòng của sếp, phòng của lính... Đi công tác: Trong xe hơi, trong khách sạn từ sảnh đến phòng ngủ... Nhưng tất cả đồng hồ đều chậm nhanh vài phút khác nhau, khi xem giờ chị luôn tự hỏi: đồng hồ nào đúng? Vì vậy, chị không đeo đồng hồ. Bởi không muốn nghi ngờ chính mình. Mắt kém Dạo này mắt kém. Buổi tối đọc sách, nhìn máy tính một chút là mờ hẳn, có khi mỏi mắt, buồn ngủ. Đi đo khám để mua kính. Chả kính nào vừa mắt vì nơi thì bảo cận, nơi lại nói viễn, có nơi phán “loạn thị”. Thậm chí kính 2 tròng “loạn viễn”, rồi “loạn cận”... vẫn không ăn thua. Bóng đèn bị cháy, thay bóng mới. Đọc sách, nhìn màn hình máy tính bỗng sáng rõ ngon lành. Hóa ra mắt kém là tại bóng đèn! Máy tính Thân thể người ta chia làm bốn phần: đầu, mình, tứ chi và máy tính. Thỉnh thoảng máy tính bị treo, như người lâu lâu cảm cúm trúng gió. Cài chương trình tự động diệt virus cho máy, như người uống thuốc phòng bệnh vậy. Một ngày kia máy bị bệnh lạ: toàn bộ những gì đã xóa bỗng hiện về trong tập tin “hồi đó”. Phát hiện chấn động: máy tính bị nhiễm “tuổi già” từ người sử dụng. Bệnh lạ Nó mắc chứng bệnh lạ. Có khách đến, bảo chào bác Ba đi con thì nó nói "Con chào bác Tư”; − Dì Tám về kìa con, − “Dạ thưa dì Chín”; "Ra chợ mua năm ngàn rau giùm mẹ” − “Bán cho con sáu ngàn”... Nói "Mời Nội mai qua ăn cơm” thì “Ba con mời Nội mốt qua nhà”... Bác sĩ chẩn đoán: Đây là biểu hiện của bệnh “rối loạn số đếm” rất khó chữa. Đến lớn sẽ chuyển sang giai đoạn “bệnh thành tích”. Cả nhà mừng lắm: nó sẽ không bao giờ thất nghiệp! Giống nhau Nhà có cháu bị bệnh down, mọi người phải trông chừng sợ cháu đi lạc. Một ngày ông đi làm thấy cháu đứng bơ vơ ngoài chợ, lật đật chở về. Tới nhà, thấy... cháu đang ngồi ở cổng chờ ông. Nhìn lại, hóa ra nhầm, người kia cũng bị down nên mặt giống cháu. Bèn chở người ấy trả về chỗ cũ. Vừa đi vừa nghĩ ngợi: Sao cơ quan mình cũng có nhiều người giống nhau thế, dù không phải là down? Ngoại tình Phát hiện anh ngoại tình, chị bóng gió gần xa. Anh mắng “chỉ ghen tuông vớ vẩn!”. Đến một ngày chị đưa ra bằng chứng, anh nổi giận. Họ ly dị. Người lớn trong nhà trách chị: đàn ông ai chả có lúc lỡ lầm... Chị không thanh minh. Sao anh chỉ tự ái vì lộ chuyện mà không hiểu rằng chị đau lòng thế nào khi bị chồng phản bội? Chỉ cần anh nghĩ một chút về điều đó thì chị đã bỏ qua mọi chuyện. Nhưng nếu vậy thì có lẽ anh đã không ngoại tình...? Đám giỗ Bà mất sớm. Ông lấy vợ kế. Bà Hai không muốn sinh con để toàn tâm chăm lo cho chồng và các con chồng, rồi các cháu nội ngoại. Mấy chục năm trôi qua như thế... Ông bà lần lượt ra đi. Một lần đến đám giỗ ông, nhìn lên bàn thờ chỉ thấy di ảnh của ông và bà Cả. Hỏi người nhà: vậy ai thờ bà Hai? Họ tỉnh queo: để bà ở chùa! Thắp nhang trước bàn thờ bỗng như thấy hình bóng bà Hai vẫn ân cần bên ông. Vết đau Hồi yêu nhau. Có lần gọt trái cây cho nàng, anh bị đứt tay. Nàng mặt mày tái mét, ôm cả cánh tay anh hốt hoảng đòi đưa đi... bác sĩ! Lấy nhau rồi. Một lần thấy tấm hình cưới sắp bị rớt, anh mang búa đinh ra sửa. Loay hoay sợ đụng bể kiếng, búa đập vào tay. Máu tóe ra. Anh xuýt xoa nhờ nàng lấy giùm bông băng, nàng bực bội: Sao anh vụng thế! Chồng với chả con! Vết đứt tay ngày xưa giờ bỗng thấm đau, đau thấy 36 ông trời! Cái bóng Một nhà văn nổi tiếng có ảnh hưởng lớn đến nhiều người viết trẻ. Ông tự hào khi học trò là “bản sao” của mình để uy tín của ông ngày một lớn hơn. Ông quên rằng vào giữa trưa cái bóng của mỗi người chỉ đủ cho chính họ, và đến chiều tối thì cái bóng cũng không còn nữa. Có “đệ tử” đã nhận ra điều đó, cố gắng bước ra ngoài cái bóng của “sư phụ”. Và đi xa hơn. Phía sau “Phía sau thành công của người đàn ông thường có một người phụ nữ” và phía sau người đàn ông thất bại thì có nhiều phụ nữ. Vậy phía sau thành công của một người phụ nữ thì sao? - Không có một người đàn ông nào. - Thế thì chỉ là thành công một nửa. - Nếu có một số người đàn ông? - Ô, người phụ nữ ấy còn hơn cả thành công!!! - Nếu người phụ nữ thất bại? - Phụ nữ không thất bại nếu phía sau có một người đàn ông thật sự. Nghề nghiệp Bạn học địa chất và đi làm cai thầu cho các bãi đào vàng “chui”. Anh nhanh chóng trở thành “đại gia”. Một ngày anh bị tai nạn. Gia đình tan nát. Tiền của cũng không cứu vãn được sức khỏe và hạnh phúc. Nó cũng làm nghề đào đất nhưng chỉ tìm di cốt cổ xưa với gốm vỡ. Cần mẫn gắn chắp những mảnh vỡ để hiểu về quá khứ và viết để hàn gắn tình người của ngày hôm nay. Bạn nói rằng nó thực sự giàu có! Vua và Hoàng hậu Nhận điện thọai: - Hậu đấy à, trẫm đây! Nó ngơ ngác: - Trẫm nào ạ? - Trời ơi, đến trẫm mà cũng không nhớ ra ai à? - Vì nhiều ngừơi tự xưng là trẫm lắm. Bạn cười xòa: - Mỗi lần gọi tên bà là tui thấy phê phê, cứ như mình là vua! Nó “đay nghiến”: - Các ông ai cũng thích làm vua, nhưng chả bao giờ coi vợ mình là Hoàng hậu! Bao thơ Có vài cuộc họp người tham dự được nhận bao thơ, bên trong ít thì vài chục nhiều thì vài trăm ngàn. Người nhận có khi nhẹ nhàng cất vào túi xách, khi vội vàng nhét túi áo, lại có người hé ra xem, hớn hở hay thất vọng ra mặt... Nhưng nhiều người moi hết tiền ra, bao thơ vo lại vứt toẹt xuống đất. Dù nhàu nát nhưng bao thơ không buồn vì nó đã làm tròn phận sự. Đôi khi nó còn thấy mình tử tế hơn nhiều người moi tiền từ nó. Mở hàng Tính tình nhẹ nhõm xởi lởi nên mỗi lần đi chợ, chị mua mở hàng cho ai là người ấy cả ngày đắt khách. Thậm chí có lần chị “mở hàng” cho một đại lý vé máy bay thì hôm ấy họ bán hết sạch các lọai vé! Gặp lại “mối tình đầu”, nghe anh than thở: “Cái số anh vất vả, hai, ba đời vợ mà vẫn chưa yên...”, chị nghĩ: “May quá, chàng chưa than tại mình là người yêu... mở hàng của chàng?!”. Cầu Ô thước Trước khi anh đi công tác xa họ tổ chức đám cưới đúng vào tháng Bảy âm lịch. Cha mẹ hai bên lo lắng vợ chồng họ sẽ như “Ngưu Lang Chức Nữ”. Họ cười, bây giờ có internet, email, chát chit, điện thoại, webcam... có xa xôi gì đâu khi hàng ngày gặp nhau trên mạng? Vài năm qua. Anh trở về. Sống chung dưới một mái nhà mà bỗng nghe xa ngái... Chẳng ai muốn bắc Cầu Ô thước dù đã nhiều tháng Bảy mưa ngâu... Ăn chay Tháng Bảy, quán ăn chay đông nườm nượp. Người đến đây như chứng tỏ mình cũng chay tịnh như ai, dù các món ăn chay đều phỏng theo món mặn. Giữa quán hàng rực rỡ nhiều màu áo bỗng xuất hiện một bóng áo nâu sồng. Nhiều ánh mắt nhìn theo có vẻ... lạ lùng: “Thầy chùa mà cũng ăn chay à?”. Đạo đời lẫn lộn chay mặn khó lường khi nhiều người tự hỏi như thế. Xá tội vong nhân Tháng Bảy mùa xá tội vong nhân. Những ngôi chùa lớn nhỏ sáng tối đông người lui tới đèn nhang. Tháng Bảy mưa Ngâu... Sài Gòn áp thấp nhiệt đới, phố xá khuất trong mưa, nhà cửa mờ sau màn nước. Từ trong ngôi chùa lớn một chiếc xe hơi sang trọng chạy ra. Qua vũng nước đọng ở cửa chùa làm nước bắn tung tóe lên người ông già bán vé số đang nép dưới mái hiên. Mô Phật. Ông già khẽ nói. Mô Phật. Giọng trầm bổng mấy Thầy ngồi trên xe cũng nói. Học trò cũ Hồi đó học trò là cán bộ đi học nên lớn hơn cô giáo vài tuổi. Trong lớp ngòai đường gặp nhau vẫn xưng hô Cô − Em thân tình mà trân trọng. Nhiều năm sau, tình cờ gặp lại trong một cuộc họp, học trò nói với mọi người “Đây là cô giáo cũ của tôi”. Quay sang cô giáo: “Em có mang danh thiếp không, cho anh...”. Cô giáo nhã nhặn “Xin lỗi, tôi không có danh thiếp”. Học trò giờ là “người sang” nên cô giáo không muốn “bắt quàng” là quen. Khóa tình yêu Cầu cũ chi chít những chiếc khóa nhiều lọai nhiều màu. Chàng và nàng trịnh trọng bấm ổ khóa có khắc tên hai người vào thanh sắt, chìa khóa − theo phong tục − được vứt xuống sông. Họ thề thốt: không ai có thể chia lìa hai ta. Nhưng: 1. Chỉ vài tháng thì đường ai nấy đi. Cả hai đều không biết người kia còn dấu một chiếc chìa của “khóa tình yêu”. 2. Vừa qua khỏi cầu họ đã cãi nhau vì vứt nhầm chìa khóa xe hơi xuống sông. Thế là chia tay. Nhà thờ Đức Bà Dòng người không dứt vào thăm Nhà thờ Đức bà Paris. Ngước nhìn tháp chuông cao vút trên bầu trời xanh ai cũng nhớ đến mối tình si bi thảm của chàng Quadimodo nổi lọan với nàng Exmeranda xinh đẹp hoang dã. Exmeranda: Nhờ có ta nhà thờ này mới nổi tiếng như thế. Quadimodo: Không có ta ai nhớ tới nàng?! Trên cao Chúa nhìn xuống bao dung: Các ngươi đang ở trong ngôi nhà của Chúa! Chó Tây chó Ta Đến nhà bạn ở Paris, chó nhà chỉ sủa vài tiếng rồi im, những con chó nhà khác đang loanh quanh gần đấy thì không sủa tiếng nào. Nhớ đến chung cư nhà mình, hễ một con chó sủa lập tức những con khác cũng gâu gâu ầm ĩ, dù đang bị nhốt trong nhà. Đúng là chó Tây khác chó Ta thật. Bọn chó Tây cá nhân nên khách nhà ai chó nhà nấy sủa, còn chó Ta coi bộ “có trách nhiệm” hơn, không phải khách nhà mình cũng sủa. Vĩ nhân lừa Truyện kể rằng ngày xưa Chúa thương giống lừa khờ khạo luôn bị người sai khiến đánh đập nên ban cho lừa một đặc ân: biết nói như người. Khi đã có thể cãi lại người, lừa lại đòi Chúa làm cho mình biết phát ngôn như Vĩ nhân. Chúa mỉm cười vẫy tay. Lừa lại hoàn lừa. Điếc Ông lão nghễnh ngãng, đã thế đi đâu cũng nói nhiều nói to như cãi nhau. Một lần qua nhà hàng xóm, thấy con chó lao ra sủa thì lão mỉa mai “Nhà giàu có khác, chó thức đêm canh trộm hay sao mà ban ngày ngáp lắm thế?!” Con chó thấy lão nói như quát, bèn lao đến đớp cho một phát. Từ đấy lão ăn nói từ tốn hẳn. Hình như chó cắn có thể chữa được bệnh điếc?! Cúng cô hồn Tháng Bảy, cô hồn đi đến đâu cũng được ăn uống no nê, chay mặn đủ cả. Đến một nhà kia mâm cao cổ đầy sơn hào hải vị, quần áo nhà xe tiền vàng mã cao cấp. Cô hồn sung sướng nhào vô. Bỗng Quỷ sứ hiện lên xua đuổi: “Nhà quan lớn chỉ cúng cho cô hồn quan lớn!” Nhang đèn Trên bàn thờ. Đèn chê nhang: - Cái gì mà lập lòe như ma trơi! Nhang đáp: - Tui lập lòe nhưng tui tự cháy, lại còn có hương thơm. - Thơm thì lát cũng hết. Ta đây sáng cả ngày. Vừa nói xong mất điện, đèn tắt. Bình bông trề môi: - Sáng nhờ điện mà cũng bày đặt chảnh! Vu lan Từ sáng sớm anh chị đã rối rít chuẩn bị nhang đèn hoa trái lên cúng chúa cùng món tiền công đức khá lớn. Mẹ anh hỏi: - Chiều mấy giờ về để mẹ nấu cơm? - Mẹ đừng chờ. Tụi con ăn cơm chay nhà chùa đãi. Xe chạy. Mẹ đứng đó tần ngần. Lễ Vu lan mà mẹ vẫn một mình cơm nước như mọi ngày. Đồ cúng Ngày Rằm. Trên bàn thờ các lọai nhang, đèn, bình bông, mâm ngũ quả đồng thanh chê bai đĩa xôi gà: Cái thứ “trần tục” kia sao lại được ngồi cùng với bọn thanh cao chúng ta nhỉ?! Cúng xong đĩa xôi gà được mang đi. Tất cả còn lại vẫn để nguyên từ ngày này qua tháng khác... Tấm hình đen trắng trên bàn thờ lạc lõng giữa những thứ đồ cúng lòe loẹt làm bằng nhựa. Khoảnh khắc và mãi mãi Tình cờ mình quen nhau và chỉ gặp vài lần. Một ngày bạn nhắn: Những mẩu chuyện mình viết rất ngắn nhưng sao bạn phải ngẫm về nó lâu đến thế. Cuộc sống chẳng bao giờ hoàn hảo. Những mảnh vỡ của nó luôn có vẻ đẹp riêng, dù gai góc hay vụn nát nhưng vẫn lấp lánh... Như dư âm của những khỏanh khắc bên bạn cứ ngân mãi trong tâm trí mình dù ngọt ngào hay cay đắng... Nàng Bân Biết dịp Giáng sinh anh sẽ đi đến miền tuyết trắng, từ mùa thu cô đã cần mẫn đan chiếc khăn len, đôi bao tay để khi dùng anh sẽ thấy ấm áp như có cô bên cạnh. Anh đi rồi cô vẫn cần mẫn ngồi đan những chiếc khăn những đôi bao tay, cuộn len mềm mại mang lại cho cô cảm giác được chạm vào hơi ấm của anh giữa Sài Gòn đầy gió. Cô không biết suốt mùa đông giá lạnh ở nơi ấy khăn và bao tay chỉ nằm im trong va li của anh... Từ bi Hai chị em đã có gia đình. Chồng chị làm ăn khá giả. Nhà chồng em nghèo khó. Ngày giỗ cha, em lật đật mang con về nhà từ bữa trước, thức khuya dậy sớm đi chợ nấu ăn. Tới giờ cúng vợ chồng chị xênh xang xe hơi mới về, cả nhà mừng rỡ. Xong đám, người nhà chuẩn bị quà cho chị một giỏ bánh trái ngon lành, còn giỏ cho em là mấy món thức ăn còn lại. Chiếc giỏ nhỏ mà bước chân em nặng trĩu. Nhà không có đồng hồ Một ngày nhìn quanh chị chợt phát hiện ra trong nhà không có một chiếc đồng hồ nào cả! Đầu tiên chị ngỡ ngàng rồi hốt hoảng: không biết bây giờ là lúc nào? Hôm qua, hôm nay, ngày mai... là bao giờ? Nhưng rồi lòng bỗng bình yên. Có cần phải đo đếm thời gian không, khi đang sống hết mình, với cuộc đời, với con người...? Quay lưng ra cửa Ít ai có một thói quen lạ lùng như nó là luôn ngồi quay lưng ra cửa. vì người ta sợ một mối nguy hiểm nào đó sẽ đến ngay sau lưng làm mình không kịp trở tay. Vì vậy họ luôn chọn cách ngồi nhìn ra cửa cho an toàn. Nó cũng sợ điều đó. Nhưng nó vẫn chọn cách ngồi như thế bởi vì trước mặt nó bao giờ cũng là Anh, người luôn nhìn ra cửa để giữ cho nó được bình yên! Mơ Anh thường mơ giữa ban ngày. Trong những mơ hoang anh sống trong một không gian khác, cuộc đời khác. Anh khám phá ra con người khác trong mình, trọn vẹn và mỹ mãn. Còn những giấc mơ của em thường đứt đọan, trăn trở giữa Ảo và Thực. Để rồi đánh mất nhiều cơ hội tìm lại một bản thể khác của mình. Có lúc nào đó, trong cơn mơ anh sẽ giúp em có một giấc mơ trọn vẹn? Mèo và chó Mâm cơm đậy lồng bàn vậy mà mèo vẫn cạy và tha mất khúc cá. Nó bèn lấy lồng bàn úp... mèo. Con mèo lê la khắp nhà mà không sao chui ra được. Nó yên tâm làm việc không lo mèo ăn vụng. Chó mon men đến mâm cơm, xốc mõm vào ăn hết. Mèo nhìn thấy meo meo ầm ĩ. Nó mắng mèo: cho chừa cái tội ăn vụng, kêu gì mà kêu! Người ta thường chỉ thấy mất khúc cá mà không thấy mất cả mâm cơm, là thế. Đối thoại - Không có gì là mãi mãi...Tình yêu cũng vậy... - Vậy tại sao Chúa cho chúng ta yêu nhau? Để làm gì nếu tình yêu rồi sẽ chết? - Chúa làm như vậy để thử thách con người! - Nếu vậy anh sẽ không tha thứ cho Chúa! Tình yêu anh dành cho em không phải là đồ chơi mà Ngài vui tay làm khi rảnh rỗi. ... Một ngày anh xa em. Tình yêu chỉ là trò chơi của anh. Gần Hai anh em cãi lộn. Em vung tay vô tình trúng người anh. Tưởng em hỗn, anh thẳng tay tát vào mặt em, em không tránh kịp, mắt nảy đom đóm, choáng váng Từ đó anh em không nhìn mặt nhau. Làm cho ta vui có thể là người dưng nhưng làm ta bị tổn thương nặng nề chỉ có thể là người thân. Vì vậy đừng quá gần ai kẻo mà tránh đòn không kịp... Đạo đức Thỏ chạy khắp khu rừng, gặp con thú nào nó cũng nói: đừng hút chích ma túy, đừng chơi bời mà bị HIV rất nguy hiểm... Gặp Sư tử chưa kịp nói gì Thỏ đã bị một cái tát choáng váng. Sử tử quát: con điên này ngày nào cũng phê thuốc chạy lung tung nói lảm nhảm, bực mình quá! Kết luận (tùy chọn): 1. Đừng nghe mấy người hay rao giảng về đạo đức. 2. Đừng giảng đạo đức cho kẻ mạnh. 3. Trong rừng thỏ ngày càng nhiều. Sư tử phải bỏ đi. Thạch Sùng thời nay Thạch Sùng thời nay đầu cơ đất đai tiền của ước đến muôn tỷ. Vương quan bày ra cuộc thi đấu nhằm cướp lấy tài sản của Thạch Sùng. Cũng như chuyện xưa, Thạch Sùng không thiếu một thứ gì. Vương quan nghĩ mãi, bí quá bèn hỏi đại: nhà ngươi có dây thun để cột tiền không? Nhà Thạch Sùng chỉ dùng các lọai thẻ Visa, master, ATM, két sắt toàn vàng, dollars, cổ phiếu... Tìm mãi chả có sợi thun nào đành chịu thua Vương quan. Phân công hợp lý Truyện kể: Rắn, rết và rùa ngồi nhậu. Nửa chừng hết rượu, ba đứa bàn nhau xem đứa nào phải đi mua. Rắn nói để rết đi mua vì nó nhiều chân nên đi nhanh nhất. Rùa đồng ý, Rết hăng hái đi ngay. Rùa và rắn ở nhà chờ hoài, ăn hết cả mồi mà rết vẫn chưa mang rượu về. Rắn bò ra ngóng thì thấy rết đang loay hoay ở cửa. - Trời, sao mày còn ngồi đây? - Tao đi giày chưa xong, rết đáp. Không phải sự có lý nào cũng là hợp lý. Chó nhà chùa Chùa ở nơi heo hút, chỉ có sư thầy, chú tiểu và một con chó mà sư thầy nhặt được mang về nuôi từ khi nó còn nhỏ. Đêm con chó thức canh cho chùa, ngày nó cũng hai lần cơm chay. Sư thầy mãn phần. Chú tiểu thành sư trụ trì. Cũng từ ấy hễ nhà chùa cho ăn thì con chó bị ói. Nó không biết ăn mặn. Một ngày kia con chó cũng thành món mặn. Phật đã cho nó thành chánh quả. Phóng sinh Rằm tháng Bảy chủ nhà mời Thầy về tụng kinh, mua cá phóng sinh thả xuống hồ nước trước nhà. Bữa ăn thấy toàn món hợp khẩu vị: cá chiên giòn, nấu canh chua, kho tộ... liền khen ngon. Thằng con hồn nhiên khoe: Cá bắt trong hồ nước nhà mình. Chủ nhà vỗ đùi đánh đét: Hay, tay này thả tay kia vớt, nhà mình vẫn được tiếng từ bi! Halloween Mới bước đến cửa mọi người đã nhao ra trầm trồ: Ồ! hóa trang ấn tượng quá! Nó giật mình bước vào phòng vệ sinh, một gương mặt lạ hoắc trong gương đang nhìn nó đầy nghi hoặc. Chợt nhớ: hôm nay vội đi nên nó không trang điểm gì cả, định bụng khi đến đây sẽ tìm mua một cái mặt nạ. Mà có khi chẳng cần mặt nạ nữa vì có ai nhận ra cái mặt thật của nó đâu. Một lần nằm mơ “Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời”. Linh hồn tôi lạc vào Vương quốc Chó thấy chuồng nào cũng đồ sộ đẹp đẽ. Bỗng gặp con Vàng yêu quý, nó rối rít mời tôi đến chuồng nhà nó. Bước vào tôi thấy tấm hình của mình, dưới ghi “bà chủ − người kiểng Sài Gòn”. Nhìn sang chuồng hàng xóm của con Vàng thấy bảng đề: “Coi chừng, nhà có người dữ”. Lạnh toát cả người, giật mình tỉnh dậy ngơ ngác không biết đang ở xứ người hay xứ chó. Nô tài có tội Bạn kể: Con gái sinh con đầu lòng. Bà ngoại lặn lội từ quê lên bế cháu ròng rã cả năm. Một hôm bà vấp té − bà sứt trán, cục cưng u đầu... Các con về, đảo mắt thấy ngay cái u trên đầu Cục cưng. Chúng hốt hoảng lao tới thằng bé như thể trời sụp trên đầu đất nứt dưới chân! Rồi chúng nhìn bà lạnh tanh như Vua và Hoàng hậu đang kết tội nô tỳ, chỉ thiếu cảnh hai tay bà tự vả vào mặt, miệng lắp bắp “Nô tài có tội!”. Lừa yêu Hai con lừa tình cờ gặp nhau trong thành phố. Chúng ước được yêu nhau như hai con người. Chúa thương tình biến chúng thành người. Yêu nhau rồi chúng mới biết làm người đang yêu không dễ chút nào, vì luôn làm khổ nhau và tự làm khổ mình. Các tông đồ thấy thế bèn cười nhạo: “Thật là ngu như lừa!”. Không, Chúa thương xót nói, chúng không ngu nhưng vốn là thân Lừa nên ưa nặng. Thiền Buổi tối công viên sáng đèn và yên tĩnh. Trên bãi cỏ xanh ngày nào cũng có một nhóm khá đông người ngồi tập thiền, trầm mặc hàng giờ quanh chiếc catsette văng vẳng tiếng nhạc du dương. Thời gian sau xuất hiện dàn loa lớn luôn phát ra tiếng nhạc ầm ĩ, xung quanh hàng chục cặp khiêu vũ quấn quýt đong đưa lắc lư... Nhóm thiền cứ vắng dần, vắng dần... rồi không còn ai nữa. ”Thiền” được giữa chốn đông người mới hay. Cà phê không đường Tôi hay đến quán nhỏ gần một ngã tư, ngồi một mình, lặng lẽ với cảm giác bình yên, ly café không đường để lại chút dư vị ngọt ngào... Rồi em đến. Em phá vỡ không gian riêng tư của tôi bằng những vần thơ mềm mại đến nao lòng... Tưởng như em và tôi, chúng ta có thể bên nhau đi đến cùng trời cuối đất. Khi em ngập ngừng không dám cùng tôi uống ly café không đường của cuộc sống, quán cũ chiều nay café bỗng dưng đắng ngắt... Gãy chân Đi nhậu về, chồng bị tai nạn gãy chân, nằm một chỗ. Chân bó bột cứng đờ. Mọi việc đều có vợ ở bên giúp đỡ. Khuya. Bỗng chồng ngã nhào xuống đất. vợ hốt hỏang đỡ lên, hỏi: Sao thế anh? Chồng: Nằm mơ, thấy ngồi trên đường ray, xe lửa hú còi đến gần rồi mà không sao chạy được! Lại hỏi: Làm gì mà ngồi trên đường ray? Chồng tức tối: Ngồi nhậu với bạn, tụi nó thấy xe lửa tới đứa nào đứa nấy bỏ chạy mất tiêu! Bước hụt Anh chị sống với nhau đã lâu. Vui có mà buồn cũng không ít. Cuộc sống cứ bằng lặng trôi. Vất vả qua đi, các con lớn dần... Một ngôi nhà khang trang, đồ đạc mỗi ngày đầy đủ hơn. Anh cũng vắng nhà nhiều hơn. Một lần lên lầu bước vào phòng ngủ, chị thấy anh đang ngồi đếm tiền, những cọc tiền 500 ngàn còn mới. Nhìn thấy chị, bất giác anh xoay người khom lưng che gói tiền. Bước xuống hụt chân chị mới nhận ra bậc cầu thang nhà mình cao quá. Say bờ Nó rất sợ đi tàu xe vì hay bị say. Ngày nọ nó phải đi tàu biển dài ngày. Ngày đầu say sóng tưởng chết đến nơi, ngày thứ hai vẫn say, ngày thứ ba không còn sức để mà say, ngày thứ tư, thứ năm, thứ n... nó quen dần với sóng. Khi tàu cập bến, lên bờ nó lại nôn nao tưởng như bắt đầu một cuộc hành trình mới. Cho đến giờ nó vẫn chưa hết say bờ, vì nó luôn nhớ biển. Khóa Anh buông lời xúc phạm nặng nề. Sững sờ, cô đưa con về nhà ngoại. Mấy hôm sau anh gọi điện chỉ nói chuyện với con. Cô về nhà lấy vài thứ. Mở cửa, cô biết anh vừa đi. Trên bàn gạt tàn còn vương khói thuốc... Cô bỗng thấy mềm lòng với mùi thuốc lá quen thuộc. Dọn dẹp qua loa rồi cô đi. Mấy ngày nữa về nhà tìm sách cho con cô thầm mong sẽ gặp anh dù trái tim vẫn còn đau đớn. Mở cửa mãi không được. Nhìn lại, ổ khóa đã thay. Cửa Ngôi nhà kia rất quen thuộc với nó. Mỗi khi nó đến, chỉ cần gõ nhẹ là cánh cửa luôn rộng mở. Một lần, nó hăm hở chạy đến ngôi nhà ấy, nóng lòng muốn nói một điều gì đó. Gõ nhẹ, cửa vẫn im lìm. Bèn gõ lần nữa. Cánh cửa bỗng bật ra, đập mạnh tối tăm mặt mũi. Người trong nhà nhìn nó bình thản như không. Cảm giác đau đã qua lâu rồi. Nhưng từ ấy, nó rất sợ mỗi cánh cửa vì với nó, tất thảy đều là cái nắp “hộp Pandora”. Tự động Lần đầu ra sân bay, đứng trước cửa kính dày trong suốt, nó kinh ngạc khi chưa kịp đẩy thì cửa đã mở rộng, vừa bước qua thì cửa cũng nhẹ nhàng khép lại. Nó nhìn quanh, thắc mắc không biết vì sao cửa mở và khép nhanh như thế? Nó lại bước ra bước vào, cửa vẫn mở đóng nhịp nhàng. Nó đóan chắc có người điều khiển, “Cho mày mỏi tay nè”! Thế là nó khoái chí chạy qua chạy lại nhiều lần nữa. Cửa vẫn bình thản đóng mở. Còn nó chân mỏi rã rời. Nước mắt kim cương Ngày bên nhau, khi anh làm em buồn em hay khóc. Nước mắt em trong veo, lóng lánh hờn giận nhưng đầy yêu thương. Anh bảo: nước mắt kim cương. Khi anh bỏ đi, những giọt nước mắt vỡ thành trăm ngàn mảnh vụn. Nhiều năm sau anh mới hiểu nước mắt kim cương không chỉ lóng lánh muôn sắc cầu vồng mà còn vô vàn cạnh sắc. Đường đời anh phải bước trên những giọt kim cương, mỗi bước đi là nhức nhối. Đèn đỏ Sợ trễ hẹn với bồ, gã phóng vượt đèn đỏ. Anh cảnh sát bước nhanh ra đường, tay cầm gậy chỉ thẳng vào gã. Toi rồi. Chợt trong đầu lóe lên một cách. Gã vẫn lao thẳng, miệng hớt hải: Anh vừa thấy thằng nào chở con vợ anh, chú cho anh đuổi theo! Anh cảnh sát chưa kịp phản ứng thì gã đã vọt qua. Thoát! Lần sau, vẫn chiêu đó, nhưng không thoát. Đúng lúc bị lập biên bản thì gã nhìn thấy vợ mình ngồi sau xe một gã khác, trông họ cực kỳ thỏa mãn! Chào cờ Nó có một giọng hát sến kinh khủng. Giờ chào cờ cả lớp thường bị phạt vì không nhịn được cười vì bài quốc ca qua giọng nó đã thành “ai cho tôi tình yêu...” Cô chủ nhiệm bực lắm. Cô bắt nó hát cho cô nghe. Mới được hai câu cô nói: Cho em miễn không phải chào cờ. Lần sau chào cờ lớp lại bị phạt vì vẫn có đứa cười. Hỏi sao thế, đứa ấy bảo rằng quen rồi, cứ nghe nhạc quốc ca là lại nhớ giọng hát ai cho tôi tình yêu của nó. Bong bóng Anh ly dị vợ, còn chị một lần gãy đổ. Quanh anh là những cô gái xinh đẹp, những người đàn bà sắc sảo. Bên chị đôi lúc có một người đàn ông dung dị nào đấy. Khi quyết định đến với nhau, anh nói: Mình cùng neo nhau lại trong cuộc đời chống chếnh này, em nhé! Từ ấy, bên chị chỉ có mình anh. Từ ấy, bên anh vẫn quanh quẩn những cô gái và những người đàn bà... Đến một ngày, chị nhận ra cuộc đời mình đang neo vào một chùm bong bóng... Thi sĩ Vợ đi vắng, thi sĩ ở nhà trông con gái nhỏ. Nó bú bình xong rồi buồn ngủ, ọ ẹ, khóc ré lên. Thi sĩ vụng về dỗ nhưng nó không nín. Nó đã quen nghe tiếng mẹ ru nhè nhẹ... Lúng túng, thi sĩ bèn đọc thơ. Chàng đọc mấy bài thơ mới sáng tác đêm qua. Cô nhỏ nín bặt rồi khóc lớn hơn. Thi sĩ lại đọc, giọng như đang trình diễn trong Ngày Thơ. Bỗng dưng cô nhỏ mở miệng gào lên: “Xin lỗi, chịu hổng nổi!!!” Điện thoại Điện thọai bị hỏng. Vài ngày vắng tiếng chuông của tin nhắn của cuộc gọi, không lời nhắc công việc... Cảm giác thiêu thiếu, trông chờ... làm cô khó chịu vô cùng. Nhưng rồi như sau một kỳ thi, sự căng thẳng dần chùng xuống. Cô như được sống chậm hơn, sống cho mình nhiều hơn. Tâm trạng nhẹ nhõm của người đang từ bỏ thói quen phụ thuộc vào một điều gì đó. Bao giờ cô sẽ từ bỏ thói quen trông đợi, vào một ai đó...? Sinh nhật Chị lấy chồng, ở nhà chỉ còn em với mẹ. Có lần sinh nhật em, biết mẹ nấu bữa cơm ngon, em kéo một lũ bạn đến ăn uống quậy phá. Xong kéo nhau đi chơi. Mình mẹ lui cui dọn dẹp. Có lần sinh nhật chị, mẹ mua một bó hoa hồng thật đẹp rồi lụm cụm đi xe ôm sang nhà chị. Nhưng vợ chồng chị đã đi ăn nhà hàng. Hai chị em bàn nhau mua bảo hiểm cho mẹ. Khai hồ sơ, chị em nhìn nhau. Chẳng ai nhớ ngày sinh của mẹ Chết Nhà thơ trẻ đầy triển vọng bỗng quyết định từ bỏ cõi trần. Bạn bè không hiểu nổi tại sao anh có thể tìm đến cái chết dễ dàng như thế? Ngày Thơ, sau những màn tôn vinh Thơ và tôn vinh các nhà thơ, sau chầu nhậu rượu đầy bia tràn mà người say thật kẻ say giả tán dương lẫn nhau, bỗng nhớ đến người bạn "tài hoa bạc mệnh" bèn “cầu cơ” thăm hỏi tỏ lòng thương tiếc. Câu trả lời: Dưới này cũng như ở trển, chán quá, tao lại tự tử rồi! Haiku Bạn bè nó toàn là những nhà thơ. Ngày kia nó cũng tập mần thi. Tập riết, mần chỉ được ba câu. Đọc đi đọc lại, nó sung sướng nhận ra Thơ Haiku! Kiến Nhà đầy kiến. Thức ăn để đâu cũng bị kiến bu. Bực mình quá! Không biết nghe ai, nó treo gói đường lên, bên ngòai ghi một chữ CỨT thật lớn. Một ngày, hai ngày, gói đường không có kiến. Tốt, kiến nhà mình không ăn bẩn. Nó khóai chí nghĩ. Thế là hễ có gì ăn được nó đều làm như thế. Từ ấy thức ăn không bị kiến vào. Nhưng rồi nó cũng không thể ăn những thứ ấy được nữa. Mèo và cá cảnh Trong nhà đã có bể cá cảnh, lại còn nuôi một con mèo. Suốt ngày mèo quanh quẩn gần bể cá. Có lúc ngồi chầu hẫu bên cạnh, mắt long lanh nhìn những con cá vàng vô tư lượn lờ. Thỉnh thỏang nó thò tay khoắng trong bể làm nước bắn tung tóe, mấy con cá giật mình bơi cuống quýt. Một lần nó đuổi bắt chuột làm bể cá đổ vỡ tan tành. Nhà thôi không nuôi cá cảnh. Con mèo cứ tha thẩn chỗ bể cá đã vỡ. Vài hôm sau nó bỏ nhà đi mất. Trong lồng Một chú chim sẻ bay trên xa lộ, chẳng may va vào người đi xe máy đội mũ bảo hiểm. Cú va chạm mạnh đến nỗi chim sẻ ngất đi. Người đi xe máy thương tình nhặt chú mang về nhà, cho vào lồng và để sẵn thức ăn nước uống. Tỉnh dậy, chim sẻ nhìn quanh rồi kêu lên: “Thôi rồi, mình đâm chết thằng cha đi xe máy rồi. Kiểu này chắc tù chung thân!” Đến bây giờ chim sẻ vẫn yên chí rằng mình đang ở trong cái nhà tù đầy đủ tiện nghi ấy Làm chủ Ngày xưa ở xứ sở kia có Người làm thuê cho Bò. Năm đầu Người cày theo lối cũ. Năm sau người cày khác một chút, Bò khó chịu nhưng cũng chấp nhận. Năm thứ ba đã biết rõ về mảnh ruộng, giống má, thời tiết, Người quyết định cày theo lối mới. Kết quả vụ mùa bội thu. Bò chỉ ăn rơm nên sợ Người giàu hơn mình, bèn không thuê Người nữa. Từ ấy Người thất nghiệp chỉ mong biến thành Bò để được làm chủ. Lô cốt Đường thành phố từng đọan dài lô cốt. Kẹt đường. Xe hơi nhích từng mét, xe máy lao lên lề, chui vào hẻm, nhưng rồi ở đâu cũng vậy... Khói, bụi, mệt mỏi, cáu kỉnh, và cam chịu. Rồi lô cốt được dỡ bỏ. Mặt đường nham nhở những vết thương dài, xấu xí. Đến với nhau, anh và em phải vượt qua biết bao “lô cốt” chính mình đã dựng lên. Cuộc sống chung như đọan đường mới được tái lập, để rồi có thể nó lại bị đào xới, vào một ngày kia... Tu Vợ chồng ly dị. Buồn. Hắn lên chùa trên núi, vui với thiên nhiên, nghiền ngẫm kinh kệ giáo lý nhà Phật. Một thời gian sau hắn quyết định xuất gia. Trở về thành phố chia tay bạn bè. Mọi người chia sẻ: Thôi cứ làm những gì mày muốn. Có cần gì thì cứ mail cho bọn tao nhé. Hắn ngẩn người: Ừ nhỉ, trên đó không có NET, làm sao tao tu?! Bèn thôi không tu nữa. Tấm Cám Nhà có hai chị em. Tấm ngốc nghếch, làm gì cũng hỏi, nhưng chăm chỉ. Cám tinh quái, gì cũng biết làm, nhưng lười. Được cái hai đứa thân nhau, cùng làm việc nhà chu đáo. Bố mẹ rất hài lòng. Một ngày kia xuất hiện Gạo − cậu con trai cầu tự. Thế là Tấm và Cám ra rìa. Từ ấy Tấm hay tủi thân, việc gì cũng khóc, còn Cám ngày càng ghê gớm. Nhưng cả hai đứa đều ao ước: Sao mình không phải là Gạo mà chỉ là Tấm, Cám? Tử vi Mới sinh nó cha mẹ đã xem tử vi: tuổi Dần nhưng coi chừng cọp vồ. Để phòng hậu họa nhà nó dọn về thành phố. Nhiều năm trôi qua, nó lớn lên, vợ con đàng hoàng, quyền cao chức trọng. Một ngày kia bức tranh sơn mài treo trên tường nhà bỗng rớt ngay vào đầu, nó bị thương nặng. Nhìn lại: bức tranh “chúa sơn lâm” do thuộc cấp tặng mừng nó ngày thăng chức. Nó nghi ngờ: Người này có quen biết ông thầy tử vi năm xưa?! Xe đạp ơi Ngày yêu nhau anh thường chở chị đi chơi, đi làm bằng xe đạp. Mỗi lần lên dốc cây cầu dài, chị nép vào lưng anh, thầm thì: Mệt không anh? Anh gò lưng nhưng vẫn ngoái lại nhìn chị, vừa thở vừa ráng mỉm cười: có gì đâu em. Lấy nhau rồi, cũng con dốc ấy cũng câu hỏi âu yếm “Anh mệt không?”, vừa đạp mạnh anh vừa gắt “Có phải trâu đâu mà không mệt!”. Ngồi sau chị co rúm người, chỉ mong biến thành chiếc lá, bay đi. Không đề (1) 1) Trời mưa. Cô mơ màng: Bây giờ ngồi quán với một cốc café sữa nóng và nghe nhạc thì tuyệt. Anh lắc đầu: Trời mát thế này nhậu thịt chó mắm tôm là nhất! ... Thế là tan vỡ một mối tình! 2) Đọc mẩu truyện trên, chị mỉa mai: gớm, lãng với chả mạn, loại gái này lấy về để thờ à? Anh ngạc nhiên rồi chợt nhận ra từ lâu vợ mình chỉ còn thích “thịt chó mắm tôm”. Bất giác anh nhớ lại một ngày mưa trong một quán café... Cổ vật Gã có sở thích sưu tầm đồ cổ. Làm ăn vất vả nhưng gã vẫn chắt bóp để mua từng món đồ nho nhỏ. Có lúc vợ con còn phải nhịn miệng để gã mua bằng được “hàng độc”. Dần dần gã trở thành đại gia trong giới cổ vật. Vợ mắc bệnh nan y. Để có trăm triệu chữa bệnh cho vợ, gã quyết định bán món đồ cổ quý nhất. Mọi người tiếc: Bán rồi làm sao mua lại được?! Gã cười khà khà: Vợ là cổ vật duy nhất không bao giờ tôi muốn bị mất! Tình ảo Biết nhau trên mạng. Khi nó đã quen với việc ngày nào cũng chat, vào blog của anh “bóc tem” note mới, nhận email tòan những lời có cánh... thì bỗng dưng anh biến mất. Nó chỉ biết nickname của anh là X. Nó spam khắp nơi “Tìm X. đang invisble to everyone, khóa blog, không trả lời email và mess off”. Dùng một nick khác, anh share “thông báo” trên cho một cô bé mới quen kèm theo câu: “Em đừng để anh phải tìm như thế nhé!” Bạn gái Hai đứa cùng tuổi cùng nghề, thân như chị em. Khó khăn trong công việc nó tin tưởng kể cho bạn nghe. Gặp lúc gia đình bạn đổ vỡ nó cùng chia sẻ. Không biết từ lúc nào bạn đã giành những mối làm ăn của nó. Người đàn ông của nó cũng vào tay bạn nốt. Không một lời oán trách nó gây dựng lại chuyện làm ăn, rồi một người đàn ông khác đến với nó. Mọi việc còn tốt đẹp hơn trước. Mất một người bạn có khi không phải là điều đáng tiếc! Tình cũ Anh yêu cô rất lâu nhưng không dám tỏ tình. Rồi cô đi lấy chồng còn anh thì lấy vợ. Vài năm sau cô ly dị. Anh ngỏ lời... cô cảm động. Mỗi lần gặp nhau cô luôn có vẻ bất an. Tưởng cô áy náy vì nghĩ đến vợ mình, anh càng yêu chiều cô hơn để bù đắp. Anh không biết trong lòng cô đang có một hình bóng khác. “Tình yêu em ơi, cút bắt trò chơi...” Lưng Thời con gái, khi ngồi bên người yêu cô hay ngả đầu vào vai anh, đầy tin cậy. Những năm đầu chung sống, mỗi đêm chồng ôm trong vòng tay, cô úp mặt vào ngực anh, âu yếm. Bây giờ cô chỉ ước được chồng ôm choàng lưng mình, để cảm thấy mình có một chỗ dựa vững vàng, ấm áp. Đã lâu rồi cô chỉ thường nhìn thấy cái lưng của chồng, chống chếnh và lạnh lẽo. Giải Nobel Bạn bè viết lách tụ tập cà phê vỉa hè, kháo nhau: nhà thơ X. cả quyết sang năm ổng sẽ được đề cử Nobel Văn chương, nhà văn Y. bảo chị ta được ai đó đề nghị giải Nobel Hòa bình... Nghe phát ham! Nhà phê bình bèn nói với vợ: anh sẽ chuyển sang viết tiểu thuyết để tranh giải Nobel Kinh tế! Vợ than: Trăm tội là tại Nobel. Ổng chế tạo ra thuốc nổ làm chi để miểng văng tùm lum vậy?! Chữ ký Nhà thơ trẻ được đánh giá là rất có triển vọng. Bèn đi xem bói chữ ký. Lần thứ nhất thầy phán: Nếu sửa chữ ký con sẽ trở thành một nhà thơ nổi tiếng! Từ hôm đó nhà thơ nổi tiếng vì miệt mài luyện chữ ký mới! Lần thứ hai thầy nói: Chữ ký của con là chữ ký của một nhà thơ nổi tiếng. Đến bây giờ anh ta thật sự nổi tiếng vì không làm thơ nữa mà chỉ mang khoe chữ ký của mình! Cọp và mèo Làng kia ở gần rừng. Dạo này cọp hay vào làng khi bắt con trâu, khi tha con heo. Người tức giận nhưng chẳng làm gì được ngòai việc khua thùng gõ mõ khi cọp... đi rồi. Làng bèn làm lễ cúng Ông ba mươi. Mâm cúng có xôi có heo quay vàng ươm thơm lựng. Mấy chú mèo đánh hơi mỡ màng, quanh quẩn kêu meo meo. Thế là bị người xua đuổi lại còn đánh rất đau. Mèo ấm ức: có giỏi sao người không ra mà đánh cọp! Bận - Mai em ra, anh có bận gì không? - Hay quá, em ra đi. Mình sẽ đi chơi đâu đó. Anh và em có ngày cuối tuần lang thang thật vui. * - Mấy bữa nữa em ra, anh có rảnh không? - Để anh xem... dạo này nhiều việc quá... Em ra và về, chỉ gặp anh chớp nhoáng trong bữa cơm trưa muộn màng. * - Anh à, em mới ra... - Anh bận quá, tí nữa anh gọi nhé. Em hiểu, vì đã từng nghe anh trả lời người xưa như thế. Bạn trên mạng Các mạng xã hội luôn thông báo sinh nhật của các thành viên. Giữa cuộc sống bề bộn này, không gặp nhau được thì nhắn vài câu chúc mừng, nó thường làm như thế với bạn bè trên mạng. Hiếm khi nó nhận được hồi âm dù các bạn ấy vẫn lướt mạng hàng ngày. Có người còn nhắn lại “sao rảnh dữ vậy?”. Nó tự trách: Ừ nhỉ, mạng ảo mà, sao cứ nghĩ bạn ở đây là thật?! Mùa đông ấm áp Dự báo thời tiết: mùa đông năm nay sẽ ấm hơn mọi năm. Anh mừng lắm: Cuối năm ra công tác chắc em sẽ không bệnh vì lạnh như mọi lần nữa. Giữa tháng Chạp em ra Hà Nội, mang theo thiệp hồng từ vùng nắng ấm. Mùa đông năm nay với anh không có những ngày ấm áp... Tu tại Tâm Nhà làm ăn. Tháng đôi lần ngày Rằm, mùng một chị sắm sửa nhang đèn hoa quả đến một ngôi chùa lớn, thành tâm cầu mong làm ăn phát đạt. Khi nhà chùa có việc chị thường công đức những món tiền không nhỏ. Chị trở thành đệ tử thân tín của nhà chùa. Bị phá sản. Chị vẫn lòng thành đến chùa cúng lễ nhưng tiền công đức không còn xênh xang như trước. Nhà chùa nhìn chị như người bá tánh. Chị không buồn. Thời nay cõi Thiền còn nhiều người sân si như thế... Không đề (2) Dành dụm được một món tiền, vợ bảo: Mua cái TV anh ạ, cả nhà xem giải trí cho mở mang đầu óc. Chồng: Mua tủ lạnh, đi làm về có cục đá mà uống bia! Tối, chồng một mình với mấy chai bia. Vợ một mình trong bếp. Con sang nhà hàng xóm xem phim bộ. Nhà bỗng như một cái tủ lạnh khổng lồ! Nhiều năm sau. Nhà có 3 người, 3 phòng riêng, 3 TV, 3 computer. Im lặng như phòng thu âm! Hàng xóm đi qua tưởng nhà đi vắng. Sống Chiều cuối năm. Quán nhỏ, ly café đen nguội, ly café đá tan loãng. Họ chỉ yên lặng. Cuối cùng: - Anh hãy dịu dàng hơn với cô ấy nhé. Đàn bà chúng em yêu bằng tai mà. Chị mỉm cười nhưng lòng anh nhói đau. - Em cũng đừng cả nghĩ nhé. Đàn ông bọn anh ai cũng có lúc vô tâm. Chị nhìn lá rơi ngoài kia qua đôi vai mệt mỏi của anh. ... Chị về, biết mình sẽ đếm thời gian. Anh đứng đó, nhìn theo ngút mắt. Món nợ văn chương Nhà văn nổi tiếng với các tác phẩm ca ngợi những vĩ nhân trên khắp thế giới. Nửa đời sống nơi đất khách ông mới về thăm quê, đứng trước mộ ông bà cha mẹ, nhà văn chợt nhận ra đây chính là những người tuyệt vời nhất, vì họ đã dạy cho ông biết nhìn thấy sự vĩ đại trong những con người bình dị quanh mình. Nhà văn ra đi, mang theo món nợ văn chương mà ông biết kiếp này sẽ không thể trả. Vì thiếu quê hương. Dạy và học Họp cơ quan. Một cô văn phòng có chút sơ suất trong công việc. Chị thạc sĩ nọ mắng: Không biết làm thì đến đây dạy cho! Tan họp có người lắc đầu: Viện nghiên cứu mà như cái chợ ấy nhỉ! Không biết mình có quyền dạy ai nên cũng không biết là mình cần học cái gì, làm ở viện nghiên cứu mà như vậy thì cũng chẳng khác gì ở nơi chợ búa. Thuận vợ thuận chồng “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn” Vợ: Cứ như biển Đông là cái ao cái đầm làng mình nhỉ? Chồng: À, thì cả đời không đi khỏi lũy tre làng biết biển là gì? Vợ: Thế... nếu tát cạn biển Đông... thì nước đổ đi đâu? Chồng: Tát cạn thế nào được, biển vẫn thế đấy thôi! Vợ chồng nhìn nhau: Vậy ra từ xưa đến nay “thuận vợ thuận chồng” là điều hơi bị hiếm. Khắc khẩu Vợ chồng “khắc khẩu”, bất cứ chuyện gì cũng biến thành cuộc đấu khẩu triền miên mà kết thúc luôn là màn kết tội nhau “khẩu xà mà tâm không Phật!” Rồi họ ly dị, cả hai đều lấy người khác “hợp khẩu” hơn. Từ đấy đứa con của họ thường xuyên “tịnh khẩu” với cả cha và mẹ. Tình mới Biết cô qua những vần thơ đầy vẻ dịu dàng, từ nơi xa anh quyết về tìm gặp. Cô kể về cuộc hôn nhân bất hạnh, một mình vất vả nuôi con... Anh đi và để lại một số tiền lớn cho cô sinh sống, chờ anh làm thủ tục bảo lãnh. Vài tháng sau tình cờ anh biết cô mới thành lập một công ty mà giám đốc là người mà cô đã cặp kè từ lâu. Đồng tiền bao giờ cũng có ích, nhất là khi nhờ nó ta hiểu thêm về con người. Gà và Vịt Mỗi khi gà trống gáy ò ó o báo hiệu bình minh là người thức dậy, buổi trưa gà mái đẻ xong cục tác thì người đến ổ nhặt trứng. Người còn vãi thóc cho gà ăn. Thấy vậy vịt trong chuồng cũng cạp cạp ầm ĩ nhưng chẳng có ai đến. Kêu mãi kêu mãi khản đặc cả giọng, thế là người lùa vịt ra đồng bắt nhặt lúa rơi. Vịt bèn đẻ trứng trắng đồng, người phải đi theo mà nhặt. Chê Ông kia ăn gì cũng chê mặn nhạt, cay đắng, thơm thối... thậm chí chưa ăn đã chê, chỉ nghe kể cũng chê. Chỉ có vợ nấu là ông không nói gì vì chê thì bị cho nhịn đói! Nhưng có đứng gần mới biết miệng ông rất hôi, như bị sâu răng hay bệnh đường tiêu hóa. Miệng thế... ăn gì mà chả chê, chê mãi thành thói quen, lại tưởng mình “sành ăn” lắm! Qua cầu treo Voi và chuột đi qua cầu treo. Thấy cây cầu lắc lư chuột sợ quá bèn trèo lên người voi. Khi đã yên vị trên lưng voi, chuột nói: cậu xem này, cây cầu oằn xuống dưới sức nặng của chúng ta! Vừa lúc đó voi nghiêng mình giữ thăng bằng, thế là chuột rơi tuột khỏi lưng voi và lộn nhào xuống sông. Ở trên cao đừng vội huênh hoang, nhất là khi đứng trên lưng người khác. Mèo hay chuột Mâm cơm cúng bị hất đổ, thức ăn nay tha vào gầm giường mai ở hốc tủ, đàn gà con bị cắn chết... Bà tức lắm: thủ phạm là con mèo nhà hàng xóm chứ còn “ai” vào đây nữa! Bà chửi bóng chửi gió, rồi bà sang nhà hàng xóm mắng vốn và dọa sẽ thuốc chết con mèo để “ổn định tình hình” nhà bà. Hàng xóm cười nhạt: Vâng, bà thuốc đi, mèo ăn bậy mèo chết. Bằng không để lũ chuột thành tinh của nhà bà chết hết đi cho cả xóm này nhờ! Tầm nhìn Ông kia nói với bác sĩ nhãn khoa: Tôi không thể nhìn thấy những vật ở xa. - Bây giờ ông nhìn xem, cái gì ở trên trời? - Thấy chói chói... Mặt trời? - Nhìn xa đến thế ông còn muốn tới cỡ nào nữa?! Từ đó ông luôn tự hào về tầm nhìn của mình. Một ngày ông gặp tai nạn vì mải nhìn giời nên rơi xuống “hố tử thần” trên đường thành phố. Bạn bè Bạn hiểu nhầm nó rồi hai đứa giận nhau. Suốt mấy năm nó luôn day dứt về chuyện ấy. Một lần gặp lại nó quyết định nói ra sự thật chuyện cũ, bạn thản nhiên nghe và nói: Tao biết lâu rồi, chuyện đó không phải lỗi tại mày. Nó sững sờ, vậy mà mấy năm qua nó đã đau khổ vì một người bạn thân. Bỗng thấy trống rỗng... từ bây giờ nó biết đã thật sự mất người bạn ấy. Qua phà Anh nọ đi làm phải qua sông, thường bị nhỡ phà. Một hôm vừa đến thấy phà cách bờ khoảng một mét. Quyết không để nhỡ phà, anh lấy đà từ xa và nhảy được lên phà. Vẻ hãnh diện anh nói với người bên cạnh: - Thấy tôi giỏi không? Anh kia đáp: - Giỏi! Nhưng sao anh vội thế, chờ một tí thì phà cũng đến bờ mà. Nhiều người cũng giống như anh chàng nọ, thỉnh thoảng làm được một việc thì việc ấy lại vô ích. Chó chạy trên sa mạc Trên sa mạc một con chó chạy mãi chạy mãi, thỉnh thỏang dừng lại ngó nghiêng rồi lại cắm đầu cắm cổ chạy tiếp. Một lúc nữa sau khi nhìn quanh, nó vừa chạy vừa nghĩ: Tí nữa không có cái cây nào cũng phải dừng lại đi tè, chịu hết nổi rồi. Ngẫm, con người nhiều khi cũng vậy. Cứ trì hoãn việc cần phải làm vì những lý do không đâu. Chuyện của Cải Dạo này người ta nói nhiều về em vì họ ăn em nhiều nhất. Cải Xanh vênh mặt nói. Cải Ngọt cãi: chú cứ tự tin quá đáng, họ nói về chị vì dễ ăn: xào, luộc, nấu canh, lẩu đều được, không đắng cay như chú. Cải bắp khinh khỉnh: “báo lá cải” có nguồn gốc nước ngoài như tôi, cô cậu biết gì mà tranh nhau. Người làm vườn quát: Ai trồng ai tưới? Trồng loại nào là tao, bán gì ra chợ cũng tao. Tóm lại tao cho gì thì ăn nấy. Hiểu chưa?! Ếch nhái Tối mùa hè ếch nhái kêu váng đầu. Ếch chê nhái quanh quẩn bờ ao, chỉ thấy bèo với bọ, biết gì mà lắm mồm. Nhái chê ếch chỉ “ngồi đáy giếng” nhìn trời nắng không hay mưa không rõ mà làm như thông thái lắm. Thế giới luôn thay đổi, từ bờ ao đầy bèo bọ đến bầu trời bình yên hay giông bão. Nhưng chỉ biết trong bèo có bọ hay luôn coi trời bằng vung là vì ếch nhái vẫn chỉ là ếch nhái, đều từ nòng nọc mà ra. Trò chuyện quanh cuốn sách Mấy năm gần đây, ngoài những truyện ngắn xuất hiện dần dà trên các báo, Nguyễn Thị Hậu (với nickname Hậu Khảo Cổ) còn vô khối mẩu truyện ngắn − tối đa 100 chữ − tải trên blog cá nhân của chị. Những đoản văn ấy mang dư vị thích thú riêng, có mẩu mang ý tưởng đột ngột như một góc ảnh lạ, có truyện thâm thúy như một lát cắt cuộc sống, có mẩu giả như cười trên nỗi đau, có trường hợp ngụ ý nghĩa tình nhân bản trong một bối cảnh cuộc đời đang đổi thay chóng mặt... Dù vậy, điều thú vị là mỗi người tự tìm thấy mình (hoặc đâu đó quanh các mối quan hệ của mình) trong những mẩu ngăn ngắn kia, để rồi nhớ mãi trong hành trình bôn ba bất kể ngoài đời hay trên mạng ảo. Nhà báo Lam Điền (báo Tuổi trẻ cuối tuần ngày 6/7/2010) Trong các tạp bút của chị, nổi bật những đoản văn mang tên Những mảnh vỡ, phải chăng đó cũng là “vấn đề” của thế hệ chị? Lứa tuổi mình chịu sự thay đổi liên tục của hoàn cảnh xã hội, chông chênh, phân vân, không rành mạch giữa cách nghĩ truyền thống và lối sống hiện đại. Vừa muốn níu kéo những ký ức nghèo khó nhưng êm ả thời thơ ấu, vừa phải thích nghi với môi trường sống hiện đại, có lúc dồn nén, nghĩ đi nghĩ lại, cũng cáu kỉnh, muốn đập phá, nhưng không thể. Nhìn dưới góc độ văn hóa, cái gì ở vùng biên cũng rất hay, thật đấy. Kể cả vùng biên trong không gian, cả vùng biên trong lịch sử. Thế hệ tôi là thế hệ “vùng biên” phản ánh một giai đoạn giao thời. Tôi rất thương thế hệ mình, bạn bè ai cũng có tâm tư, mâu thuẫn, khó giải tỏa lắm. Chính vì vậy mà tôi viết. Viết để nói hộ bạn bè, viết để chia sẻ, để mọi người hiểu nhau hơn. Tuy nhiên tôi chỉ là người viết nghiệp dư thôi! Nhà báo Kim Yến (Báo Sài Gòn tiếp thị, ngày 22/11/2009) Bút lực của Nguyễn Thị Hậu rải ở Những mảnh vỡ, những truyện rất ngắn của chị xâu chuỗi bằng tư tưởng và sự tài hoa. Với khả năng quan sát của người làm "xã hội học" và sức liên tưởng của một người phụ nữ từng trải, chị viết Cà phê không đường, Gãy chân, Bước hụt, Say bờ, Tu, Bong bóng... khiến người đọc phải "cười ra nước mắt". Những mảnh vỡ như những mảnh cảm xúc sau phút "sực tỉnh" của đời người dám sống và dám dấn thân. P.T (Vnexpress, ngày 03/08/2010) ... Nhà khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, là Phó tổng Hội Sử học Việt Nam, thường viết những câu chuyện ngắn và rất ngắn trên facebook của mình, nhiều truyện đã đăng trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần. Nói về việc tại sao lại viết rất ngắn như vậy, TS Nguyễn Thị Hậu cho biết, chị viết ngắn vì không thể viết dài: "Công việc của nhà khảo cổ học tạo cho tôi thói quen viết ngắn và chính xác". Những "mẩu" rất ngắn của Nguyễn Thị Hậu thoạt tiên tưởng là truyện cười nhưng đọc câu kết lại thấy nặng trĩu, đắng ngắt những suy tư... Tần Tần (báo Hà Nội mới, ngày 13/8/2010) Chị Hậu viết “rất ngắn”, nhưng “những mảnh vỡ” của chị buộc người đọc phải nghĩ rất lâu. Cuộc sống hiện đại với sự hiện diện của Internet ở khắp mọi nơi (kể cả ngay ở trên chiếc màn hình nhỏ xíu của điện thoại di động) khiến chúng ta không còn nhiều thời gian cho sách. “Rất ngắn” của chị Hậu đã lọt vào “khe” rất nhỏ của mấy phút đợi tàu buổi sáng, trên những chuyến xe buýt trở về cuối ngày. Thậm chí ngay cả khi đợi anh “Gúc” kiếm tìm một vài thông tin trên Net, ta vẫn hoàn toàn có đủ thời gian “nhón” lên một “mảnh vỡ” để “ngắm nghía”. Những câu chuyện vu vơ tưởng chừng không đầu không cuối hóa ra lại ẩn chứa những triết lý sâu xa. Để ngăn không cho kiến vào thức ăn, chủ nhà viết chữ “CỨT” rất to bên ngoài. Và rồi hình như loài kiến cũng hiểu ra − không ăn bẩn. Nhưng lại cũng chính chủ nhà không thể ăn được những thức ăn đã giành giật lại từ kiến. (Kiến). Thắng lợi gặt hái được từ một kiểu xấu chơi hình như cũng khó nhằn. Hai vợ chồng giận nhau, vợ chở con về nhà ngoại. Khi biết vợ “mượn cớ” trở về lấy một số đồ dùng (biết đâu lại chẳng có cơ may hàn gắn), người chồng đã thay ổ khóa. “Đàn ông nông nổi giếng khơi” là thế! (Khóa) Gã đàn ông nhiều lần sợ trễ hẹn với bồ đã phóng xe vượt đèn đỏ. Lần nào gặp cảnh sát giao thông gã cũng hớt hải: “Thằng nào vừa chở con vợ anh, chú cho anh qua đuổi theo”. Nhưng đến lần hắn nhìn thấy vợ ngồi rất tình tứ sau xe máy của một gã đàn ông khác, gã bị giữ lại lập biên bản” (Đèn đỏ). Các cụ bảo “Đi đêm lắm có ngày gặp ma” cấm có sai. Có rất nhiều mẩu chuyện mình tâm đắc. Thỉnh thoảng nhớ ra cứ cười tủm tỉm một mình. Thanh Chung (báo Công an nhân dân, ngày 14/9/2010) Vũ Trà My phỏng vấn (trích) Một nhà văn thành công theo ngưới ta ví như một thượng đế định đoạt số phận nhân vật, sự việc của mình qua ngòi bút. Để kể lại chuyện định đoạt đó thật súc tích và mạch lạc, hầu sức thẩm thấu của nó đến với người đọc thật lan toả sâu sắc. Ở thể loại "Truyện thật ngắn” chị nghĩ như thế nào khi làm thượng đế uy quyền như vậy, mà vẫn bị phải khống chế sự định đoạt của mình gói gọn ở chuyện càng ngắn càng cô đọng thì càng hay? Nguyễn Thị Hậu: Theo tôi, truyện thật ngắn như một khoảnh khắc trong cuộc sống, có khi là ánh chớp lóe lên trước cơn giông, có khi là cơn mưa bất chợt giữa ngày hè oi bức, có khi là cú vấp trên đường... Người viết luôn quan sát nắm bắt được những giây phút bất chợt ấy một cách tỉnh táo, nhưng lại cảm nhận bằng trực giác, từ trái tim, sự “đe dọa” ẩn trong ánh chớp, sự nhẹ nhõm sau cơn mưa, cả cảm giác chóang vì đau của cú vấp ngã... Tôi nghĩ, trong truyện thật ngắn người viết như bạn thân của nhân vật. Mà sự chia sẻ giữa những người bạn thân có cần gì phải nhiều lời, chỉ một ánh mắt cảm thông, một sự im lặng thấu hiểu, một cái nắm tay an ủi... vậy là đủ. Vì thế tôi không cảm thấy bị “khống chế” bởi sự tiết giảm của từ ngữ, mà tôi thường cố tìm bằng được từ nào, hình ảnh nào thể hiện cảm xúc của mình một cách chính xác nhất. Sự chính xác thì thường ngắn gọn. Trong truyện thật ngắn các chi tiết làm nên “thắt nút” còn cảm xúc là “mở nút”. Chị hiện nay làm việc ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật, sự đòi hỏi chính xác và tỉ mĩ của nghề nghiệp có ảnh hưởng đến sự bay bổng trong văn phong của chị không? Nghề khảo cổ của tôi liên quan đến di tích và cổ vật. Trong khảo cổ có nguyên tắc đồng thời cũng là kỹ năng nghề nghiệp: phải miêu tả như thế nào để cho những người chưa đến di tích, chưa nhìn thấy cổ vật cũng có thể hình dung ra đúng di tích ấy, cổ vật ấy... Ngòai ra, khảo cổ còn được coi (một cách lạc quan) là nghề mà có nhiều cơ hội “du lịch không mất tiền”. Vẻ đẹp của thiên nhiên trên mỗi đọan đường tôi qua, cái đẹp của quá khứ được nhìn thấy qua mỗi di tích mỗi cổ vật... làm cho người khảo cổ không thể “khô khan”. Có lẽ nghề nghiệp đã ảnh hưởng nhiều đến cách viết của tôi trong truyện thật ngắn và các tản văn, tạp bút. Chị đến với thể loại "Truyện thật ngắn" này từ lúc nào? So với viết truyện ngắn, truyện dài, tản văn và thơ, sáng tác "Truyện thật ngắn" có dễ dàng hay khó hơn không? Tôi thường viết tản văn, tạp bút, và mới viết truyện thật ngắn từ khỏang hơn 2 năm nay. Thi thỏang có truyện ngắn cũng chỉ trên dưới 1000 chữ. Không cố ý viết ngắn hay thật ngắn, nhưng thấy đủ thì dừng, không thích viết dài dòng. Cái khó trong truyện cực ngắn là tìm ra được những chi tiết thật “đắt” trong bộn bề cuộc sống. Chi tiết làm nảy sinh ý tưởng mà truyện sẽ chuyển tải. Lấy “tiêu chí” là truyện 100 chữ nên có khi tôi cũng phải suy nghĩ gọt dũa sao cho đúng chuẩn mà vẫn đủ ý tứ. Có lẽ vì không coi mình là “nhà văn” mà chỉ là chia sẻ với bạn bè nên tôi viết truyện thật ngắn khá thỏai mái, cũng như viết tản văn. Nhiều truyện thật ngắn của chị được giới thiệu có tên chung là "Những mảnh vỡ " và nó đã được nhiều nhà phê bình cùng độc giả đánh giá thành công, tạo thành thương hiệu văn phong đặc sắc của Nguyễn Thị Hậu. Xin phép hỏi chị có bao nhiêu % cuộc đời thực và con người của chị trong cuốn sách này, hay tất cả đều là hư cấu? Nhiều người nhận xét, tác phẩm của các nhà văn nữ thường là chuyện về/ của chính mình, gia đình mình, giống như trong cuộc sống họ cũng thường chia sẻ, kể lể, “tám”... với bạn bè mọi chuyện, cả vui lẫn buồn.... Tất nhiên, là tác phẩm văn học thì tính khái quát cao hơn... nhưng có lẽ vẫn không khó để nhìn ra bóng dáng tác giả trong đó. Còn truyện 100 chữ của tôi thì đủ thứ chuyện “vớ vẩn” của cuộc sống: từ gia đình đến văn chương, đến quan hệ giữa những con người, cả những chuyện linh tinh trên mạng... mà bất cứ ai cũng có những khoảnh khắc như vậy. Như trên đã nói, trong truyện thật ngắn hai yếu tố “chi tiết” và “cảm xúc” quan trọng như nhau, vì vậy có thể nói tỷ lệ trên là “50 và 50”. 50% là những chi tiết quan sát, nhặt được, chắt lọc từ cuộc sống xung quanh và “giữ lại” từ cuộc sống của chính mình. Còn 50% kia là sự cảm nhận, suy nghĩ, thái độ của riêng tôi về những gì diễn ra trong cuộc sống. Trong văn chương, sự nhạy cảm là yếu tố rất quan trọng. Khi tạo dựng một tác phẩm mà nhân vật chính là nam, chị sắp xếp câu chuyện bằng sự nhạy cảm của người viết văn hay nhìn nhân vật chính qua giới tính của mình để phán đoán và sắp xếp câu chuyện? Sự nhạy cảm để nhận ra chi tiết nào là quyết định trong tình huống truyện, còn diễn biến và kết thúc câu chuyện thì... như nó phải xảy ra, khó mà sắp xếp theo chủ quan mình. Dường như trong những va chạm cuộc sống, phụ nữ thường nhạy cảm hơn và do vậy cũng dễ bị tổn thương hơn nam giới... Yahoo Văn hóa Việt (ngày 24/01/ 2011) Mặc Lâm: Về Truyện cực ngắn (trích) Nói đến thể loại truyện rất ngắn trong tiếng Anh có rất nhiều tên gọi, trước tiên là Minute Long Story, nghĩa là truyện 1 phút, Postcard Fiction: truyện bưu thiếp, Skinny Fiction: truyện gầy, hay Pocket-Size Story: truyện bỏ túi hoặc Palm Size Story: truyện có kích thước bằng lòng bàn tay... Còn tiếng Việt có hai cách gọi, hoặc truyện thật ngắn hoặc truyện cực ngắn. Riêng văn chương Trung Hoa thì gọi là "cực đoản thiên", rất sát với cách gọi của Việt Nam là truyện cực ngắn. Dù Tây hay Tàu gì thì cũng dùng để chỉ độ dài của loại truyện này là phải thật ngắn, ngắn đến chỗ không thể ngắn được nữa. Càng ngắn càng cô đọng thì càng hay. Có người thắc mắc, vậy có tiêu chí nào dành để đếm số chữ trong một truyện loại này để xem anh nào ngắn đúng bài bản hay không? Xin thưa không ai đưa ra định mức cho cách đo đếm này. Nhà phê bình văn học chưa có những thích thú đúng mức để viết những bài dài phân tích cặn kẽ thể loại này hầu đưa ra một chuẩn mực nào đó dùng để đánh giá mức độ thành công của một tác phẩm thật ngắn hay cực ngắn. Người cổ động và gây nhiều chú ý về thể loại truyện thật ngắn trong cộng đồng văn chương Việt Nam có lẽ là Võ Phiến. Tác phẩm “Truyện thật ngắn” gồm 12 truyện của ông xuất bản năm 1991 cho thấy khả năng gợi cảm của những câu chuyện được cô đọng lại có sức hấp dẫn như thế nào qua văn phong đặc biệt của Võ Phiến. Theo nghiên cứu văn học Tạ Quốc Tuấn thì “truyện thật ngắn là một câu chuyện nho nhỏ, hoặc một khía cạnh, một tình cảm, một ảo tưởng, một đoạn đối thọai của một người đều có thể làm thành đề tài của truyện cực ngắn...Truyện cực ngắn dồi dào triết lý tính. Một truyện cực ngắn có khái quát lực đối với sinh hoạt hiện thực và xuyên thấu lực đối với bản chất sinh hoạt là đã thông qua sự thực hiện lập ý”. Còn Võ Phiến thì cho rằng “Do hoàn cảnh mới,tâm lý mới. Cách đọc ngày nay khác với cách đọc ngày xưa. Cách thưởng ngoạn ngày nay khác cách thưởng ngoạn ngày xưa. Cách khác thì hậu quả cũng khác. Quan điểm khác. Thẩm mỹ cũng khác”. Những nhận xét mà Võ Phiến đưa ra có cái lý của nó, nhất là đối với những cư dân thời a vòng, thời mà con người không đủ kiên nhẫn để thưởng thức những câu chuyện lê thê dù lời văn có gọt dũa kỹ lưỡng đến đâu cũng không hấp dẫn được người đọc hôm nay. ... Đối với TS Nguyễn Thị Hậu, một người không nhận mình là nhà văn mặc dù bà đã có rất nhiều sách được xuất bản thì truyện cực ngắn là một thể loại bà viết thành công nhất. Bà cho biết thói quen của mình khi sáng tác thể loại này: “Thật ra những ý tưởng dùng làm chất liệu để viết những chuyện rất ngắn như thế nó đến trong cuộc sống bình thường thôi. Có khi chỉ là một câu nói nghe được ở đâu đấy, có khi là một câu chuyện mà mình trao đổi với bạn bè nảy ra những câu chuyện nho nhỏ... tất cả những cái đấy là chất liệu, nó ở trong đầu và đến lúc nào đấy thì tự nhiên nảy ra cái ý định viết một truyện ngắn nhưng hoàn chỉnh. __ Có thể dưới góc độ nào đấy thì nó có tình tiết, đóng mở giống như cấu trúc một câu chuyện nhưng nó được hoàn chỉnh dưới dạng một cảm xúc, tình cảm. Có khi một câu nói đẩy tình cảm người ta đến một cảm giác buồn vui hay phẫn nộ... Những chuyện tôi viết không hẳn là một truyện ngắn hoàn chỉnh. Có lẽ do thói quen nghề nghiệp nghiên cứu khoa học cho nên khi viết thì từ ngữ cố gắng cho chính xác...nói cố gắng không đúng lắm nhưng khi mình viết thì chọn từ diễn tả đúng ý định mình muốn nói trong đầu. Cho nên đôi khi viết ngắn như thế nhưng phải viết đi viết lại.” Truyện thật ngắn mang tên “Bước Hụt” có thể làm người nghe mường tượng được khả năng thẩm thấu sự việc một cách nhanh chóng và sâu sắc của tác giả tới mức nào. Chỉ với 87 chữ, Nguyễn Thị Hậu dẫn người đọc bước liêu xiêu theo bước chân hụt của bà, “hụt” là từ đắt nhất mà bà dùng ở đây. Nó chứa đựng gần như mọi thứ thất vọng trên đời kể cả thất vọng về tình cảm và niềm tin. “Hụt”, ngắn và gọn nhưng hiệu quả biết chừng nào. Ở một truyện khác ngắn chưa đầy trăm chữ mang tên “Xe đạp ơi”, Nguyễn Thị Hậu mang cái cay đắng nhưng cũng trần trụi cuộc đời ra để chia sẻ. Xe đạp ơi có cái tình tứ của tuổi trẻ, cái mỏi mệt của trung niên và cái về chiều của từng chiếc lá... ba giai đoạn cuộc đời gói gọn trong 96 chữ nào phải dễ dàng đối với một người sáng tác, và trên hết, “Xe đạp ơi” trần trụi một sự thật mà nhiều người khó thể chịu đựng. Chúng tôi xin dẫn lời của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc để kết thúc câu chuyện văn học hôm nay. "... Cái hay của truyện cực ngắn không nằm ở chỗ nó tả mà nằm ở chỗ nó gợi ra. Một truyện cực ngắn hay là truyện có sức ngân và vang thật xa và thật lâu....Đọc xong, người ta cứ bị ám ảnh mãi. Qua sự ám ảnh ấy, câu chuyện tiếp tục tỏa sáng và phát nghĩa....Cũng giống như trong THƠ, ở truyện cực ngắn,tác giả chỉ phát ra một số gợi ý để người đọc, chính người đọc mới là kẻ hoàn tất tác phẩm” Tạp chí Văn học nghệ thuật (ngày 11/12/2010)